You are on page 1of 6

GVHD: PGS-TS Dương Thị Kiều Linh

Sinh viên: Huỳnh Võ Bích Huân


Mã LHP: 2210DAI05013
MSSV: 2157010040
HP: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

BÀI THU HOẠCH


Đề bài: Nhận thức của anh chị về nội dung trưng bày của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh liên quan trực
tiếp đến môn học?
Chiến tranh đi qua chỉ để lại đau thương và mất mát. Dẫu cho đó là chiến tranh phi nghĩa hay chiến tranh
chính nghĩa thì những đất nước oằn mình trước chiến tranh cũng phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Bởi thế, đất nước nào cũng muốn được tự do, không chiến tranh. Song, không phải đất nước nào cũng có
quyền chọn cho mình nền hòa bình, tự do họ hằng khao khát. Và Việt Nam - đất nước chúng ta rơi vào
tình thế ấy. Chiến tranh buộc nhân dân ta phải đổ máu, phải đứng lên chiến đấu cho nền độc lập nước nhà,
để rồi nhờ có Đảng mà ta giành được thắng lợi vẻ vang. Những hình ảnh, hiện vật, những dấu tích và cả
những hy sinh anh dũng trên chặng đường tiến tới nền độc lập của Việt Nam ấy đã được lưu giữ tại Bảo
tàng Chứng tích Chiến tranh.
Tọa lạc tại 28 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, trên con đường tấp nập dòng
người dòng xe, nhưng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vẫn khoác lên mình một vẻ uy nghiêm đến lạ. Lần
đầu đặt chân đến đây, hay nói đúng hơn là lần đầu đặt chân đến một bảo tàng lịch sử, giữa khoảng sân
rộng đầy những máy bay, trực thăng, những xe tăng chiến đấu, tôi cảm nhận được sự khốc liệt như thể
mình đang đứng giữa chiến trường ác liệt năm nào. Theo sự hướng dẫn của các anh chị nhân viên bảo tàng,
tôi tìm lên tầng 3, phòng trưng bày số 1 “Những sự thật lịch sử” - nơi kể lại quá trình giành lấy độc lập của
nhân dân ta từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến sự kiện thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm
1975.
Từ khi có Đảng dẫn lối chỉ đường, cách mạng nước ta như bước vào một thời kỳ mới, mở ra vô vàn chiến
thắng vẻ vang cho nước nhà, mà mốc son chói lọi nhất thời bấy giờ chính là thành công của Cách mạng
Tháng Tám. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, nổ ra đúng thời cơ, quân và dân ta đã giành được
thắng lợi vang dội nhanh gọn, ít đổ máu. Và lần đầu tiên trong chiều dài lịch sử, chính quyền cả nước đã
về tay nhân dân. Đánh dấu sự kiện huy hoàng ấy, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà
Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm
dứt gần 100 năm ách đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam.

“...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật
đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải
để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Những lời tuyên thệ được in chữ vàng trên nền bức tranh đen trắng là thứ chào đón tôi ngay khi vừa bước
vào phòng trưng bày số 1, bên cạnh là chiếc loa phát lại khiến lòng tôi trào dâng cảm giác tự hào khó tả.
Đến ngay cả bản thân tôi, một người con Việt Nam may mắn sinh ra vào thời bình, chưa phải một ngày
chịu cảnh chiến tranh còn cảm thấy lâng lâng vui sướng khi được nghe thấy những lời đanh thép ấy, thì
những đồng bào, ông cha thuở bấy giờ hẳn còn hạnh phúc hơn gấp vạn lần.
Khi giờ đây đất nước đã được độc lập, nhân dân ta vô cùng vui mừng, hạnh phúc,chào đón ánh sáng của
độc lập, tự do lần đầu tiên sau bao năm ròng rã đau khổ tột cùng. Bước ra khỏi cách mạng Tháng Tám
năm 1945, chúng ta có được tự do, độc lập, đánh đuổi quân Nhật khỏi bờ cõi nước ta, từ đó tạo ra những
thuận lợi nhất định. Song song với đó, mới bước ra từ cuộc chiến, chúng ta cũng nhận lại không ít khó
khăn, thử thách. Mà thách thức to lớn nhất đặt ra, bên cạnh việc chính quyền mới còn non trẻ, thiếu thốn;
phải giải quyết hậu quả chiến tranh để lại, thì nghiêm trọng nhất lúc này chính là âm mưu quay lại thống
trị Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp.
