You are on page 1of 4

ĐỀ 1

I. Đọc hiểu (5.0 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
Hơn mười năm nay, tôi xem Bắc Giang như một chốn đi về. Ở đâu cũng có cái để yêu, điều để
mến, người để thương và nói như ai đó, đến Bắc Giang chơi quên cả lối về.
Sông núi Bắc Giang không quá hùng vĩ nhưng chẳng kém thơ mộng. Sông Cầu, sông Thương chảy
mãi trong dân ca, ca dao xứ sở đến tận bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai níu náu, hẹn hò. Lớp lớp núi
non Tây Yên Tử cùng những chùa tháp nghìn năm như Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Am Vãi (Lục Ngạn),
Đồng Thông (Sơn Động)…là điểm đến hấp dẫn với du khách muôn nơi. Không chỉ để ngắm cảnh đâu
mà người ta sẽ có dịp “đọc” lại quá khứ, ngẫm suy những bài học lịch sử, trải nghiệm tâm linh để
tăng thêm hiểu biết và quan trọng hơn là thanh lọc tâm hồn.
Đến với Bắc Giang, cảm nhận được chiều sâu văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt này là thu
hoạch đáng kể nhất của du khách. Dự một canh quan họ ở Bắc sông Cầu sẽ thấm hơn cái hay, cái đẹp
rất tinh tế của cuộc chơi dân dã nổi tiếng này.
Tôi đã từng được ngồi ở đình làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) nghe các liền anh Hai Nam, Hai
Hiệp ca quan họ cổ hay đến mức không thể dứt ra được. Hát mộc thôi mà sao cái giọng đan điền da diết
đến thế: “ Yêu nhau không lấy được nhau/ Mượn dao, mượn kéo gọt đầu đi tu”…Còn đây, còn mãi với
thời gian, không gian quan họ vang, rền, nền, nảy bởi các ngân rung lề lối, vặt, giã của những liền anh
áo lương khăn xếp, của những liền chị nón thúng quai thao.
(Trích Bắc Giang - một chốn đi về, Nguyễn Hữu Quý, Báo Bắc
Giang ngày 28/11/2020)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2. Nêu công dụng của dấu ngoặc kép trong câu văn sau: Hát mộc thôi mà sao cái giọng đan
điền da diết đến thế: “Yêu nhau không lấy được nhau/ Mượn dao, mượn kéo gọt đầu đi tu”…
Câu 3. Theo tác giả, đến với Bắc Giang, du khách sẽ cảm nhận được những gì?
Câu 4. Phân tích tác dụng của phép liệt kê được sử dụng trong câu: Ở đâu cũng có cái để yêu,
điều để mến, người để thương và nói như ai đó, đến Bắc Giang chơi quên cả lối về.
Câu 5. Em cảm nhận được tình cảm của tác giả với vùng đất Bắc Giang như thế nào?
Câu 6. Là người con Bắc Giang, em thấy mình cần phải làm gì để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp quê
hương mình với bạn bè muôn nơi? (Trình bày ngắn gọn trong một đoạn văn từ 5 đến 7 câu).
II. Làm văn (5.0 điểm): Viết bài văn thuyết minh về một món ăn truyền thống của dân tộc.
………………. Hết ………………
ĐỀ 2
Câu 1(4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Những con chim kơ-púc, mình đỏ chót và nhỏ như quả ớt cố rướn cặp mỏ thanh mảnh của
mình hót lên lanh lảnh nghe như tiếng sáo. Chú chim piêu có bộ lông xanh lục, đôi chân như đi tất
vàng, giống hệt những nhà thể thao đang nhào lộn trên cành cây trâm lòa xòa mặt nước. Chim pếch-
ka mải mê chải chuốt bộ lông vàng óng của mình. Chim câu xanh, chim sa-tan nhẹ nhàng cất tiếng hót
gọi đàn. Họ nhà chim đủ các loại, đủ các màu sắc ríu rít bay đến đậu những bụi cây quanh hồ, tiếng
hót rộn rã vang cả mặt nước.
