You are on page 1of 6

BÀI LÀM CUỐI KHÓA

Dẫn Nhập

Thánh Giáo phụ Justinô là một giáo dân và triết gia Kitô giáo đầu tiên đã có những sáng tác vĩ đại
nhằm bảo vệ đức tin Kitô giáo. Nhờ các văn bản ấy, chúng ta biết về cuộc đời ngài. Ngài sinh ở Flavia
Neapolis, Samaria khoảng năm 100, cha mẹ ngài là người ngoại giáo, gốc Hy lạp. Ngài được giáo dục kỹ
lưỡng và đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Khi còn trai trẻ, ngài bị thu hút bởi triết
thuyết Plato. Tuy nhiên, ngài nhận thấy chỉ có Kitô giáo mới trả lời được những thắc mắc lớn lao về đời
sống và sự hiện hữu.
Qua những tài liệu Kitô giáo cũng như việc quan sát các gương anh hùng tử đạo, Thánh Justinô đã
trở lại Kitô giáo khi ngài 30 tuổi. Ngài tiếp tục mặc áo choàng của các triết gia thời bấy giờ, và trở nên
triết gia Kitô giáo đầu tiên. Ngài tổng hợp Kitô giáo với các yếu tính đặc sắc nhất trong triết lý Hy lạp.
Theo quan điểm của ngài, triết lý là một nhà mô phạm của Ðức Kitô, một nhà giáo dục dẫn đưa người ta
đến với Ðức Kitô. Ngài quả là một con người mang tâm hồn tôn giáo, với một tinh thần nhiệt huyết, luôn
khát khao truy tìm chân lý, muốn khám phá sự thật về Thiên Chúa và con đường dẫn tới Người. Thánh
nhân đã không ngừng tìm truy tầm nghiên cứu các triết thuyết lớn, cụ thể trong triết học Hy lạp. Mặc dầu
được thụ huấn bởi nhiều bậc thầy, nhiều triết gia nổi danh như: Aristote, Pythagoras, tân Platon…, nhưng
vẫn chưa đủ khố lấp nỗi khát vọng sâu xa trong tâm hồn ngài1.
Thánh Justinô nổi tiếng là một nhà Hộ giáo (apologist) thời bấy giờ. Ngài đi đây đó và tranh luận
với các người ngoại giáo, lạc giáo và Do Thái Giáo. Khi người Kitô tiếp tục bị bách hại bởi nhà cầm
quyền, ngài đã công khai bảo vệ Kitô Giáo qua lời giảng dạy cũng như văn bản. Trong các sáng tác của
ngài, hiện nay chúng ta vẫn còn giữ được hai bản văn gửi cho hoàng đế Rôma và cho Thượng Viện. Sau
cùng, ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần,
Thánh Justinô trả lời, "Người có suy nghĩ đúng đắn không chối bỏ sự thật vì sự giả trá." Thánh Justinô đã
bị chém đầu ở Rôma vào năm 165.
Nội Dung
I. Bối Cảnh Văn Hóa Xã Hội và Tác Phẩm
1. Tác Phẩm
Thánh Justinô đã viết nhiều tác phẩm giá trị; đặc biệt hai tác phẩm còn giữ lại được đó là: “bộ Hộ
Giáo” gồm hai quyển và “Đối Thoại với ông Tryphon”, người Do thái . Tác phẩm Hộ giáo hướng đến dân
ngoại, quyển 1 gửi lên hoàng đế Antoninus pius, viết khoảng năm 153-155 gồm 68 chương. Nhằm biện
hộ cho các kitô hữu, chống luận điệu vu khống của đối phương. Trình bày đạo lý Thiên Chúa tạo thành và
về thân thế sự nghiệp của Đức Kitô, cũng như các nghi lễ phụng tự: Phép rửa, Thánh Thể, buổi họp ngày
Chúa nhật. Và quyển 2 trình lên hoàng đế Marcus Aurelius. Còn tác phẩm đối thoại với ông Tryphon,
chứng minh luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời, nhằm chuẩn bị cho Đức Kitô. Đồng thời chứng minh việc
tôn kính Đức Kitô không trái nghịch với niềm tin một Thiên Chúa duy nhất. Đức Giêsu là Đấng Messia
và hằng hữu; Người đã đến trần gian một lần trong cảnh khiêm tốn, và sẽ đến lần hai trong vinh quang.
