You are on page 1of 13

MỐI LIÊN HỆ GIỮA

ABHIDHARMA VÀ TRUNG A-HÀM

A. Dẫn Nhập

Tôn giáo là một tổ chức có vị giáo chủ khai sáng và hệ thống giáo lý. Đức Chúa
Giê-su và Kinh Thánh tạo nên Thiên Chúa giáo, Khổng Tử với Tứ Thư, Ngũ Kinh lập
nên Khổng giáo. Cũng theo quy luật ấy, Đức Thích Ca Mâu Ni cùng Thánh điển thành
lập nên một Phật giáo đã phát triển và lan tỏa trên toàn thế giới. Thánh điển ấy có ba
tạng: Kinh tạng, là giáo lý thậm thâm do đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà
thuyết pháp, giúp cho hành giả đạt được an lạc, giải thoát. Luật tạng là những điều răn
dạy của đức Phật khi chúng Tỳ-kheo phát sanh hữu lậu, với mục đích thanh tịnh hóa
Tăng đoàn. Từ lời dạy của đức Phật, các hàng đệ tử theo đó mà phân tích, giảng giải
để người sau hiểu rõ hơn về giáo lý uyên thâm được ẩn chứa trong Kinh, được gọi là
Luận tạng. Về Kinh và Luật dù được biên tập lại nhưng hầu hết đều giống nhau, sự sai
khác có chăng cũng không đáng kể, được hầu hết mọi người thừa nhận từ kim khẩu
của đức Thế Tôn. Nhưng Luận tạng lại có nhiều ý kiến trái chiều về nguồn gốc. Có ý
kiến cho rằng, Luận tạng thuộc thời kì bộ phái, do đệ tử Phật y cứ từ Khế Kinh mà
phân tích, giải nghĩa, do đó có sự khác biệt giữa các quan niệm, tư tưởng của mỗi bộ
phái. Có người lại cho rằng, Luận đã có từ sẵn trong Kinh, do chính đức Phật nói. Vậy
đâu mới là nguồn gốc hình thành nên Luận tạng? Với đề tài “Mối liên hệ giữa
Abhidharma và kinh Trung A-hàm”, bằng phương pháp khảo cứu tư liệu, sử học,
chứng minh, phân tích người viết xin trình bày sự hình thành của A-tỳ-đàm, hình thức
của A-tỳ-đàm và Kinh Tạng, sự phát triển của A-tỳ-đàm thông qua nội dung Tứ Niệm
Xứ để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1
B. Nội Dung

1. Quá trình hình thành A-tỳ-đạt-ma

Luận tạng là một trong ba tạng tạo nên thế vạc ba chân cho giáo lý Phật giáo.
Luận còn được gọi là Abhidharma, Trung Hoa dịch âm là A-tỳ-đàm hay A-tỳ-đạt-ma.
Còn có tên gọi là Ưu-ba-đề-xá. Về nguồn gốc hình thành A-tỳ-đạt-ma có nhiều ý kiến
khác nhau. Các phái tiểu thừa Thượng Tọa bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ hay Đại Thừa cho
rằng A-tỳ-đạt-ma là do Phật thuyết, có vị trí ngang tầm với Kinh và Luật. Nhưng Kinh
Lượng bộ và các nhà nghiên cứu về sau lại cho rằng Luận tạng là do người sau kết tập
và biên soạn. Hai quan niệm trên nếu phân tích rõ ra thì không hoàn toàn đúng mà
cũng không phải sai.

Khi đức Phật còn tại thế, nội dung A-tỳ-đàm có khi đức Phật tự thuyết, hoặc do
đức Phật nói ra phần cương yếu rồi nhân đó mà các đệ tử giải thích, hay đức Phật cùng
các đệ tử nghị luận rồi về sau sắp xếp lại theo hệ thống. Đối với vấn đề này, Ngài Đại
Ca Chiên Diên cùng Xá Lợi Phất đã rất nỗ lực1. Trong Kinh tạng, có những bài kinh
đã đề cập đến A-tỳ-đạt-ma như sau:“...Năm căn, Năm lực, Bảy bồ-đề phần, Thánh đạo
tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ,
không cãi lộn với nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi các ông học tập trong các pháp ấy
trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có hai vị Tỷ-kheo
nói khác nhau về Abhidhamma (Thắng pháp)...2 Đức Phật khuyến khích chư Tỳ kheo
học tập A-tỳ-đạt-ma và dạy cách điều hòa sự tranh cãi.

