You are on page 1of 8

Bàn về cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam

27/11/2009 - 09:25 Huy Cương

"Giáo dục đại học ở Việt Nam gặp khủng hoảng ở nghĩa nó không đáp ứng được
nhu cầu của sinh viên và không đào tạo được những người làm việc phù hợp với
nền kinh tế đang chuyển đổi rất nhanh ở Việt Nam hiện nay".

GS Trần Nam Bình: "Tự chủ trong quản lí và tự do trong nghiên cứu khoa học là
chưa đủ để đưa các trường đại học ở Việt Nam đạt chất lượng cao"

Tóm lược


o Bay Vút phỏng vấn GS Trần Nam Bình về cải cách giáo dục đại học ở
Việt Nam

Giáo dục là một trong những vấn đề luôn gây được sự tập trung chú ý của người
dân Việt Nam. Suốt hơn một tháng qua, các nhà giáo, nhà quản lí giáo dục và
người dân Việt Nam đang hết sức chú ý tới cuộc tranh luận xung quanh bản báo
cáo của các giáo sư tại Harvard bàn về giáo dục đại học ở Việt Nam với tựa đề:
‚Giáo dục bậc cao ở Việt Nam: khủng hoảng và giải pháp‛. Tập trung vào vấn đề
mô hình tự chủ, tự trị và sự tự do trong nghiên cứu khoa học của các trường đại
học ở Việt Nam, Bay Vút có cuộc trao đổi với giáo sư Trần Nam Bình thuộc Đại
học New South Wales, Úc. Ông là một chuyên gia giảng dạy trong lĩnh vực thuế
và kinh tế và đã có nhiều bài viết tâm huyết về giáo dục Việt Nam. Giải thưởng
‘Vinh danh nước Việt’ năm 2006 là một trong nhiều sự ghi nhận những đóng góp
của giáo sư Trần Nam Bình đối với Việt Nam.

Bay Vút: Theo các tác giả của ‘Báo cáo Harvard’, nguyên nhân chính dẫn tới
khủng hoảng giáo dục bậc cao ở Việt Nam là do sự thất bại trong điều hành quản
lí mà một trong những yếu tố hàng đầu là các đại học Việt Nam không được ‘tự
trị’ (autonomous). Tuy nhiên về phía Bộ Giáo dục lại có thể phản biện rằng Bộ đã
cho áp dụng thí điểm qui chế tự chủ và vấn đề chỉ còn là các trường đại học có thể
đáp ứng được hay không? Giáo sư nghĩ gì về vấn đề này? Đâu là vấn đề tự chủ
cho các đại học Việt Nam?

GS Trần Nam Bình: ‚Khủng hoảng có nhiều nghĩa và nhiều mức độ khác nhau.
Nếu xem đại học là một đơn vị sản xuất thì đại học có hai nhiệm vụ chính: đào tạo
sinh viên có kỹ năng cao cho thị trường lao động và sản xuất kiến thức mới. Giáo
dục đại học ở Việt Nam gặp khủng hoảng ở nghĩa nó không đáp ứng được nhu
cầu của sinh viên và không đào tạo được những người làm việc phù hợp với nền
kinh tế đang chuyển đổi rất nhanh ở Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ rằng, vào thời
diểm hiện nay, chúng ta chưa cần nhấn mạnh đến vai trò của đại học Việt Nam
trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Phải nhấn mạnh vào số lượng và chất lượng
sinh viên tốt nghiệp‛.

‚Trong trường hợp Việt Nam thì có thể nói các trường đại học rất thiếu tính tự
chủ hay tự quản so với các trường đại học ở các quốc gia phát triển, nhất là so với
những quốc gia nói tiếng Anh, nơi có nhiều các trường đại học tư độc lập với
nguồn ngân sách quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hiện nay quản lí các
trường đại học khá chặt chẽ, từ ngân sách, số lượng sinh viên tuyển, trả lương cho
nhân viên, học phí tới việc việc quản lí, chọn ban quản trị, ban giám hiệu, phong
học hàm... Sự quản lí quá chặt chẽ như vậy có thể dẫn tới tình trạng rườm rà, thiếu
linh động, thiếu hiệu quả và do đó không đáp ứng được nhu cầu thực tế của sinh
viên, của doanh nghiệp hay của nền kinh tế và xã hội nói chung‛.