Còn đối với Hội thánh là Ítraen Mới được thừa hưởng lời hứa trước đây dành cho Ítrael.
2. Bối Cảnh Văn Hóa Xã Hội
Với Giáo Phụ Justinô, chúng ta đang ở giữa thế kỷ thứ II. Xét về thời gian, Giáo Hội đang xa dần
cội nguồn, đi vào một thời kỳ mới trong lịch sử của mình. Các Giáo Hội Kitô giáo gốc Do Thái đã thấy
ảnh hưởng của mình bị giảm sút trước sự bành trướng của Kitô giáo phát xuất từ Thánh Phaolô . Từ nay,
phần đông các kitô hữu đến từ ngoại giáo, nhiều người trở lại khi đã trưởng thành và đó là trường hợp của
Thánh Justinô. Những vấn đề đức tin phải đương đầu đang chuyển sang những lãnh vực khác.
Kitô giáo ngày càng gặp gỡ rộng rãi với thế giới Hy La, một thế giới ý thức về các giá trị của mình,
tự hào về một số thành quả chính trị và nhất là văn hóa. Đặc biệt, người thời đó đã thành công trong việc
xây dựng một nền văn hóa có giá trị toàn cầu. Điều này có thể thấy rõ trong khoảng thời gian đầu Công

1
x. J. LIEBAERT, Giáo Phụ Học, tập I, từ thế kỷ I-IV, trang 51.
1
Nguyên, được đánh dấu bằng việc thống nhất thật sự về văn hóa trong vùng Địa Trung Hải : tiếng Hy lạp
được dùng khắp nơi, đó là ngôn ngữ chung (koinè), ngôn ngữ của thương mại, của triết học và của khoa
học. Văn hóa Latinh của Tây phương bị văn hóa Hy lạp thâm nhập. Nói tóm lại, văn hóa Hy lạp là ‘nền
văn hóa’ của thời bấy giờ.
Như vậy, khi ra khỏi chiếc nôi ban đầu, Giáo Hội đã gặp gỡ thế giới văn hóa Hy lạp.Vì thế, việc đối
thoại là điều thiết yếu và không thể né tránh. Hai con người , một dân ngoại và một kitô hữu sẽ đánh dấu
giai đoạn đầy ý nghĩa của việc đối thoại này : phía dân ngoại là triết gia Celsiô, phía Kitô giáo là Giáo
Phụ Justinô.
3. Bối Cảnh Triết Học ở thế kỷ II
Khi đã gắn bó với đức tin Kitô giáo, ngài đã mang tất cả vốn liếng triết học của mình để phục vụ
đức tin. Đức tin Kitô giáo được giới thiệu như là “Triết học chân thật, chắc chắn và cao quý” 2. Vốn là
một triết gia, ngài đã vận dụng kiến thức của mình để minh chứng : đức tin với lý trí và với triết học Hy
lạp. Đức tin và lý trí không mâu thuẫn nhau. Chân lý chỉ có một nguồn duy nhất là nơi Thiên Chúa và nơi
Logos, Lời của Người. Và theo ngài, triết học Hy lạp cũng chứa đựng một phần chân lý vì được tham dự
vào Logos. Chân lý này được ngài gọi là “Logos Spermatikos” (hạt giống Lời). Do vậy, khái niệm “Logos”
và “Logos Spermatikos” được trình bày như thế nào trong triết thuyết của ngài ?