Chưa khỏi vui mừng khi ngắm nhìn hình ảnh nhân dân ăn mừng ngày vui độc lập của dân tộc, tôi đã phải
bất bình trước sự xấu xa của thực dân Pháp. Không lâu sau khi Việt Nam giành được độc lập, thực dân
Pháp đã quay trở lại, không ngừng gây hấn khiêu khích chính quyền Việt Nam, mở đầu là ở khu vực Nam
Bộ (23/9/1945). Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược chúng ta, tăng cường đánh phá Nam Bộ, Nam
Trung Bộ, lập chính phủ bù nhìn “Nam kỳ tự trị” (1/6/1946). Vào ngày 23/11/1946, thực dân Pháp đã cho
tàu chiến tấn công thành phố cảng Hải Phòng (Miền Bắc – Việt Nam), quyết tâm mở rộng chiến tranh xâm
lược ra khắp đất nước Việt Nam. , đưa tàu chiến đánh chiếm thành phố Hải Phòng ngày 23/11/1946 (ảnh),
mở rộng chiến tranh xâm lược ở Bắc bộ. Có thể nói, nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ của
Việt Nam đã bị đặt vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải vừa giải quyết nạn đói, nạn dốt, vừa
chống lại âm mưu thù trong, giặc ngoài.
Đứng trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà, ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, đề ra con đường cho cách mạng Việt Nam. Thực
hiện theo “Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc” của Đảng, Chính phủ đã tích cực triển khai những nhiệm vụ
lớn, cấp bách, có thể kể đến như: kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bầu Chính phủ mới (ngày 3/11/1946). Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất
Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bầu các thành viên của Chính phủ liên hiệp kháng
chiến. Những hình ảnh của các kỳ họp được trưng bày trong bảo tàng là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện
rằng Chỉ thị kháng chiến - kiến quốc là văn kiện quan trọng đầu tiên về tư duy chính trị của Đảng cầm
quyền, chỉ rõ mối quan hệ kháng chiến để kiến quốc, kiến quốc để kháng chiến chống xâm lược.
Nhận thấy không thể nào tiếp tục nhân nhượng, ngày 18 - 19/12/1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng
ra chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng!”. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn
quốc kháng chiến”. Trong lời kêu gọi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa
bình….nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta một
lần nữa. Không. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu
làm nô lệ”. Lời kêu gọi ấy đã chạm đến trái tim yêu nước của không chỉ riêng tôi mà còn của những người
con Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam trên khắp cả nước
đã nhất tề đứng lên kháng chiến chống Pháp.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, thực hiện mệnh lệnh của chính phủ, quân và dân Hà Nội cùng các đô thị từ bắc vĩ tuyến 16 đổ ra đã
đồng loạt nổ súng, đánh dấu sự bùng nổ của cuộc kháng chiến toàn quốc. Đường lối kháng chiến chống
thực dân Pháp của Đảng ta được hình thành, bổ sung, phát triển qua thực tiễn cách mạng Việt Nam trong
những năm từ 1945 đến 1947. Nội dung cơ bản của đường lối ấy là: dựa trên sức mạnh toàn dân, tiến hành
kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức
mình là chính. Nhìn những hình ảnh kháng chiến, tôi
không khỏi tự hào trước bức ảnh một chiến sĩ “quyết tử”
thuộc Trung đoàn Thủ đô với bom chống tăng trên chiến
lũy ở Hà Nội, hay cảnh Thanh niên Tiền phong Nam bộ nô
nức tham gia kháng chiến. Có thể thấy, lời kêu gọi toàn
quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối
kháng chiến của Đảng đã trở thành ngọn cờ dẫn đường,
động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến lên và trở
thành nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng liên tục đề ra những chủ trương, đường lối mới để tổ chức, chỉ đạo
cuộc kháng chiến và đạt được những thành tựu nhất định như phát động cuộc chiến tranh du kích, bẻ gãy
các mũi tiến công nguy hiểm của Pháp, đẩy mạnh kháng chiến toàn diện để làm thất bại âm mưu “lấy
chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp. Mà tiêu biểu nhất đó
chính là thắng lợi của chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, lực lượng viễn chinh Pháp bị thất bại
nặng nề, ta “đạt được mục tiêu diệt địch, kết thúc thời kỳ chiến đấu trong vòng vây”. Chiến thắng này đã
mở ra cục diện mới, đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn cao hơn.
