You are on page 1of 4

BÀI ĐỌC THÊM VỀ ĐẤNG ĐÁNG KÍNH CECILIA EUSEPI

Ngày 1-6-1987, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005), Bộ Phong
Thánh nhìn nhận nhân đức anh hùng của cô Cecilia Eusepi, 18 tuổi, trinh nữ Ý. Từ đó, Cecilia
Eusepi được nhắc đến với danh xưng nữ đáng kính.

Cecilia Eusepi tuy trẻ tuổi đời nhưng đi thật xa trên con đường thánh thiện, nhờ bí thuật yêu
thương, theo vết chân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897), bông hoa bé nhỏ của
đan viện Kín Cát-Minh thành Lisieux, nước Pháp ...

Cecilia Eusepi chào đời ngày 17-2-1910 tại Monte Romano, một làng quê hiền hòa nằm trên
sườn đồi miền Viterbo, cách thủ đô Roma 90 cây số về hướng Bắc. Cecilia Eusepi là ái nữ của
ông Antonio và bà Paolina Mannucci. Rủi thay, chỉ vỏn vẹn một tháng sau khi bé Cecilia chào
đời, ông Antonio đã trút hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, trước khi nhắm mắt, ông giao phó hài
nhi cho anh vợ là ông Filippo Mannucci, xin anh thay mình dưỡng dục bé Cecilia cho đến khi
khôn lớn. Ông Filippo Mannucci nhận lời và suốt đời mình, ông đã trung thành với lời đã hứa
cùng người em rễ quá cố.

Trong khung cảnh thôn dã, Cecilia lớn lên dưới sự chăm sóc của mẹ hiền và của người anh trai
tên Cencio. Chính Cencio dạy cho bé Cecilia lời Kinh không bao giờ xóa nhòa khỏi trí nhớ:

- Lạy Đức Bà con, thay vì để con xúc phạm đến Đức Chúa GIÊSU KITÔ, xin hãy đưa con về
Thiên Đàng.

Nhưng niềm vui được sống cạnh hiền huynh không kéo dài lâu. Bởi lẽ, ngày 24-5-1915, thế
chiến thứ nhất bùng nổ khiến Cencio phải lên đường nhập ngũ và đúng hai năm sau, chàng
gục ngã trên chiến trường vào ngày 30-5-1917. May mắn thay trước đó, ngày 5-1-1915, bà
Paolina đã đưa gia đình về sống tại Nepi, trong nông trại La Massa của ông Filippo Mannucci,
để cùng với anh, chia sẻ việc giáo dục bé Cecilia.

Nông trại La Massa có ruộng vườn và đồng cỏ rộng mênh mông. Bé Cecilia sung sướng tung
tăng chơi đùa giữa thiên nhiên và các đoàn súc vật. Tháng 2 năm 1915, bé Cecilia tròn 5 tuổi.
Mẹ và cậu Filippo cùng nhau bàn thảo chương trình giáo dục bé Cecilia. Sau cùng, cả hai đồng
ý gởi Cecilia vào trọ học nơi các nữ đan sĩ Xitô ở Nepi, cách Roma khoảng 40 cây số về hướng
Bắc. Nữ Đan Viện Xitô nằm cạnh nhà thờ hai thánh Romano và Tolomeo, còn gọi là nhà thờ
”Mân Côi”.

Ngày 5-9-1915, bé Cecilia lên 5 tuổi, khép mình trong bốn bức tường kín, giữa các nữ tu sống
đời nhiệm nhặt và nguyện kinh liên lĩ. Có điều lạ là cô bé Cecilia tức khắc làm quen ngay với
bầu khí linh thiêng của đan viện. Cecilia không chút ngỡ ngàng cũng không lạc lỏng. Sau hai
năm sống nội trú trong đan viện, Cecilia được lãnh bí tích Thêm Sức ngày 27-5-1917. Thời gian
tiếp đó được dành để chuẩn bị xưng tội và rước lễ lần đầu. Trọn mùa hè năm 1917, bé Cecilia
náo nức dọn lòng tiếp đón Đức Chúa GIÊSU. Bé náo nức đến độ cứ muốn quì cạnh nữ tu
Giuseppa Serafini mỗi khi Chị rước lễ, để có thể ở gần kề Đức Chúa GIÊSU Chí Thánh. Sau
cùng, ngày chờ mong đã đến. Ngày 2-10-1917, bé Cecilia được rước lễ lần đầu từ tay Viện Phụ
Angelo Testa.

