You are on page 1of 19

BÀI TẬP NHÓM

CÁC THỂ LOẠI VÀ TÁC GIA TIÊU BIỂU VĂN HỌC


ĐÔNG ÂU-NGA
 ĐỀ BÀI: Đặc điểm thơ Pushkin qua bài thơ “Tôi yêu em”
Nhóm 8: Nguyễn Thị Hải Yến  - Lớp DK64 ( Nhóm trưởng)
Hoàng Thị Thu Thuyên - Lớp DK64
Vi Thị Nhàn - Lớp CK64
MỤC LỤC:
I. Khát quát chung
1.1  Tác giả Pushkin
1.2  Tác phẩm“Tôi yêu em”
 1.2.1 Xuất xứ
  1.2.2 Nhan đề
II.  Đặc điểm thơ trữ tình của Puskin
2.1 Chủ đề
2.1.1 Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng
2.1.2  Chủ đề ca ngợi tự do
2.1.3  Chủ đề về lòng yêu mến thiên nhiên xứ sở
           2.1.4Chủ đề về tình yêu        
2.2  Kết cấu
2.3  Ngôn ngữ
 2.3.1 Ngôn ngữ giản dị, trong sáng
              2.3.2 Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
              2.3.3 Ngôn ngữ giàu tính nhạc
III. Đặc điểm thơ Pushkin qua bài “Tôi yêu em”
3.1 Đề tài tình yêu
3.2 Kết cấu hài hoà cân đối
            3.2.1 Khổ 1
            3.2.2 Khổ 2
3.3 Ngôn ngữ
           3.3.1 Ngôn ngữ giản dị trong sáng
           3.3.2 Ngôn ngữ giàu nhạc tính
           3.3.3 Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
IV. Tổng kết
I.       Khái quát
1.1     Tác giả
            Pushkin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (26 tháng 5 theo lịch cũ) tại thành
phố Moskva trong một gia đình quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỷ 12. Mẹ ông
thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen của vua
Pyotr Đại đế.Nhờ thông minh xuất chúng và có những đóng góp lớn về quân sự,
hàng hải cho nước Nga, Gannibal đã được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi.Thời
thơ ấu, trong những tháng hè, Puskin thường tới sống với bà ngoại tại ngôi làng
nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva.Những tháng ngày êm
đềm ở đây về sau này được phản ảnh trong những bài thơ đầu tiên của
Pushkin ("Thầy tu", 1813; "Bova", 1814; "Lời nhắn cho Yudin", 1815; "Giấc mơ",
1816).
           Thời niên thiếu, Lên sáu tuổi, Pushkin được tuyển vào trường Lyceum
Hoàng gia, tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Puskin) gần kinh đô
Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây Ông đã chứng kiến cuộc chiến tranh
giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp của Napoléon I (1812). Ông có bài thơ nổi
tiếng về chủ đề này - "Hồi ức ở Hoàng Thôn" (1815
           Sau khi tốt nghiệp Lyceum, Pushkin tích cực tham gia vào các hoạt động
văn học nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg, lúc bấy giờ
đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xoá bỏ chế độ nông nô tại Nga.
Thời gian này Ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị như "Gửi
Chaadaev" (1818), "Gửi N.Ya. Plyuskova" (1818), "Làng quê" (1819)... Năm 1820
Puskin cho in bản trường ca đầu tiên của mình - "Ruslan và Lyudmila" và ngay lập
tức tạo được tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề, mặc dù cũng phải
chịu sự công kích dữ dội từ phía chính quyền.
         Đi đày, Mùa xuân 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-
Peterburg, bá tước M. Miloradovich, đã quyết định đày Puskin tới Sibir. Tuy nhiên
nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn (Nikolai Mikhailovich
Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadayev, Fyodor Nikolayevich Glinka), cuối cùng
ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thành phố Sankt-Peterburg
vô thời hạn. Sau khi rời Sankt-Peterburg, Puskin đã đi xuống miền nam nước Nga,
tới Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev. Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra
đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19,
như "Người tù binh Kavkaz" , "Gavriiliada" , "Anh em lũ cướp”, "Đài phun nước
Bakhchisaraysky". Năm 1823, ở Kishinov, Puskin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng
thơ, kiệt tác "Yevgeny Onegin".
           Tháng 7 năm 1824, với đơn xin ân xá, Pushkin được chính quyền cho phép
về ở khu trang trại Pskov tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình.
Tại Mikhailovskoe ông đã sang tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch "Boris
Godunov”, "Với biển cả”, trường ca "Những người Digan" 
Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna
Kern, người tạo cho ông cảm hứng để sáng tác bài thơ nổi tiếng "Gửi K". Cuối
năm 1825 đầu năm 1826 kết thúc chương năm và sáu của "Evgeny Onegin", mà lúc
đó Pushkin coi là đoạn kết cho phần một của tác phẩm.
           Cuối năm 1825, thông qua một số viên chức có thiện chí, Pushkin đã được
tiếp cận Nga hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được Nga hoàng chấp thuận.
Tuy nhiên sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp năm 1825 tại Sankt-
Peterburg, chính quyền đã xem xét lại tất cả các ấn phẩm chống đối chính quyền
của Puskin trước đó và quyết định buộc ông bị quản thúc tại gia và có chính sách
kiểm duyệt nghiêm khắc các tác phẩm của nhà thơ. Pushkin đã chuyển về Moskva
sống trong thời gian này.
  Năm 1831 được đánh dấu bởi một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp của
Pushkin, ông đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilyevich Gogol, một nhà văn Nga
nổi tiếng khác. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và luôn hỗ trợ nhau trong
hoạt động nghệ thuật.Pushkin đã có ảnh hưởng lớn tới những nhân vật trong các
tác phẩm châm biếm phê phán hiện thực của Gogol.
           Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người
đã đem lại cho Ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương "Bức thư của
Onegin" trong tác phẩm "Evegeny Onegin" và cũng là chương kết của công trình vĩ
đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.
Trở lại Sankt-Peterburg. Tháng 11 năm 1833, Pushkin trở lại Sankt-Peterburg, và
cảm thấy cần phải có những thay đổi lớn trong cuộc sống, ông không muốn bị kìm
kẹp trong bốn bức tường do chế độ quản thúc.
  Nhờ sự sủng ái của Sa hoàng Nikolai I, đầu năm 1834 chế độ quản thúc đối với
Pushkin được nới lỏng, tuy nhiên các tác phẩm thơ ca của ông vẫn phải có sự đồng
ý của Sa hoàng mới được phát hành. Do vậy hoàn cảnh kinh tế của nhà thơ không
được thuận lợi, Puskin phải đăng ký vào một chức vụ thư lại trong viện biên sử của
Sa hoàng. Thời kỳ này, Pushkin chuyển hướng sang viết văn xuôi. Ông sáng tác
truyện vừa như "Con đầm bích", tiểu thuyết như "Dubrovski", "Con gà trống
vàng", "Người da đen của Pyotr Đại đế" (không hoàn thành)..
1.2     Tác phẩm“Tôi yêu em”
Pushkin là đại diện xuất sắc của văn học Nga thế kỉ XIX.Ông thành công ở các thể
loại như truyện ngắn, trường ca và thơ trữ tình. Thể loại nào của Pushkin cũng đậm
chất trữ tình và đề cao khát vọng tự do của con người. Nhưng với “Tôi yêu em”,
Pushkin luôn được nhắc đến với tư cách là nhà thơ tình vĩ đại.
