You are on page 1of 161

Zzz REVIEW

Số 4,
3, 20
30 tháng 01
10 năm 2019
2018

Top 10 Văn
Atwood đãhọc
dạydịch
tôi2018
làm đàn bà như thế nào
Hiện diện của Faulkner trong văn học Mỹ latinh
Trích dịch Người đưa sữa (Man Booker 2018)
Trích dịch 2666 của Roberto Bolaño
Trích dịch Ru
Truyện ngắn “Con gà bị chặt đầu” của Horacio Quiroga
Bohumil Hrabal: Tiếng cười cận kề cái chết
Truyện ngắn “Nghệ thuật làm ông lớn” của Joaquim Maria
28: Giữadechó
Machado và người
Assis

Anh chẳng
Lối viết vàbiết quáinói
tiếng gì về
nữtáctrong
phẩm của tôi: Đọc Bernhard ở
New York
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
Đọc Lưng rồng, Bóng đè và những truyện mới... theo công thức
toán!
Zzz REVIEW
Số 4, 20 tháng 01 năm 2019
Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Phụ trách hình ảnh: Bơ
Thiết kế: Ụt Ịt
Biên tập: Liên Trịnh
Website: www.zzzreview.com
Liên hệ: zandzpublishing@gmail.com

NGƯỜI GÓP CHỮ


Bùi An Bình Một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.
Chiêu Dương tức Thu thơ thẩn.
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu
tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Hoàng Lam Người làm thơ khi đang luộc thịt.
Lê Vũ Kỳ Nam Sống nội tâm, yêu màu tím, hay khóc thầm. Hiện đang ở Đà Nẵng.
Ngọc Dao A Brighter Summer Day.
Nguyễn An Lý là một con ếch giời đang rất hy vọng năm nay thoát khỏi lời nguyền sách ế.
Nguyễn Huy Hoàng là một dịch giả và nhà thơ. Anh sống, chăn lợn, và trồng cây trên sườn
một ngọn núi lửa không tên ở Werhoneshire.
Nguyễn Trí Dũng Dịch rất nhiều, in cực ít.
Nguyễn Trung Đức Đăng lại với sự đồng ý của gia đình cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.
Nguyễn Tùng Thúy Người đi lang thang.
Nỗ Nêm Bút danh của người không thích bị nhớ là từng dịch loại văn hiếu hỉ.
Phan Ta Di Một chú bé mười bảy bẻ gãy sừng heo.
Quân Khuê Thích đi, thích uống, ghét đồ nhựa dùng một lần.
Trạch Nam Ăn bám bố mẹ.
Trần Tiễn Cao Đăng Để người khác nói thì hơn.
Zét Nguyễn Quần quật trông con.

NGƯỜI GÓP HÌNH


Hiếu, Thùy Anh

2 Z Z Z REVIEW
Số 4
LỜI NGỎ

ĐIỂM SÁCH
19 Đọc Lưng rồng - Bóng đè và những truyện mới... theo công thức toán!
40 Đốn hạ: Buổi hoàng hôn của những thần tượng
129 Top 20 Văn học dịch 2018
142 Văn học Việt Nam 2018: Dấu ấn, hay ấn mãi không ra dấu?

TIỂU LUẬN - NHẬN ĐỊNH


30 Pedro Páramo: Một cuốn sách đi ra từ im lặng
34 Thư gửi Borges
67 Hiện diện của Faulkner trong Văn chương Mỹ Latinh
85 Anh chẳng biết quái gì về tác phẩm của tôi: Đọc Bernhard ở New York
16 Thơ ca

FIC&POE
6 Machado de Assis, “Nghệ thuật làm ông lớn”
25 Juan Rulfo, Pedro Páramo (trích dịch)
36 Jorge Luis Borges, “Tấm gương và Chiếc mặt nạ”
44 Horacio Quiroga, “Con gà bị chặt đầu”
52 César Aira, “Bộ não phát nhạc”
98 Roberto Bolaño, “Điếm giết người”
89 Roberto Bolaño, 2666 (trích dịch)
110 Phan Ta Di, “Vagina Dentata: a tribute”
116 Amoz Oz, Chuyện kể về tình yêu và bóng tối (trích dịch)
151 Clarice Lispector, Giờ khắc của vì sao ấy (trích dịch)

DỊCH & BÀN


160 Người ngồi bên tay phải Borges

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 3


LỜI NGỎ
Làm tạp chí một cách trên trời rơi xuống, với một đám tay ngang lúc nào cũng
bận sấp mặt như chúng tôi, là một sự đại liều. Trong một lần trả lời câu hỏi
bạn nghe đài (tức trả lời comment trên Facebook) khi Zzz Review mới ra đời,
chị Zét Nguyễn có trần tình rằng mục tiêu của chị là “cố làm sao lết được đến
số 4”. Nay thì số 4 đã ra đời, thành quả gom góp những thời gian rảnh đầu
thừa đuôi thẹo của nhóm chủ trương cùng các cộng tác viên, gói lại một năm
còn bận rộn hơn rất nhiều năm trước. Lại nói chuyện khi Zzz ra mắt, chị Zét
mà lúc ấy còn rất thích được gọi là Madame Z đã đánh số đầu tiên 1+2 với hàm
ý “nhiều bài quá, mấy số sau (nếu có) làm ít bài thôi còn đi chơi nữa”. Sau số
đầu tiên 17 bài, 10 người viết ấy là số 3 với 17 bài, 15 người viết, rồi tới số 4
này, 20 bài, 16 người viết. Thật sự là quá sức mong đợi so với ban đầu, vậy xin
phép các bạn cho chúng tôi được vỗ lưng mình một cái. *vỗ lưng*
Số này khép lại một năm văn học dịch rộn ràng đến không thể rộn ràng
hơn và văn học Việt Nam, trong phạm vi chúng tôi quan tâm, cũng có nhiều
tác phẩm thú vị đáng chú ý. Mặc dù cả Hội nhà văn Hà Nội lẫn Hội nhà văn Việt
Nam đều thở vắn than dài vì mất mùa không có gì trao giải, nhưng chị Zét lại
thở vắn than dài vì quá nhiều sách hay không biết nên lấy nên bỏ những gì vào
TOP 10, nên các bạn có thể yên tâm vẫn sẽ được tiếp tục thở vắn than dài vì
tốc độ tích ngân lượng không đua kịp với tốc độ các nhà ra sách.

Khi mở lời mời góp chữ, số này đi theo một theme kép: Tống cựu nghinh tân,
và Mỹ La tinh, không chỉ là García Márquez. Đây cũng là một sự đại liều.
Ngoài chuyện bản thân mình kiến văn nông nổi, viết về những đại sư Nam Mỹ

4 Z Z Z REVIEW
thì chẳng khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm, chúng tôi còn hết sức nghi
ngại rằng văn học Mỹ La tinh mặc dù có rất nhiều fan cuồng trong giới elite,
mặc dù Trăm năm cô đơn là cuốn sách quốc dân sánh vai với Bố già và Nhà
giả kim, nhưng xét trên tổng thể hẳn là lời mời phát ra cũng chỉ heo hút như
tiếng kêu đồng vắng mà thôi. Ai ngờ.
13 bài viết/trích về văn học Mỹ La tinh trong số này chỉ là một sự cưỡi
ngựa xem hoa, nhưng thế nào đó mà cũng quy tụ anh hào nhiều thế hệ: từ
Machado de Assis tác giả vĩ đại nhất thế kỷ 19, đến Horacio Quiroga tác giả vĩ
đại đầu thế kỷ 20, đến Juan Rulfo đã trở thành bậc thầy của các thế hệ sau,
đến Borges bậc thầy của cả một thời kỳ văn chương thế giới, rồi bác Ricardo
Eliécer Neftalí Reyes Basoalto tức Neruda vừa cộng sản vừa Nobel, rồi nhảy
cóc qua giai đoạn Boom có García Márquez tới Roberto Bolaño đỉnh cao văn
chương đương đại (đọc phê bình của nhà nghiên cứu uyên thâm nào cũng thấy
gọi mỗi nhà văn Mỹ La tinh bằng cụ, chúng tôi cũng không dám nói trái).
Và chúng tôi cũng rất biết ơn sự đóng góp bài của những quái nhân đã
từ lâu khét tiếng dịch đàn như Cao Đăng, Quân Khuê, Nguyễn Huy Hoàng,
Nguyễn Trí Dũng, cùng rất nhiều người bạn mới đến với chúng tôi lần đầu
và hy vọng sẽ còn nhiều lần sau. Còn rất nhiều bài gửi tới do lý do thời gian
(là chủ yếu) mà phải chờ đến một số sau, chắc chắn sẽ có số sau, vì văn học
Mỹ La tinh là một đại dương mông mênh mà Việt Nam dù đã dịch nhiều hơn
chúng ta có thể tưởng rất nhiều(1), nhưng vẫn mới chỉ là dùng gàu tát bể.
Đến đây là nơi chúng tôi lại ngỏ lời cảm ơn bạn hữu đã tin tưởng gửi bài
và rộng lòng làm việc theo thời gian biểu quá quắt của nhà Z, cũng như người
thân, bạn bè và đồng nghiệp đã thể tất cho những lần khó ở, biến mất, xù tiến
độ... của chúng tôi. Và tất nhiên là các bạn, những người vẫn tiếp tục đọc, ủng
hộ hay chê bai nhà Z, và vỗ béo cho chú Ruồi Mía thêm trùng trục :) Số này
ngắn, để có thể tranh thủ đọc giữa bánh chưng mứt tết (LƯU Ý hầu hết các
bài đều không nên đọc trước khi đi ngủ); hy vọng số sau nếu có sẽ dài hơn,
sâu hơn và giới thiệu được nhiều tác giả mới toanh hơn. Số tiếp theo sẽ về văn
học Đông Á, mời các bạn góp bài, hoặc chữ, hoặc hình, hoặc manga đều được.

Z&Z
20-01-2019

1. http://tiasang.com.vn/-van-hoa/van-hoc-my-latin-o-viet-nam-6342?fbclid=IwAR1Ct-HDlyBqJ4fVuZHNwZaxYBM
5xkeyqLNCP7VgRV-BJFeyeI5YDVPzA_g

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 5


Nghệ thuật
làm ông lớn(1)
(Đối thoại)
Joaquim Maria Machado de Assis
Đăng Thư dịch

Machado de Assis năm 25 tuổi.

1. Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha Theoria do Medalhão (1881). Dịch từ bản tiếng Anh How to Be a Bigwig của Margaret
Jull Costa & Robin Patterson trong tập The Collected Stories of Machado de Assis (Liveright Book 2018). [Chú thích
của người dịch.]

6 Z Z Z REVIEW
Susan Sontag coi Machado de Assis (1839-1908) là cây viết vĩ đại nhất của
văn học Mỹ Latinh; Harold Bloom liệt ông đứng vào hàng ngũ 100 thiên
tài văn chương, cùng với những Dante, Shakespeare, Cervantes; và hẳn
nhiên ông được coi là nhà văn xuất sắc nhất của văn học Brazil. Machado
sở hữu khối lượng trước tác đồ sộ và đa dạng, từ truyện ngắn, truyện vừa
tới tiểu thuyết. Phong cách viết độc lạ và táo bạo của ông khiến các nhà phê
bình cho đến tận ngày nay vẫn tiếp tục tranh cãi khi muốn xếp ông vào một
trường phái nhất định. - Zét Nguyễn

- Con ngủ chưa?


- Dạ chưa?
- Cha cũng chưa, thế thì ta nói chuyện chút đi. Mở cửa sổ ra. Mấy giờ rồi?
- Mười một giờ.
- Người khách cuối cùng dự bữa tiệc khiêm tốn của nhà ta cũng vừa ra về. Vậy là cuối
cùng con đã hăm mốt tuổi, chàng trai à! Đúng ngày này hăm mốt năm trước, ngày 5 tháng
Tám 1854, con mở mắt chào đời, một đứa bé tí ti, còn bây giờ con đã là một người đàn ông
có bộ ria đẹp, chắc đã quật ngã được vài nàng rồi...
- Kìa cha!
- Thôi, đừng làm bộ mắc cỡ nữa, ta hãy nói chuyện thẳng thắn như đàn ông với nhau
đi. Đóng cửa phòng lại. Cha có chuyện muốn nói với con. Hăm mốt tuổi, có thu nhập
riêng, một tấm bằng đại học: con có thể làm chính trị, vào ngành luật, làm báo, làm công,
nông, thương nghiệp, hay văn chương, nghệ thuật... Con có vô vàn lựa chọn. Hăm mốt
tuổi, con trai à, chỉ là khởi đầu. Napoleon và Pitt(1) đều có tài trí sớm vượt trội, nhưng ngay
ở tuổi hăm mốt họ vẫn chưa là gì cả. Nhưng dù con chọn nghề nào đi nữa, cha cũng muốn
con rạng rỡ, vẻ vang, hay ít ra cũng có tên tuổi, chứ không vô danh tiểu tốt như đám đông
tầm thường. Cuộc đời là một trò xổ số khổng lồ đó, Janjão. Ít kẻ thắng và vô vàn kẻ thua,
và tiếng thở dài của thế hệ trước sẽ dựng nên hy vọng cho thế hệ sau. Đời là thế; rên rỉ hay
kháng cự lại cũng chẳng được gì, chỉ có thể chấp nhận thói đời như vậy, gánh nặng lẫn lợi
ích, vinh quang lẫn nhơ nhuốc, và cứ đi tiếp bất kể.

1. Tác giả muốn nói đến William Pitt (1759-1806) người trở thành Thủ tướng nước Anh trẻ nhất năm 1783 lúc 24 tuổi.
Ông thôi giữ chức vụ này năm 1801, nhưng từ 1804 lại làm Thủ tướng cho đến khi qua đời. Ông thường được gọi là
William Pitt the Younger để phân biệt với người cha cùng tên (William Pitt the Elder) cũng là thủ tướng nước Anh
trước đó.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 7


- Vâng ạ.
- Nhưng nói một cách hình tượng, cũng như việc dành dụm cho tuổi già luôn là điều
có ích, thì có thêm một nghề dự phòng cũng là một thông lệ xã hội tốt cho con, lỡ khi nghề
thứ nhất thất bại hoàn toàn, hay không thoả mãn tham vọng của mình. Đó chính là điều
cha muốn khuyên con, con à, vào đúng ngày hôm nay khi con đến tuổi trưởng thành.
- Cảm ơn cha. Nhưng cha có nghĩ đó là nghề gì không ạ?
- Theo cha, không có nghề thứ hai nào hữu ích và thích hợp cho bằng nghề làm ông
lớn. Sống hoàn toàn bằng nghề làm ông lớn chính là ước mơ của cha hồi trẻ. Nhưng cha lại
không được ông nội dẫn dắt trong chuyện này. Rốt cuộc là con thấy cha như bây giờ, không
hề có niềm an ủi hay chỗ dựa tinh thần nào ngoài những hy vọng cha đặt vào con đó. Cho
nên hãy nghe đây, con trai. Hãy nghe mà học đi. Con còn trẻ nên tất nhiên còn hừng hực
tính bốc đồng, hồ hởi của tuổi trẻ; đừng có từ bỏ những tính chất đó, nhưng phải biết ôn
hoà dần, để khi đến bốn mươi lăm tuổi thì con sẵn sàng bước vào giai đoạn chừng mực và
vừa phải. Nhà hiền triết nào đã nói “sự nghiêm trang là một bí mật của cơ thể sáng tạo ra để
che giấu những khiếm khuyết của tinh thần” thì đó chính là định nghĩa về cốt lõi của việc
làm ông lớn. Nhưng đừng nhầm lẫn sự nghiêm trang này với cái kiểu nghiêm trang khác
nghe, cái thứ bộc lộ qua tướng mạo của ta nhưng lại hoàn toàn là một điều phản ánh hay
phát xuất từ trong tinh thần; sự nghiêm trang mà cha nói đến chỉ là của thể xác mà thôi, cho
dù là bẩm sinh hay rèn luyện mà có. Còn khi đến tuổi bốn mươi lăm...
- Dạ vâng, nhưng sao lại bốn mươi lăm?
- Chắc con cũng biết rồi, đây không phải là con số bỗng dưng trên trời rớt xuống,
đây là độ tuổi bình thường xảy ra hiện tượng này. Nói chung, người làm ông lớn đích thực
thường xuất hiện ở tuổi từ bốn mươi lăm đến năm mươi, dù có trường hợp đến năm lăm,
sáu mươi tuổi mới bộc lộ, nhưng hiếm gặp. Cũng có những người thể hiện bản thân ở tuổi
bốn mươi và người khác thì sớm hơn, ba lăm, thậm chí ba mươi tuổi; nhưng những trường
hợp này không phổ biến. Cha còn chưa nói đến những người làm ông lớn ở tuổi hăm lăm
nữa đấy, phát triển sớm như thế là đặc quyền của thiên tài.
- Con hiểu rồi.
- Nhưng hãy đi vào mấu chốt của vấn đề đi. Một khi đã theo nghề này thì con phải
cực kỳ thận trọng với mọi ý tưởng mà con có thể ấp ủ, hoặc là để dùng cho riêng con hoặc
là cho người khác. Tốt nhất là đừng có ý tưởng nào cả. Con sẽ thấy điều này dễ hiểu nếu
con thử tưởng tượng, chẳng hạn, một kịch sĩ liệt hết cử động của một cánh tay. Anh ta, chỉ
bằng tài năng và khéo léo, có thể giấu được khuyết tật này với khán giả, nhưng rõ ràng là sử
dụng được cả hai cánh tay thì tốt cho anh ta hơn nhiều. Với các ý tưởng cũng vậy thôi; bằng
cố gắng mãnh liệt ta có thể bưng bít hay che giấu nó lâu dài, nhưng phải tài ba hiếm có mới
làm được, và chẳng có ích lợi gì cho việc tận hưởng cuộc sống bình thường.

8 Z Z Z REVIEW
- Nhưng ai đã nói là...
- Con ơi, nếu cha không lầm thì con trai cha đã được trời phú cho một mức độ sự
trống rỗng tinh thần hoàn hảo rất cần thiết cho cái nghề nghiệp cao quý này. Cha không
nói đến chuyện con toàn lặp lại y hệt trong phòng khách những ý kiến con đã nghe ngoài
góc phố, hay ngược lại, bởi vì chuyện này, dù có bộc lộ phần nào sự thiếu suy nghĩ độc đáo,
nhưng có thể cũng chỉ là do nhất thời không nhớ ra được mà thôi. Không, cha nói đến cái
thái độ tủn mủn câu nệ kiểu lãnh tụ của con khi con nêu ý kiến, khen hay chê, về một kiểu
cắt may áo vest, kích cỡ cái mũ, hay tiếng cọt kẹt (hoặc không cọt kẹt) của đôi giày mới.
Phải, đó mới là biểu hiện nói lên bao điều, mới đúng là dấu hiệu hứa hẹn. Dù vậy, cũng
không có gì khó hiểu khi, theo tuổi tác, con có thể bị khổ sở vì những ý tưởng nào đó của
riêng con, cho nên điều quan trọng là phải trang bị cho cái đầu những cách phòng thủ vững
chắc. Ý tưởng thì ngay trong bản chất của nó vốn đã tự phát và đột ngột, cho dù ta có cố
gắng cách mấy thì ý tưởng cũng ào ra và tấn công ta. Đó đúng là điều giúp cho thiên hạ, vốn
rất giỏi đánh hơi ra kiểu ý tưởng này, phân biệt được chính xác ngay ai là ông lớn đích thực
và ai là ông lớn giả mạo.
- Hẳn rồi, chắc chắn là không thể tránh khỏi.
- Không đúng. Vẫn có cách. Con phải dốc sức ép mình tuân theo một chế độ như hình
phạt là hãy đọc các sách cẩm nang về phép tu từ, và nghe những bài diễn thuyết chính trị,
và các thứ tương tự. Những trò chơi phòng khách như đánh bài và chơi cờ domino là các
cách chữa trị hiệu nghiệm. Đánh bài còn có lợi thế đặc biệt là khiến người ta quen với sự
im lặng, và im lặng là hình thức tột bậc nhất của sự thận trọng. Cha không nói như vậy với
những hoạt động thể chất như bơi lội, cưỡi ngựa, hay các môn điền kinh, nhưng chính vì
những trò đó làm đầu óc thư thái nên lại khiến cho đầu óc phục hồi sức mạnh tinh thần.
Mặt khác, chơi bi-da thì tuyệt hay.
- Nhưng tại sao vậy? Chẳng lẽ bi-da không phải là hoạt động thể chất sao cha?
- Cha đâu có nói là không, nhưng có nhiều trường hợp mà thực tế quan sát được lại
chiến thắng lý thuyết. Cha khuyến khích con chơi bi-da chỉ vì nhiều thống kê được tổng
hợp tỉ mỉ đã cho thấy rằng những người thường chơi bi-da thì quan điểm của họ cũng suôn
đuột như cây cơ thọc bi. Tản bộ buổi chiều, nhất là ở những chỗ vui chơi giải trí và trưng
bày công cộng, cũng rất nên đi, miễn là con đừng có đi dạo một mình nghe. Bởi vì sự cô độc
chính là cái nhà máy sản xuất ý tưởng, và nếu bỏ mặc tinh thần cho nó muốn làm gì thì làm,
cho dù là ở giữa đám đông đi nữa, thì nó lại hay hoạt động lung tung vô lý.
- Nhưng nếu con không có sẵn người bạn nào chịu đi hay có thể đi cùng con thì sao?
- Đừng lo; lúc nào cũng có những chỗ tụ tập quen thuộc của những người ăn không
ngồi rồi, nơi thổi bay hết mọi hạt bụi cô đơn. Các hiệu sách, có lẽ là do bầu không khí sách
vở của nó, hay vì lý do nào đó cha không hiểu, không phải là chỗ thích hợp cho mục đích

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 9


của ta. Nhưng lâu lâu ghé vô hiệu sách cũng đáng, miễn là con phải bảo đảm là ai cũng thấy
con đi vào đó. Có một cách đơn giản để giải quyết chuyện nan giải này: đi vào hiệu sách
chỉ để bàn tán về những tin đồn trong ngày, chuyện nổi bật trong tuần, mấy vụ dâm ô hay
xì-căng-đan nào đó, một sao chổi vừa lướt qua, hay bất cứ chuyện gì có thể nói (tất nhiên
là trừ phi con thích tới gần các độc giả nghiện đọc các mục uyên bác của Monsieur Mazade
trong tờ Revue des Deux Mondes(1)); bảy mươi lăm phần trăm các cư dân đáng kính này sẽ
lặp lại với con cùng một ý kiến thôi, và chính sự tẻ nhạt ấy lại hữu ích cực kỳ. Cứ tuân theo
chế độ đó trong tám, mười, mười tám tháng - cứ cho là hai năm đi - thì con sẽ khiến một
trí tuệ phi thường nhất chỉ còn là một thứ quân bình, biết theo khuôn phép, tỉnh táo, và
chán ngắt. Cha còn chưa nói tới vốn từ, bởi vì từ ngữ được ngụ ý bằng những ý tưởng chúng
chuyển tải; điều hiển nhiên là vốn từ phải thật đơn giản, nhạt nhẽo, và hoàn toàn hạn chế
mới được - tuyệt đối không dấu hiệu nào hoa mỹ hay màu mè nổi bật cả.
- Thế thì tệ quá! Thỉnh thoảng cũng không được châm vài câu bay bướm văn hoa...
- Ồ, được mà; có nguyên cả mớ hình dung từ con có thể sử dụng: con rồng chín đầu
Hydra, chẳng hạn, hay cái đầu quỷ Medusa, thùng rượu của các nàng Danaid, đôi cánh
Icarus, và tất cả những thứ hình tượng khác mà các
nhà lãng mạn, cổ điển, và hiện thực sử dụng không
chút ân hận bất cứ lúc nào cần tới. Những câu La-
tinh cũ mòn, những lời danh nhân nói, những vần
thơ nổi tiếng, những châm ngôn pháp luật, những
ngạn ngữ dí dỏm - cao kiến nhất là phải có sẵn
những thứ đó trong túi để dùng cho những bài diễn
thuyết sau dạ tiệc, khi nâng cốc chúc mừng, và các
trường hợp tương tự. Caveant, consules - Quan chấp
chính hãy lưu ý - là câu hay nhất để kết thúc bất cứ
thứ gì có chủ đề chính trị, và cha dám nói như vậy
với câu Si vis pacem, para bellum - Nếu muốn hoà
bình, hãy sẵn sàng chiến tranh. Có người thích làm
mới một câu trích dẫn cũ bằng cách nhào nặn nó
thành một câu lạ, độc đáo, và hay ho, nhưng cha
Tượng Machado de Assis ở Lisbon
khuyên con không nên làm cái trò đó; như thế chỉ
(Ảnh của Mike Steinhoff. tổ làm hỏng cái sức hấp dẫn đáng quý của câu trích
Giấy phép: CC BY 2.0) ấy thôi. Nhưng mấy câu trích đó nói cho cùng cũng

1. Nguyệt san văn học, văn hoá và chính trị bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris từ năm 1829.

10 Z Z Z REVIEW
chỉ là trò thêm thắt vặt vãnh, tốt hơn hết thảy những thứ đó chính là những lời sáo rỗng
và những tục ngữ dân gian đã lưu truyền qua bao đời, đã in sâu vào trí nhớ của từng người
và cả thiên hạ. Những câu này có lợi thế là không buộc người nghe phải gắng sức một
cách không cần thiết để hiểu. Lúc này cha không liệt kê ra hết được, nhưng sau này cha sẽ
ghi ra giấy sẵn cho. Ngoài ra, nghề nghiệp mới mẻ này của con dần dần chính nó sẽ dạy
cho con biết cái nghệ thuật khó khăn là chỉ suy nghĩ những điều đã được người ta suy
nghĩ ra trước rồi. Còn sự hữu dụng của một phương pháp như thế thì hãy tưởng tượng
một trường hợp giả định. Một đạo luật được thông qua, đưa ra thực thi, nhưng không
hiệu quả; tai hoạ còn nguyên. Ở đây có sẵn đề tài để kích thích những bộ óc hiếu kỳ ngồi
không, xúi giục những chất vấn nhức đầu, rồi thu thập chi li các tài liệu với nhận xét, rồi
phân tích các nguyên nhân khả năng, khả dĩ, và khả nghi, rồi nghiên cứu vô tận năng lực
của cá nhân cần phải sửa đổi, bản chất của tai hoạ, rồi đưa ra cách khắc phục, rồi xét tới
hoàn cảnh có thể áp dụng. Nói tóm lại, đủ chất liệu cho nguyên cả một lâu đài từ ngữ,
ý kiến, và những lời lảm nhảm vô nghĩa. Nhưng con sẽ giúp bạn đồng loại với con thoát
được nỗi khổ phải nghe diễn thuyết dông dài chỉ bằng cách nói một câu đơn giản: “Cải
cách chứ không phải cách mạng!” Và cái câu ngắn gọn, trong sáng, rõ ràng này, móc từ
cái túi khôn dân gian ra, sẽ giải quyết vấn đề ngay tức khắc, và khiến mọi người lên tinh
thần như một tia nắng bất ngờ.
- Qua điều này thì, thưa cha, con thấy cha lên án việc áp dụng mọi phương pháp luận
hiện đại.
- Để cha nói cho thật rõ ràng. Đúng là cha lên án việc áp dụng chúng, nhưng cha hết
lòng khen ngợi chính cái cụm từ “phương pháp luận” đó. Cha cũng sẽ nói y như vậy về mọi
thuật ngữ khoa học tân thời, tất cả những từ ngữ đó con phải học thuộc lòng. Mặc dù đặc
điểm nổi bật của một ông lớn rất có thể là một thái độ kiên định bất di bất dịch, trong khi
các môn khoa học là sản phẩm của nỗ lực hằng ngày của con người, nếu con về sau rồi sẽ
thành ông lớn trong đời, con phải trang bị cho mình những thứ vũ khí hiện đại nhất. Bởi
vì một trong hai điều này sẽ xảy ra: hoặc là các từ ngữ khoa học này sẽ cũ mòn vì dùng quá
nhiều qua ba mươi năm, hoặc chúng vẫn còn nguyên sự tươi mới. Trong trường hợp đầu,
chúng sẽ vừa vặn với con như đôi găng cũ; trong trường hợp thứ hai, con có thể đeo chúng
trước ngực áo để khoe rằng cả con nữa, cũng am hiểu đâu ra đó như ai. Từ những cuộc
chuyện trò vụn vặt, cuối cùng con sẽ dần dần biết được là tất cả những thuật ngữ này cái
nào tương ứng với quy luật nào, tình huống nào, và hiện tượng nào; bởi vì cái phương pháp
nghiên cứu khoa học khác - từ sách vở và luận án của chính các chuyên gia - không những
vừa chán ngắt vừa mệt nhọc mà còn kèm theo nguy cơ tiêm nhiễm cho con những ý tưởng
mới, và như vậy là sai về cơ bản. Hơn nữa, nếu con bao giờ thật sự nắm được tinh thần của
những quy luật và công thức đó, gần như chắc chắn là con sẽ thích vận dụng chúng ở một

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 11


mức độ tiết chế nhất định, giống như cô thợ may khôn ranh và khá giả mà một nhà thơ cổ
điển đã ca tụng bằng hai câu sau:

Vải càng nhiều nàng càng cắt chi li,


Càng ít đầu thừa đuôi thẹo bỏ đi

Và chắc chắn là một ông lớn mà hành xử như thế là hết sức phi khoa học.
- Trời, nghề này khó quá!
- Chưa hết đâu con.
- Ồ, vậy thì ta cứ tiếp tục.
- Cha chưa nói với con về lợi ích của sự quảng cáo. Quảng cáo là một cô nàng quyến rũ
và kiêu kỳ, và con phải ve vãn cô ả bằng những món quà nhỏ, kẹo hạnh nhân, túi ướp hoa
thơm, và các thứ bé nhỏ khác để thể hiện tình cảm không thay đổi của con chứ không phải
tham vọng táo bạo của con. Mong cô ả ban phát ái tình bằng cách làm những trò anh hùng
và hy sinh là chuyện tốt nhất nên để cho Don Quixote với mấy thằng điên khác làm. Ông
lớn đích thực sử dụng phương pháp khác. Thay vì bỏ công biên soạn một chuyên luận khoa
học về ngành chăn nuôi cừu, y sẽ mua một con cừu làm tiệc mời bạn bè đến chè chén, tin
này không thể không khiến dân chúng quanh đó chú ý. Chuyện này dẫn tới chuyện khác,
và con chưa kịp nhận ra thì đã thấy tên con đăng báo chí năm, mười, hay thậm chí hai mươi
lần. Các uỷ ban và phái đoàn đi chúc mừng anh hùng chiến trận, công dân ưu tú, hay người
nước ngoài là tình huống hết sức có ích, cũng như các tổ chức tôn giáo và đủ thứ câu lạc
bộ với hội đoàn, bất kể nó chuyên về thần thoại học, săn bắn, hay là múa ba-lê đều tốt cả.
Thậm chí cũng có thể kể luôn những sự việc nhỏ nhặt khác, miễn là chúng khiến thiên hạ
chú ý đến con. Để cha giải thích. Giả sử con mà té từ trên xe ngựa xuống, chẳng đau đớn
gì ngoài một chút sửng sốt bực mình, chuyện đó cũng đủ đánh trống thổi kèn la làng cho
thiên hạ biết rồi. Không phải vì bản thân sự việc đó, chuyện đó nghĩa lý gì đâu, nhưng mục
đích là để nhắc nhớ lại tình cảm của công chúng dành cho một cái tên thân thiết đối với
họ. Con hiểu chưa?
- Dạ, con hiểu.
- Đó là cách quảng cáo bình thường, dễ làm và ít tốn, nhưng còn nhiều cách khác.
Cho dù lý thuyết nghệ thuật có nói gì về đề tài này đi nữa, điều chắc chắn là tình cảm gia
đình, tình thân bạn bè, và uy tín với thiên hạ tất cả đều cổ vũ cho việc tái hiện bằng nghệ
thuật cái diện mạo của một người nổi tiếng hay được yêu mến quá. Chẳng có gì ngăn cản
con không được làm một đối tượng lỗi lạc như thế, nhất là khi đám bạn bè sáng suốt của
con không cảm thấy sự miễn cưỡng ở con. Trong trường hợp đó, không những phép lịch
sự thông thường bắt buộc con phải nhận lời đề nghị vẽ chân dung hay nặn tượng, mà con

12 Z Z Z REVIEW
lại càng không nên ngăn cản bạn bè con tổ chức triển lãm công cộng bức chân dung đó.
Bằng cách này tên tuổi của của con sẽ gắn chặt với con người con; những ai đã đọc bài diễn
văn mới đây của con, chẳng hạn, nhân đại hội thành lập Liên đoàn Thợ hớt tóc Quốc gia
sẽ nhận ra ngay qua những đặc điểm thô kệch của con, rằng con chính là tác giả của một
đoạn kết hùng hồn đanh thép như thế, trong đó “những đòn bẩy của tiến bộ” và “mồ hôi
trên vầng trán” sẽ chiến thắng “những vực sâu chực chờ” của đói nghèo. Trong trường hợp
có phái đoàn mang bức chân dung đó đến nhà con, con phải cảm ơn lòng tốt của họ bằng
một bài đáp từ cảm tạ và một bữa tiệc - một phong tục đáng quý, hợp lẽ, và chân thật. Tất
nhiên con cũng sẽ mời những bạn bè thân nhất, các họ hàng của con, và nếu có thể, một vài
nhân vật nổi tiếng. Ngoài ra, do cái ngày đó là ngày vẻ vang và vui mừng, cha thấy không lý
nào lại lịch sự cự tuyệt mấy phóng viên báo chí một chỗ ngồi trong bàn. Trong trường hợp
rủi ro là các quý ngài báo chí ấy vì bổn phận ngăn trở mà không dự được, con có thể giúp
họ bằng cách tự thảo một bản tin tường thuật những dịp vui mừng này. Và nếu con, vì lý do
thận trọng nào đó hoàn toàn dễ hiểu, không muốn tự mình dùng đến những tính từ chói
sáng cần thiết, thì hãy nhờ bạn hay họ hàng nào đó thêm thắt vào.
- Mấy chuyện này đâu có dễ, cha ơi.
- Con nói hoàn toàn đúng, con trai. Khó và sẽ mất thời gian, rất nhiều thời gian,
thực tế là nhiều năm kiên trì và khổ ải, nhưng hạnh phúc thay kẻ nào đến được Đất Hứa!
Những kẻ nào thất bại sẽ bị sự quên lãng nuốt chửng. Còn những kẻ chiến thắng thì
không! Hãy tin cha đi, con sẽ chiến thắng. Con sẽ thấy tường thành Jericho sụp đổ trong
tiếng kèn thần thánh(1). Chỉ khi đó con mới có thể nói là con đã thành đạt. Vào ngày đó
con sẽ trở thành một vật trang sức không thể thiếu, sự hiện diện bắt buộc phải có, một
địa vị cố định trong xã hội. Sẽ không cần gì phải đi lùng sục các cơ hội, uỷ ban, hội đoàn,
và câu lạc bộ nữa; chúng sẽ tự tìm đến con với cái vẻ tẻ nhạt, thô thiển của những danh từ
đã bị tước mất tính từ, và con sẽ là tính từ cho những bài diễn thuyết nặng nề của họ, đem
thơm ngát cho bông hoa của họ, đem tím ngắt cho bầu trời của họ, đem cao quý cho những
công dân của họ, đem đanh thép và súc tích cho những bản tin của họ. Và đó là điều quan
trọng hơn hết, bởi tính từ chính là linh hồn của ngôn ngữ, thành phần siêu hình và duy
tâm của ngôn ngữ. Còn danh từ là thực tế bị lột truồng và sống sượng; nó là chủ nghĩa tự
nhiên của từ vựng.
- Và tất cả những điều này, theo cha, chỉ là để dự phòng khi mọi việc khác đều thất bại
sao?

1. Theo sách Joshua trong Cựu ước, các bức tường của thành Jericho sụp đổ trong lúc quân Israel vừa diễu binh
quanh thành vừa thổi kèn.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 13


- Đúng thế. Nó không loại trừ bất kỳ hoạt động nào khác.
- Ngay cả làm chính trị?
- Ngay cả làm chính trị. Đây chỉ đơn giản là vấn đề tuân thủ một số phép tắc và ràng
buộc nhất định. Con có thể tham gia bất kỳ phe đảng, tự do hay bảo thủ, ủng hộ cộng hoà
hay giáo hoàng toàn trị, điều cảnh báo duy nhất là con không được gắn bất kỳ ý tưởng cụ
thể nào vào những từ này, và chỉ chấp nhận sự hữu dụng của chúng như là những câu khẩu
hiệu của thánh kinh.
- Nếu như con vào nghị trường, con có thể lên diễn đàn phát biểu không?
- Con có thể và con phải thế; đó là cách thu hút sự chú ý của công chúng. Còn như đề
tài của các bài diễn thuyết, con có thể lựa chọn giữa những tiểu tiết tranh cãi tủn mủn và
ý thức hệ chính trị, nhưng nên ưu tiên cho ý thức hệ. Phải thừa nhận là những tiểu tiết vặt
vãnh thường không phù hợp với cái vẻ đần độn tao nhã vốn là dấu hiệu của mọi ông lớn
thành đạt, nhưng, nếu con muốn thì cứ nhắm vào ý thức hệ - dễ hơn và hấp dẫn hơn. Giả
sử con sẽ phải chất vấn các lý do thuyên chuyển Đệ thất Đại đội Bộ binh từ Uruguaiana tới
Canguçu; thì chỉ có mỗi ông bộ trưởng quốc phòng nghe con nói thôi, và ông ta sẽ mất cả
chục phút để giải thích các nguyên nhân đưa đến quyết định này. Với ý thức hệ thì không
như vậy. Một bài diễn thuyết về những khía cạnh bí hiểm nhất của ý thức hệ chính trị, do
chính bản chất của nó, sẽ kích động cảm xúc của các chính khách và đám dân chúng ngồi
ở hành lang dự thính, khiêu khích những lời tán thán và phản bác sôi nổi. Ngoài ra, nói
chuyện đó thì chẳng cần suy nghĩ hay nghiên cứu gì hết. Riêng cái lãnh vực này của tri thức
nhân loại thì mọi thứ đã được khám phá, gọi tên, dán nhãn, và đóng gói cả rồi; con chỉ cần
lục lọi trong trí nhớ như là móc trong túi thôi. Nhưng con có nói gì đi nữa thì cũng chớ mà
vượt qua giới hạn của những điều cũ mèm nhưng đáng thèm muốn đó.
- Con sẽ cố hết sức. Như vậy là không hề cần óc tưởng tượng?
- Tuyệt đối không. Tốt hơn hết là hãy phao tin rằng năng khiếu tưởng tượng đúng là
chỉ dành cho phường hạ lưu thôi.
- Và không hề cần triết học?
- Ta phải thật rõ ràng: có chút ít khi viết hay nói thì chắc không sao, nhưng trong thực
tế thì chớ. “Triết học lịch sử”, chẳng hạn, là một cụm từ con nên dùng thường xuyên, nhưng
cha cấm con đưa ra bất kỳ kết luận nào mà chưa từng có ai khác đã đưa ra rồi. Tránh xa mọi
thứ gì có chút hơi hướm suy ngẫm, độc đáo hay tương tự như vậy.
- Còn hài hước?
- “Hài hước” theo con là sao?
- Con lúc nào cũng phải rất nghiêm trang à?
- Còn tuỳ. Bản tính con là vui vẻ, thích hoạt kê, và không cần gì phải giấu giếm hay đè
nén nó hoàn toàn - lâu lâu con cũng có thể bật cười và bông đùa. Là ông lớn không nhất

14 Z Z Z REVIEW
thiết là con bắt buộc phải u sầu. Người nghiêm trang cũng có những phút vô tư lự chứ. Chỉ
có điều... và đây là điểm cốt yếu...
- Cha cứ nói đi.
- Con không bao giờ được châm biếm - cái kiểu thoáng nhếch mép đầy bí hiểm do mấy
tên Hy Lạp suy đồi nào đó nghĩ ra, được Lucian chớp lấy, truyền lại cho Swift với Voltaire,
và thành nét tiêu biểu của mọi kẻ hoài nghi và những kẻ tự do tư tưởng đầy trâng tráo.
Không. Tốt hơn nên kể chuyện tiếu lâm khiếm nhã, đó mới là bạn chí cốt, những chuyện
tiếu lâm tròn trịa, xấc láo, và khiếm nhã rành rành, không cần che đậy hay giả vờ e lệ, loại
chuyện đấm thẳng vào mặt ta, nhói đau như bị đạp vào lưng, khiến máu ta sôi lên, và khiến
ta cười muốn tuột quần đó. Gì thế?
- Nửa đêm rồi.
- Nửa đêm? À, thế thì chàng trai, con đã bắt đầu tuổi hăm hai rồi đó; con đã trưởng
thành hẳn hoi. Ta sửa soạn đi ngủ đi; khuya rồi. hãy ngẫm nghĩ những gì cha vừa nói đó,
con trai. Xét cho cùng, cuộc trò chuyện của cha con mình tối nay cũng giá trị chẳng kém
cuốn Quân vương của Machiavelli đâu. Giờ đi ngủ thôi.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 15


Thơ ca
Pablo Neruda
Nguyễn Trí Dũng dịch

Trích từ chương “Thơ ca là nghề nghiệp”, trong tập hồi ký Confieso que
he vivido (Tôi thú nhận mình đã sống, di cảo xuất bản năm 1974). Dịch
từ bản tiếng Nga: Hồi ký - Thi ca Признаюсь: я жил. Воспоминания -
Поэзия, Издательство: Nhà xuất bản Sách Chính trị (Издательство
политической литературы), Moskva, 1978. Zét Nguyễn biên tập từ
bản tiếng Anh của Hardie St. Martin, Penguin Books, 1978.

16 Z Z Z REVIEW
... Có biết bao nhiêu là tác phẩm nghệ thuật trên đời... Thế giới của chúng ta không còn đủ
chỗ cho chúng... Đến phải treo chúng ra ngoài mất thôi... Có biết bao nhiêu là sách to sách
nhỏ... Ai là người có thể đọc hết được tất cả đây?... Ôi, cứ cho là chúng ăn được đi chăng
nữa... Cứ cho là khi rơi vào cơn đói khủng khiếp, chúng ta có thể đem chúng làm món salat,
xắt chúng ra, nêm gia vị, tra tiêu ớt... Thế nhưng không tài nào thêm được nữa... Chúng ta
đã no ứ đến tận cổ rồi... Thế giới đang chìm ngập trong con triều cường sách vở... Reverdy(1)
có lần đã nói với tôi: “Tôi đã báo trước với bưu điện, để họ không gửi sách về nhà cho tôi
nữa. Không còn lấy đâu ra sức để mở xem những cuốn sách mới nữa. Chẳng còn chỗ để
nữa. ... Đâu đâu cũng toàn sách là sách, chúng bò lên khắp cả bốn bức tường rồi, tôi sợ rằng,
chẳng mấy nỗi, vô phúc mà chúng đổ ập xuống đầu tôi”... Mọi người ai cũng biết Eliot...
Khi còn chưa là hoạ sĩ và đạo diễn, còn chưa bắt đầu viết những bài báo tuyệt vời, ông đã
đọc thơ của tôi... Tôi vui sướng biết bao nhiêu... Hiếm có ai hiểu thơ tôi đến thế... Nhưng
có một lần, ông ấy đọc cho tôi nghe một bài thơ của ông, và tôi, như một kẻ ích kỷ nhất
hạng, bỏ chạy và gào lên: “Thôi đi, thôi đủ rồi đấy!...” Tôi chạy vào buồng tắm và chốt cửa
lại, nhưng Eliot vẫn cứ đứng ngoài cửa, đọc cho đến hết mới thôi... Tôi cảm thấy rất buồn
lòng... Nhà thơ Scotland Fraser lúc ấy cũng có mặt... Ông ấy đã trách tôi: “Tại sao ông lại
đối xử với Eliot như thế?...” Tôi trả lời: “Tôi rất sợ mất một người bạn đọc của mình. Tôi
chăm mãi mới được đấy. Ông ấy thuộc đến từng nếp thơ của tôi... Mà Eliot đến là lắm tài...
Ông ấy biết vẽ này... Lại viết tiểu luận này... Nhưng tôi muốn nâng niu, gìn giữ ông ấy với tư
cách là một bạn đọc, chăm nom ông ấy như chăm một giống cây quý hiếm... Ông hiểu tôi
mà, Fraser...” Thực lòng mà nói, nếu mọi chuyện vẫn cứ mãi như thế này, các nhà thơ sẽ chỉ
viết cho các nhà thơ... Nhà thơ nào cũng sẽ dấm dúi bỏ vào túi nhà thơ khác sáng tác của
mình... bài thơ của mình... hay lén đặt nó vào đĩa của người khác... Quevedo(2) có lần đã lén
đặt một bài thơ vào đĩa phủ khăn ăn của nhà vua... Nhưng việc đó thực sự có ý nghĩa cơ...

1. Pierre Reverdy (1889-1960), nhà thơ Pháp, là người có ảnh hưởng lớn tới các trường phái nghệ thuật như Siêu thực,
Đa Đa, Lập thể. Ông là bạn của Pablo Neruda.
2. Ở đây Neruda muốn nói đến câu chuyện kể về việc nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại Francisco de Quevedo (1580-1645)
đã lén đặt bài thơ tố cáo một triều thần được sủng ái của nhà vua Felipe IV, và sau đó ông đã bị tù bốn năm và chết
trong tù.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 17


Như thơ ca trên quảng trường giữa ban trưa... Hay là để cho những cuốn sách bị mòn vẹt,
rách nát, sau khi chuyền qua hết tay người này đến tay người khác... Chứ còn, như thế này,
khi nhà thơ được in để cho nhà thơ đọc không thôi, thì tôi chả buồn chả thiết chả báu gì,
tôi chỉ mong sao ẩn trốn được ở một nơi nào đó giữa những vách đá, bên muôn trùng sóng
biển, tránh cho xa các nhà xuất bản, các trang sách in... Thơ ca đã mất đi mối dây liên hệ với
người bạn đọc xa lạ... Cần phải khôi phục lại nó... Cần phải đi xuyên qua cõi tăm tối để gặp
gỡ trái tim của một người đàn ông, hay đôi mắt của một người đàn bà, hay vị khách lạ qua
đường, mà vào một buổi chiều tà hay một đêm trời đầy sao, chỉ một câu thơ duy nhất của
anh thôi bỗng trở nên là điều không thể thiếu với họ... Lần gặp gỡ bất ngờ ấy đáng giá mọi
sự nỗ lực, đáng giá tất thảy những gì đã được viết ra, được đọc, được nghiền ngẫm... Cần
phải hoà mình vào giữa những người xa lạ với chúng ta, để họ đột nhiên tìm thấy một phần
nhỏ bé của chúng ta trên phố, trên cát, trên những chiếc lá hàng ngàn năm qua lìa cành nơi
rừng xanh... để họ dịu dàng nâng lên khỏi mặt đất những gì chúng ta sáng tạo ra... Chỉ khi
ấy chúng ta mới là những nhà thơ chân chính... Chỉ nhờ đó mà thơ ca mới trường tồn.

18 Z Z Z REVIEW
Đọc Lưng rồng
- Bóng đè và
những truyện
mới... theo công
thức toán!
Trạch Nam

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 19


Hai thập niên trở về trước, phê bình văn chương tại Việt Nam thực sự là một công việc
đơn giản khi một tác phẩm hay thường gắn liền với một vài cụm từ không mấy đẹp đẽ như
“kiểm duyệt”, “cấm xuất bản”, “thu hồi”. Tính thuyết phục của những con chữ ấy còn được
tăng lên đáng kể nếu vị tác giả “bị kết án” được thể nghiệm sáng tác trong các không gian
mới như: nhà tù, chốn lưu vong hoặc giản đơn là “được” giam lỏng trong căn nhà của họ.
Xét từ thói quen mua sách dựa trên hai tiêu chí đó, tôi có quyền hy vọng vào tuyển tập
Lưng rồng - Bóng đè và những truyện mới của Đỗ Hoàng Diệu khi bỗng dưng... cuốn sách
ấy biến mất khỏi hệ thống giá sách Việt Nam. Cũng từ lý do trên, tôi muốn thử đọc và phân
tích truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu như một công thức toán (cho dù toán học chưa bao
giờ là sở trường của tôi).
Thực tế - một hiện tại đang trải ra dưới mắt tôi (không phải mắt Trương Chính), “con
dấu thu hồi” của Cục Xuất bản, in và phát hành đã phần nào giảm giá trị, nhất là trong bối
cảnh nghề “phê bình chỉ điểm” dường như đã thất truyền. Ở chiều ngược lại, có nhiều lý
do trời ơi đất hỡi ngoài “vấn đề nội dung” khiến một cuốn sách bị thu hồi: sai luật xuất bản,
bìa sách phản cảm hay giản đơn là “một quyết định mồm” của ai đó (tác giả và đám buôn
sách cũng không ngoại trừ). Và cho dù có bị “cấm”, vẫn còn muôn ngàn tiểu ngạch dẫn tác
phẩm văn chương “hay” đến tận tay người đọc.
Tiếng than từ Đỗ Hoàng Diệu cùng những nhà văn ủng hộ bà vì vậy mà kém sang
hơn hẳn, nhất là sau khi cuốn tiểu thuyết Lam Vỹ tỏ ra không mấy đắt khách. Tất nhiên,
bài viết này không bàn về Lam Vỹ dù phải thừa nhận dường như tiểu thuyết này chỉ là một
truyện ngắn “cỡ gồng”. Mặc dù thế, ta vẫn cần nhắc đến Lam Vỹ và nếu cần cả Hầm mộ (qua
những nội dung đã được đăng tải trên mạng) để tính ra số lượng cụ thể công việc được Đỗ
Hoàng Diệu thực hiện trong suốt nghiệp cầm bút đến nay. Hai tiểu thuyết, mười truyện
ngắn được xuất bản xem ra là một con số khiêm tốn với một nhà văn được nhiều kỳ vọng
và đang ở độ tuổi sung sức như Đỗ Hoàng Diệu, đặc biệt là đối sánh với người “nổi” cùng
thời điểm với bà là Nguyễn Ngọc Tư. Song ở chiều ngược lại, người ta có quyền bấu víu và
tin tưởng vào một thứ văn chương đã đạt độ ngấu, phân biệt với loại văn chương “hơn hớn”
mà Diệu dè bỉu.
Đáng tiếc, Lưng rồng - Bóng đè và những truyện mới không đáp ứng được kỳ vọng của
tôi, người viết. Thái độ tự tin của Đỗ Hoàng Diệu trong những bài phỏng vấn văn chương
không che giấu được một sự thật: tuyển tập truyện ngắn của bà (đặc biệt là 5 truyện ngắn
lần đầu được công bố) không có sự đột phá. Bản thân nhan đề của tập truyện đã phần nào
xác nhận điều đó. Lưng rồng và 4 truyện ngắn mới dường như quá yếu thế để xác quyết cho
một sự trở lại, hứa hẹn lột xác trong văn chương Đỗ Hoàng Diệu. Có lẽ vì vậy mà Bóng đè
được nhắc đến trong nhan đề tập truyện ngắn này như một “thương hiệu bảo hộ” cho tác
phẩm. Nhưng cũng từ lý do đó, các độc giả lần đầu tiếp xúc với văn chương Đỗ Hoàng Diệu

20 Z Z Z REVIEW
có thể dễ dàng đối chiếu giữa Bóng đè với Lưng rồng và những truyện mới (sau đây viết tắt là
Lưng rồng), nhất là khi chúng không được sắp xếp theo một thứ tự lịch đại.
Thật vậy, Lưng rồng hay Lam Vỹ, Hầm mộ thực chất chỉ tiếp nối chủ đề lớn mà Đỗ
Hoàng Diệu đã ấp ủ, thai nghén để viết nên Bóng đè: thân phận của người đàn bà trong
một xã hội nam quyền chật đầy những giáo điều. Trong cái xã hội nam quyền ấy, những
người phụ nữ bị ràng buộc trong những quy định khắt khe ngụy trang dưới lớp vỏ là những
chuẩn mực đạo đức, truyền thống gia đình, lòng yêu nước, sự sùng đạo v.v... mà thực chất
chỉ là các biến dị quái đản từ Nho giáo và suy rộng ra là một thứ Văn hóa Trung Hoa nửa
mùa và khuyết tật. Dưới ngòi bút của Diệu, Văn hóa Trung Hoa nam quyền chưa bao giờ
ngừng “hãm hiếp” nền văn hóa bản địa Việt Nam mang thiên tính nữ với nạn nhân cụ thể
là những thân phận đàn bà. Những toan tính “hãm hiếp” từ phương Bắc được biểu hiện
trực diện và quy mô bằng xung đột, chiến tranh giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa từ
nhiều đời nay mà dư âm gần gũi nhất chính là “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc
1979”. Không chỉ vậy, người đàn ông Việt dù “yêu nước nồng nàn, kính trọng dân tộc mình
như bố mẹ ông bà tổ tiên” [Lưng rồng, tr10] có đẩy lùi được quân xâm lược phương Bắc,
nhưng vẫn bị hấp dẫn, tiêm nhiễm, đồng hóa từ các hệ thống giáo lý Trung Hoa. Chúng
biến họ thành những người đàn ông gia trưởng, đa nghi, tham lam và bội bạc, sẵn sàng coi
con gái ruột, người vợ, người yêu, người tình như những món hàng hóa không hơn, không
kém để đạt được những phồn vinh gia tộc giả tạo cho đến ham muốn xác thịt tầm thường.
Giữa “mình và họ”(1) - hai diễn ngôn nam quyền của phương Bắc và phương Nam dường
như cũng không thể phân biệt được trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu. Song nếu
chỉ có thế thì tại sao phải viết đến 5 truyện ngắn mới khi người ta đã bội thực với thứ văn
chương lan man, “minh họa” cho những người đàn bà bị “hãm hiếp” mãi không chừa vậy?
Những biểu tượng giật gân, bối cảnh rùng rợn đồng thời cũng là nhan đề nhiều truyện
ngắn của Diệu như “Lưng rồng”, “Bóng đè”, “Lửa đạo”, “Những sợi tóc màu tang lễ”, “Dòng
sông hủi” v.v. có lẽ khiến nhiều nhà báo, nhà phê bình và bạn văn của Diệu thích thú. Tôi
đoán vậy qua làn sóng bài viết ngợi ca Diệu thu được từ kết quả tìm kiếm về “Lưng rồng”.
Có lẽ, Lưng rồng và những truyện ngắn mới sẽ còn nhận được nhiều đánh giá tích cực
hơn nữa, nếu không dung chứa “Bóng đè”. Tôi mạnh dạn đoán xét như thế qua việc xem
điểm số đánh giá mà độc giả dành cho ba tác phẩm đã xuất bản của Đỗ Hoàng Diệu trên
Goodreads: Bóng đè đạt 1.75 điểm, Lưng rồng đạt 3 điểm, Lam Vỹ đạt 3.3 điểm. Theo tôi
đó là tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại của một nhà văn sau hơn một thập niên tuyệt tích.
Càng mừng hơn nữa là sự trở lại ấy cũng không mất công sức đầu tư nhiều lắm khi tác giả

1. Từ dùng và cũng nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 21


chỉ “Ouroboros” lại “Bóng đè” dưới những lớp ngôn từ rối rắm và đồng bóng hơn. “Lưng
rồng” đánh dấu một bước tiến lớn trong sự phát hiện “hung thủ hãm hiếp” người phụ nữ
Việt. Sau Nho giáo, Diệu nhận ra Đạo giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và cả Tà giáo nữa
vv đều là những chiếc “bóng đè” lên người đàn bà. Nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi là kẻ
nói láo có sách. Trong “Lưng rồng”, kẻ giết người - gã thợ xăm hình xác nhận “Tao là cha, là
phụ mẫu, đức thánh hiền, là Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử của mày, là trí tuệ, thân xác mày.
Đừng kháng cự vô ích”. Trong “Lửa đạo”, người thiếu nữ bị kẹt ở lưng chừng vì những giáo
điều từ Cửa Phật và Cửa Nhà Chung đều từ chối nàng và thai nhi bé bỏng. Trong “Linh
hồn”, gã đàn ông cho vay linh hồn - kẻ nuôi mèo đen (ám chỉ hình tượng Quỷ Satan?) chính
là người đã cướp đi sinh mạng của người phụ nữ yêu chồng sau khi tha hóa chị thành một
kẻ dâm dục. Bởi những kẻ thù mạnh như vậy, nội dung, motip 10 truyện ngắn của Diệu
gần như không có sự khác biệt.
Nếu trút bỏ đi lớp vỏ hình thức, đặc biệt là sự bạo liệt của những chi tiết tính dục, cốt
truyện được Diệu duy trì trong 10 truyện ngắn có thể viết gọn lại trong một công thức như
sau: người con gái đẹp (người viết nhấn mạnh) bị hết người đàn ông này đến người đàn ông
khác lừa gạt, hứa hẹn, dọa dẫm để làm tình. Chính xác hơn, ám ảnh về sự chiếm đoạt thân
xác người đàn bà đẹp gần như là yếu tố tiên quyết để làm nên nội dung của toàn bộ các tác
phầm được Đỗ Hoàng Diệu viết ra. Tôi đã cố tìm một chi tiết để chứng tỏ truyện ngắn của
Diệu có bao chứa những chi tiết, nội dung về tình yêu. Song có vẻ như nỗ lực này của tôi là
hoàn toàn vô ích. Bởi lẽ, những “tình yêu” mà Diệu đề cập trong truyện ngắn chỉ là những
ham muốn đơn thuần về mặt thể xác. “Bóng đè” đã viết gì về câu chuyện thành vợ chồng
của nhân vật nữ chính. Đó gần như là một cuộc làm tình chớp nhoáng, sau giây phút đầu
tiên hai nhân vật đắm chìm trong ánh mắt nhau tại một không gian nhuộm đầy sắc dục -
khu nhà mồ của bảo tàng Dân tộc học (toàn tượng người với sinh thực khí khổng lồ, mô
tả hành vi giao phối...). “Vu quy” viết về một người phụ nữ... tuyển chồng với những lần
làm tình bất tận. “Mộng du” - một truyện ngắn tệ hơn cả về tình yêu. Nội dung của truyện
viết về một ông họa sĩ bị vợ phản bội. Ông ta cưỡng hiếp con gái riêng của vợ (?) trong một
“khoái cảm điên rồ và hợp lý”. Tôi phải nhắc về “Lưng rồng” cho dù tôi không thích truyện
ngắn này. Cô gái điếm, người được bạn gái tên Huệ ngợi ca là “tiên”, ôm mộng hoàn lương
với giấc mơ hạnh phúc bên người chồng “yêu nước”. Nhưng rồi cô lại hóa thành “Mị Châu
dâm đãng” vì ham muốn xác thịt với gã học trò thợ xăm trẻ tuổi.
Công thức 2 mà tôi muốn lưu ý là những cô gái trong truyện của Diệu thường rơi vào
cảnh “làm đĩ” dù ngẫu nhiên hay cố ý. Và cũng như những người phụ nữ bước ra từ văn
chương Tự lực văn đoàn trước năm 1945, những người phụ nữ trong văn chương của Diệu
dường như không thể thoát khỏi được thân phận “làm đĩ” đó. Điều này khiến tôi không
khỏi liên tưởng tới một quan điểm của nhân vật Chương trong Đời mưa gió: “Tuyết là

22 Z Z Z REVIEW
người yêu của tôi, anh chỉ nên biết thế thôi. Và đĩ, thì ai ai cũng đĩ, chỉ khác có một đằng
đĩ với một người và một đằng đĩ với nhiều người.” “Lưng rồng” là câu chuyện về một cô gái
điếm đi xăm hình để chiều lòng người chồng mới cưới, nhưng rồi biến thành “Mị Châu cả
tin và dâm đãng”. “Bóng đè” là câu chuyện chiếm đoạt thân xác của những linh hồn nam
trong dòng họ của gã chồng tên Thụ với người vợ mới cưới. “Tình chuột” viết về Vy - một
cô gái vì muốn lấy anh chồng Việt Kiều mà bị lừa gạt, trở thành món hàng trao tay của
những gã đàn ông tham lam sắc dục. “Cổ thụ” viết về Huệ - một cô gái đi làm điếm sau cuộc
hôn nhân không tình yêu với Toàn. Những cô gái trong truyện của Diệu thường rơi vào
cảnh “làm đĩ” dù ngẫu nhiên hay cố ý.
Trong văn chương của Diệu, không tồn tại những phụ nữ xấu, các vẻ đẹp thanh tân
hay những người phụ nữ quá tuổi. Tất cả các nhân vật nữ chính trong tác phẩm của Diệu
đều đang ở độ chín của thanh xuân với nhan sắc mà cánh đàn ông phải thèm muốn. Vẻ đẹp
của người thiếu nữ trong “Lưng rồng” được nhận định chỉ bằng một câu thoại: “Đằng ấy
là tiên”. “Lửa đạo” mô tả nhân vật nữ là “một cô gái trẻ, sáng sủa, thông minh, lớn lên trong
sự nuôi dạy tử tế và tình thương yêu vô hạn của hai đấng sinh thành nhân hậu”. Vẻ đẹp của
Dực trong “Những sợi tóc màu tang lễ” khiến “bác bảo vệ cơ quan luôn nhìn khoảng trống
phía dưới cằm Dực và nuốt nước bọt vào bảy giờ”. Cô gái trong “Vu quy” thậm chí còn
tự nhận ra vẻ đẹp của mình bằng một lời xác quyết tự tin “tôi là thiên thần”. Chính vì họ
đẹp như “con cháu của Thúy Kiều” (tôi cũng không hiểu vì sao Diệu lại so sánh vẻ đẹp của
người con gái Việt Nam với một người đàn bà Tàu!), cuộc đời của họ phải trải qua bao sự
truân chuyên như... tất cả phụ nữ đẹp trên đời dường như đều có chung một bi kịch. Ta vẫn
thường gọi cái bi kịch đó bằng một cái tên rất chung chung, sến súa và vô nghĩa “Bi kịch
của cái đẹp”. Nếu muốn thoát khỏi bi kịch, họ chỉ có lựa chọn khả dĩ duy nhất là chết. Tất
nhiên, còn giải pháp khác là đi tu nhưng xem ra những người đàn bà trong truyện ngắn của
Diệu không được cửa phật và nhà chung ưu ái lắm.
Ở chiều ngược lại, tôi suy ra được công thức thứ 3 trong toàn bộ các truyện ngắn của
Diệu. Kẻ thù của đàn bà đẹp trong truyện ngắn của Diệu, nói như Tạ Biên Cương, đương
nhiên là đàn ông, không loại trừ bất kỳ ai, từ Tây sang Đông, từ Trung Quốc đến Việt Nam,
từ già đến trẻ, từ nhà văn, họa sĩ đến những kẻ vũ phu, từ người thành phố đến kẻ nông
thôn. Truyện ngắn của Diệu đã viết như thế. Trong 10 truyện ngắn đã công bố của Diệu,
những nhân vật đàn ông dù đến từ đâu đều có chung bảy mối tội đầu: ngạo mạn, tham lam,
dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ, lười biếng (thực ra phàm ăn là tôi bịa ra cho đủ bảy
tội). Nếu không mắc phải những tội ác ấy, những kẻ đó phải chịu một lời nguyền là hóa
điên. Đó là người họa sĩ già trong truyện ngắn “Mộng du”. Đó là 5 gã đàn ông trong truyện
ngắn “Cổ thụ” sau đêm bị mất đời trai với cô gái mại dâm tên Huệ. Người Thượng trong
“Dòng sông hủi” có thể là người bình thường duy nhất trong truyện ngắn của Diệu nếu

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 23


như ông ta không phải là một người mắc bệnh... phong cùi. Và Diệu, trong nỗ lực chứng
minh những kẻ phong hủi cũng hóa rồ trong mùa trăng đã viết “hình ảnh người đàn ông có
làn da thương tích, tơi tả múa may dưới trăng và hét lên tiếng hét thống khổ hiện lên từ từ”
hay “tắm trăng để cái đau nhiều hơn. Gần nước để cái ngứa tận tim”. Cơn điên là thứ duy
nhất ngăn cản đàn ông trong truyện ngắn của Diệu gây ra những tội ác cho đàn bà. “Dòng
sông hủi” đã viết về sự sám hối của Công như vậy. Diệu viết: “Công đang lăn lộn trên đất.
Tôi nhìn kỹ Công không hề có vết tích của hành hung nhưng anh oằn oại, mắt trợn ngược.
Khắp mình Công không nổi sảy, không lên ban nhưng anh cũng rồ dại y như tôi ban nãy.
Tôi vụt hiểu, Công đang phát chứng hủi vô hình của người Kinh.” Ngay khi thức tỉnh cơn
điên, họ lập tức trở về với bản chất nguyên thủy của mình. Người họa sĩ già trong “Mộng
du” đã thốt lên “Hư hư thực thực, con người quái thú... Trời hại tôi người hại tôi tôi hại tôi”.
Tương tự, trong “Cổ thụ”, 5 người đàn ông thức tỉnh lại trở về với cuộc sống thường nhật
với các hành vi lừa dối vợ con, bạn tình.
Như vậy, để có một tập truyện ngắn có số điểm cao như “Lưng rồng”, tôi có một bài
giải toán gồm những bước sau. Bước một, viết tất cả các truyện ngắn theo motip những
người đàn bà bị “hãm hiếp”. Bước hai, loại bỏ 3 truyện ngắn từng in trong tập Bóng đè. Bước
ba, xây dựng nhân vật. Các nhân vật nam đều phải hội tụ bảy tội ác trong kinh thánh hoặc
điên rồ, nếu cả hai thì càng tốt. Các nhân vật nữ đều phải đẹp, trẻ tuổi và... bị nhiều “bóng
đè”. Nếu muốn tăng thêm sức nặng cho tội ác của đàn ông hãy viện dẫn thêm Khổng giáo,
Đạo giáo, Kitô giáo, Phật giáo... tà giáo. Cuối cùng hãy than vãn nhiều về việc bị cấm viết
và thu hồi sách. Thực ra, tôi muốn bàn thêm về những chi tiết lịch sử hay tôn giáo được
sử dụng lung tung trong truyện ngắn của Diệu. Nhưng thực tế, đây đâu phải là truyện lịch
sử hay tôn giáo mà là những cuộc hãm hiếp. Ta chỉ cần nói về thủ phạm - đàn ông và nạn
nhân - phụ nữ. Thế là hết.

