You are on page 1of 579

THẦN HỌC CĂN BẢN

Dr. Charles Ryrie


(1925-2016)
(Professor of Systematic Theology and dean of doctoral studies at
Dallas Baptist Theological Seminary)

MỤC LỤC
Ai Nên Đọc Thần Học?
PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU
1. Những Khái Niệm Và Định Nghĩa
2. Một Vài Tiền Giả Định
3. Vấn Đề Thẩm Quyền
PHẦN II: ĐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG VÀ CHÂN THẬT
4. Hiểu Biết Về Đức Chúa Trời
5. Sự Mặc Khải Của Đức Chúa Trời
6. Những Sự Trọn Vẹn Của Đức Chúa Trời
7. Những Danh Xưng Của Đức Chúa Trời
8. Ba Ngôi Hiệp Nhất Của Đức Chúa Trời
PHẦN III: KINH THÁNH: ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN
9. Sự Mặc Khải Đặc Biệt
10. Giáo Lý Của Kinh Thánh Về Sự Soi Dẫn
11. Những Sự Lìa Bỏ Giáo Lý Về Sự Soi Dẫn Của Kinh Thánh
12. Tính Không Sai Lạc Của Kinh Thánh
13. Tính Không Sai Lạc Và Những Lời Dạy Của Đấng Christ
14. Những Đoạn Kinh Thánh Khó Hiểu
15. Bộ Kinh Điển
16. Việc Giải Nghĩa Kinh Thánh
PHẦN IV: THIÊN SỨ: NHỮNG THẦN LINH PHỤC VỤ
1
17. Sự Thực Hữu Của Các Thiên Sứ
18. Sự Tạo Dựng Thiên Sứ
19. Bản Chất Của Các Thiên Sứ
20. Tổ Chức Của Các Thiên Sứ
21. Chức Năng Của Các Thiên Sứ
PHẦN V: KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA: MA QUỈ
22. Sự Thực Hữu Của Satan
23. Sự Tạo Dựng Và Tội Lỗi Của Satan
24. Những Hoạt Động Của Satan
25. Thế Gian Của Satan
PHẦN VI: MA QUỈ: NHỮNG LINH Ô UẾ
26. Sự Thực Hữu Của Ma Quỷ
27. Ma Quỷ Ra Sao?
28. Ma Quỷ Làm Gì?
Phần VII: CON NGƯỜI: HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
29. Sự Tiến Hóa Và Những Căn Nguyên
30. Kinh Thánh Và Những Nguồn Gốc
31. Sự Sáng Tạo Con Người
32. Các Phương Diện Của Con Người
33. Sự Sa Ngã Của Con Người
PHẦN VIII: TỘI LỖI
34. Quan Điểm Thánh Kinh Về Tội Lỗi
35. Lời Dạy Của Đấng Christ Về Tội Lỗi
36. Sự Di Truyền Tội Lỗi
37. Sự Quy Gán Tội
38. Những Tội Của Cá Nhân
39. Cơ Đốc Nhân Và Tội Lỗi
Phần IX: JESUS CHRIST CHÚA CỦA CHÚNG TA

2
40. Đấng Christ Trước Khi Nhập Thể
41. Sự Nhập Thể Của Đấng Christ
42. Thân Vị Đấng Christ Nhập Thể
43. Đấng Christ: Đấng Tiên Tri, Thầy Tế Lễ Và Vua
44 Sự Tự Bỏ Mình Của Đấng Christ
45. Sự Vô Tội Của Đấng Christ
46. Sự Phục Sinh Và Thăng Thiên Của Đấng Christ
47. Những Chức Vụ Của Đấng Christ Sau Khi Thăng Thiên
PHẦN X: SỰ CỨU RỖI VĨ ĐẠI BIẾT BAO
48. Vài Nhận Định Mở Đầu
49. Từ Ngữ Của Kinh Thánh
50. Sự Thương Khó Của Đấng Christ
51. Ý Nghĩa Sự Chết Của Đấng Christ
52. Một Vài Kết Quả Của Sự Cứu Rỗi
53. Những Lý Thuyết Về Sự Chuộc Tội
54. Giáo Lý Về Sự Lựa Chọn
55. Phạm Vi Của Sự Chuộc Tội
56. Ứng Dụng Của Sự Cứu Rỗi
57. Sự An Ninh Của Tín Đồ
58. Tin Lành Là Gì?
PHẦN XI: ĐỨC THÁNH LINH
59. Đức Thánh Linh Là Ai?
60. Đức Thánh Linh Trong Thời Cựu Ước
61. Đức Thánh Linh Trong Đời Sống Chúa Chúng Ta
62. Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng
63. Đức Thánh Linh Ấn Chứng
64. Đức Thánh Linh Làm Báptêm
65. Đức Thánh Linh Ban An Tứ

3
66. Đức Thánh Linh Đầy Dẫy
67. Những Chức Vụ Khác Của Thánh Linh
68. Lịch Sử Giáo Lý Về Đức Thánh Linh
PHẦN XII: “TA SẼ LẬP HỘI THÁNH TA”
69. Hội Thánh Là Gì?
70. Tính Đặc Trưng Của Hội Thánh
71. Các Nguyên Tắc Và/ Hoặc Khuôn Mẫu?
72. Các Hình Thức Quản Trị Hội Thánh
73. Cấp Lãnh Đạo Đủ Tư Cách Cho Hội Thánh
74. Các Thánh Lễ Cho Hội Thánh
75. Sự Thờ Phượng Của Hội Thánh
76. Những Chức Vụ Khác Của Hội Thánh
PHẦN XIII: NHỮNG VIỆC SẼ ĐẾN
77. Giới Thiệu Lai Thế Học
78. Khảo Lược Thuyết Hậu Thiên Hy Niên
79. Khảo Lược Thuyết Vô Thiên Hy Niên
80. Khảo Lược Thuyết Tiền Thiên Hy Niên
81. Giao Ước Của Đức Chúa Trời Với Ápraham
82. Giao Ước Của Đức Chúa Trời Với Đavít
83. Khái Lược Các Biến Cố Tương Lai
84. Thời Kỳ Đại Nạn
85. Sự Cất Hội Thánh Lên
86. Quan Điểm Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn
87. Cư Dân Trong Thiên Hy Niên
88. Quan Điểm Sự Cất Lên Trung Đại Nạn
89. Quan Điểm Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn
90. Thiên Hy Niên
91. Những Sự Đoán Xét Trong Tương Lai

4
92. Sự Sống Lại Và Số Phận Đời Đời
PHẦN XIV: NHỮNG PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH TRỌNG TÂM
93. Những Phân Đoạn Kinh Thánh Trọng Tâm Cho Bộ Môn Thần Học
PHẦN XV: NHỮNG ĐỊNH NGHĨA
94. Một Số Định Nghĩa Thần Học
Chỉ Mục Kinh Thánh
Chỉ Mục Đề Tài

5
AI NÊN ĐỌC THẦN HỌC?
THẦN HỌC DÀNH CHO MỌI NGƯỜI. Thật vậy, mọi người đều cần phải là một nhà
thần học. Trong thực tế, mỗi người là một nhà thần học - thuộc nhiều hạng khác nhau.
Và đó mới chính là nan đề. Làm nhà thần học không chuyên hoặc chuyên nghiệp
thì không có gì sai, nhưng làm nhà thần học thiếu hiểu biết hoặc nhà thần học cẩu thả
thì sai trật hoàn toàn. Vì thế mọi người phải đọc và nghiên cứu thần học.
"Thần học" đơn giản có nghĩa là suy nghĩ về Đức Chúa Trời và diễn tả những tư
tưởng ấy theo một cách nào đó. Sẽ có định nghĩa chính xác hơn trong chương thứ nhất,
nhưng theo ý nghĩa căn bản này, mỗi người đều là nhà thần học. Ngay cả người vô thần
cũng có một nền thần học. Họ nghĩ về Đức Chúa Trời, khước từ sự thực hữu của Ngài,
và bày tỏ điều đó đôi khi qua bộ tín điều - và luôn luôn bày tỏ trong lối sống. Người theo
tôn giáo phi Cơ đốc đã đổi Đức Chúa Trời chân thần để lấy vị thần giả mạo của mình, và
bày tỏ thần học đó bằng nhiều cách khác nhau.
Nhưng hầu như mọi độc giả của sách này đều là người hữu thần, nếu không nói họ
còn là tín hữu của Chúa Jesus Christ nữa. Cho nên những suy nghĩ của bạn - dầu tản
mạn hay đã có hệ thống - đều hướng về Đức Chúa Trời hằng sống, là Chân Thần duy
nhất, Đấng đang thực hữu. Vì vậy, lại càng có cớ khiến bạn phải học thần học hơn nữa,
vì toàn bộ thì giờ và năng lực bạn dành để suy nghĩ về Đức Chúa Trời chân thần không
những mở rộng tâm trí mà còn ảnh hưởng đến đời sống bạn nữa.
Để làm ví dụ về cách thần học có thể ảnh hưởng thế nào đến đời sống bạn, hãy nghĩ
về đề tài khai trình trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều có nhiều bình diện khai trình
khác nhau. Chúng ta phải chịu trách nhiệm khai trình với chính mình; lương tâm giải
quyết điều đó. Nhưng lương tâm có thể bị thiên lệch, chai lì hoặc phớt lờ, vì vậy sẽ làm
giảm bớt trách nhiệm khai trình trên bình diện đó. Chúng ta phải khai trình với xã hội,
nhưng mỗi xã hội có những tiêu chuẩn pháp lý khác nhau, và một cá nhân đôi khi có
thể vi phạm nhiều tiêu chuẩn mà vẫn tránh thoát được trách nhiệm khai trình của
mình. Những đơn vị khác nữa đòi hỏi khai trình trách nhiệm gồm gia đình, hội thánh
địa phương, sở làm, v.v... Nhưng những người tin nơi Đức Chúa Trời chân thần nhận
thấy họ còn phải khai trình với Ngài nữa. Đôi khi chúng ta có vẻ thoát được trách
nhiệm khai trình hiện nay với Chúa, nhưng không ai thoát được trách nhiệm khai trình
trong tương lai, vì hết thảy chúng ta đều phải đứng trước Ngai Đoán Xét của Đấng
Christ. Thần học về sự phán xét buộc chúng ta phải nghĩ đến một phương diện của Đức
Chúa Trời mà đáng phải thể hiện qua một nhân sinh quan tỉnh táo và khôn ngoan ngay
hiện giờ.
Những nhà thần học tốt được xếp vào rất nhiều dạng. Có người bị kể là ngu dốt theo
cách đánh giá của thế gian; thế nhưng họ thực sự hiểu rất nhiều lẽ thật về Đức Chúa

6
Trời. Có người rất chuyên cần nhưng không chuyên nghiệp. Còn có người rất tài giỏi và
hiểu rộng đọc nhiều. Có người là nhà thần học chuyên nghiệp; phần lớn không phải
nhà thần học chuyên nghiệp.
Sách nầy được viết cho số đông những người không phải nhà thần học chuyên
nghiệp ấy. Nếu viết cho nhà thần học chuyên nghiệp, tôi sẽ phải làm nhiều việc khác
hẳn. Tôi sẽ không cần cố ý giữ cho ngôn ngữ đơn giản và những phần giải thích đừng
phức tạp. Tôi chắc không dùng nhiều minh họa (dù một số sách chuyên môn có thể
dùng rất hay!). Tôi sẽ không hạn chế tối thiểu những chú thích cuối trang. Những nhà
chuyên nghiệp thường muốn đoan chắc tác giả đã đọc mọi sự về một đề tài (nhưng mấy
ai đã đọc hết được?). Ít nhất họ cũng muốn thấy bằng chứng tác giả đọc rất nhiều sách
qua số lượng những chú thích đa dạng, và một số chú thích buộc phải rất hiện đại. Tôi
nghĩ đã chứng tỏ mình có thể làm điều nầy trong những quyển sách khác, nhưng trong
sách nầy, tôi đã chọn giới hạn tối thiểu những ghi chú cuối trang. Tôi chỉ dùng khi cần
thiết phải dẫn chứng tư liệu của câu nói mà có thể độc giả nghĩ là không đúng, hoặc để
nói rõ không phải mình đang dựng lên một bù nhìn rơm. Nhưng tôi thường dùng chú
thích để nêu những sách hoặc bài viết tôi nghĩ ích lợi cho vấn đề cụ thể đang luận đến.
Nhờ đó, độc giả nếu muốn có thể nghiên cứu thêm về đề tài đó.
Nhưng nếu thần học là cách suy nghĩ về Đức Chúa Trời và diễn tả những tư tưởng
đó, thì hãy đánh giá sách nầy trên cơ sở sách có phản ánh những tư tưởng chính xác về
Đức Chúa Trời hay không, và có diễn tả chính xác đơn giản cho bạn sao cho đem lại
những thay đổi trong suy nghĩ và lối sống của bạn hay không.
Cụm từ “đạo lành” mà Phaolô dùng có nghĩa là giáo lý tốt, lành mạnh (như trong
IITi 4:3; Tit 1:9). Giáo lý lành mạnh hay thần học tốt luôn luôn phải đem lại nếp sống
thánh thiện. Khi cầu nguyện cho các hội thánh, Phaolô đã cầu nguyện cho họ hiểu biết
càng thêm lên, vì nhận thấy hiểu biết ấy sẽ đem lại nếp sống thánh khiết (ví dụ như Phi
1:9-11; Co 1:9-10). Thần học lành mạnh bày tỏ không những trong tín lý mà còn trong đời
sống kết quả, và nếp sống thánh khiết phải đặt nền tảng trên thần học lành mạnh.
Thần học ảnh hưởng thế nào trên đời sống của tôi hay của bạn là trách nhiệm riêng
tư của mỗi cá nhân chúng ta. Nhưng làm cho đời sống chúng ta trở nên giống hình ảnh
của Đấng Christ là mục đích tối hậu trong việc nghiên cứu thần học. Thế nhưng phân
tích cho cùng, không quyển sách nào làm nổi điều đó. Chỉ Đức Chúa Trời và bạn có thể
làm được.

7
PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU
Chương 1: NHỮNG KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA
Phần mở đầu, là tựa đề phần này, đơn giản có nghĩa là những nhận xét mở đầu
hoặc sơ bộ. Phần này cho tôi (tác giả) cơ hội giúp độc giả biết vài điều trong kế hoạch
tổng quát của mình, cả về phạm vi và những giới hạn của nó, cũng như một số những
tiền giả định trong cách suy nghĩ của tác giả và những phương thức định dùng. Lời tựa
nhằm hướng độc giả đến dự định của tác giả dành cho sách này.
I. KHÁI NIỆM THẦN HỌC.
Là tác phẩm luận về thần học thì tự nó cũng nói ngay đôi điều về phạm vi, trọng
tâm và những giới hạn. Từ ngữ “thần học” (theology) ra từ chữ theos có nghĩa là Đức
Chúa Trời và logos có nghĩa là sự diễn tả hữu lý, nghĩa là sự giải thích hữu lý về đức tin
tôn giáo. Như vậy, thần học Cơ đốc có nghĩa là sự giải thích hữu lý về đức tin Cơ đốc.
Khái niệm tổng quát này về thần học bao hàm ít nhất ba yếu tố.
(1) Thần học là có thể hiểu được. Lý trí con người có thể hiểu được thần học theo
phương cách hữu lý và có trật tự.
(2) Thần học đòi hỏi sự giải thích. Đến lượt sự giải thích này bao gồm sự chú giải
Kinh Thánh và hệ thống hóa.
(3) Đức tin Cơ đốc có nguồn gốc từ Kinh Thánh, cho nên thần học Cơ đốc là bộ môn
nghiên cứu đặt nền tảng trên Thánh Kinh.
Như vậy thần học là sự khám phá, hệ thống hóa và trình bày những chân lý về Đức
Chúa Trời.
II. NHỮNG THỂ LOẠI THẦN HỌC
Có thể phân loại các thần học theo nhiều cách khác nhau.
(1) Theo kỷ nguyên: chẳng hạn như thần học thời các giáo phụ, thần học trung cổ,
thần học cải chánh, thần học hiện đại.
(2) Theo quan điểm: như Thần học Arminius, thần học Calvin, thần học Công giáo,
thần học của Barth, thần học tự do v.v...
(3) Theo trọng tâm: như thần học lịch sử, thần học Thánh Kinh, thần học hệ thống,
thần học biện giải, thần học giải kinh v.v... Một số điểm phân biệt nầy rất quan trọng
cho người nghiên cứu thần học.
A. Thần Học Lịch Sử

8
Thần học lịch sử tập trung vào suy nghĩ và ý kiến của những người nghiên cứu
Thánh Kinh đã nghĩ về sự dạy dỗ của Kinh Thánh - với tư cách hoặc cá nhân hoặc tập
thể - như trong những công bố của các Giáo Hội Nghị. Thần học lịch sử cho thấy hội
thánh đã phát biểu cả chân lý lẫn sai lầm như thế nào, và hướng dẫn nhà thần học
trong sự hiểu biết và phát biểu giáo lý của riêng họ. Người nghiên cứu có thể tìm hiểu
chân lý cách hiệu quả hơn nhờ được biết những đóng góp và những sai lầm của lịch sử
hội thánh. Khi thuận tiện, tôi sẽ đưa vào một vài lịch sử giáo lý trong sách nầy.
B. Thần Học Thánh Kinh
Mặc dầu từ ngữ “thần học Thánh Kinh” được dùng rất nhiều cách khác nhau,
nhưng nó giúp đặt tên một trọng điểm đặc biệt cho việc nghiên cứu thần học. Theo ý
nghĩa không chuyên, thần học Thánh Kinh có thể nói đến thần học phái kiền thành (để
phân biệt với thần học triết học), hoặc thần học đặt căn bản trên Thánh Kinh (phân biệt
với loại thần học đang tương tác với những nhà tư tưởng đương thời), hoặc thần học chú
giải kinh (exegetical theology - để phân biệt với thần học suy biện). Một vài bộ môn
thần học Thánh Kinh đương thời theo quan điểm thần học tự do rơi vào phạm trù thứ
nhì, là thần học chú giải kinh, dầu vậy loại chú giải nầy không trung tín trình bày sự
dạy dỗ của Kinh Thánh. Công việc của chúng cũng thường bao gồm một sự bình luận
liên tục xuyên suốt Kinh Thánh được gộp lại với nhau theo phạm trù lớn hơn nào đó
như vương quốc hay giao ước của Đức Chúa Trời (nếu là thần học Thánh Kinh Cựu
Ước), hoặc những phạm trù khác như những sự dạy dỗ của Chúa Jesus, của Phaolô và
Cơ đốc giáo nguyên thủy (nếu là thần học Thánh Kinh Tân Ước).
Theo ý nghĩa chính xác, thần học Thánh Kinh có tiêu điểm sắc nét hơn thế nhiều.
Nó luận giải có hệ thống về tiến triển sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời theo dòng lịch
sử trong Kinh Thánh. Từ định nghĩa nầy nổi bật lên bốn đặc điểm:
(1) Những kết quả của bộ môn nghiên cứu thần học Thánh Kinh phải được trình
bày theo một hình thức có hệ thống. Trên phương diện này, thần học Thánh Kinh giống
với những lãnh vực khác của các bộ môn nghiên cứu về Thánh Kinh và thần học. Hệ
thống hay cách sắp xếp để trình bày thần học Thánh Kinh không nhất thiết phải dùng
cùng những phạm trù của thần học hệ thống. Không buộc phải dùng, mà cũng không
buộc phải tránh dùng.
(2) Thần học Thánh Kinh chú ý đến vùng đất lịch sử đã nhận sự mặc khải của Đức
Chúa Trời. Bộ môn này nghiên cứu đời sống của những trước giả Kinh Thánh, những
hoàn cảnh thúc giục họ viết, và hoàn cảnh lịch sử của người nhận tác phẩm của họ.
(3) Thần học Thánh Kinh nghiên cứu sự mặc khải trong trình tự tiệm tiến mà khải
thị ấy được tỏ ra. Thần học Thánh Kinh thừa nhận sự mặc khải không hoàn tất trong
chỉ một hành động đơn lẻ của Đức Chúa Trời, nhưng được mở ra theo một loạt những

9
giai đoạn liên tiếp và sử dụng nhiều người khác nhau. Kinh Thánh là bản ký thuật sự
tiến triển của mặc khải, và thần học Thánh Kinh tập chú vào tiến triển đó. Ngược lại,
thần học hệ thống xem sự mặc khải như tổng thể đã hoàn tất.
(4) Thần học Thánh Kinh tìm tài liệu nguồn của mình từ Kinh Thánh. Thực ra
những nền thần học hệ thống chính thống cũng vậy. Nói như vậy không có ý bảo các
bộ môn thần học Thánh Kinh hay thần học hệ thống đã không thể hoặc không lấy tài
liệu từ các nguồn khác, nhưng thần học hay bản thân giáo lý không ra từ bất kỳ nguồn
nào khác ngoài Thánh Kinh.
C. Thần Học Hệ Thống
Thần học hệ thống liên kết dữ liệu của sự mặc khải trong Thánh Kinh như một tổng
thể để phô bày cách hệ thống bức tranh toàn cảnh về sự tự mặc khải của Đức Chúa
Trời.
Thần học hệ thống có thể bao gồm cả những bối cảnh lịch sử, biện minh học, bênh
vực, và công tác chú giải Kinh Thánh, nhưng tập trung vào cấu trúc tổng thể của giáo lý
Thánh Kinh.
Tóm lại: Thần học là sự khám phá, hệ thống hóa và trình bày những chân lý về Đức
Chúa Trời. Thần học lịch sử hoàn tất điều nầy bằng cách tập trung vào điều những
người khác trong suốt dòng lịch sử đã nói về những chân lý nầy. Thần học Thánh Kinh
thực hiện điều nầy bằng cách khảo lược sự mặc khải tiệm tiến chân lý của Đức Chúa
Trời. Thần học hệ thống trình bày một cấu trúc tổng thể.

10
Chương 2: MỘT VÀI TIỀN GIẢ ĐỊNH
I. TIỀN GIẢ ĐỊNH CĂN BẢN
Dầu có ý thức hay không, mọi người đều hoạt động trên nền tảng của vài tiền giả
định. Người vô thần nói không có thần linh nào thì họ phải tin vào tiền giả định căn
bản đó. Và khi tin như vậy, họ nghĩ về thế giới, loài người và tương lai theo những cách
hoàn toàn khác với người hữu thần. Người bất khả tri không chỉ khẳng định chúng ta
không thể biết Đức Chúa Trời, nhưng còn phải tin điều đó là nền tảng cho toàn bộ thế
giới quan và nhân sinh quan của họ. Nếu chúng ta có thể biết về Đức Chúa Trời chân
thật thì toàn bộ hệ thống của người ấy vỡ tan. Người hữu thần tin có một Đức Chúa
Trời. Họ nêu chứng cớ khẳng định để xác nhận niềm tin, nhưng về cơ bản, họ tin.
Người tin Chúa ba ngôi tin Đức Chúa Trời là Ba Ngôi Hiệp Một. Đó là niềm tin ra từ
Kinh Thánh. Vậy họ cũng tin Kinh Thánh đúng.
Đây là một tiền giả định bước ngoặt. Nếu Thánh Kinh không đúng, thì giáo lý Ba
Ngôi là sai và Chúa Jesus Christ không đúng là Đấng mà Ngài xưng nhận. Từ thiên
nhiên hay từ lý trí con người, chúng ta không học được gì về giáo lý Ba Ngôi hay Đấng
Christ. Và nếu không tin tài liệu nguồn của mình là chính xác, chúng ta không thể biết
chắc chắn điều mình học được từ Kinh Thánh về Đức Chúa Trời Ba Ngôi có chính xác
không. Như vậy tin sự chân thật của Kinh Thánh là tiền giả định căn bản. Điều nầy sẽ
được thảo luận đầy đủ trong phần luận về sự soi dẫn và tính không sai lạc.
II. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH GIẢI NGHĨA
Nếu tài liệu nguồn có tính quyết định như thế, ta phải quan tâm cách tiếp cận và sử
dụng nó. Thần học chính xác tùy thuộc vào cách giải kinh đúng. Phải có các nghiên cứu
giải kinh trước khi hệ thống hóa thần học, cũng giống như phải làm gạch trước khi xây
tòa nhà.
A. Lẽ Thiết Yếu Của Cách Giải Nghĩa Bình Thường và Đơn Giản
Dầu sẽ luận kỹ hơn về Giải kinh học ở Phần III, ở đây chúng ta cần nói về tầm quan
trọng của phương pháp giải nghĩa Thánh Kinh thông thường làm nền tảng để giải kinh
đúng. Khi ban khải thị về chính Ngài, Chúa muốn truyền đạt chứ không che khuất
chân lý. Cho nên chúng ta tiếp cận một lối giải nghĩa Thánh Kinh đòi hỏi phải dùng
những qui tắc giải nghĩa thông thường. Hãy nhớ, khi những biểu tượng, ngụ ngôn, điển
hình v.v... được dùng, chúng dựa trên một nghĩa đen cơ bản cho chính sự hiện hữu của
chúng, và cách giải thích chúng phải luôn bị chi phối bởi khái niệm là Chúa đang
truyền đạt cách bình thường, đơn giản hoặc theo nghĩa đen. Phớt lờ điều nầy sẽ đưa

11
đến kiểu giải kinh lộn xộn, vốn đặc trưng của những nhà giải kinh thời trung cổ và thời
các giáo phụ.
B. Quyền Ưu Tiên của Tân Ước.
Cả Kinh Thánh đều được soi dẫn và có ích, nhưng nguồn tín lý trong Tân Ước được
ưu tiên hơn. Mặc khải trong Cựu Ước để chuẩn bị và mới là một phần, còn mặc khải
Tân Ước đạt đến đỉnh điểm và hoàn tất. Ví dụ như giáo lý Ba Ngôi, dù được xét đến
trong Cựu Ước nhưng đến thời Tân Ước mới được tỏ ra. Hoặc hãy xem những khác biệt
lớn biết lao giữa những điều được dạy trong Cựu với Tân Ước về sự chuộc tội, sự xưng
nghĩa và sự sống lại. Nói như thế không có ý đánh giá thấp những sự dạy dỗ trong Cựu
Ước, cũng không hề hàm ý Cựu Ước được soi dẫn ít hơn, nhưng để nói rằng trong sự
tiết lộ tiệm tiến mặc khải của Đức Chúa Trời, Cựu Ước đến trước về thứ tự thời gian và
vì thế giữ vị trí chuẩn bị và chưa đầy đủ về phương diện thần học. Thần học Cựu Ước có
vị trí riêng của nó, nhưng sẽ không đầy đủ nếu thiếu sự góp phần của chân lý trong
Tân Ước.
C. Tính Hợp Pháp Của Những Bản Văn Kiểm Chứng
Những người theo phái thần học tự do và thần học của Barth thường chỉ trích phái
bảo thủ dùng bản văn Kinh Thánh kiểm chứng để chứng minh cho những kết luận của
họ. Tại sao họ than phiền như vậy? Đơn giản vì trưng dẫn những bản văn kiểm chứng
sẽ dẫn đến những kết luận bảo thủ, chứ không có kết luận phóng khoáng. Họ cho rằng
trích dẫn như vậy là một phương pháp luận bất hợp pháp và không mang tính học
thuật, nhưng điều đó đâu có bất hợp pháp hơn các chú thích cuối trang trong một tác
phẩm có tính học thuật!
Đúng là cần phải dùng bản văn kiểm chứng đúng cách, cũng như dùng chú thích
cuối trang vậy. Thực ra phải dùng chúng để nói lên ý nghĩa chúng muốn nói; không
được dùng tách rời khỏi văn mạch; không được dùng riêng một phần trong khi tổng thể
có thể làm đổi ý nghĩa; và đặc biệt không được ép bản văn kiểm chứng của Cựu Ước
phải bao hàm những chân lý chỉ được bày tỏ về sau trong Tân Ước.
III. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH HỆ THỐNG HÓA
A. Lẽ Cần Thiết Của Một Hệ Thống
Khác biệt giữa giải kinh (exegesis) và thần học là ở hệ thống được dùng. Giải kinh
sẽ phân tích; còn thần học liên kết những phân tích đó. Giải kinh liên hệ đến nghĩa của
những bản văn Kinh Thánh; còn thần học liên kết những nghĩa đó lại với nhau. Người
giải kinh trình bày nghĩa của chân lý; còn nhà thần học trình bày hệ thống chân lý.
Mục tiêu của thần học, dù là môn thần học Kinh Thánh hay thần học hệ thống, là hệ
thống hóa những sự dạy dỗ đang khảo sát.

12
B. Những Giới Hạn Của Một Hệ thống Thần Học
Nói ngắn gọn, ranh giới của một hệ thống thần học phải trùng với ranh giới của
mặc khải Thánh Kinh. Khi nỗ lực trình bày một hệ thống hoàn chỉnh, nhà thần học
thường bị cám dỗ lấp đầy những khoảng trống trong chứng cứ Thánh Kinh bằng lý luận
hoặc những hàm ý mà có lẽ không bảo đảm là đúng.
Lý luận hoặc các hàm ý thực sự có vị trí xứng đáng của chúng. Mặc khải của Chúa
có thứ tự và hữu lý, vậy lý luận có chỗ đứng xứng đáng trong nghiên cứu khoa học về
mặc khải. Khi chữ kết thành các câu văn, thì câu văn đó có hàm ý mà nhà thần học
phải cố tìm hiểu.
Tuy nhiên, khi dùng lý luận tạo ra chân lý - giả dụ như thế - thì nhà thần học phạm
vào tội đẩy hệ thống của mình vượt ra ngoài ranh giới của chân lý Thánh Kinh. Đôi khi
điều nầy bị thúc đẩy bởi động cơ muốn trả lời những câu hỏi mà Thánh Kinh không trả
lời. Trong trường hợp như thế (có không ít trường hợp hết sức quan trọng như thế trong
Kinh Thánh), câu trả lời tốt nhất là im lặng chứ không phải lý luận khôn khéo, những
hàm ý hầu như không thể thấy được, cũng không phải tính đa cảm đầy mơ tưởng. Ví dụ
điển hình cho các lãnh vực đặc biệt lôi cuốn gồm có quyền tể trị tối cao và trách nhiệm,
phạm vi của sự Chuộc tội, sự cứu rỗi cho những hài nhi đã chết.
IV. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH CÁ NHÂN
Cũng có thể phải giả định trước một số vấn đề nhất định về người nghiên cứu thần
học.
A. Người Ấy Phải Tin
Dĩ nhiên người vô tín vẫn có thể viết và nghiên cứu thần học, nhưng tín hữu có
chiều kích và góc nhìn về chân lý của Chúa mà không người vô tín nào có được. Những
điều sâu nhiệm của Chúa do Thánh Linh dạy, là Đấng mà người vô tín không có ( ICo
2:10-16).

Tín hữu cũng cần phải có đức tin, vì lý trí hữu hạn của chúng ta sẽ không hiểu hết
một số lĩnh vực trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời.
B. Người Ấy Phải Suy Nghĩ
Trên hết, tín hữu phải cố gắng suy nghĩ về mặt thần học. Điều nầy bao gồm cách
suy nghĩ về giải kinh (để hiểu được nghĩa chính xác), suy nghĩ cách có hệ thống (để
liên hệ những sự kiện cách thấu đáo), suy nghĩ có tính phê bình (để đánh giá tính ưu
tiên của chứng cớ liên quan) và suy nghĩ tổng hợp (để phối hợp và trình bày lại sự dạy
dỗ này như một tổng thể).

13
Thần học và giải kinh phải luôn luôn tương tác với nhau. Giải kinh không cung cấp
mọi giải đáp; khi có thể có nhiều phương án giải nghĩa hợp pháp, thì thần học sẽ quyết
định chọn lời giải nghĩa nào. Ví dụ, một số đoạn Kinh Thánh có dạy sự bảo đảm đời đời
hay không; lúc ấy nền thần học của họ sẽ quyết định. Mặt khác, không một hệ thống
thần học nào nên cứng lòng đến nỗi không sẵn sàng thay đổi hoặc cải tiến theo những
hiểu biết sáng suốt của chú giải kinh.
C. Người Ấy Phải Nương Cậy
Một mình trí khôn sẽ không làm nên nhà thần học. Nếu ta tin thực sự có chức vụ
dạy dỗ của Đức Thánh Linh thì đương nhiên chức vụ ấy phải là một yếu tố trong nghiên
cứu thần học (Gi 16:12-15). Nội dung giáo trình của Thánh Linh bao gồm tất cả mọi chân
lý, tập trung đặc biệt về sự khải thị chính Đấng Christ, là điều dĩ nhiên được tìm thấy
trong Kinh Thánh. Muốn kinh nghiệm chức vụ nầy thì đòi hỏi phải có thái độ nương
cậy có ý thức vào Thánh Linh. Thái độ nầy được phản ánh qua tâm trí khiêm nhường và
siêng năng nghiên cứu những điều Thánh Linh đã dạy dỗ những người khác trải suốt
dòng lịch sử. Học Kinh Thánh theo lối qui nạp là một phương pháp nghiên cứu có ích,
nhưng nếu chỉ nghiên cứu quy nạp thôi tức là làm ngơ những kết quả nghiên cứu của
người khác, và nếu luôn luôn làm như vậy thì có thể lặp lại thật lãng phí việc nhiều
người khác đã làm rồi.
D. Người Ấy Phải Thờ Phượng
Dầu là bài tập học thuật, nghiên cứu thần học không hề là bài tập học thuật suông.
Đó là kinh nghiệm sẽ làm thay đổi, cáo trách, mở rộng, thách thức và sau cùng dẫn đến
lòng tôn kính Chúa cách sâu xa. Thờ phượng có nghĩa là công nhận giá trị của đối
tượng được tôn thờ. Làm sao có ai để tâm trí mình nghiên cứu về Đức Chúa Trời mà lại
không tăng thêm lòng công nhận giá trị xứng đáng của Ngài?

14
Chương 3: VẤN ĐỀ THẨM QUYỀN
Thẩm quyền tạo nên nguyên tắc nền tảng trong nghiên cứu thần học. Có lẽ mọi
người hoạt động trong khái niệm rộng nhất của thần học “Cơ đốc” đều sẽ công nhận
thẩm quyền của Đức Chúa Trời là định chuẩn tối cao của chân lý. Tuy nhiên, cách nhận
thức và diễn tả thẩm quyền của Chúa sẽ khác nhau đáng kể bên trong giới “Cơ đốc.”
I. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC TỰ DO
Chủ nghĩa chủ quan là đặc điểm phân biệt nổi bật của thần học tự do, dầu vậy tiêu
điểm của chủ nghĩa chủ quan đó có thể khác nhau tùy theo mỗi người. Vì vậy, có thể
bảo: “Lời Chúa bao gồm ‘mọi hành động nào của Chúa để bởi đó có sự truyền thông
giữa Chúa và con người” (L. Harold DeWolf, The Case for Theology in Liberal
Perspective (Philadelphia: Westminster, 1959, trang 17) Sự truyền thông đó đến thông
qua lý luận, xúc cảm hoặc lương tâm của con người.
A. Lý Luận
Lý luận luôn luôn chiếm vị trí thống lĩnh trong tư duy của thần học tự do. Dĩ nhiên,
chính bên trong phạm vi lý luận mà các khái niệm được hình thành để làm nền tảng
cho sự truyền thông từ người nầy sang người khác. Lý luận là kênh dẫn cần thiết cho
việc trao và nhận chân lý, và người Tin Lành thuần túy công nhận điều đó. Nhưng thần
học tự do đương nhiên đã biến lý luận con người thành quan án phán xét chân lý, và
thường biến lý luận thành nhân tố sáng tạo ra chân lý. Lý luận trở thành tự trị, không
bị chi phối bởi thẩm quyền nào cao hơn hay thẩm quyền từ phía bên ngoài, nhưng cũng
bị giới hạn khắt khe bởi tình trạng hữu hạn và có thể sai lầm của nó.
B. Cảm Xúc
Để phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý, Schleiermacher (1768-1834) đã khai triển
nền thần học cảm xúc. Ông nhấn mạnh phép phân tích kinh nghiệm tôn giáo và đặt tôn
giáo trên nền tảng cảm xúc hay sự nhận thức. Kết quả là thần học trở thành nhân loại
học và tâm lý học. Vì vậy, Karl Barth đã xem Schleiermacher là thí dụ điển hình của
chủ nghĩa tự do trong tôn giáo.
C. Lương Tâm
Hình thức nầy của khuynh hướng thần học tự do nhấn mạnh lương tâm là cơ sở của
thẩm quyền. Kiến thức của chúng ta hữu hạn và không đáng tin cậy, cho nên những
bản năng đạo đức căn bản của tâm hồn con người trở thành nền tảng cho thẩm quyền.
Immanuel Kant (1724-1804) đã là người dẫn đầu hình thái tư tưởng nầy. Một lần nữa,
thần học đã trở thành nhân loại học.

15
Trong mọi hình thức của khuynh hướng thần học tự do, bản chất con người trên
phương diện nào đó là nguồn của chân lý tôn giáo. Từ đó, Thánh Kinh được xem như là
sản phẩm của lý luận con người chứa đựng những suy nghĩ của con người về Đức Chúa
Trời và về thế giới nầy. Kinh Thánh ghi lại phát triển trong lịch sử của những kinh
nghiệm và niềm tin tôn giáo của con người; chứ không phải như cách những người bảo
thủ tin Kinh Thánh là bản ký thuật thông điệp đến từ một Đức Chúa Trời siêu việt, là
Đấng đã bước vào dòng lịch sử.
II. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC TÂN CHÁNH THỐNG
Tân Chánh Thống đôi khi được liệt vào khuynh hướng thần học tự do và đôi khi vào
thần học bảo thủ. Lý do có sự mập mờ nầy là: một mặt, Tân Chánh Thống đoạn giao với
thần học tự do khi nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời - chứ không phải con người - phải
bắt đầu khởi xướng trước sự khải thị (và như thế dường như họ có vẻ bảo thủ); còn mặt
khác Tân Chánh Thống đã tiếp tục dạy dỗ những quan điểm của phái tự do về Kinh
Thánh (và như thế có vẻ đi theo phái tự do).
Cơ sở thẩm quyền trong Tân Chánh Thống - ít nhất cũng là qua cách diễn tả của
Karl Barth (1886-1968) - là Lời. Tuy nhiên, Lời chính là Đấng Christ. Thánh Kinh làm
chứng cho Lời, và có mắc sai lầm khi làm chứng như vậy, và lời rao giảng của Cơ-đốc
nhân là một lời nói về Ngôi Lời.
Đức Chúa Trời tối cao đã khởi xướng trước để tự bày tỏ chính mình Ngài, tập trung
chủ yếu vào sự khải thị trong Đấng Christ. Những năm tháng của đời sống Đấng Christ
bày tỏ hình ảnh tiêu biểu của sự khải thị, và sự chết của Ngài là đỉnh điểm của sự khải
thị. Thánh Kinh làm chứng cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời, dầu vậy Kinh Thánh ấy
được mọi người lý giải là những quy tắc kinh điển của thần học tự do. Vì thế, Kinh
Thánh không có thẩm quyền tuyệt đối, mà chỉ là thẩm quyền để làm công cụ, vì Kinh
Thánh phục vụ như một công cụ có thể sai lầm để nhờ đó chúng ta gặp gỡ Đấng Christ
là Ngôi Lời. Và chính trong cuộc gặp gỡ của đức tin tại thời điểm “khủng hoảng,” Đức
Chúa Trời mới đích thân truyền thông. Đó mới là chân lý tuyệt đối.
Mặc dù Tân Chánh Thống tìm tính khách quan trong quyền khởi xướng tối cao của
Đức Chúa Trời, họ lại thực hành chủ nghĩa chủ quan trong từng trải những cuộc gặp gỡ
của đức tin. Dù Kinh thánh có dự phần vào những kinh nghiệm đó, Kinh Thánh vẫn
không được phép trở thành quan án tối thượng cho các kinh nghiệm nầy. Tân Chánh
Thống thiếu một tiêu chuẩn thẩm quyền khách quan từ bên ngoài.
III. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC BẢO THỦ
Trong thần học bảo thủ, cơ sở của thẩm quyền ở bên ngoài con người và mang tính
khách quan.

16
A. Công Giáo Bảo Thủ
Trong Công Giáo La Mã, thẩm quyền căn cứ tối hậu trên chính giáo hội. Đúng là
người ta tin Kinh Thánh, nhưng phải do giáo hội giải nghĩa. Hơn nữa, những truyền
thống của giáo hội, kèm với Kinh Thánh, là nguồn của khải thị thiên thượng. Những hội
nghị công đồng và các giáo hoàng thỉnh thoảng đưa ra những tuyên bố được xem là vô
ngộ và do đó ràng buộc trên mọi thành viên trong giáo hội.
Đông Giáo hội cũng tương tự như vậy, tìm thẩm quyền cho mình từ truyền thống,
từ trong chính giáo hội, và từ Kinh Thánh. Mặc dù người Tin Lành thuần túy không
chấp nhận truyền thống là thẩm quyền, nhưng phải công nhận rằng thẩm quyền của
Công giáo không ở nơi con người, tức là khác với cách dạy của thần học tự do.
B. Thần Học Tin Lành Bảo Thủ
“Bảo thủ” loại trừ những cơ sở thẩm quyền mang tính nhân bản và chủ quan của
thần học tự do, và “Tin Lành” loại giáo hội ra khỏi cơ sở của thẩm quyền. Cho nên
người ta sẽ đồng ý rằng “chính thống là nhánh nào của giới Cơđốc giáo giới hạn nền
tảng thẩm quyền tôn giáo vào Kinh Thánh” (Edward John Carnell, The Case for
Orthodox Theology (Philadelphia: Westminster, 1969, trang 13). Kinh Thánh chứa
đựng mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời và vì thế, Kinh Thánh là nền tảng thẩm
quyền cho thần học Tin lành bảo thủ.
Thật thế, hiểu biết sự mặc khải trong Kinh Thánh bao gồm việc dùng những tiến
trình hữu lý của một tâm trí đã được cứu chuộc, sự cam kết phó thác của đức tin trong
những vấn đề không được mặc khải hoặc không hiểu được, lòng nương cậy chức vụ dạy
dỗ của Đức Thánh Linh, một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời, và sự hiểu
biết nào đó trong những bài học lịch sử.
Đôi khi dù trên lý thuyết thì những người bảo thủ không phủ nhận, nhưng trong
thực tế họ có thể và thực sự phủ nhận Kinh Thánh là nền tảng thẩm quyền duy nhất
của họ.
(1) Trên thực tế, một số truyền thống hoặc giáo phái dành cho những tín điều của
họ có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Tín điều có thể cung cấp những tuyên
ngôn hữu ích về chân lý, nhưng không bao giờ thể làm vị quan án có thẩm quyền cho
chân lý được. Những tuyên ngôn của tín điều phải luôn luôn bị kể là có thể sai lầm, có
thể cần tu chính và phục dưới thẩm quyền Thánh Kinh.
(2) Trên thực tế, một số nhóm dành cho truyền thống và nếp sống đạo được chấp
nhận chung có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Một hội thánh nhận sự ủy
thác thiên thượng để thiết lập những nguyên tắc chỉ đạo có thẩm quyền cho các thành

17
viên của mình (He 13:7,17), nhưng những nguyên tắc nầy cũng có thể sai lầm, cần phải
được tu chính định kỳ, và luôn luôn phải phục dưới thẩm quyền Thánh Kinh.
(3) Trên thực tế, một số người bảo thủ xem kinh nghiệm tôn giáo là thẩm quyền.
Kinh nghiệm lành mạnh là kết quả của lòng trung thành với thẩm quyền Thánh Kinh,
nhưng mọi kinh nghiệm phải được hướng dẫn, chi phối và canh giữ bởi Kinh Thánh.
Biến kinh nghiệm thành định chuẩn và có thẩm quyền là phạm cùng một lỗi lầm như
thần học tự do vì đã thay thế một tiêu chuẩn khách quan bằng chủ nghĩa hiện sinh chủ
quan.
Hãy quan sát ý chính của bảng này: khi thẩm quyền khách quan bị bổ sung thêm,
thỏa hiệp hoặc loại bỏ, thuyết hữu thần sẽ bị suy yếu hoặc thậm chí bị chối bỏ nữa.

18
PHẦN II: ĐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG VÀ CHÂN THẬT
Chương 4: HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI
I. KHẢ NĂNG CÓ ĐƯỢC SỰ HIỂU BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI
Không còn nghi ngờ gì nữa, hiểu biết Đức Chúa Trời là điều đáng ao ước; những
khát khao tín ngưỡng của nhân loại đã minh chứng cho điều đó. Nhưng có thể biết Ngài
được không?
Thánh Kinh xác chứng hai sự thực: tình trạng không thể hiểu biết được về Đức
Chúa Trời và tình trạng có thể hiểu được Đức Chúa Trời. Khi nói không thể hiểu được
Chúa là khẳng định lý trí không thể hiểu hết về Ngài. Khi nói có thể hiểu biết được
Chúa tức tuyên bố rằng Ngài là Đấng mà người ta có thể biết được. Cả hai lối nói đều
đúng, dù vậy cả hai đều không theo ý nghĩa tuyệt đối. Khi nói con người không thể
hiểu hết về Đức Chúa Trời tức là khẳng định con người không thể biết mọi sự về Ngài.
Nói Ngài là Đấng mà con người có thể biết được thì không phải là khẳng định con người
có thể hiểu được mọi sự về Ngài.
Cả hai chân lý đều được xác nhận trong Kinh Thánh: Sự không thể hiểu biết được
Ngài - trong những câu như Giop 11:7 và Es 40:18, và có thể hiểu biết được Ngài - trong
những câu như Gi 14:7; 17:3 và IGi 5:20.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ HIỂU BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI
Có thể tả đặc trưng sự hiểu biết Đức Chúa Trời theo mối liên hệ với nguồn gốc, nội
dung, sự tiệm tiến và những mục tiêu của nó.
A. Nguồn Gốc Sự Hiểu Biết Đức Chúa Trời
Chính Đức Chúa Trời là Nguồn của mọi kiến thức mà chúng ta có về Ngài. Thật vậy,
mọi chân lý đều là chân lý của Đức Chúa Trời. Nhưng câu nói quá quen thuộc đó cần
phải được phát biểu và sử dụng cẩn thận hơn chứ không theo như cách thông thường.
Chỉ có chân lý thật ra từ nơi Đức Chúa Trời chúng ta, bởi vì từ khi tội lỗi vào trong dòng
lịch sử thì con người đã tạo dựng nên điều họ gọi là chân lý mà thực ra không phải là
chân lý. Hơn thế nữa, họ đã làm cho chân lý thật và nguyên thủy đến từ Đức Chúa Trời
bị xuyên tạc, không còn sắc bén, bị pha loãng và sai lạc. Đối với chúng ta ngày nay,
tiêu chuẩn duy nhất không sai lầm để xác định chân lý thật đó là Lời thành văn của
Đức Chúa Trời. Thiên nhiên dầu có bày tỏ đôi điều về Đức Chúa Trời, nhưng bị giới hạn,
và có thể bị loài người lý giải sai. Trí óc con người dầu thường tài giỏi lỗi lạc trong
những điều mà lý trí có thể đạt được, nhưng vẫn phải chịu những giới hạn và tăm tối.
Các kinh nghiệm của con người, ngay cả các kinh nghiệm tôn giáo cũng thiếu tính
đáng tin cậy với tư cách những nguồn kiến thức chân xác về Đức Chúa Trời trừ phi
chúng phù hợp với Lời Chúa.
19
Chắc chắn sự hiểu biết về điều gọi là tôn giáo chân chính ấy phải đến từ Đức Chúa
Trời. Trong một định kỳ thời quá khứ, Do thái giáo đã được bày tỏ ra là đạo thật của
Đức Chúa Trời. Ngày nay, Do thái giáo không phải là đạo thật; chỉ một mình Cơ đốc
giáo là đạo chân chánh. Và hiểu biết thật về Cơ đốc giáo đã được bày tỏ qua Đấng
Christ và các sứ đồ. Một trong những mục đích Nhập Thể của Chúa chúng ta là để bày
tỏ Đức Chúa Trời (Gi 1:18; 14:7). Lời hứa ban Thánh Linh giáng lâm sau khi Đấng Christ
thăng thiên bao gồm sự mặc khải thêm về chính Ngài và Đức Chúa Cha (Gi 16:13-15;
Cong 1:8). Đức Thánh Linh khai mở Thánh Kinh ra cho tín hữu có thể biết Đức Chúa Trời
cách trọn vẹn hơn.
B. Nội Dung Sự Hiểu Biết Đức Chúa Trời
Sự hiểu biết đầy đủ về Đức Chúa Trời vừa có tính sự kiện vừa riêng tư. Chỉ biết
những sự kiện về một con người mà không biết con người đó thì thật hạn chế; biết một
người mà không biết các sự kiện liên quan đến người đó thì thật nông cạn. Đức Chúa
Trời đã khải thị nhiều sự kiện về chính Ngài, mọi sự kiện ấy đều cần thiết để làm cho
mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Ngài trở nên thân mật, sáng suốt và hữu ích. Nếu
Ngài chỉ bày tỏ những sự kiện mà không khiến chúng ta có thể hiểu biết Ngài cách
riêng tư, thì những hiểu biết về các sự kiện đó sẽ không mấy hữu ích, và đương nhiên
không ích lợi đời đời. Cũng giống như trong những mối quan hệ của con người, mối
quan hệ Trời-người không thể bắt đầu nếu không biết vài sự thật tối thiểu về chính
Thân vị đó; và rồi mối quan hệ riêng tư nầy phát sinh ao ước muốn biết thêm nhiều sự
kiện nữa, đến lượt những sự kiện làm cho quan hệ được sâu đậm hơn, và cứ như thế
tiếp diễn. Thể loại tuần hoàn này đáng phải là kinh nghiệm của mỗi người nghiên cứu
thần học; kiến thức về Chúa phải làm sâu đậm thêm mối quan hệ giữa chúng ta với
Ngài, rồi đến lượt quan hệ ấy làm tăng ao ước muốn biết Ngài nhiều hơn nữa.
C. Sự Phát Triển Tiệm Tiến Của Sự Hiểu Biết Đức Chúa Trời
Sự hiểu biết Chúa và hiểu biết những công việc Ngài đã được bày tỏ tiệm tiến suốt
dòng lịch sử. Bằng chứng hiển nhiên nhất chính là đối chiếu thần học chưa đầy đủ của
Do thái giáo với sự khải thị trọn vẹn hơn trong thần học Cơ đốc, ví dụ về những giáo lý
như Giáo lý Ba Ngôi, Giáo lý về Đấng Christ, về Thánh Linh, về Sự Phục Sinh và về Lai
Thế Học. Lần theo sự phát triển tiệm tiến đó là nhiệm vụ của thần học Kinh Thánh.
D. Những Mục Tiêu Của Sự Hiểu Biết Đức Chúa Trời
1. Dẫn con người đến chỗ sở hữu sự sống đời đời (Gi 17:3; ITi 2:4).
2. Nuôi dưỡng sự tăng trưởng của Cơ-đốc nhân (IIPhi 3:18) bằng sự hiểu biết giáo lý
(Gi 7:17; Ro 6:9, Eph 1:18) và bằng lối sống biết biện biệt (Phi 1:9-10; IIPhi 1:5).
3. Cảnh cáo về sự đoán xét hầu đến (Os 4:6; He 10:26-27).

20
4. Phát sinh sự thờ phượng Chúa cách đúng đắn (Ro 11:33-36).
III. NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CHO SỰ HIỂU BIẾT CHÚA
A. Đức Chúa Trời Đã Tự Bày Tỏ Chính Ngài Trước
Sự hiểu biết Chúa khác với mọi thứ kiến thức khác ở chỗ con người có thể có loại
hiểu biết nầy chỉ trong chừng mực Chúa bày tỏ ra. Nếu Chúa không khởi sự bày tỏ
trước về chính Ngài, thì con người không có cách nào biết Ngài. Do đó, nhân loại phải
đặt chính mình bên dưới Đức Chúa Trời, Đấng là đối tượng mình tìm hiểu. Trong những
sự nỗ lực học hỏi khác, nhân loại thường đặt chính mình lên trên đối tượng mình đang
nghiên cứu, nhưng khi học về Đức Chúa Trời thì không như thế.
B. Đức Chúa Trời Đã Ban Ngôn Ngữ Để Truyền Thông
Chắc chắn phần thiết yếu trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời là chu cấp phương
tiện để truyền thông mặc khải đó. Bản ký thuật sự mặc khải cá nhân của Đức Chúa Trời
trong Đấng Christ cũng đòi hỏi phải có một vài phương tiện để ghi chép và truyền đạt
mặc khải đó. Vì mục đích nầy, Đức Chúa Trời đã ban ngôn ngữ. Ngài đã phát minh và
ban ngôn ngữ cho người nam người nữ đầu tiên để Ngài có thể truyền đạt những lời
phán bảo của Ngài cho họ (Sa 1:28-30) và để họ có thể nói chuyện với Ngài (3:8-23).
Dường như ngôn ngữ cũng góp phần giúp họ quản trị cõi thọ tạo chưa sa ngã và đặt tên
cho các loài thú vật. Ngay cả sau khi phân chia một ngôn ngữ nguyên thủy ra thành
nhiều ngôn ngữ khác tại tháp Babên, các ngôn ngữ cũng đã là phương tiện truyền
thông trên mọi bình diện. Chúng ta có thể tin chắc Đức Chúa Trời toàn tri đã dự bị các
ngôn ngữ vốn đủ để truyền đạt sự tự mặc khải của Ngài cho con người.
C. Ngài Đã Sáng Tạo Con Người theo Hình Ảnh Của Chính Ngài
Khi Đức Chúa Trời sáng tạo con người theo hình ảnh của chính Ngài và cũng vậy,
Ngài làm con người giống như chính Ngài, là một hữu thể có lý trí và có trí khôn. Thật
vậy, trí thông minh của con người không phải trí thông minh thiên thượng, nhưng là sự
thông minh thật sự, chứ không phải tưởng tượng. Vì thế, con người có khả năng hiểu ý
nghĩa của những từ ngữ và phép lập luận hợp lý của những câu văn đoạn văn. Tội lỗi
đã loại bỏ sự bảo đảm rằng hiểu biết của con người luôn luôn đáng tin cậy, nhưng
không trừ tuyệt năng lực hiểu biết của con người.
D. Ngài Đã Ban Đức Thánh Linh
Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh cho các tín hữu để bày tỏ những sự thuộc về
Đức Chúa Trời (Gi 16:13-15; ICo 2:10). Điều nầy không làm cho tín hữu trở nên vô ngộ
(không hề mắc sai lầm), nhưng có thể ban cho họ khả năng phân biệt chân lý với ngụy
lý (IGi 2:27).

21
Những công tác nầy của Đức Chúa Trời khiến chúng ta có thể biết và vâng theo
nhiều mạng lệnh trong Thánh Kinh để được biết Ngài (Ro 6:16; ICo 3:16; 5:6; 6:19; Gia 4:4).

22
Chương 5: SỰ MẶC KHẢI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong lịch sử, có hai con đường qua đó Đức Chúa Trời đã khởi sự bày tỏ trước chính
Ngài, được gọi là sự mặc khải tổng quát và đặc biệt. Sự mặc khải tổng quát bao gồm
mọi sự Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong thế giới quanh chúng ta kể cả loài người, còn mặc
khải đặc biệt gồm nhiều phương tiện khác nhau Ngài đã dùng truyền đạt sứ điệp của
Ngài trong những điều được hệ thống hóa trong Kinh Thánh. Mặc khải tổng quát đôi
khi được gọi là thần học tự nhiên và mặc khải đặc biệt được gọi là thần học mặc khải.
Nhưng lẽ dĩ nhiên, điều được mặc khải trong thiên nhiên cũng được mặc khải trong
thần học. Một số tác giả dùng tên gọi Mặc Khải Trước Sự Sa Ngã (prelapsarian
revelation) cho mặc khải tổng quát và Mặc Khải Sau Sự Sa Ngã (postlapsarian
revelation) hay Mặc Khải Cứu Rỗi (soteric revelation) cho mặc khải đặc biệt. Tuy nhiên,
cả hai loại mặc khải tự nhiên và đặc biệt đều (a) đến từ Đức Chúa Trời và (b) bày tỏ về
Đức Chúa Trời.
Trong chương nầy chúng ta sẽ thảo luận phần lớn về mặc khải tổng quát, để dành
những lãnh vực khác của giáo lý về sự mặc khải cho Phần III. Mặc khải tổng quát cung
cấp những bằng chứng về sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Mặt khác, mặc khải đặc biệt
nói chung đã mặc nhiên thừa nhận sự thực hữu của Ngài rồi.
I. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT
Mặc khải tổng quát thật đúng y như tên gọi - có nghĩa là có tính tổng quát. Bao quát
trong phạm vi của nó; nghĩa là nó đến với mọi người (Mat 5:45; Cong 14:17). Nó có tính
tổng quát trên phương diện địa lý; nghĩa là bao gồm toàn cả địa cầu (Thi 19:2). Nó mang
tính tổng quát trong phương pháp luận; nghĩa là dùng những phương tiện phổ thông
như sức nóng mặt trời (các câu 4-6) và lương tâm con người (Ro 2:14-15). Đơn giản vì đây
là sự mặc khải có ảnh hưởng đến mọi người bất luận ở nơi đâu và đã sống vào thời nào
đi nữa, nên nó đem ánh sáng và chân lý đến với mọi người, hoặc nếu bị phủ nhận, nó
sẽ đem lại sự đoán phạt.
II. NHỮNG CON ĐƯỜNG CỦA MẶC KHẢI TỔNG QUÁT
Mặc khải tổng quát đến với con người theo rất nhiều cách.
A. Qua Cõi Tạo Vật
1. Phát biểu. Nói đơn giản, loại chứng cứ này (luận cứ vũ trụ luận chứng minh sự
thực hữu của Đức Chúa Trời) nói lên rằng vũ trụ chung quanh chúng ta là một kết quả
đòi hỏi một nguyên nhân thỏa đáng.
2. Những tiền giả định. Loại chứng cứ hiển nhiên này dựa trên ba tiền giả định: (a)
Mỗi kết quả đều có một nguyên nhân; (b) Kết quả tùy thuộc vào nguyên nhân sinh ra
nó; và (c) cõi thiên nhiên không thể tự sinh ra.

23
3. Khai triển. Nếu có một điều gì đó hiện nay đang tồn tại (vũ trụ này) thì hoặc nó
đã không ra từ đâu cả, hoặc nó ra từ một điều gì đó chắc phải có tính vĩnh hằng. Điều
vĩnh hằng trong phương án thứ hai hoặc có thể là chính cõi vũ trụ - mà như vậy thì vũ
trụ ắt sẽ phải vĩnh hằng - hoặc là cơ may ngẫu nhiên là một nguyên tắc vĩnh hằng, hoặc
Đức Chúa Trời là một thực tại vĩnh hằng.
Nói rằng toàn vũ trụ đã không ra từ đâu cả tức là nói vũ trụ đã tự tạo ra chính nó.
Đây là một mâu thuẫn trong luận lý, vì để một điều tự sáng tạo ra nó, nó phải tồn tại và
không được phép tồn tại từ cùng một thời điểm và theo cùng một cách. Hơn nữa, sự tự
tạo dựng chưa bao giờ được chứng minh và được quan sát cách khoa học cả.
Một biến thể của quan điểm ủng hộ tính vĩnh hằng của vật chất là Thuyết Trạng
Thái Ổn Định (Steady State Theory) gợi ý rằng vật chất được tạo ra không ngừng ở gần
trung tâm của vũ trụ và bị tiêu hủy ở vành đai không gian phía ngoài. Tuy nhiên,
không có bằng chứng nào hỗ trợ thuyết này, và nếu thuyết này đúng thì đã vi phạm
định luật bảo tồn năng lượng và khối lượng.
Chẳng phải vấn đề nguyên nhân kết quả cũng áp dụng cho Đức Chúa Trời sao?
Không phải Ngài cũng là một kết quả đòi hỏi phải có một nguyên nhân sao? Câu trả lời
là không, bởi vì Đức Chúa Trời không phải là một kết quả (kết quả là một điều gì đó đòi
hỏi phải có một nguyên nhân), bởi vì Ngài là vĩnh hằng.
Nếu vũ trụ không tạo ra chính nó, thì phải có một điều gì đó vĩnh hằng đã tạo ra vũ
trụ. Một phương án tùy chọn ấy là chính tiến trình của vũ trụ là vĩnh hằng, một sự lựa
chọn hầu như không thể tán thành được. Trái lại, dường như hầu hết mọi người tin
rằng vũ trụ có một điểm khởi đầu, bất luận là cách đây bao lâu đi nữa.
Một phương án chọn lựa khác nữa là một nguyên tắc vĩnh hằng nào đó của ngẫu
nhiên hoặc trí thông minh mù quáng. Tin vào phương án này đòi hỏi một lượng đức tin
rất lớn. Có thể chứng minh bằng toán học rằng cơ may ngẫu nhiên ắt không thể sinh ra
những điều chúng ta quan sát hiện nay trong vũ trụ. Nhưng dẫu nó có thể sinh ra
những phân tử và nguyên tử, là “chất liệu” của vũ trụ, một nguyên tắc vô tri giác như
thế liệu cũng sản sinh ra những khía cạnh tâm hồn và thuộc linh của đời sống được
sao?
Phương án chọn lựa thứ ba là phương án hữu thần; có nghĩa: Hữu Thể vĩnh hằng
tạo nên vũ trụ chính là Đức Chúa Trời. Nói vậy không có nghĩa cõi vũ trụ bày tỏ mọi chi
tiết về thuộc tánh của Hữu Thể vĩnh hằng đó, nhưng thực sự nói rằng có một Hữu Thể
sống động, quyền năng, thông minh đã tạo nên vũ trụ. Sống động, vì không có sự sống
thì không thể sinh ra sự sống. Quyền năng, bởi vì chính bản chất của điều đã được tạo
thành. Thông minh bởi vì thứ tự và sự sắp đặt của vũ trụ, là những điều mà ngẫu nhiên
không thể tạo ra được.

24
4. Lời Kinh Thánh. Hai phân đoạn chìa khóa trong Kinh Thánh bày tỏ Sự Sáng Tạo
là phương tiện của sự mặc khải.
a. Thi 19:1-6. Trong ThiThiên này Đavít viết về (1) sự liên tục của khải thị thông qua
cõi thọ tạo (câu 1-2). Các động từ này diễn tả hành động liên tục, nói lên rằng các từng
trời, bầu trời, ngày và đêm liên tục nói về vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ông cũng đã
viết rằng (2) trung tâm hay phạm vi của sự mặc khải này là cõi vũ trụ, các từng trời và
trái đất (c. 4), (3) bản chất của sự khải thị này là hoàn toàn rõ ràng dù không diễn tả
thành lời (c. 3), và (4) tầm ảnh hưởng là mọi nơi và mọi người (c. 4-6). Nó bao trùm toàn
thể trái đất, và mọi người đều có thể hiểu biết. Hầu hết mọi người có thể thấy mặt trời
và sự tuần hoàn của ngày đêm, nhưng ngay cả những người mù cũng cảm nhận được
sức nóng của mặt trời (6). Sự khải thị này buộc phải gợi lên những thắc mắc trong tâm
trí con người. Sức nóng này đến từ đâu? Ai tạo nên mặt trời? (5) Nội dung sự mặc khải
này cũng có hai phương diện. Nó bày tỏ đôi điều về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời
cũng như sự vĩ đại của Đức Chúa Trời.
b. Ro 1:18-32. Trong phân đoạn chìa khóa này, trọng tâm nhắm vào sự mặc khải cơn
thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì loài người chối từ điều có thể biết về Ngài qua con
đường Sáng Tạo.
(1) Sự mặc khải về cơn giận của Ngài (c. 18). Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được
tỏ ra nghịch cùng những kẻ lìa bỏ chân lý và sống không tin kính. Những chi tiết cụ
thể về cách bày tỏ cơn giận của Ngài được liệt kê trong các câu 24-32.
(2) Những nguyên nhân khiến Ngài thạnh nộ (c. 19-23). Có hai nguyên nhân: có
một số điều có thể biết về Đức Chúa Trời, nhưng thay vì tiếp nhận chân lý đó, người ta
bác bỏ sự khải thị đó và thật ra đã xuyên tạc điều đó. “Công việc của Ngài” (c. 20), tức
vũ trụ, bày tỏ rõ (và đã bày tỏ rõ từ khi bắt đầu cuộc Sáng Thế) về quyền năng và bản
chất thiên thượng của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, khi quan sát vũ trụ vạn vật quanh
mình, cả nhân loại đáng ra phải biết có một Đấng tối cao đang hiện hữu. Thay vào đó,
nhân loại chối bỏ chân lý ấy, và tôn lên các hình tượng mà con người vốn cao trọng hơn
chúng.
(3) Hậu quả từ cơn thạnh nộ của Ngài (c.24-32). Bởi vì nhân loại khước từ mặc khải
tổng quát, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ (c. 24,26,28). Có người nghĩ điều nầy nói đến
sự phó mặc theo kiểu cho phép và buông trôi cho con người phải gánh chịu những hậu
quả trừng phạt tội lỗi họ. Nhưng động từ ở các câu 24,26 và 28 đây ở thể chủ động. Có
người hiểu động từ nầy theo nghĩa tước đoạt; tức là Đức Chúa Trời rút công tác ân điển
phổ thông của Ngài khỏi con người. Người khác nữa cảm thấy đây là một hành động
pháp lý tích cực từ phía Đức Chúa Trời, để phó con người vào sự đoán phạt. Hành động
nầy bao hàm cả ý tước đoạt, nhưng thiên về quan điểm chủ động hơn quan điểm cho

25
phép. Động từ này hiểu rằng con người đồng thời chịu trách nhiệm vì những hành động
tội lỗi của họ (Eph 4:19 dùng cùng động từ này). Con người bị đoán phạt cách công bình
vì không tiếp nhận điều Chúa đã nói cho họ biết về chính Ngài qua cõi tạo vật.
Norman Geisler phát biểu lại luận cứ Vũ trụ luận như sau (Philosophy of Religion
(Grand Rapids: Zondervan, 1981, trang 190-208):
(a) Một số (những) hữu thể giới hạn và hay thay đổi nào đó đang thực hữu. Muốn
phủ nhận điều nầy đòi hỏi phải có sự khẳng định từ một hữu thể đang thực hữu, nên
phủ nhận như vậy là tự chuốc lấy thất bại.
(b) Sự thực hữu hiện tại của mỗi hữu thể hữu hạn và hay biến đổi được tạo ra bởi
một hữu thể khác. Tiềm năng để nó hiện hữu chỉ thành hiện thực được nhờ một sự tồn
tại nào đó ở ngoài nó.
(c) Không thể có sự đi lui vô hạn cho các nguyên nhân hiện hữu.
(d) Do đó, có một Nguyên Nhân đầu tiên cho sự thực hữu hiện tại của những hữu
thể nầy.
(e) Nguyên Nhân đầu tiên nầy phải là vô hạn, tất yếu, đời đời, đơn giản, bất biến và
có một.
(f) Bằng cách đối chiếu Hữu thể được hậu thuẫn bởi tuyến lập luận nầy với Đức
Chúa Trời của Thánh Kinh, chúng ta kết luận hai Đấng này chính là một.
LUẬN CỨ VŨ TRỤ LUẬN
NGUYÊN NHÂN KẾT QUẢ
Chọn Lựa #1 Không nguyên nhân
nào
Thế giới
Chọn Lựa #2 Một điều gì đó vĩnh
hằng
a. Vật Chất Vĩnh Hằng
b. Ngẫu Nhiên Vĩnh Hằng
c. Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng.
B. Thông Qua Sự Tổ Chức
1. Phát biểu. Mục đích, thứ tự, và mẫu thiết kế chúng ta quan sát thấy trong thế giới
nầy đòi hỏi phải có một người thiết kế. Sự trình bày thịnh hành nhất cho luận cứ Mục
đích luận nầy có trong tác phẩm Thần Học Tự Nhiên của William Paley (William

26
Paley’s Natural Theology) (1802), bao gồm minh họa về tiến trình tổ chức của chiếc
đồng hồ đòi hỏi phải có người thợ làm ra đồng hồ. Cũng vậy, sự tổ chức của thế giới nầy
đòi hỏi phải có ai đó đã hoạch định ra.
2. Khai triển. Để hữu hiệu nhất, luận cứ Mục đích luận nầy cần tập trung vào
những lĩnh vực bao quát hơn của mẫu thiết kế trong cõi thiên nhiên hơn là vào vào
những chi tiết. Khi dùng một trong những minh họa của Buswell (Thần Học Hệ Thống
của Cơđốc Giáo (A Systematic Theology of the Christian Religion), (Grand Rapids:
Zondervan, 1962, trang 87), sự kiện không hề có hai bông tuyết nào hoàn toàn giống
nhau sẽ cung cấp bằng chứng về mục đích và thiết kế của Đức Chúa Trời cho thế giới
kém hiển nhiên hơn địa vị quan trọng của tuyết trong chu trình các mùa cũng như
trong sự chu cấp độ ẩm cho trái đất. Hơn nữa, chúng ta không hiểu được một số chi tiết
cụ thể trong thiên nhiên, thường là do cách hoạt động của tai ương. Nhưng bức tranh
tổng quát là một hình ảnh của trật tự và có hoạch định. Hành động ngẫu nhiên không
bao giờ có thể sản sinh ra một tổ chức tổng hợp hài hòa cao độ mà chúng ta thấy được
trong thế giới nầy.
3. Lời Kinh Thánh. Thi 19:2 nói thế giới là bằng chứng về sự khôn ngoan của Đấng
Tạo Hóa. Khi dân thành Líttrơ sắp dâng tế lễ cho Phaolô và Banaba vì tưởng hai ông là
các thần, Phaolô ngăn họ bằng cách dùng luận cứ Mục đích luận nầy chứng minh sự
thực hữu của Đức Chúa Trời chân thật (Cong 14:15-18). Thế giới này cho thấy chu kỳ của
các mùa và sự ban mưa xuống là nhằm mục đích đem cho con người thức ăn và sự vui
mừng. Phaolô nói trật tự nầy trong thiên nhiên là lời chứng hùng hồn cho sự thực hữu
của một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.
C. Con Người
1. Phát biểu. Làm sao giải thích được nguyên nhân của con người - là một hữu thể
đạo đức, khôn ngoan và sống động - nếu không có một Đức Chúa Trời đạo đức, khôn
ngoan và hằng sống?
2. Khai triển. Điều gọi là luận cứ Nhân Loại luận để chứng minh sự thực hữu của
Đức Chúa Trời nầy đôi khi được tách ra nhiều cách. Ví dụ Buswell tách riêng luận cứ
nhân loại luận (Đức Chúa Trời sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài) và đạo đức luận
(những ý tưởng về đúng sai đã khởi đầu thế nào?) (Thần Học Hệ Thống, trang 90-1).
Dale Moody (The Word of Truth (Grand Rapids: Eerdmans, 1981, trang 83-4) tách luận
cứ căn bản nầy ra làm bốn: luận cứ đạo đức, sự hiện hữu của lý trí, toàn bộ bản ngã
(tức là hồn) và ý thức tôn giáo. Theo tôi, dường như những phần nầy chỉ là những khía
cạnh của luận cứ Nhân loại luận căn bản, vì đều tập trung vào con người. Cho nên cho
dù nhấn mạnh khía cạnh nào trong sự hiện hữu hay kinh nghiệm của con người, bất
luận là tình trạng đạo đức, trí thông minh, những tình cảm, hay ý thức tôn giáo, thì đấy

27
vẫn là một phương diện của con người và vẫn thuộc chính xác vào luận cứ Nhân loại
luận.
Rất nhiều khía cạnh của con người, và kết hợp mọi khía cạnh đó, đòi hỏi phải có lời
giải thích nào đó về nguồn gốc của chúng, và đưa ra lập luận ủng hộ sự thực hữu của
một hữu thể đạo đức, khôn ngoan và sống động, một hữu thể có thể đã sinh ra con
người. Những ảnh hưởng của vật chất, những sức mạnh vô tri giác hoặc sức mạnh vô ý
thức hầu như không thể sản sinh được con người. Sự tiến hóa không thể tạo ra tâm
hồn, lương tâm, hay những bản năng tôn giáo. Hình tượng không có sự sống không
sinh ra được con cháu có sự sống.
3. Lời Kinh Thánh. Tác giả Thi Thiên tuyên bố: “Đấng đã gắn tai há sẽ chẳng nghe
sao? Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?” (Thi 94:9) Nói cách khác, một tạo vật
sống động, khôn ngoan đòi hỏi phải có một Đấng tạo hóa sống động và khôn sáng.
Tại Arêôba, Phaolô đã lập luận cùng một cách này. Ông lập luận: Nếu chúng ta là
dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì Ngài không thể giống các hình tượng bằng vàng hay
bạc mà dòng dõi nầy đã làm ra (Cong 17:28-29). Cũng giống như dòng dõi Ngài, Ngài
chắc chắn phải là Đấng sống động và thông minh.
D. Bản Thể Con Người
Luận cứ Bản thể luận (tức là luận cứ dựa trên nghiên cứu về “bản thể") đã được
trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau bởi Anselm, Descartes, và nhiều người khác,
và có người chấp nhận (Hegel), có người bác bỏ (Kant).
1. Phát biểu. Luận cứ này như sau: (a) chúng ta có ý niệm về một Hữu Thể Hoàn
Hảo Nhất; (b) ý niệm về Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất bao gồm sự thực hữu, bởi vì một Hữu
Thể dù hoàn hảo trong những phương diện khác mà đã không thực hữu thì ắt sẽ không
hoàn hảo bằng Hữu Thể đã thực hữu; (c) do đó, vì ý niệm về sự thực hữu được chứa
đựng trong ý niệm về một Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất, nên Hữu Thể Hoàn Hảo Nhất đó
phải thực hữu.
2. Thảo luận. Tuy luận cứ nầy dùng phép diễn dịch, nó vẫn có phương diện quy
nạp. Ý niệm về Thượng đế đến từ đâu? Không phải mọi ý niệm của con người đều tương
ứng với một thực tại có bản thể hay đã thực hữu. Nhưng những ý niệm thực sự đều có
những nguyên nhân và đều cần lời giải thích. Có tồn tại ý niệm về nàng tiên, nhưng sự
thực hữu của ý niệm này không chứng minh được thực hữu của một nàng tiên. Tuy
nhiên, có thể giải thích được cho ý niệm nầy. Tương tự, có tồn tại ý niệm về Đức Chúa
Trời. Làm sao giải thích được ý niệm nầy? Đó là phương diện quy nạp của luận cứ nầy.
Và đại ý là không thể giải thích được ý niệm nầy từ dữ liệu vô thần.
III. NỘI DUNG CỦA SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT

28
Những phân đoạn Kinh Thánh thích hợp cho chúng ta biết cách đầy thẩm quyền về
những điều có thể học được từ sự mặc khải tổng quát. Nói như vậy không có nghĩa mọi
người sẽ hiểu được tất cả hoặc thậm chí bất kỳ điều nào trong số nầy, nhưng đây là
những điều Đức Chúa Trời đã truyền đạt thông qua nhiều phương tiện khác nhau của
sự mặc khải tổng quát.
1. Vinh hiển của Ngài (Thi 19:1).
2. Quyền năng để hành động của Ngài khi sáng tạo vũ trụ (câu 1).
3. Uy quyền tối cao của Ngài (Ro 1:20).
4. Thần tánh của Ngài (câu 20).
5. Quyền kiểm soát thần hựu của Ngài trên thiên nhiên (Cong 14:17).
6. Sự thiện lành của Ngài (Mat 5:45).
7. Sự khôn ngoan thông minh Ngài (Cong 17:29).
8. Sự thực hữu hằng sống của Ngài (câu 28).
IV. GIÁ TRỊ CỦA SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT
Khi xác định giá trị của mặc khải tổng quát, thường có nguy cơ đánh giá quá cao
hoặc quá thấp. Có người ít nhất cũng tạo ấn tượng điều được bày tỏ qua mặc khải tổng
quát chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời chân thần trong Kinh Thánh. Điều
nầy có vẻ đánh giá quá cao giá trị của nó. Có người xem mặc khải tổng quát là vô giá
trị, nhưng đánh giá nầy sai vì chính Thánh Kinh có phản ánh cách dùng những luận cứ
nầy. Vậy đâu là giá trị xứng đáng của nó?
A. Để Bày Tỏ Ân Điển Của Đức Chúa Trời.
Chính việc Đức Chúa Trời không thu hồi ân điển Ngài sau cuộc nổi loạn đầu tiên
hoặc bất cứ cuộc nổi loạn nào tiếp theo đó tự nó đã là ân điển rồi. Ngài không chấm dứt
truyền thông với loài người sau khi họ chối bỏ Ngài, đấy là điều kỳ diệu không nhỏ
chút nào. Ngài đã tiếp tục cung ứng nhiều phương tiện qua mặc khải tổng quát để nhờ
đó con người có thể biết đôi điều về Đức Chúa Trời chân thần, điều đó phô bày ân điển
không dứt của Ngài. Có người chịu ảnh hưởng cách tích cực bởi ân điển phổ thông ấy,
qua bằng chứng của nếp sống đạo đức và thường là qua việc tìm kiếm thêm chân lý.
B. Để Thêm Tác Dụng Cho Lý Lẽ Bênh Vực Thuyết Hữu Thần
Nói rằng những luận cứ ủng hộ sự thực hữu của Thượng Đế trên đây chứng minh
sự thực hữu của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh thì đã cường điệu. Mặc dầu nhiều
chân lý về Đức Chúa Trời được bày tỏ qua mặc khải tổng quát, vẫn còn rất nhiều điều
quan trọng không bao giờ được mặc khải qua phương tiện đó. Nhưng những câu hỏi mà

29
mặc khải tổng quát nêu ra và những câu trả lời nó nhắm vào thực sự hậu thuẫn cho
những tuyên bố của thuyết hữu thần chứ không ủng hộ cho thuyết vô thần, thuyết bất
khả tri hoặc thuyết tiến hóa.
C. Để Định Tội Cách Công Bằng Cho Những Người Bác Bỏ
Những tuyến bằng chứng nầy thực sự khiến những người nam nữ chưa được tái
sanh phải nhận trách nhiệm đáp ứng theo cách nào đó. Đức Chúa Trời định cho con
người phải có thể thấy lối giải thích của chủ nghĩa cơ giới (thuyết cho rằng mọi vật
trong vũ trụ là kết quả của những quá trình vật lý và hóa học), vô thần, của chủ nghĩa
ngoại lý là không thỏa đáng để giải thích cho thế giới hòa hợp cao độ và những khía
cạnh khác nhau của con người. Nhân loại nên đáp ứng bằng cách công nhận đàng sau
tất cả mọi sự đó phải có một Hữu thể sống động, quyền năng, thông minh và cao siêu
hơn con người.
Nếu con người không công nhận điều tối thiểu nhưng tối quan trọng đó, mà lại
quay lưng và đưa ra lời giải thích khác, thì Đức Chúa Trời là công bình nếu Ngài khước
từ họ và không ban cho thêm chân lý nào nữa. Sự khước từ điều được bày tỏ qua mặc
khải tổng quát là đủ để bị định tội cách công chính. Nhưng nói như vậy không hàm ý
sự chấp nhận mặc khải tổng quát là đủ đem lại sự cứu rỗi đời đời. Không đủ, đơn giản
là vì không hề có mặc khải về sự chết chuộc tội của Con Đức Chúa Trời.
Nếu điều tôi vừa nói dường như dựng nên một tiêu chuẩn kép, thì đúng là như vậy.
Hai tiêu chuẩn thì vốn không có gì sai, miễn là cả hai đều công bằng. Và trong trường
hợp nầy hai tiêu chuẩn đều công bằng. Nếu Đức Chúa Trời đã dự bị một Chiên Con để
chịu giết vì tội lỗi trước khi sáng tạo thế giới nầy mà mặc khải tổng quát vẫn cứu rỗi
được, thì sẽ không công bằng. Ban sự cứu rỗi mà không cần đến Chiên Con, đấy sẽ là
sự dự bị bất công. Nhưng không định tội những kẻ khước từ mặc khải ấy ở bất kỳ thời
điểm nào trong cuộc đời khước từ của họ trên đất nầy, đấy sẽ là không công bằng đối
với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Như vậy, chối bỏ những chân lý trong mặc khải
tổng quát đem lại sự định tội công bằng tại bất cứ lúc nào và luôn mọi lúc nào chúng bị
chối bỏ.
Nếu một sinh viên giàu lòng quan tâm nọ đi đến với bạn mình - là sinh viên đang
cần đến 1.000 đôla để đóng học phí - và với lòng yêu thương quan tâm thật đến tặng
bạn mình 10 đôla (là tất cả số tiền anh hiện có), và nếu tờ 10 đôla của anh bị ném
xuống sàn nhà một cách khinh bỉ kèm theo lời chế diễu: “Tao làm gì với số tiền còm
đó?,” sinh viên nầy còn bổn phận nào nữa để phải giúp thêm cho người bạn mình
chăng? Nếu bỗng dưng anh có khả năng cho trọn 1.000 đôla, ai dám kết tội anh đã bất
công khi đem số tiền đó cho một sinh viên túng thiếu khác? Nhận món quà 10 đôla sẽ
không “cứu” được người đang cần 1.000 đôla; nhưng chính việc khước từ nó sẽ định tội

30
anh. Chúng ta không được phép quên rằng đại đa số người từng sống trên đời nầy đã
khước từ mặc khải của Đức Chúa Trời qua cõi thiên nhiên, và họ đã chối bỏ kèm với sự
khinh bỉ và cố tình đem những thần của riêng họ thay thế vào đó. Họ đã tự định tội
mình, và khi Đức Chúa Trời khước từ họ, Ngài đã khước từ họ một cách công bằng.

31
Chương 6: NHỮNG SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Nếu câu hỏi trong chương 4 là: Có thể biết Đức Chúa Trời không? thì câu hỏi của
chương nầy là: Có thể định nghĩa được Đức Chúa Trời không? Nếu một định nghĩa là
“một từ hay một cụm từ diễn tả bản chất thiết yếu của một người hay một sự vật", thì
không thể định nghĩa được Đức Chúa Trời, vì không có từ ngữ hay thậm chí cụm từ nào
có thể diễn tả bản tánh cốt yếu của Ngài. Không ai có thể soạn một định nghĩa như vậy
về Đức Chúa Trời.
Nhưng nếu định nghĩa này mang tính mô tả, thì có thể định nghĩa Đức Chúa Trời,
mặc dù không tường tận. Thật ra, hầu hết những định nghĩa đều mang tính mô tả. Một
trong những định nghĩa nổi tiếng nhất, trong Westminster Shorter Catechism (Tiểu
Phước Âm Yếu Chỉ Westminster), minh họa loại định nghĩa nầy khi mô tả Đức Chúa
Trời là “Thần linh, vô hạn, đời đời và không hề thay đổi trong bản thể, quyền năng, sự
thánh khiết, công chính, tốt lành, và thành tín của Ngài” (Câu Hỏi 4). Lời mô tả dài hơn
trong Westminster Confession of Faith bổ sung thêm những thuộc tánh như yêu
thương, thương xót và tự do. Như thế, những định nghĩa trên chỉ đơn giản liệt kê một
số thuộc tánh của Đức Chúa Trời.
Thuộc tánh là những phẩm cách vốn có của một chủ thể. Chúng nhận diện, phân
biệt, hoặc phân tích chủ thể ấy. Hầu hết các nền thần học đặt tên chương nầy là
“Những Thuộc Tánh của Đức Chúa Trời.” Tôi ưa từ “Những Sự Trọn Vẹn” hơn, vì mọi
phẩm cách hay thuộc tánh của Đức Chúa Trời đều hoàn hảo. Những thuộc tánh của
Chúa là những sự trọn vẹn của Ngài.
I. ĐẶC ĐIỂM NHỮNG SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Những sự trọn vẹn khác nhau của Đức Chúa Trời không phải là những thành phần
cấu thành của Ngài. Mỗi sự trọn vẹn đều mô tả toàn bộ hữu thể của Ngài. Ví dụ như
tình yêu không phải là một phần của bản tánh Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời trong
toàn bộ hữu thể của Ngài là tình yêu thương. Tuy Ngài có thể bày tỏ một phẩm cách
nầy hoặc phẩm cách khác tại một thời điểm nào đó, không có phẩm cách nào là độc lập
và vượt trổi hơn bất cứ phẩm cách khác. Hễ khi nào Chúa tỏ cơn thạnh nộ của Ngài, thì
Ngài vẫn là yêu thương. Khi Ngài bày tỏ tình yêu, thì cũng không bỏ sự thánh khiết của
Ngài.
Đức Chúa Trời còn trổi hơn tổng cộng hết những sự trọn vẹn của Ngài nữa. Khi liệt
kê mọi thuộc tánh của Ngài mà chúng ta lượm lặt được từ sự mặc khải, chúng ta cũng
không mô tả trọn vẹn được Đức Chúa Trời. Sở dĩ như vậy là do tính không thể hiểu thấu
được Ngài. Dẫu có thể nói mình có danh sách toàn bộ mọi sự trọn vẹn của Ngài đi nữa,
chúng ta cũng không thể dò thấu ý nghĩa của chúng, bởi vì con người hữu hạn không
thể hiểu Đức Chúa Trời vô hạn được.

32
Những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời được tỏ cho chúng ta nhờ sự mặc khải. Con
người không gán những điều đó cho Đức Chúa Trời; Ngài bày tỏ chúng cho con người.
Thật vậy, con người có thể gợi ý những thuộc tánh của Thượng Đế, nhưng không thể
thừa nhận những điều ấy là đúng trừ phi chúng được khải thị bởi Đức Chúa Trời.
Những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời mô tả như nhau về Cha, Con và Thánh Linh.
Chúng mô tả bản tánh của Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một, do đó cũng mô tả bản tánh
mỗi thân vị của Ba Ngôi.
II. CÁC THỂ LOẠI SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Hầu hết những nền thần học đều đưa ra cách phân loại nào đó về những thuộc tánh
của Đức Chúa Trời.
A. Các Thuộc Tánh Ngoại Đạo Đức (hoặc Tự Nhiên) và Đạo Đức
Các thuộc tánh ngoại đạo đức (ngoài phạm vi đạo đức), như tự hữu và vô hạn, thuộc
về bản chất của Đức Chúa Trời; Những thuộc tánh đạo đức, như đức công chính và
thánh khiết, thuộc về ý chí của Ngài. Nhưng mọi điều gọi là phẩm cách ngoại đạo đức
nầy đều là những phẩm cách của một Hữu Thể đạo đức nhất trong vũ trụ, và mọi thuộc
tánh đạo đức ấy đều đến từ bản tánh của Đức Chúa Trời.
B. Các Thuộc Tánh Tuyệt Đối và Tương Đối
Những thuộc tánh tuyệt đối bao gồm những thuộc tánh nào thuộc về bản thể của
Đức Chúa Trời được kể như đứng riêng một mình nó (hằng hữu, vô hạn), còn những
thuộc tánh tương đối thuộc về bản thể của Đức Chúa Trời được kể như có liên hệ với tạo
vật của Ngài (như sự toàn tri). Một lần nữa, đây là một sự phân biệt gượng gạo, bởi vì
chúng ta không thể xác định như vậy khi trên thực tế mọi thuộc tính của Chúa đều liên
quan đến tạo vật của Ngài.
C. Không Thể Truyền Đạt và Có Thể Truyền Đạt
Những thuộc tánh không thể truyền đạt là những điều chỉ thuộc về Đức Chúa Trời
(vĩnh hằng, vô hạn), trong khi những thuộc tánh sau là những thuộc tánh có ở một mức
độ tương đối hoặc giới hạn trong con người (khôn ngoan, công chính). Nhưng vẫn thấy
có những thuộc tánh có thể truyền đạt trong con người, mặc dù rất giới hạn, không
phải vì Ngài bằng cách nào đó đã truyền đạt chúng, nhưng chỉ vì loài người đã được
dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời.
Những thể loại có thể đem lại ích lợi nào đó, nhưng theo tôi, không nhiều lắm. Tuy
có thể phân loại một số thuộc tánh vào phạm trù nầy hoặc phạm trù kia trong các thể
loại gợi ý nầy, nhưng một số khác không dễ phân loại. Dầu sự thánh khiết thường được
kể là có thể truyền đạt được, nhưng chắc chắn sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không
thể truyền đạt được. Tuy sự toàn tri là không thể truyền đạt được, nhưng con người
33
chắc chắn có kiến thức hữu hạn. Sự phân loại thường trở thành độc đoán hơn là trở
thành dễ nhìn thấy. Vấn đề quan trọng là nghiên cứu về chính những sự trọn vẹn, chứ
không phải phân loại chúng. Và giờ đây chúng ta nghiên cứu chúng.
III. DANH SÁCH NHỮNG SỰ TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Dưới đây là mười bốn sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời (xếp theo thứ tự mẫu chữ cái
trong Anh ngữ), được khảo sát theo những mục (a) ý nghĩa, (b) (những) tuyên bố của
Kinh Thánh và (c) phần áp dụng hay vấn nạn có liên quan.
A. Vĩnh Hằng (Eternity)
1. Ý nghĩa. Thuộc tánh vĩnh hằng có nghĩa là Đức Chúa Trời hiện hữu bất tận. Sự
hiện hữu của Ngài trải dài vô tận trong quá khứ cũng như trong tương lai (theo quan
điểm của chúng ta về thời gian) mà không hề bị gián đoạn hoặc bị giới hạn bởi sự tiếp
nối những biến cố. Kết hợp các ý nầy với nhau, Berkhof định nghĩa vĩnh hằng là “sự
trọn vẹn của Đức Chúa Trời nhờ đó Ngài được nâng lên trên mọi giới hạn thời gian và
mọi sự nối tiếp của các khoảnh khắc, và có toàn bộ sự thực hữu của Ngài trong một
hiện tại không chia cắt được” (L. Berkhof, Thần Học Hệ thống (Grand Rapids:
Eerdmans, 1978, trang 60).
Sự vĩnh hằng và tự hữu của Đức Chúa Trời là những khái niệm liên quan với nhau.
Một vài hệ thống thần học dùng từ aseity (tự hữu tính) để biểu thị sự tự hữu; nghĩa là
Đức Chúa Trời tùy thuộc a se, vào chính mình Ngài. Nếu Đức Chúa Trời hiện hữu bất
tận, vậy thì Ngài không hề bắt đầu hiện hữu, cũng không hề được tạo dựng nên để bắt
đầu hiện hữu. Ngài tự hữu vô tận.
2. Kinh Thánh. Sự hằng hữu của Đức Chúa Trời được thấy trong Thi 90:2 “từ trước vô
cùng cho đến đời đời” và Sa 21:33, nơi đó chữ El Olam, Đức Chúa Trời hằng hữu, ra từ
một hình thức nguyên thủy có nghĩa là “Đức Chúa Trời của cõi vĩnh hằng.”
3. Thắc mắc. Đâu là mối liên quan của Đức Chúa Trời với chuỗi tiếp nối các biến cố?
Là một hữu thể hằng hữu, Ngài nhìn thấy quá khứ và tương lai cũng rõ ràng như thấy
hiện tại; hơn nữa, Ngài phải thấy chúng như chuỗi bao quát hết những sự kiện, tuy
nhiên Ngài không hề bị ràng buộc bởi chuỗi sự kiện đó. Minh họa cho điều nầy được
nhìn thấy trong quang cảnh thiên đàng ở Kh 6:9-11, trong câu đó Chúa trả lời câu hỏi
của những người tuận đạo về việc còn bao lâu nữa họ mới được báo thù, bằng cách Ngài
bảo họ chờ đợi cho đến khi các sự kiện nhất định đã diễn ra trên đất.
4. Hệ qua. Một hệ quả đầy an ủi trong sự hằng hữu của Đức Chúa Trời ấy là lòng tin
quyết Đức Chúa Trời đã không bao giờ, và cũng sẽ không khi nào ngưng hiện hữu; do
đó bảo đảm quyền kiểm soát thiên hựu và nâng đỡ của Ngài trên mọi sự và mọi biến cố.
B. Quyền Tự Do

34
1. Ý nghĩa. Ở nơi Đức Chúa Trời, quyền tự do có nghĩa là Ngài độc lập với những
sinh vật và cõi tạo vật của Ngài đã dựng nên.
2. Kinh Thánh. Khi Êsai hỏi dân sự xem ai đã làm mưu sĩ và dạy cho Đức Chúa Trời
hoặc chỉ dẫn cho Ngài điều gì, ông đợi câu trả lời: “không ai,” bởi vì Đức Chúa Trời là tự
do; có nghĩa là độc lập với những sinh vật thọ vật của Ngài (Es 40:13-14).
3. Thắc Mắc. Nếu Đức Chúa Trời là tự do, thì Ngài có bị giới hạn về phương diện nào
không? Thường câu trả lời là Chúa chỉ bị giới hạn bởi chính bản tánh của Ngài; ví dụ
như sự thánh khiết của Ngài giới hạn Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng làm sao
dùng từ “giới hạn” cho sự trọn vẹn được? Không bao giờ có giới hạn trong sự trọn vẹn.
4. Ứng Dụng. Là Đấng tự do, Chúa không hề có bổn phận nào đối với chúng ta trên
bất cứ phương diện nào trừ phi Ngài chọn khởi xướng một bổn phận. Ngài không phải
làm bất cứ điều gì cho chúng ta trừ phi Ngài chọn làm. Vì vậy, chúng ta không thể xem
Ngài mắc nợ chúng ta.
C. Sự Thánh Khiết
1. Ý Nghĩa. Thường được định nghĩa cách tiêu cực và có liên quan với một tiêu
chuẩn tương đối, chứ không tuyệt đối, đức thánh khiết trong Thánh Kinh có nghĩa là
biệt riêng ra khỏi tất cả những gì phàm tục tầm thường hay không tinh sạch. Đối với
Đức Chúa Trời, thánh khiết không những có nghĩa Ngài tách biệt khỏi tất cả mọi bất
khiết và gian ác, mà còn có nghĩa Ngài chắc chắn tinh khiết và bởi đó hoàn toàn khác
biệt với mọi sự khác.
Phép so sánh có lẽ giúp dễ hiểu khái niệm nầy. Khỏe mạnh có nghĩa gì? Chính là
không có bệnh tật, nhưng còn là tích cực tuôn trào sức lực nữa. Thánh khiết là không
có điều ác và có được lẽ phải tích cực. Trong Đức Chúa Trời, sự thánh khiết của Ngài là
sự tinh khiết của hữu thể và bản chất cũng như của ý chí và hành động.
2. Kinh Thánh. Thánh khiết là một thuộc tánh mà Chúa muốn con người đặc biệt
biết đến trong thời Cựu Ước (Le 11:44; Gios 24:19; Thi 99:3,5,9; Es 40:25; Ha 1:12). Trong Tân
Ước, thuộc tánh này xuất hiện qua những tuyên bố trực tiếp (Gi 17:11; IPhi 1:15), trong
những lời ca ngợi dâng lên Chúa (Kh 4:8), và trong hình ảnh tượng trưng Chúa là sự
sáng (IGi 1:5).
3. Những Ứng Dụng. Sự thánh khiết tuyệt đối và vốn có trong Đức Chúa Trời nói lên
rằng tội nhân phải bị chia cắt khỏi Ngài trừ phi tìm được phương cách làm cho họ nên
thánh. Và phương cách đó đã được chu cấp qua công lao của Chúa Jesus Christ.
Có quan điểm đúng đắn về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời ắt phải khiến tín hữu
nhạy bén đối với tội lỗi của chính mình (Es 6:3,5; Lu 5:8).

35
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trở thành tiêu chuẩn cho nếp sống và lối cư xử
của mỗi tín hữu (IGi 1:7). Điều nầy đáng phải chấm dứt những tranh luận vô ích thường
thấy về những điều được phép và không được phép làm trong nếp sống Cơ đốc. Có thể
thử nghiệm lối cư xử đúng đắn bằng câu hỏi đơn giản: Điều nầy có thánh khiết không?
Đây chính là tiêu chuẩn của mỗi tín hữu. Dầu không luôn luôn sánh kịp với tiêu chuẩn
ấy, tín hữu không khi nào được phép thỏa hiệp tiêu chuẩn ấy.
D. Tính Bất Biến
1. Ý nghĩa: Tính bất biến có nghĩa Đức Chúa Trời là Đấng không thể thay đổi được
và như thế Ngài không hề đổi dời. Điều nầy không có nghĩa là Ngài không di động hoặc
không hoạt động, nhưng hàm ý Ngài không bao giờ thiếu nhất quán, mâu thuẫn, không
lớn lên cũng không hề phát triển.
2. Kinh Thánh. Ma 3:6 và Gia 1:17 nói về tính bất biến. Lưu ý trong Ma 3:6, tính bất
biến bảo đảm sự bảo tồn dân Ysơraên.
3. Vấn nạn. Nếu Đức Chúa Trời bất biến, thì làm sao có thể nói rằng Ngài ăn năn?
(Sa 6:6; Gion 3:10) Nếu thực sự đã có thay đổi trong chính Đức Chúa Trời, thì như vậy
Ngài không bất biến, hoặc không tể trị tối thượng, hoặc vừa không bất biến vừa không
tể trị tối thượng. Hầu hết mọi người hiểu những câu nầy đang dùng phép phỏng nhân
hình; có nghĩa là giải thích điều không thuộc về con người bằng những từ ngữ của loài
người. Trong sự mặc khải đang tiết lộ dần về chương trình của Đức Chúa Trời, dường
như có sự thay đổi. Tuy nhiên, chỉ có thể nói câu này từ nhãn quan con người, vì
chương trình đời đời của Ngài là bất biến, cũng như chính Ngài vậy.
Tuy nhiên, có lẽ lối nói nầy chỉ đơn giản nói lên rằng Chúa buồn hoặc đau buồn, và
như vậy loại bỏ bất cứ khái niệm về sự thay đổi.
4. Những hệ quả liên quan đến Đức Chúa Trời. “Nếu tính tự hữu mà thay đổi thì sẽ
trở thành sự thực hữu có lệ thuộc; cõi vĩnh hằng sẽ trở thành cõi thời gian; sự trọn vẹn
trở thành bất toàn; và vì thế Đức Chúa Trời sẽ trở thành không còn là Đức Chúa Trời
nữa” (Gordon H. Clark, “Attributes, The Divine,” Baker's Dictionary of Theology (Grand
Rapids: Baker, 1960, trang 78-9). Tính bất biến bảo đảm cho chúng ta rằng không có sự
trọn vẹn nào của Đức Chúa Trời thay đổi cả.
5. Những hệ quả liên quan đến chúng ta. Tính bất biến đem lại sự an ủi và bảo đảm
rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ không dời đổi (Ma 3:6; IITi 2:13). Tính bất biến
nhắc nhở chúng ta rằng những thái độ của Đức Chúa Trời, chẳng hạn thái độ đối với tội
lỗi, là không hề thay đổi. Vì thế, không bao giờ có thể dỗ ngọt hay thỏa hiệp để Đức
Chúa Trời thay đổi.
E. Tính Vô Hạn

36
1. Ý Nghĩa. Tính vô hạn có nghĩa là Đức Chúa Trời không có những ranh giới hay
giới hạn nào. Ngài không hề bị giới hạn bởi vũ trụ hay những ranh giới của không gian
thời gian. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bằng cách nào đó Ngài bị trải dài qua
suốt vũ trụ, một phần ở chỗ nầy một phần chỗ khác. “Phải hiểu tính vô hạn của Đức
Chúa Trời là mang tính cách tập trung chứ không phải là dàn trải rộng...” (Berkhof,
Thần Học Hệ Thống, trang 59).
2. Kinh Thánh. Salômôn công nhận sự vô hạn của Đức Chúa Trời tại lễ cung hiến
đền thờ (IVua 8:27), và Phaolô dùng thuộc tính nầy của Chúa để bác bỏ các tà thần của
người Athên (Cong 17:24-28).
3. Quan sát. Đôi khi thuộc tính nầy được gọi là tính vô biên. Tính vô biên khác tính
toàn tại ở chỗ: tính vô biên nhấn mạnh Tính siêu việt của Đức Chúa Trời (vì Ngài không
bị giới hạn bởi không gian), còn tính toàn tại tập trung vào tính nội tại của Đức Chúa
Trời (vì Ngài có mặt ở khắp mọi nơi).
F. Yêu Thương
1. Ý nghĩa: Cũng giống như nhiều từ ngữ Cơđốc, người ta thảo luận nhiều hơn là
định nghĩa từ ngữ “yêu thương.” Ngay cả tự điển cũng giúp đỡ rất ít. Tình yêu bao hàm
lòng thương mến và cũng có sự sửa trị nữa. Các em bé được âu yếm, sửa trị và cả hai
đều là những biểu hiện thật về tình yêu thương của cha mẹ. Hơn nữa, cả hai việc đều
được cha mẹ thực hiện với lòng tin rằng họ đang làm điều tốt nhất cho con tại lúc đó.
Tình yêu tìm kiếm điều tốt lành ích lợi cho đối tượng được yêu. Điều gì là tốt lành? Ở
nơi Đức Chúa Trời, tốt lành là sự trọn vẹn của đức thánh khiết và toàn bộ mọi điều mà
khái niệm “tốt lành” bao hàm. Tình yêu thương trong Đức Chúa Trời đang tìm sự tốt
lành nhất và vinh hiển cao cả nhất của những sự trọn vẹn Ngài. Điều nầy không hề
hàm ý có sự ích kỷ nơi Đức Chúa Trời, như sẽ có nơi con người.
2. Kinh Thánh. Lời Thánh Kinh trực tiếp phát biểu rằng “Đức Chúa Trời là yêu
thương” ("God is love") (IGi 4:8). Sự vắng mặt mạo từ trước “yêu thương” [câu Kinh
Thánh nầy không nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương duy nhất này” ("God is the
love")] cho thấy yêu thương chính là bản tính của Đức Chúa Trời. Sự có mặt mạo từ
đứng trước “Đức Chúa Trời” (nguyên văn là “Đức Chúa Trời duy nhất này là sự yêu
thương” - bản Anh ngữ - “the God is love”) cho thấy câu nầy không thể đảo ngược được;
không thể lý giải là: “Tình yêu thương là Đức Chúa Trời” (như cách khẳng định của Cơ
Đốc Khoa Học).
3. Những Ứng Dụng. Bởi vì mọi thuộc tính đều được mỗi Thân Vị của Ba Ngôi sở
hữu, nên phải có sự tương tác đầy yêu thương (chắc chắn là con người không thể hiểu
được) giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

37
Đức Chúa Trời là sự yêu thương cho phép chính mình Ngài yêu thương con người
tội lỗi. Đó là ân điển (Eph 2:4-8).
Tình yêu đó của Ngài đã được tuôn đổ vào lòng tín hữu (Ro 5:5).
Trong những thử thách, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu Ngài đối với con cái Ngài ( He
12:6).

4. Một số từ ngữ liên he. Có liên hệ rất gần với “yêu thương” là các từ ngữ nhơn
lành, thương xót, nhịn nhục, nhẫn nại và ân điển. Tuy có những phân biệt như thế
nhưng những khác biệt đó không chính xác. Có thể định nghĩa nhơn lành là lòng rộng
lượng thương người của Đức Chúa Trời quan tâm đến tạo vật của Ngài (Cong 14:17).
Thương xót là một phương diện trong sự nhơn lành của Chúa khiến Ngài bày tỏ lòng
trắc ẩn và cảm thương (Eph 2:4; Gia 5:11). Lòng nhịn nhục nhẫn nại nói lên sự tự kiềm
chế khi bị khiêu khích trêu chọc (IPhi 3:20; IIPhi 3:15). Ân điển là ân huệ không xứng
đáng được nhận do Chúa ban cho con người chủ yếu qua thân vị và công tác của Chúa
Jesus Christ. Mọi khái niệm nầy đều có liên quan và bắt nguồn từ tình yêu thương này
của Đức Chúa Trời, Đấng là tình yêu.
5. Một tà giáo. Tà giáo Phổ thông thuyết (universalism) phát triển từ một khái niệm
mất quân bằng về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Tà giáo này dạy rằng vì Ngài là
tình yêu, nên cuối cùng Ngài sẽ cứu mọi người. Nhưng sự trọn vẹn trong tình yêu
thương của Đức Chúa Trời không tách rời khỏi những sự trọn vẹn khác của Ngài, gồm
có sự thánh khiết và công chính. Vì cớ đó tình yêu thương không thể lấn quyền trên sự
thánh khiết để cứu những người đã khước từ Đấng Christ rồi chết trong tội lỗi của họ.
Hơn nữa, phổ thông thuyết trên thực tế không có định nghĩa thích đáng cho tình yêu
thương, vì chỉ thấy phương diện thương mến của tình yêu mà không thấy phương diện
sửa trị. Cuối cùng, phổ thông thuyết mâu thuẫn với những tuyên bố trực tiếp của Kinh
Thánh (xem Mac 9:45-48).
G. Toàn Năng
1. Ý nghĩa. Toàn năng có nghĩa Đức Chúa Trời có mọi quyền lực và có thể làm bất
cứ việc gì phù hợp với bản tánh của Ngài. Thực ra, Ngài thậm chí đã không chọn làm
mọi việc mà chúng ắt phù hợp với chính Ngài, vì những lý do chỉ hoàn toàn một mình
Ngài biết.
2. Kinh Thánh. Từ ngữ “Toàn năng” chỉ được dùng cho Đức Chúa Trời trong Kinh
Thánh, từ nầy xuất hiện năm mươi sáu lần, và là nền tảng cho khái niệm “toàn năng.”
Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài là Đấng Toàn năng cho Ápraham ( Sa 17:1), cho
Môise (Xu 6:3), cho các tín hữu (IICo 6:18), và cho Giăng nhiều lần trong sách Khải
Huyền (Kh 1:8; 19:6).

38
3. Câu Hỏi. Thuộc tính toàn năng có bị giới hạn nào không? Câu trả lời là “Có,” và có
trong hai lãnh vực: những giới hạn tự nhiên và những giới hạn tự đặt cho mình. Những
giới hạn tự nhiên bao gồm những điều Đức Chúa Trời không thể làm vì chúng trái
ngược với bản tánh Ngài. Ngài không thể nói dối (Tit 1:2), Ngài không thể bị cám dỗ
phạm tội (Gia 1:13), Ngài không thể tự chối chính mình (IITi 2:13). Những giới hạn tự đặt
cho mình bao gồm những điều Đức Chúa Trời đã không chọn đưa vào trong chương
trình của Ngài mà lẽ ra Ngài có thể đưa vào vì chúng không đi ngược với bản tánh Ngài.
Ngài đã không chọn để Con Ngài khỏi chết; Ngài đã không chọn cứu tất cả mọi người;
Ngài đã không chọn tất cả các dân tộc trong thời Cựu Ước; Ngài đã không chọn Êsau;
Ngài đã không chọn cứu Giacơ khỏi chết (Cong 12:2). Dầu Ngài đã có thể làm bất cứ việc
nào trong số nầy mà không bị mâu thuẫn với tính toàn năng, nhưng Ngài đã không
chọn làm như thế trong chương trình của Ngài.
Những câu hỏi như: “Đức Chúa Trời có thể khiến 2 + 2 = 6 không?” không hề hàm ý
bất kỳ sự kém thiếu nào trong tính toàn năng của Ngài. Câu hỏi đặc thù đó thuộc lĩnh
vực số học, không thuộc lĩnh vực năng quyền. Có lẽ người ta cũng hỏi liệu vụ nổ hạt
nhân có làm cho 2+2 = 6 không? Điều quan trọng hơn ấy là: Đức Chúa Trời không bao
giờ có thể làm việc sai thành ra đúng.
4. Những Hệ Qua. Trong quá khứ, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được thấy
trong công cuộc sáng tạo (Thi 33:9), trong sự bảo tồn vạn vật (He 1:3), và trong sự giải
cứu Ysơraên khỏi Ai cập (Thi 114). Nhưng sự phô bày lớn lao nhất về quyền năng của
Ngài là sự phục sinh của Đấng Christ từ trong kẻ chết ( IICo 13:4). Đối với tín hữu, quyền
năng của Đức Chúa Trời liên quan đến Phúc Âm (Ro 1:16), đến sự an toàn của họ (IPhi
1:5), đến sự trông cậy của họ về sự sống lại của thân thể (ICo 6:14) và liên quan đến nếp
sống mỗi ngày (Eph 1:9).
H. Tính Toàn Tại
1. Ý nghĩa. Sự toàn tại có nghĩa là Đức Chúa Trời hiện diện ở mọi nơi mọi lúc với
toàn bộ bản thể của Ngài.
2. Kinh Thánh. Trong Thi 139:7-11 Đavít hỏi có chỗ nào cho người ta có thể trốn khỏi
sự hiện diện của Đức Chúa Trời không. Câu trả lời của ông là không, bởi vì sự toàn tại
của Ngài không bị giới hạn bởi không gian (câu 8), không bị nao lòng trước tốc độ (câu
9), và không bị chi phối bởi bóng tối tăm (các câu 11-12).
3. Một vài điểm phân biệt. Như đã phát biểu trong định nghĩa, toàn tại không có
nghĩa là hữu thể Đức Chúa Trời bị khuếch tán khắp cõi vũ trụ như thể một số phần của
Ngài ở đây và một số ở kia. Toàn bộ hữu thể của Ngài đều có ở mọi nơi, và sự hiện diện
của Chúa trong mỗi tín hữu là một minh họa dễ hiểu cho điều nầy.

39
Tính toàn tại không có nghĩa là tính cận kề tức thì trong sự hiện diện của Ngài là
không khác nhau. Thật sự có khác. Sự hiện diện của Ngài trên ngôi Ngài ( Kh 4:2), trong
đền thờ của Salômôn (IISu 7:2), hoặc trong mỗi tín hữu (Ga 2:20) đương nhiên có tính cận
kề tức thì khác với khi Ngài hiện diện ở nơi hồ lửa (Kh 14:10). Mặc dù trong hồ lửa con
người sẽ bị phân cách khỏi sự hiện diện của mặt Đức Chúa Trời ( IITe 1:9, prosopon), họ
sẽ không bao giờ bị phân cách khỏi Chúa là Đấng toàn tại (Kh 14:10, enopion). Dĩ nhiên
không có sự hiện diện của mối thông công (bởi vì mặt Chúa sẽ xây khỏi kẻ gian ác
trong hồ lửa) như khi Ngài ngự trong những tín hữu.
Tính toàn tại khác với phiếm thần thuyết, là thuyết đồng nhất vũ trụ vạn vật với
Đức Chúa Trời. Từ ngữ đã được dùng đầu tiên bởi nhà Tự nhiên thần luận người Anh
John Toland (1670-1722) vào năm 1705 khi ông dạy rằng “Thượng đế là tâm trí hay
linh hồn của vũ trụ vạn vật.” Tà giáo nầy không phân biệt Đấng Tạo hóa với vật thọ tạo,
là sự phân biệt đã được dạy dỗ ngay từ câu đầu tiên của Kinh Thánh.
Tính toàn tại cũng khác với thuyết phiếm thần của những nhà thần học tiến trình
khi họ nói rằng hữu thể Thượng đế thâm nhập toàn cõi vũ trụ vạn vật, tuy nhiên không
bị vũ trụ vạn vật choán hết. Toàn tại thực sự có nghĩa Đức Chúa Trời có mặt ở tất cả
mọi nơi nhưng không bị khuếch tán ra cũng không đang thâm nhập vào vũ trụ vạn vật.
Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời không đang phát triển như cách dạy của thần học tiến
trình.
4. Một vài hệ qua. Không ai có thể trốn khỏi hiện diện của Đức Chúa Trời. Điều nầy
cảnh cáo kẻ vô tín và an ủi các tín hữu nào có thể thực hành kinh nghiệm hiện diện
của Ngài trong mỗi một hoàn cảnh cuộc sống vì cớ Đức Chúa Trời là Đấng toàn tại.
I. Tính Toàn Tri
1. Ý nghĩa. Toàn tri có nghĩa là Đức Chúa Trời biết mọi sự - cả những sự có trong
thực tế lẫn những điều có thể xảy ra - biết một cách vừa dễ dàng vừa rõ ràng. A. W.
Tozer đã viết:
Đức Chúa Trời hiểu biết ngay tức khắc và dễ dàng toàn bộ vấn đề và tất cả mọi vấn
đề, toàn bộ tâm trí và mỗi một tâm trí, toàn bộ tâm linh và mọi tâm linh, toàn bộ hữu
thể và mỗi một hữu thể, toàn bộ cõi thọ tạo và tất cả mọi tạo vật, mỗi một nhóm đa số
và mọi nhóm đa số, toàn bộ luật và mỗi một luật, mọi mối liên hệ, mọi nguyên nhân,
mọi ý tưởng, mọi sự huyền nhiệm, mọi điều bí ẩn khó hiểu, mọi cảm nghĩ, mọi mong
muốn, mỗi một điều bí mật chưa hề nói ra, mọi ngôi vua và quyền thống trị, mọi cá
tánh, mọi sự thấy được và không thấy được trên thiên đàng và dưới đất nầy, sự di động,
không gian, thời gian, sự sống, sự chết, thiện, ác, thiên đàng và hỏa ngục.
Vì Đức Chúa Trời biết mọi sự một cách hoàn hảo, nên không hề có trường hợp Ngài
biết điều nầy rõ hơn điều kia, nhưng Ngài biết mọi sự rõ ràng như nhau. Ngài không hề
40
khám phá bất cứ điều gì, Ngài không bao giờ ngạc nhiên, không hề sửng sốt. Ngài
không bao giờ thắc mắc bất cứ điều gì và cũng không hề tìm thông tin hay phải đặt câu
hỏi (ngoại trừ khi hỏi người ta vì lợi ích của chính họ) (A.W. Tozer, Hiểu Biết về Thánh
Linh, (N.Y.: Harper, 1978, trang 62-3).
2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời biết mọi công việc của Ngài từ buổi ban đầu ( Cong
15:18). Ngài đếm số và gọi tên các vì sao (Thi 147:4). Chúa của chúng ta bày tỏ sự toàn tri
khi Ngài tuyên bố điều đáng lẽ đã xảy ra ở Tyrơ và Siđôn (Mat 11:21). Đức Chúa Trời biết
mọi sự về cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta sinh ra (Thi 139:16).
3. Ứng dụng.
(a) Toàn tri và sự an ninh. Không điều nào bất chợt lộ ra trong nếp sống của tín hữu
mà nó làm cho Đức Chúa Trời ngạc nhiên và khiến Ngài loại người ấy ra. “Không người
nói hành nào tố giác chúng ta được, không một kẻ thù nào có thể làm cho lời buộc tội
đứng vững được; không một việc xấu xa bị quên lãng nào có thể tự nhiên lộ ra làm
chúng ta bối rối và phơi bày quá khứ của chúng ta; không một sự yếu đuối bất ngờ nào
trong tính cách của ta có thể đột nhiên lộ ra để khiến Đức Chúa Trời từ bỏ chúng ta, bởi
vì Ngài tuyệt đối biết rõ chúng ta trước khi chúng ta biết Ngài và đã kêu gọi chúng ta
đến với Ngài dẫu Ngài biết trọn vẹn mọi điều nghịch lại chúng ta” (trích cùng tác phẩm
trên, trang 63)
(b) Tính toàn tri và sự nhạy bén. Mọi lời cảnh báo Chúa ban đều đến từ một Đấng
toàn tri, cho nên chúng ta đáng phải hết sức nhạy bén đối với chúng. Ngài không cảnh
báo chúng ta vì cớ chỉ dựa vào sự phỏng đoán điều có lẽ sẽ xảy ra. Ngài biết rõ.
(c) Tính toàn tri và sự an ủi. Khi gặp những hoàn cảnh không thể giải thích nổi
trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn trú ẩn và tìm tìm sự an ủi trong sự toàn tri của Đức
Chúa Trời. Ngài không chỉ biết điều thực sự đã xảy ra, Ngài còn biết điều có thể đã xảy
ra nữa. Ngài luôn biết những điều tốt nhất và vinh hiển nhất nào sẽ đến từ những biến
cố chúng ta không hiểu nổi.
(d) Tính toàn tri và sự tiết độ. Đức tính giè giữ tiết độ phải tiêu biểu cho tất cả
những ai nhận thức họ phải ứng hầu trước một Đức Chúa Trời hiểu biết mọi sự ( He
4:13).

J. Công Nghĩa
1. Ý nghĩa. Dầu có liên hệ đến sự thánh khiết, nhưng công nghĩa là một thuộc tính
khác biệt của Đức Chúa Trời. Tính thánh khiết có liên hệ với sự biệt riêng của Đức
Chúa Trời; tính công nghĩa lại có liên hệ với công lý của Ngài. Sự công nghĩa có liên
quan đến luật pháp, đạo đức và công lý. Đối với chính Ngài, Đức Chúa Trời là công
nghĩa; có nghĩa là không có luật nào - hoặc trong chính bản thể của Ngài hay do chính

41
Ngài lập ra - bị vi phạm bởi bất cứ điều gì trong bản tánh của Ngài. Đối với tạo vật của
Ngài, Ngài cũng là công nghĩa; có nghĩa là không có hành động nào của Ngài vi phạm
vào bất cứ qui tắc đạo đức hay công lý nào. Đôi khi hai khía cạnh nầy của tính công
nghĩa được gọi là tuyệt đối (trong liên hệ với chính Ngài) và tương đối (trong mối liên
hệ với tạo vật của Ngài).
2. Kinh Thánh. Sự công nghĩa tuyệt đối của Đức Chúa Trời được tuyên bố trong Thi
11:7: “Vì Đức Giêhôva là công bình” (cũng xem Da 9:7). Đavít cũng tuyên bố sự công
nghĩa tương đối của Ngài (Thi 19:9; cũng xem Cong 17:31).
K. Tính Đơn Nhất
1. Ý nghĩa. Thuộc tánh đơn nhất có nghĩa là Đức Chúa Trời không phải là một hữu
thể gồm nhiều phần tổng hợp lại hoặc ghép lại với nhau. Thuộc tánh nầy liên quan với
bản thể của Ngài, để tuyệt đối không mâu thuẫn với sự mặc khải về Ba Ngôi. Nhưng
thuộc tánh nầy cũng nhắc chúng ta nhớ: khi chúng ta xem Đức Chúa Trời như một hữu
thể Ba Ngôi Hiệp Một, thì Ngài là Đấng không thể phân chia, cũng không phải được kết
hợp bởi nhiều thành phần hay nhiều chất, nhiều bản thể.
2. Kinh Thánh. “Đức Chúa Trời là thần” (Gi 4:24). Ngược lại, con người chẳng hạn là
linh và vật chất. Dĩ nhiên trong Sự Nhập Thể, Chúa chúng ta trở nên xác thịt, nhưng
thần tánh của Đấng Thần-Nhân đã luôn luôn và duy chỉ là Thần linh mà thôi.
3. Hệ qua. Tính đơn nhất của Đức Chúa Trời nhấn mạnh sự tự hữu của Ngài (bởi vì
đã không có nguyên nhân đi trước nào để hình thành một hữu thể phức hợp), bảo đảm
cho chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ không phải Thần linh, và cho phép
chúng ta thờ phượng trong tâm linh; có nghĩa là không bằng những phương cách vật
chất.
L. Tể Trị Tối Thượng
1. Ý nghĩa. Từ ngữ nầy có nghĩa là: chính yếu, là chủ cao nhất, là tối cao. Chữ này
nói lên trước hết về địa vị (Đức Chúa Trời là Hữu Thể đứng đầu trong muôn loài vạn
vật), rồi đến uy quyền (Đức Chúa Trời là tối cao về quyền bính trong toàn vũ trụ vạn
vật). Cách Ngài thực thi uy quyền đó được bày tỏ trong Thánh Kinh. Một người cầm
quyền tối cao có thể là một kẻ độc tài (Đức Chúa Trời không như thế), hoặc một người
cầm quyền tối cao có thể thoái thác sử dụng những uy quyền của mình (Đức Chúa Trời
đã không làm vậy). Trên hết, Đức Chúa Trời đang kiểm soát hoàn toàn mọi sự việc, dầu
vậy Ngài có thể chọn để cho một số sự kiện xảy ra theo định luật tự nhiên mà Ngài đã
ban hành.
2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời có một kế hoạch (Cong 15:18) là chương trình bao gồm
tất cả (Eph 1:11) là chương trình do Ngài kiểm soát (Thi 135:6), là chương trình có bao

42
gồm điều ác nhưng không đưa Ngài dự phần vào điều ác (Ch 16:4), và chương trình đó
trên hết là để ca ngợi vinh hiển Ngài (Eph 1:14).
3. Thắc mắc. Quyền tể trị của Chúa dường như mâu thuẫn với sự tự do hoặc trách
nhiệm thực sự của con người. Nhưng dầu có vẻ như thế, sự trọn vẹn của quyền tể trị
được dạy dỗ rõ ràng trong Kinh Thánh, cho nên chúng ta không được phép phủ nhận
chỉ vì cớ mình không thể dung hòa thuộc tánh này với sự tự do hoặc trách nhiệm.
Tương tự, nếu Đức Chúa Trời đang tể trị, làm thể nào tạo vật lại đầy dẫy những điều
ác? Con người đã được tạo dựng có sự tự do thật, nhưng chính việc dùng quyền tự do đó
để chống lại với Đức Chúa Trời đã đưa tội lỗi vào dòng dõi loài người. Dầu Đức Chúa
Trời đã là Đấng Hoạch Định chương trình, Ngài tuyệt đối không hề can dự vào việc làm
ác của Satan thuở ban đầu hoặc việc làm ác của Ađam tiếp sau đó. Dầu Đức Chúa Trời
ghét tội lỗi, nhưng vì những lý do nào đó Chúa không bày tỏ cho chúng ta, tội lỗi hiện
có mặt bởi sự cho phép của Chúa. Tội lỗi phải thuộc trong chương trình đời đời của Đức
Chúa Trời (nếu không Đức Chúa Trời sẽ không tể trị tối cao) ở một mức độ nào đó sao
cho Ngài không phải là tác giả của tội lỗi (nếu không Đức Chúa Trời sẽ không thể thánh
khiết).
Quyền tể trị/ sự tự do hình thành cặp quy luật có vẻ đối lập (antinomy - “một sự
mâu thuẫn giữa hai nguyên tắc có giá trị bình đẳng hiển nhiên như nhau, hoặc giữa
những điều suy luận được rút ra chính xác từ những nguyên tắc như thế”). Tuy nhiên,
những cặp quy luật có vẻ đối lập trong Kinh Thánh chỉ là những điều có vẻ như mâu
thuẫn, không phải là những mâu thuẫn tối hậu. Một là chúng ta có thể chấp nhận
những lẽ thật của một cặp quy luật có vẻ đối lập và rồi sống với chúng, bởi đức tin chấp
nhận điều không thể dung hòa được; hai là cố dung hòa những điều có vẻ mâu thuẫn
trong một cặp quy luật có vẻ đối lập, mà việc này chắc chắn không tránh khỏi nhấn
mạnh quá đáng chân lý nầy đến nỗi bỏ sót hoặc thậm chí phủ nhận cả chân lý kia.
Quyền tể trị tối thượng không được phép loại bỏ ý chí tự do, và ý chí tự do sẽ không
được phép giảm nhẹ quyền tể trị.
M. Chân Thật
1. Ý nghĩa. Chân thật có nghĩa là “nhất trí với điều mà nó đại diện cho” và bao gồm
những ý niệm về tính xác thực, trung tín, và nhất quán. Trong ý nghĩa bao quát nhất,
nói Đức Chúa Trời là chân thật tức là muốn nói Ngài là nhất quán với chính Ngài, Ngài
là toàn bộ những gì Ngài đáng phải có, Ngài đã bày tỏ chính Ngài đúng như Ngài thật
sự vốn có, và Ngài và sự mặc khải của Ngài là hoàn toàn đáng tin cậy.
2. Kinh Thánh. Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất ( Gi 17:3), và vì thế không thể
nói dối (Tit 1:2) và luôn luôn có thể tin cậy được (Ro 3:4; He 6:18).

43
3. Những hệ qua. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, Ngài không thể làm điều gì
không nhất quán với chính Ngài. Những lời hứa của Ngài không bao giờ có thể bị hủy
bỏ hoặc không hoàn thành (xem IITi 2:13), và Kinh Thánh là Lời của Ngài cũng phải
chân thật không chút sai lầm.
N. Hiệp Nhất
1. Ý nghĩa. Sự hiệp nhất có nghĩa là chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng không thể
phân chia ra được.
2. Kinh Thánh. Sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời đã là sự mặc khải chính yếu trong
Thánh Kinh Cựu Ước như được tóm tắt trong tuyên ngôn đức tin Shema trứ danh (lấy
từ chữ đầu “Hãy nghe” trong Phu 6:4). Câu Kinh Thánh nầy có thể được dịch nhiều cách:
“Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai,” nhấn mạnh sự hiệp
nhất của Đức Chúa Trời; hoặc dịch là “Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta, chỉ một mình
Ngài là Chúa” nhấn mạnh tính độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời để phân biệt với các
thần ngoại đạo. Kinh Thánh Tân Ước, dù có mặc khải rõ ràng về Đức Chúa Trời Ba
Ngôi, cũng xác quyết sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời (Eph 4:6; ICo 8:6; ITi 2:5). Điều nầy
có nghĩa là các Thân Vị của Ba Ngôi không phải là những bản thể tách biệt ở bên trong
một bản thể thiên thượng duy nhất. Đức Chúa Trời là Một về số lượng và về tính độc
nhất vô nhị.
Một kết luận quan trọng về những sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời: chúng mô tả Đức
Chúa Trời chân thật duy nhất đang hiện hữu. Con người tự tạo lên cho mình những
thần tượng giả mà họ có thể điều khiển và kiểm soát trên chúng. Cơ đốc nhân đôi khi
dựng lên nhiều khái niệm sai lạc hoặc khiếm khuyết về Đức Chúa Trời cũng vì cùng lý
do đó - để có thể điều khiển, giật dây Ngài, hoặc để mình khỏi phải đối diện với Đức
Chúa Trời chân thật và hằng sống. Nhưng một Đức Chúa Trời thực sự đang hiện hữu là
Đấng được bày tỏ chủ yếu trong Kinh Thánh và được tỏ ra bởi những thuộc tánh hay sự
trọn vẹn này của bản thể Ngài. Để có thể biết Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật
này đòi hỏi phải có phép lạ của sự khải thị đầy ơn của chính Ngài. Đồng bước đi với
Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống trong sự thờ phượng chính là đặc quyền của
người nào biết Ngài.

44
Chương 7: NHỮNG DANH XƯNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Nhiều danh xưng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cung cấp sự mặc khải thêm
về bản tánh Ngài. Đây không phải là những danh xưng suông do con người gán cho,
nhưng hầu hết là sự mô tả của Chúa về chính Ngài. Theo đúng ý nghĩa của từ ngữ,
chúng bày tỏ những khía cạnh của bản tánh Ngài.
Ngay cả khi không dùng đến danh xưng cụ thể nào, sự xuất hiện của cụm từ “Danh
Đức Giêhôva” cũng bày tỏ đôi điều về bản tánh Ngài. Kêu cầu danh Đức Giêhôva tức là
thờ phượng Ngài (Sa 21:33). Lấy danh Đức Giêhôva làm chơi là làm ô danh Ngài (Xu 20:7).
Không tuân theo đòi hỏi của luật pháp là đã xúc phạm danh Ngài ( Phu 21:5). Danh của
Chúa bảo chứng cho sự giũ gìn duy trì dân sự (ISa 12:22).
I. ELOHIM
A. Cách dùng
Từ ngữ elohim xuất hiện trong ý tổng quát nói về thần tánh khoảng 2.570 lần trong
Cựu Ước. Khoảng 2.310 lần là danh của Đức Chúa Trời chân thần. Lần đầu tiên xuất
hiện là trong câu đầu tiên của Kinh Thánh. Chữ này được dùng nói đến những thần giả
dối trong Sa 35:2,4; Xu 12:12; 18:11; 23:24.
B. Ý nghĩa
Ý nghĩa của chữ elohim tùy thuộc vào cách phát sinh từ đó. Một số người hiểu chữ
này đến từ một chữ gốc có nghĩa là sợ hãi và nói lên rằng Thần phải được sợ hãi, tôn
kính hoặc thờ phượng. Một số khác truy nguyên đến một gốc từ có ý nghĩa là “mạnh
mẽ,” nói lên một vị Thần có uy quyền lớn lao. Mặc dù không kết luận dứt khoát, bằng
chứng hiển nhiên dường như muốn nhắm đến chữ phát sinh thứ hai trong trường hợp
của Đức Chúa Trời Chân thần, để biểu thị Ngài là Đấng mạnh mẽ, Đấng Lãnh Đạo đầy
quyền uy, là thần tối cao.
C. Hình Thức Số Nhiều
Elohim - một hình thức ở số nhiều - là đặc trưng riêng biệt của Cựu Ước và không
xuất hiện trong bất cứ ngôn ngữ Semitic nào khác. Nói chung có ba quan điểm về ý
nghĩa của dạng số nhiều này.
1. Đây là một dạng số nhiều đa thần; có nghĩa là từ ngữ này nguyên thủy có ý nói
đến nhiều thần và chỉ về sau mới có ý số ít. Tuy nhiên, thuyết độc thần của Thánh Kinh
Cựu Ước đã được khải thị, chứ không phát triển từ một thuyết đa thần.
2. Đây là một dạng số nhiều tam vị; có nghĩa là vị Thần Tam Vị được thấy, hoặc ít
nhất được gợi ý trong cách dùng của dạng số nhiều nầy. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ
thấy trong chương tiếp theo, muốn kết luận được điều nầy thì bắt buộc phải lý giải khải

45
thị của Tân Ước truy ngược về Cựu Ước. Có lẽ số nhiều nầy cho phép sự khải thị tiếp
theo về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhưng như vậy là hoàn toàn khác với cách nói số nhiều
nầy chỉ ra Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
3. Đây là số nhiều mang tính oai nghiêm. Việc danh từ nầy được sử dụng nhất quán
với những hình thức động từ số ít và với các tính từ cùng các đại danh từ ở dạng số ít
khẳng định điều nầy. Số nhiều về sự oai nghiêm nầy biểu thị sự cao trọng vô biên và
quyền tối thượng của Đức Chúa Trời.
D. Những Mối Tương Quan Của Danh Xưng Nầy
Nếu danh xưng nầy của Đức Chúa Trời có nghĩa “Đấng Mạnh Mẽ,” và diễn ra ở số
nhiều về sự oai nghiêm, thì người ta sẽ chờ đợi chữ nầy được dùng có liên quan với sự
cao trọng và những công việc quyền năng của Ngài.
1. Trong mối liên quan với quyền tể trị tối thượng của Ngài. Elohim được dùng để
mô tả Ngài là “Đức Chúa Trời của cả đất” (Es 54:5) “Đức Chúa Trời của mọi xác thịt” (Gie
32:27) “Đức Chúa Trời của các từng trời” (Ne 2:4), và “Đức Chúa Trời của các thần, Chúa
của các Chúa” (Phu 10:17).
2. Trong mối liên quan với công tác sáng thế của Đức Chúa Trời. Ngài là Elohim,
Đấng đã tạo dựng muôn vật (Sa 1:1; Es 45:18; Gion 1:9).
3. Trong mối liên quan với sự đoán xét của Ngài (Thi 50:6; 58:11).
4. Trong mối liên quan với những công việc quyền năng Ngài làm cho Ysơraên (Phu
5:23; 8:15; Thi 68:7).

E. Những Danh Xưng Ghép.


1. El-Shaddai. Dầu không rõ cách phát sinh chữ nầy, nhưng nguồn gốc được chấp
nhận nhiều nhất là: chữ shaddai có liên kết với một chữ có nghĩa là “núi” trong tiếng
Akkadian. Vì vậy, danh xưng nầy của Chúa mô tả hình ảnh Ngài như một Đấng Toàn
Năng đứng trên ngọn núi. Đây chính là danh xưng mà Chúa dùng để hiện ra với các tổ
phụ, khi Ngài an ủi và khẳng định giao ước với Ápraham (Sa 17:1; 28:3; 35:11; Xu 6:3;
cũng xem Thi 91:1-2). Danh xưng nầy cũng thường được sử dụng liên quan đến việc sửa
phạt dân sự Đức Chúa Trời (Ru 1:20-21).
2. El Elyon. Danh xưng nầy, “Đức Chúa Trời Chí Cao,” nhấn mạnh đến sức mạnh,
quyền tể trị tối thượng, và tính tối cao của Đức Chúa Trời. Chữ nầy được dùng lần đầu
tiên bởi Mênchixêđéc khi chúc phước cho Ápraham (Sa 14:19), dầu vậy, nếu Es 14:14 ghi
lại Satan mưu toan lật đổ quyền tối cao của Đức Chúa Trời, thì đây sẽ là lần sử dụng
chữ nầy trước. Sau những lần xuất hiện sớm nầy, chữ nầy không được dùng mãi đến
khoảng năm 1000 T.C., xuất hiện trở lại trong văn phẩm tiên tri và văn chương trong
thời lưu đày (Thi 9:2; Da 7:18,22,25,27).
46
3. El Olam. Danh xưng nầy có nghĩa “Đức Chúa Trời Đời Đời,” từ một hình thức
nguyên thủy có nghĩa là “Đức Chúa Trời hằng hữu” (Sa 21:33). Chữ nầy nhấn mạnh tính
bất biến của Đức Chúa Trời (Thi 100:5; 103:17) và có liên kết với sức mạnh không thể dò
thấu của Đức Chúa Trời (Es 40:28).
4. El Roi, “Đức Chúa Trời hay đoái xem” (Sa 16:13). Aga đã đặt danh xưng nầy cho
Đức Chúa Trời khi Ngài phán với bà trước lúc Íchmaên ra đời.
II. YAHWEH
Danh xưng cơ bản thứ nhì dành cho Đức Chúa Trời là danh xưng cá nhân, YHWH,
Đức Giêhôva, hay Yahweh. Đây là danh xưng thường được sử dụng nhất, xuất hiện
khoảng 5.321 lần trong Cựu Ước.
A. Nguồn Gốc Của Từ.
Chữ nầy dường như ra từ gốc hawa, là chữ biểu thị hoặc sự thực hữu (như một cây
hễ ngã chỗ nào nó phải ở chỗ đó, Tr 11:3) hoặc sự phát triển (như trong Ne 6:6). Có lẽ có
thể kết hợp cả hai ý trên trong ý nghĩa danh xưng nầy của Đức Chúa Trời bằng cách nói
rằng danh xưng nầy biểu thị Ngài là một Đấng tự hữu và hành động tích cực.
B. Sự Khải Thị Danh Xưng Nầy.
Danh xưng nầy đã được sử dụng bởi Êva (Sa 4:1), dân chúng trong thời Sết (câu 26),
bởi Nôê (9:26), và Ápraham (12:8; 15:2,8). Nhưng ý nghĩa sâu xa của danh xưng nầy đã
được khải thị cho chính Môise. Đức Chúa Trời phán dầu Ngài đã hiện ra cho các tổ phụ,
nhưng vẫn chưa bày tỏ cho họ biết danh xưng Yahweh nầy (Xu 6:3). Người ta chưa biết
ý nghĩa đầy đủ nhất và sâu xa nhất của danh xưng nầy. Sự khải thị nầy đến cho Môise
bên bụi gai cháy, khi Đức Chúa Trời tự xác định “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”
(3:14), với ý chính yếu ấy là Đức Chúa Trời đã hiện diện với dân Ysơraên.
C. Tính Thiêng Liêng Của Danh Nầy.
Vì Yahweh là danh xưng cá nhân của Đức Chúa Trời do Ngài dùng bày tỏ ra cho
Ysơraên biết về Ngài, nên trong thời hậu lưu đày, danh xưng nầy được xem là thiêng
liêng đến nỗi không được phép phát âm. Thay vào đó, người ta thường dùng chữ
Adonai, và vào thế kỷ thứ mười sáu S.C., những nguyên âm của chữ Adonai đã được kết
hợp với những phụ âm YHWH để nhắc cho người đọc trong nhà hội phải phát âm danh
xưng thiêng liêng nầy là Adonai. Từ chữ nầy phát sinh một chữ nhân tạo là Jehovah.
Nhưng toàn bộ điều nầy nhấn mạnh đến sự kính sợ dành cho danh xưng nầy.
D. Ý Nghĩa Của Danh Xưng.
Dường như rất nhiều khía cạnh bao hàm trong ý nghĩa danh xưng Yahweh.

47
1. Nó nhấn mạnh đến sự tự thực hữu bất biến của Đức Chúa Trời. Điều nầy có thể
được xác nhận bởi ngữ nguyên học và bởi cách Chúa dùng Xu 3:14 trong Gi 8:58 để phát
biểu lời tuyên bố Ngài thực hữu đời đời và tuyệt đối.
2. Danh nầy bảo đảm sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Xem Xu 3:12.
3. Danh nầy liên kết với quyền năng Đức Chúa Trời để hành động thay dân Ngài và
để giữ giao ước Ngài với họ, được minh họa và khẳng định bởi công việc giải thoát họ
khỏi xứ Êdíptô (6:6).
E. Những Danh Xưng Ghép Với Danh Nầy.
1. Yahweh Jireh, “Giêhôva Di-rê,” “Đức Giêhôva sẽ có sắm sẵn” (Sa 22:14). Sau khi
Thiên Sứ của Đức Giêhôva chỉ ra con chiên đực để thay thế cho Ysác, Ápraham đã đặt
tên cho địa điểm nầy là “Đức Giêhôva sẽ có sắm sẵn.”
2. Yahweh Nissi, “Giêhôva cờ xí của tôi” (Xu 17:15). Sau khi dân Amaléc bại trận,
Môise dựng một bàn thờ và đặt tên là Yahweh Nissi, “Giêhôva cờ xí của tôi.”
3. Yahweh Shalom, Giêhôva Sa-lam, “Giêhôva bình an” (Cac 6:24).
4. Yahweh Sabbaoth, “Giêhôva vạn quân” (ISa 1:3). Đây là một hình ảnh quân sự, để
mô tả Đức Giêhôva (Yahweh) là Tướng Các Đạo Thiên Binh cũng như đạo binh Ysơraên
(ISa 17:45). Danh hiệu nầy bày tỏ sự toàn năng và quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa
Trời, và thường được các tiên tri (Êsai và Giêrêmi) sử dụng để nhắc nhở dân sự trong
thời kỳ khủng hoảng của đất nước rằng Đức Chúa Trời là Đấng Lãnh Đạo và Đấng Bảo
Vệ họ.
5. Yahweh Maccaddeshcem, “Đức Giêhôva là Đấng làm cho các ngươi Nên Thánh”
(Xu 31:13).
6. Yahweh Roi, “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi” (Thi 23:1).
7. Yahweh Tsidkenu, “Đức Giêhôva sự công bình chúng ta” (Gie 23:6).
8. Yahweh Shammah, “Đức Giêhôva ở đó” (Exe 48:35).
9. Yahweh Elohim Israel, “Giêhôva, Đức Chúa Trời của Ysơraên” (Cac 5:3; Es 17:6).
Nói nghiêm túc thì những danh xưng ghép nầy không phải là những danh xưng bổ
sung thêm của Đức Chúa Trời, nhưng là những tước hiệu thường xuất phát từ những sự
kiện đáng ghi nhớ. Tuy nhiên, chúng có bày tỏ thêm nhiều phương diện nữa về đặc
tánh của Ngài.
III. ADONAI
Giống như danh xưng Elohim, Adonai là dạng số nhiều của sự oai nghiêm. Dạng số
ít có nghĩa là “chúa, thầy, chủ, người sở hữu” (Sa 19:2; 40:1; ISa 1:15). Theo cách nghĩ

48
thường tình, chữ nầy được dùng để chỉ mối tương quan giữa con người với nhau (giống
như chủ và tớ, (Xu 21:1-6). Khi được dùng để chỉ mối tương quan giữa Đức Chúa Trời với
con người, danh xưng nầy truyền đạt ý về thẩm quyền tuyệt đối của Ngài. Giôsuê đã
công nhận thẩm quyền của Tướng Đạo Binh của Đức Giêhôva (Gios 5:14), và Êsai đã
vâng phục thẩm quyền của Đức Giêhôva, Chúa mình (Es 6:8-11). Chữ tương đương trong
Tân Ước là kurios, “chúa.”
IV. ĐỨC CHÚA TRỜI (THEOS).
A. Cách Dùng.
Theos là danh xưng thường xuyên nhất của Đức Chúa Trời trong Tân Ước và là cách
dịch phổ thông nhất trong Bản Bảy Mươi cho chữ Elohim. Hầu như chữ nầy luôn luôn
chỉ đến Đức Chúa Trời có một và thật, dầu đôi khi được dùng chỉ về các thần ngoại giáo
trong những lời lẽ của người ngoại được ký thuật lại, hay được Cơ đốc nhân dùng để
bác bẻ các tà thần nầy (Cong 12:22; 14:11; 17:23; 19:26-27; ICo 8:5; IITe 2:4). Chữ nầy cũng
chỉ về ma quỉ (IICo 4:4) và nhục dục (Phi 3:19). Điều quan trọng nhất ấy là Đức Chúa
Jesus Christ đã được gọi là theos (dầu vậy, một số phân đoạn nầy đã bị tranh luận).
Xem Ro 9:5; Gi 1:1,18; 20:28; và Tit 2:13).
B. Sự Dạy Dỗ.
Cách dùng chữ nầy bày tỏ nhiều lẽ thật quan trọng về Đức Chúa Trời chân thần.
1. Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và duy nhất (Mat 23:9; Ro 3:30; ICo 8:4,6; Ga 3:20; ITi
2:5; Gia 2:19). Lẽ thật căn bản nầy của Do Thái Giáo, tức là sự hiệp một độc nhất của Đức
Chúa Trời, đã được Đấng Christ và hội thánh đầu tiên khẳng định.
2. Ngài là Đấng độc nhất vô nhị. Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất (ITi 1:17), Đức Chúa
Trời chân thật duy nhất (Gi 17:3), là Đấng Thánh duy nhất (Kh 15:4), và là Đấng khôn
ngoan duy nhất (Ro 16:27). Do đó, tín đồ không thể có thượng đế nào khác ngoài Đức
Chúa Trời chân thật có một không hai nầy (Mat 6:24).
3. Ngài là Đấng siêu việt. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Bảo Tồn, và Chúa
của vũ trụ, và Đấng Hoạch Định các thời đại (Cong 17:24; He 3:4; Kh 10:6).
4. Ngài là Đấng Cứu Thế (ITi 1:1; 2:3; 4:10; Tit 1:3; 2:13; 3:4). Ngài đã sai Con Ngài đến
làm Đấng Cứu Chuộc (Gi 3:16) và đã phó Con Ngài chịu chết vì cớ chúng ta (Ro 8:32).
C. Đấng Christ Là Đức Chúa Trời.
Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, được gọi là Đức Chúa Trời trong rất nhiều câu
Kinh Thánh Tân Ước.
1. Nơi Giăng. Sự dạy dỗ của Giăng có trong những phân đoạn sau đây: Gi 1:1,18, có
một số thủ bản diễn đạt ý câu nầy là “Đức Chúa Trời được sanh ra duy nhất"), và có thể

49
xem cách diễn đạt khác thường như vậy là cơ sở để chấp nhận tính xác thực của nó;
20:28, trong câu nầy Thôma đã dùng cả chữ kurios lẫn theos cho Chúa Jesus; và IGi 5:20.

2. Nơi Phaolo. Tit 2:13 dường như là tước hiệu rõ ràng nhất của Đấng Christ với tư
cách Đức Chúa Trời trong các tác phẩm của Phaolô, vì Ro 9:5 đã bị một số người nghi
vấn. Tuy nhiên, quy cụm từ “Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời” cho Đấng Christ
thì đúng về mặt ngôn ngữ học và thích hợp với văn mạch hơn.
V. CHÚA (KURIOS)
A. Cách Dùng.
Trong 717 lần xuất hiện chữ kurios trong Tân Ước, thì đa số thuộc về Luca (210
lần) và Phaolô (275 lần), vì họ đã viết cho những người thuộc về ngôn ngữ và văn hóa
Hylạp.
B. Ý NGHĨA.
Chữ nầy nhấn mạnh đến thẩm quyền và quyền tối cao. Nó có thể mang ý nghĩa là
ngài, chúa (Gi 4:11), người sở hữu (Lu 19:33), chủ (Co 3:22), hoặc chỉ về các hình tượng
(ICo 8:5) hoặc chồng (IPhi 3:6). Khi được dùng để nói Đức Chúa Trời là kurios, chữ nầy
“diễn tả cụ thể tư cách Đấng Tạo Hóa của Ngài, quyền năng của Ngài được bày tỏ ra
trong lịch sử, và sự quản trị công minh của Ngài trên vũ trụ...” (H. Bietenhard, “Lord,”
trong The New International Dictionary of New Testament Theology, chủ biên: Colin
Brown, (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1976), 2:514).
C. Đấng Christ Trong Tư Cách Kurios.
Trong chức vụ tại thế, Đấng Christ đã được tôn xưng là Chúa, với ý nghĩa là thầy
(Rabbi) hoặc Chúa (tôn ông) (Mat 8:6). Thôma đã quy trọn vẹn Thần Tánh cho Ngài khi
tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Gi 20:28). Sự phục sinh của Đấng
Christ và sự tôn Ngài lên cao bên hữu Đức Chúa Trời đã đặt Ngài vào địa vị Chúa của
vũ trụ (Cong 2:36; Phi 2:11). Nhưng “đối với một Cơ đốc nhân thời kỳ đầu tiên vốn đã
quen đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chữ “Chúa” khi được đem dùng cho Đức Chúa Jesus thì
sẽ gợi ý đến sự nhận diện chính Ngài là một với Đức Chúa Trời của Cựu Ước.” (S.E.
Johnson, “Lord (Christ),” The Interpreter's Dictionary of the Bible (New York:
Abingdon, 1976,3:151). Đối với một câu Kinh Thánh như Ro 10:9, điều nầy có nghĩa “bất
cứ người Dothái nào công khai tuyên xưng Jesus người Naxarét là “Chúa,” thì người ta
sẽ hiểu người ấy quy bản chất và các thuộc tánh thiên thượng cho Ngài” (William G.T.
Shedd, Romans (New York: Scribner, 1879, trang 318). Như vậy, bản chất của đức tin
Cơ đốc chính là công nhận Jesus người Naxarét chính là Yahweh của Cựu Ước.
VI. CHỦ (DESPOTES)
A. Ý Nghĩa.
50
Chữ nầy hàm ý tư cách sở hữu chủ, trong khi chữ kurios nhấn mạnh đến thẩm
quyền và quyền tối cao.
B. Cách Dùng.
Đức Chúa Trời được tôn xưng là Đấng cai trị có quyền hạn vô biên (Bản Việt Ngữ
cũng ghi là “Chúa,” - Despot) trong lời cầu nguyện của Simêôn (Lu 2:29), của Phierơ và
những người cùng ở với ông (Cong 4:24), và bởi những người tuận đạo trên thiên đàng
(Kh 6:10).
Có hai lần Đấng Christ được gọi là Đấng Quyền Hạn Vô Biên (hay Đấng Chủ Tể)
(IIPhi 2:1; Giuđe 4).
VII. CHA
Một trong những khải thị đặc trưng của Tân Ước là sự khải thị Đức Chúa Trời là
Cha của từng con người. Trong khi chữ “Cha” được dùng chỉ về Đức Chúa Trời chỉ có 15
lần trong Cựu Ước, thì chữ “Cha” xuất hiện trong Tân Ước đến 245 lần. Với tư cách là
Cha, Ngài ban cho con cái Ngài ân điển và bình an (một lời chào thăm đều đặn trong
các sách thơ tín; chẳng hạn như Eph 1:2; ITe 1:1), mọi ân tứ tốt lành (Gia 1:17), và thậm
chí còn ban các điều răn nữa (IIGiăng 4). Chúng ta cũng thưa với Ngài là Cha khi cầu
nguyện (Eph 2:18; ITe 3:11).
Tóm lại, một danh xưng trong thời Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một sự nhận
diện; danh xưng còn mang tính mô tả người mang danh xưng đó, thường là để bày tỏ ra
một số đặc trưng nào đó của một con người. “Hỡi Đức Giêhôva là Chúa chúng tôi, Danh
Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao!” (Thi 8:1,9).

51
Chương 8: BA NGÔI HIỆP NHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đương nhiên, Đức Chúa Trời Ba Ngôi không phải là một từ ngữ của Kinh Thánh.
Những chữ Ba Ngôi Hiệp Một, Ba Ngôi, thuộc về ba ngôi, bản thể, thể yếu cũng không
phải là những từ ngữ của Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta dùng chúng, và thường là
rất hữu ích, để cố gắng diễn tả giáo lý nầy - một giáo lý đầy dẫy những điều khó hiểu.
Hơn nữa, đây là giáo lý không tỏ tường trong Tân Ước, dẫu người ta thường nói giáo lý
nầy được hàm ý bóng gió trong Cựu Ước và được diễn đạt rõ ràng trong Tân Ước.
Nhưng tính từ “được diễn đạt rõ ràng” (explicit) với ý nghĩa “được đặc trưng bởi sự diễn
đạt đầy đủ, rõ ràng” thật khó mà áp dụng được cho giáo lý nầy. Dầu vậy, giáo lý này ra
từ Kinh Thánh, nên đó là sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
I. ĐÓNG GÓP CỦA CỰU ƯỚC.
Rõ ràng, Cựu Ước nhấn mạnh tính có một không hai của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên,
có những gợi ý rõ ràng rằng có nhiều Ngôi Vị trong bản thể Đức Chúa Trời. Do đó,
người ta chắc có thể nói Cựu Ước chứa đựng nhiều lời gợi ý mà chúng có tính đến sự
khải thị sau nầy về Ba Ngôi hiệp một của Đức Chúa Trời. Đây là những gợi ý nào?
A. Tính Duy Nhất Của Đức Chúa Trời.
Tuyên ngôn đức tin Shema nổi tiếng trong Phu 6:4 (mà nó đã trở thành lời tuyên
xưng đức tin căn bản của Do Thái Giáo) dạy về sự có một không hai của Đức Chúa Trời.
Có thể dịch câu nầy là: “Giêhôva, Đức Chúa Trời của chúng ta, là Đức Giêhôva có một,”
hoặc: “Đức Giêhôva là Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giêhôva là Đấng Có Một,” hoặc
“Đức Giêhôva là Đức Chúa Trời của chúng ta, chỉ một mình Đức Giêhôva mà thôi.” Cách
dịch cuối nầy nhấn mạnh đến tính độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời hơn là tính hiệp
nhất, nhưng hàm ý sự có một mà thôi bằng cách loại bỏ đa thần thuyết. Những phân
đoạn khác như là Xu 20:3; Phu 4:35; 32:29; Es 45:14; và 46:9 khăng khăng đòi hỏi lòng
trung thành của Ysơraên đối với Đức Chúa Trời có một nầy.
B. Những Từ Ngữ Ở Dạng Số Nhiều.
Chúng ta đã gợi ý rồi rằng danh xưng ở dạng số nhiều dành cho Đức Chúa Trời,
Elohim, biểu thị sự cao trọng, vĩ đại vô biên và quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Nếu
dựa vào chính danh xưng nầy để kết luận về tình trạng số nhiều của Đức Chúa Trời thì
sẽ không có kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời nói về chính Ngài bằng
những đại từ số nhiều (Sa 1:26; 3:22; 11:7; Es 6:8) và những động từ ở dạng số nhiều (Sa
1:26; 11:7), thì việc đó dường như chỉ ra những sự phân biệt các Ngôi Vị, dầu vậy chỉ là
tình trạng có số nhiều, chứ không nói cụ thể là có Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
C. Thiên Sứ Của Đức Giêhôva.

52
Dầu danh hiệu nầy có thể chỉ về bất kỳ thiên sứ nào của Đức Chúa Trời ( ISu 19:7; đối
chiếu c.5), nhưng đôi khi Thiên Sứ nầy được nói đến như là Đức Chúa Trời, song được
phân biệt với Đức Chúa Trời (Sa 16:7-13; 18:1-21; 19:1-28; Ma 3:1). Điều nầy chỉ ra những
sự khác biệt về ngôi vị bên trong bản thể Đức Chúa Trời. Vì Thiên Sứ nầy được gọi là
Đức Chúa Trời, nên hầu như Ngài không thể nào chỉ là một tiên tri, hoạt động trước các
thời tiên tri giống như các tiên tri trong thời kỳ sau đó (như Edmond Jacob gợi ý trong
The Theology of Old Testament (New York: Harper & Row, 1958), trang 75-77).
D. Sự Phân Biệt Các Ngôi Vị.
Một số những phân đoạn dường như có phân biệt các Ngôi Vị bên trong bản thể
Đức Chúa Trời.
1. Đức Giêhôva được phân biệt với Đức Giêhôva (Sa 19:24; Os 1:7).
2. Đấng Cứu Chuộc (chắc chắn phải là Đấng thiên thượng) được phân biệt với Đức
Giêhôva (Es 59:20).
3. Thần được phân biệt với Đức Giêhôva (Es 48:16; 59:21; 63:9-10). Trong những câu
Kinh Thánh nầy, “Thần” là một đấng có thân vị và đang hành động.
E. Sự Khôn Ngoan Của Đức Chúa Trời (?).
Nhiều nhà thần học (Berkhof, Payne, Thiessen) xem sự nhân cách hóa cho sự khôn
ngoan trong Ch 8:12-31 là để chỉ về Đấng Christ, và như thế, đây là một dấu hiệu của
Cựu Ước chỉ về sự tồn tại của một Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Tuy nhiên, dường như đúng
hơn nên hiểu phân đoạn nầy không nhằm phác họa về Đấng Christ, nhưng để mô tả
đặc tánh đời đời của sự khôn ngoan với tư cách một thuộc tánh của Đức Chúa Trời (xem
Louis Goldberg, “Wisdom,” Theological Wordbook of the Old Testament (Chicago:
Moody, 1980), 1:283).
Vậy chúng ta sẽ đánh giá thế nào về đóng góp của Cựu Ước cho giáo lý nầy?
Berkhof kết luận có “sự tiên liệu rõ ràng” (Systematic Theology, trang 86) về một khải
thị đầy đủ hơn trong Tân Ước, nhưng cách dùng chữ “rõ ràng” nầy có thể khiến câu đó
trở thành phép cường điệu. Kết luận của Payne chính xác hơn, nói rằng Cựu Ước chứa
đựng “những gợi ý đích thực về các Ngôi Vị hợp nên bản thể Đức Chúa Trời” (trang
166). Chúng ta cũng có thể đánh giá thế nầy: giáo lý nầy chỉ tồn tại trong Cựu Ước dưới
dạng cơ sở để giúp phát triển về sau mà thôi. Nếu không nhờ sự nở hoa của giáo lý nầy
trong Tân Ước, thì từ một mình Cựu Ước, không biết liệu chúng ta có biết nổi những hạt
giống đó là gì không nữa.
II. ĐÓNG GÓP CỦA TÂN ƯỚC.
Dầu Tân Ước không có câu tuyên bố tỏ tường nào về giáo lý ba ngôi hiệp một của
Đức Chúa Trời, (vì IGi 5:7 dường như không phải là một phần trong bản văn đích thực
53
của Kinh Thánh), nhưng Tân Ước có chứa rất nhiều bằng chứng. Bằng chứng đó phân
ra thành hai tuyến: tuyến bằng chứng quả quyết chỉ có một Đức Chúa Trời chân thần
có một không hai, và một tuyến bằng chứng khác trình bày cả Đức Chúa Jesus, là Con
Người, lẫn Đức Thánh Linh đều tuyên bố chính Ngài là Đức Chúa Trời. Nhấn mạnh sự
có một không hai mà bỏ qua tính có ba ngôi thì dẫn đến Duy Nhất Thần Thuyết. Nhấn
mạnh tính có ba ngôi vị mà bỏ qua tính có một không hai thì dẫn đến Tam Thần Thuyết
(như trong đạo Mormon vậy). Chấp nhận cả hai thì đưa đến giáo lý Ba Ngôi Hiệp Một
của Đức Chúa Trời.
A. Bằng Chứng Cho Tính Có Một Không Hai.
Giống như Cựu Ước, Tân Ước cũng xác quyết chỉ có một Đức Chúa Trời chân thần.
Những phân đoạn như ICo 8:4-6; Eph 4:3-6; và Gia 2:19 nói rõ ràng vấn đề nầy.
B. Bằng Chứng Cho Tính Có Ba Ngôi Vị.
1. Đức Chúa Cha được công nhận là Đức Chúa Trời. Vấn đề nầy không hề bị đem ra
tranh luận, và có rất nhiều phân đoạn dạy điều nầy (Gi 6:27; IPhi 1:2).
2. Đức Chúa Jesus Christ được công nhận là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã tuyên bố
có những thuộc tánh mà duy chỉ có Đức Chúa Trời mới có, chẳng hạn như sự toàn tri
(Mat 9:4), toàn năng (28:18), toàn tại (câu 20). Ngài làm những việc mà chỉ một mình Đức
Chúa Trời mới làm được (và dân chúng thời của Ngài đã công nhận điều nầy, tuy đôi
khi miễn cưỡng), như là tha tội (Mac 2:1-12), và kêu kẻ chết sống lại (Gi 12:9). Hơn nữa,
Tân Ước đem những công việc khác nữa mà chỉ Đức Chúa Trời mới làm được để qui cho
Chúa Jesus Christ, chẳng hạn như việc bảo tồn, nâng đỡ mọi vật ( Co 1:17), sự sáng tạo
(Gi 1:3), và sự đoán xét mọi người trong tương lai (5:27).
Cụm từ cuối trong Gi 1:1 liên hệ thần tánh thật và đầy trọn với Ngôi Lời (Đấng
Christ). Cụm từ nầy được dịch đúng nhất là “Ngôi Lời đã là Đức Chúa Trời.” Phép giải
kinh nhất quán sẽ không chấp nhận cách dịch của Chứng Nhân Giêhôva: “Ngôi Lời đã
là một Đức Chúa Trời (vị thần)” (có mạo từ bất định). Chữ “Đức Chúa Trời” không có
mạo từ đi kèm, nhưng nếu phải hiểu như một từ bất định (an indefinite) ("một vị thần
nào đó"), thì đây sẽ là lần duy nhất dùng hình thức nầy trong sách Tin Lành Giăng,
khiến càng không thể có những cơ sở văn phạm chứng minh ở đây là từ bất định. Hẳn
Giăng đã không còn chọn cách nào chính xác hơn thế để diễn tả những lẽ thật rằng
Ngôi Lời đã là Đức Chúa Trời song Ngài còn khác biệt với Đức Chúa Cha.
3. Đức Thánh Linh được công nhận là Đức Chúa Trời. Ngài được gọi là Đức Chúa
Trời (Cong 5:3-4), Ngài có những thuộc tánh mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có, như
toàn tri (ICo 2:10) và toàn năng (6:19), và Ngài tái sanh con người (Gi 3:5-6,8), một công
việc duy chỉ Đức Chúa Trời mới làm được.

54
C. Bằng Chứng Cho Ba Ngôi Hiệp Một.
Mat 28:19 trình bày hay nhất về cả sự độc nhất vô nhị lẫn tính có ba ngôi vị bằng
cách liên kết bình đẳng ba ngôi vị và hiệp nhất ba ngôi vị nầy chỉ trong một danh xưng
ở dạng số ít. Những phân đoạn khác như là Mat 3:16-17 và IICo 13:14 liên hệ bình đẳng ba
ngôi vị nhưng không nhấn mạnh đến tính độc nhất vô nhị và hiệp một như trong Mat
28:19.

III. MỘT SỐ KHẢO SÁT VỀ ĐỊNH NGHĨA.


Không phải dễ thiết lập định nghĩa về Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Có một số định nghĩa
dùng cách phát biểu rất nhiều định đề. Những định nghĩa khác thì sai lầm hoặc trong
phương diện tính độc nhất vô nhị, hoặc trong phương diện tính ba ngôi vị. Một trong
những định nghĩa đúng nhất, hay nhất là định nghĩa của Warfield: “Chỉ có một Đức
Chúa Trời chân thật và duy nhất có một không hai, nhưng ở trong sự hiệp một của bản
thể Đức Chúa Trời thì có ba Ngôi Vị đồng bình đẳng và cùng đời đời như nhau, có cùng
bản thể (substance) như nhau nhưng khác nhau trong tình trạng hiện hữu thiết yếu để
trở thành cá thể (subsistence)” (B. B. Warfield, “Trinity,” The International Standard
Bible Encyclopaedia, soạn giả: James Orr (Grand Rapids: Eerdmans, 1930,5:3012). Chữ
“các Ngôi Vị” có thể gây hiểu lầm như là đã có ba Cá Thể trong bản thể Đức Chúa Trời,
nhưng còn chữ nào khác diễn đạt thỏa đáng hơn? Chữ “bản thể” cũng có thể quá mang
tính duy vật; có người thích dùng chữ “thể yếu” (essence) hơn. Nhiều người sẽ không
biết ý nghĩa của chữ “tình trạng hiện hữu thiết yếu để trở thành cá thể” (subsistence),
nhưng tự điển có thể giải quyết vấn đề nầy ("sự hiện hữu thiết yếu").
Nói cách tích cực, định nghĩa nầy khẳng định rõ ràng cả tính có một không hai lẫn
tính ba ngôi vị, và cẩn thận duy trì tính bình đẳng và tính đời đời của Ba Ngôi. Dẫu chữ
“ngôi vị” chưa phải là chữ đúng nhất, nhưng ngăn ngừa Hình Thức Thuyết (modalism)
và đương nhiên, cụm từ “có cùng bản thể như nhau” (hoặc có lẽ hay hơn sẽ là: “thể
yếu") đã chống lại Tam Thần Thuyết (tritheism). Toàn bộ thể yếu không phân chia của
Đức Chúa Trời đều thuộc về mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi một cách bình đẳng.
Gi 10:30: “Ta với Cha là một,” đã phát biểu tuyệt vời cho sự quân bình giữa tính khác
biệt của các ngôi vị với tính hiệp nhất thể yếu. “Ta với Cha” phân biệt rõ ràng hai ngôi
vị và động từ “Chúng ta là,” cũng là động từ ở dạng số nhiều. Nhưng Chúa phán:
“Chúng Ta Là Một,” và chữ “một” là chữ trung tính; điều nầy có nghĩa là một trong bản
tánh hay thể yếu, nhưng không phải là một Ngôi Vị (là điều buộc sẽ đòi hỏi một chữ ở
giống đực). Vì thế, Chúa đã phân biệt chính Ngài với Đức Chúa Cha song đã tuyên bố
sự hiệp nhất và sự bình đẳng với Đức Chúa Cha.
Trong truyền thống, khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã được xem xét từ: (a)
góc độ bản thể luận và (b) góc độ phương thức kế hoạch hoạt động (economical) hoặc

55
quản trị. Giáo lý Ba Ngôi về mặt bản thể luận tập trung vào những sự vận hành cá nhân
của các ngôi vị hay opera ad intra (các công việc ở bên trong), hay những thuộc tánh cá
nhân để dựa vào đó phân biệt các Ngôi Vị. Điều nầy liên quan với sự phát sanh (mối
liên quan của người con với người cha hay việc sanh ra) và sự lưu xuất (hay sự ra từ)
nhằm cố gắng chỉ ra một trật tự hợp lý bên trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi nhưng tuyệt
đối không ám chỉ đến sự bất bình đẳng, tính ưu tiên về thời gian, hay các mức độ đáng
tôn kính. Sự phát sanh hay sự lưu xuất diễn ra bên trong Hữu Thể Đức Chúa Trời, và
không hề kèm theo ý diễn tả tính thấp kém hơn về thể yếu. Do đó, xét về mặt bản thể,
có thể nói như sau về các Ngôi Vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi: (1) Đức Chúa Cha sanh
Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh lưu xuất ra từ chính Đức Chúa Cha, dầu vậy Đức
Chúa Cha không hề được sinh ra cũng chẳng hề được lưu xuất ra. (2) Đức Chúa Con
được sanh ra và Đức Thánh Linh lưu xuất ra từ chính Ngài, nhưng Đức Chúa Con
không sanh ra cũng không lưu xuất ra từ ngôi vị nào. (3) Đức Thánh Linh lưu xuất ra từ
cả Đức Chúa Cha lẫn Đức Chúa Con, nhưng Ngài không hề sinh ra ngôi vị nào, mà cũng
không ngôi vị nào lưu xuất ra từ Ngài.
Tôi đồng ý với Buswell (Systematic Theology of the Christian Religion, trang I:105-
112) rằng sự phát sanh không phải là một giáo lý phát xuất từ cơ sở giải kinh. Tuy
nhiên, khái niệm mà chữ nầy cố gắng truyền đạt không phải là phi Kinh Thánh, và
đương nhiên giáo lý về tư cách Đức Chúa Con là giáo lý Kinh Thánh. Cụm từ “sự phát
sanh đời đời” chỉ là một nỗ lực để mô tả mối liên hệ Đức Chúa Cha - Đức Chúa Con
trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, và dùng chữ “đời đời” để bảo vệ mối quan hệ nầy khỏi sự
bất bình đẳng hay trình tự thời gian. Nhưng dầu muốn dùng ý kiến về sự phát sanh đời
đời hay không đi nữa, thì vẫn bắt buộc phải khẳng định mối liên hệ cá nhân, đời đời và
đồng bình đẳng của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Ít nhất sự phát sinh đời đời cũng
đã được căn cứ vào Thi 2:7.
Sự lưu xuất (ra từ) dường như là khái niệm mang tính Kinh Thánh nhiều hơn, dựa
vào Gi 15:26. Berkhof định nghĩa sự lưu xuất như là “hành động đời đời và cần thiết của
Ngôi Thứ Nhất và Ngôi Thứ Hai trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, để bởi đó Họ trở thành cơ
sở của một sự tồn tại có ngôi vị của Đức Thánh Linh bên trong Hữu Thể Thiên Thượng
nầy, và đặt Ngôi Thứ Ba trong sự lưu xuất của toàn bộ thể yếu thiên thượng, không có
sự phân chia, xa cách hay sự thay đổi nào” (Systematic Theology, trang 97). Ý về sự lưu
xuất đời đời phải phụ thuộc sát vào thì hiện tại của chữ “lưu xuất” (“ra từ”) trong Gi
15:26, một điểm nhấn mạnh mà theo tôi đánh giá thì đã bị đặt sai chỗ. Câu Kinh Thánh
nầy thực sự dường như không thuật lại bất cứ điều gì về những mối liên hệ hỗ tương
đời đời bên trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhưng trái lại là việc mà Đức Thánh Linh sẽ
làm để tiếp tục công tác của Đức Chúa Jesus Christ sau khi Ngài thăng thiên.

56
Khái niệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi về mặt kế hoạch quản lý (economical) thì quan
tâm đến sự quản trị, quản lý các hành động của các ngôi vị, hay opera ad extra ("những
công việc ở bên ngoài,” có nghĩa là trong sự sáng tạo và những tạo vật của sự sáng tạo
đó). Đối với Đức Chúa Cha, khái niệm nầy bao gồm những công việc chọn lựa ( IPhi 1:2),
yêu thương thế gian (Gi 3:16), và ban các ơn phước tốt lành (Gia 1:17). Đối với Đức Chúa
Con, điều nầy nhấn mạnh sự chịu thương khó của Ngài (Mac 8:31), công tác cứu chuộc
(IPhi 1:18), và nâng đỡ mọi vật (He 1:3). Đối với Đức Thánh Linh, điều nầy tập trung vào
những công tác đặc thù của Ngài là tái sanh (Tit 3:5), ban quyền năng (Cong 1:8), và
thánh hóa (Ga 5:22-23).
Thậm chí với toàn bộ cố gắng để thảo luận và phác họa về Đức Chúa Trời Ba Ngôi,
chúng ta vẫn phải công nhận rằng: phân tích tận tường thì đây vẫn là sự mầu nhiệm.
Chúng ta chấp nhận toàn bộ dữ liệu nầy là lẽ thật, dầu chúng vượt quá sức hiểu biết
của chúng ta.
IV. MINH HỌA VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI
Không minh họa nào có thể diễn đạt hết mọi điều trong khải thị Kinh Thánh về Đức
Chúa Trời Ba Ngôi. Hầu hết các minh họa may lắm cũng chỉ là những điểm tương đồng
với ý “ba ngôi trong một.”
Một biểu đồ phổ thông nhằm minh họa hình ảnh Đức Chúa Trời là một nhưng cũng
cho thấy mỗi Ngôi Vị là Đức Chúa Trời và mỗi ngôi cũng khác biệt nhau.
Nước có thể minh họa “ba trong một” vì giữ lại được những hoạt tính hóa học của
nó dầu ở dạng rắn, hơi, hay lỏng. Cũng có một điểm bộ ba mà tại đó tình trạng nước đá,
hơi nước và nước dạng lỏng đồng tồn tại trong trạng thái cân bằng. Cả thảy đều là nước
nhưng khác biệt với nhau.
Mặt trời, ánh sáng và năng lượng mặt trời cũng có thể giúp minh họa Đức Chúa Trời
Ba Ngôi (The Pilgrim Bible (New York: Oxford, 1948 trang ix-x). Chưa hề có ai thực sự
nhìn thấy mặt trời, cũng như chưa hề có ai thấy Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta
biết rất nhiều về mặt trời nhờ nghiên cứu ánh sáng mặt trời, cũng như chúng ta biết về
Đức Chúa Cha qua Đức Chúa Jesus, tức là Đấng chiếu ra vinh hiển của Cha ( He 1:3).
Chúng ta nhìn thấy năng lượng của mặt trời khi nó tham gia vào sự lớn lên của hạt
giống và cỏ cây, và khi được hỏi điều gì khiến sự vật phát triển, chúng ta trả lời là
chính nhờ mặt trời. Đức Thánh Linh cũng giống với năng lượng của mặt trời, và Ngài là
Đức Chúa Trời.
Dầu những minh họa nầy có những điểm hữu dụng hoặc những giới hạn nào đi
nữa, thì chúng ta nhắc lại lần nữa: chúng ta đang đối diện với một lẽ mầu nhiệm.
V. KHẢO CỨU LỊCH SỬ GIÁO LÝ BA NGÔI

57
A. Duy Nhất Thần Thuyết (Monarchianism).
Các giáo phụ của Hội Thánh đầu tiên không tuyên bố điều nào về giáo lý Đức Chúa
Trời Ba Ngôi. Có người không nói rõ về Logos, và hầu hết không lưu ý về Đức Thánh
Linh, ngoại trừ nhắc đến công tác của Ngài trong đời sống tín đồ. Để trả lời Praxeus,
Tertullian (vào khoảng 165-220 S.C.) đã khẳng định phương diện Ba Ngôi của Đức
Chúa Trời, và là người đầu tiên dùng chữ Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Tuy nhiên, ông chưa
hiểu biết đầy đủ và chính xác về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nên quan điểm của ông đã
mang ảnh hưởng của Hạ Thuộc Thuyết (subordinationism).
Tertullian đã phản bác phái Duy Nhất Thần Thuyết, tức phái ủng hộ tính có một
không hai của Đức Chúa Trời và phủ nhận Tam Vị Thuyết. Duy Nhất Thần Thuyết tồn
tại dưới hai hình thức.
1. Duy Nhất Thần Động Lực Thuyết (Dynamic Monarchianism hay Dưỡng Tử
Thuyết “Adoptionism” - Thuyết Nhận làm Con). Thuyết nầy được đề xướng đầu tiên bởi
Theodotus ở Byzantium vào khoảng năm 210 S.C. và xem Đức Chúa Jesus là một con
người đã được Đức Thánh Linh ban quyền năng đặc biệt tại lúc chịu phép Báptêm.
2. Duy Nhất Thần Hình Thức (Modalistic Monarchianism). Thuyết nầy có nhiều ảnh
hưởng hơn, nhằm nỗ lực duy trì không những tính có một của Đức Chúa Trời mà còn cả
thần tính đầy trọn của Đấng Christ, bằng cách khẳng định Đức Chúa Cha đã nhập thể
trong Đức Chúa Con. Ở Tây Giáo Hội, thuyết nầy được gọi là Patripassianism (thuyết
Đức Chúa Cha đồng chịu thương khó với Đức Chúa Con), vì Cha nhập thể cũng đã chịu
khổ trong Con; và trong Đông Giáo Hội được gọi là thuyết Sabellianism theo tên người
đại diện nổi tiếng nhất của thuyết nầy, là người dạy rằng các ngôi vị trong bản thể Đức
Chúa Trời là những phương thức Đức Chúa Trời dùng để biểu hiện chính Ngài. Dầu
dùng chữ “các Ngôi Vị,” nhưng Sabellius dùng để nói đến vai trò hay biểu hiện của một
thể yếu thiên thượng duy nhất.
B. Thuyết Arius (Arianism).
Arius (vào khoảng 250-336), một trưởng lão phản bác Tam Vị Thuyết ở Alexandria,
đã phân biệt một Đức Chúa Trời đời đời duy nhất với Đức Chúa Con, tức Đấng được
phát sanh bởi Đức Chúa Cha và như thế Con đã có một khởi đầu. Ông cũng dạy rằng
Thánh Linh là điều trước tiên đã được dựng nên bởi Đức Chúa Con, vì mọi vật đều đã
được dựng nên bởi Đức Chúa Con. Ông hậu thuẫn quan điểm của mình bằng những
phân đoạn Kinh Thánh dường như mô tả Đức Chúa Con là thấp kém hơn Đức Chúa Cha
(Mat 28:18; Mac 13:32; ICo 15:28). Arius đã bị phản đối bởi Athanasius (vào khoảng 296-
373), là người tuy bênh vực tính có một không hai của Đức Chúa Trời, nhưng vẫn phân
biệt ba bản tánh cơ bản trong Đức Chúa Trời, và xác quyết Đức Chúa Con có đồng bản
thể với Cha. Athanasius dạy rằng Đức Chúa Con đã được phát sanh, nhưng đây là một

58
hành động đời đời và bên trong nội bộ của Đức Chúa Trời, trái với cách của Arius là
người đã bác bỏ sự phát sanh đời đời. Khi Giáo Hội Nghị Nicea được triệu tập để giải
quyết cuộc tranh luận, Athanasius và người theo ông muốn Giáo Hội Nghị phát biểu
rằng Đức Chúa Con có cùng một bản thể (homoousios) như Đức Chúa Cha, trong khi
một nhóm người ôn hòa đông hơn gợi ý nên thay bằng chữ omoiousios ("có bản thể
tương tự"). Những người hoàn toàn theo phái Arius nói Đức Chúa Con có một bản thể
khác (“heteroousios”). Hoàng đế Constantine cuối cùng đứng về phe Athanasius để
đem lại bản tuyên bố rõ ràng và không lập lờ của Bản Tín Điều Nicene rằng: Đức Chúa
Jesus Christ đã có cùng một bản thể với Đức Chúa Cha (homoousios).
Còn về phần Thánh Linh, bản Tín Điều chỉ nói đơn thuần: “Tôi tin Đức Thánh Linh.”
Tuy nhiên, trong các bài dạy của mình, chính Athanasius vẫn cho rằng Đức Thánh Linh
cũng giống như Đức Chúa Con, Thánh Linh có cùng bản thể với Đức Chúa Cha. Sau
Giáo Hội Nghị Nicea, rất nhiều tư liệu đã được lưu hành trong thế kỷ thứ tư, và phe
Arians được mến mộ - một phần do ảnh hưởng của vua Constantius (kế vị Constantine),
là vị vua ủng hộ Arius.
Trong nửa cuối thế kỷ thứ tư, ba nhà thần học từ vùng Cappadocia phía đông Tiểu
Á đã định hình rõ ràng cho giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi và đánh bại thuyết Arianism.
Những vị nầy là Basil xứ Caesarea (Sêsarê), em của ông là Gregory xứ Nyssa, và bạn
thiết của Basil là Gregory xứ Nazianzus. Họ có công làm sáng tỏ từ vựng liên quan đến
giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, bằng cách dùng chữ ousia chỉ về một thể yếu của Đức
Chúa Trời và chữ hypostasis để chỉ về các Ngôi Vị. Điểm nhấn mạnh của họ vào ba bản
tánh cơ bản trong một Đức Chúa Trời đã giúp bản Tín Điều Nicene khỏi bị những người
theo phái ôn hòa nghi là thiên về thuyết Sabellianism. Họ cũng đã bảo vệ mạnh mẽ tính
homoousios của Đức Thánh Linh.
C. Giáo Hội Nghị Constantinople (381).
Năm 373, một nhóm người do Eustath lãnh đạo gọi là nhóm Pneumatomachians
(“Những Chiến Binh Chống Thánh Linh”) đã xem cả Đức Chúa Con lẫn Đức Thánh Linh
đều chỉ có bản thể giống với Đức Chúa Cha (một số người phái ôn hòa thực sự có khẳng
định tính đồng bản thể của Đức Chúa Con). Cuộc tranh luận lan rộng đến đỗi hoàng đế
Theodosius triệu tập Giáo Hội Nghị tại Constantinople, gồm 150 giám mục chánh thống
đại diện cho Đông Giáo Hội. Dưới sự hướng dẫn của Gregory ở Nazianzus, Giáo Hội
Nghị đưa ra tuyên bố sau về Đức Thánh Linh: “Và chúng tôi tin Đức Thánh Linh, là
Chúa, Đấng ban sự sống, tức Đấng ra từ Đức Chúa Cha, Đấng đáng được tôn vinh hiển
cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và là Đấng đã phán truyền qua các tiên tri.”
Dầu Bản Tín Điều nầy tránh dùng từ “có cùng bản thể,” là từ đã dùng để nói về Đấng
Christ trong bản Tín Điều Nicene, nhưng bài tín điều nầy đã mô tả công tác của Đức
Thánh Linh bằng những từ ngữ không thể dùng cho bất cứ loài thọ tạo nào. Bởi đó, bài

59
tín điều nầy giải quyết xong vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh, dầu vậy vẫn chưa
phải là tuyên ngôn hoàn toàn thỏa đáng, vì đã không dùng chữ omoousios để chỉ về
Thánh Linh, và đã không xác định rõ mối quan hệ của Thánh Linh với hai Ngôi Vị kia.
D. Augustine (354-430).
1. Tác Phẩm De Trinitate. Tuyên ngôn về giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Tây
Giáo hội đã được trình bày chung kết trong tác phẩm nầy của Augustine. Trong chuyên
luận nầy, ông nói mỗi ngôi vị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều có trọn toàn bộ thể yếu,
và cả ba ngôi đều phụ thuộc lẫn nhau. Dầu ông vẫn chưa thỏa lòng khi dùng chữ “các
Ngôi Vị” để biểu thị ba bản tánh cơ bản, nhưng đã dùng chữ đó “để khỏi phải nín lặng.”
Ông cũng dạy rằng Đức Thánh Linh lưu xuất từ cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
2. Cuộc tranh luận của phái Pelagian (431). Augustine cũng nhấn mạnh đặc biệt ân
điển hiệu nghiệm (efficacious grace) là công tác của Đức Thánh Linh. Điều nầy không
những ảnh hưởng sâu rộng đến giáo lý của ông về con người và tội lỗi, song còn ảnh
hưởng đến giáo lý của ông về Đức Thánh Linh nữa.
E. Giáo Hội Nghị Toledo (589).
Tuy các nhà thần học Tây Giáo hội nói chung ủng hộ quan điểm Đức Thánh Linh ra
từ cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, nhưng quan điểm nầy vẫn chưa được tuyên bố
chính thức mãi đến khi mệnh đề filioque ("và Đức Chúa Con") được thêm vào Bản Tín
Điều Constantinople tại Giáo Hội Nghị Toledo. Đông Giáo Hội không hề chấp nhận
quan điểm nầy, tuyên bố đó là tà giáo, rồi tách ra thành hai nhóm mãi đến ngày nay.
Photius, giáo phụ ở Constantinople và đối thủ của Giáo Hoàng Nicholas ở Rome, đã
dùng mệnh đề filioque như một phần nỗ lực hạ uy tín những lời Nicholas tuyên bố là
giám mục phổ thông. Ông kết tội Tây Giáo Hội đã giới thiệu những cách tân giáo lý,
tuyên bố rằng filioque đã làm sai lạc bản Tín Điều Thánh ở Constantinople.
F. Sự Dạy Dỗ Của Các Nhà Cải Chánh Về Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Những nhà Cải Chánh và toàn bộ những Tuyên Ngôn Đức Tin Cải Chánh đều diễn
tả giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi dưới hình thức chánh thống như đã được trình bày
trong Hội Thánh đầu tiên (chẳng hạn, xem Calvin, Institutes, 1. 13). Calvin dường như
thấy ý về sự phát sanh đời đời của Đức Chúa Con là khó hiểu - nếu không nói là vô ích -
dầu vậy ông không phủ nhận giáo lý ấy.
Luther chấp nhận giáo lý chánh thống về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, vì cảm thấy giáo
lý đó được dạy trong Kinh Thánh, dầu vậy cảm thấy chỉ một mình đức tin mới có thể
hiểu thấu lẽ đạo ấy. Tuyên Ngôn Đức Tin Augsburg (1530) công bố rõ ràng: “có một thể
yếu thiên thượng được gọi là và cũng chính là Đức Chúa Trời... song có ba Ngôi Vị có
cùng thể yếu và quyền năng như nhau, và cũng đồng đời đời như nhau, đó là Đức Chúa

60
Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” (III. 7). Tương tự, Tuyên Ngôn Đức Tin
Westminster (1647) phát biểu: “Trong sự hiệp một của Đức Chúa Trời, có ba Ngôi Vị
đồng bản thể, quyền năng và đời đời như nhau: Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Đức
Chúa Trời là Đức Chúa Con và Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh. Đức Chúa Cha không
thuộc về ngôi vị nào, cũng không được sinh ra và cũng không ra từ ngôi vị nào; Đức
Chúa Con được sinh ra đời đời từ Đức Chúa Cha; Đức Thánh Linh lưu xuất đời đời từ
Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” (II. 3).
Thuyết Socinianism ở thế kỷ thứ mười sáu phủ nhận sự thực hữu từ trước của Đức
Chúa Con, xem Ngài chỉ là một con người. Thuyết nầy dạy: chỉ có duy nhất một thể yếu
thiên thượng chứa chỉ một Ngôi Vị. Những quan điểm nầy đã ảnh hưởng đến Duy Nhất
Thần Thuyết Anh Quốc (Unitarianism) cũng như Tự Nhiên Thần Luận (Deism) Anh
Quốc. Đa số phái Duy Nhất Thần Thuyết không phải là người theo phái Tự Nhiên Thần
Luận, nhưng toàn bộ người theo Tự Nhiên Thần Luận đều có khái niệm Duy Nhất Thần
về Đức Chúa Trời.
G. Những Quan Điểm Hiện Đại.
Quan điểm chánh thống về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã và hiện đang được rất nhiều
người ở thời hiện đại giữ theo. Tuy nhiên xưa nay có rất nhiều người đặt nghi vấn. Kant
và Hegel phản đối sự dạy dỗ chánh thống, và đã tin theo Dưỡng Tử Thuyết hoặc Phiếm
Thần Thuyết phi thân vị. Swedenborg và Schleiermacher lập lại thuyết Sabellianism.
Nhiều người cảm thấy khái niệm của Barth thiên về Hình Thức Thuyết (Leonard
Hodgson, The Doctrine of the Trinity (London: Nisbet, 1955, trang 229). Nhiều người
khác bênh vực ông là chánh thống, vì ông bác bỏ thuyết Sabellianism, và họ dùng khái
niệm của ông về “những phương thức tồn tại” trong Đức Chúa Trời thay cho khái niệm
các Ngôi Vị. Paul Tillich cảm thấy giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi là do con người tạo ra
để thỏa đáp cho nhu cầu của riêng họ. Thực ra, Tillich thậm chí còn không tin có một
Ngôi Vị nào trong bản thể Đức Chúa Trời, chứ đừng nói đến Ba Ngôi Vị.
Phái Giêhôva Chứng Nhân tán thành một Cơ đốc Luận giống như thuyết của Arius,
bằng cách không chấp nhận tính đời đời của Đức Chúa Con cũng như giáo lý Đức Chúa
Trời Ba Ngôi. Cũng giống như Arius, họ xem Logos là một hữu thể trung gian ở giữa
Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo.
VI. MỘT SỐ NHỮNG HỆ QUẢ THỰC TIỄN
Tính phong phú của khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã tuôn tràn khắp nhiều
lãnh vực của thần học.
Giáo lý sự cứu chuộc là một ví dụ hiển nhiên, vì toàn bộ Ba Ngôi Vị của Đức Chúa
Trời đều tham gia vào công tác vĩ đại đó (Gi 3:6,16; Kh 13:8).

61
Giáo lý về sự khải thị là một ví dụ khác nữa, cả Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh
đều tham gia truyền đạt lẽ thật của Đức Chúa Trời (Gi 1:18; 16:13).
Sự thông công và tình yêu thương bên trong Đức Chúa Trời chỉ có được trong khái
niệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một, và sự thông công đó là giống như sự thông công
của tín đồ với Đấng Christ (14:17).
Tính ưu tiên nhưng không hề thấp kém hơn được nhìn thấy trong Đức Chúa Trời Ba
Ngôi chính là cơ sở cho những mối tương quan phải lẽ giữa người nam và người nữ (ICo
11:3).

Cầu nguyện được thực hành theo phương cách của Ba Ngôi hiệp một. Dầu chúng ta
có thể trình dâng lời cầu nguyện với bất cứ Ngôi Vị nào trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời,
nhưng thường theo tiền lệ của Kinh Thánh, chúng ta thưa với Đức Chúa Cha trong
danh của Đấng Christ theo như Đức Thánh Linh chỉ dạy chúng ta ( Gi 14:14; Eph 1:6; 2:18;
6:18).

62
PHẦN III: KINH THÁNH: ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN
Chương 9: SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT
Trong phần trước, chúng ta khảo sát chủ đề sự mặc khải tổng quát - Đức Chúa Trời
bày tỏ chính Ngài cách tổng quát cho mọi người. Nếu có thể gọi toàn bộ sự mặc khải
đến từ Đức Chúa Trời là Quyển Sách Khải Thị, thì quyển 1 chứa đựng mặc khải tổng
quát. Rồi đến quyển 2 gồm sự mặc khải đặc biệt, nhưng ngược lại, mặc khải đặc biệt
nầy không nhất thiết đến với mọi người.
I. NHỮNG CON ĐƯỜNG MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT
A. Việc Bắt Thăm
Tuy ngày nay chúng ta không xem trọng công dụng của việc bắt thăm, nhưng việc
nầy đôi lúc đã thực sự giúp truyền đạt ý chỉ Đức Chúa Trời cho con người (Ch 16:33; Cong
1:21-26).

B. Urim và Thumim
Bảng đeo ngực mà thầy tế lễ thượng phẩm đeo trong thời Cựu Ước là một tấm vải
vuông và đẹp, được xếp đôi và mở ra trên đỉnh như cái túi. Bảng được đính mười hai
viên ngọc quý ở trên có khắc tên mười hai chi phái Ysơraên. Urim và Thumim có lẽ là
hai viên đá quý đặt bên trong túi và đã được dùng như lá thăm để biết ý muốn của Đức
Chúa Trời (Xu 28:30; Dan 27:21; Phu 33:8, ISa 28:6; Exo 2:63).
C. Các Giấc Mơ
Đức Chúa Trời hiển nhiên đã sử dụng những giấc mơ để truyền đạt rất nhiều lần
trong thời Cựu Ước, và Ngài cũng sẽ làm như vậy nữa trong thời Chúa Đến thế gian lần
thứ hai (Sa 20:3,6; 31:11,24,40-41; Gio 2:28). Những người không tin lẫn tín hữu đều đã
kinh nghiệm những giấc mơ từx Chúa ban cho (Sa 20:3; 31:24). Dầu là một kinh nghiệm
thông thường, các giấc mơ đã được Chúa dùng theo cách đặc biệt nầy để bày tỏ chân lý.
D. Các Sự Hiện Thấy
Trong một sự hiện thấy, trọng tâm dường như nhắm vào điều được nghe, còn những
giấc mơ lại nhấn mạnh nơi điều nhìn thấy. Người nhận sự hiện thấy dường như cũng
chủ động hơn (Es 1:1; 6:1; Exe 1:3).
E. Những Sự Hiển Hiện
Trước khi Chúa Nhập Thể, các sự hiển hiện được liên kết với sự hiện ra của Thiên
sứ của Đức Giêhôva, là Đấng truyền đạt sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con người (Sa
16:7-14; Xu 3:2; IISa 24:16; Xa 1:12).

F. Các Thiên Sứ

63
Đức Chúa Trời cũng dùng các thiên sứ thọ tạo để truyền sứ điệp của Ngài ( Da 9:20-
21; Lu 2:10-11; Kh 1:1). (Để ý trong Kh 19:17 Chúa sẽ dùng một thiên sứ để truyền đạt cho
những chim trời!)
G. Các Tiên Tri
Những tiên tri thời Cựu Ước đem sứ điệp của Chúa đến cho loài người (IISa 23:2; Xa
1:1), các tiên tri thời Tân Ước cũng vậy (Eph 3:5). Họ truyền phán có thẩm quyền vì đang
truyền đạt Lời của Chúa. Ngày nay, một thầy giảng đạo hay giáo sư không đủ tư cách
giống như một tiên tri, vì họ tuyên bố hoặc giải thích Lời của Đức Chúa Trời, là Lời đã
được ban và được viết ra rồi.
H. Những Sự Kiện
Hành động của Đức Chúa Trời trong lịch sử cũng lập thành một phương tiện khải
thị. Theo Mi 6:5, sự giải cứu dân Ysơraên ra khỏi Aicập đã bày tỏ những hành động công
bình của Đức Giêhôva. Các hành động đoán xét bày tỏ Đức Chúa Trời là Đấng thế nào
(Exe 25:7). Và lẽ dĩ nhiên, sự nhập thể của Đấng Christ đã giãi bày Đức Chúa Trời (Gi
1:14). Ngày nay, không phải không cần nói rõ rằng những sự kiện này buộc phải có tính
lịch sử lẫn tính sự kiện thì mới truyền thông được; vì ngày nay, một số người đặt đức
tin hiện sinh lên trên đức tin lịch sử. Nói cách khác, họ đang cố tạo ra mặc khải mà
không cần đến những sự kiện lịch sử. Thuật chép sử theo lối hiện sinh như thế không
hề có phần nào trong khuôn khổ của những trước giả Thánh Kinh.
Nếu muốn hiểu chính xác ý nghĩa của những sự kiện, chúng không những phải có
thật trong lịch sử, mà còn cần được giảng giải qua sự linh cảm (hay soi dẫn) thiên
thượng nữa. Ví dụ: có rất nhiều người đã phải chịu đóng đinh trên thập tự; làm sao
chúng ta biết sự đóng đinh một Jesus người Naxarét duy nhất đã đền trả xong cho tội
lỗi của cả thế gian? Lời của mặc khải đặc biệt làm sáng tỏ và giải nghĩa chính xác cho
sự khó hiểu ý nghĩa của các sự kiện.
I. Chúa Jesus Christ
Không thể tranh cãi vào đâu được, sự nhập thể của Chúa Cứu Thế Jesus là một con
đường chính yếu của mặc khải đặc biệt. Ngài giãi bày Đức Chúa Cha (Gi 1:14), bày tỏ
bản tánh của Đức Chúa Trời (14:9), quyền năng của Đức Chúa Trời (3:2), sự khôn ngoan
của Đức Chúa Trời (7:46), vinh hiển của Đức Chúa Trời (1:14), sự sống của Đức Chúa
Trời (IGi 1:1-3), và tình yêu của Đức Chúa Trời (Ro 5:8). Chúa chúng ta đã làm mọi việc
nầy qua cả việc làm (Gi 2:11) lẫn lời nói của Ngài (Mat 16:17).
J. Kinh Thánh
Thật ra Kinh Thánh là con đường mặc khải đặc biệt bao gồm đầy đủ nhất mọi con
đường của mặc khải đặc biệt, vì chứa bản ký thuật rất nhiều khía cạnh của những con

64
đường khác. Dù chắc chắn Chúa đã ban cho những khải tượng, chiêm bao và những sứ
điệp tiên tri khác nữa không ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng chúng ta không biết chi
tiết nào về chúng. Cũng vậy, mọi điều chúng ta biết về cuộc đời của Đấng Christ đều
xuất hiện trong Kinh Thánh, dù vậy, dĩ nhiên không phải mọi điều Ngài đã làm và nói
đều được ghi lại trong Kinh Thánh (Gi 21:25). Nhưng Kinh Thánh không chỉ là phần ghi
chép những mặc khải được ghi lại này từ Đức Chúa Trời; Kinh Thánh còn chứa thêm
chân lý chưa hề được mặc khải, ví dụ như chưa hề mặc khải qua các đấng tiên tri hoặc
trong thời gian Đấng Christ sống trên đất. Như vậy, Kinh Thánh vừa là bản ký thuật các
khía cạnh của sự mặc khải đặc biệt, vừa chính là sự mặc khải.
Sự mặc khải trong Kinh Thánh không những mang tính bao gồm nhưng mới chỉ
một phần thồi; nó còn chính xác (Gi 17:17), tiệm tiến (He 1:1), và có mục đích nữa (IITi
3:15-17).

Hiện có hai cách tiếp cận tính đáng tin cậy của sự mặc khải Thánh Kinh. Người duy
tín quả quyết Kinh Thánh và sự mặc khải chứa trong Kinh Thánh mang tính tự xác
chứng, có nghĩa là autopistic. Tính vô ngộ của Kinh Thánh phải được tiền giả định và
có thể tiền giả định như thế vì Kinh Thánh nói rằng Kinh Thánh được thần cảm và Đức
Thánh Linh xác chứng. Mặt khác, người duy kinh nghiệm nhấn mạnh sự đáng tin cậy
bên trong của sự mặc khải Thánh Kinh mới là đáng tin, tức là axiopistic. Lời Kinh
Thánh tuyên bố rằng Kinh Thánh có thẩm quyền tự nó không phải là bằng chứng về
thẩm quyền của Kinh Thánh; Đúng hơn, có những chứng cớ bằng sự kiện có thật trong
lịch sử hợp thành những bằng chứng đáng tin của Kinh Thánh và xác chứng tính chân
thật của sứ điệp Kinh Thánh. Tôi cảm thấy cả hai phương pháp tiếp cận đều đúng; có
thể và nên dùng cả hai.
II. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM ĐƯƠNG ĐẠI VỀ SỰ MẶC KHẢI
Mọi quan điểm đương thời về sự mặc khải đều có rất nhiều nét đặc trưng chung. (1)
Chúng có khuynh hướng chủ quan. Mặc khải được khám phá qua kinh nghiệm hoặc
qua cách hiểu của người giải nghĩa về những kinh nghiệm của người khác. (2) Không
có một tiêu chuẩn khách quan, nên chúng không ổn định, vì sự hiểu biết về mặc khải
tùy thuộc vào quan điểm của người giải nghĩa. (3) Vì cớ (1) và (2), những quan điểm
đương thời của mặc khải đều không đủ tiêu chuẩn Cơ-đốc, vì chúng đề cao tâm trí của
con người hơn tài liệu Đức Chúa Trời đã mặc khải.
A. Sự Mặc Khải Là Hoạt Động Thiên Thượng
Quan điểm nầy cho rằng sự mặc khải gồm những hành động quyền năng của Đức
Chúa Trời trong lịch sử. Dĩ nhiên, sự thật là như vậy, vì Đức Chúa Trời đã thực sự mặc
khải chính Ngài qua các hành động trong lịch sử. Phái bảo thủ tin rằng những hành
động như thế đã là sự kiện thật, và một số trường hợp là các phép lạ. Phái tự do phủ

65
nhận sử tính thực tế của những hành động đó. Tuy nhiên, cả hai phái bảo thủ và tự do
đều nhường lời giải thích về những hành động đó lại cho thiên tài của người giải nghĩa.
Những người phủ nhận thực tại lịch sử của những hành động nầy thì cố gắng quả
quyết rằng: tuy vậy những điều nầy vẫn là hành động của Đức Chúa Trời vì có những ý
nghĩa quan trọng do người giải nghĩa gán cho chúng. Như vậy, sự mặc khải có lẽ chỉ là
một sự kiện tâm lý trong trí người giải nghĩa.
B. Mặc Khải Là Cuộc Gặp Gỡ Cá Nhân
Trong trường phái tư tưởng nầy, mặc khải không gồm thông tin được chuyển đạt
mà cốt tại cuộc gặp gỡ đích thân giữa một thân vị với một thân vị. Do đó, chỉ có thể biết
Đức Chúa Trời như một chủ thể, chứ không hề như khách thể, vì là khách thể thì sẽ bắt
buộc phải có những định đề về Ngài. Sự Mặc Khải không cung cấp cho chúng ta thông
tin về Đức Chúa Trời, nhưng cung cấp chính Đức Chúa Trời trong một cuộc gặp gỡ
riêng với một thân vị. Nhưng mặc khải về Đức Chúa Trời (những định đề) là cần thiết
cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời (cuộc gặp gỡ). Những sự kiện là thiết yếu cho cuộc
gặp gỡ. Mặc khải với tư cách cuộc gặp gỡ đã dứt mặc khải ra khỏi lịch sử ở chừng mực
nào đó, và đương nhiên là nó căn cứ trên nền tảng hiện sinh. Lấy ví dụ như sau: “Trong
Thánh Kinh, sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời là có tính cá nhân chứ không mang tính
định đề. Nói như vậy có nghĩa: rốt cuộc, sự mặc khải ở trong mối liên hệ, trong “cuộc
đối đầu, đối chất,” trong sự tương giao, chứ không phải bằng cách truyền đạt những sự
kiện...” (C.F.D. Moule, “Sự Mặc Khải,” trong Tự Điển Của Người Giảng Giải Thánh Kinh
(New York: Abingdon, 1976,4:55).
Theo truyền thống, mặc khải và Thánh Kinh không thể tách rời nhau được. Những
quan điểm đương thời đã chia rẽ Thánh Kinh khỏi sự mặc khải và đem lại những hậu
quả tai hại. Ngày nay, người ta không còn cần tìm sự mặc khải duy chỉ trong Thánh
Kinh mà thôi, nhưng tìm qua những hành động quyền năng của Đức Chúa Trời và qua
sự gặp gỡ cá nhân. Kinh nghiệm hiện sinh đã thay thế chân lý khách quan trong tư
cách Lời Đức Chúa Trời.
Tóm lại, mặc khải đặc biệt như hiện được chép trong Kinh Thánh cung cấp nội
dung của sứ điệp Đức Chúa Trời cho thế giới nầy. Sự soi dẫn có liên quan đến phương
thức Đức Chúa Trời đã dùng để thực sự ghi lại nội dung đó trong Thánh Kinh. Tính
không thể sai lầm có liên quan đến tính chính xác của việc ghi chép đó.
Bây giờ, chúng ta quay sang những chủ đề nầy.