Một trong những chủ đề lớn của thơ trữ tình Pushkin là tình yêu “Hầu như tình
yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn
nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông”.Cùng với “gửi K”,
“Tôi yêu em” là bài thơ nổi tiếng của Pushkin về tình yêu.Thời kì sống ở Pêtecbua,
Pushkin thường lui tới nhà vị chủ tịch Viện hàn lâm nghệ thuật và cũng vì một
thiếu nữ đẹp tên là A.A. Ôlênhia, con gái vị chủ nhà. Mùa hè năm 1828, nhà thơ
ngỏ lời cầu hôn nhưng không được nhận lời. Năm 1829, bài thơ ra đời trên cơ sở
của mối tình có thực này, bài thơ được in trong tập “Những bông hoa phương Bắc”
1.2.1 Xuất xứ
    Bài thơ có hai phương án xuất xứ:
           Phương án thứ nhất, theo lời của người cháu của Anna Olenina, cô con gái
ông chủ tịch viện Hàn lâm nghệ thuật Nga, người đã không chấp nhận lời cầu hôn
của Pushkin vào tháng 11/1828, thì năm 1829 Pushkin có chép bài thơ này vào
Albom tặng Olenina, dưới bài thơ có ghi thêm “Plus-que-prfait” đại ý nói về tình
yêu như chuyện đã qua, nhưng bút tích này hiện không còn lưu giữ được.
 Theo phương án thứ hai là dựa trên sự gần gũi về ý thơ của bài “Tôi yêu em” và
bài “một chút tên tôi đối với nàng” cùng hai bức thư của Pushkin ngày 2/2/1930,
nhà nghiên cứu B.P.Gorodetsky cho rằng bài thơ “Tôi yêu em”được viết tặng
“người đàn bà mê hồn thật sự” gốc Balan là Karolina Adamovna Sobanscaya
(1794-1885), Pushkin làm quen với bà ở Kiev từ năm 1921 khi bà ta đã bỏ người
chồng đầu được 5 năm, sau đó nhà thơ gặp lại bà ở Peterburg vào cuối năm 1829,
bài thơ “Tôi yêu em” có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian đó để tặng cho bà
Sobanskaya. Việc xác định xuất xứ của bài thơ có thể quyết định khuynh hướng
tiếp cận với bài thơ. Theo cách tiếp cận thứ nhất có thể hiểu bài thơ theo hướng
nhân vật trữ tình yêu nhưng không được đáp lại. Còn như cách tiếp cận thứ hai lại
có thể nói về motip “tình yêu hồi sinh trong lần gặp lại” rất phổ biến trong thơ tình
yêu của Pushkin.
1.2.2 Nhan đề
Bài thơ vốn không đề.Với những bài thơ như vậy người ta ước định gọi nó bằng
dòng thơ bằng dòng thơ đầu tiên.Trong bài thơ này, bài thơ được gọi tên bằng điệp
ngữ được lặp lại ba lần trong bài thơ bởi nó mở ra ngay ở dòng đầu tiên của
bài.Dịch giả Thúy Toàn dịch điệp ngữ ấy là “Tôi yêu em” và lấy nó làm tiêu đề
của bài thơ.
II.   Đặc điểm thơ trữ tình của Puskin
2.1   Chủ đề
Pushkin được mặc nhiên thừa nhận là “Mặt trời của thi ca Nga”.Thơ trữ tình của
Pushkin chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong kho tàng thơ ca Nga.Trong hơn 20
năm sáng tác, Ông đã để lại hơn 800 bài thơ có giá trị. Mặc dù Pushkin có viết văn,
viết kịch nhưng thủy chung Ông vẫn là nhà thơ.
Về quy mô sáng tác, Pushkin gần gũi với Gớt hơn cả, và nếu gạt sang một bên
những hứng thú khoa học và những giả thiết của Gớt, thì sẽ thấy sáng tác của
Pushkin đa dạng hơn, rộng lớn hơn toàn khối những thành tựu của nhà đại văn hào
Đức.Thơ Pushkin có nội dung rộng lớn, phong phú, đa dạng  nhưng có thể  quy về
các chủ đề lớn như sau:  Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng; Chủ đề
ca ngợi tự do; Chủ đề thiên nhiên; Chủ đề tình yêu.
2.1.1  Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng
Thơ Pushkin gắn liền với quá trình vận động cách mạng ở Nga trong suốt nửa đầu
thế kỷ XIX. Chính nội dung phản ánh cuộc sống nhân dân kết hợp với khí thế thời
đại đã làm nên giá trị các tác phẩm trữ tình của Pushkin. Nội dung phản ánh xã hội
đương thời là không thể phủ định, tuy nhiên, cần thấy rõ nội dung phản ánh trong
thơ Pushkin mang tính khuynh hướng rõ rệt. Ðó là thái độ phủ định chế độ Nga
hoàng một cách trực tiếp thông qua sự tái hiện một cách chân thật bộ mặt xấu xa
của xã hội cùng với sự phê phán gay gắt xã hội đó.
Thơ Pushkin ca ngợi cái đẹp, thơ Ông cũng phê phán, phủ định cái xấu. Nhưng cái
xấu ở đây không phải là cái xấu ngẫu nhiên, cái xấu của sự vật tương đối, mà nó là
cái xấu bản chất của xã hội, của chế độ, cái xấu đang bao trùm lên tất cả, chi phối
mọi trật tự xã hội.
Thơ Pushkin bộc lộ trực tiếp thái độ phủ định Nga hoàng - tên đầu sỏ của chế độ
chuyên chế :
“Hỡi tên vua chuyên quyền bạo ngược
                     Ta căm ngươi ngôi báu của ngươi
                      Ta thấy trước với niềm vui cay độc
Cái chết của ngươi, của cháu con ngươi.”
( Tự Do )
Pushkin đã dùng hình tượng cây Ansa để nói lên tính chất phản động của tên độc
tài trong thế kỷ bạo tàn :
                    “Còn tên chúa lấy ra chất độc
                    Tẩm mũi tên, tên trúng đích trăm lần
                     Ðem chết chóc gieo ra ngoài bờ cõi
                     Qua biên thùy sang các nước lân bang”
( Cây Ansa )
Trong tác phẩm “Những câu chuyện thần thoại Noen”, nhà thơ đã thể hiện thái độ
châm biếm, nhạo báng đối với hành động và lời nói phỉnh gạt nhân dân của tên vua
chuyên quyền:
                    “Hỡi nhân dân của cả nước Nga
                     Hãy biết rằng toàn thế gian đã biết
                     Ta đã may chiến phục cho ta
                     Theo kiểu nước Áo, Theo kiểu Ðức
                     Hãy vui lên dân chúng, hãy vui lên;
                     Ta no, ta béo, ta béo tròn
                     Bọn viết báo ngợi ca ta trên báo
                     Ta uống, ta ăn, ta hứa hão
Và việc công ta chẳng nhọc nhằn ...”
Ðồng thời với thái độ phê phán, đã kích chính quyền chuyên chế, Pushkin còn tái
hiện những kiếp đời bất hạnh triền miên của người dân lao động và bộc lộ thái độ
đồng cảm với họ. Ðó có thể là người thiếu phụ buột phải bỏ đứa con rứt ruột của
mình; đó có thể là những con người suốt đời làm thân nô lệ không dám nghĩ đến
hoài bão, ước mơ:
“ Theo luống cày còng lưng tê tái
                           Dưới làn roi khổ nhục ê chề
                           Ðám nông nô xơ xác chân kéo lê
                          Trên luống đất bọn chủ nô tàn ác
                          Ách nặng nề kéo lê cho tới chết
Không dám nuôi chút hoài bão, ước mong.”
( Làng - 1819 ).
