You are on page 1of 4

Bậc khiêm nhường thứ mười là đan sĩ đừng dễ cười, cũng đừng vội cười, vì có lời chép:

“Người ngu cả tiếng cười cợt”.


Chú giải:
A – Ngày 7.2
Bậc khiêm nhường thứ mười là bậc của niềm vui nội tâm. Tất cả tiến trình qua các bậc khiêm
nhường, như thánh Biển Đức diễn tả, thực ra là tiến trình nội tâm hóa. Như vậy, nẻo đường khiêm
tốn là nẻo đường hòa giải con người với chính mình, khám phá ra hữu thể sâu xa của mình.
Thánh Biển Đức không hề chống lại sự vui tươi. Trong tiến trình nội tâm hóa này, chính niềm vui
cũng thay đổi hình dạng. Nó giãi tỏa nơi nội tâm và từ nội tâm, nó rạng rỡ mà không ồn ào, không
gây thương tổn, không làm phiền ai.
Ta nhận biết một người qua cách họ cười. Có những cái cười trầm lặng ấm áp, có những cái cười
chát chúa và gây thương tổn, lại có những cái cười trong suốt và tràn đầy kính trọng. Cách ta cười
cho thấy ta thế nào. Đó là một dấu hiệu về mức độ trưởng thành siêu nhiên.
Làm chủ được cái cười là một công trình đòi hỏi thời gian lâu dài. Thánh Biển Đức không nghĩ ta sẽ
thực hiện ngay được, vì vậy mãi tới bậc khiêm nhường thứ mười ngài mới nói đến.
B – Ngày 8.6
Thường ta hay bật cười vì những cái hớ hênh của người khác, những tình huống khiến người ta hóa
ra kỳ cục. Trái lại, khi chính mình rớt vào hoàn cảnh như thế ta không cách nào cười được, mà còn
cảm thấy bực bội, tê tái. Điều ấy chứng tỏ cái cười không phải vô thưởng vô phạt như có lúc ta nghĩ.
Cái cười bùng lên vì nó phá vỡ một con đê, giải tỏa một căng thẳng, cho trào ra một lượng quá đầy.
Cái cười này trái ngược với mỉm cười, vì mỉm cười có động cơ khác hẳn. Mỉm cười nảy sinh từ lòng
nhân ái, từ sự hòa giải sâu xa với chính mình. Vậy làm cách nào để thay vì cười thì ta mỉm cười?
Đối với thánh Biển Đức, muốn làm được vậy ta phải khiêm tốn. Vì khiêm tốn là chấp nhận mình,
chấp nhận những yếu đuối của mình, những cái buồn cười, đôi khi cả những cái kỳ cục của mình
nữa. Khi khiêm tốn nhìn mình cách sáng suốt, ta sẽ dần dần biết ứng xử nhân ái với những cái kỳ cục
nơi người khác.
Lòng khiêm tốn đích thực thì vui tươi mỉm cười, vì nó nảy sinh từ ý thức về sự yếu đuối của con
người chúng ta, sự yếu đuối khiến ta cần đến một vị Cứu tinh. Sự cao cả của khiêm tốn chính là ý
thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cứu ta và làm cho ta mỉm cười được.
C – Ngày 8.10
Trong Thánh Kinh có hai thứ cười. Có cái cười của kẻ không tin, của kẻ tội lỗi, của kẻ ngạo nghễ
nhạo báng Thiên Chúa và Lề Luật, kẻ đáp lại lời Chúa bằng chê bai chế diễu. Và có cái cười của kẻ
tin, cái cười của người công chính, vui mừng trước những kỳ công của Chúa, hân hoan cất tiếng reo
hò.
Trong Thánh Kinh, cái cười tự nó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Tốt xấu đều tùy thuộc ý hướng nội tâm
của người cười. Xét cho cùng, tốt hay xấu đều tùy ở sự trong sáng hay vẩn đục của con tim. Có lẽ ta
nên dựa theo tính lưỡng diện đó của cái cười để giải thích bậc khiêm nhường thứ mười này. Rõ ràng
thánh Biển Đức muốn nói tới mặt tiêu cực của cái cười, đó là cái cười ác độc gây tổn thương và xỉ
nhục người khác, khiến họ xấu hổ và chỉ muốn độn thổ mà thôi.
Đó là đích điểm mà bậc khiêm nhường thứ mười nhắm tới. Theo ngôn ngữ ngày nay ta có thể dịch
như sau: “Ở bậc thứ mười, người khiêm tốn không bao giờ xỉ nhục ai”. Người khiêm tốn không gây
tổn thương cho ai, dù là vô ý. Người ấy hết sức nhạy cảm với đau khổ, với thương tích của anh em
mình, tới độ họ không thốt ra bất cứ điều gì có thể khiến anh em đau lòng, dù chỉ là một tiếng cười.
