You are on page 1of 158

Zzz REVIEW

Số 3, 30 tháng 10 năm 2018

Atwood đã dạy tôi làm đàn bà như thế nào

Trích dịch Người đưa sữa (Man Booker 2018)

Trích dịch Ru

Bohumil Hrabal: Tiếng cười cận kề cái chết

28: Giữa chó và người

Lối viết và tiếng nói nữ trong


Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
Zzz REVIEW
Số 3, 30 tháng 10 năm 2018
Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Phụ trách hình ảnh: Bơ
Phụ trách hình ảnh trên web: Thùy Anh
Thiết kế: Ụt Ịt
Biên tập: Bớ
Website: www.zzzreview.com
Liên hệ: zandzpublishing@gmail.com

NGƯỜI GÓP CHỮ


Bùi An Bình Một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.
Cá Hồi Hư Ngất mất rồi.
Chiêu Dương (tức Thu thơ thẩn).
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm
đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Hoàng Đăng Lãnh (Hà Nội) - Dang - Lanh Hoang (Berlin).
Ngọc Dao An Autumn Afternoon.
Nguyễn An Lý là một con ếch giời với biệt tài đụng vào sách gì cũng ế.
Nguyễn Thị Thúy Hạnh, 1987, hiện nghiên cứu và sáng tác tại Hà Nội.
Nguyễn Vũ Phương Linh một người con của hai miền Bắc - Trung.
Phùng Hồng Minh tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc
khu vực quanh Hà Nội.
Thuận tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại
Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.
Trịnh Kha Một người đọc sống ở vùng biên tái.
Trương Thị Hoàng Yến sinh năm 1969 tại Thái Nguyên, tốt nghiệp chuyên ngành
Hóa Phân tích tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm việc nhiều năm trong phòng thí
nghiệm. Hiện chị đang sinh sống tại Canada.
Trương Trung Tín ở thành phố Hồ Chí Minh.
Võ Bảo Trâm tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn
TPHCM năm 2017. Hiện nay, cô đang hoạt động trong lĩnh vực phi chính phủ, tập
trung vào vấn đề giới và truyền thông phát triển xã hội.
Số 3
LỜI NGỎ

ĐIỂM SÁCH
25 Linda Lê: Người chết viết văn
56 28: Giữa chó và người

TIỂU LUẬN
38 Sự nổi lên của manga dành cho thiếu nữ và văn hóa thiếu nữ
67 Bohumil Hrabal: Tiếng cười cận kề cái chết
115 Lối viết và tiếng nói nữ trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
140 Atwood đã dạy tôi làm đàn bà như thế nào

PHỎNG VẤN
32 Emma Hooper, “Đi đi, làm bất cứ điều gì, bất cứ khi nào”
84 Jeffrey Eugenides, Nghệ thuật tiểu thuyết số 215

FIC&POE
6 Anna Burns, Người đưa sữa (trích)
15 Kim Thúy, Ru (trích)
30 Nguyễn Thị Thúy Hạnh, “Người ch/nữ”, “Văn học vết thâm”
43 Thuận, Thư gửi Mina (trích)
61 Bohumil Hrabal, quá ồn một nỗi cô đơn (trích)
74 Trương Hoàng Yến, “Cái hố”
76 Trạch Vĩnh Minh, “Khát vọng”, “Mẹ”, “Độc thoại”
101 Natascha Wodin, Bà đến từ Mariupol (trích)
130 Margaret Atwood, “Huyễn tưởng cưỡng dâm”

EASTER EGG

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 3


LỜI NGỎ
Vậy là qua một mùa cày cuốc nữa, chúng tôi vẫn còn sống sót để gặp lại các
bạn đây. Mở đầu bằng một lời cảm tạ thì thật là sến và có mùi mị dân, vì thế
chúng tôi sẽ có hai lời cảm tạ cho chúng đứng bên nhau bớt ngượng nghịu.
Trước tiên xin cảm ơn tất cả những anh, chị, bạn, em, cô chú đã ủng hộ
chú Ruồi Mía và khiến di động của Madame Z reo lên những tiếng hân hoan.
Nói rằng chúng tôi chỉ bắt chú ra đó ngồi chèo kéo khách để khoe vẻ đẹp trai
chứ không mong đợi gì thì điêu quá; nhưng quả thật không nghĩ rằng bạn bè
mình cả thân lẫn sơ đều hào phóng đến như vậy. Lời cảm ơn đặc biệt xin gửi
đến chị Nguyễn Thanh Hương đã trao tặng cả kho tàng Borges để gây quỹ
cho chúng tôi; hy vọng sách đã về tay những người yêu quý nó.
Cảm ơn thứ hai là những người bạn đã gửi bài và tiếp tục gửi bài cho Zzz
Review số 03, dù không ít người RẤT bận, không ít người phải chiều theo lịch
rất phi chuyên nghiệp của nhà Z (và còn ai đó phải kề dao vào cổ dí theo đến
ngày cuối cùng). Cả bài viết, dịch lẫn bài ảnh, bài thiết kế, và đặc biệt là chị,
người may áo cho toàn tập sách ;-) Zzz tồn tại là vì có các bạn, theo nghĩa đen.

Theme của số này là Nhời đàn bà. Ban đầu là một câu đùa (nửa thật, và
chắc cũng hơi hờn dỗi) của Y cà rết, rằng làm sao mà người viết trong số 1+2
thì 90% liền bà mà tác giả dịch giả được trầm trồ lại 90% nam giới; chẳng lẽ
không tác giả nữ nào đáng đọc? Té ra là rất nhiều, như số lượng bài gửi về
(cũng như đi xin về) cho thấy. Mấy tháng vừa qua, như một trò đùa, các tác
giả nữ cũng phủ sóng thời sự cả Việt Nam và quốc tế: Nobel phẩy dành cho
Maryse “không phải Kim Thúy” Condé, Man Booker với shortlist 2/3 đàn bà,
Nguyễn Ngọc Tư tại Frankfurt với bài phát biểu vẫn còn vương hơi bếp:

Đôi khi vì mãi lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã văng ra khỏi
cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc bà mẹ bỗng
dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng. Đi chợ về, tôi thường lạc
đường, cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng
những món ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói, đã không ngon bởi vì
tôi chẳng trọn lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi,
mà mãi lắng tai nghe lời thì thầm ấy.

Không biết có nhà văn nam nào có thể, giữa công chúng và trong một
khoảnh khắc quan trọng khẳng định sự nghiệp mình, thẳng thắn thừa nhận

4 Z Z Z REVIEW
việc-nội-trợ như một đối trọng đáng chú tâm hơn cả văn chương ấy? Và chúng
tôi bất chợt phì cười, bởi cả chúng tôi cũng đang vừa lên kế hoạch số này vừa
bàn cách chăm con cái, bảo nhau công thức nấu ăn, cùng trăm thứ việc không
tên nhưng không kém phần quan trọng. “Biên tập sai không chết, nhưng
đóng lệch cánh tủ là chết ngay,” như lời nhận xét thâm thúy của Madame Z.
Hẳn không thiếu những người bạn đã góp chữ, góp hình cho chúng tôi
cũng đã tranh thủ lúc chờ máy giặt quay hay khi con ngủ, và cũng có thể
chính bạn, người đang đọc những dòng này. Nếu bạn nghĩ rằng những điều
ấy quá nhỏ nhặt không nên đưa vào địa hạt văn chương, hãy an tâm, đã có
Svetlana Alexievich bảo rằng không phải thế. Nếu bạn cho câu chuyện của
mình quá đặc thù không ai muốn biết đến, hãy tự tin bạn bầu cùng Kim Thúy
và Natascha Wodin. Hoặc nếu câu chuyện có quá nhiều khổ đau, hãy mượn
Anna Burns chút lòng can đảm. Và lắng nghe tiếng nói nữ tự tin của nhiều
thế hệ, nhiều miền đất: Thuận, Emma Hooper, Thúy Hạnh, Trạch Vĩnh Minh.

Khi rao tìm bài về “người viết nữ”, chúng tôi chỉ có ý tìm đúng thế: người
viết nữ. Không nhằm cổ xúy một điều gì, càng không phải nữ quyền, là một
chữ chúng tôi không sử dụng và cũng đôi chút kiêng dè. Nhưng tình cờ thay,
những vấn đề thuộc về phụ nữ lại xuất hiện thật chen vai thích cánh trong hai
mươi bài viết ngắn này. Thậm chí gần như là đối thoại: Svetlana Alexievich nói
rằng có một tiếng nói nữ đặc thù, nhưng Eugenides với quả bom tấn về người
liên giới tính lại một mực bảo rằng không; Svetlana lưu ý (và Anna Burns
cùng fan Atwood nhiệt liệt tán đồng) về sự tự kiểm duyệt của tư duy nữ trong
xã hội nam, nhưng ai có thể nghĩ vậy khi đọc Linda Lê hay Thuận? Và những
tác giả nam viết về người nữ, dịch giả và nhà phê bình nam tiếp cận sách của
nhà văn nữ, trong số này, họ có cần vượt qua rào cản nào không, hay như
Eugenides và Atwood cam đoan, con người thì chỉ là con người, và câu hỏi đó
còn không có lý do tồn tại?
Zzz Review không chủ về lý thuyết, nên sẽ chỉ vẩn vơ lơ lửng đến đây
thôi; tuy nhiên, số này thực sự là một cuộc họp mặt rất vui, và nếu trong khi
đọc, bạn có muốn nối dài cuộc đối thoại bằng cách nào, cảm xúc, lý luận hay
sáng tác, thì xin mời thư tới chúng tôi, nữ hay nam hay phi nhị nguyên đều
chào đón.

Z&Z
30-10-2018

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 5


Người
đưa
sữa
(trích dịch)
Anna Burns
Ngọc Dao dịch

Nhân vật kể chuyện, nữ, 18, không tên, của cuốn tiểu thuyết vừa đạt
giải Booker 2018, mở đầu câu chuyện ở một thành phố không tên, bằng
những chi tiết rờn rợn: một khẩu súng chĩa vào ngực cô, một phát súng
giết người đưa sữa, lời mời cho đi nhờ xe của gã đàn ông 41 tuổi ngồi ô
tô con này với cô bé con vừa đi đường vừa đọc Ivanhoe, những tin đồn về
một cuộc dan díu, anh rể trưởng đểu cáng mồm chuyên những từ bậy, một
cậu bạn trai trù bị... Người đưa sữa ngay lập tức đưa độc giả vào một câu
chuyện chân thực, đầy tính xáo động, ám ảnh, với giọng văn nhịp điệu, lặp
đi lặp lại. Zzzreview trích dịch chương 1 của tác phẩm.

6 Z Z Z REVIEW
Ngày mà Tên-gì-đấy McHọ-gì-đấy chĩa súng vào ngực tôi, gọi tôi là miu và doạ bắn tôi
cũng là ngày mà người đưa sữa chết. Ông ta bị một gã trong đội xạ thủ bên phe chính phủ
bắn và tôi không quan tâm đến việc người ta bắn ông ta. Nhưng những người khác thì có,
mà nhiều thành phần trong số đó, nói kiểu dân trong vùng thì, “biết tôi là ai, biết là nhìn
thôi chứ đừng có tới bắt chuyện” và tôi bị mọi người bàn tán sau lưng vì họ đồn, hay đúng
hơn là anh rể trưởng đồn, là tôi đang dan díu với người đưa sữa, rằng tôi mới mười tám còn
ông ta bốn mươi mốt. Tôi biết tuổi ông ta, không phải vì sau khi bị bắn tuổi ông ta được
chường lên mặt báo, mà bởi chi tiết này đã được đem ra nói, nhiều tháng trước vụ ám sát,
mà khơi mào là những người đã đồn thổi chuyện về tôi, rằng bốn mươi mốt với mười tám
thì kinh quá, chênh nhau cả hai mươi ba tuổi như thế thì kinh quá, rằng ông ta có vợ rồi
và không phải là kiểu bị tôi bỏ bùa mê thuốc lú vì có kha khá những con người thầm lặng,
không để lộ chân tướng, đã để tâm theo dõi. Nhưng trong cuộc tình này chính tôi cũng có
lỗi, trong mắt họ thấy vậy. Nhưng tôi có dan díu gì với người đưa sữa đâu. Tôi không ưa gì
ông ta và đã rụng rời, bối rối khi người đàn ông này cứ muốn theo đuổi, tán tỉnh mình. Tôi
cũng không ưa gì anh rể trưởng. Lúc lên cơn rồ, anh ta đi đơm đặt chuyện về đời sống tình
dục của người khác. Về đời sống tình dục của tôi. Ngày tôi còn bé, mười hai tuổi, khi anh
ta xuất hiện giữa lúc chị tôi muốn trả thù đời sau khi chia tay anh người yêu lâu năm vì anh
này ngủ với người khác, gương mặt mới toanh kia làm chị tôi dính bầu và chẳng mấy mà họ
cưới nhau. Anh ta buông ra những lời tục tĩu về tôi trước mặt tôi ngay từ lần gặp đầu tiên
- về cái lồng, cái nhồn, cái bàn lộn, cái lỗ đen, cái lìn, cái hĩm, cái ấy của tôi và anh ta dùng
những từ, những từ ngữ rất bậy, mà tôi không hiểu. Anh ta biết là tôi không hiểu nhưng
đã đủ lớn để đoán ra chúng bậy. Đó là cái đem lại khoái cảm cho anh ta. Ngày đó anh ta ba
mươi lăm. Mười hai với ba mươi lăm. Cũng là chênh nhau hai mươi ba tuổi.
Vậy là anh ta cứ nói này nói kia, cho mình quyền nói này nói kia và tôi không nói lại
gì vì tôi không biết phải phản ứng thế nào với con người này. Anh ta không ăn nói kiểu đấy
khi có chị tôi trong phòng. Lần nào cũng thế, hễ chị tôi đi khỏi là kiểu như có một chiếc
công tắc bật lên bên trong anh ta. May một điều là tôi không phải sợ anh ta sẽ làm gì mình.
Vào thời đó, ở nơi đó, bạo lực là thước đo của mọi người để đánh giá người khác, nhưng
tôi có thể thấy ra ngay anh ta không phải kiểu như thế, anh ta không quan niệm như vậy.
Nhưng dù vậy thì bản năng thú săn mồi của con người này vẫn làm tôi tê dại đi mỗi khi
gặp. Đúng là một tên rác rưởi, còn chị tôi thì phát điên vì chuyện bầu bí, vì vẫn còn yêu anh
người yêu lâu năm kia và không thể tin được anh ta lại đối xử như thế với mình, không tin
được chuyện anh ta không nhớ nhung gì mình, bởi anh ta không thương nhớ chị tôi. Anh
ta đã biến đi với một mối tình mới. Trong mắt chị tôi không có người đàn ông kia, cái ông
chú chị đã cưới làm chồng nhưng vì còn quá trẻ, quá bất hạnh, quá đắm đuối với tình yêu
- chỉ là không phải với anh ta - để có thể thực sự bắt đầu một mối quan hệ. Tôi không ghé
qua chỗ chị nữa dù cho chị tôi đang buồn bởi tôi không thể tiếp tục chịu đựng những gì

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 7


anh ta nói và bộc lộ qua nét mặt. Sáu năm sau, trong khi anh ta cố tìm cách chiếm hữu tôi
và hai chị gái còn lại của tôi, trong khi chúng tôi - trực tiếp có, không trực tiếp có, lịch sự có
mà kiểu biến mẹ mày đi cũng có - cự tuyệt anh ta, thì người đưa sữa, cũng là một nhân vật
không mời mà đến nhưng đáng sợ hơn hẳn, nguy hiểm hơn hẳn, đã mọc ra từ thinh không.
Tôi không biết ông ta đưa sữa cho nhà nào. Không phải là cho nhà tôi. Hay bất cứ nhà
nào, tôi nghĩ vậy. Ông ta không nhận đưa sữa. Chẳng sữa siếc gì. Chưa bao giờ trông thấy
ông ta giao sữa. Ông ta cũng không lái xe tải sữa. Mà ông ta đi ô tô con, nhiều chiếc khác
nhau, thường hay là kiểu bóng bẩy dù ông ta không có cái vẻ ấy. Nhưng tôi chỉ chú ý đến
ông ta và đống ô tô khi ông ta bắt đầu chường mặt chường xe ra trước mặt tôi. Rồi thì đến
lượt chiếc xe thùng đó - nhỏ, màu trắng, không có gì đặc trưng và dễ bề biến báo. Lúc này
hay lúc khác người ta lại bắt gặp ông ta ngồi sau tay lái cái xe thùng.
Ông ta xuất hiện một ngày nọ, xịch xe tới trong khi tôi vừa đi vừa đọc Ivanhoe. Thường
tôi hay đọc sách lúc đi bộ. Tôi chẳng thấy việc
đó có gì sai trái nhưng sau nó sẽ trở thành
một trong những bằng chứng chống lại tôi.
Trong cái danh sách ấy dứt khoát là có mục
“Đọc sách trong khi đi bộ”.
“Cô là con gái út của cái-nhà-gì-đấy, có
phải không? Ông-gì-đấy là cha cô, có phải
không? Các anh trai cô, cái gì đấy, cái gì đấy,
cái gì đấy, cái gì đấy, ngày trước chơi trong đội
bóng hurley, nhỉ? Lên xe đi. Tôi đưa cô về.”
Những lời đó được nói ra tỉnh như
không, cửa bên phía hành khách đã mở sẵn.
Tôi rụng rời bừng tỉnh khỏi trang sách. Tôi đã
không nghe thấy tiếng xe. Cũng chưa bao giờ
giáp mặt người ngồi sau tay lái. Ông ta nhoài
Ảnh của Hiếu người ra nhìn tôi, mỉm cười, thân thiện kiểu
có thiện chí. Nhưng đến lúc này, mười tám tuổi, “mỉm cười, thân thiện, có thiện chí” luôn
đặt tôi vào tình trạng báo động. Không phải là bởi bản thân lời mời cho đi nhờ. Ở đây,
những người đi ô tô vẫn thường dừng lại mời người khác đi cùng, cả là đi vào lẫn đi ra khỏi
khu vực. Thời ấy xe ô tô con không sẵn còn phương tiện công cộng, sau các vụ doạ đặt bom,
tấn công chiếm đoạt xe, thỉnh thoảng lại bị tạm dừng hoạt động. Rồi thì còn có vụ rề xe
kiếm gái nữa, không phải một khái niệm xa lạ, nhưng cũng chưa được xem như một thực
tế. Chắc chắn là tôi chưa thấy cảnh đó bao giờ. Dù gì tôi cũng không muốn đi nhờ xe. Ấy là
nói đi nhờ xe nói chung. Tôi thích đi bộ - vừa đi vừa đọc, vừa đi vừa nghĩ. Còn cụ thể trong
trường hợp này, tôi cũng chẳng muốn lên xe người đàn ông kia. Nhưng tôi không biết phải

8 Z Z Z REVIEW
ăn nói theo kiểu gì, bởi ông ta không hành xử khiếm nhã, và ông ta quen gia đình tôi, kể ra
đủ các cái tên, tên những người đàn ông trong gia đình tôi, và tôi không thể hành xử khiếm
nhã bởi ông ta không hề hành xử khiếm nhã. Vậy nên tôi ngần ngừ, hay đúng hơn là tê dại
đi, tức là khiếm nhã với ông ta. “Tôi đi bộ thôi,” tôi nói. “Tôi đang đọc dở,” tôi giơ cuốn sách
lên, như thể Ivanhoe sẽ giải thích được việc tôi đi bộ, sự cần thiết của việc ấy. “Cô đọc sách
trong xe cũng được mà,” ông ta nói, tôi không nhớ mình đã đáp lại thế nào. Sau cùng ông
ta phá lên cười mà nói, “Thôi khỏi đi. Cô không phải băn khoăn gì cả. Đọc sách vui nhé,”
rồi đóng cửa lại lái xe đi.
Lần đầu tiên chỉ có từng ấy chuyện - nhưng chưa gì tin đồn đã rộ lên. Chị cả ghé qua
nhà thăm tôi vì chồng chị, ông anh rể giờ đã bốn mươi mốt tuổi, phái chị sang gặp tôi.
Nhiệm vụ của chị là cảnh báo tôi. Chị nói người ta bắt gặp tôi nói chuyện với người đàn
ông đó.
“Mẹ nó chứ,” tôi nói. “Như thế tức là sao - người ta? Ai là người ta ở đây? Chồng chị
à?”
“Em phải nghe lời chị,” chị tôi nói. Nhưng tôi sẽ không nghe - sẽ không nghe anh ta và
cái tiêu chuẩn kép của anh ta, sẽ không nghe chị tôi, người đã nhịn nhục mà sống với tất cả
những thứ ấy. Ngày đó tôi không biết là mình trách cứ chị, đã và đang trách cứ chị, cho những
lời bậy bạ anh ta nói với tôi từ năm này qua năm khác. Ngày đó tôi không biết mình trách cứ
chị vì đã cưới anh ta trong khi không yêu gì anh ta, cũng không tài nào có thể tôn trọng anh
ta, vì hẳn là chị tôi phải biết chứ, sao có thể không, tất cả những trò mèo anh ta làm.
Chị cứ một mực khuyên tôi phải cư xử đúng mực, cảnh báo tôi đang mua rắc rối vào
người, chọn ai không chọn lại chọn người đó... Nhưng thế là quá lắm. Tôi nổi đoá lên và
tiếp tục chửi bậy vì chị không thích nghe chửi bậy, đó là cách duy nhất để tống tiễn chị ra
khỏi phòng. Tôi tiếp tục gào lên qua cửa sổ với tấm lưng của chị, nếu cái lão hèn đó muốn
nói gì thì đi mà nói thẳng vào mặt em đây này. Một việc tai hại: bị cảm xúc chi phối, để cho
người khác nhìn và nghe thấy mình bị cảm xúc chi phối, gào thét qua cửa sổ, ra ngoài phố,
để cho mình bị cuốn đi. Thường thì tôi tránh được điều đó. Nhưng tôi đã giận dữ. Tôi ôm
nhiều nỗi giận dữ trong lòng - giận chị, vì sống cuộc đời một người vợ bé mọn, vì luôn làm
theo lời anh ta bảo, và giận anh ta, vì cứ cố áp sự đáng khinh của anh ta lên tôi. Tôi có thể
cảm nhận được sự cứng đầu cố hữu, cái suy nghĩ “đi mà lo chuyện của các người ấy” đã kịp
trồi lên. Mà hễ rơi vào những lúc như vậy, tôi sẽ biến thành quái vật, không chịu tiếp thu và
đâm giận quá mất khôn. Còn về cái tin đồn về tôi với người đưa sữa, tôi phủi đi mà không
nghĩ ngợi gì. Nhu cầu can dự thái quá vào cuộc đời người khác là chuyện thường trực ở khu
này. Tin đồn dội đến, dội đi, đến rồi đi, rồi lại chuyển sang một đối tượng mới. Thế nên tôi
không chú ý gì đến mối tình họ dựng lên cho tôi với người đưa sữa. Rồi ông ta lại thò mặt
ra - lần này thì là tự thân mà đến, không dùng xe, trong khi tôi chạy bộ trong hai công viên
quanh hồ chứa nước bên trên và bên dưới.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 9


Lần này tôi chỉ có một mình và không đọc gì cả, tôi không bao giờ đọc trong khi chạy.
Và ông ta xuất hiện, lại một lần nữa mọc ra từ thinh không, lần này thì là rảo bước chạy đến
bên cạnh tôi ở nơi ông ta chưa bao giờ có mặt. Tức thì chúng tôi đã đang chạy cùng nhau, và
trông như thể chúng tôi luôn chạy cùng nhau như thế, và lại một lần nữa tôi thấy rụng rời,
như rồi sẽ thấy rụng rời trong tất thảy những lần chạm trán, ngoại trừ lần cuối cùng, giữa
tôi với người đàn ông này. Mới đầu ông ta không nói gì, còn tôi không thể nói được gì. Rồi
thì ông ta nói, không phải kiểu bắt chuyện mà là xộc luôn vào giữa chừng một câu chuyện,
và lại một lần nữa cảm giác như thể chúng tôi luôn ở giữa chừng một cuộc nói chuyện. Từ
ngữ ông ta dùng vắn gọn, có chút ráng sức, do tôi chạy tương đối nhanh, và chủ đề là về chỗ
tôi làm việc. Ông ta biết về công việc của tôi - tôi làm ở đâu, làm cái gì, từ mấy giờ đến mấy
giờ, ngày nào đi làm ngày nào nghỉ, và về chuyến xe buýt lúc tám giờ hai mươi tôi bắt mỗi
sáng, khi nó không bị tấn công, để tới chỗ làm ở trên phố. Ông ta còn tuyên bố tôi không
bao giờ bắt xe này về nhà. Đúng như vậy. Các ngày trong tuần, dù trời nắng trời mưa, súng
đang nổ hay bom đang nổ, đang có loạn hay đang hòa hoãn, tôi vẫn thích đi bộ về nhà, trên
tay là cuốn sách đang đọc dở. Một tác phẩm thế kỷ mười chín, bởi tôi không ưa gì truyện
thế kỷ hai mươi bởi tôi không ưa gì thế kỷ hai mươi. Giờ, nghĩ lại, tôi đoán chừng cả điều
đó người đưa sữa cũng biết rõ.
Vậy là ông ta nói ra những chuyện đó trong khi chúng tôi chạy men theo một bên bờ
cái hồ chứa nước ở đầu này của khuôn viên. Có một hồ chứa nhỏ hơn gần sân chơi cho
bọn trẻ ở đầu kia. Ông ta nhìn thẳng phía trước, người đàn ông này, trong khi nói chuyện
với tôi, không một lần quay đầu về phía tôi. Suốt lần gặp thứ hai ông ta không hỏi tôi lấy
một câu. Có vẻ như ông ta cũng không chờ phản ứng của tôi. Ấy là nếu tôi có thể. Tôi vẫn
bị mắc kẹt ở câu hỏi “ông ta từ đâu mọc ra?” Chưa kể, tại sao ông ta lại xử sự như thể quen
tôi, như thể chúng tôi biết nhau, trong khi chúng tôi không hề biết nhau? Tại sao ông ta
lại giả định tôi không thấy phiền chuyện ông ta cứ kè kè bên cạnh tôi trong khi tôi thực sự
thấy phiền? Tại sao tôi không thể cứ thế dừng cuộc chạy này lại và bảo ông ta để cho tôi
yên? Ngoại trừ câu hỏi “ông ta từ đâu mọc ra?” thì phải một thời gian sau những câu hỏi
còn lại mới đến với tôi, và tôi không định nói là một tiếng sau. Mà là hai mươi năm sau. Vào
thời điểm đó, mười tám tuổi, lớn lên trong một xã hội có máu điên nơi nguyên tắc căn bản
là - nếu không có hành động bạo lực nào giáng xuống ta, nếu không có lời nhục mạ thẳng
thừng nào nhằm vào ta, nếu không có cái nhìn đểu nào đến từ xung quanh thì tức là chẳng
có chuyện gì xảy ra cả, vậy nên làm sao ta có thể bị đe doạ trong khi ở đó chẳng có gì? Mười
tám tuổi, tôi không rành rẽ những cách thức cấu thành nên sự xâm phạm. Tôi chỉ có thể
cảm nhận được chúng, bằng trực giác, bằng sự ghê tởm dành cho một vài tình huống, một
vài người, nhưng tôi không biết trực giác và sự ghê tởm cũng có chỗ đứng của nó, tôi không
biết mình có quyền không thích, không phải chịu đựng, bất cứ ai và tất cả mọi người tiến
lại gần mình. Ngày ấy tất cả những gì tôi có thể nỗ lực được là hy vọng đối phương sẽ mau

10 Z Z Z REVIEW
chóng nói ra cái mà anh ta hay cô ta nghĩ mình đang vì thiện chí mà nói ra, và hy vọng nói
xong họ sẽ đi; hoặc không thì tự tôi sẽ đi, một cách lịch sự, vội vã, ngay lúc tôi có thể.
Qua lần gặp thứ hai tôi biết người đưa sữa đang để mắt đến mình, có ý định tán mình.
Tôi biết tôi không thích việc ông ta thích mình, cũng không có cảm xúc gì với ông ta. Nhưng
ông ta không trực tiếp nói ra
lời nào để thúc đẩy chuyện đó.
Ông ta cũng chẳng đòi hỏi gì ở
tôi. Hay đụng chạm vào người
tôi. Trong lần gặp thứ hai này
ông ta còn không buồn nhìn
tôi lấy một lần. Thêm vào đó,
ông ta lớn tuổi hơn tôi, lớn hơn
rất nhiều, liệu có thể nào, tôi tự
hỏi, tôi đang hiểu nhầm hết cả,
rằng câu chuyện này không hề
giống với cái tôi hình dung? Về
phần cuộc chạy, hai chúng tôi
Ảnh của Hiếu
đang ở chỗ công cộng. Nơi này,
vào ban ngày, là hai công viên lớn giao với nhau, còn đến đêm thì là một chỗ tệ lậu, dù ban
ngày nó cũng tệ lậu. Mọi người không muốn thừa nhận nó tệ lậu vào cả ban ngày vì như thế
ít ra họ còn có chỗ để đi. Tôi không sở hữu chỗ này, tôi chạy ở đây được thì có nghĩa ông ta
chạy ở đây được, bọn nhóc thập niên bảy mươi uống rượu ở đây được, bọn nhóc lớn tuổi
hơn tí của thập niên tám mươi hít hơi keo ở đây được, cái lứa lớn tuổi hơn thập niên chín
mươi chích ma tuý ở đây được còn vào thời điểm hiện tại thì là các lực lượng chức năng
có quyền núp ở đây để chụp ảnh các đối tượng chống phá nhà nước. Họ còn chụp hình cả
người quen của các đối tượng, những người họ đã biết danh tính hoặc chưa, và đó cũng
chính là cái đã xảy ra. Một tiếng “tách” vang lên khi người đưa sữa với tôi chạy qua một bụi
cây, cái bụi cây tôi đã cơ số lần chạy qua mà chẳng nghe thấy tiếng “tách” bao giờ. Tôi biết
lần này âm thanh đó vang lên là bởi người đưa sữa và sự can dự của ông ta, với cụm từ “can
dự” tôi có ý nói “có liên hệ”, và với “có liên hệ” tôi có ý nói tích cực chống đối, và với “tích
cực chống đối” tôi muốn nói đối tượng chống phá, kẻ thù của chính phủ, là nguyên do cho
những vấn đề chính trị tồn tại trên mảnh đất này. Và giờ thì tôi sẽ xuất hiện trong một hồ
sơ ở đâu đó, trong một bức ảnh ở đâu đó, mới đây thôi còn chưa được biết tới nhưng giờ thì
dứt khoát là rồi. Bản thân người đưa sữa không đả động gì đến tiếng “tách” dù cho không
thể nào có chuyện ông ta không nghe thấy. Còn tôi đáp lại nó bằng cách rảo bước chạy
nhanh hơn để kết thúc cho sớm cuộc chạy này, và bằng cách giả vờ như mình cũng chẳng
nghe thấy gì.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 11


Nhưng ông ta lại ghìm tốc độ lại cho đến khi chúng tôi chỉ còn đi bộ. Đó không phải
là bởi ông ta không đủ sức theo tiếp mà bởi ông ta không phải người chạy bộ. Ông ta chẳng
hứng thú gì với chạy. Mục đích của quãng đường chạy bộ dọc theo hai hồ chứa nước ở cái
nơi tôi chưa bao giờ thấy ông ta đi chạy này không phải là để chạy. Mà mục đích của nó là vì
tôi. Nói chuyện với tôi, ông ta ra cái điều lý do ông ta giảm tốc độ là để điều hoà lại, nhưng
tôi biết điều hoà là thế nào và với tôi, đi bộ trong lúc chạy không phải điều hoà. Nhưng tôi
không thể nói vậy, vì không lý gì tôi lại khoẻ hơn người đàn ông này, hiểu biết về chế độ tập
của bản thân hơn người đàn ông này, vì cái nhìn về nam với nữ ở đây sẽ không bao giờ cho
phép điều đó. Chúng ta lại đã sa vào địa hạt “tôi là đàn ông còn cô là đàn bà”. Nó là những
gì ta có thể nói ra nếu ta là một đứa con gái nói chuyện với một đứa con trai, một người
phụ nữ với một người đàn ông, hoặc một đứa con gái với một người đàn ông và những gì ta
không được phép nói ra - ít ra thì là theo kiểu chính thức, giữa chốn đông người, và nhiều
hơn một lần. Là việc một vài đứa con gái nhất định sẽ không được dung thứ nếu bị xem là
không chịu phục tùng đàn ông, không chịu công nhận sự vượt trội của đàn ông, thậm chí
còn đi xa đến mức dám bật lại đàn ông, mà về cơ bản là những đứa con gái cứng đầu, một
giống loài xấc láo và quá đinh ninh về mình. Nhưng không phải tất cả đàn ông con trai đều
như vậy. Một số phá lên cười và thấy các anh đàn ông bị xúc phạm ngồ ngộ. Đó là những
người mà tôi thích - và bạn-trai-trù-bị có trong số đó. Anh sẽ cười mà nói, “Em đang lừa
anh phải không. Làm sao có thể tệ như thế, tệ như thế thật à?” khi tôi nhắc đến đám con
trai mà tôi biết tỏng là không ưa gì lẫn nhau nhưng lại hiệp lực đồng tâm đả phá giọng hát
ồn ào của Barbra Streisand; những đứa con trai nổi đoá lên với Sigourney Weaver vì đã giết
được sinh vật trong cái bộ phim mới ra mắt mà cả đám nhân vật nam trong phim không
ai giết được; những đứa con trai xù lông lên với Kate Bush vì điệu bộ như mèo, với mèo
vì điệu bộ như đàn bà, nhưng tôi không nói gì về số lượng mèo bị giết chết và phanh thây
đã nhiều đến mức chẳng còn lại mấy con mèo trong khu nhà tôi. Thay vào đó tôi dừng lại
ở chuyện Freddie Mercury vẫn còn được ngưỡng mộ miễn chừng nào người ta còn có thể
chối đây đẩy là anh ta không ái, nghe đến đấy bạn-trai-trù-bị đặt bình pha cà phê xuống -
trong số những người tôi biết chỉ có mỗi anh với bạn anh, đầu bếp trưởng, là có bình pha
cà phê - rồi ngồi xuống mà cười bò ra.
Đó là “bạn-trai-trù-bị đến giờ đã quen được gần một năm” của tôi, người tôi sẽ gặp vào
các tối thứ Ba, thỉnh thoảng vào tối thứ Năm, hầu hết các tối thứ Sáu - ở lại đến sáng thứ
Bảy, và tất cả các tối thứ Bảy - ở lại đến sáng Chủ nhật. Đôi khi đó có vẻ là một mối quan hệ
nghiêm túc. Đôi khi không. Một vài người bên đằng anh xem bọn tôi là một cặp. Nhưng đa
phần nghĩ bọn tôi là kiểu cặp mà không cặp, kiểu gặp nhau thường xuyên đấy nhưng không
phải vì thế mà thành một cặp đôi đúng nghĩa. Tôi ước gì hai bọn tôi là một cặp đôi đúng
nghĩa và hẹn hò chính thức và đến một lúc tôi đã nói như thế với bạn-trai-trù-bị, nhưng anh
nói không, rằng không phải vậy, rằng tôi hẳn đã quên rồi nên anh phải nhắc lại cho tôi nhớ.

12 Z Z Z REVIEW
Anh nói đã từng có lúc bọn tôi thử - anh làm bạn trai nghiêm túc của tôi, tôi làm bạn gái
nghiêm túc của anh, chúng tôi gặp gỡ nhau, sắp đặt và, dường như vậy, hướng đến, như các
cặp đôi đúng nghĩa, một tương lai chung. Anh nói tôi đã đâm ra rất khác. Anh nói anh cũng
đâm ra rất khác, nhưng anh chưa bao giờ thấy ở tôi có nhiều nỗi sợ như vậy. Láng máng,
trong khi anh nói, tôi nhớ ra đôi chút những gì anh đang thuật lại. Nhưng một phần khác
trong tôi lại nghĩ, hay là anh đang dựng chuyện? Anh nói đã đề nghị, nhằm vớt vát lại những
gì bọn tôi từng có, bất kể đó có là gì, bọn tôi thôi không làm bạn gái nghiêm túc và bạn trai
nghiêm túc nữa, mà ai mong muốn sự nghiêm túc đó đây? chỉ có tôi, sử dụng nó làm cớ để
tròng anh vào “những cuộc trò chuyện về cảm xúc” mà, cứ xem phản ứng dữ dội của tôi khi
hai bọn tôi thực sự nói chuyện về cảm xúc, cứ xem việc tôi nói về cảm xúc thậm chí còn ít
hơn cả anh thì hẳn là từ đầu tôi đã chẳng tin gì mấy vào chuyện này. Thay vào đó anh gợi ý
bọn tôi trở lại địa hạt trù bị, cùng mù mờ không biết mình có đang hẹn hò người kia không.
Thế là bọn tôi làm vậy và anh nói tôi đã bình tĩnh trở lại và cả anh cũng bình tĩnh trở lại.
Trở về với địa hạt “đàn ông và phụ nữ” được chính thức công nhận, với những gì phụ nữ
có thể nói và không, tôi không nói gì khi người đưa sữa theo đuôi tôi, ghìm tôi lại rồi dừng
hẳn cuộc chạy. Lại một lần nữa, ít ra không phải là chủ tâm, ông ta không có gì khiếm nhã,
nên tôi không thể khiếm nhã mà tiếp tục chạy. Thay vào đó tôi để cho ông ta ghìm mình lại,
người đàn ông này, người tôi không muốn cho lại gần, và đó là lúc ông ta bộc lộ ra cái ông ta
nghĩ về việc tôi, khi không chạy, thì sẽ đi bộ, những lời tôi ước giá gì ông ta đừng nói ra hoặc
tôi không phải nghe thấy. Ông ta nói rằng ông ta thấy lo, rằng ông ta không thấy có gì là hay,
và trong suốt lúc đó ông ta vẫn không nhìn sang tôi. “Chưa chắc đây đã là việc hay,” ông ta
nói, “mấy sự chạy này, rồi cả mấy sự đi bộ. Chạy như thế này là nhiều quá, đi bộ như thế này
là nhiều quá.” Với câu nói đó, không thêm một lời, ông ta rẽ ngoặt sang lối khác và biến mất.
Cũng giống như lần trước, xuất hiện với cái xe bóng loáng, lần này - bất thình lình hiện ra
và kè kè chạy bên cạnh, rồi thì sự giả định, tiếng máy ảnh, nhận định của ông ta về việc tôi
chạy với đi bộ, và sự bỏ đi đột ngột - ông ta khiến cho tôi hoang mang, rụng rời nối tiếp rụng
rời. Tôi cảm thấy sốc, phải, nhưng là sốc vì một chuyện dường như quá cỏn con, không quan
trọng, thậm chí là quá bình thường để có thể cho tôi lý do mà sốc. Nhưng cũng chính vì điều
này mà phải đến mấy tiếng sau khi đã về nhà tôi mới tỉnh ra ông ta biết về công việc của tôi.
Tôi cũng không nhớ mình về nhà thế nào vì sau khi ông ta bỏ đi, lúc đầu tôi đã cố chạy nốt,
cố tiếp tục cái đang bỏ dở, giả vờ như ông ta không hề xuất hiện hay ít ra thì cũng là việc ấy
không tác động gì đến tôi. Rồi, vì tôi đang không chú ý, vì tôi bối rối, vì tôi không thành thực
với mình, tôi đạp chân lên một trang tạp chí bóng loáng lìa ra từ cuốn tạp chí bỏ đi. Đó là
một trang báo đôi in hình một phụ nữ với mái tóc dài rối bù, chân đi bít tất, bên trên cài dây
đeo bít tất, một thứ cũng có màu đen và bằng ren. Cô ta đang mỉm cười nhìn tôi, người ngả
ra đằng sau, chìa ra cho tôi xem, và đúng vào lúc ấy tôi trượt chân, mất thăng bằng, mắt chạm
thẳng vào toàn bộ cái ấy của cô ta trong khi ngã dập người xuống lối đi.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 13


Kim Thúy
(Ảnh của Camille Gévaudan.
Giấy phép: CC BY-SA 3.0)
Ru (trích dịch)
Kim Thuý
Phùng Hồng Minh dịch

Chào đời tại Sài Gòn năm 1968, Kim Thúy rời Việt Nam cùng các thuyền nhân năm
lên mười tuổi và đến Québec định cư với gia đình. Tốt nghiệp chuyên ngành dịch
thuật và luật, tác giả từng làm việc trong tư cách thợ may, phiên dịch viên, luật sư, chủ
nhà hàng và phóng viên mảng ẩm thực cho đài phát thanh và truyền hình. Hiện bà
sống ở Montréal và chuyên tâm viết lách.
Cuốn sách đầu tay của bà, Ru, do Libre Expression xuất bản năm 2009, đã thành công
vang dội ngay khi vừa ra mắt. Trở thành best-seller tại Québec và Pháp, được dịch ra
hơn hai mươi lăm thứ tiếng, Ru cũng giành được nhiều giải thưởng văn học, trong đó
có giải Thủ hiến Canada danh giá vào năm 2010, giải thưởng lớn RTL-Lire của Hội
chợ Sách Paris 2010, giải thưởng của Ý Premio Mondello per la Multiculturalità 2011,
Giải thưởng Công chúng tại Hội chợ Sách Montréal 2010 và Giải thưởng Lớn dành
cho Văn học Archambault 2011. Ru cũng lọt vào danh sách cuối của Giải thưởng
Cộng đồng Pháp ngữ khắp năm châu 2010 và giải thưởng Giller uy tín năm 2012 trao
tặng cho cuốn sách Canada xuất sắc nhất. Bản tiếng Anh của tác phẩm đã giành giải
trong cuộc chiến giữa các cuốn sách được tổ chức bởi Canada Reads và được vinh danh
là “cuốn sách phải đọc” ở Canada năm 2015.
Tác phẩm thứ hai của Kim Thúy, viết chung với Pascal Janovjak, nhan đề À toi (Cho
em), xuất bản tháng Chín 2011. Ra đời từ một sự hiệp thông văn chương hiếm gặp, tác
phẩm mang tính chiêm nghiệm viết dưới dạng trao đổi thư từ này phác họa hành trình
của hai đứa trẻ trong cuộc di cư và sống đời du mục, thông qua các ký ức và chuyện
kể. Năm 2013, mãn, tác phẩm thứ ba của Kim Thúy được xuất bản. Lọt vào danh sách
cuối Giải thưởng Cộng đồng Pháp ngữ khắp năm châu 2014 và được dịch ra chín thứ

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 15


tiếng, bản tiếng Anh bỏ túi của tác phẩm đã lại được xếp vào danh sách Discovery Pick
của chuỗi cửa hàng sách lớn nhất nước Mỹ Barnes & Noble vào mùa thu năm 2015.
Xuất bản năm 2016, cuốn sách mới đây của Kim Thúy kể lại câu chuyện đời Vi, cô em
út có ba người anh trai, “kho báu nhỏ” dẫu không muốn vẫn bị xô ra giữa cuộc đời rộng
lớn với biết bao xáo động. Khi rời Sài Gòn đến Montréal, rồi đến thăm Tô Châu và
Boston, và lớn lên bên cạnh những người hùng của đời sống thường nhật, cô đã chứng
kiến biển khơi mênh mông, những chân trời bao la, những nỗi buồn nơi nào cũng thế,
sự xa xỉ của hòa bình, sự phức tạp của tình yêu, sự vô tận của những điều khả dĩ và sự dữ
dội của cái đẹp. Như một học sinh ngoan, cô nhìn ngắm, học hỏi, đón nhận. Nhưng
liệu có khi nào cô biết cách sống giữa cuộc đời rộng lớn ấy?
Sau hai mươi lăm quốc gia và bảy giải thưởng văn học, Kim Thúy vẫn luôn như vậy,
chung thủy yêu thương những con chữ.

Giới thiệu của NXB Libre Expression


(http://www.editions-libreexpression.com/kim-thuy/auteur/thuy1000)

16 Z Z Z REVIEW
Trong tiếng Pháp, ru có nghĩa là “con suối nhỏ”, và nghĩa bóng là “sự chảy (chảy nước
mắt, chảy máu, chảy tiền)” (theo Từ điển Robert lịch sử). Trong tiếng Việt, ru có nghĩa
là “bài hát cho trẻ em đi ngủ”.

Cho những người dân của xứ sở.

TÔI ĐẾN với thế giới trong lúc đang diễn ra cuộc tiến công dịp Tết, vào những ngày đầu
tiên của năm con Khỉ, khi hàng tràng pháo dài treo trước mỗi nhà nổ đì đùng hòa tạp với
tiếng súng tiểu liên.
Tôi chào đời tại Sài Gòn, nơi xác pháo nổ tung thành nghìn mảnh nhuộm đỏ mặt đất
chẳng khác nào những cánh hoa anh đào, hoặc tựa như máu của hai triệu người lính tản
mát, rải rác khắp các thành phố, làng mạc của một nước Việt Nam bị chia đôi.
Tôi sinh ra dưới bóng những bầu trời có pháo hoa làm vật trang trí, có những dây
đèn nhấp nhánh để điểm tô, có rốc két và tên lửa băng qua ngang dọc. Sự chào đời của
tôi có nhiệm vụ thế chân cho những mảnh đời đã mất. Đời tôi có nghĩa vụ tiếp tục đời
mẹ tôi.

TÔI TÊN LÀ NGUYỄN AN TỊNH, còn mẹ tôi là Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi là một biến
thể đơn giản của tên bà, bởi chỉ một dấu chấm dưới chữ i là đủ để khiến tôi khác bà, phân
biệt tôi với bà, tách rời tôi khỏi bà. Tôi là sự mở rộng của bà, ngay từ ý nghĩa cái tên. Trong
tiếng Việt, tên bà có nghĩa là “không gian yên bình” còn tên tôi là “nội tâm yên bình”. Bằng
những cái tên gần hệt như nhau ấy, mẹ tôi khẳng định tôi là sự tiếp nối của bà, tôi sẽ tiếp
tục câu chuyện đời bà.
Lịch sử Việt Nam, lịch sử với chữ L viết hoa, đã khiến các kế hoạch của mẹ tôi đổ vỡ.
Nó đã quẳng hết dấu má trong tên chúng tôi xuống bể khi đưa chúng tôi vượt biên qua vịnh
Thái Lan, cách đây ba mươi năm. Nó cũng tước hết mọi ý nghĩa khỏi mấy cái tên đó, biến

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 17


chúng thành những âm xa lạ và lạ lùng cả trong tiếng Pháp. Nhất là nó xuất hiện để cắt đứt
vai trò của tôi là nối dài một cách tự nhiên đời mẹ tôi khi tôi lên mười tuổi.

NHỜ CUỘC LƯU VONG mà các con tôi chưa bao giờ là những phần nối dài của tôi,
của đời tôi. Chúng tên là Pascal và Henri và không giống tôi. Tóc chúng sáng màu, da chúng
trắng và lông mày chúng rậm. Tôi đã không cảm thấy tình mẫu tử tự nhiên mà tôi vẫn trông
đợi khi chúng bám lấy ngực tôi lúc ba giờ sáng, giữa đêm hôm. Rất muộn sau này bản năng
làm mẹ mới trỗi dậy trong tôi, qua bao đêm thức trắng, bao lần tã quần lấm bẩn, bao nụ
cười vô cớ cùng những niềm vui bất chợt.
Chỉ vào thời khắc ấy tôi mới hiểu được tình yêu của người mẹ ngồi đối diện tôi dưới
hầm con tàu chúng tôi đi, ôm trong lòng một đứa bé sơ sinh đầu chi chít vảy kết bốc mùi vì
ghẻ. Hình ảnh ấy cứ hiển hiện trước mắt tôi suốt bao ngày mà có lẽ cả bao đêm nữa. Bóng
đèn nhỏ treo lơ lửng ở đầu một sợi dây được cố định bằng một cái đinh gỉ tỏa ra thứ ánh
sáng leo lắt khắp hầm tàu, và lúc nào cũng là thứ ánh sáng ấy. Dưới đáy con tàu đó, ngày đêm
chẳng còn phân biệt. Thứ ánh sáng dai dẳng ấy che chở chúng tôi trước biển cả mênh mông
và bầu trời vây bủa. Những người ngồi trên boong tàu thuật lại rằng chẳng có đường phân
định đâu là màu xanh của biển, đâu là màu xanh của trời. Vì thế chẳng ai biết mình đang
hướng về phía trời hay đang lao đầu xuống làn nước sâu thẳm. Thiên đường và địa ngục
quấn chặt lấy nhau giữa lòng con tàu của chúng tôi. Thiên đường hứa hẹn một bước ngoặt
trong cuộc đời chúng tôi, một tương lai mới, một lịch sử mới. Địa ngục, về phần mình, phơi
bày mọi nỗi sợ trong chúng tôi: sợ cướp biển, sợ chết đói, sợ ngộ độc vì ăn phải bánh bít
cốt nhiễm dầu máy, sợ thiếu nước, sợ không thể đứng dậy được nữa, sợ phải đi tiểu trong
cái bô đỏ chuyền từ tay người này sang tay người khác, sợ cái đầu ghẻ lở trẻ con kia lây lan,
sợ không bao giờ được giẫm chân lên đất liền, sợ không còn được thấy lại gương mặt bố mẹ
ngồi đâu đó trong cảnh mờ sáng, giữa hai trăm con người.

TRƯỚC KHI TÀU CHÚNG TÔI nhổ neo giữa đêm bên bờ biển Rạch Giá, đa phần các
hành khách chỉ có một nỗi sợ, sợ cộng sản, nguyên do khiến họ bỏ trốn. Nhưng ngay khi
bao quanh con tàu, bủa vây con tàu chỉ còn độc một chân trời xanh lơ đồng nhất, nỗi sợ bèn
biến thành một con quỷ trăm mặt, cưa chân chúng tôi, khiến chúng tôi không cảm nhận
được những cơ bắp bất động của mình đang tê cứng. Chúng tôi chết sững trong sợ hãi, vì sợ
hãi. Chúng tôi không chợp nổi mắt nữa khi nước tiểu của đứa bé có cái đầu ghẻ lở bắn lên
người chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi nữa khi nhìn những người xung quanh nôn
mửa. Chúng tôi tê cứng, bị kẹt giữa những bờ vai người này, những chân cẳng người kia và
nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.

18 Z Z Z REVIEW
Câu chuyện về một cô bé bị biển khơi nuốt chửng khi bước hụt chân lên tàu lan khắp
lòng tàu bốc mùi như một thứ khí gây mê, hoặc gây đê mê, thứ khí ấy biến cái bóng đèn duy
nhất thành ngôi sao Bắc cực còn những chiếc bánh bít cốt đầy dầu máy thành bánh quy bơ.
Cái mùi dầu máy trong họng, trên lưỡi và trong tâm trí đưa chúng tôi thiếp đi theo nhịp bài
hát ru của người phụ nữ ngồi bên.

BỐ TÔI DỰ TÍNH, nếu gia đình bị cộng sản hay cướp biển bắt, chúng tôi sẽ đi vào giấc
ngủ ngàn thu, như Người đẹp ngủ trong rừng, bằng mấy viên xyanua. Suốt một thời gian
dài, tôi những muốn hỏi ông tại sao ông không nghĩ đến việc để chúng tôi lựa chọn, tại sao
ông lại định tước bỏ khả năng sống sót của chúng tôi.
Tôi thôi tự vấn chuyện này khi tôi trở thành mẹ, khi ông Vịnh, bác sĩ phẫu thuật nổi
tiếng đất Sài Gòn, kể tôi nghe ông đã để năm đứa con lên tàu, từng đứa một, từ cậu con
trai mười hai tuổi đến cô con gái nhỏ năm tuổi, mỗi đứa một tàu khác nhau, vào từng thời
điểm khác nhau, hòng đưa chúng ra khơi, tránh xa những cáo buộc chính quyền cộng sản
gán cho ông. Ông tin chắc mình sẽ chết trong tù bởi người ta tố ông tội giết các đồng chí
cộng sản khi phẫu thuật cho họ, dẫu họ chưa bao giờ đặt chân vào bệnh viện của ông. Ông
hy vọng cứu được một, hoặc có lẽ hai trong số các con mình bằng cách ném chúng ra biển.
Tôi đã gặp ông Vịnh trên thềm một nhà thờ, khi thì quét tuyết mùa đông, lúc lại quét tước
mùa hè để cảm ơn vị linh mục đã thay ông ở bên con cái ông, nuôi nấng cả năm đứa, cho tới
ngày chúng trưởng thành, đến tận khi ông ra tù.

TÔI KHÔNG KÊU GÀO CŨNG CHẲNG KHÓC LÓC khi người ta báo tin Henri
con trai tôi đã mắc kẹt lại trong thế giới của nó, khi người ta khẳng định nó thuộc số
những đứa trẻ không nghe thấy gì,
không nói được gì, dẫu chúng chẳng
câm chẳng điếc. Nó cũng thuộc số
những đứa trẻ mà ta cần yêu thương
từ xa, không chạm vào chúng, không
ôm hôn chúng, không mỉm cười với
chúng bởi các giác quan chúng sẽ lần
lượt bị xâm hại vì mùi da chúng ta,
cường độ giọng nói chúng ta, kết
cấu tóc chúng ta, tiếng đập con tim
Ảnh của Hiếu
chúng ta. Chắc hẳn nó sẽ chẳng bao

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 19


giờ gọi tôi là “mẹ” một cách trìu mến, dẫu nó có thể phát âm từ “quả lê” một cách tròn trịa
và ngon lành. Nó sẽ không bao giờ hiểu được tại sao tôi lại khóc khi nó cười với tôi lần đầu.
Nó sẽ không biết rằng, nhờ có nó mà mỗi niềm vui le lói lại trở thành một lời ban phước và
rằng, tôi sẽ mãi chiến đấu chống lại chứng tự kỷ, dẫu tôi biết trước đó là căn bệnh bất khả
chiến bại.
Dẫu tôi đã thất bại, đã trơ trọi, đã hư ảo từ trước.

KHI THẤY NHỮNG LỚP TUYẾT ĐẦU TIÊN qua cửa máy bay ở sân bay Mirabel, tôi
đã cảm thấy mình thật trơ trọi, nếu không muốn nói là trần trụi. Bất chấp chiếc áo len chui
đầu màu cam tay ngắn mua ở trại tỵ nạn tại Malaysia trước khi khởi hành đi Canada, bất
chấp cái áo săng đai len màu nâu đan sợi to của những người phụ nữ Việt Nam làm ra, tôi
vẫn trần trụi. Trên máy bay, rất đông người trong số chúng tôi đổ xô về phía cửa sổ, miệng
há ra cùng vẻ mặt sửng sốt. Sau những ngày dài sống trong những nơi không ánh sáng, một
quang cảnh trắng đến vậy, tinh khôi đến vậy chỉ có thể khiến chúng tôi chói mắt, lóa mắt
và ngất ngây.
Tôi ngây ra trước tất cả những âm thanh xa lạ đang chào đón chúng tôi kia, không
kém gì trước kích thước của bức tượng băng đang nhìn xuống một cái bàn đầy ụ bánh mì
canapé, khai vị, bánh kẹo, màu sắc sặc sỡ. Tôi không nhận ra bất cứ món nào trong số đó,
nhưng tôi biết đây là nơi chốn của mỹ vị, xứ sở của ước mơ. Tôi cũng như Henri con trai tôi:
tôi không thể nói hay nghe, dẫu tôi chẳng câm chẳng điếc. Tôi chẳng còn điểm mốc nào,
chẳng còn công cụ nào để có thể mơ ước, để có thể hướng đến tương lai, để có thể sống qua
hiện tại, sống trong hiện tại.

CÔ GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA TÔI ở Canada đã đi cùng chúng tôi, bảy đứa trẻ Việt Nam
nhỏ nhất trong nhóm, băng qua cây cầu dẫn chúng tôi đến hiện tại của mình. Cô chăm chút
cho cuộc di thực của chúng tôi với sự tế nhị của một người mẹ dành cho đứa con sinh non.
Chúng tôi như bị thôi miên trước nhịp đu đưa chậm rãi, trấn an của bờ hông cô tròn trịa và
cặp mông cô cong lên, đầy đặn. Như bà mẹ vịt, cô bước đi trước chúng tôi, giục chúng tôi
đi theo cô đến cái chỗ ẩn náu nơi chúng tôi lại được trở về làm những đứa trẻ, những đứa
trẻ đơn thuần, bao quanh là sắc màu, tranh vẽ và những thứ phù phiếm. Tôi sẽ luôn biết ơn
cô đã mang lại cho tôi khát vọng đầu tiên của một con bé di cư, khát vọng có thể đánh cho
mỡ mông lúc lắc, như cô. Chẳng người Việt Nam nào trong nhóm chúng tôi có được sự nở
nang, sự phóng khoáng, sự trễ nải trong những đường cong của cô. Tất cả chúng tôi đều góc
cạnh, xương xẩu, khô đét. Thế nên, khi cô cúi xuống tôi, đặt tay lên tay tôi và nói: “Tôi tên

20 Z Z Z REVIEW
là Marie-France, còn em?”, tôi đã nhắc lại từng âm tiết mà không hề chớp mắt, không cảm
thấy nhu cầu phải hiểu, bởi lúc ấy tôi như được ru giữa một đám mây tươi tắn, nhẹ nhàng,
thoang thoảng mùi nước hoa. Tôi chẳng hiểu mấy từ đó có nghĩa là gì, ngoài giai điệu giọng
nói của cô, nhưng vậy là đủ. Là đầy đặn.

KHI VỀ ĐẾN NHÀ, tôi nhắc lại đúng chuỗi từ ấy với ba mẹ tôi: “Tôi tên là Marie-France,
còn em?” Tức thì họ hỏi có phải tôi đã đổi tên không. Chính lúc ấy, tôi mới sực quay về
hiện thực, ở đó, chứng câm điếc do hoàn cảnh đã xóa nhòa mọi ước mơ, kéo theo đó là khả
năng nhìn xa, thật xa trước mắt.
Ba mẹ tôi, dẫu đã biết nói tiếng Pháp, lại càng không thể nhìn xa trước đời họ, bởi họ
bị trục xuất khỏi lớp học nhập môn tiếng Pháp, nghĩa là trục xuất khỏi danh sách những
người được nhận khoản lương bốn mươi đô la mỗi tuần. Trình độ của họ vượt quá yêu cầu
của những lớp học đó, nhưng lại chẳng đủ yêu cầu của mọi thứ còn lại. Vì không thể nhìn
xa trước đời họ, họ bèn nhìn xa trước đời chúng tôi, vì chúng tôi, các con họ.

VÌ CHÚNG TÔI, họ như không nhìn thấy những tấm bảng đen họ lau, những nhà vệ
sinh họ cọ rửa, những chiếc nem họ giao. Họ chỉ nhìn thấy tương lai của chúng tôi. Nhờ
vậy, các anh em trai tôi và tôi, chúng tôi bước đi theo dấu ánh nhìn của họ để tiến lên. Tôi
từng gặp những bậc phụ huynh với ánh mắt đã tắt lịm, người thì dưới trọng lượng cơ thể
của một tên cướp biển, kẻ thì vì những năm tháng đằng đẵng chịu sự cải tạo của chính
quyền cộng sản trong các trại, không phải trại chiến thời kỳ chiến tranh, mà là trại hòa bình,
sau chiến tranh.

