You are on page 1of 40

ĐẤT NƯỚC

Nguyễn Khoa Điềm

Tuy dài nhưng càng đọc càng thấy nhiều điều thú vị ở Trường ca Mặt đường khát
vọng được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971, in lần
đầu năm 1974. Trong thời kì miền Nam bị tạm chiếm, đế quốc và tay sai ra sức xuyên tạc
về cộng sản, về cách mạng, hòng lôi kéo, mua chuộc thanh niên vào chốn ăn chơi mà quên
đi trách nhiệm đối với dân tộc, bản trường ca ra đời trong hoàn cảnh ấy đã đánh thức tinh
thần, trách nhiệm và giúp thế hệ trẻ miền Nam ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của họ
đối với đất nước. Đoạn trích Đất nước thuộc chương V của bản trường ca.

I. KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ TÁC PHẨM


1. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

a, Tiểu sử - cuộc đời

Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa,
huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, đồng thời là nhà
chính trị lớn tại Việt Nam đã từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan Nhà
nước như: Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin (1994), Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt
Nam khóa V (1995), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn
hóa Trung ương (2001).

Ông còn được biết đến với tên gọi khác là Nguyễn Hải Dương. Sinh ra trong thời thế
chiến tranh loạn lạc nên từ nhỏ Nguyễn Khoa Điềm đã có tinh thần yêu nước rất mãnh liệt.
Hơn nữa, gia đình của ông là một gia đình cách mạng có truyền thống yêu nước và hiếu
học, từ ông nội cho đến cha ông là Nguyễn Khoa Đăng đều được rất nhiều người dân mến
mộ và ca tụng.
Lúc còn nhỏ ông đi học tại Huế, sau đó ông chuyển ra Bắc sinh sống và học tập tại
trường học sinh miền Nam vào năm 1955. Năm 1964, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà
Nội. Từ khi còn là một học sinh, sinh viên ông đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động,
phong trào thi đua yêu nước như viết báo, viết văn, làm thơ, đồng thời ông cũng tham gia
quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1975, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia công
tác Đoàn Thanh niên Cộng sản và chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên
- Huế.

Hiện nay (năm 2021 – thời điểm viết sách), ông đã nghỉ hưu và sống tại Thành phố
Huế.

b, Con người – cuộc sống

TS – Nhà phê bình Nguyễn Thị Thu Thủy đã có bài đăng trên Tạp chí Văn học Sài
Gòn đã có những dòng thế này:

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, có nhà phê bình đã cho rằng: “Đã từ sớm, thơ
Nguyễn Khoa Điềm thừa chất trí tuệ”. Có lẽ vì thế mà anh trăn trở với mình. Sang thời
bình, anh ít viết, vì có lẽ vào thời điểm đó anh quá bận rộn với những công việc cùng những
trọng trách mà anh đang đảm đương và gánh vác, và cũng có lẽ một phần do cái nhìn cuộc
sống trong trong sự đổi thay từ thời chiến sang thời bình nên chất sống dạt dào của cái thời
“Tôi ở xa Seng Phan nghe tiếng bom gầm như tiếng thú/ Tôi ở giữa Seng Phan nghe tiếng
bom rất nhỏ” (thơ Phạm Tiến Duật) khó trở lại cùng anh”.
Lí giải về sự “ít viết” của Nguyễn Khoa Điềm, TS. Thu Thủy nhận định rằng: “ít
viết bởi anh không thuộc dạng những nhà thơ sáng tác ôm đồm với nhiều đề tài bề bộn và
phức tạp, mà anh dằn vặt, suy tư về mình, về những con người vừa bước ra từ cuộc chiến
trở về với cuộc sống thường nhật, và trăn trở với “mai sau”: “Mai này con ta lớn lên,/ Con
sẽ mang Đất Nước đi xa,/ Đến những tháng ngày mơ mộng…” (Trích chương thơ “Đất
nước”). Cảm xúc của nhà thơ dường như dồn nén vào vùng sâu thẳm của tâm hồn, để bật
ra đường dây liên tưởng của miền nội tâm sâu kín.

Trải qua những chặng đường, Nguyễn Khoa Điềm vẫn giữ vững bản lĩnh sáng tác
của mình, và đó là điều mà ông tâm niệm khi cầm bút: “văn học không phải là nghề mà là
số phận mà người ta nhận lấy”. Ông đã bước qua cái hăm hở phơi phới của một sinh viên
rời ghế nhà trường khoác áo lính, vừa cầm súng, vừa cầm bút; tất cả sự bồng bột, hứng
khởi dần nhường chỗ cho sự đắn đo, lựa chọn, và anh đã tìm cho mình “Cõi lặng”:

“Anh soi thấy mặt mình

Với nỗi buồn trong sạch

Cõi lặng.

Không tiếng động nào khác

Tiếng đập trái tim anh

Người ơi, tôi yêu người tha thiết

Tôi sống với người, chết vì người

Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác

Đến những miền trong xanh…”


Nguyễn Khoa Điềm là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông khắt khe với
chính mình, có lẽ vì thế mà thơ ông chính là “Cái kết tinh của vần thơ là muối biển/ muối
lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu” (Chế Lan Viên).

Phải chăng cũng chính vì lí do đó, mà hành trình thơ ca của Nguyễn Khoa Điềm đã
định hình về phong cách, về nét riêng, và thơ ông là tinh hoa của thơ ca Việt Nam hiện đại?
Truyền thống gia đình, tình cảm yêu nước, một lòng một dạ với Tổ quốc và nhân dân cùng
tâm hồn cao đẹp đã chắp cánh hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm cho rằng
nếu thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì không thể có thơ hay được. Sự sống chín
đầy trong tâm hồn người làm thơ là cơ sở của sự thăng hoa, sáng tạo. Thơ phải góp phần
làm đẹp tâm hồn…

c, Phong cách sáng tác

Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu liên tưởng, từ những điều tưởng chừng giản dị, những
cảm nhận đơn sơ nhưng lại có sức khái quát và trở thành chiêm nghiệm đời người. Đồng
thời, ta cũng thấy trong thơ ông những triết lý suy tư và thấm đẫm chất trữ tình. Bởi vậy,
câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm thường nhiều ký tự, ông muốn trải dài câu thơ ra, trên đó
khảm đầy những suy tư, một cách có ý thức, với một thái độ tích cực, sẻ chia tấm lòng của
mình trước thực tại (Viết từ Đà Nẵng, Kính tặng cụ Nguyên Hồng, Một lần dừng chân
trước Đồng Hới…).

Nguyễn Khoa Điềm nắm vững đặc trưng của thơ ca, bảo đảm cho tư duy thơ đông
đặc và nhảy vọt, ông lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh hàm súc, triệt để khai thác “âm vang
của khoảng cách trong thơ”, ngôn ngữ thơ tinh lọc để làm toát lên vẻ đẹp của hiện thực.
Thi pháp thể hiện của nhà thơ đạt đến độ chín, mới tạo nên một không gian nghệ thuật xóa
nhòa giữa ảo và thật, trầm tích những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc…
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ được học hành, lớn lên ở miền Bắc
vào những năm hòa bình rồi vào chiến trường (năm 1964, cùng đợt với các nhà thơ Lê Anh
Xuân, Dương Hương Ly, …). Thế nhưng đọc thơ chống Mỹ của Nguyễn Khoa Điềm, ta
thấy thơ ông rất gần với thơ tranh đấu của phong trào đô thị, là gạch nối của phong trào nội
thành và chiến khu. Vì vậy, thi pháp thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự vận động từ sự gân
guốc, mạnh khỏe một cách điềm tĩnh đến độ sâu sắc, đến mức tĩnh tại, chạm vào phần sâu
kín nhất của tâm hồn con người, làm bật lên những hiệu ứng thẩm mĩ phong phú.

d, Tác phẩm tiêu biểu

- Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” ở Chương trình Ngữ văn THCS
và chương thơ “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) ở Chương trình
Ngữ văn THPT.

- Một số tác phẩm tiêu biểu khác: Cửa thép (tập ký, 1972), Đất ngoại ô (tập thơ, 1973),
Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (tập thơ, 1990),
Cõi lặng (tập thơ, 2007).

Ông được trao tặng nhiều giải thưởng về văn học và nghệ thuật, nổi bật là giải thưởng
Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” và Giải thưởng Văn học
Nghệ thuật Cố đô (giải B) với tập thơ “Cõi lặng” – năm 2010.

2. Tác phẩm

a. Vị trí
Đoạn trích Đất nước thuộc phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng
được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.
Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị bị tạm chiếm miền Nam, mở
rộng ra là sự tự ý thức của tuổi trẻ Việt Nam, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ
mệnh của thế hệ mình trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.

(Về thể loại trường ca: Trường ca là một khúc ca về quê hương và cái nhìn về đất
nước, được viết tại chiến khu Trị Thiên và hoàn thành năm 1971, lưu hành truyền miệng
năm 1972-1973 và in lần đầu năm 1974.)

b, Hoàn cảnh sáng tác

Nguyễn Khoa Điềm đã tâm sự về hoàn cảnh sáng tác của trường ca này như sau:

“Chương V – chương Đất nước là một chương lớn. Tôi viết chương này trong những
ngày mưa triền miên sau Tết. Đó là thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá dữ dội. B52 dội bom
liên tục, làm cho mọi thứ tối tăm mù mịt. Chúng tôi ngồi trong hầm và viết, cảm xúc được
cộng hưởng bởi tiếng bom nổ, bởi khói bom và mưa rừng. Có khi viết xong, một trận bom
làm cho bản thảo bay lung tung, lượm lại trang còn trang mất, lại ngồi viết tiếp. Tôi viết
rất nhanh, như cảm xúc đã dồn tụ một cách mãnh liệt, giờ chỉ việc tuôn chảy ra thôi. Tôi
viết về những điều giản dị của chính tôi, về tuổi trẻ và các bạn bè đang tranh đấu ở trong
thành phố, nên nhân vật của tôi là anh và em. Đó là lời đằm thắm của một người con trai
với một người con gái.

