You are on page 1of 5

MỞ ĐẦU

Môi trường có vai trò rất quan trọng với toàn nhân loại, nó cung cấp cho ta không
gian để sống, cung cấp nguồn tài nguyên để sản xuất, nơi chứa đựng chất thải,…
Tuy nhiên thời gian qua, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn; chất
lượng không khí, nguồn nước, tài nguyên,…ở nhiều nơi có chiều hướng biến đổi
phức tạp và ở mức báo động. Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước ta rất
quan tâm đến các biện pháp khác nhau để bảo vệ môi trường. Một trong những
công cụ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường luôn được nhà nước ta coi trọng
là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của
pháp luật trong vấn đề này, em xin chọn đề tài: “Vai trò của pháp luật trong việc
bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay” làm bài tập học kì của mình. Trong quá
trình làm bài do kiến thức của em còn hạn chế nên không tránh khỏi sai sót, rất
mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo. Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

I.Cơ sở lí luận của vai trò pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam:

Có rất nhiều quan điểm khi định nghĩa về môi trường, theo khoản 1 điều 3 luật bảo
vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 23-6-
2014 thì “ Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác
động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”.

Bảo vệ môi trường có thể hiểu là những hoạt động nhằm giữ cho môi trường trong
lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái, ngăn chặn,
khắc phục những hậu quả xấu gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lí và
tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.Tại khoản 3,Điều 3, Luật bảo vệ môi trường 2014
qui định: “ Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn
chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô
nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài
nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành”.
Pháp luật là hệ thống những quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc do nhà nhước
ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các mối quan hệ
xã hội theo mục đích định hướng của nhà nước. Do đó, pháp luật về bảo vệ môi
trường là khuôn mẫu, chuẩn mực để hướng dẫn cách xử sự cho mọi người, nó tham
gia điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác, quản
lí và bảo vệ các yếu tố môi trường. Các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước
ban hành theo các trình tự thủ tục nhất định, là nguồn chính của pháp luật bảo vệ
môi trường. Có các văn bản như: Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật khoáng
sản năm 2010, Luật thuế tài nguyên năm 2010,…

II.Vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường:

Hệ thống pháp luật đã bảo vệ môi trường bằng việc thể chế hóa các chính sách, kế
hoạch của Đảng, nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường và quy định các
phương tiện, biện pháp, nhân lực,…để đảm bảo thực hiện các chính sách đó. Đặc
biệt, thời gian qua pháp luật bảo vệ môi trường ở nước ta đã từng bước xây dựng
và hoàn thiện, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực môi
trường. Từ đó ta có thể thấy vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường ở
nước ta hiện nay như sau:

Thứ nhất, pháp luật về bảo vệ môi trường là cơ sở pháp lí cho việc quy định cơ
cấu tổ chức của các cơ quan quản lí nhà nước. Pháp luật có vai trò to lớn trong
việc tạo ra cơ chế hoạt động, nó quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể
cho các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường. Nhà nước xây dựng và tổ chức thực
hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường với những nội dung như: bảo vệ
môi trường khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí
hậu, kiểm soát ô nhiễm nước-không khí, suy thoái đất-rừng, đánh giá tác động môi
trường và đánh giá môi trường chiến lược; thực thi các công ước quốc tế về đa
dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam;… Nhờ có các văn bản pháp luật
này, các cơ quan tổ chức đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình,
tránh việc quản lí chồng chéo, pháp luật đã phân chia nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Thứ hai, pháp luật qui định các quy tắc xử sự cho con người khi tác động đến môi
trường. Các quy tắc xử sự này định hướng các hành vi con người theo hướng tiêu
cực, có lợi cho môi trường, đảm bảo các hành vi của con người không xâm hại tới
môi trường; hạn chế những tác hại, ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường.
Ví dụ: ở luật bảo vệ môi trường năm 2014 tại điều 7 quy định những hành vi bị
nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: phá hoại, khai thác trái phép
rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi
độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy
chuẩn kỹ thuật môi trường;…

Thứ ba, pháp luật quy định các chế tài ràng buộc con người thực hiện những đòi
hỏi của pháp luật để bảo vệ môi trường. Thực tại, không phải ai cũng có ý thức,
trách nhiệm với môi trường, có những chủ thể khi tham gia hoạt động kinh tế xã
hội chỉ chú ý tới lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích chung của môi trường, bỏ qua
nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động
môi trường, các chủ dự án thường vì lợi ích của mình mà luôn tìm cách lẩn tránh
nghĩa vụ pháp lý với môi trường. Từ đó, chế tài mà pháp luật quy định đóng vai trò
quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân và lợi ích chung lâu dài
của xã hội. Các chế tài này không chỉ trừng phạt vi phạm pháp luật, ngăn ngừa
giáo dục cải tạo chủ thể vi phạm mà còn răn đe chủ thể khác để họ tự giác, chủ
động tuân theo các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó ngăn ngừa và
hạn chế tác động xấu do con người gây ra cho môi trường.
Ví dụ: điểm c khoản 3 điều 8, nghị định số 155/2016/NĐ-CP của chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định rõ: “Phạt
tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp lắp đặt thiết
bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi
trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với
công trình bảo vệ môi trường theo quy định”.