Tuy nhiên, nó cũng mở ra một giai đoạn mới, là cột mốc đưa Mỹ can thiệp sâu hơn vào Việt Nam. Trước
tình hình quân đội Pháp ngày càng sa lầy, chính quyền Mỹ ra sức giúp thực dân Pháp khi cung cấp máy
bay, xe tăng, cùng binh lính cho Pháp tại Việt Nam. Tháng 9/1950, phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ
cho Đông Dương (MAAG-I) được thành lập ở Sài Gòn với những quân nhân Mỹ đầu tiên hoạt động tại
Việt Nam.
Mặc dù nhận được sự trợ giúp từ phía chính quyền Mỹ, thế
nhưng sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam, thực dân Pháp liên tiếp thất bại. Trước tình hình đó,
tướng Navarre đã vạch ra “Kế hoạch Navarre” với tham vọng
“giành thế chủ động để đánh bại Việt Minh trong vòng 18
tháng”. Từ tháng 11/1953, Navarre bắt đầu cho xây dựng tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với mục tiêu thu hút các lực
lượng chủ lực của quân đội Việt Minh nhằm tiêu diệt họ, tìm
kiếm thắng lợi quân sự quyết định trên toàn chiến trường
Đông Dương. Để đánh bại âm mưu và kế hoạch Navarre,
Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân
1953 - 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “chiến dịch này là
một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà
còn về cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn
Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, với mọi nỗ lực cùng
phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, “đánh chắc thắng” quân ta nổ súng chủ động tấn công kẻ địch. Sau
56 ngày đêm từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954, lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ
Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng. Đây là chiến thắng quân sự
lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ta.
Sau thất bại tại trận chiến Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp buộc phải kí kết Hiệp định Geneva vào ngày
20/07/1954. Hiệp định Geneva bao gồm một số điều khoản quan trọng sau: Thứ nhất, chính phủ Pháp buộc
phải thừa nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Thứ hai, quân
đội Pháp phải rút toàn bộ về nước. Vào ngày 16/5/1955, đơn vị lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi miền Bắc
Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam sẽ tạm thời chia cắt thành 2 miền với ranh giới là vĩ tuyến 17 ở tỉnh Quảng
Trị. Sau 2 năm, tức vào năm 1956, một cuộc tổng tuyển cử chung sẽ được tiến hành để thống nhất đất nước.
Nhìn những hình ảnh ở buổi lễ ký kết hiệp định, cũng như những trích dẫn đanh thép của hiệp định Geneva
được treo trên tường bảo tàng, như kết quả của quá trình đấu tranh ngoan cường của dân tộc, tôi thấy tự hào
xiết bao khi giờ đây miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, vấn đề thống nhất Tổ quốc trở thành ý chí của toàn
dân tộc.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài được lâu, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Mỹ gạt dần ảnh
hưởng của Pháp, thay thế các tay chân của Pháp bằng các phần tử thân Mỹ. Ngô Đình Diệm được chính
quyền Mỹ bảo trợ trở thành “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”. Được Mỹ ủng hộ và khuyến khích, chính
quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ một cách có hệ thống, cự tuyệt hiệp thương tổng
tuyển cử thống nhất đất nước, ra sức bắt bớ, giam cầm
giết hại những người yêu nước. Tháng 5/1959 chế độ
Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 cho phép các tòa
án quân sự đặc biệt xử tử hình tại chỗ những người bị
gán cho là “xâm hại đến an ninh quốc gia”, thực chất là
những người yêu nước đấu tranh chống sự đàn áp tàn
bạo của Ngô Đình Diệm. Hình ảnh những người thanh
niên bị đưa lên máy chém, bị tàn sát không thương tiếc
chỉ vì lòng yêu nước của mình cho ta thấy lúc bấy giờ
thứ bao trùm lên miền Nam là một chế độ độc đoán, tàn
bạo. Tình hình mới đòi hỏi Đảng phải có đường lối
đúng đắn, vừa phù hợp với tình hình mỗi miền, vừa phù
hợp với xu thế chung của thời đại. Chính vì thế, từ năm
1954 đến năm 1959, Đảng ta vừa tăng cường phát triển
miền Bắc, vừa phát triển phong trào đấu tranh chính trị
mạnh mẽ ở miền Nam. Đến năm 1960, đánh dấu sự
bùng nổ của Phong trào Đồng Khởi và sự ra đời của
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. - Hội nghị Bộ Chính trị (1961-1962) phát triển thế tiến
công, từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, đánh địch bằng 3 mũi giáp công
(quân sự, chính trị, binh vận) trên 3 vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, thành thị). Hội nghị TW Đảng
lần 9 (1963) nâng đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang phải đáp ứng
yêu cầu mới, đóng vai trò quyết định trực tiếp.