Ngày này trở thành một ngày trọng đại đối với Cecilia Eusepi, cô bé 7 tuổi. Ngày đó cũng trở
thành điểm qui chiếu cho mọi biến cố buồn vui sau này. Cũng vào chính ngày ấy, Cecilia quyết
lòng thề hứa sẽ yêu mến Đức Chúa GIÊSU KITÔ luôn mãi, trọn đời. Cecilia thưa cùng Đức Chúa
GIÊSU:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU dấu ái của lòng con, thay vì để con phạm tội mất lòng Chúa, xin Chúa
hãy làm cho con chết. Lạy Đức Chúa GIÊSU, con sẽ thuộc về Chúa, thuộc trọn về Chúa và mãi
mãi thuộc về Chúa.

Ngay sau thời gian rước lễ lần đầu, bé Cecilia làm quen với cuốn ”Truyện Một Tâm Hồn” của
Chị Têrêxa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897). Điều đáng nói là trong tâm trí thơ trẻ của một cô bé
7 tuổi, Cecilia đã hiểu thế nào là con đường nên thánh của Chị Têrêxa Hài Đồng GIÊSU. Từ đó,
Cecilia quyết tâm:

- Làm điều lành trong mọi hành động thông thường, cho dù nhỏ nhặt nhất, với một mục đích
duy nhất là làm đẹp lòng Đức Chúa GIÊSU.

Cecilia cũng hiểu rằng:

- Kết hiệp mật thiết với Chúa đồng nghĩa với việc đặt ý riêng mình trong thánh ý THIÊN CHÚA
và chỉ thực thi thánh ý THIÊN CHÚA mà thôi.

Song song với việc đọc cuốn Truyện Một Tâm Hồn, Cecilia còn đọc thêm cuộc đời thánh
Gabriele dell'Addolorata - Gabriele Đức Bà Sầu Bi. Thánh Gabriele Đức Bà Sầu Bi (1838-1862),
người Ý, sinh năm 1838 và qua đời năm 1862, hưởng dương 24 tuổi. Thánh Gabriele đồng tuổi
với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897).

Vị thánh trẻ Gabriele có tên thật là Phanxicô, quê thành Assisi và thuộc gia đình giàu sang.
Thuở thiếu thời, Phanxicô ăn chơi trác táng và thích chưng diện. Chẳng may vào năm 17 tuổi,
Phanxicô mất người chị khả ái, qua đời đột ngột vì bệnh dịch tả. Cái chết của hiền tỷ cùng với
tâm tình mồ côi mẹ lúc tuổi còn thơ, đã gieo vào lòng ”chàng trai thời đại Phanxicô” một mối
buồn sâu thẳm. Từ đó, Phanxicô bỗng nhận chân tất cả cái dòn mỏng phù du của cuộc đời.
Chàng thay đổi hẳn. Phanxicô chuyển hướng tình yêu dành cho thân mẫu và hiền tỉ quá cố,
thành tình yêu dâng lên Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Chàng quyết định từ bỏ thế gian và
vào tu dòng Thương Khó với tên gọi là thầy Gabriele Đức Bà Sầu Bi. Thầy muốn sống hiệp
thông với những đau khổ của Đức Mẹ MARIA để cầu cho những kẻ không tin và sống bất chính,
được trở về cùng THIÊN CHÚA. Thời gian vỏn vẹn 5 năm tu dòng, cô đọng trong kinh nguyện
và hy sinh, đã tiêu hao nhanh chóng thân xác xuân trẻ. Thầy ngã bệnh nặng khi đang chuẩn bị
lãnh nhận thiên chức Linh Mục. Tuy nhiên, Thầy không xin ơn khỏi bệnh, chỉ xin ơn chết lành.
Thầy Gabriele Đức Bà Sầu Bi được chọn làm quan thầy các đại chủng sinh.

