You are on page 1of 15

LẤY GÌ BÁO ĐÁP ƠN CHÚA?

THI THIÊN 116:1-19


Câu gốc: Thi thiên 116:12
12 Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va
Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?
Buổi tối hôm nay, chúng ta cùng nhau suy gẫm Thi thiên 116 với
đề tài: LẤY GÌ BÁO ĐÁP ƠN CHÚA? Đây là một câu hỏi rất quan trọng
được tác giả Thi thiên 116 đã đặt ra cho chính mình. “Tôi sẽ lấy gì báo
đáp Đức Giê-hô-va, về những ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi?” Một
bản dịch khác dịch là: “Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ vì mọi ơn
lành Người đã ban cho?”
Tôi cho rằng đây là một câu hỏi rất đúng đắn và rất đáng để nêu
lên. Và chắc chắn, đây cũng là một câu hỏi rất phước hạnh bởi vì
người thực sự quan tâm đến câu hỏi nầy phải là người có một tấm
lòng yêu mến và thờ phượng Chúa. Do đó, đây cũng là câu hỏi mà
quý ông bà, anh chị em và tôi cần phải hỏi và tìm câu trả lời cho chính
mình. Vậy thì, quý vị và tôi sẽ lấy gì báo đáp ơn của Chúa? Làm thế
nào để chúng ta có thể đền đáp những ơn lành Chúa đã ban?
Đầu tiên, trước khi nghĩ đến việc đền đáp ơn Chúa, thì chúng ta
phải thực sự nhận biết ơn của Chúa đối với chính mình.
I. NHẬN BIẾT ƠN CỦA CHÚA DÀNH CHO CHÍNH MÌNH
Kính thưa Hội thánh,
Không nhận biết ơn Chúa thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện
báo đáp ơn của Ngài, phải không ạ? Khi một người không ý thức
được mình là người nhận ơn và mang ơn của ai đó, thì đền ơn là một
1
việc không thể xảy ra. Do đó, để có thể đền đáp ơn của Chúa, thì
trước tiên, bản thân quý ông bà anh chị em và tôi phải thực sự nhận
biết rằng chúng ta là những người đã thụ hưởng ân huệ của Đức
Chúa Trời. Nói cách khác, để đền đáp ơn của Chúa thì trước hết,
chúng ta phải nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã ban những ơn lành gì
cho chính đời sống của chúng ta.
“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về những ơn lành mà Ngài
đã làm cho tôi?” Câu hỏi này chứng tỏ tác giả đã thực sự nhận biết
được ơn của Chúa đối cùng mình là thể nào. Hãy để ý là ông không
nói về những ơn lành mà Ngài ĐANG LÀM cho ông trong hiện tại hay
SẼ LÀM trong tương lai, mà là “những ơn lành mà Ngài ĐÃ làm cho
tôi” tức là những ơn lành Chúa đã ban cho và bản thân ông đã nhận
được trong quá khứ.
Chúng ta không rõ tác giả Thi thiên 116 này là ai. Nhưng chúng ta
biết tác giả Thi Thiên 116 đã từng ở trong cảnh ngộ như thế nào. Từ
câu 4 cho đến câu 8 cho chúng ta biết tác giả đã lâm vào hoàn cảnh
rất khốn cùng và thậm chí từng đối diện với sự chết. Chẳng hạn như
trong câu thứ 3, ông nói: “Dây tử thần trói buộc tôi, và mối lo sợ về
cái chết nắm giữ tôi. Tôi lo lắng và buồn bã.” Nói cách khác, giống
như một số người trong chúng ta, tác giả Thi thiên 116 đã từng phải
đối diện với nhiều vấn đề rất lớn và rất khó ở trong đời sống. Điều
đó khiến ông rất đau buồn (c.10) và vô cùng bối rối (c.11). Tuy nhiên,
giữa hoàn cảnh ấy, tác giả đã có một phản ứng rất tuyệt vời. Phản
ứng đó là gì? Đó là ông lập tức tìm đến với Chúa qua lời cầu nguyện.