24 Z Z Z REVIEW
PedroPáramo (1)
(trích dịch)
Juan Rulfo
Nguyễn Trung Đức dịch

1. Tác phẩm đã được Phanbook mua bản quyền dịch và dự kiến phát hành bản dịch cuối tháng 1 năm 2019.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 25


Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở
đây. Chính mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã hứa với bà rằng khi nào bà qua đời tôi sẽ tới thăm ông ta.
Tôi nắm lấy tay bà trong cử chỉ hàm chứa lời hứa; bởi vì bà yếu lắm rồi, bà sắp tắt thở, còn
tôi sẵn sàng hứa làm tất cả. “Con hãy tới thăm ông ta. - Bà khuyên tôi. - Dù con gọi ông ta
thế nào đi nữa, ta tin chắc rằng ông sẽ rất vui khi gặp con”. Vậy là tôi không còn cách nào
hơn là hứa sẽ làm đúng như điều bà mong muốn. Vì bà nói quá nhiều về điều đó, nên tôi
cũng phải nói hoài đến nỗi sau đó tôi phải vất vả lắm mới gỡ được tay mình khỏi đôi bàn
tay chết đã giá lạnh của bà.
Trước đó, bà bảo tôi:
- Con chẳng phải cầu xin ông ta điều gì cả. Con hãy đòi cái phần thuộc chúng ta, cái
mà ông ta buộc phải cho mẹ mà chưa bao giờ ông ta cho... Với việc bỏ rơi mẹ con mình, ông
ta phải trả giá đắt, có thế thôi con ạ.
- Thưa mẹ con sẽ làm đúng như vậy.
Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ tới việc thực hiện lời hứa của mình, mãi cho đến lúc đầu óc
bắt đầu mộng mơ, trí tưởng tượng trở nên bay bổng. Dần dà tôi bắt đầu dựng nên một thế
giới hy vọng xoay quanh cái ngài được gọi là Pedro Páramo, ấy là chồng của mẹ tôi. Vì thế
mà tôi đến làng Comala.

* * *

Lúc ấy đang trong tiết đại thử, gió tháng Tám, hôi mùi cỏ xà phòng ẩm mục thổi nóng ràn
rạt.
Con đường dốc bò lên hoặc trườn xuống: “Bò lên hay trườn xuống hoàn toàn phụ thuộc
vào người đang đi trên nó. Đối với người đi ra khỏi làng thì con đường bò lên. Đối với người
đang đi vào làng thì con đường trườn xuống”.
- Cái làng ở phía dưới kia gọi là gì, anh bạn có thể cho biết được không?
- Comala, thưa ngài.
- Anh bạn chắc chắn đây đã là làng Comala chứ?
- Đúng thế, thưa ngài.
- Vì sao nó lại có vẻ buồn thế kia?
- Vì nó dãi dầu với nhật nguyệt, thưa ngài.
Tôi mường tượng ra cái làng ấy qua những hồi ức của mẹ tôi, qua nỗi nhớ của bà giữa
những tiếng thở dài của bà. Bà thường sống não lòng vì làng Comala, mong ngày về làng
nhưng không bao giờ về. Giờ đây tôi trở lại làng thay bà. Tôi nhìn những sự vật này qua lăng
kính của bà vì bà đã cho đôi mắt của mình để tôi nhìn: “Khi qua ngọn đèo của những người
Colimotes thì ở đó hiện ra quang cảnh ngoạn mục của một bình nguyên xanh với những cánh

26 Z Z Z REVIEW
đồng ngô chín vàng. Rồi từ đó con sẽ thấy làng Comala trắng tuyền màu đất, sáng lung linh
trong đêm mờ!” Tiếng nói của bà bí hiểm, gần như thầm thì như thể bà đang nói với chính
mình... Mẹ tôi...!
- Ngài đến Comala có việc gì, nếu như ngài có thể nói cho tôi biết được? - Tôi nghe
thấy người ta hỏi mình.
- Tôi đến thăm ông cụ nhà tôi, - tôi trả lời.
- À! - Ông ta nói.
Rồi cả hai chúng tôi cùng im lặng.
Chúng tôi đi xuống, vừa đi vừa nghe thấy tiếng chân lừa rộn ràng nện trên mặt đất.
Trong cái oi nóng của tháng Tám, những con mắt mệt mỏi vì cơn buồn ngủ như muốn nổ
tung ra.
- Sẽ có cuộc vui để mừng ngài, - tôi lại nghe thấy tiếng nói của người đi cạnh mình.
- Sau nhiều năm không một ai qua đây, dân chúng sẽ mừng rỡ khi nhìn thấy có người đến
làng.
Sau đó y nói thêm:
- Dù ngài là ai đi nữa, dân chúng sẽ mừng rỡ khi trông thấy ngài.
Trong ánh nắng phản chiếu, bình nguyên hiện ra tựa như một cái hồ trong suốt xua
tan hơi nước để làm nổi bật đường chân trời xám màu ghi. Phía sau đó là một dải núi. Xa
hơn nữa, cõi mông lung muôn thuở.
- Ông cụ thân sinh ngài có đặc điểm gì, nếu như tôi có thể được biết?
- Tôi không được rõ lắm, - tôi trả lời. - Tôi chỉ biết cụ tên là Pedro Páramo.
- À, thế à!
- Vâng, người ta bảo rằng cụ tên là thế đấy.
Tôi lại nghe rõ một tiếng à của người dắt lừa.
Tôi gặp y ở Los Encuentros, một ngã tư đường. Ở đây tôi đang đứng chờ cho tới khi
xuất hiện con người này.
- Ông bạn đi đâu đấy? - Tôi hỏi.
- Tôi đi xuống, thưa ngài.
- Ông bạn có biết làng Comala không?
- Tôi đi về đấy đây.
Rồi tôi theo y. Tôi lẽo đẽo theo sau y, định bụng cố nhanh chân để đi ngang hàng với
y, cho tới khi y nhận ra tôi đang theo y và thế là y đi chậm lại. Sau đó chúng tôi đi rất gần
nhau, gần như là kề vai, sóng vai nhau:
- Tôi cũng là con của cụ Pedro Páramo, - y nói với tôi.
Trên bầu trời trống trải, một đàn quạ bay, kêu “quạ, quạ, quạ”.
Sau khi vượt qua các ngọn núi, chúng tôi ngày một đi sâu xuống. Chúng tôi đã để lại

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 27


phía sau mình không khí nóng hầm hập ở phía trên và càng ngày ngập sâu trong thứ không
khí nóng không có gió. Tất cả dường như đang chờ đợi một cái gì đó.
- Ở đây nóng nhỉ! - Tôi nói.
- Đúng thế, nhưng cái nóng này đã thấm tháp gì, - y trả lời tôi. - Đợi đấy rồi sẽ biết.
Ngài sẽ thấy nóng hơn khi chúng ta tới làng Comala. Làng ấy ở trên chốt đống than lửa của
trần gian, ở ngay trên miệng của địa ngục. Chỉ cần nói với ngài rằng rất nhiều người ở đây
chết khi xuống tới đáy địa ngục thì lại trở về ngay miệng địa ngục lấy cái chăn.
- Ông có quen ngài Pedro Páramo không? - Tôi hỏi.
Tôi dám hỏi như vậy vì thấy trong mắt y có một giọt niềm tin đọng lại.
- Ai vậy? - Tôi lại hỏi.
- Một mối thù nóng bỏng. - Y trả lời tôi.
Rồi y thúc đàn lừa. Đó là một động tác thừa vì đàn lừa hiện đang đi trước chúng tôi
khá xa, chúng nối đuôi nhau đi xuống.
Tôi cảm thấy tấm ảnh mẹ cất trong túi áo sơ mi đang đốt nóng trái tim mình, dường
như bà cũng đổ mồ hôi. Đó là một tấm ảnh cũ, gián nhấm bốn xung quanh, nhưng nó
là tấm ảnh duy nhất tôi được biết. Tôi tìm thấy nó trong tủ nơi nhà bếp. Nó nằm lẫn lộn
với những lá tía tô đất khô, những bông hoa Castilla, những cành lá vân hương nhét đầy
trong một cái nồi. Từ độ ấy, tôi giữ kỹ nó. Dường như nó cũng là tấm ảnh duy nhất mẹ tôi
đã chụp. Bà chúa ghét chụp ảnh. Có lần bà bảo rằng ảnh là sản phẩm của phép phù thủy.
Dường như bà nói đúng bởi vì tấm ảnh của bà thủng lỗ chỗ và hơn thế nữa ở bên ngực phía
trái tim có một lỗ thủng to bằng đầu ngón tay.
Đó chính là tấm ảnh tôi mang theo, nghĩ rằng nó sẽ giúp cha tôi dễ dàng nhận ra tôi.
- Xin ngài hãy nhìn, - người dắt lừa dừng lại nói với tôi. - Ngài có nhìn thấy cái ngọn
núi tựa như cái bóng đái lợn không? Đó, đó, ở phía sau nó một ít thôi là Media Luna. (Giờ
đây tôi quay mặt về phía ấy.) Ngài có nhìn thấy đỉnh núi kia không? Hãy nhìn nó kìa. (Và
giờ đây tôi lại quay mặt về hướng này.) Ngài có nhìn thấy ngọn núi xa mờ hầu như không
nhìn thấy ấy không? Vậy, đó chính là Media Luna từ đầu cho tới cuối đấy. Như người ta
thường nói: ngút tầm mắt mới bao quát được tất cả đất đai của vùng này. Cả Media Luna
là thuộc quyền sở hữu của ngài Pedro Páramo. Điều đáng tiếc là các bà mẹ chúng ta đã
đẻ chúng ta trên những chiếc giường tồi dẫu rằng chúng ta đều là con trai của ngài Pedro
Páramo. Điều hài hước hơn cả là chính ngài đã mang chúng ta, từng người một, đến nhà
thờ để làm lễ rửa tội. Có lẽ với ngài cũng đã xảy ra điều tương tự chứ!
- Tôi không nhớ rõ.
- Con c...
- Ông bạn nói gì thế?
- Chúng ta đã tới nơi rồi, thưa ngài.

28 Z Z Z REVIEW
- Đúng thế, tôi cũng tin là như vậy. Cái gì xảy ra ở đây vậy!
- Một con correcaminos(1), thưa ngài. Ở đây người ta gọi tên những con chim ấy như
thế.
- Không, tôi có hỏi thế đâu. Tôi muốn được biết về làng này, mà sao nom nó cô quạnh
thế, dường như hoang vắng không một bóng người.
- Không phải chỉ là dường như mà trên thực tế là như vậy. Ở đây không có ai sinh sống.
- Thế còn ngài Pedro Páramo thì sao?
- Ngài Pedro Páramo đã chết từ lâu rồi.

1. Kẻ lang thang.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 29


Pedro Páramo : (1)

Một cuốn sách


đi ra từ im lặng
Susan Sontag
Ngọc Dao dịch

“Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha


tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở
đây. Chính mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã hứa với bà
rằng khi nào bà qua đời tôi sẽ tới thăm ông ta.
Tôi nắm lấy tay bà trong cử chỉ hàm chứa lời
hứa; bởi vì bà yếu lắm rồi, bà sắp tắt thở, còn
tôi sẵn sàng hứa làm tất cả.” Đọc những câu
mở đầu Pedro Páramo của Juan Rulfo, tương
tự như phần mở đầu trong cuốn truyện vừa
Michael Kohlhaas của Kleist và tiểu thuyết
Hành khúc Radetzky của Joseph Roth, ta biết
mình đang nằm trong tay một bậc thầy kể
chuyện. Những câu văn này, với một sự chính
xác và mạch lạc đầy mê hoặc kéo người đọc
bước vào cuốn sách, gợi lên cái vẻ của một câu
chuyện đã được kể lại, đã được đánh bóng,
giống như đoạn đầu một truyện cổ tích.

1. Dịch từ tập tiểu luận Where the Stress Falls của Susan Sontag, NXB Picador, 2001. Tiêu đề do người dịch đặt.

30 Z Z Z REVIEW
Nhưng đoạn mở đầu sáng sủa, rõ ràng này chỉ là nước đi đầu tiên của cuốn sách. Trên
thực tế, Pedro Páramo là một tác phẩm phức tạp hơn nhiều so với cái ta có thể hình dung từ
những câu đầu tiên. Tiền đề của nó - một người mẹ qua đời cử con mình đi ra thế giới, cuộc
tìm kiếm người cha của đứa con trai - biến đổi thành một hành trình trong địa ngục qua
nhiều giọng kể. Câu chuyện diễn ra ở hai thế giới: Comala của hiện tại, mà Juan Preciado,
nhân vật “tôi” trong những câu đầu tiên, đang đi đến; và Comala của quá khứ, ngôi làng
trong ký ức người mẹ và tuổi trẻ của Pedro Páramo. Tác phẩm đổi đi đổi lại giữa giọng kể
ngôi thứ nhất và thứ ba, giữa hiện tại và quá khứ. (Những câu chuyện lớn không chỉ được
kể bằng thì quá khứ, chúng kể về quá khứ.) Comala quá khứ là ngôi làng của người sống.
Comala hiện tại là chỗ của cái chết, và những cuộc gặp gỡ sẽ đến với Juan Preciado khi cậu
ta đến được Comala đều là với các bóng ma. Páramo trong tiếng Tây Ban Nha chỉ một vùng
đất bỏ hoang, cằn cỗi. Không chỉ mình người cha cậu tìm kiếm đã chết, mà tất cả mọi người
trong làng đều đã qua đời. Chết rồi, họ không còn gì để bộc lộ ngoại trừ những gì là cốt yếu.
“Cuộc đời tôi mang theo rất nhiều im lặng,” Rulfo từng nói. “Cả trong văn của tôi
cũng vậy.”
Rulfo nói ông đã mang theo Pedro Páramo bên trong mình trong nhiều năm trời rồi
mới biết phải viết nó thế nào. Đúng hơn, ông viết ra hàng trăm trang để rồi vứt đi - ông từng
gọi tiểu thuyết là một bài tập lược bỏ. “Việc viết các truyện ngắn đã rèn giũa cho tôi,” ông
nói, “và làm tôi thấy được sự cần thiết của việc biến mất và để cho các nhân vật tự do muốn
nói gì thì nói, khiến cho tác phẩm xem ra thì thiếu cấu trúc. Nhưng trong Pedro Páramo có
cấu trúc, một cấu trúc đi ra từ im lặng, những manh mối lơ lửng, những cảnh bị cắt đi, nơi
mọi thứ diễn ra trong một thời gian đồng thời, tức là phi-thời gian.”
Pedro Páramo là một tác phẩm huyền thoại được viết bởi một nhà văn cũng đã trở
thành huyền thoại trong thời ông sống. Ông sinh năm 1918, tại một ngôi làng ở Jalisco,
chuyển lên thủ đô Mexico năm mười lăm tuổi, học luật tại trường đại học rồi bắt đầu viết,
nhưng không xuất bản, vào cuối thập niên 30. Các truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng
trên tạp chí vào thập niên 40 và đến năm 1953 thì một tập truyện ngắn được xuất bản
với tên gọi El llano en llamas (tạm dịch: Bình nguyên trong lửa). Hai năm sau đấy, Pedro
Páramo xuất hiện. Hai cuốn sách đã xác lập vị thế của ông trong văn học Mexico, một giọng
văn nguyên bản chưa từng có. Lặng lẽ (hay ít nói), nhã nhặn, tỉ mỉ, uyên bác, và tuyệt không
hề có những sự vờ vĩnh, Rulfo là kiểu một con người vô hình kiếm sống bằng những cách
thức hoàn toàn không liên quan gì đến văn chương (nhiều năm trời ông làm nghề bán lốp
xe), một người có vợ và con cái, và cả đời ông, các buổi tối đa phần được dành cho việc đọc
và nghe nhạc. Ông cũng cực kỳ nổi tiếng, được tôn sùng bởi các bạn viết. Rất ít nhà văn cho
ra đời các tác phẩm đầu tay khi đã ngoài bốn mươi, càng hi hữu hơn khi các tác phẩm này

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 31


ngay lập tức được công nhận là tuyệt tác. Và thậm chí còn hi hữu hơn nữa khi một nhà văn
thành công như vậy lại không viết thêm một cuốn sách nào. Trong nhiều năm, một cuốn
tiểu thuyết của Rulfo có tên gọi La Cordillera được nhà xuất bản của ông hứa hẹn là sắp in,
bắt đầu từ cuối thập niên 60 - rồi được tác giả tuyên bố là đã tiêu huỷ nó, một vài năm trước
khi ông qua đời năm 1986.
Ai nấy đều hỏi Rulfo tại sao ông không in thêm tác phẩm nào nữa, như thể mục đích
cuộc đời một nhà văn là cứ thế viết tiếp và xuất bản tiếp. Nhưng thực ra mục đích cuộc
đời một nhà văn là viết ra một tác phẩm lớn - một cuốn sách sẽ trường tồn - và đó là việc
Rulfo đã làm được. Không cuốn sách nào đáng đọc một lần nếu nó không đáng đọc đi đọc
lại nhiều lần. García Márquez từng nói sau khi ông phát hiện được Pedro Páramo (và Hoá
thân của Kafka, những tác phẩm được đọc quan trọng nhất trong những năm đầu ông cầm
bút), ông có thể đọc thuộc lòng từng đoạn dài và sau cùng là biết rõ từng trang từng trang
một, ông đã ngưỡng mộ và muốn được thấm đẫm nó đến như vậy.
Cuốn tiểu thuyết của Rulfo không chỉ là một trong những tuyệt tác của văn học thế
giới thế kỷ hai mươi mà còn là tác phẩm đem lại nhiều ảnh hưởng nhất; quả vậy, thật khó
mà phóng đại tác động của nó đến văn học Tây Ban Nha bốn mươi năm qua. Pedro Páramo
là một tác phẩm kinh điển của kinh điển. Một cuốn sách mà dường như khi nhìn lại, ta thấy
nó không thể không được viết. Một cuốn sách đã tác động mạnh mẽ đến bộ mặt của văn
chương và vẫn tiếp tục âm vang trong các tác phẩm khác. Bản dịch của Margaret Jill Costa,
hiện thực hoá lời tôi hứa với Juan Rulfo khi chúng tôi gặp nhau ở Buenos Aires một thời
gian ngắn trước khi ông qua đời, rằng Pedro Páramo sẽ có một bản dịch tiếng Anh đầy đủ
và chính xác, là một sự kiện văn học quan trọng.
(1994)

32 Z Z Z REVIEW
Susan Sontag
(Ảnh của Lynn Gilbert. Giấy phép: CC BY-SA 4.0)

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 33


Thư gửi Borges (1)
Susan Sontag
Nỗ Nêm dịch

13 tháng 6, 1996
New York

Borges yêu mến,


Vì văn chương của ông luôn được đóng dấu ấn của vĩnh cửu, viết cho ông một lá thư
xem ra không đến nỗi quá kỳ quặc. (Borges, năm nay là 10 năm rồi!) Nếu trong thời đại này
có người được định sẵn để trở nên bất tử trong văn học, đấy phải là ông. Ông là sản phẩm
rất rõ của thời đại mình, văn hóa mình, nhưng ông lại biết cách vượt lên khỏi thời đại, văn
hóa của ông, theo những cách đầy vẻ thần diệu. Chuyện này có liên quan đến sự phóng
khoáng và rộng rãi trong tầm mắt của ông. Trong số nhà văn, ông là người ít tự tôn nhất,
cũng như rõ ràng và tài hoa nhất. Nó cũng liên quan đến một sự thuần khiết tự nhiên về
tinh thần. Dù đã sống một thời gian rất dài giữa chúng tôi, ông đã luyện tập và thành thục
kỹ năng tỉ mỉ và biệt lập làm cho ông trở thành một chuyên gia du hành bằng tâm tưởng
đến những không gian khác. Ông có cảm quan về thời tính khác hẳn mọi người. Những ý
niệm thông thường về quá khứ, hiện tại và tương lai dưới mắt ông đều trở thành thô thiển.
Ông ưa nói rằng mọi thời điểm đều hàm chứa cả quá khứ và tương lai, trích lời (như tôi còn
nhớ) nhà thơ Browning, người từng viết, đại khái là “hiện tại là khoảnh khắc tương lai đổ
ập vào quá khứ”. Đấy, dĩ nhiên, cũng là một phần sự khiêm tốn của ông: ý thích phát hiện
ra ý tưởng của mình trong ý tưởng các người viết khác.
Sự khiêm tốn là một phần của sự chắc chắn trong thần thái của ông. Ông là một người
đi khám phá những niềm vui mới. Một thái độ bi quan sâu thẳm và bình lặng như của ông
không cần phải tỏ ra bất mãn. Nhưng ngược lại, nó cần luôn sáng tạo - và ông, trên hết
mọi thứ, là một người sáng tạo. Sự bình an và siêu nghiệm vượt ra ngoài bản thể mà ông đã
tìm ra được tôi coi như một mẫu mực. Ông đã chứng minh rằng không cần thiết phải thấy

1. Dịch từ tập tiểu luận Where The Stress Falls của Susan Sontag, NXB Picador, 2001.

34 Z Z Z REVIEW
buồn phiền, kể cả khi ta nhìn rõ và không ảo tưởng về sự tồi tệ của mọi việc. Ở đâu đó ông
đã nói: một nhà văn - và thêm vào một cách tinh tế: mọi người - phải coi mọi chuyện xảy
đến cho mình như một cái vốn (lúc đó ông đang nói về sự mù lòa của bản thân).
Ông đã là một cái vốn lớn lao cho những người viết khác. Năm 1982 - tức là bốn năm
trước khi ông mất - tôi có nói trong một cuộc phỏng vấn: “Không nhà văn nào còn đang
sống mà có ảnh hưởng hơn Borges đối với các nhà văn khác. Nhiều người sẽ nói ông là nhà
văn vĩ đại nhất đang sống... Số nhà văn ngày nay chưa từng học hỏi từ ông hay mô phỏng
ông là ít vô cùng.” Giờ đây điều đó vẫn đúng. Chúng tôi vẫn học từ ông. Chúng tôi vẫn mô
phỏng ông. Ông chỉ cho người ta những cách tưởng tượng mới, trong khi vẫn phát biểu
nhiều lần về sự mang nợ của chúng ta với quá khứ, mà trên hết là với văn học. Ông đã nói
rằng chúng ta mang nợ văn học hoàn toàn vì những gì chúng ta đã và đang là. Nếu sách biến
mất, lịch sử cũng biến mất và loài người cũng thế. Sách vở không phải chỉ là đống tích cóp
tùy tiện những mơ ước và ký ức của chúng ta. Chúng còn cho chúng ta một hình mẫu để
vượt ra khỏi chính mình. Nhiều người cho đọc sách chỉ là một cách trốn thoát: trốn thoát
khỏi cái thế giới “thật” hằng ngày vào trong một thế giới tưởng tượng, thế giới sách vở. Sách
vở còn làm nhiều hơn thế. Chúng là một cách làm người cho đúng nghĩa làm người.
Tôi rất đau lòng phải cho ông hay rằng thời nay sách vở đang trở thành một chủng loại
bị đe dọa. Khi nói sách vở, tôi muốn nói đến cả những điều kiện của sự đọc đã tạo ra văn
học và những ảnh hưởng tâm hồn từ nó. Chẳng bao lâu nữa, chúng tôi nghe nói, chúng tôi
sẽ mở ra trên “màn hình sách” bất kỳ “văn bản” nào mình muốn, và sẽ có thể thay đổi cách
trình bày của chúng, đặt cho chúng câu hỏi, “tương tác” với chúng. Khi sách vở trở thành
“văn bản” cho chúng ta “tương tác” theo những tiêu chí vị lợi, chữ nghĩa đã trở thành một
góc nữa của cái thực tế chạy theo truyền thông và nuôi bằng quảng cáo. Đấy chính là cái
tương lai sáng chói đang được xây dựng, và hứa hẹn với chúng tôi, như một thứ có tính “dân
chủ” hơn. Dĩ nhiên, cái đó đồng nghĩa với cái chết của sự hướng nội, và của sách vở, không
hơn không kém.
Tới thời nay, không còn cần gì đến những đám cháy lớn nữa. Bọn man rợ không phải
mất công đốt sách. Con hổ đang ở ngay trong thư viện. Borges yêu dấu, hãy hiểu rằng tôi
không vui thú gì khi phải than phiền. Nhưng sự than phiền về số phận của sách vở - nói
đúng ra là của chính sự đọc - còn gửi đến ai thích hợp hơn là ông? (Borges, năm nay thế là
đã 10 năm!) Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi nhớ ông. Tôi nhớ ông. Ông vẫn tiếp tục tạo ra
sự khác biệt. Thời đại trước mắt chúng tôi, thế kỷ 21, sẽ thử thách tâm hồn theo những cách
mới. Nhưng, ông cứ tin chắc, một số chúng tôi sẽ không từ bỏ Thư Viện Lớn. Còn ông sẽ
tiếp tục là bậc thầy và anh hùng của chúng tôi.
Susan

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 35


Tấm gương và
chiếc mặt nạ
Jorge Luis Borges
Nguyễn Huy Hoàng dịch

Jorge Luis Borges (1899-1986) là một nhà văn chuyên viết truyện
ngắn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền
văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển
phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được
dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải
Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế
của ông cũng được củng cố bởi các giải Miguel de Cervantes năm 1969
và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ
Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.
“El espejo y la máscara” (“Tấm gương và chiếc mặt nạ”) là truyện ngắn
thứ bảy trong tập El libro de arena (Sách cát) do nhà Emecé xuất bản
lần đầu năm 1975 ở Buenos Aires.
- Nguyễn Huy Hoàng

36 Z Z Z REVIEW
Sau trận Clontarf, nơi người Na Uy bị làm nhục, Quốc vương Ái Nhĩ Lan vời quế quán
thi nhân của ông ta đến và bảo: “Những chiến công kỳ vĩ nhất cũng bớt phần xán lạn nếu
không được rèn giũa trong từ ngữ. Trẫm muốn khanh ngâm chiến thắng của trẫm và khúc
ca ngợi trẫm. Trẫm sẽ là Aeneas; khanh sẽ là Virgil của trẫm. Khanh nghĩ mình có thể gánh
vác trọng trách này không, biến hai ta thành bất tử?”
“Vi thần tuân lệnh, thưa bệ hạ,” nhà thơ nói. “Thần là Ollan. Suốt mười hai mùa đông
thần đã khổ luyện về vận luật. Thần nằm lòng ba trăm sáu mươi truyền thuyết là nền tảng
của thi ca đích thực. Những truyền thuyết Ulster và Munster nằm trên dây đàn hạc của
thần. Luật pháp cho phép thần tùy nghi vận dụng những từ ngữ cổ xưa nhất và những ẩn
dụ phức tạp nhất của ngôn ngữ. Thần đã thuần thục bí mật của sự viết, là thứ bảo vệ nghệ
thuật của chúng ta khỏi con mắt phàm phu của kẻ tục tử. Thần có thể ca ngợi tình yêu,
những anh hùng trộm gia súc, những cuộc viễn hành, những trận chiến. Thần rành rẽ phả
hệ thần thoại của mọi vương tộc Ái Nhĩ Lan. Thần có những hiểu biết về thảo dược học,
chiêm tinh học, toán học và giáo luật. Thần đã đánh bại mọi địch thủ trong cuộc tỉ thí
công khai. Thần đã rèn thuật châm biếm, là thứ gây ra những bệnh về da, trong đó có bệnh
phong. Thần biết cách dùng kiếm, như đã chứng tỏ trong trận chiến của người. Chỉ một
điều thần không biết: làm sao để cảm tạ món quà người ban.”
Nhà vua, vốn dễ mệt mỏi trước lối văn tự dài dòng của người khác, nói một cách nhẹ
nhõm: “Trẫm biết rõ những điều đó. Trẫm mới hay chim sơn ca đã hót ở Anh. Khi mưa và
tuyết qua đi, khi sơn ca trở về từ vùng đất phương Nam, khanh sẽ ngâm những khúc tụng
ca trước triều và trước hội tao đàn. Trẫm cho khanh trọn một năm. Khanh hãy đánh bóng
từng từ và từng chữ. Phần thưởng, như khanh đã biết, không thể không xứng đáng với điển
lệ hoàng gia của trẫm hay những đêm cảm hứng không ngủ của khanh.”
“Tâu bệ hạ, phần thưởng lớn nhất là được thấy long nhan của người,” nhà thơ, cũng
là một triều thần, nói.
Y cáo lui, đã thấp thoáng vài câu trong đầu.
Thời hạn đã đến, đó là thời gian của bệnh dịch và những cuộc nổi loạn, y trình bày
khúc tán tụng của mình. Y đọc từ tốn và chắc chắn, không liếc nhìn bản thảo lấy một lần.
Nhà vua gật gù ưng thuận. Tất cả đều bắt chước cử chỉ của nhà vua, thậm chí cả những
người chen chúc ở điện môn, dù không hiểu nổi một từ. Cuối cùng nhà vua cất tiếng.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 37


“Trẫm ghi nhận công sức của khanh. Đó cũng là một chiến thắng. Khanh đã trao cho
mỗi từ cái ý nghĩa đích thực của nó và cho mỗi danh từ cái tính ngữ mà các thi nhân xưa
đã trao. Không có hình ảnh nào trong khúc tụng ca mà không có gốc gác trong điển phạm.
Chiến tranh là tấm mạng đẹp đẽ dệt bằng người và nước của thanh gươm là máu. Biển có
những vị thần và mây báo trước tương lai. Khanh đã khéo léo xử lý vần điệu, điệp âm và
điệp vận, cường độ, những kỹ xảo của phép hùng biện thâm uyên, sự biến đổi nhịp thơ khéo
léo. Toàn bộ văn khố ở Ái Nhĩ Lan có biến mất—cầu cho điều đó đừng bao giờ là thật—
cũng có thể khôi phục nguyên vẹn từ khúc tụng ca kinh điển của khanh. Ba mươi viên thư
lại mỗi người sẽ sao nó thành mười hai bản.”
Một thoáng im lặng và nhà vua tiếp tục. “Tất cả đều tốt nhưng chưa có gì xảy ra. Trong
động mạch máu không chảy nhanh hơn. Không bàn tay nào tìm đến cây cung. Không có
khuôn mặt ai bỗng trắng bệch. Không ai thét lên tiếng kêu xung trận, không ai ngực đối
ngực với đám Viking. Sau một năm chúng ta sẽ nghênh đón một khúc tụng ca khác, hỡi
thi nhân. Như một dấu hiệu cho sự tán thưởng của chúng ta, hãy nhận lấy tấm gương này
bằng bạc.”
“Đa tạ long ân, vi thần đã hiểu,” nhà thơ nói.
Các vì sao trên trời trở lại với hành trình sáng rõ của chúng. Một lần nữa sơn ca hót
trong những cánh rừng Saxon và nhà thơ quay lại với bản thảo của mình, ngắn hơn lần
trước. Y không ngâm nó từ trí nhớ, mà đọc với sự bất an thấy rõ, đôi khi bỏ qua một đoạn
như thể y cũng không hiểu hay không muốn làm ô uế những đoạn thơ đó. Bài thơ rất lạ.
Nó không phải là một bản mô tả về trận chiến mà nó chính là trận chiến. Trong cái hỗn
mang ấy là trận thư hùng giữa Chúa Ba Ngôi mà Một, những vị thần cổ giáo của Ái Nhĩ
Lan, và những kẻ sẽ gây chiến hàng trăm năm sau đó ở khởi đầu của Edda. Hình thức cũng
không kém phần kỳ dị. Một danh từ số ít đi với một động từ số nhiều. Các giới từ thì xa lạ
với văn phạm thông thường. Thô ráp xen kẽ với dịu ngọt. Các ẩn dụ thì tùy tiện hoặc có vẻ
như tùy tiện.
Nhà vua trao đổi vài lời với những văn nhân quanh ông và nói: “Khúc tụng ca đầu tiên
của khanh trẫm có thể khẳng định là bản tổng hợp thích đáng mọi thứ từng được xướng
lên ở Ái Nhĩ Lan. Khúc này vượt lên trên toàn bộ khúc ca trước và còn xóa bỏ nó. Lôi cuốn,
diệu kỳ, mê hoặc. Những kẻ vô tri sẽ không xứng đáng với nó, nhưng những kẻ học thức,
số ít, thì xứng. Một chiếc hộp ngà sẽ là nơi lưu giữ bản thảo duy nhất. Từ cây bút viết nên
một tác phẩm xuất chúng như thế chúng ta vẫn có thể mong đợi một tác phẩm kỳ vĩ hơn.”
Ông nói thêm với một nụ cười: “Chúng ta là những nhân vật trong một truyện kể và
nên nhớ là trong truyện kể thì số ba mới là con số đắc thành.”
Nhà thơ cả gan thì thầm: “Ba món quà của phù thủy, những bộ tam và Ba Ngôi không
thể bàn cãi.”

38 Z Z Z REVIEW
Nhà vua nói tiếp: “Như một biểu tượng cho sự chấp thuận của chúng ta, hãy nhận lấy
chiếc mặt nạ vàng.”
“Đa tạ long ân, vi thần đã hiểu,” nhà thơ nói.
Một năm nữa trôi qua. Các lính canh cung điện nhận thấy nhà thơ không mang theo
bản thảo. Không khỏi ngạc nhiên, nhà vua nhìn y, đã gần như là một người khác. Cái gì đó,
không phải thời gian, đã cày xới và biến đổi những đường nét của y. Mắt y như nhìn vào xa
xăm hoặc đã bị mù. Nhà thơ xin phép được tâu vài lời với nhà vua. Đám nô nhân rời khỏi
điện.
“Khanh chưa viết khúc tụng ca sao?” nhà vua hỏi.
“Thần đã viết,” nhà thơ buồn bã nói. “Nhưng giá Kitô Chúa tể của chúng ta đã ngăn
cản thần.”
“Khanh đọc lại đi?”
“Vi thần không dám.”
“Trẫm sẽ cho khanh lòng can đảm khanh cần,” nhà vua tuyên bố.
Nhà thơ đọc bài thơ. Nó chỉ có một dòng. Không dám đọc to nó lên, nhà thơ và vị vua
của y nhấm nháp nó, như thể đó là một lời cầu nguyện bí ẩn hay một sự báng bổ. Nhà vua
cũng không kém phần sững sờ và rúm ró so với nhà thơ. Hai người nhìn nhau, trắng bệch.
“Ngày trẻ,” nhà vua nói, “trẫm đã giong buồm về phía hoàng hôn. Trên một hòn đảo
trẫm đã thấy đàn chó săn bạc cắn chết những con lợn rừng vàng. Trên một hòn đảo khác
trẫm đã ăn hương thơm của những quả táo thần. Trên hòn đảo thứ ba trẫm đã thấy những
bức tường lửa. Trên hòn đảo xa xôi nhất trong tất cả có một dòng sông vắt qua bầu trời và
trong dòng nước đầy tôm cá với thuyền bè. Đó là những điều kỳ diệu, nhưng không so được
với bài thơ của khanh, nó bằng cách nào đó đã ôm trọn tất cả. Thần thông nào đã trao nó
cho khanh?”
“Lúc bình minh,” nhà thơ nói, “thần tỉnh dậy nói những lời ban đầu thần không hiểu.
Những lời ấy là một bài thơ. Thần cảm thấy như mình đã phải tội, có lẽ là tội lỗi mà Chúa
Thánh Linh sẽ không tha thứ.”
“Tội lỗi mà chúng ta giờ đã cùng phạm phải,” nhà vua nói thầm. “Tội lỗi vì đã biết đến
Cái đẹp, một món quà con người bị cấm đoán. Bây giờ chúng ta phải chuộc tội. Trẫm đã
ban cho khanh một tấm gương và một chiếc mặt nạ vàng; đây là món thứ ba, cũng là món
quà cuối.”
Ông đặt một con dao vào tay phải nhà thơ.
Về nhà thơ, chúng ta biết rằng y đã tự sát sau khi rời cung điện; về nhà vua, ông ta giờ
là một gã ăn mày lang thang trên những con đường xứ Ái Nhĩ Lan, nơi một thời là vương
quốc của ông ta, và ông ta chưa một lần nhắc lại bài thơ nọ.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 39


Đốn hạ:
Buổi hoàng hôn
của những thần tượng
Bùi An Bình


40 Z Z Z REVIEW
Đọc Bernhard luôn có liên tưởng về một người sơn nền nhà. Người đó lê chổi sơn tới tất
cả mọi hóc hẻm trong căn phòng, và đến cuối cùng, tự nguyện nhốt chính mình vào một
góc phòng, hai chân đứng trên diện tích tối thiểu sơn chưa quét tới, và để rốt ráo, tự quét
sơn lên chính mình, chấp nhận mọi sự khó chịu nhất để hạ nhục bản thân. Dường như tất
cả những hằn học nhằm vào người khác chỉ là nền để sỉ vả bản thân, rằng: anh thậm tệ ghê
tởm cùng cực nhưng tôi còn buồn nôn hơn cả anh.
Trong một bài viết trước đây cũng ở trên Zzz Review, tôi từng nói mình yêu thích
Linda Lê thế nào. Ở chị thỏa mãn nhiều thứ tôi vẫn chờ đợi bấy lâu: một dạng văn chương
triền miên, dằn vặt không xuống dòng và hạn chế hội thoại hết mức, mang cho ta cảm giác
yên thân. Thế nên phải biết tôi sung sướng ra sao khi gặp Thomas Bernhard, đỉnh cao mà
chị vươn tới.
Tuy nhiên, đọc Bernhard luôn có những lúc phải quẳng sách vì ngán tận cổ. Đốn hạ là
cuốn thứ hai của Bernhard mà tôi đọc, sau Diệt vong - cuốn cũng làm tôi mất thời gian vì
phải bỏ mứa mấy lần. Ở Đốn hạ, với lối viết nhai đi nhai lại đặc trưng của văn học hậu hiện
đại, nửa đầu cuốn sách tôi đã bao lần phải cười sặc và quả quyết sách nên đổi tên thành:
“Ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”. Rất may, sau đó mọi sự thay đổi.
Thành thực mà nói ngay từ Diệt vong, tôi đã không có quá nhiều ấn tượng. Tất nhiên
tôi thích lối hành văn của Bernhard, hâm mộ cách ông không ngại va chạm, nhưng ở nó
dường như vẫn thiếu một thứ mơ hồ mà người ta gọi là tư tưởng, hay chính xác hơn, một
tư tưởng rõ rệt, thứ có vẻ nên là viên kim cương trên vương miện của Bernhard bởi văn của
ông không thuộc loại “ân phước thẩm mỹ”, như Nabokov nói.
Nhìn thoáng qua (trong con mắt của cá nhân tôi), Diệt vong có vẻ lại hơn luôn Đốn
hạ. Đầu tiên, dễ thấy là ở vẻ ngoài đồ sộ hơn. Sau nữa, Diệt vong đánh tới khu vực nhạy cảm
nhất, là gia đình, tức bố mẹ đẻ ra mình, anh em lớn lên cùng mình, lại ngay giữa tang gia;
trong khi đó, Đốn hạ đơn giản là nhắc tới những người bạn trong giới nghệ thuật. Và quả
thật, đọc hết phần “ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”, tôi vẫn thấy Đốn hạ không có gì quá
bất ngờ, dù vẫn luôn thú vị (kèm những lúc chán không buồn chết). Rồi đột ngột, nhân vật
thức tỉnh và văn chương thăng hoa theo! Một người quẫy đạp trong hang nước đột nhiên
tìm thấy một điểm sáng để ngoi lên. Từ viên kim cương sáng chói này, ta bỗng nhìn lại toàn
bộ cái vương miện và thấy Bernhard đã dày công dựng nền móng cho nó như thế nào, để
cuối cùng, hoàn thiện làm ta lóa mắt. Chính từ đây, tôi đánh giá Đốn hạ là cuốn sách của
năm của tôi, thay vì những kiệt tác mọi thời đại của Dostoevsky, những bất ngờ thời đại
của Thomas Pynchon hay Joseph Heller, thuyết giống nòi của Carl Jung hay tinh thần “khổ
dâm” kiểu Nietzsche... dù tất nhiên, so sánh ở đây là điều khập khiễng.
Đốn hạ xuất bản lần đầu năm 1984 ở Đức. Đây là cuốn thứ hai trong bộ ba về nghệ
thuật của Bernhard (trước đó là Kẻ thua cuộc (Der Untergeher, tạm dịch) về âm nhạc và sau

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 41


đó là Các bậc thầy già (Alte Meister) về hội họa), tập trung vào nhà hát kịch và từng gây náo
động rồi bị cấm tại Áo khi một số người nhận ra họ trong câu chuyện.
Bối cảnh là một buổi dạ yến nghệ sĩ mà nhân vật tôi rất chán ghét nhưng cuối cùng
không hiểu vì sao vẫn đến (và đến sớm). Nhân vật này, như đã nói ở trên, dành quá nửa
thời gian “ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”. Ông này nghĩ cái gì? Nghĩ đến những thứ ghê
tởm, ô uế nhất của các nghệ sĩ đêm đó. Giống như hạ Goethe trong Diệt vong, các nhân
vật bị Bernhard sỉ nhục lần này đều đáng ngưỡng mộ theo quan điểm chung (được phong
hàm giáo sư, trao huân chương danh dự, tranh treo ở bảo tàng, nghệ sĩ hàng đầu ở nhà hát
kịch hàng đầu,...). Bản thân nhân vật tôi cũng từng hâm mộ cuồng nhiệt những người này.
Thú vị nhất trong yến tiệc lại chính là nhân vật tôi. Nhân vật này có đầy đủ những mối
nguy hiểm theo kiểu Schopenhauer: một là bị xã hội xa lánh (người này ngồi một mình
trên ghế bành gần cửa ra vào, cảm nhận sự ghét guổng mà mọi người trong phòng nhạc
nhằm vào mình), hai là hoài nghi (giống như ở Diệt vong, nhân vật tôi trong Đốn hạ luôn
chạy từ góc nhìn này sang góc nhìn kia, thường là đối nghịch, về cùng một vấn đề và sau rốt,
cũng chẳng biết đâu là sự thật), ba là suy đồi đạo đức (như đã nói, sau khi chửi người khác
hết mình, nhân vật này thừa nhận mình tởm lợm hơn cả).
Sau khi chuyển từ ghế bành với những miên man thù hằn về quá khứ, nhân vật này
chuyển sang ghế ăn với những cái nhìn ác cảm về hiện tại. Ở đây, khi đối diện với người
sống và các câu chuyện sống, truyện trở nên sinh động hơn (dẫn tới dễ đọc hơn). Tuy vậy,
cơ bản tới đây truyện vẫn mang không khí một người buồn ngủ kể chuyện. Chỉ tới những
trang cuối cùng, khi bỗng nhiên nhân vật chính bị chế giễu thức tỉnh, kéo theo sự thức giấc
của nhân vật tôi, kim cương mới hé lộ: lão diễn viên nhà hát kịch Burgtheater đứng dậy
định bỏ đi nhưng cuối cùng quyết định ném vào mặt toàn bộ những người ở buổi yến tiệc
rằng lão chán ghét các buổi yến tiệc thế này, chán ghét vinh quang của diễn viên nhà hát
kịch Burgtheater mà lão hết sức huênh hoang tự hào ít phút trước đó, lão chỉ muốn được
yên thân, vào rừng sống và đốn hạ cây rừng.
Thật thú vị, hết sức thú vị! Tỉnh cả ngủ, cười đau cả bụng. Trước đó, những màu mè
giả tạo trong giới trí thức hàng đầu thành Vienna đã hết sức nực cười nhưng dù gì, vẫn còn
an toàn trong vỏ bọc giả tạo. Bây giờ, nó chính thức bị người trong cuộc, kẻ được tôn vinh
hàng đầu, chọc vỡ, chảy ra toàn những ung mủ tanh tưởi. Chưng hửng làm sao, bẽ bàng
làm sao.
Sống hiện sinh, chủ nghĩa cá nhân, tự luyến... là điều phần đa giới mọt đều không xa
lạ. Tất cả đều được cô đúc rất dễ thấy trong phần đa các cuốn triết về hiện sinh. Nhưng triết
học chỉ là những con dao sắc bén còn văn học đáng sợ hơn, là thứ dẫn dụ con người tới cảnh
cầm con dao cắt cổ mình. Đó là lý do tôi chọn Đốn hạ là cuốn sách của năm 2018. Có nhiều
thứ ta thấy rõ nhưng vẫn luôn nghĩ nó là thứ xa vời, không liên quan tới mình, nhưng hóa

42 Z Z Z REVIEW
ra không phải vậy. Với Đốn hạ, Bernhard không chỉ sơn chính mình và bạn bè, mà cơ bản,
bôi tro trát trấu lên tất cả những ai đọc cuốn sách, cười khả ố lên tất cả những độc giả bị ông
ta lỡm rơi vào cảnh bẽ bàng. Cuốn sách khiến tôi bần thần một hồi. Ra thế, giả tạo, giả tạo
từ cấp độ cao nhất tới những hành động nhỏ nhất như đăng status mà cứ tưởng mình hiện
sinh lắm. Mà giả tạo chính là thứ kìm hãm sự phát triển của bản thân theo thiên hướng cá
nhân. Ta đã bị bao bọc quá kỹ trước những quan điểm giả tạo của xã hội và vì lười biếng, tự
ru ngủ mình. Thật chán đời khi ta là diễn viên hàng đầu của nhà hát kịch hàng đầu châu Âu
khi mà mơ ước của ta chỉ là được yên thân sống trong rừng. Tất nhiên, những người đang
đọc những dòng này, cũng đa phần là phế phẩm, giả dối và ru ngủ bản thân, bất chấp từng
kêu gọi đời sống hiện sinh. Và tất nhiên, những lời tôi viết lúc này cũng vẫn chỉ là sáo rỗng,
lý thuyết. Cái mọi người cần đọc để hiểu là Đốn hạ.
Ở đoạn cuối, đang đà thăng hoa, Bernhard còn đưa ra hàng loạt quan điểm rất hay
ho như về tuổi trẻ và tuổi già, bằng lối viết rõ ràng của kẻ đang cười sằng sặc vào mặt cả
thế gian. Rất tiếc, ông luôn làm độc giả thất vọng vào trang cuối cùng. Sách bắt đầu bằng
lời trích dẫn rất hay: “Âu cũng vì ta không đủ tài làm con người khôn ngoan hơn, mà ta ưa
được sung sướng khi ở xa họ” của Voltaire. Thế nhưng, ở trang cuối, như mọi khi, Bernhard
lại rất sến và thỏa hiệp, yêu thương tất cả những gì ông chửi trước đó trong cả cuốn sách.
Tại sao lại như vậy? Thất vọng quá sức. Hay đây là đòn cuối cùng của Bernhard để thể hiện
mình ghê tởm và giả tạo hơn tất cả những người khác thế nào? Dù sao thì, rất thú vị và
không thể đòi hỏi cái tuyệt đối ở đây.
Trên đây là một vài suy nghĩ sau khi đọc Đốn hạ. Tất nhiên không spoil chút nào vì dù
Bernhard không phải “ân phước thẩm mỹ” nhưng nghệ thuật đưa đẩy của ông mới là lý do
ta đọc cuốn này. Thêm một điều nữa cứ day dứt tôi sau khi đọc cuốn sách này, đó là tại sao
ở Việt Nam không tìm được gì của Montaigne, người được rất nhiều người hay ho nhắc tới
đầy mến mộ? Đó có vẻ là một nhân vật rất đáng đọc.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 43


Con gà
bị chặt đầu
Horacio Quiroga
Chiêu Dương dịch

Horacio Quiroga
(Hình ảnh thuộc phạm vi công cộng.)

