You are on page 1of 6

BÀI GIỚI THIỆU VỀ MỘT TRUYỆN NGẮN HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ

NGÀY HỘI VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM 2023

Cuốn sách “Gánh gánh Gồng gồng” – Hồi ức chiến tranh của tác giả Xuân Phượng

Người viết: Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Chi đoàn 10T

“Gánh gánh gồng gồng” là tác phẩm đầu tiên của Xuân Phượng được xuất bản tại Việt
Nam. Cuốn sách là chuỗi ký ức của tác giả từ lúc ấu thơ cho đến hiện tại, trải qua mấy
chục năm. Vậy, bài giới thiệu sách sau đây sẽ cho các bạn một hình dung sơ lược về
những gì tác giả Xuân Phượng đã trải qua trong suốt thời kì biến động của dân tộc, thời
của gian lao vô cùng nhưng cũng hào hùng biết mấy.

A. Thông tin về tác giả Xuân Phượng


- Tác giả – đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929, tên thật Nguyễn Thị Xuân
Phượng được sinh ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình hoàng tộc. Bà
sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Cha bà là Thanh tra Học chính kiêm hiệu trưởng
trường tiểu học duy nhất tại Đà Lạt khi đó.
Qua lời kể của bà, ta có thể mường tượng ra một khung cảnh yên bình của Đà Lạt
những năm 30 của thế kỉ XX, một Đà Lạt mang đậm nét Pháp, đậm nét mộng mơ,
trữ tình của xứ sở Paris. Những năm đầu đời của bà gắn liền với sự bình yên
vương giả: sống trong một ngôi nhà có những cánh hoa minosa màu vàng nhạt
tinh khiết đêm đêm tỏa hương, cùng hàng chục cây hồng mai cổ thụ trải một thảm
hoa ngát thơm ngập lối đi.
- Bà hoạt động tại hai lĩnh vực và có nhiều tác phẩm nổi tiếng, cũng như có nhiều
tiếng vang trong sự nghiệp.
 Bà đã thực hiện những bộ phim tư liệu như Việt Nam và chiếc xe đạp
(1974), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976),…
 Năm 2001, quyển ÁO DÀI – Du Couvent des Oiseaux à la Jungle des Viet-
minh hồi ký viết bằng tiếng Pháp của bà đã được NXB Plon in ấn và phát
hành tại Paris. Bên cạnh đó, sách còn được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan.
 Năm 2011, nhà văn Xuân Phượng được chính chủ Pháp trao tặng Huân
chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp cho sự hiểu biết sâu sắc giữa
Việt và Nam trong thời bình và chiến.
 Năm 2020, Hồi ký Gánh gánh gồng gồng phiên bản tiếng Việt đã vinh dự
nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng giải thưởng Hội Nhà văn
TP.HCM.
B. Sơ lược về sách “Gánh gánh gồng gồng”
I. Hoàn cảnh ra đời cuốn sách

Nói về hoàn cảnh ra đời cuốn hồi ký của mình, tác giả kể rằng, cảm hứng sáng tác của
bà nổi lên khi tâm trí bà ngập trong niềm vui đoàn viên cùng gia đình sau nhiều năm xa
cách, gặp lại người mẹ của bà. Mẹ của bà thể hiện rõ sự xót xa khi biết đứa con gái nhỏ
bé của bà phải trải qua những điều không tưởng từ khi cô chọn thoát ly gia đình, tham gia
kháng chiến từ sớm. Tác giả kể rằng: “Chúng tôi cười cười khóc khóc trong niềm vui
đoàn viên. Trong một bữa cơm trưa, bỗng mẹ tôi chống đũa nhìn tôi: “Con ơi, sao con
theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”… Tôi không trả lời
mẹ ngay hôm ấy, nhưng cũng từ đấy nảy ra ý định phải kể lại đời mình. Tôi mong muốn
gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ
chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.

Dự định ấp ủ là vậy, vài năm sau bà đã xuất bản cuốn hồi ký Áo dài được viết bằng
tiếng Pháp. Năm 2001, hồi ký được nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris và
được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan.

