You are on page 1of 16

Khoa Dược

Bộ môn Dược lâm sàng

CHUYÊN ĐỀ HỌC PHẦN


SAI SÓT TRONG SỬ DỤNG THUỐC

Chuyên đề NK 24:
SAI SÓT TRONG KÊ ĐƠN
DO THAO TÁC LỰA CHỌN NHẦM LẪN THUỐC
TỪ DANH SÁCH THẢ XUỐNG CỦA PHẦN MỀM VI TÍNH

Học viên: Nguyễn Thị Hoàng Linh


Lớp: Cao học Dược lý – Dược lâm sàng, khóa 2022 – 2024

TP.HCM – 2023
ii

MỤC LỤC

DANH MỤC CÁC HÌNH ii


1. GIỚI THIỆU 1
2. NỘI DUNG 1
2.1. HỆ THỐNG RA Y LỆNH ĐIỆN TỬ 1
2.1.1. Định nghĩa 1
2.1.2. Lợi ích mang lại 2
2.1.3. Các sai sót thuốc phát sinh 3
2.2. SAI SÓT TRONG KÊ ĐƠN DO LỰA CHỌN NHẦM THUỐC TỪ DANH
SÁCH THẢ XUỐNG TRONG PHẦN MỀM VI TÍNH 4
2.2.1. Đặc điểm và một số ví dụ thực tế 4
2.2.2. Các yếu tố liên quan 6
2.2.3. Giải pháp đề xuất 7
3. KẾT LUẬN 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO

DANH MỤC CÁC HÌNH

Hình 2.1. Màn hình chứa danh sách liều dùng của hệ thống kê đơn 4
Hình 2.2. Màn hình vi tính lựa chọn nhầm thuốc trong quá trình kê đơn và cảnh
báo đi kèm 6
Hình 2.3. Cảnh báo của hệ thống CDS khi kê thuốc chưa có trong chỉ định 9
1

1. GIỚI THIỆU
Hệ thống ra y lệnh điện tử hay hệ thống kê đơn điện tử (Computerized Provider
Order Entry system), gọi tắt là CPOE, mang nhiều ưu điểm với lợi ích chính là cải
thiện tính rõ ràng, tính sẵn có và tính liên tục của việc chăm sóc. Một lợi ích quan
trọng nữa là giảm đáng kể số sai sót thuốc.(1) Bên cạnh đó, nhiều báo cáo cho thấy
hệ thống cũng gây phát sinh các loại sai sót mới với tỷ lệ khác nhau ở các cơ sở mà
nguyên nhân phổ biến nhất là lựa chọn nhầm lẫn từ danh sách thả xuống.(1,2) Danh
sách trong phần mềm kê đơn có thể là danh sách thuốc, liều dùng, đường dùng hoặc
danh sách bệnh nhân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung đến hậu quả
chọn sai thuốc từ danh sách cho sẵn, các yếu tố góp phần và biện pháp khắc phục. Hệ
thống CPOE rất hữu ích cho thực hành kê đơn tại các cơ sở y tế, tuy nhiên, cần đầu
tư thiết kế các chi tiết trong hệ thống một cách cẩn thận, phù hợp với quy trình làm
việc của người kê đơn cũng như nâng cấp hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng (hệ
thống CDS) nhằm giảm bớt nguy cơ sai sót liên quan CPOE.
2. NỘI DUNG
2.1. HỆ THỐNG RA Y LỆNH ĐIỆN TỬ
2.1.1. Định nghĩa
Hệ thống ra y lệnh điện tử - CPOE là một trong những can thiệp mang tính
công nghệ thông tin, đưa việc kê đơn bằng giấy sang hình thức kê đơn điện tử, được
ra đời với mục đích chính là cải thiện tính an toàn, chất lượng và giá trị của việc chăm
sóc bệnh nhân.(3) Hệ thống cho phép bác sĩ nhập trực tiếp y lệnh thuốc, xét nghiệm
hay bất cứ thủ thuật nào lên hệ thống điện tử, sau đó y lệnh được trực tiếp chuyển đến
cho người nhận phụ trách thực hiện khâu tiếp theo, bao gồm dược sĩ, nhân viên phòng
xét nghiệm hoặc khoa xạ trị...(4)
Hệ thống CPOE có 2 loại chính: CPOE bệnh viện, được sử dụng trong các cơ
sở y tế và hạn chế các lựa chọn thuốc trong các danh sách định nghĩa sẵn, và CPOE
dành cho thuốc cấp cứu.(5) Ngày nay, CPOE thường được kết hợp với hệ thống hỗ
trợ ra quyết định lâm sàng (Clinical Decision Support System), gọi tắt là hệ thống
CDS. Đó là một hệ thống kiến thức tích cực, sử dụng dữ liệu của bệnh nhân để đưa
2

