You are on page 1of 5

Hiện trạng khai thác khoáng sản tại Việt Nam

Tính riêng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tháng 9 ước đạt 1,07 tỷ USD,
tăng 16% so với tháng 8 và tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trừ than đá, các mặt hàng khác trong
nhóm đều tiếp tục gặp thuận lợi về giá xuất khẩu.
Lượng xuất khẩu của các mặt hàng cũng tăng so với tháng trước khiến cho kim ngạch xuất khẩu tháng 9
tăng 16% so với tháng 8.
Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong đó dầu
thô tăng 14,7%, quặng và khoáng sản khác tăng 2,5%, hai mặt hàng còn lại là than đá giảm 27% và xăng
dầu giảm 5%.

Hiện trạng khai thác khoáng sản tại Việt Nam qua từng giai đoạn:
Từ khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng, công tác điều tra địa chất và tìm kiếm thăm dò khoáng
sản mới được triển khai trên quy mô toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong công tác điều tra cơ bản, bằng việc
lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, đã phát hiện thêm nhiều vùng, điểm mỏ có triển vọng
lớn. Kết quả của công tác điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất cho thấy, Việt Nam có tiềm năng khoáng
sản khá phong phú, đa dạng. Nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn như bôxit, quặng sắt, đất hiếm, apatít,…
chủng loại khoáng sản đa dạng.

Hiện trạng khai thác và chế biến một số khoáng sản kim loại chính:
1. Quặng sắt:
Ở Việt Nam hiện nay đã phát hiện và khoanh định được trên 216 vị trí có quặng sắt, có 13 mỏ
trữ lượng trên 2 triệu tấn, phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc.
Trong tất cả các mỏ quặng sắt của Việt Nam, đáng chú ý nhất là có hai mỏ lớn đó là mỏ sắt Quý
Xa ở Lào Cai và mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh. Hàng năm, số lượng quặng sắt khai thác và chế biến ở Việt
Nam đạt từ 300.000 – 450.000 tấn. Công suất khai thác của mỏ hiện nay là thấp hơn rất nhiều so với
công suất thiết kế được phê duyệt. Công nghệ và thiết bị khai thác, chế biến ở mức trung bình, một số
thiết bị khai thác cũ và lạc hậu, nên công suất bị hạn chế và không đảm bảo khai thác hết công suất theo
các dự án được phê duyệt
Các mỏ cấp giấy phép tận thu không có thiết kế khai thác, hoặc có nhưng khi khai thác không
theo thiết kế. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, các doanh nghiệp khai thác tận thu đã làm tổn thất tài
nguyên (Không thu được quặng cám cỡ hạt từ 0-8mm) và môi trường bị ảnh hưởng.
Năng lực khai thác quặng sắt hiện nay có thể đáp ứng sản lượng là 500.000 tấn/năm. Thị trường
quặng sắt hiện nay: 80% sử dụng trong nước, chủ yếu là để luyện thép, còn 20% xuất khẩu

2. Bô xít
Nước ta có tiềm năng rất lớn về quặng bôxít với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo đạt khoảng
5,5 tỷ tấn, phân bố chủ yếu ở tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Phước,…
Nhìn chung, nước ta có trữ lượng tài nguyên bôxít lớn, chất lượng tương đối tốt, phân bố tập
trung, điều kiện khai thác thuận lợi. Mặt khác, thị trường cung – cầu sản phẩm alumin trên thị trường
thế giới hiện nay rất thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp nhôm ở nước ta. Bên cạnh nước ta là
Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về alumin, hàng năm khoảng 5-6 triệu tấn alumin. Do vậy, cần
phải khai thác và chế biến sâu bôxít, điện phân nhôm để phát triển ngành công nghiệp nhôm phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
3. Quặng titan:
3.1. Tài nguyên quặng titan:
Theo kết quả điều tra, thăm dò địa chất, cho tới nay đã phát hiện 59 mỏ và điểm quặng titan,
trong đó có 6 mỏ lớn có trữ lượng từ 1 đến 5 triệu tấn, 8 mỏ trung bình có trữ lượng > 100.000 tấn và 45
mỏ nhỏ và điểm quặng.
Xét về tổng thể, quặng titan Việt Nam không nhiều, nhưng đủ điều kiện để phát triển ngành
titan đồng bộ từ khâu khai thác và chế biến sâu với quy mô công nghiệp không lớn, đáp ứng nhu cầu
trong nước, thay nhập khẩu, có hiệu quả hơn nhiều so với xuất khẩu quặng tinh và nhập khẩu pigment,
ilmenhit hoàn nguyên và zircon mịn ngay trước mắt và lâu dài cho các ngành công nghiệp

