You are on page 1of 306

Lịch Sử Giáo Hội Qua 100 Trình Thuật

(DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN)

Tác giả: Josef Holzer

Người dịch: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam

LỜI NGỎ

Đã có rất nhiều tác giả và nhóm tác giả nghiên cứu và trình bày LỊCH SỬ GIÁO
HỘI một cách toàn diện, đầy đủ và phong phú, dưới nhiều góc độ khác nhau: khi
làm tài liệu tham chiếu cho Khoa Giáo Hội học (Ecclesiology); khi song hành với
Lịch Sử Kitô giáo (Christianisme) nhưng chuyên sâu hơn về nghiên cứu sự kiện, thời
đại, mang tính bác học, trong khi lịch sử Kitô giáo thiên về suy tư, củng cố nhận
thức về nguồn gốc,ý nghĩa và “sứ mệnh” của Giáo Hội và của Kitô hữu, đặc biệt là
tín hữu Công giáo. Josef Holzer thì khác: ông chọn lựa trong kho tàng đồ sộ những
biến cố, những sự kiện, những sự việc trong dòng lịch sử 2000 năm của Giáo Hội,
những cái mà ông xét là có thể tóm gọn một khuynh hướng, một trào lưu, một nội
dung liên quan hoặc có thể móc nối, liên kết với những sự kiện, biến cố tương tự, rồi
ông “kể” cho người đọc nghe và suy nghĩ. Mỗi câu chuyện không chỉ như một trình
thuật, mà như một cuốn phim sống động, dẫn người đọc như nghe nhìn (thính thị)
được những gì trước đây ta tưởng là phức tạp, lộn xộn và chẳng mấy gắn kết nhau,
do khác nhau về thời gian và không gian. Tóm tại, Ông có công trong việc xâu chuỗi
các sự kiện, biến cố, con người, để qua 100 TRÌNH THUẬT, giúp người đọc bình
thường nhất cũng nắm được những gì xảy ra trong và với Giáo Hội qua mọi thời đại,
qua 2000 năm, VỀ MỘT VẤN ĐỀ đã từng (và ngày nay cũng như trong tương lai)
ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Giáo Hội xét về mặt “hữu hình” (cơ cấu) lẫn
vô hình (Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Bí Tích) và hoàn toàn có khả năng tái diễn. Xét
về bố cục, chắc chắn đây là một cách làm mới mẻ, có thể không được một số người
đồng tình với tên gọi “long trọng” Lịch sử Giáo Hội, mà cho rằng đúng hơn nó
giống như tập hợp những chuyện tản mạn trong lịch sử 2000 năm của Giáo Hội. Nếu
khắt khe, thì cũng có thể đưa ra những nhận định như thế, nhưng khi gấp sách lại,
chúng ta mới nhận ra rằng kiến thức đầy những lỗ hổng lớn về Giáo Hội, về lịch sử
Giáo Hội trước nay đã được lấp đầy, nhiều vùng tối đã được soi sáng và nhiều thắc
mắc đã tìm được đáp số. Vì thế, BTGH quyết định chọn cuốn sách này và giới thiệu
đến bạn đọc. BTGH kính mong nhận được những hồi âm của người đọc về cuốn sách
này và/hoặc về từng chương.

Tác giả: Josef Holzer

MỤC LỤC
Để tiện theo dõi, xin xem MỤC LỤC dưới đây:

1 .Các hoàng đế Rôma bách hại đạo


2 . Thử lửa lần cuối
3 . Giáo Hội trong cơn lốc quyền lực
4 .Công đồng Nixêa giải quyết mâu thuẫn tín lý
5 . Nhà giảng thuyết trên cọc gỗ
6 .Những đan sĩ đầu tiên
7 .Antịnh (Augustinus): một cuộc trở lại khó khăn lâu dài
8 . Ambrôsiô giải thoát Giáo Hội khỏi vòng tay hoàng đế
9 . Mọi người đợi chờ tận thế
10. Đế quốc hoàn vũ sụp đổ
11. Biển Đức (Benedikt) lập nền cho Tây phương
12. Clovis vào đạo và tương lai Giáo Hội
13. Văn hoá Đức gián tiếp ảnh hưởng lên Giáo Hội
14. Người Anh truyền đạo ở nước Đức
15. Giáo hoàng Grêgôriô Cả trong thời buổi khó khăn
16. Islam đe doạ Giáo Hội khắp nơi
17. Môhamét, "tiên tri" của Allah
18. Đại đế Karl "truyền giáo" đất Sachsen
19. Đại đế Karl trở thành hoàng đế Rôma
20. "Vinh danh luật Chúa"
21. Quốc gia Giáo Hội, một nhu cầu giai đoạn
22. Kitô giáo tiến lên miền cực bắc
23. Người slavơ vào Kitô giáo
24. Phân rẽ phương Đông
25. Giáo Hội trong thế kỷ X "đen"
26. Những biểu hiện xuống cấp khác
27. Từ canh tân tu viện thành canh tân Giáo Hội
28. Grêgôriô, một "khổng lồ của giáo triều"
29. Tranh chấp năng quyền
30. Âu châu đánh lại quân Hungnô
31. Cuộc thánh chiến đầu tiên
32. Thánh Bernard và cuộc thánh chiến thứ hai
33. Cơn giận của Saladin
34. Kết thúc một lầm lẫn bi thảm
35. Dòng Hiệp sĩ – hoa trái của thánh chiến
36. Thomas Becket chết vì tự do cho Giáo hội Anh
37. Giáo Hội bị "kẻ lạc đạo" đe doạ
38. Đaminh (Dominikus) thử con đường mới
39. Phong trào khó nghèo mới làm nẩy sinh giáo phái mới
40. Phanxicô (Francisco) ở lại trong Giáo Hội
41. Phanxicô không muốn dòng có luật
42. Tội nặng – đánh đau
43. Anh sáng và bóng tối thời Trung Cổ
44. Những nhà tư tưởng đầu tiên thời Trung Cổ
45. Các nhà thần học lập nền cho khoa học tự nhiên
46. Một thua cuộc cần thiết
47. Kẹt trong lưới nhện
48. Đức quốc chống lại giáo triều
49. Về lại Rôma
50. Âu châu chia thành hai phe
51. Công đồng Konstanz tái lập thống nhất
52. Gioan Hus bị thiêu vì tội rối đạo
53. Cô gái thành Orleans bị nạn
54. Giáo hoàng đối đầu cuối cùng, một con rối của chủ trương ưu quyền công đồng
55. Người Thổ tấn công
56. Phục hưng: Tái sinh và sáng tạo
57. Dàn hoả lại bừng cháy
58. Giáo Hội trong lực hút phục hưng
59. Giáo Hội trước phong trào cải cách
60. Martin Luther tâm hồn bất an
61. Luther xa lìa giáo huấn Giáo Hội
62. Cải cách thay vì canh tân
63. "Xin Chúa giúp con! Amen!"
64. Zwingli "cải cách" trong vùng Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức
65. Cải cách quá khích của Calvin
66. Giáo hoàng thú nhận: Chúng ta tất cả đều lầm đường
67. Nước Anh xa rời Giáo hội Công giáo
68. Inhã (Ignatius) trở thành đối cực của Luther
69. May thay cuối cùng mọi chuyện lại tốt đẹp!
70. Giáo Hội bung ra khắp thế giới
71. Các giáo hoàng trong thời phục hưng và canh tân
72. Công nhận Tin lành
73. Canisius và Borromeus thực thi nghị quyết Công đồng Trentô
74. Têrêxa đất Avila, người đàn bà bí nhiệm và năng nổ
75. Piô V "nhặt với mình và với mọi người"
76. Xung đột với người Thổ và người Anh
77. Vinh Sơn ở Paul, hăng say vì lòng đạo
78. "Này nước Đức, bà mẹ của quá nhiều phù thuỷ, hãy coi chừng!"
79. Cả đàn ông con trẻ cũng bị thiêu vì "phù thuật"
80. "Trường hợp Gallilê"
81. "Trường hợp Gallilê" và nguyên do
82. Islam kết cuộc bị chận đứng ở Wien năm 1683
83. Các quốc gia dân tộc nổi lên chống giáo hoàng
84. Dẹp dòng Tên, một chiến thắng của Ánh sáng
85. Chủ trương của Joseph ở Áo: Một Giáo hội tự trị
86. Cách mạng Pháp diệt Kitô giáo
87. "Đả đảo giáo hoàng!"
88. Napoleon Bonaparte và Giáo hoàng Piô VII
89. Quốc gia Giáo Hội chấm dứt
90. Piô IX chỉ còn là một giáo hoàng
91. "Hoan hô Giáo hoàng không sai lầm!"
92. Người Công giáo cổ tách khỏi Rôma
93. Người Công giáo chống lại chủ nghĩa tự do
94. Giáo Hội và "vấn đề xã hội"
95. Thần học bị chao đảo
96. Piô XI lột mặt chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Cộng sản
97. Cuộc bách hại Kitô giáo lớn nhất trong 2000 năm lịch sử
98. Gio an XXIII mở Công đồng Vatican II
9. Bước vào tương lai bằng những con đường mới
100.Giáo Hội hoàn vũ năm 1978
Mục lục Tên người, Tên đất và Sự việc

Tác giả: Josef Holzer

TRÌNH THUẬT 1

CÁC HOÀNG ĐẾ LA MÃ BÁCH HẠI ĐẠO

Giáo Hội là "đoàn dân lữ hành“, luôn trên đường, không bao giờ toàn hảo. Trong quá
trình lịch sử 2000 năm, Giáo Hội đã nhiều lần đi xa đường Tin Mừng, nhưng dù vậy
Giáo hội cũng đã đạt đích của mình. Và dù có bị bách hại một cách tàn bạo hay bằng
những lệnh án thâm độc, Giáo Hội cũng đã không vì thế mà bị tiêu vong. Đặc biệt,
Giáo Hội đã không suy tàn vì bị truy nã. Lịch sử Giáo Hội thời sơ khai đã minh
chứng điều đó.

Một thí dụ: Các vị tử đạo ở Xili


Ngày 17-7-180, lính Rôma ở Karthago mang đến trước mặt Thống đốc[1]
(Prokonsul) Satunius 7 tù nhân nam và 5 tù nhân nữ, bị bắt vì tội theo Kitô giáo.
Hồ sơ toà án ghi:
Thống đốc Saturnius nói: "Các ngươi sẽ được hoàng đế ta tha nếu chịu trở về với lẽ
phải“. - Speratus, đại diện đám tù nhân Kitô, trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ làm
điều trái hoặc có hành động xấu. Chúng tôi không bao giờ chửi bới, song vẫn luôn
nói cám ơn khi bị đối xử bất công. Chúng tôi cũng luôn kính trọng hoàng đế của
chúng tôi“ . Ông thống đốc đối lại: “Chúng tôi cũng có lòng đạo. Tôn giáo chúng tôi
đơn giản. Chúng tôi thờ thần Genius của hoàng đế chúng tôi và luôn cầu cho ngài
được sự lành. Các ngươi cũng phải làm như thế“. - Speratus trả lời: “Nếu ngài chịu
bình tĩnh nghe, tôi sẽ giải thích cho ngài về mầu nhiệm đơn thành của chúng tôi“. -
Saturnius: “Ta sẽ không nghe nếu ngươi nói xấu về đạo của ta. Tốt hơn, nên thờ
Genius, thần hoàng đế!“. - Speratus: “Tôi không công nhận đế thần ở trần gian này.
Nhưng chỉ phục vụ một Thiên Chúa mà chưa con mắt người trần nào nhìn thấy. Tôi
chưa bao giờ trộm cắp. Khi tôi mua gì, tôi trả thuế. Bởi tôi tin Chúa tôi, Đấng có
quyền trên cả mọi vua trần thế“ . Saturnius quay sang nói với những người khác:
“Hãy bỏ dị đoan đi!“ - Speratus trả lời: “Chỉ dị đoan nào xúi người ta giết người và
làm chứng gian thì mới xấu“. - Ông thống đốc lại quay sang những người khác:
“Các ngươi đừng để dây mình vào cái ngớ ngẩn đó!“ - Zittinus trả lời: “Chúng tôi
chẳng sợ ai ngoài Chúa chúng tôi ở trên trời“. - Donata thêm: “Chúng tôi kính trọng
Xêda (hoàng đế), nhưng chỉ kính sợ Thiên Chúa“. - Vestia thú nhận: “Tôi là một
Kitô hữu!“ - Sekunda nói: “Điều tôi đã tin, tôi sẽ giữ mãi!“ - Ông thống đốc quay
sang Speratus: “Anh cũng giữ mãi là Kitô hữu như thế?“ - Speratus: “Tôi là Kitô
hữu!“ - Và tất cả cùng đồng tuyên xưng theo. Thống đốc hỏi: “Các ngươi có cần ít
thời gian để suy nghĩ nữa không?“ - Speratus trả lời: “Việc quang minh như thế
chẳng cần chi phải suy nghĩ!“ - Saturnius: “Các ngươi mang gì trong túi kia?“ -
Speratus: “Sách và thư của Phaolô [2] , một người công chính“. - Saturnius: “Ta
triển hạn cho các ngươi 30 ngày nữa. Hãy suy nghĩ kĩ đi!“ - Speratus lại nói: “Tôi là
Kitô hữu!“ - Những người khác đồng xưng theo. Thống đốc liền tuyên đọc bản án từ
tấm bảng: “Speratus, Nartzalus, Zittinus, Donata, Vestia, Secunda và đồng bọn đã
xác nhận chúng sống theo nghi lễ của những người Kitô. Dù có cơ hội trở về với tôn
giáo Rôma, chúng vẫn cứng đầu không chịu. Vì vậy, ta quyết định và tuyên án: Xử tử
bằng gươm“. - Speratus thốt lên: “Chúng con đội ơn Chúa“.

Họ chết vì là Kitô hữu


Những vị tử đạo tiên khởi này có lẽ là người ở Xili thuộc Phi châu, vùng thuộc điạ
của Rôma, với thủ đô là Karthago. Cái chết của họ làm hưng chấn Giáo hội Phi châu.
Hồ sơ trên được người ta chép lại nhiều bản và đọc lên trong thánh lễ ngày tưởng
niệm họ. Nhờ vậy mà tài liệu được lưu giữ tới nay. Một nguyện đường lớn đã được
xây trên các mộ họ. Ở đó, sau này Thánh Antịnh (Augustinus) đã nhiều lần giảng về
“Những đứa con đầu lòng của các chứng nhân bằng máu thuộc đất Phi châu“
(Tertullian).

Dụ của hoàng đế Trajan


Hành động của thống đốc kiêm quan toà Saturnius xét ra ngay thẳng và nhân đạo, vì
ông đã cố giúp cứu Kitô hữu. Tuy nhiên, ông đã thi hành đúng lệnh của hoàng đế
Trajan (98-117) về việc xét xử người Kitô.
Hoàng đế Trajan là hậu duệ của thực dân Rôma ở Tây Ban Nha và được kể là một
trong những toàn quyền Rô ma nhân đạo nhất. Đế quốc Rôma bung rộng nhất dưới
thời ông cai trị. Trajan được Plinus trẻ, khâm sai ở Bithynien vùng Tiểu Á, yêu cầu
cho biết ý kiến dứt khoát về vấn đề người theo đạo Ki tô. Trong thư Plinius gửi
Trajan, ông cho hay Kitô hữu ở vùng ông cai quản đã khá đông và nói rằng họ
thường gặp nhau vào những ngày nhất định, trước khi mặt trời mọc, để hát đối nhau
về Chúa của họ, sau đó cùng thề với nhau “nhưng không phải cùng nhau phạm tội
ác“ mà là “thề hứa không trộm cắp, không cướp giật, không bỏ vợ bỏ chồng, cũng
như không lừa dối, và sẽ trao trả sòng phẳng đồ đạc kẻ khác gửi“. Họ thường tụ họp
“để ăn với nhau những của ăn thông thường“.
Plinius viết cho Hoàng đế cách thức ông đối xử với những Kitô hữu bị tố giác: “Tôi
hỏi họ có phải là Kitô hữu không? Nếu họ trả lời phải thì tôi hỏi lại một, hai lần nữa
và doạ sẽ ra án tử nếu không thay đổi ý kiến. Nếu như họ tiếp tục cứng đầu thì tôi
cho đem đi giết. Vì dù sao, theo tôi, riêng tội cứng đầu cũng đủ để phải lãnh án tử
rồi“.

Điều người Rôma cho là cứng đầu, đối với Kitô hữu lại là trung thành với Chúa họ.
Vì vậy mà Galenus, một y sĩ đồng thời với các tù nhân Xili đã viết: “Uốn thẳng lại
một cái đà cong còn dễ hơn là bắt người theo Kitô thay đổi ý kiến“. Tertullian, một
luật gia ở Karthago, theo Kitô giáo từ năm 190, cũng đã viết: “Khi một Kitô hữu bị
tố cáo, họ vui mừng. Khi bị xử, họ không biện minh. Khi bị chất vấn, họ tự thú. Khi
bị kết án, họ cám ơn“.

Chưa có cuộc lùng bắt nào


Hoàng đế Trajan trả lời Khâm sai Plinius là đừng lùng bắt người Kitô và chỉ phạt một
khi họ bị tố cáo và mang ra trước công đường mà thôi. Và khi “ai chối đạo bằng lời
nói và hành động, chẳng hạn như chịu thờ thần của chúng ta, thì tha cho họ, cho dù
trước đó họ tỏ ra không mấy đáng tin“. Trong đoạn viết thêm, ông còn nhắc không
xét những đơn tố vô danh, vì “đấy là những gương xấu không còn phù hợp với thời
đại chúng ta nữa“. Trước thái độ lập lững của các hoàng đế Rôma đối với Kitô hữu,
Tertullian sau này đã phải phê bình: “Nếu người ta coi chúng tôi là người có tội thì
họ phải lùng bắt chúng tôi. Bằng không lùng bắt thì phải tha chúng tôi chứ“.

Chúa của người Kitô không được công nhận


Thần Genius mà thống đốc Saturnius nhắc tới trên đây không phải là một thần hộ
mệnh duy nhất. Người ta cho rằng mỗi người có một thần bản mệnh riêng để kêu
cầu, hy sinh và cúng tế. Nhưng mọi công dân Rô ma đều bắt buộc phải thờ Genius
của hoàng đế, bởi người Rôma tin rằng lời cầu chỉ có thể hiệu nghiệm khi họ nhân
danh một chúa “của họ” và cầu cho sự an lành của hoàng đế họ mà thôi. Việc cầu
Chúa của người Kitô vì thế không được chấp nhận.
Trước toà-án, người Kitô gọi Mark Aurel là “Xêda“ , bởi kể từ sau khi Julius Caesar
(đọc Xêda) bị ám sát vào năm 44 (trước công nguyên) trở đi, tất cả mọi hoàng đế Rô
ma đều được gọi là Xêda. Từ “Caesar“ có nghĩa là hoàng đế.
Khi bắt các Kitô hữu ở Xili, người ta cũng tịch thu được một thùng cuộn giấy. Sau
khi toà cho khảo sát kỹ nội dung thì đó là những bức thư của Phaolô.
Bản án được viết trên một tấm bảng và đọc lên. Vị chánh án hoặc phải tự tay viết bản
án hoặc đọc lên cho thư ký chép. Bản án dành cho Kitô hữu ở Xili: Tử hình bằng
gươm. Và án được thi hành ngay.

Di tản cùng với các thương gia


Khoảng năm 200, tại hầu hết các điểm cư dân lớn quanh biển Địa Trung đã có các
cộng đoàn Kitô. Trung tâm Kitô giáo là Rôma và Karthago. Cũng đã có các giám
mục ở miền nội điạ Âu châu, như ở Lyon, Vienne và Marseille (Pháp), ở Trier,
Koeln, Xanten, Mainz và Augsburg (Đức), ở Lorch (Áo), ở York, London và Lincoln
(Anh). Người Kitô di tản theo các thương gia và binh lính. Thiếu tài liệu chính xác về
những cuộc di tản thời đó. Nhưng người ta đoán vào khoảng năm 100 ở phía tây Đế
quốc Rôma có độ vài ngàn tín hữu; năm 200 độ vài chục ngàn, năm 300 khoảng 2
triệu và năm 400 cỡ 4 tới 6 triệu. Phía đông Đế quốc năm 300 khoảng 5 tới 6 triệu và
năm 400 khoảng 10 tới 12 triệu (Hertling). Tổng số dân của Đế quốc Rô ma vào năm
200 sau công nguyên khoảng 70 triệu, năm 300 khoảng 50 triệu. Kitô giáo so ra thật
thiểu số, nhưng không ngừng bành trướng, ngay cả trong thời bị bách hại. Cũng như
nhà văn Tertullian đã viết: “Máu tử đạo là hạt giống ươm mầm Kitô giáo“. Các vị tử
đạo đã đóng góp quyết định cho sự lớn mạnh của Giáo Hội - được gọi là “Giáo hội
Công giáo“ kể từ thời Ignatius ở [3] Antiochia (+ 110) trở đi, vì cái chết của họ là
những bài giảng sống động nhất. Có lẽ Giáo Hội sống còn là nhờ họ.
[1] Đế quốc Rô ma chia thành nhiều tỉnh. Có những tỉnh đã được hoàn toàn bình
định, đặt dưới quyền của một viên Thống đốc . Những tỉnh chưa ổn định được giao
cho vị Khâm sai do hoàng đế bổ nhiệm. Ngoài ra còn có những vùng ngoại lệ, như
vùng Juđêa được giao cho một Tổng trấn , dưới quyền của Khâm sai xứ Syria. Chú
của người dịch.
[2] Về việc phiên âm các tên gọi: Tên của một số nhân vật hoặc địa danh đã quen
phiên âm, chúng tôi tiếp tục dùng phiên âm đã có (như Phaolô, Antôn hay
Konstantinôp, Canxêđôn...) hoặc Việt hoá (Antịnh, Biển Đức...). Những danh gọi
còn lại, chúng tôi cố gắng trong khả năng có thể ghi đúng theo ngôn ngữ gốc. Chú
của người dịch.
[3] Tên của những người thuộc giới quý tộc hoặc nổi danh xưa thường có một từ lót
"de" (pháp), "von" (đức), "of" (anh)... đi giữa và tên đi sau từ lót này có thể là tên của
vùng đất người đó làm chủ (đối với quý tộc) hoặc là nơi sinh quán, nơi mất, tên giáo
phận, tên dòng họ, hay tên sắc dân... Lối gọi tên như thế thường là để phân biệt với
những người khác cùng tên.
Có người dịch từ lót này thành "đệ" (từ chữ "de" tiếng pháp: Vinh Sơn đệ Paul) hay
dịch ra chữ "thành" (thành luỹ: Têrêxa thành Avila).
Vì từ đi sau, như đã nói trên, không nhất thiết là một thành, nên chỗ nào chúng tôi
xác định được là một địa danh (tiểu quốc, vùng, địa phận, thành, luỹ...), chúng tôi
dịch từ lót ra thành "đất", "nhà" (cho người quý tộc) hoặc "ở" (cho người không phải
quý tộc hoặc không xác định được lý lịch); chỗ nào không rõ, chúng tôi để yên từ lót.
Chú của người dịch.

TRÌNH THUẬT 4 - 5

TRÌNH THUẬT 4

CÔNG ĐỒNG NIXÊ A GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN TÍN LÝ

Công đồng Chung đầu tiên được triệu tập ngày 20-5-325 tại Nixêa thuộc Tiểu Á. Các
giám mục nghị phụ họp trong điện mùa hè của hoàng đế. Eusebius ghi lại: “Khi tất
cả các bậc vị vọng an toạ, nghị trường lặng im chờ hoàng đế. Khi hiệu báo hoàng đế
tới nổi lên, tất cả đứng dậy. Và Hoàng đế như một thiên thần từ trời xuống bước vào
giữa hội trường, áo bào đỏ sáng rực lên với những kim tuyến vàng và đá quý. Mọi
con mắt ngỡ ngàng đổ dồn vào ngài. Nhưng ngài dịu dàng và thân thiện nhìn họ rồi
nói với một giọng nhẹ nhàng: Thưa các bạn, mong muốn cao cả nhất của trẫm là
được chung vui với hội nghị của các bạn. Đối với trẫm, tranh chấp nội bộ trong
Giáo hội Chúa nguy hiểm hơn mọi trận chiến ghê gớm ngoài đời khác, nó làm đau
khổ hơn bất cứ một trận chiến nào khác ngoài đời...“.
Không phải Giáo hoàng, nhưng chính Hoàng đế chưa rửa tội đã đích thân gửi giấy
mời các giám mục về họp công đồng chung thứ nhất này. Đồng thời, ông cũng ra
lệnh cho tất cả những ai về họp được quyền sử dụng thư hoàng đế và họ được đối xử
như những công chức cao cấp. Khoảng 220 giám mục đáp lời mời về dự. Từ phương
Đông có giám mục của Syri, Kiliki, Phơniki, Lybi và Thêbai. Giám mục Thêôđoret
cho biết, trong số họ, có Paulus ở Nêôxêsarêat với hai bàn tay liệt, vì ngón bị cắt
bằng sắt nung đỏ trong thời bách hại. Cả Giám mục Paphnutius cũng tới, ngài bị đâm
hư một mắt trong “thời bất hợp pháp”. Và cả nhiều người khác nữa “mang dấu
thương tích của Chúa trên thân thể mình”. Từ phương Tây chỉ có 5 giám mục tới,
một từ Tây Ban Nha. Giáo hoàng Silvestê vì tuổi già không tới được, cử hai linh mục
Vitus và Vinzenz đại diện.

Mục đích Công đồng


Trong diễn văn khai mạc, hoàng đế Konstantin cho hay mục đích của Công đồng là
để giải quyết chuyện Arius, người đã làm Giáo Hội phân thành hai phe.
Đó là thời Giáo hội cần kiện toàn tín lý. Những cuộc thảo luận thần học đã trở nên
cần thiết, vì càng ngày càng có nhiều triết gia và học giả vào đạo và họ muốn đặt lại
vấn đề giáo lý của Chúa Kitô. Giáo Hội thời đó đã kết án hơn chục “lạc thuyết”.
Nhưng không có thuyết nào thách đố Giáo Hội trong các thế kỷ đó cho bằng thuyết
của Arius.
Thuyết Arius là một “tổng tấn công của lý trí” (Château-briand) trên Kitô giáo. Cuộc
đấu lý về thuyết này trong thế kỷ 4 không chỉ làm rối loạn Giáo Hội, mà còn khiến
Konstantin điên đầu. Konstantin lúc này một mình trị vì toàn đế quốc cả Đông lẫn
Tây. Ông không muốn đế quốc của ông bị vỡ vì mấy nhà thần học. Vì vậy mà có
Công đồng Nixêa.
Chính Konstantin cũng chẳng hiểu gì nhiều về ý nghĩa thần học của vụ tranh cãi. Nội
dung thư mời họp của ông nói lên điều đó. Trong thư có đoạn viết: “Đối với một số
vấn nạn, chẳng cần hỏi phải nên trả lời như thế nào. Có mấy ai hiểu được những
chuyện cao xa như thế hoặc góp ý được gì về những chuyện đó. Tựu trung thì quý
bạn đều nghĩ như nhau. Quý bạn có thể dễ dàng đạt tới một xác tín chung”. Với
Arius và đối thủ của ông là Athanasius, Hoàng đế viết: “Trẫm đã suy-nghĩ về
nguyên-nhân và nội-dung tranh-cãi của hai bạn và trẫm tin rằng đó là chuyện trẻ
con, chẳng tí nào đáng phải làm ầm lên như vậy.“

Arius: gần như một vị thánh


Khi chuyện nổ ra, Arius đã khoảng 60 tuổi. Ông là linh mục coi sóc một quận trong
thành Alexandria ở Ai Cập. Gốc người Lybi, tới Alexandria du học lúc còn trẻ. Một
người rất thông minh và đạo hạnh. Một nhà khổ tu. Gần như một vị thánh.
Trước khi họp Công đồng, khoảng 100 giám mục đã họp ở Alexandria để thảo luận
và phỏng vấn Arius. Khi Arius bắt đầu đi vào nội dung chính của thuyết mình và
khẳng định rằng đức Giê su cũng có thể phạm tội, các giám mục gầm lên phản đối.
Arius phải bỏ nhiệm sở và rời Ai Cập.
Thuyết Arius có thể tóm tắt như sau: Đức Giê su chỉ là một thụ tạo của Chúa, một
thụ tạo gần gũi Chúa hơn bất cứ một ai khác. Ngài giống Chúa, nhưng không phải là
Chúa. Vì Ngài không phải Chúa, nên Ngài không hiện hữu đời đời. “Đã có một
thời”, một trong những câu kinh của thuyết Arius, “không có Đức Giêsu”.

Athanasius: Kitô là Chúa


Athanasius là thư ký của Giám mục Alexandria, người đã tuyệt thông Arius. Ông
sinh vào khoảng năm 295 trong một gia đình có đạo, 25 tuổi nhận chức phó tế. Với
tư cách phó tế, ông tháp tùng giám mục tham dự công đồng. Năm 328 trở thành
Giám mục Alexandria và giữ nhiệm vụ đó 45 năm dài, cho tới khi mất vào năm 373.
Athanasius tư chất thông minh, chiến đấu không mệt mỏi và là một nhà thần học có
hạng.
Giáo thuyết của ông: Đức Kitô đến để cứu rỗi con người, để con người được trở nên
“như Chúa”. Athanasius tự hỏi, nếu Đức Kitô không phải là Chúa thì Ngài làm sao
giúp con người trở thành được như Chúa? Không ai cho cái mình không có. Tội là lỗi
phạm đến Chúa. Vì thế chỉ có Chúa, chứ không phải con người, mới tha được tội.
Tóm lại, Đức Kitô là Chúa chứ không phải chỉ là một tạo vật. Vụ Arius, như vậy,
không phải là một tranh cãi về những chi tiết tiểu sử của Đức Giêsu, cũng không phải
về bản tính Thiên Chúa của Ngài, nhưng là về giáo lý “cứu rỗi”.
Arius đích thân bảo vệ quan điểm mình ở Nixêa. Thoạt tiên, có 17 giám mục đứng về
phía ông. “Nhưng sau nhiều bàn thảo, nhiều đấu tranh và đắn đo phân tích”, như
Eusebius kể, lập luận chung của Giáo Hội đã thắng thế. Ngày 19-6-325, Công đồng
chấp nhận “Bản tuyên xưng Nixêa”. Hai linh mục đại diện giáo hoàng đặt bút ký
trước nhất. Arius và hai giám mục không ký bị vạ tuyệt thông và lưu đày. “Bản tuyên
xưng” được hoàng đế Konstantin cho công bố như là luật nhà nước. Công đồng bế
mạc ngày 25-7. Trước đó, hoàng đế đã tiếp các giám mục nhân dịp kỷ niệm 20 năm
đăng quang của ông và căn dặn họ đừng nên cấu xé nhau. Nhưng ông đã lầm khi
nghĩ rằng vụ mâu thuẫn này đã được giải quyết ổn thoả.

“Chúa bởi Thiên Chúa”


Kết quả quan trọng nhất của Công đồng Nixêa là xác định được lời tuyên xưng về
thần tính của Đức Giêsu: “Chúng tôi tin... một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa,
Con Một của Chúa Cha, nghĩa là được sinh ra từ bản thể của Chúa Cha, Chúa bởi
Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà
không phải tạo thành, đồng bản tính với Cha...”.
“Bản tuyên tín tông đồ” trước đó, ở thế kỷ 1, chỉ xác định: “Tôi tin... Giêsu Kitô, con
một của Người”.
Dù bản tuyên tín đã định nghĩa khá rõ về thần tính của Đức Giêsu, Công đồng cũng
đã thêm vào câu sau đây:
“Những ai bảo rằng đã có một thời không có Con Thiên Chúa, và Ngài đã không hiện
diện trước khi được sinh ra, và Ngài từ không mà có hay từ một bản tính nào khác
mà thành, cũng như bảo Con Thiên chúa có thể biến đổi: kẻ đó sẽ bị đuổi khỏi Giáo
Hội”.
Lời tuyên xưng đã trở thành một “khoa học” ở Nixêa, một xác tín của các vị tử đạo
về sau và ngày nay thành một môn học trong các đại học.
Hoàng đế Konstantin chủ toạ Công đồng Nixêa. Có lẽ Giáo Hội thời đó không đủ
khả năng tổ chức một cuộc họp cho tất cả các giám mục. Trước đây, Giáo Hội gặp
nguy vì những bắt bớ của các hoàng đế. Nay, với những giúp đỡ và bao che của
Konstantin, cái nguy đó cũng không giảm đi, vì càng ngày Giáo Hội càng lệ thuộc
vào “lượng hồng ân của Hoàng đế”. Có người vui mừng với biến cố Konstantin, cho
rằng nhờ đó Giáo Hội được tự do hành đạo và tự do đem Tin Mừng gieo khắp thế
giới. Có người lại lo cho cảnh tục hoá của Giáo Hội và lý tưởng sống đơn nghèo và
khiêm nhượng đang biến mất khỏi Giáo Hội. Sau này, khi nhìn lại cảnh đạo đời
quyện lẫn làm một thời Konstantin, những nhà cải cách coi đó là một “phản bội” lại
giáo lý của Chúa. Hồng y E. Suhard (Paris) đã có một kết luận về giai đoạn lịch sử
Giáo Hội thời đó trong lá thư luân lưu (1947): “Giáo Hội sẽ giải quyết được khủng
hoảng, nếu nó từ chối ôm lấy chuyện đời. Giáo Hội sợ Konstantin hơn Neron”.

Được một người phái Arius rửa tội


Hoàng đế Konstantin sống như một Kitô hữu và con cái ông được giáo dục theo lẽ
đạo. Trước khi mất, ông nhận Phép Rửa ở Helenopolis năm 337, qua tay một người
theo phái Arius, Giám mục Eusebius ở Nikomedia.
Thời Konstantin, ra mặt chống lại các quyết nghị Công đồng Nixêa là điều nguy
hiểm, nên những giám mục chống đối thường hay dùng đòn lén để chơi lại các đồng
nghiệp khác quan điểm mình. Đứng đầu nhóm chống đối là giám mục Eusebius. Ông
vì thế bị hoàng đế thất sủng, sau nhờ can thiệp của em gái hoàng đế nên được trả lại
danh dự và trở thành giám mục của kinh đô. Giám mục Eusebius rửa tội không
những cho Konstantin, mà còn phong Wulfila làm giám mục “của các Kitô hữu
trong xứ Goten” năm 341. Qua Wulfila, dân Tây Goten sau này đã vào đạo, nhưng
thuộc phái Arius.

TRÌNH THUẬT 5

NHÀ THUYẾT GIẢNG TRÊN CỘT GỖ

Một người trong đám chay tịnh

Giám mục Thêôđoret viết trong cuốn “Lịch sử các thầy tu”: Simeon, với biệt hiệu
“Người trên cột gỗ”, là một người khắp Đế quốc Rôma đều biết, bởi vì những điều
ông làm “vượt khỏi khả năng tự nhiên con người”. Chẳng hạn, vì số người tìm tới
nghe và xem ông càng ngày càng đông và họ cố sờ vào áo choàng để “được ơn
lành”, ông nghĩ tới việc dựng cọc cao đứng trên đó. Ban đầu cọc cao độ sáu sải (sải
= 60 - 80 cm), sau lên 12 rồi tới 20 sải. Cuối cùng đạt tới 36 sải. Cao như thế “ là vì
ông muốn thoát khỏi những ham muốn trần tục để bay bổng lên trời”.
Để đứng vững, ông buộc vào cọc một thanh gỗ để tựa rồi lấy dây cuốn mình vào đó
và ở riết trên đó suốt 40 ngày. Tuy nhiên, “để được ơn trời nhiều hơn nữa”, ông
quyết định ở thêm 40 ngày nữa, mà “chẳng ăn uống gì cả, chỉ sống nhờ lòng cậy tin
và ơn Chúa". Thêôđoret kết bài tường thuật: “Ngày đêm Simeon đứng trên đó, mọi
người nhìn ngắm: một trò ảo thuật mới và lạ lùng cho thế giới”.

Sống độc thân, một lý tưởng của giáo dân


Simeon sinh khoảng năm 390 ở một làng giáp ranh xứ Syri. Thuở nhỏ đi chăn cừu
cho cha. Cậu bé có được giáo dục đến nơi đến chốn hay không, không thấy đâu nói
tới. Người ta nói rằng cậu đi lễ chủ nhật và nghe bài giảng các mối phúc của Chúa.
Cậu bị đánh động và quyết định đi theo các thầy “chay tịnh”.
Các cộng đoàn đan sĩ là bước khởi đầu của các dòng tu, đã có từ thế kỷ 2, thời còn bị
bách hại. Lối sống trốn đời, chối từ tiêu thụ, đề cao chay tịnh thể xác đã là một sáng
kiến của giáo dân, chứ không phải của hàng giáo phẩm. Lý tưởng chung của người
chay tịnh (đan sĩ) là để được trọn hảo theo tinh thần Phúc Âm.
Qua cuốn “Về cách ứng xử của các trinh nữ” (249) của thánh Cyprianô ở Karthago,
chúng ta biết được trong giáo đoàn của ngài đã có những hội thanh nữ hứa đời độc
thân, nhưng không sống chung thành cộng đoàn với nhau. Trong sách này, Cyprianô
chê thói thích làm đẹp lòng người khác và thích quét dọn quá đáng nơi một vài trinh
nữ và khuyên họ tốt hơn nên lập gia đình.
Các hội trinh nữ kiểu đó được thành lập tại Tây Ban Nha bởi quyết nghị hội đồng
(Synode) ở Elvira, ở Tiểu Á và Syri bởi hội đồng ở Ankyra. Hai hội đồng chỉ trích
nhiều về những sai lạc của các hội trên. Dù vậy, cũng không thiếu những gương anh
hùng trong nhóm những người này. Một sai lệch điển hình xuất hiện vào thế kỷ 3 là
việc sống chung của các thanh niên nam nữ qua những kết ước “thần hôn”. Hội đồng
ở Antiochia (268) cho hay có nhiều giáo sĩ vào hội và bị tai tiếng. Cyprianô yêu cầu
giải tán ngay, hội đồng ở Ankyra cấm các cộng đoàn thiếu minh bạch này không
được tiếp tục sinh hoạt.

Chết vẫn không chừa


Sau 2 năm, Simeon bỏ cộng đoàn chay tịnh, vào tu trong một tu viện gần Antiokia,
thủ phủ của Sy ri, và ở đó 10 năm. Ở đây, anh sớm bị để ý vì những lối hãm mình
quá đáng. Cuối cùng, bề trên đã phải đuổi anh, khi thấy anh buộc dây trong người
quá chặt đến nỗi máu rỉ ướt áo. Simeon rời tu viện đến làng Tellnesin, nằm dưới chân
ngọn núi mà sau này anh dựng cọc ở trên đó. Anh ăn chay suốt 40 ngày. Việc làm
này trước đó đã được một linh mục khuyên không nên. Sau 40 ngày, người ta tìm
thấy anh nằm bất tỉnh trong một căn lều. Ba năm sau, anh lên núi dựng hàng rào sống
trong đó, xích người vào một tảng đá. Giám mục ép mãi anh mới bỏ lối hãm xác này.
Sáng kiến cuối cùng là dựng cọc, cao khoảng 20 mét, mặt đỉnh cọc rộng 2 mét
vuông. Người đương thời bảo ông sống trên đó tới 40 năm. Điều chắc chắn là ông đã
ở đó cho tới lúc chết.
Cuộc đưa xác ông về thủ đô Antiochia diễn ra như một đám rước khải hoàn. Linh
cửu được vị tổng chỉ huy quân đội của hoàng đế và nhiều binh sĩ đưa đón. Một năm
sau ngày Simeon mất (459), người ta cất một nguyện đường ngay tại nơi có cọc gỗ.
Nguyện đường dài 100 mét, rộng 88 mét, là một trong những nhà thờ lớn nhất thời cổ
và là một trung tâm rộn ràng khách hành hương.

Không ai biết được nguyên do thật


Simeon là một thí dụ quá đặc biệt về cách hiểu và sống Phúc Âm của người thời đó.
Trong khi Athanasius băn khoăn làm sao có thể đặt nền móng cứu độ bằng tín lý,
Simeon lại tìm tới thiên đàng bằng cách hành xác. Dù sao, bài giảng trên núi, trước
hết, đã tạo nơi ông lòng ngoan đạo. Có thuyết cho rằng ông làm thế là để đền tội cho
thành Antiochia, lúc đó có tiếng sa đoạ. Một trong những “sa đoạ” là hình ảnh khiêu
dâm. Sử gia dòng Tên Alfred Laepple gọi Simeon là một thí dụ sống động, kình
chống lại lối sống xa hoa, tục tắm chung, tôn thờ thể xác và lòng nguội đạo thời đó.
Có kết luận khác lại bảo rằng, chúng ta không thể biện minh được lối hành đạo của
ông, nhưng dù sao, đó cũng là một dấu chỉ nói lên khả năng của một con người
“quên mình, vì họ đã được đong đầy tình yêu Chúa”. Đâu là nguyên do thật khiến
ông có cuộc sống lạ lùng kia, tới nay vẫn không ai tìm ra. Thêôđoret cho rằng đó là
cách ông chạy trốn những người ngưỡng mộ. Nhưng nếu trốn thì có nhiều cách, mà
cách thông dụng thời đó là vào hoang địa, chứ đâu lại dựng cọc như thế!

Một anh khùng?


Ngày nay, ta có cảm tưởng Simeon là một “anh khùng”. Nhưng khùng thì sao lại có
thể vấn an, khuyên nhủ cho người thập phương nườm nượp kéo tới! Ông thuyết
giảng, nói tiên tri và đưa nhiều người trở về cùng Chúa. Các hoàng đế và giám mục
trọng ông. Thật ra, nhiều người ban đầu tới vì tò mò. Nhưng rồi, như giám mục
đương thời Thêôđoret viết, họ “trở về nhà với Chúa trong lòng”. Người ta đến từ
Syri, Ảrập, Persê (Iran), Armêni, Rôma, Gallien (Pháp) và từ Tây Ban Nha, nước
thời đó được coi là “điểm cuối địa cầu”. Nếu quả để được thấy một anh khùng thì
người ta đã không nhọc công lặn lội từ xa như thế.

Một cơ hội lớn


Ta không hiểu được nguyên do Simeon dựng cọc. Nhưng việc ông sống trên cọc đó
quả là một thành công lớn cho việc tông đồ của ông, vì nhờ vậy ông mới có thể tiếp
chuyện được với nhiều khách thập phương. Ảnh hưởng của phương tiện đó có thể ví
được như truyền hình thời nay. Nếu như ông chết như một vị thánh đơn độc trong sa
mạc, thì những đám đông kia đâu có cơ hội trực tiếp gặp gỡ ông. Ai muốn được biết
đến, thì bằng cách này hay cách khác phải có một cái gì để người ta chú ý. Cách gây
chú ý của Simeon là việc ở và giảng trên cọc. Và sáng kiến lạ lùng của ông đã là
“một phép lạ hoàn vũ" (Thêôđoret), một thành công thực sự, chứ không hẳn là việc
làm của một người điên.

Các nhà ẩn dật


Bên cạnh cộng đoàn chay tịnh, một bước đầu khác nữa của các dòng tu sau này, là lối
sống ẩn dật. Người ta thấy chỉ chay tịnh không thì chưa đủ, mà còn muốn xa lìa luôn
môi trường và xã hội sa đoạ chung quanh. Lúc đầu, chỉ có đàn ông vào ẩn trong sa
mạc Thêbai miền nam Aicập, nơi lối sống dễ dãi của thực dân Rôma chưa thấm
nhập.
Những người đầu tiên vào sa mạc là để chạy trốn bách hại của hoàng đế Decius. Hết
nguy hiểm, họ vẫn tiếp tục ở lại, vì thấy nơi đó quả là lý tưởng cho đời sống cầu
nguyện và xét mình.
Hai khuôn mặt ẩn dật nổi bật thời đó là Thánh Phaolô ở Theben và đại Thánh Antôn
(có người dịch là Antôn Cả). Phaolô trốn vào hoang địa lúc còn trẻ và, theo truyền
thuyết, sống trong đó tới năm 113 tuổi. Sau bao năm tìm kiếm, Antôn gặp được
Phaolô trước khi vị này mất. Ông nói với Antôn: “Xem này, người mà anh bỏ bao
nhiêu công tìm kiếm, giờ chân tay đã mỏi tóc đã bạc. Người đó nay mai sẽ trở về với
cát bụi. Nhưng ta xin anh hãy vì tình thương nói cho ta hay, người đời lúc này ra
sao? Các thành phố cũ có xây thêm nhà cửa không? Ai trị vì thiên hạ lúc này? Có
còn người sống trong lầm lạc của ma quỷ nữa không?" Có lẽ Phaolô mất năm 341,
nghĩa là sau ngày đại đế Konstantin mất, và như thế sau khi Ki tô giáo đã được Đại
đế giải phóng.
Theo tài liệu của Thánh Hieronymus, tài liệu duy nhất về cuộc đời Phaolô ở Thêbai,
thì Phaolô sinh năm 228 ở miền Thêbai hạ, con của một gia đình giàu có và trốn vào
hoang địa trong cơn bắt đạo của Decius. Vì người em rể hám của doạ tố cáo anh với
chính quyền về tội theo đạo, nên anh đã vào trốn ở đó, sống trong một hang núi 90
năm dài.
TRÌNH THUẬT 6 -7

TRÌNH THUẬT 6

NHỮNG ẨN SĨ ĐẦU TIÊN

Antôn và cuộc sống ẩn dật


Cậu nông dân An tôn sinh năm 252 ở làng Kome mạn nam Aicập, trong một gia đình
giàu có. Cậu mất bố mẹ năm lên 20 tuổi. Cũng như ông Simeon đứng trên cột, đời
An tôn chuyển hướng là nhờ Phúc Âm. Với cậu, câu sau đây của Đức Giêsu đã đánh
động cậu mạnh nhất: “Ai muốn trọn hảo, hãy về bán hết gia sản đi, tặng cho người
nghèo rồi tới theo ta” Sau khi Antôn lo đầy đủ cho em gái, cậu vào sống trong một
túp lều ở bìa làng. Ít lâu sau, cậu vào sống dưới một vách đá trong sa mạc Lybi, trước
khi quyết định dứt khoát vào ẩn trong một thành bỏ hoang của người Rôma.
Nhưng càng sống cô độc, những cám dỗ và chống trả nơi Antôn càng dữ dội. Vì thế,
có những hoạ sĩ như Hieronymus Bosch toàn vẽ những cảnh cám dỗ khi trình bày
cuộc sống của Thánh nhân, làm như thể cả cuộc đời ngài chỉ dệt bằng cám dỗ mà
thôi.

Tuổi trẻ vào sa mạc


Hai mươi năm sau, khi về lại thành, theo lời kể của bạn ông là Athanasius, Giám mục
Giáo phận Alexandria, Antôn được tiếng là “người đã vén được nhiều màn bí mật
cao siêu” và là “người đầy ơn Chúa”. Khi ông trở lại sa mạc, nhiều thanh niên vào
theo. Những nhóm ẩn dật đầu tiên xuất hiện. Họ tuy sống gần nhau, nhưng lúc đó
chưa quyết định lập cộng đoàn chung, mỗi người tự sống theo lối riêng của mình.
Khi Hoàng đế Maximinus Daja (310-313) bắt đầu bắt đạo, Antôn về lại Alexandria
để thăm viếng và an ủi đồng đạo trong các nhà ngục. Maximinus Daja, người kế vị
Galerius từ năm 311, muốn lập một Giáo hội lương giáo để chống lại Giáo hội Kitô.
Giám mục Athanasius lại một lần nữa gọi Antôn từ hoang địa về thành, lần này là để
nhờ ông giúp chống lại những lập luận của Arius. Chính Athanasius có lần đã vào
hoang địa sống với Antôn một thời gian dài, khi ông phải trốn khỏi Alexandria.
Antôn giữ liên lạc với những kẻ cao cấp nhất của chính quyền đế quốc, có thư từ qua
lại với Hoàng đế Konstantin và các vị kế nhiệm ông. Ngài mất năm 356, thọ 104
tuổi.

Pachomius lập tu viện đầu tiên


Thánh Pachomius lập tu viện đầu tiên vào khoảng năm 300. Pachomius có bố mẹ là
người ngoại giáo, lớn lên trong thiếu thốn và thất học. Bị bắt đi quân dịch và đưa
xuống tàu theo sông Nil chở về Alexandria. Trên tàu, anh bị một số chỉ huy và bạn
đối xử tàn tệ, trong khi đó những người Kitô trong đám lính lại tỏ ra thân tình với
anh. Cuộc gặp gỡ này đã chuyển hướng đời anh. Hết hạn lính, anh không trở về nhà,
nhưng vào sống trong một ngôi đền bỏ hoang. Anh nhận phép rửa từ tay nhà ẩn dật
Palamon, người mà anh đã gặp và làm quen được trong sa mạc. Anh theo Palamon.
Nhưng, vì thấy lối sống của bạn quá khắt khe một cách bất nhân, anh đã lập cho
mình một nhà kín riêng trên đảo Tabennisi giữa sông Nil, tu viện đầu tiên trong lịch
sử Giáo Hội. Các phòng ở của tu sĩ được bao quanh bằng một bức tường kín, vì vậy
nên mới gọi là “nhà kín” (claustrum = đóng kín, bao kín).
Khoảng 20 năm sau, Pachominus đã có 9 tu viện nam và 2 tu viện nữ. Em gái của
anh làm bề trên tu viện nữ. 9 nhà nam với tất cả 9.000 tu sĩ. Khoảng năm 450 có tổng
số độ 50.000 người. Chữ “tu sĩ” (tiếng Đức Moenche) phát xuất từ tiếng Hylạp
“monachoi”, có nghĩa là “những người sống một mình”. Từ “nữ tu” (tiếng Đức
Nonne) xuất phát từ tiếng Aicập và có nghĩa là “sự tinh khiết”.
Pachomius mất ngày 14-5-346 vì dịch tả. Trước khi mất, ông còn kịp dặn anh em
không để cho ai biết nơi chôn cất mình.

Pachomius lập nội quy cho phong trào


Nhờ kinh nghiệm lúc đi lính, Pachomius rất chú ý đến luật của tu viện mình lập. Luật
của ông chẳng phải là lý thuyết cao xa, mà chỉ là những quy tắc ứng xử thường ngày.
Những quy tắc đó đã ảnh hưởng trên đời sống tu viện nhiều trăm năm sau.
Khi nhập tu viện, Pachomius đặt cho mỗi người một tên mới và một số. Cứ 24 người
lập thành một nhóm, có một anh/chị trưởng đứng đầu. Các tu sĩ tự canh tác mà sống.
Việc làm ưa chuộng nhất là đan rổ cùng dệt chiếu và mền. Cuối tuần, sản phẩm được
tập trung về tu viện chính, giao cho tu sĩ đặc trách kinh tế mang ra bán ngoài chợ
tỉnh. Công việc trí óc bị khinh chê, nhưng Pachomius buộc mọi tu sĩ ít nhất phải đọc
được Sách Thánh. Pachomius từ chối làm linh mục. Vì thế, tu sĩ của ông đều ở bậc
giáo dân. Điểm này được người đời coi là một “dấu chỉ” phản kháng lại “Giáo Hội
phẩm trật”.
Thật ra, quan hệ của dòng lúc đầu đối với Giáo Hội không được trôi chảy. Nhưng
không phải vì thế mà bảo rằng các tu sĩ trong hoang địa chống Giáo Hội. Cáo buộc
này ít nhất hoàn toàn không đúng đối với Antôn, người đã luôn giữ quan hệ mật thiết
với Giám mục Athanasius. Và Athanasius cũng đã viết về cuộc đời Antôn để quảng
bá lý tưởng đan tu cho quảng đại quần chúng. Truyện đời tu thời đó có lẽ bán chạy
như tôm tươi, nên tu viện mọc rất nhanh. Chính Athanasius là người đã mang 2 tu sĩ
Dông phương sang Rôma để họ lập các tu viện đầu tiên (340) bên đất Đế quốc Phía
Tây. Năm 388, ở Rôma đã có 12 tu viện. Phong trào xuất phát từ một vách đá trong
sa mạc, nhờ Pachomius, cuối cùng đã lan xuống thành phố, nơi những người ẩn tu đã
một lần ra đi.

Công đồng chống lại những biến chất


Trong thế kỷ 5, vô số đan sĩ sống rải rác đầy trong sa mạc Aicập. Viện phụ Schenute
(mất 466) nghe nói có tới 2.200 nam tu và 1.800 nữ tu. Schenute là viện phụ đầu tiên
buộc tu sĩ mình phải tuyên hứa một cách long trọng. Những lời hứa này còn được lưu
trữ trong thư khố tu viện. Nhưng vì nhận thấy có nhiều biến chứng không tốt trong
đời tu, Công đồng Canxêđôn trong phiên nhóm thứ 15 ngày 31-10-451 đã quyết
định: “... không ai được xây tu viện hay nhà thờ khi chưa có phép của giám mục
thành phố. Thứ nữa, tu sĩ thuộc vùng hay tỉnh nào phải thuộc quyền quản lý của
giám mục địa phương đó. Họ cứ việc sống thanh thản, chỉ buộc ăn chay, cầu nguyện
và bám trụ ở những nơi họ được gởi tới mà thôi”. Ngoài ra, Công đồng cũng lệnh
cho các giám mục phải “coi sóc cẩn thận” các tu viện, miễn quân dịch cho các thầy,
cấm các thầy không được nhận trách vụ đời và buộc họ phải giữ đời độc thân.
Cuộc sống khép kín và thiếu chiều sâu đã làm cho các tập tục tốt biến chất một cách
đáng ngại và cuối cùng đã là nguyên nhân làm sụp đổ cả phong trào tu ở Aicập. Tuy
nhiên, trong thời gian đó, phong trào đã toả kịp ra các miền khác: bán đảo Sinai,
Palestin (thánh Hieronymus) và Syri. Khi Konstantin mất, kinh đô Konstantinôp đã
đếm được 15 tu viện, từ năm 340, như đã nói, tu viện đã xuất hiện ở Rôma.
Ngày nay, Giáo Hội nói tiếng Hylạp chỉ còn có mỗi một dòng Basilius mà thôi.
Basilius (329-379) là người lập dòng ở phương đông lớn thứ hai sau Pachomius.
Công đồng Canxêđôn và các luật dòng của Pachomius và Basilius đòi buộc một cuộc
sống nhiệm nhặt quá lẽ (có khi tu sĩ tự giam mình trong một buồng xây kín).
Về đại thánh Basilius (Basilius der Große), phải nói thêm là ông đã cho cất ở
Caesarea miền đông Tiểu Á cả một thành phố bác ái với nhiều nhà trọ, nhà thương,
nhà tế bần, một nhà nguyện và một nơi dung thân cho những người bị bỏ rơi. Nếu
không có Kitô giáo, thì cái nhìn tích cực đối với người nghèo và người bệnh đã
không thể có trên phần đất cựu thế giới.
Một trong những thầy tu phương tây đầu tiên là Thánh Martin (336-397), sinh quán
gần Steinamanger ở Hung-gia-lợi. Là con trai vị sĩ quan tham mưu phó binh đoàn
Rôma, Martin theo gia đình tới Gallien (nay là Pháp) lúc 16 tuổi. Khi qua Amiens,
cậu thấy một người rét lạnh bên đường liền cắt ngay một nửa áo choàng cho người
đó. 18 tuổi, nhận phép rửa tội. Khoảng năm 360, Martin lập một trong những tu viện
đầu tiên gần Poitiers, phía bắc dẫy núi Alpes. Ông mất lúc đang làm Giám mục Giáo
phận Tours. Bởi phần áo choàng còn lại của thánh nhân được lưu giữ trong một
phòng cạnh cung thánh Nhà thờ Chính toà Tours, nên người ta gọi phòng đó là
“Capella” (tiếng Latinh: cappa = áo choàng). Cũng từ đó, có từ “Kapelle” (Đức),
“Chapelle” (Pháp) để chỉ phòng nguyện phụ trong nhà thờ hay một nhà nguyện nhỏ.

“Muối” của Giáo Hội


Khi Giáo Hội, nhờ những đặc ân của Đại đế Konstantin, bắt đầu thoả hiệp và thi thố
vinh quang quyền lực với đời, thì Pachomius lập những tu viện đầu tiên với sự hình
thành những “đạo binh” tu sĩ được tổ chức chặt chẽ. Các tu sĩ muốn lấy cái “chết
không đổ máu” của họ để nói lên rằng bản chất đích thực của Giáo Hội không phải là
quyền lực và uy danh. Tu sĩ thời đó là “muối” Tin Mừng của thế giới, mà cũng là của
Giáo Hội. Lối sống của họ là một lời mời gọi tha thiết nhắn nhủ Kitô hữu đừng bán
mình cho những quyến rũ thế gian. Phải công nhận rằng dòng tu thời đó là sức mạnh
của Giáo Hội. Nhưng cũng không vì thế mà giản lược vào chỉ một lối sống đó mà
thôi. Bởi mệnh lệnh của Chúa là “Hãy đi khắp thế giới, giảng đạo và rửa tội cho mọi
người”. Một sứ mạng mà mọi dòng tu ngày nay đều ý thức thực thi.

TRÌNH THUẬT 7

ANTỊNH (AUGUSTINUS) - MỘT CUỘC TRỞ VỀ KHÓ KHĂN LÂU DÀI

Đang ghé chơi nhà bạn ở gần Milano, Antịnh nghe vọng từ vườn nhà bên cạnh tiếng
một em nhỏ: “Cầm lấy! Đọc đi!” Ông giáo sư Aurelius Antịnh cố nặn óc xem đó là
trò chơi gì. Nghĩ mãi chẳng ra. Bỗng ông chợt nhớ tới chuyện nhà ẩn tu Antôn.
Athanasius thuật lại rằng Antôn chỉ vì một câu trong Sách Thánh mà biến cải cuộc
đời. Antịnh liền bước tới cầm cuốn Sách Thánh, giở ra gặp ngay đoạn của Tông đồ
Phaolô: “Chúng ta đừng sống trong ăn uống say sưa và cãi vã, nhưng anh em hãy
tới với Đức Giêsu Kitô và đừng để xác thịt làm cớ cho những ham muốn của mình!”
“Tôi chẳng muốn và cũng chẳng cần đọc tiếp nữa”, Antịnh sau này viết lại như thế
trong tập “Confessiones” của mình, bởi vì “vừa đọc xong câu đó, hồn tôi bỗng sáng
lên và vững tin, và mọi bóng đêm ngờ vực tan biến”. Sách Thánh, bao lâu nay ông
chẳng coi ra gì vì ngôn ngữ “tầm thường” của nó, cuối cùng đã thấm vào tâm ông.
Con đường trở về thật dài, khó khăn và đầy lạc lối. Antịnh lúc đó 32 tuổi, đang thả
mình giữa một cuộc sống thật sôi nổi. Ngày nay, ông là một trong những vị thánh lớn
nhất của Giáo Hội. Ông là người ảnh hưởng quyết định trên thần học và Kitô giáo
trong những thế kỷ tới.

Thông minh, nhưng vô kỷ luật


An tịnh sinh ngày 13-11-354, con trai một gia đình khá giả ở Tagaste xứ Numidien
(nay là Algerie), bắc Phi châu. Cha cậu Patrizius là người ngoại giáo, sống đời phóng
túng, làm khổ bà vợ Monica không ít. Mẹ cậu là một tín hữu Kitô với cá tính mạnh.
Tuy vậy, trong gia đình không có không khí đạo, vì lòng mộ đạo của Monica bị cả
hai bố con coi thường. Antịnh coi niềm tin của mẹ không hơn một thứ chuyện thần
thoại của bà vú nuôi.
Antịnh rất thông minh, nhưng hoàn toàn vô kỷluật. Cậu là học trò giỏi nhất của
trường Tagaste và Madaura gần đó. Khi bố mẹ hết tiền, phải thôi học, cậu nhập đám
phá phách làm loạn cả vùng. Nhưng một mạnh thường quân đã giúp cậu tiếp tục trở
lại trường.

“Sương mù dâng lên...”


17 tuổi, Antịnh vào đại học ở Kathargo. Cậu học thơ, hình học, nhạc, luận lý và triết
học. Đó là các môn học căn bản của mọi ngành nghề đại học thời đó.
Karthago, nơi năm 180 các vị tử đạo phải ra trước toà án, là một trong năm thành phố
lớn nhất của Đế quốc Rôma, bên cạnh Rôma, Konstantinôp, Êphêsô và Alexandria.
Karthago thời đó là nơi quần tụ của đĩ điếm và nhà chứa, triết gia và giáo phái, người
có đạo và vô đạo. Cậu thanh niên 17 tuổi đã tìm được đúng đất sống. Cậu có ngay
một cô bồ tên là Melanie, và lúc 18 tuổi có con đầu lòng, đặt tên là Adeodatus.
Antịnh viết về thời náo động ấy trong “Confessiones”: “Sương mù dâng lên từ vũng
lầy ham muốn xác thịt và từ nhựa sống căng trào của tuổi thanh niên, chúng như
mây che kín tâm tôi”. Và một chỗ khác: “Kẻ thù kìm hãm ý chí tôi, nó như một dây
xích cuốn chặt lấy tôi. Bởi ngược lại ý chí là đòi hỏi nhục dục, đáp ứng nó, nó trở
thành thói quen, không chống lại, thói quen trở thành trói buộc”.
Những nhắn nhủ đạo đức của mẹ chóng trôi theo cuộc sống. Mối tình với Melanie
kéo dài 10 năm. Sau này, Antịnh vẫn không coi mối tình đó là một trọng tội, vì Giáo
Hội kết án chuyện đa thê tương đối trễ và vẫn coi việc “sống chung lâu dài với một
người” gần như tương đương với một cuộc hôn nhân. Nhưng trái lại, việc lấy trộm
mấy trái lê cho bồ lại không ngừng cắn rứt lương tâm cậu, vì cậu cho rằng lúc đó
“mình chỉ muốn làm điều bất chính”...

Đi theo giáo phái


Bà mẹ khóc hết nước mắt, không phải vì cuộc tình bất chính của con, nhưng vì
Antịnh gia nhập giáo phái Manikê. Cậu đi theo tổ chức đó sau khi đọc “Hortensius”,
một tác phẩm hiện đã thất lạc của triết gia Cicêrô người Rôma. Cuốn sách của nhà
triết học ngoại giáo đã làm Antịnh thắc mắc: vũ trụ đến từ đâu và vì sao nó hiện hữu?
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc sống sôi động Antịnh có dịp nhìn lại mình và
nghĩ tới một hướng đi mới. Câu hỏi đã được đặt ra, nhưng: Ai sẽ trả lời? Vì không tin
vào lòng đạo đơn sơ của mẹ, nên cậu đã hướng về Manikê, là giáo phái lúc đó đáp
ứng được các bộ óc thông minh và tuổi trẻ. Nhà lập đạo Mani, gốc người Iran, dạy
rằng, từ đời đời đã có một nguyên lý xấu hiện hữu song hành với nguyên lý tốt và hai
nguyên lý đó luôn chống nhau. Mani khẳng định, con người chỉ có thể tự cứu bằng
cuộc sống tiết dục, vì nhờ đó họ mới tách ra khỏi được “chất xấu”.
9 năm đi theo tổ chức, Antịnh luôn chỉ là “người nghe”, chứ chưa bao giờ lên được
cấp “tuyển chọn” hay “hoàn hảo”, bởi vì muốn đạt cấp đó phải từ bỏ hôn nhân và
tình dục. Có lẽ lời cầu sau đây của cậu phát xuất trong thời điểm phấn đấu đó: “Xin
cho con lòng chay tịnh và tiết dục, nhưng đừng cho con lúc này”.

Đường tới Kitô giáo


Bà mẹ giận con theo tà giáo, nên ngày nọ cấm cậu bước về nhà. Antịnh phải trọ nhà
bạn. Ban đầu, đây là dịp cậu được tự do mặc sức đấu lý với bạn bè. Nhưng rồi người
bạn thân nhất chết. Vấn nạn trên kia lại trở về với cậu.
Năm 375, cậu Antịnh 21 tuổi lập một trường hùng biện ở Karthago, nhưng không
thành công lắm. Hơn lúc nào hết, bà mẹ cố thúc con vào đạo. Bà nhờ một giám mục
vận động con mình, nhưng giám mục từ chối.
Để bớt bực mình và tránh nghe mẹ càu nhàu, cậu trốn về Rôma, mang theo Melanie
và Adeodatus, để mẹ ở lại.
Ở Rôma, nhờ sự bảo trợ của Manikê, Antịnh được một chức giáo sư ở Milano, lúc đó
là kinh đô của vương quốc. Cậu dùng xe ngựa nhà nước tới Milano. Bà mẹ tìm tới,
dứt khoát bắt cậu đuổi Melanie và cưới vợ đàng hoàng. Bà tìm cho cậu một cô con
nhà giàu, nhưng còn thiếu 2 tuổi nữa mới tới tuổi thành hôn. Trong lúc đó, Antịnh
cặp bồ mới.
Ở Milano, một lần Antịnh vào nhà thờ chính toà để nghe nhà thuyết giảng nổi danh
Ambrôsiô. Cậu “chỉ muốn thử nghe ông ta giảng ra sao... nhưng bỗng dưng”, sau
này Antịnh nhớ lại, “không những tiếng nói dễ thương mà cả nội dung lời giảng
thấm vào trí tôi”. Antịnh bắt đầu đọc Sách Thánh với cặp mắt mới, và cuối cùng cậu
đã khám phá ra điều cậu vẫn tìm: lời giải cho vấn nạn về ý nghĩa vũ trụ và con người.
Nhưng cậu vẫn không tài nào quyết định bước tới được, cho đến khi nghe tiếng trẻ
trong khu vườn nhà bên cạnh: “Cầm lấy! Đọc đi!”. Trong đêm Phục Sinh năm 387,
Antịnh nhận phép rửa từ tay Giám mục Ambrôsiô, lúc 32 tuổi.

Bước vào cuộc sống mới


Sau khi nhận phép rửa, Antịnh chẳng màng gì nữa tới hôn nhân và bạn gái. Từ bỏ
hẳn cuộc sống theo bản năng. Hướng ý chí về một chân trời mới. Dứt khoát. Vì nếu
không dứt khoát, thì không thể trở thành một Kitô hữu, dù mình có thông hiểu giáo
lý đến đâu chăng nữa. Một cuộc đổi đời toàn diện. 44 năm còn lại sau ngày nhận
Phép Rửa, thời gian đủ để Antịnh chuyển cuộc sống bản năng vào con đường thánh
thiện.
Chỗ đứng xứng đáng của Antịnh trong lịch sử Giáo Hội không chỉ là thành công
chống lại những lạc thuyết đương thời, nhưng còn là nỗ lực nối kết lòng tin với triết
thuyết ngoại giáo. Bởi vì ông muốn “không chỉ tin suông, mà phải hiểu những gì
mình tin”, mà không “để mất khả tín những gì lý trí chưa chiếu sáng được”.
Một tác phẩm quan trọng của Antịnh là cuốn “Quốc Gia Thiên chúa” (De civitate
Dei). Ông viết tác phẩm này sau trận cướp phá Rôma của quân Alarich năm 410 để
trả lời việc dân Rôma tố cáo tín hữu Kitô đã tạo ra biến cố vô phúc đó vì sự “vô
thần” của họ. Antịnh khẳng định rằng sự giàu có và uy tín của Rôma hoàn toàn
không phải bắt nguồn từ tín ngưỡng ngoại giáo của họ, nhưng từ những chiến thắng
của các đạo binh Rôma và nhất là từ chính sách bất nhân, sẵn sàng tiêu diệt cả những
dân tộc hoà bình. Phần triết lý chính trị Kitô giáo ông đề cập trong sách đó, nói
chung, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội thời Trung Cổ.
Sau khi rửa tội, Antịnh ở lại Milano cho hết bán niên học, rồi về lại Phi châu. Mẹ ông
mất vì bệnh cảm và được chôn ở Ostia gần Rôma. Cha mất sớm, nên khi về tới nhà,
ông bán hết gia tài cha mẹ để lại và vào chung sống với bạn 3 năm trong một tu viện.
Ngày nọ, khi ông bước vào nhà thờ của Hippo Regius, dân đang tập trung ở đó liền
suy cử ông lên làm giám mục. Ông hốt hoảng, nhưng cuối cùng đã chấp nhận. Năm
395, làm giám mục phó cho vị giám mục già Valerius, năm 42 tuổi lên giám mục
giáo phận. Ông mất năm 430, lúc 76 tuổi, giữa khi quân Vandalen đang vây thành
phố ông.

TRÌNH THUẬT 8 - 9

TRÌNH THUẬT 8

AMBROSIÔ GIẢI THOÁT GIÁO HỘI KHỎI "VÒNG TAY" CỦA HOÀNG ĐẾ

Antịnh vào đạo, rõ ràng là nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của người mẹ. Nhưng, bên cạnh
đó, ảnh hưởng của giám mục Ambrôsiô cũng là một yếu tố quyết định.
GIÁM MỤC "NGOÀI Ý MUỐN"
Ambrôsiô sinh năm 339 ở thành phố Trier (Đức), con của vị công chức hành chính
cao cấp nhất của Đế quốc Rôma tại Gallien. Mẹ ông là một tín hữu Kitô. Sau khi
chồng mất, bà đưa con về sống tại Rôma. Năm 32 tuổi, Ambrôsiô làm Toàn quyền
miền bắc Ý, trấn tại Milano. Là người trách nhiệm phần an ninh công cộng, ông tới
Nhà thờ Chính toà để can thiệp vụ tranh chấp giữa tín hữu Kitô và người theo phe
Arius trong việc bầu giám mục mới, thay giám mục theo phái Arius là Auxentius vừa
mới mất. Bên nào cũng muốn chọn người của mình lên. Ambrôsiô lúc đó còn là một
dự tòng nên không có quyền bầu. Nhưng bỗng nhiên có tiếng hô giữa đám hội nghị:
“Phải bầu Ambrôsiô làm giám mục!” Ông ngỡ ngàng phản đối việc “đột kích” đó,
nhưng rồi cả hội nghị tán thành lời đề nghị. Ambrôsiô nhận phép rửa, sau một tuần,
lên làm giám mục.

TỔNG GIÁM MỤC MILANO


Vùng giáo phận của Ambrôsiô bao gồm thành Milano và các phụ cận, tương đương
với lãnh thổ mà ông làm toàn quyền trước đó. Giám mục của một thủ phủ
(Metropole) gọi là "Tổng Giám Mục“ (Metropolit), có quyền trên các giám mục
trong hạt. Quy chế tổng giám mục này ngày nay vẫn còn trong Giáo hội Công giáo.
Bên Đế quốc Rôma Phía Đông có quy chế Thượng phụ (Patriarchate). Đó là những
giám mục đứng đầu 4 địa phận (vùng lãnh thổ do hoàng đế Diokletian chia):
Antiochia (Syri), Alexandria (Aicập), Giêrusalem và Konstantinôp. Trong 4 nơi này,
Konstantinôp có vai trò trổi vượt vì đó cũng là kinh đô. Trong Giáo hội La Mã (Công
giáo) không có lối tổ chức thượng phụ. Ở Đế quốc Phía Tây, giáo chủ là thượng phụ
tối cao. Riêng Venezia (Ý) ngày nay là một biệt lệ, giám mục ở đây vẫn được gọi là
thượng phụ, vì từ 1451 thành phố được nâng lên hàng thủ phủ (Patriarchat).

ĐẠO BINH NGƯỜI NGHÈO


Lúc đầu, Ambrôsiô không hẳn là một tín hữu hăng say, dù ông xuất thân từ một gia
đình Kitô giáo, có một bà cô tử đạo thời Diokletian và một em gái đi tu. Thời trai trẻ,
ông xem danh vọng đời quan trọng hơn. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi được
bầu làm giám mục. Ông phân phát của cải cho người nghèo và từ đây sống cuộc đời
rất nhiệm nhặt. Antịnh kể, Ambrôsiô thường bị cả một đạo binh người nghèo quấn
lấy, khiến “người khác khó có thể tới được gần ông”. Ông cho đấu giá các bình quý
trong nhà thờ để lấy tiền mua tự do cho nô lệ. Tranh đấu hết mình cho phẩm giá phụ
nữ và mạnh miệng chống lại “chủ nghĩa tư bản” đương thời.

VỊ TRÍ TRONG GIÁO HỘI


Ambrôsiô đặc biệt là một người tranh đấu cho Giáo Hội được thoát khỏi sự ràng
buộc của thế quyền. Ông quan niệm rằng, cả hoàng đế cũng là một người tội lỗi và
đứng trong, chứ không phải đứng trên Giáo Hội. Theo cái nhìn của chúng ta ngày
nay, thì quả ông đã đi quá xa khi yêu cầu hoàng đế Gratian dùng bạo lực để tiêu diệt
người ngoại giáo, bởi vì họ đã cấu kết sinh hoạt với tín đồ Arius. Đại đế Konstantin
trước đây muốn dùng Giáo Hội cho mục tiêu chính trị thế nào, thì nay Ambrôsiô lại
muốn lái chính trị nhà nước vào mục tiêu Giáo Hội như thế, ông muốn thế quyền quy
phục thần quyền. Sự giằng co đạo đời này kéo dài suốt thời Trung Cổ. Trong một số
trường hợp, làn ranh đạo đời ngày nay cũng khó phân biệt, vì hai bên đều có quyền
lợi giống nhau. Xưa, việc phân biệt dĩ nhiên khó hơn. Vì thế, không lạ gì có những
lúc thẩm quyền bị lẫn lộn.
Dù sao, quan điểm của Ambrôsiô là trước hết phải giải phóng Giáo Hội ra khỏi vòng
tay “ôm ấp” của hoàng đế, để từ đó có thể song hành ngang hàng với nhà nước.
Phía bên Đông, khác hẳn. Giáo Hội ở đó càng ngày càng rơi vào vòng quyền lực của
hoàng đế. Các Thượng phụ Konstantinôp nhiều vị lại dễ nghe lời hoàng đế, nên
hoàng đế càng lấn vào chuyện nội bộ Giáo Hội. Một điểm nữa khiến hoàng đế bên
Đông dễ nhúng tay, là vì cứ mỗi lần có chuyện lục đục, chẳng hạn như tranh cãi với
lạc giáo, là dân cứ yêu cầu hoàng đế phân giải. Nhờ Ambrôsiô, Giáo hội Latinh đã
không trở thành một loại “Giáo Hội cung đình”.

HOÀNG ĐẾ PHỤC TÙNG GIÁM MỤC


Ambrôsiô tranh đấu tự do cho Giáo Hội không chỉ bằng lời nói suông. Có lần, ông
dựng rào cố thủ trong một nhà thờ để không cho vị linh mục phe Arius vào chiếm
nhà thờ. Nhân dịp đó, ông công bố lần đầu tiên về quyền giám mục có thể “xử”
hoàng đế. Một lần khác, ông đã không ngần ngại tuyệt thông bạn mình là đại đế
Theodosius, khi ông này năm 390 đã cho giết 7.000 người một lúc tại Saloniki
(Hylạp) để trả thù cho một vị tướng của mình bị giết. Vì thế đã có “chuyến đi
Canossa” (Xem ý nghĩa ở chương 29) đầu tiên trong lịch sử: Đêm Giáng Sinh năm
390, Hoàng đế Theodosius (379 395) ăn mặc đồ chay tới trước Ambrôsiô công khai
xin được xoá vạ. Hình như lần đó Theodosius I đã nói: “Tôi chẳng biết ai xứng đáng
hơn (anh) để được gọi là 'giám mục'”.

CẦN CÓ CUỘC “GIẢI PHÓNG” THỨ HAI


Hãy nhìn lại lịch sử: Hoàng đế Konstantin giải phóng và trả tự do cho Giáo Hội.
Giờ thì lại cần một cuộc “giải phóng” thứ hai, vì Giáo Hội đang có cơ biến thành
một cánh tay nối dài của nhà nước và hoàng đế.
Hoàng đế Konstantin mất năm 337, để lại sản nghiệp cho ba con trai. Một trong ba là
Konstantius II, năm 352, lại thu tóm cả đế quốc về một mối trong tay mình. Tương
quan của ông đối với Giáo Hội thể hiện qua câu nói: “Điều Ta muốn, tức là luật
Giáo Hội”. Nói là một chuyện, hành động của ông còn táo bạo hơn. Có lần, ông trao
chức giám mục cho một sĩ quan cảnh vệ và một hạ sĩ quan, chẳng cần để ý gì đến khả
năng họ. Cả con cháu những nhà giàu đều có thể kiếm được chức tước đạo. Đó là
cách Hoàng đế “Kitô giáo” này “hỗ trợ” Giáo Hội! Thực ra, điều này chỉ có hại chứ
không có lợi.
Những giám mục “thật” phản đối lại. Chẳng hạn, Giám mục Hosius ở Cordoba đã
viết cho Konstantius II: “Hãy ngừng ngay bạo lực đối với tôi... Đừng quên rằng ngài
cũng là một con người có thể chết... Các ngài được Chúa trao tay quyền hoàng đế,
còn chúng tôi Người giao chuyện Giáo Hội...”.
Người kế vị Konstantius II là Julian Apostata (biệt danh “Kẻ phản bội”) một lần nữa
cố làm sống lại tinh thần ngoại giáo qua một cuộc “phản cải cách”, nhưng không
thành. Bởi, thực ra, chẳng còn một tín ngưỡng ngoại giáo “ròng” nào nữa. Đền thờ đã
đổ nát hết rồi, tăng lữ chẳng còn ai.
Năm 364 Valentinia I trở thành Hoàng đế trị vì Đế quốc Phía Tây. Ông dời đô về
Milano. Ông này, như Konstantius II, cũng cố nhúng tay vào chuyện Giáo Hội, khiến
Ambrôsiô đã phải cảnh cáo: “Ngài đừng kiêu căng nghĩ rằng quyền hoàng đế của
ngài vươn cả lên trên việc thánh của Giáo Hội. Hoàng cung thuộc hoàng đế, Giáo
hội thuộc các linh mục”. Uy quyền các giáo chủ thời đó còn hạn chế Rôma chỉ là
một thành phố vùng mà thôi, vì thế, đối với các sử gia, Ambrôsiô được coi như là
một giáo chủ “thật” của thời đó. Chỉ sau khi Ambrôsiô mất, quyền lãnh đạo Giáo hội
Latinh mới chuyển vào tay Giám mục Rôma. Ambrôsiô, với can đảm và nghị lực, đã
dọn đường và chỉ cho các giáo hoàng về sau cách ứng xử ngang hàng với các hoàng
đế. Không như bên Đông, nhà nước với Giáo Hội quyện lẫn vào nhau, Giáo hội
Latinh bên Tây đã sớm biết đi con đường song hành. Ambrôsiô góp phần cho sự tách
biệt đó.

MỘT HOÀNG ĐẾ, MỘT VƯƠNG QUỐC, MỘT NIỀM TIN


Đại đế Theodosius mở đầu triều đại với tư cách hoàng đế của Đế quốc Phía Đông,
năm 379. Ông mất năm 395 ở Milano, một năm sau ngày thu hồi cả Đế quốc vào
trong tay. Năm 381, ông triệu tập công đồng chung thứ hai tại Konstantinôp và tuyên
bố lấy tín điều đã được công đồng Nixêa chấp nhận trước đó làm tín ngưỡng duy
nhất và nâng lên làm quốc giáo của toàn cõi Đế quốc. Tất cả mọi thờ phượng khác
lần lượt bị cấm. Từ nay trở đi, nhà nước Rôma và Kitô giáo là một. Giáo hội Latinh
bên Tây giờ lại tỏ ra sợ ảnh hưởng của bên Đông (chủ nghĩa Byzanz). Vì vậy, Thánh
Ambrôsiô đã tìm cách kìm hãm đà phát triển của Giáo Hội đế quốc do Theodosius
lập này. Cũng may cho Giáo Hội bên Tây, là vì Theodosius là vị hoàng đế Rôma
cuối cùng trị vì cả Đông lẫn Tây. Sau khi Kitô giáo trở thành quốc giáo, các tín
ngưỡng ngoại hết tương lai. Thời đại của Giáo Hội mở đầu. Nhưng đây cũng là thời
đại của phong trào rửa tội, vì ai không theo đạo, bị quy chụp phản quốc. Giờ đây,
người ta không hỏi giấy chứng nhận tế thần nữa, như trong thời bách hại, nhưng phải
chìa chứng nhận rửa tội ra, nếu muốn tiến thân.

THUẬT TRÌNH 9

MỌI NGƯỜI CHỜ TẬN THẾ


NGÔI MỘ Ở BUSENTO

“Đêm khuya văng vẳng lời ca; giữa dòng nước bạc bên thành (Co)zensa. Lòng sông
rộn rã tiếng ca; xoáy vào con nước chan hoà vang vang...“. Mấy câu thơ của August
ở Platen tả cảnh chôn Alarich, vua người Tây Goten, trong dòng sông Busento gần
thành Cozensa. Các sử gia cho rằng đám táng lãng mạn kia không thể chỉ là một sự
tưởng tượng.
Năm 410, khi mang quân tới đánh Ý, Alarich, lúc đó khoảng 40 tuổi, bị đau “... và
bất ngờ mất khi tóc hung còn chấm vai“. Để có thể chôn vua cùng những vật quý
ngay dưới lòng sông, quân Tây Goten đã tạm thời chuyển dòng nước. Họ chôn vua
với nguyên áo bào và gươm trên tay. Sau đó, cho nước chảy trở lại và giết luôn
những nô lệ đào mộ, để không ai về sau nhận ra chỗ mai táng. Để “không một tên Rô
ma hám của nào đụng tới mộ ngài”, như lời cắt nghĩa của thi sĩ August.
QUAN GERMAN (ĐỨC) TỚI TRƯỚC CỬA RÔMA
Những chuyển dịch sinh cư lớn của các bộ lạc tây và đông German, mà chúng ta gọi
là cuộc đại di cư của các dân tộc, là hậu quả của cuộc tấn công của dân Hung nô vào
năm 375. Dân này đến từ các thảo nguyên Á châu và thoạt tiên đánh thắng dân Đông
Goten. Dân Tây Goten dời cư để tránh hiểm hoạ, được phép của Hoàng đế Rôma về
định cư ở miền hạ lưu sông Donau (Danuble). Chẳng lâu sau, họ chống lại sự cai trị
của Đế quốc Rôma, đánh tan đạo quân Rôma ở trận gần Adrianopel (378) và tiến vào
Hylạp. Rồi kéo tới Ý qua ngã Illyrien thuộc Đế quốc Phía Đông. Năm 408, họ xuất
hiện lần đầu tiên trước cửa Rôma và vây thành. Alarich đi vòng qua Ravenna, thủ đô
khá kiên cố thời đó, để tới vây chặt 12 cửa thành Rôma, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế từ
ngoài. Dân số Rôma lúc đó độ một triệu; chẳng bao lâu xác người chết đói nằm rải
rác khắp đường phố. Dân ngoại giáo Rôma cố dùng bùa phép để lái sấm sét từ trời
đánh xuống các doanh trại quân German, nhưng không thành công.
Alarich cho bắn tin vào thành là ông chỉ thôi vây hãm sau khi nhận đủ số vàng, bạc
và tất cả các nô lệ người German. Alarich nhận được 2.500 ký vàng, 15.000 ký bạc,
4.000 tấm lụa, 3.000 tấm da đã nhuộm và 1.500 ký hạt tiêu.

MỘT PHỤ NỮ MỞ CỬA THÀNH


Hoàng đế Honorius, con trai của Theodosius, ngự ở Ravenna, chẳng màng gì đến số
phận dân Rôma, dù nhiều sứ giả dân thành đã đến cầu cứu ông. Giáo chủ Innôxenxô
I một lần cũng đã đến Ravenna gặp ông để can thiệp cho yêu cầu xin đất định cư của
Alarich. Vì Honorius không chấp thuận, nên Alarich lại kéo quân đến Rô ma và được
một phụ nữ quý phái mở cửa thành cho lúc nửa đêm ngày 24-8-410. Từ 800 năm
nay, dân thành Rôma nổi tiếng chưa bao giờ thấy kẻ thù, nay thành này lại là mồi
ngon cho dân German. Tuy nhiên, nhờ môi giới của Giáo hoàng Innôxenxô I, thành
đã không bị huỷ và cuộc cướp phá cũng chỉ xảy ra rất hạn chế. Những người trốn
trong các nhà thờ đều được an thân. Khi quân lính mang tới cho Alarich một số bình
quý cướp từ Dền thờ Thánh Phêrô, Alarich đã sai trả lại. Sau 3 ngày, quân Alarich
rời thành mang theo vô số vật quý.
Trong số những người bị bắt theo có Galla Placidia, con gái của hoàng đế
Theodosius và là một người chị em cùng cha khác mẹ với Honorius. Giám mục của
Ravenna gọi cô là “Mẹ của Vương quốc”. Giáo hoàng Lêô cho hay, những tay lạc
giáo nào được ngài báo cho Galla Placidia đều bị hành hình hoặc ít nhất bị truất mọi
chức tước đời. Sau khi Alarich mất, cô trở thành vợ của Athaulf, người kế vị Alarich.
Ông này dẫn dân Tây Goten xuyên Ý về miền nam Pháp, và vào khoảng năm 550,
lập lên một Vương quốc người Arian kéo rộng gần hết vùng đất Tây Ban Nha ngày
nay. Khoảng năm 600, dân Tây Goten vào Kitô giáo. Vương quốc của họ chỉ kéo dài
tới năm 711, sau đó bị quân hồi giáo phá tan.

CUỐN SÁCH THÁNH TIẾNG ĐỨC ĐẦU TIÊN


Dân German vào đạo bắt đầu từ khi có những những cuộc di dân lớn. Khoảng năm
180 sau công nguyên đã có giám mục ở Germanien, nhất là ở Rheinland. Khoảng
năm 300 đã có những cộng đoàn German. Tại Công đồng Nixêa (325), có sự hiện
diện của một giám mục người Goten. Năm 341, Wulfila được phong “Giám mục của
xứ Goten”. Khoảng năm 400, tất cả dân Tây Goten vào Kitô giáo, dù rằng thuộc phái
Arius, bởi vì lạc phái Arius lúc đó trong một thời gian ngắn (337-361) được
Konstantinôp nâng lên hàng quốc giáo. Vì Wulfila lúc đó là giám mục của Goten,
nên không lạ gì hầu hết dân German đã theo phái Arius.
Giám mục Wulfila lập ra chữ gôtic (Goten) và lần đầu tiên dịch Sách Thánh ra tiếng
Đức. Dịch phẩm này được lưu giữ trong Codex Argenteus (ngày nay ở Thuỵ Điển).

GIÁO HOÀNG LÊÔ I CỨU RÔMA KHỎI TAY HUNG NÔ


Như Innôzenxô I trước đây, Đại giáo hoàng Lêô lần này, cũng vì tình thế đưa đẩy, đã
phải nhúng tay vào chuyện chính trị. Ngài tay không tới gặp tướng Hungnô Attila để
điều đình, và đã thuyết phục được tướng này rời khỏi Ý. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở
Mantua. Nếu như Attila vào được Rôma, thì lần này Rôma chắc chắn đã bị phá bình
địa. Quân Hungnô đã tạo ra những cuộc di dân không tiền khoáng hậu. Sau khi họ bị
chận bởi vạn lý trường thành ở Phía Đông, họ buộc phải tiến về tây, nơi sinh cư của
các bộ lạc German.

"Thú hai chân"


Hungnô ("da sậm", "da đen") là dân du mục Mông Cổ từ vùng thảo nguyên Kirgisen.
Một người Rô ma đương thời tả họ là thứ "thú hai chân". Họ người thấp, "cổ đầy thịt
tới vai, đầu tròn lớn, trán ngắn, mặt rộng và dẹt, râu thưa. Mắt ti hí mà sáng, tai
đứng, miệng rộng" (Mikoletzky). Họ ăn, uống, ngủ, đánh giặc trên mình ngựa, loại
ngựa thon nhỏ mà nhanh. Gia đình đi theo trên những xe trâu, theo sau là đàn súc vật.
Attila là lãnh tụ nổi danh nhất của họ, lên ngai từ năm 444. Ông tên thật là gì, chẳng
ai biết. "Attila" tiếng Goten có nghĩa là "người bố nhỏ". Ông được dân kính như thần
thánh. Dinh tạm của ông trên phần đất Âu châu là đất Hung Gia Lợi ngày nay (có lẽ
gần Tokaj), gồm những chòi gỗ. Xuất phát từ thảo nguyên giữa hai sông Donau và
Theiß, Attila lần lượt thắng các dân tộc lân cận và tiến quân về phía tây. Năm 437,
ông đánh tan Vương quốc Bourgogne (Burgund) của vua Gundahar, vị vua đầu tiên
của dân này ở vùng Mittelrhein có tên trong lịch sử (trong bài hát "Gunther"). Ít lâu
sau, Attila tiến vào Gallien, nhưng ông bị quân Rôma và Tây Goten đánh tan trên
cánh đồng Katalaun năm 541. Attila lui về Hung Gia Lợi, một năm sau kéo xuống Ý
và phá nát đồng bằng sông Pô. Chính nơi đây Giáo hoàng Lêô tới gặp ông và khuyến
dụ ông quay trở lại. Sau khi ông mất, năm 453, chữ Hungnô biến mất khỏi lịch sử.
Họ vào đất Âu như một trận bão. Vương quốc bạo lực và dã man của họ chẳng còn
dấu vết nào để lại.

GIÁO TRIỀU THỨC GIẤC


43 năm sau ngày Thánh Ambrôsiô mất (397), Lêô I được bầu từ phó tế lên giáo
hoàng. Người Tin lành thỉnh thoảng gọi ngài là giáo chủ “đệ nhất”. Đúng, là vì ngài
cũng như Innôxenxô I là người đã nâng cao uy quyền của giáo hoàng lên trong Giáo
Hội. Chính Innôxenxô I đã dạy lấy trật tự của Giáo hội Rôma làm thước đo mọi sự,
lấy Rôma làm gương kỷ luật cho Giáo Hội và mọi tranh chấp phải do Rôma giải
quyết. In nô xen xô là người đầu tiên lấy quyền quyết định về giáo huấn tối cao vào
tay giáo hoàng và cũng là kẻ dấn thân vào chính trị với tư cách một giáo hoàng, khi
ngài tới Ravenna gặp hoàng đế Honorius để yểm trợ cho những yêu cầu của Alarich.
Giáo hoàng Lêô I đã cứu Rôma và dân Rôma khỏi đại hoạ một lần nữa, khi vua
Vendalen là Geiserich kéo quân tới, vào năm 455. Thành phố bị cướp phá suốt hai
tuần, nhờ can thiệp của giáo hoàng nên dân đã không bị hành hạ và tàn sát, thành
cũng tránh khỏi bị thiêu rụi.
Các giáo hoàng thời đó trở nên uy quyền, không phải bằng vũ khí, nhưng nhờ đứng
về phía dân chúng trong cơn hoạn nạn, bảo vệ họ trong lúc các nhà chính trị không
làm tròn nhiệm vụ. Khi người dân hết hy vọng, bó tay chờ tận thế đến, thì chỉ có các
giáo hoàng mang lại cho họ can đảm và niềm tin. Uy quyền lên cao của các giáo
hoàng thời Trung Cổ, như vậy, bắt nguồn từ lòng biết ơn của người dân bị bỏ mặc
trong hoạn nạn, cô đơn và vô vọng.
Tài liệu sau đây của một tác giả nào đó mang tên Orientius phản ánh cái vô vọng
giữa thế kỷ thứ năm:
“Hết thảy (mọi người) mệt nhọc chờ đợi ngày tận thế kinh hoàng, và những ngày
cuối thật sự đang đến. Hãy xem, cái chết đã trùm lên thế giới nhanh cỡ nào và cơn
địa chấn chiến tranh đã quật ngã ngay cả những dân tộc hùng cường! Toàn cõi
Gallien khói toả như từ một dàn hoả duy nhất”.

TRÌNH THUẬT 10 - 11

TRÌNH THUẬT 10

MỘT ĐẾ QUỐC HOÀN VŨ SUY TÀN


MỘT NGƯỜI ĐỨC LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ RÔMA

Trong tỉnh Noricum thuộc Đế quốc Rôma, ngày nay là vùng bắc Áo, từ lâu nay xuất
hiện thầy tu tên là Sêvêrin. Ông tới từ phương đông, nhưng không ai biết rõ từ đâu.
Ông ra tay giúp đỡ dân chúng trong vùng gặp khó khăn vì những đợt di cư lớn.
Nhiều người tìm tới để được an ủi hoặc xin lời cầu nguyện. “Trong số những người
tới có cả Odovacar (Odoaker), một thanh niên cao lớn, nghèo xơ”, theo lời kể của
Eugippius, một người đương thời, “Anh ta vừa khom lưng cúi đầu để khỏi đụng trần
lều vừa nghe vị tu hành nói về tương lai sáng lạn của mình. Trước khi từ giã, thầy tu
nói với anh: ‘Hãy tới Ý, đi đi! Nay anh còn phải ăn bận rách rưới, nhưng mai đây
anh sẽ giàu có’”. Chuyện xảy ra tại Favianis, có lẽ ở Mautern gần Krems (Áo).
Odoaker là con một sứ thần của Attila trong cung hoàng đế Theodosius II. Sau khi
cha mất, chàng Odoaker 36 tuổi sống đời lang thang cùng với đồng bào German ở
Noricum, cho đến khi nghe Sêvêrin tiên báo về cuộc đổi đời của mình. Odoaker đi Ý,
vào phục vụ trong cung Đế quốc Rôma phía Tây và chẳng bao lâu được cử làm chỉ
huy trưởng đạo quân hậu cần người Đức ở Ý, và đạo quân này đã tôn anh lên làm
vua. Năm 476, Odoaker hất Romulus, hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Rôma phía
Tây, khỏi ngai và đuổi về hưu. Romulus, cũng trùng tên với vị sáng lập thành Rôma,
chỉ được cái “điển trai” và quá trẻ nên được người ta gọi là “Augustulus” (Ông
hoàng con).
Trong khi Đế quốc Rôma phía Đông còn cầm cự được cho tới năm 1453 (sụp đổ khi
bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Konstantinôp), Đế quốc phía Tây bị anh người
Đức Odoaker đảo chính không tốn một giọt máu vào thế kỷ 5.
Vì Odoaker chấp nhận ưu quyền của Đế quốc phía Đông nên ông trị vì ở Ý với tư
cách chính thức là “Chỉ huy trưởng quân đội hoàng đế ở Ý”. Ông cũng nhận mình
chỉ là “vua” mà thôi. Nhớ lại công ơn tiên tri trước đây, Odoaker liền viết cho
Sêvêrin một lá thư, trong đó “cho phép” vị tu sĩ muốn bất cứ gì thì cứ nói cho ông
biết.
Với trí thông minh, Odoaker đã nỗ lực xoa dịu thảm cảnh bần cùng của dân Ý và đưa
Đế quốc phía Tây vào một bước đường mới.
Việc sụp đổ của Đế quốc phía Tây đặt ra cho chúng ta câu hỏi, vì đâu một đế quốc
hoàn vũ lại có thể dễ dàng tiêu vong như thế.

Nguyên nhân sâu xa


Cuộc xâm chiếm của người Đức không hẳn là nguyên nhân suy tàn của Đế quốc,
nhưng đây là hậu quả của một nhà nước đã phá sản vì những nguyên nhân sâu xa
hơn, có thể nêu lên như sau: Phong hoá suy đồi, kinh tế lụn bại, chuyên quyền bàn
giấy, quân đội hèn kém, thiếu dân, sưu thuế nặng, dân bỏ thôn làng, thiếu quan tâm
chính trị, chính quyền phung phí và chính sách kỳ thị dân thiểu số.

Dân Đức “không đùa với chuyện truỵ lạc”


Ngay từ thời hoàng đế Septimius Severus (193-211) người ta đã phàn nàn chuyện
thiếu dân trầm trọng trong Đế quốc. Lý do chính là số sinh giảm, nạn phá thai và vứt
con. Thêm vào đó là bệnh hiếm muộn nơi phụ nữ vì cuộc sống xa hoa và sa đoạ. Lối
sống ăn chơi này không có nơi dân Đức, như sử gia Tacitus kể:
“Phụ nữ họ sống đoan trang, không hư hỏng bởi chưng diện và ăn chơi truỵ lạc.
Chuyện bỏ vợ bỏ chồng hoạ hiếm mới xảy ra, dù dân số đông. Hình phạt ra ngay tại
chỗ và giao cho chồng tuỳ tiện thi hành. Anh ta cạo trọc đầu vợ trước mặt họ hàng,
xé áo, đuổi ra khỏi nhà và vác hèo đánh vợ chạy cùng làng. Một phụ nữ mất trinh tiết
coi như hết tương lai. Dù còn trẻ, đẹp, giàu cũng chẳng lấy được ai nữa. Người dân
Đức không đùa với chuyện truỵ lạc. Dụ dỗ người khác hay bị dụ dỗ, đối với họ,
không phải là sống theo mốt. Họ coi việc hạn chế sinh đẻ hoặc giết con trẻ là tội ác;
và xã hội họ nhờ phong tục tốt nên đã tiến xa hơn những nơi khác nhờ luật lệ tốt”.

Không thiết tha chính trị


Một lý do khác là xã hội càng ngày càng lơ là chuyện chính trị. Có những người dân
Rô ma tự lui xuống hạng thứ dân để khỏi bị bầu vào bộ máy công quyền. Hoàng đế
Konstantin miễn thuế cho giới giáo sĩ và công chức. Hậu quả là người ta đua nhau đi
tu khiến nhà nước mất thuế và không còn người cho các hội đồng làng xã. Vì vậy,
Konstantin lại phải ra thêm luật hễ ai – thuộc giai tầng xã hội cao – được bầu vào các
hội đồng dân cử thì không được làm giáo sĩ.
Cũng có những tín hữu Kitô tránh né chính trị, không những vì muốn an thân, mà
còn vì cho rằng chính trị là chuyện “dơ bẩn” không nên nhúng vào. Irênê (từ năm
177 làm giám mục ở Lyon) đã chống lại quan điểm này với lý luận: ai không đóng
góp cho phúc lợi chung thì cũng không có quyền đòi chia hưởng công sức của kẻ
khác. Cụ thể ngài viết:
“Để có thể khoe được rằng mình hoàn toàn tách biệt với xã hội dân ngoại, thì mình
không có quyền khoác trên mình những gì do người khác làm ra, mà phải ở trần đi
chân đất không nhà cửa lang thang trên núi, như thú hoang”.
Chỉ những nhà ẩn tu thực hành nguyên tắc đó. Những người dân khác tiếp tục an
nhiên hưởng hoa trái những nỗ lực chính trị của kẻ khác mà chẳng quan tâm đóng
góp gì vào công cuộc xây dựng chung. Tôn giáo cũng khó mà xoay chuyển được thái
độ này.

Thất bại trong chính sách đối với dân thiểu số


Sự sụp đổ của Đế quốc cũng còn có nguyên nhân trong chính sách vô lý đối với dân
thiểu số. Thiếu dân, binh đội và bộ máy công chức vì thế thiếu người, nên phải sử
dụng người ngoại quốc, mà họ gọi là dân "khách", để điền thế. Thoạt tiên người ta
dùng họ như là những quân đánh thuê. Về sau có những cá nhân ngoại quốc tiến lên
được những chỗ cao trong chính quyền và quân đội, như trường hợp của chỉ huy
trưởng Odoaker.
Nhưng không phải tất cả "khách" đều được hội nhập. Đặc biệt những cuộc di dân lớn
đã tạo nên những cộng đồng dân Đức rải rác khắp Đế quốc. Lẽ ra chính quyền ở
Milano và Ravenna phải mở cơ hội hội nhập cho họ, nhưng trái lại, với chính sách kỳ
thị chủng tộc, Đế quốc đã đẩy các cộng đồng dân Đức này ra lề xã hội.

Theoderich, một “nhà lãnh đạo tuyệt vời”


Odoaker trị vì ở Ý 14 năm. “Khi đã hoàn tất sứ mạng lịch sử - nối Thế giới Rôma với
dân tộc Đức” (Loewenstein), ông thua một người Đức khác tên là Theoderich, vua
xứ Đông Goten, chào đời trong một vùng gần Wien (vần W tiếng Đức đọc như V
tiếng Việt: “Viên”, nay là thủ đô Áo) một năm sau ngày Attila mất. Khi lên 8 tuổi,
Theoderich bị bắt làm con tin và chuyển cho hoàng đế ở Konstantinôp. 18 tuổi, anh
nối ngôi cha, thống hợp xứ Goten rồi kéo quân về Ý. Odoaker bị đánh bại 3 lần và bị
Theoderich giết khi anh này chiếm được Ravenna, nơi Odoaker đóng dinh, ngày 5-3-
493.
Theo một tài liệu cổ do Anonymus Valesianus viết, thì Theoderich là “một nhà lãnh
đạo tuyệt vời, gần với mọi người và trị vì 33 năm. Ba chục năm dưới thời ông, nước
Ý sống trong thanh bình. Ông không lần nào thất bại. Ông lãnh đạo dân Ý và Rôma
thành công. Dù coi mình thuộc giống dân Arian (Nhật Nhĩ Man) nhưng ông vẫn để
luật Rôma yên cho họ. Ông phân phát rộng rãi vàng bạc và ngũ cốc và nhờ lối quản
trị hữu hiệu ông làm đầy lại các kho quý kim đã khánh kiệt của nhà nước. Ông
không cấm đoán gì cả đối với đạo Kitô”.

Giáo Hội bị Theoderich đe doạ


Giám mục Wulfila lúc đó còn giảng đạo Kitô theo phái Arius cho dân Goten. Về sau
tất cả các bộ lạc Đức khác đều theo đạo này, trừ dân Franken. Người Đức vẫn coi
giáo thuyết Arius là quốc giáo của mình, cả Theoderich cũng vậy. Ông này vẫn có
liên hệ tốt với Giáo hoàng Gelasiô I. Nhưng thái độ thân thiện này rồi đây sẽ không
còn nữa, khi ông dự tính qui tất cả các bộ lạc đức theo phái Arius thành một mặt trận
chung chống lại dân Công giáo Hylạp và Rôma. Mộng của ông có lẽ đã thành tựu
nếu lúc đó không có vua xứ Franken Công giáo là Chlodwig (Clovis). Và nếu như
Theoderich thành công, thì Giáo hội phương Tây có lẽ đã phải đứng trước một đe
doạ sống còn.
Theoderich mất năm 526. Truyền thuyết bảo là ông đã hoá thành Dietrich ở Bern (=
Verona). Sau khi ông mất, hoàng đế Justinianô (527-565) của Đế quốc Rôma phía
Đông đã mở một trận càn quét kéo dài 20 năm chống lại Goten và chiếm lại được Ý.
Sau trận đánh quyết định ở gần núi Vesuv năm 553, trong trận đó vua cuối cùng của
Đông Goten là Teja bị tướng Narses của Đế quốc phía Đông giết, lịch sử thế giới
không còn nhắc đến tên Goten nữa. Năm 554, Justinianô ra luật mới và xoá sạch
những dấu vết hành chánh còn lại của Đông Goten. Nhưng chỉ vài năm sau (568),
dân ngoại Langobarden tiến vào Ý và chiếm đóng nước này 200 năm dài. Phải đợi
đại đế Karl giải phóng lại qua trận thắng gần Pavia năm 744.

TRÌNH THUẬT 11

BIỂN ĐỨC (BENEDIKT) XÂY NỀN CHO PHƯƠNG TÂY

Năm 529, hoàng đế Justinianô I đóng cửa trường triết học cuối cùng của dân ngoại ở
Athen (Hylạp). Cùng năm đó, một người đàn ông trạc 50 tuổi lên núi Cassinus phía
nam thành Rôma lập tu viện. Và tu viện này sẽ đưa tinh thần Kitô giáo trải khắp Âu
châu. Người đó là Biển Đức đất Nursia. Trên núi còn có một đền cổ thờ thần Apollo.
Biển Đức cho đập tượng, đốt đền rồi xây lên một Nhà thờ kính Thánh Martin thành
Tours. Ông cho xây một nhà nguyện nhỏ kính Gioan ngay trên chỗ bàn thờ cũ và đặt
viên đá đầu tiên cho Tu viện Monte Cassino.

Rôma sa đoạ
Biển Đức, con một gia đình quý tộc rô ma miền quê, sinh khoảng năm 480 ở Nursia
thuộc Umbrien miền trung Ý và được gởi đi học ở Rôma. Rôma thời đó bắt đầu lặn
ngụp trong truỵ lạc.
Cuộc phân rẽ đầu tiên giữa Rôma và Byzanz, thoạt tiên chỉ kéo dài 35 năm, xảy ra
dưới thời Giáo hoàng Fêlixê II (483-492). Nỗ lực thống hợp của Giáo hoàng
Anastasiô II (496-498) đã tạo nên một chia rẽ nguy hiểm trong giáo triều, sau khi
ngài mất. Đa số trong giáo triều chọn Symmacô người Sardinien làm giáo hoàng và
phong chức tại Lateran. Một nhóm cảm tình với Byzanz lại chọn một vị Laurentiô
nào đó làm giáo hàong và tấn phong ở Thánh đường Maria Maggiore. Hai phe kéo
xuống đường tấn công nhau ác liệt, gây rối loạn cả thành. Hai giáo hoàng đành xin
quyết định của Theoderich và Hoàng đế đã chọn Symmacô. Hội đồng (Synode) ở
Rôma năm 499 đã hoan hô nhiệt liệt quyết định của Hoàng đế và đã ra một quyết
nghị đầu tiên cấm giáo dân không được ảnh hưởng lên việc bầu giáo hoàng. Cậu
Biển Đức, phần vì chẳng hiểu tại sao trong Giáo Hội lại có thể có chuyện như thế,
phần vì cuộc sống buông thả của đồng bạn làm cậu choáng váng, nên đã chạy trốn
khỏi Rôma. Một trăm năm trước đó Thánh Paulinô ở Nola cũng đã viết: Ai muốn vào
Nước Chúa, phải tránh Rôma.

Rượu pha thuốc độc


Biển Đức trốn về vùng núi Sabiner phía đông Rôma và vào ở trong một hang núi gần
Subiaco. Ở đó, ngày kia cậu gặp tu sĩ Rômanô, là người - theo lời kể của Đại Giáo
hoàng Grêgôriô đã cung cấp lương thực cho cậu sống. Không có đường vào hang,
Rômanô hằng ngày phải buộc “chút thức ăn mùa chay dư của mình” vào một sợi dây
rồi thả xuống. Kèm với thức ăn là một cái chuông nhỏ để Biển Đức nghe biết tới lấy.
Biển Đức sống trong hang 3 năm cho đến khi bị bọn chăn chiên khám phá. Vì râu ria
đầu tóc bờm xờm người ta tưởng cậu là một con thú hoang. Chẳng bao lâu sau, các tu
sĩ của một tu viện gần đó tới mời cậu về làm bề trên, vì bề trên họ vừa mất. Biển Đức
cho hay mình sống rất khắt khe. Ban đầu các thầy bảo không sao. Nhưng chẳng bao
lâu họ xầm xì chán ngán vị bề trên mới. “Một số anh bàn với nhau bỏ thuốc độc vào
rượu cho ông uống”, Grêgôriô ghi lại như thế. Nhưng khi Bề trên vừa làm phép thì
chén rượu vỡ, khiến ông nhận ra kịp thời âm mưu ám hại mình.

Thầy dạy của dân German


Về cuộc đời của thánh Biển Đức, chúng ta chỉ có những ghi chú của Dại Giáo hoàng
Grêgôriô, kẻ cũng là tu sĩ và rất mến mộ vị Thánh. Những gì Grêgôriô viết về Biển
Đức không hẳn là một tài liệu sử, nhưng đó là một cuốn hạnh tích, gồm cả những
chuyện truyền tụng về ngài. Tuy nhiên, chuyện lập tu viện ở Monte Cassino và luật
dòng của ngài thì hoàn toàn có thật. Nhờ luật này mà Biển Đức trở thành một thầy
dạy quan trọng của các bộ tộc Đức non trẻ mới tới định cư trong vùng. Luật của ngài
đánh dấu khởi đầu thời Trung Cổ Kitô giáo và ảnh hưởng lớn trên sự phát triển của
thời đại này. Nó đã là tấm bảng chỉ đường cho dân Đức bước vào một thời mới của
lịch sử thế giới. Qua luật đó, Biển Đức được coi là “Người cha của Phương Tây”.

Hạt mầm cho sự trổi dậy kinh tế


Ngoài ra, Biển Đức cũng được coi là bậc thầy trên phương diện kinh tế, bởi vì luật
của ngài buộc các tu sĩ phải tự túc lương thực bằng mọi cách có thể. Trong thời đại
cuộc sống và sinh môi bị tàn phá bởi những cuộc di dân lớn, các tu viện Biển Đức đã
là những tụ điểm sản xuất và tiêu thụ rải rác và dần trở thành hạt mầm phát triển kinh
tế cho cả vùng lân cận. Cũng như dân Rôma, dân Đức coi công việc chân tay là thứ
không đáng làm. Vì thế, nguyên tắc “Cầu nguyện và làm việc!” của Biển Đức đã có
tác động mạnh trên dân này.
Biển Đức còn đòi hỏi tu sĩ mình “gắn chặt với cộng đoàn”, không đổi tu viện cho tới
lúc chết. Nguyên tắc này cũng đã nhắc nhở dân Đức ở lại định cư làm ăn, bỏ cuộc
sống du mục.
Nguyên tắc thứ ba của luật biển đức là việc phân phối thời khắc trong ngày: mỗi việc
cầu kinh, làm việc, ăn uống và ngủ nghỉ đều có thời điểm của nó. Giờ nguyện được
Biển Đức chia ra như sau: kinh đêm, kinh sáng (lúc bình minh), kinh giờ (giờ nhất,
giờ ba, giờ sáu và giờ chín), kinh chiều lúc mặt trời lặn và kinh tối vào buổi tối. Thời
gian và chương trình đâu ra đó thì mới thành công được.

Trí tuệ của phương Tây


Những gì luật thánh Biển Đức ra cho một viện phụ thì cũng đúng cho người cha,
người mẹ, người làm chủ trong xí nghiệp. Tất cả những ai nắm quyền lãnh đạo đều:
“Phải luôn nhớ mình là ai, mang danh gì và phải biết tin ai hơn để giao trách vụ.
Phải ý thức được tầm nặng nề của bổn phận mình trong việc hướng dẫn tâm linh và
phục vụ nhiều người với nhiều tâm tính khác nhau”.
Ngoài vai trò đặc trưng của viện phụ, các tu viện Biển Đức cũng là những tổ chức
dân chủ đầu tiên với việc họp "Công nghị tu sĩ": “Viện phụ triệu tập toàn thể tu sĩ lại
để bàn thảo khi tu viện có chuyện quan trọng”. Biển Đức ra "luật vàng" cho việc
sống chung: “Kính anh, yêu em, ngăn chận cãi vã, tránh kiêu căng. Nếu có bất hoà
với ai thì hãy làm lành lại với họ trước khi chiều tối”.
Biển Đức không quan tâm nhiều tới lối sống khắc kỷ Đông phương. Ngài hiểu rằng
những đòi hỏi quá đáng sẽ khó xây dựng cộng đoàn lớn. Vì thế, Biển Đức muốn mở
ra một thứ kỷ luật “không quá nặng mà cũng không quá khó”. Với kinh nghiệm trốn
chạy thế gian vào sống trong hang núi khi còn là học sinh, Biển Đức sớm ý thức
được phải làm sao để sự "xa lánh thế gian" đó mang lại ơn ích cho nhân quần. Vì thế
mà nhờ luật ông, các tu viện Biển Đức trốn đời hẻo lánh đã trở thành những trung
tâm sinh cư đặt nền cho sự trổi dậy kinh tế, đạo đức và tôn giáo cho một Âu châu
mới. Các tu sĩ Biển Đức phục hưng lại gia sản văn hoá cổ, mở trường học, cơ sở dạy
nghề và bệnh xá. Họ phá rừng làm nông.

“... Nhóm Gyrovagen còn tệ hơn”


Việc tu trì thời đó còn nhiều bất cập. Biển Đức có dịp quan sát thật gần các tu sĩ và
nhận ra rằng kỷ luật là cái quan trọng nhất mà họ thiếu. Ngài viết về nhóm tu sĩ
Sarabaiten trong bộ luật mình: “Một loại nhà tu thật tệ. Kinh nghiệm cho thấy họ
không những không được thử thách bằng luật lệ như lửa thử vàng, mà còn mềm như
chì luôn ngã quỵ trước thế gian. Luật lệ của họ là tuỳ hứng, thích cái gì thì cho đó là
thánh thiện, cái gì ghét thì gọi là trái phép”. Nhưng, cũng theo Biển Đức, nhóm tu sĩ
Gyrovagen còn tệ hơn: “Chẳng bao giờ ở một chỗ, nô lệ tính tình và ăn uống. Tốt
hơn là đừng nói tới nhóm này”.
Biển Đức và tu sĩ của ông đều là giáo dân. Nhưng cũng có những linh mục xin nhập
dòng. Và ý kiến của Biển Đức về những trường hợp này: “Nếu người (linh mục) đó
cứ nằng nặc xin vào thì phải báo trước cho họ biết là kỉ luật tu viện rất khắt khe và
họ sẽ không được miễn giảm điều nào cả”.
Dù làm ra luật nhưng Biển Đức không phải là người lập dòng, bởi thời đó mỗi viện
phụ làm luật cho tu viện mình. Nhiều khi các luật trộn lẫn nhau. Ở Gallien vào
khoảng năm 600 có trên dưới 20 luật được áp dụng. Chính Biển Đức cũng khuyên
nên dùng luật của ngài lúc "bước đầu" mà thôi, và ngài cũng không muốn xoá bỏ các
luật của Pachomius, Basilius và Cassian. Nhưng cuối cùng luật ngài đã trở thành
khuôn mẫu chung cho các tu viện Tây phương.
Biển Đức là người đầu tiên đưa ra các lời khấn, theo đó tu sĩ hứa suốt đời ở trong tu
viện, sống theo luật dòng và hoàn toàn vâng lời bề trên mình.
Biển Đức mất năm 70 tuổi. Cũng chính Giáo hoàng Grêgôriô ghi lại cái chết của ngài
trong tu viện Monte Cassino vào năm 547:
“Vì bệnh càng ngày càng nặng, ngài để các đồ đệ mang vào nhà nguyện rồi đỡ ngài
đứng thẳng, hai tay đưa lên trời, vừa cầu nguyện vừa trút hơi thở cuối cùng”.

TRÌNH THUẬT 12-13


TRÌNH THUẬT 12

CHLODWIG (CLOVIS) VÀO ĐẠO VÀ TƯƠNG LAI GIÁO HỘI

“Hãy cúi đầu xuống, Sigambrer...”


Trước khi Biển Đức lập tu viện tại Monte Cassino, ở trung Âu xảy ra một biến cố có
ảnh hưởng quyết định lên tương lai Giáo Hội. Ngày lễ Giáng Sinh năm 496, vua của
đại quốc Franken là Chlodwig nhận phép rửa tại Reims gần Paris. Giám mục
Remigiô nói với Chlodwig: “Hãy khiêm nhượng cúi đầu xuống, Sigambrer! Hãy cầu
nguyện cho những gì ngài đã đốt cháy, và hãy đốt cháy lên những gì ngài khẩn
cầu!”, trước khi ông “nhân danh Cha và Con và Thánh thần” làm phép rửa và xức
dầu thánh cho Vua. Grêgôriô ở Tours viết: Đường phố tràn ngập cờ đủ màu, “nhà
thờ được trang hoàng bằng những dụng cụ sáng lấp lánh, một bàn rửa tội được soạn
sẵn, hương trầm rải khắp lối. Rồi ánh nến lung linh, cả nhà thờ toả thơm ngát mùi
hương trời”. Chlodwig bước lên bàn rửa tội “như một Konstantin mới”. Grêgôriô
viết tiếp: “Ông sẽ bước vào sống những ngày tháng của Đức Kitô, và ông sẽ dùng vũ
khí bách chiến của dân Franken để trả thù cho Chúa (cho mà xem)".

“Trở lại đạo” kiểu Đức


Chlodwig xuất thân từ dòng dõi nhà Merowing và làm vua Franken lúc 15 tuổi. Dân
Franken gồm ba bộ tộc Salier, Rupuarier và Chatten. Chữ “Franken” có nghĩa là tổng
hợp nhiều dân tộc. Ban đầu, dân Franken cư ngụ ở mạn đông sông Rhein. Họ là một
trong 5 bộ tộc sẽ tạo nên dân Đức sau này, bên cạnh tộc Aleman, Thueringer,
Sachsen và Bayern.
Hoàng hậu Chlotilde người Burgogne đã là Kitô hữu khi lấy Chlodwig. Giám mục
Grêgôriô ở Tours kể trong cuốn “Lịch sử Franken” là bà “không ngừng khuyên vua
bỏ các thần thánh đi để chân nhận Chúa, nhưng Vua không chịu”. Có lẽ không chịu
vì có cả những lý do riêng tư. Khi con đầu lòng chết “dù” đã được rửa tội, Chlodwig
nói với vợ: “Rõ ràng Chúa của ngươi không chút dính dáng bà con gì với các thần
của ta”. Cần nói thêm ở đây là người Đức với bản tính trọng gia đình chỉ chấp nhận
những thần nào có bà con với thần họ đang tôn thờ hoặc những thần “khai sinh” họ
mà thôi. Kitô chẳng có bà con gì với thần bò mộng, vị thần khai sinh ra dòng họ
Merowing.

Chỉ một trận thắng...


Chỉ sau khi chiến thắng quân Alemann ở trận gần Zuelpich năm 496, Chlodwig mới
vào đạo. Biến cố thắng trận này cũng giống như lần thắng trận của Konstantin ở cầu
Milvis. Vì thế, Giám mục Grêgôriô gọi Chlodwig là một “Konstantin mới”. Grêgôriô
tả lại trận đánh như sau:
“Hai đạo quân đụng độ đẫm máu kinh hồn: Quân Chlodwig đứng bên bờ tuyệt vọng.
Trước tình thế đó Vua ngửa mặt lên trời cầu trong xúc động: ‘Giêsu Kitô, mà
Chlodechilde (vợ ông) luôn gọi là Con Thiên chúa hằng sống, Đấng giúp đỡ những
người hoạn nạn, hãy giúp cho kẻ đang hi vọng nơi Ngài được chiến thắng: Trong
khiêm cung và đớn đau, tôi van nài Ngài hãy tỏ cho tôi thấy vinh quang của Ngài!
Hãy giúp tôi chiến thắng kẻ thù này và ban cho tôi quyền uy mà chưa dân tộc nào có
được, nếu như điều đó làm vinh danh Ngài, được vậy tôi sẽ tin Ngài và nhận phép
rửa nhân danh Ngài. Tôi đã kêu cầu các thần của tôi, nhưng xem ra không ai muốn
giúp tôi. Vì vậy, tôi tin các thần đó đã hoàn toàn bất lực trong việc ra tay cứu giúp
con cái mình. Giờ thì tôi kêu cầu Ngài, tôi muốn phó thác cho Ngài, chỉ để mong dứt
được kẻ thù của tôi!’ Khi Vua đang cầu thì quân Alemann quay đầu bỏ chạy...”.
Chlodwig trở về trong “bình yên” và thuật lại mọi chuyện cho vợ. Hoàng hậu bí mật
cho gọi Giám mục Remigius ở Reims và xin ông “đổ Tin Mừng cứu rỗi cho vua”.
Chlodwig nhận phép rửa vào năm thứ mười lăm triều đại mình. Giám mục Grêgôriô
ở Tours viết thêm: “Hơn 3.000 người của Chlodwig cũng đồng nhận phép rửa theo”.

Theo đạo thật sự?


Không thể lấy mực thước ngày nay để đo lòng đạo của Chlodwig. Nhưng một nhược
điểm phải nói, là việc vào đạo của Chlodwig không nằm trong khuôn khổ Kitô giáo,
mà hoàn toàn mang tính cách Đức. Dân Đức chỉ sẵn sàng tin thần nào có bà con hoặc
“mạnh” hơn thần của họ. Bởi thế, trong cơn túng quẫn, Chlodwig thoạt tiên kêu cầu
thần riêng trước khi cầu đến Chúa của người Kitô. Ông chỉ tin sau khi được toại
nguyện. Trái hẳn với cuộc trở lại của An tịnh! Thực ra, chúng ta cũng có khác
Chlodwig gì đâu; nhiều khi chỉ tin Ngài với điều kiện này nọ; lắm lúc cứ tưởng Chúa
được “hãnh diện” khi ta chấp nhận Ngài; mà không hiểu rằng chính ta cần Chúa chứ
Ngài có cần ta đâu.

Rửa tội theo chủ


Chlodwig trở lại vì đã thắng trận. Đó là một lối nghĩ đặc trưng của dân Đức. Sử nói
có hơn 3.000 người cùng nhận phép rửa theo ông. Chẳng phải vì họ nhận chân ra lẽ
đạo mà theo, nhưng là vì chủ theo thì tớ cũng theo, thế thôi. Lối suy nghĩ chủ tớ này
sẽ giải thích mối quan hệ sau này giữa dân Đức và giáo hoàng trong việc hình thành
Quốc gia Giáo Hội. Quốc Gia này hình thành chẳng phải do “lòng tham” của các
giáo hoàng, nhưng đúng hơn do hệ quả lòng trung thành của dân Đức đối với giáo
hoàng.

Lòng sùng kính các thánh


Dân Đức tin rằng vua và các giáo hoàng là những người có quyền năng đặc biệt, có
khả năng thông truyền “ơn cứu độ” cho mọi người. Với các thánh cũng vậy, họ coi
đó là những đấng mang trong mình năng lực huyền bí, đặc biệt có khả năng làm phép
lạ. Nếu thánh nào không có phép lạ thì họ điền khuyết bằng những truyền thuyết. Tục
gắn vật thánh nơi bàn thờ phát triển khá nhanh nơi người Franken. Grêgôriô ở Tours
một lần đã viết “Trên bàn thánh này ta sẽ xây một tháp cao”. Thời đó tháp chưa
thông dụng, nên tháp đã biến thành “Nơi thánh” (Venantius Fortunatus). Người Đức
không phải là kẻ tạo ra tục thờ linh vật, nhưng họ đã rất sốt sắng đón nhận tục đó. Sốt
sắng đến nỗi tới thời Martin Luther tục đó trở thành quá lạm.

Chết vì “thoá mạ” thánh


Câu chuyện sau đây cho thấy lòng sùng kính thánh quá độ của dân Đức: Trên đường
đi đánh quân Tây Goten, vua Chlodwig băng qua vùng đất của thánh Martin ở Tours;
ông cho phép quân sĩ chỉ được kín nước và cắt cỏ cho ngựa mà thôi. Nhưng khi thấy
một anh lính ăn cắp cỏ khô - vì anh nghĩ rằng cỏ khô cũng chỉ là “cỏ” - Chlodwig
liền tự tay giết người đó mà nói: “... Thoá mạ Thánh Martin như thế thì sao còn hy
vọng thắng trận được nữa?” Có thể đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng nó nói lên
chất sùng thánh quá độ của người Đức. Một lần khác, một người trong hoàng gia bỏ
một phong thư có tờ giấy chưa viết trên mộ Thánh Martin với hy vọng sẽ được
Thánh trả lời. Để chữa bệnh dạ dày, Giám mục Grêgôriô ở Tours uống nước hoà với
đất lấy từ mộ Thánh Martin. Nhưng lòng sùng thánh đó cũng chẳng làm dân tốt hơn
là bao. Chuyện kể, vì muốn thề gian nên cháu của Chlodwig đã cho người tạm tháo
vật thánh ra khỏi bàn thờ trước khi thề.

Chẳng thú gì chuyện thần học


Trái với người đông phương thích suy tư và đặt nhiều câu hỏi về Đức Giêsu cũng
như đưa Ngài vào một nền tảng thần học rắc rối, dân Đức chẳng quan tâm gì tới
chuyện tín lý. Đức tin của họ chủ yếu dựa trên phép lạ sẽ “mang tới” cho họ cái gì.
Vì vậy, Kitô giáo bước đầu đã không thấm sâu và tạo biến chuyển gì trong đời sống
các vua nhà Merowing, vốn dĩ dã man và thô kệch.

Quan trọng cho Giáo Hội


Việc Chlodwig vào đạo là một biến cố quan trọng cho sự phát triển Giáo Hội. Ông là
vị vua Công giáo đầu tiên của một bộ tộc Đức. Các vua khác cũng theo đạo, nhưng
thuộc phái Arius, nên khó có thể quan hệ được với các giáo hoàng. Ông và thần dân
Franken của ông là cây cầu đầu tiên nối Giáo Hội với dân tộc Đức.
Dưới thời Chlodwig, dân Franken đã tiêu diệt tất cả những gì còn lại của Đế quốc
Rôma trên đất Gallien. Một lý do nữa khiến Chlodwig vào đạo là vì hậu ý chính trị.
Khi quy phục Gallien vào trong tay thì miền này đã có sẵn một tập đoàn giám mục
quyền lực. Không thoả hiệp sống chung được với tập đoàn này thì đường chính trị
của ông sẽ không có tương lai.

TRÌNH THUẬT 13

VĂN HOÁ ĐỨC GIÁN TIẾP ẢNH HƯỞNG LÊN GIÁO HỘI

Thử ý Chúa
Ở miền nam Ý có cuộc cãi vã về đức tin giữa một linh mục Công giáo và một linh
mục thuộc phái Arius. Vì chẳng ai thuyết phục được ai nên cuối cùng linh mục Công
giáo đề nghị “thi nhúng tay vào nước sôi” để xem Chúa phán định ai thắng. Cuộc
tranh tài sẽ diễn ra ngày hôm sau. Ông Công giáo sợ thua, kín đáo lấy mỡ thoa vào
tay để tránh bị phỏng. Ông phái Arius biết được, “la toáng lên”. Trong thâm tâm,
ông này cũng sợ không dám nhúng tay vào nước sôi. Sử kể tiếp: Rồi một linh mục
Công giáo từ Ravenna tới, nhận đấu, và “may mắn thắng cuộc”.
Về Kunigunde, vợ hoàng đế Heinrich II, có câu chuyện như sau: Khi bị chồng cáo
buộc tội ngoại tình, bà liền chứng minh sự vô tội của mình bằng cách bước chân trần
qua mấy chiếc lưỡi cày nung đỏ. Lạ thay chân bà đã không hề hấn gì cả. Theo lối cá
cuộc thời đó, nếu bị phỏng, đương sự sẽ được bó vết thương bằng sáp đã được làm
phép. Nếu sau 3 ngày mà vết thương lành thì được coi là vô tội.
Người ta thường dùng lửa và nước để thử xem phụ nữ có giữ tiết hạnh không. Các bà
phải mang một mớ than hồng hay một miếng sắt nung đỏ hay phải bước chân trần
qua 9 lưỡi cày nung đỏ. Hoặc bị buộc tay trái với chân phải rồi thẩy xuống nước. Nếu
chìm là vô tội. Nếu nổi trên mặt nước là có tội, bởi vì nước thuần khiết “không muốn
nhận” bà. Thời diệt phù thuỷ, người ta hay dùng cách thử nước, vì người ta tin rằng
một phù thuỷ có quỷ trong người thì chẳng còn thân lượng. Một lối thử nữa bằng
nước sôi gọi là “nhặt nhẫn”. Người bị kết tội phải nhúng tay trần vào nồi nước đang
sôi để nhặt cái nhẫn dưới đáy nồi lên.

Khởi đầu đúng


Những cách thử ý Chúa trên bắt nguồn từ dân ngoại. Họ tin có sự hiện diện của một
thần linh và vị đó thấu hiểu sự thật và muốn sự thật đó được tỏ bày, để người vô tội
khỏi bị án oan. Niềm tin này đúng đắn. Cả người Công giáo cũng không thể tưởng
tượng được rằng Thiên chúa của họ không màng tới sự thật và công lý. Ngay kẻ tự
cho mình là vô thần cũng tin vào một công ly!, và sự bất công trong cuộc đời thường
là lý do khiến họ chối từ sự hiện diện của Thiên chúa. Thế mới hay “công lý” và thần
linh hay gắn liền với nhau.
Sở dĩ chúng ta coi các lối thử trên là mê tín và không chấp nhận, là vì chúng mang
tính cách thử thách Chúa, bắt Ngài can thiệp vào cuộc tranh chấp của con người.
Nhưng dân Đức xác tín rằng Chúa luôn can thiệp bênh đỡ người vô tội trước cơn
nguy biến, và nếu cần, sẽ cứu họ bằng phép lạ. Lửa và nước, có lẽ theo niềm tin của
dân Đức, là những yếu tố thiên nhiên đặc biệt gần gũi Thượng đế, nên Ngài thường
sử dụng chúng để tỏ uy quyền. Không riêng gì dân Đức mà nhiều dân tộc khác - ngay
cả Kitô hữu - cũng tin Thượng đế dùng những tai ương thiên nhiên như lũ lụt, động
đất, hoả tai để “phạt” con người.

Ngay từ đầu Giáo Hội chống


Giáo Hội ngay từ đầu chống lại các lối thử trên, trừ lối thử thập giá. Người đầu tiên
tuyên chiến với những mê tín đó là An tịnh. Ngài dạy, nếu có tranh chấp, phải dùng
các phương tiện tự nhiên để tìm ra sự thật. Nếu các phương tiện đó không hiệu quả,
thì có thể cầu xin Chúa giúp; nhưng xin, chứ không thể bắt Ngài giúp.
Các giáo hoàng cấm những lối thử trên vì nhiều lý do: vì chúng thuộc loại mê tín
(Stêphanô V, Alexandriô II, Innoxenxô II), vì chúng muốn thử thách Chúa (Nikôlêô
I, Alexandriô III, Innoxenxô III, Hônôriô III), vì chúng đụng tới sự phán xét cuối
cùng (Stêphanô V, Alexandriô III, Hônôriô III), vì chúng có thể đưa tới chết người
nên gián tiếp liên hệ tới điều răn thứ năm (Alexandriô III, Innoxenxô III, Xêlestinô
III), vì chúng vô lý (Nikôlêô I, Hônôriô III).
Nikôlêô I (858-867) là giáo hoàng đầu tiên đưa ra cấm đoán. Sở dĩ có sự chậm trễ
này là vì thông thường Giáo Hội chỉ chính thức can thiệp sau khi một vấn nạn đã trở
thành thuyết rối, nguy hiểm cho Giáo Hội hay tạo nên những quá lạm và bất cập
khiến phải có biện pháp cản ngăn. Trong những thế kỷ đầu, chưa thành vấn đề là vì
dân Đức còn theo đạo của Arius. Chỉ sau khi người Franken vào đạo thì những thói
tục trên mới trở thành vấn đề cho Giáo Hội.
Chỉ một lối thử, như đã nói trên, được Giáo Hội chấp nhận, là “thử thập giá”. Hai phe
tranh cãi đứng dang tay trước thập giá suốt thánh lễ. Ai mệt bỏ tay xuống trước là
thua. Bởi, nếu như họ phải, thì hẳn Chúa đã giúp họ dang tay lâu hơn!

Khoan dung chừng nào có thể


Dù Chlodwig và những người kế vị ông có muốn hay không muốn “Đức hoá” Giáo
Hội, thì Giáo Hội bằng cách này hay cách khác cũng đã bị văn hoá Đức gián tiếp chi
phối. Cụ thể là sự du nhập tục thờ vật thánh và tục thử ý Chúa. Một điểm Đức hoá
nữa là linh mục vẫn tiếp tục giữ những thói tục ngoại giáo truyền thống của họ.
Dù chống tục thử ý Chúa, nhưng Giáo Hội tỏ ra rất khoan nhượng với những phong
tục sẵn có của dân Đức. Giáo hoàng Nikôlêô I, người đầu tiên cấm tục trên, trong sắc
chỉ truyền giáo cho phép giữ lại các đền đài, chỉ phá bỏ các tượng thần trong đó mà
thôi. Rồi “rảy nước thánh để đền hết thiêng, lập bàn thờ và mang vật thánh vào. Vì
nếu như đền được xây cất vững, thì ta có thể biến đền ma quỉ này thành ra nơi thờ
phượng Chúa”.

Tục “rảy nước” trở thành tục làm phép


Nhiều loại làm phép trong Giáo Hội (làm phép nhà, đồ ăn, thức uống, tượng đài, sân,
ruộng, vườn, nước, lửa, nến, tro, dầu, rượu, cây cỏ, quần áo, súc vật...) đều xuất phát
từ tục “rảy nước” của dân Đức. Cả việc thờ những nguồn nước thiêng như giếng Đức
Mẹ (Mariabrunn), thờ cây thiêng như 3 cây sồi Đức Mẹ (Maria Drei Eichen)... Đó là
những chỉ dấu nói lên việc Giáo Hội không ưu tiên tìm cách xoá bỏ, nhưng cố gắng
Kitô hoá những gì sẵn có. Khi du nhập tục thờ các thánh, tục rất được mộ mến nơi
dân Đức, Giáo Hội đã bắc được một nhịp cầu quan trọng giữa dân ngoại và Kitô
giáo. Điều này được tài liệu cổ sau đây xác nhận: “Vì đức tin của dân chúng, đặc biệt
nơi thành phần hạ dân, còn yếu và họ rất khó cởi bỏ truyền thống ngoại giáo, chứng
cớ là họ luôn tìm cách lén lút thực hành một số phong tục ngoại, nên đã có một ông
thánh khôn ngoan nghĩ rằng cách dễ nhất làm họ từ bỏ đường cũ mà vào đạo là
mang tới một vị thánh nổi tiếng về phép lạ và chữa bệnh, họ sẽ đổ xô kính thờ ngài
và dần quen kêu cầu ngài...”.
Khi Chlodwig nhận phép rửa ở Reims, nơi đăng quang của các vua Pháp sau này, thì
Kitô giáo ở Gallien đã bám rễ vững ở đó rồi. Đã có những cộng đoàn năng động, do
những giám mục uy tín điều khiển. Một trong những vị đó là Remigius ở Reims,
người làm phép rửa cho vua. Muốn dân Rôma và Gallien trong Vương quốc
Chlodwig hợp nhất làm một, thì điều cần là phải dung túng một số yếu tố văn hoá
Đức, bao lâu chúng không đi ngược lại Kitô giáo.
Chlodwig mất năm 511 tại Paris. Vương quốc của ông được chia cho cả bốn con trai.
Sở dĩ chia cho cả bốn là vì dân Đức tin rằng trong dòng máu vua sẵn có sức mạnh
thần thiêng. Năm 588, chỉ còn Chlothar sống sót, nên đã thu tóm toàn cõi vào tay
mình. Sau khi ông này mất, giang sơn lại bị chia, nhưng đến đời Chlothar II lại thu
về một mối vào năm 613. Cuộc trở lại của dân Franken là khởi đầu cuộc vào đạo của
các bộ lạc Đức khác, sau khi họ bị sát nhập vào Vương quốc Franken. Các con của
Chlodwig thắng quân Aleman (496), thắng quân Thueringer (531) rồi sát nhập
Vương quốc Bourgogne (Burgunder, 223 534) và Provence, hai vùng đất bị quân
Đông Goten chiếm. Franken sở dĩ trở thành Vương quốc Đức uy lực nhất là nhờ đức
tin Kitô giáo đã thống hợp nhiều sắc dân vào một mối.
Nhà Merowing trị vì tới năm 750. Sau đó quyền lực chuyển sang nhà Karoling. Dưới
thời Merowing, số địa phận trong Vương quốc Franken lên tới 112. Trong một cuộc
đại hội ở Reims có 24 giám mục Franken trong tổng số 41 giám mục hiện diện. Ảnh
hưởng của đoàn giám mục địa phương và các chiến thắng của nhà Merowing là hai
cột trụ của một Âu châu Kitô giáo sau này.

TRÌNH THUẬT 14-15

TRÌNH THUẬT 14

NGƯỜI ANH TRUYỀN ĐẠO Ở NƯỚC ĐỨC

Bônifaxiô dùng búa đốn ngã cây sồi thờ thần sét ở Geismar. Đám dân Đức đứng xem
chung quanh hoảng hốt, nín thở chờ sét từ trời xuống đánh chết tay nhà tu phạm
thượng này. Nhưng họ thất vọng vì sét đã không tới. Một số đông trong đám dân Đức
đó đã chịu rửa tội, vì tin rằng như thế là Chúa đã ở về phe Kitô giáo. Bônifaxiô cho
dựng trên chỗ cây sồi cũ một thập giá. Ông dùng gỗ cây sồi làm một nhà nguyện gần
Fritzlar.
Bônifaxiô không phải là người đầu tiên giảng đạo nơi dân Đức. Trước đó, các tu sĩ
Ái Nhĩ Lan (Ireland) và Tô Cách Lan (Scotland) đã tới giảng trên vùng phía bắc dãy
Alpes này rồi. Điển hình trong số đó là tu sĩ Kolumban.

Ông “khổng lồ” Kolumban


Nước Anh là điểm xuất phát các cuộc truyền giáo ở Đức. Kitô giáo tới Anh qua đoàn
quân viễn chinh Rôma. Thánh Patrick, người giữ vai trò quan trọng nhất trong cuộc
Kitô hoá nước Anh, là người tổ chức Giáo hội Ái Nhĩ Lan và mở nhiều tu viện. Ái
Nhĩ Lan thời đó là nước nhiều tu viện nhất. Cả nước không có thành phố, nên tu viện
là những trung tâm vừa tôn giáo vừa văn hoá. Từ những tu viện này tu sĩ toả đi
truyền giáo khắp lục địa. Một trong số họ là thầy Kolumban: “một anh khổng lồ
xương xẩu, bàn tay có thể vặn cổ gấu”, người ta kể như thế. Thầy là một người Kelte
điển hình: tóc dài toả vai, cắt thành hình bán nguyệt trước trán, giọng giảng như sấm.
Trước hết, thầy tới giảng ở Vương quốc Franken, nơi Giáo Hội đang thoái trào. Thầy
cùng với đồng bạn là Gallus, Emmeran và Rupert cố gắng vực con bệnh Giáo hội
Franken dậy.

Bất hoà với các giám mục


Kolumban thành lập các tu viện và ra luật tu. Kèm với luật đó là cuốn “Sách đền
tội”. Thầy tới đâu, dân tuôn tới theo nghe thật hồ hởi. Nhưng tiếc rằng sau đó thầy
chẳng màng gì tới những nơi đã đi qua. Một người đương thời xác nhận điều đó:
“Thầy tung lửa Kitô ra khắp nơi, mà chẳng màng tới chuyện lửa cháy như thế nào”.
Một lý do nữa khiến việc truyền giáo của thầy ít thành công là vì bất đồng với giáo
hoàng Rôma và các giám mục Franken. Người Ái Nhĩ Lan không đồng ý mừng lễ
Phục Sinh theo ngày Rôma ấn định và họ yêu cầu chuyển sang một ngày khác. Các
giám mục Ái Nhĩ Lan đã làm theo ý dân, vì các vị này lệ thuộc các tu viện. Vì thế,
khi sang Franken, Kolumban cũng không muốn tùng phục các giám mục ở đây. Vì
vậy mới sinh ra chuyện cơm không lành canh không ngọt. Giám mục mời, Kolumban
chẳng thèm tới.

Thầy cũng làm thơ


Hạnh tích Kolumban được ghi lại rất sớm sau ngày thầy qua đời, nên tương đối ít sai
sót. Nhờ vậy ta biết lúc nhỏ thầy là người cô độc, sống khổ hạnh và thích làm việc
nặng. Sử chẳng ghi lại cuộc tranh luận cao siêu nào trong suốt đời truyền giáo của
thầy, mà chỉ thấy thầy dùng cuộc sống và thí dụ để lôi cuốn lòng người. Tuy vậy,
thầy không phải là người không biết đến khoa học. Thầy cũng biết làm thơ một cách
tinh tế. Một lần bị chính quyền Franken trục xuất, thầy đã trốn được khỏi lính canh.
Trên con thuyền nhỏ ngược dòng sông Rhein, thầy cảm khoái làm mấy dòng thơ như
sau:
“Hây! Gỗ chặt từ rừng xanh. Thuyền nhẹ lướt nhanh nhanh. Nhấp nhô làn sóng nhẹ.
Vỗ vào bờ sông Ranh (Rhein). Hây! Này bà con ơi. Núi vọng tiếng ta hô. Gió lên,
mưa rừng đổ. Dù sóng cuốn ba đào. Sức người vẫn làm chủ”.

Gallus muốn ở lại


Sau khi ngược sông Rhein chèo tới làng Tuggen bên hồ Zuercher (Thuỵ Sĩ),
Kolumban gặp dân ngoại đang mở hội. Thầy giận dữ ném lễ vật của họ xuống hồ và
phá đổ bàn thờ. Để tránh cơn giận của dân làng, thầy và đồng bạn trốn tới Bodensee
(hồ nằm giữa Đức, Áo và Thuỵ Sĩ ngày nay). Lại xung đột với dân bản xứ. Lần này
Kolumban quyết định vượt núi Alpes sang Ý. Chỉ mình Gallus vì bị cảm phải ở lại.
Thực ra Gallus ở lại vì một lý do khác: thầy đã học được tiếng địa phương và đã tạo
được quan hệ tốt với người bản xứ. Tên của thầy ngày nay là tên của tu viện, thành
phố và hạt St. Gallen ở Thuỵ Sĩ. Kolumban mất tại Bobbio ở Ý ngày 23-11-615.
Trước khi mất thầy còn gửi cho Gallus cây gậy đi đường của mình, chỉ dấu không
còn giận Gallus nữa vì đã không đồng hành với thầy sang Ý.
Lý do kém thành công của các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan có thể
nói là vì không có chương trình và không quan tâm tới tâm tình dân bản xứ. Hai lý
do khác nữa là thiếu gắn bó với Rôma và việc truyền giáo của họ đặt dưới sự che chở
của chính quyền Franken, điều làm người ta có cảm tưởng bị ép buộc vào đạo.
Công của các thầy là dọn đường dọn đất cho các nhà truyền giáo từ nước Anh sau
này. Nổi tiếng nhất trong những người này là Bônifaxiô.

Chương trình của Đại Giáo hoàng Grêgôriô


Khoảng năm 450, hai bộ tộc Đức là Angeln và Sachsen (Angelsachsen =
Ănglô Xắcxông) rời miền bắc Đức sang định cư ở Anh. Ban đầu, họ ra tay bóp chết
Kitô giáo đang thịnh hành nơi dân địa phương Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan. Họ đã có
thể thành công, nếu như đại Giáo hoàng Grêgôriô (590-604) đã không nhận ra nguy
cơ và hành động kịp thời. Thoạt tiên, Giáo hoàng mua các nô lệ người Anh ở chợ
Rôma mang về đưa vào dòng huấn luyện thành các nhà truyền giáo rồi gửi về quê
hương. Chương trình này kéo dài quá lâu, nên Giáo hoàng cấp tốc gởi 40 tu sĩ sang
trước. Các thầy sợ, nhưng rồi cũng đổ bộ vào Kent, năm 596, nơi vua Ethelbert cai trị
và được ông này đón tiếp. Vợ vua, bà Bertha, là một công chúa người Franken ở
Paris và đã là Kitô hữu. Đây là một thí dụ mới về vai trò thường rất quyết định của
một người đàn bà trong Lịch sử Giáo Hội.
Một năm sau ngày các tu sĩ đổ bộ lên Kent, vua Ethelbert vào đạo. Cũng như trường
hợp Chlodwig, lại cảnh hàng đoàn hàng lũ thần dân nhận phép rửa theo chủ. Đạo
Kitô ở Anh hẳn thấm sâu hơn ở Franken, vì 400 năm sau, Giáo hội Anh đã có 83 vị
thánh và ít nhất có 33 vua, hoàng hậu, công tử, công chúa dâng mình vào dòng. Các
tu viện nữ đã đóng góp không ít vào sự thành công này.
Hoàng hậu Bertha đã giúp mở đầu cuộc truyền giáo. Các dòng nữ với công tác xã hội
từ thiện đã khơi dậy cảm tình người dân đối với Kitô giáo. Nhưng thành công một
phần cũng nhờ vào thái độ khôn ngoan đối với tân tòng. Giáo hoàng Grêgôriô đã ra
lệnh không được phá bỏ phong tục hiện có của họ, nhưng trái lại nên Kitô hoá những
phong tục đó.

Bônifaxiô tái lập trật tự


Bônifaxiô gốc người Anglô Xắcxông, sinh năm 675 từ một gia đình trọng vọng ở
Essex. Tên ban đầu của ngài là Winfried. Sau nhiều chống đối, cha ngài cuối cùng đã
cho phép ngài nhập dòng. Năm 30 tuổi, nhận chức linh mục, Bônifaxiô sang truyền
giáo ở Friesen (bắc Đức), nơi đồng hương của ngài là Willibrord cùng 11 bạn khác
đã sang giảng từ năm 690 ở gần Utrecht (Hoà Lan). Dù nhiều vị trong đoàn truyền
giáo đã phải chết vì đạo, nhưng Bônifaxiô vẫn cương quyết sang. Nhưng ngài đã
không ở lại được lâu, vì bị dân địa phương chống đối (“Liewer dued as Slav” = Thà
chết hơn làm nô lệ (đạo mới)!). Sau đó không lâu Bônifaxiô rời Anh sang Rôma gặp
Grêgôriô II. Giáo hoàng phong cho ngài chức Giám mục Địa phận Mainz (Đức).
Khi Bônifaxiô trở lại Đức, Giáo Hội ở đây đang gặp khủng hoảng lớn, vì những xâu
xé của nhà Merowing và vì Giáo Hội ở đây thiếu liên lạc chặt chẽ với Rôma. Giáo
hữu ở Hessen (trung Đức) bỏ đạo và “giáo sĩ biến chất không thể tưởng” (Lortz) làm
Bônifaxiô lo lắng. Ngài thuyên chuyển các linh mục và giám mục bất xứng và chú
tâm vào việc huấn luyện giáo sĩ. Đặc biệt bắt các linh mục học thi Sách Thánh. Năm
744, ngài lập tu viện Fulda làm trường huấn luyện mẫu cho cả nước Đức. Quan tâm
hàng đầu của ngài là nối lại quan hệ với Rôma, để cản việc hình thành một Giáo hội
Đức tự trị. Vì vậy, ngài định lại tổ chức Giáo Hội, chia Giáo hội Bayern (nam Đức)
thành 4 giáo phận Passau, Salzburg, Freising và Regensburg cùng định quyền cho
từng giáo phận. Năm 747, ngài yêu cầu các giám mục Franken tuyên bố trong một
thượng hội đồng “quyết định kết hợp với Giáo hội Rôma và tuân phục quyền bính
của Rôma”. Ngài bắt các tu viện áp dụng luật Biển Đức. Qua các dòng tu, ảnh hưởng
của Kitô giáo trên giáo dục và đạo đức của người Đức càng ngày càng lớn. Đặc biệt
các tu viện trở thành những trung tâm nghệ thuật và khoa học, đồng thời cũng là nơi
trú ẩn của những ai bị chèn ép hoặc bách hại, trạm dừng chân cho khách phương xa
và bệnh xá cho người đau yếu hoặc mắc bệnh chờ chết. Năm 742, Bônifaxiô đã có
thể viết: “Từ nửa Kitô giáo trong vùng nay đã trở thành một toàn thể”.
Sau những năm tháng dài không mệt mỏi trong việc xây dựng và nối kết Giáo Hội
giữa dân Đức, vị tông đồ 80 tuổi quyết định trở lại rao giảng miền Friesen mà ngài
luôn canh cánh bên lòng. Sứ mạng của ngài kết thúc trong bi thương: Ngày 5-6-754,
ngài cùng 52 đồng nghiệp bị dân ngoại quá khích đánh chết.
TRÌNH THUẬT 15

ĐẠI GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ, NGƯỜI CỦA THỜI NHIỄU NHƯƠNG

Grêgôriô sinh năm 540 từ một gia đình đại quý tộc ở Rôma và thuộc dòng trực tiếp
của Giáo hoàng Fêlixê III. Fêlixê III đã lập gia đình trước khi được phong phó tế.
Năm 32 tuổi, Grêgôriô trở thành tỉnh trưởng Rôma, công chức cao cấp nhất của
thành phố. Nhưng ông không lấy đó làm thoả mãn, vì tâm hồn cảm thấy trống vắng
và vẫn khao khát một cái gì đó. Sau khi bố mất, ông biến dinh đang ở thành một tu
viện Biển Đức “Tu viện Anrê” và trở thành một tu sĩ của dòng mình, năm 35 tuổi.
Ông thực hành một cuộc sống quá khắc khổ khiến bị liệt chân và không ăn chay nổi,
vì cứ bị bất tỉnh.
Nhưng cuộc sống tu viện không được lâu. Giáo hoàng Pêlagiô II, một người gốc
Goten, đã kéo ông ra triều, phong phó tế rồi giao cho cai quản một trong 7 địa phận
Rôma. Grêgôriô phẩm bình về chuyện này: “Chúng tôi trong thâm tâm muốn sống
cuộc đời tĩnh lặng nhưng lại bị kéo ra để chiếm đoạt lòng người”. Giáo hoàng sau đó
lại cử thầy làm khâm sứ tại cung hoàng đế Tibêrius II ở Konstantinôp. Vai trò làm
con thoi giữa Giáo hoàng với Hoàng đế quả không dễ dàng. Sau khi hết nhiệm vụ trở
về năm 585, Grêgôriô vào lại tu viện, nhưng tiếp tục làm cố vấn cho Giáo hoàng, cho
tới khi vị này bất chợt mất và dân cũng như giáo sĩ Rôma đồng thanh bầu thầy lên
làm Giáo hoàng kế vị. Grêgôriô ban đầu từ chối. Nhưng rồi chấp nhận sau khi hoàng
đế Mauritius, người được thầy rửa tội khi đang làm khâm sứ ở Konstantinôp, tuyên
bố hài lòng về cuộc bầu. Grêgôriô trở thành giáo hoàng trong một thời mà người
đương thời chỉ bằng lòng hoặc chỉ khen một người nào đó sau khi họ đã chết. Tình
cảnh Rôma lúc đó thật khó sống.

“Đau buồn không dứt”


Rôma mất tới 3/4 số dân, trở nên như một thành phố chết. Từ tháng 11-589, thành
phố gặp hết nạn này đến thiên tai khác. Nước lũ sông Tiber tràn bờ làm hư hết những
kho lương thực cuối cùng. Hậu quả là nạn đói. Rồi tới nạn dịch, mà một trong những
nạn nhân đầu tiên là Giáo hoàng Pêlagiô. Cướp bóc và bạo lực hàng ngày làm dân
khiếp sợ. Đám tù binh Langobarden, bị bắt trước đây trong dịp vua họ là Alboin xua
quân tới tấn công Rô ma, “xích quấn quanh cổ kéo nhau đi từng đoàn như đám chó
đói” khắp đường phố. Grêgôriô viết: “Quốc hội ở đâu? Tất cả đã giải tán. Những kẻ
sống sót còn lại gì? Giết chóc từng ngày, đau buồn không dứt”. Và một lần khác,
ngài “cảm thấy tinh thần bị gánh tránh nhiệm đè nặng đến đổ mồ hôi máu”.

