You are on page 1of 4

TOÀN BỘ MỞ BÀI NÂNG CAO TÁC PHẨM 12 HAY NHẤT.

------------
VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI
Trên cánh đồng văn chương Việt Nam, có nhà văn độc canh bằng một loại thể. Tiêu biểu cho
khuynh hướng này phải kể đến nhà văn Kim Lân – nhà văn cả đời đi về với đất, với người, với
cuộc sống nông thôn thuần hậu (nói như Nguyên Hồng) lại có nhà văn thâm canh tăng vụ bằng
nhiều loại thể. Tiêu biểu ta phải kể đến nhà văn Tô Hoài. Tính đến nay sự nghiệp của Tô Hoài đã
già nửa thế kỉ. Ông là tác giả của khoảng trăm đầu sách, hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại
phong phú và đa dạng. Nhưng nhắc đến Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám, người yêu văn
không thể không nhắc tới "Dế mèn phiêu lưu kí"; sau Cách mạng tháng Tám với tập "Truyện
Tây Bắc" gồm ba truyện ngắn: "Cứu đất cứu Mường", "Mường Giơn giải phóng" và "Vợ chồng
A Phủ". Những năm gần đây người ta lại xôn xao nhắc đến ông với "Cát bụi chân ai" và tiểu
thuyết "Ba người khác". Đến nay "Vợ chồng A Phủ" vẫn là cái mốc thách thức của nhà văn Tô
Hoài. Truyện được giải thưởng văn nghệ 1954-1955 là một truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài
miền núi Tây Bắc. Tác phẩm được đưa vào trong chương trình giảng dạy như một kiệt tác của Tô
Hoài. Truyện xoay quanh cuộc đời của người con gái Mèo nghèo khổ, xinh đẹp nết na được Tô
Hoài phát hiện và thể hiện với sức sống tiềm tàng bất diệt. Đó là Mị – nhân vật chính trong tác
phẩm này. Thông qua sức sống tiềm tàng của Mị, Tô Hoài bộc lộ là một nhà văn nhân đạo, nhân
văn, sâu sắc và cao cả. Văn hào Nga Shê-khốp đã từng nói: "Một người nghệ sĩ chân chính phải
là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy". Và Tô Hoài là một nhà văn như thế.
VỢ NHẶT – KIM LÂN
Nhà văn Nguyễn Khải nhận xét: " Là học trò của cụ Nguyễn Tuân, tôi vẫn không tin Nguyễn
Tuân viết " Chữ người tử tù" cũng như Kim Lân viết "Làng" và "Vợ nhặt". Đó không phải là
người viết mà là thần viết. Thần mượn tay người để viết nên những trang bất hủ". Xét riêng
truyện ngắn "Vợ nhặt", Kim Lân quả xứng với lời khen đó. Thiên truyện về cái đói, cái chết mà
làm lộ ra sự sống, lộ ra chất người kì diệu. Tư tưởng nhân văn sâu sắc đó không phải là truyện
ngắn ồn ào mà được diễn đạt thấm thía qua nghệ thuật văn xuôi đặc sắc đã đưa Kim Lân vào
hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học hiện đại. Đọc "Vợ nhặt", không ai không
bị hấp dẫn bởi một tình huống hết sức độc đáo và bi hài mà cũng đậm chất nhân văn, thấm đẫm
tình người.