Tóm lại, nội dung phê phán đả kích phủ định chế độ nông nô chuyên chế Nga
hoàng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong việc tạo ra giá trị to lớn trong thơ
Pushkin. Lần đầu tiên, với tinh thần tiến bộ và dũng cảm, Pushkin đã dám phê
phán bản chất chế độ xã hội đương thời, phê phán từ tên vua cầm đầu cho đến bộ
máy chính quyền, xã hội thượng lưu bệnh hoạn. Ðiều đáng trân trọng ở đây là nhà
thơ đã phản ánh đúng bản chất xã hội và bộc lộ thái độ phê phán một cách mãnh
liệt, không hề hòa hoãn, không hề khoan nhượng.Chính tinh thần dũng cảm, thái
độ kiên định, tình cảm phân minh đó đã đem đến cho những bài thơ của Pushkin
một sức mạnh vô biên, một khả năng to lớn trong việc thức tỉnh nhân dân, cổ vũ
nhân dân đứng lên chống lại cường quyền, cải tạo xã hội.
2.1.2 Chủ đề ca ngợi tự do
Nội dung ca ngợi tự do trong thơ Pushkin có một dung lượng khá lớn và gắn liền
với nội dung phê phán  Nga hoàng. Nếu như việc tái hiện về mặt xã hội đem đến
cho tác phẩm một gía trị nhận thức to lớn thì nội dung ca ngợi và khẳng định tự do
đem lại cho tác phẩm một giá trị tư tưởng - tình cảm lớn lao.
Trong bài thơ “Tự do” Pushkin phát biểu Tự do như là một nhà cách mạng quý
tộc. Nhà thơ không nhằm vào cuộc cách mạng toàn dân để thủ tiêu chế độ quân
chủ mà trông cậy vào cuộc cách mạng do các nhà quý tộc cách mạng đang chuẩn
bị.Ðối với Pushkin Luật pháp đứng trên nhà vua và nhân dân. Nghĩa là tự do phải
dựa trên việc hạn chế quyền hành của nhà vua, phải tiến hành cải cách từ trên
xuống, phải bãi bỏ chế độ nông nô:
 “Chỉ nơi nào có liên minh chặt chẽ,
Giữa tự do và pháp luật nghiêm minh
Ðưa mộc lên che chở mọi chúng sinh,
Trao thanh kiếm vào tay người trung thực,
      Ðể trừng phạt không phân chia đẳng cấp,
Bất cứ kẻ nào gây tội ác gian tham.
      Chỉ nơi nào tự do với luật hình,
      Không e sợ, không mắc điều tham nhũng,
     Chỉ nơi ấy lê dân không thê thảm
Không lao đao dưới trướng của đế vương.
Hỡi các đế vương ! Các ngươi có mũ ngọc ngai vàng
  Do luật pháp chứ không do tạo hóa,
    Trên nhân dân các ngươi ngồi cao hơn cả
Nhưng muôn đời luật phát trên các ngươi”
Ðối Pushkin, tự do là khát vọng cao nhất, là tiếng lòng tha thiết nhất, mãnh liệt
nhất đối với nhân dân. Ông đã dùng nhiều từ ngữ, hình ảnh để diễn tả khái niệm tự
do và cùng với nó là hạnh phúc, giải phóng như: lửa tự do rực cháy; bình minh rực
cháy của tự do; sao hạnh phúc nguy nga hiện sáng; nhân dân cởi tròng thoát ách;
dông tố đâu hình ảnh của tự do; bay, bay đi ta loài chim tự do...
Cả một đời người Pushkin mất tự do. Vì vậy thơ Pushkin đọng nỗi cay đắng của
người mất tự do. Nga hoàng đã dùng nhiều cách để tước đoạt tự do của nhà thơ:
đưa đi khỏi Pêtecbua, giam lỏng ở vùng quê, kiểm duyệt khắt khe... Từ nỗi đắng
cay của mình, Pushkin hiểu nỗi cay đắng của nhân dân. Có lẽ vì thế, với Pushkin tự
do luôn gắn liền với nhân dân, gắn liền với giải phóng.
Tự do là nội dung của thời đại, ngôn ngữ của thời đại. Pushkin đã đưa nội dung và
ngôn ngữ  ấy vào thơ, đốt cháy trong thơ ngọn lửa chiến đấu, có biết bao chiến sĩ
đã yêu thơ Pushkin, có biết bao người yêu thơ Pushkin mà đến với phong trào cách
mạng.
2.1.3   Lòng yêu mến thiên nhiên xứ sở
Trong thơ trữ tình của Pushkin, số lượng bài thơ, câu thơ viết về thiên nhiên  chiếm
một khối lượng khá lớn. Thiên nhiên chiếm một vị trí khá quan trọng trong sáng
tác của nhà thơ và mang một nội dung độc đáo.
Thứ nhất , thiên nhiên trong thơ Pushkin thể hiện trọn vẹn cái hồn của thiên nhiên
Nga, nét độc đáo và đặc trưng của thiên nhiên Nga. Trong thơ ông, người ta chỉ
nhận ra những cảnh sắc chỉ riêng có ở nước Nga chứ không phải ở một xứ  sở nào
khác. Vì thế, thiên nhiên trong thơ Puskin mang tính chân thực và có tính chất tư
liệu, góp phần tạo nên giá trị cho các bài thơ.
Thứ hai, thiên nhiên trong thơ Puskin thể hiện một nội dung lớn, đó là sự thể hiện
tình yêu chân thành của một con người  ham sống, ham giao cảm với đời,  với cảnh
sắc thiên nhiên, tìm thấy trong thiên nhiên những gì tươi sáng, trân trọng và thân
thương, gần gũi nhất. Ðó chính là sự thể hiện tình yêu cái đẹp và cái thiện của con
người.
Thứ ba, thiên nhiên trong thơ Puskin có tính chất ngợi ca đất nước Nga sâu sắc, có
tác dụng thúc đẩy người đọc thêm yêu thên nhiên và con người Nga hơn.
Ngôn ngữ thể hiện thiên nhiên trong thơ Puskin mang tính chất đơn nghĩa, nó thể
hiện nội dung từ ngữ với ý nghĩa cuối cùng. Cũng vì thế mà thiên nhiên trong thơ
Puskin mang tính khách thể rõ ràng, ít được dùng một cách ẩn dụ để thể hiện tâm
trạng.
2.1.4  Nội dung ngợi ca tình yêu    
Một trong những chủ đề lớn của thơ trữ tình Pushkin là tình yêu “Hầu như  tình
yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn
nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời Ông …Màu sắc chung
của thơ Pushkin, đặc biệt trong thơ trữ tình, là vẻ đẹp nội tâm con người và lòng
nhân ái vuốt ve tâm hồn”. (Biêlinxki).Pushkin được mệnh danh là nhà thơ tình thế
giới. Nhiều bài thơ  tình của Pushkin đã đi vào thế giới bất tử.
Thơ tình yêu của Pushkin thường bắt nguồn từ những xúc cảm cụ thể, chân thực
với những trải nghiệm tình cảm sâu  xa do  đó, đã thể được những vẻ đẹp đa dạng,
tinh tế của thế giới tâm hồn con người. Thơ tình yêu của Pushkin thuộc mảng thơ
viết về vẻ đẹp nội tâm của con người.Tình yêu chính là nguồn lực sống, nguồn lực
sáng tạo, có sức mạnh làm hồi sinh tâm hồn con người chứ không phải là tình cảm
giới tính. Đó là vẻ đẹp nhân văn vừa cao cả vừa trần thế. Bài thơ “Gửi” được
Pushkin sáng tác vào năm 1825 không chỉ ghi nhận lại cảm xúc của nhà thơ về hai
lần gặp gỡ người đẹp Anna Kern, mà còn là lời tụng ca sức mạnh của sắc đẹp và
tình yêu có khả năng làm hồi sinh con người, tạo ra nguồn cảm hứng sáng tạo bất
tận:
“Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mắt anh em bỗng hiện lên,
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.