HỒI CÒN NHỎ, TÔI CỨ NGHĨ chiến tranh và hòa bình là hai từ trái nghĩa. Thế
nhưng lúc Việt Nam còn khói lửa, tôi đã sống trong hòa bình, và tôi chỉ biết về chiến tranh
sau khi Việt Nam xếp dọn vũ khí. Tôi nghĩ chiến tranh và hòa bình, trên thực tế, là bạn hữu
và chúng cười nhạo chúng ta. Chúng đối xử với chúng ta như kẻ thù khi nào chúng thích,
khi nào thấy tiện, mà chẳng thèm bận tâm đến định nghĩa hay vai trò mà chúng ta gán cho
chúng. Vì thế, có lẽ không nên tin vào vẻ bề ngoài của chiến tranh hay hòa bình để chọn
hướng nhìn. Tôi thật may vì ba mẹ tôi đã có thể giữ được điểm nhìn của họ bất kể cái màu
của thời đại hay khoảnh khắc ấy có ra sao. Mẹ tôi thường đọc tôi nghe câu thành ngữ được
viết trên bảng đen cái hồi bà lớp tám, ở Sài Gòn: Đời là chiến trận, nếu buồn là thua.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 21


PHẢI RẤT LÂU SAU ĐÓ, MẸ TÔI MỚI LAO VÀO những trận chiến đầu tiên của đời
mình, không biết đến buồn. Bà làm việc lần đầu tiên trong đời ở tuổi ba mươi tư, thoạt
tiên làm người lau dọn, tiếp đó là công nhân trong các nhà máy, phân xưởng, nhà hàng.
Trước đây, trong cuộc đời mà bà đã đánh mất, bà là con gái cả của ông bố tỉnh trưởng. Việc
duy nhất bà làm là trọng tài phân xử những cuộc tranh cãi giữa bếp trưởng phụ trách món
Pháp và bếp trưởng phụ trách món Việt trong sân gia đình. Hoặc nữa là đánh giá những
mối tình vụng trộm giữa các chị người ở và các anh người hầu. Ngoài ra, cứ chiều chiều bà
lại ngồi chải tóc, trang điểm, mặc đẹp để cùng ba tôi đến dự các buổi dạ hội thượng lưu.
Nhờ có cuộc sống thừa thãi ấy mà mọi ước mơ của bà đều có thể, nhất là những ước mơ
dành cho chúng tôi. Bà chuẩn bị cho chúng tôi, các anh em trai tôi và tôi, cùng một lúc
trở thành cả nhạc sĩ, nhà khoa học, chính trị gia, vận động viên, họa sĩ và những người đa
ngôn ngữ.
Ấy thế nhưng, bởi máu vẫn tiếp tục đổ và bom vẫn tiếp tục rơi ở nơi xa kia, nên bà bèn
dạy chúng tôi khom lưng quỳ gối như những gia nhân. Ngày nào cũng vậy, bà bắt tôi phải
lau bốn ô gạch trên sàn và làm sạch hai mươi cọng giá bằng cách lần lượt ngắt rễ từng cọng
một. Bà chuẩn bị cho chúng tôi đối diện với sự sa sút. Bà có lý lắm chứ, bởi lẽ, chẳng mấy
nữa, đến sàn nhà để giẫm chân lên chúng tôi cũng chẳng còn.

SUỐT NHỮNG ĐÊM ĐẦU


Ảnh của Hiếu
tỵ nạn ở Malaysia, chúng tôi ngủ
luôn trên nền đất đỏ, không có
sàn. Hội Chữ Thập Đỏ đã xây
các trại tỵ nạn tại các nước lân
cận Việt Nam để tiếp đón boat
people, những người sống sót sau
hành trình trên biển. Những
người khác, những người đã chết
đuối trong lúc vượt biển, thường
không có tên. Họ chết trong tình
trạng vô danh. Chúng tôi thuộc số những người may mắn được bỏ lại đất liền. Thế nên,
chúng tôi cảm giác mình được ban phép lành vì nằm trong số hai nghìn người tỵ nạn của
cái trại lẽ ra chỉ phục vụ được hai trăm người này.

22 Z Z Z REVIEW
CHÚNG TÔI ĐÃ DÙNG CỌC dựng một cái lều ở một góc khuất trong trại, trên sườn
đồi. Suốt nhiều tuần lễ, hai mươi lăm người thuộc năm gia đình chúng tôi cùng nhau lén
lút chặt cây trong khu rừng bên cạnh, đóng xuống nền đất sét mềm, gắn sáu tấm pa nô gỗ
dán vào tạo thành một cái sàn rộng và phủ lên khung đó một tấm bạt xanh lơ điện, xanh lơ
nhựa, xanh lơ đồ chơi. Chúng tôi gặp may vì tìm được khá nhiều bao gạo bằng vải đay và
ni lông để bọc bốn mặt lều, cộng thêm ba mặt của phòng tắm chung. Hai công trình này
đứng cạnh nhau trông giống tác phẩm sắp đặt của một nghệ sĩ đương đại trong bảo tàng.
Ban đêm, chúng tôi ngủ sát nhau tới nỗi chẳng bao giờ thấy lạnh, dẫu không đắp chăn. Ban
ngày, tấm bạt xanh lơ hấp thụ nhiệt khiến không khí trong lều trở nên ngột ngạt. Những
ngày mưa gió, tấm bạt bị lá, cành và thân cây mà chúng tôi phủ thêm cho mát chọc thủng,
khiến nước chảy qua các lỗ nhỏ.
Nếu một biên đạo múa xuất hiện dưới tấm bạt này vào một ngày hay một đêm mưa gió,
chắc hẳn anh ta sẽ muốn dựng lại cảnh này: hai mươi lăm người cả lớn lẫn nhỏ, ở tư thế đứng,
mỗi người cầm trong tay một cái lon thiếc để hứng nước chảy từ tấm vải bạt, khi thì chảy ồ
ạt, lúc lại chảy nhỏ giọt. Nếu một nhạc sĩ có mặt tại đó, hẳn anh ta sẽ nghe ra bản phối âm từ
tiếng nước đập vào thành lon thiếc. Nếu một đạo diễn điện ảnh hiện diện, hẳn anh ta sẽ bắt
được vẻ đẹp toát lên từ sự đồng thuận im lặng và tự phát giữa những con người khốn khổ.
Nhưng chỉ có chúng tôi với nhau, đứng trên mặt sàn đang lún dần vào đất sét. Sau ba tháng,
mặt sàn nghiêng sang một bên tới nỗi chúng tôi buộc phải sắp xếp lại vị trí của từng người để
trẻ em và phụ nữ, trong lúc ngủ, không bị trượt vào cái bụng núng nính của người nằm cạnh.

BẤT CHẤP NHỮNG ĐÊM ẤY, những đêm mà giấc mơ của chúng tôi trượt dài theo mặt
sàn dốc, mẹ tôi vẫn tiếp tục nuôi tham vọng cho tương lai của chúng tôi. Bà tìm được một
người đồng lõa. Anh ta còn trẻ và có phần ngây thơ bởi dám tỏ ra vui vẻ và phóng khoáng
giữa cuộc sống thường nhật trống rỗng đến đơn điệu. Mẹ tôi và anh ta cùng nhau mở một
lớp tiếng Anh. Có những buổi sáng, cùng anh ta, chúng tôi nhắc đi nhắc lại các từ mà chẳng
hiểu gì hết. Nhưng tất cả chúng tôi vẫn đến đúng hẹn, bởi anh ta đã vén được bức màn bầu
trời, cho chúng tôi thoáng thấy một chân trời mới, cách xa những cái hố toang hoác chứa
đầy phân tích lại nhờ hai nghìn con người trong trại. Không có khuôn mặt anh ta, hẳn
chúng tôi đã không thể hình dung được một chân trời không mùi lộn mửa, một chân trời
không ruồi nhặng và sâu bọ. Không có khuôn mặt anh ta, hẳn chúng tôi đã không thể hình
dung được rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ không phải ăn cá ôi, thứ cá bị vứt xuống đất
vào cuối mỗi chiều khi tới giờ phát khẩu phần. Không có khuôn mặt anh ta, chắc chắn
chúng tôi đã đánh mất khao khát vươn tay ra níu giữ những giấc mơ của mình.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 23


TỦ SÁCH PHỤ NỮ TÙNG THƯ - GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) của
Nhà xuất bản Phụ nữ là tủ sách công bố các công trình
về vấn đề phụ nữ (the question of women), hướng tới các
nhận thức và thực hành quyền phụ nữ (women’s rights),
cũng như đấu tranh cho nữ quyền (feminism), vì sự tiến
bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của
đất nước.
Tủ sách gồm:
- Loại Biên khảo, tư liệu: tập hợp các tư liệu trên báo chí,
các công trình, bài viết của các nhà cách mạng, nhà văn,
nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động
phụ nữ... ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi vấn
đề phụ nữ trở thành một bộ phận quan trọng trong các dự
án cải cách xã hội và đấu tranh vì sự bình đẳng giới.
- Loại Hợp tuyển, tinh tuyển: tập hợp sáng tác của các tác
gia nữ trong di sản văn chương Việt Nam thời trung đại,
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa do phụ nữ Việt
Nam sáng tạo.
- Loại Nghiên cứu: giới thiệu các tập tiểu luận chuyên đề,
các chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ ở Việt
Nam và thế giới.
- Loại Dịch thuật: giới thiệu các công trình kinh điển của
thế giới đấu tranh cho sự nghiệp của phụ nữ, các lý thuyết
và thực hành nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, các vấn đề
về giới và nữ quyền; dịch và giới thiệu các vấn đề của phụ
nữ Việt Nam ra thế giới.

Các sách đã xuất bản trong Tủ sách Phụ nữ tùng thư:


- Phan Khôi: Vấn đề phụ nữ ở nước ta
- Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta
- Một Điểm tinh hoa - Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ (Bản dịch
chú và phiên âm đầy đủ nhất các tác phẩm của Đoàn Thị
Điểm)
- Lời người Man di hiện đại
- Nhời đàn bà (Nguyễn Văn Vĩnh)
(Thông tin do NXB Phụ nữ cung cấp)
Linda Lê:
Người chết
viết văn
Bùi An Bình
Tôi ít khi đọc sách của tác giả Việt Nam, phải thừa nhận như vậy, do thành
kiến, nhưng tôi đã đọc một lèo sáu cuốn của Linda Lê, và sau đó, thêm
hàng loạt tác giả Việt Nam nữa, vì đã hết thành kiến. Có thể nói, gặp
Linda Lê là điều tất yếu phải xảy ra trên con đường giải trí văn chương
của tôi. Bởi, nếu như đó không phải là ở Đà Lạt, vào một chiều buồn
phải ẩn mình trong nhà sách (mà là Hà Nội, nóng váng đầu chẳng hạn);
nếu không phải là cuốn Thư chết bìa trắng nhợt nằm cô độc, xa cách trên
giá sách (mà xanh lét, hớn hở như Vượt sóng chẳng hạn); nếu như không
phải nó mở đầu bằng cái chết ám người sống (mà là một lời ba hoa chẳng
hạn);... thì tôi đã chẳng đọc Linda Lê.
Kể lể về đời sống cá nhân của mình hay đào bới đời sống cá nhân của tác
giả trong một bài bình luận cơ bản là điều nhảm nhí nhưng với trường
hợp của Linda Lê, tôi nghĩ một phi lộ kiểu này là cần thiết bởi các tác
phẩm của cô luôn chạy qua chạy lại giữa giả và chân, giữa hư cấu với nỗi
đau hiện diện trước mắt. Thế nên, rất nhiều ngày lang thang ở Đà Lạt, tôi
đã đi tìm cánh cửa màu xanh, ẩn sau khu vườn bỏ hoang với hi vọng có
thể thấy bóng ma của cô bé Linda Lê vì người ta nói sáng tác của Linda Lê
là một điếu văn khổng lồ, còn cô nhận mình là con gấu núp trong hang,
còn tôi thì cho rằng, nhiều mảnh trong điếu văn đó là cô viết cho chính
mình và một phần của cô đã chết ở Đà Lạt, nơi cô ra đi và bỏ lại kỷ niệm
đẹp cũng như buồn nhất.
Linda Lê sinh năm 1963 ở Đà Lạt. Theo tiểu sử cũng như những gì cô viết
thì cha cô là một kỹ sư người miền Bắc, nghèo, mơ màng, có phần buông
xuôi thời cuộc; ngược lại, mẹ cô sinh ra trong gia đình giàu có miền trong,
có quốc tịch Pháp, sính ngoại, xu thời. Cô học trường Pháp thuở nhỏ khi
ở Việt Nam, tới năm 14 tuổi thì theo mẹ và các chị em rời Việt Nam sang
Pháp định cư, học về văn chương rồi vào học ở đại học Sorbonne. Cha cô
ở lại Việt Nam, chăm lo mảnh vườn cũ đợi cô con gái không bao giờ trở về.
Trong Vu khống, nhân vật tôi của cô y chang vậy, thậm chí cũng có cái họ
Việt tên Tây, mà lý do được cho là vì thật ra bố ruột nhân vật không phải
cái người bất tài kia (như bà mẹ nói), mà là một ông tướng tá tây, người
đã bỏ đi khi biết người tình mang thai, chỉ để lại thừa kế cho đứa con là
cái tên cùng ba món đồ lòe loẹt lai căng (mà mẹ cô ngày đêm lôi ra diễn
tuồng).

26 Z Z Z REVIEW
Tính đến nay, Linda Lê đã ra mắt 25 cuốn sách, từng đoạt nhiều giải thưởng như
Vacation, Fénéon, Wepler, Prix Renaudot Poche... riêng cuốn Sóng ngầm lọt chung khảo
Goncourt năm 2012. Theo các tác phẩm tôi đã đọc, văn Linda Lê có thể chia thành ba
mảng dựa theo đời sống cá nhân của cô như sau:

1. NON TRẺ:
Điển hình là cuốn đầu tay, Tình ca ác quỷ, xuất bản năm 1986, khi cô 23 tuổi. Linda
Lê được cho là từ mặt đứa con đầu lòng này. Với những ai từng đọc cuốn này, rất dễ
hiểu tại sao nó lại bị mẹ đẻ hắt hủi tới vậy. Tình ca ác quỷ lòe loẹt phô trương, vặn xoắn
gây sốc, ái tình nóng bỏng, thêm cả yếu tố giới tính mập mờ nữa. Nhưng nếu nhìn vào
mặt văn chương thuần túy thì thật ra cuốn sách cũng không đến nỗi, vẫn có những
điểm sáng về cả câu từ, cốt truyện lẫn tâm tư. Nói về đầu lòng, có khi còn ăn đứt Buồn
ơi chào mi của Françoise Sagan. Linda Lê khi viết có vẻ là một cô bé ngây thơ hăm hở
muốn khoe tất thảy những món đồ chơi trong tay. Ấy thế nhưng Tình ca ác quỷ này
chẳng có gì liên quan tới Linda Lê mà mọi người vẫn nhớ tới, tức là một người hết sức
cay nghiệt.

2. LÀ CHÍNH MÌNH:
Những cuốn đã dịch ở Việt Nam có thể điểm danh là Vu khống (1993), Tiếng nói
(1998), Thư chết (1999). Đây có lẽ là mảng tôi thích nhất ở Linda Lê. Trong những
cuốn này, dựa theo tiểu sử, có lẽ là một dạng nửa giải tỏa ấm ức tâm tình cá nhân, nửa
văn chương (như Thư gửi bố của Franz Kafka). Ở đây, Linda Lê thật nhất, buông thả
nhất, nghiệt ngã nhất, với cả bản thân và toàn thể nhân loại, và do đó, cũng gây đau
đớn nhất cho người đọc. Cũng chính ở mảng này, cô giống nhất với thần tượng của
mình là Thomas Bernhard. Tất cả là nỗi dằn vặt của đứa con dối trá, thất hứa, suốt bao
nhiêu năm hứa hẹn mà không về thăm người cha hết lòng yêu thương mình lấy một
lần, để rồi đến khi cha nhắm mắt vẫn chỉ thấy con trong những mơ màng. Song song
với đó là thù hận dành cho hàng loạt nhân vật, những kẻ ngăn cản cô (thật ra chỉ là
cô kiếm cớ thôi) tới với cha. Linda Lê như con nhện, ngồi một chỗ giữa mạng tơ của
mình, ăn sạch gia đình mình và bất kỳ con mồi nào lảng vảng xung quanh. Đặc biệt,
cuốn Tiếng nói hết sức tăm tối, nhưng có lẽ chính là cách Linda Lê moi ra những sâu
xa thầm kín nhất trong mình.

3. MƯỢN LỜI NGƯỜI KHÁC:


Linda Lê, giống như Patrick Modiano vậy, luôn kể cùng một câu chuyện, ám ảnh từ
bất hạnh tuổi thơ, trong gần như tất cả các cuốn sách của mình. Nhưng trong loạt sách

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 27


những năm gần đây như Sóng ngầm (2012) hay Vượt sóng (2014), không còn là Linda
Lê với những dòng ký ức như thác đổ nữa mà đã có cốt truyện, lớp lang đầy đủ. Điều
này rõ ràng khiến nhiều độc giả dễ chịu khi có chỗ bám víu. Tuy vậy, dù các nhân vật
chính là nam, có cuộc đời riêng khác, nhưng tựu trung, vẫn là bóng hình của chính tác
giả. Linda Lê núp trong các nhân vật này, do đó, cô có phần tiết chế ở những chi tiết
riêng tư, ngược lại, thả phanh về mặt tư tưởng. Vẫn là những kẻ gốc Việt nhưng không
quê hương, một đấng sinh thành bị bỏ rơi, một cặp loạn luân, vài kẻ phân biệt chủng
tộc... nhưng chỉ tới Văn và Sorel, Linda Lê mới mạnh dạn nói đời sống một người cầm
bút. Nghèo túng mà cao ngạo. Vì là kẻ núp trong bóng tối nên ở mảng này, Linda Lê
viết rành mạch, cầu kỳ, ý tứ hơn hẳn, đâm ra kém cảm xúc hơn mảng 2.

Nói về kỹ thuật. Ban đầu, khi mới đọc Linda Lê, tôi cực kỳ ấn tượng với kiểu viết của
cô. Tuy nhiên, khi đọc tới thần tượng của cô, cụ thể là đọc Diệt vong của Thomas Bernhard,
tôi mới thấy những điểm ấn tượng này đều là học từ Bernhard. Không quá khi nói Linda
Lê là cô học trò sùng kính thầy. Có thể điểm ra vài nét: thủ pháp dòng ý thức với những
câu chữ cứ thế chảy tràn hết trang này tới trang khác, rất hiếm gặp đối thoại; giọng văn đay
nghiến, cùng một vấn đề có thể nhai đi nhai lại vài chục lần không chán; thái độ thù địch
với mọi thứ; trích dẫn văn chương dày đặc... và buồn cười nhất là một cái kết rất không liên
quan.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, Linda Lê vẫn chỉ là học trò. Thomas Bernhard phiên bản
nữ này, do phần nữ tính luôn dâng trào, nên nhiều lúc buôn dưa lê bán dưa chuột, thiếu
hẳn những tư tưởng, khám phá. Khi đọc Thư chết, tôi có một phen cười sặc vì ở phần cuối
sách, máu đàn bà của nhân vật nữ lên cao quá khiến cô tự dưng chuyển qua đay nghiến
người tình hàng mấy chục trang, quên bẵng luôn ông bố tội nghiệp. Phần đàn bà này tạo ra
sự khác biệt ở Linda Lê, nhưng lại khiến cô không thể xuất chúng. Mỗi nhà văn xuất chúng
đều cần một tia sáng sắc mạnh, bừng lên hẳn so với những ánh tà cuối ngày. Thoáng qua về
Bernhard, độc giả dễ nghĩ về một con người phiến diện, độc đoán nhưng nhìn kỹ lại, đấy là
nhân vật đầy hoài nghi, luôn nhìn mọi thứ ở nhiều mặt, và cũng chẳng phủ nhận mặt nào.
Linda Lê thì khác, cô chỉ có một mặt, một dòng chảy. Một người chết. Có thể nói Linda Lê
có kỹ thuật viết giống Thomas Bernhard, nhưng câu chuyện, tư tưởng thì khác hẳn.
Dĩ nhiên nhờ vậy mà khác với Bernhard, cô rất được đón nhận tại quê nhà. Sách của
Linda Lê sớm được dịch tại Việt Nam. Ngay từ cuốn đầu tiên, Tình ca ác quỷ, dường như
ngay sau khi xuất bản ở Pháp thì đã có người dịch sang tiếng Việt. Gần đây, thêm nhiều đầu
sách của cô liên tiếp ra mắt độc giả quê nhà. Phải nói là Linda Lê cực kỳ được ưu đãi. Sách
của cô đều được dịch rất chỉn chu. Khi nói về dịch giả, tôi nghĩ giỏi ngoại ngữ là tất yếu,
nhưng hơn nhau là ở chỗ giỏi tiếng Việt. Phải rất lâu rồi, sau Nam hoa kinh do Nhượng

28 Z Z Z REVIEW
Tống dịch, tôi mới gặp một cuốn khiến mình phải ngả mũ kính nể về mặt tiếng Việt như
Sóng ngầm.
Như đã nói ở đầu, Linda Lê cũng là người dẫn lối đưa tôi trở về đọc văn học Việt.
Trước tôi vốn ít đọc bởi cứ thấy cây đa giếng nước là ngán tận họng. Ở Linda Lê, cô cũng
chẳng thiếu những cảnh ấy, nhưng rõ ràng, câu chuyện dù quen thuộc tưởng đến ngán,
nhưng qua tay một “cao thủ”, vẫn có những ý vị riêng. Nói gì thì nói, bất chấp những thiếu
sót, Linda Lê vẫn là một người đàn bà tàn độc, mà đàn bà tàn độc thì bao giờ cũng có thành
tựu.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 29


Người ch/nữ
Nguyễn Thị Thúy Hạnh

cầm b ú t chẳng q u a l à . . .
EM
Ng ười ch/ nữ th iên n h iên
Ng ười ch/ nữ thờ i - kh ông
bầu ng ự c ở Z e n
đ ô i mắt Breton
rốn củ a mặt trăng
cặp đùi : A-me n

EM
Ng ười ch/ nữ huy ền th o ạ i
Ng ười ch/ nữ l in h ng h iệm
Ng ười ch/ nữ không g ư ơng mặt
Ng ười ch/ nữ không h iện d iện

EM
Ng ười ch/ nữ Đa n Th iềm

mất ng ủ đ êm đ êm

30 Z Z Z REVIEW
Văn học vết thâm
Nguyễn Thị Thúy Hạnh

An h thuộ c về đâu?
Buổ i tó c r ụng c h iề u
(Ng ữ ng h ĩa r ụng n h iề u)
An h thuộ c về đâu?
Hel lo quán trọ
B ên em b onj o ur
Chạy titl e hư vô

Em thuộ c về đâu?
我们 wom en ?
Em rong tuổ i tên
Sin h l ộ lấm l em
Sau mùa c h in h c h iến
An h n hặt đư ợc em

Đã l iền vế t thư ơng


Em h iện d iện đ ó
An h c òn vế t thâm
Vết thâm mù m ịt
An h c òn vế t thâm

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 31


Phỏng vấn Emma Hooper:
“Đi đi, làm bất cứ
điều gì, bất cứ khi nào”
Trương Trung Tín dịch
(Bài phỏng vấn tác giả trên website của NXB Simon and Schuster tại
http://www.simonandschuster.com/books/Etta-and-Otto-and-Russell-and-James/Emma-
Hooper/9781442382657/reading_group_guide)

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Chị viết cuốn tiểu thuyết từ điểm nhìn của ba
nhân vật khác nhau, luân phiên giữa hai tuyến
thời gian khác nhau. Với cấu trúc phức tạp
như vậy, khi viết chị gặp khó khăn hay thuận
lợi gì?

EMMA HOOPER
Người ta nói “thay đổi cũng như xả hơi vậy”,
và khi viết cuốn sách này tôi thấy vô cùng
đúng; bởi có thể đổi sang tuyến thời gian và
nhân vật khác mà mỗi khi bị bí với một nhân
vật hay mạch truyện nào đó, thay vì phải đầu
hàng mà đi chạy bộ hay kiếm đồ ăn, thì tôi có
thể thay đổi góc nhìn hay tuyến thời gian để
khơi lại năng lượng và cảm hứng. Hy vọng là
độc giả cũng cảm thấy như vậy.
Thử thách là ở chỗ làm sao để không bị mất
phương hướng hay mắc vào mớ bòng bong

32 Z Z Z REVIEW
của những mạch truyện do mình tạo ra. Có những lúc mà tôi (giống như Etta) phải ngừng
lại mà nghĩ “Khoan... ai đang nghĩ điều này? Mình đang ở đâu? Đang là ai?”

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Độc giả ngờ rằng khi Etta lấy ra mẩu giấy ghi tên mình và tên mọi người trong gia đình, thì
bà đang dần mất ký ức. Nhưng Etta lại bị ám ảnh bởi những giấc mơ về những trải nghiệm
gian khổ của chồng bà trong cuộc chiến xảy ra nửa thế kỷ trước. Làm thế nào chị cân bằng
vai trò của ký ức và quên lãng trong một cuốn tiểu thuyết lấy một bà cụ lễnh lãng làm nhân
vật chính?

EMMA HOOPER
Một trong những điều ấn tượng nhất với tôi về việc mất trí nhớ, chính là đương sự thường
hay quên những thứ hiện tại, mất phần trí nhớ ngắn hạn, trong khi phần trí nhớ dài hạn,
các ký ức từ quá khứ xa xưa, lại còn nhớ rất rõ. Tôi muốn khai thác ý tưởng này sâu hơn một
chút nữa, để Etta mất ký ức, cùng với nhận thức về cái tôi của mình, nhưng lại rước vào
mình phần ký ức và cái tôi của Otto, đặc biệt là những ký ức dài hạn, xa xưa, về chiến tranh
và biển cả. Đây rốt cuộc mới là thứ thôi thúc bà ấy thực hiện hành trình mà mình cần, để
viết lại lịch sử bà nhớ lại theo ý riêng của bà.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Chị lớn lên ở Alberta, tương đối gần với quê nhà của các nhân vật Etta, Otto, và Russell.
Địa lý của Canada tạo cảm hứng thế nào cho việc viết của chị? Có phải chị đã lấy kinh
nghiệm riêng của mình để vẽ ra hành trình trong cuốn sách?

EMMA HOOPER
Quê ngoại của tôi là miền nông thôn Saskatchewan (mà nói thực, phần lớn Saskatchewan
đều là nông thôn rồi), và thời bé tôi thường xuyên về đó chơi, tản bộ qua những ruộng lúa
mì dưới ánh nắng (cùng đám muỗi). Khung cảnh đó không giống với bất cứ nơi nào tôi
từng gặp, với một sự trống trải khô hạn mênh mang và choáng ngợp vô cùng. Tuy đó không
phải nơi tôi lớn lên, nhưng mỗi khi nhớ nhà tôi lại nhớ nhung những khung cảnh rộng mở,
bầu không khí khô hanh như thế.
Tôi chưa từng từ đó đi bộ xuyên Canada, nhưng tôi đã đi tàu lửa suốt từ Alberta qua
Saskatchewan, Manitoba, Ontario, Quebec và New Brunswick tới vùng biển, chứng kiến
những thay đổi lớn lao trong cảnh vật cũng như sự rộng lớn bao la của đất nước này, mà tất
cả đều được tính là “nhà”.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 33


NGƯỜI PHỎNG VẤN
Chị cho cuộc đời của Etta, Otto, và Russell gắn kết chặt chẽ từ thuở ấu thơ, nhưng James
chỉ có mối liên hệ riêng với Etta thôi. Ở thời điểm nào chị nhận ra một con sói đồng cỏ biết
nói sẽ là kẻ dẫn dắt Etta trong hành trình của bà?

EMMA HOOPER
Tôi thường không hay tính trước nhiều trong tác phẩm của mình, nên tôi tìm thấy James
cũng tầm thời gian Etta tìm thấy nó; tôi thích để trí tưởng tượng của mình kiểm soát giống
kiểu hệ thống điều khiển hành trình trên xe vậy, tự hỏi mình trong lúc viết, “Vậy giờ tới gì
nữa?” ... “Ồ, bả gặp một con sói cỏ.” ... “Rồi sao?” ... “Nó liếm chân bả.” ... “Rồi sao nữa?” ...
“Nó nói chuyện.” ... “Rồi sao nữa?” vân vân. Viết tiểu thuyết với tôi thực ra chỉ đơn thuần
là cứ hỏi đi hỏi lại “Rồi sao nữa?” và cố gắng không chất vấn hay nghi ngờ những câu trả lời
điên khùng bản thân đưa ra.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Yếu tố folklore và hiện thực huyền ảo hiện lên rất nổi bật trong cuốn tiểu thuyết. Chị nghĩ
các truyền thống này đã ảnh hưởng như thế nào tới chị với tư cách là một người viết? Các
tác giả nào tạo cảm hứng cho chị nhất?

EMMA HOOPER
Trong cuộc sống “bình thường”, trí tưởng tượng của tôi cũng rất nhiều lần chạy trật đường
rày... Hôm bữa tôi thấy mấy cái ống sắt nọ thòng xuống trên một ô cửa sổ và tôi nghĩ: nhìn
mấy cái đó giống tay rô bốt ghê... kiểu như tay rô bốt treo lủng lẳng giống xác heo trong lò
mổ vậy... kiểu như chúng ta ăn thịt rô bốt như ăn thịt động vật vậy... hừm... và thế là tôi đã
lên đường, tưởng tượng xem cái thế giới đó sẽ như thế nào, được sáng tạo và ít nhất cũng
trong một lúc được sống trong thế giới đó. Cả một thế giới hoàn toàn khác! Thú vị lắm. Tôi
thích nghĩ là mình có thể tưởng tượng ra bất cứ gì, bất cứ gì tùy ý rồi sau đó lần dò sắp xếp
lại cho nó phù hợp với một vũ trụ có thể hiểu được.
Gần đây tôi cũng có một khoảnh khắc tương tự, khi tôi thấy mấy túi rác bên vệ đường nhìn
như sư tử biển. Tôi biết thực chất thì không phải, nhưng cảnh đó khiến tôi tưởng tượng
ra một thế giới mà chúng ta đem sư tử biển ra bỏ bên vệ đường mỗi tuần. Tại sao? Tại sao
không? Đây là một trong những điểm tôi thích nhất khi là người viết.
Nhiều tác giả đã tạo cảm hứng cho tôi theo nhiều cách khác nhau. Đọc Dave Eggers thời
đại học giúp tôi nhận ra hình thức kể chuyện có thể tùy hứng và phi tuyến tính, và cái hài

34 Z Z Z REVIEW
lẫn cái bi có thể bổ trợ cho nhau trong cùng một tác phẩm. Marquez đã biến cái huyền ảo
trở thành tầm phào theo một cách tuyệt đẹp, còn Borges là người đầu tiên cho tôi thấy văn
xuôi có thể suy niệm về chính nó bằng những vòng xoáy cấu trúc. Hiện giờ tôi đang rất
thích Karen Russell và các vũ trụ nửa thật nửa tưởng tượng trong tác phẩm chị ấy.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Chị có thể kể cụ thể về quá trình viết của mình không? Chị có dành riêng một chỗ chỉ cho
việc viết, hay chị đi khắp nơi? Chị thấy mình làm việc hiệu quả nhất vào thời gian nào trong
ngày?

EMMA HOOPER
Tôi cố dành ra một khoảng không gian riêng. Tôi có một căn gác nhỏ rất hay với một chiếc
bàn cũ đáng yêu, một tấm thảm có hình mấy con cú và một cái lọ cắm bút chì handmade
do một nghệ nhân nhí làm ra; tuy nhiên tôi gần như không bao giờ lên đó. Tôi thấy hay
nhất vẫn là những mẩu tôi viết trong lúc đang làm dở việc khác. Trên tàu đi London hay
những dòng nguệch ngoạc trong sổ khi đang đi bộ, hay khi ban nhạc của tôi đang kiểm tra
âm thanh tại các quán bar tối đèn, oi nồng. Nếu làm việc ở nhà thì phần nhiều tôi sẽ nằm
trên sàn. Không hiểu sao mà tôi rất thích ôm laptop cuộn mình trên thảm. Phải chăng vì
hồi bé tôi từng nuôi mèo?
Tôi cũng thích viết ngoài quán cafe. Có một giai đoạn mà mỗi tuần, Simon bạn tôi và tôi
lại hẹn nhau đến một quán cafe mới ở Bath, và ngồi ở hai bàn riêng biệt, không nói gì với
nhau. Ý tưởng là thấy bạn mình ngồi đó viết/làm việc sẽ tạo ra áp lực mà thúc đẩy bản
thân. Và làm thế quả có hiệu quả (ít nhất là với tôi). Hai chúng tôi sẽ thống nhất trước giờ
kết thúc, và khi đến giờ đó, chúng tôi sẽ ngưng việc và sang ngồi cùng bàn, cho phép mình
được trò chuyện một lúc. Lúc này chúng tôi cũng sẽ chấm điểm quán cafe đó dựa theo các
tiêu chí như độ ồn, độ ngon của sôcôla nóng (món tôi thường gọi), có đồ ăn không gluten
không (món Simon thường gọi), vân vân. Chúng tôi điền mấy thông tin đó vào một bảng
ghi khổng lồ mà chúng tôi vẫn còn cất đâu đó... Cũng nên nói luôn là tôi vẫn tiếp tục duy
trì điều này khi chuyển tới London một năm và bắt đầu quá trình hiệu chỉnh bản thảo cuốn
sách. Lúc này thì là với bạn Jason của tôi, cách tuần một lần, và chúng tôi ngồi im lặng cùng
một bàn chứ không phải hai bàn (quán ở London thì đông hơn), nhưng nguyên tắc chung
thì vẫn như thế. Và chúng tôi cũng có một bảng đánh giá các quán cafe ở London.
Còn về thời gian nào trong ngày, thì lúc nào cũng được trừ ban ngày, thật sự. Sáng sớm và
tối là tuyệt nhất. Còn vào tầm giữa ngày tôi bị phân tâm quá mức và chỉ muốn chạy lòng
vòng hoặc ngủ. (Nhưng thường tôi phải đứng lớp hay tập nhạc hay đại loại vậy, buồn thay.)

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 35


NGƯỜI PHỎNG VẤN
Những miêu tả của Otto về cuộc chiến thường tập trung vào cảm xúc hơn các chi tiết của
trận đánh, và những mẩu bị đục đi trong thư của ông cũng như các cảnh mơ trong tiểu
thuyết khiến trải nghiệm của ông có tính ấn tượng chủ nghĩa. Nhờ thế các cảnh chiến tranh
của chị tạo ấn tượng phổ quát không riêng cho cuộc chiến nào. Chị muốn độc giả nhận được
thông điệp về chiến tranh nói chung nào vượt ra ngoài xung đột cụ thể trong Thế chiến II?

EMMA HOOPER
Tôi đã và vẫn hy vọng là chủ nghĩa ấn tượng trong các cảnh chiến tranh đó sẽ xóa mờ bất cứ
chi tiết rõ ràng nào, để không có điểm tựa chắc chắn nào như kiểu “người tốt” hay “kẻ xấu”
hay rạch ròi đúng và sai. Người ta nói về “khói mù chiến tranh”; tôi mong muốn miêu tả
một thứ gì đó kiểu, “cái mờ chiến tranh”, ở đó không có gì chắc chắn, không có một cái biểu
đạt dễ xác định rõ ràng cụ thể, dựa vào cảm giác nhiều hơn lý thuyết, như những bài nhạc
không lời, hay như những lá thư của Otto mà ngày tháng và tên người cũng như nơi chốn,
mọi thứ xác định, đều bị cắt bỏ.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Chị là một nhạc sĩ kỳ cựu và một nhà sư phạm đa tài. Việc được đào tạo bài bản về âm nhạc
ảnh hưởng thế nào tới cách viết của chị? Văn của chị ảnh hưởng thế nào tới việc viết nhạc
của chị?

EMMA HOOPER
À, tôi quả có những tiêu chuẩn cao đến vô lý đối với ca từ... tôi có nhiều bạn là nhạc sĩ rất
ngại đưa tôi xem tác phẩm của họ vì sợ bị đánh giá thẳng thừng... (Tuy thực tế tất cả bọn họ
đều rất cừ, những bạn nhạc sĩ của tôi ấy. Cajita chẳng hạn, hãy thử tìm nghe nhạc của cô ấy
xem... hay lắm. Ca từ rất tuyệt.)
Nhịp điệu là một phần rất lớn trong văn của tôi. Tôi thường quay lại thay đổi câu này câu
nọ vì nó có quá nhiều hay quá ít âm tiết, hay điểm nhấn nằm sai vị trí, mặc cho nghĩa của từ
ngữ có thế nào. Nhịp điệu câu văn có thể cuốn bạn vào và dẫn bạn đi, như trong âm nhạc
vậy. Điều đó người ta thừa nhận ở thơ, tôi nghĩ thế, nhưng ở văn xuôi thì ít được chú ý hơn.
Tuy vậy tôi nghĩ nhịp điệu ở văn xuôi cũng quan trọng ngang ngửa, nếu không nói là hơn,
đối với tôi, bởi cả chồng cả đống câu chữ cần nhịp điệu mới có thể không ngừng dẫn dắt
và đưa bạn qua, cả người viết lẫn người đọc. Đây là một trong những lý do vì sao tôi yêu sự
lặp đi lặp lại.

36 Z Z Z REVIEW
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đắp giấy bồi - sở thích mới của Otto - là một tiến triển độc đáo ở tuyến truyện của ông ấy.
Ý tưởng kết hợp môn thủ công này với việc chờ mong sự trở về của Etta và Russell hình
thành từ đâu?

EMMA HOOPER
Câu hỏi này có hai câu trả lời, phần nổi và phần hơi chìm hơn một chút. Phần nổi, đắp giấy
bồi rất vui và tôi rất thích. Ai mà không thích đắp và đập piñata chứ? Tôi được giải nhất
trong cuộc thi khoa học khối 8 bằng cách đắp một con cá heo bằng giấy bồi theo tỷ lệ thật,
có các bộ phận trong cơ thể nằm đúng vị trí... Tôi nghĩ tự tay mình thực hiện đồ thủ công
sẽ có lợi cho cái đầu và trái tim. Còn phần chìm, một chủ đề xuyên suốt cuốn sách này là
sự “hoán đổi” diễn ra giữa Etta và Otto, những vai trò giới tính định sẵn ở thế hệ của họ, và
những vai trò mà họ đã đảm nhiệm suốt cuộc đời riêng của mình. Etta thì “làm” và “đi”, còn
Otto thì “tạo” và chăm”. Do đó mà có vụ đắp giấy (và nướng bánh, và cả con chuột lang).

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Mỗi nhân vật phản ứng theo một cách khác nhau với lựa chọn của Etta muốn đi bộ qua
nửa đất nước, và bà ấy cũng được đón nhận theo nhiều cách - nhún nhường, tức giận, hy
vọng, và tạo tin đồn giật gân. Chị muốn người đọc rút ra được gì nhất từ quyết định táo
bạo của bà ấy?

EMMA HOOPER
Theo lời Etta của tôi, tôi sẽ muốn họ “đi đi, làm bất cứ điều gì, bất cứ khi nào. Đi mà thực
hiện một mình, và ngay lập tức, vì bạn muốn và bạn được phép và bạn có thể.” Điều này có
thể nghĩa là viết một cuốn sách hay đi học lấy bằng thiên văn học hay cắt tóc hay học tiếng
Trung hay bất cứ việc gì họ luôn muốn làm.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 37


Sự nổi lên của manga
dành cho thiếu nữ và
văn hóa thiếu nữ
Yuika Kitamura
Trịnh Kha dịch
(Nguyên bản đăng trong The Cambridge History of Japanese Literature, Haruo Shirane và Tomi Suzuki,
cùng David Lurie chủ biên, Cambridge UP, 2016, tr. 748-752)

Truyện tranh trong văn hóa Tây phương gắn với giới độc giả nam trẻ tuổi, nhưng tại Nhật
Bản thời hiện đại, truyện tranh (manga) lại gắn liền với những độc giả và tác giả nữ. Shōjo
manga (truyện tranh thiếu nữ) xuất hiện ngay từ những năm 1910. Vào năm 1899, Sắc
lệnh về trường phổ thông của nữ được ban hành với việc tách biệt nam nữ theo hệ thống
trường đơn giới và chương trình học nhắm tới việc tạo ra những người vợ và người mẹ tốt.
Sự tách biệt giới tính này tạo ra khái niệm shōjo (thiếu nữ), bởi vậy đã sinh ra văn hóa thiếu
nữ. Các tạp chí dành cho thanh thiếu niên bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1880,
thoạt đầu nhắm tới cả nữ lẫn nam dù có những cái tựa như Shōnen no sono (Khu vườn của
thiếu niên) nhưng rồi những tạp chí đó bắt đầu tách biệt theo giới tính ngay sau quá trình
chia tách dựa trên giới tính trong nền giáo dục xảy ra sau Chiến tranh Trung-Nhật (1894-
1895). Vào năm 1902, Shōjokai (Thiếu nữ giới), là shōjo zasshi (tạp chí dành cho thiếu nữ)
đầu tiên xuất hiện, theo sau đó là nhiều tạp chí dành cho thiếu nữ khác. Độc giả của những
tạp chí đó nằm trong vòng hạn hẹp - chủ yếu là những thiếu nữ thuộc tầng lớp trung và
thượng lưu có điều kiện đi học tại các trường trung học (chiếm chỉ 10-20% tổng số thiếu
nữ) nhưng những tạp chí dành cho thiếu nữ này lại trở nên một phần thiết yếu của văn hóa
thiếu nữ tiền Thế chiến II.
Những tạp chí dành cho thiếu nữ thời tiền chiến đăng một vài truyện tranh hài hước
ngắn trong những koma (khung) hình vuông đơn giản được sắp theo những hàng ngăn
nắp. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là những shōjo shōsetsu (tiểu thuyết dành cho thiếu nữ).
Những truyện này đi kèm tranh minh họa. Những truyện của Yoshiya Nobuko (1896-
1973) cùng với những bức tranh minh họa đi kèm của Nakahara Jun’ichi (1913-83) cực kì

38 Z Z Z REVIEW
được ưa thích. Chúng đều có ảnh hưởng to lớn tới shōjo manga thời hậu chiến. Những độc
giả nữ chia sẻ niềm say mê đối với những truyện có kèm tranh minh họa bằng cách đóng
góp thư từ cho phần “thư độc giả” trong tạp chí.
Sau sự gián đoạn do Chiến tranh Thái Bình Dương, thời kì kiểm soát chặt chẽ của
chính quyền, sự kiểm duyệt cùng chế độ phân phối giấy, tạp chí dành cho thiếu nữ hồi sinh
- sự hồi sinh này không chỉ giới hạn ở những tiểu thuyết dành cho thiếu nữ mang phong
cách tiền chiến mà còn hăng hái đăng tải những tiểu thuyết Tây phương dành cho thiếu
nữ, những bài viết về thời trang, tin tức về những ngôi sao Hollywood, những nhân vật
nổi danh người Nhật cũng như manga dành cho thiếu nữ nữa. Những bản dịch các tiểu
thuyết Tây phương dành cho thiếu nữ như Anne Tóc Đỏ dưới Chái Nhà Xanh (Akage no
an, bản dịch Nhật ngữ của Muraoka Hanako [1893-1968], 1952) có sức lôi cuốn mạnh mẽ
đối với những thiếu nữ thời hậu chiến cùng với phim ảnh của Mỹ. Sự ngưỡng mộ văn hóa
Tây phương có ảnh hưởng to lớn tới manga dành cho thiếu nữ - địa điểm, nhân vật và cốt
truyện của các tiểu thuyết và bộ phim đó - đặc biệt là cho tới những năm 1970.
“Story manga” (truyện tranh có cốt truyện) chiếm thế thượng phong trong những
tạp chí dành cho thiếu nữ thời hậu chiến, với việc bộ truyện Ribon no kishi (Hiệp sĩ đeo
nơ, 1953-1956) của Tezuka Osamu (1928-1989) gặt hái được thành công cực kì to lớn.
Takahashi Makoto, một họa sĩ manga nổi danh khác đã kết hợp story manga với những
bức tranh minh họa đầy chất trữ tình. Ông vẽ những bức tranh minh họa thiếu nữ trong
những khung hình được sắp đặt tự do - chẳng hạn như một khung hình ba cột nhằm mô tả
những câu chuyện giàu kịch tính và cảm xúc như Arashi o koete (Sau cơn bão, 1958). Manga
dành cho thiếu nữ dần trở nên độc đáo hơn, tập trung vào tâm lí của con người và sử dụng
những khung hình linh hoạt. Ngược lại, manga dành cho nam thiếu niên lại mô tả hành
động (như các môn thể thao và bạo lực) trong những khung hình vuông giống như phim.
Trong những năm 1960, tình yêu trở thành chủ đề phổ biến trong manga dành cho
thiếu nữ. Bộ truyện Hoshi no tategoto (Hạc cầm của ngôi sao, 1960) của Mizuno Hideko
(s. 1939) là manga dành cho thiếu nữ đầu tiên mô tả tình yêu nam nữ (hoàng tử và công
chúa trong thần thoại Bắc Âu). Một ví dụ tiêu biểu khác là bộ truyện Remon to sakuranbo
(Chanh và anh đào, 1966) của Nishitani Yoshiko (s. 1943). Bộ manga này mô tả tình yêu
tuổi mới lớn và cuộc sống tại một trường trung học bình thường ở Nhật.
Tỉ lệ truyện manga mỗi lúc một lớn hơn trong những tạp chí dành cho thiếu nữ trong
khi các tiểu thuyết dành cho thiếu nữ lại dần mất đi sự ưa chuộng của độc giả. Từ cuối
những năm 1950, tuần san và nguyệt san dựa hoàn toàn vào manga dành cho thiếu nữ tăng
trưởng mạnh. Điều này tạo ra một nhu cầu đối với những họa sĩ manga mới và nhiều tạp
chí khuyến khích độc giả tự gửi những tác phẩm manga của riêng mình. Các biên tập viên
lựa chọn những cộng tác viên tiềm năng, đào tạo rồi giới thiệu họ trong tạp chí. Hiện tại,

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 39


các họa sĩ manga dành cho thiếu nữ chủ yếu là phụ nữ và sự khác biệt về độ tuổi giữa họa
sĩ và độc giả ngày càng nhỏ lại.
Manga dành cho thiếu nữ có bước đột phá mạnh mẽ trong những năm 1970. Những
kĩ thuật phức tạp được phát triển, bao gồm bố cục khung hình cực kì linh hoạt, tenbyō (vẽ
chấm bi) và kakeami (đánh bóng kiểu đan lưới mắt cáo); cùng một lượng lớn từ ngữ - lời
thoại, suy nghĩ nội tâm, lời kể chuyện và lời bình của tác giả - được sắp xếp một cách khéo
léo không chỉ bên trong mà cả bên ngoài fukidashi (khung thoại). Những kĩ thuật này cho
phép manga dành cho thiếu nữ thể hiện được những câu chuyện phức tạp cũng như việc
mô tả tâm lí một cách chi tiết.
Cũng chính trong khoảng thời gian này, Hana no nijū-yonen-gumi (Nhóm Năm 24
Hoa, những nữ họa sĩ truyện tranh sinh trong quãng năm 1949, năm Chiêu Hòa 24) bắt
đầu hoạt động. (Người ta cũng gọi họ là Nhóm 49). Nhiều tác phẩm của họ tới giờ đã được
coi là kinh điển trong thể loại manga dành cho thiếu nữ. Tōma no shinzō (Trái tim của
Thomas, 1974-1975) của Hagio Moto (s.1949) là một trong những tác phẩm như vậy. Bối
cảnh là một trường nội trú nam tại Tây Đức. Nhân vật chính gồm Juli và hai nam sinh khác
là Oskar và Erich. Bộ manga này bắt đầu với cái chết của Thomas Werner, nam sinh mười ba
tuổi trong trường. Tōma no shinzō chứa đầy những điều bí ẩn - cái chết của Thomas, hành
xử vô cảm của Juli, người cha đích thực của Oskar và căn bệnh của Erich - tất cả được khảo
sát tỉ mỉ thông qua những bức vẽ tinh tế. Chung cục, các cậu bé trưởng thành và Juli quyết
định trở thành tu sĩ rồi rời khỏi trường nội trú.
Những bộ manga dành cho thiếu nữ của Nhóm 49 mang những nét gần gũi với
những tiểu thuyết nghiêm túc. Tōma no shinzō có không khí một Bildungsroman (tiểu
thuyết trưởng thành) Đức khi đề cập tới tôn giáo, cái chết, tình yêu, bạo lực (tình dục) và
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhóm 49 viết ra những câu chuyện hấp dẫn đôi khi gây
tranh cãi về những chủ đề khác nhau như sự bất tử (Hagio, Pō no ichizoku [Thị tộc Poe],
1972-1976), việc một cô gái mới lớn mang thai (Ōshima Yumiko [s. 1947], Tanjō [Đản
sinh] 1970), và tình yêu đồng tính (Takemiya Keiko [s. 1950], Kaze to ki no uta [Bài thơ
gió và cây] 1976-84).
Một phong trào khác có chung mối liên hệ trong những năm 1970 là otomechikku
manga (truyện tranh con gái). Chúng thiết lập một chủ đề quan trọng trong manga dành
cho thiếu nữ - tình yêu và việc tự khẳng định bản thân nhờ vào một người đàn ông (cậu
thiếu niên). Những món đồ dễ thương và lãng mạn được minh họa trong thể loại này (ví
dụ như bánh quy nhà làm, một bó hoa xinh xinh, những bức rèm ren màu trắng trên những
cánh cửa sổ Pháp) giúp phát triển ý niệm kawaii (dễ thương), một trong những đặc trưng
chính của văn hóa thiếu nữ Nhật Bản.
Trong những năm 1970, nước Nhật chứng kiến phong trào giải phóng phụ nữ. Hơn

40 Z Z Z REVIEW
30% số nữ sinh trung học theo học tiếp lên đại học hoặc cao đẳng. Sự tham gia của nữ giới
trong xã hội tăng lên và cách sống của họ đã trở nên đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
nghiêm ngặt. Cả manga của Nhóm 49 và otomechikku manga đều cho thấy phụ nữ và thiếu
nữ đang tranh đấu để tìm không gian riêng cho mình cũng như một phương tiện tự biểu
hiện khác. Ví dụ Nhóm 49 thường chọn những nam thiếu niên làm nhân vật chính như
trong Tōma no shinzō. Họ tạo ra những khả năng mới dưới lốt vỏ của những nhân vật “nam
thiếu niên”, những người không phải chịu những hạn chế áp đặt lên phụ nữ trong thế giới
thực. Họ cũng đi vào khám phá tình dục và tính sắc dục, một điều cấm kị chính đối với
manga dành cho thiếu nữ. Truyện tranh BL (boy’s love) - manga về tình yêu giữa nam với
nam - cũng ra đời trong những năm 1970 và trở thành một phần không thể thiếu trong
manga dành cho thiếu nữ.
Với sự phát triển của manga dành cho thiếu nữ trong những năm 1970, giới độc giả
dần dần mở rộng sang phụ nữ trưởng thành (thỉnh thoảng cả nam giới), điều này dẫn tới
việc các tạp chí manga dành cho thiếu nữ mới trong những năm 1980 nhắm tới độc giả
thuộc những nhóm tuổi khác nhau, thí dụ như một thể loại mới gọi là redīsu komikku
(ladies’ comic, truyện tranh của phụ nữ). Truyện tranh dành cho phụ nữ đặc trưng bởi sự
mô tả mạnh bạo về tình dục tạo nên
sự bùng nổ về xuất bản trong những
năm 1980.
Manga dành cho thiếu nữ trong
những năm 1980 thường kể về một
nhóm thiếu niên. Ví dụ như bộ
truyện Banana fisshu (Banana fish,
1985-1994) của Yoshida Akimi (s.
1956) mô tả tình bạn và tình yêu
(không có quan hệ tình dục) giữa
Ash, thủ lãnh một băng đảng thiếu

Bộ truyện Trái tim của Thomas của Hagio


Moto, Matt Thorn dịch (Seattle, 2012). Juli
nói chuyện với Erich về cảm xúc của mình
dành cho người đã khuất là Thomas. Những
suy nghĩ của Juli được trình bày bên ngoài
khung thoại. Fantagraphics Books.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 41


niên đường phố ở New York, và Eiji, một thiếu niên người Nhật bình thường. Dàn nhân
vật trong truyện cũng rất đông đảo, gồm găng-tơ, mafia và chính trị gia đang làm việc tại
Hoa Kỳ.
Trong những năm 1990, một thể loại mới là truyện tranh yangu redīsu (young ladies’,
dành cho phụ nữ trẻ) xuất hiện; nó là thể loại trung gian giữa manga dành cho thiếu nữ và
truyện tranh dành cho phụ nữ, và nó mô tả những vấn đề khác nhau của phụ nữ trẻ khi đi
làm (như mối quan hệ với đồng nghiệp, thành tựu trong công việc và đời sống cá nhân).
Sentō bishōjo (nữ chiến binh xinh đẹp) cũng trở thành từ khóa của những năm 1990. Bộ
truyện tranh Bishōjo senshi Sērā Mūn (Thủy thủ Mặt trăng, 1992-1997) của Takeuchi
Naoko (s.1967) là ví dụ tiêu biểu. Nó thu hút độc giả trẻ cũng như độc giả nước ngoài.
(Cũng trong khoảng thời gian này truyện tranh Nhật Bản bắt đầu được dịch ra ngoại ngữ
và trở thành một kiểu hình văn hóa nhóm mang tính toàn cầu.)
Rekishi fantajī (truyện kỳ ảo lịch sử) và wa-mono (truyện tranh mô tả văn hóa truyền
thống Nhật Bản) lại chiếm ưu thế trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21. Ōoku (Hậu cung,
2005-) của Yoshinaga Fumi (s. 1971), một bộ truyện kỳ ảo lịch sử được hoan nghênh trên
toàn thế giới, mô tả một thế giới đảo ngược về giới tính trong thành Edo nơi shōgun (tướng
quân) là nữ và vợ cùng tình nhân của bà ta là nam. Bộ truyện giành Giải thưởng James
Tiptree Jr. 2009 cho tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hoặc kỳ ảo thúc đẩy hiểu biết tốt hơn
về giới tính.
Manga dành cho thiếu nữ, phát triển từ bước đầu khiêm tốn, đã đóng một vai trò cốt
yếu trong văn hóa thiếu nữ thời hậu chiến. Gần đây, nó đã mở rộng ra khỏi văn hóa thiếu
nữ để có được lượng độc giả rộng lớn hơn bao gồm phụ nữ trưởng thành, nam thiếu niên,
đàn ông và độc giả toàn thế giới.