Mọi người hy vọng vào ngài


Grêgôriô hiểu rằng nay là lúc dân Rôma đang hướng mắt về mình. Năm 592 và 593,
Rôma bị quân Langobarden vây hãm. Không hy vọng gì được hoàng đế phương
Đông tiếp cứu. Grêgôriô đành phải đơn thương độc mã tổ chức cuộc phòng thủ. Từ
sân thượng điện Lateran toạ lạc gần tường thành, ngài đích thân chỉ huy trận địa.
Cuối cùng, qua thương thuyết và phải nhận trả một món tiền lớn, ngài đã đạt được
một thoả hiệp đình chiến. Lẽ ra đây là nhiệm vụ của hoàng đế ở Konstantinôp hoặc
của Toàn quyền của ông ở Ravenna và của quốc hội Rôma. Nhưng chẳng ai đoái
hoài đến một Rôma đang dở sống dở chết. “Qua việc lo an sinh cho dân trong một
chính quyền bất lực, giáo quyền đã nghiễm nhiên nhận vào mình những nhiệm vụ và
trọng trách thế quyền”. Grêgôriô đã không tự ý muốn làm “hoàng đế”. Nhiều lần,
ngài phàn nàn vì chức giám mục mà bị lôi cuốn vào những nhiệm vụ trần thế. Nhưng
ngài có thể để mặc dân tình được sao? Nếu dân sau đó cảm mến ngài và các Giáo
hoàng về sau dần lún sâu vào thế quyền, thì cũng đừng nên buộc tội các Giáo hoàng.
Bởi các “nhà chính trị” lúc đó đã cao chạy xa bay!

Của cải được sử dụng đúng


Phí tổn mua đình chiến đã nặng. Nhưng Grêgôriô còn bỏ tiền chuộc tù nhân, cho
nông dân vay không lãi, phân phát lương thực, quần áo cho kẻ khốn cùng ở Rôma.
Một tài liệu đương thời đã viết Giáo Hội “như một vựa lúa bỏ ngỏ”. Giáo hoàng lấy
tiền ở đâu?
Đầu tiên, ngài hy sinh gia sản riêng. Rồi Giáo Hội thời đó còn có nhiều vùng đất tặng
ở Ý, Dalmatien, Gallien và ở phương Đông. Nhờ các tài sản này được quản trị tốt,
nên đã có được phương tiện để chống địch, cứu đói.
Dù thành công lớn, Grêgôriô vẫn sống như một thầy tu khiêm nhượng. Ngài không
nhận tước “Giáo hoàng hoàn vũ” người ta tặng, mà trái lại tự nhận là “Tôi tớ của
những tôi tớ Chúa" (Servus Servorum Dei). Danh hiệu này ngày nay còn được dùng
trong các tài liệu Giáo Hội. Grêgôriô “Đại giáo hoàng”[1], như người ta đã gọi ngài,
vị “Giáo hoàng thứ nhất của thời Trung Cổ” mất ngày 12-3-604 lúc 64 tuổi.

Một vị kế nhiệm đáng kính của Lêô


Grêgôriô là người kế nhiệm Innôxenxô I (401-417), người đã giúp Rôma thoát vòng
vây của quân Tây Goten, và kế nhiệm Lêô I (440-461), người đã khuyến dụ được
Attila thôi vây Rôma và khuyến dụ Geiserich (quân Vandalen) không phá nát Rôma.
Trước Grêgôriô, Giáo hoàng Lêô là một khuôn mặt lớn, vì ngài đã lập nền tảng uy
quyền cho ngai Giáo hoàng thời Trung Cổ. Ngài nói: “Ta cùng chia sẻ ưu tư của mọi
người và để mọi người thông phần vào việc điều hành; bởi vì khắp mọi miền trái đất
ai ai cũng muốn tìm đến nương tựa nơi ngai Thánh Phêrô, và họ chờ đợi nơi Giám
mục Rôma lòng yêu mến Giáo Hội hoàn vũ, như Thầy trước đây đã khuyên nhủ
Phêrô”. Từ Lêô trở đi, nếu không có sự hỗ trợ của giáo hoàng hoặc nếu chống lại
ngài, chẳng vua chúa nào có thể hy vọng tạo thống nhất được Giáo Hội (R. Rahner).

“Thuyết hai gươm” để cản ngăn Đế quốc Rôma Phía Đông


Các ghế giám mục hình thành thời sơ khai không ngang bằng nhau, nhưng giám mục
Rôma đã khá sớm nắm được vị trí ưu quyền trong hàng giám mục. Chẳng hạn
Klêmentô I, người kế vị thứ ba sau Thánh Phê rô, đã dùng uy giáo hoàng giải quyết
được tranh chấp ở Côrintô. Trong vụ tranh chấp lễ Phục Sinh, Giáo hoàng Victorê I
(189-199) đã tuyệt thông tín hữu ở Êphêsô, vì họ không chịu mừng lễ Phục Sinh
cùng một ngày như ở Rôma. Cả Klêmentô I lẫn Victorê I đã có thể nhân danh giám
mục Rôma để quyết định chuyện của các cộng đoàn khác ngoài Rôma. Ưu quyền
giáo hoàng đã được Innoxenxô I, Lêô I và Grêgôriô dần dần củng cố và thắt chặt. Uy
quyền của các giáo hoàng thời cổ cũng đã vượt trên cả thế quyền.
Trên danh nghĩa, 100 năm sau Grêgôriô I, Rôma vẫn thuộc quyền Đế quốc Rôma
Phía Đông, nhưng quan hệ hai bên cứ lỏng lẻo dần theo từng giáo hoàng. Mâu thuẫn
lớn giữa giáo quyền và đế quyền nổ ra dưới thời Lêô I, khi hoàng đế Theodosius II
triệu tập công đồng Êphêsô (449). Công đồng quyết nghị phục hồi danh dự cho kẻ rối
chủ trương nhất nguyên là Eutyches mà không hỏi ý kiến của sứ giả của giáo hoàng
gì cả. Về sau Lêô gọi công đồng đó là một “quyết nghị sai lầm khùng điên, vượt trên
mọi phạm thượng”, là “công đồng kẻ cướp” và buộc hoàng đế phải rút lại quyết
nghị. Giáo hoàng viết cho hoàng đế: “Hãy trả lại cho tôi tự do bảo vệ đức tin, là thứ
mà không bạo lực hoặc khủng bố cường quyền nào có thể bẻ gãy. Khi tôi lo cho
Giáo Hội, thì đồng thời cũng là muốn điều tốt cho Vương quốc ngài và cho chính
ngài. Chỉ như thế hoà bình và công lý mới ngự trị trên mọi vùng đất của ngài”.
“Quyết nghị sai lầm” của Êphêsô được Công đồng Canxêđôn năm 451 cải chính, khi
công đồng chống lại chủ trương của phái nhất nguyên và phái Nestorian, đồng thời
trịnh trọng công bố Đức Kitô “mang hai bản tính trọn vẹn, vừa là người vừa là
Chúa, không hoà nhập và lẫn lộn, không tách rời và riêng rẽ, cả hai bản thể hợp
nhất trong một con người”.
Nhất nguyên Eutyches coi nhẹ bản tính người nơi Chúa Kitô, mà trái lại coi thần tính
nơi Ngài hầu như khoả lấp hết nhân tính. Phái Nestorian trái lại bảo rằng Maria chỉ
sinh ra một con người, vì thế không thể gọi là “kẻ sinh ra Chúa” được.
Vì hoàng đế cứ nhúng tay dài dài vào chuyện Giáo Hội, Giáo hoàng Simpliciô (468-
483) đã phải viết cho ông: “Nếu ngài muốn chính quyền ngài không sụp đổ, thì đừng
có chửi rủa Thiên chúa, bởi vì không có gì trên trần gian này bền vững nếu không thi
hành phận vụ đối với Trời”. Giáo hoàng Fêlixê III (483-492), người kế vị Simpliciô,
cũng cảnh cáo hoàng đế ở Konstantinôp đừng xía vào chuyện đức tin, là chuyện
thuộc thẩm quyền các giám mục, và đừng muốn nắm đầu, nhưng hãy tôn trọng sự
độc lập của Giáo Hội. Kế vị Fêlixê là Giáo hoàng Gêlagiô I (492-496), người đã viết
cho hoàng đế Anastasius câu nổi tiếng sau: “Thế gian trước hết được cai trị bởi hai
quyền: quyền thánh của các giám mục và quyền của hoàng đế. Trong hai gánh thì
gánh của giám mục lại càng nặng hơn, vì các ngài phải trả lời trước mặt Chúa cho
cả các vua chúa loài người”. Quan điểm này về sau được diễn dịch thành “Thuyết
hai gươm”. Các luận chứng trên hình thành không ngoài nỗ lực dành độc lập cho
Giáo Hội và chống lại sự vươn tay của các hoàng đế Phía Đông. Thực ra, các giáo
hoàng thời đó không muốn gì ngoài một sự phát triển song hành và hài hoà giữa Giáo
Hội và một nhà nước độc lập. Các giáo hoàng chỉ muốn chống và phải chống, là vì -
như Giáo hoàng Ormisda (514-523) phát biểu – “Chúng tôi không thể để cho người
ta mặc sức sai khiến được!”.

TRÌNH THUẬT 16 -17

TRÌNH THUẬT 16

HỒI GIÁO ĐE-DOẠ GIÁO-HỘI KHẮP NƠI

Chưa đầy 80 năm sau ngày Mô-ha-mét mất, người Ả-rập hồi giáo năm 711 từ Phi
châu qua ngã Gibraltar tiến vào Tây-ban-nha. Không đầy 4 năm chiến-đấu, họ làm
chủ gần hết Vương-quốc Tây-Goten (một phần đất ở Tây-ban-nha). Ý của họ là băng
qua Vương-quốc Franken tiến vào trung Âu bắt tay với cánh quân khác của họ từ
Kon-stan-ti-nôp tiến vào Âu châu. Âu châu ở vào thế gọng kìm. Cơ-nguy bị Islam
(Hồi giáo) nuốt trửng như trước đó họ đã nuốt trửng Đông-phương và Phi châu
không còn xa.
Năm 711 người Hồi giáo cất quân từ tảng đá ở eo biển Gibraltar, tảng đá ngày nay
mang tên là Tarik (dschebel al Tarik), tên của vị thủ-lĩnh của họ. Năm 720 họ chiếm
Narbonne thuộc Pháp và tiến tới Toulouse mà không gặp chống-cự lớn nào cả. Lúc
đó Chlodwig đã mất từ lâu. Những người nối ngôi không có khả-năng bảo-vệ
phương tây và thế-giới . Ngay cả chuyện trị nước, họ giao cho những quần-thần cao
cấp trong cung. Một trong những quần-thần uy-quyền này là Karl (tiếng pháp
Charles), sau này được gọi là "Martell" ("Búa"), bởi vì ông đã có công chận đứng
cuộc tiến công của người Islam và đã cứu được giáo-hội phương tây.

Karl Martell chận cuộc tiến-công


Hốt-hoảng trước cảnh tàn-phá nhà thờ, tu-viện và ruộng-đồng, dân chúng cầu-cứu
Karl, nhưng lúc đầu ông chối-từ: "Cứ để bọn chúng mặc sức tiến tới, đừng vội đánh.
Chúng như một dòng suối, rất khó trị khi nước đang chảy. Chỉ sau khi chúng cướp-
bóc no-nê và đâm ra cắn-xé nhau vì những của-cải cướp được thì lúc đó mình mới
dễ thắng được.
Karl Martell chần-chờ cũng vì một lí-do khác nữa: ông chẳng có quân. Đặc-biệt phần
đất phía đông của Vương-quốc – ngày nay là nước Đức – chẳng màng gì tới chuyện
chống giặc, vì họ ở xa chưa ý-thức được hiểm-hoạ chung của Âu châu. Nhưng sau
khi đã gom được binh, Karl cho quân tới tận Poitiers, nơi quân Ả-rập vừa chiếm
thành và đang đua nhau cướp-bóc. Ông dụ quân Islam tiến tới Tours, thành-phố nơi
thánh Martin ở xưa kia. Bảy ngày đêm quân hai bên dàn trận đối-diện nhau. Karl
phải chần-chờ lâu, vì ông ngại lực-lượng kị-binh và khả-năng bắn cung của đối-
phương. Ngày 25.10.732 quân Ả-rập tấn công. Một trong những trận chiến quyết-
định nhất trong chiến-sử thế-giới đã diễn ra.
Quân Franken "người bên người đứng dựa sát nhau như một bức tường". Nhưng lực-
lượng quyết-định chiến-thắng trên chiến-trường là binh đoàn người Franken đến từ
Đức. Sử ghi: Họ là dân Đức thuần chủng "người cao to, chân tay kềnh-càng như vâm
với bàn tay sắt: cầm búa say-sưa giáng ngọt-ngào từ cao xuống."

Trại vắng tanh


Đêm hôm sau, quân Franken thức giấc vì một tiếng động mạnh. Karl Martell sợ một
cuộc đột-kích nên ra lệnh ba quân sẵn-sàng. Nhưng chờ tới sáng vẫn không thấy
động-tĩnh. Karl đang bối-rối không hiểu đối-phương muốn lập mưu gì đây, thì toán
thám-báo về cho hay có lẽ quân Ả-rập đã rút đi từ hồi đêm, vì trại họ giờ vắng tanh.
Có lẽ có tới 375.000 quân Hồi bỏ xác tại trận, trong số đó có cả chủ-tướng Abd ar-
Rahman.
Trong trận này, Karl Martell đã áp-dụng binh-pháp của đối-phương bằng cách cũng
sử-dụng kị-binh. Việc thành-lập kị-binh đã đem lại hậu-quả bất lợi cho Giáo-hội về
sau. Để nuôi ăn binh đoàn này và giữ họ trung-thành với mình, Karl về sau đã lấy tài-
sản Giáo-hội cho họ vay, chọn người trong bọn họ làm giám-mục và cũng chẳng
ngần-ngại trao chức giám-mục cho cả giáo-dân. Vì thế mới có cảnh ghế giám-mục
trong các địa-phận – như ở Mainz và Trier – trở thành cha truyền con nối. Tục xấu
này, thời đó cũng đã không thiếu kẻ phản-đối. Với trận thắng, Karl Martell đã cứu
được Giáo-hội, nhưng đồng thời, với sự hình thành định-chế kị-binh, ông đã làm tổn-
thương uy-tín Giáo-hội và bộ mặt giám-mục không kém.

Đông phương đã mất


Sau cuộc di-cư của dân Đức, nay đến lượt các dân-tộc Ả-rập. Cũng như Ki-tô giáo đã
nối-kết các dân-tộc Âu châu, đạo Islam đã lần hồi đưa, đúng hơn, đã ép các dân Ả-
rập, Sy-ri, Per-sê, Ấn-độ, Thổ và Ai-cập lại với nhau dưới lá cờ hình bán nguyệt.
Bằng các cuộc "thánh chiến", con cái Mô-ha-mét đã xoá sổ các cộng-đoàn ki-tô kì-
cựu ở Sy-ri, Palestina, Ai-cập và bắc Phi. Các toà thượng-phụ nổi danh ở Antiochia,
Giê-ru-sa-lem và Alexandria đã sớm rơi vào tay Hồi giáo. Các cuộc cãi-vã thần-học
ở phương Đông về con người đức Ki-tô đã giúp Hồi giáo cơ-hội dễ-dàng chiếm cứ
các vùng ki-tô giáo nguyên-thuỷ. Chỉ có Kon-stan-ti-nôp đã trụ được năm cuộc tấn
công, vì nhờ có "đạn lửa của người Hi-lạp", một thứ chất nổ cháy trên nước buộc
các chiến-thuyền Hồi giáo phải quay đầu.

Thuế thân làm hao dần lượng ki-tô hữu


Trong các vùng Hồi giáo chiếm, người ki-tô và do-thái giáo vẫn tiếp-tục được hành
đạo. Nhưng vì thuế quá nặng đánh lên đầu tín hữu của hai đạo đó nên sinh số giảm
khiến các cộng-đoàn hao-mòn người dần. Nhiều ki-tô hữu gia-nhập Islam để tránh
thuế. Thêm vào đó nhà thờ mới không được xây, cũ không được sửa. Cuối cùng,
văn-hoá-phẩm bị huỷ. Một trong những nạn-nhân của biện-pháp này là việc phá-huỷ
thư-viện Alexandria nổi tiếng thế-giới ở Ai-cập.
Ki-tô giáo, do vậy, hao-hụt lần trong vùng Hồi giáo. Ở bắc Phi, nơi trước kia có
nhiều toà giám-mục nhất, nay chẳng còn một tòa nào nữa. Trái lại ở Cordoba thuộc
Tây-ban-nha mọc lên một trung-tâm nghệ-thuật và khoa-học Hồi giáo. Từ năm 785
nơi đó xuất-hiện một nguyện đường Hồi giáo trên nền nhà thờ chính-toà do người
Tây-Goten xây.
Biển Địa-trung từ lâu cũng là chiến-trường giữa người ki-tô và người hồi. Hàng thế-
kỉ dài con cháu Mô-ha-mét đuổi bắt con cái Chúa về làm nô-lệ bằng cách đánh cướp
thuyền tàu qua lại. Người ki-tô đã phải cố tránh con đường này, cho đến lúc tình-hình
tạm lắng dịu khi những cuộc chiến thập-giá giải-phóng Giê-ru-sa-lem bắt đầu.

Những biến-chuyển khác


Vương-quốc Ả-rập do Omar lập, lại sụp-đổ vào khoảng giữa thế-kỉ thứ 8. Dân
Abbasiden, với thủ-lĩnh là Abul-Abbas, nổi lên nắm bá-chủ từ năm 749, mở ra một
thời-đại mới cho Hồi giáo. Văn-hoá islam từ nay không còn đơn-thuần chỉ có yếu-tố
ả-rập mà thôi. Người kế vị Abu-Abbas dùng lao-công xây cung-điện ở Bagdad bên
sông Tigris. Các đạo-chủ (Kalifen) ở Bagdad từ nay vừa là thủ-lãnh của Vương-quốc
Hồi giáo mới vừa là thủ-lãnh tôn-giáo. Người Abbasiden nhận văn-hoá ba-tư (Per-sê)
của người Sassaniden, nhưng vẫn sử-dụng ngôn-ngữ ả-rập trong thần-học, khoa-học,
hành-chánh và giao-thông. Giữa thế-kỉ thứ 9, một đạo-chủ Bagdad đưa nô-lệ thổ-nhĩ-
kì vào làm hộ-vệ. Đây là bước mở đầu sự tàn-lụi của Vương-quốc ông, bởi vì chẳng
lâu sau đó đám nô-lệ đã nắm quyền làm chủ. Thêm một lí-do nữa khiến các đạo-chủ
mất quyền là vì quá sa-đoạ vì nạn đa-thê. Cuối cùng Vương-quốc vỡ ra thành nhiều
lãnh-địa nhỏ do các ông hoàng nắm giữ.
Chủ-quyền của nhà Abbasiden chuyển sang nhà Fatimiden. Vương-quốc nhà
Fatimiden do Obaid Allah thành lập ở bắc Phi vào khoảng năm 912. Những người kế
vị ông đã chiếm Sizilien, Palestina, Ai-cập, Yê-men và một phần Sy-ri. Vương-quốc
Fatimiden chấm dứt trong thế-kỉ 11.
Thế-giới hồi giáo sau đó được lãnh-đạo bởi một dân-tộc mới, dân Thổ-nhĩ-kì. Dân
này xuất-hiện lần đầu trong lịch-sử vào thế-kỉ thứ 6. Đầu tiên, họ bị người hồi đánh
đuổi, nhưng năm 1055 họ chiếm được Bagdad. Năm 1076 họ kéo quân vào Giê-ru-
sa-lem. Thủ-lãnh của họ lúc đó là Saladin I. Đế-quốc của ông này trải rộng từ sông
Nil qua sông Euphrat. Năm 1299 thủ-lãnh Osman lập đế-quốc mang tên ông: Đế-
quốc Osman.

"Hãy để quá-khứ sang một bên"


Từ trận thắng của Karl Martell ở Tours và Poitiers tới nay, nhiều thế-kỉ đã qua. Cả
Islam lẫn Ki-tô giáo ngày nay đã gần với nhau hơn vì cùng thờ độc thần, một Chúa
duy nhất. Cả hai không còn coi nhau là kẻ thù, nhưng như là những người đang trên
đường đi tìm Chúa thật theo con đường riêng của mình. Trong ý-nghĩa đó, ngày
03.08.1946 giáo-chủ Pi-ô XII đã gặp một phái-đoàn Hồi giáo Ả-rập. Công-đồng
Vatican II cũng đã đề-cập tới Islam, và ngày 28.10.1965 bản văn sau đây đã được
trịnh-trọng công-bố:
"Giáo-hội cũng kính-trọng tín hữu Islam, những người khẩn-cầu một Chúa duy
nhất…
Vì nhiều thế-kỉ qua đã xẩy ra những tranh-chấp và thù-hận giữa người islam và ki-
tô, nên Thánh Công-đồng khuyên hãy để quá-khứ qua một bên và cố-gắng tìm hiểu
nhau trong chân-tình".

TRÌNH THUẬT 17

MÔ-HA-MÉT, "TIÊN-TRI CỦA ALLAH"

Đạo Islam, bằng các cuộc "thánh chiến" và trong một thời-gian ngắn đã nuốt trửng
gần trọn cả Giáo-hội phương đông và đẩy Giáo-hội phương tây tới bờ diệt-vong,
được khai-sinh bởi Mô-ha-mét. Mô-ha-mét cho hay ông đã được thượng-đế Allah
"mạc-khải" để lập đạo.

Sinh ở Mekka
Mô-ha-mét sinh khoảng năm 570 ở Mekka. Bố ông là một tiểu thương, mất trên một
chuyến đi buôn tới Medina sau ngày Mô-ha-mét sinh được hai tháng. Mekka là
trung-tâm kinh-tế của bán-đảo Ả-rập; nơi đây cũng có một khối sa-thạch lạ, từ nhiều
trăm năm nay đã trở thành một vật thiêng đối với người Ả-rập. Đó là một tảng đá
đen, được xây ghép vào góc phía đông của toà nhà hình khối Kaaba. Tục truyền xưa
kia đá trắng như tuyết, nhưng tội-lỗi loài người đã làm nó đen lại. Một huyền-thoại
cổ kể rằng Chúa đã trao nó cho ông A-dong khi ông này bị đuổi khỏi địa-đàng. Ngay
từ đầu, đá được dâng cho một thượng-đế mà thôi, nhưng về sau, vào thời Mô-ha-mét,
có tới 350 ảnh thần được treo lên đó. Từ khi còn niên-thiếu Mô-ha-mét đã tỏ ra rất
bực về chuyện lạm thần đó.
Cha mất, để lại gia-tài cho Mô-ha-mét gồm 5 con lạc-đà và một người tớ gái. Vài
năm sau mẹ cũng mất, Mô-ha-mét ở với ông; rồi ông chết, về sống với bác. 25 tuổi,
Mô-ha-mét vào giúp việc cho một bà goá lớn hơn mình 15 tuổi và đã cưới bà làm vợ.
Cậu Mô-ha-mét được kể là người "điển trai nhất" Mekka. Da cậu trắng hơn da mọi
người. Một đôi tài-liệu cũng nói cậu bị chứng động-kinh.
Nhận cưới bà chủ, Mô-ha-mét từ nay không còn lo-lắng về mặt kinh-tế. Vì vợ chánh
đã có tuổi, Mô-ha-mét sau này còn lấy thêm 13 cô vợ nữa. Luật thời đó cho phép đàn
ông muốn lấy bao nhiêu vợ tuỳ ý, miễn là có thể lo-lắng được cho họ. Vợ được coi
như một "vật sở-hữu" của chồng, muốn dứt lúc nào cũng được, với bất cứ lí-do nào,
chẳng hạn như ngáy to hoặc có tật nói sảng trong khi ngủ. Về sau, Mô-ha-mét ra luật
hạn chế mỗi ông chỉ tối-đa được cưới bốn bà, dĩ nhiên đầy-tớ gái thì không kể, muốn
bao nhiêu cũng được.
Qua tiếp-xúc buôn bán với người do-thái và ki-tô giáo, Mô-ha-mét chịu ảnh-hưởng
hai tôn-giáo này về sự hiện-diện một Chúa duy nhất mà người Ả-rập gọi là "Allah".
Vì vậy, câu tuyên-xưng đầu tiên của đạo ngài là: "Chẳng có Chúa nào ngoài Allah".
Chúa Allah của Mô-ha-mét được quan-niệm như một đấng tiền-định cho mỗi người
mọi sự từ đầu đến cuối. Vì không ai có thể thoát ra khỏi tiền-định ("Kismet") đó, nên
họ phải tùng-phục Chúa vô điều-kiện. Sự "tùng-phục" (= Islam) ý Chúa một cách
tuyệt-đối này được Mô-ha-mét dùng để đặt tên cho đạo mới của ngài.

Kinh Koran
Giao-tiếp với người do-thái và ki-tô giáo cũng đưa Mô-ha-mét tới nhận-thức phải có
một thứ Sách Thánh cho người Ả-rập. Người do-thái có Cựu-ước, ki-tô hữu có Tân-
ước, thì người Ả-rập có Koran.
Koran (= "đọc thuộc-lòng") không phải là một tập tín-lí, nhưng là sách ghi những
bổn-phận trong đời sống hàng ngày của một tín hữu islam phải chu-toàn. Như luật
Biển-đức trước đây chỉ cho dân Đức đường đi và mục-đích của cuộc sống, Koran
"cung-cấp sức mạnh tổ-chức ghê-gớm trong đời sống cho các dân-tộc bị Islam
chiếm" (G. Mensching). Koran được hình thành theo thời-gian. Mỗi lần Mô-ha-mét
được "mạc-khải", ông cho ghi lên một tờ giấy và công-bố. Sau khi ông mất, môn-đồ
gom lại và năm 650 đạo-chủ (Kalif) Othman chính-thức công-bố là một Sách thánh.

"Một tay ba-láp"


Ở Mekka, vì kêu gọi chống lại tục thờ đa thần nên Mo-ha-mét bị chống-đối kịch-liệt.
Người ta xem "mạc-khải" của ông chỉ là chuyện tưởng-tượng và cáo-buộc ông tội
phạm-thượng. Một lí-do không kém quan-trọng để người ta chống là vì ông thuộc
giới bình-dân. Đám dân quyền-thế Mekka hỏi nhau: "Không lẽ trời dùng tay đó để
cảnh-cáo chúng ta sao ?". Và họ quả-quyết: "Không, đó chỉ là một tay ba-láp".
Thất-bại ở Mekka, Mô-ha-mét bỏ quê-hương đi tới Medina. Dân Ả-rập ở Medina
chấp-nhận và coi ông như một người đồng tộc. Chuyến ra đi "rời bỏ họ-hàng"
(Hedschra) vào năm 622 này là một biến-cố lịch-sử cho Islam. Các môn-đồ Mô-ha-
mét về sau lấy ngày này làm thời-gian mở đầu của đạo Islam.
"Tiên-tri"
Một nhận-thức nữa của Mô-ha-mét là dân Ả-rập cũng cần có một "tiên-tri" riêng để
giúp mình được rỗi. Dân Do-thái có Mai-sen, người ki-tô có đức Ki-tô. Tiên-tri của
người Ả-rập sẽ chính là Mô-ha-mét. Koran kể: Năm 40 tuổi, ông rút vào núi Hira gần
Mekka sống ẩn. Ở đó, vào một "đêm thánh", tổng-lãnh thiên-thần Gabriel hiện ra báo
cho ông: "Ngươi là tiên-tri của Chúa !" Và sứ-mệnh của ông là "Hãy đứng dậy và
cảnh-cáo!" Bởi vì muôn dân đã xa-lìa Allah và đang đợi ngày luận-phạt của Chúa.

"Thánh chiến" bắt đầu


Mô-ha-mét trở thành người tổ-chức chính-trị, chỉ-huy quân-đội và lãnh-đạo ở
Medina. Cùng với đám môn-đồ, ông tổ-chức đánh cướp các đoàn thương-nhân.
"Năm thứ hai", nghĩa là hai năm sau Hedschra, ông kéo quân về đánh diệt các thủ-
lãnh Mekka, những người trước đây đã đuổi ông khỏi thành. Quân Mekka đông gấp
ba, nhưng đã thua Mô-ha-mét. Đối với lịch-sử nhân-loại và cả cho Giáo-hội ki-tô
giáo, trận thắng này không quan-trọng bằng hệ-luận Mô-ha-mét rút ra từ đó. Ông viết
trong Koran: "Không phải chúng ta tiêu-diệt họ, nhưng chính Chúa đã thanh-toán
chúng nó". "Thánh chiến" khai màn từ điểm này. Nó trở thành bổn-phận của mọi tín
hữu islam, như Mô-ha-mét đã dạy:
"Một giọt máu đổ ra vì Chúa, một đêm cầm khí-giới canh-gác còn giá-trị hơn hai
tháng ăn-chay và cầu-nguyện. Ai gục ngã trên chiến-trường, người đó được tha tội.
Tới ngày phán-xét, vết thương của họ sẽ sáng chói như đom-đóm và toả thơm như
chồn hương. Cửa thiên-đàng lộng-lẫy sẽ mở ra đón họ. Ở đó họ nghỉ-ngơi trên gối
lụa thêu vàng. Những dòng sông mật, sữa và rượu uốn quanh họ. Tiệc thịnh-soạn
dọn sẵn. Các trinh nữ mắt đen to, đẹp như ngọc-ngà trân-châu, trẻ măng và tình-tứ
vui đùa với họ."
Những hứa-hẹn về một tiên-cảnh ăn-chơi vô tận đó sau khi chết đã làm tín hữu nức
lòng lao vào "thánh chiến". Vì thế không lạ gì chỉ trong vòng ba mươi năm những
nhóm quân du-mục lạc-đà đã chiếm được Sy-ri, Mesopotami, Iran, Ai-cập và không
ngừng bành-trướng.
Bên cạnh những hứa-hẹn thiên-đường dành cho tử-sĩ trên chiến-trường, luận-lí thần-
học "Kismet" (thiên-định) cũng là nguyên-nhân cắt nghĩa những chiến-thắng của
Islam. Mô-ha-mét dạy các chiến-sĩ: khi Chúa đã định cho mình chết thì dù có bỏ
chạy hay đề-phòng cách mấy cũng không thể tránh được, và cũng chẳng ai có thể bị
giết, dù trong hoàn-cảnh ngặt-nghèo đi mấy, nếu Allah không muốn.

Mô-ha-mét đạt đích


Với sức mạnh lớn dần qua nhiều chiến-thắng liên-tiếp và tiền của dư-dả nhờ đánh
cướp thương buôn và bán ki-tô hữu làm nô-lệ, giờ đây Mô-ha-mét muốn làm chủ
luôn Mekka. Khi đoàn quân 10.000 người của ông kéo tới Mekka, dân thành sợ, đầu-
hàng. Mô-ha-mét hiên-ngang vào thành, đưa mắt nhìn đám đông mênh-mông rồi "cúi
đầu thật sâu đến nỗi râu chạm vào yên lạc-đà". Ngồi trên con lạc-đà yêu-dấu với đủ
chiến bào, ông tiến vào cùng với bạn là Abu Bekr tới Kaaba, vừa đi vừa hô: "Allah
vĩ-đại!" Hàng ngàn tiếng đáp lặp lại vang trời. Rồi tất cả bặt yên. Mô-ha-mét đi vòng
quanh tảng đá bảy lần, mỗi lần đưa gậy chạm vào đá. Qua nghi-thức đó ông đã hội-
nhập linh vật cổ-xưa của người Ả-rập vào đạo mình. Sử ghi sự-kiện xẩy ra vào năm
630 sau Chúa giáng-sinh và là năm thứ 8 sau Hedschra.
Năm 632 Mô-ha-mét cùng với các phu-nhân và bạn-hữu làm một chuyến hành-
hương từ Medina về Mekka. Đó là cuộc "hành-hương từ-biệt" cuối cùng trước khi
ông mất vào ngày 08.06.632 có lẽ vì bệnh sốt-rét, lúc 60 tuổi.
Đám đông không muốn tin ông mất, bảo nhau rồi ngài sẽ sống lại như Ki-tô. Thấy
vậy, Abu Bekr tiến ra trước công chúng hỏi lớn: "Các người cầu Mô-ha-mét hay cầu
Chúa của Mô-ha-mét?"Tất cả đáp: "Cầu Chúa của Mô-ha-mét !" Abu Bekr liền giải-
thích:"Chúa đó mới sống muôn đời, chứ Mô-ha-mét thì cũng chết như chúng ta".
(còn tiếp nhiều kỳ)
————————————————
HỒI GIÁO & SỰ KIỆN REGENSGURG
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2006 có lẽ là bài diễn thuyết của Đức Thánh Cha
Bênêđíctô XVI tại Đại Học Regensburg, Đức Quốc hôm 12/9/2006. Đức Thánh Cha
đã trình bày diễn từ này như một thách đố đối với cả Hồi Giáo lẫn chủ nghĩa thế tục
Tây phương, và bênh vực cho liên kết cần thiết giữa đức tin và lý trí. Tuy nhiên, một
câu trích dẫn trong bài diễn từ của ngài đã bị những thủ thuật truyền thông bóp méo
làm cho người Hồi Giáo trên khắp thế giới nổi điên lên [Trong rất nhiều bài báo
thay vì nói Đức Thánh Cha “quotes” (trích dẫn), người ta dùng từ “remarks” hay
“comments” và tránh né không nhắc đến tên vị đại đế Manuel II Paleologus để cố
tình gây ra ngộ nhận cho rằng đó là ý kiến của chính Đức Thánh Cha].Trong phần
dẫn nhập của bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một đoạn trong cuốn sách
của một học giả Li Băng, giáo sư Theodore Khoury (Muenster) liên quan đến cuộc
đối thoại diễn ra – khoảng năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara, giữa
Đại Đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư, ông
Ibn Hazn, về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, và chân lý của cả hai tôn giáo.Vị đại đế
này nói:“Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó bạn chỉ
thấy toàn là sự dữ và phi nhân bản, chẳng hạn như lệnh truyền của Mohammed là
phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin mà ông ta đã rao giảng”.

TRÌNH THUẬT 18 - 19

TRÌNH THUẬT 18

ĐẠI-ĐẾ KARL "GIẢNG ĐẠO" CHO NGƯỜI SACHSEN THEO CÁCH


RIÊNG CỦA ÔNG

Phép rửa của Chlodwig (Clovis) quan-trọng cho việc ki-tô-hoá dân Franken (Pháp)
và phép rửa của Ethelbert quan-trọng cho dân Angel-sachsen (Anglo-Saxon) thế nào,
thì phép rửa của Widukind cũng quan-trọng như thế cho việc truyền đạo nơi người
Sachsen (Xắc-xông). Sử ghi việc rửa tội cho Widukind:
"Mấy người tò-mò nhận ra Widukind, khi ông đang luẩn-quẩn gần doanh-trại của
quân Franken bên kia bờ sông Elbe. Ông muốn xem người ki-tô thờ kính Chúa họ ra
sao. Lễ Giáng-sinh cận kề. Ông giả dạng làm người ăn-xin lẩn vào doanh-trại khi
trời vừa tảng-sáng, theo đám lính bước vào nhà thờ. Lễ-vật không phải là ngựa hay
bò, nhưng chỉ thấy Karl (đại-đế) và tuỳ-tùng quỳ gối trước bàn thờ để lãnh phép bí-
tích. Hương trầm xông nghi-ngút, tiếng hát của các linh-mục rộn-ràng buổi lễ thánh.
Widukind khoanh tay, lặng yên xúc-động. Ông tới quỳ rạp trước bàn thờ và nói với
những người dự lễ ngỡ-ngàng quây quanh: ‘Tôi là Widukind người Sachsen đây, hãy
rửa tội cho tôi để tôi cũng trở thành ki-tô hữu như các bạn !’ vua Karl liền ôm lấy
ông "giữa tiếng hoan-hô vang dậy doanh-trại Franken…"

Từ-bỏ tất cả đồng bọn ma quỷ


Widukind nhận phép rửa ngày lễ Giáng-sinh năm 785. Người đỡ đầu là đại-đế Karl.
Chậu rửa tội bằng đá quí Phi châu bọc khung đồng mạ vàng. Đại-đế thông-báo cho
giáo-chủ Rô-ma hay tin việc vào đạo của đối-thủ một thời đáng sợ của mình và lệnh
cho cả nước dâng lễ cảm-tạ Chúa.
Công-thức Widukind đọc khi rửa tội, từ năm 742 đã quen thuộc đối với người
Sachsen. Nó có nội-dung như sau:
Linh-mục: "Con có từ bỏ ma quỷ không ?"
Tân-tòng: "Con từ bỏ ma quỷ !"
Linh-mục: "Và đồng bọn chúng ?"
Tân-tòng: "Và con từ bỏ tất cả đồng bọn của ma quỷ !"
Linh-mục: "Và tất cả công-trình của ma quỷ ?"
Tân-tòng: "Và con từ bỏ tất cả công-trình và lời-lẽ của ma quỷ, từ bỏ đồng bọn
chúng là Donar, Wodan, Saxnot và tất cả tà thần khác !"
Linh-mục: "Con có tin Chúa là Cha toàn năng không ?"
Tân-tòng: "Con tin vào Chúa là Cha toàn năng !"
Linh-mục: "Con có tin Ki-tô là Con Thiên-chúa không ?"
Tân-tòng: "Con tin Ki-tô là Con Thiên-chúa !"
Linh-mục: "Con có tin Chúa Thánh-Thần không ?"
Tân-tòng: "Con tin vào Chúa Thánh-Thần !"
Với việc vào đạo của Widukind – nhà quý-tộc và là biểu-tượng kháng-chiến của dân
Sachsen –, đại-đế Karl đã thắng trận chiến lớn nhất đời ông.

Chiến-tranh ba mươi năm


Cũng như dân Friesen, dân Sachsen là một bộ-tộc đức thuần chủng, định-cư ở miền
bắc nước Đức. Một phần tộc này sang chiếm nước Anh và kết-hợp với với dân Angel
gọi chung là "Angelsachsen" (Ănglô-Xắcxông). Sachsen là bộ tộc đức cuối cùng
được đại-đế Karl (lúc đó còn là vua) sát-nhập vào Vương-quốc Franken, sau một
cuộc chiến kéo dài 32 năm. Karl phải đánh Sachsen, vì dân này thỉnh-thoảng vẫn tấn
công Vương-quốc Franken và cũng vì ông biết rằng bao lâu chưa bình-định được dân
đó thì Vương-quốc không thể yên được.
Đạo đời là một, nên chiếm đất cũng có nghĩa là mở rộng truyền giáo. Cho tới lúc đó,
mọi cuộc truyền giáo ở Sachsen đều thất-bại, vì dân Sachsen coi các nhà truyền giáo
là tay-sai của vua Franken. Cả Bô-ni-fa-xi-ô trước đó cũng đã không thành-công.

Cuộc "tắm máu ở Verden"


Karl bắt đầu mở những trận đánh trả thù vào năm 772. Ông cho tiến quân mãi tới
sông Weser và chỉ dừng lại khi quân Sachsen xin đình chiến. Sau đó, Sachsen lại
khởi-nghĩa và bị dẹp hoàn-toàn. Dân chúng theo nhau vào đạo, đặc-biệt ở thành-phần
quý-tộc. Nhưng, lợi-dụng khi Karl sang Rô-ma giúp giáo-chủ Ha-dri-a-nô I chống lại
quân Langobarden, dân Sachsen lại nổi dậy, lần này do Widukind thủ-lĩnh. Widukind
cho phá tan-hoang miền Rheinland, đập phá nhà thờ, giết linh-mục. Nhờ sự cộng-tác
của giới quý-tộc Sachsen, quân Franken đã kịp thời dẹp yên, trước khi Karl ra tay.
Chính dân Sachsen bắt đám thủ-lĩnh nổi dậy giao nộp cho Karl. Ông này cho giết
sạch. Cuộc trả thù này của Karl đi vào lịch-sử như là một cuộc "tắm máu ở Verden"
(bên sông Aller gần Bremen ngày nay), nơi 4500 người Sachsen bị hành-hình chỉ
trong một ngày. Biến-cố này – đặc-biệt dưới thời Quốc-xã Đức – được người ta gắn
liền với lịch-sử Giáo-hội, vì họ cho rằng cuộc chém giết cũng có cả lí-do tôn-giáo.
Thực ra, đã không ai bị giết vì không chịu vào đạo. Nhiều sử-gia cũng coi số nạn-
nhân 4500 là quá đáng. Một phần là vì tầng-lớp quý-tộc lúc đó đã theo đạo và không
tham-gia kháng-chiến. Thứ nữa, chỉ có một số dân chúng ở mạn dưới sông Weser và
Elbe nổi dậy mà thôi. Và nữa, chuyện "tắm máu" không thấy truyền-thuyết nào ghi
lại cả. Nếu thực điều đó có xẩy ra, thì hẳn Karl đã bước quá xa mức chiến-tranh
"thông-thường" thời đó. Sử ghi rõ, chỉ những tay thủ-lĩnh bị nộp cho Vua để trị tội
mà thôi – và do chính người Sachsen nộp !

Karl không phải là "Giáo-hội"


Các cuộc chiến bình-định sở-dĩ có "tính-chất tôn-giáo" là vì hậu-ý chính-trị của Karl.
Ông muốn thống-nhất các dân-tộc trong đế-quốc bằng một niềm tin tôn-giáo chung
hầu nền thống-nhất quốc-gia được bền vững. Nếu chỉ thống-nhất các dân-tộc về mặt
chính-trị thôi thì không bền. Vì thế, đại-đế Karl đã "truyền đạo" không nhân danh
Chúa Ki-tô, không nhân danh Giáo-hội, không nhân danh ngay cả giáo-chủ. Giáo-
chủ Ha-dri-a-nô và các giám-mục Franken có thái-độ rõ-ràng phản-đối mọi truyền
giáo bằng bạo-lực hoặc nhân danh chính-trị.
Karl hẳn sợ Sachsen liên-kết với dân Đan-mạch và Angel-Sachsen để lập một đế-
quốc German thứ hai tại Âu châu. Giáo-hội cũng vậy, sợ dân Sachsen sau khi vào
đạo sẽ lập một giáo-hội quốc-gia độc-lập với Rô-ma, bởi vì xứ Sachsen chưa bao giờ
thuộc Đế-quốc Rô-ma và vì thế hoàn-toàn không có liên-lạc với Rô-ma. Cái sợ đó có
căn-cứ, nhưng dù vậy, Giáo-hội đã không bao giờ chấp-nhận áp-lực chính-trị nào
trên việc truyền giáo.
Dĩ nhiên, người ta cũng không đồng ý với các "biệt-luật" của Karl. Để giữ nền
"thống-nhất Âu châu", Karl đã ra án tử cho một số tội như không chịu rửa tội, không
giữ chay, thiêu xác người và ăn-cắp đồ nhà thờ. Các sử-gia Giáo-hội cho biết, không
phải những cấm-cản này đã là nguyên-nhân tạo nổi dậy nơi người Sachsen, mà
nguyên-nhân chính là vì việc bắt họ đóng một phần mười thu-nhập cho Giáo-hội.
Điều này cũng có thể hiểu rằng Ki-tô giáo lúc đó có lẽ đã bám rễ rộng-rãi ở Sachsen
rồi, và các biệt-luật của Karl chỉ là biện-pháp để giữ vững đức tin mà thôi (Maass).
Sau cuộc "tắm máu Verden", Widukind lãnh-đạo toàn dân Sachsen nổi dậy một lần
nữa. Ông này thoát cuộc tàn-sát ở Verden nhờ trốn được khỏi tù. Karl phải đánh
thêm hai trận trước khi quân Sachsen hoàn-toàn bị tiêu-diệt ở trận gần Paderborn
năm 783. Khi thấy hết hi-vọng thắng, Widukind bỏ đi theo người Wiking. Karl cho
người tới dụ ông về. Chỉ khi Widukind biết chắc không bị lừa, ông mới quay về
doanh-trại Karl (785) và xin rửa tội, vì ông nhận ra Ki-tô "mạnh" hơn các thần của
mình. Hai vị chủ-tướng trở thành bạn. Truyền-tụng cho hay hai người chít của Karl
và Widukind đã lấy nhau và sinh ra đại-đế Otto sau này.

Vào đạo sau khi không còn áp-lực chính-trị


Năm 804 chấm dứt mọi đề-kháng của người Sachsen và những biệt-luật của Karl
cũng được bãi-bỏ. Tính-chất chính-trị của cuộc truyền giáo do đó cũng không còn.
Người Sachsen lúc này thanh-thản vào đạo, với một đức tin sâu-xa hơn mọi bộ-tộc
đức nào khác. Chính họ về sau ca-ngợi đại-đế Karl, vì nhờ ông mà họ bỏ được tà-
thần. Đại-đế Karl lập trên phần đất mới này các giáo-phận Muenster, Osnabrueck,
Paderborn, Minden, Bremen và Verden.
Phép rửa Widukind là một biến-cố mang tầm hoàn-vũ, bởi vì dân Sachsen "đón nhận
một cách sáng-tạo và họ là kẻ nắm giữ tương-lai chính-trị Giáo-hội, qua việc sản-
xuất một triều-đại-đế-vương Đức mới 100 năm sau" (Maass).

TRÌNH THUẬT 19

ĐẠI- ĐẾ KARL TRỞ NÊN HOÀNG-ĐẾ RÔ-MA

"Anh em thân mến", giáo-chủ Lê-ô III ngày 23.12.800 bắt đầu lời thề vô tội của mình
bằng câu đó rồi nói tiếp trong xúc-động: "Anh em nghe đây đó có những người xấu
tố-giác tôi phạm trọng tội và họ tìm cách tiêu-diệt tôi. Để tìm hiểu những chuyện
này, lãnh-tụ và vua Karl trọng kính và đáng ca-ngợi đã đến cùng với các linh-mục
và các bậc vị-vọng của ngài. Tôi, Lê-ô, giám-mục Giáo-hội thánh Rô-ma, không để
cho ai xét xử hoặc áp-lực, nhưng hoàn-toàn tự-nguyện ra trước anh em và thề với
Chúa, đấng biết lương-tâm tôi, rằng tôi đã không tự mình hoặc ra lệnh cho ai phạm
những điều tố-cáo kia. Chúa là người chứng-giám cho tôi, chúng ta sẽ phải ra trước
toà phán-xét của Ngài và sẽ phải đứng trước mặt Ngài…"

Giáo-chủ Lê-ô III gặp nạn


Sau khi giáo-chủ Ha-dri-a-nô I mất, Lê-ô III được bầu lên năm 795. Phe thân Byzanz
không bằng lòng việc bầu này. Họ tung tin ngài bỏ vợ và thề gian. Không thành-công
qua việc tố-giác, họ quay ra bạo-động. Einhard, một học-giả trong cung vua Karl, kể:
"Khi giáo-chủ Lê-ô ngồi trên lưng ngựa tới nhà thờ thánh Lau-ren-ti-ô, ngài bị dân
Rô-ma phục-kích ở nhà thờ. Ngài muốn tới đó dâng lễ (25 tháng 4), nhưng bị kẻ thù
lôi xuống ngựa", đánh cho nửa sống nửa chết rồi vứt nằm đó.
Khoẻ lại, ngài đi ngựa tới Paderborn miền Sachsen gặp vua Karl. Phe chống cũng
theo tới đó yêu-cầu Karl cách chức giáo-chủ. Karl bị đặt trong một tình-thế khó xử,
vì là vua Franken mà lại phải quyết-định về sự có tội hay vô tội của một giáo-chủ.
Theo lời cố-vấn của Alkuin, một tu-sĩ người anglô-xắcxông, Karl không chịu xử, cho
người đưa Lê-ô về lại Rô-ma tiếp-tục sứ-vụ, bởi "không ai có quyền luận án một
giáo-chủ."

Vua Karl ở Rô-ma


Giáo-chủ Lê-ô về lại như một kẻ chiến-thắng. Trong đám dân hoan-hô đón tiếp có cả
những người gốc Franken, Angelsachsen, Friesen và Langobarden với cờ và hiệu của
họ. Vua Karl tới Rô-ma sau đó ít lâu. Einhard kể: "Giáo-chủ vội-vã đi đón và gặp
Vua ở Mentana, một ngày trước khi Vua tới Rô-ma. Giáo-chủ tiếp đón ngài rất
trọng-thể. Sau khi cả hai ăn xong, Vua ở lại Mentana, còn Giáo-chủ về Rô-ma trước.
Ngày hôm sau, Giáo-chủ cùng với các giám-mục và cả giáo-triều đứng chờ Vua ở
tam cấp đền thánh Phê-rô."
Karl tới Rô-ma để dàn-xếp sự-vụ. Ông lập một uỷ-ban điều-tra, nhóm họp trong điện
Lateran. Chỉ điều-tra chứ không ai được phán-xử. Vì thế, Lê-ô III đã lên toà giảng
nhà thờ thánh Phê-rô "thề" vào ngày 23 tháng12. Kết-quả điều-tra: Lê-ô vô tội. Phe
kia bị kết trọng tội, nhưng theo luật chỉ có hoàng-đế Rô-ma mới có quyền xử.
Nhưng hoàng-đế nào đây? Bên Đông có nữ-hoàng I-rê-nê đấy, nhưng không ai chấp-
nhận bà và việc lên ngôi của bà. Vả, đời nào hoàng-đế Rô-ma Phía Đông lại chịu xử
tội người cùng phe mình. Có lẽ đây là lí-do trực-tiếp khiến Giáo-chủ đã đội mũ đế
cho Karl ngày 25.12.800. Đâu là lí-do thực sự, ngày nay vẫn chưa được rõ.
Trước Karl, chưa một ông hoàng người Đức nào dám nghĩ tới ngai hoàng-đế. Các
vua nhà Merowing chỉ mới mong được làm bạn với các hoàng-đế (Đế-quốc Rô-ma)
Phía Đông mà thôi, chứ làm đế thì chưa ai nghĩ tới. Hậu-quả nguy-hiểm của việc
phong một ông vua Franken làm hoàng-đế Rô-ma được Einhard ghi lại như sau:
"Khi Karl bước vào đại thánh đường thánh Phê-rô để dự lễ Giáng-sinh thánh và đang
cúi đầu cầu-nguyện trước bàn thờ, thì giáo-chủ Lê-ô cầm vương-miện hoàng-đế đặt
lên đầu Vua giữa tiếng tung-hô của cả dân thành Rô-ma. ‘ Cho ngài Karl tôn kính, vị
hoàng-đế hoà-bình vĩ-đại của Rô-ma được Chúa tôn phong. Sống và chiến-thắng!’
Sau đó Giáo-chủ chúc mừng tân Hoàng-đế bằng cách quỳ một gối theo nghi-lễ thời
đó. Và từ đó Karl không còn được gọi là Kẻ bảo-vệ (Patricius) nữa, song là Hoàng-
đế và Augustus."
Ít ngày sau, tân hoàng-đế Rô-ma Phía Tây Karl chiếu theo luật Rô-ma ra lệnh xử tử
những kẻ cáo gian. Nhưng Giáo-chủ đã xin ân-xá cho họ: án tử chuyển thành án biệt-
xứ.

Không muốn lệ-thuộc ?


Theo như Einhard kể, thì Karl hoàn-toàn không biết trước ý-định phong đế của Giáo-
chủ. Hình như Karl đã nói, nếu biết trước ý của Giáo-chủ thì ông đã không bước vào
thánh đường. Nếu Karl thật sự không muốn đội mũ, thì chẳng phải là vì ông khiêm-
nhượng, nhưng đúng hơn là vì ông sợ như thế sẽ rơi vào lệ-thuộc Giáo-chủ. Hơn nữa
ông xem hành-vi chính-trị này là việc vượt ngoài thẩm-quyền của Giáo-chủ, người
mà chỉ mấy năm trước ông coi chỉ là một thứ "Mai-sen cầu-nguyện". Theo ông,
nhiệm-vụ của giáo-chủ là cầu-nguyện cho ông để ông luôn thắng trận, thế thôi.
(Trong 45 năm cai-trị, Karl đánh không dưới 55 trận!). Một số sử-gia khác cho rằng
sở-dĩ Karl không hài-lòng là vì thời-điểm đội mũ không thích-hợp, ông sợ làm vậy sẽ
tạo xung-khắc với Đế-quốc Phía Đông, hoặc cũng có thể là ông đang có ý-định cưới
nữ-hoàng I-rê-nê, để qua đó trở thành hoàng-đế. Như thế, ông chẳng còn phải ngại
với Phía Đông mà cũng chẳng cần "đội ơn Giáo-chủ".
Về phía Giáo-chủ, ông muốn gấp-rút đưa Karl lên ghế hoàng-đế Rô-ma có lẽ vì để
kịp-thời ngăn-chặn mối liên-lạc đang manh nha giữa dân Đức, đặc-biệt Vương-quốc
Franken, với Kon-stan-ti-nôp. Dù sao đi nữa, việc phong đế kia có nghĩa là một
"Tuyên-ngôn độc-lập" của Giáo-chủ đối với hoàng-đế Phía-Đông, một chia tay dứt-
khoát của Ý và giáo-triều Rô-ma khỏi ảnh-hưởng của Hoàng-đế Phía-Đông. Bài tính
này mang lợi chính-trị nhiều cho Giáo-chủ.
Được phong đế qua tay giáo-chủ, Karl có cái lợi là không chỉ trở thành "Vị quản-lí
Vương-quốc" Ý như Odoaker và Theoderich trước đây, nhưng là một kẻ kế vị thực-
sự hoàng-đế Romulus Augustus. Phía Đông sau đó không lâu cũng đã công-nhận
Karl là hoàng-đế Phía Tây. Tính-toán của Giáo-chủ như vậy không phải là không
thực-tế, mà cũng có lợi cho Karl.

Trên đỉnh quyền-lực


Việc phong đế đã đưa uy-tín của Karl lên cao, đặc-biệt nơi người ki-tô trong đại-
quốc của ông và nơi hàng giáo-phẩm Franken. Không nhờ tầng giáo-phẩm này thì
việc cai-trị của ông đã chẳng dễ-dàng. Nếu Karl nhận ngôi vị hoàng-đế không qua
tay giáo-chủ mà do dân Franken bầu hay ông "chỉ" là hoàng-đế Phía-Đông, thì ông
đã chẳng có được hào-quang quyền-lực như đã có. Hoàng-đế Phía Đông thời đó
chẳng còn chút trọng-lượng chính-trị nào nữa cả. Điều cho thấy Karl sớm hài-lòng
với việc phong đế – nếu như lúc đó ông có bất-mãn thật – được chứng-minh qua
tước-hiệu kiêu-hãnh viết trong chứng-chỉ phong đế của ông: "Augustus cao-trọng
nhất được Chúa phong, Hoàng-đế, Người lãnh-đạo Đế-quốc Rô-ma, Người cũng
nhờ lòng thương-xót Chúa làm Vua dân Franken và dân Langobarden." Karl bản
thân là một tín hữu ngoan đạo, nên hẳn là ông tin thật "Chúa đã phong quyền" cho
ông qua tay giáo-chủ và chỉ còn hãnh-diện chu-toàn vai-trò đó.

Được chuẩn-bị từ thời Pippin


Tiến-trình làm đế của Karl có thể nói đã được chuẩn-bị từ thời cha ông là Pippin. Bởi
vì nếu không có giúp-đỡ của một giáo-chủ thì Pippin đã chẳng bao giờ lên làm vua
được.
Sau gần 300 năm trị-vì, nhà Merowing càng ngày càng tỏ ra bất-lực, quyền-hành
chuyển vào tay nhà quan. Những vị vua Merowing cuối chỉ còn thoả-mãn với tước
"Vua", "râu tóc dài (chỉ dấu trọng-vọng) ngồi chễm-chệ trên ngai" (Einhard). Mọi
quyền-hành thực nằm trong tay nhà quan. Một trong những nhà quan quyền-thế nhất
là Pippin, con Karl Martell, kẻ đã chiến-thắng quân hồi ở Tours và Poitiers. Pippin
không muốn chỉ gánh trách-nhiệm trị nước, mà còn muốn ngồi vào ngai vua nữa. Vì
thế ông cho người hỏi giáo-chủ Xa-ca-ri-a "Vua là người ngồi ở nhà không làm gì
cả, hay là người gánh trách-nhiệm việc nước, đâu là ý Chúa?" Giáo-chủ đã đứng về
phe Pippin, nên chẳng còn ngăn-trở gì nữa trong việc phong vua đất Franken cho
Pippin.
Năm 752 Pippin để đại-hội Vương-quốc tại Soissons bầu làm vua và nhận xức dầu từ
tay Bo-ni-fa-ci-ô. Ngày 06.01.754 giáo-chủ Stê-pha-nô II lại xức dầu lần nữa trong
nhà thờ thánh Denis ở Paris. Giáo-chủ thời đó doạ tuyệt-thông những ai chống lại
nhà Karoling, dòng vua mới, và trao cho Pippin cùng những kẻ nối nghiệp tước
"Người bảo-vệ Giáo-hội". Pippin là người đầu tiên trong lịch-sử tự gọi mình là vua
"nhờ hồng-ân Chúa". Vua nhà Merowing cuối cùng bị đẩy vào một tu-viện. Không
có sự giúp-đỡ của giáo-quyền, Pippin và con ông là Karl sau này có lẽ đã không thể
bước lên ngai vua đất Franken.
Quyết-định của giáo-chủ trong trường-hợp Pippin cho ta cảm-tưởng là một giáo-chủ
có quyền phong vua cho Franken. Việc giáo-chủ sau này phong Karl làm hoàng-đế
Rô-ma xem ra là một hệ-quả hợp lí từ hành-động phong vua trước đó. Mặt khác,
giáo-chủ cũng đồng ý cho Karl quyền có tiếng nói trong việc bầu giáo-chủ.

LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT


Đã có rất nhiều tác giả và nhóm tác giả nghiên cứu và trình bày LỊCH SỬ GIÁO
HỘI một cách toàn diện,đầy đủ và phong phú, dưới nhiều góc độ khác nhau : khi để
làm tài liệu tham chiếu cho Khoa Giáo Hội học (Ecclesiology); khi để song hành với
Lịch Sử Kitô giáo (Christianisme) nhưng chuyên sâu hơn về nghiên cứu sự kiện, thời
đại, mang tính bác học, trong khi lịch sử Kitô giáo thiên về suy tư, củng cố nhận
thức về nguồn gốc,ý nghĩa và ‘sứ mệnh” của Giáo Hội và của Kitô hữu, đặc biệt là
tín hữu Công giáo. Josef Holzer thì khác: ông chọn lựa trong kho tàng đồ sộ những
biến cố,những sự kiện,những sự việc trong dòng lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội,
những cái mà ông xét là có thể tóm gọn một khuynh hướng,một trào lưu, một nội
dung liên quan hoặc có thể móc nối,liên kết với những sự kiện,biến cố tương tự, rồi
ông “kể” cho người đọc nghe và suy nghĩ. Mỗi câu chuyện không chỉ như một trình
thuật, mà như một cuốn phim sống động, dẫn người đọc như nghe nhìn (thính thị)
được những gì trước đây ta tưởng là phức tạp, lộn xộn và chẳng mấy gắn kết nhau,
do khác nhau về thời gian và không gian. Tóm tại,Ông có công trong việc xâu chuỗi
các sự kiện,biến cố, con người, để qua 100 TRÌNH THUẬT, giúp người đọc bình
thường nhất cũng nắm được những gì xảy ra trong và với Giáo Hội qua mọi thời đại,
qua hai ngàn năm, VỀ MỘT VẤN ĐỀ đã từng (và ngày nay cũng như trong tương
lai) ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Giáo Hội xét về mặt “hữu hình” (cơ cấu)
lẫn vô hình (Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Bí Tích) và hoàn toàn có khả năng tái diễn.
Xét về bố cục, chắc chắn đây là một cách làm mới mẻ, có thể không được một số
người đồng tình với tên gọi “long trọng” Lịch sử Giáo Hội, mà cho rằng đúng hơn
nó giống như tập hợp những chuyện tản mạn trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo
Hội. Nếu khắt khe,thì cũng có thể đưa ra những nhận định như thế, nhưng khi gấp
sách lại, chúng ta mới nhận ra rằng kiến thức đầy những lỗ hổng lớn về Giáo Hội,
về lịch sử Giáo Hội trước nay đã được lấp đầy, nhiều vùng tối đã được soi sáng và
nhiều thắc mắc đã tìm được đáp số. Vì thế, BTGH quyết định chọn cuốn sách nầy và
giới thiệu đến bạn đọc. BTGH kính mong nhận được những hồi âm của người đọc về
cuốn sách nầy và/hoặc về từng chương.

TRÌNH THUẬT 20 - 21

TRÌNH THUẬT 20
“VINH DANH LUẬT CHÚA”. KARL LẬP ĐẠI QUỐC THỨ BA

Là một hoàng đế được Giáo hoàng xức dầu và là “Người bảo vệ Giáo Hội”, đại đế
Karl có vị trí quan trọng trong lịch sử Giáo Hội. Ông đã giúp Giáo Hội trải rộng ra
gần khắp Âu châu. Uy quyền và ảnh hưởng ông vươn tới đâu thì uy quyền và ảnh
hưởng giáo chủ và Giáo Hội ra tới đó. Cả hai quyện lẫn vào nhau. Đại quốc của ông
bao gồm toàn bộ đất Pháp và Đức cho đến gần hết Ý, chỉ trừ lại chút đất ở tận cùng
phiá nam nước này. Có thể đọ sức ngang ngửa với hai đế quốc thời đó là Đại quốc
Byzantin và Đại quốc Islam. Để bảo vệ đất đai, Karl lập ra những quận biên giới,
chẳng hạn như Quận Đông, sau này trở thành nước Áo, và Quận Tây Ban Nha, sau
khi đánh đuổi quân của Môhamét chạy sang bên kia dãy núi Pyrénee. Uy quyền của
Đại đế bao trùm cả xứ Boehmen, Hunggary cho tới bờ biển Dalmatin. Sẽ không có
hoàng đế trung cổ nào thống hợp được nhiều sắc dân và đất đai như đại đế Karl.

Mục tiêu của ông là “Nước Chúa”


Đại đế Karl hoàn chỉnh việc thống nhất phương Tây vào một văn hoá Kitô giáo
chung và đặt nền móng cho một Âu châu tương lai. Tiêu đích của ông là thiết lập một
“Nước Chúa” theo lý tưởng của Thánh Augustinô, thực hiện một “Nước Cha trị đến”
giữa trần gian. Đối với ông, Giáo Hội không phải chỉ lo chuyện “trên trời”, để
nhường “dưới đất” cho kẻ khác lo. Vì vậy “Nước Chúa” của ông cần phải sát cánh
làm việc với giáo quyền Rôma. Nhưng việc sát cánh này sẽ đưa tới nhiều mâu thuẫn
quyền hành, cụ thể khi khai triển những chi tiết công việc hay khi thực hiện một ý
tưởng, ngay cả một ý tưởng tốt.
Ngày nay nhìn lại, ta thấy năng quyền bị lẫn lộn khi Giáo hoàng xức dầu cho hoàng
đế và khi hoàng đế lập giáo phận, bổ nhiệm giám mục, triệu tập và chủ toạ họp hội
đồng (Synode) hay khi ông này can thiệp vào những cuộc tranh cãi về đạo, dù mình
chẳng hiểu chút gì về thần học.
Tuy nhiên, những “can thiệp” của Karl đưa lại nhiều thuận lợi cho Giáo Hội. Chẳng
hạn như khi ông buộc các giám mục “của mình” phải trông coi kỹ sinh hoạt giáo
phận, phải giảng kinh sách một cách có lương tâm, không rời giáo phận quá lâu,
tránh xa những lôi cuốn thế gian và sống làm gương cho giáo dân. Karl cho tập hợp
một số bài giảng mẫu để giúp các linh mục có một huấn luyện chung về đạo.

Giáo dục cho mọi người


Công lao lớn nhất của Đại đế là ở lĩnh vực giáo dục. Ông cho lệnh lập trường học
xuống tận làng xã dưới sự chỉ đạo của linh mục quản xứ và tất cả mỗi người dân
thường ít nhất phải thuộc lòng được Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và các công thức
rửa tội. Luật hoàng đế: “Ai không thuộc những kinh đó, bị phạt roi hoặc chỉ được
uống nước lã, cấm uống mọi thứ nước giải khát khác”.
Trường xã thời đó tương đương với tiểu học ngày nay, trường của các tu viện tương
đương với trung học. Một tu sĩ ở St. Gallen ghi lại buổi thăm viếng trường của Karl:
“Khi vua Karl chiến thắng trở về sau thời gian dài vắng mặt, ngài cho gọi các em bé
trai tới để đọc văn thơ của các em làm cho ngài nghe. Văn thơ của các em con nhà
tiện dân hay không ngờ, của con nhà sang trọng thì lại tầm thường. Karl, vị hiền
vương hành xử theo gương thầy Thẩm phán muôn đời. Ngài để những em có bài hay
đứng bên phải mình và nói: “Cám ơn các con. Các con đã cố gắng hết mình thi hành
lệnh Ta cho lợi ích của các con. Giờ hãy cố gắng để hoàn thiện và Ta sẽ trao cho
các con cả những giáo phận và tu viện tuyệt vời nhất và các con luôn mãi cao trọng
trước mắt Ta. Rồi ngài cực chẳng đã quay về phiá các em bên trái, nhìn chòng chọc
mà nói: Này con cái xinh đẹp của các nhà cao sang, quyền quý, hằng ỷ lại vào gia
đình và tài sản mình! Đã chẳng nghe lời Ta và không màng chi tới danh vọng mình,
đã bê trễ việc đèn sách cho vui chơi, chẳng làm gì cả và hoang phí thì giờ!... Nếu
không thật nhanh bỏ lười biếng mà cố gắng học thì đừng hòng mong chờ gì tốt đẹp
nơi ông Karl này!”
Câu chuyện học hát dưới đây do Johanes Diaconus viết năm 873 cho thấy lòng ham
học của người dân thường gốc Đức thời đó:
“Trong các nước Âu châu, dân Đức ham học hát không biết mệt. Nhưng họ đã rơi
vào lầm lỗi là làm biến cải bài hát. Họ thêm bài của họ vào các bài nhạc đạo
(gregorien). Lại còn pha giọng rừng rú của họ vào nữa. Nhờ thân thể to lớn nên
giọng họ sang sảng. Họ không thể lặp lại câu hát được một cách nhẹ nhàng. Họ hát
như hét, nghe như tiếng xe ngựa đang đổ từ trên núi xuống, khiến người nghe điếc
tai hơn là cảm được bài hát”.

Mọi văn hoá xuất phát từ giáo sĩ


Một cách chung, có thể nói được rằng nếu không có tu viện thì ngày nay đã không có
văn hoá Âu châu. Các tu viện không những là nôi huấn luyện thần học, nhưng đồng
thời cũng là trung tâm bảo dưỡng mọi nghành khoa học thời đó. Tu sĩ gần như là
những nhà thông thái duy nhất và những nghệ nhân giỏi nhất.
Bên cạnh “tiểu” và “trung học”, thời đại đế Karl cũng đã có “đại học” (Pfalzschulen).
Các đại học này “do người Đức điều khiển, được nuôi dưỡng bằng văn hoá la tinh và
sống động với đức tin” (K. Koch). Hai nhà thông thái nổi tiếng nhất trong cung đại
đế Karl là Einhard và Alkuin. Einhard là người viết tiểu sử của hoàng đế và là giáo
dân hoạ hiếm giữa giàn giáo sư giáo sĩ. Nhưng sau này ông cũng làm linh mục và trở
thành viện phụ. Alkuin là một tu sĩ nguời Anh và là Viện trưởng “Đại học” Aachen.
Ông được coi là một thứ “Bộ trưởng Giáo dục” của hoàng đế.
Vì đại đế Karl không có hoàng cung nhất định, phải rày đây mai đó khắp nước, nên
ông đã cho xây nhiều “Dinh” (Pfalz). Đó là những thành phố nơi ông dừng chân, do
một Dinh bá tước (Pfalzgraf) cai quản (khác với Biên bá tước = Markgraf, cai quản
các quận biên phòng). Aachen là dinh thích nhất của Đại đế; đó cũng là nơi ông mất
và mai táng.

Con người đại đế Karl


Ông sinh năm 742. Cha ông là Pippin mất lúc Karl 26 tuổi, để lại 2 con trai. Mẹ Karl
là bà “Bertha chân to”, con gái của Bá tước đất Laon. Không rõ sinh quán, chỉ biết
ông sinh ra trên đất Đức. Vì bố mẹ mãi tới năm 749 mới cưới nên ông được kể là con
ngoại hôn. Pippin mất, trao chia nước lại cho hai con. Nhưng sau khi Karlmann, em
ông, mất sớm lúc 20 tuổi, Karl nắm luôn phần đất của em.
Đại đế Karl không phải là một ông khổng lồ với bộ râu dài rậm, như trong bài hát
Roland tả. Theo bức tượng nhỏ ở Louvres, Pháp, được khắc vào thế kỷ thứ 9 và hình
trên kính màu trong nguyện đường Lateran, Rôma, thì ông người tầm thước với
khuôn mặt tròn và bộ ria dài. Karl có lẽ rất khoẻ, vì ông có thể giang tay ôm nhiều
người thẩy lên cao. Không chỉ cuộc đời chính trị, mà cả cuộc sống tư cũng sống
động. Theo quan niệm thời đó, Karl được kể là người ngoan đạo. Rất ham ăn nhưng
cũng giữ chay và kinh hạt đều đặn. Đọc Thánh Kinh và hăng hái hát lễ mỗi ngày.
Bên cạnh các tính tốt khác, Karl rất nhạy bén sự công bình. Ông thường ra lệnh cho
quần thần “phải xét thật kỹ và báo cho ông hay khi thấy có điểm nào trong luật trái
với lẽ công bình”. Và các sứ thần cũng phải cho kiểm tra cẩn thận “khi bất cứ ai ở
đâu phàn nàn người khác gây bất công cho họ”. Sự nhạy bén này cũng được Alkuin
đề cập trong thư gửi Tổng Giám mục Giáo phận Salzburg: “Tôi biết lòng tốt của
ngài Hoàng đế. Ngài rõ ràng muốn công bình được thực hiện trong Vương quốc
Chúa đã trao cho ngài, nhưng bên cạnh ngài có ít người giúp hơn là kẻ phá công
bình, có ít kẻ giảng hơn người ăn hại, có nhiều người tìm theo mục tiêu họ hơn kẻ
tìm theo ý Chúa”.
Chính đại đế Karl coi bổn phận hoàng đế mình, theo lời ông, là “người thay Chúa để
vinh danh lề luật của Ngài”.

Đại đế mất
Einhard viết: “Gần cuối đời, khi gánh tuổi và bệnh đã nặng, ngài cho gọi con trai là
Ludwig tới, và sau khi đã có sự đồng ý của các vương công, long trọng công bố
trước các nhân vật quan trọng trong khắp Vương quốc Franken việc chuyển quyền
lại cho con. Ông cầm vương miện đội lên đầu con và xuống lệnh cho mọi người gọi
Ludwig là hoàng đế và Augustus. Sau khi hết lễ, ngài theo thói thường ra khu rừng
gần Aachen săn bắn, dù lúc đó tuổi đã cao. Ngài ở đó hết mùa thu và về lại Aachen
vào đầu tháng 11. Ngài muốn qua mùa đông tại đây. Nhưng vào tháng giêng, ngài bị
cảm nặng liệt gường. Ngài bỏ ăn vì vẫn thường nghĩ rằng nhịn ăn thì bệnh cảm sẽ
chóng khỏi hoặc ít ra sẽ giảm. Nhưng vì bệnh cảm, thêm vào đó đau hông và nhịn
đói, ngài uống rất ít, nên đã tắt thở sau 7 ngày đau, sau khi đã rước Thánh thể, vào
tuổi 72”. Đó là ngày 28-1-814.

TRÌNH THUẬT 21

QUỐC GIA GIÁO HỘI, MỘT NHU CẦU GIAI ĐOẠN

Khi người Langobarden năm 753 kéo xuống vùng lãnh thổ do giáo chủ cai quản qua
sự uỷ quyền của hoàng đế đế quốc Rôma Phía Đông và vây hãm Rôma, Giáo hoàng
Stêphanô II, cũng như vị tiền nhiệm của ngài là Đại Giáo hoàng Grêgôriô 160 năm
về trước đã làm, kêu gọi dân cầu nguyện và chính ngài đi chân không dẫn đầu đoàn
rước vòng quanh khắp thành. Đồng thời ngài kêu gọi viện binh của Pippin (cha của
đại đế Karl sau này). Pippin đã được Giáo hoàng Xacaria, vị tiền nhiệm của Stêphanô
II, giúp nắm quyền cả Đại quốc Franken. Pippin sẽ có dịp trả ơn này.

“Quà tặng Pippin”, nguồn gốc của Quốc gia Giáo Hội
Giáo hoàng Stêphanô II thân chinh băng qua dãy Alpes đến Franken gặp vua Pippin
ở Ponthion. Pippin ra đón Giáo hoàng, quỳ rạp xuống đất. Đoạn ông cầm cương ngựa
của Giáo hoàng dắt đi một đoạn đường, một nghi lễ của triều đình phương Đông nói
lên sự quy phục. Tài liệu nước Franken không nói đến chuyện Pippin quỳ, mà viết
rằng Giáo hoàng đã rạp mình xuống chân Pippin van xin ông cứu giúp.
Pippin hứa tiếp cứu. Giáo hoàng liền xức dầu cho vua một lần nữa ở St. Denis và
tặng ông tước “Người bảo vệ Giáo Hội”. Sau khi trao đổi với các đại vương trong
vương quốc, Pippin trao cho Giáo hoàng một văn bản tặng đất. Tiếc thay văn bản này
đã sớm bị thất lạc.
Giữ lời, Pippin kéo quân tới Ý và đánh bại quân Langobarden. Ông tặng cho Giáo
hoàng phần đất chiếm được, theo như nội dung đã bàn ở Ponthion. Phần đất tặng
được gọi là “Tài sản (lãnh thổ) Thánh Phêrô”. Cùng với phần đất vốn có của Giáo
Hội, Giáo hoàng lập ra Quốc gia Giáo Hội.
Pippin đặt chìa khoá 6 thành chiếm được (kể cả Ravenna) và bản văn tặng đất trên
mộ Thánh Phêrô năm 756. Hoàng đế ở Konstantinôp phản đối, vì đất tặng trên lý
thuyết vẫn thuộc lãnh thổ của ông. Nhưng Pippin trả lời là “ông không vì một người
nào, cũng không vì hoàng đế (Konstantinôp) để tới đây chiến đấu, mà chỉ là vì lòng
sùng kính Thánh Phêrô, tới để xin ngài tha thứ tội đã phạm”. Chuyện tới đó đối với
Pippin kể như xong. Hơn nữa hoàng đế Phía Đông cũng đã chẳng làm gì để bảo vệ
các thành mình chống lại quân Langobarden.
Việc kết nghĩa giữa Giáo hoàng và vua Pippin xứ Franken, nghĩa là với một thế lực
ngoại quốc, và việc tôn ông này lên làm “Người bảo vệ Giáo Hội”, một tước mà lúc
đó chỉ dành cho hoàng đế Konstantinôp, nói lên cuộc chia tay dứt khoát từ nay giữa
Rôma và Konstantinôp. Vì thế, việc tặng phần đất vốn thuộc hoàng đế Phía Đông
cho Giáo hoàng cũng chẳng có gì là vô lý. Qua sự kiện tặng đất này, các giáo hoàng
về sau có lệ thuộc vào vua chúa Franken và sau này là các hoàng đế Đức, nhưng đối
lại các ngài được độc lập với Konstantinôp. Việc độc lập với phương Đông này quan
trọng hơn sự lệ thuộc phương Tây.
Kể từ năm 781, các chỉ dụ của giáo hoàng không còn phải ghi ngày tháng theo năm
trị vì của hoàng đế đế quốc Phương Đông nữa, nhưng là theo năm bắt đầu sứ vụ của
giáo hoàng.

“Quà tặng Konstantin” là tài liệu giả


“Quà tặng Pippin” bắt nguồn từ một tài liệu giả vừa được mạo ra trước đó mang tên
“Quà tặng Konstantin”. Theo tài liệu này, đại đế Konstantin khi chuyển giao điện
Lateran cũng đã trao cho Giáo hoàng Silvestô I một văn bản tặng một phần đất của
Đế quốc Rôma “thành Rôma và tất cả các tỉnh nước Ý cùng cả phần đất phương Tây
thuộc quyền giáo chủ”.
Năm 1150, Arnold ở Brescia lần đầu tiên đưa ra nghi vấn về tài liệu này. Nhưng phải
đợi tới hồng y người Đức Nikolaus ở Kues (1401-1464) mới chứng minh được sự giả
mạo[1]. Ai là tác giả bản văn, không rõ. Thời gian xuất hiện có lẽ vào khoảng giữa
năm 752 và 850 (Laepple). Mục đích của nó có lẽ nhằm giúp giáo hoàng thoát khỏi
sự lệ thuộc các hoàng đế nước Đức, cũng như “Quà tặng Pippin” có lẽ cũng nhằm
giúp các giáo hoàng thoát vòng lệ thuộc hoàng đế ở Konstantinôp.

Định chế bảo vệ độc lập


Một quốc gia riêng sẽ giúp các giáo chủ độc lập trong các chính sách chính trị và tài
chánh cần thiết. Lợi nhuận từ phần đất này dĩ nhiên không hẳn là sở hữu riêng của
giáo hoàng, mà còn phải nuôi giáo triều, xây dựng và bảo trì nhà thờ, bệnh viện, nhà
tế bần, viện mồ côi... Khi cần, còn phải nuôi binh bảo vệ Rôma, như dưới thời Đại
Giáo hoàng Grêgôriô. Hoàng đế ở Konstantinôp vẫn lấy thuế các vùng đất này,
nhưng chẳng làm gì cho dân chúng ở đây cả.
Quốc gia Giáo Hội kéo dài được 1200 năm, đáp ứng một nhu cầu giai đoạn. Nó chấm
dứt ngày 11-2-1929 dưới thời Giáo hoàng Piô XI, sau khi vị này ký với chính quyền
Ý các hiệp ước Lateran quy định quyền tự chủ và độc lập của Vatican.

Tư tưởng về “Nước Chúa” (Quốc Gia Thiên chúa)


Khi Giáo hoàng Xacariô chuẩn nhận tước vua của Pippin và Giáo hoàng Stêphanô II
xức dầu đưa ông lên ngai vua ở St. Denis, thì đó là lần đầu tiên có chuyện thần quyền
chính thống hoá quyền hành của thế quyền. Việc Giáo hoàng Lêô III đội mũ hoàng
đế cho Karl càng làm chặt thêm quan hệ tròng chéo giữa thần và thế quyền. Dù quan
hệ này hình thành do những đưa đẩy của hoàn cảnh lịch sử, nó chắc chắn bắt nguồn
từ một nền tảng lý thuyết, đó là hình ảnh về một “Nước Chúa” của Thánh Augustinô.
Đại đế Karl không phải là người thích đọc sách, nhưng cuốn “Nước Chúa” của
Thánh Augustinô được ông đọc đi đọc lại nhiều lần.
Tư tưởng về “Nước Chúa” bắt nguồn từ quan niệm Giáo Hội và quốc gia đều do
Chúa lập, nên phải kết hợp với nhau. Thế quyền cũng do Chúa mà ra, như Phaolô đã
viết cho tín hữu Rôma: “Mọi người phải vâng lời kẻ cầm quyền, vì không một quyền
năng quốc gia nào mà không xuất phát từ Chúa. Vì thế, ai chống lại chính quyền, kẻ
đó chống lại trật tự Thiên Chúa”. Chính Đức Kitô cũng không đặt vấn đề về quyền
hành của hoàng đế Rôma (“Hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc hoàng đế”), bởi vì
một trật tự chưa hoàn chỉnh, dù sao, cũng còn hơn vô trật tự.
Đại đế Karl là người sùng đạo, nên ông thiết tha chuyện “Nước Chúa”. Lá thư Karl
viết (trước khi lên ngai hoàng đế) cho Lêô III nhân dịp vị này được bầu làm giáo chủ
nói lên quan điểm của ông về vị trí mình đối với Giáo Hội: “Bổn phận của tôi là,
nhờ ơn Chúa, đối ngoại phải dùng vũ khí bảo vệ Giáo Hội khỏi sự chen chân của
dân ngoại và sự phá hoại của người vô đạo, đối nội phải làm vững (lãnh thổ) bằng
cách mở rộng đức tin Kitô giáo. Nhiệm vụ của Đức Thánh Cha là đưa tay lên, như
Maisen xưa, xin Chúa bảo vệ chúng tôi; qua lời cầu của Cha và nhờ sự hướng dẫn
cùng ơn Chúa mà Kitô hữu đã nhân danh Ngài để chiến thắng kẻ thù…”.
Quan niệm nhà nước thần quyền, một cách nào đó, đã có nơi người Rôma, khi hoàng
đế của họ đồng thời cũng là người đứng đầu tôn giáo và chủ trì việc thờ cúng. Các
Vương quốc Hồi giáo cũng thuộc loại nhà nước thần quyền. Nhà nước thời Cựu Ước
lại càng không phân biệt giữa thần và thế quyền. Trong Sách Thánh, luật tôn giáo
cũng là luật nhà nước. Ai chống lại luật nhà nước cũng là chống lại Chúa và tôn giáo.
Thời Trung Cổ, “Nước Chúa” đã có dịp thực hiện. Quan trọng ở đây là cả chính
quyền lẫn dân chúng đều cùng một niềm tin tôn giáo và chính quyền sẵn sàng từ chối
làm những chuyện trái với tôn giáo.

“Hoàng đế và Đệ nhất Giám mục”


Trong “Nước Chúa” thời Trung Cổ, Giáo hoàng không những là một giáo sĩ mà còn
là vị nguyên thủ quốc gia: Quốc gia Giáo Hội. Còn đối với vua, qua việc xức dầu,
ông được nâng lên khỏi hàng giáo dân. Việc xức dầu này cũng tương tự như xức dầu
phong chức giám mục. Một giám mục viết vào khoảng năm 900 rằng không có sự
khác biệt giữa việc xức dầu cho vua và cho giám mục, bởi “cả hai đều được xức
cùng một thứ dầu”. Do đó, hoàng đế Heinrich III đã có lý khi nói với Giám mục
Giáo phận Luettich: “Tôi cũng giống như anh, cũng được xức dầu thánh và nhờ vậy
trở thành kẻ lãnh đạo người khác kể cả các giám mục”. Qua việc xức dầu, vua và
hoàng đế trở thành “kẻ được Chúa xức dầu”. Càng ngày các vua Đức càng nhúng tay
vào nội bộ Giáo Hội (vì họ cho rằng họ cũng đã được xức dầu!) cho nên người ta mới
nghĩ đến việc sửa đổi nghi thức xức dầu, bằng cách không xức trên đầu vua nữa, mà
xức ở tay và vai; cũng không dùng dầu xức phong linh mục và giám mục, mà chỉ
dùng dầu rửa tội để xức vua. Điều đó có nghĩa là vua từ nay không phải là đầu Giáo
Hội, mà chỉ là cánh tay bảo vệ Giáo Hội, trách nhiệm này ông vác trên vai.
Công thức đọc khi xức dầu thì vẫn giữ nguyên, vua vẫn có quyền “cai quản” Giáo
Hội. Các hoàng đế nhà Salier (Franken) còn được gia nhập hàng giáo sĩ. Chỉ sau cải
tổ của các giáo hoàng chịu ảnh hưởng Tu viện Cluny thì phẩm chức linh mục nơi vua
mới mất. Hoàng đế từ đây chỉ còn là một giáo dân, không có quyền cai quản Giáo
Hội nữa. Theo thoả ước Wormser, hoàng đế không còn được nhận gậy và nhẫn nữa,
là hai biểu tượng quyền cai quản Giáo Hội.
Tuy nhiên, những cải tổ đó đã không ngăn được tranh chấp quyền lực giữa hoàng đế
và giáo hoàng. Những tranh chấp này bắt nguồn từ quan niệm về “Nước Chúa”.

TRÌNH THUẬT 22 -23

TRÌNH THUẬT 22

KITÔ GIÁO TIẾN LÊN PHÍA BẮC

Harald, vua Đan mạch, bị các lãnh chúa đuổi. Ông chạy xuống Đức cầu viện với
hoàng đế Ludwig (biệt danh “Người ngoan đạo”), con của đại đế Karl. Ludwig trị vì
Đại quốc Franken từ năm 814, đã thân mật đón tiếp Harald và khuyên ông vào đạo.
Năm 826, Harald và đoàn tuỳ tùng 400 người được rửa tội tại Mainz. Nhân cuộc rửa
tội này, Ludwig nghĩ đến việc truyền giáo cho các dân tộc phía bắc. Ông phái một vị
truyền giáo theo Harald về nước. Vị đó có lẽ tên là Ansgar (Oskar). Sử ghi lại: “Vị
đó được giới thiệu trước Hoàng đế và khi Hoàng đế hỏi có muốn đi theo Heriold
(Harald) để truyền giảng Phúc âm cho dân Đan mạch không, thì ông mạnh dạn trả
lời: thưa có”. Ansgar nhận lời, dù biết sứ mạng đó khá nguy hiểm.

Ansgar, tông đồ đất bắc


Ansgar sinh năm 801 ở Picardie (Pháp) và được các tu sĩ ở Corbie gần sông Somme
giáo dục. Cái chết của đại đế Karl - người mà ông coi là “tuyệt vời nhất trên hết các
vua” - là một biến cố lớn ảnh hưởng lên cuộc đời ông. Ansgar sau vào tu viện Corvea
bên sông Weser và được bề trên cử theo vua Đan Mạch.
Sau một thời gian ngắn giảng đạo ở Đan Mạch, ông được vua Thuỵ Điển Bjoern (đọc
Bi ơn) mời sang Thuỵ Điển năm 829. Năm 830, Ansgar đặt chân tới phía bắc
Stockholm, nơi cộng đoàn Kitô đầu tiên ở Thuỵ Điển thành hình. 18 tháng sau,
Ansgar về lại Đức tường trình với Hoàng đế. Hoàng đế liền thành lập ở Hamburg
một cứ điểm truyền giáo cho xứ bắc, mà Ansgar là giám mục tiên khởi. Tiếc rằng
cuộc tấn công của người Norman đã làm nỗ lực của Ansgar không mang lại kết quả.
Nhưng bước đầu đầy hi vọng của cuộc truyền giáo lên phía bắc đã hình thành.
Truyền giáo ở Na Uy: bạo lực và đòn phép
Rất tiếc, việc truyền giáo ở Na Uy đã bị vẫn đục bởi bạo lực và lừa lọc. Nhiều người
ngoại đã bị giết, bị chọc mù mắt, hoặc bị chặt chân tay. Dã man này không do “Giáo
Hội”, nhưng là do chính sách của vua bản xứ. Khi vua không khuyến dụ được người
tù trưởng vào đạo, thì cả bộ lạc bị bách hại. Trái lại, nếu tù trưởng theo, thì cả bộ lạc
cũng được kể là “Kitô hữu” luôn. Cuối cùng thì chỉ có tù trưởng quyết định số phận
cho cả bộ lạc.
Một lần, vua Olaf mời dân họp ở Stavanger để tính chuyện gia nhập đạo. Nông dân
cử ra ba nhà biện thuyết để chống lại lý luận của Vua, nhưng ba người này đã bị mua
chuộc. Người thứ nhất “bị một cơn ho nặng làm y ngộp thở nên không nói ra lời.
Người thứ hai đứng dậy lên tiếng, thì anh này lại cà lăm khiến mọi người cười oà. Y
phải ngồi xuống. Người thứ ba đứng dậy” sử chép tiếp “để đối chất với vua Olef thì
liền bị khản tiếng, nói không ra hơi. Như vậy, mọi người phải chấp nhận điều kiện
của Vua. Tất cả mọi người hiện diện trong hội trường được rửa tội trước khi Vua rời
chỗ họp”.
Sự việc cả ba nhà hùng biện bị “cấm khẩu” khi chống lại lý luận Kitô được giải thích
là họ bị “Chúa phạt”.

Phong tục lạ và thoả hiệp ở Băng đảo (Island)


Ở Băng đảo, vào giờ phút chót, may nhờ núi lửa hoạt động mà đã tránh được nội
chiến giữa hai phe có đạo và không có đạo. Hai bên đã phải ngồi lại và đạt được thoả
hiệp như sau: Tất cả phải rửa tội, mọi đền thờ phải bị phá và tất cả tượng thần phải
cất khỏi những nơi thờ tự công cộng. Tuy nhiên, vì dân mới vào đạo vẫn không chịu
nuôi tất cả những đứa trẻ sinh ra nên họ được phép tiếp tục vứt con. Và vì đàn ông
không nhịn ăn được, họ cũng được tiếp tục ăn thịt cúng tế. Năm 1016, các nhượng bộ
trên bị rút lại.

Ở Thuỵ Điển và Phần Lan


Truyền giáo ở Thuỵ Điển không có bạo lực và lừa đảo. Năm 1248, kết thúc việc
truyền giáo ở Phần Lan. Nói chung, đa phần dân German (tổ tiên dân Đức ngày nay)
đã tự nguyện vào đạo, đặc biệt nơi những người không bị áp lực chính trị. Dù ngày
nay ta không biết rõ tín ngưỡng nguyên thuỷ của người German, nhưng nhiều sự kiện
cho thấy thời đó họ đã chán đạo của họ rồi và một cách nào đó đang “đợi” hạt giống
Kitô giáo.

Thần cũng phải tuân phục số phận


Khởi thuỷ, người German thờ nhiều thần, trong số đó Ziu, Wodan và Donar là những
thần đặc biệt quan trọng. Thần Ziu, mà người Sachsen (cũng là một tổ tiên dân Đức)
gọi là “Saxnot”, là vị thần cao nhất, nhưng sau đó phải nhường chỗ cho Wodan.
Wodan là thần Odin của phương bắc, kẻ cầm đầu đạo binh ma quái “săn đêm”,
thường bay về trời trong những “đêm xấu trời”. Wodan cũng là thần chiến tranh và
phù thuật. Thần này có tính man rợ, bất nhất và hay lừa đảo.
Trong số các thần nữ có Freya, được coi là “quan thầy” của người nội trợ giỏi và
người thợ dệt siêng năng, vì thế thần thường được diễn tả dưới dạng cái thoi dệt.
Freya tiếp tục sống trong thần thoại dưới tên bà Holle (Hulda, Holde) chuyên thưởng
kẻ lành phạt kẻ dữ. Dấu vết các thần này còn tồn tại trong tiếng Đức là Freitag (ngày
thứ sáu, xuất phát từ chữ Freya), Dienstag (ngày thứ ba, từ “Ziu”) và Donnerstag
(ngày thứ năm, từ Donar). Bên cạnh các thần đó, người German còn tin vào tà thần,
ma quái và phù thuỷ. Việc tin phù thuỷ này sẽ bùng lên mạnh vào cuối thời Trung Cổ
với hậu quả khủng khiếp. Cuối cùng, họ còn thờ đá, tảng đá, cây, nguồn nước và
nước...
Một trong những lý do chán đạo của người German là vì thần của họ không toàn
năng, không biết mọi sự và không bất tử, không thắng được số mệnh. Thoạt tiên, số
mạng được coi là không mang nhân dạng, về sau được nhận diện qua ba nữ thần
(Nornen). Bài hát của Groll Hagen dám chống lại số mệnh cho thấy sự bất mãn của
người German đối với niềm tin vào số mệnh của họ trước khi họ vào Kitô giáo.

Một Chúa quyền năng


Đối với dân German, Đức Kitô hiện thân như một người có khả năng chiến thắng số
mệnh nghiệt ngã vẫn hằng đeo đuổi đè nặng họ. Với họ, chuyện “Chúa đuổi quỉ”
trong Phúc Âm quả thật là một “Tin Mừng”, hình ảnh “Chúa dựng nên trời đất” làm
nức lòng họ.
Một yếu tố quyết định nữa khiến họ vào đạo là giáo huấn về sự phán xét cuối cùng,
qua đó kẻ lành được thưởng, kẻ dữ bị phạt. Họ hiểu việc phán xét này là một hành vi
công bằng chứ không phải “sự trả thù” của Chúa. Điều này được diễn tả bằng những
hình chạm về ngày phán xét trên khung cửa tất cả những nguyện đường lớn trong
vùng dân German cư ngụ.
Giáo huấn về giải thoát và tha tội cũng làm họ phấn chấn. Một truyện cổ German kể:
“Một người vì thù oán đốt nhà một người khác và làm gia đình ấy bị chết cháy. Vợ
ông ta biết chuyện. Về sau, bà bị lương tâm cắn rứt, nên nói với chồng: ‘Rất xa nhà
mình có một làng thờ một thần khác. Thần đó rất thương người, sẵn sàng tha thứ mọi
tội. Nếu đúng vậy, em muốn theo thần đó’”.

Đức Kitô, “vị thừa sai” của Thượng Đế


Có một tài liệu đạo quan trọng thời đó nói về “Đấng Cứu độ” (Heliand) do một tu sĩ
ở Fulda viết, xuất hiện vào khoảng năm 820. Tài liệu trình bày Chúa Kitô như là một
thủ lãnh đoàn quân rảo khắp miền bắc Đức. Thay vì sa mạc thì có rừng, thay hồ
Giênêsaret trầm lặng là biển Bắc vũ bão, thay vì cừu là ngựa và bài giảng trên núi
biến thành cuộc nghị hội của dân German.
Trong Heliand Đức Kitô là một vị vua German, các môn đệ là “binh sĩ” của ông, đã
trung thành theo ông cho tới chết. Đức Kitô xuất thân từ giới quý tộc, từ hàng vua
chúa. Dân German không thể quan niệm được một vị vua mà lại sinh ra từ dân dã.
Nhưng Kitô cũng chỉ là kẻ do một đấng cao hơn sai đến, thừa sai của Thượng đế.
Một gia đình German quây quần chung quanh người cha thế nào thì Kitô cũng muốn
kẻ đi theo quây quanh mình như vậy. Các nhà truyền giáo đã dùng hình ảnh đó để
giảng giải cho dân German hiểu về việc lập Giáo Hội.
Bên cạnh ưu thế về tôn giáo, quan niệm về thế giới và luân lý của Kitô giáo cũng hơn
hẳn các đạo của dân ngoại.Vai trò văn hoá và chính trị của giáo chủ thời đó cũng là
một yếu tố quan trọng khiến dân ngoại vào đạo.
TRÌNH THUẬT 23

DÂN SLAVƠ GIA NHẬP KITÔ GIÁO

Trong thế kỉ thứ 9 có 3 Vương quốc Slavơ quan trọng: Vương quốc Đại Maehren,
Nga và Bungari. Đại Maehren vào đạo đầu tiên. Nước này bao gồm Schlesien,
Boehmen, Maehren và một phần Hungari lợi kéo dài tới Nam Tư. Năm 902, Đại
Maehren bị quân Hung đánh tan, khi quân này từ phía đông tràn sang đuổi các bộ lạc
Slavơ tháo chạy lên phía bắc và xuống phía nam. Ngày nay người ta chia dân sla vơ
thành nhóm phía tây (Công giáo, gồm Tiệp, Slôvắc, Ba Lan), nhóm phía bắc (Chính
thống giáo, gồm Nga, Bạch Nga, Ukrain) và nhóm phía nam, gồm Krôát và Slôvêni
Công giáo, Sẹc và Bungari Chính thống giáo.

Cyrill và Method đưa tiếng địa phương vào phụng vụ


Năm 846, lãnh chúa Đại Maehren là Rastislaw vào đạo. Tiếp đó, ông đưa các nhà
truyền giáo từ Bayern (nam Đức) vào lãnh thổ mình, lúc này vẫn dưới quyền bảo hộ
của Đại Quốc Franken. Đồng thời, để tìm cách thoát dần sự lệ thuộc chính trị vào
Franken, ông cũng xin Konstantinôp gửi các nhà truyền giáo tới. Thượng phụ Photius
ở Konstantinôp vốn không muốn ảnh hưởng của Rôma quá lớn trên các dân tộc
Slavơ nên đã nắm lấy cơ hội gởi ngay tới hai nhà thông thái là Cyrill và Method.
Một tài liệu cổ viết: “Cyrill tới Maehren, được Rastislaw đón tiếp long trọng.
Rastislaw tập trung học trò giao cho Cyrill dạy. Cyrill dịch cấp tốc các sách phụng vụ
ra tiếng địa phương và dạy học trò kinh sáng, kinh tối, thánh lễ, chầu và các phép bí
tích”.

Cái mới tuyệt diệu trong phương pháp truyền đạo của Cyrill là đưa tiếng Slavơ vào
phụng vụ. Tài liệu trên cũng cho hay: “Giáo huấn Chúa càng phát triển thì con quỉ
ganh tị ngay từ đầu đã không chịu nổi chuyện tốt lành đó liền thấm vào da thịt con
người và bắt đầu nói xấu”. Điều này ám chỉ cơn bực dọc của các giám mục Franken.
Các giám mục này chống lại việc đưa tiếng Slavơ vào phụng vụ. Vì theo họ, chỉ có
ba thứ tiếng được dùng trong phụng vụ là Hêbrơ (Do Thái cổ), Hylạp và Latinh, ba
thứ chữ mà quân Dothái đã cho viết lên bảng gắn trên thập giá Chúa.

Lo Giáo Hội mất nhất thống


Có lẽ ganh tị thì ít mà lo nhiều cho nguy cơ phân rẽ của Giáo hội nên các giám mục
đã chống việc đưa tiếng điạ phương vào phụng vụ. Điều này về sau quả có phần
đúng. Khi Giáo hoàng Stêphanô V (885-891) lại ra lệnh cấm dùng tiếng Slavơ trong
phụng vụ thì chuyện đã rồi: nhiều người sla vơ chẳng còn quan tâm tới lệnh của
Rôma nữa. Xem ra những ai tuân lệnh thì tiếp tục ở lại với truyền thống Rôma.
Những ai không tuân lệnh thì ngã dần về phiá Konstantinôp và sau này, năm 1054,
đã cùng Konstantinôp tách hẳn khỏi Rôma.

Bungari không muốn mãi là ốc đảo ngoại giáo


Cuộc Kitô hoá có hệ thống ở Bungari xảy ra dưới thời ông hoàng Boris (852 889).
Khi thấy các nước quanh mình đều vào đạo, Boris hết chần chờ. Ông cũng muốn
thần dân mình tiến bộ và văn minh, vì thời đó vào Kitô giáo cũng có nghĩa là gia
nhập vòng tiến bộ và văn minh.
Vì địa thế Bungari gần Phía Đông, nên Boris đã ngã theo Rôma, để tránh lệ thuộc
Konstantinôp. Konstantinôp đã tìm đủ cách để chống lại. Khi Konstantinôp đưa quân
tiến về biên giới và đe doạ Bungari, Boris phải đầu hàng và xin rửa tội (ở
Konstantinôp). Nhưng ông đồng thời cũng liên lạc với giáo chủ Nikôlêô I xin gửi các
nhà truyền giáo tới và xin lập một toà thượng phụ riêng ở Bungai. Ông còn hỏi giáo
hoàng xem sau khi rửa tội có được tiếp tục bận quần, tiếp tục dùng đuôi ngựa làm
huy hiệu quân đoàn và tiếp tục có nhiều vợ như phong tục vẫn cho phép không. Giáo
hoàng chỉ trả lời về chuyện Boris dùng vũ lực để truyền giáo mà thôi:
“Về những kẻ không chấp nhận cái đẹp của đức tin Kitô giáo và vẫn quỳ gối trước
các tượng thần thì Ta chẳng có gì nói ngoài việc nhắc nhở ngươi nên dùng cảnh cáo,
khuyến khích và lý lẽ để đưa họ về đường ngay, chứ đừng dùng vũ lực là thứ mà họ
chẳng hiểu”.
Giáo chủ Nikôlêô I gửi tới ông hai giám mục và chấp thuận cho ông chọn một trong
hai làm tổng giám mục. Thế là Boris cho đuổi các nhà truyền giáo Konstantinôp khỏi
lãnh điạ. Nhưng vì không đồng ý việc chọn người làm tổng giám mục, Boris lại đuổi
các nhà truyền giáo Tây phương và quay lại với phương Đông. Dù Giáo hoàng Gioan
VIII đưa ra nhiều nỗ lực hàn gắn, nhưng Bungari cuối cùng đã theo phương Đông
trong cuộc chia tay. Khoảng năm 900 Boris đạt đích: Konstantinôp cho phép Bungari
lập một toà thượng phụ. Boris mất năm 997 trong một tu viện do ông thành lập.

Nga: Wladimir cho vứt thần xuống sông


Trong thế kỷ thứ 9 quân Norman gốc German (Wikinger) rời bán đảo bắc Âu
(Skandinawien) tiến vào đồng bằng Nga. Kiew trở thành thủ đô của Vương quốc Nga
(do dân German nắm quyền). Cuộc truyền giáo có hệ thống ở nước này khởi sự dưới
thời Wladimir. Khi các hoàng đế Đế quốc Rôma Phía Đông bị quân Bungari và loạn
quân trong nước đẩy vào thế cùng, họ cầu cứu Wladimir. Ông này gởi 6000 quân tới
giúp, với điều kiện được cưới công chúa Anna làm vợ, và ông dĩ nhiên phải vào đạo
trước khi cưới. Vì thế, năm 988 Wladimir đã để cho một linh mục đông phương rửa
tội. Ảnh hưởng đã có của Rôma ở Kiew vì thế bị đẩy lui dần. Kitô giáo phương Đông
trở thành quốc giáo của Nga. Vì bổn phận trung với vua nên cả thành Kiew chấp
nhận vào đạo. Từng đoàn dân Nga bị đẩy xuống sông rửa tội, mà chẳng ai hiểu chi về
phép rửa. May nhờ ngôn ngữ phụng vụ là tiếng điạ phương - sách mang từ Bungari
sang - nên họ dần thấm nhuần cảm quan Kitô giáo. Tài liệu đương thời sau đây nói
về vụ dẹp bỏ vị thần chính của dân Nga, thần Perun, và việc rửa tội cho dân:
“Sau khi Wladimir nhận phép rửa và về lại Kiew, ông cho phá bỏ các tượng thần,
tượng này bị đập gãy, tượng kia bị đốt. Riêng tượng thần Perun ông cho buộc vào
đuôi ngựa kéo trượt từ trên núi xuống sông Rutschay. Ở đó ông cho 12 người đàn
ông cầm gậy đánh thần. Không phải để làm nhục tượng gỗ, nhưng đánh con quỷ ẩn
trong tượng đó đã lừa dối người ta. Khi tượng Perun được kéo tiếp từ Rutschay đến
sông Dnjepr, dân chúng khóc lóc cho thần, vì họ còn ngoại giáo. Người ta thẩy thần
xuống dòng nước. Wladimir họp dân lại mà nói: ‘Hễ thấy tượng dạt vào chỗ nào thì
phải đẩy ra khỏi bờ, cho tới khi nó bị nước cuốn đi và rồi để nó yên ở đó’. Lệnh của
ông được thi hành. Rồi Wladimir cho sứ giả rảo khắp thành loan báo: ‘Ai không tới
sông, dù giàu hay nghèo, ăn mày hay thợ, người đó sẽ biết cơn giận của Ta’. Dân
nghe thế, kéo nhau đổ về sông, vui mừng tự nhủ: ‘Nếu đạo mới không tốt thì lãnh
chúa mình và các cố vấn của ngài đã không theo’.
Sáng hôm sau, Wladimir tới bờ sông Dnjepr. Một đám đông vô số đã tề tựu. Họ bước
xuống sông, kẻ nước tới cổ, người nước tới ngực, trẻ con đứng chật gần bờ. Người
lớn băng qua sông. Tiếng la vui mừng dậy đất dậy trời vì quá đỗi nhiều linh hồn
được cứu vớt. Nhưng quỉ Satan thở dài nói: ‘Ôi đau quá, cả đến nơi này người ta
cũng tống cổ tôi đi. Tôi tưởng gặp được đây là chốn nương thân cho mình, vì nơi đây
các Tông đồ đã không bén mảng tới và người ta đã không biết gì về Chúa’.
Việc Nga theo Konstantinôp không những mang tới cho Kitô giáo Đông phương một
phần đất mênh mông mà còn ảnh hưởng nhiều trên sự phát triển của đất nước này.
Không chỉ ở lĩnh vực văn hoá: “Nga không biết các sách vở (Tây phương) về triết
học, khoa học tự nhiên, văn chương và luật chính trị. Họ cũng không biết lối suy tư
hệ thống bằng ý niệm và hệ luận của Tây phương” (W. Philipp); nền văn hoá kinh
viện phương Tây đã bị ảnh hưởng bởi các khoa học và lối nghĩ này. Cũng vì khác với
Tây phương mà Nga sau nay, về phương diện chính trị, đã mở cửa dễ dàng cho chủ
thuyết cộng sản và vô thần. Thần học Đông phương cũng đã góp phần vào việc mở
cửa này, vì thần học này không cố gắng uốn nắn thế giới theo cảm quan Kitô giáo,
nhưng chủ yếu đưa con người ra khỏi “những lôi cuốn thế gian” bằng con đường
thoát tục và khổ hạnh. Vì hậu quả khoảng trống chính trị sau khi Đế quốc Rôma Phía
Tây sụp đổ nên Giáo hội Latinh đã sớm thức tỉnh trước đau khổ của con người và do
đó sớm liên hệ với chuyện chính trị, trong lúc Giáo hội Nga vẫn trốn chạy thế gian.
Đau khổ được họ quan niệm là hình phạt xứng đáng để đền tội và phải chấp nhận
không than trách. Wladimir Lenin đã chụp lấy chính điểm này và “sửa” quyết định
của thánh quan thầy mình Wladimir I, khi ông tuyên chiến với đạo Kitô giáo do thầy
mình mang vào, coi đó là “thuốc phiện của dân”, thứ “che mờ mắt giai cấp thợ
thuyền”.

THUẬT 24 -25

TRÌNH THUẬT 24

CUỘC CHIA TAY ĐÔNG TÂY

Ngày 16-7-1054, “trong lúc các giáo sĩ chuẩn bị dâng lễ như thường lệ”, Hồng y
Humbert Silva Candida, sau khi đặt tờ vạ tuyệt thông lên bàn thờ Thánh đường Hagia
Sophia ở Konstantinôp, miệng vừa càu nhàu về sự ngang bướng của Kerullarius chân
vội vàng bước ra khỏi nguyện đường, cúi xuống “phủi buị dính chân”, rồi dõng dạc
nói: “Ước chi Chúa thấy mà phán xét chúng con!” Từ ngày đó, Giáo hội Chính
thống, cũng gọi là Giáo hội Hy Lạp, chia tay hẳn với Giáo hội Rôma. Michael
Kerullarius lúc đó là thượng phụ ở Konstantinôp, còn Humbert là bí thư và là sứ thần
của Giáo hoàng Lêô IX.

Xung khắc đã được chuẩn bị trước


Lêô IX (1049-1054) là vị giáo hoàng người Đức thứ tư. Tên ngài là Bruno, Bá tước
đất Egisheim và Dagsburg, một người bà con với hoàng đế Heinrich III, ngoan đạo
và rất có khả năng. Bữa nọ, khi đang ở miền nam Ý, nơi dân Norman định cư từ thế
kỉ thứ 11, Giáo hoàng nhận được một lá thư với giọng trách móc, thoá mạ và kết án
của Kerullarius. Thượng phụ đổ cho Giáo hoàng tội đã cho phép Giáo hội Latinh
dùng bánh không men trong thánh lễ một cách vô lý và hát “Alleluia” trong mùa
chay. Giọng điệu chính của lá thư là muốn gây chuyện với Giáo hoàng, nhằm cản
ngăn nỗ lực của Giáo hoàng và hoàng đế Konstantinôp trong việc dàn xếp vấn đề dân
Norman. Thượng phụ sợ Giáo hoàng ảnh hưởng lên thẩm quyền mình. Lêô giao cho
thư ký là Hồng y Humbert trả lời thư. Humbert là một tu sĩ Biển Đức và sẽ còn đóng
vai trò trong vụ “tranh chấp năng quyền” về sau. Giáo hoàng cử Humbert
tới Konstantinôp giao thư và tìm cách hoà giải với Kerullarius. Nhưng vì tính nóng,
tự phụ và lời lẽ thô bạo, ông này đã làm vỡ cuộc đàm phán. Ông tự coi như kẻ bề trên
và vấp phải lỗi lớn khi bảo rằng chỉ cần sự ưng thuận của Hoàng đế chứ chẳng cần gì
Thượng phụ. Nhưng người chủ động ở phương Đông lúc đó là Thượng phụ chứ
không phải Hoàng đế. Khi Kerullarius không muốn tiếp tục đàm phán với Humbert
nữa, vì thâm tâm ông đã nghĩ đến chuyện tách rời Rôma, Humbert hết kiên nhẫn và
ra vạ tuyệt thông Kerullarius.
Giáo chủ Lêô cũng đã nghĩ tới chuyện tuyệt thông trong trường hợp Kerullarius tỏ ra
bất hợp tác. Nhưng ngài mất ngày 19-4-1054. Người kế nhiệm thì mãi về sau mới
được bầu lên. Humbert ra vạ tuyệt thông khi giáo hoàng đã mất. Vì thế, người ta nghi
ngờ tính hợp pháp của vạ này.
Nội dung bản vạ chứa “những lời cáo buộc người đông phương một cách vô lối rất
khó nghe” (Wilhelm ở Vries), nên khi vừa phổ biến, nó tạo căm phẫn nơi giáo dân và
giáo sĩ Konstantinôp. Họ bừng bừng chống lại Rôma. Các sứ thần Rôma phải vội rời
Konstantinôp. Trước đó Kerullarius cũng đã tuyệt thông Humbert. Kerullarius cho
đốt bản vạ của Giáo hoàng giữa công trường để công khai bày tỏ quyết định đoạn
tuyệt với Rôma. Thật ra, Kerullarius chỉ cho đốt phó bản, chứ bản chính ông cất giữ.
Việc tuyệt thông Kerullarius không phải là bước đầu của cuộc chia tay. Nhưng nó
cho thấy sự thất bại trong nỗ lực đầu tiên của Rôma muốn bình thường hoá lại quan
hệ với Konstantinôp, mối quan hệ mà lúc đó trên thực tế chỉ còn thoi thóp. Cuộc
phân rẽ thực ra đã có từ thời thượng phụ Photius. Mặc dù Photius chỉ cắt liên lạc
trong 3 năm (863-867) nhưng sau đó trao đổi giữa hai bên hầu như chẳng còn tiếp
tục.
Khi cho mình là “chính thống” (Orthodox), Giáo hội Konstantinôp muốn nói rằng
Giáo hội Rôma đã đi sai đường chính, đã xa rời giáo huấn Chúa dạy.

Photius “truất phế” Giáo hoàng


Photius là một học giả nhiều cao vọng, một công chức cao cấp, chỉ huy trưởng đội vệ
binh hoàng cung tại Konstantinôp và là một người trong hoàng tộc. Năm 858, ông
được hoàng đế chỉ định làm thượng phụ. Vì lúc đó còn là một giáo dân, nên ông đã
được phong vội vàng một lúc hai chức linh mục và giám mục. Tuy nhiên, sứ thần của
Giáo hoàng Nikôlêô I đã buộc ông từ chức vì có nhiều chuyện không hay trong việc
đề cử. Photius vì thế đã truất phế Giáo hoàng...
Khi Hoàng đế, người bảo hộ Photius, bị ám sát, Photius bị truất chức. Nhưng sau khi
vị thượng phụ tiền nhiệm của ông (trước đó đã bị đuổi khỏi Konstantinôp một cách
bất công) mất, ông được đưa trở lại ghế thượng phụ, cho tới khi bị Giáo hoàng Lêô
VI truất quyền vĩnh viễn. Ông mất vì bệnh năm 891 trong một tu viện. Lý luận của
Photius trong việc truất chức Giáo hoàng Rôma như sau: Phêrô đã là giám mục của
Antiochia trước khi ngài trở thành giám mục Rôma. “Hơn nữa, nếu Rôma dựa vào vị
tử đạo Phêrô để đòi vị trí ưu quyền, thì vị trí đó hẳn phải thuộc về Giêrusalem. Hơn
nữa, nếu các ghế giám mục tuỳ thuộc vào tư cách của những người ngồi trên đó, thì
phải chăng Giêrusalem đã là nơi mang lại bao nhiêu chiến thắng vinh quang? Hơn
nữa, nếu Rôma dựa vào Phêrô để dành quyền ưu tiên, thì Byzanz phải được ưu tiên
hơn vì Anrê (anh của Phêrô) đã làm giám mục ở đây. Vì Anrê đã làm Giám mục
Byzanz nhiều năm trước khi em ông là Phêrô lên ghế giám mục Rôma”. Photius đưa
ra lý luận thân tộc giữa Anrê và Phêrô để biện minh cho ưu quyền của mình. Thật ra,
Thượng phụ Konstantinôp chỉ giữ vai trò quan trọng kể từ khi hoàng đế Konstantin
bỏ Rôma dời đô sang Konstantinôp.
Quan hệ giữa Rôma và Konstantinôp từ đó đã không được tốt đẹp. Cho tới 200 năm
sau, nó bị Kerullarius cắt đứt hoàn toàn. Hoàng đế Phía Đông thì trái lại vì lý do
chính trị vẫn không muốn Giáo Hội phân rẽ.
Cuộc chia tay Đông Tây được chính thức hoá từ ngày Kerullarius cao vọng và
Humbert cao ngạo tuyệt thông nhau. Nhưng nó không phải là “sản phẩm” của hai vị
đó, mà đã bắt nguồn từ xa trước.

Phân rẽ bắt đầu từ hoàng đế Diokletian


Gốc rễ chính trị bắt nguồn từ ngày Hoàng đế Diokletian chia Đế quốc Rôma ra thành
hai vùng hành chính vào năm 286, thành Đế quốc Rôma Phía Tây và Đế quốc Rôma
Phía Đông. Rồi đại đế Konstantin lại chuyển đô về Konstantinôp, để thành này dần
trở nên đối thủ của Rôma. Một bước nữa về hướng phân rẽ là khi hai vùng hành
chính trở thành hai quốc gia riêng, sau cái chết của hoàng đế Theodosius vào năm
395. Thêm bước nữa là việc đội mũ hoàng đế Đế quốc Rôma Phía Tây cho vua Karl
năm 800. Dưới nhãn quan của dân Đông phương thì nguyên nhân phân rẽ đã do giáo
hoàng tạo ra trước đó, khi giáo triều liên minh với Pippin và được ông này tặng đất
lập lên một Quốc gia Giáo hội.

Tâm tính hai bên cũng khác


Sự khác biệt tâm tính giữa Đông và Tây, giữa người Hylạp và người Latinh, cũng là
một nguyên nhân phân rẽ. Người Đông phương nghiêng về suy tư trầm lắng, thích
dùng biểu tượng và cái rõ ràng dễ hiểu. Người Tây phương ngã về hành động, thích
trật tự và kỷ luật, thích ứng nhanh với thay đổi ngoại cảnh, thích chính trị, thực tế và
ít đặt nặng truyền thống.
Hai khác biệt này đã có trước khi Kitô giáo tới. Chỉ tiếc rằng Kitô giáo đã không xoá
được lằn ranh đó. Để cuối cùng khác biệt đã trở thành thù địch. Ngoài các hoàn cảnh
chính trị bất lợi kể trên, khác biệt ngôn ngữ cũng là một yếu tố trong cuộc phân rẽ: từ
thế kỷ thứ 7, ngôn ngữ chính thức la tinh ở đông phương dần bị ngôn ngữ Hylạp thay
thế.
Cũng không nên quên mâu thuẫn văn hoá giữa những người Hylạp học thức và man
dân German thường mù chữ. Dưới mắt người Hylạp, các vua chúa Franken, hoàng đế
Karl và ngay cả Giáo hoàng Lêô IX - vì cũng là người Đức - đều là “man dân”.

Một thời điểm đặc biệt


Cuộc chia tay xảy ra vào một thời điểm đặc biệt, nghĩa là sau khi các dân tộc Slavơ
vào đạo. Nên khi Konstantinôp tách, họ kéo các nước được họ truyền giáo (Bungari,
Nga, Sec) theo luôn. Nếu chỉ có Konstantinôp không thôi, thì ngày nay đã chẳng còn
ai nhắc đến. Nhưng nên nhớ Giáo hội Chính thống hiện nay có trên 160 triệu tín
hữu[1].
Cũng nên nói thêm là, dù có phân rẽ, giấc mơ trở thành “Giáo chủ” trên toàn Giáo
hội Đông phương của các thượng phụ Konstantinôp đã không đạt được. Vì chủ
trương Giáo hội quốc gia nên họ đã không tạo được nhất thống. Độc lập quốc gia kéo
theo độc lập của Giáo Hội khỏi Konstantinôp. Các thượng phụ Konstantinôp chỉ có
vai đàn anh danh dự trong Giáo hội Đông phương mà thôi.
Chủ trương giáo hội quốc gia của Kon stan ti nôp còn đưa đến hệ quả quan trọng là
thần quyền phải phục tùng thế quyền. Tại các quốc gia chính thống giáo hiện nay
không có độc lập rõ ràng giữa giáo hội và nhà nước.

TRÌNH THUẬT 25

GIÁO HỘI TRONG THẾ KỶ “ĐEN” (TK X)

Lịch sử Giáo Hội cũng có mặt trái của nó. Giáo Hội trải qua giai đoạn đen tối nhất
trong thế kỷ thứ 10, cụ thể từ năm 882 tới 962. Người ta tưởng Giáo Hội đã không
trỗi dậy nổi sau những biến cố thời đó. Nhưng Giáo Hội đã đứng dậy được. Sự kiện
đó càng làm người ta tin vào nhiệm tích Giáo Hội. Vì nếu như Giáo Hội được xây
dựng thuần tuý trên một ý thức hệ của con người, thì nó chắc chắn đã sập rồi.

Chưa có giải pháp dân chủ nào khác


Ngày nay, ai lên tiếng phê bình quyền bính tuyệt đối của một hoàng đế thời Trung
Cổ, kẻ ấy không hiểu gì lịch sử, bởi thời đó chưa có chế độ dân chủ. Vì không có
hoàng đế nên giai đoạn từ 896 tới 962 đã rơi vào hỗn loạn. Bên trong, loạn tranh
chấp của các ông hoàng. Bên ngoài, hoạ xâm lăng của người Hồi giáo, Norman và
Hung nô.
Thời của luật kẻ mạnh. Kẻ nào lo cho kẻ đó. Cướp của, giết người diễn ra hằng ngày.
Trên công trường Rôma thỉnh thoảng lại thấy cảnh người bị treo cổ. Bạo quyền làm
chủ Rôma và Quốc gia Giáo hội. Giáo triều rơi vào tay các lãnh chúa quý tộc tranh
diệt nhau.
Trong 8 năm, 896-904, có tới 10 giáo hoàng, được đưa lên hạ xuống theo nhu cầu và
quyền lợi các lãnh chúa. Giáo hoàng Bônifaxiô VI chỉ được 2 tuần. Kế là Stêphanô
VI, lên năm 896; vị này cho bới xác vị tiền nhiệm mất trước đó 9 tháng lên để xử.
Cho mặc y phục giáo hoàng vào xác đã rữa, chặt chân tay, rồi vứt xác xuống sông
Tiber. Nhưng chỉ vài tháng sau, Stêphanô VI bị bóp cổ chết trong ngục.
Giáo hoàng đầu tiên bị giết là Gioan VIII, người đã dám chống lại sự lộng quyền của
quý tộc Rôma. Ngài bị bỏ thuốc độc năm 882. Vì thuốc không công hiệu nên đã bị
đánh bể sọ chết. “Không lâu sau đó, chính sử Giáo Hội không còn được phép ghi lại
những chuyện đại loại như thế nữa” (Wucher). Có hai người đàn bà tạo ảnh hưởng
lớn trên ngai giáo hoàng thời đó là mẹ con Theodora và Marozia. Hai người này đã
đẩy Giáo Hội tới bờ tiêu vong.

Theodora và Marozia
Theodora xuất thân từ một nhà quý tộc thế giá ở Rôma và là vợ của Theophylakt, bạo
chúa cầm quyền Rôma. Người ta kể bà là người giỏi, năng nổ và hám quyền. Nhờ bà
mà Sergiô III (904-911) và Gioan X (914-928) được chức giáo hoàng. Cả hai giáo
hoàng là người tình của bà và của con gái bà. Gioan X cũng bị giết như Gioan VIII
và Stêphanô VI trước đó, bởi Morozia, sau khi bị cô này tống vào ngục trong luỹ
Thiên thần (xây không xa điện Vatican) một thời gian dài. Trước đó, Gioan X còn
được thấy tận mắt Marozia giết anh mình. Gioan X cực lực chống lại các lãnh chúa
quyền quý Rôma nên đã bị thanh toán. Marozia chỉ hài lòng và đạt đích khi Gioan XI
lên ngai giáo hoàng, vì vị này là con mình. Gioan XI dù sao vẫn tốt hơn cha mẹ. Ngài
là một giáo hoàng tốt, cố gắng canh tân Giáo Hội. Một sử gia Pháp (Flodoard) viết về
triều đại Giáo hoàng này: “Không có bạo lực và hào quang”. Gioan XI giữ ghế giáo
hoàng từ năm 931 tới 935.

Nữ Giáo hoàng Gioana


Đây cũng là thời có truyền thuyết về một “nữ giáo hoàng” với hiệu là Gioana
Angêlicô.
Chuyện này xuất hiện lần đầu trong thế kỷ 13, kể rằng một cô gái ở Mainz (Đức) giả
trai cùng đi với người yêu về Rôma. Ở đó, cô sớm nổi danh vì thông minh và hiểu
rộng, nên đã được bầu làm giáo hoàng (vì người ta vẫn ngỡ là nam) sau khi Lêô IV
mất năm 855. Sau 2 năm rưỡi ở ghế giáo hoàng, cô đã chết khi chuyển bụng giữa
một buổi rước kiệu.
Nhưng trong bản danh sách giáo hoàng chính thức không có chỗ cho vị nữ giáo
hoàng này, bởi vì sau Lêô IV thì cùng trong năm đó Biển Đức III được bầu lên kế vị.

Ngai giáo hoàng là quả banh của giới quý tộc


Khi Marozia kết hôn với Hugo, vua xứ Langobarden, thì con chồng trước của bà là
Alberich II chống đối kịch liệt. Hugo vì thế tính chuyện chọc mù mắt Alberich. Đụng
độ xảy ra trong lễ cưới. Alberich - có lẽ cố ý - làm đổ chậu nước rửa tay khi anh
bưng đến cho kế phụ tương lai của mình. Hugo liền đấm vào mặt Alberich. Anh này
bỏ tiệc chạy ra kêu gọi dân Rôma giết Hugo. Nhưng Hugo đã lẻn trốn được khỏi
thành. Alberich II lên nắm quyền Rôma, cho tống mẹ và em cùng mẹ khác cha là
giáo hoàng Gioan XI vào ngục. Marozia có lẽ chết rũ tù.
Hai chục năm dài Alberich trị vì Rôma và Quốc gia Giáo hội với bàn tay sắt. Một tu
sĩ Biển Đức đương thời ở tu viện St. Andrea viết về thời đó: “Ghê quá, Rôma và Toà
tông đồ bị ách thật nặng nề”. Các giáo hoàng sau Gioan XI chỉ còn là những tay sai,
“chẳng dám nhúc nhích ngón tay khi chưa có lệnh (của Alberich)”, như một sử gia
Pháp đã ghi lại nhân chuyến thăm Rôma của ông.
Một thời đầy kinh hãi
Phải nói hầu hết những chuyện sa đoạ thời đó được ghi lại do một người tên
Luitprand, Giám mục Giáo phận Cremona, trong sách của ông mang tựa “Oán thù”.
Cái tên ít nhiều cho thấy tầm chủ quan của nội dung sách. Một số tài liệu khác thì nói
rằng Alberich là một tín hữu ngoan đạo, hoàn toàn ủng hộ chương trình cải cách của
tu viện Cluny, lúc đó vừa phát động. Tài liệu cũng cho hay Alberich trực tiếp liên lạc
với Viện phụ Odo của Cluny. Một người đương thời bảo Alberich là “kẻ chăm sóc tu
viện”, vì ông đã cho sửa lại một loạt tu viện hư nát và đem các tu sĩ theo phong trào
Cluny về đó. Đáng sợ nhất là quan điểm của Luitprand về dân Rôma trong thế kỷ đó:
“Chúng tôi, người Lombarden, Sachsen, Franken, khinh bỉ dân Rôma đến nỗi khi tức
giận chẳng còn tìm được từ ngữ nào để chửi ngoài chữ ‘Mày là bọn Rôma!’. Chữ đó
tóm gọn tất cả cái xấu của bọn đó: tầm thường, tiểu nhân, tham lam, hoang điếm và
ăn gian nói dối”.
Có lẽ Alberich là mẫu người điển hình thời đại, vừa đạo đức vừa dã man. Nhưng nói
chung, tình cảnh tan hoang của Giáo Hội thời đó trong gọng kềm lãnh chúa thì quá
rõ.
Cũng may mà Marozia, tuy nhào nặn giáo hoàng, nhưng đã không thể dẹp cái ngai
đó. Để cho những giáo hoàng xứng đáng sau này còn có cơ hội thay thế những vị bất
xứng. Đấy cũng là một giai đoạn thử thách, chứng tỏ khả năng tồn tại của Giáo Hội.

Một khởi đầu mới


Giáo hoàng Gioan XII (955-964) là con của Alberich và cháu của Marozia, một tay
thiếu niên ăn chơi 17 tuổi, chuyện gì cũng dám làm. Sống hoang đàng. Người ta kể
khách ăn nhậu của ngài nâng ly chúc sức khoẻ Luzifer trong những cuộc nhậu lớn.
Gioan XII vừa là giáo hoàng vừa là người lãnh đạo Rôma. Ngài là vị giáo hoàng thứ
hai lấy hiệu khác với tên tục của mình. Tên tục ngài là Oktavian.
Trong thời cổ và giai đoạn đầu của trung cổ các giáo hoàng lấy tên mình làm tên hiệu
giáo hoàng. Thói quen này bắt đầu chấm dứt từ năm 1009. Thời đó, Pietro Bocca di
Porco (Phêrô Mõm Heo) làm giáo hoàng. Ngài thấy không xứng khi lấy tên thánh
tông đồ cả là Phêrô II làm hiệu cho mình, nên đã đổi thành Sergiô IV. Người đổi tên
hiệu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội là Mercurius, lên giáo hoàng năm 532. Vì
Marcurius là một tên ngoại giáo, có nghĩa là Chúa của kẻ trộm, nên ngài đã chọn
hiệu là Gioan II. Silvestô II (999-1003) bỏ tên tục của mình là “Gerbert”, vì tên này
nghe “man” (Đức) quá. Sau khi việc đổi tên hiệu đã thành truyền thống, chỉ có hai
giáo hoàng vẫn giữ nguyên tên gọi, đó là Hadrianô VI và Marcellô II.
Trong thời Gioan XII, vua Berengar II cai trị Rôma rất sắt máu. Vì thế, Gioan XII đã
kêu cứu vua Otto nước Đức. Otto mang quân sang giúp, được Gioan XII phong lên
làm hoàng đế (Đế quốc) Rôma. Đối lại, Otto hứa sẽ tái lập uy tín cho Giáo Hội.
Gioan XII đội mũ đế cho Otto năm 962, nhưng sau đó lại không giữ lời đã hứa với
Hoàng đế bên mộ Thánh Phêrô, nên đã bị truất chức. Ngài bị đày lên Bamberg (Đức)
và mất ở đó năm 966.
Otto tái lập trật tự ở Rôma và bắt dân thề rằng từ nay về sau không được đưa giáo
hoàng nào lên ngai nếu không có sự chấp thuận của hoàng đế. Dĩ nhiên, dân Rôma đã
không luôn luôn tuân lệnh. Dù vậy, cùng với đại đế Otto, Giáo Hội đã bước sang một
trang sử mới, tươi sáng hơn.

TRÌNH THUẬT 26 - 27

TRÌNH THUẬT 26

NHỮNG DẤU-HIỆU SUY-ĐỒI MỚI

Đấy là một thời-kì xuống cấp trầm-trọng. Không những giáo-chủ bất xứng, mà cả
giám-mục, linh-mục, tu-sĩ cũng trong tình-trạng hư-đốn. Ám-sát, chém-giết không
còn là chuyện lạ trong giới giáo-sĩ. Trong một lá thư giáo-chủ A-le-xan-drô II kể
chuyện những linh-mục giết nhau và giết cả giám-mục, chuyện các viện-phụ tra-tấn
hoặc giết tu-sĩ mình.

Vợ giáo-sĩ hoang-phí tài-sản Giáo-hội


Chuyện linh-mục lập gia-đình là cả một chương của lịch-sử Giáo-hội thời đó. Tục
này quá phổ-biến đến trở thành đương-nhiên. Một hậu-quả của tục này là linh-mục
cha thường tìm cách để con cũng làm linh-mục, hầu bảo-vệ bổng-lộc cho gia-đình
mình. Chẳng cần biết ông con đó có xứng-đáng chịu chức hay không. Chẳng hạn như
giám-mục Regimbald trao nhà thờ thánh Martin "của ông" cho cháu chắt mình
"người này tiếp người kia giữ cho đến tận-thế, trừ trường-hợp vì tội-lỗi mà dòng-họ
bị tuyệt-tự sớm." Bên cạnh đó, các bà vợ linh-mục sống rất hoang-phí. Trong một số
thành-phố tại Ý vợ chồng các linh-mục chánh-sở nhà thờ chính-toà xài tan luôn cả
tài-sản giáo-phận.
Hậu-quả thứ hai là tài-sản nhà thờ bị trưng dụng cho việc cưới-xin của con cháu. Vì
"ngoài khoản đó ra họ chẳng có gì cả", như lời xác-nhận của giáo-chủ Biển-đức VIII
tại công-đồng cải-cách Pavia năm 1022. Giám-mục Otto ở Vercelli, một người đồng
thời, kể thêm: để có thể nuôi gia-đình, các linh-mục đâm ra "ham-hố, cướp-bóc, cho
vay lãi cắt-cổ, tham-lam, nạnh-kẹ và lừa-lọc." Giáo-chủ A-le-xan-drô II viết về giáo-
sĩ thời đó: "Ngay cả bàn thờ họ cũng không từ, như những tên trộm và bọn phá-hoại
đền thờ họ chụp bàn tay tham-lam lên tất cả. Tiền-lễ và của-lễ quyên được để giúp
người nghèo và để xây nhà thờ họ cuỗm sạch."

Mua bán chức tước (mại thánh)


Một lí-do làm băng-hoại phong-tục là nạn mua bán chức tước, từ-ngữ tây phương gọi
là Simonie. Chữ này phát-xuất từ tên của một ông Simon nào đó. Tân-ước kể (Apg 8,
18-24) ông này đã đút-lót các Tông-đồ để được các vị đặt tay ban năng-quyền thánh-
linh cho mình. Giám-mục Wido ở Ferrara (thế-kỉ 10) coi Simonie là cội-nguồn của
mọi cái xấu và là "cái lạc đạo lớn của thời-đại", vì từ đó mà bất cứ ai có tiền đều có
thể trở thành linh-mục, giám-mục và cả giáo-chủ. Tiền là trên hết, chẳng cần đòi-hỏi
học-hành, tu luyện gì nữa cả.
Nạn mua bán nặng nhất ở Ý. Một giám-mục kể lại: "Tôi vừa được Tổng-giám-mục
phong chức giám-mục, phải tốn mất 100 đồng (Soldi). Nếu tôi không có khoản đó thì
giờ này đâu đã có mũ gậy. Nhưng tiền tôi sẽ không mất. Tôi sẽ lấy lại qua việc phong
linh-mục. Phong phó-tế cũng có bạc. Các chức tước khác ở nhà thờ và tu-viện cũng
moi ra tiền." Và khi giám-mục Mezzobarba mua được ghế giám-mục giáo-phận
Firenze năm 1062, nghe đâu bố ông đã khoe: "Tôi nói có thánh Syrus làm chứng.
Trong nhà chủ tôi vua cũng còn mua được rẻ như chơi, huống hồ là một giáo-phận !
Chỉ 3000 đồng đặt trên cái cơi này là xong!"
Các giáo-chủ cũng không thoát nạn đó. Người ta công-khai tố giáo-chủ Gio-an XII
phong chức giám-mục để lấy tiền. Sử cho hay giáo-chủ Biển-đức IX bán ghế giáo-
chủ cho Grê-gô-ri-ô VI với giá 1000 thẻ vàng. Chuyện này do chính Grê-gô-ri-ô thú-
nhận công-khai. Bỏ tiền mua, theo ngài, là vì muốn giải-thoát Giáo-hội khỏi Biển-
đức IX.
Chức nào có giá nấy rõ-ràng. Trợ-phó-tế giá 12, phó-tế 13 và linh-mục 24 thẻ vàng.
Nạn mua bán phổ-thông đến nỗi chẳng cần xưng tội nữa, vì chả tìm đâu ra linh-mục
sạch! Ở Milano (Ý) có không đầy 5 trong tổng-số 1000 linh-mục là sạch, không mua
chức. Linh-mục không còn là thiên-chức, mà là chuyện mua bán.

Mầm ung-thư thứ ba: thế-quyền bổ nhiệm giáo-sĩ


Bên cạnh nạn mua bán chức tước và giáo-sĩ có vợ, có đào, còn thêm vấn-đề giáo-dân
– đặc-biệt là vua – có quyền bổ nhiệm giám-mục (Laieninvestitur). Nhiều giám-mục
có nhiệm-sở nhưng đâu đã được chịu chức. Có vị bán giáo-phận để tiếp-tục sống đời
lãnh-chúa. Lệ này bắt đầu có từ thời đại-đế Karl. Ông này bổ nhiệm và giao cho các
giám-mục chức tước ngoài đời. Sang thời đại-đế Otto (936-973) lệ này trở thành một
công-cụ của chính-sách nhà-nước. Otto sợ quyền-hành ngày càng lớn của các lãnh-
chúa đời, nên đã nâng các giám-mục lên hàng quận-công, bá-tước và trao cho họ
lãnh-địa riêng (Regalien), trao quyền phân-xử, thuế-má, tiền-bạc và họp chợ để giúp
ông giữ nền thống-nhất quốc-gia. Giao quyền lãnh-đạo cho các giám-mục tin-tưởng
hơn, bởi họ không có con cháu; vì thế sau khi họ chết, lãnh-địa lại trở về tay Đại-đế.
Trong thế-kỉ 13 có tất cả 93 lãnh-địa do giáo-sĩ nắm. Các lãnh-địa này tồn-tại tới năm
1803.

Hại lớn cho Giáo-hội


Chính-sách của Otto là một hại lớn cho Giáo-hội. Vì giám-mục trở thành lãnh-chúa
quí-tộc, nên hệ-thống tổ-chức phong-kiến của xã-hội dân German (Đức) đã xâm-
nhập vào cơ-chế Giáo-hội. Mẫu-mực của thánh Phao-lô về một Giáo-hội trong đó
"không ai là thầy không ai là tớ" chẳng còn nữa.
Khi khoác vào người bộ áo lãnh-chúa, nhiều giám-mục bị uy-quyền đời làm tối mắt.
Chỉ một số rất ít còn dung-hoà được hai vai-trò đạo đời của mình, chẳng hạn như các
thánh Gebhard ở Bregenz (Áo), Wolfgang ở Regensburg (Đức), Adalbert ở Praha
(Tiệp), Bruno (em của Otto) ở Koeln (Đức) và Ulrich ở Augsburg (Đức). Tổng-giám-
mục Friedrich ở Mainz (Đức) vì thế đã than-thở với Otto: Hoàng-đế đã đặt lên vai tôi
gánh quá nặng; tôi chỉ là giám-mục, ngoài ra chẳng là gì nữa cả.
Người ta nói, cá thối từ đầu. Điều đó đúng, khi những vị vua cuối cùng của nhà
Merowing đã kéo tất cả dân chúng vào ngõ cụt của mình. Câu tục-ngữ kia cũng lại
một lần nữa đúng, khi các vua chúa cuối cùng của dòng Karoling (hậu-duệ của đại-đế
Karl) tỏ ra mất hết khả-năng lãnh-đạo. "Giờ tàn của phương Tây" vì thế đã đến, khi
dòng họ Sachsen chiếm được quyền-hành ở nước Đức. Sachsen là một giống dân
thiện-chiến, kỉ-luật mà đại-đế Karl đã tốn bao nhiêu sinh-mạng và thời-gian để
thuần-hoá và đưa vào đạo.

Một người Sachsen làm vua Đức


Sau khi đại-đế Karl mất, Đại-Quốc Franken năm 843 bị chia thành ba nước: Pháp,
Đức và Vương-quốc độc-lập Lothringen nằm giữa hai nước. Vua Đức gốc Sachsen
đầu tiên là Heinrich I. Vợ ông, bà Mathilde – vẫn tự cho mình là hậu-duệ của
Widukind – sinh hạ được ba con trai. Người con cả Otto nối nghiệp cha năm 936.
"Sử Sachsen" của Widukind ở Corvey viết về lễ phong vua của Otto như sau:
"Bấy giờ, sau khi cha già dân-tộc Heinrich mất, vị vua lớn và tài-ba nhất trong các
vua, toàn-dân Franken và Sachsen đưa con trai Otto lên làm vua. Và họ chỉ-định dinh
Aachen làm nơi tổ-chức bầu-cử. Và khi mọi người đến đó, các quận-công và các bá-
tước cấp cao nhất đưa vua mới lên ngai đã dựng sẵn ở đó, đưa tay ra cho vua nắm rồi
cùng thề trung-thành và sẵn-sàng giúp-đỡ chống lại mọi kẻ thù. Otto được phong vua
với tục-lệ truyền-thống đó của họ. Trong khi các quận-công và các công-chức cao-
cấp hành lễ, thì linh-mục thượng-tế và giáo-đoàn cùng dân chúng chờ sẵn trong thánh
đường.
Khi vua vào, tổng-giám-mục bước tới đón, tay trái ông chạm tay phải vua. Và ông
bước tới giữa cung thánh, dừng lại rồi quay ra dân chúng đứng chung quanh và nói:
Ta mang tới cho các ngươi tân-vương Otto, kẻ được Thiên-chúa chọn và đã được
tiên-vương Heinrich chỉ-định và hôm nay được các lãnh-chúa phong vua. Nếu các
ngươi bằng-lòng việc tuyển chọn này thì hãy nắm tay trái đưa lên và hô lớn chúc-
tụng tân-vương.
Sau đó Tổng-giám-mục cùng Vua trong bộ áo choàng bó sát vào người theo phong-
tục Franken, bước chậm-rãi lên đàng sau bàn thờ, đặt lên đó các biểu-tượng quốc-
vương: Kiếm và nịt, áo choàng với cườm tay, gậy và vương-miện. Tổng-giám-mục
Hildebert tiến lên bàn thờ, nâng cao kiếm và nịt, quay mặt sang Vua và nói: ‘Hãy
nhận thanh kiếm này và dùng nó để xua-đuổi tất cả những kẻ chống lại đức Ki-tô,
những kẻ ngoại và những ki-tô hữu xấu, bởi với uy-quyền Chúa, ngài đã được trao
mọi quyền-bính của Đại-quốc Franken để tạo hoà-bình vững bền cho mọi ki-tô hữu.’
Rồi Vua được xức dầu thánh và đội lên đầu vương-miện vàng."

TRÌNH THUẬT 27

TỪ CANH-TÂN TU-VIỆN THÀNH CANH-TÂN GIÁO-HỘI

Giáo-hội đã không chìm luôn trong thế-kỉ "đen", nhưng trái lại đã kinh qua một cuộc
hồi-sinh có một không hai. Sự "sống lại" này bắt nguồn từ một tu-viện vùng
Burgogne ở Pháp: Tu-viện Cluny.

Một tu-viện không như các tu-viện khác


Vào cuối đời, quận-công miền nam nước Pháp là Guillaume đất Aquitaine muốn lập
một tu-viện. Đây là điều thông-thường các ông hoàng bà chúa thời đó vẫn làm.
Nhưng tu-viện ở Cluny của ông sẽ phải khác với các tu-viện đã có: nó phải độc-lập
với mọi thế-quyền, ngay cả với hoàng-đế, và chỉ thuần-phục một giáo-chủ mà thôi.
Guillaume xác-định trong văn-bản thành lập năm 910:
"Các tu-sĩ có quyền tự-do bầu bề-trên theo ý Chúa và luật thánh Biển-đức. Không
một thế-lực nào có thể cản-ngăn việc này. Kể từ ngày hôm nay tập-thể các tu-sĩ ở
Cluny không phải lệ-thuộc bất cứ vua chúa hay một quyền-lực trần-thế nào. Bên
Chúa, trong Chúa và trong các Thánh và dưới sự đe-doạ của ngày phán-xét cuối cùng
tôi yêu-cầu và thề rằng sẽ không để cho một quận-công, bá-tước trần-thế hoặc một
giám-mục nào đặt định một bề-trên trái với ý của các tu-sĩ."
Quận-công Guillaume tới Rô-ma để xin phép giáo-chủ lập tu-viện khác thường đó.
Cho tới lúc này, thường người làm chủ đất có ảnh-hưởng lớn trên tu-viện hay nhà thờ
xây trên đất đó. Nhưng Cluny sẽ không phải tùng-phục bất cứ ông hoàng hay tổng-
giám-mục nào cả. Ngay quận-công cũng tự khép mình không nhúng tay vào tự-do
của tu-viện. Mặc dù trực-thuộc giáo-chủ Ser-gi-ô III, người "rõ-ràng thiếu đức-hạnh"
(Stratmann), nhưng Cluny đã không bị kéo vào cái bất-cập đó. Cũng may Ser-gi-ô
mất một năm sau ngày lập tu-viện.
Thành-công lạ-lùng: từ việc canh-tân của một tu-viện dần biến thành canh-tân của cả
Giáo-hội. Tinh-thần mới của Cluny loang dần ra khắp cả nước Pháp, tới Đức, Ý,
Tây-ban-nha và Anh. Từ Hirsau canh-tân lan ra cả nước Áo với những trung-tâm
canh-tân như Salzburg, Melk, St. Paul và nhiều nơi khác. Khoảng năm 1100 có tới
1450 tu-viện canh-tân với 10.000 tu-sĩ.

Bí-mật thành-công: khổ-hạnh, thinh-lặng và phụng-vụ


Bí-mật thành-công của Cluny là việc trở lại cuộc sống khổ-hạnh. Luật biển-đức cũ
với lời khấn khiết-tịnh, nghèo-khó và vâng-lời cũng như những giờ cầu-nguyện ngày
đêm và công-việc chân tay được tuân-giữ chặt-chẽ. Bữa ăn chỉ có cá, phô-mát, rau và
bánh mì, kiêng ăn thịt.
Thinh-lặng tuyệt-đối: khi cần chỉ ra hiệu bằng tay. Petrus Damiani viết năm 1063 về
đời sống của các tu-sĩ Cluny: "Ngoại trừ trường-hợp khẩn-thiết, không ai dám qua lại
chuyện-trò trong giờ học, giờ làm và giờ kinh… Ngoài thời-gian thao-tác cần-thiết
trong ngày và giờ kinh phụng-vụ, còn lại không hơn nửa tiếng cho những gặp-gỡ và
trao-đổi cần-thiết. Họ hiếm khi nói. Trong giờ thinh-lặng ban đêm và ban ngày trong
một số phòng người ta trao-đổi với nhau bằng tay, bằng những dấu hiệu thật chọn-lọc
để không xẩy ra hiểu lầm…"
Tu-sĩ Cluny coi trọng lễ-nghi phụng-vụ, một phần vì nghi-lễ giúp họ thêm lễ-độ
trong ăn-nói và ứng-xử. Cuộc sống hàng ngày tuy nhiều thiếu-thốn và hãm mình,
nhưng họ không hà-tiện trong việc cầu kinh chung. Tinh-thần Cluny đã khiến dân
chúng siêng đi nhà thờ trở lại.
Một thành-công nữa của Cluny là ở địa-hạt luật-pháp. Thời đó, việc trả thù còn thịnh-
hành, các gia-đình quí-tộc luôn sống trong ân-oán. Để góp phần thuần-hoá phong-tục
man-dã đó, viện-phụ Odilo năm 1041 lần đầu tiên xướng lên ngày "Bình-an của
Chúa" (Treuga Dei): Ông kêu-gọi mọi người bắt đầu từ chiều tối thứ tư đến sáng sớm
thứ hai trong tuần và cả mùa-vọng, mùa chay, phục-sinh và hiện-xuống không đấu
kiếm và khước từ mọi hình-thức đánh-đấu khác.

Các viện-phụ thánh


Trong tám viện-phụ tiếp nhau lãnh-đạo Cluny trong 250 năm, có ít ra bảy vị được
phong thánh. Viện-phụ đầu tiên Berno cũng là thánh. Ngài đã cùng 12 anh em từ tu-
viện Baume sáng-lập ra Cluny.
Kế ngài là Viện-phụ Odo. Odo sinh khoảng năm 879, gốc quí-tộc, giáo-sĩ năm 19
tuổi và là thành-viên của giáo-sĩ đoàn (Kanonikus) nhà thờ thánh Martin ở Tours.
Năm 909 làm giáo-sư trường tu-viện ở Baume, sau đó theo Berno tới Cluny, rồi lên
kế vị này năm 929.
Để có chỗ ở cho số tu-sĩ ngày càng tăng, Odo cho mở rộng tu-viện và nhà nguyện.
Ngay dưới thời ngài, nhiều tu-viện Pháp xin nhập vào Cluny, và tất cả đã làm thành
một "Hội dòng" mà người đứng đầu là viện-phụ nhà mẹ Cluny. Đứng đầu mỗi nhà
con là một bề-trên (Prior).
Viện-phụ Odo đã hình thành ở Cluny một chương-trình rộng lớn giúp kẻ nghèo. Suốt
năm có 18 người nghèo được chăm-sóc đều-đặn; số người được giúp-đỡ mỗi năm
vào khoảng 17.000 người. Mỗi tuần có một tu-sĩ rảo khắp các vùng lân-cận để tìm
người nghèo hoặc tật bệnh bị bỏ rơi và báo về tu-viện.
Viện-phụ Odo được gọi về Rô-ma ba lần để cố-vấn cho giáo-chủ Lê-ô VII và Stê-
pha-nô VIII. Ngài cũng được các vua chúa nhiều lần mời làm trọng-tài phân-xử các
cuộc tranh-chấp.
Viện-phụ thứ tư của Cluny, Majolus, cũng được mệnh-danh là "Trọng-tài của các
vua". Một lần, ngài được yêu-cầu làm giáo-chủ và nghe đâu đã trả lời: "Tôi chỉ là
một viện-phụ, không đủ tư-cách để nhận một danh-dự lớn như vậy."

Viện-phụ Odilo
cũng là một nhân-vật danh-tiếng của Cluny, sinh năm 962. Vì là con của một bá-
tước, Odilo có thể trở nên viện-phụ mà không cần phải tu-luyện khổ-hạnh trong một
tu-viện nào. Nhưng Majolus đã chinh-phục được ông vào dòng, làm linh-mục và
thành viện-phụ năm 994.
Odilo nhỏ người, khoẻ mạnh, bản-tính khắc-khổ. Nghiêm với mình nhưng rộng với
người. Ngài vẫn nói: "Nếu như tôi bị chửi, thì tôi muốn bị chửi vì cái khoan-dung
hơn là vì cái nghiêm-khắc của mình."
Odilo có quan-hệ khắp nơi. Ngài giữ liên-lạc với 6 giáo-chủ, 4 hoàng-đế, 5 vua và
nhiều ông hoàng, làm cố-vấn cho hoàng-đế Heinrich II và đã làm trung-gian cho
hoàng-đế Konrad II với vua Pháp Robert II. Một người đương thời viết về ngài:
"Odilo được yêu-mến bởi vua Pháp Norbert, bởi Adelheid, mẹ của các ông hoàng
nhà Ottonen, bởi hoàng-đế Đức Heinrich và cả hai ông hoàng Konrad và Heinrich,
bởi vua Hung-gia-lợi Stephan và vua Tây-ban-nha Sancho, dù hai người sau này
chưa thấy mặt ngài. Các giáo-chủ Sil-ve-stô, Biển-đức, Gio-an và Clê-men-tô kính-
trọng ngài như người anh."
Hoàng-đế Heinrich II vì kính-trọng đã tặng ngài một số tặng-vật riêng, nhưng ngài đã
bán đấu-giá để mua đồ ăn cho người nghèo trong nạn đói năm 1028-1033. Nạn đói
lúc đó thật trầm-trọng, đến nỗi nhiều người đã phải ăn thịt người, mặc dù luật-pháp
cấm với án tử. Odilo đích-thân đi từ thành này sang thành khác, làng này qua làng
khác để quyên của ăn cho dân đói.
Odilo cũng là người đã cho "tân trang toàn-bộ Cluny, trừ các tường nhà thờ". Ngài
hãnh-diện vì đã biến tu-viện bằng gỗ thành một công-trình bằng đá.
Viện-phụ Odilo chín lần băng núi Alpes sang Rô-ma, lần cuối cùng nhân lễ đăng-
quang hoàng-đế Heinrich III. Khi từ-giã Rô-ma, cụ già 84 tuổi bị té ngựa và trọng
thương. Nhưng sau bốn tháng lại lên đường. Chuyến về đi mất sáu tuần. Rồi lại tiếp
một vòng thăm các nhà con trực-thuộc nữa. Đêm giao-thừa năm 1048 ngài nằm chết
dưới đất trong bộ đồ mùa chay.

Đỉnh cao dưới thời Hugo


Hoàng-kim của Cluny diễn ra dưới thời viện-phụ Hugo ở Semur (1024-1109). Ngài
lãnh-đạo tu-viện lúc 25 tuổi và kéo dài tất cả 60 năm. Ngài cho xây thêm một bệnh-
viện và chính mình săn-sóc bệnh-nhân trong đó, rồi mở rộng thêm tu-viện và nhà
nguyện. Cho đến khi đền thờ thánh Phê-rô ở Rô-ma được tái-thiết thì nhà nguyện
Cluny là nhà lớn nhất thế-giới lúc đó. Cả phương tây đã góp phương-tiện để xây
công-trình nguy-nga này. Nguyện đường gồm 5 gian giữa, 2 gian bên và 8 tháp.
Hugo cũng liên-lạc với tất cả vua chúa đạo đời thời đó. Một lần, giáo-chủ Lê-ô IX cử
ngài làm sứ-thần sang Hung-gia-lợi. Hoàng-đế Heinrich III muốn mời ngài làm cố-
vấn, nhưng bị từ-chối. Ngài chỉ nhận làm bố đỡ đầu cho con trai của Hoàng-đế, sau
này là hoàng-đế Heinrich IV, người đã muốn bắt Giáo-hội qui-phục trong vụ tranh-
chấp quyền-bính sau này.
Trong thế-kỉ 16 Cluny hoàn-toàn bị đời-hoá. Viện-phụ không còn là những vị thánh
nữa. Trong cuộc cách-mạng Pháp người ta lấy chuông đồng của Cluny đổ thành súng
đại-bác, đập phá các bức kính màu giá-trị trong nhà nguyện, đốt thư-viện và thư-khố,
lấy đi hoặc bán tháo các động-sản.

TRÌNH THUẬT 28 -29

TRÌNH THUẬT 28

GRÊGÔRIÔ, VỊ “GIÁO HOÀNG VĨ ĐẠI”

Năm 1076, xảy ra chuyện phải đến: cuộc xung đột công khai giữa giáo hoàng và
hoàng đế. Xung đột quả cần thiết, vì từ vai trò “che chở” thế quyền bây giờ muốn
“nắm” luôn Giáo Hội. Gánh thế quyền đã trở nên quá nặng khiến Giáo Hội phải tháo
gỡ, nếu không muốn mãi bị lệ thuộc.