66
Chương 10: GIÁO LÝ CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ SOI DẪN
Dầu nhiều người theo nhiều quan điểm thần học khác nhau sẽ sẵn sàng nói Kinh
Thánh được soi dẫn (hay còn gọi là sự linh cảm, sự hà hơi), nhưng người ta thấy ít có sự
đồng nhất về điều được gọi là sự soi dẫn. Có người tập trung sự soi dẫn vào cho những
trước giả; người khác tập trung vào các tác phẩm; lại có người khác qui cho người đọc.
Có người liên hệ sự soi dẫn với sứ điệp tổng quát của Thánh Kinh; một số khác thì liên
hệ với các tư tưởng; lại có người khác nữa liên hệ đến những từ ngữ. Một số bao gồm cả
tính không sai lầm, nhiều người khác lại không.
Những sự khác biệt nầy đòi phải có tính chính xác khi phát biểu giáo lý Thánh
Kinh. Trước đây, toàn bộ điều cần thiết để xác nhận niềm tin nơi sự soi dẫn trọn vẹn là
câu tuyên bố: “Tôi tin nơi sự soi dẫn Kinh Thánh.” Nhưng khi một số người không mở
rộng sự soi dẫn đến những từ ngữ trong bản văn Kinh Thánh, thì câu tuyên bố đó cần
phải phát biểu: “Tôi tin nơi sự soi dẫn theo từng lời của Kinh Thánh.” Để đối phó sự dạy
dỗ cho rằng không phải mọi phần của Thánh Kinh đều được thần cảm, người ta phải
nói: “Tôi tin nơi sự soi dẫn từng lời và toàn phần của Kinh Thánh.” Sau đó vì có người
không muốn kể Kinh Thánh là chính xác hoàn toàn, nên cần phải nói: “Tôi tin nơi sự
soi dẫn từng chữ, toàn thể, chính xác, không sai lầm của Kinh Thánh.” Nhưng rồi “vô
ngộ” và “không sai lầm” bắt đầu bị giới hạn vào chỉ những vấn đề đức tin thôi chứ
không phải bao gồm tất cả mọi điều Kinh Thánh ghi lại (gồm có những sự kiện lịch sử,
các bảng gia phổ, những phần ký thuật về Cuộc Sáng Thế, v.v...), nên cần phải thêm
khái niệm về “tính không sai lạc vô giới hạn.” Mỗi sự bổ sung thêm vào câu tuyên bố
căn bản đều là do đã có một sự dạy dỗ sai lầm.
I. NHỮNG DỮ LIỆU THÁNH KINH VỀ SỰ SOI DẪN
Giáo lý về sự soi dẫn không phải do các nhà thần học áp đặt cho Kinh Thánh. Trái
lại, đây là sự dạy dỗ của chính Thánh Kinh, một kết luận ra từ những dữ liệu trong
Kinh Thánh. Và dẫu người ta có nghĩ gì về Kinh Thánh đi nữa, thì Kinh Thánh - cũng
giống như mọi nhân chứng khác - có quyền tự làm chứng cho chính mình. Có người
phản đối giá trị hiệu lực của chứng cứ như thế dựa trên cơ sở đấy là lời tự làm chứng
nên do đó có thể không đúng. Đương nhiên, lời tự làm chứng có thể đúng cũng có thể
không đúng, nhưng cần lắng nghe lời tự làm chứng ấy trước đã.
Đây là những dữ liệu thích ứng do Kinh Thánh trình bày và buộc chúng ta phải đối
diện.
A. IITi 3:16
Trong câu Kinh Thánh nầy Sứ đồ Phaolô tuyên bố cả Kinh Thánh đều được Đức
Chúa Trời soi dẫn và có ích cho thật nhiều điều. Lưu ý ba lời xác nhận quan trọng trong
câu nói nầy.
67
1. Cả Kinh Thánh, tức toàn bộ Kinh Thánh, đều được soi dẫn và có ích. Đây là phạm
vi của sự soi dẫn. Kinh Thánh Tân Ước dùng từ ngữ “Kinh Thánh” nầy 51 lần và luôn
luôn nói đến một phần nào đó của Kinh Thánh. Đôi khi nói đến toàn bộ Cựu Ước ( Lu
24:45; Gi 10:35); đôi khi nói đến một khúc Kinh Thánh Cựu Ước nào đó (Lu 4:21); đôi khi
nói đến một phân đoạn lớn Tân Ước nào đó (ITi 5:18); và đôi khi nói đến một phần lớn
hơn thuộc Tân Ước (IIPhi 3:16, nhắc đến những bài viết của Sứ đồ Phaolô).
Hai phần Kinh Thánh sau cùng nầy, là ITi 5:18 và IIPhi 3:16, hết sức quan trọng.
Trong ITi 5:18, Phaolô kết hợp một phần Cựu Ước và Tân Ước rồi gọi cả hai phần là Kinh
Thánh. Phần trích Cựu Ước là ở Phu 25:4 và phần trích Tân Ước là ở Lu 10:7 (dầu ý đó
được tìm thấy ở Le 19:13 và Phu 24:15, nhưng rõ ràng Luca không trích câu nào; thật ra,
điều nhấn mạnh trong Lêvi Ký 19 và Phục Truyền 24 chính là không giữ lại tiền công
qua đêm). Nối kết một phần trích trong Luca với một phần trích trong Cựu Ước kinh
điển là việc làm rất có ý nghĩa. Cũng nên nhớ có lẽ chỉ mới trải qua năm hay sáu năm
giữa lúc viết sách Luca và thư ITimôthê.
Trong IIPhi 3:16, Phierơ gọi những thư tín của Phaolô là Kinh Thánh, cho thấy chúng
và thẩm quyền của chúng được công nhận từ sớm. Dầu đúng là không phải toàn bộ Tân
Ước đã viết xong khi Phaolô viết IITi 3:16 (IIPhierơ, Hêbơrơ., Giuđe và toàn bộ tác phẩm
của Giăng vẫn chưa được viết ra), tuy nhiên, vì cuối cùng những sách đó đã được công
nhận là thuộc về bộ kinh điển Thánh Kinh, nên chúng ta có thể kết luận IITi 3:16 bao
gồm tất cả sáu mươi sáu sách như chúng ta biết ngày nay. Không có sách nào hay phần
nào bị loại trừ; cả Kinh Thánh đều được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời.
Hầu hết mọi người không phủ nhận IITi 3:16 bao gồm tất cả các sách thuộc kinh
điển. Những người muốn cố giảm lượng Thánh Kinh được đưa vào trong câu Kinh
Thánh nầy thì họ giảm bằng cách dịch câu nầy như sau: “Toàn bộ phần Thánh Kinh
nào được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời thì cũng có ích” (thay vì nói “Cả Kinh Thánh đều là
bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho..."). Nói cách khác, bất cứ phần Kinh Thánh nào
được soi dẫn thì đều có ích, nhưng những phần còn lại không được soi dẫn thì chúng
không có ích. Cách dịch đó nói lên rằng chỉ có một phần Kinh Thánh được soi dẫn.
Có thể dịch như thế, nhưng không bắt buộc phải dịch như vậy. Thực ra lối dịch nào
cũng có thể tuyên bố là mình dịch chính xác. Cả hai cách dịch (trong bản Anh Ngữ) đều
phải thêm chữ “is” bởi vì nó không xuất hiện trong nguyên ngữ. Vấn đề trở thành câu
hỏi: thêm chữ “is” chỉ một lần hay hai lần ("Every Scripture inspired by God is also
profitable - Mỗi câu Kinh Thánh nào do Đức Chúa Trời soi dẫn thì cũng có ích” hoặc
“All scriptures is inspired by God and is profitable" - “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức
Chúa Trời soi dẫn và (cả Kinh Thánh có ích”). Phần được ưa thích hơn là lối dịch thứ
hai vì ba lý do. Trước hết, bằng cách thêm hai lần chữ “is,” cả hai tính từ ("soi dẫn” và
“có ích") đều được hiểu theo cùng một cách, như những tính từ vị ngữ, và như vậy tự

68
nhiên hơn. Thứ nhì, dù từ nối có thể được dịch là “cũng” nhưng thường xuyên hơn được
hiểu là “và.” Thứ ba, một cấu trúc tương tự xuất hiện trong ITi 4:4, nơi mà cả hai tính từ
đều rõ ràng là tính từ vị ngữ. Như vậy, lối dịch được ưa thích hơn này đã làm sáng tỏ
rất rõ là toàn bộ Kinh Thánh đều được soi dẫn.
2. Toàn bộ Thánh Kinh đều được Đức Chúa Trời Hà Hơi. Lời tuyên bố nầy diễn tả
phương tiện của sự soi dẫn. Thể văn ở đây là thể thụ động, có nghĩa Kinh Thánh là kết
quả hơi thở của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu văn thể là chủ động, thì nó sẽ có nghĩa là
Thánh Kinh toát ra hoặc nói về Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, điều đó đúng nhưng không
phải là điều Phaolô nói trong câu nầy. Từ “soi dẫn” trong Anh ngữ chúng ta (“inspire”)
mang ý nghĩa thổi hơi thở vào một cái gì. Nhưng từ nầy nói cho chúng ta biết rằng Đức
Chúa Trời thở ra điều gì đó, tức là Kinh Thánh. Thật vậy, những trước giả loài người
viết các bản văn, nhưng Thánh Kinh được hình thành như một hành động của Đức
Chúa Trời là Đấng đã thở nó ra.
3. Toàn bộ Thánh Kinh đều có ích. Lời tuyên bố nầy bày tỏ mục đích của sự soi dẫn.
Lợi ích của Kinh Thánh cốt ở trong sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, phục hồi và huấn luyện
trong sự công chính, hầu cho tín hữu có thể được làm cho thích hợp, có khả năng hoặc
thành thạo và được trang bị hoàn hảo trong mọi lãnh vực của bản thể người ấy. Kinh
Thánh không phải dành để trưng bày trong viện bảo tàng cho người ta chiêm ngưỡng;
trái lại, Kinh Thánh phải được dùng trong cuộc sống của chúng ta.
Tóm lại, gộp chung ba ý tưởng của IITi 3:16 lại với nhau, câu Kinh Thánh nầy dạy
rằng toàn thể Kinh Thánh đã đến từ Đức Chúa Trời để chỉ cho chúng ta cách sống.
B. IIPhi 1:21
Nội một câu Kinh Thánh nầy thôi đã cho chúng ta biết bao nhiêu điều về cách Đức
Chúa Trời dùng những trước giả con người để viết ra Kinh Thánh. Đức Thánh Linh đã
di chuyển họ hoặc mang họ đi theo. Việc dùng cùng một động từ trong Cong 27:15 soi
sáng cho chúng hiểu ý nghĩa của việc “mang đi” hoặc “di chuyển” những người viết
Kinh Thánh. Ngay trước khi con thuyền đưa Phaolô đến Rôma bị đắm ở đảo Mantơ, thì
nó bị mắc vào trận bão dữ dội. Dù dày dạn kinh nghiệm, các thủy thủ vẫn không thể
điều khiển con thuyền, nên cuối cùng họ đành để gió muốn thổi thuyền đi đâu thì thổi.
Theo cùng một cách như con thuyền đã bị cuốn đi, bị dẫn đi, hoặc bị gió mang đi, Đức
Chúa Trời dẫn và di chuyển các trước giả đã được Ngài dùng để viết nên các sách trong
Kinh Thánh. Dù gió là một sức lực mạnh mẽ đưa con thuyền đi, các thủy thủ đã không
buồn ngủ và bất động. Tương tự như vậy, Đức Thánh Linh đã là sức mạnh dẫn đường để
chỉ phương hướng cho những người viết Kinh Thánh, tuy vậy họ vẫn đóng vai trò chủ
động của mình trong việc viết Kinh Thánh.

69
Nhưng câu Kinh Thánh nầy cũng nêu lên một điểm quan trọng khác. Nó tuyên bố
rằng ý chí của con người đã không điều khiển việc viết Kinh Thánh. Cùng một động từ
này, “di chuyển” hay “mang đi” cũng xuất hiện ở phần cuối câu. Vậy, lời tiên tri đã
không được mang đi bởi ý người. Đức Thánh Linh đã thực sự mang đi, chứ không phải
ý người ta. Lời tuyên bố này có ảnh hưởng quan trọng đến tính không sai lạc của Kinh
Thánh. Ý của con người, gồm cả ý muốn phạm lỗi sai, đã không đem Thánh Kinh đi.
Hơn nữa, Đức Thánh Linh - Đấng không thể sai lầm - chính là Đấng đã đem Thánh Kinh
đến cho chúng ta. Thật vậy, các trước giả đã chủ động khi viết, nhưng điều họ viết ra đã
được hướng dẫn, không bởi ý riêng của họ với khả năng có thể mắc sai lầm, mà là bởi
Đức Thánh Linh, Đấng chân thật và không thể sai lầm.
Khi giải nghĩa IIPhi 1:21, B. B. Warfield nhấn mạnh điểm nầy: “Trong câu nói chính
xác và hàm súc phi thường nầy, có rất nhiều điều phải được xem xét cẩn thận. Trước
hết, có sự phủ nhận dứt khoát rằng lời tiên tri - tức là Kinh Thánh trong giả thuyết
chúng ta đang xem xét - bắt nguồn từ sáng kiến con người: 'Chẳng hề có lời tiên tri nào
là bởi ý một người nào mà ra' - bản English Version dịch là ‘mà đến,’ còn bản Revised
Version dịch là ‘mà được mang đến.’ Như vậy, có lời khẳng định mạnh mẽ y như vậy
rằng nguồn gốc lời tiên tri ấy ở nơi Đức Chúa Trời: lời tiên tri được người ta nói ra, thật
vậy, nhưng những người nói ra là ‘đã nói bởi Đức Chúa Trời.’ Và một mệnh đề đáng chú
ý được thêm vào đây, và đặt ở phần trước câu để điểm nhấn mạnh sẽ rơi vào đúng chỗ
nó, cho chúng ta biết làm cách nào mà những con người khi nói ra thì phải nói không
ra từ chính mình, nhưng phải nói ra bởi Đức Chúa Trời: điều đó đã ‘được mang đi’ -
cũng chính là chữ ‘mà được mang đến’ đã nói ở trên, và có lẽ được dịch là ‘mang đến’ ở
đây - bởi Đức Thánh Linh để họ nói ra. Khi nói ra như vậy dưới ảnh hưởng quyết định
của Thánh Linh, những điều họ nói đã không ra từ chính họ, mà đến từ Đức Chúa Trời”
(Sự Soi Dẫn Và Thẩm Quyền Của Kinh Thánh (Philadelphia: Presbyterian and
Reformed, 1948, trang 136).
Tóm lại: IIPhi 1:21 nói rằng Đức Chúa Trời đã sử dụng con người và đã ban cho
chúng ta một cuốn Kinh Thánh hoàn toàn đúng.
C. ICo 2:13
Ở đây Phaolô nói rõ sự mặc khải của Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta bằng từ
ngữ. Điều nầy ngược lại với luận điểm của một số người cho rằng sự soi dẫn chỉ liên hệ
đến những tư tưởng mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết, chứ không liên quan đến
những từ ngữ dùng để diễn tả những tư tưởng nầy. Giữ một quan điểm như thế giúp
người ta khỏi phải tin vào tính không sai lầm của bản văn, vì cho rằng mình có thể có
những ý tưởng chính xác (của Đức Chúa Trời) được truyền đạt qua những từ ngữ sai
lầm (của con người). Nhưng Phaolô nhấn mạnh rằng sứ điệp của Đức Chúa Trời đến
trong từ ngữ của bản văn Kinh Thánh.

70
Sự kiện Phaolô nói ông đã nói bằng lời không có nghĩa ông không đang nói đến các
tác phẩm mình viết. Lưu ý Phierơ bảo rằng Phaolô “nói” trong những thư tín của ông
(IIPhi 3:16). Cho nên “nói bằng lời nói” đương nhiên có thể chỉ về những thư tín của
Phaolô viết ra.
Tóm lại: câu nầy dạy rằng những từ ngữ thực sự của Thánh Kinh đều được soi dẫn.
C. Nhóm Dữ Liệu
Những dữ liệu nầy chỉ ra một số tư liệu đa dạng mà Đức Chúa Trời đã cảm động
người viết đưa vào trong Kinh Thánh.
1. Tư liệu đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Hai bảng đá viết Mười Điều Răn trên
đó đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời (Phu 9:10).
2. Tư liệu do nghiên cứu. Dầu một số phần của Kinh Thánh được viết trực tiếp (như
một số thư của Phaolô), có phần đã được nghiên cứu trước khi viết ra. Phúc âm Luca là
ví dụ điển hình (Lu 1:1-4). Luca không phải là người tận mắt chứng kiến các sự việc
trong cuộc đời Đấng Christ. Vì vậy, hoặc lẽ Đức Chúa Trời phải ban mặc khải trực tiếp
về những sự kiện nầy để Luca viết Phúc âm của ông, hoặc Luca hẳn phải khám phá
chúng nhờ nghiên cứu. Trong lời mở đầu, Luca cho chúng ta biết (a) ông đã hỏi ý những
người tận mắt chứng kiến cuộc đời và chức vụ của Đấng Christ; (b) ông dùng những
bản ký thuật có sẵn về những phần trong chức vụ Ngài; (c) ông cẩn thận tra cứu và
chọn lọc thông qua mọi nguồn tài liệu đó; (d) ông lập ra cách sắp xếp có thứ tự cho
những tư liệu của mình; và (e) Đức Thánh Linh cảm động và mang ông theo khi thực sự
viết xuống, hầu cho mọi điều ông viết ra đều chính xác và trung thực.
3. Tư liệu tiên tri. Gần một phần tư Kinh Thánh là lời tiên tri khi chúng được viết ra
(dầu vậy, dĩ nhiên một số tư liệu đó đã được ứng nghiệm). Lời tiên tri chân thật chỉ có
thể đến từ Đức Chúa Trời toàn tri, chân thật. Không tác giả loài người nào có thể nghĩ
ra lời tiên tri đúng 100 phần trăm được.
4. Tư liệu lịch sư. Nhiều phần Kinh Thánh ghi lại lịch sử và ghi cách chính xác. Hầu
hết những phần có tính lịch sử đã được viết bởi những người đã đích thân sống qua
những biến cố (ví dụ như Luca đã từng là bạn đồng hành trong rất nhiều hành trình
của Phaolô, Cong 16:10-13; 20:5-21; 27:1-28:6, hoặc Giôsuê đã từng trải và rồi viết về cuộc
Chinh Phục Canaan trong sách Giôsuê). Một số sự việc như lịch sử Sáng Tạo dĩ nhiên
phải do Đức Chúa Trời mặc khải cho Môise, vì không ai tận mắt chứng kiến, và Môise
đã viết về việc đó rất lâu sau khi nó diễn ra.
5. Tư liệu khác. Kinh Thánh cũng có ghi lại những việc không đúng, như những lời
nói dối của Satan (Sa 3:4-5), nhưng Kinh Thánh ghi chúng thật chính xác. Kinh Thánh
cũng có một số câu trích những tác phẩm của người chưa được cứu (Tit 1:12). Cũng có

71
một số phân đoạn đầy tình cảm riêng tư sống động và mạnh mẽ (Ro 9:1-3). Nhưng tư
liệu đa dạng nầy được ghi lại thật chính xác.
Tóm lại: Tư liệu đa dạng nầy nói lên Đức Chúa Trời đôi khi bày tỏ sự việc một cách
siêu nhiên và trực tiếp; đôi khi Ngài cho phép những người viết soạn sứ điệp của Ngài
bằng cách dùng quyền tự do diễn tả của họ. Nhưng Ngài hà hơi ra toàn bộ tác phẩm,
mang tác giả đi theo bằng nhiều cách khác nhau, để ban cho chúng ta sứ điệp của Ngài
qua từ ngữ của Thánh Kinh.
II. ĐỊNH NGHĨA SỰ SOI DẪN
Dĩ nhiên, định nghĩa đúng đắn phải được hình thành trên căn bản dữ liệu Kinh
Thánh về đề tài đã khảo sát ở trên. Phần “khung xương” của định nghĩa là thế nầy: Đức
Chúa Trời đã mang con người đi theo để họ viết ra sứ điệp của Ngài trong Thánh Kinh.
Lấp thêm thịt trên những khung xương ấy sẽ đưa đến định nghĩa thế nầy: Đức
Chúa Trời đã giám sát các trước giả Thánh Kinh để họ soạn thảo và ghi lại không sai
lầm sứ điệp của Ngài cho nhân loại bằng từ ngữ trong những tác phẩm nguyên thủy
của họ.
Hãy chú ý cẩn thận một vài chữ chìa khóa trong định nghĩa đó.
(1) Từ ngữ “giám sát” tính đến tầm rộng của những mối quan hệ Đức Chúa Trời đã
có với những trước giả và sự đa dạng của tư liệu. Sự giám sát của Chúa đôi khi rất trực
tiếp và đôi khi ít trực tiếp hơn, nhưng luôn luôn bao gồm việc canh giữ trước giả để họ
viết cách chính xác.
(2) Từ ngữ “soạn thảo” cho thấy các trước giả đã không phải là những tốc ký viên
thụ động để Đức Chúa Trời đọc cho họ chép các tư liệu, mà họ là những người viết chủ
động.
(3) “Không sai lầm” diễn tả Lời Kinh Thánh tự tuyên bố là chân lý (Gi 17:17).
(4) Chỉ có được sự soi dẫn trên bản văn nguyên thủy, chứ không dành cho những
bản sao hay bản phiên dịch, bất luận chúng có thể chính xác đến đâu đi nữa.
Quan sát: Thủ tục được dùng trong chương nầy là xem xét những dữ liệu Thánh
Kinh liên quan đến sự soi dẫn rồi phát biểu một định nghĩa kết hợp chặt chẽ những dữ
liệu đó. Rồi kế đến, định nghĩa nầy cố gắng trở thành câu phát biểu những tuyên bố
của riêng Kinh Thánh về chính nó. Chúng ta đã không bắt đầu bằng một định nghĩa và
rồi áp đặt định nghĩa đó trên dữ liệu, để rồi trong tiến trình ấy ép buộc hoặc chọn lựa
chỉ dữ liệu nào phù hợp với nó.
Cuối cùng, chúng ta không bao giờ được quên những lời tuyên bố phi thường của
Kinh Thánh về chính Kinh Thánh trong chủ đề sự soi dẫn nầy. Không sách nào sánh

72
được với Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã hà hơi Kinh Thánh; người ta đã viết; và chúng
ta có Kinh Thánh.

73
Chương 11: NHỮNG SỰ LÌA BỎ GIÁO LÝ VỀ SỰ SOI DẪN CỦA
KINH THÁNH
Đương nhiên, không phải mọi người đều hiểu giáo lý Kinh Thánh về sự soi dẫn
đúng như được diễn tả trong chương trước. Năm tháng trôi qua, người ta đã nêu biết
bao kiến thức khác về bằng chứng nầy. Một số đã có từ lâu, một số mới mẻ hơn. Nhưng
theo tôi, mọi hiểu biết đó đều khiếm khuyết.
I. SỰ SOI DẪN TỰ NHIÊN
Quan điểm nầy xem các trước giả Kinh Thánh là những thiên tài vĩ đại, không cần
bất cứ trợ giúp siêu nhiên nào khi viết ra Kinh Thánh. Một số ý bổ sung cho quan điểm
nầy như sau: (1) Chính các trước giả tự ý thức được mình đã biết điều gì; Đức Chúa Trời
đã không hà hơi ra các từ ngữ. (2) Kiểu soi dẫn nầy có thể áp dụng cho các sách khác
với Kinh Thánh. “Nhưng tuyến phân ranh giới giữa nó [Kinh Thánh và các tác phẩm
tôn giáo khác... là không sắc nét và chung quyết đủ để xác lập sự khác biệt định tính
giữa mọi tác phẩm khác với mỗi phần của các sách Kinh Thánh trong bộ kinh điển”
(Cecil J. Cadoux, A Pilgrim's Further Progress (London: Religious Book Club, 1945
trang 11)]. (3) Nếu đây là quan điểm đúng về sự soi dẫn, thì vì sao những thiên tài
ngày nay không thể viết ra những tác phẩm được soi dẫn y như các sách của Kinh
Thánh? (4) Một quan điểm về sự soi dẫn như thế đương nhiên không bao gồm tính vô
ngộ của tác phẩm đó.
II. SỰ SOI DẪN ĐỘNG LỰC HAY SOI DẪN THẦN BÍ.
Quan điểm nầy tiến xa hơn sự soi dẫn tự nhiên một bước, vì xem các trước giả còn
trổi hơn các thiên tài tự nhiên ở chỗ họ cũng được Đức Thánh Linh đầy dẫy và dẫn dắt.
“Sự soi dẫn các sách trong Kinh Thánh đối với chúng ta không hàm ý chúng được sáng
tác hay được viết ra theo bất cứ cách nào nói chung là khác với sự cảm hứng để viết ra
những tác phẩm Cơ đốc vĩ đại khác.... Có phạm vi rất rộng cho văn phẩm Cơ đốc từ thế
kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ hai mươi mà người ta có thể mô tả thích đáng là được soi
dẫn bởi Đức Thánh Linh theo chính xác ý nghĩa chính thức của việc soi dẫn các sách
trong Kinh Thánh” (Alan Richardsol, Christian Apologetics (New York: Harper, 1948,
trang 207). Như vậy: (a) Những tác phẩm Cơ đốc khác được soi dẫn giống y như Kinh
Thánh; (b) Các sách trong Kinh Thánh không có tính vô ngộ dầu vậy (c) chúng đại diện
văn chương tôn giáo tuyệt vời mà có lẽ còn chứa các sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời.
III. SỰ SOI DẪN CÓ MỨC ĐỘ.
Sự soi dẫn có mức độ nói rằng trong cuốn Kinh Thánh được soi dẫn, có những phần
được soi dẫn nhiều hơn phần khác. Toàn bộ Kinh Thánh được soi dẫn, nhưng không
cùng mức độ như nhau. “Bên trong một chức năng vĩ đại nầy của sự soi dẫn có sự đa

74
dạng đáng kể. Sự soi dẫn Êsai hay soi dẫn Phaolô là khác với sự soi dẫn trước giả sách
Châm Ngôn hay sự soi dẫn những nhà biên niên sử đã viết ra các sách Sử Ký” (Marcus
Dods, The Bible (New York: Scribners, 1905, trang 127). Tôi nghĩ quan điểm nầy ngày
nay đã bị thay thế bởi quan điểm sự soi dẫn một phần. Thực ra, sự soi dẫn có mức độ
lẫn lộn giữa ý kiến bất hợp lý cho rằng có nhiều mức độ soi dẫn với sự công nhận hợp
lý về tính thích ứng đa dạng của nhiều phần khác nhau trong một cuốn Kinh Thánh
được soi dẫn trọn vẹn.
IV. SỰ SOI DẪN MỘT PHẦN.
Khái niệm nầy dạy rằng có một số phần của Kinh Thánh được soi dẫn, còn một số
phần khác thì không. Ngược lại, sự soi dẫn có mức độ nói rằng cả Kinh Thánh đều được
soi dẫn, nhưng một số phần nầy thì được soi dẫn nhiều hơn những phần kia. Sự soi dẫn
một phần dạy rằng thực ra một số phần nào đó không hề được soi dẫn gì cả. Thông
thường, những phần được soi dẫn là những phần truyền đạt thông tin mà nếu không
được soi dẫn thì người ta không thể hiểu được (giống như các câu chuyện trong Cuộc
Sáng Tạo hoặc những lời tiên tri). Mặt khác, những phần về lịch sử, là phần mà người
ta có thể biết nhờ những văn kiện đương thời, thì không cần được soi dẫn.
Lối diễn tả đương đại của quan điểm soi dẫn một phần nầy dạy rằng: Kinh Thánh
được soi dẫn trong mục đích của Kinh Thánh. Điều nầy có nghĩa chúng ta có thể tin cậy
Kinh Thánh khi Kinh Thánh cho chúng ta biết về sự cứu rỗi, nhưng có thể cho rằng các
lỗi sai đã len vào trong các phần khác. Phần nào của Kinh Thánh có mục đích khiến
chúng ta khôn ngoan để được cứu rỗi, thì phần Kinh Thánh đó được soi dẫn; nhưng
trong những phần khác thì không bắt buộc phải cần được soi dẫn. Sau đây là một ví dụ:
“Tôi tuyên xưng tính vô ngộ và tính không sai lạc của Kinh Thánh để hoàn tất các mục
đích của Đức Chúa Trời dành cho Kinh Thánh - tức là ban cho con người khải thị về
Đức Chúa Trời trong tình yêu cứu chuộc của Ngài thông qua Đức Chúa Jesus Christ”
(Ray Summers, “How God Said It,” Baptist Standard, Dallas, Texas, ngày 4 tháng Hai,
năm 1970). Nói cách khác, ý định của Kinh Thánh được soi dẫn (bày tỏ cho con người
cách để được cứu), nhưng không soi dẫn cho toàn bộ nội dung.
Nhưng chẳng phải sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự cứu rỗi đã được căn cứ trên các
sự kiện lịch sử đó sao? Giả dụ những sự kiện đó không chính xác thì sao? Thế thì hiểu
biết của chúng ta về sự cứu rỗi cũng có thể sai lầm. Bạn không thể tách lịch sử ra khỏi
giáo lý để rồi công nhận có các lỗi sai (bất luận ít đến mức nào đi nữa) trong những câu
chuyện lịch sử mà đồng thời vẫn biết chắc chắn những phần về giáo lý là đúng sự thật
được.
V. SỰ SOI DẪN KHÁI NIỆM.

75
Có người sẵn lòng công nhận chính các khái niệm của Kinh Thánh được soi dẫn,
nhưng các lời, chữ thì không được soi dẫn. Điều nầy xem như công nhận đã có ban một
sứ điệp có thẩm quyền về khái niệm, nhưng dùng những lời những chữ mà chúng có
thể mắc lỗi sai trong một số trường hợp nào đó. Lập luận sai lạc hiển nhiên trong quan
điểm nầy ấy là: các khái niệm được diễn tả bằng cách nào? Thông qua các lời và chữ.
Thay đổi lời, chữ, tức đã đổi các khái niệm. Bạn không thể tách rời hai điều đó. Để khái
niệm được soi dẫn, bắt buộc những lời dùng diễn tả chúng cũng phải được soi dẫn nữa.
Có người dường như chấp nhận quan điểm sự soi dẫn khái niệm để phản đối lối châm
biếm thuyết soi dẫn từng lời là đọc cho viết. Đối với họ, nếu sự soi dẫn mở rộng đến
từng lời, thì Đức Chúa Trời chắc chắn phải đọc những lời đó cho người ta viết. Để tránh
kết luận đó, họ tin rằng Đức Chúa Trời chỉ soi dẫn các khái niệm; các trước giả chọn lời,
và không nhất thiết phải luôn luôn chính xác. Nhưng các khái niệm trong ý định của
Đức Chúa Trời bằng cách nào đó đã đến với chúng ta bình an vô sự.
VI. SỰ SOI DẪN THEO THUYẾT CỦA BARTH
Karl Barth (1886 - 1968), tuy là một trong số những nhà thần học có ảnh hưởng lớn
nhất trong lịch sử cận đại, lại là người giữ quan điểm khiếm khuyết và nguy hiểm về sự
soi dẫn, một quan điểm mà rất nhiều người hiện vẫn tiếp tục truyền bá. Những người
theo thuyết của Barth nói chung công khai hậu thuẫn trường phái phê bình Kinh
Thánh của thần học tự do. Tuy nhiên họ thường rao giảng giống như người Tin Lành
thuần túy. Điều nầy khiến thần học của Barth nguy hiểm hơn thần học tự do thẳng
thừng.
Đối với phái của Barth, sự khải thị tập trung vào Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Ngài
là trung tâm của vòng tròn khải thị, thì Kinh Thánh đứng trên đường chu vi của vòng
tròn đó. Đức Chúa Jesus Christ là Ngôi Lời (và quả nhiên Ngài là Ngôi Lời); nhưng Kinh
Thánh là một lời chứng về Ngôi Lời, tức Đấng Christ. Lời chứng của Kinh Thánh cho
Ngôi Lời là không ngang hàng nhau; có nghĩa là một số phần nào đó của Kinh Thánh sẽ
là lời chứng quan trọng hơn các phần khác. Những phần quan trọng chính là những
phần làm chứng về Đấng Christ. Dầu vậy, những phần như thế tuy quan trọng, nhưng
không nhất thiết là chính xác. Thực ra, phái của Barth giữ theo các kết luận của thần
học tự do đối với các sách Tin Lành, là những kết luận dạy rằng có nhiều lỗi sai trong
các bản ký thuật đó.
Phái của Barth lên án người Tin Lành thuần túy đã giữ quan điểm sự soi dẫn đọc
cho viết. Các trước giả Kinh Thánh là những chiếc máy chữ để Đức Chúa Trời đánh máy
ra sứ điệp của Ngài. Đương nhiên, đây không phải quan điểm chánh thống về sự soi
dẫn.

76
Để giải thích ý nghĩa của IITi 3:14-17 và IIPhi 1:21, Barth nhấn mạnh cả hai phân đoạn
đều không tạo cơ hội nào để cho rằng các trước giả đã có những từng trải đặc biệt. Ông
cho rằng phải hiểu sự soi dẫn là “hành động của sự khải thị để nhờ đó các tiên tri và
các sứ đồ hồi ấy trong con người phàm nhân của họ đã trở thành người như vậy, và duy
chỉ trong hành động khải thị đó, thì hiện nay họ trong con người phàm nhân của họ
cũng có thể trở thành người như vậy cho chúng ta.” (Church Dogmatics, I, 2,563). Bất
luận lời tuyên bố như thế mang ý nghĩa gì đi nữa, thì rõ ràng cũng thực sự nói rằng bản
văn Kinh Thánh là sản phẩm của con người đầy dẫy những lỗi sai, nhưng sản phẩm đó
có thể thành Lời Đức Chúa Trời khi nó chế ngự chúng ta.
Cụm từ “khi nó chế ngự chúng ta” nhắc chúng ta nhớ đến phương diện hiện sinh
trong khái niệm của Barth về sự soi dẫn. Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời khi
Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức Đấng Christ, phán với chúng ta qua các trang Kinh
Thánh. Giống như sự khải thị, sự soi dẫn nhấn mạnh đến sự gặp gỡ chủ quan và hiện
sinh. (Xem Dewey M. Beegle, The Inspiration of Scripture [Philadelphia: Westminster
Press, 1963], trang 126-131.)
Liệu một cuốn Kinh Thánh như thế có được thẩm quyền nào không? Phái của Barth
tuyên bố là có. Thẩm quyền của nó nằm ở trong sự gặp gỡ của đức tin với Đấng Christ
của Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh chỉ đến Đấng Christ, nên Kinh Thánh có thẩm quyền
mang tính phương tiện, chứ không phải có thẩm quyền cố hữu. Và những phần Kinh
Thánh nào nói đến Đấng Christ thì có thẩm quyền nhiều hơn những phần không nói
đến Đấng Christ. Tuy nhiên tất cả các phần nầy đều có lỗi sai.
Tóm tắt: Thuyết của Barth dạy rằng Kinh Thánh chỉ hướng đến Đấng Christ là Ngôi
Lời. Nhưng trong thực tế, chúng ta không biết chút gì về Đấng Christ nếu không có
Kinh Thánh. Không phải là chúng ta đã có khái niệm rõ ràng về Đấng Christ trước rồi,
để bởi đó có thể kiểm nghiệm tính chính xác của Kinh Thánh, là bảng chỉ đường. Kinh
Thánh thực sự là người họa sĩ vẽ về Đấng Christ; nói vậy có nghĩa là những gì chúng ta
biết gì về Đấng Christ thì đều ra từ Kinh Thánh. Vì thế, nếu Kinh Thánh có lỗi sai trong
đó thì bức chân dung của Đấng Christ chắc chắn có lỗi sai. Và rõ ràng như vậy thì Kinh
Thánh của Barth có lỗi sai trong đó.
Những điểm tinh tế của rất nhiều thể loại sự lìa bỏ khác nhau nầy khiến bắt buộc
phải nghe và đọc cẩn thận điều người ta nói và viết về sự soi dẫn. Từ ngữ có thể mang
vẻ chánh thống, nhưng có thể chúng chỉ là lớp vỏ che đậy quan điểm rất khiếm khuyết
về sự soi dẫn. Dữ liệu của Kinh Thánh đem đến cho chúng ta giáo lý đúng. Mọi sự đều
phải được kiểm nghiệm theo những dữ liệu nầy.

77
Chương 12: TÍNH KHÔNG SAI LẠC CỦA KINH THÁNH
Những cuộc công kích tính không sai lạc của Kinh Thánh không phải là mới, và
dường như có phần mang tính chu kỳ. Tuy nhiên, tranh luận đương thời dường như là
cuộc tranh luận nội bộ; có nghĩa tranh luận giữa những người Tin Lành thuần túy chứ
không phải giữa phái thần học tự do với phái thần học bảo thủ. Có lẽ điều nầy khiến
cuộc tranh luận càng ý nghĩa hơn, vì đã đưa ra những ranh giới cần phải vạch ra giữa
những người Tin Lành thuần túy. Nó cũng nhằm làm rõ những khác biệt chung quanh
khái niệm về tính không sai lạc.
I. TẦM QUAN TRONG CỦA TÍNH KHÔNG SAI LẠC.
A. Phát Biểu Tầm Quan Trọng Của Tính Không Sai Lạc
Liệu có thể vừa làm người Tin Lành thuần túy đồng thời lại vừa phủ nhận khái
niệm đầy trọn về tính không sai lạc hay không? Câu trả lời là có, đơn giản vì có một số
người Tin Lành thuần túy làm như vậy. Nói nghiêm túc, người Tin Lành thuần túy là
người tin nơi Tin Lành. Liệu có thể vừa làm một Cơ đốc nhân lại vừa không chấp nhận
khái niệm về tính không sai lạc? Đương nhiên là có thể được, và rõ ràng rất nhiều
người thuộc vào phạm trù đó. Làm một Cơ đốc nhân nghĩa là có liên hệ đúng với Đấng
Christ. Liệu có thể vừa làm người tin Kinh Thánh vừa phủ nhận tính không sai lạc
chăng? Không thể, nếu Kinh Thánh có dạy tính không sai lạc của chính Kinh Thánh.
Vậy, giáo lý nầy quan trọng đến mức nào? Nếu đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh,
thì phủ nhận điều đó tức nhiên là phủ nhận một phần tính đúng thật của Kinh Thánh.
Nhưng hãy suy xét điều nầy: nếu Kinh Thánh có chứa một số lỗi sai, bất luận sai ít hay
nhiều, thì làm sao biết chắc hiểu biết của mình về Đấng Christ là hiểu đúng? Biết đâu
một trong những lỗi sai nầy liên quan đến điều gì đó về cuộc đời của Đấng Christ. Ắt
không phải là không có khả năng có một lỗi sai nào đó về vấn đề hết sức quan trọng là
sự chết và sự phục sinh của Ngài. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra cho Cơ đốc luận của người
ấy? Hẳn Cơ đốc luận ấy bị thay đổi, có lẽ còn bị thay đổi quyết liệt đến nỗi không còn
đạo Cơ đốc cho người ta tin theo nữa.
Hoặc giả sử sự dạy dỗ về Thánh Linh là không chính xác. Điều nầy có thể tác động
đến giáo lý trọng tâm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, rồi đến lượt nó cũng tác động nghiêm
trọng đến Cơ Đốc luận, Cứu Thục Học và Sự Nên Thánh. Dầu xem như những lỗi sai
nầy nằm trong những vấn đề “thứ yếu,” thì bất cứ lỗi sai nào cũng khiến Kinh Thánh
dễ bị nghi ngờ cũng sai tại những ý khác mà có lẽ chúng không “thứ yếu” như thế đâu!
Nếu tính không sai lạc bị sụp đổ, những giáo lý khác cũng sẽ sụp đổ theo.
Khi tính không sai lạc bị phủ nhận, có thể chờ đợi những hậu quả nghiêm trọng
trong cả lãnh vực giáo lý lẫn sống đạo.

78
Sau đây là một số vấn đề giáo lý có thể bị ảnh hưởng nếu phủ nhận tính không sai
lạc:
(1) Phủ nhận sự sa ngã thật trong lịch sử của Ađam.
(2) Phủ nhận những sự kiện trong từng trải của tiên tri Giôna.
(3) Bào chữa để loại bỏ một số phép lạ trong cả Cựu lẫn Tân Ước.
(4) Phủ nhận quyền tác giả Ngũ Kinh của Môise.
(5) Tin sách tiên tri Êsai do hai hoặc nhiều trước giả viết ra.
(6) Bén mảng đến hoặc tin theo thần học tự do cùng với cách định nghĩa lại của
thần học tự do về tội lỗi (mang tính xã hội thay vì tính cá thể) và sự cứu rỗi (mang tính
chính trị và tạm thời chứ không mang tính thuộc linh và đời đời).
Một số lỗi sai trong nếp sống có thể đi kèm sự phủ nhận tính sai lạc là như sau:
(1) Quan điểm buông thả về tính nghiêm trọng của ngoại tình.
(2) Quan điểm buông thả về tính nghiêm trọng của đồng tính luyến ái.
(3) Quan điểm buông thả về ly dị và tái kết hôn.
(4) Sự giải nghĩa lại “tính văn hóa” về một số sự dạy dỗ của Kinh Thánh (chẳng hạn
sự dạy dỗ về người nữ, sự dạy dỗ về sự vâng phục chính quyền dân sự).
(5) Khuynh hướng nhìn xem Kinh Thánh qua khung lưới của tâm lý học hiện đại.
Tính không sai lạc là giáo lý quan trọng, phủ nhận hay thậm chí giảm giá trị giáo lý
đó có thể dẫn đến nhiều sai lạc nghiêm trọng trong giáo lý và nếp sống.
B. Tầm Quan Trọng Của Giáo Lý Này Bị Làm Giảm Đi
Vẫn có nhiều người quả quyết rằng tính không sai lạc hoặc không quan trọng và
không thích ứng, hoặc không cần thiết cho đức tin. Do đó, toàn bộ những tiếng vang
được khuấy động lên cho nó chẳng qua chỉ là bé xé ra to, và những người khăng khăng
tính không sai lạc chính là những kẻ đang quấy rối bình an của Hội Thánh.
Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tính không sai lạc là vấn đề hết sức quan trọng,
vì nếu Kinh Thánh không hoàn toàn không mắc lỗi sai, thì chắc chắn phải có ít nhất
một lỗi sai trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta thảy đều có thể đồng ý với nhau lỗi sai đó
nằm ở chỗ nào, thì có thể xem như nhân nhượng nan đề đó được. Nhưng nếu văn phẩm
hiện hành này mà là sách hướng dẫn, thì có khoảng hai mươi ứng viên cho một lỗi sai
đó, và điều đó có nghĩa có lẽ sẽ có đến hai mươi lỗi sai. Nếu như đã có đến hai mươi lỗi
sai, thì câu hỏi sẽ là: “Làm sao tôi tin cậy Kinh Thánh được?” Vì thế, tính không sai lạc
không phải là việc bé xé ra to.

79
Người ta thường nêu nhiều cớ để kết luận tính không sai lạc là giáo lý không cần
thiết.
Những người chống đối hoặc muốn giảm tầm quan trọng của tính không sai lạc
thường tuyên bố thế nầy: “Vì Kinh Thánh không dạy rõ về tính không sai lạc, nên
chúng ta cũng không dạy được.” Chí ít tuyên bố nầy cũng đẩy người quả quyết bênh
vực tầm quan trọng của giáo lý tính không sai lạc vào chỗ khăng khăng đòi hỏi nhiều
hơn cả Kinh Thánh. Còn nặng nhất thì tuyên bố nầy hàm ý hoặc khẳng định tính
không sai lạc không phải là một giáo lý trong Kinh Thánh.
Nhưng muốn lời tuyên bố trên trở nên đúng thì đòi hỏi phải có: (a) Chúng ta có thể
chứng minh Kinh Thánh không dạy rõ tính không sai lạc, và (b) nếu Kinh Thánh không
dạy (theo ý nghĩa cung cấp những câu Kinh Thánh kiểm chứng), thì dựa vào phần
nghiên cứu qui nạp về bằng chứng, chúng ta không thể khẳng định được tính không
sai lạc. Chúng ta hãy khảo sát những tuyên bố nầy.
Kinh Thánh có dạy rõ ràng về tính không sai lạc không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc
vào ý nghĩa của chữ “rõ ràng.” Nếu dùng chữ “rõ ràng” để nói đến những bản văn kiểm
chứng, như là những câu có mặt trong Kinh Thánh để nói đến sự chuộc tội thay thế
chẳng hạn (Mat 20:28), thì phải thừa nhận không có loại bằng chứng “rõ ràng” đó cho
tính không sai lạc. Nhưng nhiều giáo lý đã được những người Tin Lành thuần túy chấp
nhận là được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh, nhưng chúng lại không có những câu Kinh
Thánh kiểm chứng nào cả. Giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi là ví dụ tốt nhất cho thể
loại nầy. Công bằng mà nói, Kinh Thánh không dạy rõ ràng về giáo lý Đức Chúa Trời Ba
Ngôi, nếu dùng chữ “rõ ràng” để nói đến có bản văn Kinh Thánh kiểm chứng cho giáo
lý. Thực ra không có lấy một câu Kinh Thánh kiểm chứng nào cả, nếu chúng ta muốn
dùng chữ “câu Kinh Thánh kiểm chứng” để nói đến câu Kinh Thánh hay phân đoạn
phát biểu “rõ ràng” có một Đức Chúa Trời hiện hữu trong ba Ngôi Vị.
Như vậy, làm sao chúng ta có được giáo lý rõ ràng về Đức Chúa Trời Ba Ngôi? Chỉ
đơn giản bằng cách chấp nhận hai tuyến bằng chứng trong Kinh Thánh: (a) Những
tuyên bố rõ ràng có dạy rằng chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất; và (b) Những câu
tuyên bố cũng rõ ràng như thế để dạy rằng có một Đấng nào đó được gọi là Jesus và
một Đấng nào đó được gọi là Đức Thánh Linh, mà ngoài Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha
ra, những Đấng nầy cũng đã tuyên bố mình là Đức Chúa Trời. Những bằng chứng như
thế cho phép rút ra một trong hai kết luận: hoặc Chúa Jesus và Đức Thánh Linh không
phải là Đức Chúa Trời, hoặc Đức Chúa Trời hiện hữu như là Ba Ngôi Hiệp Một. Cơ đốc
nhân chánh thống không bao giờ lẩn tránh kết luận thứ nhì, dầu bằng chứng thuộc về
một thể loại “rõ ràng” khác với thể loại “rõ ràng” do bản văn kiểm chứng cung cấp.

80
Hoặc lấy thêm ví dụ khác nữa: Nhiều người không chấp nhận Chúa Jesus là Đức
Chúa Trời, vì nói rằng: không có bằng chứng “rõ ràng” cho thấy Ngài đã từng tuyên bố
Ngài là Đức Chúa Trời. Robert S. Alley, ở Viện Đại Học Richmond đã gây tiếng vang
giữa vòng những người BápTít Nam Phương khi ông khẳng định Đức Chúa Jesus
“không bao giờ thực sự tuyên bố mình là Đức Chúa Trời hoặc có liên hệ với Đức Chúa
Trời” ("Some Theologians Question Factual Truth of Gospels,” The Richmond News
Leader, ngày 17 tháng Bảy, năm 1978, trang 1). Dầu ông có cùng một bằng chứng từ
Kinh Thánh với người kết luận Chúa Jesus đã tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng
ông lại đi đến kết luận hoàn toàn khác. Một tà giáo như thế xúc phạm đến những tín đồ
chánh thống, và đúng là vậy.
Dầu tôi chưa thảo luận bằng chứng cho sự dạy dỗ rõ ràng từ Kinh Thánh về tính
không sai lạc, nhưng chúng ta hãy tạm cho rằng Kinh Thánh có dạy điều đó cách rõ
ràng trong giây lát, dầu không nhất thiết là phải dạy qua những bản văn (câu Kinh
Thánh) kiểm chứng. Nếu vậy, có phải để chứng minh tính không sai lạc, những người
tin Kinh Thánh có lỗi sai đang đòi hỏi Kinh Thánh phải có một tiêu chuẩn cao hơn cho
tính rõ ràng so với tiêu chuẩn họ đòi hỏi để chứng minh thần tính của Đấng Christ hoặc
Đức Chúa Trời Ba Ngôi không? Nói cách khác, chẳng phải họ có riêng một bộ tiêu
chuẩn để chứng minh rõ ràng giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi rồi có thêm một bộ tiêu
chuẩn khác nữa cho tính không sai lạc sao?
Những minh họa trên chứng minh tính sai lầm của kết luận cho rằng nếu không
kiểm chứng được bằng bản văn trong Kinh Thánh thì chúng ta không thể dạy rõ ràng
những kết quả của phép nghiên cứu qui nạp, cũng không thể rút ra kết luận hợp lý từ
những bằng chứng có trong Kinh Thánh. Nếu như vậy, thì tôi không bao giờ có thể dạy
giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hoặc thần tánh của Đấng Christ, hoặc thần tánh của Đức
Thánh Linh, hoặc thậm chí là những hình thức quản trị Hội Thánh. Tôi thường nghe
nói: “Kinh Thánh tiến đến đâu thì tôi cũng chỉ tiến đến đó mà thôi.” Đó có thể là tiêu
chuẩn tốt, vì chúng ta không hề có ý muốn thêm vào những lời dạy dỗ của Kinh Thánh.
Nhưng chúng ta cũng không muốn bỏ qua bất cứ điều gì Kinh Thánh dạy rõ ràng bởi
những bản văn kiểm chứng, hoặc bởi sự suy luận, sự qui nạp, bởi hàm ý, phép lập luận
hợp lý, hoặc bởi các nguyên tắc. Lời tuyên bố không muốn vượt quá sự dạy dỗ của Kinh
Thánh có thể cũng chỉ là cái cớ để không muốn đối mặt với những hàm ý trong lời dạy
của Kinh Thánh. Và tôi e rằng đối với một số người thì đó chính là cớ biện hộ để không
muốn đối mặt với lời Kinh Thánh phán dạy về tính không sai lạc của chính Kinh
Thánh.
Cớ biện hộ thứ nhì để hạ thấp tầm quan trọng của tính không sai lạc là: vì chúng ta
không có bất cứ thủ bản nguyên thủy nào của Kinh Thánh, và vì tính không sai lạc chỉ
liên quan đến những bản văn nguyên thủy đó thôi, nên giáo lý tính không sai lạc chỉ là

81
một giáo lý mang tính lý thuyết, do đó là không cần thiết. Chúng ta không có bất cứ thủ
bản nguyên thủy nào của Kinh Thánh, và giống như giáo lý về sự soi dẫn, giáo lý về
tính không sai lạc cũng chỉ được căn cứ duy cho thủ bản nguyên thủy mà thôi, chứ
không cho bất kỳ một bản sao nào. Hai tiền đề trong tuyên bố trên đây là chính xác,
nhưng những tiền đề cụ thể đó không hề chứng minh được tính sai lạc là giáo lý không
cần thiết.
Hiển nhiên, người ta chỉ có thể khẳng định tính không sai lạc cho những thủ bản
nguyên thủy, vì chỉ có chúng mới phát xuất trực tiếp từ Đức Chúa Trời dưới sự soi dẫn.
Chẳng hạn, ngay chính bản sao đầu tiên cho một bức thơ của Phaolô thì thực ra vẫn là
bản sao, và không phải là nguyên bản do chính Phaolô đích thân viết ra hoặc đọc cho
người khác viết ra. Cả sự soi dẫn lẫn tính không sai lạc chỉ đúng cho những thủ bản
nguyên thủy. Nhưng liệu người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai có dám tuyên bố sự
soi dẫn là giáo lý không cần thiết do dựa vào cơ sở là không có những thủ bản nguyên
thủy và không được gán sự soi dẫn cho những bản sao? Tôi không nghĩ như vậy. Như
vậy, vì sao họ lại nói như thế về tính không sai lạc?
Một lập luận khác nữa ấy là: tính không sai lạc là một giáo lý mới đây chứ Hội
Thánh ngày trước không quan tâm đến ; do đó ngày nay chúng ta cũng không cần quan
tâm.
Lập luận từ lịch sử Hội Thánh dường như luôn ngóc đầu trổi dậy mỗi khi bàn luận
đến một giáo lý nào đó. Nếu giáo lý đã được dạy từ thời cổ, thì xem như trở nên đáng
tin hơn. Mặt khác, nếu người ta chưa dạy giáo lý đó mãi cho đến những năm gần đây,
thì giáo lý đó đáng nghi ngờ.
Đương nhiên, bản thân lập luận nầy là vô căn cứ rồi. Tính đúng hay sai của bất kỳ
giáo lý nào không tùy thuộc vấn đề giáo lý đó đã từng được dạy dỗ trong lịch sử Hội
Thánh hay chưa. Tính chân lý của nó chỉ tùy thuộc vào vấn đề giáo lý ấy có được dạy
trong Kinh Thánh không. Phải thừa nhận rằng một giáo lý trước đây chưa hề nghe đến
thì có thể gây nghi ngờ, nhưng chính Kinh Thánh - chứ không phải lịch sử Hội Thánh -
mới là tiêu chuẩn để đánh giá mọi sự dạy dỗ.
Dầu vậy, cớ bào chữa từ lịch sử vẫn khăng khăng bám lấy giáo lý về tính không sai
lạc. Người ta nói giáo lý đó mới có gần đây, do đó cuộc tranh luận này phải chấm dứt
thôi.
Có người nói tính không sai lạc phát xuất từ B. B. Warfield ở Princeton vào cuối
những năm 1800. Người khác tuyên bố chính Turretin, một nhà thần học thuộc giáo
hội Lutheran, đã khởi xướng giáo lý đó ngay sau cuộc Cải Chánh.
Thực ra, cả hai nhân vật trên đều không khởi xướng giáo lý đó. Chúng ta tin rằng
Đấng Christ, cũng như Sứ Đồ Phaolô đã dạy về tính không sai lạc. Hơn nữa, Augustine,
82
Aquinas, những nhà Cải Chánh, cùng nhiều vĩ nhân khác đã tin điều đó trong suốt lịch
sử Hội Thánh. Đương nhiên bằng chứng như thế từ lịch sử không làm cho giáo lý nầy
có hiệu lực (sự dạy dỗ của Đấng Christ và sự dạy dỗ của Phaolô thì có, và chúng ta sẽ
khảo sát sau), nhưng bằng chứng đó làm mất hiệu lực lời tuyên bố tính không sai lạc là
khám phá mới đây.
Ví dụ: Augustine (396-430) đã dạy rõ rằng “những hậu quả tàn khốc nhất chắc
chắn giáng xuống khi chúng ta tin trong các sách thiêng liêng nầy (Kinh Thánh) có bất
cứ điều gì sai lầm. Nói như vậy có nghĩa những con người đã được dùng để ban Kinh
Thánh và được biệt riêng để viết Kinh Thánh cho chúng ta kia chính là những người đã
viết ra điều gì đó sai lầm trong những sách nầy. Nếu bạn có lần cho phép chỉ một tuyên
bố sai vào trong một đền thánh cao quí đến như thế của thẩm quyền, thì trong các sách
nầy sẽ không còn lại một câu đơn nào (khi xem ra khó thực hành hay khó tin) mà
người ta không dùng chính quy tắc chết người nầy để giải thích nó như là một câu
trong đó trước giả cố tình công bố một điều vốn không đúng” (Epistula, trang 28). Nói
theo từ ngữ thời xưa thì đây chính là thuyết domino (lý thuyết cho rằng nếu để cho một
hành động hay một biến cố xảy ra thì một loạt hành động hay biến cố tương tự sẽ xảy
ra tiếp theo - Tự Điển).
Một lần nữa, Thomas Aquinas (1224-1274) giải thích rõ rằng: “không có một điều
sai lầm nào có thể tồn tại bên dưới nghĩa đen của Kinh Thánh” (Summa Theologica, I,
1,10, ad 3). Luther cũng tuyên bố: “Kinh Thánh không hề mắc lỗi sai” (Works of Luther,
XV: 1481). John Wesley, nhà sáng lập Hội Giám Lý (Methodism), đã viết rằng: “Quả
thật, nếu Kinh Thánh mà có lỗi sai, thì có lẽ có đến cả một ngàn lỗi. Nếu có một sai lầm
trong cuốn sách Thánh đó, thì sách Thánh đó đã không đến từ Đức Chúa Trời của lẽ
thật” (Journal VI, 117).
Vậy, làm sao nói được tính không sai lạc là phát minh mới đây? Nhưng cho dẫu là
phát minh mới đây, nó vẫn có thể là một giáo lý chân chính.Chỉ có Kinh Thánh - chứ
không phải lịch sử - mới giải thích cho chúng ta biết được.
II. Ý NGHĨA CỦA TÍNH KHÔNG SAI LẠC.
Không có nhiều định nghĩa về tính không sai lạc! Những người tin Kinh Thánh có
lỗi sai đã đánh đồng tính vô ngộ với tính không sai lạc, rồi giới hạn phạm vi của nó vào
trong những vấn đề của đức tin và sống đạo hoặc vào trong những vấn đề của sự khải
thị, hoặc vào sứ điệp sự cứu rỗi. Một ví dụ của trường hợp này: “Kinh Thánh là vô ngộ,
theo như cách tôi định nghĩa từ ngữ đó, nhưng không phải là không sai lạc. Điều nầy có
nghĩa: có những lỗi sai về lịch sử và khoa học trong Kinh Thánh, nhưng tôi thấy không
có lỗi sai nào trong những vấn đề đức tin và nếp sống đạo” (Stephen T. Davis, The

83
Debate about the Bible (Philadelphia: Westminster Press, 1977, trang 115). Ít ra thì đây
cũng là một sự phân biệt trung thực giữa tính vô ngộ với tính không sai lạc.
Hiệp Ước Lausanne tuyên bố Kinh Thánh là “không sai lạc trong mọi vấn đề mà
Kinh Thánh khẳng định.” Phải thừa nhận cụm từ nầy rất uyển chuyển, vì có thể công
nhận có lỗi sai trong những lãnh vực như Cuộc Sáng Thế, là nơi một số nhà giải kinh
cho rằng Kinh Thánh không đang khẳng định những sự kiện lịch sử. Cả người tin Kinh
Thánh không sai lạc lẫn người tin Kinh Thánh có sai lạc đều có thể tán thành tuyên bố
đó.
Giáo Hội Nghị Quốc Tế về Tính Không Sai Lạc của Kinh Thánh đã khẳng định trong
tuyên ngôn của hội nghị rằng: “Kinh Thánh không có một lỗi sai hay nhầm lẫn nào
trong toàn bộ mọi sự dạy dỗ của Kinh Thánh...” Tiếp theo đó là mười chín điều khoản
để mô tả và giải nghĩa thêm cho tính không sai lạc.
Tuyên bố ngắn gọn nầy sẽ chưa thỏa mãn cho người tin Kinh Thánh có lỗi sai. Nếu
còn nghi ngờ điều đó, đương nhiên phần giải nghĩa tỉ mỉ gồm mười chín điều khoản
này làm cho người tin Kinh Thánh có lỗi sai khỏi đồng ý với tuyên bố nầy luôn.
Tự điển định nghĩa tính không sai lạc là “tình trạng không có lỗi sai.” Hầu hết
những định nghĩa về tính không sai lạc đều có chung phần mô tả tiêu cực nầy. Như vậy
theo định nghĩa đó, thắc mắc sẽ nảy sinh ấy là: “Cái gì là lỗi sai? Liệu Kinh Thánh có
thể dùng những đánh giá phỏng chừng (con số xấp xỉ) mà vẫn không mắc lỗi sai
không? Liệu trước giả Tân Ước có thể tự do trích dẫn Cựu Ước rồi tuyên bố rằng phần
trích của mình không có lỗi sai không? Liệu một trước giả Kinh Thánh có thể dùng
ngôn ngữ của hiện tượng mà không truyền đạt lỗi sai không? Liệu có thể tồn tại những
bản ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện mà không dính dấp đến lỗi sai không?
Phải thừa nhận rằng dữ liệu của Kinh Thánh thường bao gồm những đánh giá
phỏng chừng, những lời trích dẫn tự do, ngôn ngữ của hiện tượng, những bản ký thuật
khác nhau về cùng một sự kiện. Dữ liệu đó có thể hỗ trợ định nghĩa về tính không sai
lạc là “tình trạng không có lỗi sai” không? Hiển nhiên, dữ liệu và định nghĩa phải hài
hòa với nhau nếu đó là một định nghĩa chính xác cho những gì Kinh Thánh dạy về tính
không sai lạc của chính Kinh Thánh.
Có lẽ căng thẳng nầy sẽ được xóa bỏ nếu chúng ta định nghĩa tính không sai lạc
một cách tích cực - tính không sai lạc của Kinh Thánh có nghĩa đơn giản là Kinh Thánh
nói ra những sự thật. Sự thật có thể, và thực sự, bao gồm những đánh giá phỏng chừng,
những lời trích dẫn tự do, ngôn ngữ của hiện tượng, và những bản ký thuật khác nhau
về cùng một sự kiện miễn không mâu thuẫn nhau. Ví dụ, nếu bạn muốn kể cho nghe
tôi một người bạn của bạn có số thu nhập năm ngoái là một trăm ngàn USD, tôi có thể
sẽ hỏi lại (nhất là khi tôi chưa hề thấy anh ấy là người giàu): “Anh đang nói thật chứ?”

84
Khi bạn trả lời: “Thật!” thì câu trả lời đó sẽ là một câu trả lời không sai lạc, dầu rằng thu
nhập của người kia khi khai trình cho cơ quan IRS là $100,537. Con số xấp xỉ đó sẽ nói
lên một sự thật. Hoặc nếu tôi nói: “Mặt trời mọc lên trên trũng Great Canyon là cảnh
tượng ngoạn mục nhất tôi từng được thấy trong đời,” câu tuyên bố của tôi với chính
cách sử dụng ngôn ngữ của hiện tượng sẽ nói lên sự thật, dầu mặt trời không mọc lên
theo nghĩa đen trên trũng Great Canyon.
Có phải Kinh Thánh bảo đừng nói dối không? Đúng vậy, Kinh Thánh bảo đừng nói
dối. Đó có phải là một câu tuyên bố đúng không? Đương nhiên, dầu vậy bảo rằng Kinh
Thánh nói “Chớ nói dối nhau” thì cũng vẫn đúng. Câu trích dẫn tự do ấy cũng đúng.
Hoặc một trường hợp nữa, vợ tôi kể cho tôi rằng khi nhà tôi xem đổi phiên gác tại
Cung Điện Buckingham, một người lính bất tỉnh ngã lăn ra đất. Nhưng báo chí nói cũng
trong chính ngày đó, có ba người bất tỉnh. Đó cũng là một bản tường trình đúng sự thật.
Nếu vợ tôi nói chỉ duy nhất một người lính bất tỉnh, thì tường trình của nàng sẽ sai.
Thực sự có ba người đã bất tỉnh, nhưng nàng chỉ tập trung vào người gần nơi nàng
đang đứng nhất. Thậm chí cũng có thể nàng đã nhìn thấy những người kia bất tỉnh,
nhưng chỉ đơn giản là không thuật lại chuyện đó. Dầu vậy, câu tuyên bố của nàng vẫn
đúng.
Nếu ICo 10:8 nói 23.000 đã ngã chết trong một ngày và Dan 25:9 ghi lại 24.000,
nhưng không ghi thêm phần hạn định “trong một ngày,” thì chúng ta hiểu cả hai đều
đang kể sự thật (và chắc chắn cả hai con số nầy là những số xấp xỉ của số lượng người
đã ngã chết trong một ngày và số lượng thương vong thêm sau đó nữa).
Nếu trước giả Tân Ước trích dẫn tự do từ Cựu Ước, vì ông đang viết dưới sự soi dẫn
của Đức Thánh Linh, phần trích dẫn đó trở thành một phần trong bản văn được soi dẫn
và không sai lạc. Đức Thánh Linh, là tác giả của cả Tân Ước và Cựu Ước, đương nhiên
có quyền trích dẫn chính Ngài theo ý Ngài muốn, và Ngài dùng những phần trích dẫn
đó với những ý nghĩa mà chúng ta - là những người giải kinh không được soi dẫn - sẽ
không bao giờ thấy được.
Cách dùng ngôn ngữ của hiện tượng là một cách truyền thông phổ quát, đôi khi còn
sinh động hơn cả cách truyền thông của ngôn ngữ khoa học nữa.
Nếu Mác và Luca nói một người mù được sáng mắt ở Giêricô, trong khi Mathiơ
tường trình là hai người, thì cả hai lời tuyên bố đó đều đúng miễn Mác và Luca không
nói chỉ có duy nhất một người.
Hầu hết những tranh cãi về đúng sai đều đi lạc hướng khi chúng trở nên thiên về
triết lý và không còn bám sát thực tế thường ngày nữa. Hầu hết mọi người đều hiểu rõ
ràng và dễ dàng rằng những con số phỏng chừng, v.v..., đều nói lên sự thật. Kinh Thánh

85
không sai lạc ở chỗ: Kinh Thánh nói ra sự thật, và nói ra sự thật như vậy mà không mắc
lỗi sai trong mọi phần và mọi lời của Kinh Thánh.
Nếu không phải như thế, làm sao Chúa khẳng định rằng người ta sống bởi mọi lời
nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Mat 4:4), đặc biệt nếu cả Kinh Thánh đều là bởi Đức
Chúa Trời hà hơi?
III. SỰ NHẬP THỂ VÀ TÍNH KHÔNG SAI LẠC.
Lý luận của một số người vẫn quả quyết rằng bất cứ điều gì dính dáng đến con
người thì đều phải chấp nhận khả năng có tội lỗi. Vì thế, trong chừng mực Kinh Thánh
là Cuốn Sách vừa của Đức Chúa Trời vừa của con người, thì tồn tại khả năng và thực
trạng có lỗi sai.
Chúng ta hãy khảo sát tiền đề nầy. Có phải không thể tránh khỏi tình trạng là hễ có
nhân tánh là có dính dáng đến tội lỗi không?
Nếu bạn bị cám dỗ để trả lời khẳng định, thì chắc chắn một ngoại lệ sẽ tức khắc
hiện ra trong trí bạn. Tựa đề phần nầy gợi ý cho bạn. Ngoại lệ đó là Đức Chúa Jesus
Christ của chúng ta. Ngài vừa là Đức Chúa Trời, vừa là con người, thế nhưng nhân tánh
của Ngài không bao hàm tội lỗi. Vậy, Ngài trở thành ví dụ rõ ràng về ngoại lệ cho phép
lập luận trên của những người tin Kinh Thánh có lỗi sai.
Giáo lý chân chính về Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là Con Người phát biểu rằng
Ngài có trọn vẹn thần tánh trọn lành và nhân tánh trọn lành, và những bản tánh nầy
được hiệp nhất trong một Ngôi Vị đời đời. Thần tánh của Ngài không hề bị giảm trong
bất cứ chi tiết nào; nhân tánh Ngài tuyệt đối không hề nhuốm tội lỗi hay không có thực,
nhưng là nhân tánh vô tội; và trong một Ngôi Vị của Ngài, các bản tánh của Ngài không
hề trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia cũng không phân ly.
Tương tự, Kinh Thánh là Cuốn Sách vừa của Đức Chúa Trời, vừa của con người. Dầu
Kinh Thánh xuất phát từ Đức Chúa Trời, nhưng thực sự do con người viết ra. Đó là Lời
Đức Chúa Trời, được truyền đạt thông qua Đức Thánh Linh. Con người tội lỗi đã viết ra
Lời đó, nhưng đã viết ra mà không mắc một lỗi sai nào. Trong sự nhập thể, Đấng Christ
đã mang lấy nhân tánh mà tuyệt đối không hề nhuốm tội lỗi thế nào, thì việc trước tác
Kinh Thánh cũng không nhuốm bất cứ lỗi sai nào thể ấy.
Tôi xin đưa phép so sánh này tiến xa hơn nữa. Trong nhân tánh của Chúa Jesus
Christ, có một số đặc điểm mà không phải do tùy ý chọn. Ngài phải là một người Do
thái. Ngài không thể là một người ngoại bang. Ngài phải là người nam, chứ không là
người nữ. Ngài phải vô tội, chứ không có tội. Nhưng có một số đặc trưng của nhân tánh
vô tội mà có thể gọi là mang tính tùy ý chọn. Hẳn Chúa Jesus đã có thể có nhân tánh
trọn lành trong vài phân thay đổi chiều cao ở tuổi trưởng thành, dầu vậy một người lùn

86
hoặc một người khổng lồ nào đó ắt hẳn sẽ không trọn lành. Có lẽ Ngài đã thay đổi cân
nặng đôi chút ở tuổi trưởng thành mà Ngài vẫn trọn lành. Chắc chắn số lượng sợi tóc
trong giới hạn trên đầu Ngài hẳn có thể là một tùy chọn vô tội. Tuy nhiên sự thực là
nhân tánh Ngài thể hiện ra chính là nhân tánh trọn lành.
Những trước giả Kinh Thánh không thụ động. Họ đã viết ra khi được Đức Thánh
Linh cảm động, và trong những tác phẩm đó có một số điều mà không thể nào nói khác
hơn thế được. Phaolô đã khăng khăng dạng số ít chứ không dùng dạng số nhiều trong
Ga 3:16. Nhưng có thể nhận thấy rằng có một số tùy chọn vô tội nào đó như trong câu
tuyên bố đầy tình cảm của Phaolô trong Ro 9:1-3. Tuy nhiên, Kinh Thánh chúng ta đang
có thực sự chính là bản ký thuật hoàn hảo sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng
ta.
Mọi người đều vật lộn với mối tương quan giữa quyền tác giả Kinh Thánh của Đức
Chúa Trời và của con người. Sự thực là không được phép nhấn mạnh yếu tố thiên
thượng đến nỗi loại bỏ yếu tố con người, và cũng không được phép để cho yếu tố con
người mang tính người nhiều đến nỗi cho phép có lỗi sai trong bản văn Kinh Thánh.
Một điều tương tự đã xảy ra liên quan đến thân vị của Đấng Christ ở những thế kỷ
đầu trong lịch sử hội thánh. Hình Như Thuyết (Docetism), tà giáo ở thế kỷ thứ nhất, dạy
rằng Đấng Christ đã không thực sự trở nên xác thịt, nhưng chỉ hiện ra như một con
người, và như thế đã tước mất đi nhân tánh đích thực của Ngài. Đương nhiên, Hình
Như Thuyết là một sai lạc về Cơ Đốc Luận, nhưng bạn có thể thấy sự so sánh tương tự
trong vấn đề về quyền tác giả kép của Kinh Thánh. Người cho rằng có lỗi sai trong
Kinh Thánh thì nói tính không sai lạc nhấn mạnh quá đáng vào quyền tác giả thiên
thượng, đến nỗi bỏ qua “tính con người” trong đó. Như thế, việc Đức Chúa Trời giám sát
Kinh Thánh đến mức độ viết ra một cuốn Kinh Thánh không có lỗi sai được gọi là quan
điểm Hình Như Thuyết về sự soi dẫn. Karl Barth đã lên án như vậy, và mới đây hơn,
nhà thần học Hàlan là Berkhouwer và giáo sư Paul Jewett ở chủng viện Fuller cũng lên
án như vậy.
Nhưng nếu đúng (mà thật ra là không đúng) là người tin Kinh Thánh hoàn toàn
không sai lạc đang đề xướng một tà giáo giống Hình Như Thuyết, thì cũng đúng y như
vậy là người tin vào bất cứ hình thức nào của thuyết cho Kinh Thánh có lỗi sai đang
ủng hộ một giáo lý tương tự tà giáo Ebionism.
Trong thế kỷ thứ nhì, người theo tà giáo Ebionism phủ nhận thần tánh của Đấng
Christ, bằng cách phủ nhận sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh và sự hiện hữu từ trước
của Đấng Christ. Họ xem Jesus là con trai theo công lệ thiên nhiên của Giôsép và Mari,
và được chọn làm Con Đức Chúa Trời tại lúc chịu phép báptêm, chứ không phải Con

87
Đời Đời của Đức Chúa Trời. Họ nghĩ Chúa Jesus là một đại tiên tri và cao trọng hơn các
thiên sứ trưởng, nhưng không phải là Đức Chúa Trời.
Như vậy, nếu tính không sai lạc bị xem như là tà giáo như kiểu Hình Như Thuyết,
thì tính có sai lạc, dù là sai hữu hạn, vẫn hiển nhiên là tà giáo giống Ebionism, vì cớ
phần nhân tánh của Kinh Thánh phải cho phép có lỗi sai trong Kinh Thánh. Theo quan
điểm Kinh Thánh có lỗi sai, vì con người bằng xương bằng thịt có can dự vào, nên
không thể bảo đảm những tác phẩm của họ là không mắc lỗi sai, cho dầu Đức Thánh
Linh đã hướng dẫn và soi dẫn họ. Đó là một sai lầm giống như kiểu Ebionitism.
Có giáo lý chánh thống về thân vị của Đấng Christ và có giáo lý chánh thống về
Kinh Thánh. Cả hai đều có sự dự phần của Đức Chúa Trời và của con người, và cả hai
đều đem lại một sản phẩm vô tội.

88
Chương 13: TÍNH KHÔNG SAI LẠC VÀ NHỮNG LỜI DẠY CỦA
ĐẤNG CHRIST
Một phép diễn dịch gồm một đại tiền đề, một tiểu tiền đề, và một kết luận. Chứng
cớ diễn dịch cho tính không sai lạc là thế nầy: Đức Chúa Trời là đúng, Đức Chúa Trời đã
soi dẫn Kinh Thánh, do đó Kinh Thánh là đúng. Đương nhiên bất cứ phép diễn dịch nào
thì cũng chỉ hợp lý như các tiền đề của nó thôi. Trong phép diễn dịch cụ thể trên đây,
cả hai tiền đề đều hợp lý và đúng, đơn giản là vì chúng được phát biểu rõ ràng trong
chính Kinh Thánh. Vì thế chứng cớ diễn dịch cho tính không sai lạc là mang tính vững
chắc và quyết định giống như thẩm quyền của chính Kinh Thánh vậy.
Nhưng còn một hướng lý luận khác nữa, là phép qui nạp. Trong phép qui nạp,
người ta lý luận từ rất nhiều thành phần để đưa đến tổng thể, từ những điểm cụ thể để
đưa đến tổng quát. Do đó, kết luận được rút ra từ bằng chứng.
Phép qui nạp cũng chỉ hợp lý bằng với tính hoàn chỉnh đầy đủ của bằng chứng
được nghiên cứu. Nếu năm máy đánh chữ đầu tiên mà người ta đã thấy là toàn những
máy chữ dùng điện thì họ có thể kết luận mọi máy chữ đều là máy chữ điện. Nhưng
đương nhiên, chiếc máy chữ bằng cơ đầu tiên mà người ta quan sát được sẽ làm mất
hiệu lực kết luận nầy. Dầu vậy, không phải mọi phép quy nạp đều có nguy cơ mất hiệu
lực cao như thế, vì nếu có thể khảo sát càng nhiều bằng chứng càng tốt, thì có thể bảo
đảm có được một kết luận rất đáng tin cậy.
Chúng ta có thể khảo sát mọi sự dạy dỗ đã được ghi lại của Đấng Christ. Chúng ta
không tin vào khả năng có sự dạy dỗ không được ghi lại nào đó của Đấng Christ hóa ra
lại vô hiệu hóa bằng chứng tìm được từ những sự dạy dỗ của Ngài trong các sách Tin
Lành. Nếu có thể nghiên cứu mọi lời Ngài đã phán về tính đáng tin cậy của Kinh
Thánh, thì chúng ta có thể rút ra kết luận hiệu lực về quan điểm của Đấng Christ đối
với Kinh Thánh.
I. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 4:1-11.
Câu chuyện sự cám dỗ Chúa chúng ta bày tỏ một số vấn đề quan trọng về quan
điểm của Ngài đối với Kinh Thánh.
Thứ nhất, Chúa Jesus chấp nhận sự soi dẫn toàn phần của Kinh Thánh; khi ma quỉ
lần đầu cám dỗ Chúa biến đá thành bánh, Chúa chúng ta đáp rằng người ta sống nhờ
mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Mat 4:4 đã trích lời Phu 8:3). Ngài không phán:
“một số lời nói” nhưng phán “mọi lời nói.” Nếu Kinh Thánh được hà hơi từ Đức Chúa
Trời (IITi 3:16), thì Kinh Thánh chắn chắn phải được bao gòm trong thứ nuôi sống con
người, không phải chỉ những phần của Kinh Thánh nhưng là toàn bộ Kinh Thánh.

89
Cám dỗ thứ nhì cũng minh họa tầm quan trọng của sự soi dẫn toàn phần. Satan cố
nhử Chúa gieo mình xuống từ nóc đền thờ bằng cách cam đoan với Ngài: Ngài có thể
đòi hỏi lời hứa của Thi 91:11-12, để thiên sứ Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ Ngài. Nhưng khi
trích những câu Kinh Thánh nầy, Satan bỏ qua một phần của câu 11 “bảo gìn giữ ngươi
trong các đường lối người.” Sự bỏ sót nầy xuyên tạc ý nghĩa của lời hứa, là lời hứa rằng
Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ người công bình trên hành trình của họ, chứ không phải Ngài
sẽ gìn giữ để họ liều mạng cách không cần thiết. Liều mạng cách không cần thiết chính
là điều Satan đề nghị Đấng Christ. Chúa đáp lại rằng đặt hy vọng vào một phần của
một câu Kinh Thánh tức là thử Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Ngài sẽ nương cậy vào mọi
lời nói đã ra từ Đức Chúa Trời, bao gồm mọi lời của các câu 11-12.
Thứ nhì, Chúa Jesus chấp nhận chân lý của những định đề trong Kinh Thánh. Như
đã nói, lập trường được ưa chuộng ngày nay xem Kinh Thánh chỉ chứa đựng những
khải thị mang tính cá nhân, chứ không chứa khải thị mang tính định đề. Nói vậy có
nghĩa Kinh Thánh khải thị Đức Chúa Trời và Đấng Christ cách chính xác, nhưng thực
hiện như thế trong một mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, chứ không trong những
câu tuyên bố. Do đó, tuy có thể tin cậy sứ điệp của Kinh Thánh, nhưng chúng ta thực sự
không thể (và cũng không cần) tin cậy những câu tuyên bố cụ thể hay những định đề
cụ thể của Kinh Thánh. Họ nói Kinh Thánh làm chứng cho lẽ thật vô ngộ, nhưng không
nhất thiết phải làm chứng bằng những câu tuyên bố không có lỗi sai. Bảng chỉ đường,
tức Kinh Thánh, là có thể sai, nhưng Đấng Christ - tức Đấng mà Kinh Thánh chỉ đến -
mới là vô ngộ.
Nhưng lời Đấng Christ đáp lại những công kích của Satan đã phủ nhận lập trường
nầy. Chúa phán: “Vì có lời chép rằng” (Mat 4:4,7,10). Ngài không phán: “Kinh Thánh làm
chứng.” Ngài nương cậy vào những tuyên bố định đề để truyền đạt chính bản thân lẽ
thật, và để truyền đạt lẽ thật cách chính xác.
II. BẰNG CHỨNG TỪ CÁCH ĐẤNG CHRIST SỬ DỤNG CỰU ƯỚC.
Cách Chúa chúng ta dùng những sự kiện lịch sử trong Cựu Ước cho thấy Ngài tin
quyết hoàn toàn nơi sử tính của những sự kiện đó.
Ngài công nhận Ađam và Êva đã được dựng nên bởi Đức Chúa Trời, họ là hai hữu
thể người sống động, chứ không phải chỉ là những biểu tượng của người nam và nữ, và
họ đã hành động theo những cách cụ thể (Mat 19:3-5; Mac 10:6-8).
Ngài đã xác minh những sự kiện liên quan đến Cơn Nước Lụt thời Nôê là đúng; tức
là, đã có một con tàu và cơn nước lụt diệt hết mọi người không ở trong con tàu đó (Mat
24:38-39; Lu 17:26-27).

Trong hai dịp khác, Ngài xác nhận sự kiện Đức Chúa Trời hủy diệt Sôđôm, sử tính
của Lót và vợ ông (Mat 10:15; Lu 17:28-29).
90
Ngài đã chấp nhận câu chuyện của Giôna và con cá lớn là thật (Mat 12:40), và công
nhận sử tính của Êsai (12:17), Êli (17:11-12), Đaniên (24:15), Abên (23:35), Xachari (23:35),
Abitha (Mac 2:26), Đavít (Mat 22:45), Môise và các tác phẩm của ông (8:4; Gi 5:46),
Ápraham, Ysác và Giacốp (Mat 8:11; Gi 8:39).
Đấng Christ không chỉ nói bóng gió đến những câu chuyện nầy, nhưng Ngài xác
nhận những sự kiện trong các câu chuyện đó là lịch sử đúng sự kiện để phải được tin
cậy hoàn toàn vào đó. Những sự kiện nầy bao gồm rất nhiều phân đoạn gây tranh luận
trong Cựu Ước, như Công Cuộc Sáng Tạo, Cơn Nước Lụt, rất nhiều phép lạ lớn kể cả
Giôna và con cá.
Hiển nhiên, Chúa chúng ta cảm thấy Ngài có một cuốn Kinh Thánh đáng tin cậy,
đúng lịch sử, và mọi lời trong đó đều đáng tin.
Nếu thấy Ngài chỉ sử dụng hoặc chỉ dạy cách chung chung về Kinh Thánh, thì
chúng ta sẽ kết luận Ngài tin cách chung chung nơi tính đáng tin cậy của Kinh Thánh.
Mặt khác, nếu thấy Ngài tin những chi tiết rất nhỏ nhặt của Kinh Thánh là chính xác,
thì chúng ta phải kết luận Ngài tin Kinh Thánh không sai lạc đến tận các chi tiết.
III. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 5:17-18
“Các người đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; Ta đến, không
phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất
chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi
mọi sự được trọn.”
Thứ nhất, có lời hứa nào? Chính là luật pháp và lời tiên tri sẽ không bị hủy bỏ,
nhưng sẽ được ứng nghiệm trọn. Hủy bỏ có nghĩa là không làm hoàn thành một điều gì
đó, và làm cho trọn có nghĩa là thực hiện xong những lời hứa. Đấng Christ đang bảo
đảm các lời hứa sẽ không bị bãi bỏ.
Thứ nhì, điều gì được bao gồm trong lời hứa nầy? “Luật pháp và lời tiên tri” bao gồm
toàn bộ Cựu Ước, tức là Kinh Thánh của Chúa chúng ta. “Luật pháp” trong câu 18 cũng
có nghĩa là Kinh Thánh (đối chiếu cách dùng chữ “Luật Pháp” trong Gi 10:34, gồm nhiều
hơn Luật Pháp Môise).
Thứ ba, toàn bộ những lời hứa của Cựu Ước sẽ được ứng nghiệm trong chi tiết nào?
Chúa phán bạn có thể tin cậy những lời hứa của Cựu Ước sẽ được ứng nghiệm đến từng
chấm từng nét.
“Chấm” là mẫu tự yodh trong tiếng Hêbơrơ. Đây là chữ nhỏ nhất trong mọi mẫu tự
của bảng chữ cái Hybálai. Nó chỉ chiếm khoảng cách tương ứng một dấu (') trong Anh
ngữ trên một hàng đánh máy. Thực ra, mẫu tự Hybálai nầy trông rất giống với dấu (').
Dầu là mẫu tự nhỏ nhất trong bảng mẫu tự Hybálai, nhưng nó cũng quan trọng như bất

91
cứ mẫu tự nào khác, vì các mẫu tự ráp thành chữ, rồi chữ hợp thành câu và các câu tạo
thành những lời hứa. Nếu bạn ráp vần một chữ theo một cách nầy thì trở thành một
chữ nầy; nếu bạn ráp vần theo cách khác, thậm chí chỉ khác một mẫu tự thôi, thì nó trở
thành một chữ khác rồi. “Tough” có nghĩa là “cứng chắc.” Một mẫu tự thay đổi thì ráp
thành chữ “Touch” (sờ). Thêm một mẫu tự nữa thì trở thành “Though” (dầu vậy). Những
mẫu tự đơn làm thay đổi các chữ. Chúa của chúng ta hứa rằng ngay cả một chấm cũng
không qua đi. Mọi lời hứa đều sẽ được ứng nghiệm đúng y theo cách đã được nói ra.
Hãy quan sát: Đấng Christ không bắt đầu từ các khái niệm để rồi từ đó công nhận
có những chữ tùy chọn để dùng truyền đạt các khái niệm đó (như cách dạy của sự soi
dẫn khái niệm). Ngài bắt đầu theo cách ngược lại. Các lời hứa được căn cứ trên những
chữ theo như cách đã được nói lên, và có thể tin trọn vẹn các chữ đó đến từng chi tiết.
Chúa chúng ta cũng không phán rằng những lời hứa đó sẽ được ứng nghiệm miễn
chúng thích ứng với nền văn hóa tại thời điểm ứng nghiệm. Trong một số giới ngày
nay, các lời hứa đã được giải nghĩa lại cho hợp với văn hóa, và bởi đó chúng thực sự làm
mất hiệu lực những lời hứa nguyên thủy. Nhưng Đấng Christ dạy rằng chúng ta có thể
tin sự ứng nghiệm hoàn toàn và rõ ràng của những lời hứa nguyên thủy, đúng như đã
được viết ra trong Cựu Ước.
Một nét thậm chí còn nhỏ hơn cả một chấm. Trong khi chấm là trọn một mẫu tự, thì
nét chỉ là một phần của một mẫu tự. Sự có mặt của một nét hình thành nên một mẫu tự
nhất định, nhưng thiếu nó thì khiến mẫu tự đó trở thành mẫu tự khác. Thí dụ: mẫu tự
Hybálai beth thế nầy b. Mẫu tự kaph thế nầy k. Rõ ràng chúng trông rất giống nhau.
Khác nhau duy nhất giữa hai mẫu tự nầy ấy là nét thẳng ngang ở dưới của chữ beth hơi
chạy dài sang bên phải nét thẳng đứng, còn ở chữ kaph không có phần kéo dài. Sự kéo
dài nầy - không phải toàn bộ nét thẳng ngang dưới đáy nhưng chỉ một phần nét đó kéo
dài sang bên phải của nét thẳng đứng - là “một nét.” Nếu có nét nầy thì là chữ beth; nếu
không có nét nầy, thì đó là chữ kaph. Và dầu bạn dùng chữ beth hay chữ kaph thì đều
tạo vần những chữ khác nhau.
Một ví dụ khác nữa: mẫu tự daleth trong tiếng Hybálai trông giống như thế nầy d.
Mẫu tự resh trông giống như thế nầy r. Một lần nữa, “nét” chỉ là phần của đường nằm
ngang kéo dài sang bên phải của đường thẳng đứng. Nhưng một chữ được ráp vần
daleth thì khác với chữ được ráp vần resh.
Lời hứa của Chúa ấy là: toàn bộ những lời hứa của Cựu Ước đều sẽ được ứng
nghiệm chính xác như cách chúng đã được ráp vần ra.
Trong Anh ngữ, chúng ta có thể minh họa “nét” như thế nầy, giả sử tôi mời bạn đến
nhà tôi để có “Fun” (“vui đùa”) đôi chút. Bạn có thể có quyền thắc mắc chính đáng rằng
tôi xem “Fun” nầy là gì. Nếu tôi đặt một nét hay một dấu phết nhỏ trên chữ F, thì bạn

92
có thể kết luận rằng tôi thích “Pun” (chơi chữ). Việc chơi chữ là thú vui đùa đối với tôi.
Không có gì thú bằng việc đối đáp thật nhanh hàng loạt câu chơi chữ với người nào đó.
Nhưng có thể bạn không thích chơi chữ, nên tôi sẽ thêm một nét khác nữa trên mẫu tự
nầy, bây giờ tôi đã có một chữ mới “Run” (chạy). Chạy là một thú vui đùa đối với một số
người nào đó, nhưng không phải đối với tôi. Vì thế tôi thêm một nét khác nữa và giờ
đây tôi đang mời bạn đến để có một bữa “Bun” (bánh ngọt tròn nhỏ). Khác nhau giữa
Fun, Pun, Run, và Bun chỉ ở chỗ thêm một nét trong mỗi trường hợp. Nhưng như thế
sinh ra bốn chữ hoàn toàn khác nhau, và với những chữ đó thì có bốn lời mời khác
nhau.
IV. BẰNG CHỨNG TỪ Gi 10:31-38.
Chi tiết nhỏ nhặt có tạo ra sự khác biệt. Vào cuối chức vụ tại thế, Chúa một lần nữa
khẳng định lại lòng tin quyết hoàn toàn của Ngài vào tính đáng tin cậy đến từng chi
tiết của Kinh Thánh. Tại kỳ lễ kỷ niệm khánh thành đền thờ, hay lễ Hanukkah (được
thiết lập từ năm 165 T.C. để kỷ niệm sự tẩy uế và mở cửa lại đền thờ sau khi bị
Antiochus Epiphanes làm ô uế ba năm trước đó), người Do thái yêu cầu Chúa Jesus nói
thẳng cho họ biết Ngài có phải là Đấng Mêsia không (Gi 10:24). Ngài trả lời: “Ta với Cha
là một.” Chữ “một” nầy là chữ trung tính, “một điều,” chứ không phải “một con người.”
Nói cách khác, Ngài không khẳng định Ngài với Đức Chúa Cha là đồng nhất, nhưng
Ngài và Đức Chúa Cha có sự hiệp nhất cơ bản với nhau, Ngài hưởng sự hiệp nhất trọn
vẹn của bản tánh và của những hành động với Cha Ngài. Người Do thái đã hỏi Ngài có
phải Đấng Mêsia không. Câu trả lời của Ngài còn vượt trổi hơn những gì mà họ mặc cả,
vì trong câu đó, Ngài tuyên bố Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời.
Đương nhiên họ đã hiểu lời tuyên bố của Ngài đúng như cách này, vì lập tức họ
chuẩn bị ném đá Chúa bởi điều họ xem là tội phạm thượng. Để hạn chế họ, Chúa viện
dẫn ThiThiên 82. Ngài gọi phần nầy trong Cựu Ước là “Luật Pháp” (Gi 10:34), cũng như
Ngài đã gọi trong hai dịp khác (12:34 và 15:25). Ngài phán rằng trong luật pháp đó, các
quan án của Ysơraên, tức là những con người, đã được gọi là “các thần” nhờ chức vị cao
quí do Đức Chúa Trời ban cho họ. Như vậy, Ngài kết luận nếu ThiThiên đó có thể áp
dụng từ ngữ “các thần” cho con người, thì chắc chắn từ ngữ “Con Đức Chúa Trời” có thể
áp dụng một cách phải lẽ cho Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên thánh và sai vào trần
gian. Nói cách khác, nếu elohim được áp dụng cho con người, thì chữ đó áp dụng cho
chính Ngài càng phù hợp hơn biết bao, vì Ngài thực sự hiệp một thiết yếu với Đức Chúa
Cha.
Dầu lập luận nầy rất tinh tế và phức tạp, nhưng những lời tuyên bố chắc chắn của
Đấng Christ về Kinh Thánh là rất rõ ràng.

93
Kinh Thánh được soi dẫn từng lời. Ngài chỉ cho người Dothái đến với điều đã được
viết ra trước đó. Lời Đức Chúa Trời đã xuất hiện trong những câu tuyên bố thành văn
mang tính định đề, chứ không phải chỉ trong những khái niệm, những ý tưởng, hay lời
truyền khẩu. Chính bản ký thuật thành văn đã được soi dẫn và có thể tin cậy nó.
Kinh Thánh được khải thị từng chi tiết nhỏ nhặt. Thi Thiên 82 không phải là điều sẽ
được xem như một phân đoạn Cựu Ước quan trọng. Đây không phải là Thi Thiên của
Đavít, cũng không phải là một ThiThiên nói về Đấng Mêsia. Đương nhiên, nói vậy tuyệt
đối không để làm giảm ý nghĩa của ThiThiên nầy, vì cớ nó được soi dẫn ngang hàng với
mọi phần khác của Kinh Thánh, nhưng nói ra để nhấn mạnh rằng Chúa không trích
một phân đoạn nổi bật để làm cơ sở cho lập luận của Ngài. Thực ra, có thể nói mà
không hề bất kính rằng Ngài đã chọn một phân đoạn rất tầm thường. Đương nhiên,
Ngài hẳn không cần làm thế nếu Ngài những phân đoạn như thế không thuộc trong Lời
được soi dẫn và không sai lạc của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, từ phân đoạn tầm thường
đó, Ngài đã tập trung vào một từ đơn lẻ, “các thần.” Hẳn Ngài đã không thể làm như
vậy nếu Ngài không tin sự soi dẫn đến những chi tiết nhỏ nhặt của Kinh Thánh. Ngài
thừa nhận đúng đắn rằng Ngài có thể tin cậy vào bất cứ phần nào và bất cứ lời nào
trong bất cứ phần nào.
Kinh Thánh được soi dẫn cách có thẩm quyền. Ở giữa cách lập luận rất tinh tế của
Ngài, Chúa đưa ra một lời tuyên bố hầu như tình cờ: “Và Kinh Thánh không thể bỏ
được.” Điều nầy có nghĩa gì? Đơn giản đó là không thể tước bỏ khỏi Kinh Thánh thẩm
quyền của Kinh Thánh. Cách duy nhất để Kinh Thánh không còn thẩm quyền trọn vẹn
của mình nữa ấy là Kinh Thánh có lỗi sai, nhưng Đấng Christ đã phán ở đây rằng Kinh
Thánh vừa có thẩm quyền vừa không sai lạc. Một số bản dịch chua cụm từ nầy trong
các dấu ngoặc. Tốt hơn có thể xem cụm từ nầy lệ thuộc vào chữ “nếu” ở đầu câu. Chữ
“nếu” đó giới thiệu một điều kiện ở thể loại thứ nhất với ý nghĩa là “biết chắc chắn,” và
tốt hơn nên dịch là “vì.” Như vậy, Chúa đang nói hai điều là chắc chắn: ThiThiên đã gọi
họ là thần và Kinh Thánh không thể bỏ được. Xin nhớ rằng, ở đây Đấng Christ đang
liều mạng sống Ngài cho tính đáng tin cậy, tính chính xác, và tính thẩm quyền của chỉ
một chữ trong Kinh Thánh, vì kẻ thù sắp ném đá Ngài.
V. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 22:23-33.
Hãy hình dung cảnh tượng nầy: Chúa đang “Đối Diện Với Dân Tộc (Dothái)” và
“Gặp Mặt Giới Báo Chí (Của Phái Pharisi),” cả thảy cùng trong một ngày. Phe Hêrốt đã
cố bẫy Ngài bằng cách hỏi việc nộp thuế cho Sêsa có đúng theo luật pháp không. Sau
đó phe Sađusê đã tranh thủ lượt của mình (Mat 22:23-33). Trong mẩu đối thoại đó, chúng
ta có bằng chứng rõ ràng hơn về đức tin của Chúa nơi một Kinh Thánh không sai lạc và
do đó trở thành một Kinh Thánh có thẩm quyền trong từng chi tiết nhỏ nhặt.

94
Phe Sađusê tin nơi thẩm quyền của Ngũ Kinh. Tuy nhiên họ phủ nhận sự thực hữu
của các thiên sứ và linh hồn, phủ nhận luôn niềm tin nơi sự sống lại của kẻ chết vì họ
không thấy điều đó được dạy trong Ngũ Kinh. Họ lập tức thể hiện sự giả hình của mình
bằng cách hỏi Chúa Jesus một câu về sự sống lại. Ngoài ra, họ còn chế ra được một
minh họa dựa vào Ngũ Kinh, để củng cố cho thắc mắc của mình. Đó là luật pháp về sự
tục huyền theo luật pháp Môise (levirate marriage - từ chữ Latin có nghĩa là “hôn nhân
của anh em trai người chồng,” có trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 25). Luật pháp qui
định người anh (hoặc em trai) chồng của một góa phụ không có con sẽ phải cưới góa
phụ đó nếu người ấy có thể cưới được. Nếu không cưới được, thì trách nhiệm sẽ thuộc
về người anh em trai kế, như trong câu chuyện của Rutơ và Bôô (Ru 4:6).
Phe Sađusê dựa vào cơ sở đó để bịa ra câu chuyện về bảy người anh em trai, người
thứ nhất trong số đó cưới vợ rồi chết. Kế đó lần lượt từng người trong số sáu người kia
đều cưới góa phụ đó sau khi người anh kế của mình chết đi. Cuối cùng, người chồng
thứ bảy cũng chết và sau hết, người vợ nầy cũng chết.
Như vậy, người Sađusê đến đối chất với Chúa bằng câu hỏi: “Vậy, lúc sống lại, đờn
bà đó sẽ làm vợ ai trong bảy người? Vì cả thảy đều đã lấy người làm vợ.”
Câu trả lời của Ngài thật gay gắt. Ngài đã kết án họ là sai lầm, vì không hiểu Thánh
Kinh và không hiểu quyền năng Đức Chúa Trời (Mat 22:29).
Kế đó, Chúa đánh giá câu hỏi và đoán xét câu hỏi đó là không thích hợp (câu 30), vì
khi sống lại, người ta không cưới vợ, không lấy chồng. Họ tương tự như thiên sứ, là
những vị không cưới gả, vì không cần phải sinh ra các thiên sứ con. Số lượng các thiên
sứ đã được ấn định tại lúc họ được dựng nên. Tương tự, trong đời sau, con người sẽ
không cưới gả vì sẽ không cần sinh ra những em bé. Không phải Đấng Christ đang nói
rằng con người sẽ trở thành thiên sứ sau khi chết, nhưng chỉ nói rằng giống như thiên
sứ nên họ sẽ không sinh con cái. Vì đúng như vậy, nên không cần phải trả lời câu hỏi
của người Sađusê nữa. Luật tục huyền theo luật Môise được lập ra để bảo đảm sẽ sanh
con nối dõi cho người chồng đã chết đầu tiên, nhưng trên thiên đàng sẽ không cần đến
một điều khoản như thế; và đó chính là tính không thích ứng của câu hỏi nầy.
Dường như lên án người Sađusê là lầm, ngu dốt và thắc mắc không hợp thì vẫn
chưa đủ, nên Chúa tiếp tục dạy họ một số giáo lý lành từ một phân đoạn Cựu Ước ( Xu
3:6) mà họ đã xem là có thẩm quyền. Bài học đơn giản thế nầy: Trái ngược với giáo lý
của các ngươi, Kinh Thánh các ngươi dạy rằng có sự sống sau khi chết. Sự chết không
hề chấm dứt sự sống như cách các ngươi dạy đâu.
Một lần nữa, Chúa chúng ta đã dùng lập luận rất tinh tế. Tôi cho rằng rất ít người
trong chúng ta chọn Xuất Êdíptô Ký 3 để cố gắng dạy giáo lý sự sống đời sau. Nhưng
Chúa chúng ta đã làm như vậy!

95
Cũng lưu ý rằng, giống như trong Gi 10:34, Ngài căn cứ lập luận vào lời thành văn,
không vào những khái niệm chung chung, nhưng vào những lời thành văn cụ thể. Nói
cụ thể, Ngài căn cứ lập luận vào cách Đức Chúa Trời đã tự xác nhận Ngài cho Môise tại
bụi gai cháy: “Ta là Đức Chúa Trời của Ápraham, Đức Chúa Trời của Ysác, và Đức Chúa
Trời của Giacốp (Mat 22:32). Chúa tiếp tục phán: điều đó chứng minh Đức Chúa Trời là
Đức Chúa Trời của kẻ sống, có nghĩa là Ápraham, Ysác, và Giacốp vẫn đang sống dầu
họ đã chết từ lâu lắm rồi.
Lời xác nhận đó chứng minh thế nào cho giáo lý về sự sống đời sau? Đơn giản là
nhờ vào cách sử dụng thì hiện tại: “Ta là.” Ápraham, Ysác và Giacốp đã chết hàng bao
trăm năm trước khi Đức Chúa Trời phán điều nầy cho Môise. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời
phán Ngài hiện vẫn là Đức Chúa Trời của họ tại lúc Ngài phán với Môise. Điều nầy hẳn
không thể có được nếu khi Ápraham, Ysác và Giacốp chết thì họ cũng không còn hiện
hữu nữa. Điều nầy chỉ có thể xảy ra khi sự chết không phải là chấm hết, tức là trái với
giáo lý của người Sađusê.
Đương nhiên, khác biệt giữa “Ta là” với “Ta đã là” chính là vấn đề thì của động từ.
Lập luận nầy được căn cứ trên thì hiện tại chứ không trên thì quá khứ. Đấng Christ đã
dùng thì hiện tại để xác nhận giáo lý về sự sống lại.
Có thể minh họa sức mạnh những lời Đấng Christ đang phán như thế này. Thường
thì với tư cách người giảng đạo lưu động, tôi thường được một trong các tín hữu mời
đến nhà ăn tối sau buổi nhóm ngày Chúa Nhật. Tôi khám phá ra rằng một trong những
đề tài thích hợp nhất của cuộc trò chuyện ấy là hỏi thăm về con cái trong gia đình. Giả
sử tôi sẽ hỏi: “Gia đình bạn có bao nhiêu con?” và người cha hoặc người mẹ sẽ trả lời:
“Chúng tôi đã có bốn đứa, nhưng một đứa đã chết, và bây giờ chỉ có ba.” Khi đối mặt với
loại câu trả lời như thế nầy, tôi không thể biết chắc chắn lắm về tình trạng thuộc linh
hay trưởng thành thuộc linh của những bậc cha mẹ đó. Mặt khác, nếu với cùng một câu
hỏi đó, người khác trả lời: “Chúng tôi có bốn con; một đứa hiện ở trên thiên đàng còn ba
đứa kia đang ở với chúng tôi,” thì tôi rất tin tưởng về niềm tin của gia đình đó. Tôi có
thể gần như chắc chắn họ không tin chết là hết, nhưng tin còn có sự sống lại hầu đến.
Sự khác nhau chỉ ở chỗ sử dụng thì của động từ: “Chúng tôi đã có” và “Chúng tôi
có.” Ta “đã là” Đức Chúa Trời của họ, hoặc Ta “là” Đức Chúa Trời của họ.
Hãy quan sát kỹ các hệ quả từ lời Đấng Christ tuyên bố ở đây.
(1) Ngài đã thừa nhận tính có thật trong lịch sử của việc Đức Chúa Trời hiện ra cho
Môise.
(2) Ngài thừa nhận khải thị của Đức Chúa Trời đã xuất hiện trong một tuyên bố
mang tính định đề.

96
(3) Ngài thừa nhận có thể tin cậy mọi lời của câu tuyên bố đó là chính xác rõ ràng.
(4) Ngài thừa nhận lẽ thật của giáo lý phải được căn cứ trên tính chính xác trong
lịch sử. Không thể nào Kinh Thánh không chính xác trong các vấn đề của lịch sử mà lại
chính xác trong giáo lý được.
(5) Ngài thừa nhận có thể sử dụng ngay cả những phân đoạn thiếu hứa hẹn thành
công và có thể tin cậy tính chính xác của chúng.
VI. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 22:41-46
Về sau, cũng trong ngày đó, khi người Pharisi gia nhập phe những người thù
nghịch, thì Chúa đã trở thành người tấn công, đặt một câu hỏi thẳng thừng cho họ: “Về
Đấng Christ, các người nghĩ thế nào? Ngài là con ai?” (Mat 22:42). Câu trả lời của họ có
ngay tức khắc: “Con Vua Đavít.” Câu trả lời nầy đúng nhưng chưa hoàn chỉnh. Đấng
Christ là con vua Đavít về phần nhân tánh của Ngài, nhưng Ngài cũng là Con của Đức
Chúa Trời, và Chúa muốn người Pharisi cũng phải công nhận điều nầy. Vì thế Ngài hỏi
họ: “Vậy, vì cớ nào vua Đavít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là 'Chúa
tôi'?” và để chứng minh Đavít đã gọi như vậy, Ngài trích dẫn Thi 110:1. Trong Thithiên
đó, "Chúa (tức là, Đức Chúa Cha phán cùng Chúa tôi (tức Đấng Mêsia, Chúa của Đavít:
Hãy ngồi bên hữu ta (tức tay hữu Đức Chúa Cha, cho đến khi nào ta (Đức Chúa Cha để
kẻ thù nghịch ngươi (kẻ thù của Đấng Mêsia dưới chơn ngươi.”
Làm thể nào Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa mình nếu Đấng Mêsia chỉ là con cháu
Đavít? Câu trả lời duy nhất là: vì Đấng Mêsia cũng đã là Đức Chúa Trời của Đavít. Nói
cách khác, Đấng Mêsia phải vừa là Đức Chúa Trời vừa là người. Là người, Ngài là con
cháu Đavít; là Đức Chúa Trời, Ngài là Chúa của Đavít. Đại từ “của tôi” liên kết Đavít với
Đấng vừa là Chúa vừa là Đấng Mêsia của ông.
Có lẽ cần một minh họa. Khi hoàng hậu Elizabeth II từ trần hay thoái vị, Hoàng Tử
xứ Wales sẽ được xem như trở thành vua Charles. Giả sử Hoàng Tử Philip, cha của ông,
vẫn còn sống. Tôi hỏi một người nào đó: “Vua Charles là con ai?” câu trả lời sẽ là: “con
của Hoàng Tử Philip.” Tôi có thể đáp: “Nhưng tôi đã xem lễ đăng quang của vua
Charles trên truyền hình, và tôi thấy Hoàng Tử Philip sấp mình và tuyên thệ trung
thành với vua Charles. Vì sao Philip gọi Charles là 'Chúa'?” Câu trả lời thật đơn giản:
Vua Charles là vị vua trị vì của Philip, dầu vậy cũng là con trai theo công lệ tự nhiên
của Philip. Ông vừa là con của Philip vừa là chúa của Philip. Cũng vậy, Đấng Mêsia là
con của Đavít, và vì Đấng Mêsia bình đẳng với Đức Chúa Trời, nên cũng là Chúa của
Đavít.
Sự ra đời tự nhiên liên kết Đấng Mêsia với Đavít trong tư cách hậu tự của Đavít. Đại
từ “của tôi": trong Thi 110:1 liên kết Đấng Mêsia với Đavít trong tư cách Đức Chúa Trời

97
là Chúa của Đavít. Đại từ “của tôi” nầy đơn giản là một yodh (một chấm), mẫu tự nhỏ
nhất trong tiếng Hybálai, được gắn liền vào chữ Chúa.
Không còn điều nào trọng tâm cho Cơ Đốc Luận chánh thống hơn là thần tánh trọn
vẹn và nhân tánh thật của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Ngài không vừa là Đức Chúa
Trời vừa là người, thì Ngài hẳn đã không thể là một Đấng Cứu Thế, một thầy tế lễ
thượng phẩm, hay là một Quan Án thỏa đáng được. Ai trong chúng ta nghĩ đến việc
dùng Thi Thiên 110 như Chúa chúng ta đã dùng để nhấn mạnh lẽ thật về Ngài là ai?
Nhưng đây chính xác là điều Chúa Jesus đã làm, tức là đặt cơ sở tranh luận của Ngài
với người Pharisi trên chỉ một từ đơn trong tiếng Hybálai là “của tôi.” Có thể tin cậy vào
điều dường như là chi tiết rất nhỏ nhặt của Kinh Thánh.
Ta học được gì từ thái độ của Chúa chúng ta đối với Kinh Thánh?
(1) Có thể tin cậy hoàn toàn vào cách ráp vần của các chữ, và không lời hứa nào sẽ
được ứng nghiệm khác với cách đã ráp vần nên lời hứa đó.
(2) Cách duy nhất để Kinh Thánh có thể đánh mất thẩm quyền là nếu Kinh Thánh
có chứa lỗi sai, nhưng Đấng Christ đã dạy rằng Kinh Thánh không thể bỏ được. Như
vậy, chắc chắn Ngài phải tin Kinh Thánh không chứa lỗi sai.
(3) Đấng Christ đã xây dựng những lập luận tinh tế trên chỉ những từ đơn và thậm
chí là trên cả thì của một động từ nữa.
Ai có thể nói mình bước theo Chúa cách trọn vẹn song lại không chấp nhận lời dạy
dỗ của Ngài về tính không sai lạc của Kinh Thánh?

98
Chương 14: NHỮNG ĐOẠN KINH THÁNH KHÓ HIỂU
I. MỘT SỐ NAN ĐỀ TRONG CỰU ƯỚC.
Không ai phủ nhận có những phân đoạn trong Cựu Ước chứa một loại nan đề nào
đó. Thắc mắc về tính không sai lạc không liên quan đến những nan đề giải thích hoặc
những tranh luận về thể loại bản văn tốt nhất. Nhưng những nan đề về những điều
dường như thiếu thống nhất, những con số mâu thuẫn, những khác biệt trong các câu
chuyện song song hay những câu tuyên bố bị xem là không đúng khoa học thì thực sự
liên quan đến vấn đề tính không sai lạc.
Người tin Kinh Thánh có sai lạc và người tin Kinh Thánh không sai lạc thảy đều có
cùng chung những sự kiện như nhau đối với mỗi nan đề đó. Cả hai đều sử dụng những
tâm trí tài năng để tương tác với những sự kiện đó. Cả hai đều đọc những kết luận của
nhau. Nhưng cả hai đều không tiếp cận những nan đề nầy từ cùng một quan điểm cơ
bản. Quan điểm của người tin Kinh Thánh có lỗi sai không những bao gồm khả năng có
thể có lỗi sai, mà còn bao gồm cả thực trạng những lỗi sai trong Kinh Thánh nữa. Do
đó, khi nghiên cứu những nan đề nầy, một trong những kết quả khả dĩ của họ là: một
trong số các nan đề đó thực sự là một lỗi sai.
Mặt khác, người tin Kinh Thánh không sai lạc kết luận rằng Kinh Thánh không
chứa lỗi sai nào. Do đó họ không cần đến một phương án tùy chọn nào khác nữa để kết
luận bất cứ nan đề nào trong số đó là ví dụ cho một lỗi sai đích thực trong Kinh Thánh.
Nghiên cứu của họ có thể khiến họ kết luận một nan đề nào đó là vẫn chưa giải thích
được. Dầu vậy, họ tin đó không phải là một lỗi sai, hoặc tin sự nghiên cứu thêm sẽ
chứng minh được điều nầy, hoặc họ sẽ hiểu được câu giải đáp khi về thiên đàng.
Hãy xem minh họa sau: Nếu một người đàn ông có vợ và sống hạnh phúc một ngày
kia về nhà bất ngờ, thấy vợ mình đang vẫy tay chào tạm biệt một người đàn ông đẹp
trai sắp bước vào xe hơi, anh nầy sẽ nghĩ gì? Nếu lòng tin tưởng và tin cậy của anh nơi
vợ mình là trọn vẹn và không lay chuyển nhờ nhiều năm từng trải rất thỏa lòng bên
nhau, anh sẽ cho rằng vợ mình đã có lý do hợp lý để gặp người đàn ông kia. Dầu có thể
hiếu kỳ, nhưng người chồng sẽ không nghi ngờ lòng chung thủy của vợ. Có lẽ không
cần phải chờ đến mãi sau nầy thì mới biết người mình nhìn thấy kia là nhân viên đến
giao món quà đặc biệt mà vợ đã đặt để tặng mình.
Nhưng nếu lòng tin tưởng vào mối quan hệ với vợ có chút dao động, thì những ý
tưởng của anh sẽ lập tức đi vẩn vơ đủ mọi hướng, kể cả nghĩ đến lòng thiếu chung thủy
của vợ. Vì anh không an tâm, nên vợ anh sẽ mãi mãi là kẻ ngoại tình trong mắt anh.
Sự so sánh đã quá rõ ràng phải không? Nếu tôi đến với Kinh Thánh bằng tấm lòng
tin quyết những lời của Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời soi dẫn và bởi đó không có
lỗi sai, và nếu lòng tin quyết đã được hỗ trợ bởi bao năm trường chứng minh Kinh
99
Thánh là hoàn toàn đáng tin cậy, thì tôi sẽ không rúng động do một nan đề, và đương
nhiên không kết luận nan đề đó là lỗi sai. Nếu tôi tin trong Kinh Thánh có lỗi sai, bất
luận nhiều hay ít, thì có thể tôi sẽ kết luận một số những nan đề đó là những ví dụ cho
các lỗi sai. Và dầu chỉ có một lỗi sai mà thôi, thì tôi vẫn có một quyển Kinh Thánh sai
lạc.
Từ văn phẩm hiện hành trong cuộc tranh luận về tính không sai lạc, thật khó mà
đưa ra một danh sách rõ ràng về các lỗi sai. Chắc không thể liệt kê các tiêu chuẩn để
đánh giá các lỗi sai, mà chỉ có thể liệt kê những ví dụ thực tế về các lỗi sai. Dầu không
có đến hai tác giả đồng ý với nhau về danh sách các lỗi sai, nhưng khi toàn bộ các ví dụ
nầy được kết hợp lại với nhau, thì có khoảng chừng hai tá lỗi, hoặc khoảng cỡ đó.
Sự thiếu đồng nhất trong những danh sách trên đã phát sinh một thắc mắc nghiêm
trọng: Ai và điều gì xác định ranh giới giữa lãnh thổ của tính sai lạc có thể chấp nhận
được với lãnh thổ của tính không sai lạc tất nhiên? Lấy ví dụ như một số sai lạc nào đó
có thể là điều hoàn toàn bình thường và có thể dung chịu được trong những vấn đề
thuộc lịch sử, nhưng không thể chấp nhận trong những lãnh vực thuộc giáo lý, thế thì
làm sao xtôi biết được đâu là những vấn đề thuộc lịch sử? Suy cho cùng, một số giáo lý
quan trọng được xây dựng trên những vấn đề lịch sử. Thế thì tôi phải dừng lại tại chỗ
nào?
Phải thừa nhận rằng có nhiều phân đoạn khó hiểu nhất định mà chúng ta cần phải
khảo sát. Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể tìm ra những gợi ý hợp lý để không cần phải
kết luận chúng là những sai lầm. Trong phần thảo luận như thế nầy, tôi chỉ có thể gợi ý
chứ không nói chi tiết được. Thông tin khác nữa vốn có sẵn trong nhiều tác phẩm và
nhiều sách giải nghĩa khác. Nhưng ý chính ấy là: người ta đã nêu ra những gợi ý mà
chúng thích ứng với giáo lý về tính không sai lạc.
A. “Hai Bản Ký Thuật” Về Công Cuộc Sáng Tạo.
Tuy luận điệu cho rằng có hai câu chuyện mâu thuẫn nhau về công cuộc sáng tạo
có nhiều hệ quả trong một số lãnh vực giải kinh, nhưng thường trong sự thảo luận về
tính không sai lạc, trọng điểm chính là điều dường như mâu thuẫn giữa Sa 1:11-12, là
phần ghi lại cây cỏ xuất hiện vào ngày thứ ba, và 2:5, là phần dường như nói cây cỏ
chưa hề có mãi đến sau khi Ađam được dựng nên.
Có hai điều sai trong một kết luận như thế. Thứ nhất, đoạn 2 thêm chi tiết cho câu
chuyện Sự Sáng Tạo trong đoạn 1, không mâu thuẫn nhau nhưng bổ sung cho nhau. Ví
dụ chúng ta biết Đức Chúa Trời đã dựng nên con người (một từ ngữ chung được dùng ở
đây), là người nam và người nữ (câu 27), nhưng không có nghĩa sinh vật đầu tiên là
một kết hợp của nam và nữ. Những chi tiết dựng nên người nam, là Ađam, và nữ, là

100
Êva, được nêu trong đoạn 2:18-23. Tương tự, câu 5 bổ sung chi tiết cho sự dựng nên cây
cỏ vào ngày thứ ba.
Thứ nhì, những từ ngữ được dùng trong câu 5 chỉ về một loại cây cối mà chúng đòi
hỏi phải canh tác, chứ không chỉ về toàn bộ các loài cây xanh. Những cây đòi hỏi phải
canh tác như thế thì hoặc chưa xuất hiện mãi đến khi Ađam được dựng nên, hoặc
chúng đã xuất hiện nhưng không tăng trưởng mãi cho đến khi Ađam được dựng nên.
Leupold đã tóm tắt vấn đề nầy rất hay.
Câu 4b đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở về công cuộc Sáng Tạo, cụ thể là đến
thời điểm trước khi bắt đầu công tác của ngày thứ ba, và giúp chúng ta chú ý đến
những chi tiết nhất định, mà vì là những chi tiết, nên khó lòng chèn chúng vào trong
đoạn 1: Vấn đề đó là những hình thức nhất định của sự sống, tức là những thể loại đòi
hỏi phải được con người quan tâm chú ý rất nhiều, đã chưa đâm chồi nảy lộc.... Khi cây
cỏ xanh tươi bao phủ trên đất, sự đâm chồi của những loại cây cỏ nầy đã bị chậm lại, để
chúng có thể xuất hiện sau khi con người đã thực sự sở hữu toàn bộ lãnh thổ của mình
và đã sẵn sàng đem đến cho chúng sự chăm sóc cần thiết.... Ta nhìn thấy sự kiện không
muốn nói đến toàn bộ cây cỏ qua cách dùng những từ ngữ khác biệt, mà không từ ngữ
nào như thế xuất hiện trong câu chuyện nầy.... Từ toàn bộ điều nầy, dường như đủ để
thấy thật phi lý biết bao khi tuyên bố trong câu chuyện nầy (câu 2:4 trở đi) con người
được dựng nên trước hết rồi sau đó mới đến cây cỏ (H. C. Leupold, Exposition of
Genesis [Columbus: Wartburg Press, 1942], trang 112-113).
Vì vậy, chỉ có thể giải thích điều này là mâu thuẫn - để bởi đó trở thành một lỗi sai -
cho những người nào muốn nói như thế mà thôi. Phép giải kinh có cơ sở hợp lý không
hề đòi hỏi phải có lỗi sai nào.
B. Vợ Của Cain.
Dầu thắc mắc Cain đã lấy vợ ở đâu không bị những người tin Kinh Thánh không sai
lạc xem là một nan đề, nhưng thắc mắc nầy còn thường được nêu ra bởi những người cố
chứng minh Kinh Thánh không đáng tin trong những điều mà Kinh Thánh tuyên bố.
Làm sao Kinh Thánh có thể tuyên bố Ađam và Êva là những con người đầu tiên và họ
đã có hai con trai, một người trong số đó đã giết chết người kia, song lại sinh ra một
dân đông đúc được? Rõ ràng, Kinh Thánh có dạy Ađam và Êva là những con người đầu
tiên được dựng nên. Chúa khẳng định điều nầy trong Mat 19:3-9. Gia phổ của Đấng
Christ được truy ngược về đến Ađam (Lu 3:38). Giuđe 14 xác định Hênóc là đời thứ bảy
tính từ Ađam. Câu nầy hầu như không thể có nghĩa đời thứ bảy tính từ “nhân loại,” một
lối giải thích buộc phải có nếu Ađam không phải là một cá thể - như có người tuyên bố.
Rõ ràng, Cain đã giết Abên song lại có rất nhiều người đã được sanh ra. Cain đã lấy vợ ở
đâu?

101
Chúng ta biết Ađam và Êva có nhiều con trai và con gái khác ngoài Abên, Cain và
Sết (Sa 5:4), và nếu chỉ có một gia đình nguyên thủy mà thôi, thì những cuộc hôn nhân
đầu tiên phải là hôn nhân giữa các anh em trai và chị em gái. Những cuộc hôn nhân
như thế trong thuở ban đầu là không có hại. Loạn luân là điều nguy hiểm vì những gien
đột biến thừa hưởng được rất có thể sẽ tạo nên những đứa con bị biến dạng, bệnh tật
hay đần độn nơi những đứa con nếu những gien nầy có trong cả cha lẫn mẹ. Đương
nhiên, Ađam và Êva do ra từ bàn tay tạo dựng của Đức Chúa Trời, nên đã không mang
những gien đột biến như thế, do đó hôn nhân giữa anh chị em ruột, hoặc giữa cháu trai
và cháu gái ở đời thứ nhất và đời thứ nhì tiếp sau Ađam và Êva hẳn sẽ không nguy
hiểm.
C. Dan 25:9
Sau khi Ysơraên thờ lạy Baanh và Phêô, dịch lệ xảy ra giết chết 24.000 người, theo
lời Môise. Tuy nhiên, Phaolô ghi lại chỉ có 23.000 người chết trong ICo 10:8. Một lỗi sai
hiển nhiên chăng? Không nhất thiết như vậy, vì Phaolô giới hạn con số 23.000 cho số
người bị giết trong một ngày. Câu chuyện trong Dan 25 ghi lại rằng các quan trưởng đã
tham dự vào việc thi hành sự đoán xét, và có thể bao gồm thêm những con số tử vong
khác nữa trong những ngày tiếp theo đó. Nói cách khác, có thể họ chưa hoàn tất công
tác khủng khiếp của mình trong một ngày. Hai câu chuyện nầy không mâu thuẫn nhờ
có cụm từ bổ sung của Phaolô “trong một ngày.”
Nhưng sẽ không thiệt hại gì cho tính không sai lạc nếu chúng ta xem cả hai con số
nầy là những con số được làm tròn. Nếu vậy, con số người bị giết nằm giữa 23.000 và
24.000. Nếu một trong hai phân đoạn có nói “chính xác là” hoặc “chỉ là” một số người
nhất định đã chết, và nếu chúng không thống nhất với nhau thì mới gây ra một lỗi sai
rõ ràng. Nhưng ở đây không có một trường hợp nào như thế.
D. Ai Khiến Đavít Kiểm Tra Dân Số Ysơraên? (IISa 24:1; ISu 21:1).
Một bản ký thuật nói Đức Giêhôva đã xui khiến, trong khi bản khác nói Satan xui
khiến. Nhưng vì sao đây phải là mâu thuẫn chứ? Liệu không thể cả Đức Giêhôva lẫn
Satan đều dự phần vào sao? Cả hai đều đã dự phần vào nhiều vấn đề khác. Phaolô nói
Chúa đã sai một sứ giả đến từ Satan để giữ cho Phaolô khỏi tự tôn mình lên (IICo 12:7).
Chắc chắn Chúa và Satan dự phần vào nhiều hoạt động để dẫn đến trận chiến
Hamaghêđôn. Vậy tại sao ở đây lại không thể như thế? Một giải pháp như thế khiến cho
ngay cả gợi ý về mâu thuẫn cũng dường như trở nên không thể tin nổi! Thêm nữa đây
không phải là một con bù nhìn rơm. Một người chủ trương Kinh Thánh có sai lạc nhấn
mạnh rằng: “Hai câu chuyện nầy không thể đều cùng chính xác được. Nhưng từ lập
trường về tính nguyên vẹn của giáo lý, cả hai đều trình bày chính xác cùng một lẽ thật:

102
Việc Đavít làm đã là một sai quấy...” (Ray Summers, The Baptist Standard, ngày 4
tháng 2 năm 1970, trang 12).
E. Ai Đã Giết Gôliát? (IISa 21:19; ISa 17:50)
Đavít đã giết Gôliát hay một người khác tên là Ênchanan? Trước khi cho rằng
những bản ký thuật nầy là mâu thuẫn để bởi đó một trong hai là sai, chúng ta hãy nêu
một số câu hỏi khác như sau: (1) Liệu có thể Đavít đã có hai tên gọi, tên kia là
Ênchanan không? Salômôn đã có hai tên gọi (IISa 12:24-25). (2) Liệu có thể đã có hai
Gôliát không? Trong văn mạch ngay tiếp theo (21:20), một người khổng lồ nữa được
nhắc đến ở Gát. (3) Liệu có bỏ sót một số từ ngữ giống như “em trai của” trong câu 19?
Bất cứ giải pháp nào trên đây cũng đều hợp lý như nhau thay vì phải kết luận đã có
một lỗi sai. Và toàn bộ chúng lại càng khả dĩ hơn nữa dựa vào tính chính xác đã được
chứng thực của Kinh Thánh tại nơi khác.
F. Những Con Số Nhất Định Trong IISa 24 và ISu 21.
Những con số khác trong câu chuyện song song nầy dường như không khớp với
nhau, và những người tin Kinh Thánh có lỗi sai đã kết luận có điều gì đó đã sai ở đây.
IISa 24:9 ghi 800.000 người được tu bộ trong dân Ysơraên và 500.000 người trong dân
Giuđa, trong khi ISu 21:5 nêu tổng số là 1,1 triệu cho Ysơraên và 470.000 người cho
Giuđa. Có thể giải thích sự khác biệt trong tổng số cho dân Ysơraên bằng cách cho rằng
con số 800.000 không bao gồm 300.000 người được liệt kê trong ISu 27, mà nếu cộng
thêm vào thì sẽ khớp với tổng số 1,1 triệu trong ISu 21:5. Có lẽ con số sai biệt 30.000
trong những con số kia bao gồm 30.000 người được đề cập đặc biệt trong IISa 6:1. Khi
Chúa cho Đavít chọn lựa hình phạt, Ngài đã đưa ra phương án là bảy năm đói kém theo
24:13 và ba năm đói kém theo ISu 21:12. Bản Bảy Mươi nói là ba năm ở cả hai chỗ, nên có
thể con số trong IISamuên là lỗi sai của viên ký lục. Dầu các bản sao đã được thực hiện
rất cẩn thận, nhưng dứt khoát không thể tránh lỗi sai. Đây dường như là một trường
hợp như thế, nhưng không phải là một lỗi sai trong nguyên bản - tức nguyên bản
không sai lạc khi được viết ra, nhưng không thể mở rộng tính không sai lạc cho các bản
sao.
Cuối cùng, trong những đoạn nầy, thắc mắc Đavít đã mua sản nghiệp nầy từ
Arauna với giá bao nhiêu dường như mâu thuẫn trong hai câu chuyện nầy. IISa 24:24 nói
năm mươi siếc lơ bạc, trong khi ISử Ký ghi lại giá sáu trăm siếc lơ. Số sai biệt quá lớn
thậm chí chấp nhận tình trạng lạm phát! Nhưng liệu số sai biệt có quá lớn nếu năm
mươi siếc lơ được trả để mua chỉ một mình sân đạp lúa mà thôi (IISa 24:24) trong khi số
tiền lớn hơn kia bao gồm cả những tài sản khác chung quanh sân đạp lúa?
G. Biển Đúc Trong IISu 4:2.

103
Khi mô tả kích thước biển đồng nầy, chu vi được nêu ra là 30 thước (hoặc 540
inches nếu một thước (cubit) dài 18 inches) trong khi đường kính là 10 thước. Tuy
nhiên, chu vi được tính bằng cách lấy đường kính nhân với pi (3,14159), thì số thành là
hơn 565 inches, một điều có vẻ mâu thuẫn. Một tác giả giải quyết điều nầy bằng cách
nói rằng: “Trong nền văn hóa thời nay, số đo không những là chính xác mà còn 'không
sai lạc' nữa.” (Robert Mounce, “Clues to Understanding Biblical Accuracy,” Eternity,
tháng Sáu 1966, trang 18). Tuy nhiên có một giải pháp tốt hơn mà không cần dùng đến
tài khéo. Số đo 10 thước nầy là tính từ mép nầy đến mép kia, tức từ mép ngoài nầy đến
mép ngoài kia. Nhưng câu 5 nói rằng bề dày của mép là một gang hay tức là khoảng 4
inches. Như vậy, đường kính bên trong là 10 thước (180 inches) trừ đi hai gang (8
inches). Nhân 172 inches với pi tổng số là 540 inches, chính là chu vi được nêu ra
trong câu 2.
Những phân đoạn nầy đại diện cho các phân đoạn hiện đang được dùng làm những
minh họa có những lỗi sai trong Cựu Ước. Tôi không đi sâu vào chi tiết, nhưng chỉ
muốn bày tỏ những giải thích hợp lý có sẵn trong tầm tay. Chúng ta không cần phải kết
luận có nhiều lỗi sai trong bản văn Kinh Thánh (ngoại trừ những lỗi sai thỉnh thoảng
của người sao chép). Cách xem xét những gợi ý nầy sẽ phản ảnh lên lòng tin quyết cơ
bản - hoặc thiếu tin quyết cơ bản - của người ấy nơi chính Kinh Thánh.
II. MỘT SỐ NAN ĐỀ TRONG TÂN ƯỚC.
Những người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai cũng trích dẫn rất nhiều phân đoạn
Tân Ước mà dường như chúng phủ nhận tính không sai lạc, hoặc ít nhất cũng đòi hỏi
phải có một định nghĩa về tính không sai lạc chứa rất nhiều quyền tự do chọn lựa đến
nỗi trở thành tính có sai lạc. Một tác giả trích dẫn IISu 4:2; Dan 25:9; Mac 2:26; Mat 22:42 để
làm ví dụ về “một thể loại của tính không sai lạc mà nó thiếu sự tuân thủ hoàn hảo với
những điều đã thực sự được nói ra” và về những nan đề mà chỉ có thể dành cho chúng
những giải thích “siêu tưởng” mà thôi (Robert Mounce, “Clues to Understanding
Biblical Accuracy,” Eternity, tháng Sáu 1966, trang 18).
Một người khác nữa gặp rắc rối với Mat 13:31-32 và những nan đề trong Công Vụ 7,
mà ông nói là không thể giải quyết phù hợp với tính không sai lạc (Daniel P. Fuller,
“Evangelicalism And Biblical Inerrancy” (Tài liệu không xuất bản, 1966, trang 18-19).
Còn một người khác nữa trích dẫn Mat 27:9 như là một lỗi sai, và nói rằng: “Có hàng
trăm ví dụ như thế nầy” (Berkeley Mickelsen, “The Bible's Own Approach to
Authority,” trong tác phẩm của soạn giả: Jack B. Rogers, Biblical Authority (Waco, TX:
Word, 1977). Hiển nhiên, chúng ta không thể thảo luận “hàng trăm” những ví dụ vô
danh, nhưng sẽ xem xét những ví dụ được nêu ra trong những tác phẩm của những
người tin vào một điều thấp kém hơn tính hoàn toàn không sai lạc.

104
A. Việc Đem Gậy (Mat 10:9-10; Mac 6:8; Lu 9:3).
Mác ghi lại Chúa cho phép môn đồ đem theo gậy trong khi Mathiơ và Luca nói Ngài
cấm. Việc nầy khiến một người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai đã nói: “Tôi không còn
biết cách nào dung hòa sự không nhất quán nầy. Tôi nghĩ kết luận thỏa đáng nhất ấy là
các câu chuyện nầy không nhất quán, và ít nhất một trong các sách Tin Lành đã có lỗi
sai” (Stephen T. Davis, The Debate About The Bible (Philadelphia: Westminster, 1977,
trang 106).
Kết hợp các câu chuyện nầy lại với nhau, ta thấy Chúa đã cho phép các môn đồ cầm
theo bất cứ cây gậy nào họ đã có sẵn rồi (Mác). Tuy nhiên, họ không được phép lấy gậy
nếu chưa có gậy hoặc nếu không cần gậy mà vẫn ra đi được (Luca). Họ tuyệt đối không
được phép kiếm hoặc mua một cây gậy mới (Mathiơ, người dùng một động từ khác với
Mác và Luca, tức một động từ nói lên việc “kiếm cho có được” hoặc “lấy"). Ý chính yếu
trong lời chỉ dạy của Chúa là rất rõ ràng: Không được chuẩn bị bất cứ điều gì đặc biệt
cho sứ mệnh nầy.
B. Hạt Cải (Mat 13:32).
Trong ẩn dụ về hạt cải, Chúa phán hạt cải là hạt nhỏ nhất trong mọi loại hạt. Có
phải rõ ràng đây là một tuyên bố sai lầm chăng, vì cớ xét về thực vật học, hạt cải không
phải hạt nhỏ nhất? Trước khi vội kết luận, hãy nhớ rằng điều nầy đã được chính Đức
Chúa Jesus Christ tuyên phán, và nếu Ngài đã nói ra lời nói dối, thì làm sao Ngài là
Đấng vô tội được? Điều nầy không đơn giản là một sự thiếu thống nhất về sự kiện; nếu
câu tuyên bố nầy đúng, thì nó chứng minh một điều gì đó về Đấng đã tuyên bố, và điều
đó trở thành một vấn đề giáo lý nghiêm túc. Bạn không thể tách rời câu chuyện lịch sử
nầy ra khỏi hệ quả giáo lý của nó.
Nhưng bạn phải hiểu thế nào về những lời của Chúa đây? Trench đã gợi ý thế nầy
trước đây nhiều năm lắm rồi: “Hạt cải nầy, khi đã gieo xuống đất, thì ‘thật nhỏ hơn cả
các giống khác’ - những chữ thường gây lúng túng cho những nhà giải kinh, vì rất
nhiều hạt giống như hạt thuốc phiện hoặc cửu lý hương còn nhỏ hơn nữa. Tuy nhiên
những khó khăn kiểu nầy thì không đáng nói; chỉ cần biết rằng ‘nhỏ như hạt cải’ là một
thành ngữ thuộc dạng Châm Ngôn ở giữa vòng người Dothái để chỉ về một điều gì đó
cực kỳ nhỏ nhặt (xem Lu 17:6) là đủ rồi. Chúa chúng ta, trong sự dạy dỗ phổ thông của
Ngài, đã gắn bó với ngôn ngữ quần chúng.” (R.C. Trench, Notes on the Parables of our
Lord (New York: Revell, không rõ năm xuất bản, trang 91).
Một điều đáng lưu ý khác nữa đó là chữ: “nhỏ nhất” thực sự là chữ so sánh, không
phải chữ so sánh bậc nhất, và nên dịch là “nhỏ hơn” mọi loại hạt (như dịch trong bản
NASB và bản NEB). Nói cách khác, Chúa không nói một điều tuyệt đối (hạt cải tuyệt đối
là hạt nhỏ nhất) nhưng đặt hạt cải trong loại các hạt nhỏ nhất.

105
Có lẽ nên kết hợp cả hai gợi ý trên đây. Về mặt thuật từ chuyên môn, Ngài đã đặt
hạt cải vào hàng những hạt nhỏ hơn và đã tận dụng vốn hiểu biết Châm Ngôn của quần
chúng ấy là hạt cải đại diện cho một điều hết sức nhỏ nhặt. Nhưng Ngài đã không mắc
phải một lỗi sai kỹ thuật hay lỗi sai khoa học.
C. Những Người Mù Ở Giêricô (Mat 20:29-34; Mac 10:46-52; Lu 18:35-43).
Các câu chuyện về sự chữa lành những người mù tại Giêricô (một trong số họ là
Batimê) chứa nhiều chi tiết khác nhau mà có người giải nghĩa như là không thể giải
quyết được, để rồi kết luận một trong các câu chuyện nầy phải có lỗi sai. Mathiơ viết
Chúa chữa lành hai người mù khi Ngài lìa Giêricô. Các câu chuyện khác chỉ nhắc đến
một người mù, và ghi rằng phép lạ được thi hành khi đoàn người vào Giêricô, còn về số
lượng người mù, nếu Mác hoặc Luca nói chỉ một người mù, thì sẽ có một lỗi sai. Nhưng
nếu Batimê là người đi trước trong hai người, thì lẽ tự nhiên là một tác giả sẽ tập trung
vào ông trong khi người khác có thể sẽ nhắc đến cả hai người mù. Lời tuyên bố có hai
người mù bao gồm cả sự tập trung chú ý vào một người. Lời tuyên bố có hai người sẽ
mâu thuẫn nếu có thêm một lời tuyên bố chỉ có một người duy nhất. Nhưng điều đó
không xảy ra trong trường hợp nầy.
Còn về thời điểm phép lạ xảy ra, có hai gợi ý hợp lý. Gợi ý thứ nhất là người mù nầy
đã nài nỉ Chúa khi Ngài vào Giêricô nhưng chưa được chữa lành cho đến khi Ngài lìa
Giêricô. Gợi ý thứ hai là vì có hai Giêricô (thành Giêricô cũ và Giêricô mới), nên sự chữa
lành hẳn đã có thể xảy ra sau khi nhóm người nầy rời Giêricô cũ và lúc đang tiến đến
gần Giêricô mới. Như vậy, câu “đương khi Đức Chúa Jesus và môn đồ ra khỏi thành
Giêricô” của Mathiơ nói đến Giêricô cũ, còn câu Mác và Luca nói tiến đến Giêricô là
Giêricô mới.
Dầu chấp nhận gợi ý nào đi nữa, thì rõ ràng là không cần phải xem những câu
chuyện nầy có mâu thuẫn không thể giải quyết được.
D. Cha Của Xachari (Mat 23:35).
Trong câu nầy, Xachari (không phải là vị tiên tri cùng tên nầy, nhưng là một thầy tế
lễ) được nói là con của Barachi, trong khi IISu 24:20 nói ông là con của thầy tế lễ
Giêhôgiađa. “Con trai của” không nhất thiết có nghĩa là thế hệ trực tiếp sau người đó
(như trong Sa 31:28, là chỗ Laban nói cháu mình là con trai và con gái, hoặc như trong
trường hợp của Đấng Christ là Con Trai của Đavít và của Ápraham, Mat 1:1). Rất có thể,
Giêhôgiađa là ông nội của Xachari, và được nêu tên trong sách IISử Ký vì cớ danh tiếng
của ông.
E. Xachari so với Giêrêmi (Mat 27:9-10).

106
Phần chính trong câu trích nầy ra từ Xa 11:12-13, trong khi đó, Mathiơ dường như
qui câu nầy cho Giêrêmi. Đây không phải là một lỗi sai rõ ràng sao?
Trước khi kết luận như thế, hãy tính đến vấn đề Giêrêmi đã được đặt ở đầu các tác
phẩm tiên tri Cựu Ước trong bộ Kinh Babylonian Talmud. Như vậy, có thể Mathiơ chỉ
đang sử dụng tên của Giêrêmi để nói đến phần có chứa lời trích từ Xachari. Điều đó rất
giống cách nói thế nầy: “Trong tác phẩm của Smith, Jones có nói....” Jones đã viết một
chương trong tác phẩm do Smith biên soạn. (Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa gợi ý
Giêrêmi đã biên soạn lời tiên tri của Xachari.) Hãy để ý chính sự nổi bật như thế nầy
được dành cho Giêrêmi trong Mat 16:14, trong đó, ông là tiên tri duy nhất được nêu đích
danh trong khi có rất nhiều tiên tri khác được nhắc đến trong câu nầy.
Dầu đây có vẻ là lời giải thích hợp lý nhất, nhưng có người tìm thấy lời giải đáp
trong ý tưởng cho rằng Mathiơ đã suy nghĩ chủ yếu đến những sự kiện được đề cập về
nhà của người thợ gốm trong Giêrêmi 18 và 19.
F. Êsai so với Malachi (Mac 1:2-3).
Những câu nầy đã đưa ra nan đề, vì ngay sau những chữ “như đã chép trong sách
tiên tri Êsai,” thì tiếp đó là lời trích từ Malachi rồi mới đến lời trích từ Êsai. Nhiều người
xem đây là một lỗi sai hiển nhiên, dầu là một lỗi sai vô hại. Tuy nhiên, cấu trúc đoạn
nầy giới thiệu “Đầu Tin Lành” bằng cách tập trung vào chức vụ của Giăng Báptít trong
đồng vắng. Vì thế, trong tâm trí của Mác, lời trích dẫn từ Êsai là phần chính yếu, vì nó
dự ngôn một nhân vật trong đồng vắng. Sự chú ý của Mác nhắm vào lời tiên tri của Êsai
sẽ giải thích lý do vì sao Mác chỉ đề cập Êsai trong câu 2.
G. Abiatha so với Ahimêléc (Mac 2:26)
Khi nói Đavít ăn bánh trong đền tạm, Mác nói Abiatha là thầy tế lễ thượng phẩm,
trong khi câu chuyện Cựu Ước về sự kiện nầy nói Ahimêléc là thầy tế lễ thượng phẩm
(ISa 21:1-6). Có giải pháp công nhận tuy sự kiện nầy thực sự xảy ra trong thời Ahimêléc
làm thầy tế lễ thượng phẩm nhưng ông đã bị giết ngay sau đó và Abiatha - một người
hẳn cũng đã thi hành chức tế lễ tại thời điểm đó - đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm
ngay sau đó và tỏ ra còn nổi bật hơn cả Ahimêléc. Không phải Mác đang nói Abiatha
thực sự là thầy tế lễ thượng phẩm khi sự kiện xảy ra, nhưng ông đang thi hành chức tế
lễ và đã nhanh chóng trở thành một thầy tế lễ thượng phẩm rất nổi bật. Tương tự người
ta có thể nói đến một sự kiện nào đó xảy ra trong những năm làm thượng nghị sĩ của
John F. Kennedy và nói đến điều đó như là việc xảy ra trong những ngày của vị tổng
thống Kennedy. Ông không phải là vị tổng thống khi việc đó xảy ra, đúng hơn chỉ mới
là thượng nghị sĩ, nhưng đã được gọi là tổng thống Kennedy vì cớ (sau nầy) ông đã trở
thành tổng thống.

107
Một lần nữa, những ví dụ nầy trong Mác nhắc chúng ta nhớ nếu người ta đến với
Kinh Thánh trong tinh thần mong đợi hoặc công nhận có lỗi sai, thì họ sẽ nêu ra lý lẽ
tán thành một cuốn Kinh Thánh có lỗi sai. Nhưng nếu đến với Kinh Thánh trong tinh
thần xem Kinh Thánh là không sai lạc, thì họ có thể tìm những giải pháp hợp lý, và dầu
không thể thật lòng chấp nhận bất cứ giải pháp gợi ý nào, người nầy vẫn có thể tin
Kinh Thánh không sai lạc và đơn giản là chúng ta chưa có đủ sự kiện để giải quyết một
số điều có vẻ như nan đề.
H. Sự Chết Của Giuđa.
Trong Cong 1:18, Phierơ mô tả cái chết của Giuđa là “nhào xuống nứt bụng và ruột
đổ ra hết.” Mathiơ nói Giuđa thắt cổ (Mat 27:5). Rất có thể cả hai lời mô tả nầy đều đúng.
Ông thực sự đã thắt cổ nhưng có chuyện đã xảy ra khiến xác ông rơi xuống và nứt bể
ra. Đây là giải pháp đơn giản nhất, và đã được nêu ra từ thời Augustine.
Hai câu chuyện nầy dường như còn một nan đề khác nữa. Mathiơ nói các thầy tế lễ
đã mua ruộng huyết, còn Côngvụ qui việc đó cho Giuđa. Một lần nữa giải pháp đơn
giản là cả hai câu chuyện đều đúng. Các thầy tế lễ không lấy lại tiền, nên mua đồng
ruộng nhân danh Giuđa, vì họ không muốn tỏ vẻ có dính líu đến tiền của Giuđa.
I. Những Nan Đề Trong Cong 7.
Tuy trong ranh giới khái niệm tính không sai lạc của Kinh Thánh thì dễ dàng chấp
nhận Êtiên nói sai một điều trong bài giảng nầy còn Luca ghi lại cách chính xác, nhưng
nhà giải kinh nghiêm túc sẽ muốn biết càng rõ càng tốt Êtiên đang nói gì. Một trong
các nan đề nầy tập trung vào câu 6, trong đó, Êtiên nói thời gian phu tù tại Êdíptô là dài
400 năm, trong khi Xu 12:40 nói là 430 năm. Hơn nữa, trong Ga 3:17, Phaolô viết rằng
Luật Pháp đã xuất hiện sau lời hứa cho Ápraham đến 430 năm. Có hai nan đề trong các
con số nầy: (a) sai biệt giữa 400 và 430; và (b) lỗi sai có vẻ rất lớn của Phaolô vì thời
gian giữa Ápraham và việc ban luật pháp dài hơn đáng kể so với 430 năm. Nhiều người
chỉ đơn giản công nhận sai biệt 400/430 liên quan đến con số phỏng chừng. Bốn trăm
là số làm tròn của 430. 430 trong thơ Galati không dùng đến những chặng dừng cuối
cùng từ Ápraham đến Luật Pháp (Sáng Thế Ký 12 đến Xuất Êdíptô Ký 20). Đúng hơn,
nó chỉ về cuối Thời Đại Các Tổ Phụ (Sa 35:11-12) cho đến lúc ban luật pháp trong Xuất
Êdíptô Ký 20.
Người khác tin 400 năm là khoảng thời gian làm nô lệ người Êdíptô và cả hai con số
430 đó chỉ về thời gian giữa lần khẳng định cuối cùng giao ước của Ápraham cho
Giacốp với việc ban luật pháp. Tuy nhiên, điều nầy minh họa một trường hợp chúng ta
không có đủ dữ kiện để đưa ra quyết định dứt khoát, vì thế một lần nữa, thái độ của
người ta sẽ ảnh hưởng đến quyết định: Bạn có thể tin có nhiều lỗi sai, hoặc có thể tin sẽ
có giải pháp hoàn hảo nếu có đủ mọi dữ kiện.

108
Đôi khi điều có vẻ như nan đề trong câu 14 đã làm nảy sinh một thắc mắc. Trong
câu đó nói gia đình Giacốp là bảy mươi lăm người, trong khi ISa 46:27 nói chỉ có 70
người. Êtiên trong Côngvụ nói theo con số trong Bản Bảy Mươi, là số lượng có thêm
năm người nữa (con trai và cháu trai của Manase cùng hai con trai và cháu nội của
Épraim). Sáng Thế Ký không đưa số người nầy vào. Nhưng trong cả hai con số, thì chỉ
tính đến một nhóm người có giới hạn, vì tổng số gia đình của Giacốp hẳn đã đông hơn
nhiều, bao gồm các vợ của các con trai và cháu trai của Giacốp cùng các người chồng
của con gái và cháu gái ông, mà họ không được kể ra. Bất cứ ai cố gắng liệt kê con số
trong một gia đình trước mắt với số lượng người cỡ nầy thì sẽ dễ dàng tìm ra được ít
nhất hai cách để điểm số và sẽ có được hai tổng số khác nhau mà không có gì mâu
thuẫn cả.
Những trường hợp trên đại diện cho các nan đề trong Tân Ước đang được thảo luận
đến. Một số trường hợp đã được dùng trong suốt lịch sử Hội Thánh nhằm cố chứng
minh Kinh Thánh có lỗi sai. Và trong suốt lịch sử đã có nhiều giải pháp hợp lý cho các
nan đề nầy. Một số đã được tập trung chú ý trong thời gian mới đây. Bất cứ trường hợp
nào trong số đó đều có thể dùng để kết luận Kinh Thánh có lỗi sai, nhưng toàn bộ
chúng đều thực sự có những giải đáp hợp lý.
Muốn Kinh Thánh trở thành một cuốn Kinh Thánh có lỗi sai thì cần phải có một lỗi
sai duy nhất. Có thể đó là một lỗi “nhỏ,” một lỗi vụn vặt, lỗi về lịch sử, hoặc lỗi về giáo
lý, nhưng nếu có một lỗi, thì chúng ta thực sự không có được một cuốn Kinh Thánh
không sai lạc.

109
Chương 15: BỘ KINH ĐIỂN
Đề tài về kinh điển liên quan đến câu hỏi có bao nhiêu sách thuộc về Kinh Thánh.
Như thế kinh điển nói đến danh sách có thẩm quyền của các sách trong Kinh Thánh. Dĩ
nhiên, các sách riêng rẽ đã được nhiều tác giả khác nhau viết trải qua một thời gian
dài. Như vậy chúng được sưu tập thế nào, và ai đã quyết định những sách nào được
đứng vào bộ kinh điển Thánh Kinh?
I. VÀI NHẬN ĐỊNH CƠ BẢN
A. Ý Nghĩa Của Từ Ngữ Kinh Điển
1. Nguồn gốc từ: Từ này bắt nguồn từ chữ kanon trong tiếng Hy Lạp có liên hệ đến
một dụng cụ đo lường. Vì thế cho nên dần hồi từ nầy mang ý nghĩa là một quy tắc hành
động (Ga 6:16; Phi 3:16).
2. Lịch sử dùng từ: Trong hội thánh đầu tiên, từ ngữ “kinh điển” được dùng để nói
đến các tín điều. Giữa thế kỷ thứ tư, chữ này được dùng cho Kinh Thánh, tức dùng nói
đến danh sách các sách đã được chấp nhận, là các sách được công nhận hợp thành
Thánh Kinh.
3. Ý nghĩa: Thật ra từ “kinh điển” có ý nghĩa kép. Nó vừa nói đến bảng liệt kê
những sách đáp ứng được các phương pháp kiểm nghiệm hay những quy tắc nhất định
và bởi đó được nhìn nhận là có thẩm quyền và thuộc bộ kinh điển. Đồng thời chữ này
cũng nói đến tuyển tập các sách kinh điển trở thành nguyên tắc cho đời sống chúng ta.
B. Một Số Nhận Định Cơ Bản Khi Tìm Hiểu Tính Kinh Điển
1. Sự tự xác chứng: Điều quan trọng là phải nhớ Kinh Thánh có thể tự xác chứng vì
các sách trong Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời hà hơi vào (IITi 3:16). Nói cách khác,
các sách nầy đã là kinh điển ngay từ giây phút được viết ra. Không cần chờ đến nhiều
hội nghị khác nhau xem xét thì mới quyết định được chúng có được thừa nhận hay
không. Tính kinh điển của chúng có sẵn trong chúng rồi, vì chúng đến từ Đức Chúa
Trời. Con người và các Giáo Hội Nghị chỉ nhìn biết và công nhận điều đã đúng bởi sự
soi dẫn nội tại của các sách này ngay từ khi được viết ra. Không có sách nào trong Kinh
Thánh trở thành kinh điển nhờ hành động của các Giáo Hội Nghị.
2. Những quyết định của con người: Tuy vậy, con người và các Giáo Hội Nghị đã
thực sự phải cân nhắc xem nên công nhận sách nào là thuộc về kinh điển, bởi vì một
vài cuốn trong số các sách dự tuyển không được thần cảm. Phải có một số quyết định
và chọn lựa, và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn nhiều nhóm người thực hiện những chọn
lựa chính xác (không phải là không có những tiêu chuẩn hướng dẫn) để thu thập nhiều
tác phẩm khác nhau vào kinh điển Cựu và Tân Ước.

110
3. Những cuộc tranh luận về tính kinh điển: Trong tiến trình quyết định và sưu tập,
không phải là bất ngờ khi có những tranh luận về một số sách. Và điều đó đã diễn ra.
Tuy nhiên, những cuộc tranh biện này không hề làm suy yếu tính xác thực của các
sách thật sự thuộc kinh điển, cũng không hề ban địa vị kinh điển cho các sách không
được Đức Chúa Trời soi dẫn.
4. Sự hoàn tất bộ kinh điển: Kể từ năm 397 S.C, hội thánh Cơ đốc xem bộ kinh điển
Thánh Kinh đã hoàn tất đầy đủ; nếu bộ kinh điển đã hoàn tất thì phải kết thúc. Vì thế
nên chúng ta không thể trông đợi thêm sách nào khác được khám phá hay được viết ra
để mở kinh điển ra lần nữa và bổ sung thêm vào số 66 sách vốn có. Dầu có khám phá
thêm được lá thư nào của Phaolô đi nữa thì nó cũng không thể thuộc kinh điển. Xét cho
cùng, ngoài những lá thư hiện có trong Kinh Thánh Tân Ước, Phaolô chắc chắn còn viết
nhiều lá thư trong đời ông; thế nhưng hội thánh đã không kể chúng thuộc về kinh điển.
Không phải mọi tác phẩm do một sứ đồ viết đều được soi dẫn, vì không phải tác giả
được soi dẫn bèn là những tác phẩm của ông, và không nhất thiết mọi tác phẩm đó đều
được thần cảm.
Nhiều sách cận đại của các tà giáo được đặt bên cạnh Thánh Kinh chính là những
sách không được linh cảm và không hề được quyền đòi thuộc kinh điển Thánh Kinh.
Đương nhiên những điều gọi là lời nói tiên tri hay những khải tượng ngày nay mà có
người tuyên bố là đến từ Đức Chúa Trời không thể được soi dẫn và không được kể như
một phần mạc khải của Đức Chúa Trời, cũng không có thẩm quyền nào như thẩm
quyền của các sách kinh điển.
II. KINH ĐIỂN THÁNH KINH CỰU ƯỚC
A. Chứng Cứ Từ Trong Chính Cựu Ước
1. Từ Sách Luật Pháp: Có nhiều câu trong Thánh Kinh Cựu Ước nói Luật Pháp
Môise có thẩm quyền. Sau đây là một số câu Kinh Thánh: Gios 1:7-8; 23:6; IVua 2:3; IIVua
14:6; 21:8; 23:25; Exo 6:18; Ne13:1; Da 9:11; Ma 4:4. Những phần Kinh Thánh như thế xác
chứng bản chất được soi dẫn của các tác phẩm Môise trong năm sách đầu Cựu Ước, nơi
Môise chép Luật Pháp.
2. Từ Các Tiên Tri: Các tiên tri tuyên bố họ đang nói ra Lời Đức Chúa Trời, và những
lời tiên tri của họ đã được công nhận là có thẩm quyền. Hãy để ý những câu Kinh
Thánh sau: Gios 6:26 so với IVua 16:34; Gios 24:29-33 so với Cac 2:8-9; IISu 36:22-23 so với Exo
1:1-4; Da 9:2 so với Gie 25:11-12.

3. Từ Ma 4:5: Trong Ma 4:5 có dấu hiệu chứng tỏ lời chứng tiên tri sẽ chấm dứt với
Malachi và không bắt đầu trở lại cho đến khi có một tiên tri giống như Êli sẽ đến trong
con người Giăng Báptít (Mat 17:11-12).

111
B. Chứng Cứ Của Các Cuộn Biển Chết
1. Tầm quan trọng: Các Cuộn Biển Chết cho thấy các sách nào của Cựu Ước đã được
công nhận là sách thánh giữa thời kỳ Cựu và Tân Ước.
2. Số lượng các Cuộn Biển Chết: Trong khoảng 500 Cuộn Biển Chết có khoảng 175
cuộn thuộc về Kinh Thánh. Có rất nhiều các bản sao của nhiều sách trong Thánh Kinh
Cựu Ước, và tất cả các sách Cựu Ước đều được nêu lên trong số các cuộn này ngoại trừ
sách Êxơtê.
3. Lời chứng từ các Cuộn Biển Chết: Sự hiện hữu của các sách Kinh Thánh trong số
các cuộn giấy da nầy tự nó không xác chứng tính kinh điển của chúng vì một số sách
không thuộc kinh điển cũng có mặt trong số đó. Tuy nhiên, phần lớn các Cuộn Biển
Chết là phần giải nghĩa, và cho đến nay mọi phần giải thích nầy chỉ luận đến các sách
thuộc kinh điển. Điều này dường như cho thấy có công nhận sự phân biệt giữa các sách
thuộc kinh điển và không thuộc kinh điển. 20 trong số 39 sách của Cựu Ước cũng được
trích dẫn hay được nói là Kinh Thánh. Tóm lại, các Cuộn Biển Chết cung cấp chứng cứ
tích cực cho tính kinh điển của mọi sách ngoại trừ Sử Ký, Êxơtê, và Nhã Ca.
C. Các Chứng Cứ Khác
1. Phần mở đầu của sách Khôn Ngoan: Sách không thuộc kinh điển này nói đến sự
phân chia các sách làm ba phần (ấy là: sách Luật Pháp, các sách Tiên Tri, và những bài
thánh ca cũng như những giáo huấn cho lối cư xử của con người), và cách chia này đã
được biết đến từ đời ông của tác giả (có lẽ vào khoảng năm 200 T.C.).
2. Philo: Philo (khoảng năm 40 S.C.) cũng đã nói đến cùng một cách chia làm ba
phần như vậy.
3. Josephus: Josephus (37-100 S.C.) nói người Do thái chỉ xem hai mươi hai sách là
sách thánh mà thôi (gồm chính xác 39 sách Cựu Ước hiện nay của chúng ta). Josephus
đưa vào năm sách cho Ngũ Kinh, mười ba sách cho Các Tiên Tri (Giôsuê, Các Quan Xét
với Rutơ, Samuên, Các Vua, Sử Ký, Exơra-Nêhêmi, Êxơtê, Gióp, Êsai, Êxêchiên, Mười
hai tiên tri nhỏ, Đaniên), và bốn sách cho “những bài thánh ca cho Đức Chúa Trời và
những giáo huấn thực tiễn cho con người” (Thi Thiên, Nhã Ca, Châm Ngôn, Truyền
Đạo).
4. Jamnia: Jamnia (90 S.C.), là một trường dạy học của các rabi đã bàn thảo về tính
kinh điển. Một số rabi thắc mắc không biết việc chấp nhận Êxơtê, Truyền Đạo và Nhã
Ca (như cách đang được chấp nhận) như vậy có đúng không. Những cuộc bàn cãi nầy
nói đến đến một bộ kinh điển hiện có lúc đó.
5. Các giáo phụ: Các giáo phụ đã chấp nhận 39 sách Cựu Ước. Ngoại lệ duy nhất là
Augustine (400 S.C.): ông đã đưa vào cả những sách Ngoại Kinh (Apocrypha - là một số

112
sách “phụ thêm” mà một số bản Kinh Thánh đưa thêm vào giữa các sách Cựu và Tân
Ước). Tuy nhiên, ông thực sự có công nhận chúng không có đầy đủ thẩm quyền. Các
sách Ngoại Kinh nầy đã không được chính thức thừa nhận thuộc kinh điển mãi đến
Giáo Hội Nghị Trent (1546 S.C.), và sau đó chỉ được công nhận bởi giáo hội Công giáo
Lamã mà thôi.
D. Chứng Cứ Của Tân Ước
1. Các câu trưng dẫn Cựu Ước trong Tân Ước: có khoảng 250 câu trích dẫn các sách
Cựu Ước trong Tân Ước. Tân Ước không trích dẫn câu nào của Ngoại Kinh cả. (Giuđe
(câu 14 trích từ sách Hênóc không thuộc bộ kinh điển, nhưng sách này được xếp vào
Ngụy Kinh (Pseudepigrapha), chứ không thuộc Ngoại Kinh.) Toàn bộ các sách Cựu Ước
đều được trích dẫn ngoại trừ Êxơtê, Truyền Đạo và Nhã Ca.
2. Mat 5:17 : Ở đây Chúa phán rằng Luật Pháp và Các Lời Tiên Tri có thẩm quyền bởi
vì chúng chắc chắn sẽ phải được làm trọn. Hai phần nầy gồm tóm toàn bộ Kinh Thánh
Cựu Ước.
3. Lu 11:51 : Ở đây Chúa phán rất rõ về phạm vi kinh điển Cựu Ước mà Ngài đã chấp
nhận. Khi lên án những lãnh đạo của dân Do thái đã giết các sứ giả của Đức Chúa Trời
xuyên suốt lịch sử của họ, Ngài lên án họ phạm tội làm đổ máu mọi người công chính
từ Abên cho tới Xachari. Vụ giết Abên được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 4, và vụ giết
Xachari ghi trong IISu 24 là sách cuối cùng theo thứ tự sắp xếp của kinh điển Do thái
(giống như sách Malachi là sách cuối theo cách sắp xếp của chúng ta ngày nay). Như
vậy, Chúa đang phán: “Từ vụ sát nhân đầu tiên đến vụ cuối cùng được ghi lại trong Cựu
Ước.” Dĩ nhiên, có nhiều vụ giết chết sứ giả của Đức Chúa Trời khác nữa được ghi trong
các sách Ngoại Kinh, nhưng Chúa không bao gồm chúng. Hiển nhiên Ngài không xem
các sách Ngoại Kinh có thẩm quyền ngang hàng với các sách từ Sáng Thế Ký đến IISử
Ký.
III. KINH ĐIỂN THÁNH KINH TÂN ƯỚC
A. Những Phương Thức Kiểm Tra Tính Kinh Điển
1. Phương Thức Kiểm Tra Thẩm Quyền: Đối với các sách Cựu Ước, điều nầy có
nghĩa là có thẩm quyền của một nhà lập pháp hoặc một đấng tiên tri hoặc một nhà lãnh
đạo trong Ysơraên đứng đàng sau các sách đó. Đối với các sách Tân Ước, phương thức
kiểm tra nói đến có thẩm quyền của một sứ đồ đằng sau các sách được chấp nhận vào
hàng kinh điển. Có nghĩa là sách đó có thể được viết bởi một sứ đồ hoặc được ủng hộ
bởi một sứ đồ để cho bởi cách nào cũng đã có thẩm quyền sứ đồ đàng sau sách đó. Ví
dụ, Phierơ được xem là vị sứ đồ đứng đàng sau việc viết Phúc âm Mác, và Phaolô là sứ
đồ đứng đàng sau việc viết Phúc Âm Luca.

113
2. Phương Thức Kiểm Tra Tính Độc Nhất: Để được kể vào hàng kinh điển, một sách
phải bày tỏ chứng cứ nội tại về tính độc nhất vô nhị của nó để làm một chứng cứ cho sự
soi dẫn của nó.
3. Phương Thức Kiểm Tra Sự Chấp Thuận Bởi Các Hội Thánh: Khi các sách được lưu
truyền, chúng phải có được sự chấp thuận của các Hội Thánh. Thực ra không hề có
sách nào bị phần lớn các Hội Thánh nghi ngại mà cuối cùng lại được chấp nhận vào bộ
kinh điển.
B. Tiến Trình Công Nhận Kinh Điển Tân Ước
Hãy nhớ các sách này đã được soi dẫn khi được viết ra và vì vậy có tính kinh điển.
Hội Thánh chỉ khẳng định điều vốn đã đúng rồi.
1. Bằng chứng của thời đại sứ đồ: Các tác giả làm chứng rằng tác phẩm của họ là
Lời Đức Chúa Trời (Co 4:16; ITe 4:15). Họ cũng công nhận các tác phẩm của các sách Tân
Ước khác cũng là Kinh Thánh. “Kinh Thánh” bấy giờ là tên gọi trong Do thái giáo dành
cho các sách thuộc kinh điển, nên khi được dùng trong thời Tân Ước để nói đến các tác
phẩm Tân Ước khác, chữ này cũng định rõ các tác phẩm đó thuộc kinh điển. Và chữ
này được dùng trong hai chỗ quan trọng.
Một là ITi 5:18, là nơi một câu trưng dẫn Phu 25:4 được nối với một phần khác từ Lu
10:7, và cả hai đều được gọi là Kinh Thánh. Đúng là ý của Lu 10:7 được thấy trong Cựu
Ước, nhưng hình thức của câu trích dẫn chỉ được tìm thấy trong các sách Phúc Âm. Một
chỗ khác là ở IIPhi 3:16, Phierơ nói các tác phẩm của Phaolô là Kinh Thánh. Đây là một
sự khẳng định có ý nghĩa rất quan trọng bởi khoảng thời gian tương đối ngắn giữa lúc
Phaolô viết một vài lá thư của ông cho đến lúc Phierơ công nhận chúng là Kinh Thánh.
2. Lời chứng của thời kỳ năm 70-170 S.C.: Trong khoảng thời gian này, tất cả các
sách Tân Ước đã được trích dẫn trong các tác phẩm khác của thời này, và các giáo phụ
đã công nhận toàn bộ 27 sách là thuộc kinh điển. Tuy nhiên mỗi giáo phụ không đưa
vào tất cả 27 sách. Ngoài ra, Marcion - là một người theo tà giáo (140) - chỉ đưa vào bộ
kinh điển của ông Luca và 10 trong số các thư tín của Phaolô, và ít nhất điều này cũng
cho thấy có bộ sưu tập các tác phẩm của Phaolô từ sớm đến như thế rồi.
3. Bằng chứng của thời kỳ năm 170-350: Có ba chứng cứ quan trọng từ thời kỳ này.
Trước hết là bộ kinh điển Muratorian (170) đã bỏ qua các thư Hêbơrơ, Giacơ, IPhierơ và
2Phierơ. Tuy nhiên có một khoảng gián đoạn trong thủ bản này nên chúng ta không
thể đoan chắc các sách này không được đưa vào. Bộ kinh điển này cũng bác bỏ một vài
sách khác như sách Người Chăn Chiên của Hermas, là sách đã không trở thành một
phần của bộ kinh điển.

114
Thứ nhì, Cổ Bản Syriac (cuối thế kỷ thứ II) thiếu IIPhierơ, II và III Giăng, Giuđe và
Khải Huyền. Nhưng không thêm sách phụ trợ nào khác để cho đưa tổng số lên đến 27
sách.
Thứ ba, Cổ Bản Latin (200) thiếu IIPhierơ, Giacơ và Hêbơrơ, nhưng không thêm các
sách phụ nào. Như vậy các sách ứng viên không đủ tư cách để đưa vào kinh điển đã bị
loại trừ trong thời đại này; hầu hết các sách Tân Ước đã được chấp nhận; chỉ một số ít
bị tranh cãi.
4. Giáo Hội Nghị Carthage (397): Hầu hết đều đồng ý rằng Giáo Hội Nghị này đã ấn
định giới hạn của kinh điển Tân Ước bao gồm toàn bộ 27 sách mà chúng ta có ngày
nay.
5. Ghi chú về ý kiến của Luther đối với sách Giacơ: Đôi khi người ta tuyên bố
Martin Luther không chấp nhận sách Giacơ thuộc bộ kinh điển. Không phải như vậy
đâu. Ông viết như sau trong lời mở đầu của ông cho Tân Ước, trong đó ông qui cho các
sách khác nhau của Tân Ước những mức độ giá trị khác nhau về mặt giáo lý. “Sách
Phúc Âm của Thánh Giăng và thư thứ nhất của ông, các thư tín của Thánh Phaolô, đặc
biệt là các thư gởi cho hội thánh Rôma, Galati, Êphêsô, và thư của Thánh Phierơ – đây
là những sách bày tỏ Đấng Christ cho anh em, và dạy dỗ mọi sự anh em cần biết và thật
phước hạnh khi được biết, cho dẫu anh em chưa từng thấy hoặc nghe bất cứ sách nào
khác về giáo lý. Vì vậy, thư tín của Thánh Giacơ là một thư tín hoàn toàn bằng rơm so
với chúng, vì trong thư tín đó không có gì là Phúc Âm.” Như vậy Luther đang so sánh
(theo ý kiến của ông) giá trị giáo lý, chứ không so sánh giá trị hiệu lực của tính kinh
điển.

115
Chương 16: VIỆC GIẢI NGHĨA KINH THÁNH
I. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIẢI KINH HỌC
A. Định Nghĩa Giải Kinh Học
Giải kinh học (Hermeneutics) là môn nghiên cứu những nguyên tắc giải nghĩa. Chú
giải kinh (exegesis) bao gồm cốt yếu là công tác thực sự giải nghĩa Kinh Thánh, đem ra
ý nghĩa của Kinh Thánh, còn môn giải kinh học thiết lập những nguyên tắc để thực
hành chú giải Kinh Thánh.
Trong thực tế, cho dù có ý thức hay không, mỗi người giải nghĩa Kinh Thánh đều có
một hệ thống giải kinh học. Khi thực hiện việc chú giải kinh thì người ấy biểu lộ giải
kinh học của mình, mặc dù có lẽ hầu hết các nhà bình giải chưa hề hệ thống hóa môn
giải kinh học của họ. Có vài người giải nghĩa - nếu như có - bắt đầu bằng cách đặt ra
khoa giải kinh học của mình trước khi tiến hành bắt tay vào chú giải Kinh Thánh. Hầu
hết dường như chỉ nghĩ về giải kinh học sau khi họ đã bình giải Kinh Thánh nhiều năm
trường. Nhưng suy nghĩ đến giải kinh học có một mục đích quan trọng, vì thúc đẩy một
người phải xem xét nền tảng bình giải Kinh Thánh và tính nhất quán trong những thói
quen giải nghĩa Kinh Thánh của người đó.
B. Một Vài Hệ Thống Giải Kinh Học
Tôi tin (vì những lý do sẽ nói sau) rằng hệ thống giải kinh học chính xác đó là hệ
thống có thể được gọi là bình thường, đơn giản hoặc theo nghĩa đen. Tuy nhiên, có thể
dùng các ví dụ về những hệ thống khác không ủng hộ (ít ra cũng không ủng hộ cách
nhất quán) lối giải nghĩa bình thường hoặc đơn giản để làm rõ ý nghĩa của lối giải
nghĩa bình thường và các nguyên tắc giải kinh dùng làm nền tảng cho lối giải nghĩa
bình thường ấy. Phải nói rằng hầu như không ai có một hệ thống giải kinh học “thuần
túy.” Hầu hết đều liên kết nhiều yếu tố của nhiều hệ thống khác nhau.
1. Giải kinh học ngụ ngôn (Allegorical hermeneutics): Một câu chuyện ngụ ngôn là
sự trình bày có tính cách biểu tượng. Giải kinh học theo lối ngụ ngôn trái ngược với giải
kinh học theo nghĩa đen (literal hermeneutics) và thường được dùng đến khi người giải
nghĩa thấy có vẻ khó chấp nhận được ý tưởng theo nghĩa đen. Lúc ấy các từ ngữ thực sự
không còn hiểu theo nghĩa bình thường của chúng nhưng hiểu theo nghĩa biểu tượng,
và điều này đem lại cho bản văn một ý nghĩa khác, một ý nghĩa mà xét nghiêm túc
nhất thì bản văn chưa hề có ý định truyền đạt.
Nếu được dùng cách nhất quán, giải kinh học ngụ ngôn sẽ hạ thấp giá trị của
Thánh Kinh đến chỗ gần như tiểu thuyết hư cấu, bởi vì ý nghĩa bình thường của các từ
ngữ sẽ không thích ứng và sẽ được thay thế bởi bất kỳ ý nghĩa nào mà người giải nghĩa
muốn gán cho các biểu tượng. Tuy nhiên, hầu hết giải kinh học ngụ ngôn không được

116
thực hành nhất quán hay thấu đáo. Những người Tin Lành thuần túy nào dùng hệ
thống này thì thường dùng trong lãnh vực lời tiên tri, trong khi vẫn sử dụng giải kinh
học bình thường hay giải kinh học theo nghĩa đen khi giải nghĩa những lãnh vực khác
của Kinh Thánh.
F. W. Farrar trong quyển sách History of Interpretation của ông (London:
Macmillan, 1886) cho biết phương pháp theo nghĩa bóng này phát xuất từ đâu. Ông
nói:
“Ngụ ngôn không hề xuất phát từ lòng mộ đạo tự phát, mà là đứa con của chủ nghĩa
duy lý ra đời từ những lý thuyết ngoại giáo của Plato. Nó thật xứng với tên gọi của
mình, vì đã bắt Thánh Kinh nói ra điều khác với ý Thánh Kinh thực sự muốn nói….
Origen vay mượn từ phái Plato ngoại giáo và từ các triết gia Do thái một phương pháp
chuyển đổi toàn bộ Thánh Kinh, cả Tân cũng như Cựu Ước, trở thành một chuỗi những
điều bí ẩn vụng về, hay thay đổi và không thể tin nổi. Ngụ ngôn giúp ông tống khứ
thiên niên thuyết (chiliasm) và lối giải nghĩa đen đầy mê tín cùng những ‘phản đề’ của
phái Trí huệ, nhưng lại mở cửa cho những điều ác còn chết người hơn.” (Trang 193-
4,196)
2. Giải Kinh theo nghĩa đen. Ở thái cực ngược lại với lối giải kinh theo nghĩa ngụ
ngôn “thuần túy” hoặc nhất quán là lối giải kinh theo nghĩa đen. Bởi vì chữ “theo nghĩa
đen” mang nhiều hàm ý bị hiểu lầm hoặc hiểu chủ quan, nên các tên gọi như “đơn
giản” hay “bình thường” dễ chấp nhận hơn. Người ta xem “theo nghĩa đen” tức là loại
bỏ những hình thái tu từ, v.v… (nhưng đấy không phải là trường hợp nầy).
Thông thường lối giải kinh theo nghĩa đen được cho là đi song song với niềm tin vào
sự soi dẫn toàn phần và từng chữ. Không nhất thiết phải như vậy, bởi vì có những nhà
giải kinh thực hành giải kinh học theo nghĩa đen nhưng lại không tin quan điểm cao cả
nhất này về sự soi dẫn.
Sau nầy sẽ nói thêm về các nguyên tắc giải kinh theo nghĩa đen. Ở đây, tôi chỉ
muốn trình bày nó như là phương pháp tương phản với lối giải kinh theo nghĩa bóng.
3. Giải kinh theo lối nửa ngụ ngôn hoặc nửa nghĩa đen: Trong vòng những người
Tin Lành thuần túy, ít nhất cũng là thế, hiếm có ai thuần theo lối ngụ ngôn. Do đó có
một phương thức giải kinh có thể gọi là bán ngụ ngôn. Mặt khác, cũng có thể gọi đó là
“nửa nghĩa đen,” đặc biệt nếu có sự nhấn mạnh vào lối giải kinh theo nghĩa đen trong
hầu hết các lãnh vực thần học.
Như đã nói, thông thường lối giải kinh theo nghĩa đen bị loại bỏ trong lãnh vực giải
nghĩa các lời tiên tri. Robert Mounce trong sách giải nghĩa nhan đề Sách Khải Huyền
(Grand Rapids: Eerdmans, 1977) phô bày lối giải kinh nửa nghĩa đen. Ông tuyên bố cần
phải xem trọng Hạtmaghêđôn nhưng đừng hiểu theo nghĩa đen. Nó “mô tả sự thất bại
117
của Anti-Christ trong thời sau rốt. . . nhưng không đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận
theo kiểu nghĩa đen ngôn ngữ hình tượng cụ thể đã mô tả sự kiện ấy” (trang 349). Về
Thiên hi niên, ông thích dùng ý tưởng “Giăng đã dạy một thiên hi niên theo nghĩa đen,
nhưng ý nghĩa cốt yếu của nó có thể được thực hiện theo một cách thay vì ứng nghiệm
trong cõi thời gian” (trang 359). “Đối với Giăng, thiên hi niên không phải là Thời Đại
của Đấng Mêsia đã được báo trước bởi các tiên tri trong thời Cựu Ước” (trang 359).
Oswald T. Allis cố gắng triển khai những lập luận hợp pháp cho giải kinh học bán
ngụ ngôn (Lời tiên tri và Hội Thánh [Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1945]).
Với lập luận rằng không ai theo phái duy nghĩa đen lại hiểu mọi sự theo nghĩa đen, ông
tiếp tục cố gắng chứng minh vì sao cần phải đặt ra những giới hạn cho cách giải kinh
theo nghĩa đen. Các lý lẽ ông đưa ra là: (a) Sự có mặt những biện pháp tu từ có nghĩa
chúng ta không thể hiểu toàn bộ Kinh Thánh theo nghĩa đen; (b) Sự kiện chủ đề chính
của Kinh Thánh là chủ đề thuộc linh đòi hỏi một giải kinh học thuộc linh (ông thích
chữ “thuộc linh” hơn là chữ “ngụ ngôn”); và (c) sự kiện Thánh Kinh Cựu Ước là phần
dẫn nhập và phần chuẩn bị cho Thánh Kinh Tân Ước, và trong Tân Ước chúng ta tìm
thấy những ý nghĩa sâu xa hơn (trang 16-9).
Hiện nay, dĩ nhiên không ai phủ nhận Kinh Thánh có sử dụng phương pháp tu từ,
nhưng chúng truyền tải những chân lý theo nghĩa đen, và thường truyền tải sống động
và mang nghĩa đen nhiều hơn khi không dùng các biện pháp tu từ. Chúng nâng cao
chứ không thay đổi ý nghĩa đơn giản đứng đằng sau các biện pháp tu từ. Chủ đề chính
của Thánh Kinh là có tính thuộc linh (sự cứu chuộc), nhưng nội dung không quyết định
các nguyên tắc giải kinh học. Giải kinh học cung cấp các nguyên tắc để nhờ đó hiểu
được nội dung. Dĩ nhiên Thánh Kinh Cựu Ước là phần chuẩn bị cho sự mặc khải đầy đủ
hơn của Tân Ước, nhưng điều đó không có nghĩa phải hiểu Tân Ước theo nghĩa thuộc
linh hay ngụ ngôn. Đức Chúa Trời đã truyền đạt một cách đơn giản trong cả Cựu Tân
Ước.
Nhưng xem như thừa nhận những giới hạn của Allis trong giải kinh học theo nghĩa
đen (mà tôi thì không thừa nhận), thì vẫn còn thắc mắc quan trọng này: Làm sao biết
khi nào phải giải nghĩa theo nghĩa đen và khi nào phải theo nghĩa ngụ ngôn? Để trả lời
thắc mắc nầy, Allis nêu lên những nguyên tắc sau đây: (1) Bạn cần phải giải nghĩa một
phân đoạn Thánh Kinh theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen hoàn toàn tùy thuộc vào cách
nào đem lại ý nghĩa chân thật (trang 18). Dĩ nhiên, đây là lập luận lòng vòng. (2) Cách
duy nhất có thể hiểu được lời tiên tri theo nghĩa đen đó là khi nghĩa đen của nó rõ ràng
và hiển nhiên. Nhưng vì đối với Allis, lời tiên tri có lẽ là “không rõ ràng,” “bí ẩn” và “dễ
gây lầm lẫn,” nên rất ít trường hợp có thể hiểu lời tiên tri theo nghĩa đen (trang 28-30).
(3) Cách giải nghĩa bất cứ lời tiên tri nào cũng xoay quanh sự ứng nghiệm của nó. Nói
cách khác, nếu nó được ứng nghiệm theo nghĩa đen một cách rõ ràng (như các lời tiên

118
tri về sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ), thì dĩ nhiên các lời tiên tri đó được
giải nghĩa theo nghĩa đen. Nhưng hệ thống thần học của Allis đòi hỏi các lời tiên tri về
Sự Đến Lần Thứ Hai sẽ không ứng nghiệm theo nghĩa đen, vì vậy ông dùng lối giải
kinh ngụ ngôn cho các lời tiên tri này.
Chúng ta phải tuyên dương Allis đã cố gắng hệ thống hóa giải kinh học của ông, dù
vậy chúng ta có thể thắc mắc thành quả đạt đến mức nào. Phần thảo luận của ông lần
nữa tỏ ra rằng rất nhiều người Tin Lành thuần túy là giải nghĩa nhất quán theo nghĩa
đen trong mọi lãnh vực của giáo lý Kinh Thánh ngoại trừ lời tiên tri. Làm như thế đưa
đến thuyết vô thiên hi niên; làm những người giải nghĩa theo nghĩa đen trong mọi lãnh
vực đưa đến tiền thiên hi niên thuyết.
4. Giải kinh theo thần học: Trên một phương diện, không những có thể xem thuyết
vô thiên hi niên (được minh họa qua phần thảo luận của Allis) như giải kinh học bán
ngụ ngôn mà còn có thể xem là minh họa cho lối giải kinh theo thần học. Hệ thống
thần học này không cho phép một vương quốc thật sự trên đất do Đấng Christ cai trị;
do đó, không thể giải nghĩa một số phân đoạn theo nghĩa đen.
Một minh họa khác cho lối giải kinh theo thần học được tìm thấy trong các tác
phẩm của Daniel Fuller. Để giữ tính thống nhất của Kinh Thánh, ông nói chúng ta phải
dùng nguyên tắc “giải kinh theo thần học,” tức là lối giải kinh không đem lại hai mục
đích của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh (một dành cho Ysơraên và một dành cho Hội
Thánh). Cách dùng nhất quán của lối giải kinh theo nghĩa đen dẫn đến sự phân biệt
giữa Ysơraên và Hội Thánh, còn lối giải kinh theo thần học thì không như thế (“The
Hermeneutics of Dispensationalism,” Th.D. dissertation, Northern Baptist Theological
Seminary, 1957, đặc biệt trang 188 và Gospel and Law: Contrast or Continuum? [Grand
Rapids: Eerdmans, 1980]).
C. Cơ Sở Hợp Lý Cho Giải Kinh Học Theo Nghĩa Đen
1. Mục đích của ngôn ngữ: Mục đích của ngôn ngữ tự nó có vẻ đòi hỏi phải giải
nghĩa theo nghĩa đen. Nói vậy có nghĩa: Đức Chúa Trời đã ban ngôn ngữ cho con người
nhằm mục đích cho họ có thể truyền thông với Ngài. Đức Chúa Trời đã sáng tạo con
người theo hình ảnh của Ngài, điều đó bao gồm cả năng lực ngôn ngữ, để Ngài có thể
bày tỏ chân lý của Ngài cho con người và để đến lượt con người có thể dâng lên Ngài sự
thờ phượng và lời cầu nguyện.
Có hai hệ quả đến từ ý nghĩ này. Trước hết, nếu Đức Chúa Trời sáng tạo ngôn ngữ
cho mục đích truyền thông, và nếu Đức Chúa Trời hoàn toàn khôn ngoan, thì chúng ta
có thể tin Ngài thấy rằng phương tiện này (ngôn ngữ) là đã đủ để duy trì được mục đích
(truyền thông). Thứ nhì, như vậy suy ra chính Đức Chúa Trời sẽ sử dụng và mong con
người dùng ngôn ngữ theo ý nghĩa bình thường của ngôn ngữ. Kinh Thánh không đòi

119
hỏi cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt nào đó để hàm ý chúng truyền đạt trên một bình
diện nào đó đặc biệt hơn hoặc “sâu nhiệm hơn” mà những lối truyền thông khác chưa
từng biết đến.
2. Nhu cầu về tính khách quan: Nếu không dùng lối giải nghĩa bình thường, thì sẽ
mất tính khách quan đến độ người ấy không dùng tính khách quan cách nhất quán
nữa. Chuyển đổi nền tảng giải thích Kinh Thánh từ lối nghĩa đen sang lối ngụ ngôn
hoặc sang lối bán ngụ ngôn hoặc lối thần học hiển nhiên sẽ đem lại những lời giải
nghĩa khác biệt, không nhất quán, và thường là mâu thuẫn.
3. Ví dụ của Kinh Thánh: Các lời tiên tri về sự Giáng Sinh của Đấng Christ đều đã
ứng nghiệm theo nghĩa đen. Sự kiện rõ ràng nhưng cực kỳ quan trọng này bênh vực
tính hiệu lực và cách dùng giải kinh học theo nghĩa đen trong toàn bộ lối giải nghĩa
Kinh Thánh. Người ta nói có hơn 300 những lời tiên tri như thế về Sự Hiện Đến của
Đấng Christ đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Đơn cử một vài ví dụ: Mi 5:2; Ma 3:1; Es
9:1-2; 42:1; 53:5; 61:1; Thi 16:9-10; 22:1,15-16,18; 31:5; 34:20; 68:18; Xa 13:7. Đúng là một số lời
tiên tri Cựu Ước đã được ứng nghiệm theo hình bóng trong Tân Ước, nhưng trong
khoảng hai mươi bốn lời tiên tri như thế, chỉ có bảy lời tiên tri được những người không
giải theo nghĩa đen trích dẫn như những ví dụ về sự phê chuẩn của Thánh Kinh cho
giải kinh học không theo nghĩa đen (và dĩ nhiên, không phải toàn bộ họ đều đồng ý bảy
ví dụ ấy chứng minh như vậy). Bảy ví dụ này là Mat 2:15,18,23; 11:10; Cong 2:17-21; Ro 9:24-
26; và Ga 4:21-31. Tuy nhiên, phải nhớ rằng không phải chúng ta đang so sánh bảy trong
số 24, nhưng bảy trong tổng số hàng trăm, vì hầu hết mọi lời tiên tri Cựu Ước đều được
ứng nghiệm rõ ràng theo nghĩa đen trong Tân Ước. Đúng là Tân Ước có thể dùng Cựu
Ước theo nhiều cách khác ngoài sự ứng nghiệm, nhưng ở đây tôi đang nói về những lời
tiên tri và sự ứng nghiệm của chúng. Đây là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho giải kinh học
theo nghĩa đen.
D. Các Nguyên Tắc Của Giải Kinh Học Bình Thường
1. Giải thích theo văn phạm: Bởi vì từ ngữ là những phương tiện truyền thông ý
tưởng, và vì ý nghĩa của bất cứ phân đoạn nào đều phải xác định từ sự nghiên cứu từ
ngữ trong phân đoạn đó cùng những mối tương quan của chúng trong các câu văn, nên
việc xác định ý nghĩa văn phạm của bản văn phải là khởi điểm của lối giải nghĩa bình
thường.
2. Giải nghĩa theo mạch văn: Từ ngữ và câu cú không đứng tách biệt nhau; vì vậy,
phải nghiên cứu văn mạch để thấy mối liên hệ của từng câu đối với phần đi trước và
phần theo sau. Những phần có liên hệ là mạch văn gần nhất cũng như chủ đề và phạm
vi của cả sách.

120
3. Đối Chiếu Thánh Kinh với Thánh Kinh: Tác quyền kép của Thánh Kinh khiến cần
phải hiểu không những nghĩa của tác giả con người mà còn ý của Đức Chúa Trời nữa.
Có lẽ nghĩa của Đức Chúa Trời không bày tỏ trọn vẹn trong tác phẩm của người viết
nguyên thủy, nhưng được bày tỏ khi đem Thánh Kinh đối chiếu với Thánh Kinh. Chúng
ta phải dành chỗ cho một nhận thức toàn diện (sensus plenior), trong đó gồm cả ý
nghĩa đầy đủ hơn (mặc dù có liên hệ trực tiếp) trong tâm trí Tác Giả thiên thượng của
Kinh Thánh. Chúng ta không thể nói những con người viết Kinh Thánh luôn luôn hiểu
những hàm ý đầy đủ của những từ ngữ họ dùng. Khi đối chiếu Kinh Thánh với Kinh
Thánh, chúng ta mới có thể khám phá ý định đầy đủ hơn của Tác Giả thiên thượng.
S. Lewis Johnson tóm tắt điều này thật hay:
“Như vậy công việc của người giải nghĩa Kinh Thánh không nhất thiết kết thúc khi
đến được với ý nghĩa của người viết nguyên thủy đã định… Toàn bộ mạch văn của một
phân đoạn là điều cần thiết để hiểu chính xác phân đoạn, và vì thế ý định của tác giả
thứ yếu này phải phục dưới ý định của Tác Giả chính yếu, là chính Đức Chúa Trời.
Nguyên tắc Thánh Kinh về sự tương đồng của Kinh Thánh (analogia Scripturae) đáng
ra phải dạy chúng ta rằng Thánh Kinh giải nghĩa Thánh Kinh (Scripture ex Scriptura
explicanda est, hoặc Scriptura sui ipsius interpres), là những thành ngữ truyền thống
về ý nghĩa của sự tương đồng này, dạy rằng nhiệm vụ đầu tiên và sau cùng của chúng
ta là phải nhận thức cho được ý định của Đức Chúa Trời trong văn bản Thánh Kinh. Xét
cho cùng, Kinh Thánh há không phải là Lời của Đức Chúa Trời sao?” (The Old
Testament in the New (Grand Rapids: Zondervan, 1980, trang 51)
4. Nhận ra tính tiệm tiến của sự mạc khải: Để có thể nhất quán giải nghĩa cách đơn
giản, buộc phải nhận ra rằng sự mạc khải đã được ban cho cách tiệm tiến. Điều này có
nghĩa trong tiến trình mạc khải sứ điệp của Ngài cho con người, Đức Chúa Trời có thể
bổ sung thêm hoặc thậm chí có thể thay đổi trong thời đại này một số điều mà Ngài đã
ban cho con người trong một thời đại khác. Hiển nhiên, Kinh Thánh Tân Ước thêm vào
nhiều điều chưa từng được bày tỏ trong Cựu Ước. Điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ như là
một bổn phận trong thời kỳ này, thì có thể được bãi bỏ trong thời kỳ khác (như lệnh
cấm ăn thịt heo đã có thời ràng buộc dân sự của Đức Chúa Trời, nay đã bị hủy bỏ, ITi
4:3).

Không nhận ra được tính tiệm tiến này trong mạc khải sẽ nẩy sinh nhiều mâu
thuẫn không giải quyết được giữa các phân đoạn Kinh Thánh nếu hiểu chúng theo
nghĩa đen. Hãy lưu ý những cặp phân đoạn Kinh Thánh sau đây là những phần sẽ mâu
thuẫn nếu hiểu một cách đơn giản, trừ khi nhận ra có những thay đổi do sự mạc khải
tiệm tiến: Mat 10:5-7 và 28:18-20; Lu 9:3 và 22:36; Sa 17:10 và Ga 5:2; Xu 20:8 và Cong 20:7.
Cũng hãy để ý những thay đổi quan trọng đã được nêu ra trong Gi 1:17; 16:24; IICo 3:7-11.
Những ai không chịu áp dụng nhất quán nguyên tắc mạc khải tiệm tiến này trong việc

121
giải nghĩa Kinh Thánh thì buộc phải viện dẫn lối giải thích nghĩa bóng hoặc đôi khi sẽ
dễ dàng phớt lờ chứng cứ này.
E. Lập Luận Phản Đối Giải Kinh Học Bình Thường
Sự phản đối thường thấy nhất của những người Tin Lành thuần túy đối với lối giải
kinh bình thường nói rằng: vì Tân Ước sử dụng Cựu Ước theo ý không phải nghĩa đen,
nên chúng ta có phép giải nghĩa những lời tiên tri trong Cựu Ước (ví dụ như về Thiên
Hi Niên) không theo nghĩa đen. Hoặc nói đơn giản hơn: Vì Tân Ước đã thuộc linh hóa
Cựu Ước, nên chúng ta cũng có thể thuộc linh hóa như vậy.
Thoạt nhìn đây có có vẻ là lập luận phản đối vững chắc việc nhất quán sử dụng giải
kinh học bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ Kinh Thánh Tân Ước rất thường
xuyên dùng những lời tiên tri Cựu Ước theo nghĩa đen chứ không thuộc linh hóa
chúng. Những trường hợp được trích dẫn như Tân Ước dùng giải kinh học không theo
nghĩa đen cho lời tiên tri Cựu Ước nhiều lắm cũng chỉ có bảy lần. Những công dụng
khác nữa của Cựu Ước gồm dùng (a) có tính cách minh họa (Ro 9:9-12), (b) có tính cách
so sánh (ICo 1:19), (c) có tính cách áp dụng (Ro 12:19), (d) có tính cách tu từ (Gia 4:6),
nhưng (e) thường thường là ứng nghiệm trực tiếp, ứng nghiệm mang tính lai thế học
hoặc ứng nghiệm hình bóng (Cong 2:25-29; Gi 13:18).
Hầu như chưa từng có tác giả Tân Ước nào không sử dụng Thánh Kinh Cựu Ước
theo ý nghĩa ngữ pháp - lịch sử (dĩ nhiên điều này bao gồm cả cách dùng những hình
thái tu từ). Quy luật là: họ giải nghĩa Cựu Ước cách rõ ràng hiển nhiên; những trường
hợp ngoại lệ thì hiếm thấy và mang tính hình bóng (nhưng trên một phương diện thì
toàn bộ Cựu Ước mang tính hình bóng đối với mạc khải đầy đủ hơn của Tân Ước).
Tuy nhiên, điểm then chốt của vấn đề là thế này: là những nhà giải kinh, chúng ta
có thể noi gương những người viết Kinh Thánh trong những cách dùng Cựu Ước ngoại
lệ hiếm hoi có vẻ không theo nghĩa đen như thế này không? Dĩ nhiên câu trả lời là
được, nếu chúng ta muốn. Nhưng nếu giải nghĩa như vậy, thì chúng ta làm mà không
có thẩm quyền của các sứ đồ, chỉ với thẩm quyền cá nhân mà thôi; so ra thì đấy chẳng
phải là thẩm quyền. Mọi cách dùng Cựu Ước của các tác giả Tân Ước đều là dùng dưới
sự soi dẫn thiên thượng nên bởi đó được thực hiện cách chính đáng và đầy đủ thẩm
quyền. Nếu tách ra khỏi ý tưởng rõ ràng của mạch văn, thì chúng ta đã tách ra cách
không chính đáng mà cũng không có cả thẩm quyền như thế. Điều mà các trước giả
Thánh Kinh đã viết là vô ngộ; nhưng công việc của mọi nhà giải kinh là có thể sai lầm.
Tóm lại: chính Đức Chúa Trời là Đấng muốn ban cho nhân loại Lời Ngài. Chính Đức
Chúa Trời là Đấng đã ban món quà ngôn ngữ để Ngài có thể làm trọn ước muốn đó.
Ngài đã ban Lời Ngài cho chúng ta để truyền đạt, chứ không phải để làm cho rối rắm.

122
Chúng ta cần phải tìm cách hiểu sự truyền đạt của Ngài một cách đơn giản, bởi vì đó
mới là cách thông thường mà các hữu thể truyền đạt cho nhau.
II. CÁC GIÁO LÝ VỀ SỰ SOI SÁNG
A. Ý Nghĩa
Động từ phơtizo (soi sáng, chiếu sáng) được dùng chỉ về sự soi sáng tổng quát mà
Đấng Christ đem đến cho mọi người đặc biệt là qua Phúc Âm (Gi 1:9; IITi 1:10); chỉ về
từng trải soi sáng của sự hoán cải (He 6:4); về sự hiểu biết chân lý Cơ đốc (Eph 1:18; 3:9);
và về tính chất do xét thấu đáo của sự xét đoán trong tương lai (ICo 4:5).
Về phương diện thần học, từ này đã được áp dụng cho rất nhiều khái niệm. Trong
Hội Thánh đầu tiên, phép báptêm thường được mô tả như sự soi sáng (ví dụ như, Justin,
First Apology, chương 61). Lý thuyết soi sáng của sự soi dẫn xem sự soi dẫn như là một
sự tăng cường và nâng cao nhận thức cho các trước giả Kinh Thánh. Nhưng nói chung,
khái niệm về sự soi sáng liên hệ đến chức vụ của Thánh Linh để giúp cho tín hữu hiểu
được chân lý Kinh Thánh.
B. Phương Tiện
Có hai phân đoạn Kinh Thánh chính mô tả chức vụ này của Đức Thánh Linh (Gi
16:12-15 và ICo 2:9-3:2). Chúng dạy dỗ những sự kiện sau đây về sự soi sáng.

1. Đức Thánh Linh là Giáo Sư, và sự hiện diện của Ngài trong tín hữu bảo đảm chức
vụ này dành sẵn cho mọi tín hữu.
2. Vì thế, người không tin Chúa không thể kinh nghiệm chức vụ này. Dù có hiểu
biết được Kinh Thánh ở mức độ cao, về cơ bản, họ cũng xem điều mình biết như là sự
rồ dại mà thôi.
3. Sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh chứa đựng “mọi lẽ thật,” bao gồm cả “những sự sẽ
đến,” là giáo lý Cơ đốc gồm cả lời tiên tri.
4. Tánh xác thịt trong tín hữu có thể ngăn trở chức vụ này.
5. Mục đích chức vụ Thánh Linh là để làm vinh hiển Đấng Christ.
6. Đức Thánh Linh sẽ dùng những người có ân tứ dạy dỗ để hoàn thành chức vụ của
Ngài (Ro 12:7; IGi 2:27). Điều này bao gồm những tác phẩm của những người dầu hiện
nay đã qua đời, nhưng còn lưu truyền lại những kết quả của công tác Đức Thánh Linh
trong đời sống họ qua hình thức văn viết.
Kinh nghiệm sự soi sáng không đến bởi “mạc khải trực tiếp.” Kinh điển đã được kết
thúc. Đức Thánh Linh soi sáng ý nghĩa của bộ kinh điển đã hoàn tất đó, và Ngài soi
sáng thông qua sự nghiên cứu và suy gẫm. Sự nghiên cứu vận dụng mọi công cụ thích

123
đáng để xác định ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Sự suy gẫm nghĩ đến những sự
kiện thực sự của bản văn, kết hợp chúng lại với nhau để có một tổng thể hài hòa rồi áp
dụng chúng vào nếp sống của mình. Kết quả tối hậu trong chức vụ soi sáng của Đức
Thánh Linh là để làm vinh hiển Đấng Christ trong đời sống, hoặc để triển khai giáo lý
lành mạnh – tức sự dạy dỗ đem lại sức khỏe và sự toàn vẹn thuộc linh cho đời sống tín
hữu. Sự soi sáng không những liên hệ đến hiểu biết những lẽ thật, mà còn dùng những
sự kiện đó để khích lệ tín hữu càng trở nên giống Đấng Christ hơn.

124
PHẦN IV: THIÊN SỨ - NHỮNG THẦN LINH PHỤC VỤ
Chương 17: SỰ THỰC HỮU CỦA CÁC THIÊN SỨ
Khi những lãnh vực thần học bị xem nhẹ, thì giáo lý này rất có thể thuộc trong số
đó. Chỉ cần để ý lượng không gian dành cho môn thiên sứ học trong các nền thần học
tiêu chuẩn là chứng minh được điều này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây của thế
kỷ hai mươi, người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến đề tài này cũng như Satan và
ma quỷ. Các bài xã luận, sách vở và chương trình truyền hình đều có vai của thiên sứ
dầu thường “sôi nổi và mờ nhạt” hơn là chính xác về thần học, nhưng đã giúp tạo sự
quan tâm đến môn thiên sứ học. Dầu vậy, chỉ có Kinh Thánh mới cho chúng ta thông
tin hoàn toàn chính xác về thiên sứ.
Ngay cả Calvin cũng thận trọng khi luận về đề tài này (Institutes, I, xiv, 3). Hơn
nữa, sự phủ nhận thiên sứ thực hữu khách quan của Tân Chánh Thống đã vấp phải sự
quảng bá rộng rãi cho các quỉ sứ và công việc của chúng. Dầu về mặt thần học, người ta
có thể phủ nhận sự thực hữu của đẳng cấp tạo vật được gọi là thiên sứ (và quỉ sứ),
nhưng trên thực tế, hoạt động của họ theo như đã báo cáo dường như khiến không thể
phủ nhận sự thực hữu của chúng. Như vậy, một mặt, thiên kiến con người muốn chống
lại mọi điều nào mang tính siêu nhiên đã loại trừ khỏi tâm trí họ sự thực hữu của thiên
sứ; đồng thời mặt khác, hoạt động mà con người không thể giải thích được bằng lý trí
khiến sự thực hữu của thiên sứ dường như buộc phải có.
I. HIỂU BIẾT CỦA CON NGƯỜI
Con người thực sự không có kiến thức để đoán định thành phần hợp thành vũ trụ
vạn vật gồm những gì. Họ không có phương cách tiên nghiệm (a priori) nào để biết
thành phần đó có bao gồm hệ thống tạo vật như các thiên sứ hay không. Hơn nữa, họ
không có tư chất bẩm sinh để thừa nhận thành phần ấy bao gồm thiên sứ, vì bẩm chất
tự nhiên của họ là chống lại điều siêu nhiên. Thêm vào đó, kinh nghiệm con người sẽ
không khiến họ khảo sát khả năng có thiên sứ, và đức tin nơi trí năng sẽ thôi thúc họ
tìm kiếm những lời giải thích khác cho những hiện tượng mà họ không thể dễ dàng
hiểu được.
Ramm đã chỉ ra những giới hạn của kiến thức con người thật khéo léo như sau.
“Loài người không có cuốn cẩm nang nào với tựa đề Sách Hướng Dẫn Về Mọi Tạo Vật
Có Thể Có. Họ không có thông tin nào về sự sáng tạo ngoại trừ những dữ liệu được
cung cấp bởi chính sự sáng tạo này” (Bernard Ramm, “Angels,” Basic Christian
Doctrines, Carl F. H. Henry, chủ biên (N.Y.: Holt, Rinehart, and Winston, 1962, trang
64). Nói cách khác, tri thức hữu hạn của con người không cho phép họ kết luận không
có những hữu thể như các thiên sứ.

