You are on page 1of 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh
chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Mang theo lá cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện đại
đến với bầu trời thi ca, Tố Hữu đã thắp lên ngọn đuốc sáng nhất, lung linh và rực rỡ nhất trên nền
trời văn học trữ tình. Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, thơ ông luôn
gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng
nhiều thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Bước ra từ “Máu lửa”, “Từ ấy” nằm ở phần đầu
của tập thơ cùng tên mang sức sống rạng ngời của một chàng thi sĩ trẻ yêu nước, ngày đầu đến
với Đảng trong những rạo rực nồng cháy của con tim, đánh dấu bước ngoặt trọng đại, thiêng
liêng trong cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu. Đặc biệt, hai khổ thơ đầu đã nói lên tâm trạng của
người thanh niên yêu nước với niềm vui sướng, hạnh phúc lớn lao khi bắt gặp lý tưởng cách
mạng, qua đó có một sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức mới về lẽ sống và tình cảm để có
cuộc hành trình đến với nhân dân và cuộc đời:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người


Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
Bài thơ mở ra là sự phấn khởi, háo hức khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng trong lúc còn
“băn khoăn đi tìm lẽ yêu đời”:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Mở đầu bài thơ là lời tự sự diễn tả niềm vui sướng, niềm hạnh phúc tột đỉnh và sự say mê khi bắt
gặp lý tưởng Đảng của cái tôi trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết. Đảng như vầng thái dương soi sáng
cuộc đời thi nhân:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
“Từ ấy” không chỉ đơn thuần là cột mốc thời gian, nó đứng đầu khổ thơ còn giữ sứ mệnh là cột
mốc thiêng liêng của cuộc đời, là bước ngoặt quan trọng trong lẽ sống và tâm hồn nhà thơ. Đó là
ngày ông chính thức bước chân vào hàng ngũ của Đảng, được chiến đấu dưới danh nghĩa của
cách mạng; là ngày mà cuộc đời vốn tăm tối, vô định của Tố Hữu lần nữa được chiếu sáng, soi
đường. Thời điểm bắt gặp ánh sáng cộng sản cuộc đời, trái tim người chiến sĩ sáng rực một màu
nắng chói chang, cái màu nắng của mùa hạ rực rỡ, đầy nhiệt huyết. Những động từ mạnh
“bừng”, “chói” góp phần khẳng định vai trò của lý tưởng cuộc sống đối với đời cách mạng, đời
thơ của Tố Hữu. Từ “bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột: bừng sáng, bừng tỉnh. Từ “chói” vừa
miêu tả ánh sáng, vừa gợi sức mạnh xuyên thấu tư tưởng cộng sản đối với trái tim khao khát “lẽ
yêu đời” của thi nhân. Ánh sáng ấy đánh thức một tâm hồn đang lạc lối để vượt qua u tối và
vươn tới ánh sáng của ngày mới:
“Con lớn lên, con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chửa biết gì.”
(Quê mẹ)
Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lý” diễn tả niềm hạnh phúc của nhà thơ khi bắt gặp
lý tưởng cách mạng đã xua tan tư tưởng lạc hậu và mở ra trong tâm hồn thi nhân một chân trời
mới về tình cảm, nhận thức. Nếu mặt trời của tự nhiên đem lại ánh sáng ấm áp cho vạn vật, là
nguồn sống cho muôn loài thì Đảng xuất hiện đã xua tan màn sương mù tối tăm, đem đến ánh
sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, đúng đắn, báo hiệu những điều tốt lành cho
cách mạng, cho nhân dân Việt Nam. Hình ảnh “mặt trời chân lý” đi liền với với cụm từ “chói
qua tim” đã diễn tả niềm vui rất đỗi thiêng liêng, có cái gì đó gần như “choáng váng” và sức
xuyên thấu kì diệu của lý tưởng Đảng đối với tình cảm, nhận thức của thi sĩ. Tình cảm ấy không
chỉ đón nhận bằng tâm hồn mà còn bằng cả trái tim: sự hài hòa giữa lý trí và tình cảm.