44 Z Z Z REVIEW
Horacio Quiroga (1878-1937) là bậc thầy truyện ngắn nổi tiếng thế giới
người Uruguay. Truyện ngắn của ông thường được coi là mẫu mực cho
thể loại này trong văn học Mỹ Latinh. Là người đọc và chịu ảnh hưởng
lớn của Edgar Allan Poe, các câu chuyện của ông thường tập trung vào
những yếu tố siêu nhiên, thần bí, và luôn pha trộn một nồng độ đậm
đặc yếu tố kinh dị và điên rồ. Ông gây ảnh hưởng lớn trường phái hiện
thực kỳ ảo mà đại diện là Gabriel García Márquez. - Zét Nguyễn

Bốn đứa con trai đần độn của vợ chồng Mazzini-Ferraz ngồi trên băng ghế ngoài hiên suốt
cả ngày. Lưỡi thè lè, mắt đờ đẫn và miệng há hốc mỗi khi quay đầu.
Nền hiên làm bằng đất nén, ngăn cách với phía tây bằng một bức tường gạch. Băng
ghế được đặt song song cách bức tường khoảng mét rưỡi, và bốn đứa cứ ngồi yên đấy, ánh
mắt dán chặt lên những viên gạch. Khi mặt trời dần khuất bóng và biến mất đằng sau bức
tường, chúng mới thường cảm thấy vui sướng. Ánh sáng chói mắt luôn là thứ đầu tiên thu
hút sự chú ý của chúng, mắt chúng sáng lên từng chút một, và cuối cùng, chúng cất tiếng
cười điên dại, đứa nào cũng như bị nhiễm cùng cái cảm giác vui mừng phấn khích đó khi
nhìn chằm chằm vào mặt trời xế chiều với niềm vui như con thú nhìn thấy con mồi, như
thể mặt trời là một món ngon hấp dẫn.
Những khi khác, vẫn ngồi thành hàng trên băng ghế, chúng ngâm nga lầm rầm không
dứt trong hàng tiếng đồng hồ, bắt chước âm thanh của chiếc xe đẩy. Cũng có khi những
tiếng ồn ào khiến chúng giật mình bừng tỉnh và rồi chạy vòng quanh hàng hiên, tự cắn lưỡi
mình rồi gào lên như mèo. Nhưng hầu hết thời gian chúng chỉ ngồi đó đờ đẫn cả ngày trời,
đôi chân bất động và dãi dớt nhỏ ướt hết quần.
Đứa lớn nhất mười hai tuổi và đứa nhỏ nhất lên tám. Bộ dạng nhếch nhác và bẩn thỉu
của chúng là minh chứng rõ ràng cho việc thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ.
Tuy vậy, bốn đứa trẻ đần độn này đã từng là nguồn vui của bố mẹ chúng. Sau khi kết
hôn được ba tháng, Mazzini và Berta đã hướng thứ tình yêu nam nữ ích kỷ của hai vợ chồng
tới một tương lai quan trọng hơn: một đứa con trai. Đối với hai con người đang yêu, còn
hạnh phúc nào lớn hơn sự thánh hóa thiêng liêng ở một thứ tình cảm đã được giải phóng
khỏi tính ích kỷ đê hèn của tình yêu vô mục đích và - với tình yêu thì còn gì tệ hơn - một
tình yêu không chút mảy may hy vọng tái sinh?
Mazzini và Berta đã nghĩ như vậy, và rồi sau mười bốn tháng kết hôn, con trai đầu lòng

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 45


của họ chào đời. Họ cảm thấy mình đã được hạnh phúc trọn vẹn. Đứa trẻ lớn lên, khỏe
mạnh rạng rỡ, trong một năm rưỡi. Nhưng rồi vào một đêm khi được hai mươi tháng, cậu
bé bị những cơn co giật khủng khiếp hành hạ. Buổi sáng ngày hôm sau, nó đã không còn
nhận ra bố mẹ mình. Vị bác sĩ khám cho cậu rõ ràng có ý định tìm kiếm nguyên nhân căn
bệnh ở phía bố mẹ.
Sau vài ngày, những chi bị liệt của đứa trẻ dần hồi phục, nhưng tâm hồn nó, sự thông
minh, thậm chí là cả phần bản năng con người, đã vĩnh viễn biến mất. Thằng bé nằm trong
lòng mẹ, một đứa bé đần độn, ngớ ngẩn, tật nguyền, tiêu tùng toàn tập.
“Ôi con trai, con trai yêu quý nhất đời mẹ!” Berta nức nở vì đứa con đầu lòng nay đã
thân tàn ma dại.
Người cha lặng lẽ đưa vị bác sĩ ra ngoài.
“Tôi có thể nói ngay với anh, tôi nghĩ trường hợp này hết hy vọng rồi. Thằng bé có thể
khá lên, có thể học hành được đến mức sự đần độn của nó cho phép, nhưng chỉ đến thế
thôi. Không hơn.”
“Vâng! Vâng...!” Mazzini đồng tình. “Nhưng xin ông cho tôi biết, ông có nghĩ vấn đề
nằm ở việc di truyền không, kiểu như...”
“Nếu xét đến mặt di truyền, tôi đã nói với anh những gì tôi nghĩ ngay khi nhìn thấy
thằng bé rồi. Còn về phía người mẹ, một bên phổi của cô ấy có vẻ không được tốt lắm. Tôi
không thấy vấn đề gì khác nữa, nhưng hơi thở của cô ấy có phần nặng nề. Anh hãy cho vợ
đi kiểm tra toàn diện đi.”
Tâm hồn bị giày vò vì tội lỗi, Mazzini dồn hết tình yêu cho đứa con trai, đứa trẻ ngốc
nghếch đang phải trả giá cho sự khác thường của người ông của nó. Đồng thời, anh vẫn
phải an ủi, không ngừng động viên một Berta đang đau đớn tột độ trước thất bại của việc
làm mẹ.
Và lẽ đương nhiên, cặp đôi đặt tất cả tình yêu và niềm hy vọng vào một đứa con trai
nữa. Một bé trai khác được sinh ra. Sức khỏe và tiếng cười trong trẻo của nó lại nhen lên
niềm hy vọng đã tắt của hai vợ chồng. Nhưng đến tháng thứ mười tám, những cơn co giật
giống đứa con đầu lại lặp lại, và khi đứa con trai thứ hai thức dậy vào buổi sáng hôm sau, nó
cũng đã trở thành đứa bé đần độn.
Lần này, hai vợ chồng lâm vào tuyệt vọng cùng cực. Dòng máu và tình yêu của họ đã bị
nguyền rủa. Là tình yêu của họ! Người chồng, hai mươi tám tuổi, người vợ, hai mươi hai,
và tất cả sự yêu thương tha thiết ấy cũng không thể tạo ra được một đứa con bình thường.
Họ không còn đòi hỏi nó phải xinh đẹp hay thông minh như mong đợi với đứa con đầu.
Họ chỉ cần một đứa con trai, một đứa con trai như bất kỳ đứa trẻ nào khác!
Thảm họa xảy ra lần thứ hai này đã thổi tới ngọn lửa mới cho tình yêu đầy đau đớn,
khát khao điên rồ rằng thêm một lần nữa thôi và mãi mãi, tình yêu sâu sắc và thiêng liêng

46 Z Z Z REVIEW
của họ sẽ bù đắp tất cả. Một cặp sinh đôi chào đời, và từng bước từng bước, quá khứ của hai
người anh trai lại lặp lại với chúng.
Nhưng dù cho có như vậy, vượt lên trên sự cay đắng tột cùng, Mazzini và Berta vẫn
dành tình yêu thương lớn lao cho bốn cậu con trai. Những đứa trẻ phải vùng vẫy và vật lộn
để không bị mất đi phần “con” nhất, phần bản năng nhất, chứ không phải phần hồn, phần
“người” nữa, vì thứ đó đã thật sự mất rồi. Chúng không biết nuốt, đi lại hay thậm chí là cả
ngồi dậy. Đến khi rốt cuộc cũng biết đi, chúng lại luôn đâm phải đồ đạc vì không có chút
nhận biết nào đối với chướng ngại vật. Khi được tắm rửa, chúng sẽ kêu meo meo hoặc gừ
gừ cho tới khi mặt đỏ ửng. Chúng chỉ có chút sinh khí khi có thức ăn, khi nhìn thấy những
màu tươi sáng hoặc khi nghe tiếng sấm. Khi chúng cười, tiếng cười vang vọng với chút lạnh
lùng của loài thú, lưỡi thè lè và nước miếng phun ra thành sông. Bù lại, chúng cũng có khả
năng bắt chước ở một mức độ nhất định, nhưng chỉ vậy không hơn.

Những tưởng cặp sinh đôi sẽ là điểm cuối cho thế hệ hậu duệ kinh khủng đó. Vậy nhưng sau
ba năm, Mazzini và Berta một lần nữa lại khát khao có thêm một đứa con, tin rằng quãng
thời gian nghỉ dài như vậy đã đủ để làm nguôi đi số mệnh của họ.
Nhưng niềm hy vọng đã không thành hiện thực. Mong đợi rồi tức giận ghê gớm vì
số phận trêu ngươi, người chồng và người vợ ngày càng thấy cay đắng và gay gắt với nhau.
Cho tới lúc này, cả hai đều đã nhận trách nhiệm phần mình trong sự khốn khổ mà những
đứa con gây ra. Nhưng mặc cảm tội lỗi vì sinh ra bốn đứa con tật nguyền khiến họ khát
khao chuộc tội đến tuyệt vọng, cuối cùng, sinh ra một thứ nhu cầu mạnh mẽ là buộc tội đối
phương mang thứ gen di truyền thấp kém.
Mọi chuyện bắt đầu với việc thay đổi cách sở hữu: các con của anh, các con của cô. Và
vì họ vốn định gài bẫy nhau, cũng như xúc phạm nhau, bầu không khí bắt đầu thay đổi.
“Anh thấy,” Mazzini vừa mới bước vào và đang rửa tay, nói với Berta, “em nên giữ cho
các con sạch sẽ hơn mới phải.”
Cứ như không nghe thấy chồng nói gì, Berta tiếp tục đọc sách, sau một hồi mới đáp
lại.
“Đây là lần đầu tiên em thấy anh quan tâm đến tình trạng của các con anh đấy.”
Maz quay lại và mỉm cười miễn cưỡng, “Anh nghĩ là con của chúng ta chứ.”
“Được rồi, con của chúng ta. Đấy là cách nói anh thích chứ gì?” cô trợn mắt.
Lần này Mazzini nói thẳng thừng.
“Chắc em không định nói lỗi là tại anh chứ, phải không?”
“Không, không!” Berta tự cười mình, mặt tái xanh. “Nhưng cũng không phải tại em,
em đoán vậy! Đấy là tất cả những gì em cần...” cô lẩm bẩm.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 47


“Sao cơ? Cái gì mới là tất cả những gì em cần?”
“Ừ thì, nếu nhất định phải là lỗi của ai đó thì đó không phải của em, anh chỉ cần nhớ
thế! Thế thôi, ý em là vậy đấy.”
Người chồng nhìn cô trong giây lát và bùng lên ý hung ác muốn đánh cô.
“Thôi bỏ đi!” cuối cùng anh nói, lau khô tay.
“Được thôi, nhưng nếu ý anh là ...”
“Berta!”
“Được rồi!”
Đây chính là xung đột đầu tiên, và kéo theo vô số lần khác sau đó. Nhưng trong những
lần hòa giải tất yếu sau đó, tâm hồn cả hai lại đều thấy háo hức và vui sướng khi nghĩ đến
một đứa con nữa.
Vậy là một bé gái chào đời. Suốt hai năm qua, sự giận dữ bực bội luôn thường trực với
Mazzini và Berta, cả hai cứ canh cánh về một thảm họa nữa sẽ đến. Nhưng nó đã không
xảy ra, và cặp đôi dành hết sự yêu chiều cho đứa con gái, khiến nó trở thành một đứa trẻ hư
hỏng và cư xử rất tồi tệ.
Mặc dù trong những năm vừa qua, Berta vẫn tiếp tục chăm sóc cho bốn đứa con trai,
nhưng sau khi sinh Bertita, cô gần như đã bỏ mặc chúng. Chỉ việc nghĩ đến chúng thôi
cũng khiến cô hoảng sợ, giống như nghĩ đến một hành động ác độc nào đó mà cô đã bị ép
buộc phải thực hiện. Mazzini cũng vậy, dù ở mức độ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, tâm hồn họ không hề được bình yên. Bởi nỗi sợ đánh mất con lần nữa, sự
khó chịu nhỏ nhất của cô con gái bây giờ cũng gây ra những bực bội và cáu gắt như những
gì mấy đứa con tật nguyền kia khiến họ phải chịu đựng. Sự bực bội đã tích tụ quá lâu tới
mức chỉ cần chạm nhẹ, cả người họ cũng sẽ phun trào nọc độc. Ngay từ lúc Mazzini và
Berta cãi nhau lần đầu, họ đã chẳng còn tôn trọng nhau, và nếu có bất cứ điều gì khiến
người ta thấy thích thú với những thành tựu tàn ác thì đó chính là sự miệt thị người khác.
Trước đây họ còn phải kiềm chế vì đó là những thất bại chung, nhưng giờ đã có một kết quả
thành công, mỗi người lại càng cho rằng bốn ca thất bại kia là do đối phương ép buộc mình.
Với những cảm xúc như vậy, cặp đôi không còn chút yêu thương khả dĩ nào dành cho
bốn cậu con trai. Người giúp việc thay quần áo cho chúng, cho chúng ăn, đưa chúng đi ngủ
bằng sự bạo lực khủng khiếp. Bà ta gần như chưa bao giờ tắm cho chúng. Bốn đứa trẻ dành
cả ngày đối mặt với bức tường, không nhận được bất kỳ điều gì dù chỉ như một cái vỗ về.
Vậy là cũng đến ngày Bertita tổ chức sinh nhật lần thứ tư. Đêm đó, con bé lên cơn sốt
nhẹ vì những thứ đồ ngọt nó nằng nặc đòi ăn cho bằng được. Nỗi sợ nhìn thấy con qua đời
hoặc trở thành đứa trẻ đần độn một lần nữa lại ngoác ra trên miệng những vết thương luôn
hiện hữu.
Họ không nói gì với nhau trong suốt ba tiếng đồng hồ, và như thường lệ, việc đi lại

48 Z Z Z REVIEW
như chong chóng của Mazzini đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi.
“Trời ạ! Anh không đi chậm lại được à? Đã bao nhiêu lần...”
“Được rồi, anh quên. Anh dừng lại đây. Anh có cố tình làm thế đâu.”
Cô cười, khinh khỉnh.
“Không, không, tất nhiên em không nghĩ anh như thế!”
“Và anh cũng chưa từng nghĩ em như thế... Ghê tởm!”
“Cái gì? Anh vừa nói cái gì?”
“Chẳng có gì cả!”
“Không, có đấy, tôi đã nghe anh nói gì đấy! Nghe cho rõ đây, tôi không biết anh nói
cái gì, nhưng tôi thề tôi mà là anh thì không bao giờ tôi mong có một ông bố như ông bố
của anh!”

Mặt Mazzini trắng bệch.


“Rõ rồi nhé!” anh lầm bầm qua kẽ răng nghiến chặt. “Cuối cùng cũng rõ rồi nhé, đồ
rắn độc, cuối cùng cô cũng nói ra điều cô muốn nói!”
“Phải, phải, rắn độc! Nhưng bố mẹ tôi khỏe mạnh, anh nghe rõ chưa? Khỏe mạnh!
Bố mẹ tôi không chết vì mê sảng và điên loạn! Tôi đã có thể có con trai như bất kỳ ai khác!
Đấy là con trai của anh, bốn đứa đó là con trai
của anh!”
Đến lượt Mazzini bùng nổ.
“Đồ rắn độc ghê tởm! Tôi đã nói thế đấy, tôi
muốn nói với cô như thế đấy! Hỏi ông ấy xem,
hỏi bác sĩ xem ông ấy nói là tại ai mà con trai cô
bị viêm màng não: tại bố tôi hay cái phổi thối nát
của cô! Đúng là đồ rắn độc!”
Họ tiếp tục cao giọng cãi nhau cho đến khi
tiếng rên của Bertita ngay lập tức khiến cả hai
ngưng bặt. Đến một giờ sáng, chứng khó tiêu
dạng nhẹ của đứa trẻ đã biến mất, và, như chuyện
không tránh khỏi thường xảy ra với các cặp đôi
mới cưới mà vẫn yêu nhau sâu đậm, thậm chí chỉ
trong giây lát, hai người đã giải hòa, lại càng dạt
dào da diết vì đã xúc phạm nhau nặng nề.
Bình minh huy hoàng hé rạng, khi thức dậy,
Horacio Quiroga
(Hình ảnh thuộc phạm vi công cộng.) Berta đã nôn ra máu. Rõ ràng, những cảm xúc và

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 49


trải nghiệm buổi đêm qua chính là nguyên nhân. Mazzini ôm vợ trong vòng tay một hồi, và
Berta khóc trong tuyệt vọng nhưng không ai nói lấy nửa lời.
Đến mười giờ, họ quyết định sẽ đi ra ngoài sau bữa trưa. Vì thời gian chẳng còn mấy
nên họ bảo người giúp việc đi thịt một con gà mái.
Thời tiết đẹp cũng khiến bốn đứa ngốc không muốn ngồi ì trên băng ghế quen thuộc.
Khi người giúp việc đang cắt tiết gà trong bếp, máu chảy ra từng giọt từng giọt (Berta đã
học được cách này từ mẹ mình, đảm bảo sự tươi ngon của những thớ thịt), bà ta nghĩ mình
cảm nhận được thứ gì đó đang hít thở đằng sau mình. Bà quay đầu lại và nhìn thấy bốn đứa
kia, đứng dàn hàng ngang và theo dõi quá trình vừa rồi với ánh mắt đờ đẫn u mê. Màu đỏ...
màu đỏ...
“Señora! Lũ trẻ ở trong bếp đây này!”
Berta ngay lập tức xông vào, cô không bao giờ muốn lũ trẻ đặt chân vào bếp, thậm chí
ngay cả khi trong những lúc thấy tâm hồn được cứu rỗi, đầu óc lơ lửng đãng trí hay tìm thấy
lại được niềm hạnh phúc, cô cũng không thể tránh được cảnh tượng kinh hoàng này! Bởi
như lẽ tự nhiên, cô càng yêu chồng và con gái bao nhiêu thì lại càng ghét bỏ nguyền rủa
những con quái vật kia bấy nhiêu.
“Đưa chúng ra khỏi đây, María! Ném chúng ra ngoài! Ném chúng ra, tôi đã bảo chị
rồi!”
Bốn con thú con tội nghiệp run rẩy và bị xua đuổi tàn nhẫn, quay trở lại băng ghế của
mình.
Sau bữa trưa, tất cả mọi người đều ra ngoài. Người giúp việc đi tới Buenos Aires còn
cặp đôi và đứa con gái đi dạo quanh mấy nhà gần đấy. Khi họ quay lại thì mặt trời đã sắp
lặn, Berta vẫn muốn nói chuyện thêm một lúc với mấy người hàng xóm họ tình cờ gặp trên
đường. Cô con gái nhanh chóng chạy về nhà.
Trong khi đó, những đứa ngốc kia vẫn chưa hề di chuyển khỏi băng ghế suốt cả ngày.
Vầng mặt trời đã đi qua bức tường, bắt đầu khuất dần về phía sau trong khi chúng vẫn tiếp
tục nhìn chăm chăm vào đó, trông thảm hại hơn bao giờ hết.
Bỗng nhiên, có thứ gì đó bước đến ngay giữa tầm nhìn của chúng và bức tường. Đứa
em gái của chúng, mệt mỏi sau năm tiếng đồng hồ ở bên bố mẹ, muốn một mình đi lang
thang một chút. Con bé dừng lại ở chân tường và nhìn chăm chú lên đỉnh bức tường. Chắc
chắn nó muốn trèo lên. Cuối cùng nó chọn một chiếc ghế đã mất phần đệm ngồi nhưng
vẫn không thể với tới. Sau đó, nó nhặt một cái hộp dầu hỏa, và với khả năng đánh giá không
gian khá tốt, đặt cái hộp ngay ngắn phía trên cái ghế, và nó đã thành công.
Bốn đứa ngốc kia, thờ ơ quan sát cách đứa em gái giữ được thăng bằng và đang nhón
chân để nghển cổ lên phía trên bức tường với hai cánh tay đang vươn ra hết cỡ. Chúng nhìn
con bé loay hoay tìm chỗ đặt chân để vươn lên cao hơn.

50 Z Z Z REVIEW
Cái nhìn của lũ đần độn bỗng như sống dậy, ánh mắt quyết liệt hiện rõ trong tám con
ngươi. Mắt chúng không rời khỏi đứa em gái trong khi cảm giác thèm khát đầy ác độc dần
khiến khuôn mặt chúng biến dạng. Chầm chậm, chúng tiến về phía bức tường. Cô bé vừa
mới tìm được chỗ để chân, đang định giạng chân kia sang bên kia bức tường và thể nào cũng
sẽ ngã về bên đó, bỗng thấy một chân mình bị chụp lấy. Bên dưới, tám con mắt đang nhìn
chằm chằm khiến con bé sợ hãi.
“Buông ra! Thả em ra!” con bé hét lên, lắc chân thật mạnh nhưng nó đã bị tóm.
“Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Bố ơi!” con bé gào thét vùng vẫy. Nó cố ngồi yên và bám lấy thành
tường nhưng bị kéo xuống và ngã nhào.
“Mẹ ơi, mẹ...” Con bé không thể kêu nữa. Một trong bốn thằng bé đã kẹp cổ nó, túm
lấy những lọn tóc xoăn của nó như thể chúng là những chiếc lông gà, và ba thằng còn lại
cầm một chân nó lôi về phía nhà bếp, nơi sáng nay con gà đã bị cắt tiết. Con bé bị kẹp chặt
cổ, hơi thở mỗi lúc yếu dần yếu dần.
Mazzini, đang ở nhà hàng xóm bên kia đường, nghĩ hình như mình nghe thấy tiếng
con gái đang gọi.
“Anh nghĩ con đang gọi em đấy,” anh nói với Berta.
Họ căng thẳng lắng nghe nhưng chẳng nghe thấy gì thêm nữa. Dù vậy, họ vẫn chào
tạm biệt hàng xóm ngay sau đó, và, trong khi Berta vào nhà cất mũ, Mazzini đi ra hiên.
“Bertita!”
Không ai trả lời.
“Bertita!” Anh gọi lại bằng thứ giọng đã hơi run run.
Sự im lặng quá tang tóc với trái tim vốn luôn sợ hãi của anh. Một linh cảm khủng
khiếp khiến anh lạnh xương sống.
“Con gái tôi! Con gái tôi!” Anh chạy như điên ra phía sau ngôi nhà, nhưng khi đi qua
nhà bếp, anh đã thấy một biển máu lênh láng trên sàn. Anh đẩy mạnh cánh cửa đang nửa
đóng nửa mở và hét lên một tiếng kinh hoàng.
Berta, khi nghe tiếng gọi con đầy bất an của chồng cũng đã bắt đầu chạy tới, hét gọi.
Khi cô định nhào vào nhà bếp, Mazzini như đang nổi cơn điên, đứng chắn ở ngưỡng cửa
và ngăn cô lại.
“Đừng vào! Đừng vào!”
Nhưng Berta đã thấy sàn nhà lênh láng máu. Cô chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh,
đưa cánh tay lên ôm lấy đầu, dựa vào chồng và cả người trượt dần xuống sàn.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 51


Bộ Não
Phát
Nhạc (1)
César Aira
Lê Vũ Kỳ Nam dịch

Sự ra đời của Thư viện Công cộng Pringles được biểu trưng bởi một
hình ảnh hết sức kỳ lạ: một quả trứng khổng lồ bên trên đặt một cuốn
sách. Và đằng sau đấy là những sự việc còn kỳ lạ hơn thế. Một bộ não
phát nhạc chơi nhạc không kể ngày đêm. Sự biến mất bí hiểm đến đáng
sợ của ba người lùn diễn xiếc. Và bản thân quả trứng kia cũng được đẻ
ra bởi một con quái vật.
Bộ Não Phát Nhạc là một truyện ngắn độc đáo mang màu sắc siêu
nhiên của một tác giả đương đại tiêu biểu hiện nay.

1. Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha “El cerebro musical” (2004). Dịch từ bản tiếng Anh “The Musical Brain” của Chris
Andrews trong tập The Musical Brain And Other Stories (New Directions 2015).

52 Z Z Z REVIEW
Lúc đó, tôi là một đứa trẻ - có lẽ là bốn hay năm tuổi. Chuyện xảy ra ở quê nhà của tôi,
Coronel Pringles, vào nửa đầu thập kỷ 1950. Một đêm nọ, chắc hẳn phải là thứ Bảy, chúng
tôi dùng bữa tại khách sạn; chúng tôi chẳng ăn ngoài thường xuyên lắm, không phải vì
chúng tôi nghèo khổ gì cho cam, dù thật sự chúng tôi có một cuộc sống có vẻ giống vậy vì
những thói quen khắc khổ của bố tôi cùng với sự nghi hoặc bất di bất dịch của mẹ tôi với
những món ăn mà bà không tự tay chuẩn bị. Một vài tình thế bí ẩn đã đưa đẩy chúng tôi
đến nhà hàng sang trọng của khách sạn vào tối hôm đó, đặt chúng tôi ngồi, căng thẳng và
không thoải mái, xung quanh một chiếc bàn ăn trải khăn trắng và bày biện la liệt những bộ
dao nĩa bằng bạc, những ly rượu vang cao kều, và cả những bộ chén đĩa bằng sứ viền vàng.
Chúng tôi ăn mặc thơm tho lịch sự, như những thực khách khác. Quy tắc ăn mặc vào thời
đó tương đối nghiêm khắc.
Tôi vẫn nhớ dòng người lũ lượt đứng lên bê những thùng đầy sách đến chiếc bàn nhỏ
giống như bệ thờ ở góc xa căn phòng. Hầu hết là hộp carton, mặc dù cũng có cả hộp gỗ,
thậm chí vài chiếc còn được sơn màu hay đánh véc ni. Ngồi đằng sau chiếc bàn là một người
phụ nữ nhỏ nhắn đeo chuỗi ngọc trai trên người mặc bộ váy màu xanh dương lấp lánh, mặt
đánh bự phấn và mái tóc bạc trắng được tạo hình giống như một quả trứng tua tủa lông.
Đó là Sarita Subercaseaux, người sau này trở thành hiệu trưởng trường trung học của thị
trấn trong suốt thời gian tôi ở đây. Bà tiếp nhận những chiếc hộp, xem xét bên trong, và
ghi chú vào một cuốn sổ. Tôi theo dõi hoạt động này với một sự chú ý sát sao nhất. Một
số hộp đầy ặp sách đến mức không thể đóng nắp lại được, một số hộp khác trống đến nửa,
bên trong chỉ có mấy cuốn văng qua văng lại, tạo thành những âm thanh đáng sợ. Nhưng
số lượng sách không quyết định nhiều lắm đến giá trị của những chiếc hộp này, dù thật sự
thì số lượng cũng khá quan trọng, cũng như sự đa dạng của các đầu sách. Một chiếc hộp lý
tưởng sẽ có toàn bộ các đầu sách đều khác nhau; loại tệ nhất (và cũng thường xảy ra nhất)
là kiểu bên trong chẳng có gì ngoài những bản sao của cùng một cuốn sách. Giờ tôi không
nhớ ai đã giải thích nguyên tắc này cho mình, có lẽ nó là sản phẩm từ những suy luận và
tưởng tượng của chính bản thân tôi. Nếu là thế thì cũng điển hình thôi: tôi luôn luôn sáng
tạo ra những câu chuyện hoặc kế hoạch để hợp lý hóa những gì tôi không hiểu rõ, và tôi hầu
như chẳng hiểu rõ cái gì bao giờ. Dù sao thì lời giải thích ấy liệu có thể đến từ đâu được nữa
đây? Bố mẹ tôi không cởi mở lắm, tôi thì chẳng biết đọc, thời đó lại chưa có ti vi, còn đám
bạn hàng xóm thì cũng ngu dốt hệt như tôi vậy.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 53


Đứng tách ra mà nhìn thì khung cảnh này có một vẻ như kiểu trong mơ, và cách chúng
tôi ăn mặc như thể là để chuẩn bị chụp hình vậy. Nhưng tôi chắc chắn rằng chuyện đã xảy ra
giống hệt như cái cách tôi tả lại. Khung cảnh này đã trở đi trở lại với tôi trong những năm
qua, và cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra được một giải thích hợp lý. Vào thời điểm đó, các
kế hoạch chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Công cộng Pringles hẳn đã được triển khai,
và một ai đó hẳn đã tổ chức một cuộc quyên góp sách, với sự trợ giúp của chủ khách sạn ấy:
“đổi sách lấy bữa tối,” hay cái gì đó tương tự vậy. Lời giải thích ấy nghe có vẻ hợp lý, ít ra là
vậy. Và sự thật là thư viện được thành lập đúng vào thời điểm đó, tôi đã xác minh được vào
lần gần nhất tôi ghé qua Pringles, là một vài tháng trước. Hơn nữa, Sarita Subercaseaux còn
là Thủ thư Trưởng đầu tiên. Trong suốt tuổi thơ và thời niên thiếu, tôi là một trong những
người ủng hộ nhiệt thành nhất của thư viện, có lẽ là nhiệt thành nhất trong tất cả, với tần
suất mượn sách là từ một đến hai cuốn mỗi ngày. Và Sarita luôn là người ghi thẻ mượn sách
cho tôi. Chi tiết này trở nên quan trọng khi tôi bắt đầu vào cấp ba, bởi bà chính là hiệu
trưởng của ngôi trường tôi theo học. Bà lan truyền tin đồn tôi là độc giả cuồng nhiệt nhất
của Pringles dù tuổi đời vẫn còn trẻ, và điều này đã tạo dựng nên cho tôi danh tiếng thần
đồng và làm cuộc đời của tôi đơn giản hơn rất nhiều: tôi tốt nghiệp với những con điểm
xuất sắc, mặc dù chẳng học hành gì.
Trong chuyến đi gần nhất đến Pringles với hy vọng xác nhận lại ký ức của mình, tôi hỏi
mẹ liệu rằng Sarita Subercaseaux có còn sống hay không. Bà cười phá lên.
“Bà ấy mất nhiều năm lắm rồi!” mẹ tôi nói. “Bà ấy mất trước cả khi con sinh ra. Bà ấy
đã già khi mẹ vẫn còn là một cô gái...”
“Không thể nào!” tôi khẳng định. “Con nhớ rất rõ về bà ấy. Ở thư viện, rồi ở trường...”
“Đúng vậy, bà ấy làm việc ở thư viện và trường cấp ba, nhưng đó là lúc trước khi mẹ kết
hôn. Con hẳn đã nhớ nhầm sang những chuyện mẹ kể cho con.”
Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được từ mẹ. Tôi cảm thấy bối rối vì sự chắc nịch
của mẹ, đặc biệt bởi vì trí nhớ của bà, không giống tôi, khó có thể sai được. Bất cứ lúc nào
chúng tôi bất đồng về một điều gì đó xảy ra trong quá khứ, rốt cuộc bà luôn là người đúng.
Nhưng làm sao mà bà có thể đúng trong chuyện này được? Có lẽ tôi đã nhớ nhầm sang con
gái của Sarita Subercaseaux chăng, một người con gái không chỉ là bản sao của mẹ mình mà
còn tiếp nối bước chân của bà. Nhưng chuyện này cũng vô lý. Sarita đã bước xuống mồ khi
vẫn chưa lấy chồng và là điển hình cho những bà phụ nữ độc thân, cái bà gái già kinh điển
của thị trấn: luôn ăn mặc chỉn chu; lạnh lùng và xa cách, gương mặt đại diện cho sự cằn cỗi.
Tôi khá chắc chắn về điều này.
Quay trở lại chuyện khách sạn. Dòng chảy từ các bàn trong nhà hàng đến cái bệ thờ
nhỏ, nơi chất chồng những hộp sách, không hoàn toàn liền mạch. Mọi người ai cũng biết
ai - đó là lẽ thường ở Pringles - vậy là khi người ta đứng dậy từ bàn mình để bê hộp sách đến

54 Z Z Z REVIEW
đầu kia của căn phòng, họ dừng lại ở những bàn khác trên đường đi để chào hỏi và tán gẫu
với người quen. Những người quen này giữ ý tứ nên không nói quá nhiều, lịch sự giả định
rằng những người dừng lại chỗ bàn họ đang phải bê những chiếc hộp không nhẹ nhàng
gì cho cam (kể cả khi trên thực tế bên trong chỉ có nhõn vài ba cuốn). Khiến cho những
người tay đang bê hộp lại vì lịch sự mà cứ thế tiếp tục tán gẫu, tỏ rõ cho người kia thấy rằng
niềm vui từ cuộc nói chuyện hoàn toàn bù đắp được cho công họ bê nặng. Những trao đổi
nho nhỏ này, mang đậm tấm chân tình muốn biết về cuộc sống của người kia, là cái thường
thấy ở tất cả cư dân của Pringles, hoá ra lại chứa đựng kha khá thông tin, và cũng qua đó mà
chúng tôi biết được Bộ Não Phát Nhạc đang được triển lãm ở ngay bên cạnh, trong sảnh
chờ của Nhà hát Tây Ban Nha. Không phải vì thế thì chúng tôi đã chẳng hề biết gì và sẽ cứ
thế mà về nhà đi ngủ. Tin này đã cho chúng tôi cớ để kết thúc cái bữa ăn tối mà tất cả chúng
tôi đều thấy là vô cùng nhạt nhẽo.
Bộ Não Phát Nhạc đã xuất hiện ở thị trấn vào một khoảng thời gian trước đó, và một
hội không chính thức các cư dân đã vào cuộc để quản lý nó. Kế hoạch ban đầu là cho các
hộ gia đình mượn nó trong một khoảng thời gian ngắn, dựa theo một quy trình thủ tục
đã được sử dụng với nhiều bức họa kỳ diệu của Đức Mẹ Đồng Trinh. Người muốn mượn
những bức họa này thường là nhà có người mắc bệnh hoặc gặp những vấn đề về gia đình,
trong khi lý do để mượn cái cỗ máy mới mẻ thần kỳ này chỉ đơn thuần là tò mò (mặc dù
có lẽ tồn tại cả một chút mê tín nữa). Vì cái hội này không có khung tôn giáo, không có
cấp quản lý nào để sắp đặt việc xoay vòng, nên tuân theo kế hoạch là điều bất khả thi. Mặt
khác, có những người muốn trả quách Bộ Não lại ngay sau đêm đầu tiên, với lý do là tiếng
nhạc làm họ khó ngủ; mặt khác, có người lại cho xây dựng những hốc tường và bệ tượng
tinh xảo, và cố gắng viện cớ chi phí xây dựng để kéo dài mãi mãi thời hạn cho mượn. Vậy là
chẳng mấy chốc cái hội kia đã mất dấu không biết Bộ Não đang ở đâu, và có nhiều người,
như chúng tôi, chưa bao giờ được thấy nó và đâm ngờ rằng tất cả mọi việc đều chỉ là một
trò xỏ lá. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại sốt sình sịch lên khi biết được rằng nó đang được
trưng bày ở ngay tòa nhà bên cạnh.
Bố gọi tính tiền, khi hoá đơn được đưa ra thì ông thò tay vào túi lấy ra cái ví nổi tiếng
của mình, là vật thể thú vị nhất trên thế giới đối với tôi. Nó to cồ cộ, làm từ loại da màu
xanh lục, với những hoa văn phức tạp được chạm nổi, và cả hai mặt trước sau đều có gắn hạt
cườm thủy tinh, phác hoạ nên những cảnh tượng đầy màu sắc. Nó từng thuộc về Pushkin,
và có một huyền thoại là ông ta mang theo cái ví này trong người vào cái ngày mà ông bị sát
hại. Một trong những ông bác của bố tôi từng làm đại sứ ở Nga hồi đầu thế kỷ và đã mua
đem về rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, cả những vật dụng kỳ quái, và tất cả đã được
người vợ góa của ông phân phát cho đám cháu ruột sau khi ông qua đời, vì cặp vợ chồng
này không có con.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 55


Nhà hát Tây Ban Nha là một phần của khu phức hợp thuộc sở hữu của Hội Hoạch
Định Tây Ban Nha, nằm ngay cạnh khách sạn. Nhưng chúng tôi không đi thẳng đến đấy.
Chúng tôi băng qua đường đến nơi chiếc xe tải đang đỗ, đi vòng qua nó, và quay ngược trở
lại. Sự vòng vèo này là để làm vui lòng mẹ tôi: bà không muốn những thực khách trong
khách sạn, nếu chẳng may, một cách hi hữu, tình cờ nhìn ra ngoài cửa sổ và mắt đủ tinh để
phân biệt nổi ai với ai, kết luận rằng bà đang đi đến rạp hát.
Chúng tôi bước vào sảnh, và nó nằm ở đó, đặt trên một chiếc hộp gỗ bình thường mà
Cereseto (quản lý của nhà hát này) đã lấp liếm đi bằng những dải băng xé ra từ giấy trắng,
loại dùng để bọc hàng. Bài trí kiểu này thực ra lại khá hay: trông nó giống như một cái tổ
khổng lồ, làm người ta liên tưởng đến sự dễ vỡ của những quả trứng và của những thứ được
đóng gói cẩn thận. Cái Bộ Não Phát Nhạc nổi tiếng đó được làm từ bìa carton và có kích
cỡ của một cái rương. Về mặt hình dạng nó tương đối giống một bộ não thật sự, nhưng về
màu sắc thì không, vì nó được sơn màu hồng dạ quang và chằng chịt những mạch máu màu
xanh dương.
Chúng tôi đứng thành một vòng bán nguyệt. Không thể nói nổi nên lời, đó là một
trong những thứ khiến cho người ta thành ra như vậy. Giọng nói của mẹ cắt ngang sự mê
đắm của chúng tôi.
“Tiếng nhạc đâu?” bà hỏi.
“À, nhỉ!” Bố nói. “Tiếng nhạc...” Ông nhíu mày chúi người về phía trước.
“Có lẽ người ta tắt nhạc đi rồi?”
“Không, không bao giờ nó tắt nhạc, đó là điểm kỳ lạ ở nó.”
Ông chúi nữa chúi mãi, đến nỗi tôi nghĩ ông sắp ngã vào Bộ Não đến nơi, nhưng ông
đã đột ngột dừng lại, quay người lại nhìn chúng tôi với một nụ cười toe toét đầy vẻ đồng
loã.
Con em gái và tôi tiến lại gần. Mẹ hét lên, “Đừng có đụng vào nó!”
Tôi khao khát muốn được sờ vào nó, dù chỉ là bằng một ngón tay. Và đó không phải
là không thể. Trong sảnh chỉ có mỗi mình chúng tôi. Nhân viên quầy vé và nhân viên chỉ
đường hẳn đã vào nhà hát xem kịch, lúc này hẳn đã vào hồi chót.
“Ồn thế này thì làm sao mà nghe được!” mẹ nói.
“Chỉ như một tiếng thì thầm. Thế mà người ta lại bảo là vì ồn quá mà họ phải đem trả!
Đúng là nhục!”
Mẹ gật đầu, nhưng bà lại đang nghĩ về một nỗi nhục khác. Bố đang mê mải với cái Bộ
Não - ông là người duy nhất nghe được tiếng nhạc của nó - trong khi mẹ thì nhìn quanh và
có vẻ chú tâm hơn đến những gì đang xảy ra trong nhà hát. Một tràng cười ầm ĩ như pháo
nổ dội ra chỗ chúng tôi và làm rúng động cả tòa nhà. Hẳn là khách ngồi chật kín cả rạp.
Leonor Rinaldi, Tomás Simari, đoàn kịch của họ đang diễn một trong những vở hài kịch

56 Z Z Z REVIEW
khiếm nhã đã từng được đem đi lưu diễn quanh năm suốt tháng ở các tỉnh; người ta chưa
bao giờ mất đi hứng thú với nó. Cái thứ âm nhạc run rẩy, bí mật được cho là tỏa ra từ Bộ
Não này khó có thể đọ nổi với từng ấy tràng cười hô hố và tiếng dậm chân.
Mẹ tôi, con dòng cháu giống của những con người với đôi tai tinh tế, những nhà ngâm
thơ, diễn kịch, không ưa gì các sản phẩm đại chúng mà Leonor Rinaldi là điển hình. Nói
cho đúng hơn là bà hăng hái vận động chống lại chúng. Nhà hát đối với bà là một lãnh thổ
tranh chấp, hay một chiến trường, vì nó là nơi mà các tầng lớp khác nhau của Pringles phát
động những cuộc chiến tranh văn hóa. Anh bà đứng đầu một câu lạc bộ kịch nghiệp dư tên
là Hai Mặt Nạ chuyên tập trung vào thể loại chính kịch; câu lạc bộ còn lại của thị trấn thì
được Isolina Mariani cầm trịch, tập trung vào hài kịch châm biếm. Con nhang đệ tử của
Isolina Mariani hẳn đã ngồi trên hàng ghế khán giả vào tối hôm đó, say sưa học hỏi và thán
phục thứ kịch cọt đầy tính mị dân của Leonor Rinaldi, ngấu nghiến phong cách diễn của
bà ta như một thứ sirô tăng lực.
Ác cảm của mẹ cực đoan tới mức trong một vài dịp, khi một trong những đoàn kịch
nổi tiếng ấy đến thị trấn, bà bắt chúng tôi ăn tối sớm, sau đó lái xe đưa chúng tôi đến nhà
hát ngay trước khi vở kịch bắt đầu và đậu xe tải ở một chỗ gần cổng vào (nhưng không quá
gần, và khuất trong bóng tối), để bà có thể xem xem những ai sẽ đến. Thường thì sẽ không
có gì bất ngờ: khán giả hầu hết là những người nghèo đến từ ngoại ô, “một lũ trùm dơ bẩn”
như cái cách mẹ tôi gọi họ, những người không đáng gì để nhận được một nhận xét khinh
miệt kiểu như “Các con có thể kỳ vọng gì hơn ở những kẻ ngu ngốc dốt nát như thế?”
Nhưng thi thoảng thì cũng có một ai đó “đáng kính trọng” trong số họ, khi ấy bà sẽ
hăng hái lắm. Bà cảm thấy rằng chuyến do thám của mình có ý nghĩa, từ bây giờ bà đã “nhận
thức được vấn đề” và đã biết phải đối xử thế nào với một số nhất định những kẻ rởm đời
thích cao giọng. Một lần, bà còn đi xa đến mức phóng ra khỏi xe tải và trách mắng một vị
nha sĩ có học thức đang leo lên những bậc thang đi vào rạp hát cùng với các con gái. Bà nói
với ông ta rằng bà thất vọng đến thế nào khi thấy ông ta ở đây. Ông ta không thấy xấu hổ khi
lại đi ủng hộ cái thứ thô thiển này? Và còn đem theo các con gái nữa chứ! Ông ta định dạy
con mình cái kiểu đấy đó à? May mắn là, ông ta không quá xem nặng lời bà nói. Ông ta đáp,
với một nụ cười, rằng với ông sân khấu là chốn linh thiêng, kể cả là ở những hình hài thấp
hèn nhất, và mục tiêu hàng đầu của ông là cho các con gái tiếp xúc với văn hóa đại chúng
dưới dạng thô ráp nhất của nó để chúng có được nhiều góc nhìn. Không cần phải nói, luận
điểm của ông ta chẳng gây được ấn tượng gì cho mẹ tôi.
Nào. Hãy quay lại buổi tối đáng nhớ hôm chúng tôi được diện kiến Bộ Não Phát
Nhạc. Chúng tôi leo lên xe tải và xe lăn bánh chạy đi. Chúng tôi có một chiếc Ika màu vàng.
Mặc dù cả bốn chúng tôi có thể chui lọt người trong cabin đằng trước, nhưng tôi thường
ngồi ở phía sau, dưới bầu trời lồng lộng, một phần bởi vì tôi thích như thế, một phần để giữ

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 57


hòa khí - tôi luôn luôn sa vào những cuộc chiến ồn ào với em gái mình - nhưng chủ yếu là
để tôi có thể dành một chút thời gian với người bạn tốt Geniol, con chó của gia đình chúng
tôi. Geniol to lớn kềnh càng, màu trắng, giống gì không rõ, đầu thì to bự (giống như người
đàn ông trong quảng cáo Geniol, thế nên nó mới có cái tên ấy). Chúng tôi không thể để nó
ở nhà một mình vì nó sẽ tru lên gây ồn ào, khiến cho hàng xóm than phiền. Nhưng ở đằng
sau chiếc xe tải này thì nó cư xử rất đúng mực.
Ngoài ra cũng còn một lý do bí mật cho việc tôi thích ngồi đằng sau: vì tôi không thể
nghe được cả nhà đang nói gì trên cabin xe, điều đó có nghĩa rằng tôi không biết chúng tôi
đang đi đâu, và hành trình sẽ có một cái không khí phiêu lưu bất ngờ. Khi khởi hành tôi
biết cả nhà sắp đi đâu, nếu chịu chú ý một tí, nhưng vừa leo lên xe tải một cái, thể nào mẹ
cũng lại nổi hứng tò mò về một cái gì đó và sẽ yêu cầu bố đi vòng lại đầu đường hay sang
đường khác để bà có thể nhìn một ngôi nhà, một cửa hàng, một cái cây, hay một tấm biển
nào đó. Ông thì lại đã quen chiều lòng bà, và điều đó có nghĩa là thay vì chỉ chạy khoảng
vài trăm mét theo đường thẳng, chúng tôi sẽ lái xe khoảng năm dặm, đi theo một lộ trình
ngoằn ngoèo như mê cung. Đối với mẹ tôi, người chưa bao giờ rời khỏi Pringles, đó là cách
để mở rộng thị trấn từ bên trong.
Đêm đó, những gì chúng tôi phải làm là rẽ ở góc đường và đi thêm ba khối nhà nữa
là về đến nhà mình. Nhưng chúng tôi lại rẽ ngoặt sang đường khác, và điều này chẳng làm
tôi ngạc nhiên. Trời rất lạnh, nhưng lại chẳng có tí gió nào. Đèn đường ở các giao lộ, được
treo trên bốn đường dây điện nối vào cột điện ở các góc đường, đứng im như tờ. Và, trên
đầu chúng tôi, Dải Ngân Hà sáng rực cả lên và nhấp nha nhấp nháy. Tôi cho Geniol ngồi
trên chân mình và ôm chặt nó vào ngực. Nó không chống cự. Bộ lông bạch tuyết của nó
phản chiếu những ánh sao. Chúng tôi chạy thẳng tới quảng trường và rẽ sang đại lộ. Ngồi
dựa lưng vào cabin, tôi có thể thấy tòa tháp vuông của tòa thị chính chạy lui về đằng xa và
tôi đoán chúng tôi đang đi đến nhà ga, để thỏa mãn một trong những cơn cao hứng của mẹ.
Nhà ga nằm ở rất xa, và chỉ mới đưa ra phỏng đoán như thế đã làm tôi thấy bải hoải. Geniol
đã ngủ gật. Đi qua vài khối nhà của đại lộ, nhà cửa bắt đầu thưa thớt dần, nhường chỗ cho
những khoảnh đất lớn đã bị xâm chiếm bởi cây kế và cẩm quỳ. Những ô đất bí ẩn đó chẳng
thuộc về ai. Mi mắt tôi bắt đầu sụp xuống...
Bỗng dưng Geniol giật mình, nhảy xuống khỏi chân tôi chạy sang một bên thùng xe
và tru lên. Sự khích động của nó làm tôi hoảng hốt và ngạc nhiên. Cố rũ mình khỏi giấc
ngủ, tôi đưa mắt nhìn và chợt hiểu lý do tại sao chúng tôi lại đi vòng sang đường khác, và tại
sao bố lại đi chậm lại vào lúc này, chiếc xe gần như đã đứng yên tại chỗ: chúng tôi đang đi
qua rạp xiếc. Em gái tôi thò đầu ra cửa sổ đằng trước và hét lên những lời không đầu không
đuôi: “César! Rạp xiếc! Rạp xiếc!” Tôi đã biết, tất nhiên rồi, rằng một đoàn xiếc đã đến thị
trấn; tôi đã thấy những hàng người dài trên hè phố, và bố mẹ đã hứa đưa chúng tôi đến đó

58 Z Z Z REVIEW
vào ngày hôm sau. Tôi nhìn chằm chằm, hoàn toàn bị mê hoặc. Những chấm và đường kẻ
ánh sáng in bóng qua tấm bạt của lều xiếc, to lớn như một ngọn núi, và cả cái lều sáng lên
với ánh sáng toả ra từ bên trong. Một tiết mục đang được biểu diễn: chúng tôi có thể nghe
thấy tiếng nhạc ầm ĩ và những tiếng hò reo của khán giả. Mùi những con vật khác đã làm
Geniol bồn chồn. Đằng sau cái lều này, trong bóng tối, tôi nghĩ mình có thể thấy được bóng
những con voi và lạc đà đang di chuyển giữa những cỗ xe kéo.
Nhiều năm về sau, tôi rời bỏ Pringles, như những người trẻ tuổi có thiên hướng nghệ
sĩ hay văn chương thường rời bỏ những thị trấn nhỏ, khao khát những món ăn văn hóa mà
thủ đô hoa lệ hứa hẹn. Và bây giờ, nhiều năm sau chuyến di cư, một ý nghĩ nhói lên rằng
có lẽ tôi đã bị ảo vọng làm mờ mắt, vì những đêm tuổi thơ ở Pringles quay trở lại với tôi,
cái nào cái nấy đều sống động và muôn hình muôn trạng, đến nỗi tôi không thể không tự
vấn liệu có phải tôi đã đánh đổi sự giàu có để lấy sự nghèo nàn hay không. Cái đêm mà tôi
đang dựng lại là một ví dụ điển hình: một cuộc quyên góp sách, một buổi biểu diễn tại nhà
hát, và một rạp xiếc, tất cả cùng diễn ra một lúc. Có quá nhiều thứ để cho ta chọn, và ta
buộc phải lựa. Nhưng đâu cũng chật kín người ngồi. Rạp xiếc cũng không phải là ngoại lệ.
Khi lái xe ngang qua cổng vào, chúng tôi có thể thoáng nhìn thấy các gia đình đang ngồi
chật ních bên trong và những hàng ghế đang rên xiết dưới sức nặng của đám đông khán giả.
Trong vũ đài, những chú hề đã sắp đội hình thành một kim tự tháp bằng người, nó đổ nhào
xuống, khiến người ta cười ầm lên. Hầu như tất cả mọi người đều ở rạp xiếc. Những cư dân
Pringles hẳn đã nghĩ rằng đây là nơi an toàn nhất.
Đến đây thì tôi cần có một lời giải thích. Rạp xiếc này đến thị trấn vào ba ngày trước,
và gần như ngay tức khắc cả đoàn đã phải kinh qua một cuộc scandal chấn động. Một trong
những bảo bối của nó là ba người lùn. Hai trong số đó là đàn ông: họ là anh em sinh đôi.
Người thứ ba là một phụ nữ đã kết hôn với một trong hai người song sinh. Và hiển nhiên
bộ tam đặc biệt này có một vấn đề làm cho nó khó có thể ổn định, và dẫn đến cuộc khủng
hoảng đã xảy ra ở Pringles. Người phụ nữ và em rể của mình là tình nhân, và vì một lý do
nào đó bọn họ lại chọn thị trấn chúng tôi làm nơi cao chạy xa bay cùng với số tiền tiết kiệm
của anh chồng bị cắm sừng. Chúng tôi đáng lẽ đã không bao giờ biết được âm mưu thú vị
này nếu không có sự kiện kéo theo sau đó: sau khi cặp tình nhân biến mất một vài giờ, thì
người chồng cũng bốc hơi, cùng với khẩu súng chín li và hộp đạn của chủ rạp xiếc. Mục đích
của anh ta chẳng thể rõ ràng hơn. Cảnh sát được thông báo ngay lập tức với hy vọng rằng
họ sẽ ngăn chặn được tấn bi kịch. Tất cả nhân chứng (các anh hề, nghệ sĩ đu dây, huấn luyện
viên xiếc thú) đều đồng tình với nhau về mức độ giận dữ của người chồng khi anh ta phát
hiện sự việc, và quyết tâm của anh ta trong việc thực hiện một vụ trả thù đẫm máu. Người
ta không thể xem nhẹ lời anh chàng này, vì anh ta là một gã nhỏ thó có thiên hướng bạo lực
và nổi tiếng với cơn thịnh nộ có khả năng hủy diệt. Cái thứ vũ khí anh ta đánh cắp có tính

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 59


sát thương ở cả cự ly ngắn lẫn dài, và chẳng cần phải học cũng dùng được. Sở cảnh sát huy
động toàn bộ nhân lực sẵn có, và dù cho các cấp quản lý của rạp xiếc cứ nhất mực muốn giữ
bí mật, thì tin tức này vẫn lan ra xung quanh. Điều này là không thể tránh khỏi, vì nơi ẩn
giấu của những kẻ chạy trốn - tính cả cặp đôi ngoại tình lẫn kẻ truy đuổi họ - chỉ có thể được
phát hiện với sự giúp đỡ của cộng đồng. Thoạt tiên, đây có vẻ là một công việc đơn giản: thị
trấn khá nhỏ và cung cấp đặc điểm nhận dạng của các đối tượng là việc dễ như không, chỉ
cần sử dụng từ “người lùn”. Cảnh sát được bố trí tại ga xe lửa, trạm dừng xe bus đường dài,
và hai vòng xoay ở hai đầu thị trấn, nơi những con đường dẫn ra ngoài phân nhánh (chúng
vẫn chưa được mở ra vào thời điểm đó). Những biện pháp này chỉ càng xác nhận thêm rằng
những người lùn vẫn còn đang lưu lại Pringles.
Không hề ngạc nhiên là họ trở thành chủ đề nói chuyện duy nhất. Nào là đùa giỡn,
cá cược, rồi cuộc truy tìm tập thể ở những lô đất trống và nhà hoang, tâm trạng chung ban
đầu của mọi người là bối rối một cách phấn khởi và hồi hộp đầy thích thú. Hai mươi tư giờ
sau, không khí đã thay đổi. Hai nỗi sợ bắt đầu xâm lấn, một cái thì mơ hồ và đậm màu sắc
mê tín, cái còn lại thì rất thực. Nỗi sợ thứ nhất bắt nguồn từ việc phi vụ này, khó hiểu thay,
vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Với vô khối minh chứng, cư dân của Pringles bao lâu nay
đã cho rằng thị trấn này cái gì cũng hai năm rõ mười, cả về mặt xã hội và địa lý. Làm cách
nào mà một thứ gây chú ý như ba người lùn lại có thể biến mất không tăm tích trong cái
hộp thủy tinh tí hon này? Nhất là khi ba bọn họ không hợp thành một khối thống nhất,
mà được chia ra thành một cặp đôi bỏ trốn và một cá nhân thứ ba truy lùng theo sau, và về
phần mình cũng phải trốn tránh những người có thẩm quyền. Cái sự kiện này bắt đầu có
màu sắc siêu nhiên. Vóc dáng của một người lùn hoá ra lại làm nảy sinh lắm vấn đề, ít nhất
là đối với trí tưởng tượng bồn chồn của tập thể nơi đây. Phải chăng họ nên lật từng tảng đá
lên để tìm, ngửa mặt sau của lá ra xem, hay dòm vào trong các tổ kén? Các bà mẹ bắt đầu
nhìn xuống giường con cái, và bọn trẻ thì tháo rời đống đồ chơi ra để kiểm tra bên trong.
Nhưng có một nỗi sợ thực tế hơn. Hoặc, nếu không hoàn toàn thực tế, thì ít nhất nó
cũng được thể hiện như vậy để hợp lý hoá nỗi sợ kia, cái nỗi sợ không tên. Ở đâu đó ngoài
kia là một khẩu súng chết chóc đã được nạp đạn đang nằm trong bàn tay một người đàn
ông tuyệt vọng. Không một ai lo lắng rằng hắn sẽ thực hiện kế hoạch của mình (điều này có
thể được giải thích mà không cần phải kết tội rằng cư dân Pringles đầy định kiến; bị trùm
lên bởi cảm giác hoảng loạn, các cư dân xem những người lùn như là một chủng loài khác
mà sự sống hay cái chết là vấn đề được giải quyết giữa bọn họ với nhau và không phải là cái
mà thị trấn này quan tâm đến), nhưng súng thì đâu phải bao giờ cũng bắn trúng đích, và
tại một thời điểm cụ thể ai cũng có thể xen ngang vào đường đi của viên đạn. Bất cứ ai theo
đúng nghĩa đen, vì chẳng có ai biết đích xác những người lùn đang ở đâu, huống hồ là nơi
mà bọn họ sẽ đụng độ nhau. Cội nguồn cho sự lo lắng không phải là cái mục tiêu nhắm vào

60 Z Z Z REVIEW
cặp đôi thông dâm bé tí khó tìm kia của người chồng. Cùng cái sự thu nhỏ đầy ảo diệu, là lý
do người ta gán cho sự thất bại của cuộc truy tìm, đã khiến mọi người ngờ rằng có bắn kiểu
gì thì chắc chắn cũng trật mục tiêu thôi. Bằng cách nào hắn có thể bắn trúng một, hay hai,
nguyên tử đang ẩn mình được chứ? Bất cứ ai, hay những người yêu dấu của họ, cũng có thể
bị hạ gục bởi những tràng đạn lạc, ở bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ nơi đâu.
Lại hai mươi bốn tiếng nữa trôi qua, hai nỗi sợ hãi đã bắt đầu quấn quyện lấy nhau,
và thị trấn đã rơi vào cơn mê sảng cấp tính của nỗi lo sợ bị xử tử. Không một ai cảm thấy
an toàn ở nhà, và thậm chí ở ngoài đường thì càng tệ hơn. Nhưng những đám đông lại làm
người ta thấy yên lòng, càng đông càng tốt: những người khác có thể làm bia đỡ đạn cho
họ, và bởi những nỗi băn khoăn vị tha sẽ bay ra khỏi cửa sổ khi đe doạ lơ lửng trên đầu ta,
không ai màng đến những con người mà thân thể họ rồi găm chi chít đạn. Đó hẳn đã là lý
do tại sao chúng tôi ra ngoài ăn tối, một việc mà hầu như chúng tôi không bao giờ làm. Và ở
một cấp độ khác của động cơ, trong địa hạt mê tín, đó hẳn cũng là lý do bố mang theo chiếc
ví nổi tiếng của Pushkin, thứ mà ông chỉ dành cho những dịp đặc biệt. Chắc có lẽ bạn cũng
nhớ rằng, Pushkin bị giết bởi một phát súng xuyên tim.
Và đến đây tôi sẽ đóng lại phần giải thích để trở lại câu chuyện chính. Nhưng cùng lúc
làm vậy, tôi nhận ra mình đã phạm một sai lầm. Hành động vẫn tiếp diễn trong sảnh nhà
hát, và điều đó có nghĩa rằng cuốc xe trên đại lộ băng qua rạp xiếc đã diễn ra trước đó, khi
chúng tôi đang trên đường đến khách sạn. Và quả thật, khi tôi ngẫm lại cho kỹ, có vẻ như
là bầu trời đằng sau tòa thị chính và bên trên rạp xiếc không hoàn toàn tối đen: nó có màu
xanh sẫm, sắc hồng chạng vạng vẫn vương lại đây đó, và dọc đường chân trời phía Tây là
một lớp ánh sáng trắng lân quang. Bầu trời đầy sao hẳn là một chi tiết thêm thắt, đem lại
bởi những sự kiện dựng tóc gáy xảy ra sau đó, trên mái của nhà hát. Sự lẫn lộn của tôi một
phần đến từ sự kỳ dị đặc thù của câu chuyện này: mặc dù có một sự logic hết sức hợp lý cho
cái thứ tự mà các sự kiện nối tiếp nhau diễn ra, chúng lại cũng tồn tại một cách độc lập, như
những vì sao trên bầu trời, nhân chứng duy nhất cho cái hành động cuối cùng, vì vậy mà
những bóng dáng chúng tạo thành có vẻ xuất phát từ trí tưởng tượng hơn là thực tế.
Chuyện diễn ra đại loại như sau: Khi đã thỏa mãn nỗi tò mò về Bộ Não Phát Nhạc, bố
mẹ tôi đi ra đường, một phần bởi vì chẳng còn gì để xem và một phần vì muốn ra về trước
khi những khán giả trong nhà hát bắt đầu ùa ra ngoài. Vở diễn hẳn đã kết thúc; tràng pháo
tay vẫn chưa dừng lại hẳn, nhưng chắc cũng chẳng thể tiếp tục được lâu, và mẹ không muốn
người khác thấy mình rời ra khỏi đây cùng với đám “trùm dơ bẩn”. Những người không biết
gì sẽ có thể nghĩ rằng bà đã tụt dốc về mặt văn hoá, xuống ngang bằng với những người đi
theo Tổng thống Peron.
Bà quay người bước đi với một phong thái dứt khoát đến nỗi tôi cảm nhận được thời
khắc vàng đã đến: giờ thì đã đủ an toàn cho tôi thỏa mãn khao khát được chạm vào cái vật