Chúng tôi, mỗi người có một số phận khác nhau, nhưng đều gắn kết trong một số
phận chung là số phận Đất nước. Đất nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại,
của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân.
Đất nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng; đất nước được tạo dựng, được bồi đắp
qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này sang đời khác. Cho nên “khi ta lớn lên đất
nước đã có rồi!”.

Đất nước vừa là một ý niệm thiêng liêng vừa là một hiện hữu, cụ thể, rõ ràng, thân
thuộc. Tôi cố gắng thể hiện một hình ảnh Đất nước giản dị gần gũi nhất. Đó là cách để đi
vào lòng người, mà không lặp lại người khác, vì trước tôi cũng như bấy giờ, có rất nhiều
người đã viết rất hay về Đất nước. Tôi nghĩ mỗi cá nhân sinh ra, ý niệm về Đất nước đã
được thấm đẫm qua môi trường gia đình, qua thế giới tinh thần và cả vật chất mà người đó
sống” (Nguyễn Khoa Điềm trong cuốn – Nhà văn và Tác phẩm).

Trong hoàn cảnh những vùng đô thị tạm chiến miền Nam, có một số thanh niên
quên đi nỗi nhục mất nước không phân biệt được đất nước là gì, đang sống vì ai và cho ai,
xu hướng híp pi, xu hướng lãng quên và vùi mình trong rượu và ma túy. Ngược lại, cũng
có nhiều phong trào đấu tranh xuống đường và đòi giải phóng quê hương. Nằm trong bối
cảnh đó, những phong trào như “Tôi hát cho đồng bào tôi nghe”, những bài thơ, bài hát
được ra đời, trường ca mặt đường khát vọng cũng nằm trong dòng chảy đó, tác phẩm viết
về sự thức tỉnh cho thanh niên ở vùng tạm chiến miền nam về non sông đất nước. Từ đó
xác định cho mình sứ mệnh và ý thức về thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa mình
vào cuộc chiến đấu chung trước giặc Mỹ của dân tộc.

c, Đề tài – Nội dung chính

Trích đoạn Đất nước được xem như là phần hay nhất của thơ văn hiện đại. Nét mới
mẻ làm nên thành công trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là sức người
sức của mà còn là tinh thần trong công cuộc đấu tranh, bài thơ là sự thức tỉnh tuổi trẻ về
non sông đất nước. Trong bề dày của lịch sử văn học Việt Nam chúng ta cũng đã từng có
những khúc hùng ca như “Nam Quốc Sơn Hà” hay “Bình Ngô Đại Cáo”, những áng thơ
ca ngợi về vẻ đẹp non sông như chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến hay Hương Sơn phong
cảnh ca của Chu Mạnh Trinh. Hay trong thơ ca hiện đại ta có Việt Bắc - Tố Hữu hay đất
nước của Nguyễn Đình Thi, …Ta có thể sử dụng những tác phẩm để đối chiếu để bài viết
trở nên sâu sắc hơn.

Trong dòng chảy của văn học dân tộc, đề tài đất nước chúng ta cũng bắt gặp nhiều,
trở nên quen thuộc và là đề tài lớn nhất của VHVN. Đề tài tình yêu đất nước của trường ca
mặt đường khát vọng tuy không mới nhưng chủ đề và nội dung lại rất mới mẻ. Đặc biệt,
khi đặt vào hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của tác phẩm, chúng ta lại càng thấu hiểu rõ được
ý nghĩa sâu sắc của những vần thơ này đối với vận mệnh của dân tộc.

Trong quan niệm của những nhà lịch sử, đất nước là sự phát triển của các triều đại
phong kiến, trong quan niệm của những nhà địa lý đất nước là sự thay đổi của vỏ địa chất
trái đất… Cũng có nhiều bài thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương, nhưng đến với Nguyễn Khoa
Điềm, ông phát hiện và cảm nhận cái nhìn mới mẻ, đất nước là những gì rất bình thường,
rất gần gũi ở xung quanh ta, nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, đất nước là của nhân
dân. Khi chúng ta sinh ra đất nước đã trong mỗi chúng ta, khi chúng ta yêu quý chính mình,
yêu quý những người xung quanh, yêu quý những sự vật quanh ta đó chính là chúng ta yêu
quê hương, đất nước.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT


1. 9 câu thơ đầu: Đất nước có từ bao giờ?
Đoạn thơ mở đầu bằng những cảm nhận sâu sắc về Đất nước trong mối quan hệ gắn bó
với cuộc sống Nhân Dân.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi


Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”

mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận vô cùng
mới mẻ, vừa thấm thía, vừa xúc động về Đất nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân
Dân. Điều đặc biệt ở đây là, những khái niệm trừu tượng, những tiêu chí thiêng liêng định
hình nên Đất nước đã được nhà thơ biểu hiện qua những hình ảnh cụ thể và bình dị, quen
thuộc và gợi cảm, những hình ảnh luôn thường xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của
Nhân Dân.

Thêm một điều đặc biệt nữa ở bài thơ này, tác giả xây dựng hai hình tượng giả tưởng
là anh và em, sự phân thân của thế hệ mình bàn về hai chữ đất nước, để qua đó xác định ý
thức trách nhiệm với đất nước.

Câu thơ mở đầu đưa người đọc đến một cảm nhận ấm áp về sự hiện hữu của Đất
nước đối với mỗi con người:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Câu thơ là lời tâm sự, bày tỏ tình cảm. Ta là một khái niệm mơ hồ, không xác định, vừa có
thể là tác giả, vừa có thể hiểu là thế hệ. Đó có thể là bất cứ người Việt Nam nào, trong bất
cứ thời kì nào, là ông cha hàng ngàn năm trước, là chúng ta hôm nay, là con cháu chúng ta
sau này. Ta lớn lên, trưởng thành trong sự che chở, nuôi dưỡng của cha mẹ, quê hương thì
Đất Nước đã có rồi. Đất nước đã có trong chiều dài lịch sử của đất nước. Đất Nước có từ
ngàn xưa, từ thời khai thiên lập địa, từ thời huyền thoại cổ tích, khi Lạc Long Quân và Âu
cơ, đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng, các vua Hùng góp phần dựng nên đất tổ Hùng
Vương... Và chúng ta, là những người kế bước.

Đất nước đã tồn tại từ rất xa xưa, rất lâu, cũng đã có trong mỗi chúng ta. Nói về sự
ra đời của đất nước, nhà thơ không điểm lại các vương triều lừng lẫy trong lịch sử, không
kể về những người anh hùng với chiến công chói lọi được ghi trong sử sách, cũng không
sử dụng những hình ảnh mang tính trang trọng, thiêng liêng như "thiên thư" hoặc "một mối
xa thư đồ sộ, hai vầng nhật nguyệt chói lòa", ... Nguyễn Khoa Điềm nói về sự ra đời của
đất nước một cách thật giản dị:

“Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa…

mẹ thường hay kể".

Câu thơ như một lời khẳng định ngắn gọn, giản dị mà gợi lên biết bao xúc động
thiêng liêng.

Dù chưa hiểu Đất Nước với khái niệm trừu tượng như cương vực lãnh thổ, chủ
quyền, nhưng mỗi chúng ta cũng đã cảm nhận được Đất Nước rất gần gũi qua những câu
chuyện truyền thuyết, cổ tích mẹ thường kể từ thuở nằm nôi. "Đất Nước có trong những
cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể". Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" mang điệu hồn
của những câu chuyện huyền thoại, đưa ta về một thuở rất xa khi đất nước phôi thai.

Chỉ một ý thơ, một nhịp kể đầm ấm “ngày xửa ngày xưa...” của mẹ, đất nước đã
hiện lên trong không khí huyền thoại, cổ tích. Với không khí cổ tích đó, đất nước trở nên
thiêng liêng, kì diệu, thanh bình, xa xăm. Thế giới cổ tích với ông bụt, bà tiên, phép nhiệm
màu, giấc mơ hạnh phúc, công lý đã làm nên sự trường tồn xa xăm của Đất Nước: "Nếu
nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền". Những từ "bắt đầu", "lớn lên" tuy không xác định thời gian
cụ thể, nhưng lại khẳng định quá trình hình thành lâu đời của đất nước.

Đất nước tươi đẹp, thanh bình như huyền thoại của chúng ta đã có từ lâu đời. Vậy,
đất nước được hình thành từ đâu? Đất nước được hình thành từ phong tục, tập quán, văn
hóa, truyền thống, lối sống cao đẹp của dân tộc. Trước hết, sự hình thành Đất Nước gắn
liền với thuần phong mĩ tục:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Hình ảnh miếng trầu bà ăn gợi nhắc truyền thống phong tục tốt đẹp của người Việt.
Bởi “miếng trầu bay giờ bà ăn” là sự hóa thân của tình nghĩa anh em yêu thương gắn bó,
tình cảm vợ chồng son sắt chung thủy. Không có sự hóa thân kì diệu của tình nghĩa sẽ
không có sắc thắm của miếng trầu, không có vẻ đẹp thuần phong mĩ tục ngàn đời của đất
nước.