125
II. MẠC KHẢI CỦA THÁNH KINH
Nếu chấp nhận mặc khải của Thánh Kinh thì không thể còn thắc mắc nào về sự
thực hữu của thiên sứ. Có ba đặc điểm quan trọng về sự mạc khải đó. Trước hết, mạc
khải đó rất rộng. Kinh Thánh Cựu Ước nói đến các thiên sứ hơn 100 lần, còn Tân Ước
nhắc đến khoảng 165 lần. Dĩ nhiên, bất cứ lẽ thật nào chỉ cần được phát biểu một lần
duy nhất trong Kinh Thánh là đủ cho chúng ta công nhận đó là lẽ thật rồi, nhưng một
đề tài được đề cập đến thường xuyên như đề tài các thiên sứ, thì lại càng khó phủ nhận
bội phần.
Thứ nhì, các thiên sứ được nhắc đến trong suốt Kinh Thánh. Chân lý về họ không bị
giới hạn vào một thời đại lịch sử, hoặc một phần của Kinh Thánh, hoặc với một vài
trước giả mà thôi. Họ không thuộc về một kỷ nguyên sơ khai nào đó. Sự thực hữu của
thiên sứ được đề cập trong 34 sách của Kinh Thánh từ các sách trước nhất (hoặc Sáng
Thế Ký hoặc Gióp) cho đến sách cuối cùng.
Thứ ba, lời dạy của Chúa chúng ta bao gồm rất nhiều câu nói các thiên sứ là những
hữu thể thực hữu. Cho nên phủ nhận sự thực hữu của thiên sứ tức là nghi ngờ tính
chân thật của Ngài.
Những chi tiết thực tế của mạc khải Thánh Kinh dĩ nhiên là quan trọng, nhưng khi
quan sát , nhất thiết phải nhớ ba đặc điểm này về bản chất của mặc khải đó.
Chúng ta sẽ nghiên cứu trước tiên về số lượng và sự sự đa dạng của các sự kiện
Thánh Kinh, rồi đến những lời dạy của Đấng Christ.
A. Trong Thời Cựu Ước
Thánh Kinh Cựu Ước luôn luôn trình bày các thiên sứ là những tạo vật thực hữu,
khách quan và đang tồn tại. Họ không hề bị kể là những ảo giác hay là sản phẩm của
trí tưởng tượng. Trong 34 lần xuất hiện từ ngữ này trong các tác phẩm của Môise,
những thiên sứ luôn luôn xuất hiện như các tạo vật thực hữu, làm những việc cụ thể
tiêu biểu cho sự phục vụ của họ với tư cách sứ giả (dĩ nhiên, đây là ý nghĩa của cả từ
ngữ Hêbơrơ lẫn Hy Lạp chỉ về các thiên sứ). Ví dụ: Ápraham đã ăn uống và trò chuyện
với các thiên sứ (Sáng Thế Ký 18). Nhiều câu Kinh Thánh trong Ngũ Kinh và Các Quan
Xét nói đến Thiên Sứ của Đức Giêhôva, một Đấng dường như là Đức Chúa Trời. Một
thiên sứ đã thi hành sự đoán phạt Ysơraên sau khi Đavít sai lầm tu bộ dân sự ( IISa 24:16
– hầu như không thể là ảo ảnh). Êsai nhắc đến sêraphin (6:2), và Êxêchiên nói đến
chêrubin (10:1-3). Đaniên nhắc đến Gápriên (9:20-27) và Micaên (10:13; 12:1). Xachari
thường xuyên nói các thiên sứ là những đại sứ của Đức Chúa Trời (đoạn 1) và là người
giải nghĩa khải tượng (đoạn 1-6). Trong Thi thiên, thiên sứ được mô tả là các tôi tớ của
Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài và giải cứu dân sự Đức Chúa Trời khỏi bị tổn hại (34:7;
91:11; 103:20)

126
B. Trong Thời Tân Ước
Ngoài những điều Chúa chúng ta dạy về các thiên sứ, những trước giả Tân Ước
cũng khẳng định sự thực hữu của thiên sứ. Các trước giả sách Phúc Âm liên hệ chức vụ
của thiên sứ với sự Giáng sinh, đời sống, sự phục sinh và sự thăng thiên của Đấng
Christ (Mat 2:19; Mac 1:13; Lu 2:13; Gi 20:12; Cong 1:10-11).
Trong bản ký thuật sách Công Vụ Các Sứ Đồ, các thiên sứ đã dự phần giúp đỡ
những tôi tớ của Đức Chúa Trời, mở toang cửa ngục cho các sứ đồ (5:19; 12:5-11), hướng
dẫn Philíp và Cọtnây trong chức vụ (8:26; 10:1-7), và khích lệ Phaolô đang khi gặp cơn
bão trong hành trình đến Rôma (27:23-25).
Phaolô (Ga 3:19; ITi 5:21), trước giả của thư Hêbơrơ (1:4), Phierơ (IPhi 1:12) và Giuđe
(câu 6) thảy đều thừa nhận sự hiện hữu của thiên sứ trong những tác phẩm của họ.
Trong sách Khải Huyền, khoảng 65 lần nói rõ đến các thiên sứ, nhiều hơn bất cứ sách
nào khác của Kinh Thánh. Rõ ràng Thánh Kinh Tân Ước cung cấp chứng cứ minh bạch,
phong phú, không phủ nhận được về sự thực của các thiên sứ.
C. Trong Sự Dạy Dỗ Của Đấng Christ
Các thiên sứ đã hầu việc Đấng Christ tại đồng vắng sau khi Ngài chịu cám dỗ bởi
Satan (và dĩ nhiên không có phóng viên nào hiện diện trong sự cám dỗ đó, nên cho
thấy tính đáng tin cậy của Ngài đàng sau câu chuyện này). Ngài dạy rằng tình trạng
của con người trong sự phục sinh sẽ giống như thiên sứ vậy; có nghĩa là không sinh
sản (Mat 22:30). Các thiên sứ sẽ tách người công bình ra khỏi kẻ ác trong thời đại cuối
cùng (13:39) và sẽ đi cùng với Chúa trong lần đến thứ hai của Ngài (25:31). Thậm chí
khỏi cần nói thêm hoạt động của Đấng Christ đối với các quỉ, cũng đủ bằng chứng cho
thấy Ngài đã tin nơi sự thực hữu của các thiên sứ.
Thông thường, điều cuối cùng mà các nhà phê bình Kinh Thánh thường ước muốn
bác bỏ là những lời phán của Đấng Christ. Vậy thì họ giải quyết thế nào với bằng chứng
này là Đấng Christ đã tin sự hiện hữu của các thiên sứ?
Có người nói Ngài đã thực sự bị lừa dối. Ngài tin có thiên sứ, nhưng thật sự thì thiên
sứ không thực hữu. Người khác khẳng định Ngài đã điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho
phù hợp với những niềm tin thiếu hiểu biết của con người đương thời của Ngài. Nói
cách khác, vì họ tin thiên sứ (và ma quỉ) nên Ngài dạy dỗ theo cùng phong cách ấy, dầu
Ngài thật sự biết thiên sứ không thực hữu. Nhưng không thể giải thích như thế cho một
số câu nói của Ngài về thiên sứ (xem Mat 18:10 và 26:53). Hoặc đôi khi người ta nói các
trước giả sách Phúc Âm đã chèn thêm những câu nói về thiên sứ này vào bởi vì họ tin
có thiên sứ. Không có gì cản trở phép phê bình văn chương kiểu ấy đừng tước đoạt của
chúng ta những sự dạy dỗ khác (thậm chí là tất cả sự dạy dỗ) của Đấng Christ.

127
Dĩ nhiên, còn một phương án chọn lựa khác, và đấy là phương án đơn giản nhất và
hiển nhiên nhất. Đấng Christ đã biết các thiên sứ thực hữu và đã phản ánh hiểu biết đó
trong sự dạy dỗ của Ngài.

128
Chương 18: SỰ TẠO DỰNG THIÊN SỨ
I. SỰ KIỆN TẠO DỰNG THIÊN SỨ
Các thiên sứ là những hữu thể thọ tạo (Thi 148:5). Điều này có nghĩa thiên sứ không
tiến hóa từ một dạng sự sống nào đó hạ đẳng hơn hoặc kém phức tạp hơn. Điều này
được củng cố mạnh mẽ thêm nhờ sự kiện là các thiên sứ không sinh sản (Mat 22:30). Khi
được tạo dựng, thì họ đã được tạo dựng là các thiên sứ.
II. TÁC NHÂN SÁNG TẠO THIÊN SỨ
Mọi sự đều đã được sáng tạo bởi Đấng Christ (Gi 1:1-3). Nói cụ thể hơn, các thiên sứ
đã được tạo dựng bởi Ngài (Co 1:16).
III. THỜI ĐIỂM SÁNG TẠO THIÊN SỨ
Kinh Thánh không tuyên bố dứt khoát thời điểm sáng tạo thiên sứ. Thiên sứ đã có
mặt khi quả đất được tạo dựng (Giop 38:7), nên sự sáng tạo các thiên sứ phải có trước Sự
Sáng Tạo địa cầu.
IV. TÌNH TRẠNG SÁNG TẠO THIÊN SỨ
A. Thánh Khiết
Từ nguyên thủy, tất cả thiên sứ thọ tạo đều được dựng nên trong tình trạng thánh
khiết. Đức Chúa Trời đã tuyên bố Tạo Vật của Ngài là tốt lành (Sa 1:31), và dĩ nhiên,
Ngài đã không thể tạo dựng tội lỗi. Ngay cả sau khi tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới, các
thiên sứ tốt của Đức Chúa Trời - là những vị đã không chống nghịch Ngài - được gọi là
thánh (Mac 8:38). Đây là những thiên sứ được chọn (ITi 5:21) để phân biệt với các thiên
sứ ác đã theo Satan nổi loạn chóng nghịch Đức Chúa Trời (Mat 25:41).
Ngoài việc được dựng nên thánh khiết, mọi thiên sứ còn được vây quanh bởi sự
thánh khiết. Đấng Sáng Tạo họ là tuyệt đối thánh khiết. Khi Satan chưa phạm tội,
khung cảnh họ đã được sống và phục vụ là không có hề có những bất toàn hay nhuốm
dấu vết của tội lỗi.
B. Thọ Tạo
Các thiên sứ đều là những tạo vật, chứ không phải là Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên họ
là một thứ bậc tạo vật riêng biệt, chẳng hạn như thiên sứ khác hẳn hữu thể con người
(ICo 6:3; He 1:14). Là tạo vật, họ hữu hạn trong quyền lực, hiểu biết và hoạt động (IPhi
1:11-12; Kh 7:1). Cũng như mọi tạo vật có trách nhiệm, các thiên sứ sẽ phải chịu sự đoán
xét (ICo 6:3; Mat 25:41).

129
Chương 19: BẢN CHẤT CỦA CÁC THIÊN SỨ
I. HỌ LÀ NHỮNG THÂN VỊ
Thân vị tính có nghĩa có sự hiện hữu với tính cách riêng; nói như thế chúng ta ngụ
ý rằng các thiên sứ có sự hiện hữu cá nhân, và sở hữu một phẩm chất hoặc tình trạng
của những thân vị có tính cách riêng biệt. Thông thường, những khía cạnh thiết yếu
của thân vị được xem như bao gồm lý trí khôn ngoan, những cảm tình và ý chí.
Do đó, các thiên sứ đủ tư cách là những thân vị vì có những phương diện lý trí, cảm
tình và ý chí nầy. Điều nầy đúng cho cả thiên sứ thiện lẫn thiên sứ ác. Các thiên sứ
thiện, Satan và các quỉ sứ đều có lý trí (Mat 8:29; IICo 11:3; IPhi 1:12). Các thiên sứ thiện,
Satan và các quỉ sứ đều bày tỏ những cảm tình (Lu 2:13; Gia 2:19; Kh 12:17). Các thiên sứ
thiện, Satan và các quỉ sứ đều chứng tỏ chúng có ý chí (Lu 8:28-31; IITi 2:26; Giuđe 6). Vì
vậy, có thể gọi họ là những thân vị. Sự kiện họ không có thân thể người không hề ảnh
hưởng đến đặc tính thân vị của họ (chẳng khác nào sự kiện ấy không hề ảnh hưởng
đến Đức Chúa Trời vậy).
Thật vậy, hiểu biết của các thiên sứ bị giới hạn bởi bản chất thọ tạo của họ. Điều
nầy có nghĩa họ không biết hết mọi sự như Đức Chúa Trời biết (Mat 24:36); dù vậy,
dường như họ hiểu biết rộng hơn con người. Điều nầy có thể do ba nguyên nhân: (1)
Các thiên sứ thọ tạo là một thứ bậc thọ tạo cao hơn con người trong vũ trụ. Vì vậy, họ
vốn khôn ngoan hơn. (2) Các thiên sứ biết Đức Chúa Trời thấu đáo hơn con người,
nghiên cứu Kinh Thánh thấu đáo hơn con người và thâu lượm kiến thức từ Kinh Thánh
(Gia 2:19; Kh 12:12). (3) Các thiên sứ thâu nhận hiểu biết thông qua quá trình quan sát
các hoạt động của loài người. Khác với con người, thiên sứ không cần phải nghiên cứu
quá khứ; vì đã từng trải quá khứ. Vì vậy họ biết cách những người khác đã hành động
và phản ứng thế nào trong nhiều trường hợp, và có thể đoán trước với một mức độ
chính xác cao hơn về cách chúng ta có thể hành động trong những trường hợp tương tự.
Kinh nghiệm trường thọ cho họ hiểu biết nhiều hơn.
Dầu có ý chí, các thiên sứ cũng như mọi tạo vật khác phải phục tùng ý chỉ của Đức
Chúa Trời. Các thiên sứ thiện được Đức Chúa Trời sai đến giúp đỡ các tín hữu ( He 1:14).
Dầu có quyền lực lớn và hết sức xảo trá khi thực hiện mục tiêu của hắn trên thế giới
này, Satan cũng vẫn bị giới hạn bởi ý chỉ của Đức Chúa Trời (Giop 2:6). Những quỉ sứ
cũng phải phục theo ý muốn của Đấng Christ (Lu 8:28-31).
Thân vị tính của thiên sứ muốn nói rằng thiên sứ không chỉ là sự nhân cách hóa
cho điều trừu tượng thiện hoặc ác, như có người nghĩ vậy vậy về thiên sứ. Điều này kể
cả Satan, cũng là một thân vị, chứ không phải sự nhân cách hóa ý niệm tập thể của con
người về sự ác.
II. HỌ LÀ NHỮNG HỮU THỂ THẦN LINH
130
Các thiên sứ, quỉ sứ (được xem là những thiên sứ sa ngã), và Satan đều thuộc về
một đẳng cấp hữu thể có thể gọi là những hữu thể thần linh. Các thiên sứ được gọi là
những thần hầu việc Đức Chúa Trời (He 1:14). Các quỉ được gọi là những thần linh ô uế
và độc ác (Lu 8:2; 11:24,26), và Satan là một linh hiện nay đang hành động trong các con
bạn nghịch (các con không vâng lời) (Eph 2:2).
Là những hữu thể thần linh, họ không thuộc thể vật chất và không có thân thể. Con
người từ lâu đã vật lộn với ý nghĩa và các hệ quả của một khái niệm như thế. Một vài
người Dothái và những giáo phụ đầu tiên đã hiểu các thiên sứ có một loại thân thể nhẹ
nhàng uyển chuyển như không khí hoặc như ngọn lửa, dầu vậy trong thời đại Trung
Cổ, người ta kết luận thiên sứ là những hữu thể thuần thuộc linh. Khuynh hướng gán
cho các thiên sứ loại thân thể nào đó xuất phát từ tình trạng được xem như không thể
hiểu nổi một tạo vật thật sự mà không có thân thể. Hơn nữa, dường như rõ ràng các
thiên sứ không vô sở bất tại nhưng có những giới hạn về không gian. Thậm chí đôi khi
con người nhìn thấy thiên sứ. Tất cả điều này có vẻ đòi hỏi kết luận thiên sứ phải có
thân thể. Tuy nhiên Kinh Thánh gọi rõ ràng các thiên sứ và quỉ sứ là linh (pneumata)
trong Mat 6:18; Lu 7:21; 8:2; 11:26; Cong 19:12; Eph 6:12; và He 1:14. Dù Đức Chúa Trời cũng
là một Hữu Thể thần linh, nhưng điều nầy không có nghĩa thiên sứ có bản tánh vô hạn
như Đức Chúa Trời; trái lại, thiên sứ là những hữu thể thuộc linh hữu hạn. Bản chất
thuộc linh của họ cũng không cấm họ hiện ra cho những hữu thể con người.
Thường thường họ hiện ra như những người nam (dù vậy có lẽ những người nữ
trong Xa 5:9 cũng là thiên sứ). Họ đã hiện ra trong các chiêm bao và khải tượng ( Mat
1:20; Es 6:1-8), trong sự tiết lộ đặc biệt về hiện diện của họ (IIVua 6:17), và hiện ra cho con
người trong một trạng thái bình thường lúc đang thức giấc, và có ý thức ( Sa 19:1-18; Mac
16:5; Lu 2:13).

Trong những khải tượng trên trời, họ được mô tả theo những đặc tính siêu nhiên
khác hẳn với những lần hiện ra khác trong hình trạng con người (Da 10:5-7; Kh 10:1-3;
15:6; 18:1). Một số thiên sứ có cánh (Es 6:2,6; Exe 1:5-8).

III. THIÊN SỨ BẤT TỬ VÀ KHÔNG SINH SẢN


Số lượng các thiên sứ sẽ luôn luôn không đổi. Chúa dạy rằng các thiên sứ không
sinh ra những thiên sứ con (Mat 22:30), và họ không chết (Lu 20:36). Tuy nhiên các thiên
sứ ác sẽ bị hình phạt trong một chỗ phân cách với Đức Chúa Trời (Mat 25:41; Lu 8:31).
IV. THIÊN SỨ LÀ NHỮNG TẠO VẬT CAO CẢ HƠN CON NGƯỜI
Tác giả thư Hêbơrơ cho biết khi Chúa chúng ta trở thành nhục thể, Ngài trở nên
kém các thiên sứ một ít (2:7-9). Tuy có những vấn nạn liên quan đến cách dùng chữ của
trước giả ThiThiên 8 trong phân đoạn này, dường như Sự Nhập Thể rõ ràng đặt Đấng
Christ vào vị trí kém hơn các thiên sứ (dầu vậy, dĩ nhiên điều này chỉ đúng tạm thời
131
khi Đấng Christ hạ mình xuống trên đất này). Điều này là do con người - tức những
người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời - có bản chất thấp kém hơn Đức
Chúa Trời. Con người cũng thấp kém hơn các thiên sứ bởi vì thiên sứ thuộc đẳng cấp
hữu thể siêu phàm (elohim) là có bản chất mạnh hơn người, và khác con người ở chỗ
thiên sứ không phải chết. (Để luận đầy đủ hơn về cách dùng ThiThiên 8 trong Hêbơrơ
2, xem C. Fred Dickason, Angels, Elect and Evil (Chicago: Moody, 1975, trang 53 – 7;
và Donald R. Glenn, “Psalm 8 và Hebrews 2” trong Walvoord: A Tribute, chủ biên:
Donald K. Campbell (Chicago: Moody, 1982, trang 39-51).
V. THIÊN SỨ LÚC BAN ĐẦU LÀ CÁC HỮU THỂ THÁNH KHIẾT
Kinh Thánh cho biết rất ít chứng cứ cụ thể về tình trạng nguyên thủy của các thiên
sứ, dù vậy chúng ta biết khi Đức Chúa Trời hoàn tất công việc sáng tạo của Ngài, Ngài
đã tuyên bố mọi sự là tốt lành (Sa 1:31). Giuđe 6 cũng cho thấy lúc ban đầu mọi thiên sứ
đã là những tạo vật thánh khiết. Một số đã được chọn (ITi 5:21) còn một số khác phạm
tội (IIPhi 2:4). Có lẽ đáng ra mọi thiên sứ vẫn cứ ở nguyên trong tình trạng thánh khiết
nguyên thủy ấy, và những thiên sứ nào không nổi loạn thì đã vĩnh viễn được khẳng
định trong tình trạng thánh khiết của họ. Nói cách khác, những thiên sứ nào đã thi đậu
thành công trắc nghiệm tập sự thì sẽ luôn luôn ở mãi trong trạng thái thánh khiết
nguyên thủy ấy. Còn những thiên sứ thi rớt thì hiện nay bị khẳng định trong tình trạng
gian ác, phản nghịch của họ.
Tóm lại, dù có những điều tương đồng giữa thiên sứ và Đức Chúa Trời, giữa các
thiên sứ và con người, nhưng thiên sứ vẫn là một đẳng cấp hữu thể riêng biệt. Giống
Đức Chúa Trời nhưng khác với con người, họ không chết. Giống như Đức Chúa Trời, họ
có sức mạnh vượt trổi hơn con người dầu vậy họ không toàn năng như Đức Chúa Trời
(IIPhi 2:1). Giống cả Đức Chúa Trời lẫn loài người, họ có thân vị. Cũng như Đức Chúa
Trời, họ là những hữu thể thần linh, dù vậy không hiện diện khắp mọi nơi như Ngài.
Ngược lại, con người là những hữu thể vừa thuộc linh vừa thuộc thể ( Gia 2:26). Các thiên
sứ không sinh sản như con người (Mat 22:30). Con người đã được dựng nên kém hơn các
thiên sứ một ít. Tuy vậy, trong thân thể phục sinh vinh hiển của mình, con người sẽ
đoán xét các thiên sứ (ICo 6:3).

132
Chương 20: TỔ CHỨC CỦA CÁC THIÊN SỨ
I. SỐ LƯỢNG THIÊN SỨ
Các thiên sứ lập thành số lượng đông cực kỳ không thể đếm được. Đó là ý nghĩa của
chữ vô số được dùng để mô tả số lượng thiên sứ trong He 12:22 và Kh 5:11. Thực ra câu
sau nói rằng có hàng muôn ngàn thiên sứ. Có lẽ vẫn không nêu cụ thể bao nhiêu thiên
sứ, cho dù vài người gợi ý số lượng thiên sứ trong cả vũ trụ này bằng với tổng số tất cả
con người sống xuyên suốt dòng lịch sử (có lẽ đã được ngụ ý trong Mat 18:10). Dầu thế
nào đi nữa, số lượng thiên sứ vẫn không tăng không giảm.
II. SỰ KIỆN VỀ TỔ CHỨC CỦA THIÊN SỨ
Kinh Thánh nói về “hội” và “hội đoàn” của các thiên sứ (Thi 89:5,7), về tổ chức của
thiên sứ cho chiến trận (Kh 12:7), và về một vì vua cai trị trên các quỉ sứ như châu chấu
(9:11). Thiên sứ cũng được xếp vào những thể loại quản trị, điều đó nói lên tổ chức và
đẳng cấp (Eph 3:10, các thiên sứ thiện; và 6:12 các thiên sứ ác). Chắc chắn Đức Chúa Trời
đã tổ chức những thiên sứ được lựa chọn, và Satan đã tổ chức các thiên sứ ác.
Một vấn đề thực tiễn rất quan trọng nổi lên từ điều này. Các thiên sứ được tổ chức,
ma quỉ cũng được tổ chức; thế mà Cơ đốc nhân - cả cá thể lẫn các tập thể - thường nghĩ
họ không cần phải có tổ chức. Đây đặc biệt là một sự thực khi nói đến chuyện chống lại
điều ác. Tín hữu đôi khi nghĩ họ có thể “thực hiện một mình” hoặc trông đợi chiến
thắng mà không cần phải có sự chuẩn bị có tổ chức từ trước và kỷ luật nào. Đây cũng là
sự thực khi đụng đến chuyện hỗ trợ điều lành. Tín hữu đôi khi trượt mất điều tốt nhất
vì không lên kế hoạch và không tổ chức những việc lành của mình.
III. ĐẲNG CẤP CỦA CÁC THIÊN SỨ
A. Thiên Sứ Trưởng
Chỉ có Michen (hay Micaên) được chỉ định làm thiên sứ trưởng hoặc thiên sứ lớn
(Giuđe 9; ITêsalônica 4:16). Dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói đến các thiên
sứ trưởng khác nữa, nhưng hiển nhiên có các thiên sứ cao cấp khác nữa (Da 10:13), tuy
vậy chỉ có một thiên sứ trưởng mà thôi. Khi Phaolô cho biết sẽ nghe tiếng của thiên sứ
lớn lúc Hội Thánh được cất lên, ông dường như không cảm thấy cần phải gọi tên của
thiên sứ trưởng đó, điều này hậu thuẫn cho kết luận chỉ có một thiên sứ trưởng mà
thôi.
Trong thời Cựu Ước, Michen hiện ra với vai trò thiên sứ bảo vệ Ysơraên (Da 10:21;
12:1) là đấng sẽ đặc biệt giúp đỡ Ysơraên trong thời kỳ hoạn nạn lớn sẽ xảy đến. Đấng
ấy hướng dẫn đội quân thiên sứ của thiên đàng chống lại với Satan và đạo quân ác quỉ
của hắn (Kh 12:7). Câu Kinh Thánh Giuđe 9 về cuộc tranh chấp của Michen để giành
xác Môise cho thấy Michen có liên hệ với việc chôn xác Môise, Michen không có quyền

133
để công bố sự phán xét trên Satan, và như thế, dù là một tạo vật quyền oai, Micaên
phải tùy thuộc vào quyền năng lớn hơn của Đức Chúa Trời.
B. Các Quan Trưởng
Cụm từ này (Da 10:13), nói đến một nhóm thiên sứ cấp cao, nhấn mạnh sự kiện có
cấp bậc giữa các thiên sứ. Trong nhóm các quan trưởng này, dường như Micaên nổi bật
nhất vì là thiên sứ trưởng. Sách ngoại kinh Enoch gọi Micaên, Gápriên, Raphaên, Uriên
là bốn thiên sứ chính yếu có đặc quyền được đứng xung quanh ngai của Đức Chúa Trời
(9:1; 40:9). Sách này cũng kể bảy thiên sứ là các thiên sứ trưởng (20:1-7, xem thêm Tôbia
12:15).

C. Các Bậc Cầm Quyền Chấp Chánh


1. Các kẻ cai trị hoặc cầm quyền: Những từ này được Phaolô dùng bảy lần, nêu lên
một phẩm trật của thiên sứ cả thiện lẫn ác đã dự phần cai trị toàn cõi vũ trụ ( Ro 8:38;
Eph 1:21; 3:10; 6:12; Co 1:16; 2:10,15).

2. Các quyền, các phép, các vương hầu hoặc các quyền thế: Điều này có vẻ nhấn
mạnh thẩm quyền cao hơn con người của các thiên sứ và quỉ sứ đã thực thi trên những
công việc của thế gian này (Eph 1:21; 2:2; 3:10; 6:12; Co 1:16; 2:10,15; IPhi 3:22).
3. Thế lực: Từ này nhấn mạnh đến sự kiện các thiên sứ và quỉ sứ có uy quyền lớn
hơn con người (IIPhi 2:11. Xem Eph 1:21 và IPhi 3:22).
4. Nơi cai trị: Các quỉ sứ được gọi là vua chúa của thế gian mờ tối này (Eph 6:12).
5. Ngôi vua hoặc quyền thống trị: Tên gọi này nhấn mạnh đến phẩm cách và quyền
bính của những bậc thiên sứ cầm quyền trong việc Đức Chúa Trời dùng họ trong sự
quản trị của Ngài (Eph 1:21; Co 1:16; IIPhi 2:10; Giuđe 8).
D. Chêrubin
Chêrubin hợp nên một phẩm trật khác nữa của các thiên sứ, hiển nhiên thuộc cấp
cao vì Satan đã là một chêrubin (Exe 28:14,16). Dường như họ hành động như những vị
canh gác sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, đã canh giữ con đường đi đến cây sự sống
trong vườn Êđen (Sa 3:24). Việc dùng chêrubin để trang trí lều tạm và đền thờ có lẽ cũng
nói lên chức năng canh giữ của họ (Xu 26:1 trở đi; 36:8 trở đi; IVua 6:23-29). Họ cũng mang
bánh xe mà Êxêchiên đã thấy (Exe 1:4,5; 10:15-20). Có người xác định bốn sinh vật sống
trong Kh 4:6 là chêrubin, dù vậy có người nghĩ những sinh vật sống này đại diện những
thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Các hình chạm chêrubin cũng là một phần của đền thờ
Thiên Hy Niên (Exe 41:18-20).
E. Sêraphin

134
Mọi điều chúng ta biết về cấp bậc thiên sứ này được tìm thấy trong Es 6:2,6. Dường
như Sêraphin là một phẩm trật giống như chêrubin. Họ hành động như những người
phục vụ ở ngai của Đức Chúa Trời và những tác nhân để tẩy uế. Nhiệm vụ của họ cũng
là ca ngợi Đức Chúa Trời. Phần mô tả họ nói lên một tạo vật giống như con người có sáu
cánh. Từ ngữ này có lẽ phát sinh từ một gốc có nghĩa là “để đốt cháy” hoặc cũng có thể
đến từ một gốc mang nghĩa “được tôn quí.”
IV. CÁC THIÊN SỨ ĐẶC BIỆT
A. Gápriên
Micaên đã được đề cập đến bởi vì phẩm trật cao cả. Gápriên cũng được kể vào hàng
thiên sứ cao cấp mặc dù không được xem là thiên sứ trưởng như Micaên. Tên của
Gápriên có nghĩa là “anh hùng của Đức Chúa Trời” và chức năng của thiên sứ này là
đem những sứ điệp quan trọng từ Đức Chúa Trời tới một số cá nhân (như cho Đaniên:
Da 8:16; 9:21; cho Xachari: Lu 1:19; cho Mari: Lu 1:26). Theo sách Targum tiếng Aram, đây
là vị thiên sứ được xem như đã tìm thấy các anh em của Giôsép, chôn cất Môise và tàn
sát các đạo binh của Sanchêríp.
B. Các Thiên Sứ Có Những Trách Nhiệm Đặc Biệt
Một số thiên sứ được gọi tên theo chức năng đặc biệt mà họ thực hiện ( Kh 14:18, một
vị thiên sứ có quyền ở trên lửa; 16:5, vị thiên sứ của nước; 9:11, sứ giả của vực sâu; 20:1-
2, thiên sứ bắt và xiềng Satan).

C. Các Thiên Sứ Có Liên Hệ Đến Những Sự Đoán Phạt Tương Lai


Hai trong số ba loạt đoán phạt trong Khải Huyền được công bố bởi các thiên sứ. Khi
các thiên sứ thổi kèn, những sự đoán phạt trong Khải Huyền 8-9 bắt đầu, và bảy tai nạn
sau cùng đã được các thiên sứ đổ xuống đất (đoạn 16).
D. Các Thiên Sứ Của Bảy Hội Thánh Trong Khải Huyền 2-3
Mỗi lá thư được gởi cho “thiên sứ” của hội thánh ấy, và các thiên sứ này đã được
thấy bên tay hữu của Đấng Christ phục sinh trong khải tượng ở đoạn 1:16,20. Không rõ
đây là các thiên sứ hay là những người lãnh đạo của các Hội Thánh đó.
Mặc dầu từ ngữ “thiên sứ” rõ ràng có nghĩa “sứ giả,” chữ này cũng có thể nói đến
một hữu thể siêu phàm, tức là nói đến vị thiên sứ canh giữ mỗi Hội Thánh. Hoặc chữ
này có thể nói đến một sứ giả là con người, tức là nói đến con người lãnh đạo (mục sư)
của mỗi Hội Thánh (xem Mac 1:2; Lu 9:52; và Gia 2:25 về cách dùng từ “thiên sứ” như cách
gọi dành cho những con người).
E. Thiên Sứ Của Đức Giêhôva

135
Như được luận đến trong chương 40, thiên sứ của Đức Giêhôva là một “sự hiển hiện
của Đấng Christ” (Christophany), một sự hiện ra trước khi trở thành nhục thể của Đấng
Christ. Vị thiên sứ này đã phán như Đức Chúa Trời, đồng nhất chính mình với Đức
Chúa Trời và thực thi những đặc quyền của Đức Chúa Trời (Sa 16:7-12; 21:17-18; 22:11-18;
Xu 3:2; Cac 2:1-4; 5:23; 6:11-24; 13:3-22; IISa 24:16; Xa 1:12; 3:1; 12:8). Những lần hiện ra của
Vị Thiên Sứ này chấm dứt sau khi Đấng Christ nhập thể, điều này hậu thuẫn những kết
luận cho rằng Vị này đã là Đấng Christ trước khi thành nhục thể.

136
Chương 21: CHỨC NĂNG CỦA CÁC THIÊN SỨ
Về bản chất và về cơ bản, các thiên sứ thiện là những tôi tớ ( He 1:14). Đức Chúa Trời
sai phái họ đến phục vụ hoặc để giúp đỡ (diakonian) các tín hữu, và khi phục vụ như
thế, các thiên sứ giữ chức năng của các sứ giả của chức tế lễ (leitourgika pneumatata)
trong đền thờ toàn vũ trụ của Đức Chúa Trời.
I. LIÊN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chức vụ hàng đầu của các thiên sứ đó là thờ
phượng và ca ngợi Ngài.
A. Họ Ca Ngợi Ngài (Thi 148:1-2; Es 6:3)
B. Họ Thờ Phượng Ngài (He 1:6; Kh 5:8-13)
C. Họ Vui Mừng Về Những Điều Ngài Làm (Giop 38:6-7)
D. Họ Hầu Việc Ngài (Thi 103:20; Kh 22:9)
E. Họ Trình Diện Trước Chúa (Giop 1:6; 2:1)
F. Họ Là Những Công Cụ Trong Sự Đoán Phạt Của Đức Chúa Trời (Kh 7:1; 8:2)
II. LIÊN HỆ VỚI NHỮNG THỜI ĐẠI MỚI
Các thiên sứ dường như hoạt động tích cực phi thường khi Đức Chúa Trời thiết lập
một kỷ nguyên mới trong dòng lịch sử.
A. Họ Hiệp Lại Ca Ngợi Khi Đất Được Sáng Tạo (Giop 38:6-7)
B. Họ Dự Phần Trong Sự Ban Phát Luật Pháp Môise (Ga 3:19; He 2:2)
C. Họ Đã Tích Cực Trong Sự Hiện Đến Trần Gian Lần Thứ Nhất Của Đấng Christ
(Mat 1:20; 4:11)
D. Họ Đã Tích Cực Trong Những Năm Đầu Tiên Của Hội Thánh ( Cong 8:26; 10:3,7;
12:11)

E. Họ Sẽ Dự Phần Trong Những Biến Cố Xoay Quanh Lần Đến Thứ Hai Của Đấng
Christ (Mat 25:31; ITe 4:1)
III. LIÊN HỆ VỚI CHỨC VỤ CỦA ĐẤNG CHRIST
A. Trong Sự Giáng Sinh Của Ngài
1. Báo Trước: Gápriên báo trước sự giáng sinh của Ngài (Mat 1:20; Lu 1:26-28).
2. Thông Báo: Một thiên sứ loan báo sự giáng sinh của Chúa cho các mục đồng rồi
đồng ca ngợi với muôn vàn thiên sứ (Lu 2:8-15).
B. Trong Cuộc Đời Của Ngài
137
1. Cảnh Báo: Một thiên sứ đã báo trước cho Giôsép và Mari phải trốn sang Aicập để
tránh cơn giận của Hêrốt (Mat 2:13-15).
2. Hướng dẫn: Một thiên sứ đã hướng dẫn gia đình này trở lại Ysơraên sau khi
Hêrốt băng hà (các câu 19-21).
3. Hầu việc: Các thiên sứ đã hầu việc Chúa sau khi Ngài chịu cám dỗ (4:11) và trong
sự đau thương của Ngài tại vườn Ghếtsêmanê (Lu 22:43).
4. Bênh Vực: Ngài phán rằng các đạo quân thiên sứ đã sẵn sàng đến bênh vực cho
Ngài nếu họ được gọi (Mat 26:53).
C. Sau Khi Chúa Phục Sinh
1. Lăn tảng đá: Một thiên sứ đã lăn tảng đá khỏi cửa mộ (28:1-2).
2. Loan báo: Các thiên sứ đã loan báo sự sống lại của Ngài cho những người đàn bà
trong buổi sáng phục sinh (câu 5-6; Lu 24:5-7).
3. Thăng thiên: Các thiên sứ đã có mặt lúc Ngài thăng thiên (Cong 1:10-11).
D. Khi Ngài Đến Lần Thứ Hai
1. Sự Cất Lên: Tiếng của thiên sứ trưởng sẽ được nghe khi Hội Thánh được biến hóa
(ITe 4:16).
2. Lần Đến Thứ Hai: Các thiên sứ sẽ đến cùng với Ngài trong Lần Đến Thứ Hai ( Mat
25:31; IITe 1:7).

3. Sự Đoán Xét: Các thiên sứ sẽ phân chia lúa mì với cỏ lùng trong lần đến thứ hai
của Chúa (Mat 13:39-40).
IV. LIÊN HỆ VỚI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
A. Liên Hệ Với Quốc Gia Ysơraên
Thiên sứ trưởng Micaên đặc biệt canh giữ Ysơraên (Da 12:1).
B. Liên Hệ Với Các Quốc Gia Khác
Các thiên sứ trông coi những bậc cầm quyền, các quốc gia (4:17) và tìm cách tác
động những người lãnh đạo của họ (10:21; 11:1).
Trong các năm Đại Nạn sẽ đến, thiên sứ sẽ dự phần thi hành những sự đoán xét của
Đức Chúa Trời (Khải Huyền 8-9,16).
V. LIÊN HỆ VỚI NHỮNG KẺ KHÔNG CÔNG CHÍNH
A. Các Thiên Sứ Loan Báo Những Sự Đoán Phạt Sẽ Đến (Sa 19:13; Kh 14:6-7; 19:17-18).

138
B. Các Thiên Sứ Giáng Sự Đoán Phạt Trên Người Không Công Bình ( Cong 12:23; Kh
16:1).

C. Các Thiên Sứ Sẽ Phân Chia Người Công Chính Với Người Không Công Chính ( Mat
13:39-40)

VI. LIÊN HỆ VỚI HỘI THÁNH


A. Chức Vụ Căn Bản
Về cơ bản, các thiên sứ giúp đỡ các tín hữu (He 1:14).
B. Chức Vụ Nền
Các thiên sứ đã dự phần truyền đạt và bày tỏ ý nghĩa của chân lý và Hội Thánh
ngày nay đang hưởng được lợi ích từ chức vụ đó (Da 7:15-27; 8:13-26; 9:20-27; Kh 1:1;
22:6,8).

C. Những Chức Vụ Cụ Thể


1. Những Lời Cầu Nguyện Nài Xin: Các thiên sứ đem câu trả lời đến cho sự cầu xin
(Cong 12:5-10).
2. Sự Cứu Rỗi: Thiên sứ góp phần trong việc chinh phục người ta đến với Đấng
Christ (8:26; 10:3).
3. Quan Sát: Họ quan sát thứ tự, việc làm và sự chịu khổ của Cơ đốc nhân (ICo 4:9;
11:10; Eph 3:10; IPhi 1:12).

4. Khích Lệ: Họ khích lệ trong những lúc nguy nan (Cong 27:23-24).
5. Hiện Diện Trong Sự Chết: Họ chăm sóc cho những người công chính trong giờ
qua đời (Lu 16:22).
Không rõ các thiên sứ có còn tiếp tục hành động theo mọi cách này trong thời nay
hay không. Nhưng họ đã thực hiện những chức năng này và có lẽ vẫn còn tiếp tục làm
như vậy dù chúng ta không biết về họ. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không bị bó buộc phải
dùng các thiên sứ; Ngài có thể trực tiếp làm mọi việc này. Nhưng dường như Ngài chọn
cách dùng chức vụ trung gian này của các thiên sứ trong rất nhiều trường hợp. Dầu
vậy, tín hữu nhận ra chính Đức Chúa Trời là Đấng làm những điều này, hoặc trực tiếp
hoặc thông qua các thiên sứ (hãy để ý lời Phierơ làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã giải
cứu ông ra khỏi tù dù thật ra Đức Chúa Trời đã dùng một thiên sứ để hoàn tất điều đó,
Cong 12:7-10 đối chiếu với các câu 11 và 17).

Có lẽ một tấm bia ở một ngôi nhà thờ cổ ở Scotland mà tôi có lần được thấy nói lên
rất rõ sự quân bằng này:
“Dầu Quyền Năng Đức Chúa Trời Đủ Để Cai Quản Chúng Ta,

139
Nhưng Vì Yếu Đuối Của Con Người, Ngài Lập Thiên Sứ Ngài Giữ Gìn Chúng Ta.”
Có lẽ những câu nói các thiên sứ quan sát cách cư xử của những người được cứu
khiến chúng ta kinh ngạc nhiều như đối với bất cứ lẽ thật nào trên đây. Lý do khiến các
thiên sứ quan tâm đến chúng ta có lẽ phát xuất từ sự kiện vì thiên sứ không đích thân
kinh nghiệm sự cứu rỗi, nên cách duy nhất để họ có thể thấy những kết quả của sự cứu
rỗi đó là quan sát xem sự cứu rỗi được bày tỏ thế nào trong những con người được cứu.
Thật ra, chúng ta là một rạp hát mà trong đó thế giới, con người và các thiên sứ là
những khán giả (ICo 4:9). Chúng ta hãy diễn xuất thật tốt cho họ cũng như cho Chúa, là
Đấng mà đối với Ngài mọi sự thảy đều trần trụi và lộ ra.

140
PHẦN V: KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA: MA QUỈ
Chương 22: SỰ THỰC HỮU CỦA SATAN
Sự phủ nhận tính thực hữu của Satan thường mang hình thức xem ý niệm về Satan
là sự nhân cách hóa điều ác chứ không thực sự nghĩ Satan là một hữu thể có sự hiện
hữu độc lập. Ý niệm “Satan” là một thân vị được khai triển nhiều hơn trong thời Tân
Ước, và người ta bảo rằng bắt buộc phải có những sự giải nghĩa lại những “truyền
thuyết” trong Cựu Ước, vì tuyên bố chúng không chứa đựng ý niệm về một nhân vật ma
quỉ quái đặc trưng. Thêm vào đó, người ta nói rằng nhị nguyên luận của người Iran
cũng góp phần vào ý niệm của người Do thái về một Satan có thân vị trong thời đại Hy-
La (xem T. H. Gaster, “Satan,” The Interpreter’s Dictionary of the Bible (New York:
Abingdon, 1976,4: 224-8).
I. CHỨNG CỨ TỪ BẢN VĂN KINH THÁNH
Nếu chấp nhận Thánh Kinh là mặc khải từ Đức Chúa Trời, chứ không chỉ là bản ký
thuật những suy nghĩ của con người về Ngài, thì không thể phủ nhận được sự thực hữu
của Satan. Satan đã không tiến hóa trong tư cách một hữu thể có thân vị; hắn đã tồn tại
và hành động từ sách đầu tiên nhất cho đến sách cuối cùng chép khải thị của Chúa.
Bảy sách trong Cựu Ước dạy sự thực hữu của hắn (Sáng Thế Ký, ISử Ký, Gióp, Thi
Thiên, Êsai, Êxêchiên, Xachari). Mỗi trước giả Tân Ước đều xác nhận sự thực hữu và
hoạt động của Satan. Lời dạy của Đấng Christ cũng thừa nhận và khẳng định sự hiện
hữu và hoạt động của Satan. Trong số 29 phân đoạn của các sách Phúc Âm nói về
Satan, thì 25 phân đoạn do Chúa chúng ta nói. Một vài phân đoạn trong số đó tuyệt
nhiên không hề có chuyện Đấng Christ điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho thích nghi
với tình trạng xem như sự thiếu hiểu biết của đoàn dân hay xem như những khái niệm
sai lầm của đám đông về Satan do nhị nguyên luận của Batư. Hãy đặc biệt để ý những
phân đoạn như Mat 13:39; Lu 10:18; và 11:18.
II. CHỨNG CỨ VỀ THÂN VỊ TÍNH (PERSONALITY)
A. Những Đặc Trưng Về Thân Vị Tính
Giống như các thiên sứ, Kinh Thánh nói Satan có những đặc điểm của thân vị. Hắn
bày tỏ trí thông minh (IICo 11:3); hắn bày tỏ những tình cảm (giận dữ: Kh 12:17; thèm
muốn: Lu 22:31); Hắn bày tỏ hắn có ý chí (Es 14:12-14; IITi 2:26).
B. Những Đại Danh Từ Nói Lên Thân Vị Tính
Satan được nhắc đến như một thân vị trong cả Cựu và Tân Ước (Gióp 1; Mat 4:1-12).
Hãy để ý rằng những dữ liệu trong phân đoạn sau (Đấng Christ chịu cám dỗ) phải đến
từ Chúa; vì vậy khi dùng những đại danh từ nhân xưng, chính Ngài đã qui thân vị tính
cho Satan.
141
C. Trách Nhiệm Đạo Đức Của Thân Vị
Nếu Satan chỉ là một sự nhân cách hóa mà người ta nghĩ ra để diễn tả ý niệm của
họ về điều ác, thì sự nhân cách hóa như thế hầu như không thể bị quy trách nhiệm đạo
đức về những hành động của nó, bởi vì trong thực tế đâu có hữu thể nào để có thể quy
trách nhiệm khai trình. Nhưng Satan bị Chúa buộc phải khai trình trách nhiệm ( Mat
25:41), và phân đoạn này nhắc chúng ta rằng: phủ nhận sự thực hữu của Satan đòi hỏi
chúng ta phải phủ nhận tính xác thực của những lời Đấng Christ đã phán.
III. BẢN CHẤT CỦA SATAN
A. Satan Là Một Tạo Vật.
Giả sử Exe 28:11-19 nói đến Satan (sẽ được bàn đến sau), thì phân đoạn đó nói rõ
ràng Satan đã được dựng nên (c. 18). Điều này có nghĩa Satan không có những thuộc
tính mà chỉ thuộc về một mình Đức Chúa Trời, ví dụ như toàn tại, toàn năng và toàn tri.
Dù là một hữu thể quyền năng, Satan có những giới hạn của loài thọ tạo. Và là tạo vật,
Satan buộc phải khai trình với Đấng Tạo Dựng mình.
B. Satan Là Một Hữu Thể Thuộc Linh
Satan thuộc về hàng ngũ các thiên sứ được gọi là chêrubin (Exe 28:14). Dường như
hắn đã là một thiên sứ thọ tạo cao cả nhất (c. 12). Rõ ràng đây là lý do khiến thiên sứ
trưởng Micaên không tranh cãi với Satan về xác Môise (Giuđe 9). Có lẽ Satan được gọi
là thiên sứ trưởng của toàn bộ thiên sứ ác. Ngay cả trong tình trạng sa ngã hiện nay,
Satan vẫn có rất nhiều quyền lực (dù vậy dưới sự cho phép của Đức Chúa Trời). Vậy
Satan được gọi là chúa của đời này và là vua cầm quyền chốn không trung (IICo 4:4; Eph
2:2).

IV. NHỮNG TÊN GỌI CỦA SATAN


Số lượng và tính đa dạng của tên gọi dành cho Satan cũng hậu thuẫn thêm cho sự
thực hữu của Satan.
Satan (được dùng khoảng 52 lần) ra từ satan trong tiếng Hêbơrơ, có nghĩa là “kẻ
chống đối” hay “kẻ thù địch” (Xa 3:1; Mat 4:10; Kh 12:9; 20:2).
Ma quỉ (được dùng khoảng 35 lần) từ chữ Hylạp, diabolos, có nghĩa là “kẻ vu cáo”
(Mat 4:1; Eph 4:27; Kh 12:9,20:2).
Giăng ghi hắn là một kẻ gian ác (Gi 17:15; IGi 5:18-19). Như được nêu lên trong danh
hiệu này, bản tánh gian ác của hắn thâm nhập khắp cả thế giới vốn đang dưới quyền
kiểm soát của hắn. Tuy nhiên, các tín hữu không thể bị Satan chiếm hữu tối hậu được.

142
Con rắn là cách đầu tiên Satan đã hiện ra cho loài người (Sa 3:1). Đặc trưng này
cũng gắn liền với Satan trong Tân Ước (IICo 11:3; Kh 12:9), và cho thấy mưu mẹo và tính
xảo quyệt của hắn.
Satan cũng được mô tả là một con rồng đỏ rất lớn (c.3,7, 9). Điều này nhấn mạnh
bản chất hung dữ của Satan, đặc biệt là trong khi xung đột. Để ý con rồng có một cái
đuôi; theo cách đó, biếm họa về Satan trong lễ Halloween của chúng ta (trong tập tục
của tác giả) không xa hắn bao nhiêu! Ví dụ: Khi được một học sinh nhỏ tuổi hơn hỏi
thầy giáo nọ thuộc hạng người thế nào, một học sinh lớn tuổi có thể trả lời: “Ô, ông đó
là con gấu!” Ý nghĩa thật rõ ràng: ông thầy đó khó lắm. Satan là một con rồng. Ý nghĩa
cũng thật rõ: Hắn thật hung dữ trong những cuộc tấn công các tín hữu.
Một trong những hoạt động của Satan là làm kẻ kiện cáo anh em tín hữu (câu 10).
Hắn làm điều nầy ngày đêm không ngưng nghỉ. Hắn kiện cáo chúng ta điều gì? Về
những tội lỗi chúng ta đã phạm. Và dĩ nhiên, hắn có lý cớ xác đáng, vì các tín hữu có
phạm tội, và tội lỗi nào cũng có thể vô hiệu hóa sự cứu rỗi của chúng ta. Tuy nhiên,
Chúa chúng ta, là Đấng Biện Hộ cho chúng ta, bênh vực chúng ta trên một nền tảng
duy nhất, đó là mọi tội lỗi của chúng ta đã được đền trả xong nhờ sự chết của Ngài ( IGi
2:1-2). Một số người, có lẽ vô tình, đã phân biệt giữa những tội có thể vô hiệu hóa sự cứu
chuộc của chúng ta với những tội sẽ không vô hiệu hóa được – là những tội “nhỏ.”
Nhưng bất cứ tội nào cũng có đủ khả năng khiến chúng ta mất sự cứu rỗi nếu không
nhờ sự cầu thay bền đỗ của Chúa chúng ta cản trở những lời kiện cáo ngày đêm của kẻ
nghịch lại chúng ta là Satan.
Nhiều năm trước đây, tôi học với một vị thầy là H.A. Ironside. Thầy luôn luôn gọi
chúng tôi là “quí ông trẻ tuổi.” Khi thầy nhắc đến câu Kinh Thánh này, chắc chắn thầy
không tránh khỏi câu nói: “Quí ông trẻ tuổi ơi, Satan là kẻ kiện cáo anh em. Hãy giao
hết công việc nhơ bẩn này cho hắn.”
Satan cũng là kẻ cám dỗ (Mat 4:3; ITe 3:5). Đây là công việc của hắn kể từ lần gặp gỡ
đầu tiên với con người (Sa 3:1). Sự cám dỗ của Satan dành cho Êva đó là cám dỗ bà chấp
nhận chương trình giả mạo do hắn chào mời vốn không bao gồm lệnh cấm ăn trái cây
biết điều thiện điều ác trong đó. Cám dỗ của Satan đối với Đấng Christ đó là được vinh
hiển xứng đáng cho Ngài mà không phải chịu khổ hình Thập Tự Giá. Hắn đã cám dỗ
Anania nói dối không kể đủ số tiền bán đất mà ông đã nhận lãnh được (Cong 5:3). Hắn
cũng cám dỗ các tín hữu bằng sự vô luân (ICo 7:5).
Địa vị của Satan trên thế giới này được nhìn thấy qua nhiều danh hiệu gán cho hắn.
Satan là “vua chúa” của thế gian này (Gi 12:31). Hắn là “chúa của đời này” (IICo 4:4). Hắn
là “vua cầm quyền chốn không trung” (Eph 2:2), và “thần hiện đang hành động trong
các con bạn nghịch” (c. 2). Hắn cũng lừa dối cả thế gian (Kh 12:9; 20:3). Hắn cư ngụ

143
trong không trung (tương đương với “các miền trên trời” trong Eph 6:12) và cầm quyền
vũ trụ này cũng như thời đại này. Vũ trụ hay thế gian (cosmos) là cơ cấu tổ chức của sự
vật mà loài người sống động và di chuyển trong đó, và cơ cấu tổ chức chống nghịch lại
với Đức Chúa Trời bằng cách loại trừ và giả mạo Ngài. Đời nầy (do Satan làm chúa) có
nghĩa là “toàn thể lượng vô định của các tư tưởng, ý niệm, châm ngôn, suy đoán, hi
vọng, thôi thúc, mục tiêu, khát vọng luôn dời đổi trong bất cứ thời khắc nào trên thế
giới nầy, mà có lẽ không thể nào nắm bắt được hay định nghĩa được một cách chính
xác, nhưng lập thành một quyền lực thực tế và hữu hiệu nhất, là bầu không khí đạo
đức hoặc vô đạo đức - mà mỗi giây phút trong đời chúng ta hít vào, và một lần nữa
không thể tránh khỏi thở ra – tất cả điều này được gồm tóm trong aion (đời) này, là. . .
tinh thần định hình khôn khéo của kosmos, hay thế giới của những con người đang
sống xa cách Đức Chúa Trời” (R.C. Trench, Synonyms of the New Testament (London:
Kegan Paul, 1889, trang 218). Một thế lực cai trị trên thế giới và bầu khí quyển chúng
ta đang sống như thế thật đáng sợ và kinh khủng. Nhưng thật tạ ơn Chúa, Đấng ngự
trong chúng ta là lớn hơn kẻ ở trong thế gian (IGi 4:4).
Danh hiệu Bêênxêbun nói lên Satan là chúa của các quỉ (Lu 11:15). Khi kẻ thù của
Chúa Jesus cho rằng Ngài bị ám bởi Bêênxêbun, họ đã khiến chính họ phạm vào tội
phạm thượng tệ hại nhất.
Phaolô dùng Bêlian làm tên gọi Satan trong IICo 6:15. Từ ngữ này có nghĩa là sự vô
giá trị hay sự gian ác và mô tả thật thích hợp bản tánh của Satan.
Những danh xưng và tên gọi khác nhau dành cho Satan không chỉ khẳng định sự
thực hữu của Satan mà còn bày tỏ bản tánh muôn mặt cũng như những khía cạnh của
việc hắn làm. Mỗi tên gọi thường bày tỏ một điều gì đó về bối cảnh (“Scotty”- thuộc Tô-
cách-lan) hay dáng vẻ, phong cách (“Red”- đỏ) hoặc đặc điểm (“Lover”- đáng mến mộ)
hoặc hoạt động (“Gopher”- đào hang trú ẩn) của con người đó. Với Satan cũng vậy: Bối
cảnh (kẻ đối nghịch, kẻ kiện cáo, kẻ cám dỗ), vẻ bề ngoài, phong cách (con rồng, con
rắn), đặc điểm (kẻ lừa dối, kẻ giết người, kẻ cầm quyền cai trị), và hoạt động của hắn
(kẻ kiện cáo, kẻ cám dỗ). Hắn là một tạo vật quyền năng, khôn ngoan, khéo léo, và
chúng ta không bao giờ được phép quên hoặc đánh giá thấp thực trạng của kẻ thù
chúng ta.

144
Chương 23: SỰ TẠO DỰNG VÀ TỘI LỖI CỦA SATAN
I. SỰ TẠO DỰNG SATAN
A. Thời Điểm Tạo Dựng
Nếu Satan không là một hữu thể thọ tạo thì hắn phải là tự hữu hay hằng hữu, là
một nhị nguyên luận không thích hợp với độc thần luận. Kinh Thánh tuyên bố mọi sự
đã được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ, và không có vật gì mà
không do Ngài dựng nên (Gi 1:3; Co 1:16-17). Thời điểm sáng tạo Satan không được nêu
rõ. Nếu Exe 28:13 nói đến Satan và nói đến vườn địa đàng Êđen, thì dĩ nhiên Satan phải
được dựng nên trước khi Đức Chúa Trời lập Vườn Êđen (Sa 2:8).
B. Những Đặc Điểm Của Sự Tạo Dựng Satan
Nhiều người tranh luận không biết có phải Exe 28:11-19 nói về Satan không, nhưng
nếu có, thì phần Kinh Thánh này cung cấp cho chúng ta hàng loạt chi tiết mô tả cũng
như đặc điểm về tình trạng nguyên thủy của Satan khi được tạo dựng. Mọi người đều
đồng ý đề tài của các câu 1-19 là sự đoán xét Tyrơ và người lãnh đạo của thành này.
Nhưng thắc mắc là: Liệu câu 11-19 có vượt ra ngoài phạm vi người lãnh đạo này để bày
tỏ về một điều nào khác hay về một người nào khác? Một sự vật hoặc một con người
nào đó được gọi là vua của Tyrơ có thể là: (a) Một biểu tượng bắt nguồn từ thần thoại
của dân ngoại; (b) Một hữu thể ban sơ đã sống trong Vườn Êđen và đã bị đuổi ra khỏi
vườn vì sự kiêu ngạo; (c) Một hữu thể thần thoại không có thật được trình bày trong
thần thoại của người Phênixi, rồi được kết hợp và áp dụng trong câu chuyện này cho
vua Tyrơ; (d) Một nhân vật “lý tưởng,” dù vậy không có thật; (e) Một con người lý tưởng,
cũng y như con người đầu tiên trong lịch sử, là Ađam, và là người có lịch sử (có những
đặc quyền khởi đầu và tội lỗi tiếp sau đó) tương tự; (f) Hữu thể Satan hung ác; (g) Kiệt
tác của Satan: Antichrist.
Các quan điểm từ (a) đến (d) là không phù hợp với những nguyên tắc giải nghĩa
bình thường, bởi vì không có lý lẽ chứng minh cho sự giới thiệu một thần thoại như thế
trong bản văn Kinh Thánh này. Quan điểm (e) dù khả dĩ, nhưng dường như không đủ
thỏa mãn cho toàn bộ bản chất độc ác của nhân vật đàng sau vua Tyrơ. Có thể kết hợp
quan điểm (f) và (g); tức là Satan đứng đàng sau mọi điều nầy kể cả việc đứng sau lưng
Antichrist, nhân vật sẽ là đỉnh điểm của mọi con người mà Satan đã ở trong họ suốt
dòng lịch sử. Vua Tyrơ đã là người được Satan ngự trị trong quá khứ, Antichrist sẽ là
con người sau cùng Satan ngự trị trong tương lai.
Hiểu lời tiên tri bao gồm những câu nói đến Satan, như vậy không có nghĩa
Êxêchiên đã không nghĩ đến một nhân vật lịch sử lãnh đạo Tyrơ khi ông lên án những
lời nầy. Vấn đề là: Liệu Êxêchiên chỉ nghĩ đến người lãnh đạo lịch sử đó, hay còn nghĩ
đến một hữu thể vĩ đại hơn - là Satan? Ngôn ngữ hoa mỹ và hình tượng cao độ này có
145
thể bênh vực cho cả hai kết luận. Những người nghĩ chỉ có người lãnh đạo lịch sử ấy thì
hiểu lời nói này là phương cách cường điệu và mang tính hình bóng mà người ta có thể
dùng để nói đến một vua phương Đông. Những ai còn nhìn thấy Satan trong phân đoạn
Kinh Thánh nầy lập luận rằng ngôn ngữ như thế bao gồm quá nhiều từ so sánh bậc
nhất và những hình bóng đến nỗi không thể đúng cho một vị vua trần gian nầy, dù là
vị vua đó có vĩ đại đến đâu đi nữa. Chẳng hạn, dường như khó áp dụng các câu 14 và
15 cho bất cứ vị vua trần gian nào (xem phần luận đầy đủ trong Charles L. Feinberg,
The Prophecy of Ezekiel (Chicago: Moody, 1969, trang 158-63).
Dĩ nhiên, sẽ không có gì bất thường khi một phân đoạn Kinh Thánh vừa nói đến
một nhân vật quan trọng tại địa phương vừa nói đến một người khác nữa làm ứng
nghiệm hoàn toàn lời tiên tri đó. Điều nầy đúng với nhiều phân đoạn Kinh Thánh vừa
nói đến Vua Đavít vừa nói đến Chúa Jesus Christ nữa. Điều này cũng đúng với phần
Kinh Thánh nói về vua nước Pherơsơ trong Da 10:13, là một phần chắn chắn phải bao
hàm một người siêu phàm có liên quan đến vương quốc Pherơsơ. Cho nên, Exe 28 vừa
nói đến vị vua trị vì Tyrơ thời bấy giờ vừa nói đến Satan sẽ không phải là một kết luận
giải nghĩa độc nhất vô nhị. Thật ra, đấy có vẻ là kết luận đúng: Vị vua trong lịch sử của
Tyrơ đơn giản là một công cụ của Satan, có thể bị Satan nhập. Và khi mô tả vị vua nầy,
Êxêchiên cũng đã cho chúng ta những nét nhìn thoáng qua về một tạo vật siêu phàm,
tức Satan, là nhân vật đang sử dụng - nếu không nói là đang ở trong - vua Tyrơ.
Như vậy, nếu cho rằng Satan ở trong bức tranh của những câu Kinh Thánh nầy,
chúng ta học được gì về những đặc tánh nguyên thủy của Satan khi mới được sáng tạo?
Dầu những câu Kinh Thánh này dạy những điểm cụ thể nào đi nữa, chúng đều truyền
tải ý niệm rõ ràng rằng Satan đã được hưởng đặc ân cao cả, hình ảnh thu nhỏ Sự Sáng
Thế của Đức Chúa Trời, là kẻ được có một địa vị vô song trong vũ trụ.
1. Satan đã có sự khôn ngoan và vẻ đẹp không gì sánh được (c. 12). Satan đứng ở tột
đỉnh giữa vòng các tạo vật của Đức Chúa Trời, đầy sự khôn ngoan và vẻ đẹp hoàn hảo.
2. Satan đã có một chỗ cư trú không gì sánh được (c. 13). Điều này có lẽ nói đến một
vườn Êđen trên thiên đàng, hoặc vườn Êđen trên đất. Dầu nơi nào đi nữa, đó là nơi độc
nhất vô nhị trước khi tội lỗi vào thế gian.
3. Satan đã có tấm che thân không gì so sánh được (c. 13). Sự mô tả chói lòa về áo
hay áo choàng của Satan cho thấy đôi điều về vinh hiển được ban cho Satan.
4. Satan đã có chức năng không chi sánh được (c. 14). Satan thuộc về hàng ngũ
thiên sứ thọ tạo gọi là chêrubin. Các chêrubin này liên quan đến việc bảo vệ sự thánh
khiết của Đức Chúa Trời (Sa 3:24), liên quan đến ngai của Đức Chúa Trời (Exe 1:5) và tại
đây (c. 14) dường như có liên quan đến hiện diện thật của Đức Chúa Trời. Satan đã ở
trên núi thánh của Đức Chúa Trời và được đi lại giữa các hòn ngọc sáng như lửa, rất có

146
thể là cách nói đến hiện diện của chính Đức Chúa Trời. Dường như Satan đã là trưởng
đội bảo vệ sự thánh khiết và sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời.
5. Satan đã có sự hoàn hảo không chi so sánh được (Exe 28:15) Satan đã trọn vẹn
theo ý nghĩa của sự tốt lành hoàn toàn và được hoàn toàn trung thực về đạo đức. Ở đây
cũng như trong câu 13, chúng ta được nhắc lại rằng Satan đã được tạo dựng, và là một
tạo vật, một ngày kia Satan phải trả lời với Đấng Tạo Hóa.
Trên mọi mặt, Satan đã là hình ảnh thu nhỏ Sự Sáng Thế của Đức Chúa Trời.
“Trong giây phút đầu tiên hiện hữu, Satan thức dậy trong vẻ đẹp đẽ và năng quyền
trọn vẹn của địa vị được tôn cao; được vây giữa tất cả vẻ lộng lẫy do Đức Chúa Trời đã
ban cho. Hắn thấy mình đứng trên hết đoàn đông này trong quyền năng, khôn ngoan
và vẻ đẹp. Chỉ trên ngai của chính Đức Chúa Trời, hắn mới thấy vượt trổi những điều
hắn sở hữu, và có lẽ thậm chí trên phương diện nào đó, trên ngai ấy còn có cả điều mà
đôi mắt của tạo vật này không thể thấy hết. . . . Trước khi sa ngã, có lẽ Satan được
truyền giữ chức thủ tướng của Đức Chúa Trời, chắc cai trị trên vũ trụ, nhưng chắc chắn
là cai trị trên cả thế giới này” (Donald Grey Barnhouse, The Invisible War (Grand
Rapids: Zondervan, 1965, trang 26-7).
II. TỘI LỖI CỦA SATAN
A. Nguồn Gốc Tội Lỗi Của Satan
Tội lỗi đã được nhìn thấy ở trong Satan (Exe 28:15). Đây thực sự là câu duy nhất
trong Kinh Thánh nói lên chính xác nguồn gốc của tội lỗi. Những chi tiết về tội của
Satan được nói rõ ở nơi khác, nhưng nguồn gốc tội ấy chỉ nói ở đây. Barnhouse gọi đấy
là “điều tự phát sinh trong lòng của tạo vật này, mà quyền năng và vẻ đẹp sáng chói
đến như thế đã kết hợp trong tạo vật ấy, một tạo vật đã được ban uy quyền và đặc ân
tuyệt vời đến như thế” (Ibid., trang 30).
Tội lỗi này chắc phải được bao gồm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không hề gánh trách nhiệm về bất cứ sự phạm tội nào, kể cả
sự phạm tội của Satan. J. O. Buswell gợi ý cách giải quyết cẩn thận về vấn đề này:
“Theo Thánh Kinh, tội lỗi đã phát sinh từ một hành động của ý chí tự do, trong đó,
tạo vật ấy có chủ tâm, có trách nhiệm, và có hiểu biết đầy đủ về những vấn đề đó, đã
chọn làm hư hoại bản tánh thánh khiết của sự tin kính mà Đức Chúa Trời đã phú cho
tạo vật của Ngài. . . . Satan tất yếu phải phạm tội. Đức Chúa Trời đã nổi thạnh nộ cách
công chính với mọi tội lỗi. . . . Sự phủ nhận ý chí tự do sẽ có vẻ là chủ nghĩa giáo điều
triết học thuần võ đoán, trái ngược lại với quan điểm Thánh Kinh. Nếu Đức Chúa Trời
nổi thạnh nộ công chính đối với tội lỗi, thì suy ra ra rằng tội nhân ấy bị quở trách – cực
kỳ lớn lao, tối hậu và tuyệt đối. . . . Tội lỗi phải ở trong nguyên chỉ đời đời của Thượng

147
Đế theo một nghĩa nào đó mà Ngài không phải là tác giả của nó. . . . Trong những ý chỉ
của Đức Chúa Trời, có những ý chỉ thuận cho phép những điều mà chính Đức Chúa
Trời không phải là tác giả. Đây không phải là sự cho phép suông điều không thể tránh
khỏi.” (“Nguồn Gốc Và Bản Chất Của Tội Lỗi,” Basic Christian Doctrines, Chủ biên: Carl
F.H. Henry. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1962, trang 107-9).
Đã thấy có tội lỗi trong Satan, thế nhưng Satan đã được dựng nên cách trọn lành.
Đức Chúa Trời không phải là nguyên nhân đáng trách về tội lỗi của Satan; dầu vậy,
điều này được bao gồm trong chương trình của Ngài.
B. Bản Chất Tội Lỗi Của Satan
Tân Ước nêu rõ tội lỗi cụ thể của Satan là ngạo mạn, tự cao, khoe khoang (ITi 3:6).
Điều này được ví với sự tự cao mà một tân tín hữu có thể mắc phải khi họ được đề cao
hay tự khẳng định mình quá chóng vánh để rồi bắt đầu giành lấy cho mình vinh hiển
vốn thuộc về Đức Chúa Trời. Exe 28:16 quy nguyên nhân thất bại của Satan cho sự mua
bán thạnh lợi của hắn. Nói cách khác, Satan đã lợi dụng địa vị của mình để kiếm tư lợi
– để buôn bán sự tự cất nhắc mình lên.
Êsai cho thêm chi tiết về tội của Satan (14:12-17). Cũng như trong phân đoạn Exe
28:11-19, có thắc mắc liệu đoạn này có đề cập đến Satan không. (1) Có người cho rằng
phân đoạn Êsai chỉ nói đến sự sa ngã của vua Babylôn như được nhắc đến trong câu 4
mà thôi. (2) Người khác lại hiểu phân đoạn chỉ nói đến sự sa ngã của Satan thôi. (3)
Những người theo cả quan điểm (1) và (2) có lẽ cũng thấy vua Babylôn hoặc Satan là
hình bóng nói trước về sự sa ngã sắp đến của Antichrist. (4) Rất có thể sự thật bao gồm
mọi ý nói đến trên đây; tức là sự sụp đổ của vua Babylôn là một thực thể cho hình bóng
về sự sụp đổ trước kia của Satan và là hình bóng cho sự sụp đổ của Antichrist trong
tương lai. Delitzsch nói thật súc tích: “Giờ đây là ánh nhìn thoáng hồi tưởng về sự tự
tôn lên thành thần của vua Babylôn, qua đó vua đã làm thực thể cho hình bóng cho tên
quỉ này và làm hình bóng cho Antichrist. . . .” (Franz Delitzsch, Biblical Commentary
on the Prophecies of Isaiah [Edinburgh: T. & T. Clark, 1875,1:312]). Phân đoạn Kinh
Thánh này vượt trổi hơn mọi điều nào có thể nói về một vị vua trần thế, và từ những
buổi đầu tiên đã được hiểu là nói đến sự sụp đổ của Satan như được mô tả trong Lu
10:18.

Satan được gọi là sao mai trong Es 14:12. Từ ngữ Latin tương đương là Luxiphe
(Lucifer), và dựa trên phân đoạn này, từ ngữ đó đã trở thành tên của Satan. Tuy nhiên
cách dùng chữ “sao mai” để chỉ về Satan báo hiệu cho chúng ta tính cách cơ bản trong
âm mưu của Satan chống nghịch Đức Chúa Trời. Bởi vì chính danh hiệu này được dùng
trong Kh 22:16 cho Đấng Christ, chúng ta được cảnh báo rằng chương trình của Satan là
nhằm giả mạo chương trình của Đức Chúa Trời, và thật ra đã và đang nhằm mục đích

148
ấy. Cách Satan đã khởi đầu chương trình đó đã được nêu chi tiết trong năm cụm từ “ta
sẽ” của Es 14:13-14.
1. Ta sẽ lên trời: Là nhân vật bảo vệ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, Satan đã
được quyền lên trời, nhưng cụm từ này diễn tả khát vọng chiếm và định cư trên thiên
đàng để được bình đẳng với Đức Chúa Trời.
2. Ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời: Ý nghĩa của cụm tuừ này
tùy thuộc vào cách hiểu cụm từ “các ngôi sao.” Nếu chúng nói đến các thiên sứ ( Giop
38:7; Giuđe 13; Kh 12:3-4; 22:16), thì Satan đã ước ao cai trị trên mọi thiên sứ. Nếu nói
đến những thiên thể sáng chói, thì hắn ao ước cai trị trên các từng trời.
3. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc: Điều này chứng tỏ tham vọng
của Satan muốn cai trị vũ trụ như cách người ta cho là hội của các thần Babylôn đã
từng làm.
4. Ta sẽ lên trên cao những đám mây: Hắn đã mong muốn vinh hiển thuộc về Đức
Chúa Trời (các đám mây thường được liên tưởng với hiện diện của Đức Chúa Trời, xem
Xu 16:10; Kh 19:1).

5.Ta sẽ làm ra mình bằng Đấng Rất Cao: Ở đây sự giả mạo của Satan rõ ràng như
pha lê. Satan muốn trở nên giống, chứ không khác Đức Chúa Trời. Danh xưng Elyon
dành cho Đức Chúa Trời nhấn mạnh đến quyền tể trị và sức lực của Đức Chúa Trời ( Sa
14:18). Satan muốn có quyền năng như Đức Chúa Trời. Hắn muốn thực thi thẩm quyền
và quyền kiểm soát thế giới này, là quyền uy hoàn toàn thuộc về một mình Đức Chúa
Trời. Tội của Satan đã là sự thách thức trực tiếp quyền năng và uy quyền của Đức Chúa
Trời.
Tội của Satan càng trở nên cực kỳ tàn ác vì những đặc ân lớn lao, sự khôn sáng và
địa vị tuyệt vời hắn đã có. Tội của hắn lại càng nguy hiểm tàn hại bởi tầm ảnh hưởng
rộng lớn của nó. Nó đã ảnh hưởng những thiên sứ khác (Kh 12:7); nó ảnh hưởng trên
mọi người (Eph 2:2); nó đưa Satan lên địa vị vua của cả thế giới này (Gi 16:11); nó ảnh
hưởng đến tất cả các nước trên thế giới vì Satan hành động để lừa dối họ (Kh 20:3).
Mọi tội lỗi đều nghiêm trọng và mọi tội đều ảnh hưởng đến người khác. Nhưng tội
lỗi trên các nơi cao thì càng nghiêm trọng và những hệ quả của nó càng lan rộng hơn.
Tội lỗi của Satan đáng phải là một dấu nhắc nhở và cảnh báo thường xuyên cho chúng
ta.

149
Chương 24: NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA SATAN
Nhiều danh hiệu khác nhau của Satan đã cảnh báo chúng ta rằng hắn có thể tấn
công đối phương theo rất nhiều cách. Từ sự dữ tợn của con rồng ( Kh 12:3) cho đến vẻ
hấp dẫn của một thiên sứ sáng láng (IICo 11:14), Satan có thể điều chỉnh hắn và các
chiến thuật của hắn cho thích nghi với con người và với hoàn cảnh. Tuy có lẽ Satan
chuộng hoạt động theo cách nào đó, nhưng hắn sẽ gặp con người tại chính chỗ của họ
và dùng bất cứ điều gì có thể đánh hạ họ trong những tình huống cụ thể đó. Dầu không
toàn tri, Satan đã quan sát nhiều người khác trong những hoàn cảnh mà chúng ta có
thể cũng đang lâm vào, nên hắn có thể đoán trước rất chính xác phương pháp nào đánh
hạ chúng ta tốt nhất.
I. ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST
Tình trạng thù địch giữa Satan và Đấng Christ đã được báo trước lần đầu tiên ngay
sau khi Ađam và Êva phạm tội (Sa 3:15). Sự thù địch giữa hậu duệ thuộc linh của Satan
và gia đình Đức Chúa Trời đã được báo trước tại đây. Một người (Đấng Christ) giữa vòng
dòng dõi người nữ cũng sẽ đánh một đòn trí mạng vào đầu của Satan, còn Satan sẽ cắn
gót chân của Đấng Christ (một đòn không nặng, nhưng khiến Ngài phải chịu khổ
nhiều). Trận chiến này đã diễn ra ở thập tự giá.
Khi Chúa chúng ta đã thực sự hiện ra trên quả đất này, thì Satan thực hiện nhiều
nỗ lực phối hợp để cản trở sứ mạng chịu chết chuộc tội cả thế gian của Ngài. Rõ ràng,
việc Hêrốt giết các con trẻ dưới 2 tuổi đã do Satan xúi giục (Mat 2:16). Đấng Christ phán
tỏ tường rằng Phierơ đã đứng về phía chương trình của Satan khi ông muốn gạt bỏ ý
nghĩ Đấng Christ sẽ phải chết tại Giêrusalem (16:21-23). Lời quở trách nghiêm khắc của
Đấng Christ nhấn mạnh rằng mục tiêu trung tâm khiến Ngài đến thế gian đó là để chịu
chết. Khi Giuđa sắp sửa phản bội Chúa thì Satan nhập vào lòng ông (Gi 13:27).
Nhưng lần tấn công chủ yếu và trực tiếp nhất của Satan vào Chúa chúng ta là lúc
cám dỗ Ngài (Mat 4:1-11). Từ ngữ “thử nghiệm” hoặc “cám dỗ” bao hàm hai ý: chứng
minh và dụ dỗ đến điều ác. Việc Satan cám dỗ Đấng Christ bao hàm cả hai phương diện
nầy. Trong tiến trình Satan dụ dỗ Ngài phạm điều ác, Đức Chúa Trời sẽ chứng thực qua
thử thách ấy rằng Đấng Christ vô tội. Đức Chúa Trời và Satan đều đã dự phần vào sự
thử nghiệm Đấng Christ. Đức Thánh Linh hướng dẫn Chúa Jesus vào đồng vắng để chịu
ma quỉ cám dỗ. Trong bốn mươi ngày Satan thử thách Chúa bằng nhiều cám dỗ ( Lu 4:2),
và trong thời gian đó Chúa chúng ta kiêng ăn. Điều này khiến cho Ngài nhạy bén với
mọi thử thách, nhưng đặc biệt là đối với ba cuộc tấn công đến vào cuối bốn mươi ngày
đó. Ba điều này đã là hình ảnh thu nhỏ của những lãnh vực mà một người có thể bị thử
nghiệm: Sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời ( IGi
2:16).

150
Đây là những thử nghiệm đặc biệt thích hợp cho Đấng Thần Nhân. Chỉ một mình
Ngài (chứ chúng ta thì không) có thể hóa đá thành bánh. Chỉ mình Ngài (chứ chúng ta
thì không) có thể nhảy xuống từ nóc đền thờ và đáp xuống đất mà không bị hại gì. Chỉ
có mình Ngài (chứ chúng ta thì không) có thể mong có được toàn thể các nước trên thế
gian này.
Mục đích cơ bản của sự cám dỗ Đấng Christ là chứng minh Ngài đủ khả năng làm
Cứu Chúa vô tội. Satan đang cố làm cho Chúa tẻ bước khỏi đường lối và mục đích khiến
Ngài đến thế gian, và đang có khiến Ngài không nương cậy nơi Đức Chúa Trời và kế
hoạch của Đức Chúa Trời bằng cách dâng tặng Ngài vinh hiển mà không cần chịu
thương khó. Như vậy, điều này sẽ khiến sự chết thay của Ngài trở nên thừa. Nói cụ thể,
Satan đã cám dỗ Đấng Christ đến về sự độc lập (Mat 4:3-4), sự buông tuồng (c. 5-7) và sự
thờ hình tượng (c. 8-10).
Chắc chắn trong suy nghĩ của Satan, Đấng Christ là Đấng Giải Cứu đã được hứa
ban. Nhưng hắn muốn Đấng Christ khẳng định sự độc lập của Ngài khỏi Cha bằng cách
hóa đá thành bánh. Mana được ban cho Ysơraên trong đồng vắng đã đến từ Đức Chúa
Trời thể nào, thức ăn của Đấng Christ cũng phải đến theo phương cách và đúng thời
điểm của Cha thể ấy. Hóa đá thành bánh sẽ khẳng định Ngài độc lập khỏi ý chỉ của Đức
Chúa Cha. “Dầu Ngài đang đói và có quyền ăn, tuy vậy Ngài sẽ không ăn theo cách
không tùy thuộc ý chỉ của Đức Chúa Cha. Chẳng phải Satan cám dỗ Ngài từ khước
bánh thuộc linh, nhưng cám dỗ Ngài từ bỏ Đức Chúa Cha để đến với bánh theo nghĩa
đen, kiếm được bằng cách không nhờ cậy ý chỉ của Đức Chúa Cha” (S. Craig Glickman,
Knowing Christ [Chicago: Moody, 1980, trang 41]). Satan vẫn đang cám dỗ những
người theo Đấng Christ thu tóm nhiều vật vào tay mình thay vì đầu phục ý chỉ của Đức
Chúa Cha.
Gieo mình khỏi nóc hoặc mái hoặc phần nhô ra của đền thờ để lao xuống thung
lũng sâu 450–600 feet bên dưới và đáp xuống đất không tổn hại gì đương nhiên phải là
một dấu lạ ngoạn mục của Đấng Mêsia. Nhưng làm như vậy rồi tức là đi đường tắt và
chứng tỏ thiếu đức tin. Sự hấp tấp, những dấu lạ, hay sự táo tợn không bao giờ thay thế
được cho đức tin bền đỗ, dù vậy Satan vẫn luôn cám dỗ chúng ta buông mình vào
những điều này.
Satan tạm thời được ban quyền cai trị trên thế gian (cosmos) này, nhưng cuối cùng
Đấng Christ sẽ cai trị thế gian này. Vì vậy, Satan có quyền dâng tặng các nước thế gian
này cho Chúa, nhưng nếu Đấng Christ nhận chúng, Ngài hẳn đã đi đường tắt để thực
hiện chương trình của Đức Chúa Trời và bỏ qua công tác cứu chuộc bằng sự chết của
Ngài. Satan vẫn đang cám dỗ chúng ta bằng thứ thấy được ngay trước mắt.

151
Vì cản trở thập tự giá bất thành, Satan tấn công Phúc Âm, những kẻ theo Đấng
Christ và điều chi còn lại trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho thế gian này.
II. ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Chiến thuật chủ yếu Satan dùng để tấn công Đức Chúa Trời và chương trình của
Ngài nói chung là cống hiến một vương quốc và một chương trình giả mạo. Điều này
thấy hiển nhiên khi hắn đã phạm tội lúc ban đầu bởi muốn giống như, chứ không
muốn khác Đức Chúa Trời. Sự giả mạo đó đã được thử nghiệm lần đầu trên loài người
khi Satan cống hiến cho Êva cơ hội để được giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và
điều ác (Sa 3:5).
Sự cám dỗ Đấng Christ cũng là một nỗ lực nhằm giả mạo. Điều giả mạo càng giống
thật càng tốt, chỉ thiếu một vài đặc tánh quan trọng mà thôi. Điều Satan cống hiến cho
Chúa chúng ta đó là có được vinh hiển cho Ngài mà không cần đặc điểm cốt yếu của sự
chết Ngài.
Ngày nay Satan cổ súy một hình thức tin kính trong khi chối từ quyền phép của tin
kính đó (IITi 3:5). Để làm điều này, Satan ngụy trang cho đầy tớ của hắn giống như
những đầy tớ của sự công bình (IICo 11:15). Hắn cổ súy một hệ thống giáo lý thông qua
các quỷ sứ, đến lượt các quỷ sử dụng con người ủng hộ cho chủ nghĩa khổ hạnh sai lầm
hoặc sự phóng túng buông thả vô độ (ITi 4:1-3; Kh 2:24). Sự giả mạo tối hậu sẽ là
Antichrist hầu đến, những hoạt động của hắn sẽ phối hợp với Satan và sẽ đem lại cho
loài người “điều dối giả” (IITe 2:9,11).
III. ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA
Hoạt động chủ yếu của Satan trong đấu trường này là lừa dối các quốc gia (Kh 20:3).
Lừa dối cách nào? Dường như lừa họ suy nghĩ rằng họ có thể cai trị một cách công
chính và đem lại hòa bình cho thế giới mà không cần sự hiện diện và trị vì của Đấng
Christ. Một lần nữa, chiến thuật của hắn là sự giả mạo.
Dường như Satan sử dụng các quỷ để thực hiện sự dối trá của hắn (Da 10:13,20), và
sử dụng các chính quyền để cản trở tiến bộ của Phúc Âm (ITe 2:18).
Trong những ngày sắp đến Cơn Đại Nạn, Satan sẽ lừa dối các nước tiếp nhận
Antichrist làm đấng cứu tinh của họ. Satan, là con rồng, sẽ phú cho Antichrist quyền
lực của hắn, và thế giới sẽ trung thành đối với hắn (Kh 13:2-4). Tại thời điểm kết thúc
Cơn Đại Nạn, Satan và các quỷ sứ của nó sẽ tạo ảnh hưởng trên các quân đội của các
nước để hành quân đến số phận diệt vong của họ trong trận chiến Hamaghêđôn ( 16:13-
16).

Trong thời gian vương quốc Thiên Hy Niên, Satan sẽ bị xiềng, nhưng cuối thời đại
đó hắn sẽ được thả ra và sẽ cố lãnh đạo thế nổi dậy lần cuối cùng chống nghịch vương

152
quốc của Đấng Christ. Sau nỗ lực bất thành này, Satan sẽ bị quăng đời đời vào hồ lửa
(20:7-10).
IV. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN
Đối với người không tin, Satan làm mù tâm trí của họ hầu cho họ không chịu chấp
nhận Phúc Âm (IICo 4:4). Hắn thường làm điều này bằng cách khiến họ nghĩ bất cứ con
đường nào đi đến thiên đàng cũng có thể chấp nhận được y như con đường duy nhất.
Một lần nữa, đây là sự giả mạo. Sự mù lòa này tấn công tâm trí của con người, và tuy
những kẻ không tin có thể suy nghĩ và lý luận, nhưng một quyền lực lớn hơn Satan
phải cất sự mù lòa đó đi. Lý luận và những lập luận thuyết phục của con người có chức
năng của nó, nhưng chỉ năng quyền của Đức Chúa Trời mới có thể cất đi sự mù lòa do
Satan làm nên. Đôi khi ma quỷ đến và lấy đi mất Lời Chúa mà con người đã được nghe
hầu khiến họ không tin (Lu 8:12).
Để đẩy mạnh sự mù lòa này, Satan sử dụng tôn giáo giả mạo như đã được nêu chi
tiết trong phần trước đây. Điều này bao hàm mọi sự, từ chủ nghĩa khổ tu đến sự buông
thả, từ thuyết hữu thần (vì làm một người hữu thần không nhất thiết có nghĩa là được
cứu) cho đến tà thuật. Nói cách khác, Satan sẽ dùng bất cứ phương diện nào của hệ
thống đời này do hắn lãnh đạo để ngăn người ta khỏi suy nghĩ hoặc làm điều gì có thể
đem họ vào vương quốc của Đức Chúa Trời (Co 1:13; IGi 2:15-17).
V. ĐỐI VỚI CÁC TÍN HỮU
A. Satan, Kẻ Cám Dỗ
Satan đã cám dỗ Chúa thể nào, hắn cũng cám dỗ các tín hữu thể ấy. Mục đích của
hắn là khiến chúng ta phạm điều ác. Đôi khi Đức Chúa Trời có thể dùng Satan thử
thách chúng ta để chứng minh chúng ta trong sự chống trả những cám dỗ của hắn. Thử
thách có thể có ba mục đích ích lợi trong đời sống của tín đồ: (a) Để chứng thực cho
chúng ta (IPhi 1:6-7); (b) Để dạy dỗ chúng ta (4:12-13: cũng xem He 5:8); và (c) Để tăng
cường tình yêu của chúng ta đối với Chúa (Gia 1:12). Nhưng mục tiêu duy nhất của
Satan là cám dỗ tín hữu phạm vào điều ác.
Có ít nhất ba lãnh vực mà Satan cám dỗ các tín hữu. Trước hết là trong lãnh vực
chiều theo những áp lực và cơ cấu của xã hội (ITe3:5). Các bạn còn nhớ, Phaolô bị buộc
phải rời khỏi Têsalônica sau khi chỉ mới thi hành chức vụ một tháng tại thành phố đó
(Cong 7:5-10). Hơn nữa, Satan đã dùng lệnh cấm nào đó của nhà cầm quyền để cản trở
không cho ông trở lại (ITe 2:18). Cho nên ông đã sai Timôthê là người không bị ràng
buộc bởi lệnh cấm đó để trở lại Têsalônica xem thử họ có chịu thua những cám dỗ của
Satan không. Cám dỗ nào? Ở thế kỷ thứ nhất thì thật quá sớm để Phaolô nói đến cơn
bách hại chính thức từ phía nhà cầm quyền Đế quốc Lamã. Những cám dỗ này chắc
hẳn thiên về loại cám dỗ mang tính cách cá nhân, xã hội và không thuộc phía nhà cầm
153
quyền. Ví dụ, chúng ta biết rằng phụ nữ ở tại Maxêđoan được hưởng tự do nhiều hơn
bất cứ nơi nào khác trong cả Đế quốc lúc bấy giờ, và chúng ta cũng biết có nhiều phụ
nữ sang trọng tại Têsalônica trở lại tin Chúa nhờ chức vụ của Phaolô. Có lẽ Satan đã
cám dỗ họ tiếp tục rập khuôn theo lối sống mà họ đã từng trải trước khi được cứu. Đó là
cám dỗ đặt thân phận địa vị lên trên sự nên thánh. Cũng có nhiều tân tín hữu vốn là
người ngoại bang, và có lẽ Satan đã cám dỗ họ bằng sự kiêu ngạo về trí năng.
Thứ nhì, Satan cám dỗ các tín hữu che giấu tính ích kỷ. Câu chuyện Anania và
Saphira là minh họa điển hình. Cặp vợ chồng này muốn giữ lại một phần tiền họ có
được nhờ bán tài sản, đồng thời lại muốn được ca ngợi vì khoản tiền dâng của mình.
Phierơ nêu rõ rằng chính Satan đã đầy dẫy lòng họ khiến họ nói dối (Cong 5:1-11). Họ có
quyền sở hữu và bán tài sản của mình. Họ không bị buộc phải dâng hiến tất cả số tiền
bán được cho Hội Thánh. Nhưng họ buộc không được phép giả vờ tỏ ra rộng rãi và đồng
thời cố thỏa mãn tính ích kỷ của mình bằng cách giữ lại một phần tiền đã bán được.
Thứ ba, Satan cám dỗ các tín hữu đến chỗ vô luân (ICo 7:5). Đức Chúa Trời đã chu
cấp hôn nhân để diễn tả chính đáng những mối liên hệ và nhu cầu thể xác, và Ngài
muốn những người chồng và vợ phải nhận lấy những trách nhiệm riêng và chung của
họ. Khi không thực hiện điều này, Satan có cơ hội cám dỗ các tín hữu phạm những tội
tính dục bất chính hoặc bại hoại.
B. Satan, Kẻ Thù
Là kẻ thù, Satan kiện cáo và chống đối tín hữu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của
đời sống họ. Trước hết, hắn chống nghịch với lời chúng ta làm chứng về Phúc Âm.
Satan làm điều này bằng cách khiến chúng ta rối trí khi hắn gieo cỏ lùng lẫn lộn với
lúa mì (Mat 13:38-39), bằng cách cướp đi Lời đã được gieo trồng (Mac 4:15), bằng cách
dùng những thế lực của nhà cầm quyền nghịch lại với các tín hữu (ITe 2:18), hoặc bằng
cách bỏ tù các tín hữu, tin rằng điều ấy sẽ cản trở không cho lời chứng của họ loan
truyền hoặc khiến họ sợ và không dám làm chứng (Kh 2:10).
Thứ đến, Satan vạch tội chúng ta (12:10). Hắn kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa
Trời mỗi khi chúng ta phạm tội, nghĩ rằng hắn có thể khiến chúng ta mất sự cứu rỗi.
Nhưng Đấng Christ là Đấng Biện Hộ cho chúng ta, Ngài bênh vực chúng ta và nhắc đi
nhắc lại với Đức Chúa Cha rằng Ngài đã đền trả xong cho mọi tội lỗi của chúng ta khi
Ngài chết trên thập tự giá (IGi 2:1-2).
Thứ ba, Satan chống nghịch tín hữu bằng cách đặt những áp lực lên tín hữu khiến
họ có lẽ không thể chịu nổi. Có hai ví dụ về điều này trong Tân Ước. Một liên quan đến
người bị kỷ luật trong ICôrinhtô 5. Dường như việc kỷ luật đã đạt kết quả mong muốn,
và người ấy đã xưng tội loạn luân của mình. Bấy giờ hội thánh đáng ra phải tiếp nhận
người ấy trở lại mối thông công. Dường như có người muốn làm điều này, có người

154
không muốn. Cho nên Phaolô thúc giục họ phải tiếp nhận lại, không những để hàn gắn
sự chia rẽ đã phát sinh, nhưng cũng để tránh trường hợp anh em ấy bị buồn rầu quá
đỗi. Người ấy cần biết sự tha thứ từ các anh chị em khác của mình (IICo 2:5-11). Không
phục hồi người ấy sẽ khiến Satan chiếm lợi thế.
Ví dụ thứ nhì liên quan đến những đàn bà góa trong khi tuổi còn trẻ (ITi 5:14-15).
Phaolô khuyên giục họ nên tái giá, sinh con và sống cuộc đời hữu dụng. Một số góa phụ
ăn không ngồi rồi và ngồi lê đôi mách đang đi theo Satan.
Nói chung, chúng ta có thể nói Satan là kẻ thù hết sức mong muốn dập tắt sự làm
chứng của các tín hữu. Để hoàn tất điều này, hắn rình mò trên thế gian như là sư tử
rống tìm kiếm người nào hắn có thể nuốt được (IPhi 5:8). Từ ngữ “nuốt” cũng là từ đã
được dùng để mô tả cách Biển Đỏ nuốt chửng những người Êdíptô khi họ đuổi theo dân
Hêbơrơ (He 11:29). Nó vẽ lên bức tranh sống động về mục tiêu tối hậu của Satan – đó là
hoàn toàn nhận chìm sự hữu dụng và lời chứng của các tín hữu.
Như tôi đã đề cập trước đây, Satan có lẽ thích làm một số điều hơn những điều
khác. Nhưng hắn sẽ làm bất cứ điều gì làm được để khiến cho những kế hoạch và
chương trình của hắn được thành công tốt đẹp. Cũng hãy nhớ Satan đầy quyền lực, đầy
kinh nghiệm, và có cả một đạo quân quỉ sứ giúp đỡ. Vì cớ đó, tín hữu chỉ có thể chiến
đấu thành công với hắn bằng sức lực và năng quyền của Đức Chúa Trời, là Đấng ngự
trong họ. Những khía cạnh khác về sự bảo vệ cho tín hữu sẽ được bàn đến trong một
chương khác.

155
Chương 25: THẾ GIAN CỦA SATAN
Chúng ta đã thấy Satan vừa được gọi là chúa đời này (aion, IICo 4:4) và vua chúa của
thế gian này (cosmos, Gi 12:31). Đề tài của chương này là mối liên hệ của Satan và Cơ
đốc nhân đối với thế gian (cosmos).
I. Ý NGHĨA CỦA THẾ GIAN (COSMOS)
Từ ngữ “thế gian” (cosmos) được dùng 185 lần trong Kinh Thánh Tân Ước, 105 lần
trong số đó xuất hiện trong các tác phẩm của Giăng. Về cơ bản, từ ngữ này nói lên một
sự trang hoàng hay trật tự, từ ngữ “cosmos” là phản nghĩa với “hỗn độn.” Ý niệm này
được dùng đến ở IPhi 3:3, và trong từ ngữ hiện đại của chúng ta “đồ trang điểm” hay
“mỹ phẩm.” Vũ trụ (là trời và đất) được gọi là cosmos bởi vì đó là đồ trang trí của
những mối liên hệ hòa hợp (Cong 17:24). Trái đất có người ở cũng được gọi là “thế gian”
(Ro 1:8), con người sống trên trái đất (Gi 3:16; 12:19) cũng được gọi như vậy. Đức Chúa
Trời yêu thương và chết thay cho chính con người của thế gian này (Gi 3:16; IGi 2:2).
Nhưng Tân Ước thường xem thế gian là hệ thống trật tự hoạt động không cần Đức
Chúa Trời. Khái niệm thế gian này chống nghịch với Đấng Christ là một cách dùng mới
mà từ ngữ này đã nhận thêm trong Tân Ước, ngược lại với cách thường dùng trong các
tác phẩm Hylạp để nói đến điều thật lôi cuốn hấp dẫn. B.F. Westcott tóm tắt như sau:
“Thật dễ thấy ý tưởng về một tổng thể trật tự có liên hệ với con người và được xem là
tách rời khỏi con người, chuyển thế nào thành ý tưởng về một tổng thể trật tự tách biệt
khỏi Đức Chúa Trời. Con người sa ngã ghi khắc tính cách của mình trên trật tự vốn
chính là môi trường hoạt động của họ.... Thay vì vẫn cứ là biểu hiện thật về ý chỉ của
Đức Chúa Trời trong những tình trạng đã được tạo dựng, thế gian lại trở thành kẻ thù
địch của Ngài.” (The Gospel According to St. John [London: John Murray, 1908], 1:64-5).
Đặc điểm duy nhất còn thiếu trong lời phát biểu của Westcott là địa vị của Satan trong
tư cách thủ lãnh của hệ thống thế gian nầy. Như vậy, phải có ba khía cạnh trong bất cứ
định nghĩa nào về thế gian: ý niệm về một hệ thống có trật tự, mối liên hệ của Satan với
hệ thống đó, và khái niệm về sự thù địch của thế gian ấy với Đức Chúa Trời. Sau đây là
định nghĩa gợi ý: Thế gian nầy là hệ thống được Satan tổ chức, do Satan cầm đầu và
vận hành, là hệ thống loại Đức Chúa Trời ra ngoài và là hệ thống kình địch với Ngài.
II. SATAN VÀ THẾ GIAN
A. Uy Quyền Của Satan Trên Thế Gian
Kinh Thánh dạy rõ rằng Satan nắm uy quyền cao nhất trên thế gian. Dĩ nhiên, điều
này nằm trong mục đích tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời và có sự cho phép của
Ngài. Tuy nhiên, quyền bính Satan chiếm hữu được trên thế gian nầy là tối cao. Chúa
chúng ta công nhận điều nầy khi Ngài gọi Satan là vua chúa của thế gian này ( Gi 12:31;
16:11) và khi Ngài không tranh luận về đặc quyền của Satan khi đề nghị dâng tặng Ngài

156
các nước thế gian lúc hắn cám dỗ Ngài (Mat 4:8-9). Sứ đồ Giăng cũng công nhận sự thật
này khi viết rằng toàn thế gian phục dưới quyền của ma quỉ (IGi 5:19).
B. Mục Tiêu Của Satan Trong Thế Gian
Mục đích của Satan là tạo ra hệ thống chống nghịch với vương quốc Đức Chúa Trời
và loại trừ Ngài ra. Mục đích là đề xướng một trật tự giả mạo. Trên căn bản, thế gian
này là gian ác vì không tùy thuộc Đức Chúa Trời. Nó có thể gồm những khía cạnh tốt
cũng như những khía cạnh gian ác công khai, nhưng sự gian ác cố hữu của nó cốt ở
thái độ bất cần Đức Chúa Trời và kình địch với Ngài. Sự thù địch gay gắt này nổi bật
trong những câu Kinh Thánh như trong Gia 1:27, là câu khuyên tín hữu phải giữ mình
khỏi sự ô uế của thế gian; trong 4:4, cho biết kết bạn với thế gian bị xem là thù nghịch
với Đức Chúa Trời; và trong IGi 2:16, Sứ đồ Giăng tuyên bố mọi sự thuộc về thế gian thì
không đến từ Đức Chúa Cha.
Để đạt mục tiêu này, Satan phải cố gắng làm cho những giá trị của hệ thống vô thần
của hắn có vẻ hấp dẫn. Như vậy, hắn hành động để khiến người ta dành ưu tiên trên
hết cho chính bản thân và cho những cái trước mắt như là điều quan trọng nhất. Khi
Giăng viết mọi sự trong thế gian thì không đến từ Cha, ông giải thích điều ông muốn
nói qua chữ “mọi sự” bằng ba mệnh đề giãi bày tiếp theo trong IGi 2:16. Tất cả các câu
nói đó đều nhấn mạnh cái tôi là số một. Satan bảo hãy làm cho thỏa mãn sự mê tham
của xác thịt. Những ham muốn quá quắt của mắt khiến ngươi tham muốn điều gì thì
hãy lấy điều ấy. Và hãy xây dựng một thái độ tự mãn, ngạo mạn phát xuất từ sự khoe
khoang của cải mình có được trong đời. Dĩ nhiên, tính ích kỷ này là triết lý thịnh hành
của thế gian, và đến từ Satan là kẻ đã tự tôn cao hắn ngay từ ban đầu.
Satan cũng tìm cách thu hút chú ý của con người vào hiện tại thay vì vào cõi vĩnh
hằng. Đó là lý do Giăng nhắc nhở chúng ta trong câu 17 rằng thế gian qua đi, duy chỉ
những ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mới tồn tại đời đời. Như vậy, Satan tìm
cách đạt cho được những mục tiêu của hắn bằng cách cố gắng thay đổi những điều ưu
tiên của chúng ta (cái tôi trước hết) và tầm nhìn của chúng ta (hiện tại là quan trọng
hơn). Trong thực tế, sự thật là: Đức Chúa Trời là trên hết và cõi vĩnh hằng là quan trọng
nhất.
III. ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ THẾ GIAN
A. Kết Cuộc Đã Hoạch Định
Đức Chúa Trời tuyên bố thế gian này sẽ chịu đoán xét và kết thúc. Hệ thống chống
nghịch của Satan rồi sẽ chấm dứt. Nêbucátnếtsa đã thấy điều đó trong giấc mơ được
Đaniên giải nghĩa, khi hòn đá (vương quốc Đấng Christ) đập vào pho tượng và đầy khắp
đất (Da 2:34-35,44). Biến cố nầy được mô tả trong Khải Huyền 17–19 và được tóm tắt
trong IGi 2:17.
157
Khi Chúa chúng ta trở lại, vương quốc thế gian của Satan sẽ bị thay thế bằng vương
quốc Đấng Christ, là Đấng sẽ trị vì trên đất nầy. Thật quan trọng khi thấy phạm vi
chiến thắng của Đấng Christ sẽ chính là vương quốc của Satan, tức thế gian này. Đấng
Christ sẽ chiến thắng trên cùng một phạm vi mà Satan đã cai trị.
B. Sự Khoan Dung Do Thuận Cho Phép
Trong lúc này, Đức Chúa Trời cho phép sự phản loạn cứ tiếp diễn và thế gian cứ
tiếp tục phát triển. Chương trình của Ngài cho phép sự gian ác được hoạt động bình
thường, và sự nhịn nhục lâu dài của Chúa cho phép nhiều người được đến với lẽ thật
(Ro 2:4).
IV. CƠ ĐỐC NHÂN VÀ THẾ GIAN
A. Được Phân Rẽ Khỏi Thế Gian
Giacơ viết sự tin đạo thanh sạch ấy là giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian ( Gia 1:27).
Cùng một từ ngữ “khỏi sự ô uế” hoặc “không lỗi không vết” cũng đã được dùng cho
Đấng Christ trong IPhi 1:19. Như thế, sự phân rẽ của các Cơ đốc nhân ra khỏi thế gian có
nghĩa là giống như Đấng Christ trong thế gian này. Điều này bao gồm có những cái
nhìn của Chúa, những tiêu chuẩn của Chúa, mục đích của Chúa (làm theo ý muốn của
Đức Chúa Cha), những công việc của Chúa trong khi sống ở thế gian này. Phân rẽ khỏi
thế gian có nghĩa là chúng ta có thể nói mình luôn luôn làm những việc vui lòng Cha
(Gi 8:29). Đây mới là sự phân rẽ thật theo tinh thần Kinh Thánh.
B. Được Đặt Trong Thế Gian
Dĩ nhiên, dù phân rẽ khỏi thế gian, nhưng các tín hữu phải sống trong thế gian.
Như thế, chúng ta phải tiếp xúc với những điều gian ác và những con người gian ác xấu
xa. Cách duy nhất để tránh những sự tiếp xúc như vậy là phải “lìa khỏi thế gian” ( ICo
5:10). “Phân rẽ bằng cách tự sát” kiểu đó, Phaolô không hề khuyên!

Như vậy làm thế nào chúng ta có thể liên hệ phải lẽ với thế gian mà chúng ta đang
được đặt trong đó? Có hai nguyên tắc:
(1) Sử dụng nhưng không lạm dụng thế gian (7:31). Câu tóm tắt này ở trong mạch
văn Phaolô đề cập đến hôn nhân và sự độc thân, khóc lóc và vui mừng, có và không có
của cải. Lẽ chính đáng là: Dùng mọi điều này nhưng không lạm dụng hoặc dùng quá
mức. Đừng để hôn nhân chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu; đừng khóc lóc quá lâu; đừng quá
vui mừng đến nỗi không thể nghiêm trang; đừng để lòng tin cậy những vật bạn mua
cách chính đáng. Làm như vậy là lạm dụng thế gian. Cách dùng đúng đắn là có một
thái độ “một là chấp nhận, hai là khước từ” trong khi sử dụng những điều này.
(2) Thưởng thức nhưng đừng yêu mến những sự thuộc thế gian này (ITi 6:17; IGi
2:15). Dầu đây dường như là những nguyên tắc đối lập, nhưng không thể đối lập được,

158
bởi vì cả hai đều được tuyên bố rõ ràng. Điều Chúa ban cho chúng ta trong thế gian
này, chúng ta có thể vui hưởng cách phải lẽ, miễn chúng ta nhận thức rằng mọi sự đều
là không chắc chắn và sự nương cậy của chúng ta là vào nơi Đức Chúa Trời dù Ngài ban
cho chúng ta nhiều hay ít đi nữa (Phi 4:12; ITi 6:17).
Khi nào thì sự thưởng thức chính đáng trở thành lòng yêu mến không chính đáng?
Không thể nói cách chung chung được. Mỗi tín hữu sẽ phải xem xét những trường hợp
riêng của mình. Rõ ràng, nếu chúng ta xem bất cứ điều gì là thần tượng của mình, thì
chúng ta đang yêu mến điều đó một cách không chính đáng. Và hình tượng là bất cứ
điều gì trong bất cứ lúc nào án ngữ giữa tín hữu và lòng yêu mến Chúa của người ấy.
C. Được Trang Bị Đủ Cho Thế Gian
Các tín hữu có thể sống đắc thắng trong thế gian của Satan nhờ đức tin nơi Đấng
Christ, là Đấng đã đắc thắng Satan (IGi 5:4-5). Không có sự tình cờ nào gắn liền với lời
hứa trong những câu này. Mọi tín hữu, dù là tín hữu mới hay đã trưởng thành, đều
được đắc thắng chỉ vì người ấy là tín hữu.
“Cách dùng từ của Giăng ngăn ngừa được rất nhiều sai lầm. Mệnh đề đầu tiên trong
IGi 5:4 cho thấy sự đắc thắng này không phải là điều đến sau ơn cứu rỗi, bởi vì ‘ai được
sinh ra (gegennemenon, một thì hoàn thành bày tỏ một điều kiện sẵn có dựa trên một
hành động đã hoàn tất bởi Đức Chúa Trời’ là kẻ ‘đắc thắng (nika, một thì hiện tại nói
đến một khuôn mẫu đang diễn tiến của đời sống thế gian’ (bản dịch của tác giả). Theo
cách dùng hình thức quá khứ bất định (aorist) nikçsasa (đã đắc thắng), mệnh đề thứ
hai chứng tỏ rằng chiến thắng hôm nay dựa trên chiến thắng hôm qua; nghĩa là chiến
thắng của chúng ta dựa trên chiến thắng của Ngài. Cuối cùng, Giăng đối phó với sai
lầm cho rằng đức tin trừu tượng (đức tin không có đối tượng thích đáng) là đức tin hiệu
năng.... Đức tin đắc thắng được là đức tin bao gồm lòng tin cậy nơi Chúa Jesus (con
người này), là Con của Đức Chúa Trời.” (W. Robert Cook, The Theology of John
(Chicago: Moody, 1979, chú thích 115).
Chiến thắng đó sẽ đến trên cả những thói quen, những thói che giấu khuyết điểm,
những sinh hoạt, nhưng chính đức tin của chúng ta nơi Đấng Christ mới khiến chúng
ta là những tín hữu và nhờ đó trở thành những người chiến thắng, đủ để sống giống
như Đấng Christ trong thế gian thuộc về Satan nầy.

159
PHẦN VI: MA QUỈ: NHỮNG LINH Ô UẾ
Chương 26: SỰ THỰC HỮU CỦA MA QUỶ
Thế kỷ thứ hai mươi chứng kiến một bước ngoặt gần như hoàn toàn trong thái độ
đối với sự thực hữu của ma quỷ. Trong nửa đầu thế kỷ hai mươi, sự thực hữu của ma
quỷ thường bị phủ nhận; trong nửa thế kỷ sau, sự thực hữu của chúng lại được khẳng
định dễ dàng và phổ thông hơn. Rõ ràng sự gia tăng số lượng phù thủy và chiêm tinh
gia cũng như doanh số tăng vọt của những vật dụng đi kèm (kể cả các tạp chí thương
mại) đã góp phần tạo ra thay đổi nầy. Phim ảnh và sách báo nói về những sự việc ngoài
trái đất đã tạo bầu không khí thuận lợi hơn để chấp nhận ma quỷ.
I. LỜI CHỨNG CỦA THÁNH KINH
Thánh Kinh khẳng định không lập lờ về sự thực hữu của ma quỷ, dầu vậy không
phải mọi người tự xưng thuộc Cơ đốc giáo đều thừa nhận tính hiệu lực của bằng chứng
này. Hãy lưu ý kiểu tránh né sức mạnh của một số lời dạy dỗ của Thánh Kinh: “Ma quỷ
thường sống sót như những hình thái tu từ (ví dụ như “gremlins”: “quỷ lùn phá máy
móc,” là sinh vật giả tưởng và thường bị qui là thủ phạm phá hỏng máy móc) mãi rất
lâu sau khi chúng không còn là những nhân vật của tín ngưỡng. Do vậy, việc nhắc tên
của ma quỷ trong một bản văn Thánh Kinh không phải là lời chứng tất nhiên cho niềm
tin hiện còn hiệu lực nơi ma quỷ.” (T.H. Gaster, “Demon,” The Interpreter’s Dictionary
of the Bible [New York: Abingdon, 1976], 1:818).
A. Lời Chứng Của Đấng Christ
Nhiều lần trong thời gian thi hành chức vụ tại thế, Chúa chúng ta đã đuổi quỷ ra
khỏi nhiều người khác nhau. Những trường hợp này dĩ nhiên khẳng định niềm tin của
Ngài nơi sự thực hữu của ma quỷ (Mat 12:22-29; 15:22-28; 17:14-20; Mac 5:1-16). Ngài cũng
ban cho môn đồ quyền đuổi quỉ trong một bối cảnh không đòi hỏi phải có sự điều chỉnh
cho thích nghi với niềm tin thiếu hiểu biết của họ về ma quỉ (Mat 10:1) - như có người đã
đề xướng. Chúa chúng ta cũng không hề sửa sai bất cứ ai vì cớ họ chấp nhận sự thực
hữu của ma quỉ (Lu 10:17).
Nếu không thể chấp nhận sự chứng thực của Chúa Jesus, thì chúng ta sẽ phải kết
luận hoặc: (a) Ngài đã dối trá, hoặc (b) Ngài đang điều chỉnh sự dạy dỗ của Ngài cho
thích nghi với sự thiếu hiểu biết của những người nghe Ngài (trên thực tế điều này
khiến Ngài phạm tội truyền bá điều dối giả), hoặc (c) Những người biên tập của Hội
Thánh đầu tiên đã thêm vào bản văn Kinh Thánh những phần nói đến sự dạy dỗ của
Ngài về ma quỉ.
B. Lời Chứng Của Những Phần Khác Trong Tân Ước

160
Mọi trước giả Tân Ước (ngoại trừ trước giả thơ Hêbơrơ) đều nhắc đến ma quỉ, tổng
cộng có trên 100 phân đoạn Kinh Thánh. Ví dụ hãy xem: ICo 10:20-21; Gia 2:19; Kh 9:20.
Những phần Kinh Thánh này đều dùng từ ngữ daimonion. Những câu Kinh Thánh khác
nói đến ma quỉ thì dùng từ “thiên sứ” và “linh.” Cũng hãy để ý rằng ma quỉ được nhắc
đến trong sách đã được viết ra đầu tiên (Giacơ) và cuối cùng (Khải Huyền).
C. Lời Chứng Của Cựu Ước
Cựu Ước ít nhắc đến ma quỉ hơn nhiều. Shedhim trong Phu 32:17 và Thi 106:37 đã là
những thần tượng chủ tể mà người Hêbơrơ xem như các biểu tượng thấy được của ma
quỉ. Seirim trong Le 17:7; IISu 11:15; Es 13:21 và 34:14 cũng là những khái niệm về ma quỉ.
Muốn chối bỏ sự thực hữu của ma quỉ đòi hỏi phớt lờ hay phủ nhận chân lý của rất
nhiều phân đoạn trong Kinh Thánh.
II. NGUỒN GỐC CỦA MA QUỈ
Có nhiều gợi ý khác nhau về nguồn gốc của ma quỉ.
A. Chúng Là Linh Hồn Của Những Người Gian Ác Đã Chết
Quan điểm này dường như đến từ niềm tin Hy lạp cổ xưa, tin ma quỉ là những linh
hồn đã lìa khỏi xác của người đã chết, đặc biệt là những người ác độc khi còn sống.
Điều này không hề có hậu thuẫn nào từ Kinh Thánh, vì Kinh Thánh luôn luôn đặt người
chết chưa được cứu như thể bị giam trong nơi đau khổ, không thể trở về để lang thang
trên đất này (Thi 9:17; Lu 16:23; Kh 20:13).
B. Chúng Là Linh Hồn Lìa Khỏi Xác Của Chủng Tộc Trước Ađam
Quan điểm này xem Satan lúc đầu cai trị trên một địa cầu hoàn hảo và một giống
người thời trước Ađam. Khi Satan phạm tội nghịch với Đức Chúa Trời, chủng tộc người
này bằng cách nào đó đã dự phần phản loạn với hắn. Họ mất thân thể và trở thành
những linh hồn không có thân xác hay là ma quỉ (G. H. Pember, Earth’s Earliest Ages
(New York: Revell, ca. 1900, trang 72-3). Quan niệm này phân biệt giữa mọi thiên sứ,
thiện cũng như xấu, và ma quỉ. Quan niệm nêu hậu thuẫn của mình là: ma quỉ luôn tìm
kiếm sự hiện thân, vì vậy nói lên chúng là những linh hồn không có thân xác. Nhưng
sự kiện đơn giản phản đối quan điểm này là: Thánh Kinh không có nơi nào ám chỉ sự
hiện hữu của một dòng giống trước Ađam. Thật ra, Chúa tuyên bố Ađam là con người
đầu tiên (Mat 19:4). Kinh Thánh cũng không chỗ nào nói người đã qua đời được tự do để
trở lại thế giới này.
C. Chúng Là Dòng Dõi Của Sự Kết Hiệp Được Nêu Trong Sa 6:1-4
Để gợi ý này có giá trị thì phải có ít nhất hai giả định sau: (a) Các con trai của Đức
Chúa Trời là những thiên sứ, và (b) Dòng dõi được sinh ra này không phải là loài người.

161
Nói các con trai của Đức Chúa Trời là thiên sứ, thì đấy là quan điểm khả dĩ, nhưng nói
dòng dõi ấy là ma quỉ thì không chắc. Nói như vậy tức là sẽ phải bảo rằng hậu tự đã là
người lai: nửa người và nửa thiên sứ (hoặc là người Nêphilim (cao lớn) hoặc những
người mạnh dạn có danh của câu 4), là những kẻ bị hủy diệt trong trận Đại Hồng Thủy
và bấy giờ những linh hồn không có thân xác của họ trở thành ma quỉ.
D. Chúng Là Những Thiên Sứ Sa Ngã
Quan điểm này cho rằng ma quỉ là những thiên sứ cùng phản loạn với Satan. Có
những nhận định sau hậu thuẫn quan điểm này.
Satan được gọi là chúa của các quỉ (Mat 12:24), nói lên rằng bởi vì Satan kẻ lãnh đạo
của chúng là một thiên sứ, ma quỉ cũng phải là những thiên sứ, nhưng đã sa ngã cũng
như Satan.
Chúng ta biết Satan đã tổ chức tốt những cấp bậc thiên sứ, và các thiên sứ ấy tiến
hành các mục đích của hắn. Hai trong số những cấp bậc này được gọi là các kẻ cầm
quyền và các thế lực, tức là mang cùng danh hiệu với hai trong số hàng ngũ các thiên
sứ thiện (Eph 3:10; 6:12). Điều này có vẻ cho thấy cùng một dòng giống các hữu thể hợp
nên thành viên của những hàng ngũ này, và vì thế các hữu thể gian ác là những thiên
sứ sa ngã.
Có rất nhiều chỗ gọi ma quỉ là các linh (dù là những linh ô uế), điều nầy liên hệ
chúng với thế giới linh của các thiên sứ chứ không phải con người. Ví dụ như con quỉ
được nhắc đến trong Mat 17:18 được gọi là một tà linh trong câu chuyện tương đồng ở
Mac 9:25. Sự kể là bình đẳng tương tự về ma quỷ và các linh được thấy ở Lu 10:17-20.
Cũng vậy, theo Mat 8:16, Chúa đã chữa lành nhiều người bị tà ma ám bằng cách đuổi
những tà linh ra khỏi họ.
Chúng ta phải công nhận không chỗ nào trong Kinh Thánh trực tiếp gọi ma quỷ là
các thiên sứ sa ngã, nhưng những chứng cứ vừa nêu dường như kết luận rằng đấy là
các thiên sứ sa ngã.
III. SỰ GIAM CẦM MỘT SỐ THIÊN SỨ SA NGÃ
Kinh Thánh nêu rõ hai nhóm thiên sứ sa ngã, một nhóm gồm những thiên sứ được
tự do để thực hiện chương trình của Satan, một số khác bị giam cầm. Trong số thiên sứ
bị giam, một số bị giam tạm thời, còn một số khác bị giam vĩnh viễn trong Tartarus
(IIPhi 2:4 và Giuđe 6). Người Hy lạp cho rằng Tartarus là nơi hình phạt sâu hơn âm phủ
(hades). Những thiên sứ bị giam tạm thời thì ở trong vực sâu (Lu 8:31; Kh 9:1-3,11), một
số dường như bị giam ở đó chờ sự phán xét sau cùng còn một số khác được thả để hoạt
động trên đất (các câu 1-3,11,14; 16:14).

162
Tại sao có một số phải ở Tartarus? Nếu là hậu quả của tội phản loạn lúc ban đầu của
chúng cùng với Satan, thì tại sao không phải là toàn thể thiên sứ sa ngã đều ở đây? Và
tại sao không có chính Satan ở đó nữa? Sự giam cầm một số thiên sứ sa ngã tại Tartarus
chắc phải là hình phạt cho một số tội nào khác hơn tội nguyên thủy, và là một tội độc
đáo. Một số người gợi ý đó là tội trái lẽ tự nhiên trong Sa 6:2-4 của một số thiên sứ sa
ngã (được gọi là “các con trai Đức Chúa Trời” trong đoạn này) khiến họ phải bị giam ở
Tartarus.
Dầu các thiên sứ không sinh sản thêm các thiên sứ khác (có nghĩa không sinh ra
các thiên sứ con), nhưng có lẽ đã được phép ăn ở với các người nữ như trong một
trường hợp nầy để sinh ra dòng dõi loài người. Tuy nhiên, tính chất ngoại lệ của sự cho
phép nầy - là điều trái ngược với tất cả những gì chúng ta biết về thiên sứ và hôn nhân -
tạo thành một nhược điểm trong quan điểm nầy. Nhưng nếu việc ấy được cho phép
trong duy nhất một trường hợp nầy, thì nó chỉ nhấn mạnh tính độc nhất vô nhị của tội
lỗi ghê gớm phi thường này, và hậu quả là các thiên sứ dự phần phải bị giam vĩnh viễn
trong ngục Tartarus. Và dĩ nhiên, những người can dự vào tội đó bị chết mất trong trận
Đại Hồng Thủy. Những quan điểm khác về “các con trai của Đức Chúa Trời” bao gồm
(a) dòng dõi thánh của Sết đã cùng ăn ở với những người nữ không thờ kính Chúa
thuộc dòng dõi Cain, và (b) những vị vua trong dòng dõi Cain. Nhược điểm của (a) là ở
chỗ cần phải tin dòng dõi thánh và dòng dõi gian ác đã được giữ riêng biệt trải biết bao
năm trước khi biến cố trong Sáng Thế Ký đoạn 6 diễn ra. Nhược điểm của (b) (quan
điểm được gợi ý trong sách giải nghĩa Targum tiếng Aram) là không có chứng cứ chứng
minh ở thời điểm này đã có một hệ thống các nhà cai trị theo thể chế quân chủ trong
dòng dõi Cain. Dầu cá nhân tôi thiên về quan điểm thiên sứ sa ngã, nhưng đây là nan
đề giải nghĩa mà chúng ta không giải quyết được.
Cho dù ai phạm tội đó đi nữa, thì tội cụ thể được kể ở đây là gì? Có ba câu trả lời
khả dĩ: (1) Nếu các thiên sứ can dự, thì đây là tội thiên sứ ăn ở với loài người. (2) Nếu
các con trai Đức Chúa Trời là loài người, thì đây là tội cưới gả bừa bãi bất kể tình trạng
thuộc linh (nếu là dòng dõi Sết) hoặc thân phận vương tôn (nếu các vua có can dự). (3)
Đây là tội đa thê vì câu 2 có thể hiểu theo nghĩa là họ (dù là ai đi nữa) đã cưới mọi
người vợ nào vừa ý mình (xem thêm 4:19). Dòng dõi sinh ra là những người mạnh khỏe
và tinh thông trận mạc (người nêphilim có lẽ đã sống trên đất trước những cuộc hôn
nhân nầy và không phải là kết quả của dòng dõi đó).
Để tóm tắt dữ kiện về sự thực hữu, nguồn gốc và sự giam cầm của một số thiên sứ
sa ngã, có thể lập biểu đồ các khái niệm này như sau:

163
Chương 27: MA QUỶ RA SAO?
Vì ma quỷ thuộc cùng một loại hữu thể như thiên sứ và Satan, nên mọi tạo vật này
có rất nhiều điểm chung.
I. BẢN CHẤT CÁ NHÂN CỦA CHÚNG
A. Chúng Là Những Thân Vị Thật Sự
Ma quỷ không phải là những sức mạnh hay khái niệm chỉ có trong trí chúng ta. Ma
quỷ hiện hữu; sự thực hữu của chúng không lệ thuộc sự hiện hữu và khả năng của con
người để nhận thức về chúng.
1. Lý trí: Chúng có lý trí, chúng biết Chúa là Đấng nào khi Ngài còn sống trên đất
(Mac 1:24) và cũng biết số phận cuối cùng của chính chúng nữa (Mat 8:29). Chúng cũng
biết chương trình cứu chuộc là gì dầu không thể tiếp nhận được chương trình đó.
Chúng cũng tin có chỉ một Đức Chúa Trời (Gia 2:19).
2. Tình cảm: Chúng có thể biểu lộ tình cảm, đặc biệt khi đối diện với sự đoán xét (Lu
8:28; Gia 2:19).

3. Ý chí: Chúng có thể diễn tả ý muốn của chúng (Lu 8:32).


4. Thân vị tính: Chúng được mô tả bằng đại danh từ nhân xưng (các câu 27-30).
B. Chúng Là Những Hữu Thể Thuộc Linh
Trái với những hữu thể thịt và huyết, ma quỉ là những hữu thể thuộc linh (Eph 6:12).
Tuy nhiên, chúng bị giới hạn vào một vùng nhất định, vì là những tạo vật, nên chúng
hữu hạn chứ không vô hạn như Đức Chúa Trời. Thông thường, loài người không thể
thấy được chúng, dù vậy thỉnh thoảng, sự hiện diện của chúng lộ rõ qua nhiều phương
tiện khác nhau (Cong 19:15; Kh 9:1-12; 16:13).
II. BẢN CHẤT LÝ TRÍ CỦA CHÚNG
Ma quỉ tỏ ra rất thông minh, đúng như mong đợi từ những hữu thể thuộc đẳng cấp
cao như thế. Chúng biết Chúa Jesus là ai (Mac 1:24). Chúng nhận thức được số phận sau
cùng của chúng (Mat 8:29). Chúng biết chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất (Gia 2:19).
Chúng phát triển và đẩy mạnh những hệ thống đạo lý (ITi 4:1-3), một hoạt động rõ ràng
sẽ gia tăng khi kỳ cuối cùng hầu đến.
Sự thông minh có thể được nâng cao nhờ kinh nghiệm. Dĩ nhiên mỗi con quỉ đã tồn
tại suốt dòng lịch sử con người. Dầu mỗi quỉ riêng lẻ đã không quan sát hết mọi sự diễn
ra trong suốt lịch sử, nhưng tuổi trường thọ của chúng đã bổ sung thêm chiều kích
thông minh vốn đã có sẵn của chúng. Chúng quan sát loài người trong hầu như mọi

164
hoàn cảnh có thể nghĩ ra được; vì thế, chúng có thể đoán chính xác mỗi cá nhân sẽ
hành động thế nào trong hầu hết các trường hợp.
III. BẢN CHẤT VÔ ĐẠO ĐỨC CỦA CHÚNG
A. Trong Bản Thể Của Chúng
Ma quỉ thường được gọi là những “tà ma” (Mat 10:1), là những “quỷ dữ” (Lu 7:21),
trong một chỗ khác được gọi là “linh của một quỉ ô uế” (Lu 4:33), và “những thần dữ”
(Eph 6:12). Mọi từ ngữ này cho thấy rõ bản chất vô đạo đức của ma quỷ.
B. Trong Những Mục Tiêu Của Chúng
Vô đạo đức là bất cứ điều gì không thích hợp với điều tốt, nhưng rốt cuộc điều tốt
phải được định nghĩa có liên hệ với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vì vậy, những hoạt động
vô đạo đức của ma quỉ có lẽ bao gồm mọi sự nghịch lại với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Sau đây là vài nghiên cứu của một người đã dấn sâu vào thông linh thuyết:
“Các linh mà tôi đã gặp trong những buổi cầu hồn hầu hết là rất mực đạo đức.
Chúng khích lệ chúng tôi đừng hút thuốc uống rượu hay làm bất cứ điều gì hại cho tâm
trí và thân thể chúng tôi. Các tư tế được truyền phải giảng về nề nếp đạo đức, những
cung cách đối xử tốt và lòng tự hào công dân. Tôi biết có các tư tế thật sự đã có những
sứ điệp của thần linh được những thư ký của họ ghi lại rồi sau đó rao ra trên bục giảng!
Các linh thường hay nói về một Jesus đạo đức, nhưng không hề nói về Đấng Cứu Thế
chịu chết thay để làm của lễ đền chuộc tội lỗi.
“Trái ngược với âm điệu đạo đức luân lý cao cả trong các buổi cầu hồn tại nhà
chúng tôi, tôi có dự một số nơi mà các linh ở đó thật báng bổ và dâm dật.” (Victor H.
Ernest, I Talked With Spirits (Wheaton: Tyndale, 1970, trang 38).
Những mục đích vô luân của ma quỷ phải gồm cả cổ súy cho sự vô luân ác lẫn vô
luân thiện. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục đích và ước muốn của Satan nhằm
giả mạo những điều chân thật.
IV. NHỮNG QUYỀN LỰC CỦA CHÚNG
A. Sức Mạnh Của Chúng
Nhiều khi ma quỷ có thể bày tỏ sức mạnh siêu phàm khi hành động qua con người.
Người điên bị quỷ ám ở Giêrasê đã có thể bẻ mọi xiềng và cùm trói buộc người ấy ( Mac
5:3). Các con trai của Sêva đã bị áp đảo bởi người bị quỷ ám trong Cong 19:16.

B. Trí Thông Minh Của Chúng


Tôi đã đề cập sự thông minh siêu phàm của chúng. Nhưng luôn có thắc mắc này:
Ma quỷ có biết tương lai không? Chắc chắn chúng hiểu được chương trình của Đức

165
Chúa Trời cho tương lai khi thấy điều đó trong Kinh Thánh. Có phải Cong 16:16 cho thấy
chúng có thể đoán trước tương lai? Rõ ràng là không, vì chữ “bói khoa” (fortune –
telling), chỉ được dùng ở đây trong Tân Ước mà thôi, phải được hiểu theo nghĩa xấu; tức
là “giả vờ nói trước tương lai.” Khi được dùng trong Bản Bảy Mươi, chữ này luôn nói
đến những lời của các tiên tri giả hoặc những người thực hiện mưu kế gian ác bị Luật
Pháp cấm.
C. Sự Hiện Diện Của Chúng
Ma quỷ không vô hạn; chúng bị giới hạn và chúng là những tạo vật, dẫu chúng là
những tạo vật siêu phàm. Hiển nhiên chúng không có mặt khắp mọi nơi; dầu vậy
chúng không bị giới hạn như con người bởi những rào cản thông thường của không
gian (Lu 8:30 – một quân đoàn ma quỷ ở trong một người). Chính sự kiện ma quỷ có thể
nhập vào thân xác của con người hay súc vật nói lên chúng có thể vượt qua những rào
cản vốn hạn chế con người.
Tuy nhiên, chính số lượng rất đông đảo của ma quỷ có thể khiến chúng dường như
hiện diện khắp mọi nơi, dù không phải như vậy. Thế nhưng, Satan cộng tác với chúng
nên có thể dùng số đông của ma quỷ để cố gắng đẩy mạnh kế hoạch của hắn khắp mọi
nơi.
Tóm lại: Ma quỷ không phải là con người; cũng không phải là Đức Chúa Trời.
Nhưng chúng thật siêu phàm, có trí thông minh, từng trải và những quyền lực vượt
trội. Phủ nhận sự thực hữu của ma quỷ không phải là chủ nghĩa hoài nghi, mà chỉ phô
bày sự thiếu hiểu biết. Thiếu thực tiễn trước quyền lực của chúng là thật liều lĩnh dại
dột.

166
Chương 28: MA QUỶ LÀM GÌ?
I. ĐỐI VỚI SATAN
Ma quỷ thường hành động như phái viên hay sứ thần của Satan để phát triển mạnh
mục tiêu cản trở chương trình của Đức Chúa Trời. Dầu Satan chịu những giới hạn của
loài thọ tạo, nhưng ma quỷ mở rộng quyền lực và những hoạt động của Satan thật lớn
lao. Thật ra, nhiều khi có vẻ Satan được hưởng quyền vô sở bất tại và vô sở bất tri, dầu
trong thực tế thì không. Đó chỉ là những quỷ sứ mở rộng hoạt động của Satan nhiều
đến nỗi có lẽ người ta nghĩ chính Satan đang làm mọi điều đó (Eph 6:11-12).
II. ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
A. Chúng Chống Lại Chương Trình Của Đức Chúa Trời
Khi đã chọn cùng Satan chống Đức Chúa Trời rồi, ma quỷ tiếp tục chống lại những
mục đích của Đức Chúa Trời trên thế gian nầy (Da 10:10-14; Kh 16:13-16).
B. Chúng Có Thể Được Đức Chúa Trời Dùng Để Thực Hiện Những Mục Tiêu Của
Ngài
Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời có thể dùng ma quỷ để tiến hành các mục đích của
Ngài. Ngài đã sai một ác thần đến khuấy động dân Sichem chống Abimêléc (Cac 9:23).
Ngài dùng một ác thần hành phạt Saulơ bị loạn tâm trí đến độ gần như điên ( ISa 16:14).
Ngài sai một thần lừa dối đến để khống chế các tiên tri và cho Aháp lời khuyên sai
(IVua 22:22). Ngài dùng một quỷ sứ làm khổ Phaolô để ông khỏi trở nên quá kiêu ngạo
(IICo 12:7). Vì ma quỷ là loài thọ tạo, chúng phải khai trình với Đức Chúa Trời, và vì thế
chúng có thể được Chúa sử dụng khi Ngài muốn.
III. ĐỐI VỚI TÔN GIÁO
A. Chúng Đẩy Mạnh Sự Thờ Hình Tượng
Để chống nghịch Đức Chúa Trời, ma quỷ tích cực cố hướng con người đến sự thờ
hình tượng. Điều nầy thật đúng trong thời Cựu Ước (Le 17:7; Phu 32:17; Thi 106:36-38).
Ngày nay điều đó cũng đúng (ICo 10:20), và thờ lạy ma quỷ hiển nhiên sẽ trở nên lan
tràn trong thời Đại Nạn sắp đến (Kh 9:20).
B. Chúng Đẩy Mạnh Những Tôn Giáo Giả
1. Chúng dạy dỗ về một đấng cứu tinh vô giá trị: Giăng cảnh báo độc giả phải thử
các thần, vì ma quỷ tác động trên những tiên tri giả (IGi 4:1-4). Một phương pháp thử
nghiệm chủ yếu về giáo lý chính thống (dù vậy không phải là phương pháp thử nghiệm
duy nhất) là sự khẳng định thực tại về Sự Nhập Thể; vì nếu Đấng Christ đã không tự
mang lấy một thân thể con người thì Ngài không thể chịu chết và không thể làm Cứu
Chúa của chúng ta được.

167
Phaolô cũng cảnh báo cuộc công kích Sự Nhập Thể nầy trong những sự dạy dỗ về
ma quỷ (ITi 3:16-4:3). Nếu 3:16 là lời tóm tắt chân lý chứa đựng trong phần có thể là
thánh ca của những Cơ đốc nhân đầu tiên, thì chúng ta có thể cho rằng ma quỷ không
những chỉ công kích Sự Nhập Thể, mà còn tấn công sự phục sinh và thăng thiên lịch sử
của Chúa chúng ta.
2. Chúng Dạy Sự Cứu Rỗi Bởi Việc Làm: Đây có vẻ là ý chính của 4:3-4. Bằng cách
quảng bá chủ nghĩa khổ hạnh như một việc lành, chúng thay thế ân điển của Đức Chúa
Trời bằng một chương trình làm việc lành để được cứu rỗi.
3. Chúng Dạy Một Nền Đạo Đức Trụy Lạc: Không lạ gì “những điều sâu hiểm của
quỷ Satan” được các quỷ sứ của hắn cổ súy, chủ yếu cố dạy rằng điều sai là đúng ( Kh
2:20-24).

IV. ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC


Da 10:13 thuật lại vua nước Pherơsơ chống cự sự hiện ra của một thiên sứ thiện để
đem sứ điệp đến cho Đaniên. Đến lượt vua đó bị thiên sứ trưởng Micaên chống cự, điều
đó nói lên vị vua này hẳn phải là một quỷ sứ đầy quyền lực. Ngay trước trận
Hamaghêđôn, ma quỷ sẽ xúi giục các lãnh đạo của các nước chuẩn bị chiến dịch quân
sự đó (Kh 16:13-16). Dường như có trận chiến giữa các thiên sứ và ma quỷ liên quan đến
vấn đề của các nước trên địa cầu này. Lừa dối các quốc gia là một phần trong kế hoạch
chính của Satan, và hắn sử dụng ma quỷ để tiến hành. Ý nghĩa của điều này trên chính
trường quốc tế làm choáng váng trí tưởng tượng mọi người, vì không có cớ gì để không
tin chuyện ấy vẫn đang tiếp diễn ngày nay.
V. ĐỐI VỚI CON NGƯỜI
A. Làm Đau Khổ
Ma quỷ có thể gây ra những bệnh tật trên cơ thể (Mat 9:33, chứng câm; 12:22, mù và
câm; 17:15-18: chứng động kinh). Chúng cũng có thể khiến cho rối loạn tâm trí (Mac 5:4-
5; 9:22; Lu 8:27-29; 9:37-42). Chúng có thể dự phần giết chết người ta (Kh 9:14-19). Dĩ nhiên
không phải mọi bệnh tật trong cơ thể hoặc tâm trí đều do ma quỷ làm; Thánh Kinh thật
sự phân biệt những bệnh tự nhiên với những bệnh do ma quỷ (Mat 4:24; Mac 1:32,34; Lu
7:21; 9:1).

B. Làm Bại Hoại


Ma quỷ còn được gọi là các tà linh, sự kiện này chứng tỏ mọi công việc của chúng
đều làm bại hoại những điều trong sạch, đáng tôn quí và đúng đắn. Ma quỷ muốn làm
bại hoại con người bằng cách khiến họ bỏ kế hoạch của Đức Chúa Trời để đến với kế
hoạch của Satan. Đôi khi ma quỷ làm việc này bằng cách đẩy mạnh hệ thống giáo lý và
nếp sống bại hoại nhưng có vẻ như tốt đẹp cho con người (ITi 4:1-3). Đôi khi chúng thực

168
hiện bằng cách quảng bá và đẩy mạnh những hoạt động xấu xa ô uế (Phu 32:17; Thi
106:37-39). Sự gian dâm vô luân của người Canaan có vẻ bắt nguồn từ hoạt động của ma
quỷ (Le 18:6-30; Phu 18:9-14).
C. Ám Vào Người
1. Định nghĩa: Quỷ ám là tình trạng một người bị một (hay nhiều) quỷ điều khiển
trực tiếp bằng cách quỷ ở trong người đó. Mọi người, cả người tin Chúa lẫn chưa tin,
đều chịu ảnh hưởng và bị tác động bởi hoạt động của ma quỷ, nhưng không phải mọi
người đều bị quỷ ám. Để so sánh, ảnh hưởng của ma quỷ so với quỷ ám cũng giống như
ơn quan phòng tổng quát so với những phép lạ đặc biệt. Những cá nhân bị quỷ ám
không thể tự dứt mình khỏi quyền kiểm soát của ma quỉ.
Cụm từ “bị quỷ ám” hay “bị quỷ chiếm hữu” xuất hiện 13 lần trong Tân Ước, tất cả
đều ở trong các sách Phúc Âm (ví dụ như Mat 4:24; 12:22; Mac 5:15-18; Lu 8:36; Gi 10:21).
Chính hiện tượng này cũng được mô tả bằng những từ ngữ như “đuổi ra” hoặc “ra khỏi”
(Mac 1:25-26; 9:25). Sau Ngày Lễ Ngũ Tuần, tình trạng bị quỷ ám và đuổi quỷ chỉ được
nhắc đến trong Cong 5:16; 8:7; 16:16-18; 19:12. Ân tứ thuộc linh để phân biệt các thần (ICo
12:10) rất có thể nói đến ơn tứ phân biệt nguồn gốc đúng hay sai của sự khải thị siêu
nhiên khi sự khải thị đó được ban cho dưới dạng lời nói, chứ không phải là khả năng
đuổi quỷ ra khỏi con người.
2. Những Đặc Điểm: Đặc điểm của tình trạng bị quỷ ám có thể đa dạng như các hoạt
động của ma quỷ, từ chỗ dịu đến hung dữ và thậm chí kỳ quái nữa. Trong các bản ký
thuật không mô tả nhiều về hiện những triệu chứng cụ thể của quỷ ám, nhưng chúng
gồm những điều sau: những tình trạng bất thường của cơ thể như câm, mù và co giật
dữ dội (Mat 9:32; 12:22; Lu 9:39); những khuynh hướng tự hủy hoại mình (Mac 5:5; Lu 9:42);
tình trạng điên dại (ít nhất dân chúng cũng đã tin ma quỉ có thể gây ra điều này, Gi
10:20); sức mạnh siêu phàm (Mac 5:3-4); và những quyền lực của tà thuật (Cong 16:16-18).
Mặc dù ma quỷ có thể làm những điều nầy trong con người, nhưng không phải mọi thứ
bệnh đều do công việc của ma quỷ. Bác sĩ Luca phân biệt rõ ràng những bệnh do ma
quỷ gây ra với những bệnh tật do những nguyên nhân khác tự nhiên hơn (Cong 5:16).
Dưới đây là phần mô tả tình trạng quỷ ám voodoo tại nước Haiti.
“Đối tượng lâm vào tình trạng xuất thần (thường là sau những cơn co giật),
trong trạng thái này, một trong những loa nhập vào cơ thể người ấy và ‘cưỡi’ cơ thể ấy.
Cá tánh người bị thay thế bằng cá tánh siêu phàm, những đặc điểm của người đó thay
bằng những đặc tính của thần linh (giống cái hay giống đực, thiện hoặc ác, già hoặc trẻ,
xảo quyệt hay thành thật), và cổ họng của người đó thốt lên những lời của loa, một số
tiếng nói ấy bằng ‘những ngôn ngữ lạ’ hoàn toàn không hiểu được. Tình trạng bị ám có
thể kéo dài nhiều phút, nhiều giờ hoặc có đôi khi nhiều ngày, trong thời gian đó người

169
bị linh này ám được nuôi bằng những thức ăn thức uống mà linh đó ưa thích (thường là
hoàn toàn không thể tiêu hóa được đối với những người không bị ám) và được dâng
những thú tiêu khiển của thần linh ấy. Sau đó, người này không còn nhớ gì về hành vi
như một vị thần của mình.” (Carter Harman, “The West Indies,” Life World Library
(New York: Time, Inc., 1963, trang 53- 4).
3. Trách Nhiệm: Thánh Kinh có rất ít lời giải thích về điểm này. Những lời cảnh báo
phải luôn tỉnh thức canh giữ và chống lại những tấn công của ma quỷ hàm ý nếu
không làm như vậy sẽ khiến người ấy có khả năng bị kiểm soát bởi Satan và những quỷ
sứ của nó. Như vậy, một cá nhân có lẽ chịu trách nhiệm về điều đưa đến hậu quả bị
quỷ ám vì mở đường cho những tấn công khởi đầu của Satan.
Tuy nhiên, trường hợp của đứa bé trai bị quỷ ám từ lúc còn nhỏ có vẻ cho thấy đây
là tình trạng mà cậu không kiểm soát được (Mac 9:21). Và chắc chắn cái giằm xóc trong
xác thịt của Phaolô không phải là điều ông tự đem đến cho mình, mà do Đức Chúa Trời
dùng ma quỷ để gây ra (IICo 12:7).
4. Phạm vi: Tình trạng quỷ ám giới hạn cho người chưa tin, hay cũng có thể mở
rộng ra cho cả tín hữu? Nói cách khác, ngày nay Cơ đốc nhân có thể bị quỷ ám không?
Lập luận phản đối tình trạng tín hữu có thể bị quỷ ám thường dựa trên sự kiện có
Thánh Linh ngự trị trong lòng tín hữu đó. Nói cách khác, vì Thánh Linh ngự trong tín
hữu, nên không thể nào Satan hay ma quỷ cũng đồng thời cư trú và ám tín hữu đó
được. Nhưng chẳng phải Thánh Linh và xác thịt tranh chiến với nhau bên trong tín hữu
sao? (Ga 5:16-17). Nếu lập luận rằng con người cũ đã bị đoán xét rồi (Ro 6:6), thì cũng có
thể nói Satan cũng đã bị đoán xét nữa (Gi 12:31). Cho nên nếu Thánh Linh và xác thịt,
người mới và người cũ có thể đồng thời hiện diện trong tín hữu, tại sao Thánh Linh và
Satan (hay ma quỷ) lại không thể đồng thời hiện diện?
Những câu Kinh Thánh được trưng dẫn để hậu thuẫn quan điểm cho rằng tín hữu
có thể bị quỷ ám thường là: ISa 16:13-14; Lu 13:11-16; Cong 5:3; ICo 5:5; IICo 11:14; và 12:7.
Nhưng khi khảo sát những câu này thì chúng không chứng minh tín hữu có thể bị quỷ
ám. Có lẽ cần phải đặt lại câu hỏi. Thay vì hỏi: Tín hữu có thể bị quỷ ám không? chúng
ta cần phải hỏi: Satan hay ma quỷ có thể hành động từ trong lòng cũng như từ bên
ngoài tín hữu hay không. Nói cách khác, căn cứ hoạt động của Satan hay ma quỷ có thể
là nằm bên trong cũng như bên ngoài một tín hữu được không?
Câu Kinh Thánh trong ISamuên nói một ác thần đã khuấy phá Saulơ, nhưng không
nói ra căn cứ hoạt động. Chúng ta cũng không biết đích xác tình trạng thuộc linh của
Saulơ trước mặt Đức Chúa Trời. Luca qui dị tật của người nữ này cho ma quỷ, và Chúa
đã gọi bà là “con gái của Ápraham.” Một số người hiểu rằng đây là một trường hợp rõ
ràng về ma quỷ hành động trong một tín hữu. Tuy nhiên, không chắc “con gái

170
Ápraham” có ám chỉ tín hữu hay không, hay chỉ nói lên rằng bà là một người trong
tuyển dân của Đức Chúa Trời, là dân Ysơraên. Rõ ràng bà không phải là Cơ đốc nhân
theo nghĩa hậu Lễ Ngũ Tuần của từ ngữ này.
Hình phạt cho người anh em phạm tội trong ICôrinhtô 5 liên quan việc phó người
cho Satan (cũng xem ITi 1:20). Nhưng người ta vẫn còn tranh cãi xem liệu điều nầy có
nghĩa Satan và các quỷ hành động trong đời sống người ấy, hoặc người ấy hiện đang bị
đặt ra ngoài vòng thông công và bảo vệ của hội thánh để bị phó vào địa hạt của Satan
và thế gian. Một “linh khác” trong IICo 11:4 không phải là một quỷ sứ, chẳng khác nào
“một Jesus khác” trong câu này cũng không phải là ma quỷ vậy. Đây là một Phúc Âm
khác chỉ đem đến ách nô lệ. 12:7 không nói đến căn cứ hoạt động cho sứ giả của Satan
(một quỷ sứ) mà Chúa sai đến làm khổ Phaolô. Dù kết quả là giằm xóc trong xác thịt,
điều nầy vẫn không có nghĩa ma quỷ phải cư ngụ trong Phaolô.
Cong 5:3 rõ nói Satan đầy dẫy trong lòng Anania để khiến ông nói dối Đức Thánh
Linh. Từ ngữ “đầy dẫy” là từ cũng được dùng trong Eph 5:18 về sự đầy dẫy Đức Thánh
Linh. Vì không có cớ nào để đừng tin Anania là Cơ đốc nhân, nên đây là câu tuyên bố rõ
ràng Satan thật sự đã đầy dẫy trong lòng Cơ đốc nhân. Tại đây không thấy nói gì về ma
quỷ, tuy vậy, có thể cho rằng nếu Satan đầy dẫy lòng ông thì các quỉ hẳn cũng đầy dẫy
được.
Làm sao đánh giá được chứng cứ này? Sau đây có hai gợi ý: Trước hết, chúng ta cần
phải loại bỏ những cụm từ như “quỷ ám,” “quỷ nhập” và “quỷ cư ngụ trong” khi đưa ra
những khái niệm cho tín hữu, vì chúng ta có khuynh hướng lý giải thêm vào những từ
này chính ý tưởng chúng ta có về việc Thánh Linh ngự trong lòng (tức là sự cư trú lâu
dài trong tín hữu). Cả Satan lẫn ma quỷ đều không thể ngự vĩnh viễn trong tín hữu hay
chiến thắng tối hậu trên người đó, dầu chúng có thể thống trị hoặc điều khiển đời sống
tín hữu một thời gian. Một tín hữu có thể bị phó cho quỷ Satan để hủy hoại phần xác
thịt, nhưng linh hồn sẽ được cứu trong Ngày của Chúa Jesus (ICo 5:5). Bất luận Satan
hay ma quỷ có làm gì được một tín hữu, và bất luận căn cứ hoạt động của chúng từ bên
trong hay từ bên ngoài đi nữa, sự kiểm soát của chúng không thể lâu dài và vĩnh viễn
được. Giăng tuyên bố rõ ràng quỷ dữ không thể “đụng đến ” người sanh bởi Đức Chúa
Trời (Bản Việt ngữ: “làm hại” - IGi 5:18). Từ ngữ “đụng đến ” ở đây liên quan đến mục
đích làm hại – Satan không thể làm hại tín hữu được. Từ ngữ này chỉ được Giăng sử
dụng ở một chỗ khác nữa thôi là Gi 20:17, không có nghĩa một đụng chạm siêu nhiên,
mà là một sự nắm lấy, bám vào, hoặc tiếp tục giữ lấy một người nào. Satan không bao
giờ có thể cứ giữ lấy tín hữu nhằm mục đích làm hại người ấy, vì người ấy thuộc về Đức
Chúa Trời vĩnh viễn và không thể thay đổi được. Satan (hay ma quỷ) có thể làm đau
khổ và thậm chí có thể kiểm soát một thời gian, nhưng không thể đến lâu dài hoặc vĩnh
viễn được.

171
Thứ nhì, tình trạng Tân Ước không xác định căn cứ hoạt động của ma quỷ đối với
Cơ đốc nhân kèm theo tình trạng thiếu những mạng lệnh trực tiếp (sau Lễ Ngũ Tuần)
truyền đuổi quỷ có thể cho chúng ta manh mối về cách chiến đấu chống kẻ thù nầy.
Thông thường, đừng nên chăm vào đuổi quỷ như phương cách tấn công ma quỷ, nhưng
trái lại, phải sử dụng những khí giới bình thường dành cho chiến trận của chúng ta với
Satan và những quỷ sứ của nó. Cơ đốc nhân cần phải xử lý sự quấy nhiễu của ma quỷ
cũng giống như cách chống cự với sự cám dỗ hay chiến đấu chống những hoạt động
của xác thịt mình vậy. Nên tự tra xét chính mình để xem có lãnh vực nào phản loạn
nghịch lại với luật pháp hay ý chỉ của Đức Chúa Trời không, phải xưng ra hết mọi tội
mình đã biết, nương cậy quyền năng Thánh Linh đang ngự trong mình - là Đấng lớn
hơn Satan (IGi 4:4), và sử dụng mọi thứ khí giới của Đức Chúa Trời (Eph 6:13-18).
Ngay cả khi nếu cần phải đuổi quỷ trong một số trường hợp tột cùng, việc đuổi quỷ
không thể cản ma quỷ tấn công nữa vào người đã được đuổi quỷ, vì không con người
nào có thể bảo đảm trói buộc ma quỷ hoặc ném chúng vào vực sâu của địa ngục được.
Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta đánh trận cùng những thế lực tối tăm suốt đời mình.
Vậy nên, Cơ đốc nhân phải tỉnh thức (IPhi 5:8), phải mặc lấy binh giáp của Đức Chúa
Trời, và sử dụng tất cả mọi điều nào góp phần cho nếp sống thuộc linh mạnh khỏe (Ro
12:2; IICo 10:5; Phi 4:8). Cần lưu ý: không phải mọi nan đề, không phải mọi bệnh tật ốm
đau thể xác, mọi nan đề tình cảm, mọi tội lỗi, đều phát xuất từ ma quỷ. Một số xuất
phát từ những nguyên nhân tự nhiên, một số đến từ xác thịt. Đuổi quỷ sẽ không ích gì
trong những trường hợp như thế, nhưng đánh trận đức tin cách tốt lành sẽ đem lại lợi
ích mọi đàng.

172
PHẦN VII: CON NGƯỜI: HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chương 29: SỰ TIẾN HÓA VÀ NHỮNG CĂN NGUYÊN
Có lẽ không đề tài nào được tranh cãi rộng rãi trên nhiều diễn đàn ngày nay hơn
vấn đề con người khởi nguồn thế nào. Đêm trước hôm tôi viết những dòng chữ này, bản
tin truyền hình địa phương chúng tôi dành nhiều phút tường trình trực tiếp hai nhân
vật theo Thuyết Sáng Tạo đang tìm cách chứng tỏ sự khám phá một số hài cốt con
người đã khiến thuyết tiến hóa tự nhiên không thể xảy ra được. Những vụ kiện tụng
việc dạy “thuyết Sáng Thế khoa học” (scientific creationism) trong các trường công lập
đã khiến đề tài này phổ biến rộng khắp quốc gia. Cuộc tranh luận về tính không sai lạc
của Kinh Thánh đã xứng đáng bao gồm phần thảo luận sử tính của bản ký thuật Sự
Sáng Thế trong Sáng Thế Ký. Thậm chí giữa vòng những người Tin Lành thuần túy
cũng có rất nhiều quan điểm đang tranh nhau để được chấp nhận.
I. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ NGUỒN GỐC
A. Thuyết Tiến Hóa
Tiến hóa đơn giản có nghĩa là thay đổi theo bất kỳ chiều hướng nào. Dĩ nhiên có
cách sử dụng hoàn toàn hợp pháp từ ngữ này, ví dụ như trong câu: “Đã có sự tiến hóa
đáng kể trong lĩnh vực truyền thông của thế kỷ này.” Nhưng khi từ ngữ “tiến hóa” được
dùng liên quan đến các nguồn gốc thì không chỉ có nghĩa là thay đổi hay phát triển. Nó
bao gồm ý nói về nguồn gốc bởi những tiến trình tự nhiên, cả nguồn gốc của chất
nguyên sinh đầu tiên cũng như nguồn gốc của những chủng loại mới. Nó đề xướng lý
thuyết cho rằng rất nhiều tỉ năm về trước, các hóa chất dưới biển bị tác động bởi ánh
sáng mặt trời và năng lực trong vũ trụ, chúng đã ngẫu nhiên tự hình thành một hay
nhiều sinh vật đơn bào, rồi từ đó thông qua những đột biến có ích và sự chọn lọc tự
nhiên để phát triển thành mọi thực vật, động vật và con người có sự sống.
Không ai phủ nhận đã có sự thay đổi và phát triển trong nhiều lãnh vực của tạo vật.
Tuy nhiên, đối với người theo thuyết tiến hóa thì sự phát triển này còn bao gồm cả sự
sản sinh ra những chủng loại mới mang những hình thức phức tạp hơn rắc rối hơn từ
những chất kém phức tạp hơn. Điều này không hề đòi hỏi ý niệm về hoặc hành động
của Đức Chúa Trời. Charles Darwin nói: “Tôi sẽ tuyệt đối không hy sinh bất cứ điều gì
để đổi lấy thuyết chọn lọc tự nhiên nếu thuyết ấy đòi hỏi những phép lạ bổ sung ở bất
cứ giai đoạn lưu truyền nào.” (R.E. D. Clark, Darwin: Before and After [London:
Paternoster Press, 1948, trang 86]). Julian Huxley cũng khẳng định: “Vừa không cần
thiết lại vừa phi lý khi giả định có sự can thiệp nào đó của Đức Chúa Trời vào những sự
trao đổi vật chất và năng lượng này ở một khoảnh khắc nào đó trong lịch sử địa cầu.”
(Evolution in Action [New York: New American Library, 1964, trang 20]).

173
Về nguồn gốc con người, thuyết tiến hóa dạy rằng con người đã tiến hóa suốt những
khoảng thời gian rất dài qua hành động đột biến và chọn lọc tự nhiên từ những hình
thức thú tính, đơn giản hơn, đến lượt những hình thức đơn giản hơn ấy lại đã tiến hóa
từ những hình thức khác mà rốt cuộc chúng ra từ một sinh vật đơn bào nguyên thủy.
Hiển nhiên những cơ sở của thuyết tiến hóa tự nhiên là khoa học và đức tin.
B. Thuyết Tiến Hóa Hữu Thần
Thuyết tiến hóa hữu thần tin rằng Đức Chúa Trời đã điều khiển, sử dụng và kiểm
soát những tiến trình tiến hóa tự nhiên để “sáng tạo” thế giới và mọi sự ở trong đó.
Quan điểm này thường bao gồm ý kiến xem những ngày trong Sáng Thế Ký 1 là các
thời đại, những tiến trình tiến hóa liên quan đến “sự sáng tạo” Ađam, và địa cầu và
những hình thức tiền nhân loại thuộc về thời hết sức cổ xưa.
Darwin tuyên bố không cần phải có yếu tố siêu nhiên trong lý thuyết của ông.
Người theo thuyết sáng thế lại nhấn mạnh thuyết tiến hóa tự nhiên bị loại khỏi quan
điểm này. Như vậy, thuyết tiến hóa hữu thần đang cố gắng cưỡi cùng một lúc hai con
ngựa (thuyết tiến hóa và Thuyết Sáng Thế) đang chạy về hai hướng ngược chiều.
Sự sáng tạo Êva đưa ra một nan đề đặc biệt cho người dạy thuyết tiến hóa hữu thần.
Thuyết này tuyên bố Ađam tiến hóa ra từ một hình thức hiện hữu từ trước mà Đức
Chúa Trời hà hơi sống vào hình thức đó, nhưng Êva không ra từ hình thức sự sống đã
có từ trước nào đó. Êva đã là một hành động sáng tạo đặc biệt. Vậy nếu Êva đã là một
hành động sáng tạo đặc biệt, tại sao Ađam lại không phải?
Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), một linh mục Công Giáo Lamã dòng Jesuit
kiêm nhà cổ sinh vật học, chủ trương tổng hợp thuyết tiến hóa và thần học Cơ đốc
truyền thống. Thuyết tiến hóa là chủ đề trọng tâm của ông, dù vậy những ý tưởng của
ông cũng tương tự với những lãnh vực của triết học tiến trình.
Nói nghiêm túc, toàn bộ mọi điều thuyết tiến hóa hữu thần cần công nhận để trở
thành hữu thần đó là đã có một Hữu Thể siêu nhiên, Đấng đó là sức mạnh vô hình đã
khởi sự quá trình tiến hóa lâu dài này. Điển hình, có thể thấy quan điểm này giữa vòng
những nhà tư tưởng của Công Giáo Lamã, của thần học Cơ đốc tự do, và của Tân Chánh
Thống. Nhưng rất nhiều người thuộc phạm trù tổng quát của phái tiến hóa hữu thần
xem Đức Chúa Trời dự phần không những từ lúc bắt đầu tiến trình mà còn tại những
điểm khác nhau trên suốt tiến trình. Ngài đã can thiệp để sáng tạo tại những giai đoạn
chủ yếu của sự sống xuyên suốt lịch sử địa chất (ví dụ như các động vật có xương sống,
các loài chim, động vật có vú và con người). Nhưng Ngài cũng cho phép và sử dụng
những tiến trình tiến hóa tự nhiên suốt những khoảng thời gian dài của lịch sử. Quan
điểm này được gọi là thuyết sáng thế tiệm tiến hay thuyết tiến hóa ngưỡng (threshold
evolution) và thường được liên kết với quan điểm ngày-thời đại của Sáng Thế Ký 1. Dầu
174
tôi muốn xếp thuyết sáng tạo tiệm tiến vào phạm trù tổng quát của thuyết tiến hóa hữu
thần, nhưng một số người Tin Lành thuần túy ủng hộ thuyết sáng thế tiệm tiến sẽ phản
đối, vì họ tuyên bố nó thật sự thuộc thuyết sáng thế. Tuy nhiên, loại tiến hóa trong
thuyết sáng thế tiệm tiến là tiến hóa tự nhiên, và phạm vi tiến hóa diễn ra thật rộng
lớn; vì vậy, theo nhận định của tôi, quan điểm này bị gọi sai tên, và nó là một dạng của
thuyết tiến hóa hữu thần.
Nền tảng của thuyết tiến hóa hữu thần là Thánh Kinh và khoa học.
C. Sự Sáng Tạo
Dầu có nhiều biến thể trong phạm trù rộng lớn của thuyết sáng thế, đặc trưng
chính của quan điểm nầy là: Kinh Thánh là nền tảng duy nhất của thuyết. Khoa học có
thể góp phần vào hiểu biết của chúng ta, nhưng không bao giờ được phép kiểm soát,
điều khiển hoặc thay đổi lối giải nghĩa Kinh Thánh của chúng ta để điều chỉnh cho
thích nghi với những khám phá khoa học. Về phần con người, Sự Sáng tạo dạy rằng
Đức Chúa Trời dựng nên con người đầu tiên theo hình ảnh của Ngài từ trong bụi đất và
từ hơi sống của chính Ngài (Sa 1:27 và 2:7). Không hề có sinh vật người cấp thấp nào
tham dự vào, cũng không có tiến trình tiến hóa nào.
Những người theo thuyết sáng thế giữ nhiều quan điểm khác nhau về những ngày
trong Sự Sáng Thế, nhưng để là người theo thuyết sáng thế thì phải tin phần ký thuật
trong Kinh Thánh là bản ký thuật lịch sử đúng theo sự kiện và Ađam là con người đầu
tiên.
Có một quan điểm dạy rằng câu chuyện Kinh Thánh về sự sáng tạo Ađam - Êva chỉ
thuật lại những điều đã diễn ra khá gần đây trong Vườn Êđen và thực sự không cho
chúng ta biết gì về những điều đang diễn ra lúc đó trên khắp phần còn lại của địa cầu.
Do đó, tuy Ađam là kết quả sự sáng tạo đặc biệt của Đức Chúa Trời, nhưng tại các nơi
khác trên địa cầu, sinh vật đã tiến hóa trải nhiều khoảng thời gian dài. Nói cách khác,
Ađam đã là một hòn đảo của sự sáng tạo giữa một đại dương của sự tiến hóa. Tôi sẽ
không kể quan điểm nầy thuộc vào phạm trù tổng quát của thuyết sáng thế, vì họ
không xem Ađam là người đầu tiên để từ đó ra cả loài người.
II. ĐỀ XUẤT CỦA THUYẾT TIẾN HÓA
Chúng ta cần xem xét chi tiết hơn về đề xuất của thuyết tiến hóa để trả lời vấn đề
các nguồn gốc và một số vấn nạn của đề xuất đó. Có nhiều tác phẩm hay về đề tài nầy
để có thể tham khảo thêm chi tiết hơn. Tôi muốn giới thiệu một số tác phẩm như của
Henry M. Morris, Bolton Davidheiser (rất nhiều tác phẩm), Evolution and Christian
Faith (Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1969), và A. E. Wilder Smith (Man’s
Origin, Man’s Destiny [Wheaton, Ill.: Harold Shaw, 1968]), và những tác phẩm mới đây
của Phillip E. Johnson (chẳng hạn như Darwin on Trial và Reason in the Balance
175
[Downers Grove, Ill.: InterVasity, 1991 và 1995]), và Michael J. Behe (Darwin’s Black
Box (New York: Free Press, 1996).
A. Những Nguyên Tắc Của Thuyết Tiến Hóa
Thuyết tiến hóa dựa trên nhiều nguyên tắc căn bản. Các lý thuyết khác nhau, sau
đây là một số những tiền đề chung.
(1) Các hành tinh và ngôi sao đã ra từ một vụ nổ lớn (big-bang explosion) của các
điện tích dương và các trung hòa tử xoay vần bị nén. Khối lượng bị nén dày đặc này
tiếp tục bành trướng ra khỏi những hạt nhân nguyên thủy với vận tốc kinh hồn. Một
thuyết khác nữa của nguyên tắc này còn gọi là thuyết trạng thái ổn định (steady-state
theory) tin rằng vật chất được tạo ra liên tục ở ngoài không gian và tiến trình này vẫn
tiếp diễn trong thời gian vô hạn định.
(2) Sự sống đã bắt đầu hoàn toàn bởi ngẫu nhiên khi một đơn bào xuất hiện từ vật
chất vô cơ.
(3) Sau khi đã bắt đầu bởi ngẫu nhiên, mọi sinh vật sống khác đã phát triển từ
những dạng sự sống đầu tiên đó và những dạng sự sống đơn giản hơn tiếp sau đó, rồi
dần dần gia tăng tính phức tạp. Sự phát triển này cũng đã sản sinh ra con người.
B. Tiến Trình Tiến Hóa
Nếu phải rút gọn tiến trình này thành một công thức thì sẽ như sau: Đ(ột biến) +
C(họn lọc) T(ự nhiên) x T(hời gian) = Sự tiến hóa (M (utations) + N(atural) S(election) x
T(ime) = Evolution). Công thức này trình bày cơ chế của sự tiến hóa.
Những sự đột biến tạo thành lối giải thích duy nhất nầy cho sự tiến hóa. Những đột
biến đều là những thay đổi nhỏ và bất ngờ trong mã DNA của các gien, được truyền
sang cho con cháu khiến chúng khác với bố mẹ chúng trong những đặc trưng rõ rệt.
Nói cách khác, những biến đổi nhỏ trong một sinh vật được truyền lại cho con cháu.
Cuối cùng, một sự thay đổi nhỏ khác nữa xuất hiện bởi ngẫu nhiên, v.v.... Nếu đủ
những thay đổi thế này diễn ra và được bảo tồn, thì sinh vật đó sẽ trở nên phức tạp hơn
và tiến hóa thành một sinh vật khác, v.v.... Đây là phương cách mà mọi hình thức sự
sống hiện có đã được sản sinh ra từ một đơn bào đơn giản lúc ban đầu. Theo như lối
giải thích này về cách xuất hiện sự tiến hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của đột biến
đến đâu đi nữa cũng vẫn chưa đủ. Julian Huxley viết: “… Nó không chỉ là một nhân tố
hữu hiệu của sự tiến hóa, nhưng là chính nhân tố hữu hiệu duy nhất của sự tiến hóa”
(Evolution in Action, trang 35).
Sự chọn lọc tự nhiên là cơ chế bảo tồn những thay đổi gây nên do đột biến. Khi một
thay đổi xuất hiện có lợi cho sinh vật, thì sự chọn lọc tự nhiên sẽ gìn giữ thay đổi đó,
đơn giản chỉ vì nó có lợi. Bất cứ thay đổi có hại nào đều sẽ không được duy trì, vì sự

176
chọn lọc tự nhiên sẽ tống khứ chúng ra khỏi dòng giống vì là vô dụng. (Một đột biến có
ích là đột biến làm tăng tính phức tạp của sinh vật đó.) Điều quan trọng phải nhớ ấy là:
sự chọn lọc tự nhiên chỉ có thế mà thôi – thuộc về tự nhiên. Nó không phải là sự chọn
lọc trong phòng thí nghiệm hay trong nhà kính; nó nói đến tiến trình chọn lựa trong
thiên nhiên, xem như loại trừ những đột biến có hại và giữ lại những đột biến có lợi.
Bằng tiến trình nầy, dòng giống của những sinh vật dần dần được cải thiện, nếu có đủ
thời gian.
Do đó, thời gian - và những khoảng thời gian dài - là cần thiết cho sự tiến hóa. Vì
những đột biến không diễn ra thường xuyên, nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới
xảy ra đủ những đột biến có ích, rồi được bảo tồn nhờ sự chọn lọc tự nhiên, để bởi đó
thay đổi hữu hiệu những sinh vật đó trở thành những sinh vật ngày càng phức tạp hơn.
Nhằm giảm bớt thời gian cần phải có, một số người theo thuyết tiến hóa gơi ý có
“những bùng nổ” đột biến đã diễn ra đồng thời, chúng tạo ra hàng loạt thay đổi có ích
trong một sinh vật hầu như ngay lập tức, như thế rút ngắn khoảng thời gian đòi hỏi cần
phải có cho để xảy ra những thay đổi cần thiết.
III. NHỮNG NAN ĐỀ TRONG THUYẾT TIẾN HÓA
A. Những Nan Đề Trong Sự Đột biến
Những đột biến có thực sự làm nổi mọi điều được xem như chúng phải làm không?
Hãy suy nghĩ những điều sau đây:
1. Những đột biến thường hiếm hoi và hầu như luôn luôn có hại. Trong cuộc thí
nghiệm giống ruồi giấm (fruit fly) có những đột biến được tạo ra bởi những phương tiện
nhân tạo, người ta ước tính chỉ có 1 con ruồi trong số 1 triệu con sẽ biểu lộ một đột
biến. Hơn nữa, Theodosius Dobzhansky, người đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm với
giống ruồi giấm, đã công nhận “hầu hết những sinh vật đột biến… đều ít nhiều ở trong
tình trạng bất lợi” và rằng “đặc tính có hại của hầu hết những đột biến có vẻ là một khó
khăn rất nghiêm trọng” (Evolution, Genetics, and Man (New York: John Wiley and
Sons, 1955, trang 150).
2. Những gien mới từ đâu đến ? Chưa từng có đột biến nào sản sinh ra được một
loài mới, hay thậm chí đến một cơ quan mới hoặc hệ thống mới, nào cả trong một loài
hiện đang tồn tại. Tuy nhiên, nếu thuyết tiến hóa có giá trị thì điều nầy phải diễn ra. Ví
dụ: động vật nguyên sinh không có răng, vậy thì những gien sản sinh ra răng đã đến từ
đâu nếu chúng ta đã tiến hóa ra từ động vật nguyên sinh? Những đột biến có liên quan
đến những thay đổi trong các sinh vật đang hiện hữu; chứ chúng không sản sinh ra
những sinh vật mới. Vậy mà tại một nơi nào và bằng một cách nào đó trên tuyến tiến
hóa, buộc phải sản sinh ra những chủng loài mới, và thậm chí đã phải sinh ra những hệ

177
thống mới (như hệ thống tuần hoàn hoặc hệ thống thính giác) bên trong những chủng
loại đang tồn tại.
Đây là một ví dụ về cách thuyết tiến hóa vật lộn với vấn nạn nầy.
“Nếu đột biến, là hình thức duy nhất của sự thay đổi di truyền mà chúng ta đã có
chứng cứ rõ ràng của thay đổi đó rồi, luôn luôn là thay đổi trong các gien đã có mặt rồi,
thì thoạt nhìn, ở đây có vẻ chúng ta không hề có cơ sở nào để hiểu sự tiến hóa của
những điều mới lạ trong sự tổ chức của cơ thể ấy. Để chúng tiến hóa, chúng ta chắc
chắn phải cần những yếu tố di truyền mới, chứ không phải là sự thay đổi trong cái hiện
có rồi. Nhưng phải nhớ, những điều kiện trong cơ thể đó và trong vật chất di truyền là
vô cùng phức tạp. Nếu bằng cách nào đó xảy ra những thay đổi trong sự phân phối các
enzymes (men) trong cơ thể, có lẽ chúng sẽ gây ra nhiều khác biệt mới trong mức độ
phát triển của các bộ phận, ví dụ: khác biệt mới trong một phần những xương trước của
sọ dẫn đến sự tiến hóa thời kỳ đầu của những chiếc sừng. Thật khó thấy được làm thế
nào bởi đột biến của một gien mà diễn ra sự tái phân phối enzymes của nó, nhưng khi
xét đến tính phức tạp của những điều kiện trong cơ thể, có lẽ điều này vẫn có thể diễn
ra được. Cũng vậy, không phải không có khả năng những gien mới có thể được tiến
hóa. Chúng ta biết các gien có lẽ được nhân đôi bên trong các nhiễm sắc thể, và khi
điều đó diễn, một phần tử của một cặp như thế sẽ được thay đổi bởi đột biến để cho
chúng ta một thứ xét về chức năng là một gien mới.
Những gợi ý này hoàn toàn thuần giả thuyết. Vì hiện tại, chúng ta không thể nói gì
khác hơn những điều sau: rõ ràng những điều mới lạ trong cấu trúc đã xảy ra trong sự
tiến hóa; chúng là thiết yếu để tăng tính phức tạp vốn gắn liền với sự tiến triển trong
tiến hóa; chúng ta không biết chính xác về những chi tiết tiến hóa của chúng” (G.S.
Carter, A Hundred Years Of Evolution (New York: Macmillan, 1958, trang 184-5).
Đây có vẻ là sự vận dụng đức tin hơn là sự kiện thực tế!
B. Những Vấn Nạn Trong Sự Chọn Lọc Tự Nhiên
1. Phải chăng chọn lọc tự nhiên thật sự bảo đảm cho sự cải tiến? Dĩ nhiên phải bảo
đảm cải tiến như thế; chứ nếu không, nếu một nòi giống phụ và yếu mà phát triển, nó
sẽ chết sớm và không thể có tiến hóa chi cả. Nhưng nan đề là: Sự chọn lọc tự nhiên có
đem lại những cải thiện không? Sự chọn lọc trong phòng thí nghiệm thì có lẽ được,
nhưng sự chọn lọc tự nhiên có đem được không? Một người theo thuyết tiến hóa công
nhận nan đề này: “Thật ra lâu nay chỉ quan sát được sự chọn lọc tự nhiên có kèm
những kết quả tiến hóa ở nơi nào con người đã tạo ra quyết liệt những điều kiện mới để
dồn nén áp lực chọn lọc nặng nề.” (J.B.S. Haldane, Nature, 14-3-1959, trang 51).
2. Những đột biến riêng lẻ. Liệu sự chọn lọc tự nhiên có công nhận giá trị của một
đột biến riêng lẻ trong khi chờ đợi xảy ra những đột biến khác cần thiết để sản sinh
178
một hệ thống mới trong sinh vật ấy không? Ví dụ như trong sự tiến hóa của con mắt,
nếu đột biến tạo tuyến lệ diễn ra trước tiên, liệu sự chọn lọc tự nhiên có giữ nó trong
sinh vật đó cho đến khi những đột biến khác diễn ra để sản sinh lông mi, mí mắt, giác
mạc, thủy tinh thể, v.v…? Hay sự chọn lọc tự nhiên sẽ đào thải sinh vật có tuyến lệ
nhưng không có những thành tố khác của một hệ thống thị giác đơn giản chỉ vì nó
không hữu dụng riêng một mình nó?
3. Lập luận vòng vo: Phản ứng hỗ tương giữa những đột biến và sự chọn lọc tự
nhiên để giải thích cho thuyết tiến hóa là một lập luận vòng vo. Julian Huxley đã thừa
nhận điều nầy thật rõ ràng: “Dựa trên kiến thức hiện nay của chúng ta, sự chọn lọc tự
nhiên chắc chắn sản sinh ra những thích nghi mang tính di truyền; và như thế những
thích nghi mang tính di truyền là chứng cứ có lý cho sự chọn lọc tự nhiên.” (Evolution
in Action, trang 43).
C. Những Nan Đề Về Độ Dài Thời Gian Cần Phải Có
Dù những đột biến là hiếm và thường có hại, dù sự chọn lọc tự nhiên rất có thể sẽ
đào thải một sinh vật đột biến khỏi nòi giống đi chăng nữa, nhưng dường như đối với
người không chuyên, có vẻ rất hợp lý rằng nếu có đủ thời gian thì mọi sự đều có thể
xảy ra, kể cả sự tiến hóa. Huxley giải thích: “Mọi vật sống đều có tuổi bằng nhau –
chúng đều có thể truy ngược về tổ tiên của mình khoảng 2.000 triệu năm trước. Có
được khoảng thời gian dài ấy, có thể thực hiện dễ dàng những điều chỉnh nhỏ để tăng
lên đến những thích nghi kỳ diệu; và những sự chuyển tiếp nhỏ về tần số gien giữa thế
hệ này và thế hệ kế tiếp có thể nhân lên để sản sinh những cải thiện triệt để và những
chủng loại sinh vật hoàn toàn mới” (Evolution in Action, trang 41).
Nhưng có thể thách thức một lời tuyên bố như thế bằng cách kiểm tra.
“Tỉ lệ xác suất là 10 lũy thừa 161 (10161) trên 1 cho trường hợp không tạo ra một
protein hữu dụng bởi ngẫu nhiên trong toàn bộ lịch sử của địa cầu, có quyền dùng mọi
nguyên tử thích hợp trên trái đất ở tỷ lệ phi thường đã mô tả. Đây là một con số chứa
đựng 161 số 0. Có lẽ cần nhắc rằng dẫu như có được một phân tử, nó cũng không hề
giúp sắp xếp cho phân tử protein thứ hai trừ phi có một tiến trình nhân đôi chính xác.
Thậm chí nếu có một tiến trình như thế đi nữa, thì vẫn cần phải có rất nhiều loại
protein khác nữa trước khi có thể có một sinh vật sống. Trong tế bào tối thiểu của
Morowitz, 239 phân tử protein cần phải có cho tế bào đó bao gồm ít nhất 124 chủng
loại protein khác” (phần in nghiêng là trong nguyên tác) (James F. Coppedge,
Evolution: Possible or Impossible? (Grand Rapids: Zondervan, 1973, trang 109-10).
Nhiều người khác rút ra những kết luận tương tự về xác suất ngẫu nhiên hình
thành một phân tử protein. Khoa học gia người Pháp Lecomte du Nouy đã nói đó là một
cơ may trong số 10243. Nhà toán học Thụy Sĩ Charles E. Guye đã tính toán đó là một cơ

179
may trong số 10160 (10 lũy thừa 160). Murray Eden thuộc Viện MIT và Marcel
Schutzenberger thuộc Viện Đại Học Paris đều kết luận rằng máy vi tính kỹ thuật số của
họ chứng tỏ thuyết tiến hóa không thể có được. (Mathematical Challenges to the Neo-
Darwinian Interpretation of Evolution, đồng soạn giả P.S. Moorhead và M.M. Kaplan
[Philadelphia: Wistar Institute Press, 1967]; và Lecomte du Nouy, Human Destiny
(London: Longmans, Green and Co., 1947], trang 34).
Trong khi xác suất được diễn tả bằng một phân số (ví dụ như 1 trong 5 triệu lần),
và khi phân số ấy nhỏ như thế này cho sự sản sinh ngẫu nhiên một phân tử protein, thì
nhà toán học sẽ tuyên bố rằng xác suất xảy ra điều đó là số không. Những người theo
thuyết tiến hóa rất có thể nói rằng vẫn còn một cơ may, bất luận nhỏ vô cùng đến đâu
đi nữa, để sự tiến hóa diễn ra vì cớ có đến hàng tỷ năm trôi qua. Tuy nhiên, ngay cả khi
có hàng tỷ năm cũng sẽ không giảm được xác suất đủ để đặt nó vào trong tầm phạm vi
xác suất hợp lý. Davidheiser đã kiểm tra lời phát biểu nổi tiếng rằng nếu một triệu con
khỉ được phép đánh trên bàn phím của một triệu máy đánh chữ trong vòng một triệu
năm, thì chúng có thể do ngẫu nhiên đánh ra một bản sao vở kịch của Shakespeare.
Lập nên một thí nghiệm có kiểm soát chỉ với những chữ hoa mà thôi, liên tục đánh máy
theo tốc độ không thay đổi, và chỉ với yêu cầu câu đầu tiên của Sáng Thế Ký, ông đã
chứng tỏ trong hàng tỷ năm một triệu con khỉ sẽ chẳng bao giờ đánh được Sa 1:1, chứ
đừng nói đến một vở kịch của Shakespeare (Evolution and Christian Faith, trang 362-
3). Ngay cả để đánh một dòng đầu của vở Hamlet (“Ber: Who’s There?”) cũng sẽ đòi hỏi
phải có trung bình số thí nghiệm lập đi lập lại trong 284 tỷ tỷ năm, một thời gian lâu
hơn đáng kể so với thời gian mà thuyết tiến hóa phải cần để làm toàn bộ việc xem như
nó đã làm.
Kết luận hiển nhiên của điều nầy đơn giản là đòi hỏi phải có một lượng đức tin phi
thường để tin rằng có thể sự tiến hóa đã ngẫu nhiên phát sinh ra toàn bộ sự sống đã
hoặc đang tồn tại hiện nay.
Phải chăng có thể sự sống đã tiến hóa nhờ ngẫu nhiên? Xác suất hình thành một
phân tử protein do ngẫu nhiên là một phần 10243, là một con số gồm số 1 và 243 số
không tiếp theo. Phân số nầy quá nhỏ đến nỗi có thể nói xác suất nầy là số không.
1 cơ may trong 1.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.

180
000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.
000.000.000.000 lần
D. Nan Đề Đối Với Định Luật Thứ Hai của Nhiệt Động Lực Học
Định luật thứ hai nầy của nhiệt động lực học phát biểu rằng dù năng lượng trong vũ
trụ vẫn là hằng số, lượng năng lượng có sẵn để thực hiện những công hữu ích vẫn luôn
luôn giảm (và entropy, tức lượng năng lực không sẵn dùng được, thì lại gia tăng). Như
thế, mọi vật đang tiến đến chỗ kém trật tự hơn hoặc hỗn loạn hơn. Dĩ nhiên, điều nầy
hoạt động trái ngược trực tiếp với những lời dạy của thuyết tiến hóa. Thật ra, trong một
cuộc tranh luận tôi có tham dự, tôi được nghe một người theo thuyết tiến hóa bình luận
lém lỉnh rằng thuyết tiến hóa đã là “một ngoại lệ lớn lao đối với định luật thứ nhì nầy.”
Người theo thuyết tiến hóa làm sao đối phó với nan đề dường như không thể giải
quyết được do định luật thứ hai đưa ra?
Có người nói rằng thời gian dài lâu từ buổi Sáng Thế cho phép mọi sự xảy ra, đặc
biệt là sự tiến hóa. Nhưng nên nhớ, trong hàng tỉ năm đó, entropy cũng gia tăng; định
luật này không tạm dừng.
Có người nói dường như có những ngoại lệ đối với luật này. Điều này có thể đúng,
nhưng chúng chỉ có thể là tạm thời và làm hại đến sự gia tăng entropy ở một nơi nào
khác trong môi trường rồi.
Có người cho rằng trái đất là một hệ thống mở và lấy năng lượng từ mặt trời. Nhưng
sự truyền năng lượng mặt trời là vô dụng, trừ phi có một kiểu động cơ nào đó bên trong
những yếu tố được năng lượng mặt trời chiếu vào để có thể chuyển hóa năng lượng để
đảo ngược định luật thứ nhì. Ví dụ như mặt trời có thể chiếu vào những khối bêtông
hàng ngàn năm mà không sản sinh những khối bêtông tăng thêm hoặc những khối
bêtông đột biến bởi vì bên trong những khối bêtông không có cơ chế nào chuyển đổi
năng lượng đó. Phải có một thứ tiến trình chuyển hóa năng lượng phù hợp cùng với
một khuôn mẫu đã được lập trình trước để hành động theo đó trước khi năng lượng mặt
trời có thể đảo ngược định luật thứ nhì. Hoặc như một người theo thuyết tiến hóa đã
hỏi: “Khi chưa có sự sống hiện hữu, các chất đã xuất hiện bằng cách nào, là những chất
mà hiện nay tuyệt đối thiết yếu cho những hệ thống sự sống, thế nhưng chúng chỉ có
thể được hình thành bởi những hệ thống đó?” (Harold F. Blum, Time’s Arrow and
Evolution (Princeton: Princeton University Press, 1968, trang 170).
IV. BỨC TRANH CỦA THUYẾT TIẾN HÓA
Người ta tuyên bố di tích hóa thạch cung ứng chứng cứ cho tiến trình tiến hóa.
Những vật hóa thạch không giải thích cho cách chúng xuất hiện thế nào; chúng miêu tả
điều đã thực sự diễn ra qua những đột biến và sự chọn lọc tự nhiên xuyên suốt những

181
khoảng thời gian dài. Người theo thuyết tiến hóa cho rằng bởi vì những hình thức đơn
giản hơn của sự sống đã được tìm thấy trong các lớp đá ở sâu hơn và các hình thức
phức tạp được tìm thấy hơn ở những lớp cao hơn, nên điều này chứng tỏ những hình
thức thức phức tạp hơn đã phát sinh từ những dạng đơn giản hơn.
Nói nghiêm túc, lập luận hóa thạch là một lập luận lẩn quẩn. Địa tầng được định
tuổi bởi những vật hóa thạch chứa trong chúng và những vật hóa thạch được định tuổi
nhờ địa tầng mà chúng được tìm thấy trong đó. Tuy nhiên, người theo thuyết tiến hóa
phát biểu rằng vòng lẩn quẩn này bị phá vỡ bởi những phương thức định tuổi từ bên
ngoài. Tuy nhiên, những phương thức định tuổi đều dựa vào một nhịp độ suy tàn giống
nhau của yếu tố đó. Một ngọn nến sẽ cháy theo một nhịp độ giống nhau trừ phi cửa sổ
mở ra và một ngọn gió khiến nó cháy nhanh hơn trong một lúc. Sự tiêu biến của một
vòm hơi nước bao phủ trên trái đất hoặc những áp suất cực lớn của một trận lụt có thể
đã giống như cánh cửa sổ mở rộng để thay đổi nhịp độ đó trong vòng lịch sử trái đất.
Nếu vậy thì những niên đại thu được sẽ có thể rất sai. Phương pháp định tuổi bằng
carbon 14 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi những biến cố đó. Phương pháp định tuổi bằng
potassium-argon thừa nhận các mẫu đá xét nghiệm không có argon-40 khi chúng được
hình thành, và đó là một giả định đáng ngờ. Một số đá đen basalt (có nguồn gốc núi
lửa) ngầm dưới nước từ ngọn núi lửa Kilauea tại Hawaii được biết cao lắm cũng chỉ vài
ngàn năm là tối đa lại được phương pháp nầy định tuổi khoảng từ 100.000 năm đến 40
triệu năm tuổi, cho thấy rằng có lẽ đã bị làm cho giống ở tuổi đó bởi áp lực thủy tĩnh
cùng với những nhân tố khác (Science, 1968,161:1132, cũng xem Journal of Geophysical
Research, 1968,73:4603).
Một nan đề lớn trong bức tranh của vật hóa thạch đó là sự thiếu những hình thức
chuyển tiếp, không hề tìm thấy hình thức chuyển tiếp nào giữa vòng hàng triệu những
vật hóa thạch hiện có. Ắt chắc chắn phải có một hình thức chuyển tiếp được khám phá
ra ở đâu đó Trên thực tế, những vật hóa thạch sớm nhất của mỗi nhóm phơi bày mọi
đặc điểm của nhóm đó rồi, không hề gợi ý sự chuyển dần từ một dạng nầy đến dạng
khác. Một số người theo thuyết tiến hóa cho rằng loài chim sơ khai Archaeornis (giống
như loài bò sát, thuộc kỷ thượng Jura, đuôi có lông dài - tự điển) hay Archaeopteryx
(loài chim sơ khai giống như loài bò sát, thuộc kỷ thượng Jura ở Âu châu - tự điển) là
một ví dụ về mối nối kết còn thiếu (missing link) vì trông có phần giống loài chim vừa
có phần giống loài bò sát. Nhưng nó có lẽ được xem là hoàn toàn thuộc loài chim, dẫu là
bất thường. Dù sao đi nữa, nó xuất hiện bất chợt và vì do đó không có tổ tiên chuyển
tiếp nào.
Một nan đề khác nữa là có nhiều dạng sự sống đơn giản lại được tìm thấy ở những
lớp địa tầng bên trên những dạng thức sự sống phức tạp hơn. Đã biết được hàng trăm

182
trường hợp như thế, và dĩ nhiên toàn bộ những điều nầy đi ngược lại với bức tranh mà
thuyết tiến hóa muốn cung cấp.
Hiển nhiên còn rất nhiều điều nữa có thể viết về đề tài nầy. Tôi cố gắng chỉ tập
trung vào những lập luận chủ yếu của thuyết tiến hóa và chỉ nêu những nhược điểm
chính của chúng. Không ai có thể ghi nhớ hết mọi lập luận này. Vì vậy tôi đề nghị hãy
biết và phơi bày những kẽ hở trong thuyết nầy – những sự đột biến hiếm thấy và có
hại, sự chọn lọc tự nhiên sẽ đào thải những thay đổi có hại ấy, gần như không đủ thời
gian cho mọi sự diễn ra bởi ngẫu nhiên, đi ngược lại với định luật thứ hai của nhiệt
động lực học, những khoảng trống gây lúng túng trong mẫu di tích hóa thạch.
Cuối cùng, chúng ta cần phải nhấn mạnh điều chủ yếu của thuyết tiến hóa, ấy là
đức tin. Phân tích cho tường tận, người ta buộc phải tin thuyết tiến hóa, cũng giống y
như người ta phải tin Sự Sáng Tạo. Hai khoa học gia phát biểu điều này thật công bằng
khi viết:
“Thật ra các nhà sinh vật học vẫn còn cách rất xa đích như xưa nay vẫn vậy trong
những cố gắng để giải thích chất nguyên sinh đầu tiên đã phát xuất như thế nào.
Chứng cứ của những người muốn giải thích nguồn gốc sự sống trên nền tảng sự kết
hợp ngẫu nhiên của các nguyên tố hóa học thích hợp không còn hữu hình hơn chứng
cứ của những người đặt đức tin nơi sự Sáng Tạo Thiên Thượng với tư cách lời giải thích
cho sự phát triển của sự sống. Hiển nhiên, nhóm thứ nhì có lý lẽ chứng minh niềm tin
của họ cũng nhiều bằng nhóm thứ nhất” (Harry J. Fuller và Oswald Tippo, College
Botany [New York: Holt, Rinehart & Winston, 1961], trang 25).

183
Chương 30: KINH THÁNH VÀ NHỮNG NGUỒN GỐC
Dầu Kinh Thánh thực sự không phải sách giáo khoa về khoa học, điều nầy không có
nghĩa Kinh Thánh không chính xác khi giải tỏ những chân lý thuộc về lĩnh vực khoa
học. Thật ra, bất cứ điều gì Kinh Thánh bày tỏ trong bất cứ lĩnh vực tri thức nào cũng
đều đúng, chính xác và đáng tin. Thánh Kinh không trả lời mọi câu hỏi mà chúng ta
muốn có câu trả lời trong lĩnh vực những nguồn gốc, nhưng điều gì Kinh Thánh có bày
tỏ thì phải được công nhận là chân lý. Và Kinh Thánh nói về đề tài này nhiều hơn một
số người tưởng.
I. MỘT VÀI TIỀN GIẢ ĐỊNH CẦN THIẾT
A. Đức Tin
Trước giả thư Hêbơrơ nhắc chúng ta rằng bởi đức tin, chúng ta hiểu các thời đại
(Bản Việt Ngữ ghi là “thế gian”) đã được dựng nên bởi Lời Đức Chúa Trời và những sự
chúng ta thấy đã không làm nên từ những sự thấy được (He 11:3). Các thời đại nói đến
mọi khoảng thời gian cũng như mọi sự chứa đựng trong đó. Vì hiển nhiên không có
người nào quan sát Sự Sáng Thế, và vì con người đầu tiên đã được đặt trong một vũ trụ
đã hiện hữu rồi, nên chúng ta phải lấy đức tin chấp nhận mọi điều Đức Chúa Trời bày
tỏ về Sự Sáng Tạo. Nếu không, chúng ta sẽ không biết chắc chắn điều gì về Sự Sáng Tạo
cả.
Ngược lại, những người theo thuyết tiến hóa sẽ phải thay đổi He 11:3 thành ra như
vầy: “Bởi đức tin, chúng tôi là những người theo thuyết tiến hóa hiểu rằng thế giới đã
không được dựng nên bởi lời của thần nào cả, nên những gì thấy được thật ra đã được
làm nên từ những vật thấy được kém phức tạp hơn và hiện hữu trước chúng, bởi những
tiến trình thuần tự nhiên, trải qua hàng tỉ năm.” (John C. Whitcomb, The Early Earth
(Grand Rapids: Baker, 1972, trang 42).
B. Những Sự Kiện
Chân lý về Sự Sáng Tạo chỉ tìm thấy trong Thánh Kinh. Bất cứ chân lý nào khoa học
có thể khám phá ra đều không bao giờ có thể được chấp nhận như là chân lý tuyệt đối.
Những sự kiện Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong Kinh Thánh là những sự kiện đáng tin
cậy, bao gồm những sự kiện trong các chương mở đầu Sáng Thế Ký. Nói vậy có nghĩa
những biến cố đó thật sự diễn ra trong cõi thời gian và không gian một khi cõi thời gian
và không gian đã được tạo dựng. Nói cách khác, những hành động liên tiếp của Sự
Sáng Tạo và những biến cố về sự cám dỗ và tội lỗi của Ađam Êva đã diễn ra trong cõi
thời gian và không gian; tức là người ta đã có thể đánh dấu chúng trên cuốn lịch và trên
bản đồ. Sáng Thế Ký ghi chép những sự kiện, chứ không phải những chuyện truyền
thuyết hay thần thoại. Nhiều phân đoạn Kinh Thánh khác xác nhận điều này (Ví dụ
như Xu 20:9-11; Mat 19:4-6).
184
Những sự kiện này đã được Môise viết ra. Bất luận ông dùng nguồn nào về công tác
coi sóc và năng quyền khải thị của Đức Chúa Trời khi viết tác phẩm của ông, ông vẫn là
người được huấn luyện và có học vấn cao. Có người ám chỉ sự bày tỏ về các sự kiện
trong một thời kỳ ban đầu nào đó không thể nào mang tính sự kiện được vì chúng đến
thông qua “những con người nguyên thủy hoang dã man rợ.” Điều này khiến cho sơ
khai trở thành đồng nghĩa với hoang dã man rợ và phản đối năng quyền hành động của
sự linh cảm. Nếu những lời của Môise không nói lên đúng như nghĩa của chúng, dù
chúng nói về thời kỳ ban đầu của lịch sử, thì làm sao chúng ta tin cậy được những lời
nói của Đấng Christ? (Gi 5:47) (xem W.H. Griffith Thomas, The Principles of Theology
(London: Church Book Room Press, 1945, trang 19.)
II. ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ SÁNG TẠO
Sa 1:1 xác định Elohim là Đấng Tạo Hóa. Elohim là một từ ngữ tổng quát chỉ về Thần
(Deity) cũng như là một tên riêng của Đức Chúa Trời chân thần. Chữ này nói đến một
Đấng mạnh mẽ, Đấng lãnh đạo oai quyền, Thần tối cao. Dạng số nhiều này của từ ngữ
cho thấy tính phong phú dồi dào của quyền năng và oai nghiêm của Ngài. Việc xác
định Elohim là Đấng Tạo Hóa ở đây bác bỏ nhiều tà giáo nghiêm trọng.
(1) Nó bác bỏ thuyết vô thần. (2) Nó bác bỏ thuyết đa thần, vì động từ theo sau ở số
ít. (3) Nó phủ nhận phiếm thần thuyết, vì trình bày Đức Chúa Trời là Đấng tách biệt
khỏi tạo vật của Ngài.
III. CREATIO EX NIHILO (SÁNG TẠO TỪ CHỖ KHÔNG CÓ)
Cụm từ này có nghĩa là trong Sự Sáng Tạo, Đức Chúa Trời đã không sử dụng bất cứ
vật liệu nào có sẵn từ trước. He 11:3 nói rõ điều này, ý chính của bản ký thuật Sáng Thế
Ký 1 cũng vậy. Trước khi có lệnh sáng tạo, không có sự hiện hữu mang tính hiện tượng
nào cả. Điều này loại bỏ ý tưởng cho rằng vật chất là vĩnh cửu, và vô hiệu hóa khái
niệm của thuyết nhị nguyên.
Động từ bara được dùng trong Sa 1:1,21, và 27 tự nó không trừ bỏ việc dùng chất liệu
có sẵn từ trước (xem Es 65:18), dù trong bản ký thuật không hề phát biểu rõ hay ám chỉ
đến chất liệu có sẵn. Về cơ bản, chữ này mang cùng nghĩa với asa, “làm hoặc tạo ra” ( Sa
1:25; Xu 20:11; Ne 9:6). Một từ thứ ba cho hoạt động sáng tạo của Đức Chúa Trời là yatsar,
“đã nắn nên hình,” xuất hiện trong Sa 2:7.
Creatio ex nihilo (sáng tạo từ chỗ không có) là một khái niệm hữu ích “nếu chúng
ta hiểu nó nói đến những thực thể vật chất đã được sáng tạo nên từ những nguồn cung
ứng phi vật chất bởi quyền toàn năng của Đức Chúa Trời. Đúng theo ý nghĩa của từ
ngữ, cụm từ nầy chỉ có thể áp dụng cho sự sáng tạo những chất vô cơ mà thôi, vì Đức
Chúa Trời thực sự đã dùng những chất liệu vô cơ được tạo dựng trước đó để nắn nên
hình cơ thể của những vật sống.” (Whitcomb, The Early Earth, trang 42).
185
IV. THỜI ĐIỂM CỦA CUỘC SÁNG THẾ
Cụm từ “ban đầu” của Sa 1:1 dường như nói đến khi khởi đầu của Công Cuộc Sáng
Tạo thế giới nầy. Câu đầu là một câu tuyên bố độc lập, không phải một mệnh đề lệ
thuộc vào câu 2 (xem phần thảo luận trong John J. Davis, Paradise to Prison [Grand
Rapids: Baker, 1975], trang 39-40). Dầu vậy, câu nầy không xác định thời điểm hành
động sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ussher xác định thời điểm là 4004 T.C., trong khi
những người theo thuyết tiến hóa đưa ra thời điểm 4.500.000.000 T.C.
(1) Một số người tin thuyết sáng thế cho rằng Sự Sáng Thế diễn ra gần đây, cho cả
địa cầu lẫn con người.
(2) Một số người cho rằng loài người được sáng tạo gần đây, nhưng địa cầu thì
không gần đây. Thuyết Khoảng Trống và ý niệm ngày-thời-đại thường đi cặp theo quan
điểm này.
(3) Một số người phân biệt rõ rệt giữa loài người được đại diện bởi các vật hóa thạch
- là loài người rất xưa, đã sống và chết trước Ađam - với chính Ađam là sinh vật thọ tạo
mới gần đây..
(4) Có người hiểu Ađam hẳn phải là một hòn đảo của sự sáng tạo ở giữa biển cả
mênh mông của sự tiến hóa đương thời bao gồm cả những dạng cấp thấp hơn loài
người.
(5) Người theo thuyết tiến hóa hữu thần xem loài người là cổ xưa và là kết quả của
những tiến trình tiến hóa bởi đó dạng tiền thân của con người và dạng người cấp thấp
sau rốt đã sản sinh ra con người.
(6) Một số ít hiểu câu 1 không mô tả “Sự Sáng Tạo ex nihilo (từ chỗ không có)
nguyên thủy, được các thiên sứ ca ngợi (Giop 38:7; Es 45:18), mà là sự tái lập rất lâu về
sau cho một địa cầu bị đoán phạt để chuẩn bị cho một tầng lớp mới của con người được
sáng tạo.” (Merril F. Unger, “Rethingking the Genesis Account of Creation,” Bibliotheca
Sacra, tháng Giêng 1958, trang 28). Theo quan điểm này, Sự Sáng Tạo nguyên thủy đã
diễn ra trước Sa 1:1.
Hiển nhiên không hề có sự nhất trí về thời điểm Sự Sáng Thế. Tuy vậy, dường như
rõ ràng sự xzuất hiện mới đây của loài người được xác lập rõ trong bản ký thuật Thánh
Kinh. Thậm chí khi thừa nhận ngày-là-những-thời-đại, thì Ađam đã được sáng tạo theo
ngày-thời-đại thứ sáu, là thời điểm tương đối gần đây. Bảng gia phổ trong Sáng Thế Ký
5 và 11 (thậm chí có một số khoảng trống bên trong chúng) cũng bênh vực cho sự sáng
tạo Ađam gần đây. Để rút ra được một vài quyết định về chứng cứ của Kinh Thánh,
chúng ta cần phải khảo sát một số cách giải nghĩa và nhận định thích hợp.
V. KHÁI NIỆM KHOẢNG TRỐNG

186
A. Mô Tả Khái Niệm
Khái niệm về khoảng trống (cũng được gọi là thuyết tái lập tàn tích (ruin-
reconstruction theory) và thuyết phục hồi (restitution theory)) đề xướng phương thức
để dung hòa bản ký thuật của Sáng Thế Ký với những khoảng thời gian dài mà dường
như địa chất học (bộ môn khoa học xuất hiện ở thế kỷ thứ 19) đòi hỏi. Được phổ biến
lần đầu tiên bởi Thomas Chalmers xứ Tô Cách Lan vào năm 1814, rồi được triển khai
chi tiết bởi George H. Pember (Earth’s Earliest Ages [Grand Rapids: Kregel, 1974]), rồi
được đưa vào phần chú thích của quyển Kinh Thánh Scofield Reference Bible (1909),
và được bênh vực bởi Eric Sauer (The King of the Earth (London: Paternoster Press,
1962) và Arthur C. Custance (Without Form and Void (Brockville, Canada: Aurthor,
1970) cùng nhiều người khác.
Theo khái niệm này, Sự Sáng Tạo nguyên thủy của Sa 1:1 không những toàn hảo và
tuyệt đẹp, mà còn có cây cối và muông thú sinh sống nữa (có người còn nói có lẽ có cả
những con người tiền Ađam nữa). Rồi sau đó trong khoảng trống giữa câu 1 và 2, Satan
đã nổi loạn chống Đức Chúa Trời, đem tội lỗi vào trong vũ trụ. Sự đoán phạt của Đức
Chúa Trời bao gồm một trận lụt toàn cầu, tiếp đó bằng sự tối tăm và Thời Đại Băng Giá
(Ice Age) trong đó mọi sự sống của thực vật, động vật và con người (nếu đã hiện hữu)
đều bị hủy diệt. Như thế, những vật hóa thạch được tìm thấy ngày nay đến từ sự đoán
phạt này cho Sự Sáng Tạo nguyên thủy này vì tội của Satan. Câu thứ 2 mô tả tình trạng
của sự vật do sự đoán phạt nầy. Như thế, sáu ngày của Sự Sáng Tạo mô tả một sự tái
sáng tạo, phục hồi, tái lập chứ không phải Sự Sáng Tạo nguyên thủy.
C. Lập Luận Ủng Hộ Thuyết Nầy
(1) Cụm từ trong Sa 1:2 có thể dịch là “trái đất đã trở thành vô hình và trống không.”
Có nghĩa là nó đã trở thành như thế bởi vì sự đoán phạt thảm khốc giáng trên Satan.
(2) “Vô hình và trống không” mô tả một trạng thái xấu mà không thể nào là một
phần của Sự Sáng Tạo nguyên thủy bởi Đức Chúa Trời, vì Ngài không khi nào tạo nên
một địa cầu mà lại không có hình dạng (Es 45:18).
(3) Tối tăm không thể là tốt lành; do đó, Sa 1:2 không thể nào diễn tả Sự Sáng Tạo
nguyên thủy của Đức Chúa Trời.
(4) Mạng lệnh Chúa truyền Ađam phải làm cho đất đầy dẫy trở lại (replenish) nói
lên trái đất chắc hẳn đã có cư dân trước đó.
(5) Cách dùng động từ bara trong câu 1 báo hiệu một sự sáng tạo khác với những gì
theo sau đó.
C. Những Nhược Điểm Của Thuyết Nầy

187
(1) Câu 2 bắt đầu với điều mà thuật ngữ chuyên môn gọi là liên từ phân cách “waw”
(“vả lại” chứ không phải là “và”) và là từ giới thiệu một cụm từ miêu tả thêm chi tiết
(circumstantial phrase), theo nghĩa quá khứ chưa hoàn thành của động từ, được dịch là
“vả lại trái đất đã…” Khi dịch là “trái đất đã trở nên vô hình và trống không,” thì sẽ đòi
hỏi sẽ có một waw liên tiếp (điều này sẽ chỉ ra một mệnh đề chỉ trình tự và được dịch là
“và”) với nghĩa quá khứ hoàn thành của động từ. Đúng là ngữ pháp cho phép có ý nghĩa
quá khứ hoàn thành “trước đó đã trở nên” và cách dùng cho thấy động từ “là” có thể
hiểu là “trở nên” (như trong Sa 19:26; Cac 11:39; IIVua 17:3). Nhưng động từ nầy thông
thường giữ vai trò là một động từ liên kết, (“là” chứ không phải “trở nên”), như trong Sa
2:25 và 3:1 là nơi không thể hiểu là “trở nên.” Hơn nữa, có vẻ đòi hỏi phải có cách dùng
liên từ phân cách waw này vì dường như trước giả đang kêu gọi độc giả chú ý đến một
quan trọng về trái đất – “vả lại về phần trái đất, nó đã là…” Hơn thế nữa, những cấu
trúc câu song song vớISa 1:2 được tìm thấy trong Gion 3:3 và Xa 3:1-3, nơi mà waw nầy là
liên từ phân cách (được dịch là “vả,” “đoạn”) và không thể dịch động từ nầy là “trở
thành.” (Để biết lập luận hậu thuẫn chi tiết cho điều này, xem Weston W. Fields,
Unformed and Unfilled (Nutley, N.J.: Presbyterian and Reformed, 1976, trang 81-6.)
Thực ra, cách chọn ngữ pháp và lối dịch như vậy là lập luận hậu thuẫn chính yếu
cho khái niệm khoảng trống nầy; và vì ưu ái lắm thì lập luận nầy cũng vẫn yếu, nên
chúng ta buộc phải kết luận thuyết nầy thiếu nền tảng giải kinh vững chắc trong đoạn
Kinh Thánh này.
Còn có thêm nan đề luận lý cho cấu trúc mà thuyết Khoảng Trống gán cho câu nầy.
Nếu động từ này mang nghĩa “đã trở thành” (hàm ý quá khứ hoàn thành), thì Sa 1:2
đang nói trái đất đã trở thành vô hình và trống không trước cả Sự Sáng Tạo của câu 1.
Nhưng thuyết Khoảng Trống đòi hỏi sự trở thành phải diễn ra sau sự sáng tạo.
(2) “Vô hình và trống không” không nhất thiết hàm ý sự đoán phạt và trạng thái
xấu xa. Tohu (vô hình) xuất hiện trong Cựu Ước để nói đến khoảng không gian ( Giop
26:7) và đồng vắng (Phu 32:10) mà không hề mang hàm ý xấu. Tuy nhiên, theo những
người đề xướng thuyết Khoảng Trống, tình trạng vô hình của trái đất ắt không thể là
tình trạng nguyên thủy được vì Es 45:18 nói Đức Chúa Trời đã không sáng tạo nó vô
hình. Vì cớ đó, họ kết luận trái đất đã trở thành vô hình như thế sau khi có Sự Sáng Tạo
nguyên thủy. Nhưng lập luận nầy không hề thuyết phục dứt khoát, vì Es 45:18 nói ý
định tối hậu của Đức Chúa Trời không phải là để cho đất vô hình và trống không. Nói
cách khác, ban đầu Đức Chúa Trời thật đã sáng tạo thế giới vô hình và trống không,
nhưng vì đây không phải là mong muốn tối hậu của Ngài cho nó, nên Ngài tiếp tục làm
đất đầy dẫy những vật sống, gồm cả loài người nữa.
(3) Dầu đúng là sự tối tăm được dùng làm biểu tượng về sự đoán phạt và điều xấu,
nhưng có phải tất nhiên sự tối tăm vốn đã mang bản chất xấu? Tôi nghĩ là không. Nó đã

188
được dựng nên để làm ích lợi cho cõi tạo vật cũng như ánh sáng vậy (Thi 104:19-24). Dầu
đúng là Đức Chúa Trời đã gọi sự sáng là tốt lành mà không nói gì về sự tối tăm ( Sa 1:4),
nhưng có phải tất nhiên sự tối tăm là không tốt? Tôi không nghĩ vậy. Nếu đúng vậy,
chúng ta ắt phải kết luận rằng khoảng không do Ngài dựng nên nhưng Ngài không gọi
cụ thể là tốt lành thì khoảng không đó là xấu (các câu 6-8).
(4) Về lệnh Đức Chúa Trời truyền Ađam phải làm cho đất đầy dẫy trở lại (c.28, KJV)
để ám chỉ trước kia nó đã có cư dân ở trong Sự Sáng Tạo nguyên thủy, thì trong nguyên
văn lệnh truyền này là một mạng lệnh truyền phải làm đầy dẫy trái đất, chứ không
phải là đầy dẫy trở lại. “Làm cho đầy lại” và “đổ đầy lại” là những lối dịch sai từ ngữ
Hêbơrơ này.
(5) Không thể xây dựng lập luận nào trên cách dùng từ bara trong câu 1, như thảo
luận trước đây ở mục III.
(6) Phải nhắc đến một nhược điểm nữa. Không có bằng chứng Thánh Kinh nào
chứng minh sự sa ngã của Satan dẫn đến sự đoán phạt địa cầu. Sự sa ngã của Ađam thì
có (3:17-19).
Tóm lại, khái niệm khoảng trống không căn cứ trên những nền tảng giải kinh vững
chắc. Sự kiện khái niệm này trở nên được mến mộ trong khoảng cùng thời xuất hiện
địa chất học khiến người ta nghi nó được chấp nhận vì nó dễ dàng điều chỉnh cho thích
nghi với những khám phá về địa chất học đồng dạng (uniformitarian geology).
VI. CÁC NGÀY TÍNH THEO MẶT TRỜI HAY CÁC THỜI ĐẠI?
Trên thực tế, có bốn quan điểm trong vấn đề đang thảo luận nầy. (1) Quan điểm
ngày-mặt-trời theo nghĩa đen trong đó những ngày của Cuộc Sáng Tạo được hiểu là các
ngày tính theo mặt trời (chúng ta ngày nay tính là 24 giờ). (2) Quan điểm ngày-thời đại
hiểu những ngày này là những thời đại dài. Dĩ nhiên quan điểm này dung hòa cách dễ
dàng với các thời đại địa chất. (3) Ngày tính theo mặt trời kèm với những khoảng trống
thời gian gián đoạn dài xen giữa. Các ngày trong Sáng Thế Ký 1 là những ngày tính
theo mặt trời, nhưng chúng không tiếp nối nhau ngay tức khắc, mà đúng hơn chúng đã
được phân cách bằng những thời đại lâu dài. Quan điểm này cũng sẽ dung hợp được với
địa chất học đồng dạng. (4) Quan điểm ngày-khải-thị cho rằng các ngày này không liên
quan đến công tác sáng tạo của Đức Chúa Trời nhưng liên hệ đến sự mặc khải của Ngài
về những vấn đề này cho Môise. Nói cách khác, chúng là các ngày mà những vấn đề
nào đó được mặc khải, chứ không phải được làm ra (xem Bernard Ramm, The Christian
View of Science and Scripture (Grand Rapids: Eerdmans, 1954, các trang 214 trở đi).
Dẫu có nhiều quan điểm khác nhau, sự thảo luận chính vẫn tập trung xét các ngày
này là ngày theo mặt trời hay là thời đại lâu dài.