Chúng ta tìm thấy điều đó trong câu thứ 4: “Tôi liền kêu đến Danh
Chúa. Tôi thưa, “Chúa ôi, xin cứu tôi.” Vậy thì lý do tại sao tác giả lập
tức tìm đến với Chúa khi gặp phải nan đề? Câu trả lời được tìm thấy
trong câu 5-6:
2
5 Đức Giê-hô-va hay làm ơn và là công chính; Đức Chúa Trời
chúng ta có lòng thương xót. 6 Đức Giê-hô-va bảo vệ người
thật thà; Khi tôi bị khốn khổ, Ngài giải cứu tôi.
Thưa Hội thánh,
Đây chính là điều mà chúng ta cần phải học hỏi nơi tác giả Thi
thiên 116. Hãy nhớ rằng những nan đề xảy đến với cuộc sống chúng
ta là điều bình thường và không thể nào tránh khỏi. Chừng nào
chúng ta còn sống trong thân thể này và trong thế giới sa ngã này,
thì chừng đó chúng ta vẫn còn phải đối diện với đủ mọi nan đề có thể
xảy đến với mình. Vấn đề là, khi nan đề xảy đến, chúng ta sẽ phản
ứng như thế nào? Chúng ta có thực sự nhận biết Đức Chúa Trời là
nhân từ, công chính, đầy lòng thương xót và sẵn lòng giải cứu
chúng ta ra khỏi những nan đề như tác giả Thi thiên 116 hay không?
Quan trọng hơn nữa, việc nhận biết Chúa là Đấng như thế nào có
khiến chúng ta tin cậy Ngài đủ để lập tức chạy đến kêu xin Chúa cứu
giúp mình như tác giả đã làm hay không?
Bên cạnh đó, tác giả Thi thiên 116 cũng đã kinh nghiệm một điều
nữa mà rất nhiều người trong chúng ta đã từng kinh nghiệm. Đó là
khi chúng ta tin cậy và tìm đến với Chúa trong những lúc khó khăn,
đau buồn và bối rối, thì linh hồn chúng ta được bình an và chúng ta
kinh nghiệm sự giải cứu tuyệt vời của Ngài. Điều này được tác giả
thuật lại trong câu 7&8:
7 Hỡi linh hồn ta, hãy trở về nơi an nghỉ ngươi, vì Đức Giê-hô-
va đã hậu đãi ngươi. 8 Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết,
mắt tôi khỏi giọt lệ, và chân tôi khỏi vấp ngã.

3
Nói tóm lại, tác giả Thi thiên 116 nhận biết rõ những ơn lành mà
Chúa ban cho mình. Ông nhớ hết từng ơn lành một mà Chúa đã dành
cho ông.
Kính thưa Hội thánh,
“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về những ơn lành Ngài đã
làm cho tôi?” Câu hỏi này hàm ý hai điều quan trọng về ơn lành của
Chúa đối với đời sống của mình mà chúng ta cần phải nhận biết. Thứ
nhất, ơn của Chúa dành cho chúng ta là quá nhiều. Và thứ hai, ơn
của Chúa dành cho chúng ta là quá lớn. Tôi sẽ lấy gì báo đáp Chúa
đây khi mà ơn Ngài đã dành cho tôi là quá nhiều và quá lớn? Ở đây,
tác giả Thi thiên 116 đã nhận biết được hai điều quan trọng này. Ông
biết rằng ơn Chúa dành cho mình không những dư dật về số lượng
mà còn có giá trị rất lớn lao. Điều đó khiến ông phải nghĩ đến việc
báo đáp ơn của Ngài. Vậy còn chúng ta thì sao? Khi nhìn lại đời sống
của mình, quý ông bà anh chị em có thực sự nhìn thấy ơn Chúa là rất
nhiều và rất lớn không? Chúng ta có dám mạnh dạn nói như sứ đồ
Phao-lô đã từng nói chăng? “Tôi nay là người thế nào là nhờ ơn Đức
Chúa Trời.” Ai trong quý ông bà anh chị em thực sự nhận biết được
ơn lành Chúa đã ban cho mình là quá nhiều và quá lớn?