Canh tân vươn tới Rôma


Tinh thần của Cluny vươn tới Rôma, khi Giám mục Giáo phận Bamberg (Đức) năm
1046 được bầu làm giáo hoàng với hiệu là Clêmentô II và tuyên bố: “Ai đút tiền để
làm phép nhà thờ, cho giáo sĩ mượn tiền hoặc phong chức linh mục vì tiền, kẻ đó sẽ
bị tuyệt thông”. Giáo hoàng này tìm cách chấm dứt không những nạn mua bán chức
tước, mà còn cả tục linh mục lập gia đình.
Giáo hoàng canh tân kế tiếp là Lêô IX, người quyết tâm nhất đem tinh thần Cluny
vào giáo triều. Cuộc chia tay đông tây năm 1054 xảy ra trong thời ngài. Cũng như
Lêô IX, các Giáo hoàng Victoriô II, Stêphanô IX và Nikôlêô II đều là những giáo
hoàng nhiệt tâm muốn đổi mới.
Định lại việc bầu giáo hoàng
Năm 1058, Nikôlêô II nhậm chức giáo hoàng. Ngài nổi tiếng về sắc chỉ bầu giáo
hoàng năm 1059, theo đó từ nay trở đi hoàng đế hay vua không còn ảnh hưởng nào
nữa trong việc bầu giáo chủ. Sắc chỉ định rõ: Trước hết 7 hồng y - giám mục (các
giám mục phụ cận Rôma) phải đồng ý với nhau về một ứng viên giáo hoàng, rồi đem
ra cho các hồng y - linh mục (linh mục của các nhà thờ chính ở Rôma) và hồng y -
phó tế bầu, trước khi hỏi ý kiến dân chúng. Hoàng đế chỉ có việc chuẩn y, chứ không
được nhúng tay vào việc bầu.

Lại cấm hôn nhân giáo sĩ, mua bán chức tước và thế quyền bổ nhiệm giáo sĩ
Hai Thượng Hội đồng Mùa Chay năm 1075 và 1076 đã có quyết nghị dứt khoát đối
với việc linh mục lập gia đình, lệ mua bán chức tước và việc thế quyền bổ nhiệm
giáo sĩ. Tục mua bán và quyền định đặt của thế quyền bị thượng hội đồng kết án là
rối đạo. Quyết định Thượng Hội đồng về khoản độc thân gặp chống đối dữ dội của
giáo sĩ, đặc biệt nơi các giáo sĩ cấp thấp. Tổng Giám mục Giáo phận Mainz (Đức)
suýt mất mạng, khi buộc giáo sĩ mình bỏ vợ lẽ. Chỉ vài chục năm sau, chuyện giáo sĩ
có vợ có đào lại trở về tình trạng đương nhiên như trước đó.
Luật độc thân giúp giáo sĩ tránh gánh nặng và bận rộn gia đình. Cấm lệ mua bán
nhằm đưa giáo sĩ về với ơn gọi và khả năng thật sự của mình. Cấm việc nhúng tay
của thế quyền sẽ giúp giáo sĩ cấp cao thoát khỏi quyền lực các lãnh chúa và tránh
việc đời hoá giai tầng này. Đó là lần đầu tiên người ta nói đến nạn này. Cụ thể:
Thượng Hội đồng quyết nghị doạ tuyệt thông những ông vua nào chiếm giữ các giáo
phận và tu viện.
Hai kẻ mạnh miệng nhất đẩy Thượng Hội đồng đi tới những quyết định trên là Hồng
y Humbert và “thầy tu Hildebrand”, người về sau trở thành Giáo hoàng Grêgôriô VII.

Vương quyền cảm thấy bị đe doạ...


Vua Đức là người sợ biện pháp cấm nhúng tay của thế quyền nhất, là vì uy quyền của
các vua nước này, kể từ thời đại đế Otto, dựa phần chính trên các quận công và bá
tước giáo sĩ, mà họ đã đưa ra thay thế các lãnh chúa đời nắm các lãnh địa trong đế
quốc. Các lãnh chúa đạo không những giúp vua chống lại những ông hoàng đời gây
rối, mà còn là nguồn tài chính và binh lính cho chính quyền trung ương. Nếu các lãnh
chúa đạo giờ phải trở về với vai trò thuần tuý tôn giáo, thì quyền lực của vua kể như
mất. Đây là chuyện sống còn, nên vua Heinrich IV phải bằng mọi giá chống.
Đàng khác, giáo quyền cũng không thể ngồi yên nhìn những lạm dụng kia huỷ hoại
dần Giáo Hội. Nay là lúc bắt buộc phải có biện pháp chấn chỉnh. Cả giáo hoàng lẫn
vua, vì thế, ở vào một tình thế lưỡng nan, sống còn cho cả hai phía. Đây không phải
là cuộc chiến tôn giáo, văn hoá hay cho quyền lợi cá nhân giữa Grêgôriô VII và con
rửa tội của ngài là Heinrich IV. Grêgôriô VII không có hậu ý phá quyền lực của
Heinrich, nên thoạt tiên muốn đối thoại để tìm một thoả hiệp. Nhưng vua Heinrich
mất kiên nhẫn...
Trước khi đi sâu vào cuộc tranh chấp, thiết tưởng cần biết qua về Grêgôriô VII, một
nhân vật uy quyền mà cũng bi thảm nhất của lịch sử nhân loại. Giáo hoàng Piô XII
gọi ngài là vị “Giáo chủ vĩ đại trong các giáo hoàng”, một “Giáo hoàng không những
vĩ đại nhất của thời Trung Cổ, nhưng của mọi thời”.
Một tu sĩ làm giáo chủ
Tu sĩ Hildebrand là người điều hành đám tang Giáo hoàng Alêxandrô II. Giữa buổi
lễ, dân Rôma hô to: “Hildebrand phải làm giám mục!” Họ muốn Hildebrand làm
giám mục Rôma, nghĩa là giáo hoàng. Ngày 21-4-1073, sau một cuộc ẩu đả, anh
“thầy tu Hildebrand” nhỏ con, xấu xí và cực kì kham khổ được dân Rôma công bố là
tân giáo hoàng, trái với luật bầu cử năm 1059 mà chính Hildebrand cũng góp phần
trong việc khai sinh. Nhưng các hồng y đã chấp thuận quyết định của dân. Hoàng đế
đứng trước một sự đã rồi. Lúc được bầu, Hildebrand, hiệu là Grêgôriô VII, vào
khoảng 50 tuổi.
Hildebrand sinh ở Toskana, từ một gia đình dân dã, nhưng mẹ ngài có bà con với
Giáo hoàng Grêgôriô VI. Được giáo dục ở Rôma, sau nhập một nhà chi nhánh của
Cluny và trở thành cố vấn cho năm đời giáo hoàng liên tiếp. Cũng như Hồng y
Humbert, Hildebrand là người say mê chương trình canh tân Cluny. Chính ngài là tác
giả của nhiều sắc lệnh canh tân của giáo triều.
Làm giáo hoàng, Hildebrand có dịp mang tư tưởng canh tân áp dụng cho toàn Giáo
Hội. Ngài thuyên chuyển giám mục không cần viện lý do. Cho điều tra những lạm
dụng và thiếu sót trong các giáo phận và tu viện. Bởi xuất thân từ dân dã, trong lúc
các giám mục Đức lại thuộc hàng quý tộc, Grêgôriô VII đã không phải rào đón trong
các biện pháp của mình. Mục tiêu của ngài rõ ràng là tốt, nhưng phương pháp hành
xử nhiều khi đã không luôn đẹp. Hình như ngài một lần đã nói: “Vô phúc cho kẻ
không dám rút kiếm ra trước cuộc chém giết”. Cũng vì bản chất thích gây gỗ của
ngài mà Thánh Petrus Damiani một lần gọi ngài là “Satan thánh” và ví tính tình ngài
“dữ như gió bấc”. Những kẻ khác cho ngài là tự kiêu, thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan
trong việc thương thảo. Nhưng ai ai cũng phải công nhận ngoài cái vỏ hung hãn đó
ngài là người rất đạo đức và khiêm nhu: làm giáo hoàng nhưng vẫn luôn mặc áo
dòng. Ngài chiến đấu là vì Giáo Hội, chứ chẳng phải cho mình. Về sau, ngài đã thổ
lộ với vua Heinrich là mình bị buộc khoác áo giáo hoàng và thích kết thúc cuộc đời
trong “đời sống hành hương” hơn.

Khổ tu chưa hẳn mang lại hoa trái


Là một thầy dòng, nhưng Grêgôriô VII không nhìn việc khổ tu với con mắt lạc quan.
Có lần thầy trách viện phụ Hugo của Cluny đã nhận một ông hoàng vào dòng. Theo
thầy, khi đã vào tu viện thì ông hoàng không còn có thể chứng tỏ “tình yêu thật” của
mình ra được nữa. Grêgôriô quý hành động vì tình yêu hơn việc ăn chay, thức đêm
và cầu nguyện, nên cực chẳng đã ngài mới để cho giáo sĩ nhập dòng. Có một giám
mục vừa lui về dòng thì bị ngài kéo ra. Nữ bá tước Mathilde đất Toskana xin phép
mãi để được vào tu mà ngài không cho. Grêgôriô VII không hẳn hoàn toàn chống lại
cuộc sống đan viện, nhưng mong muốn của ngài là: người Kitô hữu phải thể hiện
tình yêu mình ra bằng hành động.

Chương trình của ngài: Sự thống trị của Thiên chúa


Grêgôriô VII công bố chương trình của ngài trong tài liệu “Dictatus papae” (Độc tài
giáo hoàng) gồm 27 điều, trong đó có một vài điều điển hình như sau: chỉ có giáo
hoàng có quyền bổ nhiệm hoặc cất chức giám mục. Không ai được sống chung với
người đã bị giáo hoàng phạt ra khỏi Giáo Hội. Chỉ có một mình giáo hoàng có quyền
ra luật mới và lập các giáo hội mới...
Chừng nấy thôi thì tốt. Nhưng Grêgôriô VII đã đi xa hơn những yêu cầu của Cluny,
khi ngài bắt luôn thế quyền phải phục tùng thần quyền và xác định giáo hoàng là kẻ
quyền năng nhất dưới trần thế...
Nghĩa là ngài không chỉ đấu tranh cho độc lập Giáo Hội, mà còn chủ trương nắm
quyền trên mọi vua chúa trần thế. Đó là chương trình và mục tiêu của ngài. Grêgôriô
VII là người say mê đến quá khích tư tưởng “Nước Chúa” của Antịnh. Thực ra lý
luận ưu quyền giáo hoàng của Grêgôriô VII không hẳn sai, vì nếu Chúa là vua vũ trụ,
thì hoàng đế - một tín hữu - đương nhiên phải vâng phục “Người đại diện của Ngài”
ở trần gian.

TRÌNH THUẬT 29

TRANH CHẤP NĂNG QUYỀN (INVESTITUR)

Khi cơn gió canh tân Cluny thổi tới Rôma, giáo triều bừng lên sức sống mới, đặc biệt
với Giáo hoàng năng nổ Grêgôriô VII, người đã thẳng tay chống lại tục linh mục lập
gia đình, mua bán chức tước và quyền bổ nhiệm của thế quyền. Riêng điểm cuối sẽ
đụng lớn với thế quyền nước Đức - điều mà Giáo hoàng thật chẳng muốn. Vì vậy, lúc
đầu Grêgôriô VII muốn thương thảo với vua Đức để tìm ra một giải quyết ổn thoả
cho cả đôi bên. Chỉ khi Heinrich IV bất chấp và tự tay phong một linh mục lên làm
Tổng Giám mục Giáo phận Milano (Ý), lúc đó cuộc tranh chấp mới nổ ra.

Vua truất phế giáo hoàng


Khi Grêgôriô VII doạ tuyệt thông Heinrich vì chuyện Tổng Giám mục Milano, vua
Đức triệu tập đại hội Vương quốc ở Worms yêu cầu các giám mục Đức hiện diện (2
tổng giám mục và 24 giám mục) truất phế giáo hoàng. Mỗi giám mục phải ký vào
bản tuyên bố riêng, là tôi “cho Hildebrand biết, là kể từ giờ này tôi không vâng phục
và công nhận ông là giáo chủ nữa”. Vua viết cho ông “giáo hoàng giả” với lời lẽ như
sau: “Đáng đời cho sự điên rồ của ông, kẻ không coi trọng ai trong Giáo Hội cả, thay
vì tạo danh dự thì chửi, thay vì cầu lành thì lại chúc dữ họ. Chỉ cần đề cập cái nhỏ
nhặt và quan trọng nhất: ông không những không kính cẩn với những bậc đứng đầu
Giáo Hội, mà lại đối xử với họ như những tên đầy tớ, những đầy tớ không biết việc
chủ làm, ông còn đưa chân đạp lên họ. Ông chửi để được dân khen. Những người
dân mà ông bảo là chẳng hiểu gì hết, chỉ mình ông là biết tất cả... Tôi, Heinrich, nhờ
ơn Chúa làm vua, cùng với tất cả các giám mục của tôi nói cho ông hay: xuống đi,
xuống đi. Đồ muôn năm vô phúc!”
Các giám mục truất phế giáo hoàng vì họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi của mình,
nếu như lệnh của giáo hoàng được thi hành. Bởi tất cả họ đều do vua cử lên, chứ
không phải do giáo hoàng. Nhưng cung cách hành xử của các giám mục đồng thời
cũng cho thấy sự vong thân của giáo sĩ và việc cải tổ Giáo Hội cấp thiết là dường
nào.

Giáo hoàng tuyệt thông vua


Bức thư của vua tới tay Giáo hoàng ngày 24-2-1076, sau lễ khai mạc Đại hội Mùa
Chay. Khi nghe sứ giả nhà vua đọc thư, cả đại hội điên tiết, nhảy bổ vào đánh sứ giả.
Chỉ có một mình Giáo hoàng trầm tĩnh lắng nghe. Nhưng khi thấy ẩu đả, ngài lao vào
can. Hôm sau, Giáo hoàng viết trả lời vua dưới dạng một kinh nguyện. Sau phần mở
đầu cho biết mình cực chẳng đã mới nhận chức giáo hoàng, Grêgôriô VII ra vạ tuyệt
thông như sau:
“... Nhân danh Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh thần, tôi cất quyền cai quản
toàn Vương quốc Đức và Ý khỏi Heinrich, là vua và là con của hoàng đế Heinrich,
và tháo gỡ cho mọi tín hữu những lời thề đã và sẽ hứa với ông cũng như cấm không
ai được phục vụ ông...”.
Heinrich cũng tuyệt thông lại Giáo hoàng. Vạ do Giám mục Giáo phận Luettich ra,
nơi mà vua đang có mặt khi nhận được thư Giáo hoàng. Sử chép: sau khi vạ được
ban ra cho Giáo hoàng, trời đổ mưa khủng khiếp, một cú sét đánh vào nguyện đường,
nơi được trang hoàng để đón vua, và làm cho nguyện đường cháy ra tro. Giám mục
Giáo phận Luettich từ trần sau đó ít ngày.

Hậu quả kinh hoàng


Dân chúng rất đỗi hoang mang khi hay tin vua bị tuyệt thông và bị phạt “nhãn tiền”.
Heinrich IV dần dần bị cô lập. Các lãnh chúa lánh xa vua, vì sợ Giáo hoàng cũng sẽ
ra lệnh cho dân chống lại mình và cấm cử hành phụng vụ (Interdikt) trong lãnh địa
mình. Interdikt có nghĩa là mọi nhà thờ phải đóng cửa, cấm giật chuông, không còn
cử hành thánh lễ, tang lễ, hôn lễ nữa. Đó là những “vũ khí” của Giáo hoàng, mà
người ta sợ còn hơn sợ binh lính nhà vua. Một số lãnh chúa lợi dụng tình trạng khó
khăn của vua để củng cố quyền uy riêng. Năm 1076, tại đại hội Vương quốc ở
Tribur, các lãnh chúa công khai doạ vua nếu trong vòng 1 năm mà không giải được
vạ tuyệt thông thì họ sẽ bầu vua mới. Đồng thời họ mời Giáo hoàng đến Augsburg để
bàn chuyện lập vua mới. Khi Giáo hoàng đang trên đường đến Augsburg, Heinrich
IV bị các lãnh chúa giữ ở Speyer.

Canossa: cơ hội cuối cùng


Trên đường sang Đức, khi Giáo hoàng tới gần Mantua thì được tin vua Heinrich đang
tới. Ngài lùi lại trọ ở thành Canossa, dinh của nữ biên bá tước Mathilde đất Toskana.
Heinrich bí mật rời Speyer để chặn việc Giáo hoàng tới Augsburg và tìm cách xin
giải vạ. Đó là cơ hội cuối cùng, vì ông vẫn muốn tiếp tục giữ ngai vua.
Vua Heinrich IV băng qua ngọn núi Cenis để tới Ý, giữa mùa đông năm 1077, lạnh
đến nỗi sông Pô cũng đóng băng. Bà vợ Bertha và con trai 2 tuổi Konrad ông cho
cuốn ấm bằng da trâu và mang xuống thung lũng. Còn ông cứ tiếp tục bò nhiều hơn
đi trên núi tuyết. Nhiều chú ngựa quỵ ngã thê thảm trong bão tuyết.
Tới Canossa, Heinrich đi chân đất bận quần áo đền tội ngày ngày tới trước cửa thành
xin tha vạ. Giáo hoàng lúc đầu làm căng. Nhưng sau 3 ngày, ông cho mở cửa thành,
vì bị Viện phụ Hugo dòng Cluny và Bá tước Mathilde ép và nài nỉ quá. Heinrich lúc
đó thất vọng, đã tính thôi đền tội và quay về.
Vạ được giải ngày 28-1, vừa kịp lúc, bởi tới ngày 2-2 thì hết kỳ hạn 1 năm do các
lãnh chúa quy định.
Ai là kẻ thắng
Từ thời Bismarck (1815-1898, thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Đức), “chuyến đi
Canossa” được hiểu như đồng nghĩa với sự “nhục nhã của đế chế Đức”. Nhưng
không hẳn vậy. Ngay người thời đó cũng đã coi hành động của vua chẳng phải là
chuyện nhục nhã, song là một đòn thắng ngoại giao, vì ông đã giải được vạ và giữ
được ngai. Thực tế mà nói, việc giải vạ của Giáo hoàng chẳng vì “ngoại giao” gì nào
cả; nhưng vì là một linh mục, Giáo hoàng buộc phải tha cho kẻ cải hối.
Mặt khác, đó cũng là một chiến thắng của Giáo hoàng, nói đúng hơn, chiến thắng cho
giáo quyền, vì vua Đức đã không còn làm mưa làm gió trên Giáo Hội được nữa và
không thể ngăn cản được nữa những nỗ lực canh tân của Giáo hoàng.
Tuy nhiên, với chuyến đi của ông, Heinrich đã không cản được ý định lập vua mới –
giờ lại ngoài ý muốn của Giáo hoàng – của các lãnh chúa. Họ bầu Rudolf đất
Schwaben (anh rể vua) lên ngai. Heinrich IV yêu cầu Giáo hoàng tuyệt thông Rudolf,
nếu không thì ông sẽ đưa lên một giáo hoàng khác. Trước thái độ đó, Grêgôriô VII ra
vạ tuyệt thông Heinrich lần thứ hai, vào năm 1080. Heinrich IV liền truất phế
Grêgôriô VII và đưa Wibert ở Ravenna lên làm giáo hoàng đối đầu, hiệu là Clêmentô
III. Grêgôriô VII phản ứng lại bằng cách yểm trợ Rudolf và tuyệt thông Clêmentô III.
Ngày 25-10-1080, sau khi thắng quân của Giáo hoàng ở trận gần Volta, Heinrich kéo
quân về Ý chiếm Rôma năm 1084. Bấy giờ, các hồng y cũng đồng ý phế Grêgôriô
VII. Grêgôriô VII vào trốn trong luỹ Thiên thần và bị giam ở đó, cho tới khi được
lãnh tụ quân Norman là Robert Guiscard giải thoát và mang về miền nam nước Ý.
Giáo hoàng Grêgôriô VII chết trong âm thầm ở Salernô ngày 25-5-1085. Câu nói
cuối cùng của ngài: “Tôi đã yêu công lý và ghét bất công, vì thế tôi chết trong lưu
đày”.

Phân quyền
Cuộc tranh chấp quyền bính chỉ tạm kết thúc khi Giáo Hội và hoàng đế Heinrich V –
con Heinrich IV – ký “Thoả ước Worms” năm 1122, gồm các điểm sau: Giáo Hội
chọn giám mục, hoàng đế được phép dự lễ phong chức đó. Giáo Hội trao cho tân
giám mục mũ và gậy, tượng trưng cho quyền đạo, hoàng đế trao kiếm tượng trưng
cho quyền đời. Như vậy, từ nay trở đi hoàng đế hết vai trò “bảo hộ” đối với Giáo hội.
Heinrich IV sinh ngày 11-11-1050, được đưa lên ngai lúc 5 tuổi. Ông thực sự cai
quản Vương quốc lúc 15 tuổi. Uy quyền của ông đạt tới đỉnh cao sau khi Grêgôriô
VII mất. Nhưng kẻ thù mới của ông ở ngay trong gia đình ông. Thoạt tiên, ông bị con
trai đầu là Konrad chống; bị con thứ là Heinrich tống vào ngục để tiếm ngai vua.
Heinrich phải trốn, và cuối cùng bị con rể là thánh Leopold ở Áo truất chức. Heinrich
IV mất năm 56 tuổi. 5 năm dài xác ông bị bỏ mặc trong một nhà nguyện chưa làm
phép, vì khi chết ông còn đang mang vạ tuyệt thông. Chỉ sau khi bị công chúng làm
áp lực mạnh quá thì con ông, Heinrich V, mới xin giải vạ và đem chôn cất trọng thể
trong Nhà thờ Chính toà Speyer.

TRÌNH THUẬT 30 - 31

TRÌNH THUẬT 30
ÂU CHÂU CHIẾN ĐẤU VỚI QUÂN HUNG NÔ
Cuộc phong thánh đầu tiên
Thời đó, chỉ cần một uỷ ban giám mục cũng đủ để phong “thánh” cho Giám mục
Ulrich, mất năm 973 ở Augsburg (Đức). Nhưng vị giám mục kế nhiệm thứ ba sau
ngài muốn tên tuổi Ulrich được cả hoàn vũ tôn kính. Kỳ họp Hội đồng Latêran ở
Rôma năm 993, ông tới phúc trình tiểu sử và những biên bản phép lạ của cố Giám
mục. Giáo hoàng Gioan XV liền cho thảo một sắc chỉ chính thức công bố Ulrich là
thánh của Giáo hội Rôma. Đây là lần phong thánh mang tính cách “điển quy”
(canon) đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Cho tới lúc đó, mỗi giáo phận, mỗi dòng tu
đều có quyền chọn “Thánh” cho mình. Việc phong thánh cho Ulrich lần này bởi tay
Giáo hoàng đã trở thành tiền lệ, vì từ đây về sau giáo triều Rôma giành lấy quyền xét
định và phong thánh. Các điều kiện phong thánh cũng được đưa ra từ đó và càng
ngày càng chặt chẽ hơn. Nhưng phải chờ tới sau này, thời Giáo hoàng Urbanô VIII,
mới có một quy chế phong thánh rõ ràng chi tiết vào năm 1634. Bởi lệ chọn thánh
trước thời Ulrich khá tự do nên có những vị ngày nay chúng ta thấy quả không xứng.
Về tiêu chuẩn chọn lựa, người ta đã ít quan tâm tới đức hạnh, nhưng chú trọng vào
công lao của họ đối với Giáo Hội. Trường hợp Ulrich cũng vậy. Ngài được dân tôn
kính vì đã có công bảo vệ thành Augsburg chống lại quân Hung nô, có công hàn gắn
những tàn phá của quân này đối với giáo phận, và tuy là giám mục và là một lãnh
chúa, ngài đã thi hành bổn phận tốt đẹp, không để đạo đời lẫn lộn.

Về lại Augsburg
Ulrich thuộc một gia đình quý tộc miền Schwaben, học ở tu viện nổi tiếng St. Gallen,
rồi về làm nhân viên tài chính và quản trị tài sản cho bác của mình là Giám mục
Augsburg. Khi người bác mất, Giáo hoàng giao giáo phận lại cho Ulrich trông coi,
nhưng chàng thanh niên 19 tuổi ấy không nhận, mà trái lại bỏ về miền quê sống với
mẹ goá. Chỉ sau khi người kế nhiệm bác mình mất, Ulrich mới chịu nhận chức Giám
mục Augsburg.
Không những vua Heinrich I, mà cả dân chúng lẫn giáo sĩ Augsburg đều muốn
Ulrich đứng đầu giáo phận. Là giám mục - lãnh chúa nhưng Ulrich đã không để mình
trở thành một cánh tay nối dài của vua. Khi được triệu về cung giúp vua, Ulrich khá
bối rối, vì phải bỏ dở việc xây dựng giáo phận mà từ 50 năm qua năm nào cũng bị
quân Hung nô cướp phá. Nhân khi một nhà thờ mới xây trong giáo phận bị sập, ông
liền cử người cháu thay thế mình ở cung vua rồi trở về lại Augsburg.

Cầm cự được chừng nào hay chừng đó


Quân Hung nô, mà hậu duệ của họ ngày nay gọi là dân Hungari, là một rợ dân
chuyên cưỡi ngựa có nguồn gốc từ Mông Cổ. Họ từ vùng thảo nguyên nước Nga kéo
sang, cướp phá và huỷ hoại các đế quốc phía tây và đánh đuổi các dân giống Slavơ
chạy sang Pháp hoặc xuống Ý. Người ta kể, khi tới Pavia, họ giết sạch dân trong
vùng không chừa một ai. Tại St. Gallen, các tu sĩ phải tự vũ trang chống lại. Sử tu
viện ghi, Viện phụ Engilbert quấn giáp vào người và động viên tu sĩ: “Anh em ơi,
hãy cầu Chúa giúp ta đánh lũ quỷ đó cả bằng tay không, từ trước tới giờ ta chỉ đánh
chúng bằng tinh thần”. Nỗ lực của các tu sĩ ít ra đã ngăn được sự huỷ diệt toàn bộ tu
viện.
Luitpold, bá tước nước Áo, lần đầu tiên cố gắng chặn đà tiến công, nhưng đạo quân
của ông bị rợ dân đè bẹp và chính ông bị giết ở Preßburg. Về sau, vua Heinrich I,
người mở đầu dòng vua Sachsen, ra quân ở bên sông Unstrut, nhưng cũng chỉ làm
chậm đà tiến công của họ mà thôi. Chỉ tới đại đế Otto I, con của Heinrich I, mới
thắng được Hung nô ở trận Lechfeld gần Augsburg.

Trận Lechfeld
Với 3 đạo quân gồm 100.000 người, quân Hung nô tiến vào Bayern, rồi kéo tới
Augsburg. Họ mưu tính dùng Augsburg làm bàn đạp tiến hành những cuộc cướp phá
kế tiếp. Nhưng họ đã quên không nghĩ tới Ulrich, người vừa quyết định đích thân
đứng ra lãnh đạo việc bảo vệ thành. Ông cho xây tường quanh thành và mở những
cuộc rước cầu nguyện. Dân cầu nguyện ngày đêm. Khi các đợt tấn công của Hung nô
thất bại, Ulrich cho phản công. Ulrich đuổi quân Hung chạy dài về hướng đạo quân
của vua Otto đang tới. Vị giám mục 65 tuổi không đích thân lâm chiến, ông chỉ cưỡi
ngựa theo quân, tay không mang vũ khí, thân không mang áo giáp mà chỉ bận y phục
giám mục. Quân Đức chiến thắng hoàn toàn ở Lechfeld trong ngày lễ Thánh
Laurentiô (10-8-955). Giả như Ulrich không cầm cự được cho tới khi quân nhà vua
tới, thì quân Hung đã có thể sử dụng thành luỹ Augsburg để chống lại quân tiếp viện.
Sau trận Lechfeld, quân Hung không bao giờ bén mảng tới Đức nữa. Trong nửa thế
kỷ, nước Đức đã bị họ phá nát biết bao nhiêu là nhà thờ, tu viện và làng mạc. Sau 3
lần liên tiếp bại trận ở Hy Lạp, rợ Hung ngụ lại bình nguyên Hungari và trở thành
nông dân định cư. Từ một dân du mục, họ dần dần trở thành một dân tộc có văn hoá
của quốc gia Hungari ngày nay.

Người bạn của kẻ nghèo


Ulrich làm Giám mục Augsburg 50 năm. Dù là lãnh chúa, ông dồn hết tâm trí cho
chuyện giáo phận và Giáo Hội. Ông mở công đồng giáo phận đều đặn và siêng đi
thăm các giáo xứ khắp miền, một việc không phải là dễ vào thời đó. Ulrich quan tâm
đến việc huấn luyện giáo sĩ, cực lực chống lại những bất cập và mê tín. Mỗi lần giám
mục rảo bước trong giáo phận, người nghèo kéo từng đoàn đi theo, để được chia sẻ
của ăn. Để góp phần giảm bớt cảnh đói nghèo của dân, giám mục đã không ngần ngại
bán đi những tài sản của lãnh chúa và cử ra những nhân viên phụ trách việc cứu đói.
Là một lãnh chúa có thể sống sung túc trên nhung lụa, nhưng ông vẫn âm thầm sống
khó nghèo theo luật dòng. Ulrich mất năm 83 tuổi. 20 năm sau ông được dân chúng
kính như một vị thánh. Với việc phong thánh của Rôma, tên tuổi ngài tới năm 1050
đã được cả Giáo Hội hoàn vũ tôn kính.

Thánh Stêphanô, vua của Hungari


Một sự kiện tối quan trọng trong lịch sử Hungari kể từ sau trận Lechfeld là việc ông
hoàng Vajk vào đạo năm 973 và lấy tên thánh là Stêphanô. Sở dĩ có tên Stêphanô là
vì Vajk được một linh mục Đức thuộc Giáo phận Passau rửa tội, mà thánh bổn mạng
của Giáo phận Passau lại là Stêphanô. Người có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục
ông hoàng trẻ đó là Giám mục Adalbert, Giáo phận Praha (Tiệp). Giám mục đã ban
phép thêm sức và môi giới để ông hoàng lấy Gisela, chị của hoàng đế Đức Heinrich
II sau này.
Vajk là con của đại lãnh chúa Geza và vợ là Sarolt, một tín đồ Công giáo miền
Siebenbuergen. Vì hậu ý chính trị, Geza cho phép các nhà truyền giáo Passau vào
lãnh địa mình và đã cùng với con lãnh nhận phép rửa. Sau khi cha mất, Stêphanô kế
nghiệp năm 997. Vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1000, Stêphanô được xức dầu, tấn
phong vua nước Hungari. Ông là nhà lãnh đạo Hung đầu tiên mang tước “Vua tông
đồ”. Ông mở rộng biên cương sang tới bên kia sông Theiß, sông Donau và miền
Siebenbuergen.
Những điểm quan trọng nhất trong chương trình của ông là nỗ lực nâng cao lòng đạo
trong dân và đưa Giáo hội Hung nối liên lạc với Rôma chứ không liên lạc với
Konstantinôp. Cố vấn của ông là các tu sĩ Biển Đức trong phong trào cải cách Cluny.
Các vị truyền giáo tới từ Bayern, Boehmen và Ý. Stêphanô cho xây một loạt tu viện,
mà về sau trở thành những trung tâm đức tin và văn hoá Kitô. Ở Gran, ông cho xây
gần hoàng cung một nhà thờ chính toà, xây ở Veszprem một tu viện nữ, và ở Ofen
Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô. Dù rất nghiêm nhặt với những gì ngược với Kitô
giáo, ông vẫn dung dưỡng, cho tiếp tục duy trì những phong tục truyền thống nào
phù hợp với đạo. Rôma cho ông đặc quyền lập giáo phận và bổ nhiệm giám mục;
nhờ vậy đất nước ông trở thành một thành trì của Giáo Hội.
Vua Stêphanô I mất lúc 70 tuổi, sau 42 năm trị nước thành công. Mộ ông chẳng bao
lâu trở thành nơi hành hương của dân Hung. Ông không những có công lập quốc, mà
còn biến Hung trở thành một quốc gia và nhiều thế kỷ sau còn là một tiền đồn của
Tây phương chống lại những đợt tấn công của người Thổ Hồi giáo. Sau người Phần
Lan, người Hungari là dân tộc có nguồn gốc Hung nô du mục thứ hai hội nhập vào
cộng đồng Âu châu Kitô giáo.

TRÌNH THUẬT 31

CUỘC VIỄN CHINH THẬP GIÁ THỨ NHẤT

“Nôi cứu rỗi của chúng ta, quê hương của Thầy chúng ta, đất mẹ của Đạo đã bị dân
vô đạo chiếm đóng!” Giáo hoàng Urbanô II tuyên bố như thế ngày 25-11-1095 trước
cử toạ 14 tổng giám mục, 225 giám mục, 400 viện phụ và một đám đông vô số linh
mục, tu sĩ, giáo dân tề tựu ngoài trời Clermont ở Pháp. Urbanô II là người Pháp và
nguyên là Bề trên Tu viện Cluny.

Những tin tức báo động


Bài giảng của Urbanô tại Clermont đã tạo nên một phong trào dấy động cả thế giới
Kitô giáo ở Âu châu suốt gần 2 thế kỷ: Phong trào viễn chinh thập giá (thập tự
chinh). Giêrusalem bị người Hồi giáo Ảrập chiếm năm 638, rồi dân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi
giáo chiếm vào năm 1076. Dưới thời chiếm đóng của người Ảrập, khách hành hương
Đất Thánh vẫn được tự do đi lại. Nhưng với người Thổ thì khác hẳn. Âu châu nhận
được đều đặn tin tức cho hay dân hành hương bị làm khó dễ. Vì thế, Urbanô II đã
tiếp trong bài giảng ở Clermont:
“Ách bạo tàn của lũ vô đạo Hồi giáo đang đè lên Đất Thánh, nơi mà Thầy chúng ta
đã đi qua và chúng lâu nay đã đẩy tín đồ chúng ta vào vòng nô lệ. Chó má đã bước
vào làm ô uế nơi cực thánh. Dân thờ Chúa thật đang bị làm nhục... Chúng cướp con
trai khỏi tay người dân đáng ca ngợi để bắt phục vụ cho sự vô đạo bẩn thỉu, bắt chối
bỏ danh Thiên chúa hằng sống hoặc dùng miệng lưỡi thô tục để cười nhạo Ngài, và
nếu trái lời thì chúng mang ra giết như những súc vật...!

Giáo hoàng nắm trách vụ của vua


Sau khi hoàng đế Diogenes ở Byzanz bị người Thổ đánh bại và chết tức tưởi năm
1071, vị kế nhiệm là Michael VII tới kêu cứu Giáo hoàng Grêgôriô VII và hứa sẽ đưa
Giáo hội Hylạp về thống hợp lại với Rôma, nghĩa là chấm dứt phân rẽ. Grêgôriô VII
xin viện binh của vua Heinrich IV và của các ông hoàng Âu châu. Riêng Giáo hoàng
đã có sẵn 50.000 binh. Ngài cũng cho hay sẵn sàng đích thân cầm quân đi giải phóng
Đất Thánh. Nhưng lúc đó đang xảy ra cuộc xung khắc về năng quyền giữa Giáo
hoàng với Heinrich IV nên đã không có được thánh chiến. Thêm một lý do nữa cản
trở thánh chiến là thái độ bất nhất về việc thống hợp Giáo Hội của người kế vị
Michael VII.
Nay là lúc Urbanô II muốn đích thân thực hiện điều Grêgôriô VII trước đây ao ước.
Lẽ ra việc lãnh đạo thánh chiến là của các vua chúa. Nhưng vua Heinrich IV thì đang
bị vạ tuyệt thông; vua Philippe I nước Pháp thì kẹt vì hai vợ. Về mặt đạo cả hai như
vậy không đủ tư cách để lãnh đạo. Còn vua Anh thì chẳng thú vị gì với chuyện thánh
chiến cả.

“Anh chị em hãy vũ trang!”


Sau khi trình bày ngắn gọn về tình hình dân Chúa ở Đất Thánh, Urbanô đi vào nội
dung chính của bài giảng ở Clermont: “Anh chị em hãy vì Chúa vũ trang, giắt gươm
vào nịt và hãy trở nên con cái của Đấng toàn năng! Thà chết nơi trận địa còn hơn
thấy dân ta và các thánh đau khổ! Ai muốn thực thi luật Chúa, hãy bước theo Ta! Ta
muốn cứu giúp người anh em mình. Hãy ra đi và Chúa sẽ đồng hành với anh em.
Hãy quay mũi gươm mà anh em dùng giết nhau sang phía kẻ thù của đạo Chúa và
của đức tin. Bọn trộm, cướp, đốt nhà, giết người sẽ không giữ được Nước Chúa. Hãy
dùng vâng lời mà mua lấy hồng ân Chúa, để Ngài vì việc lành này mà sớm tha tội
cho anh em, những tội đã làm Ngài nổi giận”.
Thánh chiến sẽ mang tính cách một cuộc “hành hương”, mà các “khách hành
hương”, theo thông lệ, lên đường để đổi lấy ân xá cho mình, một việc làm thời đó rất
thịnh hành. Cái khác biệt duy nhất của hành hương lần này là “người hành hương”
được phép mang vũ khí. Hơn nữa, thời đó tín hữu Kitô cũng không còn coi binh
nghiệp là nghề tội lỗi nữa. Ảnh hưởng văn hoá Đức không những đã khoác cho nghề
lính bộ mặt mới mà còn đưa “Hiệp sĩ Kitô giáo” trở thành một khuôn mẫu lý tưởng.
Khi nói hãy quay mũi gươm giết nhau về phía kẻ thù, Giáo hoàng muốn các ông
hoàng Âu châu thôi kình địch chém giết nhau mà đoàn kết cùng nhau hướng về một
kẻ thù duy nhất bên ngoài.
Cuối bài giảng, Giáo hoàng ban toàn xá cho mỗi thành viên tham gia:
“Với lòng nhân từ Chúa qua sự nâng đỡ của Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ta tha
tất cả tội lỗi cho những ai cầm vũ khí chống lại bọn ngoại giáo và chịu đựng những
gian khổ cuộc hành trình, tha tất cả những hình phạt mà Giáo Hội đã ra cho anh em.
Và ai ngã gục trên chiến trường với lòng ăn năn thực sự, kẻ đó hãy vững tin là Chúa
đã tha tội cho họ và họ sẽ được hưởng hoa trái cuộc sống đời đời”.
Giáo hoàng vừa dứt lời, đám đông một lòng hô to “Chúa muốn thế! Chúa muốn thế!”
Và khi Giáo hoàng chỉ định Giám mục Giáo phận Puy làm đại diện ngài lên đường
và đặt lên vai phải vị này băng vải len có hình thập giá đỏ như là huy hiệu hành
hương, nhiều người trong đám đông cũng buột miệng xin huy hiệu đó. Chữ “viễn
chinh thập giá” (gọi tắt là thánh chiến) xuất phát từ sự kiện này.

Nông dân, bọn hiệp sĩ cầu may, bọn tội phạm...


Tiếng gọi của Giáo hoàng như một chớp lửa kích động lan dần khắp Âu châu. Thoạt
tiên, nhà ẩn tu Peter ở Amiens chỉ nghĩ đến việc kêu gọi thường dân - những kẻ chìm
đắm trong nghèo đói và tật bệnh - tham gia mà thôi. Và đám dân này đã đoàn lũ theo
ông. Nhiều nông dân theo vì hy vọng nhờ đó sẽ thoát được đời làm thuê làm mướn.
Những người khác theo, vì được hứa không phải trả lãi nợ trong thời gian đi vắng và
thân nhân ở nhà được nuôi ăn. Kẻ trộm cướp, giết người, đốt nhà ra đầu quân cho vị
tu hành chuyên cưỡi lừa rảo khắp nước này, vì họ muốn được miễn hình phạt. Đạo
quân 15.000 người của Peter kêu gọi là một đám quân ô hợp, chẳng có vũ khí mà
cũng chẳng chút huấn luyện nào cả.
Đám phiêu lưu này và bọn hiệp sĩ cầu may đã phô bày bộ mặt thật của họ, khi trên
đường qua Lothringen gần sông Rhein và ở Boehmen, họ đã thẳng tay giết nhiều
người Dothái, vì cho rằng “bọn này đã đóng đinh Chúa” và họ muốn “trả thù” lại cho
Chúa. Họ cướp bóc nhà cửa Dothái và đốt nguyện đường. Các giáo sĩ cấp cao đã cố
đưa đám quá khích này vào kỷ luật, nhưng vô hiệu. Đoàn quân ô hợp cướp bóc này
đa phần đã bị giết trên đường xuyên Hungari lợi và Bungari. Phần còn lại rơi vào tay
quân Thổ khi tới Tiểu Á. Peter ở Amiens lưu lại Konstantinôp để đợi đoàn quân của
quận công Gottfried đất Bouillon.

Gottfried đất Bouillon từ chối mũ vua


Tháng 8-1096, đoàn quân của Gottfried lên đường. Nhờ kỷ luật, đoàn quân gồm
80.000 bộ binh và 10.000 kỵ binh vượt Hungari lợi bình an để tiến vào phần đất Đế
quốc Rôma Phía Đông, chờ kết hợp với các cánh quân khác. Tổng cộng có khoảng
300.000 người tiến về Đất Thánh. Bên cạnh đó, còn vô số kẻ hầu, tu sĩ và tiện dân đi
theo.
Gottfried là một trong những khuôn mặt lãnh đạo lớn trong lịch sử thánh chiến: ngay
thẳng, đáng tin cậy, dũng cảm, đạo đức và khiêm nhường. Ông chú tâm nhiều tới kỷ
luật quân sự. Sau bao nhiêu khó khăn tưởng không vượt nổi và sém bị gấu xé xác nếu
không có người cứu kịp thời, đoàn quân của ông đã tới được Antiochia vào năm
1098. Khi tới Giêrusalem, chỉ còn lại 20.000 quân, trong khi quân đối phương giữ
thành có tới 60.000. Sau khi đóng quân nhiều tuần bên ngoài thành, ông cho lệnh tấn
công và ngày 15-7-1099 chiếm được Giêrusalem. Quân thánh chiến mở một cuộc
tắm máu. “Thây người chồng chất cao tới gối kỵ binh và tới mõm ngựa, máu chảy
như suối”, sử ghi lại như vậy. Gian khổ và thiếu thốn quá lẽ đã khiến đoàn quân trở
nên tàn bạo...
Gottfried đất Bouillon làm chủ Giêrusalem. Nhưng khi được đề nghị trao mũ vua,
ông từ chối mà rằng: Ông không muốn đội vương miện nơi Đức Kitô đã đội mũ gai.
Nhưng sau khi Gottfried mất năm 1100, em của ông, Balduin, đã nhận mũ vua không
chút nghĩ ngợi. Từ thời đó, hoàng đế nước Đức cũng được tước “Vua Giêrusalem”.
Hoàng đế nước Áo mang tước này cho đến năm 1918.
Cuộc chung sống bắt buộc với người Hồi giáo ở Đất Thánh dần dà đã làm thay đổi
suy nghĩ của Kitô hữu đối với kẻ thua cuộc. Họ không còn nhìn người Hồi giáo như
là thứ gì ghê gớm, nhưng trái lại dần coi trọng họ. Tinh thần chiến đấu nơi dân thánh
chiến vì thế mất dần. Nhiều nhóm tín hữu bắt đầu kình địch nhau. Những người kế vị
Gottfried có kẻ kết ước với người Thổ Hồi giáo, có kẻ còn đánh lại hoàng đế
Konstantinôp. Cuối cùng, cuộc sống ăn chơi đông phương đã làm biến chất người
hiệp sĩ. Đám dân lai, con cháu của dân thánh chiến sinh ra ở Syri, được mô tả là
“mềm yếu, ham hưởng thụ, thích cãi cọ và nhất là mang tâm tình chống lại Kitô
giáo” (Weiß). Thành công của cuộc thánh chiến đầu tiên cứ thế mà nhạt dần, để cuối
cùng bị người Thổ đánh bại dễ dàng. Khi người Thổ năm 1144 chiếm Edessa và năm
1187 chiếm Giêrusalem, tình hình trở lại y như

TRÌNH THUẬT 32 -33

TRÌNH THUẬT 32

THÁNH BERNARD VÀ CUỘC VIỄN CHINH THẬP GIÁ THỨ HAI

Để chống lại đà đời hoá của đan viện Cluny, năm 1098, Robert ở Molesme lập ở
rừng Citeaux (Xitô) một đan viện khác thật nhặt nhiệm; đó là nhà mẹ của các nhà
Xitô về sau. Nhà này sẽ tiếp tục công cuộc cải cách của Cluny. Robert cho rằng các
tu sĩ chỉ cần mỗi ngày ngủ vài ba tiếng với áo quần đầy đủ là được. Với ông, ngủ là
chuyện “mất giờ”, ăn uống là một “nhơ nhuốc kín đáo”; nên cho các tu sĩ của ông
không những cần kiêng thịt, mà cả kiêng ăn cá, trứng và uống sữa. Dưới con mắt của
nhà Xitô, tu sĩ Cluny chỉ còn là “mù dắt mù”, một đám giả hình và chỉ thích nhậu.

Viện phụ ở Clairvaux


Vì quá khổ, nhà Xitô dần hết người tu. Cho tới năm 1112, một hiệp sĩ trẻ 21 tuổi
cùng với “ba mươi giáo sĩ có học, đứng đắn và cũng chừng đó qúi tộc và giáo dân
quyền uy thế giới” xin nhập dòng. Anh thanh niên quý tộc trẻ kia là Bernard, sinh
năm 1090 trong thành Fontaines gần Dijon. 25 tuổi, Bernard trở thành viện phụ nhà
Clairvaux, một nhà chị em với nhà Xitô do ông lập năm 1115. Cho tới lúc chết,
Bernard đã lập được tất cả 28 nhà như thế.
Dù có kiến thức khoa học, Bernard hạn chế tu sĩ mở rộng văn hoá và nghệ thuật: nhà
thờ và phụng vụ phải thật đơn giản, không cần đẹp, không cần trang hoàng gì cả.
Bernard viết nhiều, nên được coi là “Thầy Giáo Hội [1][1]”. Nhưng sách của ông ít
giá trị thần học, mà chú trọng nhiều vào “cảm tính” và “sự thả hồn trong Chúa Kitô”
một cách thần bí.
Là nhà thần học, ông đặc biệt chống lại tư tưởng của Abaelard là người muốn đưa cái
gọi là “phương pháp hoài nghi” trong việc tìm chân lý vào thần học. Làm thế, là vì
ông sợ đức tin có thể bị triết học đẩy vào đường cùng. Ông xác quyết, đức tin phải
được nuôi dưỡng bởi Sách Thánh và giáo huấn của các Thánh phụ chứ không phải
bởi những suy tư triết học.
Giáo triều đặc biệt dị ứng với Bernard, bởi vì ông chỉ trích thẳng thừng những bất
cập, thói hám quyền và thích giàu sang của Giáo Hội thời đó. Theo Bernard, khi Giáo
hoàng ăn bận lụa là, nghênh ngang với áo mũ lông chim có dát vàng và kim cương,
ngồi trên bạch mã theo sau với lính tráng và kẻ hầu, thì ngài đâu còn là người kế vị
Thánh Phêrô nữa, mà là hậu duệ của đại đế Konstantin.

Ông vươn tay ra khắp nơi


Bernard là một trong những Kitô hữu năng động nhất thời đó. Thư từ trao đổi của
ông nhiều hơn cả của các giáo hoàng và hoàng đế cùng thời. Và có ảnh hưởng lạ lùng
trên các vị này. Ông là người lãnh đạo giáo triều dưới thời Giáo hoàng Ơgêniô III.
Sau 16 năm sống trong tu viện, ông lang thang 25 năm dài trên các nẻo đường Âu
châu, qua Pháp, Ý, Đức và Anh. Uy tín ông lớn đến nỗi người ta phải tự hỏi: “Quyền
nào mà một thầy tu tầm thường đã có thể coi sóc cả giáo hội Pháp? Hoà giải chuyện
cắn xé nhau trong các giáo phận là việc của một ông thầy tu vô danh sao?… Ông ta
vươn tay ra khắp nơi, đứng trên các giám mục, trên các công đồng quốc gia và trên
cả sứ thần (của Giáo hoàng)”. Trước bình phẩm cho rằng ông mâm nào cũng muốn
ngồi, Bernard trả lời: “Thú thật, tôi có mặt ở Công đồng Laon và Chalons. Nhưng
người ta đã gọi và lôi tôi tới. Nếu điều đó làm các bạn bực mình thì tôi cũng bực
mình không kém. Nếu Chúa không muốn, thì tôi đã chẳng tới đó!”

Thánh chiến mới tạo ra khốn khổ mới


Khi Edessa mất vào năm 1144, Âu châu tin rằng phải mở một cuộc thánh chiến mới
để cứu vãn Đất Thánh và sự nghiệp của Urbanô II. Vua Pháp Louis VII là người cổ
xuý điều này mạnh nhất. Sở dĩ ông hăng say thánh chiến, theo truyền tụng kể lại, là
vì ông được “tiên báo” sẽ làm chủ không những Konstantinôp hay Babylon mà cả
phương Đông.
Thoạt tiên, Bernard chần chờ tham gia, vì giáo hoàng chưa có quyết định ngã ngũ về
vấn đề này. Nhưng sau khi ông đánh động được Giáo hoàng Ơgêniô III - một cựu
bạn tu và là học trò của ông - (“Cha phải noi gương sốt sắng của vị mà Cha đại
diện!”), vị này đã bật đèn xanh cho ông tham gia. Bernard cũng đã lôi kéo được vua
Đức Konrad III nhảy vào qua một bài giảng ở Nhà thờ Chính toà Speyer.

“Khắp nơi toàn là bà goá, mà chồng thì vẫn còn sống”


Ngày 31-3-1146, Bernard khởi đầu các bài giảng vận động thánh chiến. Người ta kể
lại, ông xuất hiện như một “thiên thần” trước thính giả. Ai nấy đều xin cho được một
huy hiệu thập giá, đến nỗi số dự trữ mang theo chẳng đủ vào đâu. Dân vùng Rhein
thực ra không hiểu tiếng ông giảng, nhưng cũng nườm nượp theo vì hào quang toát
ra từ con người ông. Thành công của Bernard, theo một tài liệu, là “khả năng ra lệnh
siêu phàm ghê gớm” của ông. Chỗ nào không tới thuyết giảng được, ông viết thư,
gửi sang Anh, Tây Ban Nha, Ý, Boehmen, Maehren, Ba Lan, Đan Mạch.
Chẳng bao lâu Bernard quá đỗi vui mừng báo về cho Giáo hoàng: “Cha ra lệnh, con
thi hành. Uy tín của kẻ ra lệnh đã giúp sự vâng lời của con mang hoa trái tốt. Con
vừa mở miệng thì hàng hà sa số người theo. Làng mạc thị trấn trở nên vắng tanh. Cứ
bảy người đàn bà thì may ra mới gặp được một đàn ông. Đâu đâu cũng chỉ toàn là
bà goá, mà chồng thì vẫn còn sống”.
Nhưng, cũng giống như thời Peter ở Amiens, nhiều kẻ tham gia đợt này cũng toàn là
bọn tứ cố vô thân, cướp đường, phiêu lưu và tội phạm. Họ theo để tránh cảnh túng
quẩn, tránh bị tội hoặc để cầu may ở phương Đông xa xôi. Một dân thánh chiến ở
Giêrusalem đã thú nhận: “Ai (ở quê hương) nghèo, tới đây nhờ Chúa trở nên giàu.
Người chỉ có vài đồng, tới đây kiếm được vô số vàng bạc”.
Cũng có không ít người Do Thái chết oan trong cuộc lên đường lần này, vì họ không
chịu đáp ứng yêu cầu của đám hành hương đòi chi tiền cho việc thánh chiến. Đặc biệt
người Do Thái ở vùng Rhein nước Đức đã gặp nạn lớn. Các Tổng Giám mục Giáo
phận Koeln và Mainz cũng như chính Bernard đã cố gắng bảo vệ họ. Ai trong số tu sĩ
bản dòng có tư tưởng bài Do Thái đều bị Bernard đuổi về lại tu viện.

Nằm lại trên đường


Vua Konrad III dẫn đoàn thánh chiến người Đức khởi hành từ Regensburg băng
Hungari hướng về phương đông. Khi tới Tiểu Á, đoàn được hoàng đế (Đế quốc
Rôma) Phía Đông khuyên nên theo bờ biển mà đi, nhưng Konrad ra lệnh xuyên băng
qua bán đảo, là vùng khô và rất khó đi. Chẳng mấy chốc cả đoàn hết nước hết lương
thực, chơ vơ giữa sa mạc mênh mông. Vì thế, họ đã bị quân Thổ phát hiện và truy
diệt. Số sống sót theo Konrad chạy về Nixêa. Nhưng quân Thổ tiếp tục truy kích,
khiến đoàn ra đi 80.000 về đến Nixêa còn lại 7.000 người.
Vua Louis nước Pháp cũng theo đường người Đức nên cũng gặp số phận tương tự.
Kẻ theo đường bờ biển thì đa số chết vì đói khát, kiệt lực và dịch bệnh. Một tài liệu
về vua Louis ghi lại, đoàn người sống sót đã được những người Hồi giáo tốt bụng
giúp đỡ: “Người Thổ Nhĩ Kì bố thí dư dả cho những người bệnh và đói khổ. Người
Hylạp (Kitô giáo) thì bắt những ai còn khoẻ phải phục dịch và thay vì tiền công họ
nhận được roi vọt… Sống với người vô đạo (Thổ) tốt bụng xem ra an ninh hơn nên
hơn 3.000 thanh niên hành hương đã đi theo. Họ đổi đạo lấy của ăn (vào đạo Hồi),
mặc dù người Thổ chỉ hài lòng với việc phục vụ của họ và không bắt họ phải theo
đạo”.
Vây chiếm thành Askalon không xong, dân thánh chiến sống sót bỏ về lại quê hương.
Chấm dứt cuộc lên đường thứ hai. Đoàn quân ra đi gần 1 triệu, trở về còn lại khoảng
100.000 người.

Ai có lỗi?
Bernard vô cùng thất vọng về kết quả chuyến thánh chiến “của mình”: “Hình như
Chúa, vì tội lỗi chúng ta, đã quên lòng thương xót của Ngài và đã tới để phán xét thế
giới. Chúa cũng đã chẳng hề quan tâm tới danh Ngài, vì bọn ngoại đạo đã từng kêu:
Đâu là Chúa của người Kitô? Chúng ta hứa hẹn thành công, giờ nhận toàn đắng
cay”.
Trước thất bại chua cay đó, Bernard bị cáo buộc nặng nề nên tìm cách đổ lỗi cho
“Chúa phạt”. Ông cũng đổ lỗi cho các ông hoàng có mặt trong đoàn, cũng như cho sự
“cứng cổ” của chính dân thánh chiến, như dân Israel xưa khi được Môsê dẫn qua sa
mạc.
Ngày nay, ta lấy làm lạ khi thấy Bernard đổ lỗi cho người này người kia, mà đã
không kết án chính ngay việc thánh chiến. Vì Chúa đã nói trong Phúc Âm: “Hãy tra
gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Tiếc thay cũng chính vì sự hiểu lầm
câu này mà chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Bởi Bernard đã viết cho Giáo hoàng để động
viên ngài ra lệnh thánh chiến: “Chúa nói với Phêrô: Hãy tra gươm vào vỏ. Gươm
như vậy thuộc quyền Phêrô (cũng là quyền của Giáo hoàng). Con nghĩ, giờ là lúc
cần tuốt cả hai thanh gươm ra”.

TRÌNH THUẬT 33

CƠN GIẬN CỦA SALADIN

Căn nguyên cuộc viễn chinh thập giá lần thứ ba


Saladin nguyên là một chỉ huy quân sự người Kurden. Sau trận thắng ở Aicập năm
1173 và ở Damaskus, ông được suy cử lên hàng Sultan, nghĩa là thành lãnh tụ tối cao
của dân Kurden. Ông chỉ thua quân Kitô ở trận Akkon năm 1177 và sém bị Rainald ở
Montroyal, lúc đó là vua của quốc gia hành hương trên Đất Thánh, bắt. Chính
Rainald này là căn nguyên của cuộc viễn chinh thứ ba.
Năm 1181, Rainald tổ chức đánh cướp một đoàn thương nhân Hồi giáo. Đây là một
hành động thuần tuý mang tính thảo khấu. Dù vậy, Saladin vẫn ký với ông một thoả
hiệp ngưng chiến trong 4 năm. Nhưng khi Rainald cố tình xé hiệp ước, lại đánh cướp
đoàn hành hương Hồi giáo, trong đó có mẹ của Saladin, thì ông này không kiên nhẫn
được nữa, quyết định tấn công người Kitô. Ông cho giết một cách thê thảm bên bờ
suối Kischon 150 kỵ binh và mấy trăm bộ binh Kitô, chặt đầu cắm lên giáo. Ông cho
quân tiếp tục tiến về mũi Hattin và đạt được chiến thắng quyết định ở đó. Tất cả tù
binh Kitô đều bị giết. Saladin tự tay thanh toán Rainald. Các thành luỹ Kitô khác lần
lượt rơi vào tay quân hồi. Ngày 3-12-1187, Saladin chiếm Giêrusalem, chấm dứt 88
năm chủ quyền của người Kitô trên Đất Thánh.
Saladin cho rỡ thập giá vàng trên Nhà thờ Giáng Sinh xuống và - như lời đồn kể -
cho kéo lê khắp đường phố 2 ngày tròn, vừa đi vừa đánh. 200 trong tổng số 2.000
hiệp sĩ giữ thành sống sót và trốn thoát. Tuy nhiên, Saladin tỏ ra nhân đạo hơn quân
thập giá đối với kẻ thua trận. Nhiều Kitô hữu đã có thể chuộc tiền để ra khỏi thành.
Ông rất khoan nhượng với những kẻ khốn cùng.
Rainald là nguyên cớ của cuộc lên đường lần thứ ba. Vì khi Giêrusalem mất, Tây
phương lại dấy lên phong trào thánh chiến.

Barbarossa lãnh đạo


Khi Giáo hoàng Clêmentô III (đừng lẫn với Giáo hoàng đối đầu cùng tên do vua
Heinrich IV đưa lên và không được tính vào danh sách chính thức) yêu cầu các lãnh
chúa Âu châu giải phóng Giêrusalem lần thứ hai, hoàng đế nhà Staufen là Barbarossa
tuyên bố trong “Đại hội Kitô” ở Mainz năm 1188 sẵn sàng đứng ra lãnh đạo đoàn
quân, dù lúc đó ông đã 66 tuổi. Lấy kinh nghiệm những lần trước, Barbarossa ra
quân kỷ rất nghiêm, quân sĩ được chọn lựa hẳn hoi. Mấy chuyện sau này nói lên điều
đó.
Ông cất quân từ Regensburg, năm 1189, với 20.000 hiệp sĩ. Khi qua Wien, khám phá
ra có tới 500 tên trộm cướp len vào hàng ngũ, ông cho lệnh dứt ra tức khắc. Ở
Belgrad, ông cho chém cổ một hiệp sĩ miền Elsaß vì tội bạo động. Bốn sai nhân bị
chặt tay vì các tội khác.

“Tới đây không còn bút mực nào tả xiết…”


Barbarossa xuôi thuyền trên sông Donau, trong khi đoàn binh tiến theo trên bờ. Tới
Konstantinôp, Hoàng đế Đế quốc Phía Đông là Isaak Angelos cho bắt giữ đại diện
của Đức và không công nhận tước hoàng đế của Barbarossa, mà chỉ gọi ông là “Lãnh
chúa nước Đức” mà thôi. Có lời đồn, chính Isaak đã tìm cách thoả hiệp với Saladin.
Tháng 3-1190, quân Barbarossa băng qua được Hellespont, một eo biển nguy hiểm
rộng 6 cây số ngăn cách Âu Châu và Tiểu Á.
Những khó khăn lớn đầu tiên quân hành hương gặp là ở nội điạ Tiểu Á, khi việc tiếp
tế lương thực gần như bị đứt và trong vùng không tìm đâu ra của ăn của uống. Người
ta bắt đầu phải giết ngựa để ăn thịt và uống máu. Thêm vào đó là nỗi lo canh cánh bị
quân Hồi nhận diện. Quân Hồi thường xuất hiện từng nhóm nhỏ đột kích đoàn quân
đói khát. Sáu tuần liên tiếp đoàn quân không dám cởi chiến bào.
Dù vậy họ cũng đã tới được Ikonium. Lãnh tụ hồi ở đây đòi 2,5 tấn vàng (50
Zentner) mới cho qua lãnh thổ. Nhưng Barbarossa cự: “Đế quốc và hiệp sĩ thập giá
ban sự sống chúng tôi không có lệ mua đường cho vua đi bằng vàng hay bạc. Với trợ
giúp của Chúa Kitô, mà chúng tôi là hiệp sĩ của Người, chúng tôi sẽ mở đường bằng
gươm”. Và Barbarossa đã chiến thắng mở đường đi tiếp.
Tới sông Saleph, Barbarossa ngồi trên mình ngựa băng qua. Tới bên kia bờ, “ông ăn
uống”, Giám mục Giáo phận Wuerzburg, người tháp tùng Hoàng đế, ghi lại, “rồi
muốn tắm sông cho khoẻ. Nhưng vì đã hơn một tháng căng thẳng mệt mỏi, ông
không may gặp nạn và bị nước cuốn trôi”. Một sử gia khác viết: “Tới đây thì chẳng
còn bút mực nào tả xiết cảnh lo sợ và mất tinh thần của đoàn quân”.
Hoàng đế Barbarossa mất ngày 10-6-1190 vì bị nhồi máu cơ tim khi đang tắm sông
Saleph tại Tiểu Á. Khá lâu sau này, người Hồi kể: nếu như Barbarossa không chết,
thì dân Syri và Aicập đã phải nói: “Nơi đây đã một lần người Hồi giáo làm chủ”.
Xác Hoàng đế được chôn tại quê hương của Thánh Phaolô, thành Tarsus, gần đó.
Barbarossa “rõ ràng có tướng hiệp sĩ” (Hertling), nhưng ông nhạy cảm và rất tự tin.
Lần đầu tiên gặp Hadrianô IV, ông không chịu phục tùng Giáo hoàng. Phải nói mãi
ông mới chịu. Hadrianô có lần đã tính chuyện tuyệt thông ông. Nhưng với sự tham
gia thánh chiến của Barbarossa, Giáo hoàng đã làm hoà lại với ông.

Richard Loewenherz làm nhục quận công nước Áo


Sau khi Barbarossa mất, một phần đoàn quân về lại Đức. Số còn lại theo quận công
Friedrich đất Schwaben, con trai của Barbarossa, tiến về luỹ Akkon, nơi đóng quân
của vua Pháp Philippe II và vua Anh Richard Loewenherz. Hai đoàn này dùng đường
biển nên đã tới Đất Thánh trước. Khi cả con trai của Barbarossa cũng chết vì dịch
bệnh, quận công nước Áo là Leopold V lên lãnh đạo đoàn quân Đức. Cũng như các
ông hoàng khác, Leopold cho kéo cờ đỏ trắng đỏ của ông lên một tháp luỹ Akkon.
Nhưng Richard Loewenherz đã sai kéo xuống và vứt trên đường đầy bụi, và ông này
cũng không cho Leopold chia phần của cướp được. Leopold đành kéo quân về. Ông
sẽ trả thù hành động đó, bằng cách cho bắt giữ Richard tại luỹ Duernstein, khi ông
này kéo quân về ngang qua nước Áo.
Cả vua Pháp cũng ngán cái tự phụ của quân Anh nên cũng sớm rời Đất Thánh. Ngày
1-9-1192, Richard ký với lãnh tụ Saladin một thoả ước cho phép tín hữu Kitô không
vũ trang được tự do hành hương Thánh Địa trong 3 năm. Chẳng còn ai nói tới chuyện
giải phóng Giêrusalem nữa.

Thánh chiến lần bốn: bị dân Venezia (Ý) chuyển mục tiêu
Cuộc viễn chinh lần thứ tư xảy ra 15 năm sau khi Giêrusalem bị người Thổ tái chiếm.
Giáo hoàng Innôxenxô III muốn tấn công Đất Thánh qua ngã đường thuỷ. Vì thế,
đoàn viễn chinh trước đó phải chiếm Aicập để tiệt đường tiếp viện. Năm 1202, thành
Venezia đứng ra chu cấp thuyền bè cho cuộc viễn chinh. Nhưng khi đoàn đang trên
biển, quân Venezia tự động chuyển mục tiêu. Họ bất chấp ý của Giáo hoàng và
những quyết định từ trước, chuyển hướng đoàn tàu về Konstantinôp, chiếm thành và
gây ra một cuộc tắm máu. Những ngày sau đó thành bị họ cướp phá “tàn bạo như
chưa từng thấy trong lịch sử trung cổ” (F.L. Ganshof). Một nhân chứng đương thời
viết: “Ngay cả quân hồi còn khoan nhượng hơn quân Kitô”. Chẳng còn chuyện
thánh chiến nữa, vì ở đây quân Kitô quay ra đánh nhau. Giáo hoàng Innoxenxô thất
kinh khi hay sự việc. Nhưng quân Venezia đã đạt mục tiêu của họ: biến Konstantinôp
thành một “Vương quốc hoàng đế Latinh”, chiếm được độc quyền ngoại thương ở
Đông phương và mua được các căn cứ ở quần đảo Joni, Kreta và dọc theo bờ biển
phía tây hướng đông. Hành động trên càng đào sâu hố ngăn cách giữa hai Giáo hội
Latinh và Hylạp. Nhưng mặc, quân Venezia chẳng màng gì đến điều đó.

Thánh chiến trẻ em: một “hí hoạ cười ra nước mắt”
Cũng nên nhắc cuộc viễn chinh của trẻ con. Sự kiện cho thấy thánh chiến đã biến
tính thành vô nghĩa cỡ nào. Năm 1212, em chăn chiên người pháp Stephan cho hay
được “thị kiến” phải đi giải phóng Đất Thánh. Bên Đức cũng có bé Nikolaus 10 tuổi
ở Koeln cho hay mình là sứ giả của Trời. Hàng đoàn hàng lũ trẻ em nghe theo tiếng
gọi của hai cậu này. Không hiểu sao cha mẹ các em cũng thoải mái để con cái ra đi
chu toàn sứ mệnh mà người lớn đã không làm được. Khoảng 10.000 em đi về cảng
Marseille, nơi người ta hứa sẽ chở sang Đất Thánh không mất tiền. Một phần đoàn
thuyền đã bị đắm. Những trẻ sống sót bị đưa sang Alexandria (Aicập) bán làm nô lệ.
Một hình ảnh thật buồn, một “hí hoạ” cười ra nước mắt cho lịch sử thánh chiến,
nhưng “cũng dễ hiểu đối với nếp nghĩ thời đó, kèm theo sự kiện lòng hăng say thánh
chiến đã chuyển sang các thành phần xã hội và các lứa tuổi khác”, nói theo sử gia
Waas.

TRÌNH THUẬT 34 -35

TRÌNH THUẬT 34
CHẤM DỨT MỘT LẦM LẪN BI THẢM

Cuộc viễn chinh này thất bại, người ta lại nghĩ tới cuộc khác tiếp theo. Bảy năm sau
ngày thánh chiến trẻ con kết thúc thê thảm, lại có một đoàn tiến về Ai Cập và chiếm
luỹ Damiette trên cửa sông Nil. Nhưng đã không giữ Damiette được lâu, vì theo như
người ta nói, vua Friedrich II đã không tới. Ngày tấn phong vua, Friedrich hứa sẽ
tham gia đoàn quân, nhưng cuối cùng ông đã ở lại. Chỉ tới năm 1227, ông mới thực
hiện lời hứa, bởi trong lễ tấn phong hoàng đế, ông đã chấp nhận điều kiện nếu thất
hứa lần nữa thì bị tuyệt thông.

Cuộc viễn chinh lạ lùng của Friedrich II


Friedrich II chào đời năm 1194 ở Sizilien. Sau khi vua cha là Heinrich VI mất sớm
vào năm 1197, ông được dân Palermo thay nhau chăm sóc. Năm 1212, chàng thanh
niên 18 tuổi, cháu của Barbarossa, được 2 lần phong vua nước Đức, lần đầu ở Nhà
thờ Chính toà Mainz, lần sau ở Aachen. Giáo hoàng Hônôriô III đội mũ hoàng đế cho
ông năm 1220. Friedrich II đã giao tiếp nhiều với người Dothái và Hồi giáo tại
Sizilien. Ông hiểu họ nên cảm thấy khó chịu trước việc dân Pháp và Đức hăng say
thánh chiến. Ông đã rất chần chờ đáp lại tiếng gọi lên đường. Hẳn ông cũng đã biết
Kitô hữu và người Hồi có thể sống chung hoà bình với nhau được, như đã xảy ra ở
Tây Ban Nha. Sử gia Erdmann viết: “Các vua và chúa miền bắc Tây Ban Nha trong
thế kỷ 10 vẫn thường xuất hiện trong cung các đạo chủ Hồi giáo ở Cordoba, và vào
thế kỷ 11 đã có sự sống chung thân mật, có thể nói là như anh em, giữa người Kitô
và người Hồi”. Vậy thì tại sao lại không tạo được sống chung ở Đất Thánh? Ngay
đạo chủ Aicập trong lần thánh chiến đầu tiên cũng đã cho các hiệp sĩ hay: “Nếu các
anh tới Giêrusalem với gậy hành hương và túi lương thực thì các anh sẽ được đón
tiếp trong danh dự. Các anh sẽ kiếm được trong khắp phố xá ở đây đầy đủ thức ăn và
tự do. Nhưng nếu các anh nghĩ tới việc chiếm đóng thành bằng bạo lực, thì các anh
sẽ thấy sức mạnh của vua Babylon và dân nước Ba Tư”.
Năm 1227, để giữ lời hứa, Friedrich xuống thuyền ở Brindisi (Ý) với 60.000 quân.
Điều này không có nghĩa là ông nhất quyết muốn chiếm Giêrusalem bằng bạo lực.
Nhưng, khi tất cả đã sẵn sàng trên thuyền, thì xảy ra nạn dịch, khiến Hoàng đế phải
rời thuyền. Giáo hoàng Grêgôriô IX, vì nghĩ rằng ông này mượn cớ “nạn dịch” để
tìm cách thất hứa, nên ra vạ tuyệt thông. Friedrich cảm thấy nhục qua hành động này.
Sau khi khoẻ lại, để cho thấy là Giáo hoàng đã lầm, ông tiếp tục cất quân, mặc dù
theo lẽ đạo, ông không còn tư cách lãnh đạo đoàn quân nữa, vì đã bị tuyệt thông.
Friedrich II cập bến Akkon ở Đất Thánh năm 1228. Nhưng không đánh, mà thương
thuyết. Thành công lớn. Qua hiệp ước Jaffa (1229), lãnh tụ Alkamin đồng ý nhượng
cho ông trong vòng 10 năm thành Giêrusalem, Betlêhem, Nazareth và rẻo đất dọc
theo bờ biển. Sau cuộc thương thảo thành công, Friedrich vào Thánh đường Giáng
Sinh, tự tay đội lên đầu vương miện vua thành Giêrusalem. Hoàng đế lạ lùng này
không cần nhát gươm nào mà đã đạt được nhiều hơn các vua trước đây với vô số
quân binh.

Giêrusalem lại thuộc Hồi giáo


Cuộc sống chung kéo dài được 15 năm, thì lại một ông hoàng “Kitô” nữa xé hiệp ước
khiến người Hồi nổi giận. Nhưng để chắc ăn, lần này thủ lĩnh Alkamin nhờ một rợ
dân đánh dùm. Rợ này bị quân hung nô đánh đuổi. Họ phá sạch mọi thứ chướng ngại
trên đường chạy. Năm 1244, họ chiếm được Giêrusalem, giết quân Kitô trú đóng
không còn một mạng. Thành Thánh lại rơi vào tay người Hồi. Những ai sáng suốt giờ
đây đều hiểu rằng việc giải phóng Thành Thánh là chuyện không thể được, phần vì
xa cách Âu châu, phần vì trở ngại khí hậu bất thường và nhất là vì tinh thần chiến
đấu của người Hồi. Nhưng vua Pháp là Thánh Louis IX không nghĩ như vậy. Ông
tiếp tục tổ chức viễn chinh.
Khác với hoàng đế Friedrich II, Louis IX muốn đánh và chiếm thành. Ông cho hay sẽ
mang lại chiến thắng mà các vua chúa khác đã không đạt được. Và kết quả đã không
như ông nghĩ.
Sở dĩ Louis quyết tâm thánh chiến, là vì một lời thề trong cơn bệnh thập tử nhất sinh.
Mẹ ông và Tổng Giám mục Paris chống lại lời thề đó. Khi được tổng giám mục cho
hay thề trong lúc bệnh ngặt nghèo là vô giá trị, ông đã lặp lại lời thề đó sau ngày lành
bệnh.

Một người ngoan đạo


Louis hành động vì đức tin. Điều này thể hiện qua những chuẩn bị trước lúc viễn
hành. Để được thanh thả lương tâm và sạch tội ra đi, ông cho người rảo khắp nước
gom góp tất cả những phê bình chỉ trích của dân chúng muốn đạo đạt tới vua. Louis
muốn qua đó xoá sạch tội không những của mình mà cả của cha ông mình, trước khi
lên đường. Một việc làm có một không hai trong lịch sử thế giới! Vua Anh Henri III
thấy vậy, liền yêu cầu Louis xét lại đất đai mà trước đây Pháp đã chiếm của Anh.
Louis cho xét vụ việc, nhưng mẹ ông đã không tán đồng việc trả đất.

Đức tin không quý hơn tình yêu


Chuyện thánh chiến, Louis IX cũng phạm lầm lỗi như những người đi trước, khi cho
rằng đức tin là tiên quyết và tất cả mọi phương pháp bảo vệ nó đều được phép. Ngày
nay, chúng ta nghĩ khác, như Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô: “Nếu như
tôi có mọi sức mạnh đức tin và có thể dời non, mà không có tình thương, thì tôi
chẳng có gì”. Do đó mà chúng ta quả ngạc nhiên về gương Phanxicô; thánh nhân
cũng muốn trở thành hiệp sĩ, nhưng đã sớm hiểu rằng đức tin không thể quý hơn tình
thương. Ý kiến của ngài về những cuộc viễn chinh là không phải để tiêu diệt người
Hồi, nhưng là để đưa họ về với đạo mình. Năm 1219, đích thân Phanxicô sang Aicập
để giảng Kinh Thánh cho lãnh tụ nước này. Vị lãnh tụ tiếp đón và nghe Phanxicô cẩn
trọng rồi nói: “Hãy cầu Chúa để Ngài mạc khải đạo Ngài cho tôi, theo cách Ngài
thấy hay nhất”. Điều đó minh chứng rằng có thể nói chuyện đạo được với người Hồi
giáo, nếu như người ta ngay từ đầu đừng mang gươm xông vào đất họ.

Hoả ngục ở Damiette


Ngày 25-8-1248, vua Louis cho 1800 chiến thuyền nhổ neo. Chỉ 700 trên số 2800
hiệp sĩ tới được Aicập để từ đó cùng với bộ binh tiến vào Đất Thánh. Như một phép
lạ, họ chiếm được thành Damiette. Nhưng, thay vì khai triển chiến thắng này thì họ
lại đâm ra sa đoạ, hãm hiếp phụ nữ và ăn nhậu ngày đêm. Đêm đến, quân Hồi lén vào
thành cắt cổ từng loạt hiệp sĩ đang say mèm, mang về cho lãnh tụ để lãnh thưởng, cứ
mỗi đầu được thưởng một thẻ vàng. Có đêm 300 tới 400 đầu được mang về. Một số
còn lại chết vì dịch bệnh.
Khiếp đảm, quân viễn chinh xin trả thành để được rút đi, nhưng không được. Vua
cùng nhiều quân bị bắt và tra tấn. Chỉ sau khi chấp nhận giao thành và trả một triệu
thẻ vàng, Vua và những người sống sót mới được thả đi.
20 năm sau, Louis lại tổ chức thánh chiến lần cuối cùng và kết thúc cuộc đời trong
cuộc viễn hành đó. Ngài mất vì dịch bệnh ngày 25-8-1270 ở Tunis, lúc 56 tuổi. Sau
khi ngài mất, những người sống sót kéo nhau trở lại Sizilien. Tại đó, một cơn bão đã
giật đứt neo làm 18 chiến thuyền va vào nhau chìm lỉm, mang theo người, ngựa và
lương thực. Kết thúc cuộc thánh chiến cuối cùng.

Chúa “không muốn thế”


Đối với Phanxicô, tình yêu là đức tính trên hết của một Kitô hữu. Nhưng với vua
Louis và dân Đức, đức tính quý nhất của một người nam là dũng cảm trên chiến
trường. Và theo họ, cái cao cả nhất của một tín hữu là dùng dũng cảm này để bảo vệ
đức tin. Điều răn “yêu thương kẻ thù” hình như xa lạ hay không được quan tâm đối
với dân thánh chiến cho tới thời Louis. Vì vậy mà ngay từ đầu, khẩu hiệu của thánh
chiến là “Chúa muốn thế!” Một lầm lẫn bi thảm, để đến nỗi cả một vị thánh như
Louis cũng chết vì nó. Cái bi thảm không phải ở chỗ thánh chiến thất bại, nhưng ở
chỗ nó hoàn toàn sai với thần học. Cả như nếu thánh chiến thành công tốt đẹp, thì nó
cũng đã làm một chuyện bất công. Ngày nay, những ai quan niệm dùng bạo lực để
đạt tới một ý hệ nào đó, kẻ đó cũng đang rơi vào lầm lẫn của các hiệp sĩ thời xưa.

TRÌNH THUẬT 35

DÒNG HIỆP SĨ: HOA TRÁI CỦA THÁNH CHIẾN

Phong trào thánh chiến không đạt mục tiêu chính trị và tôn giáo, nhưng nó đã chặn
được bước tiến của người Thổ vào Âu châu lùi lại hàng thế kỷ và mang lại ảnh
hưởng lớn cho nền kinh tế và văn hoá Âu châu. Ngoại thương Âu châu có được một
thị trường mới, khoa học đạt được những kiến thức quý và nghệ thuật cũng được
giàu thêm. Về mặt tôn giáo, thánh chiến là cơ hội hình thành các dòng hiệp sĩ.

Hiệp sĩ, lối sống và văn hoá của họ


Ngay đầu thời trung cổ, các vua chúa đã có hiệp sĩ giúp việc để chống lại những cuộc
tấn công của người Ảrập và Hungnô. Từ vai trò “hộ vệ”, giới này từ từ tách khỏi các
thành phần xã hội khác và biến dần thành một giai tầng quý tộc cha truyền con nối
gọi là hiệp sĩ. Khi lên bảy, con trai của một hiệp sĩ vào sống trong dinh lãnh chúa để
học làm Hiệp nhi (Page) (học sống theo lối hiệp sĩ). Lên 14, làm Hiệp sinh (Knappe),
học sử dụng vũ khí qua các cuộc săn bắn và các buổi huấn luyện. Năm 21 tuổi, sau
khi ăn chay cầu nguyện, chàng Hiệp sinh được gia nhập hàng Hiệp sĩ. Trong thánh lễ
gia nhập trọng thể, anh phải thề trung thành phục vụ vua và vương quốc, bảo vệ đức
tin, bảo vệ phụ nữ goá và trẻ mồ côi, phải can đảm, chính trực, khiêm nhu và từ tốn.
Thời thánh chiến, giai tầng hiệp sĩ có tầm quan trọng đặc biệt. Hết thời viễn chinh,
khuôn mẫu lý tưởng tôn giáo của hiệp sĩ cũng chìm dần vào hậu trường. Thay vì
chiến đấu cho đức tin, giờ người ta chạy theo những phiêu lưu tình cảm. Các ngài
hiệp sĩ trở thành những công tử mê say xem hát dạo để giết thì giờ nhàn rỗi. Bên
cạnh các đề tài đạo và chính trị, chủ đề chính của những bài hát dạo thường vẫn là
tình yêu đối với một người nữ - không hiếm khi với một người đã có chồng, nên môn
giải trí này thường gây ra cảnh đổ vỡ gia đình. Lối hát tình tứ đó chứa nhiều yếu tố
gợi dục, nên đã góp phần trau chuốt những phong tục tập quán của các Vương quốc
người Đức.
Một trong những ca sĩ hát dạo nổi tiếng là Walther vùng Vogelweide (khoảng năm
1200). Môn hát dạo (Minnesang, Troubadoure) có lẽ xuất phát từ những người Tây
Ban Nha gốc Ảrập truyền qua Pháp vào Đức, bởi vì nó hoàn toàn không ăn nhập gì
với truyền thống và văn hoá đức.
Sau thời thánh chiến cũng nảy sinh một loại “Hùng ca cung đình” (hoefische Epos).
Một thí dụ điển hình của loại này là bài “Parzival” của Wolfram đất Eschenbach, một
quý tộc xứ Bayern (mất năm 1220). Parzival là một hiệp sĩ, đã kinh qua lầm lẫn và
tội lỗi để trở thành một gương sống lý tưởng và cuối cùng thành vua một xứ thánh,
biểu tượng cho sự cứu rỗi và cuộc sống đời đời, mà không ai có thể đạt tới bằng tự
sức mình.

Các dòng Hiệp sĩ


Hình thành trên Đất Thánh trong thời thánh chiến. Ngoài 3 lời khấn thanh bần, khiết
tịnh và vâng lời như tu sĩ của các dòng khác, tu sĩ của dòng có thêm lời hứa thứ tư là
bảo vệ khách hành hương. Như vậy, Dòng là nơi kết hợp đời sống tu trì và tinh thần
hiệp sĩ. Dòng Hiệp sĩ không chấp nhận nguyên tắc của Thánh Biển Đức, rằng tu sĩ
chỉ có một thứ “quân dịch tinh thần” duy nhất phải làm mà thôi, nhưng họ tâm đắc
với khẩu hiệu mới của Thánh Bernard: “Người chết cho Chúa có phúc hơn người
chết trong Chúa”.
Thành phần trong một dòng Hiệp sĩ gồm có hiệp sĩ – những người vũ trang bảo vệ
khách hành hương, linh mục để dâng lễ và tu sĩ để chăm sóc người bệnh và kẻ
thương tật.

Dòng Gioan (Johaniter), cũng gọi là Malteser


Trước thời thánh chiến, người Ý (các thương gia ở Amalfi) đã tổ chức tiếp đón ở
Giêrusalem những khách hành hương bị bỏ rơi, bệnh tật hoặc đói rét. Họ dựng gần
bên Mộ thánh một tu viện với một bệnh xá. Vì họ chọn tên thánh bảo hộ cho
nhà nguyện tu viện là Gioan nên người ta gọi họ là dòng “Gioan”. Họ cũng được gọi
là “Các thầy Y tế” vì sinh hoạt bệnh xá của họ.
Trong thời thánh chiến, dòng anh em giáo dân này được giáo triều chuẩn nhận. Khi
Đất Thánh mất, dòng chuyển về đảo Cyprus (1291), rồi Rhodos (1310) rồi về Malta
vào năm 1530, do đó dòng mới mang thêm một tên mới “Malteser”. Lãnh đạo dòng
là một đại sư (Großmeister) với tước hồng y. Từ năm 1834, dòng có cơ sở liên lạc tại
Rôma. Ngày nay dòng vẫn tiếp tục công tác bác ái. Y phục của dòng là áo choàng
đen với thập giá trắng 8 mũi nhọn.

Dòng Hiệp sĩ Đức (Deutschherren)


Trong thời gian cuộc thánh chiến thứ ba, người Đức ở Luebeck và Bremen dựng lên
trước thành Akkon một trạm xá và kết với nhau thành một Hội anh em giúp việc
bệnh xá, về sau mang tên “Dòng Hiệp sĩ Đức”, văn phòng đặt tại thành Montfort gần
Akkon. Y phục dòng là áo choàng trắng với thập giá đen.
Đất Thánh mất, dòng chuyển về Venezia và cuối cùng về Đức.
Khi Ba Lan bị dân ngoại Phổ (Pruzzi) đánh tan tành vào năm 1161 thì đất này đã là
một nước Kitô giáo. Các tu sĩ Xitô giờ bắt tay vào việc truyền đạo cho dân Phổ,
nhưng không thành. Vì vậy quận công Konrad đất Masowien chuyển giao sứ mệnh
truyền giáo sang tay dòng Hiệp sĩ Đức với thượng sư (Hochmeister) lúc đó là
Hermann đất Salza. Quận công ký thoả ước Kruswica năm 1230 cho phép dòng lập
điểm ở Ba Lan để đi tới với dân Phổ. Hoàng đế đã công nhận thoả ước này và nâng
vị thượng sư lên hàng lãnh chúa. Từ đó, công việc rao giảng tiến mạnh. 90 điểm với
tu viện hẳn hoi đã là những trung tâm chắc chắn đưa tu sĩ dòng toả ra khắp nước.
Cuối thế kỷ 15, nước “Phổ” của dòng Hiệp sĩ Đức đã có 60 thành phố lớn và trên
dưới 19.000 xã. Nhưng khi dòng tiến tới sông Riga và cắt Ba Lan khỏi biển thì dân
này chống lại; chiến tranh kéo dài nhiều năm. Năm 1457, quân Ba Lan chiếm
Marienburg, thủ phủ của dòng. Thượng sư phải chạy sang Koenigsberg và lập dinh
mới ở đó. Năm 1566, Đông Phổ trở thành một lãnh địa (Lehen) của Ba Lan. Thế kỷ
16, vị thượng sư cuối cùng là Albrecht đất Brandenburg Ansbach biến phần đất thuộc
dòng còn lại thành một quận quốc (Herzogstum) cha truyền con nối và đặt dưới
quyền bảo hộ của Ba Lan. Và ông bỏ Công giáo theo Tin lành.
Năm 1809, Napoleon giải tán dòng Hiệp sĩ ở Đức. Chỉ ở Áo, vì công lao to lớn của
dòng về phương diện lịch sử, hoàng đế Franz Joseph I đã giữ lại và cho cải tiến dòng.
Đứng đầu mỗi nhánh là một quận công với tước “Thượng sư” (Hoch und
Deutschmeister). Ngày nay, nhánh linh mục của dòng Hiệp sĩ Đức còn tồn tại ở Áo.

Dòng Hiệp sĩ Đền thờ (Tempelritter)


Được các quý tộc Pháp thành lập năm 1119. Sở dĩ mang tên này là vì dòng nằm gần
vùng Đền Thánh cũ ở Giêrusalem. Dấu chỉ khó nghèo của dòng thuở ban đầu là hai
hiệp sĩ chia nhau một con ngựa. Y phục dòng là áo choàng trắng với thập giá đỏ.
Nhờ của thừa kế và thành viên giàu có nên dòng đã trở thành một yếu tố kinh kế
quan trọng tại Pháp. Cũng vì vậy mà dòng ở đây đã gặp nạn và bị xoá tên.

Màn đầu cho những phiên án phù thuỷ sau này


Tài sản đồ sộ của dòng Đền thờ đã làm vua Pháp Philippe IV để ý. Thời cơ chiếm
đoạt đến với ông khi vị Giám mục Giáo phận Bordeaux dễ bảo được bầu làm Giáo
hoàng, Clêmentô V, vào năm 1305.
Cũng như những phiên án phù thuỷ sau này, người ta chỉ cần tố dòng tội rối đạo và
sa đoạ là đủ kết án họ. Ngày 13-10-1307, Philippe ngang nhiên cho tống ngục trên
dưới 2000 tu sĩ của dòng và tịch thu tài sản họ. Rồi áp lực Giáo hoàng ra lệnh giải tán
dòng. Dù có tới bốn phần năm nghị phụ hiện diện chống lại lệnh giải tán, công đồng
chung (thứ 15) Vienne tại Pháp (1311/1312) đã không rút lại được quyết định trên.
Các tu sĩ đã bị tra tấn để “thú nhận” có thờ một loại phiếm thần tên là Baphomet, có
phạm tội đồng tính luyến ái và là thành viên của một âm mưu sa tăng quốc tế.
Giáo hoàng hy vọng các tu sĩ chỉ phải án chung thân mà thôi nên đã khuyên họ “nhận
tội”. Đại sư Jacob đất Molay nghe lời Giáo hoàng nhận tội để mong thoát chết,
nhưng ông đã bị xử tử. 54 tu sĩ bị đốt sống trong một ngày. Tài sản dòng được Giáo
hoàng giao cho dòng Gioan, nhưng Philippe đã kịp thời đưa ra một bản chi phí toà án
kếch xù mà tổng số ngang bằng tài sản dòng. Philippe đã đạt mục tiêu trọn vẹn.
Năm sau, khi cả Giáo hoàng lẫn Vua đều chết, thì ở Paris người ta kể rằng Đại sư lúc
đang hấp hối trên giàn hoả đã mời cả hai ra trước toà phán xét của Chúa...

TRÌH THUẬT 36 -37


TRÌNH THUẬT 36

THOMAS BECKET CHẾT CHO TỰ DO CỦA GIÁO HỘI TẠI ANH

Cũng như các vua Đức trong vụ “tranh chấp năng quyền”, William (với biệt danh
“Kẻ chiếm đoạt”) ở Anh với tư cách là vua đã thu tóm các giáo phận thành thuộc địa
của mình. Con ông, William II, còn bắt các giáo phận nộp tiền mới được phong chức.
Các chức vụ trong Giáo Hội trở thành mua bán và nhiều chỗ không được bổ nhiệm.
Thánh Anselm ở Canterbury cực lực chống lại, và cuối cùng vua Henri I đã phải
chấp nhận từ bỏ quyền phong chức trong Giáo Hội. Môn đồ của thánh nhân gọi
Anselm là “người dễ thương nhất thời đó và trên khắp thế giới”. Về chuyện thánh
chiến, quan điểm của Anselm là nên đối thoại với người Hồi và cố gắng bằng mọi
cách tránh đổ máu. Là nhà thần học, ngài chủ trương làm sao cho đức tin Kitô giáo
được thẩm thấu một cách dễ hiểu, vì vậy được người đời coi như là kẻ mở đường cho
kinh viện. Nhưng lối “chứng minh có Thiên chúa” của ngài ngày nay xem ra quả có
vấn đề. Anselm mất năm 1109 khi đang làm Tổng Giám mục Canterbury.
Sau một thời gian quan hệ đạo đời tốt đẹp, năm 1154, Henri II, cha của vua Richard
Loewenherz, lên ngôi lúc 21 tuổi. Henri II chủ trương kiểm soát Giáo Hội, và ông hi
vọng rằng Thomas Becket sẽ giúp ông trong việc đó. Với Henri II, nước Anh có một
vị vua người Pháp, không nói được chút tiếng anh nào cả.

Bước đầu bạn thân


Cha mẹ Thomas Becket là thương gia từ miền Normandie (Pháp) sang định cư ở
Luân Đôn và sinh Thomas Becket ngày 21-12-1117 tại đó. Thiếu thời, Becket được
các tu sĩ Augustinô giáo dục, sau sang du học tại Paris. Khi về lại Anh, Becket gặp
Tổng Giám mục Canterbery là Theobald và được vị này chú ý. Năm 1154, Theobald
đề nghị vua Anh để Thomas Becket làm đổng lý văn phòng, người có quyền thứ hai
sau vua. Trong vị thế đó, Becket cho quyét sạch các băng trộm cướp khắp nước và
tấn công chiếm được 3 thành địch, mà cho tới lúc đó vẫn được kể là an toàn tuyệt
đối. Thomas Becket thích những buổi ăn uống và vui chơi hoang phí. Ông kết bạn
chí thân với vua. Sách tiểu sử của Thomas Becket viết rằng: “Chưa bao giờ trong
thời đại Kitô có được một đôi bạn đồng tâm đồng chí như thế”.
Tình bạn kéo dài, cho đến khi vị tổng giám mục mất và Thomas Becket được vua chỉ
định lên thay thế. Henri hy vọng, Thomas Becket trong vai trò tổng giám mục sẽ giúp
ông thực hiện ý định của mình.
Thay đổi một sớm một chiều
Sau khi nhận chức linh mục và giám mục, Thomas Becket bỗng dưng hoàn toàn thay
đổi. Ngay cả vua cũng ngạc nhiên. Thomas Becket khoác vào người áo dòng với một
nịt đền tội. Trong tư cách Tổng Giám mục Canterbury, ông trở thành viện phụ của
dòng. 4 giờ sáng dâng thánh lễ, xong dành giờ tiếp đều đặn 13 người nghèo và rửa
chân cho họ. Sau đó ngồi xử các vụ tranh chấp trong giáo phận; thì giờ còn lại dành
cho người nghèo và bệnh. Thomas Becket trở thành một nhà khổ tu và đấu tranh
không nhân nhượng cho quyền lợi Giáo Hội.
Lúc đầu, Thomas Becket không muốn chức tổng giám mục, vì ông thấy rõ hệ quả
của chỗ đứng mới này, nhất là nó sẽ gây khó khăn cho tình bạn giữa ông và vua.
Thomas lúc đó thưa với Vua: “Tôi biết, ngài sẽ yêu cầu tôi một số điều mà lương tâm
của một tổng giám mục sẽ không cho phép tôi thi hành, đặc biệt những điều liên
quan tới quyền lợi Giáo Hội”. Nhưng khi Thomas Becket xin từ chức đổng lý, vua
hiểu rằng Thomas Becket sẽ rất quan tâm tới nhiệm vụ mới trong Giáo Hội.

Mâu thuẫn với vua


Tình hình trở nên căng thẳng, khi vua muốn văn bản hoá các tập tục đang được áp
dụng trong nước và yêu cầu các giám mục ký vào văn bản đó. Thoạt tiên là mấy
điểm sau: đánh thuế giáo sĩ, linh mục phạm tội sẽ bị đưa ra xử trước toà án đời, cũng
như không có phép vua, giám mục không được rời nước, như thế có nghĩa là không
có phép vua, giám mục không được đi viếng Giáo hoàng hoặc đi hành hương. Cuối
cùng, không một tín hữu nào được phép kêu cứu giáo triều khi bị đối xử bất công.
Năm 1164, trong đại hội Vương quốc ở Clarendon, vua Henri II đưa ra trước các ông
hoàng đạo và đời bản văn 16 khoản và yêu cầu chấp nhận. Thời đó, giám mục cũng
là những ông hoàng phần đạo, nên vua nghĩ mình có quyền đòi hỏi họ chấp thuận; lại
nữa đây cũng chỉ là chuyện văn bản hoá các tập tục đương hành mà thôi, chứ không
có gì mới được thêm vào. Điều ngạc nhiên là chỉ một giám mục đã không ký:
Thomas Becket, Tổng Giám mục Canterbury.

Điềm xấu
Vì thái độ đó Thomas Becket bị mang ra xử trước toà ở Northampton với một cáo
trạng không đâu. Ông chống lại và trốn sang Pháp, tới Sens gặp Giáo hoàng
Alêxandrô III. Alêxandrô không đồng ý các điều khoản trong đại hội Clarendon,
nhưng đồng thời cho hay trong 16 điều có thể tạm chấp nhận được 7 điều, cho dù các
điều đó trái với giáo luật. Sau đó là những thương thảo khó khăn giữa vua Henri,
Giáo hoàng Alêxandrô và Thomas Becket. Các nhượng bộ của Giáo hoàng đã không
đưa tới một thoả hiệp nền tảng nào. Nhưng khi Giáo hoàng uỷ cho Thomas Becket
quyền ra vạ tuyệt thông cho vua và lệnh cấm cử hành phụng vụ cho cả nước, thì
Henri hứa rút lại các khoản Clarendon và trả lại tài sản cho Giáo Hội. Nghe thế,
Thomas Becket quyết định về lại giáo phận, sau 6 năm cách xa, dù biết rằng tương
lai nhiều chông gai. Ông viết cho vua: “Tôi trở về với lệnh cho phép của vua, có lẽ
để mà chết cho Giáo hội Anh được sống… Xin Chúa chúc lành cho ngài và con cái
ngài!”
Khi cập bờ Anh quốc, Thomas Becket được dân chúng nồng nhiệt đón rước về
Canterbury. Tuy nhiên ông biết kẻ thù sẽ không để yên và vua sẽ tìm cách biêu xấu
và triệt hạ mình. Trong bài giảng lễ Giáng Sinh năm 1170, ông xa gần nói về điều đó,
khi vừa khóc vừa cho hay ngày cứu rỗi của ông đã gần kề. Thật vậy, trước đó ông đã
nghe câu chuyện giữa Tổng Giám mục Giáo phận York với vua vào chiều tối hôm
qua. Khi Tổng Giám mục tâm sự với vua: “Bao lâu Thomas Becket còn sống thì đất
nước chưa yên và vua sẽ không thấy ngày sáng sủa”, thì vua giận đáp: “Thằng cha
được ta nuôi ăn lại giơ chân đạp lên ta”. Rồi quay sang quần thần: “Này những tên
hèn nhát ta đã nuôi và đã đạt tới danh vọng trong vương quốc ta, không tạo uy danh
cho ta thì chớ, mà còn để cho một tay linh mục mị dân làm nhục ta”. Vua trách thế
có ý gượm xem có ai sẵn sàng hành động cho mình không.
Cơn giận thực sự nổ ra khi Thomas Becket đòi các giám mục bị tuyệt thông (vì đã ký
vào văn bản Clarendon) phải thề lại trước Giáo hoàng lời hứa vâng lời, sau đó mới
được giải vạ. Những kẻ vốn ghét Thomas Becket hiểu những phát biểu tiêu cực của
vua như là một lối bật đèn xanh và họ đã thanh toán ông.

Kinh hoàng
Xảy ra ngày 29-12-1170. Bốn hiệp sĩ gốc Normandie xuất hiện đột ngột trước Toà
Tổng Giám mục Canterbury và đòi vào. Nhưng Thomas Becket cự: “Đe doạ của các
anh vô ích, ngay cả khi mọi lưỡi gươm nước Anh chỉa vào doạ cắt đầu tôi, thì chúng
cũng không làm tôi sợ mà làm trái luật Chúa công chính và hết vâng lời Giáo hoàng
là chủ chăn của tôi”.
Đám mưu sát sợ, rút đi, rồi trở lại với nhiều đồng bọn hơn. Bạn bè lúc đó đã đưa
Thomas Becket vào nhà thờ chính toà, vì họ tin rằng bọn kia không dám tiến vào
cung thánh. Khi họ định khoá chặn cửa nhà thờ thì Tổng Giám mục nói với họ:
“Chúng ta tới đây để chịu đau khổ chứ không phải để chiến đấu, và chúng ta sẽ
chiến thắng kẻ thù bằng đau khổ chứ không bằng chiến đấu”.
Nhờ cửa mở, bọn mưu sát đã vào được vào thánh đường. Ba tên trong bọn chém lên
đầu Tổng Giám mục, máu tuôn xối xả và ông gục xuống. Tên thứ tư đập nát sọ người
hấp hối. Trên đường tẩu thoát, chúng còn giết thêm một bé trai đang khóc trước vị
Tổng Giám mục bị ám sát.

Hối hận quá trễ


Hay tin Thomas Becket bị giết, vua hoảng hốt. Cả ngày ông chẳng nói với ai. Trước
mặt Giáo hoàng, ông cả quyết là không ra lệnh ám hại Tổng Giám mục, nhưng
những lời bất mãn của ông đã là nguyên nhân dẫn tới cái chết đó. Vì vậy, ông xin
Giáo hoàng chỉ cho biết phải làm gì để đền tội.
Giáo hoàng Alexandrô III cũng kinh hoàng khi hay tin, cấm khẩu suốt một tuần lễ.
Rồi ngài ra lệnh: tuyệt thông những kẻ giết người; vua không được bước vào nhà thờ
và một năm dài phải nuôi 200 hiệp sĩ đóng ở Giêrusalem, phải rút lại các điều khoản
Clarendon và trả tài sản lại cho Giáo Hội.
Vua Henri chấp nhận mọi điểm và rút lại tất cả những biện pháp đã ra cho Giáo Hội.
Điều Thomas Becket không đạt được khi còn sống, đã đạt được qua cái chết tử đạo
của ông.
Mấy anh giết mướn thoạt tiên chạy về Nordengland để tránh cơn giận dữ của dân.
Sau đó họ sang Rôma xin Giáo hoàng tha vạ. Giáo hoàng ra việc đền tội cho họ bằng
một cuộc hành hương Đất Thánh. Đã không ai trong bọn trở về từ Thánh Điạ…
TRÌNH THUẬT 37

“LẠC GIÁO” ĐE DOẠ GIÁO HỘI

Hình ảnh con thuyền giữa sóng gió ba đào quả đúng cho Giáo Hội. Hết khó khăn này
tới khó khăn khác suốt dòng lịch sử 2000 năm. Sau thánh chiến, tới một đe doạ mới:
lạc giáo.

Tín đồ Kathar
Lạc giáo quan trọng nhất thời trung cổ là phái Kathar (tiếng Hylạp Kathar có nghĩa là
“tinh khiết”). Giáo thuyết này được thương nhân và dân hành hương Đất Thánh
mang từ Đông phương về Âu châu. Đạo xuất hiện trước hết ở Koeln (Đức) năm 1143
rồi lan nhanh sang bắc Ý, nam Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Vì tín đồ đạo này có căn
cứ ở thành phố Albi, miền nam Pháp, nên họ cũng được gọi là phái Albi.
Tín đồ Albi bận áo choàng đen, dấu chỉ để tang cho thế giới tội lỗi mà họ đang sống
trong đó. Họ đội mũ Đông phương, dấu vết nói lên nguồn gốc phương Đông của đạo.
Tín đồ Albi không để râu, nhưng tóc dài chấm vai.
Khi xuất hiện lần đầu ở Âu châu, người ta ngạc nhiên về lối sống nghèo và quá khắc
kỷ của họ. Những ai vốn bực mình vì sự giàu sang của Giáo Hội đều có cảm tình với
nhóm “tín đồ tốt lành” này.

Tự cứu rỗi bằng khinh chê thế tục


Gốc xa xưa nhất của thuyết Kathar là chủ trương của Manes người Ba Tư, một lạc
thuyết cổ mà Thánh An tịnh một thời cũng đã theo. Gốc trực tiếp là chủ trương của
Bogomil, một linh mục miền quê, xướng lên từ thế kỷ 10.
Cũng như Manes, Bogomil tin vào hai Chúa, một lành một dữ, đồng hành, đồng lực,
mãi tồn và luôn chống đối nhau. Giáo lý kathar dạy rằng, thế giới này không phải do
Chúa lành, nhưng là do Chúa dữ (Satăng – “Chúa của Cựu ước”) tạo dựng. Vì vậy,
phải bằng mọi giá tẩy trừ mọi cái thuộc trần thế này ra khỏi đời sống hằng ngày. Như
vậy, con người được cứu rỗi không nhờ cuộc khổ nạn của Chúa, song bằng hành
động khinh chê thế tục. Tin như vậy thì rõ ràng không còn là Kitô giáo nữa, nhưng đã
thành một đạo mới.
Tín đồ Kathar khước từ hôn nhân, chẳng phải vì họ muốn toàn hiến cho Chúa hay vì
chủ trương “tự do luyến ái”, nhưng vì cho rằng xác thịt là phương tiện của Satăng và
tình dục là “sản phẩm của ma quỷ”. Nghĩa là đơn thuần vì quan điểm chống thế tục.
Bất hạnh lớn nhất, theo người Kathar, là phụ nữ chết lúc mang thai. Họ sợ phạm tội
đến nỗi sẵn sàng khuyên kẻ khác tự tử (Endura) để giữ mình được “tinh khiết”.
Endura bằng cách chụp gối vào mặt cho ngạt thở. Chết đói cũng là một phương thức
Endura được khuyến khích.

Mặt thật của họ


Thiện cảm ban đầu của dân chúng đối với tín đồ Kathar biến mất, khi nhìn ra căn bản
lạc đạo đàng sau lý tưởng sống nghèo của họ. Dân chúng đặc biệt nổi giận khi lãnh tụ
Kathar là Niketas (người Konstantinôp) năm 1167 trong một Công nghị Kathar nhóm
gần Toulouse công khai tuyên bố về tín điều hai Chúa và kết án Giáo hội Công giáo
là “nghịch giáo satăng”, các bí tích là “phương tiện lừa đảo của quỷ” và dẹp bỏ
thánh lễ, dẹp việc tôn kính các thánh và tôn kính thập giá. Và chuyện đó đã xảy ra
trong một thời điểm mà hàng ngàn Kitô hữu đang mong được gắn thập giá lên áo để
đi giải phóng và chết cho Đất Thánh.
Sau công nghị đó, tín hữu Kathar bỗng dưng chẳng màng gì nhiều nữa đến lý tưởng
sống khó nghèo, nhưng quay ra chú tâm xây dựng giáo thuyết và tổ chức của họ.
Một tài liệu đương thời viết về hiện tượng Kathar: “Bọn lạc giáo phân cách vợ với
chồng, cha với con trai, con dâu với mẹ chồng trong gia đình. Ngay cả các linh mục
cũng chạy theo lối sống đó. Bỏ nhà thờ thành hoang phế, từ chối rửa tội, coi thường
thánh thể, chế nhạo việc đền tội, người ta chẳng muốn tin gì nữa vào việc tạo dựng
con người và sự sống lại phần xác…”.
Ban đầu, Giáo Hội cố gắng đưa phong trào này trở lại bằng đối thoại. Nhưng sau khi
sứ thần Rôma là Peter ở Castelnau bị họ giết, Giáo hoàng Innôxenxô III ra lệnh truy
diệt giáo phái này. Cuộc thánh chiến chẳng bao lâu biến thành một cuộc đọ sức giữa
bá tước Raymond VI đất Toulouse, người ủng hộ Kathar và thủ lãnh thánh chiến là
Simon ở Montfort.
20 năm chém giết bạo tàn. Năm 1229 kết thúc với hoà ước Paris. Cả miền nam Pháp
hoang tàn. Phái Kathar bị đánh bại, nhưng không dứt hẳn. Về sau họ bị toà thẩm tra
tiếp tục thanh toán.

Toà thẩm tra


Toà thẩm tra là một điểm đen của Giáo Hội. Nó thoạt tiên có nhiệm vụ “truy tầm” tín
đồ Kathar (về sau tầm tất thảy những ai bị coi là lạc đạo) và đem họ ra xử công khai,
hầu tránh nạn trả thù của dân. Câu chuyện sau đây phần nào cho thấy nỗi căm giận
của dân đối với lạc phái và sự chần chừ trong việc sử dụng bạo lực của Giáo Hội:
Năm 1115, Giáo Hội họp để bàn về số phận của lạc giáo. Dân chúng sợ bản quyền ra
hình phạt quá nhẹ nên kéo nhau vào nhà tù lôi người lạc giáo ra đốt sống trước thành.
Thánh Bernard ở Clairvaux đã tóm tắt chính xác thái độ phải có của Giáo Hội đối với
lạc giáo: “Đức tin hoàn toàn không thể dùng vũ lực mà ép buộc được, mà nó cần
thuyết phục bằng đối thoại”.
Toà thẩm tra được quyết định thành lập trong cuộc họp hội đồng ở Toulouse năm
1229: “Các giám mục phải cử trong mỗi giáo xứ một linh mục và hai hoặc ba hoặc
nhiều hơn nữa giáo dân uy tín, nếu cần, họ phải tuyên hứa siêng năng và trung
thành lùng kiếm kẻ lạc đạo, khám xét những căn nhà khả nghi, những phòng dưới
đất, vườn tược chung quanh và các chỗ ẩn nấp khác, tất cả những nơi này đều phải
triệt phá. Nếu họ khám phá ra vài tên lạc đạo thì phải canh giữ cẩn thận để chúng
khỏi trốn và cấp tốc giao nộp cho giám mục hoặc lãnh đạo địa phương để họ trừng
phạt chúng một cách đích đáng”.
Các khoản khác của hội đồng Toulouse: “Để tránh người vô tội phải tội oan và để
không ai bị vu khống là lạc đạo, chúng tôi ra lệnh không ai được quy kết kẻ khác là
lạc đạo khi giám mục hoặc kẻ uỷ quyền của Giáo Hội chưa xác nhận họ là lạc
đạo…”.
Khi một kẻ lạc đạo: “Tự mình từ bỏ lạc giáo, người đó không được tiếp tục ở trong
căn nhà bị nghi ngờ nữa, nhưng phải tới ở trong một gia đình Công giáo hoàn toàn
không bị nghi ngờ. Người đó phải vẽ hai hình thập giá lên áo mình, một cái bên phải
và một bên trái, màu phải khác với màu áo…”. “Ai quá nghèo không thuê được
trạng sư, giáo triều, nếu cần, phải cung ứng cho họ một vị”.
Kẻ lạc đạo bị tịch thu tài sản, tống ngục, tố cáo trước công chúng và đày biệt xứ. Tài
liệu trên hoàn toàn không đá động gì tới án tử.
Án thiêu lạc giáo đầu tiên ở phương Tây do vua Peter đất Aragonien ra năm 1197.
Hoàng đế nước Đức Friedrich II (1212-1250) là người đưa án tử vào quốc luật. Luật
định, kẻ lạc đạo “với uy quyền của Ta sẽ bị kết án dàn hoả”. Ngoài ra: “Tất cả
những ai bị Giáo Hội lên án lạc đạo sẽ bị toà đời xử tử”. Cuối cùng, ta cũng đọc
được trong “Sử Sachsen”, một trong hai cuốn luật nước Đức thế kỶ 13: “Tín hữu
Kitô nào bỏ đạo hoặc làm phù thuật hoặc bỏ thuốc độc mà bị bắt tội, người đó sẽ bị
thiêu trên giàn hoả”.
Như vậy, việc xử tử giao cho toà đời. Người Kathar chối bỏ chính quyền, không chịu
thề, chống lại gia đình, chống thuế, chống quân dịch và lao dịch, nên thế quyền coi
họ là những kẻ phá hoại trật tự xã hội.

Họ chết một cái chết tự nhiên


Toà thẩm tra đã phá vỡ được những cộng đồng Albi còn lại sau cuộc thánh chiến,
nhưng không triệt tiêu được cơ chế của giáo phái này. Cơ chế này tồn tại mãi tới
1270. Nhưng từ năm 1230, tín đồ Kathar bắt đầu bỏ quá khích và dần xích lại gần
truyền thống của Giáo Hội. Lý do là nhờ các dòng khổ tu đã lấy mất những tín đồ
năng nổ nhất của họ. Qua nỗ lực truyền giáo của các dòng khổ tu, lạc giáo Kathar đã
chết dần với một cái chết tự nhiên.
Kathar thực ra là một phản ứng chống lại những bất cập của Giáo Hội. Thời đó,
chẳng còn ai lo mục vụ cho người bình dân. Dân theo Kathar đặc biệt cũng là để
chống lại cơ chế phong kiến trong Giáo Hội, một cơ chế không cho phép họ ngoi lên,
dù lúc đó họ đã trở thành thành phần quan trọng trong các địa hạt khoa học, nghệ
thuật và thương mại. Nông dân bỏ theo lạc giáo để chống lại lối sống nhung lụa, xa
hoa, vô luân rước từ Đông phương về của giới chủ nô. Vì vậy, khi Giáo Hội cố gắng
trở về đường ngay, thì lạc phái cũng từ từ mất. Lạc phái đó cũng như con bệnh bắt
Giáo Hội phải quay lại mình để tẩy trừ đi những nguyên nhân sinh ra bệnh. Sở dĩ
phái Kathar bị ngăn chặn đà phát triển và biến mất, phần lớn là nhờ công lao của hai
Thánh Phan Sinh và Đa Minh. Cả hai đã thành công làm sống lại đức tin nơi giới
bình dân.

TRÌNH THUẬT 38 -39

TRÌNH THUẬT 38

ĐAMINH THỬ CON ĐƯỜNG MỚI

Trên một chuyến du hành qua miền nam Pháp, Giám mục Diego và một thanh niên
tháp tùng vào trọ trong một lữ quán ở Toulouse, chủ quán là một tín đồ Albi. Thanh
niên đó có tên Đaminh. Đaminh đã nghe nhiều về tín đồ phái này nhưng chưa có dịp
tiếp xúc. Vì thế anh muốn nhân dịp này trực tiếp nói chuyện với họ. Sau một đêm
thức trắng chuyện trò, người chủ quán bằng lòng trở về lại với Giáo Hội. Đaminh tin
thành công này là do ơn của Chúa, nó nói lên khả năng đối thoại với người Kathar và
sự vô lí của cuộc chiến chống họ vừa nổ ra. Vấn đề là phải đối thoại trong chân thành
và khiêm tốn. Các sứ thần Giáo hoàng cũng đã thử nói chuyện với phái này nhưng
không thành, vì thái độ kiêu kì của các đại diện giáo triều.
Đa minh muốn đi theo con đường mới này: ngồi chung bàn nói chuyện với họ trong
bình đẳng và tương kính. Vì thực ra không hẳn chỉ tín đồ Kathar coi thế giới này là
của quỉ ma. Mà người “có đạo” nhiều khi cũng mang ý nghĩ đó, khi nhìn quanh thấy
toàn là tai ương, nghèo đói, cơ cực của kẻ bần hàn, khiến nhiều lúc họ không khỏi
nghi ngờ tình yêu và chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô…
Trong lúc tín hữu Kitô và kathar đang say sưa chém nhau “trước cửa”, thì anh linh
mục trẻ ngồi chuyện trò với người chủ trong lữ quán bẩn thỉu. Một thời khắc quả là
lịch sử, vì cuộc gặp gỡ này đã khiến Đaminh về sau lập một dòng riêng cho mục tiêu
hoán cải con người bằng đối thoại.

Một người Tây Ban Nha tên là Đaminh Guzman


Đa minh sinh năm 1170, con trai một gia đình khá giả tên Guzman tỉnh Caleruega
thuộc Tây Ban Nha. Sinh quán của anh không xa Toà Giám mục Osma. Anh học ở
trường Nhà thờ Chính toà tỉnh Palencia. Khi nạn đói xảy đến trong tỉnh, anh bán hết
sách quí để giúp người. Câu nói đầu tiên của anh được truyền tụng là vào thời này:
“Làm sao mình có thể ngồi học về những cái vòng răng cưa chết tiệt này trong lúc
ngoài đường đồng loại mình đang chết đói?”
25 tuổi, Đaminh vào tu hội Nhà thờ Chính toà Osma và năm 1201 trở thành bề trên
tu hội. Tám năm sau, anh lên đường với bạn là Giám mục Diego về Rôma, để xin
phép giáo quyền sang truyền giáo vùng đất bên kia biển. Nhưng Giáo hoàng
Innôxenxô III phái cả hai sang miền nam Pháp để cải hoán nhóm Albi. Nhờ vậy, mới
có đêm chuyện trò trên.

Mong ước của anh: điền khuyết những thiếu sót


Giám mục Diego và Đaminh rảo khắp vùng lạc giáo như hai kẻ giảng nghèo hèn tới
chuyện trò với từng người. Khi người Albi muốn lập cho con gái họ một trường học
riêng, Diego và Đaminh cũng lập một trường học cho các em gái Công giáo ở
Prouille gần Toulouse. Không lâu sau đó, Giám mục Diego về lại sinh quán để tìm
phương tiện rao giảng và mất tại đó, Đaminh một mình tiếp tục công việc.
Đa minh lập ngay cạnh ngôi trường nữ một trung tâm huấn luyện kẻ giảng. Về sau,
anh biến trường nữ thành tu viện, trong đó các nữ tu Đaminh dạy thanh thiếu nữ học.
Đây là “Dòng hai” Đaminh đầu tiên.
Các anh em trẻ theo Đaminh toả ra giảng cho người lạc, dạy đám bình dân học, làm
chuyện mục vụ: Những công tác này ngày nay kể là bình thường, nhưng thời đó có ai
nghĩ ra, hơn nữa lúc đó linh mục triều còn hiếm, còn tu sĩ dòng thì có những bổn
phận khác. Các linh mục đa minh đã lấp đầy khoảng trống. Vì bị giáo quyền bỏ quên
nên tầng lớp bình dân đã thành mồi ngon cho phái Kathar.
Để có thể giảng hữu hiệu cho anh chị em lạc giáo, kẻ giảng phải được huấn luyện kĩ
về thần học. Đaminh vì vậy là người lập dòng đầu tiên có chương trình huấn luyện có
hệ thống cho tu sĩ mình. Vì với anh em Kathar, đâu phải chỉ dăm câu đạo đức là có
thể lôi cuốn được họ.

Một dòng ăn xin lan rộng đất Âu


Đa minh không muốn dòng bị gò bó trong luật lệ. Nhưng Giáo hoàng không chịu,
buộc ông phải chọn một trong những luật dòng đã có, như điều công đồng Lateran IV
đã đề ra.
Đaminh chọn luật Antịnh. Dòng được Giáo hoàng Hônôriô III chuẩn ngày 22-12-
1216 và đặt tên là “Dòng anh em thuyết giảng” (O.P. = Orden der Predigerbrueder).
Qui chế ăn xin của dòng được công nghị dòng đầu tiên ở Bologna quyết định năm
1220. Đaminh thừa hiểu, muốn thành công nơi anh em Albi, tu sĩ mình phải sống
thanh bần, vì chính họ cũng dị ứng với sự giàu sang và phong kiến của Giáo Hội. Tu
sĩ Đaminh không được có gì hơn ngoài tu viện, Giáo Hội và mảnh vườn. Phương tiện
sinh sống là đi xin ăn. Y phục dòng là bộ đồ trắng với áo choàng hành hương màu
đen. Tu viện Đaminh đầu tiên ở Đức được Hyazinthus, người Ba Lan sống đồng thời
với Đaminh, lập năm 1217 ở Friesach miền Kaernten. Dòng lập ở Hungari năm
1219, ở Anh và vùng bắc Âu năm 1221, ở Ba Lan năm 1222.
Khi Đaminh mất ở Bologna vào năm 1221, thì Jordan ở Sachsen đang làm bề trên.
Jordan đặc biệt kêu gọi các sinh viên đại học Paris, Bologna, Padua, Vercelli và
Oxford vào dòng. Dưới thời ông, dòng phát triển tới tận Giêrusalem. Cuối thế kỉ 13,
mỗi thành phố lớn ở Đức đều có một tu viện Đaminh. Năm 1277, dòng có 12 Tỉnh
dòng gồm 404 nhà (Konvent) nam và 58 nhà nữ.
Dòng Đaminh bất lực trước phong trào cải cách ở Âu châu. Nhiều tu viện thời đó
phải đóng cửa. Khi các miền đất mới được khám phá, dòng lại bùng lên với những
cuộc truyền giáo ở Ấn Độ, Nam Mỹ và Đông Á. Cơn lốc ánh sáng thế kỉ 18 đã cuốn
mất 1/3 tu sĩ và cuộc cách mạng pháp cũng gây tổn thất nặng nề cho dòng. Bước vào
thế kỉ 19 dòng lại một lần nữa bừng sống lên lại.
Tính cho tới cuối thập niên 1970, dòng đã cung cấp cho Giáo Hội 4 giáo hoàng:
Innôxenxô V, Bênêđictô XI, Piô V và Bênêđictô XIII, 69 hồng y, vài trăm giám mục
hoặc nhà thần học có tiếng, 14 hiển thánh và 224 á thánh, trong đó có 145 vị tử đạo.
Đaminh được phong thánh năm 1234.
Dựa theo truyền thống các dòng Hiệp sĩ, dòng Đaminh tuyên hứa vâng lời trước vị
tổng quyền, sẵn sàng được sai đi bất cứ nơi đâu. Cái mới của dòng là không buộc làm
việc chân tay, để các linh mục có toàn giờ cho việc giảng và mục vụ. Lại nữa dòng
không buộc tu sĩ phải gắn bó lâu dài với một tu viện nhất định, không như Thánh
Biển Đức trước đây đã buộc các tu sĩ mình.

Biết cách giúp mình


Dòng “thuyết giảng” lập ra để giảng, vì đó là nhu cầu duy nhất của dân chúng thời
đó, mà hầu hết không đọc được sách và không được đi học. Đaminh, qua những kẻ
giảng của mình, đã giúp dân biết nhiều hơn chuyện đạo. Nhờ biết cách, các nhà giảng
thuyết đã giúp đám đông nghe hiểu được lời mình. Câu chuyện đương thời sau đây
ghi lại buổi giảng của Berthold ở Regensburg cho thấy điều đó: “… một đám đông
vô số đàn ông đàn bà theo ngài, có lẽ tới 70.000 đến 100.000 người, hoặc có khi dân
hàng đàn hàng lũ từ nhiều tỉnh kéo tới. Berthold leo lên một chòi bằng gỗ giữa trời
để giảng, trên cái chòi như tháp chuông đó người ta cắm một lá cờ. Nhờ cờ, dân biết
chiều gió mà chuyển hướng để nghe được tiếng ngài. Quả tuyệt! Người gần cũng
như người xa, ai nấy đều nghe rõ, không ai đứng dậy bỏ đi trước khi bài giảng chấm
dứt…”.
Vả nên nhớ, lời lẽ của Berthold không phải dễ nghe, bởi ông là một kẻ giảng tu đức
rất nghiêm nhặt.

TRÌNH THUẬT 39

PHONG TRÀO KHÓ NGHÈO MỚI LÀM NẢY SINH GIÁO PHÁI MỚI

Các giáo phái thời trung cổ thoạt tiên là những phản kháng của giáo dân chống lại
một Giáo Hội đang trên đỉnh cao quyền lực. Giáo hoàng Innôxenxô III thời đó quả là
một ông vua trên các vua trần thế. Giáo Hội không những quyền uy mà giàu sang
nữa, xa cách hoàn toàn với đám dân thường. Vì thế mà đòi hỏi đầu tiên của các giáo
phái là Giáo Hội phải trở lại cái nghèo của Giáo Hội ban đầu. Ai dám mạnh miệng hô
lên điều đó, tức thì dân chúng đoàn lũ theo ngay. Cũng thành công như phái Kathar,
Giáo phái Valdès đã từ Lyon nước Pháp lan nhanh ra Tây Ban Nha, bắc Ý, Flandres
và Đức. Phái này cũng chóng trở thành một phong trào quần chúng mạnh như chưa
từng thấy. Có lẽ một phần cũng nhờ sự thay đổi tương quan xã hội thời đó. Trong thế
kỉ 13, dân số Âu châu lần đầu tiên vượt mức 30 triệu. Trước thế kỉ 12, chỉ có Ý là có
thành phố, giờ ở Đức và Pháp cũng xuất hiện vài cái. Sự xuất hiện thành phố đẩy lùi
dần tương quan phong kiến và tạo nên một văn hoá thị dân mới. Ông hoàng bây giờ
không còn làm việc với chư hầu, nhưng là với “dân”. Lần đầu tiên mở ra một thứ
“đấu tranh giai cấp” (Hertling), trong đó không thiếu các phong trào “xã hội chủ
nghĩa” núp dưới áo giáo phái. Lãnh tụ của các phái này không phải là những nhà thần
học. Vadès là một thí dụ.

Pierre Valdès rải tiền ra đường


Pierre Valdès là một nhà buôn vải ở Lyon, làm giàu nhờ những vụ làm ăn bất chính.
Có hai giai thoại về sự “trở lại” của ông. Một thuyết cho rằng ông quay ra sống khó
nghèo sau cái chết bất đắc kì tử của một người thân. Thuyết kia nói ông trở lại vì
gương thánh Alêxù. Truyền thuyết cho hay Alêxù bỏ vợ ra đi trong đêm tân hôn, sau
đó kín đáo trở về sống như một anh ăn mày ngay trong gia đình mà không ai biết.
Valdès cũng quyết định nhượng lại nhà cửa cho vợ và ra đi trong năm đói 1176, sau
khi gửi hai con gái vào dòng nữ Biển Đức và thanh toán bồi hoàn xong mọi khoản nợ
nần rồi đổ hết tiền bạc còn lại ra đường phố Lyon. Đối với ông, khó nghèo không
phải là một hồng ân cho người được Chúa chọn, nhưng là bổn phận của mọi tín hữu.
Bà Valdès đưa vụ việc ra trước tổng giám mục. Bạn bè thương buôn đều cho hành
động của ông là khùng. Nhưng mặc. Valdès lang thang mang bị gậy đi ăn xin khắp
phố Lyon và khắp nước. Ông dùng bản Sách Thánh đã được hai linh mục dịch ra
tiếng địa phương giảng cho dân.
Chẳng bao lâu nhiều người theo ông, cùng rảo đi đây đó giảng về sự ăn năn hối cải.
Trong đám người theo, bên cạnh bọn cho vay lãi cắt cổ, cũng có những quí tộc và thị
dân lỡ thời. Họ theo để hi vọng kiếm sống qua ngày. Lối giảng dạy của họ đầy rẫy
thiếu sót và sai lạc. Cũng vì thế, Công đồng Lateran IV năm 1215 quyết định giáo
dân không được giữ Sách Thánh Tân và Cựu ước, mà chỉ được quyền có “sách
Thánh vịnh” và sách kinh, “và các sách này không được dịch ra tiếng địa phương”.
Việc giảng Sách Thánh của những người theo Valdès tạo ra một vấn nạn khó xử. Một
đàng, giáo dân càng ngày càng đòi hỏi được đọc và tìm hiểu Sách Thánh. Đàng khác,
lại phải cấm, bởi nguy cơ nảy sinh lạc phái vì hiểu sai Sách Thánh cũng tăng. Ban
đầu, Pierre Valdès cũng chỉ mong được hiểu Sách Thánh thêm hơn những gì phụng
vụ cung cấp. Rồi ông muốn quảng bá cái hiểu đó ra cho mọi người. Nhưng hậu quả
là thêm một giáo phái nảy sinh, càng ngày càng lìa xa Giáo hội Công giáo.
Một linh mục Đaminh ở Krems để lại sau đây bản tường trình về phái Valdès trong
thế kỉ 13, trong đó ông chỉ ra những sai trái của phái này:
“Họ dịch Tân và Cựu ước ra tiếng địa phương rồi dạy dân học theo đó. Tôi thấy một
nông dân thường nuốt từng chữ Tin Mừng và nhiều người khác nắm vững làu làu cả
Tân ước.
Sai lầm đầu tiên của họ là xem Giáo hội Rôma không phải là Giáo hội của Chúa
Kitô, nhưng là của kẻ xấu và Giáo Hội đó đã biến chất kể từ thời Sylvestiô (I) (314-
335) vì đã để cho nọc độc thời đại tràn vào. Họ nói rằng trong Giáo hội đầy thói hư
tật xấu, tội lỗi và họ khẳng định Giáo hoàng là đầu mối mọi sai lầm, rằng Giáo
hoàng và tất cả các giám mục là những tay giết người vì chủ trương chiến tranh,
rằng không được quyên tiền nhà thờ vì Giáo Hội ban đầu không có lệ này, rằng giáo
sĩ không được quyền giữ của cải. Các tước trọng như Giáo hoàng, giám mục... phải
dẹp bỏ. Họ cũng chối bỏ các bí tích. Họ bảo, một linh mục mang trọng tội không
được dâng lễ, rằng một giáo dân nam đạo đức, hay nữ cũng được, cũng có quyền
làm lễ, nếu họ thông hiểu Lời Chúa. Rằng tay một linh mục bất xứng không được
cầm, nhưng tay một giáo dân xứng đáng có thể cầm nâng Mình Thánh và thánh lễ có
thể dâng trên một chiếc bàn bình thường. Họ cho bí tích truyền chức là vô hiệu, vì
mọi giáo dân đạo hạnh đều là một linh mục, như các Tông đồ xưa cũng là giáo dân.
Tất cả những tục lệ trong Giáo hội mà không có nền tảng trong Phúc âm đều phải
bỏ. Họ quả quyết tất cả mọi tội đều là tội trọng và không tội nào được tha hết”.
Ngày nay, đây đó thỉnh thoảng vẫn có ý kiến bảo rằng Giáo hội Công giáo dưới thời
một vài Giáo hoàng nào đó không còn là Giáo Hội “thật”; chuyện này như vậy không
lạ lùng gì. Cái vô lý của phái Valdès là ở chỗ họ cho mọi tội đều là trọng tội và linh
mục mang tội trọng không được dâng lễ. Mà con người, ai là kẻ không có tội! Như
vậy vô hình chung chẳng còn ai có thể dâng lễ được hết.
Phái Valdès, cuối cùng, chối từ quyền bính, phẩm trật, truyền thống và bí tích (trừ bí
tích Giải Tội, Rửa Tội người lớn và Thánh Thể) trong Giáo Hội và vứt bỏ việc tôn
kính các thánh, tượng ảnh và vật thánh, chối bỏ giáo huấn về luyện tội, chuyện cầu
xin, lễ cầu hồn, ân xá, khấn hứa, quyên tiền nhà thờ, quân dịch và án tử hình.

Cấm giáo dân giảng


Bao lâu phái Valdès còn là một phong trào sống nghèo, họ vẫn chưa rời địa bàn Giáo
Hội. Phản ứng đầu tiên của giáo quyền là chống lại việc giảng thuyết của họ. Ban
đầu, giám mục bản quyền ở Lyon cấm giảng; họ quay sang Rôma xin phép Giáo
hoàng Alexandriô III được tiếp tục. Giáo hoàng khen ngợi tinh thần nghèo khó và
việc thay đổi đời sống của họ, nhưng chỉ cho phép tiếp tục giảng về “tu đức” mà thôi
và phải được theo dõi bởi giám mục địa phương. Khoảng 30 năm sau, Phanxicô cũng
được Giáo hoàng Innôxenxô III cho giảng với cùng những điều kiện như thế. Nhưng
cái khác ở đây giữa một vị thánh và người lạc đạo là: Phanxicô vâng lời Giáo hoàng,
còn Valdès thì không. Hậu quả là Giáo hoàng Luciô III năm 1184 ở cuộc họp Hội
đồng Verona đã ra vạ tuyệt thông cho Valdès và những kẻ theo ông. Thời đó, ai bị
giáo quyền quy kết là lạc đạo thì cũng có nghĩa là kẻ gây xáo trộn xã hội và chống lại
nhà nước, nên cũng bị truy nã bởi luật pháp thế quyền. Ở Đức, phái Valdès bị truy nã
bởi luật của hoàng đế Barbarossa; ở Tây Ban Nha, họ bị vua Peter II đất Aragonien
trục xuất. Hình như Pierre Valdès phải trốn khỏi Pháp và mất năm 1218 tại
Boehmen.
Bên Pháp, vì “người nghèo thành Lyon” (tín hữu Valdès tự gọi mình như thế) mang
guốc thô đẽo bằng gỗ nên bị dân chúng gọi là Sabotier (“bọn mang guốc xa bô”).
Bên Đức, phái Valdès xuất hiện ở Metz và Straßburg, được gọi là “Winkeler” (“bọn
giấu mặt”) vì những tuyên truyền kín đáo của họ. Phái Valdès phát triển tới nam Ý,
đông nam Đức, Boehmen, Ba Lan, Hungari và Thuỵ Sĩ. Cao điểm những cuộc truy
nã nhiều khi đẫm máu chống lại họ là vào những năm 1545, 1557 và 1689. Từ năm
1922, họ có một đại học thần học ở Rôma.
Giáo hoàng Innôxenxô III công nhận nhu cầu tìm hiểu Sách Thánh của giáo dân, nên
đã cố thu phục phái Valdès về với Giáo Hội. Vì vậy, năm 1212, ngài chấp thuận cho
“Hội Người Nghèo Công Giáo” thành lập với mục đích đưa lạc giáo trở về và đã tạo
được một vài thành công. Một số tín hữu Valdès về sau gia nhập phái Hus ở
Boehmen hoặc theo phái Calvin. Cuối thập niên 1970 có khoảng chừng 45.000 tín
hữu valdès, trong đó khoảng 28.000 ở Ý, 12.300 ở Nam Mỹ, số còn lại ở Hoa Kỳ.

Giáo Hội rút kinh nghiệm


Giáo hoàng Innôxenxô III đã phải kết án giáo phái Valdès và Kathar ở Công đồng
Latêran IV năm 1215. Tuy nhiên, một số cải tổ có được tại Công đồng này cũng là
nhờ sự phản kháng của các phái đó. Họ gián tiếp buộc Giáo hoàng phải cố gắng tóm
tắt giáo huấn Giáo hội Công giáo thành một công thức ngắn gọn và rõ ràng và phải
có một số quyết định quan trọng cho việc sống đạo. Chẳng hạn như việc buộc mọi
giáo hữu phải xưng tội mỗi năm một lần vào mùa Phục Sinh, không toà giám mục
giáo phận nào được bỏ trống trong 3 tháng liền, các nhà thờ chính toà phải chọn cho
mình những linh mục hoặc những vị giảng thuyết có khả năng (đặc biệt khả năng
trong việc giảng bằng tiếng mẹ đẻ!) và phải tuyệt đối tránh chuyện lừa đảo trong việc
tôn kính linh vật và trong việc hành hương.

TRÌNH THUẬT 40 -41

TRÌNH THUẬT 40

PHANXICÔ Ở LẠI TRONG GIÁO HỘI

Năm 1210, Phanxicô tới trước Giáo hoàng Innôxenxô III để xin phép giảng, cũng
như trước đó 30 năm Pierre Valdès đã làm. Giáo hoàng ngần ngại khá lâu. Phanxicô
hiểu. Là vì gương Valdès hẳn còn đó.
Cái khó nghèo và nhiệt vọng rao giảng Lời Chúa của Phanxicô và mười hai anh em
theo anh có khác chăng nhiệt vọng và khó nghèo của Valdès? Phải chăng lại anh mù
dắt dân mù? Có sợ rằng ngày nào đó lại biến thành lạc giáo chăng?
Bổ túc những thiếu sót
Khi vị Giáo hoàng quyền thế nhất trong lịch sử Giáo Hội và anh ăn xin ở Assisi giáp
mặt nhau, không ai mang thành kiến gì nhau cả. Có sự đả thông trong cuộc đối thoại.
Không phải Giáo hoàng muốn chống lại một phong trào khó nghèo hay cản trở việc
canh tân Giáo Hội. Vì chính ngài đã triệu tập Công đồng cải cách ở Lateran.
Phanxicô không chống giáo quyền hoặc Giáo hoàng. Anh cũng không dị ứng với
giáo sĩ như tín đồ Valdès, cho dù ngay cả tầng giáo sĩ cấp thấp thời đó cũng khoác
vào người tấm áo trưởng giả thật khó coi. Thái độ tích cực của anh đối với giáo phẩm
thể hiện qua lời nhắn nhủ anh em: “Nếu anh em là con cái của hoà bình, anh em phải
chiếm được lòng của cả giáo dân lẫn giáo sĩ. Điều đó Chúa muốn hơn là mình chỉ
chiếm dân mà chọc giận giáo sĩ. Hãy bỏ qua những lỗi lầm và bổ túc những thiếu sót
của họ. Và khi làm, hãy làm trong khiêm nhượng”.
Giáo quyền cũng không chống Phanxicô. Cụ thể là họ đã đáp ứng yêu cầu cử cho
Phanxicô một hồng y bảo trợ. Nhờ vậy, dòng của Phanxicô đã luôn giữ được đường
hướng của giáo quyền. Chính Phanxicô cũng không bao giờ có ý định xa rời Giáo
Hội.

Giáo hoàng muốn chắc ăn


Sau thời gian suy nghĩ lâu và nhờ những lời nói vào của Giám mục Giáo phận Assisi
lúc đó đang có mặt tại Rôma, Giáo hoàng Innôxenxô III đồng ý – trước hết bằng
miệng – cho Phanxicô và anh em của anh giảng, nhưng với điều kiện luôn đặt dưới
sự chỉ dẫn và kiểm soát của giáo quyền. Innôxenxô III cũng làm y như Giáo hoàng
Alêxandrô III trước đây đối với Valdès. Nhưng Valdès đã không tuân phục. Việc
vâng lời của Phanxicô đã có một ý nghĩa quyết định trong lịch sử Giáo Hội!
Sau đó, Phanxicô và các bạn được cắt tóc, nghĩa là họ được nâng lên hàng tu sĩ. Qua
nghi thức cắt tóc, họ buộc phải vâng phục giáo quyền địa phương. Riêng Phanxicô
được phong chức phó tế. Giáo hoàng muốn làm thế cho chắc ăn...

Con gia đình khá giả


Phanxicô sinh năm 1181 ở Assisi, nước Ý. Cha anh, Pietro Bernardone, là nhà buôn
khăn giàu có và được trọng vọng trong tỉnh. Bà Pica mẹ anh là con một gia đình quý
tộc miền nam nước Pháp. Để vui lòng vợ, Bernardone đã gọi con trai mình là
“Francesco” (“thằng Pháp nhỏ”).
Phanxiccô học trường tỉnh và chút ít Latinh từ thầy giáo nhà. Bản tính thông minh,
nhưng anh suốt đời gặp khó khăn về chữ viết nên thư từ thường thích đọc cho người
ta viết hộ và thay vì ký thì đánh một chữ “T” như một dấu thập giá vào cuối thư. Về
sau anh cũng chẳng bao giờ trở thành một nhà thông thái lớn. Chỉ thỉnh thoảng giúp
cha trong việc buôn bán. Trong cuộc chiến với thành Perugia anh theo phe “nổi
loạn”, bị trọng thương và bị bắt.
Bắt đầu một cuộc đổi đời
Trên giường bệnh, Phanxicô có dịp nhìn lại mình và thế giới dưới nguồn sáng mới.
Khỏi bệnh, anh rút vào cuộc sống đơn độc để suy nghĩ về quá khứ và tương lai mình.
Anh viết trong chúc thư về thời gian đó: “Không ai chỉ cho tôi phải làm gì”. Nhưng
một “tiếng lạ” đã chỉ đường cho anh và anh tiếp: “Đấng trên cao đã chỉ cho tôi chọn
con đường sống theo Phúc Âm và Giáo hoàng chúng ta đã chấp thuận con đường
đó”. Tiếp theo là những “chỉ dẫn” khác của Chúa. Trong Thánh lễ ngày 24-2-1209,
khi nghe linh mục đọc đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa sai các môn đệ ra đi rao
giảng: “Đừng mang theo gì trên đường, không gậy mà cũng không túi đựng thức ăn,
không bánh, không tiền, không chiếc áo thứ hai” (Lc 9,3), Phanxicô bỗng reo lên:
“Đấy, đấy là điều tôi hằng mong ước, hằng mong ước cả tâm can!”
Thời đó, ý tưởng sống nghèo chẳng mới mẻ gì. Phanxicô có lẽ cũng không lạ, bởi
anh hẳn đã được cha kể về những cộng đoàn Valdès và Kathar mà ông đã biết trong
những chuyến đi buôn xuống miền nam Pháp. Như trong cổ thời, các thương gia thời
đó là những kẻ môi giới văn hoá quan trọng và là người giúp phổ biến nhanh rộng
các trào lưu tôn giáo cũng như các giáo phái. Dù vậy, chắc chắn cũng có một “mạc
khải” trực tiếp của Chúa đến với Phanxicô.

Bị cha từ bỏ
Khi đã rõ về đường mình đi, Phanxicô tặng y phục thương gia của mình cho một hiệp
sĩ nghèo và đổi áo choàng cho một người ăn xin. Thomas ở Celano (mất 1260) viết
trong cuốn sách nói về đời Phanxicô: “Chuyện đó làm cha anh không hài lòng và ông
kiện con ông với giám mục giáo phận. Ông quy Phanxicô tội vứt tiền qua cửa sổ, tội
lấy tiền của ông để xây nhà thờ. Trước mặt mọi người, Phanxicô liền cởi áo quần
đang mặc, quỳ xuống nói: ‘Này là lúc tôi có thể cầu nguyện kinh Lạy Cha một cách
đúng đắn, bởi tôi chẳng còn cha nào ngoài người Cha trên trời’”.
Nhà thờ mà Thomas ở Celano đề cập là nhà nguyện San Damiano cách Assisi một
cây số rưỡi. Phanxicô đã bí mật dùng tiền của cha để cho làm lại nhà nguyện, vì anh
bảo rằng đã nghe được lệnh của Chúa: “Phanxicô, hãy đi và xây cho Ta một nguyện
đường”. San Damiano về sau là điểm đầu tiên của dòng nữ thánh Clara (Klarissen),
còn gọi là dòng hai Phanxicô.

Chuông đổ khi anh đến


Lúc này Phanxicô 28 tuổi. Người ta không còn bỡn cợt về anh nữa, nhưng mọi người
hết sức ngỡ ngàng và kính trọng mỗi khi gặp anh. Chuyện thời đó kể lại: “Mỗi khi
anh vào một thành nào thì giáo sĩ ở đó vui mừng giật chuông inh ỏi. Đàn ông, đàn bà
vui mừng đến gặp anh. Đám thiếu niên con trai bẻ cành cây cầm đến với anh... Ai
cũng muốn thấy, nghe và vâng lời anh, dù anh không phải là người đẹp trai, thông
minh, có học hay quyền quý gì cả”.
Đồng bạn Thomas Celano nói về hình dạng của Thánh Phanxicô: “Franz có tài nói
rất hay, khuôn mặt vui với nét nhân hậu. Người tầm thước, hơi nhỏ và gầy. Đầu tròn,
mặt dài với vừng trán thẳng, thấp. Mắt đen và trong, tóc nâu, râu đen quanh mép
mỏng và chiếc mũi thẳng. Tay Franz ngắn, nhưng bàn tay sang với những ngón thon
đẹp. Chân rất bé. Giọng nói hơi dẻo ngọt, rõ ràng và âm vang”.
“Chương trình” của anh
Khi có thêm hai anh Bernhard ở Quintavalle và Petrus Cathanii theo mình, Phanxicô
bắt đầu nghĩ đến luật sống. Anh vào nhà nguyện Thánh Nikôlô để tìm hiểu ý Chúa.
Anh mở Thánh Kinh và gặp đoạn: “Nếu con muốn trọn hảo, hãy bán hết những gì
con có và tặng cho người nghèo” (Mt 19,21). Mở sang trang khác, gặp đoạn: “Ai
muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình và theo Ta” (Mt 16,24). Mở thêm lần
nữa, thì gặp đoạn Chúa sai môn đồ mà anh đã nghe trong Thánh lễ ngày 24-2: “Đừng
mang gì theo trên đường...” (Lc 9,3). Sau đó, anh nói với hai bạn: “Đấy là đường và
luật sống của chúng ta và của tất cả những ai muốn gia nhập cộng đoàn chúng ta”.
Phong trào khó nghèo của Phanxicô lan rất nhanh khắp nửa Âu châu. Chính
Phanxicô lặn lội rao giảng khắp nước Ý, nam Pháp và Tây Ban Nha. Cũng như tín
hữu kathar trước đây, anh muốn đưa người Ảrập ở bắc Phi (Mauren) trở về và dùng
bất bạo động để chống lại họ. Vì bệnh nên anh đã không tới được Maroc để giảng.
Năm 1219, anh tới gặp thủ lĩnh Hồi Alkamil ở Damiette. Luật dòng thứ nhất, nay đã
thất lạc, được Giáo hoàng Innôxenxô III chấp thuận, có lẽ không khác gì nội dung
các đoạn Sách Thánh trên đây. Luật thứ hai cũng chỉ là những câu Sách Thánh chắp
nối nhau. Luật này được công hội dòng, lúc này cộng đoàn đã có tới 3.000 người,
chấp nhận năm 1223. Nhưng luật thứ ba, một số điểm chính do Hồng y bảo trợ Hugo
ở Ostia soạn, mới là nền tảng thật sự cho dòng Phanxicô. Khi Giáo hoàng Hônôriô III
phê chuẩn luật thứ ba này ngày 29-11-1223 thì Phanxicô đã không còn lãnh đạo cộng
đoàn nữa; anh đã lui về cuộc sống cuộc đời ẩn dật.

TRÌNH THUẬT 41

PHANXICÔ KHÔNG MUỐN DÒNG “CÓ LUẬT”

Năm 1210, khi Phanxicô đứng trước Giáo hoàng Innôxenxô III trình bày về lý tưởng
khó nghèo của dòng, Giáo hoàng tỏ ra ngờ vực. Và ngài đã có lý. Mười năm sau, từ
cuộc hành hương Đất Thánh về, Phanxicô ngỡ ngàng đứng trước một học viện lộng
lẫy do các bạn xây ở Bologna. Anh yêu cầu dọn đi tức khắc. Nhưng vì Hồng y bảo
trợ nhất quyết đòi giữ, cuối cùng Phanxicô đã phải thuận, và chính anh cử thánh
Antôn ở Padua làm giáo sư cho Học viện của dòng.

Phanxicô từ nhiệm lãnh đạo


Lúc Phanxicô còn sinh thời, một số đông tu sĩ đã yêu cầu giảm bớt luật khó nghèo.
Trong một buổi công hội, hai phe giữ và giảm tranh luận nhau không phân thắng bại,
khiến Phanxicô quyết định xin từ chức và lui về ẩn thân nơi núi La Verna ở Firenze.
Anh nói với anh em: “Từ nay anh em cứ coi tôi như đã chết”.
Sau khi Phanxicô rút lui, anh em cố gắng “cải tổ” lại dòng cho tốt hơn. Bản thân
Phanxicô dứt khoát không muốn có một cộng đoàn được tổ chức chặt chẽ. Anh đã
khẳng định với bạn dòng: “Tôi không muốn anh em chỉ cho tôi bất cứ thứ luật nào,
chẳng của Thánh Biển Đức hay Thánh Âutinh, ngoài cái lối sống mà Thầy Chí Ái đã
chỉ cho tôi”.
Ngày nay nhìn lại, rõ ràng nếu không có sự đồng nỗ lực của Hồng y Hugo trong việc
tạo nền tảng luật lệ thì hẳn dòng đã không thể tồn tại.
Cuộc “tranh luận khó nghèo” của dòng thỉnh thoảng bùng lên như sóng, đôi khi đi tới
quá khích. Một thí dụ điển hình là Hồng y Hugo, lúc này đã trở thành Giáo hoàng
Grêgôriô IX, đã phải đuổi khỏi dòng và tuyệt thông vị lãnh đạo dòng là “tổng bộ
trưởng” Elias ở Cortona, khi vị này không muốn nghe Toà Thánh giải thích về “sự
khó nghèo Phanxicô”. Sau khi không thể giải quyết được những bất hoà, người ta
chia “Dòng nhất” ra thành 3 nhánh độc lập, nhánh Phanxicô, nhánh Anh em hèn mọn
(Minoriten) và nhánh Kapuzin (1528).

Mất vì bệnh
Sống đơn độc trên núi La Verna, ngày 14-9-1224, Phanxicô được Chúa trao ấn năm
dấu đanh ở tay, chân và cạnh sườn. Thêm vào đó, anh bị đau mắt, chứng bệnh mang
từ Đất Thánh về khiến anh gần như mù. Gan, lá lách và bao tử cũng đau. Một bạn
dòng thấy anh đau đớn, muốn xin Chúa cất bớt cho anh thì bị mắng: “Anh ơi, nếu
như tôi không biết lòng khiêm cung của anh, thì tôi đã cắt đứt mọi liên hệ cộng đoàn
với anh rồi, vì anh đã dám chê trách những điều Chúa gởi đến cho tôi”.
Hai năm sau, khi biết mình không còn sống được bao lâu, Phanxicô xin chuyển về
Portiunkula gần Assisi. Ở đó, bên cạnh dăm ba tu sĩ, anh nhận các bí tích và mất
ngày 3-10-1226, trong khi miệng đang ngâm nga Thánh vịnh.

Một loại dòng mới


Dòng Phanxicô, cũng như lạc phái Albi và Valdès, đã biến thành một phong trào
quần chúng rất nhanh. Năm 1300, dòng này có khoảng 40.000 thành viên. Vào thế kỷ
14 dòng đã có mặt ở Ireland, Scotland, các nước bắc Âu, cả bên Syri và Đất Thánh.
Dòng cũng đã là kẻ tiên phong đi giảng đạo cho dân ngoại ở bắc Phi châu và Trung
Hoa.
Cái mới của các “Dòng ăn xin” (Phanxicô, Đaminh, Ẩn tu Âutinh) là không những
các đệ tử sống nghèo, mà cả dòng cũng chẳng có tư hữu nào cả: không có rừng, ao
cá, ruộng vườn, nông dân làm thuê, mà chỉ cần một chỗ ở bên cạnh nhà thờ mà thôi.
Họ không giống như các dòng khác mà tu sĩ sống như những ông hoàng phong kiến.
Người ta không phải đến với họ. Nhưng trái lại họ đến với các nông dân, trẻ em, binh
sĩ. Họ vào các nhà tù, đến với kẻ lạc giáo, ngoại đạo. “Như thế, một loại dòng mới
xuất hiện, đáp ứng với những đổi thay xã hội. Cùng với loại dòng đó, một chương
mới trong lịch sử mục vụ mở đầu. Cho tới lúc này, người ta khinh thường có khi
khiếp sợ những người làm mục vụ; nhưng từ nay họ được thương mến” (Hertling).

Trích từ Luật Dòng Phanxicô


“Đệ tử Phanxicô chúc tụng Giáo hoàng Hônôriô và những người kế vị chính thức
cũng như Giáo hội Rôma bằng vâng lời và kính trọng...
Ai đã thề vâng lời, nhận được một áo choàng và mũ lúp (Kapuze); nếu muốn, người
đó có thể nhận thêm một áo nữa không có mũ. Chỉ đi giày khi thật cần thiết. Tất cả
anh em ăn bận thật đơn sơ. Những áo quần này, nhờ ơn Chúa, có thể được may ráp
lại từ các miếng vải, bao bố hay các thứ khác. Tôi muốn nhắc thêm là không ai được
khinh chê những người ăn bận quần áo vải mỏng và có thêu màu và không được kết
án họ, và cũng không được kết án những người ăn ngon và uống no say. Mỗi người
tự xét đoán và khinh chê chính mình...
Tôi khuyên, nhắc nhở và cảnh cáo anh em là khi tới với quần chúng không được cãi
vã, tranh luận và kết án kẻ khác. Hãy nhỏ nhẹ, hoà hoãn, từ tốn, khiêm nhượng, chịu
thiệt và ăn nói lễ độ phù hợp với mọi người...
Anh em không được đi ngựa, trừ khi quá cấp thiết và đau yếu, tôi dứt khoát ra lệnh
cho anh em là không ai hoặc chính mình hay qua người trung gian được nhận tiền
bất cứ bằng cách nào...
Những anh em nào được Chúa trao cho ân huệ làm việc, thì hãy làm trong trung
thành và cầu nguyện. Về lương bổng, chỉ nhận những gì cần thiết cho nhu cầu cuộc
sống mình mà thôi, tuyệt đối không nhận tiền...
Anh em không được tư hữu gì cả. Không nhà, không đất, không gì hết. Ra đi khắp
thế giới như những kẻ hành hương lạ, như những người tôi tớ Chúa nghèo hèn và an
tâm xin bố thí độ nhật...
Anh em không được giảng trong giáo phận nào giám mục không cho phép. Ai chưa
được thử và được công nhận có khả năng thì không giảng cho dân. Tôi nhắc những
anh em này là hãy dùng ngôn từ từ tốn và đứng đắn mà giảng. Hãy loan báo cho dân
về những sa đoạ, những tính tốt, về sự đau khổ (đời đời) và về sự quang vinh. Hãy
giảng ngắn, vì thực ra lời Chúa trên thế gian này cũng ngắn...
Ai không có kiến thức khoa học thì đừng cố mà biết. Vì làm như thế thì đâm lòng đua
đòi muốn thấu hiểu tinh thần của Chúa và ơn thánh của Ngài...
Tôi ra lệnh nhặt cho anh em là không ai được có những trao đổi và giao thiệp thiếu
rõ ràng với phụ nữ và không được bước vào các nhà dòng nữ...
Vì đức vâng lời, tôi lệnh cho các bộ trưởng hãy xin Giáo hoàng một hồng y của giáo
triều. Vị này sẽ là người hướng dẫn, bảo vệ và giúp cải tiến cộng đoàn. Như vậy anh
em luôn hạ mình tuân phục Giáo Hội thánh của mình...
Ra tại Lateran ngày 29-11
năm thứ tám triều đại Giáo hoàng của chúng ta” (1223)

Clara trốn về Portioncula


Dòng nữ do Clara lập được gọi là Dòng hai của Thánh Phanxicô. Clara thành Assisi
là con gái của hiệp sĩ Favorone. Khi còn nhỏ, cô đã phải chứng kiến cảnh những
người dân nổi loạn làm khổ gia đình quý tộc của cô. Không còn sống nổi ở Assisi, bố
mẹ đem gia đình tới Perugia tị nạn. Như trên đã nói, Phanxicô đứng về phe nổi loạn
chống lại giới quý tộc.
Năm 1210, Clara lần đầu tiên được nghe vị Thánh giảng về sự khó nghèo tuyệt đối
tại Nhà thờ Chính toà Assisi. Quá xúc động nên 2 năm sau, cô gái 18 tuổi âm thầm
bỏ nhà đi theo Phanxicô. Cô gặp Thánh nhân ở Portiunkula, nhưng không thể lưu lại
đó. Phanxicô phải bỏ cô trước cơn giận của bố mẹ Clara và phải lẩn trốn nay đây mai
đó. Sau nhiều năm săn bắt đứa con gái “cứng đầu” không thành, bà mẹ xin vào dòng.
Trước đó, hai con gái khác của bà là Agnes và Beatrice cũng đã nhập dòng nữ
Phanxicô.
Dòng của nữ thánh Clara cũng cần giáo quyền chuẩn nhận. Lúc đầu, Giáo hoàng
Innôxenxô III chỉ ban cho dòng “đặc ân” là không ai có quyền bắt dòng phải nhận
đất đai. Chỉ 2 ngày trước khi Clara mất, Giáo hoàng Innôxenxô IV mới chuẩn nhận
luật dòng, ngày 9-8-1253. Clara nhận tài liệu quý đó hôm trước thì sang hôm sau từ
giã cuộc đời. Giáo hoàng Innôxenxô IV tới thăm nữ Thánh 2 lần bên giường bệnh và
ngày hạ huyệt ngài cũng có mặt. Một cử chỉ hoạ hiếm trong lịch sử giáo triều.