Bằng bút pháp tự sự, trong hai câu thơ đầu, tác giả đã ghi lại khoảnh khắc khó quên của cuộc
đời mình. Tố Hữu với tấm lòng nhiệt thành đã tự hào đón lấy ánh sáng của mặt trời, sẵn sàng
hành động cho lý tưởng cách mạng cao đẹp. Bởi lý tưởng đã “chói” vào tim – nơi kết tụ của tình
cảm, chỉ thực sự hành động đúng khi có ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lý chiếu vào.
Nhà thơ đón nhận lý tưởng không những bằng suy nghĩ chín chắn, nhận thức đúng đắn mà
còn bằng cả bầu nhiệt huyết sôi nổi trẻ trung. Ánh sáng lý tưởng đem lại cho nhà thơ niềm vui và
gợi bao ước mơ đẹp đẽ về một thế giới đầy hương sắc, âm thanh:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Tố Hữu ví tâm hồn mình như “một vườn hoa lá – đậm hương và rộn tiếng chim”, ông đã lấy cái
cụ thể để diễn tả cái trừu tượng, tạo ra phép so sánh chính xác, bất ngờ và mang tính thẩm mĩ
cao. “Đậm” là sự ngào ngạt của hương thơm, “rộn” là cái ríu rít của âm thanh, hai tính từ chỉ
mức độ đã diễn tả niềm hạnh phúc tột đỉnh của tâm hồn thi sĩ. Hẳn là trước đó, tâm hồn thi sĩ là
một khu vườn đông cành khô, lá úa thì giờ đây khi được gặp gỡ lý tưởng cách mạng, tâm hồn đó
bỗng chốc trở thành một khu vườn mùa hạ xanh tươi, ngập tràn ánh nắng mặt trời, rộn rã tiếng
chim ca và ngạt ngào hương sắc. Cách mạng không hề đối lập với nghệ thuật mà trái lại, ánh
sáng kì diệu của lý tưởng cách mạng đã khơi dậy sức sống sáng tạo mới mẻ cho hồn thơ.
Sau khi tiếp nhận lý tưởng Đảng và hồi sinh tâm hồn, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã
có một sự thay đổi về nhận thức, đó là thái độ tự nguyện hiến dâng cho cách mạng, tự nguyện
gắn bó với quần chúng lao khổ:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.
Tố Hữu vốn là một thanh niên sống ở môi trường thành thị nên cũng mang trong mình tinh thần
tiểu tư sản với một cái tôi cá nhân. Muốn bước ra khỏi vòng tròn của cái tôi ấy đâu phải dễ dàng.
Vậy mà từ khi được giác ngộ lý tưởng mới, Tố Hữu đã có một bước ngoặt quan trọng về nhận
thức, hay nói đúng hơn là một cuộc lột xác về tư tưởng, một cuộc thay máu của lẽ sống. Nhà thơ
đã bỏ qua sự hẹp hòi của tư tưởng cũ, vượt qua những rào cản định nghĩa của giai cấp để thấu
hiểu quần chúng khổ lao. Nhà thơ chủ động hòa “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự
nguyện đứng trong hàng ngũ của những người lao khổ. Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu
sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu gắn bó mật thiết, sống chan hòa với “mọi người”, với “trăm
nơi”, với quần chúng đông đảo khắp mọi miền đất nước đã biểu hiện một tinh thần đoàn kết, tình
cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân.
Cụm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ như muốn trải rộng với cuộc đời rộng
lớn, tạo ra sự đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời cần lao. Đây là điều khác
biệt với các nhà thơ lãng mạn đương thời. Trong khi các nhà thơ Mới đang đau buồn với cái tôi
nhỏ bé, chôn chặt niềm đau trong những vần thơ bi lụy thì Tố Hữu lại giác ngộ cách mạng và đi
theo con đường lý tưởng. Tình yêu người, yêu đời trong Tố Hữu đã nâng lên thành chủ nghĩa
nhân đạo cộng sản.