Kính thưa Hội thánh,
Gia-cơ 1:17 chép rằng: “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn
hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng.”
Vì vậy, chúng ta phải nhớ rằng tất cả những điều tốt đẹp mà tôi và
quý ông bà anh chị em có, đều là những ơn lành mà Chúa đã ban cho
chúng ta. Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn thấy ơn Chúa đối cùng
chính mình ở trên cả hai phương diện là vĩ mô lẫn vi mô. Vĩ mô là ơn

4
lành của Chúa cho cả thế giới nói chung. Còn vi mô là ơn lành của
Chúa dành riêng cho cá nhân mỗi chúng ta.
Xét về phương diện vĩ mô, thì ơn lành của Đức Chúa Trời đã
được bày tỏ như thế nào? Trước hết, Đức Chúa Trời đã bày tỏ ơn
lành của Ngài dành cho chúng ta qua công cuộc sáng tạo. Có ba khía
cạnh liên quan đến công tác sáng tạo của Đức Chúa Trời mà chúng ta
cần phải biết rõ. Đó là sáng tạo, bảo tồn và thần hựu. Trong sự sáng
tạo, Đức Chúa Trời đã làm nên tất cả mọi vật từ chỗ không có gì. Nhờ
công ơn sáng tạo của Chúa mà chúng ta mới có thể tồn tại trên đời
này. Nhờ công tác sáng tạo của Chúa mà chúng ta mới có tất cả
những yếu tố cần thiết để sống.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng bày tỏ ơn lành của Ngài dành
cho chúng ta qua công tác bảo tồn của Ngài. Đức Chúa Trời đã hoàn
thành công tác sáng tạo muôn vật trong 6 ngày. Nhưng không phải
sáng tạo xong là Ngài bỏ mặc tạo vật của Ngài. Trái lại, Đức Chúa Trời
vẫn đang hành động 24/7 để thực hiện công tác bảo tồn muôn vật để
muôn vật tiếp tục tồn tại, vận hành và phát triển một cách hài hòa.
Đó là lý do chúng ta vẫn có đủ mọi điều có cần để sống động và phát
triển.
Khía cạnh cuối cùng của sự sáng tạo của Đức Chúa Trời chính là
ơn thần hựu của Ngài. Thần hựu có nghĩa là gì? “Thần” có nghĩa là
“Đức Chúa Trời”, còn “hựu” có nghĩa là “giúp đỡ”. Như vậy, ơn thần
hựu có nghĩa là Đức Chúa Trời giúp đỡ để muôn vật trên thế giới
này có thể đi trong chương trình và ý muốn tốt đẹp từ ban đầu của
Ngài. Bởi quyền năng và sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đang vùa
giúp muôn vật 24/7 để mọi vật xảy ra trong thế giới đều đi theo đúng
và sẽ hoàn tất chương trình và ý muốn mà Đức Chúa Trời đã định từ

5
lúc ban đầu. Cho nên, trong phương diện vĩ mô liên quan đến công
tác sáng tạo, thì con người chúng ta đã nhận lãnh ơn sáng tạo cũng
như đang và sẽ thụ hưởng ơn bảo tồn và ơn thần hựu của Đức Chúa
Trời ở trong thế giới này. Vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không
mà thôi.
Ơn lành thứ hai mà Đức Chúa Trời đã làm cho con người chúng
ta xét trên phương diện vĩ mô chính là công cuộc cứu chuộc nhân
loại. Chính Đức Chúa Trời đã hoạch định, Đức Chúa Jesus thực hiện
và Đức Thánh Linh hoàn tất công cuộc cứu chuộc này. Nhờ đó, tất cả
những gì chúng ta cần làm để được cứu chỉ là ĐỨC TIN đơn sơ của
mình mà thôi. Đó là ơn lành mà ngoài Đức Chúa Trời, há có thần nào
hay có người nào khác có thể ban cho chúng ta sao?