‚Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo có áp dụng qui chế tự chủ ở một vài trường thí điểm
ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nói chung sự cải tổ còn giới hạn. Có
người cho rằng Bộ Giáo dục còn ngần ngại trong việc áp dụng thêm qui chế tự chủ
này ở những nơi khác‛. ‚Theo sự suy nghĩ của tôi, các trường đại học ở Việt Nam
cần phải được độc lập và tự quản ở ba khía cạnh chính. Thứ nhất là chọn lựa ban
quản trị, ban giám hiệu, tuyển nhân viên, phong học hàm, thăng chức... Thứ hai là
tự chủ trong vấn đề soạn thảo giáo trình. Thứ ba là độc lập trong vấn đề nghiên
cứu khoa học‛.
‚Dĩ nhiên sự tự trị của đại học phải đi đôi với trách nhiệm. Tôi không biết là các
đại học ở Việt Nam hiện nay có thể đáp ứng được những điểm nêu trên hay
không. Tôi thấy rõ là Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chưa đủ nguồn lực để theo
dõi và đánh giá nếu các trường đại học được tự trị. Đó cũng là lí do tại sao sự độc
lập của các trường ở Việt Nam còn tiến triển khá chậm chạp‛.

‚Vấn đề tự trị, tự quản của các trường ở khía cạnh ngân sách thì cũng khá là phức
tạp. Một đại học không thể nào tự trị được hoàn toàn nếu như một phần lớn ngân
quỹ hoạt động của nó tới từ ngân sách nhà nước. Tất nhiên tôi cho rằng các trường
không thể quá tự do trong việc quyết định học phí hay các khoản phụ phí. Trong
phương diện này tôi nghĩ cần có sự kiểm soát, tuy nhiên giảm dần theo thời gian,
của Bộ Giáo dục và Đào tạo‛.

Bay Vút: Yếu tố cuối cùng trong phân tích về thất bại của điều hành quản lí giáo
dục bậc cao tại Việt Nam của các tác giả bản báo cáo là vấn đề ‘tự do trong nghiên
cứu khoa học’ (academic freedom). Theo đó, giới khoa học trong các trường đại
học chịu những kiểm soát nhất định, cả chính thức và ‘bất thành văn’, dẫn tới tình
trạng gần như ‚tê liệt‛ trước các vấn đề xã hội sôi nổi và mạnh mẽ. Giáo sư nhìn
nhận điều này như thế nào? Đâu là mối quan hệ giữa sự tự trị của đại học và vấn
đề tự do nghiên cứu khoa học?

GS Trần Nam Bình: ‚Điều đó vừa đúng và vừa không đúng. Thứ nhất, đại học
Việt Nam đúng là thiếu tính tự do trong các vấn đề nghiên cứu nếu so với các tiêu
chuẩn quốc tế, nhất là trong các ngành như khoa học xã hội, nhân văn thì sự tự do
khá là hạn chế. Gần đây Thủ tướng Việt Nam ban hành một nghị đinh nói về
những lĩnh vực mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu được. Đây là một điều khá
khác lạ so với những nhà khoa học làm việc theo lối tự do của phương Tây‛.

‚Nhưng tôi chưa thấy bằng cớ hiển nhiên nào cho biết tư duy của các nhà giáo bậc
đại học của Việt Nam gần như bị tê liệt trước các vấn đề xã hội. Tôi tin rằng các
nhà giáo tại Viện Nam rất quan tâm và có khả năng tranh luận và phản biện về các
vấn nạn xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là các quan điểm hay phản biện của các nhà
giáo này có được báo chí, giới truyền thông quảng bá sâu rộng hay được các nhà
hoạch định chính sách lắng nghe hay không‛.

‚Trở lại nghiên cứu khoa học thì tôi nghĩ cốt lõi của vấn đề không phải là tự trị
hay tự do nghiên cứu, mà là thiếu diều kiện và động cơ. Thứ nhất, khi còn là sinh
viên, nhiều giáo viên chưa làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học và lối
viết bài cho các tạp chí quốc tế. Khi đi làm, các giáo viên Việt Nam theo tôi biết họ
phải dạy nhiều giờ, dạy nhiều nơi để góp thêm thu nhập vào lương cơ bản của họ.
Thứ ba, điều kiện vật chất cho nghiên cứu còn giới hạn. Thứ tư, các công trịnh
nghiên chưa được cá đại học VIệt Nam xem là nột tiêu chuẩn thăng tiến đáng kể‛.

Bay Vút: Có ý kiến cho rằng chỉ cần cho các trường đại học Việt Nam được tự trị
và tự do nghiên cứu, giáo dục bậc cao của Việt Nam sẽ có thể vãn hồi. Điều này
liệu có đúng hay không?

