You are on page 1of 10

I.

Cuộc đời:
1. Tiểu sử:

Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 – 18 tháng 12 năm 1985) là một trong
những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút
danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước,
tỉnh Bình Định. Cha là ông đồ Nghệ Ngô Xuân Thọ vào dạy ở Bình Định,
lấy bà hai người vạn Tùy Phước là Nguyễn Thị Hiệp rồi sinh ra ông.

Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn. Thuở nhỏ ông học chữ Nho và chữ Hán với
cha nhưng ông lại học trường Bưởi ở Hà Nội và trường Khải Định ở Huế khi
lớn lên, vì vậy trong con người ông có sự kết tinh của cả hai nên văn học
phương Tây và phương Đông.

Sau khi tốt nghiệp tú tài (1935), ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ
Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội và bắt đầu cầm bút sáng tác. Đến
năm 1937 thì ông nổi tiếng và thực sự sống bằng nghề viết văn năm 1940.
Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho
một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và
Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt
Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là
một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới"
(Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình", “Tao đàn nguyên súy”. Xuân Diệu
là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái
của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ
thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939),
Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt
tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự
sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không
ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình
yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự
mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được
diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. (Huy
Cận, tháng 4 năm 2000)

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam
Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám,
ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong
của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa
soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội
Nhà văn Việt Nam. Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ
hàng đầu ca ngợi cách mạng, một "dòng thơ công dân". Bút pháp của ông
chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng
chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một
khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng
450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn,
và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là
Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức
năm 1983
Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật
(1996).

2. Từ cuộc đời đến thơ văn:

Gia đình: Xuân Diệu tiếp thu đức tính cần cù kiên nhẫn của người cha xứ
Nghệ và cái hồn nhiên say đắm của người mẹ nơi gió cát vùng biển miền
Trung
Ông là con vợ lẽ, thiếu thốn tình thương từ nhỏ nên suốt đời, Xuân Diệu
khao khát tình yêu thương và cảm thông của mọi người.
Nơi sống: từng sinh sống và học tập qua nhiều vùng đất nước với đặc điểm
thiên nhiên, truyền thống văn hóa đa dạng tạo nên Ở Xuân Diệu những rung
cảm phong phú chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc.
VD: Trích “Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh”: Xuân Diệu kể hồi làm việc ở Mỹ
Tho ông rất mê hát cải lương Tôi cũng học hát cải lương. Có một cái gì ở
trong linh hồn của điệu hát nó rất trữ tình, rất lãng mạn. Hành vân, vọng
cổ, tứ đại oán… mê lắm... Nó là lãng mạn chủ nghĩa, đi trước Thơ mới, Tự
lực văn đoàn. Có cái đau xé. Cái đau đúc lại, cô lại rồi xé ra. Cải lương có
ảnh hưởng đến thơ tôi. Có cái xé lòng. Đúc lại, không thèm buồn. Đúc lại
trước khi nổ ra, vỡ ra.
Ông cũng chia sẻ: “Thời thơ ấu của tôi có biết bao nhiêu chuyện nó luyện
cho cái vốn nhân đạo, vốn yêu đời, yêu người, yêu hoa lá, biển, thiên
nhiên…”

Bản thân: là người có ý chí học tập rèn luyện và sự lao động không mệt mỏi
như là một lẽ sống, một niềm đam mê lớn, đến mức khắc khổ. Ông luôn lao
động nghiêm túc, cật lực và trở thành một tài năng nhiều mặt. Nói như giáo
sư Hà Minh Đức thì: “Xuân Diệu đã sống hết mình cho cuộc đời, cho thơ.”.
Đặc biệt, ông luôn sống sôi nổi và yêu đời. Cho đến tận lúc cuối đời, nhà thơ
vẫn giữ được tình yêu trẻ trung của mình dành cho con người và cuộc sống.

