You are on page 1of 3

Trao duyên

Thiên “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du quả thực là một kiệt tác văn chương của
nhân loại, tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn dưới dạng các trích
đoạn tiêu biểu. Một trong những đoạn trích tiêu biểu cho hoàn cảnh éo le, dang dở tình duyên
của Thúy Kiều chính là “Trao duyên”. Tác giả đã rất thành công trong việc khắc họa một cách
chân thực, rõ nét tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong từng phân cảnh, để lại trong lòng người
đọc những cảm nhận sâu sắc.
 Như chúng ta đã biết, đoạn trích Trao duyên là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân để
nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng để giữ trọn lời thề với chàng Kim.
     Mở đầu đoạn trích là lời của Thúy Kiều nhờ em Thúy Vân:
“... Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
     Với hai câu thơ cùng cách sử dụng từ ngữ cho thấy Nguyễn Du đã đặt Thúy Kiều ở vai dưới.
Lời Thúy Kiều mở đầu bằng chữ “cậy” như một sự phó thác đầy tin tưởng. Đồng thời, tác giả
còn sử dụng hàng loạt động từ “lạy”, “thưa” để diễn tả nỗi lòng của Thúy Kiều. Theo lẽ thường,
Thúy Kiều là chị thì sẽ không bao giờ phải lạy, thưa em gái mình song ở đây, Thúy Kiều đã chấp
nhận làm điều đó, bởi lẽ, Thúy Kiều đang phải nhờ vả em mình và trong hoàn cảnh lúc này của
Kiều, có lẽ Thúy Vân là người duy nhất nàng có thể tin tưởng dựa vào để nhờ vả. Hành động ấy
của Thúy Kiều đã phần nào diễn tả được nỗi lòng chua xót, ngậm ngùi của nàng trước cảnh tình
duyên lỡ dở.
Đồng thời, sau khi mở lời với Thúy Vân, Kiều đã giãi bày nỗi lòng mình với em, đó vừa như
những lời tâm sự vừa như lí lẽ trao duyên của Thúy Kiều
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
     Dường như, đến đây người đọc đã hiểu ra rằng lời nhờ cậy của Kiều trong hai câu đầu là một
sự phó thác mà Thúy Vân không thể từ chối được. Điều đó cũng đúng thôi, bởi lẽ chuyện tình
của Thúy Kiều và Kim Trọng đang ở độ đương thì, ngọt ngào viên mãn, ấy vậy mà bỗng
chốc “đứt gánh tương tư” thì thử hỏi làm sao Kiều không chua xót cho được. Và bởi vậy, Thúy
Kiều chỉ có thể trông chờ Thúy Vân “chắp mối tơ thừa”. Hai tiếng “mặc em” cất lên như một sự
phó thác đầy thiết tha, khẩn cầu của Kiều. Để rồi, cứ thể, Kiều mở lòng mình, kể với em về
chuyện tình với chàng Kim:
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
     Với hình ảnh “quạt ước”, “chén thề” Thúy Kiều muốn khẳng định tình cảm gắn bó, sâu nặng
giữa nàng và Kim Trọng. Đồng thời, qua đó càng thể hiện nỗi đau của Thúy Kiều khi phải trao
duyên cho em. Trao duyên cho Thúy Vân là điều Thúy Kiều chưa từng nghĩ tới, hơn ai hết, nàng
biết đấy là tình thế khó xử đối với cả nàng và em, nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy “sóng gió bất
kì”, nàng phải đứng giữa sự lựa chọn đầy khó khăn giữa tình và hiếu và cuối cùng, nàng phải hi
sinh tình yêu của bản thân mình, để hoàn thành chữ hiếu, bán mình chuộc cha. Bởi vậy, nàng
không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ em nối duyên với Kim Trọng.
     Thêm vào đó, để tăng thêm sức thuyết phục trong lời nhờ cậy của mình, Thúy Kiều đã khôn
khéo, tinh tế gửi vào trong đó hoàn cảnh của Thúy Vân:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương tan
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
     Thúy Kiều đã khéo léo nhắc đến tuổi xuân của Vân còn dài, còn nhiều hi vọng ở phía trước.
Để rồi từ đó, viện dẫn tới tình chị em “tình máu mủ” và cái họa khi bán mình chuộc cha của
mình “thịt nát xương tan”, “ngậm cười chín suối” Thúy Kiều đã đặt Thúy Vân vào thế không thể
từ chối. Tất cả những điều đó đã thể hiện được sự sắc sảo, tinh tế và khôn khéo trong con người
Thúy Kiều.
     Như vậy, mười sáu câu đầu bài thơ là lời nhờ cậy, giãi bày, thuyết phục của Thúy Kiều với
Thúy Vân trước một sự việc hệ trọng mà nàng sắp thực hiện – bán mình chuộc cha và em. Để
