You are on page 1of 6

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

--------o0o--------

BÀI TẬP LỚN


HỌC PHẦN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

ĐỀ TÀI: PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG


CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI CÁ NHÂN (VÍ DỤ NHÂN VẬT TRIỆU ĐỨC)

Họ và tên: Hồ Thu Phương


Mã sinh viên: 11219775
Lớp: Tài chính doanh nghiệp CLC 63D

Hà Nội, tháng 06 năm 2022


MỞ ĐẦU
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”
Ph.Ăngghen cho rằng, trong lịch sử phát triển của xã hội, gia đình luôn có vị trí đặc biệt.
Từ trong gia đình, con người được sinh ra và trưởng thành, được nuôi dưỡng và giáo dục
để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng của mỗi con người. Chúng ta
có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi duy nhất để về đó chính là gia đình. Chính vì
vậy, gia đình được xem là ngôi nhà thân yêu và thiêng liêng liêng nhất trên cuộc đời này,
chứa chan biết bao kỷ niệm tươi đẹp của thời thơ ấu mà chúng ta không thể nào quên, kỷ
niệm đó sẽ theo mãi trong tâm trí của mỗi người. Gia đình mang đến cho ta cảm giác
được che chở, bao bọc, mái ấm gia đình và tình cảm gia đình được xem như là kho tàng
quý báu mà không nơi nào có thể so sánh được. Gia đình là nơi giúp con người hình
thành nhân cách. Thế nhưng, đối với nhiều người thì gia đình là sự ràng buộc khiến họ
cảm thấy bức bối. Gia đình trở thành nơi tiếp thêm sức mạnh và cũng là nơi khiến đôi vai
chúng ta thêm nặng trĩu.
Tuy nhiên, gia đình có vai trò vô cùng to lớn mà không một ai có thể phủ nhận
được tầm quan trọng của tình cảm tươi đẹp này. Trong bài tiểu luận này, vai trò của gia
đình sẽ được làm rõ qua câu chuyện của nhân vật Triệu Đức – nhân vật chính của bộ
phim “Linh hồn và thể xác”.
PHÂN TÍCH VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH

Thứ nhất, vai trò tái sản xuất ra con người.