Dòng ba
Dòng ba Phanxicô là một biến cố chính trị xã hội có ý nghĩa lớn, bởi thời đó chưa có
luật xã hội cũng như chưa có một cơ chế thiện nguyện nào ở tầm quốc gia. Dòng
gồm những giáo dân hoạt động ngoài các bức tường tu viện, tự khép mình vào cuộc
sống nhiệm nhặt, cầu nguyện và công tác bác ái cho người nghèo và tật bệnh. Trong
quá trình lịch sử, dòng đón nhận sự gia nhập của nhiều khuôn mặt lớn như Elisabeth
đất Thueringen, thi sĩ nổi danh người Ý Dante Alighieri, hoạ sĩ Giotto và vua Pháp
thánh Louis.

TRÌNH THUẬT 42 -43

TRÌNH THUẬT 42

TỘI NẶNG – ĐÁNH ĐAU

Năm 1226, một năm trước khi Phanxicô mất, Tổng Giám mục Giáo phận Koeln là
Engelbert bị người cháu chặn trấn lột khi đang cưỡi ngựa băng qua một cánh rừng.
Một đồng đảng của anh chém vào đầu Giám mục, anh khác chặt đứt cánh tay, một
anh khác lụi gươm vào bụng, và rồi tất cả cùng đâm vào thân thể vị Giám mục đang
nằm thoi thóp. Xác trần trụi của ông sau đó được người ta tìm thấy, bỏ trên chiếc xe
vừa chở phân, mang về.
Đúng một năm sau, tìm ra thủ phạm. Đương sự hối hận, muốn chuộc tội bằng cách
xin lý hình lần lượt chặt chân tay mình. Anh nhận 16 nhát búa, không kêu la. Rồi lý
hình buộc anh vào bánh xe. Cho đến chết, miệng anh không ngừng cầu nguyện. Đó là
một trong muôn vàn thí dụ về con người thời Trung Cổ: rất tàn bạo đối với kẻ khác,
mà cũng tàn bạo đối với chính mình khi phải chuộc tội.
Một thí dụ đạo đức điển hình của thời Trung Cổ là phong trào đánh tội. Phong trào
này nổi lên năm 1260 ở Perugia tại Ý rồi lan lên Đức, Áo, Ba Lan và Boehmen và trở
thành truyền thống trong dân cho đến thế kỷ 18.

ĐÁNH TỘI 2 LẦN TRONG NGÀY


Nhà ẩn tu Ranerio Fasani đã đánh tội từ nhiều năm. Năm 1260, ông xuất hiện trước
dân thành Perugia yêu cầu họ đánh tội để được rỗi. Hàng ngàn người theo gương ông
lập thành đoàn đánh tội. Năm trước đó, người ta đã thấy cảnh này xuất hiện ở phía
bắc núi Alpes. Một tài liệu của tu viện Melk viết:
“Năm đó (1260), nảy sinh một thói quen thật khó cắt nghĩa. Cả người giàu lẫn
nghèo, già lẫn trẻ mình trần tới bẹn đánh vào thân đến chảy máu. Vừa đánh vừa hát
theo nhịp roi. Họ kết thành đoàn như đi rước băng qua các miền quê và tập trung la
hét đầy trong các nhà thờ. Phụ nữ đánh tội chỗ riêng của họ. Kết cuộc chuyện mê tín
đó bị Giáo Hội cấm”.
Tài liệu tu viện Zwettl tả người đánh tội:
“Năm 1261 từng đoàn tín hữu 40, 60, có khi trên 100 người trên khắp thế giới vâng
ý Chúa kéo nhau vào nhà thờ, mình trên cởi trần, đầu quấn khăn, cùng nằm rạp
trước bàn thờ. Họ đánh vào mình mãi cho tới khi hát xong bài hát soạn sẵn cho việc
này. Lối ăn năn này kéo dài 34 ngày. Phụ nữ cũng đánh như vậy trong các nhà thờ
đóng kín cửa. Đánh như vậy là để tôn vinh sự khổ nạn của Chúa và vì tội mình, bởi
vì nhiều chuyện vô phúc xảy ra đã làm họ khiếp hãi”.
Theo tài liệu Tu viện Thập Giá thì những người đánh tội kéo nhau vào nhà thờ với cờ
và nến sáng. Họ “ném mình xuống đất, xuống tuyết hoặc giữa đống phân. Cuộc ăn
năn kéo dài 33 ngày, mỗi ngày 2 lần, sáng và chiều tối”.

GIÁO HỘI CẤM


Ban đầu, các đoàn đánh tội bị Giáo Hội ngờ vực. Về sau Giáo hoàng Clêmentô VII ra
lệnh cấm vào năm 1349, nghĩa là vào lúc dịch “chết đen” lan tràn ở Âu châu. Dịch
bệnh được mang từ Đông phương về, do chuột và bọ gây lan rất nhanh. Cơn dịch
thời đó có lẽ đã giết đến 1/3 dân số Âu châu. Dù bị cấm, từng đoàn người đánh tội
vẫn cứ kéo từ miền này qua miền khác, nhà thờ này sang nhà thờ khác. Họ đánh vì
tội đã gây thảm hoạ “chết đen” kinh khủng đó. Chẳng có một liên hệ thần học nào
giữa dịch bệnh và tội lỗi. Dù thế, việc đánh tội vẫn là dấu chứng cụ thể cho lương
tâm “khắc kỷ” của con người Trung Cổ. Người Trung Cổ, nói chung, thường dã man,
tàn bạo, ham muốn và khó trị. Vì cuộc sống họ ngắn nên ai nấy hưởng thụ cho bằng
thích thời gian quý báu ấy. Nhưng khi họ đã phạm tội thì chẳng ai chạy trốn vào tâm
lý học như người thời nay, nhưng minh nhiên thú nhận và sẵn sàng chấp nhận những
hình phạt nặng nề.
Giáo Hội cấm phong trào đánh tội không chỉ vì đó là một hình thái ăn năn quá độ,
song cũng là vì phong trào này càng ngày càng tiêm nhiễm quan điểm của Joachim ở
Fiore mà đâm ra chống Giáo Hội.

ÔNG TỔ CỦA TẤT CẢ NHỮNG CHỦ NGHĨA CỨU ĐỘ CHÍNH TRỊ


Năm 1202, Joachim Fiore mất. Ông là một người không những có ảnh hưởng quyết
định trên phong trào đánh tội, mà với quan điểm sử của mình đã trở thành “Ông tổ
của tất cả những ai không muốn chấp nhận lịch sử, nhưng muốn xoay chuyển nó”
(A. Borst), nghĩa là tổ của tất cả những chủ nghĩa cứu độ chính trị. Giáo huấn của
ông ảnh hưởng không những trên các triết gia Đức như Hegel và Schelling mà cả
Karl Marx và các triết gia nga… “Với tư tưởng “Đệ tam quốc xã” và “Lãnh tụ -
Duce”, ảnh hưởng của ông kéo dài mãi tới những biến cố chính trị hiện đại”, Hồng
y Ratzinger viết như thế về ông.
Joachim sinh năm 1130 và mất 1202 ở Fiore, miền nam Ý. Một thời gian dài ông là
viện phụ của một nhà Xitô, về sau lập ra một dòng riêng, nhiệm nhặt hơn, gọi là
Dòng của “người Firenze”, nhưng không được giáo quyền thừa nhận.
Joachim chả quan tâm gì tới dòng mình lập cả, nhưng suốt ngày đêm chúi đầu vào
Sách Thánh, với hy vọng nhờ Lời Chúa giải mã được những bí ẩn của lịch sử thế
giới. Qua kết quả nghiên cứu, ông khẳng định rằng sau “Thời Cha” (Giao ước cũ)
đến “Thời Con” (Giao ước mới) và nay, đúng năm 1260, đang chuyển sang “Thời
Thánh Thần”. Trong “Vương quốc đệ tam” này sẽ chẳng còn giáo hội, bí tích, phụng
vụ và chiến tranh, bởi vì mọi người sẽ trở nên toàn hảo theo bài giảng trên núi. Lúc
đó, người Dothái cũng sẽ trở lại đạo và người Hylạp về thống nhất với Công giáo.
Anh em Phanxicô có cảm tình với một số tư tưởng của Joachim, vì họ coi tiên tri của
ông về một đấng cứu thế đã được thể hiện qua Phanxicô của họ và dòng họ là hiện
thân của “Giáo hội tinh thần” mới đó. Tư tưởng Joachim sém dẫn anh em hèn mọn
tới chỗ lạc đạo. Giáo quyền đã dùng biện pháp mạnh để cảnh tỉnh. Nhiều người bị
tuyệt thông và một số bị thiêu sống.
Trước phong trào đánh tội, tư tưởng của Joachim đã được nhiều nhà giảng thuyết
người Ý không thuộc dòng nào theo. Họ bận đồ đen, rất loè loẹt, đầu đội mũ cao,
trước ngực và sau lưng mang thập giá đỏ lớn: và họ xuất hiện trong y phục đó trước
dân mà “hét nhiều hơn giảng”. Họ thổi kèn đẩy dân ra, tay cầm nến rảo khắp đường
phố, theo sau là đám đông bị kích thích cực độ. Những kẻ cựu thù ôm lấy nhau mắt
nhỏ lệ, vì người ta tin rằng “Vương quốc đệ tam” đang tới. Đó là vào năm 1233. Nhờ
dòng Đaminh đã đưa đám người này trở lại đường ngay. Nhưng vừa hết vụ này thì
lại xảy ra phong trào đánh tội…

YÊU THA NHÂN THAY VÌ HÌNH PHẠT


Thời Trung cổ, ân xá cũng là một mặt quan trọng của việc đền tội: đó là việc tha tội
và tha hình phạt đời sau từ phía Giáo Hội qua Bí tích Xưng Tội. Để được ân xá, phải
thi hành một số công việc nào đó, như cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Việc bố thí
dưới nhiều hình thức mang ý nghĩa văn hoá và xã hội quan trọng trong thời Trung
Cổ. Ân xá có thể được ban cho người tặng kẻ nghèo một tấm áo hay đã giúp kẻ bị
đắm tàu. Cuộc họp hội đồng ở Forli năm 1286 quyết định ban ân xá cho giám mục
vùng Ravenna nào đã nuôi 4 người nghèo ăn ở trong vòng một tuần lễ. Người giúp
xây cầu, xây luỹ, đào kênh, sửa đập cũng được ân xá. Nhờ ân xá mà càng về sau càng
chuyển sang hình thức tặng tiền nên người ta đã có phương tiện để xây cất nhiều nhà
thờ, nhà thương, nhà tế bần, nhà cho người hấp hối, cho trẻ cô nhi, cho người tị nạn.
Giáo Hội đã chống lại “lối làm tiền” ân xá, dù rằng đây là một trong những nguồn
tiền chắc chắn nhất cho Giáo Hội.
Thỉnh thoảng có chuyện lợi dụng ân xá để bán linh vật giả. Công đồng vùng ở Mainz
nói về chuyện này:
“Người ta thường lấy xương người hoặc xương thú giả làm linh vật để bán. Chúng
kể những phép lạ vu vơ và tìm mọi cách nói láo, dùng nước mắt cá sấu, trợn mắt,
méo mặt để tạo lòng thương hại nơi người mua, đến nỗi không ai thoát được nghệ
thuật chào hàng của chúng… Chúng phung phí tiền bán được đó vào ăn uống, cờ
bạc và trác táng”.
Dù Công đồng Lateran IV đả phá mạnh mẽ thói hư đó, chuyện ân xá vẫn phát triển
tới cao điểm vào năm 1300, khi Giáo hoàng Bônifaxiô VIII khai mạc Năm Thánh
đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội và ban “ơn toàn xá” cho những ai hành hương về
Rôma. Và cuối cùng, khi Giáo hoàng phục hưng Lêô X muốn dùng ân xá kiếm tiền
xây Nguyện đường Thánh Phêrô thì tại Đức xuất hiện một người sẽ làm chao đảo tận
căn toà nhà Giáo Hội: Tiến sĩ Martin Luther.

TRÌNH THUẬT 43
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI CỦA TRUNG CỔ

Năm 1198, Innôxenxô III nhận chức Giáo hoàng, lúc mới 37 tuổi. Quá trẻ, nên anh
ca sĩ Walther đã phải buột miệng: “Trời ơi, Giáo hoàng trẻ quá! Chúa ơi, xin thương
lấy con cái hoàn vũ của Ngài!”
Anh ca sĩ đã lầm. Bởi Innôxenxô III là một trong những Giáo hoàng tên tuổi nhất
trong lịch sử Giáo Hội. Dưới thời ngài, uy tín Giáo Hội đối với thế giới đạt tới đỉnh
cao. Innôxenxô III bản chất là một lãnh tụ và nhà lãnh đạo thiên tài. Ý hướng ban đầu
của ngài chỉ là làm sao để tách được thần quyền ra khỏi thế quyền. Nhưng rồi tiến
thêm một bước nữa bắt thế quyền quy phục thần quyền, với phương châm: “Như mặt
trăng nhận ánh sáng từ mặt trời, uy quyền của vua chúa cũng xuất phát từ Giáo
hoàng”. Theo ngài, vua phải phục tùng Giáo hoàng, vì Giáo hoàng là người trách
nhiệm cuối cùng trước mặt Chúa về chuyện thiên hạ. Vì vậy, Innôxenxô III can thiệp
luôn vào chuyện chính trị hằng ngày của vua chúa.
Ngày 1-11-1215, ngài triệu tập Công đồng Lateran IV. Một sự kiện quan trọng. Công
đồng lớn nhất thời Trung Cổ này có 1.200 người tham dự, trong số đó có 404 giám
mục từ 80 giáo phận và hơn 800 viện phụ và bề trên dòng. Hoàng đế Friedrich II và
hoàng đế của Konstantinôp, các vua của Pháp, Hung, Giêrusalem, Cyprus và Anh
đều gửi đại biểu tới. Sự kiện có sự tham dự của 17 giám mục Ireland, 4 Scotland, 5
Ba Lan, 11 Hung và cả giám mục từ Livland và Estland cho thấy uy quyền Giáo
hoàng đã bao trùm hoàn vũ.
Công đồng có 3 cuộc họp khoáng đại và chỉ kéo dài trong vòng tháng 11. Lo ăn ở
một lúc cho từng ấy nghị phụ và bế mạc công đồng gọn gàng như thế đã là điểm son
nói lên tài tổ chức đặc biệt của Giáo hoàng và giáo triều.
Biết mình không còn sống lâu nữa, Giáo hoàng Innôxenxô III khai mạc Công đồng
bằng câu của Đức Giêsu: “Ta ước ao ăn mừng lễ Vượt qua này với anh em, trước khi
khổ nạn tới”. Ngày 16-7, ngài mất, lúc 55 tuổi.
Chủ đề Công đồng là việc công bố cuộc thánh chiến lần thứ năm và kết án lạc giáo
Kathar và Valdès. Công đồng cũng bàn tới các vấn đề liên quan tới các bí tích, Thánh
Thể, linh mục và phụng vụ. Thư mời họp có viết như sau: Diệt truỵ lạc, vun nhân
đức, trừ lợi dụng, làm mới thói tốt, trấn áp lạc giáo.

GHẾ RƯỚC LỄ TRỐNG


Công đồng diễn ra trong thời điểm ít ai dám rước lễ, vì quá trọng Thánh Thể. Ngay
một tu sĩ đạo đức cũng chỉ rước lễ cao lắm 4 hoặc 5 lần mỗi năm. Thiên hạ xầm xì vì
vua thánh Louis nước Pháp một năm rước lễ tới 6 lần! Luật xưa nhất của dòng Clara
chỉ cho phép nữ tu rước lễ mỗi năm 7 lần. Để điều chỉnh sai trái này, Công đồng
Lateran quyết định: “Mọi tín hữu nam nữ lúc đến tuổi phân biệt phái tính phải xưng
tội đàng hoàng mỗi năm một lần, cố gắng thi hành việc đền tội đã ra và rước lễ ít
nhất một lần trong mùa Phục sinh…”, trừ trường hợp vì một lý do chính đáng bị linh
mục sở tại cấm rước lễ trong một thời gian nào đó. Ai không tuân giữ, bị đuổi ra khỏi
Giáo Hội và khi chết không được mai táng theo phép đạo. Và quyết định trên phải
được đọc lên nhiều lần trong các thánh lễ, để không ai lấy cớ mà bảo không hay biết.
Ai vì thiện ý muốn xưng tội với một linh mục lạ, phải được phép trước của linh mục
sở tại; nếu không, bí tích không thành. “Linh mục phải cẩn thận và khôn ngoan”,
Công đồng nhắc nhở, “trong việc đổ rượu và dầu vào vết thương và tìm hiểu cặn kẽ
hoàn cảnh và con người hối nhân để đưa ra lời khuyên hoặc phương cách trị bịnh
thích hợp. Và linh mục cũng phải cẩn thận không được bằng lời hay cử chỉ bạch hoá
người xưng tội. Ngay cả khi vị đó (vì nhu cầu giúp đỡ hối nhân) cần lời khuyên của
một vị cao minh khác, thì cũng không được nói tên của hối nhân ra. Ai nói ra tội của
hối nhân đã xưng thì không những bị truất chức linh mục mà còn bị giam trong một
tu viện nghiêm nhặt để đền tội”.
Vì ít người rước lễ nên sau khi truyền phép, Mình Máu Chúa được giơ lên cao để ít
ra cho mọi người được nhìn thấy. Vì vậy, thời đó có lệ nâng cao Thánh Thể khi
truyền phép. Lệ này tồn tại cho tới nay.
Và vì nhà thờ tối nên phó tế hoặc người giúp lễ thắp lên một cây nến (gọi là nến
truyền phép hay nến thánh) trước khi truyền phép và cùng đưa lên cao khi chủ tể
nâng Mình Máu Thánh. Để giúp mọi người chú ý, người ta rung chuông thêm. Cũng
vì lòng tôn kính đặc biệt Thánh Thể, thời đó người ta bắt đầu lập ra lễ và kiệu Mình
Thánh Chúa.

GIÁO HỘI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH


Số sinh thời Trung Cổ cao, nhưng số chết cũng rất lớn. Nhiều bà mẹ chết trên giường
sinh. Thiếu vệ sinh nên nguồn bệnh càng tăng, thỉnh thoảng tạo thành nạn dịch. Y
học hầu như chưa có gì. Bệnh xá nhà nước lại không có. Giáo hoàng Innôxenxô III
nâng uy quyền Giáo Hội lên cao, nhưng Giáo Hội tạo được uy tín đặc biệt qua việc
tiên phong chăm sóc người nghèo và bệnh. Giáo Hội muốn qua đó thực hiện nguyên
tắc chăm sóc và bảo vệ kẻ yếu đuối và không để họ mặc cho số phận.
Trong cổ thời, các tu viện đã đồng thời là những trung tâm cho kẻ hành hương, trong
đó người bệnh cũng được chữa trị. Vào trung thời, nhiều cộng đồng dòng tu được lập
chỉ để chăm sóc người bệnh, như dòng Lazarít. Các trung tâm cho cô nhi, trẻ vô thừa
nhận, người mù, gái điếm, người cùi… được hình thành.

“HÃY KIÊN NHẪN VỚI BỆNH CỦA BẠN…”


Câu này được dân thánh chiến và thương buôn mang từ Đông phương về Âu châu.
Dòng Lazarít mở cửa đón nhận và chăm sóc kẻ khốn cùng nhất trong những kẻ khốn
cùng này. Năm 1120, họ lập nhà cùi ở Giêrusalem. Công tác này họ bắt đầu ở Âu
châu từ năm 1253. Đã có lần dòng bầu một người cùi lên làm “Sư phụ” lãnh đạo
dòng. Dòng xây nhà riêng bên ngoài tường thành phố hoặc dựng lều trên vùng đất
trống cho người cùi. Trong nhà thờ, người bệnh nhận được y phục riêng sau một nghi
thức đặc biệt. Trên y phục đó có chữ: “Hãy kiên nhẫn với bệnh của Bạn, vì Chúa
không khinh chê Bạn vì bệnh và không cách ly Bạn với cộng đoàn của Ngài…”. Sau
đó, người bệnh được rước ra nhà hoặc lều, ở đó họ được chăm sóc cho đến khi chết.
Không chữa lành được họ, nhưng nhà dòng qua đó giúp họ không rơi vào tuyệt vọng.
Ngoài những giúp đỡ người bệnh trực tiếp, Giáo Hội thời đó còn có những giúp đỡ
gián tiếp lớn cho người nghèo và bệnh. Và gương này dạy cho con người suy nghĩ và
hành động xã hội, rất sớm trước khi có “chủ nghĩa xã hội”. Thời cổ, hễ ai bị bệnh là
coi như chết, không còn có quyền sống. Với việc làm xã hội trên, Giáo Hội đã vượt
thắng quan điểm bác bỏ quyền sống của thời cổ.
LINH VẬT TRÀN NGẬP
Công đồng Lateran IV còn chỉ thị, chỉ những linh vật nào có phép giáo quyền thì mới
được tôn kính. Sở dĩ có điểm này vì có nạn lạm phát linh vật. Cứ xem danh sách linh
vật của dòng Kartause ở Gaming (Áo) trưng ra mỗi ngày mồng 5-11 (hẳn còn nhiều
đợt khác nữa!) để tín hữu thờ kính:
Di Thánh Chúa Giêsu gồm: một phần hòn đá Chúa đã sinh ra trên đó, một phần máng
cỏ và tã quấn Chúa, một phần nến đúc hình Chúa, chút bánh còn lại mà Chúa đã cho
5000 người ăn; một phần đá trên đó Chúa rửa chân cho các môn đồ; đất nơi Chúa cầu
nguyện cùng Chúa Cha; một phần cây cọc trói Chúa; một đoạn roi đánh vào mặt
Chúa; một phần thập giá Chúa đã vác và một phần tảng đá Chúa đã nằm khổ nạn trên
đó; chút khố quấn thân Chúa; một chút của mộ Chúa, của viên đá Chúa đã bước lên,
của núi Cây Dầu và chút gỗ chiếc bàn Chúa cùng môn đồ ăn lễ Vượt qua.
Di Thánh của Mẹ Chúa: một chút đá trên đó sữa Đức Trinh Nữ thánh đã nhỏ xuống;
chút áo, giày, áo choàng, áo mặc lễ, đá trên đó Mẹ nằm khi chết, mộ và vài sợi tóc
của Mẹ.
Ngoài ra, dòng ở Gaming còn hãnh diện có được vài viên đá người ta dùng để ném
Stêphanô và vài cục than đốt Laurentiô. Thêm nữa, một miếng cờ của thánh Georg,
có thấm máu con rồng mà ông đã giết và máu của các trẻ vô tội. Đặc biệt, dòng bảo
còn giữ một phần đôi dép của thánh Lêô, phần cánh tay của thánh Lazarô, phần vai
của nữ thánh Martha, phần chân nữ thánh goá Judith luôn có dầu chảy ra, cùng hai
thân người có đầu của 11.000 trinh nữ.
Trung Cổ, như vậy, không chỉ là thời của công tác xã hội và đền tội, nhưng cũng là
đỉnh cao của mê tín, mà tục thờ linh vật phản ánh phần nào. Ở đâu nhiều ánh sáng, ở
đó cũng nhiều bóng tối. Trung Cổ là thời của ánh sáng, nhưng đồng thời cũng là thời
của tăm tối.

TRÌNH THUẬT 44 -45

TRÌNH THUẬT 44

TRUNG CỔ VÀ NHỮNG NHÀ TƯ TƯỞNG TỰ DO

Thời Trung Cổ mới bắt đầu có đại học và chương trình nghiên cứu có hệ thống. Đó
là thêm một bằng chứng chống lại quan điểm coi Trung Cổ chỉ toàn màu đen. Tư duy
Trung Cổ hầu như chỉ khởi phát từ Giáo Hội, nên không lạ gì khoa học thời đó đa
phần xoay quanh vấn đề đức tin, chẳng hạn như về câu hỏi: Đức tin và lý trí có đi đôi
với nhau không, đức tin có thể giải thích bằng lý trí được không?
Cho tới lúc đó tín hữu Kitô mặc nhiên chấp nhận tín điều của Giáo Hội, không nghĩ
suy. Qua các cuộc thánh chiến, dân phương Tây tiếp xúc và so sánh với nhiều dân
tộc, văn hoá, tôn giáo khác, nên bắt đầu mới đặt vấn đề. Học giả Ảrập Averoes (Ibn
Ruschd) đóng vai rất quan trọng trong việc giới thiệu các sách vở của Aristôt cho
phương Tây. Aristôt (mất 322 trước công nguyên) là một triết gia ngoại giáo và là đại
diện cho phái lý trí, vì ông không bị ràng buộc bởi các tín điều Kitô giáo. Averoes
bác bỏ quan điểm Chúa tạo dựng vũ trụ và linh hồn bất tử. Tư tưởng của Aristôt đã
làm sinh hoa kết quả nền triết và thần học Trung Cổ. Nhưng chủ trương của Averoes
thì trái lại bị Giáo Hội cực lực phủ nhận dưới mọi hình thức. Dù vậy chủ trương của
ông vẫn tồn tại mãi cho tới thời mới.

“CÁC NHÀ THẦN HỌC TẢ” CHUẨN BỊ CHO “KHAI SÁNG”


“Khai sáng” là một phong trào chống Giáo Hội và kẻ thù của mạc khải, xuất hiện
trong thế kỷ 18, với chủ trương xem lý trí là nguồn cội của mọi nhận thức. Phong
trào này đã được chuẩn bị từ trước bởi các nhà thần học trung cổ theo Averoes. Một
trong những nhà thần học đó là Bretone Peter Abaelard (mất 1142). Ông đã có nhận
định chí lý về hoàn cảnh thần học thời đó khi viết về sinh viên mình: “Họ muốn có
được luận chứng triết học dễ hiểu và những gì có thể nắm bắt được, chứ không cần
lời nói suông. Nhiều lời mà chẳng đưa suy tư đến đâu thì chỉ là vô ích, người ta chỉ
tin điều gì sau khi đã nắm bắt được nó”.
Thánh Bernhard ở Clairveaux, trong một bài giảng, đã coi Abaelard là người “cố
tháo gỡ đi nội dung của đức tin”, người “cho rằng đức tin có thể hiểu hoàn toàn bằng
lý trí”. Giáo Hội kết án chủ trương của Abaelard là lạc thuyết.
Người “tả” nặng ký nhất là Giáo sư Siger ở Brabant, dạy Đại học Paris. Ông muốn
giải thoát khoa học ra khỏi sự “giám hộ” của thần học. Cũng như Averoes, ông
không tin linh hồn bất tử, không tin tự do ý chí, không tin việc Chúa quan phòng và
tạo dựng vũ trụ.
Một người “tả” khác viết: “Vũ trụ và con người trên đó đã có từ bao giờ. Vũ trụ cũng
không bao giờ chấm dứt. Đức Kitô hoàn thành phép lạ không phải bằng sức mạnh
thần thiêng, nhưng là nhờ nghệ thuật ma quái và bằng con đường tự nhiên. Con
người chết, linh hồn cũng bị huỷ diệt”.

DÒNG ĐA MINH GỬI NGƯỜI GIỎI NHẤT


Để chặn đứng “làn sóng tả” ở Paris, đặc biệt để khoá miệng Siger, dòng Đa Minh gửi
tới Đại học Paris người giỏi nhất của mình: Tôma nhà Aquino. Tôma sém bị trôi theo
dòng nước, vì ông cũng muốn không những “phải tin” mà còn “có thể hiểu” nữa. Phe
“đạo đức” trong dòng quy kết Tôma rối đạo, trong khi một số anh em khác lại cho
ông dở hơi vì không dám đi tới cùng. Dù tuổi cao, Albertus Magnus (Albertus đại
nhân) vì thế đã phải sang Paris để biện hộ cho học trò của mình là Tôma trước các
chỉ trích đó.

CON BÁ TƯỚC THÀNH THẦY TU ĂN XIN


Hình như Tôma nhà Aquino sinh cùng năm tử của Phanxicô (1226). Phanxicô trước
đó chối từ một đức tin “trên cơ sở khoa học” cho mình và cho dòng mình. Nhưng
Giáo Hội đã tôn cả học giả Tôma lẫn đệ tử ăn xin Phanxicô lên bàn thánh như nhau,
mà không gặp khó khăn gì cả.
Tôma xuất thân từ dòng họ quyền thế của Bá tước Aquino, gần thành phố Napoli.
Lên 5 tuổi, cậu được gia đình gửi vào tu viện Biển Đức gần nhà nhờ giáo dưỡng, với
hi vọng sau này làm giám mục, hồng y hay Giáo hoàng để gia đình được nở mày nở
mặt. Về sau, Tôma trở thành người bà con thông gia với hoàng đế Friedrich II...
Năm 14 tuổi, Tôma làm quen với các tu sĩ Đa Minh, khi đang học ở Napoli. Lúc đó
cậu muốn hiến cuộc đời cho khoa học. Năm 1244, cậu vào dòng Đa Minh, một quyết
định làm gia đình hoảng hốt, vì không ai muốn cậu làm một thầy tu khất thực!
Để tránh rắc rối với gia đình, nhà dòng năm ấy gởi cậu tới Paris. Nhưng trên đường
đi, cậu đã bị các anh em đón bắt mang về gia đình giữ ở thành Monte S. Giovanni,
mong cậu có thì giờ suy nghĩ rút lại quyết định. Sau 15 tháng, cậu được dòng giải
thoát và được vị tổng quyền dòng đích thân đưa về Paris, làm học trò của Albertus
đại nhân, cũng là một tu sĩ Đa Minh.
Năm 26 tuổi, thầy Tôma bắt đầu lên lớp tại đại học và xuất bản một chuỗi tác phẩm
thần học, trong đó nổi nhất là bộ “Summa theologica”, bộ sách trình bày có hệ thống
toàn bộ Tín lý Kitô giáo theo cách hiểu của thầy. Từ xưa tới nay chưa có tài liệu nào
ảnh hưởng lớn trên giáo huấn Giáo Hội như bộ này. Khả năng của thầy cũng được
minh chứng qua việc dẫn chứng 23 tác giả Latinh và 57 tác giả Hylạp trong sách.
Từ 1256 tới 1259, thầy làm giáo sư ở Paris. Thập niên 60 ông về Ý, sống gần bên
giáo hoàng. Từ 1268 tới 1272, thầy trở lại Paris để phản bác lại các nhà tư tưởng tự
do. Đỉnh cao công tác khoa học của thầy là nỗ lực chỉ ra những bóp méo của Averoes
về tư tưởng của Aristôt và đưa quan điểm lý trí của Aristôt vào triết học. Không ai
hiểu rõ Aristôt hơn Tôma. Có thể nói thầy là học trò đích truyền của Aristôt, nhưng
trò không nhắm mắt hoàn toàn theo thầy, đặc biệt không theo những điểm gây ngờ
vực việc mạc khải.
Tôma mất, khi đang trên đường về dự công đồng hiệp nhất ở Lyon ngày 7-3-1274,
tại nhà Xitô Fossanuova, lúc 48 tuổi. Cuộc đời thầy không bằng phẳng, luôn rày đây
mai đó giữa Koeln, Paris, Bologna, Rôma và Napoli. Thầy viết nhiều và nhanh.
Nhiều khi ngồi đọc cho nhiều người cùng viết một lúc. Thầy là một nhà suy tư mê
say và có khả năng làm cho người thích suy tư phải say mê thầy. Câu nói này là của
thầy: “Công việc đặc thù của con người - nếu đó là con người thật - là suy tư”.

PHƯƠNG PHÁP CỦA THẦY


Qua các tác phẩm mình, Tôma cố gắng đưa lối suy tư hệ quả (suy tư “kinh viện”) áp
dụng vào Tín lý Giáo Hội và đem đức tin và lý trí hoà hợp với nhau. Phương pháp
của thầy như sau: trước hết tách giáo huấn Giáo Hội ra thành từng câu hỏi nối kết lại
với nhau, như Chúa là gì? Đức Kitô là ai? Giáo Hội là gì? Sau khi đưa ra những phản
chứng có thể, thầy trích dẫn những câu Phúc Âm, tài liệu Công Đồng hoặc Giáo huấn
của các Giáo phụ để trả lời câu hỏi. Nhưng không dừng lại ở đó, mà cuối cùng còn
đưa ra những luận cứ triết học riêng để minh chứng cho câu trả lời.
Mục tiêu tối hậu các nghiên cứu của thầy là chứng minh sự hiện hữu của Chúa bằng
lý trí con người, chứ không chỉ thuần tuý “qua đức tin”. Tôma tóm tắt luận chứng về
sự hiện hữu của Chúa như sau: “Qua các tác động của Ngài, chúng ta biết được Ngài
là Chúa và là nguyên nhân các sự kiện khác, và Ngài vượt lên trên các cái khác và
đặt tất cả thụ tạo bên dưới Ngài xa”.
Theo Tôma, đức tin và nhận thức con người không xung khắc nhau, bởi cả hai đều có
nguồn cội từ Chúa. Đức tin và nhận thức vì thế, đối với thầy, là một tổng thể.
Tin phải “hợp lý”, nhưng không thể “cân đong đo đếm” được bằng các phương pháp
khoa học tự nhiên; thần học thời nay cũng nói như vậy. Tôma trước sau vẫn coi mạc
khải của Chúa là quyết định tối hậu. Thầy không bao giờ để mạc khải Sách Thánh bị
vẩn đục, dù rằng có những điều tin không thể giải thích được bằng lý trí con người.
Một lần thầy viết: “Sự cứu rỗi con người đòi hỏi, ngoài các khoa học triết lý thuộc
bình diện lý trí con người, một giáo thuyết dựa trên mạc khải của Chúa. Vì thế, muốn
được rỗi, con người cần mạc khải của Chúa mới hiểu được những chuyện vượt tầm
lý trí mình”.

TU SĨ PHANXICÔ DUNS SKOTUS KHÔNG ĐỒNG QUAN ĐIỂM


Người không cùng quan điểm với Tôma là Linh mục Phanxicô Duns Skotus. Sau khi
Tôma mất, ông dạy tại Đại học Paris từ 1303-1308 về “hai chân lý”, nghĩa là có một
sự thật đức tin và một sự thật lý trí tách biệt nhau hoàn toàn. Theo ông, sự thật đức
tin buộc phải tin và không bắt buộc luôn phải chứng minh được bằng lý trí. Skotus
dứt khoát phản đối đòi hỏi phải chứng minh một sự thật đức tin. Duns Skotus, nhà
kinh viện lớn cuối cùng dạy: Lý trí con người không thể chứng minh được sự hiện
hữu của Chúa và sự bất tử của linh hồn.

TRÌNH THUẬT 45

CÁC NHÀ THẦN HỌC XÂY NỀN CHO KHOA HỌC TỰ NHIÊN

Mong ước lớn của các nhà thần học giữa thời Trung Cổ không chỉ là diễn dịch kinh
sách, nhưng đồng thời bắc một nhịp cầu giữa mạc khải Thiên Chúa và khả năng nhận
thức của con người. Việc “khám phá” ra trí năng của con người như là một phương
tiện nhận thức hợp pháp – bên cạnh các mạc khải Thiên Chúa – dẫn con người tới
việc nghiên cứu thiên nhiên một cách khoa học, nghĩa là dẫn tới việc đặt nền tảng
cho các khoa học tự nhiên.

ALBERTUS ĐẠI NHÂN, TU SĨ ĐA MINH VÀ NHÀ NGHIÊN CỨU THIÊN


NHIÊN
Albertus đại nhân là con một gia đình hiệp sĩ ở Schwaben (nam Đức), du học tại
Padua, rồi về Paris làm giáo sư. Ông là người ngoại quốc đầu tiên giữ một trong hai
ghế đại học (Paris) thuộc quyền dòng Đa Minh, mà cho tới lúc đó, do người Pháp độc
quyền. Vì sinh viên tới dự quá đông nên ông thường phải lên lớp ngoài trời. Albertus
không những là một người nổi tiếng về thần học, nhưng cũng có nhiều hiểu biết trong
lĩnh vực y, lý, hoá, địa, mỏ, thiên văn và sinh học. Ông là người đầu tiên vứt bỏ niềm
tin mù quáng vào uy quyền và lối tìm hiểu cầu may trong lĩnh vực tự nhiên, mà thay
vào đó bằng sự quan sát và kinh nghiệm cá nhân. Vì vậy, ông được coi là nhà thực
nghiệm tiên khởi của thời Trung Cổ.
Albertus cũng sinh hoạt chính trị. Khi các ông hoàng nước Đức, ngày 1-10-1273, bầu
Rudolfs miền Habsburg lên ngai đế, chấm dứt một “giai đoạn kinh hãi vì không có
vua” của đất nước, chính Albertus đã giới thiệu hoàng đế Rudolfs cho Giáo hoàng
Grêgôriô X và khuyên Giáo hoàng chuẩn nhận.
Albertus làm Giám mục Regensburg 2 năm. Ông mất ngày 15-11-1280 tại Koeln.
Cùng năm đó Nhà thờ Chính toà Koeln được khởi công xây cất.
Các thánh đường gôtic (tháp nhọn vút cao) được xây thời đó là dấu chứng về khát
vọng vươn tới Chúa của con người Trung Cổ. Nhà thờ không còn mang tính cách
thành luỹ nữa, nhưng muốn trở thành bản sao của một thế giới siêu nhiên.

CÁC TU SĨ PHANXICÔ ROGER BACON VÀ BONAVENTURA


Học giả nổi danh của dòng Phanxicô thời đó là Roger Bacon (mất 1294) và Thánh
Bonaventura. Bacon nổi danh về những thí nghiệm khoa học tự nhiên. Ông là một
nhà thông thái người Anh tại Đại học danh tiếng Oxford, thời đó do dòng Phanxicô
nắm chủ động.
Bonaventura (1217-1274) là giáo sư thần học tại Paris và là bạn thân của Tôma nhà
Aquino. Ông đã nhập dòng tiểu đệ, sau khi thấy Phanxicô chữa lành một người trọng
bệnh cách lạ lùng. Năm 36 tuổi, ông trở thành vị tổng quyền thứ bảy, trong khi cuộc
tranh luận về lý tưởng sống nghèo trong dòng đang tới hồi quyết liệt. Với chủ trương
trung hoà, thánh nhân tuyên bố với phe nhiệm nhặt là chỉ có những gì thành luật mới
buộc, còn với phe cởi mở ngài yêu cầu phải tuân giữ mọi luật lệ. Bonaventura là
người kết thúc giai đoạn xây dựng dòng, nên được coi là vị lập dòng thứ hai. Suốt
thời gian lãnh đạo dòng, hầu như ngài chỉ sống ở Paris. Năm 1273, Giáo hoàng
Grêgôriô X gọi ngài về Rôma phong hồng y rồi bổ vào giáo triều, để cùng chuẩn bị
cho Công đồng Lyon II. Bonaventura mất không lâu sau đó.

SINH VIÊN NGHÈO CÓ CƠ HỘI HỌC TẬP


Cho tới năm 1400 cả Âu châu có 44 đại học, trong đó 31 trường do Giáo hoàng lập.
Nhưng cả những đại học do thế quyền địa phương lập cũng được sự bảo vệ của Giáo
hoàng. Xưa nhất là các Đại học Bologna, Paris, Oxford, bên cạnh có Napoli (1224),
Toulouse (1229), Rôma (1244), Palencia (1212) và Salamanca (1243). Đại học Đức
đầu tiên lập ở Praha (1348) do hoàng đế Karl IV lập. Đại học Wien xây năm 1365,
Heidelberg năm 1385. Học trình gồm 4 khoa: thần, luật, y và «nghệ thuật tự do»
(triết). Khuôn mẫu của tất cả là Đại học Paris, được hình thành năm 1222, thoát thân
từ Nhà thờ Chính toà Notre Dame.
Gần như tất cả giáo sư đại học đều là giáo sĩ. Vì thế nền đại học thời Trung Cổ thấm
đượm ảnh hưởng của Giáo Hội.
Cho tới thế kỷ 12, trên phần đất phía bắc dãy núi Alpes chỉ có các trường nhà dòng.
Sau thêm vào trường của các nhà thờ chính toà. Sau nữa hình thành các trường thành
phố, cũng do các linh mục nhà thờ chính toà dạy. Muốn học cao hơn, sinh viên chỉ
việc quây quần quanh một học giả danh tiếng. Trường hợp Paris cũng thế, các thầy
giáo 4 môn hợp lại với nhau lập nên "học trình tổng quát" sau đó xây dựng lần thành
một đại học.
Thoat tiên, học môn thần và triết miễn phí, về sau từ từ phải trả tiền. Ngay thời đó đã
gặp khó khăn tiền bạc và phòng ốc. Vì không tìm ra một khu riêng để lập nhà trọ,
sinh viên phải trọ tại nhà thầy giáo. Một số vào trọ trong các nhà của giáo quyền
hoặc các "cư xá" của dòng tu. Cư xá nổi tiếng nhất của Đại học Paris gọi là
"Sorbonne", do Robert ở Sorbonne, vị tuyên uý của vua thánh Louis, xây năm 1257
cho các chủng sinh thần học. Học sinh nghèo nhưng xuất sắc được Giáo Hội giúp đỡ
học không mất tiền để họ cũng có cơ hội học lên cao. Chuyện "đồng đều cơ hội" như
vậy chẳng phải là một khám phá mới đây.

KẾT HỢP VỚI CHÚA TRONG THẦN BÍ


Cuối mùa hè năm 1338 bầu trời nước Áo, Hung, Ba Lan, Boehmen và Schlesien tối
sầm vì những đàn cào cào, châu chấu. Mỗi lần chúng phá xong một cánh đồng và bay
lên, tiếng động ào ào nghe như tiếng sấm. Vua Đức lúc đó đang thăm miền bắc Áo,
thấy cảnh tượng, buột miệng: «Trời, ngày phán xét đã tới!».
Sau cào cào là nạn đói. Người Schlesien phải ăn cỏ để cầm hơi. Lệ ăn chay được bỏ.
Động đất tại Âu châu xảy ra ngày 25-1-1348. Sau đó vài tháng tới nạn dịch, khiến
phong trào đánh tội lại bùng lên. Một người đương thời viết: «Không có phương
chống đỡ nào cả, không ai có cách nào để tránh con dịch. Nó nhảy từ người này qua
người kia khi người ta nói chuyện với nhau, khi sờ nhẹ vào áo quần nhau; đùng một
cái cả người nổi lên những cục u ghê rợn. Cục u chuyển dần sang màu đen, cơn sốt
tới, sau 3 ngày cái chết tới chấm dứt sự sống».
Không khí tận thế lúc đó khiến lòng đạo "thần bí" nơi con người càng tăng. Thần bí
(Mystik) có nghĩa là quay lại hoàn toàn với nội tâm mình để khám phá ra Chúa.
Phong trào thần bí, vì chủ trương tìm kiếm Chúa nơi nội tâm, trở thành một đối lực
với kinh viện là phái cố gắng tìm Chúa bằng lý trí. Kinh viện muốn bỏ tất cả những
gì không giải thích được bằng lý trí. Nguy cơ này đã làm nhiều người bị ngã, chẳng
hạn như Peter Abaelard.
Những nhà thần bí Đức nổi tiếng là tu sĩ Đa Minh Eckehart (1260-1328) và hai môn
sinh của ông là Johan Tauler (1300-1361) và Heinrich Seuse (1295-1366).
Một mặt, tai ương thiên nhiên và ảnh hưởng của một số nhà tư tưởng đã khiến con
người quay về thống hối ăn năn. Mặt khác, linh đạo thần bí (thả hồn mình trong
Chúa) đặc biệt làm nảy sinh nhiều dòng nữ. Các nữ tu bắt đầu chán những bài giảng
đạo đức và thống hối. Họ giờ muốn đi sâu vào thần học. Dòng Đa Minh đã đáp ứng
nguyện vọng đó và mở ra khoa thần học thần bí.

HILDEGARD Ở BINGEN ĐƯỢC CHÚA SOI SÁNG


Viện mẫu Hildegard ở Bingen (1098-1179) là một khuôn mặt thần bí tiêu biểu của
thời Kinh viện. Mẹ từ nhỏ đã có nhiều thị kiến. Mẹ kể lại kinh nghiệm mình:
«Đấy, năm 43 tuổi, tôi thấy một khuôn mặt từ trời khiến tôi phải run rẩy lo sợ ngước
nhìn đăm đăm. Tôi thấy vinh quang toả sáng. Một tiếng nói từ trời vang ra từ đó.
Tiếng đó nói với tôi: 'Này hỡi con mỏng giòn, tro bụi của tro bụi, rữa nát của rữa nát,
hãy nói và viết lên những gì con thấy và nghe...».
Tôi lại nghe tiếng khác từ trời: «Hãy loan báo những phép lạ mà con đã chứng kiến.
Hãy viết và nói lên! Năm thứ 1141 của Chúa Con nhập thể, là lúc tôi được 41 tuổi 7
tháng, tôi thấy một tia sáng nóng bỏng như ánh chớp từ trời xuống. Tia sáng tràn
ngập óc tôi, đốt nóng tim và ngực tôi như một ngọn lửa không cháy, nhưng chỉ làm
nóng, như mặt trời làm nóng vật được nó chiếu tới. Bỗng chốc tôi nhận ra ý nghĩa
của Kinh sách, Ca vịnh, Phúc Âm và của Cựu và Tân ước».
Nhưng Hildegard – như Mẹ khổ sở thú nhận – đã «không đủ khả năng để diễn dịch
từng chữ cũng như không biết cách phân từ và các quy luật văn phạm (để có thể viết
lại)».
Tuy nhiên, Mẹ nhấn mạnh rằng Mẹ thị kiến những điều trên không phải «trong tình
trạng ngủ, mơ hay lúc tâm trí không bình thường và cũng không phải bằng tai mắt
ngoại giới» và cũng không phải ở nơi kín đáo nào đó, nhưng «tôi đón nhận khi đang
tỉnh thức, lúc tâm trí minh mẫn, bằng tai mắt nội tâm và ở nơi ai cũng có thể tới
được».
TRÌNH THUẬT 46 47

TRÌNH THUẬT 46

MỘT THUA CUỘC CẦN THIẾT

Đã hai năm Giáo Hội không có Giáo hoàng. Năm 1294, nhà ẩn tu đạo đức Peter ở
Murrone được bầu lên ghế Giáo hoàng, hiệu là Xêlestinô V, đóng dinh ở Napoli.
Nhưng 5 tháng sau, ngài từ chức, vì nhận ra rằng chỉ có lòng đạo không thì chưa đủ
để điều hành một Giáo Hội trần thế. Và thời của ngài cũng là lúc tình cảm quốc gia
dân tộc trổi dậy, không nước nào còn muốn quy phục Giáo hoàng nữa. Người ta bảo
Xêlestinô V đạo đức như "thiên thần", nhưng hoàn toàn không có khả năng làm Giáo
hoàng. Không hơn không kém, ngài chỉ là một quả banh của các thế lực.

CẢ BÔNIFAXIÔ VIII CŨNG THẤT BẠI


Bônifaxiô kế vị Xêlestinô. Cho tới lúc này người ta coi trọng việc nhất trí trong việc
bầu Giáo hoàng. Nhưng Bônifaxiô chỉ thắng với đa số hai phần ba. Ngay từ đầu, ông
là một người thiếu thân thiện. Cái tài lớn nhất của ông là tạo kẻ thù. Khinh người,
hợm hĩnh, bất nhân, thoải mái cười chọc ngay cả trên những yếu đuối thể lý của
người khác. Nhưng thân nhân mình thì lại được ngài tuôn đầy tiền bạc. Sau khi được
bầu mấy ngày, có tin đồn ngài chết. Thế là cả thiên hạ hân hoan vui mừng. Vậy sao
lại được bầu?
Sỡ dĩ bầu là chỉ vì lúc đó người ta đang cần một nhân vật dám chơi lại vua Philippe
IV, đang trị vì Pháp từ 9 năm nay. Và Bônifaxiô xem ra được nhất, vì là người cứng
rắn, quyết tâm, say quyền, dứt khoát hành động và có nhiều kiến thức về luật, một
kiến thức lúc đó khá cần. Ngài thường hành động không suy nghĩ. Đặc biệt vì ngài đã
không nhận ra chính trị là một “nghệ thuật của cái khả thi” và thế giới từ Innôxenxô
III trở đi đã không còn như xưa, nên rút cuộc ngài cũng đã thất bại như Xêlestinô, dù
đi một con đường khác.
Một trong những quyết định đầu tiên của ngài là cho nhốt cựu Giáo hoàng Xêlestinô
V vào luỹ gần Agnani, để tránh đe doạ phân ly. Chuyện sợ này không phải là vô cớ,
vì Xêlestinô dù từ chức nhưng vẫn còn nhiều tay chân, kể cả trong các hồng y giáo
triều. Bônifaxiô cho hay muốn để Xêlestinô trong luỹ để cụ già được yên tịnh, nhưng
Xêlestinô hiểu thâm ý nên tỏ ra rất đau khổ. Và ngài mất ngày 19-5-1296 khi vẫn còn
bị hãm trong luỹ.
Quốc gia mạnh nhất Âu châu lúc đó là Pháp. Vua Philippe IV, cháu của vua thánh
Louis cũng đang muốn thống trị thiên hạ như Bônifaxiô. Trong một thông tư nhà
nước Pháp lúc đó có ghi, Giáo hoàng “sẽ là một thượng phụ ăn lương của người
thống trị thế giới tương lai là Philippe”. Philippe dứt khoát sẽ không để cho
Bônifaxiô ngồi trên đầu mình.

THỬ LỬA ĐẦU TIÊN


Cuộc chiến giữa Anh và Pháp là dịp đầu tiên để hai mãnh hổ thử tài. Cả hai nước lúc
đó đều cho lệnh đánh thuế chiến tranh trên giáo sĩ và tài sản Giáo Hội. Dĩ nhiên,
Giáo hoàng không đồng ý. Ngài yêu cầu rút lại quyết định, nếu không sẽ ra vạ tuyệt
thông. Pháp phản ứng bằng lệnh cấm xuất vàng, bạc, tiền và vật quý sang Rôma.
Không có tiền vào, Rôma sẽ gặp khó khăn tài chính. Đối lại, không đánh thuế Giáo
Hội, Pháp sẽ không có khả năng nuôi chiến tranh. Như vậy, xét cho cùng, không phải
vua và dân Pháp quyết định tiếp tục cuộc chiến, nhưng chính là Giáo hoàng. Nhưng
Philippe cho như thế là “ngoại quốc can thiệp vào nội bộ quốc gia” nên cực lực phản
đối.
Khi Philippe chính thức ra lệnh đóng cửa xuất cảng, Giáo hoàng xuống nước.
Philippe vì vậy cũng tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ. Nhưng tất cả chỉ là một cuộc ngưng
chiến, chứ hoà bình thật sự đã không xảy ra.

NĂM THÁNH LÔI KÉO SỰ CHÚ Ý


Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300. Biến cố làm tăng uy tín Giáo hoàng, vì người ta
hi vọng trong năm sẽ có tới 2 triệu khách hành hương về Rôma. Mỗi ngày có khi có
tới 200.000 khách đổ về. Bônifaxiô VIII quy thành công to lớn đó về mình. Nhưng
thật ra khách hành hương về là vì “ơn đại xá” và vì tin rằng hành hương dịp mở đầu
thế kỷ sẽ đem lại nhiều “may mắn” cho cả năm. Vì thế nên các bậc vua chúa chẳng ai
đến. Chỉ toàn là dân thường. Xem tiền cúng thì rõ, chỉ có rặt tiền lẻ bằng đồng.

GIÁO CHỦ ĐƯA VUA RA TOÀ


Dựa vào thành công Năm Thánh, Bônifaxiô liều thử lửa một lần nữa. Nhân việc
Philippe cho lệnh bắt giữ sứ thần Rôma, Giáo hoàng yêu cầu vua này ra điều trần
trước một cuộc họp hội đồng tại Rôma. Hẳn nhiên Philippe chẳng đoái hoài gì đến
yêu cầu. Trái lại, ông cho tạo một tài liệu Giáo hoàng “giả”, trong đó Giáo hoàng đòi
buộc vua phải phục tùng ngài cả đạo lẫn đời, nhằm kích động tinh thần quốc gia dân
Pháp. Philippe cấm Hàng Giáo phẩm Pháp không được sang Rôma họp. Ông cho bịt
các đường bộ và hải cảng đi Rôma. Dù vậy, cũng có 4 tổng giám mục, 35 giám mục
và 6 viện phụ thoát đi được. Philippe ra lệnh tịch thu tài sản những vị đó.

ĐÃ QUA RỒI THỜI TRUNG CỔ


Hội đồng ở Rôma đã ra một tài liệu tai tiếng “Unam sanctam”, một trong những sắc
chỉ (Bulle) lạ lùng nhất. Nội dung tài liệu không mới. Nhưng việc Giáo hoàng đòi hỏi
dứt khoát nắm luôn cả thế quyền hoàn vũ lần đầu tiên đã tạo chống đối lớn. Lẽ ra
Bônifaxiô phải hiểu rằng các quốc gia dân tộc nay không cần và không muốn sự
“giám hộ” của Giáo Hội nữa. Nếu như ngài đã hiểu mà kịp thời trao trả trách nhiệm
chính trị lại cho các vua chúa thì hay biết mấy.
Thuyết “hai gươm” trong sắc chỉ đã chẳng hợp thời. Thuyết này bảo rằng Thiên Chúa
ban cho Giáo Hội 2 thanh gươm: gươm đạo, do Giáo hoàng nắm, và gươm đời, do
Giáo hoàng trao lại cho thế quyền và thế quyền chỉ được hành xử gươm này theo ý
của Giáo hoàng mà thôi. Điều này có nghĩa là thế quyền phải phục tùng thần quyền,
và sự phục tùng này là cần thiết để được rỗi.
Bernard ở Clairveaux là người đầu tiên đề cập tới tư tưởng trên và Giáo hoàng
Innôxenxô đã là người có thể áp dụng tư tưởng đó. Sắc chỉ không phải là tín điều
phải tin, nhưng chỉ có các hoàng đế, chứ không phải vua, mới là người có quyền
kháng lại nó. Dù vậy, vua Phlippe đã dám chống lại.
Giáo hoàng Lêô XIII trong thư “Immortale Dei” năm 1885 đã chính thức chối từ
quyền làm chủ thế quyền của thời Trung Cổ này.

PHILIPPE SĂN BẮT GIÁO HOÀNG


Philippe phản ứng kịch liệt chống lại “Unam sanctam”. Ông tính triệu tập một công
đồng để truất Bônifaxiô về tội ma thuật và tội sống như một con “quỷ”. Thêm nữa,
theo Philippe, Bônifaxiô còn mang các tội khác như mưu toan giết Xêlestinô V, coi
loạn luân không phải là tội và chính Giáo hoàng là người lạc đạo vì không công nhận
sự bất tử của linh hồn. Hẳn nhiên Bônifaxiô VIII có nhiều yếu đuối, nhưng không
đến nỗi như Philippe đổ tội nhằm truất chức ngài.
Philippe IV đòi mở công đồng để chống lại Giáo hoàng. Như vậy, ông chủ trương
quyền công đồng cao hơn Giáo hoàng. Tiền đề sai trái này về sau còn gây cho Giáo
hội nhiều khó khăn.
26 giám mục và nhiều viện phụ người Pháp đáp ứng lời kêu gọi mở công đồng của
Philippe. Cả Âu châu có tới 700 thư đồng ý gửi về. Nhưng công đồng đã không xảy
ra.
Trong lúc đó, tại nơi sinh quán Anagni, Bônifaxiô cho soạn thư tuyệt thông Philippe.
Thư dự định sẽ công bố ngày 8-9-1303. Nhưng một ngày trước đó, nhờ sự nội ứng
của dân thành, Anagni đã bị chiếm đóng bởi thủ tướng Pháp là Nogaret và thủ lãnh
Sciarra Colonna, một dòng họ mà Bônifaxiô ghét cay ghét đắng. Hai người tấn công
vào tư dinh Giáo hoàng. Khi Colonna cầm gươm lao tới thì Bônifaxiô trong y phục
Giáo hoàng, tay phải cầm thập giá, đứng thẳng trước mặt ông mà nói: “Đây là cổ ta,
đây là đầu ta!” Nhưng Nogaret đã kịp thời can thiệp và cho giam Giáo hoàng vào
một căn phòng. Nogaret muốn mang Giáo hoàng về Pháp để xử. Nhưng dự tính này
đã không thực hiện được, vì chỉ 2 ngày sau, dân Anagni hối hận, đã giải thoát và
mang Bônifaxiô về Rôma. Ngày 12-10 năm đó người ta thấy Bônifaxiô nằm chết
trong phòng riêng ở Rôma.
Ưu quyền chính trị của Giáo hoàng trên thế quyền ở Âu châu - một địa vị lẽ ra các
Giáo hoàng không bao giờ có quyền có - chấm dứt cùng với cái chết của Bônifaxiô.
Việc thua cuộc của Bônifaxiô là điều cần thiết cho Giáo Hội, vì nó giúp Giáo Hội trở
lại con đường đúng của mình.

TRÌNH THUẬT 47

KẸT TRONG LƯỚI NHỆN

Kế nhiệm Bônifaxiô là Bênêđictô XI. Sau khi Bênêđictô XI mất, xảy ra một trong
những cuộc bầu cử Giáo hoàng khó khăn nhất trong lịch sử Giáo Hội. Sau 8 tháng ở
ghế Giáo hoàng, Bênêđictô XI mất ở Perunia, một thành phố miền trung nước Ý. Và
theo thông lệ thời đó, người kế vị sẽ được bầu ở nơi vị tiền nhiệm mất. Cuộc mật
nghị (các hồng y họp để bầu Giáo hoàng) ngày 17-7-1304 mang tầm quan trọng lớn,
vì nó mở màn cho bi kịch “lưu đày Avignon”.

HAI PHE NGANG NGỬA


19 hồng y tham gia cuộc bầu ở Perugia. Sau 11 tháng nhóm bàn, 4 trong số đó phải
rời họp vì bệnh, chỉ còn lại 15.
Ngay từ buổi họp đầu, các hồng y chia thành hai phe ngang ngửa nhau. Nhóm chung
quanh Hồng y Matteo Orsini đòi phải phạt nặng các tay thủ lĩnh chiếm Anagni và cả
vua Philippe IV, bởi vì ông này mà Bônifaxiô VIII bị giam giữ. Hồng y Napoleon
Orsini, cháu của Mateo Orsini, lãnh đạo nhóm kia, trái lại là một người của Philippe.
Vì hai bên không lựa được ai nên dịp Giáng Sinh năm 1304, họ đồng ý sẽ chọn một
người bên ngoài đoàn hồng y. Thế là Napoleon Orsini thắng, bởi giám mục giáo phận
Bordeaux, người do ông đề nghị, đã đạt được đa số phiếu 2/3. Giáo hoàng mới lấy
hiệu là Clêmentô V.

LỄ ĐĂNG QUANG Ở LYON


Khi hay tin lễ đăng quang không cử hành ở Rôma, mà là ở Lyon, ngay cả những
người theo Clêmentô cũng ngạc nhiên. Vua Pháp quá mừng về kết quả bầu cử nên
đích thân tới dự lễ. Khi đoàn rước đang tiến vào nhà thờ, một bức tường sập làm chết
nhiều người, làm Giáo hoàng té ngựa khiến viên kim cương quý nhất trên mũ Giáo
hoàng (Tiara) văng mất. Nhiều người cho đó là điềm gỡ cho tân Giáo hoàng.
Clêmentô V lúc đầu không tính ở lại Pháp, nên vẫn cho giữ kho tàng Giáo hoàng ở
Assisi và giáo triều vẫn ở Rôma. Nhưng vua Pháp đã tìm mọi cách ép ngài - một
người bản tính rất sợ sệt - ở lại để tiếp tục ảnh hưởng.
Vua Philippe, trước đó, đã được Giáo hoàng Bênêđictô XI giải vạ tuyệt thông.
Bênêđictô XI nguyên là vị hồng y đã có mặt bên cạnh Giáo hoàng Bônifaxiô khi ngài
bị Nogaret bắt và bị Sciarra Colonna đấm nắm tay sắt vào mặt. Nhưng vạ của
Nogaret thì vẫn chưa được giải. Philippe giờ yêu cầu Clêmentô giải vạ cho Nogaret
và lên án Bônifaxiô. Giáo hoàng thi hành những điều vua muốn, trừ việc kết án vị
tiền nhiệm.

LẬP LẠI TÌNH TRẠNG CŨ


Hồng y Napoleon Orsini, người đề cử Giáo hoàng mới, đã được vua Philippe tưởng
thưởng bội hậu. Philippe đã không thất vọng về Giáo hoàng mới. Vị này ngoan
ngoãn thi hành những gì Philippe muốn. Ngài lập lại tình trạng trước khi có sắc thư
“Unam sanctam”, xác nhận việc giải vạ tuyệt thông cho Vua, cho phép Vua đánh
thuế Giáo Hội Pháp trong vòng 5 năm, rút lại tất cả những gì các vị tiền nhiệm đã ra
từ 1300, xác nhận hành động của Vua đối với Giáo hoàng Bônifaxiô trước đây chỉ là
một sự “đố kị đáng khen” chứ không phải lỗi lầm đáng luận phạt, giải vạ cho
Nogaret và phong cho 9 người Pháp làm hồng y, trong số đó 4 vị là cháu của ngài và
vị linh hướng của Philippe. Cho tới lúc đó, người Ý luôn nắm đa số trong đoàn hồng
y, từ nay đa số chuyển qua tay người Pháp.
Việc cuối cùng, luận tội Bônifaxiô, Clêmentô V cho triệu tập công đồng để cứu xét.
Ngài làm như thế để tránh trách nhiệm cho mình, trong trường hợp Bônifaxiô thật sự
bị kết án.

CÔNG ĐỒNG VIENNE


Ngày 16-10-1311, khai mạc công đồng tại Vienne. Clêmentô V trong y phục Giáo
hoàng cùng các nghị phụ tiến vào nhà thờ chính toà. Giáo hoàng ngồi vào ghế trên
cung thánh, các nghị phụ trong phẩm phục và mũ giám mục, ngồi thành 3 hàng mỗi
bên ở gian giữa. Có 114 giám mục và viện phụ hiện diện. Chỉ những ai có sự đồng ý
của Philippe mới được mời. Khi tất cả vào chỗ, Giáo hoàng ban phép lành. Các Nghị
phụ phủ phục xuống nền nhà rồi đứng dậy. Giáo hoàng đọc kinh Chúa Thánh Thần:
“Lạy Chúa, chúng con họp nơi đây vì danh Chúa. Hãy tới với chúng con, hãy ở lại
với chúng con...”. Sau đó, Nghị phụ lại quỳ xuống đọc kinh cầu các Thánh. Hồng y
Napoleon Orsini hát đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa sai 72 môn đồ ra đi (x. Lc 10,1-
16). Sau bài hát “Xin Chúa Thánh Thần hãy đến” (Veni Creator), Giáo hoàng đọc
diễn văn khai mạc, trong đó ngài đề cập tới các nghị trình quan trọng nhất của công
đồng là vụ dòng Hiệp sĩ Đền thờ, việc tái chiếm Đất Thánh, việc cải tổ phong tục
Giáo Hội và tự do của Giáo Hội. Chuyện phán xét Bônifaxiô cũng được đề cập.
Bônifaxiô đã được công đồng tuyên bố vô tội trong mọi khoản cáo trạng và được
công nhận là một Giáo hoàng chính thống hợp pháp. Vì thế, xác ngài đã không bị bới
lên để đốt, như Philippe yêu cầu. Philippe hài lòng với quyết định của công đồng, vì
thực ra, với ông chuyện Giáo hoàng không quan trọng bằng chuyện tiền bạc.

DẸP DÒNG HIỆP SĨ ĐỀN THỜ


Philippe biết rõ số tài sản to lớn của dòng này ở nước Pháp. Và vì tài sản này mang
tính cách thiện nguyện và trực thuộc quyền sử dụng của Giáo hoàng, nên ông tính
nhờ tay Clêmentô để chiếm hữu. Ngày 13-10-1307, khi Philippe cho lệnh tống giam
hai ngàn tu sĩ và tịch thu tài sản của dòng và doạ đem vụ Bônifaxiô ra xử lại,
Clêmentô liền ra lệnh đóng cửa dòng ngày 22-3-1312, với lý do “không còn phục vụ
các mục tiêu nguyên thuỷ nữa”. Hai ngày trước đó, đích thân Philippe tới Vienne để
“xem cho ra lẽ”. Dòng bị giải tán, dù công đồng sau khi điều tra cẩn thận đã nhận
thấy tội loạn luân và “âm mưu quốc tế của Satan” chỉ là chuyện vu oan giá hoạ.

MỘT GIÁO CHỦ TỪ TỈNH LẺ


Clêmentô V thuộc dòng quý tộc pháp. Sau khi làm Giáo hoàng, ngài vẫn là giám mục
của giáo phận. Các Giáo hoàng thế kỷ 13 không hẳn lúc nào cũng ngụ tại Rôma,
nhưng ít ra các ngài đều ở trong địa hạt Quốc gia Giáo Hội, nghĩa là đóng dinh tại
Anagni, Perugia, Viterbo hay Orvieto. Clêmentô trái lại, sau khi lên ngai, đã ngụ lại
nơi sinh quán của mình là Poitiers 16 tháng, làm như đã chẳng có gì đổi thay trong
cuộc sống mình. Rồi 4 năm liền, ngài đi lại khắp miền nam nước Pháp để tìm một địa
điểm hợp cho sức khoẻ. Năm 1309, ngài đến định cư tại Avignon, vì địa điểm này
gần Vienne, nơi họp công đồng. Song cũng chẳng sống trong Avignon, mà ngụ ở một
vùng nào đó bên sông Rhone. Rất hiếm khi tiếp khách. Chỉ có 4 người cháu được
thăng hồng y có quyền lai vãng bên ngài. Chung quanh ngài chỉ toàn là thân nhân
trong gia đình; tất cả ra sức lợi dụng ông bác của mình. Tóm lại, Clêmentô là người
bệnh hoạn, hay lo, tâm lý chao đảo. Vậy làm sao mà có thể đương đầu với Philippe?
Ở đây phải nói tới một điểm có tầm quan trọng quyết định cho thời đó và về sau:
Nhờ khoa học phát triển nên các luật gia chiếm giữ những vai trò chủ chốt trong điện
vua Philippe. Bản chất Philippe không phải là người chống Giáo Hội, nhưng các nhà
luật đã cung cấp luận chứng cho ông đánh Giáo Hội. Chẳng bao lâu sau, hội đồng tư
pháp hoàng gia cũng đã lên tiếng khẳng định, chính vua mới là kẻ nắm quyền cả đạo
lẫn đời chứ không phải Giáo hoàng. Họ cũng lý luận rằng các Giáo hoàng về sau này
không còn được trao quyền của Thánh Phêrô nữa.
Clêmentô V mất ngày 20-4-1314 ở Carpentras gần Avignon. Ngài để lại một Rôma
đổ nát và một Giáo Hội hoàn toàn nằm trong tay người Pháp. Cùng năm đó Philippe
IV mất.
NAPOLEON ORSINI HẲN PHẢI BIẾT
Không lâu trước khi Clêmentô V mất, Hồng y Napoleon Orsini, thuộc dòng quý tộc
quyền thế Orsini ở Rôma, viết cho vua Philippe một lá thư, trong đó cho hay
Clêmentô V là một trong những Giáo hoàng tồi nhất, bởi vì ngài đã làm đổ vỡ Rôma
và Quốc gia Giáo Hội. Napoleon Orsini, như vậy, là người vô tội ư? Có lẽ ông phải
mang trách nhiệm lớn hơn, vì đã đề cử Clêmentô V như là nhân vật duy nhất thích
hợp cho ghế Giáo hoàng. Ông đã khẳng định với các hồng y mật viện rằng, Clêmentô
V là đệ tử trung thành của Bônifaxiô VIII, bởi vì chính Bônifaxiô III đã khoác cho
ngài mũ hồng y, và rằng ngài không phải là người của Pháp thật sự, vì thành phố
Giáo phận Bordeaux của ngài năm 1303 đã bị người Anh chiếm. Napoleon Orsini
phải nhận trách nhiệm trước lịch sử, vì ông đã đưa một người không xứng lên ghế
Giáo hoàng. Chuyện đó hẳn ông phải biết.

TRÌNH THUẬT 48 - 49

TRÌNH THUẬT 48

NƯỚC ĐỨC CHỐNG LẠI GIÁO CHỦ


Clêmentô mất ở Carpentras vì “bệnh cảm”. Người kế vị, như vậy, phải được bầu tại
tỉnh lị nhỏ miền nam nước Pháp này. Trong tổng số 23 hồng y mật viện, có 16 người
Pháp và 7 ngưới Ý. Ngày 24-7-1314, thân nhân của Giáo hoàng quá cố tấn công và
đốt nhà các hồng y người Ý. Các hồng y thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Hai năm
sau, mật viện họp lại ở Lyon. Em của vua Philippe V nhốt các nghị phụ trong một tu
viện Đaminh và trao cho các ngài một danh sách 4 hồng y để chọn lấy một. Kết quả
bầu cử lần này (7-8-1316) cũng do Orsini quyết định. Ông chọn Giám mục Cahor,
Giáo phận Avignon, 72 tuổi. Nhiều vị ngại rằng vị này quá lớn tuổi. Nhưng họ lầm,
vì Gioan XXII đã sống tới 90 tuổi. Bởi các Giáo hoàng tiền nhiệm từ 1309 đều ngụ
tại Avignon, Gioan XXII cũng không phải rời tỉnh này.
Gioan XXII bản tính xuề xoà, tiết kiệm và đạo đức. Càng bị chống, năng lực ngài
càng tăng. Ngài là Giáo hoàng nổi nhất của thế kỷ, dù cũng như Bônifaxiô rất cứng
rắn về mặt chính trị và kém ngoại giao. Cái dở ngoại giao biểu lộ qua chuyện năm
1322 ngài buộc vua Ludwig đất Bayer nước Đức từ chức trong vòng 3 tháng, vì việc
đăng quang của vua này đã không được sự chuẩn nhận của ngài. Ludwig bị tuyệt
thông, vì đã không đếm xỉa gì tới lời buộc. Đối lại, ông kêu gọi triệu tập một công
đồng chung để kết án Giáo hoàng về tội rối đạo. Sáng kiến này không hẳn phát xuất
từ Ludwig, nhưng là do lèo lái của hai quân sư của ông là William và Marsilius.

MỤC TIÊU CỦA HỌ: KIỂM SOÁT HOÀN TOÀN GIÁO HỘI
William Ockham (1285-1347) là một người Anh và là tu sĩ dòng Phanxicô. Ông là
một trợ phó tế và là người mở đường cho chủ nghĩa quốc gia chuyên chế. Vì đưa ra
thuyết lạ, ông bị Viện trưởng Đại học Oxford, nơi ông giảng dạy, cáo tội rối đạo.
Năm 1324, William được triệu về Avignon để trả lời trước Giáo hoàng về thuyết của
mình. Hai năm sau, một uỷ ban gồm 6 nhà thần học kết án 51 trong số 56 luận chứng
của ông là sai lạc. Nhưng Giáo hoàng không tuyên án công khai, mà chỉ cấm ông
không được rời Avignon. Năm 1328, ông cùng với Michael ở Cesena, Tổng quyền
Dòng Phanxicô, trốn khỏi thành. Michael bị quản thúc ở Avignon vì chống lại Giáo
hoàng trong vụ tranh luận về lý tưởng khó nghèo của dòng Phanxicô. Gioan XXII
liền ra vạ cho cả hai. William tới trốn trong cung của Ludwig. Tục truyền khi tới với
Ludwig, ông đã thưa với vị này: “Hoàng đế bảo vệ tôi bằng kiếm, tôi sẽ bảo vệ lại
ngài bằng bút!” William và Marsilus là hai nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với
Ludwig.
Marsilius Padua sinh năm 1275, học triết và y khoa ngay tại sinh quán Padua. Năm
1312, ông đậu bằng giáo sư (Magister) rồi lên làm Viện trưởng Đại học Paris. Tại
đây, ông bí mật viết tài liệu đả kích “Kẻ bảo vệ hoà bình” (Defensor pacis). Khi tên
mình bị lộ, ông trốn về Muenchen với vua Ludwig IV (1326). Bị Gioan XXII tuyệt
thông năm 1327.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Marsilius tranh đấu ít cho sự tách biệt thần quyền với
thế quyền, nhưng chủ yếu cho một Giáo hội quốc gia tự trị với sự ưu quyền của quốc
gia trên Giáo Hội và mục tiêu cuối cùng là thế quyền kiểm soát hoàn toàn Giáo Hội.
Trong “Defensor pacis”, ông đả kích ưu quyền của Giáo hoàng, bởi vì theo ông,
Phêrô đã chưa bao giờ đặt chân tới Rôma và ngai Giáo hoàng chỉ là một kết quả của
quá trình lịch sử. Marsilius dạy rằng, quyền tối cao trong Giáo Hội nằm ở công đồng
chung do hoàng đế triệu tập. Giáo hoàng chỉ là người thi hành quyết nghị công đồng.

LUDWIG ĐẤT BAYER CHỈ ĐỊNH GIÁO CHỦ ĐỐI ĐẦU


Một trong những hệ quả đầu tiên của luận chứng Marsilius là lễ đội mũ hoàng đế cho
Ludwig ở Đền thờ Thánh Phêrô tại Rôma ngày 17-1-1328, do thị trưởng Rôma là
Sciarra Colonna “nhân danh dân Rôma” cử hành. Việc xức dầu được thực hiện bởi
hai giám mục đã bị tuyệt thông. Sau khi đăng quang, Ludwig tiến ra trước tiền đường
nguyện đường, đứng trên bậc cao để hạch tội “Linh mục Giuse Cahor, kẻ đã tự xưng
mình là Giáo hoàng Gioan XXII”.
Trong “phiên án” đó, Ludwig công bố Gioan XXII là kẻ rối đạo, truất chức và đưa
một thầy tiểu đệ lên làm Giáo hoàng, Giáo hoàng Nicôlô V. Hai năm sau, vị này đã
hối hận và quy phục vị chính thống.
Cuộc đấu tranh của nước Đức chống lại uy quyền hoàn vũ của Giáo hoàng không
chấm dứt với cái chết của Gioan XXII, nhưng vẫn tiếp tục dưới thời Bênêđictô XII.

UY QUYỀN GIÁO HOÀNG CHẤM DỨT Ở NƯỚC ĐỨC


Bênêđictô XII là người Pháp và là Viện phụ Dòng Xitô trước khi được bầu làm Giáo
hoàng. Ngài cho xây dinh Giáo hoàng ở Avignon, ngày nay vẫn là di tích của một
trong những kiến trúc hậu gotic lớn nhất choán ngữ cả thành phố. Bênêđictô XII -
bản thân rất nhiệm nhặt và chống lại mọi lạm dụng quyền hành để làm giàu cho gia
đình thân thuộc mình - muốn làm hoà với Ludwig, nhưng vua Pháp tìm mọi cách
chống. Các lãnh chúa Đức bực mình vì chuyện này và vì thế Hội các ông hoàng Đức
năm 1338 đã ra tuyên ngôn ở Rhense rằng “một vị vua nước Đức được các ông
hoàng nước này bầu lên không cần tới sự chuẩn nhận của Giáo hoàng, mà vẫn thành
một hoàng đế hợp pháp”. Dù việc phong đế về sau chỉ còn đơn thuần là một nghi
thức, nhưng Hội cũng đồng ý nên dành đặc quyền này cho Giáo hoàng. Tuyên ngôn
của Hội đã chấm dứt quyền chọn hoàng đế của Giáo hoàng. Cũng như trước đây,
Giáo hoàng Nicôlô II năm 1059 với “Sắc lệnh bầu Giáo hoàng” đã tước quyền chọn
Giáo hoàng ra khỏi tay hoàng đế hoặc các vua Đức.
Bênêđictô XII chấp nhận quyết định trên của Hội và quay về dồn nỗ lực cho các vấn
đề nội bộ Giáo Hội. Một thời gian dài, ngài có ý định trở lại Rôma, nhưng đã không
thắng nổi sức ép của các vua Pháp. Hơn nữa, tình trạng ở Rôma cũng quá thê thảm
để có thể yên tâm trở về.

GIÁO HOÀNG MUA AVIGNON


Giáo hoàng tiếp theo ở Avignon - cũng là người Pháp - là Clêmentô VI. Ngài bỏ ra
80.000 nén vàng mua đứt thành Avignon, lúc đó là lãnh địa của Nữ hoàng Gioana I
tiểu quốc Napoli. Việc mua bán này biến đời tị nạn của các Giáo hoàng trở thành đời
định cư.
Clêmentô VI bị tai tiếng khá nhiều. Thánh Brigitta, nước Thuỵ Điển, gọi ngài là
“người mê hưởng thụ”. Nhưng những năm cuối đời ngài đã cố gắng chuộc lại phần
nào lỗi lầm đã gây cho Giáo Hội. Khi nạn dịch lan tới Avignon năm 1348 khiến cho
một số người chết, ngài không những chăm sóc bệnh nhân, nhưng còn ra tay bảo vệ
người Do Thái, những kẻ bị dân chúng gán cho tội đầu mối của bệnh dịch.

VUA MỚI
Vào thời đó, xảy ra cảnh trong nhiều giáo phận và tu viện Đức có hai giám mục hoặc
hai viện phụ chống nhau, người theo vua kẻ theo Giáo hoàng. Không còn biết ai đúng
ai sai. Để chấm dứt tình trạng, Clêmentô VI yêu cầu các ông hoàng chọn một vua
mới. Yêu cầu của Giáo hoàng đã được thực hiện sau khi mọi người, ngay cả những
người gần gũi Ludwig nhất, đã dần bỏ ông. Vua mới, bầu năm 1346, là Karl IV đất
Boehmen thuộc nhà Luxemburg. Ludwig mất năm sau đó, nhân chuyến đi săn gấu
gần Muenchen. Karl IV được một sứ thần của Giáo hoàng Innôxenxô VI đội mũ đế
năm 1355. Năm sau, trong đại hội Vương quốc tại Metz hoàng đế Karl IV long trọng
đưa vào luật: kể từ nay chỉ có 7 ông hoàng nước Đức có quyền bầu vua. Đó là 3
Tổng Giám mục Giáo phận Koeln, Mainz, Trier và 4 ông hoàng: Vua Boehmen,
Dinh bá tước vùng Rhein, Quận công Sachsen Wittenberg và Bá tước Brandenburg.
Không ai đá động gì tới quyền Giáo hoàng trong lĩnh vực này.

MỘT NĂM THÁNH KHÔNG GIÁO HOÀNG


Lệ cũ cứ 100 năm mới có một năm thánh. Nay đổi thành 50 năm. Vì vậy, năm 1350
được chọn; nhưng không có Giáo hoàng, vì ông vẫn đóng bên Avignon. Điều đáng
ghi ở Rôma là vị hồng y dẫn đầu cuộc rước vào Nguyện đường Thánh Phaolô sém bị
mất mạng vì một mũi tên bắn sẻ. May mũi tên chỉ xuyên qua mũ.
Thi sĩ nổi danh Francesco Petrarca, năm 1341, được bầu làm “vua thi sĩ” ở Rôma, mô
tả tình hình ở kinh thành muôn thuở như sau: “Lateran (Điện của Giáo hoàng) đổ
nát và Mẹ của các nhà thờ (Nguyện đường Lateran) không còn mái, đứng trụ với
mưa gió. Mộ Thánh Phêrô và Phaolô lung lay và đền thờ các Tông đồ chỉ còn là
đống gạch vụn”.
Clêmentô VI mất ngày 6-12-1352. Người kế vị là Innôxenxô VI cũng rất nhiệm nhặt,
cần kiệm và sùng đạo. Petrarca sốt ruột kêu mời ngài về Rôma. Ông viết: “Trong khi
Cha ngồi trong nhà cẩn vàng bên bờ sông Rhone thì Lateran đang trở thành đống
gạch vụn. Khi nào thì Cha về lại Rôma? Ngày phán xét Cha muốn được ngồi bên
cạnh Phêrô, Phaolô và Xêlestinô (V) hay ngự giữa đám trọng tội Avignon?”

TRÌNH THUẬT 49

TRỞ LẠI RÔMA

Người đầu tiên nghĩ tới chuyện trở về Rôma là Urbanô V, Giáo hoàng từ năm 1362
tại Avignon. Ngài nguyên là một viện phụ Biển Đức và là người khá nhất trong các
vị ở Avignon. Cả ngài cũng được Petrarca và nữ thánh Brigitta ở Thuỵ Điển hối thúc
trở về. Thánh Brigitta nhân Năm Thánh 1350 đã tới định cư tại Rôma. Tuy nhiên,
hoàng đế Karl IV là người ảnh hưởng nhất trong việc khuyên nhủ Giáo hoàng trở về.
Ngày 23-5-1365 ông đích thân tới thăm Giáo hoàng tại Avignon và hứa sẽ cho lính
bảo vệ ngài trên đường về. Ngày 16-10-1367, Urbanô V về thăm Rôma hoang tàn,
chuyến trở về đầu tiên sau 63 năm. Vì điện Lateran không còn ở được nữa nên ngài
đã trú tại Vatican, chỗ mà ngày nay các Giáo hoàng vẫn ở.
Mãi tới 21-10-1368, Karl IV với một đoàn quân mới tới được Rôma và được Giáo
hoàng ra rước vào thành. Thoạt tiên, Urbanô V muốn ở lại luôn. Nhưng sau khi Karl
rời, tình hình chính trị Rôma trở nên quá bất ổn khiến ngài bỏ về lại Avignon.
Giáo hoàng mất 3 tháng sau đó. Dân coi cái chết đó là hình phạt của Chúa, vì Thánh
Brigitta đã cảnh cáo rằng nếu ngài bỏ Rôma thì sẽ chết sớm. Giáo hoàng Urbanô V
có vai trò quan trọng đặc biệt với nước Áo, vì ngài là người cổ vũ thành lập Đại học
Wien (năm 1365).

CATARINA Ở SIENA KHÔNG BỎ CUỘC


Kế vị Urbanô V là Grêgôriô XI, người được bác mình là Clêmentô VI phong hồng y
lúc 19 tuổi. Người ta gọi ngài là người đắn đo, dễ bị ảnh hưởng và trước một quyết
định quan trọng nào cũng thường hay chờ “dấu lạ từ trời”. Với bản tính đó, những
thúc bách của Catarina đã có kết quả.
Catarina thuộc dòng ba Đaminh và là con thứ 25 của ông thợ nhuộm Benincasa ở
thành Siena. Chị gửi cho Grêgôriô XI nhiều lá thư. Một lần chị viết: “Đặc biệt 3 điều
ngài phải làm sao đạt được: Thứ nhất, phải nhổ hết hoa hôi trong vườn thánh Giáo
Hội, những thứ hoa bẩn thỉu, hám của, kiêu căng; nghĩa là những chủ chăn chuyên
rải độc và làm rữa nát khu vườn. Tống cổ họ đi, để họ không còn sai khiến chúng
con. Và hãy buộc họ ăn năn trở về đường ngay nẻo chính. Thật xấu hổ khi thấy
những kẻ, đáng lẽ phải là những tấm gương khó nghèo và chia sẻ của cải Giáo Hội
cho người nghèo, thì lại sống trong đua tranh hưởng thụ và xa hoa. Họ không biết
mắc cỡ với cuộc sống đạo hạnh của nhiều giáo dân. Giáo Hội thánh phải trở về với
khó nghèo, khiêm nhượng và khoan dung của mình… Nhưng hãy nhớ rằng, không
thể làm được điều này khi ngài chưa thực hiện được hai điều kia: ngài phải về. Đừng
chần chờ gì nữa mà hãy về. Con nói cho ngài hay: về, về, đừng chần chờ vì thời gian
không đợi ngài!”. Một lần khác chị viết: “Ngài hãy về ngay khi có thể! Có thể ngay
trước tháng chín này. Nhưng dứt khoát đừng chờ cho đến đó và đừng quan tâm tới
phản đối, nhưng hãy về hiên ngang như một anh hùng! Và hãy coi chừng, dù cuộc
sống quý hoá đối với ngài, nhưng đừng về với đoàn quân súng ống, nhưng như một
con chiên hiền lành với thập giá trong tay! Làm thế là ngài đã thực thi ý Chúa; nếu
về bằng cách kia là ngài đã coi thường và không hoàn thành ý Chúa. Hãy vui lên
Cha, vui lên! Về! Về! Con chẳng muốn nói gì hơn nữa. Hãy ở lại trong hồng ân
thánh và ngọt ngào của Chúa! Xin lỗi Cha! Xin Cha ban phép lành cho con!”
Giữa tháng 6-1376, chị tới Avignon với một đoàn chị em và ở lại đó 3 tháng. Thái độ
quyết liệt của chị đã khiến một số hồng y gọi chị là “bà kinh hoàng”. Một số chị em
cũng trách chị về điểm này. Nhưng dân thường thì lại rất cảm kích. Họ từng đoàn
từng lũ đi theo, kính cẩn hôn tay chị.
Ngoài trên 375 lá thư đọc cho người ta viết (vì Catarina mù chữ) và một cuộc đời nay
đây mai đó – qua lại giữa Siena, Pisa, Lucca, Avignon, Rôma, Firenze, Napoli, thời
giờ còn lại Catarina hiến mình cho người bệnh và nghèo. Chị mất trong Đền Thánh
Phêrô năm 30 tuổi vì kiệt sức (1380), sau 8 tuần lễ quằn quại với cơn đau thể xác.
Trước đó, mục tiêu của chị đã đạt: Ngày 2-10-1376, đoàn thuyền của Giáo hoàng nhổ
neo. Thoạt tiên tàu hướng về Genua để đón Catarina. Sóng gió làm đoàn thuyền
nhiều lần phải cập bến chờ, khiến cuộc trở về kéo dài. Đám dân Rôma sốt ruột doạ sẽ
bầu Giáo hoàng đối đầu, nếu Giáo hoàng không sớm cập bến. Mãi tới ngày 6-12-
1377, Grêgôriô XI cùng 13 hồng y đặt chân lên kinh thành muôn thuở.
Giáo hoàng về lại Rôma, một Rôma với 43 nhà thờ không còn thánh lễ, 11 nhà thờ
đổ nát và nhiều nhà thờ khác không còn mái. Trong Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô,
súc vật vào ăn cỏ sát tới bàn thờ. Các cầu bắc qua sông Tiber đều sụp đổ. Rôma trở
thành một chốn vô chủ, bẩn thỉu. Giả như các Giáo hoàng không trở lại thì ngày nay
Rôma ra sao?
Grêgôriô XI bị bệnh sạn và mất 2 năm sau ngày về. Theo lời dặn của Giáo hoàng
trước khi mất, mật viện họp không cần đợi 6 hồng y đang ở Avignon tới. Một cuộc
bầu Giáo hoàng có vấn đề nhất trong lịch sử Giáo Hội…

“SỬA LẠI” CUỘC BẦU


Năm 1378, các hồng y ở Rôma bầu Tổng Giám mục Bartôlômêô Prignano Giáo phận
Bari lên ghế Giáo hoàng, hiệu là Urbanô VI. Nhưng cùng năm đó, 13 hồng y cũng đã
bầu Hồng y Robert ở Genève lên ghế Giáo hoàng (Clêmentô VII), đồng thời tuyên bố
việc bầu Urbanô không hợp lệ. Chuyện thực hư ra sao?
Khi mật viện họp năm 1378, lần đầu tiên tại Rôma sau 75 năm, dân Rôma tấn công
nơi họp và bắt các hồng y phải bầu một người Rôma hoặc ít ra một người Ý, chứ dứt
khoát không được bầu cho người Pháp. Dân biểu tình bao vây la hét, đổ chuông Nhà
thờ Thánh Phêrô không ngừng và cuối cùng dùng vũ khí chiếm phòng họp, mà không
hay trước đó mật viện đã bầu Urbanô VI rồi. Urbanô VI không phải dân Rôma,
nhưng là người Ý. Bởi các hồng y sợ dân Rôma giết nên họ đã chụp lấy lão Hồng y
Tebaldeschi – người Rôma – khoác cho ngài áo Giáo hoàng – mặc cho cụ già phản
đối – rồi đẩy lên ngai trong nguyện đường phòng họp, đoạn ai nấy tìm cách trốn,
người chạy vào luỹ Thiên thần, người lẩn vào nhà riêng, kẻ chạy ra miền quê… Tới
chiều tối, dân Rôma mới vỡ lẽ màn hài kịch đó, nhưng vẫn hài lòng vì đã có một
Giáo hoàng người Ý.

NHƯNG CUỘC BẦU HỢP LỆ


Năm tháng sau, bỗng nhiên đa số hồng y hiện diện trong buổi họp đều cho rằng việc
bầu Urbanô VI không hợp lệ, bởi họ cho rằng đã hành động vì áp lực của dân thành.
Chuyện khó hiểu. Họ đã không bầu một người Rôma như dân đòi hỏi, mà chỉ bầu
một người Ý. Họ đã đẩy Tebaldeschi lên ngai để đánh lạc hướng dân. Dù áp lực bên
ngoài, họ đã bình tĩnh làm những gì họ cho là đúng.
Rồi sau đó mọi chuyện đã diễn tiến bình thường. Các hồng y đã chính thức ký vào
biên bản trình hoàng đế. Ngay cả Clêmentô VII, Giáo hoàng đối đầu sau này, khi
tường trình hoàng đế Karl IV về việc bầu Urbanô VI, cũng không tỏ ra nghi ngờ tính
cách hợp lệ của cuộc bầu đó. Sau hết, các hồng y ở Avignon cũng đã chúc mừng kết
quả và đã cho treo huy hiệu của tân Giáo hoàng trước dinh Giáo hoàng tại Avignon.

LÍ DO THẬT
Lý do thật của việc bầu Clêmentô VII sau đó vài tháng không phải xuất phát từ
chuyện hợp lệ hay không không hợp lệ, nhưng là từ sự hối hận của các hồng y vì đã
chọn lầm người. Urbanô VI hoàn toàn không đủ khả năng và tư cách để giữ vai trò
Giáo hoàng. Ngài sớm tỏ ra là người ương ngạnh, kém thông minh, cao ngạo và vô
tâm tới độ tàn ác. Khi hay một số hồng y muốn phế mình, Urbanô VI cho tống họ
vào ngục, tra tấn rồi giết 5 người trong số đó. Nhiều sử gia ngày nay nghi ngờ sự
bình thường tâm trí của vị Giáo hoàng này.
Vì sống ở Rôma căng thẳng quá, các hồng y lấy cớ không chịu nổi nóng nên đã kéo
nhau về Anagni. Ở đó, họ thảo một tuyên ngôn cho hay việc bầu Urbanô VI là do áp
lực nên không hợp lệ. Họ bầu lên ở Forni Giáo hoàng Clêmentô VII, 40 tuổi. Trong
khi đó, Catarina cùng với một đoàn 40 người tới Rôma khuyên Urbanô VI đưa người
nhiệt tâm muốn đổi mới vào giáo triều, nhưng Urbanô VI đã không hiểu và cũng
chẳng muốn làm gì. Clêmentô VII về ngụ tại Napoli. Bị săn đuổi, ngài bỏ sang
Avignon.
Từ đây khởi đầu một phân rẽ lớn ở phương Tây. Sử gia Tin lành Gregorovius nhận
định về phân rẽ này như sau: “Không một đế quốc thế quyền nào có thể sống còn nếu
gặp hoàn cảnh đó”.

TRÌNH THUẬT 50 - 51

TRÌNH THUẬT 50

ÂU CHÂU CHIA THÀNH HAI PHE

Khác với Urbanô VI, Giáo hoàng đối đầu Clêmentô VII, được bầu lên ngày 9-8-1378
và đóng đô ở Avignon, là người vui tính và rất có khả năng lãnh đạo. Vua Pháp tìm
mọi cách nâng uy tín Clêmentô VII trước thế giới và tạo quần chúng cho ngài.
Giáo Hội hoàn vũ chia thành hai phe. Ý, Đức, Hung, các quốc gia Đông và Bắc Âu
và đặc biệt là Anh (đối địch của Pháp) ủng hộ Urbanô VI ở Rôma, người đã không
chịu từ chức sau khi Clêmentô VII được bầu. Clêmentô VII, trái lại, được hoan
nghênh ở Pháp, Burgogne, Savoie, Vương quốc Napoli, Scotland (kẻ thù của Anh) và
Vương quốc của nhà Habsburg, bởi vì Quận công Leopold III nước này, một vị
thánh, là người theo Clêmentô VII. Ngay cả các thánh thời đó cũng khó mà nắm
được ai là kẻ chính thống. Ngày nay, qua khảo sát lịch sử, vấn đề tương đối rõ ràng
hơn.
Kết quả cuộc bầu cử năm 1378 có thật do sức ép từ ngoài hay không, thật khó xác
định. Vì thế, Tổng Giám mục Giáo phận Toledo cho phép thay tên vị Giáo hoàng
được cầu và nhớ đến trong phụng vụ bằng câu “… cho vị nào là Giáo hoàng thật
sự”. Chính quyền Bồ Đào Nha, cũng vì sự mơ hồ đó, đã xoay chiều tình cảm gần
như hằng năm: 1380 ủng hộ Clêmentô VII, 1381 quay sang Urbanô, 1382 trở lại
Clêmentô VII, và từ 1385 dứt khoát theo Urbanô. Phân rẽ đi vào tới tận các các gia
đình và tiếp tục tồn tại sau khi cả hai vị đã mất.

GIÁO HOÀNG MỚI VÀ GIÁO HOÀNG ĐỐI ĐẦU MỚI


Ngày 15-10-1389, Giáo hoàng Rôma Urbanô VI mất, hình như mất trong tình trạng
loạn trí. Chẳng ai phân ưu. Các hồng y Rôma bầu giám mục thành Napoli là
Tomacelli lên kế, lấy hiệu là Bônifaxiô IX. Để chấm dứt phân rẽ, Bônifaxiô IX đề
nghị Clêmentô VII từ chức và sẵn sàng cử ngài làm tổng quyền của Giáo hoàng và
các hồng y theo ngài vẫn được tiếp tục mặc áo tím và sẽ được cất nhắc vào các chức
vụ trọng vọng. Clêmentô VII từ chối.
Khi Clêmentô VII mất, Avignon bầu hồng y Tây Ban Nha Pedro de Luna lên với
hiệu là Bênêđictô XIII. Khi còn hồng y, Bênêđictô XIII ra sức tìm cách hàn gắn phân
rẽ. Nhưng sau khi khoác áo Giáo hoàng, ông tỏ ra “thà bị chết thiêu” chứ không từ
chức. Điều này được chứng minh qua sự kiện sau: 18 hồng y âm mưu nhốt bỏ đói
ngài trong dinh Avignon để ép ông từ chức. Cả dân thành và quý tộc Avignon ủng hộ
biện pháp này. Một cuộc tấn công dinh do bọn lính đánh thuê đã làm ông bị thương,
nhưng dù vậy, ngài vẫn một mực không xuống. Cuối cùng, ngài đã trốn được khỏi
dinh và bán sống bán chết trốn chạy về Provence.

VẪN TIẾP TỤC 2 GIÁO HOÀNG


Ở Rôma, người kế vị Bônifaxiô IX là Innôxenxô VII (1404–1406). Các hồng y Rôma
bầu Innôxenxô VII, dù trước đó đã có lời khẩn khoản của Bênêđictô XIII - lúc này đã
trở về lại Avignon - là đừng tiếp tục đưa ai lên để tìm cách chấm dứt chia rẽ. Khi đặc
sứ của Bênêđictô XIII tới Rôma thì việc bầu Innôxenxô VII đã rồi.
Sau Innôxenxô VII là Grêgôriô XII, tại vị từ 1406 đến 1415. Grêgôriô XII và
Bênêđictô XIII thoả thuận sẽ gặp nhau tại Savona gần Genua để giải quyết bế tắc.
Vào ngày hẹn, Bênêđictô XIII đến trước và dành nửa thành Savona làm chỗ trọ cho
phái đoàn Rôma. Nhưng Grêgôriô đã không đến. Không hiểu vì sợ mắc bẫy hay là
hết hứng thú nói chuyện.

ĐỀ NGHỊ CỦA ĐẠI HỌC PARIS


Khi phân rẽ trở thành chuyện đàm tiếu của cả Âu châu, Đại học Paris đưa ra đề nghị
giải quyết như sau: hoặc cả hai Giáo hoàng từ chức để bầu một vị mới; hoặc để cho
một ban trọng tài độc lập xác định ai là kẻ chính thống. Nếu hai lối này bị bác thì sẽ
triệu tập công đồng chung để quyết định. Đoàn hồng y của cả hai Giáo hoàng cũng
như hầu hết các lãnh chúa ở Đức ngã theo giải pháp cuối cùng.

CÔNG ĐỒNG PISA


Căn bản pháp lý của Công đồng Pisa năm 1409 hoàn toàn không vững, bởi vì nó
không được triệu tập bởi một Giáo hoàng, mà là do các hồng y. Nhưng cả hai Giáo
hoàng đã tuyệt thông nhau, đâu còn ai có quyền triệu tập công đồng. Lại nữa, tín hữu
hai phe (như vậy là cả Giáo Hội hoàn vũ) đều bị tuyệt thông, còn đâu liên lạc với
nhau để có thể làm chung một cái gì. Nhưng, cái khó bó cái khôn. Vả lại, lúc đó các
giáo sư Paris vẫn giải thích là công đồng cao hơn Giáo hoàng nên có thể triệu tập mà
không cần Giáo hoàng.

CHỦ TRƯƠNG ƯU THẾ CỦA CÔNG ĐỒNG


Chủ trương này do Marsilius ở Padua (mất 1342) và môn đồ là William Ockham
(mất 1349) khởi xướng, với nội dung: Quyền tối cao trong Giáo Hội không phải ở
nơi Giáo hoàng, nhưng ở công đồng chung, là tổ chức đại diện cho toàn tín hữu. Giáo
hoàng là kẻ thi hành quyết nghị công đồng, chịu trách nhiệm trước công đồng. Công
đồng, như vậy, có quyền truất bỏ Giáo hoàng.
Chủ trương này năm 1459 bị Giáo hoàng Piô II kịch liệt kết án: “Một lạm dụng đáng
tởm và đã ngấm ngầm từ lâu, đã nảy sinh trong thời đại chúng ta, để cho không ít
người có tinh thần chống báng, thiếu thiện ý và tội lỗi muốn triệu tập một công đồng
mà không cần Giáo hoàng Rôma… Với mong muốn tẩy cái nọc độc ấy ra khỏi Giáo
hội, ta kết án những kiểu thử thách đó và bác bỏ chúng như những hành vi sai lạc và
đáng tởm”.
Giáo luật ngày nay định rõ: “Công đồng không thể triệu tập khi không có quyết định
của Giáo hoàng”, và: “Quyết định công đồng chỉ hiệu lực sau khi được Giáo hoàng
chuẩn nhận và phổ biến theo yêu cầu của ngài”.
Các nghị phụ thời Công đồng Pisa đã ít quan tâm tới khía cạnh pháp lý của chủ
trương ưu quyền công đồng. Họ nóng lòng muốn bằng mọi cách chấm dứt một đổ vỡ
đã kéo dài hơn 30 năm. Thời đó cũng đã có nguyên tắc không ai được phép kết án
một Giáo hoàng. Nhưng nguyên tắc này nhằm chống lại việc truất phế Giáo hoàng do
các hoàng đế và các lãnh chúa Rôma trong thời “thế kỷ đen”. Trường hợp một Giáo
hoàng bị tâm loạn hay rối đạo thì đã có sẵn điều luật giải quyết: triệu tập công đồng
để cách chức Giáo hoàng. Các nghị phụ Pisa trong hoàn cảnh bất khả kháng đã chỉ có
mỗi nguyên tắc này để giải quyết bế tắc, cho dù cả hai Giáo hoàng chẳng loạn mà
cũng không rối.
Cái lý do mạnh mẽ nhất của việc triệu tập Công đồng chung Pisa là để chấm dứt một
tình trạng không thể để kéo dài được nữa. Pháp lý chỉ là chuyện phụ. Cũng vì thế mà
con số nghị phụ tham dự khá đông: 24 hồng y, khoảng 100 giám mục, 100 giám mục
khác gửi đại diện tới, bên cạnh còn trên dưới 100 viện phụ, 4 thượng phụ, nhiều đại
diện của các lãnh chúa, tu viện và của 13 đại học có tiếng. Ngoài ra còn có sự tham
dự của nhiều tiến sĩ thần học và luật học.
PISA BẦU GIÁO HOÀNG THỨ BA
Ngày 25-3-1409, Hồng y Milano là Peter Philargi long trọng khai mạc Công đồng
Pisa. Vì cả hai Giáo hoàng không chịu từ chức, nên, vào kỳ họp thứ 15 ngày 5-6,
Công đồng đã áp dụng điều khoản chống lạc giáo cách chức và tuyệt thông cả hai ra
khỏi Giáo Hội. Quyết định này đã được 213 nghị phụ ký tên, trong đó có cả 24 hồng
y.
Công đồng bầu Peter Philargi, người khai mạc và đã góp phần quyết định trong việc
mở công đồng, vào ghế Giáo hoàng, với hiệu Alexandrô V. Philargi không phải dân
Ý hay Pháp, mà là một người Hy Lạp từ đảo Kreta và đã 70 tuổi khi được bầu. Ngài
xuất thân từ một gia đình nghèo mạt, thuở nhỏ đi ăn xin cho tới khi các linh mục
dòng Phanxicô nhận vào nuôi. Philargi nhập dòng rồi tu học tại Oxford, Paris và
Pavia.
Bởi hai vị kia không chịu xuống, dù đã bị truất chức, nên Giáo Hội lúc này có tới 3
Giáo hoàng. Nỗ lực giải quyết bằng con đường không hợp pháp, như thế, đã không
thành.
Alexandrô V, như vậy, có chính thống không? Thời đó đã không ai dám xác định.
Ảnh của ngài đã được treo cùng với các Giáo hoàng chính thức khác trong nguyện
đường Thánh Phaolô ở Rôma. Tên của ngài cũng được đưa vào danh sách Giáo
hoàng chính thức, vì sau ngài là tới Alexandrô VI. Nhưng từ năm 1947, tên ngài bị
loại khỏi danh sách chính thức và ngày nay không còn được kể là một Giáo hoàng
hợp pháp.
Sau khi kết thúc Công đồng, Giáo hoàng Alexandrô V về ngụ tại Bologna. Ngài được
một số đông tín hữu chấp nhận. Nhưng hai vị kia cũng còn khá nhiều người theo.
Vua Đức Ruprecht, vua Ladislaus của Napoli và một số vùng miền trung Ý đi theo
Grêgôriô XII. Bênêđictô XIII được dân bán đảo Pyrénee chấp nhận.

TRÌNH THUẬT 51

CÔNG ĐỒNG KONSTANZ TÁI LẬP THỐNG NHẤT

Sigismund nhà Luxemburg, con trai hoàng đế Karl IV, lên làm vua Đức năm 1411.
Lúc đó, Giáo Hội hoàn vũ được “trị vì” bởi 3 Giáo hoàng một lúc: Grêgôriô XII,
Bênêđictô XIII và Gioan XXIII<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]--> là
người kế vị Alexandrô V. Trước khi được chọn làm vua, Sigismund hứa sẽ bằng mọi
cách chấm dứt phân rẽ. Và theo ông, việc này chỉ thành khi cả ba Giáo hoàng chịu từ
chức. Sau đó sẽ triệu tập công đồng để bầu Giáo hoàng mới. Sigismund đề nghị họp
công đồng ở Konstanz, phần đất thuộc quyền mình, và hứa sẽ bảo đảm an ninh cho
tất cả những ai về họp. Giáo hoàng Gioan XXIII cho biết thêm rằng bá tước Friedrich
đất Tirol cũng sẵn sàng bảo đảm an ninh cho công đồng.

GIÁO HOÀNG ĐỒNG TRIỆU TẬP


Trước hết, Sigismund vận động các thế lực Âu châu yểm trợ đề nghị triệu tập công
đồng của mình và ông đã thành công. Thứ đến, ông tìm hậu thuẫn của các giáo sư
Đại học Paris, điều rất cần vào lúc đó. Rồi ông cho loan tin sẽ họp công đồng ở
Konstanz. Để mọi chuyện được đúng đắn, ông mời Giáo hoàng Gioan XXIII cùng
đứng tên triệu tập. Và ông sẽ đích thân hiện diện và chủ toạ công đồng.
Gioan XXIII đồng ý đứng tên, vì ông hy vọng Công đồng rồi ra sẽ chuẩn nhận mình
trong ghế Giáo hoàng. Tình hình lúc đầu xem ra khá thuận lợi, vì ngài có số tín hữu
theo đông nhất. Và như vậy, đa số nghị phụ hẳn sẽ dồn phiếu cho ngài.
Lẽ ra Gioan XXIII khai mạc Công đồng ngày 3-11-1414. Nhưng, sau khi khoác áo
Giáo hoàng lên mình, không hiểu tại sao ngài tự dưng cảm thấy buồn nôn, vì vậy
Công đồng đã phải hoãn lại 2 ngày. Công đồng khai mạc trong Nhà thờ Chính toà
Konstanz. Gioan XXIII thấy yên tâm khi nhìn ra 4 phía toàn thấy người của mình,
hai vị Giáo hoàng kia không đến mà chỉ gửi đại biểu tới thôi.

TÌNH HÌNH THAY ĐỔI ĐỘT NGỘT


Tình hình bỗng xoay chiều khi Vua Sigismund tới, trong đêm Giáng Sinh. Cùng theo
chân ông là cả hoàn vũ: hồng y, giám mục, viện phụ, tổng quyền dòng tu, giáo sư
thần học, đại biểu của các vua, chúa, thành phố và đại học. Thêm vào đó là hàng
ngàn dân hiếu kỳ, thương buôn, bọn làm trò tuôn theo.
Gioan XXIII mất đa số nhưng còn hy vọng. Nhưng vì Sigismund nhất quyết không
chấp nhận bầu Gioan XXIII nên thủ tục bầu Giáo hoàng phải đổi. Thay vì bầu theo
đầu người, như lần trước ở Pisa, giờ bầu theo “quốc gia”. Ngoài 4 quốc gia dự Công
đồng (Anh, Đức, Pháp, Ý) thêm một “quốc gia” thứ năm là đoàn hồng y. Mỗi quốc
gia, dù đông hay ít người tham dự, cũng chỉ có một phiếu bầu. Quốc gia ở đây được
hiểu cũng là khối chính trị, chẳng hạn như Đức cũng có nghĩa bao gồm cả các nước
Bắc Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Kroaten và Dalmatin.

GIOAN XXIII GIẢ LÀM NGƯỜI GIỮ NGỰA BỎ TRỐN


Sợ Gioan XXIII có thể bỏ trốn vì việc đổi thủ tục bầu, Sigismund cho đóng chặt cửa
thành Konstanz và canh phòng cẩn mật. Dù vậy, Gioan XXIII cũng đã trốn được
khỏi thành nhân một cuộc đua ngựa do người bảo hộ mình là bá tước Friedrich đất
Tirol tổ chức mua vui để đánh trống lảng. Giáo hoàng hoá trang làm người chăn
ngựa, trốn thoát ngày 20-3-1415 và tới ẩn tại Schaffhausen, lãnh địa của Friedrich.
Ulrich ở Richenthal, một người đồng thời, ghi lại cuộc vượt thoát như sau:
“Vào ngày hai mươi tháng ba, chiều tối trước ngày lễ Thánh Biển Đức năm 1415,
lúc một giờ chiều, Giáo hoàng Gioan trốn khỏi Konstanz. Ông ngồi trên lưng con
ngựa nhỏ, mặc áo choàng xám và đội chiếc mũ xám kéo sụp xuống vai để khỏi ai
nhận diện, một vai đeo cung, phía trước là một anh hầu trùm kín mặt ngồi ngựa dẫn
đường, phía sau một thầy tu cũng bịt mặt đi theo. Trước tiên họ tới nhà xứ
Ermatingen. Giáo hoàng nghỉ ngơi và làm một tuần rượu. Không ai nhận ra ngài.
Từ đó ngài xuống tàu đi Schaffhausen, không ai nhận diện được ngoài bá tước
Friedrich nước Áo”.
Công đồng sẽ bị phá? Gioan XXIII nuôi ý định phá bững Công đồng khi ra được
khỏi thành. Ulrich von Richenthal kể tiếp:
“Sáng sớm khi ngày vừa lên, ngày lễ thánh Biển Đức, Hoàng đế chúng ta kéo theo
quận công Ludwig đất Heidelberg cùng đám nhạc công rong ngựa khắp hang cùng
ngõ hẻm thành phố. Ông tới gặp từng người đổi tiền - dân Ý cũng như mọi dân khác,
tới từng tiệm bán thuốc, bọn tiểu thương, thủ công, gặp tất cả các hồng y và các
nhân vật khác yêu cầu mọi người đừng đi đâu cả để đợi xem chuyện gì đã xảy ra và
Giáo hoàng có phải đã tẩu thoát hay không đã. Tới đâu ông cũng cho trổi kèn inh
ỏi”.
Sợ cướp bóc có thể xảy ra nhân cảnh lộn xộn, Sigismund lệnh cho dân Konstanz
trang bị vũ khí. Ông đã thành công khuyến dụ các hồng y ở lại trong thành, bởi vì
đàng nào đi nữa thì Công đồng cũng phải tiếp tục. Nhân việc Giáo hoàng bỏ trốn,
những người chủ trương ưu quyền công đồng càng ra sức vận động cho quan điểm
của mình là chẳng cần Giáo hoàng công đồng cũng họp tiếp được. Họ đưa ra một dự
thảo công nhận quyền công đồng cao hơn Giáo hoàng. Nhưng các giám mục nghị
phụ đã bác bỏ.
Ngày 17-5-1415, bá tước đất Nuernberg đã bắt được Giáo hoàng, khi vị này đang
trên đường từ Schaffhausen định trốn sang Pháp. Gioan XXIII được đưa trở lại
Konstanz và bị Công đồng truất chức ngày 29-5.
Ulrich Richenthal ghi lại như sau:
“Và người ta cho người đi Radolfzell để bắt Balthasar de Cossis (Gioan XXIII),
mang về Gottlieben gần Konstanz. Người ta đọc cho ngài nghe tài liệu và các hành
vi sai phạm của ngài và ra lệnh giam chung thân. Công đồng và Hoàng đế của
chúng ta giao ngài cho quận công Ludwig giữ cho tới khi có Giáo hoàng mới, rồi
sau đó Quận công được toàn quyền muốn làm gì thì làm. Ludwig cho giải ngài từ
Gottlieben lên Heidelberg rồi về Mannheim. De Cossis bị giữ lại đó cho tới khi Giáo
hoàng Martin được bầu. Và Ludwig tiếp tục mang ngài đi theo mình”.
Gioan XXIII mất trong năm đó. Cosimo nhà Medici ở Firenze dựng bia cho ngài và
cho khắc lên đó dòng chữ: “Balthasar Cossa, Gioan XXIII, người một thời là Giáo
hoàng”. Nhưng vẫn còn 2 Giáo hoàng “trị vì”. Giáo hoàng Rôma Grêgôriô XII xử sự
đáng khen. Ngài cho Công đồng hay mình sẽ tự nguyện từ chức nếu như Công đồng
chấp nhận để ngài chính thức triệu tập lại Công đồng. Đồng ý. Như vậy là không cần
áp dụng nguyên tắc ưu quyền công đồng nữa. Công đồng được triệu tập lại đúng theo
giáo luật. Grêgôriô XII từ chức lúc đã 90 tuổi nên sự hy sinh không quá lớn. Ông mất
ngày 18-10-1417 trong tư cách hồng y giám mục thành Porto. Như vậy, sau
Xêlestinô V, ngài là vị Giáo hoàng hợp pháp thứ hai từ chức.

CHẾT TRONG CẢNH “GIÁO HOÀNG KHÔNG NGAI”


Với Bênêđictô XIII, cuộc điều đình thật khó khăn. Vua Sigismund đích thân tới
Narbonne và Perpignan, nơi Giáo hoàng ở, để khuyến dụ ngài từ chức. Bênêđictô
XIII trả lời vua: “Các người bảo tôi và đối thủ của tôi (Grêgôriô XII) không ai là
Giáo hoàng cả. Như vậy thì chẳng ai ngoài tôi là hồng y và chỉ mình tôi có quyền
bầu Giáo hoàng. Nếu các người muốn, tôi sẽ bầu Giáo hoàng trong vòng một ngày,
và tôi cam đoan sẽ không bầu chính tôi”. Sở dĩ Bênêđictô XIII bảo “chỉ” mình ngài
là hồng y, là vì trong đoàn hồng y chỉ có mình ngài được lãnh tước hồng y trước khi
phân ly xảy ra. Trước thái độ đó, Sigismund chỉ còn nước ép Bênêđictô XIII từ chức,
bằng cách làm hao mòn dần số người theo ông, đặc biệt là dân Tây Ban Nha. Số này
cuối cùng xuống chỉ còn khoảng 2.000 người. Dù vậy, Bênêđictô XIII vẫn bướng
bỉnh cố thủ trong thành Peniscola ở Tây Ban Nha, cho đến lúc mất, ngày 25-5-1423,
chết trong cảnh “Giáo hoàng không ngai”.
BẦU GIÁO HOÀNG MỚI
Sau khi Grêgôriô XII từ chức, người ta ngăn căn nhà bán tạp hoá ở Konstanz thành
56 phòng nhỏ để các hồng y lưu trú chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới. Mật nghị bắt đầu
nhóm ngày 8-11-1417. Tới ngày 11-11, Hồng y Oddo Colonna còn thiếu đúng một
phiếu nữa thì trúng cử. Đúng lúc đó, một đám rước kéo qua chỗ họp; đám ca đoàn
thiếu niên nam độ 200 em đang hát bài “Cầu xin Chúa Thánh Thần” (Veni Creator
Spiritus). Các hồng y xúc động cùng quỳ xuống cầu nguyện theo. Ngay sau đó, thêm
2 hồng y bỏ phiếu cho Colonna. Giáo Hội hoàn vũ như được giải phóng! Có được
Giáo hoàng mới, hợp pháp!
Cửa mật nghị mở ra. Người đầu tiên tới chúc mừng Giáo hoàng mới là Sigismund.
Ông đã có công mở ra lại cánh cửa tương lai cho Giáo Hội sau nhiều chục năm bế
tắc, mà không với một chút hậu ý chính trị nào.
Hôm đó đúng ngày kính Thánh Martin nên Giáo hoàng lấy hiệu là Martinô V. Lễ
đăng quang diễn ra trong Nhà thờ Chính toà thành phố. Cả dân thành Konstanz hân
hoan rước vào nhà thờ. Suốt cuộc diễn hành, Sigismund đích thân dắt ngựa cho Giáo
hoàng.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo có hai giáo hoàng lấy hiệu là Gioan XXIII. Người
thứ hai lấy hiệu Gioan XIII là Hồng y Roncalli, lên ngôi giáo hoàng năm 1953, qua
đời năm 1963. Đó chính là vị Giáo hoàng đã khai sinh Công đồng Vatican II. (Chú
thích của BBT)

TRÌNH THUẬT 52-53

TRÌNH THUẬT 52

GIOAN HUS BỊ THIÊU SỐNG VÌ RỐI ĐẠO

Công đồng Konstanz (1414-1418), cho tới lúc đó, là công đồng kéo dài nhất, ngoài
chuyện chấm dứt phân rẽ qua việc bầu lên Martin V, còn có những quyết nghị về
thuyết rối. Thuyết này xuất phát từ Anh và được linh mục quá khích Gioan Hus áp
dụng. Sau khi bị công đồng kết án. Gioan Hus bị thiêu sống công khai ở Konstanz
ngày 6-7-1415.
Ulrich ở Richenthal chứng kiến và ghi lại cái chết đó:
“Ngày thứ bảy sau ngày lễ thánh Ulrich, tháng 7-1415, công đồng lại họp. Cả
Hoàng đế chúng ta cũng có mặt. Cuộc họp bắt đầu từ giờ thứ sáu sau nửa đêm.
Công đồng cho triệu thầy Gioan Hus, kẻ rối đạo từ Boehmen (Tiệp), tới. Tên Hus
này đã đi trật hướng giáo huấn thánh của Chúa trong Thánh Kinh. Sách vở, những
lời giảng và dạy của y cho thấy đúng là một kẻ rối, phải có một bản án thật đáng cho
y. Án như thế này: Y là một kẻ rối, phải bị trừng trị vì sự xấu xa của y. Người ta (các
nghị phụ) giao y cho thế quyền và khẩn cầu Hoàng đế chúng ta đừng giết mà hãy tìm
cách giam giữ y”. Nhưng Sigismund yêu cầu công đồng đốt. Ông nói: “Thưa quý
đức Thầy khả kính. Các đức Thầy đã biết tên Hus và huấn giáo của hắn. Mỗi lời dạy
của hắn cũng đủ để kết án hắn rồi. Nếu hắn không chịu chối bỏ, thì một là đốt hoặc
quý ngài muốn làm gì hắn thì làm theo luật lệ của quý ngài. Nhưng tôi khuyên đừng
nên tin hắn, ngay cả khi hắn chấp nhận chối bỏ, riêng tôi thì chẳng bao giờ tin. Bởi
nếu để hắn trở lại Boehmen, hắn lại gây nguy hiểm hơn trước”.
Công đồng kết án Hus với những dòng như sau: „Bởi thánh Công đồng khẳng định
rằng Gioan Hus là người cứng lòng không sửa đổi, lại không chịu trở về trong lòng
Giáo Hội và từ bỏ lạc thuyết, nên Thánh Công đồng Constanz quyết định tước chức
(linh mục) và giáng cấp, và vì Giáo Hội không thể làm gì hơn nên chuyển giao ông
cho toà án đời“.
Sau đó, Sigismund giao Hus cho quận công Ludwig và ông này giao lại cho Toà án
Konstanz.
“Toà án ra lệnh cho các tư vấn và lý hình”, Ulrich Richenthal kể tiếp, “mang Hus đi
thiêu, nhưng không được bắt cởi hoặc tịch thu dây nịt, áo choàng, túi xách, tiền, quần
hoặc giày của ông. Lệnh được tuân giữ. Hus bận hai váy đen vải tốt, và một dây nịt ít
móc sắt, và mang hai con dao trong một bọc và một túi da trong đó hình như có chứa
gì đó. Ông đội một mũ giám mục trắng trên đầu, trên đó có vẽ hình hai con quỷ và
giữa có hàng chữ Heresiarcha, nghĩa gần như là: Tổng Giám mục của các kẻ rối”.
Hơn 1.000 dân quân vũ trang dẫn Hus ra trước thành. Tới pháp trường, “lý hình buộc
ông vào một thân gỗ đứng, đẩy vào dưới chân một chiếc ghế đẩu. Rồi lý hình mang
gỗ, rơm chất chung quanh ông, rưới vào một ít dầu cặn và châm lửa. Hus thét lên
rùng rợn và sớm chìm ngập trong lửa. Toàn thân Hus cháy thành tro, nhưng chiếc
mũ giám mục thì không. Lý hình cầm lên xé nát vứt vào lửa. Mũ cháy xông lên một
mùi khét không ai chịu nổi. Tất cả tro còn lại sau đó được đổ xuống sông Rhein”.
Qua tài liệu, rõ ràng công đồng chỉ kết án Hus rối đạo và xin vua đừng giết. Song
Sigismund đã giết, có thể vì ông lúc đó nghĩ như người Rôma vẫn quan niệm, là đế
quốc chỉ thống nhất khi tôn giáo còn thống nhất. Cái chết của Hus như vậy mang 2
tính cách: kẻ rối đạo và nhà cách mạng chính trị. Hơn nữa, Hus chết trong lúc Giáo
Hội không có Giáo hoàng chính thức. Ông bị hành hình hai ngày sau khi Grêgôriô từ
chức (mà chưa bao giờ bước chân tới Konstanz). Và mãi tới 2 năm sau (ngày 11-11-
1417), Martin V mới được bầu lên ghế Giáo hoàng.

HUS QUEN BIẾT WICLIF


Gioan Hus sinh năm 1370, từ một gia đình nghèo ở Boehmen. Ông học tại Đại học
Đức (Đại học Karl) ở Praha, làm linh mục năm 1400 và 2 năm sau trở thành viện
trưởng đại học đó. Vì bà Anna vua nước Anh là chị em với Wenzel vua Boehmen
nên giữa hai đại học Praha và Oxford có quan hệ mật thiết. Các tài liệu của Giáo sư
Gioan Wicklif ở Anh, vì vậy, đã không lạ gì đối với các giáo sư ở Praha. Giáo sư Hus
đặc biệt thích các sách của Wiclif.
Nhà thần học Gioan Wiclif là Giám đốc Chủng viện tại London. Cũng như các đồng
nghiệp đương thời, ông đau khổ vì tình trạng phân rẽ giáo hoàng và làm đổ vỡ của
Giáo Hội hoàn vũ. Đối với ông, chỉ còn lối cứu vãn duy nhất là đề xướng một giáo lý
mới. Đây là một vài huấn giáo của ông:
Giáo Hội thật là Giáo Hội vô hình, vì thế chẳng cần Giáo hoàng hay linh mục gì cả.
Không có Giáo hoàng mà cũng không linh mục.
Chỉ có một nguồn đức tin duy nhất: Thánh Kinh. Những “truyền miệng” (truyền
thống) không có giá trị.
Ai có tư cách đứng đắn, kẻ đó mới có quyền tư hữu và nắm quyền. Mà Giáo Hội thì
quá sa đoạ nên không có quyền chiếm tư hữu và quyền hành.
Người ta một là lên trời hay xuống hoả ngục. Ân xá hay xưng tội chẳng giúp ích gì
cả (thuyết tiền định).
Những luận thuyết của Wiclif như thế có liên hệ với quan điểm của Marsilius Padua
và William Ockham, và sau này được Martin Luther, Calvin và Zwingli khai triển
tiếp.
Thuyết Wiclif nhiều lần bị Giáo Hội lên án. Ông không tạo được ảnh hưởng vì sau
lưng không có một thế lực chính trị nào, khác với hai linh mục Hus và Luther sau
này. Ông mất trong âm thầm.

ÁNH LỬA TỪ NƯỚC ANH BỪNG LÊN Ở BOEHMEN


Hus dịch sách của Wiclif ra tiếng tiệp và giảng dạy gần y nguyên những nội dung của
Wiclif. Những chỉ trích đầy hận thù của ông đối với giáo sĩ đã làm vị đỡ đầu của ông
là Tổng Giám mục Giáo phận Praha, người Đức, phải cấm ông giảng vào năm 1408.
Sau đó, thêm vạ tuyệt thông vì Hus vẫn cứ tiếp tục giảng. Hus thành công lớn ở
Boehmen, phần vì thái độ chống Giáo Hội, phần vì chủ trương chống lại tất cả những
gì gọi là của Đức. Vì vậy, các giáo sư và sinh viên người Đức bỏ Praha về lập đại
học mới ở Leipzig. Đại học “Âu châu” Praha từ đó chỉ còn lại là một trường Tiệp
thuần tuý.

BỊ KẾT ÁN RỐI ĐẠO


Vua Sigismund mời Hus tới Konstanz để ông có dịp bảo vệ giáo thuyết của mình
trước công đồng. Mặt khác, vua muốn như thế là để tái lập phần nào yên tĩnh cho
Vương quốc Boehmen, nơi Wenzel, người em dở hơi của ông cai trị. Hus đồng ý tới,
vì hy vọng sẽ lôi cuốn được công đồng theo mình. Ông lên đường với một thư bảo
đảm của Sigismund với nội dung như sau:
“Thầy Gioan Hus đáng kính, người tốt nghiệp thần học thánh và là thầy triết học,
người từ Boehmen mang theo lá thư này về Konstanz trong vùng Baelde tham dự
công đồng chung, và là người được Ta và Vương quốc của Ta bảo hộ và bảo vệ, Ta
hết lòng yêu cầu và mong muốn chư vị hãy long trọng đón tiếp và đối xử ưu ái khi
người này đi qua giáo phận chư vị và hãy bảo vệ và giúp ông phương tiện hành trình
đường bộ cũng như đường biển hoặc thoả mãn các mong muốn của ông. Hãy để ông
và tuỳ tùng, ngựa cùng đồ đạc tự do đi qua mọi đường, sân, cầu, công tư sở, quận,
thành phố, quốc gia, làng mạc, thành luỹ, mọi vùng đất, công sự mà không phải đóng
bất cứ một khoản tiền, mãi lộ, thuế hoặc gây bất cứ khó khăn nào khi họ đi, dừng,
lưu lại và tự do quay trở lại”.
Hus về Konstanz với trên 30 ngựa và hai cỗ xe. Trước khi đi, ông được giải vạ tuyệt
thông, nhưng vẫn không được làm lễ và giảng. Và vì Hus không chấp hành việc cấm
này ở Konstanz nên ông bị bắt giam.
Sigismund phản đối việc giam giữ, vì ông vẫn còn hy vọng sẽ đạt được một kết quả
tốt đẹp. Cũng vì vậy mà ông bắt các nghị phụ phải bảo đảm cho phép Hus được bảo
vệ giáo thuyết của mình trước 3 cuộc chất vấn công khai của công đồng. Để việc xét
xử được công bằng, vua cũng đòi hỏi phải trưng ra những sách, tài liệu bản gốc của
phía bị cáo.
Nhưng khi công đồng kết án 45 luận chứng của Gioan Wiclif, Hus thấy như vậy là
hết hy vọng, nên liều lao vào đường cùng.
Công đồng đã dùng lời nhẹ nhàng yêu cầu rút lại giáo thuyết, nhưng ông vẫn khăng
khăng từ chối, viện lẽ rằng: “Tôi không dạy tà thuyết. Không người tiệp nào rối đạo
cả”.
Hus được dẫn tới nhà thờ chính toà để nghe bản án. Khi nghe, thỉnh thoảng ông cứ la
lên phản đối, làm khán thính giả mất hết cảm tình và vua ra lệnh thiêu.
Cái chết “tử đạo” của Hus đã tạo lên một cơn sóng phẫn nộ từ Boehmen lan ra một
phần Âu châu. Những cuộc nổi dậy kéo dài (1419-1436) đã khiến Martin V ra lệnh
thánh chiến để diệt tín đồ theo phái Hus. Dù tạo được nhiều thành công đáng kể, tín
đồ Hus đã không đạt được đích nhắm tới: thành lập Giáo hội tự trị và một quốc gia
Tiệp.

TRÌNH THUẬT 53

JEANNE D’ARC, CÔ GÁI THÀNH ORLÉANS BỊ TOÀ THẨM TRA KẾT ÁN

16 năm sau ngày thiêu sống Gioan Hus ở Konstanz, đến lượt cô gái 19 tuổi ở Rouen,
Pháp, bị đốt. Đó là ngày 30-5-1431, lúc 9 giờ sáng. Jeanne Darc bước lên giàn hoả
cạnh Nhà thờ Chúa Cứu Thế. Theo lời những người có mặt, cô không ngớt “kêu to
tên Chúa Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng, đến nỗi những người đứng chung quanh,
ngay cả đám kẻ thù người anh cũng không cầm được nước mắt”. Theo bản án của
toà, cô là kẻ “phản đạo”, “thờ tà thần” và ‘tay sai ma quỷ”. “Cô gái”, như người ta
vẫn gọi thời đó, thực ra là nạn nhân của một âm mưu người Anh, chứ chẳng mang tội
nào như họ quy kết cả.
Jeanne sinh ngày 6-1-1412 ở làng Domremy, bên cạnh sông Maas, vùng Lothringen,
con ông Darc, nông dân và là xã trưởng. Cô không được đi học nên không biết chữ.
Từ nhỏ đã phải ra đồng và phụ việc nhà cho cha mẹ. Jeanne rất khoẻ. Ở tuổi 13, cô
cho hay thường nghe “những tiếng nói” của tổng thiên thần Michael, Thánh
Catharina, Thánh Margarita hoặc của Chúa, tên những đấng mà cô đã biết tới qua các
buổi học giáo lý hoặc qua các tích truyện được nghe kể. Trong hồ sơ phong thánh
cho cô năm 1920, Giáo Hội không đề cập tới những tên thánh cụ thể đó thực ra điều
này không quan trọng, mà chỉ gọi đó là “những linh ứng từ trời cao”.
“Khi tôi 13 tuổi” lời cô kể trước toà, “tôi đã nghe tiếng gọi của Chúa hướng dẫn tôi.
Lúc đầu tôi hoảng sợ. Tiếng đó vang lên giữa trưa. Lúc đó là mùa hè, trong vườn
nhà cha tôi. Tiếng đó ra lệnh cho tôi phải phá vỡ vòng vây giải thoát cho Orleans”.

CHÍNH SÁCH QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI ANH


Karl (Charles) VI, vị vua khùng người Pháp, trước khi chết năm 1420, đã tước quyền
kế vị của con trai (Karl VII) mà trao nước lại cho người Anh. Dù vậy, người Anh đã
phải chiến đấu mới giành được đất, vì Karl VII không chịu công nhận di chúc của
cha.
Khi Jeanne bắt đầu thi hành “sứ mạng” của mình thì nửa nước Pháp đã bị phá nát và
rơi vào tay Anh. Ngay cả làng Domremy của cô cũng bị cướp và thiêu rụi. Nạn đói
đã đến mức khiến dân Rouen phải ăn rơm thường dùng bện ghế và da đóng hòm.
Chó tấn công và ăn thịt trẻ con.
Với một đạo quân nhỏ, Karl VII chạy đi chạy lại trong vùng chưa bị chiếm, vô vọng.
Ông không còn ý chí và phương tiện cần thiết để chống ngoại nhân nữa. Ai ai giờ
cũng chỉ nghĩ đến chuyện đầu hàng. Chỉ mình cô gái 19 tuổi, Jeanne Darc, là không!
Orleans là luỹ lớn cuối cùng chưa bị chiếm, do đó trở thành biểu tượng của một nước
Pháp tự do. Khi quân Anh bắt đầu vây Orleans thì số phận của cả nước Pháp kể như
an bài. Nhưng, với một nhúm người yêu nước võ trang, Jeanne đã kéo quân tới cửa
thành và chiến thắng vẻ vang. Lính của cô tất cả mặc áo trận bên phải kẻ chữ “Jêsus,
Maria”, bên trái vẽ cây gươm của Karl Martell (người đã chặn đứng và đánh tan quân
Hồi giáo ở Tây Ban Nha - người dịch ghi). Ngày 29-4-1429, cô ngồi trên bạch mã
hiên ngang tiến vào thành, như người từ trời xuống, giữa tiếng reo hò của dân thành.
Người Pháp gọi đây là một phép lạ của Chúa. Lính Anh xầm xì với nhau bảo đó là
một con mẹ phù thuỷ...

BẢN ÁN ĐƯỢC XÉT LẠI


Ngày 23-2-1429, Jeanne và 6 người đàn ông bí mật phi liên tục không nghỉ suốt
mười một ngày qua vùng đất kẻ thù chiếm đóng tới Chinon để gặp vị vua chưa lên
ngôi của mình là Karl VII. Gặp ông, cô tự giới thiệu là “sứ giả nhà Trời” và hứa sẽ
đội mũ vương cho vua và sẽ giải phóng nước Pháp. Cô cho rằng chỉ sau khi đăng
quang vua mới cai trị một cách hợp pháp và mới kêu gọi được người theo. Chuyện cô
tới Chinon, cha mẹ cô không hay.
Karl VII nghe, lấy làm khả nghi, bèn truyền cho một uỷ ban tôn giáo điều tra thực hư
về điều cô gái trình bày. Sau 3 tuần, họ cho vua hay sự việc đáng tin.
Vua liền trao quyền lãnh tụ cho Jeanne, bằng cách sắm cho cô một lá cờ và một đoàn
tuỳ tùng gồm một sĩ quan coi ngựa, hai cậu bé quý tộc giúp việc, hai anh mõ, một
tuyên uý và một quận công làm quân sư.
Sau khi giải phóng Orleans, Jeanne còn chiến thắng nhiều thành nữa và ngày 17-7
rước Karl VII vào Nhà thờ Chính toà Reims làm lễ đăng quang. Suốt buổi lễ, cô cầm
cờ đứng bên cạnh vua. Ngay sau đó, vua ban cho cô tước quý tộc, cho đổi tên Darc
thành d'Arc và cho làng cô được miễn mọi thứ thuế.

“TÔI CHƯA BAO GIỜ GIẾT MỘT AI”


Orleans được giải phóng. Karl VII lên ngôi vua nước Pháp. Mục tiêu tiếp của Jeanne
là giải phóng Paris. Trong mấy trận đánh kế đó, Jeanne bị thương ở cổ và vai. Cô tự
mình rút mũi tên khỏi người và đánh tiếp.
Jeanne là người can đảm phi thường, nhưng cô không phải là một “con mẹ say máu”,
thích chiến tranh và chém giết. Mà trái lại, trước toà thẩm tra, cô dõng dạc: “Mỗi khi
tấn công, tôi cầm cờ để khỏi phải giết ai. Tôi chưa bao giờ giết một người nào”. Sau
mỗi trận đánh, cô ôm thương binh và kẻ hấp hối “khóc sụt sùi”, đau buồn cho cảnh
chết chóc chiến tranh. Trước khi vào trận, cô bắt quân sĩ xưng tội. Những đám gái
điếm, thời đó vẫn thường hay theo các đoàn quân, bị cô ra lệnh đuổi xa.
Trước khi tấn công vào Paris, cô bị quân Bourgogne, lúc đó đứng về phía người Anh,
bắt ở Compiegne. Họ trói chân tay, xiềng gông vào cổ và giam cô suốt một năm. Sau
đó, họ bán cô cho Anh với một số tiền tương đương với giá bán một vị vua thời đó.
Người Anh quyết bằng mọi giá giết cô. Họ dựng lên một phiên toà thẩm tra để kết
thúc số phận cô. Họ chỉ việc gán cho cô tội phù thuỷ và cấu kết với quỷ. Với tội danh
đó, không những đủ cơ sở pháp lý để giết cô, mà còn để người Anh đỡ mất mặt vì
phải điên đảo bởi một cô gái nhà quê. Bởi lẽ ai mà thắng được một mụ phù thuỷ có
quỷ hỗ trợ!

KHÔNG PHẢI “GIÁO HỘI” ĐÃ KẾT ÁN


Việc kết án Jeanne không phải chính thức do Giáo Hội, nhưng do một băng gồm các
nhà thần, luật và y học thực hiện, dù rằng phiên toà đó được chủ toạ bởi Cauchon,
Giám mục Giáo phận Rouen, nơi diễn ra phiên xử. Cuộc điều tra đã được tiến hành
do yêu cầu của Đại học Paris. Paris lúc đó nằm trong vùng Anh kiểm soát và đại học
muốn tỏ lòng tận tuỵ với vua Anh Henry V. Tất cả quan toà, kể cả vị giám mục điạ
phương, đều là kẻ thừa hành của các tay sai của Anh. Chính Jeanne cũng biết việc
kết án không phải do Giáo Hội, nếu không, cô đã không kêu cầu tới Giáo hoàng và
công đồng.
Dù bị tra tấn nhiều trong ngục, cô gái nhà quê không ngừng làm phiên toà ngỡ ngàng
qua những lý luận đanh thép, hài hước và những câu hỏi đầy thông minh về sự công
bằng. Cô nhận ra nhanh như chớp các hậu ý, gài bẫy và gian dối của toà.
Phiên toà dài 3 tháng cuối cùng đã kết thúc như ý muốn: Jeanne bị đuổi khỏi Giáo
Hội, điều đó có nghĩa là cô sẽ bị án chết thiêu. Vì Giáo Hội không được thi hành án
tử, nên Jeanne bị người Anh thiêu sống ở Rouen. Tro ném xuống sông Seine.

ÁN GIAN
25 năm sau, Giáo hoàng Kalixtô III cho xét lại bản án. Ngày 7-7-1456, Giáo Hội
công bố án kia là gian.
Sau đây là một số cung từ của những nhân chứng, trích từ hồ sơ điều tra:
“Vì Jeanne đã đánh bại quân Anh nhiều trận nên họ sợ đến nỗi phải bằng mọi giá
giết cô...
Lấy cớ làm đúng theo luật, người Anh đã đưa cô về xử ở Rouen là vùng đất do họ
kiểm soát...
Các quan toà, linh mục tuyên uý, cố vấn và những người liên hệ với toà khác đều lệ
thuộc người Anh và họ bị đe doạ nặng đến không thể tự do quyết định...
Ngay cả các thư ký toà cũng bị cấm ghi lại những cung từ có lợi cho Jeanne...
Rõ ràng nhiều phần cung từ bị cắt xén, xuyên tạc, xoá bỏ và không được ghi lại
trung thực nên khó lòng phản ảnh sự thật...”.
3 tháng sau khi Jeanne mất, Bourgogne ngưng đánh nhau với Pháp. Cuộc đình chiến
này 4 năm sau dẫn tới hiệp ước hoà bình ở Amiens. Hai người bạn của Jeanne là
Richemont và Dubois tiếp tục đánh đuổi người Anh ra khỏi những vùng chiếm đóng
và giải phóng hoàn toàn đất nước ngày 15-4-1450 qua trận Formigny. Sự hiện diện
của cô gái làng Domremy có ý nghĩa lớn trong lịch sử Giáo Hội: nếu người Anh tiếp
tục chiếm đóng thì cả nước Pháp đã phải chuyển sang Anh giáo rồi.

TRINH THUẬT 54-55

TRÌNH THUẬT 54
GIÁO CHỦ ĐỐI ĐẦU CUỐI CÙNG, HÌNH NỘM CỦA CHỦ TRƯƠNG ƯU
THẾ CÔNG ĐỒNG

Hai tháng sau khi "cô gái thành Orleans" chết, một công đồng mới được triệu tập ở
Basel. Mở đầu một phân rẽ mới. Sau khi triệu tập công đồng, Giáo hoàng Martinô V
mất ngày 20-2-1431.
Nghị trình Công đồng dự trù gồm thảo luận việc cải tổ Giáo Hội, hiểm hoạ xâm lăng
của quân Thổ Nhĩ Kỳ và hậu quả cuộc nổi dậy lan rộng của tín đồ theo Gioan Hus,
người bị kết án rối đạo và thiêu sống ở Konstanz.
Về mặt lịch sử Giáo Hội, Công đồng Basel được nói đến như là một nỗ lực thực hiện
chủ trương ưu quyền công đồng, nghĩa là coi công đồng cao hơn Giáo hoàng. Trong
nỗ lực tìm một lối thoát cho nạn phân rẽ và nâng vai trò Giáo hoàng lên, người ta đã
cổ xuý cho giải pháp ưu quyền công đồng tương đối. Nhưng thay vì chấm dứt phân
rẽ và mang lại sức sống cho quyền Giáo hoàng, thì Basel lại tạo thêm một phân rẽ
mới và gây ra một cuộc công khai chống lại Giáo hoàng.

KHÔNG HỨNG THÚ GÌ VỀ MỘT CÔNG ĐỒNG MỚI


Tới ngày khai mạc 4-3-1431 chỉ có mỗi một viện phụ từ Bourgogne tới Basel. Đầu
tháng 4 có thêm 3 đại diện của Dại học Paris và 2 viện phụ nữa. Đức thời đó đang
phải đối phó với nhóm tín đồ theo Hus nên không tới. Anh và Pháp đang ở vào giai
đoạn cuối của "cuộc chiến trăm năm". Ý và Tây Ban Nha đang điên đầu với chuyện
trong nhà.
Dù vậy, 6 nghị phụ hiện diện muốn mở "Công đồng Chung". Vua Sigismund cản,
bảo phải đợi ông và Giáo hoàng tới đã. Nhưng các đại diện Paris không muốn chờ
lâu hơn. Và Công đồng đã được khai mạc ngày 23-7-1431 bởi 2 đại diện của Sứ thần
Giáo hoàng là Cesarini. Riêng Hồng y Cesarini thì mãi mồng 9-9 mới tới Basel, sau
khi chứng kiến cảnh tín hữu Hus đánh bại quân Đức ở Taus. Chính ông cũng đã phải
bỏ lại thập giá sứ thần để chạy thoát thân.
Vì Công đồng khai mạc mà không có hiện diện của giám mục nào, nên Giáo hoàng
Ơgêniô IV đã giải tán và sau đó mở lại ở Bologna, vùng đất thuộc Quốc hia Giáo hội.
Lệnh giải tán lẽ ra được đọc ở Basel ngày 13-1-1432. Nhưng vô hiệu, vì trước đó tất
cả nghị phụ đều phản đối và bỏ ra khỏi phòng họp.
Hồng y Cesarini xin từ chức chủ toạ công đồng. Các nghị phụ bầu lên một vị mới từ
nhóm họ. Cesarini thấy tình thế nguy hiểm nên xin Giáo hoàng rút lại lệnh giải tán.
Vì nếu không, sợ Giáo hoàng sẽ bị người ta gán cho tôi cố tình ngăn cản việc cải tổ
Giáo Hội. Và như vậy, cả miền sẽ bỏ theo Hus và Giáo Hội lại phải dùng vũ lực để
tiêu diệt.
Vua Sigismund sợ gây thêm một phân rẽ mới nên đồng ý với lối giải quyết của
Cesarini. Công đồng được thế liền mời Giáo hoàng về Basel và yêu cầu ngài trong
vòng 3 tháng phải rút lại lệnh giải tán, nếu không sẽ bầu Giáo hoàng đối đầu. Giáo
hoàng Ơgêniô IV không chịu. Sigismund khuyên các nghị phụ không nên kéo dây
cung quá căng. Ông sợ việc phân rẽ sẽ làm vỡ lễ đăng quang hoàng đế sắp tới của
mình. Song các nghị phụ đã đi quá đà khi yêu cầu Vua bỏ cuộc lễ đó. Và họ đã hốt
hoảng khi hay tin Ơgêniô IV xức dầu đội mũ hoàng đế nước Đức cho Sigismund vào
tháng 5.

CUỘC TỊ NẠN CUỐI CỦA CÁC GIÁO CHỦ


Ngày 15-12-1433, Giáo hoàng Ơgêniô IV rút lại lệnh giải tán, nhưng đồng thời
không công nhận các quyết nghị công đồng chống lại Giáo hoàng. Lý do khiến ngài
rút lại lệnh không phải là do hai tối hậu thư và các đe doạ của công đồng, nhưng là
do chính biến ở Rôma, do nhà Colonna gây ra. Lúc đầu, Giáo hoàng trốn trong luỹ
Engelburg. Sau đó xuống thuyền vượt sông Tiber dưới cơn mưa đá của đám đông
bừng bừng nổi giận.
Ơgêniô IV trốn lên Firenze và trở lại Rôma 9 năm sau. Đó là lần cuối cùng một Giáo
hoàng phải bỏ Rôma lâu như thế. Ở Firenze, Ơgêniô IV làm quen với văn hoá phục
hưng, văn hoá về sau được ngài rất khuyến khích ở Rôma.
Giáo hoàng Ơgêniô IV có tên là Gabriele Condulmer, sinh năm 1383 tại Venezia và
là cháu của Giáo hoàng Grêgôriô XII. Lên Giáo hoàng khi đang là tu sĩ của dòng
Augustinô. Một người bán sách ở Firenze quen biết mô tả ngài là người trốn đời
nhưng đạo hạnh; dáng cao lớn, gầy và cuộc sống khổ hạnh làm cho nhiều người bất
cứ ở đâu khi gặp ngài đều không cầm được nước mắt. Có lẽ người bán sách nói hơi
quá.

"BA CHÂN LÍ", ĐỔ VỠ VÀ NỢ NẦN


Đổ vỡ xảy ra khi Ơgêniô IV chuyển công đồng từ Basel về Ferrara ở Ý và các nghị
phụ tuyên bố cách chức Giáo hoàng. Nhưng chỉ có 7 giám mục bỏ phiếu cách chức.
Khoảng 300 tham dự viên còn lại cũng đồng ý với quyết định. Họ là những giáo sư,
tiến sĩ, giáo dân, tất cả đều có quyền bỏ phiếu.
Trước khi cách chức, Công đồng đã biểu quyết "Ba Sự thật": Công đồng có quyền
trên Giáo hoàng. Giáo hoàng không có quyền giải tán, đình chỉ hoặc chuyển công
đồng đi một nơi khác. Ai không đồng ý, bị xem là lạc đạo.
Ngày 16-5-1439, chủ trương ưu quyền công đồng này được công bố thành "tín điều"
và "giáo thuyết chính thức của Giáo hội". Giáo hoàng Ơgêniô IV, theo đó, bị coi là
lạc đạo nên bị cách chức.
Công đồng Basel không những muốn đưa chủ trương ưu quyền đó vào thần học, mà
còn muốn thực thi nó nữa. Như một bộ máy dân chủ ngày nay, Công đồng có nghị
trình hẳn hòi và chia ra nhiều ban làm việc. Những nghị phụ chính thức của Công
đồng đều có quyền bỏ phiếu và được bầu vào một trong bốn chuyên ban về vấn đề
tổng quát, đức tin, cải tổ và hoà bình. Công việc điều hành chung của Công đồng
được giao cho một uỷ ban chính.

FÊLIXTÔ V, CHA CỦA 9 NGƯỜI CON


Giáo hoàng đối đầu được bầu ở Basel lấy hiệu là Fêlixtô V. Một hồng y, 11 giám
mục, 7 viện phụ, 5 thần học gia và 9 luật gia đã bỏ phiếu cho ông. Fêlixtô V nguyên
là quận công Amadeus đất Savoie, cha của 9 người con và lúc đó đã goá vợ. Sau khi
chuyển công việc lại cho con trai, ông rút về sống như một người bình thường bên hồ
Genève. Ông là một giáo dân, không có chút thần học nào, nhưng rất giàu. Vì công
đồng Basel nợ tới 140.000 dukaten nên các nghị phụ quả đã chọn đúng người.
Fêlixtô V được các nghị phụ phong các chức thánh vội vàng.
Vì khó khăn tài chính nên Công đồng Basel phải chuyển về Lausanne bên hồ
Genève, nơi Fêlixtô V ở. Nhưng Fêlixtô V không muốn thanh toán nợ công đồng
bằng tài sản riêng của mình, mà bằng cách tăng thuế, khiến những người theo ông
ngày càng quay lưng. Kẻ theo ông là mấy đại học như Paris và Wien và bước đầu là
chính quyền nước Áo, Hung, Aragon và Kastilien (ngày nay là hai tỉnh của Tây Ban
Nha), rồi cả Scotland và Ba Lan.
Enea Silvio Piccolomini đã khuyến dụ được hoàng đế Đức Friedrich III không ủng
hộ Fêlixtô V. Piccolomini nguyên là thư ký Công đồng Basel, sau bỏ về làm thư ký
cho hoàng đế. Ông sau trở thành Giáo hoàng lấy hiệu là Piô II.

CHẤM DỨT PHÂN RẼ


Sau 9 năm ở Firenze, Ơgêniô IV về lại Rôma và mất lúc 62 tuổi. 15 năm ở vai trò
Giáo hoàng gần như là 15 năm chống chọi lại công đồng Basel. Nếu như ngài không
cải tổ được Giáo Hội, thì trái lại ngài đã cản được chủ trương dân chủ hoá Giáo Hội
của Basel. Kể từ khi William Ockham dạy “toàn thể quan trọng hơn mỗi thành phần
của nó" và như vậy công đồng quan trọng hơn Giáo hoàng, thì chuyện hơn thua giữa
công đồng và Giáo hoàng chắc chắn sẽ xảy ra. Basel như thế được coi như chuyện
phải đến đã đến và đã mang lấy thất bại.
Kế vị Ơgêniô IV là Tommaso Parentucelli, hiệu là Nikôlêô V. Vì bố là một y sĩ mất
sớm, nên ông quay sang học thần học làm thầy giáo độ nhật. Sau làm Giám mục
Giáo phận Bologna rồi Sứ thần tại Đức. Trong triều Giáo hoàng của ngài, Giáo
hoàng đối đầu Fêlixtô V đã từ chức và quyết định giải tán Công đồng Basel - lúc đó
đã chuyển qua Lausanne - ngày 25-4-1449 sau 18 năm họp, và công nhận Nikôlêô V
là Giáo hoàng chính thức. Kết thúc nạn phân rẽ. Từ đây, không ai dám nghĩ tới
chuyện bầu Giáo hoàng đối đầu nữa. Năm 1452, Nikôlêô V đội mũ đế cho Friedrich
III. Lễ đăng quang hoàng đế cuối cùng ở Rôma.

TRÌNH THUẬT 55

QUÂN THỔ NHĨ KỲ TẤN CÔNG

Người Thổ, một giống dân Á châu, tràn tới Tiểu Á vào thế kỷ 13, nhận đạo Islam của
dân địa phương làm tôn giáo mình và lập nên ở đó một Vương quốc riêng, với thủ
lãnh là Osman. Từ đó, họ tiếp tục tấn chiếm vùng Balkan rồi Bungari. Năm 1451,
lãnh tụ Môhamét II lên nắm quyền. Ông là một thanh niên 21 tuổi đầy cao vọng. Vừa
lên ngai, ông cho trấn nước anh mình chết để tránh phiền toái về sau. Mộng của
Môhamét II là Âu châu. Nên ông quyết định phải lấy cho được Konstantinôp thuộc
Vương quốc Byzantin, cây cầu nối liền giữa lãnh thổ ông với Âu châu.
Ngày 7-4-1453, Môhamét bao vây Konstantinôp. 7000 quân Kitô của Hoàng đế
Konstantin XI (Đế quốc Rôma Phía Đông) phải trực diện với đạo quân Islam khổng
lồ 160.000 bộ binh (nhiều sử gia viết 300.000) và khoảng 30.000 kỵ binh. Ngoài ra,
quân Thổ còn có 12 súng đại bác với sức thẩy những viên đá nặng từ 100 đến 200 ký.
Đặc biệt là những súng thần công khổng lồ với khả năng bắn đạn nặng tới 500 ký.
Mỗi phát súng là một trận động đất. Không thành luỹ nào có thể đứng vững. Chỉ về
mặt mìn bẫy là Môhamét không thành công, vì quân Hylạp giữ thành, do một người
Đức chỉ huy, đã chế được mìn chống lại.
Ngày 29-5-1453, quân Thổ tấn công. Quân giữ thành hầu hết là người ngoại quốc:
Hylạp, Genua, Vênêxia, Kroát, Rôma và Tây Ban Nha. Dân địa phương tuôn trốn
vào các nhà thờ chờ đợi phép lạ. Đợt tấn công lần thứ ba của quân Thổ làm người
lính giữ thành gan dạ nhất, người Genua, bị thương. Lợi dụng tình hình rối loạn khi
ông này đang xuống thuyền để băng bó vết thương, quân Thổ tràn vào. Hoàng đế
Konstantin tử nạn khi đang cầm quân giữ một cửa thành. Tất cả tín hữu trốn trong
nguyện đường Sophia bị giết sạch một cách dã man. Hàng ngàn người khác bị bắt và
sau này bị bán làm nô lệ. Thành bị cướp phá suốt trong 3 ngày. Ngày 30-5, Môhamét
chiến thắng vào thành. Vừa bước vào thánh đường Hagia Sophia, ông nhảy cả hai
chân lên bàn thờ, cầu nguyện và tuyên bố biến nhà thờ thành nguyện đường Hồi giáo.
Để tìm xác Hoàng đế, binh lính Thổ đã phải rửa đầu mặt nhiều tử thi Kitô. Cuối cùng
họ nhận ra được Hoàng đế nhờ đôi giày tía có thêu hình chim ưng bằng vàng, chứ
mặt ngài thì bị chém nát không còn nhận ra được nữa. Họ chặt lấy đầu, mang đi khắp
Á châu để quảng bá sự chiến thắng của Hồi giáo trên Kitô giáo. Còn xác Hoàng đế
được họ cho mai táng với nghi lễ đầy đủ.
Cùng số phận như Hagia Sophia, tất cả những thánh đường khác đều bị biến thành
nguyện đường Hồi giáo. Konstantinôp dần khoác áo kiến trúc Hồi giáo và từ đây đổi
tên thành Istanbul.
Konstantinôp thất thủ có nghĩa là Đế quốc Rôma Phía Đông chấm dứt, sau hơn 1.000
năm hiện diện. Cũng có nghĩa là chấm hết những gì còn lại của một đế quốc hoàn vũ
Rôma. Cùng với sự thất thủ Konstantinôp, tiền đồn phía đông Âu châu rơi vào tay
Hồi giáo.