ra các cảnh báo thời gian thực phù hợp cho từng cá thể. Các hình thức thường thấy
của CDS bao gồm các cảnh báo, nhắc nhở, y lệnh viết sẵn và các tập hợp kê đơn, tính
toán liều cũng như truy cập vào tài liệu tham khảo trực tuyến. Tuy nhiên, CDS cũng
có thể tiềm ẩn trong các thiết kế của hệ thống CPOE khi giới hạn lại các lựa chọn
trong danh sách theo chỉ định hoặc theo thông tin dị ứng của bệnh nhân.(1,6)
2.1.2. Lợi ích mang lại
Bản chất điện tử của CPOE giúp hệ thống khắc phục được các sai sót thuốc
liên quan chữ viết tay khó đọc và sao chép y lệnh.(7) Nhiều hệ thống CPOE phối hợp
hệ thống CDS còn có thể kiểm tra tương tác thuốc theo thời gian thực và cảnh báo
bác sĩ về dị ứng của bệnh nhân cũng như tính toán hiệu chỉnh liều theo thông tin cân
nặng hoặc chức năng thận của bệnh nhân, nhờ vậy mà giảm đi đáng kể khả năng kê
liều thuốc không an toàn hoặc không phù hợp. Các hệ thống như vậy có thể mang lại
nhiều lợi thế tiềm năng bao gồm cung cấp thông tin thuốc thời gian thực, liên kết tốt
hơn giữa các nhân viên y tế, liên kết với các chương trình khác và giảm chi phí điều
trị.(3)
Nhiều nghiên cứu cho thấy CPOE giúp tăng tính an toàn trong chăm sóc y tế
nhờ giảm sai sót thuốc và các biến cố có hại của thuốc (ADE). So với kê đơn viết tay,
hệ thống CPOE có khả năng giảm đáng kể nguy cơ xảy ra ADE và nguy cơ xảy ra sai
sót thuốc, lần lượt là 47% và 46%. Cơ sở có tỷ lệ sai sót thuốc càng cao thì khả năng
giảm càng hiệu quả.(8) Năm 2013, nghiên cứu của tác giả Radley và cộng sự (9) sau
khi triển khai kê đơn thuốc trên hệ thống CPOE, ước tính giảm khoảng 12,5% sai sót,
tương ứng xấp xỉ 17,4 triệu sai sót thuốc được ngăn chặn ở Mỹ trong 1 năm. Ngược
lại, năm 2021, Ciappon và cộng sự (10) lại có kết quả tổng hợp cho thấy khả năng
CPOE giúp giảm nguy cơ sai sót thuốc là không đáng kể. Việc chuyển đổi cách thức
kê đơn từ giấy qua điện tử ở khoa hồi sức tích cực cũng có liên quan đến việc giúp
giảm đi 85% tỷ lệ sai sót thuốc trong kê đơn và giảm đi 12% tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên,
thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong thay đổi không đáng kể.(11) Ngoài ra, nguy cơ
xảy ra các sai sót thuốc liên quan đến hóa trị liệu cũng giảm 81% sau khi triển khai
CPOE theo kết quả phân tích gộp của Srinivasamurthy và cộng sự.(12)
3