Sau 19 năm, khi đất nước ta đang đối mặt với dịch Covid 19 hoành hành, người phụ
nữ bận bịu như bà lại có khoảng thời gian thảnh thơi để đắm mình với niềm đam mê sách.
Cũng chỉ trong 3 tháng “nghỉ Tết vì Covid”, tác giả Xuân Phượng viết lại cuốn hồi ký Áo
dài bằng Tiếng Việt và xem đó là một món quà gửi đến những người Việt yêu mến bà.

Nhan đề “Gánh gánh gồng gồng” là hình ảnh quen thuộc, thân thương, biểu tượng của
người phụ nữ Việt Nam không ngại khó, ngại khổ, tuy dáng người nhỏ bé nhưng có sức
mạnh phi thường. Vẻ đẹp ấy của người phụ nữ Việt Nam cũng chính là những phẩm chất
cao cả được Bác Hồ khen tặng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang. Tất cả
được gói gọn trong nhan đề mang đậm nét Việt của cuốn hồi ký.

II. Nội dung sách


1. Giới thiệu chung

Cuốn hồi ký ghi lại những trải nghiệm thật đặc sắc của bà qua những năm tháng thăng
trầm lịch sử dân tộc. Bà là người đã chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho nhà sử học
Trần Huy Liệu – đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 8/1945. Bà
cũng là người chứng kiến giới chóp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi
quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua
đợt hành quân thần tốc tại Dinh Độc Lập 30 – 4 – 1975.

Trong lời mở đầu của cuốn hồi ký, bà đã kể lại khoảnh khắc mình rời xa gia đình và đi
theo cách mạng khi 16 tuổi và khoảnh khắc bà gặp lại mẹ mình vào tháng 7/1989 tại sân
bay Charles de Gaulle Paris (Pháp) sau 43 năm xa cách. “Gánh gánh gồng gồng” đã dẫn
dắt người đọc như được trải nghiệm vào cuộc đời của người phụ nữ nhỏ nhắn ở những
năm đầu của thế kỷ 20 từ một cô bé đang học tập tại trường Couvent Des Oiseaux – ngôi
trường do Nam Phương Hoàng hậu tài trợ đến khoảnh khắc rời xa gia đình và trải qua
những thăng trầm của lịch sử đất nước. Cái hay cái đặc sắc của hồi ký “Gánh gánh gồng
gồng” không nằm ở văn chương mà nằm ở cuộc đời tác giả. Nói cách khác, chính cuộc
đời của tác giả đã thắp sáng lên trang sách và đem lại cho người đọc được chia sẻ, được
thấu hiểu và được cảm thông.

Thiếu nữ kháng chiến trải qua nhiều công tác: ở quan y vụ liên khu Bốn, chuyển về bộ
Quốc phòng làm thuốc nô, vài lần gặp tai nạn nổ tung cả xưởng. Rồi cô chuyển sang làm
báo Công tác thóc gạo của Bộ tài chính. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, cô trở về
Hà Nội, đi học y rồi phụ trách phòng khạm nhi khu Ba Đình. Bà từng thuyết minh trực
tiếp phim tiếng Pháp, chuyển sang làm bác sĩ cho ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài,
đi chăm sóc các nhà làm phim phương Tây vào tuyến lửa Vĩnh Linh quay phim dưới bom
đạn. Sau chuyến đi ấy, đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens từng đoạt giải ở liên hoan phim
Venice gợi ý Xuân Phượng nên chuyển sang làm phim. Bốn mươi tuổi, bà mới bắt đầu sự
nghiệp làm phim tài liệu với nhiều phim đoạt giải thưởng quốc tế. Năm 1975, bà là phóng
viên chiến trường, theo sát từng bước chiến dịch Hồ Chí Minh, đi quay phim suốt từ Huế,
Đà Nẵng, Nha Trang vào đến Sài Gòn. Sau khi về hưu, bà mở phòng tranh, di lại như con
thoi sang các nước phương Tây để triển lãm mỹ thuật Việt Nam. Bà trở thành một nhà
ngoại giao nhân dân năng động, ngay cả khi tuổi đã cao.

