You are on page 1of 11

Đề bài: Hãy giải thích câu nói của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”

Chắc hẳn, trong số mỗi người chúng ta, ai cũng biết tới Lê-
nin- một nhà cách mạng người Nga vĩ đại, kiệt xuất. Tên tuổi của
ông gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga. Ông cũng là
một người luôn đề cao vấn đề học hành bởi lẽ nếu chúng ta không
học tập và rèn luyện thường xuyên thì chúng ta sẽ không làm được
việc gì cả và trở nên vô dụng . Chính vì thế nên ai ai trong số chúng
ta cũng cần phải học. Và điều đó đã được thể hiện qua một câu nói
rất nổi tiếng của ông mà ai cũng biết tới: “Học, học nữa, học mãi”-
câu nói nhằm đề cao vai trò, tầm quan trọng của việc học và nhấn
mạnh với mọi người rằng việc học là không giới hạn, cần phải học
mãi mãi, học suốt đời.

Câu nói trên quả không sai. Câu nói trên của Lê-nin-sử dụng
cả biện pháp tăng cấp để thể hiện được giá trị việc học tập. Câu
nói của Lê-nin đề cao vai trò của việc học, thúc giục con người phải
học tập. ”Học” ở đây có nghĩa là học hỏi, tìm tòi, tiếp thu các kiến
thức bao la rộng lớn . “Học nữa” chính là tiếp tục học tập, tìm tòi
nhiều hơn nữa. Và “học mãi” có nghĩa là không ngừng học tập, học
suốt đời . Con người ai cũng có mục tiêu trong việc học tập để được
biết nhiều hơn nữa, tiếp thu thêm nhiều kiến thức hơn nữa. Mục tiêu
ấy dù ta có đạt được hay không thì đều có giới hạn, nhưng nguồn tri
thức thì vô tận, không có dấu chấm hết. Xét cho cùng, câu nói của
Lê-nin là chân lý của việc học, học tập là không giới hạn. Vì vậy
nên con người cho dù có học bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng
chẳng bao giờ đủ, chẳng bao giờ là hết, cũng chẳng là gì so với
nguồn kiến thức dồi dào vô tận, bao la của thế giới. Nhưng cũng
đừng vì thế mà ngừng tích luỹ kiến thức cho chính mình bởi lẽ nếu
làm như vậy thì chúng ta đã tự mất đi cơ hội được học, được tìm tòi,
được sáng tạo, được khám phá về thế giới tươi đẹp, muôn màu
muôn vẻ xung quanh chúng ta. Qua đó, câu nói khuyên chúng ta cần
phải cố gắng học tập và đừng bao giờ ngừng học tập, ngừng tìm
hiểu và cũng đừng bao giờ cho việc học tập là đủ mà phải học tập,
tìm tòi nhiều hơn nữa, học tập suốt đời, học tập mãi mãi.