RỪNG XÀ NU – NGUYỄN TRUNG THÀNH
Văn học viết về chủ đề miền núi càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học
Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm viết về chủ đề miền núi đã đem đến cho văn học nước nhà
một màu sắc riêng – một màu sắc đậm đà chất dân tộc. Nhiều tác phẩm viết về miền núi đã có
những thành công lớn, đã đạt giải thưởng cao về văn học nghệ thuật. Nhớ lại giải thưởng của Hội
văn nghệ Việt Nam 1954-1955, cả hai tác phẩm viết về đề tài miền núi đã giành được giải
thưởng về mảng văn xuôi. Đó là tuyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ" nằm trong tập Truyện Tây Bắc
của Tô Hoài đạt giải nhất về truyện và ký. Đó là tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn
Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) đã giành giải nhất về tiểu thuyết. Tiếp theo "Đất nước
đứng lên" một lần nữa nhà văn Nguyễn Trung Thành lại thành công với một truyện ngắn viết về
đề tài chiến tranh cách mạng, đó là truyện ngắn "Rừng xà nu". Truyện ngắn rừng xà nu đã từng
được nhận giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Viết truyện ngắn "Rừng xà nu"
cũng với cảm hứng sử thi nhưng với dung lượng một truyện ngắn thì truyện ngắn "Rừng xà nu"
đã gây một sự ngỡ ngàng, đem đến một thành công hết sức lớn trong dung lượng một truyện
ngắn mà phản ánh được cả một cuộc đấu tranh Mỹ ngụy của người dân cách mạng Tây Nguyên.
Tính chất sử thi đã được dồn nén trong một tác phẩm truyện ngắn, vì vậy mà tính sử thi càng
đậm đặc hơn được thể hiện qua chủ đề, qua nhân vật, qua hình tượng cây xà nu và qua ngôn ngữ
của tác phẩm.
CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA – NGUYỄN MINH CHÂU
Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng văn học vừa độc đáo, vừa lớn lao của nền văn học Việt
Nam hiện đại vào cuối thế kỷ 20. Ông bước vào nghề văn hơi muộn nhưng sự nghiệp đổi mới
trong văn học đã chọn ông để trao cho ông “Ấn Tiên Phong” lãnh chức Đại Tướng quân của Tập
đoàn quân Chữ! Nhà văn Nguyên Ngọc đã rất đúng khi cho rằng Nguyễn Minh Châu là “người
mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất” ở chặng đầu đổi mới của văn học nước nhà.
Trong cơn trở dạ nhiều đau đớn ấy, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cả bản lĩnh và tài năng của
mình cho một khát vọng khẩn thiết và mãnh liệt: văn chương cần phải khác. Nơi đó cái đẹp phải
là cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó. Hàng loạt tác
phẩm được viết dưới ý tưởng đó. Trong đó, “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những sáng tác
điển hình của ông được viết sau năm 1980. Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật
người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình
yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả. Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân
vật Phùng, một nghệ sĩ khao khát khám phá, sáng tạo ra cái đẹp, người luôn lo lắng, trăn trở, suy
tư về nhân cách và đời sống con người. Người đàn bà hàng chài là nhân vật đặc sắc nhất của
truyện.
HỒN TRƯƠNG BA – DA HÀNG THỊT – LƯU QUANG VŨ
Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông sinh năm 1948, mất năm 1988, lần đầu tiên bén
duyên với nghệ thuật từ những năm 1960 của thế kỷ trước bằng con đường thi ca. Nếu ai đã từng
đọc thơ Lưu Quang Vũ ta thấy hiện lên một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn với hồn thơ
trong sáng. Toàn bộ điều này được kết tinh trong trường ca "Khúc đàn bầu". Từ năm 1978, Lưu
Quang Vũ chuyển từ thơ ca sang lĩnh vực sân khấu. Có thể khẳng định sân khấu là mảnh đất
nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Ông đến với sân khấu như duyên trời định. Chỉ đến khi gặp mảnh
đất này, ông thực sự thăng hoa. Những năm gắn kết với sự nghiệp sân khấu, Lưu Quang Vũ đã
để lại một sự nghiệp đồ sộ đánh dấu bằng 51 vở kịch nổi tiếng. Nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu
Quang Vũ mỗi người yêu văn không thể không nhắc đến vở kịch "Tôi và chúng ta", "Bệnh sĩ",
"Nếu anh không đốt lửa", "Lời nói dối cuối cùng", "Nàng Xi-ta", "15 ngày kháng án",... Nhưng
sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ lại không nhắc đến "Hồn
Trương Ba, da hàng thịt". Vở kịch này đã làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ không chỉ ở sân khấu
Việt Nam mà còn dư vang ra cả nước ngoài. Nó tạo nên một hiện tượng của Lưu Quang Vũ. Đó
là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Tác phẩm được đưa vào chương
trình giảng dạy như một kiệt tác của Lưu Quang Vũ nói riêng, của thể loại rất hiếm trong chương
trình giảng dạy đó là thể loại kịch. Thành công của Lưu Quang Vũ trong vở kịch này đó là ông
đã đưa ra được tình huống kịch vô cùng xuất sắc. Tình huống kịch này đã tạo ra được những
xung đột kịch để từ đó người yêu văn tự rút ra cho mình nhiều bài học nhân sinh, nhiều ý nghĩa
triết lí thông qua vỏ bề ngoài của xung đột đó là vỏ ngôn ngữ kịch.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – HỒ CHÍ MINH
Vào những thời điểm chuyển mình của lịch sử một dân tộc thường xuất hiện những ánh văn bất
hủ, đánh dấu cho một thời đại. Không phải ngẫu nhiên người ta hay nhắc đến những tuyên ngôn
nổi tiếng thế giới như Tuyên ngôn Độc lập của người Mĩ năm 1776, tuyên ngôn nhân quyền và
dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Lịch sử dân tộc ta cũng có những bản tuyên ngôn
như vậy. Đó là “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vào thế kỉ XV và “Tuyên ngôn độc lập” do
Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Tuyên
ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh từ lâu vẫn được coi là “một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, một
bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức
thuyết phục”. Có thể nói bản Tuyên ngôn là kết tinh trí tuệ của thời đại, là kết quả cao của “bao
nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng” của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.
TÂY TIẾN – QUANG DŨNG
Chiến tranh đã qua đi, những hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng
vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn
người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của
mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc. Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất
trong giai đoạn lịch sử khốc liệt những 1945-1954. Qua bài thơ này, Quang Dũng đã dùng bút
lực của mình để vẽ lên thi đàn văn chương một bức tượng đài người lính Tây Tiến vừa lãng mạn
hào hoa, vừa hào hùng bi tráng.
VIỆT BẮC – TỐ HỮU
Tố Hữu đã từng tâm sự: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi
như viết về người đàn bà tôi yêu”. Thật vậy mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê
hương Tổ quốc và người dân đất Việt. “Việt Bắc” là bài thơ thể hiện rõ nhất điều ây.
ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Đất nước là một đề tài phong phú của thơ ca Việt Nam. Trước Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều
bài thơ hay, nhiều tác giả thành công về đề tài này. Đất nước anh hùng trong kháng chiến chống
Pháp, mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đất nước cổ kính, dân gian, mang hồn quê
Kinh Bắc của Hòang Cầm. Đất nước hóa thân cho một dòng sông xanh, đầy ắp kỉ niệm trong thơ
Tế Hanh. Đất nước hài hòa trong dáng hình quê hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam.
Nhưng, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một cách nói riêng để chương thơ mới của ông đã mang
lại cho bạn đọc những rung cảm thẫm mĩ mới về đất nước: Đất Nước của Nhân Dân.
SÓNG – XUÂN QUỲNH
Từ ngàn xưa đến nay, tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhiều người nghệ sĩ đã
dùng bút lực của mình để lí giải tình yêu nhưng chẳng ai cắt nghĩa trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Nhà thơ
cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Đến Xuân Diệu
cũng bất lực trong câu hỏi “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, Hàn Mạc Tử cũng phải “nghe trời
giải nghĩa yêu”. Nhắc đến thi ca viết về tình yêu, ta không thể không nhắc đến “Sóng” của Xuân
Quỳnh. “Sóng” là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm
hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.