Là quan thầy các triết gia, Thánh Justinô khơi dậy chúng ta hãy dùng các sức mạnh tự nhiên (nhất là
sức mạnh của sự hiểu biết) để phục vụ Ðức Kitô, và để hình thành đời sống Kitô giáo trong nội tâm chúng
ta. Vì con người dễ bị sai lầm, nhất là đối với các vấn đề sâu xa của đời sống và sự hiện hữu, chúng ta
cũng phải sẵn sàng sửa đổi và kiểm soát lại tư duy chúng ta trong sự soi dẫn của chân lý Kitô giáo. Tư
tưởng của Justinô triết gia tất nhiên vận hành trong bầu khí triết học đương thời, nhất là trong hai truyền
thống triết học ngự trị thời đó: truyền thống Platon và truyền thống Khắc kỷ. 
3.1. Truyền thống Platon 
Truyền thống này phân biệt triệt để giữa thế giới thần linh, tức thế giới của tinh thần, vĩnh cửu, bất
biến và chỉ có thế giới đó mới thực hữu, với thế giới khả giác, tức thế giới trần tục, vật chất, thế giới của
các hiện tượng và ý nghĩa cao nhất của nó là phản ánh thế giới bên trên, thế giới của thân xác; và tinh
thấn nếu có tham dự vào thân xác cũng chỉ vì bị sa xuống vật chất : thân xác là “ mồ chôn”, là tù ngục của
linh hồn; linh hồn được mời gọi thoát ra khỏi thân xác để kết hợp với thần linh, tìm lại bản tính đích thực
của mình. Để giải thích sự hiện hữu của hạ giới, truyền thống Platon nại tới các trung gian vũ trụ mà
Platon gọi là “Đấng Hóa Công”. 
Dưới nhãn quan của các trí giả Kitô giáo, triết thuyết của Platon được ưa chuộng, bởi ý tưởng cao
siêu về thần linh. Trái lại, nhãn quan nhị nguyên về thế giới và về con người , việc đánh giá thấp vật chất
và thân xác của chủ thuyết Platon lại là những nét mâu thuẫn với các dữ kiện Thánh Kinh. Vì thế, một
vấn đề thường xuyên được đặt ra nơi các Giáo Phụ  là cân nhắc mức độ thiện cảm hay tránh xa một triết
thuyết vừa có những mặt lôi cuốn, vừa bao hàm những khía cạnh hàm hồ như thế3. 
3.2. Phái Khắc Kỷ
Phái Khắc Kỷ đã đưa ra một thế giới quan hoàn toàn đối ngược, theo nghĩa là một thế giới quan hết
sức thống nhất. Ở nguyên lý cũng như ở trọng tâm vạn vật, có khí thần (pneuma divina), cũng là  Lý Tính
( Logos ) thần linh, khơi động, thấm nhập linh hoạt mọi vật thể cả thiêng liêng lẫn vật chất. Sự thống nhất
của vũ trụ tương tự như một vật thể vĩ đại, được Khí Thần làm cho chuyển động. Sự thống nhất đó cũng
gặp thấy nơi con người. Vì có nguyên lý là Lý Tính thần linh nên sự phát triển của vũ trụ chỉ có thể là một
sự phát triển hợp lý, tốt đẹp (quan niệm lạc quan của phái Khắc kỷ trước sự dữ), bất biến (các chu kỳ vũ
trụ đồng nhất trở đi trở lại vô hạn định). Lý tưởng đạo đức của người Khắc kỷ là làm cho ý chí của mình
phù hợp với lý trí hoặc với thiên nhiên. 
Về khía cạnh này, các nhà tư tưởng Kitô giáo cũng tìm thấy những âm hưởng rất  tích cực: trong
quan niệm “ tốt đẹp” tự căn bản của tạo dựng, trong quan niệm nhất nguyên về con người, về sự duy  nhất
và bình đẳng của nhân loại. Tất nhiên, các ngài không thể chấp nhận quan điểm phiếm thần ( Thiên Chúa

2
x. PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, tập III, trang 115.