2.1.3. Các sai sót thuốc phát sinh


Việc triển khai kê đơn điện tử giúp giảm mạnh các sai sót thuốc trong kê đơn.
Đi kèm với hiệu quả, cũng có nhiều bằng chứng cũng cho thấy CPOE làm phát sinh
các loại sai sót thuốc khác. Tuy nhiên, vì tỷ lệ sai sót thuốc được ngăn chặn vẫn cao
hơn nhiều so với tỷ lệ phát sinh, do đó, nhìn chung, CPOE vẫn là một can thiệp mang
tính hiệu quả nhằm giảm bớt sai sót thuốc.(2)
Tỷ lệ sai sót thuốc có liên quan đến hệ thống CPOE thay đổi khá nhiều giữa
các báo cáo, trong khoảng từ 6,1% đến 77,7%. Số sai sót thuốc này chiếm tỷ lệ không
quá 6,3% so với số lượng đơn kê.(3)
Các loại sai sót có liên quan đến CPOE bao gồm: sai liều dùng, sai thuốc, sai
đường dùng, sai thời gian dùng, sai bệnh nhân, trùng lặp thuốc, sót thuốc. Trong đó,
sai liều dùng và sai thuốc là 2 loại sai sót được xuất hiện thường xuyên ở kết quả của
tất cả nghiên cứu về CPOE. Lỗi sai liều dùng là sai sót phổ biến nhất, chiếm 7-67,4%
với trung vị là 31,5% sai sót.(3)
Có nhiều yếu tố dẫn đến sai sót thuốc liên quan CPOE, và được phân loại khác
nhau ở mỗi nghiên cứu. Theo nghiên cứu tổng quan hệ thống của Brown và cộng sự
(13), có 8 nguyên nhân chính, bao gồm: nội dung hiển thị trên màn hình vi tính; danh
sách thả xuống và tính năng tự động điền (auto-population); từ ngữ sử dụng; các cài
đặt mặc định; quy trình kê đơn không linh hoạt hoặc phức tạp; lặp lại đơn thuốc và
quy trình tự động hóa; quy trình làm việc của bác sĩ và hệ thống CDS.
Bên cạnh đó, do sự khác biệt trong kê đơn cho người lớn và trẻ em, đặc biệt là
vấn đề liều dùng, Tolley và cộng sự (14) đã đưa ra 5 yếu tố chính góp phần gây ra sai
sót thuốc liên quan CPOE ở nhi khoa như sau: thiếu cảnh báo về liều dùng; đưa ra
cảnh báo không phù hợp về liều dùng; đưa ra cảnh báo không phù hợp về trùng lặp
thuốc; danh sách thả xuống và thiết kế hệ thống chưa phù hợp.
Các yếu tố trên đều có liên quan mật thiết đến con người và thiết kế lấy người
dùng làm trung tâm. Với mỗi nguyên nhân, các tác giả cũng đưa ra một số khuyến
cáo tương ứng để có thể ngăn ngừa sai sót thuốc. Nói chung, hệ thống CPOE nên
được thiết kế phù hợp với quy trình làm việc thông thường của bác sĩ và kết hợp các
4

nguyên tắc thiết kế lấy con người làm trung tâm trong các giai đoạn phát triển và triển
khai thực hiện.(13)
2.2. SAI SÓT TRONG KÊ ĐƠN DO LỰA CHỌN NHẦM THUỐC TỪ DANH
SÁCH THẢ XUỐNG TRONG PHẦN MỀM VI TÍNH
2.2.1. Đặc điểm và một số ví dụ thực tế
Lựa chọn nhầm lẫn từ danh sách thả xuống là nguyên nhân gây ra sai sót thuốc
có liên quan đến CPOE phổ biến nhất.(1,2,15) Khi cần chọn bệnh nhân hoặc nhập y
lệnh, ví dụ tên thuốc, liều dùng, đường dùng, ... bác sĩ sẽ chọn từ danh sách cho sẵn
thay vì tự nhập nội dung. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ tiết kiệm thời
gian thao tác kê đơn cũng như dễ dàng chuyển giao, đồng bộ hóa và thống kê dữ liệu.
Hình 2.1 là một ví dụ màn hình chứa danh sách thả xuống từ phần mềm kê đơn.