GS Trần Nam Bình: ‚Theo tôi nghĩ chữ ‘vãn hồi’ trong ý kiến nói trên không
chính xác lắm vì nó hàm nghĩa đại học Việt Nam đã tốt hơn trong quá khứ. Tôi
biết nhiều người cho rằng trước đây các trường đại học ở Việt Nam tốt hơn hiện
nay. Tôi không có đủ dữ kiện để đánh giá nhận định đó là đúng hay sai. Tuy
nhiên cho dù nếu nó đúng đi chăng nữa, một hệ thống giáo dục cấp cao tốt cho
một nền kinh tế tập trung và đóng cửa cũng không nhất thiết là thích hợp và tốt
cho một nền kinh tế mở cửa như hiện nay‛.

‚Tôi nghĩ nhận định cho rằng chỉ cần cho các trường được tự trị và tự do trong
nghiên cứu khoa học thì chất lượng các đại học sẽ tăng tiến là một nhận định hơi
lạc quan. Tự trị và tự do nghiên cứu là hai điều kiện cần nhưng không đủ để đưa
các trường đại học Việt Nam đạt chất lượng cao. Tôi nghĩ vấn đề chính là phải
thay đổi tư duy của những người đang quản lí đại học, phải xem giàng dạy và
nghiên cứu là hai tiêu chuẩn khách quan và quan trọng trong việc thăng thưởng.
Vấn đề tiếp theo là nguồn lực phải đầy đủ, được sử dụng đúng chỗ và có hiệu quả.
Thứ ba, trong đường dài, tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam cần tiến tới hiện đại hóa
đại học. Nói tới hiện đại hóa có nghĩa là chúng ta bắt đầu phải chấp nhận những
tiêu chuẩn của quốc tế, ví dụ như xem giảng dạy và nghiên cứu ớ cấp đại học là
một, đưa các viện nghiên cứu trở vào các trường đại học, và có những chính sách
giúp các giảng viên đại học làm nghiên cứu khoa học‛.

‚Nói chung thì cải tổ đại học tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể nhìn
thấy thành quả. Ở điểm này tôi khá là lạc quan vì qua tiếp xúc với các bạn giảng
viên trẻ ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người rất năng động, thích tìm tòi, học hỏi, có
khả năng chuyên môn cao. Nhưng mặt khác tôi cũng hết sức lo ngại vì nguy cơ
chảy máu chất xám ở Việt Nam‛.

Bay Vút: Vậy giả sử Việt Nam dồn mọi nỗ lực cải cách bậc đại học, liệu nó có giúp
vực dậy cả nền giáo dục Việt Nam? Theo GS, đâu là điểm cần bắt đầu cho việc
chữa trị ‘căn bệnh giáo dục’?

GS Trần Nam Bình: ‚Giáo dục là vấn đề rất bao la. Nếu chúng ta quan niệm phải
bắt đầu từ cái nền thì trong giáo dục chúng ta phải bắt đầu từ mẫu giáo, tiểu học
đi lên. Tuy nhiên trên thực tế một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không
thể cải cách toàn bộ như vậy được. Dù muốn dù không, ta vẫn phải bắt đầu từ
một chỗ nào đó. Đại học, vì nhiều lí do, là một nơi rất tốt để bắt đầu sự thay đổi.
Ví dụ khi cải tổ đại học, ta có thể có được những giáo viên có trình độ tốt, có kiến
thức hiện đại phù hợp. Những giáo viên này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc
giảng dạy cấp tiểu học, trung học. Mặt khác, đại học là chặng cuối trong hành
trình giáo dục và là nơi tương đối yếu kém của Việt Nam hiện nay. Do đó tôi ủng
hộ ý kiến tập trung nỗ lực cho việc cải tổ đại học như là bước xuất phát ban đầu‛.

Bay Vút: GS Hoàng Tụy từng không chỉ một lần đề cập tới tư duy hệ thống trong
cải cách giáo dục ở Việt Nam. Theo GS, liệu tư duy này có phải là điều cần cải
cách đầu tiên trong giáo dục Việt Nam? Nếu đúng, nó nên bắt đầu từ đâu?

GS Trần Nam Bình: ‚GS Hoàng Tụy thường hay nói đến một tư duy hệ thống
trong cái tố giáo dục. Tôi hiểu tư duy hệ thống đó theo nghĩa đó là một tầm nhìn
chiến lược bao quát và toàn cầu GS Hoàng Tụy cũng nhắc đến cơ chế thông minh
trong đó quyền lợi cá nhân đi chung với quyền lợi tập thể‛.

