You are on page 1of 6

1

Đề tài số 3:
Dung mạo và sứ điệp của các ngôn sứ. Các sách I-sai-a, Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-
en: công trình biên soạn và thần học của một cuốn (bất kỳ trong ba cuốn sách trên,
n.d.).
DÀN BÀI
I. Dung mạo và sứ điệp của các ngôn sứ
1. Dung mạo
2. Sứ điệp
2.1 Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chân thật
2.2 Đức Chúa trong mối quan hệ với dân Ngài
2.3 Đức Chúa trong mối quan hệ với gia đình nhân loại
2.4 Thời cánh chung
II. Sách ngôn sứ Isaia
1. Công trình biên soạn
1.1 Những lý thuyết
1.2 Những giai đoạn trong công trình biên soạn
1.3 Tính duy nhất của sách
2. Tư tưởng thần học
2.1 Mặc khải về Thiên Chúa
2.2 Luận tội Giêrusalem
2.3 Niềm hy vọng Mêsia
2.4 Viễn cảnh về ơn cứu độ hoàn vũ
2.5 Thành thánh Giêrusalem tương lai
NỘI DUNG CHÍNH
I. Dung mạo và sứ điệp của các ngôn sứ
1. Dung mạo
Ngôn sứ hay Tiên tri là những người thừa lệnh Thiên Chúa để phán bảo, dạy dỗ,
hướng dẫn dân riêng của Ngài là Ítraen. Ngôn sứ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong
lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trên dân.
Ảnh hưởng của các ngôn sứ bao trùm mọi lãnh vực: tôn giáo, chính trị, xã hội và văn
hóa.
Truyền thống ngôn sứ Ítraen có những nét đặc trưng riêng: họ trung thành, tận tâm
chuyển giao lời Thiên Chúa; không vì tư lợi hay áp lực nào có thể sai khiến các ngài; họ
phán xử và là tiếng lương tâm cho các định chế.
2

Trong bộ Kinh Thánh Hípri, ngôn sứ được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Thầy Thị
Kiến (người thấy, hiểu lời Chúa phán và truyền đạt lại cho người khác), Thầy Chiêm Thị
(người đón nhận mặc khải từ Thiên Chúa qua các linh thị và truyền đạt lại cho người
khác), Ngôn Sứ (người phát ngôn của Thiên Chúa, dưới tác động của Thần Khí). Còn
trong bộ Kinh Thánh Hy-lạp, phân biệt ngôn sứ chính danh (Prophetes) và ngôn sứ mạo
danh (Pseudo-prophetes). Bộ Kinh Thánh La-tinh, ngôn sứ (propheta) là người được Thiên
Chúa ủy thác để nói thay cho Ngài.
Trong Kinh Thánh, nhiều hình dung từ được dùng để chỉ các ngôn sứ như “Người
của Thiên Chúa”, “Người tôi tớ của Đức Chúa”, “Sứ giả của Đức Chúa”. Ngôn sứ được
Thiên Chúa cho làm phép lạ, cho ứng nghiệm các sấm ngôn và nổi bật tính luân lý trong
sứ điệp của họ. Ngôn sứ là ơn gọi đặc biệt từ Thiên Chúa và được Ngài linh hứng. Họ đón
nhận mặc khải qua các thị kiến, chiêm bao, Lời và truyền đạt bằng hành động biểu tượng,
giảng thuyết, qua các tác phẩm của họ. Vì vậy, có ngôn sứ giảng thuyết và ngôn sứ bút ký.
2. Sứ điệp
“Ngôn sứ, một con người được Thiên Chúa ủy thác lời Ngài và ủy quyền để nói thay
cho Ngài”. Ngôn sứ luôn luôn là con người của thời đại mình, sứ vụ ngôn sứ của các ngài
gắn liền với những biến cố và hoàn cảnh thời đại của các ngài. Từ những thực trạng đương
thời nầy mà sứ điệp của các ngài vang lên. Sứ vụ mà các ngài được Thiên Chúa ủy quyền
thực hiện và lời mà các ngài được Thiên Chúa ủy thác chuyển giao có đối tượng rõ ràng:
những người đương thời của các ngài.
Cách thức quyền năng nhất mà các ngôn sứ ảnh hưởng trên tâm trí của những người
đương thời của mình là khả năng vén mở những sự việc sẽ xảy đến trong tương lai. Các
ngài không chỉ duyệt lại những thế lực, khuynh hướng và hoàn cảnh sống trong đất nước
của các ngài, nhưng còn trong các dân tộc khác của một thế giới rộng lớn bên ngoài.
