You are on page 1of 1

Với nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam, “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ

trăm đường con hư” hiện nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nhưng với một bộ
phận con cái, nhất là các bạn trẻ có dịp đi du học và làm việc ở các nước
phương Tây, được hấp thu nền giáo dục hiện đại, ở đó trẻ con được giáo dục
tính độc lập rất cao, họ không còn chấp nhận quan điểm này. Thậm chí nhiều
bạn trẻ phản biện lại một cách gay gắt, gây ra những cuộc xung đột thế hệ rất
căng thẳng. Vậy chúng ta thấy rằng hiện nay, trong môi trường giáo dục giao
thoa cởi mở, đề cao tính độc lập, chúng ta nên hiểu câu ca dao này như thế nào
cho đúng?

Trước hết, có thể nói đây là một trong số ít câu ca dao không có dị bản. Tức là nó
đã trở thành “chân lý” và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Từ người già
đến trẻ con đều thuộc nằm lòng. Mà nước ta vốn thuộc nền văn minh lúa nước,
sống quần cư thành làng xã. Thời bấy giờ, tư tưởng Nho giáo được làm chủ đạo
trong nền giáo dục nước nhà. Trong Nho giáo có câu: “Phu xử thần tử thần bất tử
bất trung/Phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu” được dịch ra là Vua bắt thần quan
chết mà thần quan không chịu chết là bất trung, cha bắt con chết, con không chết
là bất hiếu. Câu nói trên đã áp đặt suy nghĩ lên lối dạy con của nhiều bố mẹ người
Việt. Nhưng mọi người có thấy không? Việc lấy sự trung thành với vua và lòng
hiếu thảo với cha mẹ làm chung một thước đo thật không đúng chút nào. Tất nhiên
một giá trị sống, một tư tưởng giáo dục đã sâu rễ bền gốc qua nhiều thế hệ như
thế thì việc “gỡ bỏ” nó không phải là một chuyện dễ dàng. Nhưng việc “cha mẹ đặt
đâu con ngồi đấy” trở thành đạo lý, cãi lời cha mẹ được ghép vào tội bất hiếu và
sự giáo dục con cái thời đó chủ yếu là “truyền miệng” dựa theo quan điểm Nho
giáo và kinh nghiệm sống từng trải thì đã khiến một số bậc phụ huynh của chúng
ta có lối đi không đúng, đã ép buộc con mình quá nhiều và như điều khiển con
mình vậy. Theo tôi, bố mẹ nên tiếp cận một cách giáo dục con cái phù hợp với xu
thế phát triển và hòa nhập của thế giới, phù hợp với thời đại và đặc điểm tâm sinh
lý của con em mình. Không áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, tôn trọng sự độc
lập suy nghĩ, lắng nghe lời giải thích của con trẻ, tin vào những điều con mình nói
để đứa con có thể có một chỗ tựa vững chắc, để con cái thông cảm và có cách
cư xử khéo léo, mềm mỏng nhưng quyết đoán, sao cho không làm tổn thương
cha mẹ mình mà vẫn khẳng định được tính cách độc lập tự chủ, năng động sáng
tạo, phát huy hiệu quả tài năng và trí tuệ của chính bản thân.

You might also like