Trong day dứt sầu đau tuyệt vọng,
Giữa ồn ào xáo động buồn lo
Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,
Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ.
Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
                                    Lãng quên rồi giọng em hiền dịu,
Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga…..”
Pushkin viết nhiều bài thơ về tình yêu nam nữ.Nhưng tình yêu nam nữ trong thơ
của ông không phải là tình yêu thông thường với ý nghĩa bình thường của nó. Ðọc
thơ tình của Pushkin, người ta luôn cảm nhận được sự chân thành, sự trong sáng,
sự tế nhị trong tâm hồn của người đang yêu.Trong thơ tình của Pushkin Ông luôn
đặt hạnh phúc của người mình yêu cao hơn tất cả. Ông phải chịu rất nhiều đau đớn
và nỗi đau của mình luôn đặt sau hạnh phúc của người mình yêu thương.Trong bài
thơ “Tôi yêu em” đã thể hiện sâu sắc tình cảm sự hi sinh cao cả vì hạnh phúc mình
Ông yêu.
Thơ tình yêu của Pushkin luôn làm cho người đọc nhận thức khi yêu phải yêu cho
đẹp, cao thượng, phải có văn hóa và nhân cách trong tình yêu.Những bài thơ của
Pushkin luôn phủ định tình yêu giả dối, ích kỉ, vụ lợi và suy tính, tiền bạc.
             Tiếp nữa, Pushkin ý thức được tình cảm không phải là tình cảm bất biến
mà nó có thể thay đổi theo thời gian. Cách nhìn hiện thực về tình yêu, biết đối diện
và chấp nhận những đau khổ trong tình yêu để mong người mình yêu được hạnh
phúc.
              Trong thơ trữ tình của Pushkin Ông thể hiện rất ngắn gọn, trong sáng, giản
dị nhưng tinh tế đằm thắm ý nghĩa sâu sắc.
Những bài thơ tình đặc sắc của Pushkin là: “Gửi”, “Tôi yêu em”.., “Ngài và anh”,
“Cô và em”; “Trên đồi Grudia đêm xuống”, “Lá thư bị đốt cháy”...
2. 2    Kết cấu      
Kết cấu trong thơ Pushkin mang tính đối xứng được thể hiện ở sự hài hòa giữa các
đối cực.Các đối cực ấy là những xúc cảm của một chủ thể động, được thể hiện qua
sự vận động tâm tưởng nhân vật trữ tình và sở trường của Pushkin là hóa giải mâu
thuẫn với các đối cực tâm trạng để đạt tới cảm xúc hài hòa.
Cảm xúc sầu buồn là tâm trạng xuyên suốt các trang thơ nhưng tác giả đã trang bị
để nỗi sầu buồn ấy không còn đáng sợ nữa.Màu sắc, hình ảnh,âm thanh trong thơ
Pushkin thường mang nặng tâm trạng của nhân vật trữ tình, nhưng tâm trạng ấy
thường hướng tới sự cân bằng, hài hòa đến kì lạ.
Những trải nghiệm của chính bản thân và sự nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu
đã giúp nhà thơ phát hiện và thể hiện vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Nhà thơ đã
phát hiện và xử lí các tình huống của tình yêu theo chuẩn mực đạo đức của nhân
dân lao động. Những tình cảm cao đẹp mà nhà thơ ca ngợi đối lập hoàn toàn với
cuộc sống nhơ nhớp bẩn thỉu của xã hội thượng lưu, cái xã hội mà tình yêu chỉ là
sự chiếm đoạt, ích kỉ.Thơ trữ tình của Pushkin tràn ngập cảm hứng của “cái
ta”chung được thể hiện một cách sâu sắc, hài hòa qua “cái tôi” nghệ sĩ của nhân
vật trữ tình.Thơ Puskin vừa cao cả vừa gần gũi với cuộc sống. Nhà phê bình
Belinsky nhận định “Trong thơ của Pushkin có bầu trời, nhưng bầu trời đó bao
giờ cũng hòa với mặt đất”. Sự hài hòa đặc trưng cho thơ Puhksin không chỉ được
thể hiện trên cơ sở khả năng tổng hòa vào trong mình những thành tố tưởng khó có
thể dung hòa, mà nó còn bắt nguồn từ ý thức về quy luật vận động tất yếu của cuộc
sống trong dòng chảy không gian và thời gian.
Kết quả là nhà thơ không để mất đi một cực nào và dung hòa bằng việc giải quyết
được mâu thuẫn. Có được điều đó là vì Pushkin là bậc thầy của sự hài hòa, mang
những khát vọng của sự hài hòa. Pushkin yêu thích sự cân đối và hài hòa, nhưng
không phải là sự cân đối và hài hòa tĩnh tại. Đó là sự hài hòa đạt được nhờ khả
năng hóa giải, hòa nhập và chuyển hóa các thành tố khác biệt vào nhau trong xu
thế vận động chung như trong cuộc đời sống động.
Chính sự hóa giải mâu thuẫn giữa các đối cực mà thơ Pushkin thường mang kết
cấu đối xứng, tạo được ấn tượng về sự hài hòa.
2. 3    Ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong các tác phẩm thơ của Pushkin vừa giản dị, tinh tế, dễ hiểu, đầy
tính nhạc mà vẫn luôn mang ý tưởng sâu sắc.Đây chính là điều làm nên giá trị chân
lý toàn cầu của Ông.
2.3.1 Ngôn ngữ giản dị, trong sáng
Sự giản dị và sự thoải mái của nhà thơ là kết qủa của tài nghệ tinh tế.Thơ Pushkin
vốn rất giản dị, gần gũi cuộc sống. Những hình ảnh biểu tượng trong thơ ông
thường dễ hiểu nhưng rất có chiều sâu. Hiểu ở mức độ nào phụ thuộc vào sự đồng
cảm và rung động của trái tim người đọc. Thế nhưng điều mà bất cứ độc giả nào
cũng cảm nhận được chính là những giá trị đạo đức trong thơ Pushkin. Những vần
thơ trong sáng và đầy cảm hứng nhân văn của ông có khả năng tác động rất mạnh
mẽ đến tâm hồn người đọc.tạo nên khả năng thanh lọc tâm hồn đối với nhiều thế
hệ bạn đọc.Pushkin am hiểu mọi khả năng, toàn bộ vẻ phong phú kỳ diệu của tiếng
mẹ đẻ nhưng tư tưởng của ông bao giờ cũng được thể hiện trong một hình thức
giản dị tới mức tưởng như không thể nào diễn tả giản dị hơn. Nhà soạn kịch Nga
ÔXTRÔPXKI từng nhận xét rằng :“Chúng ta đọc thấy ở Pushkin những câu thơ
trơn tru quá, giản dị quá và ta cứ tưởng rằng tự nhiên thơ ông nó tuôn ra trong
hình thức như thế. Vậy mà ta không biết rằng ông đã bỏ biết bao công sức cho câu
thơ được giản dị và trơn tru.”Trong bài “Tự do” Ông viếtlúc còn trẻ:
“Lũ bạo chúa hoàn cầu! Run đi chứ!
Còn các anh hãy dũng cảm nghe đây,
Quật khởi lên, hỡi nô lệ cúi đầu!”
Bài thơ đã truyền được nhiệt tình cách mạng cho tầng lớp thanh niên tiến bộ qua
hình thức ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, đầy sức thuyết phục, họ xem đó là lời kêu
gọi đấu tranhtinh thần yêu tự do, chống chế độ độc tài.
