You are on page 1of 5

Cuộc thi viết "Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học" 2010

HỌC ĐẠI HỌC HAY CHỈ LÀ


HỌC SINH CẤP 4
Vũ Hải Yến

Những ngày qua, tất cả những con người mang dòng máu Việt Nam trên toàn thế giới
không khỏi tự hào khi biết thông tin Giáo sư Ngô Bảo Châu đã vinh dự đạt giải thưởng
toán học danh giá Field. Những học sinh, sinh viên, những con người trẻ đang có tâm
huyết với khoa học như được tiếp thêm sức mạnh để vươn tới mục tiêu cao đẹp. Nhiều
bạn trẻ chắc đã từng mơ ước rằng mình sẽ được như thế, có một niềm tự hào như thế.
Và chắc chắn là để có một niềm tự hào như “thế” thì cần phải có một đôi cánh như
“thế”, một bệ phóng như “thế”. Nền tảng, bệ phóng đó chắc chắn phải đến từ một
trường Đại Học như “thế”.

Tôi đã từng ngắm những sinh viên Đại Học nước ngoài với những bộ cánh xinh xắn
đến trường, khác hẳn với sinh viên của tôi, đến giảng đường, áo quần còn ướt đẫm mồ
hôi, gương mặt còn loang chút phấn son sau mấy giờ ngồi cho người ta thuê mặt để
trang điểm, bàn tay còn lem luốc vết dầu mỡ từ một tiệm thức ăn nhanh nào đó. Tôi đã
từng đứng ngắm khoảng không gian xanh mướt của các trường Đại Học nước ngoài và
nghĩ về ngôi trường của mình. Tôi đã từng nhìn những phòng thí nghiệm của các
trường Đại Học nước ngoài và nghĩ đến phòng thí nghiệm nhỏ bé ở khoa mình, nơi các
em rất cần một không gian học thuật, cần kiến thức thực tế, cần làm nghiên cứu khoa
học, nhưng không thể…

Tôi đã từng tự hỏi sao đời sống của một giáo sư giảng dạy Đại Học nước ngoài không
giàu, nhưng chưa bao giờ chật vật. Mà sao những giảng viên Việt Nam vẫn còn vất vả,
vẫn còn lo toan nhiều. Và tôi vẫn mỗi ngày tìm ra câu trả lời.

Làm sao để một em học trò của tôi hôm nay “đến trường là niềm vui” chứ không còn
mang trên vai nỗi lo toan cơm áo gạo tiền? Làm sao trường Đại Học là nơi em muốn
đến mỗi ngày với đầy nhiệt huyết, không phải là những giờ học chán ngắt từ các “tiến
sĩ gây mê” thừa lý thuyết và thiếu thực tế?

1 http://hu200.hoasen.edu.vn
Cuộc thi viết "Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học" 2010

Đành rằng người nước ngoài sống bằng nhà trả góp, đi học bằng tiền ngân hàng, người
Việt Nam sống trong những ngôi nhà lụp xụp bằng tiền của mình, học bằng tiền chắt
chiu mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Đành rằng mỗi nơi một kiểu, nhưng sao tôi vẫn
không khỏi chạnh lòng.

Trẻ em không muốn đến trường vì không thích học, vì sợ cô giáo, vì không thích bạn
bè. Vì trường học không phải là một nơi hấp dẫn. Vậy làm sao để một trường Đại Học
đẳng cấp có thể đem đến tất cả những điều mà sinh viên muốn: một môi trường học
thuật đúng nghĩa, nơi ươm mầm những niềm say mê, một nơi mà sinh viên có cảm giác
chạm đến gần ước mơ của mình, một nơi mà sinh viên cần muốn đến trong mỗi ngày.

Một người đã từng học Đại Học và gắn bó với môi trường Đại Học trong tôi lại dấy lên
mơ ước về một mô hình Đại Học ở Việt Nam.

1. Đỉnh cao về học thuật

Ở Việt Nam, trường Đại Học và Viện Nghiên Cứu hoạt động độc lập và có hỗ trợ liên
kết đào tạo với nhau để tận dụng nguồn nhân lực từ phía sinh viên và các trang thiết bị
hiện đại từ các Viện Khoa Học. Nhưng thực sự, có nhất thiết phải là như thế khi mục
tiêu giáo dục và khoa học đều là mục tiêu cao nhất của mỗi quốc gia. Có nên chăng,
chúng ta cần giảm bớt số lượng Viện Khoa học nhỏ lẻ trực thuộc các hiệp hội nghề, tạo
nên những Trường Đại Học – Trung Tâm Nghiên cứu khoa học với các Thầy cô giáo
tâm huyết - trang thiết bị hiện đại- trình độ công nghệ tiên tiến.