(Trích Những chim công, Thiên Lương, Thú rừng Tây Nguyên,
NXB Kim Đồng, 2013, tr.90)
a. Xác định câu chủ đề và cách trình bày nội dung của đoạn văn trên.
b. Chỉ ra từ tượng hình, tượng thanh trong số các từ sau: lanh lảnh, lòa xòa, chải chuốt, rộn rã.
c. Tìm các từ thuộc trường từ vựng chỉ tên các loài chim trong đoạn trích trên. Sự xuất hiện các loài
chim ấy thể hiện điều gì?
d. Những loài chim được kể trên đã dần dần biến mất. Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến điều đó?
Câu 2 (6.0 ): Giới thiệu về một danh lam thắng cảnh của quê hương em.
……………………………………………………
ĐỀ 3
I. Đọc hiểu (5.0 điểm): Đọc đoạn ca từ sau và thực hiện các yêu cầu
Nghe em hát chiều nay bên dòng suối Mỡ
Xôn xao lòng tôi thắm xanh núi đồi
Quanh co, quanh co con đường lên dốc
Đền Trung, Đền Thượng hương khói vô vi
Róc rách suối reo, hoa lá thầm thì...
Ơi Lục Nam,
Đất quê ta sinh người quê ta
Nước sông Thương nuôi ngọt giọng ca
Tiếng hát em bay lả bay la
Lúp xúp mâm xôi, hoa vải trắng đồi…
 
Bắc Giang mình ơi,
Nơi có bao dòng sông đều trong xanh
Sông Thương, sông Cầu nước chảy lơ thơ
Cho bao tâm hồn ý nhạc lời thơ
Sông Lục Nam trôi
Nghiêng nghiêng bóng một con đò…
Xa xa dãy núi Huyền Đinh
Linh thiêng sông nước ngàn năm
Lưu luyến mãi lời ca em hát
Người ơi ới người...
Buông áo ra về tình quê lai láng
Ơi người em gái Lục Nam
Em là con gái Bắc Giang...
(Theo lời ca từ bài hát Gửi về sông Lục núi Huyền, Đỗ Hồng Quân)
Câu 1. Xác định một trường từ vựng có trong bài ca trên.
Câu 2. Trong đoạn ca từ trên, tác giả đã nhắc tới những dòng sông, dòng suối, dãy núi nào của
tỉnh Bắc Giang?
Câu 3. Tìm 02 từ láy tượng thanh, 02 từ láy tượng hình có trong bài ca.
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Róc rách suối reo, hoa lá thầm thì...
Câu 5. Em hiểu nội dung hai câu hát sau như thế nào?
Đất quê ta sinh người quê ta
Nước sông Thương nuôi ngọt giọng ca
Câu 6. Là một người con của tỉnh Bắc Giang, em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ
trong việc xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp? (Trả lời trong khoảng 5-7 câu văn)
II. Làm văn (5.0 điểm): Giới thiệu một thể loại văn học mà em yêu thích (Thơ lục bát/ Thất ngôn bát
cú Đường luật/ truyện ngắn)
………………………………………………………………….
ĐỀ 4
Câu 1 .Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi có một căn nhà ở quê. Nơi có mảnh vườn rộng, đàn gà con chạy lon ton trong khu vườn
mùa nào cũng có trái chín. Một cây táo già lặng lẽ bên góc sân. Những cơn gió hoang vu từ đồng quê
thổi vào giữa trưa hè nóng bức và những khúc hát ru ầu ơ của mẹ trên cánh võng năm nào. [...]
Chúng tôi - những đứa trẻ thôn quê, đầu trần chân đất nhưng tâm hồn lúc nào cũng rạng ngời như
con chim sẻ bay giữa mùa xuân nhờ vào những khúc hát ru đầy cảm xúc của mẹ.[...] Một thế giới với
những con vật gần gũi xung quanh. Đó là cái cò, cái vạc, là con cá, con tôm, con tằm...và những con
vật này cũng biết làm việc như người lớn: con cò bắt tép, cái bống thổi cơm, nấu nước hoặc là “Bà
còng đi chợ trời mưa. Cái tôm cái tép đi đưa bà về”.
