You are on page 1of 8

Việt Nam: 24 câu hỏi thường gặp và câu

trả lời về khoản vay nước ngoài không


được chính phủ bảo lãnh của doanh
nghiệp
BLawyers Vietnam
Bài viết này trình bày 24 câu hỏi và câu trả lời liên quan đến khoản vay nước ngoài của
không được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, còn được gọi là khoản vay tự vay, tự trả tự
chịu trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của
pháp luật Việt Nam (“Doanh Nghiệp”). Lưu ý rằng, phạm vi của bài viết này cũng không
bao gồm việc vay nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại
Việt Nam.
1. Doanh Nghiệp nên báo cáo như thế nào khi phát sinh khoản vay nước ngoài?
Sau khi phát sinh khoản vay nước ngoài, Doanh Nghiệp cần phải đăng ký tài khoản truy
cập Trang điện tử về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính Phủ bảo lãnh qua
địa chỉ www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.
Trong suốt quá trình thực hiện khoản vay, Doanh Nghiệp phải sử tài khoản được cấp để
truy cập Trang điện tử và báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài.
2. Doanh Nghiệp có thể vay nước ngoài thông qua những hình thức nào?
Hiện nay, Doanh Nghiệp Việt Nam có thể vay nước ngoài từ người không cư trú tại Việt
Nam thông qua những hình thức sau:
i. Hợp đồng vay;
ii. Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm;
iii. Hợp đồng ủy thác cho vay;
iv. Hợp đồng cho thuê tài chính;
v. Phát hành công cụ nợ (tín phiếu, hối phiếu nhận nợ, trái phiếu) trên thị trường quốc
tế.
3. Doanh Nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì để được vay nước ngoài?
Để thực hiện khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, Doanh Nghiệp phải
đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:
Về mục đích vay: Doanh nghiệp vay nước ngoài để thực hiện một trong các mục đích
sau đây:
i. Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay của
chính Doanh Nghiệp mình;
ii. Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay của
Doanh Nghiệp khác mà Doanh Nghiệp mình góp vốn đầu tư trực tiếp (chỉ áp dụng với
trường hợp vay trung, dài hạn nước ngoài);
iii. Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài mà không làm tăng chi phí vay.
Về thoả thuận vay: Thoả thuận vay nước ngoài phải được ký kết bằng văn bản trước khi
thực hiện giải ngân khoản vay và không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Về đồng tiền vay nước ngoài: Đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ. Việc vay nước
ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: (1) Bên đi vay là
tổ chức tài chính vi mô; hoặc (2) Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực
tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay; (3) Các trường hợp
khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận.
Về giao dịch bảo đảm cho khoản vay: Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước
ngoài không trái với các quy định hiện hành có liên quan của pháp luật Việt Nam. Việc sử
dụng cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp của Doanh Nghiệp hoặc trái phiếu chuyển đổi do
Doanh Nghiệp phát hành để thế chấp cho người không cư trú là Bên cho vay nước ngoài
hoặc các bên có liên quan phải đảm bảo tuân thủ các quy định về chứng khoán, về tỷ lệ
nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các Doanh Nghiệp Việt Nam và/hoặc các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Về chi phí vay nước ngoài: Các bên thỏa thuận về chi phí vay, trừ trường hợp luật có
quy định khác.
Ngoài ra, Doanh Nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện bổ sung áp dụng cho khoản vay
ngắn hạn, khoản vay trung, dài hạn.
Lưu ý, các điều kiện nêu trên không áp dụng đối với vay nước ngoài thông qua việc phát
hành trái phiếu quốc tế. Hoạt động này tuân thủ quy định của Chính phủ Việt Nam về phát
hành trái phiếu doanh nghiệp .
4. Những khoản vay nước ngoài nào phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam?
Các khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) bao
gồm:
i. Khoản vay trung, dài hạn;
ii. Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản
vay là trên 01 năm; và
iii. Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm
cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ
trường hợp Bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30
ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Theo đó, khoản vay ngắn hạn là khoản vay có thời hạn đến 01 năm. Khoản vay trung, dài
hạn là khoản vay có thời hạn trên 01 năm.
5. Cách xác định thời hạn của khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký khoản vay?
i. Đối với khoản vay trung hạn, dài hạn: Thời hạn khoản vay được xác định từ ngày
dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy
định tại thỏa thuận vay nước ngoài.
ii. Đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn
của khoản vay là trên 01 năm: Thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu
tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay
nước ngoài, thỏa thuận gia hạn vay nước ngoài.
iii. Đối với khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc
(bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu
tiên: Thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả
nợ gốc cuối cùng.
6. Những đối tượng nào phải thực hiện đăng ký khoản vay?
Các đối tượng phải thực hiện đăng ký khoản vay bao gồm :
i. Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài với bên cho vay là người không cư trú
tại Việt Nam;
ii. Tổ chức chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác trong trường hợp tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký hợp đồng nhận ủy thác cho vay lại với
bên ủy thác là người không cư trú;
iii. Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam cho
người không cư trú;
iv. Bên đi thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính với bên cho thuê là người không cư
trú; hoặc
v. Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài thuộc đối tượng đăng ký,
đăng ký thay trong trường hợp bên đi vay đang thực hiện khoản vay nước ngoài thì
thực hiện chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập.
7. Thời hạn phải đăng ký khoản vay là như thế nào?
i. Khoản vay trung, dài hạn: 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thoả thuận vay.
ii. Khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn thành trung, dài hạn mà ngày ký
thỏa thuận gia hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên: 30 ngày làm việc
kể từ ngày ký thoả thuận gia hạn.
iii. Khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn thành trung, dài hạn mà ngày ký
thỏa thuận gia hạn sau 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên; hoặc khoản vay ngắn hạn
không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập
gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên: 60 ngày làm việc tính từ
ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
8. Hồ sơ đăng ký khoản vay gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký khoản vay thông thường bao gồm những tài liệu như sau:
i. Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài;
ii. Hồ sơ pháp lý của bên đi vay như giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh, …;
iii. Văn bản chứng minh mục đích vay như: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài
được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phương án cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
iv. Báo cáo việc sử dụng khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu;
v. Thoả thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn khoản vay ngắn hạn thành trung,