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 61


thể màu hồng to bự này. Không một chút lăn tăn, tôi vươn tay ra. Đầu ngón trỏ tôi chạm
vào bề mặt của Bộ Não chỉ trong một phần mười giây. Vì những nguyên nhân sẽ chẳng mấy
mà trở nên rõ ràng với bạn đọc, hành động ngắn ngủi đó là một thứ tôi sẽ không bao giờ
quên được.
Sự nghịch ngợm của tôi không lọt vào mắt bố mẹ, lúc này vẫn đang bước về phía cửa,
nhưng lại lọt vào mắt con em gái, khi ấy con bé tầm hai hay ba tuổi và luôn bắt chước bất
cứ thứ gì tôi làm. Được tiếp sức bởi sự liều lĩnh của tôi, nó cũng muốn chạm vào Bộ Não.
Nhưng con quỷ nhỏ vụng về này lại chẳng biết cách làm sao cho khéo léo. Con bé không
có khái niệm đầu ngón tay. Đứng thẳng người hết cỡ - con bé suýt soát cao bằng chiếc hộp
bày Bộ Não - nó giơ đôi tay nhỏ xíu lên và đẩy về phía trước với tất cả sức lực của mình. Khi
cảm nhận được những gì sẽ xảy ra, nó nín thở, rồi xả ra một tiếng hét kinh hoàng khi Bộ
Não bắt đầu dịch chuyển. Bố mẹ tôi dừng bước và quay lại, và giờ nhớ lại tôi nghĩ là họ đã
bước một hay hai bước về phía chúng tôi. Đối với tôi, toàn bộ quang cảnh này đã đạt được
một sự chính xác đầy ảo diệu, như thể một vở kịch được diễn tập hàng ngàn lần. Bộ Não
nặng nề lăn qua gờ chiếc hộp, rơi xuống sàn và vỡ tan.
Em gái tôi òa khóc, bực bội vì mặc cảm tội lỗi và sợ bị trừng phạt hơn là bởi cái cảnh
tượng vừa diễn ra trước mắt chúng tôi, một thứ có lẽ vượt quá khả năng thấu hiểu của nó.
Tuy nhiên, tôi đã đủ lớn để trực cảm được những gì đã xảy ra, mặc dù đang vật lộn giữa
ngổn ngang là những nỗi hoang mang đầy khiếp đảm, cái trạng thái mà hẳn bố mẹ tôi cũng
trải qua.
Cái lớp vỏ hồng của Bộ Não Phát Nhạc đã vỡ tan thành từng mảnh khi tiếp đất, một
dấu hiệu cho sự mỏng mảnh vì nó chỉ rơi xuống đất từ độ cao vài chục xen ti mét. Bên
trong là một khối đặc trong suốt như gelatin, được tạo hình cho vừa vặn với lớp vỏ bao.
Nó bị bẹp đi một chút, và có hơi rung rinh trong cơn dư chấn (mặc dù có thể chỉ là tôi
tưởng tượng ra những điều này), cho thấy rằng cái chất liệu này không rắn cho lắm. Màu
sắc của nó thì lại không có gì phải băn khoăn. Đấy là màu máu chưa đông hoàn toàn, và
không khó để suy ra nguồn gốc của nó, hay những nguồn gốc của nó, vì có hai thi thể đang
nằm lơ lửng giữa cái khối đó, trong tư thế bào thai, đầu người này áp vào chân người kia:
chính là hai gã người lùn. Trông họ như bước ra từ bộ bài Tây, trên người mặc bộ vét đen
bé tẹo, mặt và bàn tay trắng như sứ; sự tương phản màu sắc làm họ nổi bật lên giữa cái
màu đỏ đậm của máu, chảy ra từ vết thương trên hai cổ họng, mở toang hoác ra như hai
cái miệng đang thét lên.
Tôi nói rằng mình đã nhìn thấy cảnh tượng này với một sự rõ nét đến siêu nhiên, đó
là cách mà giờ đây tôi nhìn thấy nó. Vào lúc này tôi nhìn thấy nhiều hơn là vào thời điểm
đó. Như thể cái mà tôi thấy là bản thân câu chuyện, không phải như một bộ phim hay một
chuỗi hình ảnh, mà là một hình ảnh duy nhất, hình ảnh ấy không chuyển động mà đúng

62 Z Z Z REVIEW
hơn là liên tục ngưng lại. Thế nhưng lại cũng có kha khá chuyển động: một cơn lốc, một
vực thẳm những nguyên tử phi lý.
Mẹ, một người rất dễ bị kích động, bắt đầu hét lớn, nhưng tiếng hét của bà chìm lẫn
trong tiếng ầm ĩ thình lình dội ra từ trong nhà hát. Một điều gì đó bất ngờ đã xảy ra. Leonor
Rinaldi vĩ đại đã được tán thưởng xong, và dàn diễn viên đã được gọi trở lại trước sân khấu
đến bảy lần. Các diễn viên đang dợm đi ra cánh gà sau loạt cúi đầu cảm tạ cuối cùng thì
những khán giả đứng hẳn dậy từ trên ghế ngồi. Vào khoảnh khắc ấy, lúc các nhân vật đã dần
phai đi trên da các diễn viên, đang đứng cùng nhau thành một hàng dài trên sân khấu, mỗi
khuôn mặt hay thân hình vẫn còn mang chút dáng dấp từ vở hài kịch, nhưng là một vở hài
kịch mà lúc này cốt truyện, cùng với những bất ngờ và sai sót của nó, đã trộn lẫn lên hết cả
trong cái hàng dài những dáng hình đang cúi đầu chào và mỉm cười, như thể giờ là phận sự
của những vị khán giả, trong khi họ vỗ tay và quét mắt qua hàng người, cái phận sự tự sắp
soạn lại câu chuyện trong đầu và chào tạm biệt nó, như một câu chuyện hư cấu mà nó vốn
là, cùng với cái phòng khách kiêm phòng ăn giả vờ, bộ xô pha, cái cầu thang làm nhái; các
ô cửa sổ sơn màu, những cánh cửa mở ra và đóng lại trong một cơn lũ những nút thắt khôi
hài, và toàn bộ phần còn lại của sân khấu... thì đúng lúc đó, khi bầu không khí tưng bừng
sắp khép lại, bức tượng thạch cao cỡ lớn của Juan Pascual Pringles, được sử dụng để trang
hoàng cho mái vòm nhà hát, vỡ tung ra. Những đường nét trên khuôn mặt cha già dân tộc
nổ tung như một vì sao đá phấn, và thế vào vị trí của chúng, các khán giả, lúc này đương
sững sờ, trông thấy cái tạo vật kỳ dị nhất mà một deus ex machina từng tạo ra: chính là ả
người lùn. Đó là nơi ả đã ẩn trốn, và không một ai có thể tìm ra. Sự kiện này có vẻ là tình cờ:
có lẽ rung động từ những tràng pháo tay hay những tiếng hét “Bravo!” đã làm rã rời những
phân tử già cả trên cái đầu thạch cao của vị chiến binh anh hùng; nhưng giả thuyết này sớm
bị bác bỏ, khi người ta biết ra cú nổ của bức tượng gây ra bởi một nguyên nhân nội tại - cụ
thể là việc kích cỡ của người lùn tăng lên. Khi đã được thụ thai, cái kén sát thủ này đã rút
vào một nơi trú ẩn an toàn để cho tự nhiên (sau tất cả thì những con quái vật cũng là một
phần của tự nhiên) làm công việc của mình. Và, tình cờ thay, quá trình này đã hoàn thành
ngay đúng lúc các diễn viên chuẩn bị rời sân khấu; nếu xảy ra chỉ một vài phút sau thì sinh
vật đó sẽ nhô ra giữa một nhà hát trống vắng và tối tăm.
Khi diễn ra, nó đã trở thành một màn diễn phụ mà trước đấy hay kể từ đấy chưa ai
được chứng kiến. Hai ngàn cặp mắt trông thấy một cái đầu lớn trồi lên từ trong hốc thạch
cao, một cái đầu không có mắt, mũi, miệng nhưng lại phủ một mái tóc xoăn vàng óng, sau
đó là hai cánh tay múp míp có móng vuốt, và một bộ ngực hồng đồ sộ với hai con mắt ở
ngay đúng chỗ lẽ ra là núm vú. Sinh vật này tiếp tục nhô lên cao nữa, theo chiều ngang,
gần chỗ mái nhà hát, như một bức tượng quỷ trên máng xối... cho đến lúc, cả người rung
lên giần giật, nó giương cao hai cánh, một cánh ra trước và cánh còn lại theo sau - hai cái

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 63


màng óng ánh khổng lồ phát ra tiếng giống như tiếng bìa carton đập phần phật - và treo
mình trong không trung. Phần phía sau cơ thể nó nhìn như một cái túi trương phình lên
phủ lông đen. Thoạt tiên, trông nó như sắp rơi xuống chỗ biểu diễn của dàn nhạc, nhưng
sau đó nó đã neo mình lại ở độ cao trung bình với những nhịp đập cánh thoăn thoắt và bắt
đầu điên cuồng bay xung quanh.
Đám đông đâm hoảng loạn. Một vụ hỏa hoạn chắc cũng chẳng gây ra nhiều khiếp
đảm như con dị nhân biết bay đó: không một ai biết chắc nó sẽ làm gì. Những lối đi kẹt
cứng người, lối ra bị bít lại; người ta nhảy qua ghế, các bà mẹ tìm con, các ông chồng tìm
vợ, và ai ai cũng hét lên thất thanh. Bị cảnh náo động làm cho sợ hãi, nó bay lung tung khắp
mọi chỗ, cả nó cũng đang tìm đường ra. Khi nó mất độ cao, những tiếng hét dưới các hàng
ghế ngồi lại càng khủng khiếp hơn, còn khi nó bay lên cao trở lại, những tiếng khóc to nhất
đến từ khán đài trên cao, nơi mà người ta bị mắc kẹt vì cầu thang đã tắc nghẽn cả. Trong
cơn tuyệt vọng, một số người trèo lên sân khấu - dàn diễn viên lúc này đã cao chạy xa bay.
Một số người tị nạn từ các hàng ghế đầu của khán đài trên cao cũng trèo xuống và leo qua
chùm đèn lên sân khấu. Trông thấy vậy, một số khán giả, vốn đang tìm cách len lỏi trên các
lối đi, nhưng thừa biết để vượt qua đám người hỗn loạn này là bất khả thi, đã quay ngược
trở lại, cuống cuồng chạy rồi nhảy lên sân khấu. Một điều cấm kỵ đã bị phá vỡ: xâm phạm
không gian của tác phẩm hư cấu, là điều mà họ đã trả tiền để không làm; nhưng bản năng
sinh tồn lại chế ngự họ.
Về phần người lùn có cánh, cái con chuồn chuồn khổng lồ đó, sau khi lượn qua lượn
lại trong không gian nhà hát vài lần với những cái đập cánh đáng sợ của mình, với những
lần tăng tốc và và những cú va đập liên tục vào trần và tường nhà hát, cả nó cũng lao mình
về phía miệng nhà hát. Sau tất cả, thì đó là việc có lý nhất để làm. Nó bị cái sân khấu tiểu
tư sản của Lenor Rinaldi nuốt chửng, và toàn bộ phông màn trên sân khấu đổ sụp xuống.
Khán giả cuối cùng cũng thoát ra được khỏi nhà hát, nhưng một lẽ tự nhiên chẳng
ai muốn về nhà. Đường Stegmann chìm trong một đám đông kích động. Các thực khách
bước ra khỏi nhà hàng khách sạn với tấm khăn ăn vẫn còn gài quanh cổ áo, nhiều người vẫn
còn cầm dao nĩa. Tin tức đã lan truyền ra khắp thị trấn; một người đưa tin không chính
thức đã vọt sang rạp xiếc báo tin và đến nơi đúng lúc sô diễn kết thúc, vậy là khán giả bên
đấy cũng đồng loạt chạy sang đây. Khi cảnh sát xuất hiện cùng với những hồi còi inh ỏi, họ
phải chật vật mới băng qua được đám đông, điều tương tự cũng xảy ra với xe cấp cứu của
bệnh viện, cả hội lính cứu hỏa, những người đến đây một cách tự phát.
Khi ào ra khỏi sảnh, đám đông điên loạn đã vô tình giẫm lên cái quả cầu máu. Khi chủ
rạp xiếc đến thu xác hai người lùn, ông được bàn giao cho hai cái bóng hình nhăn nhúm mà
các anh hề xác nhận và chuyền quanh. Các anh hề, hay bất cứ ai trong đoàn xiếc, đều chưa
có thời gian để thay quần áo. Những nghệ sĩ cưỡi thú, nghệ sĩ đu dây, nghệ sĩ diễn trò rùng

64 Z Z Z REVIEW
rợn, nhập hội với đoàn diễn viên của Leonor Rinaldi, cả Tomás Simari và chính Rinaldi, tất
cả đứng lẫn lộn với khán giả của nhà hát với rạp xiếc, lúc này cũng đang đứng lẫn lộn vào
nhau, chưa kể đến những người hiếu kỳ, hàng xóm ở quanh đấy, và đủ các loại cú đêm. Chưa
bao giờ có một cảnh tượng như thế này, kể cả là vào dịp carnival.
Cuộc lục soát đầu tiên quanh nhà hát được thực hiện bởi toán cảnh sát tay cầm súng
đã lên sẵn nòng và được lãnh đạo bởi Cereseto (chỉ có ông là nắm rõ đường ngang ngõ tắt
trong chốn này) đã chẳng thu được manh mối gì. Sinh vật đó đã biến mất một lần nữa, cánh
kiếc mất dấu cả. Có tin đồn rằng nó đã tìm được đường ra ngoài và bay đi xa. Giả thuyết này
đúng ra sẽ làm tình thế dịu đi một chút, nhưng mọi người lại đâm ra thất vọng. Cho đến lúc
này, ai cũng đang chờ đợi một sô diễn, họ tụ tập ở đó để chờ xem thêm. Niềm hy vọng sống
lại với một sự kiện bất ngờ: từ cái khối to lù lù là nhà hát, vô số dơi và bồ câu bỗng túa ra
bay theo đủ mọi hướng. Vì bồ câu thường không bay vào ban đêm, chúng khiến chuyến di
cư này có một diễn biến mới lạ thường. Những sinh vật bé nhỏ này hẳn đã cảm nhận được
cái bóng ma gớm guốc nên mới ùa đi chạy trốn như thế.
Một khoảnh khắc sững sờ kéo đến, rồi sau đó là một tiếng thét, và một bàn tay chĩa
lên. Mọi cái đầu ngửa lên, mọi con mắt đổ về những cái lỗ tường theo phong cách giả
Gothic trên mặt tiền nhà hát. Ở đó, ngồi xổm giữa hai tháp canh chính là con quái vật, với
đôi cánh sải rộng và một thân thể đang run lên bần bật mà từ đằng xa cũng có thể trông thấy
rõ. Ánh đèn pha chói gắt của xe cứu hỏa rọi vào nó. Ở dưới đường, hai trong số những anh
hề, trên người mặc bộ đồ sặc sỡ và gương mặt vẽ màu, trèo lên nóc xe con và vẫy hai cái thi
thể người lùn bẹp dúm trên đầu mình như thể đang vẫy banner.
Mặc dù những cư dân của Pringles chưa bao giờ thấy một dị nhân kiểu này, họ hầu hết
đều là những con người đồng quê đã quen thuộc với quy luật sinh sản. Dù những đứa con
của tự nhiên có hình dạng kỳ lạ đến đâu, họ cũng đã nắm rõ những cơ chế căn bản của sự
sống. Bởi vậy, đám đông sớm nhận ra rằng ả người lùn chuẩn bị “đẻ”. Tất cả mọi dấu hiệu
đều chỉ điểm đến quá trình sinh sản: vụ ngoại tình, khoảng thời gian ẩn mình để cho sự
chuyển hóa diễn ra, cái túi khổng lồ ở bụng, việc lựa chọn một chỗ khó tiếp cận, và bây giờ
là cái tư thế khom người, cái vẻ tập trung và sự rùng mình. Cái mà không ai có thể biết được
là nó sẽ đẻ một hay hai quả trứng, hay vài quả, hay cả triệu quả. Giả thuyết cuối cùng có vẻ
là hợp lý nhất, bởi vì hình dạng của nó có lẽ tương đồng hơn cả với giới côn trùng. Nhưng
khi lớp lông tơ trên cái túi bắt đầu vỡ ra, những gì xuất hiện chỉ là một cái trứng màu trắng
một đầu nhọn và to bằng quả dưa hấu. Một tiếng “Ồ” ngạc nhiên lan qua đám đông. Có lẽ
bởi tất cả các ánh mắt đều dán vào cái quá trình xuất hiện chậm chạp của viên ngọc kỳ thú
đó, sự ngạc nhiên càng tăng lên khi có một cái bóng khác xuất hiện bên cạnh ả người lùn
có cánh: cái bóng tiến dần vào vùng ánh sáng, và chỉ hiện rõ ra hoàn toàn khi quả trứng đã
được đặt cân đối trên cái mái đua cao đến chóng mặt. Đó là Sarita Subercaseaux, với mái

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 65


tóc tổ ong to bự, khuôn mặt hồng đắp đầy phấn, bộ váy xanh dương và đôi giày đế xuồng
nhỏ tí. Bằng cách nào mà bà đã leo được lên đó? Bà đang muốn làm gì? Bà đứng cách cái
sinh vật kia chỉ vài xen ti mét, lúc này, khi đã đẻ xong, nó quay khuôn mặt không mắt sang
nhìn Sarita. Họ có cùng một vóc dáng, cùng toát ra cái vẻ quyết tâm đầy siêu nhiên. Một
cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi, thậm chí là cả một trận đánh nữa. Cả thị trấn nín
thở. Nhưng một việc khác hẳn lại xảy ra. Rùng mình một cái, như thể tỉnh dậy từ giấc mơ,
cái sinh vật kia sải cánh rộng hết mức, và, với chỉ một cú đập cánh, nó đã nhấc bổng thân
mình lên trên không trung khoảng vài chục xen ti mét. Chỉ với một nhịp đập cánh, nó quay
người, thêm một nhịp nữa, nó bắt đầu tăng tốc, và rồi nó bay, như một con khủng long có
cánh, vươn đến những vì sao đang vì sự kiện này mà tỏa sáng như những viên kim cương
điên loạn. Nó biến mất giữa những chòm sao, và thế là hết. Chỉ đến lúc đó ánh mắt của đám
đông mới quay trở lại nóc nhà hát.
Sarita Subercaseaux bình thản trước sự ra đi của dị nhân. Giờ đây, bà ở đó một mình
với quả trứng. Chậm chạp từng chút một, bà nâng một tay lên. Bà đang cầm một cái gì
đó trong tay. Một cây rìu. Những tiếng la ó trái ngược nhau phát ra từ đám đông. Không!
Đừng! Đúng! Đập vỡ nó đi! Dĩ nhiên là mỗi người một ý kiến. Không một ai muốn đẩy cái
thị trấn nhỏ bé nằm trên Đồng bằng Nam Mỹ này đến với những hậu quả khó lường mà vụ
sinh nở kỳ dị này đem lại, nhưng cái vẻ thuần tuý mỏng manh của quả trứng cũng có cái gì
đó thật đặc biệt. Mặt khác, sẽ đáng tiếc thay nếu phải từ bỏ những khả năng có thể xảy ra từ
sự kiện vô tiền khoáng hậu này.
Nhưng khi chuyển động cánh tay của Sarita đưa chiếc rìu vào tầm mắt mọi người, hóa
ra đó không phải rìu mà là một cuốn sách. Và ý định của bà không phải là đập vỡ quả trứng
mà là đặt nó, đầy khéo léo, nằm bên trên quả trứng. Trong lịch sử huyền thoại của Pringles,
cái hình dáng kỳ lạ kia, được tạo thành theo cách đó, đã trở thành biểu tượng cho sự sáng
lập nên Thư Viện Cộng Đồng của thị trấn.
26 tháng Bảy, 2004

66 Z Z Z REVIEW
Hiện diện
của Faulkner
trong văn chương
Mỹ Latinh (1)
Antonio C. Marquez
Nguyễn Tùng Thúy dịch

“Faulkner es uno de los nuestros; pertenece


a nuestra herencia cultural” (Faulkner là một
trong số chúng tôi; thuộc về di sản văn hóa của
chúng tôi) - Carlos Fuentes.

Lời xác nhận mới đây nhất về sự hiện diện phi


thường của Faulkner trong sự phát triển của văn
học hư cấu Mỹ Latinh hiện đại nằm trong cuốn
A Writer’s Reality (1991) của Mario Vargas Llosa.
Vargas Llosa, tiểu thuyết gia kiệt xuất và nhà phê
bình văn học sắc sảo, không chỉ viết về tiểu sử văn
chương của mình mà còn cố thử phân tích quá
trình trưởng thành của văn học Mỹ Latinh. Điều
William Faulkner đáng kể là những nhà văn đã làm nên đội quân tiền

1. Bài đăng trên tạp chí REDEN: revista española de estudios norteamericanos, ISSN 1131-9674, Nº 5, 1992, págs.
11-25.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 67


phong gọi là “Boom” (Latin American Boom), thời kì bùng nổ văn chương ở Mỹ Latinh
trong những năm 1960, đã khai phá được hai điều.
Họ khám phá ra những bậc thầy Âu Mỹ - đáng chú ý là Faulkner, và họ cũng khám phá
ra một vùng đất văn chương mới, những tiếng nói mới cất lên để bày tỏ những điều phức
tạp, mơ hồ, khác biệt và mâu thuẫn ở Mỹ Latinh. Vargas Llosa nhớ lại căn nguyên của tiểu
thuyết đầu tay Thành phố và Lũ Chó (La ciudad y los perros) và cuộc khám phá ra Faulkner:

William Faulkner là một nhà văn khác có ảnh hưởng tới Thành phố và Lũ Chó. Ông
có ảnh hưởng lớn tới văn học Mỹ Latinh và tôi đã biết đến các tác phẩm của ông khi
học những năm cuối đại học. Tôi nhớ Faulkner là nhà văn đầu tiên tôi đọc với cả giấy
bút trong tay, cố gắng giải mã cấu trúc, sáng tạo về hình thái trong các tiểu thuyết của
ông. Nhờ đọc Faulkner, tôi học được rằng hình thái có thể là một nhân vật trong tiểu
thuyết, và đôi khi còn là nhân vật quan trọng nhất - nghĩa là việc tổ chức các góc nhìn
tường thuật, sử dụng các ngôi tường thuật khác nhau, giữ lại một vài thông tin không
cho người đọc biết để tạo sự mơ hồ. Tôi rất hứng thú với cách sử dụng cấu trúc tuyệt vời
này trong một tác phẩm hư cấu. Có lẽ điều này cũng hiện diện trong tiểu thuyết đầu tay
của tôi. Cách tổ chức câu chuyện phản ánh phần nào sự thích thú của tôi với những khả
năng của dạng thức trần thuật, khám phá mà tôi tìm được từ Faulkner.(1)

Thực tế thì những gì học được từ Faulkner hiển hiện trong tiểu thuyết đầu tay của
Vargas Llosa và lòng biết ơn được bày tỏ rõ của ông cũng đặt ra vấn đề về tầm ảnh hưởng
của Faulkner với nhiều nhà văn Mỹ Latinh khác. Vargas Llosa cũng lên tiếng thay cho một
thế hệ các cây bút Mỹ Latinh, dùng giọng nói của số đông, ông chỉ ra ảnh hưởng to lớn của
Faulkner và sự ngưỡng mộ của những người cùng thời với ông. Vargas Llosa cũng nhấn
mạnh mối liên hệ và nét tương đồng đặc biệt khiến một số nhà văn, như Carlos Fuentes và
Gabriel García Márquez, nói rằng Faulkner là uno de los nuestros (“một trong số chúng tôi”)
và là một phần di sản văn hóa của họ:

Tất nhiên có nhiều lý do khiến một nhà văn Mỹ Latinh bị ảnh hưởng bởi Faulkner. Đầu
tiên là bởi tầm quan trọng các tác phẩm của Faulkner; ông có lẽ là tiểu thuyết gia quan
trọng nhất, nguyên bản nhất, giàu giá trị nhất của thời đại chúng ta. Ông tạo ra thế giới
phong phú và tinh xảo như những thế giới tự sự phong phú và tinh xảo nhất của thế kỉ
19. Nhưng còn nhiều lý do cụ thể khiến Faulkner hấp dẫn như vậy ở Mỹ Latinh. Thế

1. Mario Vargas Llosa, A Writer’s Reality (Syracuse: Syracuse U P, 1991), 51.

68 Z Z Z REVIEW
giới mà từ đó ông tạo ra thế giới của riêng mình khá giống với thế giới Mỹ Latinh. Ở
vùng Thâm Nam Hoa Kỳ, cũng như ở Mỹ Latinh, hai nền văn hóa, hai truyền thống
lịch sử khác nhau, hai chủng tộc khác nhau song song tồn tại - tạo nên một sự đồng
hiện rất khó khăn, đầy định kiến và bạo lực. Quá khứ rất đỗi quan trọng cũng luôn hiện
diện trong cuộc sống đương đại... Từ những điều này, Faulkner đã tạo ra một thế giới
riêng bằng nhiều kỹ thuật và hình thái. Cũng dễ hiểu khi một nhà văn Mỹ Latinh với
những nguồn tư liệu tương tự sẽ thấy hấp dẫn với các kỹ thuật và sáng tạo về hình thái
của Faulkner.(1)

Sức hấp dẫn trong khám phá đa diện của Faulkner về lịch sử và văn hóa, góc nhìn bi
kịch và tài nghệ tiểu thuyết bậc thầy của ông có ảnh hưởng rất sâu rộng. Tuy vậy, tầm ảnh
hưởng của Faulkner và sự hiện diện của ông trong văn học hư cấu Mỹ Latinh vẫn chưa được
đo lường một cách đúng đắn. Mới đây, vào năm 1989, trong cuốn Journeys Through the
Labyrinth: Latin American Fiction in the Twentieth Century, Gerald Martin nói rằng “câu
chuyện về mối liên hệ giữa Faulkner với cả tiểu thuyết mới (Nouveau Roman) của Pháp và
tiểu thuyết mới (Nueva Novela) của Mỹ Latinh vẫn còn nhiều điều để nói”. Để sang một

1. Vargas Llosa, 75.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 69


bên phần tiểu thuyết mới của Pháp, tôi nhất trí với ý kiến của Martin, và nghiên cứu này sẽ
cố gắng cung cấp thông tin và trình bày một phần câu chuyện này.(1)
Bài viết này sẽ bắt đầu với Jorge Luis Borges, nhà văn Mỹ Latinh nhiều thiện cảm với
tiếng Anh nhất. Borges rất ngưỡng mộ văn chương Mỹ và chính ông cũng giới thiệu nhiều
tác gia Mỹ tới người đọc Mỹ Latinh. Ông đã chuyển ngữ rất thần tài tác phẩm Lá cỏ (Leaves
of Grass) của Whitman, các bài phân tích của ông về Emerson, Hawthorne, Poe, Melville và
James vẫn không ai ở Mỹ Latinh có thể vượt qua. Việc ông tiếp nhận và phổ biến các tác gia
Mỹ được minh họa bằng những gì ông làm với Faulkner.

Từ 1937 tới 1939, Borges đã viết bình luận về các tác phẩm The Unvanquished, Absalom,
Absalom! và Cọ hoang (The Wild Palms). Về The Unvanquished, ông viết: “Có những cuốn
sách chạm tới chúng ta như thể biển cả đang ở gần hay buổi sớm ban mai. Với tôi, cuốn
sách này là một trong số đó.” Đánh giá về cuốn Absalom, Absalom!, Borges đã so sánh rất
chính xác hai tiểu thuyết lớn của Faulkner: “Absalom, Absalom! có thể sánh với Âm thanh
và cuồng nộ (The Sound and the Fury). Tôi không biết khen ngợi sao hơn nữa.” Và trong
bình luận về The Wild Palms, ông đưa ra kết luận rất kêu: “William Faulkner là tiểu thuyết
gia hàng đầu trong thời đại chúng ta là một lời khẳng định có thể hiểu được.”(2) Bình luận
cuối là lời khen ngợi rất lớn, nhất là khi nó đến từ một nhà văn đã sáng tác tuyệt phẩm
Ficciones, một trong những kiệt tác của văn học hư cấu thế kỉ 20. Dù Cọ hoang không phải
một trong các công trình chính của Faulkner, tác phẩm vẫn có một vị trí đặc biệt; bản dịch
của Borges (Las palmeras salvajes, 1941) là bước ngoặt trong ngã ba văn chương liên Mỹ.
Emir Rodgriguez Monegal, người viết tiểu sử của Borges đã đánh dấu thời khắc lịch sử này:

Tầm quan trọng của bản dịch này với tiểu thuyết Mỹ Latinh mới là rất đáng kể... Bản
dịch của Borges không chỉ trung thành với bản gốc tiếng Anh mà còn tạo ra văn phong
mới trong tiếng Tây Ban Nha tương ứng với bản gốc. Với nhiều tiểu thuyết gia Mỹ
Latinh trẻ vốn tiếng Anh chưa đủ để đọc bản gốc thì bản dịch của Borges cũng là một
khám phá mới về văn tường thuật. Ở Borges, họ có thể tìm thấy người dẫn đường tốt
nhất vào thế giới tăm tối và căng thẳng của Faulkner. (3)

1. Gerald Martin, Journeys Through the Labyrinth: Latin American Fiction in the Twentieth Century (London: Verso,
1989), 172.
2. William Faulkner: “Three Reviews,” Borges. A Reader. Emir Rodríguez Monegal và Alastir Reid chủ
biên (New York: E.P. Outton, 1981), 92-94.
3. Emir Rodríguez Monegal, Jorge Luis Borges: A Literary Biography (New York: E.P. Dutton, 1978), 372.

70 Z Z Z REVIEW
Mới nhìn qua, có lẽ hơi lạ khi Borges, nhà “điêu khắc” và “pha chế” của những câu
chuyện siêu hình bí ẩn, lại cổ xúy lối kể chuyện cô đọng và thường là không rõ ràng của
Faulkner. Nhưng khi nhìn vào các bài điểm sách ca ngợi Joyce, Kafka và Woolf của ông,
thì việc Borges tiếp nhận Faulkner với lòng nhiệt thành cũng là điều dễ hiểu. Borges
ngưỡng mộ cách dùng ngôn ngữ tài tình, thử nghiệm gan dạ và bước đi táo bạo của
những nhà văn hiện đại chủ nghĩa. Ở Faulkner, ông thấy một nhà văn liều lĩnh, dám
thử nghiệm với cấu trúc tường thuật và một lòng cống hiến cho nghệ thuật văn chương
hư cấu. Dù khác biệt về văn phong và chủ đề, Borges và Faulkner đều là những nghệ
sĩ nguyên bản và cương quyết, không chỉ ảnh hưởng tới văn học của quê hương họ mà
còn để lại di sản cho mọi nhà văn trong giới văn chương. Borges hoan nghênh chào đón
Faulkner và bày tỏ niềm ngưỡng mộ cũng như nhiều tiểu thuyết gia và các nhân vật
chủ chốt khác cùng thế hệ ở Mỹ Latinh như Juan Carlos Onetti, Carlos Fuentes, Mario
Vargas Llosa và Gabriel García Márquez.
Borges không phải là người đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của Faulkner; vinh dự
này thuộc về một người ít tiếng tăm hơn. Bản dịch đầu tiên và tiểu luận phân tích đầu
tiên về Faulkner lại là của nhà văn và nhà phê bình Cuba, Lino Novás Calvo. Novás Calvo
cũng là nhà phê bình Mỹ gốc Tây Ban Nha đầu tiên so sánh Hemingway và Faulkner
(trong bài “Dos escritores norteamericanos”, 1933) để phản ánh sự chia nhánh trong
văn xuôi Mỹ hiện đại và tạo nên hai luồng ảnh hưởng: những người ngưỡng mộ lối văn
xuôi khúc chiết của Hemingway, những người ngưỡng mộ thứ ngôn ngữ và những kỹ
thuật rối rắm khó hiểu của Faulkner và những người ngưỡng mộ (như Novás Calvo)
cả hai tác gia vì những lý do khác nhau. Tuy vậy, hầu hết đều cho rằng Faulkner có ảnh
hưởng lớn lên Novás Calvo. Vào năm 1951 (trước khi Carlos Fuentes và Gabriel García
Márquez xuất hiện), Salvador Bueno nói rằng Novás Calvo là nhà văn Mỹ Latinh bị ảnh
hưởng bởi William Faulkner nhiều nhất. Đáp lại bình luận của Bueno, Novás Calvo
nói rằng “Faulkner nằm trong máu tôi rồi”.(1) Đặt những bình luận có phần phóng
đại như vậy qua một bên, hiển nhiên là bài “El demonio de Faulkner” (1993) (Con
quỷ Faulkner) của Novás Calvo đã khơi nguồn cho các nghiên cứu về Faulkner tại Mỹ
Latinh. Dù Novás Calvo bảo vệ Faulkner trước cáo buộc “bệnh hoạn loạn thần kinh”
và nói rằng góc nhìn bi kịch của Faulkner thường bị hiểu sai: “Những gì người ta gọi
là loạn thần kinh trong sáng tác của Faulkner, thực ra là phẩm chất siêu phàm và khác
thường của ông: sức căng thẩm mỹ uyên thâm và bền bỉ được truyền tải tới người đọc

1. Salvador Bueno, “Nuestros colaboradores,” Américas. 3 (1951): 2.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 71


từ trang đầu tới trang cuối.” Hơn nữa, Novás Calvo cũng tập trung vào các kỹ thuật của
Faulkner, nhấn mạnh vào tính từ “Faulknerian” như một cách thức hư cấu khác lạ, và
mở đường cho danh tiếng của Faulkner như một nhà văn của các nhà văn: “... kỹ thuật
và ngôn ngữ song hành hoàn hảo với chủ đề của ông. Con người Faulkner chính là toàn
bộ các khía cạnh trong trước tác của ông”.(1)

Một năm sau khi bài “El demonio de Faulkner” được xuất bản, bản dịch tác phẩm
Thánh địa tội ác (Santuario) của Novás Calvo ra đời. Cũng dễ hiểu khi việc dịch Thánh địa
tội ác đòi hỏi rất nhiều cố gắng dẫn tới việc đề cao ngôn ngữ và sự phức tạp trong văn phong
của Faulkner. La influencia de William Faulkner en cuatro narradores hispanoamericanos của
James East Irby, nghiên cứu so sánh xuất sắc nhất về Faulkner và Novás Calvo đã coi La luna
nona y otros cuentos (1842) là sản phẩm khởi đầu các thử nghiệm của Novás Calvo với những
kỹ thuật của Faulkner. Cụ thể, Novás Calvo sử dụng người tường thuật “nhân chứng” mà
Faulkner sử dụng trong “Bông hồng cho Emily” (A Rose for Emily). Việc Novás Calvo đánh
giá cao “Bông hồng cho Emily” cũng là một dấu chỉ mốc. “Bông hồng cho Emily” là truyện
ngắn nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của Faulkner; ảnh hưởng tới cả tiểu thuyết gothic Nàng
Aura của Fuentes và các truyện ngắn trong Los funerales de la Mamá Grande của García
Márquez. Irby kết luận phân tích của mình rằng Novás Calvo là một trong những độc giả
nhiệt tình và am tường nhất của Faulkner; đó là điểm hội lưu mang lại kết quả tích cực:
“Phân tích tác phẩm của ông cho thấy rõ ràng rằng ảnh hưởng của Faulkner, cũng như mọi
ảnh hưởng đích thực khác, tạo ra sự tương đồng ngầm và thực hiện một chức năng tích cực,
đóng góp thêm giá trị và sức mạnh cho các tác phẩm của Novas Calvo”.(2)
Ngược lại, tác phẩm đầu tay của Juan Carlos Onetti thì lại thường được cho là ví dụ
tiêu cực nhất về ảnh hưởng của Faulkner. Một nhà phê bình từng viết: “Ở mức độ văn
phong, sự phức tạp của Onetti không phải là nguyên bản. Nó bắt nguồn từ ảnh hưởng của
các nhà văn khác, đặc biệt là Faulkner.”(3) Luis Harss và Barbara Dohmann trong Into the
Mainstream: Conversations with Latin American Writers cũng có lời nhận xét không kém
phần chua cay:

Onetti là tiếng vọng của người thầy có ảnh hưởng to lớn lên ông: Faulkner. Ảnh hưởng
này là hoàn toàn chủ động và có dụng ý, Onetti không thấy lý do gì phải xin lỗi vì điều

1. Lino Novás Calvo, “El demonio de Faulkner,” Revista de Occidente. 39 (1933): 98 - 102.
2. James East Irby, “La influencia de Wiliam Faulkner en cuatro narradores hispanoamericanos.” Thesís: Universiad
Nacional Autónoma de México, 1956, 16.
3. M. lan Adams, Three Authors of Alienation (Austin: U P of Texas, 1975), 39.

72 Z Z Z REVIEW
đó. Nhưng đôi khi nó khiến độc giả khó chịu. Un sueño realizado được tạo nên bởi
những câu văn Faulknerian chảy dài lê thê, góp phần tạo nên bầu không khí biệt lập
của cuốn sách nhưng vì dùng quá nhiều văn phong đi mượn - những phó từ phức tạp,
mệnh đề phụ thừa thãi, mở rộng tính từ một cách không cần thiết - nên đôi khi cũng
bị ảnh hưởng”.(1)

Niềm ngưỡng mộ sâu sắc của Onetti với Faulkner là không thể chối cãi. Ông đã trìu
mến tóm tắt sự kính trọng của mình trong “Requiem por Faulkner” (1962). Trách móc
những bài lược sử về người quá cố của báo giới là thiếu tôn trọng, Onetti ca tụng Faulkner
là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỉ” và so sánh tài năng sử dụng tiếng Anh
của Faulkner ngang với Shakespeare. Onetti cũng nhân dịp này nghĩ về câu hỏi: “Ai là
tiểu thuyết gia Bắc Mỹ quan trọng nhất của thời đại chúng ta?” và nêu ra vấn đề lựa chọn
Hemingway hay Faulkner. Cũng có thể dự đoán được rằng Onetti chọn Faulkner. Nhắc lại
bao năm trời các tác phẩm của Faulkner bị lãng quên và việc ông đã chịu đựng sự ghẻ lạnh
ô nhục ấy thế nào, Onetti tuyên bố rằng Faulkner, với tư cách là một người đàn ông và một
nhà văn, là có một không hai. Onetti kết thúc bài điếu văn của mình với lời cảm ơn “gracias”
đơn giản và đây được coi là một trong những lời bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của
một nhà văn với một nhà văn khác.(2)
Không nghi ngờ gì, nhà văn sớm nắng chiều mưa người Uruguay nhận ra ở Faulkner
một tâm hồn đồng điệu và có chung góc nhìn bi kịch về con người với tác gia người Mỹ.
Rodriguez Monegal nhận xét rằng “Faulkner ảnh hưởng lớn tới Onetti ở cái mà chúng ta
gọi là tầm nhìn về thế giới tiểu thuyết, cách nhìn về mối quan hệ giữa các nhân vật và thế
giới quanh họ”.(3) Cùng quan điểm về tầm nhìn tiểu thuyết này, họ có chung mối quan tâm
về việc sáng tạo tác phẩm hư cấu, với nhiều cách tạo hình và kể chuyện. Nghiên cứu so sánh
của Corina Mathieu-Higginbotham về “Bông hồng cho Emily” của Faulkner và “La novia
robada” của Onetti đã phát hiện ra rằng mối tương đồng bắt nguồn từ sự giống nhau về tài
trí giữa hai nhà văn liên quan tới nhận thức về thực tại và việc sử dụng kỹ thuật như nhau
để tạo nên tác phẩm nghệ thuật.(4)
Lạ là Onetti sau này cũng là một phần trong tranh cãi về ảnh hưởng của Faulkner.

1. Luis Harss và Barbara Dohmann, Into the Mainstream: Conversations with Latin American Writers (New York:
Harper & Row, 1969), 193.
2. Juan Carlos Onetti, “Requiem por Faulkner”, Requiem para Faulkner y otros articulos (Montevideo: Arca Editorial,
1975). 164-167.
3. Irby, “La influencia de William Faulkner en cuatro narradores hispanoamericanos”, 79.
4. Corina Mathieu-Higginbotham, “Faulkner y Onetti: Una visión de la realidad a través de Jefferson y Santa María”,
Hispanofila. 61 (1977): 51-60.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 73


James East Irby và các nhà phê bình khác cho rằng tiểu thuyết El luto humano (1943) của
José Revuelta chịu ảnh hưởng của Khi tôi nằm chết (As I Lay Dying). Tiểu thuyết gia người
Mexico cáu gắt phản pháo rằng ông không chịu ảnh hưởng của Faulkner nhưng thừa nhận
có chịu ảnh hưởng của Onetti.(1) Ta sẽ buộc phải đưa ra lời phản đối: Nếu Revueltas kính
trọng Onetti như thế và Onetti lại coi Faulkner là bậc thầy của mình thì Revueltas cũng
gián tiếp thừa kế Faulkner. Dù chấp thuận lời phủ nhận của Revuelta thì sự hiện diện của
Faulkner ở các nhà văn đã tạo nên cuộc cách mạng cho tiểu thuyết Mexico là không thể
chối cãi.
Trong khoảng thời gian khá ngắn, từ Al filo del agua (1947) của Agustín Yáñez tới La
muerte de Artemio Cruz (1962) của Carlos Fuentes, tiểu thuyết Mexico đã nở rộ. Al filo del
agua (cách nói của người Mexico khi dự báo sắp có bão) tự nó cũng là vật báo hiệu. Fuentes,
người thừa hưởng tác phẩm đột phá của Yáñez coi Al filo del agua (The Edge of the Storm),
(1963) là tác phẩm hạt giống trong sự phát triển của tiểu thuyết Mexico hiện đại. Các độc
giả am tường khác cũng xác nhận đóng góp to lớn của Yáñez: “Al filo del agua, kiệt tác của
Yáñez, đánh dấu bước ngoặt trong văn học hư cấu Mỹ Latinh viết bằng tiếng Tây Ban Nha,
chủ yếu bởi nó lần đầu tiên kết hợp nhiều kỹ thuật văn chương tiên phong... Al filo del agua
là một trong nhiều tác phẩm của những năm 1940 đưa văn học hư cấu Mỹ Latinh viết bằng
tiếng Tây Ban Nha bước vào dòng chảy của văn chương thế giới.”(2)
Chủ đề của Yáñez trong Al filo del agua không mới: mâu thuẫn giữa các chuẩn mực xã
hội và tự do cá nhân, xung đột giữa những thông lệ đã lỗi thời và bản tính tự nhiên của con
người, lực lượng chống đối của nhà thờ và chính phủ với thay đổi mang tính cách mạng.
Thành công của Yáñez là ở chỗ ông đã kể câu chuyện về Cách mạng Mexico (mối quan tâm
quen thuộc trong tiểu thuyết Mexico) theo một cách khác hoàn toàn. Tránh chủ nghĩa
hiện thực theo kiểu tài liệu đã nhàm, Yáñez mượn cấu trúc trong Manhattan Transfer của
Dos Passo và thử nghiệm với kỹ thuật dòng ý thức. Việc Yáñez tiếp thu kỹ thuật mới này rất
rõ ràng trong lối kể chuyện phi tuyến tính và đột ngột chuyển mạch truyện này sang mạch
truyện khác; thực tế nó chính là người đi trước của tiểu thuyết nổi danh Pedro Páramo
(1955) của Juan Rulfo, vốn cũng chịu ảnh hưởng của Faulkner. Thực ra, Al filo del agua là
tiểu thuyết tâm lý; trước đây chưa từng có trong tiểu thuyết Mexico, Yáñez đã sử dụng tài
tình thủ pháp độc thoại nội tâm để bộc lộ tâm lý cá nhân và ý thức tập thể của một vùng
nông thôn, vẽ nên thật sinh động nguyên nhân và tác động của nỗi sợ, sự áp bực và sức nặng
nghẹt thở của truyền thống và lịch sử.

1. Luis Mario Schneider, “Revive la polémica sobre José Revueltas”, Conversaciones con José Revueltas, Jorge
Ruffinelli chủ biên (Xalapa, Mexico: Universidad Veracruzana, 1977), 96-97.
2. George R. McMurray, Spanish American Writing Since 1941 (New York: Ungar, 1987), 31-32.

74 Z Z Z REVIEW
Vì Yáñez chưa bao giờ thừa nhận từng đọc hay chịu ảnh hưởng của Faulkner, các
nhà phê bình chỉ có thể dự đoán: “... điểm tương tác văn chương chính xác giữa Yáñez
và Faulkner là không thể chắc chắn, nhưng có lẽ Yáñez đã học hỏi Faulkner từ tác phẩm
Revista de Occidente, và mối liên hệ với các tiểu thuyết sau này là qua hiệu sách Librería Font
mà Yáñez và các nhà văn trẻ rất hay ghé.”(1) Liều lĩnh hơn nữa, “Analisis comparativo de las
obras de Agustín Yáñez y William Faulkner” của Magali Fernandez, nghiên cứu so sánh về
Al filo del agua và Khi tôi nằm chết, là bản phân tích cấu trúc khá sát, biện hộ cho quan điểm
rằng Manhattan Transfer không phải là hình mẫu và nguồn cảm hứng duy nhất của Yáñez.(2)
Vào năm 1947, Joyce, Woolf, Faulkner và những nhà thực hành kỹ thuật dòng ý thức khác
trong văn học hư cấu đã khá nổi danh trong giới văn chương Mỹ Latinh. Dù trực tiếp hay
gián tiếp, bước tiến tiên phong Joycean và Faulknerian đã chạm tới Yáñez và ông đã đáp lại
bằng một lối viết độc đáo. Tiểu thuyết lớn của Yáñez mang nét “Faulknerian” trong việc sử
dụng dòng ý thức của những con người bị bao vây trong trật tự xã hội đang hấp hối nhưng
vẫn bám chặt vào quá khứ khi bị ném vào vòng xoáy của thế kỉ 20.

1. Joan Lloyd (Hernandez, “The Influence of William Faulkner in Four Latin American Novelists,” luận văn thạc sĩ,
Louisiana State U, 1978, 48.
2. Magali Fernández, “Analisis comparativo de las obras de Agustín Yáñez y William Faulkner,” Homenaje a Agustín
Yáñez. Helmy R. Giacoman chủ biên (Madrid: Las Américas, 1973), 296-317.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 75


Sự đón nhận của Carlos Fuentes dễ đo lường hơn nhiều bởi những bài viết sâu sắc và
đa dạng của ông về Faulkner và trong nhiều bài phỏng vấn hay bài viết mà ông nói về ảnh
hưởng của Faulkner trong tác phẩm của mình. Đáng chú ý hơn cả, Fuentes là người bình
luận thẳng thắn nhất về tình thế khó khăn của văn học Mỹ Latinh và một giải pháp cấp
thiết: “Các tiểu thuyết gia Mỹ Latinh chúng tôi sống trong những đất nước mà mọi điều
còn bỏ ngỏ và cách để nói về những điều ấy vẫn chưa được tìm ra... Nhiệm vụ cốt lõi của
việc khám phá thực tại đã hiển hiện hay còn ẩn giấu sau diện mạo bên ngoài chỉ có thể thực
hiện bằng cách phát minh ra những kỹ thuật mới và phù hợp.”(1) Trong sứ mệnh tìm ra thứ
văn chương linh động có thể nắm bắt được toàn bộ thực tại của Mỹ Latinh, Fuentes tìm
thấy nguồn cảm hứng và một hình mẫu có giá trị ở Faulkner.
Đầu những năm 1960 và trong thời kì đầu của sự nghiệp, Fuentes viết một tiểu luận
rất xuất sắc về Faulkner: “La novela como tragedia: William Faulkner”. Chia sẻ kiến thức
về văn học Mỹ, Fuentes đã rất chính xác khi nói Faulkner khiến ta nhớ tới Poe, Hawthorne,
Melville và trào lưu văn học đi ngược lại chủ nghĩa lạc quan mơ mộng và những thành phần
lý tưởng hóa của Giấc mơ Mỹ. Khi bài viết của Fuentes lần đầu xuất hiện trên Siempre, tạp
chí văn hóa của Mexico City, nó có tên “Entre el dolor y la nada”. Việc chọn lựa kĩ càng
những dòng văn âm vang trong Cọ hoang - Giữa trống rỗng và khổ đau, anh chọn khổ đau
- là đầu mối cho đánh giá của Fuentes về Faulkner. Fuentes mạnh dạn nói rằng: “William
Faulkner là nhà văn Bắc Mỹ đầu tiên tìm thấy các yếu tố của bi kịch - ý thức về sự chia cách
- đến từ chính xã hội Mỹ.” Ông cho rằng cảm thức bi kịch này là điều khiến Faulkner thu
hút sự chú ý của ông và là lý do khiến Faulkner có ảnh hưởng to lớn như vậy. Sự vĩ đại của
Faulkner là ở khả năng vượt qua chủ nghĩa địa phương và tạo ra văn chương toàn cầu, đặc
biệt là khi để “những người bất khuất” cất lên tiếng nói và mang đến cho họ nhân tính bi
kịch:

Vì thế mà tác phẩm của Faulkner rất gần gũi với người Mỹ Latinh chúng tôi; chỉ
Faulkner, từ văn chương Mỹ, chỉ Faulkner, từ thế giới lạc quan và thành công chật hẹp
đó, mới mang đến cho chúng tôi hình dung về sự tương đồng giữa Mỹ và Mỹ Latinh:
hình ảnh của sự thất bại, chia cách, nghi ngờ và bi kịch. (2)

Fuentes nhắc lại điểm quan trọng này trong tác phẩm phê bình lớn của mình: La
nueva novela hispanoamericana (1969): “Trong Faulkner, qua hành trình tìm kiếm những

1. Carlos Fuentes, “Situación del escritor en América Latina,” Mundo Nuevo. 1 (1966): 5-21.
2. Carlos Fuentes, “La novela como tragedia: William Faulkner,” Casa con dos puertas (Mexico: Editorial Joaquín
Mortiz, 1970), 52-78.

76 Z Z Z REVIEW
điều chưa được nói (trên những trang văn bất khả) đầy bi kịch đã sản sinh huyền thoại về
loài người không gục ngã trước thất bại, bạo lực và nỗi thống khổ.”(1)
Điều thú vị nhất trong đánh giá của Fuentes là nỗ lực nói tất cả mọi điều của Faulkner,
ngay cả những điều bất khả. Đề cập tới nhiều tác phẩm (Thánh địa tội ác, Absalom, Absalom!,
Nắng tháng Tám (Light in August)) và cho thấy cách đọc rất chú tâm của mình, Fuentes
phân tích ngôn từ hoa mỹ và phong cách sử dụng tu từ dày đặc của ông. Ông biến “Dixie
Gongorism” (một câu nói mỉa mai của Allen Tate về phong cách của Faulkner) thành một
điều có lợi. Fuentes cho rằng được so sánh với Góngora là một vinh dự và hài lòng bởi nét
baroque kết nối nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại nhất thế kỉ 17 với nhà văn Mỹ vĩ đại nhất thế
kỉ 20. Mười lăm năm sau, Fuentes xác nhận lại điều này và cho rằng Faulkner là một phần
của văn hóa Hispanic: “Faulkner là một trong số chúng tôi, ông ấy thuộc về di sản văn hóa
của chúng tôi... Ngôn ngữ của Faulkner là ngôn ngữ của phong cách baroque, di sản văn
hóa mà chúng tôi cùng chung với ông.”(2)
Fuentes cũng phân tích ngắn gọn các thử nghiệm của Faulkner với thời gian trần
thuật và rất tinh khi nhận ra một trong những thành công lớn nhất của Faulkner. Ông
nhấn mạnh rằng lịch sử chưa bao giờ dành cho Faulkner; trong tiểu thuyết của ông, mọi
thứ đều hiện diện, mọi thứ đều là hiện tại. Fuentes nói lại theo một cách khác những gì
chính Faulkner nói về lịch sử và lối trần thuật tuyến tính: “Chẳng có thứ gì là từng cả. Với
tôi, chẳng con người nào là chính mình mà anh ta là tổng hòa quá khứ của mình. Chẳng có
thứ gì là từng vì quá khứ vẫn đang hiện diện. Nó là một phần của mỗi người đàn ông, mỗi
người phụ nữ và mỗi khoảnh khắc. Gốc gác, nguồn cội của anh ta/cô ta đều là một phần
của họ trong bất kì khoảnh khắc nào.”(3) Trong tác phẩm khác, Fuentes cũng vang vọng ý
tứ cách ngôn của Faulkner: “Quá khứ chết thì không có hiện tại. Quá khứ sống thì luôn có
một ngôn ngữ sống trong hiện tại.” (4)
Đáng chú ý, Fuentes viết “Entre el dolor y la nada” khi đang viết La muerte de Artemio
Cruz (The Death of Artemio Cruz, 1964), tác phẩm khiến ông trở thành một phần của
“Boom” và được quốc tế công nhận. La muerte de Artemio Cruz cho thấy Fuentes đã học
được lối viết Faulknerian về thời gian trần thuật và trình tự xuất hiện. Cũng như Yáñez,
Fuentes kể lại câu chuyện của Cách mạng Mexico và lịch sử bi thương của Mexico hiện đại
trong từng mảnh nhỏ, theo kiểu dòng ý thức. Thử nghiệm mới lạ nhất của Fuentes là đặt

1. Carlos Fuentes, La nueva novela hispanoamericana (Mexico: Editorial Joaquín Mrtiz, 1969).
2. “Dialogo con Carlos Fuentes,” Simposio Carlos Fuentes, Isaac Jack Levy và Juan Loveluck chủ biên (U of South
Carolina, 1978), 215-229.
3. Faulkner in the University. Frederick L. Gwynn và Joseph L. Blotner chủ biên (New York: Random House, 1959),
84.
4. “Discourso inaugural de Carlos Fuentes,” Simposio Carlos Fuentes. 13.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 77


lịch sử cạnh những điều huyền hoặc, tạo ra nhiều lớp thực tại bằng cách chia giọng trần
thuật thành ba giọng nói. Sử dụng ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba và một nút xoắn - giọng nói
quen thuộc ngôi thứ nhất (tu) đóng vai trò như một giọng nói tập thể tố cáo - Fuentes đã
gặp gỡ với Faulkner. Dụng ý là biến quá khứ thành một phần của hiện tại, hiện tại tiếp diễn
của quá khứ và đưa vào ý đồ này một “giọng nói tập thể” đại diện cho thực tại lịch sử lớn
hơn. Fuentes thừa nhận rằng nguồn cảm hứng của ông đến từ điểm nhìn giọng kể tập thể
của Faulkner:

Tôi cũng đọc Faulkner và cách ông dùng ngôi số nhiều như “chúng tôi”. Ví dụ như
“Bông hồng cho Emily” được tường thuật bằng ngôi “chúng tôi”. Thực tế, tôi nghĩ tất
cả các tiểu thuyết của Faulkner đều được tường thuật bởi một giọng nói tập thể. Với
tôi, “tu” rất quan trọng trong việc nhận diện các chủ thể khác, như một phương thức
để nhận diện, có lẽ đó chính là người Mexico - giọng nói tập thể - đã nói với Artemio
Cruz “tu, tu, tu”. (1)

Giọng nói tập thể không phải đặc điểm duy nhất mang nét Faulknerian trong La
muerte de Artemio Cruz. Các đoạn văn theo dòng ý thức - những câu văn tưởng như không
liên quan, nhiều giọng kể nối tiếp nhau trong dòng trần thuật, sự hợp nhất giữa hiện tại
và nhiều tầng quá khứ, nỗ lực của nhân vật đi tìm ý nghĩa hoặc điều vô nghĩa trong những
mảnh vỡ của loài người trong lịch sử - đều khá giống với các đoạn độc thoại của Quentin
Compson trong Âm thanh và cuồng nộ và Absalom, Absalom! Thực tế, có bằng chứng rất rõ
ràng rằng Fuentes rất chú ý tới các bài học của người thầy này, học cách hòa trộn lịch sử và
huyễn hoặc, thời gian và ý thức con người, diễn giải quy trình này qua những ký ức đau đớn.
Thành công và nỗ lực muốn đột phá của Fuentes trong tiểu thuyết Mexico không được
công nhận trên toàn thế giới, những người chê bai quả quyết rằng La muerte de Artemio
Cruz quá cưỡng ép, chỉ là thử nghiệm có chủ đích và mang dấu ấn của Joyce-Faulker quá
rõ. Thực tế, giá trị của La muerte de Artemio Cruz còn phải xem xét, vấn đề ở đây là trong
cuộc tìm kiếm “các kỹ thuật mới và phù hợp”, Fuentes đã tìm thấy những phương thức giá
trị ở Faulkner.
Có một nhà văn khác cùng thế hệ với Fuentes cũng phải vật lộn với “el demonio de
Faulkner”. Ông là người thứ tư đến từ Mỹ Latinh nhận được giải Nobel và là nhà văn Mỹ
Latinh đương đại được ca tụng và được đọc nhiều nhất. Gabriel García Márquez cũng là
nhà văn có mối liên hệ gần gũi nhất với Faulkner và là chủ đề của nhiều nghiên cứu so sánh.

1. “Dialogo con Carlos Fuentes,” 224.

78 Z Z Z REVIEW
Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad) (1967) và việc được vinh danh sau đó đã dấy lên làn
sóng nghiên cứu về García Márquez. Giới phê bình vẫn tranh luận không mệt mỏi. Phần
thư mục rất hữu ích và tóm tắt các ý kiến bình luận của George McMurry có thể tìm thấy
trong Critical Essays on Gabriel García Márquez (1987). Tới nay, The Presence of Faulkner
in the Writings of García Márquez (1980) của Haryley D. Oberhelman vẫn là nghiên cứu
so sánh tham vọng và lập luận chặt chẽ nhất.
Từ năm 1950, khi García Márquez viết cho tờ El Heraldo (Barranquilla, Colombia)
và hờn mát băn khoăn liệu Faulkner có chịu chung số phận bị từ chối giải Nobel như Joyce
hay Woolf hay không, García Márquez đã có mối thâm tình văn chương dài lâu và đầy sóng
gió với Faulkner. Hai trong số rất nhiều bài phỏng vấn cho thấy hai khía cạnh này của mối
quan hệ đó. Khía cạnh đầu tiên được thể hiện trong bài phỏng vấn García Márquez về ảnh
hưởng của Faulkner lên văn học Mỹ Latinh; khía cạnh thứ hai thể hiện trong việc ông buộc
phải thoát khỏi ảnh hưởng của Faulkner. Cuộc nói chuyện giữa García Márquez và Mario
Vargas Llosa thực hiện vài tháng trước khi phát hành Trăm năm cô đơn rất đáng chú ý vì
một vài lý do. Có một lưu ý thường trực rằng người đọc nên tiếp nhận những bình luận
của García Márquez trong các bài phỏng vấn với sự hoài nghi nhất định. Ông vẫn thường
mâu thuẫn với chính mình, rút lại những lời đã nói và có thể rất gian xảo khéo léo trong
các bài phỏng vấn cũng như giới truyền thông nói chung. Tuy vậy, Vargas Llosa lại là ngoại
lệ. Cuốn tiểu sử rất quan trọng của ông, Gabriel García Márquez: Historia de un deicidio
(1971) là tài liệu cơ bản khi nghiên cứu các tác phẩm của García Márquez, và chúng ta có
thể chắc chắn rằng García Márquez rất tôn trọng các câu hỏi đầy sức hấp dẫn của Vargas
Llosa.