GIÁO HOÀNG TRIỆU TẬP "UỶ BAN KHẨN CẤP"


Konstantinôp mất, Giáo hoàng Nikôlêô V cấp tốc triệu tập “uỷ ban khẩn cấp” để thảo
luận về mối nguy quân thổ đe doạ Âu châu. Hồng y Isidor ở Kiew, người thoát được
từ Konstantinôp trở về, cho hay đạo quân khổng lồ với 230 chiến thuyền của Thổ sắp
trực chỉ Ý đại lợi nay mai.
Ngày 30-9 năm đó, Giáo hoàng ra dụ kêu gọi hoàn vũ thánh chiến. Nhưng hoàn vũ
giờ đây chẳng còn là “một Tây phương Kitô giáo” thuần nhất nữa, mà là những quốc
gia dân tộc với những quyền lợi riêng rẽ. Enea Silvio Piccolomini, sau này là Giáo
hoàng Piô II, viết: “Mỗi nước có ông hoàng riêng và mỗi ông hoàng theo đuổi quyền
lợi riêng của mình. Ai có thể gom các quyền lực đối kháng đó vào đứng chung dưới
một ngọn cờ?”

NHÀ THUYẾT GIẢNG LỚN KÊU GỌI CHỐNG HỒI GIÁO


Gioan đất Capistran sinh năm 1386 tại miền nam Ý, con trai của một “Nam tước phía
bắc”, có nghĩa là xuất thân từ gốc Đức. Sau khi cha mất sớm, Gioan về Perugia học
luật. Năm 28 tuổi ông trở thành “chủ tịch chính phủ” thành phố quốc gia này. Cũng
như Thánh Phanxicô 200 năm trước, Gioan bị bắt giam trong một cuộc chiến giữa
các thành. Và cũng như Phanxicô, Gioan nhận ra ơn gọi của mình khi đang trong tù.
Ra tù, ông vào dòng Phanxicô và trở thành một nhà cải cách lớn cho dòng, nhờ vào
chủ trương "sống đạo" của mình. Tu sĩ Phanxicô thời đó tiêm nhiễm quá nhiều nếp
sống trần tục, nên Gioan kêu gọi quay về với cuộc sống đơn nghèo ban đầu. Xác
quyết của ông là chỉ có thực sự sống đạo mới quan trọng, còn mọi chuyện khác đều
là phù điêu, trống rỗng.
Gioan Capistran nổi danh đặc biệt trong Giáo Hội về tài giảng thuyết kêu gọi chống
Islam. Nhờ ông mà một đạo quân Kitô đã được thành lập. Mỗi lần giảng, ông có thể
kéo dài tới 3 giờ và giảng nhiều lần trong ngày. Ông tới đâu là cả thành tuôn đến
nghe, mặc dù ông giảng bằng tiếng Latinh và cần người thông dịch. Năm 1451,
hoàng đế Friedrich III mời ông tới giảng ở Wien. Nhà thờ Chính toà Stephan ngày
nay vẫn còn giữ bục giảng mang tên ông để ghi nhớ biến cố đó.

BỨC TƯỜNG VÔ TÂM


Năm 1469, Giáo hoàng Piô II mời gọi các ông hoàng Kitô khắp Âu châu về Mantua
để bàn chuyện thánh chiến chống Islam. Lời mời dội vào một bức tường vô tâm toàn
diện. Tham dự viên có ký với nhau một quyết định hợp đoàn chống kẻ thù chung
đấy, nhưng tất cả cũng chỉ là trên giấy tờ mà thôi.
Thất bại về kế hoạch thánh chiến, Piô II nghĩ tới việc chiêu dụ Môhamét trở lại đạo
và hứa cho nắm giữ một chức vụ quan trọng. Nhưng, không lâu sau đó, người ta
khám phá ra mỏ Alumin ở Tolfa thuộc lãnh địa Quốc gia Giáo Hội. Bỗng nhiên có
được nguồn tiền, Giáo hoàng liền quyết định tổ chức một đạo thuỷ quân và chính
mình chỉ huy đi đánh quân Thổ. Ngài mời được xứ Venezia và Bourgogne cùng tham
gia, giúp Hoàng đế và vua Hunggari là Matthias Corvinus, con trai của Hunyadi, làm
hoà với nhau, rồi tiến về Ancona là nơi sẽ tập trung đại quân. Piô II mất ở đó ngày
15-8-1464, trước khi chiến thuyền nhổ neo. Ngài mất, chuyện thánh chiến cũng chìm
theo.
Sự vô tâm của các ông hoàng khiến cả Âu châu sớm rơi vào nguy biến lớn. Sau khi
lãnh tụ Selim I (1512-1520) chiếm thêm được Armêni, Syri, Aicập và Ảrập, người kế
vị ông là Suleiman I hướng tầm nhìn về Âu châu. Năm 1521, quân Thổ chiếm
Belgrad, năm 1522 Thổ thắng lớn trận Mohacs. Bảy năm sau (1529) họ tiến quân tới
Wien.
NIKÔLÊÔ V BIẾN RÔMA THÀNH TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT VÀ KHOA
HỌC
Bên cạnh các nỗ lực cản ngăn quân Hồi giáo ở Âu châu, Giáo hoàng Nikôlêô V cố
biến Giáo Hội, sau khi mất ưu thế chính trị toàn cầu, trở thành một quyền lực thế giới
về văn hoá. Dưới triều Nikôlêô V, Rôma trở thành nơi tập trung các nhà thông thái
và nghệ nhân từ khắp thế giới. Giáo hoàng say mê lùng kiếm các tài liệu cổ viết tay.
Phái viên của ngài tới tận Phổ và các nước Đông phương. Thư viện nổi danh Vatican
ngày nay là kết quả của cuộc tìm kiếm muôn phương đó.
Nikôlêô V mời những nghệ nhân giỏi nhất đất Âu về sửa lại các nguyện đường mục
nát ở Rôma. Dù đầu óc luôn nghĩ tới những công trình lớn cho Giáo Hội, cuộc sống
của Nikôlêô V khá đạm bạc. Ngài dự định sẽ cho xây lại Thánh đường Phêrô, đã
được đại đế Konstantin cất trước đây cả ngàn năm.
Khi biết không còn sống bao lâu nữa, ngài dọn mình chết với hai tu sĩ dòng Kartaus
và mất ngày 25-3-1455. Ước nguyện của ngài, như chính lời ngài, là: “Cai quản tốt
Giáo Hội, hỗ trợ việc cứu rỗi linh hồn, tẩy trừ đạo rối, tạo hoà bình cho Giáo Hội
hoàn vũ và bảo vệ nó bằng việc chống lại những tấn công của bọn vô đạo”. Trên
giường bệnh, ngài còn xác nhận việc ngài cổ xuý nghệ thuật không phải với mục đích
làm giàu cho bản thân, nhưng chỉ là để gia tăng uy tín cho Giáo Hội, “bởi vì càng
thấy những sự lớn lao, dân chúng càng vững lòng tin”.
Giáo hoàng Piô II tóm lược con người của Nikôlêô V như sau: “Nikôlêô V vóc người
nhỏ, có khả năng nhận định nhanh, trí nhớ bền và có khiếu hùng biện, tuy hơi gấp
một tí. Lý luận vững, đối đáp rõ ràng và chắc chắn, nhưng thiếu kiên nhẫn trước
những đối đáp của người khác. Say mê kinh tế và xây cất. Cho nhân viên ăn mặc no
đẹp, nhưng luôn chê trách họ. Dễ nổi giận nhưng lại hối hận ngay. Giúp kẻ thiếu
thốn, thương người tật bệnh. Cao vọng và cái gì cũng muốn tự làm một mình.
Thường cho rằng không có việc gì nên nếu không có tay ngài nhúng vào”.
Sau khi Nikôlêô V mất, Alfonso Borgia, người Tây Ban Nha, 77 tuổi, lên kế vị với
hiệu là Kalixtô III. Ngài có cuộc sống đạo hạnh, nhưng đã phạm lỗi lớn khi đưa
người cháu khùng là Rodrigo Borgia lên làm hồng y. Rodrigo Borgia sau này là Giáo
hoàng Alexandrô VI đầy tai tiếng. Lỗi của Kalixtô III là làm tổn thương nặng nề vai
trò Giáo hoàng.

TRÌNH THUẬT 56-57

TRÌNH THUẬT 56

PHỤC HƯNG: TÁI SINH VÀ SÁNG TẠO

Sự vắng mặt các giáo hoàng ở Rôma trong thời gian lưu đày Avignon làm tinh thần
quốc gia tại Ý lên cao. Tinh thần này trước đó từ lâu đã bùng lên ở Đức, Pháp và
Boehmen (Tiệp) rồi. Bên cạnh Quốc gia Giáo Hội, giờ nảy sinh một lô cộng hoà
thành phố khác (ở Ý) như Firenze, Pisa, Milano, Napoli, Venezia và Genua. Cùng
với sự trổi dậy tinh thần quốc gia, con người quay ra say mê trở lại nền văn hoá lớn
đã một thời rộ nở trước khi đến. Họ muốn làm sống lại (= Phục hưng, Renaissance)
văn hoá đó.
Khởi đầu là chủ nghĩa nhân bản (Humanismus). Phục hưng ở phương diện này chủ
yếu là mặt văn chương. Người ta đi tìm tài liệu cổ, chép lại và góp vào thư viện.
Quan trọng nhất của “Phục hưng” là mặt chính trị và nghệ thuật. Nghệ thuật phục
hưng khởi đầu ở Firenze, nơi từ năm 1434 gia đình nhà băng De Medici có ảnh
hưởng lớn trên chính quyền thành phố. Nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật được
xây dựng trong thời Medici. Đến nay, chúng vẫn làm say mê ngạc nhiên bao du
khách đổ về thành phố bên bờ sông Arno này. Dưới thời Cosimo nhà Medici, nhà
kiến trúc Filippo Brunellesci xây tháp tròn của Nhà thờ Chính toà Firenze, một tác
phẩm kiến trúc tuyệt vời mà cho tới lúc đó không ai nghĩ có thể thực hiện nổi.
Brunellesci là nhà kiến trúc đầu tiên của thời phục hưng. Với việc xây tháp đó, ông
đưa nghệ thuật kiến trúc bước vào một con đường mới.
Kiến trúc gotic trước đây hướng về “chiều cao”. Nay Phục hưng quay về chiều
ngang. Con người lúc này muốn ở lại trên mặt đất, là nơi họ vẫn ở, chứ không còn
vươn vọng đến cái thinh không vô lý nữa. Nghệ thuật kiến trúc nói lên vũ trụ quan
mới: tiêu đích không còn là Thượng đế nữa, mà là sự hưởng thụ tự do ngay trên Trái
đất này. Luân lý đạo đức hay cuộc sống khổ hạnh không còn chút giá trị gì nữa. Cuộc
sống trần gian chẳng còn được quan niệm như là giai đoạn chuyển tiếp tới cuộc sống
đời đời mai sau, nhưng chính nó có một giá trị tự tại.
Phục hưng đồng thời là giai đoạn của những khám phá lớn: Con người không còn
chấp nhận mọi chuyện như là những an bài định sẵn, nhưng bắt đầu thắc mắc tìm
hiểu cội nguồn. Và người ta đã khám phá ra kỹ thuật in sách, thuốc súng, la bàn. Nhờ
ngành in mà nền văn hoá mới được phổ biến nhanh rộng, mãi lên tới các vùng Bắc
Âu. Thuốc súng làm thay đổi chiến thuật chiến tranh của thời trung cổ. La bàn giúp
con người đi vòng quanh thế giới, nhờ vậy mà châu Mỹ được khám phá.
Là “con cái của thời đại” các giám mục và giáo hoàng thời đó cũng bị ảnh hưởng bởi
các khám phá. Cả xấu lẫn tốt. Do đó không lạ gì khi các giáo hoàng phục hưng sống
như là những ông hoàng của một quốc gia, và việc đạo thỉnh thoảng bị đẩy vào hậu
trường. Hồng y Nikôlêô ở Kues (Brixen) than với Giáo hoàng Piô II về tình trạng đó:
“Con chẳng hài lòng chút nào về những gì xảy ra trong giáo triều này. Mọi chuyện
đều hỏng, chẳng ai làm bổn phận mình. Người ta quan tâm tới giáo quy? kính sợ luật
lệ? chuyên tâm làm lễ? Tất cả đều do ham muốn và tham vọng thúc đẩy. Trong các
buổi họp, mỗi lần con nói đến chuyện cải tổ là bị cười”.
Ngay Piô II cũng là một đại biểu của Phục hưng. Enea Silvio Piccolomini, Giáo
hoàng Piô II, lên ngai năm 1458. Ngài xuất thân từ Siena và nổi tiếng khắp Âu châu
khi còn là thư ký của hoàng đế Friedrich III. Ngài là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử và
địa lý, có tài ăn nói, một nhà chính trị khôn ngoan, một nhà ngoại giao uyển chuyển.
Một nhân vật với nhiều năng khiếu lạ lùng.

CỔ XUÝ CHUYÊN CHẾ


Trước đây, các giáo hoàng và hoàng đế luôn để tâm tới việc thực hiện một “Quốc gia
Thiên Chúa” ở trần gian. Ước vọng đó tan biến trong thời phục hưng. Những quan
niệm về một hình thái quốc gia dân tộc mới bắt đầu xuất hiện, còn âm hưởng đến
ngày nay. Một đại biểu quá khích của hình thái quốc gia mới đó là nhà chính trị và sử
gia Niccolò Machiavelli (1469-1527) ở Firenze.
Năm 1513, Michavelli viết cuốn “Ông Hoàng” (Il Principe), trong đó ông cho rằng
“Con người có bản tính xấu và họ tìm cách thể hiện cái xấu đó để thủ lợi riêng bất cứ
khi nào có dịp”. Ông “Hoàng”, người cầm cân nẩy mực quốc gia, như vậy phải biết
cách để trị cái khuynh hướng xấu đó. Trong chính trị, vì vậy, được phép dùng bội
ước hoặc tội ác, khi quyền lợi quốc gia đòi hỏi. Mục tiêu của chính trị là thành công,
chứ không phải đạo đức. Con người phục vụ quốc gia chứ không phải ngược lại. Nhà
nước là trên hết. (Trong chế độ cộng sản nhà nước được thay bằng đảng). Theo
Machiavelli, trong chính trị, mục tiêu biện minh cho phương tiện, bất kể mọi phương
tiện, kể cả ám sát và lừa đảo. Sau này, Lênin viết: “Khi nhu cầu đòi hỏi, ta phải quyết
tâm làm mọi chuyện và chịu mọi hy sinh, sử dụng mọi mưu kế, bẻ cong, các phương
tiện bất chính, im lặng và che giấu sự thật nếu cần, tất cả cho sự thành công của mục
tiêu cộng sản”. Tôn giáo nên được tạm dung, vì theo Machiavelli, đó là phương tiện
làm con người quy phục quyền lực. (Lenin về sau nói rằng người tin vào tôn giáo là
“những tên ngu có lợi”).
Dù vậy, Machiavelli cũng nêu lên vài hạn chế: “Dĩ nhiên chưa thể gọi được là một
đức tính khi giết dân, phản bạn, vô tín, ác độc, vô tôn giáo”, ngay cả khi sử dụng
những chuyện đó để cướp và giữ quyền, nhưng ác độc cũng có khi chấp nhận được
“khi nó hướng về điều lợi, nhưng khi đã sử dụng nó để nắm quyền thì đừng cố luôn
bám vào nó, song cố gắng biến nó thành lợi ích cho dân được càng nhiều càng hay”.
Niccolo Machiavelli là người đầu tiên tách chính trị ra khỏi tôn giáo và đạo đức.

KHÔNG CÓ CHÍNH TRỊ NGOÀI ĐẠO ĐỨC


Ba năm sau Machiavelli, nhà nhân bản Kitô và là tu sĩ Âutinh Erasmus ở Rotterdam
đưa ra những quan niệm khác về quốc gia và nhà lãnh đạo. Khác với Machiavelli,
Erasmus ở Hà Lan và bạn ông ở Anh là Thomas Morus, mơ về một Vương quốc
công lý và hoà bình. Erasmus quả quyết không có chính trị ngoài đạo đức. Chính trị
trái lại phải mang tính “sư phạm”. Erasmus quan niệm con người có tự do và “không
nên lẫn lộn tự do con người với tự do con vật”. Erasmus viết năm 1516: “Người thầy
dạy ông hoàng phải nhớ rằng, đối với Kitô hữu, cai trị chỉ là sự quản lý quốc gia, chứ
không phải là trấn áp thần dân”. Gọi là cai trị, nhưng người cầm đầu phải ý thức rằng
anh ta đang cai trị những người tự do và Kitô hữu, nghĩa là hai lần tự do... Ông hoàng
phải cư xử sáng suốt và nhân từ đối với kẻ khác và vì lợi ích quốc gia phải từ bỏ mọi
thứ nhu cầu riêng tư... Khi có một ông hoàng đầy đủ nhân cách thì người ta mới
mong có một nhà nước quân chủ chuyên chế hoàn thiện. Nhưng tôi không biết điều
này có bao giờ xảy ra được không”. Vì vậy, Erasmus cổ xuý cho một hình thức “dân
chủ trộn lẫn với quân chủ”, trong đó người dân có quyền bầu lên hay cách chức ông
hoàng.

CÁC GIÁO CHỦ NGÀY CÀNG TỤC HOÁ


Kế vị Piô II, mất năm 1464, là Pietro Barbo, cháu của Ơgêniô IV. Barbo làm hồng y
lúc 23 tuổi, lấy hiệu giáo hoàng là Phaolô II.
Ngài chẳng quan tâm gì tới nguy cơ của quân Thổ cũng như công việc cải tổ. Mất đột
ngột năm 53 tuổi.
Người kế vị là tu sĩ Phanxicô Francesco della Rovere, lên năm 1471, hiệu là Xitô IV.
Ngài là nhà thần học giỏi với cuộc sống không chê vào đâu được. Nhưng vụng về về
vấn đề tiền bạc, nên bị họ hàng lợi dụng.
Xitô mở cửa Thư viện Vatican cho mọi người và cho xây nhà nguyện mang tên ngài,
tường được các hoạ sư Rosselli, Boticelli, Ghirlandajo, Perugino và Signirelli trình
bày. Dưới triều ngài, Rôma được xây dựng thành một thành phố phục hưng tiêu biểu.
Lịch sử gán cho ngài trách nhiệm chính về việc tục hoá toàn diện giáo triều trong
thời phục hưng, vì ngài đã phong không dưới 34 người không xứng đáng lên làm
hồng y. Sáu người trong số đó là bà con của ngài.
Năm 1484 Giovanni Dibo, người gốc Genua, được bầu, lấy hiệu là Innôxenxô VIII.
Cai quản Giáo Hội tới năm 1492. Vì những hoang phí của các tiền nhiệm nên dưới
triều ngài tài chính giáo triều khánh kiệt đến nỗi phải cho cầm độ một phần kho tàng
Giáo Hội để có tiền chi phí.

TRÌNH THUẬT 57

GIÀN HOẢ LẠI CHÁY


Chúng ta đang ở Firenze. Ngày 23-5-1498. Dân chúng tuôn về công trường chính,
nơi người ta đã dựng lên một khung treo cổ vươn cao trên giàn hoả. Trên khung có 3
dây thòng lọng. Một trong ba dây dành cho tu sĩ Girolamo Savonarola. Hai dây kia
dành cho hai bạn dòng của ông. Khi giờ đến, họ theo nhau bước lên pháp trường. Bị
treo cổ, xác thiêu, tro đổ xuống sông Arno.

SAVONAROLA CHỐNG LẠI THỜI ĐẠI


Girolamo Savonarola sinh năm 1452 tại Ferrara. Ông nội ngài là một giáo sư y khoa
đại học, sinh thời viết nhiều sách về đạo đức và khổ hạnh và từng kể với cháu ông về
những nguy cơ lớn của văn hoá phục hưng đối với với Giáo Hội. Lúc đầu, Girolamo
học y, sau chuyển sang triết, rồi vào dòng giảng thuyết Đaminh lúc 25 tuổi. Ông viết:
“Tôi không thể sống nếu không giảng. Lời Chúa như thiêu đốt tôi”.
Năm 1482, ông bắt đầu những bài giảng tuần chay đầu tiên. Cuối bài, chỉ còn vỏn
vẹn 25 người nghe. Bề trên đành phải chuyển ông về tỉnh nhỏ. Nhưng rồi bỗng nhiên
thiên hạ xôn xao về những bài giảng của ông. Lorenzo de Medici, lúc này đang trị vì
Firenze, muốn đưa ông về lại Firenze.
Savonarolo trở lại và giảng về chủ nghĩa vô thần mới của Phục hưng, bắt nguồn từ
Firenze và nay đang bung ra khắp thế giới. Ông chống lại những thói hư tật xấu đang
rộ nở, những thú vui, tham lam, sự mù mờ về đạo, thói cho vay nặng lãi, cờ bạc và
những tệ đoan nơi giáo sĩ và dòng tu và ngay cả về một giáo hoàng Alexandrô VI “vô
đạo”. Ăn nói lưu loát như một tiên tri Cựu ước, ông giảng về sự chóng qua của đời
này và loan báo sự trừng phạt sắp tới của Thiên Chúa, xảy ra dưới dạng chiến tranh,
đói rét, dịch bệnh, nếu con người không ăn năn hối cải.
Cả kinh thành ăn chơi Firenze rúng động. Người người trở lại cầu nguyện, ăn chay,
xưng tội. Người ta đốt các bức hình nữ thần loã thể, đốt sách đồi truỵ. Nhưng không
phải mọi người Firenze đều hối cải. Nhất là những người trẻ đã thâm nhiễm lối sống
hưởng thụ phục hưng quá độ. Cũng có nhiều linh mục và tu sĩ chống lại Savonarola.
Tổng số linh mục và tu sĩ ở Firenze thời đó khoảng 5.000. (Con số lớn như vậy đủ
nói lên khả năng xuống cấp của giai tầng này). Song chỉ những tay “nổi khùng”
(Arrabiati) mới thật đáng ngại cho Savonarola.

ĐỤNG VỚI GIÁO HOÀNG


Có lẽ Savonarola đã không đụng gì đến toan tính chính trị của giáo hoàng, nếu như
đám “nổi khùng” đã không làm được gì ông. Đám này gọi những kẻ theo ông là bọn
“càm ràm” (Piagnoni). Thoạt tiên, Alexandrô VI thích thú theo dõi phong trào canh
tân của Savonarola. Ngày 1-4-1495, Giáo hoàng ký với Venezia, Milano, hoàng đế
Đức và Vua Tây Ban Nha một liên minh chống lại vua Pháp Karl VIII. Alexandrô VI
yêu cầu Firenze gia nhập. Savonarola, lúc đó có ảnh hưởng lớn trên chính quyền
Firenze, bàn ra, vì ông cho rằng vua Pháp sẽ là vị cứu tinh Giáo Hội. Một nhầm lẫn
khó hiểu.

SAVONAROLA THỰC HIỆN DÂN CHỦ


Sau khi đuổi được nhà Medici, Savonarola áp dụng dân chủ ở Firenze. Cũng như
Machiavelli và Erasmus, Savonarola cũng cưu mang một hình thái nhà nước. Như
Erasmus, ông cũng cho rằng quân chủ là khuôn mẫu nhà nước tuyệt hảo nhất, vì
quyền hành và ý chí thống nhất được nắm trong tay một người. Nhưng cái lạ ở đây là
ông cho rằng quân chủ đặc biệt không thích hợp cho Firenze, vì dân Firenze “là dân
tộc có đầu óc nhất trong các dân tộc nước Ý” và vì thế dân chủ là lối tổ chức phù hợp
nhất cho quốc gia này. Savonarola viết: “Các dân tộc minh mẫn, nhiệt thành và điền
đạm khó chấp nhận được một cá nhân cai trị, cá nhân đó không chóng thì chầy sẽ sử
dụng đến phương pháp của bạo chúa”. Điểm này Savonarola khác hẳn với
Machiavelli. Cũng như tu sĩ Âutinh Erasmus Rotterdam, tu sĩ Đaminh Savonarola
cho rằng dân chủ là hình thái nhà nước có tương lai nhất. Savonarola viết thêm, dù có
một đế vương toàn hảo chăng nữa, thì dân Firenze cũng không chịu đựng nổi một
ông hoàng.

GIÁO CHỦ DOẠ CẤM CỬ HÀNH PHỤNG VỤ


Khi Savonarola công khai đứng về phía Karl VIII, Giáo hoàng triệu ông về Rôma để
chất vấn. Savonarola chuyển lời xin lỗi không đến được. Giáo hoàng ra lệnh cấm
giảng, nhưng sau đó rút lại lệnh và đề nghị: nếu Savonarola chịu làm môi giới cho
ngài với vua Pháp thì sẽ được đội mũ hồng y. Savonarola chối từ với lời lẽ: “Tôi
không muốn mũ đỏ, chẳng cần mũ lớn hay mũ nhỏ gì cả. Tôi chả cần gì hết ngoài cái
chết ông đã ban cho các vị thánh của ông. Tôi chỉ ước ao một cái mũ đỏ, một cái mũ
máu”.
Ngày 18-6-1497, Giáo hoàng tuyệt thông Savonarola với lý do: “Vì đã không vâng
lời các cảnh cáo và lệnh của giáo hoàng...”.
Savonarola chẳng thèm để ý đến án vạ, nhưng lại kêu gọi triệu tập một công đồng
chung để truất chức giáo hoàng. Giáo hoàng liền doạ ra lệnh cấm phụng vụ trên
Firenze, nghĩa là tất cả các nhà thờ trong thành phố sẽ không còn được cử hành
phụng vụ nữa. Lời doạ làm thay đổi đột ngột tình hình. Nó giúp đám “nổi khùng”
chiếm quyền thành phố.

CUỘC THỬ LỬA KHÔNG XẢY RA


Bị đẩy vào ngõ cụt, Savonarola nghĩ kế thoát bí bằng cách đề nghị một cuộc thử lửa
xem Chúa đứng về phía nào: ông sẽ đi qua đám lửa, nếu không bị phỏng là dấu Chúa
đứng về phía ông. Một tu sĩ Phanxicô đồng ý thi đấu. Chính quyền thành phố quyết
định như sau: Nếu một mình Savonarola hoặc cả hai bị phỏng thì dòng Đaminh phải
ra khỏi thành phố. Nếu chỉ một mình anh Phanxicô bị phỏng thì tất cả các tu sĩ
Phanxicô bị trục xuất khỏi thành. Phe theo Savonarola chờ đợi cuộc chiến thắng tối
hậu cho phong trào mình. Phe chống thì hy vọng đây sẽ là cơ hội để tống khứ
Savonarola mà chẳng cần phải ra tay gì cả. Giáo hoàng nghe chuyện ngớ ngẩn, ra
lệnh cấm; nhưng chẳng ai thèm nghe.
Tới ngày hẹn, đám dân hăng hái chất hai đống lửa giữa sân thành phố. Hai đoàn tu sĩ
Phanxicô và Đaminh diễn hành tới. Mọi người hồi hộp chờ. Nhưng chuyện xảy ra đã
không như dự tưởng. Savonarola không đến, mà cho một tu sĩ khác tới thế. Vị này
mang Mình Thánh Chúa trong người với hy vọng Chúa sẽ che chở khi băng qua lửa.
Đám đông nổi giận. Những kẻ thành tâm cảm thấy mình bị lừa. Chính quyền cho hai
đoàn tu sĩ về lại dòng.
Chuyện xảy ra sau đó được kể lại như sau: Dân chúng tấn công tu viện San Marco,
bắt Savonarola. Đám “nổi khùng” dựng lên phiên toà kết án tử ông. Giáo hoàng
Alexandrô VI muốn đưa ông về xử tại Rôma, nhưng không được. Savonarola cuối
cùng bị treo cổ cùng hai bạn dòng, xác bị thiêu.

KẺ RỐI HAY VỊ THÁNH?


Rất khó để có một trả lời về Savonarola. Tới nay vẫn có hai nhận định đối nghịch.
August Franzen viết: “Ông chưa bao giờ tấn công Giáo Hội hoặc vai trò giáo hoàng.
Trái lại, ông đã hy sinh tính mạng cho Giáo Hội và giáo hoàng. Savonarola đã phân
biệt giữa con người và vai trò giáo hoàng. Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa vị tu sĩ
ở Firenze và vị ở Wittenberg (Luther). Vì muốn cứu một Giáo Hội đang phải đau khổ
vì một con người Alexandrô, ông đã phải chết trên giàn hoả. Trước đó, ông đã xưng
tội sốt sắng và rước lễ. Savonarola không phải là kẻ rối, ông là một vị thánh”. Linh
mục dòng Tên Ludwig Hertling thì nhận định khác: “Thay đổi đời sống và giữ mình
khổ hạnh chưa đủ để nên thánh. Cũng chưa đủ nên thánh khi một người muốn là
công giáo mà không tuân tín lý. Thánh phải là kẻ đủ khiêm nhượng để vào giây phút
quyết định có thể hạ mình vâng lời một uy quyền do Chúa đặt để”.
Savonarola rõ ràng là một người đạo đức, kẻ đã sống cho ước vọng cải tổ Giáo Hội
và đã chết cho Giáo Hội. Cái cản trở duy nhất việc phong thánh cho ông là chuyện
không vâng lời giáo hoàng, cho dù giáo hoàng ấy có tên là Alexandrô VI. Một số sử
gia cho rằng “có một quyền phản kháng cao cả trong Giáo Hội” (Gieraths, O.P).
Song ta cũng đừng quên rằng, một giáo hoàng “xấu” cũng có quyền đòi hỏi giáo sĩ
vâng lời. Mà đâu là lằn ranh giữa một giáo hoàng “tốt” và một giáo hoàng “xấu”? Và
ai có quyền xác định lằn ranh đó? Mọi người ư? Cả Savonarola thời ấy cũng biết
rằng một công đồng không thể truất chức một giáo hoàng vì vị này có cuộc sống vô
luân, nhưng chỉ truất được khi việc bầu không hợp lệ. Mà Alexandrô VI được bầu lên
một cách hợp lệ, cho dù việc bầu đó là do đút lót.
Và nữa: Giáo hoàng nào có thể phong thánh cho một người đã công khai chống lại vị
tiền nhiệm mình? Làm vậy, ngài có tự chôn uy quyền của mình và của ngai giáo
hoàng không? Hãy để Chúa quyết định. Có lẽ cả hai đều đúng: kẻ rối và vị thánh.

TRÌNH THUẬT 58-59

TRÌNH THUẬT 58

GIÁO HỘI TRONG CƠN LỐC PHỤC HƯNG

Khi 23 hồng y họp trong nguyện đường Sixtin để bầu người kế vị Innôxenxô VIII,
mất năm 1492, Giám mục Lionello, với một bài diễn văn cảm động, đã thống thiết
kêu gọi các hồng y cần đặc biệt ý thức trong việc bầu giáo hoàng mới: “Hỡi con gái
Zion, cơn đau của ngươi mênh mông như biển cả. Ai sẽ chữa lành ngươi? Cả Giáo
Hội hội hoàn vũ đang hướng mắt về các cha, hỡi các nghị phụ đáng kính. Hãy chọn
lấy một vị giáo hoàng thật uy tín để ngài chữa lành cho muôn dân!”.
Đêm ngày 10 rạng 11-8-1492, Rodrigo Borgia, tay ăn chơi nổi danh thành phố được
bầu lên ghế giáo hoàng, lấy hiệu Alexandrô VI. Ông đã tốn bao nhiêu của đút lót để
được bầu. Nhưng cuộc bỏ thăm hợp lệ.
CHA CỦA CESARE BORGIA
Rodrigo Borgia sinh năm 1430 ở Valencia, Tây Ban Nha. Ông được bác là Giáo
hoàng Kalixtô III phong hồng y và làm “Phó Thủ tướng Giáo hội Rôma” và là hồng
y giàu nhất thế giới thời đó. Khi được bầu, ông 62 tuổi và đã có 7 con. Dù vậy, sau
khi làm giáo hoàng còn sinh thêm 2 đứa nữa. Trong đám con nổi lên một anh tên
Cesare Borgia, với máu “quỷ dữ”: bạo tàn, tham quyền, ích kỷ, bất nhân và thành
công. Đúng là một “ông hoàng” theo nghĩa Machiavelli. Với sự uỷ thác của cha,
Cesare ra tay đưa cả Quốc gia Giáo Hội vào vòng kiểm soát của gia đình mình, bằng
cách không từ một tội ác nào. Một người Venecia ghi lại: “Mỗi đêm ở Rôma có 4, 5
giám mục, đức ông và những vị khác bị giết. Cả thành khiếp sợ vì ngài Quận công”.
Cesare là quận công xứ Valence và Romagna. Các con của Rodrigo đều được phong
tước và chia nắm những vị trí quan trọng.
Trái với Cesare là nữ quận công Lukrezia Borgia, con gái cưng của Rodrigo. Sử gia
Giáo hội Hugo Rahner viết về bà: “Thật bất công khi nói rằng bà trở thành đại biểu
của lối sống hư hỏng của thời phục hưng”. Bà cũng là hội viên dòng ba Phan Sinh.
Gia đình Borgia, dù vậy, sau này cũng có một vị thánh, Franz Borgia (1510-1572).
Ông là vị tổng quyền thứ ba của dòng Tên.

NHÀ CHÍNH TRỊ CÓ KHẢ NĂNG


Thời đó, việc đánh giá một giáo hoàng không căn cứ nhiều nơi cuộc sống cá nhân,
nhưng nơi tài chính trị và ngoại giao. Với tiêu chuẩn đó thì Alexandrô VI là một
trong những người có tài nhất, bởi ông đã biết giữ được Quốc gia Giáo Hội khỏi tan
rã vào phút chót. Mà mất quốc gia tức là mất sự độc lập của ghế giáo hoàng. Nhờ tay
của ông con bạo tàn, giáo hoàng đã nắm đầu được những tay có máu mặt trong Quốc
gia Giáo Hội và quy phục họ vào tay mình. Người ta cũng nói đến tài đi dây của giáo
hoàng giữa Pháp và Tây Ban Nha. Ngoài ra còn giải quyết chuyện khó khăn tài chính
của Giáo Hội: vị tiền nhiệm Innôxenxô đã phải cầm mũ giáo hoàng cho các nhà băng
Rôma để có tiền chi phí. Sau khi Kolumbus trở về từ châu Mỹ vừa mới khám phá,
giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có nguy cơ xảy ra chiến tranh vì vấn đề biên giới
thuộc địa. Qua yêu cầu của hai nước, Alexandrô đã giúp đưa ra một biên giới mà
ngày nay là đường ranh ngôn ngữ giữa Trung và Nam Mỹ. Với việc phát hiện Mỹ
châu năm 1492, cuộc truyền giáo thế giới cũng bắt đầu diễn ra. Dưới thời Alexandrô,
các tu sĩ Phanxicô là người đầu tiên tới Jamaika, Cuba, Brazil. Các nhà truyền giáo
khác được gửi đi Ấn Độ và Nam Phi.
Nếu là một nhà chính trị, thì Alexandrô đã đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo lớn,
dù ông có một cuộc sống vô luân. Nhưng làm giáo hoàng thì cần một cái gì hơn là tài
chính trị.

SÁM HỐI SUÔNG


Dù Alexandrô VI nghĩ và sống như một ông hoàng Ý, nhưng ngài không hoàn toàn
quên chuyện Giáo Hội. Một hôm, trận bão làm một trần nhà trong Điện Vatican đổ
và ngài thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Liền sau đó, đứa con trai cưng là Juan bị ám
sát. Hai biến cố làm ngài thức tỉnh và quyết định cải tổ Giáo Hội. Một uỷ ban cải tổ
được thành lập. Uỷ ban đưa ra một chương trình hay, trong đó có đoạn: “Chúng ta
bắt đầu cải tổ từ Giáo triều Vatican, để làm gương sáng cho những người khác”.
Nhưng tiếc thay, đó cũng chỉ là một ước vọng suông. Sau khi Alexandrô mất, Piô III
lên, định tiếp tục chương trình cải tổ thì đột ngột mất sau 26 ngày tại chức. Người kế
vị là Juliô II lại có những suy nghĩ hoàn toàn khác...
Dù Alexandrô nhiều yếu đuối, nhưng trước các hồng y và qua thư từ với các ông
hoàng, thỉnh thoảng ngài có thú nhận tội lỗi mình và hứa sửa đổi. Nhưng ông đã
không đủ can đảm để làm chuyện đó. Nỗi cắn rứt lương tâm của ngài phần nào được
hoạ sĩ Pinturicchio diễn tả qua bức hoạ ngài quỳ gối cầu nguyện ở Vatican.
Alexandrô đi vào lịch sử như là một người “tệ” nhất trong các giáo hoàng. Nhưng
chúng ta cũng nên cẩn thận, vì những gì do uỷ viên lễ tân của ngài, Burckhard ở
Strassburg, viết về ngài thường phát xuất từ tình cảm hận thù và có thể có đôi điều
quá đáng.
Alexandrô mất vì sốt rét năm 73 tuổi, và như tài liệu để lại, “đã được lãnh nhận các
bí tích Giáo Hội”. Có tin đồn ngài bị đánh thuốc chết. Xác được chôn trong thánh
đường quốc gia Tây Ban Nha ở Rôma trong một ngôi mộ đơn sơ, cạnh mộ bác
Kalixtô III của ngài.

JULIÔ II TRIỆU TẬP ĐƯỢC NHỮNG NGHỆ NHÂN NỔI DANH NHẤT
THỜI ĐẠI
Người kế vị Piô III là Giuliano della Rovere, 64 tuổi, lên năm 1503 hiệu là Juliô II.
Ngài được bầu cũng nhờ đút lót. Trước khi làm giáo hoàng, ngài là một nhà lãnh đạo
chính trị và tướng lãnh và đã có 3 con gái ngoại hôn. Chuyện có con thời đó chẳng
mấy ai quan tâm. Người đương thời gọi ngài là “il terribile”, “ông lực lưỡng”. Ngài
là cháu của Giáo hoàng Xistô IV và tại vị 10 năm. Sau khi lên giáo hoàng, ngài có
một cuộc sống đạo đức không chê vào đâu được.
Juliô II có thân hình vạm vỡ, đầu lớn với đôi mắt to, hực lửa và luôn chiếu thẳng
xuống. Sứ thần xứ Venezia mô tả ngài là người thông minh, nhưng dễ nổi giận và bất
thường. Mà ngài là người khó lường thật, thay đổi quyết định như chong chóng. Đêm
nghĩ gì, sáng ra phải làm ngay. “Ngài là người quá can đảm, dễ giận và khó lường
đến nỗi không thể nào tả được. Mọi cái đều vượt bình thường, kể cả đam mê lẫn dự
phóng. Tính thiếu kiên nhẫn và giận dữ bất chợt của ngài làm tổn thương những
người chung quanh; nhưng người ta không ghét mà chỉ sợ ngài, vì ngài hoàn toàn
không nhỏ nhặt hoặc tư lợi. Năng lực ý chí của ngài bẻ cong mọi mọi thứ, cả tấm
thân vạm vỡ bị bệnh khớp xương của ngài cũng thường tạo nên cảm giác đó”
(Pastor).
Thành quả chính trị của ngài là lôi Quốc gia Giáo Hội ra khỏi bàn tay tàn bạo của
Cesare Borgia và bình định lãnh thổ. Chấm dứt các cuộc phản kháng của các lãnh
chúa. Cuộc phản kháng cuối cùng xảy ra năm 1453, làm Giáo hoàng Nikôlêô V sém
mất mạng.
Rôma thời đó là thủ đô một quốc gia. Dân số từ 17.500 năm 1420 tăng lên 53.000
vào năm 1525. Giáo hoàng được gọi là “Papa Re” (“Giáo hoàng – Vua”), là vua trên
mọi vua trần thế. Cũng vì là “Papa Re” nên giáo hoàng có quyền thu thuế và nhờ tiền
đó đã có thể thi hành một chính sách văn hoá tốn kém. Thời đó người ta nghĩ rằng về
mặt tôn giáo, tác phẩm nghệ thuật cũng có tác dụng truyền giáo, bởi vì chúng tỏ cho
thế giới thấy cái vĩ đại của ngai giáo hoàng.
Juliô II cũng mang tâm tư đó. Trong vai giáo hoàng, ngài tự thấy có bổn phận phải
tìm cách tôn vinh Giáo Hội và ngai giáo hoàng qua những tác phẩm nghệ thuật của
những hoạ sĩ lừng danh. Tên ngài gắn liền với việc xây mới Đền Thánh Phêrô. Ngày
18-4-1506, ngài đặt viên đá đầu tiên trước sự hiện diện của đông đảo quan khách.
Gần 2.000 công nhân ngày đêm tháo gỡ và mang đi từng viên gạch của nguyện
đường Phêrô cũ. Chỉ ngôi mộ là để nguyên. Trên nền nhà nguyện cũ này ngài sẽ xây
một thánh đường tân kỳ và lớn nhất thiên hạ. Khi Juliô mất (1513), nhà thờ mới chỉ
dựng được 4 cột cái làm đà chống mái vòm do Michael Angelo hoạ kiểu. Michael
Angelo trước đó đã nổi danh qua hai tác phẩm điêu khắc “David” và “Pietá”. Ông là
người đa tài, được uỷ việc vẽ kiểu vòm nhà nguyện và đặc biệt được Xitô IV trước
đó chọn vẽ tường cho nhà nguyện Sixtin.
Ngày 10-5-1508, Michael Angelo khởi công vẽ. Giáo hoàng thỉnh thoảng tới thăm
lúc ông đang nằm ngửa trên giá vẽ, sơn từ trần nhà nhỏ xuống đầy mặt. Người ta
thường nghe hai người cãi nhau kịch liệt, là vì Michael Angelo cũng bướng không
kém. Ngày 31-10-1511, bức hoạ trần kết thúc. Juliô lúc đó bệnh nặng, nhưng trước
khi mất cũng đã may mắn chiêm ngưỡng được tác phẩm tuyệt trần này. Một nghệ sĩ
khác có thể đã vẽ lên khía cạnh dễ dãi của lối sống phục hưng. Nhưng Michael
Angelo, vì quá chịu ảnh hưởng của bạn đồng hương là Savonarola nên tác phẩm của
ông chú trọng tới sự sa ngã và tội lỗi của con người. Để kiện toàn chủ đề sa ngã trong
bức “Tạo dựng Adong” ở trần nhà, Michael angelo sau này đã thực hiện trên tường
phía trước bức “Phán xét cuối cùng”.

TRÌNH THUẬT 59

GIÁO HỘI TRƯỚC THỜI CẢI CÁCH

Ngày 8-7-1520, Giáo hoàng Lêô X doạ tuyệt thông tiến sĩ Martin Luther, tu sĩ và là
giáo sư thần học ở Wittenberg, nếu trong vòng 60 ngày không rút lại những điểm sai
của mình. Trong sắc thư, giáo hoàng đồng thời ra lệnh đốt tất cả những tác phẩm
chứa đựng những sai lầm của ông. Ngoài ra, Luther còn bị cấm dạy và giảng, nếu
không chịu rút lại 41 điểm bị kiểm duyệt trong sách.
Trước khi ra vạ, người ta đem sách Luther ra đốt công khai, trước hết ở Rôma, sau ở
Koeln và Mainz. Luther không rút, mà còn tuyên bố: “Với tôi, mọi chuyện đã an bài.
Tôi khinh bỉ cái giận dữ của Rôma. Tôi chẳng bao giờ muốn bị so sánh hoặc dính
dáng với Rôma nữa. Họ cứ việc kết tội tôi và đốt sách tôi. Phía tôi, nếu sẵn lửa, tôi
cũng sẽ kết án và đốt hết mọi quyền hành của Rôma”.
Luther công khai bỏ Rôma. Ngày 10-12, ông mời các giáo sư và sinh viên đại học tập
trung trước cửa Elster ở Wittenberg lúc 10 giờ để chứng kiến cảnh môn sinh mình
đốt sách giáo luật và sách của các nhà thần học kinh viện. Sau cùng, chính tay Luther
ném dụ tuyệt thông của giáo hoàng vào lửa. Và toàn thể sinh viên đồng ca bài tạ ơn
“Te Deum”. Họ cắm một bản dụ khác vào một cây lao và một phiếu ân xá vào đầu
một cây gươm rồi mang lên xe chạy rảo khắp tỉnh Wittenberg.
Ngày 3-1-1521, Giáo hoàng Lêô X chính thức khai trừ Luther khỏi Giáo Hội. Cuộc
cải cách, “thảm hoạ lớn nhất từ ngày thành lập Giáo hội” (Lortz), bắt đầu.
Cải cách không phải là việc làm của một cá nhân đơn độc, nhưng đã là một tiến trình
khởi đi từ Joachim ở Fiore (mất 1202) qua Philipp IV, William ở Ockham, Marsilius
ở Padua, tín đồ Kathar, tín đồ Valdes tới Wiclif và Hus rồi Luther. Luther là người
châm ngòi thùng thuốc nổ đã chất chứa từ lâu.

THÙNG THUỐC NỔ ĐẦY TRÀN


Khi cải cách nổ ra, việc truyền giáo thế giới mới chỉ bắt đầu, nên có thể nói rằng
Giáo Hội lúc đó còn hạn chế ở Tây Âu. Trước đó 500 năm, Kitô hữu Á và Phi châu
chia tay Rôma. Không lâu sau đó, người Nga đi theo Chính thống. Vùng Balkan và
một phần Tây Ban Nha bị Islam chiếm. Với cải cách, Giáo hội Rôma mất thêm Đan
Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Anh, Phổ, phần lớn Đế quốc Đức, Thuỵ Sĩ và Hung.
Ngay trong lòng Giáo hội cũng không khá hơn. Ghế giám mục rơi vào tay các quí tộc
chẳng quan tâm chút gì về đạo. Quý tộc mua ghế giám mục để tăng gia ảnh hưởng
chính trị của họ. Cái gì trong Giáo hội cũng trở thành chuyện mua bán. Nhờ vậy mà
chẳng hạn như Hồng y Alessandro Farnes có tới 10 giáo phận, 26 tu viện và 133 tỉnh
dòng, giáo xứ và giáo họ làm gia sản. Cũng vì vậy, một người đương thời đã viết:
“Trong 100 năm chẳng hề nghe hay thấy một giám mục nào làm chuyện đạo cả”.
Mà không những ghế giáo hoàng và giám mục nằm trong tay người đời. Hầu hết linh
mục làm quản xứ cũng chỉ vì tư lợi, chả có một chút khả năng chuyên môn nào. Ai
muốn làm linh mục, chỉ cần một thời gian “học nghề” nơi một linh mục chánh xứ để
biết làm lễ, nguyện kinh, ban bí tích là đủ. Chẳng mấy ai đi học hoặc qua đại học.
Nói chung, tầng lớp linh mục thời đó hầu như vô học.
Có một tầng lớp vô sản tu sĩ lượng nhiều vô kể nhưng phẩm không có (Lortz). Cuối
thế kỷ 15, ở Breslau có tới 236 linh mục chung nhau hai nhà thờ, suốt ngày các vị chỉ
có mỗi một việc làm lễ mà thôi. Năm 1526, ở Basel có 200 linh mục. Theo Gioan
Agricola, toàn nước Đức có khoảng 1.400.000 tu sĩ nam nữ. Nên nhớ tỉnh Muenchen
và Koeln thời đó có 40.000 dân, Mainz, Regensburg, Wuerzburg chỉ 6000, Leipzig
4000. Như vậy, trong nhiều tỉnh có tới 20% dân là tu sĩ, tới 10% là linh mục và tu sĩ
dòng.

TÌNH NHÂN
Linh mục quản xứ sống sao thì kẻ học nghề sống theo như vậy. Cả tốt lẫn xấu.
Chuyện có tình nhân trở thành phong trào đối với các linh mục thời đó. Giáo hoàng
Hadrianô VI sau này đã phải than: “Sa đoạ đã thành đương nhiên, đến nỗi những kẻ
trong cuộc chẳng còn ngửi được mùi tội nữa”.
Bởi thế, Công đồng Basel năm 1435 đã thông qua một tài liệu buộc các linh mục
phải bỏ tình nhân. Ai không tuân, bị cúp lương 3 tháng. Điểm này đã không mang kết
quả, vì thiếu điều kiện thi hành. “Nếu như việc huấn luyện linh mục được cải tổ và
nhờ đó linh mục được tuyển chọn kĩ hơn thì, về lâu về dài, sự vụ đã khả quan hơn”.
(Boelens).

GIÁO HOÀNG CŨNG KHÔNG KÉM


Vào thời Luther, giáo hoàng ở Rôma là Lêô X, một người thuộc họ Medici, làm hồng
y lúc 13 tuổi. Ngài lên giáo hoàng lúc 38 tuổi, sau khi dòng họ Medici chiếm lại được
quyền cai trị Firenze từ tay dòng họ Savonarola. Các nghệ nhân hân hoan chào đón vị
giáo chủ mới này, vì họ mong ngài sẽ cho tiếp tục các công trình xây dựng còn dở
dang. Trên công trường Đền thờ Phêrô cỏ hoang giờ đã mọc cao. Người ta nói rằng,
vừa sau khi được bầu ngày 11-3-1513, Lêô X đã tuyên bố “Chúa trao ban cho Ta
ngai giáo chủ thì cứ hưởng cái đã”. Nếu như Lêô thật đã không nói câu đó, thì cuộc
sống của ngài cũng đủ phản ánh đúng nội dung này. Một tu sĩ ở Siena đã viết về vị
giáo hoàng ham sống này: “Nhiều người có cùng quan điểm là Giáo Hội không may,
vì vị đứng đầu ham mê cờ bạc, nhạc, săn bắn và các trò ngớ ngẩn, thay vì nghĩ đến
cái nguy khốn của đàn chiên và thương khóc cho nỗi vô phúc của chúng”. Và Giáo
hoàng Phaolô IV mấy năm sau đã phải chua chát: “Quả là một phép lạ khi cái ngai
giáo hoàng này còn đứng vững, dù nhiều vị tiền nhiệm của Ta đã cố bằng mọi cách
đánh sập nó”.
Mà cũng chẳng riêng gì giáo chủ. Cả thành Rôma lúc đó là một vũng lầy đạo đức.
Văn hoá mới phục hưng đã làm sống lại cả những mặt tiêu cực của cổ thời, chẳng
hạn như nạn kỹ nữ. Vào thời Luther (1525), Rôma có 53.000 dân với không dưới
4.800 gái điếm hạng sang. Giáo hoàng Piô V (1566-1572) có lần định đuổi hết kỹ nữ
đi thì được cảnh giác rằng, nếu đuổi họ và tình nhân họ đi hết thì Rôma sẽ mất đứt
một phần tư dân số. Đành phải để yên.
Giáo hoàng Lêô X quá mê say chính trị và nghệ thuật nên đã không nhận ra kịp thời
cái nguy cơ đang đến từ nước Đức, cái mà ngài vẫn coi thường và bảo đó chỉ là
chuyện “quấy phá của mấy anh nhà tu”. Đến khi ra tay tuyệt thông Luther vào đầu
năm 1521 thì chuyện đã trễ.

LÒNG ĐẠO VỚI NHIỀU MÊ TÍN


Trong khi Giáo Hội gần như rơi vào hấp hối thì lòng đạo nơi tín hữu bình dân lại cao
hơn bao giờ hết. Nếu không có lòng đạo đó thì đã không có cải cách nào xảy ra. Nếu
dân chúng tất cả chìm trong cuộc sống truỵ lạc phục hưng thì hẳn đã chẳng ai màng
thắc mắc về những hư đốn của Giáo Hội. Thánh Clêmentô Maria Hofbauer (mất
1820) tóm tắt nhận định đó như sau: “Cải cách xảy ra là vì dân Đức có nhu cầu đạo
đức”.
Dân chúng siêng năng đi lễ và nghe giảng. Nhạc nhà thờ và nhạc tôn giáo nở rộ.
Nhiều tài liệu dục lòng đạo lưu chuyền trong dân, như sách nguyện tại gia, sách xưng
tội, sách giúp kẻ liệt, hạnh các thánh. Cuốn “Người theo Chúa Giêsu” của Thomas
Kempen bán chạy như tôm tươi. Nhiều dòng tu được thành lập, các cơ sở bác ái
chăm sóc người nghèo và tật bệnh. Người ta sốt sắng thường chỉ vì một thôi thúc:
Làm sao thoát khỏi vòng vây ma quỉ để được sống đời đời? Cũng vì vậy mà người ta
đua nhau gom góp thật nhiều phiếu ân xá, dưới hình thức mua các linh vật
(Reliquien). Càng nhiều phiếu càng nắm chắc phần lên thiên đàng.
Các giáo hoàng và ông hoàng đã lợi dụng tình cảm đó. Ai có nhiều linh vật, kẻ đó
giàu to. Wittenberg, nơi giáo sư Luther ở, nổi tiếng đặc biệt nhờ tập trung được nhiều
linh vật. Ông hoàng Friedrich đất Sachsen đã có công rảo khắp Âu châu sưu tầm và
trao đổi vật thánh. Danh sách linh vật của ông năm 1520 gồm có tất cả 19.013 danh
mục, tương đương với 1.902.202 năm và 270 ngày ân xá khỏi lửa luyện tội. Ông
hoàng đã dùng tiền bán đồ sưu tầm để xây cây cầu mới qua sông Elbe, tu bổ nhà
nguyện trong lâu đài và sửa sang trường đại học non trẻ của tỉnh.
Lòng đạo nhuốm mê tín cũng được thể hiện qua nhiều loại thánh lễ. Có công thức
thánh lễ của thánh Job để chống lại bệnh lậu, lễ để tìm lại của mất trộm, lễ để giúp
người sống được chết, lễ cầu cho kẻ thù phải chết; và nếu tiền lễ ít thì linh mục chấm
dứt thánh lễ trước khi truyền phép (missa sicca).
Lòng đạo của dân chúng thời đó mang nhiều mê tín. Chuyện đó chẳng lạ, là vì họ bị
giáo sĩ bỏ mặc.

TRÌNH THUẬT 60-61

TRÌNH THUẬT 60

MARIN LUTHER - TÂM HỒN BẤT AN

Martin Luther trở thành nhà cải cách không phải do những bất cập trong Giáo Hội,
nhưng do những vấn nạn cá nhân. Cuộc đời ông cho thấy điều đó.
Martin chào đời ngày 10-11-1483 tại Eisleben và lớn lên ở Mansfeld, nơi cha ông là
Hans Luder (Lothar) di cư đến để tìm kế sinh nhai ngay trong năm Martin sinh. “Tôi
là con của một người nhà quê”, Luther kể, “ông cố, ông nội và cha tôi đều đích thực
là những nông dân”. Vì không phải là người được thừa hưởng gia tài, cha ông đã bỏ
quê đi tìm tương lai tại vùng mỏ đồng ở Mansfeld. Không rõ gia đình Luther có
nghèo thật không. Một đàng Luther viết: “Cha mẹ tôi quá nghèo. Mẹ luôn phải đi
lượm củi mang về. Các ngài đã dạy dỗ chúng tôi như thế. Các ngài đã phải làm việc
nặng nhọc. Lúc này chẳng còn ai trong thế gian phải làm cực như thế”. Đàng khác,
ở Mansfeld, cha ông sớm tậu được năm bảy cái mỏ và trở thành một chủ xí nghiệp
nhỏ. Ngày Martin dâng lễ đầu tay, cha ông tới dự với 20 kỵ mã đi theo và đã cúng
nhà dòng một số tiền lớn. Điều này cho thấy gia đình ông không nghèo.
Chuyện giáo dục gia đình cũng không rõ. Chính Luther viết: “Cha mẹ tôi dạy tôi rất
nghiêm, khiến tôi trở nên rụt rè. Một lần bị cha đánh roi đau quá làm tôi phải chạy
trốn và hận người, phải thật lâu sau cha con mới có thể làm hoà lại với nhau. Vì một
hạt dẻ nhỏ xíu mà một lần mẹ đánh tôi đến chảy máu. Nhưng các ngài cho vậy là tốt,
chỉ tội là các ngài không phân biệt được mức tội và hình phạt”. Dù sao, phải công
nhận Martin đã không phải chịu một sự giáo dục nặng nề hơn nhiều trẻ con thời đó.
Chỉ biết chắc một điều cậu là một thiếu niên nhạy cảm hơn nhiều trẻ khác. Thời đó
trong lớp học cũng còn dùng roi, giáo dục nhà trường cũng không vì thế mà được coi
là thô bạo. Thầy giáo lớp của cậu là Trebonius đã phải ngã mũ mình mỗi khi bước
vào lớp, vì trước mặt ông “toàn là các vị tỉnh trưởng, quận trưởng, thủ tướng, tiến sĩ
và viện trưởng tương lai”.

TU SĨ LUTHER
Sau mấy năm tiều học ở Mansfeld, năm 14 tuổi Martin được gởi tới học ở
Magdeburg. Một năm sau, được một gia đình người thân đưa về Eisenach ân cần
chăm sóc. Năm 1501, lúc lên 18, Martin vào Đại học Erfurt học “nghệ thuật tự do”,
nghĩa là các môn căn bản trước khi vào chuyên ngành. Ngày 20-5-1505, Martin bắt
đầu chuyên khoa luật học, môn mà cha cậu vẫn muốn cậu theo. Nhưng không hiểu
sao ngày 20-6 năm đó cậu bỏ học, về nhà. Trên đường về Erfurt ngày 2-6 cậu bị mắc
mưa ở làng Stotternheim. Một cơn sét thình lình đánh cậu ngã xuống đất, khiến cậu
hốt hoảng la lên: “Lạy nữ Thánh Anna, xin cứu con, con muốn đi tu!”.
Mặc cho cha và các bạn phản đối, 16 ngày sau Martin vào dòng ẩn tu Antịnh ở Erfurt
và ngày 4-4-1507 nhận chức linh mục. Tỉnh Erfurt thời đó có không dưới 8 dòng
nam! Riêng dòng Antịnh có 70 tu sĩ, một nửa số đó là linh mục.
Có lẽ Martin từ lâu đã ao ước đi tu. Cơn mưa ở Stotternheim chỉ là giọt nước cuối
làm tràn ly. Lý do sâu xa hơn khiến cậu đi tu là hy vọng đời sống ăn chay hãm mình
trong một tu viện sẽ giúp cho cậu thắng được nỗi ám ảnh bị quỷ ám.
Một đặc điểm giáo dục thời Luther là chuyện tin ma quỷ. Rất phổ biến. Martin do đó
cũng tin có tiên, thần, ma, quỷ sống đây đó khắp mặt đất. Một lần cậu viết: “Trong
nhiều quốc gia có những chỗ dành cho quỷ ở. Nước Phổ có nhiều tà thần, Lappland
đầy phù thuỷ. Ở quê tôi, trên ngọn núi Poltersberg, có một cái hồ, mỗi lần ném đá
xuống là gió nổi lên ào ào. Đó là nhà của quỉ ở, chúng bị giam ở đấy”. Mỗi lần nhà
thiếu bơ, sữa hay trứng là mẹ cậu lại bảo tà thần đã lấy mất của nhà mình.
Theo Martin, ma quỉ, qua tay sai của chúng là các mụ phù thuỷ, có thể “làm hại trẻ
con nhà nghèo nhiều cách ghê gớm hơn là chuyện bắt trẻ con phải mù hay bị nghẹt
tim. Vâng, nó có thể ngay cả trộm bắt một đứa trẻ lôi khỏi nôi rồi vào nằm trong
đó”. Sau này, Martin nhớ lại là đã thấy rõ ràng một con quỷ “bước ra” từ một người
bị nó ám.
Luther quả thực mang trong mình nỗi khắc khoải về cuộc đời. Niềm tin ma quỷ
không đâu của người thời đó lại càng làm khắc khoải của cậu thêm gia trọng.

KHIẾP SỢ CHÚA
Không chỉ sợ quỷ mà còn cả sợ Chúa. Luther nhớ lại: “Từ thuở nhỏ, chỉ cần nghe nói
đến tên Kitô thôi là cũng đủ cho tôi tái mặt khiếp sợ, vì tôi đã chỉ được dạy rằng
Chúa là một ông quan toà nghiêm khắc và dữ dằn”.
Thời đó, người ta tin rằng áo dòng là phương tiện tránh hoả ngục hữu hiệu nhất.
Ngay Tôma Aquino cũng cho rằng mặc áo dòng đồng nghĩa với rửa tội lần thứ hai,
vì áo đó làm người tội lỗi trở nên trong sạch. Sự kiện bá tước Wilhelm đất Anhalt
vào dòng cũng gây ấn tượng mạnh lên chàng thanh niên Martin. “Ông mang túi như
một con lừa”, Luther sau này viết về Bá tước, “ông ăn chay hãm mình đến gầy chỉ
còn xương và da, trông như một xác chết. Thấy ông, ai cũng xì xụp chiêm ngưỡng và
mắc cỡ cho lối sống của mình”.
Luther trở thành một một tu sĩ có lương tâm. Ông thú nhận: “(Nếu được phép) tôi sẽ
thức đêm, cầu nguyện, đọc sách và làm những việc khác cho đến chết”. Dù vậy, đời
sống tu cũng không thể giải thoát ông khỏi sự giày vò của lương tâm và hoả ngục. Sự
giày vò này không bắt nguồn từ thôi thúc dục vọng. Sự kiện suốt thời gian ở
Wittenberg ông chỉ giải tội cho 3 phụ nữ mà chẳng nhìn mặt họ nói lên điều đó. Điều
chính làm Luther lo sợ là: không làm trọn được những đòi hỏi của Chúa Kitô và do
đó sẽ bị luận phạt. Các bí tích và 21 vị thánh ông chọn để cầu khẩn: 3 vị mỗi ngày
cho suốt tuần lễ, cũng không cứu được ông ra khỏi nỗi khắc khoải.
Tâm trạng sợ hãi đã khiến Linh mục Luther chút nữa phải bỏ ngang thánh lễ đầu tay.
“Khi đọc đến câu: Chúng con dâng của lễ lên Chúa là Đấng hằng sống và chân
thật”, về sau ông nhớ lại, “tôi hoàn toàn rúng động và đâm hoảng. Tôi là ai mà dám
đưa mắt nhìn lên uy nhan Chúa?”
Về sau Luther quả quyết là nhà dòng đã dạy ông “làm việc lành phúc đức để được
tha tội và được rỗi”. Điểm này không đúng, bởi vì ngày nhập dòng, hẳn ông đã nghe
viện phụ nói: “Hãy hoàn thành việc lành mà Chúa đã khởi đầu trong con”, hoặc là:
“Xin Chúa hãy làm cho kẻ tôi tớ ân phước này nên xứng đáng, để anh luôn giữ được
mình nhờ sự thánh thiện mà Chúa đã tuôn đổ trong anh”.
NGHI VẤN ĐẦU TIÊN
Ba năm sau khi chịu chức, Luther theo thầy dạy sang Rôma. Chuyến đi này là do sự
bất đồng ý kiến trong dòng mà chỉ có giáo hoàng mới giải toả nổi. Lúc đó là thời của
Giáo hoàng Juliô II. Luther chẳng màng gì tới vẻ đẹp cổ kính và những nghệ thuật
phục hưng của thành. Ông chỉ để tâm tới sự phong phú của những phương cách giúp
rỗi linh hồn ở đây. Về sau ông viết: “Tôi như một thánh sống chạy hết nhà thờ này
sang nguyện đường kia, tin hết mọi thứ đọc thấy. Tôi không nhớ đã dâng một hay
mười lễ ở Rôma và lúc đó cảm thấy tiếc là bố mẹ còn sống, bởi tôi muốn cứu các
ngài ra khỏi lửa luyện tội bằng các thánh lễ mình dâng cùng các việc lành và tuân
giữ lề luật khác”. Đặc biệt ở Rôma ông muốn trấn an lương tâm bằng một cuộc xét
mình xưng tội quan trọng. Nhưng ông tức giận vì chẳng có ai ở đây chịu hiểu ông,
chịu quan tâm tới vấn nạn đức tin của ông cả. Cung cách vương giả của giáo triều
không làm ông bực mình bằng cái ngu dốt của giáo sĩ ở đây; giáo sĩ Ý ngày làm từ
sáu tới bảy lễ đọc như vẹt, trong khi “với tính cẩn trọng của người Đức” ông chỉ
dâng một lễ mà thôi.
Nghi vấn đầu tiên về lòng đạo đức “công giáo” chuộng hình thức của dân Rôma đã
đến với ông khi ông theo người ta quỳ leo lên “các bậc thang Pilatô” – tục truyền xưa
Chúa Kitô đứng trên đó - cứ mỗi bậc là phải hôn đất và đọc một kinh Lạy Cha. Khi
rán hết hơi lên tới đỉnh, ông buột miệng: “Mà có thật như thế không?”. Có thật “việc
làm” này đủ để đưa người chết ra khỏi lửa luyện tội không?

MỘT TÂM HỒN BỆNH HOẠN


Ở Rôma về, Luther trở thành giáo sư thần học ở Đại học Wittenberg. So với Erfurt
thời đó, Wittenberg chỉ là một làng quê với độ hơn 2.000 dân. Sở dĩ giám tỉnh dòng
là Johann ở Staupitz đã nhường ghế giáo sư Thánh Kinh lại cho Luther là vì ông hi
vọng rằng Luther sẽ tìm được lời giải cho mình trong khi dạy người khác: “Này bác
sĩ, hãy chữa lành mình bằng cách chữa lành người khác!”. Tiến sĩ Luther lên lớp lần
đầu tiên vào ngày 16-8-1513.
Johann ở Staupitz là linh hướng và người thân tín của Luther. “Nếu tiến sĩ Staupitz
đã không thương cứu thì tôi đã sa hoả ngục từ lâu rồi”, Luther thổ lộ như thế.
Nhưng càng ngày ông càng rơi vào những khủng hoảng tinh thần mới, cho dù đã sử
dụng hết mọi phương cách đạo có sẵn. Ông xưng tội mỗi ngày và một lần kéo dài tới
6 tiếng đồng hồ, khiến linh mục giải tội phải la lên: “Trời ơi, Chúa chẳng tức bực gì
với con cả! Chỉ có con tức bực Chúa thôi. Con không biết rằng Chúa sẵn sàng tha
thứ cho con sao? Nếu con trông chờ Chúa tha thì phải phạm tội nào cho đáng như
giết cha, truỵ lạc, rẫy vợ bỏ chồng, chứ mấy cái tội vớ va vớ vẩn thì đáng gì!”.

TRÌNH THUẬT 61

LUTHER XA LÌA GIÁO HUẤN GIÁO HỘI


Martin Luther chỉ trích những bất cập của Giáo Hội như xa hoa, ham mê của cải và
vô học của giáo sĩ. Nhưng hình như ông đã không giảng những điều ấy ra cho sinh
viên nghe, bởi không thấy ai ghi lại những chuyện đó. Luther đã quá quan tâm các đề
tài thần học trực tiếp liên quan tới các thao thức của mình mà thôi: Sợ bị luận phạt,
mặc dù đã không ngớt ăn chay hãm mình, mặc dù tin rằng mình đã làm đủ mọi cách
để được hưởng lượng hồng ân của Chúa.
Thiên Chúa mà Luther khiếp sợ không phải là hình ảnh Thiên Chúa của Giáo Hội,
nhưng đó là Thiên Chúa khắt khe đáng sợ do William ở Ockham rao giảng. Vị này
dạy rằng Chúa muốn cứu ai là cứu, phạt ai là phạt, con người không cách nào cưỡng
lại được cái “luận phạt” ấy được. Và rằng sự cứu rỗi không do việc làm phúc đức của
con người. Điều này Luther đã tự thân cảm nghiệm được, vì dù làm đủ mọi cách mà
những sợ hãi trong ông vẫn không mất. Vì thế, Luther đã quay ra tìm cho mình một
Chúa “khác”, một Chúa “từ nhân”. Chúa “mới” của ông tưởng đã gặp qua “biến cố
trên tháp” cũng chỉ là một hình ảnh méo mó của Thiên Chúa thật. Luther đã không
hiểu đúng thần học Công giáo của một Tôma Aquino. Đó là một thảm kịch lớn. Nền
thần học mà ông học được từ trường này qua trường khác đã bị ảnh hưởng của
William Ockham mất rồi.

“BIẾN CỐ TRÊN THÁP”


Luther đã biến cái tháp ở tường ngoài nhà dòng tại Wittenberg thành một phòng học
có bếp sưởi. “Ngày nọ tôi đang ngồi trong tháp suy nghĩ về căn phòng”, Luther kể
lại với bạn hữu, “tôi định thần” và cảm thấy “như được tái sinh”. Bởi vì bỗng dưng
ông xác tín là mình cũng được cứu rỗi.
Luther nhớ lại: “Lòng mến rạo rực bắt tôi phải tìm hiểu Thánh Phaolô qua lá thư
ngài gởi cho giáo đoàn Rôma và tôi không còn thiết gì nữa ngoài mỗi cụm từ: “Sự
công chính của Chúa”, bởi tôi nghĩ sai rằng nó có nghĩa là sự công chính mà Chúa
dùng để phạt người bất chính. Hoàn cảnh của tôi là như vầy, dù mình là một tu sĩ tốt
lành đứng trước mặt Chúa, là một kẻ tội lỗi với lương tâm cắn rứt, tôi cũng không
thể tin rằng mình có thể trấn an được Ngài bằng sự ăn năn hối cải của mình. Vì thế
tôi không yêu Chúa, Đấng hằng luận phạt kẻ lành lẫn người có tội, nhưng đâm ra
ghét Ngài và ngầm bực bội vì Ngài”.
Cho đến khi Luther gặp câu: “Người công chính sống bằng tin” và ông diễn giải ý
này như vầy: con người “chỉ” cần tin là mình được rỗi thì tất nhiên sẽ được rỗi. Và
Luther khẳng định, sự cứu rỗi đến từ “niềm tin phó thác” chứ không đến từ các việc
lành, ăn năn, hãm mình, ân xá hay các phép bí tích. Theo Luther, con người tội lỗi
vẫn hoàn tội lỗi, nhưng Chúa che lấp tội của họ và Ngài không màng gì đến những
tội đó nữa. Vài năm sau, Luther tuyên bố trước mặt Hồng y Kajetan: “Không ai có
thể trở nên công chính nếu không tin. Người đó cần phải vững tin rằng mình sẽ được
công chính và hoàn toàn không được nghi ngờ gì về hồng ân Chúa đổ xuống cho
mình. Vì nếu nghi ngờ và không chắc chắn thì người đó chẳng còn công chính nữa,
họ chỉ có phá bỏ ân huệ Chúa”.
Giáo hội Công giáo trái lại dạy rằng chỉ tin không thôi chưa đủ, cho dù Giáo Hội vẫn
nhận rằng việc cứu rỗi cuối cùng cũng chỉ là một “hồng ân”, một “quà tặng” của
Chúa. Là một linh mục Công giáo, lẽ ra Luther phải thấy là thần học Công giáo, qua
một số lời nguyện trong thánh lễ, không “chỉ” nói đến công nghiệp của con người mà
thôi. Chẳng hạn như câu: “... mà chúng con đặt tin tưởng vào sự công chính của
chúng con”, hay: “... bởi chúng con không đặt niềm tin vào công nghiệp của chúng
con”, hoặc: “... mà chúng con đặt niềm tin vào trợ giúp của Chúa”. Chúng ta cũng
đọc thấy trong Tin Mừng Luca rằng con người chúng ta chỉ là những “tôi tớ vô ích”
và không có “quyền đòi hỏi” ơn cứu rỗi, cho dù mình có thánh thiện thế nào chăng
nữa. Những câu Sách Thánh sau vẫn giá trị: “Có ích gì khi một người nói họ có đức
tin nhưng không làm gì cả” (Gc 2,14) hoặc câu nói của Phaolô rằng đức tin “phải
được cụ thể hoá bằng lòng mến” (Gl 5,6), rằng con người phải cộng tác với ân huệ
của Chúa và tay họ không được để yên trên bụng. Mà trái lại. Trong thư của Thánh
Phaolô có nhiều chỗ nói rằng con người phải thể hiện ơn rỗi của mình bằng “kinh sợ
và run rẩy” và ngài cũng viết về mình: “... nhưng tôi kìm hãm thân xác để mình khỏi
bị loại” (1 Cr 9,27).
Rõ ràng Luther muốn nhiều hơn những gì Phaolô dám hy vọng: Luther muốn mình
được chắc chắn rỗi, trong khi Phaolô giảng về cái bấp bênh của việc rỗi. Luther đi từ
cực này đến cực kia. Bỏ ra ngoài chuyện một lòng tin “vững”, như Luther đòi buộc,
trong một ý nghĩa nào đó cũng có nghĩa là một “công nghiệp”, Luther giờ đây, sau
biến cố trên tháp, khẳng định mình cũng được “cứu rỗi”, như trước đây ông đã từng
sợ hãi mình bị luận phạt.. Thực ra, không ai có thể ngay từ đầu loại trừ hai khả năng
này được.

HẬU QUẢ ĐƯA TỚI PHÂN LY


Quan điểm muốn được rỗi chỉ cần tin là đủ (Sola gratia) chứ không cần “việc làm
phúc đức” cuối cùng đã đưa Luther xa Giáo hội Công giáo. Vì quan điểm này dẫn tới
hậu quả là: bỏ hầu hết các bí tích, bỏ hàng linh mục, tu sĩ, bỏ thánh lễ, ân xá, tuyên
hứa... Nếu như con người hoàn toàn bất lực trước ơn cứu rỗi thì những nghi lễ còn có
ý nghĩa gì nữa, nên bỏ đi là vừa. Ngay cả định chế Giáo Hội, đối với tín hữu Công
giáo là một “bí tích thứ tám”, nhưng đối với Luther cũng chẳng còn là nơi thông
truyền ơn cứu độ mà chỉ là một “cộng đoàn của những người tin” và cội nguồn của
niềm tin đó là Sách Thánh (Sola scriptura).
Đàng sau những điều đó là một bộ mặt Thiên Chúa “mới”: một Thiên Chúa sẵn
sàng ban ơn cứu độ cho con người một cách nhưng không. Chỉ cần tin vững vào
Chúa là được rỗi (Sola fide). Con người, theo Luther, đối diện trực tiếp với Chúa,
chịu trách nhiệm trực tiếp với Ngài, chẳng cần qua trung gian một Giáo Hội hay một
linh mục. Vì thế ngày nay một giám mục tin lành về mặt tinh thần cũng chỉ là một
thành phần của “cộng đoàn các kẻ tin” mà thôi.
Nguyên uỷ chệch hướng của Luther cũng là vì Giáo hội Công giáo đã không có
những xác định rõ về Giáo Hội, về sự công chính hoá, về hy tế, bí tích và về ưu
quyền của giáo hoàng.

HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT GIÁO ĐIỀU MỚI


Đối với nhiều người thời đó, quan điểm của Luther xem ra là một “mạc khải” mới.
Nhưng về mặt lịch sử, quan điểm này chả có gì mới. Chính Luther cũng bảo mình là
người theo William Ockham. Như vậy, ông cũng đã chịu ảnh hưởng của hai vị đi
trước là John Wiclif ở Anh và Johann Hus ở Boehmen (Tiệp). Wiclif dạy Đức Kitô là
đầu của Giáo Hội - hệ quả là chẳng cần vai trò giáo chủ nữa - và Sách Thánh là
nguồn duy nhất của đức tin. Wiclif cũng bác bỏ quan niệm về bí tích của Giáo hội
Công giáo và chức linh mục “đặc biệt” (khác với chức linh mục “thường” mà mỗi tín
hữu đều được thông phần).
Viện phụ đan tu Joachim ở Fiore (mất 1202), người đã bị tuyệt thông, đã từng bác bỏ
quan điểm về một Giáo Hội “hữu hình”. Qua đó, ông bác luôn vai trò giáo hoàng,
chức linh mục, các bí tích và phụng vụ. Joachim đã giảng về một “Giáo Hội của
Chúa Thánh Thần” và về sự thoả mãn lòng tin ngoài một Giáo Hội định chế: một
“Kitô giáo không có Giáo Hội”, như ngày nay người ta vẫn nói. Joachim đã đưa việc
suy niệm Sách Thánh thành điểm trung tâm của đời sống đạo.
Tóm lại, Luther “đã không đưa ra tư tưởng gì mới ngoài những điều đã được nói ra
trước đây” (Franzen). Luther đã chỉ vận dụng các tư tưởng đó theo cảm quan ông và
lấy kinh nghiệm riêng của mình để đổ nền cho chúng. Những giáo huấn xưa đó đã
được “dằn vặt lương tâm của một thiên tài tôn giáo” (Wucher) biến thành chớp lửa
châm ngòi cuộc cách mạng chống lại Giáo Hội.

TÂM TÍNH CỦA LUTHER


Ludwig Hertling, giáo sư về sử Giáo Hội ở một đại học giáo hoàng ở Rôma, viết về
con người Luther: Ông là người đầy sinh lực, hay liều lĩnh, cục mịch không thể
tưởng, tỏ ra khinh thường và đầy thù hận với đối thủ. “Thỉnh thoảng có chút quỷ quái
làm người ta ngỡ ngàng”. Mặt khác, ông rất đạo đức và hết lòng tin vào thần tính
của đức Kitô. Ông chống lại Giáo hội Công giáo để cổ vũ cho tự do nghiên cứu,
nhưng lại không chấp nhận bất cứ ai trái ý mình. Ông “nói dối nhiều không thể tả,
nói thoải mái tự nhiên, khiến đôi khi xem ra chuyện dối trá là bình thường”. Mọi đối
thủ thần học đều là kẻ thù của ông.

TRINH THUẬT 62-63

TRÌNH THUẬT 62

CẢI CÁCH THAY VÌ CANH TÂN

Nếu như không vì vụ giảng ân xá của linh mục đa minh Johann Tetzel khiến Luther
viết và phổ biến 95 “luận án” nổi tiếng của mình, thì cái nhận thức từ “biến cố trên
tháp” của Luther cũng đã ít ai quan tâm.

“KHI TIỀN NHẢY VÀO RỔ…”


Được sự uỷ nhiệm của Hồng y Albrecht ở Brandenburg, Johann Tetzel đi đây đó
giảng về ân xá để lấy tiền xây lại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma: Những ai “hối cải
và xưng tội và tặng tiền thì được tha tội”. Về phần những người đã chết, Tetzel
giảng: “Anh chị em hãy nhớ mình có thể cứu được họ, vì khi tiền leng keng rơi vào rổ
thì lúc đó các linh hồn cũng nhảy ra khỏi lửa luyện tội”. Mỗi khi Tetzel và đoàn ân
xá tới vùng nào là ở đó trẻ con bỏ học, công nhân bỏ xưởng, các bà bỏ bếp mang cờ
thắp nến đoàn lũ đi rước các vị đó vào làng, vào thành. Tetzel yêu cầu các vua, tổng
giám mục, giám mục và ông hoàng bà chúa mỗi người phải mua phiếu ân xá với giá
25 đồng vàng; các viện phụ, chánh xứ nhà thờ chính toà, bá tước, huân tước phiếu 20
đồng; giáo sĩ và quý tộc hạng thấp phiếu 6 đồng; dân thường và thương nhân phiếu 3
đồng; những người nghèo hơn phiếu 1 đồng vàng. Những ai thật nghèo thì, theo dụ
ân xá của giáo chủ, không phải trả tiền: “Những ai thật nghèo thì dùng cầu nguyện
và ăn chay mà mua sự rỗi, vì nước trời không chỉ dành cho người giàu mà cả cho kẻ
nghèo”.
Theo giáo huấn Giáo Hội, ân xá là việc tha hình phạt vì những tội đã phạm tới một
thời điểm nào đó, được giáo quyền dùng gia tài ơn thánh (công nghiệp Chúa Kitô và
các thánh) của mình ban cho một người nào đó mà không cần phải qua các bí tích.
Muốn hưởng ân xá, hối nhân phải ăn năn xưng tội, rước lễ và làm việc lành đền tội.
Tiền mua phiếu của Tetzel không hơn không kém là “việc lành đền tội” đó. Nhưng rõ
ràng các nhà giảng ân xá thời đó đã đưa chuyện quyên tiền làm chính và đã gán cho
nó có khả năng trả nợ hình phạt. Và Luther đã chống lại điểm lạm dụng này. Ông
hoàn toàn không chống lại thói quen ban phát ân xá đã có từ thế kỷ 11.
Friedrich, với biệt danh Người khôn ngoan, Vương công xứ Sachsen và là người
đứng đầu lãnh địa nơi Luther ở, đã cấm chuyện giảng ân xá trong vùng của ông, vì
ông không muốn việc mua bán linh vật (dĩ nhiên dính liền với ân xá) của mình bị
thiệt hại. Nhưng dân Wittenberg chỉ cần đi vài cây số tới Jueteborg là có thể nghe
được các nhà giảng thuyết.

ALBRECHT MẮC NỢ VÀ CẦN TIỀN


Chuyện mua ân xá xảy ra ở Đức vì Giám mục Albrecht đất Brandenburg cần nhiều
tiền trả cho giáo hoàng để mua thêm Tổng Giáo phận Mainz. Ông đã có trong tay hai
Giáo phận Halberstadt và Magdeburg rồi. Hình như lúc đầu Giáo hoàng Lêô X ra giá
là 12.000 tiền vàng (chiếu theo 12 tông đồ), nhưng Albrecht chỉ chịu trả có 7.000 tiền
(7 tội trọng). Cuối cùng nghe đâu hai bên thoả thuận giá 10.000 tiền (có lẽ chiếu theo
10 điều răn). Một mình giám mục phải trả số tiền kếch xù đó. Giáo phận mới (Mainz)
không xoay đâu ra đủ tiền nên ông phải vay ở ngân hàng của nhà quý tộc Fugger ở
Augsburg với lãi suất 20% và hơn nữa. Giáo hoàng Lêô X thương tình giúp Albrecht
bằng cách cho ông được phép giảng bán ân xá cho Nhà thờ Thánh Phê rô trong vùng
mình trong vòng 8 năm, với điều kiện tiền thu được phải chia đôi, một nửa dùng để
trả nợ mua giáo phận và một nửa chuyển cho Rôma. Từ đó Albrecht trở thành uỷ
viên ân xá ở Đức và Tetzel là một trong những vị giảng hăng say nhất của ông. Phiếu
ân xá bày bán ở đâu, ở đó có hiện diện của nhân viên ngân hàng Fugger để siết nợ
ngay tại chỗ.
Albrecht làm giám mục lúc 23 tuổi. Năm 24 tuổi, ông hãnh diện là người nắm trong
tay tới 3 giáo phận, trong đó Mainz là tổng giáo phận lớn và quan trọng nhất thời đó
ở Đức. Albrecht “phải” theo đường công danh trong Giáo Hội là vì anh của ông được
cất nhắc lên biên tước đất Brandenburg. Với tư cách Tổng Giám mục Mainz ông trở
thành vương công (Kurfuerst), hai anh em vương công trong một gia đình.

HẬU QUẢ CHẴNG ĐẶNG ĐỪNG


Có thật Luther đã viết 95 luận đề bằng tiếng la tinh rồi đem dán trước nhà thờ lâu đài
Wittenberg không? Điểm này không rõ. Chỉ biết ngày 31-10-1517 ông đem tài liệu
đó phân phát trong đại học ông và gửi cho một vài giám mục và bạn bè. Sau khi một
người bạn dịch ra đức ngữ và đem in, thì chẳng bao lâu cả nước Đức đều biết. Ngay
Luther cũng hoảng hốt vì ảnh hưởng ghê gớm của tài liệu đó. Ông viết thư cho Giáo
hoàng Lêô X:
“Con phổ biến một bản về ân xá và chỉ muốn mời riêng các học giả trực tiếp hay
gián tiếp bằng thư tranh luận với con… Với con, quả là phép lạ khi thấy tài liệu ấy
bị tung ra cả nước… Đó là những câu phát biểu làm đề tài thảo luận, chứ không
phải là những giáo huấn… Nếu như con biết trước những điều này xảy ra thì con đã
viết một cách dễ hiểu... Giờ phải làm sao ? Rút lại thì con không làm được…”.
Dù không muốn rút lại, ông kết thúc lá thư cho Giáo hoàng như sau:
“Vì vậy, thưa đức Thánh Cha, con sấp mình dưới chân đức Thánh Cha và xin dâng
tất cả những gì con là và con có. Cho sống, bắt chết, chấp nhận, không chấp nhận,
công nhận, bác bỏ, tuỳ ý ĐTC muốn sao thì làm: Con sẽ chấp nhận quyết định của
ĐTC như là quyết định của Chúa ngự trị và phán ra từ con người ĐTC. Nếu đáng tội
chết, con sẽ không từ chối chết. Vì trái đất và những gì trong đó đều thuộc về Chúa.
Chúa đáng chúc tụng muôn đời! Amen. Xin Chúa bảo vệ và gìn giữ ĐTC luôn!
Amen.
Martin Luther, Tu sĩ Antịnh
Luận đề của Luther chỉ là đề tài thần học để thảo luận, không phải để cho người bình
dân đọc. Vì thời đó trong Giáo Hội còn nhiều điểm tín lý không rõ nên Luther nêu
lên chuyện ân xá để mong qua những thảo luận, vấn đề thần học liên quan tới điểm
này được sáng tỏ hơn. Chưa có gì gọi là rối đạo. Nhiều dấu chấm hỏi sau các luận đề
cũng cho thấy rằng còn nhiều điểm chưa có một xác quyết nào cả nơi Luther.
Nguyên do trực tiếp đưa đến việc viết tài liệu trên được Luther trình bày với Tổng
Giám mục Albrecht đất Brandenburg: “Con không phiền trách nhiều về những kêu
gọi của các vị giảng ân xá mà con không nghe thấy. Nhưng con đau đớn tức giận về
quan điểm sai trái mà họ công khai dùng để quyến rũ dân. Rõ ràng các tâm hồn vô
phúc tin rằng hễ bỏ tiền mua phiếu là nắm chắc được phần rỗi. Họ cũng tin rằng cứ
bỏ tiền vào rổ là tức khắc các linh hồn rời khỏi lửa luyện tội… Con xin Đức Tổng bỏ
chút thì giờ đọc bản chính cương con gởi kèm để biết chuyện ân xá mập mờ như thế
nào, vậy mà các vị giảng cứ nhất định cho là đúng”.
Bản luận đề ảnh hưởng lớn trên dân chúng không phải do các suy tư thần học, nhưng
là do các câu như: “Chúng ta người nước Đức không thể tới viếng (nguyện đường)
thánh Phê rô. Tốt nhất, đừng bao giờ xây, khi mà các nhà thờ của chúng ta đang hư
đổ”. Hoặc: “Tại sao giáo chủ, kẻ giàu hơn cả vua chúa, không dùng ngay tiền mình
mà xây thánh Phê rô mà lại dùng tiền của các tín hữu nghèo?”. Những lời của
Luther làm dậy lòng những người lâu nay vẫn phản đối cơ chế và lối sống của giáo
triều phục hưng và những hệ luỵ của nó. Những kẻ chủ trương ưu quyền công đồng
bị đuổi khỏi công đồng Basel hy vọng tài liệu của Luther sẽ thổi lên một trận bão
mới. Những kẻ chịu ảnh hưởng “cá nhân chủ nghĩa” của phục hưng cảm thấy hứng
khởi khi thấy Luther xem ra cũng coi nhẹ cái “Giáo Hội phẩm trật”.

CÔNG KHAI TẤN CÔNG GIÁO HỘI


Vì Đức Tổng Albrecht đất Brandenburg không hiểu gì về thần học, nên ông giao bản
95 luận đề và tất cả các bài viết khác của Luther cho Đại học Mainz cứu xét. Rồi ông
tường trình cho Rôma hay các học giả đã nhận ra một số điểm rối trong tư tưởng
Luther, nhưng theo ông thì chưa cần phải nghĩ tới một bản án, mà chỉ nên cảnh cáo
thôi. Riêng với Tetzel, ông gián tiếp khuyên nên tránh mọi đụng độ với Luther.
Tetzel liền phản pháo: “Với tôi, trong vòng ba tuần phải quẳng tên rối đạo ấy vào
lửa!”.
Tetzel đưa ra một luận đề 106 điểm chống lại Luther. Hai bên cãi nhau. Sau đó đến
lượt Tiến sĩ Johann Eck, nhà thần học ở Ingolstadt, tranh luận với Luther tại Leipzig
(1519). Nội dung cuộc tranh luận đó không còn hạn chế trong chuyện ân xá, nhưng
cả về ưu quyền giáo hoàng, tính không sai lầm của công đồng và về bí tích. Johann
Eck sớm hiểu ra rằng linh mục Luther muốn đặt vấn đề về toàn bộ bản chất của Giáo
Hội và thấy ông đã đi quá xa. Luther trái lại cho hay mình vẫn đứng trên nền của
Giáo hội. Nhưng Eck là một trong những người đầu tiên nắm được ý hướng thật sự
của Luther, có thể trước cả Luther nữa.
Tiến sĩ Eck đã có lý, vì ngay năm sau Luther cho ra đời 3 tác phẩm cải cách (“Về sự
tự do của một Kitô hữu”, “Gởi tín hữu quý tộc nước Đức” và “Về cuộc lưu đày
Babylon của Giáo Hội”). Trong các tác phẩm này, Luther công khai phủ nhận sự
khác biệt giữa giáo dân và linh mục, phủ nhận vai trò các bí tích trừ Bí tích Thánh
Thể, Rửa Tội và Thống Hối, cuối cùng bác luôn cả độc quyền diễn giảng Sách Thánh
của Giáo Hội.
Trong lúc đó Rôma lập toà xử Luther về tội rối đạo và kết quả là dụ doạ tuyệt thông
ký ngày 15-6-1520, trong đó Giáo hoàng Lêô X “than phiền có quá nhiều lạc thuyết
lan truyền trong nước Đức danh tiếng mà (xưa nay) Toà Thánh vẫn luôn ưu ái”.
Luther trả lời dụ bằng một biếm luận: “Chống lại dụ của kẻ phản Kitô” và cho đốt dụ
đó trước cửa thành Wittenberg ngày 10-12-1520. Ngày 3 tháng giêng năm sau, ông
chính thức bị đẩy ra khỏi Giáo Hội. Thay vì đổi mới trong Giáo Hội thì “cải cách”
chống lại Giáo Hội đã xảy ra.

TRÌNH THUẬT 63

“XIN CHÚA GIÚP CON! AMEN!”

Tại thành phố Worms bên bờ sông Rhein, hai nhân vật đối diện nhau: Ông tiến sĩ
Martin Luther 38 tuổi và cậu hoàng đế Karl V 21 tuổi. Sau khi được bầu lên ngai
hoàng, Karl V cùng một đoàn tuỳ tùng đông đảo từ Tây Ban Nha kéo về Đức. Giáo
hoàng Lêô X đã tìm đủ cách để chống lại việc bầu Karl, nhưng không thành. Vì thế,
phe theo Luther hy vọng vị hoàng đế mới này sẽ có một chính sách bất thân thiện với
Rôma. Lúc đó Luther hân hoan:
“Chúa đã thương ban cho chúng ta một quý tộc trẻ làm lãnh tụ (và) như thế Ngài
mang đến cho ta hy vọng lớn”.
Nhưng Karl V đã đứng về phía giáo hoàng. Trong lúc Luther “sống theo kinh nghiệm
chủ quan của mình thì Karl trái lại không quen đặt đòi hỏi riêng tư của ông trên
cộng đoàn (Giáo Hội) và biết phân biệt giữa con người và chức vụ; Karl không bao
giờ để tình cảm bất thân thiện với con người giáo hoàng khiến ông coi thường chức
vụ thánh của ngài; đó là điểm hoàn toàn khác biệt giữa ông và Luther, người vẫn
luôn nhìn đời với cặp kính chủ quan của mình” (Franzen).
Kể từ ngày 3-1-1521, Luther đã bị vạ tuyệt thông, không còn ở trong Giáo Hội. Karl
muốn quyết định đó được thi hành trong toàn đế quốc, nhưng vì áp lực của vương
công xứ Sachsen là Friedrich (biệt danh “Người khôn ngoan”) nên đã sẵn sàng cho
Luther tới đại hội đế quốc tại Worms để trình bày quan điểm mình. Về sau, Hoàng đế
đổi quyết định, chỉ cho phép Luther tới đó để rút lại các quan điểm mà thôi. Trong
khi chờ đợi, vạ tuyệt thông vẫn chưa có giá trị.

DIỄN HÀNH CHIẾN THẮNG KHẮP NƯỚC


Ngày 16-4-1521, lúc 10 giờ sáng, “xe con” của Luther nhích bánh trên con đường
hẻm hẹp và đông nghẹt người tiến vào thành phố Worms. Hội đồng thành phố
Wittenberg đã cho ông mượn xe này. Cùng đi với ông là một nhân viên của Hoàng
đế và hơn một trăm người võ trang. Nhiều người nhiều phía đã khuyên không nên
tới, nhưng Luther vẫn nhất quyết đi Worms vì ông chưa bao giờ cảm thấy mình vững
như lúc đó: “Dù cho ở Worms đầy nhúc quỷ như ngói trên mái nhà, thì ta cũng tới
đó”. Từ Franfurt, ông viết cho bạn Spalatin: “Chúng tôi sẽ tới Worms, dù phải qua
bao nhiêu cửa hoả ngục hay bao nhiêu chướng khí cản trở mặc lòng!” Vương công
đất Sachsen cho hay, một khi rời khỏi lãnh thổ Sachsen thì Luther không còn được
ông bảo vệ hữu hiệu nữa. Dù vậy, ông vẫn quyết đi. Cuộc hành trình từ Wittenberg
tới Worms kéo dài hai tuần. Đi tới đâu, dân chúng ùa nhau ra hoan hô; họ muốn nhìn
thấy mặt vị tu sĩ hiếm có. Một linh mục tới hôn chân ông như hôn một vật thánh.
Ngày 17-4, Luther phải có mặt ở đại hội và yết kiến hoàng đế. Vì mọi ngã đường vào
nơi họp đều nghẹt dân, người ta phải đưa ông đi xuyên qua nhiều khu vườn và dùng
cửa bên để vào phòng hội. Có mặt gần như đông đủ các đại diện đế quốc: 6 vương
công (chỉ thiếu Vua xứ Boehmen), tổng quận công (Erzherzog) Ferdinand (em của
Hoàng đế), 2 lãnh tước (Land grafen), 5 biên tước (Marktgraf), 27 quận công, nhiều
bá tước, giám mục, đại biểu hội đồng, luật sĩ và – hoàng đế.

“TA ĐÃ QUA KHỎI! TA ĐÃ QUA KHỎI!”


Khoảng 30 cuốn sách đặt trên ghế dài gần chỗ hoàng đế ngự. Người ta hỏi Luther có
phải đó là những sách ông viết và ông có chịu rút lại những sai lầm trong đó không.
Ông trả lời đúng là sách ông, còn việc có rút hay không xin để cho ông suy nghĩ đã.
Ngày hôm sau, thay vì trả lời rút hay không, ông đăng đàn một bài dài, mà kết cuộc
chẳng ai hiểu ý ông ra sao cả. Vì vậy câu hỏi “có” hay “không” được lặp lại và “Ông
hãy trả lời thẳng thắn, rõ ràng và không úp mở: Ông có chịu rút lại những lầm lạc
trong sách không!”. Luther liền trả lời một câu để đời: “Tôi không thể và không
muốn rút lại gì hết, bởi vì dối lương tâm là điều không chắc chắn và không nên. Xin
Chúa giúp con! Amen!”. (Câu người ta thường thêm vào lời phát biểu trên đây của
Luther: “Đây là điểm đứng của tôi, tôi không thể làm khác. Xin Chúa tiếp tục giúp
con” là không có cơ sở lịch sử). Luther thoạt tiên phát biểu bằng tiếng Đức, sau đó
bằng tiếng Latinh. Người ta phải dịch toàn bộ nội dung sang tiếng pháp cho hoàng đế
hiểu. Sau khi Karl V hiểu, ông ra hiệu cho lính gác dẫn Luther về lại chỗ trọ. Về tới
nơi ở, Luther đưa hai tay lên trời theo kiểu lính làng và la: “Tai qua nạn khỏi! Tai
qua nạn khỏi!”

HOÀNG ĐẾ: “TA KHÔNG BAO GIỜ NGHE Y NỮA!”


Ngày hôm sau, trước mặt các đại biểu, hoàng đế đọc một bài do chính ông soạn:
“Chư quân biết, Ta xuất thân từ giòng giống quý tộc nước Đức và từ các hoàng đế
đệ nhất Kitô giáo , từ các vua công giáo xứ Tây Ban Nha, từ các tổng quận công xứ
Áo, từ các quận công xứ Burgogne. Tất cả các vị đó cho tới khi chết đều là những
đứa con trung thành của Giáo hội Rôma, là những người bảo vệ đức tin Công giáo,
bảo vệ những phong tục thánh: và tất cả đã để lại cho Ta điều đó như những chúc
thư của họ. Cho tới nay Ta vẫn sống theo gương họ. Vì thế lúc này Ta quyết định tiếp
tục giữ những gì đã xảy ra từ Công đồng Konstanz tới nay. Bởi vì rõ ràng là một tu
sĩ đã lầm, khi ông một mình đơn độc chống lại cả hoàn vũ Kitô giáo, nếu không thì
không lẽ Giáo Hội hoàn vũ cả ngàn hoặc hơn ngàn năm nay đã lầm sao… Hôm qua
chúng ta đã nghe những gì Luther nói. Ta cho các chư quân hay, Ta lấy làm tiếc vì
đã chần chờ quá lâu trong việc tỏ thái độ với y. Ta sẽ không bao giờ nghe y nữa! Y
sẽ được bảo vệ trên đường về. Nhưng Ta coi y như là một tên lạc đạo và hy vọng chư
quân là những ki tô hữu tốt lành cũng có thái độ như vậy!”
Sau khi Luther về tới luỹ Wartburg an toàn, Hoàng đế kí “Dụ Worms” ngày 8-5-
1521 kết án Luther và những người theo ông. Kể từ ngày ấy Luther không còn được
pháp luật bảo vệ nữa.

ÔNG “JUNKER JOERG” Ở WARTBURG


Suốt 9 năm sau đó, hoàng đế Karl V không có mặt ở Đức. Nhờ vậy cải cách đã tự do
phát triển. Người đầu tiên không chấp nhận bản án Worms là vương công Friedrich
đất Sachsen. Ông cho tổ chức một cuộc bắt cóc giả để mang Luther về luỹ Wartburg.
Ở đó, ngoài hai người giúp việc hàng ngày đưa đồ ăn thức uống, không ai nhìn thấy
Luther. Ông để râu, tóc đến không còn nhận ra hình hài của một đan sĩ Antịnh nữa và
mang một tên mới “Junker Joerg”. Ông ẩn mình ở Wartburg từ ngày 4-5-1521 tới 1-
3-1522, trừ những ngày ông bí mật về Wittenberg. Trong thời gian đó, tại
Wittenberg, những người theo ông bắt đầu chiếm nhà thờ, đập phá tượng, ảnh, bàn
thờ và dẹp thánh lễ. Nhiều tu sĩ nam nữ hồi tục và lập gia đình, dẫn tới hậu quả là
tỉnh dòng Antịnh ẩn tu ở Đức phải đóng cửa.
Friedrich đất Sachsen chẳng quen biết Luther gì nhiều và cũng chẳng bao giờ theo
quan điểm của ông này. Tuy vậy ông đã trở thành người cứu tử cho cải cách, qua
việc ông giang tay che chở Luther. Ông hành động như thế có lẽ là vì ông hãnh diện
về đại học Wittenberg “của ông” và Luther là một giáo sư có giá của đại học này.
Cũng có thể “những căng thẳng kia có lợi cho việc giữ và mở rộng đất đai” của ông
(Lortz).
Ở Wartburg, Luther dùng thời giờ dịch Sách Thánh từ tiếng Hylạp sang tiếng Đức.
Không phải đây là bản dịch tiếng đức đầu tiên. Bởi vì trước Luther, đã có 14 bản
dịch tiếng đức tiêu chuẩn và 4 bản tiếng địa phương. Nhưng bản dịch của Luther
“bừng lên chất thơ sống động, đẩy việc cấu tạo tiếng Đức về sau tới một bước quyết
định” (Schuchert).
Luther không sung sướng gì lúc ở Wartburg. Hôm trước, ông còn là một anh hùng
nước Đức được dân mến mộ. Hôm nay, phải ru rú một mình trong phòng. Những cơn
xuống tinh thần lại trở về, ngờ vực lại bao vây lấy ông, ma quỷ lại quay lại với ông.
Vì vậy, ngày 1-3-1522, ông rời nơi trú ẩn, nhận lời mời của thành phố Wittenberg trở
về nhà.
Nhiều người đã bỏ ông sau khi ông bị kết án. Ngay Vua Henry VIII nước Anh cũng
đã viết một tập sách chống lại ông. Nhưng càng ngày số người mới theo ông cứ tăng
dần, trong số đó có cả những người không đồng ý với trật tự chính trị xã hội hiện
hành và hy vọng ảnh hưởng của Luther sẽ đưa tới những biến đổi trong lĩnh vực này.
Khi phong trào cải cách càng lúc càng biến màu sang chính trị, các ông hoàng Công
giáo liền kết hợp với nhau thành một liên minh để đối phó. Đối lại, những ông hoàng
có thiện cảm với Luther cũng phản ứng tương tự. Để tránh nội chiến, đại hội Speyer
năm 1526 đã tạm cho phép ông hoàng được phép bắt dân trong vùng theo đạo mình,
chờ cho đến một công đồng chung sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng. Vì cải cách
cứ tiếp tục bành trướng nên Đại hội Speyer kế tiếp (1529) đã buộc cải cách phải đình
chỉ bành trướng cho tới khi có công đồng. Có 6 ông hoàng và 14 thành phố đã phản
đối quyết nghị này, nên người ta gọi họ là “kẻ chống lại” (Protestanten). Từ
Protestant được giữ mãi cho tới ngày nay để chỉ người Tin lành ở Đức.
Khi Karl V trở lại Đức, ông triệu tập Đại hội Augsburg (1530). Tại đại hội này, phía
Tin lành đưa ra một bản tuyên tín gọi là “Tuyên tín Augsburg”, do Melanchthon, một
giáo dân và là bạn của Luther, nhưng giỏi thần học hơn Luther, soạn. Hoàng đế ra
lệnh Tin lành phải quay trở lại với giáo huấn Công giáo, nhưng chẳng còn ai nghe.
Từ những dằn vặt về ơn cứu rỗi của một cá nhân tu sĩ, một tiến trình biến chuyển đã
xẩy ra để cuối cùng đưa đến một tôn giáo “mới”. Chính Luther nhiều khi cũng đã
không làm chủ được tiến trình đó: “… một chuỗi hoàn cảnh, không phải là những
màn riêng rẽ và có chuẩn bị, đã cuốn tôi vào cơn bão đó: có Chúa làm chứng cho tôi
điều này”.

TRÌNH THUẬT 64-65

TRÌNH THUẬT 64

ZWINGLI “CẢI CÁCH” TRONG VÙNG THUỴ SĨ NÓI TIẾNG ĐỨC

Mùa Chay năm 1522, anh thợ in ở Zuerich tổ chức mời bạn bè tới nhậu xúc xích (thịt
nguội). Anh muốn làm thế để chứng tỏ sự “tự do” của những người tin lành. Ulrich
Zwingli cũng có mặt trong bữa nhậu, nhưng không ăn thịt. Bữa nhậu với chủ đích
chống lại luật mùa chay đó, sở dĩ có, là do ảnh hưởng những bài giảng của Zwingli,
người vẫn muốn đưa “cải cách” vào phần đất nói tiếng đức ở Thuỵ Sĩ. Có lẽ Zwingli
đã nghe và đọc sách của Luther, nhưng ông muốn một lối cải cách riêng của mình.
Xưa nay dân Thuỵ Sĩ vẫn muốn tự giải quyết vấn đề của họ, đặc biệt kể từ khi họ
được độc lập khỏi đế quốc Đức vào năm 1499.

Gốc gác và con người Zwingli


Ulrich (Huldrych) Zwingli sinh tại Wildhaus, Thuỵ Sĩ, ngày 1-1-1484, sinh trễ hơn
Luther (10-11-1483) khoảng một tháng rưỡi. Làng Wildhaus trên cao nguyên giáp
giới Áo nay vẫn còn hân hạnh giữ căn nhà sinh quán của Zwingli. Cha ông là nông
dân và là trưởng làng nên có uy tín trong lãnh địa Toggenburg. Ulrich là con thứ ba
trong mười người con. Lên sáu, cậu Ulrich được chú là linh mục quản xứ Weesen
bên hồ Walen dạy học vỡ lòng. Mười tuổi, vào trường la tinh ở Basel. Từ năm 1498
tới 1502 học đại học Wien, sau đó Đại học Basel cho tới 1506.
Dù Zwingli không học thần, nhưng sau khi chịu chức linh mục, ông được bầu làm
quản xứ Glarus vào năm 1506. Tại đây, cùng với 3 tới 4 linh mục phó ông coi sóc
không tới 1.000 tín hữu, nên có nhiều giờ rảnh để nghiên cứu Sách Thánh. Về sau,
ông làm tuyên uý của đoàn quân Thụy Sĩ đánh thuê cho Quốc gia Giáo Hội, hai lần
ra trận ở miền bắc nước Ý. Cuối cùng ông tới Maria Einsiedeln làm tuyên uý cho các
đoàn hành hương. Ở đó, theo chính ông cho biết, ông trở lại tuyên uý quân đội và
tiếp tục cuộc sống phóng túng trong vai trò tuyên uý đó. Cũng ở đây, ông dan díu với
một cô gái. Khi chuyện vỡ lở, ông chống chế bảo rằng đó là cô gái ăn chơi của gia
đình bác hớt tóc, chứ bản thân ông chưa bao giờ đụng tới một trinh nữ. Thời gian coi
xứ ở Glarus ông cũng dính vào chuyện này, nhưng lúc đó ông còn hành động lén lút.
Còn tư tưởng cải cách của Zwingli được đề cập phần nào trong lá thư sau đây của
bạn ông là Hesch ở Ittingen gởi cho ông:
“Zwingli mến, anh muốn tôi cho ý kiến về giáo huấn của anh. Tôi nói thật tình cho
anh hay. Anh có cái tài năng mà đất nước Thuỵ Sĩ có quyền chờ đợi nơi một thiên
tài: một tinh thần nam giới bốc lửa, sống động và tinh ròng, một trí nhớ bao quát và
chắc chắn, một giác quan nhạy bén trong mọi nghiệp vụ, một ngôn ngữ trôi chảy và
êm đẹp. Với những đặc điểm đó chúng tôi hãnh diện và muốn tôn anh là đoá hoa bất
tử và duy nhất không những của Zuerich mà của cả nước Thuỵ Sĩ, nhưng với điều
kiện là anh đừng đi ra ngoài những giáo huấn chân chính. Nhưng tôi lo cho tương lai
anh, bởi những điều anh dạy đều đi ngược với quan điểm của những người đi trước,
bởi anh khinh bỉ, cười cợt những tục lệ của toàn Giáo Hội, coi chúng là phản Kitô.
Anh rõ ràng đang lầm, đã trệch xa đường chính và đang lôi những người khác cùng
bước vào cái điên rồ của anh."
Erasmus ở Rotterdam cảnh cáo Zwingli:
“Tôi đã đọc vài trang tập “Bảo vệ” của anh. Tôi lấy danh dự Phúc Âm mà thề với
anh: Nếu anh sau này muốn phát hành điều gì, thì hãy quan tâm làm những điều thật
đáng quan tâm và nhớ lấy sự khiêm tốn và sáng suốt của Phúc Âm dạy mà hành xử.
Nên hỏi ý kiến những bạn bè cao minh trước khi phổ biến bất cứ gì! Tôi lo tập “Bảo
vệ” sẽ tạo nguy hiểm lớn cho anh và cho Phúc Âm. Tôi mới đọc một ít mà đã thấy
nhiều điều cần phải cảnh giác…”.

Chương trình cải cách của Zwingli


Zwingli bước vào con đường cải cách trong thời gian ông làm chánh xứ nhà thờ
chính toà thành phố Zuerich từ ngày 29-4-1521 tới 10-10-1522. Zuerich lúc đó là
một thành phố chính trị quan trọng. Sau tháng 10-1522, ông chỉ còn là một phó xứ.
Vì tư tưởng cải cách, Giám mục Giáo phận Konstanz cho triệu ông tới để hỏi cho ra
lẽ. Thay vì về toà giám mục, ông quay ra yêu cầu hội đồng thành phố yểm trợ quan
điểm mình. Thành phố triệu tập hai buổi thảo luận công khai để làm sáng tỏ vấn đề.
Cuộc tranh luận kết thúc bằng một tuyên bố của tỉnh trưởng Marx Roist, rằng từ nay
các giáo sĩ chỉ được giảng về các Tin Mừng, các tiên tri và Thánh Pha lô mà thôi, họ
không còn được giảng về thần học của Tô ma Aquino “và những chuyện đại loại như
thế” nữa.
Zwingli không những muốn có những bài giảng “đúng Sách Thánh”, nhưng còn
muốn đưa toàn cuộc sống của tín hữu trở về với Sách Thánh và bỏ hết mọi thứ, mà
theo lời ông, không có căn cứ trong Sách Thánh như: Giáo triều Rôma, thờ kính các
thánh, ăn chay, thánh lễ, nhà dòng, tu viện, tuần thánh, nơi thánh và các bí tích.
Chia tay
Không thể ngày một ngày hai mà bỏ thánh lễ được, vì phải để ý đến những người
“yếu tin”. Do đó giáo sĩ còn dâng lễ cho tới năm 1525. Nhưng người ta đã âm thầm
bỏ đi lời nguyện dâng của lễ. Hôm thánh lễ cuối cùng ở Zuerich ngày 12-4-1525 tín
hữu còn lũ lượt tới nhà thờ một lần nữa "để, cũng như trước đây, thấy cái sai của bí
tích thánh theo thói cũ".
Thế là việc chia tay với Giáo hội Công giáo kể như xong. Ngay sau đó, môn đồ của
Zwingli thi nhau đập tượng, xé ảnh thánh, đập bình thánh, đốt áo lễ trong nhà thờ
chính toà. “Trong nhà mặc áo của nhà thờ chính toà”, về sau dân Zuerich phàn nàn,
“chẳng còn chút gì giá trị được giữ lại, mất toi đi 8 năm dài mà không ai biết sẽ đi về
đâu”. Sách từ các thư viện quí được lần lượt khuân ra bán cho các nhà in và tiệm đồ
cũ.
Từ nay, chính quyền thành phố kiểm soát luôn cả đời sống tôn giáo của dân chúng.
Vì theo Zwingli, “dựa vào giáo huấn và hành động của Đức Kitô” thì thế quyền có
quyền đó và vì vậy mọi tín hữu phải tuân phục chính quyền. Dân buộc phải tham dự
các buổi lễ tin lành. Nghiêm cấm việc đi dự thánh lễ công giáo ở làng hay tỉnh gần
đó. Các nữ tu ở Katharinental gần Dießenhofen bị đuổi khỏi tu viện. Những chị
chống lại bị lột đốt hết quần áo trên người - đấy là một trong muôn vàn thí dụ điển
hình. Những người khác chống lại cải cách đều bị dìm sông hoặc chặt đầu. Cải cách
cũng không chừa những giám mục Công giáo. Zwingli viết chống lại họ: “Nếu lòng
mến yêu cầu ta giết chúng để cứu những người khác, thì tốt hơn nên móc một mắt
mù loà của chúng ra hơn là giết cả thân thể chúng”.

Cải cách bằng bạo lực


Không chỉ Zwingli dùng bạo lực để tiến hành cải cách. Cả Luther, bạn ông là
Melanchthon và các nhà thần học thuộc đại học Wittenberg cũng đòi án tử cho các
thành phần “giáo phái”, nghĩa là những người “nhất mực không công nhận phép rửa
và bảo các mục sư của ta là không phải”. Luther yêu cầu các ông hoàng phạt những
ai dự lễ công giáo. Ông yêu cầu biên tước đất Brandenburg “buộc” tất cả thần dân
mình phải học giáo lý của Luther. Tỉnh Halle cấm dân không được tới dự thánh lễ
của các linh mục dòng Đaminh hoặc dòng đi chân đất. Nhà cải cách Spangenberg
giảng: “Dùng bạo lực và hình phạt để ép buộc những kẻ lầm lạc trở về với sự thật Tin
Mừng là điều tốt, có lợi và nên làm”.
Luther đặc biệt thiếu kiên nhẫn với các đồng nghiệp: “Ai muốn giảng dạy, phải tỏ ra
cho người khác thấy (cái uy của) nghề và lệnh đã bắt mình làm điều đó, hoặc nếu
không thì thà rằng im miệng. Bằng không thì trên sẽ ra lệnh chuyển ngay mấy cậu trẻ
con này cho “thầy Phủ” (= đao phủ). Đối với giáo phái “Rửa tội lại” (Báp tít) mới nổi
lên lúc đó, Melanchthon ra lệnh: “Chúng là đồ đệ của quỉ, không thể khoan nhượng,
bằng không chúng sẽ phá nát Giáo hội. Vì vậy, chúng tôi đã lệnh cho mỗi nơi cứ lùng
bắt các tên đầu sỏ xách ra mà giết”.
Luther coi Zwingli là một “tên rối đạo”
Zwingli quen biết Luther từ năm 1519. Khi ông này bị vạ tuyệt thông, Zwingli tránh
xa. Dù có chung quan điểm trên những giáo huấn căn bản, Luther cho rằng Zwingli
đã đi quá xa trong vấn đề bí tích. Hai người đã gặp nhau ở Marburg để bàn về phép
thánh thể. Khi Zwingli cứ nằng nặc bảo rằng hình bánh chỉ “có nghĩa” là sự hiện diện
của Chúa, Luther liền rút tấm khăn ra khỏi bàn, lấy phấn viết lên đó chữ “là” bằng
tiếng la tinh. Ông muốn lần chót khẳng định với Zwingli rằng Chúa Kitô không nói:
“Đây có nghĩa là mình Ta”, nhưng Ngài đã nói “Đây là mình Ta”.
Zwingli có lần nói: “Tôi không chịu nổi khi nghe đến tên Luther”. Luther thì trái lại,
coi Zwingli là một “tên rối”. Ông viết về Zwingli, mà không nhận ra rằng những
phán đoán này cũng là cho chính mình:
Thật nguy hiểm và dễ sợ khi “tin một điều gì trái với bằng chứng nhất thống rõ ràng,
niềm tin và giáo huấn của cả Giáo hội Kitô thánh đã được cả thế giới coi là rõ ràng
nhất thống ngay từ ban đầu cho tới hơn 1500 năm nay… Ai tỏ ra nghi ngờ, kẻ đó
không những chỉ kết án cả Giáo hội Kitô thánh là một tên rối, nhưng cũng kết án
luôn chính Đức Kitô, các tông đồ và các tiên tri".
Hoàn toàn bác bỏ vai trò của Giáo hoàng Rôma, nhưng càng về già Luther càng tỏ ra
mình là một “giáo hoàng” không sai lầm của tất cả tín hữu Tin lành.

TRÌNH THUẬT 65

CẢI CÁCH QUÁ KHÍCH CỦA CALVIN

Cuộc chiến tôn giáo đầu tiên giữa Công giáo và Tin lành mở màn với trận ở Kappel.
Tháng 4-1524, năm tổng ở Thuỵ Sĩ là Schwyz, Uri, Unterwalden, Zug và Luzern ở
Beckenried hợp nhau lại thành một liên minh Công giáo và sau đó, vào năm 1531,
tuyên chiến với nhà cải cách Ulrich Zwingli. Phía Zwingli có các thành phố Bern,
Konstanz, St. Gallen và Basel. Zwingli đích thân mang gươm búa ra trận và bị đâm
chết tại làng Kappel, lúc 47 tuổi. Dù Công giáo thắng, nhưng bản Thoả ước Hoà bình
công nhận đạo của hai bên bình đẳng nhau. Phía cải cách chỉ phải hứa “giữ hoà bình
và phải để cho các tổng Công giáo được giữ đạo thật của họ”. Chính Luther, người
đã không nói chuyện được với Zwingli, cũng đã lấy làm tiếc về sự rộng lượng của
phe Công giáo thắng thế. Ông viết: Zwingli “đã chết trong tình trạng đầy tội trọng và
nhục mạ Chúa”. Xét cho cùng Zwingli đã không làm gì khác hơn Luther…
Nhiều người trong tổng Zuerich xem trận thắng ở Kappel như là một dấu chỉ của
Chúa nên đã quay trở lại Công giáo. Một số người theo Zwingli, 5 năm sau, đã gia
nhập phe Calvin, khi ông này lập giáo hội mới, một tổ chức còn khắt khe hơn điều
mà Savonarola ở Firenze đòi hỏi trước đây. Một người đương thời mô tả việc nắm
quyền của Calvin:
“Khi ở Genève tôi để ý tới một chuyện quan trọng mà suốt đời về sau khó quên
được. Ngoài vẻ bề ngoài xem ra như một quốc gia tự do, Cộng hoà (Genève) có một
nét đẹp đặc biệt và có một nhà cải tạo gần bên toà án phong tục. Toà này có nhiệm
vụ hàng tuần điều tra mọi vi phạm phong tục, từ chuyện ăn chơi nhỏ nhặt nhất, của
người dân. Việc xét xử trước tiên do những cán bộ kiểm tra tiến hành, rồi tới các bô
lão và sau cùng do chính thành phố. Toà xét mức gia trọng và độ cứng cổ của tội
phạm để ra án cần thiết. Nhờ thế các loại cờ bạc, thề gian, chửi bới, hận thù, phá
phách, cãi lộn, thủ đoạn, lường gạt, lười biếng, chè chén, hoang phí, tức giận vô lối
và thô lỗ được ngăn chặn, chứ đùng nói chi đến những tội phạm lớn khác mà hầu như
chẳng bao giờ nghe thấy và rất hiếm xẩy ra. Nếu không để ý đến cái khác lạ tôn giáo
ở Genève, thì tôi đã chết mê chết mệt vì cái hài hoà phong tục của thành phố này”.
Cực đoan hơn cả toà thẩm tra Công giáo
Hình phạt Calvin ra cho những việc làm vô luân và trái phong tục là nhà tù, chặt một
phần thân thể và chém đầu. Các ông khiêu vũ trong đám cưới hay chơi bun trong
mùa phục sinh cũng bị tống ngục. Trong vòng 5 năm (1541-1546) nhà nước Genève
của Calvin đã thi hành 58 án tử và 78 án trục xuất khỏi nước. Một nạn nhân nổi tiếng
của Calvin là y sĩ Tây Ban Nha và là nhà nghiên cứu thiên nhiên Michael Servet,
người đã trốn chạy toà thẩm tra ở Tây Ban Nha sang Genève lánh nạn. Calvin đã cho
thiêu sống ông này vì ông đã quả quyết Đức Ki tô chỉ là một con người mà thôi.
Melanchthon, bạn của Luther, đồng ý bản án này.
Calvin cáo buộc các lãnh chúa thiếu khoan nhượng đối với những người “cải cách”,
nhưng đồng thời lại yêu cầu các ông hoàng Tin lành tẩy cho sạch đạo Công giáo
trong lãnh địa của họ. Ông tuyên bố, chống lại những lãnh chúa “vô đạo” là một
“nghĩa vụ tôn giáo” và chẳng có gì phải sợ trước việc “giết bạo chúa”, khi kẻ bị thanh
toán đó là những tên lãnh chúa công giáo. Vì thế, không lạ gì về phía các ông hoàng
Công giáo cũng đã tìm mọi cách để triệt tiêu người cải cách. Đặc biệt ở Pháp, nơi vào
năm 1560 đã có hơn 2.000 cộng đoàn calvin và những người này có tên là
“Hugenotten” (Những đồng chí đã tuyên thệ = “Thệ phản”). Năm 1562, xảy ra cuộc
chiến tôn giáo thứ hai ở Pháp: chiến tranh chống lại thệ phản, trong đó dĩ nhiên
không phải chỉ có căn nguyên tôn giáo mà thôi, nhưng quyền lợi quốc gia và quốc tế
cũng đã nắm một vai trò không nhỏ. Cao điểm của cuộc chiến này là biến cố tai tiếng
gọi là Đêm Thánh Barthôlômêô (23/24-8-1572), đêm đã có hàng ngàn tín đồ thệ
phản bị đột kích giết hại. Cuộc chiến kết thúc với dụ Nantes (1598), qua đó vua
Henri IV, người đã trở lại công giáo và là vua đầu tiên thuộc dòng Bourbon ở Pháp,
đã cho thệ phản tự do sống đạo và cho phép họ được tham gia vào lĩnh vực công.

Con đường cải cách


Jean Calvin (Chauvin hay Caulvin) sinh năm 1509 ở Noyon miền bắc nước Pháp.
Cha ông là người quản trị nhà thờ chính toà ở đó và mất trong tình trạng bị tuyệt
thông, nhưng thật ra vô tội. Mẹ ông người miền Flandres, rất đạo đức, trái ngược với
chồng là người rất nghiêm. Ông quan niệm phải dạy con cái bằng doạ nạt sợ hãi chứ
không bằng tình cảm uỷ mị. Dù vậy, Jean thương cha, học được cái nghiêm của cha
và phong cách này ta thấy thể hiện nơi cải cách ở Genève. Từ thủa nhỏ, Jean đã quen
chửi bạn học mỗi khi họ hành xử sai lễ.
Thoạt tiên Jean học ở Paris. Chẳng bao giờ học thần, nhưng cậu cũng đã được giao
cho một giáo xứ lúc 18 tuổi. Ở đó, sau khi nghe biết giáo huấn mới của Luther, cậu
bỏ làm linh mục chánh xứ, về Orleans học luật. Lúc đó Tin lành ở Pháp bị cấm, nên
cậu phải rời nước – có lẽ trong thời gian đó cậu đã theo Tin lành. Trước tiên Jean tới
Basel, nơi có nhiều môn đồ của Zwingli, rồi tới Genève, nơi có một vị tên là
Guillaume Farel đang giảng về Tin lành và mời cậu giúp đỡ.
Genève thời đó còn thuộc Đế quốc Đức, nhưng do quận công đất Savoyen và sai
nhân của ông là giám mục Genève cai quản. Thời gian đầu Calvin làm “Giảng sư
Sách Thánh”, sau làm Kẻ giảng rồi Mục sư. Calvin viết trong cuốn “Giáo lý” của
mình: “Chúng ta xác nhận rằng căn bản đức tin của chúng ta chỉ là Sách Thánh,
không thêm bớt gì bởi con người vào đó”. “Thêm bớt của con người” ở đây có nghĩa
là những diễn dịch và huấn giáo của Giáo hội Công giáo, chứ tuyệt nhiên không có
nghĩa là những suy nghĩ của ông, những suy nghĩ thật ra của một người không
chuyên Sách Thánh thêm vào.
Ai không công nhận và tuyên thệ chấp hành điểm trên, người đó mất quyền công dân
và phải “dời đi nơi khác mà sống”, đó là luật. Bước đầu “cải cách” của Calvin không
thành công. Dân chúng tuy không ưa vị giám mục của họ, nhưng cũng đã không chấp
nhận việc sống đạo quá nghiêm nhặt. Dân không thích giám mục, chỉ là vì họ muốn
được độc lập chính trị, chứ không phải vì lý do tôn giáo hay thần học gì cả. Dân
Genève đã được nghe nhiều về giáo huấn của Luther. Với họ, “tự do phúc âm” của
Luther có nghĩa chủ yếu là tự do chính trị, ngoài ra các chuyện khác chỉ là thứ yếu.
Calvin bị dân trục xuất ngày 23-4-1538. Ông chạy sang trốn ở Strasbourg và lập gia
đình với một bà goá ở đó.
Giám mục Genève rồi cũng bị đuổi. Năm 1541, sau khi những người thệ phản thắng
cử lại và lên nắm quyền trong thành phố, Calvin trở lại Genève. Lúc này ông 32 tuổi.
“Nội quy Giáo hội” nghiêm nhặt của ông được thành phố đưa lên thành luật. Genève
biến thành một "Quốc gia Thiên Chúa". Calvin mất tại Genève ngày 27-5-1564 lúc
55 tuổi.
Nhà cải cách thứ ba này đã biến Genève thành cứ điểm trung tâm của một phong trào
lan nhanh khắp thế giới. Việc lan tràn đặc biệt nhờ vào đại học do Calvin thành lập
năm 1556 tại Genève, nơi đó các chiến sĩ truyền giáo được huấn luyện và tung đi
khắp nơi: Đức, Pháp, Anh, Scotland, Hà Lan, Hung, Ba Lan và Bắc Mĩ châu.

Thuyết tiền định: Tâm điểm của đạo Tin lành Calvin
Cũng như Luther, Calvin không chấp nhận một Giáo hội “hữu hình”. Trong tác phẩm
chính của ông viết năm 1536, Calvin cho rằng dấu chỉ của một Giáo hội thật là “việc
thuần tuý giảng Lời Chúa và quản trị một cách đúng luật các bí tích”. Khác với
Luther, Calvin giảng về một sự tiền định (Praedestination) của Chúa. “Tiền định là
việc Chúa ban hy vọng đời đời cho người này và dành sẵn hình phạt kiếp kiếp cho
người khác. Không ai, dù đạo đức chăng nữa, tránh được nó… Bởi vì con người
không được tạo dựng giống nhau, người này đã được hứa phần thưởng đời đời, kẻ
kia đã được định sẵn hình phạt kiếp kiếp”.
Luther chỉ mon men tới điểm tiền định này. Calvin, trái lại, đã đặt nó làm tâm điểm
của giáo huấn mình. Bởi không ai biết mình sẽ được thưởng hay sẽ bị phạt, nên theo
Calvin, Chúa đã cho có những dấu chỉ bề ngoài để biết điều đó. Một dấu chỉ “được
thưởng” là những ai tin vào giáo huấn ông và thuộc về "Giáo hội thệ phản" của ông.
Cuộc sống đạo hạnh nghiêm nhặt cũng là dấu chỉ được cứu. Nhưng sự cứu rỗi không
đến từ việc sống tu thân, mà vì cuộc sống đó chứng tỏ một niền tin thật sự. Ai không
sống đạo hạnh, nghĩa là người ấy không có lòng tin thật sự. Và ai không tin thì
đương nhiên phải sa hoả ngục. Cuối cùng, của cải và danh vọng trần thế cũng là dấu
chỉ được cứu, vì không lẽ Chúa lại phạt những người mà Ngài đã ban cho của cải và
danh vọng ở đời này!
Thuyết tiền định đã không cản trở lòng tin, mà trái lại, đã khiến tín đồ thệ phản thi
nhau sống đạo đức và nỗ lực làm ăn thành công để được rỗi.
Giáo lý Calvin, qua việc thúc đẩy làm ăn và danh vọng, đã đẩy nền kinh tế Thuỵ Sĩ
lên một cách không ngờ. Đây là cội nguồn của chủ nghĩa tư bản bước đầu và cũng là
tiền đề cho sự lớn mạnh của Anh và Hà Lan, hai nước đã dẫn đầu thế giới về thương
mại trong thế kỷ 16 và 17.

TRÌNH THUẬT 66-67

TRÌNH THUẬT 66

GIÁ HOÀNG THÚ NHẬT: CHÚNG TA TẤT CẢ ĐÃ ĐI SAI ĐƯỜNG

Khi Tin lành Luther đã tách được một phần lớn lãnh thổ Đức ra khỏi Giáo hội Công
giáo, Giáo hoàng Hadrianô VI đã cho sứ thần mình tuyên bố tại đại hội đế quốc ở
Nuernberg ngày 3-1-1523: “Chúng ta phải thú nhận rằng, sở dĩ Chúa để Giáo hội rơi
vào cuộc bách hại này là vì tội lỗi con người, nhất là tội lỗi của các linh mục và giám
mục. Hẳn chẳng phải vì Chúa không cứu nổi chúng ta, nhưng vì tội lỗi đã tách ta ra
khỏi Thiên Chúa khiến Ngài đã không nghe thấu tiếng ta... Hẳn chúng ta cũng biết,
ngay nơi Toà thánh này trong nhiều năm cũng đã xảy ra nhiều chuyện kinh tởm, lạm
dụng chuyện thánh thiêng, dẫm đạp giới răn Chúa, vâng, mọi chuyện đã trở nên
ngược đời. Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi con bệnh đã bung ra từ đầu xuống
thân thể, từ các giáo hoàng xuống giám mục... Tất cả chúng ta, giám mục và linh
mục, đã đi sai đường chính và đã từ lâu chẳng còn một ai còn nghĩ tới chuyện tốt
lành. Mỗi một chúng ta hãy tự hỏi tại sao mình đã sa ngã và hãy tự ra án cho mình,
chứ đừng đợi án phạt của Chúa trong ngày thịnh nộ của Ngài”.

Hadrianô VI là vị Giáo hoàng người Đức cuối cùng


Giáo hoàng Hadrianô VI, nổi tiếng can đảm với lời thú tội ở đại hội Nuernberg trên,
là vị thứ bảy và là vị cuối cùng người Đức cho tới hôm nay[1]. Ngài cũng là vị không
phải là người Ý cho tới Giáo hoàng Gioan Phaolô II hiện tại. Cũng như người đi
trước là Piô III, Hadrianô VI muốn cải tổ Giáo hội “từ đầu tới chân”. Nhưng Piô III
đã mất sau 26 ngày nhận sứ vụ. Và Chúa cũng đã an bài cho Hadrianô VI một số
phần tương tự: triều đại ngài chỉ kéo dài 22 tháng, thành ra công cuộc cải cách của
ngài cũng đã chẳng đi tới đâu.
Hadrianô VI, tên thật là Adrian Florensz, được bầu ngày 1-12-1521 sau cái chết đột
ngột của Lêô X và trong lúc ngài vắng mặt. Ngài là con trai của một ông thợ mộc,
sinh năm 1459 ở Utrecht (nay thuộc Hà Lan). Sau khi xong thần học, ngài dạy ở Đại
học Loewen, rồi làm phụ đạo cho tổng quận công Karl (người về sau trở thành hoàng
đế Karl V). Trong một thời gian ngắn ngài cũng giữ chức phụ chánh thay tổng quận
công nắm quyền xứ Tây Ban Nha. Sau cùng là giám mục giáo phận Tortona ở Tây
Ban Nha rồi lên hồng y năm 1517. Ngày 29-8 năm sau ngài mới về Rôma nhận sứ
vụ.
Từ thời dạy học cho tới lúc ngồi ngai Giáo hoàng, Hadrianô VI vẫn sống cuộc đời rất
mực đan tu và cương trực. Lễ tấn phong của ngài ngày 31-8 tại Rôma được tổ chức
thật đơn giản. Ngài dâng lễ mỗi ngày: một điều khá lạ lùng đối với một giáo hoàng
thời đó! Nhiều người Rôma và nhiều hồng y tỏ ra bực bội vì vị giáo hoàng mới nhất
mực chống lại cuộc sống “thoải mái” (dolce vita) của dân Ý. Ngài mạnh bạo cải tổ
giáo triều, cắt bỏ thẳng thừng những chức vụ dư thừa. Ngài buộc các hồng y phải nêu
gương đạo đức cho các hàng giáo sĩ khác. Việc tổ chức trong nhà riêng, ngài giao
cho bà bõ giúp việc đưa từ Loewen sang. Người Rôma đã không thích ngài vì là
người ngoại quốc. Họ lại càng thù ghét ngài vì chính sách thắt lưng buộc bụng. Các
hồng y hoàn toàn không ưa lối sống khắc khổ của ngài. Điều này cho thấy các giáo
hoàng phục hưng nhiều khi chỉ là nạn nhân của môi trường sống chung quanh. Cũng
vì Hadrianô VI không chịu hy sinh một tí nào cá tính mình cho nếp sống đương thời
nên ngài đã sớm bị cô lập không lối thoát.
Luther đã không tỏ ra tán thưởng thái độ của Hadrianô VI ở Nuernberg, mà còn
khinh khi gọi ngài là “Giáo hoàng con lừa” mang tiếng nói của quỉ sa tăng. Ông hậm
hực như thế là vì Hadrianô VI là người yêu cầu thi hành dụ Wormser (kết án Luther).
Lúc đó, trước yêu cầu của giáo hoàng, các đại biểu đại hội đã trả lời rằng nếu bắt
Luther thì nội chiến có cơ xảy ra, vì Tin lành lúc đó đã vững chân lắm rồi.
Nhiệm vụ thứ hai của sứ thần giáo hoàng trong đại hội là vận động các ông hoàng
Công giáo cùng liên kết để chống người Thổ. Hai năm trước, quân Thổ Hồi giáo đã
chiếm Belgrad (Nam Tư); năm vừa rồi lại tới lượt đảo Rhodos (Hylạp), nơi dòng
Johaniter đã anh dũng chống trả nhưng cũng không giữ nổi. Nay nước Hung đang là
mồi ngon cho quân thù. Nhưng Tây phương giờ không những chia hai về mặt tôn
giáo: Công giáo và Tin lành, mà mặt chính trị cũng chia hai vì tranh chấp giữa vua
Pháp François I và hoàng đế Karl V. Như vậy, tại Đại hội Nuernberg, Giáo hoàng đã
chẳng đạt được thành quả nào.
Ngày 14-9-1523, Hadrianô VI mất và được mai táng trong nhà thờ quốc gia Thánh
Maria dell Anima của Đức (tại Ý). Số phận của ngài được tóm tắt bằng hàng chữ trên
bia mộ: “Ừ, dù là người giỏi đi mấy nữa thì thành công cũng phải tuỳ thời”.

Ngưng cải cách


Người kế vị Hadrianô VI lại là một vị thuộc giòng Medici, cháu của Lêô X. Giáo
hoàng mới lấy hiệu là Klêmentô VII, triều đại kéo dài tới năm 1534. Cuộc sống cá
nhân của ngài không chê vào đâu được. Nhưng ngài đã bị hoàn cảnh sớm đưa đẩy
vào vòng hỗn loạn chính trị không lối thoát, chẳng còn tha thiết gì chuyện tôn giáo
lẫn Giáo Hội. Tánh tình ngài cũng bất nhất, nay đổi mai thay, nhát gan, hay bỏ cuộc,
nói tóm lại: không phải là người của tình thế khó khăn. Nhà giáo sử Ludwig ở Pastor
viết về ngài: quả Giáo Hội may mắn khi Klêmentô VII mất sớm. Sử gia Tin lành
Leopold ở Ranke cho ngài là người “vô phúc nhất trong mọi giáo hoàng”. Sau khi
Thuỵ Sĩ với Zwingli từ giã Giáo hội Công giáo, giờ đến lượt nước Anh với Henry
VIII chia tay, đúng vào năm Klêmentô VII mất. Khi đó, Giáo hội Công giáo đã mất
đứt một phần ba châu Âu.

Cuộc cướp phá thành Rôma (Sacco di Rôma)


xẩy ra dưới thời Klêmentô VII, năm 1529, do bọn lính đánh thuê người Đức của
hoàng đế Karl V gây nên. Đám lính đói và vô chủ này đã gây ra xiết bao đau thương
cho dân thành; chúng còn phá sập nhà thờ, bàn thờ, mộ thánh, phá huỷ các tài sản
văn hoá quý và làm nhục các nữ tu.
Trước đó, Klêmentô VII đã bắt tay với vua Pháp François I để chống lại Hoàng đế,
với mục đích đưa Quốc gia Giáo Hội ra khỏi sự lệ thuộc nhà Habsburg (Đức) và
cũng là để bảo toàn sự thống trị của giòng họ mình ở Firenze. Như vậy, việc liên
minh đó không phát sinh từ quyền lợi Giáo Hội, bởi vì Karl V nguyên là một người
trung thành với Giáo hội Rôma, trong lúc đó François I thì lại đã không ngần ngại
thoả hiệp với cả với quân Hồi giáo, vào lúc mà quân này đang chuẩn bị một cuộc
viễn chinh mới sang chiếm Âu châu. Nguyên do của Sacca di Rôma là chính trị.
Thêm vào đó là yếu tố tôn giáo. Trong đám đánh thuê của Karl V có nhiều người
theo Luther, vẫn mang tâm trạng muốn “trả thù” Giáo hoàng Công giáo. Sacco di
Rôma cũng là một sản phẩm đáng suy nghĩ của cải cách, một hậu quả khủng khiếp
của những chuỗi dài chửi bới không ngưng của Luther chống lại Giáo hoàng, chống
lại việc tôn kính ảnh tượng, chống lại các dòng tu. Sacco di Rôma đồng thời cũng là
biến cố loan báo sự kết thúc của phục hưng tại Rôma.
Klêmentô VII lúc đó đã nhờ lính bảo vệ người Thuỵ Sĩ đưa được vào trốn trong luỹ
Thiên thần. 147 lính bảo vệ đã bỏ mình trên công trường Phêrô trong chiến dịch cứu
Giáo hoàng này. 47 người sống sót cũng đã thoát được vào trong luỹ. Cho tới khi
Karl không còn đòi buộc phải nhất định triệu tập công đồng nữa, Giáo hoàng tù nhân
(trong luỹ) mới chịu tái lập hoà bình với Hoàng đế. Và Karl V đích thân đi về Rôma,
gặp Giáo hoàng tại Bologna vào ngày 5-11-1529. Tại đây, hai người ở đối diện nhau
trong một nhà suốt bốn tháng. Hôm 24-2-1530, ngày sinh thứ 30 của mình, Karl V
nhận vương miện hoàng đế từ tay Giáo hoàng. Đây là lần cuối cùng một Giáo hoàng
làm lễ đội mũ cho một hoàng đế. Dù vậy, hai người về sau cũng chẳng bao giờ thân
nhau.

Quân Thổ lần đầu tiên tới trước cửa thành Wien
Trong khi lính đánh thuê người đức cướp phá Rôma, ở Konstatinop lãnh tụ Suleiman
chuẩn bị tiến quân về Âu châu. Sau khi Hung thua quân Thổ ở trận Mohács, đại hội
Vương quốc Hung đã bầu một người có tên Janos Zapolya lên làm vua. Việc bầu này
có sự can thiệp của một ông vua ở Pháp. Suleiman giờ đây liên minh với vua Hung
mới và chẳng lâu sau đó đưa 250.000 quân tiến đến trước cửa thành Wien. Cả Âu
châu lo lắng, biết rằng Hồi giáo sẽ chẳng dừng lại ở Wiên, nhưng đã chẳng có một
tiếp cứu nào cho 16.000 quân dân giữ thành.
Vừa rải quân vây, Thổ vừa cho bắn tin vào thành: “Vào ngày thứ ba chúng ta sẽ vào
trong thành các ngươi để điểm tâm!”. Ba tuần dài kháng cự thành công, chỉ huy
thành là bá tước Niklas Salm cho bắn tin ra: “Đồ điểm tâm của các ngươi đã nguội!”.
Không lâu sau, Suleiman ra lệnh lui quân, vì ngày 17-10 tuyết bắt đầu rơi. Quân Thổ
sợ mùa đông trung Âu, nên Wien lần nữa lại thoát.

TRÌNH THUẬT 67

NƯỚC ANH RỜI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO


Sau khi một phần lớn đất Đức rơi vào tay “Giáo hội Tin lành” và bên Thuỵ Sĩ các tín
đồ Zwingli và Calvin hợp nhau lại làm nên “Giáo hội Cải cách”, giờ đến lượt nước
Anh lập Giáo hội mới, gọi là “Anh giáo”. Trong vòng 30 năm từ sau biến cố Luther
xa lìa Rôma, đã có 3 Giáo hội mới hình thành. Người đưa Giáo hội ở Anh tách khỏi
Rôma là vua Henry VIII. Nguyên do tách rời không phải là chuyện thần học hay tôn
giáo, mà chỉ là vì Giáo hoàng Rôma không chịu chấp thuận cho nhà vua li dị. Một
trong số ít người đã không chấp nhận việc tách lìa đó là Thomas Morus.

Thomas Morus trước ngã ba đường


Thomas chào đời tháng 2-1478 ở London, con của một quan toà và lớn lên trong một
nền giáo dục nghiêm nhặt. Lên 13 tuổi, cậu vào giúp việc cho một tổng giám mục. Vị
này nhận ra khả năng đặc biệt nơi cậu nên đã gởi cậu vào Đại học Oxford lúc cậu 14
tuổi. Hai năm sau, cậu về lại London để vâng ý cha chuyển sang học luật. 23 tuổi làm
trạng sư, rồi 3 năm sau bước vào quốc hội Anh. Thời gian ở London, Thomas vào ở
thử 4 năm trong một nhà dòng kín (Kartaeuser). Lúc đó, anh đứng trước ngã ba
đường, lưỡng lự không biết có nên đi tu hay không. Cuối cùng, anh đã quyết là thà
đừng khấn hứa gì, còn hơn khấn rồi lại bỏ. Sau một cuộc tình trong thời gian trọ học
ở Paris, anh nhận ra rõ là mình không có ơn gọi đời tu. Quyết định lấy vợ. Anh về
Essex tới một gia đình quen để xem mắt ba cô con gái. Anh thích cô thứ hai, nhưng
để tránh gây đau lòng cho người chị, đã chọn cưới cô chị. Sáu năm sau, vợ mất trong
lúc 4 đứa con còn dại, Morus cưới một bà goá lớn hơn mình 7 tuổi.
Trạng sư Thomas Morus rất được mến mộ. Một phần vì tính cương trực, không bao
giờ nhận đút lót, một phần vì anh thường nhận cãi không cho người nghèo. Người ta
cũng thường thấy anh lai vãng trong xóm nghèo ở London để phân phát lương thực.
Thỉnh thoảng anh mời những người tứ cố vô thân về trú tại nhà mình.

Nhân vật thứ hai trong quốc gia


Ông nghị sĩ “trẻ tuổi không râu” Morus nổi tiếng trong quốc hội vì tính can đảm. Lúc
Henry VIII lên ngai, ông đã tuyên bố: "Đức vua của chúng ta không tìm vàng bạc
hay châu báu, nhưng tìm tài đức, danh vọng và sự bất tử". Hai người chẳng bao lâu
thành bạn. Khi Vua mời vào cung giúp việc, Morus “thật miễn cưỡng nhận lời”. Dù
vậy, ông đã phục vụ tận tuỵ nhà Vua suốt 14 năm dài. Thoạt đầu giữ chức ủy viên
nội các, rồi phó thủ quỹ, thủ quỹ lên thủ hiến cho quận chúa vùng Lancaster và cuối
cùng là chủ tịch viện quý tộc. Với vai trò này, Morus trở thành nhân vật thứ hai của
quốc gia. Khi con rể là William Roper, sau này là người viết tiểu sử ông, chúc mừng
ông về vinh dự được đề bạt lên chức chủ tịch, ông lấy hình ảnh xung khắc với Pháp
để trả lời: “Quả thực, bố cảm đội ơn Chúa và thấy đức Vua mình là người rất đáng
kính. Nhưng, nếu như đầu của bố mà mang lại được thêm một lâu đài nào nữa cho
nước Anh thì chắc chắn nó cũng phải rơi thôi”.

Henry VIII lên ngai lúc 18 tuổi


Henry làm vua nước Anh lúc 18 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã được chỉ định làm Tổng
Giám mục Giáo phận Canterbury. Vì vậy ông đã được hưởng một nền giáo dục đặc
biệt hiếm có ngay cả đối với các hoàng tử thời đó. Henry là một thanh niên đẹp trai,
đĩnh đạc, thông minh, biết soạn nhạc và giỏi thần học. Năm Luther bị tuyệt thông
(1521), nhà vua viết tài liệu “Bảo vệ bảy phép bí tích chống lại Luther” và dâng cho
Giáo hoàng Lêô X, vì lẽ đó đã được Giáo hoàng ban cho tước “Người bảo vệ đức
tin”.
Sau 17 năm kết nghĩa với chị dâu Catarina đất Aragon (Tây Ban Nha), Henry giờ
chán duyên cũ, muốn duyên mới trẻ đẹp hơn. Ông muốn ly dị vợ, nhưng Giáo hoàng
Rôma không chấp thuận. Mâu thuẫn hai bên nẩy sinh từ đó. Catarina là người cô của
hoàng đế Karl V, có chồng là thái tử Arthur. Khi Arthur mất, bà mới 26 tuổi và tái
hôn với Henry. Nhà vua viện lẽ rằng hôn thú của ông với Catarina không thành sự, vì
Sách Thánh cấm lấy “vợ kẻ khác”. Ông bảo rằng trường hợp của vua Hê rô đê cũng
tương tự và ông này đã bị Gioan tiền hô kết án nặng nề. Nhưng nhà vua đã quên rằng
Hêrôđê lấy chị dâu khi anh mình còn sống. Lại nữa Arthur lấy vợ lúc mới 14 tuổi và
đám cưới này còn có thêm ngăn trở thân tộc nên Giáo hoàng Juliô II trước đây đã
không chuẩn nhận. Vì thế, cuộc hôn nhân giữa Henry và Catarina thành sự theo phép
đạo.
Nhưng nhà vua đã yêu Anne Boleyn, muốn đưa cô này lên ngôi hoàng hậu. Ông viết
thư trình bày cuộc hôn phối bất thành của mình với Catarina cho Giáo hoàng và yêu
cầu ngài chấp nhận cho ly hôn. Rôma im lặng, một im lặng quá lâu, dù sự việc đã
quá rõ ràng về mặt thần học. Trong lúc đó nhà vua cứ tiến hành từng bước ý định của
mình. Ông cưới Anne Boleyn ngày 11-2-1531 (năm Zwingli mất) và, với sự cố vấn
của Thomas Cromwell, tự xưng mình là "Người lãnh đạo tối cao của giáo hội nước
Anh”. Tước hiệu này lúc đó còn có thêm câu “chừng nào luật Chúa Kitô còn cho
phép”. Các giám mục và công chức tuyên thệ chấp nhận sáng kiến đổi mới này, duy
chỉ giám mục John Fischer và chủ tịch viện quí tộc Thomas Morus phản đối. Morus
xin từ chức. Sau vài chần chờ, nhà vua đồng ý cho Morus từ chức ngày 16-5-1532.
Morus tay trắng từ giã chính trường. Lúc đó ông tâm sự với con gái là Margaret:
“Nếu cần, cha con ta đi hát dạo xin ăn, như các sinh viên Oxford vừa đứng trước cửa
nhà người ta vừa hát bài Kính chào Nữ vương (Salve Regina)”. Cho đến lúc chết,
Morus vẫn hài hước. Khi các giám mục tặng ông tiền để may áo dự lễ đăng quang
của hoàng hậu mới, ông nhận tiền nhưng không tới dự lễ. Ông thưa với các vị tặng
tiền: “Thưa quý liệt vị, quý vị yêu cầu tôi hai điều. Tôi quá hân hạnh đón nhận điều
thứ nhất (tiền) đến nỗi quên mất điều thứ hai (dự lễ)”.

“Trận chiến đã thắng”


Giáo hoàng Klêmentô VII tuyên bố hôn thú thứ hai của nhà vua bất thành. Vua
Henry liền ra dụ ngày 3-11-1534 bắt toàn dân tuyên thệ nhận vai trò đứng đầu giáo
hội của mình, giờ bỏ luôn câu “chừng nào luật Chúa Kitô còn cho phép”. Giáo hội
Anh xa lìa Giáo hội Công giáo từ đó. Vua Anh từ đó trở thành Giáo hoàng tối cao
nắm mọi quyền trên giáo hội nước này.
Vì Thomas Morus vẫn không chịu chấp nhận những đòi hỏi của Vua, nên ông đã bị
Vua tống vào tháp ngục (Tower) và xử trảm ngày 6-7-1535. Án của ông lẽ ra là treo
cổ cho tới khi “nửa sống nửa chết” rồi bị mổ bụng, nhưng Vua đã đổi ra án chém đầu
bình thường.
Tại sao dám liều thân cho điều mình xác tín, lý do này đã được Thomas Morus thổ lộ
với con rể Roper sau khi ông xưng tội và rước lễ lần cuối: “Con yêu, hãy cảm tạ
Chúa, trận chiến đã thắng”. Roper sau này nhớ lại: “Chỉ về sau tôi mới hiểu là lòng
mến Chúa đã chiến thắng mọi lôi kéo của trần gian”. Cái chết của Thomas không
phải là một phản kháng lại việc làm sai trái của nhà vua người mà ông chưa bao giờ
kết án - nhưng trước hết là một chiến thắng của niềm tin của ông vào sự bất tử đời
sau.
Vì vậy, chẳng phải là một câu nói đùa rẻ tiền khi ông xin lý hình giúp ông bước lên
dàn chém, “còn lúc xuống để tự mình tôi lo”. Hay trước khi lưỡi dao đổ xuống, ông
đã vén chùm râu sang một bên và cho hay râu ông đã hoàn toàn “chẳng làm gì xấu
cả”. Vì Vua không cho ông phát biểu trước khi chết, nên ông đã chỉ vỏn vẹn cất lên
lời này: “Tôi chết như là một người nô bộc tốt của Vua, nhưng trước hết là một nô
bộc của Chúa”.
Đầu của thánh Thomas Morus bị bêu trên cầu sông Thames để cho thiên hạ xem, nơi
mà ngày 22-6 năm đó đầu của Giám mục Fischer cũng được bêu lên. Theo dự tính,
sau một thời gian, đầu sẽ bị vứt xuống sông, nhưng con gái thánh nhân đã đem được
đầu cha về chôn cất.

Danh sách án tử của Henry


Mười tháng sau khi Morus chết, đến lượt Anne Boleyn bị chém. Ngay sáng hôm sau,
Henry VIII cưới Jeanne Seymour. Bà này mất sau đó một năm. Đời vợ thứ tư là bà
Anne đất Cleve, sau này li dị. Người vợ thứ năm là Catherine Howard cũng bị lên
máy chém. Người vợ thứ sáu nhận được lệnh bắt giữ nhưng sau đó lệnh được rút lại.
Henry VIII mất năm 1547 lúc 56 tuổi.
Henry VIII đã ra án tử cho 2 hoàng hậu, 2 hồng y, 2 tổng giám mục, 18 giám mục, 13
viện phụ, 500 tu sĩ, 18 tiến sĩ thần và luật học, 12 quận công và bá tước, 164 quí tộc,
125 công dân nam và 110 người nữ.