‚Cải cách chính sách công phải dựa trên căn bản lợi ích quốc gia. Trong bất kỳ cải
tổ nào, dù muốn dù không, cũng có người được, người thua. Vì quyền lợi chung,
mọi người phải đặt quyền lợi xã hội lên trên quyền lợi cá nhân. Đó là tư duy căn
bản cho tất cả mọi người trong mọi cải cách, kể cả cải cách giáo dục‛.

‚Ngoài ra, cải tổ là một quá trình, có nhiều giai đoạn. Quá trình này bắt đầu với
viễn kiến và quyết tâm của những người lãnh đạo. Thí dụ, nếu lợi thế tương đối
của Việt Nam trong mậu dịch quốc tế là lao động với kỹ năng cao thì chính sách
giáo dục của Việt Nam phải như thế nào để phát huy lợi thế đó. Bước thứ nhì là
đóng góp của những nhà hoạch định chính sách qua những chương trình với triết
lý và các mục tiêu phù hợp với viễn kiến của giới lãnh đạo. Bước thứ ba là sự
đồng thuận của các ban quản lí, ban giám hiệu và các giáo viên của các trường.
Ngay cả các học sinh, dân chúng nói chung cũng cần thay đổi tư duy cho phù hợp
với cải cách giáo dục‛.

Bay Vút: Việt Nam hiện nay đang có những kế hoạch dồn nỗ lực xây dựng những
trường đại học trọng điểm, ‘kiểu mẫu’ tiên tiến, lọt được vào các trường đại học
hàng đầu thế giới để làm điển hình cho các trường khác có thể học tập, từ đó có
thể nâng cao chất lượng đại học Việt Nam. Theo GS, kế hoạch đó liệu có khả thi
hay không và phải làm thế nào để một vài trường đại học mà có thể vực dậy cả
một nền giáo dục bậc cao?

GS Trần Nam Bình: ‚Tuy tôi ủng hộ ý kiến đó trên tổng thể, tôi xin nói ngay rằng
chúng ta nên tránh những kỳ vọng không thực tế, thí dụ như đại học hàng đầu thế
giới. Như tôi vừa nói, đại học là một hệ thống nhiều quán tính, để thay đổi toàn bộ
rất là khó. Do đó, việc lập ra một hoặc hai đại học mới, tôi nhấn mạnh là các ‘đại
học mới’ chứ không phải gom góp, chế biến lại các trường cũ thành các đại học
mới, tại các trung tâm như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là hợp lí. Những
trường như vậy sẽ thử nghiệm những quy chế quản trị mới, những giáo trình tân
tiến, những điều kiện vật chất tốt, lối giảng dạy mới... Sau vài năm, chúng ta thử
đánh giá xem sản phẩm những đại học như vậy có xứng đáng làm kiểu mẫu cho
các trường khác học theo hay không‛.

‚Tôi đã trao đổi với nhiều người nắm vững vấn đề, Việt Nam hiện nay có đủ tài
lực để lập ra một đến hai đại học mới như vậy, lấy từ ngân sách quốc gia hay các
khoản viện trợ quốc tế. Nhưng tôi nghĩ vấn đề quan trọng hơn là làm sao kiếm
được ban quản lí và những giáo viên đáp ứng mô hình kiểu mẫu như vậy. Tôi
nghĩ đó là thách thức lớn nhất‛.

‚Ở Việt Nam hiện giờ tương đối có sự đồng thuận giữa các học giả, các nhà phân
tích giáo dục về việc cần lập ra một vài đại học kiểu mới. Theo tôi biết ở Việt Nam
đã có một số trường tư cố gắng để trở thành những đại học kiểu mẫu như vậy,
nhưng theo tôi, một đại học như thế phải là một trường công. Điều kiện tiên quyết
để cải cách đại học, tôi nhắc lại, vẫn là viễn kiến và quyết tâm của những người
đứng đầu, những nhà hoạch định chính sách‛.

Bay Vút: Liệu GS có cho rằng một hai trường đại học kiểu mẫu như vậy, nếu được
thành lập, sẽ lại rơi vào một hình thức ‚trường chuyên lớn chọn’ nào đó đã từng
bị phản đối trước đây ở Việt Nam hay không?