Vargas Llosa: Từ góc nhìn về hình thái và kỹ thuật, ông có cho rằng các nhà văn Mỹ
Latinh đương đại nợ các nhà văn châu Âu và Bắc Mỹ nhiều hơn nợ những nhà văn Mỹ
Latinh trước đây không?
García Márquez: Tôi cho rằng món nợ lớn nhất của các tiểu thuyết gia Mỹ Latinh là
với Faulkner... Faulkner là một phần của hoạt động viết tiểu thuyết ở Mỹ Latinh... Tôi
nghĩ khác biệt lớn giữa cha ông và chúng ta, đặc tính duy nhất phân biệt họ và chúng
ta, chính là Faulkner; đó là điều duy nhất xảy ra giữa hai thế hệ.
Vargas Llosa: Theo ông, ảnh hưởng của Faulkner là do đâu? Có phải vì ông ấy là tiểu
thuyết gia quan trọng nhất trong thời đại chúng ta hay chỉ đơn giản vì ông ấy có phong
cách riêng rất khác biệt, vì thế rất dễ bắt chước?
García Márquez: Tôi nghĩ đó chính là phương pháp. Phương pháp “Faulknerian”
rất phù hợp để kể về thực tại của Mỹ Latinh. Chúng ta đã vô thức khám phá ra điều

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 79


này ở Faulkner. Nghĩa là chúng ta sống trong thực tại này và chúng ta muốn viết về
nó, chúng ta biết rằng phương pháp của người châu Âu hay của Tây Ban Nha truyền
thống đều không được, đột nhiên chúng ta thấy phương pháp Faulknerian rất phù
hợp để viết về thực tại này. Thật ra thì cũng không phải xa lạ gì vì tôi không thể quên
rằng Yoknapatawpha sống nhờ vào biển Caribe; xét về góc độ nào đó, Faulkner là nhà
văn Caribe, và ở góc độ nào đó, ông là nhà văn Mỹ Latinh.”(1)

El olor de la guayaba (1982) là chuỗi các buổi trò chuyện rất trung thực, thẳng thắn
của García Márquez với Plinio Apuleyo Mendoza, người cộng sự và cũng là người bạn của
García Márquez. García Márquez tỏ ra rất bực tức vì giới phê bình cứ nói mãi về ảnh hưởng
của Faulkner tới các tác phẩm của ông, nhưng ông cũng nói rằng không thấy phiền gì vì
Faulkner là “một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất mọi thời đại”. Mendoza hỏi: “Khi
chối bỏ ảnh hưởng của Faulkner, chẳng phải ông đã tự buộc mình tội giết cha hay sao?”.
García Márquez phản pháo bằng bình luận cay nghiệt nhất của ông về Faulkner: “Có lẽ vậy.
Vì thế mà tôi đã nói rằng vấn đề lớn nhất của tôi không phải là bắt chước Faulkner thế nào,
mà là hủy hoại ông ta thế nào. Ảnh hưởng của ông ta làm tôi phát điên.”(2)

Quá trình trưởng thành của García Márquez với tư cách là nhà văn rõ ràng có sự giải thoát
khỏi ảnh hưởng của Faulkner. Không như Onetti hay Fuentes, García Márquez không quá
bị lôi cuốn bởi góc nhìn bi kịch của Faulkner; giai đoạn học theo được đánh dấu bởi sự
hứng thú của ông với “phương pháp Faulknerian”. Nghiên cứu chi tiết của Obehelman cho
rằng García Márquez có “nhiều nét Faulknerian ở thời điểm ông bắt đầu viết La hojarasca.”(3)
Giới phê bình đều cho rằng La hojarasca (1955) là tác phẩm mang nét Faulknerian nhất
của García Márquez. Được dịch sang tên Leaf Storm (1976), tiểu thuyết đầu tiên của
García Márquez đã khởi đầu thời đại Macondo (địa điểm hư cấu thường được so sánh với
Yoknapatawpha của Faulkner), và ông đã sử dụng nhiều giọng trần thuật để kể lại những sự
kiện thay đổi thường xuyên trong câu chuyện. Giới phê bình nhất trí rằng cấu trúc tường
thuật của La hojarasca - một người kể chuyện ngôi thứ ba “chúng tôi” và ba người kể chuyện
ngôi thứ nhất - mượn từ Khi tôi nằm chết và nhanh chóng chỉ ra rằng nó cũng kể câu chuyện

1. Gabriel García Márquez y Mario Vargas Llosa, La novela en América Latina: Dialogo (Lina: Carlos Milla Batres
Ediciones, 1968), 51-53.
2. Gabriel García Márquez, El olor de la guayaba: Conversaciones con Plinio Apuleyo Mendoza (Buenos Aires:
Editorial Sudamericana, 1982), 66-67.
3. Harley D. Oberhelman, The Presence of Faulkner in the Writings of García Márquez (Lubbock: Texas Tech U P,
1980), 23.

80 Z Z Z REVIEW
phức tạp về một cuộc mai táng. Không ngạc nhiên khi nó bị cho là một tác phẩm bắt chước
và là tiểu thuyết thất bại đầu tiên: “La horajasca là tác phẩm của một nhà văn chưa vững
tay... Đây là tác phẩm của kẻ mới vào nghề, viết dưới sự ảnh hưởng của những phong cách
và các tiểu thuyết gia khác. Một trong số đó, và cũng là có tầm ảnh hưởng nhất, chính là của
William Faulkner.”(1) Trong đánh giá rộng hơn, Has và Dohmann nhận định rằng García
Márquez đã choáng ngợp trước khám phá của mình và không đủ khả năng điều khiển các
kỹ thuật của Faulkner:

Nếu La hojarasca là một thất bại thì phần nhiều là bởi nó được viết bằng khuôn mẫu
đi mượn chẳng bao giờ có thể trở thành tiếng nói riêng. Cốt truyện và tình huống phụ
chồng chéo, các mốc thời gian rối rắm, tất cả đều ít nhiều được sử dụng qua loa, phá
hỏng mục đích mà đáng ra nó có thể đạt được.(2)

Trớ trêu thay, tiểu thuyết đầu tay của García Márquez bị chê bai lại gợi nhớ đến lời đáp
của Faulkner dành cho những chỉ trích cuốn Mosquitoes rằng đây là cuốn tiểu thuyết thời kì
đầu dở tệ: “Tôi không hề xấu hổ vì nó, bởi nó là gỗ vụn, là những tấm gỗ thô kệch mà người
thợ mộc tạo ra trong lúc học hỏi để để trở thành người thợ mộc tài ba.”(3) La hojarasca bị
coi như những tấm ván sù sì, nhưng nó là bài học cho những ngày đầu của García Márquez
và là bước đi cần thiết để xua đuổi sự hiện diện của Faulkner.
Tiểu thuyết tiếp theo của García Márquez, Ngài đại tá chờ thư (El coronel no tiene
quien le escriba) (1961), là thời điểm chuyển hướng; ông bỏ hết tư trang hoa mỹ mượn
từ Faulkner và bắt đầu hướng đi mới cho mình. Lúc này, quá trình học hỏi của ông được
một người thầy khác dẫn dắt. Những người nghiên cứu sáng tác thời kì đầu của García
Márquez luôn nhắc tới sự chuyển mình sang phong cách Hemingwayesque: “Ngài đại tá
chờ thư được trần thuật theo thời gian tuyến tính, bởi một giọng trần thuật khách quan,
biết tất cả mọi việc và sử dụng văn phong đơn giản gợi nhớ đến Hemingway.”(4) Các văn
bản tiểu sử cũng chứng thực cho đối trọng Faulkner-Hemingway. Vargas Llosa nhắc lại
cách García Márquez đọc Hemingway siêng năng thế nào trong giữa những năm viết La
hojarasca và Ngài đại tá chờ thư, và cuối cùng cũng đơm hoa kết trái: “Phong cách văn xuôi
của La hojarasca đã trải qua thời kì gọt giũa để trở nên tối giản và kỹ thuật được đơn giản

1. Michael Palencia-Roth, Gabriel García Márquez: La linea, el círculo y las metamorfosis de mito (Madrid: Editorial
Gredos, 1987), 33.
2. Harss và Dohmann, Into the Mainstream. 323.
3. Faulkner in the University. 257.
4. George R. McMurray, “The Threat of ‘La Violencia’,’ Critical Essays on Gabriel García Márquez, George R.
McMurray chủ biên (Boston: G.K. Hall, 1987), 80.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 81


hóa nhiều. Thói quen xấu Faulknerian đã biến mất. ‘Nhờ đọc Hemingway, tôi đã đuổi được
chúng đi,’ García Márquez nói đùa.”(1)
García Márquez buồn bã đánh giá hai người thầy của mình trong “Gabriel García
Márquez Meets Ernest Hemingway”. Bài viết theo phong cách báo chí này xứng đáng được
nhắc tới vì nó xuất hiện sau nghiên cứu của Obelhelman và không được đưa vào thư mục
tham khảo của McMurray hay bất kì ai khác. Bài viết xúc động nhắc lại một ngày vào năm
1957 khi ông thấy Hemingway dạo bộ ở đại lộ Paris và nhà báo 28 tuổi đã quá kinh ngạc
tới nỗi chẳng chào hỏi Hemingway hay bày tỏ lòng ngưỡng mộ vô bờ bến của mình. Nhớ
về quá khứ khiến García Márquez nhớ lại hai người thầy của mình cùng với ảnh hưởng sâu
sắc nhưng rất khác nhau của họ trong đời sống văn chương của ông: “Những người thầy
vĩ đại của tôi là hai tiểu thuyết gia Bắc Mỹ dường như chẳng liên quan gì tới nhau. Tôi đọc
mọi thứ mà họ từng xuất bản kể từ đó tới giờ, nhưng không phải để bổ sung cho nhau, mà
trái lại, như hai hình thức riêng biệt, tương khắc, để sáng tác văn chương.” García Márquez
công nhận thành tựu của Faulkner, nhưng cho rằng thật khó để học từ Faulkner vì ông quá
nguyên bản và “những chi tiết nhỏ nhặt” trong văn chương hư cấu của ông là điều bí ẩn,
một bí mật đã cùng Faulkner xuống mồ. Ông kết luận rằng Faulkner là nhà văn truyền cảm
hứng rất lớn, trong khi đó Hemingway là người thợ tài tình hơn và vì thế cũng là người
thầy giỏi hơn:

Trái lại, Hemingway, cảm hứng, đam mê và sự điên rồ ít hơn nhưng với sự mộc mạc
sáng ngời, khiến cho những đinh vít hiển lộ rõ ràng, như thể chúng ở trên những toa
tàu chở hàng không mui. Có lẽ vì thế mà Faulkner là nhà văn gắn bó với tâm hồn tôi,
nhưng Hemingway lại là người dạy tôi cách sáng tác nhiều nhất - không chỉ vì những
cuốn sách của ông, mà vì cả kiến thức uyên thâm về nghệ thuật sáng tác.(2)

Tất nhiên, điều này về sau ông mới nhận ra và không hề phản bác lời ca tụng hồi đầu
của García Márquez: “Lần đầu đọc Faulkner, tôi nghĩ rằng: mình phải trở thành nhà văn.”(3)
Thời kì đi theo Faulkner và Hemingway đều rất ngắn ngủi, sau đó García Márquez tạo nên
thứ văn phong không thể bắt chước được trong tuyệt phẩm Trăm năm cô đơn. Trong những
ngày thanh bình khi ông sống ở Barranquilla, García Márquez và các nhà văn trẻ khác vẫn

1. Mario Vargas Llosa, “García Márquez de Aracataca a Macondo,” Nueve asedios a García Márquez. Mario Benedetti
y otros (Santiago, Chile: Editorial Universitaria, 1971), 126-146.
2. Gabriel García Márquez, “Gabriel García Márquez Meets Ernest Hemingway,” The New York Times Book Review
(26 tháng 7, 1981), 1, 16-17.
3. Harss và Dohmann, Into the Mainstream. 322.

82 Z Z Z REVIEW
kính trọng gọi Faulkner là el viejo (“người cha già”).(1) García Márquez giờ cũng là el viejo;
ông cũng có ảnh hưởng lên một thế hệ các nhà văn và được nhiều người bắt chước. Danh
tiếng của García Márquez nói riêng và sự chú ý dành cho văn chương Mỹ Latinh nói chung
mà ông đã giúp đẩy mạnh là sự công nhận rằng Faulkner đã truyền cảm hứng, khơi gợi và
ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của văn học hư cấu Mỹ Latinh đương đại.
Sự chú ý dành cho những gương mặt lớn như Yáñez, Onetti, Fuentes, Vargas Llosa
và García Márquez, những cây bút đã thay đổi hành trình của văn học hư cấu Mỹ Latinh
và đưa nó tới tiền tiêu của văn chương thế giới đương đại. Tuy vậy, các nhà văn ít được
biết đến hơn, dù bởi các tác phẩm của họ không được dịch và phổ biến ở Bắc Mỹ và châu
Âu hay bởi họ bị lu mờ trước cái bóng quá lớn của những cây bút bậc thầy trong thời kì
“Boom”, ở nhiều mức độ, họ cũng chịu ảnh hưởng của Faulkner. Dấu ấn của Faulkner có
thể thấy trong những truyện ngắn đầu tay của Pedro Juan Soto và tiểu thuyết đầu tay của
nhà văn Puerto Rican, Usmaíl (1959), kết hợp cả chủ đề và văn phong trong cuốn Nắng
tháng Tám của Faulkner. Cuốn Usmaíl: The Puerto Rican Joe Christmas (1973) của Phyliss
Z. Boring nhấn mạnh điểm quan trọng rằng “Tác phẩm của Soto không phải chỉ bắt chước
Faulkner nông cạn, hời hợt... Nó là ví dụ của thứ văn chương hay được Faulkner khơi nguồn
cảm hứng.”(2) Cùng với sự xuất sắc của García Márquez, La casa grande (1962) của Alvaro
Cepeda Samudio, Respirando el verano (1962) của Héctor Rojas đã giúp củng cố đánh giá
của John Brushwood rằng Faulkner có “ảnh hưởng bao trùm” lên tiểu thuyết Colombia.(3)
Ở một tác phẩm khác, Mercedes M. Robles đã biện luận rất thuyết phục trường hợp tiểu
thuyết gia người Chile Manuel Rojas đã đọc và nghiên cứu bản dịch Cọ hoang của Borges
rồi khám phá ra trong tiểu thuyết của Faulkner một kỹ thuật mà sau đó ông đã sử dụng để
đặt những câu chuyện song song bên nhau trong cuốn Punta de rieles (1960).(4) Cuối cùng
là nhà văn người Cuba Reinaldo Arenas, xác nhận ảnh hưởng to lớn của cuốn tiểu thuyết
bất hủ của Faulkner, Âm thanh và cuồng nộ; tiểu thuyết đầu tay của Arena, Celestino antes
del alba (1967) có sử dụng kỹ thuật trần thuật của Faulkner, trong đó có việc sử dụng người
mất trí làm nhân vật tường thuật.
Từ những bờ sông Rio Grande tới Patagonia, từ những vùng nội địa tới các đô thị lớn,

1. “Barranquilla” là nhóm các nhà báo và nhà văn trẻ hay gặp gỡ tại các quán rượu, bàn luận về văn chương và chuyền
tay nhau những bản dịch Faulkner và Hemingway mới nhất. Nhóm này gồm có García Márquez, Alvaro Cepeda
Samudio, Germán Vargas và Alfonso Fuenmayor. Họ được hư cấu thành những người bạn của Aureliano Buendía
trong những trang cuối của tiểu thuyết Trăm năm cô đơn.
2. Phyllis Z. Boring, “Usmaíl: The Puerto Rican Joe Christmas,” College Language Association Journal. 16 (1973):
324-332.
3. John S. Brushwood, The Spanish American Novel: A Twentieth Century Survey (Austin: U P of Texas, 1975). 334.
4. Mercedes M. Robles, “La presencia de ‘The Wild Palms’, de William Faulkner, en ‘Punta de rieles’, de Manuel
Rojas,” Revista Iberoamericana. 45 (1979): 563-571.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 83


trên khắp các vùng địa lý và văn hóa của một lục địa và một phần lục địa khác, Faulkner đã
để lại dấu ấn không thể xóa bỏ lên tinh thần văn chương của Mỹ Latinh. Việc đón nhận và
sự hiện diện của Faulkner được tóm gọn trong kết luận bày tỏ lòng kính trọng của Vargas
Llosa, “Faulkner en Laberinto” (1980): “Escribía en inglés, pero era uno de los nuestros.”
“Ông ấy viết bằng tiếng Anh, nhưng ông ấy là một trong số trong chúng tôi.”(1)

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH


Rio Grande: con sông nằm trên địa phận Đông Nam nước Mỹ và chảy qua Mexico.
Patagonia: phần địa lý cực Nam của Nam Mỹ, gồm một phần Argentina và Chile.
Faulknerian: giống Faulkner, mang phong cách của Faulkner.
Tu: ngôi thứ hai trong tiếng Tây Ban Nha.
Dixie Gongorism: tạm dịch là “kiểu văn phong cầu kỳ của người miền Nam”.
Hemingwayesque: giống Hemingway, mang phong cách của Hemingway.
Joycean: giống Joyce, mang phong cách của Joyce.

1. Mario Vargas Llosa, “García Márquez de Aracataca a Macondo,” Nueve asedios a García Márquez. Mario Benedetti
y otros (Santiago, Chile: Editorial Universitaria, 1971), 126-146.

84 Z Z Z REVIEW
NHÂN SỰ KIỆN DIỆT VONG ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC DỊCH
CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI 2018

Anh chẳng biết quái gì


về tác phẩm của tôi: Đọc
Bernhard ở New York (1)
Gideon Lewis-Kraus
Hoàng Lam dịch

1. Bài viết đăng trên tạp chí n+1: https://nplusonemag.com/online-only/online-only/you-know-nothing-of-my-


work/

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 85


Ít tháng sau lần đầu tiên chuyển tới Berlin, tôi hờ hững xem một chương trình tivi tồi tệ nào
đó cùng với một người bạn Đức khi chúng tôi nấu ăn tối. The Nanny lên sóng và tôi hứng
thú ngừng băm; tôi tò mò không biết họ lồng chất giọng Queens nhịp nhàng mềm mại của
Fran Drescher như thế nào. Qua tiếng Đức giọng cô ấy vẫn có vẻ lanh lảnh và kịch, nhưng
dường như mất đi sự tự khiêm, nồng ấm đầy kiểu cách trong giọng nói mà một người New
York vốn có.
“Tớ tắt thứ rác rưởi này đi được không?” bạn tôi hỏi. “Tất cả những gì mẹ này làm là
than phiền. Cô ta là một ả đĩ được chiều, như một phiên bản đàn bà của gã Jerry Seinfeld
phiền hà của các cậu vậy.”
“Cậu nhầm rồi. Cô ấy than phiền bởi vì tính cô ấy thế, nhưng cô ấy là người tốt. Cô
ấy không phải là ả đĩ, chỉ là dân Do Thái thôi.”
“Thật là bài Do Thái, và tớ sẽ không bao giờ nói như thế về người Do Thái.”
“Không, không hề bài Do Thái một chút nào. Thể hiện tình yêu với thế giới của mình
bằng việc luôn luôn than phiền về nó, đó là cách duy nhất mà một dân Do Thái ở New York
biết làm thế nào để chịu đựng.”
Trông cô ấy thật bối rối. “Đây, để tớ cho cậu xem.” Tôi kể lại đoạn độc thoại mở đầu
phim Annie Hall, trong đó Woody Allen kể chuyện hài kinh điển về hai bà già ở một khu
nghỉ dưỡng Catskills. Người đầu tiên nói, “Đồ ăn ở đây dở ẹc.” Người thứ hai nói, “Chuẩn,
đã thế lại được có tí!”
“Nếu đã chê dở,” bạn tôi nói, “thì chắc chắn không nên phàn nàn suất ít.”
“Quên chuyện đó đi,” tôi nói.

Có hàng mớ lí do tại sao Thomas Bernhard lại được một kiểu trí thức văn chương trẻ Mỹ
nhất định ngày càng mê. Một trong số đó là chúng ta không bao giờ phải gặp gỡ cái khía
cạnh con người ncl của ông ấy; chúng ta thiếu bối cảnh văn hóa của vụ lùm xùm về vở kịch
Heldenplatz; những vấn đề kiện tụng dài về tội phỉ báng và gia đình Bernhard; và những
lời cáo buộc rồi cáo buộc ngược lại thường xuyên về vai trò Nestbeschmutzer (kẻ bôi nhọ
làm nhục gia đình/quốc thể) của ông. (Điều này - thực tế rằng chúng ta chưa bao giờ phải
thấy Bernhard trên tivi hay đọc về ông trên báo chí diễn vai một gã văn nhân hư hỏng khốn

86 Z Z Z REVIEW
nạn - có lẽ cũng góp phần vào, chẳng hạn, việc Bret Easton Ellis được tung hô nhiệt liệt ở
Châu Âu hơn ở quê nhà). Lý do khác đó là tác phẩm của Bernhard, đặc biệt là từ 1975, làm
mờ các ranh giới giữa thực tế và hư cấu, hồi ký và tiểu thuyết, theo một cách rất hợp thời
với những người đọc tiếng Anh. (Chuyện này cũng tương tự như việc danh tiếng của W. G.
Sebald bên này bên kia Đại Tây Dương trái ngược nhau, hay của nhà báo Ba Lan Ryszard
Kapuściński vậy.)
Nhưng tôi ngờ rằng nguyên nhân chính chúng ta đã bắt đầu thích Bernhard theo kiểu
khiến dân nói tiếng Đức ngạc nhiên là từ lâu rồi chúng ta đã dần quen với những khoái
lạc lớn mà nhà văn Anh Geoff Dyer đã gọi là “thứ văn chương của sự suy nhược thần kinh,
lo âu, cáu kỉnh, than phiền.” Dân New York rất có khả năng coi nó thuộc truyền thống đi
từ Groucho Marx tới Woody Allen tới những ả đĩ như Fran Drescher, nhưng chính Dyer
- nhờ mồm loa mép giải gào lên, chẳng hạn như, thật đau đớn làm sao khi phải nhịn loại
bánh rán ông thích, đã dạy cho thế hệ chúng ta cách đọc Bernhard - thấy đó cũng thuộc về
cái truyền thống Anh chẳng kém gì, qua Philip Larkin và John Osborne ngược về lại tới tận
D. H. Lawrence.
Thế nên, cả dân London và New York đều đặc biệt thấy Bernhard vui nhộn theo một
cách mà độc giả Đức không thấy được. Không phải tất cả những gì của Bernhard đều buồn
cười - những cuốn sách thời kỳ đầu, không kể đoạn độc thoại điên rồ của Hoàng thân
Saurau ở cuối cuốn Verstörung, đều quá nặng nợ những kẻ loạn thần kinh như Georg Trakl
đến mức không thể gây cười được - nhưng những cuốn hao hao tiểu thuyết ở giai đoạn
chín muồi mà người Mỹ có xu hướng đọc nhiều nhất thì hài kinh khủng; bộ tứ bốc phét
Wittgensteins Neffe, Der Untergeher, Holzfällen: Eine Erregung (Đốn hạ), và Alte Meister
đều là những trận lảm nhảm hài hước mà chúng ta đều có thể ngay lập tức thấy những
người dẫn chuyện đầy giận dữ trong đó là bản sao của những Lenny Bruce và Larry David.
Đương nhiên những diễn viên hài Mỹ này tuổi gì mà sánh nổi với với sự hằn học của những
người dẫn chuyện của Bernhard, nhưng cũng phải nói thêm Larry David cũng chưa từng
phải sống ở một đất nước đã bầu cho Kurt Waldheim làm tổng thống bao giờ.
Đặt sang một bên mặt cực kỳ độc địa, thì những nhân vật của Bernhard mê mẩn trò
nhai đi nhai lại cay độc của họ. Người dẫn chuyện của Der Untergeher dành hơn một đoạn
văn liệt tên các thành phố của Thụy Sĩ, và lần lượt gọi chúng là “nhà thổ” trước khi nhắc đến
vùng quê, nơi hắn chẳng thích thú gì hơn. “Bọn về quê để đi dạo là bọn đi thẳng vào đám
tang của chính mình ở vùng quê mà chí ít thì bọn nó cũng trải qua một đời tồn tại kệch
cỡm, đầu tiên là sống ngu, sau đó là chết xuẩn.” Hay trong khi ngồi trên một cái ghế bành ở
cái “gọi là dạ tiệc nghệ sĩ” mà Đốn hạ lấy làm bối cảnh, người dẫn chuyện của Bernhard nghĩ
về cây viết Jeannie Billroth, chủ trì của một tạp chí, “một thứ tạp chí vô giá trị, đần độn,
nhàm chán từ trong ra ngoài, tuy được cái nhà nước đáng ghét, đáng tởm và cực kỳ lẩn thẩn

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 87


này tài trợ, đã thế nó lại chỉ đăng tải những thứ của nợ, nhạt nhẽo và đần độn nhất đời, mà
trước hết là các bài thơ của Jeannie Billroth, một con người chẳng những chỉ tưởng mình là
kẻ kế thừa, thậm chí kẻ vượt lên trên Virginia Woolf không thôi, mà còn tự cho mình làm
người thừa kế trực tiếp và trội hơn cả Droste, nữa kia, con người đinh ninh mình đã viết nên
những vần thơ tuyệt nhất nước Áo.”(1) Bernhard hoắng hết cả lên vì cái kiểu lên mặt ta đây của
cô ta đến nỗi bạn có thể thấy niềm khoái cảm của ông cuồn cuộn dâng trào khi hạ từ “chẳng
những... mà còn” sang “trực tiếp... và” và thấy điều đó trong đoạn in nghiêng của ông.
Phải mất tới 125 trang bỉ bôi đầy hoa mĩ kiểu này trong Đốn hạ chúng ta mới biết
được rằng người dẫn chuyện đã từng yêu cô Jeannie Billroth kia, khi cuối cùng anh ta tự
kinh tởm chính mình mà thú nhận rằng “chúng ta cũng chẳng hề tốt đẹp hơn những người
như thế, những người ta lúc nào cũng cảm thấy ghê tởm và đáng ghét.”(2) Chỉ khi đó chúng
ta mới hiểu rằng cơn giận dữ tam bành đến nực cười của người dẫn chuyện chỉ vừa đủ để
ngăn chặn nỗi tuyệt vọng. Những người dẫn chuyện của Bernhard không ghét thế giới; họ
quá yêu nó tới mức thấy không thể chịu đựng nổi nó. “Gần như tất cả mọi người,” Bernhard
từng viết, “đều hủy hoại bản thân mình vì vừa thù ghét vừa lại ngưỡng mộ.” Thứ duy nhất
có thể ngăn chúng ta khỏi hủy hoại bản thân là hài kịch hiểu được sự phi lý bằng cách oán
hận. Bernhard không phải là một kẻ ghét người, ông chỉ muốn suất to hơn.

1. Đốn hạ, Hoàng Đăng Lãnh dịch, Tao Đàn xuất bản, 2018, trang 49.
2. Đốn hạ, trang 257-8.

88 Z Z Z REVIEW
2666 (1)

(trích dịch)
Roberto Bolaño
Quân Khuê dịch

1. PHẦN VỀ CÁC NHÀ PHÊ BÌNH

Lần đầu tiên Jean-Claude Pelletier đọc Benno


von Archimboldi là vào Giáng sinh năm 1980,
ở Paris, khi anh mười chín tuổi và đang theo học
văn chương Đức. Đó là cuốn D’Arsonval. Chàng
Pelletier trẻ tuổi ngày ấy đã không nhận ra rằng
cuốn tiểu thuyết là một phần của một bộ ba
(gồm Khu vườn, với chủ đề nước Anh và Chiếc
mặt nạ da, chủ đề Ba Lan, cùng D’Arsonval, rõ
ràng mang chủ đề Pháp), nhưng sự thiếu hiểu
biết, sơ suất hay khiếm khuyết về thư mục này,
chẳng qua chỉ vì anh còn quá trẻ, không làm vơi
đi chút nào sự kỳ diệu và lòng ngưỡng mộ mà
(Ảnh của Farisori. Giấy phép: CC BY-SA 3.0) cuốn tiểu thuyết khuấy động trong anh.

1. Tác phẩm đã được Nhã Nam mua bản quyền dịch, bản dịch của Quân Khuê và Nguyệt Vô Ảnh dự kiến được phát
hành trong năm 2019.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 89


Từ ngày đó trở đi (hay từ những giờ khắc tinh mơ khi anh kết thúc sự đọc thơ trẻ của
mình) anh trở thành một nhà nghiên cứu Archimboldi nhiệt thành và khởi cuộc kiếm tìm
thêm những tác phẩm khác của tác giả này. Đó chẳng phải là công việc dễ dàng. Tìm được
sách của Benno von Archimboldi trong thập niên 80, kể cả ở Paris, là một nỗ lực đầy ắp khó
khăn. Trong khoa tiếng Đức trường đại học hầu như không tìm thấy tham chiếu nào đến
Archimboldi. Các giáo sư của Pelletier chưa bao giờ nghe nói tới ông. Một vị bảo nghe tên
quen quen. Mười phút sau, Pelletier bực bội (và kinh hoàng) nhận ra người mà giáo sư của anh
nghĩ đến là một họa sĩ Ý, và vị giáo sư cũng nhanh chóng bộc lộ là chẳng biết gì về người đó.
Pelletier viết thư cho nhà xuất bản in cuốn D’Arsonval ở Hamburg nhưng không nhận
được phản hồi. Anh cũng sục sạo mấy nhà sách tiếng Đức ít ỏi mà anh có thể tìm thấy ở
Paris. Cái tên Archimboldi xuất hiện trong một từ điển văn học Đức và trong một tạp chí
của Bỉ dành cho - chẳng rõ nghiêm túc hay đùa, anh không bao giờ biết được - văn chương
Phổ. Năm 1981, anh cùng ba người bạn trong khoa tiếng Đức có một chuyến đi đến vùng
Bavaria, và ở đó, trong một tiệm sách nhỏ ở Munich, trên đường Voralmstrasse, anh tìm
được hai cuốn nữa: một cuốn mỏng tên là Kho báu của Mitzi, chưa tới trăm trang, và cuốn
tiểu thuyết chủ đề nước Anh đã nhắc ở trên, Khu vườn.
Đọc hai tiểu thuyết này chỉ củng cố thêm nhận định anh đã có về Archimboldi. Năm
1983, ở tuổi hai mươi hai, anh bắt tay vào dịch D’Arsonval. Không ai yêu cầu anh làm việc
này. Vào thời điểm đó, không nhà xuất bản nào ở Pháp quan tâm đến việc in tác giả người
Đức có cái tên buồn cười ấy. Pelletier bắt tay dịch cuốn sách là bởi anh thích nó, và bởi anh
thích công việc dịch thuật, mặc dù anh cũng từng nghĩ có thể nộp bản dịch, kèm bài giới
thiệu nghiên cứu về tác phẩm của Archimboldi, thành luận văn của mình, và - tại sao không
nhỉ - như là nền tảng cho luận án tương lai của anh.
Anh hoàn thành bản thảo dịch cuối cùng vào năm 1984, và một nhà xuất bản ở Paris,
sau nhiều tranh cãi và ý kiến trái ngược nhau, đồng ý xuất bản Archimboldi. Dường như
thoạt tiên người ta nghĩ cuốn tiểu thuyết không thể bán quá một nghìn bản, vậy mà ba
nghìn bản in đầu bán sạch veo sau một số bài điểm sách mâu thuẫn, tích cực, thậm chí nồng
nhiệt, dọn đường cho việc in lần thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đến khi đó Pelletier đã đọc được
mười lăm cuốn của nhà văn Đức, dịch thêm hai cuốn nữa, và gần như được thống nhất thừa
nhận là người có thẩm quyền vượt trội về Benno von Archimboldi trên toàn nước Pháp.

* * *

Đến khi ấy Pelletier đã có thể hồi tưởng về ngày anh đọc Archimboldi lần đầu tiên, và anh
nhìn thấy mình, trẻ trung và nghèo kiết, sống trong một căn phòng trên gác xép, dùng
chung bồn để rửa mặt đánh răng với mười lăm người khác cùng chia căn gác tối tăm, đi ỉa

90 Z Z Z REVIEW
trong một cái toa lét kinh tởm và bẩn thỉu giống như hố tiêu hay hầm phân hơn, cũng dùng
chung với mười lăm cư dân của căn gác, vài người trong bọn đã quay về tỉnh, với mảnh bằng
đại học trong tay, hay đã chuyển tới những chỗ tiện nghi hơn chút đỉnh ở ngay Paris, hay
vẫn còn ở lại đó - chỉ ít người trong bọn - sống mòn hay chết dần vì kinh tởm.
Anh thấy mình, như ta đã nói, khổ hạnh còng lưng bên những cuốn từ điển tiếng Đức
dưới cái bóng đèn duy nhất nhờ nhờ sáng, gầy gò và bền bỉ, như thể anh chỉ là ý chí thuần
khiết làm thành xương, thịt và cơ mà không có lấy một gam mỡ nào, đầy đam mê và quyết
chí để thành công. Một hình ảnh khá bình thường của sinh viên ở thủ đô, nhưng có tác
dụng với anh như thuốc, một loại thuốc khiến anh ứa nước mắt, một loại thuốc (như một
nhà thơ Hà Lan trữ tình thế kỷ mười chín đã nói) mở toang những cánh cửa chặn cơn lũ
cảm xúc, cũng như cánh cửa chặn lại một điều gì đó thoạt trông giống hệt tủi thân nhưng
không phải (nó là cái gì? thịnh nộ ư? rất có thể), khiến trong đầu anh trở đi trở lại, không
phải bằng từ ngữ mà bằng những hình ảnh đau đớn, quãng thời gian tập sự thời trẻ, và sau
có lẽ là một đêm dài vô vị anh buộc phải đi tới hai kết luận: thứ nhất, cuộc đời mà anh đã
sống đến giây phút này đã qua rồi; thứ hai, một sự nghiệp rỡ ràng đang mở ra trước mặt
anh, và để duy trì ánh hào quang của nó anh phải kiên định trong quyết tâm của mình, thề
có căn gác xép. Điều này có vẻ tương đối dễ.

* * *

Jean-Claude Pelletier sinh năm 1961 và tới năm 1986 anh đã là giáo sư tiếng Đức ở Paris.
Piero Morini sinh năm 1956, ở một thị trấn gần Naples, và mặc dù lần đầu anh đọc Benno
von Archimboldi là năm 1976, trước Pelletier bốn năm, mãi tới năm 1988 anh mới dịch
tiểu thuyết đầu tiên của tác giả Đức này, Bifurcaria Bifurcata, cuốn sách ra đời và hầu như
chìm lỉm trong các tiệm sách nước Ý.
Phải nói rằng tình hình Archimboldi ở Ý rất khác so với Pháp. Vì một lẽ, Morini
không phải là dịch giả đầu tiên của ông. Chuyện là, tiểu thuyết đầu tiên rơi vào tay Morini
là bản dịch của cuốn Chiếc mặt nạ da do một người tên là Colossimo dịch cho nhà Einaudi
năm 1969. Ở Ý, theo sau Chiếc mặt nạ da là cuốn Những dòng sông châu Âu năm 1971, Di
sản năm 1973, và Sự hoàn hảo đường tàu năm 1975; trước đó, năm 1964, một nhà xuất bản
ở Rome đã cho ra đời một tuyển tập hầu hết là các truyện ngắn về chiến tranh, nhan đề Thế
giới ngầm Berlin. Vậy có thể nói Archimboldi không hoàn toàn xa lạ ở Ý, mặc dù khó có
thể cho rằng ông thành công, hay tương đối thành công, hay thậm chí thành công chút ít.
Thực tế, ông là một thất bại tuyệt đối, một tác giả của những cuốn sách mòn mỏi nằm trên
những giá kệ bụi bặm nhất trong các nhà sách, hoặc còn tồn hay bị lãng quên trong nhà kho
các nhà xuất bản trước khi bị đem đi nghiền.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 91


Morini, dĩ nhiên, không nao núng với việc công chúng Ý hầu như không quan tâm gì
đến tác phẩm của Archimboldi, và sau khi dịch Bifucaria Bifurcata anh viết hai bài nghiên
cứu về Archimboldi cho tạp chí ở Milan và Palermo, một bài về vai trò của định mệnh trong
Sự hoàn hảo đường tàu, và bài kia về những cái lốt của lương tâm và tội lỗi trong Lethaea, về
bề mặt là tiểu thuyết phong tình, và trong Ngài Bitzius, một tiểu thuyết dài chưa tới trăm
trang, trong chừng mực nào đó có nhiều điểm tương tự Kho báu của Mitzi, cuốn sách mà
Pelletier đã tìm thấy trong một tiệm sách cũ kỹ ở Munich, cuốn sách kể câu chuyện về cuộc
đời của Albert Bitzius, mục sư xứ Lutzelflüh, thuộc tổng Bern, tác giả của các bài giảng đạo
đồng thời là một nhà văn với bút danh Jeremiah Gotthelf. Cả hai bài đều được đăng, và khả
năng hùng biện hay sức rù quến của Morini trong việc giới thiệu hình ảnh Archimboldi
đã vượt qua mọi trở ngại, và năm 1991 bản dịch thứ hai của Piero Morini, lần này là cuốn
Thánh Thomas, được xuất bản ở Ý. Đến khi ấy, Morini đang dạy văn chương Đức ở Đại học
Tổng hợp Turin, các bác sĩ chẩn đoán anh bị đa xơ cứng, và anh đã gặp phải một tai nạn lạ
kỳ và ngoạn mục khiến anh vĩnh viễn gắn với xe lăn.

* * *

Manuel Espinoza đến với Archimboldi bằng một con đường khác. Trẻ tuổi hơn Morini và
Pelletier, Espinoza nghiên cứu văn chương Tây Ban Nha, không phải văn chương Đức, ít
nhất trong hai năm đầu đại học, bởi vì, bên cạnh những nguyên nhân buồn bã khác, anh
mộng trở thành nhà văn. Các tác giả Đức mà anh có (chút ít) quen thuộc là ba con người
vĩ đại: Hölderlin, vì lúc mười sáu tuổi anh nghĩ định mệnh sắp đặt cho anh trở thành thi
sĩ và anh đã ngấu nghiến mọi tập thơ tìm được; Goethe, vì năm cuối cấp hai một giáo viên
có tính hài hước giới thiệu anh đọc Nỗi đau của chàng Werther, mà anh sẽ tìm thấy trong
nhân vật chính một tinh thần gần gũi; và Schiller, bởi vì anh đã đọc một trong những vở
kịch của ông. Sau này anh phát hiện ra tác phẩm của một tác giả hiện đại, Jünger, anh đã
làm quen với ông bằng cách thẩm thấu hơn mọi cách nào khác, vì các nhà văn Madrid mà
anh ngưỡng mộ (và trong sâu xa ghét cay ghét đắng) không ngớt nói về Jünger. Vậy có thể
nói rằng Espinoza chỉ quen thuộc với mỗi một tác giả Đức và người đó là Jünger. Đầu tiên
anh nghĩ tác phẩm của Jünger thật tuyệt diệu, và vì nhiều đầu sách của tác giả này đã được
dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Espinoza tìm và đọc tất không khó khăn gì. Anh đã mong nó
bớt dễ dàng hơn một chút. Trong khi đó, nhiều người anh quen không chỉ là người hâm
mộ Jünger; một vài người còn là dịch giả của Jünger nữa, tuy nhiên Espinoza không quan
tâm mấy đến chuyện đó, vì vinh quang mà anh thèm muốn là vinh quang của tác giả, không
phải của dịch giả.
Năm tháng trôi qua, lặng lẽ và tàn nhẫn như thường lệ, Espinoza vấp phải vài sự không

92 Z Z Z REVIEW
may khiến anh thay đổi cách suy nghĩ. Ví dụ như, chẳng lâu la gì, anh đã phát hiện ra nhóm
hâm mộ Jünger chẳng hâm mộ Jünger như anh từng nghĩ, thay vào đó, như mọi nhóm văn
chương, họ ngả nghiêng theo mùa. Thu, đúng, họ ái mộ Jünger, nhưng đông tới họ thình
lình chuyển sang mê Baroj và xuân về chuyển sang cuồng Ortega, và vào mùa hè thậm chí
họ rời khỏi điểm hẹn ở quán bar để đổ ra đường ngâm nga những vần thơ đồng quê vinh
danh Camilo José Cela, một điều mà chàng Espinoza trẻ tuổi, về căn bản yêu nước, hẳn sẽ
sẵn sàng đón nhận vô điều kiện nếu những biểu hiện đó được khởi đầu trên một tinh thần
ham vui, hội hè, nhưng lại không tài nào có thể coi chuyện đó là hoàn toàn nghiêm túc
được như kiểu các nhà hâm mộ Jünger giả hiệu.
Tồi tệ hơn, anh khám phá ra các thành viên trong nhóm nghĩ gì về những thử sức
của anh đối với mảng tiểu thuyết. Ý kiến của họ tiêu cực đến nỗi có những lúc - ví dụ như
những đêm không ngủ được - anh bắt đầu hết sức nghiêm túc nghi ngại liệu có phải họ
đang đóng trò vờ vịt để gạt anh ra, để anh ngừng quấy rầy họ, không bao giờ thò mặt ra nữa.
Thậm chí tồi tệ hơn nữa là khi Jünger xuất hiện bằng xương bằng thịt ở Madrid và
hội ái mộ Jünger tổ chức một chuyến đi đến El Escorial cho ông ấy (một ý thích lạ lùng của
bậc thầy, viếng thăm El Escorial), và khi Espinoza cố tham gia chuyến tham quan, bằng bất
cứ tư cách nào cũng được, anh bị khước từ vinh dự đó, như thể các nhà hâm mộ Jünger
xem anh không đáng làm một phần của nhóm bảo vệ tác giả người Đức, hoặc họ sợ anh,
Espinoza, có thể làm họ xấu hổ vì một bình luận ngây ngô, kỳ cục nào đó, mặc dù cách giải
thích chính thức được đưa ra (có lẽ vì động cơ khoan dung chăng) là anh không nói được
tiếng Đức trong khi mọi người khác đi dã ngoại với Jünger đều nói được.

* * *

Đó là đoạn kết mọi mối quan hệ giữa Espinoza với hội Jünger. Và đó cũng là khởi đầu của
sự cô đơn và một dòng (hay trận lũ) bền bỉ của những quyết định, thường xuyên trái ngược
nhau và bất khả thực hiện. Thời gian ấy chẳng phải là những đêm thoải mái, mà kém dễ
chịu hơn nhiều, nhưng Espinoza khám phá ra hai thứ giúp anh vô cùng nhiều trong những
ngày chập chững ấy: anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn, và, theo cách riêng của mình,
anh dũng cảm.
Anh cũng khám phá ra rằng mình là kẻ cay đắng và đầy oán giận, rằng từ anh rỉ ra niềm
oán giận, và rằng anh có thể dễ dàng hạ sát ai đó, bất kỳ ai, nếu điều ấy mang đến cho anh
một lối thoát khỏi sự cô đơn cũng như khỏi mưa và cái lạnh của Madrid, nhưng đây cũng
là một khám phá mà anh thà giấu kín. Thay vào đó, anh tập trung vào nhận thức rằng mình
sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn và vào việc làm mọi thứ có thể dựa trên lòng dũng
cảm mới khơi lộ của mình.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 93


Anh tiếp tục học đại học, nghiên cứu văn học Tây Ban Nha, nhưng cùng lúc ghi danh
ở khoa tiếng Đức. Mỗi đêm anh ngủ bốn hay năm tiếng, thời gian còn lại anh ngồi vào bàn.
Trước khi hoàn tất bằng văn học Đức, anh viết một tiểu luận hai mươi trang về mối quan
hệ giữa Werther và âm nhạc, bài được đăng trên một tạp chí văn chương Madrid và một tạp
chí đại học ở Göttingen. Đến năm hai mươi lăm tuổi, anh đã xong cả hai bằng. Năm 1990,
anh nhận bằng tiến sĩ văn học Đức với luận án về Benno von Archimboldi. Một nhà xuất
bản ở Barcelona phát hành luận án này một năm sau đó. Đến khi ấy, Espinoza đã thường
xuyên hiện diện tại các hội nghị và bàn tròn về văn học Đức. Khả năng tiếng Đức của anh
nếu không phải xuất sắc thì cũng hơn mức trung bình nhiều. Anh còn nói được tiếng Anh
và Pháp. Cũng như Morini và Pelletier, anh có một công việc tốt và thu nhập đáng kể, và
anh được sinh viên cũng như đồng nghiệp tôn trọng (trong chừng mực có thể). Anh chưa
bao giờ dịch Archimboldi hay bất cứ tác giả Đức nào khác.

* * *

Ngoài Archimboldi, có một điểm nữa mà Morini, Pelletier và Espinoza cùng chia sẻ. Cả ba
đều có ý chí sắt đá. Thật ra, họ còn một điểm chung nữa, nhưng ta sẽ nói chuyện đó sau.
Liz Norton, mặt khác, không phải kiểu mà người ta thường gọi là một phụ nữ nhiều
động cơ, ý là cô không vạch ra những kế hoạch dài hạn hay trung hạn và toàn tâm toàn ý
thực hiện những kế hoạch đó. Cô không có phẩm chất nào của một người tham vọng. Khi
đau khổ, nỗi đau của cô hiển hiện rõ ràng, và khi hạnh phúc, niềm hạnh phúc cô cảm nhận
cũng lây lan. Cô không có khả năng đặt ra cho mình một mục tiêu và nỗ lực đều đặn hướng
tới mục tiêu ấy. Ít nhất, chẳng mục tiêu nào hấp dẫn hay cuốn hút đủ cho cô theo đuổi nó
tới cùng. Dùng theo nghĩa cá nhân, cụm từ “đạt một mục đích” với cô dường như là một
cạm bẫy hẹp hòi. Cô ưa từ đời sống, và, trong những dịp hiếm hoi, từ hạnh phúc. Nếu tự do ý
chí bị ràng buộc vào những mệnh lệnh xã hội, như William James tin tưởng, và do đó tham
chiến còn dễ hơn bỏ thuốc lá, người ta có thể nói rằng Liz Norton là dạng phụ nữ thấy bỏ
thuốc dễ hơn là tham chiến.
Cô từng nghe nói chuyện này hồi còn là sinh viên, và cô yêu thích điều ấy, mặc dù nó
chưa bao giờ khiến cô đọc William James. Với cô, việc đọc sách kết nối trực tiếp tới niềm
lạc thú, chứ không phải tới kiến thức, những bí ẩn, các cấu trúc hay mê cung ngôn từ, như
Morini, Espinoza và Pelletier tin phải là thế.
Việc khám phá ra Archimboldi của cô là ít chấn động nhất, kém thi vị nhất so với mọi
người. Năm 1988, trong thời gian ba tháng sống ở Berlin, khi ấy cô hai mươi tuổi, một
người bạn Đức cho cô mượn một tiểu thuyết của một tác giả cô chưa bao giờ nghe tới. Cái
tên làm cô thắc mắc. Sao có thể thế được, cô hỏi người bạn, rằng lại có một nhà văn Đức

94 Z Z Z REVIEW
mang họ Ý, nhưng có chữ von đứng trước, thể hiện ít nhiều tính quý tộc? Người bạn Đức
của cô không có câu trả lời. Đó có thể là bút danh, anh nói. Và để khiến sự việc thậm chí lạ
lùng hơn, anh nói thêm, ở Đức tên đàn ông kết thúc bằng nguyên âm không phổ biến. Khá
nhiều tên phụ nữ kết thúc như thế. Nhưng chắc chắn không phải tên đàn ông. Cuốn tiểu
thuyết tên là Người đàn bà mù, cô thích nó, nhưng không nhiều đến mức khiến cô lao ra
đường mua tất cả thứ khác mà Benno von Archimboldi từng viết.

* * *

Năm tháng sau, quay lại Anh, Liz Norton nhận được qua đường bưu điện một món quà
từ người bạn Đức của mình. Như mọi người có thể đoán ra, đó là một tiểu thuyết khác
của Archimboldi. Cô đọc, thích cuốn sách, nên đến thư viện trường tìm thêm sách của tác
giả người Đức có tên Ý này, và tìm được hai cuốn: một là cuốn cô đã đọc ở Berlin, và cuốn
kia là Ngài Bitzius. Việc đọc cuốn sau thực sự khiến cô lao ra đường. Mưa đang trút xuống
khoảnh sân, và bầu trời trong sân trông như vẻ chau mày của một con robot hay một vị thần
hình dạng giống chúng ta. Những giọt mưa chênh chếch trượt xuống những lá cỏ trong
công viên, nhưng nếu nó có trượt ngược lên thì cũng không có gì khác biệt. Rồi những
(giọt) chênh chếch biến thành (giọt) tròn trịa, bị mặt đất bên dưới bãi cỏ nuốt chửng, rồi
bãi cỏ và mặt đất dường như trò chuyện với nhau, không, không phải trò chuyện, mà cãi cọ,
những từ ngữ không thể hiểu được của chúng như những mạng nhện kết tinh hay những
bãi nôn kết tinh lại trong thoáng chốc, tiếng xao xác gần như không nghe được, như thể
thay vì chiều hôm đó uống trà, Norton đã uống một cốc peyote(1) bốc hơi nghi ngút.
Nhưng sự thật là cô chỉ có mỗi trà để uống và cô cảm thấy mình bị ngập chìm, như thể
ong ong trong tai cô một giọng nói lặp đi lặp lại một lời cầu nguyện kinh khủng, mà ngôn
từ của lời cầu nguyện ấy nhòe dần khi cô cuốc bộ ra khỏi trường, mưa làm ướt chiếc váy
xám, ướt đôi đầu gối xương xẩu, mắt cá chân xinh xắn và tất tật, bởi trước khi Liz Norton
chạy vào công viên, cô đã quên mang theo dù.

* * *

Lần đầu tiên Pelletier, Morini, Espinoza và Norton gặp nhau là ở một hội nghị văn học
Đức đương đại tổ chức ở Bremen năm 1994. Pelletier và Morini từng gặp nhau trước đó, tại
hội thảo văn học Đức tổ chức ở Leipzig năm 1989, khi Cộng hòa Dân chủ Đức đang ngắc

1.. Peyote: Một loại xương rồng Nam Mỹ, chiết xuất của nó có tác dụng gây ảo giác.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 95


ngoải, và họ gặp nhau lần nữa tại hội nghị văn học Đức tổ chức ở Mannheim tháng Mười
hai năm đó (một thảm họa, bởi khách sạn tồi, thức ăn tồi, tổ chức thì nhộm nhoạm). Tại
một diễn đàn văn học Đức hiện đại ở Zurich năm 1990, Pelletier và Morini gặp Espinoza.
Espinoza gặp Pelletier lần nữa ở một hội nghị văn học Đức thế kỷ hai mươi tổ chức ở
Maastricht năm 1991 (Pelletier đọc tham luận “Heine và Archimboldi: Những nẻo đường
hội tụ”; Espinoza đọc tham luận “Ernst Jünger và Benno von Archimboldi: Những nẻo
đường phân kỳ”), và có thể nói mà không sợ sai mấy rằng từ đó trở đi họ không chỉ đọc
bài nhau trên các tạp chí chuyên môn, mà còn trở thành bạn bè, hay giữa họ đã nảy sinh
điều gì đó như là tình bạn. Năm 1992, Pelletier, Espinoza và Morini tình cờ gặp nhau lần
nữa tại một hội thảo văn học Đức ở Augsburg. Mỗi người đều trình bày một tham luận về
Archimboldi. Trong một vài tháng, người ta đồn rằng đích thân Benno von Archimboldi
có kế hoạch dự sự kiện lớn này, vốn không chỉ hội tụ các nhà nghiên cứu văn học Đức mà
còn khá đông đảo văn sĩ, thi sĩ Đức, tuy nhiên vào giờ chót, hai ngày trước khi khai mạc,
nhà xuất bản của Archimboldi ở Hamburg đánh điện đến xin lỗi. Về mọi phương diện
khác, hội nghị cũng là một thất bại. Theo ý Pelletier, có lẽ thứ duy nhất đáng quan tâm là
một bài giảng của một giáo sư già ở Berlin về tác phẩm của Arno Schmidt (ở đây chúng ta
có một cái tên đúng chất Đức kết thúc bằng nguyên âm), đánh giá này nhận được sự chia sẻ
của Espinoza, và trong một chừng mực ít hơn, của Morini.
Họ dành thời gian rảnh rỗi, vốn khá rộng rãi, duyệt qua các địa điểm du lịch xoàng
xĩnh (theo ý Pelletier) ở Augsburg, một thành phố mà Espinoza thấy cũng xoàng xĩnh, và
Morini cho là tạm được, nhưng phân tích tới nơi tới chốn thì vẫn xoàng xĩnh, Espinoza và
Pelletier thay phiên nhau đẩy xe lăn cho Morini vì dạo ấy Morini không khỏe lắm, đúng
hơn là sức khỏe khá tồi, cho nên hai người bạn đồng thời là đồng nghiệp xét thấy một chút
khí trời trong lành không hại gì cho anh, và thực ra có thể tốt cho anh hơn.
Chỉ Pelletier và Espinoza dự hội nghị văn học Đức kế tiếp, tổ chức ở Paris tháng Một
năm 1992. Morini cũng được mời, nhưng vào lúc đó do tình trạng sức khỏe của anh tệ
hơn bình thường nên bác sĩ khuyên anh tránh làm một số việc, mà cụ thể là những chuyến
đi ngắn. Đó không phải là một hội nghị tệ, và tuy lịch trình kín mít, Pelletier và Espinoza
cũng dành được chút thời gian để đi ăn với nhau tại một quán ăn nhỏ trên đường Galande,
gần Saint-Julien-le-Pauvre, ở đó ngoài việc nói về những dự án và mối quan tâm của mình,
trong lúc ăn tráng miệng họ bàn tán về thể trạng sức khỏe (ốm yếu, èo uột, đau khổ) của
anh chàng người Ý u sầu, mà tình trạng ốm yếu đã không ngăn bắt tay soạn một cuốn sách
về Archimboldi, một cuốn sách có thể sẽ là kiệt tác vĩ đại về Archimboldi, con cá hoa tiêu
cần mẫn bơi bên cạnh con cá mập đen vĩ đại là khối tác phẩm của nhà văn Đức nọ, như
Pelletier thuật lại lời Morini kể với anh trên điện thoại, nhưng anh không chắc là nghiêm
túc hay đùa cợt. Cả Pelletier lẫn Espinoza tôn trọng tác phẩm của Morini, nhưng những từ

96 Z Z Z REVIEW
ngữ vang lên từ Pelletier (nói ra như từ bên trong một lâu đài cổ hay một căn hầm nhốt tù
đào bên dưới đường hào của một lâu đài cổ) nghe có vẻ như lời đe dọa trong cái quán ăn
nhỏ thanh bình trên đường Galande, giục giã kết cục của một buổi tối vốn khởi đầu trong
không khí thân ái và chan hòa.

* * *

Những điều này không làm suy suyển đến quan hệ của Pelletier và Espinoza với Morini.
Ba người gặp lại nhau tại một hội thảo văn học Đức tổ chức ở Bologna năm 1993. Và
cả ba đều góp mặt trên số 46 Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Berlin, một số chuyên đề dành
cho tác phẩm của Archimboldi. Đó không phải lần đầu họ góp bài cho tạp chí này. Trên số
44, đã có một bài của Espinoza về ý niệm Thượng đế trong tác phẩm của Archimboldi và
Unamuno. Trên số 38, Morini đã đăng một bài về tình trạng giảng dạy văn học Đức ở Ý. Và
trên số 37, Pelletier đã trình bày tổng quan về các nhà văn Đức quan trọng nhất thế kỷ hai
mươi ở Pháp và châu Âu, một công trình ngẫu nhiên khơi ngòi không chỉ một bài phản đối
mà thậm chí cả vài lời mắng nhiếc.
Nhưng chính số 46 này mới quan trọng đối với chúng ta, không chỉ vì nó đánh dấu
việc hình thành hai nhóm các nhà nghiên cứu Archimboldi đối lập - Pelletier, Morini và
Espinoza đối đầu với Schwarz, Borchmeyer, và Pohl - mà số này còn có một bài của Liz
Norton, xuất sắc đến mức khó tin, theo Pelletier, lập luận tốt, theo Espinoza, thú vị, theo
Morini, một bài tự nó hài hòa (mà không theo yêu cầu của bất cứ ai) với các tiểu luận của
ba người bạn, bài báo trích dẫn họ ở nhiều chỗ, thể hiện một kiến thức hoàn chỉnh về các
nghiên cứu của họ cũng như các chuyên đề do các tạp chí chuyên ngành hay các nhà xuất
bản nhỏ ấn hành.
Pelletier đã định viết cho cô một lá thư, nhưng rốt cuộc lại thôi. Espinoza gọi Pelletier
hỏi liệu liên lạc với cô có phải là ý tưởng hay không. Do không chắc lắm, họ quyết định hỏi
Morini. Morini không bình luận gì. Tất cả những gì họ biết về Liz Norton là cô dạy văn
học Đức tại một trường đại học ở Anh. Và, không giống như họ, cô không phải là giáo sư
thực thụ./.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 97


Điếm giết người (1)
Roberto Bolaño
Trần Tiễn Cao Đăng dịch

Roberto Bolano.
(Hình của: Rodrigo Fernández. Giấy phép: CC BY-SA 4.0)

1. Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha “Putas asesinadas”. Dịch từ bản tiếng Anh “Murdering Whores” của Chris Andrews
trong tập The Return (New Directions 2012).

