You are on page 1of 8

PHÂN TÍCH BƯỚC CHUYỂN

TỪ TƯ DUY THẦN THOẠI


SANG TƯ DUY TRIẾT HỌC
TRONG KINH UPANISHAD

Môn Triết học - Sau đại học

Giảng viên hướng dẫn TS. Nguyễn Thị Thùy Duyên

Học viên thực hiện Lại Trần Quốc Anh

MSSV 21822020301

Chuyên ngành Ngôn ngữ Pháp


NỘI DUNG

I. Các khái niệm cơ bản của đề tài

1. Tư duy thần thoại


Lại Nguyên Ân đề cập trong quyển 150 thuật ngữ văn học, rằng thần thoại là "sáng tạo của trí
tưởng tượng tập thể toàn dân, phản ánh khái quát hiện thực dưới dạng những vị thần được
nhân cách hóa hoặc những sinh thể có linh hồn mà dù là quái tượng, phi thường đến mấy
cũng vẫn được đầu óc người nguyên thủy nghĩ và tin là hoàn toàn có thực. Mặc dù thần thoại
tồn tại như những truyện kể về thế gian, nhưng thần thoại không phải là một thể loại ngôn từ
mà là những ý niệm và biểu tượng nhất định về thế giới. Cảm quan thần thoại nói chung
không chỉ bộc lộ bằng truyện kể, mà còn bộc lộ trong nhiều hình thức khác: trong hành động
(nghi lễ, lễ thức, răn cấm), trong các bài ca, điệu nhảy…

Đặc trưng của thần thoại thể hiện rõ nhất trong văn hóa nguyên thủy, ở đó thần thoại là cái
tương đương với "văn hóa tinh thần" và "khoa học" của xã hội cận hiện đại. Trong đời sống
các cộng đồng nguyên thủy, thần thoại là cả một hệ thống, con người nguyên thủy tri giác và
mô tả thế giới bằng các biểu tượng của hệ thống ấy. Thần thoại là ý thức nguyên hợp của xã
hội nguyên thủy. Về sau, thần thoại phân chia thành các hình thái ý thức xã hội như tôn giáo,
nghệ thuật, văn học, khoa học, tư tưởng chính trị…thì các hình thái ấy vẫn bảo lưu trong
chúng hàng loạt mô hình thần thoại, được chế biến lại để đưa vào cấu trúc mới, thần thoại có
cuộc sống thứ hai".

Như vậy, theo Nguyễn Văn Huấn lý giải, thần thoại được xem như một lối tư duy phổ biến
đối với các xã hội nguyên thủy và nền văn minh cổ đại từ thời mới hình thành, mang mục
đích lý giải cho các hiện tượng tự nhiên vượt ngoài tầm hiểu biết của con người ở thời điểm
đề cập. Lối tư duy thần thoại mang đậm dấu ấn con người, thể hiện cách mà cư dân thuộc
thời đại đó nhìn nhận xã hội và hiện thực. Văn học, hay trong trường hợp nghiên cứu này là
kinh kệ, chính là một hình thức biểu đạt, phản ánh lối tư duy thần thoại.

2. Tư duy triết học


Dưới đây là định nghĩa về tư duy theo Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam, thuộc Viện
Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Theo như quyển 4 của bộ từ điển, tư duy được định
nghĩa là “sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt - bộ não, quá trình
phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, phán đoán, lí luận, vv. TD
xuất hiện trong quá trình sản xuất xã hội của con người. Trong quá trình đó, con người so
sánh các tài liệu thu được từ nhận thức cảm tính hoặc các ý nghĩ với nhau, trải qua các quá
trình khái quát hoá và trừu tượng hoá, phân tích và tổng hợp để rút ra các khái niệm, phán
đoán, giả thuyết, lí luận, vv. Kết quả của quá trình TD bao giờ cũng là sự phản ánh khái quát
các thuộc tính, các mối liên hệ cơ bản, phổ biến, các quy luật không chỉ ở một sự vật riêng lẻ,
mà còn ở một nhóm sự vật nhất định. Cơ chế sinh lí học của TD là cơ chế hoạt động thần
kinh cao cấp. Song, mặc dù không thể tách khỏi bộ não, TD vẫn không được giải thích một
cách hoàn toàn bởi sự hoạt động của bộ máy sinh lí học. TD gắn liền trước hết không phải
với sự tiến hoá sinh lí học, mà với sự tiến hoá xã hội. Nó là một sản phẩm xã hội, bởi vì TD
con người chỉ tồn tại trong mối liên hệ không tách rời với hoạt động lao động và lời nói, là
những hoạt động chỉ tiêu biểu cho xã hội loài người thôi. Kết quả của TD được ghi lại trong
ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, TD đã gắn liền với ngôn ngữ, được thực hiện nhờ ngôn
ngữ. Mặc dù xuất hiện do kết quả của hoạt động thực tiễn, song TD lại có tính độc lập tương
đối. Nó thể hiện ở chỗ, sau khi xuất hiện, sự phát triển của TD còn chịu ảnh hưởng của toàn
bộ tri thức mà nhân loại đã tích lũy được trước đó, cũng như chịu ảnh hưởng, tác động của
các lý thuyết, quan điểm cùng thời với nó. TD có lôgic phát triển nội tại của mình, đó là sự
phản ánh đặc thù lô-gic của thế giới quan. Tính độc lập tương đối của TD, một mặt, khiến TD
có được tính tích cực sáng tạo trong quá trình tìm kiếm tri thức mới, nhưng mặt khác, cũng là
nguồn gốc của sự tách rời TD khỏi hiện thực khách quan. Vì vậy, tính đúng đắn của TD cần
được kiểm tra trong thực tiễn.”