Lo sợ nguy cơ sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, chính quyền Mỹ
liên tục đề ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”: gia tăng quân số của
lực lượng tay sai cùng với tăng cường trang bị vũ khí thiết bị quân sự
hiện đại với sự huấn luyện và chỉ huy của các cố vấn quân sự Mỹ.
Chúng mở liên tiếp các cuộc “bình định” vào căn cứ của ta, đề ra
“quốc sách” “ấp chiến lược” mà thực chất là những trại tập trung
khổng lồ, ở đó chúng hy vọng tăng cường sự kiểm soát bằng cách chà
đạp mọi quyền tự do cư trú, đi lại làm ăn sinh sống bình thường của
nhân dân. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ để chúng có thể hiện
thực hóa âm mưu của mình, trước những thất bại quân sự dồn dập và
trước làn sóng đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam Việt Nam, chính quyền Mỹ buộc phải thay Ngô
Đình Diệm bằng cuộc đảo chính quân sự ngày 01/11/1963. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, sau hơn 4
năm, từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, lực lượng cách mạng miền Nam đã làm phá sản chiến lược
“chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược của quân và dân
ta ở miền Nam, tạo cơ sở vững chắc để đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục đi lên.
“Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, chính quyền Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa các
đơn vị tinh nhuệ nhất của Mỹ cùng với lính đánh thuê các nước phụ thuộc trực tiếp tham chiến ở miền
Nam Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền
Bắc Việt Nam. Ngày 02/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo hải quân nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công tàu chiến Mỹ để lấy cớ dùng không quân và hải quân đánh phá
miền Bắc Việt Nam, mở rộng phạm vi chiến tranh ra toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ngày 08/3/1965, hai tiểu
đoàn Thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Nam Ô (Đà Nẵng), đánh dấu sự can thiệp quân sự trực
tiếp trên bộ đầu tiên của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Số quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam tăng lên một
cách nhanh chóng. Nhận xét về lực lượng quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, tướng William
Westmoreland (tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam) đã viết: “nước Mỹ chưa hề cho ra trận một
lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến hơn lực lượng ở Việt Nam trong những năm 1966-1969”.
Hội nghị Trung ương Đảng lần 11 (3/1965) và 12 (12/1965) đánh giá tình hình và đề ra đường lối kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước trên phạm vi cả nước. Quyết tâm chiến lược là đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược”. Mục tiêu chiến lược là bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Cùng phương châm chiến lược đẩy
mạnh chiến tranh nhân dân. Ở miền Bắc, Đảng đã xác định nhiệm vụ chuyển hướng xây dựng kinh tế cho
phù hợp với tình hình có chiến tranh; tăng cường lực lượng quốc phòng; ra sức chi viện cho miền Nam;
chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới và đã đem lại nhiều thành quả to lớn.
