You are on page 1of 13

Celtic Cross hiện đại: Một số đề xuất và kiến giải

Nguyễn Lê Tuấn Cường · Tuesday, February 21, 2017

Lời đầu tiên, xin được cảm ơn blog của tiền bối ThanatosCK với bài biên dịch rất chi tiết về khảo cứu trải
bài Celtic Cross cổ do A.E. Waite viết. Phần đầu bài viết này dựa vào bản Hiệu Đính Phương Pháp Celtic Cổ
của A.E.Waite do thành viên THB thực hiện, phần sau có tham khảo một số nguồn khác nhưng đã không
còn nhớ link...

- abcdefghijklm -

Tản mạn
Trước hết và kém quan trọng nhất, Celtic Cross /ˈkɛltɪk krɒs/ được phát âm là /keo-tích cờ-rót-xừ/ chứ
không phải là /xeo-tích cờ-rốt-xờ/ như nhiều người vẫn đọc. Ồ Kế?

Celtic Cross là một trải bài cổ, không xác định rõ niên đại và có lẽ không trực tiếp liên quan đến truyền
thống sử dụng Tarot của khối Pháp ngữ (Tarot de Marseille - trải bài 5 lá) mà gần gũi hơn với sự du nhập
của Tarot vào cộng đồng Anh ngữ. Celtic Cross là trải bài cực kì phổ biến trong giới Tarot bởi mặc cho sự
phức tạp trong cấu trúc vị trí, nó cực kì bài bản, quy củ và dễ sử dụng. Số lượng lá bài vừa phải (9 - 11 lá)
không gây rối cho người sử dụng, lại cung cấp nhiều nguyên liệu để khai thác và đối chiếu thông tin. Celtic
Cross có những lợi thế đặc thù giúp người sử dụng nó vừa ý thức được rõ hơn vấn đề mình cần hỏi, vừa
thấu hiểu bản thân mình hơn, lại vừa dễ dàng tìm thấy manh mối cho hướng đi phù hợp. Nếu coi Celtic
Cross là một nồi lẩu, thì nó hẳn phải là một nồi lẩu đạt danh hiệu Michelin 3-star, người sành ăn cũng thích
mà người vụng ăn cũng dễ chấp nhận.

Celtic Cross - từ đây xin được viết tắt là CC - phù hợp để sử dụng trong hầu hết mọi trường hợp nhưng
đặc biệt thích hợp để trả lời những câu hỏi chung chung hoặc khi chính bản thân Q cũng không xác định
được rõ ràng vấn đề của mình bởi tính chất đa chiều và chặt chẽ logic của nó. Đối với mình, trong những
tình huống rối bời nhất hoặc gặp phải Q hoang mang nhất, thì CC là thứ vũ khí bí mật đáng tin cậy. Dù là
oldie hay newbie, không có lí do gì mà không thủ sẵn trong người và sử dụng thành thạo một món bảo
bối hộ thân đáng quý đến như vậy.
Cấu trúc và Cách thức
Được sử dụng, phát triển và khảo cứu lại nhiều lần, bởi nhiều người nên CC có rất nhiều phiên bản. Các
phiên bản này thường khác nhau bởi số lượng lá bài (9, 10 hoặc 11), về thứ tự các lá bài được bốc và đặt
xuống hay về câu hỏi, ý nghĩa của từng vị trí. Tuy nhiên, dù dị bản nào thì CC cũng có cấu trúc như sau:

• Significator Card: Là lá bài đại diện cho người hỏi (Querent). Lá bài này là do người đọc bài
(Reader) chọn ra từ bộ bài dựa vào nhiều yếu tố như màu da, vóc dáng, cảm nhận về tính cách,
vấn đề được hỏi,... Có tương đối nhiều phương pháp để chọn Significator card tuy nhiên trong
Tarot hiện đại, lá bài này được coi là ít cần thiết và có thể lược bỏ. Bởi vậy mình sẽ không trình
bày thêm.
• The Cross (Chữ thập) hay The Wheel (Bánh xe): Là những lá bài xếp thành hình chữ thập thường
nằm bên trái của trải bài. The Cross hay The Wheel thường bao gồm 6 lá bài, do Querent bốc lần
lượt, xếp theo thứ tự quy định. Theo khảo cứu của Waite, những lá thuộc phần này đọc đến đâu
mới lật bài đến đó, tuy nhiên điều đó không quá quan trọng bởi Tarot hiện đại không còn chịu ảnh
hưởng nhiều bởi các nghi thức của Golden Dawn nữa.
• The Staff (Cây gậy) hay The Wall (Bức tường): Là tổ hợp 4 lá bài xếp thành một hàng dọc nằm
phía bên phải của trải bài. Theo Waite, 4 lá này được lật lên cùng một lượt khi trải bải. Đặc biệt,
phần này còn là bao hàm khả năng kế tục của CC mà sẽ được đề cập ở phần sau.

Trong số rất nhiều dị bản của CC được ghi nhận và sử dụng, mình đánh giá cao nhất tính hệ thống, chuẩn
mực, sự liên quan chặt chẽ và gần gũi với thực tiễn của trải bài CC trong khảo cứu của A.E. Waite hơn cả.
Trải CC do A.E. Waite khảo cứu bao gồm 11 lá bài, trong đó có một lá Significator. Trong bài viết này, mình
xin được mạnh dạn đề xuất một phiên bản giản lược dựa trên khảo cứu của Waite mà không có lá
Significator này. Vị trí và ý nghĩa của từng vị trí sẽ được trình bày như dưới đây:
Thứ tự lá bài trong trải CC - phần nội dung bên phải chỉ mang tính chất minh hoạ.

1. Theo Waite: “Thẻ này cho phép báo hiệu tầm ảnh hưởng mà nó tác động đến người hoặc vấn đề
được hỏi nói chung, và bầu không khí của nó đang bao trùm tất cả những vấn đề khác liên quan.”
~~~> Chúng ta có thể hiểu đơn giản lá bài này sẽ đại diện cho toàn bộ thực trạng của vấn đề, bao
gồm bản chất của vấn đề và ảnh hưởng của vấn đề lên Q.
2. “Lật lá thứ hai và đặt chéo lên trên lá đầu tiên... Nó cho thấy bản chất của những trở ngại trong
vấn đề này.” ~~~> Hiểu đơn giản, lá thứ 2 ám chỉ những khó khăn vướng mắc mà Q gặp phải
trong việc giải quyết vấn đề.
3. “Lá này đặt lên đỉnh nó, đại diện cho hoặc là mục đích của người hỏi hay lý tưởng của vấn đề này;
hoặc là điều tốt nhất có thể đạt được trong các trường hợp, nhưng sẽ không xảy ra trên thực tế.”
~~~> Lá bầu trời, nó chỉ ra mục đích của Q, điều Q đang cố hướng đến hoặc là kết quả lý tưởng
nhất có thể đạt được.
4. “Lá này bên dưới nó, chỉ ra nền tảng cơ sở của vấn đề, điều đang là thực tế và là cái mà Significator
dựa vào để thực hiện.” ~~~> Lá mặt đất, nó chỉ ra nền tảng thực tế mà Q đang dựa vào, những
gì đã có sẵn và không thay đổi được.
5. “Lá này phía sau nó. Nó chỉ ra các ảnh hưởng đã qua, hay nó sẽ đi qua ngay bây giờ.” ~~~> Những
sự kiện đã qua trong quá khứ gây ảnh hưởng đến Q và định hình một phần vấn đề hiện tại.
6. “Lá này phía trước nó. Nó chỉ cho thấy các ảnh hưởng sẽ tác động đến hành động và sẽ xảy ra
trong tương lai gần.” ~~~> Những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai gần, sẽ tác động đến Q và
là diễn biến của vấn đề hiện tại.
7. “... lá thứ bảy, biểu thị chính bản thân người hỏi... Nó chỉ ra vị trí hay thái độ của người này trong
các mối quan hệ.” ~~~> Tương tự nhưng không phải lá Significator hay lá thứ [1], lá bài này nói về
thái độ của Q khi đối mặt với vấn đề của mình, hoặc thái độ của Q trong mối tương quan với
môi trường xung quanh.
8. “Lá thứ tám biểu thị ngôi nhà của nó, tức là ám chỉ về môi trường xung quanh và các xu hướng
chung mà nó tác động đến điều được hỏi.” ~~~> Đối lập với lá số [7], nó biểu thị thái độ và xu
hướng của môi trường, những người xung quanh, những thế lưc đối lập hướng tới Q.
9. “Lá thứ chín ám chỉ những hy vọng hay lo ngại trong vấn đề được hỏi. ” ~~~> Có lẽ sẽ hơi bối rối
khi một lá bài vừa có thể là hi vọng lại vừa có thể là nỗi lo ngại của Q đối với vấn đề hiện tại của
mình nhưng khi sử dụng thực tế, bạn sẽ nhận ra là hai khái niệm này thực ra gần nhau đến mức
nào.
10. “Lá thứ mười là những gì sẽ đến, kết quả cuối cùng, đỉnh cao tạo ra bởi các ảnh hưởng đã được
chỉ ra bởi các lá khác đã được lật trước nó.” ~~~> Quá rõ ràng rồi, đây là lá cuối cùng của trải bài
và là lá thứ 2 mang tính chất tiên tri của CC sau lá thứ [6]. Nó chỉ ra kết quả cuối cùng, đỉnh cao
của vấn đề hiện tại và là cái đích tất yếu của con đường được chỉ ra bởi các lá bài trước đó.