Gia đình bắt đầu hình thành khi thực hiện nhu cầu hôn nhân (trong đó có tình dục
giữa cha và mẹ - hai nhân vật chính đầu tiên kiến tạo nên gia đình), từ đó thực hiện chức
năng sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, tái sản xuất ra con người. Tái sản xuất ra con
người theo nghĩa hẹp là sinh con đẻ cái, theo nghĩa rộng bao hàm cả nuôi dưỡng và giáo
dục của gia đình.
Xã hội tồn tại và phát triển dựa trên hai cơ sở quan trọng là tái sản xuất ra của cải
vật chất và tái sản xuất ra chính bản thân con người. Sự tồn tại của loài người phụ thuộc
vào quá trình tái sản xuất này của gia đình. Việc tái sản xuất ra thế hệ tương lai, một mặt
đáp ứng yêu cầu cung cấp lực lượng lao động mới cho xã hội, mặt khác đáp ứng và thỏa
mãn nhu cầu của chính gia đình. Con cái trở thành chỗ dựa, nguồn tình cảm của ông bà,
cha mẹ và của cả dòng tộc.
Gia đình của Triệu Đức cũng có vai trò như vậy, khi bố và mẹ Triệu Đức đã kết
hôn cùng nhau sinh ra, nuôi dưỡng Triệu Đức. Sau này, cũng chính Triệu Đức đã tiếp nối
vai trò đó của gia đình khi cưới vợ và mong muốn sinh con đẻ cái, tiếp nối nòi giống của
mình.
Thứ hai, vai trò nuôi dưỡng và giáo dục.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng và trường học đầu tiên tác động đến con người về
nhiều mặt (thể chất, văn hóa, trí tuệ, xã hội, lao động…). Có thể, giáo dục xã hội và giáo
dục nhà trường là những yếu tố quyết định để định hướng sự phát triển nhân cách. Tuy
nhiên, giáo dục gia đình lại có vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành và phát
triển nhân cách cá nhân. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội mà
còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con trẻ.
Gia đình là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con
người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ
nước. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung,
hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi
khó khăn, thử thách...
Trong mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ có vị trí tối quan trọng. Theo truyền thống
Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của
nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa,
là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm
vô tận cho các con. Vì thế, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho
trẻ em.
Như trong bộ phim “The Marx Heist - Linh hồn và thể xác”, vốn dĩ ban đầu Triệu
Đức có một gia đình gần như được gọi là hoàn hảo khi các thành viên luôn yêu thương,
đùm bọc lẫn nhau. Có vì vậy, có thể thấy, Triệu Đức lúc bé được nuôi dưỡng bằng tất cả
tình yêu, sự tận tâm của cả cha và mẹ. Cho nên Triệu Đức lớn lên một cách khỏe mạnh,
lanh lợi và tràn đầy sự hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi vai trò này mất đi, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi thành viên
trong gia đình. Người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong câu chuyện này vẫn là Triệu Đức -
một đứa bé mất đi sự quan tâm, chăm sóc của cả cha và mẹ. Những câu nói tàn nhẫn và
sự cô đơn như những nhát dao sắc lạnh cứa vào lòng cậu bé khiến cho Triệu Đức lớn lên
trong sự cô đơn thiếu thốn tình thương và sự giáo dục. Dường như Triệu Đức đã không
còn được dạy những bài học về công cha, nghĩa mẹ, về việc hiếu nghĩa với cha. Chính vì
lẽ đó, dù có một gia đình mới nhưng bởi sự vô tâm của người bố nên trong anh cũng dần
hình thành nên một bức tường vô hình với bố mình. Thế cho nên khi thấy bố có hành
động sai trái với vợ mình, tất cả những uất ức, căm ghét trong lòng Triệu Đức từ lâu đã
trỗi dậy một cách dữ dội khiến anh không kìm được sự phẫn nộ mà đâm chết bố mình
một cách tàn nhẫn.
Có thể thấy, vai trò này có ảnh hưởng lâu dài và toàn diện đến cuộc đời của mỗi
thành viên trong gia đình.
Thứ ba, gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời
sống cá nhân mỗi thành viên.
Có thể nói, đây là một trong những vai trò cơ bản nhất mà gia đình cần có đối với
mỗi con người. Dù cho thế giới bên ngoài có bao la rộng lớn với muôn trùng gian truân,
gia đình là nơi che chở và giúp cho các thành viên trong nhà cảm thấy hạnh phúc và cân
bằng. Vai trò này đã được thể hiện rất rõ trong những đoạn đầu của thước phim thông qua
hình ảnh gia đình hạnh phúc của Triệu Đức. Ở đó, ta có thể thấy hình ảnh Triệu Đức
được bố mẹ dắt tay đi chơi, mua bim bim, yêu thương và ôm vào lòng. Bố mẹ của Triệu
