You are on page 1of 8

Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK

BÀI 9: TRAO ĐỔI CHẤT QUA MÀNG SINH CHẤT


I. KHÁI NIỆM
Trao đổi chất ở tế bào bao gồm:
▪ Tập hợp các phản ứng hoá học diễn ra trong tế bào (sự chuyển hoá vật chất)
▪ Sự trao đổi các chất giữa tế bào với môi trường (trao đổi chất qua màng).
II. CÁC HÌNH THỨC VẬN CHUYỂN QUA MÀNG SINH CHẤT
Có hai hình thức trao đổi chất qua màng: vận chuyển thụ động và vận chuyển chủ động.
2.1 Vận chuyển thụ động
a. Sự khuếch tán
Diễn ra theo chiều gradient nồng độ (sự chênh lệch nồng độ của một chất giữa hai vùng).
Diễn ra trong môi trường lỏng và khí.
Khi các phân tử phân bố đồng đều trong môi trường, sự khuếch tán đạt đến cân bằng. Ở trạng thái cân bằng này,
các phân tử vẫn di chuyển nhưng theo hai chiều như nhau nên gọi là cân bằng động.
Sự khuếch tán chia thành 2 nhóm:
▪ Khuếch tán đơn giản: những phân tử có thể đi qua lớp đôi phospholipid như các phân tử kị nước (hormone
steroid, vitamin tan trong lipid, ...), các chất khí.
▪ Khuếch tán tăng cường: đường, amino acid đi qua lớp đôi phospholipid với tốc độ rất thấp, còn các ion thì
hầu như không đi qua được nên chúng cần có protein vận chuyển.
b. Sự thẩm thấu
Chỉ sự di chuyển của các phân tử nước qua màng bán thấm (ví dụ màng sinh chất) ngăn cách giữa hai vùng có
nồng độ chất tan khác nhau. Màng này có tính thấm với nước nhưng không thấm với một số phân tử chất tan nhất
định.
Vùng có nhiều phân tử nước (nồng độ chất tan thấp) được gọi là vùng có thế nước cao, vùng có ít phân tử nước
hơn (nồng độ chất tan cao) là vùng có thế nước thấp.
Khi tế bào ở trong các dung dịch có nồng độ khác nhau, các phân tử nước sẽ di chuyển qua màng theo 3 trường
hợp sau:
▪ Nồng độ chất tan dung dịch = nồng độ chất tan trong tế bào (gọi là dung dịch đẳng trương): các phân tử
nước di chuyển ở trạng thái cân bằng.
▪ Nồng độ chất tan dung dịch < nồng độ chất tan trong tế bào (gọi là dung dịch nhược trương): các phân tử
nước thẩm thấu vào trong tế bào.
▪ Nồng độ chất tan dung dịch > nồng độ chất tan trong tế bào (gọi là dung dịch ưu trương): các phân tử nước
thẩm thấu ra ngoài tế bào.