3.2. Hiện trạng khai thác và chế biến quặng titan:


Do thuận lợi về mặt tài nguyên, công nghệ và thiết bị đơn giản và có thể tự chế tạo trong nước,
vốn đầu tư không lớn, có thị trường, lợi nhuận cao cho nên khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng titan
Việt Nam đang phát triển. Ngành Titan hoạt động với giá trị xuất khẩu quặng tinh titan 20-30 triệu
USD/năm, có hiệu quả kinh tế đáng kể, đặc biệt có ý nghĩa kinh tế xã hội với nhiều địa phương suốt dọc
ven biển từ Thanh Hoá đến Bình Thuận.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, do quản lý không chặt chẽ, và lợi dụng hình thức “khai thác
tận thu” đơn vị khai thác và chế biến quặng titan, chỉ đầu tư nửa vời, tách được ilmenhít, phần còn lại
giàu zircon rutin và momazít được bán ra nước ngoài ở dạng thô, trong đó có cả các đơn vị không đủ khả
năng, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, khai thác bừa bãi bất hợp pháp, “nhảy cóc” gây lãng
phí tài nguyên, gây tác động xấu đến môi trường, gây tình trạng tranh chấp trong sản xuất và thị trường.
Chế biến quặng tinh và nghiền mịn zircon mới được thực hiện ở số ít doanh nghiệp khai thác và chế biến
quặng titan.
Tóm lại, có thể đánh giá hiện trạng công nghệ khai thác và tuyển quặng titan ở Việt Nam như
sau:
- Tài nguyên trữ lượng quặng titan – zircon của Việt Nam không nhiều, chiếm khoảng 0,5% của thế giới.
- Ngành Titan Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn được công nghệ khai thác và tuyển quặng titan, các chỉ
tiêu kinh tế – kỹ thuật đạt mức tiên tiến của khu vực và thế giới, thu được các quặng tinh riêng rẽ, đạt
tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Thiết bị cho công nghệ tuyển và phụ trợ hoàn toàn có thể sản xuất trong nước với chất lượng khá tốt
và giá thành rất cạnh tranh về thiết bị khai thác chỉ nhập thiết bị xúc bốc như máy đào, gạt, ôtô vận tải.
Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có công nghệ chế biến sâu quặng titan.
- Ngành Titan phát triển thiếu quy hoạch, mất cân đối, chưa có công nghệ chế biến sâu, hiện nay đang
phải xuất quặng tinh, nhưng đang phải nhập khẩu các chế phẩm từ quặng titan cho nhu cầu trong nước
với mức độ tăng.

4. Quặng thiếc:
Ở nước ta, thiếc được khai thác sớm nhất tại vùng Pia Oắc – Cao Bằng khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Đến 1945, người Pháp đã khai thác khoảng 32.500 tấn tinh quặng SnO2. Sau hoà bình lập lại, mỏ thiếc
Tĩnh Túc Cao Bằng được Liên Xô (cũ) thiết kế và trang bị bắt đầu hoạt động từ 1954. Đây cũng là mỏ
thiếc lớn đầu tiên khai thác, chế biến có quy mô công nghiệp.
Công nghệ khai thác ở các mỏ quy mô công nghiệp chủ yếu là khai thác bằng ôtô, máy xúc, tuyển
trọng lực, tuyển từ, tuyển điện và công nghệ luyện kim bằng lò phản xạ, lò điện hồ quang.
Hiện nay, công nghệ luyện thiếc bằng lò điện hồ quang do Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim
nghiên cứu thành công và chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất đã đạt được những chỉ tiêu KT-KT tiên
tiến. Bằng việc nghiên cứu ứng dụng điện phân thiếc đạt thiếc thương phẩm loại I: 99,95%; Viện Nghiên
cứu Mỏ và Luyện kim và Công ty Luyện kim mầu Thái Nguyên đã xây dựng các xưởng điện phân thiếc với
công suất: 500-600t/n xưởng. Hiện nay, có ba xưởng điện phân thiếc thương phẩm loại I xuất khẩu với
tổng công suất là 1.500t/năm - 1.800t/năm.