Ngày 8.2 – 9.6 – 9.10
60
Bậc khiêm nhường thứ mười một là khi nói đan sĩ nói nhỏ nhẹ và không cười cợt nhưng từ
tốn trang nghiêm, ít lời mà hữu lý, không ầm ĩ to tiếng, 61 như đã chép: “Ít lời là dấu người
khôn ”.
Chú giải:
A – Ngày 8.2
Điều làm ta ngạc nhiên khi đọc chương 7 của tu luật , đó là ta càng tiến tới thì các bậc khiêm nhường
xem ra càng lúc càng nhỏ lại, khi mà các bậc đầu đã có phần vững chắc hơn. Ta cũng có thể nghĩ
rằng những bậc đầu có tính thiêng liêng hơn, sâu sắc hơn. Cảm tưởng này chắc hẳn là do các đề tài
nói tới có tính thiêng liêng. Trong khi ở những bậc cuối, thánh Biển Đức có vẻ đi vào chi tiết, chẳng
hạn: bậc trước nói về cái cười, bậc này đề cập tới cách ăn nói.
Điều đó làm tôi nhớ lại một câu của Léon Blois: “Chỉ những kẻ hời hợt mới không tin vào cái vẻ bên
ngoài”. Câu nói này không mâu thuẫn như ta tưởng đâu. Thực vậy, chỉ cần nhìn vẻ mặt của anh em,
ta cũng thường đọc được tình trạng nội tâm của họ. Dáng vẻ, cách đi đứng, nói năng đều bày tỏ con
người nội tâm của ta, nhưng ta lại chẳng hay biết. Hơn cả những lời nói hay ho và những tuyên bố
hùng hồn. Cái nhìn lại không phản ánh tâm hồn đó sao?
Thánh Biển Đức không yêu cầu ta sửa chữa thái độ bên ngoài. Vì như thế chỉ là giả hình mà thôi.
Nhưng ngài nêu lên một vài dấu hiệu giúp ta nhận biết được một thực tại nội tâm, không phải để xét
đoán người khác, mà để ý thức rằng ta chưa được như mình mong mỏi. Mục đích của ngài là giúp ta
ý thức những giới hạn của mình, trong khi thấy rằng mình chưa phải là đã hoàn thiện. Điều đó thật
hữu ích cho ta.
B – Ngày 9.6
Lời nói, cử điệu của thân xác và nét mặt, cả đến sự thinh lặng nữa, là những phương tiện ta có để
giao tiếp với người khác. Cũng còn những cách giao tiếp khác mà ta không biết đến, qua đó ta
chuyển đạt những trạng thái của tâm hồn mình.
Nhưng giao tiếp không có nghĩa là hiệp thông. Trong bậc khiêm nhường thứ mười một này, thánh
Biển Đức nêu ra những cách giao tiếp làm tắc nghẽn hay có nguy cơ gây tắc nghẽn sự hiệp thông.
Thực vậy, sự hiệp thông đòi hỏi ta phải có thái độ thích hợp khi tiếp xúc với người anh em, để không
bắt họ phải lệ thuộc vào trạng thái tâm hồn ta, vào tính khí của ta. Sự hiệp thông đòi ta phải biết thinh
lặng để có thể lắng nghe và tôn trọng sự âm thầm riêng tư của người khác.
Đối với thánh Biển Đức, bậc khiêm nhường thứ mười một là bậc của một tâm hồn thinh lặng để quan
tâm đến người khác với tất cả sự tôn trọng, đó là bậc khiêm nhường của đức khôn ngoan. Vì đức
khôn ngoan đòi ta phải làm chủ thế giới nội tâm của mình, một thế giới được hình thành bởi những
xung động, những dục vọng làm ta mù quáng và khiến ta co cụm lại với mình. Một cách nào đó, đức
khôn ngoan chính là phương thuốc chữa trị cái “tôi” của ta.
Ta hiểu được việc thánh Biển Đức đặt bậc này ở gần đầu cây thang. Quả thực tất cả chúng ta đều là
nạn nhân của những đợi chờ, những sợ hãi, những ước mong thầm kín, tất cả là những dục vọng
trong tâm hồn ngăn cản ta đi đến hiệp thông với người khác, vì ta quá bị ám ảnh bởi chính mình. Có
lẽ phải mất đến cả một đời để thoát ra được khỏi nỗi ám ảnh ấy.
C – Ngày 9.10
Bậc khiêm nhường thứ mười một nổi bật qua thái độ được thánh Biển Đức phác họa bằng hai cụm
từ: nhẹ nhàng, không lớn tiếng. Điều đó trước hết không nhắm tới thái độ bên ngoài, nhưng tới tâm
trạng bên trong tạo nên thái độ ấy.