3
J. LIBÉBAERT, Giáo Phụ Học, tập I, từ thế kỷ I-IV, trang 58.
2
bị đồng hóa với hồn vũ trụ ) và tất định của triết học Khắc kỷ, cũng như không theo quan niệm duy lý của
phái này.
 “Logos”, thước đo vạn vật : đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó không ngừng lặp
đi lặp lại. Chính từ đây đã phát sinh một trong những luận cứ nền tảng nhất mà các nhà trí thức ngoại giáo
thường xuyên đặt ra đối với thái độ “tin” mà Do thái giáo và Kitô giáo đòi hỏi : Theo họ, đức tin là cái đi
ngược với lý lẽ, là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II, dưới ngòi
bút của một triết gia chiết trung như Celse chẳng hạn. Ông tố giác Kitô giáo như là kẻ thù của lý trí, của
văn hoá và của nhân đức. Đức tin là phi cơ sở. Celse khẳng định : “Một vài kẻ trong bọn họ không cần
đưa ra hay nhận lấy lời biện minh cho tín ngưỡng của họ. Họ theo nguyên tắc : ‘hãy đừng kiểm chứng
mà cứ tin theo”4. Ông cho rằng : “Chỉ duy có lý lẽ và sự chứng minh mới là những tiêu chuẩn của chân
lý”. Nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người kitô hữu không thể tránh né. (Đây chính là điểm quan
trọng bậc nhất mà Justinô quan tâm và cố gắng mở rộng đối thoại với ngoại giáo.)
Quyền chính đáng của lý trí là điều mà các nhà trí thức Kitô giáo như Justinô vẫn thao thức. Việc
nhìn thẳng vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ không có
một Giáo Phụ nào đã có những lời lẽ mạnh mẽ như Clêmentê thành Alexandria đầu thế kỷ III: “ Nhiều
Kitô hữu khiếp sợ triết học Hy lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của
chúng ta là như thế, và nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ
qua đó chúng ta chứng tỏ rằng mình không có chân lý”.
II. Lập trường của Thánh Giáo phụ Justinô
1. Hành trình tri thức và tâm linh
Ngài nguyên là người Palestin, nhưng được hấp thụ nền văn hóa Hy lạp. Vào khoảng năm 132-135,
ngài trở thành kitô hữu, nhưng việc ngài trở lại Kitô giáo là thành quả của cả một hành trình tri thức và
tâm linh. Tâm hồn của Justinô là một tâm hồn tôn giáo, luôn thao thức khám phá sự thật về Thiên Chúa
và con đường dẫn tới Người. Ngài tìm kiếm điều đó nơi các triết thuyết lớn, vì như ngài nói, mục đích của
triết học là tìm kiếm Thiên Chúa và kết hợp với Người.         
Những triết thuyết đầu tiên mà ngài gặp gỡ là triết học Khắc kỷ, tiếp đến là triết học Aristote, nhưng
cuối cùng ngài trở thành môn đệ nhiệt thành của triết học  Platon, do bị chinh phục bởi ý tưởng cao siêu
về Thiên Chúa, bởi chiêm niệm thần bí giải thoát tinh thần, đưa tinh thần tới chỗ nên giống Thiên Chúa
và kết hiệp với Người. Là một triết gia trở lại, Justinô vẫn là triết gia. Ngài tiếp tục làm một triết gia ,
nghĩa là làm thầy dạy sự khôn ngoan, vận áo choàng ngắn, có các môn đệ vây quanh và mở rộng cửa
trường. Ngài tạo nên một kiểu mẫu kitô hữu chưa từng được biết đến, qua việc mở đầu một cách làm tông
đồ mới. Ngài định vị mình như một nhà thần học giáo dân, xét như là một thành viên trong Giáo Hội.
