You are on page 1of 13

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM

TIỂU LUẬN KẾT THÚC HỌC PHẦN MÔN

LUẬT KINH DOANH

RỦI RO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHI MUA

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TỪ CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Giảng viên: Dương Mỹ An


Mã học phần: 23D3LAW51100102
Sinh viên thực hiện: Trần Đức Hoàng
MSSV: 87224020301
STT: 10

TP.HCM. THÁNG 04 NĂM 2023


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU_____________________________________________________________________3

CHƯƠNG 1: PHÁP LUẬT VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM_______3

1.1. Khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp_______________________________________3

1.2. Một số chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp______________________3
1.2.1. Nhà đầu tư___________________________________________________________3
1.2.2. Doanh nghiệp phát hành________________________________________________5
1.2.3. Đại lý phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán___________________________5

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG RỦI RO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHI MUA TRÁI
PHIẾU DOANH NGHIỆP THÔNG QUA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN___________6

2.1. Rủi ro về thông tin______________________________________________________6

2.2. Rủi ro về thanh toán_____________________________________________________7

2.3. Rủi ro từ môi giới_______________________________________________________9

2.4. Phạt hành chính hoặc hình sự do lách luật trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp______10

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHI
ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP________________________________________10

3.1. Bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm__10

3.2. Rà soát lại hoạt động tư vấn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng
khoán 10

3.3. Nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho nhà đầu tư cá nhân________________11

3.4. Khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam____________________11

KẾT LUẬN__________________________________________________________________12

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO__________________________________________12

2
MỞ ĐẦU
Trong thời gian gần đây, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một lựa chọn phổ biến trong việc
đầu tư tài chính cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
không đơn giản là nhận được lợi nhuận tốt mà còn đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nếu không có
đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể gặp phải những rủi ro đáng lo
ngại, thậm chí mất trắng số tiền đầu tư. Bài tiểu luận này sẽ phân tích thực trạng rủi ro của nhà
đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp từ công ty chứng khoán và đưa ra một số giải
pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho các trái chủ khi tham gia thị trường này.

CHƯƠNG 1
PHÁP LUẬT VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

1.1. Khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp


Trái phiếu doanh nghiệp là loại giấy tờ có giá trị tài chính do các doanh nghiệp phát hành để huy
động vốn từ các nhà đầu tư. Được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 4 - Nghị định
153/2020/NĐ-CP cũng như tại Khoản 3, Điều 4 – Luật chứng khoán số 54/2019/QH14, xác định
trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên, xác nhận quyền và lợi
ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu
doanh nghiệp có mệnh giá cố định và thời hạn phát hành nhất định. Những người mua trái phiếu
doanh nghiệp sẽ trở thành chủ nợ doanh nghiệp phát hành và được hưởng lãi suất hoặc khoản trả
lãi định kỳ theo thỏa thuận. Khi đáo hạn, doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ phải trả lại số tiền
vốn ban đầu cho các nhà đầu tư. Trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là một công cụ huy động
vốn quan trọng của doanh nghiệp mà còn là một kênh đầu tư tài chính tiềm năng cho các nhà đầu
tư và tổ chức khác.
1.2. Một số chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp
1.2.1. Nhà đầu tư
Theo quy định tại Điều 8 - Nghị định 153/2020/NĐ-CP, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên
nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược mới được phép mua các loại trái phiếu không chuyển đổi
không kèm chứng quyền hoặc trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền. Đồng thời
để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các cá nhân cần đáp ứng điều kiện theo quy
định tại Điểm d và đ, Điều 11 – Luật chứng khoán số 54/2019/QH14. Cụ thể, cá nhân phải nắm
giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng hoặc có
3
thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm xác định tư cách là
nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Như vậy có thể thấy, trái phiếu doanh nghiệp là một loại hình chứng khoán được hướng tới đối
tượng là nhà đầu chuyên nghiệp, bởi vì loại chứng khoán này có độ rủi ro lớn nên người tham gia
thị trường phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời các
doanh nghiệp phát hành cũng muốn lựa chọn các nhà đầu tư có khả năng mua khối lượng lớn,
nhanh, gọn với chi phí thấp nhằm tối ưu hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, không chỉ có các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà còn có một số
lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo của
FiinRatings năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ tới 32,6% lượng trái phiếu trên thị
trường, bao gồm cả cá nhân tự mua trái phiếu và mua thông qua các đại lý phát hành. Các nhà
đầu tư cá nhân thường là cá nhân và các hộ gia đình có tiền nhàn rỗi với lượng tiền vừa và nhỏ,
muốn đầu tư vào chứng khoán để kiếm lời. Phần lớn nhà đầu tư chứng khoán cá nhân giao dịch
trên thị trường thứ cấp và mua bán thông qua trung gian tài chính như công ty chứng khoán hoặc
ngân hàng. Họ có trình độ chuyên môn tài chính không cao, kinh nghiệm đầu tư tích lũy được từ
trải nghiệm cá nhân và tự học hỏi thông qua các nguồn sách, báo, internet.