189
A. Các Lập Luận Ủng Hộ Ngày Tính Theo Mặt Trời
(1) Trong Ngũ Kinh, từ ngữ “ngày” khi được sử dụng kèm với một tính từ chỉ số
luôn luôn biểu thị ngày tính theo mặt trời. Tại sao Sáng Thế Ký 1 lại là một ngoại lệ?
Thật ra điều này đúng cho mọi lần dùng từ “ngày” đi kèm với một số đếm hay số thứ tự
trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Những ngoại lệ khả dĩ cho điều này có lẽ là IISửKý
21:19 và Os 6:2, dù vậy có lẽ cả hai phân đoạn Kinh Thánh đều có thể giải thích ổn thỏa
theo cách hiểu ngày tính theo mặt trời. Đúng là chữ “ngày” được dùng theo rất nhiều
nghĩa, nhưng đi kèm với tính từ chỉ số đếm hoặc số thứ tự thì nó chỉ có nghĩa là một
ngày tính theo mặt trời (Sa 1:5,8,13,19,23,31). Trong các câu 5,14,16,18 chữ này nói đến
khoảng thời gian ban ngày để phân biệt với ban đêm. Nhưng dĩ nhiên, cách dùng thứ
nhì này cho chữ ngày là thời gian ban ngày có liên quan đến ngày tính theo mặt trời. Sẽ
không có nghĩa khi nói về ngày của một thời đại để phân biệt với đêm của một thời đại.
(2) Cụm từ bổ nghĩa “buổi chiều và buổi mai” đính kèm với mỗi một ngày trong Sự
Sáng Tạo hậu thuẫn ý nghĩa của các ngày là những khoảng thời gian 24 giờ. Những
người đề xuất ý niệm ngày-thời đại đáp lại rằng buổi chiều và buổi mai là một biện
pháp tu từ để nói lên khởi đầu và kết thúc. Mỗi chữ “buổi chiều” cho nhìn thấy sự hoàn
tất của công việc trong thời đại đó, và tiếp nối bằng “buổi mai” của một hoạt động mới.
Nhưng trong suốt hơn 100 lần được dùng trong Cựu Ước, “buổi chiều” và “buổi mai”
chưa từng được dùng với ý nghĩa nào khác hơn là buổi chiều và buổi mai theo nghĩa
đen, kết thúc và bắt đầu ngày tính theo mặt trời. Hãy để ý cụm từ trong Da 8:26 về
những ngày tính theo mặt trời.
(3) Xu 20:11 và 31:17 phát biểu rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên mọi sự trong sáu
ngày, ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ, và khuôn mẫu này đã làm cơ sở cho chu kỳ tuần lễ
của con người. Trong cả hai phân đoạn này, đây là những lời Đức Chúa Trời đã phán
trực tiếp cho Môise. Nếu Chúa muốn nói đến các thời đại thay vì các ngày, tại sao Ngài
đã không dùng chữ dor hoặc olam, có nghĩa là thời đại, hoặc đính kèm chữ “ngày” một
tĩnh từ như rab, có nghĩa là “dài”?
B. Các Lập luận Bênh Vực Những Ngày-Thời Đại
1. Từ ngữ “ngày” đôi khi nói đến một khoảng thời gian dài hơn và không xác định
rõ. Trong Sa 2:4, chữ này nói đến toàn bộ thời kỳ sáng tạo, trong Giop 20:28 nói đến thời
điểm thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và trong Thi 20:1 nhắc đến một ngày hoặc một thời
gian gặp khó khăn. Số nhiều đôi khi được dùng theo nghĩa “trong thời của” (Sa 26:18).
Lập luận này tập trung đặc biệt vào 2:4, là câu có vẻ cho thấy Đức Chúa Trời đã làm
công việc sáng tạo của Ngài trong một khoảng thời gian dài nhưng không xác định rõ,
chắc chắn phải dài hơn sáu ngày mặt trời. “Vì đoạn trước đã nói rằng có ít nhất sáu
ngày sáng tạo nên các từng trời và trái đất, nên dư dật bằng chứng cho thấy yom trong

190
câu 4 không thể nào mang nghĩa ngày 24 giờ – trừ phi Kinh Thánh có thể tự mâu
thuẫn!” (Gleason L. Archer, Encyclopedia of Bible Difficulties (Grand Rapids:
Zondervan, 1982, trang 63) Nhưng lập luận này đã không nhận ra được “trong ngày
mà” chỉ là một thành ngữ sinh động của tiếng Hêbơrơ chỉ về “tại thời điểm này mà.”
Không có mạo từ nào đứng trước chữ “ngày”–như trong một ngày nào đó, tại thời điểm
này.
(2) Vì mãi đến ngày thứ tư mặt trời mới được sáng tạo, chúng ta có thể cho rằng ba
ngày đầu tiên là một khoảng thời gian dài không xác định được. Phải chăng nói vậy là
thừa nhận bốn ngày cuối mới là những ngày tính theo hệ mặt trời? Người chủ trương
ngày mặt trời trả lời rằng: Đức Chúa Trời chắc đã tạo một nguồn sáng nào đó trong
ngày đầu tiên chỉ vì bản văn Kinh Thánh nói đã có sự sáng; và sự xoay vần của trái đất
đối với nguồn sáng đó đã đem lại chu kỳ ngày/đêm, buổi chiều/buổi mai được nhắc đến
trong ba ngày đầu tiên này.
(3) Ngày thứ bảy mà Đức Chúa Trời nghỉ là dài hơn 24 giờ; vì thế, sáu ngày đầu
cũng vậy. Cách dùng sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời trong Hêbơrơ 4 củng cố kết luận
này. Phierơ cũng nói đối với Chúa một ngày như là ngàn năm (IIPhi 3:8).
Trước khi chấp nhận kết luận này, hãy quan sát điều sau đây. Dầu sự “yên nghỉ”
của đời sống Cơ đốc nhân trong Hêbơrơ 4 được ví với sự yên nghỉ thỏa mãn của Đức
Chúa Trời trong ngày thứ bảy của tuần Sáng Tạo, trước giả thư Hêbơrơ không có chỗ
nào nói ngày thứ bảy đối với Đức Chúa Trời là khác với độ dài của sáu ngày kia trong
tuần lễ Sáng Tạo. Nếu chúng là những thời kỳ, thì tất cả đều là những thời kỳ; nếu là
ngày, tất cả đều đã là ngày. Nhưng nói nghiêm túc, thư Hêbơrơ không nói gì khác hơn
Đức Chúa Trời đã yên nghỉ trong ngày thứ bảy. Thư này nêu lên Ngài đa yên nghỉ, chứ
không phải là Ngài hiện yên nghỉ. Dĩ nhiên, Phierơ không nói một ngày là một ngàn
năm, chẳng khác gì ông không nói một ngàn năm là một ngày. Nếu có thể dùng phân
đoạn này chứng minh “những ngày” trong Sáng Thế Ký là hàng ngàn (triệu) năm, thì
cũng có thể chứng minh hàng ngàn (triệu) năm rất được xem như có trong Sự Sáng Tạo
trên thực tế chỉ là vài ngày!
Tóm lại: Về mặt giải kinh, những ai muốn hiểu các ngày trong Sáng Thế Ký như là
các thời kỳ thì có nhiệm vụ phải chứng minh lời khẳng định bị tranh luận này. Cách
giải nghĩa bình thường phân đoạn đó, cách dùng của chữ ngày với những con số, các
cụm từ đi kèm “buổi chiều và buổi mai,” và hai phân đoạn trong Xuất Êdíptô Ký thiết
lập chứng cứ mạnh mẽ từ chính bản văn Kinh Thánh rằng những ngày đó đã là ngày
tính theo mặt trời. Nếu Đức Chúa Trời muốn truyền đạt ý niệm về những ngày theo hệ
mặt trời, Ngài còn nói cách nào rõ hơn thế nữa?
VII. DẤU HIỆU BỀ NGOÀI CỦA LỊCH SỬ

191
Bất cứ hành động sáng tạo nào đều sẽ nhất thiết mang kèm theo nó dấu hiệu bề
ngoài của lịch sử. Dầu ban đầu Đức Chúa Trời chỉ sáng tạo chỉ những hình thức đơn
giản nhất, thì ắt chúng bắt buộc phải có dấu hiệu bề ngoài của một lịch sử nào đó.
Nguồn ánh sáng đầu tiên, các dòng nước, thực vật đầu tiên (cho dù chỉ là những hạt
giống), mặt trời và mặt trăng, các sinh vật, Ađam và Êva, tất cả đều đã có dấu hiệu bề
ngoài của lịch sử khi mới xuất hiện.
Thực ra, điều này thật bình thường đối với những phép lạ. Nhiều phép lạ của Chúa
chúng ta liên quan đến lịch sử rõ ràng. Rượu được hóa từ nước ở tiệc cưới Cana đã có
dấu hiệu bề ngoài đã trải qua hết những tiến trình tự nhiên để làm ra rượu, nhưng
trong thực tế thì không trải qua (Gi 2:1-11). Thức ăn nuôi 5000 người trong một trường
hợp cũng như lần nuôi 4000 người sau đó có dấu hiệu bề ngoài là đã được trồng và gặt
hái, trong khi trên thực tế nó lại không có lịch sử diễn tiến theo thời gian như vậy.
Dường như không thể phản bác được vấn đề Đức Chúa Trời đã tạo dựng với dấu
hiệu bề ngoài của lịch sử trong quá khứ. Thắc mắc duy nhất là: Ngài đã tạo dựng như
vậy đến mức nào? Không nhiều hơn mức cần thiết và không phải điều nào cũng có
khuynh hướng lừa dối chúng ta. Sự đánh giá của chính Đức Chúa Trời về công tác sáng
tạo của Ngài đó là chúng đều tốt lành. Những phép lạ của Đấng Christ đã được thực
hiện để bày tỏ ra vinh hiển của Ngài (Gi 2:11). Sự tốt lành và vinh hiển không có chỗ
dành cho sự lừa dối.
VIII. MỘT VÀI QUAN SÁT ĐÚC KẾT
(1) Đã có một Sự Sáng Thế thực tế lịch sử, đúng sự kiện, chân thật, siêu nhiên bởi
Đức Chúa Trời để dựng nên các từng trời, địa cầu, và con người. Phủ nhận, điều chỉnh,
hoặc thỏa hiệp điều này bằng cách gieo nghi ngờ tính đáng tin của Sáng Thế Ký cũng
không xóa bỏ được sự thật này, vì hành động sáng tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời
được đề cập đến những chỗ khác trong Kinh Thánh (Xu 20:11; 31:17; ISu 1:1; Giop 38:4-7;
Mat 19:4-5; ICo 11:7-8). Nếu Sáng Thế Ký không đáng tin cậy thì mọi phần khác của Kinh
Thánh cũng thế.
(2) Một trận lụt toàn cầu trong thời Nôê đã thực sự diễn ra. Tính toàn cầu của nó đã
được xác chứng khoảng hàng chục lần trong Sáng Thế Ký 6-11 cũng như IIPhi 2:5 và 3:6.
Chúa đã khẳng định sự thực hữu của Trận Lụt này trong Mat 24:38-39 (Lu 17:26-27). Cho
nên một lần nữa, nếu chân lý về trận Đại Hồng Thủy bị chối bỏ hoặc phạm vi của nó bị
thu hẹp đến mức địa phương, thì người ta cũng sẽ phải chối bỏ lời chứng của Chúa và
của Phierơ (cũng hãy xem He 11:7). Không thể bảo phần ký thuật trận Đại Hồng Thủy
cũng như Sự Sáng Tạo là sự cường điệu hoặc sự thêm bớt do sự khải thị “sơ khai” của
Sáng Thế Ký.

192
Những hệ quả của chân lý về một trận Đại Hồng Thủy toàn cầu bao gồm những
điều sau. Nước dự phần có lẽ nói lên sự hiện hữu một vòm hơi nước đã ngưng tụ lúc có
trận Đại Hồng Thủy, gây ra bốn mươi ngày mưa như trút (Sa 1:6-8; cũng xem 7:11-12). Có
lẽ điều này đã gây thay đổi mạnh mẽ khí hậu của thế giới sau Trận Lụt và một số kết
quả khác (xem Joseph C. Dillow, The Waters Above (Chicago: Moody, 1980). Dĩ nhiên,
thuyết đồng dạng mà các phương pháp định tuổi dùng đang dựa vào ắt đã ảnh hưởng
bởi điều này.
Trận Đại Hồng Thủy đã hủy diệt toàn bộ sự sống ở bên ngoài tàu của Nôê, và giải
thích cho các di tích hóa thạch trên trái đất.
(3) Một Sự Sáng Tạo nguyên thủy đến trước đoạn 1:1 có lẽ là khả dĩ, nhưng tôi thấy
dường như không chắc có. Nếu như có, và nếu nó có chứa sự sống thực vật và động vật,
thì có lẽ các vật hóa thạch ắt đã đến từ thời đại đó.
(4) Khái niệm khoảng trống giữa câu 1-2 không có hậu thuẫn giải kinh vững chắc.
(5) Những ngày-thời-đại trong đoạn 1 cũng không có đủ chứng cứ để được chấp
nhận. Đòi hỏi phải có những ngày tính theo mặt trời. Câu 3 ghi lại khởi đầu của những
sự kiện trong ngày một (bởi vì cụm từ “và rồi Đức Chúa Trời phán, ‘Phải có…’” là điều
cũng diễn ra tại lúc bắt đầu những ngày tiếp sau đó). Điều này có nghĩa chúng ta
không biết tình trạng vô hình và trống không của trái đất trong câu 2 kéo dài bao lâu
trước khi các ngày này bắt đầu. Nhưng dù dài hay ngắn, tình trạng đó đã không gòm sự
sống của cây cối, thú vật hoặc loài người tiền Ađam (Mat 19:4; ICo 15:45). Như vậy địa cầu
vô hình trống không lúc ban đầu có lẽ đã xưa cũ; nhưng địa cầu đã định hình, thực vật,
động vật, và con người, tất cả mọi thứ được tạo dựng trong vòng sáu ngày Sáng Thế
này, không thể nào xưa hơn những ngày tính theo mặt trời và những bảng gia phổ cho
phép.
Tóm lại: Sau cùng, chúng ta phải tin điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ về Sự Sáng Tạo.
Không con người nào có mặt khi những điều đó xảy ra. Nhưng sự khải thị điều đó đã
được Đức Chúa Trời - là Đấng chân thật - ban cho Môise, một trước giả có học vấn cao
và đáng tin cậy. Mặc dù không phải mọi chi tiết đều được đưa vào bản ký thuật, nhưng
nhiều sự kiện được đưa vào, và phải giải nghĩa chúng theo cùng một cách giải nghĩa
những phần Kinh Thánh khác. Hơn nữa, những chân lý được bày tỏ trong Sáng Thế Ký
đã được xác nhận trong những phần khác của Kinh Thánh và được xác nhận bởi Chúa
chúng ta.

193
Chương 31: SỰ SÁNG TẠO CON NGƯỜI
I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ SÁNG TẠO CON NGƯỜI
Chỉ một mình bản ký thuật của Kinh Thánh cho chúng ta thông tin chính xác về
nguồn gốc con người. Một số đặc điểm của công việc này nổi bật trong bản văn Kinh
Thánh.
A. Đã Được Đức Chúa Trời Hoạch Định (Sa 1:26)
Việc sáng tạo con người đã được dựa trên sự tham vấn có cân nhắc của Đức Chúa
Trời. Dầu mọi việc Chúa đã làm trong Sự Sáng Tạo cho đến thời điểm đó đều Ngài tuyên
phán là tốt lành, nhưng Sự Sáng Thế vẫn chưa hoàn tất nếu không có loài người. Loài
người không phải là suy nghĩ nảy sinh sau, mà là kết quả của suy nghĩ có chủ định từ
trước của Đức Chúa Trời. Và sau khi Đức Chúa Trời đã sáng tạo loài người, Ngài mới
phán rằng mọi sự đã được dựng nên là “rất tốt lành” (câu 31).
B. Trực Tiếp, Đặc Biệt, Và Tức Thì (Sa 1:27; 2:7)
Sự Sáng Tạo con người không gồm những tiến trình tiến hóa nào để liên hệ con
người với một số hình thức thuần thú, người thú cấp thấp, hay người thú tiền nhân loại
nào (đối chiếu với A. H. Strong, Systematic Theology (Philadelphia: Judson, 1907, trang
465- 76). Nếu như thế thì phần bản tánh thể xác của con người ắt ra từ một hình thức
thú vật nào đó không phải là người rồi được Đức Chúa Trời hà hơi sống vào đó. Sa 2:7
không hề hậu thuẫn thuyết này. Thực ra, nó củng cố sự kiện về sự sáng tạo đặc biệt từ
những vật chất vô cơ; nó không hậu thuẫn ý tưởng về sự sáng tạo phát sinh từ một hình
thái sự sống có trước đó.
Nếu có thể hậu thuẫn được học thuyết cho rằng Ađam được tạo dựng từ một hình
thức tiền hữu cơ nào đó, thì chắc chắn Êva đã không được tạo dựng như vậy. Cơ thể của
Êva rõ ràng là một hành động sáng tạo trực tiếp, đặc biệt và ngay tức khắc. Công nhận
hành động sáng tạo thế này trong trường hợp của Êva trong khi bác bỏ trong trường
hợp của Ađam, thì chí ít cũng phải bảo đấy là phi lý.
Hơn nữa, bụi đất để từ đó nắn nên thân thể con người không thể là một cách nói
ngụ ngôn để chỉ đến hình thức thú vật nào đó, vì Đức Chúa Trời đã phán rằng con
người sẽ trở về với bụi đất khi chết, và con người hẳn đã không trở lại một trạng thái
thú vật khi chết (3:19).
C. Bao Hàm Hai Khía Cạnh
Đức Chúa Trời đã sử dụng bụi từ đất để hà hơi sống vào. Điều này khiến con người
trở thành sống động. Cụm từ tương tự (“loài sanh linh”) cũng được dùng cho loài vật
(“vật sống hay động,” 1:21,24,2:19), nhưng vì thú vật không được tạo dựng theo hình ảnh

194
của Đức Chúa Trời giống như cách dựng nên như loài người, nên có sự phân biệt rõ
ràng giữa loài vật và loài người.
Trong trường hợp Êva, trước hết Đức Chúa Trời lấy từ sườn của Ađam ra một xương
sườn với phần thịt bao quanh và rồi nắn nên hay hay gầy dựng nó trở thành một người
đàn bà (Sa 2:21-23). Đức Chúa Trời đã xây cất Êva sau khi lấy những thành phần từ sườn
của Ađam. “”Xây cất’ áp dụng cho việc nắn nên một cấu trúc quan trọng; nó bao hàm
một nỗ lực mang tính gây dựng.” (H. C. Leupold, Exposition of Genesis (Columbus:
Wartburg, 1942, trang 135).
II. KHUÔN MẪU CHO SỰ SÁNG TẠO CON NGƯỜI
Đức Chúa Trời đã sáng tạo con người theo hình ảnh giống như Ngài (1:26-27). Những
phần Thánh Kinh thích ứng khác nữa cho giáo lý này gồm có 5:1,3 nói lên sự truyền
hình ảnh này từ Ađam đến các hậu tự của ông; 9:6 liên hệ khái niệm này với án tử hình;
ICo 11:7 liên hệ giáo lý này với địa vị làm đầu; Co 3:10 khuyên tín hữu mặc lấy người mới
là người được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa mình; và Gia 3:9 liên hệ khái
niệm này với những lời nói xứng đáng. Thithiên 8 dù không chứa cụm từ “hình ảnh
Đức Chúa Trời,” nhưng dùng hình thức thơ để luận đến sự sáng tạo con người và quyền
thống trị của con người.
A. Ý Nghĩa Của Những Từ Ngữ “Hình” Và “Tượng” (Image và Likeness)
Những từ Hêbơrơ trong Sa 1:26-27 là tselem và demuth (được dịch trong bản Vulgate
là imago và similitudo). Những từ tương đương trong Tân Ước là eikon và homoiosis.
Mặc dù một số người đã cố gắng phân biệt giữa hai từ này để dạy dỗ hai khía cạnh về
hình ảnh của Đức Chúa Trời, thật ra không thể xác nhận sự khác biệt rõ rệt nào giữa
chúng về mặt ngôn ngữ học. Tselem có nghĩa là một tượng được nắn nên, một hình ảnh
có định hình và mang tính đại diện, một hình tượng thiên về một nghĩa cụ thể nào đó
(IIVua 11:8; Exe 23:14; Am 5:26). Demuth cũng nói đến ý tưởng về tính tương tự, nhưng
thiên về trừu tượng hoặc lý tưởng. Bằng cách sử dụng hai từ một lúc, trước giả Thánh
Kinh “dường như cố gắng để diễn tả một khái niệm rất khó, qua đó ông muốn làm rõ
rằng con người trên phương diện nào đó là sự phản ảnh cụ thể về Đức Chúa Trời,
nhưng đồng thời ông muốn thuộc linh hóa điều này theo hướng trừu tượng.” (Addison
H. Leitch, “Image of God,” The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible (Grand
Rapids: Zondervan, 1975,3:256).
Các giáo phụ Hy Lạp và Latin đã phân biệt giữa hình và tượng, liên hệ từ ngữ
“hình” với phần thuộc vật chất và từ ngữ “tượng” với phần thuộc đạo đức của hình ảnh
Đức Chúa Trời. Irenaeus hiểu từ “hình” nói đến sự tự do và lý luận của con người, còn
“tượng” nói đến đến món quà được giao thông cách siêu nhiên với Đức Chúa Trời mà đã
bị mất trong Sự Sa Ngã. Nhưng không thể dựa vào những từ ngữ để chứng minh những

195
sự phân biệt như vậy. Cũng hãy lưu ý các giới tự được dùng thay đổi cho nhau trong Sa
1:26-27 và 5:1-3.

B. Ý Nghĩa Của Khái Niệm


Có nhiều bài vở được viết ra để cố gắng giải thích ý nghĩa của việc con người được
tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Dưới đây là vài lối giải thích:
1. Quan điểm thể xác. Quan điểm này liên hệ hình ảnh của Đức Chúa Trời với toàn
bộ hữu thể của con người, kể cả thuộc tính vật chất của nó. Nói chính xác thì bao gồm
cả những khía cạnh vật chất và phi vật chất của con người. Nhưng vì nó bao gồm cơ thể
vật chất của con người như là một phần của hình ảnh Đức Chúa Trời, nên được gọi là
quan điểm thể xác.
“Con người là một đại diện cho toàn bộ hữu thể của nó, vì suy nghĩ của người
Ysơraên luôn luôn nhìn con người trong tính toàn thể của con người, bởi sự hiện hữu
thể xác cũng như bởi những chức năng thuộc linh của con người, và nếu phải chọn lựa
giữa hai điều này chúng ta sẽ phải nói rằng hình trạng bề ngoài có lẽ còn quan trọng
hơn hình ảnh thuộc linh. Theo L. Koehler, hình ảnh của Đức Chúa Trời có thể cốt ở tư
thế đứng thẳng của con người... [nhưng] vẻ trang trọng mà tác giả kiêm linh mục này
dùng để nói về imago Dei dường như chứng minh ông đã không giới hạn hình ảnh ấy
vào một khía cạnh độc nhất này… Chúng ta cũng được hướng dẫn vào ý nghĩa thể xác
bởi chính phân đoạn Sáng Thế Ký nói đến hình ảnh của Đức Chúa Trời đối với vấn đề
báo thù huyết (9:6).” (Edmond Jacob, Theology of the Old Testament (New York: Harper
& Row, 1958], trang 168-9).
Có hai trở ngại ngăn cản thừa nhận quan điểm này. (1) Vì Đức Chúa Trời là thần và
không có thân thể, vậy làm sao hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người đã được
dựng nên theo đó lại có thể thuộc về thân thể được? (2) Loài thú có thân thể, nhưng lại
không nói chúng được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, cho nên thân thể
tính không nhất thiết liên quan đến hình ảnh của Đức Chúa Trời.
2. Quan điểm phi thể xác. Quan điểm nầy nối kết hình ảnh của Đức Chúa Trời với
những khía cạnh nhân cách. Nhiều tác giả nhấn mạnh sự giống nhau về đạo đức, về
quyền quản trị, sự vận dụng ý chí và những năng lực của lý trí (khả năng nói, tổ chức,
v.v…) như những đặc điểm cụ thể của hình ảnh phi thể xác của Đức Chúa Trời.
3. Quan điểm tổng hợp. Tôi sẽ đề nghị tổng hợp hai quan điểm vừa rồi như sau. Sa
1:27 phát biểu rằng loài người, kể cả nam lẫn nữ, đều được sáng tạo theo hình ảnh Đức
Chúa Trời. Không ai gán phái tính cho Đức Chúa Trời vì cớ câu nầy; thế nhưng nam và
nữ chỉ ra phái tính. Cũng vậy, con người (được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa
Trời) có thân thể, nhưng không nhất thiết chỉ vì cớ đó mà gán cho Đức Chúa Trời một
thân thể. Nhưng hiển nhiên con người được dựng nên là một hữu thể toàn diện, gồm cả
196
phần vật chất và phi vật chất, và hữu thể toàn diện đó đã được sáng tạo theo hình ảnh
của Đức Chúa Trời.
Do đó: (1) thân thể con người được bao gòm trong hình ảnh của Đức Chúa Trời.
“Tuy Đức Chúa Trời không hề là vật chất, vẫn có một phương diện để bao gồm ngay
cả thân thể con người trong hình ảnh của Đức Chúa Trời, bởi vì con người là một tổng
thể hiệp nhất gồm có cả thân xác lẫn linh hồn. Thân thể con người là một công cụ phù
hợp cho sự tự biểu lộ của một linh hồn vốn được dựng nên để thông công với Đấng Tạo
Hóa, và thích hợp về mặt lai thế học để trở nên một ‘thể thiêng liêng’ trong thời mạt thế
(ICo 15:44) …. (Thân thể của Ađam không phải là một điều gì đó tách biệt với cái tôi thực
sự của Ađam, nhưng về cơ bản là một với nó.” (Ralph E. Powell, “Image of God”
Wycliffe Bible Encyclopedia (Chicago: Moody, 1975,1:832).
(2) Được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là một hữu thể
sống động. Điều nầy đã được Phaolô nhấn mạnh tại Arêôba (Cong 17:28-29). Khi phản
bác niềm tin cho rằng những thần tượng vô tri vô giác có thể đại diện Đức Chúa Trời
hằng sống, ông lập luận vì loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời, và vì con người là
hữu thể sống động, nên Đức Chúa Trời phải là một Đấng sống.
(3) Con người không chỉ là một hữu thể sống động, mà giống Đức Chúa Trời, con
người còn là hữu thể có sự khôn ngoan và ý chí, là điều cho họ có khả năng ra những
quyết định để giúp họ có quyền quản trị thế gian (Sa 1:28).
(4) Ađam không chỉ là một hữu thể hiệp nhất, sống động, khôn ngoan, có khả năng
tự quyết định, mà còn là một hữu thể có khả năng giao thông thông suốt không chút
cản trở với Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta diễn tả nổi tình trạng nguyên thủy của
Ađam? Có người dùng từ vô tội, nhưng Ađam còn hơn cả vô tội nữa, vì vô tội dường như
chỉ hàm ý sự vắng mặt điều sai. Sự thánh khiết nguyên thủy của Ađam mang tính tích
cực; thế nhưng không ngang hàng bằng với sự thánh thiện của Đức Chúa Trời – nó
mang tính thọ tạo. Vì nó phải chịu thử nghiệm, nên nó chưa được khẳng định. Nó đã
cung cấp tình trạng bất tử, vì cho đến khi Ađam chưa thất bại trước thử nghiệm, ông
vẫn chưa phải phục dưới luật không thể tránh khỏi của sự chết vì cớ tội lỗi.
Tóm lại: hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người đã được dựng nên theo đó bao
gồm toàn bộ bản thể của con người là sống động, khôn ngoan, có khả năng tự quyết và
có đạo đức.
4. Quan điểm của Công Giáo La Mã. Quan điểm này phân biệt hình và tượng (image
và likeness). Hình là hình ảnh tự nhiên thuộc về con người như đã được sáng tạo và bao
gồm cả tính chất thuộc linh, sự tự do và bất tử. Tượng (likeness) nói lên rằng hình ảnh
đạo đức vốn thực sự đã không thuộc về loài người khi được tạo dựng lúc ban đầu,
nhưng đã được ban thêm dư dật cho con người cách nhanh chóng và từ rất sớm. Cần
197
phải ban thêm vì cớ khát vọng cháy bỏng, tức là một xu hướng tự nhiên về những thèm
khát thấp kém hơn, dầu vậy bản thân nó không phải là tội lỗi. “Tượng” bổ sung thêm sự
công chính và sự thánh thiện nguyên thủy.
Khi con người phạm tội, họ đánh mất “tượng” nhưng còn giữ được “hình.” Sự công
chính nguyên thủy vốn đã bị mất trong Sự Sa Ngã nay có thể được gia thêm thông qua
các thánh lễ của giáo hội La Mã.
5. Quan điểm Tân Chánh thống. Trong vòng những tác giả tân chánh thống, quan
điểm của Brunner có phần giống quan điểm của giáo hội Công Giáo La Mã. Ông dạy
rằng đã có một hình ảnh về hình thức mà không thể bị mất trong Sự Sa Ngã vì nó làm
cho con người thành con người. Ông cũng nhìn thấy một hình ảnh vật chất mà đã bị
đánh mất qua Sự Sa Ngã.
Barth bác bỏ ý niệm về một hình ảnh về hình thức vì tin rằng con người đã hoàn
toàn bại hoại bởi tội lỗi.
C. Những Hệ Quả Của Khái Niệm Này
Khi tội lỗi bước vào dòng dõi loài người, hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người
đã được dựng nên theo đó vẫn không bị mất. Có thể nói hình ảnh ấy đã bị hư hỏng đi,
dầu vậy không bị xóa. Nếu như mô tả chính xác khái niệm hình ảnh này, thì nếu đánh
mất hình ảnh ấy, con người sẽ không còn là một hữu thể sống động, có lý trí nữa.
Có thêm chứng cứ cho thấy hình ảnh ấy đã không bị mất qua cách Kinh Thánh
dùng hình ảnh ấy sau Sự Sa Ngã. Sự kiện con người đã được dựng nên theo hình ảnh
Đức Chúa Trời chính là cơ sở cho án tử hình (9:6). Cương vị làm đầu của người nam
cũng được dựa trên việc người nam mang hình ảnh của Đức Chúa Trời ( ICo 11:7). Giacơ
khuyến cáo chúng ta đừng rủa sả đồng loại dựa trên căn bản là loài người đã được dựng
nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Gia 3:9). Những phân đoạn này sẽ không có căn
cứ nếu hình ảnh ấy đã bị xóa mất trong Sự Sa Ngã.
Sự tái sanh và nên thánh giúp đổi mới tín hữu theo hình ảnh của Đấng Christ, để
một ngày kia chúng ta sẽ được hoàn toàn trở nên giống như hình ảnh của Ngài ( Ro 8:29;
IICo 3:18). Chỉ có ân điển mới thực hiện được việc này.

III. SỰ LƯU TRUYỀN HỮU THỂ CON NGƯỜI


Khi Ađam sanh ra Sết, ông trở thành cha của một người con giống như hình tượng
của ông (Sa 5:3). Dầu Ađam đã được dựng nên trực tiếp theo hình ảnh của Đức Chúa
Trời, con của ông đã được tái tạo theo hình ảnh của Ađam, là hình ảnh dĩ nhiên vẫn còn
mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời ngay cả sau Sự Sa Ngã (xem thêm ICo 11:7). Vậy sự
lưu truyền bản thể con người đã và đang thông qua sự sinh sản tự nhiên.

198
Không ai thắc mắc điều này xét về khía cạnh vật chất của con người. Thân thể
chúng ta ra từ cha mẹ chúng ta, và thân thể họ ra từ cha mẹ họ v.v… Nhưng khía cạnh
phi vật chất của con người truyền được từ thế hệ này sang thế hệ kia như thế nào? Có
nhiều câu trả lời được lưu truyền xưa nay cho câu hỏi này:
A. Linh Hồn Hiện Hữu Từ Trước
Quan điểm này cho rằng từ ban đầu Đức Chúa Trời đã dựng nên toàn bộ linh hồn
loài người, mà những linh hồn đó đã bị giam trong thân thể vật chất như một hình
phạt. Linh hồn trải qua nhiều sự nhập thể xuyên suốt lịch sử, và trong tiến trình đó thì
mắc lấy tội lỗi. Plato và người Hy Lạp dạy sự lưu truyền này của linh hồn, và trong hội
thánh đầu tiên, Origen cũng theo quan điểm tương tự (ca. 185-ca. 254). Trong thời hiện
đại, quan điểm này được dạy bởi Thông thiên học, Ấn Độ Giáo, và triết gia F. R.
Tennant. Cơđốc giáo chánh thống chưa hề theo quan điểm này, vì nó không có nền tảng
Kinh Thánh. Hơn nữa, phương diện luân hồi của giáo thuyết này mâu thuẫn trực tiếp
với lời dạy của Kinh Thánh về sự sống đời đời hoặc hình phạt đời đời cho mỗi cá nhân
sinh ra trong thế giới này.
B. Thuyết Linh Hồn Thọ Tạo
Như đã được hậu thuẫn bởi Charles Hodge (Systematic Theology [Grand Rapids:
Eerdmans, 1940], 2:70 trở đi), thuyết linh hồn thọ tạo (creationism) dạy rằng Đức Chúa
Trời tạo dựng linh hồn tại thời điểm thụ thai hoặc sinh ra và hiệp nhất tức thì linh hồn
với thể xác. Linh hồn có tội không phải vì sự dựng nên linh hồn bằng cách nào đó có
thiếu sót, nhưng vì thông qua thân thể tiếp xúc với tội di truyền. Hodge nêu lên ba lập
luận hậu thuẫn thuyết linh hồn thọ tạo. (1) Thuyết này phù hợp hơn với những phần
Thánh Kinh như Dan 16:22 và He 12:9, nói rằng linh hồn đến từ Đức Chúa Trời (còn trái
lại thân thể đến từ cha mẹ trên trần gian này) (2) Vì bản chất của linh hồn là phi vật
chất, nên không thể được lưu truyền bằng sự sinh sản tự nhiên. (3) Sự vô tội của Đấng
Christ chỉ có thể là đúng đắn nếu linh hồn của Ngài đã được tạo dựng (và dĩ nhiên nó ắt
đã không được liên hiệp với một thân thể tội lỗi – do đó Thân Vị của Ngài sẽ là vô tội).
Công Giáo La mã và nhiều nhà thần học Cải Cách thiên về thuyết linh hồn thọ tạo.
C. Thuyết Linh Hồn Di Truyền
Quan điểm nầy cho rằng linh hồn được lưu truyền cùng với thân thể qua những
tiến trình sinh sản tự nhiên. William G.T. Shedd (Dogmatic Theology (New York:
Scribners, 1891,2:7 trở đi) dẫn chứng ba loại lập luận hậu thuẫn cho quan điểm nầy. (1)
Lập luận Thánh Kinh: He 7:10 chỉ ra hành động đạo đức và có lý trí của Lêvi lúc chưa ra
đời; Sa 2:1-3 nói Đức Chúa Trời nghỉ ngày thứ bảy của cuộc Sáng Thế vì công tác Sáng
Thế của Ngài đã hoàn tất. Không có hành động mới nào, như là tạo dựng những linh
hồn mới, được nói đến ở đây; và câu 7 không cho phép có hơi sống thổi vào bất cứ người

199
nào khác Ađam. (2) Lập luận Thần học: thuyết linh hồn thọ tạo đặt Đức Chúa Trời vào
vị thế tạo dựng một linh hồn hoàn hảo (Ngài đã không thể dựng nên một linh hồn tội
lỗi được) rồi cho linh hồn ấy xuống thế gian cho mỗi trẻ con mới chào đời. Trường hợp
của Đấng Christ vô tội chính là một ngoại lệ trên mọi phương diện và không phải là
khuôn mẫu để quyết định vấn đề nầy. (3) Lập luận Sinh lý học: con người luôn luôn
được xem như là một sự liên hiệp của linh hồn và thể xác; vì thế có phần tự nhiên hơn
khi xem cả phần thể xác lẫn tâm linh cùng phát triển chung với nhau.
Theo tôi, dường như thuyết linh hồn di truyền cung cấp lối giải nghĩa tự nhiên hơn
thuyết linh hồn thọ tạo. Tôi đồng ý với nhận định của J.O. Buswell:
Tôi thấy dường như giữa hai quan điểm này còn có sự kiện hiển nhiên nào đó bị bỏ
bê trong cuộc thảo luận lịch sử xưa nay, và đó là tính giống nhau và đều đặn thật toàn
hảo của sự xuất hiện một linh hồn mỗi khi bắt đầu có một đời sống con người. Theo suy
nghĩ thông thường của chúng ta, khi quan sát tính giống nhau và đều đặn thật toàn hảo
đến thế trong những vấn đề khác, chúng ta thường gán những kết quả cho những sức
mạnh thứ cấp do Chúa đã tạo dựng và đang duy trì bởi ơn thần hựu của Ngài. Vì lý do
này, và chỉ bởi lý do này, tôi có khuynh hướng nghiêng về quan điểm linh hồn di
truyền, nhưng tôi không nghĩ có thể xác lập vững chắc quan điểm này trên những nền
tảng của bất kỳ lời dạy rõ ràng nào của Thánh Kinh.” (A Systematic Theology of the
Christian Religion (Grand Rapids: Zondervan, 1962, trang 252).

200
Chương 32: CÁC PHƯƠNG DIỆN CỦA CON NGƯỜI
I. BẢN TÁNH CỦA CON NGƯỜI
A. Sự Hiệp Nhất Của Hai Phần
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng Ađam, Ngài lấy bụi đất của địa cầu rồi hà hơi sống vào
để dựng nên một con người sống động (Sa 2:7). Dầu có hai bước trong hành động sáng
tạo, kết quả vẫn là một con người đơn lẻ, sống động, hiệp nhất. Đúng là những phần tử
của địa cầu đã chu cấp vật liệu, trong khi hơi thở của Đức Chúa Trời đem lại sự sống.
Vật chất và phi vật chất phối hợp để sản sinh ra một thực thể đơn nhất. Bên trong thể
vật chất này có rất nhiều đặc điểm khác nhau – huyết mạch, não, bắp thịt, tóc, v.v…, và
trong thể phi vật chất, chúng ta cũng thấy rất nhiều điều khác nhau–tâm hồn, linh hồn,
tấm lòng, ý chí, lương tâm, v.v…. Nhưng thiếu sự hiệp nhất của hữu thể con người, tính
đa dạng này không thể nào hoạt động. “Quan điểm Thánh Kinh về con người cho chúng
ta thấy con người trong sự đa dạng hết sức ấn tượng, nhưng không bao giờ bỏ qua sự
hiệp nhất của trọn vẹn con người, mà trái lại, nêu bật lên và nhấn mạnh sự hiệp nhất
đó.” (G.C. Berkouwer, Man: The Image of God (Grand Rapids: Eerdmans, 1952, trang
200).
Con người có bản chất gồm hai phần là điều không thể bàn cãi được. Con người là
một thực thể vật chất và phi vật chất, hai phương diện này có thể phân biệt được. Sự
chết thể xác được mô tả là sự chia lìa thân thể và linh hồn ( Gia 2:26). Sự phân đôi theo
Thánh Kinh là khác với lời Plato dạy rằng thân thể có thể bị hư hoại nhưng linh hồn đã
tồn tại trong thế giới thiên đàng của hình thức hay ý niệm thuần khiết trước khi nhập
thể vào thân xác con người, nên bởi đó, là bất tử và không phải thọ tạo, là một phần của
Thần Linh. Sự phân đôi theo Kinh Thánh chắc chắn không dạy thân thể là nhà tù của
linh hồn, còn linh hồn được giải phóng khi thân thể chết để trở về thượng giới hoặc
được luân hồi trong một thân thể khác. Sự phân đôi theo Kinh Thánh hoàn toàn khác
biệt với thuyết nhị nguyên của Plato.
B. Không Phải Thuyết Tam Phân (Trichotomy - “cắt ra làm ba phần”)
Aristotle đã triển khai thêm sự phân chia thành hai phần của Plato bằng cách chia
hồn ra thành (a) một thú hồn (phương diện hơi thở) và (b) một giác hồn (phương diện lý
trí). Sự phân biệt nầy được Thomas Aquinas triển khai thêm trong giáo lý của Công
Giáo Lamã. Các tác giả Cơ đốc đầu tiên vì chịu ảnh hưởng của người Hy lạp nên nghĩ họ
tìm được hậu thuẫn cho thuyết tam phân trong một số phân đoạn Kinh Thánh Tân Ước,
và vài tác giả hiện đại cũng nghĩ vậy.
Thuyết tam phân phổ quát (con người gồm có thân, hồn và linh) đặt linh cao trọng
hơn hồn, và phần linh cùng với hồn cao trọng hơn thân thể. Phần thân thể liên quan
đến cái tôi, hồn liên hệ với thế giới, nhưng phần linh liên hệ với Đức Chúa Trời. Linh và
201
phần thuộc linh phải được trau dồi, nhưng phải phản kháng với phần hồn và thân thể.
Cách xếp thứ tự ưu tiên nầy không tương thích với nỗ lực của thuyết tam phân phổ
biến nhằm rút ra sự tương đồng giữa bản chất ba phần của Đức Chúa Trời với con
người. Đương nhiên các Ngôi của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều bình đẳng, dù vậy các
phần của con người thì không. Ngôi nào trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời sẽ tương ứng với
thân thể? Không thể nào chứng minh thuyết tam phân - dầu tam phân phổ quát hay
tam phân hình thức - về mặt luận lý, theo phép loại suy, hay theo Thánh Kinh.
Nhưng còn những phân đoạn Kinh Thánh thường được trích dẫn để hỗ trợ cho
thuyết tam phân thì sao?
He 4:12 có vẻ phân biệt hồn với linh, như thế hỗ trợ cho quan điểm tam phân. Tuy
nhiên, câu Kinh Thánh này không nói Lời Chúa cắt hồn ra khỏi linh mà là xuyên thấu
để phân chia hồn và linh, bởi đó phơi trần những phương diện sâu kín nhất của con
người. Ý chính đơn giản là Lời của Đức Chúa Trời không để bất cứ điều chi giấu kín.
ITe 5:23 dường như cho thấy phương diện phi vật chất của con người được cấu thành
bởi hồn và linh. Người ủng hộ quan điểm tam phân hiểu linh, hồn và thân trong câu
nầy định nghĩa các phần của con người; người theo quan niệm nhị phân nói chúng đại
diện cho toàn con người. Nếu ba phần nầy là gồm tóm tất cả các phương diện của con
người thì tấm lòng, tâm trí, ý chí và lương tâm có vai trò nào? Tại sao Phaolô không kể
chúng trong danh sách nầy? Điểm nhấn mạnh của câu nầy là ở tính toàn diện của sự
nên thánh.
ICo 15:44 dường như dạy sự khác biệt giữa thân thể hiện nay (thân hồn) và thân thể
phục sinh (thân linh). Nhưng điều đó không có nghĩa linh cao trọng hơn hồn. Giăng
cũng đã xem thấy người trong thiên đàng là “những hồn” (Kh 6:9; 20:4).
Linh có thể cùng dự phần sự dơ bẩn với xác thịt (IICo 7:1). Quan điểm tam phân hẳn
phải để sự ô uế ảnh hưởng đến xác thịt và hồn, chứ không phải đến linh. Những điều
xác thịt ưa thích là điều chống nghịch với linh hồn (IPhi 2:11). Quan điểm tam phân phải
có xác thịt chiến đấu nghịch lại với linh, hoặc hồn nghịch lại với linh. Làm sao Chúa có
thể truyền chúng ta yêu mến Ngài với cả hồn chúng ta nếu hồn chỉ ý thức về thế gian
chứ không ý thức về Đức Chúa Trời? (Mac 12:30). Quan điểm tam phân hẳn phải lý giải
mạng lệnh nầy là: “hết cả linh của ngươi,” nhưng mạng lệnh nầy không hề nhắc đến
linh. Trong He 10:38, hồn được dùng để nói đến Đức Chúa Trời.
Con người được dựng nên bởi hai chất liệu, vật chất và phi vật chất. Mỗi chất liệu
bao gồm một sự đa dạng bên trong nó. Nhiều phương diện của vật chất và nhiều
phương diện của phi vật chất kết hợp với nhau để làm nên tổng thể của mỗi con người.
Con người là sự đa dạng phong phú trong một thể thống nhất.

202
II. CÁC PHƯƠNG DIỆN TRONG KHÍA CẠNH PHI VẬT CHẤT CỦA
CON NGƯỜI
Con người giống như viên kim cương có rất nhiều mặt. Những mặt đó không phải là
những thực thể tách biệt, dầu vậy chúng phản chiếu nhiều phương diện khác nhau của
một tổng thể. Chúng có thể giữ những chức năng giống nhau hay trùng lắp, nhưng có
thể phân biệt được chúng. Chúng không phải là những phần ; chúng là các phương
diện, các khía cạnh, các mặt của một toàn thể.
A. Hồn
Trong ý nghĩa căn bản nhất của nó, từ ngữ Hêbơrơ nephesh có nghĩa là “sự sống.”
Nó nói lên con người được sáng tạo nguyên thủy là một hữu thể sống động (hồn) (Sa 2:7)
cũng như các hình thức sự sống khác (1:20-21,24,30; Le 17:11). Cũng xem Xu 21:23 và Gios
2:13. Đây là ý niệm mà Anh ngữ muốn nói mỗi cá nhân như một hồn.

Nguyên tắc sự sống đó cáo biệt ở thời điểm chết thể xác (Sa 35:18; Gie 15:2). Tuy vậy
xác chết được gọi là hồn (Le 21:1-3; Dan 6:6; 9:6). Trong Cựu Ước “hồn” không hiện hữu
tách rời khỏi thân xác, một lần nữa nhấn mạnh sự hiệp nhất của con người. “Dầu cách
dùng n. (n.: nephesh, hồn) chỉ về sự sống nầy là đa dạng và phong phú, chúng ta vẫn
không được phép khỏi nhận định rằng n. chưa hề mang nghĩa về một cốt lõi không thể
hủy diệt được của hữu thể, để phân biệt với sự sống thuộc thể, và thậm chí có khả năng
sống khi bị dứt khỏi sự sống đó.” (Hans Walter Wolff, Anthropology of the Old
Testament [Philadelphia: Fortress, 1974], trang 20).
Hồn cũng là trung tâm của nhiều kinh nghiệm thuộc linh và xúc cảm khác nhau
của loài người. Những kinh nghiệm này bao gồm sự đồng cảm (Giop 30:25), thất vọng
(Thi 43:5), cay đắng (IIVua 4:27), ghét (IIS4amuên 5:8), thương (Nha 1:7; 3:1-4), và buồn khổ
(Gie 13:17).
Tân Ước cho thấy một vài điểm tương đồng và dị biệt trong cách dùng từ ngữ “hồn”
(psyche). Chữ này bao hàm cho toàn thể con người một cá nhân (Cong 4:21; 27:37 KJV).
Nhưng hồn có thể còn nói đến phần phi vật chất của con người (Mat 10:28). Nó cũng nói
đến con người trong trạng thái trung gian giữa sự chết và sự sống lại của thân thể (Kh
6:9).

Hồn dường như là tiêu điểm chính của sự cứu chuộc (cho dù dĩ nhiên thể xác cũng
kinh nghiệm những ảnh hưởng của sự cứu chuộc). Xem những phân đoạn như He 10:39;
13:17; Gia 1:21; IPhi 1:9,22; 2:11,25.

Tóm lại, hồn có thể nói đến toàn bộ con người, hoặc đang sống hoặc sau khi chết; nó
có thể nói lên phần phi vật chất của một con người với nhiều suy nghĩ và xúc cảm; và
nó là tiêu điểm quan trọng của sự cứu chuộc và tăng trưởng thuộc linh.

203
B. Linh
Linh (ruach và pneuma) chỉ nói đến phần phi vật chất của con người, khác với hồn
là chữ có thể nói đến toàn bộ con người, cả phần vật chất và phi vật chất. Con người là
một hồn, nhưng không nói con người là một linh – con người có một linh.
Linh ra từ Đức Chúa Trời, và mọi người đều có linh (Dan 16:12; He 12:9). Rõ ràng
không đúng với Kinh Thánh khi bảo con người không có linh cho đến khi người ấy
nhận lãnh Thánh Linh tại lúc được cứu (cũng xem ICo 2:11; He 4:12; Gia 2:26).
Là một khía cạnh trong phần phi vật chất, linh của con người là trung tâm của
nhiều đặc điểm, cảm xúc, và hoạt động khác nhau. Một số trong đó gồm có suy nghĩ ( Es
29:24), sự hồi tưởng (Thi 77:6), sự khiêm nhường (Mat 5:3), đau buồn (Sa 26:35), bối rối lo
âu (Gi 13:21), ghen tỵ (Dan 5:14), kiêu căng (Ch 16:18), và ăn năn hối lỗi (Thi 34:18). Vì linh
có thể biểu lộ những cảm xúc không đáng mong muốn, nên cần quan tâm đến linh
trong nếp sống thuộc linh (Thi 51:10; IICo 7:1).
Dầu hồn và linh có thể liên hệ đến cùng những hoạt động và xúc cảm như nhau,
dường như có sự phân biệt và đối chiếu tương phản giữa hồn và linh trong suy nghĩ của
Phaolô. Điều này giải thích điểm nhấn mạnh của ông vào phần thuộc linh ( ICo 2:14; 3:1;
15:45; Eph 1:3; 5:19; Co 1:9; 3:16). Tại sao vậy?

“Khi Phaolô trở thành Cơ đốc nhân, kinh nghiệm về Đức Chúa Trời trong Đấng
Christ trở nên nhân tố quyết định, không những trong quan điểm của ông về Đức Chúa
Trời mà trong mọi sự. Bởi vì Phaolô là người Do thái, thái độ của ông đối với Đức Chúa
Trời ảnh hưởng và quyết định mọi suy nghĩ của ông. Trong kinh nghiệm Cơđốc,
psyche, là từ ngữ chỉ về sức sống thuộc thuần túy về con người, đã trở thành không còn
quan trọng nữa. Pneuma, là từ ngữ bắt đầu với Đức Chúa Trời nhưng đã tiếp tục vào
trong con người, đã trở thành trung tâm. Cách dùng không thường xuyên của psyche
của Phaolô là bí quyết để hiểu điều đó… Hiểu biết của Phaolô về Đức Thánh Linh đã lập
nền tảng cho nhân loại học của ông, và pneuma chiếm giữ vai trò hàng đầu.” (W. David
Stacey, The Pauline View of Man (London: Macmillan, 1956, trang 126-7).
Tóm lại: linh không nói đến trọn con người, nhưng là phần phi vật chất với nhiều
chức năng và suy nghĩ khác nhau của nó. Theo ý của Phaolô, nó đảm đương vai trò nổi
bật đối với nếp sống thuộc linh.
C. Tấm Lòng
Tấm lòng là khái niệm rất bao quát trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Được dùng
khoảng 955 lần, lòng đại diện cho phần trung tâm và ngai của đời sống cả thuộc thể và
thuộc linh. Chỉ một số tương đối rất ít lần nhắc đến cơ quan tim của thân thể ( IISa 18:14;

204
IIVua 9:24). Đa số dùng chữ lòng để nói đến con người bề trong, phần thiết yếu của rất
nhiều phương diện trong nhân cách của người đó. Một số phương diện như sau:
1.Tấm lòng là ngai của nếp sống lý trí. Lòng cân nhắc (Phu 8:5); lĩnh hội sự hiểu biết
Lời Chúa (Thi 119:11); là nguồn của những tư tưởng và hành động xấu xa (Mat 15:19-20);
có những tư tưởng và ý định (He 4:12); lòng có thể đầy dối trá (Gie 17:9).
2.Tấm lòng là ngai của đời sống tình cảm. Lòng yêu mến (Phu 6:5). Lòng sinh ra sự
tự cáo trách (Giop 27:6); lòng vui vẻ và mừng rỡ (Thi 104:15; Es 30:29); lòng có thể buồn
rầu (Ne 2:2; Ro 9:2); lòng có những ao ước (Thi 37:4); lòng có thể cay đắng (73:21).
3. Tấm lòng là ngai của đời sống ý chí. Lòng tìm kiếm (Phu 4:29); nó có thể thay đổi
(Xu 14:5); lòng có thể cứng cỏi (8:15; He 4:7); lòng có khả năng chọn lựa (Xu 7:22-23); nó có
thể không chịu cắt bì (Gie 9:26; Cong 7:51).
4. Tấm lòng là ngai của nếp sống thuộc linh. Người tin với tấm lòng thì được sự
công chính (Ro 10:9-10). Đối với tín hữu, tấm lòng là nơi ngự của Đức Chúa Cha (IPhi
3:15), của Đức Chúa Con (Eph 3:17) và Đức Thánh Linh (IICo 1:22). Tấm lòng của tín hữu
phải trong sạch (ITi 1:5; He 10:22) và chịu cắt bì (Ro 2:29).
D. Lương Tâm
Lương tâm là kẻ làm chứng bên trong con người để nói cho người đó biết phải làm
điều mình tin là đúng và đừng làm điều mình tin là sai. Lương tâm không dạy chúng ta
điều nào đó là sai hay đúng, nhưng thúc đẩy chúng ta làm điều mình đã được dạy là
đúng. Người ta có thể lấy một lương tâm tốt để làm điều sai quấy vì họ đã được dạy sai
trật về điều sai và điều đúng (Cong 23:1).
Lương tâm chỉ xuất hiện trong Tân Ước. Những chức năng đó của lương tâm được
gán cho tấm lòng trong Cựu Ước (ví dụ như ISa 24:5; Giop 27:6). Trong Tân Ước, lương
tâm thường xuất hiện thường xuyên nhất trong những tác phẩm của Phaolô (Giăng đã
dùng từ lòng, như trong IGi 3:19-21).
Lương tâm của người chưa được cứu có thể là kim chỉ nam tốt (Gi 8:9; Ro 2:15) hoặc
không tốt cho dầu nó dường như hướng dẫn đúng (Cong 23:1; ITi 4:2; Tit 1:15; He 10:22).
Lương tâm có thể ví như những cái thắng không đáng tin của một chiếc xe. Đôi lúc
chúng có thể làm trọn chức năng, nhưng không thể tin chúng.
Lương tâm của Cơ đốc nhân hoạt động để thúc giục họ làm theo lẽ phải trong nhiều
mối liên hệ khác nhau của đời sống. (1) Nó thúc giục họ phục tùng các bậc cầm quyền
nơi họ đang sống (Ro 13:5). (2) Nó bảo họ phải chịu đựng dưới quyền một người chủ
không công bình (IPhi 2:19). (3) Lương tâm của một anh em yếu đuối hơn không cho
phép họ được ăn thịt đã cúng cho thần tượng cần phải được người anh em mạnh mẽ

205
hơn tôn trọng (ICo 8:7,10,12). (4) Có thể gọi đến lương tâm để xác chứng cho chiều sâu và
thực tại của một cam kết thuộc linh (Ro 9:2; IICo 1:12; 4:2).
E. Trí
Giống như lương tâm, tâm trí là một khái niệm của Tân Ước. Trong Cựu Ước, từ ngữ
tấm lòng thường được phiên dịch là tâm trí. Tâm trí bao gồm cả những tính năng thuộc
về sự lĩnh hội và hiểu biết cũng như những khả năng cảm nhận, phán đoán, đánh giá
và quyết định. Phroneo, nous, và sunesis là những từ ngữ chủ yếu của Tân Ước chỉ về ý
niệm này.
Tâm trí người chưa được cứu bị coi là trụy lạc (Ro 1:28), hư không (Eph 4:17), ô uế (Tit
1:15), đui mù (IICo 4:4) và tối tăm (Eph 4:18). Hơn nữa, người ấy thiếu mất tính năng then
chốt được tiêu biểu bởi sunesis (Ro 3:11).
Tâm trí của tín đồ giữ vị trí trọng tâm trong sự phát triển thuộc linh của họ. Đức
Chúa Trời dùng trí của tín hữu trong sự hiểu biết lẽ thật của họ ( Lu 24:45; ICo 14:14-15).
Nếp sống tận hiến phải bao gồm một tâm trí đã được đổi mới (Ro 12:2). Tâm trí dự phần
quyết định những điều còn nghi ngại (Ro 14:5), theo đuổi đức thánh khiết (IPhi 1:13),
hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời (Eph 5:17), và yêu mến Chúa (Mat 22:37). Mọi tư
tưởng phải bị bắt phục để vâng lời Đấng Christ (IICo 10:5).
F. Xác Thịt
Dầu xác thịt đôi khi nói đến mô trong cơ thể (Lu 24:39) hoặc đến toàn bộ phần vật
chất của con người (ICo 15:39; He 5:7), nhưng khi được dùng nói đến một phương diện
của bản tính phi vật chất, chữ này nói đến xu hướng về tội lỗi và chống nghịch Đức
Chúa Trời (Ro 7:18; ICo 3:3; IICo 1:12; Ga 5:17; Co 2:18; IIPhi 2:10; IGi 2:16). Cả tín đồ lẫn người
chưa tin đều sở hữu tính năng này.
G. Ý Chí
Thật ra Kinh Thánh nói nhiều về ý chí của Đức Chúa Trời hơn là ý chí con người, và
nói cách không có hệ thống. Một tín hữu có thể muốn làm điều đúng hoặc điều sai ( Ro
7:15-25; ITi 6:9; Gia 4:4). Ý chí có lẽ là sự diễn tả chính mình thông qua những phương
diện khác của cá tánh người đó hơn là chính một khả năng đặc biệt. Đây là những
phương diện thuộc phần phi vật chất của con người, qua đó họ có thể tự làm vinh hiển
mình hoặc hầu việc và tôn vinh Chúa của mình.

206
Chương 33: SỰ SA NGÃ CỦA CON NGƯỜI
Có thể chia các quan điểm về tính xác thực của bản ký thuật Sự Sa Ngã của con
người trong Sáng Thế Ký 3 ra thành ba loại.
(1) Có người nói đó là truyền thuyết, có nghĩa những sự kiện ấy không có thật.
“Hiển nhiên toàn bộ văn phong của câu chuyện cho thấy những bản tóm tắt như thế
không thể có được giá trị của những bản ký thuật lịch sử. Nó là một bức tranh tổng
quát về tôn giáo và nền đạo đức trong ánh sáng của thời kỳ về sau đó. Nhưng nó tuyệt
đối không hề nhằm mục đích cung cấp kiến thức về những ngày ban sơ đó, vì vậy
chúng hoàn toàn vô giá trị.” (Hermann Schultz, Old Testament Theology (Edinburgh, T.
& T. Clark, 1895,1:89).
(2) Nhiều người khác muốn bảo tồn “sự thật” của câu chuyện này mà không buộc
phải chấp nhận tính đáng tin cậy lịch sử của nó. Vậy nên A. M. Hunter gọi nó là một
“huyền thoại đúng.” “Nếu không phải là những người theo trào lưu chính thống không
chút xiêu lòng, thì chúng ta biết Sáng Thế Ký 3 xứng đáng được xem là ‘một huyền
thoại đúng’– tức là, dù Êđen không có trên bản đồ nào và sự sa ngã của Ađam không ăn
khớp với niên đại lịch sử nào, thì đoạn Kinh Thánh đó vẫn làm chứng cho một chiều
kích của kinh nghiệm con người trong thời hiện tại cũng như trong buổi đầu của lịch
sử – nói đơn giản hơn, chúng ta là những tạo vật sa ngã, và câu chuyện Ađam-Êva là
câu chuyện của bạn và tôi. (Interpreting Paul’s Gospel (London: SCM, 1954, trang 77).
(3) Nhiều người xem câu chuyện này là sự thật xảy ra trong lịch sử theo đúng sự
kiện. “Câu chuyện Sáng Thế, sự khởi đầu, tiến triển và hoàn thành của sự Sáng Thế,
mang những dấu hiệu - cả về hình thức lẫn thực chất - của một văn kiện lịch sử, nhằm
ý định cho chúng ta phải chấp nhận đó là sự thật đúng với sự kiện, không những chấp
nhận đó là lời khẳng định Đức Chúa Trời đã tạo dựng trời đất và hết thảy mọi vật sống
và động trong thế gian, mà còn mô tả chính Sự Sáng Thế trong mọi giai đoạn của nó.”
(C.F. Keil và F. Delitzsch, The Pentateuch (Edinburgh: T & T. Clark, không rõ năm xuất
bản, 1:137)
Nhiều phần Kinh Thánh khác xác chứng sử tính của Sự Sa Ngã. Xem ICo 15:21-22 và
ITi 2:14. Nhưng đặc biệt quan sát cách Phaolô nhấn mạnh sử tính của tội lỗi Ađam ở Ro
5:12-21. Ông liên tục đối chiếu việc đó với công việc Đấng Christ đã thực hiện trên thập
tự giá. Đối với những người hiểu Sáng Thế Ký 3 là truyền thuyết, thơ ca, huyền thoại
đúng, hoặc bất cứ điều gì đi nữa, đa số họ không phủ nhận thực tế sự chết của Đấng
Christ (dù có thể không đồng ý về ý nghĩa quan trọng của nó). Nhưng sự so sánh và đối
chiếu của Phaolô trong phân đoạn Kinh Thánh này đòi hỏi cả hành động của Ađam lẫn
của Đấng Christ một là đều chân thật, hai là cả hai đều là truyền thuyết hoặc huyền
thoại. Chấp nhận sự chết của Đấng Christ là một sự kiện thực tế còn tội lỗi của Ađam

207
không phải sự kiện thực tế, chí ít thì đấy cũng là cượng giải phân đoạn này đến cực độ.
Đây là việc phái của Barth cố gắng làm. Họ không những chấp nhận sử tính sự chết của
Đấng Christ, mà đối với họ đó còn là đỉnh cao nhất của sự mặc khải. Thế nhưng họ
không công nhận bản ký thuật Sáng Thế Ký 3 là sự kiện thật, dù họ công nhận sự thật
về và sự thực hữu của tội lỗi. Nhưng theo phân đoạn Kinh Thánh đó, nếu Đấng Christ
và việc Ngài đã làm thuộc về địa hạt của sự kiện thực tế, thì Ađam và những hành động
của ông cũng vậy.
I. NGƯỜI BỊ CÁM DỖ
Trước khi phạm tội, bản tánh và mối liên hệ của Ađam với Đức Chúa Trời là gì?
A. Những Năng Lực Tự Nhiên Của Ađam
Chúng ta biết Ađam đã có những năng lực hiểu biết và lý luận giúp ông đặt tên cho
loài vật và lý luận về mối liên hệ của Êva đối với chính ông (Sa 2:19-23). Đức Chúa Trời
cũng phú cho ông khả năng dùng ngôn ngữ để có được sự truyền thông giữa Đức Chúa
Trời với chính ông (các câu 16,20,22).
B. Bản Tánh Đạo Đức Của Ađam
Bất luận chúng ta mô tả bản tánh đạo đức của Ađam thế nào đi nữa trước khi Sa
Ngã, rõ ràng ông đã không có tội. Có người nói điều này muốn nói đến một loại thánh
khiết thụ động, trong đó Ađam đã không phạm điều sai quấy. Ông thánh khiết đến mức
có thể giúp ông vui hưởng sự thông công trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Có lẽ là quá mạnh
đến nỗi không nói được đến sự thánh khiết tích cực, bởi vì Ađam đã có thể chọn lựa tội
lỗi. Tôi thích mô tả thế nầy hơn: Ađam đã sở hữu đức thánh khiết (bởi vì ông còn hơn cả
“vô tội”) thọ tạo (vì sự thánh khiết của ông không phải như sự thánh khiết của Đấng
Tạo Hóa) chưa được khẳng định (bởi vì trước đó ông chưa vượt qua cũng chưa thất bại
trước thử nghiệm).
Ađam đã có ý chí tự do và một tâm trí có khả năng cân nhắc những chọn lựa.
“Vì thế có thể Ađam đã đứng vững nếu ông muốn, vì ông đã sa ngã chỉ bởi ý chí
riêng của ông; nhưng vì ý chí của ông có thể uyển chuyển linh động về cả hai hướng,
và ông đã không được phú cho tính không thay đổi để bền chí, vì thế ông dễ dàng sa
ngã đến như vậy. Thế nhưng sự chọn lựa điều thiện hoặc ác của ông là hoàn toàn tự do;
và không những thế, tâm trí và ý chí của ông còn có tính ngay thẳng hoàn hảo, và trọn
mọi bộ phận cơ quan trong thể xác ông đều sẵn sàng để vâng lời, cho đến khi tự hủy
mình thì ông đã làm hư hoại hết mọi điều tuyệt hảo của mình.” (John Calvin, Institutes,
I, XV, 215).
C. Trách Nhiệm Của Ađam

208
1. Thi hành quyền quản trị trên đất (Sa 1:26,28). Những người theo thuyết thần trị
hiểu điều được gọi là “mạng lệnh canh tác” nầy như sự ủy nhiệm cho con người đem
mọi cấu trúc thế gian này đặt dưới quyền tể trị của Đấng Christ, triệt hạ mọi loại sự
chống nghịch Đức Chúa Trời. Các tác giả Cải Chánh hiểu mạng lệnh này cách tương tự,
ngoại trừ họ không nhấn mạnh sự thiết lập mọi khía cạnh của luật Cựu Ước trên xã hội
ngày nay. Tuy nhiên, hãy để ý rằng cụm từ “làm cho đất phục tùng” không phải là một
phần mạng lệnh truyền cho Nôê và hậu tự của ông (là chúng ta) sau trận Nước Lụt ( 9:1).
Để ý thêm, từ ngữ “phục” trong 1:28 đến từ một gốc từ có nghĩa “nhào trộn” hay “bước
giẫm lên” và nói đến việc canh tác trái đất hầu cho dòng giống đó có thể tăng lên.
Ađam sẽ cai quản trái đất và những tạo vật của đất hầu cho nó có thể nuôi sống những
con người sẽ làm đầy dẫy đất. Đây là bối cảnh trong Ađam đã được truyền trồng và giữ
vườn Êđen (2:15). Có lẽ Êđen ắt đã mọc hỗn loạn um tùm nếu Ađam không chăm sóc.
2. Để hưởng những thành quả chăm sóc khu vườn (Sa 2:16-17).
II. SỰ THỬ NGHIỆM
Cuối cùng, sự thử nghiệm đó là Ađam và Êva có vâng lời Đức Chúa Trời hay không.
Cách đặc biệt để họ có thể chứng minh chính là không ăn trái của một trong các cây
thuộc vườn Êđen, tức cây biết điều thiện và điều ác. Trên một phương diện, đó là một
điều cấm đoán bé nhỏ so với biết bao nhiêu cây cối trong vườn Êđen mà họ có thể ăn
trái. Trên phương diện khác, đó là vấn đề trọng yếu, bởi vì đây là cách cụ thể để họ có
thể chứng minh mình vâng lời hay không vâng lời Đức Chúa Trời. Tương tự như vậy, có
bao nhiêu cách chúng ta có thể chứng minh mình vâng lời hoặc không vâng lời Đức
Chúa Trời trong mỗi một ngày?
Khi đặt một thử nghiệm, Đức Chúa Trời đã chứng tỏ Ngài muốn con người tình
nguyện chọn vâng lời Ngài và hầu việc Ngài. Ngài không muốn có những người máy.
III. KẺ CÁM DỖ
Satan đã khôn ngoan sử dụng một tạo vật mà Êva đã quen thuộc thay vì tự xuất đầu
lộ diện, là điều có thể cảnh báo Êva về sự khác thường và khiến bà phải dè chừng.
Satan đã dùng một con rắn thực sự, vì con rắn cũng như Satan đã bị rủa sả sau Sự Sa
Ngã. Vì lý do nào đó, Êva đã không hoảng sợ khi con rắn nói chuyện với bà. “Kẻ cám dỗ
chú ý đến người nữ này, có lẽ (vì … người nữ này đã không đích thân nhận lệnh cấm từ
Đức Chúa Trời, như Ađam đã nhận; hãy xem thêm các câu 16-17.” (Geerhardus Vos,
Biblical Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1948, trang 45).
IV. SỰ CÁM DỖ
A. Sự Giả Mạo Của Satan

209
Dĩ nhiên, vật giả mạo cố gắng càng gần với vật thật chừng nào tốt chừng nấy, đồng
thời loại điều có giá trị ra ngoài. Là kẻ lừa dối bậc thầy, Satan đã từng mong ước được
giống như Đức Chúa Trời, chứ không muốn khác Chúa (Es 14:14). Bây giờ hắn đến gần
Êva, gợi ý rằng chương trình của hắn giống như chương trình của Đức Chúa Trời nhưng
không hạn chế về lòng vâng phục trọn vẹn. Khi tiếp cận câu hỏi có phải Đức Chúa Trời
không cho đụng đến bất kỳ cây nào trong Vườn, Êva mau chóng xác nhận bà và Ađam
có thể ăn mọi trái cây trong Vườn, ngoại trừ một cây. Và ngoại lệ đó dường như xuất
hiện trong trí bà như sự chợt nghĩ lại. Satan nói bóng gió đến khả năng Đức Chúa Trời
đã áp đặt những giới hạn quá rộng trên họ, và Êva bắt đầu tán thành tư tưởng đó.
Sau đó Satan tiếp tục nêu kế hoạch riêng của hắn, là kế hoạch không có giới hạn ấy.
“Người nữ này hành động dựa trên giả định rằng ý định của Đức Chúa Trời thật thiếu
thân thiện, còn Satan được thúc giục bởi ước muốn giúp phát triển phúc lợi của nàng.”
(Vos, Biblical Theology, trang 47). Satan đang cố gắng giả mạo sự tốt lành của Đức
Chúa Trời.
Có thể xem cám dỗ của Satan trong hình thức tam đoạn luận. Đại tiền đề: những sự
cấm đoán là không tốt. Tiểu tiền đề: chương trình của Đức Chúa Trời có một cấm đoán,
rồi đến kết luận: chương trình của Đức Chúa Trời là không tốt. Mặt khác, chương trình
của Satan đã không có cấm đoán nào; vì thế chương trình đó là tốt. Tính xác thực của
kết luận dựa trên chân lý của đại tiền đề, mà trong trường hợp này, đại tiền đề đó
không đúng. Những cấm đoán không nhất thiết đều là sai hoặc khó ưa. Thật ra lệnh
cấm cho Ađam và Êva trong Vườn là tốt ở chỗ nó cung cấp phương cách chính để họ có
thể chứng tỏ mình vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Kế hoạch giả mạo của Satan đã
loại trừ lệnh cấm đó và cống hiến hy vọng sai lầm rằng nếu Êva ăn trái cấm này thì có
thể trở nên giống Đức Chúa Trời.
B. Những Lý Luận Hợp Lý Hóa Của Êva
Lập luận tìm cớ hợp lý hóa của Êva về việc bà sắp làm có lẽ đã đi theo những tuyến
này. Khi xem xét đề xuất của Satan, Êva lý luận rằng trái cây đó ngó bộ ăn ngon, và
cung cấp vật ngon cho Ađam cũng là một trong những trách nhiệm làm vợ của bà. Hơn
nữa, tại sao Đức Chúa Trời muốn giữ lại thứ trái cây đẹp mắt đó, vì Ngài đã làm biết bao
điều tốt đẹp cho họ hưởng? Và, dĩ nhiên Đức Chúa Trời chắc chắn muốn họ khôn
ngoan. Do đó, ăn trái cây này là chuyện đáng chuộng, thậm chí cần thiết nữa. Mạng
lệnh rõ ràng của Chúa truyền không được ăn đã biến mất khỏi trí bà. Mọi phước hạnh
Ngài đã ban đã nhanh chóng bị quên lãng. Tâm trí Êva dường như chỉ tràn ngập những
lý luận hợp lý hóa của bà – trái cây đó sẽ cấp chất bổ cho sức khỏe; nó sẽ bồi đắp
những sở thích thẩm mỹ của họ; và cũng thêm cho họ khôn ngoan nữa. Sau khi bào
chữa điều mình sắp làm, bà đã hái trái từ trên cây rồi ăn.

210
V. CÁC HÌNH PHẠT
A. Trên Dòng Dõi (Sa 3:7-13)
1. Mặc cảm phạm tội, lộ rõ qua bằng chứng lấy lá che thân (c.7).
2. Mất mối thông công được biểu lộ qua việc ẩn mình khỏi Đức Chúa Trời (c.8). Điều
này cũng đem lại cả sự chết thuộc linh lẫn thuộc thể cho nhân loại. Sự chết luôn luôn là
sự phân cách; lập tức Ađam và Êva kinh nghiệm sự phân cách thuộc linh, và lập tức
kinh nghiệm tiến trình suy tàn trong thân thể họ, là điều cuối cùng đem lại sự chết
thuộc thể (Ro 5:12).
B. Trên Con Rắn (Sa 3:14)
Con rắn đã bị đoán phạt phải bò bằng bụng, có lẽ đây là dấu hiệu hạ thấp phẩm giá
và/hoặc có lẽ cho thấy nó đã từng là tạo vật đứng thẳng trước khi chịu hình phạt nầy.
Ngay cả trong Thời Đại Thiên Hy Niên, tư thế bò nầy cũng vẫn tiếp diễn (Es 65:25). Thực
ra toàn thế giới động vật đều bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã để cho con người trong tình
trạng sa ngã vẫn có thể thi hành mức độ thống trị nào đó của mình trên nó (Ro 8:20).
C. Trên Satan (Sa 3:15)
1. Dòng dõi của Satan và dòng dõi của người nữ. Sẽ có sự thù địch giữa dòng dõi
Satan (mọi người hư mất, Gi 8:44; Eph 2:2) và dòng dõi người nữ (toàn thể gia đình của
Đức Chúa Trời).
2. Sự chết cho Satan, thương tích cho Đấng Christ. Một người từ dòng dõi người nữ
(Chúa Jesus Christ) sẽ giáng đòn trí mạng vào đầu Satan tại thập tự giá (He 2:14; IGi 3:8)
còn Satan sẽ khiến Đấng Christ chịu khổ (“cắn gót chân người”). Những người DoThái
trước thời Đấng Christ đã bày tỏ một “sự chấp nhận kín giấu ý niệm về Đấng Mêsia
trong Sa 3:15.” (David Baron, Rays of Messiah’s Glory, (Winona Lake, Ind.: BMH Books,
1979, trang 44-5).
D. Trên Êva và Phụ Nữ (Sa 3:16)
1. Sự thai nghén. Đức Chúa Trời sẽ làm cho tăng thêm nỗi đau đớn của phụ nữ khi
mang thai (chứ không phải “sự đau đớn của ngươi và sự mang thai của ngươi,” KJV –
hai điều). Sự sinh con bây giờ phải có nỗi đau đớn cặp theo.
2. Dục vọng của người nữ phải hướng về chồng mình. Có người hiểu điều này cho
thấy yếu tố bù đắp cho nỗi đau đớn khổ nhọc khi sanh con; tức là dù đau đớn, nàng vẫn
kinh nghiệm sức hấp dẫn tình dục sâu đậm của chồng, và như thế, khao khát có con.
Người khác hiểu điều này có nghĩa nàng sẽ khao khát cai trị chồng mình, trái ngược với
trật tự Đức Chúa Trời đã thiết lập. Cùng một chữ “dục vọng” được dùng theo nghĩa này

211
trong Sa 4:7. (Xem Susan T. Foh, Women and the Word of God (Nutley, N. J.:
Presbyterian & Reformed, 1980, trang 67-9).
3. Thứ bậc cai trị. Người nữ sẽ bị người nam cai trị, đây là một cách sắp xếp thứ bậc
cần thiết cho một thế giới tội lỗi. Tân Ước không bãi bỏ cách xếp đặt này (ICo 11:3; 14:34;
Eph 5:24-25; Tit 2:3-5; IPhi 3:1,5-6).

E. Trên Ađam và Nam Giới (Sa 3:17-24)


1. Sự rủa sả đất. Đất bị rủa sả vì tội lỗi của Ađam đến nỗi sẽ mọc lên gai góc và tật
lê, tăng thêm công việc của ông để làm đất sinh hoa màu. Trước đó, công việc của
Ađam thật dễ chịu và thỏa lòng; bây giờ sẽ thật khó khăn và trống rỗng.
2. Sự chết. Ađam và loài người khi chết phải trở về bụi đất.
3. Trục xuất. Ađam bị đuổi khỏi vườn Êđen, một hành động mang cả tính địa lý lẫn
thuộc linh để làm hình bóng đoạn tuyệt mối thông công.
VI. CÁC HỆ QUẢ
Ngoài những hình phạt đặc biệt này, cần nêu hai hệ quả quan trọng nữa từ tội của
Ađam và Êva.
Trước hết, mọi tội lỗi đều ảnh hưởng đến người khác. Tội của Êva đã ảnh hưởng đến
Ađam, và tội của Ađam lại ảnh hưởng trên toàn dòng dõi. Không một người nào phạm
tội cách hoàn toàn riêng tư mà không để lại những hậu quả cho người khác. Mọi điều
chúng ta làm hoặc không làm đều ảnh hưởng cách này hoặc cách khác đến ít người
hoặc nhiều người.
Thứ nhì, khi đã phạm tội rồi thì không bao giờ có thể hồi lại được. Có thể kinh
nghiệm sự tha thứ và phục hồi mối thông công, nhưng không thể thay đổi hoặc xóa bỏ
lịch sử. Ađam và Êva khi đã bị trục xuất rồi thì không thể trở về Vườn Êđen. Êsau
không thể khôi phục lại quyền trưởng nam mình đã bán (He 12:16-17). Môise không thể
đích thân đặt chân vào Đất Hứa mà chỉ có thể trông thấy từ đằng xa vì cớ tội của ông
(Dan 20:12, Phu 3:27). Vương quốc bị tước khỏi tay Saulơ và hậu duệ của ông vì ông đã
không đợi Samuên đến dâng của tế lễ (ISa 13:13-14). Đây là những gương cảnh tỉnh về
những hậu quả của tội lỗi.
Tuy nhiên vẫn còn một phương diện khác nữa cho cả hai hệ quả này. Tội lỗi ảnh
hưởng trên những người khác, nhưng ân điển và sự tốt lành cũng ảnh hưởng trên
những người khác. Không thể xóa bỏ lịch sử được, nhưng tương lai có thể khác đi (tốt
hơn) vì chúng ta rút được những bài học của lịch sử. Phaolô nghĩ lối cư xử của Giăng
Mác trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất khiến Mác không đủ tư cách cùng đi với
Phaolô trong hành trình thứ nhì (Cong 15:38). Nhưng Mác chắc đã rút được bài học nào
đó từ vụ này, vì sau đó Phaolô muốn Mác đến (IITi 4:11). Sự Sa Ngã đã ảnh hưởng trên
212
mọi người, đem lại sự bại hoại và sự chết, và nó sẽ luôn luôn là giờ phút tối tăm nhất
của toàn lịch sử loài người; thế nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng, thì ân điển lại càng dư
dật, và ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời (Ro 5:20; IGi 2:17).

213
PHẦN VIII: TỘI LỖI
Chương 34: QUAN ĐIỂM THÁNH KINH VỀ TỘI LỖI
Quan điểm của Thánh Kinh về tội lỗi xuất phát từ việc nghiên cứu những từ ngữ
được dùng trong cả Cựu và Tân Ước chỉ về tội lỗi. Các thuật ngữ này thật là nhiều, khi
được so với chữ ân điển trong Kinh Thánh. Chỉ cần ba chữ để diễn tả ân điển (chen và
chesed trong Cựu Ước và charis trong Tân Ước). Ngược lại, có ít nhất là tám chữ căn
bản chỉ về tội lỗi trong Cựu Ước và một tá trong Tân Ước. Chúng cùng cung cấp những
khái niệm cơ bản liên quan đến giáo lý này.
I. TRONG CỰU ƯỚC
A. Chata
Trong mọi hình thức, từ căn bản này chỉ về tội lỗi xuất hiện khoảng 522 lần trong
Cựu Ước. Ý nghĩa căn bản của nó là trật mục tiêu và tương đương với từ Hylạp
hamartano. Nhưng trật mục tiêu cũng bao gồm trúng vào mục tiêu khác; tức là khi trật
mục tiêu đúng và bởi đó phạm tội, mình còn trúng vào mục tiêu sai nữa. Ý tưởng nầy
không chỉ mang nghĩa thụ động của việc trượt, mà còn mang nghĩa chủ động của việc
đánh trúng. Chữ này được dùng chỉ về tệ nạn đạo đức, tội thờ hình tượng, và tội phạm
về lễ nghi. Một số câu Kinh Thánh quan trọng gồm có Xu 20:20; Cac 20:16; Ch 8:36; và 19:2.
B. Ra
Được dùng khoảng 444 lần trong Cựu Ước, chữ này tương đương với kakos hay
poneros, nghĩa căn bản là phá vỡ, tàn phá hay hủy hoại. Nó thường có nghĩa “những tai
họa” và nhiều lần được dịch là “điều ác.” Có lẽ chữ này nói lên điều gì đó gây thương
tích cũng như sai quấy về đạo đức (Sa 3:5,38:7; Cac 11:27). Es 45:7 nói Đức Chúa Trời dựng
nên sự sáng và sự tối, dựng ra sự bình an và ra. Có người hiểu chữ này có nghĩa những
tai họa và một số khác nghĩ là sự ác. Nếu là “điều ác” thì có thể chỉ báo hiệu mọi sự, kể
cả điều ác, được bao gồm trong chương trình của Chúa, dù vậy tạo vật - chứ không phải
Đấng Tạo Hóa - chịu trách nhiệm vì đã phạm tội.
C. Pasha
Ý căn bản trong từ này là “chống nghịch, nổi loạn,” dù vậy thường được dịch là “tội
lỗi, sự quá phạm.” Xem IVua 12:19; IIVua 3:5; Ch 28:21; và Es 1:2.
D. Awon
Từ này gồm cả hai ý về sự gian ác và sự phạm tội, mà trong suy nghĩ của người
Hêbơrơ là đồng minh rất gần nhau (ISa 3:13). Để ý cách dùng chữ này cho Đầy Tớ Chịu
Khổ (Es 53:6), và cho một tội cố ý phạm (Dan 15:30-31).
E. Shagag
214
Từ ngữ này có nghĩa là phạm lỗi hoặc đi lạc như con chiên hoặc một người say rượu
có thể làm (Es 28:7). Nó nói đến lỗi lầm mà người phạm nó đã phải chịu trách nhiệm.
Như vậy trong Luật Pháp, chữ này hàm ý người đi lạc đã có trách nhiệm biết điều Luật
Pháp đã truyền dạy (Le 4:2; Dan 15:22).
F. Asham
Hầu hết mọi cách dùng từ này được tìm thấy có liên hệ với lễ nghi của đền tạm và
đền thờ trong Lêvi Ký, Dân Số Ký và Êxêchiên. Ý chính của chữ này là sự phạm tội
trước mặt Đức Chúa Trời. Nó chỉ rõ của lễ chuọc sự mắc lỗi và của lễ chuộc tội nên do
đó bao gồm cả tội cố ý phạm lẫn tội lầm lỡ phạm (Le 4:13; 5:2-3).
G. Rasha
Hiếm khi được dùng trước Thời Kỳ Lưu Đày, nó xuất hiện thường xuyên trong
ThiThiên, Êxêchiên và văn phẩm Khôn Ngoan. Chữ này có nghĩa “kẻ ác,” trái ngược với
“người công bình” (Xu 2:13; Thi 9:16; Ch 15:9; Exe 18:23).
H. Taah
Từ ngữ này có nghĩa là đi lang thang, đi lạc. Tội này là có chủ tâm, chứ không phải
lầm lỡ phạm, dẫu có lẽ người phạm không nhận ra phạm vi của tội mình. Xem Dan
15:22, Thi 58:3; 119:21; Es 53:6 và Exe 44:10,15.

Từ phần nghiên cứu từ ngữ trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận về sự
dạy dỗ của Cựu Ước về tội lỗi.
(1) Tội lỗi có thể mang rất nhiều hình thức, và vì tính đa dạng của cách dùng từ
ngữ, một người Ysơraên đã có thể nhận biết hình thức cụ thể của tội mình đã phạm.
(2) Tội lỗi là điều nào trái ngược lại với một định chuẩn, và rốt cuộc đó là không
vâng lời Đức Chúa Trời.
(3) Tuy sự không vâng lời bao hàm cả ý tích cực và tiêu cực, điểm nhấn mạnh là
vào sự tích cực cố phạm điều sai quấy chứ không đơn thuần tiêu cực lỡ không làm điều
lành. Tội lỗi không chỉ là trật mục tiêu đúng mà còn là trúng mục tiêu sai nữa.
II. TRONG TÂN ƯỚC
Tân Ước sử dụng ít nhất là 12 từ căn bản để mô tả tội lỗi.
A. Kakos
Có nghĩa là xấu, trạng từ này đôi khi được dùng cho tình trạng xấu của cơ thể, tức
là bệnh tật (Mac 1:32), nhưng tính từ này thường nêu lên tình trạng xấu của tính cách
đạo đức (Mat 21:41; 24:48; Mac 7:21; Cong 9:13; Ro 12:17; 13:3-4,10; 16:19; ITi 6:10).
B. Poneros

215
Đây là từ căn bản cho điều ác và hầu như luôn luôn nói đến điều ác về đạo đức (Mat
7:11; 12:39; 15:19; Cong 17:5; Ro 12:9; ITêsalônica 5:22; He 3:12; IIGiăng 11). Chữ này cũng
được dùng cho Satan (Mat 13:19,38; IGi 2:13-14; 5:18; và có thể cả Mat 6:13 và Gi 17:15), và
chỉ về ma quỷ - còn được gọi là các quỷ dữ - Lu 11:26; Cong 19:12).
C. Asebes
Có nghĩa là không tin kính Đức Chúa Trời, từ này xuất hiện hầu hết trong IIPhierơ
và Giuđe, nói đến những người bội đạo độc ác không tin kính. Người chưa được cứu bị
gọi là người có tội (Ro 4:5; 5:6). Đôi khi nó xuất hiện cùng với những từ ngữ khác chỉ về
tội lỗi (1:18; ITi 1:9; IPhi 4:18).
D. Enochos
Từ này có nghĩa là sự có phạm tội và thường nói đến người phạm vào tội đáng chết
(Mat 5:21-22; Mac 14:64; ICo 11:27; Gia 2:10).
E. Hamartia
Đây là từ ngữ thường được dùng nhất để chỉ tội lỗi, xuất hiện trong những hình
thức khác nhau của nó khoảng 227 lần. Khi trước giả muốn dùng một từ bao quát hết
để chỉ tội lỗi, thì ông dùng từ này. Ẩn ý đằng sau từ này là trượt mục tiêu, nhưng cũng
như trong Cựu Ước, từ này không những mang ý tiêu cực mà còn gồm cả ý tích cực là
trúng vào một mục tiêu sai nào đó. Khi được dùng trong các sách Phúc Âm, chữ này
hầu như luôn xuất hiện trong mạch văn nói về sự tha tội hoặc sự cứu rỗi ( Mat 1:21; Gi
1:29). Các phần Kinh Thánh khác có dạy ý này gồm Cong 2:38; Ro 5:12; 6:1; ICo 15:3; IICo
5:21; Gia 1:15; IPhi 2:22; IGi 1:7; 2:2; Kh 1:5.

F. Adikia
Từ này nói đến bất cứ hành vi không công bình nào theo ý nghĩa rộng nhất. Nó
được dùng chỉ về những người chưa được cứu (Ro 1:18), tiền bạc (Lu 16:9), cho các phần
của thân thể người (Ro 6:13; Gia 3:6), và chỉ về các hành động (IITe 2:10).
G. Anomos
Thường được dịch là “sự gian ác,” từ ngữ này có nghĩa là sự trái luật pháp. Nó liên
hệ đến sự vi phạm luật pháp theo một nghĩa rộng nhất (Mat 13:41; 24:12; ITi 1:9). Về lai
thế học, chữ này nói đến Antichrist, là kẻ vô luật pháp (IITe 2:8).
H. Parabates
Nghĩa là kẻ phạm tội, từ này luôn luôn nói đến những sự vi phạm cụ thể đến luật
pháp (Ro 2:23; 5:14; Ga 3:19; He 9:15).
I. Agnoein

216
Có lẽ từ này nói đến sự thờ phượng cách thiếu hiểu biết đối với các thần không phải
là Đức Chúa Trời Chân Thần (Cong 17:23; Ro 2:4), nhưng sự thiếu hiểu biết như thế khiến
người ấy có tội và cần sự chuộc tội (He 9:7).
J. Planao
Nghĩa của từ này là đi lạc theo ý nghĩa đáng khiển trách (IPhi 2:25). Con người có thể
lừa dối người khác (dẫn họ đi lạc) (Mat 24:5-6); con người có thể tự lừa dối chính họ (IGi
1:8); và Satan dẫn dắt cả thế gian này đi lạc (Kh 12:9; 20:3,8).

K. Paraptơma
Nghĩa của chữ này là sự sa ngã, và trong hầu hết các lần xuất hiện nó hàm ý cố
tình. Phaolô dùng từ này 6 lần trong Ro 5:15-20. Cũng xem Mat 6:14; 18:35; IICo 5:19; Ga 6:1;
Eph 2:1; và Gia 5:16.

L. Hypocrisis
Từ ngữ này kết hợp 3 ý: giải nghĩa sai lầm kiểu như một nhà tiên tri có thể giải
thích; giả vờ như cách làm của diễn viên kịch; và đi theo lối giải nghĩa mà mình đã biết
là sai. Những ý tưởng này dường như trộn lẫn trong câu chuyện về sự giả dối của
Phierơ trong Ga 2:11-21. Các giáo sư giả của thời kỳ sau rốt sẽ giải nghĩa cách sai lầm,
giả vờ sống có những phẩm chất mà họ thật sự không có, và nhiều người sẽ đi theo sự
dạy dỗ của họ (ITi 4:2). Những kẻ giả hình trước hết tự lừa dối mình vào chỗ biến điều
sai thành đúng; rồi sau đó lừa dối những kẻ khác. Đây là bản chất kinh khủng của tội
này.
Có thể rút ra rất nhiều kết luận từ phần nghiên cứu từ ngữ của Tân Ước.
(1) Luôn có một tiêu chuẩn rõ ràng để hễ phạm vào tức là phạm tội.
(2) Rốt cuộc mọi tội lỗi đều là sự chống nghịch tích cực với Đức Chúa Trời và là một
sự vi phạm những tiêu chuẩn của Ngài.
(3) Điều ác có thể mang nhiều hình thức đa dạng.
(4) Người ta hiểu rõ ràng dứt khoát về trách nhiệm của con người.
III. BẰNG MỘT ĐỊNH NGHĨA
Có thể định nghĩa tội lỗi một cách đúng đắn bằng cách dùng mọi từ mô tả này để
chỉ về các hình thức khác nhau của tội như đã được ghi lại trong Cựu và Tân Ước. Một
định nghĩa như thế sẽ chính xác dầu dài dòng. Thật ra, có lẽ nên định nghĩa tội lỗi như
thế này: tội lỗi là trật mục tiêu, là xấu, phản nghịch, gian ác, đi lạc, hung dữ, chệch
đường, không kính sợ Chúa, tội ác, vô luật pháp, vi phạm, ngu dốt, và sa ngã.

217
Nói ngắn gọn hơn, tội lỗi thường được định nghĩa là sự vô luật pháp (từ IGi 3:4). Đây
là định nghĩa chính xác miễn là hiểu luật pháp theo nghĩa rộng nhất của nó, tức là rời
bỏ khỏi bất cứ tiêu chuẩn nào của Đức Chúa Trời. Strong nêu một định nghĩa mẫu khi
định nghĩa tội lỗi là “thiếu vâng theo luật đạo đức của Đức Chúa Trời, hoặc trong hành
động, trong khuynh hướng hoặc trong tình trạng.” (Systematic Theology, [Philadelphia:
Judson, 1907], trang 269).
Cũng có thể định nghĩa tội lỗi là chống lại với đặc điểm của Đức Chúa Trời (theo Ro
3:23, câu này nói vinh hiển của Đức Chúa Trời là sự phản chiếu bản tánh của Ngài).
Buswell định nghĩa tội lỗi theo cách này: “Rốt cuộc có thể định nghĩa tội lỗi là bất cứ
điều gì trong tạo vật mà không bày tỏ, hoặc đi ngược lại với, bản tánh thánh khiết của
Đấng Tạo Hóa.” (A Systematic Theology, (Grand Rapids: Zondervan, 1962,1:264).
Đương nhiên đặc tính chính của tội lỗi là nhằm chống nghịch Đức Chúa Trời. (Sự
chống nghịch này cũng có thể bày tỏ đối với Luật Pháp của Đức Chúa Trời nữa.) Bất cứ
định nghĩa nào không phản ánh được điều này thì không phải là định nghĩa theo đúng
Kinh Thánh. Sáo ngữ nào phân loại tội lỗi như là chống lại bản thân, chống nghịch
người khác, hoặc nghịch lại với Đức Chúa Trời, thì không nhấn mạnh được chân lý là
mọi tội lỗi rốt cuộc đều là chống nghịch với Đức Chúa Trời (Thi 51:4; Ro 8:7).
Đừng để phần nghiên cứu từ ngữ và định nghĩa của chúng ta khiến mình không
còn nhớ tội lỗi là khủng khiếp biết bao trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết.
Habacúc nói điều này thật súc tích: “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có
thể nhìn được sự trái ngược” (Ha 1:13). Và tội lỗi phá hại đến nỗi chỉ có sự chết của Con
Đức Chúa Trời mới có thể cất bỏ tội lỗi được (Gi 1:29).

218
Chương 35: LỜI DẠY CỦA ĐẤNG CHRIST VỀ TỘI LỖI
Khi khảo cứu lời Chúa chúng ta dạy về tội lỗi, có ít nhất hai vấn đề nổi bật. Một là,
số lượng rất lớn những câu Ngài nói về đề tài này, cả trong lời dạy trực tiếp của Chúa
cũng như trong những ẩn dụ của Ngài. Dầu vậy, chúng ta thường không nghĩ một trong
những điểm nhấn mạnh chính yếu của Chúa là tội lỗi. Nhưng đấy đúng là một điểm
nhấn mạnh chính của Ngài. Hai là, lời Ngài dạy về tội lỗi rất cụ thể, như sẽ thấy khi
khai triển lời dạy nầy. Nói cách khác, Đấng Christ nói rất nhiều điều về đề tài tội lỗi, và
Ngài đã nói cách chi tiết và cụ thể về đề tài tội lỗi.
I. MỘT SỐ TỘI CỤ THỂ
Chúa chúng ta đã dùng toàn bộ những từ ngữ chỉ về tội lỗi và khi dùng như vậy,
Ngài nêu cụ thể rất nhiều tội lỗi. Sau đây là một bản liệt kê từng tội lỗi riêng biệt được
Ngài nhắc đến trong khi dạy dỗ.
A. Tội Phạm Đến Vật Thánh (Mac 11:15-18)
Khi dẹp sạch những người đổi bạc khỏi đền thờ, Ngài lên án tội phạm thánh của họ
(tức là phạm đến đền thờ đã được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời và tỏ ra bất
kính đối với những điều thiêng liêng). Đấng Christ đã dẹp sạch đền thờ khi khởi đầu và
kết thúc chức vụ của Ngài (cũng xem Gi 2:12-16).
B. Giả Hình (Mat 23:1-36)
Khi nghiêm khắc lên án tội giả hình của những người Sađusê, các thầy dạy luật và
người Pharisi, Chúa chúng ta đã vạch trần rất nhiều cách bày tỏ cụ thể tội giả hình đó
của họ.
(1) Họ không thực hành điều mình dạy dỗ (1-4).
(2) Họ tìm cách tôn cao mình bằng cách kích thích sự tâng bốc của dân chúng (5-
12).
(3) Họ trốn tránh thực hiện những lời thề hứa của mình bằng cách cố phân biệt
giữa lời thề chỉ đền thờ mà thề với lời thề chỉ vàng của đền thờ (16-22).
(4) Họ dâng phần mười cực kỳ cẩn thận nhưng bỏ bê không phát triển sự công bình
(câu 23).
(5) Bề ngoài họ có vẻ công chính, nhưng bề trong họ là người giả hình (câu 25).
C. Tội Tham Lam (Lu 12:15)
Biết đây là nan đề cội rễ của người muốn Chúa giúp xử kiện giữa mình với anh
mình, Chúa cảnh cáo dân chúng về tội tham lam.
D. Lời Nói Phạm Thượng (Mat 12:22-37)
219
Khi quy những phép lạ của Đấng Christ cho quyền phép của Satan, người Pharisi
đã phạm tội nói phạm thượng. Tuy nhiên, họ đã có thể sửa lại tình thế này bằng lời
tuyên xưng đúng về Đấng Christ (câu 30-37; xem phần luận đầy đủ về vấn đề này ở
trang 433-435).
E. Tội Vi Phạm Luật Pháp (Mat 15:3-6)
Để khỏi chăm sóc cha mẹ già cả của mình, các thầy dạy luật đã nghĩ ra một cách
lấy số tiền đáng lẽ phải dùng chăm sóc cha mẹ già, đem dâng cho đền thờ, để cuối cùng
nhận lại số tiền đó. Chúa phán điều này là vi phạm trực tiếp đến điều răn truyền hiếu
kính cha mẹ.
F. Tội Kiêu Ngạo (Mat 20:20-28; Lu 14:7-11)
Kiêu hãnh về địa vị hoặc tìm những địa vị tôn trọng vinh hiển là điều không có chỗ
đứng trong nếp sống của một tôi tớ thật.
G. Tội Gây Cớ Vấp Phạm (Mat 18:6)
Làm điều gì khiến người khác phạm tội thì đó chính là tội.
H. Tội Bất Trung (Mat 8:19-22)
Đặt những sự an nhàn hoặc ngay cả những bổn phận chính đáng lên trên lòng
trung thành với Đấng Christ tức là phạm tội.
I. Tội Gian Dâm (Mat 5:27-32)
Tội nầy có thể phạm trong thân thể, trong tấm lòng hoặc trong hôn nhân.
J. Không Kết Quả (Gi 15:16)
Vì Cơ đốc nhân được chọn để sinh kết quả cho Chúa, nên nếu không sinh kết quả
tức là trái với mục đích của Đức Chúa Trời.
K. Tức Giận (Mat 5:22)
Chúa cảnh cáo rằng tội nóng giận có thể dẫn đến giết người.
L. Những Tội Của Lời Nói (Mat 5:33; 12:36)
Chúa cảnh cáo tội tự phản bội lời thề nguyện vì không giữ một lời hứa đã có lời thề
đi kèm. Ngài cũng nói chúng ta sẽ phải khai trình mọi lời hư không của mình.
M. Tội Khoe Khoang (Mat 6:1-18)
Phô trương điều được cho là lòng sùng đạo của mình tức là phạm tội. Tội này có thể
phạm khi làm những điều tốt như bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn, nhưng làm với mục
đích thu hút sự khen ngợi từ con người thay vì mong được Đức Chúa Trời chấp nhận.

220
N. Tội Thiếu Đức Tin (Mat 6:25)
Lo lắng về những nhu cầu của mình tức là tỏ ra thiếu đức tin nơi sự chu cấp của
Đức Chúa Trời.
O. Tội Quản Lý Thiếu Trách Nhiệm (Mat 25:14-30; Lu 19:11-27)
Cả hai ẩn dụ đều minh họa môn đồ của Đấng Christ cần phải quản lý cách có trách
nhiệm. Talâng tượng trưng các khả năng khác nhau được ban cho những con người
khác nhau, còn các nén bạc được chia đồng đều tượng trưng cho cơ hội đồng đều của
chính sự sống. Các đầy tớ nào không sử dụng những năng lực và cơ hội của họ đều bị
kết tội vì lối cư xử thiếu trách nhiệm của họ.
P. Tội Không Cầu Nguyện (Lu 18:1-8)
Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và đừng bao giờ nản lòng.
Tôi biết chắc danh sách này có thể còn dài nữa, nhưng chắc chắn nó cho thấy Chúa
chúng ta đã nhắc đến biết bao nhiêu tội cụ thể.
II. MỘT VÀI THỂ LOẠI CỦA TỘI LỖI.
Có thể xếp những tội cụ thể này vào những thể loại nhất định.
A. Những Sự Vi Phạm Luật Môise
“Corban” minh họa rõ phạm trù này (Mac 7:9-13). Coban là một lối chuyển tự một
chữ Hêbơrơ mang nghĩa là một “lễ vật.” Nếu người con trai tuyên bố rằng phần cần để
giúp đỡ cho cha mẹ của mình đã là Coban, thì những thầy dạy luật nói người đó được
miễn bổn phận chăm sóc cha mẹ, là nhiệm vụ mà Luật Pháp Môise đòi hỏi. Dường như
người đó thực sự không bị buộc phải dâng cho đền thờ khoản lễ vật đó nhưng có thể tự
sử dụng.
B. Những Tội Công Khai
Dầu mọi tội đều là tội, nhưng không phải tất cả đều nặng tội như nhau. Một số tội
bị kể là nặng hơn một số khác. Chúa khẳng định điều này trong lời Ngài dạy về hạt bụi
và cây đà (Mat 7:1-5) và khi Ngài phán rằng tội lỗi của Caiphe nộp Đấng Christ cho nhà
cầm quyền là lớn hơn tội của Philát (Gi 19:11).
Một số ví dụ về tội công khai mà chúng thường là tội nặng hơn bao gồm tội về lời
nói, đặc biệt là những tội bày tỏ tinh thần thách thức những lời tuyên bố của Đấng
Christ (Mat 12:22-37) và sự chống đối công khai và khước từ công khai các sứ giả của
Đức Chúa Trời (21:33-46).
C. Những Thái Độ Sai Lầm Ở Bề Trong

221
Những hành động bề ngoài cho thấy những thái độ và tính cách bề trong, và Chúa
thường vạch rõ cội rễ bề trong của tội lỗi. Xem Lu 12:13-15 và Mat 20:20-22.
D. Men
Trong cả Kinh Thánh, men đều làm hình bóng cho hiện diện của điều ô uế hay sự
ác (mặc dù một số người hiểu Mat 13:33 là một ngoại lệ, trong đoạn đó men nói lên sự
lớn mạnh của vương quốc nhờ quyền năng của Phúc Âm). Tuy nhiên, rõ ràng khi Chúa
Jesus cảnh báo về men của người Pharisi hay Sađusê hay những người thuộc đảng
Hêrốt, thì Ngài muốn nói đến điều gì đó tội lỗi.
1. Men của người Pharisi. Men của người Pharisi là chủ nghĩa phô trương. Dù bề
ngoài họ là người công bình (Mat 5:20), thông biết Kinh Thánh (23:2), dâng phần mười
(Lu 18:12), là những người kiêng ăn (Mat 9:14) và cầu nguyện (Lu 18:11), nhưng bề trong
của họ là ô uế, và Chúa chúng ta đã lên án men giả hình của họ (Mat 23:14,26,29; Mac
8:15; Lu 12:1).

2. Men của người Sađusê. Men của họ là việc phổ biến những giáo lý sai lầm. Niềm
tin của họ bắt nguồn từ các giác quan; do đó họ không tin sự thực hữu của các thiên sứ
hoặc sự sống lại. Chúa của chúng ta không tố cáo điều này thường xuyên như điều
trên, bởi vì sự dạy dỗ sai lạc tự nó có vẻ hiển nhiên hơn vì cớ khó giấu hơn (Mat 16:6).
3. Men của những người theo đảng Hêrốt. Men của họ là chủ nghĩa thế tục và bắt
chước thế gian. Là một đảng phái, họ hậu thuẫn cho Hêrốt và luật lệ của người Lamã là
thứ đem lại quyền uy cho Hêrốt. Như vậy họ tìm cách dùng quyền lực đời này để hậu
thuẫn những mục đích “thiêng liêng,” và Đấng Christ đã cảnh cáo điều này (Mac 8:15).
Cũng chính những tội này – là chủ nghĩa phô trương, giáo lý sai lạc và những
phương pháp của thế gian – đang hết sức hiển nhiên trong một số nhóm, nhánh ngày
nay. Và lời Chúa chúng ta cảnh cáo những tội ấy thật rất thích ứng.
III. MỘT SỐ NGUỒN GỐC CỦA TỘI LỖI
A. Satan.
Đấng Christ đã nhận biết sâu sắc quyền uy, chương trình và những phương thức
của Satan. Có người cố gợi ý rằng Chúa thật sự đã không tin Satan thực hữu, nhưng
đang điều chỉnh cho thích nghi với sự thiếu hiểu biết của dân chúng khi Ngài giảng
dạy về Satan. Tuy nhiên, Ngài đã nói về Satan trong những trường hợp không cần phải
nói nếu Ngài không tin Satan thực hữu (ví dụ như trong Lu 10:18). Chúa chúng ta công
nhận Satan là kẻ cầm quyền thế giới này (Gi 12:31), kẻ cầm đầu vương quốc của nó (Mat
12:26), cha của những người chống nghịch (Gi 8:44), cha của kẻ nói dối (c. 44), là quỷ dữ
chống lại sự tiếp nhận Phúc Âm (Mat 13:19), là kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào giữa giống lúa

222
tốt (c. 39), và như vậy hắn là kẻ khiến cho con người làm theo những điều mà hắn đã
khởi xướng này.
B. Thế Gian
Thế giới của Satan chống nghịch với dân sự Đức Chúa Trời và còn đẩy mạnh những
mục đích của Satan nữa. Cho nên hệ thống của thế gian này là một nguồn của tội lỗi
khi bất cứ ai rập khuôn theo nó (Gi 15:18-19).
C. Tấm Lòng
Chúa thường nhấn mạnh rằng những việc người ta làm ở bề ngoài là sự phản ánh
điều chất chứa trong lòng người ấy (Mat 15:19).
IV. TÍNH PHỔ QUÁT CỦA TỘI LỖI
Với câu tuyên bố trực tiếp, Chúa phán rằng chỉ có Đức Chúa Trời là tốt lành, và
không có con người nào tốt cả (Mat 19:17). Ngài nói rằng những môn đồ được chọn của
Ngài là người xấu (Lu 11:13), dù Ngài công nhận họ có thể làm những điều tốt. Tội lỗi
khiến cho con người xa cách Đức Chúa Trời, và mọi người đều là tội nhân.
V. MỘT VÀI HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI
A. Tội Ảnh Hưởng Đến Số Phận
Tội lỗi khiến con người bị lạc mất (Mat 18:11; Lu 15:4,8,24). Nếu không được tha, tội ấy
khiến họ bị hư mất (Gi 3:16). Tội đưa con người đến chỗ khổ hình (Lu 12:20).
B. Tội Ảnh Hưởng Đến Ý Chí
Chúa đã nói rõ người Pharisi là nô lệ cho những ham muốn của ma quỷ (Gi 8:44).
Khi loan báo sứ mạng của Ngài trong nhà hội tại Naxarét, Chúa nói rõ rằng một việc
mà Ngài đã phải đến để thực hiện chính là giải phóng cho những kẻ phu tù ( Lu 4:18),
dường như nói đến những phu tù thuộc linh, vì Chúa đã không thực hiện việc giải thoát
những kẻ đang bị tù. (Lẽ ra Ngài đã có thể giải thoát như thế cho Giăng Báptít.)
C. Tội Ảnh Hưởng Đến Thân Thể
Dĩ nhiên không phải mọi bệnh tật đều là hậu quả của tội lỗi (Gi 9:3), nhưng hiển
nhiên là có một số bệnh là do tội. Chúa cho thấy điều này trong trường hợp người được
chữa lành tại ao Bêtếtđa (5:14). Cũng xem Mat 8:17.
D. Tội Ảnh Hưởng Đến Những Người Khác
Tội của các thầy dạy luật đã ảnh hưởng đến những góa phụ và những người tuân
thủ những truyền thống của họ (Lu 20:46,47). Rõ ràng tội của người con trai hoang đàng
ảnh hưởng đến cha chàng (15:20). Thêm vào đó, những tội đã được cảnh báo trong Bài

223
Giảng Trên Núi đều để lại ảnh hưởng nhất định của chúng trên những người khác.
Không ai có thể phạm tội trong sự biệt lập hoàn toàn.
VI. SỰ THA TỘI
A. Cơ Sở Để Tha Tội.
Ngay từ đầu chức vụ của Đấng Christ, Giăng Báp tít đã tuyên bố mục đích của chức
vụ đó khi ông giới thiệu Chúa Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi
thế gian đi (Gi 1:29). Chính Chúa đã nói rõ rằng sự chết của Ngài là nền tảng cho sự tha
tội (Mat 20:28; 26:28).
B. Hệ Quả Của Sự Tha Tội
Người được tha tội phải tha thứ cho người khác. Đây là chủ đề lập lại liên tục trong
sự dạy dỗ của Chúa (6:14-15; 18:21-35; Lu 17:3-4).
VII. LAI THẾ HỌC VỀ TỘI LỖI
Trong bài giảng lai thế học vĩ đại của Chúa, Ngài trình bày chi tiết về tiến trình
hoàn tất trong tương lai của tội lỗi trong thời kỳ Cơn Đại Nạn sẽ đến trên địa cầu này
(Mat 24:1-28).
A. Trong Những Vấn Đề Quốc Tế
Tội lỗi sẽ là nguyên nhân của các trận chiến trong Thời Đại Nạn (c.6-7).
B. Trong Những Vấn Đề Của Con Người
Tội lỗi sẽ khiến con người phản bội nhau và ghét nhau (c.10,12).
C. Trong Những Vấn Đề Thuộc Linh
Thời Kỳ Đại Nạn sẽ là một thời kỳ dối gạt thuộc linh kinh khủng. Nhiều nhà lãnh
đạo tà giáo sẽ lừa dối người ta bằng những phép kỳ dấu lạ mà họ sẽ được ban cho năng
quyền để thực hiện (các câu 5,11,24), và Antichrist sẽ đem đạo giả dối lên đến đỉnh cao
của nó khi hắn ngồi trong đền thờ tại Giêrusalem đòi người ta thờ lạy hắn (15-21).
Trong thời này, sự gian ác sẽ càng công khai và càng tàn hại hơn bất cứ thời đại nào
khác của lịch sử.
Tóm lại: Lời dạy của Chúa chúng ta bao trùm nhiều lãnh vực của tội lỗi, nhấn mạnh
cả tính đa dạng lẫn những chi tiết cụ thể của tội lỗi. Ngài luôn luôn nhấn mạnh trách
nhiệm cá nhân của con người đối với tội lỗi, và sự dạy dỗ của Ngài cũng bao gồm cả
những hệ quả thực tiễn của tội lỗi nữa.

224
Chương 36: SỰ DI TRUYỀN TỘI LỖI
I. ĐỊNH NGHĨA
Tội di truyền là tình trạng tội lỗi mà mọi người sinh ra trong đó.
Các nhà thần học đã dùng nhiều tên để mô tả khái niệm này (1) Có người gọi tội ấy,
như tựa đề chương này, là tội di truyền (hoặc “tội tổ tiên”). Nó nhấn mạnh sự thật mọi
người đều thừa hưởng tình trạng tội lỗi này từ nơi cha mẹ, và cha mẹ họ thừa hưởng từ
nơi ông bà, và cứ thế cho đến Ađam Êva. (2) Người khác gọi nó là bản tánh tội lỗi, tập
trung vào sự kiện tội lỗi đã làm hỏng toàn bộ bản tánh chúng ta. Từ ngữ “bản tánh tội
lỗi” đem lại sự tương phản rõ ràng giữa bản tánh cội rễ đó với những kết quả của nó (là
những hành động tội lỗi cụ thể). (3) Người khác nữa thích từ ngữ “nguyên tội” hơn, vì
tội nguyên thủy của Ađam đã sinh ra sự bại hoại bản tánh đạo đức rồi nó di truyền lại
cho mỗi thế hệ kế tiếp.
II. CHỨNG CỨ THÁNH KINH
Kinh Thánh cho biết rõ rằng mọi khía cạnh của bản thể con người đều hư hoại. “Bởi
bản tánh” chúng ta là con của sự thạnh nộ – có nghĩa là những đối tượng của cơn thạnh
nộ (Eph 2:3 - Bản Việt Ngữ ghi là “tự nhiên”). Bởi hành động, chúng ta cũng là đối tượng
chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, nhưng câu Kinh Thánh này nói đến một điều gì
đó bẩm sinh. Thi 51:5 cho thấy đây là một điều chúng ta có từ lúc được hoài thai, chứ
không phải điều tiếp nhận được bởi những hành động trong quãng đời của mình.
Mọi khía cạnh của bản thể loài người đều bị ảnh hưởng bởi bản tánh tội lỗi này. (1)
Trí khôn họ mù lòa (IICo 4:4). Tâm trí họ bại hoại hoặc không xứng đáng (Ro 1:28). Hiểu
biết của họ trở nên tối tăm, bị tách khỏi sự sống của Đức Chúa Trời ( Eph 4:18). (2)
Những tình cảm của họ là bại hoại và xấu xa (Ro 1:21,24,26; Tit 1:15). (3) Ý chí của họ bị
nô lệ cho tội lỗi nên do đó chống nghịch với Đức Chúa Trời (Ro 6:20; 7:20).
III. SỰ BẠI HOẠI HOÀN TOÀN
Chứng cứ Thánh Kinh cung cấp cơ sở cho điều thường được gọi là sự bại hoại hoàn
toàn. “Sự bại hoại” trong Anh ngữ nghĩa là “đồi trụy” hoặc “bất chính.” Bản King James
Version không dùng chữ này, nhưng một số bản dịch hiện đại có dùng để dịch chữ
adokimos trong Ro 1:28. Chữ này có nghĩa “không chịu được thử nghiệm,” và cho chúng
ta một đầu mối về cách định nghĩa khái niệm “bại hoại.” Bại hoại có nghĩa con người
không thi đậu bài thi “làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Con người bày tỏ tình trạng không
chút xứng đáng của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Sự thất bại này mang tính hoàn
toàn, ở chỗ (a) nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của bản thể con người, và (b) nó ảnh
hưởng đến mọi người.

225
Nói về mặt tiêu cực, khái niệm “bại hoại hoàn toàn” không có nghĩa (a) mọi người
đều đã phơi bày sự bại hoại của mình tường tận như họ có thể; (b) tội nhân không có
lương tâm hay là “suy luận bẩm sinh” về Đức Chúa Trời; (c) những tội nhân sẽ buông
tuồng trong mọi hình thức tội lỗi; hoặc (d) những người bại hoại không thực hiện
những việc tốt lành theo cái nhìn của người khác và thậm chí theo cái nhìn của Đức
Chúa Trời.
Nói cách tích cực, sự bại hoại hoàn toàn có nghĩa (a) sự bại hoại đó mở rộng đến
mọi khía cạnh trong bản chất và những tính năng của con người; và (b) trong mọi
người không có điều gì để có thể khen họ trước một Đức Chúa Trời công nghĩa.
Phải luôn luôn đo lường sự bại hoại hoàn toàn theo sự thánh khiết của Đức Chúa
Trời. Trong con người có sự tốt lành tương đối. Họ có thể làm những việc lành mà người
khác cảm kích, tán dương. Nhưng con người không làm được điều gì để sẽ có được công
đức cứu rỗi hay ân huệ cứu rỗi trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết.
IV. HÌNH PHẠT GẮN LIỀN VỚI TỘI DI TRUYỀN
Hình phạt liên hệ cụ thể đến tội di truyền đó là sự chết thuộc linh. Sự chết luôn
luôn báo hiệu một loại phân cách nào đó, nên sự chết thuộc linh có nghĩa bị phân cách
khỏi sự sống của Đức Chúa Trời trong đời này (Eph 2:1-3). Nếu tình trạng này cứ tiếp
diễn không thay đổi trong suốt đời sống, thì cái chết vĩnh viễn hay sự chết thứ hai sẽ
tiếp nối (Kh 20:11-15).
Những đóa hoa đã bị cắt rời minh họa rõ về những con người đang sống, họ làm
được nhiều điều tốt thế nhưng lại là những người chết thuộc linh. Đóa hoa bị cắt khỏi
cành thì còn sống hay đã chết? Thoạt đầu nó thật đẹp đẽ, tỏa hương thơm ngát và khi
được đặt chung với những đóa hoa lìa cành khác có thể làm đẹp căn nhà, nhà thờ hoặc
vào những dịp tốt đẹp nhất. Nó trông có vẻ sống; thật hữu ích; nhưng trên thực tế nó đã
chết vì đã bị cắt khỏi sự sống của cây đã sinh ra hoa ấy. Đến đây thì minh họa không
còn phù hợp nữa, vì không thể đem lại cho đóa hoa này sự sống mới và vĩnh hằng, là
điều Đức Chúa Trời có thể làm cho người nào tin Chúa Jesus.
V. SỰ LƯU TRUYỀN TỘI DI TRUYỀN
Tự tên gọi của nó đã nói lên cách nguyên tội lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ
khác, đến thế hệ kế tiếp truyền sang thế hệ tiếp theo. Chúng ta thừa hưởng tội này từ
cha mẹ mình cũng như họ thừa hưởng từ ông bà chúng ta, và tiếp tục như thế cho đến
tổ tiên, là Ađam và Êva. Sau khi phạm tội thì họ chỉ có thể sinh sản tùy theo loài của
họ, tức là con cái họ sinh ra đã là những tội nhân bẩm sinh (Sa 4:1; Thi 51:5; Ro 5:12).
Điều này có nghĩa mọi người sinh ra trong thế gian này đều là tội nhân. Không có ai
sinh ra là người tốt, cũng không ai sinh ra nửa thiện nửa tội. Mọi người đều tội lỗi như

226
nhau trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu không như thế, những người xem như chỉ có 50%
tội lỗi sẽ cần chỉ 50% sự cứu rỗi.
VI. PHƯƠNG THUỐC CỨU CHỮA TỘI DI TRUYỀN
Phương thuốc này có hai phương diện: (1) Sự cứu chuộc bao gồm sự đoán phạt bản
tánh tội lỗi để người tin Chúa không còn bị buộc phải phục vụ tội lỗi nữa (Ro 6:18; 8:1; Ga
5:24). Mọi điều thuộc sự sống cũ đã bị đóng đinh với Đấng Christ. Sự chết luôn luôn có
nghĩa là sự phân rẽ; do đó, sự chết của Ngài tách chúng ta khỏi quyền cai trị của
nguyên tội. (2) Tuy nhiên, sự sống cũ chưa bị trừ tiệt cho đến khi phục sinh; vì vậy,
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Thánh Linh Ngài để cho chúng ta đắc thắng trong cuộc
sống mỗi ngày.
Chúng ta đã được phân cách khỏi quyền thống trị của tội lỗi bởi sự chết của Đấng
Christ, và chúng ta được giải phóng khỏi quyền thống trị của tội bởi năng quyền của
Thánh Linh.
VIII. MỘT VÀI Ý CÔNG KÍCH GIÁO LÝ NÀY
A. Thuyết Pelagius (Pelagianism)
Pelagius, một tu sĩ từ nước Anh đến giảng đạo tại Rôma khoảng năm 400 S.C., đã
tin rằng bởi vì Đức Chúa Trời không truyền bất cứ điều gì không thể làm được, và vì
Ngài đã truyền lệnh cho con người phải nên thánh, mọi người vì thế đều có thể sống
cuộc đời không có tội lỗi. Ông dạy rằng con người được dựng nên trung tính – không tội
lỗi mà cũng không thánh – có khả năng và ý chí để tự do chọn lựa hoặc phạm tội hoặc
làm lành. Mọi người sanh ra trong cùng một tình trạng như Ađam trước Sự Sa Ngã; chỉ
có điều hiện nay con người có gương xấu của Ađam đặt trước mặt. Nhưng Ađam không
hề lưu truyền bản tánh tội lỗi hay sự phạm tội của chính ông lại cho hậu thế. Con người
có một ý chí tự do, và tội lỗi đến từ những hành động riêng biệt của ý chí con người.
Con người cũng được tự do làm những điều lành và mọi điều lành của họ đến từ những
khả năng tự lực trong bản tánh con người của họ. Như thế, tà thuyết Pelagianism
phóng đại công đức của các việc lành và hiệu năng của chúng trong sự cứu rỗi.
B. Thuyết Bán–Pelagianism
Sự dạy dỗ của Pelagius đã bị người đồng thời với ông là Augustine phản đối.
Augustine nhấn mạnh tình trạng hoàn toàn bất năng của con người để đạt được sự
công chính, nên vì thế họ cần duy ân điển tối thượng mà thôi. Tà thuyết Bán–
Pelagianism đứng trung gian giữa thuyết của Augustine (nhấn mạnh về sự tiền định và
sự bất năng của loài người) và tà thuyết Pelagianism (với sự nhấn mạnh về tình trạng
hoàn toàn có khả năng của con người). Tà thuyết Bán Pelagianism dạy rằng con người
còn giữ được một phần quyền tự do nhờ đó có thể cộng tác với ân điển của Đức Chúa

227
Trời. Ý chí con người đã bị suy yếu và bản chất của họ bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã,
nhưng không bị hư hoại hoàn toàn. Trong sự tái sinh, con người chọn Đức Chúa Trời,
rồi bấy giờ Ngài sẽ ban thêm ân điển của Ngài. Thuyết Bán–Pelagius là giáo lý về tội lỗi
của Giáo Hội Công Giáo Lamã cũng như một số nhóm Tin Lành. Nguyên tội được loại bỏ
nhờ lễ báptêm bằng nước.
C. Thuyết Socianism
Phong trào này được đặt theo tên của Lelio Socinus (1525-62) và cháu của ông là
Faustus (1539-1604), đã là tiền thân của Duy Nhất Thần Thuyết (Unitarianism). Những
giáo lý của phái này bao gồm phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, phủ nhận sự tiền
định, nguyên tội, sự hoàn toàn bất năng và sự chịu hình phạt thay thế.
D. Thuyết Của Arminius (Arminianism)
Dầu quan điểm của Jacobus Arminius (1560-1609) đã không xa rời thần học Cải
Cách truyền thống là mấy, nhưng những người tiếp nối ông lại ngày càng đi xa. Thuyết
Arminianism dạy rằng Ađam đã được dựng nên trong tình trạng vô tội, chứ không phải
trong tình trạng thánh khiết, tội lỗi là cốt ở những hành động của ý chí, chúng ta thừa
hưởng sự ô nhiễm từ Ađam chứ không thừa hưởng sự phạm tội hay bản chất tội lỗi, con
người không hoàn toàn bại hoại, con người đó có năng lực để muốn làm điều tốt và làm
theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời này để được trọn lành, và ý chí con người là
một trong những nguyên nhân đem lại sự tái sanh. Thần học của Wesley, đôi khi được
gọi là thuyết Arminianism Tin Lành thuần túy, có những quan điểm tương tự về các đề
tài tội lỗi của Ađam và năng lực của con người, dù vậy có nhiều điểm khác.
E. Thuyết Tân Chánh Thống
Một cách tổng quát, Tân Chánh Thống xem tội lỗi là rất nghiêm trọng. Tội được
định nghĩa là tình trạng chú trọng vào cái tôi, thay vì chú trọng vào Đức Chúa Trời. Tuy
nhiên, phần ký thuật tội lỗi của Ađam trong Sáng Thế Ký 3 không được kể là mang tính
lịch sử ở điểm nó phải là một sự kiện thực tế diễn ra trong một thời điểm nhất định và
tại một địa điểm cụ thể. Ađam không phải là một cá nhân thực đã sống thật sự trên đất
này, thế nhưng Ađam đại diện cho con người ở mọi giai đoạn phát triển. Câu chuyện về
sự sa ngã của Ađam là câu chuyện của tất cả chúng ta. Với một quan điểm như thế về
lịch sử Thánh Kinh, thì không thể có mối liên kết nào giữa tội của Ađam với hậu tự của
ông.

228
Chương 37: SỰ QUY GÁN TỘI
I. Ý NGHĨA SỰ QUY GÁN
Quy có nghĩa là gán, kể hay suy ra một điều gì đó cho một ai đó. Việc này không chỉ
là ảnh hưởng thuần túy, nhưng là một sự can dự, và đó là trọng tâm của khái niệm này.
Cựu Ước cung cấp rất nhiều ví dụ về sự quy tội. Le 7:18 và 17:4 cho thấy tình trạng
thiếu phước hạnh và có phạm tội đã được gán cho người Ysơraên nào không giữ nghi
thức đã định về những của dâng. ISa 22:15 và ISa 19:19 là những lời cầu khẩn đừng quy
những điều nào đó cho những cá nhân nào đó. Trong Thi 32:2, Đavít diễn tả hạnh phước
của người mà Đức Giêhôva không kể sự gian ác cho. Trong tất cả các trường hợp này,
sự quy kể bao gồm một kiểu can dự nào đó, chứ không chỉ là ảnh hưởng thuần túy.
Tân Ước nhiều lần nói đến sự quy gán trong Cựu Ước. Phaolô nói khi chưa có luật,
thì tội lỗi không bị kể là sự vi phạm cụ thể đến một bộ luật (Ro 5:13). Phaolô nói đến sự
công bình được Đức Chúa Trời kể cho Ápraham khi ông tin, và nói đến sự công bình
Đavít đã biết khi ông xưng tội mình (đoạn 4). Giacơ cũng nói đến sự công bình được kể
cho Ápraham (Gia 2:23). Sự chết của Đấng Christ đã giúp Đức Chúa Trời có thể không
quy những tội của con người cho họ nữa (IICo 5:19).
Thơ Philêmôn chứa đựng một điều có lẽ là minh họa đẹp nhất về sự quy gán. Phaolô
bảo Philêmôn rằng: Nếu Ônêsim, nô lệ của Philêmôn, có mắc nợ điều gì thì hãy tính
điều đó về phần của Phaolô. Nói cách khác, bất cứ món nợ nào Ônêsim đã gây ra, thì sẽ
tính sang tài khoản của Phaolô, và Phaolô sẽ trả khoản nợ đó. Tương tự, tội lỗi của
chúng ta đã được gán cho, được quy cho, được tính cho Đấng Christ, và Ngài đã trả đầy
đủ khoản nợ của chúng ta.
II. BA SỰ QUY GÁN CƠ BẢN
Các nhà thần học nói chung đã nhận thấy ba sự quy gán cơ bản.
A. Sự Quy Tội Lỗi Của Ađam Cho Nhân Loại (Ro 5:12-21).
Đây chính là điều chúng ta quan tâm trong phần nói về tội lỗi ở đây, và chúng ta sẽ
quay lại bàn luận đầy đủ vấn đề này.
B. Sự Quy Tội Của Con Người Cho Đấng Christ (IICo 5:19; IIPhi 2:24).
C. Quy Sự Công Bình Của Đấng Christ Cho Tín Đồ (IICo 5:21).
III. SỰ QUY GÁN TỘI AĐAM
A. Phân Đoạn Trọng Tâm (Ro 5:12)
Khái niệm tội bị quy gán xuất phát từ cách giải thích ý nghĩa của cụm từ “mọi
người đều đã phạm tội” ở cuối câu 12.

229
Có người hiểu điều này có nghĩa mỗi một cá nhân đều đã đích thân phạm tội, và bởi
những tội lỗi đã phạm đó mà người ta phải chết. “‘Đã phạm tội’ chỉ về những tội thật sự
phạm (đối chiếu 3:23) được xem như một biểu hiện của cá nhân và như sự phê chuẩn
hành động mang tính đại diện của Ađam.” (Leslie C. Allen, “Romans,” A New
Testament Commentary, soạn giả: Howley, Bruce, và Ellison (Grand Rapids: Zondervan,
1969, trang 352).
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chết dầu chúng không đích thân phạm tội. Hơn nữa, “mọi
người đều đã phạm tội” được liên kết với một con người, tức là Ađam, mà qua ông tội
lỗi đã vào trong thế gian. Câu Kinh Thánh này không nói Ađam đã phạm tội và mọi
người khác cũng phạm tội. Phaolô nói trong đoạn 5:15-19 năm lần rằng sự đoán phạt và
sự chết đã cai trị trên mọi người bởi vì một tội ấy của Ađam, chứ không phải bởi nhiều
tội lỗi khác nhau của hết thảy chúng ta.
Có người hiểu nghĩa câu này là “mọi người đều là tội nhân” hoặc “mọi người đều
đầy tội lỗi.” Tuy nhiên, từ ngữ này là một động từ ở thể chủ động (mọi người đều đã làm
một việc gì đó), chứ không phải một danh từ hay một tính từ (mọi người là một điều gì
đó (hay có phẩm chất nào đó)). Dĩ nhiên, đúng là mọi người đều là tội nhân, nhưng đều
đó không có nghĩa “mọi người đều đã phạm tội” trong câu Kinh Thánh này. Những ý
Shedd phản đối nghĩa “mọi người đều đầy tội lỗi” là rất chính xác. Ông nhận định sự
giải thích như thế sẽ mâu thuẫn với cách sử dụng không thay đổi cho thể chủ động của
động từ này, và nó sẽ đòi hỏi phải thêm động từ “là” (“to be”). (Dogmatic Theology,
(New York: Scribner, 1891,2:183-5).
Phái Barth hiểu câu này có nghĩa: tội lỗi là một phần trong kinh nghiệm của mọi
người, nhưng vì họ không tin Ađam là một con người thật sự, cũng không tin tội lỗi của
ông là một sự kiện có thật trong cõi thời gian và không gian, nên không thể có sự liên
kết nào giữa Ađam với nhân loại. Đối với họ, câu Kinh Thánh này không nói gì về
nguyên tội cũng như không nói gì về tội quy gán.
Một cách giải thích khác nữa là: Mọi người đều đã phạm tội khi Ađam phạm tội.
Đây dường như là ý nghĩa duy nhất đánh giá đúng về động từ này và mối quan hệ của
động từ với phần trước trong câu. “Thì của động từ này chỉ ra một lối vào quan trọng
trong lịch sử.... Sự chết thuộc thể đã đến trên hết thảy mọi người, nhưng không phải vì
họ đang ở trong quá trình phạm tội cách cá nhân. Mọi người đều đã phạm tội cách thực
nghiệm (ngoại trừ những trẻ sơ sinh chết lúc còn thơ). Nhưng ở đây, Phaolô không nói
đến điều đó. Tội lỗi của mọi người được tập trung trong tội lỗi của một mình con người
Ađam.” (A. Berkeley Mickelsen, “Romans.” The Wycliffe Bible Commentary, do Pfeiffer
và Harrison biên soạn (Chicago: Moody, 1962, trang 1197.
B. Mối Liên Hệ Giữa Ađam Với Nhân Loại.

230
Dầu Phaolô nói rõ mọi người đều đã phạm tội khi Ađam phạm tội, nhưng vẫn còn
thắc mắc: Họ phạm tội như vậy bằng cách nào? Giữa Ađam với nhân loại có mối liên hệ
nào?
Trong lịch sử, người ta đã đưa ra hai câu trả lời. Chúng thường được gọi là (a) quan
điểm liên minh hay đại diện, và (b) quan điểm mầm mống hay hiện thực, hay quan
điểm của Augustine.
1. Quan điểm đại diện. Quan điểm này xem Ađam là người đại diện cho toàn nhân
loại, nên khi Ađam phạm tội, tội lỗi của ông đã trở thành cơ sở định tội dòng dõi của
ông. Ngoài Ađam, không một ai khác thực sự phạm tội lỗi đầu tiên đó, nhưng vì Ađam
đại diện toàn nhân loại, nên Đức Chúa Trời đã xem hết thảy mọi người đều đã can dự
vào đó, nên bởi đó bị đoán phạt. Chữ “liên minh” nói đến giao ước, và chỉ ra rằng Ađam
đã được chỉ định để làm đại diện cho nhân loại trong điều thường được gọi là Giao Ước
Của Việc Làm. Bởi người đứng đầu Giao Ước này đã phạm tội, nên tội phạm của ông đã
được quy gán cho mỗi một người trong dòng dõi ông. Os 6:7 được trích dẫn như câu nói
đến giao ước này.
2. Quan điểm mầm mống. Quan điểm mầm mống, quan điểm thực tiễn hay quan
điểm của Augustine, xem Ađam có chứa mầm mống của toàn bộ dòng dõi ông, nên khi
ông phạm tội, thì mọi người thảy đều đã thực sự phạm tội. Nhân loại không chỉ được
đại diện bởi Ađam, mà còn đã thực sự được tham dự về mặt hữu cơ với Ađam. “Khái
niệm của Phaolô về sự đoàn kết chủng tộc dường như là sự phổ thông hóa khái niệm
của người Hêbơrơ về sự đoàn kết gia đình. Bức tranh bi thảm về sự đoàn kết gia đình
được tìm thấy trong Gios 7:16-26, trong đó phát hiện ra Acan là nguyên nhân làm dân
Ysơraên thất trận trước thành Ahi.... Acan đã không đổ lỗi cho ai khác.... Nhưng khi thi
hành án phạt... mọi điều có liên quan với Acan đều bị loại khỏi Ysơraên.” (Mickelsen,
“Romans.” The Wycliffe Bible Commentary, trang 1197-8). He 7:9-10 cung cấp thêm ví
dụ nữa về khái niệm mầm mống hay dòng dõi này trong nhân loại. Tác giả nói rõ rằng
Lêvi dầu vẫn chưa ra đời mãi đến gần 200 năm sau đó, nhưng Lêvi đã thực sự dâng một
phần mười trong tổ phụ của mình là Ápraham. Tổ phụ - là Ápraham - đã chứa hậu tự
của mình - là Lêvi. Tương tự, tổ phụ của chúng ta - là Ađam - đã chứa hết thảy chúng ta,
tức hậu tự của ông. Do đó, Lêvi đã có làm công việc dâng phần mười thể nào, thì chúng
ta cũng đã có phạm tội trong Ađam thể ấy.
Như vậy, tội lỗi của Ađam đã được quy gán cho mỗi thành viên của nhân loại, bởi vì
mỗi thành viên của nhân loại đã thực sự phạm tội trong Ađam khi Ađam phạm tội.
Tôi gặp minh họa sự quy gán qua từng trải đáng buồn của một cựu sinh viên. Anh
này tên là Bill, đã góp tiền đi chung với xe của Joe trên chuyến về thăm nhà mùa Giáng
sinh. Trên đường đi, một chiếc xe khác vượt biển báo dừng và đâm vào xe của Joe. Lúc

231
xảy ra tai nạn, Joe đang lái và Bill đang ngủ trên xe. Vì Bill bị thương nặng và vĩnh viễn
nên kiện chủ xe kia ra tòa để nhận tiền bồi thường thương tật. Nhưng chủ nhân chiếc
xe kia (hay công ty bảo hiểm của ông ta) đã cố chứng minh sự bất cẩn thuộc về phần
của Joe, nên luật sư của Bill viết cho anh một bức thơ, trong đó có viết như sau: “... và
nếu quan tòa thấy anh ta [Joe] đã bất cẩn thì dứt khoát bất cẩn đó sẽ được quy gán cho
anh, và anh không đòi tiền bồi thường được. Tôi nghĩ chúng ta không làm được gì để
thay đổi tình thế lúc này nữa.”
Điều gì liên kết Bill với Joe và với sự bất cẩn có thể có với Joe? Đó chính là sự kiện
Bill đã góp chi phí. Tiền đã liên kết Bill với Joe và với những hành động của Joe. Nhân
tánh đã liên kết toàn bộ chúng ta với Ađam và với tội lỗi của Ađam. Chúng ta thảy đều
dự phần trong tội lỗi của Ađam và trong sự phạm tội của Ađam. Chúng ta thảy đều có
tội như nhau và đều cần phương thuốc chữa trị tội lỗi chúng ta như nhau.
IV. SỰ LƯU TRUYỀN TỘI BỊ QUY GÁN
Tội bị quy gán được truyền trực tiếp từ Ađam đến mỗi cá nhân trong mỗi thời đại.
Vì tôi đã ở trong Ađam, nên tội của Ađam đã được quy gán trực tiếp cho tôi, chứ không
thông qua cha mẹ tôi và tổ phụ tôi. Tội bị quy trách là một sự quy gán trực tiếp (tức
không thông qua những người trung gian giữa Ađam và tôi).
Điều này tương phản với cách lưu truyền bản tánh tội lỗi di truyền. Nó đến với tôi
qua cha mẹ tôi, và đến với cha mẹ tôi thông qua ông bà tôi, và cứ tiếp tục như vậy cho
đến tận Ađam. Tội di truyền là một sự lưu truyền qua trung gian, vì nó đến thông qua
toàn bộ những người trung gian của các thế hệ giữa Ađam và tôi. Sự tương phản này
được biểu diễn qua biểu đồ như sau:
V. HÌNH PHẠT CHO TỘI DO QUY TRÁCH
Sự chết thuộc thể là hình phạt đặc thù liên kết với tội quy gán ( Ro 5:13-14). Bạn còn
nhớ hình phạt đặc thù liên kết với tội di truyền chính là sự chết thuộc linh chứ?
VI. GIẢI PHÁP CHO TỘI QUY GÁN
Giải pháp cho tội quy gán chính là sự công nghĩa quy gán của Đấng Christ. Ngay
giây phút một cá nhân tin Đấng Christ, sự công nghĩa của Đấng Christ được kể cho, hay
được quy gán cho cá nhân đó. Hết thảy mọi người đều ở trong Ađam thể nào, thì hết
thảy mọi tín đồ cũng đều ở trong Đấng Christ thể ấy, và ở trong Ngài có nghĩa sự công
bình của Ngài chính là sự công bình của chúng ta.
Một minh họa sống động cho điều này đã đến với tôi thời sinh viên. Một tội phạm
kia trong nhà giam liên bang sắp bị tử hình vì tội sát nhân. Câu chuyện của anh đã
được công chúng rất lưu tâm, vì anh đã lập di chúc để lại giác mạc một con mắt của
anh cho tiến trình ghép giác mạc vốn rất mới mẻ vào thời bấy giờ. Hơn nữa, người nhận

232
nó đã được chỉ định trước khi thi hành án tử hình người này, và thực sự hai người này
đã gặp nhau trước khi án tử hình được thi hành. Điều này tạo nên một bản tin nhân đạo
thú vị và hấp dẫn cho phương tiện truyền thông đại chúng.
Kẻ sát nhân bị tử hình đúng thời hạn quy định. Giác mạc của anh đã được lấy ra
khỏi thi thể anh, và bởi phép lạ của y học, nó được ghép vào mắt một người mù và rồi
người mù ấy đã thấy được. Bây giờ, giả sử có viên cảnh sát nọ cố gắng bắt giữ người
nhận giác mạc này để xử tử anh ta, vì anh ta có giác mạc của tên sát nhân. Bất cứ quan
tòa nào cũng sẽ nói: “Nhưng giác mạc trước kia vốn ở trong cơ thể của kẻ sát nhân nay
hiện ở trong thân thể của một con người công bình trước pháp luật. Do đó, giác mạc đó
cũng công bình giống như con người đó là công bình.” Và điều đó minh họa ý của tôi.
Tôi đã ở trong Ađam, đã bị định tội chết một cách công bình vì cớ tôi đã phạm tội khi
Ađam phạm tội. Nhưng bởi một phép lạ còn vĩ đại hơn cả mọi thủ tục phẫu thuật, tôi đã
được đặt vào trong Đức Chúa Jesus Christ. Và giờ đây tôi là công bình vì cớ Ngài là công
bình, và tôi có thể đứng trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết mà không hề bị định
tội. Từ chỗ ở trong Ađam đến ở trong Đấng Christ - đó chính là câu chuyện của tôi bởi
phép lạ của ân điển Ngài.

233
Chương 38: NHỮNG TỘI CỦA CÁ NHÂN
Có lẽ hầu hết mọi người khi nghĩ về tội lỗi thì đều nghĩ trước tiên đến lĩnh vực
những tội lỗi của cá nhân (các kỷ tội). Họ bảo: Đương nhiên, tội lỗi có thực vì người ta
phạm tội. Nhưng tội lỗi cũng là một thực trạng, vì chúng ta thừa hưởng một bản chất tội
lỗi, và tội của Ađam đã được quy gán cho chúng ta. Thế nhưng đúng là kỷ tội của chúng
ta khiến chúng ta hiểu được thực trạng của tội lỗi.
I. MỘT VÀI BẰNG CHỨNG CỦA KINH THÁNH
Trong Ro 3:9-18, Phaolô chứng minh sự định tội hết thảy mọi người dựa trên cơ sở họ
đã đích thân phạm tội. Sự định tội này mang tính phổ thông và căn cứ trên những việc
làm ác trong cả lời nói lẫn hành động. Người ta bại hoại, lừa dối, không nhân từ, phạm
thượng, giết người, hà hiếp, cãi lẫy và không tin kính.
Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh kể tên những tội cụ thể. Hãy để ý tội nói dối trong
IGi 1:6, tội thiên vị trong Gia 2:4, tánh xác thịt trong ICo 3:1-4, và danh sách trong Ga 5:19-
21 bao gồm cả tội phù phép, gian dâm, bè đảng và đố kỵ.

II. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA NHỮNG KỶ TỘI.


A. Tính Phổ Thông Của Chúng.
Mọi người đều đích thân phạm tội, ngoại trừ trẻ sơ sinh. Giacơ nói rất rõ điều này
khi bảo chúng ta thảy đều vấp ngã nhiều cách (Gia 3:2). Trước khi Phaolô liệt kê những
tội này, ông nói hết thảy mọi người - cả người Do thái lẫn người ngoại bang - thảy đều
phục dưới tội lỗi (c. 9). Sau danh sách, ông lập lại sự thực đó, tuyên bố mọi người đều
thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (c. 23).
B. Tính Công Khai Của Chúng.
Kỷ tội không những là các tội phạm công khai, mà còn là những tội phạm trong tư
tưởng nữa. Sự gian dâm, ganh ghét, tham lam, và thờ hình tượng, là những ví dụ về các
tội phạm trong đời sống tư tưởng chúng ta (và cũng có thể bộc phát ra bằng những việc
làm cụ thể nữa). Xem Mat 5:27-28; IICo 10:5; và Co 3:5-6.
Hơn nữa, những tội do thiếu sót (bỏ việc đáng phải làm), vốn là tội không công
khai, cũng có tội y như tội thực sự phạm (Gia 4:17).
C. Phân Loại Kỷ Tội
Chúa đã xếp tội Caiphe giải Ngài đến Philát là còn lớn hơn tội của Philát. Nhưng
điều này không biện hộ cho Philát, vì nếu có tội lớn hơn (tức tội của Caiphe) thì chắc
chắn phải có tội nhỏ hơn (tội của Philát). Là quan chức chính quyền, Philát chỉ có thể
làm việc mà Đức Chúa Trời cho phép chính quyền ông làm. Là thầy tế lễ thượng phẩm,
Caiphe được soi sáng nhiều hơn, nên gánh trách nhiệm nặng hơn.

234
Cựu Ước phân biệt những tội phạm do không biết với những tội phạm do cố tình.
Theo nghĩa đen, tội phạm do cố tình là những tội phạm với tay giơ cao, nghĩa là những
tội phạm với nắm tay siết chặt lại và giơ cao lên để thách thức Đức Chúa Trời và các
điều răn của Ngài. Đối với những tội như thế thì không còn một của lễ nào có thể được
nhậm nữa (Dan 15:30-31). Ví dụ về tội cố tình được nêu tiếp theo sau đó qua câu chuyện
người lượm củi trong ngày Sabát để thách thức mạng lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời.
Trái lại, của lễ chuộc sự mắc lỗi đã chuộc được tội phạm do không biết: tức là các tội
phạm cách vô ý do yếu đuối hay do bất ngờ (Le 4:2). Một số ví dụ gồm: không chịu đưa
ra chứng cứ khi được mời làm chứng; những sự ô uế tình cờ về lễ nghi do tiếp xúc với
người hoặc thú vật không tinh sạch; không thể giữ trọn lời hứa nguyện hấp tấp (5:1-4).
Phần Tân Ước ứng với cách phân loại này của Cựu Ước đã đối chiếu các tội đã phạm
khi được soi sáng nhiều với những tội đã phạm khi được soi sáng ít (Lu 12:47-48).
Các loại khác bao gồm tội không thể tha được (Mat 12:31-32) và tội đến nỗi chết (IGi
5:16).

Giáo Hội Công Giáo Lamã phân biệt tội nhẹ (tội có thể được tha) với tội trọng (các
tội đem lại sự chết). Một người phạm tội nhẹ khi vi phạm phần không quan trọng của
luật pháp Đức Chúa Trời. Một tội như thế sẽ được tha dễ dàng, thậm chí không cần phải
xưng tội. Chỉ có bí tích sám hối mới có thể tha được tội đến nỗi chết. Đây là sự dạy dỗ
không phù hợp với Kinh Thánh.
Tương tự, người tin con cái Đức Chúa Trời có thể đánh mất sự cứu rỗi thì họ cũng
phân biệt những tội không quá nặng và tội mà hầu hết tín đồ đôi khi phạm nhưng
chúng không làm mất sự cứu rỗi, với những tội đủ xấu đến nỗi làm mất sự cứu rỗi.
Những tội nào thuộc vào mỗi loại đó thường được xác định cách rất chủ quan.
III. SỰ LƯU TRUYỀN KỶ TỘI
Nói chính xác, kỷ tội không truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác hay từ thế hệ
này sang thế hệ khác. Mỗi người phạm những tội của riêng mình. Ảnh hưởng các kỷ tội
được lưu truyền theo ý nghĩa: những tội phạm của chúng ta thực sự tác động đến người
khác, nhưng mỗi người phải gánh hậu quả của chính tội lỗi mình.
IV. HẬU QUẢ CỦA KỶ TỘI
Nếu cần một ý để mô tả hậu quả của toàn bộ kỷ tội, thì đó chính là bị mất mối
tương giao. Người không tin Chúa thì không được tương giao với Đức Chúa Trời vì cớ
các tội người ấy đã phạm, còn người tin Chúa được đem vào mối tương giao trong gia
đình Đức Chúa Trời rồi mà phạm tội thì sẽ mất sự vui hưởng mối tương giao đó. Người
ấy không bị trục xuất khỏi gia đình, dầu vậy có thể mất một số đặc ân của việc được ở
trong gia đình. Khi xưng tội và được tha thứ, người ấy được khôi phục mối tương giao.

235
V. GIẢI PHÁP CHO KỶ TỘI
Phương thuốc giải chính là sự tha tội. Đối với người chưa tin Chúa mà tiếp nhận
Đấng Christ, sự tha tội ấy khỏa lấp mọi vi phạm của mình (Eph 1:7). Đối với người tin
Chúa rồi, sự tha tội đó khôi phục sự vui hưởng mối tương giao trong gia đình Đức Chúa
Trời (IGi 1:9). Hay nói cách khác, sự tha thứ về mặt pháp lý đưa người chưa tin Chúa vào
trong gia đình Đức Chúa Trời, còn sự tha thứ trong gia đình khôi phục lại mối tương
quan bị cắt đứt tạm thời bên trong gia đình.

236
Chương 39: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ TỘI LỖI
I. TIÊU CHUẨN CHO TÍN ĐỒ
Việc trở thành Cơ đốc nhân không miễn cho người ấy khỏi phạm tội, cũng không
miễn việc vâng giữ luật pháp Đấng Christ. Bảo rằng Cơ đốc nhân được miễn trừ tức đã
sa vào một hoặc cả hai sai lầm phổ thông liên quan đến Cơ đốc nhân và tội lỗi. Một
đàng là chủ nghĩa trọn lành (perfectionism) và đàng kia là chủ nghĩa bài luật pháp.
Chủ nghĩa duy trọn lành phi Kinh Thánh dạy rằng tín đồ không hề phạm tội, bởi vì
người ấy đã loại bỏ tận gốc rễ nguyên tắc của tội lỗi. Không một tín đồ nào có thể kinh
nghiệm sự trọn lành vô tội này mãi đến khi được sống lại, là lúc sẽ được thoát khỏi
nguyên tắc tội lỗi ở bên trong mình. Hình thức cải tiến của thuyết trọn lành vô tội vẫn
không loại bỏ bản chất tội lỗi, nhưng dạy rằng Cơ đốc nhân có thể sống mà không
phạm tội trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng không phạm tội không những có
nghĩa không phạm tội, mà còn là phải thực hành và làm theo ý muốn của Đức Chúa
Trời nữa. Sự trọn lành vô tội đòi hỏi còn nhiều hơn cả việc không phạm tội. Trong thực
tế, giáo lý Kinh Thánh về sự trọn lành nói đến tình trạng chín chắn, trưởng thành, sự
đầy dẫy, sự hoàn chỉnh. Sự toàn hảo đúng theo Kinh Thánh không tương phản với sự
không phạm tội, nhưng tương phản với tình trạng không trưởng thành, và sự toàn hảo
của Kinh Thánh là một điều đòi hỏi phải có nơi tín đồ ở trên đất này. (Phần bàn luận
xuất sắc về giáo lý Kinh Thánh này có trong “The Biblical Teaching Concerning
Perfection,” của W. H. Griffith Thomas, trong The Sunday School Times, 22 tháng
7,1944, trang 515-6.)
Chủ nghĩa bài luật pháp dạy rằng Cơ đốc nhân không bị luật pháp ràng buộc. Khái
niệm buông tha khỏi luật pháp của thuyết bài luật pháp thường dẫn đến sự buông
tuồng. Thuyết bài luật pháp đôi khi được xem là một với sự tự do Cơ đốc, một sự đánh
đồng sai lạc. Trái với sự tự do là ách nô lệ, và tín đồ đã được đem ra khỏi ách nô lệ cho
tội lỗi để đến địa vị tự do trong Đấng Christ. Đối lập với thuyết bài luật pháp chính là sự
vâng giữ luật pháp. Như vậy thì luật pháp nào, vì đã có rất nhiều luật pháp trong suốt
lịch sử Kinh Thánh? Đối với với tín đồ ngày nay, đó chính là luật của Đấng Christ ( Ga
6:2).

Vậy đâu là tiêu chuẩn Kinh Thánh cho Cơ đốc nhân? Tiêu chuẩn đó không phải là
sự toàn hảo vô tội, cũng không phải là tinh thần bài luật pháp. Tiêu chuẩn đó chính là
bước đi trong sự sáng (IGi 1:7). Đức Chúa Trời là sự sáng hay sự thánh khiết. Tiêu chuẩn
tuyệt đối này luôn luôn ở trước mặt tín đồ. Tuy nhiên trong đời này, không tín đồ nào
có thể sống mà không phạm tội như Đức Chúa Trời được. Như vậy, có phải Đức Chúa
Trời giễu cợt chúng ta không? Không hề. Trái lại, Ngài đã khiến đòi hỏi của Ngài thích
hợp với giai đoạn phát triển thuộc linh mỗi một chúng ta, và quy định đã được điều

237
chỉnh đó chính là bước đi trong sự sáng của đức thánh khiết Ngài. Nếu nói mình không
còn nguyên tắc của tội lỗi (như thuyết trọn lành vô tội tuyên bố) thì chúng ta nói dối (c.
8). Tương tự, nếu nói mình không phạm tội trong khoảng thời gian nào đó bất kỳ (như
thuyết trọn lành cải tiến đã dạy) thì chúng ta biến Chúa thành kẻ nói dối (c. 10). Nếu
bước đi trong sự sáng, chúng ta sẽ không sa vào sai lầm của thuyết bài luật pháp, vì
chúng ta sẽ giữ các điều răn Ngài (2:4,6; 3:24).
Mỗi tín đồ có thể đáp ứng điều kiện đòi hỏi bước đi trong sự sáng. Lượng sự sáng
mỗi người có sẽ khác nhau, nhưng điều kiện đòi hỏi để phải đáp ứng với lượng sự sáng
đó thì giống nhau cho mọi người. Khi chúng ta tăng trưởng, phạm vi sự sáng đó sẽ mở
rộng ra. Và khi đáp ứng với sự sáng ngày càng gia tăng đó, chúng ta sẽ càng nhận sự
sáng nhiều hơn, và cứ tiếp tục như vậy. Nhưng tại mỗi giai đoạn, đòi hỏi này đều y như
nhau - bước đi trong sự sáng.
Tóm lại: tiêu chuẩn chính là đức thánh khiết của Đức Chúa Trời. Điều kiện đòi hỏi
chính là: bước đi trong sự sáng. Từng trải của chúng ta phải luôn luôn là từng trải ngày
càng tăng trưởng, tăng trưởng đến mức trưởng thành. Đó là chủ nghĩa trọn lành thật
của Kinh Thánh.
II. NHỮNG KẺ THÙ CỦA TÍN HỮU
Tín hữu liên tục bị chống đối bởi thế gian, xác thịt, và ma quỷ.
A. Thế Gian.
Chúng ta đã luận chi tiết khái niệm về hệ thống thế gian trong phần Quỷ Sứ Học. Ở
đây ôn lại và chỉ thêm vài chi tiết là đủ rồi.
1. Mô tả. Satan là thủ lĩnh và kiểm soát hệ thống này. Đặc trưng chính của nó là giả
mạo, mặc dầu Satan sẽ sử dụng bất cứ chiến thuật nào có thể dùng để đánh bại tín đồ.
Thường các vấn đề sát ngoài biên thì khó phân biệt và khó xác định nhất.
2. Cách phòng thủ của chúng ta. Có rất nhiều điều giúp tín hữu phòng thủ trước sự
giả mạo của thế gian - binh giáp của Đức Chúa Trời (Eph 6:13-18), hiểu biết các chiến
lược của Satan (IICo 2:11), tiết độ, tỉnh thức (IPhi 5:8). Có lẽ, nên đặt đức tin ở đầu hoặc
gần đầu danh sách này. Đức tin của chúng ta chính là sự chiến thắng để thắng hơn thế
gian (IGi 5:4-5), và đó là đức tin để hiệp nhất chúng ta với công tác của Đấng Christ trên
thập tự giá. Vì mỗi tín hữu đều có đức tin đó, nên tín hữu ấy được phòng vệ đầy đủ
trước thế gian. Tuy nhiên cần vận dụng đức tin ấy luôn luôn để biến chiến thắng thành
hiện thực (ITi 6:12).
B. Xác Thịt
1. Khái Niệm. Xác thịt chính là nguyên tắc của tội ở trong hết thảy chúng ta. Có
người đánh đồng bản chất tội lỗi với xác thịt. Xác thịt sanh ra các việc làm ( Ga 5:19),
238
được đặc trưng bởi các tham muốn và các đam mê (c. 24; IGi 2:16) và có thể bắt tín đồ
phục dưới ách nô lệ (Ro 7:25). Trong xác thịt không có gì tốt lành cả (c. 18), vì hiện diện
của sự sống mới trong Đấng Christ khiến mọi điều liên hệ với xác thịt đều trở nên cũ và
vô dụng. Điều này bao gồm những điều ác trắng trợn, cũng như những điều vô đạo đức,
và đôi khi là những điều mà tự bản thân nó có thể tốt nhưng lại không làm đẹp lòng
Đức Chúa Trời vì cớ chúng là các công việc của xác thịt.
2. Kiểm Soát. Chỉ có thể kiểm soát xác thịt bằng cách phải thực hiện việc đồng đóng
đinh chúng ta với Đấng Christ. Chúng ta đã đóng đinh xác thịt, có nghĩa được phân
cách khỏi quyền thống trị của nó nhờ chúng ta liên hiệp với sự chết của Đấng Christ
đối với tội lỗi (Ga 5:24). Chúng ta có thể kinh nghiệm chiến thắng, không phải bởi loại
bỏ xác thịt, nhưng bởi bước đi trong sự nương cậy Thánh Linh để kiểm soát xác thịt (c.
16).
C. Ma Quỷ
Vì đã thảo luận về Satan rồi, nên ở đây chúng ta chỉ nhắc nhở đôi điều về công việc
của Satan khi tấn công tín đồ.
1. Chiến lược của hắn có hoạch định. Satan vạch ra các phương pháp, sử dụng các
chiến lược, và dùng mọi mánh khóe của một tạo vật siêu phàm để bẫy tín đồ ( IICo 2:11;
Eph 6:11).

2. Chiến lược của hắn rất kiên trì. Hắn tấn công tín đồ không ngừng, chờ đợi đúng
thời điểm để tấn công (IPhi 5:8).
3. Chiến lược của hắn đầy quyền lực. Tín đồ phải đánh xáp lá cà với Satan, nên
đừng bao giờ đánh giá thấp quyền lực của hắn (Eph 6:12; IGi 4:4; Giuđe 9).
III. CÁC HÌNH PHẠT CHO TỘI LỖI
A. Đối Với Người Chưa Tin Chúa
Người chưa tin Chúa nào qua đời mà chưa được tha thứ tội lỗi mình thì phải chịu sự
đau đớn đời đời nơi hồ lửa (Kh 20:15).
B. Đối Với Tín Đồ Phạm Tội
1. Mất Sự Tương Giao. Tội lỗi làm gián đoạn sự tương giao trong lãnh vực đã phạm
tội (IGi 1:3,6-7).
2. Mất Sự Vui Mừng. Tội lỗi khiến mất vui mừng (Gi 15:11; Ga 5:22).
3. Bước Đường Đi Đen Tối. Tội lỗi khiến tín đồ bước đi trong sự tối tăm (IGi 1:6; 2:10).
4. Cầu Nguyện Yếu Ớt. Tội lỗi khiến thiếu tin quyết khi cầu nguyện (IGi 3:19-22).
C. Đối Với Tín Đồ Phạm Tội Miệt Mài

239
Nếu tín đồ cứ miệt mài phạm một tội nào đó, thì có thể dẫn đến các hậu quả khác.
1. Sự Hình Phạt. Hình phạt dưới hình thức nào đó có thể đến cho người này (He 12:5-
11). Bệnh tật có thể là một dạng hình phạt (ICo 11:30).

2. Dứt Phép Thông Công. Có thể cần phải dứt phép thông công khỏi hội thánh địa
phương (Mat 18:17; ICôrinhtô 5).
3. Sự Chết Thuộc Thể. Có trường hợp, sự chết thuộc thể có thể là hình phạt cho tội
miệt mài phạm (11:30; IGi 5:16).
Cha thiên thượng đầy lòng thương xót của chúng ta thường rất kiên nhẫn khi
chúng ta phạm tội, không giáng những hình phạt nghiêm khắc. Nhưng đừng bao giờ
quên tội lỗi thực sự gây thiệt hại nhiều cách, cả bề trong lẫn bề ngoài, dầu chưa thấy
hình phạt hiển nhiên nào. Và tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ, hết thảy mọi việc làm
của chúng ta đều sẽ được Đấng Christ tra xét (IICo 5:10).
IV. NHỮNG BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA TỘI LỖI
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, và Chúa đã dự bị nhiều phương cách cho
chúng ta ngăn ngừa tội lỗi. Những phương cách này giống như các liều thuốc tiêm
chủng để chúng ta khỏi mắc bệnh đó.
A. Lời Đức Chúa Trời.
Lời Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta sẽ giúp ngăn ngừa tội lỗi, vì Lời đó sẽ cảnh
cáo, nhắc nhở, động viên, làm vững mạnh, và dẫn dắt chúng ta khi bị cám dỗ phạm tội
(Thi 119:11).
B. Sự Cầu Thay Của Đấng Christ
Chúa chúng ta hằng sống để cầu thay cho chúng ta (He 7:25). Một trong những điều
Ngài cầu thay là để chúng ta có thể không phạm tội. Xem minh họa điều này trong
trường hợp của Phierơ ở Lu 22:32, cũng như qua lời tuyên bố trực tiếp trong Gi 17:15. Rõ
ràng, chúng ta sẽ không bao giờ biết sự cầu thay này bao gồm những gì mãi đến khi lên
thiên đàng, thậm chí lúc đó cũng chưa chắc chúng ta được biết hết nữa.
C. Đức Thánh Linh Cư Trú Trong Lòng.
Đa số chức vụ của Thánh Linh trong tín đồ ngày nay liên quan đến việc ngăn ngừa
tội lỗi trong đời sống, nhưng dường như có một số điều nổi bật sau đây:
1. Làm Thành Hiện Thực Các Phương Diện Của Địa Vị Chúng Ta Trong Đấng Christ.
Ví dụ, chúng ta đã làm cho chết xác thịt của mình cùng những ưa thích và tham muốn
của nó, nhưng chúng ta cần phải bước đi trong Thánh Linh để biến điều này thành hiện
thực trong từng trải của mình (Ga 5:16-24).

240
2. Dạy Dỗ. Việc dạy chúng ta những điều sâu nhiệm trong Lời Chúa sẽ giúp chúng
ta biết phân biệt điều thiện và điều ác (ICo 2:10; He 5:14). Hiểu biết nông cạn bề ngoài có
thể ngăn ngừa những tội dễ thấy ở bề ngoài, nhưng hiểu biết sâu nhiệm hơn thì có thể
ngăn ngừa nhiều tội lỗi hơn.
3. Dẫn Dắt Trong Sự Cầu Nguyện. Khi dẫn dắt chúng ta trong những lời cầu
nguyện, Thánh Linh có thể dẫn dắt chúng ta suy nghĩ những phương cách có thể ngăn
ngừa tội lỗi trong đời sống mình (Mat 6:13; Ro 8:34; Eph 6:18).
4. Ban Quyền Năng Để Hầu Việc. Việc ban quyền năng cho chúng ta hầu việc ( Gi
7:37-39) có thể ngăn chúng ta khỏi dùng thì giờ, tiền bạc và sức lực để phạm tội ( Kh
12:11).

VI. GIẢI PHÁP CHO CÁC TỘI ĐÃ PHẠM


Phương thuốc cho các tội đã phạm của tín đồ có thể tóm tắt bằng hai chữ: Xưng tội
(IGi 1:9). Xưng tội không chỉ là lời nói suông trên môi miệng hay thuật lại các tội đã
phạm. Xưng tội có nghĩa nhìn xem các tội lỗi đó đúng như cách Đức Chúa Trời nhìn
xem chúng. Việc này chắc chắn sẽ đưa đến ăn năn và khao khát nhiệt thành mong
được thay đổi. Nhưng nếu những tội lỗi đó tái diễn, thì phương thuốc vẫn y nguyên như
vậy.
VI. SUY GẪM KẾT LUẬN
Khi suy gẫm về tội của người chưa tin Chúa, dường như không quá khó cho chúng
ta hiểu được quy mô to lớn của tội lỗi, vì biết hình phạt sẽ là bị phân cách khỏi Chúa
đời đời. Nhưng không biết sao khi xét đến những tội đã phạm của tín đồ, chúng ta lại
làm nhẹ đi tính nghiêm trọng của chúng. Nhưng đừng bao giờ mắc sai lầm ấy. Mọi tội
đều làm Chúa buồn. Đấng Christ đã phải chết thay các tội chúng ta đã phạm trước cũng
như sau khi chúng ta được cứu. Sự chết của Ngài đã là hình phạt cho tất cả mọi tội. Là
thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời mà phạm tội, điều đó có thể khiến Cha Thiên
Thượng của chúng ta càng buồn hơn. Chúng ta có bổn phận phải biết rõ hơn. Chúng ta
phải sử dụng quyền năng Ngài đã ban cho. Chúng ta phải muốn làm đẹp lòng Chúa.
Chúng ta phải tranh đấu và chiến trận mạnh mẽ hơn và dùng mọi vũ khí Ngài ban.
Nhưng trên hết, chúng ta phải luôn đang tiến bộ và thể hiện sự tăng trưởng trong đời
sống.
“Chúng ta có thể được yên ủi về linh hồn mình nếu biết cuộc chiến và xung đột ở bề
trong. Đó là bạn đồng hành không thể thiếu cho sự thánh khiết thật của Cơ đốc nhân....
Chúng ta có thấy chiến trận thuộc linh ở tận thâm sâu lòng mình? Chúng ta có cảm
thấy tham muốn xác thịt chống lại với Thánh Linh và Thánh Linh nghịch lại cùng xác
thịt, đến nỗi chúng ta không làm được điều mình muốn làm? Chúng ta có ý thức được
hai nguyên tắc ở trong chúng ta, đang tranh giành quyền làm chủ? Chúng ta có cảm
241
nhận được chút chi của cuộc chiến nơi con người bề trong chúng ta? Ồ, hãy cảm tạ Đức
Chúa Trời về điều đó! Đó là một dấu hiệu tốt. Đấy là bằng chứng vững chắc về công tác
vĩ đại của sự nên thánh.... Bất cứ là điều gì cũng vẫn tốt hơn sự lãnh đạm, bế tắc, trì trệ,
chết lặng và thờ ơ” (R. C. Ryle, Holiness, (London: Hunt, 1839, trang 82).
Hỡi những thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời: Hãy tiến tới sự trưởng
thành (He 6:1)!

242
PHẦN IX: JESUS CHRIST CHÚA CỦA CHÚNG TA
Chương 40: ĐẤNG CHRIST TRƯỚC KHI NHẬP THỂ
Giáo lý về Đấng Christ sẽ bao gồm môn nghiên cứu cả thân vị lẫn về công việc của
Ngài. Tuy nhiên, vì công tác chủ yếu của Đấng Christ là Chuộc Tội, nên Cứu Thục Học
(soteriology) thường được tách riêng khỏi môn Cơđốc Luận (Christology – bộ môn về
Đấng Christ). Những công việc khác của Ngài thường được xem là thuộc về Cơđốc luận.
Giáo lý nầy có thể sắp xếp tương đối theo thứ tự thời gian. Đầu tiên là phần nghiên
cứu về Đấng Christ trước khi nhập thể, tiếp sau đó là phần nghiên cứu Đấng Christ
trong sự hạ mình của Ngài, có nghĩa trong thời gian Ngài sống trên đất. (Sẽ là sai nếu
gọi phần nầy là Đấng Christ Nhập Thể, bởi vì Sự Nhập Thể vẫn tiếp tục vượt qua khỏi
thời gian Ngài sống trên đất.) Rồi đến phần nghiên cứu về những chức vụ hiện tại và
tương lai của Ngài. Những vấn nạn lớn của thần học xuất hiện trong thời kỳ hạ mình
của Đấng Christ đang khi ở trong một thân xác trên trần gian này, là các vấn nạn như ý
nghĩa của kenosis, mối liên hệ giữa hai bản tánh, và tính không thể phạm tội được của
Ngài.
Giáo lý về thân vị của Đấng Christ là hết sức quan trọng cho đức tin Cơ đốc. Nó là
nền tảng cho môn Cứu thục học (soteriology), bởi vì nếu Chúa chúng ta không đúng là
Đấng có phẩm chất như chính Ngài tuyên bố, thì sự chuộc tội của Ngài là một sự đền
tội thiếu sót và không thỏa đáng.
I. SỰ TIỀN TẠI CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ
A. Ý Nghĩa Sự Tiền Tại
Sự tiền tại của Đấng Christ có nghĩa là Ngài đã hiện hữu trước khi giáng sinh. Đối
với một số tác giả, sự tiền tại có nghĩa Ngài hiện hữu trước Sự Sáng Tạo và trước cõi
thời gian. Nhưng nói chính xác thì sự tiền tại không đồng nghĩa với sự hằng hữu. Thật
ra, chúng đại diện cho một khái niệm tương tự, vì phủ nhận sự tiền tại hầu như luôn
luôn bao gồm phủ nhận cả sự hằng hữu và ngược lại.
B. Tầm Quan Trọng Của Sự Tiền Tại
1. Tại sự giáng sinh: Nếu Đấng Christ bắt đầu hiện hữu kể từ khi Ngài giáng sinh,
thì không hề có Ba Ngôi hằng hữu.
2. Không phải là Đức Chúa Trời: Nếu Đấng Christ đã không tiền tại thì Ngài không
thể là Đức Chúa Trời, bởi vì cùng với những thuộc tính khác, Đức Chúa Trời là hằng
hữu.

243
3. Người nói dối: Nếu Đấng Christ không tiền tại thì Ngài nói dối, vì Ngài đã tuyên
bố Ngài tiền tại. Vậy thì nảy sinh thêm thắc mắc: Ngài còn nói dối thêm những điều
nào khác nữa?
C. Bằng Chứng Của Sự Tiền Tại
1. Nguồn gốc thiên thượng của Ngài: Các câu Kinh Thánh bày tỏ nguồn gốc thiên
thượng của Đấng Christ khẳng định sự tiền tại trước khi giáng sinh. Đặc biệt lưu ý Gi
3:13 và 31.

2. Công tác của Ngài với tư cách Đấng Tạo Hóa: Nếu Đấng Christ dự phần vào Sự
Sáng Thế thì dĩ nhiên Ngài đã phải hiện hữu trước Sự Sáng Tạo. Xem Gi 1:3; Co 1:16, và
He 1:2.

3. Mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Trời: Ngài đã tuyên bố Ngài bình đẳng về
bản tánh với Đức Chúa Trời (Gi 10:30). Ngài tuyên bố có vinh hiển bình đẳng với Đức
Chúa Cha trước khi thế giới khởi đầu (17:5). Phaolô cũng tuyên bố Đấng Christ có đồng
một bản tánh như Đức Chúa Trời (Phi 2:6). Những phân đoạn Kinh Thánh này cũng là
chứng cứ về sự vĩnh hằng.
4. Những thuộc tánh của Ngài: Ngài tuyên bố Ngài có thần tánh trọn vẹn và những
người khác cũng khẳng định điều đó. Những lời tuyên bố này sẽ được xem xét về sau,
nhưng lúc này Co 2:9 cũng đủ – Chúa Cứu Thế là hiện thân của tất cả bản chất thần linh
của Thượng Đế (BHĐ).
5. Mối liên hệ của Ngài với Giăng Báptít: Mặc dù sanh ra trước Chúa Jesus, Giăng
đã công nhận Jesus đã hiện hữu trước ông (IGi 1:15,30, trong nguyên văn là “trước ta”
nhưng nói đến sự tiền tại là cơ sở để Đấng Christ cao trọng hơn Giăng).
II. SỰ VĨNH HẰNG CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ
A. Ý Nghĩa Sự Vĩnh Hằng
Vĩnh hằng có nghĩa không những Đấng Christ hiện hữu trước khi Ngài giáng sinh
hoặc thậm chí trước Sự Sáng Tạo, mà còn có nghĩa Ngài đã luôn luôn hiện hữu, hiện
hữu đời đời. Sự hiện hữu và sự tiền tại thường hay cùng đứng hoặc cùng ngã chung với
nhau, dù vậy Arius dạy về sự tiền hiện hữu của Con nhưng không dạy sự vĩnh hằng
của Ngài. Ông quả quyết nếu Đấng Christ đã là Con Độc Sanh thì Ngài chắc chắn phải
có một khởi đầu. Chứng Nhân Giêhôva ngày nay có Cơđốc Luận giống của Arius, phủ
nhận tính vĩnh hằng của Ngôi Lời.
B. Tầm Quan Trọng Của Tính Vĩnh Hằng
Nếu phủ nhận tính vĩnh hằng thì (a) không có Ba Ngôi Hiệp Một, (b) Đấng Christ
không có Thần tánh trọn vẹn, và (c) Ngài đã nói dối.

244
C. Chứng Cứ Về Tính Vĩnh Hằng
Mối liên hệ của Đấng Christ với Đức Chúa Trời như có cùng một bản thể chứng
minh tính vĩnh hằng, vì Đức Chúa Trời là vĩnh hằng. Lưu ý chữ charakter trong He 1:3,
nói lên Đấng Christ là đại diện chính xác về bản tánh hay bản thể của Đức Chúa Trời.
Sự sở hữu các thuộc tánh thiên thượng bao gồm cả thuộc tánh vĩnh hằng.
Các tiên tri thời Cựu Ước đã tuyên bố tính vĩnh hằng của Đấng Mêsia. Michê nói sự
xuất hiện của Ngài là đến từ các ngày của cõi đời đời (5:2; xem Ha 1:12). Mặc dù những
từ ngữ nầy có thể mang ý nghĩa “từ những ngày xa xưa,” có nghĩa là từ những thời xa
xưa nhất, nhưng cũng có nghĩa từ cõi vĩnh hằng. Tương tự, cụm từ “Cha Đời Đời” trong
Es 9:5 rất có thể nói Đấng Christ là Cha của dân sự Ngài luôn luôn (và như thế chỉ
hướng tới, chứ không nhìn lui về cõi vĩnh hằng trong quá khứ).
Đấng Christ đã tuyên bố Ngài vĩnh hằng khi Ngài phán: “Trước khi chưa có
Ápraham, CÓ TA” (Gi 8:58). Điều nầy còn trổi hơn cả sự hiện hữu giới hạn trước khi
Ápraham sinh ra, bởi vì Ngài phán “CÓ TA” (trong Anh ngữ: “I AM”). “Ta đã có” (“I
was”) có lẽ chỉ nói lên Ngài đã hiện hữu trước Ápraham nhiều thế kỷ, còn “có ta” (“I
am”) (eimi) tuyên bố tính vĩnh hằng.
Giăng phát biểu rõ ràng rằng Đấng Christ là Đức Chúa Trời (Gi 1:1). “Ngôi Lời là Đức
Chúa Trời.” Không nói rằng Ngôi Lời đã là thần (như trong Kinh Thánh của Moffatt và
Goodspeed) bởi vì hẳn nó phải đòi hỏi chữ theios (như trong Cong 17:29 và IIPhi 1:3).
Giăng cũng không nói Ngôi Lời nầy đã là một thần linh nào đó (như Chứng Nhân
Giêhôva đã dịch như thế). Những danh từ xác định đứng trước động từ, như trong
trường hợp nầy, thường thiếu mạo từ xác định. (Xem Leon Morris. Commentary on the
Gospel of John (Grand Rapids: Eerdmans, 1971, chú thích 77).
III. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẤNG CHRIST TIỀN NHẬP THỂ
A. Hoạt Động Với Tư Cách Đấng Tạo Hóa
1. Phạm vi hoạt động này: Ngài đã dự phần trong Sự Sáng Tạo vạn vật (Gi 1:3; Co
1:16; He 1:2). Điều nầy bày tỏ năng quyền của Ngài (có khả năng tạo dựng muôn vật).

2. Mục đích hoạt động này: Mọi sự đã được sáng tạo vì Ngài (Co 1:16), có nghĩa là
nhằm mục đích hoàn thành những mục địch của Ngài trong tạo vật. Điều nầy chứng
minh đặc quyền của Ngài (được Tạo Vật phục vụ những mục đích của Ngài).
3. Sự Tiếp Nối Hoạt Động Này: Hiện nay Ngài vẫn duy trì tạo vật của Ngài, vì trong
Ngài mọi vật được đứng vững (c. 17). Điều nầy cho thấy hiện diện của Ngài (vẫn tiếp
tục nâng đỡ tạo vật).
B. Hoạt Động Của Ngài Với Tư Cách Thiên Sứ

245
1. Sự nhận diện Ngài là Thiên Sứ của Đức Giêhôva. Rõ ràng Thiên sứ của Đức
Giêhôva là sự tự biểu hiện chính Đức Giêhôva, vì Thiên Sứ nầy phán truyền như Đức
Chúa Trời, đồng nhất Chính Mình với Đức Chúa Trời, và tuyên bố thực thi những đặc
quyền của Đức Chúa Trời (Sa 16:7-14; 21:17-18; 22:11-18; 31:11-13, Xu 3:2; Cac 2:1-4; 5:23; 6:11-
22; 13:3-22; ISa 24:16; Xa 1:12; 3:1; 12:8). Tuy nhiên, Ngài được phân biệt với Đức Giêhôva
(Sa 24:7; Xa 1:12-13). Sự kiện Ngài là Thành Viên của Ba Ngôi Đức Chúa Trời được cho
thấy qua sự kiện những lần hiện ra của Thiên sứ Đức Giêhôva chấm dứt sau Sự Nhập
Thể. Điều nầy được khẳng định bởi câu Cựu Ước tuyên bố Thiên Sứ của Đức Chúa Trời
đã đồng hành với dân Ysơraên khi họ ra khỏi Aicập (Xu 14:19; đối chiếu 23:20) và câu
Tân Ước tuyên bố Hòn Đá theo sau dân Ysơraên là Đấng Christ (ICo 10:4).
2. Những Chức Vụ Của Ngài trong tư cách Thiên Sứ Đức Giêhôva (1) Ngài thường
hoạt động như là sứ giả đến với nhiều người khác nhau (Sa 16:7-14; 22:11-18; 31:11-13). (2)
Ngài dẫn dắt và bảo vệ Ysơraên (Xu 14:19; 23:20; IIVua 19:35). (3) Ngài đã là công cụ đoán
phạt Ysơraên khi Đức Chúa Trời khiến bệnh dịch đến trên dân sự ( ISu 21:1-27). (4) Ngài
đã là tác nhân làm tươi tỉnh hồi sức Êli (IVua 19:5-7).
C. Những Hoạt Động Khác của Ngài
Kinh Thánh không bày tỏ những hoạt động mang tính lịch sử nào khác của Đấng
Christ trong giai đoạn tiền nhập thể của Ngài. Công tác Đấng Mêsia của Ngài đòi hỏi Sự
Nhập Thể, dù vậy điều nầy đã được tiên tri trong Cựu Ước. Tương tự, công tác của Ngài
với tư cách Cứu Chúa buộc phải có Sự Nhập Thể. Cựu Ước không cung cấp mạc khải cụ
thể về Ngôi thứ hai này là Cứu Chúa, chỉ Đức Chúa Trời là Cứu Chúa. Làm như thế hẳn
phải đòi hỏi một mạc khải Cựu Ước về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đúng hơn, giai đoạn đó
được gọi là “các đời ngu muội” (Cong 17:30).
Dầu Chúa chúng ta không phải là không hoạt động trong giai đoạn Tiền Nhập Thể,
nhưng những công tác lớn lao nhất của Ngài đòi hỏi phải có Sự Nhập Thể. Tuy nhiên,
Ngài vẫn oai nghiêm trong thân vị của Ngài là Đức Chúa Trời hằng hữu, nhưng có thể
nói Ngài vẫn đứng trong bóng tối chờ đợi ánh đèn pha chói rạng của Sự Nhập Thể để
bày tỏ vinh hiển và ân điển của Ngài (Gi 1:17; Tit 2:11).

246
Chương 41: SỰ NHẬP THỂ CỦA ĐẤNG CHRIST
I. Ý NGHĨA SỰ NHẬP THỂ
Dù chữ nầy không xuất hiện trong Kinh Thánh, những thành tố của chữ (“trong” và
“xác thịt” - “in” và “carnation” từ chữ “incarnation” trong Anh Ngữ)) thì có. Giăng viết
rằng Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (Gi 1:14). Ông cũng viết Chúa Jesus lấy xác thịt mà đến
(IGi 4:2; IIGiăng 7). Qua câu nầy ông muốn nói Ngôi Hai đời đời này của Đức Chúa Trời
Ba Ngôi đã tự mặc lấy nhân tánh. Ngài đã không có nhân tánh cho đến khi được sinh
ra, vì Đức Chúa Trời đã trở thành xác thịt (egeneto, Gi 1:14, để phân biệt với bốn lần
xuất hiện của từ en (có, ở cùng, là, ở cùng trong các câu 1-2). Tuy nhiên, nhân tánh của
Ngài vô tội, là một sự kiện mà Phaolô bảo vệ khi viết rằng Ngài đã đến “lấy xác thịt
giống như xác thịt tội lỗi chúng ta” (Ro 8:3).
II. NHỮNG LỜI TIÊN TRI VỀ SỰ NHẬP THỂ
A. Lời Tiên Tri Về Đấng Thần-Nhân
Trong lời tiên tri về Đấng Mêsia của Es 9:6, Êsai báo trước sự liên hiệp thần tánh và
nhân tánh trong Ngài. Ông nói một con trẻ sẽ được sanh ra (nói đến đến nhân tánh) và
tánh cách của Ngài sẽ xứng đáng để Ngài được gọi là Đức Chúa Trời Quyền Năng (el
gibbor, một câu nói đến Thần Tánh). Êsai sử dụng danh xưng el để nói đến Đức Chúa
Trời (xem 31:3); gibbor có nghĩa là anh hùng. Như vậy cụm từ nầy nói đến một anh
hùng có đặc điểm chính ấy là Anh Hùng đó là Đức Chúa Trời. Vậy trong chỉ nội một câu
này đã báo trước cả nhân tánh và thần tánh của Chúa chúng ta. (Xem Edward J. Young,
The Book of Isaiah (Grand Rapids; Eerdmans, 1964,1:335-8.)
Danh xưng Emanuên bày tỏ cùng một chân lý này về Chúa (7:14). Ý nghĩa danh
xưng này còn trổi hơn cả sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong những lần chu cấp bảo
vệ của Ngài đối với dân sự Ngài. Trong phần Kinh Thánh này, danh xưng ấy có nghĩa là
chính sự hiện diện của Con Trẻ được sanh bởi trinh nữ này đem Đức Chúa Trời đến cho
dân sự Ngài (xem Young, 1:289-91).
B. Lời Tiên Tri Về Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ (Es 7:14)
Trong lời tiên tri này Êsai đã báo trước ý nghĩa của sự nhập thể là một sự giáng
sinh bởi trinh nữ. Phái thần học tự do không chịu chấp nhận dịch chữ Hêbơrơ almah
cho “trinh nữ,” nói rằng đáng ra phải dùng chữ bethulah nếu Êsai muốn hàm ý chính
xác là trinh nữ. Đúng là chữ almah có nghĩa một thiếu nữ trưởng thành về tính dục, có
thể kết hôn, và bethulah có nghĩa là một người phụ nữ riêng biệt nào đó, thường là
trinh nữ nhưng không phải luôn như thế (Et 2:17; Exe 23:3; Gio 1:8). Như vậy thật không
đúng khi bảo rằng nếu Êsai muốn nói rõ đến một trinh nữ thì lẽ ra phải dùng chữ chính
xác hơn là bethulah - như cách nói của những nhà phê bình nầy.