Như vậy, khi phân tích bước chuyển tư duy từ tư duy thần thoại sang tư duy triết học, chúng
ta có thể tập trung vào phương pháp tìm kiếm và phân tích những dấu hiệu, hoạt động tư duy,
hình thái thể hiện qua văn bản cho thấy con người bắt đầu sử dụng nền tảng lý luận mang tính
khoa học, thay cho lối tư duy thần thoại mang tính lý giả tự nhiên và không thể tranh luận.

3. Sơ lược thông tin về kinh Upanishad


Kinh Vệ-đà ban đầu được chia thành 3 phần chính, bao gồm Rig Véda (thi tụng cái biết),
Sâma Véda (ca vịnh thần chú, các câu tụng khi hiến tế) và Yayur Véda (các công thức hàm
chứa các nghi lễ). Sau mới thêm vào một bộ thứ tư gọi là Atharva Véda, mang mục đích giải
thích các quyển trước về khía cạnh thuyết giáo, mang tính thiết thực và triết học. Mỗi bộ kinh
Vệ-đà được chia thành hai bộ, một bộ bao gồm các bước tiến hành các nghi lễ gọi là Bản tập,
bộ kia tập trung giải thích ý nghĩa các nghi lễ gọi là Phạm thư.

Tính chất các bộ Phạm thư luôn được bổ sung mở rộng bởi nhiều tác giả khác nhau, trong đó,
bao gồm cả các phần bổ sung được gọi là Áo nghĩa thư. Áo nghĩa thư, có thể được hiểu theo
nghĩa đen là “kinh điển với ý nghĩa uyên áo”, hay còn gọi là kinh Upanishad, được xem là
phần kết thúc và hoàn thiện cho bộ kinh Vệ-đà. Kinh Upanishad tập hợp những lý giải uyên
thâm về những chi tiết huyền bí của bộ kinh Vệ-đà.

II. Phân tích bước chuyển từ tư duy thần thoại sang tư duy triết học
trong kinh Upanishad
Về vai trò của Đấng sáng tạo và cách luận giải thế giới, trong bộ Rig-Veda có nhắc tới hiến tế
hy sinh một thực thể vũ trụ bởi các vị thần là nguồn cội của mọi sự trong vũ trụ, những sự vật
hiện hữu bao gồm cả cái hữu hình lẫn vô hình, đó chính là Purusha. Như vậy, trong giai đoạn
tiền Upanishad, người dân thuộc nền văn minh Ấn Độ chấp nhận có một đấng tối cao chịu
trách nhiệm cho sự tạo dựng vũ trụ và loài người. Ngoài ra, còn có vô số các vị thần khác
chính là các yếu tố tự nhiên, vượt ngoài sự hiểu biết của họ đã được thần hóa. Về sau, trong
đời sống xã hội, để lý giải cho các hiện tượng xã hội, con người bắt đầu tạo ra nhiều vị thần
để đại diện cho những khái niệm trừu tượng đó, ví dụ như thần chân lý, thần của lẽ phải, thần
của cái ác,... Đời sống của người dân Ấn Độ trong giai đoạn này hoàn toàn đặt vào tay của
các vị thần. Họ xem việc thờ cúng là con đường kết nối bản thân với thế giới của các vị thần,
cho nên thờ cùng xuất hiện trong mọi mặt của đời sống.