Giai đoạn thượng cổ được đánh dấu bởi hai trào lưu chính: chủ nghĩa Platon theo nghĩa trung dung
và trường phái Stoa. Tuy có những điểm khác nhau về triết thuyết, nhưng cả hai trường phái này đều coi
triết lý là chìa khoá để hoàn toàn minh giải thực thể của logos. Logos là căn nguyên của lý trí vốn ngự trị
trong vũ trụ và con người. “Mọi người đều tham dự vào cùng một Ngôi Lời. Các triết gia đã nhận biết
phần nào chân lý nhờ những hạt giống của Lời được gieo vãi trong nhân loại”5.
Do đó, ai có lý trí thì đều có mầm giống của Lời, hạt giống của lời không phải là của riêng nơi các
tiên tri mà là có nơi mọi người, mọi triết gia. Như thế, Justinô đã nỗ lực cho việc nối kết Kitô giáo với các
triết học ngoại giáo. “Đức Kitô là trưởng tử của Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa mà mọi người tham dự
vào... Mọi người sống theo Lời (Logos) đều là Kitô hữu, dù họ được xem là vô thần”6.
Justinô vừa trình bày đạo lý về Thiên Chúa, vừa hội nhập những gì hợp với chân lý của niềm tin do
triết học mang lại; nhưng đồng thời Ngài cũng sử dụng học thuyết triết học để đã kích những quan niệm
thần thoại và minh chứng Thiên Chúa là Đấng siêu việt, Đấng sáng tạo, Ngôi Lời là Logos, cũng là Thiên
4
KARL –HEINZ WEGER, Phê bình tôn giáo qua các tác giả, trang 38.

5
B. S. JOSEPH WOLINSKY, Thiên Chúa Cứu Độ - Lịch Sử Tín Điều, Lê Văn Chính chuyển ý, 2006, trang 38.

6
LÊ VĂN CHÍNH, Giáo Trình Giáo Phụ Học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2009, trang 54.

3
Chúa, là nguyên nhân trung gian tác thành vũ trụ7. Justinô cho biết rằng Thiên Chúa và thế giới có mối
liên hệ với nhau; thế giới được sáng tạo là do lòng nhân hậu của Thiên Chúa và thế giới vật chất được
hình thành nhờ Logos đó con người là trung tâm của loài thọ tạo. Ngôi Lời hiện hữu từ đời như là quyền
năng của Thiên Chúa; nhưng nhiệm xuất từ Thiên Chúa trước công trình tạo dựng, và chính Ngôi Lời tạo
dựng thế giới. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa chứ không phải thụ tạo, Lời là một ngôi vị
theo quan niệm Philôn8.
Do vậy, điều mới mẻ của đức tin Kitô giáo là vị trí dành cho Đức Kitô. Theo Justinô: Đức Kitô là
Logos, hằng hữu bên cạnh Thiên Chúa. Trước khi Đức Kitô (Logos) nhập thể, Logos đã tác động cùng
với Thiên Chúa trong việc tạo thành vũ trụ. Nhờ đạo lý về “mầm mống chân lý”. Justinô đã mở đường
cho thần học về lịch sử mạc khải và cứu rỗi. Chỉ có một chân lý mà thôi, nhưng chân lý được tỏ lộ cách
tiệm tiến, từ những “mầm mống” thô sơ cho tới lúc viên mãn. Logos đã thông đạt cho con người chân lý
ngay từ khi tạo dựng, nhưng chỉ mạc khải toàn vẹn nơi Đức Kitô.
2. Tinh thần đối thoại
Với kinh nghiệm của người tìm gặp được chân lý mạc khải của Thiên Chúa một cách đầy xác tín,
thánh Justinô không ngừng đối thoại với những người ngoại giáo, họ luôn tìm cách lên án, chê bai hoặc
bài bác đạo Kitô. Vì thế, qua tác phẩm Hộ giáo, thánh Justinô đã phê phán chính quyền Rôma cũng như
cơ cấu pháp lý bất công, họ đã xử bất công với những người kitô hữu chỉ vì họ tuyên xưng là Kitô hữu.