Hình ảnh “tóc mẹ thì bới sau đầu” đơn sơ, bình dị, vừa gợi tả được vẻ đẹp giản dị,
duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam vừa khẳng định phẩm chất chịu thương chịu khó,
đức tính cần cù của những người mẹ vất vả một nắng hai sương nuôi con khôn lớn. Ca dao
xưa đã từng ngợi ca vẻ đẹp nên thơ của người phụ nữ Việt qua hình ảnh "bới tóc" thân
thương:

"Tóc ngang lưng vừa chừng em bới

Để chi dài bối rối dạ anh"

Những thứ nhỏ bé thân thương ấy đã làm nên phong tục, làm nên Đất Nước của mỗi
chúng ta.

Sự hình thành Đất Nước còn gắn với truyền thống nghĩa tình chung thủy: “Cha mẹ
thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Câu thơ được nhào nặn bởi chất liệu văn hóa dân
gian. Từ thành ngữ quen thuộc "muối mặn gừng cay” đến ca dao “Tay nâng đĩa muối chén
gừng / gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” đã có sự hòa trộn kì diệu để làm nên ý thơ
giản dị mà sâu xa. Hình ảnh “muối mặn, gừng cay” gợi nhắc tới nghĩa tình vợ chồng chung
thủy, đồng cam cộng khổ. Dẫu cuộc đời trăm đắng ngàn cay, nhưng nghĩa tình chồng vợ
vẫn vẹn nguyên mặc cho vật đổi, sao rời: “Muối đã mặn nghìn năm vẫn mặn / Gừng đã
cay muôn thuở vẫn còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình dày/ Dẫu xa nhau cũng ba vạn sáu
ngàn ngày mới xa". Tình nghĩa yêu thương, chung thủy của mẹ cha là một yếu tố làm nên
diện mạo tinh thần của Đất Nước.

Đất nước còn hiện lên thật bình dị, thân thương qua những cái thuần Việt: “Cái kèo
cái cột thành tên”. Câu thơ gợi tả một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Người Việt
Nam đặt tên con không cầu kì, xa lạ, kiểu cách. Họ lấy ngay những bộ phận của ngôi nhà
đặt tên cho con cái. Những cái kèo, cái cột vô tri, bỗng trở thành tên gọi của những đứa
con. Những cái tên nôm na, dân dã (kèo, cột) gợi nhắc một yếu tố văn hóa của người Việt
(người Việt có truyền thống dựng tre làm nhà để ở) đồng thời cho thấy sự gắn bó tha thiết
của họ với ngôi nhà thân thuộc cũng như cũng như cuộc sống nghèo khó, sự mộc mạc,
chân chất của người dân Việt Nam.

Như vậy, truyền thống văn hóa lâu đời của nhân dân: miếng trầu dung dị của bà,
mái tóc bới hiền hòa của mẹ, cách gọi tên cái kèo, cái cột dân dã, đến tình yêu thủy chung
qua gừng cay muối mặn của cha mẹ. Tất cả những điều tưởng bình dị ấy đã trở thành nếp
sống, phẩm chất tốt đẹp, thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc Việt Nam.

Sự hình thành Đất Nước gắn liền với truyền thống lao động vất vả, cần cù và truyền
thống yêu nước chống giặc ngoại xâm:

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Lời thơ gợi nhớ truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre làng đánh giặc Ân thuở xa xưa
và hình ảnh cây tre Việt Nam trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Cây tre đã trở thành biểu
tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trải qua nhiều đau thương,
máu lửa, luôn phải đương đầu với kẻ thù tàn bạo nhất, nhưng luôn kiên cường, bất khuất,
anh dũng bảo vệ quê hương, xứ sở. Có thể nói, trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân
tộc, cây tre đã góp phần làm nên chiến thắng: "Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh,
giữ đồng lúa chín. Tre! Anh hùng lao động. Tre! Anh hùng chiến đấu" (Thép Mới). Với
truyền thống quý báu đó, Đất Nước ngày càng lớn lên, trưởng thành vững mạnh. Hai từ
"lớn lên" được dùng thật đơn sơ, giản dị nhưng đã thổi vào đất nước của chúng ta một linh
hồn, một trái tim, một hơi ấm nồng nàn, chứa chan sự sống. Có thể nói, truyền thống yêu
nước bền bỉ, kiên cường giữ nước luôn được khơi dậy qua những lời kể êm ấm, huyền diệu
của mẹ trở thành hồn thiêng dân tộc.

Ngoài truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cũng tạo nên sự hình thành đất
nước.

"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã, giần, sàng"

Một nắng hai sương là thành ngữ chỉ sự gian nan, vất vả cực khổ, nhọc nhằn lam lũ.
Xay, giã, giần, sàng, ... diễn tả những công việc nhọc nhằn mà người nông dân đã trải qua
để làm ra hạt gạo. Ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải trải qua bao gian nan "một nắng hai
sương", đã đổ bao mồ hôi với bao công việc của nhà nông nhọc nhằn "xay, giã, giần, sàng,
..." mới làm ra hạt gạo dẻo thơm. Hạt gạo là vật chất cũng là sự sống, là cội nguồn văn hóa
dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp việc sử dụng thành ngữ dân gian "một nắng
hai sương" gợi ra cuộc sống vất vả, nhọc nhằn và phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó
của người Việt. Truyền thống lao động tốt đẹp của nhân dân cũng là một phần của hồn
nước.

Như vậy, chín dòng thơ đầu là cảm nhận về sự hình thành và phát triển lâu đời của
đất nước. Nhà thơ không điểm lại các vương triều nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, không
nói về những người anh hùng với chiến công chói lọi; cũng không định nghĩa về Đất Nước
bằng những khái niệm trừu tượng, kì vĩ, cao siêu như "thiên thư", "nhật nguyệt", "một mối
xa thư đồ sộ" như các nhà văn, nhà thơ trước đó mà Đất Nước được cảm nhận rất cụ thể
trong những cái gần gũi hàng ngày: miếng trầu, hạt gạo,... trong những gương mặt dung dị
đời thường của nhân dân, trong mối quan hệ ruột thịt thân thương: ông bà, cha mẹ , ngay
trong mái nhà của mỗi chúng ta cũng hiện diện Đất Nước, ẩn trong đó là tình yêu nước
thiết tha, niềm tự hào về Đất Nước thân thương, gần gũi. Cách cảm nhận ấy đã đem đến
cho ta những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về đất nước: Đất Nước không trừu tượng, không
xa xôi, đất nước kết tinh trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta; đất nước hiện diện
trong cuộc sống muôn màu của nhân dân lao động, thật gần gũi, thiêng liêng mà bình dị
biết bao!

Hình ảnh thơ hàm súc, giàu chất liệu văn hóa, văn học dân gian nên có sức lắng
đọng sâu sắc. Những chất liệu văn hóa dân gian ấy đã tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa
gần gũi, quen thuộc, vừa sâu xa kì diệu, đủ sức gợi lên được hồn thiêng sông núi. Điều đó,
không chỉ đơn thuần là thủ pháp nghệ thuật, cũng không phải chỉ là tiếp thu có sáng tạo
văn học dân gian. Có thể nói, tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân, tư tưởng chủ đạo của
chương thơ đã thấm nhuần từ quan niệm đến cảm xúc, từ hình tượng đến chi tiết nghệ thuật
của tác phẩm.

2. Từ câu thơ thứ 10 đến câu 42: Đất Nước là gì?

Sau lời khẳng định tự hào và đầy ấm áp Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi, cảm quan
về lịch sử lâu đời của Đất nước được tô đậm hơn trong sự khám phá. Từ đó, ta có thể hiểu
được những định nghĩa của tác giả để trả lời cho câu hỏi Đất Nước là gì?

Mượn hình thức trò chuyện, tâm tình với một người con gái yêu thương, nhà thơ
định nghĩa Đất Nước theo cách riêng của mình. Vận dụng tính đơn lập của âm tiết tiếng
Việt, Nguyễn Khoa Điềm đã tách Đất Nước thành hai thành tố Đất và Nước để có thể đi
sâu vào khái niệm, biến khái niệm Đất Nước trừu tượng thành cụ thể, sinh động, gợi cảm.

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Nếu ở 9 câu thơ mở đầu chương Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm có công đưa đất
nước từ trời cao thượng đế, từ ngai vàng vua chúa xuống miếng trầu của bà, búi tóc của
mẹ, xuống hạt gạo một nắng hai sương, xuống cái cột, cái kèo trong nhà ta ở... thì trong
những câu thơ trên, Nguyễn Khoa Điềm đã cụ thể hóa Đất Nước để thấy nó rất gần gũi,
thân quen, gắn bó với mỗi con người. Đất Nước không trừu tượng, xa xôi, Đất Nước là
không gian bình dị, thân thuộc, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta:

Mái trường quê hương, nơi gắn bó với con người suốt một thời thơ ấu, nơi có bao
gương mặt thầy cô dịu dàng nhân hậu, nơi có bạn bè vô tư, hồn nhiên, trong sáng tuổi thần
tiên, nơi dạy ta biết yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Nơi anh đến trường, nơi ấy
là Đất. Còn nơi em tắm, nơi có dòng sông xanh thăm thẳm, hiền hòa, nơi có nước gương
trong soi tóc những hàng tre với cây đa, bến nước, con thuyền nhỏ nhoi đang lững lờ xuôi
mái, nơi ấy là Nước.