Trong kinh Trung bộ thuộc Kinh tạng Palī có một đoạn kinh mô tả như sau: “Này
chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập thắng pháp (abhidhamma),
thắng luật (abhivinaya)” 3.

Liên hệ vấn đề này, trong Trung A-hàm có đề cập, khi Ngài Xá Lợi Phất hỏi vì
sao làm cho khu rừng Ngưu-giác-sa-la rực sáng, tôn giả Ca-chiên-diên trả lời:“Tôn giả
Xá-lợi-phất, ví như hai pháp sư cùng bàn luận về A-tỳ-đàm thâm áo. Những điều được
hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự thuyết pháp thì

1
Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, trang 223.
2
HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 2, Kinh Như Thế Nào, trang 295.
3
HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 1, Kinh Gulissāni, trang 574.
2
lưu loát. Tôn giả Xá-lợi-phất, Vị tỳ kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu-giác-
sa-la”4. Đoạn kinh này ca ngợi Tỳ kheo luận bàn về A-tỳ-đàm, cũng cho ta thấy, từ
thời nguyên thủy A-tỳ-đàm được thể hiện qua hình thức vấn đáp một người hỏi và một
người trả lời, người hỏi được thấu hiểu tường tận những vấn đề còn khúc mắc, câu trả
lời thông suốt vô ngại, khiến cho cả hai bên được lợi lạc.

Hơn nữa, trong kinh Tăng Nhất A-hàm, cho rằng đức Phật thuyết về Abhidharma
trên cung trời Tam thập tam thiên về nội dung Ngũ Uẩn như sau: “Bấy giờ, Thế Tôn
thuyết pháp cho hàng ngàn vạn chúng trước sau vây quanh; thuyết về khổ của năm
thạnh ấm. Sao gọi là năm? đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sao gọi là sắc ấm? Đó là
thân do bốn đại, là sắc được tạo bởi bốn đại. Đó gọi là sắc ấm. Sao gọi là thọ ấm? Đó
là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc. Đó gọi là thọ ấm. Sao gọi
là tưởng ấm? Đó là sự tụ hội của ba thời. Đó gọi là tưởng ấm. Sao gọi là hành ấm?
Đó là thân hành, khẩu hành, ý hành. Đó gọi là hành ấm. Sao gọi là thức ấm? Đó là
nhãn, Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đó gọi là thức ấm....” 5 Phải chăng, căn cứ vào kinh này có
ý kiến đưa ra A-tỳ-đạt-ma do Phật thuyết và có giá trị ngang bằng với Kinh và Luật
tạng?

Qua những dẫn chứng trên cho thấy, ngay từ thời Phật giáo Nguyên thủy, đức
Phật và các đệ tử đề cập và luận bàn về A-tỳ-đạt-ma. Tuy nhiên, A-tỳ-đạt-ma thời kì
Nguyên Thủy chỉ được hiểu với dụng ý tán dương các pháp nghĩa thậm thâm vi diệu,
hơn hết thảy các pháp. Mãi cho đến thời kỳ bộ phái, A-tỳ-đạt-ma mới được phát triển
rực rỡ và tách biệt thành một tạng độc lập.

Thời kỳ bộ phái giải thích A-tỳ-đạt-ma theo nhiều nghĩa. Theo Nam phương,
ngài Phật Âm định nghĩa là ‘Thắng pháp’, ‘Đặc thù pháp’. Dẫn chứng bài tụng sau:
“Hữu pháp, tăng thịnh, đặc thù, tôn trọng, tường thuyết, tối thượng: thế gọi là A-tỳ-
đạt-ma”6. Về nội dung thì ý nghĩa thù thắng, về phương pháp luận cứu thì tường tận,
khúc chiết. Theo Bắc phương định nghĩa: Luận sư Bà-sa gọi là Phục pháp, vì nó có
khả năng hàng phục các tà thuyết của ngoại đạo. Hóa Địa bộ gọi là chiếu pháp, vì có

4
HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung A-hàm tập 2, Kinh Ngưu-giác-sa-la, trang 289.
5
Thích Tịnh Hạnh dịch, Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Quyển 28 - Phẩm 36: Thính Pháp, trang 769.
6
HT. Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, trang 56.