Nguồn: FiinRatings, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội


Hình 1.1: Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư năm 2021

Tuy nhiên theo Điều 3 – Nghị định 08/2023/NĐ-CP, các quy định về việc xác định tư cách nhà
đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ được tạm ngưng đến hết ngày 31/12/2023 nhằm ổn định
tình hình thị trường.

4
1.2.2. Doanh nghiệp phát hành
Để huy động nguồn vốn với quy mô lớn, phục vụ cho các dự án đầu tư và phát triển kinh doanh,
nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã lựa chọn phát hành trái phiếu. Thay vì vay nợ tại các
ngân hàng thương mại, hình thức huy động vốn bằng phát hành trái phiếu giúp giảm áp lực chi
trả và mang lại lượng vốn với thời hạn tương đối dài, ổn định.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát hành trái phiếu tại Việt Nam. Theo
Khoản 1, Điều 2 - Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải là công
ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt
Nam. Ngoài ra, tại Điều 15 của Luật chứng khoán số 54/2019/QH14, doanh nghiệp muốn phát
hành trái phiếu cần phải thoả mãn các quy định như có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, hoạt
động kinh doanh có lãi vào năm trước khi phát hành trái phiếu, có cam kết thanh toán và đảm
bảo quyền lợi của nhà đầu tư, …
Trong tình hình hạn mức tín dụng không còn được dồi dào như những năm trở lại đây, lãi suất và
chi phí phi lãi vay ngân hàng không còn hấp dẫn thì phát hành trái phiếu là phương án hiệu quả
giúp doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị kế hoạch sử dụng
vốn tối ưu nhất, đồng thời đảm bảo đầy đủ các điều kiện phát hành trái phiếu và đảm bảo quyền
lợi của nhà đầu tư.
1.2.3. Đại lý phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đại lý phát hành là phương thức doanh nghiệp phát hành
ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện việc bán trái phiếu cho các nhà đầu tư. Các tổ chức có
thể đăng ký làm đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp bao gồm công ty chứng khoán, tổ chức
tín dụng và các định chế tài chính khác được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh và đại lý
phát hành theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các đại lý phát hành như công ty chứng khoán
phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ để nêu rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên. Hợp đồng
này phải đảm bảo rằng đại lý phát hành sẽ công bố đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu
tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ
điều kiện mua theo quy định, tức là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược, tuỳ
thuộc vào loại trái phiếu (theo Điều 14 – Nghị định 153/2020/NĐ-CP).
Điều này có nghĩa các đại lý phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán không được phép bán
trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân nên cẩn thận khi

5
đầu tư vào trái phiếu và tìm hiểu kỹ về các quy định pháp luật liên quan để tránh mất tiền và rủi
ro đầu tư.

CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG RỦI RO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHI MUA TRÁI PHIẾU
DOANH NGHIỆP THÔNG QUA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

2.1. Rủi ro về thông tin


Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những sản phẩm đầu tư phổ biến trên thị trường. Tuy
nhiên, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng chưa niêm yết, chưa giao dịch tại các
trung tâm chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro về thông tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá
nhân.
Theo báo cáo từ FiinGroup trong năm 2022, top 20 tổ chức phát hành trái phiếu chưa niêm yết
chiếm đến 17,39% giá trị toàn thị trường. Trong số đó, có đến 12/20 doanh nghiệp là nhà phát
triển bất động sản. Điều này khiến cho việc tiếp cận thông tin về doanh nghiệp phát hành
và trái phiếu của họ càng trở nên khó khăn hơn. Hầu hết các doanh nghiệp này không cung cấp
thông tin một cách rộng rãi ra công chúng về tình hình tài chính của họ cũng như hiệu quả sử
dụng vốn đã huy động. Nhà đầu tư cá nhân rất khó có cơ hội tiếp cận các thông tin cần thiết
trước và sau khi ra quyết định đầu tư. Các thông tin chủ yếu được cung cấp bởi các đại lý phát
hành như công ty chứng khoán, tuy nhiên độ tin cậy là không cao.