ĐÀN GHITA CỦA LORCA – THANH THẢO
Tây Ban Nha - một cái tên đầy hình ảnh. Nó luôn gợi cho người ta nhớ đến chàng hiệp sĩ lạ đời
Don Quixote, những chàng matador dũng cảm trong các cuộc đấu bò kịch tính, hay các vũ nữ
xoay tròn trong điệu flamenco mê hoặc. Vùng đất xinh đẹp và tươi nguyên ấy cũng là nơi cây
đàn thơ Lorca bắt đầu hành trình sáng tạo nghệ thuật kì bí nhưng vô cùng cao cả. Để rồi cái chết
tức tưởi, thương tâm của ông dưới tay bọn Franco đã làm cho ngòi bút thơ Thanh Thảo bật lên
tiếng khóc nức nở. Bài thơ Đàn ghita của Lorca ra đời chính là sự cộng hưởng của những khát
vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca, một suy
nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho
cái đẹp. Bên cạnh hình tượng tiếng đàn thì Lorca là hình tượng trung tâm xuyên suốt cả bài thơ.
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN
Một nhà phê bình đã từng nói: "Người nghệ sĩ phải xâm nhập sâu vào đời sống nhân dân. Anh
phải nhập đến một mức độ nào đó thơ mới hình thành. Thơ chỉ tràn ra khi trong tim anh cuộc
sống đã thật ứ đầy." Cả cuộc đời cần mẫn như con ong hút nhụy từ những con ong của cuộc
sống, Nguyễn Tuân đã để lại trên thi đàn văn chương Việt Nam một sự nghiệp sáng tác đồ sộ.
Ông khẳng định vị trí của mình bằng một phong cách rất đặc biệt mà giáo sư Nguyễn Đăng
Mạnh đã gói gọn trong chữ "ngông" của một người tài ba uyên bác. Nếu trước cách mạng ông
dùng cái ngông để phê phán xã hội và viết về vẻ đẹp của những con người kì vĩ lớn lao ở một
thời vang bóng thì sau cách mạng tháng Tám, cái "ngông" của Nguyễn Tuân lại được dùng để ca
ngợi tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời, ông cũng đi tìm cho mình một chủ nghĩa anh hùng
ở đời sống của nhân dân lao động bình thường. một trong những tác phẩm thể hiện rất rõ phong
cách của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám đó là tập tùy bút "Sông Đà" gồm mười lăm bài
kí sáng tác năm 1958 – 1960khi nhà văn đi thực tế trên mảnh đất Tây Bắc. Linh hồn của tập tùy
bút là bài kí "Người lái đò sông Đà". Tác phẩm được đưa vào trong chương trình giảng dạy như
là một trong những kiệt tác của Nguyễn Tuân ở thể kí. Thành công của Nguyễn Tuân trong tác
phẩm này bên cạnh việc xây dựng được hình tượng con sông Đà chân thực, sống động là ta phải
kể đến tác giả đã thể hiện được hình tượng Người lái đò sông Đà tiêu biểu cho vẻ đẹp của con
người mới xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định không quá lời rằng với tác phẩm "Người lái đò
sông Đà", ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng nở hoa trên dòng sông văn chương của mình.
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG – HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải có viết
"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời"
Chẳng biết từ bao giờ mà sông Hương núi Ngự đã bước vào trong văn chương, trở thành một
điểm nhấn quan trọng, một mối duyên nợ. Nhà thơ Tố Hữu – người con của mảnh đất Vĩ Dạ,
Đông Ba có lần đã phải thốt lên rằng:
"Sông Hương ơi! Dòng sông êm
Trái tim ta ngày đêm tự tình"
Góp mặt vào trong thi đàn thi ca văn chương với vẻ đẹp dòng sông đằm thắm và trữ tình ấy phải
kể đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Bằng tài năng
nghệ thuật viên mãn kết hợp với kiến thức uyên sâu ở nhiều lĩnh vực, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc
Tường đã đưa người đọc đến với dòng sông Hương thiết tha và lãng mạn. "Ai đã đặt tên cho
dòng sông?" là linh hồn của tập truyện cùng tên xuất bản năm 1986, được tác giả viết năm 1981
và được đưa vào trong chương trình giảng dạy như là một trong những kiệt tác của Hoàng Phủ
Ngọc Tường nói riêng, của thể kí ở văn học Việt Nam thời hậu chiến nói chung. Thành công của
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn đã xây dựng được con sông thơ mộng, lãng mạn để từ đó bộc
lộ cái "tôi" với tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, sâu sắc.
----------
Nguồn: ST

You might also like