Ở tế bào thực vật, lớp thành tế bào vững chắc nên khi nhiều phân tử nước đi vào trong tế bào → tế bào trương lên
và gây ra áp lực lên thành tế bào (áp suất trương) → ngăn cản các phân tử nước khác đi vào. Khi số lượng lớn
phân tử nước đi ra khỏi tế bào, tế bào chất co lại, màng tế bào tách khỏi thành tế bào, gọi là hiện tượng co nguyên
sinh.
2.2 Vận chuyển chủ động
Là sự vận chuyển các chất qua màng sinh chất ngược chiều gradient nồng độ. Cần sự tham gia của protein vận
chuyển (thường gọi là bơm) và tiêu tốn năng lượng. Ví dụ: sự vận chuyển Ca2+ vào lưới nội chất trơn; sự vận
chuyển H+ vào lysosome, không bào; sự hấp thu các chất dinh dưỡng như glucose, amino acid vào tế bào biểu
mô ruột; hấp thu khoáng vào tế bào lông hút rễ, ...
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
Có loại protein vận chuyển một chất, có loại protein vận chuyển hai chất. Thông qua sự vận chuyển chủ động, tế
bào lấy các chất cần thiết và điều hoà nồng độ các chất trong tế bào.
III. HIỆN TƯỢNG NHẬP BÀO VÀ XUẤT BÀO
Các phân tử lớn như protein, polysaccharide, .... được vận chuyển trong các túi (bóng) được hình thành từ sự biến
dạng của màng thông qua sự nhập bào và xuất bào.
Là một dạng vận chuyển chủ động và tiêu tốn năng lượng.
3.1 Nhập bào
Trong quá trình nhập bào, tế bào có thể vận chuyển:
▪ Các phân tử lớn, các tế bào khác (sự thực bào)
▪ Một lượng lớn chất lỏng (sự ẩm bào).
Các túi sau đó thường nhập với lysosome để tiêu hoá toàn bộ thành phần bên trong túi.
3.2 Xuất bào
Các túi mang các phân tử đi đến màng, nhập với màng và giải phóng chúng ra bên ngoài.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1: Giải thích các hiện tượng sau:
a) Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian.
b) Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian.
Câu 2: Các quá trình sau là nhập bào hay xuất bào? Giải thích.
a) Trùng giày lấy thức ăn.
b) Tế bào tuyến tuy tiết enzyme, hormone.
Câu 3: Cho biết sự di chuyển của các phân tử nước, sự thay đổi hình dạng màng tế bào hồng cầu và màng tế
bào thịt lá khi được ngâm trong từng dung dịch đẳng trương, nhược trương, ưu trương.