dài hạn (nếu có);
vi. Văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam
kết bảo lãnh khác) trong trường hợp khoản vay được bảo lãnh;
vii. Xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về tình hình rút vốn, trả nợ
(gốc, lãi) đến thời điểm đăng ký khoản vay một số các trường hợp;
viii. Trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam: hồ sơ cũng bao gồm văn bản,
chứng từ chứng minh đáp ứng điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam hoặc
văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
9. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký khoản vay?
NHNN sẽ xem xét và ban hành văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản
vay trong thời hạn sau đây:
i. 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong trường hợp
Doanh Nghiệp đã khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;
ii. 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong trường hợp
Doanh Nghiệp không khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;
iii. 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đối với trường hợp
khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận.
10. Khi nào Doanh Nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay với NHNN?
Trừ các trường hợp pháp luật quy định Doanh Nghiệp thực hiện thông báo nội dung thay
đổi trên Trang điện tử, Doanh Nghiệp phải đăng ký thay đổi khoản vay với NHNN nếu thay
đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay như đã được nêu tại văn bản xác nhận
đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài do NHNN ban hành.
11. Trường hợp nào Doanh Nghiệp được thông báo thay đổi trên Trang điện tử mà
không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay với NHNN?
Doanh Nghiệp tiến hành thông báo nội dung thay đổi trên Trang điện tử, không cần thực
hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
i. Thay đổi thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong phạm vi 10 ngày làm việc so với kế
hoạch đã được NHNN xác nhận;
ii. Thay đổi địa chỉ của Doanh Nghiệp nhưng không thay đổi tỉnh, thành phố nơi bên đi
vay đặt trụ sở chính;
iii. Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp
vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại
diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay
đổi vai trò đại diện các bên cho vay;
iv. Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản,
ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;
v. Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch đã được
NHNN xác nhận tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay
nước ngoài nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay
nước ngoài;
vi. Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100
đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong văn bản xác
nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;
vii. Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được
nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác
nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
12. Thời hạn thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay là như thế nào?
Thời hạn thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay là 30 ngày làm việc kể từ các ngày sau
đây :
i. Các bên ký thỏa thuận thay đổi. Nếu các bên không ký thỏa thuận thay đổi thì thực
hiện trong thời hạn 30 ngày trước thời điểm thực hiện nội dung thay đổi;
ii. Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay được cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh hoặc các bên ký thỏa thuận về việc thay đổi bên đi vay trong trường hợp
bên đi vay ban đầu bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập (tùy thuộc ngày nào đến sau) và
trước khi tiếp tục rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài;
iii. Doanh Nghiệp hoàn thành việc thay đổi tên và/hoặc thay đổi địa chỉ trụ sở chính
trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
iv. Bên cho vay (hoặc tổ chức đại diện bên cho vay trong khoản vay hợp vốn – nếu
có), bên bảo đảm, bên bảo lãnh hoặc các bên liên quan khác được nêu tại văn bản
xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi gửi văn bản thông báo cho bên
đi vay về việc đổi tên và trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến
các bên này.
13. Mức xử phạt hiện hành đối với hành vi không thực hiện đăng ký, đăng ký thay
đổi khoản vay nước ngoài?
Đối với mỗi hành vi không thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay hoặc đăng ký,
đăng ký thay đổi khoản vay không đúng quy định như không đúng thời hạn, cá nhân sẽ bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp đôi cá
nhân.
14. Doanh Nghiệp xác định cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay
đổi khoản vay đối với khoản vay của mình như thế nào?
Tùy thuộc khoản vay có số tiền vay trên 10 triệu USD hoặc đến 10 triệu USD mà Doanh
Nghiệp xác định cơ quan có thẩm quyền là NHNN hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố
nơi Doanh Nghiệp đặt trụ sở chính.
15. Tỷ giá USD để xác định cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, xác nhận
đăng ký thay đổi khoản vay được quy định như thế nào?
Để xác định cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay,
Doanh Nghiệp phải quy đổi số tiền vay ra USD. Trong trường hợp này, tỷ giá USD được
sử dụng sẽ là tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính công bố áp dụng tại thời điểm ký các thỏa
thuận vay nước ngoài hoặc thỏa thuận thay đổi của khoản vay nước ngoài liên quan đến
số tiền vay.
16. Các trường hợp nào sẽ chấm dứt hiệu lực của văn bản xác nhận đăng ký, xác
nhận đăng ký thay đổi khoản vay của NHNN?
Văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay của NHNN sẽ đương nhiên chấm
dứt hiệu lực nếu quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày cuối cùng của kỳ rút vốn đã được
NHNN xác nhận mà Doanh Nghiệp không thực hiện việc rút vốn và không đăng ký thay
đổi kế hoạch rút vốn. Nếu Doanh Nghiệp muốn tiếp tục thực hiện khoản vay thì phải thực
hiện lại thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày các bên
có thỏa thuận bằng văn bản về việc tiếp tục thực hiện khoản vay.
Văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay của NHNN có thể bị chấm dứt
hiệu lực theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp hồ sơ đăng ký,
đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài có thông tin gian lận, tài liệu giả mạo các giấy tờ
chứng minh đủ điều kiện để được xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước
ngoài. Trong trường hợp này, Doanh Nghiệp phải sử dụng tài khoản thanh toán bằng
đồng Việt Nam để hoàn trả dư nợ khoản vay nước ngoài, khoản nhận nợ (nếu có).
17. Tài khoản nào được sử dụng để rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài và các
giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài?
Doanh Nghiệp phải mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản tại
Việt Nam để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài (“Tài Khoản Vay, Trả Nợ
Nước Ngoài”). Việc mở tài khoản phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành .
18. Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài như thế nào?
Đối với khoản vay nước ngoài có bảo lãnh, bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối
với bên cho vay nước ngoài khi được yêu cầu theo cam kết tại thỏa thuận vay, văn bản
cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh
khác) đã ký kết giữa các bên liên quan.
Nghĩa vụ bảo lãnh có thể thực hiện bằng tiền hoặc thông qua hình thức bảo đảm bằng tài
sản.