Chú giải
Phiên bản này có thể đã có người nghĩ ra và áp dụng trước, tuy nhiên theo kinh nghiệm sử dụng của mình
thì có lẽ đây là phiên bản tối ưu nhất của CC, vừa phù hợp với bối cảnh và cách sử dụng Tarot hiện đại,
vừa hiệu quả mà vẫn giữ được cái hồn của CC. Phiên bản này có một chút khác biệt đặc trưng với khảo
cứu mà Waite đưa ra mà mình sẽ trình bày ở ngay dưới đây để các bạn có cái nhìn khách quan hơn:

• Waite cho rằng việc tráo và bốc bài chỉ được bắt đầu sau khi lá Significator được chọn ra khỏi bộ
bài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mình cho rằng việc này mang tính nghi thức nhiều và có vẻ như
không còn phù hợp cũng như cần thiết.
• Waite chỉ ra rằng phải “Xào bài và cắt bài 3 lần.” Một lần nữa, việc này có vẻ mang tính hình thức
và nghi lễ nhiều hơn, cho nên mình cho rằng chúng ta có thể xào bài và cắt bài bao nhiêu lần ta
muốn cũng được, miễn là giữ được sự tỉnh táo và tập trung.
• Waite cho rằng vị trí của lá [5] và [6] phải được chọn dựa theo hướng mặt của Significator, lá [5]
ở sau lưng và lá [6] ở trước mặt. Trong trường hợp lá Sig không chỉ rõ hướng mặt thì Reader sẽ
tùy chọn. Dù cách làm đó mang nhiều ý nghĩa nhưng vì đã lược bỏ lá Sig nên chúng ta không còn
căn cứ nào để xác định hướng mặt nữa. Vì thế, mình quy định luôn lá [5] sẽ ở bên trái và lá [6] sẽ
ở bên phải. Cách quy định này thực chất là có lí do: trong thiết kế hiện đại, hướng từ trái qua phải
là hướng của sự tiến triển, tiếp tục (ví dụ như trong cách bố trí nút <Back và Next> trong máy nghe
nhạc chẳng hạn).
• Là một trong những người tiên phong trong việc hệ thống hóa phương pháp xem bài ngược
(Reversal) tuy nhiên Waite lại bỏ ngỏ không giải thích cách xác định xuôi ngược đối với lá [2] nằm
ngang. Theo một số quan điểm đáng tin cậy, đối với những bạn sử dụng bài ngược thì có thể áp
dụng nghĩa xấu/nghĩa tiêu cực của lá bài cho vị trí [2].
• Waite tạo ra tính “kế tục” của CC thông qua việc có thể dùng lá [10] của một trải CC làm lá
Significator của một trải khác trong trường hợp lá [10] đó “có tính chất không rõ ràng, không có
quyết định cuối cùng được suy ra, hoặc lá bài cuối xuất hiện không đủ để đưa ra kết luận cuối cùng
của vụ việc...” Đây là một trong những điểm đặc biệt nhất trong trải CC mà Waite công bố, tuy
nhiên bản thân mình lại cho rằng nó là không cần thiết, bởi (1) ngay từ đầu chúng ta đã lược bỏ
là Sig và (2) việc cứ trải bài nối tiếp nhau chỉ khiến cho vấn đề thêm loạn và Reader bị rơi vào một
vòng xoáy không hồi kết trong khi chưa đầu tư đủ thời gian để hiểu kĩ trải bài ban đầu.
Một trải Celtic Cross tiêu biểu với cỗ bài Starchild Tarot.