Câu 4: Cho các chất: khí O2, glucose, Na+, protein. Hãy so sánh và giải thích tốc độ di chuyển của mỗi
loại chất này khi đi qua:
a) màng nhân tạo gồm 2 lớp lipid
b) màng sinh chất của tế bào sống.
Câu 5: So sánh vận chuyển thụ động và chủ động theo bảng gợi ý sau:
Đặc điểm Vận chuyển thụ động Vận chuyển chủ động

Giống nhau

Khác nhau Chiều gradient nồng độ


Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK

Yêu cầu về năng lượng

Protein
vận chuyển

Ví dụ

Ý nghĩa
BÀI 10: CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG VÀ ENZYME
I. NĂNG LƯỢNG VÀ SỰ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG TRONG TẾ BÀO
1.1 Các dạng năng lượng
Trong tế bào, năng lượng tồn tại ở nhiều dạng: hóa năng, điện năng, nhiệt năng và cơ năng. Trong đó, hóa năng
là dạng năng lượng chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động sống của tế bào.
▪ Hóa năng: tồn tại trong các liên kết hóa học.
▪ Điện năng: tạo ra khi có sự chênh lệch nồng độ ion trái dấu ở hai bên màng tế bào.
▪ Nhiệt năng: được sinh ra trong quá trình chuyển hóa chất.
▪ Cơ năng: được sinh ra trong quá trình co cơ, vận động của
các cơ quan hay quá trình vận chuyển các chất.
2. Sự chuyển hóa năng lượng trong tế bào
Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi từ dạng năng lượng này
sang dạng năng lượng khác.
Sự chuyển hóa vật chất luôn đi kèm với chuyển hóa năng lượng.
Ví dụ:
- Năng lượng hóa học trong thực phẩm mà chúng ta ăn vào được
biến thành năng lượng giúp chúng ta cử động bắp thịt và làm
những hoạt động khác.
- Động cơ máy nổ biến năng lượng hóa học của nguyên liệu
thành năng lượng động, năng lượng này đẩy xe đi.
II. ATP – “ĐỒNG TIỀN” NĂNG LƯỢNG CỦA TẾ BÀO
2.1 Cấu tạo và chức năng của ATP
* Cấu tạo:
ATP gồm adenine, đường ribose và 3 nhóm phosphate.
2 nhóm phosphate cuối cùng dễ bị phá vỡ để giải phóng năng lượng.
ATP truyền năng lượng cho các hợp chất khác trở thành ADP và lại được gắn thêm nhóm phosphate để trở thành
ATP → “đồng tiền năng lượng” của tế bào.
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
* Chức năng:
ATP được sử dụng cho các hoạt động sống của tế bào.
▪ Tổng hợp nên các chất hoá học cần thiết cho tế
bào.
▪ Vận chuyển chất qua màng.
▪ Sinh công cơ học.
2.2 Quá trình tổng hợp và phân giải ATP
Quá trình tổng hợp và phân giải ATP gắn liền với sự
tích lũy và giải phóng năng lượng.
III. ENZYME
3.1 Khái niệm và cấu trúc của enzyme
* Khái niệm:
Enzyme là chất xúc tác sinh học được tổng hợp trong các tế bào sống, xúc tác các phản ứng sinh hóa trong điều
kiện bình thường của cơ thể sống.
Enzyme chỉ làm tăng tốc độ phản ứng mà không bị biến đổi sau phản ứng.
* Cấu trúc: chia làm 2 loại:
▪ Enzyme chỉ có thành phần là protein (enzyme một thành phần)
▪ Enzyme có thành phần là protein kết hợp với chất khác không phải là
protein (enzyme hai thành phần hoặc Cofactor). Cofactor có thể là ion
kim loại, chất hữu cơ (trong trường hợp là chất hữu cơ sẽ gọi là
coenzyme).
▪ Trong phân tử enzyme có vùng cấu trúc không gian đặc biệt liên kết
với cơ chất được gọi là trung tâm hoạt động. Cấu hình không gian
của trung tâm hoạt động của enzyme tương thích với cấu hình không
gian của cơ chất, nhờ vậy cơ chất liên kết tạm thời với enzyme và bị
biến đổi tạo thành sản phẩm.
3.2 Cơ chế tác động của enzyme
Vùng trung tâm của enzyme có cấu trúc khớp với cơ
chất theo mô hình “khớp cảm ứng”.
Liên kết enzyme cơ chất mang tính đặc thù. Mỗi
enzyme thường chỉ xúc tác cho một phản ứng.
Enzyme liên kết với cơ chất tại trung tâm hoạt động
→ phức hợp enzyme – cơ chất → enzyme tương tác với
cơ chất → giải phóng enzyme và sản phẩm.

3.3 Sự ảnh hưởng của các yếu tố đến hoạt tính của
enzyme
Hoạt tính của enzyme được xác định bằng lượng sản phẩm được tạo thành từ một lượng cơ chất trên một đơn vị
thời gian.
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt tính của enzyme bao gồm:
a. Nhiệt độ
Trong giới hạn nhiệt hoạt tính của enzyme tỷ
lệ thuận với nhiệt độ.
b. Độ pH
Mỗi enzyme chỉ hoạt động trong 1 giới hạn
pH xác định.

Bảng chứng minh các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt tính enzyme