Đất Nước hiện hình cụ thể, riêng biệt mà rất đỗi quen thuộc: mái trường tuổi ấu thơ,
con đường hàng ngày đi học, cây đa, bến nước, dòng sông tươi mát, hiền hòa đều là hình
ảnh của Đất Nước chúng ta.

Điều đặc biệt của cách định nghĩa của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước trong bài
thơ này, không chỉ ở hình thức thơ như lời đối đáp, trò chuyện, mà còn ở những hình ảnh,
cách suy ngẫm và chiêm nghiệm rất riêng. Đất Nước là không gian thiêng liêng, gắn liền
với tình yêu đôi lứa:

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

Nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm, đó là không gian
riêng tư, không gian gắn liền với tình yêu đôi lứa. Ở không gian đó, anh và em đã lần đầu
hò hẹn, đã trao cho nhau những rung động thầm kín của mối tình đầu, để từ ngày đó, em
biết thương, biết nhớ, biết gửi vào chiếc khăn tay kỉ niệm bao rung động thổn thức của trái
tim yêu buổi ban đầu. Như vậy, Đất Nước là một phần tinh thần không thể thiếu, không
thể tách rời với mỗi con người. Nó không chỉ là mảnh đất sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn hàng
ngày mà còn là quê hương của tinh thần, của tình yêu. Không gian ấy trở nên thật thiêng
liêng, kì diệu, chỉ hai người biết, chỉ hai người hay, chỉ thuộc về trái tim của hai con người
đã từng yêu và nhớ. Ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm có sự gặp gỡ với những cảm nhận đầy
sâu sắc của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:

"Nếu anh đi với người yêu

Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau

Hai ta ai biết vì đâu

Hai con đường sẽ xa nhau xa hoài

Nếu cùng người khác dạo chơi

Xin anh hãy tránh nẻo vui ban đầu" .

(Con đường)

Có thể nói, trong phần sâu thẳm trái tim mỗi con người, Đất Nước đã trở thành kỉ
niệm, là kho báu đầy ắp kí ức thân thương.

Câu thơ: Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm được Nguyễn
Khoa Điềm sáng tạo từ bài ca dao ngọt ngào, đằm thắm:

"Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất


Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt".

Cách vận dụng sáng tạo chất liệu dân ca làm cho ý thơ đạt đến độ liên tưởng lắng
đọng bất ngờ, hàm súc, sâu xa. Từ thuở xa xưa nào, những cô gái Việt dịu dàng, kín đáo,
sâu sắc đã gửi trọn niềm thương, nỗi nhớ người yêu vào chiếc khăn tay. Nỗi nhớ tha thiết,
bâng khuâng ấy làm nên một phần diện mạo tinh thần đất nước. Ngày nay, chiếc khăn tay
vẫn là nơi em gửi trọn nỗi nhớ anh. Và thật kì diệu, không gian em đánh rơi chiếc khăn
trong nỗi nhớ thầm đã trở thành Đất Nước_ Đất Nước tình yêu. Một không gian rất thầm
kín, rất riêng tư, chỉ hai người biết, chỉ hai người hay, thật thiêng liêng, xúc động.

Trên hành trình tìm lời định nghĩa về Đất Nước, tác giả đã mượn phép biến ảo của
thơ ca để chơi trò tách chữ Đất là… Nước là.., rồi ghép nhập Đất Nước là… Trò chơi ngôn
từ thông minh ấy đã tạo ra những kiểu câu định nghĩa bất ngờ: Đất là nơi anh đến trường/
Nước là nơi em tắm. Những câu thơ định nghĩa về Đất Nước mà cứ rưng rưng những kỉ
niệm, hồi hộp những tâm tình. Sự vỡ tách và ghép nhập 2 âm tiết Đất và Nước gợi lên một
chiều sâu suy tưởng : Đất Nước là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cộng đồng và
cá nhân, to lớn và nhỏ bé, hiện thực và huyền thoại ..... Đất Nước nằm trong sự sống, tình
yêu, trái tim mỗi con người.

Vẫn mạch cảm xúc thiết tha, nhà thơ say sưa lí giải:

"Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi"

Lấy ý từ câu hát dân gian Bình Trị Thiên ngọt ngào sâu lắng: "Con chim phượng hoàng
bay ngang hòn núi bạc - Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi - Gặp nhau đây xin phân
tỏ đôi lời - Kẻo mai kia con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh", câu thơ đưa
người đọc về với những không gian đất nước thân thương. Những từ "núi bạc", "biển
khơi",...mang âm hưởng dân gian gợi ra một đất nước mênh mông, giàu đẹp. Đất nước
không chỉ được đo bằng chiều dài cương vực lãnh thổ mà được đo bằng cả khúc ca ngọt
ngào, bằng sự ngân vang của câu hát. Đất nước ta là đất của rừng vàng, là nước của biển
bạc. Thật trù phú, tươi đẹp, yên ả, thanh bình.

Sự mênh mông giàu đẹp đó không phải tự nhiên mà có. Nó gắn liền với thời gian
đẵng đẵng, dài lâu, liên tục, bền bỉ, mà nhân dân ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu để xây
dựng, bảo vệ bờ cõi đất nước thành dải đất chữ S cho dân mình đoàn tụ trong yêu thương,
tự hào. Từ "đằng đẵng" gợi ra chiều dài, chiều sâu trong lịch sử dân tộc. Trong suốt 4000
năm dựng nước và giữ nước ấy, đất nước là không gian sinh tồn của cộng đồng biết bao
thế hệ người dân Việt:

"Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng".

Ở đoạn thơ này, những hình tượng quen thuộc trong thần thoại, truyền thuyết như
Chim, Rồng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trăm trứng cùng tụ về trong trường liên tưởng
của nhà thơ. Sự hội tụ ấy làm bật lên ý thơ có tầm khái quát cao: dân tộc ta là con Rồng
cháu Tiên - trai tài, gái sắc. Đất Nước ta là nơi đất lành Chim về, là đất thiêng nơi Rồng ở.
Dân tộc Việt là anh em một nhà cùng sinh ra từ bọc trăm trứng của cha Lạc Long Quân và
mẹ Âu Cơ. Một dân tộc có cội nguồn văn hóa, có truyền thống lâu đời, rất đỗi thân thương
như thế chính là Đất Nước của Nhân Dân.

Đất nước qua cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm không khô khan mà tươi rói
cảm xúc. Bởi đất nước không chỉ là sự thống nhất của các yếu tố lịch sử, địa lí, văn hóa,
phong tục,...mà đất nước gắn liền với đời sống, số phận của từng cá nhân ở mọi phương
diện, là sự tiếp nối của các thế hệ từ quá khứ "những ai đã khuất" đến hiện tại "những ai
bây giờ" và tương lai "yêu nhau và sinh con đẻ cái". Vì thế, mỗi thế hệ, mỗi cá nhân đều
phải gắn bó với đất nước. Đặc biệt, trách nhiệm của thế hệ hôm nay vô cùng nặng nề nhưng
vinh quang. Chúng ta vừa phải gánh vác những công việc nhọc nhằn, nặng nề mà cha ông
giao lại, vừa phải dặn dò con cháu chuyện mai sau một cách ân cần, chu đáo để các thế hệ
sau sẽ tiếp tục đưa đất nước đi xa đến một chân trời hòa bình, hạnh phúc, ấm no, giàu mạnh:

Hàng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.

Vì sự mưu sinh, mỗi người có thể làm ăn, lập nghiệp ở bất cứ nơi đâu. Nhưng trong
thẳm sâu tâm hồn mỗi chúng ta đều mang trong hồn dòng máu Việt. Trong những giờ khắc
thiêng liêng nhất, niềm tự hào gắn bó với quê hương đất nước lại trỗi dậy nồng nàn. Vì thế,
dù ăn đâu làm đâu, cũng không bao giờ được quên ngày giỗ Tổ. Hai chữ "cúi đầu" trong
câu thơ đong đầy thành kính, thiêng liêng, đem đến cảm nhận: dường như mọi thế hệ người
dân Việt, từ những ai đã khuất đến những ai bây giờ đều im lặng cúi đầu hướng về nguồn
cội, tổ tiên; đúng như ông bà ta từng căn dặn con cháu: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày
giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

Từ sự gắn bó sâu sắc của nhân dân với đất nước, nhà thơ phát hiện một chân lí giản
dị mà sâu sắc: Đất Nước là sự thống nhất của nhiều yếu tố, cái riêng và cái chung, cá nhân
và cộng đồng, cái hàng ngày và cái vĩnh hằng:

"Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước"

Anh và em là những cá nhân trong cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đời sống tâm hồn,
tình cảm, nhân cách, trí tuệ của mỗi cá nhân đều có một phần đất nước ở trong mình. Điều
đó có nghĩa, đất nước không xa lạ, trừu tượng mà kết tinh, hóa thân trong cuộc sống của
mỗi người. Bởi mỗi người đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, được sinh ra và lớn
lên trên mảnh đất quê hương, được thừa hưởng di sản văn hóa vật chất, tinh thần của nhân
dân; từ phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống đến ngọn lửa, hạt gạo, ngôn ngữ, tiếng
nói thân thương và mang trong mình tính cách, phẩm chất tiêu biểu của dân tộc: Cần cù,
chăm chỉ, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu nước, sống ân nghĩa, thủy chung.