42 Z Z Z REVIEW
Thư gửi Mina
(trích)
Thuận

Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc
Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu
Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên
cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo mới.
Nhưng thay vì đeo đuổi một cuốn tiểu thuyết như việc
mà cô vẫn làm, cô đã ngồi viết thư cho Mina một người
bạn gái gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc ngay sau
ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học ở Nga. 30 bức thư
đều đặn trong vòng một tháng, không bao giờ được gửi
đi, dần dần trở thành một dạng nhật ký nơi cô có thể thổ
lộ mọi điều - về nghề viết, về nhân tình thế thái, về cuộc
sống tha hương, về quan hệ vợ chồng trống rỗng, về mối
tình tuyệt vọng xa xưa, về những nỗi niềm riêng tư bấy
lâu bị chôn vùi, về những hành động vô nghĩa của một
cuộc sống thường nhật nhàm chán đến kinh ngạc... Tất
cả trên một phông nền rộng lớn chạy từ Hà Nội của bao
cấp đến Sài Gòn của ngày hôm nay, qua nước Nga của
perestroika, Kabul của nội chiến và chưa chắc đã dừng ở
Paris của đầu thế kỷ 21 với khủng hoảng kinh tế, chính
trị và di dân.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 43


Paris, ngày 21 tháng 10 năm 2016
Mina,
Hôm nay trong blog cá nhân, Pema bạn tao đang sống ở Sài Gòn kể buổi sáng tự nhiên
ngọt ngào hẳn khi tình cờ bắt gặp một nam đồng nghiệp gọi điện cho vợ mà màn hình ghi
hai chữ “vợ yêu”. “Tình phu thê bây giờ là của hiếm, cứ đôi nào còn ngọt ngào là tự nhiên
cảm thấy vui hộ,” Pema lý giải. Những người khác ngay lập tức lao vào bảo sao đến tuổi này
mà còn để bị lừa, rằng tất cả cánh đàn ông có quan hệ ngoài luồng đều hào phóng tặng vợ
những cái nick ngọt ngào nhất trần đời. Thế là đua nhau cho ví dụ, người thì “vợ ngoan” và
“em yêu”, người thì “bé xinh” và “hiền thê”, người thì “first lady” và “darling”... Những người
khác nữa thì bảo chưa hết đâu, cánh đàn ông còn có trò giấu bồ dưới những biệt hiệu duyên
dáng lắm. Thế là lại đua nhau cho ví dụ, người thì “xe ôm” và “cửu vạn”, người thì “bốc vác”
và “xích lô”, người thì “vú già” và “ô sin”. Rồi “Cúc lác”, “Trúc vẩu”, “Mai đen”, “Lan ngẫn”...
cứ gọi là loạn cào cào. Đọc đến đây tao ngờ mày lại phá lên cười khình khịch. Chính tao
cũng cười khùng khục mấy phút liền, Mina. Từ muôn đời nay, trong số những công việc
quen thuộc vẫn làm thì trào phúng có lẽ là cái mà dân nước tao làm giỏi nhất, hơn cả nấu ăn
và hơn đứt trồng lúa, đánh giặc, xây nhà. Văn học chính thống Việt Nam nghiêm trang như
chào cờ duyệt binh, Hội nhà văn cấp cho đồng phục nào thì cam nhận đồng phục ấy, nhưng
truyện kể dân gian Việt Nam lại phá cách và vô cùng hài hước, có lẽ đó là nơi mà người ta
không bị kiểm duyệt và cũng không tự kiểm duyệt, nơi mà người ta tình cờ được tự do và
vì thế mà sáng tạo, dù cũng chỉ tình cờ. Pema bạn tao, làm nghề cầm bút nhưng từ chối vào
Hội nhà văn, là một ca đặc biệt. Mâu thuẫn và cũng là nguyên nhân dẫn tới bất hạnh của
Pema nằm ở chỗ nó hài hước hơn tất cả các đứa bạn khác của tao nhưng lại tin vào những
điều ngọt ngào nhất trong số những người mà tao từng biết. Ba tháng liền nó cuồng dại với
mối tình mà nó luôn kể trên blog cá nhân theo một cách thật lâm ly nhưng cũng rất bông
lơn, như thể nó sợ nếu thiếu tiếng cười thì blog của nó sẽ biến thành nơi để người viết và
người đọc xô vào nức nở và tặng nhau khăn mùi soa. Nhưng tao ngờ không chỉ trong việc
viết Pema mới hành động ngược đời kiểu ấy. Tao ngờ là trong lúc người yêu của nó - một
nhà báo chiến tranh - đang tác nghiệp giữa những con phố loang lổ máu và ngạt khói bom
của Kabul, thì nó, để quên đi nỗi ám ảnh về một cái chết bất thình lình có thể xảy đến với
anh ta, đã lao vào làm tình với một thằng trai trẻ cường tráng đang cuồng dại vì nó, một
kiến trúc sư người Ý có khuôn mặt thánh thiện như chúa Giêsu, không ăn nổi thịt động
vật bởi lúc nào cũng thèm thịt nó. Thằng trai này có cuồng dại vì nó nhằm quên đi một nỗi
ám ảnh nào đó hay không, tao không rõ, Pema cũng không rõ, nhưng nó bảo tao là nó cần
một cơ thể đàn ông khỏe mạnh và đẹp đẽ để giúp nó chống trả tử thần. Lần đầu tiên gặp
thằng trai nằm trên bờ bể bơi vô cực của khách sạn À la carte Đà Nẵng, nó choáng váng

44 Z Z Z REVIEW
như lần đầu đối diện với tác phẩm của Michel-Ange. Sau khi giả vờ làm rơi kính và giương
mắt nhìn thằng trai nhảy xuống làm vài vòng bể mò giúp, nó càng tin rằng đó là cơ thể đàn
ông tuyệt mỹ nhất mà nó nhìn thấy từ trước đến nay và rất có thể là mãi mãi về sau, ngay
cả trên màn ảnh Hollywood. Mọi thứ đều hoàn hảo - bờ vai, lồng ngực, vòng hông, bắp
đùi, cơ bụng, làn da - tất cả mọng lên và vàng rực dưới ánh hoàng hôn nhiệt đới lộng lẫy,
trên mặt nước xanh trong như ngọc bích và mênh mông đến tận chân trời. Pema bảo ai có
thể cầm lòng được trước một món ngon siêu thực như vậy cơ chứ. Nó bảo hôm ấy là ngày
thứ mười nó không có tin tức của anh nhà báo từ Kabul. Nó bảo khách sạn có cái tên rất
hợp với hoàn cảnh của nó. À la carte. Nó được chọn món một cách chủ động. Anh nhà báo
chiến tranh, tình yêu của nó, mới là món chính. Còn thằng trai, cơ thể đàn ông tuyệt mỹ,
chỉ là món tráng miệng. Nhưng vì plat principal không xuất hiện, nên nó phải chén dessert.
Nó phải chén thằng kia. Và đã thấy trước là chén bao nhiêu vẫn sẽ không đủ, chén bao nhiêu
vẫn sẽ thấy đói. Pema là một đứa rất hay chữ, tiếng Việt trong tay nó bao giờ cũng nở ra bao
nhiêu nghĩa mới. Đêm hôm ấy, nó kể, nó nằm nghĩ đến thằng kia, nó không biết thằng kia
có tình ý với nó hay không, đến Việt Nam cùng vợ hay bồ, thậm chí có thích phụ nữ. Cùng
một lúc nó nhận ra là nó chẳng biết gì về thằng kia nhưng bị cơ thể đàn ông hoàn hảo ấy,
gần như trần truồng, ngụp lặn trong đầu. Toàn thân nóng ran và nó phải vặn đầy một bồn
nước mát để thả người vào đó. Nó lềnh bềnh như thế, giữa mê và tỉnh, mộng và thực, bản
năng và ý thức, cho đến gần sáng thì thiếp đi rồi dường như ngay lập tức bị đánh thức bởi
những tiếng gõ thật khẽ lên cửa phòng mà mới đầu nó đã không tin ở tai mình. Nó chỉ kịp
thở hắt ra một cái khi nhìn thấy đôi vai chật căng dưới áo choàng tắm của thằng kia. Thằng
kia cũng chỉ kịp thở hắt ra khi nhìn thấy bộ ngực lấp ló dưới áo choàng tắm của nó. Sau này
nó biết rằng thằng kia cũng bị cơ thể đàn bà hoàn hảo của nó, gần như trần truồng, ngụp
lặn trong đầu khiến toàn thân nóng ran và phải vặn đầy một bồn nước mát để thả người
vào đó. Rằng thằng kia cũng lềnh bềnh như nó, giữa mê và tỉnh, mộng và thực, bản năng
và ý thức, cho đến gần sáng thì thiếp đi rồi dường như ngay lập tức bị đánh thức bởi những
tiếng gõ thật khẽ lên cửa phòng. Rằng thằng kia lao ra mở rồi cứ thế bước đi như bị ma ám
đến đúng trước cửa phòng nó thì dừng lại. Thần giao cách cảm. Pema bảo nó thèm những
điều ngọt ngào, khi không có tình yêu thì nó yêu những cái giống như tình yêu. Rằng thật
là oái oăm, càng thèm món chính thì nó càng phải ăn món tráng miệng, càng nhớ anh nhà
báo chiến tranh thì nó càng có nhu cầu làm tình với thằng trai trẻ. Trên giường, chúng nó
vừa làm tình vừa cầu nguyện cho Kabul. Nó, theo tôn giáo của nó. Thằng kia, theo tôn giáo
của thằng kia. Mỗi đứa tin vào một Thượng Đế khác nhau, nhưng cầu nguyện là việc mà
chúng nó vẫn làm. Mina, có lẽ mày không tưởng tượng được, không ai tưởng tượng được
rằng giữa Sài Gòn, nguyên Ho Chi Minh city, thành phố lớn nhất, hiện đại nhất dải đất
loằng ngoằng hình chữ S mấp mé bờ Đông của Thái Bình dương, từng có hai cơ thể khỏe
mạnh và đẹp đẽ cứ sắp đạt cực khoái lại tự động tách khỏi nhau để thầm xin đức Phật và

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 45


Chúa Giêsu hãy ra tay khiến bom ngừng rơi, máu ngừng đổ ở mảnh đất Kabul xa lắc xa lơ
của chúng mày nơi cả hai chúng nó chưa đứa nào từng có kỷ niệm, thậm chí từng đặt chân.
Có lẽ giữa tất cả những đồng bào của tao sống tại Việt nam và rải rác trên hành tinh, chúng
nó là hai kẻ duy nhất, trong chín mươi đêm của mùa thu 2016 này, không đêm nào không
nghĩ tới Kabul từng giờ một.
Pema bảo Sài Gòn, nó cứ ra khỏi nhà là lạc, là phải trèo lên tắc xi hay xe ôm, vì tâm trí nó
dành cả cho Kabul. Nó có thể xác định trên bản đồ của thủ đô Afghanistan hàng trăm đại
lộ, ngã tư, quảng trường, trung tâm, rạp chiếu phim, chợ cóc, trường học, thánh đường,
bệnh viện, vườn hoa, bảo tàng, quán ăn, tòa thị chính, hiệu cắt tóc, tiệm chụp ảnh... Những
cái tên bằng chữ Ả-rập lằng nhà lằng nhằng mà nó chỉ đọc vài lần là nhớ, như thể kiếp trước
nó sinh ra ở Kabul, lớn lên ở đấy, gặp anh nhà báo chiến tranh cũng ở đấy. Đầu óc nó luôn
có chỗ cho những gì ngọt ngào. Nó bảo thủ đô Afghanistan dù loang lổ máu và ngạt khói
bom thì với nó vẫn vô cùng ngọt ngào, vẫn lấy hết tâm trí của nó.
Mina, Vĩnh chẳng bao giờ đặt chân đến Kabul, cũng chẳng có ý định tìm “đối tác kinh
doanh” nào ở đó để tao có thể thấy đặt hết tâm trí vào đấy như Pema. Tao chỉ biết thành
phố quê hương của mày qua phim Người đua diều. Từ khi viết thư cho mày, tao mới bắt đầu
lên mạng tìm các bài báo và cưỡi ngựa xem hoa các di tích lịch sử Kabul. Đầu tiên là pháo
đài cổ Bâlâ Hissar với 5 cây số công sự chạy ngoằn ngoèo qua các đỉnh núi trong đó có đỉnh
Koh-e Chîr Darwâza cao 2221 mét. Rồi công viên Babur mướt mát với cầu thang đá trắng
mộng mơ được xây từ thế kỷ XVI theo phong cách pha trộn giữa Mông Cổ và Hồi giáo là
nơi lưu giữ thi thể hoàng đế Babur mang về từ Ấn Độ, 9 năm sau ngày băng hà. Rồi Bảo
tàng Quốc gia trưng bày một phần bộ tượng Phật khổng lồ từng được tạc vào vách đá thung
lũng Bamyian từ thế kỷ III và bị chính quyền Taliban ra lệnh phá hủy vào năm 2001. Rồi mộ
hoàng đế Châh Djahân là nhà thờ chỏm tròn màu ngọc bích lộng lẫy như cổ tích Nghìn lẻ
một đêm. Rồi cung Darulaman kiến trúc sư Đức thiết kế theo trường phái Tân cổ điển sừng
sững đỉnh đồi... Tao hoa cả mắt. Tao bắt đầu hy vọng. Bên cạnh những gì mà người ta từng
cho tao thấy ở Kabul - những cây cọ đã cụt ngọn, những mái nhà nâu đỏ đã vỡ toang, những
bức tường loang lổ máu, những sân vận động bỏ hoang, những ngôi trường không một bóng
học trò, những cái chợ chỉ còn lại những bệ xi măng, những rạp xi nê tan hoang như bước ra
từ phim kinh dị, những đứa trẻ không cụt tay thì cụt chân, những người đàn bà không mất
con thì mất chồng... Ừ, Mina, tao bắt đầu hy vọng rằng bên cạnh những điều khủng khiếp
này, dù thế nào vẫn tồn tại những thứ đẹp đẽ, rằng vẫn có những phép mầu lẩn giấu đâu
đó trong cuộc sống trần thịt của chúng ta, và nếu Thượng Đế có hiện diện thì Ngài cũng sẽ
không quá bất công. Tao bắt đầu hy vọng thế. Hy vọng đến độ đêm hôm đó tao lại mơ thấy
mày, mày cũng một tay ôm túi, một tay ôm bị, miệng phì phèo thuốc lá, nhưng không phải
đang ngồi ngó mưa rơi từ lều nhựa ở một góc nào đó của cửa ô La Chapelle nơi người Paris

46 Z Z Z REVIEW
chỉ ghé để đổ rác. Không phải thế. Lần này tao mơ thấy mày đang đi dạo trong khuôn viên
một công sở ở ngay Kabul thành phố quê hương mày. Xung quanh, từ những hố bom vài bụi
sim đã mọc lại, màu xanh non của lá và màu tím lịm của hoa nổi bật trên nền đất bạc thếch.
Ở ngay lối vào là một cây cổ thụ cao hơn cả tầng cao nhất của tòa nhà chính, lác đác các chồi
biếc nhu nhú cựa quậy trên những cành khẳng khiu tưởng đã chết khô. Đâu đó tiếng chim sẻ
ríu rít, tiếng bồ câu gù gù, tiếng vàng anh thánh thót, tiếng vành khuyên líu lo hòa vào tiếng
cầu kinh đều đặn và trang nghiêm vọng ra từ thánh đường Bakir-Al-Olum của giáo phái
Shiite. Và trong giấc mơ của tao, mày không đi dạo một mình, Mina. Bên cạnh mày có một
thằng bé giống mày và giống cả Viktor con trai tao, cũng mái tóc đen nhánh uốn lượn và đôi
mắt trong veo mơ màng, cũng sơ mi trắng bỏ trong quần soóc tím than, cũng mũ nan trên
đầu và xăng đan da dưới chân, cũng vừa bước vừa lẩm nhẩm một bài hát sai nhạc sai cả lời,
hình như là “Peter và chó sói”... Giấc mơ có lẽ sẽ còn bay cao bay xa nếu tao không bất ngờ
choàng dậy rồi bật máy tính, vào Google và gõ “Kaboul - jardin - parc” để rơi thẳng xuống
lời giới thiệu của trang easyvoyage.com: “Kabul, thủ đô của Afghanistan, có gương mặt sầu
não của một đô thị bị đánh bom tơi bời và mòn mỏi vì những năm tháng chiến tranh. Bảo
tàng thành phố nơi trưng bày một trong những bộ sưu tập đồ cổ châu Á quý giá nhất đã hàng
trăm lần bị đập phá tan tành. Ngày hôm nay, Kabul không còn vườn hoa cũng hết cả công
viên. Vườn Babur từng một thời nổi danh giờ chỉ là mảnh đất hoang, còn thành cổ thì trở
thành khu vực cực kỳ nguy hiểm, miếng mồi ngon của mìn khủng bố”.
Mina, tao đã ngẩn người, rồi dụi mắt, rồi đọc đi đọc lại cái câu ngắn ngủi. Aujourd’hui,
Kaboul n’a plus de parc, ni de jardin. Ngày hôm nay, Kabul không còn công viên, cũng hết
cả vườn hoa. Từng từ từng chữ rõ ràng. Một trang quảng cáo du lịch mà phải giới thiệu lạnh
lùng sắt đá như vậy thì sự thật có thể còn lạnh lùng sắt đá hơn nhiều. Tao bồn chồn đợi tin
Kabul. Và tao chẳng phải đợi lâu. Hôm nay, sáng sớm hôm nay, mở mắt dậy, bật máy tính,
gõ “Kabul”, “Afghanistan” tin đầu tiên mà tao có về đất nước của mày là thánh đường Bakir-
Al-Olum, nơi vọng ra tiếng cầu kinh hòa lẫn tiếng chim hót trong giấc mơ của tao, vừa bị
đánh bom tự sát lúc 12g30 giờ địa phương, lấy đi 28 sinh mệnh đúng vào ngày cuối cùng
của lễ Ashura. Ashura tao cũng nhờ Google mà biết được là sự kiện lớn trong năm của tín
đồ Shiite để tưởng niệm cái chết oan nghiệt của một ông thánh nào đó tên là Hussein sống
từ thế kỷ VII. Tao không hiểu lý do gì đã khiến tao mơ thấy Bakir-Al-Olum mấy chục tiếng
trước khi nó bị tấn công? Tao từng nhìn thấy nó đâu đó trên mạng khi tìm hiểu về Shiite và
Hồi giáo ở đất nước của mày? Hay đó không phải là thần giao cách cảm mà chỉ là kết quả
tất yếu của bạo lực: một thánh đường của giáo phái đứng thứ nhì đạo Hồi không trước thì
sau cũng bị tấn công, không bởi phiến quân này thì bởi loạn quân khác, không hôm nay thì
ngày mai, không vào lễ Ashura thì lễ Ramadan hoặc chẳng cần lễ nào? Mina, mới bây giờ
mà người ta đã dự đoán năm nay là năm chết chóc nhất với người dân Afghanistan.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 47


Pema bảo ba tháng kỳ lạ ấy, nó cảm giác không phải đang sống ở Sài Gòn mà Kabul, một
thành phố ảo nơi những con đường đã mất biển ghi tên, nơi thần chết lượn lờ mọi ngõ
ngách, vào bất cứ giờ nào trong ngày, không tha bất kỳ ai, nơi những cô hồn lang thang tìm
người thân trong những phòng ngủ gối đệm bị bom cày vụn như tương. Nó bảo mỗi ngày
chục lần, nó vào mạng xem tin về thủ đô của Afghanistan, vớ được vài địa danh, tra bản đồ,
rồi để trí tưởng tượng làm nhiệm vụ còn lại: thêm người, thêm vật, âm thanh, mùi vị, màu
sắc, thêm cảnh anh nhà báo chiến tranh của nó cao, gầy, đeo kính cận, đầu trần, chạy tới
chạy lui với đống máy móc lỉnh kỉnh. Lúc thì nó hình dung ngay sau lưng anh ta là đạn bay
chiu chíu nát cả mảng tường cuối cùng của một lớp học cuối cùng trong một ngôi trường
tiểu học cuối cùng của khu Char Qalar. Pema bảo mùi sách vở cháy nó không lạ, ngày bé có
lần cả tuần liền, nó theo bà ngoại và các dì lên sân thượng, châm lửa đốt hết cả thư viện toàn
văn chương và triết học phương Tây, để phi tang cho một quá khứ “trí thức tiểu tư sản” của
ông ngoại nó lúc đó đang lênh đênh trên thuyền ngoài biển Đông cùng các cậu, các dượng
và cả cha ruột nó. Lúc thì nó hình dung trước mắt anh ta là mấy chiếc xe cứu thương hú còi
inh ỏi trên đường ra sân bay, gần đến nhà thương Wazir Akbar Khan mà các phương tiện
giao thông khác nhất định không tránh, chưa kể một đàn cừu từ đâu túa ra khiến bác sĩ và y
tá phải xuống xe chạy bộ, trong chục cái cáng là mấy chục đứa bé trần truồng mình đầy vết
bỏng, mùi cồn và bông băng khiến nó đau quặn bụng, các bà mẹ chạy đuổi theo kêu lạc cả
giọng, khuôn mặt trùm khăn đen kín mít chỉ hở ra đôi mắt như những quả ổi đào, thứ quả
mà nó chỉ ngắm nhưng chưa nếm bao giờ dù cái chợ cóc trước nhà nó mấy năm nay ê hề đủ
loại đặc sản Bắc kỳ từ vải thiều, nhãn lồng, mít mật, đến tương Bần, mắm tép, chả rươi phục
vụ cuộc Nam tiến vĩ đại nhất trong lịch sử nước tao. Lúc thì nó hình dung trên đầu anh ta
là trực thăng quay cuồng, dưới đất là một đoàn xe lừa chở những bao tải to đùng bị ách lại
giữa phố, không hiểu do lũ vật hoảng loạn bởi tiếng trực thăng hay vì nghe được radio đang
thông báo một chiếc buýt chở tín đồ đi hành hương Pakistan chưa ra khỏi Kabul, mới đến
ngã tư đường Zargona và đường Shahid đã húc phải mìn nổ chậm, tất cả hành khách lẫn
phụ xe và tài xế đều tử vong. Mùi da thịt cháy khét bao vây thành phố mấy ngày liền, thấm
vào những trang báo mà Pema đang đọc, tỏa khắp căn hộ nhỏ của nó khiến nó nôn thốc
nôn tháo. Nó bảo từ đấy không dám động đến thức ăn protit nữa, nhưng tao ngờ đó là bởi
nó đang “chén” thằng trai người Ý quá nhiều, để có sức mà đợi anh nhà báo người yêu.
Pema sinh ra ở Sài Gòn khi hiệp định Paris vừa được ký kết, quyết định sự ra đi của quân
đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Khác với tao, nó chưa từng trải nghiệm những đặc sản
của Hà Nội thời chiến, nó không biết hầm trú ẩn là gì, báo động là gì, chạy bom là gì, sơ
tán là gì. Nó bảo ba tháng liền theo chân người yêu đi khắp Kabul, tuy chỉ là trên mạng, thì
thành phố này dù có loang lổ máu và ngạt khói bom nó vẫn thấy ngọt ngào. Nhưng đùng
một cái, đúng ngày cuối cùng của cái kỳ ba tháng, đột nhiên mọi thứ thay đổi. Đột nhiên nó

48 Z Z Z REVIEW
sợ rúm ró chiến tranh và tất cả những người có mặt trong đó, dù với bất kỳ lý do nào. Đùng
một cái, ngày cuối cùng, Mina, nó bảo nó bỗng nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, như thể
trái tim của nó sau ba tháng làm việc quá tải đành phải nhường chỗ cho trí não. Ngày cuối
cùng, bản thân nó cũng thấy sợ nó. Nó không thể chịu đựng nổi cơ thể vốn khỏe mạnh và
đẹp đẽ của chính mình. Ngày cuối cùng, mấy tiếng một lần nó đứng dưới vòi hoa sen, dốc
hàng lọ nước gội đầu và xà phòng tắm, kỳ cọ từ tóc đến móng chân, để giảm bớt cảm giác
kinh tởm mà chiến tranh ám vào cơ thể nó. Nó cũng không chịu nổi cơ thể của thằng trai
trẻ mà nó từng chén ba tháng liền, một cơ thể vốn khỏe mạnh và đẹp đẽ cũng chỉ vì nó mà
bốc mùi chiến tranh. Nó bảo đấy mới chỉ là bên ngoài mà tẩy uế đã khó, còn bên trong thì
nó bó tay, tất cả những gì đã in vào não, vào tim, ngấm vào huyết quản, nó làm sao mà thanh
lọc cho được. Nó thậm chí không còn có thể khóc khi nghĩ về điều ấy. Tuần sau đó, anh
người yêu của nó quay trở lại Sài Gòn gặp nó thì Pema rũ xuống khi mới chỉ nhìn thấy anh
ta từ tắc xi bước ra: mùi chiến tranh đậm đặc khủng khiếp, lưu cữu từ ba tháng nay, bốc ra
từ cơ thể người đàn ông, một cơ thể cũng từng đẹp đẽ và khỏe mạnh. Mùi chiến tranh bốc
ra từ từng sợi tóc, từng móng chân, móng tay, từ cổ, gáy, nách, vai, lưng, và rất có thể là cả
đùi, bẹn, háng, mông... Trưa nay, sau khi thánh đường Bakir-Al-Olum bị khủng bố khiến
28 người thiệt mạng và vô số người bị thương, tao gọi điện về Sài Gòn cho nó. Nó bảo thật
khủng khiếp. Cả một đoạn phố nhà nó đang nồng mùi sầu riêng thì anh ta xuất hiện và mùi
chiến tranh át đi tất cả, chưa kể trong những máy móc lỉnh kỉnh mà anh ta đeo trên mình
là hàng nghìn bức ảnh mà anh ta đã chụp, hàng nghìn câu chữ mà anh ta đã viết, tất cả đều
về chiến tranh, đều bốc mùi chiến tranh, với những xác người, tay chân tung tóe, óc tung
tóe, tim tung tóe, ruột gan lộn tùng phèo. Nó chạy vội lên nhà, sập cửa phòng lại. Nó bảo
làm sao nó có thể làm tình với một người đã sống ba tháng liền trong một nhà xác, cái nhà
xác vĩ đại kia. Nó bảo làm sao nó có thể không ngừng tưởng tượng về ba tháng ấy khi anh
ta mỗi ngày hít thở tử khí, ăn uống, đi đứng, làm việc, suy nghĩ, ngủ, mơ và nhớ về nó, tất
cả đều bên cạnh các xác chết, đã thối rữa hoặc sắp thối rữa. Nó bảo giờ thì nó hiểu tại sao
trong suốt thời gian ấy nó không thể viết được cái gì ra hồn, ngay cả những bức thư nó viết
cho anh ta với tất cả chăm chút, ngôn từ ngọt ngào cứ như tuột khỏi tay nó, trốn tránh,
giận dỗi, bất hợp tác. Rất có thể các kẽ tay nó cũng có mùi chiến tranh. Và đó là những bức
thư tình kém ngọt ngào nhất mà nó từng viết, mặc dù lúc ấy, trong những ngày ấy nó không
giờ nào phút nào không nghĩ tới anh ta, một cách ngọt ngào nhất có thể. Pema đọc cho
tao, Mina, những câu không đâu vào đâu, chẳng dính dáng gì đến tài năng văn chương của
nó, và luôn luôn bắt đầu bằng mưa như thể vừa muốn an ủi vừa muốn trêu tức người nhận
đang ở nơi quanh năm nóng hay lạnh cũng hầu như không được ông trời nhả cho một giọt
nước là thủ đô Kabul của mày.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 49


Paris ngày 20 tháng 12 năm 2017
Mina,
Tao vừa đọc lại những lá thư viết cho mày. Hơn một năm nay, chúng vẫn nguyên vẹn, trong
một file riêng có tên là “Thư gửi Mina”. Thật không ngờ, sau hai tuần, một trăm nghìn từ đã
được ghi vào máy tính, nhiều hơn tất cả các tiểu thuyết trước đó của tao, những bản thảo
mà tao nâng lên hạ xuống từng chữ, đánh vật suốt năm, thậm chí hai năm hoặc lâu hơn nữa,
cho tới khi in thành sách mới thôi.
Đầu tiên tao định viết về mày cơ đấy: mày sẽ là một nhân vật của tao, nhân vật chính hẳn
hoi. Mày chạy trốn chiến tranh và sống đời di dân ở Paris. Ví dụ vậy. Tao đã tưởng tượng
tìm thấy mày trong một khu lều nhựa của người nhập cư ven đường vành đai. Tại một
cửa ô. Saint Ouen hay Clichy. Cũng có thể Montreuil hoặc Lilas. Mà tại sao lại không La
Chapelle? Giữa những khuôn mặt sùm sụp khăn trùm bị lo âu và thiếu thốn làm cho méo
mó, tao nghĩ là tao vẫn nhận ra mày. Bọn mình sẽ mừng tủi hội ngộ, sẽ cầm tay nhau, sẽ nói
những câu tiếng Nga rơi rụng từ hàng nghìn câu tiếng Nga từng nói với nhau ngày trước.
Và nếu mày không chê khu đèn đỏ Pigalle thì mày có thể ở một phòng áp mái ngay cạnh
tao, với giá rẻ bất ngờ. Tao đã hình dung hằng ngày sau ly chè chanh với đường phèn ngọt
lịm mà lần này là tao pha cho mày, mày sẽ kể câu chuyện của mày và tao sẽ chỉ việc thao tác
bàn phím. Với một cá tính như Mina, nhất định sẽ ra đời một nhân vật độc đáo. Tao sẽ
chẳng cần chỉnh sửa gì mấy, bởi vì các tình huống ly kì của mày, các hoàn cảnh, các thăng
trầm, biến cố, hiểm nguy mà chỉ những ai từng sống ở những lò lửa Trung Đông mới có dịp
trải nghiệm, tất cả đều nóng rực, sống động, lôi cuốn hơn mọi hư cấu, và đương nhiên hơn
hẳn cái hiện thực mà chúng tao đương sống đây, cái hiện thực tẻ nhạt thường xuyên phải
cầu cứu nước xốt của cảm xúc và các gia vị linh tinh mà người ta gán cho cái tên mỹ miều là
“sáng tạo”. Tao cũng sẽ theo dõi quá trình hội nhập của mày: mày sẽ xin quy chế tị nạn thế
nào, xin trợ cấp thế nào, xin nhà ở thế nào, xin việc làm thế nào? hẳn là cũng không thiếu
hài hước và bất ngờ - mày, một người chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn viết nổi một cái đơn, dẫu
là đơn xin nghỉ học vì sốt virus. Tóm lại, cứ theo cách ấy, chắc tao sẽ bớt khó khăn trong việc
tìm nơi xuất bản: dù sao thì đề tài Afghanistan và nạn nhân chiến tranh cũng không thể bị
các biên tập viên đánh giá là “hão huyền”, ngay cả trong lúc trà dư tửu hậu. Politiquement
correcte. Trước khi mở máy tính, gõ những “thật đáng tiếc” để trả lời bản thảo này, tao hình
dung, những con người cao ngạo ấy cũng phải có vài giây ngần ngừ.
Nhưng mà cuối cùng, như mày thấy đấy, mày không thành nhân vật nào của tao, chính
cũng không mà phụ cũng không. Tao cũng không đi tìm mày. Tìm thế nào được? Mò kim
đáy bể. Từ lá thư thứ hai tao đã phải thú nhận với mày rằng Paris có mấy chục cửa ô mà dân
Paris chỉ ghé để đổ rác và người nhập cư bất hợp pháp có thể tạm cắm lều nhựa. Nhưng xin

50 Z Z Z REVIEW
mày đừng quá chạnh lòng: tuy không là nhân vật, bù lại, mày hiện diện trong từng suy nghĩ
của tao suốt hai tuần của mùa thu năm ngoái, và một trăm nghìn từ ấy là tao viết cho mày,
để mày đọc. Tao đã ghi chép không ngừng, ngày lẫn đêm, hầu như tất cả những gì tao chứng
kiến ngoài đời và nảy ra trong đầu: mày hẳn dễ dàng nhận thấy các nhân vật vẫn còn ở trạng
thái nguyên sơ, chưa được chỉnh sửa, bơi như nòng nọc giữa hiện thực và tưởng tượng,
giữa phân tích và dự đoán thường xuyên trái chiều của tao, giữa những câu chuyện dang dở,
những lời kể không đầu không đuôi của những người mà tao chỉ vừa quen, giữa những “sự
thật” nằm ngoài khả năng kiểm chứng của bất kỳ ai. Mina, chỗ này có lẽ tao phải mở một
cái ngoặc để nói với mày rằng dường như sau ngần ấy năm ngồi viết, tao có cảm giác chẳng
thu được gì ngoài tính hoài nghi. Hoài nghi có thể không tốt, thậm chí có hại, cho các con
chiên và các đảng viên, nhưng lại rất cần cho cá nhân tao bởi vì tao, Th bạn của mày, là một
đứa cả tin. Cả tin không sao sửa được. Nếu phải tìm hai tính từ để chỉ bản thân tao, tao sẽ
không mất giây nào mà nói với mày rằng tao vừa cả tin vừa hoài nghi. Nghe thì mâu thuẫn,
nhưng dường như là cả tin nằm trong máu của tao, còn hoài nghi là chất kháng thể mà tao
tự sản xuất để chống lại. Tao cũng ý thức được rằng chính bởi mâu thuẫn cả tin/hoài nghi
mà quá trình đi tìm bản chất bất cứ điều gì, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến tao mất công hơn
người khác. Mina, mày hãy hình dung thế này: tin tức rơi vào đầu tao như những hạt mầm
mà ngay lập tức tao hí hửng nghĩ rằng tất cả đều chắc mẩy hiện thực, và mặc sức tưới vào các
tưởng tượng, phân tích, dự đoán. Nhưng được cái là hoài nghi cũng nhanh chóng xuất hiện
kéo chân tao chạm đất, để tao nhìn lại đống hạt mầm hóa ra nhiều phần lỏng lẻo, rồi nhanh
chóng tưới vào đó một loạt tưởng tượng, phân tích, dự đoán khác. Quá trình sàng lọc lặp đi
lặp lại không ngừng. Có vẻ như đầu tao, Mina, lâu ngày trở thành cái nia nhiều lớp. Nhưng
tao cũng không bảo đảm được rằng từ những hạt mầm lọt qua lớp nia cuối, sau khi đã được
tưới tắm và sàng lọc, có mọc ra được chút gì đáng tin cậy. Nói cho cùng thì tao là người trần
mắt thịt chứ không phải Thượng Đế, tao viết chứ không dọn cỗ, và độc giả ai cũng có, theo
cách riêng của họ, một bộ óc với năng lực lập luận và phán xét. Việc mà tao làm có lẽ chỉ là
sắp xếp một chút ngôn từ, một chút thông tin, để kích thích nó, trong một phạm vi nhất
định. Thế cũng khiến tao thấm mệt rồi, tao - một kẻ không ngừng bị hoài nghi truy đuổi.
Trong tất cả các nhân vật mà tao đã giới thiệu với mày hai tuần ấy, ngoài Pema bạn tao ở Sài
Gòn, tao không còn gặp lại ai, ngay cả con Mè-zí và mấy đứa đồng hương Việt Nam sống
ngay tầng dưới căn phòng áp mái của tao ở khu Pigalle. Mới đầu tao nghĩ chúng nó chán vì
tao chẳng được tích sự gì, sau mới hay Thai Gogo Bar đã chuyển chúng nó đến một địa điểm
khác dưới tỉnh xa. Theo bình luận của bà gác cổng Julietta, người báo tin cho tao, thì mục
đích của việc này rất có thể là để tránh sự nhòm ngó của “công an khu vực”. Đêm ấy tao đã
trằn trọc ít nhiều, đương nhiên không phải vì cụm từ nhạy cảm kia (tao biết có không ít di
dân vẫn bị chế độ độc tài cố quốc ám ảnh, dù đã chạy sang Paris sinh sống mấy chục năm)

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 51


mà vì tiếng nhạc từ tầng trệt vọng lên còn mỗi rock và lambada khiến tao tự hỏi “Hoa đẹp
chăm pa” và Tango quận Cam giờ này đang rong ruổi cùng bốn đứa đồng hương của tao ở
phương trời nào, có gần một quán Chào Bà cho chúng nó mỗi đầu giờ chiều mở mắt ra là
được điểm tâm thịt heo ngũ vị hương hay cá kho, chả giò, khiến cái nhìn của chúng nó đỡ
uể oải đôi chút và nỗi nhớ cơm Việt của chúng nó nguôi ngoai phần nào. - Tại sao người
Việt đi đâu cũng khổ? hai mươi năm trước một nhân vật của tao từng hỏi, bây giờ chẳng lẽ
tao hỏi lại mày, Mina.
Ngoài dự đoán của tao, ông chủ Giăng-Mắc của Thai Gogo Bar mà trong lần tiếp cận đầu
tiên và duy nhất tao từng ngay lập tức ngưỡng mộ giọng nói du dương như ca sĩ chuyên
nghiệp, đã không để trong tao những ấn tượng lâu dài. Đúng là nếu không đọc lại thư viết
cho mày đêm hôm ấy, thì tao đã quên là ngay sau buổi gặp, tao đã tự đặt khá nhiều câu hỏi
về con người này, về một mối tình rất có thể là lãng mạn với một đồng hương sống ngay
trên tầng áp mái của tao, thậm chí tao còn xuống gặp cả mụ Julietta để dò tin. Nhưng sự
quan tâm chỉ dừng lại ở đó. Mấy tháng sau, nhân phải trả bài cho một số báo Tết ở Hà Nội,
tao đã thử biến gã thành nhân vật mà không sao tìm được cảm hứng. Mọi cố gắng tưởng
tượng, phân tích, dự đoán nhanh chóng tan thành mây khói. Để rồi trong một đêm nằm
nghe tiếng gió thổi phù phù qua lò sưởi, một truyện ngắn viết xong, đủ số từ yêu cầu, không
bị chệch chủ đề “ẩm thực Việt ở nước ngoài”, nhưng gã đàn ông ấy hiện ra thật mờ nhạt.
Lúc này, khi gộp nó vào đây, tao quyết định thêm tên riêng để giúp mày liên tưởng đôi chút
đến Jean-Marc mà tao từng kể cho mày. Mày nhớ chứ dưới ánh đèn vàng, gã trán cao, mắt
trong, thanh mảnh, tóc dài phủ kín vai. Mày nhớ chứ, giữa mùi son phấn ngầy ngậy, màu
da thịt trắng ởn, tiếng reo hò bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Phật Thích Ca bị lôi xềnh xệch,
Maria Callas vẫn hát Ave Maria và gã ngó tao từ đầu đến chân - tao cũng ngó gã từ đầu tới
chân. Gã nheo mắt - tao cũng nheo mắt. Gã hít một hơi thật sâu - tao cũng hít một hơi thật
sâu. Gã hất hàm ra hiệu cho tao tiến lại gần hơn - tao cũng tiến lại gần hơn. Gã dùng tay
phải vuốt tóc tao - tao cũng để cho gã vuốt. Gã dùng tay trái nâng cầm tao - tao cũng để cho
gã nâng. Gã dùng cả hai tay đặt lên má tao - tao cũng để cho gã đặt. Gã nhìn sâu vào mắt
tao - tao cũng nhìn sâu vào mắt gã. Gã hỏi tao: - Cô sống trên tầng áp mái? Tao gật đầu. Gã
hỏi tiếp: - Cô ở đây lâu lắm rồi? Tao gật đầu. Gã hỏi tiếp nữa: - Mười bảy năm trước? Tao
im lặng. Gã ngó tao trân trối. Tao ngó gã trân trối. Một đám mây nhỏ bay trước mắt gã. Gã
quay lưng bỏ đi. Tao lại đứng như trời trồng... Bây giờ, khi gõ lại cho mày những dòng này,
tao chợt nghĩ đến câu “Hãy cẩn thận, nhiều khi gã bịnh lắm” con Mè-zí và mụ Julietta mấy
lần nhắc tao, trong vòng một tiếng đồng hồ hôm ấy. Tao không hiểu gã có “bịnh” không
nhưng tao bỗng có cảm giác trong lòng gã là một nỗi đau há miệng đã từ lâu. Một hôm
nào đó, vừa bước chân vào phố André-Antoine vốn im lìm các buổi sáng, tao phải bịt tai vì

52 Z Z Z REVIEW
còi xe cứu thương và tiếng thất thanh của mụ gác cổng Julietta hay vài nhân viên của quán
Chào Bà trước một thân thể bê bết máu sõng soài dưới mặt đường lát đá, tóc dài phủ kín
vai. Nếu có một hôm như thế, thì có thể tao không có quyền ngạc nhiên. Tao sẽ phải nhìn
lên các cửa sổ tầng áp mái. Phòng nào? Mười bảy năm về trước? Chủ nghĩa cá nhân biến
mỗi chúng ta thành một ốc đảo mà ngay từ đầu cái chết đã lãnh nhiệm vụ một ngày nào
đấy sẽ mang đi nguyên vẹn.
Tao đang viết cho mày từ bàn ăn căn hộ gia đình. Nói chính xác là căn hộ của Artur, chồng
tao. Tao xách va li về đây khi anh ấy đã mua nó từ lâu, đã cho sửa chữa theo ý của anh ấy, đã
sắp đặt mọi thứ từ đồ gỗ đến đồ điện, từ khăn lau trong bếp đến khăn mặt trong buồng tắm,
tất cả đều theo ý anh ấy. Sự xuất hiện của tao hầu như không làm thay đổi cái gì trong nhà.
Có chăng chỉ vài bộ quần áo, vài đôi giày, vài cuốn sách mà tao không mất công cũng tìm
được một góc nào đấy để cất mà chẳng làm ảnh hưởng đến bố cục và trật tự chung đã có.
Artur đã quyết định giúp tao tiếp tục thuê căn phòng áp mái nơi giữ lại phần lớn đồ đạc của
tao. Nó là cái kho của riêng tao mà nếu chẳng may chuyển hết về căn hộ gia đình thì sẽ vô
duyên như khách không mời. Trên thực tế, quyết định của Artur đâm ra có ích cho tao hơn
cả cho anh ấy: căn phòng áp mái đã nghiễm nhiên trở thành bí mật thuộc về tao mãi mãi.
Người Pháp hay nói “jardin secret”. Còn tao, tao không có vườn, mà có phòng. Căn phòng
bí mật. Nơi tao có thể đến sống một vài tuần, như tao muốn, khi chồng tao mang thằng
Viktor đi nghỉ. Nơi tao có thể nằm yên hàng giờ để nhớ về Vĩnh, như tao muốn, trong tiếng
mưa gõ miên man lên mái nhà.
Bác Chắt, chị Chiến, thằng Lùn, bà chủ tiệm may Saigon-Cali-Taylor, thi sĩ Nam Định và
nàng thơ của anh, Roger Balasko và hai đứa con gái nuôi, tao đều không có dịp gặp lại. Các
câu chuyện của họ thỉnh thoảng sống dậy trong đầu tao, mỗi lần dưới một dị bản ít nhiều
khác nhau, khiến sự thật dường như ngày càng trở nên khó nắm bắt, bị lấp sau tầng tầng
lớp lớp sương mù. Ký ức của tao vẫn cần mẫn tìm cách sắp xếp mọi thứ vào những ô nhỏ,
theo một trật tự bí hiểm, mà tao nhiều khi muốn tìm lại cũng bó tay, hoặc không ít lần lẫn
ô này vào ô kia và thỉnh thoảng cũng bất ngờ tạo ra một kết quả tạm gọi là thú vị theo kiểu
râu ông này cắm cằm bà kia.
Pema gọi điện cho tao vào một buổi sáng mùa xuân. Trên đường qua Luân Đôn thăm gia
đình, nó quá cảnh ở Roissy, nhưng thay vì bay tiếp, nó quyết định ghé Paris nửa ngày. Bọn
tao ngồi với nhau trong công viên parc de Sceaux rất lâu. Chính nó đề nghị tao đưa thẳng
đến đó. Nó bảo trước khi đặt chân vào đây, nó đã mường tượng ra một công viên như thế,
qua lời kể của anh người yêu nó. “Anh ấy sống ở khu này, buổi sáng anh ấy thường chạy bộ
dọc con kênh, chính cạnh ba con hươu bằng đồng đen anh ấy thường dừng lại nghỉ giữa
chừng và nhắn tin cho em. Còn bức tượng Hercule ẵm đứa nhỏ, em đã nhìn thấy trong một

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 53


bức ảnh anh ấy chụp vào đầu thu năm ngoái lúc công viên bắt đầu chuyển sang màu vàng.
Lâu đài điểm gạch đỏ, đối diện là cái hồ nhỏ và những cây cảnh được cắt theo hình tháp,
từng minh họa cho một bài báo của anh ấy về mối quan hệ Paris-Kabul. Em có cảm giác
sáng nay, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi bọn mình đến đây, anh ấy cũng đi dạo trên con
đường này, dưới vòm hoa anh đào này, trong mùi cỏ ướt này, thậm chí ngồi ở ghế đá này để
hút thuốc và nghĩ về Sài Gòn thành phố của em, về cơn mưa trưa mà em từng kể trong một
bài thơ làm tặng anh ấy. Paris không có những cơn mưa đột ngột ập xuống khi trời đang
nắng to.” Pema nhìn ra mặt hồ và tao thấy trong cặp mắt nâu trong veo của nó từ từ rơi ra
hai giọt nước, trên mỗi giọt nước in bóng những bông anh đào trắng tinh như chiếc khăn
lụa đang vắt hờ trên vai. Mina, tao chưa bao giờ thấy Pema xinh đẹp như lúc ấy. Tình yêu,
ngay cả khắc khoải, vẫn có sức mạnh kỳ lạ. Tao chợt nghĩ và tao thấy nhớ Vĩnh cồn cào.
“Đó là thời trước khi đi làm tin ở Kabul. Anh ấy thường viết cho em những bức thư dài, đôi
khi, cuối câu là một đoạn văn của Duras. Anh ấy biết em là fan của Duras.”
Tao mở to mắt nhìn Pema, mọi thứ trước tao bỗng nhòa đi. Giọng Sài Gòn của nó trầm
hẳn xuống:
- Hi-ro-shi-ma... c’est ton nom.
- C’est mon nom, oui. Ton nom à toi est Nevers. Ne-vers-en-Fran-ce.
Lần cuối cùng tao nghe câu này là trong khách sạn ở Barcelona. Vĩnh đọc với cái giọng nửa
Bắc nửa Nam của anh.
“Anh ấy bảo ở Hiroshima, sau khi quả bom đó ném xuống, người ta vẫn buộc mỗi ngày phải
hít thở, ăn uống, đi đứng, làm việc, suy nghĩ, ngủ, và gặp ác mộng. Nhưng trên đời này, ít ai
có thể làm tình bên cạnh các hồn ma. Trừ những kẻ thèm khát nhau ghê gớm. Anh ấy tin
rằng để tồn tại được đến bây giờ, thành phố này đã giữ lại những công dân thèm khát nhau
ghê gớm. Nhưng thay vì tới Hiroshima, anh ấy đã chọn Kabul, anh ấy bảo một nhà báo
chiến trường không thể không có mặt tại điểm nóng nhất hành tinh hiện nay. Ở Kabul có
bao nhiêu kẻ thèm khát nhau ghê gớm, em không biết, nhưng em biết anh ấy nhanh chóng
nghiện cảm giác chênh vênh, nghiện sự nguy hiểm. Chiến tranh đã làm hỏng tất cả, ngay
cả khi người ta vô can,” Pema nói, chiếc khăn trắng phập phồng theo gió đưa từ mặt kênh.
Buổi chiều muộn, trên sân ga Du Nord, khi còi hú lên báo hiệu sắp đến giờ tàu Paris - Luân
Đôn chuyển bánh, nó nhìn tao khẽ nói: “Em sẽ đóng gói cuộc hò hẹn dài, đẹp, nhưng ít
hiệu quả này lại, cất vô... bảo tàng. Em hy vọng cuối đời nhìn lại, anh ấy sẽ cảm thấy tự
hào vì đã lấy được tình yêu trọn vẹn của em 365 ngày liên tiếp. Quả thật, suốt một năm ấy,
không ai có được đặc quyền này đâu.”

54 Z Z Z REVIEW
Họ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Pema chủ động biến khỏi tầm mắt của anh nhà báo
chiến tranh sau một cú click. Nó bảo cái gì chưa bao giờ bắt đầu thì cũng sẽ chẳng bao giờ
kết thúc. Nó là đứa thích những cái dở dang, tao biết. Mấy tháng sau, tao gặp anh ta, một
cách tình cờ, trong buổi ra mắt sách của một đồng nghiệp. Ngay lập tức tao nhận ra người
đàn ông mà Pema từng yêu, một trung niên cao gầy, đeo túi vải, luôn giữ trong tay chiếc
máy ảnh gắn ống kính dài. Chúng tao trao đổi dăm ba câu. Giữa chừng, tao tự hỏi hôm nào
đó có nên gặp lại anh ta, cho anh ta xem những gì Pema đã kể, thậm chí có thể gợi chuyện
để dò tin. Câu chuyện của hai con người này có vẻ thú vị nhưng đã được lọc qua ống kính
của Pema, e là khó khách quan. Nhưng như mày thấy đấy, cho tới bây giờ vẫn chưa ai được
quyền chạm vào, dù chỉ một dòng trong những lá thư này. Tự thâm tâm, tao muốn mày đọc
chúng. Có lẽ đó là lý do tao sẽ cho xuất bản mà không chỉnh sửa. Đây có thể được coi là một
tác phẩm văn chương không, tao không biết. Nhưng thế nào là một tác phẩm văn chương,
tao cũng có biết đâu.
Mina, chào mày nhé, bạn hiền của tao. Hy vọng từ một nơi nào trên trái đất, mày đọc được
những dòng này và nhận ra tao. Tao biết hy vọng của tao nhỏ nhoi vô cùng. Ngăn kéo mang
tên “Mina” hóa ra chưa thể đóng lại.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 55


28
Giữa chó và người
Cá Hồi Hư

Tiểu thuyết 28 của nữ nhà văn Hàn Quốc Jeong You-Jeong làm tôi nhớ đến hai thứ. Thứ
thứ nhất là những tuyên truyền phòng chống bệnh dại lây lan từ chó mà tôi nghe trên các
loa phường, TV, đài phát thanh và báo chí trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Thứ thứ
hai là một số bộ phim về dịch bệnh quét sạch loài người, có thể kể đến hai phim zombie của
Anh, 28 Days Later và 28 Months Later, và Contagion, một phim Mỹ hồi 2011 có sự tham
gia của nhiều tên tuổi lớn như Jude Law, Matt Damon, Kate Winslet... Tôi sẽ không mấy
ngạc nhiên nếu tác giả một ngày nào đó cho biết rằng cô chịu ảnh hưởng của những phim
này khi viết 28, nhất là từ Contagion.
Dịch bệnh có lẽ không phải là một chủ đề mới. Trong lịch sử loài người, có những lúc
dịch bệnh quét sạch đến 80% tổng dân số toàn cầu, mãi cho đến tận bây giờ, không có năm
nào là không có một dịch bệnh bùng phát ở đây đó trên thế giới, dù rằng với sự tiến bộ của y
tế và của công nghệ nói chung, con người trong vai trò của một loài, ngày càng đề kháng tốt
hơn. Trong bối cảnh phức tạp, sáng tối lẫn lộn của thế giới ngày nay, mỗi khi một dịch bệnh
lớn bùng phát, là ta lại thấy ở đó đầy đủ những điểm sáng làm ta trầm trồ nếu ta nhìn từ bên
ngoài vào như một kẻ quan sát ngoài cuộc, giả sử ta là một sinh vật thông minh ngoài hành
tinh chẳng hạn: cách các tổ chức y tế xoay sở đối phó và tìm ra cách chữa bệnh, cách mà
các chính phủ điều động xã hội, tuyên truyền trấn an dân chúng, cách mà mỗi người hoặc
mỗi nhóm nhỏ người trong cuộc xoay vần ấy tự tìm cho mình sự an toàn, an toàn bản thân
và an toàn trong tâm lý, một sự an toàn phòng hờ nào đó để giữ gìn mạng sống của mình
và người thân trong trường hợp mọi thứ đổ vỡ hết. Đấy, tôi nghĩ là tham vọng của Jeong
You-Joeng với 28: cô cố gắng miêu tả bức tranh một dịch bệnh từ góc nhìn rộng khắp, từ
trên cao xuống tới từng chi tiết, từng mặt, từng góc của nó, từng con người, từng con thú,
những khát vọng và bản năng của chúng, kể cả những dằn vặt nội tâm móc nối đến những
gì chúng làm trong quá khứ.
Chuyện bắt đầu từ khi một người phối giống chó tự dưng đổ bệnh, mắt đỏ quạch như
máu, sốt cao không dứt rồi lăn ra chết chỉ sau vài ngày. Góc nhìn xoay qua toán nhân viên
cứu hộ, trong đó có một anh rất điềm tĩnh, quả cảm và một anh khác được cho là có lịch

56 Z Z Z REVIEW
sử hành vi tàn bạo với thú vật và với người. Những hình ảnh đầu tiên về dịch bệnh được
truyền tải thông qua đôi mắt của một nữ y tá chăm chỉ và cô đơn, nhân vật gợi nhớ đến
xuất thân y tá của tác giả. Sau đó cùng với chiều đi lên nhanh chóng và tàn khốc của dịch
bệnh được tạm gọi là “Mắt đỏ”, góc nhìn xoay qua một vài nhân vật khác: một bác sĩ thú y
tai tiếng, cô phóng viên điều tra có ân oán cá nhân với anh này, hai con chó được anh kia
nuôi, cậu nhân viên cứu hộ tàn bạo kể trên. Mỗi nhân vật chủ thể của góc nhìn đó lại có liên
hệ với một vài nhân vật phụ khác: người em trong quân ngũ, người bố thích lo chuyện bao
đồng, người vợ và con gái, người em gái bị câm, các đồng đội, các đồng nghiệp, mẹ đồng
nghiệp, người bố độc mồ... Mỗi người trong số đó đóng một vai trò, dù là rất nhỏ, gần như
vô danh, trong toàn bộ chuyển biến của xã hội, qua đó tác giả phác họa nên hành động của
chính phủ, của thị trưởng, của ngành y tế, của quân đội, của báo chí, của bà con trên mạng
xã hội, của người chồng người cha, của người đang yêu và của chó đang yêu, của người vợ lo
âu ở nhà chờ chồng... Dịch bệnh biến Hwa Yang, một bed city của Seoul thành một vùng
giới nghiêm, bị bao vây bởi xe tăng và súng ống, nội bất xuất ngoại bất nhập. Con người
trong vùng giới nghiêm này chết đi từng ngày, từ một khu dân cư thành một vùng vô chính
phủ, rồi đến một vùng đất chết. Mối quan hệ giữa người và người, thiểu số và đa số, người
và chó, chó và chó qua đó được bộc lộ rõ và sâu sắc.
Cách kể chuyện từ ngôi thứ ba, không có nhân vật nào thật sự là chính; cách cắt cảnh
nhanh và đột ngột, các đường dây liên hệ từ nhân vật này sang nhân vật khác của Jeong
You-Jeong tạo cho người đọc cái cảm giác đang xem một series phim truyền hình. Thú vị ở
chỗ, nếu bạn xem nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, đâu đó bạn sẽ nhận ra các vệt hóm
hóm, có xu hướng lãng mạn, nhất là khi tác giả kể về mối quan hệ tình cảm từ ghét thành
yêu giữa anh thú y và chị nhà báo, và giữa con chó hoang và chị chó nhà. Dù cho sống chết
nguy cấp kiểu gì, yêu thì vẫn cứ phải yêu, thoát làm sao cho được tấm lưới của ái tình, hả
em. Yêu và ghét, nó giống như một bản năng vậy. Để miêu tả bản năng rõ ràng hơn, đôi
khi tác giả nhân cách hóa các nhân vật chó, ban cho chúng khả năng biết tình yêu là gì, ban
cho chúng những hành động rất lãng mạn. Chó cũng biết thù và trả thù. Đôi khi trả thù là
cách để một sinh vật trút bỏ cái gánh nặng nó mang theo, tức là trả thù cũng là một cách
sinh tồn. Bản năng sinh tồn không chỉ nổi bật ở các nhân vật chó, mà còn ở các nhân vật
người. Con người, một loài trong suốt lịch sử của mình, liên tục bồi đắp cho yếu tố xã hội,
vẫn còn đó một khối bản năng nằm sâu bên trong. Đôi khi, độ dày mỏng của các lớp xã hội
bọc lên trên khối bản năng là thước đo chỉ dẫn ta đến cái kết luận rằng mỗi cá thể người là
tốt hay xấu. Trong khi phần lớn các nhân vật còn lại là mang một tông màu xám, nhân vật
anh cứu hộ tâm thần tàn bạo rất gần với màu đen. Anh này giết chó, thù chó, lừa lọc bạn
bè, bị tống vào nhà thương điên, đốt luôn cả nhà thương điên để trốn ra ngoài, tiếp tục đi
giết chó. Trong bối cảnh vô chính phủ, nhân vật này tung hoành. Trong khi các nhân vật
khác say sưa bảo đảm nghĩa vụ xã hội của mình, say sưa hoàn thành nhiệm vụ, say sưa bảo

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 57


vệ, thì anh ta trở về với cái tôi căn bản nhất. Anh ta hành động để giải quyết nỗi sợ, để giải
quyết hận thù, để sống tiếp, để sinh tồn. Tuy nhiên, không đơn giản như thế, tác giả đào lên
một ít quá khứ của anh này để cho thấy vì sao anh như thế: đó chính là vì cách đối xử lồi
lõm của người cha (người vô tình là giám đốc một bệnh viện trọng điểm trong tâm bệnh)
mà anh này nhận được trong suốt thời thơ ấu của mình. Xã hội ném vào bạn một động lực
ẩn tàng, sau đó chỉ thẳng ngón trỏ vào bạn bất cứ khi nào bạn cầm trên tay một con dao.
Mối quan hệ người - chó là một trong những chủ đề chính của 28. Từ những ngày đầu
lịch sử của mối quan hệ, chó dần dần trở thành một sản phẩm của nền văn minh loài người,
chúng không còn là một loài hoàn toàn được tạo ra bởi mẹ tự nhiên, mà chúng được tạo ra
vì nhu cầu của con người. Ban đầu, con người nuôi dưỡng và lai tạo ra chó để phụ đi săn,
để sủa mỗi khi có thú hoang đến gần nhà cửa vườn tược. Thời nay, người ta chớp mắt xuýt
xoa về tình bạn liên loài tuyệt vời: con người tạo ra chó để làm một chỗ dựa mỗi khi mối
quan hệ của họ và đồng loại trục trặc. Chúng ta coi chó như một đồ vật, một thuộc tính
của chúng ta. Chúng ta thương chó như con, nhưng thật ra sâu trong chúng ta tồn tại một
sự thật mà chúng ta tránh né: chó cũng chỉ là một thứ nhân tạo mà thôi, tình cảm liên loài
đẹp đẽ kể trên là một ảo giác tạo ra bởi sự tôn sùng hình ảnh của chính bản thân mình. Khi
dịch bệnh đến, chúng ta chỉ tay vào chó, quân đội đến trước cửa bắn thẳng vào bất kỳ con
chó nào xuất hiện trước mắt họ, chúng ta không còn đủ can đảm để giữ bên mình người
bạn thân thiết nữa. Thay vì tự tay giết bạn, chúng ta thả bạn ra đường, để bạn trở về với cuộc
sống tự do đầy đe dọa. Khi đó bản năng sinh tồn biến bạn thành thù: mối thù giết vợ mà

58 Z Z Z REVIEW
anh nhân viên cứu hộ quả cảm phải trả đẩy bi kịch người-chó lên đến cực điểm. Chó, đối
tượng được cho là mang mầm bệnh, và là nguồn gốc truyền bệnh sang người trở thành mục
tiêu cần tiêu diệt. Ta thấy ở nửa sau của 28 nhiều cảnh hàng ngàn xác chó được đẩy xuống
các hố chôn khổng lồ, một cảnh tượng thảm khốc rất gợi hình.
Nhưng không chỉ có thể, bệnh “Mắt đỏ” còn truyền được từ người sang người, tức
là những người bị bệnh, ngoài kim tiêm và cháo, còn phải đối mặt với họng súng chĩa vào
mình từ phía những đồng loại còn khỏe mạnh. Chính phủ, một trong những đỉnh cao của
văn minh loài người, được tạo ra để duy trì sự ổn định, bảo vệ sự an toàn của một cộng đồng
người, trong cơn khủng hoảng, bèn hành động như một thực thể sống có tư duy của riêng
nó, được thôi thúc bởi nỗi sợ của những người còn sống. Toàn bộ Hwa Yang bị vòng vây
của quân đội phong tỏa, những chiếc xe chở lính chở theo trên đó người em trai của cô y tá
chăm chỉ cô đơn, người cô thỉnh thoảng đến thăm với một cái váy ngắn; túa về từ khắp nơi,
sẵn sàng giết bất kỳ đối tượng biểu tình bệnh tật nổi loạn nào cố gắng thoát ra bên ngoài.
Ở đây ta thấy cái câu hỏi khắc nghiệt ấy: số đông sẽ làm gì với đám thiểu số đang đe dọa
mình. Cái thiểu số tội nghiệp đang vật lộn với bệnh tật bên trong vòng vây bỗng ngước mặt
nhìn thấy cái chính phủ mình góp phần dựng lên quay lưng với mình, trở thành một mối
đe dọa bổ sung. Trật tự bị lật ngửa chỉ bằng một cú cắn của một con chó. Trước khi chết,
sẽ có nhiều người bệnh trong 28 nghĩ ý nghĩ cuối cùng của mình: liệu sự tồn tại của một
chính phủ có đáng hay không.
Sẽ rất khó để phân tích hết các theme trong 28, bởi khả năng kể chuyện của tác giả là
khá lão luyện. Các theme đan cài với nhau mạch lạc, cùng dẫn dắt nhau về một vấn đề chủ
chốt, đó là khi các xã hội an toàn ổn định nhiều quy tắc của chúng ta bỗng chốc sụp đổ, thì
điều gì sẽ diễn ra, khi đó, chúng ta có trở thành những sinh vật sống vô tổ chức giống như
bầy chó hoang hay không, và liệu sau khi cơn bạo loạn qua đi, chúng ta có còn tin tưởng
ở trật tự. Đọc 28, đối với tôi, ngoài thưởng thức một câu chuyện cực căng, còn là một dịp
quan sát cách xây dựng tiểu thuyết rất hiện đại của Jeong You-Jeong. Sở dĩ tôi không nêu
tên các nhân vật trong bài viết này là bởi vì tôi thích cái cách mà tác giả mô tả họ như những
con người bình thường, vô danh, làm những công việc bình thường, là một bánh răng
trong guồng máy xã hội. Từ họ, ta có thể lần theo các manh mối để có hình dung rõ ràng về
một giai đoạn lịch sử cụ thể, về cách vận động của một cỗ máy cụ thể, dù là giả tưởng. Khi
cái cỗ máy đó bước từng bước tới bờ vực hỏng hóc, liệu bánh răng nào vẫn còn quay tiếp
vòng quay nghĩa vụ của nó? Và, nếu nhìn vào bên trong mỗi bánh răng, chuyện nó còn quay
hay gãy, gãy vì áp lực bên ngoài hay tự thân chọn sự gãy, là phụ thuộc vào bản năng sinh tồn
của mỗi bánh răng đấy.

P/S: nghe album F♯ A♯ ∞ của Godspeed You! Black Emperor trong khi và sau khi đọc tiểu
thuyết này mang lại một trải nghiệm cảm giác tận thế và vô chính phủ rất thú vị.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 59


BOHUMIL HRABAL
(Ảnh của Hana Hamplova.
Giấy phép: CC BY-SA 3.0)
quá ồn
một nỗi cô đơn
(trích dịch)
Bohumil Hrabal
Đăng Thư dịch

“Tôi viết xong quá ồn một nỗi cô đơn khoảng năm 1976 và thực tế tôi đã làm
công việc giống như nhân vật Haňťa trong bốn năm 1954-1958. Nhưng kinh
nghiệm của thời gian đó quá mạnh tới mức khi viết tôi không phân biệt được
giữa mình và Haňťa nữa; chúng tôi đã hoà thành một... và ý tưởng cứ đeo bám
tới mức nhiều lúc tôi ngồi viết ngay trong ô-tô. Tôi đã chọn hình thức thơ tự
do, như Apollinaire, để viết phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn đầu tiên. Tôi hoàn
tất sau một tháng, và khi cảm xúc dịu lắng tôi đọc lại những gì đã viết, tôi không
thích và lại ngồi xuống viết phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn thứ hai gợi hứng
từ bản đầu, và tôi chen vào trang viết ngôn ngữ đường phố và tiếng lóng của
Prague, và quá ồn một nỗi cô đơn trở thành văn xuôi, kiểu văn nói. Và tôi lại sung
sướng khi viết phiên bản thứ hai, và khi viết xong, sau một thời gian băn khoăn
với bản văn và thấy rằng Haňťa tiếp nhận học vấn không có chủ đích, tôi thấy
nên thử phiên bản thứ ba, và theo kiểu văn viết học thức hơn. Thế là tôi lại hào
hứng bắt đầu phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn cuối cùng, thỉnh thoảng tôi đọc
lại hai phiên bản kia, và tôi viết, viết rất lâu cho đến khi tôi tìm ra giọng điệu
của phiên bản này, chính là nó... Nhưng tôi sợ hãi cả ba phiên bản quá ồn một
nỗi cô đơn đó.”