247
Dường như almah không phải là từ ngữ chuyên môn để nói về trinh nữ, nhưng nói
đến một phụ nữ trẻ, mà một trong những đặc tính của người đó là đồng trinh ( Sa 24:43).
Không có trường hợp nào để có thể chứng minh almah nói đến thiếu nữ trẻ không đồng
trinh. Bản Bảy Mươi dịch từ này bằng từ parthenos hai lần trong số bảy lần xuất hiện,
như trong Mat 1:23. Như vậy từ ngữ này có nghĩa một phụ nữ trẻ trong độ tuổi kết hôn
mà một trong những đặc điểm của cô là đồng trinh, và nhất thiết phải như thế trong
trường hợp ứng nghiệm lời tiên tri này về sự giáng sinh của Đấng Christ.
Trinh nữ được nhắc đến trong lời tiên tri này là ai? Có ba lối giải thích căn bản sau.
(1) Lối giải thích không liên quan đến Đấng Mêsia hiểu lời tiên tri nầy đã được ứng
nghiệm cho một phụ nữ vô danh nào đó trong quá khứ, là người có thể đồng trinh hoặc
không đồng trinh. Vậy làm sao giải thích câu 23? (2) Lối giải thích hoàn toàn liên quan
đến Đấng Mêsia thấy rằng lời tiên tri này chỉ nói đến Mari chứ không đề cập đến thiếu
nữ nào khác trong thời Êsai. Không nghi ngờ gì nữa, nó có nói đến Mari (c.23), nhưng
liệu có phải chỉ nói đến bà mà thôi? Nếu không nói đến ai đó trong thời Êsai thì dấu
hiệu này có giá trị nào đối với Acha? (3) Lời tiên tri này vừa nói đến người trong thời
Êsai vừa nói đến Mari trong tương lai.
Theo lối giải thích thứ ba này, ai sẽ là người nữ trong thời Êsai? Một lần nữa, cũng
có ba cách trả lời: (a) vợ của Acha; (b) một thiếu nữ nào đó trong Ysơraên; (c) người vợ
thứ nhì mà Êsai chưa cưới khi lời tiên tri này được ban cho. Nếu (a) đúng, thì con trai
này là Êxêchia. Nếu (b) đúng, thì ta không biết người con trai này. Nếu (c) đúng, thì
người con trai này có thể là Mahesalahátbát (Es 8:3) hoặc một con trai nào đó của Êsai
mà không được nhắc đến. Theo quan điểm này thì người vợ đầu của Êsai, tức mẹ của
Sêagiasúp (7:3) đã qua đời.
Mathiơ thấy rõ Đấng Christ là sự ứng nghiệm lời tiên tri Êsai. Không còn nghi ngờ
gì nữa. Và cả quan điểm nói đến một mình Đấng Mêsia lẫn quan điểm ứng nghiệm kép
đều công nhận điều đó.
III. PHƯƠNG TIỆN CỦA SỰ NHẬP THỂ
A. Bằng Chứng
Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là phương tiện của sự Nhập Thể. Sự Nhập Thể, một khi
hoàn tất, là một trạng thái lâu dài của Chúa chúng ta. Nó bắt đầu ở thời điểm giáng sinh
của Ngài và tiếp tục (dầu hiện nay trong thân thể phục sinh) cho đến đời đời. Trái với
Sự Nhập Thể, Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là sự kiện chỉ kéo dài trong khoảng chừng
vài tiếng đồng hồ mà thôi.
Khi Gápriên báo cho Mari biết nàng sẽ thọ thai Đấng Cứu Thế, nàng đã phản kháng
rằng mình cần có một người chồng. Về cơ bản, câu trả lời của thiên sứ là: ngươi sẽ
không cần người chồng, bởi vì Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi và quyền phép Đấng
248
rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình (Lu 1:35). Câu nói nầy nhấn mạnh nhiều về sự
kiện sinh ra thiên thượng của Con Trẻ hơn là về phương thức.
Mathiơ cẩn thận bảo vệ sự kiện Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ trong bảng gia phả của
Chúa chúng ta (Mat 1:16). Ông ghi Giôsép là chồng của Mari, nhưng lại nói Jesus được
sinh ra chỉ bởi Mari mà thôi. Đại danh từ “người sanh” là số ít giống cái, bày tỏ rằng
Jesus được sinh ra chỉ bởi Mari chứ không phải bởi Mari và Giôsép.
Không rõ Ga 4:4, “bởi một người nữ sanh ra,” có nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ
không. Có thể câu này chỉ đơn giản hàm ý Đấng Christ đã mang lấy nhân tánh cũng
giống như Ngài nhận lấy địa vị ở dưới Luật Pháp, như cụm từ tiếp theo nêu lên. Cũng
có thể nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ vì động từ dùng ở đây không phải là động từ
thông thường nói đến việc “được sinh ra” mà dùng cùng động từ trong Gi 1:14 nhắc đến
Sự Nhập Thể, dầu không nói đến Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ theo đúng nghĩa của từ.
Tuy nhiên, các phần Kinh Thánh trong Êsai, Mathiơ và Luca đều nói rõ.
Mục đích Sự Giáng Sinh Bởi Trinh Nữ là gì? Không nhất thiết đây phải là phương
tiện bắt buộc để giữ cho Đấng Christ được vô tội, vì Đức Chúa Trời có thể phủ che bóng
trên cha mẹ để bảo vệ tính vô tội của hài nhi này nếu Ngài muốn thế. Sự Giáng Sinh
Bởi Trinh Nữ nhằm làm dấu hiệu cho tính độc nhất vô nhị của Đấng được sinh ra.
Chúng ta không thể nói sự kiện nầy đã được biết đến giữa vòng những người đương
thời của Đấng Christ sớm đến độ nào và lan rộng đến mức nào. Dĩ nhiên, khi Phúc Âm
Mathiơ và Luca được viết ra thì sự kiện nầy được biết đến, và từ đó về sau Hội Thánh
đầu tiên đã xem đấy là một giáo lý hết sức quan trọng, và đến đầu thế kỷ thứ nhì đã là
một giáo lý xác lập vững chắc rồi (chẳng hạn xem Ignatius, Smyrna, I, 1; cũng xem
Hnas von Campenhausen, The Virgin Birth in the Theology of the Ancient Church,
Studies in Historical Theology (Naperville: Allenson, 1964,2:10-20).
B. Các Bảng Gia Phổ
Mathiơ và Luca đều trình bày bảng gia phổ của Con Trai sinh bởi nữ đồng trinh
này. Phúc Âm Mathiơ chứa đựng bốn mươi mốt tên nhân vật chọn lọc, trong khi Luca
đưa vào đến bảy mươi bảy tên. Mathiơ truy dòng dõi vị Vua nầy đến Ápraham; Luca đi
ngược lên đến Ađam. Danh sách của Mathiơ thường được xem là dòng dõi của Giôsép,
và Luca ghi dòng dõi của Mari.
Đã có nhiều tranh luận, đặc biệt về vấn đề có phải bảng gia phổ của Luca là gia phổ
của Jesus thông qua Mari mẹ Ngài không. Alfred Plummer phản đối quan điểm đó như
sau: “Chắc giải pháp hiển nhiên đến thế - tức cho rằng một bảng gia phổ này là lịch sử
gia đình của Giôsép còn bảng kia là của Mari - ắt sẽ được tán thành chóng vánh nếu
như có chút lý do nào (bất kể có khó khăn đến đâu đi nữa) để chấp nhận nó. Nhưng
không có ai đề xuất giải pháp nầy mãi cho đến khi Amnnius ở Viterbo đề xướng vào

249
khoảng năm 1490 S. C.” (A Critical and Exegetical Commentary on the Gospel
according to Luke, (ICC, Edinburgh: T. & T. Clark, 1910, trang 103).
Mặt khác, F. Godet bênh vực hữu hiệu cho dòng dõi của Mari trong Luca dựa trên
cơ sở không có mạo từ đứng trước Giôsép (3:23), điều này nối kết Jesus trực tiếp với Hêli
và dường như hoàn toàn đặt Giôsép ra ngoài dòng dõi của bảng gia phổ. (A
Commentary on the Gospel of St, Luke [Edinburgh; T. &. T. Clark, 1910,1:195-204]).
Người ta nêu nhiều cách khác nhau để giải thích cả hai bảng gia phổ đều là dòng
dõi của Giôsép. Một lối giải thích cho rằng Mathan và Máttát là cùng một người, dẫn
đến Giacốp và Hêli là anh em và khiến cho Giôsép là con của Hêli và là cháu của
Giacốp. Nếu Giacốp chết mà không có người thừa kế thì Giôsép cháu ông chắc sẽ trở
nên người thừa kế, hoặc có thể Giôsép trở thành người thừa kế Giacốp bởi vì Hêli (được
xem như vợ ông qua đời) đã cưới vợ góa của Giacốp theo tập quán lấy anh em trai của
chồng góa phụ. (Xem J. G. Machen, The Virgin Birth of Christ (New York: Harper, 1930,
trang 207-9).
Một lý lẽ mạnh mẽ bênh vực gia phổ trong Luca là của Mari liên quan đến lời rủa sả
Giêhôgiakin (Giêcônia, Giêchônia) trong Gie 22:30. Ông được gọi là “không có con cái,”
được giải thích trong câu này nghĩa là không hậu tự thuộc thể nào của ông sẽ cai trị
thạnh vượng trên ngai Đavít. (Vua dường như có bảy con, dù vậy có lẽ là con nuôi,
ISửký 3:17-18). Như vậy Jesus đừng mong làm vị vua trị vì (dù Ngài có quyền hợp pháp)
nếu thuộc dòng dõi huyết thống của Giôsép, là hậu tự của Giêcônia. Vì thế sự giáng
sinh do nữ đồng trinh là cần thiết để đem Ngài ra khỏi dòng dõi bị rủa sả (xem Robert
Gromacki, The Virgin Birth of Christ [Grand Rapids: Baker, 1981], trang 150-9). Tuy
nhiên, cũng có thể thực hiện được điều nầy nếu Jesus được liên kết với Giôsép (dĩ
nhiên, không phải là người cha tự nhiên của Ngài) thông qua Nathan thay vì qua
Salômôn (như Luca có lẽ đang cho thấy).
Người ta cũng gợi ý sự rủa sả trên Giêcônia được chấm dứt bởi việc Chúa chọn lựa
và cất nhắc Xôrôbabên (Ag 2:23). Việc khiến ông trở nên “như ấn tín” đã cất ông lên địa
vị uy quyền, và việc chọn lựa ông đã chuyển lời hứa về Đấng Mêsia sang cho
Xôrôbabên và gia đình ông giữa vòng dòng dõi Đavít. Tên Xôrôbabên đều xuất hiện
trong cả bảng gia phổ của Mathiơ và Luca.
Dù sao Luca vẫn cẩn thận tránh tạo ấn tượng Jesus là con phần xác của Giôsép: tuy
vậy, ông vẫn bảo vệ quyền làm vua của Ngài bằng cách không chỉ kết nối Ngài với một
mình mẹ Ngài (vì quyền nầy chỉ truyền qua những thành viên nam giới). Trong cuộc
đời Chúa Jesus, chưa hề có ai tranh cãi quyền nối ngôi vua Đavít của Ngài.
IV. NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA SỰ NHẬP THỂ

250
Tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến trong hình trạng xác thịt tội lỗi? Thánh
Kinh chu cấp nhiều câu trả lời cho vấn đề nầy.
A. Để Bày Tỏ Đức Chúa Trời Cho chúng Ta
Mặc dù Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài qua rất nhiều cách, gồm những sự uy nghiêm
trong thiên nhiên quanh ta, nhưng chỉ Sự Nhập Thể bày tỏ bản chất cốt yếu của Đức
Chúa Trời, dù vẫn còn che khuất (Gi 1:18; 14:7-11). Cách duy nhất con người có thể thấy
Cha là phải biết về Con, và cách duy nhất chúng ta ngày nay có thể biết Con là học hỏi
câu chuyện cuộc đời Ngài trong Kinh Thánh. Vì Ngài đã trở thành người, nên mạc khải
của Đức Chúa Trời đã được cá nhân hóa; vì Ngài là Đức Chúa Trời, nên mạc khải đó
hoàn toàn đúng.
B. Để Chu Cấp Tấm Gương Cho Đời Sống Chúng Ta
Cuộc đời trên đất của Chúa chúng ta được nêu ra như một mẫu mực cho nếp sống
chúng ta hôm nay (IPhi 2:21; IGi 2:6). Không có Sự Nhập Thể, chúng ta sẽ không có
gương mẫu đó. Là người, Ngài đã kinh nghiệm những hoàn cảnh thăng trầm của cuộc
sống và trang bị cho chúng ta một gương mẫu đầy kinh nghiệm; là Đức Chúa Trời, Ngài
ban cho chúng ta năng lực để noi theo gương mẫu của Ngài.
C. Để Chu Cấp Một Sinh Tế Chuộc Tội Lỗi Hữu Hiệu
Không có Sự Nhập Thể, chúng ta đã không có Đấng Cứu Thế. Tội lỗi đòi hỏi phải có
sự chết để đền tội. Đức Chúa Trời không hề chết. Vì vậy Đấng Cứu Thế phải là con
người để có thể chết. Nhưng cái chết của một con người bình thường sẽ không thể đền
tội đời đời, nên Cứu Chúa cũng phải là Đức Chúa Trời. Phải có một Cứu Chúa Thần-
Nhân, và ta có Đấng ấy trong Chúa chúng ta (He 10:1-10).
D. Để Có Thể Hoàn Thành Giao Ước Với Dòng Dõi Đavít
Thiên sứ Gápriên loan báo cho Mari biết con trai nàng sẽ được ban ngôi Đavít (Lu
1:31-33). Điều này được ứng nghiệm không bởi Đức Chúa Trời vô hình cai trị trên những
công việc của con người (đương nhiên Ngài đang cai trị như thế rồi). Có người ở trên
ngôi Đavít thì đòi hỏi phải có một con người. Vì thế Đấng Mêsia phải là một người.
Nhưng để ngồi trên ngôi đó đời đời thì đòi hỏi người ngự trên ngôi phải không bao giờ
chết. Và chỉ có Đức Chúa Trời mới hội đủ tư cách. Vậy nên Đấng làm ứng nghiệm tối
hậu lời hứa cho dòng dõi Đavít phải là một Đấng Thần-Nhân.
E. Để Hủy Phá Công Việc Của Ma Quỉ (IGi 3:8)
Lưu ý điều này đã được thực hiện qua sự hiện ra của Đấng Christ. Trọng điểm là sự
đến của Ngài, chứ không phải là sự Phục Sinh của Chúa như người ta nghĩ. Tại sao cần
có Sự Nhập Thể để đánh hạ Satan? Vì Satan phải bị triệt hạ trong chính đấu trường mà

251
hắn đang thống trị, là thế gian này. Vì vậy Đấng Christ đã được sai vào thế gian này để
hủy phá công việc của Satan.
F. Để Có Thể Làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Biết Cảm Thông (He 4:14-16)
Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta có thể cảm nhận những yếu đuối của chúng
ta vì Ngài đã bị thử thách như chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời không hề bị thử thách,
nên Ngài cần phải trở nên con người để có thể chịu thử thách hầu trở nên Thầy Tế Lễ
cảm thông.
G. Để Có Thể Là Quan Án Xứng Đáng
Dầu hầu hết mọi người nghĩ Đức Chúa Trời là Quan Án mà mọi người sẽ phải ứng
hầu trước Ngài, nhưng sự thật Chúa Jesus sẽ là Quan Án đó (Gi 5:22,27). Mọi sự xét đoán
sẽ được thực thi bởi Chúa chúng ta “vì Ngài là Con Người.” Đây là danh xưng liên kết
Ngài với trần gian này và với chức vụ của Ngài trên đất. Tại sao Quan Án này cần phải
trở nên con người và phải sống trên đất? Để Ngài có thể triệt hạ mọi cớ bào chữa mà
người ta cố nêu nêu lên. Tại sao Đấng Quan Án này cũng phải là Đức Chúa Trời? Để sự
đoán xét của Ngài sẽ đúng và công chính.
Như vậy Sự Nhập Thể có nhiều hệ quả đối với hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa
Trời, với sự cứu rỗi chúng ta, nếp sống hằng ngày của chúng ta, những nhu cầu cấp
thiết của chúng ta và với tương lai chúng ta. Sự Nhập Thể thật là sự kiện trung tâm của
lịch sử.

252
Chương 42: THÂN VỊ ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ
Tuyên ngôn về thân vị của Đấng Christ nhập thể được hệ thống hóa tại Giáo Hội
Nghị Chalcedon (451 S.C.) được Cơ đốc giáo chính thống xem là tuyên ngôn dứt khoát.
Tuyên bố như sau:
“Vậy, tiếp nối các giáo phụ thánh, chúng tôi đồng lòng dạy con người công nhận
chính Đức Chúa Con, là Chúa Jesus Christ chúng ta, Ngài đồng thời vừa hoàn toàn là
Đức Chúa Trời vừa hoàn toàn là người, là Đức Chúa Trời thật và là người thật, cũng có
một tâm hồn và thân xác có lý trí; có đồng bản thể với Đức Chúa Cha về phương diện
Đức Chúa Trời của Ngài, và đồng thời có đồng bản thể với chúng ta trong phương diện
nhân tánh của Ngài; giống chúng ta trong mọi lãnh vực ngoại trừ tội lỗi; về Thần Tánh,
Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Cha trước các thời đại, nhưng về nhân tánh Ngài được
sinh ra - cho loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta - bởi trinh nữ Mari, là người
sinh ra Đức Chúa Trời; chính Đấng Christ vừa là Con, là Chúa, là Con Độc Sanh nầy,
được công nhận trong hai bản tánh, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia,
không phân ly; sự phân biệt của các bản tánh không hề bị hủy bởi sự liên hiệp, nhưng
trái lại những đặc trưng của mỗi bản tánh được bảo tồn và kết hợp với nhau để hình
thành một Thân Vị và sự lập hữu (subsistence - phẩm chất đặc trưng thiết yếu của một
điều gì đó có hiện hữu - Tự Điển), không rời ra hoặc phân ly ra thành hai Thân Vị,
nhưng là một Đức Chúa Con, Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời và là Ngôi Lời, Chúa
Jesus Christ; những đấng tiên tri từ những thời xa xưa nhất đã nói về Ngài, và chính
Chúa Jesus Christ chúng ta đã dạy chúng ta, và tín điều của các giáo phụ đã được
truyền lại cho chúng ta.”
Súc tích hơn, có thể mô tả thân vị Đấng Christ nhập thể có Thần Tánh đầy dẫy và
nhân tánh trọn lành được hiệp nhất sao cho không trộn lẫn, không thay đổi, không
phân chia cũng không phân ly trong một Thân Vị đời đời. Những thành tố chính của lời
mô tả nầy gồm có “Thần Tánh đầy dẫy” (không giảm bớt bất cứ thuộc tánh nào của Đức
Chúa Trời), “nhân tánh trọn lành” (“trọn lành” thay vì “đầy dẫy” nhằm nhấn mạnh tính
vô tội của Ngài), “một Thân Vị” (không phải là hai), và “đời đời” (vì Ngài tiếp tục có
thân thể, dầu vậy là thân thể phục sinh, Cong 1:11; Kh 5:6).
I. THẦN TÁNH ĐẦY DẪY CỦA ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ
A. Ngài Có Những Thuộc Tánh Mà Chỉ Đức Chúa Trời Mới Có
1. Vĩnh hằng. Ngài tuyên bố Ngài tồn tại từ cõi quá khứ vĩnh hằng (Gi 8:58; 17:5).
2. Toàn Tại – Ở Khắp Mọi Nơi. Ngài tuyên bố Ngài hiện hữu ở mọi nơi (Mat 18:20;
28:20).

253
3. Toàn Tri – Biết Mọi Sự. Ngài bày tỏ sự hiểu biết về những điều mà chỉ có thể biết
được nếu Ngài là Đấng toàn tri (Mat 16:21; Lu 6:8; 11:17; Gi 4:29).
4. Toàn Năng – Làm Được Mọi Sự. Ngài chứng tỏ và tuyên bố Ngài có quyền năng
của một Thân Vị toàn năng (Mat 28:18; Mac 5:11-15; Gi 11:38-44).
Những thuộc tánh khác của Đức Chúa Trời được những người khác tuyên bố về
Ngài (chẳng hạn như tính bất biến, He 13:8), nhưng các câu trích dẫn này do chính Ngài
tuyên bố về chính Ngài.
B. Ngài Làm Những Việc Chỉ Có Đức Chúa Trời Mới Làm Được
1. Sự Tha Tội: Ngài tha tội đến đời đời. Con người có lẽ tha thứ nhất thời, nhưng
Đấng Christ tha tội đời đời (Mac 2:1-12).
2. Sự Sống: Ngài ban sự sống thuộc linh cho bất cứ ai Ngài muốn (Gi 5:21).
3. Sự Phục Sinh: Ngài sẽ khiến kẻ chết sống lại (Gi 11:43).
4. Sự Đoán Xét: Ngài sẽ đoán xét mọi người (Gi 5:22,27).
Một lần nữa, mọi ví dụ này đều là việc Ngài đã làm hoặc là lời Ngài tuyên bố, chứ
không phải lời người khác tuyên bố về Ngài.
C. Ngài Đã Được Ban Danh Xưng Và Tên Gọi Của Đức Chúa Trời
1. Con Đức Chúa Trời: Chúa chúng ta đã sử dụng danh hiệu này cho chính Ngài (dù
hiếm hoi, Gi 10:36), Ngài công nhận danh xưng này đúng là của Ngài khi người khác
dùng để nói về Ngài (Mat 26:63-64). Điều đó có nghĩa gì? Dù cụm từ “con của” có thể hàm
ý “dòng dõi của,” nó còn mang nghĩa “cùng một đẳng cấp với.” Như vậy trong Cựu Ước
“con của các tiên tri” mang ý nghĩa thuộc về hàng ngũ các đấng tiên tri (IVua 20:35), và
“con của những người ca hát” có nghĩa là thuộc hàng ngũ những người ca hát (Ne 12:28).
Danh hiệu “Con của Đức Chúa Trời” khi được dùng cho Chúa chúng ta có nghĩa thuộc
hàng đẳng cấp của Đức Chúa Trời và là một lời tuyên bố mạnh mẽ rõ ràng cho về Thần
Tánh đầy trọn.
“Theo lối dùng của người Dothái, chữ “Con của...” nói chung không hề hàm ý sự
thấp kém hơn, nhưng đúng hơn nói lên sự bình đẳng và đồng nhất về bản chất. Vì vậy
Bar Kokba, người lãnh đạo cuộc cách mạng Dothái năm 135-132 T.C. dưới triều đại
Hadrian, được gọi bởi danh hiệu có nghĩa ‘Con của Ngôi Sao.’ Người ta cho rằng ông
mang tên này để xác định mình là Ngôi Sao đã được dự ngôn trong Dan 24:17. Danh hiệu
‘Con của Sự Yên Ủi’ (Cong 4:36) rõ ràng nghĩa là ‘Người Yên Ủi.’ ‘Các Con Trai của Sấm
Sét’ (Mac 3:17) chắc có nghĩa ‘Những Người Sấm Sét.’ ‘Con người, ’ đặc biệt khi được áp
dụng cho Đấng Christ trong Da 7:13 và liên tục trong Tân Ước, về cơ bản có nghĩa ‘Con
Người Đại Diện.’ Vậy khi Đấng Christ phán: ‘Ta là Con Đức Chúa Trời’ (Gi 10:36), người

254
đương thời của Ngài hiểu Ngài xác định Ngài chính là Đức Chúa Trời, bình đẳng với
Đức Chúa Cha, theo ý nghĩa hoàn toàn đầy đủ.” (J. Oliver Buswell, A Systematic
Theology of the Christian Religion (Grand Rapids: Zondervan, 1962,1:105).
2. Chúa và Đức Chúa Trời: Jesus được gọi là Giêhôva trong Tân Ước, là dấu hiệu rõ
ràng về Thần Tánh đầy trọn của Ngài (so sánh Lu 1:76 với Ma 3:1 và Ro 10:13 với Gio 2:32).
Ngài cũng được gọi là Đức Chúa Trời (Gi 1:1; 20:28; He 1:8), là Chúa (Mat 22:43-45), Vua
của các vua và Chúa của các chúa (Kh 19:16).
D. Ngài Tuyên Bố Ngài Là Đức Chúa Trời
Có lẽ trường hợp tuyên bố như thế mạnh mẽ và rõ ràng nhất là tại lễ Khánh Thành
đền thờ khi Ngài phán “Ta với Cha là Một” (Gi 10:30). Hình thức trung tính của từ “một”
loại trừ nghĩa cho rằng Ngài và Đức Chúa Cha là một đấng. Câu này có nghĩa cả hai
Đấng hiệp nhất trọn vẹn trong các bản tánh và các hành động, một sự kiện chỉ có thể
đúng nếu Ngài cũng có thần tánh y như Đức Chúa Cha. Những người nghe Ngài tuyên
bố đã hiểu đúng như vậy, vì lập tức muốn ném đá Ngài về tội phạm thượng bởi Ngài
tuyên bó Ngài là Đức Chúa Trời (câu 33).
Làm sao có người dám cho rằng Jesus người Naxarét chưa bao giờ tuyên bố Ngài là
Đức Chúa Trời, nhưng đúng hơn là do những người theo Chúa đã tuyên bố như vậy
thay cho Chúa? Hầu hết các câu Kinh Thánh trưng dẫn trên đây đều là những lời của
chính Đấng Christ. Vì vậy, phải đối diện với chỉ hai phương án chọn lựa nầy mà thôi:
Một, lời tuyên xưng của Ngài là sự thật, hai, Ngài là kẻ nói dối. Và đây là những lời
tuyên bố Ngài có Thần Tánh đầy dẫy và trọn vẹn – không thiếu cũng không hề bị bớt
đang khi Ngài sống trên đất.
II. NHÂN TÁNH HOÀN HẢO CỦA ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ
Những lời phủ nhận nhân tánh Đấng Christ ít phổ biến hơn lời phủ nhận thần tánh
của Ngài. Vì sao? Vì chừng nào chưa đưa yếu tố thần tánh vào thân vị của Đấng Christ
thì dù tốt đẹp hoặc được tôn cao đến đâu, Ngài vẫn chỉ là một con người, và khi chỉ là
một con người, Ngài không thể quấy rối người ta bằng những lời tuyên bố của Ngài
nhiều cho bằng khi Ngài là Đấng Thần-Nhân. Tuy nhiên, chưa chắc người sẵn sàng
khẳng định nhân tánh của Ngài thì cũng sẵn sàng khẳng định nhân tánh trọn lành của
Ngài. Họ có thể công nhận Ngài là một người tốt (làm sao tốt được nếu Ngài nói dối?)
hoặc là vĩ nhân (làm sao là vĩ nhân nếu lừa dối người khác?) nhưng không công nhận là
con người trọn vẹn (vì bấy giờ có lẽ họ cảm thấy buộc phải lắng nghe lời Ngài dù có lẽ
không công nhận Ngài là Đức Chúa Trời).
A. Ngài Đã Có Một Thân Thể Người

255
Mặc dầu sự thọ thai của Đấng Christ là siêu nhiên, nhưng Ngài đã được sinh ra với
một thân thể người và thân thể ấy đã lớn lên và phát triển (Lu 2:52). Ngài đã tự gọi Ngài
là một người (Gi 8:40).
B. Ngài Đã Có Hồn Và Linh Của Loài Người
Nhân tánh toàn hảo của Chúa chúng ta gồm một bản tánh phi vật chất toàn hảo lẫn
một bản tánh vật chất toàn hảo. Không phải nhân tánh cung cấp thân thể cho Đấng
Christ còn thần tánh được hình thành từ hồn và linh. Nhân tánh của Ngài là hoàn chỉnh
và gồm cả phương diện vật chất lẫn phi vật chất (Mat 26:38; Lu 23:46).
C. Ngài Phô Bày Những Đặc Điểm Của Một Con Người
Chúa chúng ta đã chịu đói (Mat 4:2). Ngài đã khát (Gi 19:28). Ngài mỏi mệt (Gi 4:6).
Ngài đã kinh nghiệm tình yêu thương và lòng thương xót (Mat 9:36). Ngài đã khóc (Gi
11:35). Ngài đã bị thử thách (He 4:15). Đây là những đặc trưng của nhân tánh thật.

D. Ngài Đã Được Gọi Bằng Những Danh Xưng Dành Cho Con Người
Danh xưng Chúa ưa thích nhất cho chính Ngài là “Con Người” (hơn 80 lần). Danh
xưng này liên kết Ngài với thế gian và với chức vụ Ngài trên đất. Nó tập trung vào địa
vị thấp kém và sự hạ mình của Ngài (Mat 8:20); vào sự chịu khổ và chịu chết của Ngài
(Lu 19:10); và sự cai trị trong tương lai của Ngài với tư cách vị Vua (Mat 24:27).
Ngài cũng là Con của Đavít, là danh xưng liên kết Ngài với tổ phụ Đavít và với
những lời hứa cho vua mà sẽ được ứng nghiệm tối hậu bởi Đấng Mêsia.
Phaolô gọi Ngài là người trong ITi 2:5.
III. SỰ LIÊN HIỆP THẦN TÁNH VÀ NHÂN TÁNH
TRONG ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ
Khái niệm sự liên hiệp ngôi vị hay sự liên hiệp một ngôi vị (hypostatic union) của
thần tánh và nhân tánh trong một Thân Vị này có lẽ là một ý niệm khó hiểu nhất trong
thần học. Chúng ta chưa ai từng thấy Thần Tánh ngoài ra khi Thánh Kinh mạc khải
Đức Chúa Trời, và chưa ai trong chúng ta từng thấy nhân tánh trọn lành ngoại trừ như
Kinh Thánh bày tỏ Ađam trước khi sa ngã và Cứu Chúa của chúng ta. Cố gắng liên hệ
cả hai khái niệm nầy với thân vị Đấng Christ càng tăng thêm nhiều phức tạp cho
những ý tưởng mà tự chúng vốn đã khó hiểu rồi.
A. Ý Nghĩa Của “Bản Tánh”
Dù những từ ngữ “bản tánh” (nature) và “bản thể” (substance) trong Anh Ngữ có
thể đồng nghĩa - mang nghĩa là thể yếu - nhưng ta cần phân biệt hai từ ngữ nầy vì
những mục đích thần học. Nếu bản tánh được hiểu là một thực thể độc lập riêng biệt,

256
thì bản tánh và bản thể sẽ là một. Đấng Christ Nhập Thể sẽ gồm cả hai bản thể, và về
cơ bản sẽ là hai Thân vị, theo như phái Cảnh Giáo (Nestorianism) tin tưởng. Nhưng nếu
“bản tánh” được xem là “phức hợp những thuộc tính” (theo Buswell, 1:54), thì dễ tránh
được tránh lỗi như phái Cảnh Giáo trên đây. Một Thân Vị duy nhất của Đấng Christ
nhập thể giữ lại toàn bộ phức hợp các thuộc tánh của Đức Chúa Trời (thần tánh) và sở
hữu toàn bộ phức hợp các thuộc tánh của con người (nhân tánh) vốn thiết yếu cho một
hữu thể toàn hảo.
B. Đặc Tính Của Sự Liên Hiệp Này
Bản Tín Điều Chalcedon phát biểu rằng hai bản tính này đã được hiệp nhất mà
không trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia, và không phân ly. Điều này có nghĩa
toàn bộ phức hợp thuộc tánh của Đức Chúa Trời và toàn bộ phức hợp thuộc tánh của
nhân tánh toàn hảo đã luôn được giữ vẹn trong Chúa Jesus Christ từ khi Ngài Nhập
Thể. Không hề có sự pha trộn thần tánh và nhân tánh (như phái Eutychians đã dạy),
không có thay đổi trong phức hợp nào cả (như phái Apollinarians dạy), không hề phân
chia hai tánh, và cũng không phân ly tách riêng thành hai thân vị. Giáo lý chánh thống
dạy rằng Chúa Jesus có hai bản tánh (nature) trong một Thân Vị hoặc phẩm vị
(hypostasis) đời đời. Mô tả đặc điểm Đấng Christ là “một Thân Vị thần-nhân” thì chính
xác, nhưng nói về “những bản tánh thần-nhân” thì không chính xác (vì như vậy sẽ pha
trộn những thuộc tánh của Đức Chúa Trời và loài người).
Thuyết Calvin cho rằng sự liên hiệp này không hề chuyển các thuộc tính của bản
tánh này sang bản tánh kia. Thuyết của Luther dạy về tính toàn tại của thân thể Đấng
Christ, tức thực sự có chuyển thuộc tánh toàn tại sang cho nhân tánh của Đấng Christ.
Nói cách khác, chủ thuyết thân thể Chúa toàn tại (ubiquitarianism) cho rằng Đấng
Christ hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời điểm trong nhân tánh Ngài. Luther triển khai
giáo lý này năm 1527-28 để hậu thuẫn niềm tin của ông về Sự Hiện Diện Thật của
Chúa trong Tiệc Thánh.
C. Sự Chia Sẻ Những Thuộc Tính
Điều này đơn giản nghĩa là các thuộc tánh của cả hai bản tánh thuộc đồng một
Thân Vị chứ không trộn lẫn các bản tánh hoặc chia cắt Thân Vị đó. Thực ra, đây là cơ
sở để nhìn thấy Đấng Christ yếu đuối nhưng toàn năng; không biết nhưng toàn tri; hữu
hạn nhưng vô hạn.
Tôi đã nói không thể chuyển các thuộc tính từ bản tính nầy sang bản tính kia. Làm
như thế sẽ thay đổi sự kết hợp của phức hợp các thuộc tính và như vậy thay đổi bản
tánh. Nếu có thể chuyển tính vô hạn sang nhân tánh, thì Đức Chúa Trời đánh mất tính
vô hạn và sẽ không còn Thần Tánh đầy đủ nữa. Tuy nhiên, các thuộc tánh của cả hai
bản tánh phải được biểu hiện ra qua một Thân Vị. Như vậy, Thân Vị đó có thể dường

257
như “chuyển” lui tới từ biểu hiện của bản tánh này sang bản tánh kia, dầu vậy bản
thân những thuộc tính ấy phải vẫn cứ là thành phần của bản tánh mà chúng đích thực
thuộc về đó. Do vậy, các nhà thần học đã triển khai hệ thống để phân loại những hành
động của Thân Vị Đấng Christ xét về nguồn gốc hành động đó. Hodge phân ra bốn loại
(xem Hodge, Systematic Theology [Grand Rapids: Eerdmans, 1960], 2:78 trở đi), và
Walvoord chia ra bảy loại (Walvoord, Jesus Christ Our Lord [Chicago: Moody, 1974],
trang 116-7). Một số ví dụ gồm (a) những hành động được căn cứ trên toàn thể Thân Vị
này, như sự cứu chuộc (cả hai bản tính đều dự phần ); (b) những hành động được được
căn cứ trên thần tánh (dầu trọn Thân Vị này là chủ thể), như là sự tiền tại (chỉ đúng
cho thần tánh); và (c) những hành động căn cứ trên nhân tánh, như biết khát chẳng
hạn.
Dù phân loại như thế có ích lợi nào đi nữa, dường như quan trọng hơn vẫn là nhớ
Thân Vị này làm bất cứ điều nào Ngài muốn, bày tỏ bất cứ thuộc tánh nào của bản tánh
nào Ngài muốn. Thân Vị này đã khát; Thân Vị này hiểu biết mọi sự; Thân Vị này không
biết ngày hay giờ nào; và (chắc đây là điều khó nhất) Thân Vị này đã chết. Dĩ nhiên,
Thần Tánh không chết cũng không khát, nhưng Thân Vị này, là Chúa Jesus Christ,
Đấng Thần-Nhân đã có thể làm cả hai.
D. Sự Tự Nhận Thức Của Đấng Christ
Một vấn nạn khác nữa là trong sự tự nhận thức, Đấng Christ có luôn biết về thần
tánh và nhân tánh của Ngài hay không. Câu trả lời là: Thân Vị này luôn luôn tự nhận
thức về thần tánh của Ngài, và Thân Vị này đã lớn lên trong sự tự nhận thức về nhân
tánh của Ngài.
E. (Những) Ý Chí Của Đấng Christ
Đấng Christ có một hay hai ý chí? Chalcedon nói rằng một Đấng Christ trong hai
bản tánh được hiệp nhất trong một thân vị, hàm ý Ngài có hai ý chí. Ở thế kỷ thứ bảy,
phái Duy Nhất Ý Chí (Monothelites) nói Đấng Christ chỉ có một ý chí, nhưng bị kể là tà
giáo tại Hội Nghị Constantinople năm 680. Nếu định nghĩa ý chí là một “phức hợp hành
vi” như Buswell, thì có lẽ phải nói Chúa chúng ta có mẫu mực hành vi cư xử của Đức
Chúa Trời và cũng có mẫu mực hành vi cư xử của con người toàn hảo; vì lý do đó có hai
ý chí. Nếu theo Walvoord định nghĩa ý chí là quyết định đạo đức do đó mà ra, thì thân
vị của Đấng Christ luôn luôn thực hiện duy chỉ một quyết định về đạo đức; vì vậy một ý
chí. Tuy nhiên tôi thấy dường như mỗi một quyết định đã bắt nguồn hoặc từ “ý chí” của
thần tánh, hoặc từ “ý chí” của nhân tánh, hoặc kết hợp cả hai, nên thật hợp lý để nghĩ
đến hai “ý chí.”
IV. LỊCH SỬ BAN ĐẦU CỦA GIÁO LÝ NÀY
A. Docetism (Hiện Hình Thuyết)
258
Vào cuối thế kỷ thứ I, Marcion và Trí Huệ Phái (Gnostics) dạy rằng Đấng Christ chỉ
có vẻ là một con người (dokeo, “dường như” hoặc “có vẻ”). Sứ đồ Giăng nói đến giáo lý
sai lạc này trong IGi 4:1-3. Tà giáo này phá hoại cả thực tế Sự Nhập Thể lẫn tính hiệu lực
của Sự Chuộc Tội và sự phục sinh của thân thể
B. Tà Thuyết Ebionism
Ở thế kỷ thứ II, tà giáo này phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, xem Chúa Jesus là
con đẻ của Giôsép và Mari, nhưng đã được chọn để trở thành Con Đức Chúa Trời tại
thời điểm Ngài chịu báptêm và lúc đó Ngài được hiệp nhất với Đấng Christ vĩnh hằng.
C. Tà Thuyết Arianism
Đây là tà thuyết phủ nhận tính vĩnh hằng của Chúa Jesus là Ngôi Lời. Arius lập
luận rằng vì Jesus đã được sinh ra, ắt Ngài phải có một khởi đầu. Người theo thuyết của
Arius tin rằng thần tánh của Đấng Christ tương tự như của Đức Chúa Trời,
homoiousian, nhưng không phải là cũng cùng một thần tánh, homoousian. Giáo Hội
Nghị tại Nicea đã lên án sự dạy dỗ này vào năm 325 S.C., khẳng định Chúa Jesus đã có
cùng bản tánh như Đức Chúa Trời.
D. Thuyết Apollinarianism
Apollinarius Em (qua đời khoảng năm 390), tìm cách tách thái quá những bản tánh
của Đấng Christ. Ông dạy rằng Đấng Christ đã có một thân thể người và một hồn người,
nhưng Ngài đã có Ngôi Lời (Logos) thiên thượng thay vì có linh của con người (sự dạy
dỗ này thừa nhận quan điểm con người có ba phần – trichotomous). Ngôi Lời này chi
phối kiểm soát thân thể và hồn thụ động của con người. Đây là tà thuyết ảnh hưởng
đến nhân tánh của Đấng Christ.
E. Thuyết Nestorianism (Thuyết Cảnh Giáo)
Thuyết Nestorianism (Thuyết do Nestorius đề xướng) phân chia Đấng Christ làm
hai Thân Vị (dù vậy người ta còn tranh luận không biết chính Nestorius có dạy rõ ràng
như vậy không). Ông giải thích rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã là prosopon (hình thức,
hình trạng, hoặc sự hiện ra) của sự liên hiệp hai bản tánh. Nhân tánh đã được ban hình
thức của Đức Chúa Trời, và Thần Tánh đã tự mặc lấy hình thức một tôi tớ, kết quả là sự
hiện ra của Jesus Naxarét. Như vậy trong quan điểm này hai bản tánh đã bị tách riêng,
kết quả là có hai thân vị. Sự dạy dỗ này bị Giáo Hội Nghị Êphêsô năm 431 lên án.
F. Eutychianism (Duy Nhất Tánh Thuyết)
Eutyches (khoảng 378-454) phản đối thuyết Nestorianism và dạy rằng trong Đấng
Christ chỉ có một bản tánh. Tà thuyết nầy còn được gọi là monophysitism (Duy Nhất
Tánh Thuyết). Thần tánh không hoàn toàn là thần tánh, và nhân tánh cũng không thật

259
sự như nhân tánh của con người, và kết quả là một bản tánh hỗn hợp duy nhất. Điều
nầy đã bị Hội Nghị Chalcedon lên án năm 451.
Một tà thuyết tương tự đã được triển khai sau Hội Nghị Chalcedon, dạy rằng Đấng
Christ chỉ có một ý chí mặc dù thừa nhận trên lời nói rằng Ngài có hai bản tính. Tà
thuyết này được gọi là monothelitism (Duy Nhứt Ý Thuyết), đã bị Hội Nghị
Constantinople Lần Thứ Ba năm 680 lên án.
Việc nghiên cứu các tà thuyết phải giúp làm sáng tỏ chân lý và khiến chúng ta cẩn
thận hơn khi phát biểu chân lý. Ngữ nghĩa học rất quan trọng trong các câu phát biểu
thần học.

260
Chương 43: ĐẤNG CHRIST: ĐẤNG TIÊN TRI, THẦY TẾ LỄ VÀ
VUA
Đôi khi công tác của Đấng Christ được khảo sát theo cách chia ba phương diện chức
vụ của Đấng Christ là Đấng Tiên tri, Thầy Tế lễ và Vị Vua. Eusebius (khoảng 260-340)
đã dùng các phạm trù nầy (Ecclesiastical History, I, iii, 8,9), nên chúng đã có rất lâu đời
rồi. Hơn nữa, có thể nối kết giữa Đấng Mêsia, là Đấng Chịu Xức Dầu, với sự kiện là các
tiên tri (ICácVua 19:16; Es 61:1), thầy tế lễ (Xu 30:30; 40:13) và các vua (ISa 10:1; 15:1; IVua
19:15-16) thảy đều được tấn phong bằng sự xức dầu.

I. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH ĐẤNG TIÊN TRI


A. Danh Xưng Tiên Tri Của Đấng Christ
Môise nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một đấng tiên tri giống như ông
(Phu 18:15). Bất luận lời tiên tri nầy ứng nghiệm theo cách nào khác qua sự kế vị của
những tiên tri Cựu Ước đi nữa, sự ứng nghiệm tối hậu vẫn bởi Chúa Jesus Christ, Đấng
đã được xác định là chính Đấng Tiên Tri đó (Cong 3:22-24). Dân chúng thời Đấng Christ
nhiệt thành công nhận Chúa Jesus là đấng tiên tri đến nỗi những thầy tế lễ cả và người
Pharisi phải sợ bị trả thù nếu họ dùng biện pháp mạnh chống Cứu Chúa (Mat 21:11,46;
Gi 7:40-53). Hơn nữa, dân chúng gọi Ngài là Thầy (1:38; 3:2), không phải vì Ngài đã được
huấn luyện chính thức mà là vì họ công nhận phẩm chất của lời Ngài dạy dỗ.
Chúa chúng ta cũng tuyên bố Ngài là Đấng Tiên Tri (Mat 13:57; Mac 6:4; Lu 4:23; 13:33;
Gi 4:44), Đấng đến để làm việc các tiên tri đã làm, tức là truyền sứ điệp của Đức Chúa
Trời cho loài người (8:26; 12:49-50; 15:15; 17:8).
B. Cung Cách Ứng Xử Của Đấng Christ Như Một Tiên Tri
Một trong những hoạt động chính của Chúa chúng ta trên đất nầy là tuyên bố sứ
điệp của Đức Chúa Trời qua sự giảng (Mat 4:17) và dạy (7:29). Cách giảng dạy của Ngài
gồm các đặc điểm thú vị sau:
1. Dạy nhân dịp tiện: Điều nầy không có nghĩa Ngài dạy không thường xuyên,
nhưng đúng hơn, Ngài dạy khi dịp tiện nảy sinh. Ngài luôn luôn sẵn sàng đón nhận
những cơ hội và những hoàn cảnh đa dạng đưa đến. Chúa đã dùng các buổi nhóm tại
nhà hội khi có thể (Mac 1:21). Ngài dạy ngoài trời khi không có sẵn chỗ trong nhà (4:1).
Ngài nắm bắt mọi cơ hội.
2. Cách dạy không mang tính hệ thống rõ ràng: Sở dĩ như vậy vì Chúa luôn nắm bắt
mọi cơ hội xảy đến, chứ không chờ đợi tới khi có thể đi theo một chương trình đã hoạch
định. Ví dụ, hãy nghĩ chúng ta có thể tìm nơi đâu có những lời Chúa dạy về tội lỗi; và
câu trả lời là trong rất nhiều phân đoạn thuộc rất nhiều thể loại – có thuộc khi giáo

261
huấn, có khi ẩn dụ. Người giải nghĩa Thánh Kinh phải hệ thống hóa những lời dạy của
Đấng Christ.
3. Cách dạy có minh họa phong phú: Những minh họa đó được thay đổi và chọn
thích hợp với người nghe (để ý một minh họa cho nam và cho nữ trong Mat 24:40-41 và
Lu 15:4,8).

4. Tận dụng những câu hỏi: Điều nầy đặc biệt đúng trong những tình huống có
tranh cãi (Mathiơ 22).
5. Cách dạy đầy thẩm quyền: Chắc đây là đặc điểm nổi bật của chức vụ Đấng Christ
như một Đấng Tiên Tri. Thẩm quyền của Ngài tương phản rõ ràng với sự dạy dỗ của
những thầy thông giáo và Pharisi (Mac 1:22), vì dò thấu được đến những điều sâu nhiệm
của thực tại chân lý.
C. Tư Liệu Của Đấng Tiên Tri Christ
Dù phần lớn tư liệu tiên tri của Chúa nằm rải rác khắp các sách Phúc Âm, có bốn sứ
điệp chính được bảo tồn cho chúng ta: Bài Giảng Trên Núi (Mathiơ 5-7), các ẩn dụ về
những lẽ mầu nhiệm của Nước trời (Mathiơ 13), cuộc trò chuyện với bốn môn đồ trên
Núi Ôlive vào ngày Thứ Ba của Tuần Thánh (Mathiơ 24-25), và sứ điệp cho các môn đồ
trên Phòng Cao tối Thứ Năm (Giăng 13-16).
Những sự dạy dỗ của Đấng Christ có lẽ là phần khó giải thích chính xác hơn hết
trong toàn bộ Thánh Kinh. Tại sao vậy? Vì Chúa chúng ta đã sống dưới luật pháp của
Môise và đã giữ luật pháp ấy cách trọn vẹn; nhưng Ngài cũng trình diện trước dân
Ysơraên trong tư cách Vua của họ; và khi bị khước từ trong tư cách Vua, Ngài đã giới
thiệu cho họ một phần mới mẻ trong chương trình của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh,
và Ngài đã dạy dỗ họ đôi điều về hội thánh. Nói cách khác, Ngài đã sống và đã dạy về
ba phương diện khác nhau của chương trình Đức Chúa Trời dành cho thế giới này –
Luật Pháp, Hội Thánh, và vương quốc. Không phải luôn luôn dễ giữ cho những tuyến
giáo huấn này tách biệt ra và khỏi bị lẫn lộn.
1. Bài Giảng Trên Núi: Có người xem bài giảng này giải luận về con đường cứu rỗi.
Nan đề của lối giải nghĩa như thế đơn giản là: những từ ngữ quan trọng về sự cứu rỗi
như sự cứu chuộc hoặc sự xưng công bình không hề xuất hiện trong những đoạn này.
Hơn nữa, nếu đây là cách giải nghĩa đúng thì chắc chắn sự cứu rỗi đến bởi những việc
lành.
Người khác xem bài giảng này là kế hoạch chi tiết cho đời sống Cơ đốc nhân ngày
nay. Sử dụng bài giảng này theo kiểu đó sẽ đòi hỏi phải bỏ lối giải thích nghĩa đen của
phàn lớn những điều được dạy để có thể vâng giữ điều ấy trong thế giới không công
bình này. Hơn nữa, nếu đây là chân lý dành cho Hội Thánh, vậy sao Chúa chúng ta

262
không nhắc đến Đức Thánh Linh, Đấng hết sức quan trọng cho đời sống của Cơ đốc
nhân, thậm chí cũng không nhắc đến chính hội thánh nữa?
Cũng có người khác nữa hiểu mục đích chính của bài giảng này liên hệ đến sứ điệp
của Đấng Christ về nước thiên đàng. Giăng BápTít, là sứ giả mở đường, đã loan báo về
vương quốc này (Mat 3:2); chính Đấng Christ đã bắt đầu giảng sứ điệp đó (Mat 4:17); bây
giờ Ngài giải thích những điều bao gồm trong sự ăn năn thật. Vương quốc mà Giăng và
Chúa rao giảng và vương quốc mà dân chúng đang trông đợi chính là vương quốc của
Đấng Mêsia, vương quốc Đavít, vương quốc thiên hy niên được hứa ban trong Cựu Ước.
Đấng Christ không tỏ dấu hiệu nào cho thấy đáng ra họ phải hiểu khác đi bằng cách
thay đổi ý nghĩa của vương quốc mà Ngài đang dạy. Nhưng dân sự đã đặt hy vọng quá
nhiều nơi một vương quốc chính trị đến nỗi quên mất đã có những đòi hỏi thuộc linh
cho ngay cả một vương quốc chính trị như vậy. Vì vậy Chúa đã giải thích những điều
bao hàm trong sự chuẩn bị thuộc linh cho vương quốc Đavít này.
Được rao giảng liên quan đến vương quốc, bài giảng này dường như nhấn mạnh
chủ yếu việc sẵn sàng đón vương quốc đó. Có một số luật mà nếu muốn thực hành trọn
thì sẽ bắt buộc đòi hỏi phải thiết lập xong vương quốc ấy cùng với sự cầm quyền công
chính của nó (Mat 5:38-42), dầu vậy vẫn có thể tuân thủ nguyên tắc chung nầy bất cứ lúc
nào.
Vì vậy, bài giảng này là lời kêu gọi ăn năn dành cho những người đã tách sự thay
đổi bề trong ra khỏi những điều kiện đòi hỏi phải có để thiết lập vương quốc. Vì vậy,
bài giảng này thích ứng cho bất cứ lúc nào vương quốc này sắp đến – bao gồm cả thời
điểm Đấng Christ đã giảng bài giảng đó, lẫn thời tương lai của Cơn Đại Nạn. Bài giảng
cũng miêu tả những tình trạng sẽ có trong vương quốc này khi được thiết lập. Nhưng
cũng giống như toàn Kinh Thánh, bài giảng này hữu ích cho môn đồ thuộc mọi thời đại,
vì đây là một trong những bộ luật đạo đức chi tiết nhất trong Kinh Thánh.
2. Những Lẽ Mầu Nhiệm Mang Tính Ẩn Dụ về nước Thiên Đàng. Sau đó cũng trong
ngày vu cáo phạm thượng của các thầy thông giáo và người Pharisi hôm ấy (Mat 12:22-
37), Chúa quay sang dạy các môn đồ về đặc trưng của nước thiên đàng trong thời kỳ
này giữa khi Ngài chết và trở lại. Những đặc trưng này được gọi là “những lẽ mầu
nhiệm” vì chưa được tỏ ra trong Cựu Ước nhưng giờ đây được tỏ ra cho những người có
quan hệ đúng đắn với Ngài (Mat 13:11). Những đặc trưng này của nước Đức Chúa Trời
khác với đặc trưng của nước Đavít, cả trong quá khứ lẫn tương lai, và chúng bao trùm
thời kỳ hãy còn trong tương lai của lúc Đấng Christ phán những lời này (câu 24 “giống
như” là thì bán khứ (aorist) được dùng theo cách đón trước, tức là để tiên liệu trước một
điều nào đó trong tương lai) và kết thúc với những biến cố lúc Ngài Tái Lâm (câu 39-
50).

263
Ngoài những điều trên, các ẩn dụ này còn thuật lại những đáp ứng của nhiều người
khác nhau đối với sứ điệp, sự có mặt những điều giả mạo của Satan trong vương quốc
sự tăng trưởng nhanh chóng của vương quốc, điều ác trong vương quốc, giá trị của
vương quốc, và hiện diện của kẻ ác trong vương quốc này. Hình thức này của vương
quốc mang tính tạm thời - cho đến khi Ngài tái lâm.
3. Sứ điệp trên Núi Ôlive: Đến lúc Đấng Christ giảng bài này vào cuối cuộc đời tại
thế, rõ ràng các lãnh tụ Do Thái đã khước từ vương quốc, và chính Đấng Christ đã giới
thiệu hội thánh là điều sắp đến trong chương trình của Đức Chúa Trời (Mat 16:18). Như
vậy có phải vương quốc này bị xóa bỏ đời đời khỏi chương trình của Ngài? Không hề
như vậy, và sứ điệp này nêu chi tiết vài biến cố tương lai dẫn đến sự tái lâm của Đấng
Christ để thiết lập vương quốc của Đấng Mêsia, của Đavít, và vương quốc thiên hy niên
đó. Mat 24:4-14 liệt kê những chi tiết sẽ xảy ra trong nửa đầu thời kỳ Đại Nạn sẽ đến.
Câu 15-28 cũng liệt kê như vậy cho nửa thời kỳ cuối. Rồi Đấng Christ sẽ trở lại đất này
nhận ngôi cai trị vương quốc Ngài (c. 30; 25:31,34). Dầu sự kiện này không diễn ra trong
đời các sứ đồ như họ mong đợi, nhưng như vậy cũng không hề bãi bỏ sự bảo đảm một
ngày kia Đấng Christ sẽ cai trị vương quốc Ngài (Cong 1:6).
4. Sứ điệp trên Phòng Cao: Buổi tối trước khi chịu đóng đinh, Chúa bày tỏ dưới dạng
cô đọng rất nhiều điều về Thời Đại mới sắp đến của Hội Thánh. Ngài lập lại những điều
này dưới dạng cô đọng vì môn đồ chưa thể hiểu hết những điều đang thực sự diễn ra ( Gi
16:12). Một số mạc khải mới nào? (1) Ngài đã ban một điều răn mới – yêu thương nhau
như cách Ngài đã yêu chúng ta (13:34). (2) Ngài mở ra niềm hy vọng mới – một nơi mà
Ngài sẽ chuẩn bị và đón tín hữu đến (14:1-3) (3) Ngài hứa ban một Đấng Yên Ủi khác,
Đấng sẽ thi hành chức vụ qua rất nhiều phương cách mới: cố vấn, khích lệ, an ủi, cầu
thay, cáo trách, dạy dỗ, v…v… (c.16) (4) Ngài tiết lộ những mối quan hệ mới – Thánh
Linh ở trong họ - chứ không chỉ ở với họ, tín hữu ở trong Đấng Christ, và Đấng Christ ở
trong những tín hữu (các câu 17,20). (5) Ngài đã thiết lập một nền tảng mới cho lời cầu
nguyện nhơn danh Ngài (16:24,26). Mọi điều này cho thấy những khác biệt lớn lao giữa
cách quản lý của Chúa đang vận hành thời bấy giờ với định kỳ mới sắp đến của Hội
Thánh.
D. Sự Xác Chứng Đấng Christ Là Tiên Tri
Luật Pháp truyền ném đá tiên tri giả (Phu 13:5,10). Dĩ nhiên nếu họ còn sống tới lúc
lời tiên tri được hay không được ứng nghiệm, thì có thể dễ dàng bảo họ là tiên tri thật
hoặc giả. Nhưng nếu không sống được đến lúc ấy thì khó hơn nhiều. Chức vụ tiên tri
của Chúa chúng ta được xác chứng theo hai cách: bởi sự kiện một số lời tiên tri của
Chúa ứng nghiệm ngay trong đời Ngài, và bởi các phép lạ xác chứng cho dân sự thời
Ngài rằng Ngài là Đấng Tiên Tri thật.

264
Trường hợp kiểm tra là lời Chúa báo trước thật chi tiết về sự chết của Ngài. Ngài nói
tiên tri một người thân cận sẽ phản Ngài (Mat 26:21), sự chết của Ngài sẽ do các lãnh tụ
DoThái xúi giục (16:21), Ngài sẽ chết bởi bị đóng đinh và ba ngày sau sẽ sống lại ( 20:19).
Vì nói được chi tiết đến như thế về sự chết của Ngài và vì các chi tiết ấy đã thành sự
thật, điều đó xác chứng Ngài là Tiên Tri thật.
Ngoài ra, còn một số phép lạ của Đấng Christ được liên kết trực tiếp vào để khẳng
định Ngài là Đấng Tiên Tri thật (Lu 7:16; Gi 4:19; 9:17). Đúng là trong những ngày sau rốt
này, Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta bởi chính Con Ngài (He 1:1-2).
II. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH THẦY TẾ LỄ
Tiên tri nói với con người những lời từ Đức Chúa Trời; còn thầy tế lễ thay mặt loài
người mà thưa cùng Đức Chúa Trời. Vì thuộc chi phái Giuđa nên Đấng Christ không đủ
tư cách làm thầy tế lễ theo dòng Arôn; do đó, trước khi Ngài đến, Đức Chúa Trời đã sắp
đặt một phẩm trật khác của các thầy tế lễ, đó là ban Mênchixêđéc, và Đấng Christ là
thầy tế lễ của phẩm trật đó xét về thân vị và công tác của Ngài. Tuy nhiên, có nhiều
điểm tương đồng giữa thầy tế lễ ban Arôn và Thầy Tế Lễ Christ trong cả thân vị lẫn
công tác của Ngài.
A. Trong Cương Vị Thầy Tế Lễ Ban Arôn
Thầy tế lễ ban Arôn phải là người được Đức Chúa Trời chọn và trang bị để đủ tư
cách lo công việc Ngài (Le 21; He 5:1-7). Là Đấng đã được chọn, nhập thể và đã chịu thử
thách, Chúa chúng ta đích thân đủ tư cách làm Thầy Tế Lễ hành chức đầy lòng quan
tâm.
Những thầy tế lễ ban Arôn phục vụ bằng cách đại diện dân sự trước mặt Đức Chúa
Trời và đặc biệt bằng cách dâng các tế lễ. Những của tế lễ của họ rất nhiều, lặp đi lặp
lại, và tự bản thân các của lễ không có hiệu năng đời đời. Chúng thực sự chuộc tội trong
bối cảnh của thời thần quyền, nhưng trước giả thư Hêbơrơ bày tỏ rõ rằng nếu chúng có
thể đền chuộc tội đời đời thì không cần phải dâng chúng liên tục năm này sang năm
khác (10:2-3). Ngược lại, sinh tế của Chúa chúng ta dâng Chính Mình Ngài chuọc tội lỗi
chúng ta là một sinh tế duy nhất, một lần đủ cả, và dành cho toàn thể loài người. Trong
công tác cứu chuộc vĩ đại này của Chúa, Ngài đã làm một việc được báo hiệu trước qua
công tác của các thầy tế lễ ban Arôn, dù Ngài không phải thầy tế lễ theo ban Arôn.
B. Trong Cương Vị Một Thầy Tế Lễ Ban Mênchixêđéc
Hình ảnh Mênchixêđéc trong Sa 14:18-20 và He 7:1-3 dường như được cố ý giới hạn
vào những đặc tính nào ví sánh ông với Đấng Christ. Hình thức của cụm từ “như vậy là
giống” trong 7:3 không phải là một tính từ để chỉ ra Mênchixêđéc giống Đấng Christ
trong bản thể của ông (thêm sức thuyết phục cho lối giải thích Mênchixêđéc là một sự

265
hiển hiện của Chúa) mà là một phân từ, nói lên sự giống nhau này đang nêu ra bởi lời
tuyên bố của trước giả Thánh Kinh. Những đặc điểm của hình ảnh này được giới hạn để
sự giống nhau có lẽ càng rộng hơn.
Những đặc điểm của chức tế lễ theo ban Mênchixêđéc bao gồm:
(1) Đây là chức tế lễ nhà vua. Mênchixêđéc là vua kiêm thầy tế lễ. Sự hiệp nhất hai
chức năng này chưa từng có trong vòng các thầy tế lễ ban Arôn, dù vậy đã được báo
trước về Đấng Christ trong Xa 6:13.
(2) Chức tế lễ này không liên quan đến tổ phụ. “Không cha, không mẹ” ( He 7:3)
không có nghĩa Mênchixêđéc thực sự không có cha mẹ, cũng không có nghĩa ông
không được sinh ra hay đã không chết đi, nhưng chỉ có nghĩa Thánh Kinh không hề
chứa phần ký thuật những sự kiện này để ông có thể được ví giống càng hoàn hảo hơn
với Đấng Christ. Các thầy tế lễ ban Arôn đã phải tùy thuộc vào tổ phụ của họ thì mới
được đủ tư cách.
(3) Chức tế lễ này bất tận, vì không có phần ký thuật nào về sự bắt đầu hoặc kết
thúc nên một lần nữa có lẽ Mênchixêđéc lại càng giống Chúa là Thầy Tế Lễ đời đời theo
ban Mênchixêđéc.
(4) Chức tế lễ này cao trọng hơn ban Arôn. Ápraham - từ ông mà ra ban Arôn - đã
công nhận sự cao trọng hơn của Mênchixêđéc khi dâng một phần mười chiến lợi phẩm
của mình cho Mênchixêđéc (Sa 14:20). Lêvi, dù chưa ra đời, và mọi thầy tế lễ ra từ Lêvi,
đã dự phần trong chính hành động chứng tỏ sự cao trọng hơn của Mênchixêđéc ở đây.
Đấng Christ hành động như thầy tế lễ ban Mênchixêđéc theo những cách nào?
Giống như Mênchixêđéc, Ngài là Đấng cai trị. Ngài nhận sự tôn kính của chúng ta.
Ngài chúc phước cho chúng ta. Và như Mênchixêđéc đã ban bánh và rượu cho
Ápraham được tươi tỉnh và hồi sức sau chiến trận thể nào, Chúa chúng ta trong cương
vị Thầy Tế Lễ cũng làm cho tươi tỉnh và nâng đỡ duy trì dân sự Ngài thể ấy. Chẳng hạn,
Ngài đã làm như vậy cho Êtiên lúc ông tuận đạo. Chúa chúng ta đang đứng lên để nâng
đỡ Êtiên (Cong 7:55). Ngài cũng làm điều đó ngày nay cho các hội thánh địa phương khi
Ngài đi giữa những chơn đèn bằng vàng (Kh 2:1). Công tác cứu chuộc của Ngài đã hoàn
tất, nên thấy Ngài ngồi, báo hiệu rằng Ngài sẽ không bao giờ phải đứng lên lần nữa để
làm việc đó lần nữa hoặc để bổ sung thêm bất cứ điều chi cho công tác đó ( He 1:3).
Nhưng chức vụ giúp đỡ và duy trì nâng đỡ của Ngài vẫn còn tiếp tục, nên thấy Ngài
đứng để làm việc này. Chúng ta có một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn đứng lên và sẵn
sàng bước đến giúp những ai đang ở trong thử thách (2:18) và nóng lòng ban ân điển để
giúp trong khi có cần (4:16).
III. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH VỊ VUA

266
Khái niệm về vua bao gồm phạm vi đặc quyền rất rộng. Một vị vua trong Ysơraên
có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quyền về kinh tế và quân sự. Có thể khảo sát
khái niệm Đấng Christ là Vua trong năm cụm từ: được hứa ban, được tiên báo, được
ban cho, bị khước từ, và được nhận biết. Giao ước giàu ơn của Đức Chúa Trời lập với
Đavít đã hứa quyền cai trị sẽ luôn luôn còn nguyên cho triều đại Đavít. Giao ước này
không hứa ban sự cai trị không gián đoạn, vì trên thực tế Thời Kỳ Lưu Đày Babylôn đã
thực thực sự làm gián đoạn sự cai trị ấy (ISa 7:12-16). Tiên tri Êsai báo trước Con Trẻ ra
đời sẽ vững lập và trị vì trên ngôi Đavít (Es 9:7).
Gápriên báo cho Mari biết Hài Nhi của nàng sẽ ngồi trên ngai của Đavít và cai trị
nhà Giacốp (Lu 1:32-33). Suốt chức vụ tại thế của Ngài, quyền làm vua nhà Đavít của
Chúa Jesus đã được ban cho Ysơraên (Mat 2:2,27:11; Gi 12:13), nhưng Ngài đã bị khước từ.
Dân thành Gađara đã khước từ những lời tuyên bố của Ngài (Mat 8:34). Các thầy
thông giáo đã bác bỏ lời Ngài tuyên bố có quyền tha tội (9:3). Nhiều người tại nhiều
thành khác nhau chối bỏ ủy nhiệm thư của Ngài (11:20-30; 13:53-58). Người Pharisi đã
khước từ Ngài (12; 15:1-20; 22:15-23). Vua Hêrốt, Bônxơ Philát, những người ngoại bang,
và người Giuđa hết thảy đều khước từ Ngài bằng hành động cuối cùng là đóng đinh
trên thập tự (Gi 1:11; Cong 4:27).
Vì vị Vua này bị khước từ, nên vương quốc Đavít của Đấng Mêsia đã bị đình hoãn
(theo nhãn quan của con người). Dù Ngài không bao giờ ngưng làm Vua, và dĩ nhiên
Ngài là Vua ngày nay cũng như đời đời, Đấng Christ chưa từng được gọi là Vua của hội
thánh (Cong 17:7 và ITi 1:17 cũng không phải là những ngoại lệ, còn Kh 15:3, “Vua của các
thánh đồ” theo bản dịch King James (Bản Việt Ngữ “Vua của muôn đời”), là “Vua của
các nước” theo những bản văn phê bình và đại đa số). Dù Đấng Christ ngày nay là Vua,
Ngài không cai trị như một vì Vua. Điều này còn chờ sự hiện đến lần thứ hai của Ngài.
Lúc ấy vương quốc của Đavít sẽ được nhận biết (Mat 25:31; Kh 19:15,20). Bấy giờ Thầy Tế
Lễ sẽ ngồi trên ngôi Ngài, đem đến cho đất này Thời Đại Hoàng Kim đã chờ đợi từ lâu
(Thi Thiên 110).

267
Chương 44: SỰ TỰ BỎ MÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST
I. NGUỒN GỐC KHÁI NIỆM NÀY
Vấn đề về sự tự từ bỏ (tự làm nên trống không) của Đấng Christ hoặc kenosis (đến
từ động từ trong Phi 2:7 - Bản Việt Ngữ dịch là “tự bỏ mình đi”) đã được bàn cãi suốt lịch
sử Hội Thánh. Giáo Hội Nghị Antiốt năm 341 nói rằng Đấng Christ đã bỏ khỏi Chính
Ngài “tình trạng bình đẳng với Đức Chúa Trời” trong khi bênh vực rõ ràng thần tánh
đầy trọn của Đấng Christ. Trong thời Cải Chánh, sự bàn cãi này tập trung vào khả năng
Đấng Christ bỏ khỏi Ngài những thuộc tánh như toàn năng, toàn tri và toàn tại mà
không ảnh hưởng đến Thần Tánh thiết yếu. Trong thế kỷ thứ mười bảy, một số người
dạn dĩ khẳng định Đấng Christ thật sự thấp kém hơn Đức Chúa Trời. Nhưng thế kỷ thứ
mười chín đem lại một hình thức hầu như mới về Cơ Đốc Luận với sự xuất hiện và loan
truyền nhiều ý tưởng sai lạc về kenosis. Đấy là do thế kỷ đó đã chứng kiến sự dấy lên
nhiều lý thuyết khoa học mới như thuyết tiến hóa và chủ nghĩa phê bình cấp tiến. Nó
cũng nhấn mạnh việc tái khám phá nhân tánh “thực tế” của Chúa Jesus, và kèm theo
đó tầm quan trọng lớn lao của sự tự chối mình của Ngài cùng sự tự bỏ mình của Ngài.
Dĩ nhiên có tuyên bố chân thật về kenosis vì được dạy trong Phi 2:7, và tuyên bố đó
không mâu thuẫn với các chân lý khác được Thánh Kinh bày tỏ về Cứu Chúa. Thật ra,
Kinh Thánh không mô tả chi tiết giáo lý kenosis, dù vậy có bày tỏ các yếu tố căn bản có
thể dùng để hình thành một tuyên bố đúng đắn. Kết hợp toàn bộ điều này lại với nhau
và tránh tà giáo, đó là nhiệm vụ của chương này.
II. Ý NGHĨA THẬT CỦA KHÁI NIỆM NÀY
A. Phân Đoạn Trung Tâm
Phân đoạn Kinh Thánh trung tâm về kenosis, là Phi 2:5-11, bắt đầu với lời khuyên
phải có tâm tình khiêm nhường, noi gương Đấng Christ là Đấng lìa bỏ vinh hiển để
chịu khổ trên thập tự. Rồi tiếp đến tuyên bố súc tích này về Đấng Christ trước và trong
sự nhập thể.
1. Sự hiện hữu đời đời của Đấng Christ (c. 6). Điều này đã được phát biểu rõ ràng
bởi hình thái hyparchon, mà trong phân từ hiện tại này (đặc biệt là khi để phân biệt với
những thì quá khứ bất định tiếp sau đó) hình thái ấy công bố sự liên tục hiện hữu vô
hạn của Đấng Christ. Trong cách chọn từ ngữ này (tương phản với eimi) có gợi ý về sự
tồn tại sẵn rồi (như Cong 7:55), như vậy nhấn mạnh tính vĩnh hằng của sự hiện hữu
Ngài. Sự hiện hữu vô hạn đó đã ở trong morphe của Đức Chúa Trời, tức hình thức thiết
yếu bao gồm toàn bộ bản tánh và thể yếu của Thần Tánh. Nếu “hình Đức Chúa Trời”
hàm ý điều gì đó kém thua Đức Chúa Trời trọn vẹn, thì “hình tôi tớ” trong Phi 2:7 ắt phải
có nghĩa trên đất này Đấng Christ còn chưa phải là tôi tớ. Nhưng trọn vẹn thực tại Ngài

268
làm Tôi Tớ là ý chính của phân đoạn này. Tương tự như vậy, trọn vẹn thực tại thần tánh
của Ngài là điểm chính của “hình Đức Chúa Trời” trong câu 6.
Sau khi nghiên cứu chi tiết về morphç trong triết học Hy Lạp, trong tác phẩm của
Philo, và trong Tân Ước, J. B. Lightfoot kết luận chữ này nói đến điều gì nội tại và thiết
yếu của sự vật. Như vậy ở đây, chữ này có nghĩa trong tình trạng tiền nhập thể, Chúa
chúng ta đã sở hữu Thần Tánh thiết yếu (St. Paul’s Epistle to the Philippians (London:
Macmillan, 1913, trang 127-33).
Sau đó Phaolô nhấn mạnh thêm thần tánh của Đấng Christ bằng cách khẳng định
sự đồng bình đẳng với Đức Chúa Trời không phải là điều để nắm giữ, đơn giản chỉ vì
Ngài đã luôn luôn có rồi. Ngài đã không hề thèm muốn nó; Ngài không hề cần thèm
muốn nó, vì nó đã thuộc về Ngài đời đời. Ngài cũng không lợi dụng nó; trái lại, Ngài đã
sẵn lòng tự trút bỏ chính mình.
2. Sự tự làm nên trống không (các câu 7-8). Lưu ý rằng dù sự tự làm nên trống
không (tự bỏ mình) có bao gồm điều gì đi nữa thì cũng vẫn là tự đặt cho bản thân mình.
Không ai ép buộc Đấng Christ phải đến thế gian này và cuối cùng phải chịu chết trên
thập tự với tư cách Đấng Gánh Lấy Tội Lỗi chúng ta. Những cách dùng khác của động
từ làm cho trống không có trong Ro 4:14 (“làm mất giá trị, mất hiệu lực,” Bản Việt Ngữ
dịch là “ra vô ích”); ICo 1:17 (ra vô ích); 9:15; IICo 9:3; nhưng chúng thực sự không giúp
hiểu thêm phân đoạn này.
Việc này cốt ở điều gì? Bao gồm tất cả mọi sự đã dự phần trong sự chết sau cùng
của Ngài trên thập tự giá. Nó bao gồm việc mang lấy hình (morphç) của một tôi tớ. Thế
nhưng trong hình thể này, Ngài đồng thời không hề kém thua chút nào về hình Đức
Chúa Trời dầu vinh hiển của Ngài đã bị che khuất khỏi hầu hết mọi người (nhưng xem
Gi 1:14). Để mang lấy hình tôi tớ, Ngài phải là con người, là điều mà hai cụm từ tiếp theo
trong Phi 2:7-8 mô tả. Ngài đã trở nên “giống như loài người.” “Giống như” bày tỏ hai
điều: trước hết, Ngài đã thực sự giống với con người, và thứ nhì, Ngài khác loài người.
Nhân tánh của Chúa đã khiến Ngài phải phục dưới những thử thách và những giới hạn;
thế nhưng chữ “giống như” ngăn ngừa kết luận cho rằng Ngài đã giống y hệt loài người.
Ngài khác biệt vì Ngài vô tội (xem Ro 8:3). Hơn nữa người ta đã thấy Ngài trong hình
dạng (schema) của một con người. Từ ngữ này nói đến điều ở bề ngoài; chẳng hạn trong
những hành động hay trong lối ăn mặc, lối cư xử và trong toàn bộ những diện mạo
phong thái bề ngoài, Ngài đã là một người. Như vậy Ngài đã tự hạ mình xuống và trở
nên vâng phục đến chết trên thập tự, là một dấu hiệu của sự hổ nhục.
Diễn tiến chuyển ý của phân đoạn Kinh Thánh này bắt đầu từ vinh hiển tiền nhập
thể của Đấng Christ và đi tiếp đến sự chết khổ nhục của Ngài trên thập tự giá. Hiển
nhiên, để có thể chết, Ngài đã phải trở nên con người. Để trở nên người, Ngài đã phải tự

269
trút bỏ địa vị tiền nhập thể của Ngài, thế nhưng không hề làm giảm giá trị Thân Vị này.
Không hề có cách nào để Chúa có thể trở nên người mà vẫn cứ ở trong địa vị Ngài đã có
trong trạng thái tiền nhập thể. Nhưng Ngài đã có thể và đã thực sự trở nên một con
người mà vẫn giữ trọn những thuộc tính đầy đủ của Thân Vị tiền nhập thể của Ngài,
tức là có trọn Thần Tánh đầy đủ.
Sự tự bỏ mình đã cho phép thêm nhân tánh và tuyệt đối không hề giảm bớt Thần
Tánh hoặc bãi bỏ quyền sử dụng những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Đã có một sự
thay đổi hình thức nhưng không thay đổi nội dung của Hữu Thể Thiên Thượng này.
Ngài đã không từ bỏ Thần Tánh hoặc bỏ không dùng những thuộc tánh đó; Ngài đã
thêm nhân tánh vào. Và làm như vậy để có thể chịu chết. Êsai đã nói thế này: “Ngài đã
đổ mạng sống mình cho đến chết” (53:12).
Theo tôi, ngay cả những người Tin Lành thuần túy cũng làm giảm hiệu quả sắc bén
của ý chính đoạn Kinh Thánh này khi bỏ sót điểm nhấn mạnh chính yếu của phân
đoạn như đã gợi ý ở trên để rồi tập trung cố gắng phác họa Đấng Christ đã phải kinh
nghiệm những giới hạn nào trong tình trạng của Ngài khi còn trên đất. Chắc chắn là
Đấng Thần-Nhân đã kinh nghiệm những giới hạn; nhưng cũng chắc chắn không kém là
Đấng Thần-Nhân đã chứng tỏ những đặc quyền của Đức Chúa Trời. Do đó, phái bảo thủ
gợi ý kenosis có nghĩa là sự che khuất vinh hiển tiền nhập thể của Đấng Christ, mà
điều đó chỉ đúng trong nghĩa tương đối (xem Mat 17:1-8; Gi 1:14; 17:5). Hoặc họ đề nghị
kenosis nghĩa là tình nguyện không sử dụng một vài thuộc tánh của Thần Tánh Ngài.
Điều này đã đúng trong vài trường hợp nhưng chắc chắn không luôn luôn đúng trong
suốt cuộc đời của Ngài (xem Gi 1:48; 2:24; 16:30). Ngài cũng không luôn luôn làm những
phép lạ của Ngài trong năng quyền của Đức Thánh Linh, nhưng đôi khi bằng chính
năng quyền của Ngài (Lu 22:51; Gi 18:6). Vì vậy nếu hiểu biết của chúng ta về kenosis
đến từ Philíp 2, thì chúng ta nên rút ra định nghĩa khái niệm này của chúng ta từ đó.
Và phân đoạn Kinh Thánh đó không hề luận đến vấn đề vinh hiển của Đấng Christ đã
bị che khuất thế nào hoặc bị che khuất đến mức nào. Cũng không nói gì về việc sử
dụng hoặc hạn chế những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Phân đoạn này có nói sự tự bỏ
mình liên quan đến việc trở nên một con người để có thể chịu chết. Như vậy kenosis có
nghĩa là rời bỏ địa vị tiền nhập thể của Ngài và mang lấy một nhân tánh - tôi tớ.
B. Định Nghĩa
Trong kenosis, Đấng Christ đã tự trút bỏ khỏi Ngài việc tiếp tục giữ và sử dụng địa
vị của Ngài trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và Ngài đã mang lấy nhân tánh để có thể chết.
III. NHỮNG NGHĨA SAI LẦM CỦA KHÁI NIỆM NÀY
A. Đấng Christ Đã Phó Nộp Một Số Hoặc Toàn Bộ Thuộc Tánh Của Ngài.

270
Quan niệm sai lầm này phát biểu rằng kenosis có nghĩa Chúa chúng ta thực sự đã
từ bỏ những thuộc tánh của thần tánh Ngài hoặc ít nhất những thuộc tánh tương đối là
thuộc tánh toàn tại, toàn năng, và toàn tri. Theo Thánh Kinh, quan điểm này là sai, còn
về mặt thần học, thì không thể có được. Nếu dâng nộp bất cứ thuộc tánh nào thì Ngài
không còn là Đức Chúa Trời nữa đang khi Ngài sống trên đất này. Vậy thì ắt tuyệt đối
Ngài không thể nói câu Ngài đã phán trong Gi 10:30 rằng Ngài và Đức Chúa Cha là Một
trong bản thể. Đấng Christ đã không lột bỏ khỏi chính Ngài bất cứ khía cạnh nào của
thần tánh Ngài.
B. Đấng Christ Đã Hiện Ra Như Một Người Bằng Cách Cải Trang Thần Tánh Ngài.
Điều này là một tà giáo kém trắng trợn hơn, nhưng về cơ bản cũng chối bỏ thần
tánh đầy đủ của Đấng Christ, bởi vì sự cải trang bao gồm sự thay đổi phương thức hiện
hữu của Đấng Christ. Nó phủ nhận Đấng Christ đồng thời vừa là Đức Chúa Trời đồng
thời vừa là người. Và nếu đúng như họ nói, làm sao Ngài có thể nói ai thấy Ngài tức là
đã thấy Đức Chúa Cha (Gi 14:9)?
Toàn bộ phần bàn luận này được sáng tỏ nếu chúng ta nhớ mối liên hệ và hoạt động
của hai bản tánh trong Chúa chúng ta có liên quan đến giáo lý sự hiệp nhất thân vị.
Giáo lý kenosis tập trung nhiều hơn vào sự kiện Sự Nhập Thể của Chúa là thiết yếu cho
sự chết của Ngài.

271
Chương 45: SỰ VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST
I. Ý NGHĨA TÌNH TRẠNG VÔ TỘI CỦA ĐẤNGCHRIST
Tình trạng vô tội nơi Chúa chúng ta có nghĩa là Ngài không bao giờ làm điều không
đẹp lòng Đức Chúa Trời, không hề vi phạm luật pháp Môise khi Ngài sống dưới luật
pháp ấy ở trần gian, Ngài cũng không hề thất bại trong việc luôn luôn bày tỏ vinh hiển
Đức Chúa Trời trong nếp sống Ngài (Gi 8:29). Điều đó không miễn cho Ngài từng trải
những sự giới hạn vô tội cặp theo nhân tánh; ví dụ như Ngài đã từng mệt mỏi ( 4:6);
Ngài đã từng đói (Mat 4:2; 21:18); Ngài đã từng khát (Gi 19:28); Ngài đã ngủ (Mat 8:24).
Nhưng trong mọi giai đoạn của đời sống Ngài như thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, tuổi
thanh niên, hay khi thành nhân, Ngài đều thánh khiết và vô tội.
II. LỜI CHỨNG CHO TÌNH TRẠNG VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST
A. Chứng cứ.
Thánh Kinh khẳng định rõ ràng tình trạng vô tội của Đấng Christ.
Chúa chúng ta đã được công bố là Con thánh (Lu 1:35). Ngài thách thức kẻ thù Ngài
chứng minh Ngài có tội, và họ đã không thể chứng minh được (Gi 8:46). Họ đã thất bại
trong nỗ lực gài bẫy Ngài bằng cách lợi dụng những điều Ngài đã phán ( Mat 22:15). Ngài
đã tuyên bố Ngài luôn luôn làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Cha (Gi 8:29). Ngài nói
Ngài tuân giữ những điều răn của Cha Ngài (Gi 15:10). Trong những phiên tòa và khi
chịu đóng đinh trên thập tự, Ngài đã được công nhận là vô tội đến mười một lần (bởi
Giuđa, Mat 27:4; bởi Philát sáu lần, 27:24; Lu 23:14,22; Gi 18:38; 19:4,6; bởi Hêrốt Antipa, Lu
23:15; bởi vợ của Philát, Mat 27:19; bởi tên trộm biết ăn năn, Lu 23:41; và bởi thầy đội
Lamã Mat 27:54). Hơn nữa, không có chỗ nào chép Chúa chúng ta từng dâng một sinh tế
nào, dù Ngài rất thường đi lên đền thờ. Sự yên lặng này nói lên sự kiện Ngài không cần
phải làm điều đó, bởi vì Ngài không hề phạm tội.
Phaolô nói Chúa chúng ta “chẳng biết tội lỗi” (IICo 5:21).
Phierơ cũng tuyên bố Đấng Christ đã không phạm bất cứ tội lỗi nào, cũng không hề
tìm thấy được lời dối trá nào trên miệng Ngài (IPhi 2:22). Ngài đã là Chiên Con không lỗi
không vít (1:19).
Giăng đã khẳng định cùng một chân lý này khi bảo rằng trong Đấng Christ không
có tội lỗi nào (IGi 3:5).
Trước giả thư Hêbơrơ đã chứng thực tình trạng vô tội của Chúa chúng ta bằng nhiều
cụm từ: Ngài chẳng phạm tội (4:15); Ngài là thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt
khỏi kẻ có tội (7:26), và không cần phải có sinh tế chuộc tội cho Ngài (c. 27).

272
Như vậy lời chứng của chính Đấng Christ và của những trước giả Tân Ước đều
thống nhất với nhau – Ngài là vô tội.
B. Vấn Đề Bàn Cãi
Dù phái bảo thủ đồng ý rằng Đấng Christ vô tội, nhưng họ không thống nhất ý với
nhau về vấn đề Ngài có thể phạm tội hay không thể phạm tội được. Họ khẳng định Ngài
đã không phạm tội; nhưng còn tranh cãi vấn đề Ngài đã có thể phạm tội hay không thể
phạm được.
Quan điểm cho rằng Ngài đã không có khả năng phạm tội được gọi là tính không
thể phạm tội được (non posse peccare). Quan điểm cho rằng Ngài đã có khả năng phạm
tội được, bất luận Ngài có thực sự phạm tội hay không, được gọi là tính có thể phạm tội
(posse non peccare). Đương nhiên, phái thần học tự do nghĩ rằng không những Ngài đã
có thể phạm tội nhưng Ngài cũng đã thực sự phạm tội nữa. Đó là tính có thể phạm tội
kết hợp với tính có tội. Khái niệm về tính có thể phạm tội này không cần phải bao gồm
tình trạng có tội, và phái bảo thủ không đưa tính có tội vào khái niệm này.
III. SỰ THỬ NGHIỆM TÍNH VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST
A. Mối Liên Hệ Của Thử Nghiệm Đối Với Tính Có Thể Phạm Tội / Tính Không Thể
Phạm Tội
Cuộc bàn cãi liệu Đấng Christ có hay không có khả năng phạm tội có liên hệ gần
gũi với sự cám dỗ Đấng Christ. Người hậu thuẫn tính có thể phạm tội lập luận nếu Ngài
không thể phạm tội thì những cám dỗ Ngài chịu là không thật và Ngài không thể làm
Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm biết cảm thông thật. Nói cách khác, tính có thể phạm tội đòi
hỏi phải có tính dễ bị ảnh hưởng thuộc thể chất đối với tội lỗi. Người hậu thuẫn tính
không thể phạm tội nói rằng tính không thể phạm tội liên quan tới sự hiệp nhất thần
tánh và nhân tánh trong một Thân Vị để ngay cả khi nhân tánh có khả năng phạm tội
được, thì Thân Vị này vẫn không thể phạm tội được. Không thể khác hơn thế cho một
Thân Vị có toàn bộ năng quyền và một ý chí thiên thượng.
Hodge đại diện quan điểm có thể phạm tội được. “Sự cám dỗ hàm ý khả năng phạm
tội. Nếu từ trong sự cấu thành thể trạng của thân vị Đấng Christ mà Đấng Christ không
thể phạm tội được, thì sự cám dỗ của Ngài là không thật và không có hiệu quả gì, và
Ngài không thể cảm thông với dân sự Ngài. (Systematic Theology (Grand Rapids:
Eerdmans, 1960,2:457).
Mặt khác, Shedd viết:
“Người ta phản đối rằng giáo lý về tính không thể phạm tội được của Đấng Christ
không nhất quán với tình trạng có thể bị cám dỗ của Ngài. Họ bảo: Người không cókhả
năng phạm tội thì không cách nào cám dỗ để họ phạm tội được. Nói vậy không đúng;

273
chẳng khác gì cũng không đúng khi bảo: vì một đội quân không thể bị chinh phục, nên
không thể bị tấn công. Khả năng có thể bị cám dỗ tùy thuộc vào tính dễ bị ảnh hưởng
thuộc thể trạng, còn tính không thể phạm tội được tùy thuộc vào ý chí .... Những cám
dỗ đó rất mạnh mẽ, nhưng nếu sự tự quyết định của ý chí thánh khiết Ngài là mạnh
hơn những cám dỗ đó, thì chúng không thể nào xui khiến Ngài phạm tội, và Ngài sẽ là
không thể phạm tội được. Thế nhưng rõ ràng Ngài sẽ có thể bị cám dỗ.” (Dogmatic
Theology (New York: Scribner, 1891,2:336).
B. Bản Chất Những Sự Thử Nghiệm Đấng Christ
Hiển nhiên, những sự thử nghiệm Ngài là thật. Chúng đã diễn ra, nên hiển nhiên
chúng là thật. Thật ra những sự thử nghiệm đặc biệt mà Đấng Christ đã trải qua là phù
hợp với một Đấng Thần-Nhân. Không một con người thường nào lại bị cám dỗ để khiến
đá thành ra bánh, nhưng Đấng Thần-Nhân này ắt đã có thể làm việc đó. Không một
người tỉnh táo nào sẽ bị cám dỗ cách nghiêm túc để chứng minh tư cách Đấng Mêsia
của mình bằng hành động nhảy từ nơi cao xuống mong rằng đáp xuống đất không hề
hấn gì. Không con người nào sẽ thật sự xem trọng lời Satan đề nghị cho mình tất cả
những vương quốc của trần gian này – có lẽ chỉ là một góc của một vương quốc nào đó,
chứ không phải tất cả. Vì vậy đây là những thử nghiệm đã được nhằm cám dỗ Đấng-
Thần-Nhân theo một phương cách mà không ai khác từng bị cám dỗ như vậy.
Dầu những thử thách cụ thể ấy vượt quá kinh nghiệm tầm thường của con người,
nhưng những lĩnh vực thử nghiệm mà chúng đại diện là thông thường cho mọi người.
Có thể xếp mọi ham muốn tội lỗi vào những thể loại như sự mê tham của xác thịt, mê
tham của mắt hoặc sự khoe khoang của cải (hoặc là phối hợp những phần đó, IGi 2:16).
Những thử nghiệm mà Satan đã cám dỗ Chúa cũng thuộc vào ba phạm trù tương tự đó
(Mat 4:1-11).
Khi trước giả thư Hêbơrơ nói Chúa chúng ta đã chịu thử thách trong mọi sự (kata
panta), ông không thể có ý bảo Ngài đã từng trải mọi thử thách mà con người đã kinh
nghiệm (He 4:15). Ví dụ như Ngài chưa từng bị cám dỗ để lạm dụng truyền hình. Nhưng
Ngài đã từng trải những sự thử nghiệm hoàn toàn thích hợp cho một Đấng Thần-Nhân,
mà chúng thuộc vào cùng những phạm trù cho mọi cám dỗ, kể cả những sự cám dỗ cho
chúng ta. Và lý do khiến Ngài có thể bị cám dỗ chính là Ngài đã có nhân tánh, bởi vì
Đức Chúa Trời không bị điều ác cám dỗ (Gia 1:13). Trước giả này tiếp tục: Ngài đã bị thử
thách “cũng như chúng ta.” Nói cách khác, sự kiện Ngài đã được khiến nên giống như
thân thể xác thịt tội lỗi đã cho phép Ngài có thể chịu thử thách. Tuy nhiên có sự khác
biệt lớn giữa nhân tánh của Ngài và nhân tánh của chúng ta. Ngài đã “chẳng phạm tội.”
Ngài không hề có bản chất tội lỗi và Ngài chưa hề phạm một tội lỗi nhỏ nào. Điều này
vẫn không có nghĩa nhân tánh của Ngài có tính không thể phạm tội được. Nó có thể

274
phạm tội, dầu vậy chưa từng biết tội lỗi. Nhưng thân vị của Đấng Thần-Nhân là không
thể phạm tội được.
Shedd nhận định chính xác: “Do đó, tuy Đấng Christ có nhân tánh có thể phạm tội
được trong cấu thành thể trạng của Ngài, nhưng Ngài là một Thân Vị không thể phạm
tội được. Tính không thể phạm tội mô tả đặc điểm Đấng Thần-Nhân như một tổng thể,
còn tính có thể phạm tội được là một thuộc tính của nhân tánh Ngài.” (2:333).
C. Những Kết Quả Trong Những Sự Thử Nghiệm Đấng Christ.
1. Tính nhạy bén: Ngài trở nên nhạy bén đối với áp lực của thử thách. Ngài đã kinh
nghiệm nó với những cảm xúc và những sức mạnh mà chúng ta không hiểu nổi.
2. Gương mẫu: Ngài để cho chúng ta một gương mẫu đắc thắng những loại thử
thách khốc liệt nhất.
3. Sự cảm thông: Ngài có thể hiểu biết chúng ta cách đầy cảm thông khi chúng ta bị
thử thách.
4. Ân điển và năng quyền: Ngài cũng có thể cung ứng ân điển và năng quyền mà
chúng ta cần có trong những giờ thử thách. Những người nào kinh nghiệm cùng những
nan đề mà chúng ta có lẽ đã đối diện thì họ thường nhạy cảm và đầy cảm thông, nhưng
thông thường họ chỉ có thể giải quyết rất ít hoặc không thể giải quyết những nan đề
của chúng ta. Chúa có thể giải quyết và ban cho chúng ta ân điển để giúp trong những
lúc có cần (He 4:16). Duy chỉ một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Thần-Nhân mới có thể làm
cả hai – cảm thông vì Ngài đã thật sự chịu thử thách và ban năng quyền vì Ngài là Đức
Chúa Trời.
D. Minh Họa
Lúc mới bắt đầu dạy tại chủng viện, tôi sửng sốt vô cùng khi thấy hàng loạt lỗi
chính tả trong bài thi của sinh viên. Hồi mới vào nghề, tôi có ra bài thi cho một lớp có lẽ
chưa tới hai mươi sinh viên, và một trong những câu phải trả lời là chữ Ghếtsêmanê. Có
tin nổi không, lớp đó viết sai chính tả một chữ này theo tám cách khác nhau! Thậm chí
cố ý cũng không dễ viết sai đến thế được. Thần Tánh và thiên hy niên cũng là những từ
ngữ khác nữa thường bị viết sai chính tả. Và nên nhớ, những sinh viên này đều đã tốt
nghiệp cao đẳng và đại học.
Khi về thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh đầu tiên, tôi được dự buổi tối gặp
gỡ trò chuyện với một nhóm giáo viên của trường công. Họ là thành viên của một lớp
Kinh Thánh do cha tôi dạy suốt nhiều năm, và nhiều người trong số đó đã là thầy cô
giáo của tôi hồi tôi còn nhỏ. Dĩ nhiên họ rất thích thú khi biết tôi cũng rất yêu nghề
giáo. Khi tôi bắt đầu phàn nàn việc viết sai lỗi chính tả, hầu như mọi người đều đồng
cảm. Tôi phàn nàn về chữ Ghếtsêmanê. Họ phàn nàn về chữ cũng không hoặc chữ mèo

275
hoặc những từ ngữ đơn giản hơn mà các sinh viên chủng viện không bao giờ bị cám dỗ
viết sai. Những cám dỗ viết sai chính tả của sinh viên tôi đặc biệt liên quan đến những
từ ngữ thần học. Những cám dỗ viết sai chính tả cho các học sinh của họ liên quan đến
những từ ngữ khá phổ thông. Những từ ngữ cụ thể ấy phù hợp với những trình độ khác
nhau của học sinh. Nhưng lãnh vực thì như nhau – những từ ngữ sai chính tả mà mỗi
nhóm đáng ra phải biết rồi. Bởi vì chúng tôi có chung một lĩnh vực nan đề, chúng tôi có
thể thực sự thông cảm với nhau.
Dĩ nhiên cũng đúng khi bảo mỗi học sinh trong lớp tôi đã thực sự bị thử thách về
việc viết đúng chính tả chữ Ghếtsêmanê. Sinh viên nào biết chữ đó thì thi đậu bài thi
ấy, nhưng bài thi có sẵn đó cho tất cả mọi người. Chúng ta có một Thầy Tế Lễ Thượng
Phẩm có thể cảm thông thật vì Ngài đã thực sự chịu những thử thách đặc biệt dành cho
một Đấng Thần-Nhân. Ngài đã không phạm tội và đã không thể phạm tội. Ngài đã và
luôn thánh khiết, vô tội và không bị ô uế, là Chiên Con không lỗi không vít của Đức
Chúa Trời.

276
Chương 46: SỰ PHỤC SINH VÀ THĂNG THIÊN
CỦA ĐẤNG CHRIST
I. SỰ PHỤC SINH
A. Tầm Quan Trọng Trong Sự Phục Sinh Của Đấng Christ.
1. Đối với thân vị của Ngài. Nếu Đấng Christ không sống lại từ kẻ chết thì Ngài là
kẻ nói dối, vì Ngài đã báo trước Ngài sẽ sống lại (Mat 20:19). Với những phụ nữ đến thăm
mộ Chúa đang thắc mắc không biết Ngài ở đâu, thiên sứ đã phán cho họ: “Ngài không ở
đây đâu, Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán” (28:6). Sự Phục Sinh chứng thực
Chúa chúng ta là Đấng Tiên Tri thật. Nếu không có Sự Phục Sinh đó, mọi điều Ngài đã
phán sẽ bị nghi ngờ.
2. Đối với công việc của Ngài. Nếu Đấng Christ không sống lại từ kẻ chết thì dĩ
nhiên, Ngài sẽ không còn sống để làm mọi chức vụ sau phục sinh của Ngài. Chức vụ
của Đấng Christ sẽ phải chấm dứt tại thời điểm Ngài chết. Vì vậy chúng ta sẽ không có
Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm hiện nay, Đấng Cầu Thay, Đấng Biện Hộ, hoặc Đấng Làm Đầu
Hội Thánh. Hơn nữa, sẽ không có Thân Vị sống động nào để ở trong chúng ta và ban
năng quyền cho chúng ta (Ro 6:1-10; Ga 2:20).
3. Đối với Phúc Âm. Trong phân đoạn Kinh Thánh kinh điển ICo 15:3-8, sự chết và sự
phục sinh của Đấng Christ được gọi là “có tầm quan trọng hàng đầu” (Bản Việt Ngữ ghi
là “trước hết”). Phúc Âm đặt nền tảng trên hai sự kiện quan trọng: Cứu Chúa đã chịu
chết và Ngài hằng sống. Sự chôn cất đã xác chứng sự thật Ngài đã chết. Không phải
Ngài lịm đi để rồi sau đó hồi sức. Ngài đã chết. Danh sách những nhân chứng đã chứng
minh thực tế sự phục sinh của Ngài. Ngài đã chết và đã chịu chôn; Ngài sống lại và
được nhiều người trông thấy. Phaolô viết về chính điểm nhấn mạnh kép này trong Ro
4:25: Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.
Nếu không có Sự Phục Sinh thì không có Phúc Âm.
4. Đối với chúng ta. Nếu Đấng Christ không sống lại thì lời chứng của chúng ta là
sai lầm, đức tin của chúng ta không có nội dung có ý nghĩa, và viễn ảnh tương lai của
chúng ta là vô vọng (ICo 15:13-19). Nếu Đấng Christ không sống lại thì những tín hữu đã
chết sẽ phải chết theo ý nghĩa tuyệt đối mà không có chút hy vọng phục sinh. Và chúng
ta là những kẻ sống chỉ là những kẻ đáng thương vì đã bị lừa đảo để nghĩ còn có tương
lai phục sinh cho những kẻ đã chết.
B. Những Bằng Chứng Phục Sinh Của Đấng Christ
1. Những lần hiện ra của Ngài sau khi Phục Sinh. Số lượng những người khác nhau
trong những hoàn cảnh khác nhau đã trông thấy Chúa sau khi Ngài phục sinh cung
cấp bằng chứng dư dật cho sự kiện Ngài đã sống lại từ kẻ chết. Ví dụ như trong Ngày

277
Lễ Ngũ Tuần, Phierơ nêu sự kiện họ chứng kiến Đấng Christ phục sinh để làm bằng
chứng cho sứ điệp của ông, ông đã nêu bằng chứng tại chính thành phố mà Sự Phục
Sinh diễn ra chưa đầy hai tháng trước, và ông nói với cử tọa gồm những kẻ có thể chất
vấn đây đó để kiểm tra những lời tuyên bố của Phierơ (Cong 2:32).
Thứ tự những lần hiện ra giữa khoảng thời gian Chúa Jesus Christ phục sinh và
thăng thiên dường như sau: (a) Hiện ra cho Mari Mađơlen và những phụ nữ khác ( Mat
28:8-10; Mac 16:9-10; Gi 20:11-18); (b) hiện ra cho Phierơ, có lẽ vào buổi chiều (Lu 24:34; ICo
15:5); (c) cho các môn đồ trên đường Emaút lúc xế chiều (Mac 16:12; Lu 24:13-32; (d) cho
các môn đồ, trừ Thôma, trên Phòng Cao (Lu 24:36-43; Gi 20:19-25); (e) cho các môn đồ gồm
cả Thôma, trong tối Chúa Nhật kế tiếp (Mac 16:14; Gi 20:26-29; (f) cho bảy môn đồ bên bờ
biển Galilê (Gi 21:1-24); (g) cho các sứ đồ và hơn năm trăm anh em và Giacơ, em cùng
mẹ khác cha của Chúa (ICo 15:6-7); (h) cho những người chứng kiến Sự Thăng Thiên
(Mat 28:18-20; Mac 16:19; Lu 24:44-53; Cong 1:3-12).
2. Những ảnh hưởng mà chắc hẳn phải có nguyên nhân (Sự Phục Sinh). Một số sự
kiện đáng ngạc nhiên cần phải có lời giải thích. Không thể nghĩ ra lời giải thích nào
thỏa đáng hơn cho chung ngoại trừ nguyên nhân sự phục sinh của Đấng Christ.
Điều gì đã khiến cho ngôi mộ trống? Các môn đồ đã thấy ngôi mộ trống không. Các
lính gác báo cáo cho những thầy tế lễ cả rằng ngôi mộ trống không và lãnh tiền hối lộ
để giữ kín chuyện đó (Mat 28:11-15). Nếu câu chuyện họ buộc phải kể (rằng các môn đồ
đến đánh cắp xác Ngài) là đúng thì dĩ nhiên họ ắt phải bị trừng phạt hoặc xử trảm vì để
điều đó xảy ra trong khi họ lãnh trách nhiệm canh gác. Có người nói các môn đồ đến
nhầm mộ khác, nhưng một lần nữa, hiện diện của lính gác khiến không thể nghĩ đến
điều này được. Ngôi mộ trống không (kết quả) vì Đấng Christ đã sống lại (nguyên
nhân).
Điều gì khiến cho có những biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần? Lễ Ngũ Tuần hằng
năm đến rồi đi, nhưng trong năm ấy khi Đấng Christ sống lại, nó được chứng kiến sự
giáng lâm của Đức Thánh Linh như lời Ngài đã hứa (Cong 1:5). Trong bài giảng, Phierơ
xem sự kiện Thánh Linh giáng lâm liên quan đến sự kiện Đấng Christ Phục Sinh đã sai
Thánh Linh đến (2:33). Thánh Linh giáng lâm (là kết quả) phải có một nguyên nhân
thỏa đáng (sự phục sinh của Đấng Christ).
Điều gì đã khiến ngày thờ phượng phải thay đổi? Toàn bộ Cơ đốc nhân đầu tiên là
người Dothái, đã quen thờ phượng ngày Sabát. Tuy nhiên, đột ngột, họ đồng loạt bắt
đầu thờ phượng trong ngày Chúa Nhật, dầu đó là ngày làm việc bình thường (Cong 20:7).
Tại sao? Vì muốn kỷ niệm sự sống lại của Chúa, là sự kiện diễn ra trong ngày Chúa
Nhật nên họ thay đổi ngày thờ phượng. Thờ phượng ngày Chúa Nhật là kết quả; sự
phục sinh của Đấng Christ là nguyên nhân.

278
C. Những Kết Quả Bởi Sự Phục Sinh Của Đấng Christ.
1. Một thân thể nguyên mẫu mới: với sự phục sinh của Đấng Christ, lần đầu tiên
trong lịch sử đã có một loại thân thể phục sinh mới, bởi vì Ngài đã sống lại với một thân
thể đời đời, không hề chết nữa. Trước biến cố đó, mọi sự phục sinh đều là sự phục hồi
thân thể thuộc về đất trước đó.
Thân thể phục sinh của Đấng Christ có nhiều mối liên hệ với thân thể chưa phục
sinh thuộc về đất này của Ngài. Người ta đã nhận ra Ngài (Gi 20:20), những vết thương
do bị đóng đinh còn lưu lại (20:25-29; Kh 5:6), Ngài có thể ăn, dù Ngài không cần phải ăn
(Lu 24:30-33,41-43), Ngài hà hơi trên các môn đồ (Gi 20:22), và thân thể có thịt và xương đó
chứng minh Ngài không chỉ là một thần linh hiển thị (Lu 24:39-40).
Nhưng thân thể phục sinh của Ngài đã khác hẳn. Ngài có thể đi vào những phòng
đóng kín mà không cần mở cửa ra (Lu 24:36; Gi 20:19), Ngài đã có thể xuất hiện và biến
mất tùy ý Ngài (Lu 24:15; Gi 20:19), và hiển nhiên Ngài không còn bị giới hạn bởi những
nhu cầu vật lý chẳng hạn như cần phải ngủ hoặc cần phải ăn.
Lời mô tả chi tiết nhất về sự sống lại và thăng thiên của Đấng Christ được chép
trong Kh 1:12-16. Tại đây, Giăng ghi lại khải tượng ông thấy Đấng Christ được vinh hiển.
Ngài giống như Con loài người, là điều kết nối Ngài với dáng vẻ trên đất của Ngài trước
đó, nhưng Ngài cũng chiếu rọi vinh hiển từ đôi mắt, đôi chân, giọng nói và gương mặt
của Ngài. Đây là cách chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài một ngày gần đây.
Sự phục sinh của Ngài cũng là nguyên mẫu cho sự phục sinh của tín hữu. Đấng
Christ được nhắc đến hai lần như người được sinh ra đầu hết từ trong kẻ chết ( Co 1:18;
Kh 1:5). Điều đó có nghĩa Ngài là nhân vật đầu tiên có thân thể phục sinh đời đời. Thân
thể phục sinh của chúng ta, giống như thân thể của Chúa, sẽ khác thân thể thuộc về
đất của chúng ta. Khi trả lời câu hỏi thân thể phục sinh của tín hữu sẽ như thế nào,
Phaolô nói chúng sẽ không phải chính thân xác được đặt trong mồ mả rồi chỉ được
phục hồi lại; nhưng sẽ là thân xác mới nhưng có liên quan với thân thể trước đó ( ICo
15:35-41).

Tín hữu trong trạng thái vĩnh hằng sẽ hoàn toàn trở nên “giống Ngài” (IGi 3:2). Điều
này có nghĩa gì? Giăng giải thích trong những câu Kinh Thánh tiếp theo. Trở nên giống
như Ngài có nghĩa trở nên trong sạch (c.3), trở nên không có tội lỗi (c.5), và trở nên
công chính (c.7). Toàn bộ hữu thể của chúng ta, gồm cả thân thể chúng ta, sẽ được mô
tả tiêu biểu theo những cách nầy.
2. Bằng chứng cho những lời tuyên bố của Ngài: Chúng ta đã nói sự phục sinh
chứng tỏ tính chân thật của Ngài trong cương vị một Đấng Tiên Tri (Mat 28:6). Nó cũng
xác chứng lời Ngài tuyên bố là Đấng Mêsia và là Chúa, một ý được Phierơ làm sáng tỏ

279
trong bài giảng Lễ Ngũ Tuần của ông (Cong 2:36). Phaolô nói Sự Phục Sinh đã chứng
minh Ngài là Con của Đức Chúa Trời (Ro 1:4).
3. Một điều kiện tiên quyết cho mọi chức vụ tiếp theo của Ngài: Nếu Đấng Christ
không sống lại thì đời sống và chức vụ của Ngài đã kết thúc trên thập tự giá, và Ngài
không làm được việc gì từ thời điểm đó trở đi. Thông qua Sự Phục Sinh và Thăng Thiên,
Chúa chúng ta đã bước vào những chức vụ hiện tại và tương lai của Ngài, là điều sẽ bàn
đến trong chương tiếp theo.
Sự Phục Sinh của Đấng Christ vẫn luôn luôn là một chân lý vui mừng, đầy sức hấp
dẫn và thôi thúc cho Hội Thánh. Một trong những lời cầu nguyện đơn giản nhất và
những tín điều xưa nhất của Hội Thánh đó là: “Maranatha,” “Lạy Chúa, xin hãy đến ”
(ICo 16:22). Không ai có thể nói điều đó mà lại chối bỏ sự phục sinh của Chúa mình. Câu
ấy xác quyết cách rõ ràng nhất rằng Chúa Jesus là Chúa, Đấng sống và là Đấng sẽ trở
lại.
Maranatha! Lạy Chúa Jesus, xin hãy đến !
II. SỰ THĂNG THIÊN
A. Những Tuyên Bố Về Sự Thăng Thiên
1. Trong Cựu Ước: Hai câu Kinh Thánh báo trước sự thăng thiên của Đấng Mêsia
(Thi 68:18, được trưng dẫn trong Eph 4:8 và Thi 100:1 được trích dẫn trong Cong 2:34).
2. Trong những lời phán của Đấng Christ: Chúa chúng ta đã nói Ngài sẽ đi đến với
Đức Chúa Cha (Gi 7:33; 14:12,28; 16:5,10,28) và nói cụ thể về sự Thăng Thiên (6:62; 20:17).
3. Trong các tác phẩm Tân Ước: Kết thúc gây tranh luận của Mác đã ghi lại Sự
Thăng Thiên (16:19); Luca nói về Sự Thăng Thiên hai lần (Lu 9:51; 24:51); nhưng chủ yếu
là Cong 1:6-11. Các phân đoạn Kinh Thánh Tân Ước khác nữa nói đến Sự Thăng Thiên
(Eph 4:10; ITi 3:16; He 4:14; IPhi 3:22), và nhiều phân đoạn khác nữa nói về sự tôn cao Đấng
Christ hiện nay bao hàm Sự Thăng Thiên (như Co 3:1).
B. Mô Tả Sự Thăng Thiên
1. Nơi chốn: Sự Thăng Thiên diễn ra “xung quanh làng Bêthani” ( Lu 24:50), tức trên
sườn Bêthani của Núi Ôlive (Cong 1:12).
2. Diễn trình: Đấng Christ thật sự đi lên như thể được đám mây đỡ lên (c.9). Sự cất
lên không phải là sự biến mất thình lình mà đã là một sự đi lên dần dần, dù vậy kéo dài
không lâu.
3. Lời hứa: Khi các môn đồ đang đứng ngóng thì có hai thiên sứ xuất hiện và hứa
rằng Đấng đã được cất lên khỏi họ cũng sẽ trở lại “như cách” họ thấy Ngài được cất lên
vậy.

280
C. Những Vấn Nạn Nảy Sinh Liên Quan Đến Sự Thăng Thiên
1. Nó trái ngược với những định luật thiên nhiên. Đúng như thế, nhưng thân thể
phục sinh của Đấng Christ không nhất thiết phải phục dưới các định luật thiên nhiên,
và Đấng Christ, là Đức Chúa Trời, có thể không dùng những quy luật Ngài đã lập.
2. Có phải Chúa đã về thiên đàng trước lần thăng thiên công khai này không? Có
người nghĩ Gi 20:17 nêu lên một hoặc nhiều lần về trời trước lần thăng thiên được nêu
chi tiết ở Công Vụ 1. Tuy nhiên, động từ “ta lên” có lẽ lắm là thì hiện tại để diễn tả
tương lai nhằm nói đến sự thăng thiên công khai sắp đến của Công Vụ 1 và nói đến với
sự biết chắc chắn. Dường như thể Chúa đang nói với Mari: “Đừng chạm đến ta. Không
cần phải làm như vậy, vì ta chưa đến thời điểm thăng thiên vĩnh viễn. Các ngươi sẽ còn
nhiều cơ hội thấy ta. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì chuyện ta chắc chắn sẽ đến với
Cha Ta.” (Xem Leon Morris, The Gospel of John (Grand Rapids: 1971, trang 840-1).
D. Tầm Quan Trọng Của Sự Thăng Thiên
Sự Thăng Thiên đánh dấu kết thúc thời kỳ hạ mình của Đấng Christ và bước vào
giai đoạn được tôn cao của Ngài. Ngay cả trong bốn mươi ngày giữa khoảng Sự Phục
Sinh và Thăng Thiên của Ngài vẫn có một số giới hạn, ví dụ như sự bày tỏ vinh hiển
của Ngài. Hãy chú ý rằng những lần hiện ra của Ngài sau khi phục sinh và trước khi
thăng thiên đã không làm cho các môn đồ ngạc nhiên xét về sự hiện ra của thân thể
phục sinh Ngài. Nhưng lần hiện ra sau thăng thiên của Đấng Christ cho Giăng như
được mô tả trong Khải Huyền 1 chắc chắn phải chiếu rọi vinh hiển Ngài sống động hơn
bội phần.
Sự Thăng Thiên đã diễn ra rồi, giờ đây Đấng Christ đã sẵn sàng bắt đầu những chức
vụ khác cho chính mình Ngài và cho cả thế gian.

281
Chương 47: NHỮNG CHỨC VỤ CỦA ĐẤNG CHRIST SAU KHI
THĂNG THIÊN
Sự phục sinh và thăng thiên của Chúa chúng ta đã mở lối cho Ngài bước vào thiên
đàng và bắt đầu những chức vụ bổ sung. Ít nhất Ngài cũng đã làm xong một việc, có
những việc khác Ngài đang làm suốt thời kỳ giữa sự thăng thiên và sự tái lâm của Ngài;
còn những điều khác nữa sẽ bắt đầu trong tương lai. Trong chương này, chúng ta sẽ
xem vắn tắt những chức vụ này (vì nhiều phần sẽ trùng lắp với những lãnh vực khác
của thần học).
I. CHỨC VỤ TRONG QUÁ KHỨ
Trước khi chịu chết, Chúa chúng ta hứa không để cho các môn đồ mồ côi nhưng
Ngài sai một Đấng Yên Ủi khác đến (Gi 14:16-18,26; 15:26; 16:7). Câu vừa rồi nói rõ sự
giáng lâm của Đức Thánh Linh tùy thuộc vào việc Đấng Christ đi đến cùng Cha.
Phierơ lập lại điều này trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, tuyên bố chính Đấng Christ Phục
Sinh và Thăng Thiên đã sai Thánh Linh đến và ban nhiều bằng chứng cặp theo mà họ
đã chứng kiến ngày hôm ấy (Cong 2:33). Cả Sự Phục Sinh (c.32) và Thăng Thiên (c.34)
đã được Phierơ nhắc cụ thể là điều kiện tiên quyết để sai Thánh Linh đến.
II. CHỨC VỤ HIỆN TẠI
A. Là Đầu Của Thân Thể Ngài
Bởi sự phục sinh và thăng thiên, Chúa chúng ta đã được đặt vào địa vị vinh dự tôn
trọng bên hữu Đức Chúa Cha để làm Đầu Hội Thánh, tức thân thể Ngài (Eph 1:20-23).
Điều này bao gồm nhiều chức vụ cụ thể do Ngài thực hiện cho thân thể này.
1. Ngài đã hình thành thân thể này: Ngài thành lập thân thể này bằng cách sai
Thánh Linh đến trong Ngày Lễ Ngũ Tuần để làm báptêm tín hữu vào thân thể (Cong 1:5;
2:33; ICo 12:13). Dù công tác làm báptêm của Thánh Linh là tác nhân trực tiếp đem lại
kết quả đưa người vào thân thể, nhưng Đấng Christ Thăng Thiên mới là Tác Nhân tối
hậu vì Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến. Hiệu quả thực tiễn của địa vị mới này phải là
sự tách khỏi nếp sống cũ và bày tỏ nếp sống đổi mới (Ro 6:4-5).
2. Ngài chăm sóc Thân Thể Ngài bằng nhiều cách: Ngài làm cho Hội nên thánh ( Eph
5:26), nói đến toàn bộ diễn trình sự thánh hóa bắt đầu từ khi cải đạo và được tiếp tục
cho đến khi chúng ta được trình diện cách hoàn hảo trước mặt Ngài trên thiên đàng. Sự
tin đạo trong phân đoạn Kinh Thánh này được biểu thị bởi “sự rửa” và “dùng đạo,” “sự
rửa” dường như nói đến phép báptêm và “dùng đạo” nói đến sự xưng nhận công khai
của người chịu báptêm tại thời điểm đó.

282
Công tác thánh hóa của Ngài bao gồm nuôi dưỡng và thương yêu thân Ngài ( Eph
5:29). Nuôi dưỡng có nghĩa đem đến chỗ trưởng thành (như trong 6:4). Còn thương yêu
săn sóc theo nghĩa đen là giữ cho ấm, như vậy giống như là yêu thương và chăm sóc
đối với con cái của Ngài (lần xuất hiện khác duy nhất của từ ngữ này là ở ITe 2:7).
3. Cứu Chúa Thăng Thiên của chúng ta cũng ban những ân tứ cho thân thể ( Eph 4:7-
13). Trước hết Ngài đã xuống trong “các miền thấp của đất” (đất là thuộc cách thích hợp
để nói lên những phần ở dưới thấp). Rồi Ngài đã lên nơi cao. Và khi Ngài lên thì Ngài
dẫn muôn vàn kẻ phu tù. Tại đây Phaolô dùng minh họa từ Thi 68:18, trong đó chiến
binh thắng trận được tôn cao khi trở về với những tù binh. Người chiến thắng được lãnh
những lễ vật từ kẻ bị chinh phục và tặng những lễ vật cho dân sự mình. Đấng Christ đã
chinh phục tội lỗi và sự chết đang khi Ngài thi hành chức vụ trên đất; bây giờ Ngài ban
những tặng vật cho người theo Ngài trong chức vụ Ngài trên thiên đàng. Trong ICo 12:5,
việc ban ân tứ cũng có liên hệ đến Chúa.
4. Chúa Thăng Thiên cũng ban năng quyền cho thân thể (Gi 15:1-10). Minh họa nổi
tiếng về Gốc Nho và Nhánh làm sáng tỏ rằng nếu không có năng quyền của Đấng
Christ hằng sống lưu xuất qua chúng ta thì chúng ta không thể làm gì được. Rõ ràng
năng quyền đó là năng lực phục sinh, tùy thuộc vào mối liên hệ của chúng ta với Ngài
và Ngài ở trong chúng ta (14:17). Và mối liên hệ đó không hiện hữu trước khi Ngài lên
cùng Đức Chúa Cha. Về phần Ngài, chức vụ này bao hàm việc kỷ luật hoặc khích lệ
(tùy thuộc vào ý nghĩa của cụm từ “chặt hết” (15:2, như trong 11:39, nhưng cũng có thể
mang ý nghĩa “là cất lên,” như 8:59) và tẩy sạch (15:3). Về phía chúng ta, mối liên hệ đó
đòi hỏi chúng ta phải ở trong Ngài, có nghĩa giữ những mạng lệnh của Ngài (c. 10; IGi
3:24).

B. Là Thầy Tế Lễ Cho Dân Sự Ngài


Là Thầy Tế Lễ thành tín, Chúa Thăng Thiên của chúng ta cảm thông, cứu giúp và
ban ân điển cho dân sự Ngài (He 2:18; 4:14-16). Trong phần 4:14-16, trước giả khẳng định
chức vụ này vào Sự Thăng Thiên – Ngài “đã trải qua các từng trời.”
Là Thầy Tế Lễ thành tín, Chúa chúng ta cầu thay cho dân sự của Ngài ( 7:25). Trước
giả kết nối chức vụ này với sự kiện Thầy Tế Lễ này - không giống những Thầy Tế Lễ
Cựu Ước - không phải chết nữa nhưng mãi vẫn là Thầy Tế Lễ đời đời và hằng sống để
cầu thay cho dân sự Ngài. Chúng ta không thể biết hình thức chính xác của chức vụ
truyền đạt hay đề cập những nhu cầu của chúng ta; nhưng dường như tập trung vào cả
phương diện tích cực là cầu xin để ngăn những điều xảy ra trong đời sống của chúng ta
(Lu 22:32) và phương diện tiêu cực của sự tẩy sạch chúng ta khỏi những điều ác thực sự
diễn ra (IGi 2:1-2). Chưa được ở trên thiên đàng, chúng ta sẽ chưa biết rõ ý nghĩa của

283
toàn bộ chức vụ này của Thầy Tế Lễ tối cao của chúng ta trên đời sống mình, cả về
phương diện tích cực lẫn tiêu cực của nó.
Trong cương vị Thầy Tế Lễ Tối Cao, Chúa chúng ta cũng là Người Đi Trước Mở
Đường, bảo đảm cho chúng ta cuối cùng sẽ có được lối vào thiên đàng như Ngài đã có
(He 6:19-20). Từ ngữ “Người Đi Trước Mở Đường” được dùng cho một người trinh sát
hướng đạo, hoặc dùng cho lời loan báo của một sứ giả tiền trạm báo tin vị vua sắp đến.
Nói cách khác, nó hàm ý có những người khác sẽ theo sau, Đấng Christ hiện nay ở trên
thiên đàng trong tư cách Thầy Tế Lễ của chúng ta; điều này bảo đảm cho chúng ta một
ngày kia sẽ đi theo Ngài đến đó.
C. Là Đấng Chuẩn Bị Một Chỗ Cho Chúng Ta
Ngay trước khi chịu chết, Chúa đã cho các môn đồ biết Ngài sắp sửa đi chuẩn bị cho
họ một chỗ, sau đó Ngài sẽ trở lại đón họ đến chỗ đó (Gi 14:1-3). “Nhà Cha” nói đến thiên
đàng, và trên thiên đàng có nhiều chỗ ở lâu dài. Từ ngữ này chỉ xuất hiện trong câu 2
và 23, nói đến những nơi cư trú vĩnh viễn. Một phần công tác hiện nay của Ngài là
chuẩn bị những nơi ở này cho người thuộc về Ngài. Để có thể bắt đầu làm việc này,
Ngài phải đi đến cùng Đức Chúa Cha thông qua con đường (c. 6) của sự chết và sự phục
sinh.
III. CHỨC VỤ TRONG TƯƠNG LAI
Dù phần bàn luận chi tiết những điều sẽ diễn ra trong tương lai là thuộc lai thế học,
tuy nhiên trong phần này, tôi nghĩ cũng nên nhắc đến ít nhất ba lãnh vực chức vụ của
Chúa chúng ta trong tương lai.
A. Ngài Sẽ Khiến Kẻ Chết Sống Lại
Trong tương lai mọi người đều sẽ nghe tiếng của Đấng Christ khiến họ sống lại từ
trong kẻ chết (5:28). Một số người sẽ được gọi đến sự sống đời đời và một số khác sẽ
được gọi đến sự đoán phạt. Dù nhờ những phần Kinh Thánh khác chúng ta biết cả hai
nhóm sẽ không sống lại cùng lúc, nhưng tiếng Ngài gọi họ sẽ là nguyên nhân khiến cả
hai nhóm phục sinh. Các tín hữu của thời đại Hội Thánh sẽ được sống lại ngay tại thời
điểm hội thánh được cất lên (ITêsalônica 4:13-18). Các thánh trong thời Cựu Ước dường
như sẽ được kêu sống lại tại thời điểm Chúa hiện đến lần thứ hai ( Da 12:2). Những kẻ
chết mà không tin Chúa thuộc mọi thời đại sẽ không được sống lại cho đến sau Thời Kỳ
Nghìn Năm (Kh 20:5).
B. Ngài Sẽ Ban Thưởng Cho Mọi Người.
Dầu những người bình thường nghĩ về Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là Quan Án
của mọi người, nhưng Chúa phán mọi sự đoán xét đã được giao cho Ngài (Gi 5:22,27).

284
Cũng giống sự sống lại, sự đoán xét mọi người sẽ không diễn ra cùng lúc, nhưng Đấng
Christ sẽ đoán xét tất cả.
Các tín hữu sẽ được Ngài đoán xét tại Ngôi Xét Đoán của Đấng Christ ( ICo 3:11-15;
IICo 5:10) sau khi Hội Thánh được Cất Lên. Kết cuộc của sự đoán xét này cho mọi người
là sẽ được ở trong thiên đàng, dù vậy có rất nhiều phần thưởng khác nhau. Mọi người
sẽ được lãnh lời khen của Đức Chúa Trời (ICo 4:5).
Những kẻ vô tín sẽ bị đoán xét tại Ngai Lớn Và Trắng khi kết thúc vương quốc ngàn
năm (Kh 20:11-15). Mọi người này sẽ được báo trả việc họ làm bằng cách bị ném vào hồ
lửa. Sẽ không ai được chứng tỏ đáng hưởng nước thiên đàng. Nhưng bất luận thời điểm,
mọi người đều sẽ bị đoán xét bởi Chúa chúng ta.
C. Ngài Sẽ Cai Trị Thế Giới Này
Khi Chúa chúng ta trở lại, Ngài sẽ nắm quyền cai trị và cai trị các quốc gia của thế
giới này với tư cách Đấng nắm uy quyền tuyệt đối giàu lòng nhân từ (19:15). Rồi khi ấy
và chỉ khi ấy, thế giới này mới kinh nghiệm được thời đại công bình chính trực, phúc
lợi xã hội, sự phồn thịnh kinh tế và hiểu biết thuộc linh. Ngài sẽ bày tỏ chính Ngài là
Vua muôn vua và Chúa các chúa ngay trên chính vùng đất đã diễn ra sự chống nghịch
Đức Chúa Trời của con người.

285
PHẦN X: SỰ CỨU RỖI VĨ ĐẠI BIẾT BAO
Chương 48: VÀI NHẬN ĐỊNH MỞ ĐẦU
I. PHẠM VI ĐỀ TÀI
Cứu thục học - giáo lý về sự cứu rỗi - là một trong những chủ đề lớn nhất trong
Kinh Thánh. Nó bao hàm toàn bộ cõi thời gian cũng như cõi đời đời của quá khứ và
tương lai. Chủ đề nầy đàng nào cũng liên hệ đến toàn nhân loại, không có ngoại lệ nào
cả, thậm chí còn có những hệ quả trong lãnh vực các thiên sứ nữa. Đây là chủ đề của cả
Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nó mang tính cá nhân, tính dân tộc và tính vũ trụ. Và chủ đề đó
tập trung vào Đấng vĩ đại nhất, là Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.
Từ phía Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi bao gồm toàn bộ công tác của Đức Chúa Trời để
đem con người từ chỗ bị đoán phạt đến sự xưng công bình, từ sự chết đến sự sống đời
đời, từ chỗ xa lánh đến sự làm con. Từ phía loài người, sự cứu rỗi kết hợp mọi phước
hạnh do ở trong Đấng Christ mà có được trong cả đời nầy lẫn trong đời hầu đến nữa.
Tầm bao quát của sự cứu rỗi được nhấn mạnh bằng cách quan sát ba thì của sự cứu
rỗi: (1) Ngay lúc tin Chúa, người ấy đã được cứu khỏi sự đoán phạt tội lỗi ( Eph 2:8; Tit
3:5). (2) Tín đồ đó hiện cũng đang được cứu khỏi quyền thống trị của tội lỗi, đang được
nên thánh và được giữ gìn (He 7:25). (3) Và người đó sẽ được cứu khỏi chính sự hiện
diện của tội lỗi trong thiên đàng đời đời.
II. NHỮNG ĐỘNG CƠ CỦA SỰ CỨU RỖI
Vì sao Chúa lại muốn cứu tội nhân? Vì sao Ngài chịu đau đớn khi sai Con Độc Sanh
Ngài chết thay những kẻ chống nghịch sự thiện lành của Ngài? Có một gia đình loài
người thì có ý nghĩa gì đối với Đức Chúa Trời?
Kinh Thánh nêu ít nhất ba lý do khiến Chúa muốn cứu tội nhân.
(1) Đây là biểu hiện cao cả nhất và cụ thể nhất về tình yêu thương của Đức Chúa
Trời. Những món quà tốt lành của Ngài trong cõi thiên nhiên và qua sự chăm sóc thần
hựu của Ngài (tuy tuyệt vời đến thế) vẫn không sánh được món quà là ban Con Ngài
làm Cứu Chúa chúng ta. Gi 3:16 nhắc chúng ta tình yêu thương Ngài được bày tỏ trong
sự ban cho của Ngài, và Ro 5:8 nói Đức Chúa Trời đã chứng tỏ dứt khoát Ngài yêu chúng
ta bởi sự chết của Đấng Christ.
(2) Sự cứu rỗi cũng là cách Chúa bày tỏ ân điển Ngài trong suốt cả cõi đời đời (Eph
2:7). Mỗi người được cứu sẽ là một chiến tích đặc biệt của ân điển Đức Chúa Trời đến
đời đời. Chỉ những người được cứu chuộc mới có thể cung cấp sự phô diễn nầy.

286
(3) Đức Chúa Trời cũng muốn có một dân để làm những việc lành trong đời nầy, và
để qua đó ban cho thế gian cái nhìn thoáng qua dẫu chưa hoàn hảo về một Đức Chúa
Trời nhân lành (c.10).
Nếu không có sự cứu rỗi Đấng Christ đã dự bị, thì sẽ không thể nào có được những
điều nầy.
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CỨU RỖI
Tân Ước chỉ có hai trường hợp rao lời rủa sả Cơ đốc nhân vì không làm được một
việc nào đó. Một là không yêu mến Chúa (ICo 16:22), và hai là rao giảng một Tin Lành
khác với Tin Lành ân điển của Đức Chúa Trời (Ga 1:6-9). Không hiểu rõ về sự cứu rỗi có
thể dẫn đến rao giảng một Tin Lành giả hoặc một Tin Lành bị xuyên tạc, và rất nhiều
lời tuyên bố về Tin lành người ta nghe được hôm nay rất có thể sẽ hứng chịu lời rủa sả
nầy. Tạ ơn Chúa, ân điển Ngài mạnh hơn những lời trình bày không rõ ràng của chúng
ta, và người ta vẫn được cứu bất kể (dầu vậy không phải là kết quả của) Tin Lành
không rõ ràng hay Tin Lành bị trình bày sai.
Xét về mặt tích cực, giáo lý nầy rất quan trọng, đơn giản vì làm chứng về Tin Lành
là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Đối với người giảng đạo thì lại càng quan trọng hơn, vì
người giảng đạo là mối liên kết giữa Đức Chúa Trời với người chưa được tái sanh, và sứ
điệp của người ấy phải rõ ràng (Ro 10:14-15). Chafer, người bắt đầu chức vụ từ công tác
truyền giảng Tin Lành, đến gần cuối đời vẫn nghĩ “trong một chức vụ cân đối, công tác
rao giảng Tin Lành phải hình thành không dưới 75% lời làm chứng từ tòa giảng. Phần
còn lại có thể dành để gây dựng đức tin cho những người đã được cứu rồi.” (Lewis
Sperry Chafer, Systematic Theology (Grand Rapids: Zondervan, 1981,3:9). Điều nầy chắc
chắn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và hiểu chủ đề Cứu Thục học
trọng đại nầy.

287
Chương 49: TỪ NGỮ CỦA KINH THÁNH
I. CÁCH DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỰU ƯỚC
Từ ngữ gốc quan trọng nhất liên quan đến sự cứu rỗi trong tiếng Hibálai là yasha’.
Ban đầu, chữ nầy có nghĩa là “rộng rãi” hoặc “khoáng đạt,” trái nghĩa với “chật hẹp”
hoặc “áp bức.” Vì vậy, nó biểu thị sự tự do khỏi những gì ràng buộc hay kiềm chế, rồi
tiến đến chỗ nói đến sự giải cứu, giải phóng, hoặc đem lại chiều dài và chiều rộng cho
một điều gì đó. Đôi khi sự giải cứu nầy đến qua tác động của một con người (như qua
các quan xét, Cac 2:18; 6:14; 8:22; 12:2; hoặc các vua, ISa 23:2), và đôi khi qua tác động của
Yahweh (Thi 20:6; 34:6; Es 61:10; Exe 37:23; Xa 3:4). Đôi khi sự cứu rỗi mang tính cá thể (Thi
86:1-2), có khi mang tính tập thể, tức là sự cứu rỗi cho dân tộc ( Es 12:2, dầu toàn thế gian
sẽ dự phần trong đó, 45:22; 49:6). Trong Cựu Ước, sự cứu rỗi không chỉ là sự giải cứu
khỏi khó khăn hoạn nạn, nhưng cũng là sự giải cứu về cho Đức Giêhôva để dùng vào
mục đích đặc biệt của Ngài (43:11-12; 49:6).
Đức tin là điều kiện tất yếu để được cứu rỗi trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước.
Ápraham tin Đức Giêhôva và Chúa đã kể điều đó cho ông là công bình ( Sa 15:6). Tiền tố
từ beth trong tiếng Hibálai cho thấy Ápraham đã dạn dĩ đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời
(đối chiếu Xu 14:31; Gion 3:5). Mối tương quan giao ước được thiết lập bởi Luật Pháp
Môise cũng hàm ý người Ysơraên phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời của giao ước ấy
nếu muốn làm đẹp lòng Ngài và không bị dứt khỏi giao ước.
Đối tượng của đức tin đã luôn luôn là Đức Chúa Trời chân thần ( Dan 14:11; 20:12;
IIVua 17:14; Thi 78:22; Gion 3:5). Đức Chúa Trời Cứu Chúa nầy chính là nguồn duy nhất
của sự cứu rỗi (Thi 3:8; Gion 2:9). Tin cậy hình tượng không những vô hiệu mà còn là ngớ
ngẩn nữa, vì cớ sự cứu rỗi thuộc về Đức Giêhôva.
II. CÁCH DÙNG TỪ NGỮ CỦA TÂN ƯỚC
Trong Bản Bảy Mươi (Septuagint) lẫn trong Kinh Thánh Tân Ước, động từ sơzơ của
tiếng Hylạp và từ cùng gốc của nó là soter và soteria thường dịch cho chữ yasha’ và
những danh từ tương ứng của nó. Tuy nhiên, rất nhiều lần nhóm chữ sơzơ dịch chữ
shalom, là sự bình an hay sự khỏe mạnh trọn vẹn (wholeness), và những từ cùng gốc
của nó. Như vậy, sự cứu rỗi có thể mang nghĩa sự chữa lành, sự phục hồi sức khỏe,
phương thuốc chữa, sự cứu chuộc, hay phúc lợi. Điều nầy có thể liên hệ với sự giữ gìn
khỏi nguy hiểm, bệnh tật, hay sự chết (Mat 9:22; Cong 27:20,31,34; He 5:7). Nhưng cách
dùng đầy đủ của Cơ đốc nhân thì mang nghĩa cứu khỏi sự chết đời đời và ban sự sống
đời đời cho một con người (Ro 5:9; He 7:25).
Cũng như trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời hoàn toàn chủ động khởi xướng sự cứu rỗi
(Gi 3:16). Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá là cơ sở duy nhất cho sự

288
cứu rỗi đó (Cong 4:12; He 5:9). Như đã nói, sự cứu rỗi nầy có phương diện quá khứ, đã xảy
ra lúc chúng ta tin, có phương diện hiện tại, và có sự hoàn tất trong tương lai.
Nhưng cách dùng từ ngữ vẫn chưa bắt đầu dò thấu toàn bộ khải thị Kinh Thánh đã
tuyên bố về sự cứu rỗi. Các khái niệm khác như là sự hi sinh, sinh tế, sự cứu chuộc, sự
giải hòa, của lễ chuộc tội (còn gọi là của lễ vãn hồi), và sự xưng công bình là những
khái niệm hết sức quan trọng để giúp hiểu đầy đủ giáo lý nầy. Những khái niệm nầy sẽ
được khảo sát sau, nhưng tôi đề cập ở đây để đừng ai nghĩ giáo lý nầy chỉ xây dựng
trên những từ ngữ liên quan đến công việc cứu.
Sự cứu rỗi tác động đến toàn thể con người. Dầu vậy, việc loại bỏ bản tánh sa ngã
của con người và nhận lấy một thân thể phục sinh vẫn còn chờ đợi đến một ngày tương
lai. Nhưng đây cũng là một phần sự cứu rỗi của chúng ta (Ro 8:23). Ngoài ra, sự rủa sả
vốn đã giáng trên thế gian sẽ được cất đi (c. 18-23) và toàn vũ trụ sẽ cảm nhận được
những ảnh hưởng từ công tác giải hòa của Đấng Christ (Co 1:20).

289
Chương 50: SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẤNG CHRIST
Lẽ đương nhiên, cơ sở của toàn bộ mọi phương diện, mọi thành quả, và mọi lợi ích
từ sự chết của Đấng Christ chính là biến cố lịch sử Đấng Christ đã chết trên thập tự giá.
“Thương khó” có nghĩa là sự chịu khổ, và đặc biệt là những khổ nạn của Đấng Christ
giữa khoảng thời gian đêm Tiệc Thánh với Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá.
I. CẦN CÓ SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐẤNG CHRIST.
Vì tình trạng tội lỗi và bất lực của con người, nên phải có một người khác can thiệp
vào để giúp đỡ nếu con người muốn được chấp nhận và được tương giao với một Đức
Chúa Trời thánh khiết. Tội lỗi đã và hiện đang đem lại sự xa lánh Đức Chúa Trời, và sự
bại hoại có nghĩa là mọi việc con người làm đều không đáng được Đức Chúa Trời ban
ơn huệ hoặc cứu xét cho được nhận sự cứu rỗi.
Để khỏi lặp lại tư liệu của giáo lý về tội lỗi, cần ôn lại những ý nổi bật. Mỗi người
sanh ra trong thế gian nầy đều bị đoán phạt vì cớ (a) mối quan hệ của người đó với tội
của Ađam (Ro 5:12), và (b) vì bản chất tội lỗi mà mỗi người mang lấy từ lúc sinh ra (Eph
2:3). Ngoài ra, (c) mọi người đều đã phạm tội, điều đó vốn là kết quả không thể tránh
khỏi của bản chất tội lỗi này (Ro 3:9-23). Điều nầy không những nói lên sự đoán phạt
phổ thông, mà còn chứng minh nhu cầu phổ thông của mọi người là phải được cứu khỏi
hình phạt của tội lỗi.
Mọi người sanh ra trong thế gian nầy đều không thể tự sức mình làm điều gì để
kiếm ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bạn còn nhớ chứ, sự bại hoại không có nghĩa người
ta không thể làm hoặc không làm những việc lành xét theo cách nhìn của loài người và
của Đức Chúa Trời; bại hoại cũng không có nghĩa con người tội lỗi không có lương tâm
để phán đoán giữa thiện và ác cho chính mình, cũng không có nghĩa người ta buông
mình vào mọi hình thức của tội lỗi hoặc thậm chí vào một tội cụ thể nào đó đến hết
mức độ tột cùng có thể có được. Nhưng sự bại hoại có nghĩa: vì cớ toàn bộ bản chất của
con người đã hư hoại, nên con người không bao giờ làm được việc gì để xứng đáng
hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Xét về sự cứu rỗi, điều nầy có nghĩa: sự cứu giúp
sẽ phải đến từ một người nào chưa bị ảnh hưởng của sự hư hoại đó, tức một người vô
tội.
II. ĐẤNG CHỊU THƯƠNG KHÓ
Đấng tham gia vào sự hy sinh chuộc tội ấy chính là Đấng Thần-Nhân. Chỉ có một
Đấng như thế mới có thể đem lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Một lần nữa, để khỏi xem lại
tài liệu về Cơ Đốc Luận, tôi ôn một số đặc trưng nổi bật về thân vị Ngài có liên quan
đến công tác chuộc tội của Ngài.

290
Dầu Kinh Thánh nói rất nhiều nguyên nhân cho Sự Nhập Thể, nguyên nhân chính
vẫn là để Ngài có thể cứu dân Ngài ra khỏi tội của họ (Mat 1:21). Muốn vậy buộc phải có
Sự Nhập Thể; tức là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt. Đức Chúa Trời đã tuyên bố án phạt
cho tội lỗi là phải chết. Vì Đức Chúa Trời không thể chết, nên phải có Sự Nhập Thể để
có được bản tánh người, hầu có thể kinh nghiệm sự chết và bởi đó trả xong án phạt của
tội lỗi.
Phương tiện Đức Chúa Trời đã định để hoàn tất Sự Nhập Thể chính là Sự Giáng
Sanh Bởi Trinh Nữ. Liệu Ngài còn cách thực hiện nào khác để vẫn bảo toàn sự vô tội
của Đức Chúa Jesus Christ hay không, đấy cũng chỉ là vấn đề phỏng đoán thôi. Sự thực
là: Ngài đã thực hiện việc đó qua Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh. Đại từ quan hệ
giống cái ở số ít “là người” (“by whom”) trong Mat 1:16 liên kết rõ ràng Đấng Christ với
một người sinh thành, là mẹ Ngài. Đây là Sự Giáng Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh.
Kết quả của sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh ấy là một Đấng Thần-Nhân (Đấng vừa
là Đức Chúa Trời vừa là người). Đức Chúa Trời đã luôn luôn hiện hữu. Toàn bộ nhân
tánh đã được thọ thai bởi Đức Thánh Linh trong lòng trinh nữ Mari, và Con Trẻ được
sanh ra đã hoàn toàn là Đức Chúa Trời và là một con người mang nhân tánh trọn vẹn,
được kết hiệp trong một Thân Vị đời đời. Điều nầy được gọi là sự hiệp nhất thân vị
(hypostatic union).
Đấng Thần-Nhân nầy là độc nhất vô nhị trong toàn cõi lịch sử, và chỉ một mình
Ngài đủ tư cách làm Cứu Chúa thỏa đáng. Đấng Cứu Thế phải là con người thì mới có
thể chịu chết, vì Đức Chúa Trời không chết, và Đấng Cứu Thế phải là Đức Chúa Trời thì
mới có thể khiến sự chết trở thành một sự đền tội hiệu nghiệm được. Khi một người có
tội chết đi, người ấy chết vì cớ tội lỗi của chính mình. Một người vô tội mới có thể chuộc
tội cho người khác được.
Hãy lưu ý lẽ thật nầy trong những câu mở đầu Rôma 1. Khi Phaolô mô tả Tin Lành
(c. 1), ông nói Tin Lành về Con Đức Chúa Trời (c.3); và Con đó là con người (bởi dòng
dõi vua Đavít, c. 3) và là Đức Chúa Trời (được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời, c. 4). Nói cách
khác, chúng ta có Tin Lành chỉ vì chúng ta có một vị Cứu Tinh vừa là Đức Chúa Trời
vừa là người - là người để có thể chết, và là Đức Chúa Trời để khiến sự chết đó trở thành
một sự đền tội thỏa đáng cho thế gian. Không còn một loại đấng cứu tinh nào khác có
thể cứu rỗi được.
III. NHỮNG THỐNG KHỔ TRONG SỰ THƯƠNG KHÓ
Những thống khổ của Đấng Christ trong sự chết Ngài đã được gọi là sự vâng phục
thụ động của Ngài trong thần học Cải Chánh kinh điển. Sự vâng phục thụ động nầy
tương phản với sự vâng phục chủ động của Đấng Christ. Sự vâng phục chủ động nói
đến sự vâng phục được thể hiện trong đời sống trên đất của Đấng Christ. Đương nhiên,

291
đời sống Ngài đã là một đời sống vâng phục, bắt đầu từ việc Ngài vui lòng chấp nhận
Sự Nhập Thể (He 10:5-10), và tiếp tục trong suốt toàn bộ cuộc đời của Ngài trên đất (Lu
2:52; Gi 8:29). Ngài đã học tập vâng lời qua sự chịu khổ (He 5:8).

Những thống khổ trong đời sống Đấng Christ tuy thực tế, nhưng lại không phải để
chuộc tội. Dầu vậy, công lao sự chết chuộc tội của Ngài là không thể tách rời khỏi sự vô
tội và trọn lành của đời sống Ngài, và điều đó được chứng thực bởi đời sống vâng phục
của Ngài. Vì thế, tuy các nhà thần học phân biệt giữa những thống khổ trong đời sống
và trong sự chết (sự vâng phục chủ động và sự vâng phục thụ động), nhưng việc đó
cũng không có ý nghĩa mấy, vì duy chỉ những thống khổ trong sự chết Ngài và sự vâng
phục để làm Chiên Con Hy Sinh mới nhằm để chuộc tội.
Như vậy, nói nghiêm túc thì duy chỉ các thống khổ trên thập tự mới là để chuộc tội.
Chính trong ba giờ tối tăm đó, khi Đức Chúa Trời đặt tội lỗi của toàn thế gian trên Đấng
Christ, mới là lúc đang được thực hiện Sự Chuộc Tội. Sự sỉ nhục, hành hạ, đánh đòn
trước lúc Ngài lên thập tự là một phần những thống khổ trong đời sống Ngài.
IV. KHÁI QUÁT SỰ THƯƠNG KHÓ
Như đã nêu từ đầu chương nầy, Sự Thương Khó thường bao gồm những biến cố từ
Tiệc Thánh cho đến Sự Đóng Đinh trên thập tự giá. Sau đây là phần khái quát những
biến cố nầy và bản chất những sự việc xảy ra trong những giờ cuối đời sống của Đấng
Christ.
A. Những Cuộc Xử Án
Địa điểm truyền thống của Lễ Vượt Qua là trên Phòng Cao ở góc tây nam thành
Giêrusalem.
Từ nơi đó, đoàn người băng qua thành đến Vườn Ghếtsêmanê (trên sườn núi Ôlive ở
phía đông Giêrusalem), tại đó, Chúa đã bị phản, bị bắt, và tại đó Ngài cũng đã chữa
lành tai của Manchu. Việc nầy xảy ra có lẽ khoảng 3 giờ sáng.
Khi trở lại thành, Chúa bị giải đến nhà Anne để bị xét xử. Nhà của cả Anne và
Caiphe đều ở phía tây nam của thành, không xa Phòng Cao, nơi mà Chúa đã có mặt
trước đó.
Kế đó, họ đi đến sân nhà Caiphe. Tại đó, ít nhất cũng đã có đoàn đại biểu của Tòa
Công Luận họp lại và tuyên án Chúa.
Đến sáng, toàn Tòa Công Luận đã khẳng định bản án vừa thông qua vài giờ trước
đó.

292
Sau đó, Chúa bị giải đến trước mặt Philát, vì người Do Thái không có quyền thi
hành án tử hình. Trường án của Philát ở gần góc thành tây bắc của khu vực Đền Thờ,
đối ngang nhà Caiphe ở bên kia thành.
Tiếp đó đến cuộc xét xử của Hêrốt. Cung điện Hêrốt ở vách thành phía tây. Vì thế,
Chúa lại đi ngang qua thành phố nầy lần nữa.
Băng qua thành và trở lại tòa Philát, Chúa bị tuyên án đóng đinh trên thập tự giá.
Địa điểm đóng đinh Chúa vẫn còn đang trong vòng tranh luận. Hai địa danh được
nêu ra đó là Giáo Đường Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre), ở phía tây trường
án Philát, và Đồi Gôgôtha của Gordon (Gordon’ Calvary), ở tây bắc trường án Philát.
Dầu là nơi nào đi nữa, thì Ngài cũng vẫn phải băng ngang phần lớn Giêrusalem.
B. Ngày Chúa Chết
Quan điểm truyền thống xem Chúa chịu đóng đinh ngày Thứ Sáu được mọi người
tán đồng, và không có bằng chứng nào mâu thuẫn với quan điểm nầy. Tất cả các sách
Tin Lành đều nói rằng tiếp theo sau ngày Chúa chịu đóng đinh là ngày Sabát ( Mat 27:62;
28:1; Mac 15:42; Lu 23:56; Gi 19:31). Toàn bộ các sách Tin Lành đều nói những phụ nữ đến
viếng mộ Chúa Jesus vào ngày tiếp sau ngày Sabát, tức là ngày đầu tiên của tuần lễ -
tức ngày Chúa Nhật (Mat 28:1; Mac 16:2; Lu 24:1; Gi 20:1). Tập tục phổ thông của người Do
Thái là nói đến một phần của ngày hay của đêm như là trọn ngày ( Sa 42:17-18; ISa 30:12-
13; IVua 20:29; IISu 10:5,12; Et 4:16; 5:1). Do đó, để ứng nghiệm “ba ngày ba đêm” của Mat
12:40, thì đòi hỏi Chúa phải ở trong mộ một phần của ngày Thứ Sáu trước lúc mặt trời
lặn (ngày thứ nhất), trọn ngày Thứ Bảy (ngày thứ hai), và một phần của ngày Chúa
Nhật sau lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy và cho đến khi Sự Phục Sinh diễn ra (ngày
thứ ba). Và đương nhiên, Kinh Thánh nói “đến ngày thứ ba,” Ngài đã từ kẻ chết sống lại
(ICo 15:4).
C. Phương Pháp
Đóng đinh trên thập tự giá bắt nguồn từ Phương Đông. Người Batư đã có thói quen
nầy, và Alexander Đại Đế đã học từ người Batư. Xứ Phoenicia, vốn nổi tiếng với những
tập tục man rợ, thường dùng cách đóng đinh trên cây thập tự. Dường như Rôma vay
mượn tập tục nầy từ Carthage, và đã hoàn chỉnh tập tục này thành một phương cách tử
hình. Người Lamã đã dùng cách hành hình nầy đến độ vượt ngoài sức tưởng tượng.
Sau khi bị kết án, tử tội bị quất bằng roi da đầu có đính sắt hoặc xương. Kế đó, tử
tội bị bắt phải vác thanh ngang của cây thập tự lên vai đi đến nơi hành hình. Thanh
ngang nầy dài khoảng sáu feet (cỡ hai thước) và nặng khoảng ba mươi pounds (khoảng
14 kg). Thanh ngang sẽ được buộc vào thanh đứng đã ở sẵn tại tại địa điểm hành hình.
Những cây đinh dài cỡ bảy inches (cỡ 17 cm) loại có đầu (để giữ cho thân người khỏi

293
tuột ra) được đóng xuyên qua bàn tay và bàn chân của nạn nhân. Đôi khi người ta còn
cột dây thừng để giữ cho thân người ở trên thập tự.
Người Lamã đã biết cách đẩy bàn chân lên phía trên khi đóng đinh đôi chân vào cây
thập hình, để nạn nhân có thể tựa vào đinh và rướn người tạm thời lên phía trên cho dễ
thở hơn. Hiếm khi tử tội chết trước ba mươi sáu tiếng đồng hồ, nhưng hầu hết còn sống
sót hai hoặc ba ngày rồi mới chết. Cơn khát không thể chịu nổi, đau đớn nhức nhối từ
những vết đòn, những cơn chuột rút, choáng ngất, nhục nhã trước đám đông, và nỗi
kinh khiếp vì biết những gì đang chờ mình trước cái chết, hết thảy những thứ đó kết
hợp lại khiến cho sự đóng đinh trở nên một phương tiện tử hình khủng khiếp.
Đây chính là điều con người đã làm cho Chúa chúng ta. Và Đức Chúa Trời đã đặt
hết thảy gian ác của chúng ta trên Đấng Christ. Đấng Christ đã chết để trả xong án
phạt tội lỗi, và Ngài chết thay bạn và tôi.

294
Chương 51: Ý NGHĨA SỰ CHẾT CỦA ĐẤNG CHRIST
Tuy đúng là không thể nắm bắt hết trọn ý nghĩa sự chết của Đấng Christ trong một
hai câu tuyên bố kiểu như khẩu hiệu, nhưng cũng đúng là người ta có thể và phải tập
trung ý nghĩa trọng tâm của sự chết ấy vào vài ý thật cơ bản. Có bốn giáo lý cơ bản như
thế: sự chết của Đấng Christ là sự thay thế cho tội nhân, một sự cứu chuộc ra khỏi tội
lỗi, sự giải hòa đối với con người, và là của lễ vãn hồi đối với Đức Chúa Trời. Không
nhấn mạnh đến bốn ý nầy, hoặc không kiên quyết giữ vững tầm quan trọng cơ bản của
chúng, tức là đã làm nghèo ý, hoặc thậm chí còn xuyên tạc nữa, khái niệm của Kinh
Thánh. Chẳng hạn, xem sự chết của Đấng Christ là biểu hiện vĩ đại về tình yêu thương
của Đức Chúa Trời, hoặc xem đó là tấm gương tự hy sinh bản thân (đây đều là những lẽ
thật của Kinh Thánh, Gi 15:13; Ro 5:8) cho chúng ta noi theo thì phải lẽ và đúng theo
Kinh Thánh, nhưng nếu những điều nầy hợp thành ý nghĩa duy nhất cho sự chết của
Đấng Christ, thì sự chết đó hẳn chẳng còn chút giá trị đời đời nào nữa. Sự chết ấy phải
cung cấp sự thay thế và sự đền tội thỏa đáng, bằng không ý nghĩa của tấm gương nầy
không còn gì đáng kể nữa. Vì vậy, chúng ta phải hiểu những sự kiện cơ bản trước đã, vì
chúng hình thành ý nghĩa cứu rỗi và đời đời nơi sự chết của Chúa chúng ta.
I. SỰ THAY THẾ CHO TỘI NHÂN.
A. Khái Niệm Sự Chuộc Tội Thay
1. Ý nghĩa của sự chuộc tội thay. Sự chuộc tội thay có nghĩa đơn giản là Đấng Christ
đã chịu khổ trong tư cách người thay thế chúng ta, tức chịu thay chúng ta, để đền tội
thay cho chúng ta.
Con người chỉ có thể đích thân đền chuộc tội lỗi của bản thân mình khi nào có thể
đời đời gánh chịu hình phạt của tội lỗi ấy. Đương nhiên, con người không bao giờ làm
được việc đó, vì vậy, bởi tình yêu và lòng thương xót, Đức Chúa Trời đã can thiệp vào
tình huống tuyệt vọng, và đã dự bị một Đấng Thay Thế trong Đức Chúa Jesus Christ,
Đấng đã cung cấp sự đền tội thỏa đáng đời đời.
2. Những ý kiến phản đối sự chuộc tội thay. Người ta nêu ra một số những ý kiến
phản đối khái niệm nầy.
a. Ý nghĩ sự chuộc tội thay khiến Đức Chúa Trời trở nên bất công, vì Ngài đã định
tội cho Con Ngài phải gánh lấy tội lỗi nhân loại. Đây có lẽ là ý phản đối hợp lý, ngoại
trừ sự kiện Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã tham dự hoạch định sự cứu chuộc, và Đức Chúa
Con đã tình nguyện tự gánh lấy công tác thay thế nầy. Nói cách khác, dầu có lẽ đây là ý
phản đối hợp lý xét trên bình diện hữu hạn, nhưng không thể hợp lý khi xét trên bình
diện vô hạn, vì ở bình diện đó, không phải là có đến ba bên riêng biệt tham gia vào.

295
b. Sự chuộc tội thay khiến cho Đấng Christ vô tội phải chịu khổ thay cho người gian
ác. Điều nầy dứt khoát đúng, và là thiết yếu cho sự chuộc tội. Đây cũng rõ ràng là ý
đúng theo Kinh Thánh (IPhi 3:18). Do vậy, nêu ra ý nầy để phản đối tức là nghi ngờ chất
vấn kế hoạch và ý định của Đức Chúa Trời.
c. Một tác nhân đạo đức không thể chịu trách nhiệm về tội lỗi, trừ khi đích thân
phạm tội đó. Đơn giản là điều này không đúng như vậy trong chế độ chấp chính của
con người, nên buộc cũng không đúng theo chế độ chấp chính thiên thượng. Thành
viên ban giám đốc có thể phải có tội vì cớ những việc làm sai trái của nhân viên mình.
Sự bất cẩn của nhân công trong nhà trường khiến cho các viên chức nhà trường phải ra
hầu tòa.
SỰ CHUỘC TỘI ĐÍCH THÂN
Cung cấp bởi người phạm tội
Vấn đề hoàn toàn thuộc công lý
Không bao giờ hoàn tất
SỰ CHUỘC TỘI THAY THẾ
Cung cấp bởi người bị xúc phạm
Kết hợp công lý với tình yêu thương
Sự hy sinh đã hoàn tất
B. Bằng Chứng Cho Sự Chuộc Tội Thay Thế
Kinh Thánh dạy rõ ràng sự hy sinh của Đấng Christ không phải là vấn đề thông
cảm, nhưng là vấn đề thay thế.
1. Trong Cựu Ước. Sự sắp xếp hệ thống sinh tế của Cựu Ước bao gồm điều kiện bắt
buộc phải đặt tay trên con sinh trước khi đem dâng làm sinh tế.
“Việc nầy mang ý nghĩa sự chuyển giao và ủy thác, và hàm ý sự đại diện; vì vậy,
việc nầy thực sự chỉ đến việc đem sinh tế thay thế cho người dâng của lễ.... Nếu sinh tế
nầy do nhiều hơn một người đem đến, thì từng người phải đặt tay mình trên sinh tế đó.
Người ta vẫn chưa thống nhất với nhau là liệu đặt một tay hai cả hai tay, nhưng toàn bộ
điều được nhất trí ấy là việc đặt tay phải được thực hiện “với tất cả sức mạnh của người
đó” - tức là đặt toàn bộ sức nặng của mình trên vật thay thế” (Alfred Edersheim, The
Temple, Its Ministry and Service (Grand Rapids: Eerdmans, 1950, trang 113-114).
Sự chết của con sinh đã thay thế sự chết đáng ra là của người dâng con sinh đó. Hệ
thống nầy dạy rõ ràng về sự thay thế.

296
2. Cách dùng giới từ “anti.” Nghĩa nguyên gốc của giới từ nầy - được dùng đến hai
mươi hai lần trong Tân Ước - là “mặt đối mặt,” “đối nhau,” như là hai vật đặt đối mặt
với nhau và vật này được lấy đi thay cho vật kia như trong một cuộc trao đổi vậy.
Những người phê bình sự chuộc tội thay gọi đây là “chủ nghĩa giao dịch thô thiển”
(crude transactionalism). Dầu vậy, giới từ anti thực sự hậu thuẫn sự thay thế.
a. Trong Hy văn cổ điển. Anti đều có nghĩa thống nhất là “thay thế cho” (hoặc
“đứng trong chỗ của”), và không hề mang nghĩa bao quát hơn, ví dụ “vì cớ” chẳng hạn
(xem phần phân tích chi tiết của R. E. Davies, “Christ in Our Place - The Contribution of
the Prepositions,” Tyndale Bulletin, 21:1970,71-91).
b. Trong Hy văn thời kỳ Tân Ước. Moulton và Milligan không đưa ra ví dụ nào cho
giới từ anti mang nghĩa “thay mặt cho” (on behalf of) hoặc “vì lợi ích của” (for the sake
of). Ý nghĩa phổ thông của nó là “thay vì” (instead of). Trong tác phẩm của Polybius
(khoảng 200- khoảng 118 T.C.), Philo, và Josephus, người ta cũng thấy cùng một nghĩa
nầy và duy nhất nghĩa nầy.
c. Trong Bản Bảy Mươi. Trong số 318 lần xuất hiện chữ anti, không có ví dụ nào
mang nghĩa bao quát hơn của “thay mặt cho.” Chữ nầy mang nghĩa thống nhất “thay
thế cho” và dịch cho chữ tachath (Sa 44:33).
d. Trong Tân Ước. Những ví dụ về nghĩa rõ ràng của “thay vì,” hoặc “thay thế cho”
được tìm thấy trong Mat 2:22 và Lu 11:11. Những trường hợp nổi bật lên nghĩa về sự trao
đổi là trong Gi 1:16; Ro 12:17; ITe 5:15; He 12:16; và IPhi 3:9. Mat 17:27 (trường hợp nộp thuế
đền thờ) dường như mang nghĩa rõ ràng về sự thay thế. Thuế nầy là tiền chuộc tội ( Xu
30:11-16). Ý về sự tương đương xuất hiện trong Mat 5:38 và ICo 11:15, dầu một số người
hiểu cách dùng chữ anti trong ICo 11:15 chỉ về tóc người đàn bà giữ vai trò thay thế
khăn trùm. Tuy nhiên, điều nầy dường như mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Phaolô trong
những câu đi trước, nên rất có thể chữ nầy mang ý về sự tương đương, có nghĩa là: tóc
trong lãnh vực tự nhiên là tương đương những gì mà khăn trùm đầu đại diện cho trong
lãnh vực thuộc linh (xem Colin Brown, chủ biên, The New International Dictionary of
New Testament Theology [Grand Rapids: Zondervan, 1971], 3:1179). Rõ ràng, không câu
nào trong số nầy hậu thuẫn cho nghĩa “thay mặt cho” hay “vì lợi ích của.”
Câu Kinh Thánh quan trọng là Mac 10:45 (KJV): “Vì Con Người đã đến ... phó sự sống
mình làm giá chuộc cho nhiều người” (cũng xem Mat 20:28). Anti đòi hỏi phải giải thích
rằng: Chúa chúng ta đã đến chịu chết thay thế chỗ của chúng ta, và với tư cách người
thay thế chúng ta. Không thể hiểu theo cách nào khác, và đương nhiên đây là lời giải
thích của chính Đấng Christ về ý nghĩa sự hy sinh của Ngài. Anti cũng xuất hiện như
là tiền tố từ cho từ ghép antilutron trong ITi 2:6. Đấng Christ đã là một giá chuộc thay
của chúng ta.

297
3. Trong cách dùng của giới từ “huper.” Nguyên nghĩa của giới từ nầy là “trên, phía
trên, và vì lợi ích của ai đó.” Ý nầy bao gồm việc đứng che một người nào đó để bảo vệ
và vừa thay mặt vừa thế chỗ nhận lấy những quả đấm thay cho người ấy. Như vậy,
những ý cơ bản trong chữ nầy bao gồm vừa lợi ích, vừa sự thay thế, đơn giản là vì việc
hành động thay mặt và vì cớ lợi ích của một người nào đó thì thường bao gồm cả việc
hành động trong chỗ của người ấy. Cả hai ý nầy đều có trong cách dùng của Tân Ước,
như chúng ta sẽ thấy sau đây.
a. Trong Hy văn cổ điển. Cả hai ý về lợi ích và sự thay thế đều có trong các tác
phẩm cổ điển (tham khảo Davies, trang 82).
b. Trong Hy văn thời Tân Ước. Một lần nữa, người ta tìm thấy cả hai ý nầy. Thường
thì chữ huper được dùng chỉ về một người viết một bức thơ cho một người khác bị mù
chữ. Rõ ràng, đây là ý nói về sự thay thế.
c. Trong Bản Bảy Mươi. Một lần nữa, có cả hai ý nầy, nhưng điều đặc biệt quan
trọng đối với Cứu Thục Học là phải thấy nghĩa về sự thay thế rõ ràng là nghĩa trong
những câu Kinh Thánh như Phu 24:16 và Es 43:3-4.
d. Trong Tân Ước. Không ai tranh luận rằng chữ huper nghĩa là “vì lợi ích của” cả.
Cuộc bàn cãi tập trung vào chỗ liệu chữ này có nghĩa “thay thế cho” hay không mà
thôi. Lẽ tự nhiên, người phủ nhận sự chuộc tội thay thế thì muốn loại nghĩa “thay thế
cho,” và quả quyết sự chết của Đấng Christ tuyệt đối không mang nghĩa sự đền trả thay
thế, nhưng chỉ là một lợi ích cho nhân loại mà thôi. Những người khẳng định sự chuộc
tội thay thì có thể dựa vào nghĩa của chữ anti để lập luận, nhưng họ còn có thể nêu lên
nghĩa về sự thay thế trong chữ huper nữa. Lập luận nầy được củng cố thêm bởi sự kiện
chữ huper rõ ràng mang nghĩa sự thay thế trong những phân đoạn không liên quan
đến Sự Chuộc Tội. Có ba trường hợp rõ ràng.
(1) Trong Ro 9:3, Phaolô ước mình có thể bị rủa sả thay cho đồng bào Do Thái của
ông. Ông muốn chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời thay họ.
(2) ICo 15:29 rất có thể nói đến những người chịu báptêm để chứng tỏ họ đã gia nhập
hàng ngũ Cơ đốc thay cho những người đã chết, và do đó, có thể nói là đã chịu báptêm
thay cho (“thế chỗ cho”) người đã chết. Hiểu câu Kinh Thánh trên theo cách nầy thì đòi
hỏi chữ huper mang nghĩa sự thay thế.
(3) Dẫu có thắc mắc về hai ví dụ nêu trên, thì chắc chắn không ai thắc mắc nghĩa
“thay thế” của chữ huper trong Philêmôn 13. Ônêsim, nô lệ đã trở lại tin Chúa, ở tại
Rôma với Phaolô, và nay sắp trở về với chủ mình là Philêmôn ở Côlôse. Trong bức thơ
tuyệt vời về sự cầu thay cho Ônêsim nầy, Phaolô bảo Philêmôn: ông muốn giữ Ônêsim ở
lại Rôma thay cho (huper sou) Philimôn để giúp đỡ ông. Điều nầy chỉ có thể mang
nghĩa một người nào đó phải ở tại Rôma với Phaolô - hoặc chính Philêmôn, hoặc nô lệ
298
Ônêsim với tư cách người thay thế Philêmôn. Đương nhiên, ở đây cũng gồm cả ý “có ích
lợi” nữa, nhưng cách duy nhất có thể có ích cho Phaolô chính là có người thay thế
Philêmôn, tức Ônêsim, ở với ông tại Rôma. Nếu chữ huper mang cả hai ý nầy, tức là ý
về “có lợi ích” và “sự thay thế” trong những phân đoạn không nói đến sự chuộc tội, thì
cũng có thể mang cả hai ý nghĩa ấy trong những phân đoạn nói đến sự chuộc tội, và
thực sự là đúng như vậy. Một số ví dụ quan trọng có mang ý về sự thay thế là: Gi 11:50-
51; Ro 5:6-8; IICo 5:21; Ga 3:13; Tit 2:14; và IPhi 3:18.

Tóm lại: anti luôn luôn mang ý về sự tương đương, trao đổi, hay thay thế. Chữ nầy
không bao giờ mang nghĩa rộng hơn “vì cớ lợi ích của” hoặc “thay mặt cho.” Huper
mang cả hai ý đó, kể cả ý về sự thay thế trong những phân đoạn nói đến sự chuộc tội
trong Tân Ước.
C. Sự Phủ Nhận Sự Chuộc Tội Thay
Người ta thường có hai cách để cố gắng phủ nhận sức mạnh của bằng chứng nầy.
Một số người tuyên bố dầu có thể có sự chuộc tội thay trong hình ảnh này, nhưng
không được phép biến nó thành ý nghĩa chi phối trong sự chết của Đấng Christ. Vì thế,
sự thay thế bị chìm khuất giữa những ý nghĩa khác của sự chết Ngài cho đến chừng trở
thành một phần thứ yếu của khái niệm đến nỗi trên thực tế nó đã biến mất. Đây là một
ví dụ: “Sự chết của Đức Chúa Jesus là lớn hơn mọi định nghĩa, sâu sắc và thâm thúy
hơn mọi lý luận.... Sự chết của Ngài được trình bày qua biết bao nhiêu từ ngữ và phép
so sánh phong phú đa dạng, nhưng mẻ lưới ngôn từ không bao giờ nắm bắt trọn hết
được.... Dầu người ta không bao giờ đạt được một lý lẽ chung quyết về thập tự giá,
nhưng chúng ta phải liên tục tìm kiếm ý nghĩa của nó” (Frank Stagg, New Testament
Theology (Nashville: Broadman, 1962, trang 135-6).
Những người khác chỉ đơn thuần cố giải nghĩa lại sự thay thế như là luôn luôn
mang nghĩa “vì cớ lợi ích của.” Đây là một ví dụ:
“Sự thực chính là ông [Phaolô] dự định điều mà chúng ta có thể gọi là một quan
điểm “đại diện” về sự chết của Đấng Christ. Khi Phaolô viết Đấng Christ đã chết “cho”
tôi, thì thường ông không nói theo nghĩa “thay vì tôi,” nhưng là “vì ích lợi của tôi....” Vì
thế, đây không thể là vấn đề thay thế hay vấn đề “người gánh thế tội.” Đúng là trong
văn mạch khác, Phaolô có nói đến sự so sánh giá chuộc một phu tù hay giá chuộc của
một sinh tế (rất hiếm), và có gợi ý sự thay thế. Nhưng chủ đề nầy... bị chi phối bởi khái
niệm trội hẳn về việc chúng ta dự phần với Đấng Christ trong sự chết của Ngài đối với
tội lỗi và Luật Pháp.” (Amos N. Wilder, New Testament Faith for Today (New York:
Harper, 1955, trang 134).
Tác giả nầy không khảo sát bằng chứng nào về những giới từ hoặc về những câu
Kinh Thánh tôi vừa trưng dẫn.

299
Rõ ràng, theo sự dạy dỗ của chính Ngài và của phần còn lại trong Tân Ước, thì sự
chết Đấng Christ đã là sự thay thế cho tội nhân.
II. SỰ CỨU CHUỘC KHỎI TỘI LỖI
Sự cứu chuộc có nghĩa sự giải phóng nhờ một giá trả đã được thanh toán xong. Đối
với tín đồ, khái niệm nầy có ý nghĩa đặc biệt, vì giá trả là sự chết của chính Chúa.
A. Giáo Lý Cựu Ước
Có ba từ ngữ Hybálai hình thành cơ sở từ vựng cho giáo lý Cựu Ước: g’l, pdh, và
kopher. Ý chính trong g’l là bổn phận gia đình liên quan đến sự trả xong một giá. Người
bà con chuộc lại sản nghiệp có trách nhiệm phải: (a) chuộc lại sản nghiệp gia đình đã
bị đổi sở hữu chủ và (b) cưới người vợ góa chưa có con để sinh con cái lưu danh cho
người chồng quá cố của nàng. Khi không còn người anh em trai nào khác, thì trách
nhiệm nầy được nới rộng ra cho người kế tiếp trong vòng bà con (Ru 3:9).
Nghĩa của gốc pdh là nghĩa nói về giá chuộc bằng cách trả một giá mua như trong
giao dịch mua bán, và không đòi hỏi bổn phận gì từ nơi thân tộc (Xu 13:12; Dan 18:15-17).
Chữ nầy có thể mang nhiều hàm ý ân điển hơn chữ g’l, đơn giản vì người đi chuộc
không bị ràng buộc phải làm việc đó.
Nghĩa của chữ kopher chỉ về số tiền đem trả để chuộc lại một mạng sống bị tước đi
để trừng phạt (Xu 21:28; 30:12). Toàn bộ những chữ nầy có nghĩa nhất quán là giải cứu
bằng cách trả một giá. Các tình huống có thể khác nhau từ chỗ chuộc một tù nhân
trong chiến tranh, hoặc chuộc một nô lệ, chuộc một món đồ bị đem cầm, hoặc dân tộc
Ysơraên, nhưng luôn luôn nhờ trả xong một giá.
Trong Cựu Ước, ta ít thấy rõ mối liên hệ trực tiếp giữa sự cứu chuộc và tội lỗi (ngoại
trừ Thi 130:8; Es 59:20). Rõ ràng, tình trạng thiếu những tuyên bố chính thức để nêu mối
liên hệ nầy chính là do mối liên kết luôn tồn tại và hiển nhiên giữa sự cứu chuộc với tội
lỗi mà người ta thấy trong hệ thống dâng sinh tế. Vì luôn luôn nhìn thấy điều đó, nên
không cần phải thường xuyên nói đến nữa.
B. Những Từ Ngữ Của Tân Ước
1. Agorazơ. Ý cơ bản trong chữ nầy là “thường xuyên đến quảng trường (hay phố
chợ).” Kế đó, là nghĩa “mua hoặc có được tại nơi phố chợ.” Tân Ước dùng chữ nầy 24 lần
theo nghĩa thông thường của việc mua (như Mat 13:44; Lu 9:13). Bản Bảy Mươi dùng chữ
nầy với cùng nghĩa cơ bản của việc mua, tức là một cuộc giao dịch mua bán đơn giản
(như là Sa 41:57; 42:5,7).
Cách dùng theo nghĩa cứu thục học của chữ agorazơ trong Tân Ước bao gồm ba ý cơ
bản. (1) Trong công tác cứu chuộc của Đấng Christ, Ngài đã trả xong một giá mua toàn
nhân loại (IIPhi 2:1). (2) Giá nầy được tuyên bố rõ ràng là huyết Đấng Christ (Kh 5:9-10).
300
Vì chúng ta đã được mua bởi giá đó, nên chúng ta phải hầu việc Ngài (ICo 6:19-20; 7:22-
23).

2. Exagorazơ. Từ ghép nầy chỉ bổ sung thêm ý trả tiền mua ra khỏi nơi phố chợ. Hai
phân đoạn Kinh Thánh dùng từ ngữ nầy có ý nghĩa đặc biệt. Trong Ga 3:13, bản chất
thay thế của sự chết Đấng Christ nổi bật lên rõ ràng. Chúng ta đang bị rủa sả. Ngài đã
mang lấy sự rủa sả. Chúng ta đã và đang được cất bỏ sự rủa sả đó. Trong 4:5, Phaolô
tuyên bố tín đồ được hoàn toàn đem ra khỏi ách Luật Pháp.
Nhân tiện, chúng ta có thể lưu ý cách dùng thú vị của từ ghép nầy trong một phân
đoạn không nói đến sự chuộc tội, là Eph 5:16. Ở đây, tín đồ được khuyên phải “chuộc”
thì giờ, tức là mua hết nhẵn thì giờ và không dùng thì giờ đó vào những hoạt động vô
ích.
3. Peripoioumai. Chữ nầy xuất hiện duy nhất một lần trong Cong 20:28 và chỉ về Sự
Chuộc Tội của Đấng Christ. Chữ nầy có nghĩa “giữ cho an toàn” hoặc “bảo tồn.” Theo
cách dùng ở dạng trung gian giữa thể chủ động và bị động (middle voice) trong câu
Kinh Thánh nầy, nó có nghĩa là “giữ hoặc để dành cho chính mình, hoặc có được hay
kiếm được quyền sở hữu.” Vì thế, ý nầy là: Đức Chúa Trời đã thông qua huyết của
chính Con Ngài để được hội thánh làm tài sản riêng của Ngài. Một lần nữa, ý về giá đã
trả, và giá đó rõ ràng là sự chết của Đấng Christ.
4. Lutroơ. Ra từ gốc luo, nghĩa là “thả ra,” chữ nầy được dùng chỉ về việc cổi y phục
hoặc thả súc vật, thả tù nhân. Chữ nầy thường liên hệ với một giá chuộc được trả như
điều kiện phóng thích. Vì thế, nghĩa của nó là phóng thích khi nhận được một giá
chuộc.
a. Trong Bản Bảy Mươi. Số tiền chuộc tội nửa siếclơ thâu trước khi đền tạm được
xây cất chính là việc trả giá chuộc cho một người nam Ysơraên từ hai mươi tuổi trở lên
(Xu 30:11-16). Năm Hân Hỉ bao gồm sự chuộc sản nghiệp (Le 25:31-32). Sự chênh lệch
giữa số con trưởng nam nhiều hơn với số người Lêvi ít hơn đã được đền bồi bằng một
giá chuộc là mỗi người năm siếc lơ (Dan 3:46-51). Ý chính trong mọi trường hợp nầy là:
được tự do nhờ đã trả xong một giá.
b. Trong Hy văn cổ điển. Một lần nữa, nghĩa nhất quán của chữ nầy là “phóng thích
khi nhận được một giá chuộc.” Chữ nầy thường dùng về việc chuộc nô lệ hoặc tù nhân
chiến tranh.
c. Trong Tân Ước. Động từ lutroơ xuất hiện trong Lu 24:21 (nói về sự giải cứu cả dân
tộc Ysơraên); Tit 2:14; và IPhi 1:18-19 (về sự cứu chuộc cá nhân). Đặc biệt lưu ý câu Kinh
Thánh cuối, giá đã trả nầy chính là huyết của Chiên Con. Danh từ lutron chỉ xuất hiện
trong Mat 20:28 và Mac 10:45. Như đã luận đến trước đây về nghĩa của chữ anti, câu Kinh
Thánh nầy khẳng định rõ ràng về sự thay thế, và giá phải trả chính là sự chết của Đấng
301
Christ. Lutrơsis được dùng nói đến sự giải cứu toàn dân cho dân Ysơraên trong Lu 1:68
và 2:38. Trong He 9:12, hệ thống sinh tế của Cựu Ước được dùng làm bối cảnh cho sự hy
sinh một lần đủ cả của Đấng Christ. Một lần nữa, giá nầy rõ ràng là “chính huyết Ngài.”
Apolutrơsis xuất hiện 10 lần trong Tân Ước: một lần chỉ về sự giải thoát người
không thuộc về Đấng Christ (Lu 11:35), một lần theo nghĩa tổng quát chỉ về sự cứu
chuộc Cơđốc (ICo 1:30), ba lần về lai thế học (Lu 21:28; Ro 8:23; Eph 4:30), và năm lần về sự
giải cứu người chẳng tin (Ro 3:24; Eph 1:7,14; Co 1:14; He 9:14). Rõ ràng, giá đã trả chính là
sự chết của Đấng Christ. Chúng ta đã thảo luận chữ antilutron rồi trong ITi 2:6 ở phần
sự thay thế. Sự chết của Ngài đã là một giá chuộc thay thế cho tất cả mọi người.
C. Tóm Tắt Giáo Lý
Có thể tóm tắt sự cứu chuộc quanh ba ý cơ bản. (1) Người ta được cứu chuộc ra từ
(hay”khỏi”) một điều gì đó; tức là ra khỏi phố chợ, hoặc ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi. (2)
Người ta được cứu chuộc bởi một điều gì đó; tức là bởi trả xong một giá, là huyết của
Đấng Christ. (3) Người ta được cứu chuộc đến một điều gì đó; tức là đến tình trạng tự
do; và rồi họ được kêu gọi từ bỏ sự tự do đó để làm nô lệ cho Chúa, là Đấng đã cứu
chuộc họ.
III. SỰ GIẢI HÒA CHO THẾ GIAN
Sự giải hòa có nghĩa thay đổi từ chỗ thù nghịch đến chỗ hòa thuận và hòa bình giữa
hai phe. Người ta có thể được giải hòa với nhau (Mat 5:24, diallasso; ICo 7:11, katallasso),
và người ta đã được hòa giải với Đức Chúa Trời (Ro 5:1-11; IICo 5:18-21, katallasso ; Eph
2:16; Co 1:20, apokatallasso).

A. Nhu Cầu Cần Sự Hòa Giải - Vì Sao?


Vì tội lỗi nên Đức Chúa Trời và con người đang ở trong mối quan hệ thù nghịch và
đối địch nhau. Dầu điều nầy không được đề cập trong IICôrinhtô 5, nhưng được nói rõ
trong Rôma 5. Chúng ta là kẻ thù của Đức Chúa Trời (c. 12). Điều nầy chỉ về sự thù
địch của nhân loại đối với Đức Chúa Trời hay về sự thù nghịch của Đức Chúa Trời đối
với con người? Dường như là nghĩa thứ nhì, tức Đức Chúa Trời kể chúng ta là kẻ thù
của Ngài. Đây là nghĩa của chính chữ nầy trong Ro 11:28, là câu nói Đức Chúa Trời kể
dân Ysơraên là kẻ thù của Ngài. Lời Phaolô nhắc đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời
trong 5:9 đã hậu thuẫn cách giải thích những kẻ thù nầy là đối tượng của thạnh nộ
Ngài. Hẳn không còn gì nghiêm trọng hơn tình trạng ghẻ lạnh của chúng ta; và không
còn gì cấp bách hơn nhu cầu cần được thay đổi, cần được giải hòa nữa.
B. Nguyên Nhân Sự Giải Hòa - Cách Nào?
Rõ ràng, lời chứng của Tân Ước là: sự giải hòa đến bởi sự chết của Chúa Jesus (c.
10). Đức Chúa Trời đã khiến Ngài trở thành tội lỗi vì cớ chúng ta, để chúng ta có thể

302
được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus. Sự chết của Đấng
Christ thay đổi hoàn toàn tình trạng thù địch trước kia của con người trở thành tình
trạng công bình và hoàn toàn hòa hợp với một Đức Chúa Trời công bình.
C. Đối Tượng Của Sự Hòa Giải - Ai?
Có ba câu trả lời chính yếu cho câu hỏi nầy: Đức Chúa Trời được giải hòa với con
người, con người được giải hòa với Đức Chúa Trời, và cả hai được giải hòa với nhau.
Shedd dạy rằng Đức Chúa Trời được giải hòa với con người. Ông giải thích câu 10
nói con người được giải hòa với Đức Chúa Trời như thế nầy: “Tuy thế, điều nầy không
nói đến sự giải hòa chủ quan của tội nhân với Đức Chúa Trời, nhưng là sự giải hòa
khách quan của Đức Chúa Trời đối với tội nhân” (Dogmatic Theology [New York:
Scribner, 1891], 2:396). Cách lập luận để ông tuyên bố câu nầy là: vì chính cơn thạnh nộ
của Đức Chúa Trời được cất bỏ đi, nên ắt Đức Chúa Trời phải là Đấng được hòa giải. Tuy
nhiên, tạo ra sự thay đổi nơi Đức Chúa Trời thì dường như mâu thuẫn với tính bất biến
của Ngài.
Walvoord (trong tác phẩm Jesus Christ Our Lord [Chicago: Moody, 1974], trang
179-86) và nhiều người khác nữa lại quả quyết sự giải hòa chỉ tác động đến con người
mà thôi. IICo 5:19 dường như nói rõ: Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã giải hòa thế
gian với chính Ngài. Thế giới con người rõ ràng là đối tượng của sự giải hòa. Ro 5:10
đồng ý bằng cách nói chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời là
Đấng chủ động trong sự giải hòa (IICo 5:18-19), và Kinh Thánh nói con người được giải
hòa (Ro 5:10; IICo 5:20); nói như vậy có nghĩa họ được Đức Chúa Trời tác động đến. Như
thế, Kinh Thánh nói tín đồ nhận lãnh sự hòa giải. Họ là những người nhận lãnh mối
quan hệ bình an và hòa thuận do Đức Chúa Trời đem đến.” (A. Berkeley Mickelsen,
“Romans,” Wycliffe Bible Commentary [Chicago: Moody, 1962], trang 1197).
Còn một số người khác xem sự hòa giải liên quan đến cả Đức Chúa Trời lẫn con
người. Berkhof dạy Sự Chuộc Tội đã giải hòa Đức Chúa Trời với tội nhân. “Rõ ràng đây
là ý kiến chính yếu, nhưng không hàm ý chúng ta cũng không thể nói tội nhân được
giải hòa với Đức Chúa Trời.... Và ngay cả khi chúng ta nói tội nhân được giải hòa, thì
vẫn phải hiểu đây là điều thứ yếu. Chính Đức Chúa Trời được giải hòa ấy xưng công
bình tội nhân nào tiếp nhận sự giải hòa...” (Systematic Theology [Grand Rapids:
Eerdmans, 1941], trang 373).
Leon Morris, người cũng cho rằng cả con người và Đức Chúa Trời đều được giải hòa,
đã cẩn thận lưu ý:
“Khi chúng ta nói có thể nghĩ rằng Đức Chúa Trời được giải hòa với tội nhân, thì
không có nghĩa: với nhiều bất toàn khác nhau Ngài thay đổi hoàn toàn thái độ đối với
con người. Trái lại, đây là cách dọ dẫm của chúng ta để diễn tả niềm tin quyết là Ngài
303
phản ứng mạnh mẽ nhất có thể có được đối với tội lỗi dưới mọi hình thức, và con người
đã gánh sự đoán phạt của Ngài một cách xứng đáng; nhưng khi sự giải hòa được ban ra,
khi sự hòa bình được lập lại giữa con người và Đức Chúa Trời, thì sự đoán phạt đó được
cất bỏ đi, và Đức Chúa Trời không còn xem con người là đối tượng chịu cơn thạnh nộ
công bình thánh khiết, nhưng xem họ là đối tượng hưởng tình yêu và phước lành của
Ngài.” (The Apostolic Preaching of the Cross [Grand Rapids: Eerdmans, 1956], trang
221).
Những phân đoạn Kinh Thánh trọng tâm đều nói rõ con người được giải hòa với
Đức Chúa Trời. Con người là đối tượng của sự hòa giải. Tuy vậy, chủ đề nầy vẫn còn
một ý nghĩa: sau khi con người đã đích thân nhận lãnh sự giải hòa, thì có thể nói cả hai
bên - tức con người và Đức Chúa Trời - đã được giải hòa ở chỗ họ đã đến với nhau. Tuy
vậy, mối bất bình với con người và bước chủ động để đem lại sự thay đổi vẫn thuộc về
Đức Chúa Trời. Ngài đã tác động đến con người để giải hòa con người với Ngài.
D. Sự Dự Bị Và Ứng Dụng Của Sự Giải Hòa
Sự dự bị của Đức Chúa Trời cho sự giải hòa mang tính phổ thông. Nhờ sự chết của
Đấng Christ, địa vị của thế gian đã thay đổi - giờ đây con người đã có thể được cứu.
Nhưng chỉ riêng sự giải hòa thôi thì không cứu được ai, vì chức vụ giải hòa phải được
trung tín hoàn thành bằng cách rao giảng sứ điệp Tin Lành. Khi một người tin, người ấy
nhận sự giải hòa Đức Chúa Trời đã dự bị trong sự chết của Đấng Christ (c. 18-21). Thế
gian đã được giải hòa, nhưng con người cần được giải hòa. Sự giải hòa phổ thông thay
đổi địa vị thế gian từ tình trạng không thể cứu được sang tình trạng có thể cứu được. Sự
giải hòa cá nhân bởi đức tin đã thực sự đem sự giải hòa đó đến cho đời sống của cá
nhân nầy, và thay đổi địa vị của cá nhân ấy từ chỗ không cứu được sang chỗ cứu được.
Lúc đó, và duy chỉ lúc đó, các tội lỗi của người nầy mới được tha, dầu chúng đã được
đền trả xong trên thập tự giá.
Con người “đã được làm hòa với Đức Chúa Trời vì sự giải hòa của Ngài cho con
người tội lỗi được làm hòa với Ngài - được thực hiện một lần đủ cả trong Đấng Christ -
có những kết quả lâu dài. Sự giải hòa không phải chỉ áp dụng trong một khoảng thời
gian, hay cho một nhóm người, nhưng có thể áp dụng cho toàn thế gian. Bất cứ khi nào
Đạo giảng hòa được công bố ra bởi những người đã được Đức Chúa Trời giao phó, và bất
cứ lúc nào sự giải hòa được tội nhân đích thân nhận lấy, thì bất luận là ai và ở đâu đi
nữa, người ấy vẫn được Đức Chúa Trời giải hòa với chính Ngài, và sự giải hòa người nầy
có nghĩa Ngài không còn kể cho người nầy những tội lỗi người đã phạm nữa; tức Ngài
không còn kể đến tội lỗi của người nữa.” (R.V.G. Tasker, The Second Epistle of Paul to
the Corinthians [Grand Rapids: Eerdmans, 1958], trang 89).

304
Tóm tắt: Nhu cầu cần sự giải hòa cốt ở sự thù địch của Đức Chúa Trời đối với con
người tội lỗi. Đức Chúa Trời đã chủ động khởi xướng và đã giải hòa thế gian với chính
Ngài. Điều nầy được thực hiện bởi sự chết của Đấng Christ, và sự dự bị đó đã thay đổi
thế gian đến địa vị có thể cứu được trước mặt Đức Chúa Trời. Tuy thế gian đã được giải
hòa, nhưng con người cần được giải hòa bằng cách thay đổi quan điểm của mình về
Đấng Christ. Lúc đó, và duy chỉ lúc đó, tình trạng của người ấy trước mặt Đức Chúa
Trời mới được thay đổi.
IV. CỦA LỄ VÃN HỒI ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Của lễ vãn hồi (trong Bản Kinh Thánh Việt Ngữ ghi là “của lễ chuộc tội” (Ro 3:25, IGi
2:2; 4:10) - “propitiation”) nói đến việc xây bỏ cơn thạnh nộ bởi một của lễ. Đối với Cứu
Thục Học, của lễ chuộc tội nói đến việc làm nguôi giận hay là thỏa mãn cơn thạnh nộ
của Đức Chúa Trời bằng của lễ hy sinh chuộc tội của Đấng Christ.
A. Nhu Cần Của Lễ Vãn Hồi: Cơn Thạnh Nộ Của Đức Chúa Trời
Thực tế cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời làm xuất hiện nhu cầu làm nguôi cơn
thạnh nộ đó. Dầu phái thần học tự do xem ý kiến như thế là của ngoại giáo, nhưng sự
thật cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là sự dạy dỗ rõ ràng của cả Kinh Thánh Cựu Ước
lẫn Tân Ước.
1. Trong Cựu Ước. Trên 20 từ ngữ khác nhau, xuất hiện khoảng 580 lần để diễn tả
cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước (IIVua 13:3; 23:26; Giop 21:20; Gie 21:12; Exe
8:18; 16:38; 23:25; 24:13). Ở đâu có tội lỗi thì nơi đó có cớ để nhận cơn thạnh nộ của Chúa.
Tội thờ lạy hình tượng đặc biệt trêu chọc cơn thạnh nộ của Ngài (Phu 6:14; Gios 23:16; Thi
78:21; Es 66:15-17). Những ảnh hưởng của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời bao gồm sự đau
khổ nói chung (Thi 88:7), dịch hạch (Exe 14:19), giết chóc (9:8), hủy diệt (5:15), bị phó vào
tay kẻ thù (IISu 28:9), hạn hán (Phu 11:17), các tai vạ (ISa 24:1), bệnh phung (Dan 12:10), và
lưu đày (IIVua 23:26; Exe 19:12).
Những phương cách tránh cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời gồm tẩy sạch tội lỗi ( Phu
13:15-17), ăn năn (Gion 3:7,10); sự cầu thay (Thi 106:23; Gie 18:20), và chính hành động của
Đức Chúa Trời để dẹp bỏ thạnh nộ Ngài (Thi 78:38; Es 48:9).
Đồng thời, Cựu Ước cũng mô tả Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương dân sự Ngài và
khao khát mối tương giao của họ. Vì vậy, khái niệm Cựu Ước không phải là khái niệm
ngoại giáo về một Đức Chúa Trời phi lý, một Đấng đòi hỏi người ta phải xoa dịu hay lấy
lòng Ngài, nhưng là khái niệm về một Đức Chúa Trời công bình, Đấng không thể bỏ qua
tội lỗi nhưng cũng là Đấng bởi tình yêu thương dự bị nhiều phương cách để con người
tương giao với Ngài.

305
2. Trong Tân Ước. Dầu không nhắc đến thường xuyên như trong Cựu Ước, nhưng
cơn thạnh nộ trong Tân Ước là khái niệm cơ bản để bày tỏ nhu cần về của lễ chuộc tội.
Tân Ước dùng hai từ ngữ chính yếu. Chữ orge diễn đạt ý về một cơn giận lâu dài ổn
định hơn (Gi 3:36; Ro 1:18; Eph 2:3; ITe 2:16; Kh 6:16), trong khi chữ thumos diễn tả ý về
một cơn giận mãnh liệt hơn (14:10,19; 15:1,7; 16:1; 19:15). Hai chữ nầy cùng diễn tả rõ
ràng về sự thù địch của Đức Chúa Trời đối cùng tội lỗi một cách cá nhân. Cơn thạnh nộ
của Ngài không chỉ đơn thuần là kết quả chung chung, vô cảm tính và không thể tránh
khỏi của quá trình nhân quả, nhưng là một vấn đề cá nhân. Làm nguôi cơn thạnh nộ ấy
không phải là vấn đề báo thù, nhưng là vấn đề công lý, và đòi hỏi sự ban cho Con Đức
Chúa Trời làm sinh tế.
B. Sự Dự Bị Của Lễ Vãn Hồi: Sự Hy Sinh Của Đấng Christ
Phaolô rõ ràng liên kết của lễ vãn hồi với sự chết của Đấng Christ trong Ro 3:25.
Huyết Ngài (tức là sự chết Ngài) khiến Ngài trở nên của lễ vãn hồi. Trong câu nầy có
một câu hỏi giải kinh về sắc thái ý nghĩa của chữ hilasterion. Vì chữ nầy cùng hình
thức với chữ được dùng trong He 9:5, nên nhiều người hiểu chữ nầy nói Đấng Christ là
chỗ để dâng của lễ vãn hồi. Ngài đã là ngôi thi ân. Những người khác hiểu câu nầy có
nghĩa Đấng Christ là của tế lễ vãn hồi, như đã được hậu thuẫn trong He 2:17; IGi 2:2; và
4:10. Có lẽ chúng ta nên đưa vào câu Kinh Thánh nầy cả hai sắc thái nghĩa trên đây, tức
là: Chúa chúng ta đã là một của lễ vãn hồi thỏa đáng và bởi đó Ngài là nơi để dâng của
lễ vãn hồi. Để ý sự liên kết giữa tội lỗi, của lễ, huyết và của lễ vãn hồi trong những
đoạn Kinh Thánh nầy.
Những câu Kinh Thánh trong 2:2 và 4:10 nhấn mạnh chính Đấng Christ là của tế lễ
để cất bỏ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Không gọi Ngài là Đấng dâng của lễ vãn hồi
(propitiator) (lưu ý Ngài được gọi là “Cứu Chúa” trong câu 14), như thể còn chừa lại khả
năng có lẽ Ngài dùng một số phương tiện nào khác ngoài chính Ngài để làm của lễ vãn
hồi. Ngài chính là của tế lễ nầy.
C. Sự Phủ Nhận Của Lễ Vãn Hồi: Sự Dạy Dỗ Của C.H. Dodd
1. Bối cảnh của ông. C.H. Dodd (1884-1973) là mục sư của Hội Thánh Hội Chúng
Anh Quốc và là một học giả Tân Ước. Ông là giáo sư tại Manchester và Cambridge, và
sau khi về hưu, ông là tổng giám đốc hội phiên dịch quyển Kinh Thánh New English
Bible. Ông nổi tiếng chủ yếu qua tác phẩm về “lai thế học hiện thực” và kçrygma của
các sứ đồ.
2. Quan điểm của ông về của lễ vãn hồi. Quan điểm của Dodd được trình bày lần
đầu tiên trong một bài báo Journal of Theological Studies (1931,32:352-60) có nhan đề
“Hilaskesthai, Its Cognates, Derivatives, and Synonyms” (Ilaskesthai, Các Từ Cùng Gốc,
Từ Phát Sinh Và Từ Đồng Nghĩa). Về cơ bản, quan điểm của ông là thế nầy: “Cách dịch

306
chữ của lễ vãn hồi... gây hiểu sai lạc, vì gợi ý việc xoa dịu một Đức Chúa Trời đang nổi
giận, và dầu chữ nầy phù hợp với cách dùng của ngoại giáo, nhưng xa lạ với cách dùng
của Kinh Thánh.” (The Epistle of Paul to the Romans [London: Hodder and Stoughton,
1935], trang 55). Dầu trích dẫn bằng chứng tỉ mỉ của triết học và của giải kinh, nhưng
lập luận chính của ông để đưa đến kết luận nầy dường như lại là lập luận thần học. Đối
với ông, thật hạ thấp Cơ đốc giáo biết bao khi nghĩ Đức Chúa Trời có thể giận để bởi đó
cần phải được lấy lòng và xoa dịu; vì thế, phải định nghĩa chữ “làm nguôi giận”
(propitiation) theo một cách khác. Ông đề xuất chữ “đền tội” (expiation) để thay thế cho
chữ và khái niệm “làm nguôi giận.”
3. Bằng chứng của ông. Dodd trích dẫn những điểm sau đây. (1) Ít nhất hai văn
mạch ngoại giáo cung cấp ví dụ về nghĩa của chữ “đền tội” và cho thấy trong cách dùng
của ngoại giáo, các nghĩa của chữ “đền tội” và “làm nguôi giận” là mơ hồ. (2) Chữ
kipper của Cựu Ước được dịch trong Bản Bảy Mươi là “thánh hóa, thanh tẩy, loại bỏ, tẩy
uế, tha thứ,” chứ không dịch là “làm nguôi giận.” Do đó, chữ hilaskesthai cũng sẽ mang
những nghĩa kia nữa. (3) Hilaskesthai được dùng để dịch những chữ Hibálai khác nữa
như là tẩy sạch và tha thứ. (4) Khi chữ nầy được dùng để dịch cho chữ kipper, nó
không có nghĩa sự xoa dịu cơn giận, nhưng có nghĩa là cất bỏ tội.
4. Đáp Ứng. Roger Nicole đã đưa ra câu trả lời bao quát nhất và thuyết phục nhất
cho những luận điểm của Dodd (“C.H. Dodd and the Doctrine of Propitiation,”
Westminster Theological Journal, Tháng Năm 1955,17:127-48). Ông nói rằng: (a) Cách
chọn bằng chứng của Dodd quá kén chọn, vì bỏ qua nhận xét về rất nhiều từ ngữ thích
ứng; (b) ông không đưa vào được bằng chứng từ Philo và Josephus, cả hai đều hiểu chữ
“propitiation” là sự xoa dịu; (c) ông thường bỏ qua văn mạch của những phân đoạn
Kinh Thánh mà nếu xem xét cẩn thận thì chúng sẽ không hậu thuẫn các kết luận của
ông; và (d) về cơ bản, phép lập luận của ông là sai lầm khi cho rằng nghĩa gốc của một
chữ bị thay đổi hay bị mất đi chỉ vì cớ được dùng để dịch những chữ khác với những
chữ tương đương trực tiếp nhất.
Về cơ bản, trở ngại cho cách suy nghĩ của Dodd chính là ý về cơn thạnh nộ của Đức
Chúa Trời. Ông phải loại bỏ ý đó ra, và dùng phần lớn triết học để cố gắng thực hiện.
Tuy nhiên, ông không thành công cả về mặt triết học lẫn Kinh Thánh. Và Dodd cùng
nhiều người khác không thể dùng Ro 1:18; 2:5; Co 3:6; ITe 1:10; IITe 1:7-9; và Kh 6:16 để bào
chữa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông rất rộng rãi (T.W. Manson, D.M. Baillie, Vincent
Taylor, C.K. Barrett, và Bản Kinh Thánh Revised Standard Version).
D. Phân Biệt Giữa Của Lễ Vãn Hồi Và Sự Đền Tội
Như đã thấy, của lễ vãn hồi (propitiation) nói đến việc xoa dịu cơn thạnh nộ có cảm
tính và cá nhân của chính Đức Chúa Trời. Đền tội (expiation) là dẹp bỏ cơn thạnh nộ vô

307
cảm, tội lỗi hay sự phạm tội. Sự đền tội liên quan đến sự đền trả cho một tội; của lễ vãn
hồi mang thêm ý làm nguôi giận cho người bị xúc phạm, và bởi đó có kể đến vấn đề vì
sao người bị xúc phạm lại bị xúc phạm. Nói cách khác, của lễ vãn hồi có kể đến cơn
thạnh nộ của Đức Chúa Trời, còn sự đền tội có thể bỏ cơn thạnh nộ ấy ra. Nếu muốn
dùng cả hai chữ nầy cách chính xác trong mối liên quan với nhau, thì sẽ nói rằng Đấng
Christ đã dâng của lễ vãn hồi làm nguôi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời bằng cách
Ngài trở thành sự đền tội thay cho tội lỗi chúng ta.
E. Ý Thực Tiễn Quan Trọng
Nếu nhờ sự chết của Đấng Christ mà Đức Chúa Trời đã được đáp ứng thỏa đáng, thì
tội nhân có thể làm việc gì để Đức Chúa Trời được thỏa mãn? Câu trả lời ấy là: không
một việc nào cả. Mọi việc đều đã được làm trọn bởi chính Đức Chúa Trời. Tội nhân có
thể và chỉ cần nhận lãnh món quà sự công bình mà Đức Chúa Trời ban cho.
Trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết, thì hoàn toàn chính đáng để cầu nguyện
như người thâu thuế trong Lu 18:13: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót [nghĩa đen là:
“Nguyện Ngài nguôi giận với”] lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội.” Dầu sự dự bị cho mối tương
giao với Đức Chúa Trời được cung cấp dưới Luật Pháp, người nầy vẫn không thể nhờ
cậy vào của lễ chuộc tội đã hoàn tất và đời đời, là của lễ sẽ làm Đức Chúa Trời nguôi
giận một lần đủ cả. Vì thế, đó là một lời cầu nguyện hoàn toàn thích hợp cho người nầy.
Nhưng giờ đây Đấng Christ đã chết, và Đức Chúa Trời đã được đáp ứng thỏa đáng, nên
không cần phải cầu xin Ngài nguôi giận. Ngài được xoa dịu, được làm cho nguôi giận,
và được thỏa mãn đời đời. Đây là sứ điệp để chúng ta đem đến cho thế gian hư mất nầy:
Hãy tiếp nhận Cứu Chúa, là Đấng đã đem sự chết của Ngài để làm thỏa mãn cơn thạnh
nộ của Đức Chúa Trời.

