You are on page 1of 4

Nguyễn Thị Khánh Huyền – KTQT1

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam


Nguyễn Thị Khánh Huyền

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2022


Preprint DOI: 10.31219/osf.io/wx3ev

Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu và cạn kiệt nguồn
tài nguyên thiên nhiên luôn là những vấn đề nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc
gia. Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030
nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại, nhu cầu sử dụng tài nguyên
của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất,
lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường (Nguyễn Đình Đáp, 2021).
Với thực tế ấy, kinh tế tuần hoàn trở thành một xu thế tất yếu nhằm hướng tới mục tiêu
phát triển bền vững. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng hướng
đến phát triển kinh tế tuần hoàn để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn ra đời từ những năm 1990 và cho đến nay có rất nhiều
cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Quỹ Ellen Mac Arthur lại định nghĩa kinh tế tuần hoàn
là: “Nền kinh tế vượt qua mô hình công nghiệp khai thác tận thu hiện nay, tập trung vào
các lợi ích tích cực cho toàn xã hội. Nó kéo theo hoạt động kinh tế dần tách rời khỏi việc
tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn và hạn chế chất thải phát sinh, đồng thời chuyển đổi
sang các nguồn năng lượng tái tạo” (Ellen MacArthur Foundation, 2013).

Thực tế, mô hình kinh tế tuần hoàn đã mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia phát
triển. Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần
hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của
Liên Hợp quốc (Trương Thị Mỹ Nhân, 2019). Dự tính đến năm 2030, kinh tế tuần hoàn sẽ
giúp thế giới tiết kiệm 4,500 tỷ USD, chỉ tiếng riêng Châu Âu đã có thể tiết kiệm tới 600
tỷ EUR mỗi năm (European Commission, 2018).

1
Nguyễn Thị Khánh Huyền – KTQT1

Vào năm 2013, Hà Lan đã tiến hành một loạt chương trình với mục đích đưa quốc
gia này trở thành “trung tâm tuần hoàn” của Châu Âu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp
đất nước này giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong công
nghiệp và tạo ra khoảng 7 tỷ euro cho nền kinh tế. Ở khu vực Châu Á, Singapore là tấm
gương điển hình trong việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến nay, đảo quốc sư tử
này đã xây dựng được 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên
đến 1.000 tấn rác mỗi ngày (Nguyễn Hồng Anh, 2021).

Về Việt Nam, đất nước ta cũng ngày càng quan tâm hơn và đã có những động thái
tích cực tạo điều kiện để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, đại diện Việt
Nam đã tham dự Diễn đàn Thế giới về kinh tế tuần hoàn tại Phần Lan và tham gia Chương
trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, tham quan các mô hình sản xuất theo kinh
tế tuần hoàn tại Cộng hòa Liên bang Đức. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi
năm 2020 đã lần đầu tiên quy định kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế, trong đó bao
gồm các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật
liệu, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường.

Gần đây nhất, tháng 6/2022, Chính phủ đã ra quyết định Phê duyệt Đề án Phát triển
kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu
giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm
2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngoài ra, Đề án cũng hướng
tới việc tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong
và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần
hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế (Chính phủ, 2022).

Ở phạm vi nhỏ hơn, một số mô hình tiếp cận kinh tế tuần hoàn đã được triển khai
và đem lại những hiệu quả nhất định như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số
địa phương; Mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và
SSE; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” do
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng. Hay tại công ty
Ajinomoto Việt Nam lò hơi sinh học (sử dụng trấu ép – phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên

2
Nguyễn Thị Khánh Huyền – KTQT1

liệu) đã được đưa vào vận hành để cung cấp hơi nước cho sản xuất. Việc chuyển đổi sử
dụng hóa thạch sang nhiên liệu sinh học giúp cắt giảm 25% lượng khí CO2 thải ra môi
trường. Chương trình “Không phát thải” bằng 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) đã thu hồi
và tái chế 99,97% lượng chất thải rắn toàn công ty (Lương Thu Thủy, 2020).

Nhìn chung, thời gian qua, Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực trong quá trình
phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến
tính sang kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Về phía các cơ quan quản lý, trước hết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng
cao nhận thức cho người dân, cho doanh nghiệp đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực
hiện. Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai
trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tiếp theo, Chính
phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cuối
cùng, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, sử
dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt
là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.

Đối với các doanh nghiệp, đầu tiên cần chủ động nâng cao nhận thức của các nhà
sản xuất và công chúng đối với quá trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của quốc
gia. Tiếp đó, cần tập trung nguồn lực tài chính để đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi
phương thức sản xuất theo hướng hiện đại. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp phải
cân nhắc kỹ lưỡng bài toán lựa chọn lợi ích ngắn hạn hay đầu tư vì mục tiêu dài hạn trong
tương lai.

Kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài
xu thế đó. Để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự chung tay nỗ lực của mọi
thành phần trong xã hội, đặc biệt là Nhà nước và doanh nghiệp với vai trò trung tâm.

3
Nguyễn Thị Khánh Huyền – KTQT1

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ. (2022). Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần
hoàn ở Việt Nam.

2. Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the circular economy: Economic


and business rationale for an accelerated transition.

3. European Commission. (2018). Communication from the Commision to the


European Parliament, the Council, the European Economic and Social Commitee
and the Commitee of the Regions on a monitoring framework for the circular
economy.

4. Lương Thu Thủy. (2020). Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm phát
triển bền vững đất nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/12/08/thuc-day-nen-
kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-nham-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc/

5. Nguyễn Đình Đáp. (2021). Kinh tế tuần hoàn: Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Tạp Chí Ngân Hàng, Số 17, 2–9. https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-te-tuan-hoan-
nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.htm

6. Nguyễn Hồng Anh. (2021). Kinh nghiệm áp dụng kinh tế tuần hoàn của một số nước
trên thế giới và vấn đề đặt ra với Việt Nam. Tạp Chí Công Thương - Các Kết Quả
Nghiên Cứu Khoa Học và Ứng Dụng Công Nghệ, Số 9.
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-nghiem-ap-dung-kinh-te-tuan-hoan-cua-
mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-van-de-dat-ra-voi-viet-nam-81490.htm

7. Trương Thị Mỹ Nhân. (2019). Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các
điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tạp Chí Tài Chính Kỳ 1. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-
nghiem-xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-va-cac-dieu-kien-de-chuyen-doi-o-viet-
nam-317345.html

You might also like