Quy tắc và Phương pháp


OK. Vậy là chúng ta đã đi qua phần tìm hiểu chung và cách trải bài CC mà mình đề xuất. Tiếp theo đây là
phần quan trọng nhất, phản ánh lý tưởng và lẽ sống của CC, đó chính là cách giải bài. Tất nhiên, đối với
một Reader mà nói thì luôn luôn có nhiều hơn một cách để giải bài: hoặc bằng keyword và hiểu biết về lá
bài, hoặc bằng trực giác thầm kín tinh tế, hoặc bằng tư duy logic chặt chẽ, hoặc bằng những quy luật định
trước. Mình thường hay bị đánh giá là một Reader khô khan, bởi mình thường không để cho trực giác
được tự do phán bừa trước khi để cho tư duy kiểm duyệt. Mình giải bài dựa theo nhiều nguyên tắc, quy
tắc và ràng buộc. Dưới đây mình xin trình bày bộ phương pháp giải CC do mình tổng hợp và nghiên cứu.
Cặp đôi và Bộ ba
Như các bạn đã thấy, trải CC được chia thành nhiều phần, trong mỗi phần lại có những cấu trúc đối xứng
thú vị. Giữa các phần cũng có sự đối ứng chéo, tương hỗ. Một trong những nguyên tắc căn bản của việc
đọc CC là xét các tổ hợp 2-3 lá.