(Bohumil Hrabal trả lời phỏng vấn dịch giả bản tiếng Ý Sergio Corduas ngày
14.09.1987)

 

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 61


... Bóng đèn vẫn rọi xuống đầu tôi, hai nút xanh đỏ vẫn đẩy vách máng ép lui tới, và
cuối cùng tôi cũng đã tới đáy đống giấy, và như một công nhân xây dựng xúc đất tôi dùng
đầu gối làm đòn bẩy nạy lên lớp đáy giống đá vôi, giống đất sét. Quẳng một xẻng đầy đặc
sệt cuối cùng vào máng ép, tôi tưởng tượng mình là người nạo ống cống đang dọn sạch một
lòng kênh ngầm hoang phế. Tôi mở cuốn Thiên Thể Luận ra đặt vào kiện cuối cùng, và sau
khi ràng dây thép quanh kiện, cho lên xe đẩy đi, và lăn nó xuống cùng chỗ các kiện khác,
tôi ngồi trên bậc cấp thả hai tay buông thõng giữa hai chân chạm vào sàn bê-tông lạnh. Hai
mươi mốt bông hoa hướng dương sáng soi gian hầm tăm tối và mấy con chuột còn lại run
rẩy vì thiếu giấy; một con chạy tới tấn công tôi, nhảy chồm trên hai chân sau và tính cắn hay
quật ngã tôi, thân hình bé tí vươn thẳng, nhảy xổ vào chân tôi và gặm vào chiếc giày cho
đến khi nó sau cùng đã hụt hơi rồi ngồi ở một góc giương mắt nhìn chăm chăm, nhìn thẳng
vào mắt tôi, và ngay lập tức tôi bắt đầu rùng mình, vì trong đôi mắt chuột ấy tôi đã thấy
điều gì đó lớn hơn cả vòm trời tinh tú trên đầu hay quy luật luân lý trong lòng. Như một
ánh chớp loè Arthur Schopenhauer(1) hiện ra trước mặt và cho tôi thấy rằng quy luật cao
nhất là yêu thương, tình yêu thương chính là lòng thông cảm. Tôi đã hiểu ra tại sao Arthur
ghét anh chàng lực sĩ Hegel, và tôi mừng là Hegel với Schopenhauer không cầm đầu hai đạo
quân thù địch, bởi vì hai người đó sẽ giao tranh cùng một trận chiến giống hệt như hai binh
đoàn chuột trong lòng cống Praha.

Tôi đã rã rời khi về tới nhà nên để nguyên quần áo ngả người xuống giường, và nằm
vắt ngang đó dưới mái che là những dãy kệ chứa hai tấn sách, tôi nhìn lên xuyên qua ánh
sáng lờ mờ ngoài đường hắt vào và qua những khe hở trong các kệ sách, và khi mọi vật im
lặng như tờ tôi bắt đầu nghe tiếng răng chuột gặm, nghe chúng nhấm liên tục trên vòm trời
sách của tôi, và âm thanh rúc rích ấy khiến tôi kinh hãi, bởi vì chẳng bao lâu nữa chúng sẽ
làm ổ, và vài tháng nữa sau khi lũ chuột làm ổ chúng sẽ tìm được chốn an cư, và sáu tháng
sau chúng sẽ thành cả một ngôi làng, và theo cấp số nhân sẽ cùng phát triển trong vòng một
năm thành một đô thị, một đô thị chuột có khả năng gặm thủng những vách ván và xà nhà
hết sức tài tình tới độ chả mấy lúc - phải, thời gian không còn xa nữa - chỉ cần một tiếng
lớn giọng hay một động chạm vô tình là nguyên cả hai tấn sách đổ ập xuống đầu tôi và trả
thù tôi cho thoả vì bao nhiêu kiện giấy tôi đã nghiến bẹp lũ chuột bên trong. Dù vậy, tôi
vẫn nằm đấy, lơ mơ ngủ, chìm đắm trong tiếng gặm nhấm không ngừng trên đầu, và như

1. Arthur Schopenhauer (1788-1860), triết gia Đức là người đã đồng thời phản bác cũng như mở rộng tư duy triết học
của Immanuel Kant và xây dựng lý thuyết siêu hình.

62 Z Z Z REVIEW
thường lệ khi tôi thiếp đi, hoà vào giấc ngủ cùng tôi là cô gái di-gan bé bỏng mang hình hài
dải Ngân Hà, nàng di-gan lặng lẽ, vô tư là mối tình thanh xuân của tôi và từng đứng chờ tôi
với một bàn chân hơi đưa lên phía trước và đặt sang một bên, như tư thế cơ bản của người
vũ nữ ballet, người đẹp yêu kiều đã quên lãng từ lâu của tôi thời trai trẻ.

Người nàng đầy mồ hôi và một chất nhờn mùi sáp thơm xạ hương bao bọc những
ngón tay tôi ve vuốt, và nàng luôn mặc cùng một chiếc váy phía trước dính đầy nước xúp và
nước thịt và phía sau đầy những đốm mọt đục và vôi trắng do mang vác những tấm gỗ mục
nàng tìm được trong đống đổ nát. Tôi gặp nàng gần cuối cuộc chiến khi trên đường về nhà
từ quán Horky, nơi tôi đã làm mấy vại bia, nàng đã bám riết lấy tôi, đi theo không mời gọi,
khiến tôi phải ngoái qua vai trò chuyện, nàng không thử bước lên trước một lần, cứ khoan
thai lặng lẽ đi sau, và khi tới giao lộ đầu tiên tôi nói, À, tạm biệt, anh phải đi đây; nhưng
nàng nói nàng đang đi cùng hướng, khi đến cuối đường Ludmila tôi nói, À, tạm biệt, anh
phải về nhà thôi; và nàng nói nàng đang đi cùng hướng, thế là chúng tôi đi, tôi cố ý đi đến
tận Žertva rồi chìa tay ra cho nàng và nói, Giờ anh phải về nhà thôi; nhưng nàng vẫn em
đang đi cùng hướng, khi đã đến đường Na Hrázi, tôi nói anh đến nhà rồi và chúng ta phải
chia tay; và khi đã dừng chân dưới ngọn đèn khí đốt trước cửa nhà mình và đã nói, À, tạm
biệt thôi, đây là nơi anh sống; nàng vẫn là em cũng sống nơi đây, thế là tôi mở cửa rồi ra dấu
nhường cho nàng vào nhưng nàng từ chối bảo tôi đi trước, do hành lang tăm tối, tôi nghe
theo, đi xuống cầu thang vào sân trong rồi lên tới cửa phòng mình, và khi mở cửa, tôi quay
lại bảo, À, tạm biệt, đây là phòng của anh; và nàng nói đó cũng là phòng nàng, rồi nàng vào
trong, chia sẻ chiếc giường cùng tôi, và khi tôi thức dậy trên chiếc giường còn ấm hơi nàng
thì nàng đã ra đi. Nhưng hôm sau, và ngày ngày sau nữa, tôi vừa đặt chân vào sân nhà là đã
thấy nàng ngồi trên bậc cấp trước cửa phòng tôi và nằm dưới cửa sổ là mấy tấm gỗ trắng và
xà nhà cưa nhỏ, tôi mở khoá, nàng thường bật dậy như con mèo và chạy vụt vào phòng, cả
hai không ai nói một lời. Sau đó tôi đi mua bia với chiếc bình lớn năm lít, còn cô gái di-gan
sẽ nhóm chiếc lò gang cũ, lò cháy phừng ngay cả khi mở cửa lò, do phòng này từng là tiệm
thợ rèn có trần cao và một lò sưởi khổng lồ, và nàng sẽ làm bữa tối, lúc nào cũng chỉ một
món goulash khoai tây với salami thịt ngựa, rồi ngồi bên lò, châm củi đều, lửa nóng rực
khiến vạt áo nàng ánh vàng và mồ hôi ánh vàng trên đôi tay, trên cổ và trên gương mặt trông
nghiêng không ngừng biến đổi, còn tôi nằm trên giường, chỉ ngồi dậy giải khát bằng bình
bia, uống xong tôi đưa bình cho nàng, và nàng thường cầm chiếc bình lớn bằng cả hai tay
rồi uống say sưa tới mức tôi nghe tiếng cổ họng nàng máy động, nghe trong ấy một âm rền
rĩ khe khẽ như tiếng máy bơm đâu đó xa xăm. Ban đầu tôi nghĩ nàng cho quá nhiều củi vào
lò cho tôi hài lòng, nhưng sau đó tôi hiểu ra chính là lửa ở trong nàng, ngọn lửa thâm tâm,
nàng không thể sống thiếu lửa.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 63


Như thế chúng tôi cùng chung sống mặc dù tôi quả thật không hề biết tên nàng và
nàng không hề biết hay muốn hay cần biết tên tôi; chúng tôi cứ gặp nhau mỗi tối, dẫu tôi
không bao giờ giao cho nàng chìa khoá và có khi ở ngoài rất muộn, mãi tới nửa đêm, nhưng
ngay khi tôi mở cửa chính là sẽ thấy một chiếc bóng lướt qua, và nàng đó, đánh một que
diêm, đốt mấy tờ giấy, và một ngọn lửa sẽ phập phồng bừng cháy trong lò, cái lò nàng không
ngừng châm bằng nguồn củi gỗ của cả tháng nàng đã đặt dưới cửa sổ. Và sau đó trong buổi
tối, lúc chúng tôi im lặng dùng bữa, tôi thường bật sáng đèn lên ngắm nàng bẻ bánh mì ăn
cứ như đang nhận thánh thể rồi gom hết vụn bánh trên váy áo sùng kính ném vào lửa. Rồi
chúng tôi tắt đèn và nằm ngước lên trần nhà nhìn vào vùng lung linh của bóng tối và ánh
sáng, chuyến đi tới bình bia trên bàn giống như việc lội qua một hồ cá đầy rong rêu và các
loài hải tảo hoặc như cuộc săn rình băng rừng rậm giữa đêm trăng, và trong lúc uống tôi
luôn quay lại ngắm nàng di-gan trần truồng của mình đang nằm kia nhìn ngược lại, tròng
mắt trắng rạng ngời bóng đêm; chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối nhiều hơn dưới ánh
ngày, tôi luôn thích giờ chạng vạng, khoảng thời gian duy nhất tôi có cảm giác rằng một
điều quan trọng nào đó có thể xảy ra, mọi thứ đều tuyệt vời hơn khi chìm trong ánh nhá
nhem, mọi con đường, mọi quảng trường, và mọi con người đang đi băng qua; tôi thậm
chí tưởng tôi là chàng trai trẻ đẹp, và tôi thích ngắm mình trong gương, nhìn bóng mình
trên các ô cửa kính bày hàng trong lúc sải bước đi, và ngay cả khi tôi sờ lên mặt mình, tôi
không hề cảm thấy nếp nhăn nào quanh miệng hay trên trán. Đúng, đi cùng sáng tối chập
choạng là vẻ đẹp. Bên ngọn lửa trong chiếc lò để mở, nàng di-gan đứng dậy, trần truồng,
và trong lúc nàng di chuyển, tôi nhìn thân hình nàng hiện rõ đường nét trong hào quang
vàng của lửa như vòng hào quang bao quanh tượng thánh cha Ignace de Loyola gắn cứng
trên đỉnh mặt tiền nhà thờ ngoài Quảng trường Charles. Và khi thêm ít củi vào lửa rồi
quay lại nằm trên người tôi, nàng quay đầu ngắm gương mặt trông nghiêng của tôi và lướt
ngón tay quanh mũi miệng tôi; nàng không bao giờ hôn tôi và tôi cũng không hôn nàng,
chúng tôi nói mọi điều bằng những bàn tay và rồi nằm đó nhìn những tia lửa và ánh bập
bùng trong chiếc lò gang cũ méo mó, những vòng xoắn ánh sáng từ cái chết của gỗ. Chúng
tôi chỉ muốn được sống như thế mãi mãi, vô cùng, chẳng khác gì chúng tôi đã nói hết mọi
điều cần nói với nhau, chẳng khác gì chúng tôi đã sinh ra cùng nhau và không bao giờ chia
lìa. Trong mùa thu cuối cùng của cuộc chiến tôi đã mua ít giấy gói màu xanh, một cuộn
dây bện, keo dán, và trong lúc nàng di-gan luôn châm đầy bình bia cho tôi, tôi bỏ nguyên
một ngày Chủ Nhật ngồi dưới sàn nhà làm một con diều, cân bằng thật kỹ để diều bay cao
được, và tôi đính vào một cái đuôi dài làm bằng những con bồ câu giấy bé tí do nàng di-gan
kết nối chúng vào nhau theo hướng dẫn của tôi, rồi chúng tôi lên đồi Okrouhlík, và sau khi
tung diều lên trời và thả cuộn dây cho diều kéo tự do một lúc, tôi nắm dây lại giật vài cái

64 Z Z Z REVIEW
cho con diều vươn thẳng và đứng bất động giữa trời chỉ còn mỗi chiếc đuôi rập rờn chữ S,
và nàng di-gan đưa tay che mặt chừa hai con mắt, đôi mắt mở to ngỡ ngàng... Rồi chúng tôi
ngồi xuống và tôi giao nàng cuộn dây, nhưng nàng kêu lên sợ con diều sẽ kéo nàng bay lên
trời, nàng có cảm giác mình sẽ thăng thiên như Mẹ Đồng Trinh; thế là tôi đặt hai tay trên
vai nàng và nói nếu vậy chúng ta sẽ bay cùng nhau, nhưng nàng trả lại tôi cuộn dây rồi cả
hai cứ ngồi yên, đầu nàng tựa vai tôi, và đột nhiên tôi nảy ra ý định gửi đi một lời nhắn, tôi
lại giao con diều cho nàng di-gan, nhưng nàng lại điếng người bảo diều sẽ bay đi cùng nàng
và nàng sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa, tôi bèn cắm chiếc que xâu cuộn dây xuống đất, xé
một tờ trong tập giấy của tôi rồi gắn vào đuôi diều, ngay khi cuộn dây đã nằm lại trong lòng
bàn tay tôi, nàng bắt đầu thét lên với tay theo lời nhắn khi con diều giật mảnh giấy vút lên
trời cao, từng đợt gió luồn qua những ngón tay tôi rồi lan toả khắp người, ngay cả tôi cũng
cảm nhận ra lời nhắn đã chạm tới mũi diều, và bất ngờ tôi rùng mình toàn thân, bởi bất
ngờ cánh diều trở thành Chúa Cha và tôi là Chúa Con, còn sợi dây là Chúa Thánh Thần
sẽ cho con người tiếp xúc với Tối Cao, đối thoại cùng Thượng Đế. Và khi chúng tôi đã cho
diều lượn bay vài vòng nữa, nàng di-gan thu hết can đảm cầm lấy sợi dây, cũng run rẩy như
tôi run rẩy, run rẩy nhìn cánh diều run rẩy trong lồng lộng gió, rồi quấn sợi dây quanh ngón
tay, nàng hét lên niềm vui sướng ngất ngây...

Một tối tôi về nhà không thấy nàng đâu nữa. Tôi bật đèn sáng rồi cứ lui tới từ nhà ra
đường đến tận sáng, nhưng nàng không về, không về hôm đó hay hôm sau và mãi không trở
lại, dù tôi tìm kiếm khắp nơi. Cô gái di-gan bé bỏng như trẻ nhỏ của tôi, đơn giản như gỗ
mộc, như hơi thở Thiên Thần; nàng nào muốn gì hơn là châm bếp lò bằng những tấm ván
và xà gỗ to nặng, lấy từ những đống đổ nát, mà nàng mang trên lưng như mang thánh giá;
nàng nào muốn gì hơn là làm món goulash khoai tây với salami thịt ngựa, châm củi nuôi
ngọn lửa, và thả những con diều mùa thu. Sau này tôi biết nàng bị Gestapo bắt giữ và đưa
đi cùng một nhóm người di-gan đến tại tập trung, và nàng không bao giờ trở về, không rõ
đã chết thiêu ở Majdanek hay chết ngạt trong buồng hơi ngạt Auschwitz. Trời cao không
nhân đức, dù tôi lúc ấy nhân đức vẫn còn. Khi nàng không trở về sau cuộc chiến, tôi đốt
con diều và cuộn dây và chiếc đuôi dài nàng đã trang trí, cô gái di-gan nhỏ bé mà tên nàng
tôi đã quên.

Đến tận những năm 1950 gian hầm tôi vẫn chất cao những ấn phẩm Quốc xã, và
không có gì tôi thích thú cho bằng lèn chặt hàng tấn truyền đơn và tập sách của Quốc xã,
hàng trăm ngàn trang có in hình đàn ông, đàn bà, trẻ con tung hô, bô lão tung hô, công
nhân tung hô, nông dân tung hô, lính SS tung hô, binh sĩ tung hô. Tôi đặc biệt khoái trá
khi chất đầy máng ép với Hitler và tuỳ tùng tiến vào Danzig đã giải phóng, Hitler tiến vào

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 65


Warsaw đã giải phóng, Hitler tiến vào Praha đã giải phóng, Hitler tiến vào Vienna đã giải
phóng, Hitler tiến vào Paris đã giải phóng, Hitler ở nhà, Hitler dự lễ hội mùa gặt, Hitler
với con chó chăn cừu trung thành, Hitler viếng thăm binh sĩ ở tiền phương, Hitler thị sát
hàng rào phòng thủ Đại Tây Dương, Hitler trên đường đến các thành phố đã khuất phục
ở phía Đông và phía Tây, Hitler khom lưng trên bản đồ quân sự. Và càng lèn chặt những
đàn ông, đàn bà, trẻ con tung hô ấy, tôi càng nghĩ đến nàng di-gan của mình, người không
bao giờ tung hô, người nào muốn gì hơn là châm củi lửa, làm món goulash khoai tây, và rót
đầy bình bia lớn cho tôi, nào muốn gì hơn là bẻ bánh mì ăn cung kính như được ban Thánh
Thể và nhìn vào cửa lò, ngây người vì ánh hồng và sức nóng và tiếng reo của ngọn lửa, bài
ca của lửa, ngọn lửa nàng đã quen thuộc tự ấu thơ và là mối ràng buộc thiêng liêng của dân
tộc nàng, ngọn lửa đẩy lùi mọi đau khổ sau lưng và dỗ dành gương mặt nàng nở nụ cười sầu
muộn, một phản chiếu của hạnh phúc đủ đầy...

Bây giờ tôi đang nằm ngửa vắt ngang giường và một con chuột bé tí vừa rơi xuống
ngực tôi, trượt nhanh xuống sàn nhà, rồi cuống cuồng tìm chỗ nấp dưới gầm giường; có
lẽ tôi đã mang về nhà mấy con chuột trong cặp táp hay cả trong túi áo khoác nữa. Một mùi
hương thoảng từ dưới sân trôi dạt lên phòng; trời sắp mưa, tôi tự nhủ. Quá mệt vì công
việc và bia, tôi không thể nhúc nhích dù chỉ một ngón tay; đã hai ngày ròng tôi dọn sạch
gian hầm chấp nhận hy sinh những con vật nhỏ bé hèn mọn mà chúng nào muốn gì hơn
là nhấm nháp vài cuốn sách cũ và sống trong những hang hốc giấy loại, sinh ra những con
chuột khác và nuôi chúng trong những cái ổ ấm áp, những con chuột bé nhỏ nằm cuộn
tròn giống như nàng di-gan bé nhỏ nằm cuộn tròn cạnh tôi những đêm lạnh lẽo. Trời cao
không nhân đức, nhưng tôi cũng đã quên thông cảm và yêu thương.

66 Z Z Z REVIEW
Bohumil Hrabal:
Tiếng cười cận kề
cái chết(1)
James Wood
Đăng Thư dịch

“... có một bà thầy bói từng bói bài cho tôi và nói là nếu không vì một đám mây đen nhỏ
xíu lơ lửng trên đầu tôi thì tôi đã có thể làm nhiều chuyện lớn lao và không chỉ làm cho đất
nước mình mà làm cho cả nhân loại ấy chứ...” Điều gì vừa buồn cười vừa tuyệt vọng, nỗi
thống thiết hài hước nằm ở đâu trong câu văn ấy?
Ngay lập tức, một con người phơi mở trước mắt ta như một vết thương: có lẽ là một
người đàn ông (cái giọng điệu hơi huênh hoang ấy), khát vọng lớn lao nhưng bị dính chặt
vào một số phận hèn mọn, lập dị và có thể là khùng, một kẻ ba hoa, om sòm kể chuyện. Có
chất hí lộng, và một nỗi buồn, trong viễn cảnh một tham vọng lớn (“cho cả nhân loại ấy
chứ”) tới mức phải luôn vỡ mộng, và cũng hí lộng trong cái cách dễ dãi và thậm chí tự hào
mà nhân vật này chấp nhận mình tuyệt vọng: chẳng phải y cũng có chút hài lòng với “đám
mây đen nhỏ xíu” đã cản trở số phận đấy ư? - ít ra thì y cũng có chút danh tiếng đó chứ.
Do đó nhân vật này có thể là lớn lao không chỉ trong tham vọng riêng mà còn trong cách
y chấp nhận định mệnh. Và cái cụm từ “đám mây đen nhỏ xíu” há chẳng phải đã được viết
rất khéo đó sao? Nó ám chỉ một kẻ tự thấy mình ngon lành đến độ y tự nhìn bản thân như
một bình diện địa lý, như một vùng đất bị che phủ u ám đang trải qua một đợt áp thấp trên
bản đồ thời tiết châu Âu. Quan trọng nhất, “nhỏ xíu” là một từ tuyệt hay, vì nó hàm ý rằng
người đàn ông này, dù có lẽ kiêu hãnh về điều bất lợi của mình, nhưng cũng có thể khinh
thường chính điều đó, hoặc tin rằng y có thể gạt bỏ nó đi ngay bất cứ lúc nào cần và tiếp
tục làm những chuyện đại sự.

1. Tựa đề và các tiểu đoạn là của người dịch. Bài này lược dịch theo bài “Bohumil Hrabal’s Comic World” của nhà
phê bình James Wood đăng trên tạp chí The London Review of Books, Vol. 23 No. 1 - ngày 04.01.2001. Bài này sau
được James Wood đưa vào tập hợp tuyển phê bình The Irresponsible Self: On Laughter and the Novel (2004) của ông.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 67


Đó là những điều thú vị gói gọn trong một câu hài hước điển hình của tiểu thuyết gia
Séc lừng danh Bohumil Hrabal. Còn nhân vật đang tự an ủi mình qua lời thú nhận ngắn
ở trên là một ông thợ đóng giày ba hoa, kẻ tự nhận là ngưỡng mộ “nghệ thuật Âu châu
Phục hưng” - một uyển ngữ của khoái lạc ái tình - và là người thuật chuyện trong tiểu-
thuyết-một-câu Bài học khiêu vũ cho người đứng tuổi (Taneční hodiny pro starší a pokročilé
- 1964). Phải viết cả cuốn tiểu thuyết bằng một câu không ngắt đoạn xuống hàng và thậm
chí không có dấu chấm kết thúc cuối cùng mới thể hiện được tính cách ba hoa bất tận của
y. Nhưng nhiều nhân vật hài hước của Hrabal cũng lắm điều nhiều chuyện chẳng kém. Đó
là Haňťa, người thuật chuyện trong quá ồn một nỗi cô đơn (Příliš hlučná samota - 1977),
kẻ chuyên nén giấy loại suốt 35 năm và đã lén lút tự học bằng những kiệt tác mà y đã cứu
khỏi đống rác thải. Haňťa lúc nhỏ mơ lớn lên sẽ thành triệu phú, y kể cho chúng ta nghe, để
y có thể mua “những mặt số và kim đồng hồ dạ quang cho mọi chiếc đồng hồ công cộng”
của Praha. Còn bây giờ y đọc để cứu vớt Kant và Novalis, và mơ tưởng được đi nghỉ hè
ở Hy Lạp, ở đó y sẽ viếng Stagira, “nơi sinh của Aristotle, tôi sẽ chạy quanh đường đua ở
Olympia, mặc quần lót ống dài bó sát mà chạy.” Haňťa không thích tắm vì nếu tắm y sợ sẽ
mắc bệnh, “nhưng thỉnh thoảng, khi niềm khao khát cái đẹp lý tưởng Hy Lạp của tôi quá
áp đảo, tôi sẽ rửa một bàn chân hay thậm chí rửa cần cổ.”
Và còn có Ditie, nhân vật lang bạt trong Người hầu bàn cho vua chúa (Obsluhoval jsem
anglického krále - 1971), một anh bồi trong một khách sạn của Praha, người từng hầu bàn
cho Hoàng đế Ethiopia, và làm việc cùng với một viên quản lý nhà hàng từng hầu bàn cho
Vua nước Anh. Ditie thường sai lầm trong mọi chuyện - anh chàng cưới một nữ vận động
viên Đức trong lúc quân Quốc xã xâm lược Tiệp Khắc - nhưng có lúc anh chàng cũng nói ra
những điều khôn ngoan hay có tính tiên tri, và mỗi khi được khen ngợi vì những chuyện đó,
anh ta chỉ “khiêm tốn đáp, Tôi từng phục vụ Hoàng đế Ethiopia.” Và còn có Miloš Hrma,
chàng nhân viên tín hiệu đường sắt nhút nhát trong tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Harbal,
Những đoàn tàu giám sát chặt (Ostře sledované vlaky - 1965). Khi biết được ông trưởng ga
của mình có thể được thăng chức Thanh tra Hoả xa Quốc gia, cậu ta đã háo hức kêu lên: “A
ha, vậy khi đó thay vì ba sao nhỏ ông chỉ còn một sao nhưng có cầu vai chức thanh tra trên
áo!” cho dù chức vụ này trong ngành đường sắt ở Tiệp thời đó là tương đương với cấp bậc
thiếu tá trong quân đội.
Rõ ràng Hrabal đã lấy cảm hứng xây dựng những nhân vật bị đày đoạ này từ hình mẫu
nhân vật Svejk, người lính ngốc nghếch hài hước đã sa chân vào Thế Chiến Thứ Nhất trong
tiểu thuyết Anh lính Svejk gương mẫu (Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války -
1923) của nhà văn Jaroslav Hasek (1883-1923). Svejk là một kiểu Sancho Panza, sống trong
một thời đại không còn hùng ca, thậm chí không còn hài kịch. Hrabal hết sức ngưỡng mộ
tiểu thuyết Anh lính Svejk gương mẫu. Svejk cũng giống nhiều nhân vật của Hrabal, một

68 Z Z Z REVIEW
“gã nhỏ bé” dường như cứ vui vẻ lạc bước vào những sự kiện lịch sử lớn. Giống như việc
Svejk thuyết phục một tên mật vụ bắt giam chính anh ta và sau đó đưa ra mặt trận, anh bồi
bàn Ditie ngớ ngẩn đã trở nên giàu có của Hrabal đã tức điên lên khi hay tin tất cả các nhà
triệu phú trong nước đều đã bị đưa đi cải tạo nhưng không hiểu sao riêng anh ta còn sót
lại không bị bắt. Vì Ditie cả đời không hề mong muốn gì hơn là trở thành triệu phú, anh
chàng đi thẳng đến cảnh sát, mang sẵn sổ trương mục ngân hàng để chứng minh mình là
triệu phú và đòi phải được bắt giam ngay lập tức, và rốt cuộc cũng được toại nguyện. Vẻ ngu
ngốc bề ngoài của Svejk che giấu một trí thông minh luôn muốn gây trở ngại cho giới chức
trách nhưng lại tỏ ra như là chỉ biết phục tùng; tương tự như vậy, nhân vật Haňťa chuyên
cứu những cuốn sách khỏi cỗ máy ép giấy loại, trong quá ồn một nỗi cô đơn, cũng không chỉ
là một kẻ tự học thông thái vô dụng mà còn là một người nổi loạn nhỏ nhoi chống lại cả
một chế độ kiểm duyệt to lớn.
Giống như nhà văn Hasek, Hrabal luôn lắng nghe những câu chuyện phiếm trong
quán bia. Ông ngồi hàng giờ trong quán Zlatého Tygra yêu thích ở Praha, nghe những câu
chuyện tuôn trào theo bọt bia. Những ai quen biết Hrabal đều nhớ đến một người thích
được lầm tưởng là một khách uống bia hơn là một nhà văn, thích ngồi im nghe ngóng và
nhặt nhạnh - người ăn mày hào phóng của cộng đồng bia bọt. Ta có thể thấy nhà văn giữa
đám đông chuếnh choáng đang xem một trận bóng đá qua màn ảnh truyền hình trong lúc
nghe lóm Hrabal vừa bình luận trận đấu vừa trích dẫn Immanuel Kant hay những thần
tượng triết học của ông.

NGỌC DƯỚI ĐÁY SÂU

Hrabal, sinh năm 1914 ở Moravia, bắt đầu nghiệp văn chương bằng những bài thơ
chịu ảnh hưởng trường phái Siêu thực Pháp. Đầu những năm 1950, ông tham gia một
nhóm văn chương phi chính quy do nhà thơ Jiří Kolář (1914-2002) điều hành. Những bài
thơ xuôi của Hrabal lúc này trở thành những truyện ngắn nhưng ông không hề có ý đăng
tải xuất bản. Thay vào đó, ông đọc lên cho các bạn văn trong nhóm nghe. Có giai thoại rằng
một hôm Hrabal tình cờ nghe được có người hỏi Kolar, người thời đó chuyên bán búp bê:
“Kolar, còn chết nữa không?” Hiển nhiên câu hỏi đó là nói đến mẫu hàng con rối Thần
Chết, được ưa chuộng ở Praha, nhưng khi Hrabal nghe được thì câu hỏi ấy lại gợi ra một
lối viết văn mới, có thể cố tình cưỡng ép các yếu tố không đồng nhất cho chúng cọ xát, đối
chọi nhau theo một cách hài hước, tự nhiên, nảy sinh từ những sự việc bình thường của con
người chứ không phải những ý tưởng siêu thực hiển nhiên.
Hrabal bắt đầu thử nghiệm một văn phong tuôn chảy, không giới hạn, gần như một
hình thức dòng ý thức (ông ngưỡng mộ Joyce, Céline và Beckett) và cho các nhân vật

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 69


liên tưởng và độc thoại một cách điên rồ. Ông gọi cách viết đó là pábení, một kiểu “cà kê”
chuyện này sang chuyện khác triền miên bất tận. Lối văn lan man vòng vo đáng yêu này âm
vang trong tác phẩm của Hrabal vì liên quan đến sự dồi dào của những mẩu chuyện nhỏ
hàm chứa. Thường ta có cảm giác như Hrabal lấy một chuyện khôi hài ngắn nghe được
trong quán bia, và cường điệu tính chất khôi hài của mẩu chuyện này lên. Người thuật
chuyện trong Bài học khiêu vũ kể thoáng qua cho chúng ta nghe chuyện một người tự treo
cổ lên cây thánh giá cắm trên mộ bà mẹ đẻ khiến ông linh mục địa phận tức điên lên vì ông
ta phải làm phép thánh lại cho cả khu nghĩa trang đó. Haňťa, trong quá ồn một nỗi cô đơn,
bị một người xông tới dí dao vào cổ và kẻ hung hăng đó bắt đầu ngâm một bài thơ ca tụng
vẻ đẹp miền quê ở Říčany, rồi sau đó xin lỗi và nói là “gã không tìm ra cách nào để cho người
khác chịu nghe thơ của gã.” Trong Người hầu bàn cho vua chúa, một vị tướng đến khách sạn
nơi Ditie làm việc. Ông này rất tham ăn nhưng lại có thói quen kỳ cục. Sau mỗi ngụm rượu
sâm-banh và mỗi miếng thức ăn, ông ta lại rùng mình kinh tởm và nguyền rủa thứ vừa mới
nuốt: “Gớm quá! Món này không thể nào ăn được!”
Những chi tiết này khiến ta nhớ đến nhà văn Nga Chekhov, người thường lấy những
mẫu tin trên báo và biến thành truyện ngắn, nhưng Chekhov lại tỉ mỉ thận trọng đến đáng
sợ trong khi Hrabal lại thích nung nóng những điều bí ẩn vừa tóm bắt được, những chuyện
lạ lùng vừa vồ chộp được, để cho chúng toả ra một màn hơi mù huyền ảo. Hrabal thừa khả
năng viết hiện thực kiểu Chekhov nhưng ông luôn dè chừng những điểm thăng hoa siêu
tuyệt trong câu chuyện - mà ông gọi là “ngọc dưới đáy sâu” - thường thì ông để cho các
nhân vật lắm mồm tiếp tục ba hoa, kéo dài và căng giãn các câu chuyện. Một ví dụ vô song
xuất hiện trong Người hầu bàn cho vua chúa, tác phẩm viết một mạch trong vòng 18 ngày
từ đầu những năm 1970 nhưng mãi đến 1983 mới được xuất bản và bị tịch thu. Ditie đang
kể những chuyện về những người chào hàng lưu động khác nhau trọ tại Khách sạn Praha
Thành Phố Vàng. Trong số đó có một người đại diện cho một hãng may mặc nổi tiếng ở
Pardubice, và ông ta giới thiệu một kỹ thuật may đo vừa khít có tính cách mạng. Kỹ thuật
này bao gồm việc đính những mảnh giấy da lên thân hình người đặt may quần áo rồi ghi số
đo lên đó. Khi về xưởng may, các mảnh giấy da này được khâu lại thành một kiểu hình nộm
của thợ may với một bong bóng cao su nhét bên trong; bong bóng này được bơm từ từ cho
đến khi phồng căng hết hình nộm bằng giấy da; sau đó hình nộm được phủ keo cho cứng
lại trong hình dạng thân thể của khách hàng. Khi tháo quả bong bóng ra, thân hình này
sẽ bay lơ lửng lên trần nhà, luôn luôn phồng căng, và được buộc bằng một sợi dây có đính
nhãn tên và địa chỉ. Hình nộm của khách “cứ ở trên trần nhà giữa hàng trăm thân người đủ
màu sắc, cho đến khi khách hàng chết mới thôi.”
Tất nhiên là anh chàng Ditie mê tít cái sáng kiến vô nghĩa một cách tuyệt vời này,
và mong ước được đặt may một bộ tuxedo ở công ty danh tiếng này, “để tôi và hình nộm
của tôi có thể bay bổng lên trần nhà của một công ty chắc chắn là độc nhất vô nhị trên đời

70 Z Z Z REVIEW
này, bởi vì chỉ có người Tiệp mới có thể nảy ra một ý tưởng như thế mà thôi.” Anh chàng
dốc tiền dành dụm ra và đặt may đo một bộ. Ditie đi đến Pardubice để nhận hàng, và “con
người nhỏ bé” này (thực tế là Ditie rất thấp lùn, và phải mang giày độn hai đế) choáng ngợp
trước quyền thế xã hội của những hình nộm số đo của công ty này: “Đúng là một cảnh
tượng huy hoàng. Lơ lửng trên trần nhà là thân người của các vị tướng và trung đoàn trưởng
và tài tử danh tiếng. Chính [tài tử] Hans Albers cũng đặt may đồ ở đây, cho nên ông ta cũng
ở trên đó...” Hrabal có lẽ đã nghe ai kể về một kế hoạch điên rồ của công ty có thật, nhưng
ông lấy câu chuyện đó và cho đi qua lăng kính điên rồ của nhân vật sống trong cõi mộng
này, và bằng cách đó, làm cho câu chuyện càng tăng thêm tính chất lạ lùng. Quyết định của
Hrabal có một ma lực giúp tạo hình cho chuyện kể, thêm màu sắc cho những bí ẩn, khiến
ta không những được biết qua phương pháp của công ty này mà còn được mời gọi mường
tượng ra một căn phòng đầy những phần thân trên lủng lẳng.
Có khi Hrabal cũng được gọi là một nhà văn đầy tính điện ảnh, có lẽ nhờ bộ phim
thành công được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1968 dựa theo tiểu thuyết
Những đoàn tàu giám sát chặt của ông. Nhưng đặc tính tạo hình này, lạ thay, lại gây khó khăn
cho điện ảnh, bởi vì nó dễ lôi cuốn bộ phim dựng cảnh nhại theo mà thôi. Thế nhưng những
cảnh như thế trong văn chương của Hrabal lại có một yếu tố kỳ lạ là, dù đầy hình ảnh cụ
thể, chúng lại gần như mang trạng thái giả định, đó là trạng thái mộng mị. Theo nghĩa nào
đó, cảnh trên chẳng phải là giấc mơ của Ditie sao, bất kể thực tế là nó đã xảy ra rành rành?
Những miêu tả của Hrabal thường vừa rõ ràng vừa vô hình đầy mâu thuẫn. Một kiểu hư hư
thực thực. Ta có cảm tưởng như Harbal mời gọi độc giả không chỉ là để nhìn thấy những
thân hình nộm lủng lẳng, mà còn mường tượng về một kẻ đang mường tượng về những cảnh
này, một chiều kích ít nhiều khác biệt. Trong phương diện nào đó, Hrabal là một nhà văn
hiện thực huyền ảo thời kỳ đầu. Nhưng những câu chuyện huyền ảo của Hrabal lại đầy chất
hài hước và nhân văn - chúng thật sự khao khát được hiện thân cho con người. Và nghịch
lý thay, chính vì thế mà tác phẩm của ông lại không ăn bám vào tính hiện thực như nhiều
tác phẩm hiện thực huyền ảo khác. Chúng nương náu trong một địa hạt không tưởng, thế
giới của tiếng cười và nước mắt song song. Hài làm sao và cũng bi làm sao khi hình dung
cảnh Ditie trầm trồ trước danh tiếng của những thân hình nộm lủng lẳng, và cũng đẹp sao
khi thấy Ditie cũng cảm phục sự hiện diện của thân hình nộm ông chủ khách sạn Beránek,
chẳng kém gì đã kính nể các thân hình nộm của các tướng lĩnh và tài tử, diễn viên.
Hrabal không hề là cây bút phúng dụ hay nặng tính ý thức hệ. Tuy nhiên, tập truyện
đầu tiên của ông, Chim nhạn trên dây (Skřivánci na niti) vào năm 1959 đã in xong chỉ còn
một tuần nữa là phát hành lại bị tịch thu và tiêu huỷ. Bốn năm sau tập truyện này được sửa
chữa và xuất hiện lại dưới tựa đề Ngọc dưới đáy sâu (Perlička na dne - 1963). Tập truyện
này lập tức khiến tên tuổi Hrabal chói sáng trên văn đàn Tiệp Khắc và được hâm mộ chưa
từng thấy. Bài học khiêu vũ ra mắt năm 1964, Những đoàn tàu giám sát chặt một năm sau

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 71


đó. Thành công vang dội của bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này và giải Oscar 1968 giúp
Hrabal được an toàn. Thế nhưng ông vẫn có thể bị cấm xuất bản ở Tiệp Khắc. Cuốn Chồi
non (Poupata) của Hrabal vào năm 1970 cũng chịu chung số phận với Chim nhạn trên dây.
Bất kể việc ông là một cây bút sung mãn, tác phẩm của Hrabal suốt một thời gian dài từ
1970 không được xuất bản ngay tại quê hương mà chỉ được in ở nước ngoài.
Hrabal bắt đầu viết Người hầu bàn cho vua chúa vào thời kỳ cấm xuất bản này. Tiểu
thuyết được lưu hành dưới dạng samizdat khoảng năm 1975 và mãi đến 1983 mới được
xuất bản “bán chính thức” nhờ các bạn hữu trong Hội nhạc Jazz thuộc Hiệp hội Âm nhạc
Tiệp Khắc trong hình thức ấn phẩm lưu hành nội bộ dành cho hội viên. Hội nhạc Jazz in
5000 bản và phát tờ rơi cho những ai quan tâm đến mua trực tiếp tại văn phòng hội. Những
người bạn uống bia của Hrabal tìm tới, mang theo những tấm đế lót cốc bia có chữ viết của
tác giả: “Giao cho người này một cuốn Người hầu bàn cho vua chúa - B. Hrabal.” Những
người bạn của Hrabal bị bắt giam năm 1986 và các viên chức tìm được nhiều thùng chứa
bản in tiểu thuyết cấm này và đem sách bán cho nhau như những món quà Giáng Sinh.

HÀI HƯỚC LÀ NHỮNG NỤ CƯỜI RƯNG RƯNG LỆ

Người hầu bàn cho vua chúa là một câu chuyện phiêu lưu lang bạt, khởi đầu vui nhộn
và kết thúc trong nước mắt và cô đơn, một cung bậc thăng trầm điển hình trong những tác
phẩm nổi tiếng nhất của Hrabal. Ở đoạn cuối, nhà triệu phú Dittie đã trở thành vô sản
và đi lao động đắp đường ở một vùng núi rừng biên giới. Tâm tình trong quán bia, Ditie
muốn khi chết sẽ “thành một công dân thế giới, với một nửa tôi trôi theo sông Vltava hoà
vào sóng Elbe rồi đi ra Biển Bắc, còn nửa kia theo sông Danube chảy vào Hắc Hải và cuối
cùng tan vào Đại Tây Dương.” Giống như người thuật chuyện trong Bài học khiêu vũ và
“đám mây đen nhỏ xíu” của y, Ditie đã mở rộng bản thân theo bình diện địa lý. Buồn cười
thay, nhân vật này đã hoàn thành giấc mơ Tiệp Khắc, vừa là một quốc gia tự thân vừa là
thứ gì khác lớn lao hơn cả một quốc gia - anh chàng là một công dân thế giới lưu động sau
khi chết. Chiều sâu của khát vọng này, cùng những biến cố hài hước ngăn trở khát vọng đó
chính là những chủ đề thường trực của Hrabal.
Chẳng hạn, động lực của nhân vật Haňťa, người thuật chuyện trong quá ồn một nỗi cô
đơn đã mơ ước được mặc quần lót ống dài bó sát mà chạy quanh đường đua ở Olympia để
hoàn thành giấc mơ của y về lý tưởng điền kinh Hy Lạp. Điều cảm động ở tất cả các nhân
vật này là khoảng cách tàn nhẫn giữa khát vọng của họ và những phương tiện hạn hẹp mà
họ thường phải bằng lòng chấp nhận. Hài kịch của Hrabal vì thế mà nghịch lý một cách
phức tạp. Khi phải giữ cân bằng giữa khát khao vô bờ và sự bằng lòng trong giới hạn thì
đó là một điều vừa có tính nổi loạn vừa có tính định mệnh, vừa bất an vừa minh triết. Các

72 Z Z Z REVIEW
nhân vật của Hrabal muốn được thành mọi thứ; nhưng họ không hề ý thức được tầm vóc
của những khao khát đó, và bằng lòng những điều ít ỏi hơn mà không hề biết là đang chấp
nhận số phận. Đó là kiểu hài kịch của kẻ bế tắc, của kẻ bị loại trừ, của kẻ bị lừa gạt, của kẻ bị
chối bỏ. Nên không có gì ngạc nhiên khi Hrabal có lúc nói rằng cội nguồn hài kịch của ông
nảy sinh từ một trong những vật tìm được tình cờ mà ông yêu thích nhất, một tờ biên lai
của tiệm giặt ủi có câu: “Một số vết nhơ chỉ có thể tẩy sạch bằng cách phá huỷ luôn chính
lớp vải may.” Hài hước của Hrabal là những nụ cười rưng rưng lệ. Và xét theo nghĩa đó,
Hrabal là nhà hài hước vĩ đại.
Và là nhà văn lớn. Tuyệt tác của ông, quá ồn một nỗi cô đơn, tái hiện một cung bậc còn
kịch liệt hơn, từ hăm hở ban đầu cho đến tuyệt vọng về sau. Bản thân từng làm công việc
ép giấy loại thành kiện trong nhà máy, Hrabal đã sáng tạo ra, qua nhân vật Haňťa, mẫu “kẻ
khùng” tinh tế nhất của mình. Cũng giống như nhân vật, nhà văn cũng đã cứu nhiều cuốn
sách thoát khỏi máy nén giấy loại, và mang về gom góp thành một tủ sách trong căn nhà
vùng quê ngoại ô Praha của ông. Vốn đọc rộng của Haňťa cho phép Hrabal sử dụng hết tài
nguyên tinh thần của nhân vật này, dù sử dụng một cách điên rồ, và kết quả là một dòng
văn xuôi tuôn chảy tự do uyển chuyển phi thường, một kiểu văn xuôi với nhiều nội cảnh
nằm trong nội cảnh, như những bức hoạ của các bậc thầy cổ điển Hà Lan - hay có lẽ với rất
nhiều tầng đáy đánh lừa ta. Hình tượng đó có thể là một miêu tả chân phương, phù hợp
cho tính chất Hrabal.
Thực tế là Haňťa bị mất việc vì sự xuất hiện ở ngoại ô Praha của một cỗ máy nén giấy
loại to lớn hơn, loại công nghiệp đại quy mô. Y đến xem và không thích chút nào. Rõ ràng
cỗ máy này không chỉ nén giấy loại, thỉnh thoảng có lẫn vào một cuốn sách bị vứt bỏ, như
cỗ máy ép nhỏ của y, mà nó nuốt chửng hàng nghìn cuốn sách. Xe tải xếp hàng dài chở sách
tới. Đó là một cỗ máy kiểm duyệt khổng lồ bằng kim khí, và là vật báo hiệu một thời đại
mới. Nhìn thấy cỗ máy đồ sộ này rồi thì Haňťa phản ứng thế nào? Y quay về cỗ máy nhỏ
một người điều khiển của mình, cố tăng sản lượng lên 50 phần trăm để khỏi mất việc. Như
thường thấy ở Hrabal, sự phê phán chính trị được trung hoà một cách ranh mãnh bằng
điều không đáng tin, trong trường hợp này chính là sự điên rồ của nhân vật thuật chuyện,
kẻ suốt 35 năm nén giấy loại và cứu vớt những cuốn sách, một kẻ cắp tư tưởng, tâm trí y là
một kiện nén chặt những ẩn dụ. Và lựa chọn huỷ diệt.
Đau yếu và tuyệt vọng, Bohumil Hrabal bị ám ảnh bởi “nỗi cô đơn ồn ào” của chính
mình, và bởi chính một ý tưởng mà ông đã viết trong một bút ký: “nhảy từ tầng lầu thứ
năm, từ căn hộ của tôi nơi mọi căn phòng đều đau đớn.” Ngày 3 tháng Hai 1997, nhà văn
đã ngã xuống từ tầng thứ năm của một bệnh viện trong lúc đang cố cho đàn bồ câu ăn.
Hình như đó là tai nạn.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 73


Cái hố
Trương Thị Hoàng Yến

Nàng đã rơ i xuống đấy


Cá i hố d o nàng đào
Tô i đứng trên m iệng h ố
Yên lặng n h ìn nàng g ào

Nàng hẳn rất muốn th o át


Khỏ i cá i h ố quá i tha i
Cũng n hư tr ư ớc đây muốn
Đào càng sâu càng o a i

Nh iệt tìn h và say đắm


Hố i hả và n ồng nàn
Nàng đã đào cá i h ố
Như ng ư ờ i ta tìm vàng

Nàng đã mang xuống h ố


Bao sức lự c h o ang đàng
Nàng c òn mang xuống đấy  
Cả yêu thư ơ ng d ịu dàng

74 Z Z Z REVIEW
Đã đào hất l ên đ ời
Những v ui b uồn tơ i tả
Nàng lạ i vé t cả l ên
Đắng cay và ng h iệ t ng ã

Và b ây g iờ m ệ t b ã
Hố thà n h sâu mất rồ i
Muốn trè o l ên vớ i đ ờ i
Càng le o lạ i càng tr ư ợ t

Không a i g iúp nàng đư ợc


Tô i cũng c h ỉ đứ ng cầu
Cá i hố hun hút sâu
Còn nà ng th ì b é m ọn

Cầu mong nàng th o át trọn


Khỏ i m iệng h ố đắng cay
Cầu mong nàng l ên đư ợc
Dẫu mệ t b ã trắng tay

Nếu mà kh ông đư ợ c th ế
Đàn h n h ìn nàng muộn p h iền
Cá i hố nàng đào đấy  
Chôn nàng g iấc b ìn h y ên

Cát bụi sẽ lấp l ên . . .

Đ ời sau a i qua lạ i
Trông dấu xư a đã m ờ
Ch ỉ c ó b ờ h o a dạ i
Hương p hảng p hất n hư th ơ

3-11-2010
Bài thơ này đã được in trong tập Cái hố,
NXB Văn học, 2018

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 75


Trạch Vĩnh Minh:
Nhà thơ chứ không
phải nhà thơ nữ
Nguyễn Thị Thuý Hạnh dịch và giới thiệu

76 Z Z Z REVIEW
Trạch Vĩnh Minh (1955-), sinh tại Thành Đô Tứ Xuyên, một trong những đại diện tiêu
biểu của nhóm nhà thơ trí thức, gương mặt xuất sắc của “Thơ ca thế hệ thứ ba” ở Trung
Quốc.
Giống như hầu hết các nhà thơ hàng đầu trong thơ ca Trung Quốc đương thời, những
năm tháng tuổi trẻ của Trạch Vĩnh Minh gắn liền với những sự kiện thảm khốc của Cách
mạng Văn hóa (1966-1976). Năm 1974, Trạch Vĩnh Minh tốt nghiệp trung học rời thành
phố về nông thôn để tham gia đội sản xuất công xã trong phong trào vô sản hóa. Khi trở về
thành phố vào năm 1976, Trạch Vĩnh Minh theo học Khoa công nghệ của Đại học Khoa
học Kỹ thuật Điện tử Thành Đô. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại Viện nghiên cứu Vật lý.
Thời gian này, bà dành phần lớn năng lực của mình để sáng tác, lấy cảm hứng từ những sự
kiện diễn ra trong văn học thời kỳ hậu Mao. Năm 1984, Trạch Vĩnh Minh hoàn thành tập
thơ đầu tiên Nữ nhân, bao gồm hai mươi bài thơ trữ tình với phong cách độc đáo xuất phát
từ lập trường nữ giới, làm chấn động văn đàn Trung Quốc bấy giờ. Nhìn chung, trong quá
trình 10 năm sáng tác, Trạch Vĩnh Minh luôn duy trì một sức viết và sức nghĩ mãnh liệt,
ở mỗi thời kỳ đều có những tác phẩm quan trọng, gây được tiếng vang trên thi đàn Trung
Quốc. Hiện tại, Trạch Vĩnh Minh đang sống ở Thành Đô, sáng tác với tư cách một người
viết tự do và kinh doanh quán rượu “Đêm trắng”.
Từ 1984 đến nay, Trạch Vĩnh Minh đã sáng tác được 9 tập thơ và 5 tập tùy bút. Các tác
phẩm tiêu biểu của Trạch Vĩnh Minh có thể kể đến, như: Nữ nhân (thơ, NXB Lệ Giang,
1986); Trên những đóa hồng (thơ, NXB Thiểm Tây, 1989), Trạch Vĩnh Minh thi tập (thi
tuyển, NXB Thành Đô, 1994), Thơ trắng trong đêm đen (thơ, NXB Cách mạng, 1996), Gọi
tên vạn vật (thơ, NXB Văn nghệ Xuân Phong, 1997), Sức bền của hoa vỡ (tùy bút, NXB
Phương Đông, 1999), Cuối cùng tôi đã thoát khỏi vòng kiểm soát (NXB Văn nghệ Giang
Tô, 2000); New York, Tây New York (tùy bút, NXB Văn nghệ Tứ Xuyên, 2003). Tác phẩm
của Trạch Vĩnh Minh đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Nhật, Hà Lan...

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 77


Năm 2005, Trạch Vĩnh Minh lọt vào danh sách “50 người Trung Quốc có sức hút
nhất”; năm 2010 được chọn vào danh sách “10 nhà thơ nữ đẹp nhất Trung Quốc”; năm
2007 đạt giải thưởng thơ ca quốc tế Zhongkun; năm 2011 đạt giải thưởng văn học Ceppo
Pistoia của Ý. Bà cũng được mời tham dự một số hội thảo và festival thơ ca tổ chức ở châu
Âu, và từng sống ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 1990-1992.
Thơ Trạch Vĩnh Minh thể hiện rõ ý thức về nữ tính và nỗ lực khẳng định bản sắc giới.
Phong cách thơ bà, đặc biệt ở tập Nữ nhân, chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà thơ Mỹ Sylvia
Plath. Tuy vậy, trong một phát ngôn vào năm 1986, Trạch Vĩnh Minh đã nói rằng bà muốn
được gọi là nhà thơ chứ không phải là nhà thơ nữ. Như Simon Patton nhận xét, “Mặc dù
tên của bà có nghĩa là ‘ánh sáng vĩnh hằng’, nhưng Trạch Vĩnh Minh chủ yếu lại là một nhà
thơ của bóng tối tâm linh và cách tốt nhất để đọc thơ bà là chìm trong bóng tối hoàn toàn”.
Thơ Trạch Vĩnh Minh được các nhà nghiên cứu Trung Quốc xếp vào dòng “thơ nữ tính”,
thơ bà đi từ “bóng tối của đêm đến ánh sáng của ngày” (Đường Hiểu Độ). Sự mặc khải
về bóng tối tâm linh bằng ánh sáng của ngôn ngữ thể hiện thông qua hình thức tự bạch
dường như là mô hình của nhiều bài thơ của Trạch Vĩnh Minh, nổi bật với các biểu tượng
bóng tối, nước, trăng, người mẹ, cái chết - những nguyên lý tính âm theo quan niệm truyền
thống Trung Hoa.
Dưới đây, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số thi phẩm tiêu biểu của bà.

78 Z Z Z REVIEW
Khát vọng
(In trong tập thơ Nữ nhân)

Đ êm nay án h trăng ch ỉ ch iếu sáng vì an h


Đ êm nay an h là một thuộ c đ ịa n h ỏ
V ĩn h vi ễn lưu lạ i, nỗ i u sầu từ b ên trong c ơ th ể
Thấ m ra ng o à i, mang the o n hữ ng g iọ t nư ớc b é x íu

Án h tră ng g iống n hư một thể x ác th ơ m th o sạc h sẽ


Ng ủ say, p hả ra một hơi thở quy ến r ũ
Ha i ng ày c ộng một đêm
Ở g i ữ a chúng , an h viền mắt đ en
Lư u g i ữ n iềm hân ho an

Ti ếng ồn ào chất chồng thàn h c ơ th ể em


Không c ó cách nào an ủi, cảm thấy c ó m ột vật th ể nào đ ó sắp h ìn h thàn h
Bứ c tư ờng trong g iấc mơ hó a đ en
Kh i ến a n h thấy cá i b óng đang lan ra c ủa h ìn h tam g iác
Mọ i l ỗ chân lông trong c ơ thể đ ề u m ở rộng
n hữ ng ý ng h ĩ khó nắm b ắt
Nhữ ng ng ô i sao trên b ầu trời c h iế u sáng vô cảm
mà đ ô i mắt em lạ i tràn đầy
n hữ ng nỗ i buồn và n iềm v ui x a lắc

Ma ng the o nỗ i đau khổ thỏ a mãn


Trong cá i n h ìn đăm đắm tuyệt đ ẹp c ủa an h , c ó m ột sứ c mạn h ma quá i
kh i ến cho kho ản h khắc này, trở thàn h m ột ký ứ c kh ông th ể b ô i xó a .

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 79


Mẹ

Có quá nhiều nơi không đủ sức để đi tới, bàn chân đang đau đớn, mẹ, người đã không dạy
con trong sự tham lam của ánh bình minh nhuộm lên nỗi buồn thương cổ xưa. Trái tim
con chỉ giống mẹ

người là mẹ của con, con thậm chí là giọt máu của người chảy ra từ hồ máu trong buổi ban
mai khiến người kinh ngạc mà tự nhìn lại mình, người làm con tỉnh dậy

nghe thấy âm thanh của thế giới, người sinh ra con, người khiến con cùng nỗi bất hạnh tạo
thành cái bào thai song sinh đáng sợ của thế giới này. Nhiều năm nay, con không nhớ nổi
tiếng khóc của bao đêm

ánh hào quang khiến người thụ thai kia, đến từ rất xa, thật khả nghi, đứng giữa sống và
chết, đôi mắt của người u tối bước vào bóng râm dưới lòng bàn chân nặng nề biết bao

trong vòng tay ôm của người, con nở nụ cười chân xác, có ai biết được
người khiến con bằng phương thức ngây thơ mà hiểu rõ mọi thứ, nhưng con lại thờ ơ

con coi thế giới này như một thiếu nữ đồng trinh, lẽ nào con gửi tới người một tiếng cười
nhẹ nhõm một mùa hè không đủ rực cháy sao? Lẽ nào không?

con bị bỏ rơi lại trên cõi trần, một mình, tia sáng mặt trời buồn bã bao phủ lấy con, khi mẹ
cúi gập thân mình giữa thế gian, người có biết người đã bỏ rơi lại gì chăng?

năm tháng đặt con vào một cái cối xay, khiến con tận mắt thấy mình bị nghiền nát
Ôi, mẹ, khi con cuối cùng trở nên câm bặt, người có hạnh phúc không?

80 Z Z Z REVIEW
không ai biết con đã yêu người tới mức viển vông, bí mật này
đến từ một phần của người, đôi mắt con dõi theo người như hai vết thương đau đớn

sống chỉ vì sống, con tự hủy diệt mình, chống cự lại tình yêu vĩnh hằng
một hòn đá bị quăng đi, cho đến khi giống một khúc xương khô, thế giới này

có một đứa trẻ mồ côi, khiến mỗi lời chúc phúc đều rành rành ra đấy, nhưng ai là người
hiểu rõ nhất
người nào đã từng đứng trong vòng tay của mẹ, cuối cùng có thể vì sinh ra mà chết đi

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 81


Độc thoại

Em, một kẻ hoang tưởng, với vẻ quyến rũ thăm thẳm


Tình cờ được anh sinh ra. Bụi trần và bầu trời
Hài hòa thành một, anh gọi em là người nữ
Anh làm cơ thể em trở nên mạnh mẽ

Em mềm mại như một chiếc lông vũ trắng trên mặt nước
Anh giữ em trong tay, em sẽ dung nạp cả thế giới này
Mặc một xác thịt phàm, dưới ánh mặt trời
Em chói lòa như thế, tới mức anh khó thể tin

Em là một người nữ dịu dàng và nhạy cảm nhất


Nhận vào tất cả nhưng lại chia cho tất cả
Khao khát có một mùa đông, một đêm đen rộng lớn
Lấy trái tim mình làm thế giới, em muốn nắm tay anh
Nhưng tư thế của em lại thất bại trước anh

Khi anh ra đi, nỗi thống khổ của em


Muốn nôn trái tim em ra khỏi miệng
Dùng tình yêu để giết chết anh, ai cấm được điều này?
Vầng thái dương mọc vì thế giới! Em chỉ vì anh
Lấy sự dịu dàng ngọt ngào của thù hận bọc toàn thân anh
Từ chân đến đầu, theo cách của em

Một tiếng kêu cứu, linh hồn cũng muốn ngoi ra khỏi bàn tay?
Nước biển trở thành máu huyết của em, khiến em
Vươn cao tới chân mặt trời lặn, có ai nhớ tới em?
Nhưng điều em nhớ, không chỉ là một cuộc đời

82 Z Z Z REVIEW
SÁCH MỚI LÊN KỆ PHAN BOOK

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 83


Nghệ thuật
tiểu thuyết số 215,
Jeffrey Eugenides
James Gibbons
Chiêu Dương dịch
(Bài đăng trên The Paris Review)

84 Z Z Z REVIEW
Sinh ra tại Detroit vào năm 1960, Jeffrey Eugenides đã sống qua những
tháng năm huy hoàng cuối cùng ở nơi là trái tim của ngành công nghiệp
ô tô Mỹ. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông The Virgin Suicides
(1993) và Middlesex (2002) đều bắt nguồn từ Detroit và vùng ngoại ô
Grosse Pointe, nơi ông đã trải qua gần hết thời niên thiếu. Hai khung
cảnh đó - một thành phố từng là niềm tự hào nhưng đang chết dần và
vùng ngoại ô giàu có của nó, riêng biệt mà gắn kết mật thiết - đã được
tái hiện một cách sống động như những nhân vật trong hai cuốn tiểu
thuyết. Câu chuyện trong The Virgin Suicides diễn ra ở Grosse Pointe
(“dải đất có nước bao quanh của chúng tôi đã được những nhà thám
hiểm người Pháp đặt tên là Mũi Béo”). Câu chuyện về 5 chị em gái và
cái chết kinh khủng của họ qua lời kể của 5 người vốn có thể đã là 5
người theo đuổi, sau nhiều năm vẫn bị ám ảnh vì vụ tự tử của những
cô gái ấy.
Việc sử dụng giọng kể ở ngôi thứ nhất, số nhiều trong The Virgin
Suicides là một nước cờ táo bạo của Jeffrey Eugenides, mạo hiểm không
kém sự lựa chọn một người liên giới tính để tường thuật câu chuyện
trong Middlesex. Được nuôi nấng như con gái, sau một tuổi dậy thì đầy
rắc rối và nhiễu loạn cùng vài chuyến viếng thăm một vị bác sĩ chuyên
gia đáng sợ ở Manhattan, Callie Stephanides quyết định bước qua lằn
ranh của giới tính và sống như một người đàn ông. Để hiểu mình là
ai - trong xã hội, trong bản ngã, trong nguồn gốc - người đàn ông Cal
ở tuổi trưởng thành không chỉ thăm lại những kí ức thời thơ ấu từ
những năm 60, 70 mà còn tái tạo lại, tốt nhất có thể (đôi khi rất hoành
tráng), lịch sử của một gia đình từ một ngôi làng hẻo lánh vùng cao của
Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ XX đến thành phố Detroit phồn hoa trong
những năm thịnh vượng nhất của kỉ nguyên ô tô.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 85


Middlesex đã được trao giải Pulitzer. Năm 2007, Oprah Winfrey chọn
cuốn sách này cho câu lạc bộ đọc sách của mình, đưa Jeffrey Eugenides
thành cái tên quen thuộc với mọi nhà.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi được chia làm hai phần, diễn ra vào
cuối tháng Tám vừa rồi tại ngôi nhà ở Princeton, New Jersey của Jeffrey
Eugenides, nơi ông sống cùng vợ và con gái. Khi chúng tôi xem lại
những ghi chép của cuộc phỏng vấn đó thì Jeffrey Eugenides đã bắt đầu
một tour giới thiệu sách kéo dài trên khắp nước Mỹ, Canada và châu
Âu. Những câu hỏi được trao đổi lại qua điện thoại và rất nhiều câu trả
lời đã được làm rõ, hoặc được viết lại, bằng chữ viết tay trên một tờ giấy
của khách sạn - rõ ràng là trong những giờ phút bận rộn - khi Jeffrey
Eugenides bay qua bay lại giữa LA, San Francisco, Portland, Seattle,
Chicago và Toronto.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Căn phòng này đẹp quá. Ông viết ở đây ư?