c. Nồng độ cơ chất
Với một lượng enzyme xác định nếu tăng dần lượng cơ chất thì hoạt tính của enzyme tăng dần nhưng đến một
lúc nào đó thì sự ra tăng về nồng độ cơ chất cũng không làm tăng hoạt tính của enzyme.
d. Nồng độ enzyme
Với một lượng cơ chất xác định, khi nồng độ enzyme càng cao thì hoạt tính của enzyme càng tăng.
e. Chất ức chế hoặc hoạt hoá enzyme
Một số hoá chất có thể làm tăng hoặc giảm hoạt tính của
enzyme.
3.4 Vai trò của enzyme
Enzyme giúp cho các phản ứng sinh hoá trong tế bào diễn
ra nhanh hơn (không quyết định chiều phản ứng), tạo điều
kiện cho các hoạt động sống của tế bào.
Tế bào có thể tự điều chỉnh quá trình chuyển hoá vật chất để thích ứng với môi trường bằng cách điều chỉnh
hoạt tính của các enzyme.
CÂU HỎI ÔN TẬP:
Câu 1: Năng lượng là gì? Có mấy dạng năng lượng?
Câu 2: Quá trình chuyển hóa thế năng thành động năng diễn ra như thế nào?
Câu 3: Tại sao con người khi hoạt động lại không bị nóng lên nhanh chóng và quá mức như chiếc xe máy khi
chạy?
Câu 4: Trình bày vai trò của ATP đối với người tập thể hình.
Câu 5: Năng lượng được sinh vật lấy vào qua thức ăn có bị thất thoát không? Giải thích.
Câu 6: Tại sao cơ thể động vật có thể tiêu hoá được rơm, cỏ, củ,... có thành phần là tinh bột và cellulose, trong
khi con người có thể tiêu hoá được tinh bột nhưng lại không thể tiêu hoá được cellulose?
BÀI 11: TỔNG HỢP VÀ PHÂN GIẢI CÁC CHẤT TRONG TẾ BÀO
I. TỔNG HỢP CÁC CHẤT VÀ TÍCH LUỸ NĂNG LƯỢNG
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
- Khái niệm: tổng hợp các chất trong tế bào là quá trình chuyển hóa những chất đơn giản thành những chất phức
tạp diễn ra trong tế bào với sự xúc tác của enzyme.
- Vai trò: giúp hình thành các chất để xây dựng tế bào, đồng thời tích lũy năng lượng cho tế bào.
- Cơ chế: chia thành hai giai đoạn:
▪ Giai đoạn 1: tổng hợp chất hữu cơ đơn giản từ các chất vô cơ, được thực hiện thông qua các quá
trình như quang tổng hợp, hoá tổng hợp, quang khử.
▪ Giai đoạn 2: tổng hợp các phân tử lớn (các chất hữu cơ đặc trưng cho tế bào) từ các chất hữu cơ
đơn giản.
1.1 Quang tổng hợp
a. Khái niệm
Quang tổng hợp (quang hợp) là quá trình tế bào sử dụng năng lượng ánh sáng để tổng hợp chất hữu cơ từ vô cơ.
Thực vật, tảo và một số vi khuẩn có khả năng quang hợp.
b. Vai trò
Quang tổng hợp có vai trò quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất:
▪ Chuyển năng lượng ánh sáng thành năng lượng hoá học tích lũy trong các hợp chất hữu cơ (C6H12O6) →
Cung cấp nguồn năng lượng cho sự sống của sinh vật.
▪ Sản phẩm của quá trình quang tổng hợp là nguyên liệu cho quá trình tổng hợp khác → Cung cấp vật
chất cho sự sống của sinh vật.
▪ Giải phóng O2 vào khí quyển → Cung cấp dưỡng khí cho sự sống của sinh vật.
c. Cơ chế
Ở thực vật và tảo, quang tổng hợp diễn ra ở lục lạp, gồm hai pha: pha phụ thuộc vào ánh sáng (pha sáng) và
pha không phụ thuộc ánh sáng (Chu trình Calvin).
➢ Pha sáng
Vị trí diễn ra Trên màng thylakoid của lục lạp.
Bản chất Là pha chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học trong ATP và