• [1] & [2] là cặp đôi quan trọng bậc nhất để phân tích và đánh giá được tình trạng hiện thời của
Q. [1] chỉ ra tổng quan của vấn đề được hỏi, hoặc đôi khi ám chỉ chính Q trong vấn đề hiện tại,
trong khi [2] chỉ ra chướng ngại, áp lực, khó khăn đang tác động trực tiếp đến Q. So sánh [1] và
[2], chúng ta có thể đánh giá được tương quan lực lượng của mâu thuẫn, mức độ nghiêm trọng
của vấn đề và tình trạng hiện tại của Q.
• [3] & [4] cũng là cặp quan trọng giúp đánh giá được xu hướng của Q, mong muốn giải quyết vấn
đề [3] và nguồn lực, tài nguyên có sẵn để sử dụng giải quyết vấn đề đó [4]. Mở rộng ra chúng ta
xét đến bộ ba [4]+[1]+[3]. Hãy tưởng tượng [4] là một cái kho đầy chìa khóa và Q đang ở trong
cái kho đó, [1] cánh cửa dẫn ra ngoài nhưng có khóa và [3] là nơi mà Q muốn đến. Tùy theo chiếc
chìa khóa mà Q chọn thì cánh cửa sẽ mở đến những nơi khác nhau, tuy nhiên nếu nơi Q muốn
đến mà không nằm trong danh sách chìa khóa có trong kho thì Q không thể tới đó được. Xét sự
tương quan này, chúng ta có thể chỉ ra được mục tiêu, lý tưởng của Q có khả thi không, và với
những gì trong tay thì Q có thể làm được gì.
• [5] & [6] là cặp đôi vừa làm rõ nghi hoặc trong Q vừa khiến cho Q nghi hoặc thêm chút nữa. [5]
nêu ra một sự kiện trong quá khứ tác động mạnh đến Q, nhờ vậy Q có thêm niềm tin vào Reader
và cũng hiểu được thêm tầm quan trọng của sự kiện ấy. Trong khi đó, [6] đưa ra một lời tiên đoán
tương lai gần hoặc rất gần, mà rất chắc chắn sẽ xảy ra không thể tránh được, giống như mũi
tên đã bay ra khỏi cánh cung vậy. Sự kiện này cũng sẽ có tác động lớn lên Q và nhiều khi có thể
coi là bước ngoặt trong vấn đề mà Q đang đối diện.
• Mở rộng ra xét bộ ba [5]+[1]+[6] gần như là một trải bài Quá khứ - Hiện tại - Tương lai hoàn
chỉnh. Nhìn vào riêng hàng ngang này, chúng ta có thể nhìn ra được diễn biến tất yếu của vấn đề
mà Q đang băn khoăn, và một phần xác định được xu hướng tiếp diễn của nó.
• [7] & [8] là cặp đôi tương hỗ cho nhau, đồng thời khắc hoạ chi tiết hơn mối tương quan của Q
với môi trường bên ngoài. [7] là chính Q, hay thái độ của Q đối với ngoại lực tác động. [8] là
những gì không phải Q, những ngoại lực hay mối quan hệ xung quanh Q. Sự tác động lẫn nhau
giữa [7] và [8] một phần làm rõ cho hoàn cảnh hiện tại của Q, phần khác cũng quyết định xu
hướng giải quyết của vấn đề.
• [7] & [1] là cặp đôi con cá - cái thớt. [7] là Q và [1] là hoàn cảnh của Q. Sự tương quan giữa 2 vị trí
này có thể gợi ý khả năng Q thoát ra khỏi tình huống hiện tại, và thoát ra bằng cách nào, toàn
thây hay banh xác...
• [8] & [1] thực ra là tương đối giống nhau. [8] là môi trường còn [1] là hoàn cảnh. Việc so sánh hai
lá này để làm rõ riêng từng khía cạnh có thể mang đến nhiều thông tin hơn bạn nghĩ. Nếu có thể,
hãy xét cặp đôi này trong tương quan với lá [2], hoặc xét bộ ba lá [8]+[1]+[2] thì thông tin sẽ càng
chi tiết. Tuy nhiên đây không phải phần quan trọng nhất nên có thể bỏ qua hoặc thả lỏng cho trực