Cuộc đời hai vị thánh trẻ, một nam một nữ, đã gây một ảnh hưởng mạnh nơi tâm hồn ngây thơ
trong trắng của Cecilia Eusepi, năm ấy lên 8 tuổi. Đặc biệt là lòng kính mến Đức Mẹ MARIA.
Thêm vào đó, khung cảnh vừa khắc khổ vừa chiêm niệm của nữ đan viện Xitô đã giúp cho tâm
tình tôn giáo thánh thiêng đâm chồi nẩy lộc nơi Cecilia. Sau 7 năm sống liên tục với các nữ đan
sĩ Xitô, Cecilia trở lại gia đình vào năm 12 tuổi. Cô thiếu nữ như già dặn hẳn, đặc biệt về
phương diện thiêng liêng. Cecilia tiếp tục giao thân với những người lớn tuổi hơn mình và chia
sẻ những vấn đề cùng ưu tư của họ.

Một thời gian sau đó, Các Cha dòng Thương Khó đến mở tuần đại phúc tại Nepi, gần nông trại
La Massa nơi Cecilia đang sống với mẹ và cậu. Cecilia hỏi ý kiến một Cha giảng về việc chọn
lựa ơn gọi tu dòng. Cha dòng khuyên Cecilia nên gia nhập dòng các Nữ Tì Đức Mẹ MARIA. Một
năm sau, Cecilia được nhận vào dòng. Nhưng rồi vì ngã bệnh bất ngờ, Cecilia được đưa vào
nhà thương chữa trị. Lợi dụng thời gian ở nhà thương, Cecilia đã làm việc tông đồ tối đa.

Từ tháng 4 năm 1923, Cecilia phải trở lại gia đình. Đây là khoảng thời gian thử thách nặng nề.
Cecilia không được tham dự Thánh Lễ và rước lễ hàng ngày. Sống xa Đức Chúa GIÊSU Thánh
Thể quả là một cực hình. Mùa hè năm đó Cecilia ghi tên vào Hội Công Giáo Tiến Hành và sống
trọn tinh thần của Hội gồm 3 điểm: cầu nguyện, hành động và hy sinh. Vào ban chiều mỗi
Chúa Nhật, Cecilia qui tụ các trẻ em lại ngoài đồng cỏ. Tất cả cùng chơi đùa và lần hạt Mân Côi
chung. Sau đó, Cecilia dẫn chúng đến nhà thờ xưng tội. Hoạt động với các thiếu niên trong
làng, Cecilia cảm thấy vô cùng sung sướng.

Dần dần, Cecilia cảm thấy cần phải thưa rõ với mẹ về ơn gọi nung nấu trong lòng. Cecilia xin
mẹ cho phép gia nhập dòng Nữ Tu Áo Choàng Nữ Tì Đức Mẹ MARIA thành Pistoia (Suore
Mantellate Serve di Maria di Pistoia ) .. Bà Paolina khẳng khái từ chối. Chẳng những từ chối, bà
còn cấm Cecilia không được hé môi trình bày gì với cậu Filippo. Nhưng rồi được Cha Giải Tội
khuyến khích, Cecilia cương quyết thực hiện nguyện ước dâng hiến toàn thân cho Đức Chúa
GIÊSU KITÔ, Đấng Tình Quân Tuyệt Hảo.

Ngày 19-11-1923 Cecilia gia nhập Hội Dòng và trở thành thỉnh sinh Dòng Áo Choàng Pistoia.
Cecilia bắt đầu ngay cuộc sống tu trì khổ chế theo gương Các Đấng Thánh Sáng Lập Dòng.
Nhưng một lần nữa, THIÊN CHÚA lại đến gõ cửa xin Cecilia một hy sinh khác:

- Từ bỏ ý riêng để chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA.

