You are on page 1of 2

[TRỨNG MÀ ĐÒI KHÔN HƠN VỊT]

Trong một cuộc tranh luận, mỗi khi cảm thấy yếu thế, người ta thường mang tuổi tác ra “khè” nhau như
một ngón đòn tuy cũ mèm nhưng vô cùng hiệu quả:

“Mấy đứa oắt con vắt mũi chưa sạch mà bày đặt nói như đúng rồi!”

“Mang cái giấy khai sinh của em ra đây rồi mình nói chuyện tiếp”

“Trẻ con chúng mày tao không chấp”

Không sai khi nói người lớn tuổi thường là những người khôn ngoan, đáng để học tập không về mặt này
thì mặt khác. Bởi một lẽ đơn giản, họ tồn tại, trải nghiệm và va vấp cuộc sống này lâu hơn bất kỳ đứa trẻ
nào đang nói chuyện cùng họ. Không chỉ vậy, nền văn hóa Á Đông nói chung và nước ta nói riêng còn
luôn đề cao truyền thống quý báu “kính lão đắc thọ”, “kính già, yêu trẻ”, khuyên nhủ chúng ta cần phải
kính trọng người lớn tuổi hơn để sau này khi già đi cũng sẽ được thế hệ sau kính trọng. Nếu ví người trẻ
như những ngọn lửa đầy nhiệt huyết, với sức khỏe và độ dẻo dai thì người già như những dòng nước
hiền hòa, dịu mát, chầm chậm chảy mang theo kinh nghiệm quý giá và sự điềm tĩnh đáng khâm phục.
Nhưng mà đấy là câu chuyện của những người cao tuổi thật sự theo nghĩa đen, không phải của cái đám
có khi cũng chỉ đẻ trước bạn vài ba tuổi nhưng luôn tỏ vẻ mình hiểu biết lắm.

Hít nhiều oxi trong cái bầu khí quyển này hơn không làm cho mình thông minh hơn, vượt trội hơn người
khác đâu. Mỗi người chúng ta được sinh ra tại những thời điểm khác nhau, với xuất thân khác nhau,
quãng đời từ thơ ấu cho đến trưởng thành đương nhiên cũng không ai giống ai 100%. Tuổi thì tăng
nhưng không chịu học hỏi, trải nghiệm không sâu, không đa dạng thì lấy cái gì ra để khiến người đời nể
phục? Lấy cớ gì để khẳng định bản thân mình vượt trội hơn người khác về mọi mặt, rằng tầm hiểu biết
và “độ trải đời” của bạn rộng hơn tôi? Chúng ta chỉ có thể so sánh con người với con người với nhau dựa
trên những bình diện, không phải là toàn diện. Cân đo đong đếm giữa hai người bằng tuổi xem ai giỏi
hơn ai đã là điều khó khăn, huống chi đây là giữa những thế hệ với nhau. Ai thì cũng có những cái hay,
cái dở của mình, cũng chỉ có chuyên môn về một số lĩnh vực nhất định mà thôi. Không thể nào trong một
cuộc tranh luận về y khoa, anh thợ làm tóc lại tự nhận mình giỏi hơn anh bác sĩ trẻ mới ra trường được,
làm gì có cái chuyện đấy? Chưa kể khi “combat”, người chiến thắng phải là người đưa ra hệ thống luận
điểm chặt chẽ hơn, thuyết phục hơn, có thể chỉ ra những chỗ còn chưa thuyết phục trong lập luận của
đối phương. Chứ làm gì có cái luật nào là: “Vì tao già hơn nên tao auto đúng”?

Nhìn vấn đề này rộng ra chút đỉnh, chúng ta có thể thấy câu nói “trứng mà đòi khôn hơn vịt” không chỉ
được áp dụng trong những cuộc khẩu chiến trên mạng mà còn lan ra cả cuộc sống thường ngày. Vấn nạn
“ma cũ bắt nạt ma mới”, các “chị đại”, “anh trùm” hiện diện ở khắp nơi, từ trường học cho đến công sở,
từ gia đình cho đến bàn nhậu. Để rồi hệ quả nhãn tiền là sản sinh ra một thế hệ câm lặng, một thế hệ
không dám nói lên quan điểm của mình, dần dà thui chột cả về tư duy phản biện và tính cá nhân. “Thầy
giáo giảng sai nhưng con không dám phát biểu”, “Sao mẹ vô lý đùng đùng thế, mẹ chẳng cho con nói gì
cả”, “Sếp nghe em giải thích chút đi đã”. Còn nếu bạn khác biệt, bạn dám nói lên chính kiến của mình, dù
đúng dù sai, dám phản bác là hành động tự sát. Cả thế giới sẽ nhìn bạn với ánh mắt khó chịu, sự dè bỉu,
cho rằng bạn “bật”, hỗn hào, láo toét, thể hiện cùng n thứ tính từ khác. Điểm số của bạn không hiểu vì
sao cứ thấp dần, công việc thì bị sếp “đì” mãi chẳng thể thăng tiến, bố mẹ và con cái chẳng thể tìm nổi
tiếng nói chung.
Điều giới trẻ cần, và cả giới già cần, chính là học cách lắng nghe và chịu tiếp thu. Rằng dù người ta nói
đúng hay nói sai, cứ lắng nghe đi đã. Chỗ người ta sai thì mình góp ý, chỗ người ta đúng thì mình đón
nhận. Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước thì chẳng có gì sai, cớ sao học tập một đứa trẻ thì bị
coi là sự sỉ nhục? Cái tôi lớn cho ta đức tính kiên định với quan điểm của mình nhưng cái tôi lớn quá thì
chỉ có lấp bớt chỗ trống trong não mà thôi. Một con người mà không chịu học hỏi mỗi ngày chẳng sớm
thì muộn cũng sẽ tụt hậu với thời đại, bị lớp trẻ vượt mặt, “sóng sau xô sóng trước”. Còn những bạn trẻ,
khi muốn nêu lên quan điểm của mình, trước nhất cần biết cách phát biểu cho phải phép, cho đúng đắn.
Mình có suy nghĩ riêng nhưng không phải là cứ thế gào lên, rống lên với âm lượng to nhất, từ ngữ mạnh
nhất cùng thái độ hả hê không yêu vào đâu được. Muốn góp ý, hãy tinh tế và linh hoạt, có thể chọn một
chỗ kín đáo trao đổi riêng giữa hai người với nhau, “rào trước đón sau” cho cẩn thận để tránh làm bẽ
mặt, tổn thương cảm xúc của người khác. Mỗi người chịu học hỏi một chút, hạ cái tôi xuống một chút,
chan hòa và cởi mở hơn một chút, chẳng phải xã hội sẽ cứ thể mà phát triển hay sao?

You might also like