Đối với miền Nam, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, quân dân miền Nam với chiến thuật “bám
thắt lưng địch mà đánh” “tìm Mỹ mà diệt” đã lần lượt đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô
của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Ngày 28/1/1967, tại Hội nghị lần thứ 13 (khóa III), Đảng quyết định mở mặt
trận ngoại giao Tháng 12/1967, Bộ Chính trị ra quyết định tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Năm 1968,
cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa đồng loạt nổ ra ở 4/5 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn,
quận lỵ, chi khu quân sự, kho tàng trên toàn miền Nam, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy táo
bạo Tết Mậu Thân đánh một đòn chiến lược vào ý chí xâm lược của kẻ thù.
Sau sự kiện Tết Mậu thân 1968, chiến lược “chiến tranh cục bộ” mà chính phủ Mỹ tiến hành không mang
lại kết quả như mong muốn, tỷ lệ thương vong của binh lính Mỹ ngày càng tăng cao. Phong trào đấu tranh
của nhân dân Mỹ đòi rút quân Mỹ về nước ngày càng mạnh mẽ. Những hoạt động mạnh mẽ của phong
trào dậy sóng ấy cũng đã được tái hiện tại phòng trưng bày số 11 của bảo tàng, với những băng rôn, bài
báo, biểu ngữ phản chiến của người dân Mỹ. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ Nixon đã cho áp dụng
một học thuyết chiến tranh mới tại Việt Nam có tên gọi “Việt Nam hoá chiến tranh” (hay còn gọi là học
thuyết Nixon). Một mặt, Mỹ rút dần quân đội viễn chinh về nước, mặt khác lại mở rộng quy mô chiến
tranh ra toàn Đông Dương (gồm 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia). Tuy nhiên, giống như những học
thuyết chiến tranh trước đó, “Học thuyết Nixon” đã không thành công trên chiến trường 3 nước Đông
Dương. Tại miền Bắc Việt Nam, sau thất bại của chiến dịch Linebacker II, chính quyền Mỹ buộc phải ký
Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
của Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi
miền Nam Việt Nam, thành lập một chính phủ hòa hợp, hòa giải dân tộc ở miền Nam thông qua một cuộc
tổng tuyển cử tự do. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngay sau đó đã tìm cách phá hoại
Hiệp định Paris. Mỹ tiếp tục tiến hành viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa để theo đuổi những
nỗ lực chiến tranh. Được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, chính quyền Sài Gòn ra sức huy động toàn bộ quân
đội tiến hành cuộc chiến tranh “lấn chiếm và bình định”, đàn áp các lực lượng chính trị yêu nước, chống
hòa hợp hòa giải dân tộc, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris. Tuy nhận được sự viện trợ to lớn của Mỹ,
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thể trụ vững trước sức tấn công của quân Giải phóng.

Để rồi, như một tất yếu, hòa bình và độc lập rồi cũng trở lại với Việt Nam, 10g45 sáng ngày 30/4/1975, xe
tăng quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập buộc chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, kết
thúc cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Theo dòng thời gian của phòng trưng bày số 1: Những sự thật lịch sử, tôi đã có được một cái nhìn vừa
toàn diện, nhưng cũng vừa rõ nét về chặng đường khốc liệt nhất, nhưng cũng vẻ vang nhất của lịch sử
cách mạng Việt Nam. Qua đó, có thể thấy rõ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước
hết là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Với
đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, vận dụng lý luận chủ
nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ tổ quốc, vừa kế thừa truyền thống, vừa
phát triển phong phú các hình thức chiến tranh nhân dân, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt
Nam, kết hợp kháng chiến với kiến quốc đã đưa đến thắng lợi với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và ký
kết hiệp định Geneva. Tiếp theo đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối chính trị, quân
sự và phương pháp cách mạng do Đảng đề ra được thể hiện phong phú trong chiến tranh cách mạng “đã
tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn” để đánh thắng thế lực đế quốc giàu mạnh nhất, hung bạo nhất
trong thời đại ngày nay.
Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh “một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết
chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác - Lênin có đường lối và phương pháp
cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình,
ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế
giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược”.