2.1 Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chân thật
Ngôn sứ là những người thừa kế di sản tôn giáo của dân tộc đã được lưu truyền qua
hằng thế kỷ và sứ vụ của họ chính là triển khai và hiện tại hóa những giá trị truyền thống
này. Các ngôn sứ nhìn tất cả mọi biến cố lịch sử và giải thích chúng trong ánh sáng của
niềm tin Thiên Chúa Duy Nhất. Tôn giáo của Ítraen đặt nền tảng trên Mặc Khải của Thiên
Chúa, Đấng đã và đang tỏ mình ra trong lịch sử, qua những biến cố lịch sử mà con người
nhận biết Ngài.
Sứ điệp của các ngôn sứ được đặt trên một nền tảng chung: chỉ có một Thiên Chúa,
Đấng làm chủ mọi biến cố lịch sử và nắm trong tay tất cả vận mệnh hoàn vũ; tuy nhiên
Ngài không hành động tùy hứng nhưng có chương trình đối với Ítraen và toàn thể nhân
loại.
Niềm tin của dân Ítraen vào Thiên Chúa dễ bị lung lay và chao đảo, đặc biệt vào
những lúc khủng hoảng. Trong những hoàn cảnh đó, ngôn sứ xuất hiện để củng cố niềm
tin chân thật của dân chúng vào Thiên Chúa của họ.
2.2 Đức Chúa trong mối quan hệ với dân Ngài
Việc dân Ítraen được tuyển chọn, được cứu thoát khỏi Ai Cập và thiết lập giao ước
độc nhất với Đức Chúa đã là nền tảng căn bản mà các ngôn sứ không ngừng kêu gọi dân
chúng nhớ lại như bằng chứng chắc chắn để đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng
3

đồng thời đó cũng là những tiêu chuẩn để các ngôn sứ tố cáo tội của dân và giải thích mọi
biến cố xảy đến cho dân tộc mình.
Các ngôn sứ nhấn mạnh: Ítraen đã được chọn không vì lợi ích riêng của mình, nhưng
vì lợi ích của Thiên Chúa; Ítraen đã được chọn không vì những phẩm chất đức hạnh của
mình, nhưng vì được xích lại gần Thiên Chúa, dân có thể tiến bước trên con đường đức
hạnh.
2.3 Đức Chúa trong mối quan hệ với gia đình nhân loại
Dân Ítraen là dân riêng của Chúa, được Thiên Chúa sủng ái, nhưng Ngài không tách
biệt họ khỏi nhân loại. Dân Ítraen được chọn là nhầm mang phúc lộc cho nhân loại.
Dân Ítraen được tuyển chọn và được giao ước với Thiên Chúa chính là để thực hiện
sứ mạng của mình, đó là hướng dẫn chư dân dự phần vào những ân phúc mà Thiên Chúa
ban. Lúc đó, mọi người sẽ vui mừng hoan hỉ, dân Thiên Chúa và chư dân sẽ vui hưởng
cảnh thái bình thịnh vượng.
2.4 Thời cánh chung
Thời cánh chung được quan niệm như thời kỳ viên mãn, thời kỳ toàn thể gia đình
nhân loại đạt đến mức hoàn thiện. Để đạt được sự hoàn thiện đó, Thiên Chúa phải dẫn đưa
dân Người qua một thời gian lịch sự. Chính Thiên Chúa là Đấng làm nên và làm chủ lịch
sử con người.
Điểm cốt yếu là khi nào Thiên Chúa thể hiện chính mình trong lịch sử và cuộc sống
nhân loại. Chắc chắn triều đại công chính được thực hiện trước tiên nơi dân Ítraen, và qua
Ítraen sẽ mở rộng ra toàn thể nhân loại. Nhưng chính sự duy nhất của Thiên Chúa gợi lên
trong tâm trí của con người sự duy nhất của nhân loại, và sự thánh thiện của Thiên Chúa
gợi ra sự hoàn thiện luân lý của nhân loại.