Hình 2.1. Màn hình chứa danh sách liều dùng của hệ thống kê đơn
Nguồn: Westbrook và cộng sự (2)

Lỗi lựa chọn nhầm lẫn có thể dẫn đến nhiều loại sai sót trên lâm sàng, bao
gồm: sai liều dùng, sai thuốc, sai đường dùng, sai thời gian dùng và sai bệnh nhân.(3)
Tùy thiết kế mỗi phần mềm khác nhau mà tỷ lệ sai sót do nhầm lẫn lựa chọn cũng
khác nhau. Kết quả trong nghiên cứu của Westbrook và cộng sự (2) tiến hành so sánh
5

hai phần mềm kê đơn điện tử tại hai bệnh viện cho thấy dù tổng tỷ lệ sai sót thuốc
liên quan CPOE là tương tự nhau, sai sót do nguyên nhân lựa chọn nhầm lẫn từ 2
phần mềm chênh lệch nhau 4 lần. Hệ quả sai sót trên lâm sàng chiếm tỷ lệ cao nhất
trong nhóm nguyên nhân này cũng khác nhau ở 2 phần mềm.
Tỷ lệ kê sai thuốc liên quan CPOE thay đổi khá rộng giữa các nghiên cứu, với
trung vị 15% và lựa chọn nhầm thuốc từ danh sách thả xuống trong phần mềm kê đơn
là một trong hai nguyên nhân chính. (3,15) Loại sai sót này có thể gây hậu quả nghiêm
trọng nếu y lệnh này chuyển đến khoa dược, cuối cùng là cấp phát đến bệnh nhân.
Nghiên cứu của Villamañán và cộng sự (15) đã chỉ ra một trường hợp, bác sĩ chọn
nhầm Ventavis (iloprost – dùng điều trị tăng áp phổi) thay vì chọn Ventolin
(salbutamol – điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Nếu như dược
sĩ không kịp thời ngăn chặn đơn này, có thể thuốc đã đến tay bệnh nhân.
Tra cứu hồ sơ bệnh án khó có thể xác định liệu rằng một sai sót sai thuốc có
phải đơn thuần là do thao tác lăn chuột (scrolling) hay vì bác sĩ ấy không biết đâu là
thuốc nên được chọn. Khi Savage và cộng sự (16) tiến hành phỏng vấn các nhân viên
y tế, nhân viên ở khoa dược đã mô tả một số trường hợp mà bác sĩ kê đơn nhầm thuốc
nằm gần nhau trong danh sách lựa chọn của phần mềm, và cho rằng sai sót này khó
có thể xảy ra trong trường hợp kê đơn viết tay vì các thuốc này rất khác biệt về chỉ
định, cụ thể: kê nhầm methotrimeprazin thành methotrexat, hoặc kê nhầm ethambutol
thành ethamsylate. Một nghiên cứu khác cũng đưa ra ca lâm sàng về việc bác sĩ kê
nhầm lorazepam thành loratadine.(17)
Tại một bệnh viện khác, bác sĩ đã chọn methylprednisolon acetat cho chỉ định
tiêm tĩnh mạch (IV) thay vì methylprednisolon natri succinat (là dạng muối cho
đường IV) (hình 2.2). Methyl prednisolon acetat là dung dịch chỉ được sử dụng tiêm
trong khớp hoặc tiêm bắp, không được dùng đường IV. Trên màn hình cũng thể hiện
cảnh báo về sự tồn tại của 2 loại muối và phải lựa chọn chính xác đường dùng. Tuy
nhiên, dường như bác sĩ không để ý cảnh báo nên vẫn tiếp tục kê đơn.(2)
6

Hình 2.2. Màn hình vi tính lựa chọn nhầm thuốc trong quá trình kê đơn và
cảnh báo đi kèm
Nguồn: Westbrook và cộng sự (2)