NADPH
Nguyên liệu H2O, ADP, Pi, NADP+, năng lượng ánh sáng
Sản phẩm ATP, NADPH, H+, O2.
Diễn biến:
▪ Các sắc tố quang hợp nằm trên màng thylakoid thu nhận năng lượng ánh sáng và chuyển cho
trung tâm phản ứng. Trung tâm phản ứng tiếp nhận năng lượng trở thành dạng kích động và
truyền electron cho các chất trong chuỗi truyền electron → tổng hợp ATP và NADPH.
▪ Đồng thời với chuỗi chuyền electron, quá trình quang phân li nước cũng diễn ra → giải phóng O2
và electron bù lại cho trung tâm phản ứng.
➢ Chu trình Calvin
Vị trí diễn ra Chất nền lục lạp.
Bản chất ATP và NADPH được tạo ra từ pha sáng sẽ cung cấp năng lượng và điện tử cho phản
ứng khử CO2 thành C6H12O6.
Nguyên liệu CO2, ATP, NADPH.
Sản phẩm C6H12O6, ADP, Pi, NADP+.
Diễn biến:
▪ Ribulose bisphosphate (RuBP) kết hợp với CO2 tạo ra 3-phosphoglycerate (3PG).
▪ 3PG được khử thành glyceraldehyde-3-phosphate (G3P) nhờ ATP và NADPH (pha sáng).
▪ Một phần G3P sẽ được sử dụng cho tái tạo RuBP, phần G3P còn lại sẽ được sử dụng trong tổng
hợp glucose.
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
▪ Glucose tạo ra trong quang hợp sẽ cung cấp khung sườn carbon để tổng hợp nhiều chất hữu cơ
khác cho tế bào như amino acid, acid béo,…
1.2 Hóa tổng hợp và quang khử
a. Hóa tổng hợp
- Khái niệm: hóa tổng hợp là quá trình tế bào chuyển hóa năng lượng hóa học trong các chất vô cơ thông qua
các phản ứng oxi hóa – khử thành năng lượng tích lũy trong các hợp chất hữu cơ.
- Cơ chế: 2 giai đoạn:
▪ Chuyển hóa năng lượng từ phản ứng oxi hóa-khử thành năng lượng tích lũy trong ATP và
NADH.
▪ Khử CO2 thành glucose.
b. Quang khử
Là quá trình quang tổng hợp ở vi khuẩn nhờ các sắc tố quang hợp nằm trên màng sinh chất, được thực hiện
trong điều kiện không có O2.
1.3 Tổng hợp các phân tử lớn trong tế bào
Từ các chất hữu cơ đơn giản do tế bào tự tổng hợp hoặc lấy từ nguồn thức ăn, tế bào sử dụng chúng làm nguyên
liệu cho quá trình sinh tổng hợp các phân tử lớn để xây dựng và dự trữ năng lượng trong tế bào.
Ví dụ: tế bào tổng hợp tinh bột, glycogen hoặc cellulose từ glucose.
II. PHÂN GIẢI CÁC CHẤT VÀ GIẢI PHÓNG NĂNG LƯỢNG TRONG TẾ BÀO
- Khái niệm: phân giải các chất trong tế bào là quá trình chuyển hóa các chất phức tạp thành các chất đơn giản
diễn ra trong tế bào nhờ sự xúc tác của enzyme.
- Vai trò: giải phóng ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào đồng thời tạo ra các phân tử nhỏ
là nguyên liệu của quá trình tổng hợp.
Ví dụ: Sự phân giải tinh bột: khi phân giải tinh bột sẽ tạo ra các phân tử glucose → tế bào hấp thu và phân giải
glucose, giải phóng năng lượng theo hai con đường là hô hấp và lên men.
2.1. Hô hấp tế bào
a. Khái niệm
Hô hấp tế bào là chuỗi các phản ứng phân giải hợp chất hữu cơ (glucose) diễn ra trong tế bào. Thông qua các
phản ứng này, hợp chất hữu cơ được phân giải thành CO2 và H2O, giải phóng năng lượng tích lũy trong các
phân tử ATP.
b. Vai trò
- Giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
- Tạo nhiệt năng giúp duy trì thân nhiệt cho sinh vật.