II. Sách ngôn sứ Isaia
1. Công trình biên soạn
Căn cứ trên những khác biệt về bối cảnh lịch sử như được quy chiếu đến hay ám chỉ
đến trong sách, thật hợp lý để giả sử rằng sách đã được sáng tác và biên soạn trên hai thế
kỷ, từ năm 733 trước Công Nguyên (năm vua Útdigiahu băng hà và ngôn sứ Isaia bắt đầu
sứ vụ của mình) cho đến những năm sau cuộc hồi hương trở về, nghĩa là, khoảng năm 525
trước Công Nguyên. Vì thế, không thể nào cho rằng tác giả của toàn bộ sấm ngôn trong
sách là ngôn sứ Isaia duy nhất, bởi lẽ ông không thể thấy trước từng chi tiết những biến cố
xảy ra hơn một trăm năm sau khi ông qua đời.
1.1 Những lý thuyết
Các nhà chuyên môn đã đề xuất nhiều lý thuyết về tiến trình biên soạn sách Isaia.
Chúng ta có thể kể ba lý thuyết căn bản sau đây:
1) Theo lý thuyết thứ nhất:
- Các chương 1-39 là phần cốt lõi nguyên thủy của toàn bộ sách, thuộc niên biểu từ
thời ngôn sứ Isaia.
- Các chương 40-55 được thêm vào trong suốt thời lưu đày ở Babylon.
4

- Vào thời hậu lưu đày, các chương 56-66 được bổ sung để hoàn thành một cuốn sách
duy nhất.
2) Theo lý thuyết thứ hai, sách Isaia hiện nay có ít ra ba tác giả:
- Phần thứ nhất (ch. 1-39) được quy cho chính vị ngôn sứ Isaia đệ nhất sống vào thời
tiền lưu đày.
- Phần thứ hai (ch. 40-55) được quy cho một vị ngôn sứ nặc danh thời lưu đày, biệt
danh là “Isaia đệ nhị”.
- Phần thứ ba (ch. 56-66) là tác phẩm của một ngôn sứ nặc danh khác nữa của thời
hậu lưu đày, biệt danh là “Isaia đệ tam”.
3) Lý thuyết thứ ba: sách được biên soạn vào thời hậu lưu đày, từ chất liệu vốn đã có
mặt trong những hình thức khác. Vài trong số chất liệu nầy rất xa xưa, niên biểu của chúng
có thể lên đến tận thế kỷ thứ tám. Vài người cho rằng phần cốt lõi là phần thứ hai (ch. 40-
55), phần thứ nhất (ch. 1-39) là phần bổ sung như một dẫn nhập rộng lớn, và phần thứ ba
(ch. 56-66) cũng là phần bổ sung như một kết luận tỉ mỉ. Còn những người khác thì cho
rằng phần thứ ba mới là phần chính yếu, những phần khác được thêm vào sau nầy.
1.2 Những giai đoạn trong công trình biên soạn
Sách ngôn sứ Isaia như hiện nay được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau,
nhưng tinh thần chủ đạo luôn luôn là ngôn sứ Isaia lừng danh vào thế kỷ thứ tám trước
Công Nguyên. Như thế, chúng ta nói về một truyền thống Isaia. Ba giai đoạn hình thành
tác phẩm:
1) Giai đoạn thứ nhất là cuộc đời của chính ngôn sứ Isaia (ch. 1-39). Phần này đóng
vai trò quan trọng vì nó bao gồm bốn chủ đề vang dội xuyên suốt giáo huấn của ông: 1- sự
thánh thiện của Thiên Chúa, 2- niềm xác tín rằng tội lỗi là sự ô uế và phàm tục, 3- không
thể nào tránh được án phạt của Thiên Chúa sắp giáng xuống, và 4- niềm hy vọng về ơn
cứu độ.
2) Giai đoạn quan trọng thứ hai là cuộc lưu đày ở Babylon (ch. 40-55). Những người
lưu đày đang mất dần niềm hy vọng, thậm chí có thể có những người nghĩ rằng Thiên
Chúa đã quay lưng lại không thèm đoái nhìn đến Giao Ước. Nên Thiên Chúa cảm thấy cần
an ủi dân Ngài qua vị ngôn sứ. Phần thứ hai nầy có văn phong uy nghi, nội dung súc tích
và văn chương toàn bích, có thể sánh ví với những thị kiến và sấm ngôn trong phần thứ
nhất.
3) Giai đoạn thứ ba: hoàn cảnh ở Giuđa khi những người lưu đày hồi hương trở về
(ch. 56-66). Sau thời gian lưu đầy, dân Ítraen vui mừng trở về và mong tái thiết đền thờ.