Các vị thần trú ngụ ở mọi cõi trong thế giới quan của con người. Với người dân khi ấy, thế
giới tuân theo một mô hình tam giới : hạ giới cai quản bởi thần lửa Agni, trung giới (cõi trung
gian hay không trung) được cai quản bởi thần gió Vàyu, và thiên giới cai quản bởi thần mặt
trời Surya. Thần lửa vừa mang khả năng phá hủy, vừa là đấng bảo hộ, mang lại nguồn sinh
lực, của cải dồi dào cho con người. Thần gió là “đấng thâm nhập tràn lan”, xuất hiện ở cả ba
giới, mang nhiệm vụ thanh tẩy và chuyển những lễ vật của con người (cùng với thần lửa) đến
các thần linh. Thần mặt trời Surya là nguồn sống của vũ trụ, là ánh sáng soi rọi tâm trí của
vạn vật.

Nhìn chung các thần linh trong kinh Vệ Đà được nhắc tới mang đậm tính thần thoại, là sản
phẩm của trí tưởng tượng con người (theo một cách hiểu nhất định). Các vị thần mang bản
tính siêu việt, vượt lên trên con người, tách rời khỏi bản thể con người, tuy nhiên cũng mang
những nét vô cùng thế tục, như có vợ có chồng, sinh con, có những nét tính cách, tâm tư cảm
xúc của trần thế.

Qua tới giai đoạn của kinh Upanishad, tư duy của con người đã có ghi nhận những chuyển
biến sâu sắc liên quan đến sự hình thành vũ trụ và hệ thống các vị thần. Theo đó, kinh
Upanishad chỉ ra một khái niệm gọi là “linh hồn vũ trụ tuyệt đối tối cao” (hay khái niệm “tinh
thần tối cao Brahman”). Ở đây, điểm chuyển tư duy được thể hiện qua việc tư duy con người
biến đổi từ tư duy thần thoại (thần luận) chuyển sang tư duy triết học về bản thể luận. Kinh
Upanishad có viết : “Đầu tiên, nguyên thủy chỉ có một thực tại duy nhất không hai. Một số
cho rằng nguyên thủy, đầu tiên cái không tồn tại là duy nhất, chỉ duy nhất, không hai; và từ
cái không tồn tại đó, tồn tại được sinh ra” (dịch bởi Trịnh Thanh Tùng). Như vậy, linh hồn vũ
trụ tuyệt đối tối cao chính là cái có từ trước nhất và là duy nhất, không có cái thứ hai, là tuyệt
đối, là tối cao, là vĩnh viễn, không thể được cảm nhận bởi ngũ quan con người, tức là không
hình dáng, không màu sắc, không thuộc tính, không hữu hình. Từ cái tuyệt đối tối cao vô
hình này mà sinh ra mọi vật hữu hình, từ cái không tồn tại này mà mọi cái tồn tại được sinh
ra. Từ cái đó mọi vật được sinh ra, trong cái đó mọi vật sinh trưởng và sau khi tiêu tan thì
mọi vật nhập lại vào linh hồn vũ trụ tuyệt đối tối cao. Cái đó chính là Brahman.

“Brahman là nguồn sáng của mọi ánh sáng”, “Brahman là cái ở đằng trước,
Brahman là cái ở đằng sau, Brahman là cái ở bên phải, bên trái, Brahman ở
chót vót trên caovà ở tận cùng đáy sâu. Brahman là cái gì vĩ đại nhất” (The
Upanishads, vol. 1,1949, p. 293).
“Brahman không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không
tối tăm, không mùi, không vị, không mắt, không tai, không tiếng nói, không hơi
thở, không trong, không ngoài, không tiêu hủy mà cũng không bị tiêu hủy”
(The Upanishas, vol. 3, 1956, p. 230).

“Brahman là cái vô hình và không thể nắm bắt, không thể lấy gì tỷ nghĩ và
không màu sắc, lại không mắt, không tai, không tay, không chân, nhưng hằng
hữu - cái không có chỗ nào không thấu ở khắp cả và là cái không thể rờ đụng,
cái không ở đâu không có nó... như tử cung sinh vạn vật.” (The Upanishads,
vol. 1, 1949, p. 264).

“Cái ấy, cái mà con người ta không thể dùng lời mà diễn tả được, nhưng nhờ
đó mà có ngôn ngữ. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là đấng mà con
người thờ phụng ở cõi đời này.

Cái ấy, cái mà con người ta không thể lấy phàm thức mà tưởng nghĩ được,
nhưng nhờ đó mà có trí tuệ. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là đấng
mà con người thờ phụng trên cõi đời này.