Chỉ vỏn vẹn sau ba năm sống đời tu trì, Cecilia lại lâm bệnh và bị bắt buộc trở về gia đình.

Từ nay Cecilia sống những ngày cuối đời trong khổ giá. Cecilia vui lòng vác thánh giá cách anh
hùng trong khung cảnh thường nhật. Cuộc sống ghi dấu bằng ba tác động: dâng hiến, yêu
thương và cầu nguyện. Và thể theo lời khuyên của Cha Linh Hướng - Cha Gabriele Maria
Roschini dòng Tôi Tớ Đức Mẹ MARIA - Cecilia xin ghi tên làm thành viên Dòng Ba Nữ Tì Đức Mẹ
MARIA.

Những ngày cuối cùng, Cecilia không ngừng lập đi lập lại:

- Thật tuyệt vời khi được tận hiến cho Đức Chúa GIÊSU, Đấng đã trao ban tất cả cho chúng ta.
Thật đớn đau khi phải hy sinh và dâng hiến. Nhưng con đã tự nguyện dâng hiến. Và nếu được
sinh ra một lần nữa, con cũng sẵn sàng lập lại tác động dâng hiến.

Ngày 1-10-1928 đúng ngày lễ kính thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU, Cecilia Eusepi êm ái trút
hơi thở cuối cùng, hưởng dương 18 tuổi.

Ngày 14 tháng 12: Kính Thánh Gioan Thánh Giá

Thánh Gioan Thánh Gía được tôn xưng là nhà thần bí lớn trong Giáo Hội về tài năng suy tư diễn dịch các mầu
nhiệm thần học. Bởi vậy ngài được nhìn nhận là Tiến sĩ của Hội Thánh nhưng chỉ sau khi đã qua đời. Khi đang
còn sống những tư tưởng về đời sống tâm linh đã được đun kết bằng những khổ ải và đày đọa bởi giáo quyền
và những anh em trong cọng đoàn của mình.

Juan de Yepes lớn lên trong nghèo đói. Cha ngài thuộc dòng dỏi quí tộc, nhưng bị khai trừ vì cưới một thường
dân làm vợ. Cha ngài chết lúc ngài vừa sinh ra được vài tháng nên gia đình phải sống trong cảnh nghèo túng.
Tuy vậy Gioan cũng đã được học hành đàng hoàng nhờ vừa đi làm vừa tự học. Đến năm 21 tuổi, ngài gia nhập
Dòng Carmêlô và trở thành Thầy trợ sĩ Gioan Thánh Giá.

Dòng Carmêlô ở Tây Ban Nha được ngưỡng mộ vì thực hành một đời sống tâm linh sâu sắc, nghiêm túc giữ luật
dòng và đời sống cầu nguyện. Nhưng vào thời kỳ của Gioan thì kỷ luật bị buông lỏng và tinh thần đạo đức sa
sút. Cuôc xoay chiều lớn lao trong đời của Gioan là khi ngài chịu chức linh mục năm 1567; và khi ngài được giới
thiệu với thánh Têrêxa Avila, đấng đang lãnh đạo phong trào cải tổ sâu rộng dòng Carmêlô.

Khi ấy, Têrêxa đã 52 tuổi còn Gioan mới 25 tuổi nhưng họ trở nên thân thiết vì có chung một chí hướng. Têrêxa
đang cần một người để cùng cải tổ dòng nam Carmêlô. Bà tìm thấy con người đó nơi thánh Gioan và Gioan
cũng nhận thấy những đức tính cương quyết của Têrêxa trong việc đem lại tinh thần cầu nguyện và đời sống
tâm linh cho nhà dòng. Gioan trở thành vị linh hướng của Bà và người lãnh đạo của cọng đồng nam Carmêlô ở
Duruelo.