giác mách bảo thêm mà không cần phải dụng ý nhiều.
• [9] & [3] - lý tưởng và hi vọng, mục đích và nỗi sợ. Cặp đôi này thường cho ra những thông tin
rất lí thú về cách suy nghĩ của Q. Hơn hết là cặp đôi này làm rõ cho nhau, định nghĩa lẫn nhau.
Trường hợp [9] và [3] đối nghịch nhau về mặt ý nghĩa, [9] sẽ thường mang nghĩa là Nỗi sợ/Lo lắng.
Ngược lại, nếu [9] và [3] tương hỗ nhau về mặt ý nghĩa, [9] thường mang sắc thái Hi vọng. Tuy
nhiên cũng nên nhớ, ý nghĩa của lá [9] là “Hopes AND Fears”, chứ không phải là “Hopes OR Fears”,
nên rất thường xuyên 2 trường ý nghĩa tưởng như ngược nhau này lại tồn tại song hành và bổ
trợ cho nhau. Bởi xét cho cùng thì hi vọng hay nỗi sợ cũng đều bắt nguồn từ nội tâm mông lung
vô căn cứ của con người ra cả.
• [6] & [10] - tương lai gần và kết quả chung cuộc. Nếu như [6] chỉ ra một sự kiện rất gần trong
tương lai, gần như không thể tránh được thì [10] lại đưa ra một cái đích khá xa xôi. Cái đích này
được xác định bởi sự kết hợp của tất cả những lá được rút trước đó. Cái đích này là tất yếu nếu
như mọi yếu tốt trong trải bài không có sự thay đổi nào. Tương lai ở [6] là một bước đệm quan
trọng để dẫn tới kết quả ở [10]. Cũng bởi thế, lá [6] là một lá cực kì quan trọng, có thể coi là bước
ngoặt của vấn đề mà Q hỏi. Nó là bước ngoặt bởi nó là sự kiện đầu tiên xảy ra sau khi Q được
nhận lời tiên tri, và nó có ảnh hưởng lớn đến cách suy nghĩ, cách tiếp nhận vấn đề của Q về sau
này. Nói cách khác, [6] có thể dẫn đến [10] hoặc dẫn đến [10’] bởi tiềm năng của nó là rất lớn, tuy
nhiên nó chịu sự ràng buộc giới hạn của [9].
• [6] & [9] mình cho là cặp đôi mang tính quyết định nhất trong một trải CC. Thứ nhất là bởi vì số
đẹp. Thứ nhì bởi vì nó là một cặp song hành hiện thực - tinh thần. Nếu ví sự kiện tương lai là một
Chuyển động tịnh tiến thì hi vọng là Gia tốc và nỗi sợ là Lực ma sát. Sự cân bằng của hai yếu tố đó
giữ cho chuyển động được tiếp tục mà không bị dừng lại, cũng không đi quá mức kiểm soát. Sự
trội hơn của bất cứ yếu tố nào cũng sẽ thay đổi đích đến, thay đổi kết quả chung cuộc, tức là lá
[10].
• Mở rộng hơn, có thể xét đến bộ ba [6]+[9]+[10] bằng công thức <<6+9=10>>
• [3] & [10] là cặp đôi tiêu biểu để đưa ra định hướng cho Q giữa một biển thông tin mà các lá bài
khác mang lại. Việc so sánh giữa kết quả lí tưởng [3] và kết quả thực tế [10] giúp Q có cái nhìn
đúng đắn hơn về mục tiêu đặt ra ban đầu và ý thức được những nguồn lực có sẵn, từ đó đi đến
giải pháp gần gũi hơn, sáng tỏ hơn, hữu ích hơn. Tất nhiên việc đó tuỳ vào quyết định của Q.
Nếu Q cảm thấy có thể chấp nhận được kết quả của lá [10] thì Q sẽ đi theo con đường mà các lá
bài đang chỉ, còn nếu Q muốn bằng mọi giá đạt được [3] thì... cạn lời. Nên nhớ, kết quả ở [3] lý
tưởng nhưng là lý tưởng trong suy nghĩ chủ quan của Q. Q nghĩ rằng nếu được như vậy thì tốt
quá không còn gì bằng, nhưng kết quả đó dưới con mắt khách quan thì rất có thể là một điều tồi
tệ hoặc trì trệ kém tiến bộ.