3
khả năng chiếu soi tất cả tính tướng của pháp. Thí dụ sư gọi là thứ pháp, đứng sau Niết
Bàn. Chính lý sư gọi là Thông pháp, vì thấu rõ được tất cả Kinh tạng. Ngoài ra Phật
Hộ nói: “A-tỳ là tiếng trợ ngữ làm hiển hiện nghĩa trước, pháp này có thể đưa tất cả
thiện pháp, nghĩa là tất cả các giác phận đều hiện ra trước, cho nên gọi là A-tỳ-đạt-
ma”. Đến Tả-thụ nói: “Pháp này tôn trọng, đáng được cung kính”7. Vậy Bắc phương
và Phật Âm giải thích về A-tỳ-đạt-ma có chỗ tương đồng lẫn nhau.

Đạt-ma là pháp: nghĩa là “nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải”. A-tỳ là hơn thế,
nói về. A-tỳ-đạt-ma là pháp tối thắng. Nếu Kinh tạng tái hiện lại bối cảnh và cuộc sống
sinh hoạt thường nhật của Tăng đoàn, khiến cho người khi đọc cảm tưởng chính mình
đang ở trong thời điểm đó, thì Luận tạng lại khó hiểu hơn với những phân tích, lý giải
về tâm, tâm sở hay những hiện tượng của sắc và pháp. Luận Đại Trí Độ nói: “A-tỳ-đạt-
ma là gì? Đáp: là đối vấn mà đáp, hoàn toàn là hình thức luận cứu, nêu ra nhiều mặt
để phân biệt, như nói về 18 giới, thì phân biệt cái nào có sắc, cái nào không sắc? Các
nào có thể thấy, cái nào không thể thấy? Cái nào hữu lậu, cái nào vô lậu? Cái nào
thiện, cái nào bất thiện? Cái nào hữu báo, cái nào vô báo?... Như thế gọi là A-tỳ-đạt-
ma”.8

Về niên đại hình thành Abhidharma tạng vẫn còn nhiều tranh cãi. Sau Phật nhập
diệt 100 năm do sự phân chia bộ phái mà tạo nên một rừng luận thư, có lẽ đây cũng bắt
nguồn cho Luận tạng ra đời. Mặc dù trước đó, hình thức A-tỳ-đàm đã ẩn chứa trong
thời kỳ Nguyên thủy và đến thời kỳ Đại thừa đã xuất hiện những bộ luận vĩ đại. Về
phương diện hình thức, có thể lấy khoảng thời gian từ 200 đến 500 năm sau Phật nhập
diệt làm thời đại A-tỳ-đạt-ma Phật giáo9. Có thể nói, quá trình hình thành Luận tạng
trải qua bốn thời kỳ. 1. Thời kì Abhidharma còn giữ hình thức khế kinh, trong bốn bộ a
hàm và năm bộ Nikaya vẫn có những hình thức của A-tỳ-đàm như Vấn đáp, Quảng
thuyết, Tăng nhất, Phân biệt. 2. Thời kì lấy luận thư giải thích nghĩa kinh, được người
sau thêm vào để giải thích những vấn đề trong Kinh tạng. 3. Bấy giờ, các bộ phái xuất
hiện, vì sự bất đồng về tư tưởng, hình thành nên các bộ luận thư Nam truyền và Bắc

7
HT. Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, trang 56-57.
8
HT. Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, trang 69.
9
HT. Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, trang 26.
4
truyền. 4. Thời kì luận thư cương yếu, toát yếu lại những vấn đề khó hiểu trong tạng
Luận.

Khi đức Phật thuyết pháp, Ngài không vì mục đích truyền trao tri thức cho đệ tử,
càng không phải bắt họ cố thủ giáo điều mà chỉ với mục tiêu khiến chúng sanh ứng
dụng tu tập, chuyển mê khai ngộ, đạt được an lạc, giải thoát. Nhưng khi biên tập lại vì
muốn cho người sau hiểu rõ hơn về các Pháp mà đức Phật dạy, nên các nhà Luận sư đã
phân loại, định nghĩa và giải thích những vấn đề một cách rõ ràng, rành mạch. Nếu khế
Kinh lấy giá trị mà nói thì A-tỳ-đạt-ma lại chuyển sang vấn đề sự thật. Lam Govinda,
một tu sĩ Phật giáo người Đức trong quyển “Thái độ tâm lí của triết học Phật giáo
Nguyên Thủy” đã xem văn học Abhidharma như môn tâm lí học và triết học của Đạo
Phật. Còn ông Egerton Baptist trong quyển Beginners thì so sánh Abhidharma như
môn siêu hình học của Phật giáo, vì nó vượt khỏi những tầm hiểu biết hiện tại cạn cợt
và có giới hạn của chúng ta về những vấn đề Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm, Siêu thế
tâm...10. Nói đến đạo đức học, Abhidharma còn là một môn luân lí học của Phật giáo,
hướng con người đến sự giác ngộ và giải thoát. Do đó, Kimura Taiken đã nhận định:
“Nếu không học qua A-tỳ-đạt-ma thì không thể hiểu được Phật giáo là gì. Đây không
phải lời nói quá đáng” hay “nếu xử lý tư tưởng Phật giáo về mặt học vấn mà không có
một tri thức nào về A-tỳ-đạt-ma thì bất luận về môn học nào đều không thể đạt được
kết quả hoàn toàn”11.

Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự quan trọng của Abhidharma tạng, dù với ý
kiến xuất phát từ đức Phật hay do các bộ phái y cứ theo Kinh mà phát triển, hoàn thiện
thì A-tỳ-đạt-ma vẫn đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu cho những ai muốn
hiểu rõ về nhân sinh quan của Phật giáo. Tạo thành thế vạc ba chân, khiến cho Phật
giáo đứng vững trên lập trường lý luận của phái ngoại đạo. Abhidharma tạng là cả một
sự cố gắng hệ thống hoá những lí thuyết, phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh
tạng, đặc biệt là đặt hệ thống ấy trên một bối cảnh chung. Nhờ đó, giúp học giả có một
khái niệm tổng quát và quán xuyến về đạo Phật.

10
HT. Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, trang 34-35.
11
HT. Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, trang 62-63.
5
2. Hình thức A-tỳ-đạt-ma trong Trung A-hàm

Theo các nhà nghiên cứu, bốn bộ A-hàm hay năm bộ Nikaya không phải do một
bộ phái mà do nhiều bộ phái biên tập. Như năm bộ Nikaya do phái Xích Đồng Diệp bộ
biên tập, còn bốn bộ A-hàm thì do ba bộ phái biên tập: “Trường A hàm” do Pháp Tạng
bộ biên tập, “Trung A-hàm” và “Tạp A-hàm” do Thuyết Nhứt Thiết Hữu bộ, “Tăng
Nhất A-hàm” do Đại Chúng bộ biên tập. Dẫu rằng được biên tập bởi các bộ phái khác
nhau, nhưng nội dung lại chỉ một vài kinh là có sự sai biệt, còn lại đa phần giống nhau.
Do đó, được đánh giá cao về tính nguyên thủy. Trong đó, Tạp A-hàm gồm những bài
kinh ngắn, đơn giản, xúc tích được cho là được biên tập đầu tiên. Trung A-hàm đã có
sự sắp xếp và chỉnh sửa của người sau. Để làm rõ về vấn đề này, người viết xin trình
bày những hình thức Abhdharma trong Trung A-hàm, đồng thời phân tích những liên
hệ giữa Trung A-hàm với Kinh gốc cũng như sự phát triển thành Luận tạng dựa trên
khế Kinh thông qua nội dung Tứ Niệm Xứ.

2.1 Hình thức Abhidharma trong Trung A-hàm

a. Hình thức Vấn đáp

Vấn là hỏi, đáp là trả lời. Vấn đáp là hình thức một câu hỏi một câu trả lời, người
hỏi đưa ra từng vấn đề mà bản thân còn nghi vấn, chưa tỏ thông, người trả lời phân
tích, chia chẻ vấn đề một cách tỉ mĩ, khiến cho người hiểu thấu đạt mọi vấn đề. Hình
thức này, có khi là đệ tử hỏi đức Phật trả lời, đôi khi là các vị đệ tử hỏi tự trả lời với
nhau. Hay do đức Phật tự hỏi tự trả lời, cũng có lúc các vị đệ tử hỏi và tự trả lời. Như
trong kinh Hà Nghĩa, Ngài A-nan đã dùng hình thức vấn đáp để hỏi đức Phật về mục
đích của việc giữ giới như sau:

"Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô
Độc. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời chỗ độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến
trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng: "Bạch Thế Tôn,
giữ giới có mục đích gì? ".

Đức Thế Tôn đáp: "Này A-nan, giữ giới có mục đích khiến cho không hối hận.
Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận".

"Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có mục đích gì?"