Cái ấy, cái mà người ta không thể lấy mắt mà nhìn thấy được, nhưng nhờ đó
mà mắt thấy được tất cả. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là đấng
mà con người thờ phụng trên cõi đời này.

Cái ấy, cái mà người ta không thể lấy tai mà nghe được, nhưng nhờ đó mà tai
nghe được mọi sự. Chính cái ấy là Brahman, chứ không phải là đấng mà con
người thờ phụng trên cõi đời này.

Cái ấy chẳng thở được bằng hơi thở, nhưng nhờ đó mà đời sống biết hít thở
sinh khí. Cái ấy chính là Brahman, chứ không phải là đấng mà con người thờ
phụng trên cõi đời này”

(The Upanishads,vol. 1, 1949, p. 333 - 335).

Dịch bởi Trịnh Thanh Tùng.

Về bản chất, Brahman không còn là một thực thể thần thánh mang tính cảm tính, cũng không
phải một cái gì đó tuyệt đối hư vô, mà Brahman chính là cái ban đầu, cái nguyên bản, từ cái
nguyên bản này mà sinh ra rất nhiều hình thức biểu hiện khác của Brahman, chính là cây cỏ,
con người, động vật,... Sau khi cái hữu hình tan biến, những biểu hiện khác nhau này của linh
hồn vũ trụ tuyệt đối tối cao Brahman sẽ trở về nhập với Brahman.

“Cái do đấy mọi vật sinh ra, cái nhờ đó mọi vật tồn tại, và cái ở đó mọi vật trở
về sau khi tiêu tan. Con người hãy tự tìm hiểu lấy, cái đó chính là Brahman”
(The Upanishads, vol. 4, 1959, p. 67).

“Cũng như con nhện giăng tơ và rút tơ về, cũng như cỏ sinh ra trên mặt đất,
cũng như lông mọc trên thân người sống, thì nơi đây trong vũ trụ, phàm cái
hiện tồn là cái sinh ra tự cái bất di bất dịch” (The Upanishads, vol. 1, 1949, p.
264).

Dịch bởi Trịnh Thanh Tùng.

Từ tư duy của con người về Brahman, mà người ta đã có thể phát triển thêm khái niệm về
“cái tôi bản ngã Atman”. Như đã nói, con người cũng chính là một biểu hiện của Linh hồn vũ
trụ Brahman. Như vậy, linh hồn vũ trụ Brahman hóa thân vào con người dưới dạng linh hồn
cá nhân (cái tôi bản ngã, cái tự ngã) Atman. Atman là đồng một thể với Brahman. Brahman là
cái bao trùm, là cái duy nhất từ trước, còn Atman là vô số các dạng biểu hiện của Brahman
nơi trần thế trong thân xác con người.

“Đây là chân lý của hữu tồn. Cũng như từ một ngọn lửa rực rỡ phát sinh ra
hàng triệu tia lửa khác nhau mà cùng có hình thể lửa, thì từ “Hằng hữu” bất
di bất dịch phát sinh hằng hà sa số hữu tồn và chúng cũng trở về với cái bất di
bất dịch” (The Upanishas, vol. 1, 1949, p. 279)

Dịch bởi Trịnh Thanh Tùng.

Để xét về mối quan hệ giữa tinh thần tối cao - linh hồn vũ trụ Brahman với linh hồn cá nhân -
cái tôi bản ngã Atman, kinh Upanishads thường dùng những hình ảnh minh họa rõ nét, như
khi ví Brahman là lửa, còn Atman là muôn vàn tia lửa, hay khi ví Brahman là nước, còn
Atman là muôn vàn con sóng từ nước mà ra. Brahman - cái toàn thể, cái tuyệt đối, cái duy
nhất - hiện diện ở mọi nơi, là cái khách quan lại là nguồn gốc của những bản thể con người
trên khắp mọi nơi, là linh hồn của mỗi con người. Cho nên có thể hiểu, bên trong con người,
tiềm ẩn cả một vũ trụ bao la rộng lớn.

"Tự ngã (Atman) không sinh ra, không chết đi… Atman nhỏ hơn cái nhỏ nhất,
lớn hơn cái lớn nhất, là cái tiềm ẩn trong lòng tất cả chúng sinh. Nó tự sinh ra,
tồn tại mãi mãi, trường tồn và cổ xưa. Nó không bị giết chết khi thân xác bị
giết chết" (The Upanishads, vol. 1, 1949, p. 142)

Dịch bởi Trịnh Thanh Tùng.