5. Quặng đồng:
Quặng đồng phát hiện ở Việt Nam cho tới nay đáng kể nhất là ở mỏ đồng Sinh Quyền – Lào Cai,
sau đó là mỏ đồng Niken – Bản Phúc.
Dự án đầu tư xây dựng liên hợp mỏ tuyển luyện đồng Sinh Quyền quy mô lớn đang thực hiện, chủ đầu
tư là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – với
công nghệ và thiết bị nhập của Trung Quốc. Khu luyện kim và axit được xây dựng tại khu Công nghiệp
Tằng Loỏng - Lào Cai.
Công nghệ khai thác lộ thiên kết hợp với hầm lò. Công nghệ tuyển nổi đồng để thu được quặng
tinh đồng, tinh quặng đất hiếm và tinh quặng manhêtit. Khâu luyện kim áp dụng phương pháp thuỷ khẩu
sơn (luyện bể) cho ra đồng thô, sau đó qua lò phản xạ để tinh luyện và đúc dương cực, sản phẩm đồng
âm cực được điện phân cho đồng thương phẩm.
 

6. Quặng kẽm chì:


Các mỏ kẽm chì ở nước ta đã được phát hiện và khai thác, chế biến từ hàng trăm năm nay.
Hiện nay, Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên đã xây dựng xong nhà máy điện phân kẽm kim loại tại khu
Công nghiệp Sông Công Thái Nguyên với công nghệ, thiết bị của Trung Quốc công suất kẽm điện phân là:
10.000t/năm.
Trên cơ sở nắm chắc tài nguyên, và kết quả thăm dò trong các năm 2008-2010, Tổng công ty
KSVN sẽ tiến hành đầu tư khai thác và tuyển các mỏ kẽm – chì Nông Tiến – Tràng Đà, Thượng ấn, Cúc
Đường, Ba Bồ,… với quy mô công suất tuyển từ 40.000-60.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Từ nguồn
nguyên liệu là tinh quặng tuyển nổi và bột kẽm từ 50.000-100.000 tấn quặng nguyên khai/năm, sẽ tiến
hành xây dựng hai nhà máy điện phân kẽm tại Tuyên Quang và Bắc Cạn với công suất mỗi nhà máy
khoảng 20.000 tấn kẽm/năm. Xây dựng một nhà máy luyện chì và tách bạc với công suất 10.000 tấn chì
thỏi và 15.000 kg bạc/năm. Các nhà máy điện phân kẽm và luyện chì dự kiến sẽ xây dựng trong giai đoạn
2008-2015.
Như vậy, nếu tài nguyên cho phép sau khi đã thăm dò nâng cấp trữ lượng, thì dự kiến đến năm 2010,
sản lượng kẽm thỏi sẽ đạt 20.000-30.000 tấn/năm và khoảng 10.000 tấn chì thỏi/năm, đưa tổng thu
nhập lên 35 triệu USD/năm.

Đánh giá và nhận xét chung:


1. Về khai thác và tuyển khoáng:
Hầu hết ở các mỏ kim loại, về kỹ thuật chưa được chú ý, đa số áp dụng hệ thống khai thác lộ
thiên với công nghệ ôtô - máy xúc. Đây là loại hình công nghệ cổ điển, giá thành cao. Các thông số kỹ
thuật của hệ thống khai thác và vận tải không đảm bảo. Từ khi có chủ trương khai thác mỏ nhỏ, khai
thác tận thu, hàng loạt các công trường khai thác thủ công mọc lên như khai thác vàng, đá quý, thiếc,
mangan, sắt, In-me-nhít…. Phương pháp khai thác thủ công hầu như không có cơ sở khoa học về công
nghệ. Một số xí nghiệp khai thác cơ giới cũng chuyển sang khai thác thủ công như mỏ thiếc Tĩnh Túc,
Sơn Dương, Bắc Lũng, Crômit Cổ Định, do cạn kiệt tài nguyên hoặc do quy mô khai thác giảm, không chịu
nổi chi phí của khai thác cơ giới. Phương pháp khai thác thủ công và bán cơ giới đã tác động xấu đến môi
trường sinh thái và gây lãng phí tài nguyên. Về tuyển khoáng cũng được thay thế công nghệ tuyển cơ
giới tập trung bằng những xưởng tuyển “mini” thủ công hoặc bán cơ giới. Hình thức này bao trùm hầu
hết các ngành khai thác khoáng sản kim loại như thiếc, vàng, crômit, mangan….
Một số cơ sở áp dụng phương pháp tuyển nổi như đồng Sinh Quyền, tuyển quặng sunphua kẽm
chì Lang Hích, apatít, graphít,… với sơ đồ và thiết bị tuyển đơn giản, hệ số thu hồi thấp, giá thành cao và
chưa thu hồi được khoáng sản có ích đi kèm.