 Bên bảo lãnh là người cư trú của Việt Nam chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh thông qua 01 ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm.
 Trường hợp bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại
Việt Nam, việc chuyển tiền bảo lãnh không bắt buộc phải thực hiện qua ngân hàng
phục vụ giao dịch bảo đảm.
 Đối với việc bảo đảm bằng tài sản, việc chuyển số tiền thu được sau khi xử lý tài
sản bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài sản đối với
bên cho vay phải thực hiện qua 01 ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm.
 Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức bên cho vay nhận chính tài
sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ, bên đi vay có trách nhiệm
thông báo cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về việc nghĩa vụ nợ đã được
thanh toán.
19. Các giao dịch thu, chi nào được phép thực hiện trên Tài Khoản Vay, Trả Nợ
Nước Ngoài?
i. Đối với Tài Khoản Vay, Trả Nợ Nước Ngoài bằng ngoại tệ:

 Thu tiền rút vốn khoản vay nước ngoài;


 Thu từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của bên đi vay;
 Thu các khoản thu được phép từ giao dịch phái sinh liên quan đến khoản vay nước
ngoài;
 Chi chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài;
 Chi mua ngoại tệ để trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài
 Chi chuyển sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của bên đi vay;
 Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép.
ii. Đối với Tài Khoản Vay, Trả Nợ Nước Ngoài bằng đồng Việt Nam:

 Thu chuyển khoản tiền rút vốn khoản vay nước ngoài trong trường hợp bên cho
vay sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam;
 Thu tiền rút vốn từ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam;
 Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của bên đi vay;
 Chi mua ngoại tệ để trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài;
 Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của bên đi vay;
 Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của bên cho vay
để thanh toán nợ (gốc, lãi).
20. Việc chuyển tiền thực hiện khoản vay nước ngoài được quy định như thế nào?
i. Đối với các khoản vay nước ngoài phải đăng ký với NHNN, Doanh Nghiệp chỉ được
thực hiện rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) cho khoản vay sau khi khoản vay được NHNN xác
nhận đăng ký, đăng ký thay đổi, trừ trường hợp khác theo quy định.
ii. Doanh Nghiệp chỉ được nhận tiền giải ngân và chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi) khoản
vay từ tài khoản của bên cho vay, đại diện của các bên cho vay hoặc ngân hàng đại lý
thanh toán của các bên cho vay trong trường hợp khoản vay hợp vốn hoặc khoản vay
có sử dụng ngân hàng đại lý thanh toán.
Trừ trường hợp trên, nếu Doanh Nghiệp nhận tiền giải ngân và chuyển tiền trả nợ (gốc,
lãi) của khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ thông qua tài khoản của bên thứ ba là người
không cư trú, nội dung này cần được quy định rõ trong thỏa thuận vay (hoặc thỏa thuận
thay đổi).
21. Có trường hợp nào Doanh Nghiệp được phép rút vốn, trả nợ không thực hiện
qua Tài Khoản Vay, Trả Nợ Nước Ngoài không?
Có. Một số trường hợp rút vốn không thông qua Tài Khoản Vay, Trả Nợ Nước Ngoài như
là:
a. Rút vốn từ bên cho vay thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng là người không cư trú
cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với Doanh Nghiệp;
b. Rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức thuê tài chính;
c. Rút vốn thông qua tài khoản của bên đi vay mở tại nước ngoài trong trường hợp bên đi
vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài;
d. Rút vốn các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua việc thanh toán bù trừ với
các nghĩa vụ phải trả trực tiếp cho bên cho vay bao gồm: nghĩa vụ thanh toán theo hợp
đồng nhập khẩu hàng hóa, nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài, nghĩa vụ hoàn trả
khoản nhận nợ trực tiếp với bên cho vay;
e. Rút vốn trong trường hợp số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư được chuyển thành vốn vay
nước ngoài theo thỏa thuận giữa các bên.
Các trường hợp trả nợ không thông qua Tài Khoản Vay, Trả Nợ Nước Ngoài:
i. Trả nợ dưới hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho bên cho vay;
ii. Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận chuyển đổi dư nợ
thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong bên đi vay;
iii. Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận hoán đổi dư nợ vay
thành cổ phần hoặc phần vốn góp thuộc sở hữu của bên đi vay;
iv. Trả nợ các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua thanh toán bù trừ các
khoản phải thu trực tiếp với bên cho vay;
v. Trả nợ thông qua tài khoản của bên đi vay mở tại nước ngoài (trong trường hợp
bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước
ngoài).
22. Mức phạt hiện hành đối với hành vi rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài không
đúng quy định của pháp luật Việt Nam?
Đối với mỗi hành vi rút vốn, trả nợ vay nước ngoài không đúng quy định hiện hành của
pháp luật, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; tổ chức
sẽ bị phạt tiền gấp đôi cá nhân.
23. Những chế độ báo cáo nào được áp dụng đối với Doanh Nghiệp có khoản vay
nước ngoài không được Chính Phủ bảo lãnh?
i. Báo cáo định kỳ hàng tháng : Doanh Nghiệp báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện
các khoản vay tại Trang điện tử chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo
cáo. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể báo cáo, Doanh Nghiệp gửi
báo cáo bằng văn bản.
ii. Báo cáo đột xuất : Trong các trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, Doanh Nghiệp
thực hiện báo cáo theo yêu cầu của NHNN.
24. Doanh Nghiệp (bên đi vay) cần lưu ý thực tiễn về mục đích vay như thế nào?
Mục đích vay nước ngoài đã được nêu rõ ở Câu 3 ở trên. Trên thực tế, có Doanh Nghiệp
bị xử lý vi phạm hành chính vì không sử dụng khoản vay đúng mục đích vay (NHNN yêu
cầu cung cấp bản sao kê tài khoản của Doanh Nghiệp để kiểm tra về mục đích vay).
NHNN đã áp dụng quy định của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP để phạt tiền Doanh Nghiệp
với số tiền lên đến 400.000.000 đồng.

You might also like