Với giọng thơ tâm tình, lối xưng hô anh em tha thiết, nhà thơ như nhắn nhủ: Đất
Nước không chỉ tồn tại khách thể mà đã hóa thân trong mỗi người, trở thành một phần tâm
hồn, trí tuệ mỗi người, của anh và em. Sự gắn bó máu thịt giữa số phận cá nhân với vận
mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại:

"Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn to lớn".

Tình yêu lứa đôi riêng tư đã mang trong nó vẻ đẹp hài hòa, nồng thắm của tâm hồn
dân tộc. Khi chúng ta cầm tay nhau, cái riêng tư của tình yêu đôi lứa gắn bó với cái chung
của tình yêu đất nước, đất nước trong chúng ta trở nên "hài hòa nồng thắm", bền chặt và
đầy sức sống. Khi chúng ta cầm tay mọi người, liên kết gắn bó với cộng đồng tạo nên khối
đại đoàn kết dân tộc, đất nước vẹn tròn to lớn, có sức mạnh, tầm vóc, trường tồn và phát
triển.

Anh và em là thế hệ hôm nay, con ta là thế hệ mai sau. Con sẽ mang Đất Nước đi
xa "đến những tháng ngày mơ mộng". Đất nước sẽ tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn, những
tháng ngày mơ mộng ở hiện tại này sẽ trở thành hiện thực ngày mai.

Từ sự cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước, kết thúc phần một, tác giả bày tỏ thái
độ đầy trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bồi đắp cho đất nước
bền vững muôn đời:

"Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ


Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời"…

"Em ơi em" là lời nhắn nhủ tâm tình ngọt ngào, tha thiết như được cất lên từ trái tim.
Tình yêu đôi lứa đã hòa quyện với tình yêu đất nước đầy nhiệt tình, cháy bỏng. "Đất Nước
là máu xương của mình" nghĩa là đất nước được xây dựng, bảo vệ bằng máu xương của
nhân dân qua trường kì lịch sử. Đất nước là sinh mệnh, là sự sống của mình, phải biết quý
trọng, gìn giữ, gắn bó, yêu thương. Câu thơ như một định nghĩa ngắn gọn, được chia thành
hai vế song đọc lên ta thấy rưng rưng một niềm xúc động tưởng như trong con tim, khối
óc, trong từng tế bào cơ thể của sự sống chúng ta đang có dòng máu nóng của trái tim đất
nước đầy nhiệt huyết, sôi trào.

Vì thế, trách nhiệm với đất nước cũng là trách nhiệm với chính bản thân mình. Mỗi
chúng ta phải tự nhiên gắn bó với đất nước bằng tình cảm thiết tha, dù đi đâu, làm gì, "ăn
đâu làm đâu cũng phải hướng về đất nước.

Không những thế, mỗi chúng ta phải san sẻ với cộng đồng bằng ý thức trách nhiệm,
gánh vác một phần trách nhiệm với đất nước "khi Tổ quốc cần", đồng thời, còn phải biết
hóa thân bằng hành động hi sinh cho đất nước. Chữ "hóa thân" được nhà thơ dùng không
chỉ phù hợp với màu sắc dân gian lấp lánh sắc màu huyền thoại của chương thơ mà còn
diễn tả sâu sắc sự tự nguyện dâng hiến trọn vẹn, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bất tử hóa
cùng non sông đất nước của mỗi người dân. Điệp ngữ "phải biết" vừa như một mệnh lệnh,
lại vừa như tiếng nói thúc giục của con tim tạo thành chất chính luận trữ tình sâu lắng của
lời thơ.

Tóm lại, được bao bọc trong không khí của văn học dân gian, hình tượng Đất Nước
trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hiện lên thật thơ mộng, trữ tình như từ xa xưa vọng về, bình
dị mà thân thương, gắn bó tha thiết với mỗi con người . Nhà thơ định nghĩa về Đất Nước
bằng thơ- Lời thơ vừa lấp lánh sắc màu huyền thoại dân gian, vừa lung linh vẻ đẹp của trí
tuệ, vừa thiết tha cảm xúc, tạo nhiều âm vang trong lòng người đọc.
Nếu Đất nước - Nguyễn Đình Thi mang đậm sắc thái hiện đại, gắn liền với chiều
dài của cuộc kháng chiến chống Pháp đau thương, anh dũng và chiến thắng, thì Đất Nước
- Nguyễn Khoa Điềm đậm đà phong vị dân gian, gắn với cội nguồn văn hóa dân tộc. Cùng
tỏa sáng tình yêu và niềm tự hào với đất nước, nhưng mỗi bài thơ có vẻ đẹp riêng khiến
cho cảm hứng về quê hương, đất nước trở nên đa dạng, hấp dẫn.

2. Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân


Nếu ở phần đầu tác giả nói về lịch sử Đất nước cùng lối định nghĩa Đất nước bằng
thơ theo cách riêng của mình, thì 47 dòng thơ tiếp theo, nhà thơ đi sâu vào tư tưởng Đất
Nước của Nhân Dân trên tất cả các bình diện: không gian địa lí, thời gian lịch sử và văn
hóa phong tục của nhân dân.

Nhà thơ mang những suy ngẫm sâu sắc, thấu đáo về thời gian lịch sử của đất nước
trong mối quan hẹ với cuộc sống của Nhân Dân.

a, Nhìn ở phương diện địa lí

Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân dẫn nhà thơ đến một cách nhìn mới mẻ có chiều
sâu về địa lí. Người đọc được tiếp nhận một phát hiện mới mẻ rất thú vị về những danh
lam thắng cảnh trên đất nước ta như Vịnh Hạ Long, những di tích văn hóa như hòn Vọng
Phu, núi Bút, non Nghiên; những di tích lịch sử như làng Gióng, đất Tổ, ... Trải dài trên
đất nước ta không chỉ là địa hình sông núi thuần túy, mà tạo hóa ban tặng mà còn được
cảm nhận như là sự đóng góp của nhân dân, sự hóa thân của những cảnh ngộ, số phận nhân
dân và thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn nhân dân: thủy chung, yêu nước, hiếu học.

Đoạn thơ quan sát không gian địa lí của Đất nước qua các di tích văn hóa, lịch sử.
Thế nhưng, điều đáng nói nhất là tất cả những không gian địa lí đó đều được hiện lên qua
những câu chuyện ngày xửa ngày xưa nào đó của Văn học dân gian. Những truyện Thánh
Gióng, Sự tích hòn Vọng Phu, … - những câu chuyện, huyền thoại, sự tích hoặc sự thật về
Nhân Dân trong lịch sử mấy ngàn năm giữ nước hiện lên trong thơ Nguyễn Khoa Điềm
vừa gần gũi, thân yêu lại vừa thiêng liêng, quý báu. Tất cả những địa danh đó được soi
chiếu qua lịch sử dân tộc, qua tâm hồn của Nhân Dân để trở thành những chất liệu phong
phú, xúc động, hiển hiện lên trang thơ Đất nước đầy sinh động.

Lựa chọn những chất liệu nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa
Điềm đã giúp cho người đọc có được những cảm nhận xúc động và thấm thía về cuộc đời,
thân phận, vẻ đẹp tâm hồn và cả tính cách người Việt qua những ý thơ :

Những người vợ nhớ chồng ..... . Câu thơ gợi ta liên tưởng đến hòn Vọng Phu và
câu chuyện cảm động về lòng chung thủy, tình yêu của người vợ với chồng. Trên nhiều
vùng của đất nước ta có những tảng đá lớn hay núi đá trông giống như hình người đàn bà
bồng con. Nhân dân ta đã thổi vào những hòn đá vô tri ấy một sức sống, một linh hồn qua
trí tượng bay bổng, diệu kì trong truyện kể dân gian.Vì thế, những hòn đá vô tri mang linh
hồn dân tộc, mang vẻ đẹp đời sống tinh thần của nhân dân, đời sống tinh thần của những
người đàn bà thương con, yêu chồng, nguyện hóa đá đợi chồng. Chắc chắn, nếu không có
những mối tình đắm say, chung thủy, không có những người vợ đợi chồng trong các cuộc
chiến tranh li tán thì không có cảm nhận kì thú, sâu sắc như thế về núi Vọng Phu.

Lối sống thủy chung, tình nghĩa của nhân dân ta đã kết tinh, hóa thân thành huyền
thoại về núi Vọng Phu, thành hòn Trống Mái:

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái.

Hòn Trống Mái là một cảnh đẹp gần bãi biển Sầm Sơn gắn với một sự tích về tình
yêu được lưu truyền ở địa phương , trở thành biểu tượng cho tình yêu đôi lứa thủy chung,
son sắt, sống chết bên nhau và mãi mãi không bao giờ chia lìa. Phải thế chăng mà từ những
người vợ nhớ chồng nhà thơ đã chuyển thành cặp vợ chồng yêu nhau. Cặp cũng là đôi,
nhưng còn chỉ sự gắn bó khăng khít, không bao giờ có thể chia lìa.