Nhưng họ lại phải đối diện với nhiều khó khăn mới. Bên cạnh những kết án về tội bất
trung, thói hư tật xấu và cách sống đạo duy hình thức, chúng ta gặp thấy những đoạn văn
chứa chan niềm hy vọng và khích lệ dân chúng sống kiên vững trong niềm tin, bất chấp
những khó khăn ngoại tại và nội tại.
1.3 Tính duy nhất của sách
Với những khác biệt, toàn bộ sách vẫn cho thấy một sự duy nhất rõ nét: về bố cục và
toàn bộ sách được quy cho ngôn sứ Isaia tiền lưu đày. Về cấu trúc nội tại, chương 1 đóng
chức năng như lời dẫn nhập giới thiệu tất cả các đề tài sẽ được đề cập đến trong toàn bộ
5

sách, chương 2 và chương 66 cấu tạo nên một cái khung cho nội dung của sách. Sách quy
chiếu về thời hậu lưu đày mang theo sứ điệp về niềm hy vọng, về Đấng Mêsia sẽ đến và
canh tân mọi sự. Sách Isaia phản chiếu những mâu thuẫn của lịch sử dân Chúa chọn,
những thăng trầm mà dân phải trải qua để đạt đến cùng đích của mình.
2. Tư tưởng thần học
Trong toàn bộ Cựu Ước, xét trên quan điểm giáo thuyết, sách Isaia là một trong
những sách quan trọng nhất như những chủ đề vĩ đại về Thiên Chúa, con người và ơn cứu
độ. Theo một nghĩa nào đó, sách ngôn sứ Isaia là bản trích yếu của niềm tin Cựu Ước, và
sách mở ra cánh cửa về Mặc Khải viên mãn ở nơi Tân Ước. Hai chủ điểm chính của sách
Isaia chạy xuyên suốt sách: trước hết là sự siêu việt của Thiên Chúa và sự xúc phạm
nghiêm trọng của con người đối với Ngài; và tiếp đến, một đề tài đặc biệt cho ba phân
đoạn của sách: 1- loan báo về Đấng Mêsia, 2- ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, 3- niềm
hy vọng vào thời Cánh chung.
2.1 Mặc khải về Thiên Chúa
Ngôn sứ Isaia viết về sự thánh thiện của Thiên Chúa: Ngài siêu vượt trên tất cả mọi
tạo vật hữu hình và vô hình. Ngài là Chủ Tể tối cao của muôn loài muôn vật, được bao phủ
trong, được ẩn dấu bởi ánh vinh quang rạng ngời của Ngài. Trước Thánh Nhan Ngài, tạo
vật chỉ có thể kính sợ. Thiên Chúa cao vời khôn ví, không gì có thể cưỡng kháng lại Ngài
(x. 6,5). Ngài tỏ mình ra qua những công trình kỳ diệu phản chiếu ánh huy hoàng rực rỡ
của vinh quang Ngài (35,2) khiến con người phải sững sờ khiếp sợ (x. 29,14).
Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ítraen như Đấng quyền năng, cao cả và siêu việt trên
muôn loài muôn vật, tác giả của công trình sáng tạo và lịch sử nhân loại, lại không là một
Hữu Thể trừu tượng nhưng là một Ngôi Vị, có những phẩm tính có thể được biểu hiện
dưới dạng con người. Đức Chúa là vị Thiên Chúa có thể đi vào trong mối tương giao và
mở ra cuộc đối thoại với con người.
2.2 Luận tội Giêrusalem
Ngôn sứ Isaia cho thấy con người là một tạo vật yếu đuối và tội lỗi khi so sánh với
Thiên Chúa, Đấng siêu vượt trên muôn loài muôn vật. Thay vì khiêm tốn nhận biết Thiên
Chúa như Chủ Tể của mình, con người lại “nổi loạn” chống lại Thiên Chúa. Tội nặng nhất
là sự tự cao tự đại và tự mãn. Thiên Chúa trừng phạt cốt là làm cho con người biết khiêm
tốn.
2.3 Niềm hy vọng Mêsia
Ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng “một nhóm còn sót lại” sẽ được cứu và trở thành nhân
tố cho sự phục hưng vận mệnh quốc gia. Chỉ “một phần mười” sẽ được sống sót, nhưng từ
gốc rễ nầy một chồi non, mà Đức Chúa sẽ cho mọc lên, sẽ là vinh quang, danh dự, nguồn
phú túc, niềm hãnh diện và tự hào cho những người Ít-ra-en thoát nạn (4,2-3).