JEFFREY EUGENIDES
Đây là văn phòng mùa hè của tôi, gần như toàn là kính và trông ra vườn. Tôi từng
nghĩ nó sẽ là một văn phòng như mơ ước, nhưng thực ra lớp kính gây mất tập trung
lắm, nên cuối cùng tôi lại dùng một phòng ngủ ít ánh sáng ở trên gác. Leonardo
nói phòng nhỏ thì giúp tâm trí tập trung. Tôi cũng nhận ra là so với một văn phòng
đẹp đẽ, mình thích làm việc trong những căn phòng nhỏ, kín và ít đồ đạc hơn.
Nhưng không sử dụng căn phòng này thì tôi lại cảm thấy tội lỗi, vậy nên mùa hè
tôi sẽ xuống đây và cố làm gì đó hữu ích. Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội để sử dụng
văn phòng đẹp đẽ này của mình. Tôi không muốn thực sự viết ở những nơi dễ chịu,
thoải mái. Thậm chí tôi đã nghĩ tới chuyện chuyển lên tầng áp mái bởi đó là nơi
đơn sơ và cách biệt nhất trong ngôi nhà.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông cũng làm việc trong những căn phòng nhỏ như thế khi sống ở những nơi khác
ư?

86 Z Z Z REVIEW
JEFFREY EUGENIDES
Hồi ở trường và cả khi ra trường rồi sống trong những căn hộ, tôi chỉ có một
phòng của riêng mình - phòng ngủ. Vậy nên tôi đã quen với việc viết ở chiếc bàn
học cách không xa chiếc giường là mấy. Một phần trong Middlesex là tôi viết ở
phòng khách. Khi chuyển đến Berlin, cuối cùng, chúng tôi cũng có một căn hộ
lớn hơn, và tôi ngồi viết ở một phòng ngủ dư ra. Chủ yếu tôi đã viết các cuốn
sách của mình trong các phòng ngủ của các căn hộ. Đây là ngôi nhà đầu tiên của
chúng tôi, vậy nên tôi đã có một văn phòng thực sự. Lúc ấy tôi cũng đã gần năm
mươi tuổi rồi.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có lên thời gian biểu chặt chẽ cho việc viết không?

JEFFREY EUGENIDES
Có chứ. Tôi cố gắng viết hằng ngày. Bắt đầu khoảng lúc mười giờ sáng và tới giờ
ăn tối, hầu hết các ngày. Đôi lúc cũng không năng suất lắm, và rất nhiều lúc xuống
tinh thần. Thỉnh thoảng tôi ngủ ngay trên ghế, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu ở
trong phòng cả ngày, tôi sẽ hoàn thành được việc gì đó. Tôi coi nó như một công
việc văn phòng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có nghi thức nào đặc biệt không, hay là ông thấy viết lách là chuyện chỉ cần
nghiêm túc ngồi xuống và viết thôi?

JEFFREY EUGENIDES
Không có gì đặc biệt cả. Chất xúc tác thường xuyên của tôi là trà hoặc cà phê. Cuối
mỗi cuốn sách, khi tôi đã quá kiệt sức, tinh thần mệt mỏi, đôi lúc tôi sẽ chuồn ra
sân và hút một điếu xì gà, có lẽ mỗi cuốn khoảng sáu, bảy lần như thế. Cái thói
quen xấu đó tôi đã có từ hồi ở Berlin.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Cal trong Middlesex cũng hút xì gà.

JEFFREY EUGENIDES
Đấy là lý do nó được đưa vào đấy. Thỉnh thoảng, thay vì uống một lon Red Bull
như một chàng hai mươi tuổi, tôi lại viện đến phương pháp của Thomas Mann,

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 87


một điếu Maria Mancini, nhưng không thường xuyên đâu. Xì gà là liều thuốc hoàn
hảo cho chữ nghĩa. Tôi hiểu tại sao Mann, Freud và rất nhiều người có sức làm việc
bền bỉ lại hút xì gà. Nó thực sự khiến tâm trí bạn tập trung.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có lên khung cho các cuốn tiểu thuyết của mình không?

JEFFREY EUGENIDES
Tôi không bắt đầu với một ý tưởng và lên khung cho nó. Tôi không hiểu, làm sao
ta lại biết trước được chuyện gì sắp xảy ra trong một cuốn sách hay cuốn sách viết
về điều gì. Vậy nên tôi đành cắm cúi lao vào viết thôi, và sau một lúc, tôi bắt đầu
lo rằng tôi không biết mình đang làm gì hoặc mình sẽ đi đến đâu, vậy nên tôi bắt
đầu lên một khung sườn đại khái, nghĩ về chuyện có thể xảy ra trong cuốn sách
hay chuyện tôi có thể xây dựng cấu trúc cho nó như thế nào. Rồi cái khung đó
sẽ liên tục được chỉnh sửa. Tôi sẽ để nó ở đó, như một chiếc chăn bảo vệ vậy, để
khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn về những gì mình đang làm, nhưng chỉ để phòng
vậy thôi. Khi bạn viết, bạn sẽ liên tục khám phá ra thêm nhiều thứ và có thêm ý
tưởng xem chuyện này sẽ ra sao; và thông thường, sự ngạc nhiên khi nhận thức
được điều này cũng chính là điều khiến kết cấu truyện của cuốn sách gây ngạc
nhiên cho độc giả. Nếu ngay ngày đầu tiên bạn đã có thể nhìn thấy điều gì sẽ xảy
ra, thì độc giả cũng sẽ đoán được. Các ý tưởng càng phức tạp, các kết quả của câu
chuyện càng khó dự đoán, viết về điều đó thú vị hơn, và đọc về điều đó cũng thú
vị hơn.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Vậy còn những tiết tấu mang tính ẩn dụ thì sao? Ví dụ như lụa chẳng hạn, nó rất
quan trọng xuyên suốt trong cuốn Middlesex. Ông định mở rộng đến đâu những
motif lặp đi lặp lại đó?

JEFFREY EUGENIDES
Anh đào sâu về đối tượng nhất định nào đó thì tiết tấu đó sẽ xuất hiện. Trong
Middlesex, ông bà của người kể chuyện là người dệt lụa. Tôi rất thích viết về điều
đó và cái thị trấn quê hương của họ ở vùng Tiểu Á. Sau đó, khi tôi bắt đầu đọc về
lụa, tôi phát hiện ra truyền thuyết về nàng công chúa Trung Hoa đã phát minh ra
nghề dệt lụa. Đây là một câu chuyện thật đẹp, và dường như ngay lập tức, nó có sự
kết nối với câu chuyện tôi đang viết. Vậy nên khi bạn đang viết gì đó, đặc biệt là thứ

88 Z Z Z REVIEW
dài như Middlesex, tôi nghĩ Joyce đã nói thế này, tất thảy mọi thứ ở thế giới ngoài
kia đều liên quan đến câu chuyện của bạn. Bạn sẽ liên tục tìm thấy những điều có
ẩn dụ liên quan đến câu chuyện bạn đang viết. Dần dần, khi viết, bạn sẽ nhạy cảm
hơn, nhận thức rõ hơn về những liên kết đó, và rồi bạn nối chúng lại với nhau một
cách mạch lạc thành hệ thống, nhịp điệu. Với Middlesex cũng vậy, dải lụa trở thành
một hình ảnh ẩn dụ không chỉ cho sự chuyển hóa gene mà còn cho chính bản thân
nghệ thuật kể chuyện.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Dải lụa đã biến sự kết hợp tưởng chừng như không thể giữa nhân vật Desdemona
và tổ chức Quốc gia Hồi giáo ở Detroit thành có thể. Đây có phải là điều ông đã
định viết ngay từ đầu không?

JEFFREY EUGENIDES
Đó là một sự ngẫu nhiên hết sức thú vị. Tôi đã hứng thú từ lâu với những câu
chuyện của mình về những người nhập cư Hy Lạp, vốn là nông dân nuôi tằm dệt
lụa mới chuyển đến Detroit vào những năm 30, thì tình cờ tìm được một bài báo
của Darryl Pinckney trên tờ The New York Review of Books về tổ chức Quốc gia
Hồi giáo này. Người đàn ông sáng lập ra nó có tên là W. D. Fard, nghe nói đến từ
vùng Cận Đông. Ông ấy là một người buôn lụa. Ông ta tuyên truyền những học
thuyết đầy sự thù địch sắc tộc và kiến tạo gene - và rồi ông ta xuất hiện ở đó, ngay
tại Detroit năm 1932. Ông ta cứ như thể van nài được trở thành một phần trong
cuốn tiểu thuyết, và chẳng bao lâu sau thì được như ý nguyện.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Vào thời điểm nào ông quyết định mình sẽ trở thành một nhà văn?

JEFFREY EUGENIDES
Tôi ra quyết định rất sớm, từ hồi lớp 11. Năm đó, chúng tôi đã đọc Chân dung
chàng nghệ sĩ trẻ, và nó có ảnh hưởng rất lớn đến tôi, vì những lý do mà bây giờ tôi
thấy khá bất ngờ. Tôi mang hai dòng máu Ireland và Hy Lạp, gia đình nhà mẹ tôi
đều là người Kentucky, những nông dân miền Nam, và gia đình ông bà nội của tôi
là những người nhập cư từ vùng Tiểu Á - và, vì lý do đó, tôi thấy mình giống như
Stephen Dedalus: mọt sách, con ngoan trò giỏi, và sở hữu một cái tên “kỳ dị, như
một người Hy Lạp cổ đại”. Joyce đã từng viết ở đâu đó rằng Dedalus coi tên mình
như một điềm báo cho số phận của anh ta, và tôi, ở tuổi mười sáu mộng mơ, cũng

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 89


nghĩ vậy. Eugenides có trong The Waste Land. Giáo viên tiếng Latinh của tôi đã bảo
thế. Lý do duy nhất khiến tôi say mê những điều mộng tưởng như vậy ngay từ đầu,
tất nhiên, là bởi sức mạnh trong ngôn ngữ của Joyce và câu chuyện của Stephen
Dedalus, rằng anh ta từ chối trở thành linh mục để theo đuổi sứ mệnh nghệ thuật,
điều đó thật quá hấp dẫn với tôi. Dedalus muốn tạo nên một “lương tri chưa từng
có của dân tộc mình”. Đó chính là điều tôi muốn làm, dù cho khi đó tôi không biết
thực sự nó nghĩa là gì. Tuy nhiên, tôi nhớ rõ rằng mình đã có suy nghĩ rằng, trở
thành một nhà văn là điều tốt nhất một con người có thể làm. Dường như nó hứa
hẹn những cảnh tỉnh cao độ nhất cho cuộc đời. Điều ấy thật thiêng liêng với tôi,
gần như một tôn giáo.
Tôi thực hiện giấc mơ ấy rất có bài bản, kế hoạch. Tôi chọn Brown chủ yếu là để
được theo học John Hawkes bởi tôi ngưỡng mộ những tác phẩm của ông ấy. Tôi
bắt đầu chương trình chuyên sâu và nâng cao về văn học Anh (honor program),
nên buộc phải học toàn bộ truyền thống văn chương Anh, bắt đầu với Beowulf. Tôi
cảm thấy rằng nếu đã có ý định đóng góp cho truyền thống đó, tôi nên biết chút
gì về nó.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Khi còn trẻ ông đọc sách thế nào?

JEFFREY EUGENIDES
Trong phòng khách ở ngôi nhà nơi tôi lớn lên có một giá sách rất lớn, được xây
âm vào tường. Cha mẹ tôi đã trưởng thành trong những hoàn cảnh khiêm tốn,
nhà mẹ khá thiếu thốn, đã luôn mong ước về những điều kiện tốt hơn cả về văn
hóa lẫn kinh tế. Và thế là họ trở thành mục tiêu khách hàng hoàn hảo cho những
người rao bán bách khoa toàn thư. Hồi đó, người bán hàng sẽ đến cửa nhà bạn rồi
ấn chuông, và bố mẹ tôi mời rất nhiều trong số họ vào nhà. Với 3 đứa con để nuôi
dạy, bố mẹ tôi đầu tư rất nhiều loại sách khác nhau: bộ sách Great Books, cuốn
Bách khoa toàn thư thế giới, bộ Modern Library v.v... Mẹ tôi vốn luôn mê đọc tiểu
thuyết, vậy nên chúng tôi cũng có rất nhiều sách đương đại. Giá sách khổng lồ như
một thứ quyền năng đối với đứa trẻ là tôi khi đó. Lên trung học, khi tôi đã nhận
thức rõ hơn về văn học, tôi nhận ra là nhà mình có rất nhiều tác phẩm kinh điển
trên giá sách, và thường là chưa được đọc. Tôi đã tìm thấy Ulysses theo cách đó, và
An American Tragedy, và ở hàng trên cùng của giá, Everything You Always Wanted
to Know About Sex. Trong lúc đó, ở trường tôi lại đang phải đọc Henry James. Tôi
ghét lắm. Và kết quả là James trở thành một trong những nhà văn yêu thích của tôi.

90 Z Z Z REVIEW
Tuy nhiên, tôi lên đại học mà chẳng biết gì nhiều. Cho đến những năm tuổi 20 tôi
mới trở thành một người đọc nghiêm túc. Những năm giữa tuổi 20 và 30, tôi đọc
ngấu đọc nghiến, đọc nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong đời. Tôi chỉ
đang cố bớt ngu đi một chút.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Những nhà văn nào quan trọng với nghiệp viết của ông sau này?

JEFFREY EUGENIDES
Thời đại học, tôi yêu thích nhất là những nhà văn lớn thuộc chủ nghĩa hiện đại.
Joyce, Proust, Faulkner. Từ họ, tôi tiếp tục khám phá ra Musil, Woolf, và những
người khác nữa, và chả bao lâu sau tôi và các bạn lại đọc Pynchon và John Barth.
Thế hệ của tôi trưởng thành ngược. Chúng tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lối viết
thể nghiệm ngay cả trước khi đọc được nhiều về văn chương thế kỷ XIX, thứ các
nhà văn hiện đại và hậu hiện đại phản đối. Nó giống như học lịch sử hội họa mà
lại bắt đầu bằng trường phái Lập thể trước khi đi học về thời Phục Hưng của Ý.
Những năm đầu tuổi 20, lần đầu tiên tôi đọc Tolstoy và nhận ra mình đã bỏ lỡ
mất điều gì.
Tôi thích cách tư duy sống động không ngừng trong Joyce, phong thái sáng suốt
điềm đạm, những lối chơi chữ, cách vui đùa với ngôn ngữ. Tôi thích sự cụ thể, đặc
trưng trong những chân dung Dublin ông ấy khắc họa, và cả tính chất phản tư của
văn bản chủ nghĩa hiện đại. Nhưng tôi còn thích sự rõ ràng của Tolstoy hơn, và sự
chân thực, sự sống động của các nhân vật của ông. Tôi không hề thấy các phương
pháp của ông ấy là cũ kỹ hay sáo mòn. Tôi thấy nó vẫn đang truyền ý nghĩa tới tôi,
trực tiếp từ Yasnaya Polyana đến căn hộ tầng ba của tôi. Toàn bộ sự nghiệp từ trước
tới nay của tôi là một nỗ lực để hòa hợp hai thái cực này của văn chương, sự thể
nghiệm của những nhà văn hiện đại chủ nghĩa với lực trần thuật và tầm quan trọng
của nhân vật của các nhà văn hiện thực thế kỷ XIX.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có từng thấy hứng thú với thơ không?

JEFFREY EUGENIDES
Tôi khởi đầu sự nghiệp như một nhà thơ đấy chứ. Tôi viết thơ cả ở phổ thông và
đại học. Khoản tiền thưởng đầu tiên mà tôi nhận được từ việc viết lách chính là
phần thưởng cho giải nhì của một cuộc thi sáng tác thơ ở trường đại học. Bài dự thi

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 91


của tôi là một bài thơ theo chủ nghĩa hình tượng bị ảnh hưởng sâu sắc từ Pound có
tên là Fox Point. Tôi nhận được 75 USD và cảm thấy hết sức phấn khích.
Rồi tự sự chen vào giữa tôi và thơ. Những bài thơ yêu thích của tôi, theo một nghĩa
nào đấy, là những sử thi viết bằng thơ, Iliad, Odyssey và Aeneid. Tôi muốn dùng
ngôn ngữ của thơ để viết tự sự, và với tôi giờ đó dường như đã là mảnh đất nuôi
dưỡng cho cuốn tiểu thuyết này - một cuốn tiểu thuyết giàu nhịp điệu, có lẽ, như
cuốn đầu tiên The Virgin Suicides.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


The Virgin Suicides quá sống động và huyền ảo tới mức nó được coi như một kiểu
thơ văn xuôi. Ông có chủ định kiểu tiểu thuyết ngoại ô truyền thống của Updike-
Cheever khi viết nó không?

JEFFREY EUGENIDES
Không hẳn. Tôi có ý thức được rằng anh không nên viết về vùng ngoại ô, rằng
nó không đáng theo một cách nào đó, đề tài đó không đủ tầm quan trọng và
ảnh hưởng. Vậy nên, chính điều này đã khiến tôi không viết về vùng ngoại ô
trong một thời gian dài. Nhưng một khi tôi bắt đầu, tôi nhận ra rằng nó cũng
thú vị như bất kỳ địa điểm nào khác. Tôi đã viết suốt nhiều năm trước khi tôi
viết The Virgin Suicides nhưng kỳ lạ thay The Virgin Suicides lại là một trong
những cuốn đầu tiên tôi chọn quê hương mình làm bối cảnh, dù tôi không hề
nêu tên nó ra.
Như rất nhiều nhà văn trẻ, khi bắt đầu, tôi chỉ có một khái niệm rất mơ hồ về
tư liệu của mình. Tôi đã viết về những con người và những nơi chốn xa xôi, khác
biệt hẳn so với con người và nơi chốn tôi biết. Sau đó, tương tự như vậy, nếu tôi
cố gắng viết về bản thân mình, kết quả hết sức mù mờ, bởi lý do đơn giản là tôi
đã không hiểu rõ về bản thân mình. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi bắt đầu viết The
Virgin Suicides, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng tôi đã biết rất nhiều, không phải về
những không gian tâm lý của tôi mà là về thị trấn nơi tôi lớn lên. Tôi biết mọi thứ
về những người sống trên con phố cũ của nhà tôi. Tôi nhớ sự kỳ lạ của họ, lịch sử
gia đình họ, những thị phi và những lời đồn. Tôi nhớ thời tiết nơi đây, nhớ những
huyền thoại của vùng đất này, những căng thẳng sắc tộc, hệ động vật và thực vật.
Tôi không còn cảm thấy xấu hổ vì là dân ngoại ô đến từ Trung Tây. Tôi coi nó như
quận Yoknapatawpha của riêng mình, và lần đầu tiên, viết ra thứ gì đó hấp dẫn với
người đọc trưởng thành.

92 Z Z Z REVIEW
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vùng ngoại ô vốn được coi là nơi an toàn, bình lặng nhưng tất nhiên vẫn có những
thôi thúc, bốc đồng rất bản năng và con người, đặc biệt là nguồn năng lượng nổi
loạn của thanh thiếu niên giữa không gian này. The Virgin Suicides diễn ra trong
bối cảnh của những câu chuyện này. Bối cảnh này sinh ra một kiểu khát khao mong
đợi, và tất nhiên, cả sự thất vọng của nó.

JEFFREY EUGENIDES
The Virgin Suicides cũng là về thành phố, về Detroit theo một cách gián tiếp nhưng
quan trọng. Phải mất nhiều năm sau khi hoàn thành cuốn sách tôi mới hiểu được
điều này. Khi tôi sinh ra, Detroit vẫn là thành phố lớn thứ 4 nước Mỹ. Dân số khi
đó vào khoảng hơn 1 triệu người. Nhưng mọi người đã bắt đầu rời đi, và vào năm
1967, và khi bạo động xảy ra, cơn rả rích đã biến thành một cơn lũ. Cả tuổi thơ của
tôi diễn ra trong thời kỳ suy thoái của Detroit. Tôi lớn lên và chứng kiến nhà cửa,
đất đai tan rã rồi biến mất. Cảm giác của tôi về thế giới thấm đẫm sự tiếc nuối, và
xót xa - kết quả từ những trải nghiệm trực tiếp về sự mong manh và phù du của thế
giới vật chất. Đó chính là những điều tôi thực sự viết về. Tôi đã tưởng tượng ra một
gia đình với những người chị em tự sát, 5 cuộc đời ngắn ngủi và tôi sẽ đặt họ vào
một bầu không khí của sự đổ nát và suy tàn - những nhà máy sản xuất ô tô đang
chết dần, những hàng cây du đang chết dần - nhưng nguồn gốc của tất cả những
điều này, xét trên những lý thuyết về tâm lý hay chỉ xét trên cảm xúc đơn thuần,
đều có liên quan đến sự tồn tại ngắn ngủi của mọi thứ mà tôi biết khi còn là một
đứa trẻ.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông vốn luôn định kể The Virgin Suicides theo ngôi thứ nhất số nhiều sao?

JEFFREY EUGENIDES
Đúng vậy, tôi bắt đầu với “chúng tôi”. Trong bản nháp đầu của chương 1, tôi đã để
một cậu bé thay lời cho tất cả. Anh Donald Antrim đã đọc nó và cho tôi một lời
khuyên rất hữu ích. Anh ấy nói, “Tại sao cậu lại dùng đúng một chữ ‘tôi’ sau khi tất
cả nội dung là ‘chúng tôi’? Thật sự không cần thiết như thế.” Và anh ấy nói đúng.
Toàn bộ câu chuyện là về “chúng tôi” ngoại trừ một hoặc hai ví dụ. Tôi dùng giọng
“chúng tôi” nhưng tôi lại không hoàn toàn tin tưởng nó. Và Don đã cho tôi sự tự
tin để làm vậy.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 93


NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nếu ông thực sự bận tâm với chi tiết đó, ông có thể thử tìm xem cậu bé nào đang
tường thuật lại câu chuyện, nhưng ông sẽ thất bại thôi. Chính điều này giúp The
Virgin Suicides có tính “thể nghiệm” nhất trong số ba cuốn tiểu thuyết của ông.

JEFFREY EUGENIDES
Trong cuốn How Fiction Works, James Wood viết, “Ngôi nhà hư cấu có rất nhiều
cửa sổ nhưng chỉ có 2 hoặc 3 cánh cửa ra vào. Tôi có thể kể một câu chuyện ở ngôi
thứ ba hoặc ngôi đầu tiên, và có lẽ cả ở ngôi thứ hai số ít, hoặc ngôi thứ nhất số
nhiều, dù những ví dụ thành công của hai kiểu sau thực sự rất hiếm.” Chúng thật
sự rất hiếm, và theo đúng nghĩa như thế, The Virgin Suicides được đánh giá như
một thể nghiệm. Ngôi thứ nhất số nhiều rất hiếm khi tôi dùng nó hồi năm 1993.
Tôi chỉ biết 2 ví dụ - Bông hồng cho Emily của Faulkner và Mùa thu của bậc trưởng
lão của Gabriel Garcia Marquez. Gần đây, rất nhiều nhà văn đã sử dụng ngôi này,
thường xuyên như tôi đã dùng, trong các tiểu thuyết về tuổi thơ và thời thanh
thiếu niên. Một giọng kể cho phép bạn nói những điều mà nếu không dùng nó bạn
sẽ không thể dùng được. Nó giải phóng bạn khỏi nhà tù của cái tôi và những giới
hạn của suy nghĩ thành lối mòn. Một trong những bí ẩn lớn nhất và cũng là vui thú
đáng kể nhất của việc viết văn hư cấu là sự khám phá ra một giọng nói mở ra con
đường dẫn tới những tri thức, phiếm chỉ nhưng vẫn cụ thể.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ý tưởng về một người kể chuyện liên giới có vẻ hoàn toàn mới lạ. Ông có xem hay
tham khảo ý tưởng nào tương tự trước đó không?

JEFFREY EUGENIDES
Những năm 80, tôi có đọc được cuốn Herculine Barbin: Being the Recently
Discovered Memoirs of a Nineteenth-Century French Hermaphrodite của Michel
Foucault. Câu chuyện khiến tôi tò mò. Tôi muốn biết là Herculine thì sẽ như thế
nào. Thật không may, bà ấy lại không thể tự miêu tả đời mình một cách chi tiết
như tôi mong muốn. Cuốn hồi ký rất tránh nói về cấu trúc giải phẫu học của
Herculine. Phong cách viết rất bi tráng. Herculine là nữ sinh trường dòng, và cô ấy
viết về tình dục một cách dè dặt và thiếu hẳn những suy tư về tâm lý mà bạn có thể
sẽ mong đợi. Cuốn hồi ký đó khiến tôi bực mình. Tôi muốn nó khác đi. Vậy nên
tôi quyết định tự mình sẽ viết một cuốn.
Còn những trường hợp trước đó thì rất rõ ràng rồi - những huyền thoại cổ đại, đặc

94 Z Z Z REVIEW
biệt là Hóa thân của Ovid và Orlando của Woolf. Không giống những ví dụ đó,
tôi không muốn viết chuyện về một nhân vật đẹp đẽ có thể thay đổi giới tính một
cách kỳ diệu. Tôi muốn viết về một con người thực sự gặp phải vấn đề này, và tôi
muốn các thông tin sinh học chính xác nhất có thể. Với mục đích đó, tôi bắt đầu
nghiên cứu tại Thư viện Y học ĐH Columbia và đọc về những tình huống đa dạng
của cái được người ta gọi là tình trạng lưỡng giới tính giả. Tình huống mà tôi chọn
cho người kể chuyện của mình - hiện tượng thiếu hụt enzim 5-alpha-reductase (5-
ARD) - cực kỳ hợp với mục đích của tôi. Những người sinh ra với tình trạng này
- lúc mới sinh thì là nữ giới nhưng đến lúc dậy thì lại phát triển rất mãnh liệt các
đặc điểm của nam giới. Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý nhất về tình trạng này là
nó là kết quả của một đột biến lặn. Ngay khi tôi biết được điều này, toàn bộ cuốn
sách thực sự đã trở thành một điều gì đó khác biệt. Thay vì là một cuốn hồi ký hư
cấu ngắn gọn giống như một Herculine Barbin nữa, cuốn sách sẽ là câu chuyện về
một gene đột biến được truyền qua ba thế hệ trong một gia đình, cho tới khi 2 bản
sao của gene này rơi vào nhân vật người kể chuyện của tôi, và từ đó đem tới cho anh
ta một cuộc đời bất thường, nhưng rất thuyết phục và chân thực.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Có một câu trong cuốn tiểu thuyết nói rằng muốn hiểu Cal thì anh phải hiểu điều
gì xảy ra trước đó.

JEFFREY EUGENIDES
Di truyền học đưa tôi trở về trước đó vài thế hệ, và tất nhiên, bước vào quá khứ. Bởi
hội chứng thiếu hụt 5-ARD chỉ xảy ra với các nhóm dân cư nội phối và cô lập, tôi
nghĩ ra ý tưởng bắt đầu cuốn sách với những người Hy Lạp sống trong một ngôi
làng nhỏ ở vùng Tiểu Á.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Cuốn tiểu thuyết có dài hơn ông dự tính không?

JEFFREY EUGENIDES
Vào lúc đó tôi đã biết nó sẽ là một cuốn khôi hài dài như sử thi. Tôi mất rất nhiều
thời gian để có được tông giọng đúng cho nó nhưng tôi biết trong tay mình đã có
một cuốn sách lớn.
Một điểm cuối cùng nữa - mọi người thường hỏi tôi tại sao lại chọn tường thuật
một cuốn tiểu thuyết từ góc nhìn của một người liên giới tính, và câu trả lời của tôi

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 95


là, mọi cuốn tiểu thuyết đều nên được kể bởi một người liên giới tính. Công việc
của tiểu thuyết gia là đóng vai cả nhân vật nam và nữ, vậy nên, theo một nghĩa nào
đó, tiểu thuyết gia nên có một trí tưởng tượng lưỡng tính.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông cảm thấy góc nhìn nữ giới khác với góc nhìn nam giới ở điểm nào?

JEFFREY EUGENIDES
Tôi không nghĩ theo kiểu đây là góc nhìn của nam giới hay nữ giới. Tôi luôn nghĩ
theo những cá nhân. Tôi chưa bao giờ viết về “phụ nữ”. Tôi viết về một người phụ nữ,
hoặc một người đàn ông, hoặc một người liên giới tính. Văn học hư cấu nên đi theo
hướng cụ thể chứ không phải khái quát, bởi con người là những cá thể riêng biệt.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có suy nghĩ gì không về việc nam giới và nữ giới viết khác nhau?

JEFFREY EUGENIDES
Suy nghĩ rập khuôn hay cho rằng nam giới thì viết theo phong cách logic, thẳng
thừng, tiến triển còn nữ giới thì viết theo phong cách trực giác, lòng vòng. Chà,
những miêu tả đầu tiên phù hợp với Flannery O’Connor và những miêu tả thứ hai
hợp với Proust. Vậy nên tôi không nghĩ sự phân biệt này có ích gì mấy.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Kate Christensen nói về việc giải phóng cái “con cu nội tại” của mình để viết một
trong những cuốn tiểu thuyết của bà, phủ định cái ý tưởng rằng thực sự có tồn tại
một cách viết thiết yếu cho giới tính này hoặc giới tính kia.

JEFFREY EUGENIDES
Tôi phải nói lại rằng, với Middlesex, tôi đã cố gắng viết cụ thể nhất có thể. Tôi phân
tích Cal như một bác sĩ. Cal có nhiễm sắc thể XY. Bẩm sinh và ở tuổi dậy thì, anh
ta vẫn có mức độ hormone testosterone bình thường trong tử cung. Nếu những thứ
này ảnh hưởng đến phản ứng hóa học tại não bộ, và nếu, đến lượt mình, những ảnh
hưởng này dẫn đến một khung ngôn ngữ định nghĩa được nam và nữ - thì một lần
nữa, vấn đề vẫn chưa thể kết luận chắc chắn - khi đó Cal sẽ có cái giọng được-coi-là
nam, bất kể điều đó có nghĩa là gì. Tất cả những gì tôi cần làm là tạo ra một giọng
điệu mà chỉ riêng Cal mới có. Tôi không cần phải tỏ ra là nữ tính hay lưỡng tính,
điều này cũng tốt, bởi dù sao tôi vẫn còn hoài nghi về những cách phân loại đó lắm.

96 Z Z Z REVIEW
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có nhận được phản hồi nào từ những người liên giới tính không?

JEFFREY EUGENIDES
Khi cuốn sách được ra mắt lần đầu tiên, tôi đang có một buổi đọc sách ở Portland,
Oregon, và có một nhóm nhỏ những người thuộc Hiệp hội người Liên giới tính
vùng Bắc Mỹ tụ tập trước cửa. Họ tức giận vì tôi đã dùng từ hermaphrodite (lưỡng
tính), một từ mà theo họ là có ý miệt thị. Sau buổi đọc, tôi đã thảo luận với họ và
chúng tôi đã thống nhất được quan điểm.
Tôi đồng ý rằng sẽ không bao giờ gọi bất cứ ai, một thực thể có sự sống nào, là một
người lưỡng tính. Tôi cam kết sẽ truyền bá sự phân biệt này bất cứ khi nào và nhiệt
tình nhất có thể. Tuy nhiên, tôi bảo lưu quyền dùng từ lưỡng tính khi nói về các
nhân vật văn học và thần thoại, ví dụ như Tiresias. Thuật ngữ lưỡng tính đã có một
lịch sử lâu dài và sẽ thật là sai lầm nếu ta biến nó thành một từ bất-khả-xâm-phạm.
Những người biểu tình này cho rằng quan điểm của tôi là hợp lý và từ đó không
buổi đọc sách nào của tôi bị biểu tình phản đối nữa.
Sau khi cuốn sách được công chúng biết đến, tôi bắt đầu nhận được thư từ những
độc giả là người liên giới tính, tất cả họ đều rất tích cực. Rồi sau đó, tôi được mời
đến chương trình của Oprah, và chương trình chủ yếu tập trung vào vấn đề này.
Vừa mới tuần trước, một người đã đến tìm tôi trong một buổi đọc và thì thầm vào
tai tôi rằng anh ấy là một người mắc hội chứng thiếu hụt 5-ARD. Anh ấy là người
đầu tiên tôi gặp mà mắc hội chứng hiếm như vậy. Anh ấy trao cho tôi một lá thư,
cảm ơn tôi đã viết Middlesex. Anh ấy nói rằng cuốn sách đã cứu vớt cuộc đời mình
thời trung học. Anh này còn nói thêm rằng, ngoài sự cảm ơn đối với tôi, đôi lúc
anh ta lại cảm thấy tức giận vì anh ta cảm thấy tôi đã viết cuốn sách mà lẽ ra bản
thân anh ta mới nên là người viết nó.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Nửa đầu của Middlesex, về cơ bản, như một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Viết như thế
có khó không?

JEFFREY EUGENIDES
Khó, bởi tôi thường không thích tiểu thuyết lịch sử. Tuyên bố rằng mình có thể
hiểu và tái hiện một khoảng thời gian đã mất, khoảng một thế kỷ trước khi mình
sinh ra, ít nhất, là một hành động ngông cuồng. Và rồi còn chuyện giọng tường
thuật của rất nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử nữa. Họ cố gắng nghe có vẻ hoài niệm,

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 97


cũ kỹ và kết quả là những lời văn đó trở nên cứng khô như gỗ. Họ đã bị ảnh hưởng
bởi cái quá khứ mà họ muốn tái hiện, muốn ghi lại. Vậy nên tôi phải tránh những
cái bẫy như vậy đối với Middlesex bằng cách giấu nhẹm chuyện tôi biết hết mọi
điều. Cal kể lại câu chuyện của ông bà anh ta một cách thành thực nhất có thể,
nhưng rõ ràng là anh ta đang tạo nên câu chuyện, thêm mắm dặm muối cho câu
chuyện của chính mình. Có rất nhiều đoạn độc thoại với người đọc mà Cal gần
như thừa nhận tất cả. Tôi cảm thấy rằng những thừa nhận như vậy là một cách đối
xử trung thực và chân thành đối với độc giả. Tôi cũng cảm thấy rằng tông giọng của
cuốn sách sẽ chiểu theo tính cách của Cal. Nhu cầu muốn hiểu được làm sao mình
lại ra thế này của Cal sẽ khiến anh ta kể câu chuyện lịch sử của mình, đôi khi ở ngôi
thứ nhất, đôi khi ở ngôi thứ ba, thoát khỏi cái tôi của mình theo đúng nghĩa đen.
Cách kể chuyện của Cal là một cách trả lời cho tình trạng gene của anh ta. Lịch sử
ấy hoàn toàn cá nhân, dù những sự kiện có xảy ra trước khi anh ta được sinh ra.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có tới Izmir không, thành phố từng mang tên Smyrna ấy?

JEFFREY EUGENIDES
Tôi đã tới đó năm 1985 mà không nhận ra tầm quan trọng của nó. Lúc đó, tôi
chẳng biết gì nhiều về lịch sử của ông bà mình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ khi quyết định
viết về một ngôi làng Hy Lạp ở gần Bursa thì tôi mới bắt đầu tìm hiểu về nó. Cuối
cùng, nhiều năm trời sau khi hoàn thành Middlesex, tôi mới tới thăm ngôi làng
quê hương của ông bà tôi.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Trận hỏa hoạn thiêu rụi Smyrna và sự lụi tàn của Detroit như vang vọng vào nhau
trong cuốn tiểu thuyết này.

JEFFREY EUGENIDES
Cuốn sách chứa đầy những kí ức vang vọng, những sự lặp lại, giống như bao cuốn
sách về gene khác. Trận đại hỏa hoạn Smyrna gây ra một khó khăn khác cho tôi khi
viết những đoạn về lịch sử, đó chính là tôi chẳng biết gì cả. Tôi ở Yaddo khi tôi viết
về Smyrna và cuốn sách không tiến triển được chút nào. Tôi đang cố gắng tái hiện
lại thành phố và đám cháy hoàn toàn từ những tưởng tượng của tôi. Một ngày, tôi
đã tuyệt vọng. Tôi định sẽ từ bỏ toàn bộ cuốn sách thì tôi phát hiện ra một cuốn
sách trên chiếc bàn trong căn biệt thự. Cuốn sách do Marjorie Housepian Dobkin

98 Z Z Z REVIEW
viết và có tên Smyrna 1922. Cuốn sách đó đã dạy tôi mọi điều tôi cần về trận hỏa
hoạn của Smyrna, nó dạy tôi bắt tay vào nghiên cứu nghiêm túc hơn. Trí tưởng
tượng thôi thì chưa đủ.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Một trong những điều tôi ngưỡng mộ nhất ở Middlesex là cách ông xây dựng và
phát triển mối quan hệ loạn luân giữa Lefty và Desdemona. Vì mối quan hệ loạn
luân như vậy là một trong những điều cấm kỵ cơ bản của con người, và nó dễ lấn
át phần còn lại của câu chuyện.

JEFFREY EUGENIDES
Không phải ai cũng nghĩ rằng tôi xây dựng và phát triển nó thành công. Tôi còn
nghe nói rằng một vài người đã gập ngay cuốn sách lại khi đọc đến đoạn đó. Tuy
nhiên, loạn luân cần thiết cho cả câu chuyện. Tôi cần kịch hóa vấn đề nội phối.
Chuyện nội phối diễn ra chậm chạp, vô hình qua hàng thế kỷ nay. Tôi phải làm nó
diễn biến nhanh hơn, vậy nên tôi để một người em trai và một cô chị gái phải lòng
nhau.
Zeus và Hera, tất nhiên, cũng là anh em đấy thôi. Middlesex mở đầu như một
câu chuyện cổ tích. Ý tưởng là có thể khiến cuốn sách này tóm gọn lại DNA của
Tiểu thuyết. Vì vậy, nó bắt đầu với những sự kiện lịch sử và trở nên, ở nửa sau của
cuốn tiểu thuyết, hiện đại hơn, tâm lý hơn, thực tế hơn. Chuyện loạn luân xảy ra ở
những phần như ngụ ngôn, như thần thoại trong cuốn tiểu thuyết. Nó không có
độ thực tế đến mức có thể khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm. Vậy nên, đúng,
anh nói đúng. Tôi đã cố gắng xây dựng và phát triển yếu tố dễ gây tranh cãi này và
xử lý nó một cách nhẹ nhàng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Có điều gì trong những lời phê bình mà ông cho là đã hiểu sai về tác phẩm của
mình không? Có hiểu lầm nào khiến ông cảm thấy bất công hoặc ở mức nào đó bỏ
lỡ điều ông muốn nói?

JEFFREY EUGENIDES
Tất cả những gì bạn có thể yêu cầu là người điểm sách sẽ bình luận về cuốn sách
bạn ĐÃ viết, chứ không phải cuốn sách họ TƯỞNG bạn đã viết. Một số người
điểm sách mang theo cả ý kiến cá nhân của họ vào tác phẩm của bạn. Ví dụ, một
số nhà phê bình thấy không vui vì Cal phát hiện ra nhân dạng nam của mình chủ

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 99


yếu bởi vì anh ta phải lòng người bạn gái thân nhất của mình. Một số nhà phê bình
thấy chuyện này có vấn đề, bởi rõ ràng là, sự hấp dẫn đồng giới không quyết định
bản dạng giới tính. Đồng tính nam thì vẫn là nam. Tuy vậy, vấn đề là Middlesex
không phải là một cuốn tiểu thuyết về gay tính. Nó là cuốn tiểu thuyết về liên giới
tính. Và không phải về toàn bộ những người liên giới tính mà chỉ là một người liên
giới tính cụ thể. Cách Cal phát hiện ra giới tính của mình không nhất thiết khẳng
định hết trải nghiệm hay cách phát hiện của người khác. Đó chỉ là trải nghiệm của
riêng anh ta. Các nhà phê bình thích khái quát hóa. Các tiểu thuyết gia thích cụ
thể hóa. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhà phê bình thực sự đọc và nhận xét cuốn sách
bạn đã viết, và đó là tất cả những gì bạn có thể yêu cầu rồi.
Nhưng hãy để tôi kể cho bạn nghe một ví dụ để thấy những nhận xét chỉ mang
tính nhất thời như thế nào. Khi Middlesex ra mắt, tờ The Economist đã có một bài
điểm sách không tích cực lắm. Tôi chưa đọc bài điểm sách về cuốn The Marriage
Plot nhưng mẹ tôi đã đọc một đoạn trong bài điểm sách của The Economist cho
tôi nghe, trên điện thoại, trước khi tôi kịp ngăn bà lại. Giờ tạp chí đó nói rằng họ
hơi thất vọng với cuốn sách mới. Tại sao? Vì nó không đáp ứng được kỳ vọng “tiêu
chuẩn cao không tưởng” của Middlesex! Thứ họ đã không thích khi nó ra mắt.
Qua thời gian, sách sẽ tự tạo danh tiếng cho mình. Đó là điều ta cần phải nhớ.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Đã có lời phê bình tiêu cực nào mà ông cảm thấy hữu dụng chưa?

JEFFREY EUGENIDES
Nhà văn nhận thức khá rõ những khuyết điểm trong các cuốn sách của họ. Chúng
tôi biết chúng tôi chưa thành công ở điểm nào và chúng tôi nên làm gì để lần sau
tốt hơn.

100 Z Z Z REVIEW
Bà đến từ
Mariupol
(trích dịch)
Natascha Wodin(1)
Hoàng Đăng Lãnh dịch và giới thiệu

Nữ nhà văn Natascha Wodin, sinh năm 1945 tại Fürth, bang Bayern CHLB Đức, trong một
gia đình người Ukraine (thuộc Liên bang Xô viết trước đây) bị bắt năm 1944 sang nước
Đức quốc xã làm nhân công lao động cưỡng bức. Bà lớn lên trong các trại dành cho người
di cư trước khi chuyển vào ở nội trú tại một trường nữ sinh trực thuộc Giáo hội Thiên chúa
giáo cho đến khi trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên ngữ, bà chuyển sang viết
văn và biên dịch.
Chiến tranh chưa kết thúc được bao lâu thì mẹ bà qua đời mà không để lại mấy thông
tin về nguồn gốc gia đình bà. Phải hơn năm chục năm sau, Natascha Wodin mới bắt tay lần
tìm lại tông tích mẹ mình tại Ukraine thuộc Liên Xô xưa kia. Kết quả công cuộc tìm kiếm
hết sức khó khăn đó là câu chuyện trong tác phẩm Bà đến từ Mariupol, câu chuyện soi rạng
số phận bi thảm và cảm động của một gia đình tiêu biểu cho số phận hàng triệu gia đình
khác ở một giai đoạn lịch sử mà các chấn động của nó cho đến tận giờ vẫn chưa hết dữ dội
đau thương. Tác phẩm này của Natascha Wodin nhờ đó đã trở thành một sự kiện văn học
ở Đức và được trao nhận nhiều Giải thưởng, như Giải thưởng văn học Alfred Döblin, Giải
thưởng Hội chợ sách quốc tế tại Leipzig (CHLB Đức) năm 2017, v.v.

1. Originally published under the title “SIE KAM AUS MARIUPOL”


Copyright © 2017 by Rowohlt Verlag GmbH, Reinbek bei Hamburg, Germany.
Liên hệ bản quyền: Ms. Susanne Begemann
Rowohlt Verlag GmbH, Hamburger Str. 17, 21465 Reinbek
Tel. +49 (0) 40 / 72 72 - 223, Fax +49 (0) 40 / 72 72 - 8223
susanne.begemann@rowohlt.de
www.rowohlt.de

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 101


PHẦN I

Lúc gõ tên họ mẹ tôi vào công cụ tìm kiếm trên trang web của Nga, tôi cũng chẳng khác nào
muốn thử một trò chơi cho vui vậy thôi. Suốt cả mấy chục năm nay rồi, tôi đã cố cách này
cách khác nhằm dò ra các vết tích mẹ tôi để lại ở đời, tôi hết viết thư nhờ cậy Hội Chữ thập
đỏ và các cơ quan làm dịch vụ tìm kiếm người thân ở chỗ này chỗ kia, lại dò hỏi các phòng
lưu giữ hồ sơ có tăm có tiếng cũng như vài ba cơ sở nghiên cứu có tầm có cỡ tại nơi này nơi
khác, tôi cũng gửi thư hỏi dò ở những người chẳng chút quen biết nào ở tận bên Ukraine và
Moskva, tôi lục lọi cả trong những danh mục hay những hồ sơ lưu trữ đã bạc thếch vì năm
tháng ghi danh tính các nạn nhân, nhưng tôi chưa bao giờ tìm thấy vết tích gì, dù chỉ là vết
của vết thôi, hay một bằng chứng mỏng manh nào về cuộc đời mẹ tôi ở Ukraine, quãng đời
mẹ trước khi tôi mở mắt chào đời.
Dạo Thế chiến hai, mẹ tôi mới hai mươi ba tuổi, cùng với bố tôi bị bắt và lùa từ
Mariupol sang Đức làm nhân công lao động cưỡng bức, và tôi chỉ biết hai người từng
phải vào làm tại một xưởng quân giới thuộc tập đoàn Flick ở Leipzig. Mười một năm sau
chiến tranh, mẹ tôi tự vẫn, qua đời tại một thành phố nhỏ ở đất Tây Đức, một thành phố
nằm không xa khu định cư của dân nước ngoài vô quốc tịch, một danh hiệu dạo ấy người
ta vẫn dùng để gọi đám dân hôm xưa bị bắt sang Đức làm nhân công lao động cưỡng bức.
Ngoài em tôi với tôi, có lẽ chẳng còn ai trên đời này biết đến mẹ tôi. Mà đến ngay cả em
gái tôi với tôi, thật ra cũng chẳng biết gì về mẹ nốt. Hồi ấy, khi mẹ tôi, vào một ngày tháng
Mười nào đấy trong năm 1956 không nói không rằng bỏ nhà ra đi rồi không quay về nữa,
thì chúng tôi vẫn còn là trẻ con, em gái tôi mới tròn bốn tuổi, tôi lên mười. Trong trí nhớ
tôi, mẹ chỉ thấp thoáng như một cái bóng, như một cảm giác mơ hồ thì đúng hơn là một
kỷ niệm.
Đúng ra thì từ lâu, tôi đã thôi, không tìm mẹ tôi nữa. Mẹ tôi sinh ra hơn chín mươi
năm về trước và cũng chỉ sống có ba mươi sáu năm, những năm tháng không hề bình
thường, mà là những năm tháng nội chiến, những năm tháng thanh trừng nội bộ và nạn
đói lan tràn trên đất Liên Xô, rồi những năm tháng của Thế chiến hai và chế độ Quốc xã.
Mẹ tôi rơi vào giữa nanh vuốt của hai nền độc tài, nền độc tài dưới trướng Stalin ở Ukraine
trước, rồi đến nền độc tài dưới trướng Hitler ở Đức. Hàng chục năm sau, giữa cả một đại
dương mênh mông tràn ngập những nạn nhân đã bị lãng quên này mà tôi lại mong ước lần
tìm dấu tích một phụ nữ trẻ tuổi, một người mà ngoài họ tên, tôi chẳng biết gì nhiều hơn
ấy, thì quả thực là rất viển vông vậy.
Vậy mà, vào cái đêm hè giữa năm 2013 ấy, khi tôi đưa tên họ mẹ tôi vào trang web của
Nga, thì công cụ tìm kiếm độp ngay cho tôi một kết quả. Nhưng rồi tôi cũng chỉ sững sờ

102 Z Z Z REVIEW
mất vài giây. Một sự thực luôn gây trở ngại cho các cuộc tìm kiếm trên mạng của tôi là mẹ
tôi mang một cái tên quá hay thường gặp ở Ukraine, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các bà
các cô Ukraine đều mang họ như mẹ tôi. Mặc dù dòng chữ về nhân vật nào đó hiện ra trên
màn hình cũng mang phụ danh như mẹ tôi, cũng là Evgeniya Yakovlevna Ivashchenko đấy,
nhưng Yakov, tên bố đẻ của mẹ tôi, cũng là tên gọi phổ biến đến mức kết quả tôi tìm ra chưa
có ý nghĩa gì hết cả.
Tôi mở đường link ra đọc: Ivashchenko, Evgeniya Yakovlevna, năm sinh 1920, nơi
sinh Mariupol. Tôi trân trân nhìn vào entry, nó trân trân nhìn lại. Dù vốn hiểu biết của tôi
về mẹ tôi có ít ỏi thế nào đi nữa, thì tôi cũng biết mẹ tôi sinh năm 1920 ở Mariupol. Liệu
có thể có hai bé gái trùng tên, trùng họ, lại trùng cả tên bố là Yakov, mở mắt chào đời cùng
năm tại một thành phố nhỏ tí ti như Mariupol hồi đó không?
[...]
Dạo ấy tôi hầu như không biết tí gì về Mariupol. Suốt thời gian tìm tòi tư liệu về mẹ
tôi, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm hiểu về cái thành phố mẹ tôi xuất thân làm gì.
Thành phố Mariupol, cái thành phố suốt bốn chục năm liền mang tên Zhdanov, mãi đến
khi Liên Xô tan rã ít lâu mới mang lại tên cũ của nó ấy, chỉ là một địa danh nằm sâu thăm
thẳm trong lòng tôi, một địa danh tôi không bao giờ lôi ra gắn với thực tại. Đã từ lâu, tôi
náu mình trong thế giới các giả định, với các bức tranh cùng những tưởng tượng của riêng
mình. Thế giới thật bên ngoài đe dọa thế giới bên trong ấy của tôi, cho nên, tôi tìm mọi
cách lẩn tránh nó cho bằng được.
Bức tranh nguyên sơ của tôi về Mariupol bị chi phối hoàn toàn bởi bức tranh tôi mang
suốt một thời thơ ấu, cái thời không ai phân biệt nước này với nước kia trong Liên bang
Xô viết cả, dân chúng mười lăm nước cộng hòa tuốt tuồn tuột đều là dân Nga hết. Mặc dù
thời trung cổ xa xưa, nước Nga vốn bắt nguồn từ Ukraine, tức là từ Kiev Rus - cái nơi mà
thiên hạ vẫn mệnh danh là cái nôi nước Nga thật -, và chính Kiev cũng là thành phố mẹ đẻ
ra mọi đô thành khác trên đất nước Nga đấy, nhưng đến cả bố mẹ tôi vẫn chỉ xem Ukraine
như một phần của nước Nga mà thôi - một phần của đất nước rộng nhất thế gian, như bố
tôi vẫn nói, của quốc gia vĩ đại, với lãnh thổ trải rộng suốt từ Alaska tới đất Ba Lan và diện
tích chiếm hẳn một phần sáu diện tích các châu lục. So với nó, nước Đức chỉ là một vết con
con tí tẹo trên bản đồ.
Với tôi, mọi thứ của Ukraine đều tan vào những gì thuộc về Nga, và, nếu tôi có hình
dung mẹ tôi trong cuộc đời trước đây của mẹ tại Mariupol, bao giờ tôi cũng thấy mẹ tôi
cùng với tuyết nước Nga. Khoác trên người chiếc áo choàng màu xám cổ lỗ sĩ, cổ và tay áo
bằng nhung - chiếc áo choàng duy nhất tôi từng thấy mẹ mặc- mẹ tôi đi xuyên qua các con
phố tối tăm và đầy băng giá trong một bầu không gian vô cùng vô tận nào đó, một nơi mà
bão tuyết hoành hành không nguôi từ ngàn xưa thiên cổ đến giờ. Tuyết Siberi phủ ngập cả

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 103


Mariupol lẫn mọi nơi khác trên khắp nước Nga, một đất nước bí hiểm muôn đời lạnh giá,
một đất nước mà tại đó những người cộng sản đang nắm quyền cai trị.
[...]
Một lần, trong lúc đang lật lật báo và hờ hững đọc lướt qua các trang, tôi lật đến mục
thể thao và, đã toan lật tiếp, thì cái chữ Mariupol bỗng đập vào mắt. Rằng một đội bóng
đá Đức nào đấy sang Ukraine để thi đấu với đội Illichivets Mariupol. Chỉ riêng cái việc
thành phố này có hẳn một đội bóng đá thôi đã làm tôi bừng tỉnh, khiến cho cái thành
phố Mariupol vốn vẫn ấp ủ đâu đó trong lòng tôi như một thứ nấm mốc nào đấy bỗng bị
đập bay lên mù mịt. Trên đời này, có lẽ không có thứ gì ít làm tôi quan tâm hơn là bóng
đá, thế mà chính nó lại là thứ trước tiên đẩy tôi đến với Mariupol có thực ngoài đời. Tôi
được biết thêm, thì ra đấy là một thành phố mà khí hậu hết sức ôn hòa, một thành phố
cảng nằm bên bờ biển Azov, biển nông nhất và ấm áp nhất trần đời. Thấy bảo ở đấy, bên
bờ biển có những bãi cát vàng trải dài miên man và rộng rãi, những ngọn đồi trồng nho
nhấp nhô cùng các cánh đồng hoa hướng dương mênh mông tít tắp chân trời. Còn các
cầu thủ Đức thì rên rỉ vì họ phải thi đấu giữa nắng hè, dưới cái nóng ngấp nghé những
bốn chục độ.
Tôi có cảm giác, dường như thực tại còn hoang đường hơn cả tưởng tượng của tôi về
nó. Lần đầu tiên kể từ khi mất, mẹ tôi bỗng hiện ra thành một nhân vật có thật, tồn tại
bên ngoài trí tưởng tượng của tôi. Đột nhiên tôi thấy mẹ tôi không mặc áo choàng đi trong
tuyết nữa, mà trong bộ áo váy mùa hè mát
mẻ và sáng màu, đang rảo bước trên đường
phố Mariupol, cánh tay và ống chân để
trần, bàn chân xỏ xăng đan. Vâng, một cô
gái trẻ, không phải là người từng lớn lên
tại một nơi tối tăm và lạnh lẽo nhất thế
gian, mà tại một xứ nằm gần Krym, bên
bờ biển phương Nam ấm áp, dưới một bầu
trời có lẽ cũng từa tựa như bầu trời trên
thành phố Adria nước Ý vậy. Tôi vốn vẫn
có cảm giác không có gì khập khiễng với
nhau như mẹ tôi với phương Nam, mẹ
tôi với ánh nắng mặt trời và biển cả. Nay
tôi phải chuyển mọi tưởng tượng của tôi
về cuộc đời mẹ tôi sang một vùng khí hậu
khác, với nhiệt độ khác. Cái lạ lẫm hôm
xưa ấy, đã biến thành cái lạ lẫm mới rồi.
Ảnh của Hiếu

104 Z Z Z REVIEW
Mãi nhiều năm sau, nhờ đọc một cuốn tiểu thuyết ngắn của Nga, tựa đề thế nào tôi
quên mất, tôi mới biết khung cảnh mùa đông ở Mariupol vào cái thời mẹ tôi còn sống ở đó
như thế nào. Tuyết ướt nhão rơi phía ngoài cửa sổ khách sạn Palmyra. Từ đây bước chừng trăm
bước là ra đến biển, ngoài đó vọng vào đây một thứ tiếng động tôi không dám bảo là tiếng lao
xao. Ọc ạch, nhóc nhách một miền biển nông choèn, vô nghĩa, nhàm chán. Nem nép bên mép
nước là thành phố Mariupol con con giản dị, với ngôi nhà thờ Công giáo Ba Lan và hội đường
Do Thái. Thêm bến cảng hôi hám, khu nhà kho, cùng túp lều rách bươm của gánh xiếc rong
ngoài bãi biển, và quán trọ Hy Lạp với cây đèn đường mù mờ nhợt nhạt dựng đơn độc trước lối
vào khách sạn nói trên. Tôi đọc đoạn văn ấy như đọc một thông điệp thân tình và kín đáo về
mẹ tôi vậy. Phải, mẹ tôi đã chứng kiến cảnh tượng đó bằng con mắt của chính mình. Chắc
chắn mẹ tôi đã có lần nào đó đi ngang khách sạn Palmyra, rất có thể mẹ khoác trên người
chiếc áo choàng màu xám ấy, có thể mẹ cũng bước dưới làn tuyết nhão ấy, và xốc vào mũi
mẹ cũng chính là cái mùi hôi hám ấy của bến cảng.
[...]
Đã mấy tuần nay, tôi ru rú một mình trong căn hộ tôi vẫn dành cho việc viết lách này
tại Mecklenburg. Tôi chung căn hộ bé nhỏ bên hồ Schaalsee đây với chị bạn, hai đứa thay
phiên nhau ở. Năm nay, gần như toàn bộ những ngày tháng mùa hè bên hồ đều thuộc về
tôi. Gilla, chị bạn tôi, là diễn viên, ngập bù đầu với một chương trình sân khấu ở đâu đó
xa xôi tận nước ngoài, phải mãi tháng Chín mới về. Còn tôi vừa xong cuốn sách và định
bụng nằm ườn ra nghỉ ít lâu. Nói cho đúng thì tôi không nhớ đã bao giờ tôi nằm ườn lấy
nửa ngày hay không. Chất liệu để viết của tôi ngoan cố chen nhau xếp thành hàng dài chờ
chực, chúng đã không cho tôi ngơi tay, lại nhắc nhở tôi mỗi ngày một gay gắt chớ nên quên
sự thực hiển nhiên, rằng đời tôi thật ngắn ngủi. Thông thường, hôm nay vừa xong một
quyển thì ngay hôm sau tôi đã bắt đầu cuốn mới, dừng lại lâu không viết, không vật lộn
với từ với chữ là tôi không chịu được. Phần lớn quãng đời cứ thế mà trôi biến đi lúc nào,
tôi cũng chẳng biết nữa. Thế mà hiện giờ tự dưng tôi không muốn làm gì nữa cả, chỉ muốn
ngồi không ngoài ban công, để mặc cho gió nhẹ mơn man trên da thịt mình và ngắm nhìn
mặt nước hồ trong xanh dưới nắng hè. Xế chiều, khi hơi nóng dịu bớt đi, tôi mới lôi đôi gậy
chống dùng cho môn “đi bộ gậy” Nordic walking làm một vòng bên hồ cho đến khi mệt lử,
để rồi tại đôi chỗ ẩm ướt và khuất nẻo, đành chịu cho hàng bầy muỗi đói dày đặc như đám
mây nhào xuống đốt. Trên đường về, tôi sẽ mua ở cửa hàng cá tươi ít cá hồi trắng lẫn cá hồi
hồng bắt thẳng từ hồ lên đem về nhà làm bữa tối.
Trước đây, đường biên giới Đông-Tây Đức chạy cắt ngang hồ Schaalsee này. Phần hồ
này thuộc Mecklenburg bên Đông, phần kia thuộc Schleswig-Holstein bên Tây. Phóng xe
thêm vài cây nữa, người ta sẽ chạy qua một tấm biển, trên đó có ghi dòng chữ: Tính đến
16h ngày 18 tháng Mười một năm 1989, đây là nơi nước Đức và châu Âu bị chia cắt. Tại nơi