98 Z Z Z REVIEW
“Tôi thấy anh trên tivi, Max ạ, và tôi nghĩ: Đó là anh chàng của tôi.”
(Anh chàng bướng bỉnh giật giật đầu, cố hít một hơi sâu, nhưng không thể.)
“Tôi thấy anh cùng với nhóm của anh. Anh gọi nó là nhóm phải không? Có thể anh
nói là băng, là đội, nhưng không. Tôi nghĩ anh gọi là nhóm: nó là một từ đơn giản và anh
là một người đơn giản. Các anh đã cởi áo pull ra và các anh để ngực trần, phô bày tấm thân
trai trẻ: những cơ ngực những bắp tay mạnh mẽ, mặc dù tất cả các anh đều thích có ngực
không lông, vâm váp, hầu hết thế, nhưng thật ra tôi chẳng chú ý tới những bộ ngực hay
thân hình khác lắm, chỉ chú ý tới ngực và thân hình của anh thôi, có gì đó ở anh khiến tôi
không thể dứt ra, mặt anh, mắt anh đăm đắm nhìn về phía máy quay (dù chắc anh không
nhận ra mình đang bị quay và phát hình vào phòng khách nhà chúng tôi), cái nhìn không
đáy trong mắt anh, không giống như cái vẻ của chúng bây giờ, khác vô bờ với kiểu rồi chúng
sẽ nhìn, đôi mắt dán chặt vào vinh quang và hạnh phúc, dục vọng được thỏa và chiến thắng,
những gì chỉ có thể hiện hữu trong vương quốc của tương lai, những gì mà tốt nhất đừng
hy vọng bởi chúng không bao giờ tới.”
(Anh chàng giật đầu từ trái sang phải, vẫn cố sức thở và toát mồ hôi hột.)
“Thật tình, nhìn thấy anh trên ti vi cũng giống như một lời mời gọi. Hãy tưởng tượng
trong giây lát rằng tôi là một nàng công chúa, đang chờ. Một công chúa đầy nôn nóng.
Một đêm kia tôi thấy anh, và lý do tôi thấy anh là bởi theo nghĩa nào đó tôi đang tìm kiếm,
không phải tìm đích thân anh mà tìm trang hoàng tử vốn là anh, tìm những gì chàng hoàng
tử này đại diện. Anh và các bạn anh đang nhảy, áo pull buộc quanh cổ hoặc thắt lưng. Buộc
hay cuộn lại, một từ mà đám già khó chiều thích soi mói dùng để chỉ cánh buồm khi chúng
được cuộn lại và buộc vào trục hay sào, nhưng theo cái kiểu trẻ và khó chiều của mình, tôi
dùng để chỉ những cái áo cái quần cuộn lại quấn quanh cổ hay ngực hay quanh eo. Đám
già và tôi không đi chung một đường, như giờ anh hẳn đã đoán ra. Nhưng thôi ta đừng
lan man ra khỏi cái ta quan tâm. Anh và nhóm của anh đều trẻ, và tất cả các anh đang dâng
tụng ca cho đêm: vài người trong các anh, những thủ lĩnh, đang phất cờ. Người dẫn chương
trình, thằng cha tội nghiệp, thấy vũ điệu bộ lạc mà các anh đang tham gia thì lấy làm ấn
tượng lắm. Thằng cha chỉ cho tay đưa tin còn lại. Kìa họ múa kìa, thằng cha nói, bằng cái
giọng lỗ mãng, làm như chúng tôi, những người ngồi ở nhà xem, trước ti vi, chúng tôi
chẳng nhận ra. Vâng, xem chừng họ đang vui lắm, tay còn lại nói. Lại một tên lỗ mãng khác.
Ít ra thì có vẻ họ thích xem vũ điệu của các anh. Thực ra chỉ là nhảy conga. Ở hàng trước là
tám chín người. Hàng thứ hai có mười người. Hàng thứ ba có bảy tám người. Hàng thứ tư

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 99


có mười lăm. Được hợp nhất lại bởi màu sắc đội và bởi tất cả đều để trần một nửa (áo pull
quấn quanh hông hoặc cổ, hoặc quanh đầu như kiểu turban) và điệu múa (nếu tôi có thể
gọi vậy) đang dịch chuyển qua khu vực nơi người ta tách riêng nhóm các anh ra. Điệu múa
của các anh như một lằn sét trong đêm xuân. Tay đưa tin, cả hai tay, mệt lử nhưng vẫn còn
đủ sức khơi lên trong mình ít nhiều nhiệt huyết, nghiêm cẩn đón chào bước mở màn của
các anh. Các anh tiến qua các bậc cấp xi măng từ phải sang trái, và khi đến sát hàng rào kẽm
gai, các anh quay trở lại cũng theo đường đó. Những chàng dẫn đầu mỗi hàng đều cầm cờ,
cờ của nhóm hoặc cờ Tây Ban Nha; những người còn lại, kể cả những người ở cuối hàng,
thì vẫy những lá cờ nhỏ hơn nhiều, hoặc vẫy khăn, không thì vẫy áo pull họ cởi ra trước đó.
Đang đêm xuân, nhưng trời vẫn lạnh, và rốt cuộc điều này mang lại cho điệu bộ của các anh
cái sức mạnh mà các anh muốn nó có, cái sức mạnh nó xứng đáng có, sau tất thảy. Thế rồi
hàng tản ra, các anh bắt đầu hát, một số người giơ tay chào theo kiểu La Mã. Anh có biết
lối chào đó nó có nghĩa gì không? Anh phải biết, còn nếu anh không biết thì trong khi giơ
tay như vậy anh có thể đoán. Dưới bầu trời đêm thành phố của tôi các anh chào về phía ống
kính truyền hình, và trong khi ngồi xem ở nhà tôi nhìn thấy anh và quyết định chào anh,
để đáp lại cái chào của anh.”
(Anh chàng lắc đầu, mắt anh như đầy lệ, vai anh run rẩy. Có tình yêu trong cái nhìn
của anh không? Cơ thể anh có cảm nhận được điều nhất định sẽ xảy ra, trong khi tâm trí
anh lẹt đẹt mãi đằng sau? Cả hai hiện tượng này, nước mắt và run rẩy, có thể được sinh ra từ
nỗ lực của anh trong khoảnh khắc này, một nỗ lực hoài công vô ích, hoặc từ một niềm hối
tiếc chân thành đang vò xé mọi dây thần kinh của anh.)
“Thế là tôi cởi đồ ra. Tôi cởi quần lót ra. Tôi cởi xu-chiêng, tôi đi tắm. Tôi xức nước
hoa, tôi mặc quần lót sạch vào, tôi đeo một cái xu-chiêng sạch vào, tôi mặc vào một cái áo
lụa đen, tôi mặc cái quần jean đẹp nhất, tôi mang đôi tất trắng vào, tôi mang bốt vào, tôi
mặc áo khoác vào, cái áo đẹp nhất tôi có, rồi tôi đi ra vườn, bởi vì để ra phố thì đầu tiên tôi
phải băng qua khu vườn tối đó, khu vườn mà anh đã đặc biệt thích. Tất cả mất chưa đầy
mười phút; bình thường ra tôi không nhanh như vậy. Ta hãy nói rằng chính điệu nhảy của
các anh đang đẩy nhanh những chuyển động của tôi. Trong khi tôi thay đồ thì anh nhảy.
Trong một chiều kích nào đó khác. Một chiều kích khác và một thời gian khác, như một
hoàng tử và một công chúa, như tiếng gọi vỡ òa của những con thú cặp đôi nhau vào mùa
xuân, tôi mặc quần áo giữa khi, trong máy truyền hình, anh nhảy cuồng điên trong khi cặp
mắt anh đắm chặt vào cái gì đó, có thể là vĩnh cửu hoặc chìa khóa mở vào vĩnh cửu, chỉ có
điều trong khi anh múa thì mắt anh tẻ ngắt, trống rỗng, vô cảm.”
(Anh chàng gật gật liên hồi. Cái từng là hành vi phủ nhận hoặc tuyệt vọng giờ đây
chuyển hóa thành hành vi khẳng định, tuồng như anh bất ngờ bị một ý tưởng xâm chiếm,
hoặc một ý tưởng mới vừa nảy ra với anh.)

100 Z Z Z REVIEW
“Cuối cùng, cho dù tôi chẳng có thì giờ soi mình trong gương đặng kiểm tra xem quần
áo của mình đã chắc chắn ổn chưa, và quả thật chắc tôi cũng chẳng muốn thấy ảnh chiếu
của mình kể cả nếu có thì giờ (bởi cái mà anh và tôi đang làm là bí mật), tôi ra ngoài, chỉ
để mở đèn ngoài hàng hiên, trèo lên xe máy chạy qua những con phố nơi những con người
xa lạ hơn anh hay tôi đang khởi hành để đi tận hưởng tối thứ Bảy, một thứ Bảy sẽ xứng với
trông mong của họ, nói cách khác là một thứ Bảy buồn, một thứ Bảy sẽ chẳng bao giờ trao
sự sống cho những gì họ đã mơ và đã lên kế hoạch chi li, một thứ Bảy như bao thứ Bảy, hăng
tiết và dễ chịu, nặng trịch và nhẹ nhõm, nghịch dị và buồn. Những tính từ kinh khủng vốn
hoàn toàn không phải là phong cách của tôi, chúng khiến tôi ngần ngại, nhưng rồi, như
mọi khi, rốt cuộc tôi để nguyên chúng đó, như một cử chỉ giã biệt. Xe của tôi và tôi lăn
bánh giữa những ánh sáng đó, những sửa soạn của đám Ki tô hữu đó, những mong đợi vô
căn cứ đó, và xe cùng tôi nhô ra trước sân vận động, trên Đại lộ Lớn, vốn vẫn đang vắng vẻ,
và xe cùng tôi dừng bên dưới những vòm cong của cây cầu dẫn tới cổng vào, và đây là phần
thực sự kỳ lạ: khi xe với tôi dừng, tôi cảm thấy trong hai chân mình rằng thế giới vẫn đang
chuyển động, chắc anh biết rằng đúng như thế, trái đất đang chuyển động dưới chân tôi,
dưới bánh xe tôi, và trong một thoáng, trong một phần nhỏ của giây, chuyện tôi có tìm ra
được anh hay không chẳng còn quan trọng nữa, anh có thể ra về cùng các bạn anh, anh có
thể đi uống một chầu hoặc đón xe buýt, từ thành phố nào tới thì về lại đó. Nhưng cái cảm
giác bơ vơ ê chề, như thể mình đang bị một thiên thần làm tình mà không vào trong mình,
hoặc thật ra, không, là vào trong tận cốt tủy mình, cảm giác đó ngắn ngủi lắm, và ngay khi
tôi, trong ngỡ ngàng, bắt đầu ngờ vực hoặc phân tích nó thì cổng mở và thiên hạ bắt đầu từ
trong sân vận động tràn ra: một bầy kền kền, một bầy quạ.”
(Anh chàng ngẩng đầu dậy. Ngước đầu lên. Mắt anh cố mỉm cười. Các cơ mặt anh bị
hãm trong một cơn co giật hoặc một loạt cơn co giật vốn có thể hàm nhiều nghĩa: Chúng
ta sinh ra là để cho nhau, Hãy nghĩ tới tương lai, Đời đẹp lắm, Đừng làm gì ngu dại, Tôi vô
tội, Luật Tây Ban Nha.)
“Tìm cho ra anh là một sự khó. Liệu ở cách vài mét thì anh có giống hệt như trên ti vi
không? Chiều cao của anh là một sự khó: tôi không biết anh vóc cao hay trung bình (anh
không thấp, điều đó tôi biết). Quần áo của anh là một sự khó: bây giờ trời đang bắt đầu trở
lạnh, và thân trên của anh, thân trên của các bạn anh một lần nữa được bọc trong áo pull
hoặc thậm chí jacket; vài người ra khỏi sân vận động với khăn được cuộn lại trên cổ (như
những cánh buồm), vài người thậm chí còn dùng khăn che miệng che má. Bước chân của
tôi trên xi măng được soi sáng nhờ ánh trăng thẳng đứng. Tôi nhẫn nại tìm anh, song đồng
thời tôi lo âu giống như nàng công chúa ngắm cái khung trống nơi nụ cười của chàng hoàng
tử đáng lẽ phải đang tỏa sáng. Các bạn anh là một sự khó nhân bội lên: họ là một cám dỗ.
Tôi thấy họ và họ thấy tôi, họ muốn tôi, tôi biết họ sẽ tụt quần jean của tôi ra mà không cần

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 101


nghĩ tới hai lần; vài người chắc chắn là đáng được tôi chú ý chẳng kém gì anh, nhưng rốt
cuộc tôi cưỡng lại, tôi vẫn thủy chung. Cuối cùng anh xuất hiện, vây quanh anh là các vũ
công conga, họ hát những lời của một bài tụng ca mô tả trước cuộc gặp giữa chúng ta, trên
mặt anh là một vẻ nghiêm trầm, nặng đầy một sự quan trọng mà không ai ngoài anh có thể
đo được và cảm được chính xác: anh cao ráo, cao hơn tôi nhiều, hai cánh tay anh dài, đúng
như tôi tưởng tượng khi thấy anh trên ti vi, và khi tôi mỉm cười với anh, khi tôi nói, Chào
Max, anh không biết nói gì, ban đầu anh không biết nói gì, anh chỉ cả cười, không vang
rền như các bạn anh, nhưng anh cả cười, hoàng tử cỗ máy thời gian của tôi, anh cả cười và
dừng bước.
(Anh chàng nhìn cô, nheo mắt, cố ghìm cho hơi thở mình nhẹ lại, và khi hơi thở anh
trở nên đều hơn, anh có vẻ như đang nghĩ: hít vào, thở ra, nghĩ, hít vào, thở ra, nghĩ...)
“Rồi thì, thay vì nói, Tôi không phải Max, anh cố đuổi kịp nhóm của mình, và trong
thoáng chốc tôi hoảng hốt, một cơn hoảng hốt mà giờ nhớ lại tôi thấy gần với cái cười hơn
nỗi sợ. Tôi đi theo anh mà vẫn không rõ tiếp theo mình sẽ làm gì đây. Nhưng anh cùng với ba
người khác dừng chân, quay lại, ướm ngắm tôi bằng những con mắt lạnh, tôi liền nói, Max
à, chúng ta cần nói chuyện, chừng đó anh nói, Tôi không phải Max, tên tôi không phải thế,
cái gì đây, cô đùa à, có phải cô lầm tôi với ai không vậy, thì tôi liền nói, Xin lỗi, thực tình anh
giống Max quá, rồi tôi nói, Tôi muốn nói chuyện với anh, Về cái gì? Ờ, thì về Max, thế là anh
mỉm cười, và rốt cuộc anh quyết định nán lại, để bạn bè đi trước; họ hét to tên một quán
bar nơi cả nhóm các anh tụ hội lại để lên đường về nhà, Chả vấn đề gì, anh nói, hẹn các cậu
ở đó, thế là các bạn anh thu nhỏ dần giống như sân vận động sau lưng chúng ta giữa khi tôi
phóng xe hết tốc lực, đầy tự tin, và Đại lộ Lớn hầu như vắng lặng vào giờ này ban đêm, chỉ có
những người đang rời sân vận động. và anh ngồi sau lưng tôi, hai tay anh ôm eo tôi, tôi cảm
thấy cơ thể anh áp vào lưng tôi như con hàu bám vào tảng đá, và quả thật bầu không khí trên
đại lộ lạnh và đặc như những con sóng hết xô đẩy lại lôi lại kéo con hàu; anh bám lấy tôi một
cách tự nhiên như thế đó. Max, giống như một người cảm thấy biển không chỉ là một môi
trường tự nhiên khó sống mà còn là một đường hầm thời gian; anh cuộn mình quanh eo tôi
cùng một cách như áo pull của anh cuộn lại quanh cổ anh, nhưng giờ đây điệu conga được
múa bởi làn khí tuôn ồng ộc như nước lũ vào cái ống vằn vện là Đại lộ Lớn, và anh cười ha hả
hoặc hét lên gì đó, có lẽ anh trông thấy vài bạn bè mình trong số những người lướt qua dưới
những tán cây, có thể chẳng qua anh đang la lối sỉ nhục người xa lạ, ôi Max ơi, anh không hét
lên Tạm biệt hay Chào nhé hay Đi đây, anh hét vang những khẩu hiệu xưa hơn máu, nhưng
chắc chắn không xưa hơn tảng đá anh đang bám lấy, hân hoan cảm nhận những làn sóng,
những hải lưu ngầm của đêm, tin chắc mình sẽ không bị cuốn đi.”
(Anh chàng lẩm bẩm gì đó chẳng nghe ra. Trông như nước bọt đang từ cằm anh nhểu
xuống, dù có lẽ đó chỉ là mồ hôi. Dù thế nào đi nữa, hơi thở của anh đã dịu lại.)

102 Z Z Z REVIEW
“Và thế là chúng ta về đến nhà tôi ở ngoại ô thành phố, bình an vô sự. Anh cởi mũ bảo
hiểm của mình, anh sờ bi của mình, anh quàng tay qua vai tôi. Cử chỉ đó để lộ một mức
độ rụt rè và dịu dàng đáng ngạc nhiên. Nhưng mắt anh vẫn không đủ dịu dàng không đủ
rụt rè. Anh thích nhà của tôi. Anh thích những bức tranh của tôi. Anh hỏi tôi về những
nhân vật trong tranh. Hoàng tử và Công chúa, tôi đáp. Họ nhìn cứ như hai vị Quân chủ
Công giáo ấy, anh nói. Phải, đôi lúc tôi cũng nảy ra ý nghĩ đó, hai vị Quân chủ Công giáo
bị giam trong vương quốc của mình, hai vị Quân chủ Công giáo rình mò nhau trong một
cơn kinh loạn không ngừng; một uy nghiêm không ngừng, nhưng với tôi, với con người
mà tôi là ít nhất mười lăm tiếng một ngày, họ là hoàng tử và công chúa, một cặp cô dâu
chú rể cùng nhau đi qua năm tháng, và trúng thương, bị tên đâm, mất ngựa trong khi bị
săn đuổi, hoặc thậm chí chưa bao giờ có ngựa và phải chạy bộ mà đào thoát; chẳng được
gì dẫn dắt ngoài đôi mắt họ, và ngoài một ý chí ngu độn, mà một số người gọi là tử tế còn
người khác thì kêu là bản chất thiện, làm như người ta có thể định tính cho bản chất, tốt
hay xấu, hoang hay thuần, bản chất là bản chất, Max ạ, đó là một sự thật mà anh phải đối
mặt, và nó sẽ luôn luôn có đó, như một bí ẩn khôn giải, mà không phải tôi đang nói đến
chuyện rừng bắt lửa đâu, tôi đang nói tới các nơ ron thần kinh và bán cầu não phải bán
cầu não trái bắt lửa bùng cháy từ thế kỷ sang thế kỷ. Nhưng, anh đúng thật đồ quỷ sứ, anh
nghĩ nhà tôi ở thật dễ thương, thậm chí anh còn hỏi tôi sống một mình phải không rồi
anh ngạc nhiên khi tôi cười khanh khách. Nếu tôi không sống một mình thì anh có nghĩ
rằng tôi sẽ mời anh tới đây không? Anh có nghĩ rằng tôi sẽ chạy mô tô băng qua cả thành
phố, anh ngồi sau áp chặt vào tôi, như con hàu bám vào tảng đá, trong khi đầu tôi (hoặc
hình chạm nơi đầu mũi của tôi - tôi như một con tàu) băng băng lao qua thời gian, nhằm
mục đích duy nhất là mang anh bình an vô sự về chốn ẩn náu này, cái tảng đá thật, cái tảng
đá dựng lên thật diệu kỳ từ trong nền đá và làm nứt cả bề mặt, anh có nghĩ rằng tôi sẽ làm
từng ấy chuyện không nếu tôi không ở một mình? Và ở cấp độ thực tiễn, liệu anh có cho
rằng tôi sẽ cầm thêm một mũ bảo hiểm nữa, một cái mũ để bảo vệ khuôn mặt anh khỏi
những cái nhìn soi mói, nếu như ý định của tôi không phải là mang anh về đây, vào trong
cõi cô đơn tinh khiết của tôi?”
(Anh chàng ngẩng lên gật đầu, mắt anh nhìn khắp các tường phòng, cho đến tận kẽ
nứt mảnh nhất. Mồ hôi anh lại tuôn ra như một dòng sông thất thường - hay là có một chỗ
xoắn trong thời gian? - và giọt giọt mồ hôi tụ lại nơi cặp mày anh, trĩu trên mắt anh một
cách đầy hung gở.)
“Anh chả biết gì về hội họa, Max ạ, nhưng tôi có cảm giác anh biết nhiều về nỗi cô
đơn. Anh thích hai vị Quân chủ Công giáo của tôi, anh thích bia, anh thích đất nước anh,
anh thích sự tôn trọng, anh thích đội bóng của anh, anh thích các bạn bè hay chiến hữu
hay cánh hẩu của anh, đội hay nhóm hay băng của anh, cái đám đã thấy anh nán lại đằng

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 103


sau nói chuyện với một ả ngon lành nào đó mà anh không quen biết, anh không thích sự
lộn xộn, anh không thích người da đen, anh không thích dân đồng tính nam, anh không
thích bị người ta khinh rẻ, anh không thích bị gạt ra rìa. Có hàng bao nhiêu thứ anh không
thích, về điểm ấy anh giống tôi lắm. Chúng ta đang tiến đến gần nhau, anh và tôi, từ hai
đầu đường hầm, và cho dẫu chúng ta chẳng thấy gì ngoài cái hình khối mơ hồ của nhau,
chúng ta vẫn kiên gan đi về phía điểm gặp nhau. Nơi chính giữa đường hầm cánh tay của
hai ta cuối cùng cũng có thể quấn nhau, và tuy bóng tối ở đó sẽ toàn bích, khiến chúng ta
không thể thấy mặt nhau, tôi biết chúng ta sẽ tiến lên phía trước không sợ hãi mà chạm vào
mặt nhau (cái đầu tiên anh sẽ chạm vào là mông tôi, nhưng kể cả điều đó cũng là một phần
khát khao của anh muốn thấy mặt tôi), chúng ta sẽ sờ mắt nhau và có lẽ sẽ thốt ra một hai
lời nhận biết. Thế rồi sẽ rõ ra (sẽ thành ra sáng rõ đối với tôi) cái điều rằng anh chả biết gì
về hội họa nhưng anh có biết về nỗi cô đơn, mà hai thứ đó hầu như là một. Ngày nào đó
chúng ta sẽ gặp nhau chính giữa đường hầm đó, Max ạ, và tôi sẽ sờ mặt anh, mũi anh, miệng
anh - những thứ mà nhìn chung biểu thị sự ngu dốt của anh rõ ràng hơn mặt mũi và miệng
của bất kỳ ai khác - đôi mắt trống trơ của anh, những nếp nhăn nhỏ xíu hiện ra trên má anh
khi anh mỉm cười, sự rắn rỏi giả dối của mặt anh khi anh nghiêm nghị, khi anh hát tụng
ca, những bản tụng ca mà anh không hiểu, cái cằm của anh mà đôi khi giống như đá tảng
nhưng thường thì giống rau hơn, tôi đoán vậy, cái cằm của anh, Max, cái cằm điển hình, quá
ư là đặc thù đến độ giờ đây tôi ngờ rằng chính cái cằm của anh đã đưa anh tới đây, đó là tận
số của anh. Thế rồi anh và tôi sẽ có thể lại chuyện trò, hoặc chúng ta sẽ chuyện trò lần đầu
tiên, nhưng trước đó chúng ta sẽ phải lăn vào nhau, cởi quần cởi áo ra cuộn quanh cổ mình
hoặc quanh cổ những người chết - những người sống trong cuộn giấy im lìm.”
(Anh chàng đang khóc, trông cứ như anh đang cố nói, nhưng kỳ thực anh chỉ đang
thút thít khóc: những cử động của hai má anh và cặp môi bị lấp kín của anh là những cơn
co giật sinh ra bởi anh đang khóc.)
“Như đám găngxtơ hay nói, chẳng có gì cá nhân cả, Max ạ. Dĩ nhiên, câu đó chứa cả
yếu tố sự thật và yếu tố giả dối. Chuyện gì cũng luôn luôn có tính cá nhân. Chúng ta đã đi
qua hết một đường hầm thời gian mà vẫn không bị trầy vi tróc vảy chính vì đó là một việc
cá nhân. Tôi chọn anh vì đó là một việc cá nhân. Đương nhiên trước đây tôi chưa từng gặp
anh. Anh chưa đích thân làm gì gây hại cho tôi. Tôi nói vậy để tâm anh có thể an được. Anh
chưa bao giờ hiếp tôi. Anh chưa bao giờ hiếp một người mà tôi biết. Thậm chí cũng có thể
anh hoàn toàn chưa hiếp ai bao giờ cả. Chuyện này không phải cái gì cá nhân. Có thể tôi bị
bệnh. Có thể toàn bộ chuyện này là một cơn ác mộng mà cả anh lẫn tôi chẳng ai đang nằm
mộng thấy, mặc dù nó đang khiến anh đau, mặc dù cái đau là có thật và cá nhân. Kết cuộc:
diệt vong, cái hành vi sẽ đưa toàn bộ chuyện này tới chỗ chấm dứt vô phương cứu chữa. Và
dù một cách cá nhân hay chẳng cá nhân, anh và tôi sẽ lại vào nhà tôi, nhìn các bức tranh

104 Z Z Z REVIEW
của tôi (bức Hoàng tử và Công chúa), uống bia và cởi áo quần, và tôi sẽ lại cảm thấy hai tay
anh vụng về ve vuốt lưng tôi, mông tôi, háng tôi, có lẽ tìm âm vật của tôi, nhưng không biết
đích xác nó nằm ở đâu, tôi sẽ lại cởi áo quần anh, túm lấy dương vật anh trong cả hai tay mà
nói: Anh bự quá, khi mà trên thực tế anh chẳng bự như vậy, Max à, đó là một điều mà đến
lúc này anh hẳn phải biết, và tôi sẽ lại cho nó vào trong miệng tôi, tôi sẽ bú anh, và tôi cá là
xưa nay anh chưa từng được bú cho như vậy bao giờ, thế rồi tôi sẽ cởi hết quần áo anh ra và
để anh cởi quần áo tôi, một tay anh bận rộn với mấy cúc áo của tôi, tay kia cầm ly whisky,
và tôi sẽ nhìn vào trong mắt anh, hai con mắt tôi đã thấy trên truyền hình (và sẽ còn thấy
lại trong những giấc mơ), hai con mắt đã khiến tôi chọn anh, và một lần nữa tôi sẽ nói với
anh, tôi sẽ nói với cái trí nhớ điện toán khiến người ta muốn bệnh của anh rằng chả có gì cá
nhân hết, và kể cả khi đó tôi vẫn sẽ hoài nghi, tôi vẫn sẽ thấy lạnh như bây giờ thấy lạnh, tôi
sẽ cố nhớ lại từng từ anh nói, kể cả từ bâng quơ nhất, nhưng chẳng từ nào trong số chúng
sẽ là niềm an ủi.”
(Anh chàng lại giật giật đầu, gật. Anh đang cố nói gì vậy? Không thể biết. Cơ thể anh,
hay đúng hơn là cặp chân anh, đang hứng chịu một hiện tượng kỳ khôi: đôi khi cặp chân
anh đầm đìa mồ hôi chẳng khác gì mồ hôi trên trán anh, nhất là ở má trong, đôi khi da lại
tuồng như lạnh, từ háng xuống đầu gối, và có cái vẻ gờn gợn, nếu không phải sờ vào thấy
thế thì ít nhất nhìn như thế.)
“Lời anh nói đều tử tế, tôi phải thừa nhận. Tuy nhiên, tôi sợ rằng anh không nghĩ tới
nơi tới chốn về những gì anh nói. Và càng ít nghĩ hơn về những gì tôi nói. Anh cần luôn
luôn cẩn trọng lắng nghe những gì phụ nữ nói trong khi đang chơi họ, Max ạ. Nếu họ chẳng
nói gì, tốt, chẳng có gì phải nghe, và chắc anh sẽ chẳng có gì để nghĩ, nhưng nếu họ có nói,
kể cả dù chỉ lẩm ba lẩm bẩm, hãy lắng nghe lời họ và nghĩ về những lời đó, nghĩ về ý nghĩa
của chúng, nghĩ đến những gì chúng biểu đạt và bỏ qua không biểu đạt, cố hiểu những gì
là nghĩa thực của chúng. Phụ nữ là những ả điếm giết người, Max ạ, họ là những con khỉ
cứng đờ vì lạnh ngồi trên một cái cây bệnh nhìn chân trời, họ là những nàng công chúa
khóc tìm anh trong bóng tối, săm soi những lời họ sẽ không bao giờ có thể nói ra. Với các
bạn của anh, Max ạ, trong cái sân vận động mà giờ đang thu nhỏ dần trong ký ức của anh
như một biểu tượng của cơn ác mộng, tôi chỉ là một ả điếm kỳ quặc, một màn kỳ thú sau vở
kỳ thú, dành riêng cho một dúm khán giả cởi áo pull cuộn lại quanh cổ hoặc quanh eo mà
múa điệu conga. Nhưng với anh tôi là một công chúa trên Đại lộ Lớn, bị gió và nỗi sợ dập
vùi tơi tả (vậy là trong tâm trí anh con đại lộ đã thành ra một đường hầm thời gian), chiến
phẩm dành riêng cho anh sau một đêm của phép màu tập thể. Với cảnh sát tôi sẽ là một
trang giấy trắng. Không ai có bao giờ hiểu những lời yêu thương của tôi. Và anh, Max, anh
có nhớ được cái gì tôi nói giữa khi anh đang chịch tôi không?”
(Anh chàng ngọ nguậy đầu, rõ là hàm ý có, và cặp mắt ướt của anh, đôi vai căng thẳng

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 105


của anh, bụng anh, cặp chân cứ giật, giật bất cứ khi nào cô nhìn đi chỗ khác, ráng sức bục
thoát ra để được tự do, tĩnh mạch cổ đập rộn của anh, thảy đều nói có.)
“Anh có nhớ rằng tôi đã nói ngọn gió không? Anh có nhớ rằng tôi đã nói phố ngầm
không? Anh có nhớ rằng tôi đã nói anh là bức ảnh không? Không, thật ra anh chẳng nhớ
đâu, phải không? Anh say quá và bận bịu với vú với mông tôi quá. Và anh chẳng biết quái
gì, chứ nếu không thì ngay từ cơ hội đầu tiên là anh đã phắn khỏi đây như tên bắn rồi.
Giờ anh muốn ra khỏi đây lắm phải không, Max? Hình ảnh của anh, cái tôi song song của
anh, đang chạy băng qua vườn, nhảy qua hàng rào, biến mất nơi đầu phố, xoạc cẳng dài
như một tay chạy bộ cự ly trung bình, vẫn đang nửa kín nửa truồng, vừa chạy vừa âm ư
một trong mấy bài tụng ca của các anh để lấy thêm can đảm, rồi thì, sau khi chạy hai chục
phút, thở không ra hơi, anh tới được quán bar nơi đám còn lại trong nhóm hay câu lạc bộ
hay đội hay băng hay đảng hay gọi là gì cũng được của anh đang đợi anh, anh vừa nốc bia
vừa nói, Tụi bây ơi tụi bây sẽ không thể nào tin chuyện gì vừa xảy ra với tao đâu, tao suýt
nữa thì bị giết, một con điếm đéo mẹ nào đó ở vùng ngoại ô, từ tuốt phía đầu kia thành
phố và đầu kia của thời gian, một con điếm của chốn ngoài rìa khốn nạn nó thấy tao trên
ti vi (tụi mình được chiếu trên ti vi!) và liền chở mô tô đưa tao về nhà nó nó bú cặc tao rồi
dạng chân ra cho tao và nói những lời thoạt nghe thì bí hiểm nhưng sau đó thì tao hiểu,
không, tao cảm được, con đĩ này nó nói những lời mà tao cảm được trong gan tao và trong
bi của tao, ban đầu chúng có vẻ ngây thơ vô tội hoặc kiểu như nó đang chết tao đứ đừ quá
hoặc nó rên vì tao phịch nó dữ quá, nhưng chuyện là, tụi mày ạ, sau một hồi lời nó nói
không còn ngây thơ vô tội nữa, ý tao là nó cứ lẩm bà lẩm bẩm không thôi trong khi tao
cưỡi nó, chuyện đó bình thường thôi phải không, nhưng cái này nó không bình thường,
chả có gì bình thường ở nó hết, một con điếm thì thà thì thào trong khi người ta chịch
nó, Ok, nhưng rồi tao nghe thấy những gì nó nói, tao nghe những lời đéo mẹ giống như
một con thuyền cày qua biển testosterone, và tao nói tụi mày nghe, cái giọng siêu nhiên
đó làm cho biển tinh dịch đó nó rùng mình teo tóp lại, biển biến mất, để lại nền đáy biển
và bờ biển phơi ra đó khô rang, toàn đá và toàn núi, vách đá cao, rặng núi dài, những vực
sâu tăm tối ẩm đầy nỗi sợ, thuyền giong buồm qua vùng trống trơn trơ trụi đó, và tao thấy
nó bằng chính hai con mắt của tao, chính ba con mắt của tao, và tao nói, ổn thôi mà, ổn
thôi mà, cưng ơi, vừa nói vừa ị trong quần, chết điếng, thế rồi tao đứng dậy, ráng làm ra vẻ
bình thường, run như cầy sấy nhưng cố giấu, và tao nói anh vô buồng tắm để thông nòng
đại bác hoặc xả bầu tâm sự, cô ả liền nhìn tao tuồng như tao vừa trích dẫn Shake đéo mẹ
speare hay Ovid hay gì đó, tụi bây ạ, tao liền đi thụt lùi mắt không rời khỏi ả, trong khi mắt
vẫn cứ thấy con thuyền thẳng buồm tiến tới chẳng mảy may nao núng xuyên qua biển hư
vô tích điện, làm như hành tinh Trái đất đang được sinh ra lần nữa và tao là chứng nhân
duy nhất cho sự sinh thành này, nhưng tao sẽ là chứng nhân cho ai mới được, chắc cho các

106 Z Z Z REVIEW
vì sao, và khi tao ra tới hành lang, thoát khỏi cái nhìn của ả và dục vọng của ả rồi, thì thay vì
mở cửa buồng tắm, tao lẻn ra cửa trước băng qua vườn, vừa đi vừa thầm khấn nguyện, rồi
nhảy phóc qua tường và bắt đầu chạy dọc con phố giống như người chạy cuối cùng trong
cuộc Marathon, mang theo tin tức không phải về chiến thắng mà về chiến bại, người chạy
mà sẽ chẳng ai lắng nghe hay khen ngợi hay chào đón bằng một bát nước, nhưng hắn vẫn
còn sống mà về được đến nơi, tụi mày ạ, và học được bài học này: Chớ vào trong lâu đài đó.
Chớ theo đường đó. Đừng liều mạng dấn vào lãnh địa đó. Kể cả dù mày được chọn riêng
ra. Kể cả dù mọi thứ chống lại mày.”
(Anh chàng gật đầu. Rõ là anh muốn tỏ ra anh đồng ý. Nỗ lực này khiến mặt anh đỏ
lên thấy rõ; các mạch máu anh phồng lên, mắt anh lồi ra.)
“Nhưng anh chẳng lắng nghe lời tôi nói, anh không thể phân biệt lời tôi nói với tiếng
tôi rên, những lời cuối đó, mà lẽ ra đã có thể cứu anh. Tôi chọn anh là phải lắm. Truyền
hình không nói dối, đó là phẩm hạnh duy nhất của nó (của nó và của những bộ phim xưa
mà người ta hay chiếu lúc sáng tinh mơ), và cảnh khuôn mặt anh, trên nền hàng rào kẽm
gai, sau điệu conga mà ai nấy đều tán thưởng, nó cho thấy trước (và đẩy nhanh hơn) cái
kết cục không thể tránh. Tôi cưỡi mô tô mang anh về nhà, tôi cởi quần áo anh, tôi làm anh
mê man chẳng còn biết gì, tôi trói tay chân anh vào một cái ghế cũ, tôi dán băng dính lên
miệng anh, không phải vì tôi sợ tiếng hét của anh sẽ khiến ai đó cảnh giác, mà vì tôi không
muốn nghe anh van xin, tôi không muốn nghe những lời xin lỗi lắp ba lắp bắp thảm hại
của anh, không muốn nghe anh yếu ớt cam đoan rằng anh không phải vậy, rằng tất cả chỉ
là một trò chơi, rằng tôi đã hiểu sai hết cả. Có thể tôi đã hiểu sai hết cả. Có thể tất cả chỉ
là một trò chơi. Có thể anh không phải vậy. Nhưng vấn đề là chẳng ai như vậy hết, Max ạ.
Tôi cũng không như vậy. Tôi sẽ không nói với anh về nỗi đau của tôi, chẳng phải vì anh đã
gây ra nó; ngược lại, anh đã làm tôi cực sướng. Anh là chàng hoàng tử thất lạc đã cho tôi
cực sướng; anh có thể tự hào về mình. Và tôi đã cho anh cơ hội thoát, nhưng anh cũng là
hoàng tử điếc. Giờ thì quá muộn rồi; trời đang sáng dần; hai chân anh chắc đã tê bại co cơ
hết cả; hai cổ tay anh chắc đã sưng vù; đáng lẽ anh không nên vùng vẫy nhiều như vậy, khi
chúng ta bắt đầu là tôi đã cảnh báo anh rồi, Max ạ, chuyện này ắt phải xảy ra. Anh phải tát
nước theo mưa thôi. Giờ không phải lúc để khóc lóc, hay để nhớ những bước nhảy conga,
những lời đe dọa, những trận đòn; đây là lúc để nhìn vào bên trong anh mà hiểu rằng đôi
khi, một cách bất ngờ, người ta cứ vậy bỏ đi. Anh trần truồng trong căn buồng rùng rợn
của tôi, Max ạ, và mắt anh đang dõi theo con dao của tôi vung lên, như thể nó là con lắc của
một chiếc đồng hồ cúc cu. Nhắm mắt lại, Max, chẳng cần nhìn tiếp nữa đâu; nghĩ tới cái gì
đó dễ thương đi, nghĩ càng dữ càng tốt...”
(Mắt anh chàng, thay vì nhắm lại, mở to trân trối, và tất cả các cơ của anh xoắn vặn
trong nỗ lực sau cùng đầy tuyệt vọng: cú sốc lớn đến nỗi chiếc ghế anh bị trói đổ kềnh ra.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 107


Anh va đầu đập hông xuống đất, anh mất kiểm soát đối với cơ thắt hậu môn và thận; anh
co giật; bụi đất từ mặt đá lát sàn dính vào da ướt của anh.)
“Tôi sẽ không đỡ anh dậy đâu, Max, anh cứ nằm vậy cũng tốt. Cứ mở mắt hoặc nhắm
mắt lại, chẳng quan trọng gì; hãy nghĩ đến cái gì đó dễ thương hoặc không nghĩ gì cả. Trời
đang sáng dần ra nhưng sự đã thế này thì cũng bằng như đang tối dần đi. Anh là hoàng tử và
anh đang đến nơi hết sức đúng lúc. Anh được nồng nhiệt đón chào dù anh đến đâu chăng
nữa và dù anh từ đâu đến đi chăng nữa, dù anh đến bằng mô tô hay đi bộ, dù anh bị lừa mà
đến hay anh đến mà biết rõ mình sẽ gặp giờ tận số của mình tại đây. Khuôn mặt anh, mà
mãi mới đây chỉ có thể biểu thị sự ngu độn hay phẫn nộ hay thù hận, giờ đã được tái xác lập
lại và có thể biểu thị những gì chỉ có thể đoán ra trong một đường hầm nơi thời gian vật lý
và thời gian ngôn từ tuôn chảy vào nhau và hòa thành một. Anh tiến bước đầy quả quyết
dọc hành lang cung điện của tôi, chỉ dừng ít giây cần thiết để nhìn những bức tranh vẽ các
vị Quân chủ Công giáo, uống một ly nước trong như pha lê, chạm nhẹ đầu ngón tay vào bề
mặt thủy ngân của các tấm gương. Lâu đài chỉ có vẻ yên tĩnh thôi, Max ạ. Đôi khi anh nghĩ
anh đang chỉ một mình, nhưng trong thâm tâm anh biết anh không chỉ một mình. Tay
anh giơ lên để chào, thân trên để trần của anh, chiếc áo pull cuộn quanh eo anh, các tụng
ca chiến đấu của anh về sự thuần khiết và tương lai, anh để lại hết ở đằng sau. Lâu đài này
là ngọn núi của anh, và anh sẽ phải dùng hết sức bình sinh leo lên khám phá nó, bởi sau đó
sẽ chẳng còn gì nữa; ngọn núi và việc leo lên núi sẽ đòi cái giá cao nhất anh có thể trả. Giờ
hãy nghĩ tới những gì anh đang bỏ lại, những gì anh có thể và phải bỏ lại, và hãy nghĩ tới cơ
hội, cái kẻ tội phạm khủng khiếp nhất từng bước đi trên mặt đất. Hãy giải phóng mình khỏi
nỗi sợ và niềm nuối tiếc, Max, bởi anh đã ở trong lâu đài rồi, và ở đây chỉ có một chuyển
động duy nhất, là cái chuyển động sẽ đưa anh vào vòng tay tôi không thể nào thoát khỏi.
Giờ anh đã ở trong lâu đài và anh nghe tiếng cửa đóng sau lưng anh. Sâu trong giấc mơ anh
tiến bước qua các hành lang và phòng ốc bằng đá mộc. Anh mang vũ khí gì hở Max? Chỉ
có nỗi cô đơn của anh. Anh biết rằng ở đâu đó tôi đang đợi anh. Anh biết rằng tôi cũng
trần truồng. Đôi khi anh cảm thấy nước mắt của tôi, anh thấy nước mắt tôi tuôn trên đá tối
và anh nghĩ anh đã tìm thấy tôi, nhưng phòng vắng lặng, điều đó vừa khiến anh ngã lòng
lại vừa làm anh phấn chấn. Cứ leo đi, Max. Phòng kế bên bẩn thỉu và chẳng có vẻ là thuộc
một lâu đài. Có một ti vi cũ đã hư và một cái giường gấp trên đó có hai tấm trải. Ai đó đang
khóc ở đâu đó. Anh thấy những bức vẽ của trẻ con, quần áo cũ đầy ẩm mốc, máu khô và bụi.
Anh mở một cửa khác. Anh gọi ai đó. Anh bảo họ đừng khóc. Dấu chân anh lộ ra trong
lớp bụi trên sàn hành lang. Nước mắt đôi khi dường như từ trên trần rỏ xuống. Chẳng sao.
Cứ kiểu như thế này thì cũng bằng như nước mắt đang phụt ra từ đầu dương vật của anh.
Đôi khi các phòng cứ hệt như nhau, cũng cái căn phòng ấy bị thời gian tàn phá. Nếu nhìn
lên trần anh sẽ tưởng tượng mình thấy một ngôi sao hoặc một sao chổi hoặc một cái đồng

108 Z Z Z REVIEW
hồ cúc cu dong buồm bơi qua không gian ngăn giữa môi hoàng tử và môi công chúa. Đôi
khi mọi thứ quay ngược lại thành giống như trước đã từng. Lâu đài tối, mênh mông, lạnh,
và anh chỉ một mình. Nhưng anh biết có một người khác nấp ở đâu đó, anh cảm thấy nước
mắt, anh cảm thấy sự trần truồng. Bình an và ấm áp đang đợi anh trong đôi tay người đó,
thế nên anh bước tiếp, được niềm hy vọng kéo đi theo, bước qua những cái hộp đầy những
ký ức mà sẽ không ai còn nhìn lại nữa, những va li đầy quần áo cũ mà ai đó đã quên hoặc
không muốn quẳng đi, và chốc chốc anh gọi nàng, công chúa của anh – nàng ở đâu? – cơ
thể anh cứng đờ vì lạnh, răng anh lập cập gõ nhau, ngay chính giữa đường hầm, mỉm cười
trong bóng tối, có lẽ lần đầu tiên không còn biết sợ, và chẳng hề có ý định khơi lên nỗi sợ,
đầy hứng khởi, hân hoan, đầy sức sống, sờ soạng tìm đường qua những cánh cửa tối lần lượt
mở, theo những hành lang đưa anh đến gần với nước mắt hơn, trong bóng tối, được dẫn dắt
duy chỉ bằng nhu cầu của cơ thể anh cần một cơ thể khác, ngã xuống rồi lại dậy, và cuối cùng
anh đến căn buồng ngay chính giữa, và cuối cùng anh trông thấy tôi và kêu lên. Tôi vẫn im
lặng và không thể biết tiếng kêu của anh là thế nào. Tôi chỉ biết mỗi một điều rằng rốt cuộc
chúng ta đã đến bên nhau, rằng anh là hoàng tử mê cuồng còn tôi là công chúa không biết
thế nào là thương hại.”

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 109


Vagina
Dentata:
a tribute
Phan Ta Di

Đảo quốc nọ, hoàng thái tử từ thuở nhỏ đã được cho vời các
bậc đại trí khắp nước về dạy dỗ. Tới năm 13 tuổi lên ngôi ngài
đã nằm lòng nghệ thuật cai trị mà không hành động, chắc có
họ hàng xa với thuyết vô vi của Lão quân, tới 15 ngài đã mang
lại hòa bình cho vương quốc. Nhờ sự thông thái của mình, nhà
vua thường xuyên đàm đạo với chư thần phù hộ cho đất nước
và được biết trong vòng trăm năm tới, đảo quốc sẽ sống trong
cảnh thái bình an lạc, chỉ thỉnh thoảng đây đó nảy ra nổi loạn
tí con, nhưng cũng đấy cũng thuộc vào trật tự - bởi trật tự sẽ
không thể là trật tự nếu không trong thế quân bình với hỗn
mang. Thật ra thì kết thúc một trăm năm đó, quân xâm lược
ngoại bang sẽ đi tàu chiến chở trọng pháo tới tàn phá xứ sở này,
nhưng viễn kiến của nhà vua còn chưa vươn tới mốc đó. Năm
19 tuổi, nhà vua trẻ đã lên tới tột cùng đỉnh núi tri thức, hái
bông hoa trí huệ, nắm được câu trả lời tối thượng về sự sống,
vũ trụ và vạn vật (mở ngoặc, tuyệt đối không phải là 42), và
tới đó ngài không biết phải làm gì nữa. Ngài nghĩ hay là chết,
nhưng các triều thần ngăn cản, vì với tình hình hiện tại đào tạo
thêm một nhà vua-triết gia nữa thì quốc khố không cân nổi.

110 Z Z Z REVIEW
Một đêm trong đền, chư thần của vương quốc khuyên ngài hãy xuống khỏi đỉnh núi, thử
la cà nơi sườn núi mà thưởng thức những bông hoa tuy kém sắc nhưng vẫn có duyên riêng.
Người ta cho xây một thư viện, chở đến tất tần tật mọi cuốn sách từng viết ra trên đảo,
nhưng nhà vua đọc vèo một tháng là hết. Các bậc thầy bách nghệ được mời đến dạy, nhưng
sáu tháng sau vua đã tự tay xây nên một ngôi nhà biết nói và trồng xung quanh những cái
cây chưa từng thấy trên đời. Vua lại bắt đầu phàn nàn về nỗi không có gì làm. Các đại thần
lại chụm đầu bàn bạc. “Chỉ có tình ái là không bao giờ cạn,” họ kết luận. Để khỏi xúi bẩy
nhà vua đi mèo mỡ khắp giường các thần dân trong nước, chư thần phái xuống một nàng
tiên có một không hai trên đời. Không chỉ biến hình tùy ý, nàng còn thay đổi chính bản
chất của mình; nhà vua yêu cầu loại người gì nàng sẽ biến ngay thành người ấy, hoặc cô gái
đồng trinh mãi mãi ngây thơ trinh trắng, hoặc ả hồ ly tối nào cũng chấm điểm cho vua trên
bảng xếp hạng các tình nhân của nàng ta. Nhà vua sưu tập các dạng tình yêu, xứ sở vui cảnh
thái bình, thỉnh thoảng đâu đó nổi lên làm phản rồi chết ngóm.
Một hôm nhà vua vừa ngáp vừa phán, nàng hãy trở thành một người không bao giờ
đáp ứng nhưng chẳng bao giờ cạn kiệt. Nàng tiên núng nính đi tới, da dẻ đen xì, một mắt
vàng, một mắt xanh, hàm trên trống hoác. Nhà vua vừa nhìn thấy đã ọe khan. Nàng tiên
bảo: “Tôi đã biến hóa ra đúng như nhà vua muốn.”
“Chư thần hỡi, ít ra nàng cũng lắp đủ bộ nhai vào chứ.”
“Có chứ, một hàm răng tuyệt đẹp ẩn sau cặp môi huyền thoại của tôi.”
Nhà vua trố mắt nhìn nàng, kinh ngạc. “Đã vậy nàng đến đây thì được cái gì?”
“Tôi đến kể chuyện hầu vua.”
Đêm đó tắt đèn, nàng bắt đầu kể chuyện. Nàng tiên, mà chúng ta sẽ gọi là Scheherazade
vì đằng nào liên văn bản cũng huỵch toẹt ra rồi, có giọng nói hết sức kỳ diệu, không du
dương mà đều đều như tụng kinh, nhưng cách nào đó vẫn gọi lên những tình cảm cực
kỳ tinh tế trong lòng người nghe. Nàng cất giọng, nhà vua tưởng như trước mắt mình là
những chấm bướm nối nhau thành những đường quấn quýt bay qua mặt hồ phẳng lặng,
soi xuống hồ thành những ảnh tượng, lâu đài, đồng xanh, đại dương sóng cồn và tóc thề
thiếu nữ.
Nàng kể cho vua,
về người thợ hát của trời đã ngân dài một nốt từ thuở thế giới ra đời, không bao giờ ngưng
thở lấy hơi vì sợ khoảnh khắc ấy đất trời sụp đổ,

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 111


về gã khờ ở một đất nước xa lắc, chăm cái cây trước cửa lều qua ba cuộc cách mạng và năm
triều vua,
về kẻ tử tù trước giờ hành quyết được cấp bát cơm cuối cùng, đã chia mỗi hạt cơm làm năm
để ăn trong những giây vĩnh cửu trước khi trời sáng,
về nhà thơ đã viết bài thơ toàn bích không gì sánh nổi, nhưng cứ cuối tháng lại sửa đi chữ
cuối để việc sáng tác không bao giờ ngưng, cùng người đọc trung thành mỗi tháng đến rằm
lại tới chép bài thơ từ đầu chí cuối,
về cô gái vì phải lòng một chàng incubus mà thiếp ngủ đến nay đã mười ba năm,
về người vợ đã cắt trái tim mình trao cho người chồng thủy thủ mang theo trên chuyến hải
hành, để nàng được rỗng lòng mà ngày ngày tiếp tục sống,
về Đại tư tế ở đền Trái Đất Song Song cùng nữ phụ tế vẫn thi thoảng tới phòng ngài hầu
ngủ, khi cám dỗ của nhục thân dâng lên đe dọa cản đường thanh tẩy tinh thần,
về những cá vàng của Aureliano Buendia cùng tấm khăn tang của Penelope,
về người tác giả đã viết 98 truyện ngắn, để rồi sau khi ông chết, nhờ một phát hiện tình cờ
người ta hiểu ông đã viết đi viết lại đúng một truyện ấy thôi,
về cặp vợ chồng đã kết hôn 24 lần và ly dị 17 lần trong khi liên tục đóng vai các câu chuyện
từ sách vở, tới một ngày có người chọn vở Othello,
về cụ bà khi hấp hối đã nói với cụ ông: “Ơn trời, em chẳng phải lo sẽ đánh mất anh bao giờ
nữa”,
về cô dâu 75 tuổi đã quyên sinh sau đêm tân hôn.
...

Tối tối nhà vua bước vào căn buồng tắt điện bừng bừng dục vọng, hứa với nàng sẽ chờ tới
khi kể chuyện xong, rồi tới khi trời sáng lại lộn mửa đuổi nàng đi, nhờ đó tránh được cái
chết tức thời và tức tưởi.
“Thế còn ta thì sao?” một lần ngài ngắt giữa chừng câu chuyện về người đàn ông đã gửi
thư cầu hôn rồi khi nhận được, để nguyên trên bàn không mở qua hàng năm ròng. “Ta cứ
phải chờ đến vô cùng chỉ vì sự kém cỏi của đám thầy phụ khoa hay sao?”
Nàng tiên buồn bã nhìn nhà vua. “Thì ngài cho gọi tôi mà.”
Nhà vua ngày càng ủ ê gắt gỏng. Cả ngày chỉ nằm trên giường, như trong cơn sốt vô
hình. Đại thần đến báo cáo về tình hình đất nước, nhưng ngài nghe vài câu lại sốt ruột đuổi
họ đi. Có nhiều kẻ hiếu sự thì thầm về nguy cơ bạo loạn, nhưng triết lý vô vi nhi trị đã được
áp dụng quá thành công đến nỗi có ai ho he cũng chẳng nên cơm cháo gì hết.
Triều thần sốt ruột giục vua ra ngoài chơi đi, thăm thú đất nước đi, để khỏi ngồi
không cả ngày. Kết quả khiến họ khiếp vía. Nhìn thấy cô gái nào nhà vua cũng ngỡ là nàng

112 Z Z Z REVIEW
tiên. Để khỏi làm gì manh động, ngài tế ngựa vào những vùng đồng ruộng rộng lớn không
người. Đằng xa xa ngài thấy một bóng người mặc váy đứng một mình giữa ruộng. Ngài
thúc ngựa, chạy vọt tới cắp lấy cô ta chạy vào rừng. Nhưng khi vật cô xuống đất, ngài nhận
ra đấy chỉ là một con bù nhìn.
Nhà vua hóa điên rồi, người ta rì rầm. Còn sợ làm phản gì nữa. Nhà vua đã thành bạo
chúa rồi.
“Tại nàng hết cả đấy,” vua bảo.
“Thì ngài cho gọi tôi mà,” nàng tiên đáp, nhưng lần này giọng nói có mùi tội nghiệp.
Nhà vua rầu rĩ vuốt chân nàng. Ngài không dám nhìn lên mặt nàng.
“Hay là gọi người khác đi? Hồi đó ngài đâu có giữ ai lâu quá một tuần.”
“Hồi đó ta còn đang sưu tập. Nhưng giờ thì ta muốn ở lại đây, chừng nào còn chịu
nổi.”
“Nhưng người khác thì sẽ làm được việc tôi không làm được.”
“Thế người ấy có biết kể chuyện không?”
“Ngài yêu cầu thì người ta sẽ làm được thôi.”
“Thế người ấy có một mắt vàng một mắt xanh không?”
“Thì chắc là có.”
“Thế người ấy có răng ở dưới không?”
“Giờ thì ngài nói linh tinh rồi đấy.”
“Người ấy có phải là Schehezarade không?”
“Người ấy vẫn là tôi thôi.”
“Người ấy sẽ không phải là nàng.”
Nàng tiên lặng thinh.
“Ta muốn chết,” nhà vua rên rỉ.
“Nhà vua hãy nghĩ cho đất nước. Nếu ngài chết người ta sẽ dựng lên một vua mới kém
cỏi lắm.”
“Đất nước cái ccc!” nhà vua nói, rồi dịu lại. “Hay là ta có thể thoái vị rồi dạy dỗ vua
mới cẩn thận rồi hẵng chết.”
“Nhà vua thoái vị là ngay lập tức chư thần sẽ phù hộ cho vua mới, tôi sẽ không còn
đến đây nữa.”
“Vậy thì xéo luôn cho rồi! Xéo đi, con đàn bà quỷ quyệt đã cướp mất sự thanh thản của
ta! Xéo luôn đi và chớ có bao giờ trở lại!” Và nhà vua quăng gối vào nàng.
Nàng tiên đứng dậy đi ra cửa.
“Này! Nàng đi đâu đấy?”
“Đi luôn.”
“Đêm nay đừng có mà đến muộn đấy!”