Ngay đầu sách là một khoảnh khắc thay đổi số phận. Cô nữ sinh mười sáu tuổi cùng
người cậu trốn nhà đi theo kháng chiến. Dắt xe đạp ra bến sống, người cậu nhớ ra để
quên chiếc bơm xe, quay lại lấy. Đúng lúc giặc Pháp càn đến. Xuân Phượng vứt xe, nhảy
xuống đò chạy luôn. Thế là cả nhà chỉ có một mình cô đi kháng chiến. Ông cậu sau đó
sang Pháp học để trốn lính. Hơn bốn mươi năm sau, Xuân Phượng mới gặp lại ông trong
một nhà dưỡng lão ở Pháp.

Xúc động trên từng trang. Chẳng hạn năm 1967 Xuân Phượng dẫn đạo diễn Hà Lan đi
quay phim chú bé chín tuổi Phạm Công Đức ở Vĩnh Linh. Em Đức được phong dũng sĩ
diệt Mỹ vì có công giúp bộ đội ta đánh phá sân bay giặc bên bờ Nam sông Bến Hải. Bốn
mươi năm sau, bà quay lại nơi đó làm phim, tìm kiếm mãi, cuối cùng gặp được thầy giáo
dạy toán cấp ba Phạm Công Đức. Trong sách có bức ảnh chú bé Đức chín tuổi năm 1967
và ảnh bà đến thăm gia đình thầy giáo Đức giờ có bốn con năm 2007.

Có cả kỷ niệm với ngôi sao điện ảnh Jane Fonda và ca sĩ Joan Baez thời chiến ở Hà
Nội. Dưới căn hầm bị bom giật đùng đùng, Xuân Phượng đã bảo Joan Baez hát lên, ca sĩ
Mỹ đã hát và lấy lại bình tĩnh. Có cả chuyện tình cờ tìm được cô bạn học người Pháp thời
ở Đà Lạt, gặp lại nhau khi hai người đều trên tuổi tám mươi.

Hơn bốn mươi năm xa cách, năm 1989 Xuân Phượng gặp lại mẹ ở Paris. Bà mẹ tuổi
ngoài tám mươi bay từ Mỹ sang gặp cô con gái đã sáu mươi. “Mấy mẹ con dắt nhau ra
chỗ chờ xe. Đang đi, trước mặt có một cái ụ, má nắm chặt tay tôi: “Coi chừng vấp, con!”
Má tôi chưa kịp nhận ra rằng tôi không còn là đứa bé mười sáu tuổi của bà”.

Một người con gái như Xuân Phượng khó mà vấp ngã được.

2. Những cảm nhận

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đánh giá: “Đây là
một cuốn sách ấn tượng và là một câu chuyện của một con người đã nói lên lịch sử
của cả đất nước từ sau khi chúng ta giành được độc lập”.

NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, bằng giọng kể đơn giản và chân thực, ở
bất cứ đoạn nào của cuộc đời đạo diễn Xuân Phượng cũng có sự độ lượng, không oán
trách hay than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người,
những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè của
mình.

Nhà văn Robert Macneil cũng đã nhận xét rằng đây là cuốn sách tuyệt vời mà ông
từng đọc. Thông qua cuốn sách ông thấy được tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước và
sự hy sinh vì độc lập của người dân Việt Nam. Ông đã hiểu được vì sao một dân tộc
nghèo và nhỏ bé như chúng ta lại có thể chiến thắng được những đất nước lớn mạnh,
hùng cường.

3. Suy ngẫm cá nhân

Là một người yêu thích thể thoại hồi kí chiến tranh, bản thân tôi cảm thấy ngại nhất là
những người khoe thành tích, khoe chiến công, từ năm này đến năm này được khen
thưởng, được thăng cấp,… Các sự kiện cứ trôi tuồn tuột. Chủ thể không có suy nghĩ,
hành động như người máy được lập trình. Ngại thứ hai là những người thích bôi đen, hằn
học với người cũ, việc cũ, không ưa thì dưa có ròi. Ngại thứ ba là những người thích tô
hồng, cái gì cũng hoành tráng, hào sảng, vui phơi phới như khẩu hiệu giăng đầy đường.