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 105


xưa kia là vùng đất cấm dọc theo biên giới phía Đông này, suốt một quãng thời gian dài tới
bốn chục năm, cỏ cây, muông thú được yên ổn sinh sôi nảy nở, hầu như không bị con người
quấy rối, những con người thường chỉ xuất đầu lộ diện ở đây dưới dạng lính biên phòng mà
thôi. Sau thời Bước ngoặt, khu vực bỏ hoang này biến thành khu bảo tồn thiên nhiên nằm
trong danh mục các khu dự trữ sinh quyển quốc tế của UNESCO; tức là một khu hoang dã
được quản lý, gần đây mới có giới thượng lưu giàu có chuyên dùng hàng hóa, thức ăn bio đắt
tiền từ Hamburg đến ở. Để chiều dân thành phố chuộng hữu cơ sinh thái kéo về đây sinh
sống hay dựng nhà nghỉ, người ta khai trương các cửa hàng bio, mở khách sạn bio, các buổi
chợ bán hàng cũng bio nốt đều họp đều đặn; khách đến đây bỏ năm chục euro ra có thể
mua cổ phần bảo vệ cò, và ở đây còn có thêm một trung tâm gọi là trung tâm „Con người
và thiên nhiên“ sang trọng. Dân Đông Đức bản xứ ở đây chỉ thấy lai vãng tại các cửa hàng
bán hàng giảm giá Penny và Lidl là chính, bây giờ họ biến thành người lạ ở đây, thành dân
sống quây bên trong thế giới của những ngôi nhà dựng lên từ thời CHDC Đức mới được
tân trang và ghé mắt qua kẽ hàng rào nhìn ra thế giới xưa kia của họ.
Từ khung cửa sổ rộng toàn cảnh của căn hộ, tôi không thấy gì khác ngoài hồ nước.
Suốt ngày tôi luôn có cảm giác ngây ngây ngất ngất thế nào đó do không rời mắt khỏi mặt
nước hồ trong xanh, nước sâu dường như vô tận và mát rười rượi khiến người ta như chỉ
muốn ngâm mình chìm xuống mãi. Từ xa vọng lại tiếng trẻ í ới nô đùa dưới nước. Đang kỳ

Ảnh của Hiếu

106 Z Z Z REVIEW
nghỉ hè mà lại, đầy những âm thanh ấy, ngan ngát những hương vị ấy, cùng toàn bộ vẻ đẹp
của một mùa hè con trẻ, một mùa hè ai cũng muốn nó kéo dài không dứt. Thật may là ở
đây cấm thuyền máy, quyền thống lĩnh hồ này thuộc về các giống thủy điểu sinh sống ở đây,
họa hoằn lắm mới có một con thuyền gỗ lẻ loi nào đó buông chèo hay căng buồm trắng bơi
ngang. Chim nhạn, có đến hàng trăm con, lượn qua lượn lại giữa không trung, đôi khi lượn
thấp đến nỗi tôi có cảm giác như đầu cánh nhọn hoắt của chúng sắp chạm cả vào người tôi
nữa kia, nhất là vào những lúc tôi ngồi ngoài ban công mở sách đọc hay chỉ ngồi để ngắm
trời ngắm nước, ngắm mặt hồ long lanh, như thể vô vàn những chiếc gương con con nào
đó rải trên mặt hồ đang hắt nắng qua lại cho nhau. Những con ngỗng trời bay qua trên trời
cao, thành đàn với đội hình ngay ngắn, như thể chúng được nối với nhau bởi những sợi dây
vô hình, bọn chim én thoăn thoắt đuổi nhau giữa trời cao, như đang rủ nhau chơi một trò
chơi kỳ quái nào đấy. Cứ sẩm tối là dàn giao hưởng của vô số thủy cầm lại vang lên, tiếng
vịt trời càng cạc bận rộn, tiếng càu nhàu gắt gỏng của thiên nga, cùng tiếng kèn trumpet
xốn xang nháo nhác của tụi cò lũ hạc, cái tụi suốt ngày kiếm ăn đâu đó ngoài các cánh đồng
xa tận đẩu tận đâu, tối mịt mới về tụ tập nhau bên hồ đây. Thỉnh thoảng xuất hiện con đại
bàng đuôi trắng, sải rộng đôi cánh dài mạnh mẽ, nó chậm rãi lượn là là mặt nước. Đúng
là bậc đế vương uy nghi sông nước, là nỗi kinh hoàng của cá bơi dưới hồ lẫn muông thú
bên bờ! Cứ nghe dân tình kháo nhau thì đã có lần, đứng bên bờ người ta còn chứng kiến
cảnh tượng nó phanh thây một con cò ra sao. Chả là vào mùa đông lạnh giá, đám cò cậy
mình được bảo vệ, chẳng ai dám sinh chuyện đụng vào chúng, nên chuyên tìm chỗ nước
nông đứng chân co chân duỗi ngủ qua đêm; có con trong đám thế nào lại vô ý ngủ quên,
khiến một chân bị nước đóng băng không rút lên được. Lúc con đại bàng từ trên cao lao bổ
xuống, nó không kịp xoay xở thoát thân, đành chịu bị đại bàng xé xác.
[...]
Nhưng nói cho cùng thì không hẳn là vô cớ mà đúng vào lúc này tôi lại dò tìm tên tuổi
mẹ tôi trên mạng của Nga đâu. Từ lâu tôi đã nuôi ý định viết về mẹ tôi, nhất là về giai đoạn
mẹ ở Ukraine, rồi sau đó, trong trại nhân công lao động cưỡng bức của Đức, trước khi mẹ
sinh ra tôi. Có điều, tôi hầu như không biết tí gì về mẹ tôi trong giai đoạn đó. Mẹ tôi không
bao giờ kể tôi nghe về thời kỳ mẹ bị bắt đi làm nhân công lao động cưỡng bức đó, cả bố tôi
cũng không nốt, thành ra không có một tí gì lưu lại trong trí nhớ của tôi về thời kỳ ấy cả.
Tất cả những gì tôi được nghe mẹ kể về giai đoạn mẹ ở Ukraine chỉ còn là những đốm sáng
chập chờn vô định trong đầu tôi mà thôi. Tôi chỉ còn biết thử viết một tiểu sử hư cấu xem
sao, dựa trên những gì đã được ghi vào sử sách, dựa vào các cứ liệu về địa phương cũng như
về thời kỳ mẹ tôi trải qua ở đó. Nhiều năm nay rồi, tôi bỏ công cố tìm một cuốn sách nào đó
viết về những công nhân dạo xưa từng bị cưỡng bức lao động, tức là cố tìm cho ra một tiếng
nói văn học về họ để bấu víu dựa dẫm, nhưng đều vô ích. Nạn nhân sống sót từ các trại tập

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 107


trung trở về đã viết nên hàng loạt các tác phẩm văn chương mang tầm quốc tế, sách họ viết
về nạn diệt chủng người Do Thái xếp đầy các thư viện, thế nhưng, những công nhân không
phải Do Thái hồi đó bị bắt đi cưỡng bức lao động lại im lặng, chẳng ai viết lách gì. Họ bị lùa
cả triệu người sang lãnh thổ Đế chế Đức hồi đó, các tập đoàn công nghiệp, các doanh nghiệp
lớn nhỏ, các xưởng thủ công, các nông trang, cả các hộ gia đình trên toàn quốc đều có thể
tùy thích sử dụng phần nhân công nô lệ nhập từ nước ngoài về và được chia phần cho họ,
phần nhân công họ được phép bóc lột tối đa mà chẳng mất bao tốn kém ấy. Những người
bị cưỡng bức lao động này, ai nấy đều phải lăn lưng làm lụng trong những điều kiện vô cùng
khắc nghiệt, không khác ở trại tập trung là mấy, để gánh vác phần việc của đám đàn ông Đức
lúc đó đang phải xông pha nơi tiền tuyến, đang ra tay tàn phá hủy hoại làng mạc phố phường,
quê hương xứ sở, đang tàn sát gia đình, giết hại người thân của của chính những người bị
lùa sang Đức làm khổ sai kia. Đến tận giờ vẫn không rõ số đàn ông đàn bà bị lùa sang Đức
làm nô lệ cho nền kinh tế chiến tranh Đức quốc xã rồi bị hành hạ đến chết là bao nhiêu, thế
nhưng hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, hiếm hoi lắm mới có bài viết ngắn ngủi
- trên mặt một tờ báo vô danh nào đó của nhà thờ, hay trong chuyên san Chủ nhật của một
tờ báo tỉnh lẻ - buông đôi dòng về các tội ác đối với những con người này, những con người
mà số liệu về họ có thể chênh nhau ghê gớm tùy nguồn hồ sơ, nhưng nhìn chung, cũng phải
cỡ từ sáu triệu cho đến hai mươi bảy triệu người chứ không ít. Và, thông thường, số phận họ
chỉ được nhắc đến „qua loa, ngoài lề“ khi nói đến số phận người Do Thái - vâng, được nhắc
đến như một phần nạn nhân nhỏ nhoi, không đáng kể của tội ác Holocaust mà thôi.
Suốt một thời gian rất dài trong đời tôi, tôi không hề biết mình là con của vợ chồng hai
người xưa kia bị bắt đưa sang Đức cưỡng bức lao động. Không ai nói cho tôi biết điều đó, cả
bố mẹ tôi, cả môi trường Đức xung quanh tôi, một môi trường không gìn giữ các kỷ niệm
về đám đông những người bị cưỡng bức lao động như thế. Hàng chục năm trời trôi qua mà
tôi không hề hay biết tí gì về cuộc đời của chính mình. Tôi không hề hay biết những người
mà gia đình chúng tôi sống chung sống đụng hết ghetto này sang ghetto khác là những ai,
không biết họ đã đến đất nước Đức này như thế nào, tất tật những người Rumani, Tiệp, Ba
Lan, Bungari, Nam Tư, Hung, Lithuani, Latvia, Azerbaijan hay của nhiều đất nước khác
nữa, những con người tuy bất đồng mọi đường về tiếng tăm chữ nghĩa, nhưng bằng cách
nào đó, vẫn hiểu được nhau ấy. Tôi chỉ biết mang máng, có lẽ tôi nằm trong số cặn bã, rác
rưởi nào đó còn sót lại từ dạo còn chiến tranh thì phải.
Ở trường học trên đất Đức này, người ta dạy chúng tôi rằng bọn Nga đã tràn sang
đánh chiếm nước Đức, phá hủy tan hoang hết mọi thứ rồi cướp trọn một nửa nước Đức
của họ. Tôi ngồi hàng ghế cuối cùng, cạnh cái Inge Krabbes, một đứa chẳng đứa nào muốn
dây dưa, vì tuy nó là người Đức chính tông thật, nhưng lại ăn mặc bẩn thỉu và người ngợm
hôi hám, còn cô giáo đứng trên bục giảng cứ kể mãi không thôi chuyện bọn Nga lấy hòn

108 Z Z Z REVIEW
than hồng đốt mù hai mắt chồng chưa cưới của cô và dùng chân mang ủng đạp bẹp dí bẹp
dị mấy đứa trẻ con bé bỏng. Cả lớp quay đầu nhìn về phía tôi, đến như cái Inge Krabbes
bên cạnh tôi cũng ngồi xích ra xa một tí, và tôi đoán biết được ngay, chỉ cần chờ hết giờ học
thôi, là thể nào chúng nó cũng giở trò đuổi đánh tôi ngay cho mà xem.
Đã từ lâu rồi, những chuyện tôi bịa ra không còn giúp được tôi nữa, chẳng những tôi
bị liệt vào đám dân Nga mọi rợ, mà còn bị lật mặt lừa đảo. Chả là, để tự nâng giá mình trước
mặt tụi trẻ con Đức, tôi bảo chúng nó rằng bố mẹ tôi, những người làm tôi xấu hổ đến chết đi
được, thật ra không phải là bố mẹ đẻ ra tôi mà chỉ là những người trên đường trốn chạy khỏi
nước Nga đã nhặt được tôi lúc tôi bị quẳng nằm vạ vật dưới rãnh nước ven đường rồi mang
theo thôi, chứ đúng ra tôi là con nhà giàu có, cỡ vương hầu bên Nga, làm chủ lâu đài này lâu
đài kia lẫn hàng đống của cải quý giá khác, nhưng tôi cố tình lờ không nói vì cớ gì con nhà bậc
vương hầu lại bị quẳng ra rãnh nước bên đường, nhờ thế dẫu gì thì suốt mấy tiếng đồng hồ
hay suốt một ngày tôi cũng biến thành đứa con gái lạ lùng bí hiểm trước những con mắt đầy
ngạc nhiên và thán phục của tụi trẻ con người Đức. Tất nhiên, chẳng mấy chốc là chúng nó
nhìn rõ chân tướng tôi, và lúc ấy, bọn trẻ liền lồng lên đuổi đánh tôi, hòng rửa hận cho Đế chế
thứ ba đã thảm bại hồi nào, bọn con cái mới lớn lên của các bà các cô vợ lính người Đức góa
chồng, hay của các ông bố quốc xã bại trận hôm xưa ấy đuổi đánh tôi vì tôi mang diện mạo
quân Nga, vì tôi là hiện thân của cộng sản và bolshevik, của hạng người Slave hạ đẳng, và đồng
thời, cũng là kẻ đại diện cho kẻ thù của nhân loại, những kẻ đã đánh thắng họ trong chiến
tranh, còn tôi cứ thế mà chạy bán sống bán chết. Tôi không muốn chết như cái Dschemila,
đứa con gái nhỏ nhà người Nam Tư dạo nào cũng bị tụi trẻ con người Đức đuổi đánh rồi đẩy
ngã xuống sông Regnitz chết đuối. Tôi chạy, kéo theo một đám đông hò hét hung hăng hiếu
chiến, nhưng tôi chạy đã quen rồi, quen đến mức lúc chạy không thấy đau nhoi nhói bên
mạng sườn nữa, cho nên tôi cũng thường bỏ xa chúng nó ở phía sau. Tôi chỉ cần chạy đến khu
mỏ khai thác sỏi cát, là đường ranh ngăn cách thế giới dân Đức với thế giới chúng tôi, đằng
sau mỏ khai thác sỏi cát ấy là lãnh địa của chúng tôi, là miền đất chưa hề khám phá, miền đất
mà ngoài cảnh sát và nhân viên bưu tá ra, chưa một người Đức nào lai vãng, đến cả bọn trẻ
con Đức cũng chả dám bén mảng nữa là. Trước khu mỏ, rẽ khỏi đường phố rải nhựa là một
lối mòn dẫn đến „khu nhà“. Tôi không rõ vì sao dân Đức gọi lô nhà xây bằng gạch của chúng
tôi là „khu nhà“ như thế, có lẽ để phân biệt chúng tôi vói dân Di gan, những người sống còn
xa thêm đoạn nữa, trong những ngôi lán bằng gỗ, ở phía ngoài thành phố. Họ đứng còn thấp
hơn chúng tôi một bậc và dạo ấy luôn gây ra trong lòng tôi một cảm giác ghê ghê tởm tởm,
một cảm giác chắc cũng ghê ghê tởm tởm y như chúng tôi gây cho người Đức vậy.
Qua khỏi đường biên thần kỳ ấy là thoát. Sau chỗ ngoặt, tụi trẻ đuổi theo không nhìn
thấy tôi nữa, nên tôi thả mình nằm xuống bãi cỏ, chờ cho con tim tôi hết thình thịch liên hồi,
chờ đến lúc lấy lại được hơi thở bình thường. Hôm nay thế là xong, ngày mai thế nào, tôi chưa

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 109


cần tính vội. Tôi lang thang chỗ này chỗ nọ càng lâu càng tốt, lần mò ở các bến bãi dọc sông,
liệng đá nhảy lướt lướt trên mặt nước sông Regnitz, nhấm nhá lá me chua đến chán chê, ngon
lành cạp bắp ngô non bẻ trộm ngoài đồng. Tôi chẳng bao giờ muốn về nhà. Đã từ lâu, từ khi
biết nghĩ biết ngợi đến giờ, tôi chỉ độc một ước muốn làm sao chuồn khỏi đây, đi thật xa, suốt
một thời thơ ấu tôi chỉ mơ làm sao chóng thành người lớn, để biến đi nơi khác. Tôi muốn
thoát khỏi nhà trường Đức, đi khỏi „khu nhà“, rời xa bố mẹ tôi, trốn biệt khỏi tất cả những gì
làm nên tôi, những thứ tôi có cảm giác như những lỗi lầm giam hãm tôi. Giá có ai định kể cho
tôi nghe xem bố mẹ tôi và tất cả những người thân thuộc với tôi là ai, thì tôi cũng chẳng buồn
nghe, tôi không muốn biết, tôi không quan tâm, không màng đến bất cứ thứ gì nữa, tôi chẳng
muốn dính dáng dây dưa với ai hết. Tôi chỉ muốn ra đi, không muốn gì khác, chỉ làm sao bỏ
đi xa là được, mãi mãi bỏ lại đằng sau mình tất tật mọi thứ, muốn dứt áo bước vào cuộc sống
của riêng mình, cuộc sống thật sự đang chờ đón tôi ở đâu đó ngoài đời.
[...]
Tôi còn giữ hai tấm ảnh mẹ tôi mang theo từ Ukraine sang, ảnh chân dung, chụp
trong một hiệu ảnh nào đó. Một bức chụp mẹ lúc mới là một thiếu nữ khoảng mười tám
tuổi, đứng bên một người đàn bà tóc bạc tôi không biết là ai. Chắc vì thiếu ăn, mẹ tôi trông
khẳng khiu, mặc trên người chiếc váy liền áo tuềnh toàng dùng vào mùa hè, mái tóc đen
nhánh cắt ngắn như tóc con trai, chắc là kiểu tóc thịnh hành hồi đó. Có lẽ người thợ ảnh đã
muốn trổ hết tài nghệ sĩ để tạo cho mẹ tôi một vẻ bí hiểm nào đó, nên đã chụp sao cho nửa
gương mặt bên trái của mẹ tôi khuất vào bóng tối. Mẹ tôi trông chỉ mới như một cô gái trẻ,
nhưng vẻ trong trắng, ngây thơ trên gương mặt lại gắn liền với vẻ tinh khôn, già dặn, hiểu
biết đến đáng gờm. Khó mà tin được, một thiếu nữ trẻ trung và mảnh mai thế kia lại có thể
già dặn, trong đầu chứa nhiều hiểu biết đến thế, như thể một quả tạ nặng hàng tấn treo vào
đầu sợi dây thừng mỏng manh vậy. Người đàn bà tóc bạc đứng cạnh mẹ tôi trông dịu dàng
thế nhưng vẫn có vẻ gì cứng cỏi rất đàn ông, và cứ nhìn ảnh mà đoán tuổi thì bà chắc phải là
bà của mẹ tôi. Bà mặc váy liền áo màu xám, cổ áo viền ren trắng, đứng thẳng, dáng nghiêm
nghị, gương mặt hiện rõ niềm kiêu hãnh của một người bị hạ nhục và xúc phạm nặng nề.
Bức ảnh phải chụp vào khoảng 1938 gì đó, vào lúc những đợt khủng bố theo lệnh Stalin lên
đến cao trào, cao trào của nạn đói và nỗi kinh hoàng.
Bức ảnh thứ hai chụp mẹ tôi vào thời điểm mẹ đã nhiều tuổi hơn, có lẽ dạo còn chiến
tranh, trước lúc bị bắt lùa sang Đức. Ánh mắt mẹ ở đây lặn hẳn vào trong, hướng đến một
nơi sâu thẳm, bí hiểm nào đó, song, chen vào những nét buồn rười rượi, trên gương mặt mẹ
vẫn phơn phớt một nụ cười. Một tấm khăn kiểu Ukraine lỏng lẻo ôm lấy khuôn mặt mẹ
tôi. Có lẽ mẹ tôi đã chạy vội đến hiệu ảnh, thuê chụp một kiểu cuối cùng trên đất Ukraine,
một tấm ảnh làm kỷ niệm.
Ai nhìn hai tấm ảnh đen trắng cũng trầm trồ, người đâu mà đẹp thế. Ngay từ thời thơ

110 Z Z Z REVIEW
ấu của tôi, sắc đẹp mẹ tôi đã là một huyền thoại. Người đâu mà đẹp thế, bao giờ tôi cũng
nghe thiên hạ trầm trồ. Và, người đâu mà bất hạnh đến vậy. Sắc đẹp và nỗi bất hạnh dường
như gắn liền nhau nơi mẹ tôi, ràng buộc nhau một cách bí hiểm.
[...]
Ngoài hai tấm ảnh này, tôi còn giữ hai tài liệu đã nhắc đến ở trên. Để đọc được tờ
chứng nhận hôn thú của bố mẹ tôi, tôi phải để mảnh giấy to cỡ một tấm bưu ảnh ấy ra
trước gương. Đây là một bản sao bí hiểm với dòng chữ viết tay màu trắng, in ngược trên nền
đen. Đọc qua gương, tôi được biết mẹ tôi, bà Evgeniya Yakovlevna Ivashchenko, kết hôn
cùng bố tôi ngày 29 tháng Bảy năm 1943 tại Mariupol. Tờ chứng nhận hôn thú viết bằng
chữ Ukraine, con dấu đã mờ, nhưng dòng chữ tiếng Đức „Phòng hộ tịch và cấp giấy giá thú“
vẫn còn rất rõ. Lần nào cũng như lần nào, tôi cứ như bị hẫng bởi cái từ này. Quân Đức làm
gì ở cái Phòng hộ tịch và giá thú Mariupol đó mới được chứ? Đây là một chi tiết tách ra từ
cuộc sống thường nhật tại vùng bị chiếm, một cuộc sống tôi không hình dung nổi. Có thế
nào thì tôi vẫn thấy thật kỳ diệu, rằng tờ giấy chứng nhận bình thường này chẳng những
đã sống sót sau cả những năm chiến tranh ác liệt, hết những ngày tháng lưu đày, lại đến
trại nhân công lao động cưỡng bức và những chuyến hành trình đầy gian truân tiếp theo
sau chiến tranh, lẫn cả những cuộc chuyển nhà diễn ra không phải là hiếm của tôi sau này.
Vâng, mảnh giấy cũ kỹ bảy chục năm này, bằng chứng bất đắc dĩ của cuộc hôn nhân khốn
khổ, và chẳng bền được bao lâu ấy.
Thẻ lao động do nhà chức trách Đức cấp cho mẹ tôi đã thất lạc tự lúc nào rất lâu, có
lẽ bị mục nát rồi mủn thành từng mẩu vụn tự bao giờ không biết trong một xó xỉnh tối
tăm ngột ngạt nào đó của bàn giấy hay giá sách của tôi, thế nhưng tôi biết rất rõ, tấm thẻ
đó, trừ tên tuổi ra, giống hệt tấm thẻ lao động được cấp ngày 8 tháng Tám năm 1944 tại
Leipzig cho bố tôi, tấm thẻ mà tôi còn giữ đến tận giờ. Đó là một mảnh giấy gập đôi, to chỉ
cỡ miếng bánh xà phòng giặt, vàng khè, cũ kỹ. Tên họ, ngày sinh, nơi sinh bố tôi, tên bố tôi
đúng ra phải là Kamyshin, thế nhưng, trên đường phát từ miệng bố tôi đến tai một viên thư
ký người Đức nào đó đã biến thành Chanuchin. Tiếp theo là các dòng như sau:

Quốc tịch: không rõ, thợ miền Đông


Gốc gác: Miền bị chiếm đóng phía Đông
Khu vực: Marienpol
Nơi ở: -
Nghề nghiệp: thợ phụ cơ khí
Nơi làm việc: Công ty Cơ khí ATG
Leipzig W32, Schönauer Str. 101
Nhập vào Đức từ 14.5.44.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 111


Thẻ mang hai con dấu hình đại bàng Đế chế Đức, một con của Sở Cảnh sát, con kia
của Sở Lao động Leipzig, ngoài ra còn tấm ảnh bố tôi có gắn số ở ve áo vét. Mặt sau là dấu
vân tay lấy từ hai ngón tay cái, ngón bên trái và ngón bên phải. Phía dưới hai vân tay là dòng
chữ: Thẻ lao động này chỉ có giá trị sử dụng lúc làm việc tại nhà máy đã được ấn định trước và
sẽ hết giá trị khi rời khỏi nơi làm. Thẻ phải luôn mang theo người như thẻ căn cước. Thẻ có giá
trị cho đến khi thu hồi. Thẻ có thể bị thu hồi khi cần thiết.
Như thế, toàn bộ di sản bố mẹ để lại cho tôi chỉ gồm độc hai mảnh giấy cũ kỹ đó - tờ
chứng nhận hôn thú và thẻ lao động - cùng hai tấm ảnh đen trắng và một bức tranh thánh
cổ xưa. Bức tranh họa bằng tay, nền mạ vàng, vẽ một bầy đoàn các vị thánh quan trọng nhất
thuộc đạo Chính thống Nga. Mọi đường nét đều tài tình khéo léo, đến mức có thể nhìn
thấy rõ cả móng tay các thánh thế nào.
Những chuyện làm tôi nhớ kỹ nhất là những chuyện mẹ kể về cảnh sống nghèo khó
của gia đình dạo ở Ukraine, về cái đói thường xuyên hành hạ. Trong trí nhớ tôi, nỗi sợ
Stalin và cảnh nghèo đói là hai thứ chi phối cuộc đời mẹ tôi ở Ukraine. Thế nhưng, làm sao
nghèo khó mà lại có được bức tranh thánh quý giá thế này để mang nó theo từ bên ấy sang
tận đây? Đã thế, bức tranh còn nguyên vẹn một cách thần kỳ, sau bấy nhiêu gian truân dọc
đường bị lùa sang đây, sau bao nhiêu năm tháng sống bầm sống dập trong các trại khổ sai,
bức tranh không bị thất lạc, không hư hỏng, không bị ai tước đoạt hay lấy trộm. Đến ở lán
lều nào cũng vậy, mẹ tôi đều treo bức tranh vào một góc, nó lặng lẽ, lung linh huyền bí, và
tôi thường vẫn gửi gắm cho nó những lời cầu khẩn con trẻ thiết tha nóng bỏng nhất, những
lời thỉnh cầu tuyệt vọng xin cho mẹ tôi sống, mỗi lần mẹ vĩnh biệt hai chị em tôi rồi nằm
xuống chờ chết. Giờ đây bức tranh ấy treo trên tường trong căn hộ ở Berlin của tôi, phía
trên chiếc ghế ngồi nhà thờ đã cổ mà có lần tôi vô tình tìm thấy trên gác xép áp mái. Có lẽ
bức tranh này là báu vật quý giá nhất tôi từng có ở đời vậy.
Thêm vào số di vật nghèo nàn ấy, tôi chỉ còn đôi kỷ niệm mờ nhạt, không chắc chắn,
những kỷ niệm của một đứa trẻ, những kỷ niệm không ra kỷ niệm mà chỉ như đám bèo bọt
rơi rớt lại trong trí nhớ sau nhiều năm tháng ấp ủ.
[...]
Bây giờ đây, giữa mùa hè kỳ diệu bên hồ này, tôi mới mỗi lúc một hốt hoảng hiểu ra
tôi đang định bắt tay làm một việc ghê gớm đến thế nào. Cuốn sách đầu tiên tôi cho ra đời
khoảng mười năm trước, cũng giống như một thử nghiệm cho một cuốn tự truyện vậy,
nhưng dạo ấy tôi hoàn toàn không biết gì về tiểu sử của chính mình, tôi không nắm được
các mối liên hệ gắn bó với cuộc đời tôi. Mẹ tôi chỉ là một nhân vật sâu kín của lòng tôi, là
một phần của một tiểu sử riêng tư mơ hồ, không chắc chắn, do tôi tự bịa ra, không chút
liên hệ nào với bối cảnh chính trị hay lịch sử, trong một xứ sở vô chủ chỉ độc mình tôi là
kẻ không quê hương, không xuất xứ. Mãi về sau này tôi mới hiểu bố mẹ tôi là ai và ông bà

112 Z Z Z REVIEW
đã để lại cho tôi những „chất liệu“ gì. Bây giờ tôi như đứng trước nhiệm vụ phải sửa lại các
thiếu sót trước đây của tôi, phải viết thêm một cuốn sách, có lẽ là cuốn cuối cùng, để viết
nốt những gì lẽ ra tôi đã viết trong cuốn đầu mới phải. Có điều, tôi vẫn hầu như không biết
gì về cuộc đời mẹ tôi ở giai đoạn trước khi tôi ra đời, lại càng không biết gì về giai đoạn mẹ
tôi sống trong trại nhân công lao động cưỡng bức của Đức quốc xã. Tôi đứng đây với hai
bàn tay trắng, với đôi tài liệu lịch sử và trí tưởng tượng của tôi, những thứ chẳng có nghĩa
lý gì so với tầm cỡ lớn lao của toàn bộ vấn đề.
Vào những năm 1990, nghĩa là đã rất muộn rồi, lúc những người mà thiên hạ vẫn quen
gọi bằng danh hiệu „thợ miền Đông“ theo kiểu từ ngữ Hermann Göring(1) từng đích thân
xướng ra hồi nào ấy, bắt đầu đặt các yêu sách đòi bồi thường, thì vấn đề „thợ miền Đông“
mới được lôi ra ánh sáng, hay chí ít cũng ánh sáng mờ mờ, trước mắt công chúng Đức. Gần
đây đã xuất hiện sách vở, tài liệu, phim ảnh về vấn đề nhân công lao động cưỡng bức dưới
thời Đế chế thứ Ba mà tôi có đọc và tìm hiểu. Thậm chí tôi còn tìm được cả một tác phẩm
văn học viết về đề tài này, một cuốn sách mà tôi phải mất công lùng kiếm khá lâu mới thấy,
tức là cuốn của Vitaliy Syomin, được dịch sang tiếng Đức và xuất bản vào những năm 70
dưới tựa đề Dấu hiệu để phân biệt. Nhà văn người Nga này kể lại câu chuyện một anh thanh
niên bị bắt từ Rostov trên sông Don lôi sang Đức, và anh chỉ có thể sống sót qua thời kỳ
bị cưỡng bức lao động tại Đức nhờ một lời thề sắt đá, rằng những gì anh đã nếm trải và
chứng kiến không được phép cùng với anh xuống mồ, rằng anh có nghĩa vụ phải sống để
làm nhân chứng cho đời sau. Anh kể, bị giam trong trại nhân công lao động cưỡng bức tuy
có vẻ đỡ hơn bị giam trong trại tập trung trước khi vào lò thiêu thật, nhưng cũng chỉ đỡ ở
chỗ là trong trại lao động cưỡng bức nạn nhân không bị giết ngay, mà dần dần, từng bước,
bằng khối lượng công việc nặng nhọc quá sức người, bằng cách bị bỏ đói, bị đánh đập, bị hạ
nhục và lúc ốm đau tuyệt nhiên không được thuốc thang chạy chữa.
Tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra người dịch cuốn sách này là anh Alexander Kaempfe
tôi từng kết bạn kết bè dạo những năm bảy mươi. Anh ấy vẫn thường đọc tôi nghe các bản
dịch của anh, thậm chí cả những đoạn trích từ cuốn của Vitaliy Syomin cũng nên, nhưng
sở dĩ tôi không nhớ đến vì dạo đó tôi không biết rằng cuốn sách viết chính về những người
như bố mẹ tôi, rằng bố mẹ tôi cũng phải gắn lên áo phù hiệu hình tam giác có ghi „miền
Đông“, một thứ phù hiệu nhằm phân biệt họ với những ai mang chủng tộc cao cấp hơn,
nhưng cũng bị bắt từ các nước phương Tây sang Đức làm nhân công lao động cưỡng bức.
Tra cứu, truy lùng tài liệu càng lâu, tôi càng va vấp nhiều đến những sự thật kinh

1. Một trong những lãnh tụ hàng đầu của nhà nước quốc xã Đức (1933-1945). Tháng 10 năm 1946, y bị Tòa án quân
..
sự quốc tế Nu rnberg kết án tử hình vì phạm tội ác chiến tranh nghiêm trọng. (ND)

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 113


khủng, những sự thật mà đến tận giờ có vẻ như vẫn không mấy ai biết đến. Chẳng riêng gì
tôi không hay biết nhiều chuyện, mà hóa ra cả bạn bè Đức, những người tôi vẫn tưởng là
hiểu rộng biết nhiều, am tường lịch sử, cũng không một ai biết hôm xưa từng có bao nhiêu
trại tập trung các loại của bọn quốc xã trên lãnh thổ Đế chế Đức. Một số bảo hai mươi, số
khác đoán chừng hai trăm, một số ít nữa ước lượng khoảng hai ngàn. Vậy mà, theo khảo
cứu của Viện bảo tàng Holocaust Memorial ở Washington, con số đó lên đến 42.500, chưa
kể các trại nhỏ và trại phụ rải rác, và trong tổng số các trại như thế, có 30.000 trại dành cho
nhân công cưỡng bức lao động. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Zeit (Thời báo)
đăng ngày 4 tháng Ba năm 2013, nhà sử học Geoffrey Megargee - người từng tham gia cuộc
khảo cứu nói trên - tuyên bố: Con số lớn kinh hoàng ấy về số các trại tập trung khẳng định
một sự thật, rằng gần như toàn thể dân chúng Đức hồi đó đều phải biết đến sự tồn tại của
các trại như thế, dù họ có thể không hình dung nổi bộ máy nằm đằng sau con số đó đồ sộ
đến cỡ nào, hoặc họ không
phải bao giờ cũng nắm được
hết tình trạng thật sự của
các trại đó ra sao. Thế mà
cứ nghe mãi lời thề thốt đã
nhàm: Nào có ai hay biết gì.
Mặc dù một đất nước với
hơn 42.000 trại tập trung
trải rộng khắp nơi như thế,
phải từng là một trại gulag
khổng lồ duy nhất mới phải.
Tôi lạc mỗi lúc một sâu
một xa vào khu rừng lịch sử
thế giới, lún sâu vào các tai Ảnh của Hiếu
họa khủng khiếp của thế kỷ
20. Các bản tường trình, các báo cáo về vấn đề nhân công lao động cưỡng bách thời Đế chế
thứ ba đầy rẫy các lỗ hổng, chứa không biết bao nhiêu điều phi lý và mâu thuẫn. Đề tài tôi
muốn chọn đang vuột khỏi tay tôi, đang lớn vọt lên, vượt quá tầm vóc tôi. Và, nói gì thì
nói, không phải đã quá muộn rồi ư, tôi tự hỏi, liệu ta còn đủ hơi đủ sức xử lý đống chất liệu
khổng lồ này nữa hay không? Và trên đời này, liệu có đủ lời đủ tiếng dành cho tất tật những
thứ đó không - những lời dành kể lại cuộc đời mẹ tôi, người mẹ đã mất tung tuyệt tích, đã
tan biến nơi nào giữa chốn hư không khuyết danh khuyết tuổi, một người mang thân phận
tiêu biểu cho thân phận hàng triệu con người khác ấy?

114 Z Z Z REVIEW
“Một sự thật cá nhân
bị dồn nén tận đáy của ý thức”:
Lối viết và tiếng nói nữ trong
Chiến tranh không có một
khuôn mặt phụ nữ
Võ Bảo Trâm

Khi tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svetlana
Alexievich xuất hiện dù dưới dạng bị cắt xén vào năm 1985, nó đã trở
thành một hiện tượng độc đáo: lần đầu tiên, chiến tranh hiện lên đậm
đặc chất nữ tính - giọng nói nữ, tâm hồn nữ, trải nghiệm nữ. Chiến tranh
không còn là phép cộng của các con số tổng kết thiệt hại vô cảm, các sự
kiện kinh hoàng, các trận đánh ác liệt và các tượng đài anh hùng vũ trang
bất diệt trên bàn cờ chính trị các quốc gia. Chiến tranh bây giờ hiện lên
qua điểm nhìn của phụ nữ với đầy đủ trải nghiệm, đầy đủ cảm xúc chân
thật từ bản năng mãnh liệt, niềm khao khát cháy bỏng, niềm hy vọng
mong manh đến nỗi đau đớn thể xác, nỗi sợ hãi tinh thần và sự ám ảnh
dai dẳng trong mỗi giấc mơ. Qua lời trần thuật của hàng trăm người phụ
nữ, cuốn sách đầu tay của Svetlana Alexievich đã nỗ lực không chỉ viết nên
lịch sử tâm hồn phụ nữ Nga trong chiến tranh Vệ quốc, mà còn trở nên
một điển hình của lối viết nữ.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 115


LỜI TRẦN THUẬT CỦA CỘNG ĐỒNG

Lối viết nữ dùng ở đây là lấy theo khái niệm l’ecriture féminine của Hélène Cixous, đưa ra
trong tiểu luận “Tiếng cười của nàng Medusa” công bố năm 1976.(1) Là thành tựu sau một
hành trình dài nghiên cứu mối quan hệ giữa giới và ngôn ngữ, tiểu luận của bà đề xuất khái
niệm này trong nỗ lực giải kiến tạo hệ thống quan niệm lấy ngôn từ dương vật làm trung
tâm (phallogocentrisme). Bà đặt ra không phải là vấn đề ngôn ngữ như một ký hiệu, ngôn
ngữ của một cộng đồng người, càng không buộc phụ nữ sáng tạo ra hệ thống ký hiệu mới,
mà bà xem lối viết như những cấu trúc, những cách viết, những cánh cửa mở lối khác nhau
giữa phái nam và phái nữ. Hélène Cixous diễn giải quan điểm của mình về sự hình thành
và đặc trưng của lối viết nữ ở hai nội dung chính. Thứ nhất, “cá nhân người nữ phải viết
chính mình, phải khám phá cho riêng mình cơ thể mình cảm thấy như thế nào, và làm sao
để viết về thân thể ấy trong ngôn ngữ.”(2) Thứ hai, bằng lối biểu đạt đặc thù, người phụ nữ
viết văn sẽ phá vỡ cấu trúc và trật tự những biểu tượng được xác lập và cố định trong diễn
ngôn nam giới.(3)
Hai nội dung chính mà Hélène Cixous phân tích cũng là hai mức độ chuyển hóa trong
lối viết nữ: từ lời kể cá nhân đến cấu trúc. Đầu tiên, cá nhân người nữ phải trở thành chủ
thể ngôn từ tích cực chứ không phải là khách thể tiếp nhận thụ động, vì lối viết nữ phải
xuất phát từ thân thể nữ. Ở mức độ thứ hai, khi cá nhân người nữ dùng thân thể để nói/viết
thì chính cấu trúc ngôn ngữ sẽ thay đổi. Lúc này, cấu trúc ngôn từ lấy dương vật làm trung
tâm sẽ được thay thế bằng một cấu trúc mới phong phú hơn, uyển chuyển hơn.
Một tác phẩm như Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, với quy mô cực kì lớn
của những đối tượng tham gia phỏng vấn, là một sự thể hiện đậm đặc lối viết nữ vì lời trần
thuật không chỉ của riêng một nhân vật, một tác giả nữ (vốn chỉ đưa một lượng rất ít lời kể
và kinh nghiệm của mình) mà là của chung một cộng đồng nữ. Thế giới trải nghiệm trong
tác phẩm là một tự sự nữ, theo cách nói của Hélène Cixous. Như chính tác giả nhận xét, đó
là “các câu chuyện thuộc một tính chất khác và nói về những chủ đề khác”, tạo nên “cuộc

1. Cixous, Hélène; Keith Cohen và Paula Cohen dịch, (1976), “The Laugh of the Medusa”, https://artandobjecthood.
files.wordpress.com/2012/06/cixous_the_laugh_of_the_medusa.pdf.
2. Klages, Mary, Hồ Như dịch, “Tiếng cười nàng Medusa (bản diễn giải)”, http://damau.org/archives/14632.
3. Hồ Khánh Vân, “Từ quan niệm về lối viết nữ đến việc xác lập một phương pháp nghiên cứu trong phê bình nữ quyền”,
http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-hoc/Tu-quan-niem-ve-loi-viet-nu-den-viec-xac-lap-mot-phuong-
phap-nghien-cuu-trong-phe-binh-nu-quyen-6630.html.

116 Z Z Z REVIEW
chiến tranh ‘nữ’ có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng
riêng và không gian cảm xúc riêng của nó”. Lối viết nữ biểu hiện qua cách thức tư duy, cách
thức tổ chức câu chuyện của những nữ cựu binh. Khi họ kể về chính họ, tái hiện ký ức về
cuộc chiến tranh, thì ngay cả ngôn ngữ trong tác phẩm cũng thay đổi so với thứ ngôn từ
nam quen thuộc.

TẤM MÀN LỌC THÂN THỂ

Đầu tiên, lối viết nữ trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ biểu hiện ở việc tập
trung miêu tả những chủ đề thân thể phụ nữ, từ hành kinh, mang thai, sinh con đến làm
đẹp và nỗi đau thể xác - những trải nghiệm thân thể mà các nhà văn nam không thể miêu
tả dưới điểm nhìn nội quan.
Từ những chủ đề đặc trưng đó, phụ nữ dùng cảm giác và cảm xúc của thân thể để miêu
tả hiện thực khốc liệt của cuộc chiến. Cuộc hành quân dài đầy khó khăn và mệt mỏi của
những nữ cựu binh Liên Xô hiện lên qua nỗi xấu hổ vì có kinh. Nói đến việc lái máy bay,
nữ chiến sĩ phòng không không quên cảm giác cơ thể bị ép chặt vào buồng lái; nói đến công
việc giặt giũ, cô thợ giặt nhớ đến đôi bàn tay lở loét và rụng móng của mình; nhắc đến sự
tàn ác của bọn an ninh Đức, nữ du kích kinh hoàng nhớ lại cảm giác bị lột truồng, cấu xé
ngực, bị “sửa móng tay” (bị cỗ máy tra tấn chuyên dụng châm kim vào dưới mười móng
tay cùng một lúc). Trải nghiệm thân thể của phụ nữ trong chiến tranh còn là nỗi đau giết
con, phải lợi dụng con để làm nhiệm vụ, nỗi nhớ
thương đứa con ở nhà và niềm khao khát được
làm mẹ. Thân thể phụ nữ trở thành tấm màn
lọc mọi sự kiện diễn ra bên ngoài. Sự hiện diện
dày đặc các chi tiết miêu tả cảm giác của thân
thể giúp cho người đọc hiểu áp lực công việc mà
những nữ cựu binh chịu đựng, từ đó hình dung
mức độ khốc liệt của chiến tranh.
Lối viết thân thể không dừng lại ở việc bộc
lộ cảm nhận cơ thể mà còn đưa những yếu tố
thuộc về thân thể phụ nữ trở thành biểu tượng.
Những lời kể của những nữ chiến sĩ Xô viết lặp
đi lặp lại hình ảnh bím tóc và trang phục (giày,
áo ngực, váy). Bím tóc và trang phục vừa tượng
trưng cho vẻ đẹp thiếu nữ, vừa tượng trưng cho

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 117


bi kịch đánh mất hình ảnh nữ tính của người lính nữ sau chiến tranh. Chúng gắn liền với
nhu cầu thể hiện hình ảnh nữ tính, nhu cầu được làm đẹp và chăm sóc bản thân của họ. Khi
đưa hai biểu tượng nữ tính này vào bối cảnh chiến tranh nam tính, lối viết thân thể đã bộc
lộ thành công nỗi đau bị tước đoạt hình ảnh nữ tính lẫn niềm khao khát được sống trong
cơ thể nữ, từ đó vẽ lên khuôn mặt chiến tranh “nữ” và lên án tính chất phi nghĩa của cuộc
chiến từ một góc độ chỉ phụ nữ mới nhìn nhận thấy.
Một khía cạnh đặc biệt của tấm màn lọc thân thể là chiến tranh được khúc xạ qua các
giác quan. Chiến tranh trong ký ức phụ nữ là một thực thể có thể nhìn thấy qua màu sắc:
“đối với một người công binh... Đen, vàng, màu đất sét...”. Chiến tranh đi liền với cái chết và
cái chết đấy mang màu đỏ rực rỡ nữ tính. Dù có khả năng nhắm bắn bậc thầy, nhưng nữ xạ
thủ bắn tỉa đã chết vì mê một chiếc khăn quàng đỏ: “Cái đã phản cô là chiếc khăn quàng đỏ.
Cô mê nó. Nhưng một chiếc khăn quàng đỏ thì nổi bật trên tuyết trắng, và cô bị phát hiện”.
Thẩm mỹ của chiến tranh đã được tạo nên bởi cuộc hôn phối trong sự đối lập gay gắt giữa
tâm hồn nữ tính (màu đỏ) và sự lạnh lùng của cái chết (màu trắng). Khi chiến tranh kết
thúc, màu đỏ ấy vẫn rực rỡ, vẫn ám ảnh trong những câu chuyện của những nữ cựu binh.
Không chỉ là màu, chiến tranh còn là mùi. Cơ thể chiến tranh bốc lên hai mùi đặc
trưng khó chịu. Đó là mùi đàn ông: “Trong chiến tranh, không có mùi phụ nữ. Tất cả các
mùi đều là nam. Chiến tranh bốc mùi đàn ông” và mùi máu: “tôi nhớ mùi máu trên tuyết
đặc biệt gắt”. Khi họ chiêm bao về quá khứ, chiến tranh trong giấc mơ vẫn bốc mùi hôi thối
của những hố chôn tập thể, mùi khét xông lên từ những con người bị thiêu sống. Chiến
tranh còn là tiếng thét của người dân, tiếng bò rống, tiếng gà kêu, luôn văng vẳng bên tai
người nữ du kích: “Tôi có cảm giác tất cả đều thét lên bằng tiếng người. Mọi vật sống. Mọi
vật đều cháy và thét lên...”. Trong sự tri giác thế giới của phụ nữ, chiến tranh còn là một thực
thể có thể nếm được: “Khi cắt một cánh tay hay một cái chân, không có máu... Ta thấy thịt
trắng, rất sạch, sau mới đến máu. Ngày nay vẫn thế, tôi không thể chặt một con gà, nếu thịt
nó quá trắng và sạch. Tôi cảm nhận trong miệng vị mặn đau xót”. Cảnh phẫu thuật được
miêu tả không phải bằng các bước thực hành y học mà bằng các giác quan. Lối viết nữ
đã trộn lẫn vị giác, khứu giác, thị giác thành một cảm xúc “vị mặn đau xót”, chẳng những
truyền tải được lòng thương cảm của nữ bác sĩ phẫu thuật, mà còn buộc người đọc phải vận
dụng các giác quan để cảm nhận hiện thực sống động đang diễn ra.
Như vậy, bằng việc xoáy sâu vào cảm giác nội quan, lối viết nữ nhìn nhận chiến tranh
như một con quái vật đáng sợ, xâm nhập tất cả giác quan người nữ. Nhưng chiến tranh càng
ra sức tước đoạt cảm giác thì người phụ nữ càng kháng cự chính bằng cảm giác: “Tôi không
muốn để cho cái mùi đó đi vào trong tôi. Cái mùi sợ. Khi tôi bắt đầu nghĩ về cái chết, tôi
thấy mình cực kì cô đơn...”

118 Z Z Z REVIEW
GIÀU CHI TIẾT, GIÀU LIÊN TƯỞNG

Cảm xúc với thiên nhiên trở thành cửa ngõ để phụ nữ nhớ về chiến tranh. Tin báo chiến
tranh bùng nổ gắn liền với hình ảnh “giọt sương chưa kịp khô trên lá cây”; “sơn ca” trở về
bộc lộ niềm khao khát mái ấm bình yên; “hoa dại” nhắc nhớ về chiến tranh vì ở ngoài ấy
không có hoa để hái. Trong cuộc chiến một sống một chết, vẫn có cô gái đắm mình trong
thiên nhiên, cô hái hoa tím cắm lên lưỡi lê và đứng nghe chim hót trong phiên gác đêm.
Thậm chí, chiến tranh đã nhấn tình yêu thiên nhiên trong lòng căm thù. Hình ảnh “anh
đào ra hoa” gợi nhắc nỗi căm thù phát xít hoặc vấy lên nó những cảm xúc đối lập: “Mặt trời
sáng chói... Tất cả đều ra hoa... Hoa chuông thân yêu của tôi, ngập tràn các bãi cỏ... Tôi nhớ:
Chúng tôi nằm giữa lúa mì, một ngày nắng lớn.” Đồng thời, nắm bắt được sự kháng cự của
những chi tiết thiên nhiên như màu hoa, mùi thơm, tiếng chim hót giữa màu bùn đất, mùi
tanh, mùi khét, tiếng kêu la, vị máu chính là đặc trưng đời sống tâm hồn của những nữ cựu
binh Liên Xô thời gian này. Càng nhặt ra nhiều chi tiết nhỏ không ngờ tới, càng đào sâu độ
nhạy cảm trong tâm hồn, lại càng làm nổi bật tính chất ác liệt của chiến tranh.
Thế giới qua cái nhìn của người nữ tập hợp một lượng chi tiết vụn vặt khổng lồ. Nhiều
năm sau khi chiến tranh đã qua đi, những người nữ cựu binh vẫn nhắc lại một cách tỉ mỉ
hàng loạt những chi tiết vụn vặt như chiếc áo, đôi giày, kẹo sô cô la, chiếc khăn lụa, bông
hoa...: “Tôi có một chiếc áo dài mới rất nhẹ, có diềm”, “tôi chạy chân không, giày cầm trên
tay, đôi giày rất đẹp, tiếc không thể vứt”. Nếu soi chiếu vào lối viết nam, những chi tiết ấy
rất ít khi xuất hiện khi kể về chiến tranh. Tuy nhiên, trong lối viết nữ, tất cả những chi tiết
vặt vãnh ấy đều có giá trị. Cùng một chi tiết “đôi giày”, Remarque nhấn mạnh đến tính vô
dụng của vật chất nếu con người không còn chân để đi, đấy là cách ông bộc lộ tư tưởng
phản chiến trong tác phẩm Phía Tây không có gì lạ. Ngược lại, đôi giày với người nữ cựu
binh không chứa đựng tư tưởng triết lý mà chứa đựng cảm xúc. Đó là nỗi khao khát được
làm đẹp dù trong hoàn cảnh chiến tranh - một nhu cầu nhân văn của phụ nữ.
Cùng trải nghiệm một hiện thực, cùng sống trong chiến tranh nhưng khi cuộc chiến
qua đi, người vợ nhớ và kể lại những chi tiết rất nhỏ như người lính nữ không có điều kiện
về nhà “ngửi mùi của các cô gái được gặp người thân” cho thỏa nỗi nhớ nhà, còn người
chồng thì kinh ngạc, ông không ngờ rằng những sự kiện ấy xảy ra trước mắt ông nhưng ông
không hề có ý niệm gì về chúng. Trong khi phụ nữ chú ý miêu tả những chi tiết nhỏ nhặt,
vụn vặt nhưng chứa đầy cảm xúc ấn tượng thì nam giới lại nhớ đến hệ thống kiến thức quân
sự, những trận đánh lớn và hành động chiến đấu.
Cách tư duy chi tiết của phụ nữ vẽ nên một hiện thực khác so với tư duy hệ thống của
đàn ông. Từ lối tư duy hệ thống, nam giới có xu hướng xây dựng những cấu trúc khái quát
và hình ảnh tượng trưng. Trong khi đó, bằng thế giới đồ sộ những chi tiết của cảm xúc,

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 119


khi người nữ viết/nói, họ tập trung vận dụng trí tưởng tượng và sử dụng chi tiết để tạo ra
những hình ảnh so sánh, liên tưởng. Hélène Cixous cho rằng trí tưởng tượng đó chính là
vẻ đẹp tư duy của phái nữ: “Phái nữ không tư duy phổ quát, trái lại trí tưởng tượng thì vô
tận và đẹp đẽ.”
Chứng kiến chiến tranh và buộc phải đi giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, những
nữ cựu binh Liên Xô của Svetlana Alexievich không tìm cách giải thích, định nghĩa những
khái niệm mang đậm tính chất trừu tượng như hàng bao nhiêu thế hệ triết gia, văn sĩ, thi
sĩ (phần lớn đàn ông), mà bằng trí tưởng tượng phong phú và khả năng nắm bắt chi tiết,
họ biến những phạm trù ấy trở thành những hình ảnh so sánh, liên tưởng cụ thể. Họ so
sánh chiến tranh (mang thông điệp cái chết) như một “cuộc giết người”, “một lao động mệt
nhoài”, và liên tưởng hòa bình (mang thông điệp sự sống) như hoạt động “hát”, “phải lòng
nhau”, “đặt những lô cuộn tóc”. Một phạm trù siêu hình học như cái chết được miêu tả bằng
hình ảnh so sánh rất cụ thể. Các xác chết mặc những chiếc áo lót rằn “như dưa hấu đã mọc
lên. Trên một cánh đồng lớn...”; “những người nằm chết dưới đất, đầu họ cạo trọc, và sọ họ
màu xanh như những củ khoai tây phơi nắng... Rải rác như những củ khoai tây... Họ nằm
trên các luống cày, bị hạ gục giữa khi đang chạy...” Còn khi nói đến sự sống, họ liên tưởng
đến những thứ sinh sôi nảy nở như cây trái được mùa. Nhặt được một anh thương binh còn
sống khiến họ thấy cuộc đời như “vườn cây ăn quả lớn... Đang ra hoa...”
Những hình ảnh mang tính liên tưởng làm rõ nhất sự đối lập giữa sự sống và cái chết.
Trong cảm nhận của cô y tá, thân thể của cậu bé sắp chôn trở nên trắng bạch nhưng không
phải là do cái chết đang xâm chiếm mà do mặt trời rực rỡ. Ánh nắng đó tắm quanh thân thể
của cậu như những chiếc áo tang bọc quanh thi hài. Mặt trời, ánh nắng là hình ảnh tượng
trưng cho sự sống nhưng ở đây, người nữ lại dùng để miêu tả sự ra đi vĩnh viễn của một cậu
bé. Đi giữa cánh đồng lúa mì ngập tràn ánh nắng (phạm trù sự sống) và xác người (phạm
trù cái chết) nhưng cách miêu tả hiện thực của một nữ chiến sĩ khiến ta cảm thấy cái chết
hiển hiện qua thiên nhiên thật tươi đẹp:

Chúng tôi băng qua các cánh đồng. Mùa thu hoạch mới đẹp làm sao! Chúng tôi
đạp lên lúa mạch đen mà đi. Mà năm ấy, mùa màng thật đặc biệt, lúa mì chưa bao
giờ cao đến thế. Cỏ xanh, mặt trời rực rỡ, và những người chết nằm dài trên mặt
đất, máu. Những xác người và súc vật.

Lối tư duy so sánh đi ngược lại cảm quan mỹ học truyền thống này chính là lối viết
nữ. Với những trải nghiệm sinh sản, làm mẹ, đối với họ, ngay cả trong cái chết, sự sống vẫn
bao quanh và sinh sôi nảy nở.
Theo Hélène Cixous, trong hệ thống lấy ngôn từ dương vật làm trung tâm, người nữ

120 Z Z Z REVIEW
đặt ở vị trí xa tượng trưng nên họ dùng tư duy hình ảnh cụ thể để biểu lộ cái tượng trưng
chứ không dùng tư duy khái quát. Tư duy so sánh cụ thể này là tư duy chung của nam và nữ
nhưng nó luôn trội hơn khi thể hiện trên văn bản nghệ thuật phái nữ. Trong tác phẩm của
Svetlana Alexievich, hai phạm trù sự sống và cái chết đã được cụ thể hóa, đời thường hóa
bằng chuỗi hình ảnh so sánh-liên tưởng, có được nhờ xây dựng một hệ thống ngôn từ miêu
tả giàu tính biểu tượng, bắt nguồn từ trải nghiệm quan sát và cảm xúc chủ quan của phụ nữ.
Ngoài tác phẩm, lối viết ấy đã trải qua cuộc đấu tranh riêng để giành quyền được lắng nghe
trong đúng giọng nói của mình.

“ĐỪNG CÓ NHỮNG CHI TIẾT NGU NGỐC!”

Là một sự tình cờ nhưng cũng có thể là hợp lý, khoảng thời gian Alexievich bắt tay vào thực
hiện những cuộc phỏng vấn sẽ làm nên cuốn sách về lịch sử tâm hồn phụ nữ trong chiến
tranh cũng là thời điểm ra đời tiểu luận của Hélène Cixous. Những nhà nữ quyền phương
Tây hiện đại đã nhận thấy trong một thế giới lấy nam giới làm trung tâm thì lịch sử của
nam giới - viết dựa trên điểm nhìn của nam giới, bởi ý chí nam quyền - mặc định đại diện
cho lịch sử loài người. Trong tiến trình phát triển đó, vì bị nam giới định nghĩa như là “Kẻ
Khác” nên kinh nghiệm của phụ nữ với tư cách là nguồn tri thức luôn bị xem nhẹ. Phụ nữ
nếu có xuất hiện thì luôn hiện lên qua góc nhìn nam giới trong diễn ngôn đơn thanh của
lịch sử. Phụ nữ không có lịch sử của riêng họ. Còn dưới con mắt của những nhà nữ quyền
hậu hiện đại phương Tây, lịch sử ấy là một đại tự sự của những “người đàn ông vĩ đại”, vì thế
“cái chết của lịch sử” phải là sự kết thúc “lịch sử của người nam”. Từ đây, người phụ nữ cần
cầm bút viết nên lịch sử bằng một tự sự, một giọng điệu với sự phân kỳ và những quy luật
phát triển của riêng mình (Hồ Khánh Vân).
Viết cuốn sách này sau khi đọc bài về một cụ bà kế toán, trong chiến tranh đã tiêu diệt
75 người, nhận được 11 huân huy chương dưới tư cách lính bắn tỉa(1), Svetlana Alexievich
cũng trăn trở những vấn đề nữ quyền như thế. Có hay không sự tồn tại của lịch sử phụ
nữ? Hay ít nhất, lịch sử chiến tranh nhìn từ góc nhìn nữ giới? Đâu là diễn ngôn lịch sử
của nữ giới? Bà thấy rằng lịch sử của nữ giới dường như là “một lịch sử câm lặng và giông
bão” bởi lẽ:

1. Theo điểm sách trên The Guardian (2017): “The Unwomanly Face of War by Svetlana Alexievich review - for ‘filth’
read truth”, https://www.theguardian.com/books/2017/aug/02/unwomanly-face-of-war-svetlana-alexievich-review .