Thứ tư, bên cạnh việc pháp luật quy định các quy tắc xử sự, chế tài, pháp luật còn
quy định khen thưởng, ủng hộ những hành vi bảo vệ môi trường. Tại khoản 2, điều
63, Hiến pháp 2013 quy định: “ Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi
trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”. Qua đó, pháp luật
quy định tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường thì
được khen thưởng. Những người tham gia bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi
trường, ô nhiễm suy thoái môi trường và đấu tranh chống các hành vi vi phạm phá
luật về bảo vệ môi trường mà bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe hoặc tính mạng thì
được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, vai trò pháp luật còn thể hiện ở việc ban hành tiêu chuẩn môi trường.
Tại khoản 6, điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 có ghi: “Tiêu chuẩn môi
trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh,
hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và
quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự
nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường”. Thông qua pháp luật mà các tiêu chuẩn
môi trường sẽ được các chủ thể tuân thủ nghiêm ngặt khi khai thác, sử dụng các
yếu tố của môi trường. Đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lí cho việc xác định các
hành vi vi phạm pháp luật môi trường và truy cứu trách nhiệm với những hành vi
đó.
Trên đây là một số vai trò của pháp luật về bảo vệ môi trường,thừ đây ta có thể
thấy được tầm quan trọng của pháp luật trong bảo vệ môi trường.

III.Những hạn chế của pháp luật về bảo vệ môi trường:

Cùng với những thành tựu mà pháp luật đảm bảo thực hiện trong việc bảo vệ môi
trường thì vẫn pháp luật vẫn còn một số hạn chế như:

- Các quy định pháp luật bảo vệ môi trường còn khá học thuật, phức tạp và
khó hiểu nên người dân khó có thể nắm bắt được hết ý đồ của nhà nước.
- Nhận thức của cán bộ về vấn đề môi trường còn hạn chế, do chưa có nhận
thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa biến
nhận thức, trách nhiệm thành hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành và
từng người cho việc bảo vệ môi trường, công tác quản lý nhà nước về môi
trường còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng;
việc thi hành pháp luật chưa nghiêm.
- Mặc dù công tác bảo vệ môi trường luôn được nêu ra nhưng việc sự hài hoà
giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường thì chưa đảm bảo, thường chỉ
chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà ít quan tâm việc bảo vệ môi trường.
- Nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường của nhà nước, của các doanh
nghiệp và cộng đồng dân cư rất hạn chế
IV.Giải pháp:
Để khác phục những nhược điểm hiện có của pháp luật về môi trường và tăng hiệu
quả hơn trong việc bảo vệ môi trường thì dưới đây là một số giải pháp:

- Hoàn thiện các quy định pháp lí (trách nhiệm hành vi, trách nhiệm hình sự
và dân sự) đối với những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
- Chỉnh sửa,bổ sung những quy định pháp luật sao cho khi người dân đọc
hiểu, nắm bắt rõ ràng ý chí của nhà nước.
- Hoàn thiện cơ chế tổ chức và đảm bảo thực hiện pháp luật về bảo vệ môi
trường; tăng cường nắm bắt tình hình, thanh tra kiểm tra và giám sát việc
thực hiện pháp luật môi trường.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách
nhiệm bảo vệ môi trường; Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên
nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường.

KẾT LUẬN
Tóm lại,pháp luật về bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lí để các chủ thể
trong xã hội thực hiện đầy đủ các quy phạm pháp luật. Để bảo vệ môi trường tốt
hơn, nhà nước ta không ngừng hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt
là việc thông qua Luật bảo vệ môi trường 2014 với những điểm mới sửa đổi, bổ
sung sẽ mang đến những tác động tích cực cho việc bảo vệ môi trường.

Danh mục tham khảo

1. Trường Đại Học Luật Hà Nội, giáo trình môn lí luận chung về nhà nước và
pháp luật, nhà xuất bản tư pháp, 2016.
2. Khoa luật ĐHQG Hà Nội, giáo trình lí luận chung về nhà nước và pháp
luật,nxb.ĐHQGHN, 2005.
3. Đinh Phượng Quỳnh, Luận văn “Pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam
- Thực trạng và giải pháp”.
4. Bộ tư pháp (2014), Luật bảo vệ môi trường.
5. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
6. Nghị quyết của Bộ chính trị số 41-NQ/TƯ ngày 15 tháng 11 năm 2004 về
bảo về môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.
7. Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ tài nguyên môi
trường ban hành ngày 25/10/2013.
8. Nguyễn Văn Hùng, Luận văn “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở
Việt Nam trong điều kiện hiện nay”.

You might also like