Nguồn: FiinGroup
Hình 2.1: Tỷ trọng ngành nghề top 20 tổ chức phát hành trái phiếu doanh chưa niêm yết năm 2022

Bên cạnh đó, trong thị trường trái phiếu hiện nay xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò vô cùng quan
trọng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành không phải tất cả các doanh nghiệp phát hành trái
6
phiếu đều bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, mà chỉ yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể
(Điều 12 – Nghị định 153/2020/NĐ-CP). Đáng ngại hơn, theo quy định mới được ban hành trong
Nghị định 08/2023/NĐ-CP, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát
hành trái phiếu đã bị ngưng hiệu lực thi hành tới hết năm 2023. Điều này càng gây ra nhiều khó
khăn hơn cho nhà đầu tư cá nhân trong việc đánh giá rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư vào trái
phiếu. Vì ít có khả năng tự đánh giá năng lực tài chính của tổ chức phát hành nên xếp hạng tín
nhiệm giúp nhà đầu tư cá nhân đưa ra những phán đoán chính xác hơn về khả năng thanh toán
của doanh nghiệp phát hành hoặc về rủi ro tín dụng của trái phiếu mà họ dự định đầu tư.
Có thể thấy mặc dù pháp luật quy định rõ ràng trách nhiệm của nhà đầu tư phải tự chủ động tiếp
cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành, hiểu rõ điều kiện, điều
khoản trái phiếu, các cam kết khác của doanh nghiệp, đồng thời phải hiểu rõ về các rủi ro phát
sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu trước khi đầu tư (Khoản 2, Điều 8 – Nghị định
153/2020/NĐ-CP), nhưng thực tế lại cho thấy rất khó để nhà đầu tư có thể tiếp cận những thông
tin chính thống, chính xác từ các doanh nghiệp phát hành. Điều này đặc biệt đúng đối với nhà
đầu tư cá nhân, khi họ gặp nhiều khó khăn trong việc tự tìm kiếm và đánh giá các thông tin về
rủi ro và lợi nhuận của các trái phiếu dự định đầu tư.

2.2. Rủi ro về thanh toán


Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) năm 2021, các ty chứng
khoán sở hữu đến 27.16% số lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, họ
thường phân phối lại trái phiếu này ra thị trường cho các nhà đầu tư có nguồn vốn nhỏ hơn. Thực
tế là, phần lớn các công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ
từ hoạt động bán lại hoặc bảo lãnh phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán
trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

7
Nguồn: Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA)
Hình 2.1: Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp năm 2021