2. Một môi trường khoa học đúng nghĩa

Xét về một khía cạnh nào đó, chính khoa học – chứ không phải là giảng dạy mới làm
nên chất lượng – uy tín – thương hiệu cho một trường Đại Học. Chính vì vậy, Trường
Đại Học phải là điểm nhấn chính trong mô hình UCC University – Center – Company.
Những đề tài nghiên cứu khoa học đúng nghĩa sẽ được triển khai tại các trường Đại
Học và nơi áp dụng nó chính là các doanh nghiệp. Trường Đại Học không chỉ làm ra
những đề tài to tát để rồi cất tủ lâu lâu lấy ra phủi bụi, rồi sau đó vật vã đi tìm doanh
nghiệp để chuyển giao công nghệ. Vậy thì hơn ai hết, trường Đại Học cần phải là một
nơi nghiên cứu khoa học thực chất và đúng nghĩa nhất.

2 http://hu200.hoasen.edu.vn
Cuộc thi viết "Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học" 2010

Có thể trong thời gian qua, những thành tích của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đem đến
một luồng sinh khí mới cho nghiên cứu khoa học. Nhưng đằng sau tất cả những vinh
quang đó, nghiên cứu khoa học của sinh viên vẫn còn nhiều điều đáng nói. Để khoa học
không đơn thuần chỉ xuất phát từ đam mê mà còn phải có nền tảng vững chắc, có được
sự hỗ trợ về kinh tế và tri thức. Chính vì vậy, những nhà quản lý khoa học còn phải làm
nhiều việc. Sau 20 năm, phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên đang có dấu hiệu
chững lại. Nghiên cứu chưa cuốn hút được số lượng lớn sinh viên, chưa là động lực và
niềm say mê của sinh viên bên cạnh công việc học tập.

Thứ nhất, đó chính là sự hỗ trợ về các trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện các đề
tài nghiên cứu. Đa phần các đề tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ đều cần có sự lao
động thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm/xưởng thực nghiệm và những trang
thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đã qua rồi cái thời tất cả những
nghiên cứu của sinh viên chỉ đơn thuần là cưỡi ngựa, xem hoa, chủ yếu về ý tưởng.
Nghiên cứu cần có những luận chứng khoa học vững chãi và có độ tin cậy cao. Nghiên
cứu cần sự công nhận của một nền khoa học nghiêm túc. Nghiên cứu cần có một môi
trường và những người nghiên cứu cần có được sự tôn trọng của cộng đồng. Chính vì
vậy, các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu thực nghiệm là thực sự cần thiết.

Thứ hai, đó là sự hỗ trợ về kinh phí để thực hiện các đề tài. Đây là một điều rất cần thiết
đối với các đề tài khoa học. Với kinh phí thấp rất khó để thực hiện các đề tài có chất
lượng cao. Chính vì vậy, việc liên kết với doanh nghiệp, có những quỹ riêng phục vụ
cho việc phát triển khoa học công nghệ là việc cần thiết.

Thứ ba, đó là sự hỗ trợ tinh thần từ phía xã hội. Nghiên cứu khoa học cần có sự đãi ngộ
xứng đáng từ phía xã hội. Xã hội cần có sự nhìn nhận và trân trọng những nhà khoa
học. Một sinh viên sẽ không nghiên cứu khoa học nếu biết ra trường, những thành quả
nghiên cứu của họ chỉ đơn giản là những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên mà không
được công nhận trong thực tế. Nghiên cứu khoa học cần có sự chuyên nghiệp trong
trường Đại Học.

Khoa học thực sự là một thánh đường, mời gọi tất cả mọi người và không có giới hạn
cho lòng đam mê. Quả thực, nghệ thuật của giảng viên chính là khơi gợi lòng đam mê
nơi sinh viên. Những người trẻ có thừa lòng nhiệt tình và tâm huyết, nhưng lại thiếu

3 http://hu200.hoasen.edu.vn
Cuộc thi viết "Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học" 2010

kiến thức và bản lĩnh khoa học. Chính vì vậy, sự kết hợp giữa những giảng viên trẻ +
sinh viên là một sự kết hợp hoàn hảo.

Ngoài ra, duy trì hoạt động học thuật thường xuyên cũng là một cách để tạo một môi
trường học tập khoa học nghiêm túc. Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hùng đã nói “Cấn có
nghiên cứu khoa học thực sự chuyên nghiệp trong trường Đại Học” bởi lẽ không có nó,
chúng ta chỉ đang dạy dỗ sinh viên cấp 4. Và điều này đang bị lãng quên tại một số
trường Đại Học khi vấn đề tài chính còn đang eo hẹp. Nhưng họ thực sự quên rằng
nghiên cứu khoa học là điều tối quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiện
cho một trường Đại Học.