[...] Cuộc sống ngày càng phát triển với nhiều tiện nghi hiện đại, những thiết bị như máy nghe
nhạc, nhiều loại băng, đĩa hình, điện thoại di động có cài các loại nhạc, kể cả hát ru...khiến người ta
quên đi những khúc hát ru.
(Trích Khúc hát ru của mẹ, Trần Nguyên Hạnh,
Báo Giáo dục và thời đại, số ra ngày 19.8.2019)
a. Xác định từ láy trong các câu văn sau:
Tôi có một căn nhà ở quê. Nơi có mảnh vườn rộng, đàn gà con chạy lon ton trong khu vườn
mùa nào cũng có trái chín. Một cây táo già lặng lẽ bên góc sân.
b. Trong đoạn trích, dấu ngoặc kép có công dụng gì?
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn:
Chúng tôi - những đứa trẻ thôn quê, đầu trần chân đất nhưng tâm hồn lúc nào cũng rạng ngời
như con chim sẻ bay giữa mùa xuân nhờ vào những khúc hát ru đầy cảm xúc của mẹ.
d. Với riêng em, những lời hát ru có ý nghĩa như thế nào?
Câu 2. Đóng vai Chị Dậu kể lại đoạn trích“Tức nước vỡ bờ” (Ngô Tất Tố)
……………………………………………
ĐỀ 5
Câu 1 (4.0 điểm): Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu 
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy 
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy 
Bầy chim non bơi lội trên sông. 
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng, 
Sông mở nước ôm tôi vào dạ.
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả:
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông,
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng;
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến,
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển,
Vẫn trở về lưu luyến bên sông.
(Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương, Thơ Tế Hanh,
NXB Văn học, 2008, tr.58-59)
a. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?
b. Tìm các từ láy có trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên.
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển,
Vẫn trở về lưu luyến bên sông.
d. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ gì về ý nghĩa của những kỉ niệm tuổi thơ đối với cuộc sống
của mỗi con người? (Trình bày ngắn gọn từ 3 đến 5 câu).
Câu 2 (6 điểm): Nhập vai Xiu kể lại kể lại quá trình hồi sinh của nhân vật Giôn-xi.
trong “Chiếc lá cuối cùng” (Ô Henri).
………………………………………………
ĐỀ 6
Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
… Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.
[…]
Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kì kháng chiến
Hưng Đạo Vương đã mở hội Diên Hồng.
Quê hương tôi có hát xòe, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.
(Trích Bài thơ quê hương, Nguyễn Bính, thivien.net)
a. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
b. Tìm các từ thuộc trường từ vựng chỉ tên các danh nhân được nói đến trong đoạn
thơ.
c. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ.
d. Theo em, cần làm gì để giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của quê hương đất nước?
Câu 2: Kể lại truyện ngắn “Lão Hạc” bằng lời của con trai ông giáo.
…………………………………………………………………….
MỘT SỐ ĐỀ VĂN TỰ LUYỆN
I. Đọc hiểu
Câu 1 (4.0 điểm)- Đề thi HKI của Sở GD BG (2017- 2018)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi trở về ngôi nhà chênh vênh giữa đồi vải thiều này để lắng nghe hoa vải nở [...]. Giấc ngủ
nơi miền đồi đến nhẹ nhàng và dịu ngọt hương hoa. Tôi tỉnh dậy trước bình minh khi tiếng gà gáy
vang, vỗ cánh phành phạch nhẩy từ những cành vải xuống. Bước ra sân nhà, phía trước tôi là sắc hoa
ngàn ngạt như một dòng sữa chảy dài dưới ánh nắng. Hoa vải đã nở. Từng chùm hoa li ti, hân hoan
kết lại với nhau thành dải đăng ten phủ lên khắp đồi cây. Hơi đất đồi sỏi cũng được ướp vào hương
hoa vải, hòa quyện vào nhau tạo nên không gian bạt ngàn, trong lành trước những giọt sương còn
vương trên nhánh cỏ may.... Đừng dại dột chạy nhảy vô tư vào đồi vải bạt ngàn ấy. Với miền hoa của
giấc mơ ngào ngạt này, chủ vườn đã gọi đàn ong yêu hoa về thụ phấn cho vải và hút mật. Bao cánh
ong vo ve thành bản hợp xướng cổ súy cho những cánh hoa nở rộn rã với đất trời.