Tóm lại, trong phương diện vĩ mô, ơn lành của Đức Chúa Trời
dành cho cả thế giới này được bày tỏ rõ ràng qua ơn sáng tạo, ơn
bảo tồn, ơn thần hựu và ơn cứu chuộc của Ngài. Mỗi người chúng ta
đều đã nhận lãnh được những ơn lành ấy.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xem xét ơn lành của Chúa ở
phương diện vi mô, tức là ơn lành của Chúa đã dành cho cá nhân
mỗi chúng ta nữa. Dù tôi và quý vị chỉ là một cá thể bé nhỏ trong số
hơn 7 tỷ người trên thế giới này, nhưng Đức Chúa Trời vẫn đoái đến
và ban ơn lành cho chúng ta. Chúng ta phải nhận ra điều đó để thấy
rõ hơn nữa ơn lành của Chúa đối cùng chúng ta là dư dật và lớn lao
như thế nào.
Trong phương diện vi mô, trước hết tôi muốn nói đến sự cứu
rỗi của chúng ta, là ơn lành lớn lao và giá trị nhất trong tất cả những
ơn lành chúng ta nhận được từ nơi Chúa sau khi tổ phụ loài người
phạm tội. Tại sao trong số 7,7 tỷ người trên thế giới, chúng ta ở trong
6
số những người đã được cứu? Tại sao chúng ta có đức tin nơi Chúa
Jesus trong khi những người khác thì không hoặc chưa có? Có phải
do chúng ta khôn ngoan hơn hay là có tấm lòng tốt đẹp hơn họ
chăng? Không! Hãy nhớ rằng ngay cả đức tin của chúng ta cũng là
một sự ban cho của Đức Chúa Trời.
Bây giờ tôi muốn nêu ra một vài thông tin để quý vị có thể nhìn
thấy rõ hơn nữa những ơn lành của Chúa.
Thống kê cho biết trên toàn thế giới có 150 ngàn người chết mỗi
ngày. Vậy tại sao quý vị và tôi đến giờ nầy vẫn còn sống? Đó không
phải là ơn Chúa sao?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông
quốc gia cho biết tại Việt Nam: “Mỗi ngày, hơn 20 người ra đường
vĩnh viễn không trở về nhà” & khoảng 60 người tàn tật suốt đời vì tai
nạn giao thông. Nhưng tại sao chúng ta vẫn còn có thể nhóm hiệp tại
đây để thờ phượng Chúa?
Một con số khác cho biết mỗi ngày có hơn 300 người Việt chết
vì ung thư. Nhưng không phải hầu hết chúng ta ở đây đều khỏe
mạnh và hiện không mắc phải căn bệnh này sao?
Nếu những con số này vẫn thuyết phục được quý vị nhìn biết ơn
lành của Chúa dành cho chính mình, thì tôi hy vọng rằng những
thông tin mà tôi sắp đọc có thể giúp quý ông bà anh chị em nhận ra
mình thực sự được phước nhiều như thế nào. Kính mời Hội thánh
lắng nghe thông tin sau đây.
“Nếu bạn có thịt trong tủ lạnh, quần áo để mặc, ngôi nhà để về
và chiếc giường để ngủ thì bạn đã giàu có hơn 75% những
người đang sống trên trái đất này.

7
Nếu bạn có tiền gửi trong ngân hàng, tiền lẻ trong ví và tiền xu
trong lon tiết kiệm thì bạn đã nằm trong top 8% những người
được coi là dư dả trên thế giới.
Nếu buổi sáng tỉnh dậy bạn thấy mình khoẻ khoắn vui vẻ thì bạn
đã may mắn hơn hàng triệu người không thể sống qua tuần
này.
Nếu bạn chưa bao giờ gặp cảnh chiến tranh, chưa bao giờ bị
đói hay bị tổn thương nghiêm trọng nào trên cơ thể thì bạn đã
sung sướng hơn 500 triệu người đang sống một cuộc sống đầy
đau đớn trên trái đất.
Nếu bạn có thể đến nhà thờ để thờ phượng Chúa mà không
phải lo sợ bị quấy rối, bắt bớ, đánh đập, hay bị giết hại, thì bạn
đã được phước hơn gần 3 tỷ người trên thế giới này.
Nếu bạn có thể đọc được những dòng này bạn đã may mắn hơn
gần 3 triệu người mù chữ trên toàn thế giới.”