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 121


Chúng ta là tù binh của những hình ảnh “đàn ông” và những cảm xúc “đàn ông”.
Phụ nữ mãi náu mình trong im lặng, và nếu thảng hoặc họ có quyết định nói,
thì họ cũng không kể về cuộc chiến tranh của họ, mà về chiến tranh của những
người khác. Họ sử dụng một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của chính họ. Tuân
theo mẫu hình nam giới bất biến.

Một nữ cựu binh Liên Xô kể rằng sau khi chiến tranh kết thúc, đàn ông đeo huy
chương còn phụ nữ thì không, vì

Đàn ông là những người chiến thắng, những người anh hùng, những người
chồng, đấy là chiến tranh của họ, nhưng chúng tôi, người ta nhìn chúng tôi bằng
con mắt hoàn toàn khác. Người ta đã hoán đổi, một cách kín đáo, với niềm hạnh
phúc giản đơn của người phụ nữ. Người ta từ chối chia phần chiến thắng với
chúng tôi.

Tấm huy chương trở thành vinh quang dành riêng cho đàn ông, còn phụ nữ phải lùi về
vị trí truyền thống là căn bếp, là phòng riêng, là vai trò làm vợ và làm mẹ, trở lại với những
mẩu chuyện vặt vãnh hằng ngày cùng những người đàn bà xung quanh. Và cũng chỉ trong
không gian quen thuộc và kín đáo đó, giữa những nữ đồng đội với nhau, sau khi chùi mấy
giọt nước mắt, họ mới gợi lên trước mặt ta một cuộc chiến.
Vậy nam giới phản ứng ra sao đối với tiếng nói phụ nữ về chiến tranh? Trong một gia
đình có cả chồng và vợ đều tham gia chiến đấu, khi gặp Alexievich, người đàn ông đã phái
ngay vợ mình vào bếp. Sau khi được xin phép thì ông mới “miễn cưỡng” nhường không
gian cho vợ nhưng không quên nhắc nhở: “Kể như tôi đã bày cho bà ấy. Không có nước
mắt, cũng đừng có những chi tiết ngu ngốc, kiểu: ‘Tôi cứ muốn đẹp. Tôi đã khóc khi bị
người ta cắt mất bím tóc.’ ” Qua những lời kể của các nhân vật, nếu chỉ xét trong không gian
gia đình thì tự sự nữ giới đã không được chấp nhận. Tiếng nói của họ liên tục bị thay thế,
đánh tráo bởi tự sự nam quyền: “Ông ấy đã nhồi nhét cho tôi suốt đêm cuốn Cuộc chiến
tranh ái quốc vĩ đại. Ông ấy lo cho tôi không nói được các ký ức cần thiết.” Thậm chí, chúng
còn bị đánh giá thấp: “Năm đầu tiên, khi trở về từ chiến tranh, tôi nói, tôi nói nhưng chẳng
ai lắng nghe. Chẳng ai hiểu tôi. Vậy nên tôi đã câm lặng.” Từ không gian gia đình nhìn ra
không gian xã hội, khi nghe đến công việc phỏng vấn của Alexievich, những người đàn ông
đều tỏ ý phản đối, ngờ vực, thậm chí là xem thường: “Hết đàn ông hay để mà hỏi rồi sao?
Tại sao cô lại cần đàn bà? Nghe họ nói mê... nghe chuyện đàn bà nạ dòng thì phỏng được
gì?” Người ta thích nghe câu chuyện chiến tranh của đàn ông vì nó luôn có hành động kịch
tính và cốt truyện rõ ràng, còn chuyện của phụ nữ chỉ luẩn quẩn trong tình cảm sướt mướt,

122 Z Z Z REVIEW
cảm xúc vụn vặt, mà chiến tranh thì cần một thiên anh hùng ca, những sự kiện chấn động
và những chiến thắng lẫy lừng.
Đại diện cho xã hội nam quyền trong tác phẩm không chỉ là những người đàn ông mà
còn là người kiểm duyệt - người có quyền cắt bỏ, từ chối xuất bản tác phẩm, người có quyền
quyết định tiếng nói phụ nữ ấy có được vang lên hay không. Đối với người kiểm duyệt,
chiến thắng của Hồng quân Liên Xô là vĩ đại, người chiến sĩ là người anh hùng nên hình
tượng nhân vật không cần phải có những chi tiết sinh lý nữ: “Cô hạ thấp người phụ nữ
với cái thứ chủ nghĩa tự nhiên sơ đẳng của cô. Cô biến họ thành một phụ nữ tầm thường.
Một con cái. Mà ở đây, đấy là những thánh nữ.” Có thể thấy, xã hội đã quen với hình ảnh
nữ chiến sĩ gắn với chiến công phi thường hay những người vợ, người mẹ hy sinh cho chiến
thắng nên khó chấp nhận hình ảnh người phụ nữ như một con người.
Xã hội từ chối tiếng nói phụ nữ, nhưng điều đáng nói là ngay cả người phụ nữ - chủ
thể của tiếng nói - cũng muốn lờ đi tiếng nói của chính mình để hướng đến tiếng nói được
xã hội công nhận: “Tại sao cô đến tìm tôi, tôi? Cô phải gặp chồng tôi, ông ấy sẽ kể với cô
chuyện đó... Tên các vị chỉ huy, các tướng, số hiệu các đơn vị... Tôi chỉ nhớ những gì tôi đã
sống.” Con số thống kê, số hiệu, huy chương trong tự sự nam đã áp đảo những chi tiết vụn
vặt, cảm xúc cá nhân trong tự sự nữ vì “nước mắt”, “muốn đẹp”, “bím tóc” bị cho là không
mang bản chất chiến tranh. Khi lên tiếng kể về chiến thắng, phụ nữ cũng có xu hướng hòa
theo giọng của đàn ông. Như vậy, ngay chính nữ cựu binh cũng xem nhẹ giá trị câu chuyện
của mình. Vì họ cũng đã suy tôn cái hình ảnh chiến thắng oai hùng của nam giới đã thiết
chế hoá (institutionalized).
Sự tồn tại của tiếng nói phụ nữ thường xuyên bị đe dọa khi chủ thể bị giằng xé giữa
việc lên tiếng và im lặng. Khi buổi phỏng vấn kết thúc, Nina Yakovlevna gửi cho Alexievich
những bài báo về công việc giáo dục quân sự và ái quốc của bà, đồng thời bà tự tay xóa đi
những chi tiết vụn vặt trong bản ghi. Trước hiện tượng này, Svetlana Alexievich nhận ra
rằng có hai sự thật - mỗi sự thật là một cực của tiếng nói - cùng tồn tại trong ký ức của mỗi
người cựu binh:

... một sự thật cá nhân bị dồn nén tận đáy của ý thức, và một sự thật vay mượn,
hay đúng hơn là đương đại, thấm đẫm tinh thần của thời nay, những đòi hỏi và
bắt buộc của nó. Thường thì sự thật cá nhân kia hiếm khi có thể cưỡng lại được
áp lực của sự thật thứ hai.

Tình trạng này cho thấy nhân vật nửa muốn bày tỏ, nửa muốn khước từ tiếng nói của
bản thân. Họ tự kiểm soát tiếng nói của mình để tập trung nói điều cần nói, nói điều xã
hội muốn nghe như những người khác từng kể, như báo chí vẫn nói. Việc giấu giếm quá

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 123


khứ, không cho ai biết mình là thương binh sẽ giúp họ lấy được chồng, cho họ công việc
dù chỉ là nghề giúp việc để kiếm miếng ăn. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, mất đi
tiếng nói cũng đồng nghĩa với việc bị tước đi quyền được chăm sóc y tế, quyền được chia sẻ,
quyền được họp hội:

Liệu tôi biết tâm sự với ai đây rằng tôi đã bị thương, tôi đã bị chấn thương? Thử
nói ra xem, rồi ai sẽ tuyển nhận mình? Cho nên tôi âm thầm chịu đau đớn về đôi
chân, tôi rất căng thẳng. Chúng tôi nín câm như hến. Chúng tôi không nói với
ai hết rằng chúng tôi đã ra trận. Chúng tôi chỉ giữ liên lạc với nhau, bằng thư.
Mãi về sau người ta mới tôn vinh chúng tôi, mời chúng tôi đến các cuộc họp cựu
chiến binh, còn những lúc đầu, chúng tôi lẩn tránh.

Tuy nhiên, ký ức về cuộc chiến vẫn cựa quậy, buộc phụ nữ phải lên tiếng dù lên tiếng
đồng nghĩa với việc đối mặt với quá khứ đau thương: “Vâng, họ khóc rất nhiều. Họ kêu
lên. Sau khi tôi đã đi, họ uống thuốc trợ tim. Họ gọi cấp cứu. Nhưng bất chấp tất cả họ
nói đi nói lại với tôi: ‘Trở lại nhé. Đừng quên. Chúng tôi đã nín lặng quá lâu rồi. Vậy là đã
bốn mươi năm chúng tôi câm lặng.’ ” Niềm khao khát được cất lên tiếng nói của những nữ
cựu binh là một nhu cầu cấp thiết, họ không thể tiếp tục sống mà chỉ trò chuyện với chính
mình, họ cần được người khác lắng nghe: “Mọi người đều vui được đón cô. Họ chờ cô. Có
ai lắng nghe chúng tôi đâu.” Svetlana Alexievich đã gánh vác sứ mệnh “một đôi tai lớn”, lắng
nghe tiếng nói của phụ nữ từ những câu chuyện vĩ đại của một nữ cựu binh anh hùng đến
câu chuyện vụn vặt của một cô thợ nấu ăn. Bà đã giúp người phụ nữ được sống như chính
mình hiện tại và được sống lại như chính mình trước kia: “Tôi biết ơn cô, cô đã cho tôi
phương tiện để tự tìm lại được chính mình. Tìm lại tuổi trẻ của tôi.”

TIẾNG NÓI NỮ TRÊN HAI CẤP ĐỘ TỰ SỰ

Tuy nhiên, là tác giả cuốn sách, Alexievich không chỉ làm công việc lắng nghe; như chính
bà có nói, bản thân bà cũng là một nhân chứng, và công việc của bà không chỉ là chuyên
chở mà còn là tiếp nối tiếng nói kia, bằng chính cuốn sách mang cấu trúc tự sự hai lớp đặc
biệt này.
Cấu trúc tự sự hai lớp bao gồm cấp độ tự sự công khai và cấp độ tự sự riêng tư. Cấp độ
tự sự công khai (public narration) hướng đến đối tượng tiếp nhận bên ngoài thế giới văn
bản, mà ở đây là những cộng đồng độc giả cụ thể, như cộng đồng Liên bang Xô viết khi tác
phẩm được viết bằng tiếng Nga, cộng đồng thế giới khi nó được dịch ra nhiều thứ tiếng. Vì

124 Z Z Z REVIEW
văn bản này mang tính chất công khai nên độc giả sẽ được đọc cuộc phỏng vấn giữa những
nữ cựu binh và Svetlana, cuộc đối thoại giữa Svetlana và người kiểm duyệt, cũng như những
trang nhật ký của riêng tác giả.
Người tạo lập cấu trúc công khai này là tác giả Svetlana Alexievich. Alexievich có toàn
quyền trong việc sắp xếp các cuộc phỏng vấn theo chủ đề và theo một trình tự hợp lý, phù
hợp với ý đồ sáng tạo của bà. Để nhấn mạnh đặc điểm về giới, Svetlana Alexievich cũng sắp
xếp các lời kể thành 17 chương theo vòng đời của một phụ nữ: khi họ là những cô bé, rồi
những cô gái đang yêu, những người vợ và cuối cùng là những người mẹ. Việc sắp xếp theo
trình tự này hướng người đọc đến một thông điệp cuối cùng: Chiến tranh đã quất vào mọi
giai đoạn cuộc đời của phụ nữ Liên Xô. Lúc nào nó cũng hiển hiện, có thể hủy hoại, cũng
có thể không, nhưng sau khi bước qua chiến tranh, chẳng ai còn như họ đã từng. Tựa như
sau buổi tuyển quân, họ bước vào với bím tóc có đuôi, áo dài, giày ban, rồi bước ra với tóc
cắt lởm chởm kiểu đàn ông, áo varơi và ủng lính lớn hơn chân họ 5 số. Hết phụ nữ, chỉ còn
lính. Trước chiến tranh, trong mắt mọi người họ là những cô gái xinh đẹp; sau chiến tranh,
họ trở thành những người phụ nữ xấu xí bị gia đình và xã hội ruồng bỏ.
Cấp độ tự sự công khai có “hiệu lực” khi cuốn sách được xuất bản ra thị trường, mọi
độc giả đều có thể mua, đọc trực tiếp những trao đổi riêng tư giữa những nữ cựu binh và
Alexievich(1). Và bởi vì mang tính chất công khai, hướng đến công chúng nên nó chịu hai
lớp kiểm duyệt gắt gao, chính tác giả tự kiểm duyệt và biên tập nhà xuất bản - một đại diện
xã hội - thực hiện công tác kiểm duyệt. Tác phẩm bị hai vòng kiểm duyệt không chỉ vì đây
là tiếng nói công khai của nữ giới mà quan trọng hơn, là tiếng nói của nữ giới hướng đến đề
tài chiến tranh - một đề tài mà nam giới luôn nói thay phụ nữ hoặc nếu phụ nữ nói thì phải
kìm nén giọng điệu riêng và uốn nắn, hòa vào giọng điệu chung (do đàn ông xây dựng nên,
theo cách nhìn nữ quyền luận).
Khác với cấp độ tự sự công khai, cấp độ tự sự riêng tư (private narration) hướng đến
đối tượng người nghe được xác định rõ, cùng tồn tại trong thế giới văn bản. Người trần
thuật của cuốn sách này - những nữ cựu binh - hướng đến hai đối tượng tiếp nhận, một
là Svetlana, hai là chính bản thân người trần thuật. Quan hệ giao tiếp hướng đến Svetlana
với tư cách là một người cùng cộng đồng nữ giới, nhằm mục đích tìm kiếm sự chia sẻ, lắng
nghe; hướng đến bản thân như một sự tự soi chiếu, tự khơi gợi lại và tự nhìn nhận lại
những ký ức chiến tranh.
Cần lưu ý, mối quan hệ giữa Alexievich và những người nữ cựu binh không chỉ là giữa

1. Trước khi thành sách, tác phẩm vốn là kịch bản của phim tài liệu truyền hình với cùng nhan đề. Tính chất đại chúng
của truyền hình với tư cách vừa là báo chí vừa là điện ảnh (so với văn học) làm tăng tính chất công khai của tự sự.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 125


đối tượng tiếp nhận trực tiếp và người trần thuật, mà còn là một mối quan hệ “giới” đặc biệt.
Từ thời thơ ấu, tiếng nói phụ nữ đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ của Svetlana Alexievich
về cuộc đời, nhất là về chiến tranh: “Thế giới trẻ con của chúng tôi sau chiến tranh - đó là
thế giới của những người phụ nữ.”(1) Bà đánh giá cao giá trị sự sống, giá trị hòa bình và giá
trị tình yêu đích thực mà những người mẹ, người vợ hậu phương để lại. Việc hiểu được vai
trò, công lao to lớn của phụ nữ trong chiến tranh chính là một khía cạnh quan trọng của ý
thức nữ quyền, đã thôi thúc Alexievich vẽ nên “khuôn mặt nữ” của chiến tranh: “Tôi muốn
viết lịch sử cuộc chiến ấy... Một lịch sử của những người phụ nữ.” Đối tượng phỏng vấn
mà bà tìm kiếm không phải là những nữ anh thư mà là những cựu chiến binh bình thường
nhưng không có tiếng nói. Để giúp họ cất lên tiếng nói, bà đã đưa họ trở thành những chủ
thể ngôn từ, không còn là “kẻ khác” (chữ của Simone de Beauvoir), là ngoại vi mà trở thành
trung tâm trong sáng tác văn học. Việc Alexievich lựa chọn và xác định nữ giới đóng vai
trò chủ đạo, là đối tượng phản ánh trung tâm đã tạo ra sự dịch chuyển trọng tâm quyền lực
của phụ nữ - quyền được lên tiếng, quyền được tái hiện, quyền được tạo ra lịch sử, quyền
được diễn giải đối phương từ góc độ của mình - từ ngoại biên vào trung tâm. Như vậy, đối
với Alexievich, công việc phỏng vấn thực hiện trong cuốn sách này không chỉ là cuộc truy
tìm “sự thật” ở những người được phỏng vấn, mà đó là trách nhiệm giới “của bà”, là ý thức
nữ quyền khi chính bà - một người phụ nữ - muốn lắng nghe và cùng cất lên tiếng nói với
những người phụ nữ khác.
Trong quá trình xây dựng tác phẩm, bà khám phá ra một quy luật: không gian càng
riêng tư thì câu trả lời càng trung thực. Người phụ nữ luôn luôn chịu sự chi phối bởi những
tiếng nói khác, họ sợ nói sai và sợ phản bội lại “sự thật” chung: “Càng giống như thông
thường ta vẫn chờ nó như thế, nó càng cẩn trọng tuân theo cho đúng cách với mẫu hình
thông thường.” Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có thể đạt đến độ tuyệt đối trung thực và đậm
đặc tính cá nhân vì ngoài tiếng nói bên ngoài, phụ nữ còn có những kháng cự bên trong:
“những ký ức họ giãi bày với tôi cứ như chịu một sự sửa chữa thường trực”. Vì thế, để giảm
thiểu sự chi phối và sự kháng cự đó, và tạo được không gian đủ tin tưởng, an toàn và tự
do cho những nữ cựu binh Xô viết cất lên tiếng nói, Alexievich đã sử dụng phương pháp
phỏng vấn sâu(2). Chính phương pháp phỏng vấn sâu này đã tạo nên cấu trúc tự sự riêng tư
của tác phẩm.

1. Trích diễn từ Nobel của Svetlana Alexievich: https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2015/alexievich/25408-


nobel-lecture-2015/.
2. Hình thức phỏng vấn sâu do Svetlana Alexievich học tập từ nhà văn Belarus Ales Adamovich. Đây là hình thức trao
đổi riêng tư giữa một người hỏi và một người trả lời, mọi trao đổi đều được ghi âm và được viết ra để phục vụ một mục
đích cụ thể như thu thập tư liệu nghiên cứu, tham vấn tâm lý... Người trả lời có quyền từ chối trả lời câu hỏi họ không
mong muốn và bảo mật thông tin cá nhân.

126 Z Z Z REVIEW
Quá trình tiếng nói phụ nữ di chuyển theo chiều dọc qua hai cấp độ tự sự cũng là tiến
trình mở rộng phạm vi hoạt động theo bề rộng. Ban đầu, mọi cuộc phỏng vấn đều diễn ra
trong phòng kín, giữa một người đi tìm tiếng nói nữ với những người phụ nữ Liên Xô từng
trải qua Chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc này, tiếng nói phụ nữ đóng khung trong cộng
đồng nữ cựu binh Liên Xô. Nếu tiếng nói ấy thoát ra khỏi khung cộng đồng giới, nó sẽ trở
nên “tẻ nhạt, lạnh lùng, tuân theo đúng cách với mẫu hình thông thường”. Số lượng người
tham gia vào không gian riêng tư càng tăng thì tính chất trung thực của câu chuyện và cảm
nhận cá nhân càng giảm. Vì tiếng nói của phụ nữ lúc này vấp phải sự cản trở vô hình của
những tiếng nói nam quyền.
Nhờ xây dựng không gian ở cấp độ riêng tư bằng hình thức phỏng vấn, Alexievich
đã giữ nguyên được độ chân thực của câu chuyện chiến tranh nhìn qua lăng kính nữ. Khi
bản thảo được xuất bản lần đầu vào năm 1985, bước từ không gian riêng tư sang không
gian công khai thì nó bị kiểm duyệt, cắt bớt đến một phần tư dung lượng. Điều này chứng
tỏ, tiếng nói phụ nữ về chiến tranh những năm 80 của thế kỷ XX ở Liên Xô không bị cấm
nhưng xã hội vẫn chưa chấp nhận những trải nghiệm thực tế và những chi tiết bi thảm,
nhạy cảm về chiến tranh trong câu chuyện của những nữ cựu binh Xô viết. Hai mươi năm
sau, khi được tái bản, tác phẩm đã được khôi phục lại gần như toàn bộ. Alexievich cho in
tất cả nội dung bà từng tự kiểm duyệt, bị kiểm duyệt, và cả những mẩu đối thoại giữa bà và
người kiểm duyệt diễn ra trong lần biên tập đầu tiên. Rõ ràng, sau một thời kì dài lịch sử,
phạm vi hoạt động và mức độ tự do hoạt động của tiếng nói phụ nữ đã được mở rộng, xã
hội đã dần chấp nhận kinh nghiệm riêng của nữ giới về cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử
nhân loại.
Quá trình đưa những mẩu tự sự riêng tư trở thành một tự sự công khai là một chuỗi
hành động tạo lập tự sự: sắp xếp những cuộc phỏng vấn theo một trình tự hợp lý trên bản
thảo, đặt cho nó một cái tên đầy chất văn và đa nghĩa: “Chiến tranh không có một khuôn
mặt phụ nữ”, đưa đến tay biên tập viên và bị kiểm duyệt, rồi phổ biến nó ở chợ đen (giai
đoạn đầu cuốn sách bị cấm) hay phát hành nó, đặt lên kệ cùng những cuốn sách mang đề
tài, chủ đề khác. Chuỗi hành động tạo lập tự sự này biến tác phẩm của Svetlana Alexievich
trở thành một tư liệu lịch sử. Qua đó, tác phẩm có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của
ngành lịch sử phụ nữ nói chung và lịch sử phụ nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai nói
riêng, lịch sử loại thể tự sự văn học và lịch sử tiếng nói nữ quyền... Ngược lại, lối viết nữ
trong quyển sách cũng mở rộng biên độ cho nghiên cứu lịch sử ở chỗ, nó cho phép khai
thác phương diện tri thức lịch sử cụ thể, đặc biệt là tâm hồn con người.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 127


PHỤ NỮ KHÔNG CÂM LẶNG

“Không ai bị quên đi, không điều gì bị quên đi” là câu nói của Olga Bergholz khắc trên nghĩa
trang tưởng niệm Leningrad (St. Petersburg). Sự thật là người ta không lãng quên tiếng nói
của phụ nữ nói chung. Evtushenko từng nói rằng muốn hiểu mất mát đau thương của chiến
tranh thì người ta phải lắng nghe tiếng khóc than của người phụ nữ; “hãy hỏi những người
mẹ và những người vợ” (Người Nga có muốn chiến tranh) bởi vì bao nhiêu người lính ra
trận, bao nhiêu người lính hy sinh và mất tích là bấy nhiêu người mẹ khóc con, người vợ
khóc chồng. Người đàn ông ra đi không đau đớn bằng người phụ nữ ở lại một mình nuôi
cháu, nuôi con. Tuy nhiên, trong xã hội còn nặng khuôn mẫu cũ về giới (gender stereotype)
thì chỉ có tiếng nói của người phụ nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ mới được chấp nhận và
đề cao, còn tiếng nói của những phụ nữ trong vai trò chiến sĩ vẫn còn rất xa lạ.
Trong một vài trường hợp, tiếng nói và số phận của những phụ nữ trực tiếp tham
chiến được xã hội trân trọng nhưng hình ảnh của họ thường gắn với chủ nghĩa dân tộc. Ở
Nga, có hơn hai mươi bảo tàng dành cho Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya - người
phụ nữ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô (truy tặng) trong Chiến
tranh thế giới thứ hai. Zoya Kosmodemyanskaya trở thành một trong những biểu tượng
của chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xô viết, được phản ánh trong văn học, báo chí, điện
ảnh, hội họa, các công trình tưởng niệm. Trong Lễ kỉ niệm “Chiến thắng Phát xít” hằng
năm diễn ra ở nước Nga (từ 1991 trở đi), những nữ cựu binh Hồng quân Liên Xô cũng đeo
huy chương, huân chương để tưởng nhớ về cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại, về những người đã
hy sinh cho dân tộc.
Alexievich cho rằng lịch sử của phụ nữ
là lịch sử câm lặng: “Họ (phụ nữ) đã câm lặng lâu
đến mức sự im lặng của họ, cả nó nữa, cũng trở
thành lịch sử.” Thật ra, tiếng nói của phụ nữ luôn
luôn tồn tại, chỉ có mức độ hoạt động và không
gian hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, người ngoài
rất khó nghe được tiếng nói đó bởi vì phụ nữ chỉ
nói khi họ cảm thấy đang ở trong một môi trường
an toàn, kín đáo. Và cũng rất khó tạo được một môi
trường an toàn đó. Khi cái logic (bị coi là) “đàn bà”
phát ngôn ở những không gian ngoài phạm vi cho
phép, nó gây cho người nghe sự sửng sốt, vì hiện
thực cuộc chiến từ lăng kính của phụ nữ khác hoàn
toàn với những gì xã hội nam quyền kiến tạo nên.

128 Z Z Z REVIEW
Và vì số lượng nam chiến sĩ đông đảo hơn, câu chuyện của họ được kể nhiều hơn, tần suất
dày đặc hơn nên tiếng nói của họ trở thành tiếng nói đại diện. Còn tiếng nói phụ nữ không
mạnh mẽ và quen thuộc như nam giới nên trở thành cái ngoại vi, cái phi chính thống. Vì
vậy, có thể ngỡ rằng phụ nữ “câm lặng”. Nhưng bản thân lịch sử xuất bản cuốn sách, sự gớm
sợ của kiểm duyệt trước những chi tiết khốc liệt trong đó, cùng việc chúng ta biết được
những điều này, chứng tỏ tiếng nói của phụ nữ về chiến tranh vẫn tồn tại âm thầm nhưng
mạnh mẽ, chờ được nói ra. Ngày nay, toàn bộ nội dung của tác phẩm đã được dịch ra nhiều
ngôn ngữ và đón nhận nhiệt liệt ở nhiều quốc gia, chứng tỏ thế giới đã chú ý lắng nghe
những âm vang khác từ cuộc chiến ác liệt nhất lịch sử nhân loại. Con người đang tìm kiếm
những bộ mặt khác của chiến tranh, đầu tiên là “khuôn mặt nữ”. Lịch sử nam giới đã được
viết, lịch sử phụ nữ cần được kiến tạo, từ đó hy vọng sẽ có thể xây dựng một lịch sử đủ mặt
tất cả mọi người.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 129


Huyễn tưởng
cưỡng dâm
Margaret Atwood
Nguyễn Vũ Phương Linh dịch
(Trích trong tập truyện ngắn Dancing Girls xuất bản năm 1977)

Cách người ta rao giảng về nó trên tạp chí có thể khiến bạn ngỡ nó mới
được phát minh, không những thế còn là thứ gì đó to tát, tưởng đâu vắc-
xin ngừa ung thư vậy. Nó được viết hoa, chễm chệ ngay trang bìa. Bên
trong là những bài trắc nghiệm tương tự những bài từng được đăng về
“bạn có phải người vợ hiền” hoặc “bạn thuộc tạng người mập mạp hay
mình dây”, với cách tính điểm được in ngược ở trang 73, rồi vài ba trò tự
chế được đánh số. CƯỠNG DÂM VÀ MƯỜI ĐIỀU CẦN BIẾT, cái tựa
thoạt nghe na ná mười kiểu tóc đáng thử. Có gì mới mẻ đâu nào?
Tại nơi làm việc, ai ai cũng nói về chủ đề này, bởi cho dù bạn có lật
tạp chí nào, nó vẫn yên vị đấy, chĩa ánh nhìn về bạn. Người ta mới đưa nó
lên sóng truyền hình nữa. Tôi thà xem những bộ phim có June Allyson thủ
vai còn hơn, ngặt nỗi dòng phim này không còn được sản xuất, mà cũng
chẳng mấy khi được chiếu trên “Chương trình đêm khuya”. Hôm kia (nếu
không nhầm là thứ Tư), tiện đây thì “ơn Chúa, thứ Sáu đây rồi!”, chúng
tôi ngồi chơi trong phòng ăn trưa nữ - phòng ăn trưa, không gian mà bạn
ngỡ sẽ tìm được sự bình yên và tĩnh lặng - bỗng Chrissy gấp quyển tạp chí
cô nàng đọc nãy giờ lại, cất giọng hỏi, “Thế nào hả, các cô gái, các cô từng
có huyễn tưởng cưỡng dâm chưa?”
Bấy giờ bốn người chúng tôi đang chơi bài brít như mọi lần. Tôi mới
có mười hai điểm, tính cả chuỗi một cây bài không dùng được để trả giá
bất kỳ nơi nào. Tôi rao giá một chuồn, với hy vọng Sondra sẽ nhớ giao ước
ngầm này, vì lần trước tôi làm vậy, cô nàng tưởng tôi ra chuồn thật. Thế là

130 Z Z Z REVIEW
cô ta rao giá gấp ba lần bình thường, mà không hay biết tôi cầm bốn cây nhỏ, không cây
nào cao quá sáu. Chúng tôi đã yếu thế sẵn, lại rơi mất hai điểm. Sondra không phải tay
chơi bài brít cừ khôi nhất thế giới. Tôi cũng không khác là bao, nhưng dẫu gì cũng có
chừng mực.
Darlene bỏ lượt, nhưng chẳng thể cứu vãn tình hình. Đầu Sondra quay vòng vòng như
được tra ổ bi, cô ta hỏi, “Huyễn tưởng gì cơ?”
“Huyễn tưởng cưỡng dâm,” Chrissy đáp lời. Cô là nhân viên tiếp tân và thực tế trông
đúng như vậy; cô xinh đẹp nhưng lãnh đạm, như thể khắp người được phủ một lớp sơn
móng tay. Bóng loáng. “Đây này, họ nói phụ nữ ai cũng có những tưởng tượng như thế.”
“Chúa ơi, tôi đang ăn dở cái bánh mỳ trứng,” tôi đáp, “tôi rao giá một chuồn, Darlene
vừa bỏ lượt.”
“Ý cô là, gã nào đó xồ lấy cô trong ngõ vắng?” Sondra đặt nghi vấn. Cô nàng đang mải
ăn, chúng tôi vẫn hay vừa ăn vừa chơi bài. Cô cắn một mẩu cần tây rồi nhai, với vẻ suy tư
hiện trong mắt, tôi thấy thôi thì chúng tôi dẹp luôn ván bài cho xong.
“Ừ, kiểu vậy,” Chrissy đáp. Mặt cô đỏ lên thấy rõ ngay cả dưới lớp trang điểm.
“Tôi nghĩ cô không nên ra ngoài một mình vào ban đêm,” Darlene nhận xét, “bằng
không cô đẩy mình vào thế không an toàn,” có thể tôi nhầm nhưng rõ ràng chị ta vừa nói
vừa nhìn tôi. Darlene là người lớn tuổi nhất trong đám, dù không dễ gì nhận ra chị đã bốn
mươi mốt và chị ta cũng không nhận thức được điều này, còn tôi phải lục hồ sơ nhân viên
mới biết. Tôi thích đoán tuổi người khác, rồi tra hồ sơ để chứng thực. Tôi buông mình hút
thêm bao thuốc lá trong trường hợp đoán trúng, mặc dù đang cố cắt giảm. Thứ này vô hại
thôi, chừng nào bạn không mở miệng kể với ai. Không phải người nào cũng tiếp cận được
tài liệu ấy vì ít nhiều nó cũng là tài liệu mật. Nhưng nếu tôi kể bí mật này cho bạn thì cũng
chẳng sao, đằng nào bạn cũng có gặp Darlene bao giờ, dù nào ai biết trước chuyện tương lai,
trái đất tròn mà. Dù sao đi nữa.
“Trời ạ, đây mới là Toronto thôi,” Greta gạt đi. Cô đã làm việc ở Detroit trong ba năm,
cô ta sẽ buộc bạn phải nhớ điều này, như thể cô ta nghĩ mình là nữ hùng thời chiến vậy,
chúng tôi nên cảm thấy ngưỡng mộ Greta chỉ vì nhẽ cô ta còn tồn tại trên thế gian này, dù
trên thực tế, cô ta vẫn sống ở Windsor trong suốt thời gian đó, chỉ tới Detroit làm việc. Mà
như thế thì không tính. Chỗ ngủ mới là vấn đề, phải không?
“Thế chị đã bao giờ chưa, Darlene?” Chrissy hỏi. Rõ ràng cô muốn kể cho chúng tôi
nghe chuyện của mình nhưng không có ý định mở đầu, một biểu hiện của sự thận trọng.
“Tôi chưa,” Darlene nhăn mũi đáp như thế này khiến tôi bật cười. “Tôi nghĩ nó thật
ghê tởm.” Chị ta đã ly dị nhưng chưa bao giờ nói với ai, sở dĩ tôi biết cũng là nhờ tập tài liệu
trên. Chuyện có lẽ đã xảy ra nhiều năm về trước. Nói rồi Darlene đứng dậy, tiến lại gần máy
pha cà phê, rồi quay lưng lại đám chúng tôi như ra hiệu cho việc cô chẳng còn gì để nói nữa.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 131


“Hừm,” Greta hắng giọng. Tôi đoán cô ta hoặc Chrissy sẽ mở lời. Hai cô nàng tóc vàng
này, nói thế không phải là tôi có ý gì xấu, nhưng đúng là họ tìm mọi cách để ăn diện lấn lướt
người kia. Greta không thiết làm tại phòng Văn thư nữa, mà muốn chuyển qua bên lễ tân
để tiếp xúc với nhiều người hơn. Đặc thù làm việc tại phòng Văn thư là bạn sẽ chẳng gặp
gỡ ai khác ngoài những người trong phòng. Tôi thì chẳng nề hà việc đó, vì tôi còn những
thú vui ngoài lề.
“Ừm,” Greta tiếp tục, “Đôi lúc tôi tưởng tượng, cái căn hộ của tôi ấy. Bên ngoài là một
ban công nhỏ với vài chậu cây, tôi khoái ngồi ngoài đó mỗi khi hè sang. Tôi không buồn
khóa cửa ban công bao giờ, thứ cửa trượt bằng kính. Căn của tôi nằm trên tầng 18 mà trời
ạ, tầm nhìn đẹp hướng ra hồ và Tháp CN các thứ. Một đêm nọ, tôi đang mặc tấm áo choàng
tắm ngồi xem tivi, giày tháo khỏi chân, thì bỗng nhiên thấy chân của một người đàn ông
đang trèo xuống vượt qua cửa sổ. Thoắt cái gã đứng trên bệ ban công, sau khi trèo xuống
nhờ dây thừng móc từ tầng trên, là tầng 19. Trước cả khi tôi kịp nhổm dậy khỏi ghế, gã đã
lọt vào căn hộ. Gã bận đồ đen từ trên xuống dưới, đến đôi găng tay cũng màu đen” - tôi biết
ngay đôi găng đen cô ta nhắc tới là chi tiết xuất hiện trong chương trình nào, vì tôi cũng
từng xem - ”sau đó hắn ta, ừm, các cô biết đấy.”
“Nói rõ xem nào,” Chrissy hối, nhưng Greta đã nhảy cóc, “Sau đó gã bảo trước giờ đều
đột nhập từ bên ngoài như thế, từng tầng một, bằng cuộn dây thừng và cái móc ... nói rồi
gã bước ra ngoài ban công, quăng dây thừng lên rồi trèo mất dạng.”
“Như Tarzan ấy nhỉ,” tôi góp vui nhưng chẳng ai cười.
“Có vậy thôi à?” Chrissy không thỏa mãn. “Các cô đã bao giờ nghĩ đến cảnh ngâm
mình trong bồn tắm, trên người không mảnh vải che thân ...”
“Làm gì có ai ngồi trong bồn mà mặc quần áo chứ?” tôi lý sự, phải thừa nhận là nghĩ
không thôi đã thấy vớ vẩn rồi, nhưng cô ta lại tiếp tục, “... giữa muôn vàn lớp bọt, loại tôi
dùng là Vitabath, đắt đỏ nhưng đem lại cảm giác thư giãn vô cùng, tóc tôi vấn lên, cửa mở
và kèm theo là sự xuất hiện của một người đàn ông ...”
“Sao hắn ta vào được?” Greta thắc mắc.
“Ồ, tôi cũng không rõ nữa, có lẽ trèo từ cửa sổ. Ừm, tôi không tài nào bước ra khỏi bồn
tắm, căn phòng quá hẹp, còn gã thì chặn ngay trước cửa. Thế là tôi chỉ nằm yên trong bồn,
gã bắt đầu chậm rãi cởi đồ và chui vào bồn cùng tôi.”
“Cô không la lên hay gì hết ư?” Darlene nghi hoặc. Chị ta vừa trở lại cùng ly cà phê
mới pha, tỏ ra rất hứng thú. “Nếu là cô, tôi sẽ hét toáng lên.”
“Ai mà nghe thấy chứ?” Chrissy tỏ vẻ không đồng tình. “Vả lại, mấy bài báo cũng nói
tốt hơn hết là không nên kháng cự, như vậy sẽ không bị hãm hại.”
“Ngộ nhỡ bong bóng xà phòng dâng lên mũi cô,” tôi đặt giả thiết, “vì thở một hơi sâu
thế cơ mà,” tôi thề sau đó bốn người họ lườm nguýt tôi, như thể tôi vừa bất kính với Đức

132 Z Z Z REVIEW
Mẹ Maria không bằng. Thỉnh thoảng đùa một chút nào phải chuyện gì to tát. Đời là mấy
tí, đúng không?
“Nghe này,” tôi nhấn mạnh, “những chuyện các cô vừa kể không phải huyễn tưởng
cưỡng dâm. Ý tôi là, các cô nào đã bị cưỡng hiếp, họa chăng là mấy anh chàng mà các cô chưa
hẹn hò chính thức tình cờ lại có vẻ ngoài hấp dẫn hơn Derek Cummins” - ông Trợ lý Giám
đốc, đi đôi giày độn hoặc ít nhất cũng là loại giày đế dày cộm, lại còn có kiểu nói chuyện hết
sức buồn cười, chúng tôi gọi ông ta là Derek Duck - “và các cô được vui thú. Cưỡng dâm là
khi mấy gã đó cầm dao khống chế, còn các cô không muốn.”
“Còn cô thì sao, Estelle?” Chrissy hỏi, cô nàng có vẻ phật lòng vì tôi cười nhạo câu
chuyện cô vừa kể, cho rằng tôi cố ý hạ thấp cô ta. Sondra cũng mếch lòng, lúc này cô mới
giải quyết xong cọng cần tây ban nãy. Cô háo hức tới phiên mình kể nhưng đã xen vào quá
chậm.
“Thôi được, để tôi kể các cô nghe một cái,” tôi mở lời. “Một đêm nọ, tôi đang đi dọc
con phố tối mịt thì bỗng nhiên một gã từ đâu tiến lại túm tay tôi. Tôi tình cờ có quả chanh
nhựa trong ví, các cô biết người ta vẫn hay khuyên nên mang thứ đó mà? Nói thế không
có nghĩa tôi luôn sẵn nó bên người, tôi đã thử mang một lần và thứ chất lỏng đó rỉ ra khắp
cuốn séc của tôi. Nói chung, các cô chỉ cần biết nó xuất hiện trong huyễn tưởng này. Tôi
hỏi gã, ‘Anh chuẩn bị đè tôi ra, đúng không?’ Gã gật đầu, thế là tôi lục ví tìm quả chanh
nhựa, mà chẳng thấy đâu! Ví tôi chứa đầy những thứ lặt vặt: giấy ăn, thuốc lá, ví đựng tiền,
thỏi son, bằng lái xe, mấy thứ các cô biết đấy. Tôi liền bảo gã chìa tay ra, thế này này, rồi chất
đống đồ lên tay gã. Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng thấy quả chanh dưới đáy ví, nhưng
không sao mở được nắp. Thế là tôi đưa quả chanh cho hắn. Gã tỏ ra rất sốt sắng, vặn nắp
rồi đưa lại tôi. Tôi phun tùm lum nước chanh lên mắt hắn.”
Mong bạn không cho rằng hành động của tôi quá tàn nhẫn. Nghĩ lại, kể ra làm vậy có
hơi ác thật, nhất là khi gã đã hành xử lịch sự.
“Cô gọi đấy là huyễn tưởng cưỡng dâm ư?” Chrissy không thấy thuyết phục. “Tôi
chẳng tin.”
“Cô ta giỏi pha trò,” Darlene đế vào. Tôi và chị ta là hai người có thâm niên công tác
ở nơi này nhất. Có lẽ chị ta sẽ không bao giờ quên lần tôi say mèm ở bữa tiệc của công ty,
lần đó tôi nhất quyết đòi nhảy dưới gầm thay vì trèo lên bàn. Tôi nhảy một điệu Cossack
nhưng rồi cộc đầu vào gầm bàn - đúng hơn là bàn làm việc - khi định đứng lên thì tôi lăn ra
bất tỉnh. Darlene kết luận đây là dấu hiệu của một trí óc độc đáo khác người, thế là chị ta
kể lại cho mọi người mới vào. Tôi cho rằng chị ta làm vậy là thiếu công bằng với tôi, dù tôi
đã làm thế thật đi nữa.
“Tôi đang cực kỳ thành khẩn,” tôi đáp. Tôi luôn như vậy và đến cả họ cũng biết. Chẳng
lý gì mà phải thay đổi bản thân cả, đấy là cách tôi tiếp cận vấn đề. Sớm muộn sự thật cũng

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 133


được làm sáng tỏ, chi bằng đừng lãng phí thì giờ của nhau, phải vậy không? “Cô nên thử
nghe câu chuyện về chai tẩy rửa lò nướng dạng xịt.”
Nhưng đó cũng là lúc giờ ăn trưa kết thúc, để lại ván bài brít dở dang. Ngày hôm sau,
chúng tôi dành phần lớn thời gian ăn trưa để biểu quyết nên bắt đầu ván mới hay chơi
nốt chỗ bài còn dư hôm qua. Sondra chẳng cả có cơ hội kể về huyễn tưởng cưỡng dâm của
mình.
Tuy nhiên tôi bắt đầu nghĩ ngợi, nghĩ về huyễn tưởng của bản thân. Có thể tôi khác
người hay sao đó, tôi cũng có huyễn tưởng về những kẻ lạ mặt điển trai trèo vào từ cửa sổ,
như Quý ông Dọn dẹp trong quảng cáo chất tẩy rửa, tôi luôn ước ao một hình mẫu như
thế xuất hiện. Làm ơn là một người không bị bè chân và không có những vệt mồ hôi to
đùng trên áo, và cao hơn mét bảy. Tin tôi đi, cao là một bất lợi; dù vậy, tình hình đã khá
hơn khi mấy anh chàng cao kều giờ bắt đầu thích những người có mũi nhỉnh hơn rốn họ.
Nhưng thực sự thì không thể quy những chuyện đấy là huyễn tưởng cưỡng dâm. Huyễn
tưởng cưỡng dâm là khi bạn có cảm giác lo âu, ví như tòa chung cư nhà bạn bị cháy, bạn
không biết nên dùng thang máy hay thang bộ, hay chỉ cần trùm khăn ướt lên đầu là đủ.
Bạn ra sức nhớ lại những gì đã đọc về chủ đề này, nhưng lúc cần kíp nhất lại không thể
vận dụng nó.
Chẳng hạn khi đêm xuống, tôi đang đi dọc con phố tối mịt thì bỗng một gã nom thấp
bé, xấu hoắc tiến lại túm tay tôi. Mà gã không chỉ xấu thôi đâu, mặt mũi phù nề, hệt mấy tên
nhân viên ngân hàng mà bạn phải cật lực giải thích mỗi khi số dư tài khoản bị âm - đương
nhiên tôi không có ý nói rằng mọi nhân viên giao dịch đều có khuôn mặt như vậy - mà khắp
người còn chi chít mụn. Tôi bị gã dồn vào tường, gã tuy nhỏ con nhưng khỏe, gã bắt đầu
cởi đồ và khóa quần bị kẹt. Thế đấy, trong thời khắc trọng đại nhất đời người con gái, ngang
ngửa chuyện kết hôn hay sinh con, gã lại không kéo được khóa quần.
Tôi nói, với giọng điệu rất mực khinh thường, “Ôi Chúa tôi,” rồi gã bật khóc. Gã bảo,
sống đến ngần này tuổi mà làm gì cũng chẳng nên hồn, đây là giọt nước tràn ly, giờ gã sẽ
nhảy cầu tự vẫn.
“Này,” tôi nhẹ giọng, lòng bất giác nặng trĩu thương cảm. Trong những huyễn tưởng
cưỡng dâm của mình, sau cùng tôi luôn cảm thấy thương hại người đàn ông, luôn phải có
điểm gì đó không may với họ. Nếu là Clint Eastwood thì hẳn mọi chuyện sẽ khác, nhưng
tôi nào có gặp may như thế bao giờ. Tôi là kiểu con nít đem xác chim oanh đi chôn cất, hiểu
ý tôi chứ? Việc này từng khiến mẹ tôi nổi giận, bà không muốn tôi động vào chúng, có lẽ
vì sợ vi trùng. Tôi nói với gã, “Nghe này, tôi hiểu cảm giác của anh. Anh nên làm gì với chỗ
mụn đó đi, loại bỏ chúng sẽ khiến anh dễ nhìn hơn nhiều, thật đấy; khi ấy anh không còn
phải đi lang thang làm mấy trò thế này nữa. Trước đây tôi cũng từng bị mụn,” tôi nói để an
ủi, nhưng thực tế tôi có bị thật. Sau cùng tôi đưa tên của bác sĩ da liễu trị mụn cho tôi thời

134 Z Z Z REVIEW
phổ thông cho gã, nhưng là cơ sở Leamington, còn cơ sở tôi vẫn ghé nằm ở St. Catharines.
Nói để bạn biết, tôi từng cảm thấy rất cô độc khi mới chuyển tới nơi này; tôi từng nghĩ đây
sẽ là một chuyến phiêu lưu lớn, nhưng gặp gỡ kết bạn ở thành phố khó khăn hơn tôi tưởng.
Nhưng có lẽ cánh đàn ông thì khác.
Có một huyễn tưởng thì tôi đang nằm giường, mặt mũi sưng húp vì cảm cúm, mắt tôi
đỏ kè và nước mũi thòng lòng hệt cái vòi nước bị rò. Bất chợt một gã trèo vào từ cửa sổ, gã
cũng bị cảm nặng, một loại cúm mới đang lây lan khắp nơi. “Tôi sẽ hiếp cô” - bỏ quá cho
tôi bịt mũi thế này nhưng tôi tưởng tượng đúng thế đấy - sau khi hắt một hơi rất mạnh, gã
chậm lại một chút, mà cũng bởi tôi nào phải giai nhân tuyệt sắc cho cam, có chăng chỉ mấy
tên biến thái mới lao thân vào một người bị cảm nặng như tôi, khác nào hãm hiếp lọ keo
dán LePage với cái tình trạng mũi tôi ròng ròng như vậy. Gã ta nhìn dáo dác khắp phòng,
tôi nhận ra gã đang tìm một tờ giấy Kleenex! “Nó đây này,” nói rồi tôi đưa gã tờ giấy ăn, có
Chúa mới biết tại sao gã vẫn còn sức nhao ra khỏi giường. Thường thì đợi đến khi đỡ bệnh
người ta mới trèo vào cửa sổ nhà khác, đúng chứ? Ý tôi là, hành động này tốn rất nhiều
sức. Tôi đề nghị hay là chế cho gã thuốc giải cảm NeoCitran pha rượu Scotch, tôi vẫn hay
uống thế, không khiến gã khỏi nhưng chí ít không còn cảm thấy khó chịu. Tôi đưa thuốc
cho gã uống rồi chúng tôi cùng xem “Chương trình đêm khuya”. Suy cho cùng, không phải
ai trong số họ cũng là những kẻ cuồng dâm, thời gian còn lại trong ngày họ dành để sống
phần đời bình thường. Tôi hình dung họ cũng thích xem “Chương trình đêm khuya” như
bao ai khác.
Tuy nhiên, tôi cũng có những huyễn tưởng rùng rợn hơn nhiều ... một gã viện lời
mách bảo của thiên thần phải lấy đi sinh mạng tôi, bạn biết đấy, có thể bạn đã đọc qua thứ
gì đó tương tự trên các mặt báo. Địa điểm diễn ra huyễn tưởng này không phải căn hộ nơi
tôi đang cư ngụ, mà ở nhà mẹ tôi tại Leamington. Gã náu mình dưới hầm, đợi tới khi tôi
xuống lấy lọ mứt rồi lao ra túm lấy tay tôi. Gã cầm cái rìu lấy từ ga ra, đấy là huyễn tưởng vô
cùng đáng sợ. Biết nói gì với một gã điên bây giờ?
Thoạt đầu tôi run lẩy bẩy, nhưng sau chừng một phút tôi nhanh chóng lấy lại bình
tĩnh. Tôi hỏi gã có chắc người mà thiên thần chỉ điểm là tôi không, vì tôi cũng từng nghe
tiếng báo tương tự từ thiên thần. Hồi giờ thiên thần mách tôi rằng, tôi sẽ sinh hạ một sinh
linh do thánh Anne đầu thai, rồi người này sẽ sinh ra Đức Mẹ Maria và thế hệ kế cận là
Chúa Giêsu, sau cùng là ngày tận thế. Không đời nào gã muốn can hệ vào chuyện này, phải
không? Gã lúng túng nghe trọn những gì tôi kể, rồi gặng hỏi vết tích thiên thần để lại. Tôi
cho gã xem vết tiêm vắc-xin có hình thù kỳ cục thấy rõ của mình, nó bị nhiễm trùng do tôi
bóc lớp vảy trên cùng ra. Gã xin lỗi tôi, rồi trèo ra theo máng đổ than như cách gã lẻn vào
ban đầu. Tôi nhủ thầm, được nuôi dạy trong gia đình theo đạo Thiên Chúa đem đến cho
tôi nhiều cái lợi không tưởng, dù tôi không đi nhà thờ kể từ khi người ta chuyển qua dùng

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 135


tiếng Anh trong các buổi lễ. Mọi thứ không còn như trước nữa, chẳng khác nào theo đạo
Tin Lành. Tôi nhất định phải bảo mẹ bịt máng than lại, cái thứ luôn khiến tôi phát phiền.
Mà ngộ ở chỗ, tuy không tài nào miêu tả được diện mạo của người này, nhưng tôi nhớ rất rõ
loại giày gã đi. Đôi giày là thứ cuối cùng của gã mà tôi thấy, khi gã trèo lên máng than. Một
gã trai trẻ mà lại mang đôi giày buộc dây lỗi mốt, chẳng phải rất kỳ lạ sao?
Cũng phải thú thực rằng tôi đã đổ mồ hôi hột cho đến khi gã trèo ra an toàn. Tôi tức
tốc chạy lên phòng và pha cho mình một tách trà. Tôi không bị ám ảnh bởi huyễn tưởng
lần đó lắm. Mẹ khuyên tôi đừng cứ nghĩ mãi về những điều không vui, tôi nhất trí, làm vậy
đâu khiến chúng biến mất. Nghĩ kỹ thì ngược lại, thôi nghĩ về chúng cũng không đem lại
hiệu quả gì.
Đôi khi tôi cũng có những huyễn tưởng ngắn, thí dụ tôi bị một gã túm tay, nhưng tôi
là một cao thủ Kung-Fu thứ thiệt, bạn tin được không, dù trên thực tế chắc chỉ là một cú
giáng vào đầu. Hệt như cắt amidan, bạn tỉnh dậy là mọi thứ đã kết thúc, ngoại trừ đôi chỗ
còn rát; cổ chưa bị gãy là còn may. Tôi không đập nổi trái bóng chuyền trong phòng tập
và quả bóng thì khá lớn, bạn biết đấy? - vậy mà tôi thọc ngón tay cái xẹt vào mắt gã như
không, gã ngã gục, hoặc bị tôi vật vào bờ tường. Trên thực tế tôi không chọc nổi ngón tay
vào mắt người khác, bạn dám không? Y như chọc vào dòng thạch Jell-O nóng, đến thạch
Jell-O lạnh tôi còn chẳng ưa nữa là, nghĩ thôi cũng khiến tôi rùng mình. Tôi cảm thấy hơi
tội lỗi về huyễn tưởng lần đó, sao mà sống tiếp được khi biết có người bị mình làm mù đến
hết đời cơ chứ?
Nhưng với đàn ông có thể sẽ khác.
Huyễn tưởng khiến tôi động lòng nhất phải kể đến lần tôi bị một gã túm tay, tôi đáp
lại bằng giọng điệu rầu rĩ và nghiêm túc, “Anh chuẩn bị hiếp một cái xác đấy.” Nghe đến
đây gã khựng lại, tôi liền giải thích mình vừa nhận chẩn đoán bị ung thư máu và chỉ còn vài
tháng để sống. Đây cũng là lý do tôi ra ngoài đi dạo một mình trong đêm thế này, tôi cần
khoảng lặng để đối diện với tin dữ. Trong huyễn tưởng này tôi mắc bệnh nhưng ngoài thực
tế thì không, tôi chọn đích danh loại bệnh này vì cô bạn học cùng tôi lớp bốn đã chết vì nó.
Tôi nhớ cả lớp đã gửi hoa đến bệnh viện cho cô bạn. Lúc bấy giờ tôi không nhận thức được
bạn mình sẽ chết, thậm chí còn mong mình cũng bị như vậy để được nhận hoa. Trẻ con thật
khôi hài. Té ra gã cũng bị ung thư máu và cũng chỉ còn vài tháng để sống. Bởi vậy mà gã đi
khắp nơi hãm hiếp phụ nữ; gã cay đắng vì còn quá trẻ, chưa sống một cách đúng nghĩa, vậy
mà lại bị tước đoạt sự sống. Lúc sau tôi cùng gã đi dạo dưới ánh đèn đường, giữa tiết trời
hơi sương của mùa xuân. Cuối cùng chúng tôi cùng nhau cà phê, vui mừng khi tìm thấy trên
đời người duy nhất hiểu thấu những gì người còn lại phải trải qua, như định mệnh sắp đặt
vậy, sau một lúc hai chúng tôi chỉ im lặng nhìn nhau, tay chạm tay. Sau đó gã chuyển về căn
hộ cùng tôi, sống bên nhau vài tháng trước khi lìa đời. Kiểu như chúng tôi đồng loạt không

136 Z Z Z REVIEW
thức giấc vào buổi sáng, dù tôi chưa từng định rõ người nào trong hai đứa sẽ nhắm mắt xuôi
tay trước. Nếu là người kia, tôi sẽ phải tiếp tục vẽ ra viễn cảnh về đám tang, còn nếu người
chết trước là tôi, tôi chẳng phải mất công tiếp tục, nên cái này còn phụ thuộc vào mức độ
mệt mỏi của tôi khi ấy nữa. Bạn có thể không tin nhưng đôi lúc tôi không kìm được mà òa
khóc. Tôi rơi nước mắt mỗi khi phim chiếu đến cảnh cuối, kể cả những bộ không quá sầu
thảm, nên tôi khóc cũng đâu có gì lạ. Mẹ cũng y hệt tôi.
Điều nực cười về những huyễn tưởng này là nhân vật nam luôn là những người tôi
không hề quen biết. Trong khi ấy, những thống kê trong hầu hết các tạp chí đều cho rằng
kẻ xấu thường là ai đó ít nhiều thân thuộc với bạn, chẳng hạn như sếp - tất nhiên không
thể nào là sếp tôi, người đã ngoài sáu mươi mà tôi chắc mẩm bản lĩnh đàn ông đã cạn mòn,
nghĩ cũng tội nghiệp, mà có thể là một người như Derek Duck, trong đôi giày độn đế, nói
phỉ phui - hay người nào đó bạn mới quen mời bạn lên nhà làm một ly. Tình hình hiện
tại đã tới mức khó thể giao lưu với ai nữa, làm sao kết thân được với ai khi đến cái điều cơ
bản ấy bạn cũng chẳng tin tưởng họ? Bạn đâu thể dành cả đời trong phòng Văn thư hay
nhốt mình trong căn hộ, khóa chặt các cửa và rủ rèm kín mít. Tuy không phải con sâu rượu
nhưng thỉnh thoảng tôi thích ra quán làm vài ly, ngay cả khi chỉ đi lẻ bóng. Tôi nhất trí với
chủ nghĩa nam nữ bình quyền trong vấn đề này, dù không đồng tình với nhiều thông điệp
khác mà họ truyền tải. Đơn cử một chuyện, phục vụ ở quán này đều biết tôi, ngộ nhỡ có
ai quấy rối tôi... Tôi không rõ tại sao lại nói với bạn những điều này, có chăng tôi nghĩ cách
tìm hiểu một người, chí ít là ban đầu, đấy là lắng nghe những gì họ nghĩ. Ở chỗ làm, tôi bị
gán biệt hiệu “lo lắng quá đà”, nhưng không phải vì âu lo thái quá hay gì hết, mà hình dung
những việc cần làm trong tình huống nguy cấp thì đúng hơn, như tôi vừa kể.
Thêm một điểm nữa là những đoạn hội thoại xuất hiện với tần suất dày đặc trong các
huyễn tưởng của tôi. Thật vậy, tôi dành phần lớn thời gian để nghĩ về những điều tôi và
người kia sẽ nói. Tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi có một cuộc hội thoại diễn ra.
Kiểu như, sao gã nỡ làm chuyện đó với người vừa chuyện trò hồi lâu cùng mình? Một khi
bạn nhắc nhở rằng bạn cũng là người, cũng có cuộc sống của riêng bạn, lẽ nào gã vẫn có
khả năng thực hiện? Đành rằng trên đời vẫn có chuyện như thế, chỉ là tôi không sao lý giải
được, đấy là chỗ tôi thực sự không hiểu.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 137


SÁCH MỚI LÊN KỆ

Ảnh mock-up của Cậu Bé Thỏ

138 Z Z Z REVIEW
SÁCH MỚI LÊN KỆ NHÃ NAM

Ảnh của Nhã Nam

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 139


NGUYỄN AN LÝ

Atwood đã dạy tôi làm đàn bà như thế nào:


Đọc lại Chuyện người Tùy nữ năm 2018

140 Z Z Z REVIEW

Dựa theo bìa Chuyện người Tùy nữ, Nhã Nam tái bản 2018. Tranh Nguyễn Bảo Anh.
CHO TÔI CẢM ƠN BÁC TRUMP

Những người sản xuất của Hulu vẫn hoài công nhắc nhở rằng season 1 bộ phim đã gây
sóng gió The Handmaid’s Tale (2017) đã lên ý tưởng chuẩn bị đi vào sản xuất từ lâu trước
khi Đại gia Trump trở thành Người Quyền Lực Nhất Trái Đất số 45 và một nửa nước Mỹ
chợt thấy mặt đất dưới chân mình chao đảo, trong số đó có một lượng lớn các chị em kinh
hãi thấy “grab them by the pussy” hẳn sẽ đi vào lịch sử trong top 5 danh ngôn được trích
dẫn nhiều nhất của các đời tổng thống. Nhưng nếu trái đất đã xoay đi hơi khác, thì dưới
thời nữ tổng thống đầu tiên của Hua Kỳ, hẳn đã không có các Women’s March hay khí thế
tức nước vỡ bờ của #MeToo, bộ phim cũng không thể lên như diều gặp gió thời đại, các site
phim lậu ở đất nước luôn nhanh nhảu về giải trí ở cách nửa vòng trái đất rẽ từng mây đã
không nhập khẩu về ồ ạt, khiến một loạt bạn trẻ thế hệ sau bỗng dưng sốt sắng đi lùng tìm
một cuốn sách ế đã tuyệt bản vài năm nay, làm đơn vị xuất xưởng cuốn sách ế nói trên sau
khi nhấc lên đặt xuống nhiều lần cũng nhún vai tái bản, còn tôi có dịp đọc lại bà nhà văn
đã trở thành ánh sáng của đời tôi này. Vậy là qua một chuỗi sự kiện rất ngoắt ngoéo về logic
và cộng dồn những (tiến) độ trễ về thời gian, tôi có Trump để cảm ơn (và quý vị đã biết ai
cần đổ tội) vì có cơ hội viết những dòng này, về Chuyện người Tùy nữ sắp tái bản tiếng Việt
và hứa hẹn vẫn ế y như trước.
Bài viết dài vạn chữ; trong lúc suy nghĩ xem có thực sự nên lao vào hay không, mời quý
vị ngắm một vài tấm ảnh cosplay Tùy nữ ngoài đời thực:

Biểu tình phản đối cắt giảm ngân quỹ Planned


Parenthood ở Washington, 2017. Ảnh Aaron P.
Bernstein/Reuters. Trang phục cô bé quàng khăn
đỏ nhà làm rất được những người biểu tình bảo vệ
quyền phá thai ưa thích.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 141


MARGARET ATWOOD
VÀ CHUYỆN NGƯỜI TÙY NỮ TRONG VỎ HẠT DẺ...