Trả thù Thomas Becket


Phiên toà lạ lùng và quái gỡ xử Thomas Becket phải được xem là một nỗ lực vô vọng
nhằm trấn tĩnh lương tâm của những kẻ đã giết Thomas Morus. Thomas Becket bị
giết ngày 29-12-1170 vì chống lại vua Henry II. Ngày 24-4-1538, Henry VIII cho đòi
người đã chết 500 năm trước đó phải “xuất hiện trước toà và trách nhiệm trước công
lý”. Nhưng sau 30 ngày vẫn không thấy thánh nhân rời mộ, Henry VIII liền đặc ân
cho cử một trạng sư thay thế. Thomas Becket bị kết tội xách nhiễu, cứng đầu và phản
bội. Cốt của ngài bị đốt, những đồ quí tìm được trong mộ được thu nộp vào ngân khố
nhà vua. Lệnh ban ra cho toàn dân rằng Thomas Becket không phải là thánh, nhưng
là một tên bạo loạn và phản phúc.

TRÌNH THUẬT 68-69

TRÌNH THUẬT 68

INHÃ (IGNATIUS)

TRỞ THÀNH ĐỐI CỰC CỦA LUTHER


Chỉ vài ngày sau khi Luther bị bắt cóc vào lâu đài Wartburg, Tây Ban Nha, anh sĩ
quan 30 tuổi Inhã đất Loyola bị thương nặng trong đợt vây hãm đồn Pamplonas. Anh
bị trái đạn đại bác bằng đá của quân Pháp nghiền nát một chân. Inhã bị bắt, nhưng
sớm được thả cho đi điều trị. Xương chân anh sau đó lại bị gãy một lần nữa trong
thời gian ở nhà cha mình và bị cắt đi một đoạn. Vì tật cà thọt, anh phải rời quân ngũ.
Khi Inhã mất, dòng của ông có độ 1.000 tu sĩ và có mặt trên nửa Âu châu, ở Ấn Độ,
Nhật, Brazil, Abessinien và Congo. Ở Âu châu, vì khai sinh trong thời điểm cải cách,
dòng Tên càng ngày càng trở thành một đối cực của phong trào cải cách. Vị trí quan
trọng của dòng đã được Giáo hoàng Juliô III tóm tắt như sau: “Như Chúa trước đây
mỗi thời gởi cho Giáo Hội một dòng, thời đại này Người đã gởi các linh mục dòng
Tên đến cho Giáo hội chúng ta”.

Một vọng tộc người Baske


Inhã, tên thật là Inigo Lopez de Loyola, chào đời năm 1491 tại Tây Ban Nha. Cha
cậu là Beltran Yanez de Onaz y Loyola, mẹ là Marina Saenz de Licona y de Balda.
Gia đình Loyola không những làm chủ nhiều tài sản trong thành, mà còn có gần 30
nông trại, 2 dinh cơ, nhiều máy xay và xưởng rèn, thêm vào đó là những vườn cây ăn
trái, rừng và 2 mỏ quặng. Theo luật gia tài thời đó, người anh cả được hưởng hầu hết
những khoản đó, còn người trai út chỉ được chia một chút gọi là. Inhã có tất cả 12
anh chị em; cậu là người em trai nhỏ nhất trong 8 anh em.
Inhã lẽ ra đi tu, nhưng cậu đã trở thành sĩ quan của hoàng đế Karl V. Cậu nhỏ con,
cao chỉ 1,58 mét, nhưng là người say mê làm lính. Cậu thú nhận “rất thích sử dụng
vũ khí” và thời đó “say mê tìm công danh”. Bạn bè kể về cậu: Anh ấy “can đảm
trong cờ bạc, với đàn bà, với đánh đấm và vũ khí. Anh bị lôi cuốn và chìm đắm trong
thú vui nhục dục”. Nhưng cuộc sống phóng túng chỉ kéo dài cho tới khi bị thương ở
Pamplona. Sau đó đời anh chuyển hướng hoàn toàn.

Bắt đầu mới với ý hướng mới


Nằm chết dí trên giường bệnh, Inhã nghĩ đến chuyện đọc sách. Người ta đưa cho anh
hai cuốn có sẵn trong nhà: “Cuộc đời Giêsu" và Hạnh các Thánh. Thoạt tiên anh đọc
thứ sách đạo này một cách miễn cưỡng, nhưng rồi đâm ra mê. Sau khi khoẻ lại, anh
làm một chuyến hành hương tới Tu viện Monserrat, suốt 3 ngày trời xét mình đặt lại
vấn đề về cuộc đời mình. Anh thức suốt đêm trước tượng Đức Mẹ, cởi bỏ gươm dao
trước mặt ngài và quyết từ nay sẽ chỉ còn làm một thứ “lính của Chúa Kitô” mà thôi.
Rồi đi tới Mansera gần đó, khám phá cho mình một mục tiêu mới: “Tất cả để vinh
quang Chúa được lớn hơn”. Thị kiến, khai sáng, những cơn xuống tinh thần thay
nhau xâu xé tâm hồn anh. Cũng giống như Luther, Inhã tìm cách thắng tuyệt vọng
bằng những ăn năn đền tội khắt khe – anh đánh tội mỗi ngày 3 lần. Nhưng khác với
Luther, anh đã không rời bỏ Giáo Hội vì những vấn nạn riêng của mình, nhưng trái
lại càng thắt chặt mình vào Giáo Hội.
Phần đầu cuốn “Linh Thao” được viết ở Mansera. Inhã muốn nó sẽ giúp “biến đổi thế
giới” (B. Schneider). Thánh François ở Sales viết rằng cuốn sách đó đã tạo nên nhiều
vị thánh hơn cả tổng số vần chữ của nó.
Thời gian ở Mansera, Inhã vẫn chưa rõ được làm sao và nơi nào mình có thể phục vụ
Chúa đắc lực nhất. Cũng như Phanxicô trước đây, anh muốn sang Đất Thánh cải hoá
người Hồi giáo trở về với Chúa. Vì thế, ngày 4-9 năm đó, anh sang Giêrusalem.
Nhưng các tu sĩ Đaminh lại đẩy “nhà thuyết giảng thiếu ơn gọi” này đi chỗ khác. Và
anh nhận ra ý Chúa qua việc đuổi khéo này. Anh hiểu ra rằng Chúa muốn anh học
làm linh mục trước khi bắt tay vào sứ mạng được giao phó. Về lại quê hương, anh
vào trường rồi vào Đại học Barcelona, Salamanca và Paris.
Thẩm tra bám sát
Từ lúc còn là sinh viên, Inhã đã hoạt động “mục vụ”, việc làm khiến anh luôn bị toà
thẩm tra theo dõi. Nhiều lần bị bắt. Một lần, anh phải ngồi 42 ngày trong ngục vì
chuyện mất tích đột ngột của hai phụ nữ đã cùng với anh đi hành hương. Người ta tố
anh đã quyến rũ hai người. Nhưng khi hai cô xuất hiện trở lại và cho hay Inhã vô can
trong việc trốn của họ thì anh được thả.
Ở Salamanca, anh phải ra Toà án Giám mục vì đã dám khẳng quyết rằng những điều
mình biết là do Chúa trực tiếp tỏ lộ. Anh cũng bị một vụ án nữa ở Rôma, nhưng tất
cả rốt cuộc đều được xét vô tội.

Những người bạn đồng hành đầu tiên


Những người bạn đồng hành đầu tiên của anh là các trí thức Đại học Paris, trong đó
nổi nhất có Giáo sư Franzisco Xavio (Phanxicô Xaviê), rồi Peter Faber và Ludwig
Molina. Tất cả là 7 người, kể cả Inhã. Chương trình của họ là “bỏ thế gian để đi theo
con đường nghèo khó và thập giá”. Ngày 15-8-1534, họ tuyên hứa trong “Nhà thờ
các Thánh Tử Đạo” ở Montmartre, Paris nguyện cùng nhau sống nghèo, khiết tịnh và
làm mục vụ trên Đất Thánh. Lời hứa sau cùng chỉ có thể thực hiện nếu trong vòng
một năm họ có tàu để sang Đất Thánh hoặc có thể ở lại đó lâu dài. Bằng không thì họ
sẽ quy phục hoàn toàn giáo hoàng, để ngài muốn sai đi đâu thì đi. Inhã muốn dâng lễ
đầu tay ở Giêrusalem. Nhưng lúc đó, sau 38 năm, chẳng còn thuyền nào rời cảng
Venezia đi Đất Thánh nữa, vì cuộc chiến với người Thổ đã cận kề. Như vậy là ý
Chúa muốn họ sang Rôma quy phục giáo hoàng.
Inhã làm lễ mở tay ngày Giáng Sinh năm 1538 ở Rôma. Ở đó, anh cũng quyết định
biến cộng đoàn nhỏ bé của mình thành một dòng tu, lấy tên “Hội Giêsu” (S.J.) và
được giáo hoàng chuẩn nhận ngày 27-9-1540. Inhã ở lại Rôma lãnh đạo và xây dựng
dòng cho tới lúc mất.

Vâng lời vô điều kiện


Cái mới nơi dòng Tên là lời khấn thứ tư: “Vì việc rỗi linh hồn và quảng bá đức tin,
sẵn sàng thi hành không chần chờ bất cứ lệnh nào của giáo hoàng”. Tu sĩ dòng cũng
phải vâng lời vô điều kiện các bề trên mình, đặc biệt là vị tổng quyền, được bầu lên
suốt đời và có toàn quyền trong dòng. Người ta đùa rằng dòng Tên có lời khấn “Vâng
lời xác chết”, là vì luật dòng có ghi: “Trong mọi sự, ngoài tội lỗi ra, tôi phải theo ý
của bề trên, chứ không phải theo ý tôi, vì Chúa nói qua bề trên... Tôi coi mình như
một xác chết, chả còn ý chí và cảm giác”. Chỉ được phép phát biểu ý kiến riêng trong
trường hợp có bằng chứng nghi ngờ và trong việc quan trọng. Yêu cầu vâng lời khắt
khe này có lý do, là vì dòng khai sinh trong thời buổi cải cách, họ muốn tạo lại uy
quyền cho Giáo Hội. Như ta thấy, nhờ vâng lời vô điều kiện mà dòng đã nêu gương
quyết tâm dứt khoát và giữ được hiệp nhất. Đó cũng là bí quyết thành công lạ lùng
của dòng, như Ludwig Hertling viết: “Ngay từ đầu dòng Tên đã có nhiều người làm
được những điều khôn ngoan trên nhiều địa hạt”.
Cái mới nữa của dòng là không chấp nhận dòng phục chung, giờ nguyện chung và
lập thêm một nhánh cho phái nữ. Inhã đã không chấp nhận lập nhánh nữ, vì ngài
“không muốn lãnh đạo các bà tuyên hứa đức vâng lời”.

Nhà thần học


Inhã không những là một nhà chiến lược sâu sắc và một nhà tổ chức có tài mà còn là
một nhà thần học có tiếng. Để phản ứng lại chủ nghĩa chủ quan quá lố của Tin lành,
chủ trương bỏ Giáo hội cơ chế “hữu hình” với giáo hoàng, nhã đòi buộc phải bám
chặt vào giáo hoàng và Giáo Hội như là hiện thân nối tiếp của Chúa. Giáo lý Tin lành
dạy, muốn được rỗi, chỉ cần tin vào Chúa là đủ (Sola fides = duy tin). Inhã bảo, đức
tin không thôi chưa đủ, mà còn cần công nghiệp của con người, nếu không người ta
sẽ hời hợt và biếng nhác. Theo Inhã, cũng không nên chỉ đề cập tới hồng ân của
Chúa mà thôi (Sola gracia = duy ân), vì như vậy “tự do con người có cơ nguy bị
mất”. Cũng không ai có quyền hiểu Sách Thánh theo ý mình (Sola scriptura = duy
kinh), mà chỉ có Giáo Hội mới được quyền diễn giảng sách đó. Không ai có được
những câu trả lời Công giáo rành rẽ như Inhã trước các quan điểm thần học một
chiều của Luther, khi ông viết: “Bạn hãy cầu nguyện như chỉ mình Chúa là kẻ quyết
định. Nhưng hãy cộng tác như chỉ mình Bạn là kẻ quyết định có được rỗi hay
không”.

Một cái chết như mọi người?


Ở Rôma, Inhã càng ngày càng rút vào cuộc sống ẩn dật. Ông tránh những bữa ăn
chung, rất ít dâng lễ, nếu có thì cũng dâng một mình. Ông sa thải thẳng tay những tu
sĩ không xứng. Từ năm 1552 tới 1556,”ông đã đuổi 200 thành viên ra khỏi dòng. Một
người khách từ Bỉ viết về ông: "Ông cụ chống gậy rảo khắp vườn. Lòng đạo toả rạng
trên gương mặt. Ông nhẹ nhàng, thân mật và đáng mến, có thể dễ dàng chuyện trò
với trí thức cũng như bình dân, với người lớn cũng như trẻ con”.
Inhã đất Loyola mất ngày 31-7-1556 như là một trong những vị thánh lớn nhất của
Giáo hội Công giáo. Nhưng cái chết của ngài, như người thư ký viết, “cũng giống
như bất cứ cái chết nào trên trần gian”.

TRÌNH THUẬT 69

MAY THAY CUỐI CÙNG MỌI CHUYỆN LẠI TỐT ĐẸP!

Từ hơn 100 năm nay những lời kêu gọi triệu tập công đồng không ngừng vang lên.
Luther là người cuối cùng đã hai lần cất lên lời này. Cả hoàng đế Karl V và các đại
hội đại biểu đẳng cấp Đức cũng đòi hỏi gấp rút phải có công đồng chung. Nhưng
Giáo hoàng Klêmentô VII tìm mọi cách tránh né. Ngài sợ chủ trương ưu quyền công
đồng lại có dịp sống dậy. Thêm vào đó, đại hội đại biểu Đức ở Nuerenberg cứ đòi
cho được “công đồng chung, tự do và Kitô giáo phải triệu tập trên đất Đức”; với đòi
hỏi này có lẽ là họ muốn một công đồng không cần giáo hoàng và trong đó giáo dân
có quyền bỏ phiếu. Nếu vậy thì giáo hoàng không thể chấp nhận. Kinh nghiệm nhức
nhối của Công đồng Konstanz và Basel còn đó. Vì thế, phải đợi đến Phaolô III yêu
cầu triệu tập công đồng mới được thực hiện. Và như ta thấy qua diễn tiến của công
đồng, thì đó đã là một toàn thắng của ưu quyền giáo hoàng trên công đồng.

Chân trong chân ngoài phục hưng


Giáo hoàng Phaolô III, tên tục là Alessandro Farnese, chào đời năm 1468 trong một
gia đình vọng tộc. Ngài lớn lên trong không khí vật chất của thời phục hưng và đã
không bao giờ thoát ra được nó. Làm giáo hoàng, nhưng vẫn thích đi săn và tổ chức
lễ hội ăn uống ở Vatican có hoạt náo và vũ nữ. Hai con ngoại hôn là quý tử Pier
Luigi và ái nữ Constanza được đưa vào ở với cha trong điện. Ngài được Alexandrô
VI phong hồng y, vì có chị là người yêu của vị này. Bà chị đẹp nổi tiếng nên người ta
chỉ gọi cô là “Người đẹp” (“La Bella”). Chỉ sau khi nhận chức linh mục ở tuổi 51,
Alessandro Farnese mới bắt đầu đổi đời. Nhờ vậy mà ngài là người duy nhất được
Klêmentô VII trên giường hấp hối đề nghị làm người kế vị.
Alessandro Farnese nhận sứ vụ lúc 67 tuổi, đượi coi là một trong những vị giáo
hoàng thông minh nhất cho tới lúc đó. Lẽ ra ngài đã được chọn sau khi Giáo hoàng
Hadrianô VI mất, nhưng đã thua phiếu Klêmentô VII trong đường tơ kẽ tóc. Vì vậy
ngài suốt đời đã tỏ ra hậm hực với vị tiền nhiệm, vì cho rằng Klêmentô VII đã lấy
mất của ngài 12 năm giáo hoàng.
Nhờ quyết tâm đổi mới, Phaolô III vào giờ phút chót đã cứu được con thuyền Giáo
Hội đang chìm. Ngài đi vào lịch sử với việc triệu tập Công đồng Trento, một công
đồng đã đưa nền thần học Giáo Hội bước vào thời mới và vì thế nó là một biến cố
quan trọng có một không hai trong lịch sử Giáo Hội.

Khó khăn về chỗ họp


Không lâu sau khi nhận sứ vụ, Giáo hoàng Phaolô III cho gọi Sứ thần Vergerio ở
Wien về Rôma để báo cáo tình hình Giáo hội Đức. Vergerio rất đỗi ngạc nhiên vì cả
giáo triều hầu như chẳng ai biết gì nhiều về ảnh hưởng của Tin lành tại Đức. Giáo
hoàng liền phái Vergerio trở lại mời các ông hoàng Đức về dự công đồng, tính họp ở
Mantua. Vergerio rảo khắp nước, tới cả Wittenberg để mời Luther. Vergerio nhận xét
Luther là một người cứng đầu, gần như là “quỷ quái”. Luther nhận lời mời, nhưng đã
không về dự. 13 năm sau chính Vergerio cũng theo Tin lành...
Công đồng (1536) dự tính tổ chức ở Mantua. Nhưng Giáo hoàng cuối cùng đã phải
bỏ chỗ đó vì các điều kiện của quận công xứ này. Quận công đòi Giáo hoàng phải lập
và tự chi cho một đội lính canh từ 5.000 tới 6.000 người. Ông cho hay, Mantua là
một thuộc địa Đức, do đó có thể đáp ứng được đòi hỏi của đại hội đẳng cấp Đức là
công đồng phải được diễn ra trên đất họ; vả nữa nguyên nhân triệu tập công đồng
cũng là vì nước Đức.
Địa điểm thứ hai được chọn là Vicenza. Địa điểm này không nằm trong nước Đức và
nước Giáo Hội, nhưng thuộc Venezia, là nơi dễ lui tới cho dân Đức. Nhưng vào ngày
khai mạc đã chẳng có ai tới, ngoài các đại biểu của Giáo hoàng. Vì thế, Giáo hoàng
đã quyết định chấm dứt “Công đồng Vicenza” trước khi khai mạc. Phía Tin lành Đức
tẩy chay Công đồng, dù họ đã là những người ồn ào nhất trong việc hô hào triệu tập.
Vì những trở ngại - chủ yếu mang tính cách chính trị - không vượt nổi, Phaolô III đã
đình hoãn vô thời hạn việc triệu tập công đồng...
Khai mạc công đồng Trento
Hai năm sau (1541), hoàng đế Karl V đề nghị với Giáo hoàng đưa công đồng về
Trento ở nam Tirol, một vùng đất của đế quốc Đức. Giáo hoàng đồng ý và quyết định
khai mạc vào ngày 1-11-1542. Nhưng lại bị hoãn vì cuộc chiến giữa hoàng đế Karl V
với vua Pháp François I. Một năm sau ngày ký hiệp ước Hoà bình ở Crespi (18-9-
1544) giữa hai quân vương, công đồng Trento mới được triệu tập, dự tính khai mạc
ngày 15-3-1545. Tuy nhiên, khi 3 đại biểu của Giáo hoàng đến (Trento là một thành
phố nhỏ độ 6.000 dân) thì đã chẳng có một giám mục nào từ ngoài tới cả. Phải đợi tới
cuối năm mới đủ người khai mạc. Trong số hiện diện, ngoài ba đại biểu giáo triều và
giám mục giáo phận Trento, còn có 2 hồng y, 4 tổng giám mục, 21 giám mục và 5 bề
trên dòng, nghĩa là tất cả có 31 vị có quyền biểu quyết. Sau đó tới thêm 42 nhà thần
học, 38 vị trong số đó đều thuộc một dòng.
Ngày 13-12-1545, các nghị phụ long trọng rước từ Nhà thờ Ba Ngôi tới nơi họp là
Nhà thờ Chính toà. Giáo hoàng ở Rôma liên lạc thường xuyên với công đồng bằng
hệ thống đưa thư đều đặn.
Vào đầu hè năm sau, con số nghị phụ tăng lên gần 70 vị. Các giám mục đức xuất
hiện bắt đầu từ mùa thu 1551. Phần lớn nghị phụ là người Ý, nhưng Tây ban nha
cũng hiện diện khá đông. Ngày nay nhìn lại thì thấy không hẳn là một mất mát khi đa
số nghị phụ không phải là người đức, vì từ bên ngoài họ có cái nhìn khách quan hơn
trong việc bảo vệ quan điểm của Công giáo đối với Tin lành.
Các khó khăn khác xuất hiện ngay khi Công đồng vừa bắt đầu. Hoàng đế muốn đây
phải là một công đồng cải cách để kết hợp lại với Tin lành, như ông đã hứa với
dân đế quốc ông. Vì mục tiêu kết hợp, Hoàng đế muốn để ngỏ các vấn nạn tín lý;
nhưng Giáo hoàng, trái lại, muốn Công đồng biểu quyết dứt khoát những tín điều
chưa rõ ràng. Sau nhiều bàn cãi sôi nổi và náo loạn, các nghị phụ đã đồng ý cùng
thảo luận song song cả hai chuyện tín lý và cải cách. Giáo hoàng đưa ra điều kiện
làm nền cho việc thảo luận là Luther đã trở thành một nhà cải cách vì những quan
điểm thần học của mình và tấn công đầu tiên của ông là một tấn công thần học.
Phaolô III chẳng bận tâm việc phía Tin lành không tham dự Công đồng. Trái lại, ngài
muốn tránh những cuộc cãi vã bất tận và vô bổ với họ và để cho Công đồng giải
quyết tới nơi tới chốn những vấn nạn đó trong bầu không khí thoải mái. Nhưng, ngay
giữa các nhà thần học Công giáo, các quan điểm tín lý cũng mỗi người một ngã.
Trong các buổi thảo luận tín lý, Công đồng đưa ra các câu đoạn rối của các nhà cải
cách để đối chiếu và bàn nghị. Nhưng trong các nghị quyết, công đồng không trích
dẫn các sai lầm và kê nguồn cụ thể từ đâu, vì công đồng không muốn trở thành
một thứ "đối đầu" của Tin lành. Giáo hoàng Phaolô III cho hay: Công đồng chỉ xác
định cái gì là rối, ai là người rối đạo, thế thôi.
Trong phiên nhóm thứ tư, để chống lại tín lý duy kinh (Sola Scriptura: chỉ tin Sách
Thánh là đủ) của Luther, Công đồng đã xác định những truyền dạy miệng (giáo
huấn) cũng có giá trị. Đồng thời công đồng “cũng đánh mạnh vào sào huyệt lạm
dụng và mê tín trong việc trích dẫn lời Sách Thánh” (Eder). Công đồng đòi hỏi phải
học hỏi Sách Thánh kỹ, bởi vì thuộc vài câu Sách Thánh không có nghĩa là đã thấu
hiểu Sách Thánh.
Cao điểm tuyệt đối của Công đồng là phiên họp thứ sáu ngày 13-1-1547 về “Ơn Cứu
độ” (Rechtfertigung). Trong nghị quyết về ơn cứu độ, công đồng cho rằng ý chí và
nỗ lực con người cũng góp phần trong việc cứu độ. Luther phản bác điều này mà cho
rằng ơn cứu độ hoàn toàn là do Chúa ban, việc làm con người chẳng có giá trị gì[1].
Ngoài ra, Công đồng cũng cho rằng con người có được sự thánh thiện “nội tại” là
nhờ hồng ân Chúa. Luther trái lại bảo rằng Chúa chỉ “che lấp” tội lỗi của con người
mà thôi.
Tại Công đồng Trento, chỉ còn một mình các giám mục được quyền biểu quyết, giáo
dân và các nhà thần học không còn được quyền đó nữa. Các giám mục cũng không
còn bỏ phiếu theo tính cách “quốc gia”, mà là với tư cách cá nhân. Nỗ lực dân chủ
hoá và các cạnh tranh quốc gia lại bị loại trừ. Chủ trương ưu quyền công đồng chấm
dứt tại Trento.

Cũng là một công đồng cải cách


Ngoài các văn kiện tín lý, Công đồng Trento cũng có những quyết nghị về chỗ ở của
các giám mục. Thời đó, nhiều giám mục chả bao giờ thấy giáo phận của mình, mà
thường chỉ để cho một vị tổng quản coi thế. Năm 1540, Giáo hoàng Phaolô III đã
phải ép không dưới 80 giám mục ở Rôma phải về giáo phận của mình. Công đồng
quyết nghị những giám mục nào không có mặt liên tiếp 6 tháng tại giáo phận, bị cúp
một phần tư thu nhập; vắng mặt một năm, bị cúp thêm một phần tư nữa. Công đồng
còn quyết nghị từ nay mỗi hồng y chỉ được giữ tối đa một giáo phận mà thôi.
Một đổi mới mang tầm vóc lớn của Giáo hoàng Phaolô III là cải tổ đoàn hồng y.
Thời ngài, đoàn này gồm những vị tài đức. Với thay đổi này, ngài đã phá vỡ được
vòng luẩn quẩn của thời phục hưng: Hồng y thiếu tư cách bầu lên giáo hoàng dở,
giáo hoàng dở lại phong hồng y thiếu tư cách.
Phaolô III, “người giữa hai con nước”, đã nhận ra ngón tay chỉ đường của Chúa và -
cho dù chính ngài vẫn còn bám rễ trong cuộc sống phục hưng - đã đưa Giáo Hội
bước vào con đường canh tân quyết định. Ngài đã gieo để các vị kế tiếp gặt.

TRÌNH THUẬT 70-71

TRÌNH THUẬT 70

GIÁO HỘI BUNG RA KHẮP THẾ GIỚI


Một năm trước khi khai mạc Công đồng Trento, Linh mục Phanxicô (Franzisco)
Xaviê dòng Tên báo cáo về trung ương ở Rôma rằng tất cả những người thực dân Bồ
Đào Nha ở miền tây Ấn Độ đều đã được rửa tội nhưng họ “chẳng hiểu đạo chút gì cả,
vẫn như là người ngoại”. Hỏi giáo lý, họ chỉ trả lời độc nhất có một câu, họ là Kitô
hữu. Ông đành phải dạy lại từ đầu.
“Sau nhiều gặp gỡ” với những thổ dân có nhiều khả năng, Xaviê đã thuộc lòng được
các bài kinh quan trọng nhất bằng tiếng địa phương, “và tôi”, Xaviê kể, “chạy khắp
làng, tay cầm chuông, tụ tập thật đông đàn ông và trẻ em trai quanh mình, ngày hai
lần suốt cả tháng trời, dạy cho họ mấy bài kinh mà tôi đã thuộc”.
Thuộc địa Goa của Bồ Đào Nha ở miền tây Ấn là điểm đầu tiên trong hành trình
truyền giáo của Phanxicô Xaviê ở Viễn Đông. Ông mất ngày 3-12-1552 tại một hòn
đảo gần bờ biển Trung Quốc và được coi là một trong những nhà truyền giáo lớn
nhất trong lịch sử Giáo Hội. Năm 1748, Xaviê được chọn làm bổn mạng Ấn Độ và
Viễn Đông. Giáo hoàng Piô XI, năm 1927, tôn ông lên làm thánh quan thầy của tất
cả các nhà truyền giáo công giáo trên khắp thế giới.
Phanxicô Xaviê nên gương cho các nhà truyền giáo qua việc cố gắng tìm hiểu cặn kẽ
vùng truyền giáo và nỗ lực hội nhập đức tin vào lối nghĩ và phong tục bản xứ, xây
dựng trường học, chống lại việc người Âu bóc lột dân địa phương và qua cách làm
việc có tổ chức chặt chẽ.

Phanxicô Xaviê chào đời vào năm Kolumbus từ trần


Phanxicô chào đời đúng năm Kolumbus (Kha Luân Bố) mất (1506), trong lâu đài
Xavier ở Navarra, Tây Ban Nha. 19 tuổi cậu tới Paris trọ học. Ở đây cậu gặp anh sĩ
quan phế binh Inhã đất Loyola. Ngày 15-8-1534 Phanxicô có mặt ở Montmartre nghe
Inhã và bạn sinh viên Sorbonne của anh nói chuyện. Các anh ca ngợi về tinh thần
khó nghèo, khiết tịnh và công việc mục vụ ở Đất Thánh. Dù Phanxicô lúc đó chỉ nghĩ
tới danh vọng, nhưng cậu dần bị thu hút bởi sự thân mật và tính quan tâm giúp đỡ
của Inhã, người bạn lớn hơn cậu 7 tuổi. Lúc này Xaviê đã 28 tuổi. Cậu và Inhã cùng
nhận chức linh mục ngày 24-6-1537 tại Venezia (Ý), khi đang vô vọng chờ chuyến
tàu sang Đất Thánh. Ở Rôma, vì sức khoẻ quá kém bởi hậu quả của những đợt ăn
chay hãm mình, cậu làm thư ký cho Inhã, người lúc đó đã lập dòng Tên. Khi Vua
Gioan III nước Bồ xin Giáo hoàng Phaolô III gửi người sang giảng đạo cho thuộc địa
Ấn của mình và Giáo hoàng chuyển lời yêu cầu đó cho dòng, thì Xaviê được chọn đi
Ấn Độ. Nhưng anh chỉ là người đã được chọn thế chỗ cho một đồng nghiệp bị bệnh.
Tháng 4-1541, đoàn thuyền sang Ấn rời cảng Lissabon và lênh đênh trên biển 13
tháng trời. Mãi ngày 6-5-1542, Xaviê mới tới được Goa. Ông tới Ấn với tư cách là
một sứ thần của giáo hoàng ở miền Viễn Đông.
Năm 1543/1544, ông đi thuyền quanh mũi cực nam của Ấn và ở lại Mũi Komorin với
các dân biển chuyên mò ngọc trai một thời gian dài. Ông dạy giáo lý cho họ và bảo
vệ họ trước những bóc lột của thương buôn Bồ. Trường hợp này cũng xảy ra với các
ngư dân vùng Travancare, những người mà ông gọi là “tình yêu đầu đời” của mình.
Khi công đồng Trento ở Âu châu khai mạc, Phanxicô rời Malapur tới Malakka rồi tới
vùng Molukken. Năm 1547, khi ông trở lại Malakka thì người ta khám phá ra Nhật
Bản. Vùng đảo này được tình cờ tìm thấy khi một chiếc thuyền bị bão, thay vì dạt
vào Thái Lan thì đã trôi vào đất Nhật. Xaviê biết có nước Nhật là nhờ 3 người nhật
cư trú tại Malakka. Nhật giờ đây trở thành mục tiêu mới của Phanxicô. Ông đưa ba
người này tới Goa, và đã cảm hoá được họ vào đạo trên chuyến hành trình. Bốn
tháng sau, ông cùng với họ và hai linh mục dòng Tên khác đặt chân lên đất Nhật.

Tại Nhật
Tục truyền Xaviê có khiếu lạ lùng về ngôn ngữ. Dù vậy, thánh nhân đã rất khổ sở vì
tiếng nhật xa lạ. Trong một lá thư, ông cho hay đã phải cần 40 ngày mới học thuộc
được mười điều răn bằng tiếng này.
Những nhà thông thái nhật lễ phép lắng nghe Xaviê, tranh luận với ông, nhưng chẳng
ai quan tâm gì tới Kitô giáo. Sau một năm không đạt được kết quả đáng kể nào ở
Kagoshima, Xaviê tính chuyện tới gặp hoàng đế nước Nhật. Nhưng hoàng đế chỉ là
một vị biểu kiến, không có thực quyền. Tất cả quyền lực nằm trong tay các lãnh chúa
vùng. Nhật thời đó bao gồm khoảng 50 tiểu quốc, gần như độc lập với nhau. Biết
được điều này, Xaviê liền kết bạn với lãnh chúa ở Yamaguchi. Lần đầu tới thăm ông
này, Xaviê ăn bận trang trọng theo kiểu cách của một sứ thần giáo hoàng, vì biết rằng
người Nhật rất coi trọng bề ngoài. Nhưng cũng không thành công.
Trong thời gian ở Nhật, Phanxicô học được một bài học quan trọng hơn, đó là nếu
muốn thành công, người truyền giáo phải biết hội nhập văn hoá. Điều này cụ thể có
nghĩa là ông phải xuất hiện trước dân tộc có văn hoá cao này khác hơn khi xuất hiện
với dân chài mù chữ ở Ấn. Vì thế, ông đi tới với các sư sãi Phật giáo và học các ngôn
từ của họ để áp dụng cho đạo mình. Phương pháp hội nhập này đã được các nhà
truyền giáo dòng Tên sau này tiếp tục áp dụng và khai triển.
Dù gặp nhiều khó khăn lớn, năm 1570, Nhật đã có 30.000 tín hữu do 30 linh mục
dòng Tên hướng dẫn. Mười năm sau, số tín hữu tăng lên 150.000 và cứ tăng đều cho
tới cuộc tử đạo của Nagasaki ngày 15-2-1597. Dù phải trải qua nhiều cuộc bách hại,
năm 1614, số Kitô hữu ở Nhật đã lên tới gần 300.000 và năm 1601 người nhật đầu
tiên nhận chức linh mục. Khác với ngư dân thiếu may mắn ở Ấn, người Nhật vào đạo
với tất cả ý thức, chứ không phải vào vì lợi lộc.
Phanxicô còn học được một kinh nghiệm khác ở Nhật, là cội nguồn văn hoá của
nước này bắt nguồn từ Trung Hoa. Vì thế, năm 1551, ông trở lại Goa và lên đường
sang Trung Hoa vào ngày 17-4, dù vẫn biết rằng người Tây phương nào đặt chân lên
đất nước này sẽ bị tội chết. Xaviê liều lĩnh đút lót nhờ một thương buôn Bồ đưa sang.
Tháng 8, ông lên được hòn đảo Sancian ngoài khơi Trung Hoa. Ở đó, bị anh thông
dịch người Hoa bỏ rơi, nên Xaviê loay hoay mãi mà vẫn không vào được lục địa. Và
ông mất tại đó vì bệnh cúm khi mới 46 tuổi.
Sau nhiều cố gắng thất bại của nhiều giáo sĩ dòng Tên khác, hai Linh mục Michele
Ruggieri và Matteo Ricci cuối cùng đã vào được lục địa năm 1583. Hai ông áp dụng
phương pháp hội nhập, học tiếng, nghiên cứu đạo Khổng và giảng đạo trong bộ áo
nhà sư. Năm năm dài mà chỉ được 40 tín hữu! Truy nguyên lý do thất bại, các ông
hiểu ra là vì tấm áo cà sa, bởi dân Trung Hoa thời đó không ưa các nhà sư. Bỏ cà sa,
hai ông khoác lên mình áo nhà nho, rảo khắp nước giảng đạo. Ricci tìm mọi cách
bước vào được hoàng cung. Cho tới năm 1598, ông ngụ tại Nam Kinh. Ở đó, ông đã
vẽ một bản đồ nổi tiếng gọi là “Bản đồ vạn quốc”, trong đó nước Tàu nằm ở vị trí
trung tâm: Trung Quốc. Năm 1601, hoàng đế tặng Linh mục Ricci một căn nhà ở Bắc
Kinh và cho phép ông xây ở đó một nhà nguyện. Nhờ khả năng thiên văn, toán học
và địa lý, ông được hoàng cung trọng vọng. Ricci làm lịch, làm đồng hồ, vẽ bản đồ
và làm rất nhiều dụng cụ khác khiến vua quan càng thán phục. Cuốn “Giáo lý thật
của Chúa” của Ricci trở thành một cuốn sách cổ điển trong nền văn học Trung Hoa.
Khi Ricci mất (năm 1601, lúc 58 tuổi), cả Trung Hoa có 38.200 tín hữu.
Người thế chỗ Ricci là giáo sĩ dòng Tên người Đức Johann Adam Schall ở Bell
(1630-1666). Nhờ tài thiên văn và toán học, ông được tặng tước: “Giám đốc Viện
Toán học và Phòng Thiên văn, Thầy của các bí mật bầu trời và của Hội đồng Tôn
phủ và là Quan nhất phẩm với tước Hầu”.

Ý Chúa
Châu Âu, sau cuộc cải cách, chỉ còn lại 3 nước Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là
thuần Công giáo. Trong khi đó, nhờ khám phá những miền đất mới, Giáo Hội bất
ngờ được dịp bung ra khỏi Âu châu.
Thực dân Bồ và Tây Ban Nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những
khám phá và xâm chiếm đất đai không chỉ vì quyền lợi chính trị, quân sự và kinh tế,
mà còn cả tôn giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực dân
thường với những phương cách tàn bạo và nhơ nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm
tưởng rằng Giáo Hội đã cùng một bè một cánh với thực dân cướp bóc. Cảm tưởng
này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của một số dân tộc.
Những nỗ lực chống lại của một số nhà truyền giáo lẻ loi cũng đã không làm đổi thay
được nhiều tình trạng đáng tiếc đó. Chẳng hạn như việc Xaviê chống lại sự tàn bạo
của thực dân Bồ. Giáo sĩ Las Casas (1474-1566) dòng Đaminh, cũng không thành
công trong việc đòi hỏi đối xử nhân đạo với thổ dân ở Mỹ châu. Petrus Claver (mất
năm 1654) được coi là “Người cha của dân da đen và nô lệ” cũng là một trong những
người tiên phong đòi tách chính trị ra khỏi truyền giáo.

TRÌNH THUẬT 71

CÁC GIÁO HOÀNG GIỮA THỜI PHỤC HƯNG VÀ ĐỔI MỚI

Hai năm sau khi chuyển Công đồng Trento về Bologna, Giáo Hoàng Phaolô III mất.
Nhưng việc đổi mới của Giáo Hội mới chỉ bắt đầu. Ai là người sẽ tiếp tục và đưa
công cuộc này tới kết thúc?

Juliô III, một Giáo hoàng thoả hiệp


Phaolô III mất, việc bầu vị mới gặp khó khăn, là vì các hồng y phe thân hoàng đế và
phe thân Pháp chống nhau kịch liệt. Cuộc họp bầu kéo dài từ 29-11-1549 mãi tới 7-2-
1550. Cuối cùng, hai bên tạm đồng ý một giải pháp thoả hiệp, đưa Giovanni Maria ở
Monte lên với một nhiệm kỳ 5 năm. Tân Giáo hoàng lấy hiệu là Juliô III. Juliô III
không được đạo đức cho lắm. Vừa lên, ông gây khó chịu khi phong một cậu giúp
việc 17 tuổi làm hồng y. Dù vậy, đoàn hồng y thời ngài vẫn có tinh thần đổi mới.
Juliô III là một giáo hoàng phục hưng, thích ăn ngon, săn bắn, say sưa nghệ thuật.
Nhưng cũng đã có công khuyến khích cải tổ và đưa Công đồng vượt qua nhiều khó
khăn để tiếp tục.

Công đồng Trento tiếp tục


Ngày 1-5-1551, nhờ nỗ lực của giáo hoàng, công đồng lại trở về họp lại ở Trento.
Phe hồng y thân hoàng đế, trước đây không chịu dời công đồng về Bologna và ở lì lại
đó, nay được nước Đức tăng cường thêm 13 giám mục. Ý vì thế mất đa số. Lần đầu
tiên có sự hiện diện của các đại biểu Tin lành từ Brandenburg, Wuertemberg,
Kursachsen và Strassburg. Các đại biểu này yêu cầu huỷ bỏ tất cả những điểm đã
thông qua trước đây để quyết định lại, yêu cầu khẳng định thẩm quyền công đồng
cao hơn giáo hoàng và yêu cầu giải lời thề vâng lời giáo hoàng cho các hồng y để các
vị này được tự do quyết định. Những yêu cầu này đã không được chấp nhận, nên
phía Tin lành chẳng còn một vai trò nào nữa trong Công đồng.
Phiên nhóm thứ hai của Công đồng Trento thảo luận và biểu quyết các tài liệu về
Thánh Thể, việc xưng tội, xức dầu kẻ liệt. Về Thánh Thể, Công đồng xác định có
Chúa hiện diện thật sự trong Bánh, có nghĩa là phản bác lại quan điểm của phía cải
cách, cho rằng Chúa chỉ hiện diện trong khi rước lễ.
Công đồng tuyên bố việc xưng tội là một bí tích, gồm ba phần: ăn năn, xưng tội và
đền tội. Những nhà cải cách thì cho đây chỉ là một hành vi nhớ lại Bí tích Rửa Tội
trong tâm tình thống hối.
Công đồng cũng xác nhận việc xức dầu kẻ liệt không phải chỉ là một nghi thức với
mục đích an ủi người bệnh, nhưng đây là một bí tích do Chúa lập ra và được Tông đồ
Giacôbê phổ biến.

Việc kết hợp ở Anh thất bại


Ngày 19-7-1533, con gái hoàng hậu Catarina đất Aragon (vợ thứ nhất của Vua Henry
VIII) là Mary lên ngai nữ hoàng nước Anh. Bà là người trung thành với Giáo hội
Công giáo nên đã cho rút lại luật tôn giáo do vua Edward VI đã ban ra và cho phép
Công giáo cử hành thánh lễ trở lại. Giáo hoàng Juliô III cử hồng y người anh
Reginald Pole, một trí thức nổi tiếng đạo đức, làm sứ thần Toà Thánh. Trong lần bầu
người kế vị Phaolô III, Hồng y Pole chỉ thiếu có một phiếu nữa là trúng cử với đa số
hai phần ba. Vì thế, Hồng y Giáo phận Augsburg là Truchseß lúc đó đã nói thẳng vào
mặt vị trưởng mật viện: “Chúng tôi muốn có một giáo hoàng tốt, thánh thiện. Còn
quí vị thì lại cần một người để phục vụ thân xác chứ không phải phục vụ tinh thần.
Chúng tôi không muốn lại có một người như bốn, năm vị trước đây, những kẻ chẳng
màng gì đến chuyện Giáo Hội, chỉ lo làm giàu cho thân nhân gia đình mà thôi”.
Hồng y Pole được Hồng y Truchseß hỗ trợ, nhưng Giovanni Maria đã thắng cử.
Để xây dựng lại Giáo hội Công giáo ở Anh, ngày 30-11-1554, Hồng y Pole đã cử
hành lễ giải vạ ở quốc hội, trước mặt các dân biểu và nữ hoàng Mary. Ông tính triệu
tập một công đồng quốc gia để dựng nền cho cuộc tái Công giáo hoá nước này.
Nhưng, mọi người đều sớm nhận ra rằng cuộc phân ly 20 năm đã để lại những vết
thương quá sâu, không thể nào hàn gắn được nữa. Truyền thống Công giáo đã bị Vua
Edward VI tẩy mạnh đến nỗi không ai còn biết làm gì để tái lập Công giáo. Giáo hội
Công giáo đã mất hết ý nghĩa đối với dân chúng.
Nỗ lực tái kết hợp Anh giáo và Công giáo đã phải chấm dứt nhanh chóng, sau khi
Hồng y Pole mất và khi Elisabeth I lên làm nữ hoàng ngày 17-11-1558. Elisabeth là
con của hoàng hậu Anna Boleyn (vợ thứ hai của Henry VIII), vì bà này mà Henry
VIII đã đưa Anh quốc xa lìa Giáo hội Công giáo.
Henry VIII thiết lập giáo hội Anh giáo, nhưng đã cấm giáo lí tin lành du nhập. Chỉ
dưới thời vua kế là Edward VI Tin lành mới được du nhập từ lục địa sang và đã làm
biến đổi dần bộ mặt Anh giáo. Ảnh hưởng của Calvin rất mạnh. Người ta bắt đầu cho
dỡ ảnh tượng khỏi nhà thờ, cấm thánh lễ riêng, bỏ luật độc thân giáo sĩ, đề ra nghi lễ
phụng vụ mới và buộc theo các điều tuyên tín của Tin lành.

Giáo hoàng đổi mới đầu tiên mất sau 21 ngày tại chức
Giáo hoàng Juliô III mất ngày 1-5-1555. Các hồng y đã bất chấp tình hình chính trị,
quyết bầu lên một vị có tinh thần đổi mới. Ba vị được đưa ra để chọn: Carafa,
Cervini và Pole. Nhưng Pole thì ở Anh; Carafa lại dữ quá; vì thế Marcello Cervini,
54 tuổi, đã được chọn. Ngài lấy tên mình làm hiệu, vì muốn mình trước sau vẫn là
một, một người trước đó và sau này vẫn quyết tâm phục hồi Giáo Hội.
Các sử gia coi Marcello II là vị giáo hoàng đổi mới đầu tiên. Để tránh tình trạng con
ông cháu cha (Nepotismus), ngài cấm người thân không được bén mảng tới Rôma.
Ông đưa ra nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng cho giáo triều. Nhưng tiếc thay ngài
mất chỉ sau 21 ngày nhận sứ vụ. Cái chết đột ngột đó đã khiến bề trên cả dòng
Âutinh là Seripando viết: Thiên chúa muốn qua cái chết đó cho thấy rằng sự cứu độ
của Giáo Hội không do con người mà có. Nhiều người đương thời khác đã dùng một
từ của thi sĩ Vergil ở Rôma để diễn dịch cái chết khó hiểu đó rằng Chúa chỉ muốn
“đưa” Marcel lô cho Giáo Hội thấy, chứ không muốn “tặng” ngài cho Giáo Hội.
Xác Giáo hoàng được chôn cất trong một hòm cổ. Pierluigi ở Palestrina đã sáng tác
bộ lễ nổi tiếng “Missa Papae Marcelli” để lưu danh ngài.

Phaolô IV là người quá khích


Mười lăm ngày sau khi Marcellô mất, mật nghị nhóm và ngày 23.05 bầu lên Carafa,
người trước đây đã bị loại. Hồng y Gian Pietro Carafa lấy hiệu là Phaolô IV, lúc đó
đã 79 tuổi. Dù vậy, theo lời một đại biểu từ Venezia, ngài vẫn luôn “nóng nảy và dữ
dằn”. Đại biểu đó viết tiếp: “Trong mọi hành động ngài đều làm rất trang trọng, ngài
sinh ra là người cai trị. Thân hình xương xẩu và đầy uy lực. Lửa toát ra từ ánh mắt và
điệu bộ của cụ già bát tuần. Ngài thông minh hiếm có. Biết mọi khoa học, nói tiếng
Ý, Latinh, Hylạp và cả Tây Ban Nha, xuôi chảy như một người sinh ra tại Hi lạp
hoặc Tây ban nha. Có trí nhớ lạ lùng, có thể ghi nhận tất cả những gì đã đọc qua. Tôi
chưa gặp ai có tài ăn nói như ngài. Chưa ai chê trách vào đâu được cuộc sống đạo
đức của ngài. Làm việc như vũ bão và không bao giờ chấp nhận ý kiến trái ngược. Ai
dám trái ý thì sẽ biết tay ngay. Vì ngài như ngài vẫn tự khẳng định là người bắt các
vua và hoàng đế - trừ chính mình - phải tuân phục, là người xuất thân từ hàng quý
tộc, có kiến thức rộng và đạo đức khỏi chê và rất tự tin vào khả năng mình, nên ngài
coi thường các hồng y và mọi người khác, chả bao giờ đếm xỉa gì đến lời khuyên của
ai. Cứ nhắm mắt vâng lời ngài đi là xong mọi chuyện”.
Năm 1559, Phaolô IV công bố tài liệu đầu tiên về thư mục các sách cấm người Công
giáo đọc. Thư mục này bao gồm tất cả các sách của các nhà cải cách Tin lành, tất cả
các sách của Erasmus ở Rotterdam, tất cả sách về các khoa học bí ẩn (xem tay, bói
toán), tất cả các sách không đề tác giả được in trong vòng 40 năm trở lại và tất cả các
tài liệu do 61 thợ in có trong danh sách đính kèm. Cả một số lớn ấn bản Sách Thánh
và sách của các thánh phụ cũng bị cấm. Nhiều trí thức Công giáo chống đối, vì biện
pháp đó hạn chế họ rất nhiều trong việc nghiên cứu. Thời đó Thánh Petrus Canisius
cũng đã phải viết: “Cả những người công giáo tốt nhất cũng phản đối biện pháp cứng
rắn đó”.
Giáo hoàng Phaolô IV đặc biệt say mê việc làm của các toà thẩm tra lạc giáo. Ngài
mở rộng thẩm quyền các toà này, cho xử luôn các tội về lễ giáo phong tục. Toà án lạc
giáo do đó cũng là cơ quan kiểm tra đạo đức. Nhiều án tử đã được ban ra. Mọi người
đều xanh mắt vì các toà này. Các giáo sĩ thiếu đạo đức và các tu sĩ lang thang đều bị
Giáo hoàng cho tống ngục đợi ngày đưa ra làm phu chèo thuyền chiến.
Ngay khi Phaolô IV mất ngày 18-8-1559, dân Rôma ùa vào giật tượng ngài từ
Kapitol xuống, kéo lê chiếc đầu đi khắp thành phố và cuối cùng liệng xuống sông
Tiber. Một số dân chúng khác tràn vào toà án thẩm tra, giải cứu các tù nhân rồi
phóng lửa đốt nhà. Để tránh bị dân phá, người ta đã phải canh gác mộ ngài ngày
đêm.
Gian Pietro Carafa là một hồng y xuất sắc nhất trong đoàn hồng y. Thế nhưng, trong
vai trò giáo hoàng, ngài đã làm thất vọng mọi người vì sự khắc nghiệt của mình.
TRÌNH THUẬT 72-73

TRÌNH THUẬT 72

CÔNG NHẬN TIN LÀNH


Lúc Giáo hoàng Phaolô IV vừa mở đầu triều đại thì ở Đức vấn đề Tin lành đã được
giải quyết qua thoả ước “Hoà bình tôn giáo Augsburg” ngày 25-9-1555. Thoả ước
công nhận Tin lành ngang hàng với Công giáo trước pháp luật. Phong trào cải cách
nhờ vậy chấm dứt và vấn đề tôn giáo tại Đức đã được giải quyết không qua Giáo
hoàng và đi ngược lại tinh thần của Công đồng Trento đang họp. Giáo hoàng phản
đối, nhưng đã chẳng ai nghe.

Ferdinand ở Áo
Năm 1556, hoàng đế Karl V thoái vị, nhường ngôi lại cho em là Ferdinand I và lui về
ở ẩn trong tu viện San Yuste ở Tây Ban Nha. Con ông là Philipp II, vua của Tây Ban
Nha, tháp tùng ông tới tu viện. Vương quốc Tây Ban Nha thời đó bao gồm cả Napoli,
Milano, Bourgogne, Hà Lan và các thuộc địa ở trung và nam Mỹ châu. Ferdinand I
lên làm hoàng đế, mở đầu nhà Habsburg ở Áo. Hoàng đế Karl triệu tập đại hội toàn
quốc tại Augsburg, nhưng đại hội này đã không do ông, nhưng do Ferdinand chủ toạ.
Ferdinand chào đời tại Tây Ban Nha, nhưng đóng dinh ở Innsbruck, sau đó ở Tiệp và
cuối cùng ở Wien. Ông lập gia đình tại Linz với cô Anna người Hung và có tất cả 15
người con. Trước cảnh đổi vợ như thay áo của Vua Henry VIII ở Anh, gương trung
tín vợ chồng của Ferdinand đã trở thành đề tài sôi nổi cho các ông hoàng bà chúa
thời đó. Trước những thắc mắc của họ, Ferdinand đáp: “Người có lòng đạo thì phải
giữ gắn bó gia đình. Thà tốn kém chút ít cho vợ hơn là đi mèo mỡ”.
Ferdinand làm lễ đăng quang ở Franfurt. Giáo hoàng Phaolô IV không công nhận
cuộc đăng quang này và việc thoái vị của Karl, viện lẽ là vì đã không xin phép giáo
hoàng trước. Ngài cũng cho rằng việc bầu Ferdinand đã không hợp pháp, vì hôm đó
có sự hiện diện của ba vương công (Kurfuersten) tin lành.
Sau khi gia tài dòng họ Habsburg được chia ra cho nhánh Tây Ban Nha và nhánh áo,
mũ đế tiếp tục nằm trong tay nhánh áo, dù rằng nhánh này chỉ là “bà con nghèo” của
dòng Habsburg Tây Ban Nha. Năm 1551 Ferdinand I mời dòng Tên vào Wien, nơi
nhiều nhà thờ đã bị Tin lành dọn sạch. Dòng Tên không những cất lên ở đây một
trường học, mà còn - để phù hợp với tâm tình dân Wien - cả một nhà hát để diễn kịch
cổ điển và kịch đạo. Khi nạn dịch hạch nổ ra tại Wien thì các giáo sĩ dòng Tên là
những người duy nhất ở lại trong thành và cố gắng dùng kí nin mà họ mang từ Tây
Ban Nha về để chữa bệnh. Dân thành gọi thuốc đó là “bột dòng tên”. Linh mục linh
hướng của Ferdinand I là Thánh Petrus Canisius, thuộc dòng Tên. Ferdinand đã cho
đúc hình Canisius lên con dấu của thành Wien để lưu danh ông.
Lãnh chúa ấn định tôn giáo
Trong đại hội toàn quốc ở Augsburg năm 1555 không có tranh luận về chuyện thần
học. Mục tiêu duy nhất của các ông hoàng Đức ở đại hội này là làm sao để giữ đế
quốc khỏi rã. Tất cả đã đi đến thoả thuận là hoàng đế và các ông hoàng công giáo
không được gây chiến với các lãnh chúa theo Tin lành và ngược lại, các ông hoàng
tin lành cũng không được làm áp lực hoặc gây chiến với các lãnh chúa Công giáo.
Các phái Tin lành khác như Calvin, Zwingli và phái Rửa tội không được công nhận
trong đại hội này. Họ phải đợi tới thoả ước Hoà bình Westfalen năm 1648 kết thúc
cuộc chiến tôn giáo 30 năm mới được hưởng quy chế bình đẳng.
Ngoài ra, người ta cũng đồng ý chỉ một mình lãnh chúa được phép tự do muốn theo
đạo nào tuỳ ý. Còn thần dân trong lãnh địa không được tự do đó. Hoặc là họ phải
chấp nhận theo đạo của lãnh chúa (“Cuius regio, eius religio” = Vùng nào đạo đó)
hoặc phải rời khỏi xứ. Nếu rời xứ, họ có quyền bán gia sản, chứ không bị truất hữu.
Trong trường hợp lãnh chúa là giáo sĩ - giám mục hay bề trên dòng - muốn bỏ theo
Tin lành thì thần dân không buộc phải theo đạo mới. Lãnh chúa đó trái lại phải từ
chức và trao tài sản lại cho vị kế nhiệm. Hoàng đế Ferdinand I đã quyết định “luật
trừ” đối với giáo sĩ này trước sự chống đối của phe Tin lành. Còn những lãnh chúa
giáo sĩ nào cho đến lúc đó đã theo Tin lành rồi thì, mặc cho phe Công giáo phản đối,
ông đã cho phép họ được tiếp tục giữ đất và chức tước.
Thoả ước Augsburg tưởng chỉ là một biện pháp tạm thời, nhưng nó đã trở thành vĩnh
viễn với những hệ quả lịch sử quan trọng. Chẳng có gì gọi là tương dung hay tự do
tôn giáo ở thoả ước này cả, bởi vì các lãnh chúa trong thực tế có quyền ấn định đạo
cho thần dân thuộc lãnh địa mình. Nhưng thoả ước đó đã tạm tạo được ổn định của
từng tiểu quốc trong một đế quốc mà lúc đó thực tế đã phân thành hai phe Tin lành
và Công giáo. Tôn giáo lúc đó vẫn còn là một yếu tố chính trị vô cùng quan trọng.
400 năm sau, Giáo hoàng Piô XII nói về thoả ước hoà bình đó: “Vì hạnh phúc sống
còn của cả đế quốc và Giáo Hội trong biên cương nước Đức mà các lãnh chúa Công
giáo đã đặt bút kí thoả ước”.
Một hậu quả nữa của thoả ước Augsburg là sự phân cách ngày càng xa giữa hai tôn
giáo, khiến nỗ lực đại kết ngày nay càng thêm khó khăn. Vì thoả ước mà hai bên đã
giành nhau tranh thủ cho được nhiều lãnh chúa về phe mình. Vì thế, phía Công giáo
đã tỏ ra dễ dãi cho việc thu tóm nhiều giáo phận vào trong tay một người. Với sự trợ
giúp của các giáo sĩ dòng Tên và Kapuzin, là những nhà giáo dục, linh hướng và là
cố vấn của các ông hoàng, Giáo hội công giáo tìm mọi cách để chận đứng ảnh hưởng
của Tin lành. Tin lành thì lại tìm đủ cách thấm nhập vào cứ địa công giáo. Tin lành
Calvin từ Thuỵ sĩ và Hoà lan cũng tìm cách len lỏi vào Đức, và họ đã thành công vào
được các vùng Pfalz, Hessen, Brandenburg và Bremen. Trong vòng 40 năm, người
dân trong các vùng này đã phải đổi đạo tới bốn lần: từ phái Luther chuyển sang
Calvin rồi lại về Luther...
Hệ quả cuối cùng và cay đắng nhất của thoả ước hoà bình Augsburg là cuộc chiến
tôn giáo, bắt nguồn từ sự bất đồng trong việc diễn dịch các điều khoản và đã đưa Âu
châu tới bờ diệt vong. Đặc biệt cuộc chiến ba mươi năm (1618-1648) đã làm tan
hoang nước Đức và mang đến cho người dân ở đây bao nhiêu đau thương mất mát.
Hẳn nhiên cuộc chiến đó đã chuyển từ tôn giáo dần sang thuần tuý chính trị quyền
lực.
Piô IV bế mạc Công đồng Trento
Giáo hoàng Piô IV kế vị Phaolô IV. Ngài là người Milano, mang tên Giovanni
Angelo Medici, nhưng không bà con gì với dòng họ Medici ở Firenze. Piô IV đứng
về phía cải cách, khôn ngoan và trung dung. Ngài đã rút lại nhiều biện pháp cứng rắn
của vị tiền nhiệm. Hai người cộng tác thân cận nhất của ngài là Hồng y Morone,
người đã bị Phaolô IV tống vào ngục luỹ Thiên thần và được Piô IV giải thoát, và
chính cháu ngài là Thánh Carlo Bôrmêô. Piô IV đã đội mũ hồng y cho Boromeô. Đây
quả là một trường hợp lạm dụng con ông cháu cha, nhưng là một lạm dụng thật bất
ngờ mang lại hồng ân cho Giáo Hội. Chính nhờ hai vị hồng y này mà Công đồng
Trento, đã kết thúc dai dẳng năm 1552, nay lại được tiếp tục và đã có được một bế
mạc khá tốt đẹp. Sau mười năm ngưng nghỉ, Công đồng đã được tái tục vào ngày 18-
1-1562 với sự hiện diện của 109 nghị phụ hồng y, giám mục và kéo dài mãi tới tháng
12 năm sau.
Trong phiên nhóm thứ ba và cuối cùng này Công đồng đã thông qua các sắc lệnh về
Thánh Thể, của lễ hy tế, phong chức linh mục, tính cách bí tích của hôn nhân, về
luyện tội, ân xá và về việc tôn kính các thánh, vật thánh và ảnh tượng. Công đồng đã
bác một đề nghị yêu cầu bỏ luật độc thân. Bổn phận của giám mục phải hiện diện
trong giáo phận, phải triệu tập công đồng miền và giáo phận và phải đều đặn đi thăm
viếng mục vụ đã được Công đồng thắt chặt hơn. Việc cho giáo dân rước máu thánh
trong nhiều giáo phận Đức đã được Công đồng cho phép nhưng với điều kiện nhất
định.
Biên bản Công đồng Trento đã được ký bởi 6 hồng y, 3 thượng phụ, 25 tổng giám
mục, 169 giám mục, 7 viện phụ và 7 tổng quyền dòng. Sau khi kí, các nghị phụ đồng
thanh tuyên bố: “Chúng tôi muốn mãi mãi công nhận niềm tin của Công đồng đại kết
thánh ở Trento, mãi mãi tuân giữ những sắc lệnh của Công đồng!”.
Hồng y Morone lo việc xin giáo hoàng ở Rôma phê chuẩn. Ngày 26-1-1564 phê
chuẩn đó được phổ biến bằng miệng và ngày 30-6 bằng văn thư. Các quyết nghị công
đồng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-1564. Petrus Canisius được uỷ thác mang
các sắc lệnh công đồng và văn thư phê chuẩn về cho các giám mục Đức.
Các quyết nghị đức tin của Công đồng đã giúp người công giáo có được những phân
biệt rõ ràng với giáo lý Tin lành và chúng đã như một luồng gió canh tân thổi vào
giáo sĩ và giáo dân. Nhưng Công đồng đã thất bại trong mục tiêu thứ ba: tái thống
nhất với Tin lành. Hai bên lúc đó đã xa nhau quá đi rồi.

TRÌNH THUẬT 73

CANISIUS VÀ BÔRÔMÊÔ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CÔNG ĐỒNG

Canisius là sứ giả của phái đoàn Toà Thánh ở Wien có nhiệm vụ mang các sắc chỉ và
bản phê chuẩn công đồng về cho các giám mục Đức. Trên đường đi từ Leipzig tới
Bamberg ông bị cướp tấn công và lấy mất túi tài liệu. Giáo hoàng phải cho chép lại
các văn bản và nhờ người khác mang sang Đức.
Cùng với Inhã ở Loyola, Petrus Canisius và Carlo Bôrômêô là 3 khuôn mặt hậu cải
cách đã mở đường đưa Giáo Hội vào một thời đại mới. Có được các sắc lệnh canh
tân của Công đồng là điều tốt, nhưng các tài liệu này chỉ giá trị khi chúng được thực
thi. Inhã là người Basque, Canisius người Đức còn Bôrômêô là người Ý. Inhã với
dòng Tên có công đưa đạo bung ra thế giới; Bôrômêô là nhà canh tân của Giáo hội Ý
và Canisius là người thứ hai sau Bonifacius được gọi là tông đồ của nước Đức.

Canisius, giáo sĩ dòng Tên đầu tiên của nước Đức


Petrus Canisius là con đầu lòng của Jacob Kanijs, chủ tịch xã Nymwegen (Hoà lan),
chào đời ngày 8-5-1521. Về mặt luật pháp, Hà Lan thời đó thuộc về đế quốc Đức, đời
sống của Nymwegen do vậy cũng mang nhiều âm hưởng đức. Đầu năm Canisius
chào đời, Linh mục Luther bị vạ tuyệt thông.
15 tuổi, cậu Kanijs (tên la tinh là Canisius) sang Koeln học thần học. Tại đây, năm
1543, cậu làm quen với Peter Faber, một bạn thân của Inhã. Ba năm sau, cậu nhận
chức linh mục. Ba năm sau nữa, cậu là người đức đầu tiên đọc lời khấn dòng trước
mặt Inhã. Không lâu sau, Canisius lập chi nhánh dòng đầu tiên tại Koeln. Sau đó ông
sang giảng thuyết và làm giáo sư tại Messina, đảo Sizilien. Khi đang tính chuyển
sang hoạt động tại Hylạp thì bất ngờ được Tổng quyền gọi về Đức. Quận công
Wilhelm IV ở Bayern âu lo cho tình trạng giáo hội tại xứ ông nên đã khẩn cầu giáo
hoàng Phaolô III giúp đỡ. Canisius được Inhã đề nghị và được Giáo hoàng cử về lại
Đức với danh hiệu “Tông đồ cho dân Đức”.
Lúc đó Canisius 28 tuổi. Nhưng từ lúc 24 tuổi anh đã tranh đấu cho quyền lợi người
Đức. Anh đã 3 lần vận động thành công cho quyền lợi thành Koeln trước mặt hoàng
đế Karl V. Hồng y giáo phận Augsburg là Truchseß đã để ý tới vị linh mục trẻ này và
đưa ông sang Trento dự công đồng với tư cách là cố vấn thần học của mình.
Với tư cách “Tông đồ cho dân Đức”, Canisius đổ hết tâm trí vào việc canh tân giáo
hội tại đây. Ông dấy lên một phong trào giảng dạy rầm rộ và đã gây được ảnh hưởng
lớn trên Giáo hội Đức. Ông trở thành viện trưởng, giáo sư, phó chủ tịch đại học
Bayern ở Ingolstadt, tiếp đó được lệnh giáo hoàng sang Wien làm tuyên uý cho
hoàng gia Ferdinand I. Ở Wien, ông lập các trường học và viết tập giáo lý nổi tiếng.
Sau đó về Augsburg làm chánh xứ Nhà thờ Chính toà 7 năm rồi sang Innsbruck làm
tuyên uý hoàng cung 6 năm. Từ năm 1556, Canisius trở lại Ingolstadt và trở thành
giám tỉnh dòng tại miền nam Đức. Năm 1580, ông phải sang Thuỵ Sĩ lập một trường
dòng và rồi mất tại đó năm 1597 lúc 76 tuổi, sau 3 lần từ chối không nhận gậy giám
mục.

Nhận xét của Canisius về dân Đức


Tháng giêng 1583, từ Freiburg Thuỵ Sĩ Canisius viết về cho vị tổng quyền ở Rôma
mấy nhận xét sau đây về tình hình bên Đức:
“Ở Đức có rất nhiều tân tòng đang trên đường lầm lạc, vì họ không hiểu đạo chứ
không phải vì có ý xấu. Người Đức đa số lạc đạo là vì họ - với bản tính man sơ, vô
học và lớn lên trong giáo dục của Tin lành Luther - tin nhận tất cả những gì đọc được
trong sách hoặc nghe được ở trường hay nhà thờ.
Vì thế, không nên tìm cách tấn công những nhược điểm của người lạc đạo, những
nhược điểm mà ta thấy nhan nhản nơi các người công giáo và thường do thói quen
hoặc lối giáo dục gây nên. Tốt nhất, nên nhắm mắt trước những cái đó hơn là tìm
cách chống lại chúng, vì càng chống tình trạng càng tồi tệ hơn. Những nhược điểm
đó là ăn uống vô độ, thích xa hoa bề ngoài, ít nhiều thiếu ý tứ khi nói về chuyện
thánh và lối sống quá phóng túng của cả giáo sĩ lẫn giáo dân.
Vậy ta có phương cách nào để giúp họ trở về?
Các trường dòng chúng tôi được khuyên nên nhận thêm học viên Đức. Các giáo sư
thần học được yêu cầu không nên dạy những chuyện tinh tế cao xa, nhưng cố gắng
đề cập những điều quan trọng trong đời sống. Ngoài ra các nhà thần học được
khuyên nên đọc những tác phẩm mới của kẻ lạc và tìm cách lí luận ngược lại rồi trình
bày những kết quả đó ra cho người nghe hiểu. Rồi chấm dứt, làm như thể chuyện đó
đã xong, giờ cần để tâm cho những chuyện khác...
Đa số trường dòng chúng tôi ở Đức, tuy mới hình thành trong mấy năm nay, nhưng
quả là dấu chỉ chúc lành của Chúa đối với nỗ lực của chúng tôi. Nhưng đó chỉ mới là
bước đầu. Còn nhiều chuyện phải quan tâm. Trước hết chúng tôi phải tìm hiểu thật
kỹ những điểm yếu chung của người Đức. Trong một chừng mực nhất định nào đó
họ thiếu nhạy bén trong suy nghĩ và phán đoán và thiếu giáo dục. Vì vậy ít có người
có khả năng học lên cao. Rồi tới tật ăn uống vô độ, phần nào do ảnh hưởng của nhiều
yếu tố khí hậu khác, khiến người đức bị mang tiếng nhiều trên khắp thế giới về tật
này. Hơn nữa người Đức quá hãnh diện về dân tộc mình. Họ không muốn tiếp nhận
người ngoại quốc và không muốn người ngoại quốc làm chủ mình. Ngoài ra người
Đức tỏ ra lãnh đạm và dè dặt, có lẽ là do ảnh hưởng của khí lạnh miền bắc đổ xuống.
Chỉ một số người, rất ít, xem ra có khả năng cầu nguyện chiêm niệm một cách tự
nhiên.
Đó là những điểm yếu, cho dù là đặc điểm chung của cả dân tộc, nhưng chưa đến nỗi
quan trọng. Nguy hiểm nhất là việc các giám mục và đức ông ở đây hoàn toàn thiếu
hiểu biết về chuyện đạo; họ sống như các lãnh chúa quý tộc chứ không phải là người
chủ chăn dân Chúa. Toàn bộ hàng giáo phẩm, tóm lại, quá tệ. Quả là phép lạ khi còn
có nhiều tín hữu chịu ở lại với họ...”.

Tập giáo lý 12 thứ tiếng


Petrus Canisius cũng là một nhà văn thành công lớn. Ông viết cho tổng quyền ở Rô
ma về trên dưới 30 tập sách của mình: “Con không nghi ngờ gì cả về chuyện này:
chúng có giá trị như việc dân da đỏ trở lại đạo”. Ba tập giáo lý của ông nổi tiếng đến
nỗi được dịch ra mười hai thứ tiếng và được tái bản 200 lần trong thời gian ông còn
sống. “Giáo lý” là sách tóm tắt những lời dạy của Giáo hội dưới dạng các câu hỏi vấn
đáp. Sách ông không chỉ là giáo khoa cho học sinh, mà còn để dạy trong nhà thờ.
Việc học giáo lý trong trường học chỉ mới bắt đầu trong thế kỷ 19.
Sách giáo lý của Canisius đã giải toả được những điểm không rõ trong Giáo lý Công
giáo và giúp tín hữu phân định được đâu là ranh giới giữa tín điều Tin lành và Công
giáo. Người đầu tiên nhận ra sự quan trọng của sách giáo lý là Calvin, và ông này
cũng đã viết một cuốn “giáo lý”. “Bản tuyên tín Augsburg” của Luther cũng được kể
là một cuốn giáo lý đi trước sách của Canisius.

Ảnh hưởng của Carlo Bôrômêô ở Ý


Carlo Bô rô mê ô chào đời ở luỹ Arona gần Lago Maggiore, nơi bố mẹ cậu làm chủ
những toà lâu đài và đất đai tuyệt đẹp. Bà con cậu là dân ngân hàng ở London và
Barcelona. Mẹ cậu là chị em với Giáo hoàng Piô IV. Nhờ gia đình sở hữu được nhiều
của cải của Giáo Hội, Carlo lúc 12 tuổi đã được làm giáo sĩ và viện phụ của tu viện
biển đức ở Arona và sau đó còn làm chủ thêm hai tu viện nữa. Theo lệ thời đó, mọi
hoa lợi của tu viện đều là sở hữu riêng của Carlo, nhưng cậu đã dùng chúng để giúp
người nghèo và bệnh.
16 tuổi, Carlo vào đại học Pavia và đậu tiến sĩ luật (đạo và đời) năm 1559. Ngày 31-1
năm đó, Carlo được cậu gọi về Rôma, ban mũ hồng y và gậy tổng giám mục và trao
cho coi sóc Giáo phận Milano, một giáo phận lớn nhất Ý thời đó. Tổng giáo phận
này gồm cả một phần Thuỵ Sĩ, Venezia, Genua và có không dưới 15 địa phận thuộc
quyền.
Sau khi người anh mất mà không có con, cha cậu muốn cậu lập gia đình, nhưng
Carlo đã né tránh bằng cách âm thầm lãnh chức linh mục. Năm 1565, Carlo về cai
quản chính thức Giáo phận Milano, mà cho tới lúc đó chỉ được một phụ tá trông coi.
Ông ra sức áp dụng các quyết định của công đồng (Trento) trong tổng giáo phận
mình. Nhiều giám mục ở Ý và ngoại quốc đã bước theo gương ông.
Ông quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo giáo sĩ, lập một trường nội trú cho chủng
sinh, nhiều chủng viện cho giáo sĩ thành phố, lập một chủng viện cho giáo sĩ miền
quê, một chủng viện riêng đào tạo các giáo sĩ để gởi qua Thuỵ Sĩ, nơi họ sẽ phải đối
diện với giáo huấn Tin lành. Ở Pavia thành lập “Cư xá Bôrômêô” dành cho các sinh
viên xuất sắc nhà nghèo.
Mùa hè năm 1576, nạn dịch hạch xuất hiện tại Milano. Mọi người - kể cả chính
quyền - đổ xô nhau chạy khỏi thành phố. TGM. Bôrômêô ở lại, lo thuốc thang, quần
áo, thức ăn nước uống và chỗ ở cho dân và người bệnh. Ông mất vì bệnh sốt ngày 3-
1-1584 tại Milano. Sau Thánh Ambrôsiô, Bôrômêô là vị đại thánh thứ hai của dân
Milano.

TRÌNH THUẬT 74-75

RÌNH THUẬT 74

TÊRÊXA ĐẤT AVILA, NGƯỜI ĐÀN BÀ BÍ NHIỆM VÀ NĂNG NỖ

Têrêxa chào đời tháng 3-1515 tại tỉnh lị nhỏ Avila xứ Tây Ban Nha, trong một gia
đình gồm 11 chị em. Cùng năm đó, ở Đức, Johann Tetzel đang trên đường rao giảng
về ân xá, điểm gây bực bội cho Luther. Sáu năm sau, Magellan kết thúc chuyến hải
hành vòng quanh thế giới đầu tiên và trở về lại Tây Ban Nha. Kopernikus khám phá
ra trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ, song chỉ là một hành tinh vô nghĩa của
hệ mặt trời. Vesalius chào đời trước Têrêxa một năm, người sau này là y sĩ riêng của
hoàng đế Karl V và là kẻ khai sinh ra khoa cơ thể học hiện đại.
Thế giới đang chuyển mình vào thời đại mới. Giữa lúc đó xuất hiện một Têrêxa,
người với những thị kiến lạ lùng đã có thể thấu hiểu được tận cùng kiếp người, tận
cùng mà nơi đó chỉ còn một mình con người đối diện với Thượng đế.
Vợ mất, ông Don Alonso Sanchez de Cepeda gởi Têrêxa vào nội trú trong một tu
viện an tịnh ở Avila. Đời sống khắt khe của nội trú đã khiến cô bé yêu đời phải la
lên: “Con chẳng muốn làm nữ tu một tí nào cả”. Về sau chị thú thật trong cuốn tiểu
sử của mình: chỉ nghĩ đến chuyện tu là đủ rùng mình. Vì cuốn tiểu sử mà chị đã phải
ra trước toà thẩm tra.

Xuýt chết vì một căn bệnh lạ


Têrêxa bỗng dưng nhuốm phải bệnh lạ lúc 17 tuổi. Triệu chứng khởi đầu của bệnh là
tình trạng yếu lả toàn thân, tiếp đó là đau như thắt ở vùng tim, dạ dày và tứ chi rồi
dần lan ra toàn thân. Cô nghĩ chắc phải chết mất. Nhưng vài phút sau cơn đau thắt
biến dần. Tám năm dài, những cơn động kinh đã liên tục đẩy cô tới cửa thần chết.
Phanxicô và Inhã cũng trong tình trạng tương tự; cả hai đã đổi đời vì một cơn bệnh.
Thi sĩ người Nga Dostojewski gọi bệnh của ông là “linh bệnh”, bởi vì nó đưa khả
năng sáng tác của ông tới đỉnh cao. Novalis, thi sĩ người đức, đã tự hỏi: “Phải chăng
sự sáng tạo của con người thường nhờ bệnh mà có?” Hoạ sĩ Vincent van Gogh viết
cho em mình: “Anh càng nặng bước, càng bệnh và yếu chừng nào thì càng trở thành
nghệ sĩ...”.
Hẳn nếu không có bệnh, chúng ta đã không có một Têrêxa đại thánh và thần bí như
thế. Như vậy, đau khổ và tật bệnh cũng có thể giúp con người “thành người”.

Không phải là một dòng tu khắt khe


Têrêxa quyết định vào dòng kín, nhưng đã không cho ai hay biết sớm, vì sợ những
bàn tán có thể làm rách việc. Cô chỉ nói xa xa thôi. Một lần, có anh bạn khen đôi
chân mình đẹp, được Têrêxa trả lời: “Này Caballero, nhìn cho kỹ nhé. Rồi sẽ chẳng
còn dịp nào mà nhìn nữa đâu”. Ngay cả cha cô cũng bàng hoàng khi nghe con gái
mình cho hay mọi chuẩn bị để vào nhà kín đã đâu vào đó cả rồi.
Dòng không khắt khe. Các nữ tu được phép đeo mọi thứ trang sức và được nghỉ hè
lâu ngày tại nhà bà con hay người quen biết. Họ có quyền tiếp khách, cả khách đàn
ông. Họ có quyền sống thoải mái để “thành người” như “mốt” của thời mới lúc đó.
Têrêxa cũng thường lui tới phòng khách để gặp gỡ những tu mi nam tử muốn làm
quen. Chị đã chẳng mảy may tốt hơn các chị em khác, nếu như chị không bị cơn
động kinh trở lại: toàn thân nằm cứng đờ ra đấy, người lạnh tanh. Thoa nắn đấm bóp
chẳng ăn thua gì. Ông bố phải mang về nhà, mời những y sĩ giỏi nhất tới chữa nhưng
bệnh đâu vẫn hoàn đó.
Hết đau, các bác sĩ đề nghị ông bố gửi con tới chữa bệnh tại một bà y sĩ nổi tiếng. Bà
này cho cô ăn đùi ếch đầu mùa, bắt cô thoa bóp bằng bột cánh ruồi đầu mùa và phân
rắn. “Tôi không hiểu tại sao mà mình chịu được. Tôi ở đó 3 tháng, thật hãi
hung”, Têrêxa viết như thế trong cuốn tiểu sử mình.

Xác định đã chết


Năm 22 tuổi, chị lại bị một cơn động kinh khác, cường độ vượt xa các lần trước đây.
Sau hai đêm một ngày hôn mê bất động, các y sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết thật.
Người ta bắt đầu quàn xác, cho đào huyệt và hát lễ mồ cho chị. Khi Mẹ bề trên vào
mang “xác” ra vườn nhà dòng mai táng, thì ông bố cản bước Mẹ mà nói: “Con tôi
đây chưa chết đâu!”
Đêm thứ ba, đến phiên cậu em canh xác chị. Tờ mờ sáng, cậu thức giấc thì thấy hòm
đang bốc cháy. Một ngọn nến đã bắt lửa vải hòm. May mới chỉ cháy vải, chưa đụng
gì tới “xác” cả.
Lần thứ hai Mẹ bề trên quyết định mang chôn. Vừa bước vào nhà xác, Mẹ thấy chị
đang ngồi trong hòm, đưa tay gỡ sáp mà người ta đã trám lên mắt người chết. Đó là
ngày thứ tư sau cơn động kinh. Chị được mang về tu viện, suốt 8 tháng trong tình
trạng bại liệt. Khi bắt đầu bò đi được, tu viện cho chị trở lại phòng riêng. Ba năm chị
vẫn không đi đứng được. Lúc này chị 25 tuổi. Nhưng rồi đột nhiên chị khoẻ hẳn, đi
lại bình thường. Bệnh khỏi hẳn.

Sống một thực tại mới


Những thị kiến xuất thần của Têrêxa bề ngoài xem ra như là một cơn động kinh. Một
nhân chứng cho hay, Têrêxa trong nhiều giờ liền như không còn cảm giác gì nữa.
Mạch ngừng. Hết thở. Thân cứng đờ và lạnh như một người chết. Như thể là Chúa đã
“tắt máy” cơ thể chị. Về sau chị viết về những cơn xuất thần của mình: “Thỉnh
thoảng cảm giác có Chúa hiện diện trước mặt đến với tôi quá đột ngột khiến tôi
không thể nào nghi ngờ gì nữa rằng Ngài ở trong tôi và tôi hoàn toàn hoà nhập trong
Ngài”. Và một lần khác: “Mình rơi vào một miền hoàn toàn xa lạ”. Rõ ràng chị phải
bước qua một thứ cửa “tử” trước khi Chúa tới với chị.
Năm 27 tuổi, một lần nữa chị vào phòng khách để gặp người bạn trai thân thiết. Vừa
nhảy bổ vào anh, chị bổng thấy hình bóng Chúa Kitô đứng ngay bên cạnh. Sau này
chị ghi lại: “Tôi rất ngỡ ngàng và thất vọng. Chúa Kitô đứng trước mặt tôi, nghiêm
nghị cho tôi hay rằng Ngài xấu hổ vì hành động của tôi”. Chị không trả lời người bạn
nữa và anh bạn cũng âm thầm bỏ chị luôn từ đấy.
Chị lại vào phòng khách, nhưng những lần này do Mẹ bề trên yêu cầu. Chuyện lạ của
chị đã đồn ra khắp Avila. Ngày ngày từng đoàn người, tò mò có, người thân có, nghi
ngờ có, tuốn đến sắp hàng trước cửa tu viện để mong được nhìn thấy mặt chị. Chị
thành như một thứ trò chơi cuốn hút và trở thành nguồn thu nhập của tu viện. Dĩ
nhiên trước sau chị vẫn là một cô gái xinh, thích hài hước, dễ mến và cũng rất thích
tiếp xúc chuyện trò.
“Một đàng Chúa gọi tôi”, về sau chị thú nhận, “một đàng tôi lại ngã theo đời. Dường
như tôi muốn kết hợp hai mâu thuẫn ấy lại với nhau: vị ngon của đời sống tinh thần
và thú vui của cuộc sống trần tục”. Thời đó, một lần nữa chị lại quyết định bước theo
trần tục.
Năm 43 tuổi, Chúa muốn chị dứt khoát. Ngài nói với chị: “Ta muốn con nói chuyện
với thiên thần chứ không trò chuyện với người đời”.
Những thị kiến nơi chị càng ngày càng tăng khiến ngay linh mục linh hướng cũng
đâm ra nghi ngờ. Ông nghĩ rằng chị bị quỷ ám và khuyên chị nên tìm mọi cách chống
lại những cơn “cám dỗ” đó. Dịp xưng tội kế, chị lại kể chuyện thấy Chúa. Linh
hướng cấm chị từ nay không được cầu nguyện và đọc sách tu đức nữa. Chúa Kitô lúc
đó đã phải than thở với chị: “Thật quá nghiệt ngã!”.
Những kẻ không tin cứ gièm pha chị mãi nên Chúa đã cho thực hiện lời hứa trước
đây với chị: “Ta sẽ cho mọi người biết sự thật”. Một ngày kia, trong lúc thánh lễ,
toàn thân chị bay bổng lên khỏi mặt đất trước mắt mọi người.
Nhiều người nghĩ một cách sai lầm rằng những nhà thần bí là kẻ khác đời nên không
thể toan tính công việc một cách bình thường được. Trường hợp Têrêxa cho thấy
không phải thế. Năm 57 tuổi, chị lập một tu viện mới, dĩ nhiên đã phải qua bao nhiêu
khó khăn mới hình thành được. 17 tu viện khác lần lượt được hình thành sau đó.
Để thực hiện ý nguyện cải cách của mình, chị quanh năm suốt tháng ngồi trên chiếc
xe bò ọc ạch rảo khắp các nẻo đường gồ ghề ở Tây Ban Nha để trả giá, tính toán, tổ
chức các hợp đồng mua bán. Lời của một linh mục viết cho bạn sau đây cho thấy khả
năng thương thảo dứt khoát của chị: “Trong thư anh báo cho tôi sẽ có một nữ tu tới
thăm, nhưng tôi quả đã gặp một đấng mày râu”. Một linh mục đã giới thiệu chị tới
bạn mình để thương thảo một chuyện mua bán nào đó.
Dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa chị cũng hài hước được. Câu “Một nữ tu buồn là một
nữ tu xấu” là lời của chị. Một lần trên chuyến đi lập dòng phải lội qua con suối lạnh
và bị nước cuốn, chị thốt lên: “Sao Chúa lại bắt chúng con gặp nhiều trở ngại như
vầy!”. Chúa Ki tô trả lời: “Đó là cách Ta đối xử với bạn hữu của Ta”. Têrêxa buột
miệng: “Vậy không trách gì mà Ngài chẳng có mấy ai làm bạn!”.
Trong dòng Kín mới do Têrêxa lập không còn phòng khách nữa, chỉ có những phòng
riêng nhỏ, một nhà cơm, một nhà bếp và một nhà nguyện. Các tu sĩ nam nữ trở lại đi
chân đất như vào thời dòng mới lập ở núi Karmel. Do vậy ngày nay mới có sự phân
biệt giữa dòng đi chân đất và dòng đi giày. Với việc lập dòng mới này, Têrêxa đã giải
quyết những quyết nghị cải cách của Công đồng Trento theo sáng kiến của mình. Chị
mất vì xuất huyết phổi năm 67 tuổi khi đang trên đường rảo khắp nước Tây Ban Nha.

TRÌNH THUẬT 75

PIÔ V, NHIỆM NHẶT VỚI MÌNH VÀ VỚI MỌI NGƯỜI

Năm 1572, Piô V mất, đúng mười năm trước khi Têrêxa ở Avila mất. Giáo hội Rôma
từ 300 năm nay mới có lại một vị thánh trên ghế giáo hoàng, dĩ nhiên thánh trong
tâm thức của thời đại đó.

Gầy trơ xương


Piô V, tên thật là Antonio Ghislieri, sinh ngày 17-1-1504 ở Bosco thuộc lãnh địa của
quận công Savoyen. Lớn lên trong cảnh nghèo. Thuở nhỏ chăn cừu, cho đến khi gặp
được một mạnh thường quân giúp cho phương tiện đi học. Năm 14 tuổi, Antonio vào
dòng Đaminh và lấy tên là Michele. Cậu học thần, làm giám tỉnh rồi giám mục, hồng
y và đại quan toà thẩm tra.
Antonio đã có lần từ chối làm giám mục. Sau khi Piô IV mất, người ta đã phải ép ông
vào mật viện, vì không ai có triển vọng làm giáo hoàng hơn. Ngài được bầu ngày 7-
1-1566, phần lớn là nhờ sự vận động của Carlo Bôrômêô. Sau khi lên, ngài vẫn tiếp
tục sống đời khổ hạnh. Ai cũng nghĩ vị giáo hoàng mới phải già hơn 62 tuổi, vì thân
hình ngài chỉ là da bọc xương. Người ta nói mỗi bữa ăn của ngài không quá 3 đồng
bạc, nghĩa là chẳng có gì cả. Dù gầy gò như thế, nhưng ngài vẫn doạ tuyệt thông
người nấu bếp, nếu như ngài nhận ra được rằng ông này pha chế thêm đồ cấm nấu
vào tô súp của ngài trong những ngày chay. Bên dưới lớp áo giáo hoàng là một tấm
áo đền tội thô nhám. Những buổi rước kiệu trong thành Rôma ngài thường đi chân
đất, để đầu trần, làm ngạc nhiên dân thành không ít. Và họ thì thầm với nhau: chưa
bao giờ Rôma có một giáo chủ sùng đạo như thế. Thời của những giáo chủ phục
hưng hẳn đã qua.
Muốn cả Rôma thành tu viện
Piô V không những nhặt với mình mà với cả mọi người. Một người cháu, được ngài
đưa vào làm trưởng đội vệ binh giáo hoàng, vì biến chất nên đã bị ngài cất chức chỉ
huy và cúp lương bổng, trong vòng 2 ngày phải ra khỏi Vatican, 3 ngày phải rời
Borgo (vùng đất giữa Vatican và luỹ Thiên thần) và mười ngày phải ra khỏi nước
Giáo Hội. Một mệnh phụ ở Rôma bị ngài tống ngục chung thân vì tội bỏ chồng. Một
anh làm nhà băng bỏ vợ bị lôi ra đánh trước công chúng. Và vị toàn quyền của
Anagni bị chặt đầu vì tội hãm hiếp phụ nữ.
Giáo hoàng quyết liệt với nạn gái điếm. Họ hoặc phải lấy chồng, hoặc nhập dòng
“Đền tội” hoặc phải rời khỏi nước Giáo Hội. Nhiều thương buôn phản đối biện pháp
này, vì các cô gái kia là con nợ của họ. Một phái đoàn 40 thương gia tới yêu cầu giáo
hoàng rút lại biện pháp, nhưng đã không đi đến đâu. Các sứ giả của Tây Ban Nha, Bồ
và Firenze cũng không lay chuyển được Piô V trong chuyện này.
Ngài ra một sắc lệnh cho Rôma cấm làm việc xúc phạm tới Chúa, phá rối giờ thánh
lễ, làm mất tính chất thánh của ngày chủ nhật là ngày lễ nghỉ, cấm việc bán buôn
chức thánh, giao tình với thú vật và đa thê. Ngoài ra, ngài còn cấm xa xỉ trong các
bữa ăn chiêu đãi, cấm ăn mày và đi rông ngoài đường.
Piô V muốn dùng những biện pháp ngặt đó để tẩy đi những điểm đen của thời phục
hưng còn đọng lại, nhưng đã không thành công lắm. Dân Rôma dứt khoát chống lại,
bởi vì theo họ, họ không muốn thành phố hoàn vũ này trở thành một tu viện.

Cũng có cải cách tích cực


Nhà cải cách Piô V không phải chỉ có các biện pháp cấm và phạt mà thôi. Theo
gương Canisius ở Đức và Bôrômêô ở Milano, ngài cũng ra sức áp dụng các quyết
nghị công đồng cho Rôma và nước Giáo Hội. Ngài bắt chước mẫu mực đổi mới ở
Milano, nên người ta gọi những canh cải ở Rôma là “chị em của Milano”.
Piô V đã quan tâm giúp thanh thiếu niên, đặc biệt về mặt huấn nghệ và cũng làm
nhiều việc trên lĩnh vực bác ái. “Ở Rôma mọi người đều đồng ý rằng đã từ lâu chưa
có một giáo hoàng nào đã mở rộng mặt bác ái tương trợ như Piô V” (Pastor).
Đối với Giáo Hội hoàn vũ, công trình quan trọng của ngài là cuốn “Giáo lý Rôma”,
một loại sách kinh nhật tụng và sách lễ mới. Ngài cũng đổi mới hoặc đổi thay các
dòng tu cũ. Với bản tính nhiệm nhặt, Piô V đã không đi ra ngoài tâm tình thời đại,
khi tích cực yểm trợ các toà thẩm tra trong nỗ lực chống lại Tin lành, mà ngài gọi đó
là “con quái vật tâm lý chống lại Giáo hội Chúa Kitô” (Stratmann). Nhưng, cũng như
vị tiền nhiệm là Hadrian VI, ngài cũng cho rằng lạc giáo xảy ra phần lớn là do gương
xấu của các giáo sĩ.

Chiến tranh giải phóng với khẩu hiệu tôn giáo


Dù các giám mục ở Ypern, Namur, Gent và St. Omer không muốn và bàn ra, nhưng
vua Philipp II của Tây Ban Nha vẫn quyết định mang toà thẩm tra sang thuộc địa Hà
Lan để chống lại ảnh hưởng lan rộng của Tin lành Calvin tại đó. Sự việc đã dẫn tới
những xung đột tôn giáo lớn. Và người Hà Lan đã lợi dụng xung đột đó để biến
thành một cuộc chiến tranh giải phóng đuổi bọn thực dân Tây Ban Nha ra khỏi nước.
Tổng kết thật rùng rợn. 2000 nạn nhân toà thẩm tra bị giết. Riêng ở vùng Flandres có
tới 400 nhà thờ bị đốt, các tu viện và nhà thương bị phá tan tành, nhiều loại sách quý
bị huỷ hoại, các linh mục và nữ tu bị làm nhục.
Piô V yêu cầu vua Philipp đích thân sang Hà Lan để tái lập trật tự và nếu được tìm
cách chấm dứt bạo lực. Nhưng Philipp trái lại đã gửi vị Quận công đáng sợ tên Alba
sang thẳng tay dẹp loạn. Cuộc chiến thắng đã chẳng kéo dài, vì Guillaume đất
Oranien sau đó lại phất cờ vùng dậy. Cuối cùng, năm 1581, các tỉnh miền bắc Hà
Lan tuyên bố tách rời khỏi Tây Ban Nha, chỉ còn lại miền nam, mà nay là nước Bỉ,
vẫn thuộc Tây Ban Nha và theo Công giáo.

Chiến tranh chống Tin lành ở Pháp


Thời Piô V, Pháp do hoàng đế Karl IX cai trị. Nhưng vì Karl còn nhỏ nên việc chính
sự do mẹ là Catherine nhà Medici nhiếp chính. Năm 1567, Tin lành calvin
(Hugenotten = Thệ phản) ở Nimes nổi loạn giết gần 80 người Công giáo. Họ đã đạt
được một cuộc đình chiến có lợi. Nhưng chẳng lâu sau lại nổi dậy, khiến thái hậu
Catherine ra lệnh cấm dâng thánh lễ kiểu mới (theo Tin lành). Ai vi phạm sẽ bị tử
hình. Một cuộc nổi dậy nữa của họ bị tiêu diệt nặng nề vào ngày 3-10-1569. Tuy
nhiên, ngày 8-8-1570, họ được ân xá toàn bộ, được nhận vào làm việc trong các công
sở và được tự do hành đạo, trừ ở Paris. Việc làm hoà giữa Tin lành và Công giáo
tưởng được kết thúc tốt đẹp bằng cuộc hôn nhân giữa thủ lãnh Tin lành Henri đất
Navarra và Margerite đất Valois, chị của vua Karl IX. Nhưng thái hậu Catherine đã
lợi dụng đêm lễ này để tàn sát những thực khách Tin lành có mặt. Cuộc tàn sát đi vào
lịch sử với biến cố mang tên “Đêm thánh Barthôlômêô" (23/24-8-1572) hay “Đám
cưới máu ở Paris”. Tội ác rành rành này mang màu sắc chính trị, chứ không phải tôn
giáo: Catherine muốn qua đó lật tẩy dự tính chính trị của thủ lãnh Tin lành Coligniy.
Piô V đã mất trước biến cố này 3 tháng, do đó ngài đã không thể biết sự vụ cũng
chẳng mang trách nhiệm gì trong chuyện này.
Cuộc chiến tôn giáo tiếp tục, cho đến khi Henri đất Navarra trở thành người được
thừa kế ngai vua. Ông đã mua sự thừa kế này bằng việc trở lại đạo Công giáo và đã
trở thành vua Henri IV. Từ chuyện này mà người đời có câu ví von “Paris giá trị chỉ
bằng một thánh lễ”. Năm 1598, sắc lệnh tôn giáo Nantes được ban ra, cho phép tín đồ
Tin lành được tương đối tự do hành đạo. Sắc lệnh này sau đó bị vua Louis XIV
(1643-1715) rút lại - theo lời ông - để làm vừa lòng Giáo hoàng Rôma. Đây là lý do
khiến 200.000 tín đồ thệ phản phải rời nước tị nạn. Chỉ tới giữa thế kỷ 18, vào thời
Ánh sáng, Tin lành ở Pháp mới được hoàn toàn tự do.

Các lý do khác
Còn nhiều lý do khác giải thích việc Pháp vẫn tiếp tục là nước Công giáo, chứ không
phải chỉ riêng việc Henri đất Navarra vào đạo và lên ngai. Chia rẽ tôn giáo đã khiến
đất nước xé ra làm hai, khiến người Pháp bị dằn vặt. Thêm vào đó bao nhiêu nhà thờ
lộng lẫy bị phá, đất nước nhiều vùng tan hoang. Lại nữa đa số dân Pháp vốn khó
chấp nhận cái đạo đức khắt khe và lối sống khắc kỷ của Calvin. Nhiều người Pháp vì
thế đã trở lại với Công giáo, dù họ ghét cay ghét đắng dân Tây Ban Nha. Tây Ban
Nha thời đó được coi là đồng nghĩa với Công giáo. Điểm này đã khiến nhiều người
pháp chối từ hoặc đâm ra ghét Giáo hội Công giáo. Cuối cùng, công lao rao giảng và
những hoạt động từ thiện bác ái của các tu sĩ dòng Tên và dòng Kapuzin cũng đã góp
phần khuyến khích người dân trở lại đạo Công giáo.

TRÌNH THUẬT 76-77

TRÌNH THUẬT 76
MÂU THUẪN VỚI NGƯỜI THỔ VÀ NGƯỜI ANH

Trong thời Piô V, đất Âu chỗ nào cũng có xung đột. Pháp với cuộc chiến chống lại
Tin lành. Hà Lan và Anh cũng xung đột tôn giáo. Thêm vào đó Kitô giáo giờ đây lại
bị đạo Islam đe doạ.

Trận hải chiến ở Lepanto


Khu vực biển Địa Trung lúc đó do hai thế lực lớn làm chủ trên nhiều vùng khác
nhau: Nhà Habsburg Công giáo và Thổ Nhĩ Kì theo đạo Islam. Ngưới Thổ trong quá
khứ đã một lần tiến quân tới trước cửa thành Wien (1529). Đe doạ của Islam từ đó
vẫn không giảm. Trái lại, với chính sách bá quyền thô bạo Thổ đã chiếm một số đảo
của Hylạp. Malta đang bị đe doạ và vùng biển Adria đã có thuyền chiến của Thổ qua
lại. Venezia thấy nguy, kêu cứu Rôma. Đức Piô V liền cử sứ giả đi khắp nơi một lần
nữa kêu gọi một cuộc thánh chiến chống Islam. Nhưng hoàng đế Ferdinand I đã ký
hiệp ước hoà bình với Thổ. Vua Karl IX của Pháp cũng không muốn rắc rối với Thổ,
vả lại nước ông cũng xa biên cương Islam. Xét cho cùng, nếu như « Liên minh
thánh » (nước Giáo Hội, Venezia, Tây Ban Nha) đã không thắng Thổ thì nước Pháp
cũng đã bị tràn ngập. Hoàng đế Ferdinand I thời đó bị tố là đã đi đêm với người
Osman, chịu triều cúng họ hàng năm để đổi lấy hoà bình.
Ngày 1-8-1571, Famagusta bị Islam chiếm. Famagusta là thủ đô đảo Cyprus, một căn
cứ của Venezia và là thành luỹ địa đầu phía đông của. Chỉ huy trưởng thành này,
người Venezia, bị lột da sống. Quân Thổ nhét rơm vào bộ da ông và khoác lên đó bộ
quân phục của ông, bỏ lên lưng một con bò dẫn đi khắp thành.
Hai chỉ huy trưởng của hạm đội “Liên minh thánh” là Don Juan đất Áo, một thanh
niên 24 tuổi và là con của Karl V, và một người em khác mẹ của vua Tây Ban Nha,
Philipp II. Hạm đội gồm 207 thuyền chiến, 30 thuyền thường và 6 thuyền chiến loại
tối tân mới xuất hiện lần đầu. Loại sau mỗi chiếc gắn 20 tới 30 khẩu đại bác, có thể
bắn từ mọi phía. Còn loại chiến thuyền bình thường chỉ gắn được 5 hoặc 6 khẩu mà
thôi.
Binh lực Công giáo cũng ưu thế hơn quân Islam về loại súng di động và pháo binh.
1800 khẩu của Công giáo bắn không những nhanh hơn 750 khẩu của Thổ mà còn xa
hơn. Trận hải chiến ở Lepanto trong vịnh Korinth vì thế cũng đã mở ra một khúc
quanh mới trong lịch sử chiến tranh.
Hạm đội Thổ gồm 222 thuyền chiến kiểu cũ và 60 thuyền loại thường. Binh sĩ gồm
50.000, không kể 41.000 nô lệ chèo thuyền. Phía Công giáo có 43.000 binh sĩ và
cũng khoảng chừng đó phu chèo.
Ngày 7-10-1571, hơn 500 chiến thuyền và 170.000 binh sĩ ra quân ở Lepanto. Đây là
một trong những trận hải chiến dữ dội nhất trong quân sử thế giới. Trận chiến được
quân phân thắng bại ngay ngày đầu. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ quân Công giáo
đánh đắm 113 và chiếm 117 thuyền đối phương, giải thoát được 12.000 nô lệ Công
giáo mà Thổ bắt làm phu chèo. Biển Lepanto đỏ ngầu vì máu của 30.000 người chết
và bị thương.
Nỗi vui mừng của Công giáo không kể xiết, vì nếu thua thì hậu quả sẽ vô lường cho
cả Âu châu. Nhưng phía Công giáo đã không lợi dụng chiến thắng đó, vì thế đế quốc
Thổ vẫn tồn tại suốt 200 năm sau và sau này một lần nữa họ lại tiến quân sang Wien
và Âu châu.
Piô V không ngạc nhiên về kết quả trận chiến. Người ta kể, đúng ngay giờ phút chiến
thắng, Giáo hoàng đang tiếp vị tổng thủ quỹ. Bỗng ngài đứng dậy mở toang cửa sổ
và nói: “Hạm đội của ta đã thắng quân Thổ, hãy cảm tạ Chúa!”. Để ghi nhớ chiến
thắng của thập giá trên hình bán nguyệt đó, Giáo hoàng Piô V ra sắc chỉ từ nay lấy
ngày chủ nhật đầu tháng 10, ngày quân thánh chiến thắng quân Thổ, làm ngày lễ
“Mân Côi”, mừng “Mẹ của chiến thắng”.
Piô V mất ngày 1-3-1572 lúc 68 tuổi.

Không thành công ở Anh


Hoàng hậu Elisabeth I cai trị ở Anh từ năm 1558. Người Công giáo Anh không công
nhận bà, vì bà là con của vua Henry VIII với Anna Boleyn và cuộc hôn nhân của hai
người này đã không được giáo quyền chuẩn nhận. Người Công giáo Anh trước sau
chỉ công nhận hoàng hậu Công giáo Mary Stuart ở Scotland là hoàng hậu chính thức.
Elisabeth I phản ứng lại thái độ bất tuân này bằng 900 án tử hình. Vì lý do này mà
Piô V đã tuyệt thông bà. Biến cố trên đây xảy ra một năm trước chiến thắng Lepanto.
Việc làm của Piô V quả khó hiểu khi “đuổi” một vị đã từ 12 năm nay đứng đầu một
giáo hội khác ra khỏi Giáo hội Công giáo. Hành động đó càng làm cho việc chống
Công giáo ở Anh tới chỗ quá khích: thêm 124 linh mục và 61 giáo dân nữa bị kết tội
phản quốc và mất đầu. Ở Scotland, gần 500 làng xã bị phá bình địa, thánh lễ Công
giáo bị cấm và người Công giáo chỉ còn nước chạy trốn nếu không muốn chết. Giáo
hoàng đã gặt hái điều hoàn toàn trái ngược với dự tính.
Hoàng hậu Công giáo Mary trước đó cố đưa nước Anh trở lại Công giáo, bà đã cho
giết 273 người chống đối. Việc này khiến người đời gọi bà là Mary “khát máu”.
Nhưng, như ta đã thấy, khi Elisabeth I lên kế vị và cố đưa nước Anh trở lại Anh giáo,
bà cũng đã không kém sắt máu hơn.

Mary Ward, một “quà tặng của nước Anh cho Giáo Hội”
Mary Ward lớn lên giữa cơn bách hại Công giáo do Elisabeth I phát động ở Anh. Piô
XII năm 1951 gọi chị là “người đàn bà có một không hai mà Giáo hội Công giáo Anh
đã hiến tặng cho Giáo Hội hoàn vũ trong những giờ phút đen tối nhất của mình”.
Mary Ward chào đời năm 1585 ở lâu đài Old Mulwith trong một gia đình Công giáo
ở Anh. Khi Elisabeth I mất, chị được 18 tuổi. Cha mẹ chị đã nhiều lần bất chấp hiểm
nguy để cho các linh mục trốn trong nhà. Bà của chị bị tống ngục 14 năm dài vì đức
tin của mình.
Mary muốn đi tu, nhưng lúc đó ở Anh không còn tu viện nào nữa. Vì thế, cô bỏ sang
St. Omer ở Flandres (Bỉ). 21 tuổi, chị nhập tu hội Klara, tức dòng hai Phanxicô, ở
Pháp. Vì dòng uỷ cho việc đi ăn xin, chị thất vọng bỏ dòng và ra thu góm tiền bạc lập
riêng một nhà mới gần đó, gọi là Tu hội Klara người Anh và chính chị trở thành
người tập sự đầu tiên của tu hội. Nhưng chẳng bao lâu, chị biết mình trước sau gì
cũng phải rời chỗ này. “Tôi phải làm một cái gì khác”, chị nói, “nhưng cái gì thì chưa
biết mà cũng không thể nói ra được”.
Mary Ward về lại London, lao mình vào công tác tông đồ giáo dân. Chị thăm viếng
người bệnh, kẻ liệt và dạy trẻ con học. Càng ngày càng có nhiều chị em tới giúp.
Cùng với 7 chị em khác, chị quay trở lại St. Omer lập ngôi trường đầu tiên. “Các chị
người Anh”, tên người thời đó gọi nhóm của chị sống như những nữ tu, nhưng
không tách biệt trong phòng kín và không có những buổi ca nguyện. Các chị ăn bận
như những bà goá đương thời.
Trở lại London, Mary lập thêm một nhà ở đó. Người Anh giáo sớm để ý đến sinh
hoạt của chị. Tổng Giám mục Anh giáo ở Canterbury lúc đó tuyên bố chị đã làm hại
Giáo hội ông nhiều hơn các linh mục và ông muốn đổi một mình chị lấy 6 hoặc 7
linh mục dòng Tên. Đầu chị bị treo giá với một số tiền khá lớn. Dù vậy chị vẫn tiếp
tục lập các nhà khác ở Anh.

Cũng có phản đối từ phía Giáo Hội


Phía Công giáo cũng có những chống đối mạnh việc làm của chị, bởi vì người ta
không chấp nhận “lối sống ba chỉ”, nghĩa là vừa tu vừa “làm công tác bác ái, những
sinh hoạt không thể có đối với một dòng tu”. Người ta cho rằng “dấu chỉ của một
dòng tu thực sự” là cuộc sống xa đời và giữ các giờ kinh nguyện. Bỏ hai thứ ấy đi tức
là cố ý đi ngược lại Công đồng Trento và những nghị quyết đổi mới của Công đồng.
Công đồng đã đặc biệt nhấn mạnh đến đời sống tu. Việc “Các chị người Anh” muốn
trở thành một loại dòng Tên nữ, mà họ tự gọi mình là “Con gái Chúa Giêsu”
(Jesuitinnen) đã khiến dòng Tên bực bội. Dòng Tên lúc đó hoàn toàn không muốn
lập nhánh nữ.
Vì thế, Giáo hoàng Urbanô VIII ra lệnh giải tán “Viện các chị người Anh” do Mary
chính thức lập ở Muenchen năm 1631 và tuyên bố lời tuyên hứa của các chị là vô
hiệu. Mary bị tống giam trong một tu viện Klara ở Muenchen. Ở đó chị bệnh nặng.
Ba tháng sau khi khoẻ lại, chị sang Rôma quỳ mọp dưới chân giáo hoàng. Các nhà
của chị ở Rôma và Muenchen được phép mở cửa lại, nhưng chỉ với mục đích giáo
dục các thanh thiếu nữ và các sinh hoạt từ nay được đặt trực tiếp dưới sự canh phòng
của giáo hoàng. Sở dĩ giáo hoàng cho mở lại là vì Mary Ward đã không bị toà thẩm
tra kết tội.
Mary Ward mất ngày 30-1-1645 tại Anh. Chị mất trước khi tu hội của chị được giáo
quyền công nhận hoàn toàn. Ngày nay tu hội “Các chị người Anh” có mặt ở Áo,
Đức, Thuỵ Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Phi châu, Ấn Độ và Nam Hàn.
Lý do chính khiến giáo triều giải tán tu hội không hẳn có tính cách giáo luật, nhưng
là vì quan niệm mới của Mary Ward về vai trò chung của người đàn bà và về bổn
phận của họ trong Giáo Hội. Mary quan niệm rằng người đàn bà không nên chỉ ẩn
mình trong những bức tường dày tu viện, mà còn phải rao truyền Tin Mừng trong
môi trường đời và gánh vác việc giáo dục thanh thiếu nữ.

TRÌNH THUẬT 77

HĂNG SAY VÌ MẾN CHÚA


Vinhsơn ở Paul (Vincent de Paul)

Ở Pháp, phong trào cải cách không tác động ào ạt như bên Đức, nên những bất công
còn tồn đọng lâu hơn. Làn sóng đổi mới Giáo hội thổi từ Tây Ban Nha và Ý từ từ
thấm vào đất Pháp, và cuối cùng nó đã được Vinh Sơn tạo thành một trận cuồng
phong cuốn theo nhiều giáo hữu.
Vinh sơn nhận ra rằng, đổi mới Giáo Hội cũng bao gồm việc đổi mới phương thức
giúp đỡ con người. Giúp người không chỉ là chuyện giữa cá nhân với cá nhân, nhưng
phải có tổ chức hẳn hoi. Vì thế, bất cứ đi tới đâu, Vinh Sơn cũng lập ra những cơ sở
bác ái, đặc biệt là Hội các Linh mục Lazarit và Dòng nữ Vinh Sơn. Đồng thời ông
cũng đổ hết tâm trí vào việc giáo dục quần chúng và cả linh mục. Thời đó, tình trạng
đào tạo linh mục xuống cấp thê thảm. Chính Vinh Sơn cũng chẳng có được một nền
tảng giáo dục vững khi nhận chức linh mục.

“Tôi là một anh chăn heo”


Vinh Sơn sinh năm 1581 tại làng Pouy, Pháp. Cha cậu là một nông dân. Sau này,
Vinh Sơn viết về mình và cha ông: “Tôi là một anh chăn heo, con của một người nhà
quê nghèo... Tôi nhớ khi còn nhỏ được cha mang theo lên thành phố. Vì cha ăn bận
tồi và chân đi hơi cà thọt nên tôi cảm thấy xấu hổ mỗi lần phải theo cha và không
dám nhận mình là con của người”.
Vì mong cho con mình được khấm khá hơn trên đường tiền bạc, cha khuyên Vinh
Sơn làm linh mục. Ông gửi con vào trường trung học gần làng Dax, nhưng cậu con
đã bỏ dở sau 2 năm đeo đuổi. Sau này, ông bố bán đi mấy con bò để chu cấp cho con
vào học thần ở Toulouse, nhưng cậu cũng lại bỏ dở nửa chừng. Dù vậy, năm 1600,
Vinh Sơn cũng được phong chức linh mục. Làm linh mục thời đó rất dễ, chẳng cần
phải có tính tình thích hợp và một nền giáo dục đầy đủ. Mãi 50 năm sau, triết gia nổi
tiếng Blaise Pascal vẫn còn viết: “Hễ ai muốn làm linh mục thì được phong”. Chỉ cần
có giấy khai sinh tương đối rõ ràng là giám mục phong chức. Và chuyện phong giám
mục cũng không khá hơn.
Ngay việc Vinh Sơn làm linh mục lúc 19 tuổi rưỡi cũng là chuyện lạ. Giáo luật lúc
đó buộc phải trên 25 tuổi mới được nhận chức. Luật này cũng đã được Công đồng
Trento thắt chặt thêm. Vinh Sơn về sau không bao giờ đề cập tới “điểm đen” này của
mình. Cả những người chép tiểu sử cũng lập lờ về tuổi chịu chức của ông, khi phải
đề cập tới.
Tuy vậy, Vinh Sơn không bao giờ nghi ngờ về thiên chức linh mục của mình, dù ông
rất đau khổ vì nó. Một lần ông viết: “Giả như chưa làm linh mục thì tôi chả bao giờ
nhận chức đó”. Và một lần khác: “Xưa kia, khi còn liều lĩnh, nếu như tôi hiểu ý
nghĩa việc gia nhập hàng linh mục như lúc này tôi hiểu, thì tôi thà tiếp tục cuốc đất
chứ không bước vào một giai tầng khiếp hãi như thế này”. Rõ ràng Vinh Sơn ở Paul
không coi nghề linh mục như “bất cứ một nghề nào khác”.
Vinh Sơn sinh ra không vốn là thánh. Ngay cả khi chịu chức cậu cũng đang “lặn
ngụp trong xác thịt” (Cognet); đặc biệt cậu coi linh mục chỉ là một phương tiện kiếm
tiền. Và khi nợ ngập đầu, cậu bán luôn chú ngựa thuê và trốn biệt tăm. Tới nay vẫn
không ai biết cậu ở đâu làm gì trong thời gian biệt tích hai năm đó. Chỉ biết rằng cậu
đột ngột tái xuất hiện vào năm 1608 tại Paris.
Đổi đời ở Paris
Ở Paris, thoạt tiên Vinh Sơn cũng chỉ muốn làm sao chớp được một chỗ ngon để
được sống khoẻ thân. Và cậu đã gặp may, được nhận làm tuyên uý riêng cho cô
Marguerite đất Valois, chị em của Vua Karl IX và là người vợ thứ nhất của vua
Henri IV. Nhưng Paris cũng là nơi Chúa chờ đón cậu qua một linh mục, sau này là
hồng y Pierre ở Berulle, vị sáng lập “Oratorium”, một hội lỏng lẻo gồm các linh mục
triều. Linh mục Pierre đã giúp Vinh Sơn bỏ dần con đường say tìm công danh mà
quay về với Chúa. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta có được một vị thánh lớn: Vinh Sơn
ở Paul.
Sau khi hoán cải, Vinh Sơn làm chánh xứ Clichy, nay là một quận của Paris, nhưng
thời đó còn là một giáo xứ quê. Vinh Sơn mở ở đây một chủng viện và nhận vào một
nhóm nhỏ thiếu niên. Ông cũng lập một hội anh em bác ái giúp dạy giáo lý cho dân.
Đây quả là một việc làm hi hữu, bởi thời đó trên đất Pháp chuyện giảng dạy giáo lý
đã biến mất từ lâu. Trình độ kiến thức của hàng linh mục xuống cấp thê thảm, đã
chẳng mấy ai còn thuộc ngay cả công thức tha tội.
Làm xứ được một năm, Linh mục Pierre ép Vinh Sơn nhận chức gia sư cho bá tước
Philip Emmanuel đất Gondi ở Paris. Được ở trong lâu đài sang trọng, lẽ ra cuộc đời
phải lên hương, nhưng cậu Vinh Sơn “mới” trái lại đã sống thu mình nhiệm nhặt như
một tu sĩ dòng kín, xa tránh mọi thú vui. Khi Vinh Sơn mất, bá tước Gondi đã nhận
định về ông: “Trong các đức tính của cái chết đắt giá này, tính khiêm tốn, lòng
thương người và trí khôn ngoan trong mọi chuyện đã làm tôi ngạc nhiên nhất. Chưa
bao giờ tôi thấy ngài phạm lỗi, vì thế tôi nghĩ ngài là một vị thánh”. Bá tước Gondi,
sau khi goá vợ, đã đi tu làm linh mục.
Sau 4 năm trong lâu đài, Vinh Sơn trốn ra lại miền quê và coi xứ Chatillon, với một
nhà thờ đổ nát và một cộng đoàn chẳng còn gì là đạo nghĩa. Ông dẹp thói quen vừa
xưng tội công khai vừa đọc lớn tiếng kinh cáo mình của bổn đạo ở đây và thành lập
“Hội anh em bác ái”. Chẳng bao lâu giáo hữu Chatillon đã có thể khẳng định “cứ
nhìn vào những biến đổi của dân Chatillon thì cũng đủ để phong thánh cho ngài”.
Vinh Sơn còn phục vụ nhiều chỗ khác. Một lần ông tới Macon và lưu lại đó 3 tuần.
Nửa nước Pháp thời đó bị gậy ăn xin, vì hậu quả của những trận chiến tôn giáo dai
dẳng. Vinh Sơn đếm được ở Macon có tới 300 ăn mày. Ông tổ chức ngay một hội
bác ái của giáo xứ. Về sau, ông kể về chuyện đó: “Khi tôi tổ chức hội anh em bác ái
ở Macon, ai cũng cười nhạo, ra đường thường bị người ta chỉ trỏ cười cợt. Nhưng khi
việc thành công, thì bao nhiêu nước mắt vui mừng đã đổ ra, và ngày từ giã dân thành
đã dành cho tôi ôi chao là vinh dự, khiến tôi không chịu nổi mà phải âm thầm trốn
đi”.

Với những tù nhân chèo thuyền chiến


Ở Pháp, từ thế kỷ 16, người ta thường bắt người tù làm phu chèo thuyền chiến. Vì
không còn người tự nguyện cho công việc nặng nhọc này, người ta mang tù nhân
trọng tội vào thế chỗ. Họ bị xích cứ hai người một vào ghế chèo, ăn uống ngủ nghỉ
ngay tại chỗ. Tướng Gondi là người nắm quyền trên đám người này, tổng số vào
khoảng 6.000 người. Một lần Vinh Sơn vào ngục Paris thăm đám tù chuẩn bị chuyển
sang đội chèo. Tình trạng thật thảm. Đám tù hoàn toàn kiệt sức, người chẳng ra
người, bị xích vào tường ngục tối và ẩm. Vinh sơn báo cho bá tước Gondi hay về
tình trạng bất nhân đó và được Gondi cho phép chuyển họ ra một căn nhà ở bìa thành
phố, tổ chức thăm viếng, giáo dục và gia giảm cho họ một số hình phạt nặng. Năm
1618, bá tước đề bạt Vinh Sơn làm “Tuyên uý hoàng gia cho các thuyền chiến”. Với
tư cách đó Vinh Sơn liên lạc với các linh mục khác ở Bordeau và phân công nhau cứ
hai người phụ trách một thuyền. Gondi có tất cả 20 chiếc. Nhờ giúp đỡ của Hồng y
Richelieu, Vinh Sơn lập một bệnh xá cho những người tù bị bệnh. Người đương thời
không ai hiểu được sự kiện này, bởi vì đối với họ, phu chèo là một thứ cặn bã xã hội,
chẳng tí gì đáng phải chăm sóc như thế.

Dòng Lazarít và Nữ tu Bác ái


Dòng “Lazarít” do Vinh Sơn lập là một tập hợp các linh mục nuôi lý tưởng truyền
giáo. Tên gọi này nguyên là tên một tu viện Âutinh ở Saint Lazare, nhà mẹ của các tu
sĩ Lazarít. Truyền giáo, đối với dòng, cũng có nghĩa là tăng cường đức tin và dục
lòng ăn năn thống hối nơi các tín hữu. Vinh Sơn xây ở Saint Lazare một trung tâm
huấn luyện các nhà truyền giáo, một chủng viện, một nhà tĩnh tâm, một nhà trú cho
các bệnh nhân tâm thần và một nhà dưỡng bệnh. Từ năm 1643, Lazarít đã có mặt ở
Algérie, Tunis và Madagascar.
Cả việc lập dòng “Chị em Bác ái” cũng chỉ là một phản ứng cấp thời, chứ không phải
là kết quả của một suy nghĩ và chuẩn bị lâu dài. Khi thấy tình trạng tệ hại của các
bệnh viện thời đó, trong đó nhiều con bệnh phải chia nhau một giường, Vinh Sơn đã
thu phục được chị Louise ở Marillac lập ra một cộng đoàn các chị em chuyên lo phục
vụ nhà thương. Chẳng bao lâu các mệnh phụ phu nhân Paris cũng gia nhập cộng
đoàn, có cả hoàng hậu sau này của Ba Lan nữa.
Dòng Nữ tu Vinh Sơn là hậu thân của cộng đoàn các chị em này. Các chị ăn bận như
các phụ nữ nhà quê thời đó: áo vải len thô và khăn đội đầu vải trắng, về sau thêm vào
hai cái “cánh”.
Cũng như “Các chị người Anh”, các chị em Vinh Sơn cũng không đặt ra việc sống xa
đời, không có giờ ca nguyện và khấn trọn đời. “Luật dòng” của họ được Vinh Sơn
cho hay như sau: “Tu viện của các chị là nhà thương, chỗ ở là các phòng trọ thuê, nơi
nguyện là nhà thờ giáo xứ, đường thập giá là các đường phố, cấm phòng là vâng lời,
màn cách ly là lòng kính sợ Thiên chúa và khăn che mặt là lòng khiêm nhu thánh
thiện”. Chỉ sau khi thánh nhân chết, dòng “mốt mới” này mới được giáo hoàng chuẩn
nhận.
Vinh Sơn mất sau một cơn hấp hối ngắn vào ngày 27-9-1660. Đám táng ông giống
như một cuộc diễn hành chiến thắng. Năm 1737, ngài được phong thánh và từ năm
1885 trở thành quan thầy của các hội và tổ chức từ thiện bác ái.

TRÌNH THUẬT 78-79

TRÌNH THUẬT 78

“NÀY NƯỚC ĐỨC, BÀ MẸ CỦA QUÁ NHIỀU PHÙ THUỶ, HÃY COI
CHỪNG!”
Benedikt Carpzow viết vào khoảng năm 1650 trong sách “Lối thi hành hình sự mới ở
Sachsen” của ông: “Cấp tra tấn thấp nhất là dùng dây buộc thật chặt các ngón tay.
Đau không thể tả. Lên cấp thứ hai, lý hình cho kéo giãn thang ra với hậu quả là tay
nạn nhân cũng bị căng ra theo làm các đốt xương bong ra, các ngón tay đứt rời khỏi
tay. Đây là lối tra tấn thông thường nhất và khi nghe nói đến chuyện tra tấn thì ta
phải hiểu là như thế. Cấp thứ ba và là cấp cao nhất là dùng bay nung đỏ hoặc lưu
huỳnh và lửa lột da, hoặc đóng dằm bằng gỗ thông vào dưới móng tay rồi châm lửa,
hậu quả là móng tay dộp rời khỏi thịt. Hoặc là trói gô nạn nhân vào thân một con bò
hoặc lừa bằng sắt rồi đốt trong bụng bò/lừa cho tới khi sắt đỏ lên. Đấy là một vài
trong nhiều cách tra tấn khá bài bản của lý hình". Sở dĩ Carpzow phải nói kỹ về các
lối tra tấn, mà theo ông, khá liều lượng đó, là vì ông nhận ra càng ngày càng có quá
nhiều vụ nạn nhân chết trong lúc bị tra tấn, gây ra bởi “các tay thẩm phán thiếu kinh
nghiệm và khát máu”. Họ “dùng đao phanh thây những phạm nhân vô phúc, chuyện
mà lòng kiên nhẫn con người không thể chấp nhận được. Như một con thú đã quen
mùi máu rồi cứ thèm uống thêm, họ thường say máu ra lệnh tăng gấp đôi số lượng tra
tấn”. Carpzow bản thân là một thẩm phán đời (không phải giáo sĩ) của toà thẩm tra
và nghe đâu đã kết án tử đến 10.000 nạn nhân. Nhưng dù thế, ông là người chủ
trương phải áp dụng những hình phạt mà theo ông phải có tính “nhân đạo” cho nạn
nhân. Carpzow là một tín hữu Tin lành và là người mở đường cho khoa hình luật ở
Đức. Nói lên điểm này là để cho thấy ngay những đầu óc trí thức thượng thặng Tin
lành thời đó cũng không thoát khỏi cơn loạn phù thuỷ. Một trường hợp Tin lành khác
nữa là nhà khoa học tự nhiên đồng thời là nhà toán học và thiên văn Johann Kepler
(+ 1630); ông này cũng chấp nhận có nạn phù thuỷ như Carpzow. Chính mẹ ông bị tố
về tội này, và may mắn lắm ông mới cứu được mẹ khỏi giàn hoả.

Bao nhiêu nạn nhân?


Đây đó có người bảo rằng số nạn nhân toà thẩm tra lên đến 6 triệu. Con số tưởng
tượng. Một số lượng như thế nên dành riêng cho Hitler và Stalin và chỉ có kỹ thuật
của thế kỷ 20 mới đạt nổi. Con số ước đoán thực tế nhất vào khoảng 300.000 người.
Sử liệu chỉ cho biết số người bị án tử cụ thể ở những vùng đất nhất định, mà ngay số
liệu này cũng có thể bị xuyên tạc.
Vài thí dụ: Ở Konstanz (từ 1481 tới 1486) có 47 người lên dàn hoả vì tội “phù thuỷ”,
ở Ellingen trong vòng 8 tháng có 65 người, ở Geroldhofen gần Wuerzburg (1616) 99,
ở Ellwangen (1612) 167, ở Trier và phụ cận (từ 1587 tới 1593) 306, ở tổng Bern
(Thuỵ Sĩ) từ 1591 tới 1600 có trên 300 “phù thuỷ”. Ông toà ở Fulda, với nhiệm kì dự
định là 19 năm, khoe rằng đã ra án tử được tới 700 người cả nam lẫn nữ, ông hy vọng
thời gian còn lại của nhiệm kỳ còn có thể ra án thêm được trên 1.000 tên nữa. Từ
1626 tới 1629, có trên 200 “phù thuỷ” bị giết ở Wuerzburg. Năm 1590, xã trưởng xã
Noerdlingen nộp đơn xin lùng bắt “phù thuỷ” và trong vòng 3 năm giết được tất cả
32 người.
Toà thẩm tra phù thuỷ không chỉ xảy ra ở Đức và Thuỵ Sĩ, mà cả ở Áo, Boehmen,
Anh, Ái Nhĩ Lan, Bắc Âu, Pháp, Hung, Siebenbuergen, Ba Lan và ngay cả bắc Mỹ
châu.
Không có chứng cớ về vụ hành hình nào ở Tây Ban Nha và Ý cả. Có những phiên
toà lẻ tẻ ở hai nước này, nhưng không phải diễn ra trong thời gian cơn cuồng phù
thuỷ đang tung hoành trong các nước phía bắc. Ở Ý và Tây Ban Nha các toà thẩm tra
đều do Uỷ viên Giáo hoàng (Giáo triều Rôma) cầm đầu, và việc xử của họ nhân đạo
hơn các quan toà đời ở Đức nhiều. Chẳng hạn ở Bologna toà chỉ ra hình phạt đánh
đòn hoặc trói vào cột trên công trường. Nếu tỏ ra hối lỗi thì giảm phạt. Người ta vẫn
đồn rằng, hễ ra toà dị giáo là coi như hết đường sống. Sự thật không hẳn như thế.
Chính Inhã ở Loyola, Têrêxa ở Avila và Mary Ward đã bị đưa ra toà dị giáo nhiều
lần mà vẫn sống!

Không gì thoát nổi ở Đức


Các toà đời xử phù thuỷ ở Đức diễn ra khác hẳn. Về điểm này chúng ta có một chứng
liệu của linh mục dòng tên Friedrich ở Spee. Linh mục Friedrich nguyên là người
giải tội cho các “phù thuỷ” trong một thời gian dài. Ông cùng người bạn dòng là
Adam Tanner và y sĩ Johannes Weyer là những người đầu tiên dám công khai chống
lại việc xử phù thuỷ. Trong cuốn sách nặc danh của mình “Coi chừng các phiên toà
thẩm tra" - cuốn sách xuýt làm chính ông bị đưa lên giàn hoả - ông viết rằng hễ ai đã
bị đưa ra toà rồi thì coi như chẳng còn hy vọng sống, bởi vì “nếu người đó xấu thì rõ
ràng đó là kẻ có tội, bởi vì tội biến họ ra xấu. Trái lại, nếu người đó được người khác
kính nể thì đó cũng là điềm bất hạnh, vì phù thuỷ thường nấp mình sau bóng dáng
nhân đức. Sợ hay không sợ, tỏ ra bình thản hay hoảng hốt nhìn quanh, quẫn trí, chối
quanh - tất cả đều bất lợi cho kẻ bị truy tố. Người ta triệt hạ tâm trí và thể lý nhằm
biến bị cáo trở thành kẻ tự truy tố mình. Người ta không giúp họ luật sư bào chữa
cũng không cho họ cơ hội tự biện hộ, và nếu có luật sư thì người này cũng chẳng còn
lòng trí nào mà gỡ được mớ tơ vò đó. Bị cáo có được cơ may viết lời giải thích, thì
lại chẳng ai màng đếm xỉa tới điều họ viết. Nếu cứ khăng khăng chối tội, thì lại bị
tống tiếp vào ngục để có dịp tiếp tục suy nghĩ mà hết cứng đầu”.

“Dụ chống phù thuỷ” không quan trọng


Có nhiều nguyên nhân đưa đến cơn loạn phù thuỷ vào đầu thời mới. Người ta vẫn
muốn đơn giản hoá vấn đề bằng cách đổ hết lên đầu Giáo hội hoặc Giáo hoàng
Innoxenxô VIII, người đã viết cái “Dụ chống phù thuỷ” tai tiếng vào năm 1484 và
ảnh hưởng của dụ đó trên các phiên toà thẩm tra thực ra không lớn mạnh như người
ta vẫn nghĩ. Cả bên cải cách cũng không thiếu những người say mê lùng diệt phù
thuỷ.
Trách nhiệm của Giáo hoàng Innôxenxô VIII là đã không “quan tâm tìm hiểu” khi
nghe tin “động trời” (Hammes) về nạn phù thuỷ ở Đức do hai linh mục Đaminh là
Spenger và Institoris đưa tới. Ngài đã coi tin đó như là một chuyện hiển nhiên. Hai
linh mục kia không phải là người sáng tác ra chuyện phù thuỷ, nhưng chính hai ông
đã góp phần quyết định vào cuộc leo thang truy diệt thành phần này.
Biết rằng Innôxenxô VIII là người quyết tâm diệt kẻ rối, hai ông đã cố tình nói tới
một “bè rối lớn mạnh kinh khủng” trong bản báo cáo của mình. Và Giáo hoàng đã
viết trong dụ: “Ta khao khát mong ước đức tin Công giáo được toả rộng ra khắp nơi
và vững mạnh và mọi thứ bè rối phải được tẩy ra khỏi cộng đồng tín hữu. Vì vậy, ta
ủng hộ tất cả những nỗ lực nào làm cho ước muốn của Ta được thực hiện”.
Và dù sau đó Giáo hoàng dùng lại những từ ngữ của hai linh mục đã sử dụng, mong
muốn của ngài cũng chỉ là để sao cho đức tin Công giáo được tuyền vẹn:
“Ta lo lắng khi hay tin ở nhiều vùng miền cao nước Đức cũng như ở các giáo phận
và tỉnh Mainz, Koeln, Trier, Salzburg và Bremen có một số đông đàn ông đàn bà đã
không còn nghĩ tới việc rỗi của mình mà xa lìa đức tin, kết thân với ma quỷ để làm
chuyện đồi bại và dùng những câu thần chú, các loại thề thốt cũng như các phương
thuật phù thuỷ đáng tởm khác của chúng nghĩa là bằng các tội ác giết trẻ con như
giết súc vật sơ sinh, phá hoại hạt giống trên đồng, phá hoại nho trên vườn và hoa trái
trên cây, gây đau đớn khủng khiếp về tinh thần và thể xác cho người và vật, ngăn cản
việc chăn gối vợ chồng cũng như việc thụ thai”.

Friedrich ở Spee lật trang sử mới


Friedrich là một tu sĩ dòng Tên, sống đồng thời với hai tu sĩ Đaminh, nhưng lại có
một quan điểm trái hẳn với hai ông. Ông viết:
“Giàn hoả mọc lên nhan nhản gần như khắp nơi trên nước Đức, thật quả nhục cho đất
nước này. Dù bao nhiêu nhà khoa học và y sĩ đã cố gắng giải thích về nguồn gốc tự
nhiên của các hiện tượng bất thường và các chứng bệnh đó, dân Đức, đặc biệt ở miền
quê, vẫn cứ đổ mọi thứ cho phù thuỷ. Này nước Đức, bà mẹ của quá nhiều phù thuỷ,
hãy coi chừng! Ngươi đã khóc nhiều quá đến nỗi chẳng còn nhìn thấy gì nữa!”
Linh mục Friedrich đất Spee sinh tại Trier năm 1591. Ông làm linh hướng cho những
bị cáo phù thuỷ. Theo ông, không một ai bước lên giàn hoả đã thật sự mang tội phù
thuật. Năm 1631, khi sách “Coi chừng các phiên toà phù thuỷ” của ông xuất hiện, tức
thì các giàn hoả ở Wuerzburg bị dẹp. Các quận công vùng Braun schweig cũng cho
ngưng ngay các vụ hành quyết. Ngay trong năm đó, văn phòng nhà vua cho in lại
cuốn sách và không lâu sau đó sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cho dù sau đó
các vụ hành quyết vẫn xảy ra, cuốn sách của Friedrich đã đưa phong trào thẩm tra
phù thuỷ sang một trang mới.

TRÌNH THUẬT 79

CẢ ĐÀN ÔNG CON NÍT CŨNG BỊ THIÊU VÌ TỘI “PHÙ THUẬT”

Vì “Dụ chống phù thuỷ” của Giáo hoàng Innôxenxô VIII không phân biệt rõ giữa
phù thuỷ thường (Hexenritt) và phù thuỷ có ngủ với quỷ (Teufelsbuhlschaft), nên hai
tu sĩ Đaminh ở Konstanz là Heinrich Institoris và Jacob Sprenger năm 1487 đã viết
một tài liệu mang tên “Hexenhammer” (Maleus maleficarum) để bổ túc thêm. “Tác
phẩm khốn nạn nhất trong nền văn chương thế giới” (Riezler) này một mặt đã làm
phong trào tin phù thuỷ bùng nổ mạnh, mặt khác đã đưa chiến dịch truy diệt trở thành
đẫm máu. Cuốn sách xuất hiện đầu tiên ở Strassburg và tới năm 1669 riêng ở Đức đã
tái bản tới 29 lần. Cũng nhờ việc phát minh kỹ thuật in thời đó mà sách được phổ
biến rộng rãi.

Cũng có phản đối


Tác dụng của “Dụ chống phù thuỷ”, như đã nói trên, đã không hiệu quả như người ta
vẫn nghĩ. Một bằng chứng là thái độ của Giám mục Georg Golser, Giáo phận Brixen.
Giám mục này không tin vào khả năng đúng đắn của dụ - mà thực ra không phải là
một tín điều buộc phải tin - và đã đuổi hai ông đa minh ra khỏi giáo phận, khi hai ông
này kêu gọi bổn đạo lùng bắt và tố cáo phù thuỷ. Giám mục phàn nàn: “Cái ông thầy
dòng làm bực cả mình... khi ông còn thuộc giáo phận, ông coi mình như trẻ con”.
Một thất vọng khác cho hai vị tu sĩ kia là việc tha bổng 7 phụ nữ trong Giáo phận
Brixen. Institoris muốn đưa lên giàn hoả 7 chị em này, nhưng toà đã xét tha, viện lẽ
là họ đã không phạm tội theo tinh thần của dụ giáo hoàng. Institoris nằng nặc đòi
phải xét xem các bị cáo đó có ăn nằm với quỷ không. Chánh án bảo chuyện đó không
liên hệ gì tới nội vụ cả.
Giám mục ở Tirol cũng từ chối chuyện truy lùng phù thuỷ. Tổng Giám mục Giáo
phận Mainz là Johann ở Schoenborn và hoàng hậu Christine ở Thuỵ Điển
(1626/1689) - cô công chúa trở lại đạo Công giáo của Gustav Adolf - cũng không
chấp nhận chuyện bắt xét phù thuỷ trong lãnh địa mình. Cả hai phía Công giáo lẫn
Tin lành cũng như trong mọi thành phần dân chúng đều đã có người chủ trương hoặc
chống lại việc truy diệt phù thuỷ.

Bản thẩm định bị giả mạo


Khi viết “Hexenhammer”, hai tu sĩ đã lập lững tạo cho người đọc cảm tưởng là tài
liệu đã được giáo chủ chuẩn y. Đồng thời, hai ông cũng tìm sự hậu thuẫn của Đại học
Koeln, một cơ quan kiểm duyệt được giáo triều công nhận và là nơi hai ông đã từng
dạy. Nhưng kết luận của đại học cũng chẳng sáng sủa gì. Chỉ có bốn giáo sư kí vào
bản thẩm định, trong đó các giáo sư cho rằng không có gì sai trái về nền tảng thần
học, nhưng về những biện pháp trừng phạt - phần quan trọng nhất của
“Hexenhammer” - thì chỉ có thể áp dụng những điểm “không trái với luật Giáo hội”
mà thôi.
Về sau người ta thấy có chữ kí của 8 giáo sư ủng hộ “Hexenhammer”. Một số chữ ký
là do giả mạo. Năm 1491, Thomas ở Scotia quả quyết là ông “chưa hề ký vào một tài
liệu như thế”. Cả Johann ở Voerde cũng thế, đã công khai phản đối việc mạo chữ kí
của ông. Ông này đã nhờ chưởng khế công chứng cho chữ ký thật của mình.
Nhưng chuyện đã trễ. Vì nhờ bản thẩm định của Đại học Koeln đó, “Hexenhammer”
trở nên có giá trị như một hình luật đặc biệt. Đại học Koeln đã “trả thù” vị cựu giáo
sư Sprenger của mình bằng cách khi ông này mất, đại học đã không làm lễ cầu hồn
cho ông. Cả chữ ký của ông Viện trưởng trên bản thẩm định cũng là giả mạo.

Niềm tin xưa của dân đức


Cũng như dân Hylạp, người Đức tin thiên nhiên chứa đầy các loại “ma quái thần
thánh” như phù thuỷ, ma cà rồng, tiên, ma ăn người, người sói, thuỷ thần, người lùn,
người khổng lồ... Phù thuỷ là người mà họ tin rằng có khả năng làm hại người, súc
vật và hoa trái. Sở dĩ có được khả năng phù thuật đó là vì phù thuỷ có giao tiếp với
quỉ. Phía Giáo hội thì vẫn nhắc nhở là không có “phù thuỷ”. Chẳng hạn như trong
một bài giảng vào thế kỷ thứ 8: “Nhiều người tin có phù thuỷ và nói rằng chúng ăn
thịt con nít, bò, ngựa và làm bao nhiêu điều xấu khác. Không nên tin chuyện đó, vì
nó trái với trí khôn con người... Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có những thứ đó,
đấy chỉ là luận điệu của quỷ qua miệng lưỡi người ô uế”.
Chữ “phù thuỷ” bắt nguồn từ tiếng đức cổ “Hagazussa” (con mụ cưỡi hàng rào), từ
này có lẽ thuộc loại cấm kỵ. Thoạt tiên, dân Alêman (Đức) và Burgogne gọi họ là
“những bà lượm cỏ”. Đây có lẽ là từ ngữ nói lên được nguồn gốc của niềm tin kia.
Theo đó, “phù thuỷ” nguyên thuỷ là những người đàn bà biết công dụng của các loại
cỏ lành, cỏ độc và biết cách sử dụng chúng. Nhờ tài chữa trị lạ lùng đó mà họ bị quần
chúng dần coi là những người bí mật và nguy hiểm. Dĩ nhiên quần chúng đã không
hiểu được cái “bí mật” kia, mà cứ nghĩ rằng vì sẵn sàng để cho quỷ thoả mãn tình
dục nên các bà mới được chúng trao cho quyền năng hiểu biết khác thường. Như vậy,
chuyện phù thuỷ giờ đây lại có thêm yếu tố dục tính. Người ta giải thích, phù thuỷ
đàn bà thì ngủ với quỷ ông (Incubus); còn phù thuỷ đàn ông thì lại ngủ với quỷ bà
(Succubus). Trong thời cổ, người ta tin thần thánh ma quỷ có thể ngủ với người. Vì
thế, thần của Hylạp vẫn giao cấu với người, và dân Hung nô bị người Goten coi là
sản phẩm tình dục giữa quỷ và các mụ đàn bà dở hơi.
Lý do quyết định cho cuộc leo thang lùng diệt phù thuỷ là sự lớn mạnh của tiến trình
gán tội cho các “bà lượm cỏ” kia, rồi từ đó họ bị đồng hoá luôn với mọi nguyên nhân
tật bệnh, dịch hoạ và chết chóc. Một yếu tố khác thêm vào nữa là càng ngày người ta
càng thêu dệt thêm rằng phù thuỷ có thể biến dạng thành thú vật (mèo), có khả năng
đi xuyên qua cửa đóng kín, bay trên không, giết người không cần khí giới.

Tâm bệnh thù ghét phái nữ


Thêm một lý do nữa đưa tới việc loạn tin phù thuỷ trong thế kỷ 17 là tâm bệnh thù
ghét phái nữ. Nhà giảng thuyết Beermann cũng là một trong những khuôn mặt đã tạo
nên chuyện khinh thường nữ giới, khi ông viết:
“Sở dĩ lúc này người ta đốt nhiều phù thuỷ, một phần không nhỏ là vì có vô số người
viết về sự hư đốn khôn lường của đám đàn bà và thầm coi họ rặt toàn là thứ xấu xa,
thâm độc và mang tâm địa quỉ ma, và họ hân hoan cho hay lượng đàn bà bị đốt vì tội
ma thuật và phù thuỷ nhiều hơn đàn ông, bởi vì đàn ông mang bản chất tốt hơn và
không độc địa, mưu mô và giảo quyệt (bằng đàn bà). Đọc những điều đó, dân chúng
càng cay ghét phụ nữ, và khi thấy các bà bị mang lên giàn hoả, họ nói: thật đáng đời
cho bọn quỉ sứ nham hiểm và độc ác”.
Như đã nói trên, không phải chỉ có phụ nữ bị giết vì tội “phù thuỷ”, mà đàn ông con
nít cũng bị kết những tội đó. Bá tước Georg đất Darmstatt viết vào năm 1582 như
sau: “Vì chúng tôi đã thanh toán gần như hết đám già nên giờ đây tới lượt đám trẻ”.
Danh sách tử tội dưới đây ở Wuerzburg cho thấy đủ hạng người thuộc mọi giai tầng,
độ tuổi, phái tính:
“Thẩm phán toà Eichstaett và con gái, viên quản trị hội đồng, một bé trai giúp việc
không rõ xuất xứ 12 tuổi, ông biện lý, anh công dân mập nhất tỉnh Wuerzburg, một
bé gái giúp việc 9 tuổi và em gái nó, mẹ của hai em này, bà xã trưởng, hai bé trai
dòng quý tộc, cô hoa khôi tỉnh Wuerzburg, một sinh viên biết nói nhiều thứ tiếng và
là một nhạc sĩ xuất sắc, ông trưởng bệnh xá học rộng biết nhiều, hai con trai nhỏ, cô
chị và bà vợ của ông hội đồng tỉnh, ba giáo sĩ nhà thờ chính toà, 14 phó xứ nhà thờ
chính toà, một bé gái mù, bà quý tộc mập, một linh mục, một y sĩ”.

Từ thẩm tra lạc giáo tới thẩm tra phù thuỷ


Trong thời Trung Cổ, toà thẩm tra Giáo Hội kết án các “phù thuỷ” dựa trên khía cạnh
lạc giáo, chứ không phải vì tội phù thuật được gán ghép. Lý do cũng giống như nội
dung dưới đây của một trí thức ở Koeln đã viết:
“Nếu phù thuật, điều xấu xa hơn cả việc thờ ngẫu tượng, điều đáng nguyền hơn cả tội
lạc giáo hay bọn hồi ngoại đạo, mà thắng cuộc, thì nhà nước và xã hội dân sự sẽ sụp
đổ hoàn toàn, sự dữ sẽ lên ngôi bá chủ và dân thánh chỉ còn nước thất thểu ăn xin...
Chiến tranh và nổi loạn sẽ làm tan hoang kẻ giàu, bạn hữu và hàng xóm sẽ đánh
nhau, trẻ con sẽ nổi lên chống lại người già và người hiểu biết, nông dân tấn công
quý tộc, thời buổi chống phá đạo tới kề. Vì thế, cả hoàn vũ phải hợp sức để tiêu diệt
phù thuỷ...”.
Thấy toà án chẳng phân biệt giữa hai tội phù thuỷ và lạc giáo, giáo sĩ Institoris và
Sprenger tìm cách tách rời chúng. Họ yêu cầu phải kết án cả tội phù thuỷ nữa, chứ
không chỉ lạc giáo mà thôi. Bộ hình luật mới do hoàng đế Karl V ra năm 1532 đã đáp
ứng yêu cầu này. Theo bản “hình luật đáng buồn” đó hoàng đế xếp phù thuật vào tội
ác hình sự và cho phép sử dụng các biện pháp tra tấn. Không lâu sau (1572), vị
vương công Tin lành August đất Sachsen cũng ra án tử đối với những ai có liên hệ
với quỉ, mà chẳng cần phải chứng minh là họ đã gây thiệt hại cho vật hay người
khác. Người “phù thuỷ” cuối cùng bị thiêu năm 1782 ở Glarus (Thuỵ Sĩ). Cô tên là
Anna Goeldi.

TRÌNH THUẬT 80-81

TRÌNH THUẬT 80

“VỤ GALILÊ”

“Tôi, Galilê, con của Vinzenzo Galileo ở Firenze, 70 tuổi, xin quỳ gối trước quý ngài
thẩm tra của thế giới Kitô giáo, những thẩm phán xét xử kẻ rối đạo”. Bằng những lời
đó, Galilê đã rút lại luận thuyết của mình vào ngày 22-6-1633. Rồi, tay đặt tay trên
Sách Thánh, ông tiếp:
“Tôi thề trước Phúc Âm là, với sự trợ lực của Chúa, tôi đã tin và còn đang tin vào
những gì Giáo hội thánh và tông truyền giảng dạy và coi là đúng.
Tôi bị luận tội rối đạo vì đã chủ trương và tin rằng mặt trời đứng một chỗ và là trung
tâm của vũ trụ, chứ không phải là trái đất đứng yên và là trung tâm...
Tôi thành tâm thề hứa từ bỏ mọi lầm lẫn và rối đạo.
Tôi hứa từ nay không loan truyền bằng lời nói hay chữ viết những gì có thể làm cho
tôi bị nghi ngờ về những tội như thế”.
Galilê lúc đó đã không dậm chân trên nền nhà và đã không nói câu “Eppur si muove”
(“Nhưng mà nó (quả đất) vẫn xoay!”), như truyền thuyết vẫn đồn. Trái lại, theo một
trình thuật có thật, ông đã rời phòng án “hoàn toàn rã rời, đầu nặng trĩu và không còn
nhuệ khí”. Galilê cuối cùng đã bị toà thẩm tra kết tội.

“... kết án vì lầm lẫn”


Trước đây, người ta coi “vụ Galilê” là một “tai tiếng lớn nhất” của lịch sử Giáo hội
và là một “tai hoạ”, vì Giáo Hội đã tạo ra một vong thân giữa khoa học và tôn giáo
qua việc kết án sai trái một nhà khoa học. Galilê được trưng dẫn như một vị “tử đạo”
của khoa học tự nhiên hiện đại, như một “nhân chứng cho thấy gọng kìm tăm tối trí
tuệ của thời giáo hoàng Trung Cổ”.
Ngày nay, các nhà khoa học tự nhiên danh tiếng không nghĩ như thế. Họ cho rằng
Giáo Hội trước đây có lầm lẫn thật, nhưng “vụ Galilê” nay chỉ còn là chuyện của một
số sử gia có tiếng nữa mà thôi (Heisenberg). Có một số người bảo rằng không thể
gán chữ “mặc cảm Galilê” cho Giáo Hội, vì thời đó cả hai phía đều xử sự sai (Golo
Mann). Cũng theo Golo Mann, vụ án Galilê đã chìm sâu vào quá khứ rồi, không nên
đưa ra tranh cãi làm gì nữa. Ngày 27-4-1978, trên Đài Truyền hình Áo, giáo sư tiến sĩ
Weizaecker cho rằng Galilê chỉ bị kết án vì “một lầm lẫn” mà thôi. Giáo sư giải
thích: “Người ta đã kết án chuyện mà ông đã nghĩ đúng. Với một chút tưởng tượng
và nhìn xa có lẽ người ta có thể nhận ra rằng có một đường chỉ thằng băng từ Galilê
dẫn tới bom nguyên tử”.

Khởi đầu từ trò chơi của một thợ mài kính


Vào một ngày tháng 10-1608, anh thợ mài kính Hà Lan Jan Lippershey đã mài chơi
một cặp kính thường thành một kính nhìn xa (kính viễn vọng) có sức phóng gấp chín
lần thường. Ông giáo sư toán Galilê ở Ý nghe chuyện, cũng có ý muốn chế cho mình
một kính như thế. Ngày 7-2, Galilê gắn kính nhìn lên bầu trời lần đầu tiên. Trước hết,
ông quan sát mặt trăng và rất đỗi ngạc nhiên khám phá ra rằng có 4 mặt trăng quay
chung quanh mộc tinh (Jupiter) - [Mặt trăng thứ năm của mộc tinh được khám phá
vào năm 1892].
Galilê báo tin cho vị lãnh đạo Vương quốc mình là đại quận công Cosimo II ở
Firenze: “Càng thoả mãn ngạc nhiên bao nhiêu tôi càng đội ơn Chúa bấy nhiêu vì
Ngài đã cho một mình tôi là người đầu tiên khám phá ra những sự lạ được dấu kín từ
hằng bao nhiêu thế kỷ nay”.
Năm 1601, Cosimo II cho mời nhà nghiên cứu, lúc đó mới 46 tuổi, về làm giáo sư
toán trong cung mình. Ở Firenze, Galilê khám phá ra kim tinh (Venus) quay chung
quanh mặt trời và ghi lại hiểu biết của mình ra một tập sách nhỏ, nhưng không ghi
những quan sát và bình luận.
Năm 1611, Galilê dùng xe cáng của quận công sang Rôma. Giáo hoàng Phaolô V
khen ngợi và hân hạnh tiếp đón ông. Sau khi được giáo sĩ dòng Tên Christoph
Clavius xác nhận sự đúng đắn của các khám phá mình, Galilê trở về Firenze với quà
tặng chất đầy xe.

Giả thuyết hay dữ kiện?


Giả như Galilê đã không bước sang lĩnh vực thần học đề “chứng minh” lý thuyết của
mình, thì quan hệ giữa ông và Giáo Hội đã không có vấn đề. Lập luận của ông về sự
xoay vòng của quả đất quanh mặt trời ngay từ đầu đã không bị giáo quyền chống.
Trước đó gần một thế kỷ (1543), lập luận này cũng đã được Linh mục Nhà thờ Chính
toà Frauenburg là Nikolaus Kopernikus giảng dạy trong đại học mà Giáo Hội đã
không đặt vấn đề. Và ngay Kopernikus cũng không phải là người đầu tiên, nhưng là
triết gia Hylạp Aristarch ở Samos, đã đưa ra lý thuyết đó.
Kopernikus dùng toán học để chứng minh lý thuyết mặt trời trung tâm của mình
trong cuốn sách “Về sự xoay vòng của các thiên thể” viết năm 1543 ở Nuernberg. Và
ông đã muốn đề tặng cuốn sách cho Giáo hoàng Phaolô III. Nhưng trong bản in, thay
vì đề tặng giáo hoàng, ông đã in lời dẫn nhập của một người theo phái Luther là
Adreas Osiander và ông này đã giới thiệu đây mới chỉ là một giả thuyết. Osiander đã
khôn khéo, bởi vì nếu chỉ là “giả thuyết” thì ngay cả dưới thời Galilê, Giáo Hội cũng
không kết án. Nhưng Ga li lê trái lại đã xác quyết lí thuyết của mình như là một thực
tại đã được chứng minh, mặc dù phải đợi tới nhà khoa học tự nhiên Isaac Newton sự
chuyển động của các tinh tú mới được giải thích rõ ràng nhờ việc khám phá ra các
định luật về trọng lực. Tiếc rằng Newton đã sinh ra 10 năm sau (1643) khi Ga li lê bị
kết án.

Phản ứng dễ hiểu của Giáo Hội


Một thiếu sót khác của Galilê là thiếu kiên nhẫn, không để cho Giáo Hội có đủ thì
giờ để từ giã một quan điểm đã thành nếp cả ngàn năm. Giáo Hội đã không muốn bỏ
cái nhìn về vũ trụ có nền tảng trong Sách Thánh của mình, bao lâu quan niệm mới
chưa hoàn toàn được minh chứng rõ ràng.
Galilê cũng thiếu khôn ngoan khi đưa Sách Thánh vào các tranh luận khoa học tự
nhiên. Các nhà thần học Thánh Kinh đã nổi giận, khi Galilê quả quyết chỉ nhà khoa
học tự nhiên mới có thể diễn dịch đúng một số phát biểu của Sách Thánh (nghĩa là
Sách Thánh phải phù hợp với dữ kiện khoa học - Người dịch). Điểm này ngày nay ai
cũng phải công nhận ông có lý. Nhưng thời đó việc giải thích Sách Thánh được quan
niệm là độc quyền của các nhà thần học, nên người ta đã không muốn để cho một
giáo dân có ý kiến trong lĩnh vực này. Phải chăng trước đây Pierre Valdès, một anh
thương gia, cũng vì nhân danh Sách Thánh mà đã tạo nên một lạc phái chống lại
Giáo Hội?

