You are on page 1of 12

"Đàn hương hình" của Mạc Ngôn soi chiếu từ góc nhìn phân tâm học

"Mạc Ngôn" tiếng Trung có nghĩa là "không nói". Thế nhưng, như những ai
đã đọc tác phẩm của ông đều thấy dưới ngòi bút Mạc Ngôn lại ẩn chứa vô
vàn những lời muốn nói.

Tuy rằng Mạc Ngôn thuộc lớp nhà văn trẻ ở Trung Quốc song ông dám viết
về cái hiện thực bề sau, bề sâu, của lịch sử hiện đại nước ông. Mạc Ngôn là
nhà văn có những cách tân quan trọng, có sự "dấn thân" trong sáng tác nhằm
thể hiện nội dung xã hội và tâm lý con người một cách vi tế và đa dạng, phù
hợp với tầm đón nhận của độc giả thời hiện đại. Bằng lối viết kì lạ pha chút
kì ảo, tượng trưng mang đậm sắc thái phương Đông, song ẩn tàng trong đó
là những triết lý nhân văn sâu sắc, đầy tính nhân bản. Từ trước đến nay,
phần lớn các bài nghiên cứu thường áp dụng nội hàm của lí thuyết thi pháp
học, tự sự học... để tìm hiểu tiểu thuyết Mạc Ngôn. Gần đây, xu hướng khám
phá tác giả, tác phẩm theo hướng phân tâm học đang khá phổ biến. Từ góc
nhìn phân tâm học, chúng ta có thể làm rõ nhiều điều trong tác phẩm của
Mạc Ngôn.

1. Mạc Ngôn và những ẩn ức thăng hoa thành nghệ thuật

Phân tâm học và quan niệm về sự thăng hoa cảm xúc

Có thể nói giữa văn học nghệ thuật và phân tâm học có sự gặp gỡ. Nếu phân
tâm học đi sâu vào nghiên cứu thế giới nội tâm của con người để phát hiện
ra những điều thầm kín, riêng tư nhất thì văn học lại là ngành khoa học của
tâm hồn con người. S. Freud trong quá trình nghiên cứu của mình rất xem
trọng hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là sáng tạo của nhà văn. Ông
xem tác phẩm là kết quả của hoạt động thỏa mãn ham muốn bản năng và
những xung động tinh thần của người nghệ sĩ. Ham muốn của con người
luôn bị kiềm tỏa bởi vô vàn trở lực kìm nén như đạo đức, pháp luật, quy tắc,
giáo dục... Vậy nên, nó bị dồn vào vùng sâu vô thức và nó sẽ tìm cách giải
thoát thông qua giấc mơ và tưởng tượng. Theo Freud, sáng tạo văn học nghệ
thuật là một sự "thăng hoa"- chuyển những xung năng tình dục sang "phục
vụ" cho mục đích văn hóa. . "Nghệ sĩ rút khỏi thực tế không thỏa mãn để đi
vào thế giới tưởng tượng, song trái lại vẫn phải đặt chân vào thực tế". Sáng
tác văn chương là công việc được ví như đứa trẻ sắp xếp trò chơi của mình.
Cả hai đều đòi hỏi sức tưởng tượng lớn, tạo ra một trật tự mới (dựa trên
những cứ liệu có sẵn) theo óc sáng tạo của mình. Thế giới mới được hình
thành độc lập với thực tế nhưng cũng có mối quan hệ chặt chẽ với thực tế.