2. Về luyện kim và chế biến sâu:


Công nghiệp luyện kim và chế biến sâu khoáng sản chưa được phát triển. Gang, thép, thiếc,
antimon, vàng, kẽm, chì đã được luyện nhưng chỉ có gang, thép và thiếc được luyện ở quy mô công
nghiệp.
Nhà máy gang thép Thái Nguyên với công nghệ luyện gang bằng lò cao (lò cao nhỏ V=100m3).
Luyện thiếc bằng lò phản xạ và lò điện hồ quang và điện phân. Sản xuất bột kẽm bằng lò phản xạ và lò
quay. Luyện antimon bằng lò phản xạ và lò điện hồ quang. Công nghệ thuỷ luyện được áp dụng cho
luyện vàng.
Nhìn chung, công nghệ luyện kim và chế biến sâu chưa phát triển, thiết bị lạc hậu, năng suất và
hệ số thu hồi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Phần lớn sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở
mức trung bình, trừ thiếc điện phân đạt loại I thế giới (99,95%Sn).
Tóm lại, ngành khai thác và chế biến khoáng sản kim loại trong nhiều thập kỷ qua chưa phát
triển đúng với tiềm năng, đúng với vị trí, vai trò trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước. Trong bối
cảnh mở cửa và giao lưu quốc tế theo cơ chế thị trường, chúng ta cần liên doanh, liên kết với nước
ngoài trong dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp và thị trường tiêu thụ như dự án sản xuất
alumin và điện phân nhôm, dự án luyện gang, thép từ quặng sắt Thạch Khê, Quý Xa…
Trong thời gian đầu từ 10-15 năm, có thể phải cho nước ngoài nắm cổ phần chi phối, chúng ta
nắm cổ phần ở những khâu thiết yếu như nguồn tài nguyên… có như vậy ngành công nghiệp khoáng sản
kim loại mới có cơ hội phát triển mạnh.

Giải pháp nào để bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng
sản?
Để giảm bớt những bất cập trong khai thác tài nguyên khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, các
cơ quan quản lý Nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà
nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cùng với đó, cần sớm công khai các thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản gồm: Diện
tích, thời hạn, công suất, tình trạng, giấy phép; báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cả
nguồn từ tài nguyên khoáng sản đóng góp cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi
có tài nguyên khoáng sản.

Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn
nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai
thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác tài
nguyên khoáng sản.

Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, muốn khai thác tài nguyên khoáng sản
bền vững, cần phải xác định rõ mức khai thác sản lượng bền vững (mức khai thác vừa đủ để các nguồn
tài nguyên có khả năng tái sinh được) và không được phép khai thác quá sản lượng bền vững này. Kế đó,
phải quản lý tốt các nguồn tài nguyên không phục hồi, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để giảm hao phí
tài nguyên, chống nạn phế thải bừa bãi, thay đổi cách hoạt động và tiêu dùng của con người để giảm bớt
sự tiêu dùng các nguồn tài nguyên này, có phương pháp tái sinh thích hợp để quay vòng sử dụng các
nguồn tài nguyên không phục hồi một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề quan trọng không kém, đó là phải tôn trọng khả năng chịu tải của hệ sinh thái: sự tác
động của con người đối với trái đất tùy thuộc vào số lượng người, mức độ sử dụng, lãng phí các nguồn
tài nguyên và năng lượng. Giới hạn chịu đựng của trái đất hay của một hệ sinh thái gọi là mức chịu đựng
tối đa. Mọi hoạt động của con người phải tôn trọng giới hạn đó.

You might also like