Trên hành trình khám phá vai trò, công lao của nhân dân qua hàng ngàn năm lịch
sử và sự hóa thân của nhân dân vào hình sông, thế núi, Nguyễn Khoa Điềm còn phát hiện
ra: nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước ta còn là sự hóa thân của truyền thống yêu
nước, chống giặc ngoại xâm:

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Ý thơ được xây dựng sáng tạo dựa trên truyền thuyết Thánh Gióng – một truyền thuyết tiêu
biểu cho truyền thống yêu nước của người Việt. Nếu nhân dân ta không có tinh thần yêu
nước, chống giặc ngoại xâm qua hàng ngàn năm lịch sử thì không bao giờ có sự cảm nhận
kì diệu đến như vậy về những ao, đầm mộc mạc, bình dị, gần gũi và đơn sơ.

Lòng yêu nước của người dân Việt đã thổi hồn vào những hình ảnh bình dị thân
thương đó một sức sống, một linh hồn dân tộc, để rồi "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" ta
lại nghe thấy "những buổi ngày xưa vọng nói về".

Không chỉ có những người anh hùng lớn lên từ nhân dân đã hóa thân mình làm
thành lịch sử, mà còn có cả người học trò nghèo cũng hóa thân làm nên núi Bút, non
Nghiên.

Đặt tên núi như vậy, nhân dân ta ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc bằng
hình tượng người học trò nghèo hóa thân vào thế núi, hình sông. Cùng từ đó, hình ảnh núi
Bút, non Nghiên trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học của người Việt.

Với cảm hứng tự hào, say sưa, nhà thơ nhìn thấy tất cả mọi danh lam thắng cảnh
trên đất nước này đều là sự hóa thân của nhân dân, đều trở nên có ý nghĩa khi được cảm
nhận qua tâm hồn của nhân dân. Sự quan sát tinh tế, sắc sảo, khả năng liên tưởng, sáng tạo
tài hoa đã giúp nhà thơ phát hiện ra cả những sự vật thiêng liêng hay gần gũi, bình thường
thân thuộc trong cuộc sống nhân dân đều hóa thân vào đất nước:

Chín mươi chín con voigóp mình dựng đất Tổ Hùng Vương.

Ý thơ được xây dựng dựa trên truyền thuyết về đất tổ Vua Hùng. Chín mươi chín
con voi thực chất là chín mươi chín ngọn núi bao quanh núi Hi Cương, nơi có đền thờ các
Vua Hùng. Nhân dân ta đã hình dung hình chín mươi chín ngọn núi ấy giống như hình chín
mươi chín con voi quây quần, thuần phục đất tổ. Chỉ có một con không quy thuận, nên bị
chặt đầu. Từ truyền thuyết ấy, nhà thơ ca ngợi lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước,
giữ nước, ca ngợi tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Vì
thế, mỗi người dân Việt Nam:

Hàng năm ăn đâu, làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

“Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm” - Câu thơ thể hiện sự liên
tưởng, sáng tạo tài hoa của Nguyễn Khoa Điềm: Nhà thơ hình dung những dòng sông hiền
hòa, xanh thẳm, chảy qua các làng mạc, xứ sở như Cửu Long Giang là sự hóa thân của
những con rồng im lặng, thân thương.

Ngay cả những con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh.
Ai đã đến Hạ Long nếu quan sát, để ý kĩ sẽ thấy có nhiều đảo đá có hình thù trông xa như
con cóc, con gà. Nhà thơ đã liên tưởng đó là sự hóa thân của tất cả những gì gần gũi, giản
dị, thân thuộc nhất trong đời sống nhân dân vào Đất Nước.

Cuộc sống bình dị và những đóng góp thầm lặng của nhân dân đã đặt tên cho sông
núi: ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, bà Điểm,... Cảnh núi sông hội tụ lấp lánh qua những vần
thơ đẹp, soi bóng tâm hồn nhân dân và những cuộc đời vô danh, càng thấm thía một điều
bình dị: Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước mang màu sắc dân gian, dân dã.

Như vậy, tất cả mọi danh lam, thắng cảnh trên đất nước ta đều do sự hóa thân của
nhân dân mà thành. Có thể đó là những người anh hùng dân tộc, những người dân có tên,
nhưng cũng có thể là những người dân không tên: Những người vợ nhớ chồng, cặp vợ
chồng yêu nhau ... họ đã sống một cuộc đời đẹp như huyền thoại, họ đã hóa thân vào dáng
hình xứ sở làm nên Đất Nước muôn đời .... Vì thế, mọi danh lam thắng cảnh chỉ có ý nghĩa
thực sự khi được cảm nhận qua đời sống tâm hồn của nhân dân.

Từ những hình ảnh cụ thể, tác giả đã khái quát, kết đọng sự hóa thân của nhân dân
vào Đất Nước :
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình một ao ước một lối sống ông cha

Ôi đất nước sau 4000 năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Thán từ "ôi" diễn tả sự xúc động sâu sắc, chân thành của nhà thơ khi nghĩ về lịch sử
4000 năm dựng nước của dân tộc. Trong suốt 4000 năm ấy, nhân dân thầm lặng, vô danh
đã hóa cuộc đời mình làm nên núi sông, đất nước chúng ta. Câu thơ "những cuộc đời đã
hóa núi sông ta" vang lên một cách đầy kiêu hãnh, tự hào.

Có thể nói, đoạn thơ thể hiện những cảm nhận sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về
Đất Nước: Đất Nước không trừu tượng, không xa xôi. Đất Nước có trong đời sống, tinh
thần nhân dân và nhân dân hóa thân làm nên sự trường tồn của Đất Nước. Từ sự hóa thân
của nhân dân vàonhững danh lam, thắng cảnh trên khắp mọi miền đất nước, Nguyễn Khoa
Điềm đã thể hiện những suy tưởng mang tầm triết lí về vai trò của nhân dân trong lịch sử,
từ đó bày tỏ tình cảm yêu mến, lòng tự hào về Đất Nước – Nhân Dân.

Cũng không thể không nói tới nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ này trong dòng chảy
cảm xúc của toàn bài. Thể thơ tự do đã thể hiện những cảm xúc của tác giả về đất nước
thật sâu rộng, chân thành.Giọng điệu tâm tình, sâu lắng, trang nghiêm đã góp phần thể
hiện chủ đề Đất Nước trong bút pháp chính luận, trữ tình. Thêm nữa, việc vận dụng sáng
tạo những chất liệu văn hóa dân gian đã giúp bài thơ tạo nên một không gian nghệ thuật
vừa bay bổng, vừa mĩ lệ, diệu kì lại vừa gần gũi, thiêng liêng. Điều này đã góp phần thể
hiện tư tưởng Đất Nước của nhân dân một cách sâu sắc.

Phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng được thể hiện rất đậm nét qua các
hình ảnh thơ giàu chất suy tưởng có khả năng gợi tả vẻ đẹp trong đời sống tinh thần của
nhân dân. Đoạn thơ có cấu trúc câu trùng điệp, vế đầu của câu thơ là hình ảnh của nhân
dân, những sự vật gắn bó gần gũi, thân thiết với nhân dân (Những người vợ nhớ chồng, cặp
vợ chồng yêu nhau, gót ngựa Thánh Gióng, những con voi, con rồng...), vế sau của câu là
các danh lam thắng cảnh (hòn Trống Mái, núi Vọng Phu, đất tổ Hùng Vương, núi Bút, non
Nghiên...) vừa lặp lại cấu trúc câu theo thủ pháp nghệ thuật trùng điệp. Thêm nữa, yếu tố
này kết hợp với thủ pháp nghệ thuật liệt kê đã khẳng định vai trò của nhân dân trong việc
xây dựng, phát triển đất nước

b, Nhìn ở phương diện thời gian lịch sử

Sau những phát hiện mới mẻ và độc đáo về sự đóng góp của Nhân Dân để làm nên
những không gian hữu hình của Đất nước, nhân vật trữ tình lại cất tiếng gọi tha thiết tới
người con gái yêu thương, cùng nhau hướng cái nhìn suy tư và hoài niệm vào dòng chảy
xa xăm, sâu thẳm, vô hình của bốn ngàn năm Đất nước, để nhìn – quan sát và chiêm nghiệm
về công lao của Nhân Dân với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Nhà thơ cũng khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Tư tưởng này chi phối
cách nhìn của nhà thơ khi nghĩ về lịch sử 4000 năm đất nước:

"Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng


Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"

Đoạn thơ được mở đầu bằng một lời gọi, lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết của
chàng trai với cô gái người mình yêu:

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước.

Nhìn vào bốn nghìn năm Đất Nước không phải là cái nhìn của cá nhân mỗi con
người, mà là cái nhìn mang tầm vóc lịch sử, nhân loại và thời đại. Đó là cái nhìn bốn hướng,
trông lại nghìn xưa trông tới mai sau, cái nhìn của con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa,
cái nhìn mang tính sử thi hoành tráng. Phải bằng con mắt ấy, mỗi chúng ta mới có cái nhìn
đầy đủ, khái quát và sâu sắc nhất về vai trò của nhân dân trong lịch sử:

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng

Khi nói về lịch sử đất nước, tác giả không nhắc đến các triều đại tên tuổi như Đinh,
Lí, Trần, Lê; cũng không nhắc đến các anh hùng được ghi tên trong sử sách. Nhà thơ tập
trung nói về những con người vô danh, bình dị. Họ là lớp lớp những người con gái con trai
bằng tuổi chúng ta. Trong suốt bốn nghìn năm ấy họ đã xây dựng, bảo vệ giữ gìn đất nước
này.