Lẽ ra quả đất phải ngừng quay


“Vụ Galilê” liên quan với một đoạn trong sách Giosuê nói về chuyện Chúa truyền
mặt trời ngừng quay để kéo ngày dài ra. Galilê lập luận ngược lại là mặt trời vốn
đứng yên, làm sao bắt nó ngưng được. Lẽ ra quả đất phải đứng yên mới phải. Lúc đó,
Galilê viết cho học trò cũ của mình là tu sĩ biển đức Benedetto Castelli: “Trước hết
tôi đồng ý với anh là Sách Thánh không bao giờ nói dối hoặc lầm lẫn... Sách Thánh
không lầm nhưng việc giải thích nó đôi chỗ có thể lầm. Lầm lẫn tai hại nhất là bám
vào từng chữ từng câu mà giải thích. Làm như thế là người ta thêm tay thêm chân
thêm mắt cho Chúa, đổ cho Ngài những tình cảm như bực bội, hối hận hoặc thù hận
của mình”. Ngày nay nhìn lại, ta thấy Galilê điểm này quả đúng. Nhưng ta cũng phải
nghĩ thêm là môn học Sách Thánh thời đó còn ở trong giai đoạn khá non nớt. Và với
tâm thức coi giáo huấn Giáo Hội là tuyệt đối “không sai lầm” thì làm sao người ta có
thể một sáng một chiều bỏ được một lối nghĩ đã thành nếp!

Phiên toà đầu diễn ra trong ôn hoà


Đối thủ đầu tiên là Linh mục Đaminh Tommaso Caccini. Ông này nộp sách của
Galilê cho bộ tín lý và yêu cầu luận tội. Phiên toà đầu tiên mở năm 1616 và Galilê đã
tự bênh vực một cách hùng hồn khi người ta quy cho ông tội chống lại Sách Thánh.
Chỉ khi phiên toà mở ra người ta mới đưa sách của Kopernikus (“Về sự chuyển động
của các thiên thể”) vào “Danh mục sách cấm” và tuyên bố rằng vũ trụ quan của các
triết gia Aristôt và Ptolemaeus (quả đất đứng yên) vẫn tiếp tục có giá trị và rằng từ
nay quan điểm mới (mặt trời đứng yên) bao lâu còn là một giả thuyết bấy lâu vẫn
được tiếp tục giảng dạy. Không những toà thẩm tra Công giáo, mà cả phía Tin lành
lúc đó cũng kết án Galilê, vì họ cũng nghĩ như vậy là trái với mạc khải Sách Thánh.
Án quyết của toà thẩm tra đã được hồng y Ballarmin trực tiếp thông báo riêng - để
tránh tự ái - cho Galilê. Toà cấm ông từ nay không được giảng dạy hay bênh vực
công khai thuyết của ông ở đại học. Galilê hứa giữ lời.

TRÌNH THUẬT 81

“VỤ GALILÊ” VÀ NHỮNG UẨN KHÚC

Năm 1623, đồng hương và là bạn của Galilê là Malfeo Barberini, 55 tuổi, ở Firenze
được bầu làm giáo hoàng, với hiệu là Urbanô VIII. Urbanô VIII có sức khoẻ phi
thường. Sức khoẻ đó đã giúp ngài lướt được bệnh sốt rét trong lúc ít nhất tám vị hồng
y đã chết vì nó. Bệnh sốt rét này các vị đã nhiễm phải trong thời gian họp mật viện để
bầu giáo hoàng. Urbanô VIII chả mấy khi triệu tập đoàn hồng y, vì vẫn cho rằng
mình thông thái hơn tất cả những vị đó hợp lại. Ngài cũng chẳng nghĩ ngợi gì trong
việc cho phép người ta tạc tượng mình dựng ở Kapitol. Khi được nhắc nhở rằng theo
một dụ năm 1590 thì chỉ sau khi giáo hoàng mất người ta mới quyết định xem có nên
tạc tượng hay không, ngài bảo dụ đó không ăn nhập gì đối với ông cả.
Galilê đặt tất cả hy vọng vào Urbanô và đề tặng ngài cuốn sách mới “Cái cân vàng”
của mình. Sách được Giáo hoàng khen và được uỷ ban kiểm duyệt cho phép in. Thế
là có một giáo chủ xem ra muốn tin "Quả đất quay" (Frank). Chính Urbanô VIII một
lần đã nói với Linh mục Đaminh Campanella: “Nếu mà là Ta thì đã không có vụ xử
năm 1616”. Cũng chính Urbanô VIII trong một tông thư ngắn đã mô tả Galilê là một
nhân vật “vinh quang toả tận trời và xuyên thấu địa cầu”.
Galilê vội vã tới Rôma và được Giáo hoàng tiếp chuyện riêng tới 6 lần. Dù vậy, cuối
cùng Giáo hoàng đã tuyên bố không chấp nhận lí thuyết mới đó vì còn thiếu chứng
cứ. Và rằng ngài chối từ nó trong tư cách một nhà khoa học chứ không phải là một
giáo hoàng.

Galilê không nản chí


Năm 1629, Galilê hoàn thành tác phẩm “Nói chuyện về hai hệ thống thế giới lớn”,
trong đó một lần nữa ông trình bày tóm tắt những kiến thức của mình. Năm sau, ông
trở lại Rôma để xin uỷ ban kiểm duyệt cho phép in. Urbanô VIII thân mật yêu cầu
ông nên trình bày hệ thống vũ trụ của Kopernikus như là một giả thuyết thuần tuý
toán học chứ không phải triết học. Và nếu ông chấp nhận đề nghị đó thì sẽ chẳng ai
cản trở việc in ấn.
Galilê sửa lại một số chỗ không quan trọng và thêm: “Dĩ nhiên Chúa cũng có thể tạo
thế giới khác hơn khả năng hiểu biết của con người. Quyền năng của Ngài cũng có
thể làm chuyện mà trí hiểu con người cho là hoàn toàn vô lý”. Câu cuối này đã như
một nhát đao bổ xuống Giáo hoàng và uỷ ban. Họ cho rằng ông vẫn bám vào thế giới
“vô lý” của mình. Galilê cũng gọi những đối thủ mình là những “người lùn trí tuệ”,
những “thụ tạo vật dở”. Điều này dĩ nhiên càng làm tăng mối nghi kỵ sẵn có giữa hai
phía.
Kết án
Vì Rôma chần chờ mãi không trả lời đơn xin in, uỷ ban kiểm duyệt ở Firenze cho
phép in. Tác phẩm xuất hiện năm 1632. Rôma phản đối và cấm bán. Những người
chống Gali lê đã vận động được Giáo hoàng theo họ, cho triệu Galilê về Rôma để
hạch tội đã không thi hành lệnh cấm năm 1616.
Galilê tới Rôma ngày 20-1-1633 và ngày 12-4 ra trước toà thẩm tra. Ngày 22-6-1633,
toà kết ông tội rối đạo. Galilê thề từ bỏ lý thuyết của mình và sách ông bị cấm. Qua
sự can thiệp của một người nào đó - Giáo hoàng? - bản án tù chung thân được đổi
thành quản thúc tại gia ở Acetri gần Firenze. Trước khi về đó sống hết phần đời còn
lại, Galilê đáp lời mời tới dinh của một học trò cũ là Tổng Giám mục Giáo phận
Siena ở chơi cho tới cuối năm.
Ở Acetri, Galilê vẫn được tiếp khách và viết thư, nhưng không còn được tiếp tục dạy
học. Dù bị quản thúc, ông vẫn được tới thăm con gái mình là một nữ tu trong một tu
viện gần đó. Toà thẩm tra bắt nữ tu này mỗi ngày phải đọc một ca vịnh để đền tội cho
cha và phải đọc trong 3 năm liền. Năm 1637, Galilê bị mù, sau khi bất tuân lệnh cấm
ra thêm một cuốn sách nữa. Ông mất năm 1642, lúc 78 tuổi. Mãi tới năm 1835 các
sách ông mới được xoá khỏi danh mục sách cấm.
Theo nhà giáo sử H. Jedin, lầm lẫn quan trọng nhất của Galilê là “đã tự ôm vào mình
việc giải quyết những mâu thuẫn giữa tri thức khoa học của mình và mạc khải Sách
Thánh, thay vì để cho các nhà thần học giải quyết”. Dù vậy, Galilê đã đi trên con
đường đúng, khi ông chỉ cho thấy tính cách vượt văn hoá của Sách Thánh và cho
rằng đức tin không bị trói buộc bởi một nền văn hoá nhất định nào. Galilê đã không
thách đố đức tin, ông chỉ thách đố một nền văn hoá.

Những gì cần tìm hiểu thêm đàng sau vụ án


Thời Trung Cổ không có một làn ranh giữa tôn giáo và chính trị cũng như giữa tôn
giáo và khoa học. Chỉ lúc bước vào thời mới với phong trào tục/đời hoá thì tôn giáo
mới hết toả trùm các lĩnh vực đời sống.
Tiến trình đời hoá cuộc sống chính trị bắt nguồn từ tư tưởng của Marsilius Padua và
của William Ockham, khi họ hô hào ông hoàng Ludwig đất Bayern chống lại Giáo
hoàng Gioan XXII. Một trong những cao điểm của tiến trình đó được thấy qua “Dụ
vàng” của hoàng đế Karl IV (1356) dành lại quyền bầu vua nước Đức cho các vương
công[1] Đức. Tiếp đó là việc hình thành chủ nghĩa quân chủ chuyên chế. Chủ nghĩa
này xé nền thống nhất của một “Tây phương” thời Trung Cổ ra thành nhiều quốc gia
dân tộc nhỏ khiến giáo hoàng không còn tạo được ảnh hưởng trên các nước này nữa.
Cũng trong bối cảnh đó thoả ước “Hoà bình tôn giáo Augsburg” tại Đức được ký mà
chẳng cần ý kiến của giáo hoàng gì cả, cũng như Ferdinand I người Áo được đội mũ
hoàng đế nước Đức mặc những phản đối của giáo hoàng. Cuối cùng, hoàng đế dòng
họ Habsburg của Đức, “Vua Kitô hữu trên hết các Kitô hữu” (rex christianissimus)
của Pháp, “Vua Công giáo” (rex catholicus) của Tây Ban Nha nắm được cả quyền
phủ quyết trong việc bầu giáo hoàng, họ có thể loại trừ ứng viên nào không ưa đối
với họ. Hoàng đế Franz Joseph là người sử dụng quyền phủ quyết đó lần cuối vào
năm 1903. Giáo hoàng Piô X cuối cùng đã xoá bỏ quyền này. Quyền uy chính trị của
giáo hoàng chấm dứt hẳn từ đó; thế giới đã “trưởng thành”. Từ thế kỷ 17 trở đi, diễn
biến lịch sử nằm trong tay các nhà chính trị chứ không còn trong tay giáo hoàng nữa.
Đó là một thử thách nặng nề nhất cho ngai giáo hoàng, cho đến khi các vị này ý thức
được đâu là sứ mệnh đích thực của mình và chuyển từ tâm thức cầm quyền thế gian
sang làm kẻ dẫn đường thế gian về mặt đạo lý.
Kể từ sau “vụ Galilê" ngành khoa học tự nhiên tách hẳn khỏi mọi “đỡ đầu” của Giáo
Hội và đi theo con đường riêng của mình, mặc dù các nhà khoa học đầu tiên đó là
những người của Giáo Hội và là những kẻ đã lập nền tảng cho khoa học tự nhiên ở
Âu châu. Chính Giáo Hội đã dọn đường cho họ vào lĩnh vực này, khi Giáo Hội lột
hết chất huyền thoại của thế giới quan Hylạp. Giáo Hội đã phủ nhận niềm tin của
người Hylạp vào ảnh hưởng của các thiên thể trên con người, đã xoá bỏ niềm tin của
họ vào một sự “tái sinh đời đời” và đã vượt thắng được giáo huấn “tất cả đều đầy
thần linh” của Thales (người Hylạp); cũng vì chống lại niềm tin này mà người ta gọi
những Kitô hữu đầu tiên là những kẻ “vô thần”.

Một đồng hoá thiếu khôn ngoan


Nhưng đối với Kitô hữu, thế giới vẫn là do Chúa tạo dựng, do Ngài điều khiển và lệ
thuộc vào Ngài. Vì vậy nó vẫn phải được diễn dịch theo cái nhìn của Giáo Hội. Và
nhiệm vụ của toà thẩm tra là canh chừng không để ai vượt ra ngoài khuôn khổ suy tư
đó. Sở dĩ xảy ra vụ Galilê là vì Giáo Hội, cho dù đã thoát được ra khỏi thế giới huyền
hoặc của người Hylạp, vẫn còn bám vào những cái được coi là “thực tại” không kém
mang tính tuỳ thuộc văn hoá. Đó là những “thực tại” như mặt trời xoay quanh quả
đất, Chúa dựng nên tạo vật trong vòng 6 ngày, chính Chúa trực tiếp tạo nên mọi loài
và “thở hơi” cho loài người, bệnh là do quỉ ma gây nên, sao băng là những hiện
tượng kỳ lạ do Chúa làm nên.
Lầm lẫn của Giáo Hội thời đó là đã đồng hoá cái vũ trụ quan đương thời vào đức tin
Kitô giáo. Với hậu quả là hễ ai bước ra khỏi vũ trụ quan đó thì bị kết tội rối đạo. Giả
như Galilê đã thành công bứng sự đồng hoá kia ra khỏi đức tin Kitô giáo thì có lẽ đã
chẳng xảy ra chủ nghĩa tục hoá, một chủ nghĩa cuối cùng đã chống lại Giáo Hội và
tôn giáo và kết thúc trong chủ nghĩa duy vật. Giáo Hội, với cái biết hạn chế thời đó,
đã “kết án” những kiến thức khoa học đúng đắn thế nào, thì ngày nay chủ nghĩa duy
vật cũng chối từ Thiên chúa như vậy. Trước đây, Giáo Hội đã vượt quá quyền hạn
mình khi phủ nhận tất cả những gì xem ra nghịch với Sách Thánh. Ngày nay, chủ
nghĩa duy vật cũng vượt khỏi quyền hạn nó khi phủ nhận sự hiện hữu của Thiên
chúa, bởi lẽ theo nó sự hiện hữu này không chứng minh được bằng toán học, vật lý
hay hoá học.

TRÌNH THUẬT 82-83

RÌNH THUẬT 82

NĂM 1683, QUÂN HỒI GIÁO BỊ CHẶN ĐỨNG HOÀN TOÀN Ở WIEN

Một chuỗi thành luỹ kiên cố từ Belgrad tới Wien vẫn không cản được bước tiến của
quân Thổ Nhĩ Kì Hồi giáo. Đạo quân này đã tránh các đồn luỹ đó và tiến tới Wien
sớm hơn dự tính. Dân Wien hoảng hốt. Chuông của quân Hồi vang lên sáng chiều.
Từng đoàn người ty nạn từ các vùng phụ cận đổ xô vào thành phố. Hoàng đế
Leopold I một mặt trấn an dân chúng rồi bỏ đi săn vào ngày mồng 3 và 6-7-1683,
mặt khác đồng thời cho di chuyển kho tàng quốc gia khỏi thành phố và trưng thu
ngựa xe chuẩn bị cho hoàng gia chạy trốn.
Wien đứng trước một thử thách sống còn như chưa từng thấy trong lịch sử. Cũng như
lần trước, vào năm 1529, chính thành phố này sẽ quyết định Âu châu sẽ còn tiếp tục
là Kitô giáo hay sẽ trở thành Hồi giáo.

Cả phía tây cũng bị đe doạ


Nửa thế kỷ dài quân Hồi không động binh, cho đến khi ở Mũi Vàng (Istanbul) xuất
hiện một lãnh tụ đầy tham vọng. Ông này tập trung một đạo quân 200.000 người và
tiến vào Âu châu. Năm 1664, quân hoàng đế đã thắng quân hồi ở Mogersdorf, nay
thuộc vùng Burgenland. Nhưng để được yên khỏi bị tiếp tục quấy phá ở mặt đông
này, hoàng đế đã phải trả cho quân Thổ 200.000 đồng taler để mua đình chiến. Ông
phải hành động như thế để dồn lực đối phó với mối đe doạ từ “Vua mặt trời” của
Pháp là Louis XIV ở mặt tây. Khi Louis XIV ngang nhiên chiếm Strassburg, lãnh thổ
của nhà Habsburg vào năm 1681 và đem quân vào Hà Lan, Leopold muốn triển hạn
thêm cuộc đình chiến với Thổ, nhưng không thành.
Thời đó, người ta đồn rằng Louis XIV, vị vua “Kitô hữu trên hết các Kitô hữu” của
Pháp, đã xúi quân Thổ tấn công Wien. Điều này cho tới nay vẫn chưa có được lý
chứng rõ ràng. Nhưng có điều không thể chối cãi là Louis rất đỗi vui mừng khi thấy
quân Hồi đe doạ Wien. Ngoài ra, lịch sử cũng cho hay quan hệ giữa Pháp và Thổ thời
đó khá mật thiết. Và Louis cũng đã thành công xúi một số ông hoàng nước Đức bỏ
mặc hoàng đế Đức trong cơn hoạn nạn, mà lẽ ra các ông này có nhiệm vụ phải giúp
hoàng đế.

Quân Thổ trước cửa thành Wien


Sau khi chiếm xong một phần Ba Lan và Hung, quân Thổ xuất hiện trước cửa thành
Wien vào giữa tháng bảy 1683. Không lâu trước đó, Hoàng đế đã cùng bà vợ mang
thai gần tới ngày sinh, con cái và cả hoàng gia đã rời thành trốn về Passau (Đức).
Ông và đoàn tháp tùng được Giám mục Passau vui vẻ đón tiếp. Nhiều dân thành
cũng bỏ chạy theo Hoàng đế. Rồi người ta đốt sạch các làng mạc và trang trại chung
quanh thành. Khoá chặt cửa thành, dựng chướng ngại vật. Wien hoàn toàn cắt đứt với
thế giới bên ngoài, phập phồng trong khắc khoải chờ đợi. Ai cũng biết một khi rơi
vào tay quân Thổ thì hẳn số phận họ sẽ ra sao. Cảnh tượng ở Perchtoldsdorf gần
Wien còn rành rành ra đó: Khi quân Hồi đã đốt thành, vị lãnh tụ của họ ngồi trên tấm
thảm đỏ trước cửa nhà thờ, nơi dân thành ẩn trốn; ông ta bắt phải có một trinh nữ tóc
vàng đưa chìa khoá nhà thờ cho y. Khi con của vị trưởng thành, một cô gái 17 tuổi,
trao chìa khoá, y liền đâm em chết ngay và ra lệnh giết tất cả 3.500 đàn ông trong
nhà thờ, còn đàn bà con nít thì bắt đưa về Istanbul bán làm nô lệ. Một người sống sót
duy nhất nhờ trốn dưới giếng nhà thờ đã kể lại chuyện trên. Và nghe đâu, sau 15
năm, một phụ nữ đã trở về lại được chốn xưa, lưỡi và tai của bà đã bị cắt.

Bá tước Starhemberg chỉ huy việc giữ thành


Bá tước Ruediger đất Starhemberg chỉ huy việc giữ thành. Từ cửa sổ tháp Nhà thờ
Stephan nhìn ra, ông thấy đâu đâu chung quanh thành cũng đen kịt quân Thổ với
những tấm lều vĩ đại xen lẫn với ngựa, lạc đà và voi. Lều của đại lãnh tụ Kara
Mustapha được dựng bằng lụa màu lam, vàng và bạc có dát ngọc và đá quý. Chung
quanh lều có hồ tắm và giếng nước. Đấy là những chi tiết biết được sau khi quân Thổ
rút chạy và bỏ lại.
Tường thành Wien không còn tốt. Một số đoạn của nó được xây nhờ số tiền chuộc
của vua Anh là Richard Loewenherz. Dân thành tu sửa thêm, dựng thêm đà chống,
lấy đi sườn gỗ trên mái để tránh cháy. Thuốc nổ đưa vào chất trong nhà thờ. Người ta
đặt trống và đậu khô trong các hầm dưới chân thành để kịp thời phát hiện du kích
địch bò vào chân thành để gài mìn. Trong thành, ba đội sinh viên đại học cùng với vị
viện trưởng tổ chức những cuộc đột kích ra ngoài vào ban đêm để bắt tù binh hoặc
đánh cắp thú vật mang vào cung cấp cho dân thành. Khi chuông nhà thờ chính toà
đổ, ai nấy phải về chỗ thủ của mình.

Giám mục Kollonitsch chăm sóc người bị thương


Giám mục Wien đã bỏ trốn cùng với Hoàng đế. Nhưng giám mục của Wien Neustadt
là bá tước Leopold Kollonitsch chấp nhận ở lại. Cuộc bảo vệ thành Wien năm 1683
không những gắn liền với tên Starhemberg, mà còn cả tên Kollonitsch. Ông nội
Kollonitsch đã chiến đấu với quân Thổ. Chính ông cũng đã đánh với quân Hồi ở
Malta lúc còn là một hiệp sĩ dòng Malteser. Ông tổ chức việc chăm sóc người bệnh
và các chiến sĩ bị thương trong thành, chạy tiền để trả lương quân sĩ, hô hào đào hào,
uỷ lạo dân thành. Sau khi thành được giải phóng, ông tập trung chăm sóc các trẻ mồ
côi. Sau hai tháng bị vây hãm, tình hình trong thành càng lúc càng trở nên vô vọng.
Đạn pháo địch rót vào suốt ngày đêm. Dù đề phòng kỹ, nhiều đám cháy cũng đã xảy
ra và tường có nhiều chỗ bị phá thủng một cách nguy hiểm. Thêm vào đó, dịch bệnh
phát sinh làm nhiều người chết, trong số đó có cả thị trưởng Andreas Liebenberg,
viện trưởng đại học và ông kỹ sư trưởng của thành. Bá tước Starhemberg bị thương
hai lần. Dù thương tích và bệnh kiết lị, ông vẫn để cho người ta cáng qua lại khắp nơi
để đôn đốc việc giữ thành.

Tổng chỉ huy là Karl đất Lothringen


Trong lúc đó, quận công Karl đất Lothringen, em rể hoàng đế Leopold I, đã thành lập
được một đạo quân tiếp viện gồm có cả những đơn vị trừ bị của Schwaben, Franken,
Bayern và Sachsen. Yếu tố quyết định thành công của đoàn quân là sự đồng ý gia
nhập của vua Ba Lan Johan Sobieski. Ông tham gia do sự kêu gọi của giáo hoàng.
Giữa tháng 8, Sobieski cho quân lên đường rời Krakau. Vì quá to béo nên mỗi lần lên
xuống ngựa Vua phải cần người đỡ, nhưng ông rất được quân sĩ mến. Hễ ai ngại
ngùng chỉ vào quần áo rách rưới của quân ông, thì ông hãnh diện trả lời: “Họ thuộc
vào một đạo quân bách chiến bách thắng và vẫn thề rằng chẳng bận gì ngoài các
quần áo chiếm được của quân thù”.

Vua Sobieski: “... một chút nhỏ công sức”


Đêm mồng 10-9, lực lượng bảo vệ Wien nhìn thấy mười đốm lửa loé lên trời từ
hướng núi Kahlenberg. Đó là tín hiệu quân tiếp viện tới. Hai ngày sau, tổng chỉ huy
trưởng Karl đất Lothringen dẫn đại binh xuống Wien và đánh tan quân Hồi chỉ trong
vòng mấy tiếng đồng hồ.
Ngày hôm sau, đoàn quân chiến chắng long trọng tiến vào thành. Trong thánh lễ tạ
ơn ở Nhà thờ Âutinh vua Sobieski từ từ bước lên trước bàn thờ chính và bằng giọng
khàn đục cất lên bài “Tạ Ơn” (Te Deum) . Khi Hoàng đế - vừa trở về lại Wien ngày
hôm trước - mở lời cám ơn thì Sobieski đáp lại gọn gàng: “Thưa ngài, tôi rất vui
mừng được đóng góp một chút nhỏ công sức cho ngài”. Tất cả tốn kém của đoàn
quân Ba Lan đều do giáo hoàng trả.
Tất cả tường trình về cuộc giải phóng Wien năm 1683 sẽ thiếu sót, nếu ta quên tên
một linh mục dòng Kapuzin, tên là Marco ở Aviano. Ông là sứ giả của giáo hoàng,
đã lặn lội rảo khắp miền nam Đức, Áo, Thuỵ Sĩ và Hà Lan để giảng chay và kêu gọi
thánh chiến chống quân Hồi. Không có ông thì đạo quân tiếp viện đã không thành
hình.

Kara Mustapha nhận giải lụa


Ngày lễ Giáng Sinh năm 1683, sau khi bại trận ở Wien kéo quân về trên đất Hung,
Kara Mustapha nhận được một giải lụa xanh do một phái đoàn từ Istanbul mang tới.
Người ta đưa dây để ông tự xử. Và ông đã tự thắt cổ mình với giải lụa ấy. Đầu ông
được bỏ vào một cái tô bằng bạc và mang về cho lãnh tụ ở Istanbul. Kara Mustapha
là tướng Thổ Nhĩ Kì cuối cùng đe doạ Wien và Âu châu. Giấc mộng của ông, ngày
nào đó cưỡi ngựa tiến vào Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma, đã không thành. Để tạ ơn
việc giải phóng Âu châu, người Công giáo từ đó hằng năm mừng lễ tên Mẹ Maria
vào ngày 12-9.

TRÌNH THUẬT 83

CÁC QUỐC GIA DÂN TỘC MUỐN ĐỨNG TRÊN GIÁO HOÀNG

Cho rằng mình vốn có những quyền đặc biệt, hàng giáo phẩm Pháp trong đại hội
chung năm 1682 tại Paris đã biểu quyết một “Điều khoản” 4 điểm mang tên “Các tự
do của Pháp”:
Thứ nhất: Chúa ban cho các giáo hoàng quyền đạo, vua không bị Giáo Hội chi phối
trong các việc đời. Giáo hoàng vì thế không có quyền cất chức vua và Giáo Hội
không có quyền cho phép thần dân được miễn tuân lệnh vua.
Thứ hai: Công đồng chung nhận quyền trực tiếp từ Chúa Kitô và có quyền hạn chế
năng quyền của giáo chủ. Giáo hoàng cũng phải tuân phục các án phạt do công đồng
chung đưa ra.
Thứ ba: Quyền hành của giáo hoàng được ấn định bởi luật Giáo Hội. Bên cạnh đó,
các nguyên tắc và thói quen đã có từ ngàn xưa của Giáo hội Pháp vẫn có giá trị.
Thứ tư: Giáo hoàng có ưu quyền trong các quyết định về vấn đề thuộc đức tin.
Nhưng quyết định của giáo hoàng vẫn có thể thay đổi khi chưa có sự chuẩn nhận của
Giáo Hội hoàn vũ.
“Điều khoản” được các giáo phẩm có mặt trong hội nghị nhất trí biểu quyết ngày 19-
3-1682. Ngày 20-3, vua Louis XIV công bố thành luật và chuyển tới các giám mục
Pháp. Giám mục Bossuet, gia sư của thái tử nối ngôi, là người đã soạn ra bản “Điều
khoản” này.
Louis XIV muốn bổ nhiệm tất cả giám mục
Nguyên nhân xung đột giữa Giáo hoàng Innôxenxô XI và vua Louis XIV là việc vua
muốn dành toàn quyền cho mình về Luật bổ nhiệm và quản trị (Regalienrecht) tại
Pháp. Từ thời Trung Cổ, vua Pháp có toàn quyền bổ nhiệm các nhân sự đạo (trừ nhân
sự cấp giáo xứ) trong các giáo phận miền bắc nước Pháp khi vị giám mục của các
giáo phận này qua đời, và cho đến lúc hoàn thành việc bổ nhiệm, vua được quyền
quản trị mọi chi thu của giáo phận. Công đồng Lyon thứ hai (1274) cấm mở rộng
quyền này. Nhưng năm 1673, vua Louis vẫn coi quyền đó thuộc nhà vua và ra lệnh
áp dụng nó cho toàn Vương quốc Pháp. Tất cả giám mục Pháp đều chấp hành ý của
vua. Chỉ trừ hai giám mục là Pavillon ở Alet và Caulet ở Pamiers. Louis XIV cho
triệu Caulet đến để hỏi tội, thì Caulet trốn biệt. Vua liền cho dựng hình Caulet ở chợ
tỉnh Pamiers, kết án tử hình và cho chặt đầu giám mục này một cách tượng trưng
bằng cách cắt đầu khỏi tấm hình nộm dựng giữa chợ.
Giáo hoàng đứng về phía hai giám mục và yêu cầu nhà vua rút lại dụ năm 1673.
Giám mục đoàn ở Pháp phản đối giáo hoàng và coi yêu cầu của ông là một xen lấn
vào nội bộ của Giáo hội Pháp. Vua Louis liền đó cho triệp tập đại hội chung nói trên
và đại hội đã thông qua “Điều khoản” và xác định việc áp dụng luật bổ nhiệm và
quản trị cho cả nước Pháp. Đại hội cũng đã làm sống lại chủ trương ưu thế công đồng
(điểm hai) và chống lại việc không sai lầm của giáo hoàng (điểm bốn). Một phần
cũng vì điểm cuối này mà Công đồng Vaticanô I (1869-1870) về sau đã đưa ra
chuyện bất khả ngộ của giáo hoàng. Người đương thời nhận định về “Điều khoản”:
hãy còn đứng trong Giáo Hội, nhưng đã chân trong chân ngoài ra khỏi Giáo Hội.

Chủ trương độc lập của Giáo hội Pháp đã bắt nguồn từ xa trước
Chủ trương này đã được vực dậy dưới thời Louis XIV. Gốc rễ của nó bắt nguồn từ
đời vua Philippe IV (với biệt danh “Người đẹp”). Trước đây, Philippe đã muốn giáo
hội trong vương quốc ông tách khỏi ảnh hưởng của giáo hoàng. Ông đã tuyên bố đại
ý như sau: nếu ông trở thành vua hoàn vũ thì giáo hoàng sẽ không còn là một thượng
phụ ăn lương của ông nữa. Mười năm sau khi Philippe mất, Marsilius ở Padua, người
đề xướng chủ nghĩa quốc gia chuyên chế, đã kêu gọi trong tác phẩm “Bảo vệ hoà
bình” (Defensor pacis) của ông việc thành lập một quốc gia độc lập với Rôma và
nắm toàn quyền trên cả giáo hội bản quốc. Ngoài ra, Marsilius cũng chủ trương mọi
giám mục đều có quyền như giáo hoàng và công đồng chung là định chế có thẩm
quyền cao nhất. Marsilius, như thế, không những chủ trương tách rời thế quyền và
thần quyền, nhưng cổ xuý cả cho sự thuần phục hoàn toàn của Giáo Hội vào thế
quyền. Dưới thời Louis XIII, một số tín hữu Công giáo ít nhiều nói đến việc độc lập
với Rôma, và năm 1614, giai cấp đệ tam đã đề nghị soạn một hiến pháp, theo đó nhà
nước Pháp chỉ còn thuần phục duy nhất một Thượng đế mà thôi. Mộng tuy không
thành, nhưng tư tưởng về một Giáo hội Pháp tự trị đó vẫn dai dẳng tồn tại.

Xung đột lần thứ hai giữa giáo hoàng và vua


Đụng độ xảy ra nhân chuyện “Tự do khu vực”. Ở Rôma, các đại sứ ngoại quốc vẫn
luôn xem khu vực chung quanh sứ quán mình là vùng đất bất khả xâm phạm. Bọn tội
phạm khi chạy vào các khu vực đó thì cảnh sát của nước Giáo Hội đành chịu. An
ninh công cộng của Rôma do vậy đã không bảo đảm. Để giải quyết khó khăn, Giáo
hoàng Alêxandrô VII ra lệnh bỏ lệ đó. Tất cả các quốc gia, dù ít nhiều miễn cưỡng,
đều chấp nhận lệnh này. Chỉ có Pháp là không. Alêxandrô VII ra thư doạ tuyệt thông
tất cả những ai không tuân lệnh. Ngày 16-11-1687, tân Đại sứ Pháp De Lavadin tới
nhận nhiệm sở với một toán quân 100 người với đầy đủ súng ống. Giáo hoàng không
tiếp. De Lavadin bị tuyệt thông, nhưng trong Thánh lễ Giáng Sinh đêm 24-12 ở nhà
thờ của Pháp ông vẫn rước lễ. Vì thế, đầu tháng 1-1688, Giáo hoàng Innôxenxô XI bí
mật cho vua Louis XIV hay là không chỉ riêng đại sứ mà cả vua và các bộ trưởng
trong nội các của ông cũng đều bị tuyệt thông. Louis XIV phản ứng bằng cách triệu
tập công đồng và tuyên bố từ nay việc phong chức giám mục Pháp sẽ không cần đến
việc chuẩn nhận của Rôma nữa. Đồng thời ông cho chiếm hai vùng đất của giáo
hoàng là Avignon và Venaissin và cho bắt giam viên Sứ thần Toà Thánh tại Paris.
Innôxenxô XI vẫn giữ thái độ cứng rắn. Song cho tới khi mất, ngày 12-8-1689, ngài
vẫn không ra biện pháp nào đối với luật bổ nhiệm và quản trị trên đây cả. Tuy nhiên,
vua Louis cuối cùng đã tự nhượng bộ, sau khi Guillaume Oranien chiếm nước Anh
vào năm 1688 và trở thành mối đe doạ cho chính ông. Ngoài ra, Louis XIV cũng đã
mất nhiều thiện cảm ở Âu châu, bởi vì ông xua quân sang miền Rheinland và đã
không tiếp cứu hoàng đế Leopold I khi ông này gặp khó khăn với quân Thổ.
Một lần nữa, giáo hoàng lại thắng thế quyền chuyên chế, nhưng không phải do lực
mình, mà là do hoàn cảnh lịch sử.
Vua Louis XIV trả lại đất tạm chiếm ở Pháp cho giáo hoàng, từ bỏ “tự do khu vực”
và rút lại lệnh cấm các giám mục xin Rôma công nhận việc phong chức. Cuối cùng,
vào năm 1693, ông rút lại bản Điều khoản “Các tự do của Pháp”, dù vẫn xác định
rằng, ai muốn tiếp tục công nhận thì cứ tự do, không ai có quyền cấm cản.

Vị giáo hoàng lớn nhất thời đại


Innoxenxô XI, tên là Benedetto Odescalchi, được các sử gia coi là giáo choàng uy
quyền nhất thế kỷ 17. Ông sinh ở Como miền bắc Ý, 25 tuổi bỏ làng về Rôma tìm
danh lợi. Nhưng cậu thanh niên đã được một hồng y để ý, nhận vào làm nhân viên
cho Toà Thánh. Chẳng bao lâu Odescalchi trở thành một trong những nhân vật thân
cận giáo hoàng có khả năng nhất. Khi giáo hoàng mất, dân Rôma tụ họp nhau trước
nhà thờ thánh Phêrô đồng thanh hô tên Odescalchi và yêu cầu các hồng y chọn bầu
ông. Và dân rất đỗi vui mừng khi hay tin Odescalchi được bầu vào ngày 21-9-1676.
Innôxenxô XI làm giáo hoàng khi Quốc gia Giáo Hội đang trong tình trạng khánh
kiệt tài chính. Nhưng chỉ sau mấy năm, ngài đã tạo được một ngân sách thặng dư mỗi
năm 300.000 đồng Skudi. Tiền này ngài dùng giúp những người nghèo yếu, tật bệnh
ở Rôma và chuyển một phần cho Áo. Giáo hoàng đã hứa giúp 1,5 triệu tiền vàng cho
Áo vì nước này đã chận được làn sóng quân Thổ Hồi giáo.
Innôxenxô XI ở trong những phòng đơn sơ nhất trong điện Vatican. Ngài sống rất
đạm bạc. Sự đạm bạc này thể hiện qua lối hành xử của ngài đối với nhân viên; ngài
chỉ kêu ai tới giúp khi người đó “không có gì khác để làm” mà thôi. Innôxenxô XI
mất trong thánh thiện, năm 1689, thọ 78 tuổi.
Ngày 4-8-1690, người kế nhiệm ngài là Alêxandrô VIII chính thức kết án chủ trương
tự trị của Giáo hội Pháp: “Ta tuyên bố: tất cả những tuyên bố về quyền Giáo Hội và
cả bản Điều khoản 4 điểm được đại hội giáo phẩm Pháp biểu quyết năm 1682, theo
giáo luật, đều bất hợp pháp và vô hiệu lực”.
Chủ trương của Frebonius
Khoảng 80 năm sau Đại hội Giáo phẩm Pháp ở Paris, năm 1763 xuất hiện ở Đức một
cuốn sách của Giám mục Giáo phận Trier, Nikolaus ở Hontheim, mang tựa “Về tình
trạng của Giáo Hội và quyền hợp pháp của giáo hoàng Rôma”. Sách được ký với một
tên giả “Frebonius”. Qua tài liệu này Giám mục Nikolaus đòi hỏi nền “quân chủ” của
giáo hoàng phải được chuyển chia cho các giáo hội địa phương độc lập và tất cả tụ
họp lại trong một công đồng chung là cơ chế có thẩm quyền cao nhất. Chủ trương
Frebonius ở Đức không thành công vì gặp chống đối của hàng giám mục. Các giám
mục nước này sợ như thế quyền hành lại tập trung vào tay các tổng giám mục. Ở Áo,
khuynh hướng tự trị của Pháp đã kết tụ qua chính sách giáo hội nhà nước và chủ
trương của hoàng đế Joseph.

TRÌNH THUẬT 84-85

TRÌNH THUẬT 84

GIẢI TÁN DÒNG TÊN, MỘT THẮNG LỢI CỦA ÁNH SÁNG

Ngày 21-7-1773, Giáo hoàng Klêmentô XIV “sau khi đã suy nghĩ kỹ, đã nắm vững
sự kiện và với năng quyền tông đồ” ra lệnh giải tán dòng Tên. Đây là một biến cố có
một không hai trong lịch sử Giáo Hội và là một chiến thắng vĩ đại của ảnh hưởng tư
tưởng thời đó, được gọi là “phong trào ánh sáng lý trí”.

Có nhiều nguyên do
Phong trào chống dòng Tên khởi đầu từ Bồ Đào Nha. Nguyên do là việc Tây Ban
Nha cắt bảy làng tự trị người da đỏ ở Paraguay do dòng Tên lãnh đạo cho Bồ Đào
Nha. Dân đa đỏ đã nổi dậy chống lại và dòng do đó đã bị gán cho tội xúi giục. Ngoài
ra dòng còn bị tố buôn bán trái phép và có can dự vào cuộc ám sát hụt nhà vua. Vì
thế, tài sản của dòng bị tịch thu, tất cả nhân sự - gồm những ai không chịu bỏ tu, đã
ra khỏi tù hoặc còn sống sót trên chuyến hải hành - bị đẩy lên tàu chở về trả cho
Quốc gia Giáo hội.
Ba năm sau (1762), dòng Tên bị trục xuất khỏi Pháp. Người ta gán cho họ trách
nhiệm làm hỏng cuộc truyền giáo ở đảo Martinique. Ở Pháp, ngay từ thế kỷ 16, dòng
đã bị chống đối mạnh. Nhiều biến cố nối tiếp ngày càng làm tăng lực chống này.
Năm 1756, bà Pompadour, vợ của một nhà kinh tài, trở thành người tình của vua
Louis XV. Bà nhờ đó đã nắm trong tay nhiều quyền lực. Dòng Tên vì chỉ trích
chuyện này nên bị bà ghét cay ghét đắng. Dòng Tên ở Pháp cũng bị tố có nhúng tay
vào việc ám sát hụt nhà vua. Năm 1762, tài sản dòng bị tịch thu và độ 3000 tu sĩ bị
trục xuất. Ngày 1-12, vua Louis tuyên bố giải tán dòng.
Ba năm sau đó, tới phiên Tây Ban Nha trục xuất dòng Tên. Dòng bị gán tội xúi dân
nổi loạn chống lại những bất công kinh tế và xã hội. Ngày 27-2-1767, nhà vua ra dụ
tịch thu tài sản và trục xuất dòng mà không nêu lý do. Vì Giáo hoàng Klêmentô XIII
không chịu nhận số tu sĩ này vào nước Giáo Hội nên họ “bị đày” ra đảo Korsika. Có
tất cả khoảng 2800 tu sĩ trong nước và 1600 trong các điểm truyền giáo ở hải ngoại
lâm vào tình trạng “bị đày” đó.
Tại Áo, nữ hoàng Maria Theresia phản đối việc trục xuất dòng Tên. Nhưng sau khi
con gái bà là Marie Antoinette kết hôn với thái tử Pháp vào năm 1770 thì bà vì quyền
lợi bang giao với Pháp đã không còn giữ nguyên ý: bà cho hay sẵn sàng đuổi dòng
nhưng phải có sự đồng ý của giáo hoàng Rôma.
Nước Phổ lúc này do đại vương Friedrich II cai trị. Ông này là người theo khuynh
hướng “ánh sáng” nên đã hoan hô việc Tây Ban Nha trục xuất dòng Tên. Nhưng lại
không muốn áp dụng gương đó ngay tại xứ mình. Ông viết trong một bức thư: “Phần
tôi, dù là một tay rối đạo, nhưng vẫn lấy làm vinh dự giữ lại những gì còn lại của
dòng Tên ở Schlesien. Cứ xem việc đuổi dòng ở Pháp, trong những năm đầu rốt cuộc
chỉ có hại cho việc giáo dục thanh thiếu niên... Các tu sĩ dòng Tên chỉ bị đuổi khi nào
ngài yêu cầu và tôi muốn chứng minh cho ngài thấy rằng chuyện này chỉ xảy ra vì
ganh tị, hiềm thù, mưu chước và cuối cùng là tư lợi mà thôi. Các linh mục và tu sĩ
dòng Tên là người thật thà, tôi muốn giữ mối tình cảm tốt đẹp...”.
Nữ hoàng Katharina II ở Nga cũng không trục xuất dòng. Dù mấy năm sau đó dòng
bị trục xuất khỏi Phổ, nhưng ở Nga thì không.

Các giáo hoàng xử sự thế nào?


Sau khi Klêmentô XII mất, Prospero Lambertini được bầu làm giáo hoàng với hiệu là
Bênêđictô XIV, tại chức từ 1740 tới 1758. Mật viện họp kéo dài nửa năm, cuộc họp
bầu lâu nhất trong lịch sử Giáo Hội cận đại. Sở dĩ kéo dài là vì nhiều quốc gia tìm
cách can thiệp cho người của mình.
Bênêđictô XIV nguyên là Tổng Giám mục Giáo phận Bologna, tính tình dễ mến, học
rộng, hết mình yểm trợ việc nghiên cứu khoa học tự nhiên. Điều làm mọi người rất
đỗi ngạc nhiên là việc ngài cử hai phụ nữ làm giáo sư Đại học Bologna, mà chẳng
phải mất nhiều lời về chuyện “giải phóng phụ nữ” gì cả. Trong lĩnh vực Giáo hội,
ngài chuẩn nhận dòng Chúa Cứu Thế do Alfons ở Liguori lập năm 1732, cho xét lại
và xoá tên một số sách trong “Danh mục sách cấm” đã bị quá nhiều người chỉ trích.
Mặt chính trị, ngài kí hiệp ước với Napoli, Savoyen và Tây Ban Nha. Giáo hoàng Piô
XII về sau đã xác quyết rằng Bênêđictô XIV đã nhượng bộ quá nhiều trong các hiệp
ước đó. Yếu điểm của ngài cũng được phe chống dòng Tên khai thác để càng ngày
càng lấn lướt trong giáo triều.
Kế vị Bênêđictô XIV là Caro Rezzonico, người Venezia, với hiệu là Klêmentô XIII
(1758-1769). Trong vụ dòng Tên, vị giáo hoàng này đứng hoàn toàn về phía dòng, ca
ngợi dòng bằng một tông thư riêng và chỉ định một người bạn dòng Tên làm quốc vụ
khanh.
Quyết định đối với dòng Tên xảy ra dưới thời Klêmentô XIV. Ngay khi họp bầu giáo
hoàng, mật viện đã phải bàn thảo nhiều về đề tài này. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và
Pháp không muốn người thân thiện với dòng Tên làm giáo hoàng. Tây Ban Nha còn
đòi hỏi các ứng viên có triển vọng thắng phải tuyên hứa trước rằng nếu trúng cử sẽ ra
lệnh giải tán dòng.
Lúc còn giám mục, Klêmentô XIV tỏ ra thân dòng Tên. Làm hồng y, ông tránh né
dòng này và sau khi lên giáo hoàng, ông chọn một hồng y (Pallavincini) quy phục
Tây Ban Nha làm quốc vụ khanh. Trước khi được bầu, ngài đã không hứa giải tán
dòng, mà chỉ cho hay rằng một giáo hoàng có thể giải tán bất cứ dòng nào khi có lý
do. Ngày 22-7, sứ giả Pháp yêu cầu giải tán dòng Tên. Klêmentô XIV đồng ý, nhưng
chỉ muốn để dòng chết dần mòn bằng cách không cho nhận thêm tu sinh mà thôi. Tây
Ban Nha không đồng ý lối giải quyết này nên đã tự ra một dụ giải tán. Giáo hoàng đã
nhìn nhận dụ này, sau khi một phần Quốc gia Giáo Hội (Avignon, Venaissin,
Benevent, Pontecorvo) bị chiếm đóng và chính giáo hoàng cũng đang trong tình
trạng bị đe doạ. Lúc đó, giáo hoàng đã không biết được rằng, chỉ vài năm sau, các
chính quyền yêu cầu ông giải tán dòng Tên đều sụp đổ.
Tài sản của dòng bị tán phát, tổng quyền Ricci bị tống ngục trong luỹ Thiên thần và
mất trong đó. 41 năm sau, năm 1814, Giáo hoàng Piô VII cho lệnh tái lập dòng.
Ngày nay, với trên dưới 35.000 tu sĩ, dòng Tên là một trong những tổ chức lớn nhất
của Giáo Hội. Lúc bị giải tán, dòng có khoảng 22.000 linh mục và tu sĩ.
Việc giải tán dòng Tên là một tai hại lớn cho công cuộc truyền giáo và giáo dục
thanh thiếu niên. Sự kiện này cũng cho thấy rõ cái thất bại về mặt đạo đức của giáo
triều trước chủ nghĩa nhà nước chuyên chế.
Ngày 21-9-1774, Klêmentô XIV mất. Lúc đó có tin đồn ngài bị dòng Tên thuốc chết.
Nhưng các nghiên cứu cho thấy tất cả chỉ là tin đồn, không đúng sự thật. Trong điếu
văn ca tụng công đức ngài, không thấy đề cập tới việc giải tán dòng Tên.

Những nguyên do sâu xa hơn


Thời đó, người ta thường hay đồn thổi về ảnh hưởng to lớn của dòng Tên trong giáo
triều. Thật ra, ảnh hưởng đó không ghê gớm như người ta nghĩ, nhưng cũng khá lớn.
Dòng nắm trong tay toàn bộ việc huấn luyện và giáo dục tuổi trẻ. Quan điểm của
dòng trong các vấn nạn thần học thường vẫn nặng kí hơn các dòng khác. Trong lĩnh
vực chính trị dòng cũng có ảnh hưởng, vì họ là linh hướng giải tội và cố vấn cho các
quốc vương và ông hoàng bà chúa. Nỗ lực phá vỡ các ảnh hưởng nhiều mặt của dòng
trên Giáo Hội và xã hội chỉ là bề mặt của cuộc chiến chống lại Giáo Hội của phong
trào ánh sáng thời đó.
Những người theo phong trào ánh sáng chưa phải là những kẻ mất lòng tin, nhưng
chủ trương quá đề cao lý trí con người đã là nguồn mạch của chủ nghĩa vô thần tân
thời. Tự nhận là môn đồ của “Thần giáo” (Deismus), những người ánh sáng vẫn tin
vào một “thượng đế”, vào “cuộc sống đời đời” và vào “sự phán xét của ngày sau”,
nhưng họ muốn giản lược toàn bộ niềm tin ki tô giáo vào mấy nội dung đức tin “hợp
lý” mà thôi.
Việc khám phá ra các tôn giáo khác ở các lục địa mới và nỗ lực muốn liên kết chúng
lại thành một tôn giáo chung trên một nền tảng “hợp lý” đã khiến những người theo
ánh sáng đặt vấn đề với Kitô giáo. Những người này không còn tin vào những nét cá
biệt của Kitô giáo như các bí tích, sự cứu rỗi qua Đức Kitô và mạc khải về Thượng
đế trong Sách Thánh. Họ cho các lời khấn dòng và ngay đời sống tu trì là những hy
sinh “vô ích” nên cần xoá bỏ. Việc yêu cầu dẹp dòng Tên, như thế, quả phù hợp với
lối nghĩ của ánh sáng.
Nhờ phong trào ánh sáng mà nạn bách hại phù thuỷ được chấm dứt và nhân quyền
được cổ vũ. Nhưng phong trào này cũng đã là nguyên do của những khủng hoảng lớn
và nguy hiểm nhất cho Giáo Hội, vì thực chất của phong trào là muốn triệt phá đi nền
tảng của Giáo Hội này.
TRÌNH THUẬT 85

CHỦ TRƯƠNG GIÁO HỘI TỰ TRỊ CỦA HOÀNG ĐẾ JOSEPH Ở ÁO

Giáo hoàng thăm thủ đô Wien


Giáo hoàng Piô VI muốn trực tiếp nói chuyện với hoàng đế Joseph II của Áo về
những khó khăn của giáo hội tại đây. Ngài “đích thân tới Wien. Đây là lần đầu tiên
sau 3 thế kỷ rưỡi một giáo hoàng tới thăm viếng một quốc gia nói tiếng Đức.
Hoàng đế Joseph II thân hành đi xa 4 đoạn đường thư tới Gloggnitz dưới chân rặng
Semmering để đón quý khách. Vị giáo hoàng dễ mến đi tới đâu, dân chúng nườm
nượp từng đoàn kéo tới để được chúc lành. Dĩ nhiên báo chí cũng có mặt. Một phóng
viên Báo Frankfurt (Frankfurter Zeitung) viết ngày 2-4-1782 về chuyến viếng thăm
đó:
“Khi tới, giáo hoàng xuất hiện trong áo choàng dài màu lam, đầu đội mũ (mục tử)
màu lụa trắng để lộ tóc ra (ngày đăng quang, ngài đội tóc giả và là giáo hoàng đầu
tiên đội tóc giả như thế); trước khi xuống xe, ngài khoác thêm áo choàng lông thú
trắng và đội thêm chiếc mũ đỏ có viền vàng mỏng và một sợi dây vàng. Piô VI là
người vị vọng, đẹp trai, rất đỗi kính trọng và thân mật với mọi người”.
Phóng viên Báo Frankfurt còn cho hay là giáo hoàng “kính trọng đặc biệt” phụ nữ và
các bà cũng rất thích vây lấy ngài: “Người ta kể, khi nhìn cảnh giáo hoàng ôm hôn
chồng mình trong nhà thờ Thánh Phêrô, đại bá tước phu nhân viết trong một lá thư
rằng bà ước có một đấng phu quân giống như giáo hoàng”.
Trong bản ra ngày 6-4, báo trên cho biết thêm vài chi tiết về nghị trình viếng thăm tại
Wien:
“Cho tới ngày 27, giáo hoàng còn ăn thịt; ngài luôn ngồi ăn một mình, bữa ăn chỉ có
4 món và chỉ ăn một bữa trong ngày vào lúc 5 giờ mà thôi; (không phải lúc 8 giờ,
như báo chí mới loan). Đầu bếp riêng của ngài tự kê món ăn và đích thân chỉ dẫn nhà
bếp hoàng cung nấu; mỗi bữa ăn đầu bếp đều đứng bên cạnh nếm từng món trước khi
đưa cho giáo hoàng. Người mang thức ăn quỳ bái lúc bước vào cửa phòng ăn, rồi lại
bái sâu xuống đất một lần nữa sau khi đặt thức ăn lên bàn. Ăn xong, cũng như mọi
người Ý, đức Thánh Cha ngủ trưa. Sau đó tiếp khách. Lối tiếp chuyện thân mật cũng
như gương mặt mời gọi, dáng người cao đẹp, cử chỉ phóng khoáng khiến người được
tiếp chuyện say mê”.
Về cuộc từ giã, Báo Frankfurt viết ngày 3-5-1782 như sau:
“Wien, ngày 24-4. Thứ hai, ngày 22, lúc 7 giờ sáng, các giám mục, bộ trưởng, các uỷ
viên mật vụ, các viên chức thành phố và hoàng cung đã có mặt để tiễn chào Đức
Thánh Cha và phái đoàn về lại Rôma... Cuộc chia tay cảm động diễn ra dưới tiền
đường nhà thờ (Maria Brunn). Quả là giây phút khó quên, không ai cầm được nước
mắt. Đức Thánh Cha dịu dàng ôm hôn Hoàng đế và đoàn tuỳ tùng, rồi từ giã lên
đường hướng về Bukkersdorf, điểm tới đầu tiên, sau đó tới điểm đóng trại qua đêm ở
Tu viện Moelk”.
Hoàng đế tiễn giáo hoàng tới Maria Brunn, tặng ngài cỗ thập giá bằng ngọc và cỗ xe
tốt để ngài lên đường. Ngay sau đó Hoàng đế ra lệnh đóng cửa dòng Âutinh ở Maria
Brunn và an nhiên tiếp tục ra các biện pháp chống giáo sĩ. Chuyến viếng thăm của
giáo hoàng như vậy coi như thất bại. Người ta coi chuyến đi Wien của giáo hoàng là
cuộc “trả thù cho chuyến đi Canossa” (của vua Heinrich IV trước đây - Người dịch).
Lẽ ra giáo hoàng phải biết trước sự thất bại của chuyến đi của mình. Vì khi báo tin
muốn sang thăm Wien, ngày 5-12-1782, ngài đã được hoàng đế Joseph II trả lời: “...
ngài chả cần phải sang để bàn về những gì chưa sáng tỏ nơi ngài nhưng đã rõ và dứt
khoát đối với tôi”.

Tại sao Piô VI sang Wien


Nguyên do đi Wien là vì chủ trương của hoàng đế Joseph II, con trai của Maria
Theresia, muốn lập một giáo hội tự trị ở Áo, tách khỏi Rôma. Ý định này ông đã thố
lộ với sứ giả của vua Tây Ban Nha.
Joseph II đã bắt đầu tiến hành ý định của ông trước khi Piô VI sang. Nhưng ý định đó
cuối cùng đã không thành, để đến nỗi vào cuối đời, ông cho khắc lên mộ mình hàng
chữ: “Nơi đây an nghỉ một quân vương đã có ý hướng tốt nhưng bất hạnh thay đã
phải chứng kiến sự thất bại của các chương trình đó”. Hàng chữ này đã không được
gắn lên quan tài của ông.
Chủ trương của Joseph ở Áo là hệ quả của nỗ lực tự trị của Giáo hội Pháp và chủ
thuyết Febronius ở Đức. Đặc biệt đó là sản phẩm của ánh sáng, một chủ nghĩa lý trí
nhằm loại bỏ tất cả những gì siêu thực trong việc nhận thức vũ trụ và chỉ chấp nhận
nhà nước như là thực thể trên hết phải phục vụ, còn Giáo hội chỉ là một thành phần
được tạm dung trong nhà nước mà thôi. Hoàng đế Joseph II (1780-1790), coi Giáo
hội không hơn không kém chỉ là một dụng cụ hỗ trợ việc giáo dục quần chúng và giữ
gìn đạo đức công cộng. Chủ trương “nhà nước chuyên chế” của ông đưa đến nhiều
thay đổi quan trọng trong cuộc sống Giáo hội, nhưng không phải tất cả những thay
đổi đó đều đáng lên án.

Chương trình cụ thể của Joseph II


Trước hết, phải cải tổ triệt để Giáo hội Áo để đưa Giáo hội này lệ thuộc hoàn toàn
vào nhà nước. Qua cải tổ, hoàng đế sẽ tóm thu vào tay mình các quyền ấn định số
lượng giáo sĩ, huấn luyện và kiểm soát đời sống họ, lập nhiệm sở và bổ nhiệm giáo
sĩ, quản trị tài sản Giáo hội và ấn định việc phụng vụ.
Thánh lễ lúc này không còn là nơi để rao giảng những chuyện tin tưởng “vô lý”,
chẳng còn nhắm nhiều đến việc thờ phượng Chúa, nhưng chủ yếu là nơi giảng giải
luân lý và dạy con người trở thành những công dân trung thành. Bục giảng cũng là
nơi để giáo sĩ thông báo những thông tư và luật lệ thông thường của nhà nước hoặc
để nói về những đề tài không liên hệ gì tới tôn giáo như việc ăn uống, vấn đề nông
nghiệp, ngay cả chuyện các loại cây độc. Hoàng đế nắm luôn cả quyền ấn định được
đốt bao nhiêu nến trong thánh lễ. Vì chuyện này mà vua Phổ Friedrich II gọi nhạo
Hoàng đế là “Ông từ nhà thờ”.
Những biện pháp trên, đặc biệt là việc tước quyền đào tạo vào tay hoàng đế, khiến
các linh mục giờ đây không hơn không kém chỉ còn được coi là những kẻ làm gương
cho dân mà thôi. Dụ ngày 30-3-1783 viết:
“Sẽ xây một chủng viện chung để làm nơi huấn luyện cho giáo sĩ và tu sĩ , nơi đó các
tu sinh sẽ bổ túc thêm thần học sau khi đã hoàn tất chương trình thần trong các
trường công và sẽ thực tập về mục vụ trong vòng một năm dưới sự điều động của ban
giám đốc. Sau khi chủng viện mở, tất cả các trường triết và thần trong các dòng và tu
viện sẽ phải đóng cửa”.
Trước đó một năm, ngày 12-1-1782, Joseph II đã ra một đạo dụ nghiêm trọng như
sau: “Tất cả các loại nhà dòng, tu viện và nhà khách, hoặc được gọi với bất cứ một
tên nào khác, phái nam của dòng Kartaeus và Kamaldulens, phái nữ của dòng Kín,
dòng Klara, dòng Kapuzin và dòng Phanxicô buộc phải giải tán và cuộc sống tập thể
của các tu sĩ trong đó phải chấm dứt”.
Cũng như mọi người theo chủ nghĩa ánh sáng khác, Joseph II coi các loại dòng tu là
“vô bổ” nên bắt giải tán. Trong vùng đất ngày nay thuộc Áo có tới 150 tu viện bị giải
thể, trong cả đế quốc con số lên đến nhiều trăm nhà. Joseph dùng tiền thu được từ
việc bán tài sản của các tu viện lập ra một “quỹ tôn giáo” dùng để trả lương cho giáo
sĩ và trợ giúp các cơ sở bác ái xã hội cũng như các trường tư thục Công giáo. Nhiều
thói quen phụng tự và tập tục tôn giáo như tục rước Mình Thánh Chúa, ngày thống
hối, nguyện kinh 40 giờ, thờ Thánh Tâm và việc hành hương cũng bị ông xoá bỏ.
Chủ trương của Joseph thực ra cũng mang lại cho Giáo hội nhiều khía cạnh tích cực
không thể bỏ qua. Nó giúp Giáo hội nghĩ ra những nghi thức phụng vụ hợp thời và
đưa việc mục vụ tập trung về các giáo xứ.
Đặc biệt nên nhớ rằng Joseph II đã lập thêm cho Áo 640 giáo xứ và họ mới để lo
chuyện mục vụ thay cho các tu viện bị giải tán. Cả việc phân ranh giáo phận hiện nay
cũng như việc lập thêm hai Giáo phận Linz và St. Poelten đều là sản phẩm của
Joseph II.

Cải tổ quá đà
Joseph II còn tiến hành nhiều cải tổ đáng vinh danh khác, như bỏ việc tra tấn và án
tử, lập một nhà mồ côi, một trường câm điếc và “bệnh viện đa khoa” ở Wien, bệnh
viện lớn nhất thế giới thời đó. Ông còn bỏ chế độ nông nô, quan tâm tới các tầng lớp
hạ lưu, đánh thuế giới quí tộc và lập ra chế độ cưỡng bách giáo dục.
Nhưng cải cách của ông đã đi quá xa, chẳng hạn như khi ông cấm các em nữ sinh
mặc yếm bó người, cấm các bà nội trợ nướng Lebkuchen (loại bánh ngọt có pha xô
cô la và quế), vì bánh này ăn khó tiêu, hoặc khi ông ra lệnh nắp quan tài chỉ được làm
bằng tấm gỗ phẳng, để tiết kiệm gỗ.
Theo sách báo thuật lại, Joseph là người rất thích làm nhục người khác hoặc đẩy
người ta vào chân tường. Ngay cả mẹ ông, nữ hoàng Maria Theresia, ông cũng không
từ. Ông cười cợt trên lòng đạo của bà. Ông luôn cho rằng chỉ có một mình ông biết
thần dân ông “cần” gì để được “hạnh phúc”.

TRÌNH THUẬT 86-87

TRÌNH THUẬT 86

CÁCH MẠNG PHÁP DẸP KITÔ GIÁO


Một trong những sự kiện kinh hoàng mà cũng buồn cười nhất trong lịch sử nhân loại
là vụ thờ “nữ thần lý trí” trong Nhà thờ Đức Bà ở Paris, trong thời gian Cách mạng
Pháp đạt tới cao điểm. “Nữ thần lý trí” có lẽ là một nữ ca sĩ nhạc kịch ở Paris. Cô bận
đồ trắng, khoác áo choàng xanh và đội mũ vải chóp đỏ. Người ta tung hô cô thay
Chúa. “Cảnh này chưa thấm vào đâu bằng những màn kế tiếp”, một tờ báo Paris kể
tiếp như sau:
“Các nhà đương trách của Paris và một đám đông lớn tụ họp nhau để mừng lễ thần lý
trí trong đại thánh đường Đức Bà. Họ diễu hành trước nhà quốc hội trong tiếng nhạc
và những bài hát ngợi ca tự do. Giữa đám thiếu nữ mình đầy hoa là Nữ thần lý trí, tay
cầm lao, đầu đội mũ đỏ, được bốn anh cách mạng khiêng trên cáng. Khi đám kiệu
dừng, vị đại diện thủ đô là Chaumette cất tiếng: ‘Ngày hôm nay chúng ta cho thế giới
một gương sáng lớn. Chúng ta dâng lễ vật cho Tự do trong Đền Lý trí (Nhà thờ Đức
Bà). Con dân Paris thề rằng sẽ không thờ một Chúa nào khác ngoài Tự do, Bình đẳng
và Lý trí. Hãy nhìn vào hình Chúa của chúng ta đây, đây không phải là một hình
tượng lạnh lẽo, không phải là sản phẩm nghệ thuật, nhưng là một tuyệt phẩm của
thiên nhiên!' - Nói rồi Chaumette hướng dẫn Nữ thần tới bên cạnh vị Chủ tịch để lần
lượt tất cả dân biểu nghị sĩ được ôm hôn. Nữ thần vui vẻ tươi cười với mọi người,
nhiều người phủ phục quỳ lạy trước khi tiến đến ôm hôn. Nữ thần bước trở lại bục
cáng rồi được khiêng vào Đền Lý trí, theo sau là các dân biểu nghị sĩ. Vào đền, Nữ
thần bước lên ngai trên bàn thờ chính, chỗ trước đây dùng để tôn kính các mầu nhiệm
của đạo Chúa”.
Kitô giáo bị dẹp bỏ. Cách mạng Pháp khởi đầu không chống Giáo Hội, nhưng trái lại
trong giai đoạn đầu đã cố tìm sự hậu thuẫn của Giáo hội cho các mục tiêu mình. Và
họ đã thành công phần nào ở điểm này.

Chấm dứt phong kiến


Cách mạng mở đầu với việc dẹp bỏ 3 giai cấp. Thứ nhất là giai cấp tăng lữ, thứ hai là
quý tộc và giai cấp thứ ba bao gồm cả công dân thành thị và nông dân. Năm 1788,
dưới sức ép của gánh nặng thiếu hụt tài chính, vua Pháp quyết định triệu tập 3 giai
cấp trên lại, lần đầu tiên kể từ sau năm 1614. Vua cho tăng gấp đôi số đại biểu của
giai cấp thứ ba, lên tới tổng số 600 người, ngang bằng tổng số của hai giai cấp kia
cộng lại. Nhưng số phiếu bầu thì vẫn giữ nguyên, nghĩa là chỉ có 300 phiếu mà thôi.
Ngày 17-6-1789, giai cấp thứ ba tuyên bố tự mình lập thành “quốc hội lập hiến” và
từ nay trở đi đại diện cho cả quốc gia. Vua yêu cầu hai giai cấp kia đoàn kết với giai
cấp thứ ba, nhưng quý tộc từ chối. Trong lúc đó 149 linh mục và 4 giám mục bỏ giai
cấp mình (thứ nhất) gia nhập vào quốc hội cách mạng. Vào giai đoạn đó, chưa có
tranh chấp quyền lợi tôn giáo gì cả. Quốc hội đang cố gắng soạn thảo một hiến pháp
mới dựa trên tinh thần tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, một sản phẩm hình thành từ
phong trào ánh sáng và sẽ được nêu lên trong khoản thứ mười của hiến pháp mới.
Tình hình chỉ trở thành gay go cho Giáo hội Pháp, khi quốc hội biểu quyết luật công
hữu hoá tài sản của Giáo Hội vào ngày 14-4-1790. Dự án luật này do Giám mục
Talleyrand đưa ra vào tháng 11-1789. Giáo hội Pháp lúc đó giàu ghê gớm. Vào
khoảng 10% đất đai với lợi tức hơn 100 triệu đồng quan pháp nằm trong tay giới tăng
lữ. Thêm vào đó là tiền quyên góp nhà thờ, cũng bằng với khoản trên. Các lợi tức
này không bị đánh thuế. Điểm phải cần nói thêm ở đây là Giáo hội Pháp đã dùng lợi
tức đó để bảo quản và tu sửa rất nhiều đại thánh đường, tu viện và những công trình
kiến trúc khác khắp nước, để chi phí toàn bộ bệnh viện và công tác từ thiện giúp
người nghèo cũng như để chi cho toàn bộ hệ thống trường học và công tác giáo dục
trên khắp nước Pháp.
Sau những cuộc tranh luận tưởng như không dứt, 510 đại biểu quốc hội cuối cùng đã
bỏ phiếu thuận việc truất hữu, 346 bỏ phiếu chống. Như vậy, dự án thành luật. “Cái
dự luật gặp chống đối ít nhất đó lại là đầu mối của hầu như tất cả mọi nổ bùng xã hội
về sau”, sử gia tôn giáo Hertling đã nhận định như vậy. Tăng lữ phản đối rời bỏ quốc
hội.
Tăng lữ chống, không phải vì lo cho sinh kế của mình, bởi vì phe cách mạng đã đồng
ý trả lương cho mỗi linh mục chánh sở mỗi tháng tối thiểu 1200 quan; một khoản khá
cao mà thời đó chưa đến một nửa các linh mục chánh xứ trước đó đã đạt được.
Nhưng chống, vì họ cho rằng biện pháp đó biến họ thành một thứ công chức ăn
lương nhà nước.

Giáo hội Pháp chia tay với Rôma


Tiếp đó, đạo luật “Hiến pháp dân sự của giáo sĩ”, biểu quyết ngày 12-7-1790, cũng
chưa hẳn chống lại Giáo Hội, nhưng chỉ biến Giáo Hội này thành một tổ chức tự trị,
tách khỏi ảnh hưởng Rôma. Trước hết, đạo luật phân chia lại giáo phận, qua đó 52
giáo phận và tài sản của Giáo hoàng Rôma tại Pháp, như đất Avignon chẳng hạn, bị
truất hữu. Vùng đất của 83 giáo phận còn lại được đồng hoá với biên giới của các
quận hành chính (départements). Thứ hai, quyết định dứt khoát việc trả lương cho
giám mục và linh mục coi xứ. Thứ ba, quyết định từ nay trở đi giám mục và linh mục
coi xứ sẽ do dân bầu. Từ nay giám mục chỉ còn nhiệm vụ thông báo cho Rôma biết
kết quả bầu của mình mà thôi. Như vậy, Giáo hội Pháp trở thành một Giáo hội quốc
gia, hoàn toàn độc lập với Rôma. Các quyết định của “quốc hội lập hiến” như thế
“chẳng mang tính cách mạng nào cả” (Leflon), chúng chỉ muốn buộc chặt Giáo hội
vào nhà nước mà thôi, như trước đây trong thế kỷ 17, bản điều khoản “Tự do của
Pháp” đã chủ trương.
Khi bị quốc hội bắt tuyên thệ chấp hành “Hiến pháp dân sự”, chỉ có 5 giám mục và
khoảng 1/3 số linh mục thề. Nhiều người về sau đã rút lại lời thề, sau khi Giáo hoàng
Piô VI, sau một thời gian dài do dự, tuyên bố việc thề đó là trái phép và quyết định
cất chức những linh mục đã thề. Ngày 14-9-1791, đích thân vua Louis VI giơ tay
tuyên thệ nhận bản hiến pháp mới, bản hiến pháp cổ xuý cho một nền quân chủ lập
hiến.

Khủng bố nhân danh nhân quyền


Cách mạng chỉ trở thành quá khích khi vào tháng 10-1791, “Quốc hội lập hiến” nắm
quyền hành pháp và bắt giam Vua. Danton cũng ra lệnh bách hại cả những giám mục
và linh mục nào không chịu tuyên thệ. Từ ngày mồng 2 tới 7-9-1792, tất cả những
người chống lại chế độ “dân chủ” đều bị hành hình (Cuộc chém giết tháng 9). Trong
số 1357 nạn nhân bị giết nhân danh “tự do, bình đẳng, huynh đệ” và “nhân quyền” có
200 linh mục và 3 giám mục không chịu thề. 40.000 linh mục trốn được ra hải ngoại.
4000 chạy sang Anh, về sau đóng góp nhiều vào việc đổi mới giáo hội tại nước này.
3.600 linh mục bị giam hoặc đày ra đảo Cayenne. Giáo sĩ từ nay không được bận áo
dòng, các dòng và tu viện còn lại bị giải tán. Cách mạng ra lệnh giải tán các dòng
chiêm niệm vì cho rằng các dòng này vi phạm “nhân quyền”.

Thay bằng “thờ lý trí”


Ngày 20-9-1792, “quốc hội” nắm toàn quyền cai trị. Hôm trước đó, họ cho xử chém
vua và tuyên bố chấm dứt nền quân chủ. Thay bằng việc “thờ lý trí”. Bỏ niên lịch
tính theo “ngày sinh của Chúa Kitô” và ra lệnh cứ làm việc mười ngày thì lại nghỉ
một ngày. Lịch mới sẽ bắt đầu từ ngày 22-9-1793, ngày mở màn nền cộng hoà. Cách
mạng gạch bỏ tên các thánh trên lịch cũ và thay vào đó tên các máy móc và sản phẩm
nông nghiệp. Cho hạ thấp bớt tháp nhà thờ, vì để cao như vậy là vi phạm “nguyên tắc
bình đẳng”. Huỷ tức khắc các dụng cụ phụng tự, bình hoa đèn nến và áo lễ. Và tất cả
những hành vi đó đều nhân danh lòng khoan dung và lý trí!

Trở về với “Đấng Tối Cao”


Mùa xuân năm 1794, Robespierre lên, cho thanh toán bọn Jacobin khát máu (gọi tên
theo chỗ nhóm này họp, tại Tu viện thánh Jacob ở Paris) và tự mình đứng ra làm thủ
lãnh “Uỷ ban Từ thiện”. Uỷ ban gồm 9 người. Đó là số người còn lại của tổng số 600
dân biểu “Quốc hội Lập hiến” trước đây. Từ 10-6 tới 28-7-1794, Robespierre ra lệnh
- cũng lại nhân danh “tự do, bình đẳng và huynh đệ” - đưa lên máy chém (do một y sĩ
phát minh) tất cả 1376 người. Ngày 28-7, đến lượt chính ông và 21 đồng chí bị đưa
lên đoạn đầu đài. Ngày hôm sau, thêm 71 đồng chí của ông bị hành hình.
Robespierre bỏ việc “thờ lý trí” và thay vào đó việc thờ “Đấng Tối Cao”. Ông cũng
yêu cầu dân chúng quay trở về lại với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn.
Sau khi Robespierre chết, “Chấp chánh đoàn”, lúc này chỉ còn 5 uỷ viên, giải tán
quốc hội. Yên tĩnh trở về. Cửa nhà thờ bắt đầu mở lại, giáo sĩ rời bỏ nơi ẩn trú và
dâng lễ trở lại. Ngày 21-2-1795 ra đời đạo luật tách giáo hội khỏi nhà nước; bãi bỏ
việc tuyên thệ trung thành với “Hiến pháp Dân sự”.
Thời cuộc chỉ thay đổi hẳn sau khi Napoleon lên. Ông này dẹp “Chấp chánh đoàn”
ngày 9-11-1799, dẹp luôn nền “dân chủ” và tự khoác cho mình chức “Đệ nhất nghị
viên” với nhiệm kỳ 10 năm.

TRÌNH THUẬT 87

“ĐẢ ĐẢO GIÁO HOÀNG!”

Cuối tháng 12-1797, nhiều trăm người chống đối tụ họp trước dinh Joseph
Bonaparte, một người anh em của Napoleon, đòi tước quyền lãnh đạo của giáo hoàng
trên nước Giáo Hội. Họ đồng loạt hô đi hô lại: “Hoan hô Cộng hoà! Hoan hô Tự do!
Đả đảo Giáo hoàng!”. Tướng Pháp Duphot, lúc đó đang có mặt trong nhà Joseph
Bonaparte, ra đường nhập bọn và dẫn đầu đám đông. Khi quân đội giáo hoàng phản
ứng lại đám biểu tình và bắn tướng Duphot, tướng Berthier đất Ancona liền quay lại
chống Rôma; ngày 10-2-1798, ông chiếm Rôma chẳng tốn một viên đạn và tuyên bố
thành lập nền cộng hoà. Sau đó, quảng 300 người “yêu nước” tụ tập trên thao trường
Rômanum, tuyên bố cách chức giáo hoàng. Trong Nhà thờ Thánh Phêrô, dân cách
mạng hát vang bài ca “Tạ ơn” (Te Deum) mừng biến cố lập lại nền cộng hoà ở
Rôma. Người ta ra lệnh cho Giáo hoàng - người 16 năm trước đây sang Wien thương
thảo với hoàng đế Joseph II - phải rời Rôma trong vòng 3 ngày. Khi thấy Piô VI
không chịu đi và nghe ngài bảo rằng sẵn sàng chết ở Rôma, Berthier trả lời: “Ông
muốn chết ở đâu mà không được!”. Rồi ông cho bắt giữ Giáo hoàng. Linh mục
Baldassari, đổng lý Vatican thời đó, ghi lại sự kiện như sau:
“Sáng sớm trước khi mặt trời mọc ngày 16-2-1798, quân đội Pháp chiếm công
trường Phêrô. Họ cấm tất cả những ai từ thành phố hoặc vùng lân cận bước vào dinh
giáo hoàng và đồng thời không cho người ở trong đi ra ngoài. Từ công trường, quân
Pháp với đội hình chiến đấu, cờ xí tung bay và trống kèn ầm vang tiến vào dinh.
Chẳng bao lâu người ta thấy cờ tam tài tung bay trên dinh giáo hoàng hiền hoà...”.
Sau khi tước khí giới đội binh giáo hoàng, “việc canh phòng chỗ ở của Đức Thánh
Cha được giao lại cho quân đội quốc gia và đặc biệt cho mấy đại đội lính ô hợp nhất.
Chẳng mấy chốc bọn này ca hát ỏm tỏi, văng tục và tuôn ra những lời báng nhạo
Chúa thật đáng tởm. Mùi rượu lờm lợm và mùi thuốc lá bay vào tận phòng Đức
Thánh Cha ở...”.
Rồi “anh thủ quỹ khét tiếng” gốc Thuỵ Sĩ của quân đội Pháp ở Ý đi lục soát khắp
dinh tìm của quý. “Khi gặp một phòng không người canh nào chịu mở, y doạ sẽ lấy
búa đập cửa vào”. Giáo hoàng liền ra lệnh trao chìa khoá cho y. Sau khi vơ vét tất cả
những gì tìm thấy, “y vui vẻ tiến đến gần Đức Thánh Cha, tì cùi chỏ lên bàn rồi nói
với Piô VI: ‘Tình hình rất nguy hiểm, ông nên rời Rôma thì hơn’. Ngoài ra, y cho
biết thêm, cách mạng cần trưng dụng phòng ốc và Giáo hoàng có nguy cơ trở thành
nạn nhân của cuộc nổi dậy của dân chúng. Giáo hoàng liền trả lời anh ta: “Chúng tôi
chỉ ở vài ba phòng trong toà nhà này. Tất cả còn lại đều trong tay người Pháp. Riêng
đối với an ninh bản thân thì chúng tôi không sợ một chút gì từ phía dân Rôma cả. Là
kẻ đứng đầu Hội Thánh, chúng tôi mang trách nhiệm lớn và sẽ không bao giờ rời bỏ
ngai thánh Phêrô này!”
Bất ngờ vì thái độ của Giáo hoàng, anh thủ quỹ lắp bắp trong miệng rồi lái đề tài
sang chuyện các vật quý của Giáo hoàng: “Xin lỗi, tôi chưa lục soát phòng ngủ của
ông!”. Piô VI đích thân dẫn y vào phòng, mở tráp cho y thấy chẳng có gì đáng giá
ngoài chiếc nhẫn mục tử. Và y lặng lẽ bước ra khỏi căn phòng.
Đêm hôm đó họ chuẩn bị mang Giáo hoàng đi lưu đày. “Cuối cùng, chiếc xe chở
Giáo hoàng chuyển bánh”, Baldassari kể tiếp, “trước và sau xe là hai đội kị binh
hùng hậu, tới hai uỷ viên đại diện, rồi tới đoàn tháp tùng Đức Thánh Cha và cuối
cùng thêm một đội kỵ binh nữa. Chúng tôi đau đớn, tim như muốn bung ra khỏi lồng
ngực. Chúng tôi quỳ rạp xuống để nhận phép lành, và ngày 20-2-1798, quảng một
giờ trước khi ngày bắt đầu, Giáo hoàng Piô VI giã biệt Vatican và thành Rôma”.

Mất trong thời gian lưu đày


Quân đội cách mạng Pháp đã chiếm nước Giáo Hội từ năm 1796. Tiếp sau vụ ngưng
chiến ở Bologna (23-6-1796), giáo hoàng phải giao Bologna, Ferrara và luỹ Ancona
cho Pháp, trả cho họ 21 triệu đồng Skudi và để cho Pháp chở 500 tài liệu viết tay quý
cũng như 100 tác phẩm nghệ thuật về Paris. Tiếp đó, sau khi Giáo hoàng liên minh
với Áo và Napoli, tướng Napoleon liền tấn công chiếm nước Giáo Hội và bắt Giáo
hoàng ký hiệp ước “Hoà bình Tolentino”, theo đó, Giáo hoàng phải trả thêm 25 triệu
tiền và mất cho Pháp một số sản phẩm nghệ thuật quý nữa. Sau khi bị bắt, lúc đầu họ
giữ Giáo hoàng ở Siena, sau đưa về Certosa (Kartause) gần Firenze rồi cáng ngài tiếp
- lúc đó ngài chỉ còn là một cụ già 80 tuổi bệnh sắp chết - băng qua rặng núi Alpes về
Valence ở Pháp. Ngài mất ở đó vì kiệt lực ngày 29-8.
Ngai giáo hoàng xem ra chấm dứt
Sau khi Piô VI mất, ít người nghĩ là ngai giáo hoàng sẽ tồn tại. Kẻ thù của Giáo Hội
đã chuẩn bị sẵn điếu văn cho ngai này. Nhưng ngay trong năm xem ra tuyệt vọng đó
thì ở Venezia xuất hiện một cuốn sách với đầu tựa thật lạ lùng: “Cuộc chiến thắng
của Ngai thánh và của Giáo Hội trước tấn công của những kẻ tân thời”. Tác giả là P.
Mauro Capellari. Ông viết trong sách rằng phá mặt trời còn dễ hơn đánh đổ Ngai
thánh và Giáo Hội. Capellari, sau này là Giáo hoàng Grêgôriô XVI, đã có lý, vì ngai
giáo hoàng đã hồi sinh nhanh chóng không ngờ. Trước khi mất, Piô VI lệnh cho các
hồng y có quyền họp bất cứ ở đâu để bầu giáo hoàng mới, vì Rôma lúc đó đang bị
Pháp chiếm.

Hoan hô giáo hoàng mới!


Mật viện hồng y họp ngày 1-12-1799 ở Venezia, dưới sự che chở của hoàng đế nước
Áo Franz II. Thành phố Venezia từ năm 1797 thuộc lãnh thổ Áo. Hoàng đế Franz II
chịu mọi phí tổn cuộc và ông cho sửa lại tu viện trên đảo San Giorgio để làm chỗ cho
các hồng y họp. Ngày 14-3-1800, Giám mục Giáo phận Imola là Barnabas
Chiaramonti, một tu sĩ biển đức 58 tuổi, đắc cử giáo hoàng. Ngài lấy hiệu là Piô VII.
Trong lúc đó Rôma được quân của thành Napoli giải phóng khỏi tay Pháp. Vì vậy,
giáo hoàng mới đã có thể trở về lại Rôma ngày 3-7-1800 và được dân chúng tưng
bừng đón tiếp. Cuối năm đó, Napoleon tự xưng Đệ nhất Nghị viên và nắm toàn
quyền cai trị nước Pháp.

Lời tuyên xưng của Napoleon


Sau trận thắng ở gần Marengo ngày 5-6-1800, Napoleon, lúc đó còn là tướng, đã có
một bài diễn văn quan trọng trước hàng giáo sĩ ở Milano. Trong bài nói chuyện, ông
đã đề cập: “Tin tưởng rằng đạo này (Công giáo) là tôn giáo duy nhất có khả năng tạo
hạnh phúc thật cho nhân quần và có khả năng làm vững mạnh nền tảng cho một
chính quyền tốt, tôi bảo đảm với quý vị là sẽ cố gắng hết mình che chở và bảo vệ nó
bất cứ lúc nào... Các triết gia tân thời đã nỗ lực tạo cho nước Pháp xác tín rằng đạo
Công giáo là một kẻ thù không đội trời chung với bất cứ một chính thể cộng hoà
nào. Do đó mà đã xảy ra bách hại. Kinh nghiệm đã mở trí dân Pháp khiến họ xác tín
rằng không có một tôn giáo nào ngoài Công giáo có thể phù hợp hơn với mọi loại
chính thể. Tôi cũng là một triết gia”, Napoleon nói tiếp, “và vì thế tôi biết rằng chẳng
có ai đạo đức và công chính trong một xã hội nào mà không biết mình từ đâu tới và
sẽ đi về đâu. Lý trí không chưa đủ để dạy cho chúng ta biết một cách chắc chắn về
điều đó. Không tôn giáo, con người sẽ biến hoá luôn trong đêm tối. Chỉ một mình
đạo Công giáo mới xác định cho con người và giúp họ biết chắc chắn về điểm xuất
phát và điểm đến của đời mình”.
Dù xác tín về tôn giáo như thế nhưng Napoleon, do tham vọng quyền lực chính trị,
không lâu sau đó đã tấn công Giáo hội một cách tàn bạo.

Thoả ước chống lại Giáo Hội


Ngày 15-7-1801, Napoleon ký với Giáo hoàng Piô VII một thoả ước, theo đó tôn
giáo tại Pháp được tái lập, giáo hội không được đòi lại những tài sản đã bị quốc hữu
hoá, nhà nước giữ quyền bổ nhiệm giáo sĩ trên tất cả giáo phận, trả lương cho họ và
có quyền đòi hỏi các giám mục và linh mục tuyên thệ trung thành với nhà nước.
Giáo chủ chấp nhận, nhưng bản thân Napoleon thấy những nhượng bộ đó vẫn chưa
đủ. Vì thế ông tự tay thêm vào thoả ước 77 “khoản”, trong đó ông đưa vào tất cả
những gì Giáo hoàng trước đó đã từ chối, chẳng hạn như khoản bắt buộc các giáo sư
phải tuân theo bản điều khoản “Tự do của Pháp” đã ra năm 1682. 21 điều trong văn
bản này mâu thuẫn với nội dung của thoả ước. Trong một lá thư gởi Napoleon, Piô
VII phản đối như sau: “Dù chúng tôi đã nhượng bộ quá nhiều điều, ngài vẫn luôn
không ngừng làm đau lòng chúng tôi... Ngài đã tự tay thêm vào một số khoản (77) và
ngài đã cố tình đưa ra những đề nghị hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc
của Giáo Hội”. Dĩ nhiên Napoleon đã bỏ ngoài tai phản đối này của Giáo hoàng.

TRÌNH THUẬT 88-89

TRÌNH THUẬT 88

NAPOLEON BONAPARTE VÀ GIÁO HOÀNG PIÔ VII

“Người ta để giáo hoàng cưỡi ngựa về Paris như một ông linh mục phó xứ làng quê
nhận được lệnh giám mục về dâng lễ”, Hồng y Bộ trưởng Ercole Consalvi đã viết
như thế về cách Napoleon triệu giáo hoàng về Paris để xức dầu phong đế cho mình.
Trước đây, chấp chánh đoàn tìm cách dẹp bỏ ngai giáo hoàng. Nay Napoleon lại
“quàng ách vào ngai đó để biến nó thành một công cụ cho quyền lực toàn trị của
ông” (Ranke). Thái độ coi thường của Pháp được chứng tỏ qua câu của tướng
Lafayette Napoleon một lần nói thẳng với giáo hoàng: “Ông chỉ có việc nhận tội
thôi! Chiếc bình xức dầu nhỏ này đáng được đập vỡ trên đầu ông. Ông chỉ muốn có
vậy!”.
Năm 1804, khi muốn trở thành hoàng đế nước Pháp, tướng Napoleon đã yêu cầu
Giáo hoàng Piô VII về Paris làm lễ phong đế cho mình. Chưa bao giờ một giáo
hoàng đã tới Wien để xức dầu phong đế (cho hoàng đế đế quốc Đức). Nhưng lần này
Piô VII chịu đến Paris, là vì ngài hy vọng có dịp gặp riêng để yêu cầu Napoleon bỏ đi
một số điểm trong danh sách “khoản (77)” của ông. Song chuyến đi này cũng thất bại
như chuyến đi sang Áo của vị tiền nhiệm Piô VI trước đây. Napoleon muốn trở thành
một quân vương chính danh qua việc xức dầu đội mũ. Ông bắt giáo hoàng phải tuyên
bố bỏ tước “Đế chính Rôma của Quốc gia Đức” (hoàng đế Rôma), dù rằng tước này
đang thuộc về hoàng đế Joseph II nước Áo. Ngày 6-8-1806, Joseph II tuyên bố tự
nguyện từ chối tước hoàng đế nước Đức, để giúp Giáo hoàng đỡ khó khăn trong
quyết định đó.
Trong lễ tấn phong tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Napoleon chỉ cho phép giáo hoàng xức
dầu mà thôi, còn vương miện thì tự tay ông cầm đội lên đầu. Nữ quận công đất
Abrantes viết về biến cố đó như sau: “Giáo hoàng là người đầu tiên bước vào nhà
thờ. Không thể tưởng tượng được có sự xuất hiện nào uy nghi và đáng kính hơn hình
ảnh của Piô VII... Napoleon tỏ ra thật thanh thả... Chỉ có buổi lễ lâu làm ông cảm
thấy mệt, và tôi để ý nhiều lần thấy ông muốn ngáp nhưng cố nén. Khi giáo hoàng
xức dầu ba lần lên đầu và tay ông, nhìn qua ánh mắt ông, tôi biết ông là người hơn ai
hết muốn lau ngay những vết dầu đó. Tôi là người hiểu rõ thái độ thường biểu hiện
qua gương mặt của ông nên tôi cam đoan nhận xét mình đúng...”.

Cách mạng đã chấm dứt


Với việc xưng đế của Napoleon, cách mạng Pháp coi như chấm dứt. Nay là dịp để
chúng ta bàn thêm một chút về nhà triết học ngọng nghịu khó hiểu nhưng đầy tình
cảm và hăng say Jean Jacques Rousseau ở Genève, “cha đẻ” của cách mạng. Ông là
đầu mối cho đòi hỏi “tự do, bình đẳng, huynh đệ” của giai cấp đệ tam bị chèn ép ở
Pháp. Ông cũng là tác giả câu nổi tiếng: “Con người sinh ra bình đẳng, nhưng đâu
đâu nó cũng bị xích xiềng”.
Căn nguyên quyết định cho việc nảy sinh cách mạng trong lịch sử Pháp là cuốn “Khế
ước xã hội”, cuốn sách đã trở thành “sách thánh” của nhóm Jacobin và trong đó
Rousseau đã bàn đến “lý thuyết ma quái về quyền tối thượng của người dân vốn
không sai lầm và tự bản chất là tốt” (R. Ingrim). Người ta đọc được trong sách đó
những câu “hướng dẫn tương lai” như: “Mỗi chúng ta tự khép con người và toàn bộ
sức lực mình vào sự hướng dẫn của ý chí chung”; “Ai không vâng lời ý chí chung thì
bị ép buộc làm chuyện đó... Như thiên nhiên cho phép mỗi cá nhân toàn quyền trên
việc điều động chân tay, ‘khế ước xã hội’ cũng cho phép nhà nước có toàn quyền
trên công dân mình. Tất cả mọi công việc người dân làm cho nhà nước là làm vì bổn
phận của mình trước đòi hỏi của nhà nước”.
“Tự do” của Rousseau, như thế, cuối cùng đã dẫn đến việc nhà nước đàn áp con
người cá nhân. Bảo Rousseau là “ông nội” (R. Ingrim) của chủ nghĩa cộng sản, như
vậy, cũng không phải là sai.
Về mặt Kitô giáo, Rousseau là kẻ lót đường cho chủ nghĩa mác (Marx), khi ông
khẳng định trong “Khế ước xã hội” rằng Kitô giáo “không trói buộc lòng người công
dân vào nhà nước, nhưng kéo họ ra khỏi nhà nước cũng như khỏi tất cả những vấn đề
trần thế khác”. Rousseau viết: “Không có chi mâu thuẫn với tinh thần của xã hội hơn
thế. Một xã hội của Kitô hữu thật sự chẳng còn là một xã hội con người nữa”. Sau
này Karl Marx cũng viết như vậy, khi cho rằng Chúa phải chết đi để con người sống.
Hoặc là: Ai tước tôn giáo ra khỏi con người là người ấy đã làm một việc thiện, cũng
giống như kẻ đã giật điếu thuốc phiện ra khỏi miệng anh cu li, vì nhờ đó mà anh này
mới có khả năng chung tay đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội.

Chửi bới tôn giáo kết thúc trong hỗn loạn


Đứng đàng sau cuộc bách đạo quá khích thời cách mạng Pháp không phải chỉ có
Rousseau, mà còn nhiều tác giả ánh sáng khác. Chẳng hạn như Voltaire, với lời hô
quá khích “Diệt tên khùng đó đi!” (tên khùng ở đây ám chỉ Giáo Hội). Montesquieu
gọi linh mục là những tay phù thuỷ, người làm cho người ta tin “ba là một”, ở đây
ông muốn ám chỉ một cách khôi hài về giáo lý Chúa Ba Ngôi. Holbach cho rằng tôn
giáo là căn nguyên của mọi khổ đau con người, và Diderot tuyên bố: “Thế giới chỉ
hạnh phúc khi nào mà vị vua cuối cùng bị thắt cổ bằng khúc ruột của ông linh mục
cuối cùng”.
Nước Pháp như ngộp thở trong máu và nước mắt khi cách mạng thực thi những điều
mà các triết gia “ánh sáng” nhân danh “lý trí” đòi hỏi, bởi lẽ lý trí con người cuối
cùng đã lộ hình như một ác thú đui mù, mặc sức cắn xé đồng loại. Vì thế, nhà khoa
học và thần học Blaise Pascal đã viết về lý trí con người: “Kết luận cuối cùng của lý
trí là nó nhận ra có nhiều điều còn vượt xa trí hiểu của nó”, nghĩa là, lý trí không bao
giờ là và không bao giờ được phép là lẽ phán xét cuối cùng cho hành động và tính
toán con người, nếu như nó không muốn chỉ mang lại khổ đau và đường cùng cho
con người. Cách mạng Pháp đã chứng minh cho thấy lý trí “thuần tuý” không thể
nắm quyền quyết định nếu như nó tách rời khỏi tinh thần trách nhiệm, đạo đức và tôn
giáo.

Chỉ một mình giáo hoàng chống lại Napoleon


Khi Napoleon buộc giáo hoàng đi theo mình về mặt chính trị và buộc ngài phải tăng
số hồng y lên 1/3 nữa và Piô VII không đồng ý, thì quan hệ giữa hai người vỡ. Ngày
2-2-1808, Napoleon chiếm Rôma, và ngày 17-5-1809 ra dụ sát nhập phần đất còn lại
của nước Giáo Hội vào lãnh thổ Pháp, để “chấm dứt sự thông đồng lạm dụng giữa
thần và thế quyền”. Từ lâu đài Schoenbrunn ở Wien - mà ông gọi là “căn cứ quân sự
của hoàng đế chúng ta”. Napoleon tuyên bố từ nay chấm dứt “vĩnh viễn” nước Giáo
Hội. Nước này từ nay trở thành một phần của Vương quốc Pháp. Ngày 10-6, cờ giáo
hoàng trên luỹ Thiên thần được thay bằng cờ tam tài của Pháp. Piô VII phản ứng, dứt
phép thông công Napoleon. Ngài cho dán sắc chỉ này lên các nhà thờ ở Rôma ngày
10-6-1809. Đêm mồng 6-7, Giáo hoàng bị bắt.

Đức Piô VII bị bắt


Tướng Radet được lệnh bắt giáo hoàng. Vào lúc 2 giờ 30 sáng, chỉ huy trưởng cảnh
sát Radet dẫn quân lính vào điện Quirinal, phá cửa. Đột nhiên, giáo hoàng xuất hiện,
ra lệnh cho đội lính canh người Thuỵ Sĩ không được chống lại. Thấy ngài, lính Radet
theo nhau kính cẩn quỳ sụp xuống. Riêng Radet, như sau này ông thố lộ, thoạt tiên có
cảm tưởng như đang ở trong buổi rước lễ lần đầu. Sau khi sực tỉnh, ông nói với giáo
hoàng là ông nhận lệnh vào cất vai trò thế quyền của giáo hoàng. Nghe vậy, Piô VII
trả lời rằng ngài không thể cho cái gì mình không có, rằng ngài chỉ là một người quản
trị nước Giáo Hội. Sau đó ngài được dẫn ra một chiếc xe thư đậu bên ngoài thành
phố. Trong xe rất nóng nực, nhưng người ta vẫn kéo các màn che xuống để không ai
nhìn thấy ngài. Mọi người ăn trưa trong một quán ăn dơ bẩn. Nước uống múc từ
dòng suối trước cửa quán ăn. Sau 19 giờ di chuyển, người ta đưa ngài vào nghỉ đêm
trong một nhà trọ. Ngày 8-7, ngài được đưa vào nghỉ đêm trong chính căn phòng ở
Certosa gần Firenze mà 10 năm trước Giáo hoàng Piô VI đã lai vãng. Ngày 15-8,
ngài tới Savona và tạm lưu lại đó. Đoàn hồng y và tuỳ tùng được lệnh đi tiếp về
Paris. Trên đường sang Nga đánh nhau, khi đang ở thành phố Dresden (Đức),
Napoleon ra lệnh đưa Giáo hoàng về Fontainebleau gần Paris. Dù lúc đó đang đau
sắp chết, người ta cũng mang ngài lên đường.
Sau khi ở Nga về, Napoleon lại ép Piô VII lần nữa, để ngài đồng ý bỏ nước Giáo Hội
và gấp rút công nhận những giám mục mới được Napoleon bổ nhiệm cũng như chịu
chấp nhận điều kiện có hai dinh thay đổi nhau cho giáo hoàng, lúc thì ở Rôma lúc ở
Paris. Ngày 25-1-1813, lực đã kiệt, Piô VII chấp nhận bản dự thảo đó để làm nền
tảng cho một thoả ước về sau. Nhưng Napoleon cho công bố bản dự thảo và nói đó là
“Thoả ước Fontainbleau”. Giáo hoàng vì thế đã rút lại sự đồng ý.
Khi liên quân Âu châu tiến gần tới Paris sau khi đã thắng trận gần Leipzig (1813),
Napoleon ra lệnh đưa Giáo hoàng về lại Savona và trả tự do cho ngài ngày 10-3-
1814. Một tháng sau, chính Napoleon phải ký lệnh từ chức ở Fontainebleau và bị đưa
đi lưu đày ở đảo Elba.

Chiến thắng tinh thần của giáo hoàng


Khi tới sông Taro thuộc bắc Ý, nơi Áo và Pháp đang dàn quân chống nhau, một đại
tá người áo mang Giáo hoàng qua sông rồi quỳ rạp xuống chân ngài. Lính Pháp và
Áo cũng theo nhau quỳ xuống để được đức Thánh Cha chúc lành. Sau 5 năm tù, ngày
25-5-1814, Piô VII về tới Rôma giữa tiếng reo hò vui không thể tả của dân chúng.
Trong cuộc đọ sức với Napoleon, ngài đã thắng về tinh thần. Vừa về tới Rôma, ngài
cho lập lại dòng Tên, và trong 9 năm cuối đời, ra sức đặt lại nền móng cho sự phục
hưng của giáo triều.

TRÌNH THUẬT 89

CHẤM DỨT QUỐC GIA GIÁO HỘI

Năm 1809, Napoleon sát nhập Quốc gia Giáo Hội (nước Giáo Hội) vào Pháp. Đại hội
Wien (1814) đã bãi bỏ việc sát nhập đó và trả lại đất cho giáo hoàng, trừ phần đất
Avignon và Venaissin vẫn tiếp tục nằm trong tay người Pháp. Nhưng số phận của
Quốc gia Giáo Hội cũng chẳng kéo dài. Nó chấm dứt vào ngày 20-9-1870, sau hơn
1000 năm hiện diện. Từ đây nó bị sát nhập vào Vương quốc Ý vừa mới hình thành.

Có hay không có giáo hoàng, Ý vẫn thống nhất


Từ năm 1831, các đại biểu Anh, Pháp, Nga và Phổ ở Vatican đã đề nghị giáo hoàng
ân xá các chính trị phạm, cho phép giáo dân tham gia vào các cơ quan hành chánh và
tư pháp, mở quyền tự trị cho các làng xã và cho thành lập một hội đồng quốc gia và
hội đồng tài chính.
Những người quốc gia khác như Vincenzo Gioberti chủ trương đi tới một liên bang
Ý với vị đứng đầu liên bang là giáo hoàng. Nhân vật tam điểm Mazzini thì đòi thành
lập một quốc gia Ý và dẹp bỏ vai trò lãnh đạo của giáo hoàng trên nước Giáo Hội.
Giáo hoàng Grêgôriô XVI (1830-1846) bác bỏ không những đòi hỏi của Mazzini và
đề nghị của Gioberti, mà cả bất cứ nỗ lực nào nhằm dân chủ hoá nước Giáo Hội, vì
sợ rằng làm như vậy có thể sẽ đưa Ý vào con đường “cách mạng” như ở Pháp đã xảy
ra.
Nước Giáo Hội vì vậy tiếp tục chìm trong tình trạng tham nhũng vì luật pháp bất
minh, trong sưu cao thuế nặng, trong luật lệ ăn chay hãm mình khắc nghiệt, trong bất
an vì khủng bố của những băng đảng trong vùng Abruzzen. Lại nữa chỉ có giáo sĩ
mới được làm công chức và thành phần này thường cố ý cản trở việc phong chức cho
những người khác, để mình khỏi phải chia bớt nguồn thu nhập. Làm như thế họ mới
có cơ hội gom góp tiền bạc mau đủ để lập gia đình. Cơn giận của người dân chống lại
nước Giáo Hội, chung quy lại, cũng là vì lệ không cho giáo dân tham gia bộ máy
hành chính.
Ngay năm 1831 đã xảy ra cách mạng trong nước Giáo Hội. Một chính quyền đã được
thành lập trong vùng Romagna để tính chuyện lật đổ giáo hoàng, nhưng đã bị quân
đội Áo dẹp kịp thời. Cũng như giáo hoàng, nước Áo không muốn để Ý thống nhất, vì
Áo còn có nhiều uy thế trên nước này.

Piô IX, niềm hy vọng của nhiều người


Piô IX nguyên là Mastai Ferreti, Giám mục Giáo phận Imola, được bầu giáo hoàng
năm 54 tuổi. Khi ngài lên thì phong trào đòi thống nhất đã như nước vỡ bờ, không
thể cản được nữa. Phe quốc gia hồ hởi về việc bầu Piô IX, vì trước đó ngài đã tỏ cho
thấy có nhiều thiện cảm với chủ trương của họ. Một vài biện pháp vào thời gian đầu
của triều đại ngài đã tạo nhiều phấn khởi, như mở lệ triều yết chung vào mỗi ngày
thứ năm, giảm kiểm duyệt báo chí, thành lập đội tự vệ và hội đồng bộ trưởng và tái
lập hiến pháp dân sự cho Rôma. Việc ngài một sớm một chiều ra lệnh ân xá cho tù
chính trị đã đưa uy tín ngài lên cao tột đỉnh. Ngày 16-7-1846, thông cáo lệnh ân xá
được treo khắp đó đây: “Ta ra lệnh ân xá toàn bộ cho những thần dân nào đã bị án
phạt vì phạm tội chính trị, với điều kiện họ phải viết giấy tuyên hứa là, bất kỳ ở đâu
và lúc nào, sẽ không bao giờ lạm dụng sự ân xá này và hứa từ nay sẽ làm tròn bổn
phận của một thần dân tốt và trung thành”.
Ngay cả Mazzini lúc đó cũng phấn chấn viết thư khuyên giáo hoàng nên đứng ra dẫn
đầu phong trào thống nhất, nhưng cũng không quên nhắc khéo ngài là, nếu không,
dân sẽ bỏ thập giá mà theo con đường riêng của họ. Những biện pháp trên càng làm
dân Ý mến bao nhiêu thì Piô IX lại bị Áo bực bội bấy nhiêu. Ở Wien lúc đo, một tài
liệu với tựa đề “Nguỵ thánh Piô IX” được tung ra khắp nơi. Tuy nhiên, khi phe quốc
gia ở Ý yêu cầu Đức Thánh Cha tích cực tham gia vào cuộc chiến chống Áo, thì ngài
từ chối và trả lời rằng ngài không muốn ai ra điều kiện cho mình cả.
Cách mạng lúc này chẳng còn tránh nước Giáo Hội nữa. Ngày 15-11, vị thủ tướng
đầu tiên được giáo hoàng uỷ nhiệm lãnh đạo Quốc gia Giáo Hội là Pellegrino Rossi
bị một anh cách mạng đâm chết, khi ông này bất chấp đe doạ tiến vào điện Quirinal
để khai mạc quốc hội. Tiếp đó, cách mạng bùng nổ, khiến Giáo hoàng ngày 24-11
phải chạy tới Gaeta thuộc Vương quốc Napoli lánh nạn. Ngày 9-2 năm sau (1849)
Giuseppe Mazzini tuyên bố nước Giáo Hội là một quốc gia cộng hoà. Nhưng nhà
nước cộng hoà này chỉ kéo dài được 62 ngày và Rôma trong thời gian đó lâm vào
tình trạng bi đát như chưa từng thấy. Cướp bóc, ám sát, chém giết như cơm bữa, cho
tới khi thành phố được quân Pháp tái lập trật tự. Sau khi trở lại Rôma, Piô IX quay
trở về con đường chuyên chế triệt để. Điều này làm những người “dân chủ” - mà
thực chất là một đám khủng bố đội lốt, như ở Pháp trước đây - thất vọng.

Bước ngoặc quyết định


Khi vua Viktor Emanuell II của Vương quốc Piemont Sardinien và anh du kích
Giuseppe Garibaldi đứng ra điều động việc thống nhất, thì số phận nước Ý và Quốc
gia Giáo Hội bước vào một khúc rẽ quyết định. Năm 1859, quân cách mạng Ý thắng
Áo ở trận gần Solferino, chiếm phần đất Lombardei về lại cho Ý. Năm 1860
Garibaldi đưa quân lên đảo Sizilien đánh đuổi quốc vương xứ Napoli. Cùng năm đó
quân Piemont tiến vào nước Giáo Hội và đánh bại quân của giáo hoàng trong trận
gần Castelfidardo. Dân trong các vùng Toskana, Parma, Modena và Romagna bỏ
phiếu gia nhập Vương quốc Ý vừa mới hình thành. Năm 1861, Viktor Emanuell II
được đại hội ở Firenze đề cử làm “Vua của nước Ý”. Giáo hoàng chỉ còn lại phần đất
Rôma và vùng lãnh địa Phêrô (Patrimonium Petri: vùng đất chính của Quốc gia Giáo
Hội).

Rô ma trở thành thủ đô của Ý


Sau khi thất trận ở Sedan, Pháp rút quân khỏi Ý. Giáo hoàng, vì vậy, mất hậu thuẫn
quân sự của Pháp. Được thế, Garibaldi cho tiến quân vào phần đất còn lại của Quốc
gia Giáo Hội và trực chỉ tiến về Rô ma. Giáo hoàng Piô IX ra lệnh cho lực lượng trú
phòng chỉ chống trả tượng trưng mà thôi và sẵn sàng giao thành ngay sau khi thành
vỡ. Klemens August Eicholt, một trung uý pháo binh người Đức trong đoàn binh của
Giáo hoàng, ghi lại theo nhãn quan của ông việc chiếm thành Rôma và những giờ
phút chót của nước Giáo Hội như sau:
“Chiều tối ngày 19-9, Piô IX đi xe tới Lateran. Như thói quen của dân Ý thời đó, ngài
quỳ gối leo lên đền Scala Santa để chầu Mình Thánh Chúa. Cho tới hôm nay, đây là
lần cuối cùng một giáo hoàng rời bỏ Vatican. Cũng chiều tối hôm đó, chỉ huy trưởng
của chúng tôi ra lệnh chuẩn bị và nói: ‘Sáng mai lúc 5 giờ cuộc tấn công vào Rô ma
sẽ bắt đầu’. Cũng may mà cuộc tấn công xảy ra lúc còn sớm. Các đấng bậc chức sắc
chưa dậy và do đó sẽ không ai hối hả chạy tới Vatican để xin Đức Thánh Cha cấp tốc
cho kéo cờ trắng. Và vừa xoa tay, ông nói thêm: ‘Như thế hy vọng chúng ta còn có
mấy tiếng đồng hồ để dập quân Ý’. Bình minh ngày 20-9-1870, chiếu sáng một
quang cảnh buồn bã. Thành Rôma của các giáo hoàng, thủ đô của Giáo hội Công
giáo, bị họng súng bao vây tứ phía và chốc nữa đây sẽ biến thành một biển khói và
lửa. 5 giờ kém mười lăm, 14 họng pháo bắt đầu nhả đạn vào cửa San Giovanni. Lực
lượng trú phòng bảo vệ cửa gồm hai đội pháo. Đây là giờ phút vinh dự và may mắn
cho chúng tôi được lâm chiến...”.
Sau một cuộc đụng độ ngắn, người ta biết được Garibaldi sẽ vào thành bằng cửa Pia.
Vì vậy đội pháo được lệnh ngừng bắn. Anh trung uý kể tiếp:
“Chúng tôi thoải mái tiến về Công trường Thánh Phêrô, dựng hai khẩu pháo bên tháp
giữa công trường và dẫn lừa, ngựa vào trú dưới các trụ phía cửa đồng điện Vatican.
Sau chúng tôi, những đám quân khác cũng kéo tới đóng trại trên công trường. Một
đêm buồn bã nữa trôi qua, đêm cuối cùng trong cuộc đời phục vụ giáo hoàng. Những
vết thương làm tôi không thể nào chợp mắt được. Càng không ngủ được khi nghĩ đến
rồi đây số phận của đức Thánh Cha, vị lãnh đạo chúng tôi, sẽ ra sao. Mãi lâu sau nửa
đêm đèn phòng của ngài mới tắt. Không biết tắt đèn rồi ngài có chợp mắt được
không. Tôi tựa mình vào súng, người quấn trong áo choàng, đợi chờ ngày tới, chong
mắt nhìn những tia sáng bình minh trong làn khí ban mai se lạnh...
Buổi sáng trôi qua trong những chuẩn bị súng ống. Lần cuối cùng quân đội của giáo
hoàng dàn binh trên công trường Phêrô. Chúng tôi ngồi trên mình ngựa trong tư thế
sẵn sàng lên đường. Bổng hàng ngàn tiếng la reo lên: ‘Đức Thánh Cha, xin ĐTC ban
phép lành cho chúng con!’ ĐTC xuất hiện nơi cửa sổ, cánh cửa mở, tất cả yên lặng
như tờ. Ngài đưa tay lên ban phép lành...
Tôi gập đầu lên cổ ngựa. Những hạt nước mắt nóng thấm xuống bờm ngựa. Tôi xấu
hổ liếc nhìn sang bên thì thấy vị tiểu đoàn trưởng Mueller của tôi - một tay lính chân
chất đã từng ra trận ở Phi châu và Mễ tây cơ - cũng nước mắt lăn dài trên má... Rồi
như có lệnh, các đơn vị bộ binh đồng loạt dơ cao tay súng. Lời chào cuối cùng là một
phát đại bác xé trời. Bóng dáng ngài Piô IX biến mất sau cánh cửa sổ...”.
Từ cái ngày 20-9-1870 ấy Rôma trở thành thủ đô của Ý. Không lâu sau đó Viktor
Emanuell vào thành và đóng đô tại dinh Quirinal.

Các Vương quốc trên lãnh thổ Ý trước khi thống nhất Ý

TRÌNH THUẬT 90-91

TRÌNH THUẬT 90

PIÔ IX CHỈ CÒN LÀ MỘT “GIÁO HOÀNG”

Sau khi thành phố Rôma và Quốc gia Giáo Hội bị chiếm ngày 20-9-1870, Giáo
hoàng Piô IX ẩn mình trong điện Vatican và tự coi mình như một “tù nhân”. Mọi cố
gắng thương thảo với vị “vua mới của nước Ý” theo sự thúc dục của Hồng y Quốc vụ
khanh Antonelli đều bị Piô IX khăng khăng từ chối: “Non possumus”!
Không thể chờ được sự thay đổi ý kiến về phía giáo hoàng, vì ngài cương quyết
không chịu từ bỏ Quốc gia Giáo Hội, vương triều Ý đại lợi ngày 13-5-1871 đã đưa ra
một “Đạo luật bảo đảm” để ấn định quyền hạn và vai trò của giáo hoàng. Qua luật
đó, vua Viktor Emanuel, người đã bị giáo hoàng dứt phép thông công, đề nghị giáo
hoàng vẫn tiếp tục có hoàn toàn chủ quyền, được trả tiền hưu bổng hằng năm, được
tự do liên lạc với các giám mục trên thế giới, tự do thi hành sứ vụ, tự do bổ nhiệm
các giám mục ở Ý, không buộc phải tuyên thệ trung thành trước chính phủ Ý, và
ngoài ra điện Vatican, điện Lateran và điện Castel Gandolfo sẽ là sở hữu của giáo
hoàng.
Hai ngày sau, Piô IX bác bỏ đề nghị đó. Vì vậy, “vấn đề Rôma” vẫn bế tắc cho mãi
tới khi có hiệp ước Lateran được ký kết giữa Piô XI và Mussolini vào năm 1929.
Để làm ra vẻ không công nhận chính phủ mới, năm 1874 Giáo hoàng Piô IX ký sắc
lệnh “Non expedit” cấm tất cả tín hữu Công giáo Ý tham gia bầu cử chính trị. Lệnh
này có hiệu lực mãi đến năm 1905. Hậu quả không lường của lệnh đó là đã giúp cho
các phần tử chống Giáo Hội chiếm được đa số trong quốc hội Ý một cách dễ dàng.
Kể từ đây, Quốc gia Giáo Hội chấm dứt. Piô IX đã cố tìm mọi cách để bảo vệ uy
quyền đời của mình. Nhưng ý Chúa lại “khôn ngoan” hơn, vì rồi ra sẽ thấy, uy quyền
đó thật ra chỉ là một gánh nặng vô ích, càng ngày càng trở nên quá tải cho giáo hoàng
và Giáo Hội và là đầu mối bất hoà giữa các thế lực. Cuối cùng, giáo hoàng không là
một ông hoàng trần thế nữa mà chỉ còn là một “giáo hoàng thuần tuý”, chỉ còn là vị
lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội. Đã qua rồi cái thời mà người ta vẫn cho rằng uy
quyền và tự do của giáo hoàng chỉ có được bằng cách liên minh với một thế lực trần
thế lớn mạnh. Cái lo ngại của Piô IX cũng không xảy ra. Ngài sợ nếu mất vương
quyền đời thì sẽ bị lệ thuộc nước Ý. Trái lại, việc giải tán Quốc gia Giáo Hội đã
mang lại cho giáo hoàng một thứ uy quyền tinh thần, như hiện nay ta đang thấy.

Syllabus phê phán những sai trái của thời đại


“Syllabus errorum” (= Bản kê các sai lầm) là một thí dụ về ảnh hưởng của tiếng nói
giáo hoàng trên thế giới. Nội dung Syllabus chỉ là nhắc lại những điểm mà Giáo Hội
đã kết án trước đây. Đây là một bản văn đính kèm với tông thư “Quanta cura”, công
bố năm 1864 và được gửi tới tất cả các giám mục. Bản văn đề cập tới 80 điểm sai
lầm của thời đại, như thuyết phiếm thần (Pantheismus: coi Thượng đế đồng nhất với
thiên nhiên), thuyết dửng dưng coi tất cả các tôn giáo đều có giá trị như nhau, chủ
nghiã xã hội và chủ nghiã cộng sản vì hai thuyết này chối bỏ quyền tư hữu và đặt gia
đình lệ thuộc vào nhà nước - Bản Tuyên ngôn Cộng sản xuất hiện năm 1848 - chủ
nghĩa tự nhiên cổ xuý cho việc loại tôn giáo ra khỏi xã hội, chủ nghiã duy lý và đặc
biệt là chủ nghiã tự do (Liberalismus) chủ trương đưa “khoa học và tự do lên thành
một thứ tôn giáo”. Nơi đâu những người theo chủ nghĩa tự do nắm quyền, ở đó họ
lập tức đưa ra những đạo luật thù nghịch với Giáo Hội.
Một số điểm trước đây bị “Syllabus” kết án, nay rõ ràng phải được xét lại, chẳng hạn
như những điểm kết án sau đây: “Mỗi người được tự do chọn lựa cho mình một tôn
giáo nào mà lý trí mình cho là đúng”. Hoặc “Qua tôn giáo mình, con người có thể tìm
thấy cho mình con đường nên thánh và sự cứu độ đời đời”. Hoặc “Nghiên cứu triết
học không cần phải quan tâm tới mạc khải”.
Nhà giáo sử Seppelt đã viết từ năm 1933 rằng “chỉ có thể giải thích đúng được các
đoạn văn này khi người ta hiểu được ý hướng của những người viết ra chúng và hiểu
được đâu là ý nghĩa phê phán của giáo hoàng. Hơn nữa, cần phải hiểu rằng đây chỉ là
những nguyên tắc cơ bản được nêu lên bằng một lối nói thật mạnh nhằm gây chú ý
nhiều hơn”. Syllabus xuất hiện trong lúc Giáo Hội bị tấn công từ mọi phiá, cho nên
phải hiểu nó là một lối “tự vệ” của giáo hoàng. Dù vậy, có những phê phán trong
Syllabus tới nay vẫn còn giá trị.

Phê phán đúng


Có thể kể ra đây ít điều tiêu biểu mà Piô IX đã phê phán đúng:
Lý trí con người, tự bản chất, là quy luật và tự nó có đủ khả năng tạo hạnh phúc cho
con người và các dân tộc...
Đức tin ki tô giáo mâu thuẫn với lý trí con người, mạc khải của Thiên Chúa làm
thương tổn sự phát triển toàn diện của con người...
Những lời tiên tri và phép lạ trong Sách Thánh chỉ là tưởng tượng của các thi sĩ.
Chính Chúa Kitô cũng là một nhân vật giả tưởng...
Các sắc lệnh Toà Thánh cản trở đà tiến bộ tự do của khoa học...
Giáo Hội chỉ được hành xử quyền của mình khi được phép và đồng ý của nhà nước...
Giáo Hội tự nó không có quyền chiếm hữu và tư hữu...
Mọi quyền hành xuất phát từ nhà nước và nhà nước có quyền hành vô hạn...
Giáo huấn Giáo hội Công giáo đi ngược với hạnh phúc và ưu điểm của xã hội con
người...
Nhà nước có quyền can thiệp vào chuyện tôn giáo, đạo đức và giáo sĩ. Nhà nước có
thể quyết định ngay cả về việc quản trị các phép bí tích...
Nhà nước có thể và phải nắm quyền lãnh đạo các trường công lập...
Nhà nước có thể ngăn cấm các giám mục và giáo dân không được tự do liên lạc và
trao đổi với giáo hoàng Rôma...
Chính quyền dân sự có quyền cấm các giám mục thi hành nhiệm vụ...
Chính quyền nhà nước có thể giúp đỡ cho tất cả những ai muốn hồi tục hoặc rút lại
lời thề...
Không chấp nhận một lực nào khác ngoài lực sẵn có trong chính vật chất đó...
Uy quyền chẳng gì khác hơn là tổng hợp các lực vật chất...
Từ bỏ một lời tuyên hứa dù lành thánh hoặc một hành động tội phạm dù xấu xa
chừng nào chăng nữa cũng không đáng kết án, chuyện đó được phép và ngay cả được
khuyến khích, nếu như người ta làm vì lòng yêu nước...

Hậu quả ghê gớm


Đạo binh của giáo hoàng chẳng thế lực nào còn coi ra gì. Nhưng, với một lá thư luân
lưu, Giáo hoàng đã làm cả thế giới rúng động. Lá thư khiến sự đối địch giữa tín hữu
Công giáo và Tin lành ở Hòa Lan trở nên gay gắt. Ở Pháp, những người theo thuyết
tự do phản đối mấy tuần liền và cấm phổ biến “Syllabus”. Chính quyền Nga và Ý từ
chối không cho ấn hành bản văn. Giáo hoàng bị nhạo cười ở Anh. Người đức lấy làm
tiếc về chuyện “trật đường rầy” của Giáo hoàng. Nhà cầm quyền Áo thì sợ giới giáo
sĩ được thế đòi thêm trong việc thi hành thỏa ước vừa mới ký với giáo hoàng. Nói
chung, những người theo thuyết tự do đánh giá tài liệu này là lạc hậu, phản tiến bộ,
phản văn hoá, là một lời “tuyên chiến” với nền văn hoá mới và với các quốc gia tân
tiến.
Piô IX cương quyết chống lại thuyết tự do đương thời, coi nó như là “một sai lầm của
thế kỷ”. Ngài đã một lần lên án cái gọi là “chủ nghiã tự do Công giáo” như sau: “Chủ
nghĩa tự do Công giáo là một thứ chân trong chân ngoài, một chân theo Giáo Hội,
một chân theo tinh thần buông thả của thời đại. Một chân theo Ta, một chân theo bọn
thù nghịch. Chân này theo chân lý, chân kia theo lầm lạc”. Tất cả mong ước của Piô
IX là làm sao có được những thứ “hiệp sĩ tuyệt hảo”, chưa bị tiêm nhiễm một chút gì
nếp sống buông thả của thời đại. Piô IX tuy không kết án những người công giáo
theo thuyết tự do, nhưng dưới mắt ngài, họ tất cả đều là những kẻ đáng ngại.

Một tín điều mới


Syllabus không được ban ra từ “ngai toà” (ex cathedra), nên không phải là không sai
lầm, không buộc phải tin. Giáo huấn Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, ban hành ngày 8-
12-1854, trái lại, là một tín điều “ngai toà”, buộc phải tin.
“Đây là một chân lý đức tin được Chúa mạc khải, là Maria ngay từ giây phút đầu thai
- nhờ một hồng ân đặc biệt và nhờ công nghiệp Đức Kitô - đã được Chúa giữ gìn
khỏi mọi tì ố tội nguyên”.
Nhiệm vụ quyết định của giáo hoàng khi muốn đưa một giáo huấn lên thành tín điều
là xét xem giáo huấn đó có phải là một “chân lý đức tin được Chúa mạc khải” hay
không hay giáo huấn đó đã có trong mạc khải (qua Sách Thánh hoặc truyền thống)
hay không. Ngay chính giáo hoàng cũng không thể “sáng chế” ra một tín điều mới,
nên tín điều Mẹ vô nhiễm cũng chẳng phải là một chuyện gì mới lạ, vì truyền thống
mừng lễ này đã có trong Giáo hội Đông và Tây phương cả ngàn năm nay rồi.
Việc loan báo tín điều Mẹ vô nhiễm vào thời điểm đó còn muốn chứng tỏ quyền
năng của một giáo hoàng, một mình ngài có thể ra quyết định tối hậu cho toàn thế
giới công giáo về những gì liên quan tới đức tin hoặc luân lý mà không cần phải có
sự đồng ý của công đồng. Vấn đề “không sai lầm” của giáo hoàng đã là đề tài quan
trọng nhất của Công đồng Vatican I.

TRÌNH THUẬT 91

“HOAN HÔ GIÁO HOÀNG KHÔNG SAI LẦM!”

“Tuyệt diệu, không thể tả được”, đó là cảm tưởng của Giám mục Ullathorne, Giáo
phận Birmingham (Anh), về buổi lễ khai mạc Công đồng Vatican I ngày 8-12-1869.
Cánh phải Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma được biến thành chỗ họp công đồng. Các
nghị phụ ngồi 8 hàng theo thang cấp, mặc áo choàng kim tuyến lấp lánh và đội mão
giám mục màu trắng. Giám mục kể tiếp: “Cả thế giới chưa từng thấy một hội nghị
đông đảo các đấng bậc cao dày học vấn và kinh nghiệm như thế”.
Có 774 giám mục trong tổng số khoảng 1.050 giám mục trên toàn thế giới về Rôma
dự công đồng. Nhờ có xe lửa và tàu thuỷ chạy bằng hơi nước mà nhiều giám mục ở
các địa phương xa xôi lần đầu tiên đã đến được Rôma. Hội trường muôn màu muôn
vẻ: 146 giám mục từ các nước Ănglô Xắc xông, 30 vị đến từ Trung và Nam Mỹ, 49
vị từ Hoa Kỳ, 50 vị từ châu Úc, 41 vị từ Ấn Độ và Viễn Đông, 9 vị từ Phi châu. Các
nghị phụ người Ý chiếm 35%. Năm vị chủ tịch tiểu ban, tất cả các thư ký, 2/3 cố vấn
và chuyên viên công đồng đều là người Ý. Chức vụ tổng thư ký công đồng do một
người nước ngoài đảm trách, đó là Giám mục Joseph Feßler, Giáo phận St. Poelten
(Áo).

Đúng lúc cần có công đồng


Ngày 6-12-1864, hai ngày trước khi phổ biến “Syllabus”, Piô IX lần đầu tiên hỏi
riêng một số hồng y đang hiện diện ở Rôma về ý định triệu tập công đồng. Các hồng
y tán thành ý định này, bởi vì từ Công đồng Trento đến nay đã hơn 300 năm rồi.
Ngoài ra cũng còn nhiều lý do quan trọng nữa cho thấy nhu cầu cần có một công
đồng mới. Hồng y tổng trưởng người Đức Reisach muốn có công đồng mới để giải
quyết những tồn đọng do phong trào cải cách tạo ra, bởi vì theo ông, Công đồng
Trento đã chưa dứt khoát trong việc phản bác các sai lầm căn bản của cải cách, cụ thể
là việc họ chối bỏ phẩm trật trong Giáo Hội và quyền giáo huấn không sai lầm của
giáo hoàng. Cũng nên nhớ rằng, với các “Điều khoản” tự do năm 1682, Giáo hội
Pháp vẫn còn đang sống trong tâm trạng đề cao công đồng, nghĩa là họ cho rằng mọi
quyết định của giáo hoàng chỉ thực sự không sai lầm sau khi đã được công đồng biểu
quyết. Ở Đức, tâm tình đó đã được thể hiện qua chủ trương của Giám mục Phụ tá
Giáo phận Trier là Hontheim (“Febronius”), vị này cho rằng ưu quyền của Giáo
hoàng Rôma chỉ có tính cách danh dự, trên thực tế ngài không hơn gì các giám mục
khác. Đề tài tranh cãi về vị thế của giáo hoàng này, được nêu lên lần đầu tiên do
Marsilius Padua, phải có một trả lời và quyết định dứt khoát.

Đắn đo và do dự
Piô IX đã đắn đo rất lâu trước khi quyết định triệu tập công đồng. Mãi cho đến ngày
26-6-1867, trong dịp có khoảng 500 giám mục trên thế giới về Rôma dự lễ giỗ 1800
năm hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, ngài mới công khai hoá ý định. Một năm
sau, ngài ra tông thư công bố chính thức công đồng sẽ khai mạc ngày 8-12-1869.
Các nhà cầm quyền châu Âu hồi hộp hướng nhìn về Rôma. Thủ tướng Bayern (Đức)
là ông hoàng Hohenlohe lưu ý công đồng chớ nên quyết định về chuyện “không sai
lầm của giáo hoàng”, bởi vì theo ông, một quyết định như thế sẽ có ảnh hưởng lớn
đến tình hình chính trị các quốc gia. Đồng thời ông yêu cầu các nhà cầm quyền khác
nên chung tay hành động để ngăn chặn Công đồng về điểm này. Kế hoạch của ông
thất bại, vì nước Áo và nuớc Phổ chần chờ không muốn tham gia.

Trước khi họp đã có hai phe


Trước khi công đồng khởi sự, đã có hai phe. Một phe ủng hộ chuyện “không sai
lầm”, lo gom góp chữ kí để xin giáo hoàng đưa vấn đề vào chương trình nghị sự của
công đồng. Nhóm này vận động được 380 chữ ký. Nhóm chống đối chỉ có 140 chữ
ký. Lãnh đạo nhóm ủng hộ là Hồng y Manning, Giáo phận Westminster. Các vị ở
nhóm chống đối phần lớn là người Pháp, người Đức (Hefele, Ketteler) và người Áo
(Rauscher, Schwarzenberg).
Phần nhiều các vị chống đối không hẳn chối bỏ việc không sai lầm của giáo hoàng,
song họ cho rằng chưa đúng lúc để đưa vấn đề này ra. Một số người khác ngại rằng
một khi đã có tín điều “không sai lầm” thì giám mục đoàn chỉ còn là một cơ quan thi
hành lệnh của giáo hoàng. Một số khác lại sợ có sự lạm dụng, khi cho “giáo hoàng
quyền không sai lầm trong lĩnh vực đức tin thì cũng có nghĩa là người ta cho ngài sử
dụng quyền này trong các lãnh vực khác” (Leroy Beaulieu). Lại có kẻ bảo rằng Giáo
Hội đang trên đường dân chủ hoá; hướng tiến này còn có ai tin nữa khi Giáo Hội
trong lúc đó lại cứ tiếp tục củng cố hình thái quân chủ. Đó là chưa nói đến các nỗ lực
đại kết có thể sẽ bị đình trệ. Thực tế cho thấy là những lo âu kia đã không có căn cứ.
Những người ủng hộ thì bảo Sách Thánh và truyền thống Giáo Hội cho thấy việc
không sai lầm của giáo hoàng có căn bản trên sự mặc khải của Thiên chúa. Như đã
nói trên, khi đưa một giáo huấn thành tín điều, người ta chỉ làm chuyện duy nhất là
xét xem giáo huấn đó có do “Chúa mạc khải” hay không, chứ người ta không "làm"
cho giáo hoàng trở thành "không sai lầm". Câu Sách Thánh sau đây được phe ủng hộ
đưa ra để chứng minh cho quan điểm mình: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh
(Phêrô) để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã tìm thấy lại niềm tin, thì hãy
làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,2). Vì thế, chỉ còn phải bàn xem
giáo hoàng không sai lầm trong lãnh vực nào và trong những điều kiện nào mà thôi.
Ngoài ra, cũng cần phải bàn xem tương quan giữa quyền không sai lầm của giáo
hoàng và giám mục đoàn như thế nào, nghĩa là có phải giáo hoàng hoàn toàn không
chịu sự kiểm soát của đoàn giám mục và giáo huấn của ngài chẳng cần phải được sự
chấp thuận của công đồng hay không.

“Tự thân” không sai lầm


Cuộc góp ý khởi sự ngày 9-5-1870. Có tất cả 140 bài góp ý dài liên quan đến đề tài
không sai lầm của giáo hoàng. Cuộc biểu quyết sơ khởi diễn ra ngày 13.07 với 451
phiếu thuận, 88 phiếu chống, 62 phiếu thuận với điều kiện. Nội dung bản dự thảo
như sau:
“Với sự đồng ý của thánh Công đồng Ta dạy và truyền đây là một tín điều được
Chúa mạc khải, là khi Giáo hoàng Rôma phát biểu từ ngai toà (ex cathedra), nghiã là
khi ngài nhờ năng quyền tông đồ tối cao nhân danh vai trò chủ chăn và thầy của toàn
thể tín hữu Công giáo quyết định một điều gì về đức tin hay luân lý buộc cả Giáo Hội
phải tin, thì, nhờ sự trợ giúp của Chúa, như Ngài đã hứa qua Thánh Phêrô trước đây,
ngài không thể sai lầm. Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo hội khả năng không sai
lầm đó trong việc quyết định những gì thuộc đức tin hoặc luân lý. Và các quyết định
đó của giáo hoàng Rôma tự nó, không cần thông qua sự đồng thuận của Giáo Hội, sẽ
không còn thay đổi được nữa”.
Ngày 15-7, những nghị phụ chống đối (giám mục các giáo phận Paris, Muenchen,
Mainz) xin giáo hoàng gạch bỏ mấy chữ cuối: “không cần thông qua sự đồng thuận
của Giáo Hội”. Giáo hoàng cự tuyệt. Vì thế, 60 giám mục, với sự đồng ý của giáo
hoàng, rời khỏi kinh thành Rôma, để khỏi phải bỏ phiếu “chống”. Nhờ thế mới có
được đa số tuyệt đối cho tín điều không sai lầm của giáo hoàng: 533 nghị phụ đồng
ý, chỉ có 2 phiếu chống.

Tường thuật của một chứng nhân


Thomas Moszley, tu sĩ Anh giáo tường thuật trên báo “The Times” ở Luân Đôn về
cuộc biểu quyết ngày 18-7-1870 như sau:
“Những người bạn của đức Thánh Cha kể cho tôi là ngài xúc động khi bước vào giáo
đường. Lúc qùy gối cầu nguyện ngài hơi run.
Rồi mọi sự cũng qua đi. Thánh lễ ngắn gọn. Bài quốc ca của Giáo hội công giáo trổi
lên, chưa bao giờ người ta hát hùng hồn như thế. Tiếp theo là giây lát thinh lặng. Rồi
tổng thư ký công đồng (Feßler) với một giọng lanh lảnh đọc bản tín điều. Sau đó
xướng danh các nghị phụ. Những tiếng đồng ý tiếp nối đồng ý... Bỗng một tiếng sét
phá vỡ không khí biểu quyết. Cơn mưa bão đe doạ từ sáng sớm bây giờ mới nổi lên
dữ dội. Các nghị phụ phải thi nhau la to “đồng ý” với mưa bão sấm chớp rền vang.
Tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như thế kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ.
Những ai đã xem, đã chứng kiến tận mắt cảnh công bố tín điều này sẽ không bao giờ
quên được...
Cơn mưa bão trở nên dữ dội nhất khi kết quả cuộc biểu quyết được đệ trình cho giáo
hoàng. Trời tối đen kịt. Người ta phải mang tới một ngọn đèn lớn để ngài đọc những
lời quyền năng được Chúa ban cho ngài. (“Với sự đồng ý của thánh Công đồng, Ta
tuyên bố những gì vừa đọc lên là chung quyết và Ta khẳng định điều đó bởi uy quyền
tông đồ của Ta”).
Lúc này tôi đang đứng ở cánh nam nhà thờ, cố lần mò trong bóng tối tiến về phía
giáo hoàng. Những tiếng động dữ dội vang ra từ phòng hội khiến tôi nhảy lên ngó
trước nhìn sau, nhìn ngang nhìn ngửa. Tiếng động càng lúc càng lớn dần. Rồi màn bí
mật bỗng mở ra, khi tôi thấy cả một rừng khăn tay trắng đang nhảy múa trước mắt.
Các nghị phụ vỗ tay vui mừng. Đám đông đứng ngoài phòng hội cũng vỗ theo. Tiếng
động dữ dội vang tới chỗ tôi đứng: “Hoan hô giáo hoàng không sai lầm! Hoan hô
chiến thắng của người công giáo!” Mọi người đều quỳ gối, một đám đông tôi chưa
từng thấy trong Nhà thờ Thánh Phêrô. Và giáo hoàng ban phép lành cho họ, giọng
ngài rõ ràng, êm dịu, có thể nhận ra ngay giữa muôn ngàn giọng khác...”.

TRÌNH THUẬT 92-93

TRÌNH THUẬT 92

NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO THỦ CỰU TÁCH RA KHỎI GIÁO HỘI RÔMA

Ngày 18-7-1870, Công đồng Vatican I công bố tín điều không sai lầm của giáo
hoàng. Ngày hôm trước đó chiến tranh Đức-Pháp bùng nổ khiến nhiều nghị phụ phải
trở về quê hương. Công đồng phải bỏ dở. Tới ngày 20-9-1870, khi quân Ý chiếm
Rôma, Công đồng ngưng luôn. Hoàn cảnh bên ngoài đó đã khiến Công đồng chỉ thảo
luận được về vị thế của giáo hoàng trong nội bộ Giáo Hội mà thôi, không còn thì giờ
để bàn chuyện liên quan tới giám mục đoàn. Công đồng Vatican I đã để lại ấn tượng
là chức giám mục bị coi nhẹ. Hơn nữa, trước đó, Piô IX vẫn thường quyết định mọi
chuyện một mình và hiếm khi tham khảo các hồng y. Đại sứ Pháp đã ta thán về điểm
này: “Chưa bao giờ vai trò hồng y bị xem nhẹ như thế. Họ chẳng còn chút ảnh hưởng
nào nữa”.
Ưu quyền của giáo hoàng được Công đồng Vatican I định nghĩa như là “quyền toàn
diện, chính thức, trực tiếp” trên toàn thể Giáo Hội và trên từng giáo phận. Công đồng
còn tuyên bố rằng quyền này bao gồm không những lĩnh vực đức tin và phong hoá
đạo đức, mà còn cả lĩnh vực kỷ luật và lãnh đạo Giáo Hội và rằng giám mục phải
vâng phục giáo hoàng “không những chỉ về đức tin và phong hoá đạo đức, mà còn cả
về lối sống và việc điều hành Giáo Hội nữa”. Với định nghĩa này thì quyền của giám
mục ở địa phương không bị giới hạn, nhưng được đưa vào cơ chế Giáo Hội hoàn vũ
và tuỳ thuộc vào cơ chế đó.
Vấn đề bỏ ngỏ của Vatican I về tương quan giữa ưu quyền của giáo hoàng đối với
giám mục đoàn đã trở thành một đề mục quan trọng trong Công đồng Vatican II.
Ngoài ra, Công đồng Vatican I cũng còn để tồn đọng nhiều vấn đề khác nữa, vì trong
tổng số 51 lược đồ nghị sự chỉ mới thảo luận và biểu quyết được có 2.

Phe chống đối sau đó cũng chấp nhận


Dù xem ra đánh giá quá cao thẩm quyền của giáo hoàng và cho rằng tín điều trên
không đúng lúc, những người chống đối cuối cùng cũng đã chấp nhận nó. Vì thế , các
giám mục Đức, mà đa số thuộc phe chống, đã ra thư luân lưu với nội dung: “Quyền
giáo huấn không sai lầm của Giáo Hội đã được quyết định, Chúa Thánh Thần đã nói
qua vị đại diện Chúa Kitô và qua giám mục đoàn hiệp thông với ngài, và vì vậy mọi
người, giám mục, linh mục và tín hữu phải vững lòng chấp nhận quyết định đó”.
Giám mục Hefele, Giáo phận Rottenburg, là vị người Đức cuối cùng đã cho in các
văn kiện công đồng vào tháng 4-1871. Ngài là người phản đối kịch liệt nhất trong
công đồng. Quả đã không dễ dàng. Sau nhiều tháng trời tiêu hoá khó khăn, “tôi đã có
thể làm hoà lại với nghị quyết công đồng và tự đặt mình một cách tự do và thẳng
thắn dưới quyền bính tối cao của Giáo Hội”, lời thú nhận của ngài.
Phần lớn các giám mục khi trở về giáo phận được tiếp đón tưng bừng, rộn ràng. Các
giám mục ở Anh, ở Ái Nhĩ Lan, ở Bỉ cũng thế. Tổng giám mục Balding ở Baltimore
(Hoa Kỳ) đã được một đám đông khoảng 50.000 tín hữu hân hoan chào đón khi tàu
cập bến.

“Cho Giáo Hội cũ”


Chỉ có một nhóm nhỏ giáo sư thần học Đức ở Bonn, Breslau, Muenchen và
Braunsberg không theo gương các giám mục. Họ tưởng sẽ có được một hành động
chung chống lại tín điều, nhưng cuối cùng đã thất vọng khi thấy các giám mục theo
nhau chấp nhận quyết nghị công đồng. Người phát ngôn của nhóm này là sử gia giáo
sử Ignaz Doellinger ở Muenchen. Khi Tổng Giám mục Scherr về tới nhà ga
Muenchen, ông nói với Doellinger: “Mình về cùng bắt tay làm việc tiếp!”. Doellinger
đáp lại: “Làm việc tiếp cho Giáo Hội cũ!”. Rồi khi Đức Tổng nói: “Chỉ có một Giáo
Hội thôi”, thì Doellinger quả quyết: “Người ta đã lập nên một Giáo Hội mới rồi”.
Từ ngữ “Giáo Hội cũ” xuất hiện từ đó, và về sau những người theo khuynh hướng
của Doellinger tự gọi mình là “những người Công giáo cũ”. Doellinger bản thân chưa
bao giờ chính thức gia nhập “Giáo hội Công giáo cũ”. Hơn nữa ông luôn cảnh giác
bạn bè đừng để trở thành giáo phái và luôn khẳng định rằng tập thể của mình vẫn là
một thành phần của Giáo hội Công giáo. Khi những người Công giáo cũ bầu lên cho
mình một giám mục riêng vào ngày 14-6-1873 thì cuộc phân ly khởi đầu.
Ngay trong thời cực thịnh, con số tín hữu của “Giáo hội Công giáo cũ” cũng chưa lên
tới 60.000 người. Nhưng Giáo Hội này đã là một trong những nguyên cớ cho cuộc
đấu tranh văn hoá của nước Phổ, khi họ yêu cầu chính quyền ra tay giúp đỡ. Và
Bismarck đã nhận ra nơi “Giáo Hội cũ” một phương tiện để thực hiện ý đồ của ông là
thành lập một Giáo Hội đức tự trị, biệt lập với Rôma, nên đã hết lòng hỗ trợ tổ chức
mới này.

Cao điểm quyền bính của giáo hoàng trong Giáo Hội
Dù những người Công giáo cũ tuyên bố tách lià khỏi Rôma, dù nước Áo tuyên bố
huỷ bỏ thoả ước đã ký với Vatican năm 1855 vì “đối tác kết ước đã thay đổi” (nghĩa
là Giáo hội Công giáo Rôma đã trở thành một nhà nước quân chủ, vì, với quyền
không sai lầm, giáo hoàng giờ thành như một ông vua. Chú thích của người dịch),
mối rạn nứt giữa Giáo Hội và nền văn hoá mới của thế giới đã không xảy ra như
người ta hằng lo ngại (Aubert). Uy quyền của giáo hoàng trong Giáo Hội lên cao như
chưa từng thấy, mà không kéo theo bất lợi đáng kể nào. Uy quyền đó cũng chẳng hề
hấn gì sau khi Rôma bị Garibaldi chiếm và khi Quốc gia Giáo Hội cáo chung. Nhưng
ngược lại, càng mất uy quyền đời, thì uy tín đạo đức của giáo hoàng càng tăng. Rốt
cuộc, người ta hiểu ra rằng quyền bính thật sự của giáo hoàng chẳng phải là do
nương nhờ vào một cường quốc chính trị nào cả.

Vẫn chưa thể phê phán được


Vào ngày giỗ trăm năm cố Giáo hoàng Piô IX, Phaolô VI phát biểu rằng “các giải
thích và định nghĩa của ngài (Piô IX) là những ngọn hải đăng trong tiến trình hàng
trăm năm phát triển khoa thần học và được coi như những thành luỹ vững chắc trong
cơn bão tố ý thức hệ”. Về thời gian tại vị 32 năm của Piô IX, cho đến nay chưa có vị
nào lâu bằng, Phaolô VI đã nói như sau: “Các dữ kiện và vấn đề đa đạng xảy ra trong
thời Piô IX, cho tới nay xét về mặt lịch sử, vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ, chúng cần
phải được nghiên cứu một cách sâu rộng”.
Các thoả ước ấn định tương quan giữa chính quyền và Giáo Hội địa phương do Piô
IX ký với Nga (1847), Tây Ban Nha và Toskana (1851), Costarica và Guatemala
(1853), Áo (1855), Bồ Đào Nha (1857), Haiti (1860), Honduras (1861), Ecuador,
Venezuela, Nicaragua và San Salvador (1862) là những tài liệu rất đáng chú ý về mặt
chính sách của Giáo Hội.
Trong thời gian Piô IX tại vị, ở Rôma có thêm 4 đại chủng viện và một hiệp hội
hồng y mới cho các dòng tu. Ngài đã công nhận hơn 100 dòng tu mới. Hơn thế, ngài
đã thiết lập thêm 28 tổng giáo phận, 132 giáo phận và 51 giám quản tông toà. Sau
hết, ngài đã tiếp tục quốc tế hoá Hồng y đoàn. Lúc Grêgôriô XVI từ trần, chỉ có 8
hồng y người nước khác so với 54 vị người Ý. Khi Piô IX từ trần, Hồng y đoàn đã có
39 vị người Ý và 25 vị không phải là người Ý. Như vậy, người Ý không còn có được
đa số 2/3 trong các cuộc bầu giáo hoàng nữa. Các phương tiện giao thông mới mẻ
như xe lửa, tàu thuỷ chạy bằng hơi nước đã giúp Piô IX với tay trực tiếp và mau lẹ
tới từng giáo phận để giải quyết chuyện tại địa phương, nhờ đó tính cách trung ương
tập quyền trong Giáo Hội càng ngày càng được thắt chặt. Mặt khác, cách mạng Pháp
và phong trào tục hoá đã tước mất quyền hành chính trị của các giám mục khiến các
ngài quay lại gia tăng liên hệ với Rôma.
Người ta kể rằng Piô IX là một người “cực kỳ khả ái”. Rất nhiều khách hành hương
trên thế giới sau khi được triều yết ngài tại Rôma lúc trở về quê hương đã ca tụng
ngài không hết lời. Nhờ có những phương tiện giao thông mới mà nhiều người lần
đầu tiên đã có thể đến được Rôma để trực tiếp gặp gỡ giáo hoàng. Khắp nơi người ta
“tôn thờ” giáo hoàng. Nhờ vậy gánh nặng của quyết định về quyền không sai lầm đã
trở nên nhẹ nhàng hơn.

Không phải do tham vọng cá nhân


Piô IX trước sau vẫn là một người đơn sơ. Từ khi còn là linh mục trẻ, ngài đã từ
khước mọi vinh dự mà Giáo Hội dành cho ngài và dành thì giờ rảnh của mình cho
người nghèo. Piô IX muốn có tín điều không sai lầm, chẳng phải là do tham vọng cá
nhân, nhưng là vì ngài mong cho quyền bính giáo hoàng được củng cố trong tương
lai, trong một giai đoạn mà giáo hoàng lúc này chẳng còn một vũ khí hay sư đoàn
binh lính nào nữa bên mình. Tín điều là một món quà của ngài gửi trao đến các vị kế
nhiệm, những giáo hoàng phải lèo lái một Giáo Hội nghèo nàn, thiếu thốn phương
tiện vật chất.
Piô IX tạ thế ngày 7-2-1878. Ngày 20-1-1865, ngài đã viết trong quyển sổ tay như
sau: “Phí tổn cho một ngôi mộ nhỏ không được quá 400 Skudi”. Thoạt tiên ngài được
an táng trong Nhà thờ Thánh Phêrô. Ba năm sau, xác được cải táng sang Nhà thờ San
Lorenzo, thể theo nguyện vọng của ngài. Một việc đáng tiếc đã xảy ra. Khi toán di
chuyển thi hài của ngài đang đi qua cầu vào ban đêm trên dòng sông Tiber thì bị một
bọn du côn tấn công. Chúng định vất quan tài xuống sông. May nhờ có nhóm tu sĩ trẻ
người Đức đang du học tại Rôma đã can thiệp kịp thời và đã mang cốt ngài vào táng
trong Nhà thờ San Lorenzo.

TRÌNH THUẬT 93

NGƯỜI CÔNG GIÁO TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA TỰ
DO BUÔNG THẢ

Ngày 7-8-1873, Giáo hoàng Piô IX viết cho hoàng đế Đức Wilhelm I: “Thưa hoàng
đế, những quy định do chính phủ ngài ban hành gần đây cứ nhằm phá hoại Giáo hội
Công giáo. Tôi suy nghĩ mãi cố tìm xem nguyên do từ đâu đưa đến những biện pháp
cứng rắn đó, mà đành chịu, không thể tìm ra”.

Dùng luật lệ để đưa giáo sĩ vào khuôn phép


Piô IX lầm tưởng rằng hoàng đế Wilhelm I có thể sẽ gây sức ép lên thủ tướng Otto
đất Bismarck, để ông này chấm dứt cuộc “đấu tranh văn hoá” chống Giáo Hội do ông
đề xướng. “Đấu tranh văn hoá” là một chiến dịch dùng luật lệ và bạo lực để đưa Giáo
hội Công giáo quy thuộc vào nhà nước. Năm 1871, Otto khởi đầu chiến dịch bằng
việc giải tán sở Công giáo trong Bộ Văn hoá của đế quốc Phổ. Sở này có nhiệm vụ
bảo vệ Giáo Hội dựa theo hiến pháp. Tiếp đó, Bismarck ra các “nghị định thủ tướng”
qua đó: “Giáo sĩ nào gây rối trật tự công cộng hoặc tuyên truyền chống phá việc nhà
nước sẽ bị tù hoặc quản chế tới 2 năm”. Các đạo luật đấu tranh văn hoá khác như
“Luật Thanh tra Học đường”, “Luật dòng Tên trong Đế quốc” - luật này cấm dòng
Tên và các dòng liên hệ (chẳng hạn như dòng Chúa Cứu Thế và dòng Lazarít) không
được hoạt động - và cuối cùng là “Luật Tháng năm" xác định: Giáo Hội chỉ bổ nhiệm
những giáo sĩ được nhà nước chấp nhận, một ứng viên linh mục trước khi thụ phong
phải qua một “kỳ thi văn hoá”, và tất cả các tu viện và dòng tu nào không phục vụ
bệnh nhân thì phải ngưng hoạt động. “Luật giỏ thức ăn” đình chỉ việc nhà nước trả
lương cho giáo sĩ cho đến khi nào các giám mục chịu chấp hành “Luật Tháng năm”.
Việc thi hành tất cả các luật lệ này được thực hiện bằng biện pháp cảnh sát. Ai phạm
luật sẽ bị phạt tiền, phạt tù hoặc bị trục xuất ra khỏi nước.

Động cơ và kết quả cuộc đấu tranh văn hoá


Cuộc chiến Đức - Pháp kết thúc năm 1871 với sự chiến thắng của Đức. Ngày 18-1-
1871, tại phòng kiếng trong điện Versailles gần Paris, vua nước Phổ Wilhelm I ra
tuyên cáo trở thành hoàng đế của tân Đế quốc Đức, và bổ nhiệm vị thủ tướng đầu
tiên là ông hoàng Otto đất Bismarck. Quả thật, “khó hiểu vì đâu mà Bismarck lại bực
dọc với Giáo Hội như thế" (Hertling). Tuy nhiên, bên cạnh lý do khác biệt về vũ trụ
quan, còn có các lý do quan trọng khác như chính sách đối nội và đối ngoại, như sự
căng thẳng giữa phe Tin lành muốn lập nước nhỏ, mà Bismarck là người lãnh đạo,
với phe Công giáo vẫn muốn có một Đại đế quốc Đức bao gồm cả những người
Công giáo Áo. Một lý do khác nữa là chủ nghĩa tự do buông thả, chủ nghĩa này xem
Giáo hội Công giáo hoàn toàn không đội trời chung với nhà nước. Đặc biệt sau khi
Syllabus xuất hiện và sau khi nước Phổ Tin lành chiến thắng hai nước công giáo là
Áo (1866) và Pháp (1871) thì những người theo chủ nghĩa này lại càng hồ hởi.
Một lý do khác nữa là việc những người Công giáo cũ chống lại Giáo hội Công giáo
và ý đồ của Bismarck muốn thống nhất hoá đế quốc mình cả về mặt tôn giáo. Đối với
ông, dĩ nhiên, Công giáo là một cản trở cho nỗ lực này. Để biện hộ cho chủ trương
mình, Bismarck lý luận rằng ông làm thế để đưa nước Ý vốn ghét giáo hoàng về phe
mình và để ngăn cản tham vọng nước lớn của những người Công giáo.
Trước quốc hội Đế quốc Đức Bismarck tuyên bố rằng đấu tranh văn hoá không phải
là một cuộc đấu tranh “giữa tin và không tin”, nhưng là một nỗ lực giải quyết sự
“tranh chấp giữa quyền vua và quyền giáo sĩ”, một thứ tranh chấp “xưa như loài
người” và vì thế cũng xưa hơn “từ khi xuất hiện Đấng Cứu Độ trong trần thế này”.
Vì là một cuộc “tranh chấp cổ xưa” nên nó phải được giải quyết bằng luật pháp và
Bismarck hy vọng ông sẽ thắng. Ông khẳng định trước quốc hội lúc mở đầu chiến
dịch: “Quý vị đừng lo lắng chi: Chúng ta sẽ không đi Canossa!”
Nhưng Bismarck đã nhận định sai về sự quyết tâm chống đối của các giám mục, linh
mục và giáo dân Đức, những người đã được Giáo hoàng Piô IX tuyên dương: “Người
đức vững vàng như những cây sồi ở xứ họ”. Để tập trung sự phản kháng và bảo vệ
cho quyền lợi mình, người Công giáo đã tụ lại trong một chính đảng, Đảng Trung
tâm (Zentrumspartei). Năm 1871, đảng này có 57 ghế quốc hội. Bảy năm sau, họ
chiếm được 94 ghế.
Kết quả cuộc chiến giành từng tấc đất thật cay đắng. Năm 1878, 12 giáo phận trong
vùng đất Phổ chỉ còn lại 3 là còn có giám mục. Các Giám mục Giáo phận Posen,
Koeln, Breslau, Muenster và Paderborn bị bắt. Giám mục Giáo phận Limburg bị truất
chức. Khoảng 1.400 giáo xứ không có linh mục, hơn 100 linh mục bị trục xuất khỏi
nước. Gần 2.000 giáo sĩ bị phạt tiền hoặc tù và 480 tu viện bị giải tán. Luật đấu tranh
văn hoá không chỉ ban hành ở vùng đất Phổ mà còn cả ở vùng Baden, Hessen
Darmstadt, Sachsen và Bayern nữa.