2.2.2. Các yếu tố liên quan


Bên cạnh lợi ích mang lại trong việc tiết kiệm thời gian, ngăn chặn sai sót do
chữ viết tay khó đọc và do sao chép y lệnh, việc kê đơn điện tử với danh sách thả
xuống cũng tiềm ẩn một số yếu tố góp phần vào nguy cơ lựa chọn nhầm lẫn như sau
(13):
− Danh sách lựa chọn:
o Danh sách quá dài.
o Thuốc có tên nhìn giống nhau hoặc đọc giống nhau (LASA).
o Thuốc nằm kế tiếp nhau trong danh sách.
− Tương tác giữa hệ thống và người dùng:
o Hệ thống đáp ứng chậm.
o Người dùng nhấp chuột, lăn chuột nhiều lần
Trong một nghiên cứu tiến hành phỏng vấn nhân viên y tế, các bác sĩ cho rằng
danh sách càng dài càng khiến họ dễ lựa chọn sai. Tác giả đưa ra giải thích với hiện
tượng quá tải chọn lựa, tức là việc cung cấp cho con người quá nhiều lựa chọn có thể
cản trở việc ra quyết định do sự gia tăng gánh nặng nhận thức liên quan.(18) Theo
định luật Hick-Hyman, càng cho người dùng nhiều lựa chọn, họ càng mất nhiều thời
gian để quyết định.(19) Môi trường y tế bận rộn và thời gian hạn chế sẽ làm trầm
trọng thêm tác động bất lợi của quá tải chọn lựa lên bác sĩ. Hơn nữa, danh sách quá
dài có thể khiến bác sĩ chỉ muốn chọn các lựa chọn xuất hiện đầu tiên nhằm tiết kiệm
7

thời gian.(1) Vì vậy, cung cấp ít lựa chọn dường như sẽ có được nhiều lựa chọn đúng
đắn hơn.
Các danh sách thông thường được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, nhằm mục
đích giúp bác sĩ dễ dàng tìm kiếm khi kê đơn. Các thuốc LASA thường dễ bị chọn
nhầm do khả năng cao sẽ xuất hiện cùng nhau trong các gợi ý lựa chọn,(13,16) đặc
biệt là các thuốc có cùng tên thương mại nhưng khác hàm lượng hoặc khác dạng bào
chế, ví dụ như Ventolin Nebules 2,5 mg, Ventolin Nebules 5 mg và Ventolin Inhaler
hay các loại insulin. Bác sĩ bắt đầu tìm kiếm với từ khóa đúng, nhưng có thể sẽ chọn
nhầm vì sự tương tự như trong các lựa chọn.
Tương tác giữa người dùng và hệ thống kê đơn cũng là một yếu tố khá quan
trọng. Khi hệ thống đáp ứng chậm, phải mất thời gian dài để hoàn thành một lệnh,
trong khi bác sĩ có thể đang vội hay không chú ý, chưa quen với hệ thống, thực hiện
thao tác nhấp chuột hoặc lăn chuột nhiều lần dẫn đến vô tình chọn nhầm một thuốc
nào đó không phù hợp hoặc gây nguy hiểm cho bệnh nhân.(20,21)
2.2.3. Giải pháp đề xuất
2.2.3.1. Cải tiến thiết kế hệ thống
Thiết kế hệ thống CPOE là rất quan trọng, có thể giúp ngăn ngừa hoặc thúc
đẩy thêm nguy cơ gây sai sót thuốc. Việc thiết kế danh sách không cân nhắc đầy đủ
các khía cạnh có thể dẫn đến nhiều sai sót thuốc hơn.(1,22)
Danh sách dài mang quá nhiều lựa chọn là nguy cơ của sai sót do lựa chọn
nhầm, vậy nên việc giới hạn độ dài danh sách cũng như đưa các lựa chọn phổ biến
nhất nằm ở đầu danh sách dường như có thể giảm thiểu được việc lựa chọn nhầm
lẫn.(2,13,23)
Đối với các thuốc LASA, có nhiều cách được đề xuất để làm nổi bật sự khác
biệt giữa các tên thuốc giống nhau, một trong những kỹ thuật đó là viết chữ nhấp nhô
(Tall Man Lettering - TML). TML là thuật ngữ được Viện thực hành thuốc an toàn
(ISMP) đưa ra nhằm mô tả kỹ thuật làm nổi bật các chữ cái khác nhau trong tên của
những thuốc tương tự nhau bằng cách viết hoa các chữ cái ấy, còn lại các chữ giống
nhau thì viết thường. Ví dụ: hydrOXYzin và hydrALAzin, cebrEX và cebrADEX,
8