“Gánh gánh gồng gồng” có đầy đủ vui buồn của đời người. Trong niềm vui chung lại
có nỗi buồn riêng. Chẳng thế mà sao cứ đến ngày 10/10 năm nào báo chí cứ vô tư hò reo
“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” (Văn Cao). Riêng bà Xuân Phượng trong hồi
kí cho thấy nỗi buồn khi rời cơ quan về thủ đô và người mẹ đã ngất dọc đường bên cạnh
2 con nhỏ vì kiệt sức, khiến người ta tưởng mẹ con kẻ ăn mày chứ ai ngờ đó là cán bộ
kháng chiến về Thủ đô.

May mắn thay bà ngất trước cửa thiền nên gặp bà Tùng Hiên, một nhà tư sản buôn bán
vải (số 12 Hàng Ngang – Hà Nội) đem lòng từ bi cho 3 mẹ con ăn uống rồi cho đi nhờ xe
ô tô về Hà Nội. Trên xe, nghe kể chuyện, bà Tùng Hiên nhận ra đây lầ con gái ông đốc
Cán ở Đà Lạt, một người bạn với mình. Rồi bà đưa cả 3 mẹ con Xuân Phượng về nhà,
cho ở một phòng riêng, sạch đẹp.
Bà chỉ đơn giản kể lại khó khăn của mẹ con bà, nhưng lại gieo cho người đọc dòng
nghĩ suy: Đâu phải cứ giàu có là bóc lột, là vô cảm, là thiếu tình thương yêu con người?
Có người chiến thắng về Hà Nội trong cờ hoa. Có người chiến thắng về Hà Nội trong
hoàn cảnh như chị. Một ẩn dụ về vô vàn cách thức mà những người chiến thắng đến với
hòa bình. Với Xuân Phượng, chuyến đi ấy cho bà thêm bài học về tình thương và trong
suốt cuộc đời, bà thực hành lòng nhân ái với bất cứ số phận thua thiệt nào gặp trên
đường. Bà cưu mang thiếu sinh quân bị lạc đơn vị trong kháng chiến, đưa hàng xóm đi đẻ
ban đêm, đỡ đẻ cho người sinh khó trong địa đạo Vĩnh Linh không đèn đóm. Gia đình ấy
đã xin tên Xuân Phượng để đặt cho cháu bé vừa ra đời.

C. Kết

Thật khó mà nghĩ rằng “Gánh gánh gồng gồng” được viết bởi một cụ bà 92 tuổi lại
chỉ trong 3 tháng nghỉ “ăn Tết vì Covid 19” vì văn phong hết sức hiện đại, trẻ trung. Vừa
đọc sách, vừa nghe bà nói về cuốn sách (qua podcast Haveasip) càng bị thuyết phục về
sức sống và trí tuệ của nữ đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng. “Gánh gánh gồng gồng”,
cuốn hồi ký của đạo diễn Xuân Phượng là “tiếng nói của người trong cuộc”; một cuốn
sách làm tôi thực sự cảm thấy đau tim khi đọc, đến nỗi có những trang phải ngừng lại
giữa chừng, không dám đọc tiếp.

Quả thực, như lời tác giả nói, cuốn sách viết ra “dành cho những người trẻ chưa biết về
chiến tranh”. Cuốn hồi ký thực sự chạm tới trái tim tôi, giúp một bạn học sinh cấp 3 còn
non trẻ, hiểu hơn về lịch sử, đất nước, con người, những đau thương, mất mát mà thế hệ
trước đã hi sinh cho thế hệ sau như thế nào. Đọc để biết ơn nhiều hơn, tìm được sự lạc
quan giữa vô vàng bi quan, khó khăn trong cuộc sống. Trong cuộc sống luôn nhìn và phải
thấy, đừng nhìn mà không thấy. Khi nhìn một sự vật, thay vì thấy bề nổi, ta hãy đào sâu
hơn và cảm nhận nó ở mức độ đầy đủ nhất, ta sẽ dễ dàng khắc sâu vào tâm khảm và
không bao giờ quên.

Link podcast tác giả nói về sách: https://youtu.be/W1dhL713MyU

 Hết 

You might also like