Mạc Ngôn - khối óc tài năng, trái tim rộng mở và những ẩn ức thăng
hoa

Để hiểu hơn về sáng tác Mạc Ngôn cũng như Đàn hương hình, trước hết,
chúng ta có thể soi chiếu từ cuộc đời nhà văn với những dồn nén ẩn ức và sự
"giải thoát" thông qua sáng tạo nghệ thuật. Mạc Ngôn xuất thân từ nông dân,
không được ăn học đến nơi đến chốn, chịu cuộc sống cơ hàn và chứng kiến
bao cảnh đói rách, khổ nhục của người thân trong gia đình (trong kí ức của
mình, ông khắc sâu hình ảnh người mẹ lầm lũi, bệnh tật giày vò, tội nghiệp)
và của nhiều kiếp người khác. Điều này lí giải vì sao Mạc Ngôn lấy nhiều
hình mẫu ngoài đời để đưa vào tác phẩm (Người mẹ, anh em trong gia đình,
những người nông dân ở Cao Mật... và ngay cả bản thân). Hơn nữa, ông sinh
ra và lớn lên ở quê hương Đông Bắc Cao Mật, một vùng đất đầy biến động
và nếm trải nhiều thăng trầm lịch sử, cho nên vốn sống của ông càng phong
phú và ấn tượng về cuộc đời càng in đậm trong tâm trí ông. Từ tiềm thức của
mình, ông luôn khao khát được bày tỏ nỗi lòng, được thay đổi số phận.
Có khi, ông tự bạch: "Ba truyện (Tửu quốc, Cao lương đỏ, Bài ca nhành tỏi
thiên đường) khác nhau rõ rệt nhưng tầng sâu vẫn là một, đó là sự ngưỡng
vọng cuộc sống ấm no của một đứa trẻ từng khiếp hãi vì đói" (Bài nói tại
trường Đại học Transfort, tháng 3, 2000). Ta còn bắt gặp trong nhiều tác
phẩm khác của ông (như Báu vật của đời hay Sống đọa thác đày) đầy rẫy
cảnh tượng người đói khổ. Đó không chỉ là cái đói về thể xác mà còn là cái “
đói’’ về mặt tình cảm. Mạc Ngôn bắt đầu viết vào đầu những năm 80 - khi
văn học Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, văn học phương Tây tràn vào.
Chính điều này đã góp phần tạo đà cho những sự đột phá trong sự nghiệp
sáng tác của Mạc Ngôn. Nguyên nhân tự bên trong bản thân nhà văn,
nguyên nhân xã hội khiến cho lực viết của Mạc Ngôn thực sự kinh hoàng.
Hầu như, mỗi tác phẩm ông viết ra đều có sự thôi thúc mãnh liệt và ông sáng
tác rất nhanh.