vinBLAStine và vinCRIStine, CISplatin và CARBOplatin... Bên cạnh việc viết hoa,


có thể tô màu hoặc in đậm các chữ cái khác biệt để làm rõ sự khác nhau giữa hai tên
thuốc và cảnh báo rằng tên thuốc dễ gây nhầm lẫn để nhân viên y tế lưu ý.(24,25)
Tuy nhiên, nhìn chung các bằng chứng thực nghiệm về ủng hộ hiệu quả của kỹ thuật
TML vẫn còn hạn chế.(13)
Sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy 43% sai sót thuốc liên quan CPOE là do
lựa chọn nhầm lẫn, một số tác giả đã kết luận rằng việc hạn chế thao tác lựa chọn trên
danh sách có thể giảm các sai sót thuốc liên quan nguyên nhân này.(13) Tuy nhiên,
điều này cũng cần cân nhắc về vấn đề tốn thời gian khi bác sĩ phải nhập thủ công,
cũng như bác sĩ không nắm bắt được hết các lựa chọn thuốc hiện có trong bệnh viện.
Ngoài ra, để hạn chế một phần các sai sót gây hậu quả nghiêm trọng do vô tình
chọn nhầm thuốc nguy cơ cao, phần mềm có thể linh động trong thiết kế, yêu cầu gõ
đầy đủ tên thuốc đối với các thuốc nguy cơ cao mà Hội đồng thuốc và điều trị tại
bệnh viện nhận thấy là cần thiết. Hoặc thay vì gõ thủ công, phần mềm cũng có thể
thiết kế cửa sổ pop-up, yêu cầu bác sĩ xác nhận lại lần nữa nếu bác sĩ kê đơn các thuốc
nguy cơ cao trong danh sách quy định. Tuy nhiên, bệnh viện cần cân nhắc kỹ và cô
đọng danh sách các thuốc này để hạn chế tốn thời gian không cần thiết vào việc bác
sĩ phải gõ thủ công quá nhiều, cũng như mệt mỏi vì cảnh báo dẫn đến phớt lờ màn
hình pop-up. Điều này cũng đòi hỏi tính linh động, tùy biến của hệ thống CPOE vì
phải xây dựng phức tạp hơn rất nhiều.
Cần xây dựng hệ thống CPOE có cấu hình mạnh, tránh đáp ứng chậm gây mất
thời gian cũng như dễ gây nguy cơ sai sót như đã đề cập ở trên.
2.2.3.2. Đẩy mạnh hệ thống CDS
Một trong những thành phần quan trọng của hệ thống kê đơn điện tử, được
xem là cần thiết để đạt được các lợi ích kỳ vọng về cải thiện an toàn và chất lượng, là
hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng – hệ thống CDS.(1)
Để ngăn ngừa sai sót sai thuốc, hệ thống CDS nên có thêm chức năng cảnh
báo kê đơn theo chỉ định. Cụ thể, khi bác sĩ chọn kê đơn một thuốc không có chỉ định
thuộc các vấn đề mà bệnh nhân mắc phải đã lưu trong hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống
9

CDS sẽ phát cảnh báo yêu cầu bác sĩ phải chọn chỉ định và thêm chỉ định ấy vào hồ
sơ (hình 2.3). Nếu bác sĩ vô tình chọn nhầm thuốc trong danh sách hoặc nhớ nhầm,
bác sĩ ấy sẽ có cơ hội nhận ra lỗi sai khi nhận được cảnh báo được đề xuất bởi hệ
thống CDS. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hệ thống thực sự mang lại hiệu
quả trong việc ngăn ngừa sai thuốc trong kê đơn.(26)

Hình 2.3. Cảnh báo của hệ thống CDS khi kê thuốc chưa có trong chỉ định
Bên cạnh đó, chức năng cảnh báo dựa trên tiền sử dị ứng của bệnh nhân cũng
rất quan trọng, nhằm tránh bác sĩ kê phải thuốc mà bệnh nhân dị ứng.(1)
Tuy nhiên, mệt mỏi vì cảnh báo là một hậu quả không thể tránh khỏi của việc
có quá nhiều cảnh báo được đưa ra. Vấn đề này cũng đã xuất hiện từ lâu đối với bác
sĩ dẫn đến hệ quả phớt lờ cảnh báo, bao gồm các cảnh báo quan trọng. Ngược lại, sự
quá lệ thuộc vào hệ thống cũng là một nguy cơ đối với bác sĩ. Khi hệ thống không
cảnh báo, bác sĩ cũng mặc định mọi thứ vẫn ổn mà không suy nghĩ thêm. Tuy nhiên,
10