Thánh nhân cho rằng việc vu khống để quy kết những người tín hữu kitô là vô thần, là những người
chống đối không chịu phụng thờ các thần của đế quốc, mà tôn thờ một mình Thiên Chúa, là một điều bất
công:
“Không, chúng tôi không phải là những người vô thần. Chúng tôi thờ phượng Đấng sáng tạo
vũ trụ này, ai có lương tri mà chẳng nhìn nhận như thế? Vị thầy đã ban cho chúng tôi giáo huấn này,
Người sinh ra là để làm việc đó. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, ... .Một vài người lên án
việc này, vì họ cho rằng chúng tôi điên dại hay sao mà dành “danh xưng” Ngôi Hai cho một người
bị đóng đinh trên thập thập giá, sau Thiên Chúa bất biến, vĩnh cửu, Đấng làm Cha muôn loài, sở dĩ
họ lên án vì họ không hiểu Mầu Nhiệm chứa đựng trong lời khẳng định đó, Màu Nhiệm mà chúng tôi
mời gọi anh em suy niệm dướ i sự hướng dẫn của chúng tôi.9
Với ý hướng này, thánh Justinô muốn làm sáng tỏ vai trò hằng hữu của Ngôi Lời, đã được quyền
năng Thiên Chúa tác thành và ban cho nhân loại. Như thế, Lời của Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa và
ai đón nhận Lời này thì được cứu độ. Tiếp tục những giải thích về Ngôi Lời nhập thể để dạy dỗ nhân loại,
thánh Justinô chứng minh Ngôi Lời sinh ra ngay từ lúc khởi đầu: Đức Giêsu, Đấng là Con và duy nhất
được gọi là Con theo nghĩa đen, Ngôi Lời vừa hiện hữu cùng với Người vừa được Người sinh ra trước
các tạo vật, lúc ban đầu, khi Thiên Chúa nhờ Người mà sáng tạo và sắp đặt muôn loài, Người được gọi là
Kitô, vì Người đã được Thiên Chúa xức dấu và vì Thiên Chúa đã nhờ Người mà thiết lập trật tự trong vũ
trụ, và chính danh xưng đó hàm chứa một ý nghĩa bất khả tri, y hệt như từ ngữ Thiên Chúa không phải là
một danh xưng mà là lối diễn tả thích hợp một thực tế khó giải thích. Giêsu vừa là tên gọi vừa là một
người vừa diễn tả một ý nghĩa: Người vừa là người vùa là vị cứu tinh. Bởi vì như chúng ta đã nói, Người
đã thành người theo thánh ý Thiên Chúa Cha, Người đã ra đời cho kẻ tin được cứu và phá đổ mưu thâm
của ác quỷ.
Trong nỗ lực đối thoại tìm ra chân lý mạc khải, thánh Justinô đã trình bày cho Tryphon hiểu ra rằng,
có một vị Thiên Chúa thứ hai hay không? Vì theo quan niệm của Tryphon thì Đức Giêsu cũng chỉ được
gọi là thiên sứ bởi Người có nhiệm vụ loan báo cho loài người tất cả mọi điều Đấng sáng tạo muôn loài
muốn loan báo, mà trên Đấng này chẳng còn Đấng nào khác. Để bênh vực kitô giáo, thánh Justinô đã
trình bày một cách khá chi tiết về giáo thuyết phượng tự, nền tảng lịch sử của Kitô giáo, thánh nhân cho
rằng những lời tiên tri trong Cựu Ước về Đức Kitô đã được hoàn tất nơi Đức Kitô. Thật vậy, lời ngôn sứ
hoàn toàn được ứng nghiệm trong đoạn Kinh thánh Isaia chương 7, đoạn 14. Quả vậy, Đức Giêsu chính là

7
x. PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, tập III, Chân Lý: 1999, trang 115.

8
x. KARL-HEINZ OHLIG, Kitô Học Qua Các Tác Giả, trang 115.
9
Xc. KARL-HEINZ OHLIG,, Kitô Học Qua Các Tác Giả, trang 117.