6
"Này A-nan, không hối hận thì có mục đích khiến cho được hân hoan. A-nan, nếu
ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan...”12

Ngoài ra, trong Trung A-hàm còn nhiều kinh số 9,15,17,27,31,35, 61, 144, 145,
170, 203... đều mang hình thức vấn đáp. Cứ thế, một câu hỏi, một câu trả lời dần dần
làm sáng tỏ vấn đề cho người cần hỏi.

b. Hình thức Phân biệt

Phân biệt là phân tích, giải thích rõ ràng về một vấn đề, khiến cho người thông
tỏ, không còn nhầm lẫn và mơ hồ về những vấn đề có nội dung tương tự giống nhau.
Như kinh số 10, 26, 30, 35, 68, 81,85, 93, 126, 171,176,179... Điển hình như kinh 163.
Kinh ‘Phân biệt lục xứ’ được giải thích như sau:

“Này các Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy; sáu xúc xứ nên biết là bên
trong; mười tám ý hành nên biết là bên trong; ba mươi sáu đao kiếm nên biết là bên
trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp, nên biết, là
bên trong. Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có
thể giáo hóa đồ chúng, đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người, là điều ngự người
thú hướng tất cả phương.’ Như vậy là phân biệt lục xứ.

“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là :xứ
là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó
mà nói.

“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là
xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của
lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc
xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói....” 13

c. Hình thức Tổng thuyết – Biệt thuyết

Tổng thuyết là phần Đức Phật chỉ nói nội dung mang tính đại cương, khái quát.
Sau đó, Ngài phó thác cho một vị đại đệ tử có khả năng diễn giảng phần nội dung.
Phần nội dung được các đệ tử giảng giải, phân tích rõ ràng chi tiết đó gọi là biệt

12
Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm tập 1, Kinh Hà Nghĩa, trang 321.
13
Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm tập 2, Kinh Phân Biệt Lục Xứ, trang 131.
7
thuyết. Hình thức này trong 12 phần giáo gọi là Phương Quảng. Hình thức này được
thể hiện trong Kinh ‘Phân biệt Pháp quán’ hay ‘Phân biệt Thánh đế’. Phần tổng thuyết
được do đức Phật nói:

“Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: "Đây là pháp dược tuyên thuyết
chân chánh vạn hành, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán
chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển
thị, được thú hướng" 14
. Phần sau được ngài Xá-lợi-phất phân tích, giảng giải cặn kẻ
từng chi phần:

"Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất
tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo: "Này Chư Hiền, Đức Thế
Tôn vì chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn diện,
phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn Thánh đế này.

Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh
đế.

Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ,
chết khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, sở cầu không toại khổ, tóm lại năm thủ uẩn
là khổ...”15.

Qua ba hình thức nêu trên, chúng ta có thể thấy rõ Abhidharma không phải sau
khi đức Phật nhập diệt mới được các vị Luận sư thêm vào, mà vốn dĩ đã có sẵn trong
lời dạy của đức Phật, do chính đức Phật nói ra và khuyến khích đệ tử vận dụng để
thông hiểu giáo nghĩa. Tuy nhiên, vào thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy, Abhidharma
vẫn chỉ là hình thức còn ẩn trong khế Kinh, chưa hình thành nên một tạng độc lập. Mãi
đến khi có sự phân chia bộ phái, hình thành nên tư tưởng thì những bộ phái ấy mới viết
ra những bộ luận theo cách hiểu của mình. Từ đó, tạo nên tạng Luận, là một trong ba
tạng Thánh điển quan trọng của Phật giáo, có vị trí ngang hàng với Kinh tạng và Luật
tạng.

14
Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm tập 1, Kinh Phân Biệt Thánh Đế, trang 240.
15
Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm tập 1, Kinh Phân Biệt Thánh Đế, trang 240.