308
Chương 52: MỘT VÀI KẾT QUẢ CỦA SỰ CỨU RỖI
Bảng liệt kê kết quả hoặc lợi ích của sự cứu rỗi có thể lên đến hàng trăm mục. Tôi
chỉ có ý thảo luận trong chương nầy một số vấn đề chính mà Đức Chúa Trời đã làm,
đang làm, hoặc sẽ làm dựa trên của lễ hy sinh đã hoàn tất của Đấng Christ.
I. SỰ XƯNG NGHĨA
Sự xưng nghĩa (hay sự xưng công bình) không những là một trong những lợi ích vĩ
đại từ sự chết của Đấng Christ, mà còn là giáo lý trọng tâm của Cơ đốc giáo, vì giáo lý
nầy phân biệt Cơ đốc giáo là tôn giáo của ân điển và đức tin. Và ân điển cùng đức tin là
những nền tảng cho giáo lý sự xưng công bình.
A. Ý Nghĩa Của Sự Xưng Công Bình
Xưng công bình có nghĩa là “tuyên bố là công bình.” Cả từ ngữ Hibálai (sadaq) lẫn
tiếng Hylạp (dikaioo) đều có nghĩa loan báo hay công bố một phán quyết có triển vọng
thuận lợi, tuyên bố là công bình. Khái niệm nầy không có nghĩa là “làm cho trở nên
công bình,” nhưng là “công bố sự công bình.” Đây là khái niệm của tòa án, và như vậy,
xưng công bình tức là: ra phán quyết là “công bình.” Hãy để ý sự tương phản giữa
“xưng công bình” và “lên án” trong Phu 25:1; ICácvua 8:32; và Ch 17:15. Công bố lời kết
án (định tội) không thể khiến một người trở nên kẻ gian ác thể nào, sự xưng công bình
cũng không khiến một con người trở nên kẻ công bình thể ấy. Việc kết án hay xưng
công bình công bố ra tình trạng đúng hiện thực của người ấy. Tại lúc công bố phán
quyết kết án thì kẻ gian ác đã là gian ác rồi. Tương tự, khi phán quyết xưng công bình
được tuyên bố ra thì người công bình đã là công bình rồi.
B. Vấn Nạn Trong Sự Xưng Công Bình
Vì đây là một ý niệm thuộc về tòa án, nên sự xưng công bình liên quan đến khái
niệm xem Đức Chúa Trời là Quan Án. Chủ đề nầy được tìm thấy trong suốt Kinh Thánh.
Ápraham công nhận Đức Chúa Trời là Quan Án của toàn thế gian, là Đấng phải thực
hiện lẽ phải (Sa 18:25). Trong bài ca của Môise, đức công bình chánh trực của Đức Chúa
Trời đã được thuật lại (Phu 32:4). Phaolô gọi Đức Chúa Trời là Quan Án công bình (IITi
4:8). Tác giả thơ Hêbơrơ gọi Đức Chúa Trời là quan án của mọi người, và Giacơ nhắc nhở
độc giả rằng Đấng Đoán Xét đứng trước cửa (Gia 5:9).
Nếu Đức Chúa Trời là Quan Án không hề bất công và Ngài hoàn toàn công bình
trong mọi quyết định, thì làm sao Ngài có thể tuyên bố một tội nhân là công bình? Và
hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Chỉ có ba phương án cho Đức Chúa Trời khi tội nhân
đứng trước tòa án Ngài. Ngài phải định tội họ, hoặc thỏa hiệp sự công bình của chính
Ngài để tiếp nhận họ cùng với thực trạng của họ, hoặc Ngài có thể biến đổi họ thành
những người công bình. Nếu Ngài thực hiện phương án thứ ba, thì Ngài có thể công bố

309
họ là công bình, và đây là sự xưng công bình. Nhưng bất cứ sự công bình nào mà tội
nhân nhận được thì cũng đều phải là một sự công bình thật sự, chứ không phải là sự
công bình bịa đặt ra; là thực tế chứ không là do tưởng tượng ra; đúng theo tiêu chuẩn
của Đức Chúa Trời, và không phải là một lượng bị thiếu. Nếu có thể thực hiện được điều
nầy, thì lúc đó, và duy chỉ lúc đó, Ngài mới có thể xưng công bình.
Gióp đã trình bày chính xác vấn nạn nầy khi hỏi: “Làm thế nào cho loài người được
công bình trước mặt Đức Chúa Trời?” (Giop 9:2).
C. Phương Thức Tiến Hành Sự Xưng Công Bình (Ro 3:21-26)
Đức Chúa Trời thực hiện phương án thứ ba: Ngài thay đổi tội nhân thành người
công bình. Bằng cách nào? Bằng cách khiến chúng ta trở thành sự công bình của Đức
Chúa Trời trong Đấng Christ (IICo 5:21), khiến nhiều người trở nên công bình (Ro 5:19),
ban sự công bình cho những người tin. Có năm bước trong tiến trình thực hiện phương
cách nầy, như đã nêu chi tiết trong đoạn Kinh Thánh trọng tâm về sự xưng công bình,
là Ro 3:21-26.
1. Kế hoạch (Ro 3:21). Kế hoạch ban sự công bình cần có này của Đức Chúa Trời
được tập trung vào Chúa Jesus Christ. Kế hoạch nầy tách biệt khỏi Luật Pháp. Cấu trúc
nầy không có một điều khoản nào, cho thấy không những tách biệt khỏi Luật Pháp
Môise, là luật không thể cung cấp sự công bình đó (Cong 13:39), mà còn khỏi mọi vấn đề
phức tạp của pháp lý. Kế hoạch nầy đã được biểu hiện (hình thức thụ động hoàn toàn)
tại Sự Nhập Thể của Đấng Christ, và những ảnh hưởng của sự can thiệp vĩ đại đó trong
lịch sử vẫn tiếp diễn. Kế hoạch đó được làm chứng không ngừng bởi Luật Pháp và Các
Đấng Tiên Tri, là những người đã làm chứng về sự hiện đến của Đấng Mêsia ( IPhi 1:11).
Bởi vậy, kế hoạch nầy tập trung vào một Đấng.
2. Điều kiện tiên quyết (Ro 3:22). Sự công bình đến bởi đức tin nơi Chúa Jesus Christ
là Đấng được bày tỏ ra giờ đây. Tân Ước không hề nói chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin
(là điều đòi hỏi phải có chữ dia ở dạng đối cách (accusative - túc từ trực tiếp). Tân Ước
luôn luôn làm cho đức tin trở thành ống dẫn để qua đó chúng ta nhận được sự cứu rỗi
(dia ở sở hữu cách). Nhưng đương nhiên, đức tin phải có một đối tượng đúng thì mới có
hiệu quả, và đối tượng của đức tin cứu rỗi chính là Đức Chúa Jesus Christ.
3. Giá phải trả (Ro 3:24-25). Rõ ràng, giá trả phải trả chính là huyết của Đấng Christ.
Đối với Ngài, đây là giá lớn nhất. Các ích lợi đến cho chúng ta cách nhưng không (cũng
chính chữ nầy được dịch là “vô cớ” trong Gi 15:25), có nghĩa là không có nguyên cớ gì
nơi chúng ta, và như vậy là bởi ân điển Ngài.
4. Địa vị. Khi một cá nhân tiếp nhận Đấng Christ, họ được đặt vào trong Đấng
Christ. Đây chính là điều khiến họ được công bình. Chúng ta được làm nên sự công
bình của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Duy một mình sự công bình nầy mới vượt
310
qua được tình trạng tội lỗi và tuyệt vọng của chúng ta, và đáp ứng được mọi đòi hỏi của
sự thánh khiết Đức Chúa Trời.
5. Tuyên bố (Ro 3:26). Sự công bình của Đấng Christ - là điều chúng ta có được -
không những đáp ứng được những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, mà còn đòi hỏi Đức Chúa
Trời phải xưng công bình chúng ta nữa. Chúng ta thực sự công bình, chứ không phải là
do bịa đặt ra; do đó, Đức Chúa Trời thánh khiết vẫn công bình và có thể xưng công bình
cho ai tin Chúa Jesus Christ.
Vì vậy, không ai lên án được sự chọn lựa của Đức Chúa Trời, vì chúng ta đang ở
trong Đấng Christ, và công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Và đây là nguyên nhân Ngài
có thể xưng công bình chúng ta.
D. Bằng Chứng Của Sự Xưng Công Bình
Sự xưng công bình được chứng minh bởi sự thanh sạch cá nhân. “Vì ai đã chết thì
được thoát [nghĩa đen là “được xưng công bình”] khỏi tội lỗi” (Ro 6:7). Chúng ta được tha
bổng khỏi tội lỗi, nên tội lỗi không còn quyền thống trị chúng ta nữa. Sự xưng công
bình trước tòa án Đức Chúa Trời được chứng tỏ bởi sự thánh khiết của đời sống trên đất
nầy trước tòa án con người. Đây là quan điểm của Giacơ khi viết chúng ta được xưng
công bình bởi việc làm (Gia 2:24). Đức tin không có kết quả thì không phải là đức tin
thật; Vì vậy, con người chúng ta ra sao ở trong Đấng Christ sẽ được thể hiện qua con
người của chúng ta trước mặt loài người. Đức tin và việc làm giống như tấm vé hai
phiếu để đi thiên đàng. Phiếu “việc làm” thì không có giá trị cho đi qua, còn phiếu “đức
tin” thì không hiệu lực nếu bị tách khỏi việc làm.
Thêm một ý cuối: sự xưng công bình bảo đảm cho chúng ta được hòa thuận với Đức
Chúa Trời (Ro 5:1). Mối quan hệ của chúng ta với Ngài là công bình, hợp pháp và đời đời.
Sự xưng công bình nầy hình thành nền tảng chắc chắn để được hòa thuận với Ngài.
II. SỰ ĐOÁN XÉT BẢN TÁNH TỘI LỖI
Lợi ích rất quan trọng thứ nhì của sự chết Đấng Christ liên kết sự chết Ngài với sự
đoán xét bản tánh tội lỗi của tín đồ (Ro 6:1-14). Chúng ta đã thấy sự xưng công bình sẽ
được nhìn thấy qua đời sống thánh khiết; và cũng giống như cơ sở cho sự xưng công
bình, cơ sở cho đời sống thánh khiết nầy là sự chết của Đấng Christ.
Trong đoạn trước, Phaolô dùng một cụm từ đáng ngạc nhiên: “sự ban cho của sự
công bình” (5:17). Điều nầy làm nảy sinh thắc mắc trong 6:1. Nếu sự công bình là một
sự ban cho, vậy cứ tiếp tục ở trong tội lỗi để cho ân điển càng thêm dư dật há không tốt
hơn sao? Nếu sự cứu rỗi là bởi việc làm, thì chẳng bao giờ có câu hỏi nầy, vì người ta
hẳn sẽ cứ việc làm lành để được cứu rỗi. Nhưng nếu sự cứu rỗi là nhờ ân điển, thì liệu
không thể phạm tội tùy thích sao, và không phải tình trạng nầy sẽ thực sự bày tỏ ân

311
điển càng nhiều hơn sao? Phaolô giải đáp thắc mắc nầy bằng câu trả lời “Không” rất
mạnh mẽ. Ông nêu hai nguyên nhân vì sao một người được xưng công bình rồi sẽ
không tiếp tục phạm tội.
A. Sự Đoán Xét Giải Thoát Chúng Ta Khỏi Địa Phận Của Tội Lỗi (Ro 6:2-10)
1. Sự hoàn thành việc nầy (Ro 6:2-4). Được hiệp làm một với sự chết và sự sống lại
của Đấng Christ chính là thực sự hoàn tất việc di chuyển chúng ta từ địa phận của sự
sống cũ sang địa phận sự sống mới. Như vậy, chết đối với tội lỗi không còn là hy vọng
nhưng trở thành một thực tế, vì Đấng Christ ngày trước đã chết đối với tội lỗi và chúng
ta đã được liên hiệp với Ngài trong sự chết đó bởi phép báptêm.
Chết có nghĩa là sự phân cách, chứ không phải là sự tiêu diệt. Vì vậy, chết đối với
tội lỗi trong phân đoạn nầy có nghĩa phân cách khỏi địa phận hay vương quốc của tội
lỗi, nhưng không có nghĩa diệt bỏ hiện diện của tội lỗi. Phép báptêm có nghĩa là sự liên
hiệp hay sự đồng nhất hóa với một người nào đó hoặc một điều gì đó. Ở đây, phép
báptêm chỉ về sự đồng nhất hóa (hay còn gọi là sự hiệp làm một) của chúng ta với Đấng
Christ trong sự chết Ngài, để chúng ta được phân cách khỏi quyền lực của tội. Phép
báptêm ở đây không thể chỉ về một nghi lễ hay thậm chí một thánh lễ, nhưng trái lại,
nói đến sự hiệp nhất trong quan hệ với Chúa (tương tự như dân Ysơraên được hiệp nhất
trong mối quan hệ với Môise khi vượt qua Biển Đỏ, ICo 10:2). Nghi lễ báptêm hay phép
báptêm bằng nước minh họa sự hiệp nhất, nhưng không thể hoàn thành việc đó. Vì thế,
phép báptêm nầy hiệp nhất chúng ta với sự chết của Đấng Christ đối với tội lỗi (tức
phân cách khỏi lãnh địa của tội lỗi), hiệp nhất với sự chôn của Ngài (để chứng minh dứt
khoát sự chết của Ngài là hiện thực), và với sự sống lại của Ngài (để ban cho chúng ta
sự sống tươi mới).
2. Những điều cặp theo (Ro 6:5-10). Sự hiệp làm một với Đấng Christ trong sự chết
Ngài đối với tội lỗi đem lại (a) sự kết hiệp với Ngài trong sự sống phục sinh (c.5), (b) sự
tiêu diệt bản ngã cũ (c.6), và (c) sự giải thoát khỏi quyền cai trị của tội lỗi (c.7). Thì
tương lai trong câu 5 cho thấy điều phải xảy ra không thể tránh khỏi (như trong Ga 6:5).
Như vậy, nó chỉ về sự sống lại để đến một nếp sống thuộc linh mới, chứ không phải sự
sống lại của thân thể chúng ta trong tương lai. Con người cũ trong Ro 6:6 liên quan đến
chỗ của chúng ta trong sự tạo dựng cũ dưới quyền thống trị của tội lỗi và sự chết. Dầu
được đem ra khỏi lãnh địa đó rồi, trật tự cũ vẫn tìm cách thống trị qua con người cũ
(Eph 4:22) khi nó cố gắng tự thể hiện, dùng thân thể làm phương tiện của tội lỗi (mà có
thể đây là ý nghĩa của “thân thể của tội lỗi”). Về cách dùng tương tự và thông tin của
“bị tiêu diệt” trong Ro 6:6, xin xem He 2:14, là câu liên hệ sự chết của Đấng Christ với sự
phá diệt quyền lực của Satan.
B. Sự Đoán Xét Giải Thoát Chúng Ta Khỏi Quyền Thống Trị Của Tội Lỗi (Ro 6:11-14)

312
Giờ đây, Phaolô dựa trên sự chết của Đấng Christ đối với tội lỗi để khuyên nài tín đồ
không sống dưới quyền thống trị của tội lỗi. Lời kêu gọi nầy gồm việc kể (c.11), từ chối
(c.12), và dâng (c.13). Việc “kể” có nghĩa là tính toán, tính tổng cộng chân lý của các sự
kiện được nêu ra trong các câu 1-10, để rồi làm đúng theo đó. Ngoài ra chúng ta còn
phải từ chối vâng theo những tư dục xấu của tội lỗi, và dâng chính mình - gồm cả mọi
chi thể trong thân chúng ta - cho Đức Chúa Trời sử dụng. Những cụm từ nầy đều kêu
gọi đoạn tuyệt dứt khoát và khẩn cấp với sự sống cũ.
Godet tổng hợp toàn bộ những ý nầy rất hay khi viết như sau:
“Sự đoạn tuyệt của Cơ đốc nhân với tội lỗi rõ ràng được thực hiện dần dần, nhưng
về nguyên tắc thì mang tính tuyệt đối và dứt khoát. Để đoạn tuyệt với bạn cũ mà ảnh
hưởng xấu của họ vẫn còn trên mình, thì những biện pháp nửa vời là không đủ, và
phương cách hiệu nghiệm duy nhất là: đưa ra lời giải thích thẳng thắn, tiếp đó là tuyệt
giao hoàn toàn với những gì còn lại, giống như lo dựng lên một rào chắn từ trước để
ngăn chặn mọi khẩn khoản níu kéo mới. Cũng vậy, để đoạn tuyệt với tội lỗi, cần phải có
một hành động dứt khoát và triệt để, một việc làm thiên thượng để chiếm hữu tâm hồn
nầy, và từ đó trở đi chặn ngang giữa ý chí của tín đồ đó với tội lỗi (Ga 6:14). Việc làm
thiên thượng nầy tất nhiên phải thực hiện qua việc làm của đức tin nơi sự hy sinh của
Đấng Christ.” (F. Godet, Commentary on Romans (Edinburgh: T. & T. Clark, không rõ
năm xuất bản, 1:404).
III. CƠ SỞ CHO MỐI TƯƠNG GIAO GIA ĐÌNH CỦA TÍN ĐỒ
Để hiểu mối tương giao gia đình của tín đồ, còn phân đoạn Kinh Thánh nào căn bản
hơn IGi 1:5-10. Trong đoạn này, Giăng đưa ra những nguyên tắc sống còn cho nếp sống
hàng ngày của Cơ đốc nhân, và mối tương giao nầy được đặt nền tảng trên sự chết của
Đấng Christ (c.7). Vì thế, một lợi ích nữa của sự chết Ngài ấy là: ban cho sự vui hưởng
mối thông công bên trong gia đình của Đức Chúa Trời.
Phương diện nầy chỉ về mối thông công trong gia đình, chứ không phải sự xưng
công bình ban đầu, và điều nầy dường như rõ ràng khi lập lại đến 16 lần những đại từ
“chúng ta” (cả ở dạng chủ từ lẫn túc từ) trong 6 câu Kinh Thánh nầy. 2:1 cũng tiếp tục
đề tài nầy, và nói rõ ràng cho tín đồ. Đương nhiên, sự cứu rỗi đem đến sự tha thứ trọn
vẹn, hoàn chỉnh và đời đời (Eph 1:7), nhưng Cơ đốc nhân có phạm tội, nên bởi đó cần
được tha tội không ngừng để hưởng được sự thông công trong các mối quan hệ gia
đình. Một số người không chấp nhận điều nầy là cần thiết, họ tuyên bố: Vì Cơ đốc nhân
được tha thứ rồi, nên không cần cầu xin điều mình có rồi. (Về bài phê bình xuất sắc
khái niệm nầy, xem Zane Hodges, “Fellowship and Confession in 1John 1:5-10,”
Bibliotheca Sacra, Tháng Giêng 1972,129:48-60). Nhưng tín đồ thực sự cần được tha tội
và cần cầu xin sự tha tội (xem Lu 11:4; IICo 2:10; Eph 4:32; Co 3:13).

313
Cần những điều kiện nào để hưởng được mối thông công trong gia đình? Có hai
điều kiện: làm theo đúng tiêu chuẩn của sự sáng, và xưng tội. Đức Chúa Trời là sự sáng
- là tiêu chuẩn mà bất cứ ai trong thân thể hay chết nầy cũng không đáp ứng nổi, vì
thế, tạ ơn Chúa vì đó không phải là điều kiện đòi hỏi. Điều kiện chính là chúng ta phải
bước đi trong sự sáng. Việc nầy đặt chúng ta vào trong cùng một lãnh vực đạo đức như
Đức Chúa Cha, để chúng ta có thể chia xẻ mối thông công. Điều kiện nầy được điều
chỉnh thích nghi với mỗi tín đồ, vì bất luận tình trạng trưởng thành của tín đồ đó có ra
sao đi nữa, người ấy vẫn nhận được một lượng ánh sáng nào đó từ nơi Lời Chúa để phải
đáp ứng. Vì vậy, mối thông công lớn lên khi vòng sự sáng đó lớn lên.
Đương nhiên, không phải lúc nào đáp ứng cũng đến tiếp liền. Tội lỗi xâm nhập và
cần phải xưng tội để khôi phục mối thông công. Xưng tội là gì? Đó là nói ra chính điều
mà Đức Chúa Trời nói về tội lỗi. Đó là có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về tội lỗi
ấy. Việc nầy phải bao gồm không chỉ nhắc lại tội lỗi đó, vì quan điểm của Đức Chúa
Trời còn bao gồm cả việc từ bỏ tội lỗi đó nữa. Do đó, xưng tội bao gồm cả thái độ từ bỏ
tội lỗi đó.
Sự xưng tội cách cá nhân với Chúa luôn luôn là điều cần thiết để khôi phục mối
thông công. Còn sự xưng tội công khai thì sao? Điều đó còn tùy thuộc. Có những ví dụ
Kinh Thánh nói về sự xưng tội công khai (Gia 5:16 nêu ra lời khuyên bảo chung, và Cong
19:18 nêu ví dụ cụ thể). Tội lỗi công khai sẽ đòi hỏi xưng tội công khai. Nhiều năm
trước, tôi có dịp thảo luận vấn đề nầy với một thánh đồ cao tuổi. Ông cho tôi hai nguyên
tắc quý giá chi phối sự xưng tội công khai. (1) Phải biết chắc chắn Đức Chúa Trời đang
thúc giục bạn xưng tội công khai. Satan, cảm xúc, hoặc áp lực của công chúng cũng có
thể thôi thúc bạn làm một việc nào đó mà nó không đến bởi Chúa. (2) Trước khi nói
điều gì, hãy xét xem điều đó có gây dựng đức tin cho những người nghe hay không, vì
cớ trước mặt hội chúng, mọi việc đều phải được thực hiện nhằm gây dựng đức tin.
Khi chúng ta xưng tội với Đức Chúa Cha, Ngài là Đấng đáng tin cậy và công bình để
tha thứ và khôi phục chúng ta trở về mối thông công gia đình. Dầu chúng ta có cảm
nhận được như vậy hay không, đây vẫn là sự thật. Và hãy lưu ý: Ngài làm việc nầy do
sự chết của Đấng Christ, Đấng đã làm của lễ vãn hồi cho chúng ta (IGi 2:1-2).
IV. SỰ CUỐI CÙNG CỦA LUẬT PHÁP
Một ích lợi khác nữa từ sự chết của Đấng Christ là sự khai mạc nguyên tắc “đức tin
- sự công bình” để thay thế cho nguyên tắc “luật pháp - việc làm.” Tuy nhiên, có thể
hiểu lời Phaolô tuyên bố trong Ro 10:4 “Đấng Christ là sự cuối cùng của Luật Pháp” biểu
thị hoặc sự kết thúc, hoặc mục đích. Nói cách khác, hoặc là Đấng Christ chấm dứt Luật
Pháp, hoặc mục đích sự hiện đến của Đấng Christ là để làm trọn Luật Pháp (Mat 5:17).
Tuy nhiên, dường như rõ ràng nghĩa trong văn mạch nầy là sự chấm dứt do có sự tương

314
phản (bắt đầu từ 9:30) giữa Luật Pháp với sự công bình của Đức Chúa Trời. Lập luận
tiếp đó của Phaolô không phải là vấn đề người Do Thái bất toàn và cần Đấng Christ
hiện đến để làm cho địa vị của họ được trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng lập
luận của ông là địa vị của họ dưới nguyên tắc “luật pháp - việc làm” là hoàn toàn sai
trật, vì đã tìm cách thiết lập sự công bình nhờ nỗ lực riêng của con người thay vì tiếp
nhận sự công bình do Đức Chúa Trời ban cho. Dầu đúng là Chúa chúng ta đã làm trọn
Luật Pháp, nhưng phân đoạn nầy không dạy điều đó. Đúng hơn, phân đoạn nầy dạy
Ngài đã chấm dứt Luật Pháp, đã ban phương cách mới và sống động để đến với Đức
Chúa Trời.
A. Bản Chất Của Luật Pháp
Đương nhiên Luật Pháp mà Chúa chúng ta chấm dứt là Luật Pháp Môise, theo như
sự tương phản trong phân đoạn Kinh Thánh ở đây. Để triển khai tầm quan trọng của lợi
ích nầy từ công tác của Đấng Christ, trước tiên cần xác định một số nét đặc trưng của
Luật Pháp Môise.
1. Luật Pháp Môise đã là một đơn vị. Nói chung, Luật Pháp được chia thành ba
phần: phần về đạo đức, về lễ nghi, và về pháp luật. Mười Điều Răn hợp thành phần luật
đạo đức (Xu 34:28). Những sự đoán xét bắt đầu từ 21:2, và bao gồm danh sách nhiều
trách nhiệm khác nhau với những sự đoán xét kèm theo cho những người phạm tội.
Phần về lễ nghi bắt đầu từ 25:1 và quy định sinh hoạt thờ phượng của Ysơraên. Dầu
cách chia ba phần nầy hầu như được chấp nhận phổ thông trong thần học Cơ đốc,
nhưng dân Do Thái hoặc không công nhận, hoặc ít ra cũng không quả quyết điều nầy.
Trái lại, họ chia 613 mạng lịnh của Luật Pháp thành mười hai họ điều răn, rồi kế tiếp
chia nhỏ thêm thành mười hai họ mạng lịnh tích cực và thêm mười hai họ mạng lịnh
tiêu cực. Những mạng lịnh cụ thể được chia vào các loại khác nhau nầy đã được rút ra
từ nhiều nơi trong Luật Pháp, vì Luật Pháp đã được xem như một đơn vị.
Khi để ý những hình phạt kèm theo những mạng lịnh nhất định thì càng thấy rõ
thêm sự nhấn mạnh vào đặc điểm thống nhất như một đơn vị của Luật Pháp. Khi mạng
lịnh phải giữ ngày Sabát (một trong “các điều răn”) bị vi phạm bởi người đi lượm củi
trong ngày đó, thì hình phạt là ném đá chết (Dan 15:32-36). Khi dân sự Ysơraên vi phạm
mạng lịnh về Năm Sabát cho đất (một trong những “sự đoán xét”), Đức Chúa Trời đã
cho họ lâm vào Cảnh Phu Tù và nhiều người đã chết nơi đó (Gie 25:11). Khi Nađáp và
Abihu dâng lửa lạ trước mặt Đức Giêhôva (một trong những “thánh lễ”) họ đã chết tức
khắc (Le 10:1-7). Rõ ràng, những mạng lịnh từ nhiều phần khác nhau của Luật Pháp trên
đây đều mang tính ràng buộc như nhau, và hình phạt cũng nghiêm khắc như nhau.
Luật Pháp là một đơn vị.

315
Giacơ đã tiếp cận Luật Pháp như một đơn vị. Ông phê phán tình trạng thiên vị, vì vi
phạm luật pháp “yêu thương kẻ lân cận như mình,” và ông bảo nội chỉ một vi phạm
nầy thôi cũng đủ khiến những người nầy phạm cả Luật Pháp (Gia 2:8). Chắc chắn là ông
không thể kết luận như vậy nếu Luật Pháp không phải là một đơn vị.
2. Luật Pháp đã được ban cho Ysơraên. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều nhất trí điều
nầy (Le 26:46; Ro 9:4). Hơn nữa, Phaolô so sánh người Do Thái - là người đã nhận được
Luật Pháp - với người ngoại bang không nhận được Luật Pháp (2:14).
B. Sự Cuối Cùng Của Luật Pháp
Giáo Hội Nghị Giêrusalem đã giải quyết xong vấn đề nầy từ sớm và thật rõ ràng
(Cong 15). Khi tranh luận liệu phép cắt bì có cần thiết để được cứu rỗi hay không, Giáo
Hội Nghị trả lời mạnh mẽ là “Không!” Phierơ mô tả Luật Pháp là cái ách không thể
mang nổi. Khi các lãnh đạo viết thơ cho tín hữu ngoại bang để kiềm chế tự do của họ
trong những vấn đề gây vấp phạm cho tín đồ Do Thái, thì họ đã không cố đặt tín đồ
dưới Luật Pháp (là điều hẳn sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng), vì biết Luật Pháp đã
chấm dứt.
Trong IICo 3:7-11, Phaolô còn nói cụ thể phần Luật Pháp được viết trên các bảng đá
(tức Mười Điều Răn) đã bị bỏ đi. Ông dám gọi phần luật đạo đức của Luật Pháp là chức
vụ của sự chết và chức vụ của sự định tội, nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Luật Pháp nầy
đã được thay thế bởi Giao Ước Mới, là giao ước đem lại sự sống và sự xưng công bình.
Trong He 7:11-12, trước giả chứng minh chức tế lễ của Mêchixêđéc trổi hơn chức tế
lễ của Arôn. Ông kết luận nếu chức tế lễ của Arôn hay của người Lêvi đem được sự trọn
lành đến cho dân sự, thì đâu còn cần chức tế lễ khác theo ban Mênchixêđéc. Và sự thay
đổi chức tế lễ đó bắt buộc phải có sự thay đổi trong Luật Pháp. Nói cách khác, nếu Luật
Pháp không bị bãi bỏ, thì chức tế lễ của người Lêvi cũng không bị bãi bỏ, và Đấng
Christ không phải là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta ngày nay. Nhưng nếu
Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, thì Luật Pháp không thể hành
động và ràng buộc trên chúng ta nữa.
C. Vấn Nạn Nảy Sinh
Nếu Đấng Christ đã chấm dứt Luật Pháp, vậy tại sao Tân Ước đưa một số luật lệ
trong Luật Pháp Môise vào trong phần luân lý của Tân Ước? Làm sao đơn vị nầy chấm
dứt nhưng những chi tiết trong đó vẫn còn ràng buộc trên Cơ đốc nhân được? Nếu Tân
Ước bao gồm toàn bộ Mười Điều Răn, câu trả lời sẽ rất đơn giản: Luật Pháp đạo đức vẫn
tiếp tục trong khi phần còn lại đã kết thúc. Nhưng Tân Ước chỉ đưa vào chín trong số
mười Điều Răn, và còn làm cho giải pháp đơn giản trở nên phức tạp hơn bằng cách đưa
vào một số luật lệ từ những phần không thuộc vào phần đạo đức của Luật Pháp (Ro 13:9;
Gia 2:8).

316
D. Những Giải Pháp Gợi Ý Cho Vấn Nạn Nầy
1. Giải pháp của Calvin. Calvin dạy rằng sự bãi bỏ Luật Pháp nói đến việc giải
phóng lương tâm khỏi sự sợ hãi và việc đoạn tuyệt với những nghi lễ của Do Thái giáo.
Ông phân biệt giữa Luật Pháp đạo đức - mà ông nói là chỉ bị bãi bỏ trong ảnh hưởng
định tội người ta - với Luật Pháp về lễ nghi - mà ông nói là đã bị bãi bỏ cả những ảnh
hưởng lẫn cách sử dụng. Khi thảo luận IICôrinhtô 3, ông chỉ phân biệt tổng quát giữa
sự chết với sự sống của Giao Ước cũ và Giao Ước mới. Ông giải nghĩa rất kỹ về Mười
Điều Răn, nhưng không xem ngày Chúa Nhật là sự tiếp nối cho ngày Sabát (như trong
Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Westminster Confession đã nói). Nói cách khác, Calvin cũng
như nhiều người theo ông đã xem một phần chứ không phải là toàn bộ Luật Pháp đã
chấm dứt, và Mười Điều Răn còn ràng buộc trên tín đồ ngày nay, ngoại trừ điều răn về
ngày Sabát thì ông hiểu theo nghĩa bóng (Institutes, II, XI, 4 và II, VII, 33). Rõ ràng, giải
pháp nầy không thực sự giải quyết nan đề.
2. Giải pháp của Murray. John Murray nói rõ Mười Điều Răn đã bị bãi bỏ, nhưng
xem chúng được áp dụng theo một ý nghĩa nào đó sâu sắc hơn, bất luận là nghĩa gì.
Ông viết: “Vì cớ đó, sự bãi bỏ những quy định nầy xảy ra trùng với sự hiểu biết sâu
nhiệm hơn về tính thiêng liêng của Mười Điều Răn. Chính dòng tư tưởng nầy cũng phải
được áp dụng cho điều răn thứ tư. Bãi bỏ những quy định nào đó của Luật Môise
chăng? Đúng vậy! Nhưng việc nầy tuyệt đối không ảnh hưởng đến tính thiêng liêng của
Điều Răn cũng như tính tuân giữ nghiêm nhặt, là phần bổ sung cho tính thiêng liêng
đó.” (Collected Writings (Carlisle, Pa.: Banner of Truth Trust, 1976,1:212).
3. Giải pháp gợi ý của tôi. Giải pháp duy nhất (mà tôi chưa thấy ai nêu ra) dường
như đánh giá đầy đủ được ý nghĩa rõ ràng của những câu Kinh Thánh khác nhau nầy
ấy là phân biệt giữa một bộ luật với các điều răn có trong bộ luật đó. Luật Pháp Môise là
một trong rất nhiều bộ luật về lối cư xử đạo đức mà Đức Chúa Trời đã ban trong suốt
lịch sử nhân loại. Bộ luật đặc biệt nầy có 613 điều luật. Cũng còn những bộ luật khác
nữa. Ađam đã sống dưới các luật lệ, và toàn bộ những luật nầy có thể gọi là bộ luật của
Ađam hay luật của Êđen. Nôê được xem là vâng giữ luật lệ của Đức Chúa Trời, vì vậy có
một bộ luật Nôê. Chúng ta biết Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều mạng lịnh và luật lệ cho
Ápraham (Sa 26:5). Có thể gọi chúng là bộ luật Ápraham. Bộ luật Môise chứa đựng mọi
luật của Luật Pháp. Và ngày nay, chúng ta sống dưới luật pháp của Đấng Christ (Ga 6:2)
hay luật pháp của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ (Ro 8:2). Bộ luật nầy chứa
đựng hàng trăm điều luật được ghi lại trong Tân Ước.
Luật Pháp Môise đã bị bãi bỏ ở tính toàn vẹn như một bộ luật của nó. Nó đã bị thay
thế bởi Luật pháp Đấng Christ. Luật Pháp Đấng Christ chứa đựng một số mạng lịnh mới
(ITi 4:4), một số mạng lịnh cũ (Ro 13:9), và một số mạng lịnh tu chính (Ro 13:4, nói về án
tử hình). Toàn bộ các luật lệ của bộ luật Môise đã bị bãi bỏ bởi vì bộ luật đã bị bãi bỏ.

317
Những mạng lịnh cụ thể nào của luật Môise có mặt trong bộ luật Đấng Christ, thì
chúng có ở đó không phải vì chúng là sự tiếp tục của một phần luật Môise, hay để cho
người ta phải tuân giữ theo một ý nghĩa sâu sắc hơn, nhưng là do được kết hợp cụ thể
vào bộ luật của Đấng Christ, và như vậy chúng ràng buộc trên Cơ đốc nhân ngày nay.
Một luật nào đó thuộc trong bộ luật Môise thì bị bãi bỏ; cũng chính luật đó, nếu là một
phần trong luật pháp của Đấng Christ, thì phải vâng giữ theo. Cần phải nói ra cả hai lẽ
thật nầy để khỏi phải viện cách giải nghĩa không theo nghĩa đen cho IICôrinhtô 3 hay
Hêbơrơ 7 và để khỏi viện đến những kiểu vặn vẹo nào đó của thần học để giữ lại một
phần Luật Pháp Môise.
Minh họa cho ý nầy: Khi con trẻ trưởng thành, thì cha mẹ chúng lập ra nhiều bộ
luật khác nhau. Một số những mạng lịnh nầy có thể xuất hiện trong những bộ luật
khác nhau đó. Nhưng khi bộ luật mới có hiệu lực, thì bộ luật cũ bị bãi bỏ. Luật Pháp
Môise cũng bị bãi bỏ giống như vậy khi Chúa chúng ta trở nên sự cuối cùng của Luật
Pháp để ban sự công bình cho mọi người nào tin.
V. SỰ NHẬN LÀM CON
Việc nhận chúng ta làm con trong gia đình Đức Chúa Trời là một lợi ích khác nữa từ
sự chết của Đấng Christ.
A. Ý Nghĩa Sự Nhận Làm Con
Sự nhận làm con là một việc làm của Đức Chúa Trời, để đặt tín đồ vào trong gia
đình Ngài với tư cách một người lớn. Ngược lại, sự tái sanh nhấn mạnh ý bước vào
trong gia đình Đức Chúa Trời với tư cách một trẻ sơ sinh kèm theo nhu cầu cần được
lớn lên và phát triển (Gi 1:12; 3:3). Nhưng sự nhận làm con dạy về tư cách người lớn và
những đặc quyền đầy đủ trong gia đình Đức Chúa Trời. Đi kèm với sự nhận làm con là
tước bỏ mọi mối quan hệ và trách nhiệm của mối quan hệ gia đình trước kia. Cả sự
nhận làm con lẫn sự tái sanh đều xảy ra tại khoảnh khắc của đức tin cứu rỗi, nhưng
chúng chỉ ra các phương diện khác nhau trong tương quan với gia đình Đức Chúa Trời.
B. Bối Cảnh Sự Nhận Làm Con
Hầu hết các nền văn hóa đều có tập tục nào đó giống như việc nhận làm con. Môise,
là một nô lệ, đã được con gái Pharaôn nhận làm con tại xứ Êdíptô. Các bảng luật Nuzu
cho thấy phong tục nhờ đó cặp vợ chồng không con có thể nhận một con trai, để nó sẽ
phục vụ mình trong lúc còn sống và trở thành người thừa kế gia tài khi họ qua đời. Các
luật của người Hêbơrơ không có luật nhận con nuôi, và từ ngữ Hyvăn cho sự nhận làm
con không có trong Bản Bảy Mươi. Có lẽ đây là do luật hôn nhân tục huyền của người
Hêbơrơ đã tạo điều kiện cho gia đình có người thừa kế để hưởng sản nghiệp gia đình.
Tục đa thê có thể cũng là cách khác nữa để khắc phục nan đề không có con.

318
Nhận làm con nuôi là một khía cạnh rất phổ thông của nếp sinh hoạt Hy La, và đây
là bối cảnh cho khái niệm của Tân Ước. Những cặp vợ chồng không có con thường nhận
một đứa con trai làm con, và rồi nó sẽ trở thành kẻ thừa kế của họ. Dầu đứa con nuôi có
cha mẹ ruột vẫn đang còn sống, thì cha mẹ ruột cũng không có quyền đòi con lại sau
khi việc nhận con nuôi đã xảy ra. Thường thì cha mẹ sẵn lòng cho con mình được một
gia đình khác nhận làm con nuôi, nếu như việc đó đồng nghĩa với một số phận tốt hơn.
C. Giáo Lý Của Phaolô Về Sự Nhận Làm Con Nuôi
Giáo lý nầy của riêng một mình Phaolô, và ông đã dùng từ ngữ nầy năm lần ( Ro
8:15,23; 9:4; Ga 4:5; Eph 1:5).

1. Sự nhận một dân tộc Ysơraên làm con (Ro 9:4). Cũng xem Xu 4:22.
2. Sự nhận cá nhân tín đồ làm con. Hành động nầy của Đức Chúa Trời đã được định
trước (Eph 1:5) nên có thể nói kế hoạch đã định từ trước của Đức Chúa Trời bao gồm cả
số phận làm con nuôi của chúng ta. Việc nầy có thể thành hiện thực nhờ sự chết của
Đấng Christ (Ga 4:5). Việc nầy xảy ra khi chúng ta tin Chúa và trở thành phần tử trong
gia đình Đức Chúa Trời (Ro 8:15), nhưng sự thực hiện trọn vẹn thì còn đợi cho đến khi
chúng ta nhận được thân thể phục sinh (Ro 8:23).
D. Các Hệ Quả Của Sự Nhận Làm Con
1. Nhận làm con có nghĩa đặt chúng ta vào trong một gia đình mà theo lẽ tự nhiên,
chúng ta đã không thuộc về gia đình đó (đối chiếu Eph 2:3). Con cái của sự thạnh nộ nay
trở thành con trai Đức Chúa Trời.
2. Nhận làm con có nghĩa là được giải thoát hoàn toàn khỏi những mối quan hệ
trước kia, cụ thể là đối với Luật Pháp (Ga 4:5). Nói cách khác, mặt kia của sự nhận làm
con nuôi là được giải thoát khỏi Luật Pháp.
3. Sự nhận làm con chỉ có thể diễn ra nhờ vào hành động tình nguyện của Đấng
nhận con nuôi. Trước khi sáng thế, kế hoạch của Đức Chúa Trời đã bao gồm việc nhận
chúng ta làm con nuôi (Eph 1:5).
4. Sự nhận làm con có nghĩa là chúng ta có trọn vẹn mọi quyền lợi của tình trạng
được ở trong gia đình Đức Chúa Trời (Ro 8:15). Sự tăng trưởng thuộc linh có thể là một
phần trong những đặc ân nầy, nhưng mọi tín đồ đều có quyền hưởng đặc ân nầy kể từ
giây phút được cứu rỗi trở đi.
Và điều nầy hoàn có thật nhờ vào sự cứu chuộc của Đấng Christ (Ga 4:5).

319
Chương 53: NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ SỰ CHUỘC TỘI
Đúng như mong đợi, nhiều quan điểm khác nhau về Sự Chuộc Tội - cả đúng lẫn sai
- đã được truyền bá trong suốt lịch sử hội thánh. Phần nghiên cứu những quan điểm
nầy - ngay cả ở dạng tóm lược - cũng phải gồm hai điều: giúp ngăn người ta sa vào
những lỗi lầm của người khác, và nên giúp người ta phát biểu lẽ thật chính xác hơn vì
cớ đã có nhiều lỗi sai.
TÊN GỌI
Giá Chuộc Trả Cho Satan
Gồm Tóm Thuyết
Sự Đền Tội Thỏa Đáng
Ảnh Hưởng Đạo Đức
Tấm Gương
Mang Tính Cầm Quyền
Kịch Tính
Thần Học Barth
Sự Chịu Thay Hình Phạt
NGUỒN GỐC
Origen
(185-254)
Irenaeus
(130-202)
Anselm
(1033-1109)
Cur Deus Homo
Abelard
(1079-1142)
Còn có Scheleiermacher, Ritschl, Bushnell Socinus
(1539-1604)
Grotius

320
(1583-1645)
còn có Wardlaw, Miley Aulen
(1879-1978)
Barth
(1886-1968)
Calvin
(1509-1564)
SỰ DẠY DỖ
Sự chết của Đấng Christ là một giá chuộc, được trả cho Satan, để làm thỏa mãn bất
cứ lời buộc tội nào Satan tuyên bố nghịch cùng con người. Rốt cuộc, Satan đã bị lừa dối.
Kinh Thánh không nói giá chuộc được trả cho ai.
Đấng Christ đã gồmtóm trong chính Ngài mọi giaii đoạn của sự sống, kể cả những
gì thuộc về tội nhân chúng ta. Sự vâng phục của Ngài đã thay thế sự không vâng phục
của Ađam, và điều nầy đáng phải đem lại sự biến đổi trong đời sống chúng ta.
Con người tội lỗi đã cướp mất uy danh của Đức Chúa Trời. Ngài đã thưởng cho sự
chết của Đấng Christ bằng cách xem đó là một công việc trổi hơn mức cần thiết, để
Ngài có thể lưu truyền cho chúng ta những công đức tích lũy của sự chết Ngài. Cần
phải có đức tin để nhận lấy cho mình.
Sự chết của Đấng Christ không phải là sự đền tội, nhưng là sự chịu thống khổ với
tạo vật của Ngài để bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ nầy sẽ đánh
thức một tình yêu mềm mại chịu đáp ứng ở trong tội nhân, và đem lại sự thay đổi đạo
đức trong người ấy. Như vậy, điều nầy giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi.
Sự chết của Đấng Christ đã không chuộc tội lỗi, nhưng bày tỏ rằng đức tin và sự
vâng phục là con đường dẫn đến sự sống đời đời và thôi thúc người ta sống một cuộc
đời tương tự.
Sự cầm quyền của Đức Chúa Trời đã đòi hỏi phải có sự chết của Đấng Christ để
chứng tỏ Ngài không hài lòng với tội lỗi. Đấng Christ cũng đã không chịu hình phạt của
Luật Pháp, nhưng Đức Chúa Trời chấp nhận sự chịu khổ của Đấng Christ là sự thay thế
cho hình phạt đó.
Đấng Christ đã bởi sự chết mà chiến thắng các quyền lực của điều ác.
Sự chết của Đấng Christ chủ yếu là sự bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời và
việc Ngài ghét tội.

321
Đấng Christ, là Đấng vô tội, đã mang trên thân thể Ngài hình phạt mà đáng ra con
người phải gánh lấy.
Toàn bộ những quan điểm nầy có lẽ xếp được vào ba thể loại. (1) Những quan điểm
liên hệ sự chết của Đấng Christ với Satan (Origen, Aulen). (2) Những quan điểm xem
sự chết của Ngài như tấm gương đầy quyền năng để tác động đến con người (Abelard,
Socinus, Grotius, Barth). (3) Những quan điểm nhấn mạnh đến sự hình phạt do công lý
của Đức Chúa Trời và sự thay thế (Anselm, dầu vậy có khiếm khuyết, phái Cải Cách).
Tuy trong các quan điểm không kể đến sự chịu hình phạt thay thế có thể vẫn có lẽ thật,
nhưng điều quan trọng cần phải nhớ là: nếu như có lẽ thật thì một lẽ thật như thế
không thể cứu rỗi đời đời được. Duy chỉ có sự chết thay thế của Đấng Christ mới có thể
cung cấp điều mà công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi, và để bởi đó trở thành nền tảng
ban sự sống đời đời cho những người nào tin.

322
Chương 54: GIÁO LÝ VỀ SỰ LỰA CHỌN
Giáo lý về sự lựa chọn hình thành một trong những cơ sở của sự chọn lựa, dầu vậy
không phải là cơ sở duy nhất. Có thể gọi đúng rằng các giáo lý khác như sự chết của
Đấng Christ, đức tin, ân điển hiệu năng, và sự tái sanh, là cơ sở nữa. Mọi điều nầy đều
cần thiết để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời.
I. NHỮNG QUAN ĐIỂM CHÍNH VỀ SỰ CHỌN LỰA
A. Sự Chọn Lựa Theo Sự Thấy Trước (Foresight Election)
Quan điểm nầy cho rằng Đức Chúa Trời đã chọn lựa dựa trên cơ sở đức tin đã được
thấy từ trước. “Với chữ “sự chọn lựa,” chúng ta muốn nói đến hành động tối thượng của
Đức Chúa Trời trong ân điển, bởi đó Ngài đã chọn trong Đức Chúa Jesus Christ để cứu
rỗi những người mà Ngài biết trước là họ sẽ tiếp nhận Ngài” (Henry C. Thiessen,
Introductory Lectures in Systematic Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1959, trang
334; dầu vậy định nghĩa nầy đã không được đưa vào trong bản hiệu đính của Doerksen,
1981, trang 258). Có lẽ đúng khi bảo đại đa số người Tin Lành thuần túy, hoặc có ý
thức hoặc vô thức, đều giữ khái niệm nầy về sự lựa chọn. Đức Chúa Trời đã nhìn xuyên
qua cõi thời gian, và với sự biết trước của Ngài, Ngài đã nhìn thấy những người nào sẽ
tiếp nhận Đấng Christ để chọn họ đến với sự cứu rỗi. Điều nầy khiến sự biết trước trở
nên sự thấy trước mà không hề có sự chọn lựa nào của Đức Chúa Trời từ trước cõi thời
gian.
B. Sự Chọn Lựa Tập Thể (Corporate Election)
Karl Barth theo một hình thức của quan điểm nầy. Ông dạy rằng sự chọn lựa trước
hết là sự chọn lựa Đấng Christ, kế đến là sự chọn lựa cộng đồng, và sau hết là sự chọn
lựa cá nhân. Trong thực tế, hết thảy mọi người đều là người được chọn lựa trong Đấng
Christ, dầu vậy những người không tin Chúa chưa biết điều đó. Đây là nguyên nhân
khiến giáo lý sự chọn lựa của Barth khiến ông bị lên án là theo Phổ Thông thuyết.
Hình thức thuần túy Tin Lành của cùng một khái niệm nầy (có lẽ có trường hợp
chịu ảnh hưởng của Barth, có trường hợp thì không) xem sự chọn lựa là việc chọn một
tập thể người, tức là Hội Thánh, trong Đấng Christ, chứ không phải chọn các cá nhân
mãi sau khi họ trở nên thành viên của tập thể nầy. Trong hình thức thuần túy Tin Lành
không hề gợi ý đến phổ thông thuyết, dầu cả hai đều có chung ý về sự chọn lựa tập thể.
Chúng ta không thể nói các cá nhân được chọn lựa trước khi sáng thế, nhưng chỉ nói
hội thánh được chọn lựa như thế trong Đấng Christ mà thôi (Eph 1:4). Khi một cá nhân
tin Đấng Christ thì được đặt trong tập thể được chọn lựa kia, và bấy giờ có thể nói người
ấy được chọn lựa. “Đức Chúa Trời đã chọn lựa điều gì trước khi sáng thế? Hội Thánh.
Không phải là chọn các cá thể, nhưng là chọn lựa Thân Thể Đấng Christ.” (Dan
Esterline, “The Doctrine of Predestination,” Moody Monthly, Tháng Hai 1979, trang 86;
323
về quan điểm nầy, cũng xem thêm Roger T. Forster và V. Paul Marston, God’s Strategy
in Human History (Wheaton, Ill.: Tyndale, 1975, và Robert Shank, Elect in the Son
(Springfield, Mo.: Westcott, 1970, trang 48-9).
C. Sự Chọn Lựa Cá Thể Từ Trước Cõi Thời Gian
Theo quan điểm nầy, sự chọn lựa là “hành động đời đời của Đức Chúa Trời, để bởi
đó, Đức Chúa Trời chọn một số người - theo sự đẹp lòng tối thượng của Ngài và không
do công đức được Ngài thấy từ trước nào ở nơi họ - để họ trở thành người nhận lãnh ân
điển đặc biệt và sự cứu rỗi đời đời.” (L. Berkhof, Systematic Theology (Grand Rapids:
Eerdmans, 1941, trang 114). Như vậy, sự chọn lựa là vô điều kiện (tức là nơi con người
không có điều gì để quy định sự chọn lựa của Đức Chúa Trời), trước cõi thời gian (trước
khi sáng thế), và không xứng đáng được nhận (tức là nhờ ân điển), và là cơ sở của sự
cứu rỗi. Những người theo quan điểm nầy cũng công nhận sự chọn lựa là ở trong Đấng
Christ, nhưng họ muốn nói Ngài là nền tảng, nguyên nhân và sự bảo đảm của sự chọn
lựa tín đồ. Họ đã bác bỏ khái niệm sự chọn lựa tập thể, quả quyết Đức Chúa Trời đã
chọn lựa các cá thể (và không căn cứ trên sự thấy trước), và những cá thể được chọn
lựa đó hình thành một tập thể, tức là Hội Thánh.
II. THUẬT NGỮ SỰ CHỌN LỰA
Hiểu đúng về rất nhiều thuật ngữ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự chọn
lựa thì sẽ giúp trình bày khái niệm nầy đúng với Kinh Thánh hơn. Thường thì nan đề
chính khi tìm hiểu giáo lý nầy chính là không đưa vào đủ các khía cạnh của nó. Không
một lý trí con người nào dung hòa được quyền tể trị tối thượng và ý chí tự do, nhưng bỏ
qua hay xem nhẹ một khía cạnh nào nhằm đạt được một sự hài hòa giả định nào đó thì
sẽ không giải quyết được gì cả.
A. Thuật Ngữ Cơ Bản
Nhiều thuật ngữ và khái niệm nhất định đã hình thành bối cảnh để phải dựa trên
nền đó xem xét sự chọn lựa.
1. Sự Toàn Tri. Thuật ngữ nầy có nghĩa Đức Chúa Trời có sự hiểu biết bẩm sinh về
mọi sự việc thực sự xảy ra và có thể xảy ra. Vì vậy, sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đã
được lập ra với sự hiểu biết lớn nhất có thể có.
2. Nguyên chỉ, bản thiết kế, bản vẽ. Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời là kế hoạch của
Ngài cho mọi sự. Nguyên chỉ nầy chứa đựng rất nhiều ý chỉ. Việc lập nguyên chỉ và sự
định trước là những khái niệm thần học đồng nghĩa với nhau, nhưng chúng rõ ràng
nhấn mạnh đến khía cạnh quyền tể trị tối thượng hơn là khía cạnh ý chí tự do. Chữ
“bản thiết kế” nhấn mạnh ít hơn đến quyền tể trị tối thượng, còn chữ “bản vẽ” dường
như thực sự trung tính.

324
Kinh Thánh dạy rõ rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm mọi sự ( Eph 1:11),
nhưng cũng bày tỏ rằng mức độ và tính trực tiếp của mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời
với con người đối với những sự kiện cụ thể thì khác nhau. Đôi khi Ngài trực tiếp chỉ
định điều gì đó (Phu 32:39; Cong 5:1-11). Hầu như Ngài luôn luôn hành động qua những
công lệ thiên nhiên mà Ngài đã định, và không bãi bỏ chúng để thực hiện những ngoại
lệ, ngay cả cho tín đồ (Phi 2:30). Đôi khi Ngài quyết định cho phép người ta bộc lộ hết
trọn bản tánh tội lỗi của họ mà hầu như không kiềm chế gì cả ( Ro 1:24,26,28). Đôi khi
Ngài trông đợi chúng ta chỉ đơn giản là chọn lựa dựa vào những điều dường như là lẽ
phải, hoặc vào những việc chúng ta ước ao làm (ICo 10:27). Dựa vào sự đa dạng nầy, tôi
tự nghĩ đến một từ ngữ khác với chữ “nguyên chỉ,” mà nó diễn tả các khía cạnh hay
hơn. Chữ “bản thiết kế” có thể là thỏa đáng. Chữ “bản vẽ” (hay bản đồ họa) có thể quá
trung tính, dường như thể Đức Chúa Trời đã khởi xướng lên rồi không kiểm soát nữa.
Thế nhưng chữ “bản thiết kế” còn xét đến chữ “kiến trúc sư,” là chữ thực sự đóng vai
trò một khái niệm hữu ích trong giáo lý nầy. Đức Chúa Trời là “Kiến Trúc Sư” của một
kế hoạch bao gồm hết cả mọi sự, nhưng đưa chúng vào trong những mối quan hệ khác
nhau. Các kế hoạch của các kiến trúc sư thật chi tiết. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cũng
vậy. Trong quá trình xây cất một tòa nhà, các chuyên gia có thể đoán trước rất nhiều
công nhân sẽ bị thương, và có trường hợp còn mất mạng nữa. Những thống kê khủng
khiếp như thế được đưa vào khi lên kế hoạch của tòa nhà, nhưng chúng ta sẽ không
quy trách nhiệm những thương vong đó cho kiến trúc sư (giả sử là đã có những biện
pháp an toàn thích đáng). Sự bất cẩn, thờ ơ với các luật lệ, thậm chí sự vi phạm các biện
pháp hạn chế an toàn thường là những nguyên nhân gây tai nạn. Nhưng chúng là lỗi
của ai? Những cá nhân nào bất cẩn hay thờ ơ. Vì vậy, kế hoạch của Đức Chúa Trời đã
được hoạch định để trách nhiệm về tội lỗi sẽ thuộc về cá nhân đó, dầu rằng Đức Chúa
Trời đã chủ tâm bao gồm tội lỗi vào trong kế hoạch của Ngài.
3. Tể trị tối thượng, tự do. Những từ đồng nghĩa nầy chỉ có thể nói đến Đức Chúa
Trời với ý nghĩa tuyệt đối. Chỉ một mình Ngài tể trị tối thượng và tự do. Thực ra Ngài
thi hành quyền tể trị tối thượng và tự do của Ngài thế nào, chúng ta chỉ có thể biết được
qua sự khải thị kế hoạch của Ngài như đã thảo luận trong phân đoạn trên. Đương
nhiên, khi Ngài chọn tự giới hạn Ngài, thì điều đó tuyệt nhiên không khiến Ngài kém tể
trị tối thượng hay kém tự do. Quyền tể trị tối thượng có nghĩa là quyền tối cao, và Đức
Chúa Trời đã luôn luôn, hiện luôn luôn, và sẽ luôn luôn là Đấng Tể Trị Tối Thượng,
Đấng đã chọn kế hoạch mà Ngài đã thực hiện.
B. Thuật Ngữ Trực Tiếp
1. Sự chọn lựa. Sự chọn lựa nhấn mạnh đến sự chọn lựa tự do của Đức Chúa Trời để
chọn những cá nhân đến sự cứu rỗi (sự chọn lựa Đấng Christ hoặc các thiên sứ sẽ
không khảo sát ở đây). Khi Phaolô dùng động từ nầy, ông dùng ở thể trung gian giữa

325
chủ động và thụ động (middle voice), chỉ ra rằng sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đã
được lập ra cách tự do và vì mục đích của Ngài (ICo 1:27-28); Eph 1:4). Cá nhân những
người Têsalônica đã được chọn lựa (IITe 2:13); cũng giống như nhiều người đã được đặt
(trước khi họ tin) trong nhóm những người có sự sống đời đời, là những người đã tin
(Cong 13:48); Phaolô là một công cụ được chọn (để được cứu và để phục vụ, Cong 9:15; Ga
1:15); và tên của một số cá nhân đã không được biên trong Sách Sự Sxống từ khi sáng
thế (Kh 13:8; 17:8), và điều nầy hẳn muốn nói rằng một số tên đã được biên. Sự chọn lựa
là vô điều kiện và mang tính cách cá nhân.
Người được chọn của Đức Chúa Trời trong thời đại nầy đã không được chọn ra từ
những người rất nổi bật của thế gian nầy (ICo 1:27-28; Gia 2:5). Họ đã được chọn từ trước
khi sáng thế (Eph 1:4), và vì được chọn, nên họ sẽ có nếp sống kính sợ Đức Chúa Trời (Co
3:12; IIPhi 1:10).

2. Sự tiền định. Tiền định là lập kế hoạch trước cho một số phận. Chữ proorizơ có
nghĩa là phân biệt riêng ra từ trước. Sự chết của Đấng Christ và ý nghĩa sự chết ấy đã
được định trước bởi Đức Chúa Trời (Cong 4:28; ICo 2:7). Người được chọn của Đức Chúa
Trời được định trước cho sự làm con nuôi (Eph 1:5), cho một cơ nghiệp (c. 11), và cho trở
nên giống tột bậc với Đấng Christ (Ro 8:28-29).
Theo Kinh Thánh, sự tiền định được giới hạn cho một số người được chọn, và sự
tiền định bảo đảm cho địa vị hiện tại và số phận tương lai của họ. Về mặt thần học,
thuật ngữ nầy đã được dùng để bao gồm tất cả mọi sự, có nghĩa là được dùng như một
từ đồng nghĩa với kế hoạch toàn diện của Đức Chúa Trời. Từ định nghĩa về thần học
nầy, thật dễ cho một số hình thức của thuyết Calvin dùng sự tiền định cho số phận của
người không được chọn lựa. Vì thế đã xuất hiện giáo lý tiền định kép. Tuy nhiên, đây là
một giả định về mặt lý luận, chứ không căn cứ trên các phân đoạn Kinh Thánh. Kinh
Thánh nói rõ người được chọn thì được tiền định, nhưng không bao giờ gợi ý có một
nguyên chỉ tương tự để chọn một số người cho bị định tội. Kinh Thánh dường như
muốn để vấn đề ấy lại thành lẽ mầu nhiệm, và chúng ta cũng nên làm giống như thế.
3. Sự biết trước. Chữ proginoskơ được dùng (a) để chỉ về sự hiểu biết từ trước trong
trần thế nầy (Cong 26:5; IIPhi 3:17); (b) chỉ về mối quan hệ của Đức Chúa Trời với Ysơraên
(Ro 11:2); và (c) chỉ về sự hy sinh của Đấng Christ (Cong 2:23; IPhi 1:20); và (d) chỉ về dân
sự của Đức Chúa Trời ngày nay (Ro 8:29; IPhi 1:2).
Cuộc tranh luận tập trung quanh vấn nạn: Có tồn tại mối tương quan đến mức nào
trong chữ “sự biết trước.” Có phải chữ nầy chỉ đơn thuần nói Đức Chúa Trời biết trước
theo ý nghĩa là biết trước mà không có một mối tương quan nào cả? Hoặc một biến thể
của ý nầy: Có phải chữ nầy nói Ngài đã nhìn thấy trước về đức tin chứ không thấy trước
về con người? Hoặc như thần học Calvin: Có phải Ngài đã liên hệ Ngài với con người từ

326
trước cõi thời gian bằng cách nào đó, để rồi có một mối liên kết nhân quả khiến cho
“biết trước” trên thực tế tương đương với “tiền định” hay “chỉ định trước”? Rõ ràng điều
được biết trước chính là con người, chứ không phải đức tin của họ (Ro 8:28-29). Cũng rõ
ràng, sự biết trước như một nhận thức đơn thuần thì sự biết trước ấy không phải là cơ
sở của sự chọn lựa, vì IPhi 1:2 bao gồm cả sự quyết định về phần Đức Chúa Trời nữa. Sự
chọn lựa phù hợp với (kata) sự biết trước, và sự biết trước đó đã bao gồm cả thủ tục
được dùng để tiến hành sự chọn lựa. Do vậy, có mối tương quan nào đó và/hoặc một
quyết định nào đó vốn có sẵn trong ý nghĩa của việc biết trước. Chắc chắn câu 20 bao
gồm cả những ý tưởng đó, bằng không thì sẽ không bảo đảm được điều gì về sự hy sinh
của Đấng Christ. Tương tự, có tính quyết định dứt khoát và tính biết chắc chắn trong
Cong 2:23 và Ro 11:2. Cách dùng chữ nầy trong Ngụy Kinh cũng bao gồm tính biết chắc
chắn: “Và Sự đoán xét của Ngài ở trong sự biết trước của Ngài” (Judith 9:6). Đúng là chữ
nầy không nói “chọn,” nhưng cũng không thể bị giảm xuống thành một khái niệm
trung tính chỉ về riêng một mình sự nhận thức. Nó thực sự bao gồm sự quyết định, rồi
đến lượt sự quyết định phải bao gồm cả sự bảo đảm xuất phát từ sự biết chắc chắn.
C. Thuật Ngữ Đối Lập
Tôi dùng những chữ nầy để nói đến các ý tưởng liên quan đến “sự báo trả”
(retribution) và “bỏ lơ người không được chọn” (preterition). Sự báo trả có nghĩa là sự
hình phạt xứng đáng, còn bỏ lơ người không được chọn tức là làm ngơ những người
không được chọn đến sự cứu rỗi. Cả hai thuật ngữ nầy đều tránh khái niệm có trong sự
tiền định kép hay “sự định tội từ trước” (reprobation), có nghĩa là sự tiền định để bị
đoán phạt. Không một thuật ngữ nào ở đây có trong Kinh Thánh, dầu ý nầy được dạy rõ
ràng trong Ro 9:18,21; IPhi 2:8; và Kh 17:8. Do vậy, Kinh Thánh thực sự có chứa giáo lý về
sự bỏ lơ người không được chọn, dầu vậy không có nguyên chỉ để định tội theo cùng
một ý nghĩa như có một nguyên chỉ để chọn lựa. Rõ ràng, chính ý về sự chọn lựa đã bao
hàm ý có một số lượng người đông hơn thế để từ đó họ được chọn ra, và những người
không được chọn kia thì chắc chắn bị bỏ qua.
Điều nầy tuyệt nhiên không hàm ý Đức Chúa Trời vui thích với số phận của kẻ ác,
cũng không hàm ý họ bị ép buộc phải làm trái với ý của bản thân họ, hoặc giáo lý về sự
chọn lựa nầy vô hiệu hóa Tin Lành “bất kể ai,” hoặc hàm ý người nào đó biết mình
không được chọn rồi dựa vào đó cố bào chữa việc mình khước từ Đấng Christ. Mọi
người đều chịu trách nhiệm khai trình với Đức Chúa Trời về thái độ của mình đối với
Đấng Christ.
III. TÓM TẮT GIÁO LÝ
A. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Được Căn Cứ Vào Chính Bản Tánh Ngài

327
Do đó, hành động chọn lựa một dân phải phù hợp với toàn bộ các thuộc tánh của
Ngài. Việc đó căn cứ vào sự toàn tri của Ngài, nên chúng ta được bảo đảm rằng khi
Ngài chọn lựa, thì Ngài chọn lựa như vậy vì biết rõ và biết hết mọi khả năng khác. Vì
liên quan đến việc thực thi ý chỉ tối thượng của Ngài, nên Ngài tuyệt nhiên không hề bị
ép buộc làm những việc Ngài đã làm. Vì được thực hiện bởi Đức Chúa Trời, Đấng là sự
yêu thương, nên sự tiền định đó được thực hiện trong tình yêu thương (Eph 1:4-5). Nó
thể hiện lòng thương xót của Đức Chúa Trời; nếu không thì làm sao Đức Chúa Trời yêu
được Giacốp (Ro 9:15)? Nó thể hiện ân điển vô song của Đức Chúa Trời ( Eph 2:7-8). Và
mục đích tối hậu của sự chọn lựa là để bày tỏ ra vinh hiển Ngài ( 1:6,12,14). Chúng ta
thường nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Trời chọn lựa. Chúng ta cần nhớ chính Đức Chúa
Trời là Đấng chọn lựa, và Ngài không thể làm việc nào không yêu thương hoặc không
công bình.
B. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Là Chọn Các Cá Nhân
Điều nầy đã được thảo luận rồi. Ngài đã chọn các cá nhân, rồi họ cùng nhau lập
thành dân sự của Đức Chúa Trời.
C. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Không Căn Cứ Trên Sự Biết Trước (Muốn Nói
Đến Nghĩa “Nhìn Thấy Trước”)
Biết trước không phải là một khái niệm trung tính, nhưng bao gồm một thể loại mối
tương quan nào đó.
D. Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Có Trước Khi Sáng Thế
Không phải sau khi chúng ta chọn Ngài thì Ngài mới chọn lựa chúng ta (Eph 1:4).
E. Chỉ Riêng Sự Chọn Lựa Thôi Thì Không Đem Lại Sự Cứu Rỗi Con Người
Đúng là sự chọn lựa bảo đảm cho những người được chọn thì sẽ được cứu, nhưng
chỉ riêng sự chọn lựa thôi thì không cứu được họ. Người ta được cứu rỗi qua đức tin nơi
sự chết thay của Đấng Christ. Và đương nhiên, bằng cách nào đó họ phải học biết về sự
chết của Đấng Christ để đức tin của họ có nội dung. Như vậy, sự chọn lựa, sự chết của
Đấng Christ, lời chứng về sự chết của Ngài, và đức tin của bản thân, thảy đều cần thiết
trong sự cứu rỗi một cá nhân. Chỉ một mình sự chọn lựa thì không cứu rỗi được.
F. Sự Chọn Lựa Là Có Chủ Đích, Không Thay Đổi Thất Thường
Mục đích sự chọn lựa dành cho chúng ta là để phục vụ và làm các việc lành (Gi
15:16; Ga 1:15-16; Eph 2:10; ITe 1:4-10).

Đối với Đức Chúa Trời, mục đích sự chọn lựa là để bày tỏ vinh hiển Ngài ( Eph
1:6,12,14).

328
Do đó, giáo lý về sự chọn lựa mang động cơ thúc đẩy cao độ, và sẽ không bao giờ
làm giảm bớt sự sống thuộc linh của chúng ta (Co 3:12).
IV. NHỮNG Ý KIẾN PHẢN ĐỐI GIÁO LÝ SỰ CHỌN LỰA
Đương nhiên, sự chọn lựa chỉ là một phần trong sự khảo sát bao quát hơn về toàn
bộ nguyên chỉ, hay kế hoạch hay quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời. Những ý
kiến sau đây thường được nêu ra để phản đối giáo lý nầy.
A. Giáo Lý Này Tương Đương Thuyết Định Mệnh
Thông thường, ý phản đối nầy được diễn tả như sau: “Điều gì sẽ đến thì đàng nào
cũng sẽ đến, và tôi không thể giải quyết gì được.” Có hai khác biệt rất quan trọng giữa
giáo lý Kinh Thánh về nguyên chỉ của Đức Chúa Trời với sự dạy dỗ sai lầm của thuyết
định mệnh. (1) Ẩn đàng sau nguyên chỉ là một Đấng thông minh, yêu thương. Đàng sau
thuyết định mệnh chỉ là một sự ngẫu nhiên mù quáng vô cảm tính. (2) Thuyết định
mệnh không xem trọng phương tiện. Nó chỉ nhấn mạnh đến các kết cuộc. Nguyên chỉ
của Đức Chúa Trời bao gồm mọi phương tiện cần yếu để đạt được các kết cuộc đó. Và
các phương tiện cũng cần yếu như các kết cuộc. Vì vậy, giáo lý Kinh Thánh dành địa vị
thích đáng cho trách nhiệm của con người. Điều gì sẽ đến thì sẽ đến thông qua các
phương tiện và những phương thức nhất định, cũng như qua các hành động có trách
nhiệm của con người. Eph 1:11 nói rõ là mọi sự, chứ không chỉ riêng các kết cuộc.
B. Nó Không Nhất Quán Với Sự Tự Do Của Con Người
Đây cũng chính là sự phản đối có trong Ro 9:19: Vì sao Đức Chúa Trời có thể bắt lỗi
người ta, vì không ai thực sự chống nổi ý muốn Ngài nếu như mọi sự đều thuộc trong
kế hoạch của Ngài? Dầu đúng là Đức Chúa Trời có quyền làm mọi việc nhất quán với
bản tánh Ngài, nhưng cũng đúng không kém là Ngài đã chọn thực thi các quyền hạn
của Ngài bằng cách đưa vào cả những hành động có trách nhiệm và tương đối tự do của
con người. Tôi nói là “tương đối tự do” chỉ vì cớ không ai có quyền tự do tuyệt đối do
những giới hạn của kiếp con người sa ngã. Ngài đã khiến chúng ta chịu trách nhiệm, và
khi chúng ta không hành động cách có trách nhiệm, thì chúng ta bị quy trách nhiệm
một cách công bình.
Một minh họa: Đức Chúa Trời có biết ngày bạn sẽ chết không? Câu trả lời là có,
Ngài có biết. Câu hỏi: Bạn có thể chết sớm hơn thế một ngày không? Câu trả lời là
không. Câu hỏi: Vậy vì sao bạn ăn? Trả lời: để sống. Phương tiện “ăn” là cần yếu cho
mục đích sống đến ngày chết đã định trước. Từ điểm nầy trở đi, minh họa có thể dễ
dàng chuyển sang lãnh vực lý thuyết một cách vô ích. Giả sử tôi không ăn thì sao? Thì
tôi sẽ chết. Đó có phải là ngày mà Đức Chúa Trời đã định tôi sẽ chết không? Đây là
những câu hỏi không cần phải nêu ra hay trả lời. Chỉ việc ăn là đủ rồi.

329
Hoặc chúng ta thay đổi minh họa nầy. Có phải Đức Chúa Trời đã hoạch định các câu
trả lời cho những lời cầu nguyện của tôi không? Có. Vậy thì sao còn cần cầu nguyện
làm gì? Bởi vì những câu trả lời đó đến khi tôi cầu nguyện.
Hoặc đổi minh họa lần nữa. Chúa có biết ai là kẻ được chọn không? Đương nhiên,
chính Ngài đã chọn họ mà. Liệu có ai trong số họ hư mất không? Không. Vậy tại sao
phải cầu nguyện và làm chứng? Vì đó là cách để cho họ được cứu. Liệu có ai trong số họ
không tin không? Không. Vậy tại sao tại sao họ phải tin? Bởi đó là cách duy nhất để họ
có thể được cứu, và nếu họ không tin, thì họ sẽ không được cứu. Đừng để tâm trí bạn
nêu ra những câu hỏi lý thuyết vô ích như thế. Hãy tập trung tâm trí và đời sống để
thực hiện chính ý muốn của Chúa, và nhớ chắc chắn bạn hành động cách có trách
nhiệm.
C. Nó Khiến Đức Chúa Trời Trở Thành Tác Giả Của Tội Lỗi
Tôi nghĩ chúng ta phải công nhận Đức Chúa Trời đã thực sự xây dựng một kế hoạch
mà trong đó đã bao gồm cả tội lỗi, và Ngài đã không đưa tội lỗi vào đó do bị bất ngờ.
Tuy nhiên, chúng ta phải bảo vệ sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời
ghét tội lỗi (Thi 5:5), rằng Ngài không bao giờ chịu trách nhiệm về những tội chúng ta
phạm (Gia 1:13), và việc đưa tội lỗi vào trong kế hoạch của Ngài không khiến cho tội lỗi
bớt đi phần nào tính tội lỗi cũng như không khiến chúng ta ít đáng trách hơn.
Toàn bộ những gì Kinh Thánh nói về sự xuất hiện cụ thể của tội lỗi trong tạo vật ấy
là tội lỗi được tìm thấy trong Satan (Exe 28:15). Es 45:7 có thể chỉ về việc Đức Chúa Trời
bao gồm điều ác vào trong kế hoạch của Ngài, hoặc một số người hiểu câu Kinh Thánh
nầy chỉ về các hậu quả của tội lỗi giống như tai ương. Ch 16:4 cũng dạy rằng mọi sự đều
được bao gồm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tìm kiếm sự quân bình
trong lẽ thật nầy và chấp nhận những căng thẳng chưa giải quyết được.
Cuối cùng, chúng ta hãy đối diện với hậu quả của tình trạng mọi sự mà bằng cách
nào đó chúng không được đưa vào trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Điều nầy có
nghĩa: có những điều nằm ngoài quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời, và đó quả là ý
tưởng kinh khiếp.
Hãy lắng nghe những lời sau của Calvin.
“Tại đây xuất hiện hạnh phúc khôn lường của tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Vô
số điều ác phủ vây đời sống con người; vô số cái chết đe dọa sự sống. Chúng ta không
cần đi đâu xa ngoài bản thân mình: vì thân thể chúng ta chính là chỗ chứa hàng ngàn
bệnh tật - trong thực tế nó giữ và nuôi dưỡng trong mình những căn nguyên của bệnh
tật - nên con người không thể không lo ngay ngáy bởi biết bao hình thức hủy hoại
chính mình, và không thể không kéo dài một cuộc sống bị phủ vây trong sự chết - có
thể gọi như vậy. Bạn còn gọi là gì nữa đây, khi con người lạnh cóng hay toát mồ hôi
330
thôi cũng không phải không nguy hiểm? Bây giờ, bất cứ bạn quay hướng nào, không
những bạn khó lòng tin cậy vào mọi sự chung quanh, mà chúng hầu như còn có vẻ đe
dọa cách công khai nữa, và dường như đe dọa đem đến cái chết tức thời. Hãy lên tàu
thủy; bạn cách sự chết một bước thôi. Trèo lên lưng ngựa; nếu sảy một chân, mạng
sống bạn đã gặp nguy rồi. Đi trên các con đường trong thành phố; bạn gặp nguy nhiều
như thể ngói trên mái nhà vậy. Nếu có vũ khí trong tay bạn hoặc trong tay bạn của bạn,
thương tích chờ bạn đấy. Hết thảy những con thú hung dữ bạn nhìn thấy đều được “vũ
trang” để tiêu diệt bạn. Nhưng nếu bạn cố giam mình trong một khu vườn kín cổng cao
tường, trông có vẻ như thật thích thú, thì đôi khi vẫn có những con rắn ẩn đâu đấy.
Ngôi nhà của bạn - luôn luôn trong nguy cơ gặp hỏa hoạn - ban ngày thì đe dọa làm bạn
khánh kiệt, còn ban đêm thì đe dọa đổ sụp trên bạn. Đồng ruộng của bạn, vì phơi ra
trước mưa đá, sương tuyết, hạn hán, cùng bao nhiêu thiên tai khác, nên đe dọa bạn
bằng sự cằn cỗi, và như vậy là đói kém. Tôi bỏ qua chuyện ngộ độc, những cuộc phục
kích, những vụ cướp, bạo lực công khai, là những thứ phần thì vây hãm chúng ta trong
nhà, phần thì bám sát chúng ta ngoài đường. Giữa những hoạn nạn nầy, con người há
chẳng phải là khốn khổ nhất sao, vì nếu không dở sống dở chết trong đời, thì con người
cũng mệt mỏi kéo lê kiếp sống lo lắng sầu khổ, dường như thể có thanh gươm treo vĩnh
viễn lơ lửng trên cổ mình?
“Bạn sẽ bảo rằng: Những biến cố nầy hiếm khi xảy ra, hoặc ít ra cũng không luôn
luôn xảy ra, không phải cho tất cả mọi người, và không hề xảy ra lập tức. Tôi đồng ý với
bạn, nhưng vì được cảnh báo bởi tấm gương của người khác rằng những điều nầy cũng
có thể xảy ra cho chính chúng ta, và đừng mong chi đời sống mình khác họ, nên chúng
ta không thể không hoảng sợ kinh khiếp dường như thể những biến cố nầy sắp xảy ra
cho mình đến nơi. Do đó, bạn còn hình dung ra được điều gì tai hại hơn sự hoảng hốt
náo động nầy nữa không? Ngoài ra, quả là lăng mạ Đức Chúa Trời khi bảo Ngài đã đẩy
con người - tạo vật cao quý nhất trong các tạo vật của Ngài - vào chỗ mù quáng và liều
lĩnh của số phận may rủi.” (Institutes of the Christian Religion, I, XVII, 10).
Vậy hãy đồng thanh với Phaolô trong bài thánh ca tôn vinh tôn nghiêm của ông để
kết luận phần bàn luận dài và chi tiết về sự chọn lựa: “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có,
khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được,
đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của
Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại? Vì muôn vật đều
là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! Amen.” ( Ro
11:33-36).

331
Chương 55: PHẠM VI CỦA SỰ CHUỘC TỘI
I. THẮC MẮC
Hầu như không thể gọi “sự chuộc tội có giới hạn” hay “sự cứu chuộc cá biệt”
(particular redemption) là một giáo lý nền tảng được. Dầu vậy, hiển nhiên đây là giáo lý
thỉnh thoảng bị tranh luận gay gắt. Berkhof điển hình cho những người giữ quan điểm
nầy và phát biểu vấn đề thế nầy: “Đức Chúa Cha khi sai Đấng Christ đến thế gian, và
Đấng Christ khi đến thế gian để làm của lễ chuộc tội, thì Ngài thực hiện việc nầy với ý
định - hay nhằm mục đích - cứu chỉ những người được chọn thôi, hay cứu rỗi tất cả mọi
người? Đấy mới là câu hỏi, và duy nhất một câu hỏi đó thôi.” (Systematic Theology
(Grand Rapids: Eerdmans, 1941, trang 394). Nếu quả thật câu hỏi được diễn đạt như
vậy là đúng cách, thì câu trả lời là rất rõ ràng: Sự Chuộc Tội đã bị giới hạn, vì Đấng
Christ không đến thế gian để cứu rỗi tất cả mọi người. Hiểu biết của chúng ta về sự
chọn lựa khiến cho câu trả lời nầy trở nên chắc chắn.
Nhưng câu hỏi của Berkhof có phải là một câu hỏi đúng hay không? Câu trả lời là
không. Sai lầm là ở chỗ bảo rằng: “Đấy mới là câu hỏi, và duy nhất một câu hỏi đó thôi.”
Trái lại, thắc mắc thực sự chính là: “Khi đến trần gian, Đấng Christ có chủ định thực
hiện sự dự bị để cứu rỗi mọi người hay không, khi Ngài nhận biết rằng Đức Chúa Cha
sẽ dùng một phương cách mầu nhiệm để kéo những kẻ được chọn đến với chính Ngài
và để cho những người còn lại khước từ sự dự bị Ngài ban?” Không phải chỉ vì cớ có
một số người khước từ mà làm mất hiệu lực sự dự bị, cũng không có nghĩa vì vậy mà sự
dự bị ấy không được lập ra cho họ. Nếu nói một người cha dự bị đủ lương thực cho gia
đình, thì chúng ta không loại trừ khả năng là một số thành viên trong gia đình đó có
thể không chịu ăn những thức ăn đã được dự bị. Nhưng sự từ khước của họ không có
nghĩa sự dự bị ấy chỉ được thực hiện cho những người nào ăn mà thôi. Tương tự, sự
chết của Đấng Christ đã dự bị giá đền trả tội lỗi cho tất cả mọi người. - tức là cho những
người tiếp nhận giá đền chuộc ấy lẫn những người không tiếp nhận. Việc từ chối không
nhận lãnh sẽ không giới hạn sự dự bị Ngài đã ban. Việc cung cấp và sở hữu là hai việc
khác nhau.
II. CÁC QUAN ĐIỂM
Phái Arminians chấp nhận sự cứu chuộc phổ thông hay sự chuộc tội vô giới hạn
(cùng với ý cho rằng ân điển đầy đủ được ban cho mọi người để họ có thể tin). Giữa
vòng phái Calvin có một số người giữ quan điểm sự cứu chuộc phổ thông (được gọi là
phái Calvin “bốn điểm” hay phái Amyraldians, đi theo Moses Amyraldus, 1596-1664),
và một số dạy về sự cứu chuộc cá biệt (được gọi là phái Calvin “năm điểm” hay “phái
siêu Calvinists”). Nhóm thứ nhì nầy cho rằng Đấng Christ chịu chết để bảo đảm sự cứu
rỗi cho người được chọn; như vậy, sự chết của Ngài bị giới hạn trong phạm vi dành cho

332
người được chọn. Những người theo phái Calvin ôn hòa xem mục đích sự chết của Đấng
Christ là cung cấp sự thay thế cho mọi người; do đó, sự chết Ngài có phạm vi vô giới
hạn.
Những quan điểm nầy liên quan với thắc mắc về trật tự các nguyên chỉ của Đức
Chúa Trời. Cuộc thảo luận nầy liên quan đến luận lý hơn là sự khải thị, và chỉ nhằm
làm nổi bật những viễn cảnh khác nhau, bằng cách cố gắng lập thứ tự cho các phần
trong một nguyên chỉ đơn nhất của Đức Chúa Trời, đặc biệt là tập trung vào mối quan
hệ của sự lựa chọn với Sự Sa Ngã (lapse - sa ngã). Thuyết Supralapsarianism (thuyết
của phái Calvin, tạm dịch là “Sự chọn lựa trước Sự Sa Ngã”) đặt sự chọn lựa lên trước
tiên (supra - nghĩa là “ở trên”), tiếp theo đó là những nguyên chỉ để tạo dựng, cho phép
Sự Sa Ngã, và rồi dự bị sự cứu rỗi cho kẻ được chọn lựa. Thuyết Infralapsarianism (“sự
chọn lựa sau Sự Sa Ngã”- “infra” nghĩa là “về sau”) liệt kê thứ tự Sự Sáng Tạo, Sự Sa
Ngã, sự chọn lựa, rồi đến sự dự bị sự cứu rỗi cho người được chọn. Thuyết
Sublapsarianism (Sub - nghĩa là “ở dưới”) thì thấy thứ tự nầy: Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã,
sự dự bị sự cứu rỗi cho tất cả mọi người, sự chọn lựa một số người để được cứu rỗi. Một
số nhà thần học không công nhận sự phân biệt giữa “infra” với “sub” (“về sau” với “ở
dưới”) và tôi phải nói rằng không một thời biểu nào trong số nầy thực sự khẳng định
được điều gì cả. Vấn đề được thảo luận ở đây là phạm vi của Sự Chuộc tội, và sẽ không
giải quyết được vấn đề nầy, thậm chí còn không được soi sáng thêm bao nhiêu, qua
việc xác định thứ tự giả định của các nguyên chỉ nầy.
III. MỘT SỐ KHẲNG ĐỊNH QUAN TRỌNG
Khi thảo luận vấn đề nầy, cần nhớ rõ một số lẽ thật nhất định.
(1) Những người theo thuyết sự cứu chuộc vô giới hạn không phải là những người
theo phổ thông thuyết. Họ không tin rằng mọi người rốt cuộc đều sẽ được cứu rỗi. Quan
điểm của họ cũng không đòi hỏi, hoặc về mặt lý luận cũng không dẫn đến một kết luận
tà giáo như thế. Khẳng định như thế tức là đã tạo ra một người nộm.
(2) Mọi người đều bị hư mất, kể cả người được chọn lựa. Sự kiện một cá nhân được
chọn không hề khiến người ấy ít bị hư mất hơn người không được chọn lựa.
(3) Bất cứ ai muốn được cứu thì đều phải tin. Đức Chúa Cha sẽ kéo người ấy đến,
tuy nhiên người ấy phải đến (Gi 6:37,44).
(4) Một số câu Kinh Thánh có liên hệ cụ thể Sự Chuộc Tội với người được chọn.
Xem Gi 10:15 và Eph 5:25 để biết những ví dụ rõ ràng. Những người tin thuyết Sự Cứu
Chuộc vô giới hạn sẵn sàng công nhận điều nầy. Nhưng đấy không phải là vấn đề. Vấn
đề là: Có những câu Kinh Thánh mở rộng phạm vi của Sự Chuộc Tội vượt khỏi giới hạn
những người được chọn hay không? Người theo thuyết chuộc tội hữu hạn thì bảo rằng
không, và rồi cố dùng những phân đoạn Kinh Thánh có vẻ như mở rộng phạm vi Sự
333
Chuộc Tội để giải thích sao cho chúng không mở rộng phạm vi ấy. Nói cách khác,
những người theo thuyết chuộc tội vô hạn công nhận rằng Sự Chuộc Tội vừa có giới hạn
vừa vô giới hạn; người theo thuyết chuộc tội hữu hạn quả quyết Sự Chuộc Tội bị giới
hạn chặt chẽ, và không công nhận bất cứ phân đoạn nào về sự chuộc tội vô hạn là có
dạy về sự chuộc tội vô hạn cả.
IV. NHỮNG NHẬN ĐỊNH GIẢI KINH
A. IIPhi 2:1
Người ta thường công nhận câu Kinh Thánh khó hòa hợp nhất với sự chuộc tội có
giới hạn là IIPhi 2:1. Dường như câu Kinh Thánh nầy nói các giáo sư giả (là người không
thuộc số người được chọn) đã được Chúa trả xong giá cứu chuộc họ, vì trong sự dạy dỗ
của họ, họ đã chối bỏ Chúa, Đấng đã mua (agorazơ) họ. Nói cách khác, Phierơ dường
như đang nói rằng với của lễ hy sinh của Chúa, Ngài đã trả xong giá chuộc cho những
người không được chọn lựa nầy.
Một số người theo thuyết sự cứu chuộc cá biệt nói rằng Phierơ chỉ đang ghi lại
những lời các giáo sư giả đã tuyên bố. Họ nói Chúa đã chuộc họ rồi, nhưng trong thực
tế, Ngài đã không chuộc họ vì cớ Ngài chỉ chết cho những người được chọn. Vì vậy,
Phierơ chỉ đơn giản công nhận những lời họ đang nói, chứ không phải ông đang khẳng
định sự thật của lời họ nói, và trong thực tế, đây không phải là một câu đúng xét từ
quan điểm của thuyết cứu chuộc hữu hạn. Nhưng đương nhiên, dầu đây là cách diễn tả
lời các giáo sư giả đang nói đi nữa, thì vẫn có thể là một lời tuyên bố đúng, nên không
thể giả định đó là câu sai chỉ vì cớ câu đó ra từ miệng họ. Nhưng khả năng nhiều hơn
ấy là Phierơ đang nhấn mạnh đến chiều sâu sự đi lạc của họ, bằng cách nói họ đã chối
Chúa, Đấng đã mua họ. Đôi khi đây còn được gọi là quan điểm “xBác Ái Cơ Đốc.”
Người khác hiểu câu nầy nói Chúa (trong tư cách Đấng Tạo Hóa) “đã mua” những
người không được chọn nầy theo nghĩa Ngài đã sở hữu họ với tư cách Đấng Tạo Hóa. Vì
vậy, chữ agorazơ (nghĩa là “mua, chuộc” sẽ trở thành có nghĩa là ktizơ (tạo ra). Chúa đã
sở hữu họ giống như Ngài đã sở hữu Ysơraên khi Ngài đem lại sự giải cứu tạm thời khỏi
Êdíptô (Phu 32:6).
Để cố gắng củng cố cách giải thích nầy, người theo thuyết sự cứu chuộc cá biệt trích
dẫn ba tuyến được xem như là lập luận hậu thuẫn. (1) chữ dùng chỉ về Chúa (despotes)
khi được dùng trong Tân Ước thì chỉ về Đức Chúa Trời, chứ không chỉ về Đấng Christ,
và nó sẽ nói về Đấng Christ nếu như câu Kinh Thánh nầy dạy về một giá chuộc của
Cứu thục học (ví dụ như xem Cong 4:24; Kh 6:10). Tuy chữ nầy thường nói đến Đức Chúa
Cha khi chỉ về Ba Ngôi, nhưng không phải Giuđe 4 dùng chữ nầy để nói về Đấng Christ
sao? Dường như là để chỉ về Đấng Christ, và nếu tại đó có chỉ về Đấng Christ, thì không
có lý do gì trong IIPhi 2:1 không chỉ về Đấng Christ.

334
(2) Họ cũng nêu ra những trường hợp khác của chữ agorazơ khi chỉ về sự cứu chuộc
của Cứu thục học, thì trong văn mạch có đề cập đến giá phải trả. Do đó, vì không có đề
cập đến giá phải trả trong IIPhi 2;1, nên chắc hẳn câu Kinh Thánh nầy không nói đến
sự cứu chuộc thực sự theo cứu thục học, mà trái lại là chỉ về sự sở hữu “Đấng Tạo Hóa -
tạo vật.” Tuy nhiên, trong Kh 14:4, trong văn mạch không đề cập giá phải trả liên quan
đến sự cứu chuộc theo cứu thục học của 144.000 người. Tương tự, IIPhi 2:1 cũng có thể
chỉ về sự cứu chuộc theo cứu thục học mà không cần đề cập một giá cụ thể.
(3) Hơn nữa, người ta coi như chữ agorazơ luôn luôn được dùng trong các văn mạch
có kiểu mua thực sự để sở hữu. Vì những giáo sư giả trong IIPhi 2:1 đã thực sự không
được cứu, nên chữ agorazơ không thể chỉ về sự mua để cứu rỗi, vì không xảy ra một sự
sở hữu thực tế nào cả. Nhưng hãy để ý Lu 14:18-19, ở đây có một sự trả tiền thực sự để
mua một tài sản, thế nhưng người mua vẫn chưa nhìn thấy vật được mua. Tương tự,
người theo thuyết sự cứu chuộc vô hạn lập luận: các giáo sư giả đã thực sự được mua
rồi (tức là Đấng Christ đã chết thay cho họ rồi), dầu họ không hề thuộc quyền sở hữu
(có nghĩa là họ đã không được cứu rỗi). Xem John Owen, The Death of Death in the
Death of Christ (London: Banner of Truth Trust, 1959, trang 150-2); và Gary Long,
Definite Atonement (Nutley, N.J., Presbyterian and Reformed, 1976, trang 67-82).
B. IGi 2:2
Câu nầy dường như cũng nói khá rõ rằng sự chết của Đấng Christ đã dành cho toàn
thế gian vì Ngài làm của lễ chuộc tội không những cho tội lỗi của chúng ta thôi, mà còn
cho tội lỗi của toàn thế gian nữa. Chữ “chúng ta” dường như chỉ về những người được
(hoặc sẽ được) cứu, trong khi “cả thế gian” bao gồm những người không được cứu.
Những người theo thuyết chuộc tội hữu hạn giải thích câu nầy thế nào để cho phù hợp
với quan điểm của họ?
Trong thực tế, người ta nêu ba gợi ý. Trong cả ba ý nầy, chữ “của chúng ta” và chữ
“của thế gian” hợp với nhau thành tổng số toàn bộ những người được chọn; do đó, chữ
“chúng ta” chỉ về một phần những người được chọn, và “cả thế gian” chỉ về phần
những người được chọn còn lại. (1) Một số người hiểu chữ “chúng ta” nói đến những
người được chọn sống tại vùng Tiểu Á, là nơi sứ đồ Giăng ở; như vậy chữ “cả thế gian”
chỉ về người được chọn sống ở ngoài vùng Tiểu Á. Đây là sự phân biệt về địa lý. (2) Một
số khác hiểu đây là sự phân biệt về chủng tộc, có nghĩa chữ “chúng ta” nói đến những
người được chọn giữa vòng dân Do Thái, và chữ “cả thế gian” chỉ về người được chọn ở
giữa vòng dân ngoại bang. (3) Còn một số khác nữa hiểu đây là sự phân biệt theo trình
tự thời gian. Chữ “chúng ta” chỉ về người được chọn ở thế kỷ thứ nhất, còn chữ “cả thế
gian” tập trung vào những người được chọn trong các thế kỷ tiếp sau đó. Nói cách khác,
phái tin sự chuộc tội hữu hạn xem Sự Chuộc Tội trong câu Kinh Thánh nầy mang tính
phổ thông về mặt địa lý, về chủng tộc hay về trình tự thời gian, nhưng chỉ liên quan

335
đến người được chọn, chứ không cho tất cả mọi người (xem John Murray, Redemption -
Accomplished and Applied (Grand Rapids: Eerdmans, 1961, trang 82-5).
Đúng là chữ “thế gian” không luôn luôn có nghĩa “tất cả mọi người” (xem Gi 12:9),
nhưng không tự điển nào nói chữ nầy mang nghĩa là duy chỉ có người được chọn. Và
người theo thuyết sự chuộc tội hữu hạn đang gán cho chữ đó nghĩa “chỉ có người được
chọn” trong câu Kinh Thánh nầy.
Hơn nữa, một lần xuất hiện duy nhất khác nữa của cụm từ “cả thế gian” trong các
tác phẩm của Giăng là trong IGi 5:19, và trong câu đó, không ai tranh cãi chữ ấy bao
gồm tất cả mọi người. Vì thế, điều nầy có nghĩa Đấng Christ chết thay cho tất mọi
người, dầu rằng không phải tất cả mọi người rốt cuộc đều được cứu.
C. ITi 2:4-6; 4:10
Nói chung, người theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn hiểu chữ “mọi” trong ITimôthê
chỉ về mọi hạng người. Nói như vậy có nghĩa Đấng Christ đã chết thay cho tất cả mọi
hạng tội nhân (giữa vòng người được chọn), và Đức Chúa Trời muốn mọi hạng người
(giữa vòng những kẻ được chọn) đều được cứu. Tuy nhiên, trong 4:10, một số người hiểu
chữ “Cứu Chúa” có nghĩa là Đấng Christ dự bị những lợi ích tổng quát của ơn thần hựu
cho tất cả mọi người, và đặc biệt là cho tín đồ. Như vậy theo cách giải thích nầy, “Cứu
Chúa” không mang hàm ý cứu thục học. Phép lập luận ẩn đàng sau những cách giải
nghĩa nầy ấy là: Nếu Đấng Christ là Cứu Chúa của mọi người cách tuyệt đối, thì tất cả
mọi người đều phải được cứu, và vì không phải mọi người đều được cứu, nên Ngài
không thể là Cứu Chúa của tất cả mọi người theo bất kỳ phương diện nào của Cứu thục
học. Nhưng không phải Đức Chúa Trời là Cha của mọi người cách tuyệt đối ( Cong 17:29)
song không phải mọi người đều được ở trong gia đình được cứu chuộc đó sao (Ga 3:26)?
Tương tự, có thể nói Đấng Christ là Cứu Chúa của mọi người song không phải mọi
người đều được cứu (xem Owen, trang 235).
D. He 2:9
Một lần nữa, dường như rõ ràng Sự Chuộc Tội mang tính phổ quát. Còn thể nào
khác nữa khi tác giả bảo Ngài đã nếm sự chết vì tất cả mọi người! Hãy lưu ý những câu
Kinh Thánh trước đó cũng dùng chữ “người” và nghĩa nầy rõ ràng là tất cả mọi người,
chứ không phải chỉ riêng những người được chọn mà thôi.
E. Gi 3:16
Người theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn buộc phải bảo câu Kinh Thánh nầy nói
Đức Chúa Trời chỉ yêu thương “thế gian” của những người được chọn mà thôi. Người
theo thuyết sự cứu chuộc hữu hạn thì hiểu câu nầy nhấn mạnh cường độ mãnh liệt nơi
tình yêu thương của Đức Chúa Trời, có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu thương “thế gian”

336
của tội nhân. Nhưng nó vẫn được giới hạn cho những tội nhân được chọn. Bây giờ nếu
Gi 3:16 được giới hạn lại như thế, thì không một người nào theo thuyết chuộc tội hữu
hạn có thể nói cho những đứa con nhỏ của mình (lấy ví dụ như thế) rằng Đức Chúa Trời
yêu thương chúng, vì người ấy không thể biết ở độ tuổi đó, chúng có thuộc vào trong số
những người được chọn hay không. Tuy nhiên, Chúa bày tỏ tình yêu Ngài cho người
chưa được cứu (và hiển nhiên đó là người không được chọn (Mac 10:21).
F. Cong 17:30
Câu Kinh Thánh nầy phát biểu vấn đề thật rõ ràng. Đức Chúa Trời truyền mọi người
ở mọi nơi phải ăn năn. Giải thích câu nầy nói mọi người không phân biệt chủng tộc hay
đẳng cấp ở mọi nơi trên đất, nhưng chỉ trong vòng những người được chọn thôi (tức là
nói theo cách phải hiểu câu nầy hậu thuẫn cho sự chuộc tội có giới hạn) thì không có vẻ
gì là cách chú giải kinh chắc chắn cả!
Chú Kinh Học (khoa chú giải Kinh Thánh - Exegesis) hậu thuẫn rõ ràng cho quan
điểm sự chuộc tội vô giới hạn.
V. NHỮNG NHẬN ĐỊNH THẦN HỌC
A. Việc Rao Giảng Tin Lành Phổ Thông
Những người theo thuyết sự chuộc tội vô hạn tuyên bố: để rao giảng Tin Lành cho
tất cả mọi người, thì Đấng Christ đã phải chết thay cho tất cả mọi người. Dường như
hợp lý hơn khi nói sự chuộc tội vô hạn phù hợp hơn với việc rao giảng Tin Lành phổ
thông. Tuy nhiên, phải công nhận: tin vào thuyết chuộc tội hữu hạn thì không nhất
thiết sẽ làm giảm đi nỗ lực truyền giảng Tin Lành. Một số nhà truyền giảng Tin Lành vĩ
đại, như Spurgeon, đã tin vào sự chuộc tội hữu hạn. Và một số người tin vào sự chuộc
tội vô hạn đã thất bại trong trách nhiệm chứng nhân của họ.
B. Giá Trị Sự Chết Của Đấng Christ
Một số giá trị trong sự chết của Đấng Christ có bị mất đi nếu như số người được
Ngài chết thay lại không thực sự được cứu rỗi toàn bộ? Người theo thuyết chuộc tội hữu
hạn bảo rằng “Có”; do đó, người ấy kết luận: “Đấng Christ chỉ chết thay cho người được
chọn mà thôi.” Nhưng nếu Đức Chúa Trời đã định một sinh tế phổ thông có giá trị ở chỗ
nó khiến cho toàn thế gian có thể được cứu, cộng thêm với giá trị cứu rỗi dành cho
những người nào tin, thì toàn bộ giá trị nầy đều được thực hiện, dầu theo nhiều phương
cách khác nhau.
C. Có Phải Người Không Được Chọn Bị Đền Tội Đến Hai Lần?
Một số người theo thuyết chuộc tội hữu hạn cho rằng: Nếu Đấng Christ chết thay
cho hết thảy mọi người, thì tội lỗi của những người không được chọn đã được đền trả
tại thập tự giá bởi sự chết của Đấng Christ, rồi sẽ được đền trả một lần nữa tại sự đoán
337
xét bởi việc kết án người không được chọn phải đi vào hồ lửa. Vậy trong thực tế, tội lỗi
của họ bị đền trả hai lần. Như thế, theo luận lý, hoặc sự chết của Đấng Christ sẽ không
bao gồm những người không được chọn, hoặc người không được chọn sẽ không bị đi
vào hồ lửa.
Có thể nêu ra một câu hỏi so sánh tương tự. Có phải người Ysơraên nào không chịu
bôi huyết Con Chiên Lễ Vượt Qua trên cửa nhà mình thì tội lỗi người ấy đã bị đền trả
hai lần không? Khi con chiên Lễ Vượt Qua bị giết, tội lỗi người ấy đã được khỏa lấp.
Nhưng nếu người ấy không bôi huyết trên cửa thì người ấy chết. Đây có phải là sự đền
tội lần thứ nhì của người ấy không? Đương nhiên là không! Đơn giản là sự đền tội đầy
đủ lần đầu không áp dụng cho căn nhà ấy. Sự chết đến sau khi không bôi huyết trên
cửa chỉ là sự báo trả cho việc không chiếm lấy sinh tế đầy đủ kia cho mình. Sự Chuộc
Tội của Đấng Christ đã đền trả xong tội lỗi của cả thế gian, nhưng cá nhân phải lấy đức
tin chiếm cho mình giá đền tội ấy. Thế gian đã được giải hòa với Đức Chúa Trời ( IICo
5:19), nhưng những người được giải hòa đó cần phải được giải hòa với Đức Chúa Trời
(c.20).
Minh họa: Tại một trường học tôi có dịp dạy, quỹ trợ giúp sinh viên đã được giải
quyết như sau. Dân chúng tặng các món quà vào quỹ trợ giúp sinh viên. Những sinh
viên nghèo làm đơn xin trợ giúp từ quỹ đó. Có một ủy ban quyết định xem ai là người
sẽ nhận phần trợ giúp và nhận bao nhiêu. Nhưng đến khi phân phối món tiền thực sự
đó thì người ta thực hiện bằng cách cấp một ngân phiếu cho sinh viên đó, rồi sinh viên
đó được yêu cầu ký vào ngân phiếu để gởi lại cho trường, và trường sẽ đặt một thẻ tín
dụng vào tài khoản của sinh viên đó. Tiền không chuyển trực tiếp từ quỹ tài trợ vào
thẳng tài khoản của sinh viên. Sinh viên phải đích thân nhận khoản tiền đó và nhập nó
vào tài khoản của mình. Chúng ta giả sử bạn gởi quà để trả học phí một năm cho một
sinh viên. Bạn có thể nói đúng rằng học phí của sinh viên đó đã được trả xong. Nhưng
trước lúc có sự chọn lựa của ủy ban, và trước khi sinh viên kia nhận phần quà và đưa
vào tài khoản của anh ta, thì học phí của anh ta vẫn chưa được thanh toán. Nếu sinh
viên đó không ký vào ngân phiếu, thì học phí sẽ không bao giờ được thanh toán, dầu đã
được trả xong rồi! Sự chết của Đấng Christ đền trả xong mọi tội lỗi của mọi người.
Nhưng không có cá nhân nào được thanh toán cho tài khoản mình mãi cho đến khi
người ấy tin. Nếu không bao giờ tin, thì dầu giá phải trả đã được thanh toán đầy đủ, tội
lỗi người đó vẫn không được tha. Sự chết của Đấng Christ giống như một nhà hảo tâm
kia trả xong học phí cho mọi tội lỗi của mọi sinh viên trong mọi trường học ở khắp mọi
nơi. Nhưng để việc đó có thể thành hiện thực, thì chúng ta sẽ phải nói điều gì cho sinh
viên? Rao ra tin vui là học phí của họ được thanh toán rồi.
Đấng Christ đã chết cho tất cả mọi người. Chúng ta sẽ phải rao gì cho thế gian?

338
Chương 56: ỨNG DỤNG CỦA SỰ CỨU RỖI
Trong chương nầy, chúng ta sẽ khảo sát các chức vụ liên quan đến ứng dụng của sự
cứu rỗi. Trong lịch sử, khảo sát nầy được gọi tên là ordo salutis, hay là con đường cứu
rỗi, và nó cố gắng sắp xếp theo trật tự luận lý (chứ không theo trật tự thời gian) cho các
hoạt động liên quan đến việc ứng dụng sự cứu rỗi cho cá nhân. Nhưng cũng giống như
trật tự của các nguyên chỉ trong chủ thuyết về Sự Sa Ngã, trong thực tế ordo salutis góp
phần không đáng kể. Điểm bị tranh luận nhiều nhất là mối quan hệ giữa sự tái sanh và
đức tin, và chúng ta sẽ thảo luận sau. Thay vì cố gắng thiết lập trật tự, sẽ hữu ích hơn
nếu để ý xem những chức vụ nào là thuộc về riêng một mình Đức Chúa Trời (sự kêu
gọi, sự tái sanh), và chức vụ nào cũng có phần của con người nữa (sự cáo trách, sự hoán
cải).
I. SỰ CÁO TRÁCH
A. Sự Cáo Trách Là Gì?
Như đã ghi lại trong Gi 16:8-11, Chúa hứa sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh sẽ cáo
trách thế gian về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Vậy sự cáo trách là gì? Đây
không phải là sự hoán cải, mà là sự thuyết phục hay bác bẻ một đối thủ, để vấn đề được
trình bày trước mặt người ấy cách sáng tỏ bất luận người ấy chấp nhận hay từ khước
bằng chứng đi nữa.
“Ý về ‘sự cáo trách’ nầy quả phức tạp. Nó bao gồm những khái niệm để khảo sát về
thẩm quyền, về những bằng chứng không thể phủ nhận, và về sự đoán xét dứt khoát,
về quyền lực hình phạt. Dầu vấn đề chung cuộc là gì đi nữa, người “cáo trách” người
khác chính là người đem lẽ thật đang tranh luận ra ánh sáng rõ ràng trước mặt người bị
cáo trách, để phải nhìn thấy và công nhận đó chính là lẽ thật. Bấy giờ ai khước từ kết
luận rút ra từ sự giảng giải nầy, thì người đó đã liều lĩnh khước từ với toàn bộ ý thức
của mình. Lẽ thật nào đã được xem là lẽ thật thì tự nó mang theo sự định tội cho tất cả
những ai không chịu đón nhận.” (B.F. Westcott, The Gospel According to St. John
(London: Murray, 1908,2:219).
Lưu ý cách dùng từ trong Mat 18:15. Người bị quở trách hay bị cáo trách sẽ có thể
chấp nhận bằng chứng và ăn năn, hoặc có thể không chấp nhận và không ăn năn để rồi
dẫn đến một cuộc đối chất khác nữa. Như vậy, sự cáo trách đưa ra bằng chứng, nhưng
không bảo đảm lẽ thật sẽ được chấp nhận, mà chấp nhận lẽ thật mới là điều cần thiết
cho sự hoán cải.
B. Ai Bị Cáo Trách?
Thế gian. Có phải điều nầy nói đến chỉ những người được chọn? Không, vì chức vụ
cáo trách còn chờ đợi khả năng một số người sẽ không chấp nhận lẽ thật. Như vậy có

339
nghĩa là mọi người trong thế gian sao? Có thể là không, vì sự cáo trách nầy liên quan
đến những điểm cụ thể về tội lỗi, về sự công bình và về sự đoán xét, chứ không phải
chỉ là sự cáo trách chung chung xuất phát từ khải thị tổng quát. Chắc hẳn chữ thế gian
nầy nói đến một số lượng người rất lớn, đông hơn những người được chọn, nhưng
không phải là tất cả mọi người (đối chiếu Gi 12:19).
C. Họ Bị Cáo Trách Về Điều Gì?
Sự cáo trách đến cho những lãnh vực cụ thể của tội lỗi, sự công bình và sự đoán xét.
Chữ hotis có thể mang nghĩa “bởi vì” hoặc “tức là” hoặc là một sự pha trộn trong ba
mệnh đề nầy. Ví dụ, nếu mang nghĩa “bởi vì,” thì thế gian bị cáo trách về tội lỗi bởi vì
lòng vô tín. Nếu mang nghĩa “tức là,” thì thế gian bị cáo trách về tội không tin. Sự công
bình chính là sự công bình mà Đấng Christ đã ban cho trên thập tự giá, được xác chứng
bởi việc Ngài lên cùng Đức Chúa Cha. Sự đoán xét ở đây có thể hoặc là sự đoán xét tội
nhân trong tương lai, được bảo đảm bởi sự đoán xét đã hoàn tất rồi cho Satan, hoặc có
thể chỉ về sự đoán xét Satan trên thập tự giá (c.31).
Đây là trật tự luận lý. Con người cần nhìn thấy tình trạng tội lỗi của mình, cần thấy
bằng chứng về sự công bình mà Cứu Chúa mà dự bị, và cần được nhắc nhở rằng nếu từ
chối tiếp nhận Cứu Chúa ấy, thì sẽ đối diện với sự đoán phạt chắc chắn.
D. Sự Cáo Trách Được Thực Hiện Bằng Cách Nào?
Rất có thể qua rất nhiều phương cách. Đức Thánh Linh có thể phán trực tiếp với
lương tâm con người, và dầu lương tâm có thể bị chai lì nhưng vẫn có thể cáo trách.
Ngài có thể phán qua Lời thành văn (Kinh Thánh). Ngài cũng có thể dùng lời làm chứng
hay những bài giảng. Nhưng khi sự cáo trách đến cho một cá nhân, dầu con người có
dự phần đem lại chức vụ cáo trách nầy hay không đi nữa, thì chính Đức Thánh Linh
phải thực hiện việc cáo trách đó. Chúng ta sẵn sàng công nhận sự tái sanh là công việc
của Đức Thánh Linh, nhưng đôi khi lại tự cho rằng những lời trình bày khôn ngoan hay
đầy thuyết phục của chúng ta có thể cáo trách được. Không phải vậy đâu. Đức Chúa
Trời phải thực hiện ngay cả việc đó nữa.
II. SỰ KÊU GỌI
A. Sự Kêu Gọi Tổng Quát
Chỉ một hoặc hai câu Kinh Thánh trong Tân Ước dùng chữ “kêu gọi” để diễn đạt sự
kêu gọi tổng quát cho cả người được chọn lẫn người không chọn. Mat 22:14 hậu thuẫn rõ
ràng cho khái niệm nầy, tuy 9:13 cũng có thể hậu thuẫn được. Tuy nhiên, ý nầy được
diễn tả rõ trong những phân đoạn như Lu 14:16-24 và Gi 7:37. Đây là lời mời gọi tổng quát
của Đức Chúa Trời để con người đến với Ngài.
B. Sự Kêu Gọi Hiệu Năng

340
Đây là sự kêu gọi mà chỉ những người được chọn mới đáp ứng qua đức tin và bởi đó
đem lại sự cứu rỗi cho họ (Ro 8:30; ICo 1:2). Đây là công việc của Đức Chúa Trời, dầu Ngài
sử dụng việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời (Ro 10:17). Đây là sự kêu gọi vào mối tương
giao (ICo 1:9), vào sự sáng (IPhi 2:9), vào sự tự do (Ga 5:13), vào sự thánh khiết (ITe 4:7), và
vào nước Ngài (2:12).
III. SỰ TÁI SANH (TÁI TẠO)
A. Ý Nghĩa Sự Tái Tạo
Chữ nầy chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước (Mat 19:28; Tit 3:5), có nghĩa là sự tái
sanh. “Sanh từ trên cao” (anothen) xuất hiện trong Gi 3:3, và chắc cũng bao gồm ý được
sanh lại (xem cách dùng chữ anothen trong Ga 4:9). Đây là công việc của Đức Chúa Trời
để ban sự sống mới cho người nào tin.
B. Phương Tiện Của Sự Tái Sanh
Đức Chúa Trời sanh (Gi 1:13) theo ý muốn Ngài (Gia 1:18) bởi Đức Thánh Linh (Gi 3:5)
khi một người tin (1:12) Tin Lành như đã được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:23).
C. Mối Liên Hệ Của Sự Tái Sanh Và Đức Tin
Trong bản tuyên ngôn đức tin Cải Cách về ordo salutis, sự tái sanh đứng trước đức
tin, vì người ta cho rằng tội nhân phải được ban sự sống mới thì mới có thể tin được.
Tuy đây được thừa nhận là một trật tự về luận lý, nhưng thật kém khôn ngoan khi quả
quyết điều đó, vì cũng có thể lập luận rằng nếu tội nhân có sự sống mới thông qua sự
tái sanh, vậy sao còn cần phải tin nữa? Đương nhiên, có thể không tồn tại một trật tự
thời gian nào; cả sự tái sanh và đức tin phải xảy ra đồng thời. Nói đúng ra, đức tin cũng
là một phần của toàn bộ sự cứu rỗi, mà sự cứu rỗi chính là sự ban cho của Đức Chúa
Trời (Eph 2:9); tuy vậy phải có đức tin thì mới được cứu (Cong 16:31). Cả hai đều đúng.
D. Kết Quả Của Sự Tái Sanh
Sự sống mới sẽ sinh ra bông trái mới. Theo Gi 2:29; 3:9; 4:7; 5:1,4,18, một số kết quả
của sự sống mới bao gồm sự công bình, không phạm tội, yêu thương nhau, và đắc thắng
thế gian.
IV. ĐỨC TIN
A. Ý Nghĩa Của Đức Tins
Đức tin có nghĩa là sự tin quyết, tin cậy, cho một điều gì đó là đúng. Đương nhiên,
đức tin phải có nội dung; phải có sự tin quyết hay tin cậy về một việc gì đó. Có đức tin
nơi Đấng Christ để được cứu rỗi có nghĩa là có lòng tin quyết Ngài có thể cất bỏ sự
phạm tội và ban sự sống đời đời.

341
B. Lẽ Cần Yếu Của Đức Tin
Sự cứu rỗi luôn luôn đến thông qua đức tin, chứ không phải nhờ vào đức tin ( Eph
2:8). Đức tin là phương tiện để bởi đó chúng ta nhận lãnh món quà sự sống đời đời của
Đức Chúa Trời ban cho; đức tin không phải là nguyên nhân. Chính vì vậy con người
không bao giờ có thể khoe mình, thậm chí là khoe về đức tin mình. Nhưng đức tin là
điều kiện thiết yếu và là phương tiện duy nhất (Gi 5:24; 17:3).
Thường thì chữ “tin” của Tân Ước (pisteuo) được dùng cùng với giới từ eis ( Gi 3:16),
để chỉ về sự tin cậy hay sự phó thác tin quyết vào đối tượng. Đôi khi chữ nầy được đi
kèm sau bởi epi, để nhấn mạnh lòng tin cậy giống như nắm giữ chặt đối tượng của đức
tin (Ro 9:33; 10:11). Đôi khi được tiếp theo bởi một mệnh đề giới thiệu nội dung của đức
tin (10:9). Động từ nầy được dùng với một túc từ gián tiếp (dative - tặng cách) trong Ro
4:3. Nhưng dầu mang hình thức nào đi nữa, động từ nầy vẫn chỉ ra sự tin cậy vào một
điều gì đó hay một người nào đó.
C. Các Loại Đức Tin
Kinh Thánh dường như phân biệt bốn loại đức tin.
1. Đức tin tri thức hay đức tin lịch sử. Đức tin nầy hiểu được lẽ thật về mặt tri thức
nhờ kết quả của giáo dục, truyền thống, dưỡng dục, v.v... Đức tin nầy là của con người,
và không cứu rỗi được (Mat 7:26; Cong 26:27-28; Gia 2:19).
2. Đức tin phép lạ. Đây là đức tin để thi hành hoặc để nhận lãnh một phép lạ, và
đức tin nầy có thể có đi kèm theo hoặc không kèm theo sự cứu rỗi ( Mat 8:10-13; 17:20;
Cong 14:9).

3. Đức tin tạm thời. Lu 8:13 minh họa loại đức tin nầy. Đức tin nầy tương tự với đức
tin tri thức, ngoại trừ có vẻ thiên nhiều hơn về sở thích cá nhân.
4. Đức tin cứu rỗi. Đây là sự tin cậy vào lẽ thật của Tin Lành như đã được bày tỏ
trong Lời Đức Chúa Trời.
D. Các Phương Diện Của Đức Tin
1. Phương diện lý trí. Phương diện nầy gồm công nhận sự kiện cách tích cực về lẽ
thật của Tin Lành và thân vị của Đấng Christ.
2. Phương diện tình cảm. Lẽ thật và thân vị của Đấng Christ giờ đây được nhìn thấy
theo một cách thích thú và hấp dẫn.
3. Phương diện ý chí. Giờ đây cá nhân nầy đích thân tiếp lấy lẽ thật và Thân Vị đó,
và đặt lòng tin cậy nơi Ngài.

342
Tuy có thể phân biệt ba phương diện nầy, nhưng chúng phải được kết hợp với nhau
tại lúc có đức tin cứu rỗi. Một người tin Đấng Christ bằng cả con người mình, chứ
không phải chỉ là bằng tri thức hoặc tình cảm hoặc bằng ý chí.
Có lẽ một trong những tuyên bố rõ ràng nhất về nội dung thiết yếu cho đức tin cứu
rỗi chính là trong lời Chúa phán cho người đàn bà Samari tội lỗi. Ngài phán: “Ví bằng
ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: ‘Hãy cho ta uống’ là ai, thì
chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống” (Gi 4:10). Hãy biết
về sự ban cho và về thân vị Đấng nầy, rồi hãy cầu xin và nhận lãnh sự sống đời đời.

343
Chương 57: SỰ AN NINH CỦA TÍN ĐỒ
I. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA VÀ NHỮNG SỰ PHÂN BIỆT
Tựa đề chương nầy đã được chọn sau khi suy nghĩ cẩn thận. Trong một số sách
thần học hoặc tự điển, chương này sẽ được đặt tựa đề là “Sự Bảo Đảm”; trong một số
sách khác thì được gọi là “Sự Bền Đỗ” (Perseverance); một vài sách gọi là “Sự Giữ Gìn.”
Có những điều gì khác nhau, và vì sao chọn “Sự An Ninh”?
Sự An Ninh đời đời là công tác của Đức Chúa Trời để bảo đảm món quà sự cứu rỗi
một khi đã nhận lãnh được rồi thì còn đến đời đời và không thể đánh mất. Khái niệm sự
an ninh đời đời nhấn mạnh hoạt động của Đức Chúa Trời để bảo đảm sự sở hữu món
quà sự sống đời đời. Nó liên quan đến những người đã được Thánh Linh tái sanh, và
tính xác thực của nó không căn cứ vào cảm giác hay kinh nghiệm.
Sự giữ gìn khá giống với sự an ninh đời đời khi nhấn mạnh đến công tác của Đức
Chúa Trời để giữ gìn tín đồ trong sự cứu rỗi.
Sự bền đỗ (hoặc “sự nhẫn nại”) - một thuật ngữ thường được dùng trong thần học
Calvin - gọi tên “điểm thứ năm” trong thần học của Calvin, là “sự bền đỗ chung cuộc”
của các thánh đồ. Điều đó có nghĩa tín đồ “không thể nào sa ngã cách hoàn toàn hay
chung cuộc khỏi tình trạng ân điển, nhưng chắc chắn sẽ bền đỗ từ lúc đó cho đến cuối
cùng, và sẽ được cứu rỗi đời đời” (Westminster Confession, XII, I). Điều nầy dường như
tập trung vào tín đồ - chính tín đồ là người phải bền đỗ (mặc dù thông qua nguyên chỉ
và quyền năng của Đức Chúa Trời). Sự an ninh tập trung vào Đức Chúa Trời - chính
Đức Chúa Trời là Đấng giữ cho sự cứu rỗi chúng ta được chắc chắn. “Sự an ninh” không
phủ nhận khả năng đôi khi có những lần sa ngã lui đi, nhưng nhấn mạnh đến nhu cầu
sinh bông trái hiển nhiên trong suốt nếp sống Cơ đốc. Thỉnh thoảng, những ai tiếp cận
giáo lý nầy từ quan điểm sự bền đỗ thì họ phủ nhận khả năng có Cơ đốc nhân xác thịt.
Dầu sự an ninh đời đời, sự giữ gìn, và sự bền đỗ thật ra đều dạy cùng một kết luận
cốt yếu (tức là dạy tín đồ thật sẽ không bao giờ mất sự cứu rỗi của mình), nhưng sự bảo
đảm lại là một giáo lý khác. Đây là sự nhận thức được lẽ thật về sự an ninh đời đời hay
sự bền đỗ. Sự cứu rỗi chắc chắn chính là một sự kiện thực, dầu người ấy có nhận ra hay
không đi nữa. Vì thế, tín đồ có sự an ninh bất luận người ấy có sự bảo đảm hay không
đi nữa.
II. GIÁO LÝ VỀ SỰ BẢO ĐẢM
Sự bảo đảm là sự nhận thức được rằng mình có sự sống đời đời. Thiếu sự bảo đảm
thì thường đem lại chấn thương không cần thiết nhưng rất kinh khiếp cho đời sống của
một người. Vậy tại sao người ta thiếu sự bảo đảm?
Có thể nêu ra bốn nguyên nhân.

344
(1) Có người nghi ngờ thực tế sự phó thác của họ cho Đấng Christ. Đôi khi, điều nầy
có thể đi liền với tình trạng không thể nêu rõ được thời điểm mình đã tiếp nhận Đấng
Christ. Sự tái sanh xảy ra tại một thời điểm cụ thể. Tại bất cứ thời điểm nào đó, người ta
chỉ có thể hoặc được cứu rỗi, hoặc bị hư mất. Không ai lớn lên trong sự hoán cải cả.
Nhưng hết thảy chúng ta thực sự có lớn lên trong hiểu biết về sự hoán cải. Vì vậy, tuy
trước mặt Đức Chúa Trời và trong kinh nghiệm chúng ta thì đã có một thời điểm mà tại
đó chúng ta được cứu, nhưng trong sự hồi tưởng hay trong trí hiểu của chúng ta, chúng
ta có thể không nói cụ thể được thời điểm đó.
Đôi khi sự nghi ngờ nầy lại còn căn bản hơn là vấn đề thời gian nữa. Tôi đã thực sự
tiếp nhận Đấng Christ chưa? Có thể xua tan nỗi nghi ngờ như thế bằng cách kêu cầu
danh Chúa lần nữa (và nếu cần thì cứ kêu cầu hoài). Không ai có thể được tái sanh
nhiều hơn một lần, nhưng một người có thể thành thật trình dâng sự nghi ngờ của
mình cho Chúa và một lần nữa kêu cầu Ngài cứu rỗi.
(2) Một số người thiếu bảo đảm vì thắc mắc tính chính xác của thủ tục họ trải qua
khi bày tỏ đức tin nơi Đấng Christ. Tôi đã không tiến tới. Tôi có thực sự được cứu
không? Tôi có cầu nguyện đúng không? Tôi đã tiếp nhận Chúa cách riêng tư. Chừng đó
đủ chưa, hay tôi cần phải có một kiểu chứng tỏ công khai nào đó? Nan đề nầy rất thực
đối với nhiều người, mà đáng ra không đến nỗi nhiều người như vậy, và càng tồi tệ
thêm bởi người ta đề cao một phương pháp mời gọi nào đó đến mức gần như trở thành
phương tiện của sự cứu rỗi luôn vậy.
(3) Nếu không tin vào sự an ninh của tín đồ, thì người ấy dứt khoát sẽ thiếu sự bảo
đảm không dưới một lần trong đời sống mình.
(4) Khi tội lỗi bước vào trong đời sống tín đồ, đặc biệt là tội trọng, thì sự nghi ngờ
đôi khi đi cặp theo kinh nghiệm thiếu sự bảo đảm như thế. Sự an ninh không phải là
giấy phép để tùy ý phạm tội, nhưng ban sự bảo đảm chúng ta cần có để nhận ra rằng
Cơ đốc nhân sẽ phạm tội, và tội lỗi đó không khiến chúng ta đánh mất sự cứu rỗi. Từng
trải bình thường của Cơ đốc nhân không hề bao gồm sự vô tội, vì “chúng ta thảy đều
phạm tội nhiều lần nhiều cách” (Gia 3:2). Điều nầy không hề bào chữa cho tội lỗi, vì Cơ
đốc nhân cũng sẽ lớn lên trong sự thánh khiết. Nhưng từng trải phạm tội không làm
mất đi sự cứu rỗi.
III. QUAN ĐIỂM PHÁI ARMINIANS VỀ SỰ AN NINH
James Arminius (1560-1609) đã được huấn luyện trong thần học Cải Cách nghiêm
ngặt. Khi được yêu cầu bênh vực thuyết supralapsarianism để phản đối thuyết
sublapsarianism, ông lại thấy mình cẩn trọng bênh vực quan điểm sublapsarianism.
Các tác phẩm của ông, được sưu tập thành ba bộ sách, gồm hầu hết những luận thuyết
tùy tình huống xuất phát từ những cuộc tranh luận mà ông thấy mình có tham gia vào.

345
Hệ thống được gọi là thuyết Arminianism đã đưa quan điểm của ông đi xa hơn và được
tạo dựng bởi Simon Episcopius (1583-1643).
Trong số những sự dạy dỗ chính của thuyết Arminianism có những điều sau.
1. Sự biết trước. Các nguyên chỉ của Đức Chúa Trời được căn cứ trên sự biết trước
của Ngài (nghĩa là sự thấy trước). Sự chọn lựa là do đức tin được nhìn thấy trước, và sự
định tội từ trước là do sự chống cự với ân điển đã được nhìn thấy từ trước. Dầu
Arminius cũng xem sự biết trước như là sự thấy trước, nhưng ông bảo rằng “Đức Chúa
Trời đã ấn định cứu một số người và đoán phạt những người cũ thể nào đó.” (The Works
of James Arminius, do James Nichols dịch (Auburn: Derby and Miller, 1853,1:248).
2. Sự ô nhiễm, chứ không phải sự có phạm tội. Con người đã thừa hưởng sự ô nhiễm
từ Ađam, chứ không phải sự phạm tội do quy kể. Sự bại hoại không mang tính toàn
diện, vì con người có thể hướng ý chí mình về những việc lành.
3. Sự trọn lành. Tín đồ có thể sống đúng theo ý muốn Đức Chúa Trời đến độ được
gọi là trọn lành.
4. Mất sự cứu rỗi. Thuyết Arminianism dạy rõ rằng tín đồ có thể mất sự cứu rỗi.
Arminius nói: “Tôi không hề dạy rằng một tín đồ thật có thể sa ngã toàn bộ hoặc sa ngã
chung cuộc khỏi đức tin và bị hư mất; tuy nhiên tôi sẽ không giấu giếm rằng tôi thấy có
những phân đoạn Kinh Thánh dường như có chứa đựng phương diện nầy.” (Works,
1:254).

Xét trên bình diện phổ thông hơn, phái Arminians đôi khi đánh đồng quan điểm sự
an ninh đời đời với sự buông tuồng phạm tội. Đương nhiên, phái Cavilnists có phạm tội
và biện giải cho việc đó, nhưng phái Arimnians cũng làm như vậy. Đời sống chúng ta
phải tô điểm cho giáo lý của chúng ta, nhưng đời sống chúng ta dầu tốt hay xấu cũng
không khiến giáo lý trở nên đúng hay sai được.
Trên thực tế, quan điểm phái Arminians về khả năng và hiện thực của việc đánh
mất sự cứu rỗi đôi khi dẫn đến việc lập danh sách phân loại các tội lỗi. Một loại là
những tội có thể khiến mất sự cứu rỗi; một loại là những tội không khiến mất sự cứu
rỗi. Đương nhiên, một số tội thì nặng hơn những tội khác (Mat 7:1-5; Gi 19:11), nhưng nếu
một tội có thể làm mất sự cứu rỗi, thì bất kỳ tội nào cũng có thể làm mất được. Có lẽ sự
phản kháng kết luận nầy là nguyên nhân cho sự dạy dỗ về chủ nghĩa trọn lành
(perfectionism) trong học thuyết Armininanism.
IV. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ AN NINH ĐỜI ĐỜI
Về cơ bản, sự an ninh đời đời được căn cứ trên ân điển của Đức Chúa Trời và trên
sự kiện sự sống đời đời là sự ban cho và còn đến đời đời. Khi một người tin Đấng Christ,
người ấy được đem vào mối tương quan với Đức Chúa Trời, và mối tương quan đó bảo

346
đảm sự cứu rỗi người ấy là chắc chắn. Đương nhiên, điều nầy chỉ đúng cho những
người được tái sanh. Có những người tự xưng là có sự sống nhưng thực ra không có.
Đôi khi chúng ta có thể phán đoán chắc chắn và hợp lý để biết một người nào đó chỉ tự
xưng là có thôi hay thực sự đã có được sự sống đời đời. Nhiều khi chúng ta không thể.
Nhưng sự cứu rỗi của người được tái sanh là chắc chắn nhờ vào mối tương quan đó với
Đức Chúa Trời, là mối tương quan người ấy có được bởi đức tin.
A. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Chúa Cha
1. Mục đích Ngài. Đức Chúa Trời đã định làm vinh hiển chính nhóm người Ngài đã
định trước, đã kêu gọi, và đã xưng công bình (Ro 8:30). Nếu người thuộc vào nhóm đó có
thể bị mất sự cứu rỗi, thì không thể nào có được lời tuyên bố táo bạo nầy. Nếu có thể bị
mất sự cứu rỗi, nhóm người được Ngài xưng công bình sẽ không trùng số lượng với
nhóm người được Ngài làm cho vinh hiển. Nhưng câu Kinh Thánh nầy nói sẽ là cũng
chính nhóm người này mà thôi.
2. Quyền năng Ngài. Hầu hết mọi người đều đồng ý quyền năng của Đức Chúa Trời
có thể giữ gìn tín đồ (và quả thực là vậy, Giuđe 24), nhưng có người sẽ tranh luận rằng
quyền năng đó có thể bị ngăn trở bởi người tín đồ chối bỏ đức tin mình. Nhưng Chúa
phán chúng ta được an toàn chắc chắn trong tay Ngài và trong tay Cha Ngài, và không
ai có thể cướp tín đồ ra khỏi chỗ an toàn ấy (Gi 10:28-29). Chữ “không ai” có nghĩa là
không một người nào, kể cả chính bản thân người đó nữa. Lời hứa nầy không nói:
Không ai - ngoại trừ tự bản thân - có thể cướp tín đồ ra khỏi tay Đức Chúa Cha. Lời hứa
ấy bảo rằng “Không ai!”
B. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Chúa Con
1. Sự Chết Ngài. Phaolô nêu hai câu hỏi trong Ro 8:33: Ai sẽ kiện những kẻ được
chọn của Đức Chúa Trời, và ai sẽ lên án họ? Câu trả lời “Không ai” của ông căn cứ vào
sự chết, sự sống lại, sự cầu thay, và sự biện hộ bênh vực của Đấng Christ (c. 34). Nếu
có tội lỗi nào hủy được sự cứu rỗi của tín đồ, và thực ra nếu có thể mất sự cứu rỗi, thì
sự chết của Đấng Christ đã không đền trả cho tội lỗi đó. Nhưng Phaolô khẳng định sự
chết Đấng Christ đã đền trả xong tội rồi. Chính Chúa chúng ta cũng tuyên bố Ngài sẽ
không đánh mất những gì Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài (Gi 6:39-40) - mọi người tin
Ngài đều sẽ sống lại trong ngày sau rốt, chứ không phải mọi người nào tin và bền đỗ.
2. Lời cầu nguyện của Ngài. Chức vụ hiện tại của Đấng Christ trên thiên đàng để
cầu nguyện cho những kẻ thuộc về Ngài gồm có hai phương diện: chức vụ phòng ngừa
(công việc cầu thay) và chức vụ chữa trị (công việc biện hộ). Lời cầu nguyện của Ngài
trong đoạn 17 minh họa phương diện phòng ngừa nầy. Ngài cầu nguyện để chúng ta có
thể được giữ khỏi điều ác (c.15), để chúng ta được nên thánh (c.17), để chúng ta có thể
hiệp một (c. 21), để chúng ta sẽ ở thiên đàng với Ngài (c.24), và để chúng ta có thể

347
ngắm xem vinh hiển của Ngài (c. 24). Nhờ sự cầu thay không ngừng của Ngài cho
chúng ta mà Ngài có thể cứu chúng ta cách toàn vẹn và đời đời (He 7:25).
Công tác biện hộ xuất hiện khi chúng ta phạm tội (IGi 2:1). Một lần nữa, nếu có tội
nào hủy được sự cứu rỗi của tín đồ (và tội nào cũng có thể), thì Satan có một lý lẽ không
thể phủ nhận được để buộc tội tín đồ bất cứ khi nào người ấy phạm tội (Kh 12:10). Nó có
thể đòi hỏi chính đáng sự đoán phạt đời đời cho Cơ đốc nhân, và nếu không nhờ Đấng
Biện Hộ của chúng ta, thì chúng ta đã bị định tội rồi. Nhưng Chúa chỉ vào công tác của
Ngài trên Gôgôtha, là công tác xóa bỏ sự phạm mọi tội của chúng ta, những tội đã phạm
trước và sau khi chúng ta được cứu, và công tác đó đủ để đáp lời buộc tội của Satan.
Tôi đã phạm tội. Và lập tức Satan vội vã,
Bay đến trước mặt Đức Chúa Trời Chí Cao
Và kiện cáo ầm ĩ tại đó.
Rằng: “Linh hồn nầy, cái thứ bằng bụi đất và cỏ kia,
Đã phạm tội. Đúng là nó mang danh Ngài!
Nhưng ta đòi hỏi nó phải chết, vì Ngài đã phán:
‘Linh hồn nào phạm tội, ắt sẽ chết!’
Cớ sao bản án Ngài không ứng nghiệm? Công lý chết rồi chăng?
Hãy phó tội nhân khốn nạn ấy ngay cho số phận nó.
Vua Công Bình còn làm gì khác hơn thế chăng?”
Và như thế, Satan ngày đêm kiện cáo tôi
Và Đức Chúa Trời ôi! Mọi lời của hắn đều đúng!
Rồi Đấng bên phải Đức Chúa Trời đứng dậy ngay
Mọi thiên sứ đều che mắt trước vinh quang Ngài,
Ngài phán: “Từng chấm từng nét của Luật Pháp
Phải được ứng nghiệm; kẻ phạm tội phải chết!
Nhưng hãy khoan! Nếu hết thảy tội của người nầy
Đều được chuyển sang cho Con, và Con đã trả xong hình phạt ấy thì sao!
Hãy xem bàn tay, hông và chân Con!
Ngày trước Con đã trở nên tội lỗi vì người, và đã chết thay người
Để người được trình dâng trước Cha không tì vết!”

348
Thế là Satan chuồn mất. Hắn biết rất rõ
Nó không thể thắng hơn tình yêu lớn dường ấy,
Vì mọi lời Chúa yêu dấu của tôi phán ra đều đúng!
- Tạm dịch từ bài thơ của Martha Snell Nicholson -
C. Những Nguyên Nhân Liên Quan Đến Đức Thánh Linh
1. Ngài tái sanh. Nếu chúng ta được sanh lại bởi Đức Thánh Linh khi tin Chúa, thì
nếu chúng ta có thể từ bỏ đức tin để đánh mất sự cứu rỗi, chúng ta cũng phải bị cất mất
sự tái sinh nữa.
2. Ngài ngự trong đời sống. Nếu có thể mất sự cứu rỗi, thì sự hiện diện của Thánh
Linh trong đời sống tín đồ cũng phải bị cất bỏ luôn. Tín đồ đó sẽ không còn Thánh Linh
ngự trong mình nữa.
3. Ngài làm Báptêm. Đức Thánh Linh kết hiệp tín đồ vào thân thể Đấng Christ khi
người ấy tin (ICo 12:13); do đó, nếu có thể bị mất sự cứu rỗi, thì Cơ đốc nhân hẳn phải bị
tách khỏi thân thể Đấng Christ.
4. Ngài ấn chứng. Đức Thánh Linh ấn chứng tín đồ cho đến ngày cứu chuộc ( Eph
4:30). Nếu có thể bị mất sự cứu rỗi, thì công tác ấn chứng của Ngài sẽ không còn đến
ngày cứu chuộc được, mà chỉ còn cho đến ngày phạm tội, hoặc ngày bội đạo, hoặc đến
ngày hết tin mà thôi.
Đương nhiên, Kinh Thánh không gợi ý rằng Cơ đốc nhân có thể đánh mất sự tái
sinh, hoặc người ấy có thể không có Thánh Linh ngự trong đời sống mình, hoặc có thể
bị loại khỏi thân thể Đấng Christ (vì như thế là làm tàn tật thân thể Ngài), hoặc bị tháo
ấn chứng. Sự cứu rỗi còn đến đời đời và hoàn toàn chắc chắn cho mọi người nào tin.
Đúng là tín đồ có phạm tội, và được cảnh báo về việc tự xưng sai lầm và tình trạng
ấu trĩ trong Đấng Christ, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ lấy lại ơn ban sự cứu rỗi
một khi đã nhận lãnh ơn đó rồi. Tín đồ sẽ không luôn luôn bền đỗ trong sự tin kính.
Phierơ đã không bền đỗ (Ga 2:11). Nhiều tín đồ Êphêsô cũng đã không bền đỗ (Cong
19:18). Lót cũng không (IIPhi 2:7). Tại Ngai Đoán Xét của Đấng Christ, sẽ có một số người
có công việc sẽ bị thiêu hủy và họ sẽ được cứu dường như qua lửa vậy ( ICo 3:15). Dầu
mọi tín đồ đều sẽ sinh kết quả (4:5), nhưng thật khó - nếu như không nói là không thể -
định lượng được mỗi người sẽ sinh kết quả bao nhiêu hay loại kết quả, nào để dựa vào
đó phán đoán tình trạng thuộc linh của một cá nhân.
V. MỘT SỐ PHÂN ĐOẠN “KHÓ HIỂU”

349
Có những phân đoạn nhất định mà đôi khi được hiểu như vô hiệu hóa giáo lý về sự
an ninh đời đời. Chúng ta sẽ khảo sát một số phân đoạn nầy, để cho thấy ít nhất cũng
có một cách giải nghĩa hợp lý và không mâu thuẫn với giáo lý về sự an ninh đời đời.
A. Những Đoạn Cảnh Cáo Việc Đem Luật Pháp Thay Cho Ân Điển
Có hai phân đoạn Kinh Thánh nghiêm khắc cảnh cáo việc cố thay thế đường lối mới
của ân điển bằng đường lối cũ của Luật Pháp. Trong Ga 5:4, Phaolô tuyên bố rõ rằng ai
cố gắng để được xưng công bình bởi Luật Pháp thì đã “mất ân điển rồi.” Nói như vậy có
nghĩa là: cố gắng dùng Luật Pháp làm cơ sở để được xưng công bình tức là mất đi ân
điển, là ân điển dự bị con đường duy nhất để được xưng công bình.
Loại lời cảnh cáo nầy cũng xuất hiện trong He 10:26-31. Ở đây, trước giả cảnh cáo
nếu ai chối bỏ lẽ thật về sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì không còn của lễ chuộc
tội nào khác nữa, và không còn cách nào để đến với Đức Chúa Trời nữa. Lòng vô tín
như thế đem lại bản cáo trạng gồm ba phần, được nói chi tiết trong câu 29.
B. Những Phân Đoạn Cảnh Cáo Việc Mất Phần Thưởng (Nhưng Không Phải Sự Cứu
Rỗi)
Phaolô nói rất rõ ràng khả năng nầy trong phân đoạn nói về “cuộc chạy đua,” là ICo
9:24-27. Các cuộc chạy đua là chạy để được phần thưởng, và chính Phaolô cảm thấy cần
phải sống có kỷ luật để đến cuối cùng, ông sẽ không bị chê bai, không bị loại khỏi cuộc
đua, không đánh mất những mão triều thiên của mình.
Minh họa của Chúa về gốc nho và nhánh cũng dạy cùng một lẽ thật cơ bản nầy ( Gi
15:1-17). Các nhánh nho nầy ở trong Ngài, do đó chỉ về các tín đồ. Như vậy, các tín đồ
được khuyên bảo cứ ở trong Ngài để được kết quả. “Ở trong Ngài” có nghĩa là giữ các
điều răn của Đấng Christ (c. 10 và IGi 3:24). Tín đồ nào không cứ vâng giữ điều răn
Ngài, dầu vẫn có mặt trong Đấng Christ và nhờ đó được cứu rỗi, thì đánh mất những cơ
hội và những phần thưởng của mình, cả trong đời nầy lẫn tại Ngai Đoán Xét của Đấng
Christ. Việc ném ra ngoài, bị héo đi, và bị cháy không chỉ về việc mất sự cứu rỗi, nhưng
về việc đánh mất cơ hội làm chứng hiện tại và phần thưởng trong tương lai.
C. He 6:1-8
Phân đoạn gây nhiều tranh cãi nầy đã được giải nghĩa nhiều cách khác nhau. (1)
Quan điểm phái Arminians xem những người được mô tả tại đây như là những tín đồ
mà họ có thể thực sự đánh mất sự cứu rỗi (“sa ngã”). Nhưng đương nhiên, nếu phân
đoạn Kinh Thánh nầy dạy như vậy, thì cũng dạy luôn rằng một người đã đánh mất sự
cứu rỗi như thế thì không bao giờ được cứu lần thứ nhì, vì không thể đổi mới họ trở lại
để họ ăn năn.

350
(2) Có người xem đây là câu Kinh Thánh chỉ về những người tự xưng là tín đồ, và
họ chỉ sa ngã khỏi kiến thức về lẽ thật mà họ đã được tiếp xúc nhưng chưa bao giờ đích
thân tiếp nhận. Theo quan điểm nầy thì sự an ninh không phải là vấn đề tranh cãi, vì
cớ người tự xưng thì không được cứu rỗi.
(3) Bản thân tôi hiểu phân đoạn Kinh Thánh nầy mô tả những người được sanh lại.
Các cụm từ trong câu 4 và 5 rõ ràng chỉ về một từng trải hoán cải (đối chiếu với “được
soi sáng” trong 10:32, “nếm” trong 2:9, và “chịu” trong 12:8). Nhưng họ là những tín đồ
cố tình không trưởng thành (đối chiếu 5:11-14). Rồi tác giả cảnh cáo: Vì không thể nào
quay trở lại với đời sống Cơ đốc để khởi sự từ đầu (nhưng nếu người ta có thể, thì hẳn
bắt buộc sa ngã trước đã để đi lại từ đầu), thì chỉ còn lại có hai khả năng chọn lựa: vẫn
ở nguyên tại tình trạng không trưởng thành nầy, hoặc tiến tới tình trạng trưởng thành
(6:1). Vì tình trạng hiện tại của họ là không đáng chuộng, nên phân đoạn nầy đã là một
lời cảnh cáo mạnh mẽ để tiếp tục bước đi trong nếp sống Cơ đốc. Lời cảnh cáo nầy
tương tự với lời cảnh cáo mà giáo sư có thể nói cho một lớp học: “Sinh viên các anh khi
đã theo học khóa nầy rồi thì không thể quay lui trở lại (là việc không làm được, nhưng
là việc ắt phải làm nếu có thể trở lại từ đầu) để làm lại từ đầu. Do đó, hãy tiếp tục tiến
tới kiến thức mới.”
Những lời cảnh cáo về sự không trưởng thành và không kết quả là thật nghiêm
khắc và những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng những hậu quả đó không phải là đi
địa ngục vì cớ mất sự sống đời đời. Phaolô hân hoan trong niềm tin quyết không một
điều nào, bao gồm mọi điều thọ tạo khác (phải kể cả chính bản thân nữa), có thể phân
rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ ( Ro
8:38-39). Và ông tuyên bố lần nữa: “Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành
tín, vì Ngài không thể tự chối mình được” (IITi 2:13). Tính nhất quán của đặc tánh Đức
Chúa Trời bảo đảm một sự cứu rỗi chắc chắn.

351
Chương 58: TIN LÀNH LÀ GÌ?
Có đầy dẫy sự lẫn lộn về cả nội dung lẫn sự trình bày Tin Lành về ân điển Đức
Chúa Trời. Có người không trình bày Tin Lành cách thuần túy; có người không trình
bày rõ ràng; có người không trình bày cách thành thật. Nhưng vì Đức Chúa Trời giàu ơn
và khoan nhân, nên Ngài thường ban sự sáng và đức tin bất chấp lời làm chứng thiếu
rõ ràng chính xác của chúng ta.
I. MỘT SỐ SAI LẦM TRONG SƯ TRÌNH BÀY TIN LÀNH
A. Sai Lầm Cho Rằng Tin Lành Quan Tâm Chủ Yếu Đến Điều Khác Hơn Là Tội Lỗi
Không thể nào có được Tin Tức Tốt Lành cho những người không cảm thấy mình
cần Tin Tức Tốt Lành. Và không thể nào cảm thấy cần nếu như không có nhận thức nào
đó về tội lỗi. Đương nhiên, tội lỗi có rất nhiều triệu chứng để có thể báo động cho một
cá nhân biết nan đề cơ bản là tội lỗi. Do đó, việc trình bày Tin Lành có thể tập trung vào
sự thiếu niềm vui hoặc thiếu bình an, hoặc cần sự giúp đỡ để giải quyết các nan đề,
nhưng đó chính là những triệu chứng của tội xa lánh khỏi Đức Chúa Trời. Dầu vậy,
người ta không cần được cứu để có sự vui mừng hoặc bình an hoặc giải pháp cho các
nan đề. Người ta cần được cứu rỗi để được tha thứ tội lỗi. Thiếu vui mừng không phải là
rào chắn không cho người ta vào thiên đàng. Tội lỗi mới chính là rào chắn! Chính Tin
Lành mà người ta tin đó mới giải quyết được nan đề tội lỗi.
B. Sai Lầm Cho Rằng Có Nhiều Tin Lành Khác Nhau Cho Những Nhóm Tuổi Khác
Nhau
Không phải có một Tin Lành cho thiếu nhi, một Tin Lành khác cho thanh niên, một
Tin Lành khác cho người lớn, một Tin Lành khác nữa cho nhóm người phi giáo hội, rồi
một Tin Lành khác nữa cho nhóm người có giáo hội. Có một Tin Lành thôi. Có thể sẽ có
nhiều cách khác nhau để giải thích Tin Lành cho nhiều nhóm người khác nhau, nhưng
nếu nội dung không như nhau, thì những phương cách đó có thể tạo ra nhiều Tin Lành
khác nhau. Có thể cần phải dùng từ vựng khác nhau, nhưng những từ ngữ khác nhau
đó phải truyền đạt cùng một Tin Lành.
C. Sai Lầm Cho Rằng Có Lẽ Thật Ở Ngoài Lời Đức Chúa Trời
Kinh nghiệm có thể khẳng định hay phủ nhận lẽ thật, nhưng nó không tạo ra lẽ
thật vô ngộ. Khảo cổ học cũng vậy. Những lời tiên tri được ứng nghiệm cũng không tạo
ra những lẽ thật vô ngộ, vì những lời tiên tri của Kinh Thánh đã đúng trước khi chúng
được ứng nghiệm. Biện minh học cũng vậy. Những phương pháp tiếp cận nầy có địa vị
của chúng, nhưng chỉ trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta mới có lẽ thật tuyệt đối. Giống
như các sứ đồ, chúng ta phải rao giảng Lời Đức Chúa Trời (Cong 13:5) và dựa vào Kinh
Thánh để lập luận (17:2).

352
D. Sai Lầm Cho Rằng Sự Khôn Khéo Sẽ Cáo Trách
Nếu chức vụ cáo trách của Thánh Linh là đặt lẽ thật trước mặt người chưa được cứu
để phải công nhận đó là lẽ thật (bất luận có tin hay không), thì chức vụ nầy phải được
thực hiện bởi Thánh Linh, chứ không bởi tài khôn khéo của tôi. Dĩ nhiên, sự trình bày
của chúng ta phải chuẩn bị kỹ và trình bày tốt, nhưng tự chúng không bảo đảm được có
người sẽ bị cáo trách. Đức Chúa Trời phải thực hiện việc đó.
E. Sai Lầm Cho rằng Cung Cách Hấp Dẫn Sẽ Bảo Đảm Kết Quả
Trong chừng mực chúng ta có thể thực thi quyền kiểm soát, chúng ta đừng nên gây
vấp phạm qua cách ăn mặc, lối nói, hoặc qua văn hóa, nhưng khi chúng ta công bố
Phúc Âm, thì chúng ta mang lấy sự vấp phạm về thập tự giá (Ga 5:11). Sứ điệp nầy là đá
vấp chân; nhưng sứ giả đừng làm đá vấp chân. Nhưng dầu người ấy không làm đá vấp
chân thì vẫn không bảo đảm có kết quả. Cung cách duyên dáng hay sức hấp dẫn không
làm cho người ta hoán cải.
F. Sai Lầm Cho Rằng Các Thủ Tục Đem Lại Sự Hoán Cải
Các thủ tục có đem lại các kết quả, nhưng các kết quả không phải luôn luôn là một
với sự hoán cải. Áp lực có thể tạo ra kết quả; âm nhạc có thể mê hoặc; khung cảnh có
thể gây kích thích; và các chuyện kể có thể cảm động; nhưng tất nhiên không một điều
nào trong những thủ tục nầy đem lại sự hoán cải. Phương pháp thử nghiệm tốt cho bất
kỳ sứ điệp Tin Lành nào ấy là: Diễn giả có đem lại cho thính giả điều gì đó để tin
không, chứ không phải là diễn giả có đem lại cho thính giả việc gì để làm hay không.
II. MỘT SỐ SAI LẦM KHI TRÌNH BÀY NỘI DUNG CỦA TIN LÀNH
A. Sai Lầm Của Việc Bổ Sung Thêm Phép Báptêm
Dầu là một thánh lễ Cơ đốc quan trọng, nhưng phép báptêm không phải một phần
của Tin Lành. Đưa phép báptêm vào trong Tin Lành tức là thêm một việc làm vào ân
điển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có người cảm thấy có những câu Kinh Thánh nhất
định đã khiến phép báptêm trở thành một điều kiện để được cứu rỗi.
1. Mac 16:16. Phần kết thúc nguyên thủy của sách Tin Lành Mác là đề tài bị tranh
luận rất nhiều. Người ta nghi ngờ phần chúng ta đặt là câu 16 kia không thuộc trong
phần kết đích thực của sách Tin Lành nầy. Thuận lợi nhất thì cũng đã là thiếu khôn
ngoan khi căn cứ một giáo lý trên nội dung những câu 9-20. Tuy nhiên, cũng có khả
năng: nếu câu 16 thuộc trong bản văn được soi dẫn, thì câu nầy nói đến phép báptêm
Thánh Linh. Suy cho cùng, Chúa hẳn đã phán Mac 16:16 hầu như cùng lúc Ngài phán
Cong 1:5 về chức vụ làm báptêm gần đến của Thánh Linh.

2. Cong 2:38. Những người theo thuyết được tái sanh khi chịu báptêm hiểu câu Kinh
Thánh này dạy sự ăn năn và phép báptêm dẫn đến sự tha tội. Chắc chắn phép báptêm
353
là một bằng chứng rõ ràng cho sự hoán cải trong thời Tân Ước, dầu đó là sự hoán cải về
với Do Thái giáo, sứ điệp của Giăng Báp Tít, hay về với Cơ đốc giáo. Từ chối không chịu
báptêm tức là gây nghi ngờ hợp pháp về tính chân thực của sự tuyên xưng đức tin. Do
đó, khi đoàn người Do Thái hỏi Phierơ họ phải làm gì, ông trả lời rất tự nhiên rằng phải
ăn năn (thay đổi suy nghĩ của họ về Jesus người Naxarét) và chịu báptêm (bày tỏ bằng
chứng rõ ràng của sự thay đổi đó).
Dầu đúng là về mặt giải kinh, có thể hiểu câu Kinh Thánh nói phép báptêm là để
đến (eis) sự tha tội, nhưng cũng đúng không kém khi nói có thể phép báptêm nầy
không nhằm mục đích tha tội, nhưng là nhờ vào sự tha tội (là điều đã xảy ra trước đó
rồi, tại lúc ăn năn). Rõ ràng, eis được dùng với nghĩa nầy trong Mat 12:41 - họ đã ăn năn
khi nghe (“dựa vào,” hay “nhờ vào”) bài giảng của Giôna. Chắc chắn câu Kinh Thánh đó
không có nghĩa là họ đã ăn năn nhằm mục đích cho Giôna giảng. Vì vậy, có thể hiểu
Cong 2:38 nói rằng dân chúng phải ăn năn rồi chịu báptêm bởi vì tội lỗi họ đã được tha.
(Xem A.T. Robertson, Word Pictures in the New Testament (New York: Harper,
1930,3:35-6.)

3. Cong 22:16. Câu Kinh Thánh có bốn phần : (a) chờ dậy (đây là một phân từ,
“arising”), (b) chịu phép báptêm (mệnh lệnh cách), (c) làm sạch tội lỗi mình (một mệnh
lệnh cách khác nữa), và (d) cầu khẩn danh Chúa (một phân từ khác nữa). Để câu Kinh
Thánh dạy phép báptêm là cần thiết cho sự cứu rỗi thì bắt buộc phải nối kết phần b với
phần c - là “chịu phép Báptêm” và “làm sạch.” Nhưng thay vì nối kết với nhau, mỗi một
mạng lịnh trong hai mạng lịnh nầy lại thực sự được nối với một phân từ. “Chờ dậy” là
điều cần thiết trước phép Báptêm, và “cầu khẩn” trước khi tội lỗi có thể được “làm
sạch.” Vì vậy, nên giải nghĩa như vầy: Chờ dậy đi, rồi chịu phép Báptêm; kêu cầu danh
Chúa để làm sạch tội lỗi mình đi.” Hiểu đúng thì câu nầy không dạy sự tái sanh khi
chịu Báptêm.
B. Sai Lầm Do Hiểu Sai Sự Ăn Năn
Ăn năn có nghĩa là một sự đổi ý cách thành thật mà nó tác động đến đời sống theo
một cách nào đó. Cũng giống như các thuật ngữ thần học khác, cần phải định nghĩa cụ
thể thuật ngữ nầy bằng cách nêu thêm câu hỏi, tức là: Đổi ý về điều gì? Người chưa
được cứu có thể thực lòng ăn năn, nhưng không được cứu, lấy ví dụ như khi họ đổi ý về
một thói quen xấu và dẫn đến kết quả bỏ thói quen đó. Cơ đốc nhân có thể ăn năn
những tội lỗi cụ thể và thôi không phạm nữa (Kh 2:5; IICo 7:9 - lưu ý rằng trong câu nầy,
sự buồn rầu dẫn đến sự ăn năn, không nhất thiết phải cùng là một với sự ăn năn). Và
người chưa được cứu có thể ăn năn để được cứu rỗi. Sự ăn năn để được cứu phải bao
gồm sự đổi ý về Đức Chúa Jesus Christ, để người ấy nay đổi ý về bất cứ những gì người
ấy nghĩ về Đấng Christ trước kia, và tin cậy Ngài là Cứu Chúa của mình. Đó chính là
thể loại duy nhất - hay nội dung duy nhất - của sự ăn năn cứu rỗi được (Cong 2:38; 17:30;

354
IIPhi 3:9). Tuy nhiên, sự ăn năn để được cứu có thể xảy đến sau sự ăn năn về tội (nhằm
khiến cá nhân đó ý thức nhu cầu cần được tha tội) hay là sự ăn năn đối với Đức Chúa
Trời (nhằm báo động cho người ấy biết một sự thật là mình đã xúc phạm đến Đức Chúa
Trời thánh khiết, nên bởi đó cần phải có phương cách để làm Ngài nguôi giận). Phương
diện này trong sự ăn năn (giống như Gi 16:8-11) vẫn không cứu rỗi được, trừ khi đi kèm
với đức tin nơi Đấng Christ (Cong 20:21).
C. Sai Lầm Khi Biến Sự Phó Dâng Đời Sống Thành Một Phần Của Tin Lành
1. Thắc mắc. Câu hỏi đơn giản là thế nầy: Có phải người ta buộc phải tôn hay sẵn
lòng tôn Đấng Christ làm Chúa của đời sống mình thì mới được cứu không? Câu trả lời
“Có” thì trình bày thế nầy:
“Quan điểm quyền tể trị của Chúa trình bày rõ ràng tính thiết yếu của việc công
nhận Đấng Christ làm Chúa và Chủ của đời sống mình qua việc tiếp nhận Ngài làm
Cứu Chúa mình. Đây không phải là hai hành động khác nhau, kế tiếp nhau (hay là
những bước liên tiếp nhau), nhưng trái lại là một hành động của đức tin thuần túy và
phó thác. Không cần phải có nhiều sáng suốt về thần học mới phân biệt được những
khác biệt cơ bản giữa những quan điểm đòi hỏi quyền tể trị của Chúa với quan điểm
không đòi hỏi quyền tể trị của Chúa trong sự trình bày Tin Lành.” (K. L. Gentry, “The
Great Option: A Study of the Lordship Controversy,” Baptist Reformation Reviews,
Xuân 1976,5:52).
Arthur W. Pink viết với cùng phong cách đó:
“Để được cứu rỗi, cần phải có thêm điều gì đó nữa ngoài việc “tin.” Một tấm lòng
cứng cỏi chống nghịch Đức Chúa Trời thì không thể tin để được cứu được: trước hết nó
phải được đập vỡ ra.... không ai có thể tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình
đang khi từ chối Ngài làm Cứu Chúa của mình! Nhà truyền đạo đã bổ sung đúng khi
nói ai tiếp nhận Đấng Christ thì cũng nên đầu phục Ngài là Chúa, nhưng sẽ làm hỏng
việc ấy ngay khi ông khẳng định dầu người tin Chúa có không đầu phục đi nữa thì vẫn
chắc chắn được vào thiên đàng. Đó là một trong những lời dối trá của Satan.” (Present-
Day Evangelism [Swengel, Pa.: Bible Truth Depot, không rõ năm xuất bản], trang 14-5)
Câu hỏi đơn giản là: Thiếu phó thác cho quyền tể trị của Chúa trong những năm
theo Ngài có phải chính là thiếu đức tin cứu rỗi không? Hoặc, “‘Đức tin’ mà không có sự
phó thác thì có đúng là đức tin thật của Kinh Thánh không?” (James M. Boice, “The
Lord Christ,” Tenth, Tháng Mười 1980,10:8, trang 34-7). Boice nói là đó không phải là
đức tin thật của Kinh Thánh.
Xin lưu ý, câu hỏi không phải là: Tín đồ sẽ phạm tội hay không, hoặc họ có sinh kết
quả hay không. Mọi tín đồ đều sẽ có bông trái nào đó trong nếp sống Cơ đốc của họ.
Đây cũng không phải là câu hỏi liệu tín đồ có nên quyết định ai sẽ là người chỉ huy đời
355
sống họ hay không. Đây là một câu hỏi cần yếu cho sự tăng trưởng tâm linh, và một số
người dường như quyết định vấn đề đó tại lúc họ tin Chúa, còn một số người thì chưa.
Câu hỏi chính là: Sự phó dâng đời sống có phải là một phần bắt buộc của đức tin, để bởi
đó trở thành phần bắt buộc của Tin Lành hay không?
2. Một số ví dụ. Kinh Thánh cung cấp một số ví dụ rõ ràng về những người đã được
cứu nhưng lại là người thiếu phó thác. Đây không chỉ thuần túy là những ví dụ về các
tội đã phạm sau khi được cứu rỗi (dầu chúng có bao gồm những tội như thế), nhưng
chúng chứng tỏ có đức tin cứu rỗi mà không có sự phó thác.
Hãy nhớ đến đời sống của Lót. Hầu như đời sống nầy không đủ tiêu chuẩn làm
gương chút nào về sự phó thác, nhưng Tân Ước tuyên bố ông là một người công bình
(IIPhi 2:7). Nếu chỉ có bản ký thuật của Cựu Ước, thì chúng ta có thể thật tâm nghi ông
không phải là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời.
Cũng hãy quan sát tình trạng của những tín đồ tại Êphêsô. Phaolô đã thi hành chức
vụ tại thành phố đó trong hai năm. Một số người đã tin Chúa vào đầu chức vụ của ông;
số còn lại tin Chúa sau đó. Họ đã trở về với Chúa từ một nếp sống bao gồm cả sự tận
hiến cho pháp thuật dựa vào những chữ viết vô nghĩa trên tượng thần Diana trong đền
thờ tại Êphêsô. Sau khi tin Chúa, rất nhiều người, nếu không nói là hầu hết các tín đồ
nầy (và Cong 19:18 nói rõ họ là những tín đồ) vẫn tiếp tục những tập quán mê tín của họ.
Hẳn là mơ tưởng nếu nghĩ rằng họ không biết những tập tục như thế là sai trái vào lúc
họ tin Chúa và trong suốt hai năm, vậy mà rất nhiều người vẫn tiếp tục làm. Nhưng
mãi đến cuối chức vụ của Phaolô tại Êphêsô, các tín đồ rốt cuộc mới bị cáo trách về việc
nầy và xưng tội, rồi đốt các sách bùa chú của họ. Như vậy, về mặt thần học, điều nầy
nói lên rằng: tại Êphêsô có những người đã trở thành tín đồ Đấng Christ và biết phải từ
bỏ việc dùng pháp thuật của mình, nhưng họ đã không bỏ (có người giữ lâu đến hai
năm), nhưng dầu vậy họ vẫn là người đã được tái sanh. Sự cứu rỗi của họ đã không tùy
thuộc vào “đức tin cộng với sự đầu phục quyền tể trị của Chúa” trên việc họ dùng pháp
thuật.
3. Một số nhận định khác. Sự dạy dỗ về quyền tể trị của Chúa nầy không phân biệt
giữa sự cứu rỗi với công tác môn đồ hóa, và đã biến những đòi hỏi của công tác môn đồ
hóa trở thành những điều kiện tiên quyết cho sự cứu rỗi. Chúa chúng ta phân biệt hai
việc nầy (Lu 14:16-33). Sự dạy dỗ nầy nâng cao một trong rất nhiều phương diện của
thân vị Đấng Christ (là Chủ của đời sống) để biến nó thành một phần của Tin Lành. Vì
sao không đòi hỏi đức tin nơi quyền làm vua của Ngài? Hoặc đòi hỏi đức tin nơi sự kiện
Ngài là Quan Án của mọi người, hoặc Ngài là Đấng Tạo Hóa? Dầu quan điểm của tôi đã
bị nhạo là “chủ nghĩa duy tín dễ dãi,” nhưng thật không dễ để tin, vì điều mà chúng ta
yêu cầu người chưa được cứu hãy tin là một điều không dễ dàng. Chúng ta yêu cầu họ
tin cậy một Đấng đã sống cách đây 2000 năm rồi, Đấng mà họ chỉ có thể biết qua Kinh

356
Thánh, để được Đấng đó tha thứ tội lỗi. Chúng ta đang yêu cầu họ đặt cược số phận đời
đời của người ấy vào việc nầy. Hãy nhớ lại tấm gương của Nhà Truyền Giảng Jesus.
Ngài không đòi hỏi người đàn bà Samari sửa lại đời sống tội lỗi của bà cho hợp lệ, thậm
chí cũng không yêu cầu bà sẵn lòng làm như thế, để cho bà có thể được cứu. Ngài đã
không đưa ra trước mặt bà những điều mà con đường thay đổi sẽ đòi hỏi trong đời sống
bà nếu như bà tin Ngài. Ngài chỉ đơn sơ nói bà cần biết Ngài là ai và xin Ngài ban cho
sự sống đời đời (Gi 4:10). Xem Ryrie, Balancing the Christian Life (Chicago: Moody,
1969, trang 169-81).

357
PHẦN XI: ĐỨC THÁNH LINH
Chương 59: ĐỨC THÁNH LINH LÀ AI?
Nhiều người gọi thế kỷ hai mươi là thế kỷ của Đức Thánh Linh. Sự xuất hiện và lan
tràn của phong trào Ngũ Tuần cùng điểm nhấn mạnh các chức vụ của Đức Thánh Linh,
và sự nở rộ điểm nhấn mạnh của Định Kỳ Thuyết vào các công tác của Đức Thánh Linh
chính là nét đặc trưng của thời đại nầy. Mối quan tâm truyền giảng Tin Lành thế giới
của thế kỷ nầy đã làm nổi bật nhu cầu biết quyền năng Đức Thánh Linh để hoàn thành
công tác nầy. Dầu chú ý về công tác Đức Thánh Linh như vậy là điều tốt, nhưng không
phải lúc nào nó cũng được hướng dẫn theo đúng Kinh Thánh; vì thế, ngày nay có nhu
cầu còn lớn hơn: cẩn thận chú ý sự dạy dỗ của Kinh Thánh về đề tài nầy.
I. NGÀI LÀ MỘT THÂN VỊ
Sự phủ nhận khái niệm “Đức Thánh Linh là một Thân Vị” thường ở dạng thay thế
khái niệm nầy, tức cho rằng Ngài là sự nhân cách hóa của quyền năng, chẳng hạn như
vậy - rất giống cách tuyên bố Satan là sự nhân cách hóa của điều ác. Sự phủ nhận thân
vị tính của Ngài thế nầy đã diễn ra suốt lịch sử hội thánh, trước tiên do phái
Monarchian (phái Duy Nhất thần giáo), phái Arians, Socinians, và ngày nay là phái
Unitarians, thần học tự do, và một số nhà thần học tân chánh thống khác.
A. Ngài Sở Hữu Và Thể Hiện Những Thuộc Tánh Của Một Thân Vị
1. Ngài có sự thông minh. Ngài biết và dò xét những sự thuộc về Đức Chúa Trời (ICo
2:10-11); Ngài có lý trí (Ro 8:27); và Ngài có thể dạy con người (ICo 2:13).

2. Ngài bày tỏ các cảm xúc. Ngài có thể bị làm buồn bởi những hành động tội lỗi
của tín đồ (Eph 4:30 - là một ảnh hưởng thì không thể đau buồn).
3. Ngài có ý chí. Ngài sử dụng ý muốn để phân phát các ân tứ cho thân thể Đấng
Christ (ICo 12:11). Ngài cũng chỉ huy các hoạt động của Cơ đốc nhân (Cong 16:6-11).
Vì một thân vị thật thì có lý trí, cảm xúc và ý chí, và vì Đức Thánh Linh có các
thuộc tánh nầy, nên Ngài phải là một thân vị.
B. Ngài Thể Hiện Những Hành Động Của Một Thân Vị
1. Ngài dẫn dắt chúng ta vào lẽ thật bằng cách nghe, nói, và bày tỏ ( Gi 16:13).
2. Ngài cáo trách tội lỗi (Gi 16:8).
3. Ngài thi hành các phép lạ (Cong 8:39).
4. Ngài cầu thay (Ro 8:26).

358
Đây là những hoạt động mà một ảnh hưởng hay một sự nhân cách hóa không thể
làm được, nhưng lại là những hoạt động mà Kinh Thánh cho thấy Đức Thánh Linh có
thể làm được.
C. Ngài Nhận Những Sự Quy Gán Mà Chỉ Dành Cho Một Thân Vị
1. Ngài là Đấng mà người ta phải vâng lời (Cong 10:19-21).
2. Ngài có thể bị người ta nói dối (Cong 5:3).
3. Ngài có thể bị chống cự (Cong 7:51).
4. Ngài có thể bị làm buồn (Eph 4:30).
5. Ngài có thể bị nói phạm thượng (Mat 12:31).
6. Ngài có thể bị khinh lờn (He 10:29).
Cho rằng người ta hành động và phản ứng với một ảnh hưởng bằng những cách như
thế nầy thì thật là một suy nghĩ phi lý.
D. Ngài Liên Hệ Như Một Thân Vị Với Người Khác
1. Với Các Sứ Đồ. Cách Ngài quan hệ với các sứ đồ tỏ ra cá tính đặc biệt của chính
Ngài (Cong 15:28). Ngài là một Thân Vị cũng như họ là những thân vị vậy; tuy nhiên,
Ngài là một Thân Vị đặc biệt và có thể nhận biết được.
2. Đối với Chúa Jesus. Ngài liên hệ với Đức Chúa Jesus theo cung cách mà nếu Chúa
Jesus có thân vị, thì phải kết luận Đức Thánh Linh cũng có thân vị. Tuy nhiên, Đức
Thánh Linh là khác biệt với Đức Chúa Jesus Christ (Gi 16:14).
3. Với các thành viên khác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh liên hệ
với các Ngôi Vị khác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời với tư cách của một Ngôi Vị bình
đẳng (Mat 28:19; IICo 13:14).
4. Với chính quyền năng của Ngài. Thánh Linh có liên hệ với quyền năng của chính
Ngài, nhưng được phân biệt khỏi quyền năng đó để chúng ta không thể kết luận Ngài
chỉ là sự nhân cách hóa của quyền năng (Lu 4:14; Cong 10:38; ICo 2:4).
E. Nhận Định Về Văn Phạm
Các trước giả Tân Ước nhiều lần dùng đại từ giống đực để chỉ về Thánh Linh (vốn là
một danh từ giống trung). Ví dụ rõ ràng nhất về ngoại lệ đối với cách dùng từ bình
thường về văn phạm nầy là Gi 16:13-14, trong đó, đại từ mô tả thuộc giống đực được
dùng đến hai lần để chỉ về Đức Thánh Linh, Đấng được nói đến trong câu 13. Các câu
Kinh Thánh khác không rõ bằng, vì đại từ giống đực được dùng tại đó có thể chỉ về chữ
“Paraclete” (“Đấng Yên Ủi” - là đại từ giống đực, 15:26; 16:7-8) hoặc chỉ về chữ “của cầm”

359
(cũng là đại từ giống đực, Eph 1:14-15). Dầu vậy, ngoại lệ rõ ràng cho trường hợp thông
thường trong Gi 16:13-14 thực sự xác nhận thân vị tính thật của Đức Thánh Linh.
Mỗi tuyến bằng chứng Kinh Thánh nầy đều dẫn đến kết luận: dầu là một hữu thể
thuộc linh, nhưng Đức Thánh Linh là một Thân Vị thực sự như Đức Chúa Cha, hoặc
Đức Chúa Con, hoặc như chúng ta vậy.
II. NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Thánh Linh không những là một thân vị, Ngài còn là một Thân Vị độc nhất vô
nhị, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Những bằng chứng về thân vị tính không nhất thiết là
bằng chứng về Thần Tánh; nhưng những bằng chứng về Thần Tánh cũng chính là
những bằng chứng về thân vị tính của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời là một Thân Vị, và nếu
Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời, thì Ngài cũng là một Thân Vị nữa.
A. Các Danh Xưng Ngài Bày Tỏ Thần Tánh Ngài
Các danh xưng thiên thượng của Đức Thánh Linh bày tỏ Thần Tánh của Ngài. Ngài
được liên hệ mười sáu lần với danh xưng của hai Ngôi Vị khác trong Ba Ngôi Đức Chúa
Trời (Cong 16:7 - “Thánh Linh của Đức Chúa Jesus” và ICo 6:11 - “Thánh Linh của Đức
Chúa Trời chúng ta.”
Hơn nữa, chữ “khác” trong lời Chúa chúng ta hứa sai “một Đấng Yên ủi khác” (Gi
14:16) có nghĩa “một cái khác thuộc cùng một loại.” Nói cách khác, nếu Đấng Christ là
Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh - một Đấng Yên ủi khác thuộc cùng một loại - cũng
là Đức Chúa Trời.
B. Những Thuộc Tánh Của Ngài Là Những Thuộc Tánh Thuộc Về Một Mình Đức
Chúa Trời Mà Thôi
Như đã thấy, Đức Thánh Linh có những thuộc tánh để cho thấy Ngài là một Thân Vị
đích thực, nhưng Ngài cũng có những thuộc tánh mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới
có, và do đó, chúng chứng tỏ Ngài là Thần. Những thuộc tánh nầy là toàn tri (Es 40:13;
ICo 2:12), toàn tại (Thi 139:7), và toàn năng bởi công việc của Ngài trong Sự Sáng Thế
(Giop 33:4; Thi 104:30).
Ngài còn là lẽ thật, tình yêu thương, Đấng ban sự sống, nhưng xét theo nghĩa tương
đối, con người cũng có thể là những điều nầy nữa.
C. Những Hành Động Của Ngài Là Những Hành Động Chỉ Đức Chúa Trời Mới Làm
Được
1. Ngài là nguyên nhân Sự Giáng Sanh Bởi Trinh Nữ (Lu 1:35).
2. Ngài là Tác Nhân ban Kinh Thánh được soi dẫn (IIPhi 1:21).

360
3. Ngài đã tham gia Sự Tạo Dựng thế gian (Sa 1:2). Ở đây cùng với những lần khác
dùng chữ “Thần Đức Chúa Trời” trong Cựu Ước, chúng ta có thể thắc mắc những chữ
nầy chỉ rõ ràng về Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời hay chỉ về Đức Chúa Trời
là thần linh (vì Ngài là Thần linh). Khi giải nghĩa câu 2, Leupold trả lời thật sâu sắc câu
hỏi nầy.
“Ở đây tuyệt đối không nói đến ai khác ngoài Đức Thánh Linh.... Có thể phải cần
ánh sáng đầy đủ của khải thị Tân Ước mới giúp chúng ta phân biệt “Thần Đức Chúa
Trời” ở đây cũng chính là Đấng mà Tân Ước gọi là Đức Thánh Linh; nhưng để có ánh
sáng đó, chúng ta cần phải tin không chút lưỡng lự rằng sự khải thị ấy đã soi sáng
ngược trở lại cho cách dùng cụm từ nầy của Cựu Ước... Há không hợp lý sao khi Đức
Thánh Linh của sự soi dẫn chắc chắn đã dùng những chữ có liên quan đến hoạt động
của Ngài như thế, đến nỗi khi khải thị đầy đủ của Tân Ước đến thì mọi tuyên bố về Đức
Thánh Linh đều hài hòa trọn vẹn với sự khải thị về sau nầy?” (H.C. Leupold, Exposition
of Genesis [Columbus: Wartburg, 1942], trang 49-50).
D. Những Mối Liên Hệ Của Ngài Với Các Ngôi Vị Khác Trong Ba Ngôi Đức Chúa
Trời Chứng Tỏ Thần Tánh Ngài
1. Thánh Linh Là Yahweh. Tân Ước xác định Đức Thánh Linh là Yahweh của Cựu
Ước, đặc biệt là khi trích dẫn một phân đoạn Cựu Ước mà Đức Chúa Trời đã phán rồi
quy lời phán đó cho Đức Thánh Linh (đối chiếu Cong 28:25 với Es 6:1-13 và He 10:15-17 với
Gie 31:31-34). Đây là bằng chứng mạnh mẽ rằng các trước giả Tân Ước đã xem Đức
Thánh Linh là Đức Chúa Trời.
2. Đức Thánh Linh và Đức Chúa Trời. Nói phạm thượng và nói dối Đức Thánh Linh
cũng chính là làm những việc nầy cho Đức Chúa Trời (Mat 12:31-32; Cong 5:3-4).
3. Tính bình đẳng. Đức Thánh Linh liên hệ trên cơ sở bình đẳng với Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con (Mat 28:19; IICo 13:13). Trong câu Kinh Thánh ở Mathiơ, cách dùng chữ
“danh” ở số ít làm vững mạnh bằng chứng nầy.
Ngài là một Thân Vị và Ngài là Đức Chúa Trời.

361
Chương 60: ĐỨC THÁNH LINH TRONG THỜI CỰU ƯỚC
Khoảng 100 câu nói đến “Thần Đức Chúa Trời” trong Cựu Ước cung cấp bằng chứng
cho công tác của Ngài trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, không phải mọi người đều xem
những câu nầy nói về Ngôi thứ ba của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, P.K. Jewett
tin rằng Cựu Ước không hề được dùng chữ Đức Thánh Linh để chỉ về “một Ngôi Vị khác
biệt với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,” nhưng đúng hơn là “một bản tánh thiên
thượng được xem như năng lực sống còn” (“Holy Spirit,” The Zondervan Pictorial
Encyclopedia of the Bible [Grand Rapids: Zondervan, 1975], 3:184). Tuy đúng là Cựu
Ước không bày tỏ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhưng dường như vẫn truyền đạt ý
Đức Thánh Linh là một Thân Vị, chứ không phải là năng lực sống còn (Thi 104:30). Leon
Wood nhận định chính xác rằng: “Cũng thật quan trọng để nhận thấy vấn đề nhận diện
Đức Thánh Linh trong Cựu Ước không phải là câu hỏi ‘Người ta nghĩ gì về thành viên
nầy trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời?’ nhưng là ‘Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã soi dẫn
cho các trước giả này có ý định gì?’” (The Holy Spirit in the Old Testament [Grand
Rapids: Eerdmans, 1976], trang 19). Và từ Tân Ước, chúng ta biết Đức Thánh Linh
chính là Đấng đã hành động trong thời kỳ Cựu Ước (Cong 7:51; IIPhi 1:21).
I. CÔNG TÁC CỦA ĐỨC THÁNH LINH TRONG SỰ SÁNG THẾ
A. Bằng Chứng
Bảy câu Kinh Thánh nói về các phương diện khác nhau của công việc Thánh Linh
trong công cuộc sáng thế. Đó là: Sa 1:2; Giop 26:13 (?); 27:3; 33:4; Thi 33:6; 104:30; và Es
40:12-14. Tuy có người cảm thấy đây không phải những câu nói rõ ràng về Đức Thánh
Linh, nhưng thực ra không có lý do nào để không xem chúng nói về Đức Thánh Linh
(dầu trong một số câu Kinh Thánh nầy, các bản dịch sẽ dùng chữ “hơi thở” thay vì
“Thần Linh”).
B. Hoạt Động Của Thánh Linh
Đức Thánh Linh đã tham gia lập kế hoạch tổng quát cho vũ trụ (c. 12-14).
Thánh Linh cũng đã chủ động dựng nên các ngôi sao trên trời (Thi 33:6).
Thánh Linh đã dự phần công cuộc sáng thế (Sa 1:2). Chữ “vận hành” (chỉ tìm thấy
thêm chữ nầy trong Phu 32:11, “bay chung quanh” hoặc “vẫy cánh;” và Gie 23:9, “run
rẩy”) có nghĩa là Đức Thánh Linh bay lượn quanh và quan tâm đến trái đất còn chưa
thành hình và chưa có cư dân nầy.
Đức Thánh Linh đã hành động để tạo dựng thú vật (Thi 104:30) và tạo dựng loài
người (Giop 27:3; 33:4). Vì thế, phạm vi hoạt động của Ngài đã bao gồm mọi khía cạnh cơ
bản của Sự Sáng Thế.

362
II. ĐỨC THÁNH LINH HÀNH ĐỘNG TRONG SỰ MẶC KHẢI VÀ SỰ
LINH CẢM
Đức Thánh Linh đã là Tác Nhân của công tác mặc khải và ghi lại sứ điệp của Đức
Chúa Trời cho loài người trong thời Cựu Ước, đấy chính là vấn đề được dạy rõ ràng
trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Phierơ nêu ra lời tuyên bố dứt khoát nhất về đề tài nầy trong IIPhi 1:21. Các lời tiên
tri không bởi ý loài người mà ra, nhưng các tác giả đã được cảm động bởi, hoặc được
dẫn đưa bởi, Đức Thánh Linh. Cũng một động từ nầy xuất hiện trong cả hai phần của
câu, cho thấy ý chí của con người không phải là yếu tố cảm động, nhưng trái lại chính
Đức Thánh Linh mới là Đấng cảm động. Những người viết ra đóng vai những tác nhân,
nhưng ý chí của họ đã không kiểm soát hay can thiệp vào những điều mà Đức Chúa
Trời muốn truyền đạt; Đức Thánh Linh mới chính là Đấng dẫn đưa họ đi.
Những câu Kinh Thánh Cựu Ước cụ thể như IISa 23:2 và Mi 3:8 cho thấy các tiên tri
đã cậy Đức Thánh Linh mà nói ra.
Hơn nữa, Tân Ước gán những câu trích Cựu Ước cho Đức Thánh Linh là tác giả nói
ra những câu đó. Khi tranh luận với người Pharisi, Đấng Christ đã trích Thithiên 110,
mà Ngài đã công nhận là do Đavít viết ra, nhưng được Đức Thánh Linh ban cho ( Mat
22:43). Phierơ đã trích dẫn Thithiên 41 để nói về việc thay thế Giuđa, và nói rằng Đức
Thánh Linh đã phán việc nầy về Giuđa bởi miệng của vua Đavít (Cong 1:16). Về sau,
Phierơ cũng nói Thithiên 2 đã được ban cho bởi “Đức Thánh Linh, phán bởi miệng vua
Đavít (Cong 4:25). Phaolô cũng trích Cựu Ước và gán quyền tác giả cho Đức Thánh Linh
(28:25 từ Es 6:9-10), và tác giả Thơ Hêbơrơ cũng đã làm tương tự ở hai chỗ trong thơ tín
nầy (He 3:7; 10:15-16). Như vậy, rõ ràng những câu Kinh Thánh Tân Ước trên cho thấy
Đức Thánh Linh đã hành động trong việc ban lẽ thật của Đức Chúa Trời thời Cựu Ước.
III. CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC THÁNH LINH ĐỐI VỚI CON NGƯỜI
Chức vụ của Đức Thánh Linh đối với con người trong thời Cựu Ước không giống
như chức vụ của Ngài kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Dầu chức vụ đó là gì đi nữa, thì Chúa
cũng đã nói rất rõ rằng chức vụ đó sẽ khác đi từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Hãy để ý Chúa
lập đi lập lại về “sự hiện đến ” của Đức Thánh Linh (là Đấng đã hiện diện rồi) trong
cuộc trò chuyện với các môn đồ tại trên Phòng Cao (Gi 15:26; 16:7-8,13). Điều nầy vừa cho
thấy Đức Thánh Linh đã hành động tại lúc bấy giờ, vừa cho thấy công việc của Ngài sẽ
mang một đặc điểm khác từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi Chúa tóm tắt sự tương phản đó,
Ngài phán Đức Thánh Linh “ở (thì hiện tại) với [para] các ngươi và sẽ ở (thì tương lai)
trong [en] các ngươi” (14:17). Tuy còn một cách lý giải khác về thì hiện tại trong mệnh
đề thứ nhì (tức là “hiện ở trong các ngươi”), nhưng hầu hết các nhà giải kinh ủng hộ thì
tương lai hơn.

363
Đương nhiên, câu nầy vạch ra sự tương phản giữa chức vụ của Thánh Linh tại thời
điểm Chúa phán so với chức vụ trong tương lai sau Lễ Ngũ Tuần. Buswell muốn làm
dịu bớt sự tương phản đó nên dịch chữ en là “giữa vòng,” và làm cho lời hứa nầy trở
thành: Đức Thánh Linh sẽ ở giữa vòng tập thể các môn đồ. Ông thực sự công nhận có
thể lý giải nghĩa câu nầy là “trong riêng từng cá nhân các ngươi” (Systematic Theology
[Grand Rapids: Eerdmans, 1962], 1:115). Dường như nhiều nhà giải kinh không nhận ra
sự phân biệt nào ở đây. Lời giải nghĩa của F. Godet đi thẳng vào vấn đề.
“Sự vận hành để chuẩn bị của Thánh Linh trên các môn đồ được diễn tả qua những
từ ngữ sau: ‘Ngài ở trong các ngươi’; và mối liên hệ gần gũi hơn mà Ngài sẽ bắt đầu với
họ tại ngày Lễ Ngũ Tuần qua câu: ‘Ngài sẽ ở trong các ngươi.’ Vì vậy, chúng ta phải cẩn
thận để không lý giải nghĩa câu nầy theo bản Vulgate, menei ở thì tương lai, Ngài sẽ ở
trong các ngươi ở trong định đề thứ nhất, cũng không lý giải theo một số người thuộc
trường phái Alexandria - esti (hiện ở) - trong định đề thứ nhì. Nghĩa trọn vẹn của cụm
từ nầy nằm trong sự tương phản của động từ ở thuộc thì hiện tại (đối chiếu menon
trong câu 25) và động từ sẽ ở thuộc thì tương lai. Sự tương phản giữa hai quan hệ chi
phối với các ngươi (so sánh với chữ par’ humin của câu 25) và “trong các ngươi” phù
hợp chính xác với sự tương phản của các thì.” (Commentary on the Gospel of St. John
(Edinburgh: T & T. Clark, 1881,3:141).
Ghi nhớ sự tương phản nầy, chúng ta cần cố gắng vạch ra và hệ thống hóa những
việc Đức Thánh Linh đã làm cho dân sự trong thời kỳ Cựu Ước.
A. Bản Chất Công Việc Của Thánh Linh
Có ba chữ dường như giải thích chức vụ của Đức Thánh Linh cho dân sự thời Cựu
Ước.
1. Ngài đã ở trong những con người nhất định. Pharaôn đã nhận ra Thần ở trong
Giôsép (Sa 41:38). Chắc Pharaôn không hiểu đây chính là Thánh Linh, nhưng sự mặc
khải sau nầy có vẻ làm sáng tỏ điều ấy. Thần đã ở trong Giôsuê, và đó là nguyên nhân
Đức Chúa Trời chọn ông (Dan 27:18). Thần đã ở trong Đaniên (Da 4:8; 5:11-14; 6:3). Trong
những trường hợp nầy, giới từ được dùng chính là chữ beth, nghĩa là “trong.”
2. Đức Thánh Linh đã giáng trên một số người. Giới từ được dùng để mô tả việc nầy
là al. Có nhiều người đã kinh nghiệm chức vụ nầy của Đức Thánh Linh (Dan 24:2; Cac
3:10; 6:34; 11:29; 13:25; ISa 10:10; 16:13; IISu 15:1). Những người này gồm các quan xét,
Saulơ, các tiên tri Balaam và Axaria.
3. Đức Thánh Linh đã đầy dẫy Bếtsalêên (Xu 31:3; 35:31). Đây dường như là sự ban
quyền năng đặc biệt để lãnh đạo các tay thợ khi họ xây cất đền tạm.
B. Phạm Vi Của Công Việc Thánh Linh

364
1. Bị giới hạn về dân tộc. Sau khi Đức Chúa Trời chọn Ysơraên làm tuyển dân Ngài,
thì công việc của Đức Thánh Linh chủ yếu - nếu như không nói là độc quyền - là cho
nhóm người đó. Đương nhiên, Ysơraên là một dân tạp về mặt thuộc linh gồm cả người
chưa tin Chúa cũng như người tin Chúa. Tuy vậy, Thánh Linh đã thi hành chức vụ cho
toàn dân tộc nầy bằng cách hiện diện và dẫn dắt họ (Ne 9:20; Es 63:10-11,14). Dường như
đây là một mối tương quan chung. Rõ ràng có những mối tương quan gần gũi hơn của
Ngài với một số người trong dân tộc nầy (xem những câu Kinh Thánh trên và Dan 11:29).
Tuy nhiên, chúng ta không có khải thị rõ ràng về chức vụ của Đức Thánh Linh bên
ngoài dân Ysơraên. Sa 6:3 có thể là một ngoại lệ, nếu như câu nầy nói Đức Thánh Linh
đã đoán xét nhân loại vì sự gian ác của họ trong thời Nôê. Nhưng đây có thể là một lời
cảnh cáo rằng tâm linh con người, mà Đức Chúa Trời đã đặt bên trong họ, sẽ không
luôn luôn ở trong họ, vì nhân loại sẽ bị diệt trong Cơn Nước Lụt. Đương nhiên, không có
dấu hiệu nào cho thấy Thánh Linh đã cáo trách thế gian về tội lỗi trong thời Cựu Ước
(như Ngài làm hiện nay, Gi 16:8), và không dân tộc nào khác hưởng được sự hiện diện
chung của Ngài ở giữa họ như dân Ysơraên được hưởng. Theo phần được ký thuật lại,
chức vụ Ngài là dành cho Ysơraên và các cá thể trong dân Ysơraên.
2. Bị giới hạn về các thể loại chức vụ. Như đã nói trên đây, chúng ta không thấy
chức vụ nào của sự cáo trách tổng quát, không có chức vụ ngự trong đời sống người tin
và ban quyền năng như sau ngày Lễ Ngũ Tuần (7:37-39), không có chức vụ ấn chứng, và
đương nhiên là không có chức vụ làm phép báptêm (ở Cong 1:5, chức vụ nầy vẫn còn
thuộc trong tương lai). Công tác tái sanh của Đức Thánh Linh chưa được nhắc đến cách
cụ thể, dầu một số người cảm thấy Đức Thánh Linh đang tái tạo trong Cựu Ước, bởi vì
những người tin Chúa tỏ ra bằng chứng về sự tranh chiến trong con người họ do có sự
hiện diện của cả con người cũ lẫn con người mới.
3. Bị giới hạn về tính đời đời. Đức Thánh Linh đã ban quyền năng cho Samsôn; sau
đó, Thánh Linh đã rời khỏi ông (Cac 13:25; 16:20). Thánh Linh đã đến trên Saulơ rồi sau
đó lìa khỏi ông (ISa 10:10; 16:14). Rõ ràng, không có sự bảo đảm nào cho hiện diện vĩnh
viễn của Thánh Linh trong thời kỳ Cựu Ước.
Có lẽ tôi có thể so sánh được giữa chức vụ của Đức Thánh Linh trong Cựu Ước với
ân điển trong Cựu Ước. Cả hai đều có mặt trong thời kỳ đó, nhưng Đức Thánh Linh đã
hành động trong thời Cựu Ước cũng chính là Đấng sẽ “đến ” trong những chức vụ mới
mẻ và trọn vẹn hơn sau ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng giống như những sự bày tỏ của ân
điển trong thời Cựu Ước là mờ nhạt so với ân điển đã tuôn tràn trên thế gian khi Đấng
Christ hiện đến (Gi 1:17; Tit 2:11).

365
Chương 61: ĐỨC THÁNH LINH TRONG ĐỜI SỐNG CHÚA
CHÚNG TA
I. SỰ GIÁNG SINH CỦA ĐẤNG CHRIST
Thánh Linh đã dự phần sự hoài thai Chúa chúng ta trong lòng trinh nữ Mari. Kết
quả chính là Sự Nhập Thể của Ngài (Lu 1:35).
II. ĐỜI SỐNG CỦA ĐẤNG CHRIST
A. Các Phương Diện Trong Chức Vụ Của Thánh Linh
1. Đấng Christ đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh ( Lu 4:1). Từ ngữ dùng ở đây cho
thấy đây chính là đặc trưng của đời sống Ngài (giống như trong Cong 6:3,5). Đấy không
phải là chuyện nhất thời, nhưng là một mối quan hệ Ngài đã có suốt cuộc đời.
2. Đấng Christ đã được xức dầu bằng Đức Thánh Linh (Lu 4:18; Cong 4:27; 10:38; He
1:9). Điều nầy cho thấy Ngài chính là Đấng Mêsia (Đấng Được Xức Dầu) và được ban
quyền năng để thực hiện chức vụ tiên tri của Ngài.
3. Đấng Christ đã vui mừng trong Đức Thánh Linh (Lu 1:21). Có lẽ đây là một bằng
chứng Ngài được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
4. Đấng Christ đã được Đức Thánh Linh ban quyền năng trong suốt đời sống Ngài.
Điều nầy được dự ngôn bởi Êsai (Es 42:1-4; 61:1-2), và được kinh nghiệm bởi Jesus người
Naxarét trong các chức vụ giảng đạo (Lu 4:18) và làm phép lạ (Mat 12:28).
B. Những Lãnh Vực Của Chức Vụ Đức Thánh Linh
1. Chức vụ Thánh Linh trong đời sống của Chúa chúng ta có liên quan với thánh
chức Tiên Tri của Ngài. Vào đầu chức vụ công khai của Chúa Jesus, Ngài tuyên bố
Thánh Linh Đức Chúa Trời đã ở trên Ngài để rao ra những năm lành của Chúa (Lu 4:18).
2. Chức vụ Đức Thánh Linh cũng ban quyền năng cho Chúa Jesus thực hiện một số
những phép lạ của Chúa Jesus. Một số những phép lạ của Chúa rõ ràng đã được thực
hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Lời tuyên bố nầy chính là điều đã dẫn tới
biến có liên quan đến tội không thể được tha (Mat 12:28,31). Ngài cũng đã cho kẻ mù
được thấy nhờ Đức Thánh Linh ở trên Ngài (Lu 4:18). Trong Cựu Ước, việc cho kẻ mù
được nhìn thấy trở lại chính là một đặc quyền của riêng Đức Chúa Trời ( Xu 4:11; Thi
146:8) và là việc mà Đấng Mêsia sẽ làm (Es 29:18; 35:5; 42:7). Vì vậy, khi Chúa chữa lành
cho kẻ mù được thấy, thì Ngài đang tuyên bố rõ ràng Ngài chính là Đấng Mêsia mà
Ysơraên mong đợi từ lâu. Người ta cho rằng chức vụ của Đức Thánh Linh (xức dầu và
ban quyền năng) có liên kết với thể loại phép lạ nầy, là phép lạ chứng minh Đức Chúa
Jesus là Đấng Mêsia được xức dầu.

366
Trong toàn bộ Cựu Ước, không có câu chuyện nào về người mù được nhìn thấy trở
lại. Không môn đồ nào của Chúa dự phần chữa cho kẻ mù được thấy. Chỉ có sự tham
gia của Anania để chữa cho Phaolô nhìn thấy trở lại là có phần thích ứng, dầu đây là
một việc làm khác với việc của Chúa chúng ta khi Ngài cho những kẻ chưa hề nhìn
thấy được sáng mắt lại. Như vậy, khi Đấng Christ đến trong cõi lịch sử và chữa cho rất
nhiều kẻ mù được thấy, thì đấy chính là lời tuyên bố hùng hồn tư cách Đấng Mêsia của
Ngài.
Phép lạ của Đấng Christ ở thể loại nầy được ghi lại nhiều hơn mọi thể loại khác.
Mathiơ ghi lại sự chữa lành hai người mù nọ (9:27-31), sự chữa lành chung cho kẻ mù
(11:5), sự chữa lành cho những người mù mà đã khơi dậy tội không thể được tha ( 12:22),
số đông người mù nói chung chung khác nữa được chữa lành (15:30), và sự chữa lành
những người mù trong đền thờ vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (21:14). Mác ghi lại sự mở
mắt người mù ở Bếtsaiđa (Mac 8:22-26), và sự chữa sáng mắt cho Batimê cùng bạn ông
tại Giêricô (10:46-52, cũng được ghi lại trong Mathiơ và Luca). Giăng ghi lại sự chữa lành
người mù từ lúc sanh ra (Gi 9:1-41). Và toàn bộ những việc nầy đều được thực hiện trong
quyền năng của Đức Thánh Linh.
Nhưng một số phép lạ của Chúa chúng ta hiển nhiên được thực hiện bởi chính
quyền năng vốn có của Đấng Thần-Nhân nơi Ngài. Người đàn bà mắc bệnh mất huyết
đã được chữa lành bởi quyền năng của chính Ngài (Mac 5:30). Sự chữa lành người bại
được các bạn ông giòng qua mái nhà đã được quy cho quyền năng của Chúa Jesus ( Lu
5:17). Sự chữa lành tập thể cho đoàn dân đông sau khi Ngài chọn các môn đồ đã là kết
quả quyền năng của chính Ngài (6:19). Những người đến bắt Chúa trong Vườn
Ghếtsêmanê đã thối lui lại trong giây phút đó bởi sự bày tỏ quyền năng của thần tánh
Ngài khi Ngài phán: “CHÍNH TA ĐÂY” (Gi 18:6 - “I AM” trong Anh Ngữ, còn có nghĩa là
“ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” - ND).
Có người sẽ bảo các phép lạ nầy được gán cho Đấng Christ nhưng thực ra đã được
Đức Thánh Linh ở trong Ngài ban quyền năng cho. Tuy có thể đúng như vậy, nhưng
dường như đó không phải là cách lý giải thông thường cho các câu Kinh Thánh nầy. Vì
thế, tốt hơn nên công nhận Ngài đã thực hiện một số phép lạ bằng quyền năng của Đức
Thánh Linh (đặc biệt những phép lạ đã cung cấp bằng chứng cho lời Ngài tuyên bố
Ngài là Đấng Mêsia bởi việc chữa cho kẻ mù được thấy), và một số phép lạ bằng quyền
năng của riêng Ngài.
C. Xung Đột Về Chức Vụ Của Đức Thánh Linh
Mat 12:22-37 và Mac 3:22-30 ghi lại xung đột về quyền năng của Đức Thánh Linh đã
xảy ra tại Galilê, trong khi Luca ghi lại trường hợp tương tự trong vùng Giuđê khoảng
một năm sau đó (11:14-23).

367
Xung đột được ghi lại trong Mathiơ và Mác đã nảy sinh vì Chúa chữa lành một
người đui và câm (và chắc cũng có nghĩa người nầy bị điếc nữa). Tuy nhiên, nguyên
nhân thực tế gây ra những nan đề của người nầy chính là bị quỷ ám. Tuy các thuật sĩ
Do Thái có thể đuổi được quỷ, nhưng họ hẳn đã rất khó khăn trong trường hợp nầy, vì
làm sao bạn đối thoại với một người mù và câm, và có thể còn điếc nữa chứ? Khi Chúa
chữa lành lập tức mọi tật bệnh, dân chúng sửng sốt và bắt đầu cho rằng Đức Chúa
Jesus thực sự là Đấng Mêsia của họ. Điều nầy khiến người Pharisi thốt lên lời buộc tội
đầy lộng ngôn rằng Satan đang ban ơn cho Jesus bạn hắn, bằng cách rút các quỷ ra
khỏi con người để khiến dân chúng thấy như chính Đấng Christ có quyền đuổi quỷ vậy.
Rồi họ bảo: Như vậy ai còn muốn đi theo một người là bạn của Satan hiển nhiên như
Jesus nầy nữa chăng?
Lời đáp của Chúa gồm ba tuyên bố.
(1) Một nước hay một nhà tự chia rẽ thì không đứng vững được. Nói cách khác,
Satan sẽ không tự diệt chính vương quốc của nó bằng cách kết đồng minh với vương
quốc của Chúa Jesus. Đúng là Satan có thể cho các thuật sĩ Do Thái đuổi quỷ, nhưng
việc đó sẽ không gây ra kiểu rạn nứt cơ bản nầy trong vương quốc của Satan như Đức
Chúa Jesus hẳn sẽ gây ra, nếu như thực sự Ngài đang đuổi quỷ nhờ năng quyền của
Satan.
(2) Tiếp đó Chúa nói rõ lời buộc tội đó phi lý biết bao, vì người Pharisi đã công nhận
các thuật sĩ Do Thái không đuổi được quỷ nhờ quyền năng của Satan. Vậy tại sao họ lại
buộc tội Ngài đuổi quỷ nhờ năng quyền Satan?
(3) Kết luận hợp lý duy nhất rút ra từ những sự thật nầy là: Nước Đức Chúa Trời đã
đến, vì Đấng Christ đang đánh bại Satan bằng cách cướp những nạn nhân khỏi tay
Satan và Ngài đang cậy quyền năng Đức Thánh Linh để làm việc đó.
Vậy, khi kết tội Chúa Jesus đang kết liên minh với Satan, người Pharisi đang đặt họ
đứng về phe Satan. Hơn nữa, họ đang kết tội Thánh Linh, là Đấng ban quyền năng để
Đấng Christ đuổi quỷ. Chúa muốn nói gì khi bảo tội phạm cùng Con Người thì có thể
được tha, nhưng tội phạm cùng Thánh Linh thì không thể được tha? Ngài muốn nói:
dầu họ có thể hiểu lầm lời tuyên bố của Ngài, nhưng sự ngu dốt như thế tuy đáng trách
cũng vẫn còn tha thứ được. Nhưng hiểu lầm quyền năng Đức Thánh Linh thì không thể
tha được, bởi vì quyền năng và chức vụ của Thánh Linh đã được biết rõ từ thời Cựu
Ước.
Nói phạm Thánh Linh không chỉ là tội của môi lưỡi. Người Pharisi không chỉ phạm
tội bằng lời nói của họ thôi. Đó là tội lỗi của tấm lòng được diễn tả bằng lời nói. Hơn
nữa, tội của họ là tội phạm công khai với Ngài. Muốn phạm tội nầy đòi hỏi phải có sự
hiện diện đích thân và hữu hình của Đấng Christ trên đất; do đó, ngày nay, người ta

368
không thể nào phạm được tội đó. Nhưng bày tỏ sự gian ác của tấm lòng là tội không thể
nào được tha trong bất cứ thời đại nào, nếu như người đó chết mà vẫn khăng khăng
chối bỏ Đấng Christ. Số phận đời đời của một người được quyết định trong đời nầy,
nhưng không tội nào là không thể tha được chừng nào người ấy còn hơi thở. Quả thực,
Chúa đã khuyên giục người Pharisi đứng về phía Ngài thay vì chống nghịch Ngài (Mat
12:30), để tỏ lòng ăn năn (c. 33-35), và để nói ra những lời chứng tỏ một tấm lòng công
bình chứ không phải những lời nói đem lại sự định tội cho họ (c. 36-37). Chính Phaolô
là bằng chứng cho thấy tội phạm thượng có thể được tha (ITi 1:13).
D. Ý Nghĩa Của Chức Vụ Đức Thánh Linh
1. Sự phát triển của nhân tánh Đấng Christ. Chúng ta có lý để thừa nhận Đức
Thánh Linh đã dự phần phát triển nhân tánh của Đấng Christ (Lu 2:52; He 5:8). Sự lớn
lên của Ngài chắc chắn có liên quan với Đức Thánh Linh, Đấng đã đầy dẫy và xức dầu
cho Ngài.
2. Sự nương cậy của Đấng Christ. Ngài đã thực sự nương cậy Đức Thánh Linh để
được dẫn dắt và có quyền năng, ít nhất cũng là trong một số phép lạ.
Nếu Con Đức Chúa Trời Vô Tội đã dùng những chức vụ nầy của Đức Thánh Linh, thì
làm sao chúng ta mong sống độc lập khỏi quyền năng của Đức Thánh Linh được?
III. SỰ CHẾT CỦA ĐẤNG CHRIST
He 9:14 thường được trích làm bằng chứng Chúa chúng ta đã bởi Đức Thánh Linh
dâng chính Ngài làm của lễ trong sự chết Ngài. Bằng chứng để xem câu này có nói về
Đức Thánh Linh hay không được phân chia khá đồng đều, khiến khó rút được kết luận
rõ ràng.
Bằng chứng xem câu này nói đến Đức Thánh Linh nêu ra như sau. Việc thiếu mạo
từ (theo nghĩa đen, “nhờ linh đời đời”) chỉ về Đức Thánh Linh cũng giống như trường
hợp thiếu mạo từ trong 1:1 càng chỉ rõ ràng hơn đến Đấng Christ.
Về mặt thần học, có lý khi cho rằng nếu Đức Thánh Linh dự phần trong sự giáng
sinh và đời sống của Đấng Christ, thì Thánh Linh cũng sẽ dự phần trong sự chết của
Đấng Christ.
Bằng chứng nói câu nầy không chỉ về Đức Thánh Linh, nhưng chỉ về linh đời đời
của chính Đấng Christ mà thần tính của Ngài đã có, thì nêu như sau. Việc thiếu mạo từ
sẽ chỉ về một điều nào khác thì tự nhiên hơn là chỉ về Đức Thánh Linh, vì cách dịch
Đức Thánh Linh thường gồm có cả mạo từ.
Nếu câu nầy chỉ về linh đời đời của Đấng Christ, thì câu đấy không nói về việc thần
tánh dâng nhân tánh làm của lễ, nhưng chỉ về việc toàn bộ Thân Vị dâng chính Ngài

369
làm của lễ bởi hành động của sức mạnh - linh cao nhất bên trong Ngài. Linh thiên
thượng của chính Ngài đã dự phần dâng của lễ của Đấng Thần-Nhân.
Một câu Kinh Thánh khác nữa, tức là IPhi 3:18, có thể chỉ về việc làm của Đức Thánh
Linh liên quan đến sự chết của Đấng Christ. Tuy nhiên, câu nầy thường được xem như
liên hệ công tác của Đức Thánh Linh với sự sống lại của Đấng Christ. Hai nan đề lớn đã
xuất hiện khi giải nghĩa câu nầy. Một nan đề về sự nhận diện chữ “linh” chỉ về Đức
Thánh Linh hay về linh đời đời của chính Đấng Christ. Nếu chỉ về Đức Thánh Linh, thì
hình thức nầy mang tính công cụ, “bởi [Thánh ]Linh”; nếu chỉ về linh đời đời của Đấng
Christ, thì hình thức nầy mang tính xác định địa điểm, “trong linh [của Đấng Christ.]”
Sự tương đồng với “xác thịt” có thể thiên về linh của Đấng Christ. Nếu vậy, chúng ta
không có phần ký thuật nào về chức vụ của Đức Thánh Linh liên quan đến sự chết của
Đấng Christ (trừ phi sử dụng được He 9:14) hoặc sự sống lại của Ngài.
Nhưng dầu câu Kinh Thánh nầy chỉ về Đức Thánh Linh đi nữa, thì vẫn còn một nan
đề khác. Nó liên quan đến cách dùng một mạo từ quá khứ bất định (aorist participle),
“được sống bởi linh” (“quickened by the spirit” - Bản KJV; Bản Việt Ngữ: “về phần linh
hồn thì được sống”). Thông thường, phân từ quá khứ bất định chỉ ra một hoạt động
đồng thời hoặc xảy ra trước hoạt động của động từ chính, chứ không phải là xảy ra sau.
(Cong 25:13 không phải là một ngoại lệ, vì việc “đến ” của họ có thể là một khoảng thời
gian mà việc chào thăm là một phần trong khoảng thời gian đó, hoặc vì những lời chào
thăm thường được gửi tới trước khi đến nơi.) Nếu động từ chính là “đã chết,” thì hành
động “làm cho sống” không thể nói đến Sự Phục Sinh của Chúa, là việc xảy ra sau Sự
Chết Ngài. Nó sẽ chỉ về việc làm cho sống lại nào đó tại thời điểm Đóng Đinh trên thập
tự giá (hành động đồng thời). Tuy nhiên, nếu động từ chính là “dẫn,” trong mệnh đề
nầy, thì có thể hiểu việc “làm cho sống” có thể chỉ về Sự Sống Lại, là việc đã xảy ra
trước khi chúng ta được đem về thiên đàng. Trong trường hợp nầy thì ý nói đến sự sống
lại của Đấng Christ. Trong phương án thứ nhất, ý nói đến một loại việc “làm cho sống”
hay “ban quyền năng” nào đó trên thập tự giá. Nhưng cả hai trường hợp đều không rõ
Đức Thánh Linh có dự phần, đúng hơn là linh của Đấng Christ dự phần.
Cuối cùng, một số người trích Ro 1:4 để chứng tỏ Đức Thánh Linh đã dự phần trong
sự sống lại của Đấng Christ. Một lần nữa, lại xuất hiện hai nan đề về chú giải kinh. Một
nan đề liên quan đến sự nhận diện “thần linh của thánh đức.” Phép so sánh tương đồng
với “theo xác thịt” tranh luận rằng “thần linh của thánh đức” chỉ về linh của chính
Đấng Christ, chứ không phải Đức Thánh Linh. Nan đề thứ nhì liên quan đến việc xác
định xem đang xét đến (những) sự sống lại nào. Theo nguyên văn, câu Kinh Thánh nầy
nói “sự sống lại của những kẻ chết [số nhiều.]” Điều nầy có thể chỉ về (a) sự sống lại
của Đấng Christ từ trong vòng những người chết, hoặc (b) những sự sống lại mà Ngài
đã làm cho đang khi Ngài còn trên thế gian nầy, hoặc (c) mọi sự sống lại đó, kể cả sự

370
sống lại của chính Ngài nữa. Nhưng trong trường hợp nào đi nữa cũng không chắc chắn
Đức Thánh Linh đã trực tiếp dự phần.
Thực ra, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Đức Thánh Linh trực tiếp hành
động trong sự chết hay sự sống lại của Chúa chúng ta. Đương nhiên, trên phương diện
những hoạt động nầy liên quan đến Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, thì cả
ba Ngôi vị đều tham gia vào.

