You are on page 1of 1

LÀNG

Trong những năm tháng kháng chiến của đất nước, hòa vào tinh thần kháng
chiến của cả dân tộc, lòng yêu nước của mỗi con người chính là sức mạnh
tạo nên thắng lợi vẻ vang. Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, yêu
làng, gắn bó với làng cũng chính là thể hiện lòng yêu nước. Truyện ngắn
“Làng” của nhà văn Kim Lân đã nói về một người nông dân có tình yêu làng,
yêu nước sâu sắc.
Nhân vật chính của truyện là ông Hai, ông là người dân của làng Chợ Dầu
và ông yêu lắm cái làng của mình, lúc nào cũng khoe làng mình với tất cả
niềm hãnh diện, tự hào. Lúc nào kể về làng ông cũng kể say xưa, cứ kể mà
không cần biết người ta có chú ý nghe hay không. Ông kể về mọi thứ, từ
những mái nhà ngói san sát sầm uất như thành phố, những con đường lát đá
xanh trời mưa bẩn không đến gót chân, đường ấy mà phơi thóc thì thượng
hạng, không một hạt thóc đất. Đối với ông cái gì của làng cũng to lớn và
đẹp đẽ nhất, bên cạnh đó ông còn vinh dự và tự hào vì làng mình có bề dày
lịch sử, về tinh thần kháng chiến của làng.
Những buổi tập có cả ông cụ râu tóc bạc phơ vác gậy đi tập, những hố, ụ,
hào, lắm công trình không kể đâu cho hết. Khi phải xa làng đến nơi tản
cư, ông đã mang theo nỗi nhớ thương, trông ngóng về làng, dù xa làng
nhưng ông luôn dõi theo, nghe ngóng tin tức từ làng. Tới khi ông nghe
phải tin dữ, rằng làng ông theo Tây, ông đã đau đớn và nhục nhã biết bao,
ông dù không dám tin nhưng vẫn cảm thấy mặc cảm, tủi nhục và xấu hổ vô
cùng khi người ta cứ chửi cả làng ông như thế. Ông không dám đối diện,
cũng không có cách nào nghĩ khác đi, ông chỉ biết ru rú trong nhà, ám ảnh
nỗi xấu hổ và nhục nhã, cho tới khi bà chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi,
ông cảm thấy bế tắc, ông thoáng nghĩ trở về làng nhưng đã gạt phắt đi
“Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”.
Có thể nói, nhà văn đã rất đồng cảm, thấu hiểu để có thể miêu tả chân
thật và sinh động tâm trạng của ông Hai khi chứng kiến nỗi đau làng theo
Tây, ông yêu làng nhưng ông vẫn rạch ròi với yêu nước, dù làng có còn hay
mất thì tấm lòng của ông vẫn luôn hướng về cách mạng, ủng hộ cụ Hồ và
kháng chiến. Khi ông nghe được tin cải chính làng Chợ Dầu của ông không
theo giặc, chẳng có gì có thể diễn tả nỗi niềm sung sướng và hạnh phúc
của ông, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt và cử chỉ. Ông cứ đem cái tin mà
Tây nó đốt nhà ông cháy tàn cháy rụi ra mà khoe, ông chẳng tiếc gia tài
của mình miễn đó minh chứng cho sự trung thành và danh dự của làng. Tình
cảm của ông Hai đối với làng thật khiến cho người ta xúc động và khâm
phục.
Qua truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã để lại một ấn tượng khó phai
trong lòng người đọc, đó chính là một nhân vật ông Hai với tình yêu làng,
yêu nước sâu sắc, tinh thần kháng chiến bất diệt. Ông chính là đại diện
cho những người nông dân yêu nước trong thời kì chống Pháp lúc bấy giờ.

You might also like