Quả thực, người nào hăng say nói và lớn tiếng quả quyết điều mình nói là đúng, thì chứng tỏ không
những họ cố thủ ý mình mà còn sẵn sàng lấn lướt hay đè bẹp bất cứ ai nói ngược lại. Nhưng ở bậc
thứ mười một, sự khiêm nhường đòi hỏi một tâm trạng hoàn toàn khác, một tâm trạng giúp tạo nên
bầu khí an bình.
Có một lời cầu nguyện vắn tắt tóm gọn được ý nghĩa của bậc khiêm nhường thứ mười một này: “Lạy
Chúa, xin giúp con bình thản đón nhận những gì con không thay đổi được. Xin giúp con can đảm
thay đổi những gì con có thể thay đổi. Và xin cho con khôn ngoan để phân định được hai điều đó”.
Bậc khiêm nhường thứ mười một không liên can đến chuyện tự vùi dập mình. Ở đây, khiêm nhường
không phải là thoái thác, nhưng là can đảm. Ở đây, khiêm nhường là nhận biết điều gì ngoài tầm tay
của mình, nhưng vẫn không vì thế mà thất vọng: khiêm nhường là trạng thái bình an thanh thản. Sau
hết, khiêm nhường ở đây là từ bỏ mơ mộng hão huyền để chấp nhận thực tế: khiêm nhường là rất
mực khôn ngoan.
Ngày 9.2 – 10.6 – 10.10
62
Bậc khiêm nhường thứ mười hai là không những trong lòng mà cả phong cách bên ngoài đan
sĩ đều tỏ ra khiêm tốn trước mặt mọi người, 63 nghĩa là trong khi cử hành Thần Vụ, nơi nhà
nguyện, trong đan viện, ngoài vườn, trên đường đi, ở ngoài đồng hoặc bất cứ ngồi đâu, đi đâu,
đứng đâu, chỗ nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất, 64 bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm
nhân đầy tội lỗi, dường như bị điệu ra trước toà án kinh khủng, 65 lòng hằng thầm thĩ lời người
thu thuế trong Phúc Âm, mắt nhìn xuống đất và thân thưa: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, chẳng
đáng ngước mắt nhìn trời”. 66 Hay nói cùng với vị ngôn sứ: “Con uốn thân hạ mình luôn mãi”.
67
Vậy, khi đã lên hết các bậc khiêm nhường ấy, chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến
Chúa. Và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi. 68 Nhờ lòng mến ấy tất cả những gì xưa
kia họ giữ vì khiếp sợ, thì nay họ bắt đầu giữ không còn vất vả, nhưng đã trở nên tự nhiên
thuần thục, 69 không vì sợ hỏa ngục nữa mà vì yêu mến Chúa Kitô, và do tập quán tốt cũng như
do lòng ham mộ các nhân đức lôi cuốn. 70 Ðó là điều Chúa khấng nhờ Thánh Linh mà làm tỏ
hiện nơi người thợ của ngài , là người đã sạch tội lỗi và thói hư.
Chú giải:
A – Ngày 9.2
Trong bậc thứ mười hai này thánh Biển Đức trao cho ta bí quyết của đức khiêm nhường, một bí
quyết đã có nơi tất cả những bậc trước đây. Ở bậc này, ai cũng đều thấy được bí quyết đó. Mọi lúc
mọi nơi đều thấy: khi đọc thần tụng, khi cầu nguyện riêng, khi làm việc, khi xuất hành, lúc đứng lúc
ngồi hay đi lại, bí quyết ấy đều xuất hiện qua dáng vẻ tầm thường của mọi sự mọi việc (c.63). Bí
quyết đó là đan sĩ sống trước mặt Chúa mọi nơi mọi lúc.
Bí quyết của con đường khiêm tốn là sống hiện diện trước sự hiện diện của Chúa, là hiện diện với
Chúa, với mình và với thế giới chung quanh. Thánh Biển Đức cho việc hiện diện trước sự hiện diện
của Chúa một sắc thái đặc biệt. Theo ngài, lúc ban đầu điều đó dường như đè bẹp ta, hầu như không
thể nào chịu nổi. Dường như ta bị đắm chìm trong nỗi kinh ngạc trước sự cao cả của sự Hiện Diện
thần linh: “Chúa ở đấy mà con đã chẳng hay!” Nơi bậc thứ mười hai này, đan sĩ như sửng sốt nhận ra
sự Hiện Diện thần linh ấy, mọi lúc và mọi nơi.