Hai câu thơ sau khẳng định tình hữu ái giai cấp trong tình yêu thương của Tố Hữu với con
người và cuộc đời:
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
“Hồn tôi với bao hồn khổ” là sự đồng cảm của tác giả với nhân dân lao động. Tâm hồn của thi sĩ
từ đây sẽ nghiêng về phía “bao hồn khổ” để cảm thông, chia sẻ, để cá nhân hòa vào tập thể, tạo
nên một sức mạnh quần chúng đông đảo, vĩ đại. Sau này, khi đã trải qua gần 40 năm đời thơ, đời
cách mạng, Tố Hữu cũng đã viết:
“Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người.
Chỉ là một. Nên cũng là vô số!”
(Một nhành xuân)
Khi đã hòa chung với mọi người, ông đã tìm thấy nguồn sức mạnh “gần gũi nhau thêm mạnh
khối đời”. điệp từ “để” đầu câu càng làm lời thơ ấm áp, tin yêu, đầy trách nhiệm, lời thơ mang ý
vị của một lời thề chắc nịch như đinh đóng cột, ý thơ thẳng như tên bay, không chút mơ hồ,
chệch hướng. “Khối đời” là ẩn dụ, danh từ trừu tượng, thể hiện một khái niệm cuộc sống bao
quát, gộp chung, không thể cân đo đong đếm, nhưng lại gói ghém thành một sức mạnh phi
thường. Một cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lý tưởng thì sức mạnh của mỗi người, sức mạnh
của cả tập thể sẽ tăng lên gấp bội. Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng
nhận thức mà còn bằng tình cảm yêu mến chân thành, bằng sự giao cảm của trái tim:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”
(Bài ca xuân 61)
Qua hai khổ thơ đầu bài thơ “Từ ấy”, người đọc thấy được vẻ đẹp lý tưởng cách mạng của
người thanh niên yêu nước. Thật đúng đắn khi nhà thơ nhận thức được cái “tôi” chan hoà trong
cái “ta”, khi cá nhân hoà mình vào một tập thể, có cùng lý tưởng thì sức mạnh của mọi người sẽ
được nhân lên gấp bội. Sự gắn kết giữa những con người lao khổ tạo thành một sức mạnh của
tinh thần đoàn kết, tinh thần quốc tế vô sản. Bên cạnh mối quan hệ giữa lý tưởng và cuộc đời ta
cũng thấy một mối liên hệ giữa văn học và cuộc sống mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng
nhân dân. Tố Hữu đã từng nói: “Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi, đi
theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh”.
Với thể thơ thất ngôn quen thuộc, cùng cách thể hiện đầy nhịp nhàng, khúc chiết, ngôn từ rất
dung dị đậm đà tính dân tộc, nhà thơ Tố Hữu đã viết lên một tác phẩm với những cảm xúc chân
thành nhất để ca ngợi sức mạnh của lý tưởng cách mạng. Những hình ảnh ẩn dụ, so sánh hết sức
thú vị đã diễn tả niềm hân hoan, vui sướng vô bờ của một chàng trai trẻ khi đang băn khoăn tìm
lối đi cho cuộc đời thì bắt gặp được ánh sáng của cách mạng chiếu rọi để từ đó dấn thân, hòa
nhập với các mối quan hệ, với các tầng lớp khác, đấu tranh cho quyền sống, độc lập tự do của
dân tộc. Ngôn từ trong thơ vô cùng chân thành, giản dị, hình ảnh thơ được so sánh, bộc lộ tư
tưởng cách mạng rất sâu sắc.
Hai khổ thơ đầu bài thơ “Từ ấy” tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn giai đoạn sáng tác đầu tiên
của Tố Hữu. “Cái tôi trữ tình” lắng đọng trong từng ý thơ, từng hình ảnh , bộc bạch chân thành
những ước vọng, tâm tư khi tìm thấy lý tưởng. “Từ ấy” mãi mãi là mốc son chói lọi đối với cuộc
đời Tố Hữu bởi từ đây ông không còn là một trí thức tiểu tư sản vơ vẩn cùng mây gió nữa mà đã
trở thành một nhà thơ chiến sĩ, một người bạn, người đồng chí của nhân dân cần lao. Từng câu
thơ như nung nấu ý chí quyết tâm của người chiến sĩ cộng sản suốt cuộc đời cống hiến hết mình
cho sự nghiệp giải phóng dân tộc:
“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho.”

You might also like