Hiện nay, số lượng trái phiếu được bảo lãnh thanh toán là rất hiếm hoi, và có mức lãi suất rất
thấp. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân về sự khác biệt giữa "bảo lãnh phát
hành" và "bảo lãnh thanh toán", đã không ít trường hợp công ty chứng khoán chào mời nhà đầu
tư mua các loại trái phiếu có “bảo lãnh” nhưng lại là bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh phát hành chỉ
đảm bảo rằng đơn vị tư vấn phát hành như công ty chứng khoán, sẽ mua toàn bộ lô trái phiếu nếu
nhà đầu tư không mua hết. Trong khi đó, bảo lãnh thanh toán là việc công ty phát hành hoặc tổ
chức được công ty phát hành uỷ quyền đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi công ty phát hành
mất khả năng thanh toán.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư là tính thanh khoản. Và để
chiêu dụ những nhà đầu tư cá nhân thiếu hiểu biết, một số công ty chứng khoán miêu tả trái
phiếu doanh nghiệp là một hình thức tiết kiệm linh hoạt thậm chí “cam kết mua lại bất kỳ lúc
nào”. Điều này không những đem đến rủi ro về thông tin cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường
mà còn tạo ra rủi ro thanh toán cho những nhà đầu tư chót đã tin tưởng mua trái phiếu. Thực tế,
khi nhà đầu tư muốn bán lại trái phiếu doanh nghiệp mình đang sở hữu để thu lại tiền mặt, họ
phải dựa vào trung gian như các công ty chứng khoán để tìm người có nhu cầu mua. Tuy nhiên,
trong tình hình hiện tại với sự đi xuống liên tục của thị trường tài chính trong 6 tháng trở lại đây,
việc tìm người mua là rất khó khăn. Các tổ chức trung gian khác hay chính công ty phát hành
cũng không sẵn lòng mua lại, với lý do nguồn tiền hạn hẹp.
Chưa dừng lại ở đó, nhằm thu hút nhiều hơn những nhà đầu tư cá nhân có số vốn nhỏ, các công
ty chứng khoán đã lách luật bằng cách mời gọi ký kết "Hợp đồng góp vốn đầu tư trái phiếu". Tuy
nhiên, những hợp đồng này được xây dựng theo pháp luật dân sự vì vậy nhà đầu tư sẽ không
được coi là chủ sở hữu trái phiếu. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc các vấn đề liên quan
đến quyền lợi, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không được đảm bảo lợi ích theo luật
pháp về chứng khoán đã quy định. Thậm chí các cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
cũng không được áp dụng cho những nhà đầu tư tham gia hợp đồng này. Ngoài ra, hợp đồng đầu
tư trái phiếu được xây dựng trên nguyên tắc phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, đa số
các điều khoản chỉ nhấn mạnh đến lợi nhuận mà nhà đầu tư sẽ nhận được và lướt qua điều khoản
xử lý các rủi ro khi thực tế xảy ra. Một số trường hợp hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu còn

8
được ký kết với các pháp nhân mới thành lập, có tên gần giống với các công ty chính thống
nhưng không phải là công ty chính thống. Các pháp nhân mới thành lập này thường rất ít tài sản,
doanh thu, lợi nhuận thấp càng làm tăng rủi ro và đẩy các nhà đầu tư cá nhân vào tình thế khó
khăn khi phải đối mặt với tranh chấp phát sinh.
Tình trạng hiếm có trái phiếu được bảo lãnh thanh toán cộng với sự thiếu trách nhiệm của công
ty chứng khoán càng tăng thêm rủi ro thanh toán thậm chí khiến nhà đầu tư cá nhân mất tiền.

2.3. Rủi ro từ môi giới


Với sự phát triển của thị trường chứng khoán, số lượng môi giới đã tăng lên đáng kể , tuy nhiên
chất lượng lại chưa tương xứng với nhu cầu của thị trường. Để được cấp chứng chỉ hành nghề
môi giới chứng khoán, pháp luật Việt Nam đã đặt ra rất nhiều yêu cầu bao gồm như có trình độ
từ đại học trở lên; có trình độ chuyên môn về chứng khoán; đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp
chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị
trường chứng khoán; chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chứng chỉ
phân tích và đầu tư chứng khoán; chứng chỉ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán
(Điều 213 - Nghị định 155/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng môi giới đáp ứng
được yêu cầu này là rất thấp. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2021, số tài khoản mở mới của nhà
đầu tư là gần 500.000 tài khoản nhưng chỉ có thêm 41 môi giới được cấp giấy phép hành nghề.
Tương ứng mỗi môi giới chuyên nghiệp phải tư vấn và chăm sóc cho hàng trăm khách hàng, điều
này vô cùng khó khăn và không khả thi. Vậy nên, để đáp ứng được nhu cầu từ một lượng lớn nhà
đầu tư cá nhân tham gia thị trường, các công ty chứng khoán đã buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn
tuyển chọn môi giới. Kết quả là số lượng môi giới không chuyên nghiệp và thiếu kinh nghiệm đã
tăng lên đáng kể. Nhiều người, kể cả những người không có kinh nghiệm hoặc làm việc tại
những lĩnh vực khác đã chuyển sang làm môi giới chứng khoán miễn là có khả năng "sale
khách".
Chất lượng của đội ngũ tư vấn chứng khoán không được đảm bảo cộng với khoản hoa hồng hấp
dẫn mỗi khi bán được trái phiếu doanh nghiệp (từ 0.1%-0.7% trên giá trị đầu tư của khách hàng,
cao hơn rất nhiều so với hoa hồng cổ phiếu chỉ 0.1%) đã khiến không ít môi giới đánh tráo khái
niệm giữa “tiết kiệm” và “đầu tư”. Sau đó tư vấn trái phiếu doanh nghiệp là hình thức gửi “tiết
kiệm lãi suất cao” hoặc “tiết kiệm linh hoạt, nhà đầu tư được cam kết mua lại bất kỳ lúc nào mà
số tiền gốc và lãi vẫn được đảm bảo” càng làm tăng khả năng thua lỗ cho nhà đầu tư cá nhân.