371
Chương 62: ĐỨC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG
Như đã nói trong chương trước, ở phần thảo luận Gi 14:17, Đức Thánh Linh thực sự
làm những điều mới mẻ và đặc biệt kể từ khi Ngài “giáng lâm” vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Trọng tâm những chức vụ đặc trưng nầy là chức vụ ngự trong tín đồ, vì đó là nền tảng
cho mọi chức vụ của Ngài đối với Cơ đốc nhân trong thời đại nầy.
I. NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG
Để diễn tả việc ngự trong lòng, Phaolô không những dùng giới từ en, mà còn dùng
động từ oikeơ, nghĩa là “cư ngụ,” “sống trong” (Ro 8:9; ICo 3:16; dầu vậy đôi khi ông dùng
chỉ dùng một mình giới từ thôi, như trong 6:19). Ông liên hệ chức vụ nầy của Đức
Thánh Linh cho mọi tín đồ.
A. Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Là Món Quà Đức Chúa Trời Ban Cho mọi Tín Đồ
Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh dạy rõ Đức Thánh Linh được ban cho mọi tín đồ,
chứ không phải được ban cách chọn lọc cho một số người (Gi 7: 37; Cong 11:16-17; Ro 5:5;
ICo 2:12; IICo 5:5). Người ta nghĩ đương nhiên là như vậy, vì một sự ban cho thì không
phải là một phần thưởng, và không công đức nào liên quan đến việc nhận lãnh sự ban
cho nầy.
B. Không Có Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Là Dấu Hiệu Của Tình Trạng Chưa
Được Cứu
Phaolô đã tuyên bố rằng không có Đức Thánh Linh tức là không thuộc về Đấng
Christ (Ro 8:9). Giuđe cũng mô tả những người bội đạo là những người đã không có Đức
Thánh Linh (Giuđe 19), và là những người “thuộc về tánh xác thịt.” Đây cũng chính là
chữ được dùng trong ICo 2:14, một câu Kinh Thánh khác nữa mô tả một người chưa được
cứu. Có tánh xác thịt tức là không được cứu và không có Đức Thánh Linh. Do đó, có Đức
Thánh Linh là đặc trưng cho toàn bộ những người được sanh lại.
C. Các Tín Đồ Phạm Tội Được Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng
Phương cách thử xem Đức Thánh Linh có ngự trong mọi tín đồ hay không chính là
thử xem Ngài có ngự trong những Cơ đốc nhân phạm tội hay không. Rõ ràng Ngài có
ngự trong lòng họ. ICo 6:19 được viết ra cho một nhóm người rất hỗn tạp về thuộc linh,
một số là tín đồ tốt, thiêng liêng, nhưng rất nhiều người là xác thịt và sống theo thế
gian; thế nhưng Phaolô không nói chỉ có nhóm người thiêng liêng mới được Đức Thánh
Linh ngự trong lòng. Một anh em, người mà Phaolô đánh giá là một tín đồ (5:5), lại là
người đang sống trong tội lỗi gớm ghiếc. Những người khác đang dí thanh gươm pháp
luật vào nhau (đoạn 6). Phaolô vẫn nói Đức Thánh Linh “ngự trong” hết thảy họ (c.19).
Phaolô không những không nêu ra ngoại lệ cho lời tuyên bố của mình, mà còn dùng
việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng làm cơ sở cho lời khuyên sống thánh khiết. Như

372
vậy, rõ ràng mọi tín đồ - nhưng chỉ tín đồ mà thôi - đều có Đức Thánh Linh sống trong
họ.
II. TÍNH VĨNH VIỄN CỦA VIỆC THÁNH LINH NGỰ TRONG LÒNG
Có một số người đồng ý Đức Thánh Linh được ban cho mọi tín đồ song cảm thấy
Ngài có thể lìa khỏi những người phạm những tội nào đó. Vì thế, họ công nhận Thánh
Linh ngự trong lòng, nhưng phủ nhận tính vĩnh viễn của việc này.
Tội có thể khiến Thánh Linh lìa khỏi thì chắc hẳn phải là tội trầm trọng hơn cả tội
dâm loạn trong đoạn 5 hoặc những tranh chấp pháp lý của đoạn 6, vì Phaolô không loại
những tín đồ nầy khỏi lời tuyên bố Đức Thánh Linh ngự trong họ (c.19).
Hơn nữa, nếu Đức Thánh Linh lìa khỏi những Cơ đốc nhân phạm tội, thì theo Ro 8:9,
họ không còn là Cơ đốc nhân nữa. Đức Thánh Linh không thể lìa khỏi tín đồ mà không
quăng tín đồ đó trở lại tình trạng hư mất và không được cứu. Không có Thánh Linh ngự
trong lòng có nghĩa là mất sự cứu rỗi, và mất sự cứu rỗi thì bao hàm cả việc không có
Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Sự an ninh của tín đồ và sự ngự trong lòng vĩnh viễn
của Đức Thánh Linh là những giáo lý không thể tách rời nhau.
Nhưng chúng ta cũng có lời hứa tích cực của Đấng Cứu Thế, rằng Ngài sẽ cầu xin
Đức Chúa Cha ban một Đấng Yên Ủi khác nữa, “để ở với các ngươi đời đời” ( Gi 14:16).
Đúng là tội lỗi làm hại hiệu quả của Đức Thánh Linh trong đời sống tín đồ, nhưng tội lỗi
không loại sự hiện diện của Đức Thánh Linh ra khỏi tín đồ.
III. MỘT SỐ NAN ĐỀ LIÊN QUAN SỰ KIỆN ĐỨC THÁNH LINH NGỰ
TRONG LÒNG
A. Không Phải Sự Vâng Lời Là Điều Kiện Để Được Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng
Sao?
Phierơ nói Đức Thánh Linh là Đấng “mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời
Ngài” (Cong 5:32). Như vậy, có phải vâng lời là điều kiện để ban Đức Thánh Linh, và bởi
đó, chỉ một số Cơ đốc nhân nào đó (tức là những Cơ đốc nhân vâng lời) mới có Đức
Thánh Linh? Đúng vậy, nếu như vâng lời được hiểu đúng theo cách Phierơ đã dùng chữ
đó. Phierơ đang phát biểu trước Tòa Công Luận vô tín, và đã kết luận bằng cách thuyết
phục họ vâng lời. Vâng lời điều gì vậy? Đương nhiên, sự vâng lời của Tòa Công Luận
không liên quan gì đến những vấn đề trong nếp sống Cơ đốc, vì họ không phải là Cơ
đốc nhân. Sự vâng lời mà Phierơ kêu gọi họ chính là: Hãy vâng theo (tin) lẽ thật Đức
Chúa Jesus đã là Đấng Mêsia của họ. Chẳng bao lâu sau, một số những thầy tế lễ tại
Giêrusalem đã tin, và Luca mô tả họ là “có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa” (6:7).
Hai câu Kinh Thánh khác nữa có dùng chữ vâng lời như một từ đồng nghĩa với tiếp
nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Phaolô mô tả mục đích sứ mạng của ông là “để đem

373
mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin vì Danh Ngài” (Ro 1:5). Trước giả thơ
Hêbơrơ nói Đấng Christ đã trở nên Cội Rễ của sự cứu rỗi đời đời cho mọi người nào
vâng lời Ngài” (He 5:9). Do đó, nếu sự vâng lời được hiểu đúng đắn (tức là vâng lời Tin
Lành), thì đấy là một điều kiện để nhận lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.
B. Không Phải Đã Có Những Minh Họa Tính Tạm Thời Của Việc Thánh Linh Ngự
Trong Lòng Sao?
Đúng là có, nhưng thảy đều trước ngày Lễ Ngũ Tuần (ISa 16:14; có lẽ Thi 51:11; Lu
11:13; Gi 20:22). Nhưng không có ví dụ nào như thế sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm
vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Vì những ví dụ ở trước Lễ Ngũ Tuần liên quan với một cách
quản lý khác hẳn của Đức Thánh Linh, nên không thể dùng để chứng minh đó cũng là
việc diễn ra sau ngày Lễ Ngũ Tuần, là khi Đức Thánh Linh đã đến để ngự vĩnh viễn
trong tín đồ.
C. Sự Chậm Ban Thánh Linh Cho Người Samari Không Chứng Tỏ Việc Ban Thánh
Linh Đến Sau Và Do Đó Có Tính Chọn Lọc Sao?
Việc chậm ban Đức Thánh Linh cho người Samari là một sự kiện rõ ràng; câu hỏi là
“Tại sao?” Có người bảo việc đó cho thấy việc Đức Thánh Linh ngự trong tín đồ xảy đến
sau sự cứu rỗi và không nhất thiết xảy đến cho mọi tín đồ. Có người xem việc ban
Thánh Linh nầy là một với việc đầy dẫy Đức Thánh Linh. Còn có người nói thủ tục nầy
là khác, bởi vì người Samari là nhóm người đầu tiên không thuộc dân Do Thái được kết
nạp vào trong Hội Thánh. Ý nầy có phần đúng: người Samari là nhóm người nửa Do
Thái, nửa dân ngoại. Kiểu mẫu dân thuần ngoại bang được ban Đức Thánh Linh có
trong Cong 10:44, tại đó, Đức Thánh Linh được ban cho dân ngoại bang tại nhà Cọtnây
vào ngay lúc họ tin Chúa.
Cách giải thích tốt nhất cho sự chậm trễ trong trường hợp người Samari nầy nằm
trong bản chất ly giáo của tôn giáo Samari. Sự thờ phượng của họ đã cạnh tranh với sự
thờ phượng của người Do Thái tại Giêrusalem; do đó, Đức Chúa Trời cần chứng tỏ cho
họ thấy đức tin Cơ đốc mới mẻ của họ cũng không nhằm kình địch với hội thánh Đấng
Christ tại Giêrusalem. Cách tốt nhất để chứng tỏ hẳn hoi Cơ đốc nhân người Samari
cũng thuộc cùng một nhóm như Cơ đốc nhân tại Giêrusalem (và ngược lại, để các lãnh
đạo Giêrusalem thấy người Samari đã thật sự được cứu rỗi) chính là hoãn ban Đức
Thánh Linh cho đến khi Phierơ và Giăng từ Giêrusalem đến Samari. Sự trì hoãn này và
cách Đức Chúa Trời dùng Phierơ với Giăng đem sự ban Đức Thánh Linh đến đã cứu hội
thánh đầu tiên thoát khỏi tình trạng có hai hội thánh mẫu hội hoặc hai hội thánh kình
địch nhau.
D. Không Phải Cong 19:1-6 Cho Thấy Đức Thánh Linh Ngự Trong Tín Đồ Xảy Đến Sau
Sự Cứu Rỗi Sao?

374
Muốn trả lời “Đúng vậy” cho câu hỏi nầy thì đòi hỏi phải hiểu mười hai môn đồ của
Giăng BápTít đã là tín đồ Đấng Christ trước khi gặp Phaolô tại thành Êphêsô. Nhưng
đây không phải là cách hiểu đúng. Họ không trở thành tín đồ Đấng Christ bởi tin sứ
điệp của Giăng và chịu phép báptêm của Giăng; họ trở thành tín đồ Đấng Christ chỉ sau
khi Phaolô giải nghĩa cho họ sự khác nhau giữa Giăng và Đức Chúa Jesus. Trong thực
tế, từ khúc Kinh Thánh, dường như họ còn chưa hiểu bao nhiêu về sứ điệp của Giăng
nữa kia. Nhưng khi hiểu và tin những điều Phaolô giải nghĩa cho họ, họ lập tức nhận
lãnh Thánh Linh qua sự đặt tay của Phaolô. Không hề bị trì hoãn.
Kiểu mẫu dân ngoại thông thường để nhận lãnh Đức Thánh Linh đã được thiết lập
tại nhà Cọtnây, nơi đây Đức Thánh Linh đã được ban cho khi những người nầy tin,
trong khi Phierơ đang giảng và trước khi họ chịu phép báptêm bằng nước (10:44,47).
E. Mối Quan Hệ Giữa Đức Thánh Linh Ngự Trong Lòng Và Việc Xức Dầu Là Gì?
Xức dầu trong Cựu Ước là vấn đề rất trọng thể, để làm cho một người hay một vật
trở nên thánh khiết và thiêng liêng (Xu 40:9-15). Nó được liên kết với Đức Thánh Linh và
với việc trang bị để phục vụ (ISa 10:1,9; Xa 4:1-14).
Trong Tân Ước, Đấng Christ đã được xức dầu (Lu 4:18; Cong 4:27; 10:38; He 1:9) và tín
đồ được xức dầu (IICo 1:21; IGi 2:20,27). Về sự xức dầu cho tín đồ, những phân đoạn Kinh
Thánh nầy dường như dạy rằng đó không phải là việc được lập lại, nhưng là một việc
tiếp tục ở bên trong. Trong khi việc xức dầu trong Cựu Ước liên quan nhiều hơn đến sự
phục vụ (cũng như đến sự xức dầu của Đấng Christ), thì sự xức dầu tín đồ Tân Ước liên
quan với mối quan hệ để giúp chúng ta hiểu lẽ thật. Việc xức dầu của Cựu Ước dường
như gần gũi hơn với ý “đầy dẫy Đức Thánh Linh,” trong khi việc xức dầu cho tín đồ
tương tự với việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng. Không phải mọi tín đồ thời Cựu Ước
đều kinh nghiệm sự xức dầu; nhưng ngày nay mọi tín đồ đều kinh nghiệm. Việc đó có
thể đã được lập lại trong Cựu Ước; ngày nay, việc xức dầu vẫn còn tiếp tục ở trên mọi
tín đồ.
Tân Ước dạy rõ rằng mọi tín đồ đều được Đức Thánh Linh ngự vĩnh viễn trong lòng.
Đừng vì quen thuộc điều nầy mà làm mờ nhạt ý nghĩa của nó. Chức vụ phổ thông và
vĩnh viễn nầy cho các tín đồ tương phản hẳn với chức vụ ngự trong đời sống của Đức
Thánh Linh thời Cựu Ước (Gi 14:17). Nói vậy có nghĩa: bất luận chúng ta có cảm nhận
được hay không, thì Thánh Linh Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn sống trong chúng ta.
Điều nầy sẽ đem lại cho chúng ta (a) ý thức về sự an ninh trong mối tương quan của
chúng ta với Đức Chúa Trời, (b) động cơ thúc đẩy để thực hành sự hiện diện đó của Đức
Chúa Trời, và (c) nhạy bén với những tội lỗi chống nghịch cùng Đức Chúa Trời.

375
Chương 63: ĐỨC THÁNH LINH ẤN CHỨNG
Có ba phân đoạn Tân Ước nói đến chức vụ đặc biệt nầy của Đức Thánh Linh. Phân
đoạn thứ nhất là IICo 1:22, nói Đức Chúa Trời đã ấn chứng chúng ta và ban của cầm Đức
Thánh Linh cho chúng ta. Eph 1:13 nói thêm chúng ta đã được ấn chứng bằng Thánh
Linh (tơ pneumati) khi chúng ta tin, và một lần nữa nói Thánh Linh là của cầm về cơ
nghiệp chúng ta. Eph 4:30 nói chúng ta đã được ấn chứng bởi hoặc bằng (en) Đức Thánh
Linh cho đến ngày cứu chuộc.
Chức vụ cụ thể nầy của Đức Thánh Linh hợp thành điều mà trong Cựu Ước không
hề nói tới. Leon Wood cố gắng nêu lý lẽ bênh vực sự xuất hiện chức vụ nầy trong thời
Cựu Ước, bằng cách lập luận: vì việc ấn chứng liên quan đến sự an ninh của tín đồ và
cũng liên quan đến việc Đức Thánh Linh ngự trong lòng, và vì các thánh đồ Cựu Ước
vừa được an ninh vừa được Thánh Linh ngự trong, nên chắc chắn họ cũng đã được ấn
chứng (The Holy Spirit in the Old Testament (Grand Rapids: Zondervan, 1976, trang
70-71). Nếu đúng như vậy thì cũng chỉ có thể suy luận thôi; Kinh Thánh không có chỗ
nào nói cụ thể cả. Trái lại, dường như đây là điều Đức Chúa Trời đã làm cho tín đồ kể từ
sau ngày Lễ Ngũ Tuần mà thôi.
I. NGƯỜI ĐƯỢC ẤN CHỨNG
Cũng giống như việc được Đức Thánh Linh ngự trong lòng, việc ấn chứng chỉ thuộc
về các tín đồ và chỉ cho các tín đồ mà thôi. Trong IICo 1:22, Phaolô không đưa ra ngoại lệ
nào khi viết cho một nhóm người mà có thể dễ dàng chứng minh có những ngoại lệ. Hết
thảy đều được ấn chứng. Nếu không đúng như vậy, làm sao Phaolô có thể dùng điều
nầy làm cơ sở khuyên đừng làm buồn Đức Thánh Linh trong Eph 4:30? Ông sẽ phải nói
chỉ có nhóm tín đồ được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh mới đừng nên làm buồn Đức
Thánh Linh.
II. THỜI ĐIỂM ĐƯỢC ẤN CHỨNG
Cũng giống như việc Thánh Linh ngự trong lòng, việc ấn chứng xảy ra tại thời điểm
chúng ta hoán cải. Chữ “và” trong IICo 1:22 nối kết việc ấn chứng với sự ban cho Đức
Thánh Linh để làm của cầm. Và Thánh Linh được ban cho tại lúc ta tin Chúa (Cong 2:38).
Eph 1:13 có thể giải nghĩa hợp lệ theo hai cách, và đem đến hai lời giải đáp khác
nhau cho câu hỏi về thời điểm được ấn chứng. Động từ chính ấy là “anh em đã được ấn
chứng.” Phân từ quá khứ bất định (aorist participle) đi kèm theo đó là “tin.” Thế thì
phân từ nầy có thể diễn tả một hành động đến trước hành động của động từ chính. Nếu
vậy, việc “tin” xảy ra trước việc được ấn chứng, tức đã có một khoảng thời gian giữa
“tin” và “được ấn chứng.” Hoặc phân từ nầy có thể chỉ ra một hành động đồng thời với
hành động của động từ chính. Trong trường hợp nầy, việc tin và việc ấn chứng đã xảy
ra đồng thời. Về mặt chú giải kinh, cả hai đều có thể đúng cả. Nhưng về mặt thần học,
376
cả việc tin lẫn ấn chứng phải xảy ra đồng thời. Nếu ngược lại, thì sẽ có khả năng có
những tín đồ không được ấn chứng.
III. (NHỮNG) TÁC NHÂN CỦA SỰ ẤN CHỨNG
Rõ ràng, Đức Chúa Trời thực hiện việc ấn chứng tín đồ (IICo 1:22). Liệu Đức Thánh
Linh có phải cũng là tác nhân hay không thì không rõ ràng bằng. Eph 4:30 dường như
nói Đức Thánh Linh là tác nhân, bởi câu nầy dùng cụm từ “nhờ Ngài.” Tuy nhiên, cụm
từ nầy có thể mang nghĩa “trong Ngài.” Eph 1:13 thì không rõ nghĩa; không dùng giới từ
nào cả. Đức Thánh Linh có thể là Tác Nhân, hoặc có thể là phạm vi của sự ấn chứng,
hoặc có thể là cả hai. Chúng ta được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh và trong Đức Thánh
Linh.
Nếu Đức Thánh Linh là cả hai, thì có thể phát biểu giống như thế nầy: “Tôi đã đi xe
hơi đến cửa hiệu.” Bạn có thể muốn nói “bởi phương tiện là xe hơi” vì xem chiếc xe là
một tác nhân đã đưa bạn đến cửa hiệu. Hoặc bạn cũng có ý muốn nói: “bằng cách ngồi
bên trong (môi trường hoặc phạm vi) xe của tôi,” vì xem chiếc xe như vật bao quanh để
bạn được đưa đi ở bên trong đó. Trong thực tế, bạn muốn nói cả hai. Chiếc xe vừa là tác
nhân đưa bạn đi, vừa là môi trường bao quanh mà bạn được đặt trong đó. Tương tự, Đức
Thánh Linh đã thực hiện công tác ấn chứng với tư cách một tác nhân, và kết quả là
chúng ta được đặt bên trong Ngài.
IV. THỜI HẠN CỦA SỰ ẤN CHỨNG
Việc ấn chứng hiệu lực đến ngày cứu chuộc (Eph 4:30). Điều nầy chỉ về một ngày
trong tương lai, là lúc sự cứu chuộc chúng ta sẽ được hoàn tất trọn vẹn, bao gồm cả việc
nhận lãnh thân thể phục sinh của chúng ta (đối chiếu Ro 8:23). Như vậy, việc ấn chứng
bảo đảm sự ứng nghiệm trọn vẹn những lời Đức Chúa Trời hứa ban cho chúng ta. Và
không tín đồ nào có thể trở thành người “không được ấn chứng” trên bước đường đến
thiên đàng.
V. NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ ẤN CHỨNG
A. Sự An Ninh
Khái niệm ấn chứng bao hàm cả ý về quyền sở hữu, uy quyền, trách nhiệm, và trên
hết là sự an ninh. Sự ấn chứng bảo đảm cho chúng ta về tính an ninh của những lời
Đức Chúa Trời hứa ban, đặc biệt là sự cứu rỗi chúng ta. Chúng ta có thể biết chắc chắn
(a) Ngài sở hữu chúng ta, (b) chúng ta có sự cứu rỗi chắc chắn, một sự cứu rỗi được ấn
chứng bởi và bằng Đức Thánh Linh, và (c) Ngài có chủ ý giữ gìn chúng ta cho đến ngày
chúng ta được cứu chuộc trọn vẹn.
Thư bảo đảm gợi cho chúng ta một ví dụ hay về khái niệm an ninh trong việc ấn
chứng. Khi gởi lá thư bảo đảm, thơ đó không những được niêm cẩn thận, mà bưu điện

377
còn đóng dấu nhiều lần ngang qua mép ấn con niêm để có thể phát hiện mọi sự can
thiệp vào con niêm đó. Chỉ có hai người có thể gỡ niêm đó cách hợp pháp, là người
nhận hoặc người gởi (nếu thơ đó được gởi trả lại). Trong trường hợp tín đồ, Đức Chúa
Trời chính là Người Gởi và Đức Chúa Trời là Người Nhận, và Đức Chúa Trời cũng chính
là Đấng đóng ấn. Vì vậy, chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tháo ấn, và Ngài đã hứa
không tháo ấn ấy cho đến ngày cứu chuộc.
Cả IICo 1:22 và Eph 1:13-14 đều đề cập sự ban cho Đức Thánh Linh làm của cầm cùng
với sự ấn chứng. Sự liên kết nầy hoàn toàn hợp lý. Việc ấn chứng bảo đảm chúng ta sẽ
nhận được toàn bộ những đều Đức Chúa Trời đã hứa ban, một số những lời hứa ấy vẫn
còn chờ đến ngày cứu chuộc trong tương lai của chúng ta. Sự hiện diện của Thánh Linh
trong đời sống chúng ta đóng vai trò của cầm hay một vật làm tin để báo hiệu mọi sự
đều sẽ được ứng nghiệm. Trong công chuyện làm ăn của con người, một khi tiền đặt
cọc đã được đưa và được nhận rồi, thì cả hai bên mua và bán đều được cam đoan hoàn
thành cuộc giao dịch. Tương tự, sự ban Đức Thánh Linh đóng vai trò một của đặt cọc
của Đức Chúa Trời để cam đoan Ngài sẽ không rút lại bất cứ lời hứa nào của Ngài với
chúng ta.
B. Sự Thanh Sạch
Suy nghĩ về ngày được cứu chuộc trọn vẹn, là lúc chúng ta sẽ được trọn vẹn, sẽ
khiến chúng ta hổ thẹn về tội lỗi trong đời sống mình hiện nay. Hơn nữa, có mối tương
quan với Thánh Linh - Đấng sẽ bị làm buồn khi chúng ta phạm tội - sẽ thôi thúc chúng
ta tiến đến sự thanh sạch.
Những tội nào làm Ngài buồn? Bất cứ tội lỗi nào. Nhưng trong văn mạch gần nhất
(hai câu quanh 4:30), các tội lỗi của lưỡi được nổi bật lên. Đương nhiên, những điều ra
từ môi miệng chúng ta sẽ báo hiệu những gì ở trong lòng chúng ta. Suy nghĩ về việc
được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh và bằng Đức Thánh Linh sẽ canh giữ môi miệng
chúng ta.

378
Chương 64: ĐỨC THÁNH LINH LÀM BÁPTÊM
Một chức vụ khác nữa của Thánh Linh đặc trưng cho thời kỳ Hậu Ngũ Tuần nầy là
chức vụ làm báptêm những người tin vào trong Thân Thể Đấng Christ. Điều nầy được
dự ngôn lần đầu tiên không bởi bất cứ phân đoạn Cựu Ước nào, mà bởi Giăng BápTít
(Mat 3:11 và những phân đoạn song song). Nhưng chưa có ai trong thời kỳ tại thế của
Chúa Jesus được kinh nghiệm chức vụ ấy, vì sau khi Ngài sống lại và ngay trước lúc
thăng thiên, Chúa phán điều nầy phải xảy ra “trong ít ngày nữa,” là vào Lễ Ngũ Tuần
(Cong 1:5). Chức vụ độc đáo nầy nhằm một mục đích cụ thể - kết hiệp tín đồ vào trong
Thân Đấng Christ - và vì Thân Đấng Christ là đặc trưng cho thời đại nầy, nên công tác
báptêm của Thánh Linh cũng sẽ đặc trưng như vậy.
I. SỰ LẪN LỘN VỀ PHÉP BÁPTÊM CỦA ĐỨC THÁNH LINH
Có sự lẫn lộn chung quanh lãnh vực Linh Học, gây nhiều chia rẽ giữa vòng tín đồ và
làm lu mờ lẽ thật trọng đại nầy. Tại sao như vậy?
Một trong những nguyên nhân gây lẫn lộn như vậy liên quan đến nhận thức thiếu
rõ ràng về Thân Thể của Đấng Christ. Nếu tin Hội Thánh đã bắt đầu từ Ápraham hoặc
từ Giăng Báp Tít, thì có thể sẽ khó thấy được tính độc đáo của chức vụ làm báptêm của
Đức Thánh Linh trong thời đại nầy. Vì thế, “phép Báptêm” thường được xem như một từ
đồng nghĩa với “kinh nghiệm hoán cải” (Donald Guthrie, New Testament Theology
(Downers Grove: InterVarsity, 1981, trang 564). Nhưng nếu xem Thân Thể Đấng Christ
là công tác của Đức Chúa Trời bắt đầu từ ngày Lễ Ngũ Tuần, thì lẽ cần yếu của việc Đức
Thánh Linh báptêm tín đồ vào trong thân thể đó sẽ trở nên rõ ràng.
Việc nhấn mạnh quá đáng phép báptêm bằng nước, đặc biệt là bằng cách dìm
mình, thường làm lu mờ hoặc thậm chí còn xóa bỏ hoàn toàn giáo lý về phép báptêm
Thánh Linh. Nếu không phân biệt rõ hai lẽ thật trên, thì thường sẽ đánh mất lẽ thật về
phép báptêm Thánh Linh, vì người ta xem đơn giản đây là một cách nói khác nữa về
phép báptêm bằng nước. E. Y. Mullins, nhà thần học Báp Tít thuộc thế hệ trước, đã hiểu
phép báptêm của Đức Thánh Linh là phép báptêm vào trong hội thánh (địa phương),
hàm ý rằng theo ICo 12:13, phép báptêm theo nghĩa đen (bằng nước) là một hoạt động do
Đức Thánh Linh dẫn dắt (International Standard Bible Encyclopaedia (Grand Rapids:
Eerdmans, 1943,1:399-401). Dale Moody, nhà thần học Báptít thuộc thế hệ hiện nay, nói
rằng “Đức Chúa Trời truyền Đức Thánh Linh trong phép Báptêm” (The Word of Truth
(Grand Rapids: Eerdmans, 1981, trang 447).
Sự liên kết đương thời của phái Ngũ Tuần giữa phép báptêm Thánh Linh với phước
hạnh thứ nhì và/hoặc kinh nghiệm nói tiếng lạ để làm bằng chứng đã được báptêm
bằng Đức Thánh Linh lại càng làm tăng thêm sự lẫn lộn nầy.

379
Đôi khi, người ta không phân biệt phép báptêm của Đức Thánh Linh với sự đầy dẫy
Đức Thánh Linh, dẫn đến suy nghĩ cho rằng “phép báptêm kiêm đầy dẫy” xảy ra sau sự
hoán cải và không xảy ra cho hết thảy mọi tín đồ. Quan điểm nầy không nhất thiết bao
gồm việc nói tiếng lạ. Quan điểm nầy xem phép báptêm là sự đổ đầy để nhận được
quyền năng đặc biệt. Tình trạng thiếu rõ ràng này lại đi kèm sự kiện những vĩ nhân
như R. A. Torrey và D. L. Moody không nói rõ ràng trong lãnh vực nầy. Torrey dạy rằng
một người có thể được hoặc có thể không được báptêm bằng Thánh Linh tại thời điểm
nhận sự cứu rỗi (The Baptism with the Holy Spirit (Minneapolis: Bethany House, 1972
trang 13-4). Trong tiểu sử viết về Moody, Torrey kể lại phép báptêm này của Moody
như một việc xảy đến sau sự cứu rỗi (Why God Used D.L. Moody (New York: Revell,
1923, trang 51-5).
Phải thừa nhận tình trạng thiếu rõ ràng nầy đôi khi vô hại; nhưng tiếc thay, đôi khi
những nhận thức sai nầy đã được cố tình đề cao. Dầu trường hợp nào đi nữa, tín đồ đều
bị tước mất một lẽ thật quan trọng liên quan đến sự hiệp nhất của chúng ta với Đấng
Christ và là cơ sở vững chắc cho nếp sống thánh khiết.
II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA PHÉP BÁPTÊM THÁNH LINH
A. Chỉ Vận Hành Trong Thời Kỳ Nầy
Như đã nói, không có một lời dự ngôn nào trong Cựu Ước nói về phép báptêm nầy,
và Chúa chúng ta phán nó sẽ diễn ra lần đầu tiên khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào
ngày Lễ Ngũ Tuần (Cong 1:5). Về sau, Phierơ gọi đây là “ban đầu” (11:15-16). Thêm nữa,
mục đích phép báptêm này - là để tín đồ gia nhập vào thân thể Đấng Christ - cùng với
sự độc đáo của thân thể Đấng Christ trong định kỳ nầy, cả hai điều đó hậu thuẫn kết
luận: đây là chức vụ chỉ vận hành trong thời kỳ nầy.
B. Phép Báptêm Đức Thánh Linh Được Kinh Nghiệm Bởi Mọi Tín Hữu Trong Thời
Kỳ Nầy
Có ba sự kiện hậu thuẫn kết luận nầy. Khúc Kinh Thánh chính, ICo 12:13, nói rõ mọi
người đã chịu báptêm cũng giống như mọi người đều đã được uống chung một Thánh
Linh (qua việc Ngài ngự trong đời sống). Điều nầy được nói cho các tín đồ hội thánh tại
Côrinhtô - bao gồm rất nhiều tình trạng thuộc linh khác nhau - nên cho thấy tình trạng
xác thịt không khiến bị trật phần chức vụ nầy.
Trong Kinh Thánh không chỗ nào chép một lời khuyên đơn lẻ bảo người ta phải
chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh. Điều nầy cho thấy mọi tín đồ đều được kinh
nghiệm chức vụ nầy.

380
Nếu “một phép Báptêm” trong Eph 4:5 chỉ về phép báptêm bằng Đức Thánh Linh (và
rất có thể là như vậy), thì đây chính là điều đúng cho cùng một nhóm người đó - là
nhóm người có cùng “một Chúa” và “một đức tin” - có nghĩa là hết thảy mọi tín đồ.
C. Phép Báptêm Đức Thánh Linh Xảy Ra Tại Lúc Được Cứu Rỗi, Và Không Lập Lại
Sau Đó
Nếu phép báptêm Đức Thánh Linh không xảy ra tại thời điểm được cứu rỗi, thì chắc
sẽ có những tín đồ đã thực sự được cứu, nhưng vì chưa được báptêm bằng Đức Thánh
Linh nên đã không thuộc về Thân Thể Đấng Christ. Phép báptêm nầy chính là điều
đem một tín đồ kết hợp vào trong Thân Thể Đấng Christ. Vì vậy, nếu một người vừa có
thể được cứu vừa đồng thời không được Báptêm Thánh Linh, thì người đó có thể là một
tín đồ “ở ngoài Thân Thể Đấng Christ.”
Nếu phép báptêm nầy cần phải lập đi lập lại, thì trường hợp nầy chỉ có thể xảy ra
nếu tín đồ bị tách rời khỏi Thân Thể Đấng Christ và cần phải được gia nhập lại. Vì phép
báptêm đầu tiên lúc hoán cải kết hiệp người đó vào Thân Thể Đấng Christ, nên nếu cần
đến phép báptêm thứ nhì, thì chắc hẳn phải có sự loại bỏ khỏi Thân Thể Đấng Christ
xảy ra giữa hai phép báptêm ấy.
III. NHỮNG KẾT QUẢ CỦA PHÉP BÁPTÊM BẰNG ĐỨC THÁNH
LINH
A. Kết Hiệp Chúng Ta Vào Thân Thể Đấng Christ
Điều nầy bao gồm những lẽ thật trọng đại và thường mang tính cáo trách sau đây. Ở
trong Thân Thể Đấng Christ có nghĩa là chúng ta được đồng sống lại với Ngài để đến sự
sống mới (Ro 6:4) và chúng ta phải vận dụng các ân tứ của mình để giữ cho Thân Thể đó
hoạt động đúng đắn (theo văn mạch của ICo 12:13).
Kinh nghiệm một phép báptêm chính là cơ sở để có và là lời khuyên giục giữ sự
hiệp một của Thân Thể Đấng Christ (theo văn mạch Eph 4:5).
Tính không cần thiết có một phép báptêm thứ hai bảo đảm cho chúng ta tính an
toàn chắc chắn của địa vị chúng ta trong Thân Thể Ngài.
B. Hiện Thực Hóa Việc Chúng Ta Đồng Đóng Đinh Với Đấng Christ
Được kết hiệp với Đấng Christ trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài chính
là việc thiết lập nền tảng để thực hiện sự phân rẽ khỏi quyền lực của tội lỗi ở trong
chúng ta và để bước đi trong sự sống mới (Ro 6:1-10; Co 2:12).
IV. GIÁO LÝ ĐƯƠNG THỜI VỀ HAI PHÉP BÁPTÊM
Vì ICo 12:13 nói rất rõ mọi tín đồ đều được Báptêm, và vì một số giáo sư đương thời
muốn chứng minh khái niệm về một phép báptêm đặc biệt để nhận được quyền năng

381
(ơn phước thứ nhì), nên đã xuất hiện giáo lý về hai phép Báptêm, mà theo tôi biết, thì
đó là một sự dạy dỗ mới. Tuy phái Ngũ Tuần ngày trước dạy thống nhất với nhau rằng
phép báptêm của Thánh Linh là sự ban cho quyền năng và nói tiếng lạ là bằng chứng
của từng trải đó, thì giáo thuyết Ngũ Tuần mới hơn cho rằng có hai phép Báptêm. Một
là phép báptêm của câu 13, mà mọi tín đồ đều kinh nghiệm và được thực hiện bởi
Thánh Linh và đặt mọi tín đồ vào trong Thân Đấng Christ. Phép báptêm thứ nhì được
thấy trong sách Côngvụ, và được thực hiện bởi Đấng Christ và đặt tín đồ trong Thánh
Linh để có được những từng trải quyền năng. Phép báptêm thứ nhất xảy ra tại lúc hoán
cải, và đem lại một địa vị; phép báptêm thứ nhì xảy ra sau đó, và có thể tái diễn và để
có quyền năng. Phép báptêm thứ nhất không đòi hỏi nói tiếng lạ; nói cách lý tưởng thì
báptêm thứ nhì có đòi hỏi nói tiếng lạ.
Tân Ước dùng cụm từ “làm báptêm với, trong, hoặc bằng Thánh Linh” chỉ có bảy lần
(Mat 3:11; Mac 1:8; Lu 3:16; Gi 1:33; Cong 1:5; 11:16; ICo 12:13). Trong thực tế, bảy lần xuất
hiện cụm từ nầy có thể được chia thành ba loại: những lời dự ngôn trong các sách Tin
Lành, chỉ hướng tới trước và chỉ hướng ngược trở lại ngày Lễ Ngũ Tuần trong hai câu
Kinh Thánh của Côngvụ; và lời giải thích giáo lý trong ICôrinhtô. Trong các sách Tin
Lành, dường như sẽ tự nhiên hơn khi hiểu Đấng Christ là Đấng làm phép báptêm và
Thánh Linh là phạm vi môi trường mà tín đồ được báptêm vào. Trong Côngvụ và
ICôrinhtô, dường như tự nhiên hơn khi hiểu Thánh Linh là Tác nhân của phép báptêm
và Thân Thể Đấng Christ là môi trường mà tín đồ được báptêm vào. Tuy nhiên, những
sự phân biệt nầy không phải là cứng nhắc. Cả Đấng Christ và Thánh Linh đều là những
Tác Nhân, và cả Đức Thánh Linh và Thân Thể đều là các môi trường. Đấng Christ là Tác
Nhân tối cao vì Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến, nên có thể nói Thánh Linh là Tác
Nhân trung gian (Cong 2:33). Rõ ràng Thân Thể Đấng Christ là một môi trường (phạm vi)
và Thánh Linh là một môi trường khác nữa. Điều nầy tương tự với công việc ấn chứng
của Đức Thánh Linh - Ngài vừa là Tác Nhân - Đấng ấn chứng - vừa là môi trường để
chúng ta được ấn chứng vào trong đó.
Tuy nhiên, phái Tân Ngũ Tuần lại cần những phân biệt rõ nét. Họ cho rằng những
câu Kinh Thánh trong các sách Tin Lành và trong Côngvụ là những câu nói Đấng Christ
là Tác Nhân và Đức Thánh Linh là môi trường để đem quyền năng đến cho tín đồ. Đây
là phép báptêm trong Đức Thánh Linh. Câu Kinh Thánh trong ICôrinhtô cho thấy Đức
Thánh Linh là Tác Nhân và Thân Thể Đấng Christ là môi trường, và đây là phép báptêm
bởi Đức Thánh Linh. Mọi tín đồ đều được báptêm bởi Đức Thánh Linh, nhưng không
phải mọi tín đồ đều kinh nghiệm phép báptêm trong Đức Thánh Linh.
Thật thú vị thay, thuyết Siêu Định Kỳ (ultradispensationalism) dùng cùng một lập
luận bênh vực hai phép báptêm nầy để hậu thuẫn sự dạy dỗ của họ về hai hội thánh
trong thời kỳ của Sách Côngvụ. Hội Thánh của Phierơ, hay Hội Thánh Do Thái, đã tồn

382
tại từ Lễ Ngũ Tuần cho đến thời Phaolô, và Hội Thánh Thân Thể Đấng Christ tồn tại kể
từ thời Phaolô trở đi. Hội Thánh Do Thái đã nhận lãnh quyền năng bởi phép báptêm
trong Thánh Linh, và Hội Thánh của Phaolô hay Hội Thánh Thân Thể Đấng Christ, được
hình thành bởi phép báptêm bởi Thánh Linh (Charles F. Baker, A Dispensational
Theology (Grand Rapids: Grace Bible College Publications, 1971 trang 503).
Một cụm từ hiếm được dùng và có vẻ chuyên môn như thế hẳn có rất nhiều khả
năng chỉ về cùng một hoạt động trong mọi lần xuất hiện cụm từ ấy. May lắm thì xác
lập hai phép báptêm tách biệt và khá khác nhau như thế cũng đã quá mong manh rồi.
Hiểu rằng có hai tác nhân thì đúng theo Kinh Thánh - do Cong 2:3 - và khá bình thường -
vì cớ các Ngôi Vị khác nhau trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời thường dự phần vào cùng một
công việc. Ngoài ra, Eph 4:5 còn nói chỉ có một phép báptêm duy nhất. Đây chính là
công tác của Đấng Christ thông qua tác động của chức vụ Đức Thánh Linh để kết hiệp
những người tin Ngài vào hội thánh, tức là vào Thân Thể Đấng Christ, cùng với mọi đặc
quyền và trách nhiệm đi kèm với địa vị đó.

383
Chương 65: ĐỨC THÁNH LINH BAN ÂN TỨ
Giáo lý về các ân tứ thuộc linh hầu như độc quyền là giáo lý của Phaolô, lần dùng
duy nhất chữ nầy ngoài các thơ tín của Phaolô là ở trong IPhi 4:10. Phân đoạn chính
trong Êphêsô 4 quy việc ban các ân tứ cho Đấng Christ Phục Sinh Và Thăng Thiên.
Phân đoạn chính trong ICôrinhtô 12 nhấn mạnh công tác của Đức Thánh Linh là Đấng
ban các ân tứ. Một phân đoạn chính khác nữa, là Rôma 12, không nói cụ thể Tác Nhân
là ai. Vì chỉ mới đề cập vắn tắt chức vụ của Đấng Christ để ban các ân tứ cho Thân Thể
Ngài trong phần Cơ Đốc Luận, nên chúng ta sẽ khảo sát chi tiết giáo lý nầy tại đây.
I. ĐỊNH NGHĨA ÂN TỨ THUỘC LINH
A. Ân Tứ Thuộc Linh Nghĩa Là Gì?
Chữ dùng cho các ân tứ thuộc linh (charisma), hiển nhiên có liên quan với chữ “ân
điển,” muốn nói lên một điều gì đó do nơi ân điển Chúa. Cách dùng chữ nầy trong Tân
Ước trải dài từ sự ban ơn cứu rỗi (Ro 6:23), đến sự ban ơn chăm sóc thần hựu của Chúa
(IICo 1:11), đến cách dùng thường xuyên nhất chỉ về các ân tứ của ân điển cho tín đồ.
Khi được dùng trong quan hệ cuối nầy, tôi cho rằng ân tứ thuộc linh là một năng lực
được Đức Chúa Trời ban để phục vụ Chúa.
Với định nghĩa gợi ý nầy, thì từ đồng nghĩa của ân tứ là “năng lực.” Một ân tứ thuộc
linh là một năng lực. Chữ “được Đức Chúa Trời ban cho” nhắc chúng ta nhớ Đấng
Christ và Đức Thánh Linh là Đấng ban các ân tứ, và cụm từ “để phục vụ Chúa” nhằm
nắm bắt điểm nhấn mạnh trong những phân đoạn Kinh Thánh trọng tâm rằng: các ân
tứ phải được dùng để phục vụ Thân Thể Đấng Christ. Dầu có sự tương tự gần gũi giữa
các ân tứ thuộc linh với các tài năng (đương nhiên cả hai đều do Đức Chúa Trời ban
cho, ICo 4:7), nhưng chẳng hạn như tài năng thì có thể được dùng, hoặc cũng có thể
không được dùng, để phục vụ Thân Thể Đấng Christ.
B. Ân Tứ Thuộc Linh Không Có Nghĩa Là Gì?
1. Một Ân Tứ Thuộc Linh không phải là một chỗ của sự phục vụ. Ân tứ là một năng
lực, chứ không phải là chỗ để sử dụng năng lực ấy. Sự dạy dỗ có thể thực hiện bên
trong hoặc bên ngoài tình huống lớp học chính thức, và tại bất cứ quốc gia nào trên thế
giới. Sự cứu giúp có thể thực hiện trong hội thánh hay trong khu vực hàng xóm.
2. Ân tứ thuộc linh không phải là chức vị. Ân tứ là một năng lực, và bất luận có giữ
thánh chức trong hội thánh địa phương hay không đi nữa thì vẫn vận dụng ân tứ được.
Về vấn đề nầy, có nhiều lẫn lộn về ân tứ mục sư. Ân tứ nầy là năng lực để chăn dắt tín
đồ. Ân tứ nầy có thể được thực hiện bởi một người nắm giữ một chức vị, mà theo Giáo
Hội Học hiện đại của chúng ta, chúng ta gọi là chức vị chăn bầy. Hoặc có thể nói ân tứ

384
nầy được thực hiện bởi một giám thị nam hoặc một giám thị nữ trong một trường học.
Hoặc nó có thể được thực hiện bởi người vợ và người mẹ trong một gia đình.
3. Ân tứ thuộc linh không phải là một mục vụ cho một nhóm tuổi nào đó. Không có
ân tứ của công tác thanh niên, hay ân tứ của công tác thiếu nhi. Mọi lứa tuổi đều cần
được phục vụ bởi những mục sư, những giáo sư, những người quản lý, những người trợ
giúp, v.v...
4. Ân tứ thuộc linh không phải là một kỹ thuật chuyên môn. Không có ân tứ thuộc
linh nào của công tác viết lách hay của Cơ đốc Giáo Dục, hay ân tứ âm nhạc. Đây là
những kỹ thuật để qua đó có thể truyền dẫn những ân tứ thuộc linh.
5. Ân tứ thuộc linh khác với năng khiếu (hay tài năng) bẩm sinh. Tôi đã nói một tài
năng có thể phục vụ mà cũng có thể không phục vụ Thân Thể Đấng Christ, trong khi
ân tứ thuộc linh thì phục vụ Thân Thể Đấng Christ. Chúng ta lưu ý thêm các điểm
tương phản giữa ân tứ thuộc linh với các năng khiếu bẩm sinh.
NĂNG KHIẾU BẨM SINH
Được Chúa ban thông qua cha mẹ
Được ban cho khi sinh ra.
Để ích lợi cho nhân loại nói chung
ÂN TỨ THUỘC LINH
Được Chúa ban cho không lệ thuộc cha mẹ
Hiển nhiên được ban cho tại lúc hoán cải
Để ích lợi cho Thân Thể Đấng Christ nói riêng
Vì thế, ân tứ thuộc linh là một năng lực được Đức Chúa Trời ban cho, để phục vụ
Thân Thể Đấng Christ tại bất cứ nơi đâu và qua bất cứ cách nào mà Ngài chỉ dẫn.
II. SỰ PHÂN PHÁT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH
A. Chúng Được Phân Phát Bởi Đấng Christ Phục Sinh Và Thăng Thiên (Eph 4:11)
Sự kiện Đầu của Thân Thể ban các ân tứ cho thân thể Ngài đã nâng cách dùng các
ân tứ lên bình diện cao cả thánh khiết. Đây là những ân tứ của Ngài, được giao phó cho
chúng ta vì Ngài cần chúng ta dùng chúng sao cho gây dựng được thân thể Ngài. Điều
nầy khiến ngay cả những điều có vẻ như thể loại phục vụ thấp hèn nhất cũng trở nên
cao quý biết dường nào!
B. Chúng Được Phân Phát Tùy theo Ý Muốn Của Đức Thánh Linh (ICo 12:11,18)

385
Vì sao Ngài ban cho tín đồ một ân tứ nào đó? Vì Ngài biết rõ nhất thân thể có cần ân
tứ gì, và ân tứ nào phù hợp nhất cho mỗi tín đồ phục vụ Ngài. Nếu chúng ta tin như vậy
thì sẽ giúp chúng ta khỏi phàn nàn sao mình không giống người khác, và điều đó đáng
thôi thúc chúng ta tận dụng trọn vẹn những ơn Chúa đã ban cho chúng ta.
Đức Thánh Linh ban các ân tứ cho chúng ta khi nào? Rất có thể tại lúc hoán cải.
Nếu có các ân tứ của Đức Thánh Linh, và nếu chúng ta không có Đức Thánh Linh mãi
cho đến khi chúng ta hoán cải, thì dường như các ân tứ của Ngài sẽ được ban cho tại
thời điểm hoán cải ấy. Có thể chúng ta không phát hiện được mọi ân tứ được ban khi
được cứu, nhưng tôi có khuynh hướng tin rằng chúng ta có trọn mọi ân tứ ấy ngay tại
thời điểm được cứu rỗi. Khi chúng ta tăng trưởng, các ân tứ khác có thể được lộ ra để sử
dụng tại nhiều thời điểm khác nhau trong đời sống chúng ta, nhưng có khả năng chúng
ta nhận toàn bộ chúng từ khi hoán cải. Chắc chúng ta không thể nói mình có được bộ
ân tứ cụ thể nào cho đến khi có thể nhìn lại đời sống và xem thấy Đức Chúa Trời đã sử
dụng những ân tứ nào trong suốt cuộc đời mình.
C. Chúng Được Phân Phát Cho Mọi Tín Đồ
Không tín đồ nào là không có ít nhất một ân tứ thuộc linh. Phierơ nói rõ ràng mọi
tín đồ đều có ít nhất một ân tứ (IPhi 4:10). Mỗi tín đồ có thể sống độc thân hoặc lập gia
đình, và cả hai tình trạng nầy đều được gọi là những ân tứ thuộc linh ( ICo 7:7). Chắc
chắn nhiều tín đồ còn có ân tứ cứu giúp hay phục vụ nữa.
Nhưng không có tín đồ nào có tất cả mọi ân tứ. Nếu có như vậy, thì ẩn dụ trong
12:12-27 sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu có tín đồ có mọi ân tứ, người đó sẽ không cần đến các
tín đồ khác nữa. Người ấy sẽ vừa là tay, là chân, vừa là mắt và tai - toàn bộ thân thể, và
đây là điều không thể có được. Tín đồ cần đến các tín đồ khác, đơn giản vì không tín đồ
nào có hết mọi ân tứ.
D. Chúng Được Phân Phát Cho Chung Cả Thân Thể Đấng Christ
Tôi muốn dùng điều nầy để nhấn mạnh không phải mọi hội chúng đều cần phải
mong đợi hội chúng mình có mọi ân tứ. Tình trạng tăng trưởng và trưởng thành có thể
không đòi hỏi điều nầy. Đức Chúa Trời biết mỗi nhóm hội chúng cần ân tứ nào, và Ngài
sẽ lo liệu để ân tứ đó được cung cấp phù hợp.
Tôi cũng muốn nói không phải mỗi thế hệ đều buộc phải mong mình có đủ mọi ân
tứ. Ân tứ nào được ban một lần tức là ân tứ được ban cho toàn thân thể Đấng Christ.
Đức Chúa Trời đã ban các ân tứ lập nền của các sứ đồ và các tiên tri từ buổi ban đầu rồi
(Eph 2:20). Sau khi nền đã được lập bởi những người sử dụng các ân tứ đó, thì cần đến
các ân tứ khác. Nhưng trong thế kỷ hai mươi, chúng ta vẫn nhận được ích lợi từ, cũng
như vẫn đang xây dựng trên, những ân tứ lập nền đó. Chúng được ban trong thế kỷ thứ
nhất cho toàn Thân Thể Đấng Christ trong mọi thế kỷ. Không thế hệ nào đã bị xem nhẹ.
386
Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh theo ý Ngài muốn, và Ngài biết chính xác mỗi cá
nhân tín đồ, mỗi hội chúng, mỗi thế hệ cần những gì. (Một trong những cách giải quyết
cân đối và súc tích nhất về toàn bộ giáo lý nầy là tác phẩm của William J. McRae, The
Dynamics of Spiritual Gifts (Grand Rapids: Zondervan, 1976,144 trang.)
III. KHÁM PHÁ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH
Các ân tứ thuộc linh đang gặp phải “hiểm họa quả lắc.” Ở một bên cung dao động
nầy của quả lắc là cho rằng các ân tứ thuộc linh về cơ bản không thích ứng cho công
tác phục vụ Cơ đốc ngày nay, bởi vì các ân tứ đó chỉ được ban cho hội thánh đầu tiên
mà thôi, và vấn đề quan trọng ngày nay là sự trưởng thành chứ không phải các ân tứ. Ở
cung dao động bên kia là sự nhấn mạnh rằng thậm chí còn không thể khởi sự phục vụ
được nữa kia nếu không biết chắc về (các) ân tứ thuộc linh của mình. Nếu các ân tứ
thuộc linh chỉ được ban cho hội thánh đầu tiên mà thôi, hay chúng không thích ứng với
công tác phục vụ ngày nay, thì vì sao chúng xuất hiện trong các sách Tân Ước, là
những sách được viết ra cho thế hệ tín hữu thứ nhì và cho những người sống trong
khắp đế quốc Lamã (Êphêsô và IPhierơ)? Hơn nữa, vì những ân tứ là cần thiết cho sự
vận hành đúng chức năng của Thân Thể Đấng Christ, làm sao ngày nay không có
chúng mà hội thánh vẫn duy trì được hoạt động đúng chức năng đó?
Mặt khác, nếu tín đồ buộc phải biết (những) ân tứ thuộc linh của mình trước khi
phục vụ, thì vì sao không có mạng lệnh truyền phải khám phá những ân tứ thuộc linh
của mình? Chúng ta thảy đều được truyền phải sử dụng ân tứ của mình (IPhi 4:10 - “lấy
ơn mình đã được mà giúp”). Không câu Kinh Thánh nào bảo phải biết mình có ân tứ gì
trước khi có thể mong phục vụ. Tuy nhiên, tôi sẽ mạo hiểm dùng chữ “phát hiện” ở tựa
đề nầy để khuyến khích độc giả sử dụng các ân tứ của mình.
A. Tự Tìm Biết Trọn Bộ Các Ân Tứ Trong Đời Sống Bạn
Có ba loại ân tứ trong đời sống mỗi Cơ đốc nhân.
1. Các năng khiếu tự nhiên. Được Đức Chúa Trời ban từ lúc lọt lòng mẹ, và chúng
bao gồm những điều như là chỉ số thông minh I.Q., lượng sức khỏe và sức mạnh, các tài
năng âm nhạc, các khả năng ngôn ngữ, các tài năng về cơ khí, v.v...
2. Những năng khiếu học hỏi được. Những tài năng như là nấu nướng, may vá, lái
xe, học ngôn ngữ, học chơi nhạc cụ, v.v... Tuy chúng ta thường có khuynh hướng xem
những kỹ năng nầy là chuyện đương nhiên, nhưng hãy nhớ rất nhiều người trên thế
giới ít có cơ hội có được những kỹ năng trong các lãnh vực nầy.
3. Những ân tứ thuộc linh. Tín đồ nên tự tìm biết trọn bộ những ân tứ thuộc linh
gồm những năng lực khác nhau mà Đức Chúa Trời đã đặt trong đời sống mình. Nói
cách khác, tín đồ hãy tìm cách lập bảng kiểm kê để biết mình có sẵn những hàng hóa

387
gì cho Chúa dùng. Chỉ riêng việc thực hiện trọn tiến trình kiểm kê định kỳ thôi cũng có
thể đã giúp tín đồ xác định mình phải thăm dò vào những lãnh vực phục vụ nào.
B. Tự Chuẩn Bị Bằng Cách Tận Dụng Mọi Cơ Hội Sẵn Có
Nguyên tắc nầy áp dụng cho cả ba loại năng lực trên. Hãy trau dồi tài năng, học hỏi
kỹ năng, và dồn tâm sức để phát triển các ân tứ thuộc linh. Nếu nghĩ có thể mình có ân
tứ dạy dỗ, thì sẽ cần phải học tập, nghiên cứu. Khả năng giao tiếp có thể được ban trực
tiếp hơn (dầu vậy ngay cả kỹ năng đó cũng có thể được trau dồi bởi giáo dục), nhưng
đương nhiên là buộc phải học tập phần nội dung.
Nếu nghĩ mình có ân tứ ban cho, thì người ấy sẽ dồn tâm sức để làm người quản gia
giỏi trong mọi lãnh vực của đời sống (ICo 4:2). Năng lực để sống rộng rãi là do Đức Chúa
Trời ban cho, nhưng để có đủ tiền hầu có thể dùng rộng rãi thì đòi hỏi phải có kỷ luật
trong những vấn đề tài chánh.
Ân tứ truyền giảng Tin Lành trong hội thánh đầu tiên không những bao gồm việc
giảng Tin Lành mà còn gồm việc đem sứ điệp truyền giảng lưu động nữa. Muốn làm
được việc nầy thì cần phải chú ý đặc biệt đến sức khỏe sao cho có thể lực bền bỉ để đi
đây đó truyền bá đạo Tin Lành.
Nếu có ân tứ khuyên bảo, thì đương nhiên lời khuyên bảo đó phải được căn cứ trên
sự hiểu biết Kinh Thánh. Lời khuyên bảo duy nhất có hiệu lực và có giá trị là lời
khuyên bảo phải bắt nguồn từ các lẽ thật Kinh Thánh. Và đương nhiên, muốn hiểu biết
Kinh Thánh thì bắt buộc phải nghiên cứu.
C. Tích Cực Làm Công Việc Chúa
Các ân tứ vừa được phát hiện vừa được phát triển bởi hoạt động. Thực hành giúp
nhận biết trọn bộ các năng lực của mình, và thực hành sẽ giúp phát triển những năng
lực đó. Nếu bạn đang tìm cách khám phá (các) ân tứ của mình, đừng nên bỏ qua những
cơ hội phục vụ, dầu bạn nghĩ chúng không nằm trong phạm vi các năng lực của mình
đi nữa. Có thể Đức Chúa Trời đang cố gắng cho bạn biết mình có những năng lực nào
chưa nhận diện ra được.
Nếu tích cực làm những việc có thể làm được, thì những cơ hội khác có thể sẽ xuất
hiện để lộ ra thêm những ân tứ thuộc linh khác nữa. Chẳng hạn: lần đầu tiên gặp Philíp
trong sách Côngvụ, chúng ta thấy ông giúp phân phát những món tiền cứu trợ cho
những góa phụ cùng túng (và hay cãi nhau nữa) (6:5). Thật khó mà nghĩ rằng trước khi
đảm nhận chức vụ nầy, Philíp đã ngồi xuống suy xét xem mình có ân tứ thuộc linh đó
chăng! Đây là cơ hội để phục vụ, và ông đã nắm lấy. Ông tỏ ra trung tín làm công tác
vặt vãnh nầy. Sau đó Chúa giao cho ông chức vụ khác, là chức vụ giảng Tin Lành cho
người Samari (8:5), rồi tiếp đó là cho hoạn quan Êthiôbi. Khi sử dụng ân tứ đó, ông đã

388
được biết đến với tên gọi “Philíp, người giảng Tin Lành” (Cong 21:8). Nhưng lúc đầu, ông
là Philíp người giúp đỡ những đàn bà góa.
Nguyên tắc nầy cũng đúng cho đời sống của Êtiên. Trước hết, ông hầu việc Chúa
cùng với Philíp để chăm sóc các góa phụ. Nhưng ông cũng đầy dẫy đức tin (6:5) và là
một chứng nhân vĩ đại (7:1-35). Trung tín trong một cơ hội đã dẫn đến nhiều cơ hội
khác.
Tôi xin nêu cho bạn sự so sánh thú vị giữa một số các ân tứ thuộc linh với một số
mạng lịnh được ban cho hết thảy mọi tín đồ. Ý chính của sự so sánh nầy chỉ là nói lên
chúng ta được truyền mạng lịnh phải thi hành chức vụ trong rất nhiều lãnh vực bất
luận chúng ta nghĩ mình có ân tứ thuộc linh tương ứng ấy hay không đi nữa.
Vì vậy, hết thảy tín đồ đều được truyền mạng lệnh thi hành nhiều chức vụ khác
nhau, dầu họ có ân tứ thuộc linh tương ứng đó hay không đi nữa. Nếu trung tín vâng
giữ những mạng lịnh nầy, chúng ta có thể khám phá những ân tứ thuộc linh cụ thể của
mình.
NHỮNG ÂN TỨ ĐƯỢC BAN CHO MỘT SỐ NGƯỜI
1. Chăm sóc phục vụ
2. Khuyên bảo
3. Ban cho (bố thí)
4. Dạy dỗ
5. Tỏ lòng thương xót
6. Đức tin
7. Giảng Tin Lành
NHỮNG MẠNG LỊNH BAN CHO MỌI TÍN ĐỒ
1. Phục vụ lẫn nhau (Ga 5:13)
2. Khuyên bảo lẫn nhau (He 10:25)
3. Mọi người đều ban cho (IICo 9:7)
4. Đại Mạng Lịnh (Mat 28:19)
5. Nhơn từ (Eph 4:32)
6. Bước đi bởi đức tin (IICo 5:7)
7. Mọi người đều làm chứng (Cong 1:8)
D. Làm Người Quản Gia Giỏi Về Tình Trạng Sống Độc Thân Hay Có Gia Đình

389
Nếu tình trạng nào cũng là ân tứ thuộc linh (ICo 7:7), thì điều cần yếu là trung tín
quản lý tình trạng đó. Sống độc thân hay lập gia đình đều là những ân tứ thuộc linh
cần được phát triển. Cả hai hạng người này đều cần làm người quản lý trung tín ( 4:2).
Cả hai đều cần được tăng trưởng trong sự nên thánh (ITe 4:3). Cả hai đều cần phải lợi
dụng thì giờ (Eph 5:16).
Người sống độc thân cần phải chú ý đặc biệt đến sự thanh sạch, đến kỷ luật về tài
chánh, sử dụng thời gian rảnh nghiên cứu Lời Chúa, và tìm kiếm những cơ hội hầu việc
Chúa, ví dụ như phục vụ ngắn hạn tại hải ngoại. Người độc thân phải quan tâm những
điều thuộc về Chúa và làm cách nào để có thể làm đẹp lòng Ngài ( ICo 7:32). Người có gia
đình phải chú ý đến gia đình, song vẫn phải đặt công việc Chúa lên trên hết (c. 29,33).
Cách vận dụng đúng và phát triển đúng những ân tứ nầy có thể là yếu tố quan trọng
cho cách sử dụng những ân tứ khác trong suốt cuộc đời.
E. Sẵn Lòng Làm Mọi Việc Cho Đức Chúa Trời
Trong thực tế, sự tận tâm hay sẵn lòng làm mọi việc còn quan trọng hơn cả việc
khám phá (các) ân tứ thuộc linh của bạn. Phân đoạn Kinh Thánh nói về các ân tứ trong
Êphêsô 4 bắt đầu bằng lời khuyên hãy sống xứng đáng và ăn ở khiêm nhường (c. 1-2).
Trước phần thảo luận mở rộng về các ân tứ trong ICôrinhtô 12 đã có nhiều lời khuyên
tận tâm (3:16; 6:19-20; 10:31). Và phân đoạn Kinh Thánh trong Rôma 12 mở đầu với lời
kêu gọi trọng thể hãy dâng đời sống trong câu 1 và 2. Ai không tận tâm thì sẽ không
bao giờ khám phá được mọi năng lực Chúa đã ban cho mình, và cũng không bao giờ
phát triển đầy đủ những năng lực mình khám phá được.
IV. MÔ TẢ CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH
A. Chức Vụ Sứ Đồ (ICo 12:28; Eph 4:11)
Theo nghĩa tổng quát, chữ nầy có nghĩa “người được sai đi” (như được dùng cho
Épbaphôđích trong Phi 2:25). Nhưng nghĩa chuyên biệt của “chức sứ đồ” thì chỉ về Mười
Hai Sứ Đồ và có thể một vài người khác nữa như Phaolô và Banaba (Cong 14:14). Ân tứ
nầy đã được ban để thành lập Hội Thánh và được xác chứng bởi các dấu kỳ phép lạ đặc
biệt (IICo 12:12; Eph 2:20). Đây không phải là ân tứ Đức Chúa Trời ban cho ngày nay.
B. Lời Tiên Tri (Ro 12:6: ICo 12:10; 14:1-40; Eph 4:11)
Giống như chức sứ đồ, “lời nói tiên tri” cũng được dùng cả theo nghĩa chung và
nghĩa chuyên biệt. Theo nghĩa chung, chữ nầy chỉ về việc rao giảng, và như vậy có
nghĩa là giảng đạo. Nhưng theo thuật ngữ chuyên biệt, tiên tri không những có thể rao
giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời, mà còn phải tiên báo được tương lai. Tất cả mọi sứ
điệp của ông, dầu là rao giảng ra hoặc tiên báo, đều đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời
thông qua khải thị đặc biệt.

390
Chắc chắn ân tứ nầy đã được ban phát khá rộng rãi trong thời Tân Ước, dầu chỉ vài
tiên tri được đề cập cụ thể (Agabút, Cong 11:27-28; các tiên tri tại Hội Thánh Antiốt, 13:1;
bốn con gái của Philíp, 21:9; và các tiên tri tại Hội Thánh Côrinhtô, ICôrinhtô 14). Đây
cũng đã là ân tứ để thành lập hội thánh, không cần thiết sau thời kỳ đó và sau khi sách
Khải Huyền được viết ra trong Tân Ước.
C. Các Phép Lạ (ICo 12:28) Và Chữa Bệnh (c. 9,28,30).
Đây là năng lực thi hành các dấu lạ đặc biệt kể cả chữa bệnh thuộc thể. Phaolô đã
vận dụng ân tứ nầy tại Êphêsô (Cong 19:11-12); thế nhưng ông không sử dụng hoặc
không sử dụng được ân tứ nầy trong các trường hợp Épbaphôđích (Phi 2:27), Timôthê (ITi
5:23), hoặc Trôphim (IITi 4:20). Ân tứ chữa bệnh có thể xem như một thể loại thuộc ân tứ
làm các phép lạ. Ví dụ: Phaolô quở thuật sĩ Êlyma bị mù (Cong 13:11) chính là vận dụng
ân tứ làm phép lạ của ông, nhưng đây chắc chắn không phải một sự chữa bệnh. Chúng
ta công nhận một phép lạ hay sự chữa bệnh có thể được Đức Chúa Trời thực hiện mà
không cần sự vận dụng ân tứ thuộc linh của bất cứ ai (như là một dấu lạ thuộc thể đi
kèm với sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong đoạn 4:31)
Nếu đúng như vậy, thì không phải ai xem các ân tứ làm phép lạ và chữa bệnh là các
ân tứ tạm thời tức là cũng đang nói rằng ngày nay Đức Chúa Trời không thực hiện các
phép lạ hay sự chữa bệnh. Người ấy chỉ đang nói rằng: các ân tứ nầy không còn vận
hành vì đã không cần đến chúng; tức là cần để xác chứng sứ điệp Tin Lành.
Tín đồ ngày nay không thể bắt buộc đòi hỏi được chữa lành. Không phải ý muốn
của Đức Chúa Trời là ban sức khỏe tốt cho mọi tín đồ. Dầu Phaolô khẩn thiết cầu
nguyện liên tục, và dầu chính ông có ân tứ chữa bệnh, nhưng ý muốn của Đức Chúa
Trời không phải là chữa lành cái giằm trong xác thịt của ông (IICo 12:8-9). Nếu ý muốn
của Đức Chúa Trời là chữa lành bệnh mọi tín đồ, thì chẳng có tín đồ nào chết cả vì ngay
cả căn bệnh cuối cùng cũng sẽ được chữa lành. Những người chữa bệnh đã công nhận
những giới hạn của mình, vì họ không tuyên bố chữa lành được những chiếc răng hư,
cũng không tức khắc chữa lành những chiếc xương gãy.
Xem thường những phương tiện chữa bệnh sẵn có của con người để chỉ cầu nguyện
xin chữa bệnh bằng phép lạ thì cũng giống như việc cầu xin một mùa gặt rồi ngồi an vị
trên chiếc ghế bập bênh, không chịu gieo trồng hoặc canh tác ruộng đất.
D. Nói Tiếng Lạ Và Thông Giải Tiếng Lạ (ICo 12:10)
Nói tiếng lạ là một năng lực do Đức Chúa Trời ban để nói ra một thứ ngôn ngữ trên
đất mà người nói không biết. Thông giải tiếng lạ là năng lực để thông dịch sứ điệp đó
sang ngôn ngữ mà người nghe hiểu được. Rõ ràng, lần xuất hiện các tiếng lạ đầu tiên
trong Cong 2 chính là các ngôn ngữ (lưu ý chữ “các ngôn ngữ” trong câu 6 và 8). Giả
định ở đây là các tiếng lạ tại Côrinhtô cũng giống y như vậy.
391
Tiếng lạ có thông giải nhằm hai mục đích: để truyền đạt lẽ thật từ Đức Chúa Trời
đến, và để xác chứng lẽ thật của sứ điệp Cơ đốc, đặc biệt cho người Dothái ( ICo 14:5,21-
22). Vì các tín đồ Côrinhtô đang lạm dụng ân tứ nầy, nên Phaolô đưa ra những qui định
nghiêm nhặt về cách sử dụng ân tứ: Trong bất kỳ buổi nhóm nào chỉ có hai hoặc ba
người được nói; không người nào được phép nói tiếng lạ trừ phi có thể thông giải được
tiếng lạ ấy; lời nói tiên tri luôn luôn được chuộng hơn; và phụ nữ phải giữ im lặng (c.
27-34).
Tiếng lạ không thông giải, đặc biệt là ngôn ngữ cầu nguyện riêng, thì không đem
lại kết quả (c.14), đơn giản vì ngay người cầu nguyện cũng không biết mình đang cầu
xin gì. Do đó thà cầu nguyện với trí hiểu, có nghĩa dùng ngôn ngữ mà người cầu
nguyện có thể hiểu được.
Dầu tin ân tứ nói tiếng lạ của Kinh Thánh ngày nay có còn được ban cho hay không
đi nữa, thì sự dạy dỗ của phái Ngũ Tuần cho rằng nói tiếng lạ là dấu hiệu tất nhiên của
việc được báptêm bằng Đức Thánh Linh là sự dạy dỗ sai. Phaolô đã nói mọi tín đồ tại
Côrinhtô đều đã được báptêm (12:13), nhưng không phải hết thảy đều nói tiếng lạ (c.
30).
E. Truyền Giảng Tin Lành (Eph 4:11)
Năng lực để rao giảng sứ điệp Tin Lành cách rõ ràng khác thường cũng bao gồm cả
ý: chức vụ của người truyền giảng Tin Lành là một chức vụ lưu động. Chức vụ nầy cũng
có thể được thực hiện trước công chúng hoặc riêng tư. Dầu có ân tứ truyền giảng hay
không, mọi tín đồ đều phải làm chứng nhân.
F. Mục Sư (Eph 4:11)
Đây là năng lực để chăn bầy, cấp dưỡng, chăm sóc và bảo vệ dân sự Đức Chúa Trời.
Trong câu 11, dạy dỗ được liên kết với chăn bầy, và trong Cong 20:28, dạy dỗ được liên
kết với quản trị.
G. Sự Phục Vụ (Ro 12:7; ICo 12:28; Eph 4:12)
Đây là năng lực để giúp đỡ hay phục vụ theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ nầy.
H. Dạy Dỗ (Ro 12:7; ICo 12:28; Eph 4:11)
Đây là năng lực để giải nghĩa lẽ thật của Đức Chúa Trời cho dân sự. Rõ ràng, ân tứ
nầy đôi khi được ban riêng lẻ, và đôi khi được kết hợp với ân tứ Mục sư.
I. Đức Tin (ICo 12:9)
Đây là năng lực để tin Đức Chúa Trời chu cấp những nhu cầu cụ thể. Mọi tín đồ đều
phải bước đi bởi đức tin và mỗi người đều có một lượng đức tin, nhưng không phải mọi
người đều có ân tứ đức tin.

392
J. Khuyên Bảo (Ro 12:8)
Ân tứ nầy gồm năng lực để khích lệ, an ủi và khuyến cáo tín đồ.
K. Phân Biệt Các Linh (ICo 12:10)
Đây là năng lực để phân biệt giữa các nguồn thật với giả của sự khải thị siêu nhiên
khi khải thị đó đang được rao ra ở dạng lời nói trước khi hoàn tất bộ kinh điển.
L. Làm Sự Thương Xót (Ro 12:8)
Cũng giống như ân tứ phục vụ, ân tứ nầy bao gồm cứu trợ những người đau ốm và
gặp hoạn nạn.
M. Bố Thí (Ban Cho - Ro 12:8)
Dường như đây là năng lực để ban cho rất rộng rãi những phương tiện gì mình
đang có. Ân tứ nầy phải được thực thi cách giản dị, tức là không nghĩ gì đến chuyện
đền đáp hoặc tư lợi.
N. Quản Trị (Ro 12:8; ICo 12:28)
Đây là năng lực để quản trị trong hội thánh.
O. Lời Nói Khôn Ngoan Và Tri Thức (ICo 12:8)
Giống các ân tứ khác trong hội thánh đầu tiên, các ân tứ nầy liên quan đến khả
năng hiểu và truyền đạt lẽ thật của Chúa cho dân sự.
Danh sách nầy liệt kê 18 ân tứ riêng biệt (dầu tôi đã kết hợp chung nhiều ân tứ với
nhau). Có phải tất cả chỉ có chừng nầy? Không chỗ nào gợi ý còn những ân tứ khác, và
những ân tứ được liệt kê ra đây dường như đủ để gây dựng thân thể Đấng Christ.

393
Chương 66: ĐỨC THÁNH LINH ĐẦY DẪY
Khái niệm Đức Thánh Linh đầy dẫy con người xuất hiện mười lăm lần trong Tân
Ước, bốn lần trong số đó là trước Lễ Ngũ Tuần. Dường như khái niệm này có một ý
chính gồm hai phần, và những hệ quả của nó rất quan trọng cho đời sống và sinh hoạt
của Cơ đốc nhân.
I. MỐI LIÊN HỆ CỦA SỰ ĐẦY DẪY THÁNH LINH VỚI NẾP SỐNG
THUỘC LINH
A. Định Nghĩa Về Nếp Sống Thuộc Linh
Trong ICo 2:15 chúng ta có định nghĩa gần nhất cho nếp sống thuộc linh, và thật ra
đó chỉ là sự mô tả thôi. Nếu tín hữu thuộc linh (thiêng liêng) xử đoán, hoặc xem xét,
hoặc phân biệt mọi sự, còn chính người không bị ai xử đoán, thì nếp sống thuộc linh
nói đến mối liên hệ trưởng thành, hãy còn trưởng thành, đối với Đức Chúa Trời.
Điều này đòi hỏi ít nhất ba yếu tố: (a) sự tái sinh; (b) những chức vụ của Đức Chúa
Trời trong đời sống tín hữu; và (c) thời gian để lớn lên trong sự trưởng thành.
B. Vai Trò Của Thánh Linh Để Đem Lại Nếp Sống Thuộc Linh
Nếu trưởng thành là phương diện căn bản trong nếp sống thuộc linh, thì Thánh
Linh phải giữ vai trò chủ yếu để đem lại nếp sống ấy. Có khả năng biện biệt gồm hiểu
biết ý muốn và tầm nhìn của Đức Chúa Trời. Thánh Linh tạo ra điều này thông qua
chức vụ dạy dỗ của Ngài (Gi 16:12-15). Cũng gồm sự cầu nguyện theo ý muốn Chúa, là
điều được Thánh Linh hướng dẫn (Ro 8:26; Eph 6:18). Tín hữu thuộc linh chắc chắn sẽ là
người đang vận dụng các ân tứ thuộc linh Thánh Linh cho và ban quyền năng (ICo 12:7).
Người đó sẽ học chiến đấu cách đắc thắng với xác thịt bằng năng quyền Thánh Linh ( Ro
8:13; Ga 5:16-17). Nói ngắn gọn, đầy dẫy Đức Thánh Linh là bí quyết để tạo ra nếp sống
thuộc linh trong tín hữu.
C. Một Vài Hệ Quả Của Khái Niệm Này
Nếu nếp sống thuộc linh có liên quan đến sự trưởng thành, thì có thể có nhiều mức
độ của nếp sống thuộc linh, vì có nhiều giai đoạn của sự trưởng thành. Hiển nhiên
Phaolô trông đợi những tín hữu tại Côrinhtô đạt đến mức độ trưởng thành nhờ đó có thể
gọi họ là thuộc linh trong vòng năm hoặc sáu năm. Phúc âm được giảng lần đầu tiên tại
Côrinhtô trong hành trình truyền giáo thứ hai của ông (vào khoảng năm 50 S.C.) và lá
thư đầu tiên của ông cho hội thánh này được viết khoảng năm 56 S.C., trong thơ quở
trách những Cơ đốc nhân này vì ông không thể đối xử với họ như người trưởng thành
thuộc linh.

394
Dường như một người có thể thối lui trong một lãnh vực của nếp sống thuộc linh
mà không mất mọi điều người ấy đã nhận lãnh được qua những năm đó. Có một số tội
sẽ ảnh hưởng nhiều lãnh vực của đời sống và mối thông công hơn những tội lỗi khác.
Nếu đầy dẫy Đức Thánh Linh liên quan đến sự kiểm soát của Thánh Linh trong một
đời sống, thì một tín hữu mới đương nhiên có thể được Thánh Linh kiểm soát trong bất
kỳ lãnh vực nào mà họ biết đến. Nhưng nói vậy không có nghĩa họ là người thuộc linh,
vì chưa đủ thời gian cho người đó trưởng thành. Khi sự trưởng thành đến, sẽ lộ ra càng
nhiều lãnh vực hơn nữa cần được kiểm soát. Khi đáp ứng cách tích cực và để Đức
Thánh Linh mở rộng quyền kiểm soát của Ngài, chúng ta càng trưởng thành hơn. Và cứ
tiếp tục như thế.
Làm Cơ đốc nhân một thời gian không bảo đảm có nếp sống thuộc linh, vì có thể
người đó không để cho Đức Thánh Linh kiểm soát nếp sống của họ trong một số những
năm đó.
Có nhiều giai đoạn trưởng thành. Dù có lẽ một người đạt đến sự trưởng thành,
nhưng vẫn luôn luôn còn mức trưởng thành cao hơn nữa cần phải đạt đến. Nếp sống
thuộc linh là mối liên hệ trưởng thành, hãy còn trưởng thành mãi, đối với Đức Chúa
Trời.
II. SỰ ĐẦY DẪY THÁNH LINH
Dường như có hai phương diện trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phương diện đầu
tiên có thể nói là hành động tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời nhờ đó Ngài chiếm hữu
một người cho một công tác đặc biệt. Điều này được diễn tả bởi cụm từ Hylạp pimplçmi
pneumatos agiou, và nó làm nổi bật sự kiện được đổ đầy hơn là tình trạng đến bởi sự
đầy dẫy. Cụm từ này có ở Lu 1:15 (Giăng Báptít), 41 (Êlisabét), c. 67 (Xachari); Cong 2:4
(nhóm người trong Ngày Lễ Ngũ Tuần); 4:8 (Phierơ), c. 31 (các tín hữu); 9:17 (Phaolô); và
13:9 (Phaolô).

Hãy quan sát, phương diện đổ đầy này được một số người trong cũng chính nhóm
đó kinh nghiệm khá thường xuyên, và xen giữa đó không có tội lỗi để có lẽ buộc phải
cần đồ đầy lập đi lập lại. Sự lập lại này là do có một nhu cầu mới cho sự phục vụ đặc
biệt, chứ không phải vì tội lỗi xen vào (2:4; 4:8,31). Đức Chúa Trời đã làm việc này như
một hành động tể trị tối thượng của Ngài mà không hề áp đặt những điều kiện cho
những người được đầy dẫy.
Có thể nói phương diện thứ hai của sự đổ đầy Thánh Linh là mở rộng tầm ảnh
hưởng và quyền kiểm soát của Thánh Linh trong đời sống một tín hữu. Nó làm bằng
chứng cho tình trạng đầy dẫy lâu dài hơn là một biến cố cụ thể. Nó tạo ra một đức tánh
nhất định của đời sống, và dường như là từ đồng nghĩa rất sát với nếp sống thuộc linh.
Điều này được chỉ ra bởi cụm từ Hylạp plere hoặc pleroo pneumatos agiou. Cụm từ này
395
xuất hiện trong Lu 4:1 (Đấng Christ); Cong 6:3,5 (những người trợ giúp đầu tiên cho các
sứ đồ), 7:55 (Êtiên); 11:24 (Banaba); 13:52 (các môn đệ); và Eph 5:18 (các tín hữu).
Phương diện này trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là sự tiến cử đức tánh tốt nhất
mà một người có thể có. Đây có vẻ là điều mọi tín hữu đều có thể kinh nghiệm ( Cong
13:52), nhưng lại không phải điều mọi tín hữu đều thực sự kinh nghiệm (6:3). Dù không
nhắc đến những điều kiện cụ thể trong các văn mạch này, các đòi hỏi bình thường cho
sự tăng trưởng Cơ đốc vẫn hàm ý những điều kiện để đạt được loại tính cách này.
Trong lần duy nhất viết về sự đầy dẫy (Eph 5:18), Phaolô đã nhấn mạnh các phương
diện được đầy dẫy này. Vì truyền lệnh như vậy, nên có vẻ ông không nghĩ mọi độc giả
đều đã kinh nghiệm điều đó. Có hai thắc mắc nảy sinh khi giải nghĩa câu này.
Câu hỏi đầu tiên là: “linh” có ý nghĩa gì? Nói đến Đức Thánh Linh hay là linh của
con người? Nếu là linh con người, thì câu này có nghĩa là phải tận dụng linh của con
người trong sự thờ phượng chung (dù vậy không có câu Kinh Thánh Tân Ước nào khác
nói đến sự đầy dẫy linh loài người). Thật ra, những lần xuất hiện khác của từ en
pneumati trong thư Êphêsô (2:22; 3:5; 6:18) và Côlôse (1:8) đều rõ ràng nói đến Đức
Thánh Linh. Cho nên người ta sẽ cho rằng Phaolô cũng nói đến Đức Thánh Linh trong
Ephêsô 5:18. Lưu ý động từ pleroơ được dùng để nói đến Đức Chúa Trời (3:19) và Đức
Chúa Con (4:10). Tại sao Phaolô muốn chuyển sang linh con người trong 5:18? (Để biết
tuyên bố về quan điểm linh của con người, xem S.D.F. Salmond, “The Epistle to the
Ephesians,” The Expositor’s Greek Testament [Grand Rapids: Eerdmans, 1952], 3:362.)
Thắc mắc thứ hai liên quan đến cách dùng chữ en. Chữ này có nghĩa với Đức Thánh
Linh hay bởi Đức Thánh Linh? Nói cách khác, Thánh Linh là nội dung hay là Tác Nhân
của sự đầy dẫy chúng ta? Trường hợp này có thể mang cả hai ý nghĩa. (Về ý nói đến
“nội dung,” xem Ro 1:29 và IICo 7:4.) Có lẽ cả hai ý đều được ngụ ý tại đây. Thánh Linh là
Tác Nhân, Đấng đầy dẫy chúng ta bằng Chính Mình Ngài. (Đây là quan điểm của C.J.
Ellicott. St. Paul’s Epistle to the Ephesians (London: Longmans, 1868, trang 124).
Tóm lại: đầy dẫy Thánh Linh vừa là sự ban năng quyền tối thượng của Đức Chúa
Trời cho chúng ta bởi Thánh Linh cho công tác đặc biệt và là việc Thánh Linh đổ đầy
chính đức tính của Ngài cho chúng ta.
III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VIỆC ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH
A. Tính Cách Giống HÌnh Ảnh Đấng Christ (Ga 5:22-23)
Khi Đức Thánh Linh kiểm soát một đời sống, bông trái của Ngài sẽ được sinh ra
trong đời sống đó. Và dĩ nhiên, phần mô tả trái Đức Thánh Linh là sự mô tả về tình
trạng giống hình ảnh Đấng Christ. Tuy nhiên, phải xem xét mỗi một đặc trưng này

396
trong mọi khía cạnh của chúng, chứ không chỉ như một khía cạnh nào đó phù hợp với
những ý nghĩ của chúng ta về sự giống hình ảnh Đấng Christ.
Rõ ràng nhiều người nghĩ tình trạng giống hình ảnh Đấng Christ là sự phản ánh
những cá tánh của riêng họ. Người sống nội tâm có lẽ sẽ nghĩ Chúa của chúng ta là một
Đấng hay e thẹn và hay ẩn dật, còn người sống hướng ngoại sẽ xem Ngài như một Lãnh
Tụ năng nổ. Khi định nghĩa đầy đủ cho chín từ ngữ hợp thành trái Thánh Linh, chúng
ta sẽ có hình ảnh đầy trọn của tình trạng giống Đấng Christ thật.
Ví dụ, tình yêu thương bao gồm không những sự dịu dàng mà đôi khi còn nghiêm
khắc nữa. Khi Đấng Christ cư xử với các em nhỏ, Ngài dịu dàng. Khi đánh đuổi kẻ đổi
bạc, Ngài nghiêm khắc. Nhưng cả hai hành động đều là những biểu hiện yêu thương vì
Ngài là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
Vui mừng được bày tỏ không những trong niềm hạnh phúc mà còn trong buồn bã
thử thách nữa (IPhi 1:6). Bình an bao gồm sự yên tĩnh mà cũng có thể gồm những nan
đề trong các mối liên hệ của con người nữa (Mat 10:34). Nhịn nhục có nghĩa điềm đạm
bình thản và kiên nhẫn nhưng cũng không loại trừ sự kích động (như Chúa đã làm với
Philíp, Gi 14:9). Hiền lành và nhân từ nói đến các suy nghĩ và hành động với lòng tốt,
mà có thể gồm cả việc ném đàn con heo xuống biển Galilê như một điều nhân đức đối
với những người dính dáng đến chuyện làm ăn bất hợp pháp đó (Mat 8:28-34). Trung tín
chắc chắn gồm sự phục vụ đều đặn và đáng tin cậy, nhưng có lẽ cũng bao gồm một
hành động không đều đặn không chính quy. Nhu mì là dịu dàng đối với con người
nhưng cũng không có nghĩa yếu đuối. Tiết độ ảnh hưởng mọi mặt của đời sống (ICo
9:27).

B. Dự Phần Truyền Giảng


Khi sách Công Vụ nhắc đến sự đầy dẫy Đức Thánh Linh thì ghi lại những sự qui
đạo. Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (2:4) đem lại kết quả ba ngàn
người hoán cải (c. 41). Sự đầy dẫy Thánh Linh của các môn đồ trong 4:31 đem lại kết
quả bao đoàn dân đông nam nữ quay về với Chúa (5:14). Một trong những phẩm cách
để chọn những người giúp việc đầu tiên là họ phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (6:3). Tiếp
đó là sự qui đạo của rất nhiều thầy tế lễ (c.7). Phaolô được đầy dẫy Đức Thánh Linh sau
khi hoán cải, và kết quả của đời sống ông được nhiều người biết đến. Khi Banaba, là
người được đầy dẫy Thánh Linh, đi đến Antiốt thì có nhiều người trở lại đạo (11:24).
Chắc chắn những người đã cầu nguyện (4:24) và những người ban phát (c. 34) đều đã
dự phần y như những người trực tiếp làm chứng để có kết quả những người trở lại đạo
này.
C. Ca Ngợi, Thờ Phượng, Cảm Tạ, Vâng Phục (Eph 5:19-21)

397
Phaolô nêu bốn chứng cứ về sự đầy dẫy Thánh Linh sau mạng lệnh truyền phải đầy
dẫy trong câu 18. Ca ngợi được bày tỏ ra bên ngoài bằng cách dùng Thi Thiên, thánh ca
và các bài hát thiêng liêng để đối đáp với người khác. Ca hát và hết lòng hát khen là
bằng chứng của thái độ thờ phượng bên trong. Việc dâng những lời tạ ơn phải càng bao
hàm mọi sự càng tốt, và lời tạ ơn này được viết bởi một người đang thời kỳ bị quản thúc
tại gia ở Rôma, chờ xử án. Sự vâng phục trong các mối quan hệ của đời sống (chồng/vợ,
cha mẹ/con cái, chủ/thợ) cũng bày tỏ đặc điểm của nếp sống được đầy dẫy Thánh Linh.
Chú ý rằng mọi điều này là những vấn đề rất bình thường có ảnh hưởng đến những
thông lệ của đời sống hàng ngày, chứ không phải những kỳ công phi thường của sức
mạnh thuộc linh.
IV. LÀM SAO TÔI ĐƯỢC ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH?
Trong tư liệu sau Lễ Ngũ Tuần của Thánh Kinh Tân Ước không có ví dụ nào về sự
cầu xin được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Cho nên sự cầu nguyện - cho dù nhiệt thành đến
đâu đi nữa - dường như không phải là cách để được đầy dẫy.
Nếu sự đầy dẫy liên quan đến quyền kiểm soát của Thánh Linh trong đời sống
mình (dù theo là quyền nắm giữ một người cách tối thượng của Đức Chúa Trời hoặc sự
kiểm soát liên tục để rèn tập tính cách), thì sự đầy dẫy liên quan đến sự đầu phục. Khi
tôi bằng lòng để Thánh Linh làm điều Ngài muốn, thì tùy Ngài muốn làm hoặc không
làm cho tôi mọi điều nào Ngài thích. Tôi có thể kiểm tra sự sẵn lòng của mình, nhưng
không thể thao túng hoạt động của Ngài.
Khi trưởng thành, hiểu biết và tầm nhìn của người đó sẽ sâu rộng hơn. Những lãnh
vực mới cần đầu phục sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Vì cớ đó, những người đã được đầy
dẫy cần phải được đầy dẫy khi họ tiếp tục trưởng thành trong Chúa. Nhưng không tín
hữu nào có thể khỏi cần được đầy dẫy trong mọi giai đoạn tăng trưởng của mình.
PHÉP BÁP TEM THÁNH LINH
Xuất hiện chỉ một lần trong đời sống mỗi tín hữu
Không hề diễn ra trước ngày lễ ngũ tuần
Là thực tế đối với tất cả các tín hữu
Không thể bị vô hiệu hóa
Kết quả là một địa vị
Diễn ra khi chúng ta tin đấng christ
Không có điều kiện tiên quyết (ngoại trừ đức tin nơi Đấng Christ)
ĐẦY DẪY THÁNH LINH

398
Là một kinh nghiệm lặp lại nhiều lần
Đã diễn ra trong thời cựu ước
Không nhất thiết mọi người đều phải kinh nghiệm
Có thể bị mất
Đem lại năng quyền
Diễn ra xuyên suốt Cuộc đời cơ đốc nhân
Tùy thuộc sự đầu phục

399
Chương 67: NHỮNG CHỨC VỤ KHÁC CỦA THÁNH LINH
I. DẠY DỖ
Chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh là một trong những lời hứa sau cùng của Đấng
Christ trước khi Ngài chịu đóng đinh. Ngài phán:
“Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao
quá sức các ngươi. Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật
vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi
những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta
mà rao bảo cho các ngươi. Mọi sự Cha có điều là của Ta; nên Ta nói rằng Ngài sẽ lấy
điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi vậy” (Gi 16:12-15).
A. Thời Gian
Chức vụ đặc biệt này của Thánh Linh còn ở trong tương lai khi Chúa chúng ta phán
những lời ở đây. Chức vụ này bắt đầu trong Ngày Lễ Ngũ Tuần và tiếp tục suốt thời đại
này. Sự hiểu biết rõ ràng của Phierơ thể hiện trong bài giảng Lễ Ngũ Tuần là bằng
chứng sự khởi đầu chức vụ này.
B. Nội Dung
Nói chung, nội dung chức vụ Thánh Linh bao gồm “mọi lẽ thật” (mạo tự xác định
xuất hiện trong câu này). Dĩ nhiên điều này nói đến khải thị về chính Đấng Christ,
nhưng dựa trên nền tảng Lời thành văn (vì chúng ta không có thông tin nào khác về
Ngài ngoại trừ qua Thánh Kinh). Vì vậy, Thánh Linh dạy tín hữu nội dung của Thánh
Kinh, để khiến họ hiểu biết lời tiên tri (“những điều sẽ đến ”). Việc cụ thể hóa lời hứa
tổng quát về công tác dạy dỗ này đáng phải khích lệ mọi tín hữu nghiên cứu lời tiên tri.
Cũng để ý rằng Thánh Linh không tự phát khởi những sứ điệp của Ngài – chúng đến từ
Chúa.
C. Kết Quả
Kết quả chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh là Đấng Christ phải được vinh hiển. Nếu
Đấng Christ không được vinh hiển, thì Thánh Linh đang không thi hành chức vụ. Cũng
lưu ý, không phải Thánh Linh là Đấng được tôn vinh hiển, hoặc là Đấng đáng phải được
tôn vinh hiển một buổi nhóm, nhưng chính Đấng Christ. Hơn nữa, nếu Đấng Christ
được tỏ ra chỉ bởi Lời thành văn, thì Ngài sẽ được tôn vinh hiển khi Lời Đức Chúa Trời
được giảng giải trong quyền năng của Thánh Linh.
D. Phương Thức
Đức Thánh Linh dạy tín hữu bằng cách nào? Giăng tuyên bố: “về phần các con sự
xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì

400
sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy
ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận” (IGi 2:27). Điều này ắt không thể
có nghĩa không cần những con người làm thầy để giải thích Lời Đức Chúa Trời. Nếu vậy
ân tứ giảng dạy có công dụng nào? (Ro 12:7). Giăng đã viết về hiện diện của những kẻ
địch lại Đấng Christ trong nhóm. Sau khi đích thân lên án những tà giáo của họ, ông
đơn giản tuyên bố không một con người nào thật sự phải nói chân lý cho họ, bởi vì Đức
Thánh Linh sẽ xác nhận chân lý đó cho họ. Các giáo sư loài người là mắt xích cần thiết
trong phương thức dạy dỗ các tín hữu, dù vậy sự xác chứng tối hậu cho công tác dạy dỗ
đến từ Thánh Linh.
II. DẪN DẮT
“Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của
Đức Chúa Trời” (Ro 8:14). Dẫn dắt là một sự xác nhận quyền làm con, vì con cái được
hướng dẫn. Công tác dẫn dắt này đặc biệt là công việc của Đức Thánh Linh. Ro 8:14 phát
biểu điều này và sách Công Vụ minh họa thật phong phú điều này (8:29; 10:19-20; 13:2,4;
16:6-7; 20:22-23). Chức vụ này của Đức Thánh Linh là một trong những chức vụ bảo đảm
nhất dành cho Cơ đốc nhân. Con cái của Đức Chúa Trời không bao giờ cần phải bước đi
trong tối tăm; họ luôn luôn được tự do để cầu xin và nhận lãnh những sự hướng dẫn
đến từ Chính Đức Thánh Linh.
III. BẢO ĐẢM
Đức Thánh Linh cũng là Đấng bảo đảm cho Cơ đốc nhân rằng họ là con cái của Đức
Chúa Trời. “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con
cái Đức Chúa Trời” (Ro 8:16). Từ ngữ dành cho con cái ở đây là tekna (khác với chữ
huioi, “các con trai”) và nhấn mạnh sự kiện tín hữu được dự phần sự sống của Đức
Chúa Cha. Vì vậy, tín hữu cũng dự phần với tư cách người thừa kế tài sản của Đức
Chúa Cha. Sự bảo đảm toàn bộ điều này chính là công tác của Đức Thánh Linh trong
lòng mỗi Cơ đốc nhân.
Rõ ràng, lòng tín hữu cũng được sự bảo đảm bởi ngày càng hiểu biết hơn về một số
việc Thánh Linh đã làm cho mình. Ví dụ, sự bảo đảm sẽ càng sâu đậm hơn khi họ hiểu
ý nghĩa của việc được ấn chứng bởi Thánh Linh và được ban của cầm của Đức Thánh
Linh như sự bảo chứng việc hoàn tất sự cứu chuộc (Eph 1:13-14). Hiểu biết điều gì dự
phần trong việc Thánh Linh liên hiệp tín hữu vào thân thể phục sinh bất tử của Đấng
Christ cũng sẽ nuôi dưỡng sự bảo đảm. Dĩ nhiên, hiểu những thành tựu lớn lao này là
một phần trong chức vụ dạy dỗ của Thánh Linh, vì vậy trên nhiều phương diện, Thánh
Linh được liên kết với và quan tâm đến sự bảo đảm của con cái Đức Chúa Trời.
IV. CẦU NGUYỆN
A. Lời Tuyên Bố
401
Dù có lẽ chúng ta không hiểu trọn những kết quả do Thánh Linh cầu nguyện trong
tín hữu, nhưng sự kiện Ngài cầu nguyện như vậy là hoàn toàn rõ ràng: “Cũng một lẽ
ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình
phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than
không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta” (Ro 8:26).
B. Nhu Cần
Nguyên nhân nêu rõ chúng ta cần được giúp chính vì sự yếu đuối (từ này ở số ít)
của chúng ta. Ngài giúp cho toàn bộ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng đặc biệt khi yếu
đuối ấy tự biểu hiện trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, và cụ thể là yếu đuối về
việc biết phải cầu nguyện điều gì trong chính thời điểm này. Trong khi chờ đợi sự cứu
chuộc đầy trọn của mình, chúng ta cần được hướng dẫn trong những chi tiết cụ thể của
sự cầu nguyện.
C. Phương Pháp
Phương cách Thánh Linh giúp đáp ứng những nhu cầu của chúng ta được mô tả
tổng quát bởi từ ngữ “giúp,” nguyên văn là “đặt tay Ngài vào công việc để đồng công
với chúng ta” (R.St. John Parry, “Romans,” Cambridge Greek Testament (New York:
Cambridge University Press, 1912, trang 120). Nói cụ thể, sự giúp đỡ này được ban
trong hình thức “những lời thở than không thể nói ra được.” Những lời thở than này,
mà không thể nào hiểu hết ý nghĩa của chúng, không thể phô diễn thành lời hay thỏa
đáng được. Chúng ta thực sự có biết một điều – đó là chúng theo đúng ý muốn của Đức
Chúa Trời.
Trong một phân đoạn khác, chúng ta được biết Thánh Linh hướng dẫn và điều
khiển những lời cầu nguyện của chúng ta (Eph 6:18). Đây là sự dẫn dắt lòng và trí tín
hữu khi người ấy cầu nguyện hơn là những lời thở than không thể nói ra được của
chính Thánh Linh.
D. Kết Quả
Kết quả đời sống cầu nguyện như thế là sự bảo đảm cho tín hữu về tính chắc chắn
của sự cứu chuộc đầy trọn trong tương lai của người đó (Ro 8:23). Chức vụ này của
Thánh Linh là sự bảo chứng như kiểu của cầm cho sự cứu chuộc đó. Đời sống cầu
nguyện thỏa lòng như thế sẽ giúp gìn giữ chúng ta thỏa lòng trong thế gain này khi
chúng ta trông đợi sự chung kết thành toàn. Như vậy, chức vụ của Thánh Linh không
những liên kết với lời cầu nguyện được nhậm, mà còn vun đắp sự bảo đảm và sự thỏa
lòng của chúng ta trong đời này.
V. THÁNH HÓA
A. Khái Niệm Sự Nên Thánh

402
Chữ “làm nên thánh” về cơ bản có nghĩa là biệt riêng ra. Chữ này cùng gốc với chữ
thánh đồ và thánh khiết. Đối với Cơđốc nhân, sự nên thánh gồm ba phương diện.
Phương diện thứ nhất được gọi là sự nên thánh địa vị hay sự nên thánh dứt khoát, liên
hệ đến địa vị của mọi tín hữu được hưởng nhờ được biệt riêng ra làm thành viên gia
đình của Đức Chúa Trời bởi đức tin nơi Đấng Christ. Phương diện này đúng cho mọi tín
hữu bất luận các mức độ tăng trưởng tâm linh khác nhau. Phaolô gọi những Cơđốc
nhân xác thịt cùng toàn bộ nếp sống tội lỗi của họ là những người được nên thánh (và
bởi đó là thánh đồ, ICo 1:2; cũng xem 6:11, trong đó động từ chỉ ra những sự kiện đã
được hoàn tất, chứ không phải điều cần đạt được).
Phương diện thứ nhì của sự nên thánh liên quan đến công tác thực nghiệm hiện tại
hay công tác tiệm tiến để tiếp tục được biệt riêng ra trong toàn bộ cuộc đời Cơđốc của
chúng ta. Mọi mạng lệnh và lời khuyên bảo sống thánh khiết liên quan đến sự nên
thánh tiệm tiến (IPhi 1:16).
Phương diện thứ ba thường gọi là sự nên thánh sau cùng, sẽ đạt được tại thiên đàng
khi chúng ta được biệt riêng hoàn toàn và đời đời cho Đức Chúa Trời chúng ta ( Eph 5:26-
27; Giuđe 24-25).

B. Những Tác Nhân Trong Sự Nên Thánh


Cả Ba Ngôi đều dự phần vào sự nên thánh, và cả tín hữu nữa. Trong sự nên thánh
địa vị, xảy ra khi chúng ta được cứu, Đức Thánh Linh thánh hóa chúng ta, còn trách
nhiệm của chúng ta là tin lẽ thật (IITe 2:13). Sự chết của Đấng Christ là cơ sở cho địa vị
chúng ta trong sự nên thánh (He 10:10). Trong sự nên thánh sau cùng, Đức Chúa Trời là
Đấng sẽ trình chúng ta ra không chỗ trách được.
Trong tiến trình nên thánh tiệm tiến có rất nhiều tác nhân dự phần. Chúa Jesus đã
cầu nguyện với chính Đức Chúa Cha để Cha sẽ khiến chúng ta nên thánh bởi lẽ thật ( Gi
17:17 và ITe 5:23). Như vậy, Kinh Thánh trở thành nền tảng không thể thiếu cho sự nên
thánh của chúng ta. Chúng ta còn cách nào khác để biết điều gì làm đẹp lòng một Đức
Chúa Trời thánh khiết ngoại trừ nhờ Lời Ngài? Sự chết của Đấng Christ (mà Ngài đã
thánh hóa Ngài hay biệt riêng Ngài ra cho sự chết ấy) là cơ sở cho chúng ta có thể tấn
tới trong sự nên thánh (Gi 17:19; Ro 6:1-13). Tuy nhiên, Thánh Linh là tác nhân nổi bật để
thực hiện sự nên thánh tiệm tiến của chúng ta. Chính nhờ Thánh Linh mà chúng ta làm
cho chết những việc làm của thân thể (Ro 8:13). Thánh Linh nhen bừng lên tình yêu
thương trong lòng chúng ta (Ro 5:5). Nhờ Thánh Linh, chúng ta được biến hóa từ vinh
hiển sang vinh hiển để ngày càng trở nên giống Đấng Christ hơn (IICo 3:18). Và chính
trái Thánh Linh tạo ra trong chúng ta ảnh tượng của Đấng Christ, là mục tiêu của sự
nên thánh (Ga 5:22-23).

403
Thế nhưng tín hữu phải trung tín làm trọn những trách nhiệm của mình trong sự
nên thánh. Khi chúng ta dâng mình với tư cách nô lệ cho sự công bình, thì có kết quả là
sự nên thánh (Ro 6:19; cũng xem Ro 6:13; IICo 7:1; IPhi 2:11). Chúng ta phải vâng giữ
những mạng lịnh và lời khuyên bảo của nếp sống Cơ đốc để được tiến tới trong sự nên
thánh.
Giấu hoặc rút lại những lĩnh vực của đời sống khỏi sự nên thánh Chúa muốn dành
cho chúng ta sẽ khiến chúng ta bị điều khiển bởi xác thịt thay vì bởi Thánh Linh. Điều
này dẫn đến tình trạng tín hữu sống theo xác thịt trong những lãnh vực chưa chịu đầu
phục hay những lãnh vực chống nghịch ấy (ICo 3:1-5). Tình trạng sống theo xác thịt thể
hiện những đặc trưng của đời sống chưa được cứu vì bị điều khiển bởi xác thịt (Ga 5:16-
21). Vì vậy, sự đầu phục, đầy dẫy Thánh Linh, và tiến trình nên thánh cùng dự phần
biệt riêng chúng ta ngày càng nhiều hơn cho ảnh tượng của Đấng Christ.

404
Chương 68: LỊCH SỬ GIÁO LÝ VỀ ĐỨC THÁNH LINH
I. GIÁO HỘI NGHỊ TẠI NICEA
A. Lời Chứng Của Giáo Lý Chính Thống
Sự phát biểu rõ ràng giáo lý của niềm tin Cơđốc không xảy ra thình lình tại một
thời điểm nào đó trong lịch sử của hội thánh. Việc định nghĩa mọi giáo lý Cơđốc cũng
không diễn ra với nhịp độ đều bằng nhau. Lúc thì giáo lý này được chú ý; lúc khác lại
tập trung vào một giáo lý khác.
Giáo lý về Đức Thánh Linh chưa được chú ý nhiều đến định nghĩa chính thức trong
những thế kỷ đầu. Điều chúng ta được biết như là phát biểu chính thống về giáo lý Đức
Thánh Linh đã được hội thánh đầu tiên làm chứng cho trong công thức phép báp tem,
trong Bản Tín Điều Các Sứ Đồ, và trong sự trừng phạt tà giáo khi nó xuất hiện. Việc
dùng danh xưng gồm ba phần Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh chứng
tỏ rằng trên thực tế hội thánh đầu tiên đã công nhận ngấm ngầm thần tánh và thân vị
của Đức Thánh Linh.
Luận về Đức Thánh Linh, điểm nhấn mạnh chính trong thời đại Hậu Sứ đồ nhắm
vào kinh nghiệm Đức Thánh Linh hơn là giáo lý. Điểm nhấn mạnh này đặc biệt nổi bật
trong sách Người Chăn Chiên Của Hermas (The Shepherd of Hermas). Trong thời đại
của những nhà Biện giáo, Đức Thánh Linh rất mờ nhạt trong văn phẩm này, bởi nhằm
nhấn mạnh Ngôi Lời. Đồng thời, dường như không có kinh nghiệm sai lạc nào về Đức
Thánh Linh dù thiếu định nghĩa giáo lý.
B. Chủ Thuyết Montanism (170)
Chính trong chủ thuyết Montanism mà đề tài Đức Thánh Linh trở nên nổi bật hơn.
Động cơ ban đầu của phong trào này xuất phát từ phản ứng chống lại sự cứng nhắc và
nguội lạnh của hội thánh có tổ chức. Thuyết Montanism (còn gọi là tà giáo Phirigi) xuất
hiện ở vùng Phrygia khoảng năm 170 qua chức vụ của Montanus và hai phụ nữ tên
Prisca và Maximilla. Họ tự xưng là tiên tri và công bố thời kỳ gọi là Thời Đại Paraclete
(Đấng Yên Ủi) trong đó sẽ được ban những khải thị mới từ Đức Chúa Trời. Họ nhấn
mạnh tính kíp đến của kỳ tận thế và khăng khăng đòi hỏi môn đệ những tiêu chuẩn
đạo đức rất cao và nghiêm nhặt. Chính tiêu chuẩn đạo đức cao đã hấp dẫn Tertullian và
những người khác đến với phong trào này.
Cần nhớ Montanism là phong trào chính thống so với Trí Huệ Thuyết. Montanism
cũng là phản ứng chống lại Trí Huệ thuyết với chủ nghĩa duy trí của nó, là điều dường
như cản trở mối liên lạc cá nhân của tâm linh với Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người,
thuyết Montanism bênh vực sự hiện diện và chức vụ chủ động của Đức Thánh Linh
trong hội thánh và một thể loại nếp sống hội thánh thuộc linh hơn. Tuy nhiên chủ

405
thuyết Montanism đã bị chính thức bác bỏ vì khăng khăng vào khải thị phụ thêm. Và
khi phủ nhận như vậy, hội thánh đã khẳng định niềm tin rằng Đức Thánh Linh không
ban những sự mặc khải mới nào ngoài Thánh Kinh. Tuy vậy, với điểm nhấn mạnh kinh
nghiệm về Đức Thánh Linh này, nói chung lúc bấy giờ vẫn chưa phát biểu giáo lý.
C. Chủ Thuyết Sabellianism (215)
Duy nhất thần thuyết (monarchianism) là tiền thân của thuyết Sabellianism. Ở
dạng Hình Thức Thuyết, Duy Nhất Thần Thuyết dạy rằng Đức Chúa Con chỉ là một
hình thức bày tỏ khác nữa của Đức Chúa Cha. Noetus và Praxeas đã là những lãnh tụ
của phong trào này, và họ cũng dạy thuyết Đức Chúa Cha chịu thương khó
(patripassianism, tức là Đức Chúa Cha đã chịu đóng định). Vì phái Duy Nhất Thần dạy
rằng Con là phương thức biểu hiện khác nữa của Đức Chúa Trời, nên không thể tránh
khỏi tình trạng hội thánh buộc phải khảo sát mối liên hệ của Đức Thánh Linh với Đức
Chúa Con và với Đức Chúa Cha. Sabellius dạy rằng Đức Chúa Trời là một thể hiệp nhất
nhưng Ngài đã bày tỏ chính Ngài bằng ba phương thức hoặc hình thức khác nhau. Ba
hình thức này không phải là ba thân vị mà là ba vai trò hoặc vai diễn của một Đức
Chúa Trời duy nhất. Tà thuyết Sabellianism là tà giáo lớn đầu tiên về Ba Ngôi Đức Chúa
Trời có được rất đông người trong Hội Thánh đi theo.
D. Tà Thuyết Arianism (325)
Cuộc tranh luận của phái Arians có tên như vậy vì phát khởi bởi quan điểm chống
Ba Ngôi của Arius, một trưởng lão ở Alexandria. Nguyên tắc độc thần của Duy Nhất
Thần Thuyết là khái niệm chi phối trong quan điểm của ông. Tuy nhiên, ông phân biệt
một Đức Chúa Trời Vĩnh hằng duy nhất khỏi Đức Chúa Con - là đấng được sinh ra bởi
Đức Chúa Cha và là đấng có khởi đầu. Ông cũng tin Đức Thánh Linh đã là tạo vật đầu
tiên do Đức Chúa Con tạo dựng, vì cớ mọi sự đã được dựng nên bởi Con. Arius bị
Athanasius phản đối, và Giáo Hội Nghị Nicea được triệu tập để tranh luận vấn đề này.
Tuyên ngôn chính yếu của Giáo Hội Nghị có liên quan đến thần tính của Ngôi Hai,
và kết luận Đấng Christ đã “có cùng một bản thể” như Đức Chúa Cha. Hội nghị này chú
ý vào Đức Chúa Con hơn là vào Đức Thánh Linh, và Bản Tín Điều Nicene chỉ nhắc đến
Đức Thánh Linh: “Tôi tin Thánh Linh.” Có thể nói tuyên ngôn này suy luận ra thần tánh
và thân vị tính của Đức Thánh Linh nhờ vào mối liên kết của nó với lời tuyên bố cụ thể
về Đức Chúa Con. Vì sao Giáo Hội Nghị này không đề cập cụ thể tương đương như thế
về Đức Thánh Linh, đấy chỉ là vấn đề phỏng đoán. Có lẽ lắm Hội Thánh đã bằng lòng ở
chỗ không muốn xử lý trước tà giáo hoặc vượt ra ngoài yêu cầu của tình huống này.
Tuy nhiên Athanasius xác định rõ hơn nhiều trong sự dạy dỗ của chính ông, xác nhận
mạnh mẽ rằng Đức Thánh Linh, cũng giống như Đức Chúa Con, có cùng bản thể với
Đức Chúa Cha.

406
II. TỪ NICEA ĐẾN CUỘC CẢI CHÁNH
A. Giáo Hội Nghị Constantinople (381)
Không phải mọi điều đã được giải quyết xong bởi Giáo Hội Nghị Nicea. Dù sự dạy
dỗ của chính Athanasius rõ ràng là chánh thống và chi tiết, nhưng Bản Tín Điều Nicea
chưa nói rõ về Đức Thánh Linh. Cuộc tranh luận mới nhanh chóng nổ ra, và người ta
bắt đầu khẳng định họ không tin thần tánh của Đức Thánh Linh. Kết quả nổi lên phái
Macedonians. Người sáng lập là Macedonius, giám mục thành Constantinople, ông cho
rằng Đức Thánh Linh là tạo vật thấp hơn Đức Chúa Con. Đảng của ông được đặt biệt
danh là Pneumatomachians (“những diễn giả gian ác chống Đức Thánh Linh”). Khuynh
hướng chính của giáo lý chánh thống cho rằng Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, nếu
không thì Đức Chúa Con cũng không phải là Đức Chúa Trời nữa. Basil xứ Caesarea,
Gregory ở Nazianzus, và Gregory ở Nyssa là những người dẫn đầu truyền bá quan điểm
chính thống và mở đường cho Giáo Hội Nghị Constantinople.
Cuộc tranh luận gia tăng lên đến độ hoàng đế Theodosius phải triệu tập Giáo Hội
Nghị tại Constantinople gồm 150 giám mục chánh thống đại diện cho Đông giáo hội mà
thôi. Năm 381, Giáo Hội Nghị họp lại, dưới sự hướng dẫn của Gregory ở Nazianzus, đã
phát biểu tuyên ngôn sau đây về Đức Thánh Linh: “Và chúng tôi tin Đức Thánh Linh, là
Chúa, là Đấng ban sự sống, Đấng lưu xuất từ Đức Chúa Cha, là Đấng sẽ phải được tôn
vinh hiển cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và là Đấng phán qua các tiên tri.”
Người ta nói Bản Tín Điều này đã ôn hòa đáng kể để tránh dùng từ ngữ “cùng một bản
thể” (là từ ngữ được dùng cho Đấng Christ trong Bản Tín Điều Nicea) diễn tả sự hiệp
nhất của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Thật ra, Đức Thánh Linh
còn không được gọi là Đức Chúa Trời trong bản tín điều này nữa kia, dù vậy những từ
ngữ mô tả công việc của Ngài thì không thể dùng để nói về bất cứ loài thọ tạo nào. Tuy
nhiên, tuyên ngôn này thực sự đối phó với phái Macedonians, dù không khẳng định
tính đồng bản thể của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha, cũng không định nghĩa mối
liên hệ của Đức Thánh Linh đối với Cha và Con; và tuyên ngôn này đã giải quyết xong
vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh, cũng như Giáo Hội Nghị Nicea đã giải quyết
xong vấn đề Thần Tánh của Đấng Christ vậy.
B. Augustine (354-430)
1. De Trinitate. Khái niệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Tây Giáo Hội đã được phát
biểu chung quyết trong tác phẩm này của Augustine. Sự quan tâm của ông đến giáo lý
ân điển sẽ tự nhiên dẫn đến sự khảo sát về Đức Thánh Linh, vì từng trải của riêng ông
dạy ông biết quyền năng Đức Thánh Linh cần thiết cho tín hữu biết dường nào. Trong
chuyên luận này, ông nói rằng mỗi một Ngôi vị trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi đều sở
hữu toàn bộ bản thể và cả ba Ngôi vị đều phụ thuộc hỗ tương với nhau. Ông tuyên bố

407
chưa thỏa mãn với từ ngữ “những thân vị” để diễn tả ba Ngôi vị này, nhưng ông sử
dụng nó “để khỏi phải nín lặng.” Theo quan điểm của ông về Ba Ngôi, Đức Thánh Linh
lưu xuất từ cả Đức Chúa Cha lẫn Đức Chúa Con.
2. Tranh luận với Pelagius (431). Augustine cũng nhấn mạnh ân điển hiệu năng là
công việc của Thánh Linh. Điều này ảnh hưởng sâu xa không những trên giáo lý của
ông về con người và về tội lỗi, mà còn trên giáo lý của ông về Đức Thánh Linh nữa.
Pelagius, đối thủ của ông trong cuộc tranh luận, chủ trương quan điểm phủ nhận thực
tiễn về nguyên tội và nhấn mạnh năng lực của con người để làm lành mà không cần
nhờ sự giúp sức của Đức Thánh Linh. Giáo Hội Nghị Êphêsô đã giải quyết cuộc tranh
luận này năm 431, lên án Pelagius cùng các quan điểm của ông, và ủng hộ Augustine
và các quan điểm của Augustine. Dù thuyết của Pelagius bị lên án chính thức, nhưng
vẫn không bị trừ tuyệt khỏi Hội Thánh, vì thuyết Pelagius và thuyết Bán Pelagianism
(cũng như thuyết của Augustine) vẫn còn lưu truyền đến nay.
C. Giáo Hội Nghị Chalcedon (451)
Vào năm 451, Giáo Hội Nghị tại Chalcedon, đại diện cho các tòa giám mục của
Rôma, Constantinople, Antiốt và Giêrusalem, đã khẳng định những quyết định của
Nicea và Constantinople. Giáo Hội Nghị này phát biểu tỏ tường rằng Bản Tín Điều
Nicea là đầy đủ như một tuyên ngôn chính xác và thỏa đáng về giáo lý Đức Chúa Trời
Ba Ngôi và những mệnh đề được Giáo Hội Nghị Constantinople năm 381 thêm vào chỉ
nhằm giải thích rõ ý, chứ không thay đổi, Bản Tín Điều Nicea. Điều này xác lập vững
chắc giáo lý về thần tánh của Đức Thánh Linh.
D. Giáo Hội Nghị Tại Toledo (589)
Dù vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh đã được giải quyết tại Constantinople và
Chalcedon, vẫn còn thắc mắc quan trọng huyền nhiệm về mối liên hệ chính xác của
Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đây là nan đề đã phát triển trong
Tây giáo hội (còn vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh phát triển trong Đông giáo hội).
Từ ngữ “sự sinh ra” (generation) được dùng mô tả mối liên hệ giữa Đức Chúa Con đối
với Đức Chúa Cha, còn từ ngữ “sự lưu xuất” (“procession”) được dùng biểu thị mối
quan hệ của Đức Thánh Linh. Vấn đề là: Đức Thánh Linh lưu xuất chỉ từ Đức Chúa Cha
mà thôi, hay từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con? Dù Giáo Hội Nghị Constantinople
không tuyên bố Đức Thánh Linh lưu xuất từ Đức Chúa Con cũng như từ Đức Chúa Cha,
đây vẫn là niềm tin của nhiều lãnh đạo Hội Thánh. Người ta cảm thấy cần phải tin như
thế, để cho sự lưu xuất chỉ từ Đức Chúa Cha đừng có vẻ như phủ nhận sự đồng một bản
thể của Con với Cha. Tuy nhiên, không có sự nhất trí về điểm này, vì những người khác
cảm thấy nói Đức Thánh Linh được lưu xuất từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con sẽ có

408
nghĩa Đức Thánh Linh lệ thuộc vào Đức Chúa Con và như vậy sẽ xâm phạm đến thần
tánh của Đức Thánh Linh.
Những nhà thần học Tây giáo hội tán thành sự lưu xuất từ Đức Chúa Cha và Đức
Chúa Con, và tại Giáo Hội Nghị Toledo, họ đã thêm mệnh đề nổi tiếng “filioque” (“và
Đức Chúa Con”) vào Bản Tín Điều Constantinople. Mệnh đề này phát biểu rằng Đức
Thánh Linh “lưu xuất ra từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” Làm thế nào mệnh đề “và
Đức Chúa Con” vào trong Bản Tín Điều này vẫn còn là vấn đề bàn cãi. Có người nghĩ
đây là “sai lầm ngớ ngẩn” của người sao chép. Cho dù là trường hợp nào, mệnh đề này
chưa từng gây nghi ngờ, nhưng được lặp đi lặp lại trong hết Giáo Hội Nghị này đến
Giáo Hội Nghị khác như là giáo lý chính thống. Những nhà lãnh đạo trong Đông giáo
hội nghĩ Tây giáo hội đã sửa bậy Bản Tín Điều Constantinople, và họ không bao giờ
chấp nhận mệnh đề bổ sung “và Đức Chúa Con,” và tuyên bố đó là tà giáo cho đến ngày
nay.
Như vậy ba vấn đề liên quan đến giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi được giải quyết
xong không còn thắc mắc nữa, ít nhất là trong Tây giáo hội. Thần tánh của Đức Chúa
Con được giải quyết xong tại Giáo Hội Nghị Nicea; thần tánh của Đức Thánh Linh tại
Hội Nghị Constantinople; và sự lưu xuất của Đức Thánh Linh ra từ Đức Chúa Cha và
Đức Chúa Con tại Giáo Hội Nghị Toledo. Hiện diện của tà giáo đã buộc hội thánh phải
giải quyết các vấn đề giáo lý trọng đại này.
E. Abelard (1079-1142)
Những cách phát biểu của Abelard về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã khiến ông bị lên án
là theo tà giáo Sabellianism. Ông nói danh xưng Đức Chúa Cha đại diện cho quyền uy;
danh xưng Đức Chúa Con đại diện cho sự khôn ngoan; danh xưng Đức Thánh Linh đại
diện cho sự tốt lành. Đôi khi dường như ông có nói lên những phân biệt ngôi vị thực sự
trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, nhưng những minh họa và những cách diễn đạt của ông
ở những lúc khác lại thiên về Hình Thức Thuyết.
F. Thomas Aquinas (1225-1274)
Nơi Thomas có sự hiểu biết chính thống thường lệ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tuy
nhiên, nhìn chung, những thế kỷ trước Cuộc Cải Chánh chỉ bổ sung rất ít vào giáo lý về
Đức Thánh Linh ngoài những điều đã được Augustine hệ thống hóa rất rõ. Ở Tây giáo
hội, tuy vẫn còn ảnh hưởng của Augustine, nhưng Hội Thánh đã đi theo thuyết Bán
Pelagianism (không còn nhấn mạnh nguyên tội và nhấn mạnh quyền tự do của ý chí
con người). Tình trạng này kèm với chủ nghĩa tăng lữ ngày càng mạnh và những hậu
quả của nó (đề xướng những quyền hành đặc biệt của giới tăng lữ) có khuynh hướng
cản trở tâm trí nhiều người nghiên cứu thêm về Đức Thánh Linh. Dù có nhiều khuynh

409
hướng thiên về thần bí thuyết của một số người, vẫn không có nghiên cứu thật sự tươi
mới nào về giáo lý Đức Thánh Linh mãi cho đến Cuộc Cải Chánh.
III. TỪ CUỘC CẢI CHÁNH CHO ĐẾN HIỆN NAY
A. Cuộc Cải Chánh Tin Lành (1517)
Mãi đến Cuộc Cải Chánh, sự chú tâm của hội thánh vẫn chỉ hướng về thân vị của
Đức Thánh Linh. Trong Cuộc Cải Chánh, sự chú tâm đã hướng về công tác của Ngài. Về
thân vị của Đức Thánh Linh, mọi tuyên ngôn đức tin Cải Chánh đêu diễn tả giáo lý
chánh thống về Đức Thánh Linh đối với những Thân Vị khác của Đức Chúa Trời Ba
Ngôi. Về công tác của Ngài, đã có sự nhấn mạnh mới mẻ vào lẽ cần thiết của công tác
Thánh Linh tái sinh con người vì có sự quay trở lại điểm nhấn mạnh của Augustine về
tình trạng hoàn toàn bại hoại của con người.
Một đóng góp quan trọng khác của những nhà Cải Chánh là sự nhấn mạnh nhu cầu
cần sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Giáo hội Lamã dạy rằng chỉ linh mục có thể giảng
giải Lời Chúa, còn những nhà Cải Chánh ủng hộ rộng rãi việc nghiên cứu Kinh Thánh,
khẳng định mọi tín hữu đều có thể được học những chân lý của Kinh Thánh bởi chức
vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh.
Điểm nhấn mạnh của Luther về sự xưng nghĩa bởi đức tin khiến ông phải luận
nhiều về công tác của Đức Thánh Linh trong vấn đề này. Calvin nhấn mạnh những
khía cạnh trong công tác của Đức Thánh Linh có liên quan đến Đức Chúa Trời Ba Ngôi
và chức vụ của Đức Thánh Linh trong tấm lòng và đời sống các tín hữu.
Những văn kiện và bản tín điều khác nhau phát xuất từ Cuộc Cải Chánh đều giống
nhau trong tính chính thống của chúng. Bản Tuyên Ngôn Augsburg, Những Tín Điều
Anh Giáo, Tuyên Ngôn Formula Concordiae, Tuyên Ngôn Helvetic, và Tuyên Ngôn
Westminster, tất cả đều khẳng định thần tính Đức Thánh Linh theo Giáo Hội Nghị
Chalcedon, bao gồm mệnh đề “và Đức Chúa Con” (filioque) cũng như những điểm nhấn
mạnh đặc thù đã được chính Cuộc Cải Chánh đưa ra ánh sáng. Thực ra, có thể nói mãi
đến thời kỳ Cải Chánh mới có một giáo lý được triển khai rõ về Đức Thánh Linh.
B. Phái Socinians và Arminians
Hầu như mọi phong trào tôn giáo đều kéo tiếp theo đó những quá khích và những
phản ứng. Cuộc Cải Chánh cũng không ngoại lệ. Một số người đã tiến đến thái cực quá
khích của lòng nhiệt thành mất quân bình và thần bí thuyết mất quân bình. Một số
người khác có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa duy lý mà hầu như hoàn toàn bỏ qua
công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống. Trong thế kỷ thứ 16, phái của Socinius
tuyên bố rằng thật sai lầm khi tin những thân vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi đồng sở
hữu một bản thể duy nhất. Trong sự dạy dỗ này, họ lập lại thuyết của phái Arians,

410
nhưng còn vượt xa hơn ở chỗ chối bỏ sự tiền tại của Đức Chúa Con và định nghĩa Đức
Thánh Linh là “một đức hạnh hoặc năng lực từ Đức Chúa Trời tuôn chảy đến con
người.”
Từ chính giáo hội Cải Chánh đã nảy sinh rắc rối nghiêm trọng về điều được gọi là
thần học của Arminius (Arminius, 1560-1609). Toàn bộ khuynh hướng của sự dạy dỗ
này nhằm nhấn mạnh nỗ lực và ý chí con người, và khiến sự cứu rỗi trở thành công
việc của con người chứ không phải công việc của Đức Chúa Trời, và ý chí của con người
thay thế cho công tác của Đức Thánh Linh trong sự tái sinh.
Giáo Hội Nghị Dort (1618-1619) đã họp lại giải quyết vấn đề này, và lên án thần
học Arminius, nhấn mạnh cách mạnh mẽ nhất có thể có được về nhu cầu cần công tác
và năng quyền của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên Giáo Hội Nghị này đã không xóa bỏ
thần học của Arminius, và thần học này vẫn phát triển đến ngày nay. Phong trào
Thanh Giáo Anh Quốc đã làm được nhiều việc hơn để đối phó thuyết Arminianism bởi
điểm nhấn mạnh của mình về giáo lý Ân điển.
C. John Owen (1616-1683)
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của phái Thanh Giáo là tác phẩm của
Owen tựa đề Luận Về Đức Thánh Linh (Discourse Concerning the Holy Spirit.) Nhiều
người nghĩ tác phẩm của ông không bao giờ bị bỏ. Đây là sự triển khai về những
nguyên tắc trọng đại của Cải Chánh về Đức Thánh Linh và đời sống Cơ đốc.
D. Abraham Kuyper (1837-1920)
Tác phẩm của Kuyper cũng là tác phẩm kinh điển trong lãnh vực của nó, đặc biệt
khi chủ nghĩa Duy Lý lan tràn khắp Châu Âu. Swedenborg (1688-1772) phủ nhận Đức
Chúa Trời Ba Ngôi. Schleiermacher (1768-1834) dù phản đối chủ nghĩa Duy Lý đang
thịnh hành bằng cách nhấn mạnh nhu cầu và thực tại của tôn giáo cá nhân, nhưng vẫn
phủ nhận những thực tại khách quan của Sự Nhập Thể, thập tự giá, và sự giáng lâm
của Đức Thánh Linh. Giáo thuyết của ông về Đức Chúa Trời Ba Ngôi thiên về thuyết
Sabellianism (Hình Thức Thuyết) - các ngôi vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi chỉ là những
phương thức biểu hiện. Thân vị riêng biệt của Đức Thánh Linh đã bị phủ nhận, và công
tác của Đức Thánh Linh được định nghĩa là “Linh tập thể của một sự sống đoàn thể mới
do Đấng Christ khởi xướng.” Ritschl (1822-1889) đã phục hưng Duy Nhất Thần Thuyết
(Monarchianism) của Paul xứ Samosata. Thần học của ông đã là thần học không có siêu
hình học, nên điều đó tất nhiên ảnh hưởng đến quan điểm của ông về Đức Thánh Linh.
E. Phái Anh Em Plymouth (The Plymouth Brethren) (1825)
Nhờ phái Anh Em này chúng ta có sự hiểu biết đúng về chức vụ làm báptêm của
Đức Thánh Linh và bản chất đặc trưng của hội thánh thời Tân Ước. Hội Thánh chịu ơn

411
rất nhiều nơi lời chứng của phái Anh Em này về tầm quan trọng của Lời Đức Chúa Trời,
sự soi sáng của Đức Thánh Linh, và địa vị tín hữu có được trong Đấng Christ bởi công
tác của Đức Thánh Linh. Đã có nhiều vụ ly giáo đáng tiếc bên trong nhóm của họ,
nhưng nhóm Plymouth Brethren đã có lời chứng quan trọng cho sự hiện diện, năng
quyền và sự hướng dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong hội thánh.
F. Tân Chánh Thống (Neo-orthodoxy)
Tân Chánh Thống là một phong trào của thế kỷ thứ hai mươi, phát xuất từ thần học
của Karl Barth (1886-1968). Đây là phản ứng chóng lại thần học tự do đã thống lĩnh
cho đến khi những nỗi kinh hoàng của cuộc thế chiến buộc con người phải suy nghĩ
nghiêm túc hơn về tội lỗi và tình trạng bất tài không giải quyết nổi những nan đề của
riêng họ. Phong trào Tân Chánh Thống đã tuyên bố mình là một cuộc cải chánh mới để
kêu gọi con người quay lại với Kinh Thánh. Phong trào đã làm điều này, nhưng không
phải quay về với Kinh Thánh của những nhà Cải Chánh, vì các nhà thần học Tân
Chánh Thống đã sẵn sàng chấp nhận những sự dạy dỗ của phái tự do về tính chính xác
và tính chân lý của Kinh Thánh, đồng thời cố gắng rao giảng sứ điệp của Kinh Thánh.
Dù Tân Chánh Thống có số người dẫn giải và ủng hộ bằng với số nhà thần học Tân
Chánh Thống, nhưng nhìn chung có thể nói quan điểm của họ về Đức Thánh Linh còn
nhiều điều đáng trách. Hầu hết các tác giả Tân Chánh Thống chối bỏ thân vị riêng biệt
của Đức Thánh Linh và khẳng định thần tánh của Ngài chỉ ở chỗ Ngài được trình bày
như là một biểu hiện thiên thượng của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh được xem như
là một hoạt động của Đức Chúa Trời hơn là một Thân Vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Quan điểm của riêng Barth về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã được gọi là Hình thức
thuyết, dù vậy ông sẽ không chịu chấp nhận từ ngữ này. Ông không chấp nhận điều
thường được nghĩ như là Hình thức thuyết về biểu hiện thiên thượng của Đức Chúa
Trời theo ba phương thức vì cho rằng nó nói quá ít trong việc diễn tả đúng giáo lý Ba
Ngôi. Mặt khác, ông không chấp nhận từ ngữ “thân vị” cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì kể
là đã dạy quá nhiều; tức dạy Tam Thần Thuyết (tritheism) hoặc Ba Đức Chúa Trời. Quan
điểm của ông dường như cho rằng Đức Chúa Trời Ba Ngôi là một phương thức biểu hiện
gồm ba phần và không hề là ba thân vị. Trái với hầu hết các giáo sư Tân Chánh Thống,
chính bản thân Barth thực sự tin thần tánh của Đức Thánh Linh.
G. Phái Tân Tự Do (Neoliberalism)
Sự dấy lên và chấp nhận rộng rãi thần học Tân Chánh Thống đã khiến cho thần học
tự do phải tra xét những nguyên lý của chính họ. Kết quả đã có thuyết Tân Tự Do, là
thuyết tự do cũ cộng với khuynh hướng lưu ý nghiêm túc hơn về tội lỗi và bớt lạc quan
hơn. Phương thức tiếp cận những nan đề của thế giới của thuyết này có lẽ đã khác đi,
nhưng những sự dạy dỗ của nó không khác bao nhiêu với chủ thuyết tự do trước kia.

412
Phái Tân Tự Do nhanh chóng tống khứ hoàn toàn giáo lý chánh thống về Đức Thánh
Linh, đơn giản vì họ không tin Thần tánh của Ngôi Hai trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Do đó trên thực tế không có Đức Chúa Trời Ba Ngôi, và dĩ nhiên không có Đức Chúa
Trời ngôi ba. Đức Thánh Linh chỉ là một chức năng của Đức Chúa Trời chứ không hề sở
hữu bất cứ phẩm chất đặc trưng nào của thân vị tánh.
H. Thuyết Ngũ Tuần
Rõ ràng chủ thuyết Tân Ngũ Tuần là một phản ứng chống lại tình trạng vô sinh đã
bắt đầu tiêu biểu cho các hội thánh đã vững lập trong kỷ nguyên hiện đại. Nó nhấn
mạnh phép Báptêm của Thánh Linh như công tác thứ nhì của Ân điển để ban năng
quyền, và quảng bá sự quay lại kinh nghiệm tất cả ân tứ đã được ban và được sử dụng
trong thời Tân Ước. Giáo lý chánh thống về thân vị của Đức Thánh Linh được thừa
nhận; chính thực tại của công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống Cơ đốc nhân là
điều được đề cao và không phải luôn luôn được đề cao đúng đắn.
Như vậy trong phạm vi lịch sử Hội Thánh, ta thấy trước hết có sự phát biểu điều đã
được gọi là giáo lý chính thống về Đức Thánh Linh, kế đến định nghĩa giáo lý đó trong
những Giáo Hội Nghị đầu tiên, rồi đến sự triển khai giáo lý đó trong Cuộc Cải Chánh.
Cứ mỗi một cao trào nhằm định nghĩa hoặc phát triển chân lý này, thì luôn có kèm
những phong trào tách xa khỏi chân lý ấy, hoặc dưới hình thức sự nguội lạnh của chủ
nghĩa duy lý, hoặc dưới hình thức của nhiệt tình mất quân bình và thần bí thuyết mất
quân bình. Lịch sử đáng phải dạy chúng ta biết giáo lý chánh thống không những quan
trọng cho đức tin mà còn quan trọng không kém cho sự sống. Có lẽ chẳng còn sự kết
hợp giữa chân lý và sự sống trong giáo lý nào quan trọng hơn là trong giáo lý về Đức
Thánh Linh.

413
PHẦN XII: “TA SẼ LẬP HỘI THÁNH TA”
Chương 69: HỘI THÁNH LÀ GÌ?
Hầu như không thể nói hết được tầm quan trọng của hội thánh. Đức Chúa Trời đã
mua hội thánh bằng huyết của chính Con Ngài (Cong 20:28). Chính hội thánh là đối
tượng Đấng Christ yêu thương, nuôi dưỡng và săn sóc (Eph 5:25,29), và một ngày kia
Ngài sẽ khiến hội thánh trình diện không chỗ trách được trong toàn bộ vinh hiển của
hội đó trước mặt Ngài (c. 27). Xây dựng hội thánh của Ngài là công tác chính yếu của
Đấng Christ trong thế gian ngày nay (Mat 16:18) bằng cách Ngài ban các ân tứ thuộc
linh (Eph 4:12). Như vậy, khi tín hữu vận dụng các ân tứ ấy tức là chúng ta công khai
hậu thuẫn việc Đấng Christ đang thực hiện ngày nay.
I. Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ “HỘI THÁNH”
A. Từ Ngữ Tiếng Anh.
Từ Anh Ngữ “Church” (Hội Thánh - và từ ngữ cùng một gốc “kirk”) bắt nguồn từ
chữ Hylạp kyriakon, có nghĩa là “thuộc về Chúa.” Hai lần dùng từ ngữ này duy nhất
trong Tân Ước là ở ICo 11:20 (nói đến Tiệc Thánh) và Kh 1:10 (nói đến ngày của Chúa.)
Rồi từ ngữ này đã được dùng để nói đến những điều khác, chẳng hạn như nơi chốn,
hoặc con người, hoặc giáo phái hoặc quốc gia có liên hệ với nhóm người thuộc về Đức
Chúa Trời.
B. Từ Ngữ Hybálai
Từ ngữ Hybálai qahal đơn giản có nghĩa là một hội và thường được dịch trong Bản
Bảy Mươi bằng từ ekklesia. Tuy nhiên không nhất thiết phải nói đến một hiệp hội tôn
giáo (Sa 28:3; 49:6; Thi 26:5), thậm chí cũng không nói đến cả hội chúng của những con
người (Thi 89:5), dù vậy nó rất thường nói đến hội chúng của Ysơraên.
C. Từ Ngữ Hylạp
Từ ngữ Hylạp ekklesia có nghĩa là một hội, và đã được dùng theo ý nghĩa chính trị
chứ không mang ý nghĩa tôn giáo. Chữ này không nói đến nhóm ấy người, nhưng nói
đến việc họp lại; nói cách khác, khi người ta không nhóm hiệp cách chính thức thì
không gọi họ là một ekklesia. Từ ngữ này được dùng theo cùng một cách này của người
Hylạp ngoài đời đến hai lần trong Tân Ước (Cong 19:32,41).
Khi từ ngữ Hylạp này được dùng trong Tân Ước, nó khoác lấy những phương diện
phong phú hơn nhiều và đầy đủ hơn nhiều so với ý nghĩa căn bản ngoài đời ấy. Ví dụ
như, chính những con người ấy, dù là nhóm hiệp lại hay không, là ekklesia. Tuy nhiên,
từ ngữ này theo cách được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước vẫn còn giữ lại ý nghĩa căn
bản của một hội chúng, và không khoác lấy ý nghĩa được cho là nghĩa trong thần học

414
(dựa vào lối chiết tự từ ngữ này ra thành hai phần : “gọi” và “ra khỏi”) chỉ về một dân
“được kêu gọi ra khỏi.” Nếu muốn dịch chữ này dựa trên từ nguyên học, thì đúng ra
phải là “cùng được gọi chung với nhau,” chứ không phải “được gọi ra khỏi.”
II. NHỮNG CÁCH DÙNG TỪ NGỮ NÀY TRONG TÂN ƯỚC
Nếu từ ngữ “hội thánh” có liên hệ đến một nhóm người hội hiệp lại, thì những cách
dùng khác nhau của khái niệm này trong Tân Ước sẽ nói cho chúng ta biết (a) đặc tính
hoặc bản chất của nhóm người đã hội hiệp lại này là gì, (b) những trọng tâm và những
lý do nào đã kéo những người hội hiệp đặc biệt này lại với nhau.
A. Cong 19:39,41
Đây là nhóm những người ngoại đạo, nhóm hiệp lại với lý do sử dụng quyền lợi
chính trị. Những công dân của thành phố tự do này có quyền họp lại trong một hiệp hội
có quyền lập pháp, là hiệp hội họp lại ba lần trong một tháng. Nhưng trường hợp này là
sự nhóm hiệp bất hợp pháp mà chính quyền Lamã sẽ không nghĩ tốt cho, nên viên thư
ký thành phố đã khẩn cấp đến giải tán nhóm người này.
B. Cong 7:38
Nhóm người ở đây là người Ysơraên đã hội hiệp lại để nhận lãnh Luật Pháp Đức
Chúa Trời qua Môise. Đặc điểm thuộc linh của nhóm người này là hỗn tạp - một số có
mối liên hệ cá nhân riêng tư với Đức Chúa Trời một cách đúng đắn, còn một số thì
không. Dĩ nhiên tất cả đều có liên hệ với Ngài theo ý nghĩa Đức Chúa Trời đã chọn dân
tộc này, nhưng chỉ chừng đó thôi thì không bảo đảm sự cứu chuộc tâm linh của mỗi
người. Sự kêu gọi toàn dân này là lý do để hội hiệp tại chân núi Sinai.
C. Eph 1:22-23
Ở đây nhóm người này là hội thánh, là thân thể của Đấng Christ. Đặc điểm của
nhóm người này là một trăm phần trăm đã được tái sinh, và lý do để tồn tại là chức vụ
làm báptêm của Đức Thánh Linh, là chức vụ đã đặt những người tin vào trong thân thể
này của Đấng Christ (ICo 12:13). Hội thánh này là phổ thông, bao gồm mọi tín hữu ở mọi
nơi trên đất và những người hiện đang ở trên thiên đàng (He 12:23). Nói chính xác, hội
thánh này không phải là vô hình, vì rất nhiều thành viên của hội là là hoàn toàn hữu
hình. Hội thánh phổ thông là danh xưng tốt hơn.
D. Ro 16:5; ICo 16:19; Co 4:15; Philêmôn 2
Đây là những nhóm người có đặc tính rất địa phương - các hội thánh ở trong nhà.
Bản chất của những người này (ít nhất là trong thời Tân Ước) hẳn là những người xưng
mình công nhận Đấng Christ là Cứu Chúa. Có một số trường hợp, những người chỉ
xưng nhận mà chưa từng sở hữu sự cứu rỗi sẽ liên hiệp với các hội thánh địa phương

415
(IGi 2:19; Kh 3:20), nhưng để là các hội thánh Cơ đốc, những người này ắt sẽ phải tuyên
xưng Đấng Christ.
Những tiêu điểm của hội thánh địa phương này là gì? Một là tiêu điểm địa lý. Một
tiêu điểm nữa là tuyên xưng đức tin trong Đấng Christ. Một tiêu điểm nữa là cử hành
phép báptêm và Tiệc Thánh. Một tiêu điểm khác nữa là sự thực thi những trách nhiệm
trong nhóm, như là sự dạy dỗ.
III. KHÁI NIỆM TÂN ƯỚC VỀ HỘI THÁNH
Thông thường khái niệm hội thánh đã tập trung vào hội thánh phổ thông và hội
thánh địa phương. Đôi khi những thể loại này đã được phát biểu sai lầm là vô hình và
hữu hình (nhìn thấy được). Nhưng ngay cả phổ thông hay địa phương dường như cũng
không bao trùm mọi phương diện của khái niệm này. Phổ thông là tên gọi tốt cho thân
thể của Đấng Christ, dù ở trên đất hoặc trên thiên đàng (He 12:23). Nhưng tính địa
phương cần được định nghĩa đầy đủ hơn. Hội thánh địa phương mang tính địa phương
đến mức nào?
Như đã thấy, đôi khi địa phương đại diện cho một hội thánh ở trong một ngôi nhà.
Đây là một đơn vị của tính địa phương đúng như được mô tả trong Tân Ước. Nhưng hội
thánh tại Côrinhtô (ICo 1:2) chắc phải gồm rất nhiều hội thánh ở trong nhà. Thế nhưng,
nó vẫn là “địa phương” ở chỗ được giới hạn vào thành phố Côrinhtô và đã không bao
gồm các hội thánh khác trong xứ Hylạp chẳng hạn như hội thánh tại Têsalônica (ITe
1:1).

Tuy nhiên, từ ngữ “hội thánh” ở số ít được dùng để gọi rất nhiều hội thánh trong
một vùng (Cong 9:31). Tại đây “hội thánh” gồm nhiều nhóm trong cả vùng Giuđê, Galilê
và Samari. Khi Phaolô bắt bớ hội thánh hồi ông chưa hoán cải, ông đã không tự giới hạn
vào một hội thánh địa phương (ICo 15:9). Cho nên khái niệm về hội thánh địa phương có
thể bao gồm một nhóm người trong một căn nhà duy nhất, nhiều nhóm người trong
một thành phố, hoặc thậm chí rất nhiều nhóm người trong một vùng. Thậm chí với tất
cả những loại này, ICo 10:32 có lẽ cũng không khớp vào loại nào trong đó. Đừng làm
gương xấu cho hội thánh của Đức Chúa Trời chắc chắn phải liên hệ đến những nhóm
người hữu hình, thế nhưng không phải là toàn bộ những nhóm đó, thậm chí là ở trong
một vùng đi nữa. Nó phải liên quan đến một phương diện nào đó của hội thánh hữu
hình mà người ta tiếp xúc được.
Dường như chúng ta cần nhiều hơn lối phân loại khái niệm hội thánh theo hai phần
thông thường - phổ thông và địa phương. (1) Có hội thánh phổ thông - là mọi tín hữu
trên thiên đàng hoặc trên đất. (2) Cũng có hội thánh có thể nhìn thấy được - là các hội
thánh địa phương trong nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là những hội thánh mà tôi
quen biết. (3) Cũng có hội thánh địa phương - là hội chúng cụ thể mà tôi có mối liên hệ

416
chính yếu và lâu dài. Mỗi một tín hữu đều thật sự thuộc về tất cả ba phương diện này
của hội thánh, và ICo 10:32 áp dụng cho bất cứ phương diện nào mà tín hữu ấy tiếp xúc
tại bất cứ thời điểm nào.
IV. NHỮNG KHÁI NIỆM KHÁC VỀ HỘI THÁNH
A. Khái Niệm Của Công Giáo Lamã
Theo khái niệm của công giáo Lamã: “Hội thánh là một hiệp hội được Đức Chúa Trời
thiết lập, bao gồm những thành viên đến từ mọi chủng tộc và mọi quốc gia, tất cả đều
giữ chung một đức tin, đều dùng chung cùng những thánh lễ như là phương tiện của sự
thánh khiết và sự cứu rỗi, và tất cả đều được quản trị cách tốt lành bởi người kế tục của
Thánh Phierơ, Người Đại Diện của Chúa, là Đức Giáo Hoàng... (C.B. Pallen, “Catholic
Church,” The New Catholic Dictionary (N.Y.: The Universal Knowledge Foundation,
1929 trang 180-81).
B. Khái Niệm Của Anh Giáo
Khái niệm Anh Giáo phát biểu rằng “hội thánh hữu hình của Đấng Christ là một hội
chúng của những người trung tín, trong đó Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời được rao
giảng, những Thánh Lễ được cử hành cách chính đáng theo mạng lệnh của Đấng
Christ...” (Tín Điều 19 trong 39 Tín Điều của Giáo Hội Anh Quốc). Dĩ nhiên Hội Thánh
Anh Giáo ở dưới sự lãnh đạo thế tục của Vua hoặc Nữ Hoàng nước Anh.
C. Khái Niệm Của Cải Chánh
Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Westminster phát biểu: Hội thánh rộng khắp hoặc phổ
thông, là hội thánh vô hình, gồm toàn bộ số người được chọn... Hội thánh hữu hình,
cũng là hội thánh rộng khắp hoặc phổ thông ở dưới Phúc Âm, bao gồm mọi người ở trên
thế giới này cùng tuyên xưng một tôn giáo chân thật, cùng với những con cái của họ...”
(Chương 25).
B. Khái Niệm Báp Tít
Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Báptít năm 1646 phát biểu “Hội Thánh là cộng đoàn của
những thánh đồ hữu hình, được gọi và được biệt riêng ra khỏi thế gian bởi Lời và Thánh
Linh của Đức Chúa Trời, để đến sự tuyên xưng đức tin hữu hình của Phúc Âm; được
báptêm vào trong đức tin đó” (Tín Điều XXXIII). Một số người Báp Tít đương đại công
nhận sự thực hữu của hội thánh phổ thông còn một số thì không công nhận.

417
Chương 70: TÍNH ĐẶC TRƯNG CỦA HỘI THÁNH
Hội Thánh chiếm địa vị độc đáo trong những mục đích của Đức Chúa Trời. Dầu Đức
Chúa Trời đã tự liên hệ với những nhóm người khác, hoạt động của Ngài đối với hội
thánh vẫn là đặc biệt. Chúa đã phán: “Ta sẽ lập hội thánh ta” và đó là công tác đặc biệt
của Ngài ngày nay. Những lời phán của Đấng Christ cho thấy những đặc trưng phân
biệt cụ thể về hội thánh: (a) Hội thánh là một công tác còn trong tương lai đối với đời
sống trên đất của Ngài; (b) Hội thánh nó không là một với vương quốc mà Ngài cũng đã
dạy dỗ; (c) Hội thánh chắc phải khác với chế độ thần quyền của Ysơraên. Bây giờ chúng
ta sẽ khảo sát những điểm đặc trưng này và một số những điểm khác.
I. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI VƯƠNG QUỐC
Có nhiều sự lẫn lộn vì không cẩn thận định nghĩa, phân biệt và đối chiếu hội thánh
với vương quốc. Dựa trên tác phẩm Thành Phố Của Đức Chúa Trời của Augustine, sự
đánh đồng hội thánh và vương quốc dẫn đến kết quả thẩm quyền tuyệt đối của Giáo
Hội trên đất. Thuyết Hậu Thiên Hy Niên xây dựng nước thiên đàng thuộc trần gian trên
sự tăng trưởng và thành công của hội thánh. Khái niệm thần trị (theonomy) sai lầm đã
xem nhiệm vụ của hội thánh là thiết lập luật pháp Cựu Ước của Đức Chúa Trời trên các
vương quốc thế gian ngày nay. Thần học Cải Cách, kém phần đụng chạm hơn thần luật,
xây dựng trên khái niệm về quyền tể trị của Đấng Christ trên mọi cấu trúc của thế giới
này, và xem hội thánh là tác nhân chủ yếu để hoàn tất điều này. Đâu là mối liên hệ
giữa hội thánh và vương quốc?
A. Ý Nghĩa Của Vương Quốc
Tự điển định nghĩa vương quốc là một cộng đồng có tổ chức về mặt chính trị. Vì thế
vương quốc gồm (những) người cai trị, kẻ bị trị và địa hạt. Để định nghĩa một vương
quốc nào đó, cần nêu nhiều câu hỏi: ai là người cai trị? Ai là những kẻ bị trị? Vương
quốc này có khi nào và ở đâu? Có thể và cần phải phân biệt nhiều loại vương quốc
trong Kinh Thánh bằng cách nêu những câu hỏi như vậy.
B. Những Khái Niệm Khác Nhau Về Vương Quốc
1. Vương quốc phổ thông. Thánh Kinh bày tỏ Đức Chúa Trời là Vua cai trị toàn thế
giới này (ISu 29:11; Thi 145:13). Đúng theo nghĩa của từ, Ngài thực thi pháp quyền trên
các quốc gia của thế gian này, chỉ định những người cai trị theo sự chọn lựa của Ngài,
và đoán xét thế gian (Thi 96:13; Da 2:37). Trong suy nghĩ của người Do thái, khái niệm về
vương quốc này đã bắt đầu từ Ađam, bị biến dạng khi tội lỗi xâm nhập, thế nhưng vẫn
tiếp tục cho đến Ápraham, người đã tái kêu gọi dân sự đến với vương quốc nhưng chỉ
thành công một phần (chứng kiến sự phản loạn của Sôđôm và Gômôrơ). Tuy nhiên, khi
Ysơraên tiếp nhận Luật Môise, vương quốc này được tái lập, dù vậy sự phản nghịch làm
hư hoại hầu như ngay lập tức (với con bò vàng) và cứ lập đi lập lại suốt lịch sử của
418
Ysơraên. Chỉ một nhóm dân sót tin kính đã phục hưng vương quốc này. Chỉ có Đấng
Mêsia mới hiện thực trọn vẹn vương quốc này.
Thần học Cơđốc công nhận khái niệm về một vương quốc phổ thông (dầu vậy
thường bao gồm cả thiên sứ trong đó, còn Dothái giáo không đưa vào). Đức Chúa Trời là
Vua cai trị trên các quốc gia (Kh 15:3) và đến cuối cùng họ sẽ trả lời với Chúa khi Ngài
đoán xét họ (Thi 110:6).
Nói tóm lại, trong một vương quốc phổ thông Đức Chúa Trời là Vua cai trị; Ngài cai
trị trên tất cả; và Ngài cai trị trong cả cõi thời gian và cõi đời đời.
2. Vương quốc của Đavít / của Đấng Mêsia. Cả Do thái giáo lẫn thần học Cơđốc Tiền
Thiên Hy Niên đều dành vị trí quan trọng cho khái niệm vương quốc này. Là vương
quốc Đavít vì các lời hứa về vương quốc đã được lập trong giao ước vĩ đại với Đavít ( IISa
7:12-16). Là vương quốc của Đấng Mêsia vì Đấng Mêsia sẽ là Vua cai trị. Vương quốc
này sẽ diễn ra khi Đấng Christ trở lại lần thứ hai, lúc đó Ngài sẽ thiết lập vương quốc
của Ngài và làm trọn những lời hứa đã hứa cùng Đavít. (Xem phần luận thêm trong
phần lai thế học, bắt đầu từ chương 77.)
Nói tóm lại, trong vương quốc của Đấng Mêsia và của Đavít, Đấng Christ sẽ là Vua
cai trị; Ngài sẽ cai trị trên đất và cư dân của đất trong một ngàn năm sau sự đến lần thứ
hai của Ngài.
3. Hình Thức Mầu Nhiệm Của Vương Quốc Này. Trong Mathiơ 13, Đấng Christ bày
tỏ những điều mầu nhiệm liên quan đến khái niệm về vương quốc này (c.11). Hòa hợp
với nghĩa “mầu nhiệm,” điều này có nghĩa là Ngài đã nói cho các môn đồ một số điều
thuộc về vương quốc mà trước kia chưa từng được biết. Như vậy, ý về vương quốc này
bắt đầu khi Chúa chúng ta dạy dỗ và sẽ kết thúc tại thời điểm Ngài trở lại lần thứ hai
(các câu 39-40). Nói cách khác, đây là khái niệm vương quốc được dùng để bao gồm
thời kỳ giữa hai lần đến của Đấng Christ. Đấng Cai trị là Đức Chúa Trời. Kẻ bị trị là
những con người trên mặt đất này, là những người đã liên hệ chính họ cách tích cực,
trung lập, hoặc là tiêu cực với “Cơ đốc giáo giới” (bao gồm những tín hữu thật, những
người xưng là tín hữu, những kẻ khước từ, và ngay cả những kẻ chống đối nữa). Thời
gian là khoảng thời gian giữa những lần hiện đến của Ngài.
4. Vương quốc thuộc linh. Thuộc linh có lẽ không phải là tên gọi hay nhất (tôi lấy
chữ này từ James Buswell, Systematic Theology [Grand Rapids, MI: Zondervan, 1962],
2:346), nhưng dường như không còn chữ nào khác tốt hơn để mô tả đặc điểm khái niệm
vương quốc này. Nó nói đến vương quốc mà tất cả các tín hữu đã được đặt vào (Co 1:13),
và họ được bước vào đó bởi sự tái sinh. Vua cầm quyền của vương quốc này là Đấng
Christ; trong khái niệm vương quốc này, Ngài chỉ cai trị trên tín hữu mà thôi; và quan
hệ này hiện đang tồn tại.

419
C. Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Những Vương Quốc Này
1. Đối với vương quốc phổ thông. Theo ý nghĩa hội thánh ở trong thế gian thì hội
thánh là một phần vương quốc phổ thông của Đức Chúa Trời. Ngài đã hoạch định, đã
khai sinh và đang cai trị trên Hội thánh, giống như Ngài đang cai trị trên mọi phương
diện thuộc về vũ trụ của Ngài.
2. Đối với vương quốc Đấng Mêsia / Đavít. Hội thánh không phải là một phần của
vương quốc này. Khi vương quốc này sẽ được thiết lập, hội thánh đã sống lại rồi và sẽ
đồng trị với Đấng Christ trên vương quốc thiên hy niên.
3. Đối với hình thức mầu nhiệm của vương quốc này. Vì hội thánh là một phần của
Cơ đốc giáo giới, nên cũng là một phần khái niệm vương quốc này.
4. Đối với vương quốc thuộc linh. Hội thánh thật, là Thân Thể Đấng Christ, tương
đương với khái niệm vương quốc này.
Nếu muốn cố gắng tóm tắt mối liên hệ giữa hội thánh với vương quốc, thì sẽ phải
nói có liên quan nhưng không tương đương với một số khái niệm nhất định về vương
quốc; không liên hệ với một khái niệm khác; và nó lại tương đương với một khái niệm
khác nữa. Phải định nghĩa được khái niệm vương quốc trước khi có thể quyết định mối
liên hệ của hội thánh đối với khái niệm đó.
II. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI YSƠRAÊN
Hội Thánh đứng riêng biệt đối với dân Ysơraên, và mãi đến Ngày Lễ Ngũ Tuần mới
khởi đầu, và như vậy không tồn tại trong thời Cựu Ước.
Sự phân biệt dân Ysơraên với hội thánh được xác minh bởi nhiều sự kiện. (1) Trong
Tân Ước dân Ysơraên thuộc thể và dân ngoại được đối chiếu tương phản sau khi hội
thánh đã được thiết lập rõ ràng (Cong 3:12; 4:8,10; 5:21,31,35,21:19). (2) Dân Ysơraên thuộc
thể và hội thánh được phân biệt rõ ràng, chứng tỏ hội thánh không phải là dân Ysơraên
(ICo 10:32). Sự phân biệt này của sứ đồ sẽ vô nghĩa nếu Ysơraên với hội thánh là một. (3)
Ga 6:16 không cung cấp bằng chứng rõ ràng nào chứng minh hội thánh được xem là
tương đương với Ysơraên. Chỉ khi nào chữ kai mang tính giải nghĩa thì cụm từ này mới
xem dân Ysơraên của Đức Chúa Trời là tương đương với Sự Dựng Nên Mới, là hội
thánh. Nhưng kai này có lẽ là để nhấn mạnh, nhấn mạnh một phần quan trọng đặc biệt
(những tín hữu người Do thái) trong lời chúc phước trên toàn thể hội thánh (như từ kai
ở trong Mac 16:7 và Cong 1:14). Hoặc có lẽ nó chỉ liên hệ những Cơ đốc nhân Do thái với
Tạo Vật Mới. Ý chính của thư Galati không ủng hộ cách dùng mang tính giải thích (là
cách dùng duy nhất có thể xác định hội thánh là dân Ysơraên). Vì Phaolô đã kịch liệt
công kích những người Do thái duy luật, nên có thể cho rằng ông đã chọn ra để chúc

420
phước đặc biệt những người Do thái nào đã từ bỏ khuynh hướng duy luật và thực sự đi
theo Đấng Christ.
III. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI THỜI ĐẠI NÀY
Hội Thánh không tồn tại trong thời Cựu Ước nhưng đã được thiết lập trong ngày Lễ
Ngũ Tuần. Hội thánh là riêng biệt cho thời kỳ hiện tại. Bốn tuyến chứng cứ xác nhận
kết luận này:
(1) Chúa chúng ta phán “Ta sẽ lập hội thánh Ta” (Mat 16:18). Ngài đã không nói Ngài
sẽ tiếp tục thêm vào cho một điều đã hiện hữu rồi, nhưng phán rằng Ngài sẽ làm một
điều mà vẫn chưa bắt đầu.
(2) Hội thánh đã không thể có cái Đầu thực hiện đúng chức năng được cho đến sau
sự phục sinh của Đấng Christ; do đó, hội thánh không thể hiện hữu cho đến một thời
điểm nào đó sau khi Chúa sống lại từ trong kẻ chết (Eph 1:20).
(3) Hội thánh ắt đã không thể là một thực thể đang hoạt động có những ân tứ thuộc
linh đang vận hành cho đến sau khi Đấng Christ thăng thiên (Eph 4:7-12).
(4) Đặc điểm mầu nhiệm của một thân thể duy nhất này chưa từng được biết đến
trong thời Cựu Ước (Eph 3:5-6; Co 1:26) Trong tiếng Hylạp cổ điển, musterion nói đến
điều bị giấu kín hoặc bí mật. Nó chỉ rõ những lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo
huyền bí Hylạp, những bí mật mà chỉ người được khai tâm mới chia sẻ. Trong Các Cuộn
Biển Chết, những từ tương đương không nói đến những điều chưa được biết, nhưng nói
đến sự khôn ngoan vượt trên hiểu biết hữu hạn. Trong Cựu Ước, từ ngữ tương đương
chỉ xuất hiện trong Da 2:18-19,27-30,47; 4:9. Như vậy khái niệm sự huyền nhiệm là khái
niệm về một bí mật mà chỉ có những người thụ giáo đã được khai sáng mới chia xẻ. Nó
cũng bao hàm hai ý: (a) một thời điểm mà bí mật này chưa được biết đến và tiếp theo đó
là thời điểm nó được biết đến ; và (b) sự khôn ngoan sâu nhiệm hơn hoặc cao vời hơn
được bày tỏ cho những người đã được khai tâm.
Đâu là nội dung của sự mầu nhiệm trong những phân đoạn này? Đó là: các dân
ngoại sẽ là những người đồng thừa kế, những đồng thành viên trong thân thể, những
người cùng dự phần lời hứa trong Đấng Christ bởi Phúc Âm. Dân ngoại sẽ dự phần
trong kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời là vấn đề đã được bày tỏ trong Thánh
Kinh Cựu Ước (Sa 12:3; Es 42:6-7), vì thế chân lý này không hề là bí mật. Nhưng vấn đề
sẽ có một thân thể chung cho người Do thái và người ngoại bang dự phần chính là điều
chưa được bày tỏ trong Cựu Ước. Tra cứu Thánh Kinh Phù Dẫn về cách dùng từ ngữ
“thân thể” sẽ nhanh chóng cho thấy dứt khoát rằng trong Cựu Ước không hề xuất hiện
ý niệm về thân thể của Đấng Christ hoặc của bất cứ thân thể nào để những người được
chuộc được đặt vào. Lần đầu tiên Phaolô dùng từ ngữ “thân thể” nói đến thân thể của
Đấng Christ là trong phần bàn luận mở rộng khái niệm đó ở ICo 12:12-25. Lần kế tiếp là
421
trong Ro 12:5, và mọi lần dùng khác xuất hiện trong Êphêsô và Côlôse. Trong Eph 2:15
một từ đồng nghĩa cho một thân thể duy nhất đó (c.16) là chữ “người mới.” Rõ ràng sự
mầu nhiệm này chưa từng được biết đến trong thời Cựu Ước, và vì thân thể này là con
người mới chứ không phải là sự nối tiếp hoặc một sự tái tạo dựng dân Ysơraên.
Dù có sự nối tiếp giữa những người được chuọc thuộc mọi thời đại (đơn giản vì họ
được chuộc và vận mệnh chung của họ là thiên đàng), nhưng có sự gián đoạn vì người
được chuộc hiện nay được đặt trong thân thể của Đấng Christ chứ không trong một thể
loại nào đó của dân Ysơraên. Tương tự, những người được chuộc trước thời Ápraham
(như Hênóc và Nôê) đã không thuộc về Ysơraên, tuy nhiên họ vẫn thuộc gia đình của
Đức Chúa Trời. Cho nên có những người được chuộc thời tiền - Ysơraên (những thánh
đồ trước Ápraham) và những thánh đồ hậu - Ysơraên (Cơ đốc nhân trong thân của Đấng
Christ).
Nhưng không phải chữ “mà” (as) ở 3:5 chỉ có nghĩa sự mầu nhiệm về một thân thể
này chỉ tương đối chưa được biết đến trong Cựu Ước sao? Để ý là không hề có ý tưởng
“được biết ít hơn/ được biết rõ hơn” trong phân đoạn song hành trong Co 1:26, là nơi sự
đối chiếu tương phản rõ ràng là “chưa được biết/ được biết.” Kết hợp hai phân đoạn này
lại, từ ngữ “mà” ở Eph 3:5 không được phép mang ý so sánh. Dĩ nhiên, chữ mà (as) có
thể còn những nghĩa khác. Có thể nó giới thiệu một mệnh đề bổ sung thêm thông tin
(như rõ ràng trong Cong 2:15 - các sứ đồ hoàn toàn không phải là ít say hơn mức đám
đông suy nghĩ). Hoặc với thể phủ định đi trước thì từ ngữ này có thể mang nghĩa
“nhưng” (như trong ICo 7:31). Nói cách khác, thân thể mới này đã không được biết đến
trong các thời đại khác, nhưng được bày tỏ hiện nay. Và vì hội thánh là thân thể của
Đấng Christ, và vì thân thể đó đã chưa được bày tỏ và chưa hoạt động cho đến thời đại
Tân Ước, nên hội thánh là điều riêng biệt cho thời đại này.
IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA HỘI THÁNH VỚI CHÚA JESUS CHRIST
Trong thời gian chức vụ trên đất của Ngài, Chúa chúng ta tuyên bố Ngài sẽ làm một
điều mới trong việc lập hội thánh Ngài (Mat 16:18). “Ta sẽ lập” rõ ràng là thì tương lai,
nói lên đây là điều gì đó Đấng Christ vẫn chưa làm cho đến thời điểm đó. Thật ra hội
thánh đã không bắt đầu như một thực thể hoạt động cho đến khi Đức Thánh Linh giáng
xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Vậy Chúa đối có mối liên hệ nào với hội thánh vì Hội
thánh vẫn chưa hoạt động trong đời sống trên đất của Ngài?
Nói ngắn gọn, Ngài là Đấng sáng lập. Đó là hội thánh của Ngài (c.18). Ngài là Nền
Tảng (ICo 13:11).
(1) Là Đấng sáng lập, Ngài đã chọn các môn đồ mà họ cũng có chỗ trong nền tòa
nhà đó (Eph 2:20).

422
(2) Là Đấng sáng lập, Ngài đã dạy các môn đồ những điều sẽ mang lại kết quả khi
hội thánh bắt đầu hoạt động. Hầu hết sự dạy dỗ đó được ký thuật trong Bài Giảng Trên
Phòng Cao (Giăng 13-17). Một số lời dạy của Đấng Christ liên quan đến Luật Pháp
Môise mà Ngài đã sống ở dưới đó, một số khác nói về vương quốc thiên hy niên trong
tương lai, và một số nói về hội thánh tương lai. Bài Giảng Trên Phòng Cao đóng vai trò
vườn ươm cho điều sẽ thấy sau này trong những thư tín Tân Ước. Một vài điều mới
Ngài đã bày tỏ bao gồm một mạng lệnh mới (13:34), một hy vọng mới trong sự Cất Lên
của hội thánh (14:1-3), một mối liên hệ mới (các người ở trong Ta và Ta trong các ngươi,
c.17), và một nền tảng mới cho sự cầu nguyện (16:24).
(3) Đấng sáng lập cũng đã trở nên Đá Góc Nhà bởi sự chết và sự phục sinh của Ngài
(Cong 4:11; Eph 2:20). Ngài đã mua hội thánh bằng chính huyết Ngài (Cong 20:28). Sự phục
sinh và thăng thiên của Ngài đã khiến Ngài trở nên Đầu của hội thánh ( Eph 1:20-23),
trong tư cách đó - cùng với những điều khác - Ngài ban các ân tứ cho những chi thể của
thân Ngài (4:8).
(4) Là Đấng sáng lập, Ngài cũng đã là Đấng sai phái Đức Thánh Linh là Đấng kích
hoạt hội thánh trở nên một hữu thể hoạt động (Cong 2:23).
Vầng đá mà hội thánh đã được lập trên đó là gì? (Mat 16:18) một số người hiểu điều
đó nói đến Phierơ. Nếu vậy, Đấng Christ đang chơi chữ petros (Phierơ) và petra (đá).
Chữ petros thuộc giống đực và có nghĩa là một viên đá, còn từ petra thuộc giống cái và
có nghĩa một vầng đá lớn. Vì những khác biệt này trong từ ngữ và giống, nên dường
như không thể nói đến Phierơ. Đôi khi có người nghi một số người sợ kiểu giải nghĩa
như vậy sẽ thêm phần hậu thuẫn lời của Giáo hội Công Giáo Lamã tuyên bố Phierơ là
hòn đá mà hội thánh được xây dựng trên đó (như ý của hàng chữ Latin khắc chung
quanh đế của mái vòm giáo đường Thánh Phierơ tại Rome, vì những từ ngữ khác nhau
và giống khác nhau không bày tỏ ra trong tiếng Latin. Tuy nhiên, các sứ đồ thực sự là
nền của hội thánh (Eph 2:20), dù vậy Phierơ - tuy có nổi bật đến thế đi nữa - đương nhiên
đã không hề có chức quyền ưu việt của giáo hoàng (Cong 2:14; 10:34; Ga 2:11).
Một số người khác hiểu Đấng Christ là vầng đá được nói đến trong phân đoạn này
cũng như Ngài là đá trong những phần Kinh Thánh khác (ICo 3:11; IPhi 2:5-9). Tuy nhiên,
điều này dường như tạo ra một sự khác biệt giữa hai loại đá mà nó tương phản với mối
nối kết gần gũi của chúng trong chính khúc Kinh Thánh. Hình thức sửa đổi của quan
điểm này xem vầng đá là chính lời tuyên xưng Đấng Christ của Phierơ (Mat 16:16).
Có lẽ chân lý này kết hiệp những yếu tố của cả hai ý kiến; tức là: tảng đá là việc
Phierơ sử dụng chìa khóa nước trời (c.19; Es 22:22) để rao truyền chân lý về Đấng Christ
cho những người Do thái và những người ngoại bang.

423
Vậy Đấng Christ là Đấng sáng lập của hội thánh Ngài trong đó Ngài đã lựa chọn
nền tảng là các sứ đồ, ban sự dạy dỗ cơ bản về những mối liên hệ trong hội thánh, phó
sự sống của Ngài để trở nên Đá Góc Nhà, và rồi sai phái Đức Thánh Linh đến trong
Ngày Lễ Ngũ Tuần để làm cho hội thánh hoạt động.
V. MỐI QUAN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI ĐỨC THÁNH LINH
Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự mở đầu của hội thánh với tư cách một thân thể hoạt động
bởi sự tuôn đổ Đức Thánh Linh trong ngày đó. Trước khi thăng thiên, Chúa hứa chẳng
bao lâu các môn đồ sẽ được báptêm bằng Đức Thánh Linh (Cong 1:5). Dù từ ngữ
“Báptêm” không xuất hiện trong phần ký thuật Lễ Ngũ Tuần của đoạn 2, từ đoạn 11:15-
16 chúng ta thấy rõ ràng phép báptêm đã xuất hiện lần đầu tiên trong ngày đó, vì theo
Phaolô (ICo 12:13), báptêm bằng Đức Thánh Linh đặt tín hữu vào trong thân thể của
Đấng Christ, và vì thân thể của Đấng Christ là hội thánh (Eph 1:22-23), nên hội thánh,
tức thân thể, đã bắt đầu khi những cá nhân đầu tiên ấy được báptêm vào ngày Lễ Ngũ
Tuần.
Nhiều điều khác nữa đã xuất hiện trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Các môn đồ đã được
đầy dẫy Thánh Linh (Cong 2:4). Ba ngàn người đã được báptêm bằng nước (c.41). Hội
thánh hữu hình đã bắt đầu trong ngày đó (c. 42-47).
Ngoài việc làm báptêm những người tin Đấng Christ vào thân thể, Đức Thánh Linh
cũng cư trú trong mỗi cá nhân Cơđốc nhân (ICo 6:19), các hội thánh địa phương (3:16) và
thân thể của Đấng Christ (Eph 2:22). Đức Thánh Linh cũng ban năng quyền, hướng dẫn,
an ủi và ban các ân tứ cho hội thánh (Cong 1:8; 9:31; ICo 12:4). Theo một ý nghĩa hết sức
thực tế, Đức Thánh Linh là sự sống và năng quyền sống động của hội thánh.

424
Chương 71: CÁC NGUYÊN TẮC VÀ/ HOẶC KHUÔN MẪU?
Trước khi xem xét sự dạy dỗ của Kinh Thánh về tổ chức, thứ tự và các nghi lễ cho
hội thánh địa phương, có thể nêu lên một thắc mắc căn bản. Tân Ước cung cấp những
nguyên tắc cho các lãnh vực này để tuân theo cách tổng quát, nhưng cần được điều
chỉnh thích nghi với những văn hóa và thời kỳ khác nhau; hay Tân Ước trông đợi
khuôn mẫu đã được thực hành trong thời kỳ Tân Ước phải được tuân thủ ngày nay
trong mọi nền văn hóa? Ví dụ như, Tân Ước dạy những nguyên tắc quản trị hội thánh
để có thể điều chỉnh thích nghi theo nhiều cách khác nhau, hay Tân Ước cũng quy định
những khuôn mẫu đặc thù để bắt buộc phải tuân theo? Nhiều người sẽ nói rằng được
phép uyển chuyển trong lãnh vực này. Hội thánh phải có những nhà lãnh đạo, nhưng
sẽ không có khác biệt bao nhiêu khi họ được gọi là các trưởng lão hoặc là những chấp
sự hoặc có nhóm có cả hai. Có lẽ thậm chí người ta cũng có thể gọi họ là những quản
gia mà vẫn theo nguyên tắc lãnh đạo của Tân Ước.
Hoặc lấy ví dụ khác. Kinh Thánh Tân Ước dạy nguyên tắc các tín hữu nhóm hiệp lại
với nhau. Nhưng trong thời Tân Ước, họ đã nhóm hiệp ở trong các ngôi nhà. Ngày nay
chúng ta có được phép uyển chuyển xây dựng những tòa nhà cho hội thánh, hoặc phải
đi theo khuôn mẫu nhóm họp trong nhà? Hầu hết sẽ chấp nhận sự uyển chuyển trong
trường hợp này.
Hoặc một ví dụ khác: nguyên tắc trong phép báptêm bằng nước (cho dù là dùng
phương thức nào) là để bày tỏ sự rời bỏ nếp sống cũ và bước vào một nếp sống mới. Có
cách nào tuân thủ nguyên tắc trên mà không dùng khuôn mẫu của việc thật sự làm
Báptêm? Hầu hết mọi người sẽ nói không có. Nhưng tại sao không dựng lên một cái
phòng nhỏ trên bục giảng của hội thánh, cho ứng viên mặc trang phục cũ của họ bước
vào trong phòng, rồi thay trang phục bên trong phòng sau đó bước ra trong trang phục
mới? Chẳng phải điều đó minh họa cùng một lẽ thật như lễ báptêm minh họa sao? Và
không phải đó là minh họa của Kinh Thánh sao? (Co 3:9-12). Trong sự quản trị hội
thánh, chúng ta cho phép có tính uyển chuyển ở mức nào đó giữa nguyên tắc và khuôn
mẫu. Khi sử dụng những tòa giáo đường, chúng ta cho phép sự uyển chuyển hoàn toàn
giữa nguyên tắc và khuôn mẫu. Trong phép báptêm, chúng ta khăng khăng không cho
linh động giữa nguyên tắc và khuôn mẫu. Dù những quan điểm lý thuyết của một cá
nhân hoặc một nhóm có là gì đi nữa, tôi vẫn nghi trong thực tế không có ai hoàn toàn
nhất quán.
Những lập luận bênh vực tính uyển chuyển hầu hết mang tính lịch sử và tính loại
suy. Trong lịch sử, người ta nói rằng vì hội thánh đầu tiên đã chịu ảnh hưởng bởi nền
văn hóa và đã tiếp nhận những hình thức của hội thánh từ nền văn hóa đó, nên ngày
nay chúng ta cũng có thể làm như vậy. Thật vậy, các trưởng lão xuất thân từ tổ chức
nhà hội (dù vậy những cộng đồng dân ngoại cũng có các trưởng lão). Ý kiến về các chấp
425
sự có ra từ nhà hội không lại càng kém rõ ràng hơn nữa. Phép báptêm đã được thực
hành như một trong những điều đòi hỏi cho những người cải đạo sang Do thái giáo và
trong những tôn giáo huyền bí. Tiệc Thánh là điều mới đối với hội thánh, dù phát xuất
từ bữa ăn Lễ Vượt Qua. Sự giáo huấn trong nhà hội Do thái và sự dạy dỗ trong hội
thánh Cơđốc là tương tự nhau. Sự dứt phép thông công được thực hành bởi cả hai
nhóm. Rõ ràng, đa số những nề nếp Hội thánh dùng đã có những tiền lệ của chúng
trong Dothái giáo. Điều này khá bình thường. Nhưng vẫn còn thắc mắc: khi hội thánh
tiếp nhận những tập tục này, chúng đã được Đức Chúa Trời phê chuẩn (để ngày nay
phải tuân theo), hoặc được nêu làm thí dụ thiên thượng (không nhất thiết ngày nay
phải tuân thủ từng chi tiết)? Lập luận lịch sử thật sự không giải quyết được vấn đề này.
Những so sánh loại suy thường được nêu lên hỗ trợ cho tính uyển chuyển giữa
những nguyên tắc và những khuôn mẫu. Ví dụ như, Phúc Âm là một nguyên tắc không
thể vi phạm được, nhưng có rất nhiều khuôn mẫu để noi theo khi trình bày Phúc Âm.
Sự cứu rỗi là một điều tuyệt đối; nhưng những kinh nghiệm hoán cải thì khác nhau. Vì
vậy người ta cho rằng dù hội thánh là một điều tuyệt đối, nhưng những hình thức và
chức năng của hội thánh là có thể thay đổi được. Nhưng vì không mang tính giải kinh
nên lập luận này yếu.
Những ai cảm thấy những tập tục của hội thánh cần phải làm theo sát với những
nguyên tắc và những hình thức của Tân Ước thì nói rằng Kinh Thánh tuyên bố là Kinh
Thánh đầy đủ cho mọi việc lành, gồm cả công việc của hội thánh địa phương (IITi 3:16-
17),. Cụ thể là, Phaolô viết ITimôthê với mọi chi tiết về sinh hoạt và sự quản trị hội
thánh để Timôthê có thể biết phải cư xử như thế nào trong nhà của Đức Chúa Trời và
hướng dẫn những người khác thế nào trong chính những điều cụ thể đó ( 3:15). Và trong
cùng thư này, sự khống chế của văn hóa trên chân lý đặc biệt bị loại trừ ( 2:11-14). Hơn
nữa, Phaolô đòi hỏi hội thánh phải tuân theo những “truyền thống” (Bản Việt ngữ ghi là
“những điều tôi đã dạy dỗ”), là điều bao hàm cả những nguyên tắc lẫn những tập tục
nữa (ICôrinhtô 11).
Có thể giải quyết được vấn đề này không? Chắc giải quyết không thuyết phục dứt
khoát được (và không ai là hoàn toàn nhất quán). Nhưng để kết luận, uyển chuyển
nhiều thì dường như phớt lờ những khuôn mẫu chi tiết đã được bày tỏ trong Tân Ước.
Công nhận một lối giải nghĩa khác về một chi tiết nào đó là một chuyện, còn nói rằng
nó không quan trọng lại là một chuyện khác. Tôi cảm thấy chúng ta nên cố gắng tuân
theo những chi tiết của những khuôn mẫu dành cho lối sống của hội thánh như đã được
bày tỏ trong Thánh Kinh Tân Ước càng nhiều càng tốt. Nếu không thì sẽ không có câu
trả lời thỏa đáng nào cho thắc mắc tại sao những khuôn mẫu lại có mặt ở đó. Và vì có
những khuôn mẫu ở đó, tôi muốn dùng chúng ngày nay.

426
Chương 72: CÁC HÌNH THỨC QUẢN TRỊ HỘI THÁNH
Điều gì hợp thành một hội thánh địa phương? Có phải ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi
nào có hai hoặc ba tín hữu nhóm hiệp lại trong danh của Đấng Christ thì có hội thánh
không? Nếu đúng như vậy, thì mỗi nhà riêng của Cơđốc Nhân cũng sẽ là một hội thánh
Cơđốc. Cần thiết có sự tổ chức đến mức nào để có một hội thánh địa phương? Có người
nói càng ít càng tốt, còn những người khác thì chọn một tổ chức phát triển.
Tân Ước không có định nghĩa chính thức về một hội thánh địa phương. Tuy nhiên,
Tân Ước có mô tả những đặc điểm thông thường của một hội chúng địa phương. Dựa
trên những đặc điểm này, chúng ta có thể phát biểu định nghĩa về một hội thánh địa
phương. Đó là một hội chúng của những tín hữu xưng mình tin Đấng Christ, là những
người đã được báptêm và là những người được tổ chức lại để làm theo ý muốn của Đức
Chúa Trời. Hãy để ý những phương diện quan trọng trong định nghĩa này. (1) Những ai
không tuyên xưng đức tin đều bị loại trừ. Có thể sự tuyên xưng không chân thật,
nhưng phải tuyên xưng. (2) Nếu không tranh luận về hình thức làm phép Báptêm, rõ
ràng Tân Ước không hề biết đến những thành viên hội thánh mà không chịu Báptêm.
(3) Một hội thánh luôn luôn có một loại tổ chức nào đó, và trong Tân Ước, sự tổ chức đã
được thiết lập càng sớm càng tốt (Cong 14:23). (4) Một hội thánh tồn tại vì một mục đích
- để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều này bao gồm nhiều vấn đề: cử hành
những thánh lễ, truyền giảng, gây dựng tín hữu, thờ phượng, dâng hiến, chăm sóc cho
mọi nhóm tuổi, v.v... Một chức vụ chuyên môn dành cho một nhóm tuổi nào đó không
thể là một hội thánh, cho dù nó có có những đặc điểm và những sinh hoạt tương tự như
một hội thánh. Vì không mở cửa cho mọi người xưng mình tin Chúa nên đó không phải
là một hội thánh.
Mặc dù định nghĩa này dường như đối với một số người có vẻ là quá cứng nhắc, hãy
để ý là cũng có sự buông lỏng trong đó. Cách thức làm phép báptêm có thể bị tranh cãi,
nhưng không thể tranh cãi sự kiện làm phép báptêm cho những thành viên của hội
thánh (nếu đi theo gương Tân Ước). Hình thức tổ chức cụ thể có thể là không rõ ràng,
nhưng sự thực về tổ chức đó thì không thể không rõ. Không thấy nói gì về địa điểm
nhóm họp, số buổi nhóm, tần số của các thánh lễ hoặc cấu trúc để thực hiện chức vụ.
Vì đã có và tiếp tục có tranh luận về những chi tiết cụ thể của tổ chức hội thánh,
nên hiện có nhiều thể loại hội thánh cơ bản khác nhau. Nhưng vấn đề hội thánh đầu
tiên đã được tổ chức thì không thể tranh cãi được. Tại ngay thời điểm ban đầu (dầu vậy
về sau thì không) họ đã đếm số của nhóm người này (2:41; 4:4). Chẳng bao lâu sau đó họ
phải chọn những người giúp đỡ các sứ đồ (6:1-7). Các hoạt động cứu trợ người nghèo đã
phải được tổ chức từ sớm (4:32-37). Các trưởng lão đã được công nhận là những nhà lãnh
đạo (11:30). Trên chặng đường trở về sau hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Phaolô đã
bổ nhiệm các trưởng lão trong các hội thánh mới thành lập (14:23).
427
I. HỆ THỐNG QUẢN TRỊ TỐI THIỂU
A. Những Nét Đặc Trưng Của Quan Điểm Này
Nói chung, những nhóm cố gắng giữ tổ chức ở mức độ tối thiểu đều được lãnh đạo
bởi một nhóm nhỏ các trưởng lão, nhấn mạnh việc vận dụng các ân tứ thuộc linh bởi
mọi thành viên, không coi trọng khái niệm tư cách thuộc viên, và dành địa vị nổi bật
cho cương vị làm đầu của Đấng Christ.
B. Một Số Nhận Xét
Các nhóm như thế hiển nhiên là không phải không có tổ chức. Ví dụ, họ thực hành
kỷ luật hội thánh nhiều hơn một số những nhóm được tổ chức cao hơn, và điều đó đòi
hỏi sinh hoạt có tổ chức. Họ thiên về hệ thống quản trị liên minh, dù vậy chắc hội
chúng còn ít dự phần lập các quyết định hơn. Cấu trúc này thường không có một chủ
tọa duy nhất. Chúng ta đừng nghĩ thể loại quản trị này chỉ áp dụng cho những nhóm
nhỏ; nó cũng có thể hoạt động hữu hiệu trong nhóm đông người nữa. Một vài nhóm
Quaker và Plymouth Brethren chuộng hệ thống quản trị tối thiểu.
II. HÌNH THỨC QUẢN TRỊ CỦA QUỐC GIA
A. Những Nét Đặc Trưng Của Quan Điểm Này
Một hội thánh theo thể chế quốc gia là một nhóm các hội thánh được tổ chức dưới
sự lãnh đạo của chính quyền quốc gia hoặc ở trong những giới hạn của chính quyền đó.
Bên trong cấu trúc tổ chức này có tồn tại quyền hành ngấm ngầm của nhà nước để dự
phần vào và nắm quyền kiểm soát trong các hội thánh. Những quyền hạn được phép
thực thi này tỏ tường và mở rộng đến mức nào sẽ khác nhau tùy theo quốc gia. Nhà
nước có thể cho phép hoặc không cho phép những hội thánh tự do cùng tồn tại với hội
thánh quốc gia. Chính quyền có thể được quyền hoặc không được quyền triệu tập
những hội nghị và những hội đồng tôn giáo. Nó có thể được quyền hoặc không được
quyền dự phần trong thực thi hoặc phê chuẩn về kỷ luật. Có thể được quyền hoặc
không được quyền thu phần mười và dự phần cung lương cho những hội thánh riêng
biệt. Những chi tiết cụ thể của mối liên hệ giữa hội thánh quốc gia và nhà nước có là gì
đi nữa, thì vẫn thực sự có mối liên hệ chính thức, và điều đó tạo thành đặc trưng cơ bản
của hình thức quản trị hội thánh này. Anh Giáo Hội tại nước Anh và Giáo Hội Lutheran
ở Đức là những hội thánh theo thể chế quốc gia.
B. Một Vài Phần Kinh Thánh Thích Ứng
Những lập luận ủng hộ sự phân rẽ hội thánh khỏi nhà nước được dựa trên những
phần Kinh Thánh sau đây. Như được ghi lại trong Mat 22:21, Đấng Christ đã phân biệt rõ
ràng hai phạm vi trách nhiệm (Sêsa và Đức Chúa Trời) và mối quan hệ của môn đồ
Ngài đối với mỗi phạm vi ấy. Những phần Kinh Thánh khác nêu chi tiết trách nhiệm

428
của Cơ đốc nhân đối với nhà nước (Ro 13:1-7; IPhi 2:13-17, Tit 3:1). Khi xung đột nẩy sinh
giữa hai phạm vi này qua đó nhà nước tìm cách để vi phạm luật pháp của Đức Chúa
Trời, thì có những ví dụ trong Thánh Kinh về sự bất phục tùng dân sự (Da 3:6; Cong 5:29).
Cũng có ít nhất là một trường hợp kháng cự bất bạo động (không bất hợp pháp) để buộc
quyền lực thế tục phải công nhận họ đã đối xử sự bất công (Cong 16:37).
Trong tất cả các trường hợp kỷ luật của hội thánh trong Tân Ước (Mat 18:17;
ICôrinhtô 5; IITêsalônica 3:11-15), hoàn toàn không có sự tham dự của nhà nước. Nếu
hội thánh quốc gia là một loại tổ chức theo Kinh Thánh, người ta sẽ phải trông đợi
những bước cố gắng để sửa sai nan đề trong Mat 18:17 phải bao gồm một bước cuối cùng
là đem vụ việc ra trước bậc chức trách của nhà nước. Tuy nhiên, trong Tân Ước, hội
thánh là tòa án cuối cùng để nghe xử vụ việc.
Một vài nan đề khó khăn thực tiễn đã nẩy sinh trong nỗ lực tách biệt hội thánh với
nhà nước. Các hội thánh có nên chấp nhận những khoản miễn thuế không? Các hội
thánh nên sử dụng những tiến trình lập pháp đến mức độ nào để giúp phát triển những
mục tiêu tôn giáo trong xã hội? Hội thánh có nên ủng hộ khoản tín dụng thuế dành cho
học phí (tax credit for tuition) được trả cho các trường Cơ đốc không?
III. THỂ CHẾ PHẨM TRẬT
A. Một Vài Ví Dụ
Trong một hệ thống phẩm trật (có đẳng cấp), ban giáo phẩm quản trị được tổ chức
theo phẩm trật hoặc cấp bậc, mỗi một đẳng cấp trong đó phải phục tùng đẳng cấp bên
trên. Trong hệ thống Giám lý (Methodist), thẩm quyền của hệ thống phẩm trật có phần
kém tuyệt đối hơn; trong Giám Mục Hội (Episcopal Church), thì hệ thống đẳng cấp
thẩm quyền được tuyên bố rõ ràng hơn; nhưng trong giáo hội Công Giáo Lamã thì thẩm
quyền hoàn toàn nằm trong hệ thống phẩm trật này, đỉnh cao hợp lý cuối cùng là trong
hình thức Giáo hoàng. Tổ chức quản trị của Giáo Hội Anh Quốc kết hợp cả hình thức
quản trị phẩm trật và quốc gia.
B. Điều Được Xem Như Lập Luận Hậu Thuẫn
Lập luận hậu thuẫn khái niệm này dựa vào (a) địa vị ưu việt hàng đầu của các sứ
đồ, đặc biệt là Phierơ, và (b) hàng ngũ kế nhiệm không gián đoạn từ các vị sứ đồ cho
đến ngày nay. Dầu đúng là các sứ đồ tạo thành nền tảng để hội thánh được xây trên đó
(Eph 2:20), và dầu đúng là sứ đồ Phierơ nổi bật nhưng không ưu việt hàng đầu ( Ga 2:11),
nhưng chức vụ sứ đồ không còn nữa vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và đã không có
bất kỳ loại kế truyền liên tục các giám mục (những người kế nhiệm của các sứ đồ) cho
đến thời nay.

429
Rõ ràng là hai thánh chức trưởng lão và chấp sự đã tồn tại trong thời Tân Ước.
Nhưng một chức vụ riêng biệt thứ ba, tức chức giám mục, thì không thấy trong Tân
Ước, các giám mục và trưởng lão thường được xem như nói đến cùng một chức vụ. Tuy
nhiên, quyền lực tối cao của một giám mục duy nhất trên những chức viên khác đã bắt
đầu sớm từ tận thế kỷ thứ nhì. Nhưng sự chuyển giao quyền uy như vậy từ các sứ đồ
sang các giám mục thì chưa từng được chỉ thị hoặc qui định trong Thánh Kinh Tân Ước.
Thật ra đến cuối thế kỷ thứ nhất, sách Didache, là chỉ nam của hội thánh, đã dạy rằng
mỗi hội chúng phải lựa chọn các giám mục và chấp sự riêng cho mình ( 15:1), đây là
điều hoàn toàn trái ngược với khái niệm sự kế nhiệm các sứ đồ. Đúng là có một khía
cạnh hợp pháp cho việc kế nhiệm các sứ đồ ở chỗ giáo lý của các sứ đồ chính là điều
mà mọi thế hệ kế tiếp phải dạy dỗ (IITi 2:2), nhưng đó là một sự kế tục giáo lý, chứ
không phải kế tục sự thụ chức.
IV. THỂ CHẾ HỘI CHÚNG
A. Mô Tả
1. Thẩm quyền: Trên căn bản, thể chế hội chúng (hình thức hội chúng quản trị) có
nghĩa thẩm quyền tối hậu để quản trị hội thánh nằm trong tay chính những thuộc viên.
2. Quyền Tự Trị: Ngoài ra, điều này còn có nghĩa mỗi một hội thánh riêng lẻ là một
đơn vị tự trị mà không có cá nhân hoặc tổ chức nào ở trên nó ngoại trừ Đấng Christ là
Đầu.
3. Trách Nhiệm: Hình thức hội chúng quản trị không hàm ý toàn bộ hội chúng bỏ
phiếu bầu cho mọi quyết định. Trách nhiệm được ủy thác cho những chức viên và
những lãnh đạo, dầu vậy, giống như những thành viên khác, họ chỉ có một lá phiếu duy
nhất trong hội chúng mà thôi.
4. Mối Thông Công: Cũng không có nghĩa các hội thánh tự trị đến nỗi không có sự
hiệp thông nào với nhau cả. Dầu Berkhof nói thể chế Hội Chúng là một hệ thống độc
lập mà nó phủ nhận sự hiệp một của thân thể Đấng Christ, (Systimatic Theology
[Grand Rapids: Eerdmans, 1941] trang 580), nhưng không phải như vậy.
B. Lập Luận Hậu Thuẫn
1. Quyền tự trị địa phương. Dầu các sứ đồ và những người đại diện của sứ đồ có
thẩm quyền trên nhiều hơn một hội thánh địa phương, nhưng các trưởng lão và chấp sự
thời Tân Ước không có thẩm quyền như vậy. Do đó, ngày nay, vì các sứ đồ đã qua đi,
nên các hội thánh địa phương có quyền tự trị.
2. Kỷ luật. Toàn thể hội thánh đã được trao quyền thi hành kỷ luật (Mat 18:17; ICo 5:4-
5; IICo 2:6-7; IITe 3:14-15). Vì cớ vấn đề kỷ luật quan trọng này đã không trao riêng cho

430
chỉ các lãnh đạo nhưng cho cả hội chúng, nên điều này hậu thuẫn khái niệm hội chúng
quản trị.
3. Quyền lãnh đạo. Toàn hội thánh đã dự phần chọn những lãnh đạo. Một vài phân
đoạn Kinh Thánh hậu thuẫn điều này (Cong 1:23,26; 6:3,5; 15:22,30; IICo 8:19). Những phần
khác như trong Cong 14:23 và Tit 1:5, có vẻ như phản đối việc hội chúng dự phần lựa
chọn. Cong 4:23 ghi lại việc chỉ định các nhà lãnh đạo trên chặng đường trở về của cuộc
hành trình truyền giáo thứ nhất. Động từ cheirotoneo thật sự có nghĩa là bổ nhiệm, dầu
vậy phái hội chúng sẽ thích cách hiểu thiên về từ nguyên học của động từ này hơn để
nói lên việc chọn bằng cách giơ tay; tức là, một cuộc bầu cử của hội chúng. Tuy nhiên,
ngay cả A.H. Strong, thần học gia Báptít theo phái hội chúng, cũng công nhận không
thể dùng động từ này để cung cấp bằng chứng hậu thuẫn ý có cuộc bầu cử phổ thông.
Ông không chấp nhận dùng câu này cũng như Tit 1:5 (là chỗ Tít đã được truyền phải chỉ
định những trưởng lão trong mỗi thành) để hậu thuẫn thể chế liên minh bằng cách
phát biểu rằng những động từ này “không quyết định điều gì về cách thức chọn lựa, do
đó không nhất thiết loại trừ sự chọn lựa của một cộng đồng.” (Systematic Theology
[Philadelphia: Judson, 1907], trang 906). Tốt hơn có lẽ phái hội chúng nên đơn giản
công nhận hai ví dụ này là thuộc quyền các sứ đồ chứ không phải để dạy chúng ta ngày
nay.
4. Các thánh lễ: Nhiều phân đoạn Kinh Thánh truyền những mệnh lệnh cho toàn
thể hội thánh, chứ không chỉ cho những người lãnh đạo hoặc cho một phẩm trật ( Mat
28:19-20; ICo 11:2,20).

5. Sự quản trị: Tư cách thầy tế lễ của mọi tín hữu ủng hộ cho khái niệm quản trị
dân chủ của hội chúng (IPhi 2:5,9).
C. Đánh Giá Thể Chế Hội Chúng
1. Thẩm quyền: Vấn đề thẩm quyền tối hậu ở nơi hội thánh địa phương dưới quyền
thủ lãnh của Đấng Christ thực sự có vẻ được dạy rõ trong Tân Ước. Điều này không loại
trừ mối thông công với các hội chúng khác, nhưng không tính đến cơ cấu tổ chức bên
trên hội thánh địa phương.
2. Việc chọn những lãnh đạo: Vấn đề toàn thể hội thánh dự phần vào đa số công
việc của hội chúng dường như cũng có vẻ rõ ràng. Nhưng hội chúng không dự phần vào
mọi sự. Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo rõ ràng đã được bổ nhiệm chứ
không do mọi người bầu cử. Cách chọn những người giúp đỡ đầu tiên không thuộc
hàng sứ đồ trong Cong 6 là ví dụ cho một sự hài hòa thoải mái giữa các sứ đồ - là những
người yêu cầu hội chúng phải chọn lựa - với hội chúng - là những người đã trình sự
chọn lựa của mình lên các sứ đồ để được phê chuẩn. Kinh Thánh không cho chúng ta
biết điều gì sẽ xảy ra nếu hội chúng chọn người mà các sứ đồ không phê chuẩn. Có lẽ

431
một người như thế ắt sẽ không được phép phục vụ (và điều này có nghĩa hội chúng
không phải là thẩm quyền tối hậu).
3. Những hạn chế: Đôi khi dường như có sự xóa nhòa tinh tế nhưng có ảnh hưởng
quan trọng cho sự phân biệt giữa điều mọi tín hữu sở hữu bình đẳng trong tư cách là
chi thể trong Thân Đấng Christ với điều mọi tín hữu có thể làm để chức vụ trong thân
thể đó. Mọi tín hữu là thầy tế lễ không có nghĩa mọi tín hữu có thể thi hành cùng chức
vụ. Những phẩm cách cho cấp lãnh đạo thực sự loại trừ một số người. Chẳng hạn, dù
mọi công dân tuổi trưởng thành của Hiệp Chủng Quốc đều có thể đi bầu, nhưng không
phải mọi công dân đều có thể là nghị sĩ Quốc Hội (họ ắt phải đạt đến một tuổi nhất
định) và không phải mọi người đều có thể làm tổng thống (tổng thống phải là một công
dân Mỹ bẩm sinh). Dầu có nền tảng dân chủ, nhưng cũng có những điều hạn chế để
loại một số công dân khỏi những sinh hoạt nhất định. Cho nên dường như cũng đúng
tương tự như vậy trong hội thánh, và thể chế hội chúng có lẽ cố ý hoặc vô tình làm tan
biến sự phân biệt này.
4. Rất nhiều lãnh đạo: Trên thực tế, giáo thể hội chúng không hoàn toàn là của hội
chúng. Hội chúng không thực hiện mọi quyết định. Những lãnh đạo thực sự nắm giữ
thẩm quyền mà không phải luôn luôn được trao cụ thể cho họ. Các chấp sự thường hoạt
động như các trưởng lão nên trên thực tế thì có rất đông lãnh đạo. Thật ra một số hội
thánh theo giáo thể hội chúng và liên minh (liên đoàn) hoạt động rất giống nhau. Điều
này càng đúng khi hội thánh được quản trị theo hình thức liên minh này là hội thánh
tự trị. Nếu hội thánh này thuộc về một giáo phái thì khác rõ ràng với hội thánh hội
chúng.
V. HÌNH THỨC QUẢN TRỊ LIÊN MINH
A. Ý Nghĩa
Xét về khái niệm quản trị, theo định nghĩa của tự điển thì thể chế liên minh có
nghĩa những đơn vị riêng biệt “nộp” chủ quyền cá thể của họ cho một thẩm quyền
trung ương nhưng giữ lại những quyền lãnh đạo hữu hạn còn lại.” Về mặt quản trị hội
thánh, phương thức quản trị liên minh có nghĩa những thành viên riêng lẻ trao một số
quyền hành của họ cho những nhà lãnh đạo, và trong những trường hợp cũng có cấu
trúc giáo phái, hình thức này còn có nghĩa các hội thánh riêng lẻ nhường nhiều khía
cạnh tự trị của họ cho một cấu trúc tổ chức cao hơn. Ngược lại, thể chế hội chúng giữ
lại thẩm quyền trong tay của những thành viên riêng rẽ và những hội thánh địa
phương tự trị.
Trong vòng các giáo phái, các nhóm Trưởng Lão và Cải Cách được tổ chức theo
hướng này. Nhưng rất nhiều hội thánh độc lập, theo đúng Kinh Thánh cũng đi theo
hướng này, ngoại trừ thể chế liên minh của họ bị giới hạn vào hội thánh địa phương và

432
không bao gồm bất kỳ loại tổ chức nào có thẩm quyền trên một nhóm hội thánh. Nói
cách khác, những giáo phái theo thể chế liên minh có các hội đồng trưởng lão địa
phương, hội đồng địa hạt, và các tổng liên hội; còn các hội thánh địa phương theo kiểu
liên minh thì không có.
B. Lập Luận Hậu Thuẫn
1. Quyền lãnh đạo: Rõ ràng là những người lãnh đạo giữ địa vị nổi bật trong bức
tranh quản trị hội thánh Tân Ước. Phải thừa nhận rằng họ dường như giữ địa vị có
trách nhiệm mà không đòi hỏi họ phải khai trình mọi vấn đề cho những thành viên hội
thánh. Trong He 13:17, những thuộc viên được truyền phải phục tùng các lãnh đạo; như
vậy thẩm quyền được giao cho những lãnh đạo, chứ không giao cho thành viên. Đúng
là lãnh đạo không phải là chế độ độc tài. Đó là cấp lãnh đạo, và thuộc viên chịu trách
nhiệm đối với cấp lãnh đạo.
2. Sự bổ nhiệm: Trong một số trường hợp, rõ ràng các lãnh đạo đã được bổ nhiệm
chứ không phải được bầu cử lên. Đây là ý nghĩa hiển nhiên của Cong 14:23 và Tit 1:5. Một
người theo phái hội chúng có thể cho rằng - ít nhất cũng là trong Cong 14:23 - đây là một
cách thức độc nhất vô nhị của riêng các sứ đồ. Có thể hiểu sứ mạng của Tít bổ nhiệm
các lãnh đạo có lẽ cũng đến từ uy quyền của sứ đồ. Nhưng dẫu đúng như vậy đi nữa,
cũng không suy ra sự bầu cử của hội chúng là phương cách của Tân Ước để chọn các
lãnh đạo. Không câu Kinh Thánh cụ thể nào nói điều này, trái lại những câu Kinh
Thánh cụ thể thực sự có chỉ ra sự bổ nhiệm.
3. Kỷ luật: Dù toàn hội chúng dự phần tối hậu trong những vấn đề kỷ luật, nhưng
các lãnh đạo đã nêu những chỉ thị về việc cần phải làm (ICôrinhtô 5; ITi 5:20).
4. Sự phong chức: Những người theo giáo thể liên minh nêu lên rằng “Sự phong
chức” đã được biểu thị bởi sự đặt tay của các trưởng lão (ITi 4:14).
Phái hội chúng cho rằng những trưởng lão chỉ đơn giản hành động thay mặt toàn
thể hội chúng, và thẩm quyền phong chức ở nơi hội chúng.
C. Những Nhận Định
Trên thực tế, rất nhiều hội thánh két hợp cả thể chế hội chúng lẫn liên minh. Quá
thiên về hình thức liên minh thì thường trao quá nhiều thẩm quyền vào một cấu trúc tổ
chức nào đó bên trên các hội thánh địa phương. Nếu những sự lìa bỏ giáo lý xảy đến
trong một hệ phái, lịch sử cho thấy thật khó - nếu không nói là không thể được - cho hội
thánh địa phương yêu cầu cấu trúc bên trên phải chịu trách nhiệm, và nếu hội thánh
địa phương cảm thấy cần phải lìa hệ phái đó thì thường chỉ có thể ra đi với sự mất mát
đáng kể và đôi khi thậm chí mất toàn bộ tài sản của hội thánh.