Vậy vì sao cần học tập? Trên đời này bất kì ai cũng đều phải
học. Đó là bởi lẽ việc học là rất quan trọng,rất cần thiết. Học để
hiểu thêm, biết thêm , có thêm nhiều kiến thức về thế giới muôn màu
muôn vẻ xung quanh ta. Kiến thức ấy chúng ta có thể dùng để áp
dụng vào thực tiễn cuộc sống và kiến thức ấy sẽ là hành trang của
mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời. Chẳng hạn, một người bác sĩ
muốn chữa bệnh cũng phải học tập, kể cả kinh nghiệm lẫn kiến
thức. Một người nông dân muốn cày cấy cũng phải học hỏi cách
thức từ những người đi trước, có thể là không qua sách vở… Không
chỉ thế, học tập còn giúp ta có việc làm, ổn định cuộc sống, trở
thành công dân có ích cho đất nước. Bên cạnh đó, học cũng để khai
phá sự sáng tạo trong tâm hồn ta. Chẳng hạn, mỗi khi chúng ta đọc
những cuốn sách hay, chúng ta lại được thả tâm hồn, trí tưởng
tượng của mình vào những lời văn hay, giàu cảm xúc, những câu
chuyện ý nghĩa,… Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng:" Người có tài mà
không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm
gì cũng khó ".Nếu như ta học được đức tình tốt của mọi người mà
không đến trường để trau dồi kiến thức thì không thể làm được việc
gì lớn lao giúp ích cho xã hội. Mặt khác, “học” không chỉ đơn
thuần là học tập, tìm tòi về kiến thức mà nó còn là sự trau dồi đạo
đức đồng thời là việc học cách đối nhân xử thế, học cách làm người
bởi giá trị, nhân phẩm của một con người được thể hiện phần nhiều
qua đạo đức của con người đó, là một phần không thể thiếu của mỗi
con người. Vì thế ngoài việc học kiến thức cũng cần đan xen học
đạo đức để hoàn thiện hơn bản thân mình. Ngoài ra, nếu chúng ta
thành công trong học tập (học giỏi, trúng tuyển một trường đại học
lớn,… ) thì không chỉ chúng ta vui mà bố mẹ chúng ta cũng vui, ông
bà chúng ta cũng vui,… Nhưng chớ hiểu lầm, đó chỉ không phải
mục đích của việc học. Trước hết, chúng ta cần phải định hướng
được rằng: việc học là rất quan trọng và cần thiết đối với chính bản
thân chúng ta, mở cho ta cánh cửa đến với thế giới, tiếp xúc với
những tri thức của nhân loại; học để giúp ta có thêm kiến thức về
cuộc sống, về xã hội, về thế giới xung quanh, về cách ứng xử,… từ
đó trở thành công dân có ích cho đất nước. Đó là lí do vì sao Lê-nin
khuyên chúng ta cần phải học. Theo sau đó mới là: học giỏi để
khiến cho bố mẹ, ông bà,… vui lòng, tự hào, hãnh diện; học để phát
huy truyền thống hiếu học của dân tộc…Qua đó, chúng ta cần phải
học tập bởi lẽ học tập là rất quan trọng, là điều thiết yếu trong cuộc
sống của mỗi chúng ta.

Nhưng không dừng chỉ lại ở đó, chúng ta cần phải không ngừng
tìm tòi, học tập. Thật vậy, chúng ta không nên ngừng học tập, không
nên hài lòng về những gì mình đã học được. Nguồn tri thức là vô
hạn nên nếu không cố gắng khai thác nó thì chúng ta thì ta sẽ thiếu
kiến thức, thiếu kinh nghiệm. Thế nên chúng ta cần không ngừng
học tập để nâng cao kiến thức. Và cứ mỗi lần học được thêm kiến
thức mới, ta mới thấy vốn kiến thức của mình chỉ bé nhỏ như giọt
nước trong đại dương bao la. Không chỉ thế, thế giới đang trên đà
phát triển mạnh mẽ. Cho nên, nếu ta không chịu khó tìm tòi, học
tập, bắt kịp tri thức của nhân loại thì ta sẽ càng ngày càng tụt hậu
Chẳng hạn, nếu chúng ta không thể cho rằng chỉ cần học hết đại
học và thôi không cần học nữa. Ngừng học như vậy thì e rằng là
quá sớm, vốn kiến thức của ta sẽ như ngày một ít đi và đến một ngày
nó sẽ gần như cạn kiệt bởi lẽ nguồn tri thức thì ngày càng rộng mở ,
nó sẽ chẳng chờ đợi ai không biết tiếp thu và kể cả kiến thức của
chương trình học phổ cập cũng sẽ đổi mới rất nhiều. Khi đó, chúng
ta sẽ trở nên lạc hậu so với xã hội, cuộc sống của chúng ta sẽ khó
khăn hơn biết nhường nào! Bên cạnh đó, chúng ta cần phải học,
nhất là giới trẻ hiện nay bởi yêu cầu cuộc sống ngày càng cao. Khi
đó , những học sinh, sinh viên,… lại càng cần học để hoàn thiện
mình hơn. Chính vì “không ai là hoàn hảo” nên những người trẻ, kể
cả những người lớn tuổi hơn, thậm chí là cả người già,… đều cần
trau dồi mình hơn nữa, cần học tập mãi mãi để hoàn thiện chính
mình và cho dù chúng ta có thể không bao giờ hoàn hảo nhưng
đừng vì thế mà buông xuôi mà thay vì đó hãy cứ tiếp tục học tập,
hoàn thiện mình để khi ta rời khỏi trần thế, ta sẽ để lại cho đời
nhiều tiếng thơm hay ít nhất là đạt được mục tiêu của chính mình.
Qua câu nói, mỗi người sẽ thấy rằng họ vẫn còn thiếu sót nhiều
điều từ đó tự thấy mình cần không ngừng học tập, tìm tòi để hiểu
biết, để trau dồi bản thân.