rồi, trong mười bốn câu thơ tiếp theo, Thúy Kiều đã trao kỉ vật tình yêu và dặn dò Thúy Vân
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
     Có thể nói, chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền là  những kỉ vật thiêng
liêng, là minh chứng chứng giám cho tình yêu son sắt của Thúy Kiều và Kim Trọng. Ấy vậy mà
giờ đây, Thúy Kiều phải trao lại cho em. Thử hỏi làm sao nàng không  đau đớn, không xót xa
cho được? Hành động trao kỉ vật của Thúy Kiều đau xót là thế nhưng chắc hẳn chúng ta sẽ càng
xót xa hơn trước những lời mà Kiều dặn dò em – “Duyên này thì giữ vật này của
chung” hay “Mất người còn chút của tin”. Có thể dễ dàng nhận ra, “duyên này” chính là tình cảm
của Thúy Kiều và Kim Trọng còn “của chung” chính là đề cập đến những kỉ vật trước giờ là của
Kiều và Kim, còn bây giờ của cả Thúy Vân nữa. Hai tiếng của chung cất lên mới thật đau đớn,
xót xa làm sao. Dường như, câu thơ còn giấu trong nhịp điệu của nó một nỗi đau sâu kín của
nàng Kiều. Và có lẽ, càng xót xa hơn trước lời Thúy Kiều dặn Thúy Vân khi nàng nghĩ về tương
lai mịt mờ, bất hạnh của mình ở phía trước
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan.
     Sử dụng các từ ngữ giả định “mai sau”, “dù có” cùng với việc sử dụng các hình ảnh thuộc về
cõi chết “nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”, “hồn”, “dạ đài”, “cách mặt khuất lời”, “người thác
oan” Thúy Kiều đã nghĩ tới tương lai bất hạnh của mình nơi cõi âm đầy ma mị. Thêm vào đó,
nhịp thơ chậm rãi, thiết tha, não nùng làm cho lời thơ như tiếng khóc não nùng, có nén lại để
không bật lên thành lời. Tất cả những điều đó đã góp phần diễn tả nỗi đau tột cùng của Thúy
Kiều khi trao kỉ vật cho Thúy Vân. Đồng thời, qua đó, giúp chúng ta cảm nhận được tình cảm
thủy chung, sâu nặng của Thúy Kiều và Kim Trọng.
     Từ mộng mị của tương lai mờ mịt, Thúy Kiều trở lại với thực tại đau xót và bày tỏ nỗi niềm,
tâm trạng của mình với chàng Kim qua những vần thơ da diết
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng
Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
     Những vần thơ trên chính là lời độc thoại của Thúy Kiều với chính mình. Hơn ai hết, Thúy
Kiều ý thức được thực tại của bản thân với biết bao tan vỡ, lỡ dở, nổi trôi của tình duyên và số
phận con người. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng hàng loạt các thành
ngữ “trâm gãy bình tan”,“hoa trôi lỡ làng”,“phận bạc như vôi”. Dường như, tất cả nỗi đau của
Thúy Kiều dồn nén từ đầu đoạn trích đã lên đến đỉnh điểm khi nàng cất lên tiếng gọi xé lòng:
Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
     Ở đây, cách gọi Thúy Kiều dành cho Kim Trọng đã có sự thay đổi. Thúy Kiều không đơn
thuần gọi Kim Trọng bằng tên mà thay vào đó gọi là “lang”, điều đó có nghĩa là với Thúy Kiều,
Kim TRọng không còn đơn thuần chỉ là người yêu mà tận sâu trong trái tim nàng, nàng và Kim
Trọng đã nên duyên mà dù sống hay chết, điều đó cùng không thể thay đổi. Lời thơ vừa thể hiện
nỗi đau xé ruột của Thúy Kiều nhưng qua đó cũng giúp chúng ta nhận thấy sự son sắt, chung
thủy trong tình yêu mà Kiều dành cho chàng Kim.
Bài thơ đc Thể thơ lúc bát của dân tộc rất giàu nhạc tính cùng với cách ngắt nhịp đầy dụng
ý, Nguyễn Du đã tạo nên nhịp điệu của tâm trạng, của những nỗi đau đớn trong suy nghĩ của
Kiều khi trao duyên. Các biện pháp ẩn dụ, điệp từ, vận dụng nhuần nhuyễn các thành ngữ đã xây
dựng thành công diễn biến tâm lí phức tạp, giằng xé, đau khổ của Kiều qua những lời độc thoại
nội tâm khéo léo.
Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh của Thúy Kiều khi phải dứt lòng
trao lại cho Thúy Vân mối tình đầu tiên. Lời nhờ cậy đầy đau khổ khiến cho Kiều như đứt từng
khúc ruột. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ấy, Kiều không còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Giữa
chữ “tình” và chữ “hiếu”, Kiều buộc lòng phải chọn chữ “hiếu” vì nàng không thể giương mắt
nhìn cha và em bị hành hạ tới chết được.

You might also like