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào từng trải bài, cũng như quan điểm, năng khiếu và trực giác của từng người mà sẽ
còn nhiều tổ hợp khác nữa có thể xét đến. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chỉ nêu ra những tổ hợp
mình cho là chính yếu.

Một trải Celtic Cross tiêu biểu với cỗ bài Thoth Tarot.

Bánh xe và Bức tường


Khác với phương pháp Cặp đôi và Bộ ba rất cụ thể và chặt chẽ, Bánh xe và Bức tường lại thoáng hơn
nhiều bởi việc mở đường cho trực giác và trí tưởng tượng, do đó cũng yêu cầu Reader có nhiều kinh
nghiệm hơn. Bánh xe và Bức tường không thay thế hoàn toàn Cặp đôi và Bộ ba, mà nên được sử dụng
như một ý kiến bổ sung, hỗ trợ để có được cái nhìn tổng quát hơn, sống động hơn. Bánh xe và Bức tường
thực ra giống như một trò chơi:

11. Coi 6 lá bài ở phần bên trái CC là Bánh xe. Bánh xe có trọng lượng nặng là bánh xe chứa nhiều
Major. Bánh xe có trọng lượng nhẹ là bánh xe chứa nhiều Pips. Bánh xe chứa nhiều Courtcards
là bánh xe có cấu trúc yếu hoặc bị ràng buộc từ bên ngoài, không được di chuyển tự do.
12. Coi 4 lá bài ở phần bên phải CC là Bức tường. Tường chứa nhiều Major là tường mạnh, vững
chắc. Tường chứa nhiều Pips là tường yếu, dễ sập đổ. Nếu có Courtcards ở trên tường thì càng
nhiều Courtcards tường sẽ càng yếu.
13. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng ra cảnh bánh xe khổng lồ lăn tới và đâm vào tường. Bánh xe đại
diện cho bạn, cho nỗ lực, vận may, tiềm năng của bạn. Bức tường đại diện cho cản trở, những gì
ngáng đường nhưng cũng là vạch đích cần phải chạm tới.
• Bánh nặng + Tường mạnh => đi nhanh, bánh vỡ, tường vỡ
• Bánh nặng + Tường yếu => đi nhanh, bánh còn, tường vỡ
• Bánh nhẹ + Tường mạnh => đi chậm, bánh vỡ, tường còn
• Bánh nhẹ + Tường yếu => đi chậm, bánh còn, tường vỡ
• Bánh yếu + Tường mạnh => đi chậm, bánh vỡ, tường còn
• Bánh yếu + Tường yếu => đi chậm, bánh vỡ, tường vỡ

Như đã nói ở trên, Bánh xe và Bức tường đơn giản như một trò chơi để kích thích trí tưởng tượng và trực
giác, bởi thế nó nên được dùng để bổ trợ thêm cho phương pháp đọc truyền thống như một nguồn tham
khảo. Cố gắng giải CC chỉ với phương pháp này có thể bị quy kết là kém hiểu biết và nói dựa.

- nopqrstuvwxyz -

Những phương pháp nền tảng khuyên dùng khác


Ngoài ra để giải được CC hay bất kì trải bài nào thì bạn cũng cần một lượng kiến thức đủ lớn về cấu trúc
của bộ bài và ý nghĩa của các lá bài. Những phương pháp luận giải chung để nghiên cứu Tarot mà có thể
dùng đối với mọi cuộc đọc bài, mọi trải bài, chứ không chỉ chuyên dụng cho CC có thể tham khảo dưới
đây:
• Keyword thần thánh (lấy từ sách vở là chính, từ những cuốn kinh điển chính thống như Pictorial
Key hay Book T,... đến những cuốn booklet, companion kèm theo bộ bài và các đầu sách tham
khảo của các nhà nghiên cứu, reader trên khắp thế giới)
• Phương pháp Điểu Ngữ (tìm kiếm sự liên quan của hình ảnh và ngôn ngữ - đây chính là Ông tổ
nghề Feel)
• Phương pháp Số Học (tìm kiếm điềm báo trong sự trùng lặp và cách sắp xếp các con số - Hậu
duệ Tổ Feel)
• Ngoài ra các bạn còn có thể Đếm sao (Chiêm Tinh), Trồng cây (Tree of Life), Bỏ nhà đi bụi (Hành
Trình Chàng Khờ), ...
Hình ảnh chỉ là hư cấu. Không có bộ bài nào bị vứt lên cỏ trong quá trình viết bài.

Vĩ thanh
Cảm ơn các bạn đã bỏ công sức và thời gian để đọc đến tận đây. Ban đầu mình đã định viết dài hơn, và
quả thực trong đầu vẫn còn nhiều thứ để viết. Nhưng nghĩ lại, nếu viết nữa thì khó tránh khỏi lấn sân sang
những vấn đề khác, chuyên đề khác, thành ra lan man. Vì vậy mình viết vừa đủ để bài viết này bao trọn
được các khía cạnh của Celtic Cross mà mình nhận thức và trải nghiệm được. Celtic Cross chưa bao giờ
làm mình thất vọng và mình rất rất yêu thích nó. Mong rằng những kinh nghiệm trên đây hữu ích đối với
các bạn đang tìm hiểu Tarot và có hứng thú với Celtic Cross. Sau này nếu nghĩ ra gì thêm thì mình cũng sẽ
bổ sung tiếp sau.

Bài viết được tài trợ bởi LT Tarot Shop và mục đích là PR cho mấy bộ bài lởm khởm mà đắt vcl.

Chào thân ái và quyết thắng.

EZ KATKA.
~ NGẠNH ~

You might also like