- Các sản phẩm trung gian của quá trình phân giải làm nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.
c. Cơ chế
Ở sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp tế bào diễn ra trong bào tương và ti thể, gồm ba giai đoạn: đường phân,
oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs, chuỗi truyền electron.
➢ Đường phân
Vị trí diễn ra Tế bào chất.
Bản chất Là quá trình biến đổi phân tử glucose thành pyruvic acid.
Sản phẩm 1 glucose → 2 pyruvic acid, 2 ATP (tạo 4 nhưng đã sử dụng 2 để hoạt hoá
gluclose), 2 NADH.
➢ Oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs
Vị trí diễn ra Chất nền ti thể.
Bản chất ▪ Pyruvic acid từ tế bào chất được chuyển vào chất nền ti thể. Tại đây, 2
pyruvic acid → 2 acetyl-CoA, 2 CO2 và 2NADH.
Sinh học 10 Tổ bộ môn Sinh học – Trường PTNK
▪ Acetyl-CoA đi vào chu trình Krebs và bị oxi hóa hoàn toàn. Kết quả: 1
acetyl-CoA → 2 CO2, 1 ATP, 1 FADH2 và 3 NADH.
Sản phẩm 6 CO2, 2 ATP, 8 NADH, 2 FADH2.
➢ Chuỗi truyền electron
Vị trí diễn ra Màng trong ti thể.
Bản chất ▪ Electron từ NADH và FADH2 được truyền cho các chất nhận electron
nằm ở màng trong ti thể và đến chất nhận cuối cùng là O2. Năng lượng
giải phóng hoạt động này được sử dụng để tổng hợp ATP.
▪ 1 NADH (oxy hoá hoàn toàn) → 2,5 ATP; 1 FADH2 → 1,5 ATP.
Sản phẩm Khoảng 28 ATP (giai đoạn thu được nhiều ATP nhất).
2.2 Lên men
- Điều kiện diễn ra: tế bào không có O2 (không có chất nhận điện tử cuối cùng của chuỗi truyền electron).
- Vị trí diễn ra: tế bào chất.
- Diễn biến:
▪ Giai đoạn đường phân: glucose → pyruvic acid.
▪ Giai đoạn lên men: pyruvic acid (được giữ lại ở bào tương) → lactic acid, ethanol hoặc hợp chất
hữu cơ khác.
- Hiệu quả năng lượng: chỉ có 2 ATP (do hợp chất hữu cơ không được oxi hoá hoàn toàn nên năng lượng tạo ra
ít hơn nhiều so với hô hấp).
III. MỐI QUAN HỆ GIỮA TỔNG HỢP VÀ PHÂN GIẢI CÁC CHẤT TRONG TẾ BÀO
Tổng hợp và phân giải là hai quá trình đối lập nhưng thống nhất trong hoạt động sống của tế bào và sinh vật:
▪ Mặt đối lập: tổng hợp tạo ra các hợp chất phức tạp từ các hợp chất đơn giản còn phân giải lại phân giải
các hợp chất phức tạp thành các chất đơn giản. Hoạt động tổng hợp giúp tích trữ năng lượng, ngược lại
phân giải là quá trình giải phóng năng lượng.
▪ Mặt thống nhất: phân giải cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho tổng hợp. Đồng thời, quá trình phân
giải không thể diễn ra nếu không có nguồn nguyên liệu là các chất hữu cơ do quá trình tổng hợp tạo ra.
CÂU HỎI ÔN TẬP:
Câu 1:
- Trình bày ngắn gọn các giai đoạn tổng hợp chất ở sinh vật.
- Có phải tất cả sinh vật đều thực hiện đồng thời các giai đoạn này? Cho ví dụ.
Câu 2: Trình bày ngắn gọn mối liên hệ giữa pha sáng và chu trình Calvin trong hoạt động quang hợp ở thực vật.
Câu 3: Nêu điểm giống và khác nhau giữa quang tổng hợp và hóa tổng hợp
Câu 4: Trình bày ngắn gọn mối liên hệ giữa tổng hợp và phân giải ở sinh vật.
Câu 5: Tại sao khi tập thể dục hoặc lao động nặng thì chúng ta lại thở mạnh?

You might also like