Lúc nào cũng có người ngồi trong tù


Người Công giáo giúp nhau bằng mọi cách có thể. Chỗ nào không còn linh mục quản
xứ, giáo dân đứng ra điều khiển các buổi phụng vụ Lời Chúa. Giám mục bị nhà nước
phạt tiền, giáo dân tự động quyên góp cho đủ số. Giáo dân phản đối bằng báo chí và
trong các cuộc hội họp; họ vì thế bị khốn khó trăm bề. Điển hình là tờ “Frankfurter
Zeitung”. Báo này mở ra mục “Lịch Đấu tranh Văn hoá” để công bố đều đặn những
trường hợp bị bắt bớ truy nã. Các biên tập viên của “Germania”, tờ báo của Đảng
Trung tâm, cứ lần lượt từng người thay nhau vào tù, có khi tù cả toàn ban biên tập.
Cho đến 1-11-1874, có ít nhất 784 lệnh truy tố các biên tập viên của tờ báo “phản
động” này, và đã có 610 án phạt ra cho những người làm báo.
Dân biểu Virchow, đồng thời là y sĩ và là nhà nghiên cứu thiên nhiên, là người năm
1873 đã dùng từ ngữ “đấu tranh văn hoá” để mô tả cuộc đấu tranh của “tiến bộ tân
thời” chống lại nếp sống “vô văn hoá” của Giáo Hội. Virchow huênh hoang về những
phát minh đương thời như máy hơi nước, máy điã hát, mà cố ý lờ đi vô số giá trị văn
hoá trường cửu mà Giáo hội Công giáo đã tạo nên qua nhiều thế kỷ; và nếu không có
Giáo Hội thì có lẽ cũng đã không có một nền văn hoá phương Tây như ngày nay.

Bismarck chuyển hướng


Thấy Công giáo chống quá mạnh, năm 1880 Bismarck bắt đầu chuyển hướng. Một
nguyên do khác nữa khiến Bismarck thay đổi đường lối là nỗi bất bình của dân
chúng, họ đòi phải cải cách xã hội. Bismarck vì thế bỏ phe tự do quay sang hợp tác
với Đảng Trung tâm. Đảng này trong đại hội ở Soest năm 1870 đã đưa chương trình
cải cách xã hội vào cương lĩnh đảng. Việc bầu Đức Lêô XIII lên làm giáo hoàng
cũng đã giúp Bismarck thay đổi chính kiến dễ dàng hơn. Phe tự do tố giác Bismarck
lúc này xem ra chịu chấp nhận đi “Canossa”.
Năm 1886, Bismarck giải thích trước quốc hội việc ông ký kết hoà bình với Giáo Hội
như sau: “Thưa quý ngài, chúng ta đừng nên lầm. Mỗi ký kết hoà bình là một nỗ lực
đi đến sống chung hoà bình. Với thiện chí, thì nỗ lực chung sống hoà bình mỗi ngày
càng trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nếu tới với nhau bằng giận dỗi và gánh nặng đánh
đấm quá khứ thì hoà bình sẽ mất. Nhiệm vụ của chính phủ vì thế không phải là đề
nghị với quý vị một công thức nhằm xoá bỏ cái làn ranh bí mật giữa Giáo Hội và nhà
nước đã có hàng ngàn năm nay, nhưng là tìm cách xoá bỏ đi cái tâm thức đánh đấm
quá khứ hầu tạo lại niềm tin tưởng lẫn nhau”. Uy tín của Bismarck lên trở lại, vì ông
đã có can đảm nhìn nhận lỗi lầm và sửa sai.

Không chỉ riêng ở Đức


Năm 1878, Lêô XIII tiếp nhận từ Piô IX một thừa kế đầy khó khăn, vì không riêng gì
cuộc đấu tranh văn hóa ở Đức, mà trên cả Âu châu, chủ nghĩa tự do buông thả đã tạo
nên một phong trào chống lại Giáo Hội.
Tam Điểm lên nắm quyền ở Ý. Năm 1877, Bỉ thiết lập các trường học không chịu
ảnh hưởng tôn giáo. Ở Thuỵ Sĩ, dòng Tên và các dòng liên hệ bị cấm, sứ thần Toà
Thánh bị trục xuất khỏi nước. Cả ở Tây Ban Nha, tu sĩ dòng Tên cũng bị trục xuất,
trường học của họ bị đóng cửa, một số linh mục bị giết, tài sản Giáo Hội bị tịch thu.
Cho tới năm 1841, Tây Ban Nha chỉ còn 6 giáo phận có giám mục. Riêng ở Sevilla
57 nhà thờ bị san bình địa. Cũng giống như ở các quốc gia khác, sự gắn bó thần và
thế quyền quá chặt ở Bồ Đào Nha đã làm cản trở những cải cách tôn giáo cần thiết
khiến nhiều tầng lớp dân chúng ngã theo ảnh hưởng của phe tự do. Ở Pháp các giáo
viên nghịch với Giáo Hội quảng bá tư tưởng tự do đến tận mọi trường lớp thôn ấp;
261 tu viện nam bị đóng cửa; bãi bỏ ngày nghỉ chủ nhật, cấm dạy giáo lý. Song cũng
trong thời gian này một thứ sùng đạo mới nơi dân Pháp lại bùng lên. Đó là nhờ các vị
thánh như Jean Vianney “quản xứ họ Ars”, Thérèse ở Lisieux, Charles Foucauld và
cuối cùng là biến cố Đức Mẹ hiện ra với Bernadette Soubirous tại Lộ Đức. Lộ Đức
mau chóng trở thành một trung tâm của thế giới. Lòng sùng đạo mới này bùng lên
ngay giữa những người chống giáo sĩ, xâm nhập vào cả trong văn học pháp với một
số văn sĩ tiêu biểu nổi tiếng như Léon Bloy, Georges Bernanos, Charles Peguy và
Paul Claudel.
Ở Áo, nhờ nỗ lực của Hồng y Raucher, Tổng Giáo phận Wien và sự thông cảm của
hoàng đế Franz Joseph I mà đấu tranh văn hoá đã không nổ ra. Tuy nhiên, chủ nghiã
tự do cũng đã gây nên một số hậu quả: năm 1870 huỷ bỏ thoả ước ký với Vatican,
toà án hôn phối đạo bị thay thế bởi toà án đời, những cặp hôn phối bị Giáo Hội từ
chối có thể kết hôn theo thủ tục đời, việc kiểm soát các cơ sở giáo dục được chuyển
giao cho nhà nước, các trẻ em từ 14 tuổi trở lên có quyền tự do lựa chọn tôn giáo.

TRÌNH THUẬT 94-95

TRÌNH THUẬT 94

GIÁO HỘI VÀ “VẤN ĐỀ XÃ HỘI”

Trong một bản tường trình năm 1844 về tình trạng của những thợ dệt vùng Schlesien
(trước thuộc Đức, nay thuộc Ba Lan) có ghi rằng “từ 7 năm nay và hơn nữa” họ
không thể sắm thêm được cái quần cái áo nào, cho dù họ chỉ còn trên người “mấy
miếng vải che thân rách nát, vá chằng vá đụp” và họ mắc cở không dám bước vào
nhà thờ. Bản báo cáo còn cho biết đồ ăn của họ là khoai tây loại dành cho súc vật và
bột cám dành cho gia súc, thảng hoặc năm đôi ba lần dịp phục sinh, hiện xuống và
giáng sinh họ mới có một chút thịt... “và chỉ có khoảng 250 gram thịt cho một gia
đình với 5 hoặc 6 miệng ăn”. Rất thường thấy các công nhân phải sống bằng “gốc rễ
khoai tây sùng thối”.
Tuyệt vọng vì hoàn cảnh sống của mình, đám thợ dệt thủ công Schlesien kéo nhau
phá huỷ các nhà máy dệt lụa của dân Lyon. Họ tưởng làm thế mình may ra mới thoát
cảnh bế tắc.
Đặc biệt, việc phát minh ra máy chạy bằng hơi nước của James Watt năm 1769 đã
làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu kinh tế (“cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ nhất”) và
tạo ra những vấn đề xã hội gay gắt.
Từ khi biết dùng sức mạnh của hơi nước như là một nguồn năng lượng thì kinh tế
không còn bị lệ thuộc vào nước và gió nữa, hai thứ vốn chẳng phải đâu đâu và lúc
nào cũng có để mà sử dụng. Lực hơi nước đã tạo ra cách mạng không những về
phương thức sản xuất mà còn cả mặt giao thông, rất cần thiết cho kinh tế. Năm 1807,
tàu hơi nước đầu tiên lướt chạy trên dòng sông Hudson. Năm 1814, Stephenson chế
tạo xong đầu máy xe lửa đầu tiên. Anh quốc là nước đầu tiên kỹ nghệ hoá. Nước này
suốt trong một thời gian dài được coi là “xưởng máy của thế giới”.
Kỹ nghệ hoá làm nảy sinh một giai tầng mới trong xã hội: công nhân. Cùng với 3
giai tầng có sẵn là quý tộc, thị dân và nông dân, công nhân là giai tầng thứ tư trong
xã hội. Điều kiện lao động đã cơ cực, công nhân lại còn phải canh cánh lo cho sự
sống còn của mình. Gặp khi bị bệnh hoặc thất nghiệp, cả gia đình họ kể như cùng
đường. Để đủ sống, nhiều khi chồng phải đẩy vợ và con vào nhà máy. Lương bổng
chẳng bao nhiêu, nhưng nhiều vấn nạn xã hội khác từ đó lại nẩy thêm.

Giám mục Ketteler là một trong những người đầu tiên


Karl Marx và Friedrich Engels công bố “Tuyên ngôn Cộng sản” năm 1848. Bản
tuyên ngôn chẳng được mấy ai chú ý. Cũng trong năm này Giám mục Wilhelm
Ketteler thuộc Giáo phận Mainz, một trong những vị đại diện Giáo Hội đầu tiên, yêu
cầu Giáo Hội phải bảo vệ công nhân và phải có biện pháp giải quyết các vấn đề xã
hội. Khác với chủ trương giai cấp đấu tranh của Marx, Bebel và Liebknecht, Giám
mục Ketteler kêu gọi sự hoà giải giữa công nhân và các nhà tư bản.
Ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều nhà thần học nghĩ rằng bác ái từ thiện là phương cách
có thể giải quyết được nỗi bần cùng của công nhân nhà máy. Năm 1848, khi nói rằng
“lời giải cuối cùng cho các vấn đề xã hội nằm nơi Giáo Hội”, xem ra giám mục
Ketteler có lý, vì mãi 40 năm sau (1882) nhà nước mới ban hành đạo luật đầu tiên về
lĩnh vực này. Nhưng vào năm 1865, trong buổi lễ thành lập Hội học nghề của người
Công giáo ở Mainz, Giám mục Ketteler cũng đã nói đến trách nhiệm của nhà nước
đối với việc giải quyết các vấn đề xã hội: “Nếu như các nguyên tắc Kitô giáo đích
thực càng ngày càng thấm nhuần xã hội thì nhà nước cũng phải quan tâm đến hạnh
phúc và đau khổ của công nhân”.
Đức là nước đầu tiên có đạo luật xã hội. Được như thế, phần lớn là nhờ Đảng Trung
tâm của Công giáo.
Cũng trong năm ấy, khi Liebknecht thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Quốc
tế Đức, Ketteler cho công bố nhận định của ông về sự kiện này. Trước 10.000 công
nhân kỹ nghệ, ông xác định rằng nguyên nhân gây ra khốn khổ cho công nhân không
phải là tôn giáo, như những người mác xít quả quyết, mà là do thái độ vô tôn giáo và
lối sống thiếu liên đới của những người có của mà ra. Giám mục Ketteler kết luận bài
diễn thuyết bằng một câu hỏi mang tính tiên tri nêu lên cho những người mác xít: “Ai
có thể bảo đảm được rằng một ngày nào đó, những người lãnh đạo công nhân không
lạm dụng quyền hành như những nhà tư bản trước họ?” Vì rằng “không có tôn giáo,
tất cả chúng ta sẽ rơi vào ích kỷ cá nhân, cho dù chúng ta giàu hay nghèo, tư bản hay
công nhân”. Dĩ nhiên, theo ông, cố gắng đoàn ngũ hoá của công nhân là việc hoàn
toàn đúng; nhưng thật sai lầm khi bảo rằng cần phải bỏ đạo, bỏ Giáo Hội đi là giải
quyết được nỗi khổ của công nhân.
Giám mục Ketteler nói tiếp trong bài diễn văn nổi tiếng của ông là công nhân có
quyền có lương phù hợp, nhưng lương này phải “nằm trong hạn” lời của xí nghiệp.
Vì khi công nhân trở nên vô thần muốn đụng độ với “tư bản vô thần” thì họ lại có
chiều hướng đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Ketteler đồng ý rút ngắn giờ lao động,
nhưng đồng thời cũng nêu lên suy nghĩ: Lúc rảnh rỗi, nếu công nhân không sinh hoạt
trong gia đình mà lại đến quán rượu hoặc nhập bọn với những kẻ xấu thì “tinh thần
và thể xác của họ lại càng mau hư đốn”. Ketteler coi việc trẻ em lao động thời đó là
một điều “man rợ khủng khiếp”. Ông tiếp: Rất tiếc chỉ mới có một phần nhỏ phong
trào công nhân đưa vào cương lĩnh việc cấm trẻ em làm việc.

Kolping quan tâm đến thanh thiếu niên học nghề


Tình cảnh của thanh thiếu niên làm nghề thủ công cũng là một vấn đề xã hội trong
thế kỷ 19. Phần lớn các em từ nhà quê lên tỉnh tìm công ăn việc làm, sớm rơi vào hụt
hẫng của lối sống thành thị, bật gốc khỏi những truyền thống cũ, mất quê hương tâm
linh.
Adolf Kolping quan tâm tới thành phần này. Trước khi là linh mục, Kolping cũng là
thợ đóng giày. Với kinh nghiệm bản thân ông hiểu rất rõ thân phận của các thanh
thiếu niên làm nghề thủ công. Theo lời Kolping, phần lớn các em bị “cô lập với thế
giới bên ngoài” suốt ngày ngồi trong xưởng “khuất sau nhà, trong bốn bức tường đầy
mồ hóng, chẳng thấy ánh mặt trời và bầu trời xanh”. “Em phải hì hục lao nhọc suốt
cả tuần. Đến chiều thứ Bảy lúc người khác nghỉ ngơi tắm rửa chuẩn bị cho sáng Chúa
Nhật thì em vẫn cứ phải làm, làm cả sáng Chúa Nhật. Chiều đến, chắc em cũng tiếp
tục ngồi trong bốn bức tường đó, vì em đâu có quần áo sạch sẽ để diện mà cũng
chẳng muốn để những người tươm tất thấy cái rách rưới của mình. Chiều tối rời
xưởng thợ, em lao vào trong một cái quán và ngồi miết trong đó...
Kolping chua chát kể tiếp trong bài nói chuyện của ông về số phận hẩm hiu của các
em học nghề:
“Người ta đẩy các em 13, 14 tuổi còn mơn mởn vào các xưởng thợ... Quả là một
phép lạ khi các em không bị héo rũ từ tinh thần đến thể xác. Người ta để hàng ngàn
các em học nghề ngồi đó, ít ai quan tâm đến chúng, đến những bẩn thỉu và nỗi khổ
càng ngày càng chồng chất trong đầu các em. Ra khỏi xưởng, chúng làm gì? Bao lâu
còn đang học nghề, các em phải giữ mồm giữ miệng, nhưng khi học xong, đi làm ở
những nơi xa lạ, lúc đó các uẩn ức chất chứa trong suốt thời gian học mới có dịp
bùng ra, càng bị ức chế nhiều, uẩn ức phát tác càng mạnh...”.
Năm 1846, Kolping lập “Hội học nghề” đầu tiên, từ hội này năm 1851 nảy sinh ra
“Hội Học nghề Công giáo”. Chỉ một năm sau, hội lan ra khắp miền nam nước Đức
và khắp nước Áo. Đến năm 1863, “Hội Học nghề Công giáo” đã có mặt tại Thuỵ Sĩ
và Hoa Kỳ. Tới lúc từ trần, Kolping đã lập được 418 hội với khoảng 24.000 hội viên.
Động cơ chính thúc đẩy August Bebel, một tín hữu Tin lành và sau này là người tổ
chức đảng Dân chủ Xã hội, gia nhập hội Kolping ở Freiburg là vì trong phòng của
hội này có “rất nhiều báo nhưng rặt chỉ có báo Công giáo” và ở đây có nhiều buổi
thuyết trình cũng như nhiều “lớp học với đủ mọi môn”.

Các thông điệp xã hội


Quan điểm đầu tiên của Giáo Hội về vấn đề xã hội là thông điệp “Việc mới” (Rerum
novarum) của Giáo hoàng Lêô XIII, ra năm 1891. Trong thông điệp này, Giáo hoàng
giải thích rằng nhiệm vụ của Giáo Hội là làm dịu bớt đối kháng giữa công nhân và
những người nắm giữ tư liệu sản xuất; chủ nhân cần tôn trọng nhân phẩm của thợ
thuyền; bóc lột là trái với lề luật Chúa; công nhân cần trung thành với bổn phận mình
và không nên có các hành vi bạo động. Lêô XIII cũng lên án đấu tranh giai cấp, vì cả
hai giai cấp đều cần thiết cho xã hội và cả hai đều lệ thuộc, hỗ tương lẫn nhau.
Cho tới thập niên 80, Lêô XIII cùng có một ý nghĩ như Giám mục Ketteler lúc ban
đầu, là chỉ một mình Giáo Hội có nhiệm vụ giải quyết mọi tệ nạn xã hội. Trong thông
điệp “Việc mới” ngài viết rằng một mình Giáo Hội với các sinh hoạt bác ái cứu tế
của mình hay một mình nhà nước với các đạo luật cũng không thể thanh toán được
các vấn đề xã hội, mà cả chủ nhân và công nhân cũng phải bắt tay vào thì mới giải
quyết nổi.
Thông điệp còn nói: nhà nước không được truất quyền tư hữu của bất cứ ai. Ngược
lại nhà nước phải làm sao cho càng nhiều người dân có thêm tư hữu càng tốt và làm
sao cho cuộc sống họ được hạnh phúc.
Bốn mươi năm sau “Rerum novarum”, Giáo hoàng Piô XI công bố thông điệp “Năm
thứ bốn mươi” (Quadragesimo anno). Trọng tâm của thông điệp thứ hai này là quyền
tư hữu và những hạn chế phải có của nó. Piô XI lên án thứ chủ nghĩa tư bản vô giới
hạn; chủ nghĩa này đã lạm dụng sức lao động của con người như một món hàng
thuần tuý và đã nhân danh tự do cạnh tranh để giết chết những kẻ yếu kém. Cả chủ
nghiã xã hội mác xít cũng phải xa lánh, vì chủ nghĩa này cổ xuý cho đấu tranh giai
cấp, kêu gọi tập thể hoá và lấy duy vật làm căn bản.
Thông điệp thứ ba liên quan đến vấn đề xã hội là “Mẹ và Thầy” (Mater et Magistra)
của Gioan XXIII. Tài liệu này công nhận tiến trình xã hội hoá, công nhận những tiến
bộ về văn minh và kỹ thuật, đòi hỏi công nhân được quyền có ý kiến và chung phần
vào các tài sản dùng trong sản xuất. Thông điệp do đó là một cái nhìn mở rộng về
giáo thuyết xã hội Công giáo và mở ra những viễn tượng mới.
Phong trào công nhân Công giáo xuất hiện ở Muenchen năm 1892, ở Berlin năm
1895, ở Moenchen Gladbach năm 1904 đã là hệ quả đương nhiên của “Rerum
novarum”. Nhưng tiếc thay phong trào này chỉ tới được với một số nhỏ công nhân,
đa phần tập thể này đã ngã theo chủ nghĩa Mácxít vô thần rồi.

TRÌNH THUẬT 95

THẦN HỌC BỊ CHAO ĐẢO

Lần can thiệp cuối cùng của một hoàng đế vào việc bầu giáo hoàng
Năm 1903 Lêô XIII mất, thọ 93 tuổi. Các hồng y họp ngày 1-8 để bầu giáo hoàng
mới. Trong vòng bỏ phiếu đầu, Hồng y Quốc vụ khanh Mariano Rampolla được 24
phiếu, Hồng y Thượng phụ Giuseppe Sarto, Giáo phận Venezia, được 5 phiếu. Buổi
chiều bầu lại, Hồng y Rampolla được 29 phiếu, Thượng phụ Sarto được 10 phiếu.
Thấy số phiếu của Hồng y Rampolla cứ tăng mãi, Hồng y Puzyna, Giáo phận Krakau
(thuộc đế quốc Áo) nhân danh hoàng đế nước Áo Frank Joseph I lưu ý các hồng y
trước vòng bỏ phiếu thứ ba là hoàng đế cảm thấy “kém thoải mái hơn” nếu Hồng y
Rampolla thắng cử. Lời cảnh cáo này là một lối phủ quyết của hoàng đế ở Wien.
Hồng y Rampolla lên tiếng phản đối "sự chuyên quyền" của một hoàng đế dân sự
nhúng tay vào cuộc bầu giáo hoàng. Ông phản đối, vì mong có một cuộc bầu cử độc
lập, không có can thiệp từ bên ngoài, chứ không nhất thiết vì muốn làm giáo hoàng.
Theo ông, không ai biết rõ hơn mình những khó khăn của triều đại sắp tới, nhưng
mong mọi người đừng bầu ông.
Vòng bầu kế tiếp, Hồng y Rampolla được thêm một phiếu. Trong những lần bầu sau,
số phiếu của ông chỉ còn 24. Lần bầu thứ bảy cũng là lần quyết định diễn ra vào ngày
4-8: Hồng y Sarto được 50 phiếu trên tổng số 62 vị hiện diện, Hồng y Rampolla chỉ
còn 10 phiếu. Cuộc bầu kết thúc, mặc dù Hồng y Sarto đã nhiều lần khẳng định rằng
mình không đủ khả năng trong chức vụ cao trọng ấy. Trong lần bầu ông được 21
phiếu, ông “bật khóc, mặt tái xanh, chân tay run rẩy” van xin các hồng y đừng bỏ cho
ông nữa vì gánh nặng đối với ông quá lớn. Và khi số phiếu dồn cho ông cứ tăng dần,
ông xúc động: “Tôi không xứng đáng. Tôi không có khả năng. Xin các ngài quên tôi
đi! Bầu cho tôi thì Giáo hội sẽ đổ nát!”
Cuối cùng Hồng y Sarto cũng phải chấp nhận kết quả cuộc bầu, lấy danh hiệu là Piô
X. Khi lên đường đi Rôma dự mật viện, hồng y đã mua vé xe khứ hồi, vì tin chắc là
sẽ không được chọn làm giáo hoàng. Và để từ nay không còn tái diễn cảnh như lần
bầu ngài, ngày 20-1-1904, ngài huỷ bỏ quyền phủ quyết của hoàng đế nước Áo và
cấm hẳn trong tương lai không một thế lực dân sự nào trên thế giới được phép can dự
vào việc bầu giáo hoàng.
Những người ủng hộ Hồng y Rampolla là những vị muốn đường lối của Lêô XIII
được tiếp tục. Các hồng y người Pháp ủng hộ ông vì trong cương vị quốc vụ khanh
ông tỏ ra thân thiện với nước Pháp. Các hồng y Tây Ban Nha ủng hộ, vì ông đã từng
là khâm sứ Toà Thánh ở Madrid, đã quen biết và quý trọng ông. Nhưng hoàng đế Áo
lại không ưa ông. Ở thủ đô Wien người ta trách cứ ông có đường lối ủng hộ người
Slavơ ở vùng Balkan. Hồng y Puzyna muốn cản ngăn bầu Rampolla vì cho rằng vị
này ủng hộ nước Nga mà hy sinh quyền lợi của Ba Lan. Ban đầu hoàng đế Frank
Joseph I ngần ngại chưa dám dùng quyền phủ quyết. Sau đó hoàng đế ngã theo
thuyết phục của Hồng y Puzyna.
Những hồng y ủng hộ Hồng y Sarto đều mong có một giáo hoàng mới thuần “tôn
giáo”, một vị có nhiều kinh nghiệm mục vụ lên để kế nhiệm người “chính trị” Lêô
XIII. Các hồng y này cũng nhắc nhớ rằng chính Lêô XIII cũng đã nhiều lần kín đáo
ngỏ ý nên chọn Thượng phụ Venezia (Sarto).

Nhiều cải cách của Giáo hoàng Piô X


Chương trình làm việc của Piô X tóm gọn trong khẩu hiệu “Đổi mới tất cả trong
Chúa Kitô”. Trong khá nhiều cải tổ của ngài theo đường hướng này phải kể: canh tân
thánh nhạc, duyệt lại luật Giáo hội, sửa đổi sách lễ và sách nguyện giờ kinh, tái tổ
chức các chủng viện, thành lập Học viện Kinh thánh Giáo hoàng ở Rôma và cải tổ
Giáo triều Rôma. Sắc lệnh về việc rước lễ ngài là quyết định ảnh hưởng sâu rộng
nhất tới mọi tầng lớp dân chúng. Sắc lệnh này khuyên tín hữu nên rước lễ mỗi ngày
và mở ra việc rước lễ trẻ em. Đặc biệt, các giáo sĩ nên được huấn luyện chu đáo với
một đời sống tâm linh mới. Ngài khẳng định, người linh mục “muốn đem Chúa đến
cho người khác thì trước hết phải có Chúa trong mình đã”.

Bước đầu của Công giáo Tiến hành


Có một lần trong khi đàm đạo với các hồng y, Piô X hỏi: “Ngày nay muốn cứu đời
phải làm gì cấp thiết nhất?” Một hồng y đáp: “Xây trường học”. Giáo hoàng:
“Không!” Một hồng y khác tiếp lời: “Xây nhiều nhà thờ hơn nữa!” Giáo hoàng trả
lời: “Không! Không! Điều cần nhất bây giờ là làm sao trong mỗi xứ đạo có được một
nhóm giáo dân sáng giá, đạo đức, dấn thân và thật sự có tinh thần tông đồ”. Theo xác
quyết của ngài, mọi tín hữu Công giáo phải “vận dụng hết sức mình để đem Chúa
Giêsu Kitô vào lại gia đình, vào lại trường học, vào lại môi trường xã hội”.
Việc Piô IX cấm người Công giáo tham gia các cuộc bầu cử chính trị (“Non
expedit”) có ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt chính trị ở Ý đại lợi. Qua thư luân lưu “il
fermo proposito” gửi cho các giám mục Ý ngày 11-6-1905, Piô X xác định rằng
trong một số trường hợp có thể miễn cho sự cấm đoán này. Thư luân lưu đồng thời
được xem là một hiến chương sinh hoạt Công giáo Tiến hành. Nhưng các sinh hoạt
tông đồ của người giáo dân, theo đó, phải hoàn toàn nằm dưới quyền chỉ đạo của
giáo sĩ và người giáo dân chỉ có mỗi một nhiệm vụ thi hành mà thôi. Đây là điểm
ngày nay được xem là lạc hậu. Tuy nhiên phải đợi đến Piô XI mới có “Công giáo
Tiến hành” và theo ngài đó là “sự tham dự của tín hữu giáo dân vào việc tông đồ
phẩm trật”. Piô XI bảo các hoạt động Công giáo Tiến hành nên tiếp tục đặt dưới sự
chỉ đạo của giám mục, nhưng ngài chẳng còn dùng chữ “tùng phục” nữa, mà thay
vào đó là chữ “hợp tác”.
Những quyết định mạnh tay
Tình hình nguy hiểm cho đạo giáo và Giáo Hội khiến Piô X trong thời gian tại vị đã
có những quyết định mạnh tay. Tại Pháp, sau khi có luật tách rời Giáo Hội và nhà
nước, Piô X đã dứt khoát không thoả hiệp, dù hàng giáo phẩm và tín hữu pháp sẵn
sàng chấp nhận thoả hiệp. Một nhà ngoại giao Ý thời đó viết về Piô X: “Chẳng có gì
lạ lùng hơn thái độ của giáo hoàng trong cuộc xung khắc với chính quyền Pháp. Từ
chối việc này (lập các “Hợp tác xã văn hoá”) có nghĩa là Giáo hội Công giáo Pháp
mất hết tài sản. Piô X dù thế vẫn không ngần ngại, từ chối thẳng. Có người hỏi ngài,
làm sao Tổng Giám mục Paris có thể thi hành sứ vụ khi không có nhà cửa, không
nguồn lợi, không giáo đường. Ngài trả lời, còn có một cách nữa là trao giáo phận lại
cho một tu sĩ dòng Phanxicô, ông này phải sống bằng của bố thí và hoàn toàn khó
nghèo”.
Tây Ban Nha cũng cắt đứt liên lạc ngoại giao. Mối quan hệ với Anh quốc càng ngày
càng xấu. Xung khắc với Áo đã khiến Piô X tính cắt đứt ngoại giao với nước này.

Một khủng hoảng ảnh hưởng mãi tới ngày nay


Khi nhậm chức giáo hoàng, Hồng y Sarto chọn tên hiệu Piô X để tưởng nhớ đến các
vị giáo hoàng tiền nhiệm có danh hiệu này “những vị trong những thế kỷ qua đã can
đảm chống lại các bè rối và những lầm lạc lan tràn”. Chủ trương tiếp tục con đường
của các tiền nhiệm này đã được ngài tỏ bày trong cuộc họp bầu và nó đã được thể
hiện qua nỗ lực của ngài chống lại thuyết tân tiến, chống lại cái khủng hoảng thần
học nguy hiểm khởi sự vào đầu thế kỷ, mà tới nay vẫn chưa chấm dứt.
Chủ nghiã tân tiến có nghĩa là việc mang các phương pháp khoa học mới áp dụng
vào khoa thần học và hệ quả sau cùng của nó là đưa người ta đến không còn tin
Chúa. Linh mục Alfred Loisy, giáo sư Đại học Paris, được coi là “cha đẻ của chủ
nghĩa tân tiến” (Heiler). Ông có một câu nổi tiếng: “Đức Giê su rao truyền nước
Chúa, nhưng lại xuất hiện Giáo hội". Chủ nghiã tân tiến không chỉ chối bỏ việc Chúa
Kitô lập Giáo Hội mà còn chối bỏ cả mạc khải của Chúa, thiên tính của Đức Kitô,
tính cách chân lý tuyệt đối của tín điều, sự kiện Chúa sống lại, sự linh ứng của Sách
Thánh và việc Chúa lập các phép bí tích.
Piô X can thiệp, vì khoa thần học gặp nguy cơ đổ vỡ trước chủ trương tương đối hoá
của chủ nghĩa tân tiến. Sắc lệnh “Lamentabili” năm 1907 của ngài được coi là một
Syllabus mới. Thuyết tân tiến bị kết án chung cuộc qua tông thư “Pascendi”, trong đó
Piô X coi thuyết này là “nơi tập trung mọi thứ tà thuyết”. Ngày 1-9-1910, Piô X buộc
tất cả các giáo sĩ thề hứa chống lại thuyết tân tiến. Lời thề này đã được bỏ từ năm
1967.
Vấn nạn khó khăn ẩn giấu đàng sau phong trào tân tiến có thể nhìn thấy qua chính
con người của Linh mục Loisy. Khi giáo hoàng kết án các sách của ông, Loisy quỳ
xuống trong tư thế một linh mục và thưa: “Lẽ dĩ nhiên con chối bỏ tất cả những lầm
lạc mà người ta đã diễn dịch từ sách con”. Nhưng đồng thời ông tuyên bố với tư cách
một nhà nghiên cứu sử ông không thể từ bỏ những kết quả nghiên cứu của mình.
Tông thư “Pascendi” được những người bảo thủ hào hứng đón nhận. Cho đến nay
vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt về tông thư này. Một mặt, các nhà thần học cho rằng
“một trong những thành công rực rỡ nhất của Giáo hoàng Piô X là việc chế ngự các
tà thuyết len lỏi trong thuyết tân tiến" (Hertling). Mặt khác, người ta công khai phê
bình Piô X về cách hành xử của ngài khi nghĩ rằng cứ ra những cấm đoán khắc
nghiệt là có thể dập tắt được các vấn nạn của thuyết tân tiến. Sử gia Giáo hội Aubert
viết: “Ngày nay đa phần người ta xác nhận rằng con đường đổi mới khởi sự từ thời
Lêô XIII đã bị dậm chân tại chỗ hơn một thế hệ bởi các biện pháp của Piô X”. Một
sử gia khác lại nhận định: “Ngày nay, nếu lấy Tông thư “Pascendi” làm thước đo thì
có lẽ phải loại bỏ gần hết các nhà thần học thượng thặng trước và sau Công đồng”
(Wucher).
Piô X từ trần trong đêm 19 rạng ngày 20-8, vài ngày sau khi thế chiến thứ nhất bùng
nổ. Ngài là con trai của một nhân viên phụ việc trong bưu điện, thuở nhỏ phải đi bộ
14 cây số mới tới được trường học. Trong khi Lêô XIII được coi là “Giáo hoàng của
triều đình, của bá quan và các giám mục” thì Piô X được xem là “Giáo hoàng của
dân cùng đinh và của các linh mục quản xứ”.

Sơ đồ thành quốc Vatican. Biên giới ấn định năm 1929


Ghi chú vị trí
1. Nhà thờ Thánh Phêrô 14. Nhà bạc cũ (Casa della Zecca)
2. Nơi kinh sĩ ở và chứa đồ thánh 15. Điện của thủ hiến Vatican
3. Nhà nguyện Sixtin 16. Nhà thờ Thánh Stêphanô
4. Công trường Thánh Phêrô 17. Điện tư pháp
5. Trụ cột Bernini 18. Điện hành chánh
6. Cửa đồng. Lối vào Vatican 19. Nhà thương Thánh Marta
7. Tháp công trường 20. Nhà làm/sửa kính màu
8. Bồn nước 21. Nhà ga
9. Vườn Damasus 22. Chủng viện dòng Abessin
10. Bảo tàng Vatican 23. Hang Lộ Đức
11. Bưu điện chính 24. Đài thiên văn
12. Bảo tàng nghệ thuật 25. Đài truyền thanh
13. Điện Pi ô IV 26. Trại lính canh Thuỵ Sĩ
(trụ sở của Viện giáo hoàng) 27. Trại cảnh binh của giáo hoàng
28. Nghĩa địa

TRÌNH THUẬT 96-97

TRÌNH THUẬT 96

PIÔ XI LỘT MẶT NẠ CHỦ NGHĨA QUỐC XÃ VÀ CHỦ THUYẾT CỘNG SẢN

Hoà bình với Ý đại lợi


Ngày 12-2-1922, sau khi nhận sứ vụ, Giáo hoàng Piô XI bước ra đứng trên bao lơn
bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô để chúc lành cho “thành phố và địa cầu” (urbi et
orbi). Mọi người ngạc nhiên, vì từ hơn 70 năm nay, kể từ khi “vấn đề Rôma” chưa
được giải quyết, đã không một vị giáo hoàng nào chịu xuất hiện trên bao lơn này.
Nhưng Piô XI đã tự nguyện từ bỏ Quốc gia Giáo Hội, đã mất từ năm 1870, và bằng
lòng với phần đất nhỏ xíu còn lại, “phần đất ít ra vừa đủ để còn giữ được chủ quyền”.
Có chủ quyền trên phần đất nhỏ này là phương cách giúp các giáo hoàng Rôma
không rơi vào lệ thuộc chính quyền Ý, tránh tình trạng của Avignon trước đây đối
với Pháp.
Hiệp ước Lateran năm 1929 bảo đảm cho giáo hoàng một quốc gia riêng trên một
lãnh thổ chỉ với diện tích 0,44 cây số vuông và 1.200 cư dân. Quốc gia của giáo
hoàng chỉ bao gồm điện Vatican và vùng phụ cận. Quốc gia Vatican dù nhỏ nhưng
cũng có đầy đủ mọi luật lệ như các quốc gia có chủ quyền khác, có cảnh sát, bưu
điện, nhà ga, tiền, đài phát thanh và quan thuế riêng. Hiệp ước đã được ký giữa Hồng
y Gasparri và người cầm đầu chính phủ Ý là Benito Mussolini tại điện Lateran.
Trong hiệp ước còn có một số điều khoản khác như Giáo hội Công giáo tiếp tục là
quốc giáo duy nhất tại Ý, công trường Thánh Phêrô vẫn mở cho công chúng qua lại
tự do, chính phủ Ý không được cho phép xây cất gì ở những khu vực chung quanh
Vatican để Vatican giữ được một toàn cảnh trọn vẹn, không một máy bay nào được
phép bay trên không phận quốc gia này và việc ám sát giáo hoàng sẽ bị trừng phạt
như hình phạt đối với việc ám sát một vị vua.
Nhiều người phê bình hiệp ước, nhưng Piô XI tự mình quyết định và chịu trách
nhiệm về việc ký kết này. Để trả lời cho câu hỏi tại sao ngài không đòi sự cam kết
bảo chứng của quốc tế (ví dụ như của Hội Liên Quốc), ngài nói: tương lai do Chúa
định đoạt, mọi cam kết bảo chứng đều vô ích.
Sau khi ký hoà bình với Ý, Piô XI rảnh tay đối phó với hai mối hoạ đang đe doạ Giáo
Hội là chủ nghĩa quốc xã ở Đức và chủ thuyết Cộng sản vô thần ở Nga. Piô XI đã
ban hành hai tông thư để bảo vệ Giáo Hội.

“Với nỗi lo nóng bỏng”


Sau 3 năm giằng co giữa Giáo hội Đức và nhà nước Quốc xã, ngày 4-3-1937, Giáo
hoàng Piô XI công bố thông điệp “Với nỗi lo nóng bỏng” lột trần những hành động
của Hitler. Năm 1933, Toà Thánh Vatican và Đức đã ký một hiệp ước trong đó buộc
chính phủ Đức phải làm sao để giữ “quan hệ giữa Toà Thánh và Đế quốc Đức được
tốt đẹp”, và bảo đảm “tự do tín ngưỡng và Giáo hội Công giáo được công khai hành
đạo”. Kỳ thực thời đó người ngoài chẳng hay biết gì hết về việc Hitler dùng bản hiệp
ước này để đánh lừa dư luận.
Trong “Với nỗi lo nóng bỏng”, Piô XI lên án chủ thuyết của Hitler: “Ai tách chủng
tộc hoặc dân tộc ra khỏi thang giá trị trần thế, đưa nó thành quy luật tối cao, cao hơn
cả những giá trị tôn giáo, và tôn thờ nó như tôn thờ thần thánh, người đó phá hỏng
trật tự tạo vật do Chúa xếp đặt. Chỉ những đầu óc hời hợt mới rơi vào lầm lạc đó, mới
nói đến một Chúa quốc gia, mới nói đến một tôn giáo quốc gia, mới có thể dám làm
điều xằng bậy là vây hãm Chúa trong một dân tộc riêng rẽ, khóa giam Ngài trong
một chủng tộc riêng rẽ”. Về chuyện chống Giáo hội, Giáo hoàng tuyên bố rằng “Hậu
ý” của Hitler, “ngay từ đầu chẳng gì khác hơn việc chủ trương một cuộc chiến tiêu
diệt” và ngài tố cáo chính quyền Đức trước toàn thế giới là đã không thi hành cũng
như đã vi phạm hiệp ước qua việc tạo ra "ngàn thứ cấm cản tôn giáo”.
Bị Giáo hoàng lột mặt nạ, chế độ Quốc xã đã nổi cáu và phản ứng mãnh liệt. Vì tông
thư, dù bị cấm, vẫn được in ra và phổ biến rộng rãi, cảnh sát mật vụ thành phố
Muenchen đã ra lệnh: “Gặp được bản nào ngoài khuôn viên nhà thờ và nhà xứ là phải
tịch thu ngay”, “bắt được ai phân phát tông thư ngoài nhà thờ và nhà xứ thì phải tức
tốc lôi ra toà xử ngay”. Những bản tin giáo xứ, những thông tri của giáo hội nào có
đăng tông thư đều bị tịch thu và đình chỉ phổ biến trong vòng 3 tháng. Những nhà in,
nhà xuất bản nào can dự vào việc in ấn, phát hành tông thư đều bị đóng cửa.

Lên án chủ thuyết cộng sản


Động cơ bắt bớ Giáo Hội ở Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ và Nga Xô vào những năm của
thập niên 1930 là một ý thức hệ mới: Cộng sản. Ở Tây Ban Nha có 13 giám mục và
hơn 600 linh mục bị giết, chưa kể vô số các tu sĩ bị giết thuộc nhiều dòng tu khác
nhau. Nhiều người trong số các vị tử đạo này bị hành hạ chết một cách thê thảm.
Những cuộc tàn sát man rợ thường xuyên xảy ra suốt trong cuộc nội chiến ở Tây Ban
Nha từ năm 1936 đến 1939 và đã có hơn 2.000 nhà thờ bị phá hủy[1].
Bốn ngày sau khi phổ biến tông thư chống Đức quốc xã, Giáo hoàng công bố thông
điệp “Divini Redemptoris” chống lại chủ thuyết Cộng sản. Căn bản của chủ thuyết
Cộng sản, theo thông điệp, là “một tư tưởng giải phóng sai lạc”. Thuyết này cũng
đưa ra “một lý tưởng sai lạc về công lý, bình đẳng và huynh đệ trong lĩnh vực lao
động”. Thông điệp còn lên án thuyết cộng sản vì thuyết này chủ trương duy vật và
đấu tranh giai cấp. Cuối cùng, thuyết cộng sản cũng bị lên án vì nó chà đạp nhân
phẩm, phá hoại trật tự cuộc sống và trật tự quốc gia và cổ xuý cho chủ trương tập thể
hoá xã hội.
Về những phương pháp cộng sản dùng để lừa gạt con người, Giáo hoàng viết: “Họ
dùng chiêu bài muốn cải thiện tình trạng khó khăn của giai cấp công nhân, xoá bỏ
những lạm dụng thực sự của nền kinh tế tự do và kêu gọi phân chia đồng đều hơn tài
sản trên địa cầu (Những mục tiêu quả đúng đắn), xa hơn nữa, lợi dụng khủng hoảng
kinh tế thế giới, họ đã lôi kéo được nhiều tập thể dân chúng vốn dĩ hoàn toàn không
ưa duy vật và khủng bố vào vòng ảnh hưởng của cộng sản. Dĩ nhiên, trong mỗi sai
lầm đều chứa một mầm sự thật. Họ đã lợi dụng dùng những mẩu sự thật của chúng ta
đưa ra, trưng chúng ra đúng nơi đúng lúc để che dấu sự tàn bạo bất nhân của những
nguyên tắc và phương pháp cộng sản bôn sê vích...”.

“Tuyên truyền quỷ quái”


Giáo hoàng viết về cách tuyên truyền quỷ quyệt của họ: “Thêm vào đó, sở dĩ tư
tưởng cộng sản được quảng bá nhanh chóng là nhờ lối tuyên truyền quỷ quái, từ xưa
tới nay có lẽ chưa từng thấy trên thế gian này, một lối tuyên truyền chỉ huy bởi một
trung tâm duy nhất và được nhào nặn thích hợp với điều kiện sống của từng dân tộc.
Một hệ thống tuyên truyền với ngân quỹ dồi dào, với một guồng máy tổ chức đồ sộ,
với các cuộc hội nghị quốc tế, với các chuyên viên được huấn luyện kỹ. Một hệ
thống tuyên truyền bằng truyền đơn, báo chí, bằng sử dụng ánh sáng, truyền thanh,
rạp hát, trường học, cả đại học nữa...”. Piô XI cho rằng báo chí thế giới phải chịu
trách nhiệm một phần trước sự lan tràn của chủ thuyết Cộng sản, khi họ im tiếng. Sự
im tiếng này, theo ngài, là một “mưu đồ”, "bởi vì không thể nào giải thích khác hơn
được. Tại sao báo chí lại tường thuật quá ít cho công chúng biết về những diễn biến
xảy ra hằng ngày, về những tội phạm xảy ra ở Nga Xô, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha?
Báo chí im lặng quá lâu, tường trình quá ít về chủ nghiã cộng sản, về một tổ chức thế
giới đang bành trướng...”.
Tông thư viết tiếp: “Ai đi ngược với luật thiên nhiên thì bị phạt. Chủ nghĩa cộng sản
chưa bao giờ đạt mục tiêu của họ trong lĩnh vực thuần kinh tế và cũng sẽ chẳng bao
giờ đạt được. Sự thực ở Nga Xô, chủ nghĩa cộng sản đã dùng mọi cách, kể cả phương
cách độc ác, để tạo được một bước tiến trong lãnh vực vật chất. Song chúng ta biết
được qua các chứng cớ đáng tin cậy, rằng thực tế, chủ nghĩa cộng sản đã không hoàn
thành được mục tiêu như họ từng hứa hẹn, cho dù họ đã đày đoạ, khủng bố, sát hại
hàng triệu con người. Kể cả trong lĩnh vực kinh tế cũng cần phải có ý thức trách
nhiệm đạo đức, mà ý thức này không thể nào có được trong hệ thống thuần tuý duy
vật như chủ nghĩa cộng sản”.
Piô XI tạ thế ngày 10-2-1939, thọ 82 tuổi, trước khi đệ nhị thế chiến bùng nổ. Một
triệu người tuôn về Nhà thờ Thánh Phêrô để từ biệt lần cuối vị giáo hoàng đáng kính.
Chính phủ Ý gởi tới 5.000 binh sĩ, nhưng cũng không sao giữ nổi trật tự trên công
trường Thánh Phêrô.
Piô XI sinh ngày 31-5-1857 với tên là Achille Ratti, gần Monza. Thân phụ ngài là
giám đốc một xưởng dệt lụa. Achille Ratti trông coi thư viện Ambrôsiô nổi tiếng ở
Milano 25 năm dài. Ngài về Rôma cư ngụ một thời gian ngắn trước khi được bổ
nhiệm Tổng giám mục Milano. Ratti không chỉ nổi tiếng là một nhà thông thái song
còn là một người leo núi giỏi, đã từng làm những chuyến leo núi khó khăn (Monte
Rosa). Tuần báo “Times” đã viết về Piô XI như sau: “Ngài có một cuộc sống đơn
giản, cư xử mực thước điều độ, ánh mắt nghiêm nhưng chan hoà tin yêu. Đứng trước
ngài, người ta cảm thấy như đang đứng trước một bậc khả kính”.

TRÌNH THUẬT 97

CUỘC BÁCH HẠI KITÔ HỮU RỘNG LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ 2000
NĂM

Ngày 30-1-1933, Adolf Hitler trở thành thủ tướng của Đế quốc Đức. Joseph
Goebbels, khi ấy là giám đốc chính trị thành phố Bá Linh, mô tả chiến thắng nắm
quyền đó như sau: “Quả gần như một giấc mơ. Con đường Wilhelm đã thuộc về
chúng tôi. Lãnh tụ đã làm việc trong dinh thủ tướng. Chúng tôi đứng ở cửa sổ trên
cao. Nhiều trăm ngàn người trong ánh đuốc bập bùng diễn hành ngang qua vị chủ
tịch già nua (Hindenburg) và vị thủ tướng trẻ (Hitler), miệng hô to những lời ca ngợi
và cám ơn. Quốc gia bừng dậy! Nước Đức đã thức tỉnh! Không thể tả được những gì
đang rạo rực trong tim chúng tôi. Chúng tôi vừa muốn khóc, vừa muốn cười. Cái
đêm kỳ diệu ấy trôi qua trong niềm hân hoan ngây ngất điên cuồng...”.

Chẳng có gì ngoài những lời rỗng nghĩa


Hitler đã tuyên bố trong cương lĩnh năm 1925 và trong sách “Mein Kampf” (Cuộc
chiến đấu của tôi) như sau: “Chúng tôi đòi hỏi tự do cho mọi tôn giáo trong quốc
gia”, nhưng ông mập mờ thêm: “... chừng nào các tôn giáo đó không gây nguy hại
cho sự tồn vong của quốc gia hoặc đi ngược lại phong tục và luân lý đạo đức của
dòng giống dân Đức”. Câu văn mập mờ này đã báo trước cuộc đấu tranh chống lại
Giáo Hội sau này, bởi vì Hitler cũng có một quan niệm như triết gia Nietzsche về ý
niệm “luân lý đạo đức”, coi nó có nghĩa là khuyến trợ sự cường tráng và sức mạnh
thể lý, đồng thời tiêu diệt cái yếu và kẻ bệnh hoạn. Ông đã một lần giải thích rõ hơn:
“Khoa sư phạm của tôi không dễ, cái yếu đuối phải được đập bỏ. Trong các thành
phố lý tưởng của tôi chỉ có lớn lên những tuổi xuân làm kinh hãi thế giới. Trong các
thành phố lý tưởng của tôi chỉ có tôn thờ những mẫu người thần thiêng đẹp đẽ”.
Công chúng đã bị lừa khá lâu về nhân vật Hitler, bởi vì trong thời gian đầu ông chỉ
hé mở ý riêng của mình cho những người thân tín mà thôi. Ngày 1-2-1933, trong bản
tuyên bố đầu tiên của chính phủ, Hitler đã đánh lừa dân chúng và Giáo Hội với lời
hứa sẽ “bảo vệ Kitô giáo như là nền tảng của toàn bộ hệ thống đạo đức của chúng ta,
bảo vệ gia đình như là hạt nhân của dân tộc và quốc gia”. Một lừa dối khác nữa là khi
biện hộ cho việc ra đời “Luật Uỷ quyền” ngày 23-3-1933: “Chính quyền quốc gia
nhận thấy trong hai tín ngưỡng Kitô có những thành tố quan trọng nhất để giúp dân
tộc chúng ta sống còn. Chính phủ tôn trọng những thoả ước đã được ký kết giữa hai
tôn giáo và giữa các tiểu bang”.
Nhưng 2 tuần lễ sau bản tuyên bố đó Hitler đã thú nhận với nhóm thân tín của mình:
“Phátxít (ở Ý) muốn hoà hoãn với Giáo Hội. Mình cũng sẽ làm như vậy. Tại sao
không? Chẳng có gì cản được mình nhổ sạch gốc rễ của Kitô giáo tại nước Đức.
Người ta chỉ hoặc là Kitô hữu hoặc là người Đức. Không thể vừa là người Đức vừa là
Kitô hữu”.
Mặc dầu từ năm 1931 linh mục dòng Tên P. Friedrich Muckermann đã cảnh giác
rằng tổ chức của Hitler không hẳn chỉ là một đảng chính trị mà nó còn là phong trào
với một vũ trụ quan khác lạ, nhiều người Công giáo Đức vẫn hy vọng có thể cộng tác
được với Hitler. Ngay cả Vatican cũng đã ký với Hitler một thoả ước vào ngày 20-7-
1933.

Thoả ước dù vậy vẫn hiệu lực


Vừa ký xong thoả ước với Piô XI, Hitler liền ra tay tấn công Giáo Hội. Tuy nhiên,
những biện pháp kình chống lúc đầu vẫn còn được giải thích như là “những lạm dụng
trái phép của cấp dưới”. Ngay Hồng y Schulte, Tổng Giáo phận Koeln, thời đó cũng
chưa thấu triệt được chiến thuật thâm độc của Hitler. Ông muốn tới gặp thẳng Hitler
để yêu cầu ra lệnh cho Rosenberg chấm dứt các hô hào tiêu diệt Kitô giáo nhân danh
“Đảng Công nhân Quốc xã Đức” (NSDAP). Cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 2-1934.
“Lãnh tụ” cho hay ông không đồng ý với quan điểm của thủ tướng Rosenberg.
Nhưng đó chỉ là môi miệng. Rosenberg vẫn không bị cấm cản gì. Hồng y Schulte bắt
đầu sáng mắt. Sau khi trở về toà giám mục, ông bực tức: “Hitler là con quái vật
Sphinx (con vật đầu người, mình sư tử trong thần thoại Hy Lạp - Người dịch), một
tay nham hiểm. Chúng ta sẽ thấy nhiều chuyện kinh hoàng do tay ông ta”.
Ngày nay chúng ta biết rõ hơn, là từ lúc còn nhỏ Hitler đã thù ghét, coi đạo này là
một tổ chức “kế tục chính thức của Do Thái giáo” và là “một phát minh của tên Do
Thái Phaolô”.
Khoảng năm 1936, khi hiểu được lòng dạ thật của Hitler đối với Giáo Hội, Piô XI
cho soạn Tông thư “Với nỗi lo nóng bỏng”. Tông thư này là cao điểm của nỗ lực tự
vệ của Giáo Hội trước những tấn công của Hitler.
Dù vào thời điểm đó thoả ước chỉ còn giá trị như một tờ giấy lộn, Piô XI vẫn không
chịu huỷ bỏ nó. Ngài coi đó như là một chứng cớ tranh đấu của mình và dùng nó làm
căn bản pháp lý để có thể can thiệp một cách chính thức vào chính sách tôn giáo của
nước này. Về phiá Hitler, ông cũng không chịu huỷ bỏ, dù năm 1942 ông còn bảo
thoả ước là “cái trói buộc chính cho chế độ” mình. Với Hitler, thỏa ước là một dụng
cụ quan trọng để đánh lừa dư luận quốc tế. Chỉ sau khi “chiến thắng sau cùng” ông
mới tính huỷ nó.

Công khai bắt bớ


Sau thời gian úp mở, kể từ năm 1934, Hitler khởi sự chiến dịch “giải trừ tôn giáo”
trong đời sống công cộng, mà tiếng lóng thời ấy gọi là cuộc "Đức hoá". Chính quyền
giải tán Đảng Trung tâm của người Công giáo, canh chừng các buổi giảng dạy giáo
lý, đình chỉ báo chí Công giáo, cấm tất cả các hội đoàn và tổ chức thanh thiếu niên
Công giáo, theo dõi các bài giảng, gỡ thánh giá khỏi lớp học, cho soạn sách giáo
khoa chống Giáo Hội, đóng cửa các trường tư thục Công giáo, để các phân khoa thần
học dở sống dở chết hoặc đóng cửa (như ở Graz, Innsbruck và Muenchen). Tài trợ
cho các tổ chức xã hội của Giáo Hội và cho các nhà trẻ bị phong toả. Nhiều linh mục
và giáo dân bị bắt hoặc giết. Không ai biết rõ số lượng linh mục chết trong các trại
tập trung. Ngày 15-3-1945, trước khi bị giải tán, người ta đếm được trong trại tập
trung Dachau còn 1493 linh mục thuộc 144 giáo phận và thuộc nhiều sắc dân khác
nhau. Có lẽ khoảng chừng 1/3 trong tổng số 3.000 giáo sĩ bị giam trong trại đó đã
chết. Hành động dũng cảm của Giám mục Galen, Giáo phận Muenster, thảng hoặc có
cản ngăn được vài hành động man rợ như việc sát hại các người bị bệnh tâm thần,
nhưng cũng không làm thay đổi được guồng máy quốc xã.
Năm 1941, Martin Bormann lên nắm chỉ đạo cuộc tiêu diệt Giáo Hội. Trong một bản
chỉ thị mật gửi đến các uỷ viên lãnh đạo vùng, tỉnh và quận Bormann viết: “Chủ
nghĩa Quốc xã và căn bản Kitô giáo không thể thoả hiệp với nhau. Nhân dân càng
ngày càng phải đẩy lùi Giáo Hội. Không bao giờ để nó có dịp ảnh hưởng trở lại trên
nhân dân. Phải dứt khoát hoàn toàn bẻ gãy cái ảnh hưởng đó”. Trong khoá huấn
luyện tại Muenchen Rammersdorf một quận trưởng còn nói rõ: “Chúng ta, những
người hiện còn sống, phải triệt hạ cho bằng được Giáo Hội. Đừng bằng lòng với việc
chỉ nói rằng, giới trẻ Đức lớn lên không cần Kitô giáo nữa, rằng những người nối tiếp
Hitler có thể dịu dàng hơn, có thể động lòng trắc ẩn. Như thế thì cái ung nhọt (giáo
hội) kia lại nổi lên và vỡ ra”. Chúng ta nên lấy việc dẹp Giáo Hội ở Warthegau trong
vùng chiếm đóng thuộc Ba Lan làm mẫu mực để thanh toán giáo hội trong toàn Đế
quốc Đức sau chiến tranh.
“Niềm hân hoan ngây ngất điên cuồng” của Goebel đâu chẳng thấy. Mà chỉ thấy
nước Đức đã lọt vào tay bọn quỷ dữ. Bọn này không những chỉ chống Giáo Hội,
không những tàn sát 6 triệu người Do Thái một cách vô cớ, mà còn nhắm mắt tiêu
diệt mọi nhân quyền và quyền công dân sơ đẳng nhất. Trong “đế quốc ngàn năm”
của bọn này bỗng chốc chẳng còn tự do lương tâm, chẳng còn tự do ngôn luận, tự do
báo chí nữa. Mất luôn bí mật thư tín, bí mật điện thoại, các cuộc bầu phiếu kín.
Không còn bình đẳng trước pháp luật, không còn độc lập của tư pháp. Con đường
này cuối cùng đã dẫn nước Đức tới tan rã hoàn toàn vào năm 1945.
Lenin cũng “đả đảo tôn giáo!”
Ngày 15-3-1917, Nga hoàng Nikolaus II từ chức. Các uỷ ban (Xô Viết) công nhân và
quân đội chiếm thành phố Petrograd (Leningrad) và các thành phố lớn khác. Để yểm
trợ cho cuộc chuyển quyền này, bộ chỉ huy lục quân Đức đã giúp đưa những người
bônsêvích đang tị nạn tại Thuỵ Sĩ trở về Nga. Ngày 8-4-1917, Wladimir Iljitsch
Lenin cùng với 30 đồng bạn lên xe lửa trực chỉ Petrograd. Đầu tháng 11-1917, mọi
quyền hành lọt vào tay Lênin.
Lênin, người đứng đầu Nga Xô lúc bấy giờ, cũng giống như Hitler sau này, muốn
tiêu diệt tôn giáo. Ông theo lời dạy của Karl Marx: “Hạnh phúc đích thực của nhân
dân đòi phải trấn áp tôn giáo”. Chính Lenin giải thích về điểm này: “Chủ nghĩa duy
vật biện chứng, như Marx và cả Engels đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại, là nền tảng triết
lý; chủ nghĩa này hẳn nhiên là vô thần và là kẻ thù của mọi tôn giáo. Chúng ta phải
đấu tranh chống lại tôn giáo. Đó là căn bản sơ đẳng A, B, C của toàn bộ duy vật chủ
nghĩa và là căn bản của chủ nghĩa mác xít. Vì thế: Đả đảo tôn giáo. Vô thần muôn
năm! Quảng bá quan niệm vô thần là bổn phận chính của chúng ta!”
Hitler là một người chủ trương bài Do Thái. Ông chống Kitô giáo, vì coi Kitô giáo là
cánh tay nối dài của Do Thái giáo. Chủ trương vô thần của Karl Marx cũng bắt rễ từ
chủ nghĩa bài Do Thái, mặc dù chính Marx cũng là một người Do Thái. Chủ trương
vô thần của Marx, mà sau này được Lênin tiếp nối, là một cách trả thù Thiên Chúa,
vì ông quy cho Thiên Chúa trách nhiệm về thân phận khốn quẫn của người Do Thái
(Kuenzli).
Lênin đã làm những gì ông hứa. Chỉ trong 5 năm đầu nắm quyền ở Nga Xô đã có 84
giám mục công giáo và hàng ngàn linh mục bị bãi nhiệm. 50 năm sau, từ 40.000 giáo
xứ năm 1917, chỉ còn lại một nửa. Chỉ còn 40 tu viện trong tổng số 2.000. Ở Ba Lan
cộng sản có 2.500 linh mục bị giết; ở Nam Tư khoảng 200 giáo sĩ bị giết. Nhiều giáo
sĩ bị cưỡng bách lao động trong các trại tập trung. Ở Hunggari, cộng sản bày ra vụ án
Hồng y Mindszenty. Vụ án này là cao điểm trong kế hoạch truy nã Giáo Hội. Kể từ
năm 1949 là năm Trung Hoa rơi vào tay cộng sản, có 105 giáo phận, 40 giám quản
tông toà do Piô XII mới lập, bị giải tán. Có ai biết rõ và liệt kê được đầy đủ những
nạn nhân của cộng sản?

TRÌNH THUẬT 98-99

TRÌNH THUẬT 98

GIOAN XXIII KHAI MẠC CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Khi đoàn rước xem ra dài vô tận từ trong điện Vatican tiến ra giữa Công trường
Thánh Phêrô để từ đó tiến vào cửa chính của vương cung thánh đường thì chuông
của tất cả các nhà thờ trong thành phố Rôma đổ liên hồi. Đi đầu cuộc rước là các
thành viên trong Giáo triều Rôma trong áo choàng phụng vụ, rồi đến các nghị phụ
mặc lễ phục màu trắng gồm: bề trên các dòng tu, giám mục, thượng phụ, sau cùng là
các hồng y. Các hồng y thầy sáu mặc áo ngắn màu tím. Các hồng y linh mục mặc áo
lễ. Các hồng y giám mục mặc áo choàng màu khói trắng. Sau cùng là Giáo hoàng
Gioan XXIII ngồi trên kiệu. Ngài cũng đội mão giám mục. Đến trước tiền đường
Nhà thờ Thánh Phêrô, ngài xuống kiệu, đi bộ vào vương cung thánh đường, nơi các
nghị phụ đã an vị ngay gian giữa thánh đường. Trước đây, 700 nghị phụ của Công
đồng Vatican I (1870) còn ngồi ở cánh phải nhà thờ. Cánh giữa nguyện đường lớn
nhất thế giới này vừa đủ chỗ cho gần 3.000 nghị phụ của lần họp thứ hai này. Quả là
một kỷ lục trong lịch sử các công đồng. Trong số 2.540 nghị phụ chính thức có
khoảng 38% nghị phụ thuộc châu Âu, 31% thuộc châu Mỹ, 20% thuộc Á và Úc châu,
10% thuộc châu Phi, và khoảng một phần ba là các giám mục dòng.
Khoảng 12 giờ 30 ngày 11-10-1962, Gioan XXIII đọc diễn văn khai mạc Công đồng
chung lần thứ 21 của Giáo hội Công giáo: “Hôm nay, Giáo Hội mẹ thánh hân hoan
vui mừng vì nhờ thánh ý Chúa quan phòng đặc biệt mà chúng ta có được ngày hằng
mong đợi này”. Vị giáo hoàng 77 tuổi này nghĩ rằng chỉ trong vòng 3 tháng ngài có
thể tuyên bố kết thúc Công đồng.

Thời gian trôi quá nhanh!


Từ trước cho tới thời Công đồng Chung Vatican I (1870), muốn tham dự Công đồng,
các nghị phụ phải đi bộ, đi ngựa hoặc bằng thuyền buồm. Trong thời trung cổ các
ông cũng không còn có những trạm liên lạc thư tín rải rác của đế quốc Rôma để dừng
chân nữa. Chính vì thế mà số người tham dự công đồng trước đây tương đối ít. Đặc
biệt các giám mục Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan và giám mục ở bắc Âu rất khó tham dự
công đồng.
Đường tới công đồng cũng không phải là không nguy hiểm. Một chiếc thuyền chở
các sứ thần của Byzantin tới dự Công đồng Lyon II (Pháp) đã đụng vào mỏm phía
nam của Hy Lạp, vỡ tan từng mảnh. Chỉ có một hành khách trên thuyền sống sót.
Martin Perez ở Ayala (Tây Ban Nha) cho hay trên đường đi dự Công đồng Trento đã
bị giữ lại trên đảo Ibiza 3 tuần để tránh bọn cướp biển.
Để biết một cuộc hành trình đi đến địa điểm tổ chức công đồng kéo dài bao lâu,
chúng ta hãy lấy trường hợp của Bartholomêô ở Martyribus làm điển hình. Ông khởi
hành từ Braga (Bồ Đào Nha) ngày 24-3-1561 mà mãi đến ngày 18-5-1561 mới tới
được Trento. Và thời gian trở về cũng phải ngót 2 tháng.
Tổn phí cho cuộc hành trình đi dự công đồng cũng không phải ít. Đặc biệt là một
gánh nặng cho các giám mục Ái Nhĩ Lan trong lần đi dự Công đồng Lateran III ở
Rôma. Cuộc sống hằng ngày ở nhà của các vị chỉ dựa vào 3 con bò sữa.
Chỉ từ Công đồng Vatican I các nghị phụ mới bắt đầu được sử dụng xe lửa và tàu
chạy bằng hơi nước. Trước đây thư mời dự công đồng cần cả tháng mới tới tay người
nhận. Ngày nay chỉ cần 48 tiếng đồng hồ là các giám mục châu Phi, châu Úc, Nhật
Bản đã nhận được thư mời. Với phương tiện kĩ thuật ngày nay, công đồng có thể
triệu tập và khai mạc trong vòng một tuần lễ.

Một vị linh hướng trở thành giáo hoàng


Piô XII từ trần ngày 9-10-1958. Ngài là người bị nhiều dị nghị vì đã không công khai
chống lại việc Hitler giết người Do Thái. Ngày nay, chúng ta biết ngài không làm
điều đó vì rằng sau khi các giám mục Hà Lan lên tiếng phản đối thì bọn Quốc Xã lại
càng truy nã mạnh hơn. Nhưng Piô XII đã làm tất cả những gì có thể làm được trong
quyền hạn của ngài. Hơn 5.000 người Do Thái được che giấu trong các tu viện, trong
các nhà thờ Công giáo và ngay cả trong Vatican. Sau chiến tranh ngài lo lắng cho
những tù binh và những người mất tích. Cơ quan thông tin và tìm kiếm do ngài cho
thiết lập đã nhận được 11 triệu câu trả lời. Uỷ ban cứu trợ của giáo hoàng đã góp
phần xoa dịu nỗi thống khổ của dân châu Âu bằng việc gửi quà hàng cứu trợ. Và sau
chiến tranh các cường quốc thắng trận muốn đổ gán tội ác gây chiến lên đầu cả dân
Đức, nhưng Piô XII đã cực lực chống lại hình thức quy tội tập thể này.
Trong tâm trí mọi người Piô XII được coi là một giáo hoàng điển hình: một quý tộc
sang trọng, giàu kiến thức, một nhà trí thức với nét mặt thoát tục và với dáng người
tu hành khắc khổ. Cả thế giới đều biết đến cung cách đặc biệt hay giang tay và ngước
mắt lên trời của ngài. Một sự kiện lại càng ngạc nhiên là ngày 28-10-1958, 51 vị
hồng y hiện diện đã bầu Hồng y Giuseppe Roncalli, Thượng phụ Giáo phận Venezia
(Ý), lên kế vị Piô XII với danh hiệu Gioan XXIII. Gioan XXIII là con trai của một
gia đình vùng núi nghèo, dáng người to béo, nhưng đơn sơ đạo đức. Kế tục một Piô
“gầy trơ xương” là một Gioan “núng nính” nặng nề. Người ta coi ngài chỉ là một
“giáo hoàng chuyển tiếp” trong lúc chờ đợi tìm ra một người tầm cỡ như Piô XII
khác.
Cuối thời Trung Cổ đã có một vị giáo hoàng chọn danh hiệu Gioan XXIII, nhưng vị
này đã bị Công đồng Konstanz năm 1415 cách chức. Hồng y Roncalli đã chọn danh
hiệu này để loại bỏ tên vị giáo hoàng không chính thức kia ra khỏi danh sách giáo
hoàng.

Cánh cửa Giáo Hội rộng mở


Giáo hoàng Roncalli sinh ngày 25-11-1881 tại Sotto il Monte trong Giáo phận
Bergamo. Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo có 13 người con, làm linh mục, giáo
sư ở Chủng viện Bergamo, rồi tuyên úy quân đội. Năm 1921, ngài về Rôma, được bổ
nhiệm năm 1925 làm đại diện Toà Thánh ở Sofia (Bungari) rồi sứ thần ở Thổ Nhĩ Kì,
Hy Lạp, năm 1944 làm khâm sứ ở Paris. Và cuối cùng năm 1953 làm Tổng Giám
mục và Thượng phụ Giáo phận Venezia. Dù ở trách vụ nào, ngài cũng không quên
công tác linh hướng thực tế của mình. Ngài là người am hiểu các mối âu lo và bức
bách của “người bình dân” trong Giáo Hội, đồng thời cũng rất am tường tình hình thế
giới. Sứ vụ có tính cách lịch sử của Piô XII là hướng dẫn Giáo Hội trong thời đệ nhị
thế chiến, chống lại chủ nghĩa Quốc xã và Cộng sản. Sứ vụ của Gioan XXIII là mở
lớn cánh cửa Giáo Hội. Một mặt để “không khí trong lành” tràn ngập Giáo Hội. Mặt
khác để có thể nhìn rõ hơn những nhu cầu cấp thiết của tha nhân. Chính Piô XII cũng
đã đặt vấn đề triệu tập công đồng, nhưng phải đợi một Gioan XXIII bản lãnh mới
dám triệu tập, bởi cho tới lúc đó ai cũng xem chuyện họp công đồng là điều đầy rủi
ro, bất trắc.

Chỉ là một hiểu lầm?


Triệu tập Công đồng Chung Vatican II để đưa Giáo Hội vào một thời đại mới là một
tin chấn động thế giới. Hồng y Ottaviani và Tổng Giám mục Ruffini, Giáo phận
Palermo, ngay sau cuộc bầu giáo hoàng ít lâu đã xin Gioan XXIII triệu tập công
đồng. Nhưng khi loan báo mở công đồng Gioan XXIII cho hay đây là một “ơn Chuá
ban”. Từ gần 100 năm nay đã không có một công đồng nào. Rõ ràng con thuyền Giáo
Hội thời gian qua đã được lèo lái bởi nhiều vị giáo hoàng suất sắc. Phần Gioan
XXIII, ngài coi trọng việc cộng tác của các giám mục. Dù có quyền không sai lầm do
Công đồng Vatican I trao, ngài vẫn mời gọi giám mục đoàn cố vấn và muốn củng cố
nguyên tắc làm việc chung trở lại. Tóm lại, Gioan XXIII là một vị bình dân và được
yêu mến nhất về nhiều phương diện.
Vì Gioan XXIII loan báo về một công đồng “hiệp nhất” (oekumenisch), cho nên
nhiều người nghĩ đến “phong trào hiệp nhất” và cho rằng đây sẽ là một công đồng có
sự tham dự của nhiều nhánh Kitô giáo với mục đích tái hiệp nhất với Chính thống và
Tin lành. Hiểu lầm bắt nguồn từ chữ “hiệp nhất”, là một từ ngữ quen dùng trong
Giáo Hội. Thực ra, đối với Giáo hội Công giáo, khi từ này đi chung với từ công đồng
thì không có nghĩa gì khác hơn là một “công đồng chung”, trong đó có sự tham dự
của mọi giám mục và nghị quyết của công đồng có giá trị cho toàn thể Giáo Hội.
Gioan XXIII là người đã gây ra hiểu lầm này, khi vào ngày 30-1-1959, ngài đã nói
trong một bài diễn văn không soạn trước: “Chúng ta hãy tới với nhau. Hãy chấm dứt
phân rẽ!”. Nhưng cùng năm này, ngày 14-6, ngài xác định lại rõ hơn: Chỉ khi nào
Giáo Hội nhận biết mình rõ ràng hơn, thì lúc đó Giáo Hội mới có thể nói: Hãy đến
với chúng tôi! Theo ý ngài, việc đại kết với các Giáo Hội khác chỉ có thể thực hiện
được sau khi chính tự Giáo Hội đã thích nghi được với những yêu cầu của thời đại
(“aggiornamento”). Ngày 29-6-1959, ngài kể ra những mục tiêu cấp thiết nhất mà
Giáo Hội phải làm trước khi nói chuyện tái hiệp nhất, đó là phát huy đức tin Công
giáo, canh tân nếp sống đạo của các tín hữu và đưa Giáo Hội thích nghi với thời đại.
Việc chuẩn bị Công đồng Vatican II khởi sự năm 1960, sau khi Hồng y Quốc vụ
khanh Tardini ngày 25-10-1959 chính thức cho báo chí biết không có dự tính mời
các Giáo hội không phải là Công giáo. Đại diện của 18 Giáo hội không Công giáo chỉ
có tư cách người quan sát mà thôi. Chuyện họ tới tham dự công đồng đã là một bước
tiến trong nỗ lực đại kết của giáo hoàng. Nhớ lại, Piô IX cũng gửi thư mời các Giáo
hội không Công giáo dự Công đồng Vatican I, nhưng tất cả đã từ chối thẳng thừng.
Ngày 11-10-1962, một tuần lễ trước khi khai mạc Công đồng, Giáo hoàng Gioan
XXIII đi hành hương Loretto và Assisi. Đây là một việc làm trái với truyền thống
xưa nay. Sau gần 100 năm lại có một giáo hoàng bước chân ra khỏi Vatican và thành
Rôma. Từ nay, khái niệm “tù nhân trong Vatican” không còn nữa. Ngoài ra, cung
cách cá nhân của vị giáo hoàng này còn tỏ hiện qua các cuộc thăm viếng nhà thương,
các viện mồ côi và các trại tù trong thành phố Rôma.
Khoá họp đầu tiên của công đồng kéo dài tới ngày 8-12-1962. Gần cuối khoá, Đức
Thánh Cha bị đau nặng. Ngài chỉ xuất hiện để đọc diễn văn kết thúc khoá họp trong
Nhà thờ Thánh Phêrô. Gioan XXIII mất ngày 3-6-1963.

TRÌNH THUẬT 99

TIẾN VÀO TƯƠNG LAI BẰNG NHỮNG LỘ TRÌNH MỚI

“Tôi hết sức đau buồn báo tin cùng quý vị, Giáo hoàng Phaolô VI đã giã từ chúng ta
ngày hôm nay, mồng 6-8-1978 lúc 20 giờ 40 phút”. Bằng lời vắn gọn đó người phát
ngôn Toà Thánh đã loan báo cho thế giới biết về cái chết của Đức Thánh Cha. Phaolô
VI, 81 tuổi, mất vì đứng tim tại Castel Gandolfo. Thông điệp cuối cùng của ngài là
những lời chia sẻ về số phận của những người đói khát và đau khổ mà “số lượng
đang càng ngày càng gia tăng một cách đáng sợ” và số phận của những người
“không thể hoà nhập vào xã hội được”.
Lúc rời Vatican đi nghỉ ở Castel Gandolfo, Phaolô VI đã có linh cảm là sẽ không trở
lại nữa. Ngài nói: “Tôi ra đi nhưng không biết có trở về hay không và không biết về
bằng cách nào”.
Ngày 21-6-1963, Hồng y đoàn bầu Hồng y Giovanni Battista Montini lên kế vị với
danh hiệu là Phaolô VI. Hồng y Montini đã được mọi người chú ý từ lâu, có thể nói
ngài đã được nhắc đến từ sau khi Piô XII mất, dù lúc ấy ngài chưa có tước hồng y.
Phaolô VI lên với một gánh nặng quá tải của Gioan XXIII để lại. Gánh nặng đó là
Công đồng Vatican II. Ngày 29-9, ngài khai mạc khoá họp thứ hai của Công đồng
với những lời như sau: “Chúng ta sẽ không khi nào quên những đường hướng mà
ngài (Gioan XXIII) với tư cách là người khai sinh Công đồng đã khôn ngoan chỉ
bảo”. Những “đường hướng” đó là: đào sâu việc nhận diện Giáo Hội, canh tân nội
tình Giáo Hội, hỗ trợ việc hiệp nhất Kitô hữu và đối thoại với thế giới.

“Hiệp nhất các tín hữu”


Nỗi lo lắng của của Phaolô VI về sự phân rẽ giữa các Giáo hội Kitô giáo được thể
hiện qua lời thú tội khi bắt đầu sứ vụ của ngài: “Về lỗi lầm của chúng con trong sự
chia rẽ này, chúng con khẩn cầu xin Chúa thứ tha và cũng xin anh chị em (trong các
Giáo hội chị em) tha thứ, nếu vì chúng tôi mà anh chị em cảm thấy bị xúc phạm. Về
phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tha thứ những bất công đã xảy đến cho Giáo Hội
và sẵn sàng quên đi những đau buồn lớn lao do mối hiềm khích và chia rẽ lâu dài gây
ra”.
Không chỉ nói suông. Hành động thực thi lời thú đó của Phaolô VI đã làm thế giới
ngạc nhiên. Ngày 7-12-1965, ngài công bố giải vạ tuyệt thông mà Rôma đã ra cho
Byzanz vào năm 1054, vạ đã khiến Giáo hội Đông phương tách lìa khỏi Rôma. Cùng
ngày, Thượng phụ Athenagoras ở Konstantinôp cũng rút lại vạ tuyệt thông đối với
Giáo hội Rôma. Vạ này đã được Giáo hội Đông phương ra trả đũa ngay sau khi bị
Rôma tuyệt thông. Ngày 25-7-1967, đích thân Phaolô VI đến viếng thăm Thượng
phụ Athenagoras tại Konstantinôp. Cùng năm đó, ngày 28-10, Thượng phụ đã đến
Rôma thăm viếng đáp lễ. Hai vị Phaolô VI và Athenagoras đã gặp nhau trước đó ở
Giêrusalem nhân dịp Phaolô VI du hành vùng Cận đông từ ngày 4 đến 6-1-1964.

Phaolô VI tại Giêrusalem


Phóng viên của tờ báo Đức “Frankfurter Allgemeine Zeitung” tường thuật chuyến
viếng thăm Đất Thánh lần đầu tiên của một giáo hoàng như sau: “Đoàn xe của Giáo
hoàng đến cổng thành Damakus lúc 16 giờ 45 ngày thứ bảy, trễ mất 80 phút. Hoàng
hôn đã sớm phủ xuống trên những tháp canh chen chúc, trên những mái nhà vòm và
trên cả những tháp giáo đường Hồi giáo. Những người Ảrập dậm chân đứng đợi. Các
máy phóng thanh oang oang những bài hát đạo, âm thanh đến đinh tai nhức óc. Lá
cây dừa được phân phát cho dân chúng đang đứng đợi. Lực lượng an ninh Ảrập địa
phương rải đầy trên mái nhà, rải đầy khắp đường phố. Trên cổng thành tráng lệ do
Soleiman kiến thiết gờm sẵn một ụ súng máy. Giáo hoàng phải ngồi đợi trong xe 20
phút, không ra được vì dân chúng bao vây quanh xe, có kẻ nhoài cả người trên mui
xe. Tất cả các bài diễn văn trong buổi tiếp tân phải huỷ bỏ...
Dòng thác người cuồn cuộn tuốn về đường Via Dolorosa. Phaolô VI giờ đã được đưa
ra khỏi đám đông. Chung quanh ngài chỉ toàn là kẻ lạ. Cảnh sát mặc thường phục
bao vây chặt chẽ quanh ngài. Ngài bị xô bên này, kéo bên kia. Xe cứu thương chạy
ngang qua các cổng thành để nhận những người bị thương...
Tối khuya, lúc 10 giờ 30, Giáo hoàng tới chầu Mình Thánh trong nguyện đường ở
vườn Giệtsimani. Trước đó đã có một thay đổi bất thường, vượt ngoài chương trình
của Vatican đưa ra. Benediktos, thượng phụ của Giáo hội Chính thống Hy Lạp tại
Giêrusalem, đến thăm Phaolô VI. Giáo hoàng phải tới thăm đáp lễ. Theo lệ thường
Giáo hoàng chưa từng tới thăm đáp lễ bất cứ một vị nguyên thủ quốc gia nào. Nhưng
cuộc thăm đáp lễ Benediktos là điều kiện cho những gì kế tiếp. Không có việc thăm
hỏi Benediktos, thì có lẽ đã không có cuộc gặp gỡ đại kết với Thượng phụ
Athenagoras ở Konstantinôp”.

Giáo hoàng của hoà bình


Phaolô VI đã có tổng cộng 9 chuyến du hành đến năm lục địa. Ngài tham dự Đại hội
Thánh Thể Thế giới tại Bombay (Ấn Độ), nói chuyện trước Đại Hội đồng Liên Hiệp
Quốc ở New York (Hoa Kỳ), thăm Tổ chức Lao động Quốc tế ở Genève (Thuỵ Sĩ)
và Hội đồng Thế giới các Giáo hội. Ngài đã đến châu Phi (Uganda), đến Nam Mỹ
(Kolumbien), đến Manila (Phi Luật Tân), Samoa, Úc và Hương cảng (Hongkong).
Trong 15 năm tại vị, ngoài các chuyến đi vòng quanh thế giới, Phaolô VI còn nhiều
lần giấn thân cho hoà bình thế giới bằng qua các tông thư và diễn văn. Đặc biệt
Thông điệp “Populorum Progression” (Phát triển các Dân tộc), tài liệu nói về nền hoà
bình thế giới, đã được các quốc gia thế giới thứ ba đón nhận nồng nhiệt.
Ngài cũng dùng các cuộc gặp gỡ để phục vụ hoà bình. Tổng cộng Phaolô VI đã tiếp
riêng 92 vị nguyên thủ quốc gia và các vị lãnh đạo chính phủ. Từ năm 1963 đến
1978, ngài còn có quan hệ, tiếp xúc ngoại giao với 39 quốc gia. Ngài đã không bao
giờ biết mệt mỏi trong công cuộc gây dựng hoà bình thế giới.

Chỉ trong những năm cuối cùng thế giới mới hiểu được...
Ngay từ nhỏ Phaolô VI đã yếu về thể lý và tâm lý. Dù vậy, cho đến những ngày cuối
đời ngài vẫn không chịu giữ gìn sức khoẻ. Hồng y Koenig (Giáo phận Wien, nước
Áo) phát biểu về Đức Phaolô VI sau khi ngài từ trần: “Dù không to khoẻ như vị tiền
nhiệm, ngài vẫn không xa cách mọi người. Có lẽ chưa có vị giáo hoàng nào phấn đấu
cho tình thương và sự thông cảm giữa con người với con người như ngài. Hai cánh
tay từ tốn và rụt rè giang rộng của ngài là một biểu tượng. Ngài cũng không được
những người trong nhà thương mến như vị tiền nhiệm. Chỉ mãi tới những năm cuối
đời thế giới mới biết rằng mình đã có được một giáo hoàng như thế nào”.

“Lịch sử sẽ giữ tên ngài”


Trong Thánh lễ Cầu hồn, Hồng y Confalonieri ca ngợi công nghiệp của Phaolô VI:
“Lịch sử sẽ lưu mãi tên ngài vì vô số công trạng của ngài”. Hồng y nhắc nhớ đến
Công đồng đã được “ngài quyết tâm hướng dẫn và đã đưa tới kết thúc tốt đẹp” và đến
giai đoạn sau Công đồng “khi có một số người xem ra lầm lạc hoặc đi quá giới tuyến
canh tân mà các nghị phụ công đồng đã đề ra”. Phaolô VI đã “giải thích cặn kẽ và
cảnh giác trong tình cha con, đầy cương quyết nhưng cũng tế nhị thận trọng”. Theo
lời Hồng y Confalonieri, điểm nổi bật nơi Phaolô VI là “tôn trọng nhưng không yếu
mềm, rõ ràng minh bạch với đầy cảm thông, không muốn gây thương tổn cho ai và
kiên nhẫn nhìn xa”. Ngài có một tấm lòng “đầy nhân hậu”. “Ngài nói chuyện với mọi
người để củng cố đức tin nơi họ. Ngài đến với mọi anh em trong các Giáo hội bạn để
chia sẻ âu lo và mong ước của ngài về sự hiệp nhất của Giáo Hội”.

Giáo hoàng Gioan Phaolô I từ trần sau 33 ngày tại vị


Khi Phaolô VI mất ngày 6-8-1978, Hồng y đoàn đã lên tới 130 vị. Theo thủ tục bầu
đã được Phaolô VI sửa đổi thì chỉ có 116 vị có quyền bỏ phiếu, vì các vị khác đã trên
80 tuổi. Trong số 116 vị có quyền bầu có 65 hồng y của châu Âu, 23 vị của châu Mỹ
Latinh, 15 vị của bắc Mỹ, 12 vị của châu Phi, 11 vị của châu Á và 4 vị của châu Úc.
Thực sự chỉ có 111 hồng y về Rôma dự cuộc bầu. Cuộc bầu cử nhanh nhất trong lịch
sử Giáo Hội diễn ra ngày 26-8-1978 đã chọn Hồng y Albino Luciani, Thượng phụ
Giáo phận Venezia, 65 tuổi, lên kế vị Phaolô VI. Ngài chọn tên hiệu là Gioan Phaolô
I. Sở dĩ chọn tên hiệu kép này là vì ngài muốn tiếp tục theo đuổi đường lối của hai vị
tiền nhiệm: Gioan XXIII và Phaolô VI.
Khi được bầu, Gioan Phaolô I đối với công luận thế giới là một nhân vật không tên
tuổi. Nhưng khi thấy ngài tươi cười xuất hiện trên bao lơn Nhà thờ Thánh Phêrô,
đám đông dân chúng nồng nhiệt vỗ tay reo hò chào ngài, như chào một vị mà họ đã
từng mong đợi. Chính ngài cũng tỏ ra chẳng hứng thú lắm về việc đắc cử. Với các
hồng y đã bầu mình, ngài nói: “Xin Chúa tha thứ cho quý vị về những gì quý vị đã
gây ra cho tôi”.
Thân phụ của Hồng y Luciani là một thợ nề, đảng viên đảng xã hội, một người chống
giáo sĩ, đã một thời sang làm thợ khách ở Đức và Thuỵ Sĩ. Vì thế, những người
nghèo trên thế giới đặt hy vọng nhiều vào ngài. Nhưng ngài đã mất sau 33 ngày tại vị
vì bị đứng tim. Không ai hiểu được cái chết đột ngột này, nhưng cũng chẳng ai quên
được nụ cười của ngài.

Gioan Phaolô II đến từ Đông Âu


Ngày 16-10-1978, Hồng y Wojtyla, Tổng Giám mục Giáo phận Krakau (Ba Lan)
được chọn làm Giáo hoàng, với danh hiệu Gioan Phaolô II. Vị cuối cùng không phải
người Ý là giáo hoàng người Đức Hadrian VI, đã cách nay 455 năm. Gioan Phaolô II
không những chỉ là người Slavơ đầu tiên mà còn là vị giáo hoàng đầu tiên xuất hiện
từ trong vùng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Đối với báo chí thế giới, sự kiện
Hồng y Wojtyla đắc cử là một “tin chấn động”. Nhưng đối với tín hữu Công giáo,
cuộc bầu này đã chứng tỏ cho thấy rằng Giáo Hội hôm nay cũng không kém trẻ trung
và năng động như Giáo Hội của 2000 năm trước. Nó cũng cho thấy là Giáo Hội ngày
nay vẫn có thể tìm ra được những con đường mới để đi vào thế giới.

TRÌNH THUẬT 100

TRÌNH THUẬT 100

GIÁO HỘI HOÀN VŨ NĂM 1978


Lúc Gioan Phaolô II bắt đầu sứ vụ, Giáo hội Công giáo có 742,4[1] triệu tín hữu,
khoảng 18% dân số thế giới. Dân số thế giới lúc đó được ước lượng là 3,92 tỉ người.
Theo Niên giám Thống kê của Giáo hội Công giáo năm 1978 thì đa số tín hữu Công
giáo sống tại châu Mỹ, nơi đây có 350 triệu tín hữu, chiếm 62% dân số. Kế tiếp là
châu Âu với 263 triệu tín hữu. Ở châu Á có 56 triệu tín hữu, chiếm 3% dân số. Châu
Phi có 50 triệu tín hữu, chiếm 12% dân số. Còn lại 10 triệu tín hữu sống ở châu Úc.
Và 13,4 triệu tín hữu sống rải rác trên các quần đảo.

Giáo hội “kiểu Mỹ”


Một biến cố làm nổi bật sự hiện diện của Giáo Hội ngoài châu Âu là dịp Đại hội
Thánh Thể năm 1926 ở Chicago (Hoa Kỳ). Trong dịp này, Giáo hoàng Piô XI cử
Hồng y Bonzano làm đặc sứ tới dự. Ngày 11-6, con tàu “Aquitanien” trương cờ giáo
hoàng, chạy vào vịnh New York, trong khi đó thành phố nổi vang còi hụ chào đón.
Các tàu cứu hoả hộ tống Aquitanien, vừa chạy vừa phun nước lên cao. Cả những tờ
báo không Công giáo cũng đăng những tít lớn: “Ngài hồng y của chúng ta chào đón
vị Đặc sứ”. Một xe lửa đặc biệt đã chờ sẵn rước hồng y Đặc sứ tại nhà ga New York.
Xe lửa đặc biệt này chỉ có 7 toa và sơn màu đỏ “hồng y”. Ngày 17-6, “Hồng hoả xa”
đến Chicago. Buổi tiệc tiếp tân được tổ chức trong một đại sảnh đường. Trong dịp
này Tổng thống Coolidge gửi tới thông điệp: “Nếu Hoa Kỳ tiến bộ về kinh tế, nếu
Hoa Kỳ là thành trì bảo vệ nền hoà bình và công chính thì điều đó phát xuất từ niềm
tin tôn giáo sâu xa của dân nước này”.
Một ban hợp ca với 62.000 học sinh đã hát trong thánh lễ dành cho thiếu nhi ngày
21-6. Và 250.000 nam nữ tín hữu Công giáo đã tham dự giờ cầu nguyện vào buổi tối.
Rất nhiều bậc vị vọng trong Giáo Hội đã phát biểu tại đại hội, trong đó có Hồng y
Faulhaber, Tổng Giám mục Muenchen và Đức ông Seipel, cựu thủ tướng Áo quốc.
Trong cuộc rước kiệu Thánh Thể lớn vào ngày cuối của đại hội ở Mundelein cách địa
điểm đại hội 60 cây số tính ra các phương tiện giao thông đã chuyên chở 800.000
người đi về trong ngày. Chín con đường xe hơi, năm tuyến đường hoả xa được dành
riêng cho người tham dự đại hội. Chỉ riêng công ty xe lửa “North Shore Railroad” đã
chuyên chở khứ hồi 250.000 người tham dự.

Cổng vào thế giới


Nhờ những di dân mang Kitô giáo vào vùng đất mới, mà nay gọi là Hoa Kỳ, con
đường đưa Giáo Hội trở thành một tổ chức hoàn vũ được mở ra. Giáo Hội rời châu
Âu và vùng biển Địa Trung để đặt chân lên một lục địa mới bên kia địa cầu.
Giáo Hội ở bắc Mỹ châu khởi đầu từ thế kỷ 17. Năm 1634 nhà quý tộc Nghị viện
Baltimore, một người Anh công giáo, lập thuộc địa ở Maryland. Năm 1789, J. Carroll
là vị giám mục Công giáo đầu tiên ở Bắc Mỹ, đặt toà tại thành phố Baltimore. Dưới
quyền coi sóc của ông có 30.000 giáo dân, trong tổng số 4 triệu di dân ở bắc Mỹ.
Hàng giáo sĩ lúc đó chỉ có 25 linh mục. Những linh mục này cũng như Giám mục
Carroll đều thuộc dòng Tên, một dòng vừa mới bị giải tán.
Sau cuộc nội chiến (1861-1865) làn sóng di dân lại tiếp tục. Trong những đợt di dân
này có nhiều người Công giáo Ireland, có cả người Công giáo Đức và Ý. Những di
dân này phần lớn định cư trong những thành phố lớn vùng đông bắc.
Vì có sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước nên không một công dân Mỹ nào buộc
phải khai báo tôn giáo của mình trong cuộc kiểm kê dân số. Vì thế số tín hữu Công
giáo lúc ấy ở Hoa Kỳ chỉ được phỏng đoán. Chỉ trong năm 1957, uỷ ban kiểm tra
được phép hỏi tất cả các công dân trên 14 tuổi về tôn giáo của mình. Trong tổng số
119.330.000 người được hỏi có 78.982.000 (62,2%) khai là tín hữu Tin lành,
30.669.000 (25,7%) khai là tín hữu Công giáo. Năm 1964, người ta phỏng đoán có
44 triệu tín hữu Công giáo trên tổng số 185 triệu dân Hoa Kỳ. Thời Công đồng
Vatican I (1870), đã có sự tham dự của 6 vị tổng giám mục, 39 giám mục và một
viện phụ, tất cả đều là người Mỹ. Đến năm 1968, con số phỏng đoán như sau: 46,2
triệu tín hữu Công giáo, 69 triệu tín hữu Tin lành thuộc nhiều phái khác nhau như
Quaeker, Methodist, Anglikan, Puritan, Mormon và nhiều nhóm khác nữa. Như thế
có thể nói Giáo hội Công giáo Mỹ là một cộng đoàn đức tin chặt chẽ và lớn mạnh
nhất tại Hoa Kỳ.

Biển chuyển không thể không nhận ra tại Nam Mỹ


Một trong những nguyên nhân khủng hoảng hiện nay của Giáo Hội tại Nam Mỹ là sự
thiếu sót trong thế kỷ XVI. Thổ dân được rửa tội, nhưng đã không được “Phúc Âm
hoá”. Một khuyết điểm khác nữa là đã không cấp thời thành lập hàng giáo sĩ địa
phương. Do đó ngày nay vẫn có đến 80% giáo sĩ ở châu Mỹ Latinh đến từ Âu châu
và bắc Mỹ.
Thêm vào đó, chủ nghĩa cộng sản càng ngày càng vững đất đứng ở vùng đất này, vì
mặc dù Giáo Hội đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không thúc đẩy thành công được
một cuộc cách mạng xã hội theo tinh thần. Niềm hy vọng cho tương lai ở đây lúc này
tuỳ thuộc vào các nhóm học hỏi Sách Thánh hình thành trong dân chúng, tuỳ thuộc
vào 65.000 cộng đoàn nền tảng, vào sự gia tăng dấn thân xã hội nơi các tín hữu Công
giáo trong thành phố và vào nỗ lực hội nhập nền thần học “Tây phương” vào văn hoá
địa phương. Lần đầu tiên toàn dân ở đây cảm nhận được trách nhiệm đối với cuộc
sống Giáo Hội và công cuộc truyền giáo. Một biến chuyển không thể không nhận ra:
thay đổi từ một Giáo Hội thực dân thành Giáo Hội toàn dân, một Giáo Hội do dân
khai lập và xây dựng.

Châu Á, một lục địa có vấn đề


Châu Á là nơi xuất hiện nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như đạo Do Thái, Kitô, Hồi,
Phật, Khổng, Thần, Hindu (Ấn giáo). Nhưng trong “lục địa nhiều tôn giáo nhất địa
cầu” này, Công giáo chỉ chiếm 3% dân số. Riêng Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nam dương
đã chiếm 30% tín hữu Công giáo của châu Á. Vai trò của đạo Công giáo trong các
quốc gia cộng sản tại Á châu hoàn toàn không đáng kể.
Kitô giáo gặp khó khăn không những vì chủ thuyết cộng sản, mà còn do nhiều yếu tố
khác nữa. Người châu Á thường nghĩ rằng khi sinh ra đời là đã thuộc về một tôn giáo
rồi, cho nên việc cải giáo thường gặp khó khăn và hiếm xảy ra. Ngoài ra, các tôn giáo
phương Đông không có ý niệm về một Giáo Hội (có tổ chức chặt chẽ), về một khoa
tín lý và về một yêu sách tôn giáo tuyệt đối như trong Giáo hội Công giáo. Vì thế,
không có gì lạ khi một người Á châu có cảm tình đồng một lúc với nhiều tôn giáo.
Chẳng hạn như ở Nhật, số tín hữu Công giáo chính thức nước này là 700.000, vậy mà
trong cuộc kiểm kê dân số có tới 7 triệu người xưng là “tín hữu Công giáo”.
Giáo Hội tại châu Phi
Châu Phi, với 400 triệu dân, tuy sát nách Tây phương Kitô giáo về phương diện địa
lý, nhưng lại là một lục địa xa cách Kitô giáo nhất so với các lục địa khác. Năm
1307, ở châu Á đã có hàng giáo phẩm từ khi Johann ở Montecorvino được bổ nhiệm
Tổng Giám mục Bắc kinh. Mãi đến cuối thế kỷ XV mới tìm thấy châu Mỹ. 100 năm
sau châu Mỹ trở thành thuộc địa và được truyền giáo. Tại châu Phi, sau khi quân Hồi
tiêu diệt các cộng đoàn Kitô giáo vào thế kỷ thứ VII thì mọi nỗ lực truyền giáo về sau
không thể nào tiến hành được nữa. Sau này, khi cả lục địa này được khám phá, việc
truyền giáo lại được tiếp tục, nhưng vẫn không thành công. Một cuộc bột phát lớn
mới chỉ xảy ra trong thế kỷ 20. Từ năm 1952 đến 1972, số tín hữu Công giáo ở châu
Phi bỗng nhiên tăng gấp 3 lần, đang từ 12 triệu rưỡi tăng lên 36 triệu. Số các linh
mục ở châu Phi cũng tăng đồng thời từ 1.400 lên 4.200 vị. Giám mục từ 2 tăng lên
147 vị. Riêng tại Obervolta số tín hữu Công giáo tăng gấp 6 lần, từ 60.000 tăng vọt
lên 360.000. Ở Zaire có nửa triệu người xin chịu thánh tẩy trên tổng số 5 triệu dân.
Nguyên do của sự bùng dậy nhanh chóng của Giáo hội châu Phi là các trường học
của các nhà truyền giáo. Năm 1945, 95% học sinh ở vùng phía đông châu Phi, vùng
chịu ảnh hưởng của Anh, theo học các trường của các nhà truyền giáo. Năm 1971,
toàn thể châu Phi có 6 triệu học sinh theo học các trường Công giáo. Đặc biệt ngày
nay có vô số các giáo lý viên giáo dân đang hâm nóng đức tin nơi dân chúng và giúp
Giáo Hội đứng vững trước làn sóng chống báng Giáo hội Công giáo tại đây.
Giai đoạn khó khăn mà Giáo hội châu Phi hiện đang gánh chịu bắt nguồn từ thập
niên 1960. Trong thập niên này nhiều quốc gia tại đây đã thu hồi được độc lập và
nhiều lãnh tụ da đen cầm quyền xướng lên chuyện “giữ vững đất”, có nghĩa là trở về
lại với các tôn giáo bộ lạc xa xưa và đẩy là đạo ngoại nhập ra khỏi nước. Trước hoàn
cảnh đó, việc “Phi châu hoá” khá sớm ở đây đã giúp Giáo Hội tại lục địa này đứng
vững. “Phi châu hoá” từ hàng giáo phẩm và các giáo sĩ, rồi cả hình thức phụng vụ và
thần học.

Giáo Hội năm 2000


Vào năm 2000 có 70% tín hữu Công giáo sống trong các quốc gia đang phát triển.
Lịch sử Giáo hội trong tương lai càng ngày càng xa lìa châu Âu. Và Giáo Hội càng
ngày càng ít mang khuôn mặt châu Âu, một khuôn mặt đã từng được tin cậy. Dù vậy
Giáo hội Công giáo sẽ vẫn là Giáo Hội như từ trước đến nay. Dù Giáo Hội trong
tương lai vẫn không bao giờ hoàn hảo, vẫn còn những yếu đuối con người và vẫn còn
những sai lầm, Giáo Hội vẫn sẽ cố gắng tiếp tục đem đến cho kẻ tin một quê hương,
cho kẻ tìm một điểm hẹn.
***
* MỤC LỤC TÊN NGƯỜI, TÊN ĐẤT VÀ SỰ VIỆC

Số ghi sau danh mục là số thứ tự các trình thuật


Chữ viết tắt: Gc: giáo hoàng, Gcđđ: Giáo hoàng đối đầu, Gm: giám mục, Hy: hồng y,
Th: thánh
A
Aachen 20, 26, 34
Abaelard Peter 44, 45
Abbasiden 16
Abd ar Rahman 16
Adalbert, Th., Gm. 30
Ai cập 4, 8, 16, 17, 33, 34, 56
Ireland 14, 41
Akkon 33, 34, 35
Alarich, Vua 7, 9
Alba, Quận công 71, 75
Alberich II, Bạo chúa 25
Albert, Đại đế, Th. 44, 45
Albi 37, 38, 39, 41
Alboin, Vua 15
Albrecht đất Brandenburg, hy 62
Aleman 12
Alexandrô II., Gc. 13, 26, 28
Alexandrô III., Gc. 13, 36, 39, 40
Alexandrô V., Gcđđ. 50, 51
Alexandrô VI., Gc. 55, 57, 58, 69, 74
Alexandrô VII., Gc 83
Alexandrô VIII., Gc. 83
Alexandria 4, 6, 7, 8, 16
Alfons ở Liguori, Th. 84
Alkamin, Thủ lãnh 34, 40
Alkuin 19, 20
Amadeus đất Savoie 54
Ambrôsiô, Th., Gm. 7, 8, 9, 73
Ấn Độ (người) 16, 58, 68, 70
Ấn Độ giáo 100
Anagni 46, 47, 49
Anastasi ô II., Gc. 11
Ănglô xắcxông 14, 15, 18, 19
Anh, nước 3, 8
Anh giáo 67, 76, 100
Ánh sáng 44, 75, 84, 85
Ankyra, Hội đồng 5
Anna, nữ hoàng Anh 52
Anselm ở Canterbury, Th., Gm. 36
Ansgar, Th. 22
Âutinh, Th., Gm. 7, 8, 12, 13, 16, 37, 41, 56
Âutinh ẩn tu 38, 41, 60, 63
Antiochia 5, 8, 16, 31
Antonelli, Hy. 90
Antôn, Th., ẩn tu 6, 7
Antôn ở Padua, Th. 41
Ân (ơn) xá (giảng) 31, 42, 59, 61, 62
Áo 1, 20, 31, 33, 35, 42, 45, 54, 63, 78, 85, 87, 89, 90, 92
Ảrập 5, 9, 16, 17, 31, 35, 56
Arius, lạc giáo 4, 6
Arius, tín đồ 8, 9, 10, 13
Aristarch ở Samos 80
Ar mê ni 5, 54, 56
Arnold ở Brescia 21, 33
Askalon 32
Assisi 40, 41, 47
Athanasius, Th., Gm. 4, 5, 6, 7
Athenagoras, Tp. 8, 99
Attila, Vua 9, 10, 15
Augsburg 1, 29, 30, 62, 63, 73
Augsburg, Hoà bình 72, 81
Augsburg, Tuyên tín 63
August đất Sachsen 79
Augustus, hoàng đế 3, 19, 20
Averroes 44
Avignon 35, 47, 48, 49, 50, 51, 83, 84, 89
B
Bacon Roger 45
Bắc Âu 41, 51, 78
Bắc Mỹ 65, 78
Ba Lan 23, 38, 42, 45, 51, 54, 65, 78, 82, 99
Balduin, Vua 31
Balkan 37, 55, 56, 59
Baltimore, Nghị sĩ 100
Ba mươi năm, chiến tranh 72
Băng đảo 22
Bungari 24, 31, 55, 98
Barberini Maffeo (Ur ba nô VIII) 81
Barbarossa (hoàng đế Friedrich I) 33, 34, 39
Barcelona 68
Bartholomêô, đêm 65, 75
Basel 54, 55, 59, 62, 64, 65, 71
Basilius, Th. 6, 11
Ba tây 58, 68
Baume, tu viện 27
Bebel August 94
Becket Thomas, Th. 36, 67
Bellarmin Robert, Hy. 80
Belgrad 33, 55, 56, 66, 82
Biển Đức III, Gc. 25
Biển Đức VIII, Gc. 26
Biển Đức IX, Gc. 26
Biển Đức XI, Gc. 47
Biển Đức XII, Gc. 48
Biển Đức XIII, Gcđđ. 51
Biển Đức XIII, Gc. 50
Biển Đức XIV, Gc. 84
Benincasa 49
Bern 65, 78
Bernard ở Clairvaux, Th. 32, 34, 35, 37, 44, 45, 46
Berno, Viện phụ 27
Bertha, Nữ hoàng 14
Berthold đất Regensburg 38
Berulle Pierre 77
Bí tích 37, 39, 42, 43, 59, 60, 61, 62, 64, 65, 67, 84
Biên bá tước 20
Biển Đức, Th. 11, 12, 15, 27, 35, 41
Biển Đức, tu sĩ 24, 38
Birgitt ở Thuỵ Điển, Th. 49
Bjoern, Vua 22
Bismarck Otto, 92, 93
Bồ đào nha 50, 58, 70, 84, 92
Bogomil 37
Boehmen 20, 39, 42, 45, 54, 56, 78
Boleyn Anna 67, 71, 76
Bologna 30, 41, 54, 55, 66, 69, 71, 78, 84, 87
Bonaventura, Th. 45
Bonifacius, Th. 14, 19, 73
Bonifaciô VI., Gc. 25
Bonifaciô VIII., Gc. 42, 46, 47, 48
Bonifaciô IX., Gc. 42, 50
Bônxêvich 97
Borgia Alfonso (Ka li xtô III.) 55
Borgia Cesare 58
Borgia Franz, Th. 58, 74
Borgia Lukrezia 58
Borgia Rodrigo 55, 58
Bordeaux 35, 47, 77
Boris, ông hoàng 23
Bormann Martin 97
Borô maeus Karl, Th., Hy. 72, 73, 75
Bossuet, Gm. 83
Bourbon 65
Bourgogne 12, 50, 53, 54, 63, 72, 79
Bremen 35, 78
Bruno, Bá tước Egisheim và Dagsburg (Lêô IX) 24
Bruno, Gm. 26
Burckhard ở Strassburg 58
Byzanz 9, 10, 19, 20, 99
C
Caccini Tomaso 80
Cách mạng Pháp 27, 86, 88, 92
Cahor Jakob (Gioan XXII) 48
Cải cách (Reformation, nhà) 62, 72, 73, 77, 78, 91
Calvin Johann 39, 65, 71
Canh tân Giáo Hội, nỗ lực 27, 39, 58
Canisius Petrus Th., 71, 72, 73, 75
Canossa, chuyến đi 8, 29
Capellari Mauro (Grêgôriô XVI) 87
Carafa Gian Pietro (Phaolô IV) 71 Carpentras 47, 48
Carrol, Gm., 100
Cassiodor 11
Castelli Benedetto 80
Castelfidardo 89
Castel Gandolfo 90
Cauchon, Gm., 53
Cavour Camillo 89
Cayenne 86
Cervini Marcello (Marcellô II.) 71
Cesarini 54
Chalzedon (Can xê đôn) 6
Karl VI, vua Pháp 53
Karl VII, vua Pháp 53
Karl VIII, vua Pháp 57
Karl IX, vua Pháp 75, 76, 77
Chatillon 77
Chiaramonti Barnabas (Piô VII.) 87, 88
Chính thống giáo 10, 23, 24, 28, 54, 59, 98
Chlodwig (Clôvis) vua 10, 12, 13, 14, 18, 19
Christine, Nữ hoàng 79
Citeaux (Xitô) 32
Chlarendon 36
Chống tân tiến (thề) 95
Chống Do Thái 97
Chủng viện tổng hợp 85
Chuyên chế, chủ nghĩa 46, 47, 71
Chuyên chế quốc gia, học thuyết 48, 56, 81, 83, 84, 85
Claver Petrus, th 70
Clavius Christoph 80
Clermont 31
Cleve Anna 67
Cluny 25, 26, 27, 28, 29, 31, 32
Codex Argenteus 9
Colloredo , Gm., 83
Colonna Oddo (Martinô V.) 51
Colonna Sciarra, Hy., 46, 47, 48
Công giáo, đại hội 93
Công giáo, phong trào 41, 95
Consalvi Ercole, Hy., 88
Condulmer Gabriele (Ơgêniô IV.) 54
Công đồng 10, 48, 50, 51, 52, 53, 57, 63, 66, 69
Công đồng Basel 54, 59, 62
Công đồng Canxêđôn 6
Công đồng Konstanz 51, 63, 98
Công đồng Lateran (IV.) 38, 39, 40, 42, 43
Công đồng Lyon 83, 98
Công đồng Nicêa 4, 9
Công đồng Pavia 26
Công đồng Pisa 50
Công đồng Trento 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 91, 98
Công đồng Vatican (I.) 83, 91, 92, 98
Công đồng Vatican (II.) 16, 92, 98, 99
Công đồng Vienne 35, 47
Công đồng, chủ trương ưu quyền 46, 50, 51, 54, 55, 62, 66, 69, 83
Công giáo cổ 92, 93
Cộng sản 2, 23, 56, 88, 90, 96, 98, 100
Cordoba 16, 34
Corvea 22
Cossa Baltassar (Gio an XXIII.) 50, 51
Crespi, Hiệp ước Hoà bình 69
Cromwell Thomas 67
Cứu độ (chủ nghĩa) 42
Cứu rỗi, giáo huấn về ơn 61, 69
Cyprianô, Th., 2, 5
Cyprus (đảo) 35, 43, 76
Cyrill, Th., 23
D
Damiette 34
Dân ca 8
Di dân 9, 10, 11
Decius, hoàng đế 2, 5
“Defensor pacis” 83
Dịch hạch 15, 42, 45, 48, 72, 73
“Dictatus Papa” 28
Diderot 88
Diego, Gm., 38
Dießenhofen 64
Dijon 32
Diogenes, hoàng đế 31
Diokletian, hoàng đế 2, 3, 8, 24
"Divini Redemptoris" 96
Do Thái (giáo) 2, 3, 16, 31, 34, 48
Do Thái, bách hại 97, 98
Doellinger Ignaz 92
Domremy 53
Don Juan đất Áo 76
Dòng, khấn 27, 35, 38, 68, 84, 86
Dòng, luật 11
Dòng, y phục 68
Dòng ăn xin 37, 38, 41
Dòng ba 41
Dòng Chúa Cứu Thế 84, 93
Dòng giảng thuyết (Đaminh) 38
Dòng hiệp sĩ 35, 38
Dòng Hiệp sĩ Đức 35
Dòng Hiệp sĩ Đền thờ 35, 47
Dòng kín, nữ tu 74
Dòng Tên 68
Dòng Tên, tu sĩ 68, 69, 72, 75, 76, 84, 88, 93
Dòng Tên, nữ tu 76
Dụ vàng 48, 81
Dunas Skatus 44
Duphot 87
Duy lý, chủ nghĩa 90
Đ
Đa minh, Th., (tu sĩ) 38, 39, 41, 42, 44, 45, 49, 64
Đại học 38, 52, 53, 54, 59, 62
Đại học Paris (Sorbonne) 44, 45, 48, 50, 51, 68
Đại học Wien 49
Đại kết, nỗ lực 72, 98
Đại Maehren, Vương quốc 23, 30
Đan mạch (người) 18, 22, 59
Đảng Trung tâm 93, 97
Đánh tội 42, 45
Đất Thánh 32, 33, 34, 35, 36, 41, 68, 70
Đế chính Rôma của quốc gia Đức 88
"Đệ tam Quốc xã" 42
"Điều khoản" Pháp (Giáo hội tự trị) 83, 85, 91
Độc thân 28, 72
E
Eck Johann 62
Eckehard, Thầy 45
Edessa 32
Eduard VI., vua 71
Einhard 19, 20
Elias ở Cortona 41
Elisabeth I, Nữ hoàng 71, 76
Elisabeth, Th., 41
Elvira, Hội đồng 5
Emmeran, Th., 14
Engels Friedrich 94
Engilbert, Viện phụ 30
Erasmus ở Rotterdam 56, 57, 64, 71
Erfurt 60
Essex 67
Ethelbert, Vua 14, 18
Ơ gê ni ô III, Gc., 32
Ơ gê ni ô IV, Gc., 54, 55
Eubesius ở Caesarea, Gm., 3
Eubesius ở Nikomedia, Gm., 4
F
Faber Peter 68, 73
Famagusta 76
Farnese Alessandro (Phao lô III.) 59
Fasani Raniero 42
Fatimiden 16
Farel Wilhelm 65
Favianis 10
Febronius (chủ trương) 83, 85, 91
Fêlixtô III, Giáo hoàng 15
Fêlixtô V, Gcđđ., 54, 55
Ferrara 54, 57, 87
Ferdinad I, hoàng đế 72, 73, 76, 81
Feßler Joseph, Gm. 91
Firenze 26, 49, 55, 56, 57, 59, 65, 66, 80, 81, 88, 89
Fisher John, Gm. 67, 69
Flandres 39, 75, 76
Florensz Adrian (Ha dri a nô VI.) 66
Fontainebleau, Thoả ước 88
Formosô, Giáo hoàng 25
Foucauld Charles 93
Franken (Đại quốc, Vương quốc Franken) 12, 13, 14, 16, 18, 19, 20, 21, 22, 25, 26
Frankfurt 48, 72
Frankfurt, Đại hội Vương quốc ở 48
Franz I, Vua Đại quốc Franken 66, 69, 82
Franz I, hoàng đế 35
Franz II, hoàng đế 87, 88
Franz Joseph I, hoàng đế 81, 93, 95
Friedrich I, hoàng đế (Barbarossa) 33, 34, 39
Friedrich II, hoàng đế 34, 37, 43, 44
Friedrich II, Vua 84
Friedrich III, hoàng đế 55, 56
Friedrich đất Tirol 51
Friedrich đất Schwaben 33
Friedrich đất Sachsen 59, 63
Friedrich ở Mainz, Gm. 26
Friesach 38
Friesen 14, 18, 19
Fritzlar 14
Fugger 62
Fulda 22, 78
G
Gaeta 89
Galerius, hoàng đế 2, 3
Galilê 80, 81
Gallien (Pháp) 5, 6, 8, 13, 14
Gallus, Th., 14
Garibaldi Giuseppe 89
Gasparri, Hy., 96
Geiserich, Vua 9, 15
Geismar 14
Gelasiô I, Gc., 10, 15
Genève 65, 99
Genua (người) 33, 50, 55, 56
German (người german, tính chất german) 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18, 19, 22,
24, 26, 79
Ghislieri (Pi ô V.) 75
Giáo hoàng , dụ bầu cử 28, 48
Giáo hoàng , ưu quyền 15, 61, 62, 91, 92
Giáo dân giảng 39
Giáo dân bổ nhiệm giáo sĩ (Investitur) 26, 28, 29
Giáo hội cải cách calvin 65, 67
Giáo hội quốc gia 18, 85, 86
Giáo lý công giáo 65, 73
"Giáo lý Rôma", sách 75
Giáo phái 39, 64
Gioan VIII, Gc., 23, 25
Gioan X, Gc., 25
Gioan XI, Gc., 25
Gioan XII, Gc., 25, 26
Gioan XVI, Gc., 30
Gioan XXII., Gc., 48
Gioan XXIII., Gcđđ., 51, 98
Gioan XXIII., Gc., 94, 98, 99
Gioan Phaolô I., Gc., 99
Gioan Phaolô II., Gc., 99, 100
Gioan Thập giá 74
Gioberti Vinzenzo 89
Glarus 64, 79
Goa 70
Goebels Joseph 97
Gondi Philipp 77
Goten 9, 10, 79
Goten Tây 9, 12, 15
Gottfried đất Bouillon 31
Gran 30
Gratian, hoàng đế 8
Grêgôriô I, Gc., 11,14. 15, 21
Grêgôriô VI, Gc., 26, 28
Grêgôriô VI, Gc., 28, 29, 31
Grêgôriô VI, Gc., 34, 41
Grêgôriô VI, Gc., 45
Grêgôriô VI, Gc., 49
Grêgôriô VI XII., Gc., 50, 51, 52
Grê gô ri ô XVI Gc., 89, 92
Gregoire ở Tours, Gm., 12
Guillaume đất Oranien 75, 83
Gyrovagen 11
H
Habsburg (nhà) 45, 50, 71
Hadrianô I, Gc., 18, 19
Hadrianô VI, Gc., 59, 66, 69, 99
Hagia Sophia 4, 24
Halberstadt 62
Hamburg 22
Harald ở Đan mạch 22
Hattin, Mũi 33
Hedschra 17
Hefele Joseph, Gm., 91, 92
Henri IV, Vua Pháp 75, 77
Henri đất Navarra 75
Henry I, Vua Anh 36
Henry II, Vua Anh 36, 67
Henry III, Vua Anh 34
Henry V, Vua Anh 53
Henry VIII, Vua Anh 63, 66, 67, 71, 72, 76
Heinrich I, hoàng đế 26, 30
Heinrich II, hoàng đế 27, 30
Heinrich III, hoàng đế 21, 24, 27
Heinrich IV, hoàng đế 28, 29, 31
Heinrich V, hoàng đế 29
Heliand 22
Hersch ở Ittingen 64
Hermann đất Saza 35
"Hiến pháp dân sự của giáo sĩ" 86
Hieronymus, Th., 5
Hildebert, Gm., 26
Hi lạp (người hi, Giáo hội hi) 1, 8, 24, 30, 31, 54, 55, 56, 79, 98
Hildegard ở Bingen, Th., 45
Hippo Regius 7, 16
Hirsau 27
Hitler Adolf 78, 96, 97, 98
Hà Lan 65, 72, 75, 76, 82, 83
hoàng đế, lễ phong đế 19, 20, 25, 27, 48, 54, 66, 72
Học nghề, Hội 94
Hofbauer Klemens Maria, Th., 59
Hohenlohe 91
Hồi giáo (tín đồ) 16, 17, 19, 31, 32, 33, 34, 68
Hội đồng (Synode) 72
Hội đồng ở Ankyra 5
Hội đồng ở Antiochia 5
Hội đồng ở Elvira 5
Hội đồng ở Forli 42
Hội đồng ở điện Lateran 30
Hội đồng ở Rôma 11, 46
Hội đồng ở Toulouse 37
Hội đồng ở Verona 39
Hội đồng thế giới về tôn giáo 99
Hội nghị mùa chay 28
Hội người nghèo công giáo 39
Hội nhập (phương pháp) 70
Holbach 88
Honorius, hoàng đế 9
Honorius III, Gc., 13, 34, 38, 40
Hontheim Nikolaus 83, 91
Hormidas, Gc., 15
Hosius ở Cordoba, Gm., 8
Howard Katharina 67
Huấn luyện giáo sĩ 14, 30
Hugenotten (thệ phản) 75
Hugo ở Ostia (Grê gô ri ô IX.) 40, 41
Hugo, Viện phụ 27, 28, 29
Hugo, vua 25
Humbert ở Silvia Candida, Hy., 24
Humbold, Hy., 28
Hung gia lợi 6, 9, 20, 30, 31, 32, 38, 43, 45, 50, 51, 54, 56, 59, 65, 78, 82
Hungnô 9, 79
Huyadi Johann 55
Hus Gioan 39, 53, 54, 59, 61
Hus, chiến tranh chống tín đồ 54
I
In, sách 56
Ingoldstadt 62, 73
Innôxenxô I, Gc., 9, 15
Innôxenxô II, Gc., 13
Innôxenxô III, Gc, 13, 33, 37, 38, 39, 40, 41, 43, 46, 71
Innô enxô VI, Gc., 48
Innôxenxô VII, Gc., 50
Innôxen xô VIII, Gc., 58, 78, 79
Innôxenxô XI, Gc., 83
Innsbruck 72, 73
Institoris Heinrich 78, 79
Irênê, Nữ hoàng đế 19
Irenaeus, Gm., 10
Islam (Hồi giáo) 16, 17, 30, 31, 32, 55, 56, 59, 66, 76, 82, 100
Istanbul 55, 82
J
Jaffa, Hiệp ước 34
Jacob ở Mola 35
Jacôbin 86
Jeanne d' Arc 53, 54
Jerusalem (Giê ru sa lem) 4, 8, 16, 31, 33, 34, 35, 42, 43, 68
Joachim ở Fiore 42, 59, 61
Johann III, Vua 70
Johann ở Capistran Th., 55
Johanna, Gc., 25
Johanna I, Nữ hoàng 48
Johanniter 35, 66
Jordan ở Sachsen 38
Joseph II, hoàng đế 85, 87, 88
Joseph, chủ trương của 83, 85
Julian, hoàng đế 8
Juliô II, Gc., 58, 60, 67
Juliô III, Gc., 68, 71
Justinian, hoàng đế 10, 11
K
Kaaba 17
Kajetan, Hy., 61
Kalixtô III, Gc., 53, 55, 58
Kamaldulens 85
Kappel 65
Kapuzin, tu sĩ 41, 69, 72, 75, 85
Kara Mustapha 82
Karl Đại đế 18, 19, 20, 21, 22, 24, 26
Karl Martell 16, 19, 53, 66
Karl IV, hoàng đế 48, 49, 51
Karl V, hoàng đế 56, 63, 66, 67, 68, 69, 72, 73, 74, 76, 79
Karl đất Lothringen 82
Kartaeus, dòng 67
Karthago 1, 7
Kastilien 54
Katharina II, Nữ hoàng Nga 84
Katharina đất Aragon 67
Katharina nhà Medici 75
Katharina đất Siena, Th., 49
Kathar, tín đồ 32, 37, 38, 39, 40, 43, 59
Kelten, người 14
Kent 14
Kepler Johann 78
Kerullarius Michael, Thượng phụ 24
Ketteler Wilhelm, Gm., 91, 94
Khoa học tự nhiên 45, 47, 80
Kiew 23
Kilian, Th., 14
Kilikien 4
Kinh viện 44, 45
Klara, Th., (nữ tu dòng) 40, 41, 43, 76, 85
Klêmentô II, Gc., 28
Klêmentô III, Gc., 33
Klêmentô III, Gcđđ., 29
Klêmentô V, Gc., 35, 47, 48
Klêmentô VI, Gc., 48, 49
Klêmentô VII, Gc., 66, 67, 69
Klêmentô VII, Gcđđ, 42, 49, 50
Klêmentô XIII, Gc, 84
Klêmentô XIV, Gc, 84
Koeln 1, 37, 59, 69, 73, 78, 79, 83
Kollonitsch Leopold, Gm., 82
Kolping Adolf 94
Kolumban, Th., 14
Kolumbus Christoph 58, 70
Koenigsberg 35
Konrad II, hoàng đế 27
Konrad III, hoàng đế 32
Konstantin, Đại đế 2, 3, 4, 5, 10, 12, 21, 55, 58
Konstantinôp 2, 7, 8, 10, 15, 16, 18, 19, 21, 23, 24, 30, 33, 54, 55, 56, 99
Konstantin, quà tặng 21
Konstantius II, hoàng đế 8
Konstantius Chlorus, hoàng đế 2, 3
Konstanz 51, 52, 53, 54, 64, 69, 78
Kopernikus Nikolaus 74, 80
Kreta 33, 50
Kroatien (Kroát, người) 23, 51, 55, 56
Khám phá 56, 70, 84
Khó nghèo (nhà tế bần, giúp kẻ nghèo) 6, 8, 21, 27, 30, 36, 37, 40, 41, 42, 43, 44, 59,
62
Khó nghèo, tranh luận 41
"Khoản (77)" 87, 88
Khổng giáo 100
Kĩ nghệ hoá 94
Kunigunde, Hoàng hậu 13
L
Lạc giáo (kẻ lạc giáo) 37, 52
Lambertini Prospero (Biển Đức XIV) 84
"Lamentabili" 95
Langobarden 10, 15, 19, 21, 25
Las Casas 70
Lateran, Hiệp ước 21, 90, 96
Lausanne 54, 55
Laurentius, Th., 2
Lavadin 83
La Verna 41
Lazarít (dòng, tu sĩ) 43, 77, 93
Leipzig 52, 62, 88
Lenin 23, 56, 97
Lễ Mân Côi 76
Lêô I, Đại giáo hoàng 9, 15
Lêô III, Gc., 19, 21
Lêô IV, Gc., 25
Lêô VI, Gc., 24
Lêô VII, Gc., 27
Lêô IX, Gc., 24, 28
Lêô X, Gc., 42, 59, 62, 63, 66, 67
Lêô XIII, Gc., 76, 93, 94, 95
Leopold I, hoàng đế 82, 83
Leopold III, Th., 50
Leopold V, 33
Lepanto 76
Licinius, hoàng đế 3
Liebknecht 94
Liên minh thánh 76
Linh vật, thờ 12, 13, 39, 42, 43, 59, 72
Linz 72, 82, 85
Lionello, Gm., 58
Linh mục lập gia đình 26, 28, 29
Linh mục, đào tạo 59, 77
Linh thao (I nhã) 68
Livland (Latvija) 43
Liutprand, Gm., 25
Loisy Alfred 95
Lombardei 89
London 1, 36, 67, 76
Lorch 1
Lothringen 26
Louis VII, Vua Pháp 32
Louis IX, Th., Vua Pháp 34, 41, 43, 45, 46
Louis XIV, Vua Pháp 75, 82, 83
Louis XV, Vua Pháp 84
Louis XVI, Vua Pháp 86
Louise de Marillac 77
"Luật bảo đảm" 90
Luciani Albino (Gio an Phao lô I.) 99
Luciô III, Gc., 39
Ludwig đất Bayer, hoàng đế 48, 52, 81
Ludwig, "Người ngoan đạo", hoàng đế 22
Luitpold ở Áo 30
Luna Pedro (Biển đức XIII., Gcđđ.) 50
Luther Martin 12, 42, 52, 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 73, 74
Luỹ Thiên thần (Engelsburg) 25, 29, 49, 54, 66, 72, 84, 88
Lyon 1, 83
M
Machiavelli Nicolo 56, 57, 58
Macon 77
Magdeburg 60, 62
Magellan 74
Mainz 1, 16, 22, 25, 28, 33, 34, 42, 59, 62, 69, 78, 83
Majolus, Viện phụ 27
Malta 35, 76, 82
Malteser 35, 82
Milano 7, 8, 26, 29, 56, 57, 58, 69, 72, 73, 75
Milano, Dụ 3
Ma ni kê (thuyết) 7, 37
Manning, Hy., 91
Manresa 68
Mansfeld 60
Mantua 9, 29, 56, 69
Marcellô II., Gc., 69, 71
Marco d'Aviano 82
Marengo 87
Margarete đất Valois 75, 77
Maria Einsiedeln 64
Maria (lễ kính tên gọi) 82
Maria Theresia, nữ hoàng đế 84, 85
Marienburg 35
Marseille 1, 33, 49
Marsilius ở Padua 48, 50, 52, 59, 81, 83, 91
Martin, Th., Gm., 6, 11, 12, 16
Martinô V, Gc., 51, 52, 54
Marx Karl 42, 88, 94, 97
Mary (công giáo), Nữ hoàng Anh 71, 76
Mary Stuart, Nữ hoàng 76
Mastai Fereti (Piô IX.) 89
"Mater et Magistra" 94
Mathilde ở Tuszien 28, 29
Mauritius, hoàng đế 15
Mautern 10
Maxentius, hoàng đế 3, 4
Maximian, hoàng đế 2
Maximinus Daja, hoàng đế 3, 6
Mazzini Giuseppe 89
Medici, Lorenzo nhà 57
Medici, Cosimo nhà 51, 56
Medici, Giovanni Angelo (Pi ô IV.) 72
Medina 17
Mekka 17, 33
Melanchthon 63, 64, 65
Melk 27
Mentana 19
Merowing 12, 19
Method, Th., 23
Methodist (tín đồ) 100
Mezzobarba, Gm., 26
Michael VII,. hoàng đế 31
Miltiades, Gc., 4
Mình Thánh Chúa (rước) 85
"Mit brennender Sorge" 96, 97
Mồ côi (nhà) 21, 35
Mohacs 53, 66
Mohammed 16, 17, 20
Mohammed II, Thủ lãnh 55
Molina Ludwig 68
Mondsee 20
Monte cassino 11, 12, 44
Monte, Giovanni Maria del (Juliô III.) 71
Montesquieu 88
Montfort 35
Montini Giovanni Battista (Phao lô VI.) 99
Mormon (đạo, tín đồ) 100
Morone, Hy., 72
Morus Thomas, Th., 56, 67
Moskau 18
Muenchen 76, 83, 85
Murone Peter (Xê le sti nô V.) 46
Mussolini 90, 96
N
Nantes, Dụ 65, 75
Napoleon I., hoàng đế 27, 35, 86, 87, 88, 89
Narbonne 16, 51
Nam phi 58
Nam Mỹ 100
Nam Tư 2, 3
Năng quyền, tranh chấp 8, 24, 28, 29, 31, 36
Napoli 44, 46, 48, 49, 50, 56, 58, 72, 84, 87
Nausea, Gm., 69
Navarra 70
Na uy 22, 59
Newton Isaac 80
Nga, Giáo hội 18
Nga, người 23, 24, 59
Nhạc nhà thờ 59
Nhân Bản, chủ nghĩa 56
Nhật Bản 68, 70, 100
Nixêa 4, 9, 32
Nixêa, tuyên tín 4
Niketas ở Kon stan ti nôp 37
Nikôlêô I, Gc., 13, 23, 24
Nikôlêô II, Gc., 28, 48
Nikôlêô V, Gc., 55
Nikôlêô V, Gcđđ., 48
Nikôlêô II, hoàng đế 97
Nikolaus ở Kues, Hy., 21
Nikomedia 2, 3
Nimes 75
Nô lệ, (chế độ) 15, 17, 33
Nogaret 46, 47
"Non expedit" 90, 95
Noricum 10
Normandie 36
Norman, người 23, 24, 29
Noyon 65
Numidien 7
Nuernberg 51, 66, 69, 80
Nữ tử bác ái 77
"Nước (Quốc gia) Thiên chúa" 7, 20, 21, 28, 56, 65
O
Obaid Allah 16
Ockham William đất 48, 50, 52, 54, 59, 61, 81
Odescalchi Benedetto (Innôxenxô XI.) 83
Odio, Viện phụ 27
Odoaker, Vua 10, 19
Oratorium 77
Orleans 53, 65
Orsini Napoleon, Hy., 47, 48
Orsini Matteo, Hy., 47
Orvieto 47
Oxford 38, 45, 52
Osiander Andreas 80
Osman 55
Othman, Đạo chủ 17
Otto I., Đại đế 18, 25, 26, 28, 30
Otto ở Vercelli, Gm., 26
P
Pachomius, Th., 6, 11
Padua 38, 45
Paderborn 19
Palamon 6
Parentucelli Tommaso (Nikôlêô V.) 55
Paris 14, 19, 20, 21, 36, 37, 38, 44, 45, 48, 50, 51, 53, 54, 65, 67, 68, 70, 77, 86, 87,
88
Parr Katharina 67
"Pascendi" 95
Passau 30, 82
Patrick, Th., 14
Patrimonium Petri (lãnh địa Phê rô) 21, 89
Paulus ở Nêoxêsarêa, Gm., 4
Paulus ở Thê bai, Th., 5
Palagiô II, Gc., 15
Peniscola 51
Perpignan 51
Perugia 40, 41, 42, 43, 47, 55
Per sê (nước, người ba tư) 5, 16
Peter II, Vua 37, 39
Peter ở Castelnau 37
Peter ở Amiens 31, 32
Petrarca 48, 49
Petrus Damiani, Th., 27, 28
Pfalzschule (Đại học) 20
Phanxicô (Franziskus, tu sĩ Phanxicô) 34, 37, 39, 40, 41, 42, 44, 45, 50, 55, 57, 58,
68, 74, 85
Phanxicô ở Sales, Th. 68
Phanxicô Xaviê, Th. 68, 70
Phần Lan (người) 22, 30
Phân ly đông tây 24, 28, 31, 46, 49, 50, 52, 54, 55, 71, 99
Phaolô III, Gc., 69, 70, 71, 73, 80
Phaolô IV, Gc., 59, 69, 72, 81
Phaolô V, Gc., 80
Phaolô VI, Gc., 8, 92, 99
Phật giáo 100
Phát xít 97
Phi châu 1, 16, 41, 100
Phiếm thần (Pantheismus) 90
Philargi Peter (Alexandrô V.) 50
Philipp I, vua Tây Ban Nha 31
Philipp II, vua Tây Ban Nha 33, 71, 72, 75, 76
Philipp IV, vua Tây Ban Nha 35, 46, 47, 59
Philippe IV, "Người đẹp", vua Pháp 83
Philippe V, vua Pháp 48
Phong kiến, chế độ 26
Phong trào công nhân 94
Phổ (Preußen) 35, 59, 60, 93
Photius, Thượng phụ 23, 24
Phục hưng 54, 55, 56, 57, 58, 60, 62, 66, 69, 75
Phụng vụ, cấm cử hành 29, 57
Piccolomini Eneas Silvio (Pi ô II.) 55, 56
Piemont Sardinien 89
Pippin, Vua 18, 19, 21, 24
Pippin, quà tặng 21
Piô II, Gc., 50, 55
Piô III, Gc., 58, 66
Piô IV, Gc., 72, 73, 75
Piô V, Gc., 75, 76
Piô VI, Gc., 85, 86, 88
Piô VII, Gc., 84, 88
Piô IX, Gc., 89, 90, 93, 95, 98
Piô X, Gc., 95
Piô XI, Gc., 21, 90, 94, 95, 96, 97, 100
Piô XII, Gc., 16, 28, 72, 76, 98
Pira, Giuseppe de la 57
Pisa 49, 50, 51, 56, 57
Plinius trẻ 1
Poitiers 6, 16, 19, 47
Pole Reginald, Hy., 71
Ponthion 21
"Populorum progressio" 99
Prag 48, 52, 72
Preßburg 30
Prignano Bartolomeo (Urbanô VI.) 49
Prouille 38
Provence 50
Ptolemaeus 80
Puritaner (thAnh giáo) 100
Q
"Quadragesimo anno" 94
Quaeker, đạo 100
"Quanta cura" 90
Quốc gia, ý thức 46, 55, 56
Quốc gia Giáo hội 12, 21, 54, 56, 58, 75, 87, 88, 89, 90, 91
Quốc Xã, chủ nghĩa 96, 97, 98
Quỷ (ma quỷ, tin &sợ ma quỉ) 13, 37, 59, 60, 63, 78, 79
Quỹ tôn giáo 85
Quyền bổ nhiệm giáo sĩ của vua Pháp 83
R
Raimund ở Toulouse 37
Rainald ở Montroyal 33
Rampolla Mariano, Hy., 95
Rastislaw 23
Rauscher Othmar, Hy., 91, 93
Ravenna 9, 10, 15, 21, 42
Regensburg 32, 33, 45
Rhens am Rhein 48
Reims 12, 53
"Rerum novarum" 94
Rezzonio Carlo (Klêmentô XIII.) 84
Rhodos 35, 66
Ricci Matteo 84
Richard Loewenherz, vua Anh 82
Richelieu, Hy., 77
Robert ở Gent (Klêmentô VII.) 49
Robert II, vua Pháp 27, 37
Robert ở Molesme 32
Robert Guiscard 29
Robespierre 86
Rối (lạc) đạo, kẻ 62, 63, 78, 79
Rôma, vấn đề 90, 96
Romagna 58, 89
Romulus Augustulus, Hoàng đế 10, 19
Roncalli Giovanni (Gio an XXIII.) 98
Rosenberg Alfred 97
Rossi Pellegrino 89
Rouen 53
Rousseau Jean Jacques 88
Rudolf nhà Habsburg 45
Rupert, Th., 14
Rửa tội, giáo phái 64, 72
Rước lễ trẻ em 95
Rước lễ mùa phục sinh 39
S
Sắc lệnh về việc rước lễ 95
Sách cấm, danh mục 71, 84
Sách Thánh (dịch) 6, 7, 9
Sacco di Rôma 66, 89
Sachsen (dân) 18, 22, 25, 26
Sachsen, sử 26, 37
Saint Lazare 77
Saladin, Thủ lãnh 16, 33
Salamanca 68
Salerno 29
Salm Nikolaus 66
Salzburg 4, 20, 27, 78, 83
Sancian 70
San Giovanni in Laterano 4
San Marco, Firenze 57
Sáng chế 56
Sarabaiten 11
Sarto Giuseppe (Pi ô X.) 95
Savona 50, 88
Savonarola 57, 58, 59, 65
Savoie 50, 65, 75, 84
Schaffhausen 51
Schelling 42
Schenute, Viện phụ 6
Schoenerer, Georg 93
Schwarzenberg Friedrich, Hy., 91
Schwyz 65
Sẹc (nước, dân) 23, 24, 56
Selim I., Thủ lãnh 56
Septimius Severus, Hoàng đế 2, 10
Sergius III., Gc., 25, 27
Servet Michael 65
"Servus Servorum Dei" 15
Seuse Heinrich 45
Severin, Th., 10, 12
Seymur Johanna 67
Siebenbuerger 78
Siena 49, 56, 59, 8
Siger ở Brabant 44
Sigismund, hoàng đế 51, 52, 54
Silvestê, Gc., 4, 39
Simon, đứng cọc gỗ 5, 6
Simon ở Montfort 37
Simonie (mua bán chức tước) 26, 28, 29, 36
Simplicius Gc., 15
Slavơ 23, 24
Slovac, người 23
Slovenen, người 23
Sobieski, Vua Ba lan 82, 83
Soest 93
Sorbonne (xem đại học Paris)
Soubirou Bernadette, Th., 93
Spalatin 63
Spangenberg 64
Spee Friedrich 78, 79
Speyer 29, 32, 63
Sprenger Jacob 78, 79
Stalin 24, 78
Starhemberg Ruediger 82
Staupitz Johann 60
Stavanger 22
Stephan I, Th., Vua Hung 30
Stêphanô II, Gc., 19, 21
Stêphanô V, Gc., 13, 23
Stêphanô VI, Gc., 25
Stêphanô VIII, Gc., 27
St. Gallen 14, 20, 30, 65
St. Omer 76
St. Paul 27
St. Poelten 20, 85
Stockholm 22
Strassburg 45, 65, 69, 79, 82, 83
Subiaco 11
Suleiman I (Soliman) Thủ lãnh 56, 66
"Syllabus" 90, 91, 93, 95
Symmachô, Gc., 11
Syri (người) 4, 5, 6, 8, 16, 17, 41
T
Tabennisi 6
Talleyrand 86
Tanner Adam 78
Tân tiến (chủ nghĩa) 95
Tauler Johannes 45
Tây Ban Nha, nội loạn 96
Tebaldeschi 49
Tellenesin 5
Têrêsa đất Avila, Th. 74, 75, 78
Têrêsa ở Lisieux, Th. 93
Tetzel Johann 61, 62, 74
Thần bí 32, 45, 74
Thần giáo (Deismus) 84
"Thần lý trí" 86
Thần linh, (tin thần linh) 22, 60, 79
Thần quyền 20, 21
Tháng chín, cuộc chém giết 86
Thánh, năm 42, 46, 48, 49, 58
Thánh, phong 30
Thánh, tục thờ 12, 37, 59, 60, 63, 64, 72
Thánh chiến 16, 17
Thánh Phêrô (nhà thờ) 4, 27, 42, 48, 49, 55, 58, 62
Theobald ở Canterbury, Gm. 36
Thêôđoret, Gm. 5
Theodorich, Vua 10, 11, 19
Theodora, Nữ hoàng 25
Theodosius, hoàng đế 3, 8, 10, 24
Theophylakt 25
Thiên nhiên, chủ nghĩa 90
Tôma nhà Aquino, Th. 44, 45, 61, 64
Thomas ở Kempen 59
Thổ nhĩ kì 16, 30, 31, 32, 33, 35, 54, 55, 56, 66, 68, 76, 82
"Thờ lý trí" 86
"Thờ Đấng tối cao" 86
Thuỵ Điển 22, 59
Thuỵ Sĩ 59, 64, 66, 73, 82
Thuỵ Sĩ, lính canh Vatican 58, 66
Thuyết hai gươm 15, 46, 85
Tiberius II., hoàng đế 15
Tiền định, giáo thuyết 52, 65
Tiệp khắc 23, 51
Tiểu đệ (tu sĩ) 41
Tin lành (đạo, tín đồ) 63, 71, 72, 76, 80, 98
Tin lành, Giáo hội 67
Tin lành, tự do 64, 65
Tin lành thệ phản, chiến tranh 65, 76
Toà thẩm tra 37, 42, 65, 68, 71, 74, 75, 76, 78, 79, 80, 81
Toledo 50
Toletino, Hiệp ước hoà bình 87
Tomacelli (Bonifaciô IX.) Pietro 50
Scotland (người) 14, 41, 50, 54, 65, tôn giáo, chiến tranh 65, 72, 75, 77
Tôn giáo quốc gia 8, 9, 23
Tôn giáo, tự do 72
Tortona 66
Toskana 28, 89, 92
Toulouse 16, 37, 38
Tours 19, 27
Trajan, hoàng đế 1
Tra tấn 35, 78, 84, 85
Trebonius 60
"Treuga Dei" (Ngày hoà bình của Chúa) 27
Trier 1, 8, 16, 69, 78, 79, 83
Truchseß Otto, Gm. 71, 73
Trường học 59, 85
Trung hoa 41, 70
Truyền giáo thế giới 58
Tu hội "Các chị người Anh" 77, 78
Tù nhân chèo thuyền chiến 77
Tu (đời tu, tu sĩ) 6, 20, 32, 35, 61, 67, 71
Tu sĩ (Ireland / Scotlandtô) 14
Tư bản, chế độ 8, 65
Tư tưởng tự do, nhà 44
Tự do (chủ nghĩa) 90, 93
Tự do lương tâm 86
Tục (đời) hoá 81
Tuyên tín tông đồ 4
Tuyệt thông 8, 24, 29, 31, 34, 36, 39, 41, 42, 46, 47, 48, 50, 57, 59, 62, 63, 76
U
Ulrich đất Augsburg Gm. Th., 26, 30
"Unam Sanctam" 46, 47
UNO 99
Unstrut 30
Urbanô II, Gc., 31, 32
Urbanô V, Gc., 49
Urbanô VI, Gc., 49, 50
Urbanô VII, Gc., 76, 81
Ursula, dòng, nữ tu 69
USA 100
Utrecht 66
V
Vajk (Vua Stephan I.) 30
Valdès Peter (tín đồ) 37, 39, 40, 41, 43, 59, 80
Valence 58, 87
Valentinian, hoàng đế 8
Valerian, hoàng đế 2
Valerius, Gm., 7
Vandalen 7, 15
Văn hoá, đấu tranh 92, 93
Vatican, quốc gia 21, 96
Vật chất, chủ nghĩa 81
Venaissin 83, 84, 89
Venezia (dân) 35, 55, 56, 57, 70, 76, 87
Venezuela 92
Verden, tắm máu ở 18
Vergerio 68, 69
Verona 39
Vesalius 74
Vianney Johann, Th., 93
Vizenza 69
Viện các chị người Anh 76, 78
Viễn chinh thập giá (thánh chiến) 4, 6, 16, 31, 32, 33, 34, 35, 37, 43, 44, 52, 55, 56
Vienne 1, 35, 47
Viktor Emmanuell II., Vua Ý 89, 90
Vinh Sơn ở Paul , Th., 77
Vinh Sơn, nữ tu 77
"Vô nhiễm thai" 90
Vô ngộ (không sai lầm) 83, 91, 92, 98
Vô thần 2, 13, 23, 24, 97
Voltaire 88
Vương công 48, 62, 63, 81
W
Ward Maria 76, 78
Wartburg 63, 68
Wenzel, vua Boehmen 52
Wessobrunner, kinh cầu 22
Westfalen, Hoà bình 72
Weyer Johann 78
Wicliff John 52, 59, 61
Wido, Gm., 26
Widukind 18
Wien, thành phố 10, 16, 33, 35, 49, 54, 56, 64, 66, 69, 72, 73, 76, 82, 85, 87, 88
Wien, Đại hội 89
Wiking, dân 18
Wilhelm đất Anhalt 60
Wilhelm đất Aquitaine 27
William, vua Anh 36
Wilhelm I, hoàng đế 93
William II, Vua Anh 36
Willibrord, Th., 14
Wittenberg 60, 61, 62, 63, 64, 69
Wladimir I, Th., 23
Wojtyla Karol (Gioan
Phaolô II) 99
Wolfram đất Eschenbach 35
Worms, Dụ 63, 66
Worms, Đại hội đế quốc 29
Worms, Hiệp ước 29
Wulfila, Gm., 4, 9, 10
Wuerzburg 78
X
Xã hội, chủ nghĩa 43, 90
Xêlestinô (Coelestin) III, Gc., 13
Xêlestinô V, Gc., 51
Xitô, tu sĩ 32, 42
Xistô IV, Gc., 58
Xuân bích 12
Y
Inhã đất Loyola, Th., 68, 70, 73, 74, 78
Z
Xacaria, Gc., 19, 21
Zapolya Janos 66
Zuerich 64
Zwelttl Stift 42
Zwingli Ulrich 52, 64, 65,
Zwingli (tín đồ) 72

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tham khảo:


Albrecht Dieter, (Hrsg.) Katholische Kirche im Dritten Reich. Grünewald Verlag,
Mainz, 1976
Bainton Roland H. Martin Luther, Dt. Buchgemeinschaft Berlin, 1967
Basetti Sani Giulio, Franziskus von Assisi, Concilium 4 Jg. Heft 8/9, 1968
Crankshaw Edward, Die Habsburger, Molden Verlag, Wien, 1967
Daniel Rops Henry, Die Kirche, Abendländische Verlagsanstalt, Innsbruck, 1953
Der Prozess, Jean d´Arc 1431 1456, dvt documente, München, 1961
Dussel Enrique, Von der Säkularisierung zum Säkularismus der Wissenschaft
(Renaissance bis Aufklärung), Concilium 5 Jg., Heft 879, 1969
Eder Karl, Die Kirche im Zeitalter des konfessionellen Absolutismus (1555 1648),
Herder Verlag, Wien, 1949
Ehrhard Albrecht, Urkirche im Frühkatholizismus, Verlag der Buchgemeinde Bonn,
1935
Erikson Erik H., Der junge Martin Luther, Rowohlt Verlag, Hamburg, 1970
Etteldorf Raymond, Die Kirche im Orient, Tyrolia Verlag, Innsbruck, 1963
Fichtenau Heinrich, Geschichte des Mittelalters, Universum Verlagsgesellschaft
Wien, 1947
Fülöp Miller Rene, Die die Welt bewegte, Müller Verlag, Salzburg, 1952
Franzen August, Kleine Kirchengeschichte, Herder Verlag, Freiburg, 1965
Franzen August / Bäumer Remigius, Pabstgeschichte, Herder Verlag, Freiburg, 1974
Glaser Hermann, Das Dritte Reich, Anspruch und Wirklichkeit, Herder Verlag,
Freiburg, 1961
Gies McGuigan Dorothy, Familie Habsburg, deutsch von Lore von Stiller, 1967
Hammes Manfred, Hexenwahn und Hexenprozesse, Fischer Verlag, 1977,
Franfurt/M
Hendrix Scott, Luther und das Papsttum, Concilium 12 Jg. Heft 10, 1976
Hertling Ludwig, Geschichte der katholischen Kirche, Morus Verlag, Berlin, 1953
Hertling Ludwig, Geschichte der katholischen Kirche in den Vereinigten Staaten,
Morus Verlag, Berlin, 1954
Hiltebrandt Philipp, Papsttum und Kirche, Union Verlag, Stuttgart, 1957
Hohnsten Georg, Jean Jacques Rousseau, Rowohlt Verlag, Hamburg, 1972
Ich bin Christ, Frühkirchliche Martyrerakten, Übertragen und erläutert von Oda
Hagemeyer OBS, Patmos Verlag, Düsseldorf, 1961
Jedin Hubert, (Hrsg.), Handbuch der Kirchengeschichte, Herder Verlag, Freiburg,
1973
Jedin Hubert, Kleine Konziliengeschichte, Herder Verlag, Freiburg, 1959
Künzli Arnold, Karl Marx, Europaverlag, Wien, 1966
Läpple Alfred, Report der Kirchengeschichte, Don Bosco Verlag, München, 1968
Leist Fritz, Der Gefangene des Vatikans, Strukturen päpstlicher Herrschaft, Kösel
Verlag, München, 1971
Leitmaier Charlotte, Die Kirche und die Gottesurteile, Herold Verlag, Wien, 1951
Lortz Josef, Geschichte der Kirche, Aschendorffsche Verlagsbuchhandlung,
Münster, 1941
Lortz Josef, Die Reformation in Deutschland, Herder Verlag, Freiburg, 1941
Löwenstein Hibertus, Deutsche Geschichte, Haude & Spenersche
Verlagsbuchhandlung, Berlin, 1962
Löwith Karl, Weltgeschichte und Heilgeschichte, Urban Bücher, Kohlhammer,
Stuttgart, 1953
Luggauer Karl, Habemus Papam, Carinthia Verlag, Klagenfurt, 1976
Luther, Fischer Bücherei, Frankfurt/M, 1955
Mann Golo, (Hrsg.), Propyläen Weltgeschichte, 11 Bände, Ullstein Verlag,
Frankfurt/M, 1976
Manns Peter, (Hrsg.), Die Heiligen in ihrer Zeit, Gründewald Verlag, Mainz, 1967
Matt Leonard von Cognet Louis, Vinzenz von Paul, Herold Verlag, Wien, 1959
Mikoletzky Hanns Leo, (Hrsg.), Geschichte lebt, Ueberreuter Verlag, Wien
Heidelberg, 1957
Oliver Daniel, Der Fall Luther, DVA Stuttgart, 1972
Peters Wim, Ignatius von Loyola, Concilium 4. Jg., Heft 8/9, 1968
Pfliegler Michael, (Hrsg.), Dokumente zur Geschichte der Kirche, Tyrolia Verlag,
Innsbruck, 1957
Post Reinerus, Die Kirche am Vorabend der Reformation, Concilium 3. Jg., Heft 8/9,
1967
Pretscher Josef, Kirchengeschichte aus erster Hand, Arena Verlag, Würzburg, 1964
Hanke Leopold, Die Römischen Päpste, Phaidon Verlag, Wien,Renner, A./Tunk E.,
Europa im Hochmittelalter, Der Islam, Goldmann Verlag, München
Savonarola, Ketzer oder Heiliger ? Eingeleitet, ausgewählt und übersetzt von
Gundolf Gieraths, OP. Herder. 1961
Seeber David Andrea, Das Zweite Vaticanum, Konzils des Übergangs, Herder
Verlag, Freiburg, 1966
Seppelt F.X., Pabstgeschichte, Kösel Verlag, München, 1949
Schiel Hubert, Des hl. Augustinus Bekenntnisse, Herder Verlag, Freiburg, 1949
Schmid Carlo/Pleticha Heinrich, Zeitgeschichte aus erster Hand, Arena Verlag,
Würzburg, 1967
Schmitz Friedrich, Für Gerechtigkeit und Wahrheit, Bischof Wilhelm Emanuel
Freiherr von Ketteler, Arena Verlag, Würzburg, 1962
Schuchert August, Kirchengeschichte, Schweizer Volks Buchgemeinde, Luzern,
1958
Schuck Johannes, Geschichte der Kirche Christi, Echter Verlag, Würzburg, 1949
Schwaiger Georg, Die Aufklärung in katholischer Sicht, Concilium 3. Jg., Heft 8/9,
1967
Sherwin White Adrian, Der römische Hintergrund des Frühchristentums, Concilium
3. Jg., Heft 8/9, 1967
Stratmann Franziskus, Die Heiligen in der Versuchung der Macht, Knecht Verlag,
Frankfurt/M, 1958
Türk Hans Joachim, (Hrsg.), Autorität, Gründewald Verlag, Mainz, 1973
Valjavec Fritz, Geschichte der abendländischen Aufklärung, Herold Verlag, Wien,
1961
Vries Wilhelm de, Der christliche Osten in Geschichte und Gegenwart, Augustinus
Verlag, Würzburg, 1951
Wodka Josef, Kirche in Österreich, Herder Verlag, Wien, 1959
Wucher Albert, Von Petrus zu Paul, Societäts Verlag, Frankfurt/M., 1970

[1] Theo Niên giám Thống kê của Bộ Truyền giáo Vatican, dân số thế giới năm 2000
có 6.005.049.000 người, với 1.999.566.000 Kitô hữu. Trong số Kitô hữu này gồm
1.056.920.000 Công giáo, 342.035.000 Tin lành, 215.129.000 Chính thống,
79.650.000 Anh giáo và 6.688.000 Công giáo không thuộc Rôma.

Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ

Tác giả: Josef Holzer

You might also like