Sự giản dị, trong sáng ,không sử dụng những lời lẽ cầu kì xa lạ của câu chữ đã làm
nên chất thơ. Chất thơ của Pushkin toát ra từ những xúc cảm chân thành thể hiện
qua hình thức là những lời nói giản dị đến mức trong suốt nhưng đầy thiết tha, tế
nhị,ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm.Chất thơ của bài thơ chính là sự thành thực của
người làm thơ "lòng nhân ái làm xúc động lòng người ở vẻ diễm lệ nghệ thuật của
nó" (Bi-ê-lin-xki).”
Suốt đời mình Pushkin say mê nghệ thuật ngôn từ. Chẳng những Pushkin đã làm
cho thơ Nga thật sự là thơ, ông còn bồi đắp và hoàn thiện ngôn ngữ văn học Nga.
Pushkin rất yêu tiếng mẹ đẻ.Ông có nỗ lực cách tân ngôn ngữ thơ ca Nga, kéo
ngôn ngữ thơ ca Nga về với ngôn ngữ đời thường: “Số phận tiếng Nga vô cùng
may mắn, vào thế kỷ XI, tiếng Hy Lạp cổ bỗng nhiên mở ra trước tiếng Nga vốn từ
vựng của mình, kho báu của sự hài hòa, cung cấp cho tiếng Nga những luật lệ ngữ
pháp đã được nghiền ngẫm kỹ của mình”.
2.3.2 Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng.
Ngôn ngữ  thơ Pushkin còn hàm súc, cô đọng qua việc dùng nghệ thuật “ý ngoài
lời” ưa gợi nhiều hơn tả. Hoặc không miêu tả dài dòng mà gợi trường liên tưởng.
        Ví dụ như khi nói về vẻ đẹp của bầu trời mùa thu, của không gian thu “yên
tĩnh ngọt lành”:
“Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi
Rừng thay áo mới cả trời vàng au”
 (Thu vàng)

Pushkin gợi cả khung cảnh nơi đây qua “màu vàng”.Màu vàng như nhuộm thắm
không gian, ánh hắt lên cả bầu trời. Cảnh đẹp như bức họa Mùa thu vàng của
Levitan  khiến bức tranh đất trời như xao động, cả cánh rừng rực màu vàng của
lá... Còn hơn thế bởi sau cảnh là phập phồng cảm xúc con người. Có gì như sự bồi
hồi xao xuyến, như sự nồng nàn say đắm của con người trước vẻ đẹp mùa thu.
Nhà thơ cũng miêu tả“Con đường mùa đông” rất đặc trưng Nga trong một đêm
trăng mờ. Con đường trắng xóa băng tuyết trải dài giữa thảo nguyên mênh mông
và hoang vắng. Cũng có trăng nhưng là ánh trăng vô hồn, ánh trăng buồn bã đang
uể oải chiếu sáng xuống cánh đồng buồn, điều đó càng làm gợi lên tâm trạng nhân
vật trữ tình đầy u buồn, cô quạnh:
“Trăng buồn bã dội ánh sáng
Lên cánh đồng u buồn.”
        (Con đường mùa đông)
2.3.3 Ngôn ngữ giàu nhạctính.
          Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ-
mà bằng cả âm thanh nhịp điệu của từ ngữ ấy.Ngôn ngữ trong thơ Pushkin chính là
như thế- giàu nhạc điệu và du dương như một bản Xônat làm say đắm lòng người.
Ngôn ngữ trong thơ của Pushkin giàu tính nhạc được thể hiện ở cách phối hợp âm
thanh, cách ngắt nhịp và vần.đó là sự thay đổi những âm thanh cao thấp khác nhau
giữa thanh bằng và thanh trắc nhằm tạo ra những câu thơ có độ vang trầm
bổng.Ngoài ra, nhạc điệu còn thể hiện ở việc Pushkin đã phát huy, vận dụng nghệ
thuật ngôn từ vào thơ góp phần tạo nên những vần thơ mang đậm tính trữ tình lãng
mạn, say đắm. Nghệ thuật ngôn từ đó có thể là cách láy từ, hệ thống điệp từ, … và
đặc biệt là sự thay đổi nhịp điệu linh hoạt trong thơ. Phong cách trữ tình thể hiện
tình yêu với giọng điệu thay đổi một cách sinh động, chân thực.
III. Đặc điểm thơ Pushkin qua bài “Tôi yêu em”
Trong quá trình làm sáng tỏ đặc điểm thơ Pushkin qua bài “Tôi yêu em”, chúng tôi
thống nhất sử dụng bản dịch nghĩa của Thúy Toàn.Bản dịch này cho đến nay vẫn
được coi là trội hơn cả, vì nó khá sát nghĩa và thể hiện được tình cảm đằm thắm,
chân thành gần với nguyên tác, trong đó có những hình ảnh, cảm xúc đồng điệu với
nhà thơ Pushkin.
3. 1    Chủ đề tình yêu
Thơ trữ tình Pushkin là kết quả của một tâm hồn được nuôi dưỡng bởi bầu sữa của
văn hoá dân gian Nga nên luôn trong sáng, ngọt ngào và giàu giá trị nhân
văn. “Tôi yêu em” là kết tinh xuất sắc nhất, là một trong những bài thơ tình nổi
tiếng của Pushkin, của thi ca Nga và của cả nền thơ ca thế giới. Với “Tôi yêu
em”, Pushkin luôn được nhắc đến với tư cách là nhà thơ tình vĩ đại, tên tuổi
Pushkin sống mãi trong lòng bạn đọc.
Pushkin cũng từng viết về những tình yêu không được đáp lại như thế nhưng với
một trạng thái cảm xúc khác. Tình cảm cũng rất chân thành, mãnh liệt nhưng trái
tim không được đáp lại thì không cao thượng, không sẵn sàng hi sinh như thế mà
cay đắng và khắc nghiệt hơn. Do đó, “Tôi yêu em” còn là một trong những bài thơ
tình yêu thấm đẫm “nỗi buồn sáng trong”, đó là : nhân vật trữ tình bao giờ cũng ý
thức được sự thay đổi tình cảm theo thời gian và luôn biết đặt hạnh phúc của người
mình yêu lên cao hơn nỗi đau của chính mình. Như vậy, nỗi buồn dù xót xa, thấm
thía nhưng không hề vị kỉ.
“Tôi yêu em” phảng phất nỗi buồn của mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể
hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu, là “nỗi buồn trong sáng” của một tâm
hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Bài thơ dạy cho người ta
biết yêu một cách cao đẹp.
3.2     Kết cấu hài hoà cân đối
Mạch cảm xúc của bài thơ tự nó đã chia thành hai phần dưới hình thức hai khổ thơ
bốn câu: Bốn câu đầu, nhân vật trữ tình - tôi, khẳng định tình yêu vẫn còn nhưng
xin rút lui vì không muốn gây phiền muộn cho người mình yêu. Bốn câu cuối, dồn
tả các cung bậc khác nhau của tình yêu và lời khẳng định một tình yêu đằm thắm,
chân thành.Và trong mỗi câu thơ lại có hai vế. Điều quan trọng hơn là có thể thấy
sự tăng tiến mâu thuẫn từ khổ 1 sang khổ 2 dường như kết nối hai khổ thơ lại thành
một cấu trúc thống nhất cả tám câu thơ vận động theo mạch tâm trạng của nhân vật
trữ tình.  Một kết cấu hài hoà cân đối đã làm nên vẻ đẹp của bài thơ nhưng không
làm suy giảm sự tinh tế của cảm xúc.