2. Tìm hiểu nét độc đáo của Đàn hương hình từ góc nhìn phân tâm học

Đàn hương hình - một trong những cách thức của sự giải thoát

Như trên có nói, thời đại, xã hội, gia đình, những trăn trở, ước muốn của bản
thân đã hun đúc nên một Mạc Ngôn giàu vốn sống và đầy trắc ẩn. Tiểu
thuyết Mạc Ngôn được xây dựng nên từ những hồi ức, những ham muốn (về
vật chất và tinh thần) của chính tác giả và của cả một cộng đồng người. Đàn
hương hình được viết vào mùa thu năm 1996, chỉ trong một thời gian ngắn
ông đã hoàn thành tác phẩm với gần bảy trăm trang. Đó là sự dâng tràn của
cảm xúc, là sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và xúc cảm thăng hoa. Cái độc
đáo ở đây là tác phẩm lại hướng về lịch sử, về thời kì mục rỗng thối nát của
triều Đại Thanh: Những tên đao phủ được tâng bốc như kẻ bề trên, vùi dập
các vị quan vì dân, với người Tây thì ra sức nịnh bợ. Nhưng đây là tiểu
thuyết mang phong cách "lịch sử mới" - lịch sử qua phương thức tự sự dân
gian. Cuối tác phẩm Đàn hương hình có phần "Viết thêm" của tác giả. Từ
đây, ông tâm sự rằng có hai động lực thôi thúc ông sáng tác và khơi gợi
những hồi ức của mình. Đó đều là âm thanh. Loại âm thanh thứ nhất là tiếng
tàu hỏa trên đường sắt Giao - Tế cổ lỗ: "Kể từ khi tôi biết nhớ, mỗi khi trời u
ám là có thể nghe thấy tiếng còi xe lửa như tiếng bò rống, trầm đục, dài lê
thê... tiếng còi, tiếng xe lửa chạy trên cầu sắt và bầu trời u ám gắn liền nhau,
gắn liền với tuổi thơ cô đơn và đói rách của tôi". Loại âm thanh thứ hai
chính là hí kịch Miêu Xoang, thịnh hành ở vùng Đông Bắc Cao Mật. Loại
hát này giọng điệu bi ai, buồn thảm. Nó là tiếng than khóc của những con
người bị áp bức, được di truyền trong dân gian. Có nhiều câu chuyện được
lưu truyền ở quê hương Cao Mật nói tới sức mạnh thần kì của làn điệu này.
Có người xa quê sau khi nghe hát Miêu Xoang bỗng được thỏa lòng mà
nhắm mắt xuôi tay... Làn điệu Miêu Xoang và tiếng còi tàu xé tai, "hai loại
âm thanh quyện vào tuổi ấu thơ của tôi như những hạt giống, gieo trong tâm
khảm tôi, sẽ nảy mầm, sẽ lớn lên trong cây đại thụ, thành tác phẩm quan
trọng của tôi" (Mạc Ngôn, Đàn hương hình, tr 676). Những âm thanh đó
Mạc Ngôn vô tình gặp lại, kí ức từ lâu ngủ yên đã trỗi dậy thôi thúc ông
sáng tác. Đàn hương hình đã ra đời. Trong Đàn hương hình, hầu như mọi
hoạt động của nhân vật đều diễn ra trên nền nhạc Miêu Xoang. Giọng mèo
đó trở đi trở lại từ đầu đến cuối tác phẩm tạo nên một sự ám ảnh, xót thương
sâu sắc. Âm thanh "Mi - ao - mi - ao", "meo...eo... m... eo" lặp lại với tần số
cao, nhất là phần ba - Đuôi beo. Tiếng mèo trong giọng Mi Nương, Giáp
Con, Út Sơn, Tiền Đinh và hơn cả là giọng mèo của gánh hát Miêu Xoang
vùng Đông Bắc Cao Mật như một dàn hợp xướng kêu gào thảm thiết dội vào
lòng người đọc một tình cảm xót thương. Mặt khác, giọng mèo cũng như
một dòng nước mát làm cho con người quên đi nỗi đau đớn của người bị
hành hình trên "Thăng thiên đài". Tiếng hát Miêu xoang và tiếng khóc của
người thân đã tôn lên hình tượng vừa bi thiết vừa hùng tráng của Tôn Bính.
Giọng bi thiết đã nâng nỗi đau lên tầm sử thi.

Không phải vô lí mà người viết nói Đàn hương hình là tiểu thuyết mới mang
phương thức tự sự dân gian. Bởi thứ nhất nó được viết trên nền hí kịch Miêu
Xoang - một loại hình sân khấu dân gian. Thứ hai, ngôn ngữ trong tác phẩm
có xu hướng quay về cội nguồn, tìm những nét đẹp trong truyền thống trong
dân gian và trong tâm linh người dân. Ta bắt gặp không ít những tục ngữ,
thành ngữ ("Cô con dâu hiền của ta, những trò trộm gà bắt chó của con
không che được mắt ta đâu"), lối nói biền ngẫu ("chó eng éc thì vẫn là chó,
lợn gâu gâu thì vẫn là lợn, cha đẻ tuy không yêu nhưng vẫn là cha"), ẩn dụ,
ngoa dụ... Đàn hương hình có một chất dân gian riêng, chất dân gian gắn với
huyền thoại, khác với nhiều tác phẩm của các tác giả cùng thời và của chính
Mạc Ngôn. Những nhân vật huyền thoại của dã sử, có những năng lực phi
thường hoặc có sự biến hoá như Triệu Giáp, Tiền Hùng Phi, Lưu Quan Đệ,
Tôn Bính vừa nói lên sự "quay trở lại nguồn cội thần thoại" vừa nói lên
những ước mơ, mong muốn từ trong vô thức của cá nhân nhà văn và những
kiếp người bị chèn ép.