Khi tư duy về bản thể luận, người ta cũng bao hàm cả tư duy về nhận thức luận của bản thể
ấy. Vậy mục đích tối cao của con người là gì? Vì bởi Atman xuất phát từ Brahman, cho nên
Atman chính là Brahman, và Brahman là cái duy nhất. Về bản chất, Atman có thể thấu hiểu
được Brahman vì chúng là một. Tuy vậy, Atman lại được chứa đựng trong thân xác con
người, là cái hữu hình và sẽ tan biến, cho nên con người chia thành hai phần, là Atman cái
gốc nhận thức kết nối trực tiếp với Brahman, và cái tôi trần thế mang những tâm tư, tình cảm,
cảm xúc, hành động của con người, rất thế tục. Vậy để con người thực sự hiểu được về
Brahman, về cái tôi bản ngã, về nguồn cội của mình, thì phải có được hai tầng nhận thức.

- Một là bậc hạ trí, tức là hiểu biết của con người về mọi sự vật, sự việc, hiện tượng,
mọi thứ hữu hình, hữu hạn, vận hành xung quanh con người và trên thế giới (mà thực
chất, tất cả những thứ này chỉ là biểu hiện khác nhau của Brahman).
Ví dụ : kiến thức toán học, khoa học, tôn giáo, chính trị, và cả kiến thức kinh kệ trong
4 bộ Vê-đa.

- Hai là bậc thượng trí, hay còn gọi là “minh giác siêu việt”, tức là mức độ nhận thức,
tư duy vượt trên mọi sự vật, là mức độ thông hiểu bản chất duy nhất, tuyệt đối, tối cao
của mọi sự vật. Ở mức độ này, thì con người mới có thể hiểu được tinh thần vũ trụ tối
cao Brahman.

Mối quan hệ giữa hai bậc nhận thức hạ trí và thượng trí có thể được hiểu như sau: ở bậc
thượng trí, khi con người đã thấu hiểu được Brahman, thì có thể hiểu biết mọi thứ khác, vì
khi đã biết bản chất của mọi sự vật, thì con người tự khắc biết những thứ bản thân chưa bao
giờ học, chưa bao giờ biết tới; tuy vậy, hạ trí cũng là cơ sở, là công cụ để con người khám
phá, tìm hiểu, nhận biết bản chất cụ thể của các sự vật, là cấu nối để con người tiến tới bậc
hiểu biết thượng trí.

“Cái biết nhờ đó mà người ta biết được cái gì chưa biết mà cũng như học rồi,
chưa nghĩ mà cũng như đã từng nghĩ đến rồi, chưa từng hiểu cũng như đã hiểu
rồi... Cũng như chỉ nhờ biết nắm đất sét mà người ta biết tất cả những gì làm
bằng đất sét...” (The Upanishas, vol. 4, 1959, p. 293).

Dịch bởi Trịnh Thanh Tùng.

Như vậy, qua những phân tích, dẫn chứng, và lập luận cụ thể như trên, ta có thể dễ dàng thấy
được sự chuyển biến về mặt nhận thức của cư dân thuộc nền văn minh Ấn Độ cổ, trung đại từ
tư duy thần thoại sang tư duy triết học thông qua kinh Upanishads.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
● TRIẾT HỌC UPANISHAD, Thích Nhuận Thịnh.
https://www.chuatulam.net/a358/triet-hoc-upanisad

● Luận án Tiến sĩ Triết học : TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI-NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ - NCS. TRỊNH THANH TÙNG
https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32346864/triet-hoc-an-do-co-dai-noi-dung-dac-diem-v
a-y-nghia-lich-su-ncs-trinh-thanh-tung/323035366864.html

● The Philosophy of the Upanishads, Dr K. R. Paramahamsa


(Triết học trong kinh Upanishads, TS. K. R. Paramahamsa)
http://www.vedamu.org/Veda/KRP-SIR/ThePhilosophyoftheUpanisads_New.pdf
Thông tin về tác giả: https://citycollege.ac.in/about-us

● Giáo trình Triết học Cao học, Bộ GD&ĐT, NXB Lý luận Chính trị

● Một số vấn đề lý luận về thần thoại, Tạp chí nghiên cứu Văn hóa - Nguyễn Văn Huấn.
http://dlib.huc.edu.vn/bitstream/123456789/67/1/m%E1%BB%99t%20s%E1%BB%9
1%20l%C3%BD%20lu%E1%BA%ADn%20v%E1%BB%81%20v%E1%BA%A5n%
20%C4%91%E1%BB%81%20th%E1%BA%A7n%20tho%E1%BA%A1i.pdf

● Mục : Áo nghĩa thư, theo Wikipedia Tiếng Việt.


https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81o_ngh%C4%A9a_th%C6%B0

You might also like