cần phải lưu ý rằng không phải hệ thống CDS nào cũng tích hợp tốt với hệ thống
thông tin của bệnh viện cũng như không thể phát hiện hết tất cả các loại sai sót.(1)
Cần giảm số lượng, tăng cường chất lượng cảnh báo của hệ thống CDS nói chung để
giảm mệt mỏi cho người kê đơn.(13) Điều này đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và lâu dài từ
đội ngũ thiết kế và xây dựng để có được một hệ thống CDS thông minh và tinh vi
hơn.
3. KẾT LUẬN
Hệ thống kê đơn điện tử - CPOE đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm bớt số
lượng sai sót thuốc trong kê đơn tại các cơ sở y tế nhưng cũng liên quan đến việc làm
phát sinh nhiều loại sai sót mới cho dù hệ thống có kết hợp với hệ thống CDS hay
không.(13) Nhầm lẫn trong thao tác lựa chọn từ danh sách cho sẵn là nguyên nhân
được báo cáo nhiều nhất trong các nguyên nhân gây sai sót thuốc liên quan CPOE.(1)
Một trong các hệ quả phổ biến phải kể đến là bác sĩ chọn nhầm thuốc dẫn đến kê sai
thuốc cho bệnh nhân. Thiết kế danh sách của hệ thống cũng như tương tác giữa người
dùng và hệ thống là các yếu tố chính góp phần vào việc ngăn ngừa hay tăng nguy cơ
lựa chọn nhầm thuốc trong kê đơn. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong khâu thiết
kế hệ thống nói chung và thiết kế các danh sách nói riêng, đầu tư xây dựng hệ thống
đủ nhanh, mạnh và tích hợp một hệ thống CDS thông minh hơn với tính năng kê đơn
theo chỉ định hi vọng có thể giúp cải thiện được tỷ lệ sai sót thuốc liên quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baysari MT, Raban MZ. The safety of computerised prescribing in hospitals.
Aust Prescr. 2019;42(4):136-8.
2. Westbrook JI, Baysari MT, Li L, Burke R, Richardson KL, Day RO. The safety
of electronic prescribing: manifestations, mechanisms, and rates of system-
related errors associated with two commercial systems in hospitals. J Am Med
Inform Assoc. 2013;20(6):1159-67.
3. Korb-Savoldelli V, Boussadi A, Durieux P, Sabatier B. Prevalence of
computerized physician order entry systems-related medication prescription
errors: A systematic review. Int J Med Inform. 2018;111:112-22.
4. Ranji SR, Rennke S, Wachter RM. Computerised provider order entry
combined with clinical decision support systems to improve medication safety:
a narrative review. BMJ quality & safety. 2014;23(9):773-80.
5. Gosselin L, Leguillon R, Rollin L, Lejeune E, Darmoni SJ, Grosjean J. Trends
in computerized provider order entry: 20-year bibliometric overview. Front
Digit Health. 2023;5:1217694.
6. Lainer M, Mann E, Soennichsen A. Information technology interventions to
improve medication safety in primary care: a systematic review. Int J Qual
Health Care. 2013;25(5):590-8.
7. Varkey P. Medical quality management: theory and practice: Jones & Bartlett
Publishers; 2010.
8. Nuckols TK, Smith-Spangler C, Morton SC, Asch SM, Patel VM, Anderson LJ,
et al. The effectiveness of computerized order entry at reducing preventable
adverse drug events and medication errors in hospital settings: a systematic
review and meta-analysis. Systematic reviews. 2014;3(1):1-12.
9. Radley DC, Wasserman MR, Olsho LE, Shoemaker SJ, Spranca MD, Bradshaw
B. Reduction in medication errors in hospitals due to adoption of computerized
provider order entry systems. J Am Med Inform Assoc. 2013;20(3):470-6.
10. Ciapponi A, Fernandez Nievas SE, Seijo M, Rodriguez MB, Vietto V, Garcia-
Perdomo HA, et al. Reducing medication errors for adults in hospital settings.
Cochrane Database Syst Rev. 2021;11(11):CD009985.
11. Prgomet M, Li L, Niazkhani Z, Georgiou A, Westbrook JI. Impact of