9
2.4. Phạt hành chính hoặc hình sự do lách luật trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp
Không chỉ dừng lại ở các rủi ro về thông tin hay thanh toán, những nhà đầu tư cá nhân thông qua
các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán nhằm hợp thức hoá giấy tờ hồ sơ và
lách luật để trở thành nhà đầu chuyên nghiệp là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và
thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy
theo tính chất và mức độ vi phạm. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có thể lên đến
1.500.000.000 đồng theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Việc tuân thủ
pháp luật trong lĩnh vực này rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và ổn định của
thị trường tài chính nói chung.

CHƯƠNG 3
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHI ĐẦU TƯ
TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

3.1. Bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có xếp hạng tín
nhiệm
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cá nhân đồng thời làm lành mạnh hóa và tăng
cường lòng tin của thị trường trở lại, các cơ quan nhà nước nên có phương án thí điểm bắt buộc
một số tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 phải có xếp hạng tín nhiệm.
Hoạt động xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường trái
phiếu doanh nghiệp một cách bền vững, tăng cường tính minh bạch và công khai của thị trường,
cũng như góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo định hướng đầu tư và đưa thị trường trái
phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm còn giúp nhà đầu
tư cá nhân có cái nhìn toàn diện hơn về khả năng tài chính và thanh toán nợ của doanh nghiệp
phát hành, đồng thời cung cấp các thông tin về rủi ro liên quan để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết
định đầu tư chính xác hơn.

3.2. Rà soát lại hoạt động tư vấn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty
chứng khoán
Để đảm bảo hoạt động tư vấn và môi giới trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán
được an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật, các cơ quan quản lý phải thường xuyên triển
khai hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất. Đồng thời có các biện pháp, chế tài xử

10
phạt nếu phát hiện có sai phạm trong hoạt động môi giới hay hoạt động gây mất an toàn cho thị
trường tài chính.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán cần thiết lập các tiêu chuẩn về tư vấn khách hàng và khung
năng lực môi giới để đảm bảo việc tư vấn đúng nhu cầu, đúng chân dung khách hàng, truyền đạt
đầy đủ thông tin và khuyến nghị đầu tư. Việc khắt khe hơn đối với quy trình tư vấn của môi giới
sẽ giúp chuẩn hóa việc tư vấn và hạn chế được các rủi ro nhà đầu tư cá nhân trong tương lai.

3.3. Nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho nhà đầu tư cá nhân
Việc nhà đầu tư cá nhân trình độ và kiến thức chuyên môn tài chính vững vàng không chỉ làm
giảm rủi ro đầu tư thua lỗ mà còn giúp thị trường tài chính nói chung phát triển bền vững hơn.
Hiện nay, Trung tâm Đào tạo Chứng khoán thuộc UBCKNN đang chủ yếu tập trung vào công
tác đào tạo chứng chỉ hành nghề, trong khi đó vẫn chưa cung cấp dịch vụ cho một nhóm rất lớn
khách hàng cá nhân có nhu cầu học về lĩnh vực đầu tư một cách bài bản. Thông qua việc phối
hợp với các công ty chứng khoán, Trung tâm này có thể cung cấp các khóa học và chương trình
đào tạo trực tuyến (online) nhằm mang đến kiến thức cơ bản cho nhà đầu tư cá nhân, giúp họ có
thể tiếp cận và áp dụng các kiến thức này vào thực tiễn đầu tư. Việc cải thiện chất lượng dịch vụ
đào tạo này sẽ giúp cho các nhà đầu tư cá nhân có được kiến thức chuyên môn vững chắc từ đó
đưa ra các quyết định đầu tư chính xác hơn và tối ưu hóa lợi nhuận.