Chính vì vậy, nếu ai đó không chịu khó học tập, trau dồi kiến
thức thì họ sẽ mãi chỉ tự bó hẹp trong một thế giới hạn hẹp với một
tầm nhìn hạn hẹp. Cánh cửa tri thức sẽ chẳng bao giờ mở ra đối với
họ đồng nghĩa với việc họ sẽ không tiếp xúc được với tri thức của
nhân loại. Họ sẽ chỉ mãi giữ cho mình những tư tưởng của riêng họ
mà không biết tới những tư tưởng tốt đẹp của nhân loại ngoài kia.
Rồi một ngày họ sẽ trở nên tụt hậu so với xã hội, so với nhân loại.
Cuộc sống của họ sẽ rất ảm đạm, nhàm chán và nghèo nàn. Ngược
lại, nếu ai đó biết nắm bắt cơ hội, chịu khó học tập, tích luỹ kiến
thức thì cuộc sống của họ sẽ rất phong phú với những tư tưởng tốt
đẹp, những kiến thức lí thú, sâu xa,… Họ sẽ luôn thấy ngọn lửa đam
mê học tập, tìm tòi trong chính mình. Họ sẽ thấy được thế giới này
thật rộng lớn, thật tươi đẹp biết bao! Họ sẽ thêm yêu quý, trân trọng
từng khoảnh khắc trên cuộc đời này để tìm hiểu, để học tập. Điều đó
thật đáng quý! Và vì vậy nên mỗi khi tiếp thu được kiến thức mới, họ
sẽ thấy đó như một trải nghiệm mới mẻ, ý nghĩa hơn, không bao giờ
là cũ.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta có câu: “Học hỏi là một việc
phải liên tục suốt đời.” Câu nói đó luôn thúc giục em phải học tập,
luôn nhắc nhở em phải chăm chỉ học hành. Ngoài ra, Ka-li-nin cũng
có câu nói khá nổi tiếng: “Đường đời là chiếc thang không nấc
chốt, việc học là quyển sách không trang cuối cùng”. Qua đó, ta
thấy những câu nói của các danh nhân, các câu ngạn ngữ,… về việc
học, tìm hiểu không ngừng đã phần nào bổ sung thêm tính đúng đắn
cho câu nói của Lê Nin.

Qua đó em thấy được, câu nói của Lê-nin vô cùng đúng đắn -
câu nói đã đề cao được tầm quan trọng của việc học và khuyên nhủ
chúng ta phải không ngừng học tập và tích luỹ kiến thức. Chính vì
vậy mà câu nói đó đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, vẫn rất sâu
sắc và là một bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người! Còn đối
với mỗi người học sinh chúng em, đó sẽ là những hành trang quan
trọng khi bước vào đường đời đầy khó khăn và gian khổ , là điều mà
mỗi người học sinh chúng em lsuôn cần phải ghi nhớ trong lòng.

Đề bài:Giải thích câu tục ngữ:“Thương người như thể thươngthân.”

Chắc hẳn, ai cũng biết tới những câu tục ngữ. Chúng là những
câu nói ngắn gọn, được ví như là kho báu kinh nghiệm của ông cha
ta trên mọi lĩnh vực. Trong đó, không thể thiếu những câu tục ngữ
nói về tình yêu thương con người mà điển hình là câu tục ngữ:
“Thương người như thể thương thân” – câu tục ngữ khuyên nhủ
chúng ta phải luôn biết yêu thương, giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ với
người khác.

Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa của câu tục ngữ.
Chúng ta có thể hiểu rằng “thân” chính là thân thể hay thân xác, là
phần vật chất của mỗi người. Thế nên, “thương thân” là yêu
thương, chăm sóc chính bản thân mình. Chẳng hạn, khi ta ốm đau,
bệnh tật, cô đơn,… mà không có ai ở bên thì ta chỉ còn cách tự
chăm sóc bản thân mình, chia sẻ với chính mình, thậm chí là tự nói
chuyện với chính mình. Chính vì thế,thương thân là một thứ tình
cảm tự nhiên, sẵn có rất dồi dào, cao quý,đậm đà. Còn “thương
người” là yêu thương, giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ với người khác.
Đặt vế “thương người” trước vế “thương thân” cùng với việc kết
hợp biện pháp so sánh, ông cha muốn khuyên nhủ rằng trong cuộc
sống, chúng ta phải yêu thương, giúp đỡ, quan tâm tới người khác,
nhất là người có hoàn cảnh khó khăn như đối với chính bản thân
mình.

Vậy tại sao chúng ta lại cần phải yêu thương, giúp đỡ người
khác? Chắc hẳn, chúng ta- những con người Việt Nam – đều biết
tới truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”. Chúng ta, mỗi người con
đất Việt, đều là con cháu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân,
chúng ta cùng sinh ra trong một bọc trăm trứng thần kì. Điều đó có
nghĩa là mỗi người, dù ở nơi đâu trên trái đất bao la và rộng lớn
này, dù trong bộ phận nhỏ nhất, cũng chảy chung một dòng máu, đó
là dòng máu Việt Nam. Chúng ta là anh em một nhà, cùng chung
sống bầu không khí ấm cúng một gia đình nên yêu thương và che
chở cho nhau là một điều tự nhiên và không bao giờ thay đổi.
Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng từ đó mà nhân dân ta đã tạo nên
một sợi dây gắn kết bền chặt, một sợi dây gắn kết những tầm hồ.Thế
nên yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là lẽ thường tình, là điều tự
nhiên, không thể tránh khỏi. Không những thế, trong một xã hội
đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, rất nhiều người đã có
một cuộc sống khá giả hơn, đầy đủ hơn. Nhưng trên dải đất hình
chữ S tươi đẹp này, còn biết bao những người nghèo, những người
thiếu thốn hay những người tuy giàu nhưng cuộc sống lại không
hạnh phúc,… Không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội mà phải hòa
nhập vào cộng động. Thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là lẽ
sống của mỗi người, nó đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp
của dân tộc ta. Người dân trong một nước phải có nghĩa vụ tương
trợ giúp đỡ lẫn nhau. Nghề này nghề kia mà phát triển, phải đoàn
kết gắn bó nhau để bảo vệ quyền lợi của nhau không cho kẻ ngoại
bang chiếm đoạt. Những lời khuyên xưa đã trở thành đạo lí: “Khôn
ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Xuất phát từ những lí tưởng yêu nước thương dân, vì danh dự của
dân tộc của tổ quốc, người dân trong một nước sẵn sang đem xương
máu của mình để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Hơn nữa,
khi giúp đỡ những con người như vậy là ta đã làm được một việc có
ích, ta sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn biết nhường nào! Elbert
Hubbard có câu:”Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương mà ta
cho đi là sự yêu thương duy nhất mà ta giữ được.” Vì vậy nên khi
giúp đỡ người khác, chúng ta đã giúp đỡ chính mình. Bởi vì chúng
ta cho đi càng nhiều là chúng ta sẽ nhận lại càng nhiều.
. Trải qua bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã chứng tỏ được
tình yêu thương đùm bọc của nhân dân mỗi khi đất nước bị xâm
lăng. Giữ nước là một công việc lớn lao, không chỉ một người hay
một nhóm nào có thể làm nổi. Nếu có giặc ngoại xâm, ai cũng chỉ
bo bo giữ của cải cho riêng mình, chỉ chống giặc khi chính mình bị
xâm hại, thì chẳng mấy chốc giặc sẽ tiêu diệt hết người này đến
người khác. Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều cuộc kháng chiến tiêu
biểu chứng tỏ sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân và các nhân vật
tiêu biểu ( Quang Trung, Bà Triệu,…). Ngày nay, nhân dân mọi
miền Nam, Bắc; từ mọi tầng lớp nhân dân, già trẻ, trai gái,… đều
đồng sức đồng lòng kháng chiến chống giặc xâm lược. Tình cảm
yêu thương đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần sẽ giúp
con người vượt qua bao khó khăn, chiến thắng kẻ thù và thiên tai, đi
tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Rồi những tấm lòng hảo tâm đóng góp
vào các quỹ từ thiện đã giúp nhiều người nghèo khó, bệnh tật khắc
phục được hoàn cảnh, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo trở về với cuộc
sống bình thường…