Một sự khảo cổ kiểu Foucault về danh tiếng đôi khi nhắc lại cho ta những điều đáng kinh
ngạc. Margaret Atwood, bảo vật quốc gia và mặt hàng xuất khẩu văn học hàng đầu của
Canada, 5 tiểu thuyết vào chung kết [Man] Booker, hot girl của văn học highbrow hiện
đại, đã thay hình đổi lốt rất nhiều trước khi đậu lại thành “bà già tiểu thuyết nữ quyền số
1 thế giới” (nói tiếng Anh) như ngày nay. Nguyên thủy, bà là nhà thơ. Tập thơ đầu tay The
Circle Game, 1964, khi bà 25 tuổi và đã kết thúc cao học ở Harvard, in ở một nhà in không
thể indie hơn, với một cái bìa tự vẽ, giành Giải Thủ hiến danh giá nhất Canada năm 1966;
bà đã ra thêm 3 tập thơ nữa trước khi tiểu thuyết đầu tay The Edible Woman ra mắt sau 2
năm nằm lì trong chồng bản thảo bị lãng quên nhờ được giải thưởng kia ủn mông. Không
phải bà lập tức thành nhà tiểu thuyết nổi tiếng: cuốn sách được chú ý tiếp theo là Survival:
A Thematic Guide to Canadian Literature, một thứ “sổ tay tìm hiểu văn học Canada” qua
chủ đề “Sống sót” mà bà coi là cái làm nên Canada tính. Cuốn sách nghiên cứu văn học này
bán được 30 nghìn bản, gấp mười lần mong đợi của tác giả lẫn nhà xuất bản, và có ý kiến
cho rằng chính nó đã giúp hồi phục nhà xuất bản indie House of Anansi lúc đó đang chật
vật sắp khai tử.
Thời gian sau đó, Atwood làm thơ và viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng chủ yếu
là viết bài, biên tập, dạy học, đi giảng khắp nơi. Nhiệt tâm của bà thời kỳ này dồn vào
việc phát hiện lại văn học Canada mà trước những năm 1960 vẫn bị coi là không tồn tại,
không có lấy một hình mẫu, và không một nhà xuất bản cho ra hồn. (Hội đồng nghệ
thuật Canada, nhằm hỗ trợ cho tác giả và nghệ sĩ Canada - trong nước cũng như quốc
tế; cả hai cuốn Atwood dịch ở Việt Nam cũng như rất nhiều cuốn sách của các tác giả
Canada khác đều có sự hỗ trợ của hội đồng này - mãi tới năm 1957 mới được lập ra,
6 năm sau khi bản báo cáo Massey cho biết sau Thế chiến 2, có những năm xuất bản
Canada chỉ cho ra chưa đầy 20 cuốn sách hư cấu. [Độ trễ có vẻ cũng là một hiện tượng
phổ biến ở Canada.]) Survival của bà đã cho Canada một ý thức về bản thân, dù là một
ý thức gây tranh cãi và phản bác đến tận giờ; những hoạt động của bà ở Hội nhà văn
Canada và PEN Canada cũng như các buổi giảng ở nước ngoài nỗ lực giới thiệu văn học
Canada ra thế giới. Năm cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và mười trong số mười sáu cuốn tiểu
thuyết đã ra mắt (mới nhất 2016) của bà đều lấy bối cảnh Canada, với dàn nhân vật và
những vấn đề Canada đậm đặc; việc Chuyện người Tùy nữ lấy bối cảnh ở một nước Mỹ
viễn tưởng hóa đã trở thành cuốn sách nổi tiếng thế giới đầu tiên và phổ biến nhất của

142 Z Z Z REVIEW
bà, cơ hồ xóa hẳn tính ngữ “Canada” khi thế giới nghĩ đến Atwood, có thể coi là một sự
mỉa mai của danh tiếng và sự truyền bá tác phẩm văn học(1).
Trên bình diện tạm gọi là tính nữ cũng tương tự: Chuyện người Tùy nữ, ba mươi ba
năm sau khi nó ra đời, nổi tiếng, trở thành kinh điển, được lọc qua bộ lọc của nhiều năm
SparkNotes, CliffNotes và các loại Notes và bây giờ là qua bộ lọc của series phim Hulu, đã
được tiếp nhận như là đại biểu của Atwood, nữ quyền, và nữ quyền made in Atwood. Với
hầu hết độc giả, đấy sẽ là sự tiếp nhận đầu tiên và duy nhất về bà, nếu có. Xét trên góc độ
một fan Atwood đang phấn đấu trở thành completist, hay một độc giả chuộng văn học cao
cấp, đây là một điều đáng tiếc: Chuyện người Tùy nữ như một tác phẩm, có thể gọi là ở mức
trung bình của Atwood, giống như 1984 là mức trung bình của Orwell. (Nói như vậy, dĩ
nhiên, không có nghĩa đó là một tác phẩm ở mức trung bình per se.) Thân phận người nữ
trong đó nhạt nhòa so với ngay cả những cuốn sớm như Surfacing hay Lady Oracle, không
hình tượng nữ nào sánh được những quái tượng trong The Robber Bride hay Alias Grace,
thế giới viễn tưởng thua xa sự đầu tư và chi tiết khi xây dựng MaddAddam và thiếu tính
giải trí hơn hẳn The Heart Goes Last, còn lối văn tỉ mẩn khiến nhiều người ứa nước mắt vì
đẹp còn nhiều người khác nghiến răng vì không chịu nổi, thì mới ở trình tập sự so với Tay
sát thủ mù đoạt giải Man Booker hay cuốn mới nhất Hag-Seed cự phách.
Tuy nhiên, xét trên góc độ “vấn đề phụ nữ”, cả trong tác phẩm lẫn trong sự tương tác
với thế giới bên ngoài, thì Chuyện người Tùy nữ là một cuốn vỡ lòng rất tốt; nó không chỉ
gom hầu như đầy đủ mọi vấn đề Atwood từng bàn đến về cái tạm gọi là căn tính nữ, mà còn
tiếp cận những vấn đề đó theo những hướng mà các tác phẩm về sau chỉ củng cố và làm rõ
thêm chứ không hề lật ngược. Sự tiếp nhận bùng nổ của những người xem đối với season
1 của phim, việc cuốn sách trở thành đầu sách bán chạy nhất của Amazon và Audible năm
2017, cho thấy bộ vấn đề đó đã và vẫn là những điều cơ bản mà phụ nữ ngày nay phải đối
mặt, dù có thể hình hài đã thay đổi chút ít. Và Atwood, một nhà hoạt động xã hội/chính
trị/môi trường cũng nhiều như một nhà văn, hẳn không phiền khi thấy thế hệ mới đã hớn
hở cướp lấy biểu tượng ruột của bà để biến thành một biểu tượng hùng mạnh của hoạt
động chính trị thập kỷ 201x.

1. Trong năm cuốn còn lại, bộ ba MaddAddam cùng cuốn The Heart Goes Last diễn ra ở thế giới viễn tưởng/hậu tận
thế với một dáng vẻ lờ mờ của nước Mỹ, và The Penelopiad là bản kể lại Odysseia từ góc nhìn của Penelopia. Cũng
cần nói thêm là những cuốn lấy bối cảnh Canada được công nhận quốc tế của bà như Alias Grace (shortlist Booker
1996) hay Tay sát thủ mù (Man Booker 2000) đều được chú ý dưới góc độ nghệ thuật - người kể chuyện, cấu trúc tác
phẩm, tính khả tín vân vân, và Hag-Seed 2016 là bản kể lại Cơn bão trong dự án Hogarth Shakespeare. Thế giới hầu
như không nhận thấy căn cước Canada của Atwood, một sự mù địa lý phổ biến với những nhà văn nào không nổi tiếng
nhờ độ hương xa của họ.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 143


Biểu tình phản đối Trump ở Warszawa, Ba Lan tháng 7.2017. Ảnh AP/REX/SHUTTERSTOCK.

... VÀ TRONG (?) CÁI KHUNG “NỮ QUYỀN”

Dĩ nhiên, có thể sẽ có người phản đối cách diễn giải ấy đối với hình tượng người Tùy nữ,
giống như một người đọc theo chủ nghĩa thuần túy (tôi) sẽ ít nhất cảm thấy gai gai khi nghe
đến câu độc thoại nội tâm hết sức phi-Atwood trong tập cuối season 1, hứa hẹn nhiều đấu
tranh, kịch tính và đánh trùm trong các season sau: “Đáng ra chúng đừng nên nhét chúng
tôi vào đồng phục nếu không muốn chúng tôi trở thành một đạo quân.” Và những người
trẻ đến từ phim có ấn tượng về Atwood như một ngọn đuốc sáng của phong trào nữ quyền
thế giới hẳn sẽ giật mình khi đọc bản thân quyển sách, từ quan điểm “nữ quyền” như phổ
biến hiện tại.
Thật ra, tôi vừa nói một câu khá hàm hồ; vì nếu hỏi thế nào là quan điểm nữ quyền
hiện tại, tôi cũng chỉ có thể lắp bắp rồi thú nhận rằng kể cả nếu có ngụp vào một bể tất cả
những bài lý thuyết và bút chiến mà người viết có một quan điểm rành mạch, rõ ràng (chưa
nói đến mù mờ, lộn xộn, hay đầu một đằng đuôi một nẻo) thì tôi cũng sẽ chỉ trồi lên trong
hoang mang, và đáp y như trước đó: tôi có cảm giác rằng quan điểm thống trị về nữ quyền
là một cái gì đó chống đàn áp của đàn ông? và có lẽ là chống đàn ông? hay là giống đàn ông?

144 Z Z Z REVIEW
hay là lập ra một trục hoàn toàn mới, không chỉ vuông góc, hay song song không bao giờ
cắt, hay nằm trên một mặt phẳng hoàn toàn khác, thậm chí một chiều không gian khác với
hệ tọa độ đàn ông, mà thuộc về một cõi khác nơi mọi quy tắc vật lý và nhân lý của thế giới
đàn ông chẳng những không áp dụng mà còn không có lấy một ly leo ý nghĩa? :v Sau đó tôi
sẽ bao biện rằng sự hoang mang ấy thật ra cũng rất là Atwood, người đã trở nên khét tiếng
vì luôn chặn các câu hỏi nào có chữ “nữ” đứng cạnh chữ “quyền” bằng một tràng câu hỏi
ngược: “Chị nói vậy nghĩa là sao? Tôi không ký khống đâu. Chị muốn nói tôi là kiểu nhà nữ
quyền năm 1972 cho rằng đàn bà đi ngủ với đàn ông là phản bội giới? Tôi không phải nữ
quyền kiểu đó. Tôi cũng không phải kiểu cho rằng đàn bà chuyển giới từ đàn ông thì không
phải đàn bà. Vậy nên chị hãy cho tôi biết ý chị là gì rồi tôi sẽ nói tôi có phải kiểu đó không.”
Atwood, hiển nhiên, có một mối quan hệ khó khăn với cái nhãn này, từ tất cả các
phe. Gần nhất, đầu năm 2018, một bài viết thường được tóm tắt bằng “Atwood chỉ trích
#MeToo” của bà đã gây một cơn bão nhỏ trên mạng: “Tôi có phải là nhà nữ quyền tồi?”
(“Am I a bad feminist”, nhân thể, là một cái tít vô cùng phổ biến trên các blog và tạp chí
mạng; có vẻ phong trào nữ quyền cực đoan cũng gặp khó khăn với vấn đề [mà họ nghĩ
rằng] tự diễn biến tự chuyển hóa). Điều nực cười là bà viết bài này mong dập tắt một cơn
bão trước, khi lá thỉnh nguyện thư năm 2016 bà ký vào cùng nhiều người khác đòi nguyên
tắc suy đoán vô tội cho một đồng nghiệp ở trường đại học bị cáo buộc quấy rối tình dục
sinh viên đã được miệt mài ném đá. Atwood, tấm gương nữ quyền sáng chói, họ nói, đã
phản bội lý tưởng. “Vì sao lại đi coi trách nhiệm và tính minh bạch là đi ngược với quyền
của phụ nữ? Cuộc chiến trong nội bộ phụ nữ, trái với cuộc chiến chống phụ nữ, luôn khiến
những kẻ ác ý với phụ nữ được khoái trá,” bà khẩn khoản yêu cầu đình chiến. “Atwood...
nên thôi gây chiến với phụ nữ trẻ hơn, ít quyền lực hơn, thì hơn,” một cựu sinh viên trường
đó và là nữ nhà văn trẻ (hơn) đáp, và tiếp tục cáo buộc Atwood cùng mọi bà già thế hệ cũ
đã quá sành sỏi các phương thức để leo lên vị trí quyền lực như hiện giờ đến nỗi đánh mất
khả năng thấu cảm với nạn nhân?. Ngày hôm đó Atwood, một người thường chỉ dành mỗi
ngày mười phút trên mạng xã hội, đã bắn 30 cái tweet ngang ngửa level Trump, khiến mọi
báo chí nghiêm túc lẫn lá cải trên mạng được một bữa bắp rang tức bụng.
Với Atwood, điều này chẳng qua là tiếp diễn những gì đã khởi đầu từ khi bà lớn lên
trong làn sóng nữ quyền thứ hai. “Vấn đề của tôi không phải là người khác bắt tôi mặc váy
hồng bèo nhún - vấn đề là tôi muốn mặc váy hồng bèo nhún, còn mẹ tôi, với kiểu của mẹ
tôi, thì không muốn vậy. ... Đã đi qua giai đoạn đầu của hình thức nữ quyền mà trong đó các
chị không được phép mặc váy tô son - tôi không bao giờ muốn dính dáng gì với thứ đó,” bà
nói, một tình cảm hẳn đã trở thành căn bản cho cô gái trẻ bị biến thành người kế tục cho
“Chase và con trai” trong Tay sát thủ mù. Ấn tượng về làn sóng thứ hai ấy đã được trút hết
vào hình ảnh người mẹ trong Chuyện người Tùy nữ: “Tôi nhớ mẹ trở về căn hộ nào đó trong

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 145


vô số nơi chúng tôi đã sống, dẫn theo một bầy phụ nữ, trong số bạn bè không ngừng đổi
mặt. Hôm đó họ vừa biểu tình về; đó là vào quãng nổi loạn chống khiêu dâm, hay là chống
phá thai, hai cái cũng gần nhau. ... Tôi thật không hiểu sao mẹ phải ăn mặc lối đó, lại còn
quần yếm, cứ như trẻ trung lắm không bằng, không hiểu sao mẹ phải văng tục luôn miệng.
Mày đúng là con rùa rụt cổ, mẹ thường bảo tôi, giọng điệu thực ra khá hài lòng. Mẹ thích
tỏ ra tợn tạo hơn, nổi loạn hơn tôi.”
Tất nhiên, giới nữ quyền “chính thống” không hài lòng. “Thứ tiểu thuyết của nhà thơ,”
một trong những nhà văn nữ điểm sách đầu tiên khịt mũi. “Thiếu hẳn sự châm biếm có thể
trở thành mãnh lực tiêu diệt... không đáng sợ, chẳng có gì thức tỉnh.” “Tư thế chủ thể của
nhân vật chính là tư thế nạn nhân,” một giáo sư (nam) phàn nàn. “Với mục tiêu là một văn
bản nữ quyền [tôi nhấn mạnh], cuốn sách... triệt để từ chối đưa ra hình mẫu đáng học tập
hay một lối thoát khác.” Nói ngắn gọn, cuốn sách dừng lại ở chủ nghĩa hiện thực, nhưng
chưa tiến nổi tới chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Atwood, người luôn nhấn mạnh rằng
cuốn 1984 “từ điểm nhìn của phụ nữ - thế giới theo Julia” này không phải “một cuốn ‘phản
không tưởng nữ quyền’, trừ phi trao cho người đàn bà tiếng nói và đời sống nội tâm sẽ luôn bị
gán mác ‘nữ quyền’ từ những kẻ nghĩ
rằng đàn bà không đáng có những
thứ đó”, hẳn chỉ thấy buồn cười. Cho
đến khi Elisabeth Moss, diễn viên
đóng vai Offred đang nổi đình nổi
đám, trong một liên hoan phim thốt
lên “tôi thấy đây không phải một câu
chuyện có tính nữ quyền. Đấy là một
câu chuyện về con người, bởi quyền
của phụ nữ là quyền của con người”
đã dấy lên một cơn bão nữa khiến cô
và bản thân Atwood phải đi thanh
minh tới tấp.
Cho tới đây đã có hơi nhiều cơn
bão, có lẽ đã nên kết thúc phần này;
phần tiếp theo sẽ là đầm lầy, mời quý
vị ngắm một tấm ảnh Atwood trước
khi tôi chuyển sang lảm nhảm về bản
thân.
Atwood thời cao học ở Harvard, với tất lưới.

146 Z Z Z REVIEW
MƯA CÓ RƠI VÀ NẮNG CÓ PHAI

Sự phong phú của các diễn ngôn xã hội hiện đại đã biến tất cả chúng ta thành người dốt;
không phân biệt tuổi tác, trình độ giáo dục hay số lượng tiếng hàng ngày lê la trên mạng
Internet, sớm hay muộn chúng ta sẽ bắt gặp một vấn đề xã hội mà mình hoàn toàn không
biết chút gì, và buộc phải bổ sung gấp ít nhất là thông tin nền nếu không muốn lỡ mồm
thốt ra câu gì cho thấy rõ mình còn đang ở level dựa cột. Đó không phải vì thế giới đã trở
nên phức tạp, như những người cảm thấy phiền hà vì điều này thích nghĩ; mà vì chỉ trong
khoảng nửa thế kỷ trở lại đây sự dân chủ hóa về tiếng nói mới khiến người ta nhận rõ sự
phức tạp cố hữu của thế giới: rằng bên ngoài Ta mà ta vẫn tưởng là trung tâm, có một/
nhiều người Khác với những kinh nghiệm không kém phần có thực và điểm nhìn không
kém phần chính đáng, với tiếng nói thường khi bị trấn áp hoặc trên phạm vi chung của xã
hội, hoặc ít ra là trong bong bóng hạn hẹp của ta.
Trong số đó, thế lưỡng phân nam-nữ là một tình huống đặc biệt, dù có thể coi là cơ
bản: bởi phần lớn mọi người trên thế giới có thể sống hết cuộc đời mà không tiếp xúc với,
hoặc tiếp xúc mà không hề ý thức có (không chỉ vì ngồi trong tủ vẫn còn là một môn thể
thao ưa thích trong mọi gia đình) một màu da khác, một tôn giáo khác, một sắc tộc khác,
một giai cấp khác, một triết lý sống khác, một giới tính phi nhị nguyên, hoặc ở vài trường
hợp hiếm hoi như Donald Trump thì dường như đã tránh được toàn bộ những điều trên,
thì sự phân biệt giữa nữ và nam là điều bất cứ ai cũng được chứng kiến trong đời sống
thường ngày; nhưng điều kỳ dị là, cho dù bản thân ta hoặc là thuộc về giới tính xã hội nữ,
hoặc là kẻ Khác đối với giới tính xã hội nữ (tạm thời ở đây, giống như trong vật lý lý thuyết,
tôi lại xin được giới hạn trong nhị nguyên), thì trừ những công thức sơ cấp như “làm con
gái thật tuyệt” hay “đau đớn thay phận đàn bà”, diễn ngôn của căn tính nữ nói chung vẫn
là một điều xa lạ trong đời sống thường ngày với những người không thực hành nữ quyền
chuyên nghiệp. Trong một vài năm gần đây tôi đã nhiều lần được nhận ra điều đó, trong
đời sống thường ngày, qua giao tiếp với bạn bè người thân, lần nào nhận ra cũng sửng sốt
nhẹ, bởi nữ quyền đã đi vào Việt Nam rất lâu và đã kịp khiến người ta chán ngấy vì sự cực
đoan của nó rất nhanh, dù chưa kịp hiểu gì về những tầng sâu của nó (tình trạng chung của
mọi thứ lý thuyết du nhập vào Việt Nam từ Khổng cho đến Mác cho đến dân chủ), tới nỗi
tôi ngỡ những khái niệm đó đã phải trở thành ngôn ngữ chung, nếu không để tán đồng
thì ít nhất cũng không để phản bác. Tôi không nhận ra ngay, nhưng tới khi đọc lại Chuyện
người Tùy nữ mùa hè rồi mới hiểu được bản thân mình đã ngấm những khái niệm và vấn đề
đó không phải từ diễn ngôn nữ quyền (mà thú thực tôi cũng chẳng đọc mấy, vì sợ bão) mà
chính từ cái “truyện” khá nhỏ nhắn xoàng xĩnh này.
Tôi biết đến Atwood lần đầu tiên là nhờ được giao cái job dịch ấy, cũng có thể coi là

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 147


xấp xỉ mốc bước từ trường học ra “trường đời”; trước đó, tôi không nhớ nổi có bao giờ
mình đọc “văn học nữ” (khác với tác giả A B C tình cờ là nữ) một cách có ý thức, thậm chí
là có hứng thú hay không. Trước khi tốt nghiệp bằng mười vạn bài thơ Yeats, Chúa ba ngôi
của tôi là Dostoyevsky, Kundera, Cao Hành Kiện; thuở bé thơ xã hội chủ nghĩa, tôi đọc
Chiến tranh hòa bình mà bỏ qua Anna Karenina, không ưa Meggie bằng Justina, chỉ bắt
đầu thích Scarlett từ khi làm bà chủ xưởng gỗ đánh xe vỗ mặt thiên hạ; và những nhà thơ
tôi có thuộc quá một bài hình như toàn là đàn ông (“Thông minh nhất nam tử, Yếu vi thiên
hạ kỳ”? “Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc, Chắp nối nhau hoài cũng uổng công”?).
Đọc bảng liệt kê chiến tích trên đây chắc quý vị cũng có thể hình dung đời sống tình
ái sôi động nhiều phấn khích của tôi; nhưng điều tôi muốn nói đến là, không chỉ lịch sử
văn học đối với học sinh chăm ngoan là tôi là một lịch sử văn học của đàn ông, trong đó
Hồ Xuân Hương hay T.T.Kh là những con cừu đen khó hiểu, mà tôi, dù không ý thức, đã
quen đo cuộc đời theo thước tấc đặc trưng của đàn ông (một điều mà giờ với mọi tầng ý
thức đã nhặt nhạnh về hẳn là tôi cũng sẽ không bao giờ/muốn bỏ hẳn). Hẳn là có thể tôi đã
đọc nhiều hơn, nhưng cái sự thực rằng đây là những gì lưu lại trong ký ức tôi đã đủ nói lên
nhiều điều. Những tác giả nữ hiện đại Việt Nam được (các thầy) đề cập đến trong chương
trình không để lại ấn tượng gì mấy. Muốn điều gì có cảm giác thực hơn, phải tìm trong
những phá cách bên ngoài; nhưng những mẫu hình có thể tìm được ở Việt Nam thời kỳ
ấy - Vi Thùy Linh, nhóm Ngựa Trời, Vệ Tuệ và văn học linglei, Lê Vân :v - là một style “yêu
và sống” xa lạ với tôi, và cái định nghĩa về nữ quyền dựa trên mẫu hình ấy không khiến tôi
muốn gia nhập. Nguyễn Ngọc Tư hay Phan Thị Vàng Anh, tôi mê, nhưng như mê những
câu chuyện được viết tuyệt đẹp hơn là cái gì có thể hiểu được trong đời thực.
Hiển nhiên, tôi rất dốt. Tôi tự an ủi rằng thế hệ ngày nay, dù mới sau mười mấy năm,
mặt bằng chung đã khá hơn rất nhiều; họ hiểu biết hơn, về lý thuyết và hẳn về cả thực
hành?, nhưng tôi chỉ biết câu chuyện của tôi, và vì từ quan sát (ngẫu nhiên, qua đường,
không theo một chủ định chọn mẫu nào cả) có vẻ vẫn còn nhiều bạn trẻ, cũng như già, ở
điểm giống như tôi năm ấy, nên câu chuyện này vẫn có chút liên quan nào chăng.
Vậy là, Atwood. Tôi thích bà ngay, dù không thật đánh giá cao cuốn Chuyện người Tùy
nữ về tổng thể (trái lại, cuốn thứ hai mà tôi đọc đến, Tay sát thủ mù, khiến tôi phát điên).
Nhưng không liên quan gì đến người nữ, giới nữ, thân phận nữ hay tiếng nói nữ hết cả. Tôi
thích Tùy nữ đầu tiên là ở nhịp điệu, cái nhịp điệu mà tôi đã cố gắng tái tạo trong chừng mực
hợp lý trong bản dịch và nhận được nhiều lời chê mà đầu tiên là của chị Zét; tôi thích, mà còn
chưa thật nhận ra mãi cho đến khi đọc vào Tay sát thủ mù, cái lối khô khan đúng lý mà để ý kỹ
sẽ thấy rất hài và tinh quái; tôi thích cách tác giả miêu tả mối quan hệ khó khăn giữa nhân vật
chính với bà mẹ “nữ quyền” cùng sự phản kháng ấm ức nhưng lại song song với tiếp nhận vô
thức trước mọi hình tượng nữ thống trị vẫn cố dạy dỗ cô ta theo các hướng khác nhau.

148 Z Z Z REVIEW
Còn câu chuyện, đối với tôi ở tuổi 23 chưa đủ tình tiết và hấp dẫn - cô ta làm gì? ngồi
trong phòng cả ngày trừ những khi đi chợ, giống hệt như tôi? - và về phần kiến tạo thế giới
thì, đối với người đọc sci-fi từ thuở bé như tôi, thật chán ốm. Mỗi thế giới không tưởng
hay phản không tưởng là một khái niệm, và chỉ có thể yêu như một khái niệm, nghĩa là khi
đọc về nó qua Wikipedia hay các loại từ điển văn học, hoặc khi đã quên nó đủ lâu chỉ còn
đọng lại trong đầu những nét chính; nó không liên quan gì tới cái kinh nghiệm thực tế khi
lội qua các trang sách (một điều lại cũng không liên quan gì tới sự xấu xí của thế giới người
ta vẽ ra); vì thế, 1984, cuốn dystopia vĩ đại của thế kỷ, có trải nghiệm đọc giống như gặm
một miếng bánh mì khô trong phòng máy lạnh trong lúc đang khát vì cà phê, còn Thế giới
mới tươi đẹp với sự sắc sảo kinh ngạc khi mô tả cái trống rỗng con người có thể trở thành
nhờ tiêu thụ truyền thông không ý thức, thì giống như ngồi nghe tâm sự của một cậu học
trò cấp ba sến súa. Lần đầu đọc Chuyện người Tùy nữ, tôi biết đây là một cuốn sách phản
không tưởng, và ghi nhận sự khéo léo tài tình khi bà cài cắm các phần kiến tạo thế giới
vào trong sinh hoạt hàng ngày của nhân vật chính, giống như đi giữa rừng cây ken đặc chỉ
thỉnh thoảng thấp thoáng thấy những mảnh ghép của khung cảnh bên ngoài; nhưng điều
đó không che giấu sự thực rằng cuốn sách khá mỏng so với những điều nó cần miêu tả, một
điều Atwood đã vừa chặn lại, vừa giải quyết trong “phụ lục” cuối sách khi các ông giáo sư
đàn ông chê cười lối kể chuyện đàn bà của Offred, và cung cấp một cái nhìn tổng thể nhưng
vẫn sơ lược về thế giới của truyện. (Giống như Winston cuối cùng đã phải được phát cho
tập sách giải thích cho anh ta và người đọc hiểu thế giới mới này cấu thành cách sao.) Ngay
cả bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy thế giới ấy là sơ lược; một thứ học trò của bộ ba MaddAddam
(2003-2014) của bà sau này, mà thực tế là đã xây dựng không chỉ một mà ba tiểu thế giới
cực kỳ chi tiết, với hệ quả tất yếu là một bộ sách 1200 trang.
Ngoài ra, tôi không hiểu mình cần thông cảm với cô Tùy nữ là vì sao; ngoài việc không
được đi làm, mọi vấn đề cô mắc phải từ cả thời kỳ tiền Gilead tôi đều khá thờ ơ, không phải
vì nghĩ đó là những chuyện tủn mủn, đàn bà, vớ vẩn như giáo sư Pieixoto và rất nhiều người
điểm sách (nam) của Atwood, mà vì phần lớn là những vấn đề lạ lẫm, không hề liên quan
đến mình, những vấn đề của lối sống Mỹ :v Nhưng hiển nhiên, đó là những vấn đề gần gũi
và thiết thân với Atwood cùng các độc giả nữ của bà ở thời điểm cuốn sách ra đời; và như
một học sinh chăm chỉ, tôi muốn hiểu vì sao; vậy là, trong lúc chỉnh sửa sau khi hoàn thiện
bản nháp đầu, cũng như suốt quá trình trao đi đổi lại với các biên tập viên sau đó, tôi dấn
thân vào một cuộc hành hương Google.
Tôi được biết rằng thuốc tránh thai, được gọi The Pill một cách tôn kính, tới cuối thập
kỷ 1950 mới bắt đầu được bán phổ biến, và đã nhanh chóng được ca ngợi là thuốc thần của
phong trào giải phóng phụ nữ: rằng tác dụng chính của nó không phải là “tình dục không
hậu quả”, như những người phản đối mè nheo và cũng là thứ duy nhất tôi có thấy chút gì

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 149


liên hệ đến mình và những bạn bè cùng lứa, mà là tạo điều kiện cho phụ nữ đi làm, không
phải ở nhà giữa mười một đứa con, hoặc lại ở nhà ngay khi vừa hồi lại trong công việc, hoặc
bị trói vào đứa con của một vụ cưỡng hiếp, một cuộc hôn nhân bất hạnh, một nhầm lẫn
trong trường tình. Tóm lại là “kế hoạch hóa gia đình”, cụm từ xuất hiện khắp nơi những
năm 1990 nhưng - trên bình diện công khai và theo trí nhớ mơ hồ của tôi - chỉ là mệnh lệnh
“đẻ ít!” chứ không chỉ cách nào thực hiện.
Tôi xuyên thủng được cặp thuật ngữ hũ nút pro-life/pro-choice (hoặc anti-woman/
baby-killer như phe kia sẽ gọi), và những ám chỉ rùng rợn về mắc áo, bàn bếp, dao mổ; tôi lờ
mờ nhớ lại những tờ tạp chí thiếu niên đọc mới vài năm trước khuyên đừng tin vào “nước
chanh, tắm nước nóng, uống nước lá, hay trồng cây chuối ngay khi vừa xong”. Vốn chỉ biết
được cặp lập luận giữa đạo đức và kinh tế “thương lắm, dã man quá” và “ai mà nuôi được!”, tôi
đọc những lập luận của cả hai phe, vừa ghê sợ lại vừa sửng sốt: người ta có thể tranh cãi quá
nhiều (bằng y học? triết học? thần học?!!!) xem tư cách con người bắt đầu từ một hợp tử,
hay một cơ quan nội tạng, hay tới khi có thể độc lập sống được bên ngoài “vật chủ”; xem ai
là người có quyền phán quyết cuối cùng, nhà thờ, nhà nước, hay nhà đẻ; tôi được biết những
vụ đặt bom phòng khám và những vụ biểu tình trước nhà thờ (mà Atwood đã nhắc đến khá
nhiều khi nói về mẹ Offred). Và trên tất cả, có một điệp khúc nghe đi nghe lại, một câu mới
nghe tưởng chừng quá hiển nhiên, nhưng chỉ đạt được bằng rất nhiều đấu tranh với xung
quanh và với bản thân trước hết, một điệp khúc mà các cô gái nhắc đi nhắc lại với nhau, không
phải như nhắc một công thức khó nhớ với những người bạn óc trên mây, mà như cầu nguyện,
như thể cần được nghe nhau khẳng định để tin, để thấy đấy là một điều đáng tin: rằng thân
thể của mỗi người phụ nữ là do người ấy quyết định, chứ không phải nguyện vọng/ép buộc
của gia đình, của tổ chức, của những định chế xã hội. Cả suy nghĩ đó, cũng là một điều mới lạ.
Và tới đó, họ vẫn còn sợ mình đòi tự quyết như vậy là ích kỷ: để tìm cách xoay chuyển
câu chuyện tích cực hơn, họ đề ra khẩu hiệu “Mỗi đứa trẻ đều do lựa chọn”, không phải do
trót, do lỡ, do nhầm. Một khẩu hiệu đã định hình mối quan hệ giữa mẹ con Offred, cũng
như mối quan hệ méo mó giữa các Tùy nữ với chính quyền.
Mà đấy là nếu bạn có quyền lựa chọn. Tôi được đọc về Roe v. Wade, vụ kiện lịch sử đã
khiến phá thai được công nhận là quyền được bảo vệ trong Hiến pháp Mỹ vào năm 1973
(1973!); trong xã hội quanh tôi khi đó, phá thai - mà lứa tuổi tôi cũng thực hành không
ít - nói chung vẫn là một vết nhơ, nhưng chủ yếu về đạo đức; phá thai bị coi là phạm pháp
là một điều tôi không thể tưởng tượng nổi. Bây giờ đọc lại câu chuyện về cô gái không tiền,
không gia đình, không nơi nương tựa đứng sau vụ kiện kia, tôi càng nhận thức rõ một điều:
vận động thay đổi luật pháp là để bảo vệ những đối tượng yếu đuối nhất trong xã hội, bởi
những người ở vị thế cao hơn luôn tìm được cách để đứng trên luật pháp: những nhà giàu
có tìm bác sĩ tư hay đưa con cái tới những bệnh viện bí mật ở châu Âu (ta sực nhớ lại vụ bắt

150 Z Z Z REVIEW
cóc cô bé Laura trong Tay sát thủ mù), cô luật sư của Roe bay đi Mexico để làm thủ thuật,
phụ nữ (có điều kiện) toàn nước Mỹ kéo đến New York khi bang này thông qua luật phá
thai sớm ba năm trước phán quyết lịch sử kia (và được khuyến mãi thêm, từ phe phản đối,
những mỹ từ như là “phòng phá thai của cả dân tộc”, “thủ phủ phá thai toàn quốc”) giống
như các cô gái Ireland đổ đến London hay, không liên quan lắm, cộng đồng chuyển giới
Việt Nam tràn qua Thái. Còn nếu không có tiền, hay không có giấy tờ, hay luật cho phép
nhưng bảo hiểm không chấp nhận, mời bạn quay lại với những phòng khám lậu, với bàn
bếp, với mắc áo nhiễm trùng hay vót nhọn, và đánh cược mạng sống của mình (hoặc đánh
cược với việc sinh ra một đứa con méo mó, dị tật, hoặc đánh cược với việc sinh ra một đứa
con lành lặn, mồ côi).
Và cuối cùng, “Hãy giành lại đêm”. Đây là khẩu hiệu khiến tôi hoang mang nhất, bởi
nó yêu cầu một điều hầu như phi lý: hãy tạo điều kiện cho phụ nữ có thể an toàn đi ngoài
đường ban đêm? vì sao? Chẳng phải tốt hơn hết là đàn bà hãy tránh đặt mình vào những
tình huống thiếu an toàn? Phải tới khi, lên cao học, thường xuyên trở về giữa đêm từ thư
viện, tôi mới hiểu điều này. Chính xác hơn là hiểu sau khi hai vụ án xảy ra ngay trong khuôn
viên trường và một nhóm sinh viên biểu tình đòi trường đảo ngược lại quyết định tắt bớt
đèn ban đêm để tiết kiệm chi phí. (Và quý vị đoán xem tôi tham gia biểu tình hay chuyển
giờ về sớm hơn?)
Đấy là những nét chính, và dĩ nhiên những độc giả đầu tiên của Atwood không cần
phải goo... vào thư viện để biết những điều này. Đấy là thực tế hàng ngày của họ, giống như
những cuộc biểu tình đã được cập nhật thành đa sắc tộc trong series phim The Handmaid’s
Tale đang là thực tế hàng ngày của những người xem trực tiếp của Hulu. Nhưng tôi ở thời
điểm ấy, với version “nữ quyền” của riêng tôi vỏn vẹn ba điều: cái gì bọn con trai làm được
thì tôi làm được; đám chọc ghẹo ngoài đường cần được trừng trị tại chỗ; và khi nào các bà
các mẹ mở miệng nói về “con gái thì phải” chỉ cần tắt tai đi là xong (tóm lại là một phiên
bản cháo loãng của Moira, trừ yếu tố mê gái) cảm thấy thật ngạc nhiên. Và thật xa lạ. Thêm
nữa, các chủ điểm trên chủ yếu xoay quanh bạo lực - tính dục hoặc không - và thân thể nữ;
mà tôi, sau khi lớn lên giữa hai hình mẫu cho lựa chọn “thân thể là thứ để trao nộp và chịu
đựng” và “thân thể là thứ để o bế, và rất có thể dùng làm công cụ để thống trị hoặc tiến
thân”, đã có quyết định từa tựa Moira, gạt bỏ hẳn vấn đề cho đời đơn giản: tôi sẽ làm bộ
não bơi trong bể kính.
Tóm lại, những câu chuyện của đàn bà Mỹ, không liên quan gì đến tôi. Nhưng cũng
hay, khi biết nhiều điều mới, và dù sau khi đã rành rẽ mọi lập luận của đôi/các bên vẫn
hoang mang không hiểu bên nào mới “đúng”, ít ra giờ tôi cũng có một cái khung để chẳng
may có (dù hẳn sẽ không) bao giờ cần đến, tôi sẽ biết trên hai bàn cân có những gì.
Và tất nhiên, tôi đã cần.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 151


BECOMING-WOMAN

Và tất nhiên, tôi đã cần. Và tất nhiên, tôi đã thấy các “vấn đề phụ nữ” khép vòng vây lại
quanh mình, nếu chưa phải với chính tôi, thì cũng là bạn bè tôi, từng người một. Phá
thai, bạo lực tình dục, bạo lực tình cảm là những đề tài người ta không nói đến với “người
ngoài”; có một vết nhơ và một nguy cơ bị phán xét lớn gắn với những điều thú nhận thuộc
loại đó; nhưng chừng nào bạn bước qua một cái ngưỡng khó định nghĩa để bước vào một
câu lạc bộ thần bí nào đó, bạn sẽ đột nhiên nhận ra những thành viên câu lạc bộ ấy có ở
khắp nơi, và rất nhiều là những người thân của mình mà mình chưa hề ngờ đến, và không
ngờ họ có thật nhiều kinh nghiệm, và nhiều đồng cảm, để nói với mình.
Và tôi thấy mọi lý thuyết đều đổ sông đổ biển. Trừ một điều lý thuyết cực kỳ chính xác
rằng: rốt lại đó là quyết định cho một trường hợp cụ thể, của một người, và không so sánh
hay tấm gương hay tham khảo nào từ mẹ, từ bạn, từ người ngoài, từ người thân, từ hình
mẫu lịch sử hay pháp lý hay sách vở nào có ý nghĩa gì hết.
Con đường ý thức được mình không thể thoát khỏi thân thể, hay rộng hơn mình
không thể thoát khỏi quyết định luận sinh học một cách tuyệt đối triệt để, dài và chậm
chạp. Trên con đường ấy, tôi đọc được lý thuyết về “rape culture” (rồi quên); đọc được
những cấu xé nhau giữa nghìn phe phái nữ quyền (rồi quên); đọc về ngành công nghiệp
khiêu dâm và quyền của gái điếm (rồi quên); diễn ngôn về căn tính nữ thật dài và rối rắm,
nhưng có thể mường tượng rằng nếu không có Atwood khai tâm, có thể tôi đã chẳng bao
giờ để ý đọc đến những bài viết ấy. (Hoặc có thể sẽ được một bà chị khác khai tâm, và đi
theo một con đường hoàn toàn khác, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn?)
Tôi tiếp tục đọc Atwood, một nhà tiểu thuyết cự phách, một bậc thầy ngôn từ sắc sảo,
một đầu óc châm biếm đọc mỗi câu một giật mình, mà tình cờ lại là phụ nữ và kể chuyện
chủ yếu về những kinh nghiệm đàn bà. Đi theo con đường Atwood, tôi không viết đơn vào
Nữ đảng, đêm đêm chong đèn nghiên cứu Nữ quyền tư tưởng hệ. Tôi còn phải sống chứ.
Tôi còn một ngàn mối quan tâm khác. Ví dụ như viết bài này cho kịp để chị Zét có thể
ngưng giục giã; mà viết xong tôi cũng sẽ quên bẵng thôi. Thỉnh thoảng tôi quên cả mình
(thuộc vào giới được định nghĩa) là phụ nữ cơ mà. Nhìn chung, tôi ổn.
Tôi ổn, theo nghĩa là tôi đang ở trong một vị trí có thể cảm thấy là mình ổn. Vị trí về
kinh tế, xã hội, nhận thức cụ thể, và vị trí ở một đất nước mà bất chấp một vạn thiếu sót,
quyền thân thể của đàn bà cũng không đến nỗi tệ. Vậy thì tôi có thể thông cảm với những
đàn bà ở vị trí cần tranh đấu, từa tựa như thông cảm với phụ nữ bên Ấn Độ vậy, nhưng
bởi không thể đấu tranh thay họ, nên tốt nhất là tôi làm tốt những công việc của tôi, phải
không? Suy cho cùng, những người đàn ông quanh tôi có vẻ đều tử tế, tôi cũng không biết
đem họ ra làm bia ngắm bắn bằng cách nào.
...

152 Z Z Z REVIEW
Vấn đề ở đây là khi nhìn nhận mình trong từng mối quan hệ cụ thể - không chỉ
quan hệ luyến ái với một người yêu, một người chồng, mà đơn giản là một người bạn,
một người anh, một người cha, một người thầy, hoặc ngược lại một người em, một người
con, một người trò (nhắc lại, tôi đang tự giới hạn trong cõi nhị nguyên) - bạn sẽ rất khó
khớp con người cụ thể ấy với cái khung khổ “cuộc chiến giới” trên lý thuyết. Bạn sẽ nghĩ,
người ấy khác. Mối quan hệ này khác. Bởi lý thuyết là một bản giản lược bản chất luận,
còn con người trước mặt thì bạn biết rành mọi mặt, bạn biết đấy là một con người, và đã
là con người thì, như cái câu sáo mòn đó, không ai là toàn thiện hay toàn ác. Atwood đã
tóm tắt tuyệt vời sự mâu thuẫn ấy trong mẩu hồi ức ngắn gọn về người đàn bà nhân tình
của tên sĩ quan SS mà Offred nhớ lại: “Ông ta không phải quỷ”, một câu chuyện đã ánh
xạ lại trong mối quan hệ khó gọi tên giữa cô và Quân trưởng, và Offred có ý thức về sự
mỉa mai này, tuy không vì thế mà phủ định nó. Bạn không thể, và không muốn, tin người
đó và mình có gì khác biệt; bạn muốn tin rằng dù thế giới có chia làm hai phe thì “chúng
ta” vẫn là một team ...
... cho đến lúc bạn phẫn nộ vì phát ngôn “grab them by the pussy” và anh ta bảo bạn
chuyện bé xé ra to (hãng Tin Con Vịt cho biết Trump đã trở thành nguyên nhân chia tay
số một của các cặp đôi Mỹ vào năm 2016), cho đến lúc bạn tâm sự về cảm giác bị đối xử bất
công, ở trường học, ở chỗ làm, ở ngoài đường vì lý do giới tính, và anh ta kêu “đàn bà nhạy
cảm”, cho đến lúc anh ta bật cười trước một chuyện cười xúc phạm đàn bà; cho đến lúc bạn
cố gắng làm cho anh ta hiểu vì sao bạn sợ đi một mình ngoài đường ban đêm, vì sao bạn
không muốn đi ăn với ông sếp của anh ta ưa đùa nhả, vì sao bạn bực mình khi thấy một MC
thản nhiên bình phẩm sắc đẹp một nhà văn nữ trong một tọa đàm văn học, và bạn nhìn
vào con mắt trống rỗng của anh ta và lạnh người chợt hiểu, dù hai người có ăn ý đến đâu,
hòa hợp đến đâu về các mối quan tâm trí tuệ và cảm xúc thì vẫn còn một vực sâu như thế
này, ăn sâu trong chính căn cước của bạn, không thể vượt qua. Atwood đã cực tài tình khi
miêu tả cảm giác gai người ấy mà Offred thỉnh thoảng cảm thấy về Luke, tình yêu lớn của
đời cô; và bộ phim cũng đã khai thác cực kỳ hiệu quả, cảnh khi cô trở về nhà, chấn động,
cái ngày toàn bộ đàn bà cả nước bị đuổi khỏi chỗ làm, tài khoản bị đóng băng chuyển sang
tên chồng, và anh an ủi: “Chỉ là một chỗ làm thôi. Em biết anh sẽ chăm sóc em mà.” Mười
năm trước đọc câu này, tôi chỉ thấy kỳ vì nhớ lại lần bố tôi đã khuyên mẹ tôi ở nhà cho ông
nuôi; lần này xem cảnh đó, tôi cảm thấy như chính mình ăn tát. (Mặc dù hẳn những người
xem nam sẽ chỉ thấy Moira phản ứng quá đà?)
Từ năm 2018 nhìn lại, tôi nhận ra phát biểu chí lý mở đầu Giới tính thứ hai quả là chí
lý: “Người ta không sinh ra làm đàn bà, mà trở thành đàn bà.” Nhưng lần nữa ở đây, nhãn
hiệu có thể là lừa dối: tôi trở thành đàn bà, nhưng là Offred, chứ không phải Moira. Hoặc
đúng hơn, là một dạng không ngừng dao động giữa Moira và Offred; phải có một tâm hồn

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 153


rất thơ trẻ, hoặc rất chai sần, mới có thể chỉ vào người thân bên mình mà nói, ngươi là tên
phản động kẻ thù. Vào thời điểm dịch cuốn này, tôi nghĩ Offred ngớ ngẩn, yếu đuối, kém
cỏi; giờ đây đã ở tuổi cô, tôi nghĩ Atwood đã nhìn thấu cõi lòng mọi người phụ nữ trung
bình trong xã hội khi viết câu: “Nhưng nếu tình cờ người lại là đàn ông, ở thời điểm tương
lai nào đó, và người đã theo tới tận đây, xin hãy nhớ: người sẽ không bao giờ phải chịu sự
cám dỗ, hay cảm giác, rằng cần tha thứ, cho một người đàn ông, như đàn bà.”
Atwood đã bị chỉ trích nhiều vì hình tượng Offred, như đã nói. Những người chỉ trích
thường quên mất một điều rằng cô không bao giờ được xây dựng như một nhân vật điển
hình cần noi gương học tập: giống như mọi tác phẩm văn xuôi trước và sau đó, Atwood chỉ
cho nhân vật làm những điều mà bà nghĩ là chân thực trong tình cảnh ấy, và thường khi,
cảm quan về “chân thực” của bà khá bi quan. (Những điều này, hiển nhiên, sẽ khó bán với
Hulu, nên họ đã bưng một lượng lớn tính cách và hành động của Moira sang cho Offred.)
Tuy nhiên, nhờ vậy, Offred đã miêu tả hầu như đầy đủ những suy nghĩ và hành động hợp lý
của một người phụ nữ trung bình trong xã hội trong hoàn cảnh tương tự; và giống như cuộc
trường chinh Google của tôi cho thấy: đôi khi, biết rằng có đặt ra những vấn đề như thế,
hoặc thậm chí chỉ cần biết có tồn tại một từ như thế, cũng đã đủ gợi ra suy nghĩ, đủ để nhìn
thấy thế giới quanh mình và chính bản thân mình một cách rõ ràng hơn. Và nhiều khi, chỉ
cần một gợi ý là đủ bắt đầu một quả bóng tuyết rồi có thể (dù cũng có thể không) gây ra lở
đất; giống như nội việc Kavanaugh được đề cử đã đủ cho một nhóm vận động hậu trường
miệt mài hoạt động đòi bỏ quyền phá thai trong hiến pháp (và sau một nghiên cứu cho thấy
phụ nữ bỏ phiếu cho Hillary là chủ yếu, một nhóm Trump fan đã nửa đùa nửa thật rủ nhau
reo hò trên mạng đòi tước quyền bầu cử của đàn bà).
Quá trình “trở thành đàn bà” của tôi tiếp tục cả với bài viết này; một bài viết rất kỳ,
bởi ban đầu nó là một bài chia sẻ về quá trình dịch cuốn Chuyện người Tùy nữ và những
nỗi kinh hoàng khi đọc lại sau mười năm (bản tái bản đã được sửa chữa kha khá, xin hứa!).
Thế nào đó mà trong ba tháng độ trễ từ Zzz1-2 sang tới đây, phần chuyên môn đã tiêu biến,
phần tâm sự mỏng cũng đã biến thành một bài có vẻ như bút chiến? mà tôi cũng ngạc nhiên
khi thấy mình viết ra. Điều kỳ nhất là việc xuất hiện chữ “tôi” (có lẽ không phải cái tôi?)
dày đặc, một điều xin thề không phải thói quen của tôi, chẳng hạn như (quảng cáo lại) bài
viết về Orwell ngàn năm trước.
Nhưng tới đó, tôi nhận ra đây cũng thuộc về “cách nói nữ”. Atwood khi nói về những
nguồn gốc chính của cuốn Tùy nữ, đã nhấn mạnh tới thể loại làm chứng: thể loại dành cho
tất cả những giới không được trao quyền trong xã hội, thể loại vừa hùng mạnh lại vừa yếu
đuối, trao micro vào tay những cá nhân đơn lẻ nhưng không trao kèm quyền uy cho họ,
trong lúc cam kết với người nghe rằng đây chỉ là tiếng nói của một người, có giá trị của một
người mà thôi. Giáo sư Pieixoto đã chê bai Offred kịch liệt ở điểm này. Nhưng tôi không

154 Z Z Z REVIEW
thể không làm khác: dù viết về một vấn đề có vẻ sát sườn đến như ý thức về căn tính của bản
thân, tôi cũng như không ngớt nghe thấy những tiếng thì thầm “có đúng thế không? Có
phải thế không? Mày có quyền gì mà nói thay tất cả?” Vậy là tôi lại đành rút về nói riêng từ
kinh nghiệm của bản thân. Liệu đây có phải là một tình trạng chung của diễn ngôn căn tính
thiểu số, trong đó đàn bà là nhóm thiểu số par excellence? Hay là hậu quả, như nhiều người
nói, của tiếng nói đàn bà đã quen bị coi nhẹ có hệ thống tới nỗi bản thân đàn bà (trung bình
trong xã hội; hiển nhiên không phải giới nữ quyền) đã thành phản xạ luôn tự ngờ vực bản
thân, luôn lọc qua một tầng kiểm duyệt của con mắt được cho là xã hội, cả khi nói về những
vấn đề của bản thân mình?
Thật nhức đầu. Có lẽ tôi cần là cần đi tìm một nhà tâm phân học, để tìm hiểu những
ẩn ức tôi không biết mình che giấu, biết đâu sản phẩm sẽ ra một Cuốn Sổ Vàng 4.0 đoạt giải
Doris Lessing; có thể tôi cần lao mình vào Nữ Quyền Chủ Nghĩa mà tôi đã ra sức chối từ,
như Katniss bước vào vai trò Húng Nhại, và gia nhập #MeToo khi còn chưa tắt hẳn. Hoặc
có lẽ tôi nên nghiên cứu thêm về việc phá thai khi còn quá rảnh. Giống như mọi đàn ông
nếu sống đến 200 tuổi tất sẽ chết vì ung thư tiền liệt tuyến, có vẻ hầu hết đàn bà dị tính nếu
không chết quá sớm đều sẽ phải đối mặt với câu hỏi này ít nhất một lần trong đời.

“NĂM MƯƠI NĂM SAU”

Một trong những ý mà Atwood nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi, cũng như mỗi nhà báo
lần đầu viết về bà đều lặp lại trong kính phục, và mỗi người đọc quen thuộc với bà đều
tự động bỏ qua khi đọc một bài báo mới, đấy là: thế giới “huyễn tưởng” mà bà dựng lên
trong tác phẩm đều không có gì mới, nhà văn chỉ đóng vai trò giám tuyển những yếu tố
đã từng thực sự tồn tại trong thực tế. “Tinh thần của nó mang tính tổng hợp”, như giáo
sư Pieixoto nói(1). Đây là một sự cẩn trọng cần thiết khi bắt tay sáng tác một cuốn phản
không tưởng: bởi thể loại dành riêng cho cảnh báo thời cuộc này sẽ mất ngay ý nghĩa
khi bị quy về tất cả là do trí tưởng tượng méo mó của một nhà văn; là một nhà văn nữ

1. Một sự đọc có chủ ý bộ ba hậu tận thế đồ sộ MaddAddam cũng như tác phẩm viễn tưởng ái tình trào phúng The
Heart Goes Last càng khẳng định mức độ đào sâu nghiên cứu của Atwood cùng các trợ lý trong việc xây nên thế giới
mới, cũng như sự nghiêm túc của bà khi tuân thủ luật lệ do bà tự đặt ra: “Nếu định tạo ra một khu vườn ảo, tôi muốn
từng con cóc đều là thật.” Từ Deep Web cho tới các phòng thí nghiệm thức ăn nhân tạo, biến đổi gen, các phong trào
Thế giới mới trong bộ ba, cho tới việc tư nhân hóa nhà tù kinh khiếp đang trở thành vấn nạn ít ai muốn nghĩ đến trong
nước Mỹ thập kỷ 201x cùng ngành công nghiệp búp bê/robot tình dục triệu đô, người ta phải thán phục sự nhanh nhạy
với thời cuộc lẫn mối quan tâm rộng lớn trải trên nhiều lĩnh vực của người dường như đã muốn biến mình thành lương
tâm của thế giới mới từ một cái nhìn vừa hồn hậu vừa mai mỉa mà vẫn rất nữ tính này.

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 155


sáng tác một cuốn phản không tưởng
nữ càng phải cẩn thận gấp đôi, bởi mỹ
từ “ghét đàn ông” luôn lơ lửng trong
nội hàm chữ “nữ quyền” chỉ chờ dịp
thích hợp. Ai mà nghĩ những màn xử
tội tập thể, hay threesome theo nghi
thức, hay mang thai hộ cho nhà nước,
không phải là kết quả của một đầu óc
Ảnh từ nhiều nguồn khác nhau, đăng lại trên page chính thức của
Atwood. Câu đầu tiên, phổ biến nhất, có vọng âm của những cuộc
bạo dâm? Nhưng tất cả đã có trong
biểu tình phản đối NSA liền sau Edward Snowden: “1984 không lịch sử, Atwood nói, nhìn đi, “tôi
phải là sổ tay hướng dẫn điều hành nhà nước”. Biểu ngữ ưa thích không bịa ra một thứ gì”.
nhất của Atwood mà bà thường kể lại là “một bà già độ tuổi tôi giơ
Và lịch sử không quên lặp lại một
tấm biển ‘sao năm chục năm sau tôi vẫn giơ cái biển chết mẹ này?’ ”
thứ gì. Atwood nhớ lại tiếp nhận ban
đầu với Chuyện người Tùy nữ, ở Anh là một tác phẩm tưởng tượng có tính giải trí cao, ở
Canada người ta lo lắng - “Chuyện có thể diễn ra ở đây không”, nhưng ở Mỹ thì đồng loạt:
“Còn bao lâu nữa chúng ta sẽ đến thời điểm ấy?” Năm 2018, Brett Kavanaugh chỉ cần vượt
qua vài lời cáo buộc cưỡng dâm nữa là tiến vào chiếc ghế trống mới trong Tòa Tối Cao Hoa
Kỳ, một động thái được tiên đoán sẽ tạo điều kiện cho việc hạn chế hoặc cấm hẳn quyền phá
thai tại 24 bang chỉ trong vòng 2 năm sau đó (trong lúc đất nước lạc hậu, nghèo đói và sùng
đạo Ireland, mỉa mai thay, đang trên đường hợp pháp hóa phá thai sau cuộc trưng cầu dân
ý lịch sử tháng 5.2018, chỉ ba năm sau khi thông qua hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới).(1)
“Không may thay, con người là giống tư duy ngắn hạn, chính trị gia là giống tư duy ngắn
hạn,” bà tâm sự về cuốn sách đầu tiên của mình với các học viên khóa viết văn Masterclass,
và nói rằng không bao giờ được ngủ yên trên những thành tựu ngỡ đã là chắc chắn của thế
hệ trước, như Offred đã đối xử với mẹ cô.
Trong thời gian tôi viết bài này, chốc chốc báo Tuổi trẻ lại nảy ra một bài về cô giáo tự
tử vì bị ép trồng hành, hay cô bé sinh viên quăng con khỏi chung cư cao cấp; muốn thoát
khỏi hiện thực trực tiếp, tôi bật báo chí Mỹ giải trí, bèn gặp bài viết về cô bé Nhật bị thai
lưu nhưng không được ông chủ cho về trước khi hết ca đêm, về những cô gái Nhật trong
Thế chiến 2 tình nguyện sung vào đội quân làm điếm của chính phủ để lính Mỹ khỏi tràn
vào các làng hãm hiếp, về cô gái da màu nhập cư trái phép ở Mỹ bị lừa mổ bụng lấy con khi
một cô gái da trắng tuyệt vọng muốn lừa bạn trai mình đã đẻ con để khỏi bị đuổi ra đường

1. Nếu quá rảnh còn muốn đọc một bản tóm tắt về điều kiện tiếp cận phá thai của phụ nữ thế giới, có
thể xem thêm ở đây: https://www.nytimes.com/2018/07/09/reader-center/abortion-around-the-world.
html?rref=collection%2Ftimestopic%2FAbortion

156 Z Z Z REVIEW
(spoiler: câu chuyện kết thúc bằng hai đám tang và một án tù). Ngao ngán, tôi chuyển qua
ăn vạ chị Zét; chị bèn quẳng cho tôi các bài số này đọc cho bớt rảnh bớt ỉ ôi. Vì thế, chắc
hẳn một phần lớn lòng can đảm để hoàn thành bài viết này cũng là có được từ những người,
nếu quý vị đọc theo thứ tự, xuất hiện trước tôi, nhất là những người viết nữ; cách nào đó,
tôi cũng được dạy một phần nhờ họ.

(Dù tất nhiên, đến mai tôi lại quên ngay thôi.)
10.2018

SỐ 3, 30 THÁNG 10 NĂM 2018 157


Mời nước mía
Đây là chú Ruồi Mía nhà chúng tôi.

Nguyên uỷ nhà Z tính bán tạp chí online với con số rất đáng hãi là 1000 VND/
số, kèm thêm thu giá khi đi qua các trạm BOT vị chi là quãng 12k. Nhưng các
bank Việt Nam đều chối đây đẩy vì sợ rằng giá ấy với mức độ phủ sóng của nhà Z
trên khắp hoàn cầu sẽ làm sập kho dự trữ trong quốc khố chứ đừng nói gì đến họ.

Vì thế nên, trong lúc chờ chúng tôi nghiên cứu làm giàu bằng Minds token, bằng
hữu gần xa nếu có lòng xin hãy gửi gắm cho chú Ruồi Mía tại nhà Paypal của chú:
https://www.paypal.me/zzzreview/0.04

Còn nếu ai tin tưởng đến mức muốn đặt luôn một lần năm chục số, mặc dù bản
thân tổ Z cũng chưa biết liệu mình có lê lết được đến Số 3, thì nhà Việt của chú
ở đây: https://zzzreview.com/taikhoan/

158 Z Z Z REVIEW

You might also like