3.4. Khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về số lượng nhà đầu tư cá nhân
tham gia vào thị trường trái phiếu và tài chính. Tuy nhiên, với sự đa dạng về các sản phẩm tài
chính nói chung hay các thay đổi liên tục trong chính sách về sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp
nói riêng, nhà đầu tư cá nhân thường gặp phải những rủi ro và hạn chế cố hữu. Vì vậy, để giảm
thiểu những rủi ro gây ra bởi năng lực hạn chế của nhà đầu tư cá nhân, cần khuyến khích cơ chế
đầu tư gián tiếp thông qua các tổ chức quản lý đầu tư chuyên nghiệp.
Các cơ quan Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt
Nam. Đồng thời, cần nâng cao các quy định pháp lý và quản lý để đảm bảo hoạt động của các tổ
chức quản lý đầu tư chuyên nghiệp luôn tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong
nước.
Với sự khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ
có cơ hội tiếp cận các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời được bảo vệ quyền lợi một

11
cách minh bạch và an toàn hơn. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển bền vững của thị
trường trái phiếu Việt Nam.

KẾT LUẬN
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy chỉ mới phát triển mạnh mẽ những năm trở lại đây nhưng
đã là một kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho cả nền kinh tế Việt Nam. Đây được xem là một
kênh đầu tư hấp dẫn với lãi suất cao, ổn định và tương đối dễ tiếp cận. Tuy nhiên, để việc đầu tư
trái phiếu mang lại hiệu quả, nhà đầu tư cá nhân chỉ nên mua khi có hiểu biết, khả năng phân
tích, đánh giá đầy đủ các rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn,
và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho chính mỗi
nhà đầu tư. Mặc dù lãi suất cao thường đi kèm với rủi ro cao, nhưng nếu được đánh giá kỹ về các
rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, nhà đầu tư sẽ có thể tận dụng lợi thế của kênh đầu tư
này và đạt được lợi nhuận mong đợi.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc Hội Việt Nam. (2019). Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.


2. Chính Phủ Việt Nam. (2020). Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch
trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh
nghiệp ra thị trường quốc tế.
3. Chính Phủ Việt Nam. (2020). Nghị định 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số
điều của luật chứng khoán.
4. Chính Phủ Việt Nam. (2020). Nghị định 156/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
5. Chính Phủ Việt Nam. (2022). Nghị định 65/2022/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của
nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch
trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh
nghiệp ra thị trường quốc tế.
6. Chính Phủ Việt Nam. (2023). Nghị định 08/2023/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực
thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh
nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường
quốc tế.
12
7. FiinRatings. (2022). An update on the market situation, issuers’ credit quality and
suggestions for debt restructuring. https://fiingroup.vn/upload/docs/fiinratings-corporate-
bond-insight-5-report-an-update-on-the-market-situation-issuers-credit-quality-and-
suggestions-for-debt-restructuring.pdf
8. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). (2022). Thị trường trái phiếu Việt Nam
2021 (tr. 23).
9. Trần Thị Hoa Lý. (2022, July 28). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam: Một số
vấn đề đáng quan tâm và giải pháp cho thời gian tới. Tạp Chí Công Thương.
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-tai-viet-nam-mot-so-
van-de-dang-quan-tam-va-giai-phap-cho-thoi-gian-toi-90429.htm
10. Trần Thị Thu Hiền. (2020). Các yếu tố tác động tới quy mô thị trường trái phiếu doanh
nghiệp Việt Nam (tr. 39–42).
11. VietNamNet. (2021, June 22). Một môi giới chứng khoán phải chăm sóc 800-1.000 tài khoản
nhà đầu tư. VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/mot-moi-gioi-chung-khoan-phai-cham-
soc-800-1000-tai-khoan-nha-dau-tu-747983.html
12. Vũ Mạnh Hùng. (2023). Báo cáo thị trường trái phiếu năm 2022. VnDirect.
https://www.vndirect.com.vn/cmsupload/beta/BCTP_Q4.22_20230217.pdf

13

You might also like