Bên cạnh những tấm gương cao đẹp được nêu trên thì vẫn còn
những con người vô lương tâm, vô nhân đạo, không biết quan tâm
đến người khác. Chẳng hạn, khi thấy bạn của mình bị đánh hay bị
ngã mà không giúp mà lại còn cười trên nỗi đau của người khác.
Chính vì vậy chúng ta cần phải phê phán và lên án những người
không biết quan tâm, yêu thương đến người khác.

Vậy chúng ta phải làm thế nào để phát huy được đạo lí tốt đẹp
đó? Chúng ta cần tránh quan điểm: "Đèn nhà ai người ấy rạng", có
thái độ dửng dưng đứng trước nỗi đau khổ của họ hàng, làng xóm,
dân tộc. Và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng
chân thành, tự nguyện thì đó mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân
trọng. Để phát huy được đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam,
chúng ta phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh khi
họ gặp khó khăn hoạn nạn với thái độ chân thành, kịp thời. Thương
yêu, đùm bọc lẫn nhau là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc. Mỗi người
cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
. Vì vậy, nếu mỗi chúng ta có ý thức tự giác, lòng chân thành giúp
đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thì đất nước Việt Nam sẽ
“giàu đẹp” đến mực nào! “Giàu” ở đây là giàu tình yêu thương,
giàu lòng nhân ái chứ không phải giàu tiền bạc, của cải. Nhưng làm
thế nào để hơn 92 triệu trái tim của người dân Việt Nam có cùng
một chí hướng, hoà cùng một nhịp đập? Điều tất yếu nhất là ta cần
phải yêu thương,giúp đỡ, đùm bọc những người thân trong gia đình
bởi vì có tình yêu thương đối với gia đình mình thì mới yêu thương
được một xã hội. Bên cạnh đó, để lan toả tình yêu thương, ta có thể
tham gia vào các hoạt động từ thiện: các chuyến đi thăm những trẻ
vùng sâu vùng xa; hiến máu từ thiện; nấu cơm từ thiện; ủng hộ
quần áo từ thiện;… Hay đơn giản hơn là khi gặp những người ăn
xin, những người tàn tật trên đường, hãy bỏ một chút tiền vào mũ
của họ, bát của họ,… (nếu chúng ta có) bởi một vài nghìn có đáng
là bao so với tấm lòng rộng mở cùng sự sẻ chia, giúp đỡ chân thành
của chúng ta… Tất cả điều đó, chúng ta hãy làm với lòng chân
thành, tự nguyện bởi lẽ sự giúp đỡ đó là lẽ thường tình của những
người anh em một nhà.

Ngoài ra, dân gian còn có câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá
rách”; “Chị ngã em nâng”… hay câu hát: “Bầu ơi thương lấy bí
cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Các câu tục
ngữ, ca dao trên đểu nói về tình yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau đã
bổ sung tính đúng đắn của câu tục ngữ: “Thương người như thể
thương thân.”
Câu tục ngữ với ý nghĩa rất sâu sắc không chỉ mang tính
chất khuyên nhủ mà nó còn là lời nhắc nhở về bổn phận, trách
nhiệm của mỗi con người Việt Nam. Đó là cần biết yêu thương, giúp
đỡ, đùm bọc lẫn nhau, nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn. Ý
nghĩa của tục ngữ đã trở nên muôn đời. Vì đó là bài học đã đúc kết
bằng tâm huyết của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải
biết phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó.

You might also like