 Ở Xuân Diệu có sự tác động mạnh mẽ của tư tưởng và văn hóa phương
Tây nhất là văn hóa Pháp.
Hồn thơ Xuân Diệu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố cổ điển
và hiện đại. Nét nổi bật trong thơ Xuân Diệu là một tâm hồn yêu đời tha
thiết với tình yêu và sự sống trần thế, với lối sống tích cực, sống gấp,
sống hưởng thụ.
Xã hội: hoàn cảnh xã hội rối ren lúc bấy giờ khiến nhà thơ vỡ mộng, bất lực
trước cuộc đời, bế tắc, bơ vơ. Cái tôi trữ tình của nhà thơ luôn mang tâm
trạng cô đơn u sầu
Thơ Xuân Diệu cũng chịu ảnh hưởng của nỗi buồn cô đơn trong thơ văn
lãng mạn Pháp trong quá trình hội nhập của văn học Việt Nam với văn học
Pháp những năm thế kỷ 20. Nhà thơ tiếp thu nhiều ảnh hưởng của phương
Tây.
II. Sự nghiệp văn học:
A. Thơ văn Xuân Diệu trước CMT8:
Trước CMT8, XD có hai tập thơ là Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió
(1945). Tuy XD không phải người đặt nền móng cho Thơ mói: Thơ mới
mở đầu với Phan Khôi, chiến thắng với Thế Lữ, Lưu Trọng Lưu, nhưng
XD tuy đến muộn, nhưng lại tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới về
cả nội dung lẫn hình thức, bởi người đọc tìm thấy trong đó tất cả những
giá trị ND – NT nổi bật nhất của thơ ca lãng mạn. Trong “Thi nhân Việt
Nam”, Hoài Thanh đã khẳng định: “XD là nhà thơ mới nhất trong các
nhà Thơ mới” nên tư tưởng đó bao quát, chi phối toàn bộ thế giới cảm
xúc và nghệ thuật trong thơ ông.

 Thơ XD trở thành đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Bởi độ tràn đầy và
sung mãn của các tác phẩm ông được viết bởi một con người tài hoa có ý
thức cao về cá nhân, dám sống thành thực với cái tôi cá nhân.

Ai đã từng đọc và cảm nhận thơ XD hẳn sẽ dễ dàng nhận thấy thơ ông
được chia thành bốn mảng chính:

1. XD – nhà thơ của trần gian và hiện tại:

“XD đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”

Trong Thơ mới, hầu hết các thi sĩ đều tìm cho mình một con đường để thoát
li hiện tại, chạy trốn khỏi cuộc đời trần thế, thì đọc thơ XD ta lại bắt gặp một
hình ảnh trái ngược. Thơ ông luôn bộc lộ niềm khát khao giao cảm với cuộc
đời, bắt nguồn từ quan niệm sống tích cực của cái tôi cá nhân, ý thức được
sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao sự sống trần gian.
Niềm khát khao ấy gửi gắm trong những câu thơ, thể hiện sự gắn bó mật
thiết với cuộc đời trần thế.
“ Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần
Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”
Trong niềm giao cảm ấy, XD đã khẳng định cái tôi một cách triệt để nhất. Ta
luôn tìm thấy trong thơ ông hình ảnh một cái tôi đòi hỏi được tồn tại độc lập,
chói lọi, kiêu hãnh. Cái tôi ấy yêu cầu được giải phóng ở mức độ cao nhất.
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bạn bè nổi cùng ta.”
Khẳng định cái tôi chính là một cách tìm mình và khẳng định chính mình
của nhà thơ, để thoát kiếp sống mờ nhạt.
“Thà một phút huy hoàng rồi chợp tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”
Vì tách mình ra riêng biệt quá nên cũng có lúc ông thấy nhỏ bé, cô đơn. Ông
từng cay đắng thốt lên: “Ta bỏ đời mà đời cũng bỏ ta”. Song, điều đặc biệt
đáng yêu trong cái tôi XD là cái tôi ấy chưa bao giờ quay lưng, trốn chạy
cuộc đời. Trái lại, nó luôn gắn bó mật thiết với cuộc đời trần thế để thỏa mãn
niềm khát khao giao cảm của mình. Đối với ông, khẳng định sự sống cũng là
cách thực hóa bản thân mình vào thế giới, là cách giải tỏa nỗi cô đơn:
“Giơ tay muốn ôm cả trái đất
Ghì trước trái tim, ghì trước ngực
Cho đầy trước mặt khoảng cô đơn
Bao la muôn đời, sâu vạn vực”
Nguyễn Đăng Mạnh cũng đã từng viết: “...đối với Xuân Diệu, điều quan
trọng nhất không phải là chuyện văn chương thơ phú mà là chuyện làm sao
được sống mãi với đời, sống mãi với nhân loại. Văn chương thơ phú chỉ là
phương tiện để giúp anh sống mãi trong lòng người, một thứ vũ khí để
chống lại cái chết. Và tôi hình dung cả cuộc đời lao động nghệ thuật quyết
liệt của Xuân Diệu là một quá trình quyết đấu với cái chết.”
2. XD – thi sĩ của tuổi trẻ và tình yêu:

Khi đứng vững trên mảnh đất trần gian, bám chặt vào hiện tại, XD nhận ra
rằng hạnh phúc cuộc đời được kết đọng đầy đủ nhất nơi tuổi trẻ và tình yêu.
Bởi thế ông khao khát tận hưởng và thiết tha kêu gọi mọi người mau mau
tận hưởng cái hạnh phúc ngắn ngủi hiếm hoi ấy. Xuân Diệu là nhà thơ của
mùa xuân tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời
ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những
giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Cái tôi Xuân Diệu được giải quyết khỏi ước
lệ phi ngã cổ điển, để rồi nhìn đời bằng cái nhìn xanh non biết rờn. Dưới cái
nhìn ấy nhà thơ phát hiện ra mọi vẻ đẹp của cuộc sống mà ông gọi là thiên
đường nơi trần thế. Viết về thiên đường ấy, nhà thơ đã mang đến cảm xúc
thanh xuân cho vạn vật:
“Mặt trời vừa mới cưới trời xanh
Duyên đẹp hôm nay sẽ tốt lành
Son sẻ trời như mười sáu tuổi
Má hồng phơn phớt mắt long lanh”
Con người dưới cái nhìn ấy cũng trở mang đầy sức trẻ tình tứ sâu sắc, một
thế giới xuân sắc ngồn ngột, tinh vi huyền diệu:
“Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan nát đất trời
Anh mới thôi dào dạt”
Phải nói thêm, thế giới nghệ thuật cái nhìn của ông không lấy thiên nhiên
làm chuẩn mực cái đẹp, mà lấy con người, lấy tình yêu làm thước đo thẩm
mĩ:
“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”

(Chính XD trong cuộc sống thường nhật cũng là một người luôn đòi hỏi tình
cảm cao độ, tình yêu mãnh liệt, yêu phải hết mình.Và khác hẳn với Nguyễn
Tuân, ông hay bộc lộ thẳng tình cảm với những người mà ông quý mến)
3. XD – nhà thơ của một quan niệm thẩm mĩ mới mẻ, của nỗi khắc khoải
về dòng chảy trôi của thời gian:

Thơ mới nói chung thơ Xuân Diệu nói riêng từ bản chất vẫn kế thừa và phát
huy cái nhạc điệu riêng, cái linh hồn riêng của thơ ca truyền thống. Tất nhiên
yêu cầu cách tân của thơ mới khiến Xuân Diệu không thể không học tập
những thành tựu phong phú của thơ ca hiện đại phương Tây. Người ta thấy
ông chủ yếu chịu ảnh hưởng của trường thơ tượng trưng pháp thế kỷ 14.
Trường thơ này bên cạnh những mặt hạn chế đã có đóng góp to lớn vào sự
phát triển của nghệ thuật thơ ca làm phong phú khả năng chiếm lĩnh và diễn
đạt thế giới một cách tinh vi màu nhiệm hơn, nâng cao tính nhạc của thơ,
mài sắc sắc quan của nhà thơ, phát huy cao độ ý thức về quan hệ tương giao
giữa các giác quan khi cảm thụ thế giới. Kinh nghiệm của Đông và Tây,
truyền thống và hiện đại kết tinh ở một tâm hồn nghệ sĩ khát khao giao cảm
với đời đã giúp Xuân Diệu khám phá được nhiều biến thái tinh vi của thiên
nhiên cũng như nội tâm con người và thể hiện được trong những vần thơ “ít
lời nhiều ý xúc tích như động lại bao nhiêu tinh hoa”.
Càng gắn bó yêu thương với đời bao nhiêu, ông lại càng nhạy cảm với thời
gian bấy nhiêu. Ông cảm nhận thời gian là một dòng chảy tuyến tính, vùn
vụt trôi đi không trở lại bao giờ:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Nhà thơ đặt tất cả thế giới trên dòng chảy thời gian để nhận ra thời gian đáng
sợ và có thể làm thay đổi tất cả, từ con người:
“Cái bay không đợi cái trôi
Cái tôi phút ấy thành tôi lúc này”
Đến sự thật: “Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai”
Đến cả tình yêu:
“Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy tình ta không vĩnh viễn”
Sợ thời gian nhưng XD không cũi đầu khuất phục trước thời gian. Tâm hồn
trẻ trung này đã tự tìm cho mình một lối thoát kì diệu nhất để chiến thắng
dòng thời gian vô hạn, đó là triết lí sống vội vàng, sống dấn thân, sống với
một cường độ mãnh liệt, sống sâu sắc từng giây từng phút của hiện tại:
“Sống toàn tim, toàn trí́, sống toàn hồn
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”
Nhờ lối sống ấy, nhà thơ đã vượt lên nhịp tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ
để có được dòng thời gian cho riêng mình và để lưu giữ cho mình những
thanh sắc đẹp đẽ nhất của đất trời.
4. XD - một hồn thơ cô độc:

Bên cạnh niềm say mê với cuộc đời, thơ Xuân Diệu cũng thể hiện nỗi buồn
chán, cô đơn do Xuân Diệu là một nhà thơ, một nghệ sĩ theo khuynh hướng
lãng mạn, đòi hỏi cái hoàn mỹ, tự nuôi mình bằng những ảo mộng của cuộc
đời, luôn thèm muốn giao cảm vô biên với cuộc đời nên khi gặp phải hoàn
cảnh XH tầm thường giả dối, sống trong đất nước mất chủ quyền, bản thân
lại là người dân mất nước chịu vòng nô lệ khao khát dâng hiến, Xuân Diệu
rơi vào chán nản, hoài nghi, lẻ loi. Vì thế nội dung của hầu hết những bài thơ
tình của Xuân Diệu là nỗi đau của một trái tim đắm say nồng nhiệt mà
không được đền đáp xứng đáng, nỗi cô đơn giá lạnh trước sự nghiệt ngã của
người đời.
Bài Hy Mã Lạp Sơn viết vào thời kỳ sau, là cao điểm của sự cô đơn báo hiệu
những khủng hoảng tinh thần của "cái tôi" Xuân Diệu nói riêng và có thể là
cả trào lưu Thơ mới nói chung "khi một cá nhân tự giác về nó, say sưa về
nó, thấy nó là cả một vũ trụ, đồng thời, nó cũng cảm thấy cô đơn" (Trả lời
phỏng vấn báo Đất Việt - tháng 1-1986).
Cảm xúc này tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất cùng một hồn thơ
khao khát giao cảm mãnh liệt với đời, cùng một cái tôi ý thức đầy đủ về sự
sự hiện hữu và giá trị của bản thân trước thế giới:
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”
(Cùng ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc đời nhưng nếu như "con nai vàng" của
Lưu Trọng Lư chí ít còn bước đi để lại đằng sau tiếng chân xào xạc còn "con
nai chiều" của Xuân Diệu không thể cất chân vì hoàn toàn bị bủa vây "chân
vướng rễ cây, lòng vướng muôn dây" giữa rừng chiều tội nghiệp)
Hay:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn”
Thơ xưa khi viết về nỗi cô đơn thường tạo ra không gian trống trải, thiếu
vắng con người. Thế nhưng với XD, ngay cả khi con người và cảnh vật bên
mình, ông vẫn thấy cô đơn. Và một lần nữa, Xuân Diệu lại hiện ra như một
gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới bởi ông đã đi gần đến giới hạn
cuối cùng của sự cô đơn. Bằng những nỗi đau riêng tư của thân phận cá
nhân, Xuân Diệu đã bộc lộ khá đầy đủ nội dung cảm hứng về cái cô đơn -
một hội chứng tinh thần vô phương cứu chữa của trào lưu thơ ca lãng mạn
1932-1945.
B. Thơ văn Xuân Diệu sau CMT8:
1. Thời kì kháng chiến chống Pháp:
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, hồn thơ nhạy cảm của Xuân Diệu bắt
nhịp và hòa nhập ngay vào cuộc sống cách mạng rộng lớn sôi động của nhân
dân đất nước. Thi sĩ mở hồn đón luồng gió mới ngay từ những ngày đầu
cách mạng; ông say sưa viết về tổ quốc nhân dân, Đảng và Bác, viết về cuộc
kháng chiến chống Pháp của dân tộc và sự nghiệp xây dựng tổ quốc với một
tinh thần công dân đầy nhiệt huyết và sôi nổi. Thời kháng chiến chống Pháp,
Xuân Diệu hăng hái tham gia gắn bó với cuộc sống nhân dân, càng ngày ông
càng hiểu hơn về những con người giản dị mà vĩ đại đó. Đây chính là điều
kiện thuận lợi giúp ông có được vốn sống và nguồn cảm hứng sáng tạo để
viết nên các tập thơ Dưới sao vàng (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954).
Cảm hứng chủ đạo của các tập thơ là niềm tin yêu, niềm lạc quan trước hiện
thực cuộc sống cách mạng. Ông cảm nhận cuộc đời như
“Một sớm mai hồng một bình minh
Xanh mắt trẻ con hồng môi thiếu nữ”
Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc cuộc sống cao đẹp của quần chúng và cảm
thông với nỗi đau khổ của họ. Hình ảnh quần chúng lần đầu tiên xuất hiện
trong thơ Xuân Diệu chính là một nét mới về đối tượng, đánh dấu cho bước
chuyển quan trọng trên con đường thơ của ông (Tặng nàng còng, Bà cụ mù
lòa). Trên cơ sở đó, nhà thơ đã viết nên nhiều vần thơ giản dị mà thâm nặng
nghĩa tình:
“Hạt cơm ăn của bà con
Là tình, là nghĩa, là bao thấm nhuần”
Bên cạnh đó, Xuân Diệu cũng bày tỏ được nỗi trăn trở và sự kính yêu thấm
thía dành cho Bác:
“Trên đầu tóc Bác sương ghi
Chắc đôi sợi bạc đã vì chúng con”
Thơ XD thời kì này đánh dấu một bước chuyển biến lớn về tư tưởng, tình
cảm, giọng điệu,.. trên con đường thơ ông.
2. Thời kì kháng chiến chống Mỹ:

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Miền Bắc bước
vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đây là thời kỳ chúng ta nghe nói nhiều
đến cái "tôi" và cái "ta", đến sự kết hợp giữa cái tôi riêng và cái ta chung
của thời đại. Trước hiện thực sự sôi động đó, sự nghiệp, lòng tin yêu cuộc
đời mới, thơ Xuân Diệu có sự vươn lên mạnh mẽ đến nhiều vấn đề trong
đời sống, biểu hiện rõ ở ba tập thơ: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau
(1962), Khối hồng (1964). XD say sưa ngợi ca cuộc đời mới với những
đổi thay mang ý nghĩa dân tộc, và rồi ông trăn trở nghĩ về mình, bày tỏ
chân thành niềm cảm xúc. Thơ Xuân Diệu có khi còn nặng về kể, thiếu
hàm súc, dài dòng trong nhạc điệu, từ ngữ, tạo nên sự hạn chế phần nào
với sức truyền cảm hấp dẫn của thơ ông đối với người đọc thời kì này.

III. Kết luận chung:


Đến với Xuân Diệu ta sẽ thấy ông “là ngòi bút chiến đấu không ngừng,
chiến đấu rất tích cực về cả chính trị và văn chương, về cả tiểu luận và
thơ ca”. Bên cạnh những phát hiện tinh tế và rất có giá trị, nhiều công
trình phê bình văn học của Xuân Diệu có thể coi là những lộ trình về
nghiệp văn cho những ai muốn đi vào công việc khó khăn phức tạp này.
Hơn nửa thế kỷ hành trình sáng tạo, từ một nhà thơ lãng mạn trở thành
một nhà thơ cách mạng, Xuân Diệu đã để lại trong kho tàng văn học dân
tộc một di sản lớn trong nhiều lĩnh vực và đều đặn ở nhiều thời điểm
khác nhau. Vì thế, vị trí của Xuân Diệu trong văn học dân tộc Việt Nam
là không hề nhỏ.

You might also like