Đức cũng dành cho nhau những hành động ấm áp và sự thấu hiểu. Điều đó cũng thể hiện
qua mối quan hệ của Triệu Đức và vợ trước khi bi kịch xảy ra, việc cùng nhau đi dạo,
cùng nhau nấu cơm cũng chính là những hành động đem lại hạnh phúc cho một gia đình
dù lớn hay nhỏ.
Thứ tư, gia đình là chỗ dựa vững chắc giúp ta vượt qua khó khăn.
Gia đình vốn là nguồn động lực lớn lao, giúp chúng ta vững bước trên con đường
đời, là chỗ dựa vững chắc giúp ta thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc
sống. Sức mạnh to lớn của tình cảm gia đình ấy sẽ chắp cho ta đôi cánh vươn đến những
ước mơ, khát vọng lớn lao.
Gia đình vốn là như vậy. Vậy mà sau khi mẹ mất, Triệu Đức và bố không thể chia
sẻ với nhau, chỉ biết đổ lỗi cho đối phương, dần dần cả hai không còn là chỗ dựa cho
nhau nữa. Điều đó khiến cho anh trở nên cô độc, không ai để chia sẻ, để giãi bày, mà phải
gồng mình lên đối mặt với sự ra đi đột ngột của người mẹ và sự vô tâm của người bố. Vì
vậy Triệu Đức khát khao tình cảm gia đình hơn bao giờ hết, anh cũng kết hôn và cũng có
một người vợ yêu thương hết mình. Có lẽ anh cũng muốn tạo dựng một gia đình mới,
hạnh phúc mới. Tuy nhiên, trong bản thân Triệu Đức vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của mẹ
và những câu nói đầy sát thương của bố. Liệu rằng một người luôn mang trong mình nỗi
đau, sự tổn thương trong quá khứ có thể quên đi một cách toàn vẹn và sống một cuộc đời
mới?
Có thể thấy rõ rằng, sau khi phạm phải lỗi lầm và phải trả giá bằng những năm
tháng trong tù thì điều đầu tiên Triệu Đức làm khi ra tù đó chính là về thăm người vợ của
mình. Phải chăng người vợ và ước mơ về một gia đình đủ đầy là động lực lớn nhất giúp
Triệu Đức vực dậy và cố gắng hết mình trong những năm tháng đau khổ, dằn vặt đó?
Nhưng sau khi chứng kiến người vợ mình đã hạnh phúc bên người mới, Triệu Đức đã gần
như sụp đổ hoàn toàn, anh trở thành người sống không mục đích, không ước mơ, không
hoài bão. Anh lang thang bên đường, ngủ cạnh bãi rác, ăn những thức ăn thừa,... Bởi vì
gia đình vốn là nguồn động giúp mỗi người vững bước trên con đường đời, là chỗ dựa
vững chắc tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Vậy mà giờ đây
đối với Triệu Đức không còn gì cả. “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất của
cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống”. Có lẽ vì điều đó,
đến cuối cùng, Triệu Đức đã tìm cho mình một giấc ngủ yên bình, giúp anh thoát khỏi bi
kịch của gia đình, sự tàn khốc của cuộc đời.
KẾT LUẬN
Không ai có thể phủ nhận vai trò của gia đình lên mỗi cá nhân và xã hội. Trong
cuộc đời của mỗi con người, người ta có thể đi đến nhiều nơi hay có nhiều nơi để đến
nhưng duy nhất chỉ có một nơi để trở về đó chính là gia đình. Gia đình là duy nhất và
thiêng liêng nhất với mỗi người, chỉ có tình cảm gia đình mới là thứ tình cảm vô điều
kiện, giống như câu nói "Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết
thúc". Tình cảm gia đình một thứ mộc mạc đơn sơ, nhưng nó lại rất quý giá, nó mang một
sức mạnh to lớn cho mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân mà được thừa hưởng tình cảm đấy thì
sẽ tạo nên được một gia đình đầm ấm hạnh phúc, từ đó nó sẽ là nền tảng để xây dựng
được một xã hội văn minh và bền vững. Trong những thời điểm quan trọng nhất của cuộc
sống chúng ta đều tìm đến điểm tựa tin thần, những điểm tựa này sẽ vực chúng ta dậy
khỏi những khó khăn, vấp váp của cuộc đời này. Một trong những điểm tựa vững chắc
chất, xoa dịu hết những nỗi đau của chúng ta đó chính là gia đình. Việc thiếu đi vai trò
của gia đình trong cuộc sống mỗi người là một điều bất hạnh, giống như câu chuyện của
nhân vật Triệu Đức trong bộ phim “Linh hồn và thể xác”.

Bởi vậy, một gia đình hạnh phúc không phải là điều tự nhiên, mà nó đòi hỏi sự cố
gắng, nỗ lực của mọi thành viên trong gia đình đấy. Gia đình không thể lành mạnh và
hạnh phúc chỉ với sự dựa dẫm. Ngược lại, nếu chỉ có sự dựa dẫm sẽ khiến các thành viên
cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Erich Seligmann Fromm đã từng nói rằng: “Yêu cũng cần
kỹ năng”. Vậy nên chúng ta cũng cần phải học nếu muốn xây dựng một gia đình hạnh
phúc. Vì gia đình không phải là điều dễ dàng có được và vì là những người chúng ta cần
cố gắng, chịu đựng, học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc
đời chúng ta.

You might also like