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 113


“Giờ thì ngài cư xử hệt như một cậu bé ẩm ương vậy,” nàng đáp và đi ra.
Đêm ấy nàng không trở lại, đêm sau, đêm sau nữa cũng không. Nhà vua ngủ cả ngày,
thức chong chong cả đêm, mồ hôi vã như tắm. Các đại thần cho người tìm cô thiếu nữ xinh
đẹp nhất đảo đưa vào phòng ngài, nhưng cô bé nhút nhát hoảng sợ chạy té ra sau khi nhận
một tràng giáo huấn về “cái ngàn vàng”.
Nhà vua ốm. Các đại thần có thử bàn kế hoạch đi tìm một cô béo ị xấu ỉn, ghè vỡ hàm
răng trên đi rồi cho đeo một bên kính áp tròng màu vàng, nhưng không ai dám thực hành.
Nhưng mấy tháng sau, nhà vua đã khỏe lại. Ngài không trở thành bạo chúa như họ sợ,
nhưng giờ có thói quen ở một mình trong đền rất lâu.
“Scheherazade sao rồi?” ngài hỏi chư thần.
“Cô nàng dỗi, nhưng cậu hỏi thì cô nàng sẽ quay về thôi.”
“Không không, làm ơn cứ giữ lấy cô ta đi, giờ tôi không có sức nào nhìn cô ấy được.”
“Vậy chúng ta sẽ gửi cô ấy đến dưới tên khác nhé?”
“Thôi không cần.”
Cuối cùng, rủ lòng thương, chư thần cho ngài biết về những con tàu ngoại quốc sẽ tấn
công vào đảo khi một trăm năm kết thúc. Không, giờ không còn kịp huấn luyện quân sĩ,
chế tạo binh khí nữa. Vũ khí làm ra trên hòn đảo nghèo nàn này không bao giờ đương nổi
những máy bay không người lái, những quả bom tàng hình kia. Thật ra là ngài hay bất kỳ ai
khác đều chẳng thể làm gì để thay đổi định mệnh được: và định mệnh nói rằng dưới ách áp
bức ngoại bang, hòn đảo sẽ bị chiếm đóng và bóc lột, cứ ba chục năm lại đổi chủ một lần.
“Vậy tôi còn phải lo gì? Cho tôi chết đi, rồi cứ để một tên bạo chúa kém cỏi lên thay.”
“Cậu có thể cầm cự đến phút cuối cùng, khiến cho người dân bị áp bức sau này vẫn sẽ
mãi nhớ cảnh sống hòa bình, phồn thịnh không gợn bóng mây trong thời đại cậu. Rồi một
nghìn năm sau họ sẽ gom đủ ý chí và kiến thức, đủ sức đuổi cổ bọn xâm lược, giành lại độc
lập cho hòn đảo. Chúng ta sẽ đảm bảo cho việc đó.”
“Thế rồi thời đại phồn vinh sẽ trở lại chứ?”
“Không, nghệ thuật vô vi nhi trị sẽ thất truyền vĩnh viễn, và dân đảo sẽ trở thành bản
sao nhợt nhạt của giống dân xâm lược, vĩnh viễn chạy theo hòng sánh vai cùng họ.”
“Thế thì những trò vè này để làm cái gì?” nhà vua thở dài. “Thôi mặc mấy người muốn
làm gì thì làm.”
Nhà vua tiếp tục cai trị thêm nhiều chục năm. Bạo loạn nổi lên rồi tắt đi, người dân
sống hạnh phúc hoặc gần như hạnh phúc, mọi bà mẹ trong xứ sở hoài công dạy dỗ mọi cô
con gái cầm kỳ thi họa lẫn bảy chữ tám nghề, khiến hòn đảo bùng lên một cuộc phục hưng
văn nghệ lớn chưa từng thấy. Nhà vua nuôi đầy nhà mèo trắng một mắt vàng, một mắt
xanh.
Tròn một trăm năm, chính xác như đặt hẹn, quân ngoại xâm nổ đại bác bắn vào hòn

114 Z Z Z REVIEW
đảo. Được một tuần đội cung thủ can trường đã chết sạch. Giống dân kỳ lạ kia gào thét
bằng thứ tiếng kỳ lạ kia không rõ là mệnh lệnh hay chửi mắng, bao vây cung điện của nhà
vua. Nhà vua rút vào trong đền, và nhà sử học cung đình, sau này sẽ còn tác nghiệp lâu dài
trong triều đại mới, dâng lên chén thuốc độc.
Uống cạn chén thuốc, nhà vua phóng hỏa đốt bàn thờ. “Xin cho Scheherazade đến
gặp tôi,” ngài khấn.
Nàng xuất hiện, cái miệng không răng tuyệt đẹp mỉm cười với ngài.
“Một trăm năm là quá ngắn để chối từ nàng,” vua thì thầm.
Tiếng kèn lệnh chơi bản quốc thiều ngoại bang bên cửa.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 115


TƯỞNG NIỆM AMOS OZ (1939-30/12/2018)

Amos Oz năm 1965

116 Z Z Z REVIEW
Chuyện kể về
tình yêu và
bóng tối(1)
(trích dịch)
Nguyễn An Lý dịch

Amos Oz được thừa hưởng cả hai truyền thống lý tính khai sáng
và lãng mạn thần bí, tạm gọi là từ cha và mẹ. Thuộc về thế hệ đầu
tiên sinh ra trên đất Israel, được chứng kiến giờ phút hình thành
Nhà nước Israel, ông thành danh từ rất trẻ với những truyện ngắn
và tiểu thuyết ngắn hết sức sắc sảo về đời sống ở kibbutz (hợp tác
xã nông nghiệp kiểu xã hội chủ nghĩa) Israel, sau đó liên tục cho ra
đời 20 tiểu thuyết hoặc tập truyện ngắn cùng rất nhiều tiểu luận, xã
luận bàn về chính trị đất nước, ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho
cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Dù không phải người duy nhất làm
nhân chứng cho cuộc vật vã thoát thai của con người Israel từ thế
lưỡng phân giữa “châu Âu” và “Do Thái”, ông lại là người, khi qua
đời cuối tháng 12 vừa qua, được thương khóc như là “anh hùng văn
hóa”, “lương tâm của Israel”, “trái tim nhân ái của Israel”.

1. Tác phẩm được Nhã Nam mua bản quyền dịch và dự kiến phát hành trong thời gian tới.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 117


Sipur al ahava ve choshech là hồi ký về thời thơ ấu của ông, khi xuất
bản năm 2002 đã nhanh chóng trở thành best-seller trong nước và
được dịch ra nhiều thứ tiếng. Độc giả yêu mến ông sẽ tìm được nhiều
lời giải đáp về cuộc sống và quan niệm văn chương của ông trong tác
phẩm này. Với độc giả Việt Nam, vốn mới chỉ có cơ hội tiếp xúc với
tác phẩm nổi tiếng thời kỳ đầu Michael của tôi (Bách Việt-NXB Văn
học 2009), Chuyện kể về tình yêu và bóng tối sẽ là một bài vỡ lòng
giàu thông tin, tính nhân bản và chất uy mua thấp thoáng về sự ra
đời của dân tộc Israel hiện đại.
Bản dịch thực hiện dựa theo bản tiếng Anh A Tale of Love and
Darkness của Nicholas de Lange, 2004, có tham khảo các nguồn
khác trong điều kiện cho phép. - AL

CHƯƠNG 1

Tôi sinh ra và lớn lên trong một căn hộ tầng trệt ba mươi mét vuông, trần thấp. Ba mẹ tôi
ngủ trên cái giường kiêm xô pha, tối tối kéo ra thì gần choán hết mặt sàn. Sáng sáng hai
người đẩy cái giường lút sâu vào trong chính nó, rồi đem chăn ga giấu hết trong bóng tối
ngăn kéo dưới chân, rồi úp ngược cái đệm, ấn cho chặt, rồi phủ cái chăn xám che hết đi, rồi
vứt trên cùng dăm ba chiếc gối thêu kiểu phương đông nữa, thế là dấu vết một đêm ngủ đã
biến mất. Căn buồng không chỉ là phòng ngủ, mà còn là phòng viết, phòng đọc sách, phòng
tiếp khách, phòng ăn.
Đối diện với nó là căn buồng màu xanh bé bỏng của tôi, kê cái tủ áo bụng bự choán
gần nửa buồng. Một hành lang thấp và hẹp, lại tối tăm và hơi cong, như đường hầm đào
trốn tù, nối hai buồng với căn bếp chật và nhà vệ sinh. Một bóng đèn giam trong lồng sắt
đổ thứ ánh sáng chập chờn xuống hành lang cả ban ngày. Mặt trước nhà có hai cửa sổ, một
phòng ba mẹ, một phòng tôi, đều bọc rèm lá sách bằng kim loại, đều gắng sức nhìn qua kẽ
rèm ngắm chút phong cảnh phía Đông mà chỉ thấy một cây bách cáu bụi và bức tường thấp
bằng đá thô để trần. Mặt sau bếp và nhà vệ sinh trổ hai ô thông gió bé tí trên cao, ngó xuống
mảnh sân tù bé bằng lỗ mũi, tường cao quây kín, sàn lát xi măng, giữa sân là một cây phong
lữ nhợt nhạt trồng trong hộp ô liu rỉ đang ngày một héo hon vì tuyệt không có lấy một giọt
nắng trời. Bệ hai ô thông gió lúc nào cũng có mấy hũ dưa ướp, cùng một cây xương rồng lì
lợm trồng trong cái lọ nứt dùng làm chậu hoa.

118 Z Z Z REVIEW
Đấy thực ra là một căn hộ tầng hầm, bởi tầng trệt ngôi nhà được khoét vào sườn đồi
đá. Quả đồi là láng giềng sát vách nhà chúng tôi, một ông láng giềng đồ sộ, ủ ê, khép kín,
một quả đồi già buồn rầu với nền nếp sinh hoạt cố định như mọi gã không vợ khác, một
quả đồi mùa đông im lìm gà gật, không bao giờ kéo bàn ghế hay đón tiếp khách khứa,
không bao giờ gây ồn ào hay làm phiền chúng tôi, nhưng giống như một thứ mùi mốc
thoảng nhẹ nhưng dai dẳng, cái im lặng và ẩm ướt lạnh và tối mịt của ông hàng xóm u sầu
ấy vẫn ngày đêm rỉ ra qua bức tường.
Bởi vậy, suốt mùa hè, nhà chúng tôi vẫn phảng phất mùa đông.
Khách đến nhà hay nói: nhà này cả giữa đợt gió nóng vẫn thật là thoải mái, mát mẻ dễ
chịu, se lạnh là khác, nhưng đến mùa đông thì anh chị làm sao? Tường này không bị thấm
ẩm à? Cả nhà không thấy buồn thảm ư?

Khắp nhà chất đầy sách. Ba tôi đọc được mười sáu mười bảy thứ tiếng, nói chuyện được
bằng mười một tiếng (tiếng nào cũng đá giọng Nga). Mẹ tôi nói được bốn hay năm và đọc
bảy tám gì đó. Lúc nào không muốn tôi hiểu thì hai người nói tiếng Nga hay Ba Lan. (Tức
là rất nhiều. Đang nói tiếng Hebrew gần tôi, mẹ nhỡ mồm nhắc đến chuyện ngựa giống, ba
tôi liền gắt lên bằng tiếng Nga: Shto s toboi?! Vidish malchik ryadom s nami! - Em làm sao
thế? Em thấy thằng bé ở ngay đây mà!) Hai người đọc sách tiếng Đức và Anh là chủ yếu, vì
nhu cầu văn hóa, và nằm mơ chắc bằng tiếng Yiddish chăng. Nhưng ngôn ngữ duy nhất tôi
được dạy là tiếng Hebrew. Có thể ba mẹ sợ rằng biết nhiều thứ tiếng sẽ khiến cả tôi nữa, rơi
vào bùa chài của châu Âu, cái lục địa tuyệt diệu, lục địa giết người ấy.
Trên thang giá trị của ba mẹ tôi, càng dịch chuyển về phía Tây thì càng được coi là văn
hóa. Tolstoy và Dostoyevsky có gần gũi với tâm hồn Nga của hai người đến mấy thì tôi cũng
ngờ rằng nước Đức - dù có Hitler - vẫn đứng trên một bậc so với Nga hoặc Ba Lan. Và Pháp
lại trên cơ Đức. Anh còn được đặt ở nấc thang cao hơn Pháp nữa. Còn Mỹ thì, họ chưa có
kết luận rõ ràng: dù sao đấy cũng là xứ sở nơi người ta bắn dân da đỏ, đánh úp tàu chở thư,
chạy theo vàng và săn lùng đàn bà con gái.
Châu Âu với họ là mảnh đất hứa đã vĩnh viễn thành đất cấm, một miền thương nhớ
với những gác chuông và quảng trường lát đá phiến từ thời cổ, những xe điện cùng cầu và
tháp nhọn nhà thờ, những làng quê hẻo lánh, những thị trấn nghỉ dưỡng, những rừng,
những đồng cỏ tuyết giăng.
Những chữ như “nhà tranh”, “đồng cỏ”, “cô bé chăn ngỗng” đã mê hoặc và kích thích tôi
hầu suốt thời thơ ấu. Từ những chữ đó toát ra nồng nực mùi hương của một thế giới ấm cúng
và chân thực, khác xa những mái tôn bẩn bụi, những bãi hoang thành thị đầy đồng nát sắt vụn
lẫn với bông kế, những sườn đồi Jerusalem khô cháy dưới mùa hè nóng ngộp nặng như đá đè.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 119


Chỉ cần nhủ thầm “đồng cỏ” là tôi đã nghe vang
bên tai tiếng ò ò của những chú bò đeo chuông
con lanh tanh nơi cổ, cùng tiếng suối róc ra róc
rách. Và khi nhắm mắt, tôi sẽ thấy cô bé chăn
ngỗng đi chân đất, cô sexy đến độ khiến tôi trào
nước mắt dù mới là đứa trẻ chưa biết gì.

Sau này tôi dần hiểu rằng trong thời Anh còn
cai trị vào các thập kỷ 1920 đến 1940, Jerusalem
hẳn là một thành phố giàu văn hóa cực kỳ thú
vị. Thành phố có đủ những doanh nhân lớn,
những nhạc sĩ, học giả, nhà văn quan trọng:
Martin Buber, Greshom Scholem, S. Y. Agnon,
cùng một loạt những nhà nghiên cứu và nghệ
sĩ danh tiếng khác. Đôi khi đang đi trên phố
Ben Yehuda hay đường Ben Maimon, ba tôi lại
thì thầm với tôi: “Kia là một học giả lừng danh
Bìa gốc cuốn Chuyện kể về tình yêu và bóng tối,
lấy ảnh Amos Oz thuở nhỏ cùng bố mẹ. thế giới đấy.” Tôi không hiểu thế nghĩa là gì. Tôi
ngỡ lừng danh thế giới là điều có quan hệ thế
nào đó với chân đi lẩy bẩy, vì nhân vật được chỉ ra thường là một ông già chống gậy dò dẫm
tìm đường, vừa đi vừa vấp, mùa hè vẫn mặc bộ vét len nặng trịch.
Thành Jerusalem mà ba mẹ tôi tôn kính nằm rất xa nơi tôi sống: đấy là khu Rehavia
rợp lá, những khoảnh vườn chìm giữa tiếng dương cầm, đấy là ba hay bốn quán cà phê có
đèn chùm dát vàng trên đường Jaffa hay phố Ben Yehuda, trong những đại sảnh của Hiệp
hội thanh niên Cơ đốc YMCA hay khách sạn King David, nơi những người Do Thái và Ả
Rập thèm văn hóa tới chen vai thích cánh cùng những dân Ăng lê phong nhã lịch duyệt,
nơi những nhan sắc mơ huyền bận đầm dạ tiệc vịn tay những bậc hào hoa đóng vét đen, nơi
những khách Anh đầu óc cởi mở dùng bữa bên dân Do Thái có văn hóa hay dân Ả Rập có
giáo dục, nơi mở những vũ hội, những đêm thơ nhạc, những tiệc trà có khiêu vũ, và những
cuộc đàm đạo nghệ thuật phong lưu. Hoặc cũng có thể thành Jerusalem ấy, thành phố của
đèn chùm và tiệc trà khiêu vũ ấy, chẳng hề có thật bên ngoài giấc mơ của những thủ thư,
những thầy giáo, những nhân viên và thợ đóng sách sống ở Kerem Avraham. Giá nào thì nó
cũng không có ở nơi chúng tôi ở. Kerem Avraham, nơi tôi sống, thuộc về Chekhov.
Nhiều năm sau này khi đọc Chekhov (qua bản dịch tiếng Hebrew), tôi đã tin chắc
ông là người trong số chúng tôi: Chú Vanya sống trong căn hộ thẳng trên đầu tôi, bác sĩ

120 Z Z Z REVIEW
Samoylenko từng cúi xuống khám cho tôi bằng đôi bàn tay to mạnh mẽ khi tôi bị sốt và
một lần bị bạch hầu, Laevsky nhức đầu muôn thuở là em họ mẹ tôi, còn Trigorin(1) thì
chúng tôi vẫn thường đi xem, ở hội trường Beit Ha’am các suất chiều thứ Bảy.
Khắp quanh chúng tôi là người Nga, đủ các loại. Nhân vật kiểu Tolstoy có rất nhiều.
Thậm chí nhiều người trông còn hệt như Tolstoy. Khi giở tới tấm ảnh màu nâu trên lưng
cuốn sách của ông, tôi tin chắc mình đã nhiều lần gặp ông trong khu này, hoặc thả bộ trên
phố Malachi, hoặc đi qua phố Ovadyah, đầu trần, chòm râu bạc phơ phất trong gió, ghê
gớm như tổ phụ Abraham, cặp mắt sáng loáng, tay chống cành cây thay gậy, tấm áo nông
dân Nga trùm ra ngoài cái quần thụng thịnh buộc dải rút.
Mấy nhân vật Tolstoy trong khu nhà chúng tôi (mà ba mẹ tôi gọi là Tolstoyshchik)
không từ một ai đều thật tâm ăn chay, ôm mộng cải tổ thế giới, say đắm yêu thiên nhiên,
theo đòi cuộc sống đạo đức, chan chứa tình yêu tha nhân cùng mọi sinh vật trên đời, một
lòng mong mỏi quy khứ lai sống đời lao động chất phác trên đồng cây vườn quả. Nhưng
chăm mấy chậu cảnh cho nên cây họ cũng không làm nổi: khi thì họ tưới nước quá đà làm
cây chết, lúc lại quên tưới cây, nếu không thì cũng là do bọn cầm quyền Anh quốc khốn nạn
bỏ clo vào nước dùng.
Trong số họ có những nhân vật Tolstoy mà lại chẳng khác gì vừa bước ra từ tiểu thuyết
Dostoyevsky: dằn vặt, nhiều lời, một bầu ham muốn đè nén, một kho ý tưởng bừng bừng.
Nhưng dù thuộc về Tolstoy hay Dos, đã vào khu Kerem Avraham nhà chúng tôi đều chỉ
thành con rối trong tay Chekhov.
Phần còn lại của thế giới thì thường gọi là “thế giới rộng lớn”, nhưng cũng có khi đi
kèm những tính ngữ khác: văn minh, ngoài kia, tự do, đạo đức giả. Hiểu biết của tôi về
nó hầu như chỉ bằng con đường sưu tập tem: Danzig, Bohemia, và Moravia, Bosnia và
Herzegovina, Ubangi-Shari, Trinidad và Tobago, Kenya, Uganda, và Tanganyika. Cái thế
giới rộng lớn ấy xa xôi, quyến rũ, phi thường, nhưng với chúng tôi thì lại nguy hiểm và đe
dọa. Thế giới ấy không ưa người Do Thái vì họ khôn, họ nhanh trí, họ thành công, nhưng
cũng vì họ ồn ào lắm đòi hỏi. Thế giới ấy cũng chẳng ưa những gì chúng tôi đang làm ở Đất
Israel, bởi nó hậm hực chẳng muốn cho chúng tôi đến cả cái dải đất bạc bẽo toàn đầm lầy,
đá tảng và sa mạc này. Ngoài kia trong thế giới, mỗi bức tường đều viết kín: “Bọn Yid cút
về Palestine”, vậy là chúng tôi về Palestine, và giờ thì thế giới ngoài kia lại quát “Bọn Yid cút
khỏi Palestine”.
Không chỉ thế giới ngoài kia là thăm thẳm xa; cả Đất Israel, Eretz Israel cũng chẳng lấy
gì làm gần cận. Ở đâu đó, bên kia đồi và xa nữa, một giống người Do Thái mới anh hùng

1. Nhân vật trong vở Chim hải âu của Chekhov.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 121


đang nảy nở, một chủng người da ngăm, cứng cỏi, trầm lặng, giàu tinh thần thực tiễn, khác
hẳn cái thứ người Do Thái tha hương và tuyệt không có gì chung với đám dân cư chui rúc
ở Kerem Avraham. Những người tiền phong quả cảm và dày dạn ấy đã làm thân với bóng
đêm, và cũng đã vượt qua tất cả mọi giới hạn về quan hệ giữa trai và gái cũng như ngược lại.
Họ không hổ thẹn vì bất cứ điều gì. Ông nội Alexander của tôi từng nói, “Người ta cho là
sau này sẽ rất đơn giản, trai đến chỗ gái mở lời là xong, mà có khi gái cũng chẳng thèm đứng
đợi mà tự tới hỏi trai trước, không khác gì hỏi xin cốc nước lọc.” Ông trẻ Betsalel mắt cận
thị thì nói, điềm đạm nhưng giận dữ: “Chà đạp lên mọi bí mật, mọi huyền bí, thế chẳng
phải là cái thói Bôn sê vích ư?! Bãi bỏ mọi xúc cảm?! Biến cả cuộc đời mình thành một
cốc nước hâm hẩm?!” Ông Nehemia ngồi ở góc phòng thường lệ buông ra vài câu hát mà
tôi nghe giống như tiếng gầm gừ của con thú dữ cùng đường: “Ô đường khúc khuỷu dặm
đường xa bấy, qua núi đèo biết mấy là xa, đường dài tìm kiếm mẹ ta, tuyết tuôn nắng chói
vời xa phương nào...” Rồi tới đó bà Zippora nói bằng tiếng Nga: “Đủ rồi đấy. Các ông hóa
điên hết rồi hả? Thằng bé nghe thấy các ông kìa!” Thế là họ đổi hết sang tiếng Nga.

Những người tiền phong sống rất xa chân trời của chúng tôi, ở Galilee, ở Sharon, ở các
thung lũng. Những chàng trai cứng cỏi và nồng hậu, dù tất nhiên cũng trầm lặng và ưu tư,
cùng những cô gái rắn rỏi, bộc trực, tự chủ, hình như biết tất cả, hiểu tất cả; họ biết ta và
cõi lòng thẹn thò nhiều bối rối của ta, nhưng vẫn đối xử với ta thân tình, nghiêm túc và coi
trọng, đối xử với ta không phải như trẻ nít mà như một người đàn ông, dù là một người
đàn ông hơi còi.
Tôi hình dung họ là những người mạnh bạo, nghiêm nghị, kín lời, có thể ngồi vòng
tròn hát về nỗi mong chờ khắc khoải, mà cũng có thể hát những bài nhạo báng, hay những
bài táo tợn bày tỏ thèm khát nhục cảm, có thể nhảy hăng tới mức như thể không phải bằng
xương thịt. Họ biết cô đơn mà cũng biết tự vấn, biết sống ngoài trời, ngủ trong lều bạt,
làm lụng cực nhọc, vừa làm vừa hát “Luôn luôn sẵn sàng”, “Các chú bé xưa mang lại hòa
bình bằng lưỡi cày, ngày nay sẽ biết lấy hòa bình bằng súng”, “Lệnh bảo đi đâu, chúng ta
đi đấyyyy”; họ biết điều khiển ngựa hoang lẫn máy kéo bánh lớn; họ biết tiếng Ả Rập, họ
rành rẽ từng hang lũng, họ khéo léo sử dụng súng lục lẫn lựu đạn mà lại thuộc làu thơ ca
triết học; họ là những người râu hùm hàm én có trí tuệ mẫn tiệp và xúc cảm kín đáo, biết
trò chuyện thầm thì bên ánh nến trong lều khi tờ mờ sáng, về ý nghĩa cuộc đời, về lựa chọn
nghiệt ngã giữa ái tình và bổn phận, giữa lòng ái quốc và công lý nhân quần.
Đôi khi tôi cùng các bạn đến sân giao hàng của hợp tác xã Tnuva, ngắm họ vừa tới từ
bên kia đồi và xa hơn nữa, trên cỗ xe tải chất đầy nông sản, “áo lấm bụi đường, trĩu vai vũ
khí, ủng nặng dưới chân”, và tôi thường lại gần họ hít lấy cái mùi cỏ khô, cái hương vị mê

122 Z Z Z REVIEW
tơi của những miền viễn xứ: chính nơi họ từ đó tới, tôi nghĩ, là nơi đang xảy ra những việc
lớn lao. Đấy là nơi đất đang được dựng xây và thế giới được cải tạo, một xã hội mới được rèn
thành. Họ đang khắc dấu ấn lên vùng đất và lên lịch sử, họ đang khai phá ruộng và trồng
những vườn nho, họ đang viết nên bài ca mới, họ vớ súng, nhảy lên lưng ngựa, bắn trả quân
cướp Ả Rập: từ đất sét là giống người thảm hại chúng ta, họ nặn thành một dân tộc thiện
chiến.
Tôi bí mật mơ rằng một ngày kia họ sẽ nhận tôi về với họ. Và biến cả tôi thành một dân
tộc anh hùng. Mơ rằng cả cuộc đời tôi cũng sẽ thành một bài ca mới, một cuộc đời thanh
khiết và bộc trực và đơn thuần như cốc nước trong ngày nực.

Bên kia đồi và xa hơn nữa, thành phố Tel Aviv cũng là một nơi hấp dẫn, là nơi đưa đến báo
chí, những lời nhỏ to về sân khấu, opera, ba lê, cabaret, cũng như nghệ thuật hiện đại, chính
trị đảng phái, tiếng vọng từ những cuộc tranh luận nảy lửa, và những mẩu tin đồn tiếng
được tiếng mất. Ở Tel Aviv có những nhà thể thao thượng hạng. Lại còn cả biển, biển đầy
những người Do Thái có nước da đồng hun, họ biết bơi. Ở Jerusalem làm gì có ai biết bơi?
Có ai từng nghe nói người Do Thái mà lại biết bơi? Họ, họ sở hữu bộ gen khác. Họ là đột
biến. “Như sự xuất sinh kỳ diệu khi con bướm thoát thai khỏi con sâu.”
Chỉ riêng cái tên Tel Aviv đã hàm chứa một phép màu đặc biệt. Nghe mấy chữ “telaviv”,
đầu tôi đã tự động vẽ lên một con người cứng cỏi mặc áo phông xanh thẫm, da đồng hun,
vai vạm vỡ, một nhà thơ cách mạng công nhân, một tinh thần không bao gồm nỗi sợ, loại
người mà người ta vẫn gọi là Hevreman, mũ đội lệch cẩu thả và khiêu khích trên mái tóc
xoăn, hút thuốc Matusian, một người đã quen thoải mái trong thế giới: suốt cả ngày anh
đổ mồ hôi với đất đai, hay là vôi vữa, tối đến anh kéo vĩ cầm, rồi đêm đêm nhảy cùng các cô
con gái, hay hát cho các cô nghe những bài ca tha thiết giữa đụn cát dưới ánh trăng rằm, và
tới tờ mờ sáng, anh vớ lấy khẩu súng ngắn hay tiểu liên từ chỗ cất giấu, lẩn vào bóng đêm đi
canh gác ruộng vườn nhà cửa.
Tel Aviv mới xa làm sao! Suốt thời thơ ấu tôi đến đó được năm sáu lần là hết - nhà tôi
thỉnh thoảng đến ở cùng gia đình chị em gái của mẹ tôi, các dịp lễ hội. Không chỉ ánh sáng
ở Tel Aviv khác hẳn ánh sáng ở Jerusalem, khác nhiều hơn ngày nay, mà cả sức hút trái đất
cũng khác. Ở Tel Aviv người ta không đi lại - người ta nhảy từng bước dài, người ta bay lơ
lửng, như Neil Amstrong đi trên mặt trăng.
Ở Jerusalem dân tình lúc nào cũng đi lại kiểu như đang dự lễ tang, hay đi xem hát
bị muộn giờ. Ban đầu, người ta đặt mũi giày xuống trước, ướm thử xem mặt đất có chắc
không. Rồi sau khi hạ cả bàn chân xuống rồi, họ sẽ dềnh dang ở đó: đi đâu mà vội mà vàng,
chúng ta đã đợi tới hai ngàn năm mới đưa được chân vào Jerusalem, nhỡ vừa nhấc chân lên

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 123


lại có kẻ ghé qua giật mất dải đất bé tẹo này. Mặt khác, một khi nhấc chân lên rồi, thì cũng
đừng vội vàng đặt chân xuống lại, biết đâu giẫm phải khoanh rắn độc nào. Hàng ngàn năm
chúng ta đã lấy máu trả cho thói hấp tấp, hết lần này tới lần khác rơi vào tay kẻ địch bởi
bước mà không nhìn. Ở Jerusalem đại khái là người ta bước đi như thế. Nhưng Tel Aviv ấy
à! Giống như đại dịch châu chấu ấy. Người ta cứ là nhảy tanh tách, cả nhà cửa, cả phố xá, cả
quảng trường, luồng gió biển, rồi cát, rồi đại lộ, rồi ngay cả những đám mây trên trời cũng
thế.
Một lần chúng tôi đến Tel Aviv ăn lễ Vượt qua, và sáng hôm sau tôi dậy sớm trong lúc
cả nhà còn ngủ, mặc quần áo, một mình ra ngoài chơi trên cái quảng trường nhỏ chỉ có một
hai băng ghế, một cái đu, một hố cát, ba bốn cây non đã có chim chóc hót trên cành. Vài
tháng sau là Năm mới, chúng tôi quay lại thì cái quảng trường nhỏ đã biến mất. Nó đã được
dời đi chỗ khác, bưng nguyên cả mấy cây con, băng ghế, hố cát, chim chóc và cây đu, sang
đầu kia đường. Tôi vô cùng sửng sốt: tôi thật không hiểu sao Ben Gurion và các giới chức
được bầu lên đúng phép tắc lại có thể cho phép một điều như vậy xảy ra. Làm sao người ta
hứng chí là nhấc nguyên cả cái quảng trường đi chỗ khác được? Rồi sau đó thì sao - họ sẽ
dời cả Núi Ô Liu hay Tháp David chắc? Họ có chuyển Bức Tường Than Khóc đi không?
Ở Jerusalem người ta nói đến Tel Aviv vừa tự hào vừa ganh tỵ, cả ngưỡng mộ nữa,
nhưng gần như bí mật: cứ như thành phố ấy là một dự án cốt tử, tuyệt mật của nhân dân
Do Thái, tốt nhất là không nhắc đến quá nhiều - xét cho cùng thì dừng có mạch vách có tai,
ai biết nội gián tay sai kẻ thù có thể đang rình rập khắp phố.
Tel-a-viv. Biển. Ánh sáng. Cát, giàn giáo, quầy hàng trên hè đường, một thành phố
Hebrew mới tinh trắng toát với những đường thẳng đơn giản mọc lên giữa những vườn
cam và đụn cát. Không chỉ là một nơi ta mua vé xe khách Egged rồi đi đến, mà là hẳn một
lục địa riêng.

Mấy năm liền nhà tôi có lịch hẹn định kỳ gọi cho các bác ở Tel Aviv. Chúng tôi gọi ba bốn
tháng một lần, dù nhà tôi lẫn nhà bác đều không mắc điện thoại. Thoạt tiên chúng tôi viết
thư cho hai bác Haya và Tsvi, thông báo rằng chẳng hạn vào ngày mười chín tới - hôm đó
thứ Tư, bác Tsvi được nghỉ ở trạm y tế từ ba giờ - chúng tôi sẽ gọi từ hiệu thuốc chỗ nhà tôi
tới hiệu thuốc chỗ nhà họ lúc năm giờ. Thư gửi đi rất sớm, rồi chúng tôi đợi trả lời. Thư hồi
âm của hai bác Haya và Tsvi cam đoan là thứ Tư ngày mười chín rất tiện, hai bác sẽ chờ ở
hiệu thuốc từ trước năm giờ một chút, nếu không gọi được đúng boong năm giờ thì cũng
đừng lo lắng, hai người không chạy mất đâu.
Tôi không nhớ gia đình tôi có lên đồ khi xuất hành tới hiệu thuốc để gọi đến Tel Aviv
không, nhưng nếu có thì cũng không có gì lạ. Đấy là một dịp long trọng. Từ Chủ nhật tuần

124 Z Z Z REVIEW
trước, ba đã bảo mẹ, Fania, em không quên tuần này mình gọi đến Tel Aviv chứ hả? Sang
thứ Hai mẹ sẽ bảo, Arieh, ngày kia anh đừng về nhà muộn đấy, không lại hỏng việc. Và đến
thứ Tư cả hai người sẽ cùng bảo tôi, Amos, con đừng có làm gì bất ngờ đấy, nghe không, cốt
đừng có ốm, nghe không, con đừng có cảm, đừng có ngã, đến hết chiều mai là được. Và tối
hôm đó hai người sẽ nói với tôi, Đi ngủ sớm đi để lúc gọi điện được tươi tắn khỏe khoắn,
ba mẹ không muốn các bác nghe giọng con lại tưởng không được ăn đủ đâu.
Cứ thế nỗi mong chờ lớn dần. Chúng tôi sống trên phố Amos, hiệu thuốc trên phố
Zephaniah đi bộ mất năm phút, nhưng từ ba giờ ba đã bảo mẹ:
“Em đừng có giở việc gì ra đấy nhé, không chốc lại cuống lên.”
“Em thì tốt rồi, nhưng anh cứ chúi mũi vào sách thế rồi sẽ quên bẵng đi mà xem.”
“Anh mà quên à? Anh cứ vài phút lại nhìn đồng hồ đấy nhé. Mà con nó sẽ nhắc anh
chứ.”
Vậy là tôi, một thằng bé năm sáu tuổi, đã bị giao cho một trọng trách lịch sử. Tôi
không có đồng hồ đeo tay - lấy đâu ra được? - thế là cứ chốc chốc tôi lại chạy vào bếp xem
kim đồng hồ, rồi xướng lên, như đếm ngược giờ phóng tàu vũ trụ: còn hai lăm phút nữa,
còn hai mươi phút, còn mười lăm, mười phút rưỡi - và đến lúc đó cả ba cùng đứng dậy, khóa
cửa trước thật kỹ, rồi lên đường, rẽ trái đi đến hiệu thực phẩm của ông Auster, rồi rẽ phải
vào phố Zechariah, rồi lại trái vào phố Malachi, rồi phải vào Zephaniah, và bước thẳng vào
hiệu thuốc mà xưng danh:
“Chúc bác buổi chiều tốt lành, bác Heinemann. Chúng tôi đến gọi điện đây.”
Tất nhiên ông Heinemann đã biết rõ rằng thứ Tư đó nhà tôi sẽ tới gọi cho họ hàng ở
Tel Aviv, ông cũng biết bác Tsvi làm ở trạm y tế, còn bác Haya làm to lắm ở Hiệp hội phụ
nữ lao động, còn Yigal lớn lên sẽ làm vận động viên đấy, và nhà đó còn chơi thân với Golda
Meyerson (mà sau này sẽ là Golda Meir(1)) cũng như Misha Kolodny, mà về đây thì gọi là
Moshe Kol(2), nhưng chúng tôi vẫn nhắc lại với ông: “Chúng tôi đến gọi cho họ hàng ở Tel
Aviv đây.” Ông Heinemann sẽ đáp, “Vâng vâng, rõ rồi, mời anh chị ngồi.” Rồi ông sẽ kể
cái truyện cười mọi bận. “Một lần Đại hội Phục quốc đang tổ chức ở Zurich thì từ phòng
nhỏ bên cạnh bỗng vọng ra tiếng ầm ầm rất ghê gớm. Berl Locker hỏi Harzfeld có việc gì,
Harzfeld bèn giải thích rằng đấy là đồng chí Rubashov đang nói chuyện với Ben Gurion ở
Jerusalem. ‘Nói chuyện với Jerusalem hả,’ Berl Locker thốt lên, ‘vậy sao ông ấy không dùng
điện thoại đi?’ ”
Ba sẽ nói, “Anh quay số đây.” Và mẹ sẽ đáp, “Arieh, giờ còn sớm. Mấy phút nữa mới

1. Thủ tướng thứ tư của Israel, có biệt danh “bà đầm sắt” và “bà nội của người Israel”.
2. Từng là Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Phát triển Israel, một trong những người ký vào Tuyên ngôn độc lập Israel.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 125


đến giờ mà.” Ba sẽ đáp, “Ừ, nhưng còn phải qua tổng đài nữa” (lúc này chưa có gọi điện trực
tiếp). Mẹ: “Ừ, nhưng nhỡ lần này tổng đài nối máy qua luôn thì sao, các bác chưa đến thì
sao?” Ba đáp: “Nếu vậy thì chúng mình đợi một chốc gọi lại thôi.” Mẹ: “Không được, như
thế mọi người lại lo lắng vì tưởng mình không chờ được đã đi về rồi.”
Nói qua nói lại một hồi thì thình lình đã sát năm giờ. Ba phải đứng hẳn dậy mới nhấc
được ống nghe, và nói với tổng đài: “Chào bà. Xin bà nối cho tôi với Tel Aviv 648.” (Hoặc
là đại loại như thế: thời này vẫn còn sống với ba chữ số.) Đôi khi tổng đài sẽ trả lời: “Xin
ông đợi cho vài phút, vì ông giám đốc bưu cục đang gọi điện.” Hoặc là ông Sitton, hoặc ông
Nashashibi. Và chúng tôi sẽ nhấp nhổm chờ: hai bác sẽ nghĩ về chúng tôi thế nào chứ?
Tôi vẫn còn hình dung được cái sợi dây duy nhất nối Jerusalem với Tel Aviv, và qua Tel
Aviv, với phần còn lại của thế giới. Hễ đường dây duy nhất này mà bận, chúng tôi sẽ bị cắt lìa
khỏi thế giới. Đường dây chạy ngoằn ngoèo qua những đồng hoang, những đất đá, những
đồi lũng, và tôi nghĩ đấy thật là một điều kỳ diệu. Tôi muốn run lên: nhỡ thú hoang trong
đêm cắn đứt cáp thì sao? Nhỡ bọn Ả Rập ác ôn cắt cáp? Nhỡ nước mưa thấm vào dây? Nhỡ
dọc đường bị cháy? Ai mà biết được? Cái sợi dây ấy ngoằn ngoèo chạy, vô phương tự vệ quá
đi, không ai che chắn, nắng thiêu nắng đốt, ai mà biết được? Tôi biết ơn vô hạn khi nghĩ
đến những người đã mắc dây, thật là can trường và khéo léo, đi dây từ Jerusalem tới Tel Aviv
có phải chuyện chơi đâu. Về điều này thì tôi có kinh nghiệm rồi: chúng tôi từng nối dây từ
phòng tôi đến phòng Eliyahu Friedmann, chỉ cách có hai nhà với một mảnh vườn thôi mà
mệt ra trò, nào là cây cối giữa đường, hàng xóm, nhà kho, tường, bậc cửa rồi lại bụi rậm nữa.
Chờ một lúc thì ba đoán chắc là ông giám đốc hay ông Nashashibi đó hẳn phải nói
chuyện xong rồi, thế là ba lại nhấc máy nói với tổng đài: “Xin lỗi bà, lúc nãy tôi vừa xin số
Tel Aviv 648.” Bà kia sẽ bảo: “Thưa ông, tôi đã ghi lại rồi. Xin ông đợi cho một chút.” (hoặc
“Xin ông kiên nhẫn thêm một chút”) Ba tôi sẽ bảo, “Tôi đang đợi đây, thì tôi đang đợi đây,
nhưng bên kia đầu dây cũng có người đang đợi nữa.” Đây là cách ba lịch sự bảo ngầm cho
bà là dù chúng tôi quả là người đàng hoàng có văn hóa đấy, thì sự kiên nhẫn của chúng tôi
cũng có giới hạn. Chúng tôi được dạy dỗ tử tế, nhưng không phải con giun cho xéo đâu.
Chúng tôi không ngoan ngoãn để bị dắt mũi vào lò mổ đâu. Cái thời ấy - thời dân Do Thái
đối xử kiểu gì cũng được - đã qua rồi, chấm dứt tiệt rồi.
Rồi bỗng dưng điện thoại trong hiệu thuốc bỗng reng lên, và âm thanh ấy lúc nào cũng
thật kích động, khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu, và cuộc đối thoại sẽ diễn ra kiểu như thế này:
“A lô, anh Tsvi à?”
“Tôi xin nghe.”
“Arieh đây, gọi từ Jerusalem đây.”
“Vâng, a lô, Arieh à, Tsvi đây, chú thế nào?”
“Ở đây mọi thứ tốt cả. Chúng em gọi từ hiệu thuốc đây.”

126 Z Z Z REVIEW
“Chúng tôi cũng thế. Có gì mới không?”
“Không có gì mới cả. Thế chỗ anh chị thế nào, anh Tsvi? Có tình hình gì mới cho
chúng em biết.”
“Bình thường hết. Không có gì cần kể. Chúng tôi đều ổn.”
“Không có gì tức là tốt đấy. Ở đây cũng không có gì. Cả nhà đều khỏe. Thế sức khỏe
anh chị thế nào?”
“Chúng tôi cũng khỏe.”
“Khỏe thì mừng quá. Giờ Fania nói chuyện với anh nhé.”
Rồi lại lặp lại tất cả từ đầu. Anh thế nào? Có gì mới không? Rồi thì, “Giờ cháu Amos
nói vài câu nhé.”
Và tất cả câu chuyện là như vậy. Có gì mới không? Tốt. Vậy thôi ít nữa lại nói chuyện
nhé. Được nghe tin anh thật vui quá. Được nghe tin chú cũng vui. Chúng em sẽ viết thư
hẹn giờ gọi lần sau nhé. Chúng ta sẽ nói chuyện. Ừ. Chắc chắn rồi. Độ ít nữa thôi. Hẹn gặp
anh. Giữ gìn sức khỏe nhé. Chúc mọi điều tốt lành. Chú cũng vậy.

Nhưng chẳng có gì đáng cười: mạng sống của chúng tôi rất mong manh. Bây giờ tôi hiểu ra
rằng họ không hề tin tưởng mình sẽ thật sự được nói chuyện với nhau lần nữa, đây có thể
là lần cuối, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, có thể có bạo loạn, tru diệt, tắm máu, dân Ả Rập có
thể vùng lên giết sạch đám chúng tôi, có thể có chiến tranh, thảm họa, dẫu sao thì xe tăng
của Hitler đã suýt chạm cửa nhà chúng tôi từ cả hai phía Bắc Phi và dãy Kavkaz, ai biết còn
gì chờ phía trước? Cuộc nói chuyện vô nghĩa này thực ra không vô nghĩa, chỉ lúng túng mà
thôi.
Giờ đây, điều tôi hiểu được từ những cuộc điện thoại ấy là họ - là tất cả mọi người,
không riêng gì ba mẹ tôi - cảm thấy thật khó khăn khi bộc lộ tình cảm riêng tư. Những
tình cảm tập thể thì họ nói ra hết sức rành rọt - họ vốn là những người giàu cảm xúc, họ
cũng giỏi nói chuyện. Họ nói đến là nhiều! Họ có thể đàm luận hàng giờ không nghỉ, vô
cùng hăng hái, về Nietzsche, về Stalin, Freud, Jabotinsky, quăng cả bầu nhiệt huyết vào đó,
rỏ những giọt nước mắt xúc động, ngân nga như hát về chủ nghĩa thực dân, về thói bài Do
Thái, về công lý, “vấn đề nông nghiệp”, “vấn đề phụ nữ”, “nghệ thuật hay đời sống”, nhưng
cứ khi nào họ muốn phát biểu ra một tình cảm trong lòng, thì lời họ lại căng thẳng, nhạt
nhẽo, thậm chí còn nhát sợ, kết quả của nhiều thế hệ sống trong đè nén và phủ nhận. Phủ
nhận hai lần và đè nén hai tầng, bởi những lề thói trưởng giả châu Âu càng củng cố thêm
những trói buộc trong cộng đồng sùng đạo Do Thái. Hầu như thứ gì cũng “cấm tiệt” hoặc
“không ai làm thế” hoặc “không hay lắm đâu”.
Thêm nữa, vấn đề còn ở chỗ thiếu từ ngữ trầm trọng: cho tới lúc đó tiếng Hebrew vẫn

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 127


chưa đủ tự nhiên, và hẳn nhiên không phải một thứ tiếng dành để nói chuyện tâm tình;
người ta không biết khi dùng ngôn ngữ đó, điều được nói ra thực sự sẽ là gì. Không ai biết
chắc mình sẽ không thốt ra một điều nực cười, mà suốt đời họ chỉ sợ bị cười. Họ khiếp sợ
chết đi được. Ngay cả những người biết rành tiếng Hebrew như ba mẹ tôi vẫn không hoàn
toàn làm chủ được ngôn ngữ ấy. Khi nói, họ luôn lo lắng nói sao cho chính xác. Họ đổi ý
liên tục, lời vừa rời miệng lại tìm cách chữa. Có lẽ đấy cũng là cảm giác của một người lái
xe mắt kém đang tìm đường giữa đêm qua một mớ bòng bong hẻm hóc trong thành phố lạ
trên chiếc xe đi mượn.
Một ngày thứ Bảy, bạn mẹ tôi đến chơi, một cô giáo tên là Lilia Bar-Samkha. Cứ mỗi
lần trong câu chuyện, cô khách bày tỏ mình sợ khiếp vía hay ai đó vừa gặp chuyện khiếp quá
đi mất, là tôi lại ré lên cười. Trong ngôn ngữ thông tục hằng ngày, chữ cô dùng nói “khiếp”
lại có nghĩa là “rắm”. Ngoài tôi ra có vẻ không ai thấy buồn cười, hoặc là họ giả bộ không
thấy. Cũng như khi ba tôi nói về cuộc chạy đua vũ trang, hay rủa xả các nước NATO vừa
quyết định tái vũ trang cho Đức hòng cản bước Stalin. Ông không hề biết rằng cái từ rất
điển phạm chỉ “vũ trang” của ông trong tiếng lóng Hebrew đương thời nghĩa là “địt”.
Còn với ba tôi, ông sẽ gầm gừ mỗi lần tôi dùng chữ “uýnh”: một chữ ngây thơ vô tội
như thế, tôi chẳng hiểu làm sao lại khiến ông bực mình. Tất nhiên ông chẳng bao giờ giải
thích, còn tôi không cách nào hỏi được. Nhiều năm sau tôi mới được biết rằng vào thập kỷ
1930 tôi còn chưa sinh ra, đấy là một chữ lóng phổ biến chỉ quan hệ tính giao. “Đêm đó
uýnh cho con bé đã đời trong phòng đóng gói rồi thì sáng ra thằng mặt lọ giả bộ không quen
nó.” Thế là khi tôi kể chuyện
“thằng Uri uýnh em gái nó ghê
quá” thì ba lại nhép nhép miệng,
nhăn nhăn mũi. Dĩ nhiên ông
chẳng bao giờ giải thích - biết
giải thích kiểu gì?
Trong những phút riêng
tư họ không bao giờ nói tiếng
Hebrew với nhau. Rất có thể
trong những phút riêng tư nhất
họ chẳng nói gì. Họ chỉ im lặng.
Điều gì thì cũng phải thua nỗi sợ
nói phải hay làm phải điều gì đó
nực cười.
Amos Oz tại thành phố Porto Alegre của Brazil năm 2017.
(Ảnh của Fronteiras do Pensamento. Giấy phép: CC BY-SA 2.0)

128 Z Z Z REVIEW
TOP 20 VĂN HỌ C DỊCH 2018

Năm qua sách


hay bạt ngàn
nhiều tấn
Hay
Nhà nước không
nuôi anh em
chúng ta!
Zét Nguyễn

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 129


130 Z Z Z REVIEW
SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 131
Văn học dịch 2018, với tôi, là một năm chói lòa, mấy câu thơ chế cứ gọi là
vang vang: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Sách vở hay ho khắp nước
nhà/Nam Bắc thi đua sòn sòn đẻ”. Trong khoảng thời gian 5 năm quan
sách tình hình sách vở nước nhà, có lẽ 2018 là một năm sách ra đọc đến
kiệt sức. Những năm trước khi chọn Top 10 Văn học dịch nhiều khi tôi
phải dùng đến biện pháp châm chước và cử tuyển những cháu vùng xôi
vùng xa vào list, dù có một vài cuốn không thật ưng ý. Riêng năm nay tỉ
lệ chọi chắc ngang thi vào đại học Bắc Kinh ư?, các siêu sao ùn ùn hiện ra
trước mặt thét lớn: Không chọn em thì còn chọn ai? Vâng thì em chọn
đây, các bác cứ bình tĩnh.
Và dưới đây là 10 cuốn sách thuộc mảng văn học dịch của năm vừa qua do
Madame Z bình chọn. Theo truyền thống tự lập ra, sẽ có một Top 10 nữa,
theo sát đuôi.

1. Bẫy-22 - Joseph Heller - Lạc Khánh Nguyên dịch


Bố già Harold Bloom từng phán Bẫy-22 chỉ là tác phẩm của một giai đoạn, không
phải cho mọi thời, và may quá như nhiều lần, nhà phê bình sai bét nhè rồi nhà phê bình ơi:
Ngay từ lúc ra đời năm 1961, tính đến tận gần 60 năm sau, Bẫy-22 vẫn tiếp tục là một kinh
điển đương đại. Rất giản dị, vì nó không chỉ nói tới quân đội, và chiến tranh, và những kẻ
vừa ngu vừa ác, và rất nhiều chủ đề có thể liệt kê. Nó liên tục nhắc: trong cuộc sống này,
chúng ta, hay là Sisyphus?
Zzz Review đã có bài điểm cuốn này rất dài, mời các bác đọc.

2. Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull - Thomas Mann - Nguyễn Hồng Vân và Trần
Đàm Thành dịch
Felix Krull, tuy xuất hiện khá muộn ở Việt Nam, một bước lên luôn thành tượng đài
và chủ tịch câu lạc bộ những nhân vật nam tếu và đả phá nhất mọi thời đại. Nếu buộc phải
chọn Cuốn Sách Của Năm, thì lòng tôi khổ sở mà thốt lên, đầy day dứt, rằng: Bẫy-22 là
tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đến từ hồi đầu năm, còn Krull người từ trăm năm nước về
như bão tố bèn thành cú chốt hạ cuối năm. Thôi thì ông đầu rau, năm nay chúng ta có một
cú đúp.
Hài hước và, tung tẩy, Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là cuốn tự thuật của

132 Z Z Z REVIEW
anh chàng Felix Krull kể lại cuộc đời bảy nổi bảy chìm của nhân vật ba que xỏ lá nhất hạng
này từ lúc còn ấu thơ, lớn lên trong nhung lụa, tới lúc gia đình phá sản, trưởng thành, trốn
nghĩa vụ quân sự, sang Paris làm chân giúp việc trong một khách sạn, phiêu lưu ái tình
không chỉ với một đờn bà, đội lốt, lừa đảo và chu du. Câu chuyện cứ như tiếp diễn mãi mãi,
vì đây là một tác phẩm dang dở của Thomas Mann và vì thế không có đoạn kết. Dẫu vậy,
có thể nói Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là tác phẩm vượt trội hơn cả Núi thần,
và có thể sánh về tầm vóc với Gia đình Buddenbrock, mà ở nhiều trường đoạn, còn đem lại
những khoái cảm đọc lớn hơn.
Được viết trước Chết ở Venice, như chính lời Mann tự thuật: “[Lời thú nhận của tay
lừa đảo Felix Krull] được dựa trên ý tưởng giễu nhại, lấy một yếu tố từ truyền thống thiêng
liêng, từ kiểu thú nhận tự thuật của quý tộc phong cách riêng kiểu Goethe, và biến nó
thành thế giới của những kẻ khôi hài và tội phạm. Cuốn tiểu thuyết này mãi dang dở,
nhưng có nhiều chuyên gia coi những phần đã được xuất bản là tác phẩm xuất sắc nhất và
thành tựu tài tình nhất của tôi. Có lẽ đây là thứ riêng tư nhất tôi từng viết ra, bởi nó trình
bày quan điểm của tôi đối với truyền thống, một thứ vừa đáng yêu vừa hủy hoại và đã chi
phối tôi với tư cách là một người viết.”
Phải nói thêm, bản dịch của Nguyễn Hồng Vân và Trần Đàm Thành xứng đáng chia
nhau Giải thưởng văn học dịch 2018 với một cuốn khác sẽ nhắc dưới đây.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 133


3. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông - Jan Neruda - Bình Slavická và Dương
Tất Từ dịch
Không ai được quyền bước vào văn chương mà không có ý tưởng mới: khiếp quá cụ
nào mà quát câu to hơn còi hơi xe khách thế này, và không biết cụ có mang theo vũ khí gì
đặc biệt không? Cụ Jan thì chắc có.
Jan Neruda, nhà văn Séc thuộc trường phái chủ nghĩa hiện thực, được coi là đại diện
xuất sắc nhất của văn chương nước này thế kỷ 19, viết như vậy, trong tập truyện ngắn
Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông.
Là một nhà báo kỳ cựu và cực kỳ năng suất, kiêm nhà thơ, và một bậc thầy truyện
ngắn, thậm chí còn bị/được coi là mắc kẹt ở thể loại này để thực hiện thể nghiệm, Neruda
góp cho văn chương thế giới một tập truyện kinh điển đầy tinh tế và sắc sảo được chắt như
nước mắm nhĩ độ đạm cao kể về đời sống những thị dân ở khu phố nổi tiếng Malá Strana
của thủ đô Praha mà giờ đây chẳng kém gì Người Dublin của Joyce, ai đi du lịch Séc bèn
muốn sắm một cuốn để đồng hành.
Tập trung vào những cái thường nhật, những yêu, thương, ghét, hận, căm, cãi vã,
ghen tuông, đố kỵ, cưới, hủy cưới, ốm đau, và chết... giữa những người hàng xóm láng giềng
trong khu phố cổ, Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông được viết từ tay một nhà báo
lão luyện mắt cú vọ phơi bày mọi cảnh huống của đời sống ra trang văn bằng giọng văn hài
hước mà độc giả hơn nhiều bận phải phì cười vì lắm cảnh tréo ngoe, được chuyển ngữ tài
tình qua bàn tay của hai dịch giả. Những nhân vật của Neruda đều thấp thoáng như bước
ra từ trong văn học dân gian, và lập tức trở thành cổ điển, đời sống, lúc nào cũng vậy, là đổ
xô của mọi ngã rẽ, là cái chết rình rập trước mặt.

134 Z Z Z REVIEW
4. Những nhân chứng cuối cùng: Solo cho giọng trẻ em - Svetlana Alexievich - Phan
Xuân Loan dịch
Svetlana Alexievich không còn là một cái tên lạ lẫm với độc giả Việt Nam. Từ lúc bà
được trao giải Nobel, mỗi năm lại đều đặn có bản dịch tác phẩm của bà. Và văn chương của
bà, nếu ta cứ mạnh dạn liệt những truyện tư liệu của bà vào lĩnh vực văn chương, vẫn không
ngừng làm tôi sững sờ và, run rẩy.
Những nhân chứng cuối cùng, với ý tưởng được nảy sinh từ những chuyến đi cho cuốn
sách đầu tiên Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, quả là một cuốn sách cần đọc
song song để được nghe cùng lúc hai giọng, bè cho nhau, mà đồng điệu, không hề lấn át
nhau: một của phụ nữ, một của trẻ em. Không dẫn dụ dông dài, Những nhân chứng cuối
cùng đi thẳng vào trung tâm: để cho lần lượt hơn trăm trẻ em cất tiếng kể, những đứa bé
ở Belarus là nơi đầu tiên của Liên Xô hứng bom đạn, khi Đức đột ngột tấn công vào năm
1941. Những người kể lại giờ đây đã trưởng thành, nhưng ký ức và cảm giác thì vẫn còn
nguyên vẹn, với gần như một nhịp chung của đời sống: ngày hôm ấy, 22-6, mọi thứ vẫn
diễn ra như thường nhật, em bé đi mua bánh mì, hoa thủy tiên nở, thì đột nhiên “bầu trời
tối om và máy bay đen sì”, và thế là chiến tranh nổ ra. Chết chóc ập tới, chia lìa với gia đình,
những cơn đói, máu đổ, chạy giặc tản cư, trại mồ côi, thiếu thốn tình thương và sự chở che
của bố mẹ và những năm tháng khổ sở và khát khao dài dặc: những em bé ấy, ở độ tuổi non
nớt ấy, đã chứng kiến, đã kinh qua, đã sống sót, và giờ đây trên trang giấy họ kể lại: đầy đủ
những cảm giác còn tươi sống: ánh sáng chói lòa, mùi chiến tranh, màu hồng trên tro...
Những nhân chứng cuối cùng có lẽ là cuốn ám ảnh nhất trong ba tác phẩm của bà được
dịch sang tiếng Việt, vì nó lấy trung tâm là lời kể của những chủ thể yếu ớt, dễ bị tổn thương
nhất: trẻ em.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 135


5. Trở lại cố hương - Thomas Hardy - Nguyễn Thành Nhân dịch
Dễ hiểu vì sao một nhà văn Anh kiệt xuất khác, D. H. Lawrence, lại coi Hardy là nguồn
ảnh hưởng lớn lao lên các tác phẩm của mình, cũng dễ hiểu vì sao Virginia Woolf, một nhà
văn đầy kiêu hãnh từng ném sọt rác không biết bao nhiêu tiền bối, lại ngợi ca Hardy và công
nhận những điều ông làm được trong khi bà thì yếu kém: khả năng tạo ra những nhân vật
“sống như những cá thể và khác biệt như những cá thể” mà vẫn thật như “đồng loại”: trong
Trở lại cố hương, Hardy tạo ra một hệ thống nhân vật sống động, chi tiết, với những ham
muốn dữ dội, những con người cá thể đặc biệt, vật lộn với bàn tay “đểu cáng của số phận”.
Trong Trở lại cố hương, Hardy kể về số phận của Eustacia Vye, một phụ nữ tóc đen
xinh đẹp, có dòng máu lai, và bị coi là hoang dã, phù thủy, mơ ước thoát khỏi chốn hoang
địa nơi nàng sống với ông mình, để đến với một Paris phù hoa. Từng dan díu với một tay
chủ quán trọ, nhưng cảm thấy anh ta không phù hợp với mình, giờ đây khi một người buôn
bán đá quý tên Clym từ Paris trở về vùng quê lạc hậu với mong muốn trở thành thầy giáo,
Eustacia vội tóm lấy Clym như một cứu cánh của đời mình.
Trong một cuốn sổ tay, Hardy từng phô bày một quy tắc cho các tiểu thuyết của ông:
“Một cốt truyện, hay bi kịch, nên nảy sinh từ sự dần dần kết thúc của một tình huống
xuất phát từ những tham vọng, định kiến, đam mê thường nhật của con người, bởi những
nhân vật không quản ngại chống lại những tai nạn thảm khốc sinh ra từ chính những tham
vọng, định kiến, đam mê nói trên.”
Và quả đúng tuân theo nguyên tắc năm hồi của bi kịch kinh điển, năm phần của Trở

136 Z Z Z REVIEW
lại cố hương khắc họa từ khúc dạo đầu đến lúc rơi vào thảm kịch, của không chỉ Eustacia,
mà còn của Clym, và cả mẹ Clym.
2018 có thể coi là một năm dành cho những kiệt tác kinh điển được dịch sang tiếng
Việt. Và Thomas Hardy, nhà văn tiêu biểu và xuất sắc của văn chương Victoria, xuất hiện
với tác phẩm được giới phê bình đánh giá rất cao Trở lại cố hương - một cuốn tiểu thuyết
chớm bờ hiện đại, thậm chí còn được coi là hiện đại đến táo bạo vì những chủ đề cấm kỵ
vào thời bấy giờ.

6. Hai kinh thành - Charles Dickens - Đăng Thư dịch


Một kinh điển khác đến từ thời Victoria của Anh, và luôn là một lựa chọn đúng
đắn: Charles Dickens, với tiểu thuyết lịch sử Hai kinh thành. Nguyên tắc khẩu súng của
Chekhov, khi ứng dụng vào các tác phẩm của Dickens, hầu như không bao giờ bị trật: mọi
chi tiết đều có dụng ý của nó, mọi nhân vật xuất hiện, dù nhỏ đến đâu, rồi sẽ có vai trò của
nó, mọi số phận đều sẽ được giải quyết, mọi nút lỏng đều sẽ được thắt gút.
Mở đầu bằng một chuyến xe thư báo tin hồi sinh của một người mất dạng từ lâu, kết
thúc bằng cảnh lên đoạn đầu đài của một nam chính hy sinh vì tình yêu, vì nghĩa lớn, Hai
kinh thành với hệ thống nhân vật và sự kiện được xây dựng chặt chẽ, đầy những cú twist bất
ngờ, được viết bằng một thứ văn chương uyển chuyển, mượt mà, giàu ẩn dụ, tập trung vào

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 137


số phận cá nhân trong giai đoạn lịch sử biến động - Cách mạng Pháp năm 1789 - xứng đáng
là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Dickens.
Một cuốn sách khác mà tôi nhắc ở trên xứng đáng cùng nhận Giải thưởng dịch thuật
không phải cuốn nào khác mà chính là Hai kinh thành, một dịch phẩm kiệt xuất của dịch
giả Đăng Thư. Đây là một bản dịch với độ chính xác lên đến mức gần tuyệt đối, được tái tạo
lại bằng một thứ tiếng Việt mượt mà, chỉn chu, của một dịch giả đã đang ở trong giai đoạn
chín muồi về tay nghề. Một bản dịch khó lòng bị vượt qua, trong cả thế kỷ tới.