Cụm từ chỉ thời gian không xác định "năm tháng nào" kết hợp với từ "lớp lớp" chỉ
số nhiều, các danh từ chung "con gái, con trai" tạo nên những vần thơ bình dị nhưng giàu
sức gợi cảm. Nhân dân các thế hệ từ lớp này đến lớp khác đã nối tiếp nhau đứng lên giữ
gìn quê hương, xứ sở bằng mồ hôi, công sức và xương máu của mình:

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Bằng cái nhìn mang tầm vóc lịch sử, trong mấy câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Khoa
Điềm đã khái quát vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước:

Nhân Dân là những người "cần cù làm lụng". Sự vất vả dãi dầu một nắng hai sương
của những người lao động chân lấm tay bùn đâu chỉ làm ra hạt gạo bé nhỏ, tinh khôi như
kết tinh cả mưa giông, nắng lửa; đâu chỉ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng, chuyền lửa
qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi. Phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó của nhân
dân còn làm nên văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống cao đẹp của dân tộc.
Hơn thế, chính cuộc đời lao động nhọc nhằn vất vả một nắng hai sương của nhân dân, lối
sống bình dị thanh cao của nhân dân đã hóa thân vào đất nước..

Sự cần cù trong lao động của nhân dân đã làm nên những giá trị văn minh vật chất,
tinh thần và làm sáng lên phẩm chất tâm hồn dân tộc: nhẫn nại, cần cù, chịu thương chịu
khó. Đúng là đất nước này là đất nước nhân dân.

Không chỉ xây dựng, nhân dân còn bảo vệ đất nước:

“Khi có giặc người con trai ra trận


Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh".

Bằng cách viết giản dị nhưng giàu chất trữ tình, Nguyễn Khoa Điềm đã dựng lại
lịch sử dân tộc trong suốt hàng nghìn năm. Việt Nam là một dân tộc bé nhỏ nhưng phải
liên tiếp đối mặt với các cuộc chiến tranh xâm lược. Trong những giây phút lâm nguy, đầy
thử thách ấy của lịch sử; người con trai sẵn sàng ra trận, người con gái trở về nuôi cái cùng
con. Tiền tuyến chắc tay súng, hậu phương vững tay cày. Lớp lớp những người con gái con
trai ấy đã sẵn sàng sống xa nhau, hi sinh hạnh phúc riêng tư để bảo vệ Tổ quốc. Yêu nước,
thương nòi, đó là phẩm chất, truyền thống của dân tộc Việt. Vì thế, trách nhiệm chiến đấu
bảo vệ đất nước không của riêng ai:

"Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh"

Ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm gợi lên trong lòng mỗi chúng ta một niềm tự hào
khôn tả về chiến công lừng lẫy của Bà Trưng, Bà Triệu, của những đội quân tóc dài, những
người con gái Việt Nam đã không quản ngại gian khổ hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ
quốc. Đất nước của chúng ta là "Đất nước của những người con gái con trai/Đẹp hơn hoa
hồng cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp
mặt". Thật thân thương, gần gũi và bình dị biết bao.

Trong những cuộc kháng chiến trường chinh ấy, có những người đã trở thành anh
hùng được lưu danh trong sử sách nhưng với tư tưởng đất nước của nhân dân, Nguyễn
Khoa Điềm đặc biệt nhấn mạnh đến những người lao động bình thường, thầm lặng, vô
danh:

"Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"

Lịch sử bốn ngàn năm của Đất nước được viêt bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu
xương của những con người ấy, nhưng lịch sử lại không biết họ là ai – những con người
luôn luôn thầm lặng, chưa được nhớ mặt đặt tên. Họ có thể là những người nông dân tần
tảo một nắng hai sương, lam lũ, chịu khó với “hạt gạo một nắng hai sương xay giã giần
sàng”; là những người phụ nữ kiên cường gánh trên vai không chỉ trách nhiệm với gia đình,
mà còn giàu đức hy sinh và biết toan lo cho vận mệnh của đất nước, dâng hiến những đứa
con trai ra trận để bảo vệ mảnh đất này. Suốt cả cuộc đời, những người mẹ Việt Nam anh
hùng vò võ cô đơn, sống trong cảnh vò võ nhung nhớ những đứa con ra trận, thời gian
“không hóa thạch kẻ ra đi mà hóa thạch kẻ đợi chờ” (Chế Lan Viên). Họ cũng có thể là
những người con trai đã dằn lòng bỏ lại sau lưng gia đình, quê hương và những người thân
yêu để nhất quyết “ra đi đầu không ngoảnh lại”, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Để rồi
biết bao người ra đi, có bao người trở về, bao người để lại cả tuổi thanh xuân nằm lại nơi
chiến trường để canh giữ một phần Đất nước – những vùng đất xa lạ, dù không phải nơi
chôn rau cắt rốn, nhưng cũng là quê hương.

Tất cả những con người vô danh ấy, họ đều là những con người không ai nhớ mặt
đặt tên, nhưng họ “đã làm nên Đất nước”. Mỗi người dân Việt Nam ta, trong quỹ thời gian
hữu hạn của cuộc đời đều luôn có một phần đóng góp dù là nhỏ bé để dựng nước hoặc giữ
nước. Tuy nhiên, chính những điều nhỏ bé bình dị ấy lại làm nên Đất nước lớn lao, vĩ đại.
Chính những cuộc đời dù ngắn ngủi đó, dừng lại ở thanh xuân tươi đẹp nhất đó lại là một
phần vô cùng ý nghĩa tạo nên sự trường tồn, tròn vẹn của Đất nước cả về lãnh thổ, phong
tục văn hóa hay lịch sử.

c, Nhìn ở phương diện văn hóa


Sau những câu thơ khái quát công lao của Nhân Dân – những con người “không ai
nhớ mặt đặt tên” nhưng lại là lực lượng đông đảo nhất đang bền bỉ tạo dựng nên Đất nước
suốt bốn nghìn năm qua, tác giả đã khẳng định vai trò của Nhân Dân trong sự nghiệp dựng
nước, tạo nên những giá trị văn hóa, những phong tục tập quán đẹp đẽ còn được lưu giữ
đến ngàn đời.

Đất Nước của Nhân Dân không chỉ hiện diện ở bề rộng không gian địa lí, ở chiều
dài của thời gian lịch sử mà còn ở tầng sâu của tâm hồn, bề dày của văn hóa dân tộc. Nhân
dân không chỉ là người chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là người giữ gìn văn hóa dân
tộc. Những hạt lúa, hòn than, tiếng nói,...đều giản dị nhưng là sự sống của cả dân tộc, là
văn hóa, là hồn thiêng sông núi mà chính nhân dân là người đã giữ gìn, truyền lại cho muôn
đời, tạo thành chiều sâu văn hóa dân tộc:

"Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái" .

Trước hết, nhân dân là người tạo nên những giá trị văn minh vật chất cho đất nước:
"Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng". Trong hạt lúa bé nhỏ ấy có mồ hôi công sức lao
động của những người nông dân vất vả dãi dầu một nắng hai sương, có sự kết tinh của Đất
và Nước, của bão giông, nắng lửa. Trên hết, đó còn là sự lắng kết của phẩm chất, tinh thần
lao động cần cù, chịu thương chịu khó của nhân dân. Không có hạt lúa nhân dân giữ và
truyền cho ta, không thể có một đất nước Việt Nam tươi đẹp :"Việt Nam đất nước ta ơi/
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/Cánh cò bay lả dập dờn/ Mây mờ che đỉnh Trường
Sơn sớm chiều", không thể có "những hội hè đình đám/ trên núi Thiên Thai/ trong chùa
Bút Tháp"; không thể có "đường trong làng hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi đi dạo
giữa đường thơm". Nhân dân đã giữ và truyền cho ta sự sống, văn hóa, tinh thần dân tộc
như thế .

Không chỉ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng, nhân dân còn là người "chuyền lửa
qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi" Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đâu chỉ là sự suy
ngẫm, trải nghiệm đầy sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử, ẩn sâu trong từng câu
chữ, nhà thơ còn gợi lại cả một truyền thống, phong tục tốt đẹp ngàn đời của nhân dân ta
là truyền thống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau được hình thành trong đời sống nghĩa tình
của dân tộc Việt.

Nhân dân còn là người "truyền giọng điệu mình cho con tập nói". Câu thơ gợi ta
liên tưởng đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Từ khi năm mươi con theo mẹ lên
rừng, năm mươi con theo cha xuống biển, mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã truyền cho
con tiếng nói của dân tộc. Để rồi từ đó, theo dòng chảy không ngừng nghỉ của thời gian,
ông bà, cha mẹ lại truyền cho con tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ là thứ của cải vô
cùng quý giá của mỗi quốc gia .Đó là kết quả của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ
nước: Trong một nghìn năm nhân dân ta sống dưới thời Bắc thuộc, Trung Quốc luôn tìm
cách đồng hóa dân tộc ta. Nhưng với ý thức và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhân dân ta vẫn
giữ được ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình. Có thể nói, tiếng nói là tấm lụa bạch hứng
vong hồn của biết bao thế hệ đã qua, là tiếng nói tinh thần, tâm hồn của ông cha ta từ ngàn
đời truyền lại cho con cháu. Tiếng Việt của ta rất giàu và đẹp "tiếng tha thiết nói thường
nghe như hát/ Kể mọi điều ríu rít bằng âm thanh". Những người mẹ truyền giọng điệu mình
cho con tập nói cũng là truyền cho con tình yêu với ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc dân tộc
.Từng ngôn từ, câu chữTiếng Việt đã tạo nên sự gắn kết của cả một cộng đồng quốc gia,
dân tộc: "Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng
tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”. Không
có nhân dân, đất nước ta không thể có kho tàng ngôn ngữ diệu kì đến thế.