Kính thưa Hội thánh,
Bây giờ thì quý ông bà anh chị em đã nhận thấy được những ơn
lành Chúa đã làm cho cá nhân mình là quá nhiều và quá lớn hay chưa?
Hãy nói “Ha-lê-lu-gia” để nói với Chúa rằng con biết ơn Ngài!
“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về những ơn lành mà Ngài
đã làm cho tôi?” “Ngài đã làm cho tôi,” nghĩa là những ơn lành đó
Chúa đã ban cho tôi rồi. Vấn đề còn lại là liệu tôi có nhìn thấy, biết ơn
và báo đáp những ơn lành đó hay không mà thôi? Vậy thì làm thế
nào để mỗi ngày qua đi, chúng ta vẫn thực sự thấy ơn lành của Chúa
dành cho mình là quá nhiều và quá lớn?
Có hai cách đơn giản nhưng thực tế mà tôi nghĩ có thể giúp mỗi
chúng ta nhìn thấy được ơn của Chúa dành cho mình. Thứ nhất, là
8
chúng ta hãy tập đếm. Đếm điều gì? Hãy tập đếm các ơn phước Chúa
ban cho mình, như bài Thánh Ca quen thuộc mà chúng ta vẫn thường
hát.
“Xin anh đếm các phước lành Cha luôn ban. Xin anh hãy kể ra
ơn lành từng tên. Hãy đếm ơn trên. Hãy kể tên linh ân. Chắc
chắn anh sẽ thấy các công tác Cha đang làm.”
Để nhìn thấy ơn Chúa thì trước tiên hãy tập đếm ơn Chúa. Điều
đơn giản thứ hai mà chúng ta có thể làm để luôn nhìn thấy ơn Chúa
và nuôi dưỡng lòng biết ơn Ngài là hãy học nói lời cảm ơn Chúa từ
những việc nhỏ. Mỗi buổi sáng thức dậy hãy cảm ơn Chúa vì mình đã
không ngủ luôn. Mỗi khi đi ra ngoài đường trở về đến nhà thì hãy
cảm ơn Chúa về sự che chở của Ngài. Mỗi khi đến chỗ làm thì hãy
cảm ơn Chúa vì Ngài còn cho con có công việc và đủ sức khỏe để làm
việc. Thậm chí mỗi khi cầm bát cơm thì hãy cảm tạ Chúa vì mình vẫn
còn cái để ăn. Đến bây giờ chúng ta vẫn còn bình an sau năm 2020 đại
dịch cũng là điều đáng để tạ ơn Chúa, có phải không?
Thưa Hội thánh,
Để có thể báo đáp ơn của Chúa, trước tiên chúng ta cần nhận
biết ơn Chúa đối cùng chính mình. Nhưng từ chỗ biết ơn đến chỗ đền
ơn Chúa vẫn còn một bước nữa mà không phải ai cũng có thể bước
được. Tuy nhiên, tác giả Thi thiên đã làm được điều đó. Từ câu 13 đến
câu 19, tác giả đã cho biết những cách chúng ta có thể làm để báo
đáp ơn Chúa. Vậy thì chúng ta cùng xem tác giả Thi thiên 116 đã dạy
chúng ta cần làm gì để báo đáp ơn Chúa?
II. BÁO ĐÁP ƠN CHÚA
Trước hết, chúng ta cùng xem câu thứ 13.

9
1. “Tôi sẽ cầm chén cứu rỗi và cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va”
Ý của tác giả là gì?
Hình ảnh một nhóm người nâng cùng chén hay ly hàm ý một sự
đồng thuận và sự ăn mừng. Vì thế, hình ảnh nâng chén của sự cứu
rỗi hàm ý rằng chúng ta tán thành công tác cứu chuộc & vui mừng
chủ động tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa vào trong đời sống của
chính mình. Một sự tán thành như vậy sẽ tôn vinh công tác của Chúa
và làm vui lòng Ngài. Sự đồng thuận của chúng ta cũng cho phép
công tác liên quan đến sự cứu rỗi của Ngài kết quả nhiều hơn trong
đời sống chúng ta và qua đó mang vinh hiển về cho Ngài nhiều hơn
nữa.