commercial computerized provider order entry (CPOE) and clinical decision
support systems (CDSSs) on medication errors, length of stay, and mortality in
intensive care units: a systematic review and meta-analysis. J Am Med Inform
Assoc. 2017;24(2):413-22.
12. Srinivasamurthy SK, Ashokkumar R, Kodidela S, Howard SC, Samer CF,
Chakradhara Rao US. Impact of computerised physician order entry (CPOE) on
the incidence of chemotherapy-related medication errors: a systematic review.
Eur J Clin Pharmacol. 2021;77(8):1123-31.
13. Brown CL, Mulcaster HL, Triffitt KL, Sittig DF, Ash JS, Reygate K, et al. A
systematic review of the types and causes of prescribing errors generated from
using computerized provider order entry systems in primary and secondary care.
J Am Med Inform Assoc. 2017;24(2):432-40.
14. Tolley CL, Forde NE, Coffey KL, Sittig DF, Ash JS, Husband AK, et al. Factors
contributing to medication errors made when using computerized order entry in
pediatrics: a systematic review. J Am Med Inform Assoc. 2018;25(5):575-84.
15. Villamañán E, Larrubia Y, Ruano M, Vélez M, Armada E, Herrero A, et al.
Potential medication errors associated with computer prescriber order entry. Int
J Clin Pharm. 2013;35:577-83.
16. Savage I, Cornford T, Klecun E, Barber N, Clifford S, Franklin BD. Medication
errors with electronic prescribing (eP): two views of the same picture. BMC
Health Serv Res. 2010;10(1):1-8.
17. Armada ER, Villamañán E, López-de-Sá E, Rosillo S, Rey-Blas JR, Testillano
ML, et al. Computerized physician order entry in the cardiac intensive care unit:
effects on prescription errors and workflow conditions. J Crit Care.
2014;29(2):188-93.
18. Baysari MT, Del Gigante J, Moran M, Sandaradura I, Li L, Richardson KL, et
al. Redesign of computerized decision support to improve antimicrobial
prescribing. Appl Clin Inform. 2017;8(03):949-63.
19. Seow SC. Information theoretic models of HCI: A comparison of the Hick-
Hyman law and Fitts' law. Human-computer interaction. 2005;20(3):315-52.
20. Slight SP, Howard R, Ghaleb M, Barber N, Franklin BD, Avery AJ. The causes
of prescribing errors in English general practices: a qualitative study. Br J Gen
Pract. 2013;63(615):e713-e20.
21. Odukoya OK, Stone JA, Chui MA. E-prescribing errors in community
pharmacies: exploring consequences and contributing factors. Int J Med Inform.
2014;83(6):427-37.
22. Khajouei R, Jaspers MW. The impact of CPOE medication systems' design
aspects on usability, workflow and medication orders: a systematic review.
Methods Inf Med. 2010;49(1):3-19.
23. Ahmed Z, Garfield S, Jani Y, Jheeta S, Franklin BD. Impact of electronic
prescribing on patient safety in hospitals: implications for the UK. Clinical
Pharmacist. 2016;8(5).
24. FDA Name Differentiation Project [Internet]. US Food and Drug Aministration;
2020 [updated April 28; cited 2023 August 8]. Available from:
https://www.fda.gov/drugs/medication-errors-related-cder-regulated-drug-
products/fda-name-differentiation-project#1.
25. Special Edition: Tall Man Lettering; ISMP Updates its list of drug Names with
Tall Man Letters [Internet]. Institute for Safe Medication Practices; 2016
[updated June 2; cited 2023 August 8]. Available from:
https://www.ismp.org/resources/special-edition-tall-man-lettering-ismp-
updates-its-list-drug-names-tall-man-letters.
26. Galanter WL, Bryson ML, Falck S, Rosenfield R, Laragh M, Shrestha N, et al.
Indication alerts intercept drug name confusion errors during computerized
entry of medication orders. PLoS One. 2014;9(7):e101977.

You might also like