4
nhân vật được tiên báo trong lời sứ ngôn: “Này đây, người trinh nữ mang thai, sinh hạ một con trai” (Is
7,14) vì nếu nhân vật mà I-sai-a muốn ám chỉ không phải sinh ra từ một trinh nữ thì tạo sao Thánh Thần
lại thốt lên: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho một dấu; này đây, người trinh nữ mang thai, sinh hạ một
con trai”. Thật thế, nếu Hài Nhi chỉ sinh ra từ một cách thức như bao nhiêu đứa trẻ khác, thì tại sao Thiên
Chúa lại phán Người làm dấu lạ, mà không có một người nam nào được thông phần? Đúng là một dấu lạ
để chứng thực cho niềm tin con người: “Đấng là Trưởng tử mọi loài thọ tạo đã thật sự trở thành xác thàm,
đã là một hài Nhi sinh ra từ lòng trinh nữ. 10
Thánh Justinô nói rằng Ngôi Lời xuất phát từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa sinh ra, ví dụ bàn đến
trong bản văn cho thấy thánh Justinô tìm đủ mọi cách để chứng minh sự khác biệt sống động nơi Thiên
Chúa phù hợp với Kinh thánh. Đáng chú ý là nhân dịp đó ông trích dẫn nhiều danh xưng và không giới
hạn kiểu nói đó cho “Đấng là Con” nội tại trong Thiên Chúa. Nhưng Justinô quan niệm con người cũng
tham dự vào Logos của Thiên Chúa. Khả năng tri thức chân lý của con người được Justinô cắt nghĩa là do
Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã gieo vào con người mầm mống Lời Thiên Chúa, các triết gia Hy Lạp
cũng được tham dự, một cách giới hạn và theo dạng mầm mống, vào Ngôi Lời là Đức Kitô, họ có Lời
Thiên Chúa ở dạng mầm mống (logos spermartikos), vì thế họ có thể có một tri thức đúng đắn nhưng giới
hạn11:
Như vậy, khi nhập thể, thì một cách nào đó, Con Thiên Chúa, đã kết hợp với tất cả mọi người, và
bây giờ, giữa lòng lịch sử, “mầm mống” ấy tiếp tục mọc lên, hướng tới mọi người như là hướng về cứu
cánh, và thu nhận mọi người vào trong thân thể của mình... Vì thế, thần học xác tín rằng nơi mỗi người
đều có một yếu tố siêu nhiên của Đức Kitô, một “hiện sinh thể” kitô (christic existential), làm cho mọi
người, trên nguyên tắc, đều thuộc về Đức Kitô12.
Nói cách khác, Ngôi Lời nhập thể là trung gian cứu độ duy nhất, qua đó Thiên Chúa và con người
gặp gỡ nhau, nếu không gặp gỡ ở nơi Ngài thì không thể có một cuộc gặp gỡ nào khác cả. Ngôi lời được
phái cử một cách vô hình từ khởi diểm của lịch sử, và đã có mặt nơi loài người như “hạt giống” của
nguồn ơn cứu độ. “Hạt giống” này đã được các ngôn sứ không ngừng nhắc tới trong suốt thời Cựu Ước,
trong suốt dòng lịch sử của dân Chúa.
Về phần mình, Justinô làm cho độc giả ngạc nhiên về tinh thần lạc quan và rộng mở trong việc đối
chiếu đức tin với lý trí và với triết học Hi lạp. Nhiệt tình hộ giáo của Justinô dựa trên niềm xác tín rằng
đức tin và lý trí không thể mâu thuẫn nhau, vì chân lý là một, chân lý chỉ có một nguồn suối độc nhất nơi
Thiên Chúa và nơi Logos, Lời của Người, Lời mà Người đã ban cho nhân loại ngay từ ban đầu.
Cuối cùng, Justinô đặc biệt nhấn mạnh đến tính siêu việt của mặc khải Kitô giáo. Ngoài Đức Kitô,
nhân loại chỉ có được những “hạt giống”, những “mầm mống” của Logos: những chân lý rời rạc và dò
dẫm, mâu thuẫn giữa các triết gia chứng minh điều đó. Chỉ có Tin Mừng mới mặc khải “tất cả Logos”,
nguồn suối của chân lý toàn vẹn.