Trích Về quê vải, Thu Hà, Góc xanh khoảng trời
tr. 147, NXB Văn học, 2013
a. Nhân vật “tôi” trong đoạn trích trên “trở về ngôi nhà chênh vênh giữa đồi vải thiều” để làm gì?
b. Tìm 04 từ thuộc trường từ vựng chỉ cây và hoa vải thiều trong đoạn trích.
c. Chỉ ra các từ láy trong đoạn trích và cho biết, trong số đó, từ nào là từ tượng thanh?
d. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Bước ra sân nhà, phía trước tôi là
sắc hoa ngàn ngạt như một dòng sữa chảy dài dưới ánh nắng.
e. Qua đoạn văn trên, em hiểu gì về tình cảm của tác giả với miền đất được gọi là miền hoa của
giấc mơ ngọt ngào? (Trả lời ngắn gọn, không phân tích)
Câu 2 (3.0 điểm). Đề thi HKI của Sở GD BG (2018- 2019)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi năm trôi qua Xê Pốc lại thêm lớn, cậu đi rừng nhiều hơn và không biết từ khi nào, rừng
xanh trở thành người bạn không thể thiếu được của cậu. Càng lớn Xê Pốc càng biết nhiều, càng khám
phá được nhiều thứ mới lạ. Cậu thấy rừng thật giàu và đẹp, rừng cho dân bản củi khô, măng, nấm. Cậu
không muốn rừng bị phá đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có, cậu yêu rừng và cậu muốn bảo vệ rừng. Ước muốn
ấy cứ thôi thúc Xê Pốc mỗi lần đi học xa nhà.
Xê Pốc học hết trường bản rồi đến trường huyện, trường tỉnh. Đi học xa nhà, Xê Pốc nhớ
rừng như con nai, con báo, như con chim K. Tu không thể quên rừng, lúc nào cũng mơ ước được trở
về với rừng. […] Tiếng suối vẫn róc rách chảy, tiếng cười nói của những khách du lịch xì xồ…Tất cả
như trộn lẫn vào nhau ồn ã như nhịp sống đang lăn đi mỗi lúc một xa. Xê Pốc ngồi trong phòng lâng
lâng một cảm xúc thật khó tả.
(Theo Người tri ân với rừng, Kiều Thị Thúy, Chúng
em viết về môi trường du lịch, NXB Kim Đồng, tr. 95,97)
a. Xét theo cấu tạo ngữ pháp, câu văn sau thuộc kiểu câu gì?
Cậu không muốn phá đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có, cậu yêu rừng và muốn bảo vệ rừng.
b. Tìm 02 từ tượng thanh trong đoạn trích trên.
c. Các từ nai, báo, chim K.Tu có nét chung nào về nghĩa?
d. Từ hiểu biết của bản thân, em hãy đưa ra các giải pháp để bảo vệ rừng.
II. Làm văn
1. Em hãy nhập vai Giôn xi trong truyện ngắn “ Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn OHen-ri kể lại quá
trình hồi sinh của nhân vật Giôn-xi.
2. Tưởng tượng em là người được chứng kiến toàn bộ cảnh lão Hạc trò chuyện với ông giáo sau khi
bán chó và cái chết của lão Hạc. Dựa vào truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, em hãy kể lại những
sự việc đó.
3. Giả sử bà lão hàng xóm là người được chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra ở gia đình chị Dậu. Dựa
vào đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố, em hãy đóng vai bà lão kể lại sự việc đó.
4. Em hãy nhập vai cô bé bán diêm kể lại câu chuyện “Cô bé bán diêm”- An- đec- xen
5. Kể lại cuộc trò chuyện giữa Hồng và bà cô trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” (Nguyên Hồng).
6. Giới thiệu một đồ dùng/ vật dụng trong cuộc sống.

You might also like