Đàn hương hình - Con người với những ám ảnh vô thức

Trước hết đó là ám ảnh về cái chết. Theo Freud, bộ máy tâm thần của con
người gồm có bản năng sống (Eros) và bản năng chết (Thannatos). Bản năng
sống làm cho con người yêu đời, vui vẻ, lạc quan. Ngược lại, bản năng chết
lại khiến cho con người luôn âu sầu, sợ hãi mọi thứ và muốn biến mất khỏi
thế giới này bằng cái chết. Họ bất lực trước cuộc sống và cái chết, theo họ,
cái chết như là một sự cứu rỗi, giúp thoát khỏi khổ đau. Trong Đàn hương
hình, tác giả nói đến rất nhiều cái chết (Cái chết bi thương của vợ con Tôn
Bính đã ám ảnh, thôi thúc ông trả thù, cái chết của hai mươi bảy người dân
trấn Mã Tang,của Tiền Hùng Phi, của những người hát Miêu Xoang đến tiễn
đưa Tôn Bính... và cả cái chết đang chờ đợi Tri huyện Tiền Đình...). Mỗi cái
chết có một nguyên nhân khác nhau nhưng điểm chung là trong tâm trí các
nhân vật cái chết luôn đồng hành, cái chết lẩn quất, rình rập ở khắp nơi.
Đáng nói nhất là cái chết của Tôn Bính. Lúc đầu, Tôn Bính không màng đến
cái chết, muốn báo thù cho vợ con và người dân vô tội trấn Mã Tang. Sau
khi bị bắt, ông buông xuôi phó thác cho số phận, cái chết từ lâu ám ảnh ông
đã cận kề. Ông muốn chết. Một người anh em giả mạo làm Tôn Bính, bằng
hữu đến để giúp ông vượt ngục, nhưng ông chống cự khi sắp thoát thân. Rồi
ông lại bị bắt và đem ra hành hình. Một thanh gỗ đàn hương được xuyên từ
hậu môn lên đến vai ông, bắt ông chịu đựng trong năm ngày trước khi chết.
Trong thời gian bị hành hình, Tôn Bính muốn sống (ông tự nguyện há miệng
uống nước sâm và thuốc của Tô Trung Hòa), nhưng ngay sau khi gánh hát
Miêu Xoang đến hát cho ông nghe lần cuối cùng và bị lính Đức thảm sát,
ông lại muốn chết. Bản năng sống và chết cứ giằng co trong con người ông.
Cuối cùng, tri huyện giúp Tôn Bính nhanh chóng được chết bằng con dao
cắm sâu vào ngực, phá vỡ kế hoạch thông xe của người Đức, để xe lửa của
họ lăn bánh trên xác người Trung Quốc...
Đến đây cũng cần nói đến bản năng xâm hại. Bản năng xâm hại thường liên
quan đến chiến tranh và bạo lực. Kẻ mạnh có lợi thế và thường đi gây hấn,
xâm hại người khác, cộng đồng khác. Trong Đàn hương hình, vấn đề này
được nói đến rất nhiều. Đó là sự chèn ép, áp bức của đại quan triều Thanh
đối với cấp dưới và dân chúng. Đó là sự lấn át của người Đức với triều Đại
Thanh. Đó còn là cách đối xử giữa người với người. Đặc biệt là những cái
chết gắn với khổ hình, hành hình. Những màn hành hình trong tác phẩm đều
ghê rợn và nghịch dị. Ngoài cách hành hình đối với Tôn Bính như đã nói ở
trên, người đọc còn chứng kiến cảnh Triệu Giáp tùng xẻo Tiền Hùng Phi.
Bốn trăm chín mươi chín miếng thịt trên người tiền Hùng Phi lần lượt rơi
xuống... Đến miếng thứ năm trăm thì phạm nhân lìa đời. Điều đáng lưu ý là
Mạc Ngôn đã phóng đại cái chết và cái chết trở thành "bệ đỡ" để khổ hình