3. Cơ sở hạ tầng đúng nghĩa

Đại Học phải thực sự là một công trình kiến trúc ghi dấu ấn. Chúng ta có Đại Học Kiến
Trúc, Đại Học Xây Dựng nhưng lại chẳng mảy may cho chúng ta những ấn tượng về
kiến trúc và xây dựng.

Nên chăng, trường Đại Học phải là nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng từ phòng học đến thư
viện, khu vui chơi, giải trí, phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, nơi các sinh viên có
thể học, vui chơi, triển khai những thí nghiệm thực tế?

Khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án phân loại rác tại nguồn, ai cũng nghĩ điều
khó khăn nhất đó chính là ý thức của người dân. Rất nhiều phương án đã đề ra với mục
tiêu nâng cao dần dần ý thức của người dân. Nhưng sau thất bại của nó, người ta mới
nhận ra rằng cơ sở hạ tầng là điều quan trọng nhất. Không có nhà máy tái chế, nhà máy
chế biến phân bón, biogas, hệ thống quản lý chất thải rắn trở nên đứt gãy. Phân loại rác
xong rồi, rác không biết đi về đâu vì cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh?

Vậy thì trường Đại Học có nên là những khối bê tông xây vội vã, chất càng cao càng tốt
để sinh viên có thể hưởng khí trời? Rõ ràng ai cũng có câu trả lời cho mình.

Theo xu hướng hiện nay, các trường Đại Học đều dời ra ngoại thành để có diện tích và
quy hoạch hợp lý. Nhưng phát triển khu dân cư trong nội đô và phát triển trường Đại
Học ở ngoại thành có phải là điều hợp lý không? Khi chung cư vào đô thị, nghĩa là
nhiều tầng lớp dân cư thuộc nhiều tầng lớp xã hội đến. Điều này sẽ làm hỗn tạp văn
hóa đô thị, chất lượng môi trường bị ảnh hưởng. Kéo theo nhiều vấn đề phức tạp trong

4 http://hu200.hoasen.edu.vn
Cuộc thi viết "Người Việt Nam mong đợi gì ở các trường đại học" 2010

văn hóa, ngôn ngữ thì môi trường cũng bị ô nhiễm, cả về môi trường tự nhiên lẫn môi
trường xã hội. Vậy thì trường Đại Học có nên ở nội thành hay không? Trường Đại Học
cũng nên được xem là những khu hành chính quan trọng được ở trong nội thành, thuận
lợi cho việc đi lại của sinh viên, triển khai việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa
học.

4. Đại học – Đô thị - Văn hóa – Trung Tâm

Đại Học là bộ mặt của Thành phố, là nơi phát triển các nhân tài – nguyên khí của một
quốc gia. Vậy làm sao để trường Đại Học trở thành biểu tượng về kiến trúc, về tri thức,
về khoa học, nơi để sinh viên đặt niềm tin về học vấn, trí tuệ và hoàn tất một giấc mơ
trọn vẹn?

Nếu hỏi rằng tôi, bạn, chúng ta mong gì ở một trường Đại Học thì rõ ràng ai cũng mong
muốn một trường Đại Học to, rộng đẹp, có uy tín về chất lượng, chắc chắn có việc làm
sau khi ra trường. Nhưng sâu xa hơn nữa, trường Đại Học cần phải là một mô hình xã
hội thu nhỏ, một đô thị thu nhỏ, nơi sinh viên có thể học tập, nghiên cứu khoa học, dấn
thân, trải nghiệm và tìm ra những bài học cho mình.

Ước mơ thì chưa bao giờ dứt, nhưng để làm được nó thì cần sự góp sức của những khối
óc, những bàn tay. Sự liên kết giữa lý thuyết và hiện tại, cầu nối giữa Đại Học Việt Nam
và Đại Học nước ngoài là điều thực sự cần thiết để kéo ngắn lại khoảng cách về thời
gian và đẳng cấp. Những kinh nghiệm của Đại Học Humboldt giúp chúng ta nhìn lại
mình.

Nhìn lại và đi tới.

Bước những bước mạnh mẽ, vững vàng.

Mạnh mẽ và vững vàng hơn.

5/12/2010
Vũ Hải Yến
Địa chỉ liên lạc: 7A/108 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TpHCM
Điện thoại: 0909905748
Email: haiyen29@gmail.com

5 http://hu200.hoasen.edu.vn

You might also like