Kết Luận
Quả thực, Giáo Phụ Justinô được xem như là một con người, là vị thánh của thời đại đã được thấm
nhuần nền văn hóa đương thời . Thánh nhân đã hầu như truy tầm được một sự quân bình giữa đức tin và
những gì đã hấp thụ được trên bình diện tri thức mà ngài không hề chối bỏ. Sự đối chiếu mà ngài khởi sự
sẽ tác động sâu xa lên chính đời sống Kitô giáo, vì nó sẽ mở ra những tầm nhìn mới mẻ, đòi hỏi một nỗ
lực lớn lao trong việc đưa ra những định thức đức tin cũng như trong nền suy tư thuần lý về đức tin; nó
còn đòi hỏi một nỗ lực rất lớn trong việc vượt thắng những khía cạnh hàm hồ của mọi nền văn hóa, mọi
triết thuyết khi đối diện với Mặc Khải. Đây sẽ là công trình chung của các Giáo Phụ, mà thánh Justinô
là người khai sáng và gây dựng.

10
Xc. Is 7,14. Trong bản văn Cưu Ước, thì đoạn sách của ngôn sứ Isaia, chương 7, câu 14 giữ một vai trò quan trọng
và chính yếu trong việc tìm luận cứ chứng minh chân lý của kitô giáo. Vì đoạn này được người Do thái và người Kitô hữu
minh giải theo nghĩa rất khác biệt, như ta thấy trong cuộc đối thoại giữa Justinô và Tryphon.
11
Xc. Franz-Josef Niemann, Đức Giêsu, Đấng mạc khải qua các tác giả (Hồ Chí Minh: Đại chủng viện thánh Giuse,
năm: không rõ), trang 51-52.
12
Xc. Felipe Gómez, Truyền giáo học, dịch giả: Antôn & Đuốc sáng (các chi tiết khác cho một thư mục không rõ),
trang 80-81.
5
Do thế, trong số những thánh Giáo phụ có thái độ cởi mở đối với văn hóa Hy lạp, ngoài thánh
Justinô ra, cần phải kể đến Giáo Phụ Clêmentê và Ôrigênê  (của đầu thế kỷ thứ III ). Cả hai vị đều mở
trường dạy học tại Alexandria, thủ đô văn hóa của Ai Cập, nơi đã diễn ra cuộc đối thoại giữa văn hóa Hy
lạp và tư tưởng Do Thái ngay từ trước Công Nguyên, đặc biệt nhờ Ông Philon. Giáo Phụ Clêmentê tiếp
tục hướng đi của thánh Justinô khi quan niệm rằng: Thiên Chúa đã ban cho dân Hy lạp những mầm mống
chân lý, dường như để chuẩn bị cho sự mặc khải chân lý toàn vẹn nơi Đức Kitô Giêsu. Ông Ôrigênê còn
đi xa hơn khi khẳng định rằng các tín hữu cần phải trau dồi triết học Hy lạp, để vừa đào sâu sự hiểu biết
Thánh Kinh vừa bênh vực đức tin chống lại những cuộc tấn công của thế gain. Và phải chờ tới các thế kỷ
sau, chúng ta mới thấy các Giáo Phụ dứt khoát nghiêng về thái độ đối thoại với văn hóa như Eusêbiô,
Basiliô, Augustinô.
Mặt khác, niềm tin Kitô giáo vào thời nào cũng bị thử thách, nhất là khi tiếp xúc với những nền
văn hoá mới lạ. Các giáo phụ hộ giáo hay về sau này, các vị mục tử cũng theo gương các ngài mà dung
hoà trong việc hội nhập, đồng thời cũng đưa ra những lập luận xác tín để bảo vệ chân lý đức tin về mầu
nhiệm Thiên Chúa.

You might also like