3.2.1 Khổ 1
             Mở đầu bài thơ là một lời bộc lộ chân thành xuất phát từ một trái tim trung
thực, báo hiệu một tình yêu thực sự. “Tôi đã yêu cô”, lời lẽ giản dị mà mang bao
nỗi quyến rũ, bí ẩn muôn đời. Ngay trong hai câu đầu này đã xuất hiện hai đối cực:
lí trí của chàng trai muốn dừng tình yêu lại nhưng tình cảm vẫn còn cháy bỏng:
Tôi đã yêu cô: tình yêu còn, có thể là,
Trong tâm hồn tôi lụi tắt chưa hoàn toàn;
Đây là một lời khẳng định tình yêu, nhưng có thể thấy trong lời khẳng định ấy sự
cố gắng của lí trí muốn đẩy “tình yêu” vào quá khứ (“đã yêu”), gián cách mình với
người mình yêu (“cô”). Theo mạch logic, nhân vật trữ tình muốn khẳng định “tình
yêu…đã lụi tắt” nhưng ngay sau khi nhắc lại từ “tình yêu” thì cố gắng của lí trí vấp
phải vô vàn trở ngại tình cảm. Bất chấp cả nguyên tắc ngữ nghĩa và cú pháp , giọng
thơ trở nên ngập ngừng. Sự đứt quãng, không liền mạch của câu thơ hiện lên sự
trăn trở, phân vân day dứt của nhân vật trữ tình. Dùng một ngữ mang tính phủ
định“lụi tắt chưa hoàn toàn”, nhân vật trữ tình bày tỏ một tình yêu, một say mê
mang dáng vẻ âm thầm, dai dẳng, dấu hiệu của những cảm xúc vững bền, của một
trái tim chung thủy, không phải là sự đam mê bột phát vụt sáng lóe rồi lụi tàn ngay
đấy. Hai dòng thơ, đơn giản là một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu. Một
tình yêu mà dù muốn cũng không thể nguôi. Mạch thơ chuyển đột ngột:
Nhưng hãy để nó không làm cô lo lắng nữa:
Tôi không muốn làm cô buồn vì bất cứ lẽ gì.
Câu thơ toát lên cái điềm tĩnh của lí trí, cái dồn nén của cảm xúc.Từ “nhưng” cùng
với từ mạnh thể hiện quyết tâm như “hãy để…không”, “không muốn…bất cứ lẽ
gì” thể hiện sự gồng lên của lí trí để thoát ra, đoạn tuyệt với tình trạng lưỡng phân
ở hai câu đầu. Điệp từ “không” ở cả hai câu thơ nhấn mạnh sự dứt khoát: cần phải
dập tắt ngọn lửa tình yêu dù chỉ là âm thầm, dai dẳng để tránh cho “cô buồn vì bất
cứ lẽ gì.”. Nhưng đằng sau những lời lẽ điềm tĩnh, đúng mực ấy là bao nỗi niềm,
bao sắc thái của tình yêu: có cái chua xót của thân phận vì nếu tình yêu không đem
lại hạnh phúc, niềm vui mà chỉ là nỗi băn khoăn, buồn bã cho người mình yêu thì
nên chấm dứt tình yêu đó; có sự chế ngự của lí trí đối với con tim: có cái cao
thượng, tế nhị của tình tôi (điều quan trọng không phải là tình yêu của tôi mà là sự
yên tĩnh, thanh thản của cô gái mình yêu); có cái tôn thờ, sùng kính của bậc nam
nhi đối với người phụ nữ. Tình yêu có thể chấm dứt vì nhiều lí do, nhưng cái lí do
đầy dịu dàng, trân trọng và cao thượng ấy đối với nguời phụ nữ dễ mấy ai có được.
Một mong muốn cao thượng chỉ có thể xuất phát từ một tình cảm chân thành của
một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh. Câu thơ đã xác nhận một chân lí của tình
yêu là đã yêu thì không đòi hỏi, yêu là mong muốn những điều tốt lành đến với
người mình yêu thương. Chấp nhận âm thầm chịu đựng tình yêu đơn phương, nhân
vật trữ tình đã nâng mình lên cao hơn.Tình cảm theo đó cũng không bị mất đi mà
chỉ bị nén xuống.
Khổ 1 xét bề ngoài câu chữ, nhân vật trữ tình dường như thông báo việc rút lui,
chối bỏ say mê, dập tắt lửa tình.Đó là trật tự lôgíc trong cách giãi bày tình cảm của
nhân vật trữ tình.Nhưng trật tự logic đó chỉ là bề ngoài, còn trong sâu thẳm tâm
linh, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình cuồn cuộn chảy, bất chấp logic. Không
nén được, cảm xúc đó cứ bật lên thành ý thơ thẳng thắn, minh bạch và rất rõ ràng:
còn yêu và rất yêu nhưng không muốn làm cô phải suy nghĩ. Nhưng nếu chấp nhận
dễ dàng như vậy thì có vẻ lí trí quá và tình yêu của “tôi” đối với cô chưa đủ sức
thuyết phục, còn kém mãnh liệt. Sự mãnh liệt của tình yêu được thể hiện ở bốn
dòng thơ tiếp theo.
3.2.2 Khổ 2
Một lần nữa, mối tình đơn phương lại được xác nhận.Dù lí trí được nhấn mạnh
nhưng tình yêu vẫn còn nồng cháy, đây chính là sức cản khiến lí trí không thể
chiến thắng được tình yêu, lí trí phải đi vòng từ ngoài vào trong để thể hiện sự
quyết tâm.Không làm cô buồn, cô lo lắng, lí trí muốn dừng tình yêu lại mong cô
gái được bình yên, hạnh phúc.
Tôi đã yêu cô không lời, không hi vọng,
Khi thì bị sự rụt rè, khi thì bị thói ghen tuông giày vò;
Tôi đã yêu cô chân thành như thể, đằm thắm như thể,
Câu 5,6,7 mỗi câu thơ đều có hai sắc thái tạo thành một cặp đều được nhấn mạnh.
Tác giả sử dụng biện pháp liệt kê dằn mạnh xuống từng vế như một lời kể vô vọng
với các yếu tố láy “không…không…”, “khi thì…khi thì” có hàm ý trách móc vô
cớ, nhấn mạnh đối cực tình yêu nồng cháy, mạch trào lên của tình cảm. Nhân vật
trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không  hi vọng.
Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn diễn ra với mọi sắc thái muôn thuở: Câu 5,6  kết
với nhau thành một khối, cùng một trường mực cảm muốn “hi vọng” nhưng không
“hi vọng” được; “rụt rè”-muốn mạnh mẽ mà không mạnh mẽ được , “ghen tuông”-
muốn tin mà không tin được. Đây là những tâm trạng của bề mặt tình yêu: nỗi đau
khổ âm thầm, niềm tuyệt vọng, sự rụt rè, lòng ghen tuông giày vò. Câu thơ mang
tính chất thú nhận đã khơi mở những lớp tình cảm phức tạp và rất con người dưới
đáy sâu tâm hồn, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa li tắt chứ không
phải là đang bùng cháy mãnh liệt. Câu 7 láy lại lời khẳng định tình yêu “Tôi đã yêu
cô” một cách trọn vẹn với điệp từ “như thể…như thể” nhấn mạnh hai sắc thái kết
tinh bản chất của tình yêu: “chân thành”, “đằm thắm”. Lí trí không mất đi mà ẩn
đằng sau, làm câu thơ đưa đến nhận thức về bản chất của tình yêu.Nhân vật trữ tình
không chìm đắm trong day dứt của hiện tại và hướng tới tương lai, nhấn mạnh
hạnh phúc của người yêu là quan trọng nhất.