8
2.2 Sự phát triển của Abhidharma qua nội dung Tứ Niệm Xứ

Trong hai phần người viết trình bày về quá trình hình thành và mối liên hệ giữa
Abhidharma với Trung A-hàm đã chứng minh hình thức Abhidharma đã có sẵn trong
lời đức Phật dạy, được các đệ tử sử dụng để luận bàn về những điều chưa thông tỏ.
Nhưng mãi đến thời kì bộ phái, Luận tạng mới phát triển mạnh mẽ và có vị trí độc lập.
Dù rằng do người sau biên tập lại, nhưng Luận tạng vẫn có một vị trí ngang bằng với
Kinh và Luật tạng. Vì tất cả các bộ luận đều lấy từ Kinh gốc mà phân tích, lý giải một
cách cặn kẽ, khiến người sau hiểu rõ những thâm áo trong lời dạy của đức Phật, về
những phạm trù sắc và pháp. Kinh là đức Phật nương nơi căn cơ của chúng sanh mà
thuyết giảng nên có nhiều trường hợp khác nhau, Luận tạng đã tổng hợp những vấn đề
cần giải thích, từ đó phân loại và giải thích ý nghĩa, tổng hợp, hệ thống hóa tư tưởng.
Từ đó, biến sự phức tạp thành đơn giản, phân tích từ cạn đến sâu, hệ thống hóa tất cả
giáo nghĩa, làm hiển bày nghĩa lý chân thật trong Phật pháp. Phương thức này khiến sự
và lý trong Phật pháp hiển bày rõ ràng, dễ nhận biết. Như vậy, Luận thư bắt nguồn từ
sự phân tích, giảng giải, làm rõ ý nghĩa trong Kinh.

Về nội dung Tứ Niệm Xứ, trong Tạp A-hàm chỉ nêu ra Tứ Niệm xứ là gì và giải
thích đơn giản: “Có nhất thừa đạo khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi,
khổ, não, được pháp chân như. Đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Niệm xứ quán
thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp”16

Trong Tạp A-hàm chỉ nêu lên những vấn đề nhưng đến Trung A-hàm, Tứ Niệm
Xứ lại được biên tập theo hình thức Abhidharma, phân tích rõ hơn về pháp môn này.
Như đoạn kinh sau:

“Bốn niệm xứ là những gì? Đó là quán thân như thân, quán thọ như thọ, quán
tâm như tâm và quán pháp như pháp. Thế nào gọi là niệm xứ quán thân như thân?

Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đi, đứng thì biết mình đứng, ngồi thì biết mình ngồi,
nằm thì biết mình nằm, ngủ thì biết mình ngủ, thức thì biết mình thức, ngủ say thì biết
mình ngủ say. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân;

16
Thích Tịnh Hạnh dịch, Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Quyển 19, trang 152-152.

9
lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân
như thân.

Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo biết rõ chính xác khi vào lúc ra,
khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng, nghi dung chững chạc, khéo khoác tăng-già-lê và
cầm bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ chính xác. Tỳ-
kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân,
có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân...”17

Qua đến Trung A-hàm, bốn pháp quán thân, thọ, tâm, pháp được giải thích rõ
ràng, tỉ mĩ. Quán thân là quán đến từng oai nghi cử chỉ của thân, quán nội thân và
ngoại thân, theo thứ lớp... Cứ như vậy, từng vấn đề được phân tích rõ rằng, khiến cho
hành giả thấu rõ được Tứ Niệm Xứ mà y theo đó thực hành.

Về sau, do việc tranh luận nếu cứ biên tập và giải thích như vậy thì đâu là lời
Phật dạy? đâu là lời chúng ta thêm vào? Dó đó, để giữ nguyên tính nguyên thủy của
Kinh tạng, đã tiến hành biên tập dưới một hình thức khác gọi là Luận nương vào kinh
mà giải thích. Hình thức này có thể lấy Pháp uẩn túc luận để đối chiếu. Nội dung Tứ
Niệm Xứ trong Pháp Uẩn Túc Luận, được giải thích về pháp quán thân, gồm có tùy
quán nội thân, tùy quán ngoại thân, tùy quán nội ngoại thân. Trong đó mỗi phép quán
lại được chia ra từng mục nhỏ như quán thân bất tịnh, quán giới sai biệt và quán tai
họa của thân.

“Tùy quán thân nơi nội thân này, có vị bí sô nào đối với nội thân, từ bàn chân
cho đến đỉnh đầu, quán sát tư duy bất cứ chỗ nào đều có đa dạng các hình thái bất
tịnh, đầy dẫy nhơ nhớp. Tức là trong thân này có các thứ: 1.tóc, 2. lông, 3.móng, 4.
răng, 5. bụi, 6. cáu, 7. da, 8. thịt, 9. gân, 10. mạch máu, 11. xương, 12. tùy,13. xương
đùi... Khi tư duy các trạng thái bất tịnh như vậy, sự giản trạch được khởi lên đối với
các pháp, giản trạch cực kì, giản trạch cực kì nhất, hiểu rõ, toàn bộ hiểu rõ, tiếp cận
hiểu rõ, tâm cơ nhạy bén, thông đạt, thẩm sát, thông tuệ, giác, minh, tuệ hành, tì-bát-

