You are on page 1of 5

Trao duyên đề học kì

Dù chỉ là một đoạn trích ngắn từ "Truyện Kiều" nhưng đoạn trích "Trao
Duyên" đã góp phần thể hiện thành công những vẻ đẹp tâm hồn và bi kịch tình
yêu của nhân vật Thúy Kiều cũng như tài năng sáng tác của đại thi hào Nguyễn
Du. Đoạn trích là tiếng lòng tha thiết của Kiều về hoàn cảnh bi đát của gia đình,
của thân phận mình và của tình yêu đầu đời đẹp đẽ. Khi thể hiện nỗi xót xa của
nàng Kiều cho duyên phận với chàng Kim, Nguyễn Du đã gây được ấn tượng
trong mười hai câu thơ cuối của đoạn trích.
"Hồn còn mang nặng lời thề
...
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"
"Trao duyên" là một đoạn trích được trích từ tác phẩm Truyện Kiều gồm có
34 câu. Đây là những câu thơ nằm ở vị trí từ câu 723 đến câu 756 trong kiệt tác
Truyện Kiều. Đoạn trích hướng người đọc đến nhân vật trung tâm-Thúy Kiều.
Trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để
chuộc cha và em trai sau khi gia đình gặp biến cố. Trong đêm trước ngày phải xa
gia đình, Kiều đã nhờ em gái của mình là Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho chàng
Kim. Phần còn lại của đoạn trích là những dòng viết về tâm tư, nỗi niềm của thúy
kiều khi nghĩ về cuộc đời mình và khi nghĩ về Kim trọng.
"Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đề nghì trúc mai"
Duyên tình của Thúy Kiều đã hết, kỉ vật tình yêu cũng đã trao lại cho em
nhưng hồn nàng vẫn chưa siêu thoát nổi vì còn mang nặng lời thề bao năm gắn
bó. Bởi thế dù có tan tành thân xác, Kiều cũng quyết gặp lại chàng Kim để trả
nghĩa cho chàng, đó là một ý thức, tấm lòng cao quý mà không phải bất cứ một
người con gái nào cũng có được như Kiều. Sự thủy chung của Kiều trước sau như
một, vẫn được thể hiện nhất quán, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất
"Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan"
Dạ đài là nơi âm phủ tăm tối, một người ở cõi trần, một kẻ là hồn ma ở
chốn âm ti địa phủ, em và chị sẽ không thấy được nhau và không nghe được tiếng
nói của nhau. Khi đó, Thúy Kiều mong mỏi thúy vân hãy "rưới xin giọt nước" cho
"người thác oan" là chị. Kiều đã hi sinh chữ tình vì chữ hiếu, nhưng vẫn ý thức
được mình bị oan uổng. Sau khi chết, hồn oan không tan khó mà siêu thoát nên
mong rằng nếu như người em của mình còn thương mình thì hãy rưới cho mình
thêm giọt nước để linh hồn của người thác oan có thể thanh thản ở nơi chín suối.
"Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân"
Sau khi đã nói hết nỗi lòng của mình với em gái, Kiều đã nhớ lại cuộc đời
mình rồi đau đớn nhận ra sự thật phũ phàng rằng so với quá khứ thì hiện tại có
một sự đối lập đến xót xa. Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh ước lệ: "trâm gãy
gương tan". Hình ảnh này đã mang lại sự biểu đạt hiệu quả. Thông qua hình ảnh
này, tác giả đã cho thấy sự nhận thức sâu sắc của nàng Kiều về bi kịch của bản
thân mình ở hiện tại. Kiều bàng hoàng, chua xót khi so sánh thời gian của quá
khứ, những năm tháng Kiều đã thật hạnh phúc với mối tình đầu, bây giờ chỉ còn
là những tủi phần khi biết bao nhiêu hẹn ước tươi đẹp trở thành hư vô. "Trâm"
và "gương" vốn tượng trưng cho hình ảnh đẹp đẽ của con gái đến tuổi để ý dung
nhan của bản thân. Khi tình yêu gõ cửa trái tim, họ đã bắt đầu để ý vẻ ngoài của
mình, chỉnh chu và quan tâm đến vẻ đẹp của mình hơn. Vậy nhưng những gì Kiều
trân trọng, nâng niu để mong đến một ngày có thể cùng Kim Trọng mãi mãi kề
bên bỗng chốc chỉ còn trong phút giây của kí ức. Tai ương ập đến khiến tất cả
những mong ước đã vỡ tan tành mây khói, để lại da diết muôn vàn ái ân. Tình
cảm của Thúy Kiều và Kim Trọng dành cho nhau không thể đong đếm được,
nhưng bây giờ những tình cảm ấy dù có nhiều đến bao nhiêu thì cũng chỉ còn lại
trong quá khứ. Ta thấy được sự xót xa, đau đớn của Thúy Kiều khi nàng phải chịu
đựng. Lẽ ra ở độ tuổi xuân sắc, nàng phải được sống trong vòng tay yêu thương
bao bọc của cha mẹ và có thể được tận hưởng tình yêu đầu đời đẹp đẽ, nhưng
tất cả đều đã vỡ tan tành mây khói. Từ đó, ta thấy xót thương cho Thúy Kiều biết
bao nhiêu.
"Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Cơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi"
Không chỉ bản thân Kiều mà ngay cả người đọc cũng không khỏi lo lắng,
hoang mang cho những ngày tháng sắp tới mà Kiều phải vượt qua. Đối chiếu giữa
thực tại và một thời đã xa, đau khổ có dâng trào thành từng dòng nước mắt,
Thúy kiều không thể làm mọi chuyện trở về trạng thái bình yên như xưa như xưa
nữa. Thế nên nàng chỉ còn có thể tìm cách an ủi, động viên chính mình và người
yêu. Khi nói ra những lời đó, Kiều thật sự mong Kim Trọng cũng chấp nhận cho
duyên phận giữa chàng và Kiều giờ chỉ là những kí ức ngắn ngủi dù tươi đẹp biết
bao nhiêu. Ta nhớ lại khi Thúy Kiều muốn Thúy Vân nhận lời trao duyên, nàng
cũng sử dụng những từ ngữ thể hiện sự khéo léo và xót xa của mình: "xót tính
máu mủ thay lời nước non", Kiều cũng muốn em ngồi lên để lạy rồi mới thưa. Giờ
đây, lại thêm một lần nữa thành khẩn, nhưng Kiều lại gửi cái lạy tạ lỗi đến người
rất quan trọng với nàng, đó là chàng Kim. Từng lời nói, từng hành động của Kiều
trong câu thơ đã giúp Nguyễn Du tái hiện lại hình ảnh của người con gái mang
nặng nghĩa tình với mối tình dang dở, nhưng không có cách nào có thể cứu vãn
được mối tình đó, dù tình yêu đầu đời ấy vô cùng đẹp đẽ và đáng trân trọng.
"Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng"
Ở hai câu tiếp theo này, dường như Nguyễn Du đã tạo cơ hội cho Kiều để
chút hết nỗi lòng mà khóc nức nở cho bản thân, cho số phận của chình mình. có
lẽ từ buổi đầu trao duyên cho đến thời điểm thổn thức trong tiếng khóc này, Kiều
đã rất cố gắng để kìm nén hết sức có thể để bình tĩnh nói được trọn vẹn điều
nàng mong muốn. Đến khi em gái đã đón nhận mong muốn của mình, thì Thúy
Kiều mới cho phép bản thân mình thương xót cho số phận của mình một cách
thành thật nhất, tự nhiên nhất. Thúy Kiều đã tự ý thức được một điều rằng, số
phận của nàng không khác gì mẩu vôi bạc. Trước đây, khi còn đang được sống
hạnh phúc bên mái ấm gia đình, Thúy Kiều chắc không bao giờ có thể tưởng
tượng được ra cảnh tượng ê chề như ngày hôm nay. Nhưng thật lòng mà nói,
ngay cả khi tưởng tượng, Kiều cũng không thể tưởng tượng được ra nỗi khổ phũ
phàng lại ập đến gia đình mình nhanh như vậy, nhanh đến mức Kiều còn chưa kịp
trải đời để ứng phó với số phận ấy. Thế nên Kiều đã phải đối mặt với nó trong sự
boàng hoàng, sự hoang mang tột độ. Rồi nỗi đau cứ thế mà tăng lên thêm mãi khi
Kiều nhận thấy một tương lai mù mịt tăm tối không biết sẽ thế nào ở phía trước,
người con gái bạc mệnh ấy cảm nhận đó là một tương lai "nước chảy hoa trôi lỡ
làng". Tháng ngày sắp tới mờ mịt, và có lẽ với Kiều, những gì còn lại sau những
đau thương đầu đời có lẽ chỉ là những hình ảnh thân thương, quý giá về gia đình,
về người yêu mà Kiều lưu lại trong tâm trí vì những hình ảnh đó sẽ tiếp nàng
thêm động lực để đối mặt với những ngàu tháng u tối tiếp theo.
"Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Cuối cùng, nỗi đau khổ tuyệt vọng cứ tuôn trào mạnh mẽ thành tiếng gọi
người yêu đầy tha thiết nhưng lại đau đến xé lòng. Mỗi một thanh âm như một
tiếng gọi người yêu mà Kiều thốt lên, chắc hẳn cũng là ngần ấy lần nàng quặn thắt
tâm can mà đau đớn xót xa. Những từ diễn tả sự xót xa tủi phần cứ liên tiếp xuất
hiện và được xâu lại thành chuỗi ngắn ngủi: "lỡ làng","thôi thôi","phận sao phận"
đã tạo thành những cơn sóng của đau thương bủa vây lấy người con gái đáng
thương, mà nàng đã gắng hết sức không để cho nó quật ngã mình. Thế nhưng
sức người có hạn, gắng gượng bao nhiêu, nàng cũng không thể che dấu đi những
tổn thương mà nàng đang gánh chịu. Vậy nên có gắng cuối cùng của sự gắng
gượng chính là tiếng gọi Kim Trọng để rồi sau đó nàng nhận lỗi và nói lời tạ từ với
Kim Trọng, đó cũng là lời tự trách bản thân mình trong đau đớn, tủi phần. Tiếng
kêu thốt lên ấy đã hòa trong tiếng nấc, Thúy Kiều thương mình nhưng hơn cả là
sự xót xa dành cho Kim Trọng. Trong sự tan vỡ của tình yêu giữa hai người, kiều
nhận hết trách nhiệm về mình, lỗi lầm về mình, tự gán cho mình là kẻ phụ bạc.
Việc Kiều lấy hết can đảm để có thể thốt lên lời thú nhận đó đã làm hiện lên ở
nàng vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng. Đó là vẽ đẹp của một người con gái rất đỗi
cao thượng trong tình yêu, dẫu bị hoàng cảnh xô đẩy , vùi dập, dồn đẩy đến
đường cùng để phải đưa ra những quyết định tưởng chừng không thể đau đớn
xót xa hơn, quyết định bán mình, quyết định bỏ đi tình yêu đầu đời đẹp đẽ của
mình. Khi cảm nhận tám câu thơ cuối của bài Trao duyên, ta thấy Kiều vẫn xem
mình là người đáng phê phán khi đã phụ bạc một tình yêu tuy mới chớm nở
nhưng đã rất sâu đậm. Đó chính là phẩm đáng quý nơi Kiều, khiến ta mối lúc một
yêu nàng Thúy Kiều hơn. Thúy Kiều không chỉ là một tấm gương đáo đức khi lấy
chữ hiếu làm đầu mà còn là một hình ảnh nữ nhân lí tưởng khi có ý thức và nỗ
lực hết mình để thể hiện thái độ trân trọng nâng niu dành cho tình yêu đích thực
của mình. Đồng thời, Thúy Kiều còn là một người phụ nữ cao thượng khi hi sinh
hạnh phúc của bản thân mình vì gia đình dù phải trao đi tình yêu của mình nhưng
nàng vẫn giữ trọn vẹn mối tình với người mà mình yêu thương
Trong mười hai câu thơ cuối, Nguyễn Du đã vận dụng rất hiệu quả nghệ
thuật miêu tả tâm lí nhân vật để làm nổi bật ở nhân vật những phẩm chất đáng
trọng. bên cạnh đó khi cảm nhận mười hai câu thơ cuối của bài Trao duyên, ta
cũng thấy được tài năng của đại thi hào Nguyễn Du trong việc lựa chọn hình thức
độc thoại nội tâm để bộc bạch những tâm tư cũng như nỗi niềm chất chứa trong
lòng của nàng Kiều.
Qua bi kịch tình yêu của nàng Kiều, em càng thấy trân trọng hơn tình yêu
lứa đôi và tình yêu gia đình. Hai thứ tình cảm đó là hai thứ tình cảm quan trọng
nhất đối với một con người. Chúng như chỗ dựa tinh thần tiếp cho con người
thêm động lực trong cuộc sống. Mọi người đều phải trân trọng hai thứ tình cảm
đó vì nếu không có chúng, cuộc sống sẽ trở nên rất tẻ nhạt và vô nghĩa
Mười hai câu thơ cuối của đoạn trích đã giúp cho người đọc phần nào đồng
cảm và hiểu cho hoàn cảnh của Thúy Kiều, đó cũng là tình cảm dành cho những
kiếp nữ nhân tài hoa, bị sự cay nghiệt của số phận dồn ép đến cùng. Đồng thời
qua đó, chúng ta cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của Thúy Kiều. Dù
tình cảnh có trái ngang, hoàn cảnh có éo le đến nhường nào thì ở Thúy Kiều vẫn
toát lên vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Qua mười hai câu thơ cuối và đoạn trích Trao
duyên, một lần nữa chúng ta khẳng định được tài năng, cũng như vị trí quan
trọng của đại thi hào Nguyễn Du và những đóng góp của ông cho nền văn học
trung đại Việt Nam

You might also like