Câu thơ thứ 8 hóa giải mâu thuẫn của cả lí trí và tình cảm, trở thành lời cầu chúc
hướng tới cái tốt đẹp nhất của tương lai làm câu thơ sáng lên vẻ đẹp nhân văn:
Cầu trời ban cho cô được yêu bởi một người khác.
Như vậy, lí trí và tình cảm đều mong muốn hướng tới hạnh phúc của người mình
yêu. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng 
ghen. Nhân vật “tôi” cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được
sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Nếu chỉ là lời cầu mong cho người
mình yêu những điều tốt đẹp nhất thì đơn giản quá và không có khả năng thể hiện
tình yêu như “Cầu trời ban cho cô được yêu bởi một người khác”.“Người khác”
thể hiện sự cao thượng tột cùng của lí trí, rất khó khăn khi một người khác có thể
đem lại hạnh phúc cho người mình yêu.Đó là tình yêu vừa cao cả vừa trần thế- tình
cảm nhân văn thể hiện sự vượt qua chính mình nhưng vẫn thể hiện niềm tin của
chính mình.Tư tưởng và giá trị của bài thơ được cô đọng ở câu thơ này.Chỉ một lời
cầu chúc thôi nhưng nói được bao điều.Nó khẳng định tấm tình chân thành của
“tôi”, đồng thời thể hiện tình yêu mãnh liệt và chân chính.Lời cầu chúc cũng chính
là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực
sự, tình yêu xứng đáng nhất với em.Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời
nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của “tôi” mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh.
Như vậy, cấu trúc bài thơ dựng trên mâu thuẫn nghệ thuật giữa trật tự lôgic và
mạch cảm xúc, giữa lí trí điềm tĩnh và xúc cảm dâng trào.Nhưng nó đã được hóa
giải mâu thuẫn dựa vào sở trường hài hòa giữa các đối cực của Pushkin, điều đó
tạo nên một kết cấu hài hòa cho bài thơ.Ở cả bài thơ, hai đối cực vẫn hiện hữu, một
cực (lí trí) được nhấn mạnh nhưng cực còn lại (tình cảm) không hề bị mất đi. Trên
bề mặt kết cấu, trật tự lôgic và lí trí nói lên việc “rút lui”, chối bỏ say mê, dập tắt
ngọn lửa tình. Còn trong bề sâu mạch trần thuật trữ tình, xúc cảm không ghìm nén
được mà tuôn trào mãnh liệt, bất chấp lôgic và lí trí.Mâu thuẫn nghệ thuật này giúp
chúng ta cảm nhận sâu sắc tình yêu chân thành đằm thắm mà thiết tha mãnh liệt,
đam mê mà vị tha, độ lượng của nhà thơ.
Nhân vật trữ tình thể hiện qua dòng tâm tưởng chủ yếu qua dòng thời gian từ quá
khứ đến tương lai. Nhìn lại mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ thì
đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan
niệm rất nhân văn về tình yêu. Và mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo
lôgíc tâm trạng nhưng có sự kết hợp rất khéo với lí trí. Sự hài hoà giữa cảm xúc và
lí trí đã tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho bài thơ.Tâm trạng được thể hiện không
quá bản năng nhưng cũng không quá nặng nề khô cứng.Cảm xúc có khi mâu thuẫn
với lí trí nhưng lại được giải quyết một cách rất hợp lí, hợp với sự phát triển của
mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình.
3.3   Ngôn ngữ giản dị, trong sáng; hàm súc, cô đọng và giàu nhạctính
3.3.1    Ngôn ngữ giản dị trong sáng
Bài thơ  “Tôi yêu em” đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá
trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái
của tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất. Những cảm xúc
này được Pushkin ghi nhận lại chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn và nhẹ nhàng
nhưng để lại một ấn tượng sâu sắc, điều này khác hẳn với những quan điểm truyền
thống là một bài thơ hay thì ngôn ngữ phải trau chuốt và độc đáo. Sức hấp dẫn của
bài thơ trước hết là bởi “Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô
điểm nào cả” (Pushkin).Có lẽ cũng vì vậy mà bài thơ không ngừng gây xúc động
trong lòng bao thế hệ bạn đọc.
Lời giãi bày tình yêu của Pushkin được thể hiện bằng hình thức giản dị mà tinh
tế.Chất thơ toát ra từ lời thơ giản dị đến mức trong suốt; ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi
cảm, không ví von, bóng gió. Tác giả chỉ dùng vài từ mang tính phủ định  “chưa
hoàn toàn”, “không làm”, “không muốn làm”, “không lời”, “không hi vọng”. Vì
thế mà câu thơ bộc lộ thấu đạt những xúc cảm, trải nghiệm chân thành, sâu sắc
trong trái tim yêu chân thực, chung thủy mà âm thầm kín đáo, da diết day dứt khôn
nguôi, có pha chút dè dặt ngậm ngùi và dự cảm dang dở của nhân vật tôi. Thơ tình
của nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một thiên tình sử trong một hình thức
nhỏ bé như vậy. Và cũng chưa bao giờ thơ tình của nhân loại đạt đến sự minh triết
của tình yêu sáng chói như vậy.
3.3.2   Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
Ở phần trên, các đặc điểm của thơ Pushkin trong bài “Tôi yêu em” đã được làm
sáng tỏ dưới tư liệu là bản dịch nghĩa của Thúy Toàn để bám sát nguyên tác. Đến
phần ngôn ngữ hàm súc và ngôn ngữ giàu nhạc tính, tôi xin được lấy tư liệu là bản
dịch thơ của Thúy Toàn để quá trình phân tích được sáng rõ, cân xứng hơn.
Nếu Pushkin mở đầu bài thơ theo một cách khác thì bài thơ "Tôi yêu em" không
còn là bài thơ trữ tình mà là một trường ca. Puskin đã cắt ngang thiên tình sử để tự
sự và trữ tình. Mọi biến cố, mọi xúc cảm, thời gian và không gian đều được dồn
nén lại:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.
Động từ "yêu" trong nguyên tác đều dùng thì quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh
"ngọn lửa tình".Hình tượng ngọn lửa vừa thể hiện sự nồng nhiệt của tình cảm, và
diễn tả sự dài lâu, đằng đẵng của nhà thơ đối với người tình.Lối cắt ngang thiên
tình sử để giãi bày như vậy khiến cho bài thơ cô đọng, hàm súc.Tác giả không kể
lể, chừng mực trong lối biểu hiện cảm xúc, mực thước, kín đáo là những nét nổi
bật của phong cách cổ điển.Giai điệu chính của bài thơ đã xuất hiện mà điều muốn
nói chỉ mới được sửa soạn nói thôi, nghĩa là nó sẽ được nói qua những biến tấu
trong giây phút thăng hoa của tâm hồn thi nhân. Puskin say đắm với người tình,
mải mê kiếm tìm mộng đẹp, nhưng chỉ nhận được toàn cay đắng và não nề, cái mà
người tình thi sĩ kiếm tìm được lại là thơ. "Tôi yêu em..." là thơ rồi, tôi thôi, không
yêu em nữa là cũng để yêu em. Thơ tình của nhân loại chưa từng thấy những lời
yêu của trái tim nhân hậu như thế này:
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tưởng chừng như Pushkin không dụng công làm thơ mà cấu tứ thật là mới
mẻ.Tình mới mà thành thơ mới, tâm hồn cao thượng mà thành thơ cao thượng.Nhà
thơ đã chấp nhận thất bại, nhưng không phũ phàng, hằn học.Biến đau thương thành
tình yêu thì thật lạ. Tứ thơ lớn cho nên không cần những lời hoa mĩ, không cần các
biện pháp tu từ  mà vẫn cô đọng,  thấm thía.Bài thơ tình phát triển theo những biểu
lộ mới mẻ của tình cảm và những nghịch lí:
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Câu em được người tình như tôi đã yêu em.