7. V. - Thomas Pynchon - Thanh Trúc dịch


Một trong những tác gia đương đại khó đọc nhất thế giới đã về đây, đã về đây! Pynchon
được nhắc đến như một huyền thoại, văn chương ông cũng được đối xử như một huyền
thoại: kính nhi viễn chi, nhắc nhiều, không mấy ai đọc. Và quả V. không dành cho tất cả.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay từng được đề cử Giải Sách Quốc gia Mỹ này, khi đọc, cần bút và
giấy, và trang wiki riêng dành cho V., để vẽ hệ thống nhân vật, để đọc tóm tắt và lần theo
nội dung của từng chương. Với mỗi chương một tiêu đề tưng tửng, với giọng kể đều đều, V.
là một tập hợp những truyện ngắn với một loạt các nhân vật và các câu chuyện nhiều khi
tưởng chừng không dính líu gì với nhau.
Không dễ, và thú thật là khoai, để trả lời câu hỏi, vậy V. viết về cái gì? Về chàng thủy thủ
hải quân xuất ngũ nay làm công nhân cầu đường Benny Profane ngao du Manhattan chui
xuống cống ngầm truy bắt cá sấu cùng đồng bọn chăng? Hay chuyến truy tìm của Herbert
Stencil một thực thể, có thể là một con người, một vật, mang tên V. trong những cuốn nhật
ký để lại của cha mình? Một chuỗi những câu chuyện quấn quít vào nhau, nhiều rối rắm, lắm
lạc đề, và độc giả rơi vào một ma trận. Có lẽ vì thế mà Pynchon trở thành chủ soái của hậu
hiện đại, khi trong tác phẩm của ông, hằn rõ, việc đuổi bắt một cái biểu đạt, mà đến gần áp
chót, thì tác giả ban luôn cho một câu, “V. đến lúc này đã là một khái niệm vô cùng tản mác.”

8. Lữ khách và Cõi trăng - Antal Szerb - Nguyễn Hồng Nhung dịch


Có đúng như ông Tây phê bình gia người anh Nicholas Lezard bảo, rằng “Chẳng có
ai đã đọc mà lại không mê Lữ khách và Cõi trăng?” Bản chất nghi ngờ đồng loại của tôi dấy
lên ít nhiều, và tăng lên đáng kể cho đến gần hết phần I của cuốn tiểu thuyết của một trong
những nhà văn đương đại nổi tiếng người Hungary này. Và rồi mọi thứ đổi ngoặt từ đó, và
từ đó về sau.
Bắt đầu câu chuyện là chuyến du lịch trăng mật đến Ý của đôi vợ chồng Mihály và
Erzsi, tưởng êm ả và mật ngọt, nhưng rắc rối nhanh chóng tìm tới và bủa vây, bởi dưới bề

138 Z Z Z REVIEW
mặt có vẻ bình thản và khó hiểu của người chồng lại là một quá khứ thời thiếu niên đầy
những rắc rối, với những cơn khó ở, động kinh, luôn cảm thấy vực xoáy dưới chân mình,
với những mối quan hệ bạn bè phức tạp. Tình cờ lạc nhau khi bắt nhầm tàu, cuộc đời
Mihály và Erzsi cũng đổi hướng hoàn toàn từ đó: Mihály lẩn trốn và trôi dạt hết thành phố
này sang thành phố khác của Ý, như một kẻ bị quá khứ đeo đuổi và giờ đây quyết truy tìm
và thỏa mãn những ám ảnh chưa được giải quyết năm xưa.
Những tưởng nội dung đầy tăm tối với những dằn vặt của tuổi trẻ, tình yêu, và dục
vọng, như vậy, Lữ khách và Cõi trăng sẽ là một chuyến đọc nhọc nhằn cho độc giả, nhưng
ngược lại, thấm đẫm yếu tố hài hước và châm biếm, mà đôi chỗ trường đoạn khiến ta bất
ngờ khoái chí, cuốn tiểu thuyết vượt xa một suy nghiệm về tuổi trẻ băn khoăn. Nó còn là
một giễu nhại đích thực.

9. Đời nhẹ khôn kham - Milan Kunderda - Trịnh Y Thư dịch


Một kinh điển đương đại, tác phẩm thường được coi là xuất sắc nhất của Kunderda,
đã đáp cánh an toàn xuống tiếng Việt (dẫu có nhiều sứt mẻ, nếu bạn hiểu tôi đang nói về
chuyện gì). Zzz Review đã có bài viết về tác phẩm này.
Một phê bình gia viết về nghệ thuật tiểu thuyết rất thành thục nghệ thuật tiểu thuyết
khi trở thành tiểu thuyết gia: đó chính là Kundera. Đong đưa với kitsch, rạch ròi trong cách
mổ xẻ nhân vật của chính mình, tạo ra những hình mẫu của hình mẫu tâm lý và nhân cách,
Kunder quả là một bậc thầy tinh tế của chuyện kể.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 139


10. Bên dòng sông Hằng - Endo Shusaku - Nguyễn Văn Thực dịch
Đây là cuốn sách mà theo di chúc Endo muốn đặt vào quan tài của mình; là cuốn sách
có khả năng rửa tên tuổi của tác giả có tác phẩm thời còn non trẻ từng được dịch một lần
sang tiếng Việt mà cứ đến ngày kỷ niệm phụ nữ nhiều anh lại muốn hô to, Người đàn bà
mà tôi ruồng bỏ; là “Cuốn sách của Nhật nhưng đọc xong muốn đi Ấn” - và có lẽ là một câu
tóm rất gọn cho cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản nhiều lần được đề cử Nobel nhưng
rồi bị thua dưới tay Kenzaburō Ōe.
Bên dòng sông Hằng là bốn (và hơn nữa) câu chuyện kể của bốn khách du lịch trên
hành trình đến Ấn. Họ là một người đàn ông có vợ qua đời vì ung thư, một nhà văn viết
đồng thoại có mối liên hệ đặc biệt với loài vật, một phụ nữ đã li dị chồng cảm thấy mình
không có khả năng yêu, hay một cựu chiến binh Nhật ám ảnh bởi những khốc liệt trong
rừng già trong cuộc chiến ở Miến. Mỗi người với quá khứ khác nhau tìm đến Ấn để truy
tìm một điều gì đó.
Endo được coi là nhà văn Nhật duy nhất “theo đuổi đến chí tử cái khoảng cách vĩnh
hằng giữa Nhật Bản và Phương Tây” và chủ đề này hiện ra rất rõ trong cuốn tiểu thuyết
đầy âm hưởng tôn giáo này. Có chăng tồn tại một vị Chúa duy nhất, truy tìm một vị Chúa
của mình, hay truy tìm ý nghĩa đời sống, các nhân vật, ở một khía cạnh nào đó, đều bắt gặp
chính giây phút đốn ngộ của mình.

140 Z Z Z REVIEW
B ONUS NHỮNG CÚ GẠCH ĐẦU D ÒNG ĐẦY SÚC T ÍCH :
MỘT TOP 10 K HÁC

Một lời trần tình: Vì năm nay quá nhiều sách hay, nên tôi có đề thêm một tiêu chí nho nhỏ:
ưu tiên cho những cuốn sách lần đầu được dịch, hơn là những bản dịch mới và những cuốn
được tái bản. Chính vì thế, dẫu Xứ tuyết của Kawabata, lẫn Yêu dấu của Morrison đều nằm
ở hạng 5* sáng chói, đều đành nhường chỗ cho những gương mặt mới mẻ hơn. Một ngoại
lệ duy nhất: Dưới bóng những cô gái đương hoa, với bản dịch tài hoa của Dương Tường.

1. Dưới bóng những cô gái đương hoa - Marcel Proust - Dương Tường dịch
2. Đời du nữ - Ihara Saikaku - Đào Thị Hồ Phương dịch,
Nguyễn Đỗ An Nhiên hiệu đính
3. Sóng ngầm - Linda Lê - Bùi Thu Thủy & Hồ Thanh Vân dịch
4. Chỉ ngu ngơ mới biết cười - Edith Wharton - Lan Hương dịch
5. Mọi thứ được soi tỏ - Jonathan Safran Foer - Nghiêm Quỳnh Trang dịch
6. Đốn hạ - Thomas Bernhard - Hoàng Đăng Lãnh dịch
7. Mattia Pascal quá cố - Luigi Pirandello - Trần Dương Hiệp dịch
8. Mùa thu hoạch xương - Edwidge Danticat - Dương Mạnh Hùng dịch
9. Đừng nói chúng ta không lợi quyền - Madeleine Thien - Trang Nguyễn dịch
10. Phố Cannery Row - John Steinbeck - Phạm Văn dịch

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 141


Văn học Việt Nam 2018:

Dấu Ấn,
Hay Ấn Mãi
Không Ra Dấu?
Zét Nguyễn

142 Z Z Z REVIEW
Giữa cơn triều cường văn học dịch cuồn cuộn đổ như xả đập ập vào
mặt năm qua, tôi vẫn miệt mài tìm đọc văn học quê nhà. Dỏng tai, căng
mắt, nghe đâu có nói cuốn nào Được, vội bỏ giỏ, chờ sale, mua ngay.
Cứ gọi là Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin
thắng [của đội tuyển Việt Nam] như trời hạn trông mưa. Quả không
phụ công chim lợn có lòng hóng, năm nay làng nhà ta cũng có chút rộn:
nào Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải thưởng văn học LiBeraturpreis và ra tập
truyện mới, nào Tuổi 20 bao năm lưu lạc xứ người của Nguyễn Huy
Thiệp giờ áo gấm vinh quy, nào cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 khai
quật được một loạt tác giả trẻ viết lạ. Câu hỏi sau rốt khi khép lại cuối
năm, lại chỉ giản dị là: thế có cuốn nào hay, cho anh em ta liền tay hốt?

DẤU ẤN

Một cú ấn ra dấu ra má của năm 2018, éo le thay,


lại đến từ một cuốn thuộc thể loại ký sự (được ghi
ngay trên bìa), cái thể loại ghi chép tư liệu đã giúp
bà Svetlana Alexievich giật Nobel 2015 và làm
không biết bao nhà phê bình la toáng không cần
hư cấu cũng làm nên văn chương: Về từ hành tinh
ký ưc của Võ Diệu Thanh.
3157 là con số những người dân thường đã bị
giết trong vụ thảm sát ở xã Ba Chúc tỉnh An Giang
năm 1978, khi quân Khmer Đỏ (gồm cả đàn ông,
đàn bà, trẻ con, cả lính Trung Quốc) đột ngột tấn
công biên giới Tây Nam Việt Nam. 40 năm trôi
qua, vết máu trên tường chùa Phi Lai nơi người
dân chạy tới nương náu vẫn còn, và 40 năm trôi
qua, lần đầu tiên tôi được nghe, đầy đủ và rành rẽ,
những nạn nhân lên tiếng kể lại những ký ức đau
thương.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 143


Về từ hành tinh ký ức là một ký sự rúng động, ghi chép những lời kể của những nạn
nhân trong vụ thảm sát này (và cả những người có liên quan tới những cuộc chiến khác
nữa): anh Út Nam cùng trốn trong hang núi cùng mấy chục người khi tử thần ở ngay cửa
hang, vợ anh đã phải ôm chặt đứa con đang khóc, tiếng khóc như tiếng bom, “có thể nổ tung
từng mạng người”, chặt đến mức “con tôi đã chết từ lúc nào rồi”; chị Tư Chỉnh, bị đánh bể
sọ, sống sót khi cả làng bị giết sạch, “làng xóm trở thành một đống rác khổng lồ, tưởng như
cả trái đất này đều là xác người chồng lên xác người”, mùi hôi đầy trời, phải đi đốt xác để có
thể tiếp tục sống, phải đi mót lượm rau núi, cá dưới đìa, dù chính những con cá đó đã rỉa xác
người; chú Tư Long, bà nội bị bắn chết khi bị lùa đi vì già quá đi không nổi, còn bác gái thì
bị bắn xuyên đầu trong tư thế quỳ, xác “phơi quỳ trong cái nắng tháng Ba đổ lửa”…
Tương đồng ít nhiều về cách thức tiến hành của Alexievich (phỏng vấn và ghi chép lời
thuật lại của nhân chứng), cuốn sách của Võ Diệu Thanh tương đồng cả ở giá trị: một tác
phẩm xuất sắc, đầy xúc động, nơi những con người nhỏ bé được cất tiếng kể lại những thảm
khốc mà chính mình và gia đình mình đã kinh qua.
Dẫu vậy, tác giả Võ Diệu Thanh có lẽ là ca một rất đặc biệt, khi cùng một năm có hai
tác phẩm được xuất bản, mà một (chính là tập truyện ngắn Cửa sổ hình tia chớp) thì tệ, một
thì có thể liệt vào hàng kinh điển. Thậm chí ngay trong Về từ hành tinh ký ức, cũng có hai
phần hay kém rõ rệt: phần mở do chính Võ Diệu Thanh viết dở đến mức tôi muốn bỏ dở,

144 Z Z Z REVIEW
nhưng ngay sau đó, khi đi vào phần các nhân chứng kể lại, thì tôi như đang đọc một cuốn
sách khác: khi không màu mè, chỉ cần lời kể chân thực, là đủ khiến người đọc biết, những
ký ức qua những lời kể ấy, có thể chạm đến gì, có thể mở ra những gì: “Chỉ nhớ lưng cõng
con, chân không, tôi giẫm lên nền chùa đầy máu. Những dòng máu còn nóng. Giống như
ai vừa kho cá, đổ nước kho cá dưới chân.” Điểm yếu của tác phẩm còn nằm ở chỗ: ôm đồm.
Tác giả gộp nhiều lời kể của những người liên quan tới các cuộc chiến khác nữa, và khi đặt
cùng lời kể của những nạn nhân ở Ba Chúc, thì bị lạc quẻ.
Trở lại với hư cấu (thuần túy hay không thì khôn có lẽ không nên hỏi), một dấu ấn
khác là cuốn tiểu thuyết, mang nhiều dáng dấp luận đề (hoặc rõ ràng là không, nếu chỉ coi
nó tập trung quá mạnh vào ý tưởng dẫn dắt): Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của Nguyễn Hải
Nhật Huy, mà ZZZ Review từng có bài điểm ở đây: https://zzzreview.com/2018/07/18/
nhay-hay-khong-nhay-do-la-van-de/, lẫn bài phỏng vấn với tác giả ở đây: https://zzzreview.
com/2018/07/18/viec-viet-ban-than-no-dung-la-mot-nghe-thuat/. Sau một năm đọc lại
(theme của tôi năm nay có lẽ là đọc lần hai), tôi vẫn giữ nguyên nhận định về tác phẩm
trình hiện xã hội bị truyền thông, chủ nghĩa tiêu dùng chi phối này là một dấu ấn đâu ra
đấy: ở khả năng xây dựng cốt truyện và đối thoại, ở sự nghiêm túc của tác giả khi chịu khó
tìm tòi và làm nghiên cứu chuẩn bị cho nội dung, ở ý tưởng và kỹ thuật độc đáo (những
chương viết về nhân vật Q bị chiếm lốt quả là khác biệt). Dĩ nhiên bên cạnh đó thì điểm
yếu vẫn lồ lộ: dài dòng ở quá nhiều đoạn, cái kết thì quá sắp đặt.

MỜ MỜ

Phải đến lần thứ 6 của cuộc thi Văn học tuổi 20, tôi mới bắt đầu đọc. Lý do có lẽ là vì tôi
kỳ thị cái tên chăng? Vì nghe đã thấy nó quảng cáo cho non xanh húng? Và năm nay tôi hài
lòng vì mình đã quyết định đọc, vì có những tác phẩm khiến tôi mở mắt, không phải vì hay,
mà chủ yếu vì lạ, không phải vì xuất sắc, mà vì giúp tôi nhận diện ra một xu hướng viết mới,
dẫu mờ mờ. Mà thu hoạch được thế, là oách rồi.
Đầu tiên phải kể tên, là tác phẩm Wittgenstein của Thiên Đường Đen, đạt giải Nhì, của
Maik Cây. Cuốn truyện dài này gom góp trong nó vài thứ to oạch: sci-fi thế giới tận thế
và hậu tận thế với một cú nổ bom hạt nhân biến thành phố Lê thành nơi chết chóc, nơi
chính phủ Liên Khu tìm cách lấp liếm di tản toàn bộ dân cư, những linh hồn lang bạt đầy
tổn thương trong quá khứ lá lành đùm lá rách ở thiên đường đen trong một không khí sực
đẫm cảm hứng tôn giáo và cái chết nơi con mèo không còn được gọi là mèo mà là Debussy,
nơi nhân vật thoải mái thả những cái tên riêng của ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, từ không rổn
rảng đến rổn rảng (xin không liệt ra đây cho nó đỡ rổn rảng).

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 145


Wittgenstein của Thiên Đường Đen có phần mở đầu ấn tượng, tạo được không khí, lối
hành văn độc đáo, có tiết chế, gây tò mò: tôi tưởng mình đang đọc Chờ Godot của Beckett.
Maik Cây tạo ra một thế giới văn chương phi biên giới, nơi ta đọc văn Việt mà mọi bối
cảnh không gian xã hội đều rất phi Việt, nơi độc giả cảm nhận rất rõ, sự đứt gãy về mặt văn
hóa và lối viết của thế hệ mới và thế hệ cũ. Liệu có phải, sẽ có một lớp người viết mới, từ
những sự đọc và nghe khác, từ những kỹ thuật và tầm nhìn khác, sẽ có những dữ liệu rất
cosmopolitan và tạo nên những câu chuyện rất cosmopolitan? Liệu văn Việt khi bị tước hết
những thứ liên quan tới Việt, thì có còn đáng đọc, hay “cứ thế mà đọc văn nước ngoài còn
hơn” như tôi đã nghe lỏm được bạn trẻ nào bình vậy? Hay nhẽ tiêu chí phải là: bất kể mèo
đen hay mèo trắng? Maik Cây (cũng như Hiền Trang dưới đây) là tác giả khiến tôi phải
nghĩ và tiếp tục quan sát về những vấn đề còn bỏ ngỏ đó.
Đáng tiếc cho Wittgenstein của Thiên Đường Đen, từ rất sớm thôi, chỉ vài trang sau
mở đầu, tôi đã dò ra, không lẫn đi đâu được, cái mùi uốn éo, cái mùi xộc lên ngay từ dòng
text bìa “Sớm thôi, khi cái chết đã ngự trị trên xác thịt yếu hèn”. Quả, không dễ gì để dựng
được nên một thế giới như vậy, cái thế giới hậu tận thế, bởi cần một độ dày nhất định về
chi tiết và một kỹ năng kể cấp cao. Quả, rất nhiều tác giả lớn trên thế giới đã làm hỏng. Mà,
Wittgenstein của Thiên Đường Đen thì vừa mỏng vừa rổn rảng đến dày đặc những ngôn từ
hoa lá và cảm giác và thiếu hẳn bề dày của nhân vật. Kết quả là, tất cả mọi thứ đều rã rượi,
không thể ôm gói được những thứ to tát mà cuốn truyện dài này tham vọng bao chứa.

146 Z Z Z REVIEW
Một tác giả khác của cuộc thi Văn học tuổi 20 mà tôi thấy rất có triển vọng, là Hiền
Trang của Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, một cái tiêu đề sách nghe đã muốn oặt vì
chất tản văn. Nhưng bất ngờ thay, nó không phải tản văn (ơn giời), mà là những câu chuyện
có nhiều ý tưởng là lạ, rất Kafka, với bối cảnh như bị cắt rễ và cho thả lửng: nhân vật/người
kể chuyện là màu vàng của ngôi nhà của Van Gogh, một cô gái bị cắt cổ trong rạp phim mà
cuối truyện không hề đưa ra thủ phạm, một người băn khoăn cái gì khiến ta là người, thích
trườn, và tiến hành trườn, và thậm chí biến thành rắn, chuyến xe bus tới địa phủ cho những
người muốn chết… Các câu chuyện của Hiền Trang đều có chung chủ đề: người trẻ cô đơn
không kết nối không định vị trong đô thị ám ảnh bởi cái chết. Ý tưởng lạ là thế, nhưng các
truyện nói chung đều nhàn nhạt trong cách triển khai, chúng luôn thiếu bề dày về nội dung
cần đào sâu thêm nữa. Truyện hay nhất trong tập với tôi có lẽ là “Chuyến xe đi tới Địa phủ”,
và một phần trong “Giấc mộng đêm hè” thì cực kỳ xuất sắc ở đoạn nam nhân vật chính chỉ
phút trước phút sau bước lại vào nhà hát và phát hiện ra thấy nó hoang tàn của một trăm
năm sau. Hai chiều thời gian chập lại làm một, lâu lắm rồi tôi mới đọc được một đoạn bất
ngờ té ghế đến vậy.
Một cuốn sách nữa khiến tôi đọc lại trong năm nay là Những vọng âm nằm ngủ của
Huỳnh Trọng Khang: đọc lại không phải vì hay quá phải đọc lại lần nữa, mà vì lần đầu đọc
thấy dở quá, nhưng đến khi đọc một loạt văn học tuổi 20 và những cuốn khác còn dở kinh
hoàng hơn, buộc phải quay lại để có một chút tương quan.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 147


Những vọng âm nằm ngủ với tôi là một bước thụt lùi so với tác phẩm đầu tay Mộ phần
tuổi trẻ, dù nhìn thoáng qua thì thấy nó kỳ công hơn, cốt truyện phức tạp hơn (rất nhiều),
kỹ thuật viết đầu tư hơn với nhiều giọng kể. Nhưng những cái thoáng qua ấy hóa ra lại là
điểm yếu trí mạng: Nó rối rắm hơn vì chỉ một cuốn tiểu thuyết ngắn mà tham vọng đụng
đến bao chuyện, lan man hơn vì tích hợp không biết bao nhiêu nhân vật và chi tiết vào, thế
nên đã lẩu còn lẩu hơn, và không mấy bất ngờ, cuốn tiểu thuyết này vẫn bị lặp lại những
điểm yếu từ cuốn trước: những sai sót nghiêm trọng (chết người hay không tùy mỗi người)
về mặt lịch sử và địa lý. (ZZZ Review đã đăng tải một bài review rất chi tiết và công bằng ở
số đầu tiên: https://zzzreview.com/2018/07/18/cai-gi-con-tiep/).
Nhưng quả đúng là khi đọc trong tương quan, tôi bèn thấy nó đường được trở lại: cái
giọng văn rất tự nhiên của tiểu thuyết đầu tay ấy vẫn còn đây, cái cách tuôn trào mọi suy tư
rồng rắn được chảy một cách rất nhịp. Dẫu có chê nhạt, thì vẫn phải công nhận một điều:
Trọng Khang vẫn viết trội hẳn lên giữa các cây văn trẻ.

MÃI KHÔNG RA DẤU

2018, giống như 2017, tiếp tục chứng tỏ một điều rất lớn cho tôi: tác giả rất lớn vẫn có bom
xịt. Một điều hiển nhiên đến thế, vẫn làm tôi ngỡ ngàng: Nguyễn Huy Thiệp với Tuổi 20
yêu dấu và Nguyễn Ngọc Tư với Cố định một đám mây.

148 Z Z Z REVIEW
Tuổi 20 yêu dấu là cuốn sách tiếp theo tôi đọc lại lần hai trong năm nay, để khẳng định
là: đích thực kém. Nó là một cú tham của Nguyễn Huy Thiệp, mà tôi nghĩ bởi không ai
dám khuyên là thôi vứt đi đừng có in làm gì. Nó nhạt nhẽo đến mức tôi xin dâng lên một
bát nước chấm ốc để đổ vào uống cùng cho đỡ. Nó là biểu hiện của triệu chứng ông già
đánh son thâm vì nghĩ là mốt của đám trẻ.
Kể về một cậu bé no cơm ấm cật tên Khuê, con một nhà văn nổi tiếng học ở một
trường cấp ba nổi tiếng (có người rỉ tai tôi đây là loại văn chương ám chỉ, nhưng vì vốn
giang hồ mỏng tựa tờ pô luya tôi mù tịt không biết ai vào ai) bỏ nhà đi bụi, lang bạt kỳ hồ
khắp Hà Nội rồi lên tận Lạng Sơn, hẳn nhiên rơi vào hố ma túy không chỉ hút hít mà còn
đi buôn, kinh qua bao chuyện, xong được tác giả bốc ra đảo hoang để nhờ thiên nhiên mà
lành lặn, cải tạo nhân phẩm giữa những con người đơn sơ chân chất, rồi làm chuyện nghĩa
hiệp, mà sống cái đời lương thiện từ đây.
Văn chương gồng gánh đỏ cả mặt, kể chuyện thì vừa vô duyên vừa lê thê như trình bày
ở phường (lại thêm phần đề từ toàn trích những đao to búa lớn của những người khổng lồ
ở đầu mỗi chương tương phản với phần đi sau của chính tác giả thì lũn cà lũn cũn), cái thu
gặt nhất sau khi đọc Tuổi 20 yêu dấu có lẽ là từ “tuột xích”. Tuy vậy, tượng đài Nguyễn Huy
Thiệp sau cuốn này không sứt mẻ gì, vì tôi chọn để nhớ ông qua những kiệt tác truyện ngắn
khác. Nếu có thể coi, đây là một cú đi hoang giải trí.
Theo chân đại ca sa vào hố dở là tập Cố định một đám mây. Về những số phận cá nhân
nhỏ lẻ, những chuyện nho nhỏ đâu đâu, cả một tập truyện ngắn mới của Nguyễn Ngọc Tư

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 149


chỉ duy nhất có một truyện đọc được: “Vào ngày Linh Ái nở”. Tôi nghĩ mãi về trường hợp
này, thì nhận ra, các câu chuyện quá đơn giản nhưng lại âm mưu chứa sức nặng của Nguyễn
Ngọc Tư không được đỡ bằng một thứ ngôn ngữ đủ lực. Các truyện trong tập cứ thế trôi
vùn vụt không để lại một dấu ấn gì.
Ca chốt hạ cho phần ấn mãi không ra dấu là cuốn sách nhạt nhẽo đến khó tin của
văn học 2018: Người lạ của Mai Thảo Yên. Người lạ kể về đời sống của nghiên cứu sinh tên
An ở Örebro, Thụy Điển, với những suy tư về nghề nghiệp, tương lai, những khác biệt về
hệ thống y tế, điểm xuyết vài số phận người Việt nơi tha hương. Không điểm nhấn, không
chút độc đáo, cốt truyện nhạt nhẽo, kỹ thuật viết thì đơn sơ, Người lạ đạt giải nhì Văn học
tuổi 20. Tôi hay nghi ngờ giải thưởng, nhưng thế này thì hơi quá. Tôi xin xí xóa, vừa được
đồng bọn nhắc nhở đây là tác phẩm đầu tay. Thôi thì: vượt ra ngoài cây đa giếng nước, văn
chương trẻ nước nhà có những bối cảnh mới lạ, với những con người mới.

150 Z Z Z REVIEW
Giờ khắc
của vì sao ấy(1)

(trích dịch)
Clarice Lispector
Ngọc Dao dịch

“Lispector sở hữu, giống như Borges trong tác phẩm hư


cấu của ông, một khả năng viết như thể trước đấy chưa có
ai từng cầm bút viết, như thể sự độc đáo và tươi mới của
tác phẩm đến với thế giới một cách bất ngờ.
Giờ khắc của vì sao ấy được in tháng 10 năm 1977,
một thời gian ngắn trước khi bà mất vì ung thư. Với tác
phẩm cuối đời này, Lispector đã viết như thể cuộc đời bà
mới bắt đầu, nó gợi cho ta cảm giác bà có nhu cầu muốn
khuấy đảo bản thân cái trần thuật để xem nó sẽ dẫn bà đến
đâu, bà, một nhà văn hoang mang và độc đáo, và chúng ta,
những độc giả hoang mang và hăm hở của bà.”
Clarice Lispector - Colm Tóibín

1. Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha “A Hora da Estrela” (1977). Dịch từ bản tiếng Anh “The Hour of the Star” của
Benjamin Moser (New Directions 2011) và có tham khảo bản dịch của Giovanni Pontiero (Carcarnet Press Limited
1986).

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 151


GIỜ KHẮC
CỦA VÌ SAO ẤY

TẤT CẢ LÀ DO TÔI
HAY
GIỜ KHẮC CỦA VÌ SAO ẤY
HAY
ĐỂ CÔ ẤY TỰ LO LẤY
HAY
QUYỀN ĐƯỢC THÉT LÊN

.CÒN TƯƠNG LAI THÌ.


HAY
CẤT LÊN ĐIỆU BLUES
HAY
CÔ KHÔNG BIẾT THÉT
HAY
CẢM GIÁC MẤT MÁT
HAY
HUÝT SÁO TRONG GIÓ TỐI
HAY
TÔI KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ
HAY
THUẬT LẠI NHỮNG SỰ KIỆN TRƯỚC ĐÓ
HAY
TRUYỆN MÙI MẪN RẺ TIỀN
HAY
LẺN RA CỬA SAU

152 Z Z Z REVIEW
Cả thế giới này bắt đầu bằng một từ ừ. Một phân tử nói ừ với một phân tử khác và
cuộc sống ra đời. Nhưng trước thời tiền sử đã có tiền sử của tiền sử, đã có cái chưa bao giờ
và đã có cái ừ. Luôn là như vậy. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi biết chắc vũ trụ này chưa
bao giờ bắt đầu.
Đừng lầm lẫn, tôi phải nỗ lực khủng khiếp mới đơn giản được.
Chừng nào vẫn còn những câu hỏi không có câu trả lời, tôi còn tiếp tục viết. Làm sao
bắt đầu từ mở đầu, nếu sự việc xảy ra từ trước khi chúng xảy ra? Nếu như những con quái
vật tận thế tồn tại từ trước thời tiền-tiền sử? Nếu như câu chuyện này còn chưa tồn tại, nó
sẽ tồn tại. Suy nghĩ là một hành động. Cảm nhận là một thực tế. Gộp hai cái đó lại - tôi là
người viết cái tôi đang viết. Chúa trời là thế giới này. Sự thật luôn là một dạng sức mạnh nội
tại không lời giải thích. Phần chân thật nhất trong đời tôi là một cái khó bề nhận ra, cực kỳ
riêng tư và không từ nào có thể diễn tả. Trái tim tôi đã tự rũ bỏ mọi ham muốn và thu lại
thành nhịp đập cuối cùng, hoặc đầu tiên. Cơn đau răng kéo dài xuyên suốt truyện này làm
cho miệng tôi nhói lên đau điếng. Tôi rú lên một giai điệu chói tai, cao vút và đảo phách -
đó là nỗi đau của riêng tôi, tôi người mang theo thế giới này, nơi chẳng có mấy hạnh phúc.
Hạnh phúc? Tôi chưa bao giờ gặp phải từ nào ngớ ngẩn hơn thế, cái từ bịa ra của tất thảy
những cô gái Đông Bắc Brazil ở ngoài kia.
Tôi nên giải thích rõ rằng câu chuyện này là kết quả của một hình dung không lấy gì
làm chóng vánh - hai năm rưỡi qua tôi đã chậm rãi tìm ra những tại sao. Hình dung đó là
về sự xuất hiện nhãn tiền của. Của cái gì? Có lẽ tôi sẽ tìm ra sau. Cũng giống như tôi đang
viết ngay lúc tôi đang được đọc. Chỉ có điều tôi không bắt đầu với cái kết thúc sẽ biện giải
cho phần mở đầu - bởi cái chết dường như đưa ra lời bình luận về sự sống - vì tôi phải ghi
lại những sự kiện xảy ra trước đó.
Vào lúc này tôi đang viết với đôi chút khiêm nhường lúc trước bởi tôi đang nhảy vồ vào
các vị với một câu chuyện quá đỗi bề ngoài và hiển ngôn. Nhưng từ nó có thể dòng máu hôi
hổi sự sống sẽ chảy ra và lập tức đông đặc lại thành những cục thạch run rẩy. Liệu một ngày
nào đó câu chuyện này có trở thành sự đông đặc của chính tôi? Làm sao tôi biết được. Nếu
có chút sự thật gì trong nó - và tất nhiên câu chuyện này là thật dù được tôi tạo ra - hãy để
mỗi người nhận ra nó trong mình bởi tất cả chúng ta đều là một và ai không rỗng túi thì sẽ
rỗng tinh thần hay khao khát bởi người đó thiếu đi một thứ còn quý hơn vàng - có những
người bị thiếu cái phần cốt yếu mong manh ấy.
Làm sao tôi biết được tất cả những gì sắp đến, những điều bản thân tôi vẫn không
biết vì tôi chưa bao giờ sống qua? Bởi trên một con phố Rio de Janeiro, tôi nhận thấy
trong không trung cảm giác bị đoạ đày trên khuôn mặt một cô gái Đông Bắc. Phải kể
thêm là năm xưa tôi từng lớn lên ở khu Đông Bắc. Ngoài ra tôi biết điều này điều kia
cũng còn bởi tôi đang sống. Những ai đang sống đều biết cả, kể cả khi họ không biết là

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 153


họ biết. Thế đấy các quý ông, các vị biết nhiều hơn những gì các vị nghĩ và chỉ đang vờ
như là không phải.
Tôi không định làm cho cái mình sắp viết trở nên phức tạp, dù cho tôi sẽ phải dùng
từ ngữ để giữ chân bạn. Truyện này - tôi đã quyết định bằng ảo tưởng về tự do ý chí - sẽ có
khoảng bảy nhân vật và tôi dĩ nhiên là người quan trọng hơn hết. Tôi, Rodrigo S. M. Đây sẽ
là một truyện truyền thống, bởi tôi không muốn mình hiện đại quá và đi chế ra những từ
thời thượng để làm cho mình độc đáo. Thế cho nên tôi sẽ thử đi ngược lại thói quen thông
thường của mình mà tạo ra một câu chuyện có mở, thân và một “cái kết tráng lệ” theo sau
là im lặng và mưa rơi.
Một câu chuyện hết sức bề ngoài và hiển ngôn, phải vậy, nhưng lại chứa đựng những
bí mật - đơn cử là một trong các tiêu đề, “Còn tương lai thì,” đứng trước nó là dấu chấm
mà đằng sau nó cũng là dấu chấm. Đây không phải do tôi lên cơn dở - đọc đến cuối có lẽ
các vị sẽ hiểu tại sao lại phải định ranh giới như thế. (Tôi chỉ mới bắt đầu soạn ra cái kết,
một cái kết mà, trong phạm vi sự nghèo nàn của tôi cho phép, tôi muốn nó thật kỳ vĩ.)
Nếu như thay vì dấu chấm nó kết thúc bằng dấu chấm lửng, tiêu đề này sẽ gợi ra đủ những
hình dung khả dĩ ở nơi bạn, thậm chí có thể còn suy đồi và tàn nhẫn. Tuy nhiên, đúng là tôi
cũng không thương xót gì nhân vật chính của mình, cái cô gái đến từ Đông Bắc: đó là một
câu chuyện tôi muốn mình lạnh lùng. Nhưng tôi có quyền được lạnh lùng đến đáng buồn
còn các vị thì không. Thế cho nên tôi sẽ không cho phép các vị. Đây không chỉ là một câu
chuyện, mà trên hết nó là sự sống nguyên sinh đang hít thở, hít thở, hít thở. Làm bằng chất
liệu rỗ lỗ chỗ, một ngày tôi sẽ sống cuộc đời một phân tử chờ cú nổ nguyên tử có thể kéo
đến hoặc không. Cái tôi viết ra không chỉ là một sự kể chuyện đơn thuần, tôi có nghĩa vụ
phải kể về riêng cô gái này giữa cả nghìn cô gái như cô. Và có bổn phận, dù bằng một cung
cách đơn giản, hé lộ cuộc đời cô.
Vì ta có quyền thét lên.
Thế nên tôi thét lên.
Một tiếng thét thuần tuý không kèm theo xin xỏ của bố thí. Tôi biết có những cô
gái bán cơ thể họ, thứ duy nhất họ sở hữu, để đổi lấy một bữa ăn ngon thay cho một cái
sandwich xoàng. Nhưng người tôi sắp kể các vị nghe đến cả cơ thể còn không có mà bán,
chẳng ai thèm muốn cô, cô là một trinh nữ và vô hại, sẽ không ai nhớ cô. Hơn thế nữa - tôi
mới nhận ra - cũng sẽ không ai nhớ tôi. Và kể cả cái tôi đang viết đây một ai đấy khác cũng
có thể viết. Một tay đàn ông, hẳn vậy, bởi là phụ nữ thì câu chuyện này sẽ chan chứa nước
mắt.
Giống như cô gái Đông Bắc ấy, có cả ngàn cô gái sống rải rác trong những xóm trọ lụp
xụp, chung nhau một căn phòng, đứng đằng sau quầy thu ngân làm việc đến kiệt sức. Họ
thậm chí còn không nhận ra mình có thể bị người khác thế chỗ dễ dàng, và họ có biến mất

154 Z Z Z REVIEW
khỏi bề mặt trái đất thì cũng chẳng ai biết. Chỉ một số kháng cự lại, và theo những gì tôi
được biết, họ chẳng bao giờ phàn nàn bởi không biết phải phàn nàn với ai. Cái người “ai”
ấy liệu có tồn tại không?
Tôi đang làm nóng cơ thể để bắt đầu, chà chà hai tay vào nhau để lên dây cót tinh thần.
Tôi mới nhớ ra có thời để làm nóng tinh thần tôi đã cầu nguyện: chuyển động là tinh thần.
Lời cầu nguyện là một cách để gặp mình trong lặng thinh, khuất khỏi mọi người. Khi cầu
nguyện linh hồn tôi trống rỗng - và cái trống rỗng ấy là tất cả những gì tôi có thể có. Ngoài
nó ra không còn gì khác. Nhưng sự trống rỗng có giá trị và vẻ ngoài của số nhiều. Một cách
để có được là không nhìn, một cách để sở hữu là không hỏi mà chỉ tin rằng sự im lặng tôi
tin đang ở trong mình chính là câu trả lời cho... cho bí ẩn của tôi.
Tôi định, như đã bóng gió nói lúc trước, viết mỗi lúc một đơn giản hơn. Tuy nhiên,
chất liệu tôi có lại quá sơ lược và nghèo nàn, chi tiết về nhân vật thì ít ỏi và không mấy gợi
tả; những chi tiết, tỉ mỉ, triệt để, dội từ tôi đến tôi, đây là thứ công việc thợ mộc.
Phải, nhưng đừng quên rằng muốn viết bất cứ thứ gì chất liệu cơ bản của tôi là từ ngữ.
Thế cho nên câu chuyện này sẽ được tạo ra từ những con chữ gom lại với nhau thành câu và
từ những câu thoát ra một ý nghĩa bí mật, vượt xa khỏi từ hay câu ấy. Lẽ dĩ nhiên, như tất cả
những người cầm bút tôi hay có khuynh hướng dùng một thứ ngôn ngữ căng mọng: tôi biết
những tính từ tuyệt cú, những danh từ nặng trịch, những động từ mảnh mai đến độ chúng
lao mình qua không trung biến thành hành động, bởi từ ngữ là hành động, các vị đồng tình
với tôi chứ? Tôi sẽ không tô điểm cho từ ngữ bởi nếu tôi chạm vào bánh mì của cô gái ấy nó
sẽ biến thành vàng - và cô gái (mười chín tuổi) cô gái ấy sẽ không nhai được bánh mì và chết
vì đói. Thành thử tôi phải nói năng đơn giản để khắc hoạ sự tồn tại nhạt nhoà và mong manh
của cô. Tôi, một cách khiêm nhường, giới hạn cho mình - nhưng cũng không gõ mõ khua
chiêng cái sự khiêm nhường này làm gì bởi như thế không còn là khiêm nhường nữa - tôi giới
hạn cho mình chỉ được kể lại các cuộc phiêu lưu tầm phào của một cô gái sống ở một thành
phố chống lại cô từ A đến Z. Cô, người đáng nhẽ nên tiếp tục ở lại cái xó Alagoas hẻo lánh,
mặc chiếc váy suông và không nên dây vào máy đánh chữ, bởi cô viết chẳng ra hồn và đến
trường đi học được nhõn ba năm. Bởi dốt quá nên cô phải gõ từng chữ từng chữ một. Bà dì
cô đã dạy cho cô một khoá đánh máy cấp tốc. Và cô gái đã có được chút phẩm cách: sau rốt
thì cô cũng đã là một nhân viên đánh máy. Dù hiển nhiên là cô chẳng tán đồng những khi
thấy hai phụ âm được ghép vào nhau và gõ lại từ những chữ viết tay tròn tròn, xinh xinh của
người sếp thân yêu cái từ “bổ nhiệm” như cách cô sẽ nói từ đó: “bổ nihiệm.”
Xin bỏ quá cho tôi, nhưng tôi sẽ tiếp tục nói về mình, dù tôi chẳng biết mình là ai, và
trong khi viết tôi có đôi chút ngạc nhiên bởi tôi phát hiện ra mình có một số phận. Ai mà
chẳng đã có lúc tự hỏi: phải chăng mình là một con quái vật, hay làm người chính là như
thế này đây?

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 155


Trước đó, tôi muốn chỉ ra rằng cô gái này chẳng biết gì về mình ngoại trừ chuyện sống
trôi dạt không mục đích. Nếu cô đủ ngốc để tự hỏi “Tôi là ai?” cô sẽ ngã oạch ra. Bởi “Tôi
là ai?” tạo ra một nhu cầu. Và làm sao mà thoả mãn được nhu cầu ấy? Hỏi mình câu đó chỉ
có những người khuyết đi một mảnh.
Người mà tôi sẽ kể các vị nghe ngốc đến nỗi đôi khi cô cười với người đi đường. Người
ta không cười lại bởi họ thậm chí còn chẳng nhìn cô.
Quay lại về tôi: cái tôi sắp viết ra không thể nào vào đầu những người tiêu chuẩn cao và
thèm những cái tinh hoa. Bởi cái tôi nói ra sẽ rất trần trụi. Dù cho đằng sau nó - và ngay cả
lúc này - là cái bóng bị giày vò luôn xuất hiện trong những giấc mơ khi đêm đến, trong giày
vò, tôi đi ngủ. Thành thử đừng mong đợi các vì sao trong những trang kế: sẽ không có gì
lấp lánh cả, đây là một thứ chất liệu tối đặc vốn dĩ vẫn bị xem thường. Đó là bởi câu chuyện
này thiếu đi một giai điệu êm tai. Nhịp điệu của nó đôi khi lại nghịch tai. Và nó chứa đựng
sự thật. Tự dưng tôi đâm yêu những sự thật không có văn chương - sự thật là những hòn đá
tảng và hành động giờ lại gây hứng thú cho tôi hơn suy nghĩ, ta không thể chạy được khỏi
sự thật.
Tôi tự hỏi mình có nên nhảy cóc và phác ra ngay cái kết. Nhưng tình thực tôi cũng
chẳng biết chuyện sẽ đưa đẩy thế nào. Và cũng vì tôi nhận ra mình phải đi từng bước từng
bước một theo một tiến trình đo đếm bằng giờ: kể cả con vật cũng không thoát được thời
gian. Và đây cũng là điều kiện tối cơ bản của tôi: từ tốn đi theo, dù cho có mất kiên nhẫn
với cô gái.
Với câu chuyện này tôi sẽ nộp mình cho xúc cảm, và tôi biết rõ lắm rằng mỗi ngày
sống là một ngày trộm được từ tay thần chết. Tôi không phải là trí thức, tôi viết bằng cơ thể
mình. Và cái tôi viết là một màn sương ẩm. Từ ngữ là âm thanh được tiếp thêm những cái
bóng không đồng đều giao nhau, vú đá, đăng ten, tiếng đàn organ được nâng tầm. Tôi hồ
như không dám thốt lên từ gì với cái tấm lưới sống động và phong phú, bệnh hoạn và tăm
tối này, đối âm của nó là những âm trầm dày của nỗi đau. Allegro con brio. Tôi sẽ thử moi
vàng ra từ than. Tôi biết mình đang trì hoãn câu chuyện và vờn bóng mà không có bóng.
Liệu sự thật có phải một hành động? Tôi thề rằng cuốn sách này viết ra mà không có từ
ngữ. Nó là một tấm ảnh câm. Cuốn sách này là một sự im lặng. Cuốn sách này là một câu
hỏi.
Nhưng tôi ngờ rằng tất thảy những lời tán láo này chỉ là để trì hoãn sự nghèo nàn của
câu chuyện, vì tôi sợ. Trước khi cô đánh máy này nhô ra trong đời tôi, tôi là một gã thậm
chí có phần mãn nguyện với đời, dù thành công trong văn chương chỉ có tí con con. Mọi
chuyện kiểu như tốt đẹp quá đến độ có thể xuống dốc không phanh vì những thứ chín kỹ
rồi sẽ thối đi.
Và vậy là đột nhiên ý tưởng vượt qua giới hạn của chính mình đã hấp dẫn tôi. Và đó

156 Z Z Z REVIEW
là lúc tôi nghĩ đến việc viết về thực tế, bởi thực tế vượt quá tầm của tôi. Bất kể “thực tế” có
nghĩa là gì. Liệu cái tôi sắp kể có mùi mẫn quá không? Có thể đấy, nhưng thế thì ngay bây
giờ đây tôi sẽ vắt kiệt nước đi và rắn lại. Nhưng ít ra thì cái tôi đang viết không xin xỏ ân
huệ hay giúp đỡ: nó chịu đựng nỗi đau, thôi thì dùng tạm từ đó, với phẩm cách như một
nam tước.
Thôi không lan man nữa. Có vẻ như tôi đang đổi cách viết. Nhưng tình thực là tôi chỉ
viết cái tôi muốn, tôi không phải dân chuyên - và tôi phải viết về cái cô gái Đông Bắc này
nếu không tôi sẽ nghẹt thở. Cô ta đang buộc tội tôi và để bảo vệ mình tôi phải viết về cô.
Tôi viết bằng những nét vẽ bạo liệt của người hoạ sĩ. Tôi sẽ đối mặt với những sự thật như
thể chúng là những hòn đá không thể chữa trị nổi tôi nói đến lúc trước. Giá gì có thể nghe
thấy tiếng chuông ngân để cho tôi lên tinh thần mà dò đoán thực tế. Và mong sao thiên
thần vỗ cánh như những con ong bắp cày trong suốt quanh cái đầu bốc hoả của tôi bởi cái
đầu này muốn rốt cuộc hoá thân thành một vật thể, như thế dễ hơn.
Liệu có thể nào hành động thực sự vượt quá tầm từ ngữ?
Nhưng khi tôi viết - thì hãy gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Một vật là một từ
và khi không có từ nó sẽ được tạo ra. Này chính là Thượng đế của các vị lệnh cho chúng ta
phải tạo ra.
Tại sao tôi lại viết? Trước tiên bởi tôi nắm bắt được tinh thần của ngôn ngữ và cũng
vì vậy mà đôi khi chính hình thức lại tạo ra nội dung. Thành thử những dòng tôi viết đây
không phải là vì cô gái Đông Bắc mà là bởi cái nguyên nhân nghiêm trọng, “sự bất khả
kháng,” hay nói như từ họ dùng trong các văn bản chính quy, “sự áp chế của pháp luật.”
Phải, sức mạnh của tôi nằm nơi sự một mình. Tôi không sợ mưa trút xuống hay gió ào
ào thổi, vì tôi cũng là bóng tối của đêm đen. Dù cho tôi không chịu nổi tiếng huýt sáo hay
tiếng chân bước trong bóng tối. Bóng tối? Tôi chợt nhớ lại một cô bạn gái: cô trải đời và
trong cơ thể cô là cả một bóng tối. Tôi không bao giờ quên cô: ta không bao giờ quên người
mình ngủ cùng. Sự việc ấy xăm lên da thịt này một vết rực lửa và thoáng thấy cái vết ấy thôi
người khác sẽ hãi hùng bỏ chạy.
Giờ thì tôi muốn nói về cô gái Đông Bắc. Điều tôi định nói là: cô giống như một con
chó hoang không chịu theo ai ngoại trừ chính nó. Cả tôi cũng vậy, thất bại này rồi thất bại
khác đã trả tôi về cho tôi nhưng chí ít tôi cũng muốn tìm gặp thế giới và Thượng đế của nó.
Tôi muốn điểm thêm một chi tiết này về cô gái trẻ ấy và tôi, rằng chúng tôi sống hoàn
toàn trong hiện tại bởi lúc nào cũng vĩnh viễn là ngày hôm nay và ngày mai sẽ lại là một ngày
hôm nay, vĩnh viễn là trạng thái của mọi thứ vào chính lúc này.
Cơn sợ vừa mới trồi lên khi tôi bắt đầu viết về cô gái Đông Bắc. Và câu hỏi đặt ra là:
tôi viết bằng cách nào? Tôi có thể xác nhận tôi viết bằng tai giống như tôi học tiếng Anh
với tiếng Pháp bằng tai. Kinh nghiệm viết lách của tôi? Tôi có nhiều tiền hơn những người

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 157


chết đói, điều này không hiểu sao khiến cho tôi không thành thật. Chỉ lúc nào cần nói dối
tôi mới nói dối. Nhưng tôi không nói dối khi viết. Còn gì nữa? Phải, tôi không thuộc về
tầng lớp nào, hoàn toàn nằm ngoài rìa. Tầng lớp thượng lưu nhìn tôi như một con quái vật
lập dị, tầng lớp trung lưu lo tôi sẽ làm họ rối loạn, tầng lớp thấp thì không bao giờ đến với
tôi.
Không, viết được không dễ đâu. Khó như đập đá ấy. Nhưng tia lửa và mảnh vụn sẽ
bắn ra như đập thép.
Ôi, tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để bắt đầu và thậm chí còn không biết tên cô gái. Chưa
kể đến câu chuyện này làm tôi tuyệt vọng vì nó quá đơn giản. Cái tôi dự định kể dường như
quá dễ hiểu và dễ tiếp nhận đối với mọi người. Nhưng giảng giải cho ra lại rất khó. Bởi tôi
sẽ phải làm sáng rõ một thứ đã gần như bị xoá sổ và tôi còn không thấy rõ. Dùng hai bàn tay
dùng những ngón tay cứng đờ lấm bùn mà lần tìm một thứ vô hình cũng đang nằm trong
đống bùn.
Tôi biết chắc một điều: khi kể câu chuyện này tôi sẽ phải xử lý một việc rất mong
manh: tạo thành một con người trọn vẹn mà dứt khoát là cũng đang sống, hít thở hệt như
tôi. Chăm sóc cho cô ấy nhé bởi tất cả những gì tôi có thể là chỉ ra cô ấy để các vị có thể
nhận ra cô ấy trên đường, bước chân nhẹ như không bởi tấm thân gày gò đang run lên lẩy
bẩy. Và nếu như câu chuyện của tôi buồn quá? Sau này tôi chắc chắn sẽ viết một cái gì đó
tươi vui, nhưng sao lại là tươi vui? Vì tôi cũng là một người biết hát bài kính Chúa và một
ngày nào đó, biết đâu đấy, tôi sẽ hát lên những lời ngợi ca thay cho những khốn khó của cô
gái Đông Bắc.
Còn lúc này tôi muốn bước đi trần truồng hay áo rách tả tơi, tôi muốn được nếm thử
một lần cái vị có như không có của bánh thánh mà người ta nói. Ăn bánh thánh giống
như nếm sự vô vị của thế giới và đắm mình trong cái không. Đây sẽ là sự dũng cảm của tôi,
buông bỏ những cảm giác thoải mái cũ của mình.
Giờ thì đang rất không thoải mái: để kể về cô gái tôi không thể cạo râu trong nhiều
ngày và phải mang quầng thâm dưới mắt do thiếu ngủ, lăn ra ngủ gật vì kiệt sức, một người
lao động chân tay. Bên cạnh việc tròng lên người những cái áo cái quần đã rách tả tơi. Tất
tật để hạ mình xuống ngang với cô gái Đông Bắc. Mà vẫn ý thức được là mình cần phải chỉn
chu hơn khi ra ngoài giao tiếp với các cộng đồng đòi hỏi rất nhiều ở cái con người đang
ngồi đây gõ chữ.
[... ]
Hành động của câu chuyện này sẽ kết thúc bằng việc tôi chuyển hóa thành một người
khác và việc tôi đập bẹp mình thành đồ vật. Phải, thậm chí câu chuyện còn có thể biến
thành cây sáo réo rắt cho tôi quấn quanh như một dây leo.
Nhưng nào hãy quay lại ngày hôm nay, bởi như chúng ta biết, hôm nay là hôm nay.

158 Z Z Z REVIEW
Chắc các vị chẳng hiểu gì đâu và tôi, hơi chút tuyệt vọng, nghe thấy các vị cười nhạo bằng
cái tiếng cười gắt, khàn của người già. Và tôi nghe thấy những tiếng chân bước đều đặn
ngoài phố. Tôi run lên vì sợ. May một nỗi là cái tôi sắp viết ra, bằng cách nào đó, đã được
viết sẵn trong tôi. Tôi chỉ việc chép lại từ mình ra, mỏng manh như một cánh bướm trắng.
Ý tưởng cánh bướm trắng này xuất hiện bởi, nếu cô gái kết hôn, cô ấy sẽ kết hôn gầy, nhẹ và,
như một cô trinh nữ, váy trắng phủ đến gót chân. Hoặc cũng có thể cô sẽ không kết hôn?
Sự thật là tôi đang nắm một số phận trong tay nhưng lại không đủ sức mạnh để tự do tạo
dựng: tôi đi theo một con đường không nhìn thấy nhưng tang tóc. Tôi phải tìm kiếm một
sự thật vượt quá khả năng của mình. Tại sao tôi lại đi viết về một cô gái trẻ mang theo cái
nghèo nàn thậm chí chẳng được tô điểm lại? Có lẽ vì cô có chốn nương náu trong mình và
cũng còn bởi trong cái nghèo nàn cơ thể và tinh thần có thể đạt đến sự thánh thiện, và tôi
muốn cảm nhận được hơi thở của cái vượt quá bản thân mình. Để lớn hơn chính mình,
bởi tôi quá bé nhỏ.
Tôi viết vì tôi không có gì khác để làm trên đời này: tôi bị thừa ra trên mảnh đất con
người. Tôi viết bởi tôi cùng quẫn và tôi mệt, tôi không thể chịu nổi sự nhàm chán phải làm
mình và nếu không phải nhờ có viết, cái luôn luôn mới mẻ ấy, tôi sẽ chết mỗi ngày, ấy là
nói biểu tượng thế. Nhưng tôi đã sẵn sàng lẻn đi qua cửa sau. Tôi đã trải nghiệm hồ như
tất thảy, kể cả đam mê và sự khốn cùng của đam mê. Giờ tôi chỉ muốn có cái tôi đã có thể
là mà chưa bao giờ là.
Dường như tôi biết cả những chi tiết nhỏ nhặn nhất về cô gái Đông Bắc, sau rốt thì
tôi sống với cô và bởi tôi đã dò đoán đủ thứ về cô, cô dính chắc trên da tôi như một thứ mật
đường dính dớp hay bùn bẩn. Khi còn bé tôi có đọc truyện về một ông lão sợ không dám
qua sông. Đúng lúc đó một cậu thanh niên xuất hiện, cả cậu cũng đang muốn qua sông.
Ông lão bèn tóm lấy cơ hội ấy mà nói:
- Cậu đem cả tôi sang nhé? Cõng tôi trên vai?
Chàng thanh niên đồng ý và khi đã qua sông, nói với ông lão:
- Đến nơi rồi này, ông xuống đi.
Nhưng ông lão láu cá và khôn ngoan đáp lại:
- Quên đi nhá! Ở trên này thích lắm tôi sẽ không bao giờ bỏ cậu mà đi!
Thì đó, cô đánh máy không muốn rời khỏi vai tôi. Là tôi, chứ không phải ai khác,
người nhận ra sự xấu xí và lăng loàn của cái nghèo nàn. Đó là lý do tôi không biết liệu câu
chuyện của mình có thành ra... thành ra cái gì? Tôi không biết gì hết. Tôi vẫn chưa lên dây
cót tinh thần được để viết. Liệu có chuyện gì diễn ra không? Có chứ. Nhưng là chuyện gì?
Cái đó tôi cũng không biết. Tôi không có ý định khơi lên trong các vị những mong đợi hăm
hở, khốn khổ: tôi thực sự không biết cái gì đang đợi trước mắt, trong tay tôi là một nhân
vật nhấp nha nhấp nhổm cứ gặp ngã rẽ nào là lại trốn biệt khỏi tôi, mong tôi tìm cô đem về.

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 159


Người ngồi bên
tay phải Borges
Nguyễn An Lý

Vì số lượng chữ quá sức chịu đựng của mắt nên bài
viết đã bị trục xuất khỏi file pdf.
Nếu các bạn quan tâm có thể xem trên WEBSITE.

160 Z Z Z REVIEW
Mời nước mía

Đây là chú Ruồi Mía nhà chúng tôi.

Nguyên uỷ nhà Z tính bán tạp chí online với con số rất đáng hãi là 1000 VND/số,
kèm thêm thu giá khi đi qua các trạm BOT vị chi là quãng 12k. Nhưng các bank
Việt Nam đều chối đây đẩy vì sợ rằng giá ấy với mức độ phủ sóng của nhà Z trên
khắp hoàn cầu sẽ làm sập kho dự trữ trong quốc khố chứ đừng nói gì đến họ.

Vì thế nên, trong lúc chờ chúng tôi nghiên cứu làm giàu bằng blockchain 4.0,
bằng hữu ở xa nếu có lòng xin hãy gửi gắm cho chú Ruồi Mía tại nhà Paypal của
chú: https://www.paypal.me/zzzreview/. Bằng hữu ở gần xin ghé thăm nhà Việt
của chú ở đây: https://zzzreview.com/taikhoan/

SỐ 4, 20 THÁNG 01 NĂM 2019 161

You might also like