Tinh thần cải tổ rất nguy hiểm trong thời kỳ có Pháp đình Tôn giáo (Insquisition), Cơ quan này sẵn sàng kết án
những ai có tư tưởng không theo rập khuôn mẫu tôn giáo đã được ấn định vào thời bây giờ. Thánh Gioan là nạn
nhân của anh em trong dòng. Vào năm 1577, thánh Gioan bị bắt cóc đem nhốt vào một phòng giam trong tu
viện ở Toledo. Hình phạt là chỉ được ăn bánh mì và uống nước lã. Gioan thường bị mang ra đánh đập. Sau chín
tháng bị giam cầm, lúc cái chết như đã gần kề, cuối cùng như một phép lạ, Gioan đã trốn thoát được ra ngoài
trong đêm tối.

Sau một thời gian, thánh Gioan được anh em mời trở về dòng nhưng những đau khổ vẫn mãi dồn dập. Thánh
Têrêxa Avila qua đời năm 1582, chia rẽ trong dòng lại thêm trầm trọng, anh em trong dòng một số vì ganh
ghét đã hành hạ và không cho thánh Gioan giữ một chức vụ nào, cùng nhạo báng những tài năng của Gioan.
Gioan chịu đựng đau khổ nhục nhằn không hề than van. Gioan vẫn viết lên những lời thơ thần bí để lại cho hậu
thế ngưỡng mộ. Gioan chết vào ngày 12 tháng 12 năm 1591 trong cô đơn sau một thời gian bị bệnh lâu dài.

Sự đau khổ đã nung nấu ý chí và tạo nên đời sống tâm linh huyền bí. Thần học huyền bí của thánh Gioan nói về
con đường dẫn đến kết hợp với Tình Yêu Thiên Chúa. Trong cuộc yêu đương tuyệt vời bao giờ cũng có lúc thăng
hoa mà cũng có lúc thất vọng buồn nãn ê chề. Gioan trong “Đêm tăm tối” đã phân tách một cách tài tình lúc
Thiên Chúa lánh mặt thì linh hồn cảm thấy chua xót đau khổ như đang bị bỏ rơi. Những kẻ đi tìm kiếm sự thánh
thiện, sự đau khổ này chỉ là một khía cạnh của Tình yêu. Nếu bền chí thì sự tìm tòi đó sẽ đưa linh hồn đến sự
kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Tác phẩm lớn là “Đêm tối tăm của linh hồn” được sáng tác với kinh nghiệm lúc bị giam ở Toledo. Gioan tả linh
hồn như một người đang yêu trốn ra trong đêm tối đến hẹn hò với Nhân Tình. Gioan mô tả cuôc hành trình qua
nhiều chặng đường, tu luyện để trở nên tinh khiết, cho đến lúc từ bỏ đưọc chính bản thân và những ảo tưởng
của mình bằng cách sống nhiệm nhặt và thật lòng khiêm nhượng. Đau khổ làm cho linh hồn tinh khiết như cây
củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy làm tan nát và thiêu hủy cây củi nhưng tạo được ngọn lửa hồng trong sáng.

Thật là khó khăn nếu không đi sâu vào đời tu hành của Gioan thì không thể am hiểu tường tận những tác phẩm
của Gioan. Suốt một đời tu hành bị anh em đày đọa nhưng không bao giờ oán hận, có lẽ trong thâm tâm Gioan
vẫn im lặng chấp nhận với nụ cười nhân ái mà kẻ thù không tài nào hiểu được. Vì chính những hành hạ bất
công đó đã làm cho Gioan càng thêm gần gủi với Chúa Tình Yêu.

“Tôi sẽ than khóc cái chết của tôi,

Rên xiết cuộc sống tôi đang sống,

khi những sai lầm, những tội lỗi còn đang giam hãm tôi.

Lạy Chúa tôi, bao giờ thì con có thể vững vàng nói lên:

Chung cuộc tôi được sống: tôi không còn chết nữa.”.

PhóTế Huỳnh Mai Trác

You might also like