Lúc đầu nhận thức này như có cái gì đè bẹp ta, như một phán quyết kinh khủng (c.64), nhưng dần
dần, với thời gian, Hiện Diện thần linh ấy trở thành Hiện Diện yêu thương, khiến ta không còn sợ hãi
nữa (c.67). Như vậy, tính mâu thuẫn của con đường thánh Biển Đức đề nghị với ta đó là nó giúp ta
vượt khỏi cái vô thức hời hợt và hào nhoáng để sau cùng ý thức được rằng sự Hiện Diện thần linh ấy
thay vì đè bẹp ta thì lại tái tạo ta, giúp ta đứng dậy, chữa lành ta trong khi cho ta có lòng yêu thích
điều thiện (c.69).
Với thánh Biển Đức, con đường tình yêu chân chính luôn luôn đi qua sợ hãi. Ý thức về sự hiện diện
của Thiên Chúa luôn luôn đi đôi với điều thánh Augustinô diễn tả rất hay như sau: “Chúa ở đó,
nhưng con lại không ở đó”.
B – Ngày 10.6
Mãi tới bậc thứ mười một, đặc tính của đức khiêm nhường là giúp cho con người xóa mình đi, tan
hòa vào đám đông. Đến bậc thứ mười hai thì ngược lại, bậc này khiến ta lộ diện trước mặt người
khác. Sau khi đã cố gắng xóa bỏ những méo mó của cái tôi giả tạo, cái bề mặt cồng kềnh vốn che
khuất cặp mắt ta, khiến ta không nhìn ra được chiều sâu kín ẩn và huyền nhiệm của nơi mà Thiên
Chúa thiết lập Nhà ở của ngài, giờ đây con người xuất hiện như bị đảo ngược. Họ trở nên cửa sổ mở
vào mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, thay vì chỉ là một tấm chắn dầy cộm khiến cho chính họ
cũng chẳng nhìn thấy được gì.
Có được sự đảo ngược này, có được sự biến đổi kỳ diệu này chính là nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa
đã xua tan sợ hãi. Không phải vì ta trở nên xứng đáng hay ít tội lỗi hơn, không phải vậy, nhưng chính
vì ta chỉ còn hướng nhìn lên một mình Chúa mà thôi.
Ta có khuynh hướng nói đến tình yêu quá sớm, tưởng rằng ta đã đạt tới được rồi. Thánh Biển Đức
chỉ nói đến ở bậc khiêm nhường thứ mười hai mà ít người tới được. Ở bậc này, tất cả những gì là
nặng nhọc, khó khăn đều trở nên nhẹ nhàng êm ái. Ở bậc này, Thánh Linh trở nên vị khách thường
xuyên của linh hồn, vì toàn bộ căn Nhà đã được quét dọn lau chùi sạch sẽ.
C – Ngày 10.10
Với thánh Biển Đức, khiêm nhường là cây thang giúp ta trèo lên tới tình yêu: “Chẳng mấy chốc đan
sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa, và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi” (7, 67). Con đường
khiêm tốn là con đường giải thoát, dần dần loại bỏ sợ hãi, âu lo làm ta nghẹt thở và ngăn cản ta yêu
mến cách đích thực.
Tuy nhiên, thay vì giống như thành công tột đỉnh, một hoàn thành mỹ mãn, bậc khiêm nhường thứ
mười hai này lại giống như biên bản về một thất bại ê chề, vì đan sĩ “bao giờ cũng đinh ninh mình là
phạm nhân đầy tội lỗi” (7, 64). Như vậy, đối với thánh Biển Đức, điều kiện để có được tình yêu đích
thực, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, đó là nhận biết rằng mình không biết yêu. Đây là bài học phi
thường của con đường khiêm tốn: luôn luôn bắt đầu bằng kinh nghiệm đau đớn rằng mình không biết
yêu, nghĩa là mình không có khả năng yêu mến chẳng những người anh em mà còn cả Thiên Chúa
nữa. Dù nói hay nói đẹp thế nào thì ta cũng vẫn không biết yêu.
Với thánh Biển Đức, khởi đầu tình yêu là một tiếng kêu, tiếng kêu bất lực và tuyệt vọng. Nhưng đó là
tiếng kêu phi thường, vì nó cho thấy đan sĩ đã được lôi kéo ra khỏi chính mình, đã thoát được chính
bản thân, để được gieo vào lòng Chúa. Kinh nghiệm yêu thương là kinh nghiệm của cái vỏ sò vỡ ra,
của một công trình xây dựng sụp đổ, của sự mỏng dòn và dễ bị tổn thương đến tột độ, nơi mà rốt
cuộc thì sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương.
Như thánh Biển Đức nói trong câu sau cùng (c.70), giai đoạn này chính là lúc ta cảm nghiệm được
quyền năng của Thánh Thần. Chỉ mình ngài có thể giúp ta quyết tâm, giúp ta vượt qua vực thẳm.
Chính khi ta không còn làm gì hơn được nữa thì Thiên Chúa lại có thể hướng dẫn cuộc đời ta.

You might also like