Thế nhưng, suy cho cùng, những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại phòng trưng bày số 1 cũng chỉ trình bày
hiện thực khách quan hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Còn muốn hiểu
thêm về những đau thương, mất mát mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng suốt năm tháng ấy, muốn biết
lý do vì sao Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lại từng được gọi là Phòng trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy thì chỉ
những ai đã đặt chân đến đây mới phần nào hiểu thấu được. Chỉ khi đã xem qua từng bức ảnh trong bộ sưu
tập Hồi niệm của những phóng viên chiến trường đã chết trong chiến tranh, bộ ảnh tư liệu Việt Nam - chiến
tranh và hòa bình của nhà nhiếp ảnh Ishikawa Bunyo ta mới thấy rõ được những thứ khốc liệt mà chiến
tranh đã gieo rắc xuống mảnh đất thân thương này. Không ai có thể không phẫn nộ trước tội ác kinh hoàng
của đế quốc Mỹ. Người dân ta bị giết bằng những phương thức kinh hoàng như mổ bụng, moi gan, cắt đầu,
kéo xác rồi cả những hình ảnh tra tấn khủng khiếp nhất cũng được tái hiện một cách rõ nét. Chiến dịch “lê
máy chém đi khắp miền Nam” tàn sát cán bộ cách mạng và người dân vô tội rồi những hình ảnh tên Mỹ ác
ôn cầm xác người chiến sỹ không còn lành lặn, lính Mỹ hãnh diện chụp ảnh bên đống xác dân thường nằm
còng keo, bê bết máu. Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy, dù chỉ là qua lăng kính máy ảnh thôi, nhưng
trong lòng tôi đã trào dâng từng đợt cảm xúc khó tả. Lòng tôi lúc đó chẳng biết là thương cảm, là phẫn nộ,
hay là kinh sợ, nhưng tôi biết chắc rằng bản thân đã không cầm được nước mắt.
Chiếc máy chém đã gợi những nỗi ám ảnh nặng nề cho người thăm. “Chuồng cọp”, “địa ngục trần gian”
cũng đã được phục chế theo mô hình ở nhà tù Côn Đảo được tái hiện chân thực, phản ánh đầy đủ sự dã
man, tàn ác tra tấn các chiến sỹ cộng sản của bọn tàn ác. Mỹ ngụy áp dụng những biện pháp tra tấn chiến
sỹ cộng sản hết sức tàn độc. Ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện của những tù binh đều trong không gian nhỏ bé
và ngột ngạt đó. Rắc vôi bột cho người tù ngạt thở, cưa chân, đóng đinh vào đầu, khoét óc, giỏ nước làm
buốt óc, thông màng nhĩ, luộc người vào chảo dầu, nước sôi làm chóc da, lột xương, cho uống nước xà
phòng, đá vào bụng, mạn sườn để người tù nôn ra máu,… Những tiếng la hét, gào xé vang lên qua chiếc
loa đã cũ khiến tôi giật mình hoảng sợ khi vừa bước vào trong, nhưng sau đó là giọng nói hùng hồn cất lên
“Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo! Đả đảo!”, một người, hai người, năm người, rồi mười người, những lời
đanh thép liên tục cất lên như lấn át nỗi đau, nỗi sợ chốn ngục tù.
Tiếp theo đó là hình ảnh bom dội tàn phá khắp các miền quê từ Nam ra Bắc, giết chết biết bao nhiêu là
người già, trẻ em vô tội, có những trận bom dội hủy diệt cả những ngôi trường nơi trẻ em đang học, tàn
phá làng mạc quê hương. Nhưng có vẻ như chỉ bom thôi là chưa đủ. Kháng chiến thành công đã khép lại
thời kỳ lịch sử đen tối ấy, nhưng không thể nào xóa đi hậu quả chiến tranh nặng nề. Mà độc ác nhất đó
chính là chất độc màu da cam, thứ đã và vẫn đang còn hiện diện trong cuộc sống của người dân Việt Nam.
Những người lính hy sinh anh dũng, những người bị chất độc màu da cam phá hoại thân mình, những đứa
trẻ sinh ra với dị tật bẩm sinh, những bào thai đã chết khi vừa mới thành hình trong bụng mẹ. Những hình
ảnh ấy, có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được…

You might also like