được nâng lên tầm mĩ học. Triệu Giáp, người trực tiếp thi hành án được tâng
bốc như một bậc đại tài. Dưới cái nhìn của đao phủ Triệu Giáp, vấn đề chém
giết trở thành âm nhạc có khả năng làm say lòng người, đem đến khoái cảm
thẩm mĩ cho người xem. Cái ác có khi cũng là cái đẹp, chú trọng những cái
dị thường, khủng khiếp, quan điểm này gần với quan điểm mĩ học Baroque.
Nhưng, nhà phê bình và độc giả cần phải tỉnh táo. Ở chỗ, Triệu Giáp mơ hồ
về mình, về "giá trị" của khổ hình không có nghĩa là sự mơ hồ của chúng ta
về mặt khổ hình. Chúng ta tò mò và thậm chí là say mê trước khổ hình
không có nghĩa là chúng ta phê phán nó. Cùng với bản năng xâm hại, bản
năng tình dục cũng là một yếu tố hợp thành bản năng gốc của con người.
Trong Đàn hương hình, ta không bắt gặp đầy rẫy những cử chỉ vuốt ve hay
ân ái như một số tác phẩm khác của Mạc Ngôn, đáng nói ở đây là mối quan
hệ giữa tri huyện Tiền Đinh và người con nuôi trên danh nghĩa - Mi Nương.
Tiền Đình tỏ ra nghiêm trang nhưng trong vô thức luôn trông đợi sự xuất
hiện của Mi Nương ("Mỗi tấc da thịt trên người ông đều khao khát nàng, ôi
người đàn bà của ta, nàng sao mà kì lạ, sao mà mĩ miều, biết chắc rằng tiền
đồ của ta sẽ bị hủy hoại trên tấm thân nàng, vậy mà ta cứ si mê, quyến luyến
nàng"). Cũng vì say mê Tiền Đinh mà Mi Nương trở nên "tâm thần bất
định", thậm chí có lúc cuồng điên. Trong giấc mơ của Mi Nương là được
"mây mưa" với quan tri huyện, và qua giấc mơ, ham muốn tình dục của cô
được thỏa mãn. Không chỉ trong mơ mà ngoài đời thực, Mi Nương và Tiền
Đình cũng đã ăn nằm với nhau trong sự ham muốn cuồng si. Không thể phủ
nhận việc hai người này đến với nhau xuất phát từ tình yêu, nhưng nổi lên
trên là ham muốn được thỏa mãn dục vọng. Người ta tìm đến tình dục như
một điều tất yếu, như một cách thức để xoa dịu nỗi đau tinh thần.
Một khía cạnh khác cần phải nhắc đến, đó là giấc mơ - "con đường hoàng
đạo để khám phá vô thức" trong Đàn hương hình. Có những cách định nghĩa
khác nhau về giấc mơ. Nói chung, giấc mơ là hoạt động tâm thần, không phụ
thuộc vào ý chí, thường diễn ra trong giấc ngủ. Khi mơ diễn ra trong trạng
thái thức thì đó là một hư cấu của trí tưởng tượng trong khi tìm cách thoát
khỏi thực tại. Từ trước đến nay, người ta có rất nhiều cách giải thích về giấc
mơ. Ở thời cổ đại, giấc mơ là một thông điệp của các vị thần gửi cho con
người (như giấc mơ của nàng Nausicaa, nhân vật trong Odysse'e, con gái
Alcinoó, vua của Phéaciens, nàng là người đón tiếp Ulysse sau khi chàng bị
đắm tàu). Trong bi kịch, giấc mơ báo trước một số phận không thể thay đổi
được nhưng vẫn mù mờ để khiến người ta sợ hãi. Đối với một số nhà văn,
đặc biệt là nhà văn siêu thực, tác phẩm của họ phản ánh giấc mơ khát vọng
cái tôi sâu thẳm của chúng ta (quan niệm của Nodier, Proust)... Còn như
Hugo, Rimbaud, Breton hay Michaux thì giấc mơ là một phương tiện đạt tới