17
Thích Tịnh Hạnh dịch, Kinh Trung A-Hàm Số 1, Kinh Niệm Xứ, trang 784.

10
xa-na, như thế gọi là tùy quán thân nơi nội thân, cũng gọi là thiết lập niệm nơi
thân...”18

Qua đoạn trích dẫn trên, cho ta thấy y cứ nơi Kinh gốc, người sau đã dùng hình
thức Abhdharma để phân tích, giải thích rõ ràng từng vấn đề. Với mục đích giải rõ lời
Kinh, khiến cho hành giả theo đó mà thông đạt tất cả các pháp, ứng dụ tu tập. Suốt một
quá trình chiều dài lịch sử, ngay cả lúc còn ẩn tàng trong khế Kinh, cho đến hình thành
nên một tạng độc lập, A-tỳ-đàm đã dần dần khẳng định được vị trí và tầm quan trọng
của mình trong hệ thống giáo điển của Phật giáo. Thật đúng như lời nhận định của
Kimuar Taiken: “Nếu không học qua A-tỳ-đạt-ma thì không thể hiểu được Phật giáo
là gì”.

18
Phước Nguyên dịch, A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận, trang 316.

11
C. Kết Luận

Cuộc sống là một vòng xoay chuyển không ngừng, tất cả vạn vật đều luôn thay
đổi không thể giữ nguyên hình trạng ban đầu. Đó là quy luật tất yếu của vạn hữu. Thay
đổi để tồn tại, biến thiên để phù hợp với không gian, thời gian và đặc biệt là thích ứng
với xã hội, đáp ứng nhu cầu của thời đại. Dù đó là giá trị vật chất hay tín ngưỡng tôn
giáo cũng đều chịu sự chi phối của quy luật này. Phật giáo trải qua ba thời kỳ Nguyên
Thủy – Bộ Phái – Đại Thừa, tuy hình thức sinh hoạt và cách thức phát triển khác nhau
nhưng mục đích lại luôn thuần nhất, giúp chúng sanh hiểu rõ cuộc đời là vô thường, vô
ngã, khổ không từ đó nhận ra bản chất của các pháp, nỗ lực thực hành, đạt được an lạc
giải thoát nơi nội tại.

Kinh tạng đưa ta trở về với cuộc sống nguyên thủy thời đức Phật, Luật tạng giúp
ta khép mình sống đời phạm hạnh, thì Luận tạng lại mở ra sự hiểu biết tường tận về
nội dung giáo điển. Dù rằng đã có sẵn trong lời dạy của đức Phật hay do người đời sau
biên tập và phát triển để phù hợp với nhu cầu của xã hội đương thời, thì Abhdharma
vẫn có một vị trí quan trọng không thể thiếu, có tầm ngang hàng với Kinh và Luật.
Trải qua thời gian, Abhidharma vẫn tồn tại và đặc biệt phát triển, có đôi lúc lại vượt
trội hơn cả hai tạng trước. Abhidharma đã phân tích, giải thích rõ ràng những giáo
nghĩa thâm yếu trong Kinh tạng, đi sâu vào lý giải những vấn đề khó hiểu như sắc và
tâm. Do vậy, người đời sau muốn tìm hiểu rõ về giáo lý của đạo Phật không thể bỏ qua
quá trình tìm hiểu Abhidharma tạng.

12
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ tập 1 & 2, Viện Nghiên
Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, Tp.HCM, 1996.

2. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh
Sơn Đài Bắc ấn hành, Taiwan, 2000.

3. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Kinh Tăng Nhất A-Hàm, Hội Văn Hóa Giáo Dục
Linh Sơn Đài Bắc ấn hành, Taiwan, 2000.

4. Kimura Taiken, HT. Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật Giáo Tư Tưởng
Luận, NXB Tôn Giáo, 2007.

5. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Đại cương Luận Câu Xá, NXB Tôn Giáo, 2006.

6. Hòa Thượng Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, NXB Tôn Giáo,
2004.

7. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB
Phương Đông, 2008.

8. Thích Phước Nguyên dịch, ATỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận, NXB Hồng Đức,
Hà Nội, 2018.

13

You might also like