Nâng chén của sự cứu rỗi cũng có thể hàm ý một sự đề nghị cho
thêm nữa, giống như cách chúng ta cầm một cái ly đã cạn cần được
đổ đầy. Chúng ta trông mong tiếp tục nhận được sự đầy trọn của
Đức Chúa Trời ở trong chính đời sống của mình. Những bản tính tốt
đẹp cùng những phước lành từ nơi Chúa sẽ tiếp tục được rót vào
trong chính đời sống của chúng ta. Chúng ta để cho Chúa có thêm
những cơ hội để ban ơn lành cho chúng ta. Bởi vì ĐCT rất vui sướng
được trở thành Đấng Cung ứng, Nhà vô địch, và là Anh hùng của
chúng ta. Đức Chúa Trời đang “chờ đợi để làm ơn cho chúng ta” (Ê-
sai 30:18) bởi vì Ngài rất muốn chúng ta kinh nghiệm sự đầy trọn của
Ngài.
Thưa Hội Thánh,
Quý ông bà anh chị em có thấy một điều gì đó là lạ ở đây không?
Ở điểm này, có điều gì đó không giống như cách chúng ta suy nghĩ,
phải không? Khi tác giả hỏi: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?” thì
chúng ta mong đợi ông sẽ nói, “Tôi sẽ làm điều nầy điều kia, hay là tôi
sẽ đem đến cho Chúa vật này và vật nọ, hay là tôi sẽ dâng lên Chúa
10
cái này và cái kia…v.v.” Nhưng ngạc nhiên thay, tác giả đã viết gì?
“Tôi sẽ cầm (tức là tiếp nhận hay nhận lấy) chén cứu rỗi và cầu khẩn
Danh ĐGHV.” Đây là điều trái ngược với suy nghĩ của chúng ta, phải
không ạ? Nhưng thưa Hội thánh, đó chính là một lẽ thật thuộc linh
rất sâu sắc. Lẽ thật đó là: trước khi chúng ta có thể làm bất cứ điều gì
cho Chúa, chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhận lãnh hay tiếp nhận
từ nơi Chúa với lòng biết ơn.
Lòng biết ơn phải thúc đẩy chúng ta nhận lãnh từ nơi Chúa
trước hết, chứ không phải là trao tặng hay dâng hiến cho Ngài. Tại
sao vậy? Bởi vì có điều gì chúng ta dâng lên Chúa mà không do Chúa
ban cho chúng ta trước chăng? Đa-vít đã hiểu được điều đó nên ông
nói rằng, “vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến, và những vật chúng
con đã dâng lên Chúa chẳng qua là đã thuộc về Ngài” (1 Sử 29:14).
Sau này, chính Phao-lô một lần nữa xác nhận rằng Đức Chúa Trời là
“Đấng ban sự sống, hơi thở và mọi thứ khác cho chúng ta. Ngài
không cần ai giúp đỡ, vì Ngài có đủ mọi thứ” (Công vụ 17:25). Vì vậy,
đền đáp ơn Chúa có nghĩa là tiếp tục nhận lãnh từ nơi Ngài một cách
đầy trọn và vui mừng, hầu cho sự tốt lành vô hạn của Đức Chúa Trời
sẽ được ca ngợi. Chúng ta tôn vinh Chúa khi chúng ta nhận lấy tình
yêu và những ơn lành của Ngài. Và chúng ta làm ô danh Chúa khi
chúng ta khước từ điều đó. Tóm lại, “tôi sẽ lấy gì để báo đáp Đức
Giê-hô-va về những ơn lành Ngài đã làm cho tôi?” Câu trả lời đó là
trước hết, tôi sẽ vui mừng tiếp nhận sự cứu rỗi cũng như sự đầy
trọn của ĐCT vào trong đời sống mình và vui mừng cảm tạ Chúa về
những điều Ngài đã làm cho tôi. Ai chưa tiếp nhận sự cứu rỗi của
Chúa, hãy mau chóng tiếp nhận? Ai chưa nhận được phước hạnh dư
dật cũng như sự đầy trọn của Chúa như đáng ra phải có, hãy tiếp tục

11
cầu khẩn Danh Chúa và chờ đợi Ngài gia thêm ơn lành cho chính
mình!