những chân lí bị che giấu mà lí trí không phát hiện được. Có người lại cho
rằng "Giấc mơ là cuộc sống thứ hai", hay giấc mơ đẹp hơn hiện thực, giấc
mơ tạo thành những huyền thoại, những cảnh thần tiên... Còn đối với phân
tâm học, giấc mơ được nghiên cứu một cách khoa học, nó vừa là "người gác
giấc ngủ" vừa là sự thực hiện một ham muốn thường bị kìm hãm bởi cá nhân
có ý thức (Nodier cũng cho rằng người ta giải phóng vô thức ra khỏi những
kìm nén). Theo Freud, căn nguyên của giấc mơ bao giờ cũng xuất phát từ
ham muốn tình dục, nhưng tất cả những giấc mơ không hiện ra ở dạng thực,
vì bị ý thức ngăn chuyển nên nó được bộc lộ ra dưới hình thức "nguỵ trang",
phần "ngoại hiện" của giấc mơ thường khó hiểu, hỗn độn. Từ việc phân tích
giấc mơ để nhằm khám một ham muốn nào đó trong vô thức. Đối với Đàn
hương hình, người viết nhận thấy vô thức cá nhân theo quan điểm của Freud
có dấu ấn sâu sắc. Trong tác phẩm, ta bắt gặp những trăn trở, những ý tưởng,
những ham muốn của nhân vật bộc lộ qua giấc mơ. Đáng lưu ý là giấc mơ
của Giáp Con và Mi Nương. Giấc mơ của Mi Nương thường là được ân ái
với quan tri huyện Tiền Đinh. Có khi cô mơ trong lúc ngủ, có khi mơ cả khi
đang thức. Tâm trí cô luôn dồn về phía quan tri huyện. Những hình ảnh
trong giấc mơ xuất phát từ một sự mơ mộng tình cảm, từ những đam mê
xoay quanh một người mà mình yêu mến - đó là Tiền Đinh. Giấc mơ mang
đến cho Mi Nương sự thoả mãn, có được sự khoái cảm. Nhưng giấc mơ của
Mi Nương tương đối dễ hiểu, không thấy sự "nguỵ trang", ý thức không
kiểm duyệt. Đó là những lúc cô sống hoàn toàn bằng vô thức. Giấc mơ của
Giáp Con lại khác. Giấc mơ có được ria mép hổ để nhìn thấy bản tướng
người khác. Đó là sự ám ảnh của Giáp Con về những câu chuyện huyền
thoại hoang đường mà mẹ đã từng kể. Theo lời mẹ, người nào có được sợi
ria hổ dắt trong người thì có thể thấy rõ chân tướng của người khác. Dưới
con mắt của một người có râu hổ như Giáp Con, có kẻ biến thành trâu, bò,
lợn, gà... có kẻ cũng có bản tướng là người. Ở phần "Đầu phụng", đoạn
"Giáp Con lảm nhảm" (từ trang 112 đến trang 121), Giáp Con đã mơ một
giấc mơ dài. Anh ta thấy bố mình là một con báo đen, thấy vợ là bạch xà.
Râu hổ mà anh ta có chỉ là một cái lông của Mi Nương. Nhưng giấc mơ của
Giáp Con làm chúng ta nghĩ rằng râu hổ có thật. Chính kho huyền thoại mà
Mạc Ngôn được "đọc bằng tai" (tức được nghe kể) ngày xưa đã tạo nên
những trang viết hấp dẫn, hư thực đan xen một cách tài tình. Giấc mơ của
Giáp Con cũng xuất phát từ ham muốn nhưng ẩn sâu bên trong là sự tái nhận
thức những người xung quanh mình. Giấc mơ của Mi Nương lại là giấc mơ
thiên về tính dục. Giấc mơ của Giáp Con là giấc mơ ám ảnh. Tưởng là Giáp
Con ngốc nghếch nhưng Giáp Con chính là người tỉnh táo và nhận ra đúng
bản chất con người nhất. Qua giấc mơ, hiện thực con người và xã hội được
hiện ra chân thực hơn, trần trụi hơn, sâu sắc hơn trong lòng độc giả.