GS Trần Nam Bình: ‚Đó là một câu hỏi rất ý nghĩa. Một nền giáo dục phải là một
nền giáo dục đại chúng, nhưng khi ứng dụng vào thực tế, dù muốn dù không
chúng ta cũng phải chọn lọn một số vì trong điều kiện Việt Nam, một đại học kiểu
mẫu không thể đáp ứng tất cả học sinh. Đại học kiểu mẫu sẽ là những trường nhỏ
về số lượng sinh viên nên sẽ phải có sự chọn lọc. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh sự
chọn lọc đó sẽ không phải chỉ là những tiêu chuẩn về chuyên môn, về học giỏi mà
có thể nhấn mạnh những tiêu chuẩn khác như những thành quả hoạt động cộng
động, xã hội. Chúng ta có thể dùng những tiêu chuẩn rộng rãi hơn chứ không chỉ
riêng học tập‛.

Bay Vút: Nhiều người cho rằng cho tư nhân hóa đại học Việt Nam, cho mở các
trường đại học tư thì cũng sẽ giúp cho nền giáo dục bậc cao không phụ thuộc vào
ngân sách nhà nước. GS đánh giá quan điểm này thế nào?
GS Trần Nam Bình: ‚Tôi nghĩ vấn đề này là vấn đề tế nhị, tùy theo quan điểm
khác nhau thì sẽ có cách đánh giá khác nhau. Dĩ nhiên đại học tư sẽ mang lại
những nguồn động lực mới góp cho giáo dục. Những trường như đại học FPT,
RMIT là những nơi có nguồn lực tốt phục vụ sinh viên, tuy nhiên những trường
đó vẫn chưa phải là những đại học kiểu mẫu chúng ta bàn tới ở trên. Một trường
đại học có hai nhiệm vụ: một là đào tạo sinh viên phù hợp với yêu cầu nền kinh tế,
hai là sản xuất ra những kiến thức góp vào kho kiến thức của nhân loại. Trong
khía cạnh thứ hai là nghiên cứu và sản xuất kiến thức mới, tôi chưa thấy những
trường đó có thể xem là đại học kiểu mẫu. Sự nhấn mạnh của họ vẫn nhấn mạnh
nhiều vào giảng dạy. Tôi cũng chưa được xem báo cáo nào so sánh chất lượng
sinh viên giữa những trường đó và những trường đại học công. Chúng ta chưa có
những nghiên cứu khả tín nào để đánh giá điều này‛.

Bay Vút: Theo GS, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ Úc trong vấn đề cải cách
đại học?

Giáo sư Trần Nam Bình: ‚Tôi nghĩ Việt Nam có thể học hỏi được Úc nhiều vấn đề
về giáo dục đại học. Về phương diện ngân sách, các trường ở Úc cũng không khác
nhiều các trường đại học Việt Nam: đa số đều là các trường công, chỉ có một vài
đại học tư có quy mô tương đối nhỏ. Tuy nhiên đại học Úc khác Việt Nam rất
nhiều về vấn đề tự chủ, đó là nơi Việt Nam có thể học hỏi‛.

‚Cụ thể ở các khía cạnh sau: thứ nhất là vấn đề đa ngành. Một đại học tiêu biểu
của Úc là một đại học đa ngành, đa phân khoa. Hiện tại ở Việt Nam, các đại học đi
theo mô hình Liên Xô trước đây là các trường chuyên ngành, ví dụ Đại học Y, Đại
học Luật... Với các trường ở Úc, các đại học đó chỉ là các phân khoa. Khi tổng hợp
các trường lại như vậy chúng ta có rất nhiều điểm lợi: về hành chính thì hoạt động
hiệu quả hơn, về học tập thì sinh viên có thể học các môn từ các phân khoa khác
nhau, có sự cộng tác giữa các giảng viên thuộc nhiều phân khoa. Tóm lại đại học
Úc là một đại học tổng hợp đa ngành, mô hình này rất phù hợp với sự cải tổ đại
học Việt Nam‛.

‚Điểm nữa là đại học Úc có sự tự chủ trong các vấn đề như tuyển nhân viên, trả
lương, phong học hàm, viết giáo trình... Điểm cuối cùng mà Việt Nam có thể xem
xét ở các trường đại học Úc là tư duy đại học không tách rời nền kinh tế. Trong hội
đồng quản trị hay ban giám hiệu của trường đại học Úc, người ta luôn mời các
doanh nhân, những người thành đạt, hiểu biết bên ngoài để góp ý, cố vấn chính
sách hoạt động của trường sao cho trường luôn đáp ứng được nhu cầu của nền
kinh tế‛.
Bay Vút: Xin cảm ơn giáo sư đã giành thời gian trả lời phỏng vấn Bay Vút.

Nguồn:
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/b%C3%A0n-v%E1%BB%81-c%E1%BA%A3i-c
%C3%A1ch-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-%E1%BB
%9F-vi%E1%BB%87t-nam

You might also like