Dù không sử dụng thuật ngữ “Mêsia”, Isaia là vị ngôn sứ trình bày rõ nét nhất “giáo
thuyết về Mêsia vương đế”, giáo thuyết phác họa vị Cứu Thế vương đế tương lai. Con
người tuyệt vời nầy ông gọi bằng những danh hiệu khác nhau: “Cố Vấn kỳ diệu”, “Thần
Linh dũng mãnh”, “Người Cha muôn thuở”, “Thủ Lãnh hòa bình” (9,5).
6

Thành Đô Giêrusalem, vào thời Mêsia sẽ là nguồn mạch bình an cho muôn dân muôn
nước (2,1-5). Chư dân lũ lượt đưa nhau tới Thành Đô Giêrusalem để dự phần vào bàn tiệc
Mêsia.
Mọi lời hứa được tập trung ở nơi Đấng Emmanuen (7,14), Đấng sẽ trị vì trên quê
hương của Ngài (8,8); Đấng sẽ chấn hưng vương quyền Đavít vốn đã bị đốn tận “gốc”,
Đấng sẽ là vị vua muôn đời muôn thuở mà Thiên Chúa hứa ban, Đấng thu tóm nơi con
người mình tất cả mọi nguồn hy vọng: vương quyền (7,14 ; 8,8), ngôn sứ (9,7 ; 11,2), địa
đàng và cánh chung (11,6-9).
2.4 Viễn cảnh về ơn cứu độ hoàn vũ
Phần thứ hai của sách, được biên soạn trong suốt thời lưu đày, tập trung vào vai trò
của Ítraen ở giữa chư dân. Xuyên qua lịch sử của mình, Ítraen đã thấy Thiên Chúa can
thiệp vì lợi ích của dân Ngài; vì thế, họ nhận thức rằng họ là khí cụ của ơn cứu độ, dân
Thiên Chúa có sứ mạng làm trung gian giữa Thiên Chúa và chư dân.
Ítraen là dân tộc Chúa chọn. Ngay từ đầu, Ngài đã tạo dựng một thế giới tốt đẹp, đã
giải thoát dân qua biến cố xuất hành. Để mở rộng ơn cứu độ, Ngài đã chọn tổ phụ
Abraham và kết tình bằng hữu với ông. Vì vậy mà Thiên Chúa nhất mực trọn tình vẹn
nghĩa với dân Ngài.
Tuy nhiên, sách cho thấy rằng việc Thiên Chúa rất mực ưu ái Ítraen là nhắm đến phúc
lộc của chư dân. Ánh vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài sẽ tràn
ngập tận cùng bờ cõi địa cầu, thậm chí những vật vô tri vô giác sẽ reo hò hoan hỉ.
Nhân cách và sứ mạng của Ítraen được tóm gọn trong dung mạo của “Người Tôi Tớ
của Đức Chúa”. Nhân vật nầy, bị vu khống, lăng mạ, tuy nhiên rất thân cận với Thiên
Chúa. Bằng việc gánh tội cho tha nhân, ông sẽ đạt được ơn cứu độ cho muôn dân.
2.5 Thành thánh Giêrusalem tương lai
Toàn bộ sách có một tụ điểm cánh chung và cứu độ. Thiên Chúa sẽ đích thân hướng
dẫn dân Ngài cho đến khi họ nhận biết tấm lòng ưu ái mà Ngài dành cho họ.
Phần thứ ba nầy được ngỏ lời với dân Ítraen, những người trở về từ cuộc lưu đày, vị
ngôn sứ động viên họ khám phá một thành thánh Giêrusalem vinh hiển mới mà muôn dân
muôn nước sẽ lũ lượt dắt dìu nhau đến như ngày hội đông vui, vì đây là “Thành Đô của
Đức Chúa” là “Xion của Đấng Thánh Ítraen” (60,14). Thành lũy của nó sẽ được gọi là
“Ơn Cứu Độ” và cửa thành sẽ được gọi là “Lời Ngợi Khen” (60,18), một Giêrusalem mới
không chỉ theo ý nghĩa địa lý hay chính trị, nhưng còn theo ý nghĩa của một trật tự hiện
hữu hoàn toàn mới.
Ngôn sứ kết thúc cuốn sách với giai điệu ngân vang niềm hy vọng vào tương lai rạng
ngời vinh hiển vượt quá sự phục hồi những vinh quang phú túc trước đây.

You might also like