Bi kịch cuộc sống và những mặc cảm đa phân trong Đàn hương hình

"Mặc cảm" hiểu theo nghĩa chiết tự thì "mặc" là lặng lẽ, trầm lặng. Mặc cảm
là những cảm xúc thầm lặng, thường trực trong con người, phản ánh những
việc không được thoả mãn trong cuộc sống. Mặc cảm là những trạng thái
tâm lí xuất hiện khi những nhu cầu bản năng muốn được thoả mãn. Nhưng
bị ngăn cản, và đây là những hình thức biểu hiện của mâu thuẫn nội tâm
không được giải quyết. Theo phân tâm học, các mặc cảm bao giờ cũng bắt
nguồn từ những tình huống sống thời trẻ em và mặc cảm ở đây không có
nghĩa là bất thường, không phải là một chứng bệnh phải trừ bỏ. Đây là một
cơ cấu tâm lí bình thường xuất hiện vào một lứa tuổi nhất định, theo đà
trưởng thành rồi được giải toả dần, được hoà nhập vào những cơ cấu tâm lí
của những giai đoạn kế tiếp, chỉ khi nào quá trình trưởng thành bị rối loạn
thì những mặc cảm thời bé mới có tác hại đặc biệt gây ra những chứng nhiễu
tâm làm cho chủ thể lùi lại có những hành vi như thời thơ ấu. Hiểu như vậy,
ta thấy mặc cảm là một trong những biểu hiện của đời sống tinh thần con
người, nghiên cứu nó tức là chúng ta đang tiến hành công việc đi vào thế
giới nội tâm sâu kín, đầy những điều lí thú. Nếu như mặc cảm Oedipe và
mặc cảm tình dục ấu thơ là điểm nổi trội trong Báu vật của đời thì đối với
Đàn hương hình, nhân vật thường mang mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi. Giáp
Con tự ti trước vợ, Mi Nương tự ti vì có bàn chân thô kệch. Có thể nói, trong
xã hội đương thời, khi mà người nam nhi được coi trọng, Giáp Con lại tự ti
trước vợ thì đó là nỗi đau của một người đàn ông. Đến lượt Mi Nương, rất
nhiều lần cô tủi hổ nhìn xuống bàn chân mình, nhiều lúc nhói lòng khi bất
giác nhìn thấy bàn chân son của một cô gái nào đó, nhất là sự ghen tị với bàn
chân nhỏ nhắn xinh đẹp của phu nhân tri huyện. Đó cũng là sự tự ti về thân
phận. Điều này bám riết lấy nhân vật từ đầu đến cuối truyện, song hành với
bi kịch cuộc đời họ. Cũng như nhân vật của mình, Mạc Ngôn thường tự ti về
bản thân không được học hành tử tế, bị đuổi học, gia cảnh rất khó khăn...) và
ông coi sự tự ti đó chính là một phần trong mỗi con người. Ai cũng có
khuyết điểm và khuyết điểm khiến chúng ta tự ti. Nếu không có cái nhìn lạc
quan thì khuyết điểm ấy sẽ nhấn chìm chúng ta xuống bi kịch. Bên cạnh mặc
cảm tự ti, nhân vật trong Đàn hương hình cũng mang mặc cảm tội lỗi. Mặc
cảm này khiến cho con người thường trong trạng thái ăn năn, hối hận. Trong
truyện, quan huyện Tiền Đinh là người như vậy. Ông luôn sống trong dằn
vặt vì dân phải chống lại lệnh trên, giết dân thì trái với lòng mình. Cái chết
của nhiều nhân vật trong truyện đem đến không ít đau khổ cho Tiền Đinh.
Đặc biệt là cái chết của Tôn Bính, Cái chết liên quan đến mối quan hệ tình
cảm giữa ông với Tôn Bính, giữa ông với Mi Nương, cha con Triệu Giáp,
với nhân dân Cao Mật... Những lời sâu thẳm trong tâm trí Tiền đinh thường
được diễn tả trong những dòng độc thoại nội tâm xúc động, thường trong
không gian đêm tối hoặc trời tờ mờ. Thời gian như không xác định trên thực
tại mà thứ ngôn ngữ của tâm lí làm cho thời gian trôi theo ý thức tự chảy.
Đây là những sáng tạo thành công trong việc miêu tả tâm lí của Mạc Ngôn.

Tất nhiên sẽ còn nhiều thiếu sót, ngay cả những trang viết của Mạc Ngôn,
một mặt được độc giả hết lời ca tụng mặt khác cũng không tránh khỏi những
tiếng xì xầm chê bai. Nhưng chúng ta luôn ủng hộ cái mới, cái riêng, cái lạ
….

You might also like