Nhân dân còn là người "gánh tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân". Câu thơ gợi
nhắc lại những năm tháng gian lao của cộng đồng người dân Việt trong công cuộc xây
dựng, phát triển đất nước. Vì lũ lụt, hỏa hoạn, thiên tai, chiến tranh giặc dã, người dân đã
phải di cư đến những nơi ở mới, tìm những vùng đất mới. Trong những chuyến di dân để
tìm sự sống ấy, họ đã gánh theo những tên xã, tên làng, nơi kí thác niềm ước mong của
người dân Việt trên mọi miền đất dải chữ S thân thương. Họ đã phát bờ, mở cõi, khai
hoang, lấn biển để dựng xây phát triển đất nước như ngày hôm nay.

Chính vì thế, mỗi tên xã tên làng đều gắn liền với những chặng hành trình nhọc nhằn
gian khổ mà không ít vinh quang của nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Những ý thơ này khiến chúng ta nhớ đến ông Hai trong tác phẩm Làng – Kim Lân. Người
nông dân chất phác ấy mặc dù đưa gia đình đến nơi tản cư vẫn luôn không thôi nhắc đến
ngôi làng Chợ Dầu giàu truyền thống, “có tinh thần” của mình. Chính những con người
như ông Hai, họ không chỉ “gánh tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”, mà xây đắp
thêm ở những con người, những thế hệ một tình yêu và lòng tự hào sâu sắc về quê hương,
xứ sở của mình.

Không chỉ mở mang bờ cõi, đem lại cho đất nước một dáng hình tươi đẹp, nhân dân
còn là người “đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Nhân dân còn là người
chống ngoại xâm và diệt nội thù:

"Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại"

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh đầy đau thương và anh dũng “ Từ
Triệu Đinh Lí Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng
đế một phương”. Đến thời điểm Nguyễn Khoa Điềm viết Đất Nước, đế quốc Mĩ vẫn đang
tiếp tục leo thang chiến tranh ra miền Bắc, nhân dân ta lại anh dũng đoàn kết một lòng
đứng lên giết giặc "Một dây ná một dây chông cũng tấn công giặc Mĩ". Điệp từ "có"..."thì"
cho thấy tinh thần tự nguyện, hăng hái, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập,
tự do của dân tộc một cách tự nhiên như lẽ sống ngàn đời của người dân Việt Từ "họ" được
lặp lại nhiều lần, đứng ở đầu mỗi dòng thơ không chỉ có tác dụng khẳng định vai trò của
nhân dân trong lịch sử mà còn có giá trị gợi hình, nhân dân hết lớp này đến lớp khác đã nối
tiếp nhau lao động, xây dựng, bảo vệ đất nước

Đến đây, mạch cảm xúc dâng lên thành cao trào để nhà thơ khẳng định một chân
lí:

"Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại".

Hai câu thơ là định nghĩa về đất nước giản dị mà sâu sắc. Những cảm xúc, suy ngẫm
của nhà thơ cứ dồn tự dần để rồi cuối cùng dẫn tới cao trào, làm bật lên tư tưởng cốt lõi:
"Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân" vì nhân dân là người chiến đấu, xây dựng, bảo vệ
đất nước này bằng mồ hôi, xương máu của mình. Không có nhân dân sẽ không có phong
tục, tập quán, truyền thống, lối sống nghĩa tình, thủy chung, cao đẹp

Đất Nước của Nhân dân vì đất nước được hình thành từ những bản sắc văn hóa dân
tộc thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn nhân dân: Yêu nước, cần cù lao động, hiếu học, chung thủy
trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa, bền bỉ kiên cường trong chiến đấu, lạc quan, yêu đời
trong gian khó.

Đất Nước của Nhân dân cũng chính là Đất Nước của ca dao thần thoại. Vì ca dao,
thần thoại chính là sáng tác của nhân dân, phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm của nhân
dân và lưu giữ tâm hồn nhân dân qua bao biến động thăng trầm của lịch sử.

Nếu Lí Thường Kiệt phải dùng đến đế cư, thiên thư để trang trọng hóa đất nước.
Nguyễn Đình Chiểu phải dùng đến "một mối xa thư đồ sộ, hai vầng nhật nguyệt chói lòa"
để thiêng liêng hóa đất nước, thì với hệ thống từ ngữ giản dị, mang đậm màu sắc dân gian,
Nguyễn Khoa Điềm đã bình dị hóa đất nước, làm cho đất nước thật sự hóa thân trong tâm
hồn và cuộc sống của mỗi người dân trên đất này.

Tác giả đã trở về với ngọn nguồn phong phú , đẹp đẽ của văn hóa ,văn học dân gian
mà tiêu biểu là ca dao- diện mạo tinh thần , nơi lưu giữ đời sống tâm hồn tình cảm của nhân
dân qua bao thế hệ. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn ra từ kho tàng thơ ca dân gian ba nét đẹp
tiêu biểu nhất của tâm hồn Việt ,của bản sắc văn hóa đất nước: thật say đắm trong tình yêu,
quý trọng tình nghĩa và kiên trì bền bỉ trong đấu tranh cho đến ngày toàn thắng:

"Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu"...

Ca dao có câu:

"Yêu em từ thuở trong nôi

Em nằm em khóc anh ngồi anh ru".

Nguyễn Khoa Điềm đã viết thật dung dị : "Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi"
để ca ngợi tinh thần say đắm trong tình yêu của người dân Việt. Người Việt "Đã yêu, yêu
đến tận cùng/ Đã thương thương đến nát lòng vì nhau".

Không chỉ say đắm trong tình yêu, người Việt còn rất quý trọng tình nghĩa. "Biết
quý công cầm vàng những ngày lặn lội". Ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm được xây dựng từ
chất liệu ca dao:

"Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng"

"Vàng" biểu tượng cho những giá trị cao quý; "công cầm vàng" là những gian nan,
vất vả, cực khổ mà con người phải trải qua. Đối với người dân Việt, công sức, tình nghĩa
mà con người dành cho nhau còn quý giá hơn vàng. Đó cũng là một nét đẹp trong tinh thần
dân tộc.
Say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa, người Việt còn rất quyết liệt trong trả
thù, chiến đấu:

"Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu"

Câu thơ được sáng tạo từ câu ca dao :"Thù này ắt hẳn còn lâu/Trồng tre thành gậy
gặp đâu đánh què" để nói về tinh thần quyết liệt trong chiến đấu của người dân Việt.

Đoạn trích khép lại bằng hình ảnh dòng sông và câu hát, đem lại cảm nhậnvề một
đất nước đẹp hiền hòa, vĩnh cửu như một dòng sông vô tận chảy từ quá khứ đến hiện tại,
tương lai. Trên dòng sông âm vang những sắc màu văn hóa Việt Nam, phẩm chất tâm hồn
Việt Nam, vô cùng tự hào và yêu quý.

III. TỔNG KẾT

1. Nghệ thuật

- Đoạn thơ trích trong chương V giàu chất trữ tình chính luận, vừa được viết bằng chiều
sâu trí tuệ, văn hóa vừa được viết bằng những rung động mãnh liệt của cảm xúc nên rất dễ
đi vào lòng người.

- Các chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhị , sáng tạo đem lại sức hấp dẫn
cho đoạn trích góp phần thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

- Hình tượng thơ có sức mạnh gợi cảm. Mỗi câu chữ đều gợi liên tưởng đến chiều sâu của
không gian và thời gian, của lịch sử và văn hóa với biết bao thăng trầm đổi thay của đất
nước và những con người đã làm nên đất nước này.

- Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa ,giọng thơ tâm tình, tha thiết trầm lắng
góp phần thể hiện chủ đề đất nước trong bút pháp chính luận trữ tình.
2. Nội dung

Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân không phải đến Nguyễn Khoa Điềm mới có. Tư
tưởng ấy có một quá trình dài được khẳng định trong lịch sử văn học dân tộc. Tư tưởng
này đã manh nha từ xa xưa trong lịch sử với quan niệm dân vi bản. Trong Bình Ngô đại
cáo, Nguyễn Trãi viết:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

Và:

"Nhân dân bốn cõi một nhà

Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới"

Đó chính là sự đề cao vai trò của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và
xây dựng đất nước. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những
người anh hùng giữ nước là người nông dân yêu nước mến nghĩa làm quân chiêu mộ: "Nhớ
linh xưa cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung....".
Đó là hình ảnh người nông dân lam lũ bước vào cuộc chiến đấu vì chính nghĩa. Họ đã hi
sinh vì quê hương, đất nước.

Đến thơ văn hiện đại, với “ Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Tre Việt Nam” -
Nguyễn Duy, “ Lửa đèn” - Phạm Tiến Duật,... vai trò của nhân dân với đất nước cũng tiếp
tục được đề cao. Nguyễn Đình Thi viết: "Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên
thành những anh hùng". Nguyễn Duy mượn hình ảnh cây tre để nói lên phẩm chất bình dị
của nhân dân trong lao động và chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng ấy càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc hơn trong thực tiễn của
những cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ - hoàn cảnh ra đời
của bài thơ này. Như vậy, đề cao vai trò của nhân dân với đất nước là cả một truyền thống
trong lịch sử văn học dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của mình
về Đất Nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử,
địa lý, văn hóa ...

You might also like