Thứ hai, để báo đáp ơn lành của Chúa, chúng ta cần phải hoàn
nguyện với Ngài. Điều này được tác giả lặp lại hai lần giống hệt nhau
trong câu 14 & 18:
“Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa nguyện,
Tại trước mặt cả dân sự Ngài.”
2. Hoàn nguyện với Chúa
Kính thưa Hội thánh,
Con người chúng ta thường có xu hướng hay thất hứa. Tôi tin
chắc là ai trong chúng ta ít nhất cũng đã từng có lần thất hứa với ai
đó, phải không ạ? Chúng ta hứa thật nhiều nhưng thất hứa thì cũng
thật nhiều. Và cũng vì thất hứa nhiều quá nên một số người xem việc
hứa mà không thực hiện lời hứa là chuyện thường tình, chẳng có gì
sai trật cả. Kết quả là, khi hứa nguyện với Chúa mà không hoàn
nguyện thì cũng xem như đó là việc bình thường. Thế nhưng Kinh
Thánh dạy chúng ta điều gì về việc hứa nguyện và hoàn nguyện? Phục
truyền 23:21 cho biết:
“21 Khi hứa nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời điều gì, anh em
đừng chậm hoàn nguyện, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chắc chắn
sẽ đòi điều đó nơi anh em, và anh em sẽ mắc tội.”
Rõ ràng đối với Chúa là Đấng thành tín, thì việc hứa nguyện mà
không hoàn nguyện là một tội lỗi. Đó là điều con dân Chúa cần phải
tránh. Hiểu được điều đó nên tác giả Thi thiên 116 đã nói rằng: “Tôi sẽ
trả xong cho Đức Giê-hô-va các điều tôi hứa nguyện trước mặt toàn
thể con dân Ngài.” Có hai điểm đáng để chúng ta lưu ý ở đây. Thứ
12
nhất, đó là "tôi sẽ trả xong," có nghĩa là trả cho hết, trả cho trọn chứ
không phải trả nửa chừng. Những gì ông đã hứa nguyện với Chúa,
dù là việc lớn hay nhỏ, ông cũng sẽ thực hiện tất cả. Và thứ hai, tác
giả nói là ông sẽ trả xong sự hứa nguyện tại trước mặt toàn thể con
dân Ngài. Điều đó nghĩa là gì? Là ông sẽ hoàn nguyện một cách công
khai trước mặt Hội thánh của Chúa. Điều đó cũng hàm ý rằng việc
ông hoàn nguyện tất cả với Chúa là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tóm lại,
thực hiện tất cả những lời hứa nguyện của mình với Chúa là cách
thứ hai để chúng ta có thể báo đáp ơn của Chúa.
3. Tôi sẽ phục vụ Đức Chúa Trời
Một người biết ơn Chúa và muốn đền đáp ơn của Ngài sẽ ý
thức rằng mình là đầy tớ của Ngài và do đó hết lòng phục vụ Chúa và
làm theo ý Chúa; chứ không phải ngược lại là bắt Chúa phục vụ ý
riêng của mình. Tác giả Thi thiên bày tỏ điều đó trong câu 16: “Lạy
Đức Giê-hô-va, con là đầy tớ Ngài; Thật con là đầy tớ Ngài, con trai
của tớ gái Ngài; Ngài đã mở gông cùm cho con.”
Vì vậy, nếu thực sự muốn đền ơn của Chúa, chúng ta hãy hết
lòng phục vụ Đức Chúa Trời. Nhưng sự phục vụ của chúng ta phải
xuất phát từ tấm lòng biết ơn và yêu mến Chúa, chứ không phải vì
nghĩa vụ hay trách nhiệm được giao. Điều Đức Chúa Trời quan tâm
không phải là chúng ta làm gì cho Ngài mà là chúng ta làm điều đó với
thái độ và động cơ như thế nào.