Nhà thơ đã chọn những chi tiết chính xác để bày tỏ lòng yêu của mình."Tôi yêu em
âm thầm", đó là một thứ tình yêu như sóng ngầm, như than hầm, nung nấu, cháy
bỏng.Nhưng "không hi vọng", đây cũng là một sự thổ lộ thành thật. Tinh thần cao
thượng của Pushkin được diễn tả theo nhịp độ tăng cấp: không yêu em nữa là cũng
để yêu em và cầu cho người tình (từ chối mình) được sống hạnh phúc trong tình
yêu. Minh triết tình yêu đó là điều hết sức mới mẻ và tạo ra sức hấp dẫn lạ
thường.Đấy là nhân cách cao thượng của Pushkin, đấy cũng là tinh hoa của nền
văn học Nga, một nền văn học nhân đạo và lí tưởng.
3.3.3   Ngôn ngữ giàu nhạc tính
Ngôn ngữ trong thơ còn là ngôn ngữ giàu nhạc tính khiến bài thơ giàu nhạc điệu và
du dương như một bản Xonat làm say đắm lòng người. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc
tính thể hiện ở nhịp điệu bao gồm cách phối hợp âm thanh, cách ngắt nhịp và
vần.Nhạc tính trong thơ còn thể hiện ở sự trầm bổng, độ ngân vang của ngôn ngữ
thơ.Đó là sự thay đổi những âm thanh cao thấp khác nhau giữa thanh bằng và
thanh trắc. Trong bản dịch thơ của Thúy Toàn:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể,
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai,
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,


Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em!
Với 8 dòng thơ, 66 từ trong đó có 46 từ mang thanh bằng và chỉ có 20 từ mang
thanh trắc.Đặc biệt ở một số dòng thơ tỉ lệ thanh bằng gần như chiếm tỉ lệ tuyệt
đối, gợi tả nhạc điệu du dương, đưa tâm hồn phiêu du bay bổng. Dưới đây là hệ
thống thanh điệu trong bản dịch thơ “Tôi yêu em”:
BBBTBBTB
TTBBTTBB
B B T B T B  B T
BBBTTTBB

BBBBBBBT
TTBBTTBB
BBBBBBBT
BBTBBBBTBB
Trong bản dịch thơ, “Tôi yêu em” lặp lại nhiều lần như một điệp khúc (tương ứng
với nó trong bản dịch nghĩa “Tôi đã yêu em” lặp lại ba lần ) mang lại nhiều cảm
xúc góp phần không nhỏ cho tính nhạc của bài. Nó vừa mang sự quyết tâm khẳng
định không chút hồ nghi, băn khoăn, do dự, vừa là một sự thú nhận với tất cả sự
chân thành thốt lên tự đáy lòng. Đó là khát vọng cháy bỏng của một trái tim yêu
muốn được đáp lại.
Nhạc tính còn thể hiện ở nhịp thơ: nhịp thơ trong bài rất linh hoạt, khi thì nhịp thơ
chậm rãi, giọng điệu trầm tĩnh ; khi thì nhịp thơ dồn dập, liên tiếp xuất hiện các
tính từ chỉ trạng thái cảm xúc (âm thầm, không hi vọng, chân thành, đằm thắm), đã
bộc lộ mức độ mãnh liệt của tình yêu. Độ trầm bổng, độ ngân vang của ngôn ngữ
thơ kết hợp hài hòa với nhịp thơ linh hoạt đã tạo nên đặc trưng của bài thơ là giọng
trữ tình dồn nén mà mãnh liệt, tạo được sức mạnh biểu đạt tình cảm lớn lao trong
lòng độc giả.

IV.Tổng kết
Kết lại, thơ trữ tình của Pushkin đã thể hiện sâu sắc thái độ phê phán chế độ Nga
Hoàng, thể hiện khát vọng tự do của con người; Ông đã khắc họa rõ nét tình yêu
thiên nhiên xứ sở nươc Nga và đặc biệt Pushkin đã thể hiện tình yêu rất chân
thànhsâu sắc. Thơ trữ tình của Pushkin có kết cấu mang tính đối xứng được thể
hiện ở sự hài hòa giữa các đối cựcđặc điểm ngắn gọn,ngôn ngữ trong các tác phẩm
thơ của Pushkin vừa giản dị, tinh tế, dễ hiểu, đầy tính nhạc mà vẫn luôn mang ý
tưởng sâu sắc.Đây chính là điều làm nên giá trị chân lý toàn cầu của Ông. Thơ của
Ông là tổng hòa của niềm say mê với cảm xúc tràn trê và với ánh sáng trí tuệ. Nó
được xem như là cuốn sử biên niên của thời đại.
Qua thơ trữ tình của Pushkin, chúng ta có thể thấy được hình ảnh con người
dũng cảm kiên cường trong đấu tranh, chân thành chung thủy trong tình bạn, lành
mạnh, trong sáng và tha thiết trong tình yêu, ý thức trách nhiệm cao trong sáng tác
nghệ thuật.
Thơ của Puskin có tác dụng to lớn trong việc nhân đạo hóa con người, giáo
dục con người sống tốt hơn, nhân bản hơn
Qua việc tìm hiểu đặc điểm thơ trữ tình trong bài thơ “Tôi yêu em”ta thấy
Ông đã thể hiện được tình yêu chân thành đằm thắm, rạo rực tha thiết  và cao cả
sâu sắc hơn là tấm lòng nguyện hi sinh để người mình yêu luôn được hạnh phúc.
Tình yêu của Pushkin được thể hiện trong bài thơ qua kết cấu hài hòa đối
xứng.Cấu trúc bài thơ dựng trên mâu thuẫn nghệ thuật giữa trật tự lôgic và mạch
cảm xúc, giữa lí trí điềm tĩnh và xúc cảm dâng trào.Nhưng nó đã được hóa giải
mâu thuẫn dựa vào sở trường hài hòa giữa các đối cực của Pushkin, điều đó tạo
nên một kết cấu hài hòa cho bài thơ.Đồng thời, nhà thơ sử dụng lớp ngôn từ rất
chân thành, giản dị, trong sáng, hàm xúc, cô đọng.Lời giãi bày tình yêu của
Pushkin được thể hiện bằng hình thức giản dị mà tinh tế.Chất thơ toát ra từ lời thơ
giản dị đến mức trong suốt; ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm, không ví von, bóng
gió.Và bài thơ nói về một tình yêu cao thượng, không vị kỉ nhưng không kém phần
đau đớn trần thế. Trong chỉnh thể hài hòa ấy, ta không thể xác định được cao
thượng nhiều hơn hay đau đớn trần thế nhiều hơn. Chính nhờ sự giao hòa giữa
“mặt đất và bầu trời” ấy mà nỗi buồn trong thơ Pushkin luôn luôn trở thành “sáng
trong”
Bằng tấm lòng nhân đạo tài năng nghệ thuật Pushkin đã mang đến cho nền
văn học Nga giá trị văn học to lớn sâu sắc.Không chỉ vậy, Ông còn là người dẫn
đường cho rất nhiều thế hệ văn học trên thế giới. Pushkin được nhân dân Nga ca
ngợi thừa nhận là “Mặt trời của thi ca Nga”, Ông xứng đáng là nhà thơ trữ tình vĩ
đại nhất trong nền văn học Nga cũng như trên diễn đàn văn học thế giới.

You might also like