Điều cuối cùng để đền đáp ơn của Chúa mà chúng ta học được
từ Thi thiên này nằm trong câu 17: “Con sẽ dâng lên Chúa tế lễ tạ ơn
và cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.”
4. Tôi sẽ dâng lên Chúa của lễ cảm tạ

13
Thưa Hội Thánh,
Chúng ta có thể báo đáp ơn của Chúa bằng cách dâng lên Ngài
những của lễ cảm tạ sự biết ơn và vui mừng. Người Y-sơ-ra-ên
thường dâng lên một con chiên hoặc bò để bày tỏ lòng biết ơn và
cảm tạ Chúa mỗi khi họ kinh nghiệm Chúa ban cho mình một phước
hạnh đặc biệt nào đó. Vì vậy, nếu muốn báo đáp ơn Chúa, chúng ta
hãy dâng lên Chúa những của lễ cảm tạ.
Của lễ tạ ơn mà chúng ta dâng hiến không nhất thiết lúc nào
cũng phải quy đổi ra giá trị vật chất như là con bò hay con dê trong
thời Cựu ước. Có một cách nữa để chúng ta có thể dâng của lễ thù ân
hay cảm tạ được bày tỏ trong Hê-bơ-rơ 13:15-16 như sau:
“Vậy nhờ Đức Chúa Jêsus, chúng ta hằng dâng sinh tế bằng lời
ngợi ca cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miệng
tuyên xưng danh Ngài.16 Chớ quên làm việc lành và chia sẻ cho
người khác, vì các tế lễ như thế làm hài lòng Đức Chúa Trời.”
Như vậy, một trong những cách để chúng ta dâng tế lễ cảm tạ
hay tạ ơn là mở miệng ngợi khen, chúc tán, cảm tạ và cao rao Danh
Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy thêm lên sự ngợi khen và chúc tụng Chúa.
Hãy khoe ra những việc tốt lành mà Chúa đã dành cho chúng ta. Và
hãy thêm lên lời cảm tạ ơn Ngài. Một cách khác nữa để dâng của lễ tạ
ơn cho Chúa là “làm việc lành và chia sẻ cho người khác, vì các tế lễ
như thế làm hài lòng Đức Chúa Trời” (c.16). Xin Chúa cho tôi và quý
vị có ơn của Ngài nhiều hơn nữa để sống trao ban, chia sẻ và làm đủ
thứ các việc lành đã sắm sẵn cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Jesus.
Tóm lại, Thi thiên 116 cho chúng ta biết 4 cách để đền đáp ơn của
Chúa. Thứ nhất, chúng ta phải vui mừng tiếp nhận ơn cứu rỗi và tiếp
tục trông đợi Chúa gia thêm ơn lành của Ngài cho chúng ta để chúng
14
ta nhận được sự đầy trọn của Chúa trong đời sống mình. Thứ hai, hãy
hoàn nguyện, tức là trả xong mọi lời hứa nguyện của chúng ta với
Chúa. Thứ ba, hãy hết lòng phục vụ Chúa với lòng biết ơn và tình yêu.
Cuối cùng, hãy dâng lên Chúa các của lễ tạ ơn cùng với việc trung tín
dâng 1/10 cho Chúa.
Kính thưa Hội thánh,
Thánh Augustine đã nói rằng: “Người không thấy đường là
người đui; nhưng người thấy mà không biết tạ ơn là người bất
nghĩa.” Không ai trong chúng ta muốn trở thành người bất nghĩa,
phải không ạ?
Cũng hãy nhớ rằng, khi hỏi chính mình: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp ơn
Chúa?” thì điều đó có nghĩa là tôi cam kết thực hiện điều đó ngay và
luôn. Tôi sẽ tìm xem mình có thể báo đáp Chúa bằng điều gì tôi đang
có ngay trong hiện tại. Tôi bắt đầu ngày chứ không đợi đến khi đầy
đủ hay giàu có rồi tôi mới báo đáp ơn Chúa.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta thật sự nhận biết ơn Chúa và báo đáp
ơn lành mà Chúa đã dành cho chúng ta! A-men!

15

You might also like