433
Quá thiên về thể chế hội chúng sẽ không nhận được những lợi ích từ các ân tứ lãnh
đạo. Nó cũng cho phép những tín hữu ấu trĩ và xác thịt có tiếng nói ngang hàng với
những tín hữu khác.
Trong cuộc tranh luận này, có một số điểm thật rõ ràng. Hội thánh và chính quyền
Lamã được tách riêng biệt. Không có một hội thánh theo thể chế quốc gia nào trong thời
Tân Ước. Hội thánh có phẩm trật đã phát triển sau thời của Kinh Thánh. Hội thánh đầu
tiên đã thực sự có một cấu trúc quản trị. Các hội thánh địa phương dầu thông công và
hợp tác với nhau, nhưng không liên kết với nhau về mặt tổ chức. Hội chúng đã dự phần
trong một số vấn đề. Các nhà lãnh đạo đã giữ quyền kiểm soát trong các vấn đề khác.
Hình ảnh của Thánh Kinh Tân Ước có vẻ bao gồm sự kết hợp giữa hình thức quản trị
của hội chúng và liên minh, được giới hạn đến bình diện địa phương.

434
Chương 73: CẤP LÃNH ĐẠO ĐỦ TƯ CÁCH CHO HỘI THÁNH
I. LẼ CẦN CÓ LÃNH ĐẠO
Bất luận sở thích của một cá nhân hoặc của một tổ chức về những tầng lớp lãnh đạo
có là gì đi nữa, không ai có thể phủ nhận cấp lãnh đạo đã được xem là cần thiết trong
các hội thánh Tân Ước. Hãy nhớ lại vài sự kiện. (1) Từ đầu trong sinh hoạt của các hội
thánh, những khoản tiền cứu trợ đã được gởi từ Antiốt đến các trưởng lão trong các hội
thánh miền Giuđê (Cong 11:29). (2) Phaolô đã bổ nhiệm những lãnh đạo hầu như ngay
lập tức trong các hội thánh mới được thành lập trong cuộc hành trình truyền giáo lần
thứ nhất (14:23). (3) Giáo Hội Nghị tại Giêrusalem đã được triệu tập, được hướng dẫn, và
kết luận bởi những lãnh đạo (đoạn 15). (4) Các trưởng lão và chấp sự xuất hiện như
một phần bức tranh sinh hoạt bình thường của nhiều hội thánh khác nhau (20:17; Phi
1:1). (5) Phaolô dường như đã xem các lãnh đạo là cần thiết cho việc hoạt động thích
đáng của các hội thánh (Tit 1:5) (6) Lãnh đạo là một trong những ân tứ thuộc linh (Ro
12:8) hoạt động trong các hội thánh địa phương (He 13:7,17).

II. CÁC TẦNG LỚP LÃNH ĐẠO


Mọi người đều đồng ý rằng đã có ít nhất hai tầng lớp lãnh đạo trong những hội
thánh Tân Ước, là các trưởng lão và chấp sự. Không phải mọi người đều đồng ý ngày
nay cả hai chức vụ trên đều cần thiết. Ví dụ như người ta cho rằng vì Phaolô chỉ nhắc
đến những trưởng lão trong Tít 1 (dầu ông đã viết về cả trưởng lão lẫn chấp sự trong
ITimôthê 3), nên các chấp sự là phương án tùy ý chọn trong tổ chức của hội thánh.
Cũng không phải mọi người đều đồng ý vấn đề có một trưởng lão duy nhất hay nhiều
trưởng lão trong mỗi hội chúng (dù có lẽ tất cả đều đồng tình có nhiều trưởng lão).
Trong hệ thống Báptít hội chúng, một mục sư duy nhất trong hội thánh giữ chức vụ của
trưởng lão, còn trong hệ thống Trưởng Lão - Liên Minh, mục sư giữ vai trò một trong số
nhiều trưởng lão.
Một thắc mắc căn bản hơn: Có một tầng lớp lãnh đạo thứ ba - tức các giám mục -
hay không? Từ ngữ này được dùng một lần cho Đấng Christ (IPhi 2:25); những lần khác
nói đến những con người lãnh đạo của các hội thánh. Dường như rõ ràng là các giám
mục và các trưởng lão quy chiếu đến cùng một nhóm người, vì những lý do sau đây. (1)
Phaolô đã truyền cho Tít bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi một thành phố ở Cơrết, và
rồi ngay tức khắc mô tả họ là những giám mục (Tit 1:5-7). Khi Phaolô gọi những trưởng
lão của hội thánh Êphêsô đến gặp ông tại Milê, ông đã mô tả cương vị của họ là những
người coi sóc (các giám mục) (Cong 20:17,28). Ông cũng đã công nhận một trong những
chức năng của họ là chăn bầy hoặc làm mục sư cho tín hữu (c. 28). (3) Khi Phaolô liệt
kê những phẩm cách cho giám mục và chấp sự (ITi 3:11-13), ông không nhắc đến trưởng
lão (dù từ ITi 5:17, chúng ta biết hội thánh này đã có các trưởng lão), gợi ý mạnh mẽ

435
rằng các giám mục và các trưởng lão quy chiếu đến cùng một nhóm người. (4) Trong
thư Phi 1:1, Phaolô chỉ đề cập đến các giám mục và các chấp sự. Tại sao ông lại bỏ sót
các trưởng lão nếu trên thực tế có ba tầng lớp lãnh đạo?
Có người tuyên bố giám mục là một tầng lớp lãnh đạo riêng biệt thứ ba vì địa vị nổi
bật của Giacơ trên Giáo Hội Nghị tại Giêrusalem (Cong 15), và vì họ nói Timôthê và Tít
đã là các giám mục tương ứng cho những hội thánh tại Êphêsô và Cơrết. Tuy nhiên,
Ignatius (khoảng năm 50 S.C. đến khoảng 115) là người đầu tiên phân biệt giám mục
với các trưởng lão và chấp sự như ba tầng lớp chức viên khác biệt (Ad Smyrna, vii). Sự
cần thiết phải có giám mục có liên hệ với nhu cầu giữ gìn sự hiệp một của hội thánh,
với nhu cầu bảo đảm cho sự nối tiếp đức tin thật của các sứ đồ, và về sau này với nhu
cầu cần người làm kênh dẫn để thi hành chức vụ của ân điển thiên thượng (xem Edwin
Hatch, The Organization of the Early Christian Churches [London: Rivingtons, 1881],
trang 83-112).
Tóm tắt: chứng cứ này cho thấy chỉ có hai tầng lớp chức viên trong hội thánh: giám
mục - trưởng lão (hoặc những trưởng lão coi sóc) và các chấp sự.
III. NHỮNG SỰ PHÂN BIỆT GIỮA CÁC ÂN TỨ VÀ CHỨC VỤ
Thường có sự lẫn lộn giữa các ân tứ Đức Chúa Trời ban cho trong đời sống một Cơ
đốc nhân với các chức vụ mà người đó có thể giữ trong tổ chức của hội thánh. Ví dụ
như mục sư và chức vụ mục sư thường được xem là như nhau thay vì được phân biệt ra
như đáng phải có. Mục sư là một ân tứ thuộc linh, còn chức vụ mục sư (trong giáo hội
học hiện đại của chúng ta) là một chức vụ của người lãnh đạo chính yếu trong hội
thánh (đặc biệt là trong hệ thống hội chúng). Tuy nhiên cần lưu ý một số điểm phân
biệt quan trọng giữa các ân tứ thuộc linh và các chức vụ.
1. Ân tứ so với chức vụ: Một người có thể có một số ân tứ nhất định nhưng không
giữ chức vụ nào trong hội thánh địa phương. Thật ra đây là trường hợp của đại đa số tín
hữu. Họ có những ân tứ (vì mọi tín hữu đều có ân tứ) nhưng không phải là những chức
viên trong hội thánh. Tuy nhiên, những người thực sự giữ các chức vụ cũng nên vận
dụng những ân tứ thuộc linh nhất định. Các trưởng lão dạy dỗ và cai trị, và các chấp sự
nên thực thi ân tứ phục vụ (Ro 12:7). Như vậy người có ân tứ có thể không giữ một chức
vụ nào, nhưng một chức viên cũng phải là người có ân tứ.
2. Nam và nữ. Những ân tứ được ban cho cả nam lẫn nữ. Nhưng các chức vụ chính
yếu trong hội thánh phải do nam đảm nhiệm. Ân tứ duy nhất không ban cho phụ nữ đó
là ân tứ sứ đồ. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho những ân tứ khác cho cả nam lẫn nữ.
Ngay cả ân tứ mục sư cũng có thể được thực thi bởi phụ nữ nếu người ta hiểu đúng đắn
ân tứ này là một khả năng để chăn bầy. Nhưng nói vậy không có nghĩa một phụ nữ có
phép giữ điều ngày nay được gọi là chức vụ mục sư. Những chức vụ chủ yếu trong các

436
hội thánh Tân Ước do nam đảm nhiệm. Điều này hoàn toàn rõ ràng vì cả trưởng lão lẫn
chấp sự đều được đòi hỏi phải là “chồng của một vợ.” Không có phụ nữ nào có thể đáp
ứng điều kiện được phẩm cách đó!
3. Trong và ngoài hội thánh. Các ân tứ thuộc linh có thể được thực hiện trong và
ngoài một hội thánh địa phương. Các chức vụ chỉ liên quan đến hội thánh địa phương.
Ví dụ ân tứ truyền giảng có thể và nên thực thi trong cũng như ngoài hội thánh. Mặt
khác, các trưởng lão và các chấp sự chỉ thực hiện chức năng đối với hội chúng địa
phương của họ mà thôi.
IV. CÁC TRƯỞNG LÃO
A. Số Lượng Trưởng Lão
Đã có tranh luận đáng kể về vấn đề số lượng các trưởng lão mỗi hội thánh ngày xưa
đã có (trong thời Tân Ước) hoặc nên phải có (ngày nay). Những người ủng hộ sự quản
trị của trưởng lão (hệ thống liên minh) nghĩ mỗi hội chúng đã có rất nhiều trưởng lão;
còn phái hội chúng thấy chỉ có một trưởng lão duy nhất (mục sư) trong mỗi hội chúng.
Cả hai đều đồng ý mỗi hội thánh đã có hơn một chấp sự.
Sự kiện hội thánh đầu tiên nhóm họp trong nhà (Ro 16:5; ICo 16:19; Co 4:15) khiến
càng khó có thể giải quyết tranh luận này cách rốt ráo. Rõ ràng hội thánh trong mỗi
thành phố (tức là toàn bộ số các hội thánh trong nhà ở mỗi thành phố) đã có các trưởng
lão (Phi 1:1; Tit 1:5), nhưng không chắc điều này cũng có nghĩa mỗi một hội thánh tại gia
có nhiều hơn một trưởng lão. Nói cách khác, mỗi hội thánh tại gia có lẽ đã có một
trưởng lão duy nhất và người này - cùng với những trưởng lão khác tại các hội thánh
khác - đã hợp thành các trưởng lão của hội thánh trong thành phố đó.
Hơn nữa các bức thư từ Chúa Phục Sinh gởi đến các hội thánh tại Tiểu Á đã được
gởi cho “thiên sứ” của mỗi hội thánh. Nếu điều này liên hệ đến một tạo vật thiên sứ, thì
không thích ứng với vấn đề. Nhưng nếu “thiên sứ” nói đến người lãnh đạo của mỗi một
hội thánh, thì hiển nhiên chỉ có một người, và điều này hậu thuẫn quan điểm mỗi hội
thánh không có nhiều trưởng lão.
Một cuộc lập luận hấp dẫn ủng hộ một trưởng lão độc nhất trong mỗi hội chúng
được tìm thấy trong ITimôthê 3. Khi mô tả những phẩm cách của giám mục, Phaolô mô
tả như vậy cách nhất quán bằng từ ở số ít (các câu từ 1-7), nhưng khi liệt kê những
phẩm cách cho chấp sự thì ông chuyển sang số nhiều (các câu từ 8-13). Phải chăng
điều này cho thấy rằng đã chỉ có một trưởng lão duy nhất và có nhiều chấp sự trong
mỗi một hội thánh?
Hoặc có lẽ mỗi hội thánh có ít nhất một trưởng lão và thường có nhiều hơn là một.
“Trưởng lão cai trị” (ITi 5:17) chính là người nhờ vị trí nổi bật của mình mà làm trưởng

437
lão của hội thánh này (dù hội thánh đó có thể cũng đã có các trưởng lão khác nữa). Một
số người thậm chí còn không xem xét đến ý này nữa vì sợ nó dường như hỗ trợ khái
niệm một giám mục độc nhất cai trị trên các trưởng lão. Tuy nhiên, chính sự kiện đấy
chính là điều đã phát triển trong các thế kỷ tiếp sau có lẽ nói lên rằng đã có một trưởng
lão cai trị trong mỗi hội chúng ở thế kỷ thứ nhất.
B. Chức Vụ Của Trưởng Lão
Nếu trưởng lão và giám mục nói đến đến cùng một người, thì chức vụ chủ yếu của
trưởng lão gồm coi sóc (giám thị) công việc của hội thánh trong mọi phương diện.
Không phải các trưởng lão chỉ chịu trách nhiệm duy nhất cho phúc lợi thuộc linh của
hội thánh còn các chấp sự chăm sóc những vấn đề thuộc về tài chính, như đôi lúc đã có
người nghĩ như vậy. Các trưởng lão giám sát mọi mặt của công tác này. Lưu ý là của
quyên góp giúp cơn đói kém trong hội thánh đầu tiên đã được gởi đến cho các trưởng
lão ở tại Giêrusalem phân phát (Cong 11:30). Như vậy biểu đồ tổ chức căn bản dành cho
một hội thánh không phải là như sau:
CÁC TRƯỞNG LÃO
(Thuộc linh)
CÁC CHẤP SỰ
(Thuộc tài chánh)
Mà là như sau:
CÁC TRƯỞNG LÃO
(Mọi phương diện)
CÁC CHẤP SỰ
(Mọi điều nào được các trưởng lão ủy thác cho)
1. Việc giám sát tổng quát bao gồm cai trị. Điều này có nghĩa chủ tọa (ITi 5:17) và
lãnh đạo (He 13:17), không phải như lãnh chúa và như độc tài, nhưng dầu vậy vẫn có sự
kiểm soát và thẩm quyền (IPhi 5:3; He 13:17). Ví dụ như một chức viên chủ tọa thậm chí
không có đến một lá phiếu, ngoại trừ là trong trường hợp có đồng số phiếu, nhưng ông
thực sự có quyền kiểm soát (trên chương trình nghị sự, độ dài thời gian thảo luận,
người cần được công nhận, cần được tri ân, v.v...). Điều đáng ao ước là phương diện này
của chức vụ trưởng lão sẽ bao gồm cả ân tứ thuộc linh về sự quản trị (ICo 12:28) - một
chữ khác được dùng ở đây, mang ý căn bản của việc lái tàu, như trong Cong 27:11). Như
vậy, một trưởng lão lãnh đạo, hướng dẫn, cai trị, lèo lái bầy nhỏ của mình, đưa đường
cho bầy đi cách khéo léo qua các đợt sóng lừa lọc của thế gian này.

438
2. Việc giám sát tổng quát cũng bao gồm bảo vệ chân lý (Tit 1:9). Điều này có nghĩa
vừa tuyên bố và giải thích về giáo lý cách tích cực vừa bảo vệ bênh vực giáo lý trước sự
dạy dỗ sai lạc. Đây là lý do các trưởng lão phải có tài dạy dỗ (ITi 3:2). Đương nhiên chưa
ai từng được chọn làm người trưởng lão trừ phi người đó biết rõ các giáo lý của đức tin
chúng ta và có khả năng để giải nghĩa và bảo vệ chúng một cách chính xác.
C. Những Phẩm Cách Của Trưởng Lão
1. Đối với phẩm tính cá nhân. Có hai phân đoạn có liệt kê những phẩm cách dành
cho các trưởng lão là ITi 3:1-7 và Tit 1:5-9, đại đa số liên quan đến phẩm tính cá nhân của
trưởng lão. ITi 3:2-4 và Tit 1:7 liệt kê mười ba mục:
a. Một trưởng lão phải không chỗ trách được. Tức là ông có đức tánh mà không ai có
thể kiện cáo buộc tội được.
b. Ông phải là chồng của chỉ một vợ. Phải chăng câu này có nghĩa là phải kết hôn?
Những người nói không phải thì nói rằng nếu Phaolô hàm ý trưởng lão phải kết hôn thì
ông sẽ phải viết “chồng của vợ.” Mặt khác, những người cho rằng trưởng lão phải kết
hôn thì quan sát thấy trưởng lão luôn được mô tả không những có một vợ mà còn có
con cái nữa.
Hơn nữa mọi phẩm cách này đều bắt đầu bằng từ ngữ “phải.” Về phần Phaolô thì
sao? Có nhiều nhận xét thích hợp: Ông chưa từng được gọi là trưởng lão; rõ ràng ông
không có vợ (hoặc ông chưa từng két hôn, hoặc ông đã góa vợ) khi ông viết ICo 7:8; và
thật khó chứng minh ông đã kết hôn dựa trên cơ sở là ông đã là một thành viên trong
Tòa Công Luận, vì Cong 26:10 không nhất thiết nói đến tư cách thành viên và không biết
chắc hôn nhân có phải là quy định cho thành viên trước năm 70 S.C. không.
Có phải điều này có nghĩa trưởng lão không được tục huyền sau khi ly dị? Có người
nói nếu ly dị có lý do chính đáng thì được phép tục huyền, và như vậy một trưởng lão ly
dị rồi tục huyền sẽ được phép phục vụ. Nói cách khác, “là chồng chỉ một vợ” có nghĩa
có mỗi lần chỉ một vợ duy nhất (A. T. Robertson nói (nhưng không giải thích rõ hay nêu
bằng chứng) đây chính là ý nghĩa “rõ ràng,” Word Pictures in the New Testament [N.Y.:
Harper. 1931], 4:573). Tuy nhiên, cũng chính cụm từ này được đảo ngược chính xác
(“Vợ của chỉ một người nam”) xuất hiện trong ITi 5:9 (Bản Việt Ngữ: “vốn chỉ có một
chồng mà thôi”), nơi đó nó loại trừ người đàn bà góa ghi tên vào sổ mà trước đó đã có
người chồng thứ hai. (Trong câu này Robertson kết luận không nhất quán rằng “Các
góa phụ trong danh sách này không được kết hôn lần thứ hai,” Word Pictures, 4:585).
Kết luận rằng một người nam tục huyền sau khi ly dị thì không thể làm trưởng lão
không nhất thiết cũng có nghĩa người đã ly dị mà không tục huyền không được phép
phục vụ. Điều đó liên quan vấn đề liệu người này có không chỗ trách được về việc ly dị
ấy hay không. Rõ ràng đây không phải là cấm đoán tội cưới hai vợ hoặc đa thê, vì người

439
Hylạp và Lamã không có thông lệ này. Họ có nhiều phụ nữ trong đời sống, nhưng chỉ có
một vợ duy nhất. Đây là một vấn đề có phải Phaolô đang cấm việc tái hôn (kết hôn hai
lần cách hợp pháp). Cá nhân tôi xem chứng cớ này là việc cấm một trưởng lão tái hôn.
Phải chăng cụm từ này có nghĩa người góa vợ mà tục huyền thì không thể làm
trưởng lão? Phaolô đã cho thực sự phép (ICo 8:39-41) và khích lệ (ITi 5:14) việc tái giá của
các góa phụ (và chắc cho các ông góa vợ nữa). Tuy nhiên, có người kết luận dầu vậy
những ông góa vợ không thể làm trưởng lão được. Có lẽ đây là vấn đề kỷ luật gắt gao
hơn cho trưởng lão để làm gương cho nhiều người khác. (Alan G. Nute. A New
Testament Commentary [Grand Rapids, Zondervan, 1969], trang 510).
c. Ông phải tiết độ. Nguyên văn chữ này là không uống rượu.
d. Ông phải có tài trí xứng đáng; có nghĩa là biết phán đoán khôn ngoan.
e. Ông phải có cách cư xử xứng đáng (đến từ chữ kosmos).
f. Ông phải là người hiếu khách.
g. Ông phải có khả năng và sẵn sàng dạy dỗ (để có thể hướng dẫn người khác và
bác bỏ những ngụy lý (Tit 1:9).
h. Ông không được nghiện rượu.
i. Ông không được hung bạo hoặc hung tàn.
j. Ông phải là người nhẫn nại, không cứ khăng khăng đòi quyền lợi chính đáng của
mình.
k. Ông không được có tính hay tranh chấp.
l. Ông phải là người không tham tiền bạc. Điều này đương nhiên bao gồm việc lạm
dụng địa vị để mưu lợi riêng.
m. Ông không được kiêu ngạo (c.7).
2. Đối với cuộc sống gia đình. Phạm vi nhỏ bé hơn nhưng thân mật của gia đình
chính là nơi thử nghiệm khả năng lãnh đạo hội thánh của một trưởng lão. Vì cớ đó, ông
phải (chữ “phải” trong ITi 3:2 cũng vẫn chi phối cho điều kiện đòi hỏi này nữa) cai trị
(nguyên văn là chủ tọa) tốt gia đình mình sao cho con cái ông đều sự vâng phục đáng
mến. Con cái của ông có bắt buộc phải là người được tái sanh không? Những chữ trong
Tit 1:6 “phải tin Chúa” có lẽ nói lên điều đó, hoặc có nghĩa chúng phải trung tín đối với
gia đình, dù vậy không nhất thiết phải được tái sanh. Phẩm chất này thừa nhận rằng
trưởng lão không những có vợ mà còn có con cái đến tuổi đủ để bày tỏ sự tình nguyện
trung thành với gia đình. Dĩ nhiên chính từ ngữ “trưởng lão” nói lên người lớn tuổi.

440
3. Đối với sự trưởng thành thuộc linh. Trưởng lão không thể là một người mới tin,
kẻo họ được tôn cao lên trong đám mây lừa dối, và sự kiêu ngạo đó khiến người sa ngã,
cũng như Satan đã bị sa ngã như vậy.
4. Đối với nếp sống cộng đồng. Lời chứng về ông trong cộng đồng cũng phải tốt đẹp
nữa.
Hiển nhiên có lẽ một người không thể bày tỏ mọi đức tính này suốt cả cuộc đời tự
nhiên của mình, vì có lẽ được biến cải từ một bối cảnh khó khăn. Nhưng chắc chắn
phải bày tỏ được những phẩm chất này khi ông phục vụ trong cương vị trưởng lão. Con
người ông thế nào trước khi được cứu không nhất thiết giới hạn tư cách để làm trưởng
lão của ông, với một ngoại lệ khả dĩ. Theo cách giải nghĩa “chồng của chỉ một vợ” có
nghĩa lập gia đình chỉ một lần thôi, thì dĩ nhiên đây không phải là tình trạng có thể
được thay đổi bởi sự hoán cải. Như vậy theo cách giải thích này, nếu người đã kết hôn
hai lần hoặc trước khi hoặc sau khi được cứu, ông sẽ không đáp ứng được những đòi
hỏi để làm trưởng lão.
D. Sự Chọn Lựa Trưởng Lão
1. Những trưởng lão được chọn như thế nào? Từ ngữ “trưởng lão” đã được dùng
trong dân Ysơraên và trong các quốc gia khác để chỉ về những lãnh đạo. Nhà hội Do
thái có những trưởng lão chịu trách nhiệm quản trị cộng đồng người Do thái. Giáo Hội
Nghị tại Giêrusalem dường như kế tục khái niệm các trưởng lão từ nhà hội. Khi đã
thành lập các hội thánh mới, các sứ đồ chỉ định các trưởng lão (Cong 14:23; Tit 1:5).
Thánh Kinh không nói từ đó trở về sau các trưởng lão được chọn lựa bằng cách nào.
Ngày nay, cách chọn trưởng lão sẽ được quyết định bởi thể loại quản trị hội thánh của
hội chúng ấy. Trong giáo thể có phẩm trật, trưởng lão sẽ được bổ nhiệm. Theo giáo thể
liên minh, rất có thể họ sẽ được chọn bởi những trưởng lão đương nhiệm. Trong thể loại
hội chúng, họ sẽ được hội chúng bầu cử. Nhiều hội thánh dùng một phương thức tổng
hợp; tức là những trưởng lão đề cử và hội chúng bầu cử hoặc phê chuẩn.
2. Họ sẽ phục vụ bao lâu? Một lần nữa Tân Ước im lặng về vấn đề này. Đương
nhiên, trưởng lão đừng nên tiếp tục phục vụ nếu đã trở nên không đủ phẩm cách vì lý
do nào đó.
3. Họ có cần được phong chức không? Các sứ đồ đã đặt tay trên những người giúp
đỡ đầu tiên đã được chọn trong Cong 6:6. Hội thánh đã đặt tay trên Phaolô và Banaba khi
sai phái những người này lên đường truyền giáo lần thứ nhất ( 13:3). Các trưởng lão
cũng đặt tay trên Timôthê (ITi 4:14). Tít đã bổ nhiệm những trưởng lão tại Cơrết (Tit 1:5).
Phaolô cảnh cáo việc đặt tay cách vội vàng (ITi 5:22). Nếu đây là một kiểu phong chức,
nó cho thấy việc công khai công nhận, xác chứng ơn kêu gọi và khả năng, và sự gắn bó
công khai của hội chúng với chức vụ của một người hoặc nhiều người được tấn phong.

441
Đặt tay dường như là biểu tượng mắt có thể thấy được về sự “phong chức.” Lễ nghi đó
bắt nguồn từ Cựu Ước, trong đó có ý niệm về (a) biệt riêng ra cho chức vụ (Dânsốký
27:23) (b) chúc phước (Sa 48:14), (c) dâng hiến cho Đức Chúa Trời (Le 1:4), và (4) chuyển
giao và dự phần trong hành động (c.4, động từ này có nghĩa là tựa lên trên).
Lễ phong chức trong Tân Ước không phải là bổ nhiệm vào một chức vụ, mà là công
nhận sự phê chuẩn và ủng hộ. Cũng để ý rằng đã có một mối liên hệ cứ tiếp diễn giữa
người đặt tay và người được đặt tay (ITi 5:22). Đó là lý do đừng nên đặt tay cách vội
vàng. Nếu được thực hành ngày nay, việc này không bắt buộc phải giới hạn cho “các
mục sư” thôi. Những trưởng lão có thể được phong chức, cả các chấp sự cũng vậy, và
ngay cả những nhà truyền giáo, theo như gương mẫu của Tân Ước.
V. CÁC CHẤP SỰ
A. Số Lượng Chấp Sự
Không có bất đồng ý kiến về số lượng chấp sự trong một hội chúng. Đã có nhiều
chấp sự. Lần nói rõ ràng đầu tiên đến nhóm chức viên chấp sự chính thức là trong Phi
1:1, nơi nhóm này thuộc số nhiều (như số các giám mục hoặc các trưởng lão, như vậy
không cần chứng minh có nhiều chấp sự trong mỗi hội chúng, chẳng khác nào đã có
nhiều trưởng lão trong mỗi hội chúng vậy). ITi 3:8-13 cũng vậy. Tại đây, nhiều chấp sự
đã được liên kết với một trưởng lão duy nhất, cho thấy bằng chứng mạnh mẽ hơn rằng
có nhiều chấp sự trong mỗi hội thánh.
B. Chức Vụ Của Chấp Sự
Từ ngữ này có nghĩa là phục vụ và được dùng thường xuyên nhất theo nghĩa không
chính thức, cả trước lẫn sau khi chức vụ của chấp sự trở thành rõ ràng trong Kinh
Thánh Tân Ước (Co 1:7; ITi 4:6). “Làm chấp sự” là phục vụ nói chung, cả chính thức lẫn
không chính thức. Tân Ước không nói rõ những chấp sự chính thức làm cụ thể việc gì.
Có người dùng Cong 6 như dấu hiệu cho thấy các chấp sự nên dự phần phân phát của
bố thí. Nhưng hoàn toàn không rõ bảy người được chọn lúc đó trên thực tế có đúng là
những chấp sự chính thức hay không. Có lẽ sẽ chính xác hơn nếu gọi họ là những
người giúp đỡ đầu tiên không thuộc hàng các sứ đồ. Sự kiện các chấp sự không được
nói hai lời và vợ của họ không nói xấu (ITi 3:8,11) có lẽ cho thấy họ có kiểu chức vụ tư
vấn riêng tư từng người một cho những cá nhân trong hội chúng, khiến càng đặc biệt
cần họ đừng tiết lộ tâm sự kín đáo được biết trong khi tư vấn.
Trong các tác phẩm Hylạp, “chấp sự” mô tả người bồi bàn, một sứ giả, người quản
lý, và một tên đầy tớ. Những cách dùng từ này có lẽ củng cố khái niệm cho rằng những
chấp sự chính thức trong hội thánh đã làm bất kỳ loại công việc phục vụ nào mà trưởng
lão đã ủy thác cho họ.

442
C. Các Phẩm Chất Của Chấp Sự (ITi 3:8-10,12-13)
1. Về phẩm chất cá nhân (c.8). Các chấp sự phải (a) nghiêm trang, đáng tôn quí,
đứng đắn, (b) không được nói hai lời (nói một điều cho người này rồi nói điều khác cho
người khác), (c) là những người không chú ý hoặc quan tâm đến rượu, và (d) là những
người không tham lam.
2. Về giáo lý (c.9). Các chấp sự nên giữ vững phần tập hợp chân lý Cơ đốc khách
quan (“đạo”) bằng một lương tâm trong sạch, có nghĩa là bằng đời sống nhất quán với
những điều họ tin.
3. Về mặt thuộc linh (c.10). Các chấp sự đã phải chịu thử thách và được phê chuẩn
và không chỗ trách được.
4. Về gia đình (c.12). Tương tự như trưởng lão, chấp sự là chồng của chỉ một vợ mà
thôi, gia đình của người ấy cũng phải được khéo cai trị.
D. Sự Chọn Lựa Các Chấp Sự
Kinh Thánh không nói rõ ràng dứt khoát về việc chọn các chấp sự hoặc nhiệm kỳ
chức vụ của họ. Hội chúng đã dự phần rất nhiều vào việc chọn những người giúp đỡ
trong Cong 6.
VI. CÁC NỮ CHẤP SỰ
A. Một Chức Vụ Hay Một Sự Phục Vụ
Hai phân đoạn có liên quan đến vấn đề này là Ro 16:1-2, trong câu này Phêbê được
gọi là “chấp sự” (nguyên văn) và “người giúp đỡ” của hội thánh tại Xencơrê; và ITi 3:11,
nơi mà chữ gunaikas có lẽ liên hệ đến một nhóm riêng biệt gồm phụ nữ lãnh đạo, hoặc
đơn giản nói đến những người vợ của các chấp sự. Chắc chắn phụ nữ đã thực thi một sự
phục vụ nào đó trong hội thánh đầu tiên, nhưng không rõ một số người trong nhóm của
họ có được xem là giữ chức nữ chấp sự hay không.
Để ủng hộ đây là chức vụ, có những nhận định sau đây. (1) “Người giúp đỡ” trong
Ro 16:2 được dùng bên ngoài Kinh Thánh Tân Ước chỉ về một chức viên trong một hiệp
hội tôn giáo. Tuy nhiên điều này chỉ đúng cho hình thức giống đực, chứ không đúng
cho hình thức giống cái, là hình thức được dùng trong câu 2. (2) ITi 3:11 chữ “cũng” giới
thiệu những người phụ nữ y như cách đã giới thiệu các chấp sự trong c.8, chắc chỉ ra
thấy một chức vụ riêng biệt cho những phụ nữ này.
Phản đối việc xem đây là chức vụ nữ chấp sự có những nhận định sau đây (1) Thực
sự có một từ Hyvăn chỉ về nữ chấp sự, nhưng chữ này không dùng trong Tân Ước. (2)
Dầu Phêbê được gọi là “người giúp đỡ” và dầu danh hiệu này được dùng chỉ về người có
chức vụ, không có gương mẫu nào được biết về cách dùng của nó và có liên hệ đến một

443
người phụ nữ (trừ phi Phêbê là trường hợp ngoại lệ). (3) Nếu câu 11 giới thiệu về một
chức vụ mới (chức các nữ chấp sự), thì tại sao Phaolô đã không chấm dứt việc liệt kê
những phẩm cách cho các chấp sự trước khi giới thiệu điều đó? Thay vào đó, ông tiếp
tục dùng loạt các phẩm cách dành cho chấp sự trong c. 12-13. Điều này có thể cho thấy
ông đang nói đến những người vợ của các chấp sự trong c.11 hơn là nói đến một chức
vụ riêng biệt trong hội thánh. Một số người theo phái tự do - cảm nhận được sức mạnh
của ý này - biện luận rằng c.11 là nằm trật thứ tự trong khúc Kinh Thánh này và đáng
phải đi sau c.13
Vào năm 12 S.C. Pliny, tổng đốc Lamã ở xứ Bithynia viết cho Trajan và đề cập đến
hai ministrae nữ Cơđốc nhân. Nhưng không rõ đây có phải là những nữ chấp sự chính
thức hay không, đặc biệt vì chưa nữ chấp sự nào được nhắc đến bằng từ ngữ cụ thể này
trong bất cứ văn phẩm nào cho đến tác phẩm nhan đề Didascalia thuộc thế kỷ thứ ba.
Tại đây các nữ chấp sự xuất hiện như một đẳng cấp được công nhận và vững lập rồi
gồm những người giúp đỡ, mà họ hoặc là những nữ đồng trinh hoặc những góa phụ đã
có lần kết hôn. (Để có thêm tài liệu bổ sung, xem Charles Ryrie, The Role of Women in
the Church (Chicago: Moody, 1979, trang 85-91,102-3,131-6).
B. Các Phẩm Cách Của Nữ Chấp Sự
Danh sách duy nhất của Kinh Thánh về các phẩm cách sẽ ở trong câu 11 nếu câu
này thật sự nói đến những nữ chấp sự. Một danh sách liệt kê ở ngoài Kinh Thánh xuất
hiện trong tác phẩm Didascalia, trong tác phẩm này, họ phải là những nữ đồng trinh
hoặc là các góa phụ đã từng kết hôn, chung thủy trung tín và đáng quí trọng.
C. Chức Vụ Của Nữ Chấp Sự
Tác phẩm Didascalia liệt kê những bổn phận của họ như phụ giúp trong lễ báptêm
cho phụ nữ, viếng thăm người đau, chăm sóc giúp đỡ cho những người túng thiếu và
những người đang đang hồi sức sau khi bệnh (Chương 16, III, 12).
VII. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC ỦY THÁC QUẢN LÝ TÀI SẢN
Đương nhiên, những người được ủy thác tài sản là quy luật tất yếu không có trong
Kinh Thánh nhưng thuộc cùng thời này (và không trái với Kinh Thánh) ở trong một số
xã hội. Họ giữ tài sản nhơn danh tập thể để tránh những phức tạp của pháp lý khi một
người nào đó qua đời. Nếu tài sản được sở hữu theo tên của cá nhân, thì tài sản đó sẽ
không thuộc về nhóm người này, nhưng phần tài sản của cá nhân đó sẽ chuyển sang
cho những người thừa kế của cá nhân đó (mà có thể họ không tin Chúa) khi cá nhân
này qua đời. Có những người được ủy thác quản lý tài sản sẽ tránh được những phức
tạp như thế.

444
Chương 74: CÁC THÁNH LỄ CHO HỘI THÁNH
I. KHÁI NIỆM THÁNH LỄ
Lễ Báptêm và Lễ Tiệc Thánh thường được xem là những thánh lễ ngày nay, dù vậy
một số nhóm thích gọi là những bí tích. Từ ngữ “bí tích” có nghĩa là làm thành ra
thiêng liêng, để dâng hiến cho một vị thần hoặc để dùng vào công việc thiêng liêng. Từ
ngữ Latin này được dùng trong bản Vulgate để dịch từ ngữ Hylạp mustçrion, đem lại ý
niệm về điều gì đó huyền nhiệm hoặc thần kỳ. Như vậy các nhóm nào thích gọi những
nghi lễ này của hội thánh là bí tích thì thường liên hệ những nghi lễ này với quyền
năng huyền nhiệm nào đó hoặc với việc thực sự truyền đạt ân điển. Giáo Hội Nghị
Trent định nghĩa một bí tích là “một điều gì đó được trình diện cho giác quan, có quyền
năng, bởi sự thiết lập thiên thượng, không những để biểu thị, mà còn để truyền đạt ân
điển cách hiệu quả nữa.”
Ngược lại, “thánh lễ” (mặc dù là từ đồng nghĩa với bí tích trong từ điển) không đồng
nhất với ý niệm truyền thụ ân điển mà chỉ mang ý niệm về một biểu tượng. Như vậy
bản thân thánh lễ không có quyền năng cố hữu để thay đổi những người tuân giữ nó,
dù vậy Đức Chúa Trời có thể dùng thánh lễ đó chăm sóc cho họ.
II. SỐ LƯỢNG CÁC THÁNH LỄ
Nhiều người (như Thiessen) giới hạn các thánh lễ vào những nghi lễ được thiết lập
bởi Đấng Christ để được cử hành trong hội thánh. Theo loại định nghĩa này, lễ Báptêm
và Tiệc Thánh rõ ràng là những thánh lễ, dù vậy việc rửa chân cũng có thể là thánh lễ.
Nếu hiểu về thánh lễ cách rộng hơn (tuy nhiên vẫn trong phạm vi những giới hạn
được Đức Chúa Trời thiết lập và có liên hệ đến hội thánh), thì nghi lễ Hôn Phối và nghi
lễ Cầu nguyện cho người đau trong Giacơ 5 cũng có thể được xem là các thánh lễ. Lễ
Hôn Phối đã được Đức Chúa Trời thiết lập và làm biểu tượng cho mối liên hệ quan trọng
giữa Đấng Christ và hội thánh; và cầu nguyện cho người đau có liên quan đến hội
thánh thông qua những trưởng lão của hội thánh. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý lễ
Báptêm và lễ Tiệc Thánh xứng đáng là những thánh lễ của hội thánh.
III. THÁNH LỄ BÁPTÊM
A. Tầm Quan Trọng Của Lễ Báptêm
Tầm quan trọng của lễ Báptêm được nhấn mạnh bởi những nhận định sau đây.
1. Đấng Christ đã chịu Báptêm (Mat 3:16). Dù ý nghĩa lễ Báptêm của Ngài chịu là
hoàn toàn khác biệt với tầm quan trọng phép Báptêm cho các Cơ đốc nhân, tuy nhiên
vẫn có một phương diện trong đó chúng ta noi gương Chúa khi chúng ta chịu Báptêm.
Thật vậy, chúng ta không bao giờ có thể bắt chước trọn vẹn Đấng vô tội; tuy nhiên

445
chúng ta phải noi theo những bước chân Ngài, và Lễ Báptêm là một trong những bước
chân đó (IPhi 2:21).
2. Chúa đã phê chuẩn cho môn đồ Ngài làm Báptêm (Gi 4:1-2).
3. Đấng Christ đã truyền cho mọi người trong thời đại này phải chịu Báptêm (Mat
28:19). Rõ ràng mạng lệnh này không những dành cho các sứ đồ đang nghe mạng lệnh,
mà còn dành cho những kẻ theo Ngài suốt cả thời đại này, vì Ngài đã hứa Ngài hiện
diện cho đến tận thế.
4. Hội thánh đầu tiên đã dành cho phép Báptêm một vị trí quan trọng (Cong 2:38,41;
8:12-13,36,38; 9:18; 10:47-48; 16:15,33; 18:8; 19:5). Hội thánh đầu tiên chưa từng biết đến tín
hữu chưa chịu Báptêm.
5. Kinh Thánh Tân Ước dùng thánh lễ này để minh họa hoặc làm biểu tượng những
chân lý thần học quan trọng (Ro 6:1-10; Ga 3:27; IPhi 3:21).
6. Trước giả thư Hêbơrơ gọi Báptêm là một lẽ thật nền tảng (6:1-2). Giáo lý này
không phải là phương án tùy chọn hoặc kém quan trọng hơn các giáo lý về sự ăn năn,
sự sống lại hoặc sự đoán xét.
B. Ý Nghĩa Của Lễ Báptêm
Theo Thánh Kinh, Báptêm được liên hiệp với sự tha tội (Cong 2:38; 22:16), cùng hiệp
nhất với Đấng Christ (Ro 6:1-10), đào tạo môn đồ (Mat 28:19), và sự ăn năn (Cong 2:38). Nói
vậy không có nghĩa kết luận rằng phép Báptêm bằng nước đem lại sự tha tội, v.v...,
nhưng có nghĩa phép báptêm liên kết chặt chẽ với những điều nào bắt đầu đời sống Cơ
đốc.
Theo ý nghĩa thần học, có thể định nghĩa lễ Báptêm như là một hành động của sự
liên hiệp hoặc đồng nhất hóa với một người nào đó, một nhóm nào đó, một sứ điệp nào
đó hoặc một sự kiện nào đó. Phép Báptêm gia nhập vào những tôn giáo huyền bí của
Hylạp đã hội hiệp những người mới thụ giáo này với tôn giáo đó. Phép Báptêm cho
những người cải đạo Do thái giáo kết hiệp người cải đạo với Do thái giáo. Phép Báptêm
của Giăng BápTít kết hợp những người đi theo ông với sứ điệp của ông về sự công
chính (ông không kêu gọi họ gia nhập nhóm nào). (Nhân đây cũng cần biết Giăng
dường như là người đầu tiên từng làm Báptêm cho những người khác - thường thường
phép Báptêm được tự cử hành). Đối với Giacơ và Giăng, chịu Báptêm với phép Báptêm
của Đấng Christ có nghĩa được kết hiệp với sự chịu khổ của Ngài ( Mac 10:38-39). Được
Báptêm bằng Đức Thánh Linh liên hiệp một người với thân thể Đấng Christ ( ICo 12:13)
và với đời sống mới trong Christ (Ro 6:1-10). Chịu Báptêm vào Môise bao gồm sự đồng
nhất với sự lãnh đạo của ông trong việc đem dân Ysơraên ra khỏi Ai cập ( ICo 10:2). Chịu
Báptêm cho người chết có nghĩa là được đồng nhất hóa với nhóm Cơ đốc nhân và mang

446
lấy địa vị của một tín hữu đã chết (15:29). Phép Báptêm của Cơ đốc nhân có nghĩa là
đồng nhất hóa với sứ điệp Phúc Âm, với thân vị của Cứu Chúa, với và nhóm tín hữu.
Một số phép Báptêm vừa liệt kê không liên quan đến nước. Cũng hãy quan sát xem
chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao nếu không hiểu biết đúng đắn và thỏa đáng về ý nghĩa
và những hệ quả của phép Báptêm.
C. Những Đối Tượng Chịu Lễ Báptêm
Vấn đề là: chỉ có những tín hữu nên chịu Báptêm hay trẻ sơ sinh (con của những
tín hữu) cũng nên chịu BápTêm? Những lập luận hậu thuẫn phép Báptêm của trẻ sơ
sinh gồm có những điều sau:
1. Lập luận về phép cắt bì. Co 2:11-12 rõ ràng liên kết phép cắt bì với phép Báptêm.
Vì trẻ sơ sinh chịu phép cắt bì dưới Giao Ước Cũ, chúng cũng nên được làm Báptêm
dưới Giao Ước Mới. Lập luận này dựa trên khái niệm của thần học giao ước về một giao
ước đơn nhất của ân điển có đòi hỏi nghi lễ kết nạp vào giao ước đó, và nghi lễ này là
chịu phép cắt bì trong Cựu Ước và phép Báptêm trong Tân Ước. Những nghi lễ này nói
lên tư cách thành viên trong giao ước, chứ không nhất thiết cho thấy đức tin cá nhân.
(Xem James Buswell. A Systematic Theology of the Christian Religion (Grand Rapids:
Zondervan, 1962,2:262).
2. Lập luận lịch sử. Từ những thời ban đầu, hội thánh đã làm phép Báptêm cho trẻ
con; vì thế đây là điều được phép làm. Các giáo phụ đã hậu thuẫn việc làm Báptêm cho
trẻ con, thường liên hệ phép báptem với phép cắt bì, nhưng sự kiện hội thánh đầu tiên
đã thi hành hoặc đã tin điều gì đó thì bản thân sự kiện ấy không khiến cho nó đúng.
Một số người trong hội thánh đầu tiên đã dạy sự tái sanh bởi phép Báptêm, nhưng sự
dạy dỗ ấy là tà giáo.
3. Lập luận về người nhà. Những thành viên trong gia đình đã chịu Báptêm trong
thời Tân Ước. Rất có thể ít nhất cũng có một số hài nhi đã được bao gồm trong một số
người trong nhà (Cong 11:14; 16:15,31,33; 18:8; ICo 1:16). Có người còn dẫn trích dẫn lời
hứa dành cho những người nhà ở ICo 7:14 như là không những cho phép mà còn bắt
buộc có làm Báptêm cho trẻ con của gia đình mà trong đó chỉ có cha mẹ tin Chúa mà
thôi.
Quan điểm phản đối phép Báptêm cho trẻ con, và vì vậy ủng hộ phép Báptêm của
các tín hữu, nêu lên (a) thứ tự theo Thánh Kinh là luôn luôn tin rồi mới chịu Báptêm
(Mat 3:2-6; 28:19; Cong 2:37-38; 16:14-15,34); (b) phép Báptêm là nghi lễ kết nạp để gia nhập
vào cộng đồng của những kẻ tin, là hội thánh; vì cớ đó chỉ nên cử hành cho những
người tin. Ngược lại, phép cắt bì đã kết nạp người ta (kể cả các em bé) bước vào một chế
độ thần quyền mà thực sự đã có những kẻ không tin trong đó. (c) Tuổi của đứa trẻ
không hề được nhắc đến trong bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào đề cập đến phép

447
Báptêm cho những người nhà. Nhưng Kinh Thánh có nói rằng mọi người chịu Báptêm
trong những người nhà đó đều đã tin. Vậy thì điều này sẽ loại trừ việc tính trẻ sơ sinh
trong số những người chịu Báptêm. (d) Nếu ICo 7:14 cho phép hoặc đòi hỏi việc Báptêm
cho trẻ con trong một gia đình nơi mà cũng có một người cha hoặc mẹ tin Chúa, thì nó
cũng sẽ cho phép hoặc đòi hỏi phép Báptêm cho người phối ngẫu trưởng thành chưa tin
nữa.
D. Làm Báptêm Lại
Chỉ có một ví dụ cụ thể duy nhất về những người chịu Báptêm lại lần thứ hai ( Cong
19:1-5). Mười hai người này đã chịu Báptêm bởi Giăng Báp Tít, và họ đã chịu Phaolô làm
báptêm lại sau khi họ tin sứ điệp của Đấng Christ. Điều này cung cấp thêm một ví dụ
để tư vấn cho những người nào ngày nay đã chịu Báptêm khi còn là những đứa trẻ sơ
sinh - hay là những thiếu niên, người lớn - chưa tin nhận Chúa, và rồi khi những người
đó đến với đức tin trong Đấng Christ. Đây cũng là lập luận phản đối việc làm Báptêm
cho con trẻ, vì cớ sao phải làm Báptêm cho trẻ sơ sinh nếu như về sau phải chịu
Báptêm lại sau sau khi đứa trẻ đó tiếp nhận Chúa Jesus cách cá nhân?
E. Thời Điểm Chịu Báptêm
Các ví dụ trong Tân Ước nêu rõ những tín hữu đã chịu Báptêm ngay sau khi họ tin.
Không thấy nói đến thời gian thử thách, dầu vậy những thời gian như thế có thể được
xem là lý do xác đáng để thử thách khẳng định tính chân thật của đức tin.
F. Phương Thức Báptêm
1. Lý lẽ tán thành việc rảy nước. (1) Một số nghi lễ tẩy uế trong thời Cựu Ước bao
gồm việc rảy (Xu 24:6-7; Le 14:7; Dânsốký 19:4,8), và những nghi lễ này đã được phân loại
là “các phép báptêm” trong He 9:10. (2) Sự rảy nước minh họa rõ nhất sự tẩy sạch của
Đức Thánh Linh như trong Exe 36:25. (3) Baptizo có thể có một ý nghĩa thứ hai là “đem
xuống dưới một ảnh hưởng” và việc rảy có thể sẵn sàng minh họa điều này. (4) Sự dìm
mình xuống đã là không chắc có, hoặc không thể làm được trong một số trường hợp
(Cong 2:41 có quá nhiều người; 8:38, có quá ít nước tại một nơi trong sa mạc; 16:33; quá ít
nước trong một căn nhà). (5) Đại đa số hội thánh hữu hình đều làm báptêm không dìm
xuống nước.
2. Lý lẽ tán thành việc đổ nước (hoặc xối nước). (1) Đổ nước miêu tả tốt nhất chức
vụ của Đức Thánh Linh hiện xuống và đi vào đời sống của một tín hữu (Gio 2:28-29; Cong
2:17-18). (2) Những cụm từ “vào trong nước” và “ra khỏi nước” có thể được dịch hoàn
toàn tương đương là “đến với nước” và “đi xa khỏi nước.” Nói cách khác, người chịu
báptêm đến với nước, có lẽ thậm chí vào cả trong nước, nhưng không ở dưới nước. (3)
Những hình vẽ ở trong các hầm mộ cho thấy người chịu Báptêm đứng ngập nước đến

448
thắt lưng trong khi người làm Báptêm đổ nước từ chiếc bình trong tay ông lên lên đầu
người chịu báptêm.
3. Lý lẽ tán thành việc nhận chìm trong nước. (1) Sự nhận chìm là điều chắc chắn
mang đầy đủ ý nghĩa của từ baptizo. Ngôn ngữ Hylạp có những chữ dành cho việc rảy
nước và đổ nước mà chúng chưa từng được dùng chỉ về phép báptêm. (2) Việc dìm
trong nước minh họa tốt nhất ý nghĩa của lễ Báptêm, tức là chết về đời sống cũ và phục
sinh vào đời sống mới (Ro 6:1-4). (3) Sự nhận chìm có thể đã được thực hiện trong mọi
trường hợp. Đã có những hồ chứa đủ nước trong thành Giêrusalem để cho phép dìm
mình ba ngàn người mới tin trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Con đường đến Gaxa đã là con
đường vắng vẻ nhưng không phải là không có nước. Những ngôi nhà thường có những
hồ nước ngoài trời, để gia đình của người đề lao tại Philíp chẳng hạn đã có thể được dìm
mình trong đó. (4) Phép Báptêm cho những người cải đạo đã được thực hiện bằng cách
tự dìm mình vào trong một bồn nước. Phương thức này lẽ tự nhiên sẽ được chuyển sang
hội thánh Đấng Christ. (5) Đổ nước, chứ không phải rảy nước, đã là ngoại lệ đầu tiên
của việc dìm mình và đã được phép thực hiện trong những trường hợp bệnh tật. Việc
này được gọi là “phép Báptêm bên giường bệnh.” Cyprian (vào khoảng 248-258 S.C.) là
người đầu tiên chấp thuận kiểu rảy nước này. Ngay cả những người không theo hình
thức dìm mình trong nước cũng công nhận việc dìm mình là cách cử hành phổ thông
của hội thánh thời các sứ đồ. (Xem Calvin, Institutes, 4:15:19).
Nhận xét: Theo tôi, những người muốn biện minh cho phương thức rảy nước dường
như đã suy nghĩ theo cách này. Nếu có thể chứng minh bất cứ hình thức không dìm
mình xuống nước nào (như kiểu đổ nước chẳng hạn) đã được cử hành từ sớm thì bạn có
thể hợp pháp thực hành cách rưới nước, dù hiển nhiên cách ấy đã không được thực
hành trong hội thánh thời các sứ đồ. Nói cách khác, nếu đổ nước có thể là một lỗ rò
trong con đê của phương thức dìm mình phổ thông, thì rảy nước cũng có thể tràn vào
đó. Tuy nhiên, cho dù như thế đi nữa, bằng chứng này chỉ nói lên cách đổ nước (nếu có
được thực thi) đã được xem là một với cách dìm xuống nước, nhưng rảy nước đã không
được xem là có hiệu lực như phép Báptêm.
G. Cách Dìm Ba Lần
Dìm mình ba lần là phương cách dìm những ứng viên chịu Báptêm ba lần (thường
là tới phía trước) để làm biểu tượng sự liên hiệp với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tác phẩm
Didache nói nếu không thực hiện được việc dìm mình thì có thể đổ nước ba lần trên
đầu (chương 7). Lưu ý rằng tác phẩm có từ sớm này không nói dìm mình ba lần, chỉ nói
đổ nước ba lần mà thôi. Những người đề xướng việc dìm mình ba lần nói rằng có một số
từ điển nói rằng baptizo có nghĩa là nhúng chìm vào nước liên tục (nhưng một số thì
không nói vậy). Chứng cứ bênh vực quan điểm này không mạnh mẽ.

449
IV. TIỆC THÁNH
A. Sự Thành Lập
Dường như Chúa đã thiết lập Tiệc Thánh có liên quan đến việc ăn Lễ Vượt Qua
trước khi Ngài chịu hình trên thập tự giá, dù vậy điều này gây ra nan đề về thứ tự thời
gian. Thừa nhận sự đóng đinh trên thập tự vào ngày Thứ Sáu, Phúc Âm Giăng dường
như nói lễ Vượt Qua vẫn chưa được cử hành cho tới sau khi Chúa Jesus chết và chịu
chôn (18:28; 19:24). Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng những người Galilê và/hoặc
người Pharisi cử hành lễ Vượt Qua vào tối thứ Năm, còn những người Giuđê và / hoặc
người Sađusê lại giữ lễ này buổi tối Thứ Sáu (thì quá khứ chưa hoàn thành “giết chiên
con” có lẽ cho thấy các thầy tế lễ đã dâng sinh tế cả hai ngày).
B. Thứ Tự Của Lễ Tiệc Thánh
Một mình thánh lễ này (không có bữa ăn) đã bao gồm việc Đấng Christ lấy bánh
không men, dâng lời tạ ơn, phân phát cho các môn đệ, và cũng làm như vậy với chén.
Trong những thế kỷ đầu, buổi lễ mở rộng hơn bao gồm bữa tiệc yêu thương, có
nhiều lời cầu nguyện khác nhau để cảm tạ và xưng tội, đọc và dạy lời Thánh Kinh, rồi
đến chính Tiệc Thánh, quyên góp cho các cô nhi, góa phụ, người đau và người túng
thiếu, và một cái hôn thánh. (Xem Didache, 7-15 Justin Martyr, Apology, C. lxvii, và c.
lxv.)
Phần trích dẫn thứ nhất trên đây từ Justin Martyr nói rằng rượu nho được pha với
nước. Thánh Kinh thực sự không dùng từ ngữ “rượu” đối với bữa Tiệc Thánh này, chỉ
nói “chén” hoặc “trái nho.” Dĩ nhiên đây là nước lấy từ trái nho, nhưng không nói đã
lên men hay chưa. Nước nho chưa lên men được dùng trong thời Đấng Christ nhiều hơn
mức người ta tưởng. Tuy nhiên, nếu nước này đã được lên men chút ít thì dường như nó
được pha với nước cho loãng. Vì những người nghiện rượu đã tin Chúa hoặc thậm chí
để ngăn chặn ai muốn bắt đầu uống rượu, nước nho chưa lên men được ưa chuộng hơn
khi xét tới nan đề nghiện rượu toàn cầu của thời nay.
C. Những Ý Nghĩa Của Tiệc Thánh
1. Đây là sự tưởng nhớ Đấng Christ (ICo 11:24). Tiệc Thánh gợi nhớ đời sống của
Đấng Christ (bánh), sự chết của Ngài (chén), sự phục sinh và hiện diện hằng sống của
Ngài (chính buổi lễ).
2. Đây là việc loan báo sự chết của Ngài (ICo 11:26). Chính buổi lễ nói lên sứ điệp
Phúc Âm cũng như những tuyên bố của Phúc Âm đòi hỏi trên những người đã được
chuộc. Một giáo sĩ mà tôi quen biết đã được hướng dẫn đến phục vụ trong lãnh vực
truyền giáo đang khi ông - là mục sư cử hành Tiệc Thánh tại hội thánh của ông - suy
gẫm về ý nghĩa của Lễ Tiệc Thánh trong lúc các chấp sự đang phân phát Tiệc Thánh.

450
3. Đó là sự bảo đảm về sự tái lâm của Đấng Christ (Mat 26:29; ICo 11:26).
4. Đó là thời gian thông công với Đấng Christ và dân sự của Ngài (ICo 10:21).
Đấng Christ hiện diện trong Tiệc Thánh theo ý nghĩa nào? Giáo Hội Công Giáo
Lamã dạy rằng thân và huyết thật của Đấng Christ hiện diện trong bánh và chén, và tại
lúc cung hiến, những nguyên tố bánh và chén đã thực sự biến đổi (Biến thể thuyết -
transubstantiation). Giáo hội Lutheran dạy rằng mỗi cá nhân dự phần thân và huyết
thật của Đấng Christ trong, với và dưới những nguyên tố bánh và chén. Những nguyên
tố này vẫn không thay đổi, nhưng lời cầu nguyện cung hiến truyền thông Đấng Christ
đến với những người dự phần (đồng thể thuyết - consubstantiation). Quan điểm Cải
Cách (Calvin) dạy rằng dầu những yếu tố đó chỉ là những biểu tượng, việc ăn bánh
uống chén bao gồm cả việc dự phần Đấng Christ trong sự hiện diện cứu chuộc của
Ngài. Tuy nhiên, Zwingli dạy rằng tiệc thánh chỉ là một sự tưởng nhớ. Đó là sự tưởng
nhớ, nhưng cũng là một buổi lễ trong đó sự hiện diện của Đấng Christ trong dân sự
Ngài đem lại kết quả là một sự hiệp thông thật sự.
B. Những Sự Đòi Hỏi Của Tiệc Thánh
1. Tái sinh. Chỉ có tín hữu mới có thể kinh nghiệm được Sự Hiệp Thông.
2. Tình thông công với một hội thánh địa phương. Các tín hữu không ăn năn đang
chịu kỷ luật đã không được dự Tiệc Thánh (ICo 5:11-13; IITe 3:6,11-15).
3. Tra xét dọn mình thanh sạch trước khi dự (ICo 11:27-32).
E. Tần Số Dự Tiệc Thánh
Thánh Kinh không nói cụ thể điều này. Sau Lễ Ngũ Tuần, các tín hữu bẻ bánh từ
nhà này sang nhà khác, nhưng câu này không chứng minh họ giữ lễ Tiệc Thánh mỗi
ngày (Cong 2:46). Thứ nhất, không thấy rõ “bẻ bánh” trong câu này nói một điều nào
khác hơn việc cùng dự bữa thông công cùng nhau. Thứ nhì, bản văn thậm chí không
hàm ý những điều đã được làm ở đây là được làm hàng ngày tại mỗi nhà. Tại Trôách,
các tín hữu hiển nhiên đã đưa Tiệc Thánh vào buổi nhóm ngày đầu tuần của họ (20:7).
Bất luận hội thánh cử hành thánh lễ thường xuyên đến mức nào đi nữa, thì cũng nên
dành đủ thời gian, để thánh lễ này không bị “đính tạm”vào buổi nhóm.
F. Một Vài Thắc Mắc
1. Nên cử hành Lễ Tiệc Thánh vào buổi nhóm nào của hội thánh? Gương mẫu của
hội thánh đầu tiên trả lời là Chúa Nhật. Nhưng vì là một Bữa Ăn Tối, nên dường như
thích hợp để cử hành trong một buổi nhóm tối Chúa Nhật, ít nhất cũng là đôi khi.
2. Có nên chỉ cử hành trong hội thánh thôi? Điều này dường như là khuôn mẫu bình
thường (ICo 11:18-20).

451
3. Có nên chỉ để thuộc viên hội thánh dự Tiệc Thánh? Một lần nữa, đây dường như
là gương mẫu của Tân Ước, vì chỉ những tín hữu chịu Báptêm rồi mới được liên hiệp rõ
ràng với một hội chúng địa phương. Những khách thăm có nên bị loại trừ nếu họ là
những tín hữu không? Không nhất thiết như vậy. Theo như phép lịch sự họ có thể dự
phần. Nhưng vì cớ công tác kỷ luật của hội thánh địa phương và mối thông công bên
trong hội thánh địa phương có liên hệ đến Tiệc Thánh, nên thường là chỉ những ai liên
hiệp rõ ràng với hội thánh địa phương đó mới nên dự Lễ Tiệc Thánh của nhóm người
đó.
V. BỮA TIỆC YÊU THƯƠNG
Như là một phần của buổi lễ được mở rộng có bao gồm Tiệc Thánh, cũng có một bữa
ăn đầy đủ cũng được ăn trong hội thánh và bởi hội thánh. Bữa tiệc yêu thương này được
nhắc đến cụ thể trong IIPhi 2:13 (trong một vài thủ bản); Giuđe 12; và được hàm ý trong
ICo 11:20 (và có lẽ cũng trong Cong 2:42,46; 6:1).

Bất luận nguồn gốc bữa ăn này đến từ đâu (những bữa tiệc tùng của dân ngoại,
những bữa ăn thông thường của người Do thái; ước muốn của Cơ đốc nhân muốn tránh
thịt cúng thần tượng, v.v...), bữa tiệc này rơi vào chỗ bị lạm dụng trong thời điểm
Phaolô viết ICôrinhtô. Có người dùng đó làm cớ để tham ăn, lấy cho riêng mình càng
nhiều càng tốt, và không chịu chia sẻ phần mình mang theo cho người khác. Phaolô
dạy hội thánh phải để cho tín hữu ăn ở tại nhà hơn là phủ nhận những ý tưởng về sự
thông công và tình yêu mà agape đại diện cho. Trong thế kỷ thứ tư, tiệc yêu thương
ngày càng không được tán thành, và ngày nay hiếm khi thấy thực hiện. Sự kiện Phaolô
đã có thể khuyên đình chỉ nó trong hội thánh đã loại trừ nó khỏi thánh lễ.
VI. LỄ RỬA CHÂN
Theo phong tục phổ thông của phương đông, do ảnh hưởng của những con đường
đầy bụi hoặc bùn đất trên những đôi chân mang giày xăngđan, trong buổi Tiệc Thánh
Chúa đã rửa và lau chân cho các môn đồ (Gi 13:1-20). Hành động này nhằm làm tấm
gương khiêm nhường và hạ mình (c.15), làm lời khuyên bảo hãy tha thứ nhau (c.14), và
bài học về nhu cầu tẩy sạch trong nếp sống Cơđốc (c.10). Lễ Báptêm làm biểu tượng sự
tẩy uế của sự tha tội, lễ rửa chân làm biểu tượng cho sự tẩy uế cần thiết cho mối thông
công.
Những người tập trung vào sự tẩy sạch thì tìm lý do để tiếp tục giữ điều này như
một thánh lễ ngày nay. Những người nhấn mạnh tấm gương tha thứ thì không cảm
thấy cần phải thực hiện nghi lễ này nhưng đúng hơn cần thực hành những chân lý
thuộc linh được minh họa qua lễ nghi này. Đúng là lời khuyên noi gương Đấng Christ
trong các câu 14 và 15 liên hệ đến sự tha thứ nhau trong tinh thần khiêm nhường, hơn

452
là Đức Chúa Trời tha thứ những bước lỗi lầm của chúng ta trong cuộc sống. Vậy thì
điều này sẽ đưa ra lập luận phản đối việc xem sự rửa chân là thánh lễ.

453
Chương 75: SỰ THỜ PHƯỢNG CỦA HỘI THÁNH
I. Ý NGHĨA CỦA THỜ PHƯỢNG
A. Những Từ Ngữ Liên Quan
1. Proskuneơ. Từ ngữ chính yếu chỉ về sự thờ phượng này được kết nối với ý nói
đến việc hôn (như hôn đất để tôn vinh những vị thần của đất); rồi tiến đến chỗ ngụ ý
việc tự phủ phục để tôn kính. Điều này cho thấy người thờ phượng đã kể đối tượng là
xứng đáng nhận mọi điều mình đang dâng lên. Ngay cả từ ngữ tiếng Anh “worship”
(chính là hình thức rút gọn của chữ “worthship”) có nghĩa là quy giá trị xứng đáng cho
đối tượng được tôn thờ. Chúa chúng ta đã dùng từ ngữ này trong tuyên bố kinh điển
của Ngài về vấn đề thờ phượng trong Gi 4:24. Liên quan với hội thánh, từ ngữ này chỉ
xuất hiện trong ICo 14:25, và nơi đây chữ này nói đến sự thờ phượng của một người chưa
tin nhưng bước vào trong hội chúng. Có lẽ đã tránh dùng từ này mô tả sự thờ phượng
của hội thánh đầu tiên bởi vì sự liên kết của nó với những lễ nghi ngoại giáo, và vì ý
niệm sự thờ phượng proskuneơ đó đã được thực hiện trong hiện diện nhìn thấy được
của đối tượng được thờ phượng. Có lẽ vì vậy mà hầu hết những lần xuất hiện chữ này
đều ở trong các sách Phúc Âm và Khải Huyền (liên quan với cả sự thờ phượng thật và
giả nhưng trong hiện diện của một đối tượng mà mắt ta thấy được). Tuy nhiên, ý niệm
về sự tự phủ phục để tôn kính đối tượng được thờ phượng vẫn cứ là phương diện hợp
pháp của sự thờ phượng Cơđốc.
2. Latreuơ. Từ ngữ hết sức ý nghĩa này truyền đạt ý sự thờ phượng là sự phục vụ
trong tư cách Thầy Tế Lễ. Toàn bộ đời sống của tín hữu cần phải là cuộc đời thờ phượng
phục vụ (Ro 12:1); cầu nguyện phản ánh lối thờ phượng này (Cong 13:2; Ro 1:10); Từ ngữ
này xuất hiện rất nhiều lần liên quan đến sự dâng hiến ban cho (15:27; IICo 9:12); và rồi
đến chức vụ tổng quát của Phúc Âm là sự thờ phượng - phục vụ (Ro 15:16; Phi 3:3). Có lẽ
lý do từ ngữ này được dùng cho sự thờ phượng của tín hữu hơn là từ ngữ trước chỉ vì
Đấng Christ ngày nay là Đấng vô hình, mắt ta không thấy được, cho nên sự thờ phượng
của chúng ta phải được bày tỏ trong sự phục vụ.
B. Khái Niệm
Như vậy sự thờ phượng của hội thánh bao gồm cả sự phục vụ Chúa cách cá nhân,
tập thể, ở nơi công cộng lẫn nơi riêng tư, và phát xuất từ sự tôn kính và đầu phục Ngài
là Đấng hoàn toàn xứng đáng.
II. ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG (Gi 4:24)
Chúa chúng ta đã bày tỏ hai điều căn bản liên quan đến sự thờ phượng thật khi
Ngài tuyên bố sự thờ phượng đó phải được ở trong tâm thần và lẽ thật. Trong “tâm
thần” bao hàm ba điều về trung tâm thờ phượng này. (1) Sự thờ phượng có thể và phải

454
diễn ra ở bất cứ nơi nào và mọi nơi vì Thánh Linh không bị giới hạn vào một địa điểm
hoặc thời điểm nào. (2) Thờ phượng đến từ tâm linh con người (He 4:12). Nó không chỉ là
lễ nghi bề ngoài. (3) Sự thờ phượng thật là một kinh nghiệm giữa một thân vị đối với
một Thân Vị, lấy tâm linh chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng đã được khải thị
qua Chúa Jesus luôn mọi lúc và khắp mọi nơi.
Trong “lẽ thật” có nghĩa là đặc điểm của sự thờ phượng thật là thành thật và không
có sự giả vờ. Đức Chúa Trời ghét sự thờ phượng không thành thật (Es 1:10-17; Ma 1:7-14;
Mat 15:8-9). Sự thờ phượng giả dối chính là điều không phù hợp với Lời đã khải thị của
Đức Chúa Trời. Vì cớ đó, thờ phượng trong lẽ thật đòi hỏi phải sự hiểu biết ngày càng
thêm lên về Lời Chúa, và hiểu biết Lời Chúa cũng sẽ tăng cường sự nhận thức quí trọng
của chúng ta đối với giá trị của Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng.
III. NỘI DUNG SỰ THỜ PHƯỢNG TẬP THỂ
Thật ra Tân Ước nói rất ít về hình thức và nội dung của sự thờ phượng trong hội
thánh địa phương. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu trong Cong 2:20; ICôrinhtô 12-14, và
nhiều phân đoạn rải rác khác nữa.
A. Lời Chúa
Từ ban đầu hội thánh đã đặt giáo lý ở hàng quan trọng ưu tiên (Cong 2:42). Giáo lý
vừa được dùng vừa để gây dựng tín hữu (c. 42; 11:26; ICo 14:26; IITe 2:5, nơi đây Phaolô
dạy lai thế học cho tân tín hữu; IITi 4:2) vừa để truyền giáo Cong 4:2; 13:5; 17:2, đem Phúc
Âm đến những người chưa tin Chúa bên ngoài hội thánh; ICo 14:23-24, khi người chưa
tin đến trong buổi thờ phượng của hội thánh). Mọi thư tín đều bày tỏ một loại dạy dỗ
chắc hẳn đã rất quen thuộc trong các hội thánh và những thư tín này bao gồm mọi khía
cạnh của việc dạy giáo lý kèm với áp dụng.
Bên trong hội chúng, phương thức giảng và dạy có vẻ rất uyển chuyển. Rõ ràng là
bất cứ nam tín hữu nào cũng có thể phát biểu nếu điều đó được thực hiện một cách
thức thứ tự và nếu sứ điệp của người đó vượt qua được thử nghiệm của chân lý (các câu
26-33). Phụ nữ bị hạn chế tại nơi công cộng và trong những nhóm có cả hai giới, dù
những người phụ nữ lớn tuổi hơn đã được ủy thác dạy dỗ những phụ nữ trẻ tuổi (c. 34;
ITi 2:12; Tit 2:3-5).

B. Cầu Nguyện
Cầu nguyện đã được thực hành bởi cá nhân lẫn tập thể (Cong 4:24; 6:4; 10:9; 12:5; 13:3;
ITi 2:1-8). Theo phân đoạn cuối cùng, những người đàn ông hướng dẫn buổi cầu nguyện
công cộng trong hội thánh (vì từ ngữ trong c.8 là những người nam). Phụ nữ có được
cầu nguyện trong buổi cầu nguyện công cộng hay không còn tùy thuộc lối giải thích

455
của mỗi người về ICo 11:5. Phaolô có lẽ cho phép nếp thực hành như vậy, hoặc có lẽ ông
chỉ đang công nhận nó đã diễn ra tại Côrinhtô mà không chấp thuận cho điều đó.
C. Ca Hát
Tân Ước khích lệ sự ca hát nơi riêng tư cũng như trong cộng đồng như một khía
cạnh của sự thờ phượng. Khi vui mừng, người đó nên ca hát (Gia 5:13). Phaolô và Sila đã
hát những bài thánh ca ngợi khen trong ngục tù (Cong 16:25). Ca hát cũng là một phần
của sự thờ phượng tập thể (ICo 14:16, có thể đây là bài đơn ca; Co 3:16). Dù nêu lên
những khác biệt giữa các Thithiên (ca vịnh), thánh ca (thơ thánh) và bài hát thiêng
liêng, nhưng không thể phân biệt cách khắt khe được. Thithiên có lẽ nói đến những
Thithiên trong Cựu Ước, dù vậy có lẽ kèm thêm phần bổ sung của Cơ đốc nhân. Thánh
ca có lẽ là những bài ca ngợi Đức Chúa Trời (tuy nhiên cũng có thể dùng cả những
Thithiên nữa, Cong 16:25). Bài hát thiêng liêng có thể gồm phạm vi các chủ đề rộng hơn.
Âm nhạc là phần quan trọng trong sự thờ phượng của nhiều hội thánh ngày nay.
Nhiều đoạn Tân Ước có lẽ chứa đựng nhiều phần thánh ca mà hội thánh đầu tiên đã
dùng (Eph 5:14; ITi 3:16). Nhiều bài ca chúc tụng cũng nhấn mạnh khía cạnh quan trọng
này của sự thờ phượng (Ro 9:5; 11:33-36; 16:27; Phi 4:20; ITi 6:16; IITi 4:18).
Không phải không có khả năng một số câu Kinh Thánh này phản ảnh những tuyên
ngôn tín điều để đọc lên mà không kèm nhạc khí phụ họa. ITi 3:16 được xem như ví dụ
rõ nhất. Các phần khác có thể gồm (ICo 12:3; 15:3-5; 16:22). Những cái nhìn thoáng qua
này gợi ý rằng đọc thuộc lòng một giao ước của hội thánh (ngày nay không thực hiện
nhiều như trước) có thể rất thích hợp và hữu ích.
Chúng ta có thể góp nhặt những nguyên tắc nào cho việc sử dụng âm nhạc trong
hội thánh ngày nay không? Nên khích lệ việc ca hát trên nhiều bình diện: bởi những cá
nhân trong nơi riêng tư; cùng nhau như một nhóm người trong hội thánh; những bài
đơn ca trong hội thánh; hát có nhạc cụ hoặc không có nhạc cụ. Những ví dụ trong Tân
Ước - kể cả những bài ca chúc tụng - đã ngợi khen đặc tánh của Đức Chúa Trời và
những công việc của Ngài bằng thứ ngôn ngữ phong phú chứ không buồn tẻ và lập đi
lập lại. Tân Ước không có lời chỉ dẫn nào về những hình thức nhạc cụ đặc biệt đã được
sử dụng.
D. Dâng Hiến
Tân Ước nói nhiều về sự dâng hiến hơn về bất cứ khía cạnh riêng nào của nếp sống
hội thánh. Ban cho người khác chính là bằng chứng rõ ràng về tình yêu của một người
đối với Đức Chúa Trời (Gia 2:15-17; IGi 3:17-18), phải phát sinh từ một đời sống trước hết
đã được dâng cho Chúa (IICo 8:5), và phải được thực hiện cách tình nguyện (các câu 11-
12; 9:7), hào phóng ngay cả trong sự nghèo khó (c.12), làm cách vui mừng ( 9:7), và tùy
theo mức độ thịnh vượng Chúa đã ban cho từng cá nhân (ICo 16:2). Đối với mặc khải
456
trong Tân Ước, dâng hiến là lãnh vực chính yếu, trong đó có nỗ lực hợp tác giữa một số
hội thánh (Cong 11:27-30; IICôrinhtô 8-9).
E. Mối Thông Công
Hội Thánh đầu tiên đã tiếp tục mối thông công (Cong 2:42). Điều này nói lên họ liên
hệ thân mật với mọi người. Sự thân mật này cốt tại sự trung thành với giáo lý chung,
lòng sẵn sàng chia sớt của cải vật chất, kinh nghiệm Hiệp Thông trong Tiệc Thánh, và
chia sẻ những lời cầu nguyện.
Nói cách khác, mọi lãnh vực của sự thờ phượng lập thành mối thông công. Đây
không phải một thực thể biệt lập tự tồn tại. Đây là nếp sống đạo thờ phượng tập thể.
Dựa vào minh họa trong ICôrinhtô 12, có thể gọi đây là sự sống của thân thể. Nhưng
dựa trên minh họa trong Êphêsô 2, có lẽ còn gọi là sự sống của người nhà. Dù tên gọi
nào đi nữa, mục tiêu vẫn là tăng cường sức khang kiện, sức mạnh, sự cam kết, và số
lượng người của thân thể hoặc của người nhà này (Eph 4:12-17).
IV. NGÀY DÀNH CHO SỰ THỜ PHƯỢNG CHUNG
Hội Thánh thời Tân Ước dùng ngày Chúa Nhật làm ngày thờ phượng chung của họ.
Họ đã biệt riêng ngày này dầu đây không phải là ngày nghỉ hàng tuần mà mọi người
được rảnh rỗi. Chắc chắn nhiều nô lệ Cơ đốc mỗi ngày đều phải đi làm cả ngày; thế
nhưng họ vẫn dành thì giờ để thờ phượng chung.
A. Nguồn Gốc Ngày Chúa Nhật
Dù các tác giả hiện đại vẫn luôn nỗ lực nhấn mạnh mối liên kết giữa ngày Chúa
Nhật và ngày Sabát, nhưng hội thánh đầu tiên và các giáo phụ hội thánh không nhấn
mạnh điều ấy. Họ thực sự nhìn thấy giá trị luân lý khi áp dụng Mười Điều Răn, nhưng
ngoại trừ Điều răn thứ tư về ngày Sabát. Hãy để ý sự vắng mặt nan đề ngày Sabát -
Ngày Của Chúa trong Cong 15:29, và lời dạy rõ ràng của Tân Ước về sự kết thúc của luật
pháp Môise, kể cả Mười Điều Răn (ngoại trừ chín trong số đó, tức là toàn bộ ngoại trừ
điều răn về ngày Sabát, đều được nhắc lại trong các thư tín, IICo 3:7-11; Co 2:16). Có lẽ ý
niệm một ngày cụ thể để thờ phượng còn kết nối với ngày Sabát, nhưng ngày đặc thù
này không có liên quan gì với ngày Sabát.
Khái niệm Ngày của Chúa cũng không phát xuất từ niên lịch. Dù người Do Thái giữ
chu kỳ 7 ngày (dựa theo tuần lễ Sáng Tạo), lối chia thời gian theo tuần lễ vẫn chưa có
trong thế giới Hy La mãi đến sau khi vững lập hội thánh trong thế kỷ thứ nhất. Đến thế
kỷ thứ 3, cách sắp xếp theo tuần lễ đã lan rộng, vì lịch của người Lamã vẫn lộn xộn cho
tới thời Constantine. Trước thời điểm đó đã có cả tuần lễ chợ bốn và tuần chợ tám ngày.
Cách tính tuần bảy ngày xuất phát từ việc kết hợp mặt trời, mặt trăng, và năm hành
tinh khác đã được biết đến trong thời đó. Thậm chí muộn đến tận thời Cách Mạng Pháp

457
vào thập niên 1800, người ta vẫn còn nỗ lực để có ba tuần lễ mỗi tháng, mỗi tuần mười
ngày, và cứ mỗi mười ngày thì có một ngày nghỉ cộng thêm với năm ngày lễ mỗi năm
để thành 365 ngày trong một năm.
Lối giải thích duy nhất cho lý do hội thánh đầu tiên lập một ngày mới để thờ
phượng không có liên quan gì đến ngày Sabát và lịch hiện hành ấy là: ngày Chúa Nhật
là ngày phục sinh của Chúa. Ngài không những sống lại vào ngày Chúa Nhật, mà sáu
lần hiện ra sau Phục Sinh cũng vào ngày Chúa Nhật, và ngày Lễ Ngũ Tuần khi thân thể
Đấng Christ đã được hình thành cũng rơi vào ngày Chúa Nhật. Ngày này hầu như luôn
luôn được gọi là ngày thứ nhất trong tuần lễ (Mat 28:1; Mac 16:2,9; Lu 24:1; Gi 20:1,19; Cong
20:7; ICo 16:2). Trong Kh 1:10, ngày này được gọi là Ngày của Chúa, một từ ngữ tương tự
như Tiệc Thánh của Chúa (ICo 11:20), và được tín hữu dùng để phản kháng và phân biệt
với Ngày của hoàng đế Augustus. Vì vậy Ngày của Chúa là ngày thứ nhất trong tuần lễ,
ngày phục sinh của Ngài, và là ngày được các tín hữu dùng để tôn vinh biến cố trọng
đại nhất ấy trong lịch sử.
B. TÍNH ĐẶC TRƯNG CỦA NGÀY CHÚA NHẬT
Rõ ràng hội thánh đầu tiên đã làm ngày này trở nên đặc trưng, vì dầu đến dự những
buổi nhóm của nhà hội trong ngày Sabát, họ đến đó để truyền giảng. Lúc để gặp những
tín hữu khác chính là ngày Chúa Nhật. Ro 14:5 không có ý bảo rằng Cơ đốc nhân đã
không phân biệt ngày đầu tiên để thờ phượng. Hơn nữa, Phaolô đang khuyên họ đừng
để thành phần Do thái trong hội thánh ép buộc họ phải giữ lễ hoặc kiêng ăn trong một
số ngày nhất định.
C. Những Hoạt Động Trong Ngày Của Chúa
1. Tưởng nhớ và vui mừng chúc tụng sự phục sinh của Đấng Christ.
2. Hiệp lại với nhau để thờ phượng chung (He 10:25; ICo 3:16).
3. Kết toán về việc dâng hiến của anh em (ICo 16:2).
4. Cử hành Tiệc Thánh (Cong 20:7).
D. Sự Bỏ Qua Ngày Của Chúa Trong Thời Nay
1. Lý do: Tại các quốc gia đi theo bối cảnh Cơ đốc giáo, ngày Chúa Nhật dân sự cùng
với tình trạng nghỉ một phần những sinh hoạt thường lệ đã trở nên đầy dẫy những sinh
hoạt khác (những trò vui, môn thi đấu đặc biệt, những cơ hội để mua sắm, v.v...). Tín
hữu cũng nhiễm những lối sử dụng Ngày Của Chúa như người ngoài đời. Nhiều hội
thánh cũng bỏ mất nhiều dịp để lấy những thì giờ có sẵn trong ngày Chúa Nhật dùng
riêng cho những sinh hoạt của họ. Kết quả có lẽ ngày Chúa Nhật sẽ nhanh chóng trở
nên giống những ngày khác trong tuần, cũng đòi hỏi những giờ làm việc bình thường

458
nữa, và rồi các tín hữu sẽ quay về với thế kỷ thứ nhất cố tìm buổi sáng sớm hoặc buổi
chiều tối thật muộn để thờ phượng.
2. Những kết qua. Bỏ qua Ngày của Chúa tức là xem thường Ngài, làm cùn nhụt lời
chứng về sự phục sinh của Ngài, và trượt mất những lợi ích của chức vụ và sự bảo vệ
của sự thờ phượng tập thể.

459
Chương 76: NHỮNG CHỨC VỤ KHÁC CỦA HỘI THÁNH
Ngoài những chức vụ về sự thờ phượng, Tân Ước cũng nêu những gương mẫu và
mạng lệnh về những chức vụ khác. Thờ phượng chủ yếu hướng đến đối tượng được thờ
phượng, là Đấng Christ, Đầu của hội thánh; nhưng thờ phượng còn ảnh hưởng trên
những thành viên của hội thánh và vươn đến tận những người chưa kết ước với Chúa.
I. CHỨC VỤ KỶ LUẬT
Mục tiêu của Đấng Christ cho hội thánh là thánh hóa và trình diện hội thánh trước
mặt Ngài không lỗi không vết (Eph 5:26-27). Mọi hoạt động của một hội thánh cũng
nhắm vào mục đích này, kể cả kỷ luật, vì kỷ luật cũng nhằm đem lại bản tánh thánh
khiết trong người chịu kỷ luật.
A. Những Mục Tiêu Của Kỷ Luật
Thánh Kinh chu cấp ít nhất bốn lý do cần phải kỷ luật. (1) Để loại bỏ những ảnh
hưởng ô uế và biến chất do tội lỗi đem lại (ICo 5:6-8). (2) Để bảo vệ tín hữu khác khỏi
phạm tội và thách thức họ đến chỗ thánh khiết (Ga 6:1; ITi 5:20). (3) Để đem lại sự lành
mạnh cho đức tin (Tit 1:13). (4) Để cải tạo và phục hồi anh em phạm lỗi (IICo 2:5-11).
B. Những Thái Độ Khi Kỷ Luật
Những người dự phần tiến trình kỷ luật phải có các thái độ sau đây: (a) nhu mì (Ga
6:1); (b) lập trường không thỏa hiệp trước tội lỗi (Tit 1:13); (c) yêu thương (IITe 3:9-15); (d)
tinh thần tha thứ đối với sự ăn năn (IICo 2:5-11).
C. NHỮNG NGUYÊN TẮC KỶ LUẬT
Ba nguyên tắc chính để kỷ luật là (a) không thiên vị (ITi 5:21), (b) đừng vội vàng,
nhưng bằng những bước có cân nhắc và thận trọng (Mat 18:15-20) và (c) nhằm mục tiêu
sửa sai và cuối cùng phục hồi (IICo 2:6-8).
D. NGƯỜI CHỊU KỶ LUẬT
Thánh Kinh đề cập bảy hạng người (một vài hạng này bị trùng lắp) cần chịu sửa
phạt.
1. Trưởng lão bị kết tội (ITi 5:19-20). Trong trường hợp một trưởng lão phạm tội miệt
mài, cần có hai ba nhân chứng, và phải quở trách công khai để giúp người khác sợ
phạm tội.
2. Anh em phạm tội (Mat 18:15-20). Các bước gồm quở trách riêng (không nói rõ quở
trách thường xuyên đến mức nào), có nhiều người dự phần (một lần nữa, cũng không
nêu rõ thường xuyên đến mức nào), và rồi tỏ ra trước cả hội thánh nếu người đó vẫn

460
không ăn năn. Lúc ấy hội thánh phải đoạn giao cả mặt thuộc linh và mặt xã hội với
người đó.
3. Anh em tình cờ phạm lỗi (Ga 6:1). Câu này nói đến người bị vấp vào tội lỗi trong
lúc mất cảnh giác, chứ không phải tội cố ý. Họ cần sự giúp đỡ của người trưởng thành
để điều chỉnh lại đời sống và khiến nó hữu dụng trở lại (chữ “phục hồi” cũng được
dùng trong Mat 4:21, với nghĩa “vá lại”; Eph 4:12, “gây dựng”; và trong ITe 3:10 “gia thêm
điều còn thiếu”).
4. Anh em không biết tu đức hạnh mình (IITêsalônica 3:6). Câu này nói đến người
không còn làm theo lời dạy của Thánh Kinh, cụ thể nói đến người không chịu làm việc,
vì nghĩ Chúa sẽ đến ngay tức khắc. Cách Phaolô kỷ luật là bảo họ phải làm việc, vì tín
hữu khác không cần cảm thấy có bất cứ bổn phận nào để chu cấp cho người không chịu
làm việc như thế.
5. Các giáo sư giả (Tit 1:10-16). Khi giáo sư giả đột nhập vào hội thánh, họ phải bị
quở trách nghiêm khắc. Hymênê và Philết, dường như dạy phải hiểu sự phục sinh theo
cách thuộc linh hay ngụ ngôn, là những người mà tín hữu phải tránh xa; Phaolô phó
Hymênê và Alécxanđơ cho quỷ Satan để hình phạt họ (ITi 1:20; IITi 2:17-18).
Dầu xử lý nghiêm khắc giáo sư giả, nhưng Phaolô tỏ ra kiên nhẫn đáng kể với
những người đã bị lầm lạc về giáo lý. Ông đã không khuyên dứt phép thông công
những người phủ nhận sự phục sinh tại Côrinhtô; trái lại ông kiên nhẫn dạy chân lý
cho họ. Có lẽ nếu lúc đó họ vẫn bác bỏ điều ông dạy và quay ra cổ súy tà giáo, ông sẽ
phải kỷ luật họ theo cách nào đó.
6. Những người gây ra bè phái (Tit 3:8-11). Đây là hạng người gây nhiều chia rẽ vì
những lời tranh luận vô giá trị và vô ích, gây rối loạn trong hội thánh. Những người
như vậy sẽ được cảnh cáo hai lần, sau đó khước từ hoặc lánh xa họ. Ro 16:17 truyền phải
làm tương tự, “tránh xa” bao gồm sự tiếp xúc cá nhân, giao tiếp và thuộc linh.
7. Những anh em sống vô luân (ICôrinhtô 5). Vì tội loạn luân trong trường hợp này
vừa phạm miệt mài vừa công khai, nên bên phạm tội đã bị phó cho quỷ Satan; tức là
loại khỏi mối thông công của hội thánh và trả họ về lãnh địa thế gian của Satan để chịu
bất cứ hư hoại nào có thể xảy đến, chẳng hạn như bệnh hoặc sự chết. Đối với những tội
khác mà tín hữu phạm (vô luân, tham lam, thờ hình tượng, phạm thượng, say rượu, giả
dối) được đề cập trong câu 11, hình phạt là dứt phép thông công (bao gồm cả giao tiếp -
không được ăn uống với những người như vậy).
John Wesley nổi tiếng vì nhấn mạnh tính nhạy bén đối với tội lỗi và kỷ luật. Những
người hướng dẫn các lớp học Kinh Thánh nhỏ tại gia đình (là tiền thân của những tiểu
hội thánh) đã được chỉ dẫn để mỗi tuần lễ hỏi thăm nếp sống thuộc linh và nếp cư xử
của mỗi thành viên. Mỗi quý, những ai thật sự sống theo Phúc Âm đã nhận được một
461
giấy chứng nhận sự kiện đó, còn ai không sống như thế đã bị khai trừ khỏi những buổi
nhóm hằng tuần (xem Works of John Wesley, VIII, trang 250 trở đi).
Thất bại của hội thánh trong chức vụ kỷ luật này chỉ có thể dẫn đến những hội
thánh yếu kém hơn (dù có thể đông người hơn).
II. CHỨC VỤ CHĂM SÓC CÁC GÓA PHỤ
Thánh Giacơ tuyên bố sự tin đạo thanh sạch bao gồm việc thăm viếng (trông coi
hay là chăm sóc) các kẻ mồ côi và người góa bụa (Gia 1:27). Không thấy Tân Ước nói chi
tiết nào về việc chăm sóc trẻ mồ côi, nhưng có những hướng dẫn chi tiết cho chức vụ
của hội thánh chăm sóc các góa phụ.
A. Trách Nhiệm Của Gia Đình
Trong thời Đấng Christ, tại đền thờ có quỹ để cấp dưỡng cho các góa phụ và cô nhi.
Khi có nhiều góa phụ Do Thái tin theo Cơ đốc giáo, hội thánh đã tiếp tục cấp dưỡng cho
họ. Tuy nhiên, Phaolô đã nói thật rõ ràng việc này trong phân đoạn trọng tâm về đề tài
gia đình góa phụ có bổn phận đầu tiên và chủ yếu để chăm sóc cho góa phụ. Điều này
đúng cho cả những góa phụ trẻ tuổi hơn, chưa được ghi danh sách (ITi 5:4,8) lẫn những
góa phụ lớn tuổi hơn và có tên trong danh sách (c. 16)
B. Trách Nhiệm Của Hội Thánh
Nếu không còn người bà con nào để chu cấp cho góa phụ, thì lúc ấy hội thánh lãnh
trách nhiệm đó, bất kể tuổi tác của người góa bụa này. Một người “góa thật là góa”
không nhất thiết là người có tên trong sổ góa bụa, mà là người thiếu thốn cơ cực, không
có gia đình nào chu cấp cho (c. 5). Vì cớ đó, gia đình hội thánh của bà phải lo cấp dưỡng
cho bà. Những góa phụ trẻ hơn được khuyến khích tái hôn (c.14); những góa phụ đủ tư
cách được ghi tên vào sổ của hội thánh là những người hơn sáu mươi tuổi (câu 9-10).
Một hội thánh cần phải làm gì về trách nhiệm này trong thời buổi thường lo cấp cho
người góa bụa những khoản an sinh, bảo hiểm, tiền trợ cấp xã hội hằng năm và những
sự chu cấp tài chính khác? Nguyên tắc ở đây có vẻ rõ ràng: hội thánh nên nhận lấy bổn
phận này cho đến bất kỳ phạm vi nào mà gia đình của chính bà không thể chu cấp (cho
dù qua những bà con còn sống hoặc thông qua sự chu cấp của những người bà con đã
qua đời), bất luận đó là chu cấp một phần hay là toàn bộ. Ngày nay thường có nhiều
nhu cầu thế này cho những góa phụ của những nhân sự Cơ đốc, là những người bị để
lại trong cảnh thiếu thốn không hề do lỗi của chính họ.
III. CHỨC VỤ TỪ THIỆN
Hội Thánh cũng nên chăm lo cho những người túng thiếu khác.

462
Những phạm vi trách nhiệm đối với người thiếu thốn lan tỏa ra từ hội thánh địa
phương. Những người mà chúng ta tiếp xúc với những nhu cầu của họ trong hội thánh
địa phương này (cho dù là tín hữu hay người chưa tin) chính là người có quyền được
đòi hỏi giúp đỡ đầu tiên (Gia 2:2-3,15-16; IGi 3:17). Hội thánh đầu tiên cũng quan tâm đến
nhu cầu của tín hữu ở những nơi khác (Cong 11:27-30). Phaolô dành nhiều nỗ lực và thì
giờ đáng kể để quyên góp tiền bạc cho tín hữu nghèo tại Giêrusalem. Việc này gồm nỗ
lực hợp tác của rất nhiều hội thánh. Tiền không chuyển trực tiếp từ người dâng tặng
đến người nhận, nhưng đã được giám sát bởi một hội đồng do các hội thánh này chọn
ra, và dường như được phân phát dưới sự chỉ dẫn của cấp lãnh đạo này (IICo 8:18-22).
Đôi khi hội thánh đầu tiên cũng lo chu cấp cho các giáo sĩ. Dù Phaolô tự làm việc để
chu cấp cho chính mình và những bạn đồng công, nhưng ông cũng đã nhận lãnh những
quà tặng. Dường như hội thánh Philíp đã tặng lễ vật cho Phaolô ít nhất ba lần (Phi 4:16),
và ông đã bênh vực rõ ràng cho quyền lợi được người khác chu cấp của những người
dâng mình vào chức vụ (ICo 9:4-14).
Trong thời đại truyền thông đại chúng hiện nay vốn đưa tin rất nhiều nhu cầu bắt
gặp mỗi ngày trên lối đi chúng ta hàng ngày, không cá nhân nào hoặc hội thánh nào có
thể đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu mà họ biết đến. Như vậy, đâu là những ưu tiên
của chúng ta? Nói về những người mà chúng ta nên cung ứng, thứ tự ưu tiên cần phải
tập trung vào những tôi tớ của Chúa, những người túng thiếu trong dân sự của Chúa,
rồi đến những người khác (Ga 6:10). Thông thường, một hội thánh hoặc cá nhân sẽ ưu
tiên cho những người thuộc sự chăm sóc của mình và trách nhiệm của mình tại khu
vực địa phương ấy, sau đó mới đến người ở những nơi khác.

463
Chương 77: GIỚI THIỆU LAI THẾ HỌC
I. Ý NGHĨA LAI THẾ HỌC
Lai thế học có nghĩa thần học về những việc sau cùng. Bộ môn đó có thể bao trùm
tất cả mọi sự còn trong tương lai tại thời điểm viết ra chúng, hoặc có thể chỉ gồm những
việc trong tương lai từ vị trí quan sát chúng ta hiện nay. Bộ môn này đề cập sự cáo
chung của muôn vật, cả những điều liên quan đến cá nhân lẫn đến thế giới.
Mỗi người đều có một loại lai thế học nào đó. Đối với phần lớn người thời cận đại, lai
thế học là bộ môn nghiên cứu trong tuyệt vọng, vì muôn vật đều chấm dứt trong cái
chết - cái chết của cá nhân và của toàn vũ trụ. Ngay cả thuyết tiến hóa cũng không hứa
hẹn tính bất tử. Đối với nhiều người khác, nỗi tuyệt vọng này được làm dịu bớt bởi hy
vọng mơ hồ nơi một kiểu sự sống nào đó sau khi chết. Đối với Cơ đốc nhân, Kinh Thánh
cung cấp lời dạy rõ ràng chi tiết về tương lai hầu cho có thể biết chắc chắn điều còn
đang ở phía trước.
II. PHẠM VI CỦA LAI THẾ HỌC
Bộ môn nghiên cứu những việc sau cùng (những việc vẫn còn trong tương lai từ cái
nhìn của chúng ta) gồm những lời dạy của Thánh Kinh về trạng thái trung gian, những
sự phục sinh, Sự Cất Lên của hội thánh, sự đến lần thứ hai của Đấng Christ, và Thiên
Hy Niên.
III. CÁCH TRIỂN KHAI LAI THẾ HỌC
Có thể triển khai bộ môn này theo nhiều cách. Có cách tách tương lai đối với cá
nhân ra khỏi tương lai của thế giới. Cách khác sẽ phân loại tương lai của Hội Thánh,
tương lai của Ysơraên, tương lai của dân ngoại, và tương lai của thế giới. Cách khác nữa
có thể nghiên cứu nhiều sự dạy dỗ khác nhau theo thứ tự thời gian của chúng. Phương
pháp thần học Thánh Kinh sẽ nghiên cứu lai thế học của thời Cựu Ước, lai thế học của
Chúa Jesus, của Phaolô, của Giăng v.v...
Không nhất thiết phương thức nào là trổi hơn phương pháp nào. Phần lớn các tác
giả có vẻ kết hợp nhiều phương cách, và tôi cũng thế. Một số chủ đề, như sự sống lại, sẽ
được thảo luận từ quan điểm cá nhân. Những chủ đề khác, như Cơn Đại Nạn, sẽ được
nêu theo thứ tự thời gian. Cần luận giải có hệ thống hơn về ba phương thức tiếp cận
căn bản của lai thế học, là Tiền Thiên Hy Niên, Hậu Thiên Hy Niên và thuyết Vô Thiên
Hy Niên, để thấy được những phương thức tiếp cận đặc trưng của chúng nói chung. Do
cuộc tranh luận đương thời về liên hệ của sự Cất Hội Thánh Lên đối với Cơn Đại Nạn,
nên điều này cần được chú ý đặc biệt.
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA LAI THẾ HỌC

464
Vì có nhiều bất đồng ý kiến trong lãnh vực giáo lý này, và vì một số điều không rõ
ràng như pha lê, nên có người cho rằng nên xem lai thế học kém quan trọng hơn những
lãnh vực khác của chân lý Thánh Kinh. Có lãnh vực giáo lý nào không bị tranh cãi? Hãy
suy nghĩ về giáo lý Ba Ngôi, hoặc về bản tánh của thân vị Đấng Christ, hoặc về tổ chức
lãnh đạo hội thánh, hoặc về thuyết tiền định, hoặc về sự bảo đảm đời đời, hoặc là về
ảnh hưởng của tội lỗi Ađam. Rồi nghĩ về một số khái niệm khó giải thích trong những
lãnh vực này, như khái niệm ba ngôi hiệp một của Đức Chúa Trời, thần tánh và nhân
tánh hiệp nhất trong một Thân Vị, ý nghĩa của “Con độc sanh,” khái niệm tội di truyền,
v.v... Thế nên chúng ta không - và cũng không nên - né tránh nghiên cứu chi tiết những
sự dạy dỗ này. Tương tự, chúng ta cũng không được phép xem nhẹ lời Thánh Kinh nói
về tương lai.
Đối với tín hữu, sự hiểu biết lời tiên tri (a) đem lại vui mừng giữa những nỗi đau
khổ (IICo 4:17), (b) thanh tẩy và khích lệ nếp sống thánh khiết (IGi 3:3), (c) rất hữu ích -
cũng giống như cả Kinh Thánh vậy - biết bao nhu cầu quan trọng trong đời sống Cơđốc
(IITi 3:16-17), (d) cung cấp những sự kiện về sự sống sau cái chết (IICo 5:8), (e) cung cấp
chân lý về sự cuối cùng của lịch sử, (f) cung cấp bằng chứng cho tính đáng tin của toàn
bộ Thánh Kinh, vì không thể nào giải thích rằng biết bao lời tiên tri đã diễn ra chính
xác như đã báo trước kia là do may rủi, nhưng chính là bởi Đức Chúa Trời, (g) đưa lòng
chúng ta đến chỗ thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng nắm toàn quyền kiểm soát và là
Đấng sẽ làm cho thành ý chỉ của Ngài trong lịch sử. Xem thường lời tiên tri là đánh mất
những lợi ích này.

465
Chương 78: KHẢO LƯỢC THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN
Tôi theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên, và đây sẽ là khung sườn thảo luận phần
nghiên cứu lai thế học này. Tuy nhiên, trước khi giải thích hiểu biết về tương lai theo
Tiền Thiên Hy Niên, tôi nghĩ rất ích lợi để khảo lược trước về ba hệ thống chính của lai
thế học: thuyết Hậu Thiên Hy Niên, Vô Thiên Hy Niên, và Tiền Thiên Hy Niên.
I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN
Loraine Boettner nêu định nghĩa mô tả cẩn thận thuyết Hậu Thiên Hy Niên. Định
nghĩa này như sau:
“Quan điểm ấy về những điều sau rốt tin rằng nước Đức Chúa Trời hiện nay đang
được mở rộng trong thế giới này qua sự rao giảng Phúc Âm và công tác cứu rỗi của
Thánh Linh trong lòng mỗi cá nhân, tin rằng thế giới cuối cùng sẽ được Cơ đốc hóa, và
sự trở lại của Đấng Christ sẽ diễn ra ở điểm kết thúc thời kỳ lâu dài của sự công chính
và bình an vốn thường gọi là ‘Thiên Hy Niên’... Ngay sau lần hiện đến thứ hai của Đấng
Christ sẽ là sự đại phục sinh, đại đoán xét, và sự mở đầu thiên đàng và địa ngục trong ý
nghĩa đầy đủ nhất của chúng” (The Millennium (Nutley, N.J.: Presbyterian and
Reformed, 1957, trang 14).
A.H. Strong mô tả Thiên Hy Niên là “thời kỳ trong những ngày cuối cuộc tranh
chiến của hội thánh, lúc đó nhờ ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Linh, tinh thần những
người tuận đạo sẽ xuất hiện trở lại, tôn giáo thật sẽ được sống lại và phục hưng lớn lao,
và thành viên của các hội thánh Đấng Christ ý thức được sức mạnh của họ trong Đấng
Christ đến nỗi họ sẽ đắc thắng quyền lực điều ác cả bề trong lẫn bề ngoài ở mức độ
chưa từng thấy.” (Systematic Theology [Philadelphia: Judson Press, 1907], trang 1013).
II. CÁC ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN
A. Về Kinh Thánh
Người theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh thì tin thẩm quyền
của Kinh Thánh. Dĩ nhiên những người theo phái tự do nào trông đợi Thời Kỳ Hoàng
Kim sẽ đến thông qua những nỗ lực của con người thì họ theo một loại quan điểm Hậu
Thiên Hy Niên về lịch sử, dầu vậy không có nền tảng Kinh Thánh.
B. Về Quyền Năng Của Đức Chúa Trời
Lòng tin quyết nơi quyền năng của Đức Chúa Trời khiến họ tin Đại Mạng Lệnh sẽ
được làm trọn, trong đó hầu hết thế gian sẽ được cứu. Không tin như vậy tức là khiến
Đại Mạng Lệnh trở nên vô hiệu và khiến uy quyền của Đức Chúa Trời trở nên bất lực.
C. Về Hội Thánh

466
Hội Thánh khi làm trọn Đại Mạng Lệnh sẽ trở nên công cụ để đem lại và phát triển
mạnh Thiên Hy Niên trên đất.
D. Về Sự Trở Lại Của Đấng Christ
Hậu Thiên Hy Niên tin sự trở lại thực sự của Đấng Christ tại điểm kết thúc Thiên
Hy Niên. Sự tái lâm của Ngài sẽ lập tức tiếp đến sự phục sinh phổ thông và đoán xét
phổ thông.
E. Về Thiên Hy Niên
1. Độ dài thời gian. Thời Đại Thiên Hy Niên theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên sẽ là
một thời đại lâu dài, không nhất thiết một ngàn năm. Có lẽ là dài hơn một ngàn năm
theo nghĩa đen.
2. Thời điểm bắt đầu. Có người hiểu Thiên Hy Niên sẽ bắt đầu dần dần; một số khác
nhìn thấy một khởi đầu đột ngột hơn cho sự lan tràn sự công chính trên khắp đất.
3. Những đặc trưng. Thiên Hy Niên sẽ là thời kỳ bình an, thịnh vượng vật chất, và
thịnh vượng tâm linh ở trên đất. Tuy nhiên, không phải mọi người đều được cứu, cũng
không phải mọi tội lỗi đều được bôi xóa. Nhưng những nguyên tắc Cơ đốc sẽ là quy luật
chung chứ không phải ngoại lệ, và tội lỗi sẽ bị giảm xuống đến tỷ lệ có thể bỏ qua.
4. Những hoạt động. Một số người theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên công nhận có
một thời gian bội đạo ngắn vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên ngay trước lúc Đấng Christ
tái lâm (xem Boettner, trang 69).
F. Về Satan
Người theo Hậu Thiên Hy Niên hiểu rằng Satan luôn luôn bị xiềng theo nghĩa hắn
luôn luôn ở dưới quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời. Nhưng hắn sẽ bị xiềng cách đặc
biệt lúc bắt đầu Thiên Hy Niên theo Khải Huyền 20. Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra vì
chúng ta vẫn chưa ở trong Thiên Hy Niên, nhưng tại thời điểm này đang thiết lập
những nền tảng cho Thiên Hy Niên.
III. CHỨNG CỚ VỀ THẾ GIỚI ĐANG TRỞ NÊN TỐT HƠN
Nếu vẫn chưa ở trong Thiên Hy Niên nhưng còn đang lập nền tảng, chúng ta cần
phải có khả năng thấy bằng chứng mọi sự đang trở nên tốt hơn trong thế gian này.
Thuyết Hậu Thiên Hy Niên tin chúng ta có thể thấy. Chứng cớ đó gồm rất nhiều điều:
(1) Tình trạng xã hội chắc chắn được cải thiện tại nhiều nơi trên thế giới. Lấy ví dụ, địa
vị của phụ nữ được cải thiện rất nhiều tại bất cứ nơi nào tiếp nhận Phúc Âm. (2) Lượng
tiền khổng lồ dành cho những sự nghiệp Cơ đốc khiến đẩy mạnh được những điều kiện
sống tốt hơn trong thế giới. (3) Thánh Kinh vẫn tiếp tục là sách bán chạy nhất thế giới.
Kinh Thánh được phiên dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ hơn bao giờ hết trong lịch sử thế

467
giới. (4) Phúc Âm được phổ biến theo nhiều phương thức và đến nhiều nơi hơn bao giờ
hết. Phúc Âm đang được phổ biến qua hai cách: phương tiện truyền thanh và phân phát
văn phẩm.
Dĩ nhiên chứng cứ này đúng, và không tín hữu nào không cảm tạ Chúa về điều đó.
Nhưng đây có phải điềm báo một Thiên Hy Niên sắp đến hay không lại là vấn đề khác,
mà trước khi có thể trả lời chính xác thì còn phải kể đến tình trạng gia tăng điều ác
hiện nay.
IV. HẬU THUẪN THÁNH KINH CHO THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN
A. Các Phân Đoạn Nói Về Một Thời Đại Hoàng Kim
Vì rất nhiều phân đoạn nói về sự trị vì khải hoàn của Đấng Christ vẫn chưa được
ứng nghiệm trong lịch sử, nên chúng hãy còn ứng nghiệm trong tương lai nhưng trước
khi Đấng Christ trở lại. Đa số phân đoạn Kinh Thánh này cũng chính là những phân
đoạn mà những người theo Tiền Thiên Hy Niên hiểu chúng nói đến vương quốc Thiên
Hy Niên. Phái Hậu Thiên Hy Niên xem chúng được ứng nghiệm trước khi Đấng Christ
trở lại, còn phái Tiền Thiên Hy Niên chờ đợi chúng được ứng nghiệm sau khi Đấng
Christ trở lại. Những phân đoạn đó gồm Thi 2:8,22:27,47,72; 86:9; Es 2:2-4; 11:6-9; Gie 31:34;
Da 2:35,44; Mi 4:1-4.

B. Những Phân Đoạn Mô Tả Phúc Âm Là Đầy Uy Quyền Và Được Phổ Biến Toàn
Cầu.
Vì Phúc Âm là quyền năng của Đức Chúa Trời (Ro 1:16), phái Hậu Thiên Hy Niên lập
luận rằng không thể tưởng tượng được là thế giới này sẽ không hoán cải. Chúa ao ước
mọi người đều được cứu (ITi 2:4), nên cầu nguyện trông đợi điều này xảy ra tức là cầu
nguyện theo ý muốn Đức Chúa Trời.
C. Những Phân Đoạn Khác
Ẩn dụ của Đấng Christ về Men khẳng định quy mô phổ thông về vương quốc này
(Mat 13:33). Rôma 11 báo trước sự qui đạo của rất đông người Do thái và ngoại bang. Kh
7:9-10 mô tả một đám đông rất lớn của những người được cứu từ mọi dân tộc trên thế
giới.
V. BẢN PHÁC THẢO LỊCH SỬ VỀ THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN
A. Joachim xứ Fiore (khoảng năm 1135-1202)
Là một người đề xướng rất sớm một hệ thống diễn tiến của Hậu Thiên Hy Niên,
Joachim giải thích lịch sử như là lịch sử của Ba Ngôi: tức là, thời đại đầu tiên là thời đại
của Đức Chúa Cha lúc đó nhân loại sống dưới Luật Pháp của Cựu Ước; thời đại thứ nhì
là thời đại của Đức Chúa Con là thời đại ân điển bao trùm cả Tân Ước; và thời đại thứ ba

468
là thời đại của Đức Thánh Linh bắt đầu vào khoảng 1260 S.C. trong đó thế giới sẽ được
cải đạo.
B. Daniel Whitby (1638-1726)
Là một tu sĩ uyên bác, Whitby đã xuất bản 39 tác phẩm, trong đó có A Treatise of
the True Millennium (Luận Về Thiên Hy Niên Thật) (London: W. Bowyer, 1700). Ông
dạy rằng sau khi thế giới hoán cải, người Do thái được hồi hương về Xứ Thánh, và giáo
hoàng cũng như người Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại, thế giới sẽ hưởng được thời kỳ hòa bình
và công chính trong một ngàn năm. Đến cuối thời đại Thiên Hy Niên này, Đấng Christ
sẽ đích thân đến trái đất, kêu kẻ chết sống lại và đoán xét mọi người. Quan điểm của
ông đã rất được ưa chuộng, và được rất nhiều nhà truyền đạo và nhà giải kinh thế kỷ
thứ mười tám và mười chín tiếp nhận.
Thuyết Hậu Thiên Hy Niên của Whitby đã thiên về người Do thái. Ông mô tả Thiên
Hy Niên là sự trị vì của những người Do thái và dân ngoại đã tin nhận Chúa “tuôn tràn
đến với họ.” Mọi phước hạnh thuộc linh trong Thiên Hy Niên sẽ được truyền từ người
Do thái đến các dân khác. Ông tin hội thánh sẽ được hồi sinh trong Thiên Hy Niên, dù
vậy sự phục sinh thân thể vẫn chưa xảy ra mãi đến sau Thiên Hy Niên.
C. Những Nhân Vật Hậu Thiên Hy Niên Khác
Có lẽ vẫn có quyền gọi những người thuộc phái tự do mà ủng hộ sự tiến triển không
thể tránh được thông qua những tiến trình tự nhiên (hoặc tiến hóa) là người theo Hậu
Thiên Hy Niên. Tuy nhiên, họ không xem trọng Thánh Kinh và xem sự cải thiện thế
giới đến từ năng lực con người.
Phái Hậu Thiên Hy Niên bảo thủ thực sự xem Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời và
quy sự cải thiện cho năng quyền của Đức Chúa Trời. James Snowden (The Coming of
the Lord [New York: Macmillan, 1919]) hiểu Thiên Hy Niên là toàn bộ thời gian ở giữa
lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ. Hệ thống của ông khác với thuyết Vô
Thiên Hy Niên ở chỗ ông dạy rằng thế giới này ngày càng tốt hơn. Ông giải thích các
biến cố trong Khải Huyền 20 hoặc đã xảy ra trong quá khứ rồi, hoặc đang mô tả hạnh
phước thiên đàng.
Charles Hodge dạy rằng Sự Tái Lâm sẽ đến sau sự truyền bá Phúc Âm toàn cầu, sự
hoán cải toàn dân của người Do thái, và sự xuất hiện của Antichrist. Khi Đấng Christ
đến, sẽ có sự phục sinh và sự đoán xét phổ thông của toàn thể loài người (Systematic
Theology (New York: Scribners, 1887,3:792).
Thuyết Hậu Thiên Hy Niên của kỷ nguyên hậu Thế Chiến thứ hai mãi đến mới đây
nói chung vẫn là một biến thể của phái tự do. Sự tiến bộ lớn lao của thế kỷ 20 thông
qua những thành tựu của con người đã đem lại tính đáng tin cho khái niệm này. Hiếm

469
có người nào theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh (Loraine Boettner
là ngoại lệ).
Nhưng trong hậu bán của thế kỷ này đã xuất hiện một hiện tượng thú vị. Vài người
theo Vô Thiên Hy Niên trước kia này lại theo Hậu Thiên Hy Niên bởi họ tin nơi thể chế
thần trị (theonomy). Thần trị là tình trạng được Đức Chúa Trời cầm quyền. Phái Thần
trị chủ xướng sự chinh phục địa cầu bằng những phương tiện khoa học, giáo dục, nghệ
thuật, và mọi cách theo đuổi khác để đem lại sự quản trị của Đức Chúa Trời trên mọi
sự. Đối với một số người, điều này có nghĩa là áp đặt Luật Pháp của Cựu Ước vào cuộc
sống ngày nay không những trong những vấn đề đạo đức mà còn trong tổ chức chính
quyền, kinh tế và các phương diện khác nữa. Dĩ nhiên, hiện nay nếu thực thi điều này,
những tình trạng trong thế giới này sẽ được cải thiện và lúc đó chúng ta sẽ kinh
nghiệm quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên sự sống trong thế giới này. Vậy nên đa số
những nhà thần học Cải Cách nào ủng hộ mạnh mẽ công dụng của Luật Pháp Cựu Ước
và những người theo Vô Thiên Hy Niên đã chuyển sang chấp nhận thuyết Hậu Thiên
Hy Niên là mục tiêu cho chương trình thần trị của họ.
Tóm lại: phái thần học tự do ủng hộ cho một mục tiêu Hậu Thiên Hy Niên thông
qua chủ nghĩa nhân bản. Phái Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh thì phát triển
thuyết này thông qua công tác rao giảng Phúc Âm của hội thánh. Phái Thần trị đẩy
mạnh thuyết này thông qua Phúc Âm và sự áp đặt Luật Pháp Cựu Ước.

470
Chương 79: KHẢO LƯỢC THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
Thuyết Vô Thiên Hy Niên là một quan điểm về những việc sau rốt, tin rằng sẽ
không có Thiên Hy Niên trước khi tận thế. Mãi đến kỳ tận thế, sẽ có sự phát triển song
song của cả thiện lẫn ác, của vương quốc Đức Chúa Trời lẫn vương quốc của Satan. Sau
sự tái lâm của Đấng Christ vào kỳ tận thế, sẽ có một sự phục sinh toàn bộ và sự đoán
xét chung cho toàn thể mọi người.
II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
A. Về Kinh Thánh
Nói chung, phái Vô Thiên Hy Niên rất xem trọng sự soi dẫn và thẩm quyền của
Kinh Thánh. Nếu có ai không xem trọng, thì không phải do Thuyết Vô Thiên Hy Niên
của họ. Chỉ cần nhớ lại những nhân vật như Oswald T. Allis, William Hendriksen, và
Anthony A. Hoekema, tất cả đều là theo thuyết Vô Thiên Hy Niên. Tuy nhiên, họ là
những người ủng hộ mạnh mẽ tính vô ngộ của Thánh Kinh.
B. Về Thiên Hy Niên
Trong vòng những người Vô Thiên Hy Niên bảo thủ, có hai quan điểm về Thiên Hy
Niên. Một quan điểm xem sự ứng nghiệm những phân đoạn Kinh Thánh về Thiên Hy
Niên xảy ra vào thời đại hiện nay bởi hội thánh trên đất (ví dụ như Allis và Berkhof).
Quan điểm kia thấy sự ứng nghiệm là bởi các thánh ở trên thiên đàng hiện nay (ví dụ
như Warfield và Floyd Hamilton). Cả hai quan điểm đều đồng ý rằng sẽ không có
vương quốc tương lai ở trên đất.
C. Về Các Giao Ước
Phái Tiền Thiên Hy Niên dựa vào lập luận cho rằng những giao ước Thánh Kinh
chứa nhiều lời hứa vẫn chưa ứng nghiệm và nếu chúng được ứng nghiệm theo nghĩa
đen thì đòi hỏi phải có Thiên Hy Niên. Phái Vô Thiên Hy Niên cho rằng những lời hứa
đó đều đã được ứng nghiệm cách thuộc linh trong hội thánh, hoặc những lời hứa ấy
không cần phải được ứng nghiệm gì cả, vì chúng là những lời hứa có điều kiện và
những điều kiện này đã không được đáp ứng.
D. Về Hội Thánh
Phái Vô Thiên Hy Niên xem hội thánh làm ứng nghiệm những lời hứa của Đức
Chúa Trời theo cách thuộc linh và hình thật của bóng. Hội thánh là vương quốc thuộc
linh trên trời, còn Thiên Hy Niên của thuyết Tiền Thiên Hy Niên là vương quốc của xác
thịt ở trên đất này. (Nhưng không thể mô tả hội thánh là ở trên đất này và mang tính
xác thịt sao? Không thể mô tả vương quốc tương lai là thuộc linh sao?) Hội thánh làm

471
ứng nghiệm những lời hứa này, và trời mới đất mới đi tiếp ngay sau Thời Đại Hội Thánh
sẽ cáo chung cõi lịch sử.
III. GIẢI KINH HỌC CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
Rõ ràng, những quan điểm khác nhau về Thiên Hy Niên ra từ những phương pháp
giải kinh khác nhau, đó là những nguyên tắc giải nghĩa khác nhau. Phái Tiền Thiên Hy
Niên dùng lối giải thích theo nghĩa đen hoặc bình thường trong mọi lãnh vực của chân
lý Kinh Thánh, trong khi phái vô Thiên Hy Niên dùng nguyên tắc nghĩa bóng hoặc
nghĩa thuộc linh trong lãnh vực lai thế học. Mọi người thuộc phái bảo thủ, bất luận
niềm tin lai thế học của họ, đều dùng lối giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen hoặc
bình thường ở mọi lãnh vực ngoại trừ lãnh vực lai thế học. Floyd Hamilton, người theo
Vô Thiên Hy Niên, công nhận rằng lối giải kinh nghĩa đen cho những lời tiên tri Cựu
Ước đem lại cho chúng ta một bức tranh về một triều đại trên đất của Đấng Mêsia
chẳng qua chỉ như những bức tranh của phái Tiền Thiên Hy Niên” (The Basis of
Millennial Faith [Grand Rapids: Eerdmans], trang 38). Dĩ nhiên nhân vật Vô Thiên Hy
Niên này không chấp nhận bức tranh ấy về cõi tương lai, vì ông đã dùng giải kinh học
khác trong lãnh vực lời tiên tri.
Dầu nói chung các tác giả không nêu chi tiết giải kinh học của họ trước khi bàn chi
tiết những bộ sách giải nghĩa hoặc khai triển những nền thần học của họ, nhưng
Oswald T. Allis có luận về những nguyên tắc giải kinh của ông khi giải nghĩa lời tiên tri
(trong tác phẩm Prophecy and the Church (Philadelphia: Presbyterian and Reformed,
1945, trang 17-30). Tôi muốn tóm tắt các ý của ông về cách giải nghĩa lời tiên tri và
bình luận vắn tắt về chúng.
(1) Trước hết ông tìm cách chứng minh cả hai phương pháp giải thích theo nghĩa
đen và nghĩa bóng đều có những vị trí xứng đáng và cũng có những giới hạn tất nhiên
của chúng. Tuy nhiên, ông có vẻ đặt toàn bộ giới hạn này trên lối giải thích theo nghĩa
đen và không đặt giới hạn nào cho lối giải thích nghĩa bóng.
(2) Một số giới hạn ấy cho lối giải thích theo nghĩa đen gồm: (a) sự có mặt các biện
pháp tu từ nào không thể giải thích theo nghĩa đen đã cho phép ta được tự do giải thích
theo những phương pháp khác; (b) chủ đề chính của Kinh Thánh mang tính thuộc linh
chính là sự kiện cung cấp cơ sở hiệu lực cho lối giải nghĩa thuộc linh hoặc theo nghĩa
bóng; và (c) sự kiện là Cựu Ước là phần mở đầu và chuẩn bị cho Tân Ước khiến chúng
ta cho rằng Tân Ước sẽ giải nghĩa những lời tiên tri theo nghĩa đen của Cựu Ước bằng
phương cách nghĩa bóng.
Không người nào theo trường phái giải thích nghĩa đen lại phủ nhận Thánh Kinh có
những biện pháp tu từ. Nhưng người ấy khẳng định chúng mô tả những chân lý rất
nghĩa đen. Ví dụ như những hoa hồng tốt nhất được trồng trong phần đất nước tôi sống

472
chính là loại hoa hồng được trồng tại Tyler, Texas. Hoa hồng Tyler rất nổi tiếng. Bây
giờ, nếu thấy một bảng quảng cáo nọ nói rằng hãy dùng nhãn hiệu phân bón này nọ thì
bạn cũng có thể trồng hoa hồng Tyler, tôi không hiểu quảng cáo này muốn nói tôi phải
sống tại thành phố Tyler, nhưng có nghĩa dầu sống ở bất cứ nơi nào, tôi cũng có thể
trồng cùng một loại hoa hồng tuyệt vời vốn được trồng tại Tyler. Phép tu từ ấy có một ý
nghĩa rất đơn giản và rất nghĩa đen về những hoa hồng thật sự mà tôi có thể trồng. Hoa
hồng Tyler có nghĩa là hoa hồng, chứ không phải cà chua; nhưng những hoa hồng Tyler
cũng đại diện cho những hoa hồng ngoại hạng, cho dù có thật sự trồng tại Tyler hay
không đi nữa.
(3) Nếu hai luận điểm đầu của ông là đúng, thì lẽ tự nhiên sẽ có thắc mắc: Làm sao
biết phải giải nghĩa một phân đoạn theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng? Allis trả lời: bất cứ
cách giải nghĩa nào miễn đem lại ý nghĩa thật cho đoạn Kinh Thánh! Khỏi cần bình
luận gì nữa.
(4) Allis tiếp tục bảo rằng phương cách duy nhất để có thể hiểu những lời tiên tri
theo nghĩa đen là khi nghĩa đen là rõ ràng và hiển nhiên. Hầu như mọi lời tiên tri đều
đầy dẫy ngôn ngữ tu từ và mang tính ẩn dụ, mà phải giải nghĩa cách thích hợp. Vì vậy,
trên thực tế hầu hết lời tiên tri sẽ được giải thích không theo nghĩa đen.
(5) Để giải thích và hiểu đúng và đầy đủ một lời tiên tri, cũng phải biết sự ứng
nghiệm của nó. Mọi lời tiên tri từng được ban rao thì đã đều được ban trước khi người
ta biết đến sự ứng nghiệm lời ấy. Nếu không sẽ không được kể là lời tiên tri. Nếu theo
nguyên tắc của Allis, thì không bao giờ có thể hiểu được - cũng như sẽ không bao giờ
hiểu - bất cứ lời tiên tri nào mãi đến sau khi lời tiên tri ấy ứng nghiệm. Không một
người Ysơraên nào cần phải tin những lời tiên tri về sự tấn công của Asiri hay của
Babylôn theo nghĩa đen, vì họ không thể chắc chắn những lời tiên tri đó sẽ ứng nghiệm
theo nghĩa đen cho đến khi Cuộc Lưu Đày này thực sự diễn ra. Theo một nguyên tắc
giải nghĩa như vậy, những lời tiên tri đó còn có sức mạnh nào nữa? Nhưng bạn thấy đó,
phái Vô Thiên Hy Niên muốn có thể tuyên bố rằng chúng ta không thể bảo đảm những
lời tiên tri Cựu ước về vương quốc Thiên Hy Niên sẽ ứng nghiệm theo nghĩa đen vì
chưa từng có kiểu ứng nghiệm nào như thế. Nhưng vì hội thánh có vài đặc trưng tương
tự với vương quốc, nên ắt hẳn hội thánh chắc chắn đang làm ứng nghiệm những lời
tiên tri Cựu Ước ấy.
(6) Dường như thể để tăng cường ý của ông rằng chúng ta cần phải trông đợi sự mơ
hồ trong cách giải nghĩa lời tiên tri, Allis qua suốt phần luận về giải kinh học đã xem
lời tiên tri là vô định, có tính cách bí ẩn, và thậm chí cả tính lừa dối nữa, đầy dẫy những
biểu tượng, không chính xác, và tùy thuộc vào nhiều lối giải nghĩa khác nhau. Đây là
những cụm từ của ông, không phải của tôi. Nhưng dĩ nhiên, những điều được xem như

473
đặc trưng đó chỉ đúng khi nào người giải nghĩa bỏ qua những nguyên tắc giải thích
theo nghĩa thông thường hoặc theo nghĩa đen.
IV. NHỮNG BẰNG CHỨNG GIẢI KINH HẬU THUẪN THUYẾT VÔ
THIÊN HY NIÊN
Phái Vô Thiên Hy Niên giải nghĩa một số phân đoạn Kinh Thánh và giáo lý then
chốt sao cho chúng hậu thuẫn hệ thống của họ.
A. Giải Nghĩa Giao Ước Của Ápraham
Phái Tiền Thiên Hy Niên nói rõ nếu phần chưa ứng nghiệm của giao ước đó muốn
ứng nghiệm theo nghĩa đen (lời hứa về đất của Palestine), phần ấy sẽ phải diễn ra trong
một Thiên Hy Niên tương lai, vì không có nơi nào trong lịch sử quá khứ hoặc hiện tại
để có được sự ứng nghiệm theo nghĩa đen. Phái Vô Thiên Hy Niên nói chúng ta không
cần đòi hỏi sự ứng nghiệm trong tương lai vì (a) hoặc những lời hứa này là có điều kiện
và chưa bao giờ đáp ứng được điều kiện ấy; hoặc (b) Lời hứa ban xứ đã được ứng
nghiệm trong thời đại của Giôsuê (Gios 21:43-45); hoặc (c) đã được ứng nghiệm bởi Đavít
(IISa 8:3); hoặc (d) lời hứa ấy đã được ứng nghiệm dưới triều đại vua Salômôn (IVua 4:21);
hoặc (e) hiện nay đang được ứng nghiệm bởi hội thánh ở trên đất; hoặc (f) được hiện
đang được ứng nghiệm trong hội thánh trên thiên đàng; hoặc (g) sẽ được ứng ứng
nghiệm bởi mọi người được chuộc trên trái đất mới và đời đời trong tương lai. Nếu bất
kỳ phương án nào trong bảy phương án trên đây là đúng, thì không còn cần đến sáu
phương án còn lại. Dường như phái Vô Thiên Hy Niên thật sự không biết Giao Ước
Ápraham cần được ứng nghiệm hoặc đã ứng nghiệm hoặc sẽ ứng nghiệm khi nào hoặc
bằng cách nào hoặc liệu có cần ứng nghiệm không. Họ chỉ biết chắc chắn Giao Ước ấy
sẽ không có trong một Thiên Hy Niên tương lai trên đất, vì không hề có thời kỳ ấy
trong hệ thống của họ.
B. Giải Nghĩa Eph 3:5
Đối với phái Vô Thiên Hy Niên, sự huyền nhiệm ở trong phân đoạn này chính là hội
thánh thật sự đã có trong thời Cựu Ước nên do đó làm ứng nghiệm những lời hứa của
Cựu ước. Điều này đã được luận đến ở phần Hội Thánh.
C. Bảy Mươi Tuần Lễ của Đaniên
Phái Vô Thiên Hy Niên có một số đặc điểm chung nhất định khi giải thích Da 9:24-
27. Những điều này gồm có: (a) Khởi đầu của bảy mươi tuần lễ là năm 536 T.C. trong
thời của Siru, chứ không phải năm 445 T.C. dưới thời vua Artaxerxes (như cách tính
của phái Tiền Thiên Hy Niên). Điều này có tác dụng cho phép bảy mươi tuần lễ không
cần chính xác về độ dài thời gian. (b) Tuần lễ thứ bảy mươi là toàn bộ thời đại hội
thánh, chứ không phải thời kỳ bảy năm tương lai của Cơn Đại Nạn.

474
Những lối giải thích đặc trưng này của thuyết Vô Thiên Hy Niên phát xuất từ việc
không thực hiện nhất quán lối giải thích nghĩa đen.
HìNH VẼ CỰU ƯỚC
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên =/ Hội Thánh
TÂN ƯỚC
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên = Hội Thánh
Ysơraên =/ Hội Thánh
THIÊN HY NIÊN
Không có Thiên Hy Niên = Thuyết Vô Thiên Hy Niên
Ysơraên =/ Hội Thánh = Thuyết Tiền Thiên Hy Niên Giao Ước
Ysơraên =/ Hội Thánh = Thuyết Tiền Thiên Hy Niên Định Kỳ
V. LỊCH SỬ CỦA THUYẾT VÔ THIÊN HY NIÊN
A. Từ Thời Tân Ước Cho Tới Augustine
Cho đến thời Origen (khoảng năm 185 đến khoảng 254), sự nhấn mạnh giải kinh
học theo nghĩa đen khiến những người biện minh học trở thành người theo Tiền Thiên
Hy Niên. Các giáo phụ cảm thấy họ ở trong những ngày sau rốt, và trông đợi sự tái lâm
tức khắc của Đấng Christ để đem vương quốc của Ngài đến. Khi dùng phương pháp giải
nghĩa ngụ ngôn hóa, Origen đã thuộc linh hóa vương quốc tương lai và hiểu vương quốc
ấy là Thời Đại Hội Thánh hiện tại kể từ Ađam trở đi. Lai thế học Vô Thiên Hy Niên này
đã được Augustine truyền bá rộng rãi.
B. Augustine (354-430)
Bằng cách thuộc linh hóa khái niệm nước Đức Chúa Trời, Augustine đã làm cho
nước này có nghĩa sự hiện hữu của hội thánh trong thế giới này. Thiên Hy Niên là thời
gian giữa lần đến thứ nhất và thứ hai của Đấng Christ. “Trong khoảng thời gian ‘ngàn
năm’ này là lúc khi Satan bị xiềng, các thánh đồ cũng trị vì trong một ‘ngàn năm’ và,
không nghi ngờ gì nữa, hai thời kỳ này là một và nói đến khoảng thời gian giữa lần đến
thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ” (City of God, xx. 9). Tuy nhiên, ông hiểu việc
xiềng Satan không có nghĩa Satan không hề còn uy quyền để lừa dối, nhưng trong
khoảng thời gian giữa hai lần hiện đến của Chúa, hắn không được cho phép thực thi

475
những quyền lực đầy đủ của hắn. Ngay trước kỳ cuối cùng, Satan sẽ được thả ra để lừa
dối các quốc gia chống nghịch hội thánh, là cuộc phản loạn mà Đức Chúa Trời sẽ đập
tan. Ngay tiếp đó là sự đoán xét chung toàn bộ và tình trạng đời đời.
Augustine hiểu ngàn năm theo nghĩa đen và trông đợi sự hiện đến lần thứ hai của
Đấng Christ sẽ xuất hiện trong vòng 1000 năm sau khi Ngài thăng thiên. Khi năm
1000 đã đến rồi đi mà Chúa vẫn chưa Tái Lâm, một ngàn năm này đã được thuộc linh
hóa để mang ý nghĩa một thời đại vô định của toàn bộ thời kỳ giữa lần đến thứ nhất và
thứ nhì của Đấng Christ.
C. Lai Thế Học của Đạo Cải Chánh
Những nhà lãnh đạo vĩ đại của Cuộc Cải Chánh đã là những người theo lai thế học
Vô Thiên Hy Niên. Họ đã thỏa lòng đi theo lối dạy dỗ của Giáo Hội Công giáo Lamã, và
đến lượt Giáo Hội LaMã đi theo Augustine.
Luther đã thấy Cơn Đại Nạn và sự trở lại trong thân thể xương bằng thịt của Đấng
Christ. Ông tin mình ở giữa Cơn Đại Nạn đó. Như nhiều người đã làm, Luther chia lịch
sử làm sáu thời đại, mỗi thời đại 1000 năm, tiếp sau đó đến thời kỳ thứ bảy của sự yên
nghỉ Sabát đời đời. Ông dạy rằng thời đại thứ sáu là thời đại của các vị giáo hoàng, bắt
đầu từ năm 1076 nhưng không kéo dài trọn một ngàn năm. Như vậy ông tin mình đang
sống trong thời đại ngay trước Sự Tái Lâm.
Calvin dạy rằng dân Ysơraên và hội thánh là một và trông đợi Sự Tái Lâm mở ra
cuộc tổng phục sinh, tổng đoán xét và tình trạng đời đời. Ông thực sự phê bình thuyết
Thiên Hy Niên, mô tả những sự dạy dỗ của thuyết này như là “hư cấu,” “lời thóa mạ,”
“mơ mộng,” và “lộng ngôn không dung thứ được.” Ông gắng sức chống đối kịch liệt việc
giới hạn sự phước hạnh đời đời của các thánh trong một ngàn năm (là một sự hiểu lầm
về điều thuyết Tiền Thiên Hy Niên đã dạy).
D. Thời Kỳ Hiện Đại
Dầu thuyết Vô Thiên Hy Niên của Augustine nói chung được hưởng ứng rộng rãi
trong thời hiện đại này (tức là, một ngàn năm là khoảng thời gian ở giữa hai lần đến
trên đất), nhưng đã xuất hiện một hình thức khác nữa của thuyết Vô Thiên Hy Niên.
B.B. Warfield (đi theo Kliefoth là người đã viết ra vào năm 1874) dạy rằng Thiên Hy
Niên là tình trạng hiện tại của các thánh trên thiên đàng (Biblical Doctrines (New York:
Oxford, 1929, trang 643-4). Nói chung, những bản tín điều Cải Cách nói rất ít về vấn đề
Thiên Hy Niên, đúng hơn tập trung vào cuộc tổng phục sinh, cuộc tổng đoán xét và cõi
đời đời.
Một trong những lý do phổ biến khiến chuộng thuyết Vô Thiên Hy Niên hơn Tiền
Thiên Hy Niên chính là việc đối chiếu khái niệm Tiền Thiên Hy Niên về sự ứng nghiệm

476
trong một vương quốc trên đất (thường thì tính từ xác thịt được đặt kèm theo cụm từ
này) với khái niệm Vô Thiên Hy Niên về sự ứng nghiệm những lời tiên tri Cựu Ước
trong hội thánh của thời đại này (và thông thường tính từ thiêng liêng được đặt kèm
theo cụm từ này). Như vậy, hệ thống nào nhấn mạnh hội thánh thuộc linh thay vì
vương quốc xác thịt thì hệ thống đó được ưa chuộng hơn. Khi tôi nghe hoặc đọc về lập
luận này, tôi muốn đặt câu hỏi: Kể từ khi nào thì hội thánh chỉ mang tính thuộc linh và
vương quốc chỉ mang tính xác thịt? Hội thánh (cứ nhìn quanh xem) có những người xác
thịt ở trong đó, và vương quốc này sẽ có rất nhiều phương diện thuộc linh trong đó.
Thuộc linh và xác thịt mô tả nét đặc trưng cho cả hội thánh lẫn vương quốc tương lai.
Dĩ nhiên, chứng cứ quyết định cuối cùng cho chân lý của một giáo lý không phải là
chứng cứ lịch sử mà là chứng cứ giải kinh.

477
Chương 80: KHẢO LƯỢC THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN
Dầu phần còn lại sẽ triển khai lai thế học Tiền Thiên Hy Niên, nhưng có lẽ ở đây
cũng nên khảo lược vắn tắt thuyết này.
I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN
Thuyết Tiền Thiên Hy Niên là quan điểm cho rằng Sự Tái Lâm của Đấng Christ sẽ
xảy ra trước Thiên Hy Niên, và Thiên Hy Niên sẽ chứng kiến việc thiết lập vương quốc
Đấng Christ trên trần gian trong một ngàn năm theo nghĩa đen. Quan điểm này cũng
hiểu rằng sẽ có rất nhiều lần xảy ra sự sống lại và những sự đoán xét. Cõi đời đời sẽ bắt
đầu sau khi một ngàn năm khi kết thúc. Trong thuyết Tiền Thiên Hy Niên, có nhiều
quan điểm khác nhau về thời điểm sự Cất Lên.
II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY
NIÊN
A. Về Kinh Thánh
Phái Tiền Thiên Hy Niên rất xem trọng Kinh Thánh. Có thể an tâm nói rằng phái
Tiền Thiên Hy Niên Tiền Đại Nạn tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh hầu như
không có ngoại lệ.
B. Về Thiên Hy Niên
Mọi hình thức của thuyết Tiền Thiên Hy Niên đều hiểu rằng Thiên Hy Niên đến sau
Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Độ dài thời gian của Thiên Hy Niên là một ngàn năm; địa
điểm của Thiên Hy Niên sẽ là trên trần gian này; thể chế quản trị Thiên Hy Niên sẽ là
chế độ thần trị, với sự hiện diện đích thân của Đấng Christ cai trị trong tư cách vua; và
Thiên Hy Niên sẽ làm ứng nghiệm mọi lời hứa còn chưa ứng nghiệm về một vương
quốc trên trần gian.
Tuy phái Tiền Thiên Hy Niên nói chung hiểu vương quốc hầu đến theo nghĩa đen,
nhưng một số người giải thích kém nghĩa đen hơn. Theo George E. Ladd, những lời tiên
tri về Ysơraên được thuộc linh hóa, và vương quốc Thiên Hy Niên được xem như thiên
về phần mở rộng vương quốc thuộc linh của Đức Chúa Trời (A Theology of the New
Testament [Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1974], trang 64-9,629-32). Theo Robert
Mounce, một ngàn năm của Khải Huyền 20 là một ngàn năm theo nghĩa đen, nhưng
vương quốc hầu đến thì không phải là “Thời Đại Của Đấng Mêsia được các tiên tri Cựu
Ước báo trước” (The Book of Revelation (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1977, trang
359).
C. Về Các Giao Ước

478
Phái Tiền Thiên Hy Niên cho rằng lời hứa trong Giao Ước với Ápraham ban cho
dòng dõi Ápraham xứ từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát xưa nay vẫn chưa hề ứng
nghiệm, nhưng sẽ được ứng nghiệm trong vương quốc Thiên Hy Niên hầu đến (Sa
15:18). Những lời hứa trong Giao Ước Đavít cũng đòi hỏi buôc phải thiết lập vương quốc
Thiên Hy Niên để chúng được ứng nghiệm (IISa 7:12-16).
D. Về Hội Thánh
Phái Tiền Thiên Hy Niên Định Kỳ phân biệt nhất quán giữa Hội Thánh với Ysơraên.
Vì Hội Thánh không làm ứng nghiệm những lời hứa còn chưa ứng nghiệm đã lập với
Ysơraên, nên phải có thời kỳ để chúng được ứng nghiệm, và thời kỳ đó chính là trong
Thiên Hy Niên.
Mức độ mà hệ thống thần học phân biệt nhất quán giữa Ysơraên với Hội Thánh sẽ
cho thấy quan điểm lai thế học của hệ thống đó. Hãy quan sát biểu đồ sau.
III. GIẢI KINH HỌC CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN
Phái Tiền Thiên Hy Niên sử dụng giải kinh học theo nghĩa đen (hay giải kinh học
thông thường). Và đương nhiên, cách giải kinh này cung cấp bức tranh của họ về các
biến cố tương lai.
LỊCH SỬ CỦA THUYẾT TIỀN THIÊN HY NIÊN
A. Thời Cổ Đại
Trong những thế kỷ đầu của hội thánh, lược đồ tổng quát của Tiền Thiên Hy Niên
đã được chấp nhận rộng rãi, dầu các chi tiết về trình tự thời gian không phải lúc nào
cũng rõ ràng. Những đặc điểm mô tả Thiên Hy Niên được hiểu theo nghĩa đen, triều đại
tương lai của Đấng Christ tại Giêrusalem là chủ đề nổi bật, và triều đại đó sẽ đến tiếp
sau Sự Tái Lâm của Đấng Christ. Philip Schaff, một sử gia của Hội Thánh, tóm tắt như
sau: “Điểm nổi bật nhất trong lai thế học của Thời Đại Trước Hội Nghị Nicene là chủ
thuyết một ngàn năm nổi bật - hay thuyết Thiên Hy Niên - tức tin vào triều đại hữu
hình của Đấng Christ trong vinh hiển trên đất cùng với các thánh đồ phục sinh trong
1000 năm, trước khi có cuộc tổng phục sinh và sự đoán xét lớn. Thực ra, đây không
phải là giáo lý của Hội Thánh được biểu hiện trong bất kỳ bài tín điều hay trong hình
thức cầu nguyện thờ phượng nào, nhưng là ý niệm lưu hành rộng rãi của các giáo sư lỗi
lạc” (History of the Christian Church (New York: Scribners, 1884,2:614. Về đoạn trích từ
một số “giáo sư lỗi lạc” đó, xin xem Ryrie, The Basis of the Premillennial Faith
(Neptune, N.J.: Loizeaux, 1954,17-33).
Với sự hiệp nhất giáo hội và nhà nước thời Constantine, niềm trông cậy sự hiện ra
của Đấng Christ phai mờ dần. Trường phái giải kinh Alexandrian tấn công giải kinh

479
học nghĩa đen vốn là nền tảng cho Tiền Thiên Hy Niên, và ảnh hưởng từ những lời dạy
của Augustine đã giải thích lại khái niệm và thời điểm của Thiên Hy Niên.
B. Thời Kỳ Trung Cổ Và Thời Kỳ Cải Chánh
Trong thời trung cổ, hầu hết các giáo lý - kể cả lai thế học - đã bị lu mờ bởi bóng tối
của những thế kỷ đó. Như đã thấy, những nhà Cải Chánh nói chung theo lai thế học Vô
Thiên Hy Niên, dầu vậy phái Anabaptists và Huguenots đều theo thuyết Thiên Hy Niên.
C. Thời Cận Đại
Thời cận đại chứng kiến sự vùng dậy của giáo lý Tiền Thiên Hy Niên. Nhiều nhà
giải kinh (như J.A. Bengel và Henry Alford) đã viết ra từ quan điểm này. Sự truyền bá
Định Kỳ Thuyết trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đã mang theo sự quan tâm sống động đến
bộ môn nghiên cứu lời tiên tri. (Về những phần luận chi tiết, xem Ernest R. Sandeen,
The Roots of Fundamentalism, (Chicago: University of Chicago Press, 1970, và C.
Norman Kraus, Dispensationalism in America (Richmond: John Knox, 1950).

480
Chương 81: GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI ÁPRAHAM
I. TẦM QUAN TRỌNG LAI THẾ HỌC CỦA GIAO ƯỚC NÀY
Cách giải thích Giao Ước Ápraham là lằn ranh giới giữa thuyết Tiền Thiên Hy Niên
và thuyết Vô Thiên Hy Niên. Vấn đề trọng tâm liên quan đến sự ứng nghiệm giao ước
trên. Hết thảy đều đồng ý rằng những phương diện nhất định của giao ước đã được ứng
nghiệm. Nhưng mọi người không đồng ý về sự ứng nghiệm các phương diện khác của
giao ước, đặc biệt là lời hứa ban xứ. Phái Vô Thiên Hy Niên tuy không nhất trí về thời
điểm ứng nghiệm lời hứa ban xứ, nhưng nhất trí rằng lời hứa đó sẽ không ứng nghiệm
trong một vương quốc Thiên Hy Niên tương lai trên trần gian. Mặt khác, phái Tiền
Thiên Hy Niên quả quyết: vì xưa nay chưa hề có sự ứng nghiệm theo nghĩa đen, nên
phải có sự ứng nghiệm đó trong tương lai, và hệ thống của họ là hệ thống duy nhất có
nói đến một thời điểm tương lai cho lời hứa ấy được ứng nghiệm trên trần gian này.
II. NHỮNG LỜI HỨA CỦA GIAO ƯỚC NÀY
A. Những Lời Hứa Cá Nhân Cho Ápraham (Sa 12:2)
Ba mệnh đề ngắn nói với Ápraham (sử dụng dạng tập hợp của động từ trong tiếng
Hêbơrơ) chứa đựng những lời hứa cá nhân mà Đức Chúa Trời đã hứa cùng Ápraham.
1. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn.” Khi Đức Chúa Trời phán lời này,
Ápraham chưa có con thừa kế. Dĩ nhiên, lời hứa này chỉ về dân Do thái, là dòng dõi
Ápraham qua Ysác và Giacốp.
2. “Ta sẽ ban phước cho ngươi.” Để ứng nghiệm lời hứa này, Đức Chúa Trời đã ban
cho Ápraham những ơn phước trong trần gian là xứ (13:14-15,17), tôi tớ (15:7), và sự giàu
có (13:2; 24:34-35), và Ngài cũng ban cho ông những ơn phước thuộc linh (13:18; 21:22).
3. “Cùng làm nổi danh ngươi.” Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Ápraham danh tiếng,
danh vọng, và được nổi danh.
Mệnh đề cuối của 12:2 nói lên mục đích hay kết quả của việc Chúa chúc phước cho
Ápraham - “Ngươi sẽ thành một nguồn phước.”
B. Những Lời Hứa Phổ Thông (Sa 12:3)
1. Lời hứa rằng Chúa chúc phước hay rủa sả con người căn cứ vào cách họ đối đãi
với Ápraham. Mối tương quan của Ápraham với Chúa mật thiết đến nỗi việc chúc
phước hay rủa sả ông thực ra chính là chúc phước hay rủa sả Chúa (20:2-18; 21:22-34).
2. Lời hứa rằng mọi chi tộc của thế gian sẽ được chúc phước. Phaolô nói rõ rằng
Đấng Christ đã làm trọn lời hứa này (Ga 3:16). Chữ “dòng dõi” có thể vừa mang tính tập
thể vừa mang tính cá thể, tức là chữ này có nghĩa “dòng dõi” này là một phả hệ, một gia
đình, và đặc biệt là một Đấng, tức Đấng Christ (c. 19). Ý tưởng quyết định của Phaolô

481
trong đoạn Kinh Thánh đó là: Đừng cố trở nên dòng dõi của Ápraham bằng cách chịu
phép cắt bì, nhưng hãy trở nên dòng dõi bằng cách ở trong Đấng Christ (27,29). Địa vị
của chúng ta trong Christ khiến chúng ta trở thành kẻ kế tự của lời hứa cụ thể này
trong Giao Ước Ápraham. Cũng cẩn thận chú ý rằng Phaolô không nói hội thánh làm
ứng nghiệm toàn giao ước đó. Ông chỉ tập trung vào một lời hứa duy nhất này về việc
chúc phước cho dòng dõi (c.16 - dùng chữ ở số nhiều - “các lời hứa,” vì giao ước này
được lập đi lập lại cho Ápraham, chứ không phải vì Phaolô muốn cho thấy hội thánh
làm ứng nghiệm toàn bộ giao ước. Xem J.B. Lightfoot, A Commentary on St. Paul’s
Epistle to the Galatians (New York: Macmillan, 1892, trang 142).
C. Các Lời Hứa Về Dân Tộc (Sa 15:18-21)
1. Lời hứa Ápraham sẽ sanh ra một dân lớn vừa là một lời hứa cá nhân vừa là một
lời hứa mang tính dân tộc. Ápraham đã thực sự có kẻ thừa kế được sanh ra cách kỳ
diệu bởi Sara (21:2).
2. Lời hứa ban cho dân đó một xứ cụ thể để làm cơ nghiệp. Xem Sa 12:7; 13:15,17;
15:7-8,18; 17:8; 24:7; 26:3; 28:13-14; 35:12; 48:4; 50:24. Sa 17:1-8 nhấn mạnh rằng xứ này sẽ là
một cơ nghiệp đời đời; và 15:18 mô tả các ranh giới là từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát.
Tranh luận vẫn tiếp diễn để xác định sông Êdíptô. Có quan điểm xem sông (nahar)
Êdíptô chính là suối cạn (nahal) Êdíptô, tức là con suối cạn el-’Arish hiện nay, và con
suối này vào mùa mưa sẽ đổ từ giữa bán đảo Sinai vào biển Địa Trung Hải ở 90 dặm
phía đông Kinh Đào Suez (Dan 34:5; Gios 15:4; 47; IVua 8:65; IIVua 24:7; IISu 7:8; Es 27:12; Exe
47:19; 48:28). Đây là quan điểm của Walter C. Kaiser, Jr. (The Promised Land: A Biblical -
Historical View, “Bibliotheca Sacra, 138: chú thích 6, trang 311). Một quan điểm khác
nữa xác định sông Êdíptô là sông Nile, cụ thể là con kênh phía đông của nó. Chữ nahar
được dùng trong Sa 15:18 là chữ luôn nói đến con sông chảy liên tục; sông Nile là sông
chảy liên tục còn suối cạn el- ‘Arish thì không. Đây là quan điểm của Bruce K. Waltke
(The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible (Grand Rapids, MI: Zondervan,
1975,5:121) và K.A. Kitchen (The New Bible Dictionary (Grand Rapids, MI: Eerdmans,
1962,353-4).
Đúng là trong một số phân đoạn, tiêu điểm là Canaan, hoặc một phần của vùng đất
rộng lớn đó như được hứa ban trong câu 18 (17:8; IVua 8:65; Exe 47:13-20). Ysơraên đã
chiếm giữ một phần của vùng đất rộng lớn hơn này ở nhiều thời điểm khác nhau,
nhưng chưa hề chiếm giữ vùng rộng lớn hơn, cũng chưa hề chiếm láy làm cơ nghiệp
đời đời.
III. SỰ PHÊ CHUẨN TRANG TRỌNG CHO GIAO ƯỚC
Nghi lễ phê chuẩn được mô tả trong Sa 15:9-17 khi đem so với phong tục của vùng
Cận Đông thì thấy chỉ một mình Ngài tự ràng buộc Ngài phải làm trọn mọi lời của giao
482
ước, vì chỉ một mình Ngài bước đi giữa các phần đã mổ ra của sinh tế. Ý nghĩa của điều
này thật đáng kinh ngạc: Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời thề trung thành với các lời
hứa của Ngài và đặt bổn phận làm tròn những lời hứa đó trên riêng một mình Ngài mà
thôi. Ápraham không lập một lời thề nào như thế; bấy giờ ông đang ngủ mê, nhưng vẫn
biết điều Đức Chúa Trời đã hứa (xem Cleon L. Rogers, Jr., “The Covenant with Abraham
and Its Historical Setting,” Bibliotheca Sacra, 127:241-56). Rõ ràng, Giao Ước Ápraham
không qui định điều kiện gì để Ápraham sẽ làm hoặc không làm; việc làm ứng nghiệm
mọi thành phần trong giao ước chỉ tùy thuộc vào các công việc của Đức Chúa Trời mà
thôi.
V. NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC XEM LÀ ĐIỀU KIỆN TRONG GIAO ƯỚC NÀY
Tính vô điều kiện trong Giao Ước Ápraham cung cấp cơ sở hậu thuẫn quan trọng
cho thuyết Tiền Thiên Hy Niên, vì lời hứa ban xứ cần có một thời gian tương lai (Thiên
Hy Niên) để lời hứa này được ứng nghiệm tại đó. Do đó, phái Vô Thiên Hy Niên cho
rằng trên thực tế có những điều kiện gắn liền với sự ứng nghiệm giao ước ấy, nên
khiến không thể xem giao ước này là vô điều kiện.
A. Sa 12:1
Mạng lệnh: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương” diễn tả một điều kiện mà nếu Ápraham
không vâng theo thì đã vô hiệu hóa giao ước rồi. Tuy nhiên, xét về ngữ pháp, khi mạng
lệnh này đi trước hai động từ quá khứ chưa hoàn thành và trước một loạt động từ quá
khứ chưa hoàn thành ở dạng tập hợp trong câu 2-3, thì mạng lệnh này diễn tả một ý
định, tức là việc Đức Chúa Trời đã định làm cho Ápraham. Các ví dụ khác về cách dùng
như thế có trong 30:18 và 45:18.
B. Sa 12:2
Cụm từ “là một nguồn phước” được một số người xem như điều kiện để làm ứng
nghiệm giao ước. Tuy nhiên, về ngữ pháp, câu này diễn tả một kết quả được mong đợi
sẽ xảy ra chắc chắn, hoặc diễn tả một ý định. Sách văn phạm Hybálai của Genesius,
Kautzsch, Cowley trích phân đoạn này để làm ví dụ về ý định (William Gesenius,
Gesenius’s Hebrew Grammar, do E. Kautzsche và A.E. Cowley biên soạn, [Oxford: At
the Clarendon Press, 1898], trang 325).
C. Sa 17:1
Một số người hiểu câu “đi ở trước mặt ta” là điều kiện để được ứng nghiệm giao ước.
Tuy nhiên, văn phạm vẫn giống y như 12:1, và diễn tả ý định.
D. Sa 22:16-18; 26:25
Vì giao ước đã được thiết lập vững vàng nhiều lần từ trước những biến cố này, nên
sẽ không phù hợp nếu xem các phân đoạn này là các điều kiện được áp đặt sau khi đã
483
có những tuyên bố rõ ràng về tính vô điều kiện. Đúng hơn, trong những trường hợp
trên, Đức Chúa Trời thừa nhận sự xứng đáng của Ápraham để nhắc nhở ông cùng dòng
dõi ông rằng: đức tin và sự vâng lời là điều cần thiết để được dự phần những lợi ích của
các lời hứa vô điều kiện trong giao ước (Walter C. Kaiser, Jr., Toward an Old Testament
Theology (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1978, trang 93-4).
IV. NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ SỰ ỨNG NGHIỆM GIAO ƯỚC
A. Quan Điểm Vô Thiên Hy Niên
Thuyết Vô Thiên Hy Niên dạy rằng mọi điều khoản của giao ước đã và đang ứng
nghiệm, kể cả lời hứa về xứ. Điều này được ứng nghiệm hoặc bằng cách thuộc linh hóa
lời hứa về xứ để hội thánh làm ứng nghiệm nó, hoặc bằng cách hiểu nó đã ứng nghiệm
trong lịch sử quá khứ của Ysơraên. Một trong những dịp được xem là sự ứng nghiệm
như thế diễn ra trong thời Giôsuê. Trong Gios 21:43-45, chúng ta thấy Chúa phán với
Giôsuê rằng Ngài hiện giữ đúng những lời hứa đã lập với Ysơraên bằng cách ban xứ
Ngài đã hứa cùng tổ phụ họ. Đương nhiên, họ không sở hữu xứ Canaan mãi mãi, mà
cũng không chinh phục hết trọn xứ tại thời điểm đó. Nhưng, ngoài những nhận định đó
ra, Đức Chúa Trời có tuyên bố: điều đã diễn ra chính là sự ứng nghiệm giao ước. Làm
sao như vậy được? Trong nhiều lời tuyên bố của giao ước, xứ được hứa ban cho họ là
vừa là vùng đất từ sông Êdíptô đến sông Ơphơrát (Sa 15:18) vừa là xứ Canaan (17:7).
Phần đất đầu là rộng lớn hơn, bao gồm cả phần xứ Canaan - là phần đất nhỏ hơn. Trong
thời Giôsuê, dân Ysơraên chưa hề chiếm được vùng lãnh thổ rộng hơn kia, nhưng đã sở
hữu vùng đất Canaan. Vì vậy, lời hứa cũng đã không ứng nghiệm đời đời.
Trong IISa 8:3, “người” đi lấy lại quyền quản hạt trên sông Ơphơrát không phải là
Đavít; “chủ ngữ của câu văn này là Hađađêxe.” (A.F. Kirkpatrick, “The Second Book of
Samuel,” trong The Cambridge Bible for Schools and Colleges (Cambridge:Univ. Press,
1897,106).
Việc đó cũng đúng cho điều được xem là sự ứng nghiệm lời hứa ban xứ dưới thời
vua Salômôn (IVua 4:21). Dầu vương quốc Salômôn bành trướng rất rộng, nhưng vua
không cai trị toàn lãnh thổ đã được hứa ban cho Ápraham, cũng không cai trị trên đó
đời đời.
Có lẽ cần một minh họa. Giả sử tôi hứa trả toàn bộ học phí đại học của một sinh
viên. Có lẽ điều này thường có nghĩa thanh toán tiền cho bốn năm học. Đến cuối năm
thứ nhất, tôi có thể nói rằng mình đã giữ lời hứa. Và thậm chí tôi còn có thể nói (giống
như Sa 26:5): “Vì em đạt điểm tốt như vậy nên tôi rất vui trả học phí cho năm tới.” Lời
hứa lớn hơn (thanh toán toàn bộ học phí) bao gồm những lời hứa nhỏ hơn (thanh toán
học phí từng năm).

484
Lời hứa lớn hơn về xứ giữa hai con sông bao gồm cả lãnh thổ Canaan và lãnh thổ
mà Salômôn đã cai trị, nhưng không có nghĩa vùng đất Canaan hoặc vương quốc của
Salômôn là tương đương với vùng đất rộng lớn hơn kia.
Hãy quan sát sự tự mâu thuẫn vốn có trong quan điểm Vô Thiên Hy Niên. Nếu giao
ước là có điều kiện, thì ngay cả người theo thuyết Vô Thiên Hy Niên cũng không cần
tìm sự ứng nghiệm trong thời của Giôsuê hoặc trong thời của Salômôn. Nếu giao ước đã
được ứng nghiệm tại một trong hai thời điểm đó rồi, thì giao ước ấy không phải là có
điều kiện. Nếu đã ứng nghiệm trong thời Giôsuê hoặc Salômôn, thì hội thánh không
làm ứng nghiệm giao ước đó. Nếu hội thánh làm ứng nghiệm giao ước, thì không cần
tìm ứng nghiệm trong thời Giôsuê hoặc Salômôn nữa. Có vẻ người theo thuyết Vô Thiên
Hy Niên cần có thêm “những vỏ bánh xe dự phòng” của những sự ứng nghiệm khả dĩ
dưới thời Giôsuê hoặc Salômôn, hoặc ứng nghiệm qua hội thánh trong trường hợp lập
luận bênh vực tính có điều kiện kia bị “lủng bánh”!
Lối tiếp cận mới lạ với sự ứng nghiệm lời hứa ban xứ đã được đề xuất bởi Anthony
Hoekema, là người nhìn thấy rất nhiều lần ứng nghiệm lời hứa về xứ trong lịch sử
Ysơraên, nhưng một sự ứng nghiệm tối hậu cho hình thật của bóng ở trên trái đất mới.
Ông đã mở rộng Đất Hứa để bao gồm toàn bộ trái đất, và mở rộng người nhận lãnh lời
hứa này để bao gồm toàn bộ người được cứu chuộc. Ông rõ ràng phủ nhận bất cứ sự
ứng nghiệm nào trên trái đất hiện tại trong một Thiên Hy Niên mai sau (The Bible and
the Future [Grand Rapids: Eerdmans, 1979], trang 206-12,274-87).
B. Quan Điểm Tiền Thiên Hy Niên
Thuyết Tiền Thiên Hy Niên quả quyết mọi điều khoản trong giao ước Ápraham phải
được ứng nghiệm vì cớ giao ước được lập ra vô điều kiện. Phần lớn giao ước đã được
ứng nghiệm rồi, và ứng nghiệm theo nghĩa đen; do đó, phần chưa ứng nghiệm còn lại
cũng sẽ được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Như vậy, điểm nhấn mạnh tập trung dồn vào
lời hứa ban xứ chưa ứng nghiệm. Dầu nước Ysơraên đã chiếm một phần lãnh thổ được
hứa ban trong giao ước, nhưng vẫn chưa hề chiếm được toàn bộ lãnh thổ đó, và chắc
chắn là chưa chiếm đời đời như giao ước đã hứa. Do đó, phải có lúc nào đó trong tương
lai để Ysơraên thực hiện được điều đó, và đối với người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên,
việc đó sẽ diễn ra trong vương quốc Thiên Hy Niên hầu đến. Như vậy, Giao Ước
Ápraham hậu thuẫn mạnh mẽ cho lai thế học của thuyết Tiền Thiên Hy Niên.

485
Chương 82: GIAO ƯỚC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI ĐAVÍT
Giao ước Chúa lập với Đavít - cũng giống giao ước với Ápraham - cũng hậu thuẫn
mạnh mẽ cho lai thế học Tiền Thiên Hy Niên.
I. CÁC ĐIỀU KHOẢN TRONG GIAO ƯỚC (IISa 7:12-16)
Đavít ao ước cất đền thờ cho Đức Giêhôva thay cho đền tạm. Vì ông sống trong nhà
bằng cây bá hương, nên có vẻ hoàn toàn thích hợp để có tòa nhà lâu bền hơn để thờ
phượng Chúa. Nhưng Chúa mặc khải cho tiên tri Nathan rằng Ngài dự định cho Đavít
điều còn vĩ đại hơn nhiều, và khải thị đó chính là Giao Ước Đavít.
A. Những Lời Hứa Liên Quan Đến Đavít
1. Dòng dõi. Đavít sẽ có một con trai nối ngôi và vững lập vương quốc (c.12).
2. Vương quốc. Nhà, ngôi và nước của Đavít sẽ được vững lập đời đời (c.16). Tuy
nhiên, giao ước này không bảo đảm triều đại không gián đoạn của nhà Đavít, dầu có
hứa quyền cai trị vẫn luôn thuộc triều đại Đavít. Dĩ nhiên, Cuọc Lưu Đày Babylôn làm
gián đoạn quyền cai trị của nhà Đavít.
B. Những Lời Hứa Liên Quan Đến Salômôn
1. Đền thờ. Salômôn, chứ không phải Đavít, sẽ xây đền thờ (c.13a).
2. Ngôi. Ngôi của vương quốc Salômôn sẽ vững lập đời đời (c. 13b).
3. Hình phạt. Ông sẽ bị phạt vì tội mình nhưng không bị truất (14-15).
Đức Chúa Trời không hứa cụ thể hậu thế của Đavít sẽ ra từ dòng dõi Salômôn.
Giêcônia (hoặc “Coniah”), một trong những hậu tự của Salômôn đã bị Chúa tuyên phán
là “không có con cái” (Gie 22:30). Thực ra, Giêcônia có bảy con trai (có lẽ là con nuôi, ISu
3:17-18), dẫu vậy, không có ai bước lên ngai vàng cả.

Như vậy, xét về một triều đại liên tục, thì Giêcônia đã “không có con cái.” Phả hệ
của ông đã thực sự giữ lại quyền thừa kế hợp pháp ngai vàng, là điều đã được tuyên bố
cho Chúa Jesus thông qua người cha hợp pháp của Ngài là Giôsép (Mat 1:7,12,16).
Một lần nữa, cần nhớ: các lời hứa này được lập vô điều kiện. Vẫn có người cố phủ
nhận tính vô điều kiện của giao ước đó, tuyên bố giao ước có thể bị hủy, và trích chữ
“nếu” trong IISa 7:14, ICácVua 2:4; 8:25; 9:4-5; Es 24:5 và Exe 16:59. Giải pháp đơn giản là:
“Việc ‘vi phạm,’ hay tính có điều kiện này, có thể chỉ về việc làm mang tính cá
nhân và đích thân gây mất hiệu lực các lợi ích trong giao ước, nhưng không thể ảnh
hưởng đến sự lưu truyền lời hứa cho hậu thế. Đó là lý do Đức Chúa Trời nhất quyết
khẳng định sự thủy chung của Ngài và tính vĩnh viễn của giao ước với Đavít bất luận
những kẻ bất lương lên nối ngôi, tức những người xuất hiện trong phổ hệ của Đavít. Bởi

486
trong trường hợp đó, Ngài đã ‘chê trách họ,’ nhưng không chê trách Giao Ước Mới Của
Ngài Với Ápraham Và Đavít (Kaiser, Toward an Old Testament Theology (Grand Rapids,
MI: Zondervan, 1978, trang 157).
II. SỰ KHẲNG ĐỊNH GIAO ƯỚC NÀY TRONG CỰU ƯỚC
Thực ra, mọi phân đoạn Cựu Ước nào mô tả Đấng Mêsia là Vua và nước hầu đến của
Ngài đều khẳng định các lời hứa trong Giao Ước Đavít. Ví dụ, mọi Thithiên về vua đều
nêu thêm thông tin về nước Đavít (Thi thiên 2; 18; 20-21; 45; 72; 89; 101; 132; 144). Thi
89:3-4,19-37 khẳng định mạnh mẽ tính bất biến của giao ước. Có vẻ Chúa đang ngừa
trước lời phái Vô Thiên Hy Niên tuyên bố những lời hứa về nước phải được “thuộc linh
hóa” cho hội thánh khi Ngài phán: dầu hình phạt sẽ đến, nhưng giao ước sẽ không bị
hủy hoặc thay thế (c.32-34).
Rất nhiều phân đoạn trong Êsai cũng báo trước và mô tả vương quốc hữu hình trên
trần gian được hứa ban trong Giao Ước Đavít. Êsai dự ngôn quyền cai trị của Đấng
Mêsia “trên ngôi Đavít và trên nước Ngài (9:7). Tại nhiều chỗ khác, ông mô tả một số
đặc trưng của nước ấy (các đoạn 11; 24-25; 54; 60-61).
Những lời hứa quan trọng khác nữa trong Cựu Ước về vương quốc Đavít gồm có: Gie
23:5-6; 30:8-9; 33:14-17; 20-21; Exe 37:24-25; Da 7:13-14; Os 3:4-5; Am 8:11; và Xa 14:4,9).

III. LỜI KHẲNG ĐỊNH GIAO ƯỚC NÀY TRONG TÂN ƯỚC
Thắc mắc quan trọng về bằng chứng của Tân Ước cho vương quốc này là: Những lời
dạy của Đấng Christ hay của các sứ đồ có thay đổi hay thay thế khái niệm của Cựu Ước
về một vương quốc trên trần gian hay không? Tại thời kỳ Chúa hiện đến lần thứ nhất,
hy vọng của toàn dân mong một vương quốc đã trở nên cực kỳ mạnh mẽ giữa dân Do
thái. Từ ngữ “nước Đức Chúa Trời” và “nước thiên đàng” ở trên môi miệng mọi người.
Theo nhận thức của dân Do thái, những đặc trưng chính của vương quốc này là sẽ (a) ở
trần gian, (b) nước của dân tộc, (c) của Đấng Mêsia, (d) nước đạo đức, và (e) đến trong
tương lai. Điều này có nghĩa: (a) ở trên đất này, (b) liên quan cụ thể đến nước Ysơraên,
(c) được cai trị bởi hiện diện đích thân của Đấng Mêsia, (d) có những tiêu chuẩn cao do
Chúa ban, và (e) vẫn chưa tồn tại. Những lời dạy của Chúa và của người khác có thay
đổi nhận thức này không?
A. Trong Lời Giảng Của Giăng Báp Tít
Sứ điệp của ông rất đơn giản. “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần” ( Mat 3:1-
2). Điểm nhấn mạnh của ông là sự ăn năn chứ không phải mô tả vương quốc, dầu lời
giảng của ông đã khẳng định những lời hứa của Giao Ước Đavít.
B. Trong Sự Giảng Dạy Của Đấng Christ

487
Thiên sứ Gápriên báo cho Mari biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho Con Trai nàng ngôi
của Đavít tổ phụ Ngài và quyền cai trị trên Ysơraên đời đời (Lu 1:31-33). Các bác sĩ đã
tìm “Vua Dân Giuđa” (Mat 2:2. Chúa chúng ta tuyên bố nước thiên đàng đã đến gần
(4:17,23; 9:35). Ngài đòi hỏi phải có sự công bình mới được vào nước ấy (5:20). Ngài cũng
ủy thác cho bảy mươi môn đồ cùng một sứ điệp đó (Lu 10:1-9).
Tuy nhiên, khi sứ điệp của Ngài tiếp tục bị dân chúng - và đặc biệt các lãnh tụ của
họ - khước từ, Chúa giới thiệu những lẽ mầu nhiệm của nước ấy (Mathiơ 13). Chúng mô
tả các phương diện của vương quốc mà đến tận bấy giờ vẫn chưa tiết lộ, vì chúng mô tả
nước ấy sẽ mang hình thức nào giữa lần hiện ra thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ.
Như vậy có phải vương quốc Đavít sẽ mang một hình thức mới và có hội thánh làm trọn
các lời hứa đã lập cùng Đavít? Không, vì lý do đơn giản là Chúa tiếp tục nói về vương
quốc Đavít cho đến cuối cuộc đời tại thế của Ngài (đặc biệt lưu ý 25:34). Hơn nữa, ngay
trước lúc Ngài thăng thiên, các môn đồ hỏi khi nào vương quốc hứa ban cho Ysơraên
(chứ không phải hội thánh) sẽ đến, Chúa không bảo họ vương quốc ấy đã được đổi
thành hội thánh, nhưng chỉ nói Ngài không thể tiết lộ khi nào vương quốc đó đến (Cong
1:6-8). Nói cách khác, bất luận vương quốc này mang hình thức nào trong thời đại hiện
nay đi nữa (tức là những lẽ mầu nhiệm của vương quốc), thì điều đó cũng không thay
đổi hay bãi bỏ những lời hứa trong vương quốc Đavít về một vương quốc trên trần gian
trong tương lai.
Do vậy, sự dạy dỗ của Tân Ước khẳng định Giao Ước Đavít.

488
Chương 83: KHÁI LƯỢC CÁC BIẾN CỐ TƯƠNG LAI
Chương này nêu khái lược các biến cố tương lai theo cách hiểu Kinh Thánh của
thuyết Tiền Thiên hy niên Tiền đại nạn. Đây sẽ là khung để luận chi tiết hơn các biến
cố tuyển chọn trong tương lai.
I. CÁC BIẾN CỐ XUNG QUANH SỰ KẾT THÚC THỜI ĐẠI HỘI
THÁNH
A. Sự Bội Đạo Gia Tăng
Từ ngữ “Ngày sau rốt” bao trùm toàn bộ thời kỳ từ sự hiện ra lần thứ nhất đến lần
thứ hai của Đấng Christ (He 1:2). Sự đi sai lạc và bội đạo, cùng nhiều vấn đề khác, sẽ
đặc trưng cho toàn bộ thời kỳ đó (IITi 3:1). Vì vậy, hiện diện của sự bội đạo tự nó không
báo hiệu sự kết thúc Thời Đại Hội Thánh, nhưng sự gia tăng bội đạo mới chính là dấu
hiệu. Sự bội đạo vừa ở hiện tại, vừa trong tương lai - khi diễn ra sự bội đạo đến mức cao
nhất đưa đến sự cai trị tôn giáo của người tội ác trong thời Đại Nạn (IITe 2:3). Chúng ta
có thể cho rằng sự bội đạo càng lan rộng khi đến gần những ngày Đại Nạn.
1. Những đặc trưng giáo lý của sự bội đạo. Ít nhất có ba đặc trưng sau: (a) Chối bỏ
giáo lý Ba Ngôi (IGi 2:22-23); (b) Chối bỏ giáo lý Sự Nhập Thể của Đấng Christ (IGi 2:22;
4:3; IIGiăng 7). Trong thời Giăng, sự phủ nhận này ở hình thức phủ nhận nhân tánh
đích thực của Đấng Christ, dầu vậy còn mang cả hình thức phủ nhận thần tánh đích
thực của Đấng Christ. Chối bỏ hoặc Ba Ngôi Đức Chúa Trời hoặc Sự Nhập Thể cũng có
nghĩa chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Thần Nhân, tức chối bỏ điều thiết yếu cho sự cứu
rỗi chúng ta. Nếu Chúa Jesus Christ không phải là con người, thì Ngài không thể chết;
nhưng nếu Ngài cũng không phải là Đức Chúa Trời thì sự chết đó không thể chuộc tội
được; (c) Phủ nhận giáo lý tái lâm của Đấng Christ (IIPhi 3:4).
2. Những đặc trưng về nếp sống của sự bội đạo. Sai lạc trong giáo lý luôn dẫn đến
suy đồi về đạo đức. Phaolô nêu 18 đặc trưng của sự biến thái như thế trong IITi 3:1-5.
Chúng là: tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, lộng ngôn, nghịch cha mẹ, bội bạc,
không tin kính, vô tình, thù hằn không dứt đến nỗi không thể thuyết phục con người
hòa thuận với nhau, hay phao vu, không tiết độ (không thánh khiết), dữ tợn, thù người
lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận (hấp tấp hay thiếu thận trọng), lên mình kiêu
ngạo, ưa thích vui chơi hơn là yêu mến Chúa (giả vờ thờ phượng Chúa mà không có nếp
sống tin kính).
B. Sự Dọn Đường Cho Giáo Hội Công Đồng (Ecumenical Church)
Trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, một tôn giáo có tổ chức và mang tính công đồng sẽ lên
đến thời hoàng kim của nó. Hệ thống tôn giáo bội đạo này được mô tả trong Khải
Huyền 17 dưới nhãn hiệu “Sự Mầu Nhiệm, Babylôn Lớn.” Hệ thống này sẽ lan rộng

489
toàn cầu (c.15), không trung thành với lẽ thật và với Chúa (từ ngữ “dâm phụ” xuất hiện
trong c.1,5, 15-16), có thế lực chính trị rộng lớn (c. 12-13), là một “mồ mả tô trắng,” tức
bại hoại bề trong nhưng lại huy hoàng hào nhoáng ở bề ngoài (c.4), và sẽ bắt bớ các
thánh đồ của thời kỳ Đại Nạn (c.6).
Cơ sở cho hệ thống như thế có vẻ phải được lập trước khi Cơn Đại Nạn bắt đầu, có
nghĩa là trong những năm cuối cùng của Thời Đại Hội Thánh. Sự chuẩn bị này có thể
bao gồm những biện pháp tổ chức hướng đến sự thống nhất trong Cơ Đốc Giáo Giới
cũng như uy thế của các giáo lý mà nhiều nhóm khác nhau đang ủng hộ.
II. SỰ CẤT HỘI THÁNH LÊN
A. Khái Niệm Sự Cất Lên
Hiểu biết hiện nay của chúng ta về chữ “sự cất lên” (Anh ngữ: rapture – nghĩa bình
thường là “sự vui sướng vô ngần”) dường như ít hoặc không liên quan gì đến biến cố lai
thế học này. Tuy nhiên, từ này được dùng rất phù hợp để chỉ về sự kiện đó. Cất lên là
một tình trạng hoặc một từng trải được đem ra khỏi. Chữ này trong Anh ngữ (rapture)
ra từ chữ Latin, rapio, có nghĩa bắt giữ hay nắm giữ liên quan đến sự xuất thần của tâm
linh, hay sự chuyển dời thật sự từ chỗ này sang chỗ khác. Nói cách khác, chữ này có
nghĩa là được mang đi khỏi trong tâm linh hay trong thân thể. Sự Cất Lên có nghĩa là
việc đem Hội Thánh từ đất lên thiên đàng.
Chữ Hylạp mà chúng ta rút ra từ ngữ “cất lên” xuất hiện trong ITe 4:17, dịch là
“được cất lên.” Bản dịch tiếng Latin của câu Kinh Thánh này đã dùng chữ rapturo. Chữ
này dịch sang tiếng Hylạp là chữ harpazơ, có nghĩa vồ chộp lấy đi, hay là lấy đem đi. Ở
chỗ khác, chữ này được dùng mô tả cách Thánh Linh đã cất Philíp đi khỏi Gaxa để đem
ông đến Sêsarê (Cong 8:39) và mô tả từng trải Phaolô được cất lên đến từng trời thứ ba
(IICo 12:2-4). Do đó, có thể tin rõ ràng chữ này được dùng trong Têsalônica 4:17 để chỉ ra
việc chuyển dời tín đồ thực sự từ đất lên trời.
B. Những Thành Phần Của Sự Cất Lên (ITe 4:13-18)
1. Sự trở lại của Đấng Christ (c. 16). Chính Chúa sẽ trở lại đón rước dân sự Ngài,
kèm theo toàn bộ oai nghiêm cả thể xứng đáng với hiện diện của Ngài. Sẽ có tiếng kêu
lớn (Kinh Thánh không nói rõ là tiếng của Chúa hoặc của thiên sứ trưởng), và tiếng kèn
của Đức Chúa Trời sẽ gọi những kẻ chết trong Đấng Christ sống lại, cũng như sẽ vang
lên lời cảnh cáo những ai đã chối bỏ Ngài nên bởi đó không được cất lên.
2. Sự sống lại (c. 16). Đến lúc này, chỉ những người chết trong Đấng Christ mới
được sống lại. Điều này có nghĩa những tín đồ kể từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, vì dẫu trước đó
đã có các tín đồ, nhưng không ai trong số đó được đặt vào “trong Đấng Christ.” Kẻ chết
trong Đấng Christ sẽ được sống lại ngay trước khi những người đang sống được biến

490
hóa. Tuy nhiên, cả hai nhóm này đều sẽ kinh nghiệm sự biến hóa tương ứng của họ
“trong giây phút, trong nháy mắt” (ICo 15:52). Toàn bộ tiến trình này sẽ diễn ra tức thời,
chứ không diễn ra dần dần. Chữ dùng cho “giây phút” ra từ chữ “nguyên tử.” Vì khi
khám phá ra nguyên tử, người ta nghĩ nguyên tử là không thể phân chia nữa, nên đặt
tên “nguyên tử.” Dầu sau đó nguyên tử bị phân chia ra, nhưng chữ này vẫn giữ nguyên
nghĩa “không thể phân chia” của nó. Sự sống lại của kẻ chết và sự biến hóa của người
đang sống sẽ diễn ra trong khoảng thời gian tức thời không thể phân chia được.
3. Sự Cất Lên (c. 17). Nói chính xác thì chỉ những tín đồ còn đang sống mới được
Cất Lên (dầu chúng ta dùng chữ này để bao gồm toàn bộ sự việc diễn ra lúc đó). Điều
này có nghĩa họ sẽ được cất lên để gặp mặt Chúa mà không phải trải qua sự chết.
4. Sự đoàn tụ (c.17). Đây là sự đoàn tụ với Chúa và với những người thân đã qua
đời.
5. Sự yên ủi (c.18). Lẽ thật về Sự Cất Lên vừa yên ủi vừa khích lệ chúng ta (vì chữ
này mang cả hai nghĩa ấy).
Những lời Phaolô mô tả Sự Cất Lên trong cả ICo 15:51-58 và ITe 4:13-18 không hậu
thuẫn quan điểm Sự Cất Lên Một Phần, là quan điểm dạy rằng chỉ những tín đồ thiêng
liêng mới được mới được cất lên trong nhiều lần ở thời kỳ Cơn Đại Nạn. Phaolô dạy rõ
rằng “chúng ta ... hết thảy đều sẽ biến hóa” tại lúc đó, và ông viết những lời đó cho tín
đồ Côrinhtô, đa số họ hầu như không thể gọi là tín đồ thiêng liêng.
III. NHỮNG BIẾN CỐ CỦA THỜI KỲ ĐẠI NẠN
Vì Kinh Thánh mô tả rất nhiều biến cố trong bảy năm Đại Nạn, và vì tôi muốn cố
xếp chúng lại với nhau theo một trình tự thời gian càng sát nhau càng tốt, nên tôi nghĩ
tốt nhất nên thực hiện trong chương kế tiếp.
IV. NHỮNG BIẾN CỐ LÚC ĐẤNG CHRIST TÁI LÂM
A. Sự Tái Lâm
Tại đỉnh điểm của chiến dịch Hamaghêđôn, Chúa sẽ trở lại trần gian để đoán xét và
cai trị. Sự trở lại của Ngài được mô tả trong Xa 14:1-11 và Kh 19:11-16. Còn nhiều phân
đoạn khác nói đến sự tái lâm, nhưng hai phân đoạn trên trình bày chi tiết nhất.
V. THIÊN HY NIÊN
Vì Kinh Thánh nêu rất nhiều chi tiết về nước Thiên Hy Niên trong tương lai của
Đấng Christ, nên tôi muốn dành riêng một chương để nói về Thiên Hy Niên và về
những sự kiện ở cuối Thiên Hy Niên.

491
Chương 84: THỜI KỲ ĐẠI NẠN
I. TÍNH ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ
Để mô tả thời kỳ Cơn Đại Nạn, Chúa phán đây sẽ là thời kỳ “hoạn nạn lớn, đến nỗi
từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề
có nữa” (Mat 24:21). Đây sẽ là thời kỳ hoạn nạn độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới. Có
rất nhiều thời kỳ khó khăn kể từ khi Chúa phán lời nầy cho đến nay, và chính Ngài đã
cảnh cáo các môn đồ: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian” (Gi 16:33). Vậy, điều gì
khiến thời kỳ tương lai nầy lại khác hẳn? Cơn Đại Nạn sẽ độc nhất vô nhị như thế nào?
Có hai đặc trưng phân biệt Cơn Đại Nạn với toàn bộ những thời kỳ khó khăn khác
mà thế giới từng chứng kiến. Thứ nhất, đây sẽ là Cơn Đại Nạn toàn cầu, chứ không chỉ
ở địa phương, như đã nói trong lời hứa về sự giải cứu (Kh 3:10) và như được mô tả chi
tiết trong những sự đoán xét của sách Khải Huyền. Những sự bắt bớ dữ tợn ở địa
phương và những thiên tai thời nay không thể là khởi đầu của Cơn Đại Nạn, vì thời kỳ
đó sẽ tác động đến toàn thế giới.
Và Cơn Đại Nạn cũng sẽ độc nhất vô nhị vì cách hành động của con người. Từ một
trong những cơn xét đoán ban đầu, con người đã trốn trong các hang động trên núi và
nói: “Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi,
và khỏi cơn giận của Chiên Con!” (6:16). Khi Cơn Đại Nạn xảy đến, con người sẽ hành
động dường như họ cho rằng sắp tận thế đến nơi.
Nhiều năm qua, con người nói chuyện dường như nghĩ kỳ tận thế đã gần rồi, nhưng
đến lúc khởi đầu của Cơn Đại Nạn, họ mới nhận ra kỳ tận thế nầy thực sự sắp đến gần.
Những nhà khoa học, những nhà chính trị, và ngay cả những lãnh đạo Hội Thánh cũng
cảnh cáo thời nay rằng kỳ chung kết lịch sử con người sẽ giáng trên chúng ta, và thậm
chí còn dùng cả từ “Hamaghêđôn,” nhưng con người vẫn không cư xử như thể không
tin điều đó. Người ta vẫn đang mua bán bất động sản, tích lũy của tiết kiệm, và liên tục
lập nhiều kế hoạch cho tương lai. Nhưng khi Cơn Đại Nạn đến, người ta sẽ ẩn mình
trong những hầm trú bom và sẽ thật sự đi tìm cái chết hơn là cố bảo toàn mạng sống.
Trong những ngày đó, tương lai không còn gì là hấp dẫn nữa.
Tính độc nhất vô nhị của Cơn Đại Nạn nằm ở chỗ tính toàn cầu và sự khủng khiếp
của nó, và chính điều đó khiến con người muốn chết hơn muốn sống. Có lúc trong Cơn
Đại Nạn, ngay cả tự tử cũng là việc không thể làm được, để bắt buộc con người phải
sống.
II. KHỞI ĐẦU CƠN ĐẠI NẠN
Cơn Đại Nạn không nhất thiết bắt đầu từ ngày Hội Thánh được cất lên gặp Chúa tại
chốn không trung. Dầu tôi tin Sự Cất Lên xảy đến trước Cơn Đại Nạn, nhưng thật ra

492
Kinh Thánh không nói có khoảng thời gian nào trôi qua hay không giữa Sự Cất Lên và
khởi đầu Cơn Đại Nạn.
Cơn Đại Nạn thực sự bắt đầu với việc ký giao ước giữa lãnh tụ của “Các Liên Minh
Châu Âu” với dân Dothái. Hiệp ước nầy sẽ khơi mào những biến cố của tuần thứ bảy
mươi (hay bảy năm) trong lời tiên tri của Đaniên. Có khoảng thời gian không rõ bao lâu
giữa 69 tuần đầu mỗi tuần bảy năm, với tuần lễ bảy năm cuối hay tuần thứ bảy mươi.
Chúng ta đang sống trong khoảng thời gian đó. Đây là thời kỳ Đức Chúa Trời đang
thành lập Hội Thánh, tức thân thể của Đấng Christ, bằng cách cứu rỗi người Do thái
cũng như người ngoại bang, không phân biệt ai cả. Vì Ngài vẫn chưa hoàn thành
chương trình hiện tại nầy, nên tuần lễ chót của bảy mươi tuần đó vẫn chưa bắt đầu. Khi
tuần lễ đó bắt đầu, Ngài sẽ chú ý đặc biệt đến dân Do thái và thành thánh Giêrusalem
của Ngài, như đã nêu trong Da 9:24.
Khi thời kỳ bảy năm cuối cùng nầy bắt đầu, “Người sẽ lập giao ước vững bền với
nhiều người trong một tuần lễ” (c.27). “Người” nầy chỉ về ai? Xét theo văn phạm, chữ
nầy có thể chỉ về hoặc Đấng Mêsia (c.26) hoặc chỉ về “Vua hầu đến,” là người chắc sẽ
liên hệ với những kẻ hủy phá Giêrusalem vào năm 70 S.C. Quan điểm thứ nhì nầy rõ
hơn, vì thường thường từ ngữ nào gần với đại từ hơn thì hợp hơn, và trong trường hợp
nầy, đó chính là vị vua hầu đến chứ không phải Đấng Mêsia. Hơn nữa, trong phần ký
thuật về đời sống Đấng Christ, không hề có điều gì liên kết Ngài với việc lập (và hủy về
sau nầy) giao ước bảy năm với dân Do thái.
Người nầy là “cái sừng nhỏ” (7:24-25), là kẻ cầm đầu liên minh các nước phương tây
trong những ngày của Cơn Đại Nạn. Người nầy còn được gọi là “người tội ác” (IITe 2:3),
đã được nói đến như là con thú (Kh 11:7; 13:1; 17:11; 19:20). Vào đầu Cơn Đại Nạn, hắn sẽ
lập một giao ước hoặc gia nhập liên minh với Ysơraên. Hiệp ước nầy sẽ kết minh
phương Tây với dân Dothái, và sẽ bảo đảm bảo vệ cho Ysơraên, để Ysơraên có thể tái
lập những nghi lễ cổ truyền của Dothái giáo. Dường như điều khoản nầy cũng sẽ bảo
đảm sự bảo vệ đang khi Ysơraên tái thiết đền thờ tại Giêrusalem để làm trung tâm tổ
chức những nghi lễ tôn giáo của họ. Vì chúng ta biết giao ước nầy sẽ bị hủy, và con
người tội ác sẽ được thờ phượng ngay trong đền thờ Đức Chúa Trời, nên hiển nhiên đền
thờ đã được xây dựng rồi trong nửa đầu của Cơn Đại Nạn (IITe 2:4).
Sự liên kết giữa Tây Âu với Ysơraên là điều thú vị khi xét đến những sự kiện hiện
nay. Điều đó dường như cho thấy tự mình Ysơraên sẽ không đủ mạnh để cảm thấy an
toàn khi đối đầu với các nước thù địch chung quanh. Ysơraên sẽ không thể “hành động
đơn phương” tại thời điểm nầy, và vì vậy sẽ lập một liên minh với các quốc gia Tây
Phương. Bấy giờ, tiền đồ của Ysơraên có vẻ sáng sủa lên. Ysơraên sẽ cảm thấy an toàn
trong xứ mình; Ysơraên sẽ thờ phượng theo đúng kiểu mẫu của Cựu Ước; Ysơraên lại sẽ

493
có đền thờ tại Giêrusalem; và sẽ trở nên quan trọng ở giữa các dân trên thế giới. Nhưng
đây chỉ mới là khởi đầu.
III. NHỮNG SỰ XÉT ĐOÁN CỦA CÁC ẤN, CÁC ỐNG LOA, VÀ CÁC
BÁT THẠNH NỘ
A. Diễn Tiến
Khải Huyền 6-19 mô tả chi tiết Cơn Đại Nạn. Ở đây, chúng ta đọc thấy ba loạt sự
đoán xét. Loạt thứ nhất liên quan đến việc mở bảy con ấn niêm cuộn sách, loạt thứ nhì
liên quan đến việc thổi bảy ống loa, và loạt thứ ba liên quan đến việc trút bảy bát thạnh
nộ.
Ba loạt sự đoán xét nầy nối tiếp nhau, hay các ống loa và các bát thạnh nộ tóm tắt
lại những sự đoán xét của bảy con ấn với cường độ dữ dội hơn? Nói cách khác, sự đoán
xét của các ống loa và các bát thạnh nộ nối tiếp sau bảy cái ấn như những sự đoán xét
khác biệt, hay chúng mô tả cùng những sự đoán xét ấy?
Tôi tin ba loạt đoán xét nầy nối tiếp nhau theo trình tự thời gian, và không hề có sự
tóm tắt lại. Tuy nhiên, dầu cách nào đi nữa, sự đoán xét của các ấn vẫn là những đoán
xét đầu tiên của thời kỳ Cơn Đại Nạn, và chắc sẽ diễn ra trong năm đầu tiên của thời kỳ
đó.
D. Các Ấn
1. Sự phán xét của ấn thứ nhất (Kh 6:1-2). Việc mở ấn thứ nhất bày tỏ cho Giăng thấy
một con ngựa trắng và người cỡi ngựa nầy ra đi chinh phục. Khi giải nghĩa sách Khải
Huyền, hãy luôn luôn bắt đầu với điều rõ nghĩa nhất. Ở đây điều hiển nhiên là những
tháng mở đầu Cơn Đại Nạn sẽ chứng kiến các nước bị người cỡi ngựa bạch chinh phục.
Có người cho rằng kỵ mã nầy là con người tội ác, là thủ lĩnh của liên minh các nước Tây
phương. Tuy nhiên, chúng ta phải gọi phương pháp chinh chiến của người nầy là
“chiến tranh lạnh.” Rõ ràng, lời mô tả nầy trùng hợp chính xác với hình ảnh khởi điểm
của Cơn Đại Nạn được nêu trong ITe 5:3 - đó sẽ là ngày mà con người đang nói về bình
hòa và an ổn. Điều nầy có thể cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày ngay
trước Cơn Đại Nạn - nhưng mặt khác, Lời Chúa không nói điều gì cho thấy không thể có
trận thế chiến khác nữa trong đời hiện tại, rồi kế đó mới là một thời kỳ bình an khác
nữa trước khi Chúa chúng ta đến. Các học giả Tin Lành khác đồng ý kỵ mã thứ nhất
nầy chỉ đại diện cho tinh thần chinh phục - một thái độ đặc trưng cho các nước trong
suốt lịch sử nhân loại. Rõ ràng, tinh thần nầy sẽ tăng lên mạnh mẽ khi kỳ cuối cùng
đến gần.
2. Sự đoán xét của ấn thứ nhì (Kh 6:3-4) Trong sự đoán xét của ấn thứ nhì, bình an sẽ
bị cất khỏi đất, và con người sẽ chinh chiến với nhau. Cụm từ “Có kẻ ban cho người một

494
thanh gươm lớn” khẳng định cách giải nghĩa nầy. Sắc đỏ của con ngựa thứ nhì gợi cảnh
đổ máu. Chiến tranh luôn luôn đi tiếp theo sau tinh thần chinh chiến chinh phục.
3. Sự đoán xét của ấn thứ ba (Kh 6:5-6) Sự đoán xét thứ ba (chắc vẫn còn trong năm
đầu của Cơn Đại Nạn) đem đói kém đến cho thế gian. Con ngựa sắc đen miêu tả hình
ảnh sự kiện nầy, và cái cân trong tay kỵ mã là bằng chứng sự phân chia khẩu phần một
cách cẩn thận. Một đơniê của người Lamã (c.6), là tiền lương một ngày công tại xứ
Palestine trong thời Chúa Jesus (Mat 20:2). Thông thường, lượng tiền nầy sẽ mua được
mười đấu lúa mạch hoặc ba mươi đấu mạch nha. Trong tình trạng đói kém của những
ngày hầu đến, số tiền lương của một ngày chỉ mua được một đấu lúa mạch hoặc ba đấu
mạch nha (một phần mười lượng cung cấp lương thực bình thường). Tuy nhiên, có
chuyện thật mỉa mai trong cơn đói kém nầy. Dầu và rượu, chính những thứ mà phần
lớn dân chúng không mua nổi thì bấy giờ sẽ không hề thiếu. Tính khan hiếm của các
nhu yếu phẩm và sự có sẵn những vật dụng xa xỉ sẽ chế nhạo dân thường trong tình
trạng nghèo khổ của họ.
4. Sự đoán xét của ấn thứ tư (Kh 6:7-8). Theo nguyên văn, con ngựa nầy sắc xanh lá
mạ. Đây là kỵ mã duy nhất được nêu tên, và được gọi là Sự Chết. Dĩ nhiên, sự chết đòi
phần thuộc thể của con người, và đi kèm với Âm Phủ, tức nơi ở của người chết (c.8) và
đòi quyền sở hữu phần phi vật chất. Sự đoán xét nầy sẽ tàn phá ghê gớm - một phần tư
dân số trái đất sẽ bị giết bởi gươm (chiến tranh), bởi đói kém (sự đói kém thường đi
kèm với chiến tranh), bởi sự chết (có lẽ bởi dịch lệ và bệnh tật đi theo sau chiến tranh),
và bởi các loài thú dữ trên đất, mà bấy giờ hình như chúng phát triển không bị kiềm
chế và sẽ tự do đi rong trên đất, giết chóc loài người. Những kế hoạch hết sức khôn
khéo của con người nhằm đem lại hòa bình, sự dồi dào và trường thọ sẽ sụp đổ chỉ
trong thoáng chốc khi sự phán xét nầy xảy ra.
5. Sự đoán xét của ấn thứ năm (Kh 6:9-11). Dầu hành động của ấn thứ năm xảy ra
trên thiên đàng, nhưng hàm ý có những sự kiện nhất định đã diễn ra trên đất.
Có nhóm người tuận đạo trên thiên đàng (c.9) hàm ý họ đã bị giết trên đất rồi, vào
đầu Cơn Đại Nạn. Những người nầy sẽ làm chứng cho Đấng Christ vào đầu Cơn Đại
Nạn. Họ sẽ bị giết vì lời chứng của mình.
6. Sự đoán xét của ấn thứ sáu (Kh 6:12-17). Sự đoán xét nầy giáng thiên tai trên đất.
Nó gồm sáu thảm họa: (1) Một trận động đất lớn xảy ra. (2) Mặt trời sẽ tối tăm đến nỗi
đen như bao gai. Câu Kinh Thánh nầy không nói mặt trời sẽ trở nên túi lông đen,
nhưng nói mặt trời sẽ đen như túi lông. (3) Mặt trăng sẽ trở nên đỏ như huyết. (4) Sẽ có
một trận mưa sao, kèm theo toàn bộ những hậu quả tàn phá của thiên nhiên. (5) Dường
như trời mở ra trong giây lát để con người trên đất có thể thoáng thấy cảnh tượng kinh

495
khiếp đó với cảnh Đức Chúa Trời ngự trên ngai Ngài. (6) Mọi núi và đảo đều bị quăng
khỏi chỗ mình.
Những sự đoán xét nầy sẽ gây nên nỗi khủng khiếp trong lòng mọi người đang
sống. Lòng họ sẽ tràn đầy sợ hãi - chủ yếu không bởi sự xáo trộn thuộc thể hay bởi
những cuộc chiến tranh và dịch lệ kinh khiếp, nhưng bởi nhìn thấy Đức Chúa Trời ngự
trên ngai. Con người sẽ cầu xin được khuất khỏi “mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi
cơn giận của Chiên Con.” Họ sẽ trốn đến bất cứ đâu để tránh mặt Đấng Tạo Hóa và
Quan Án của họ, thậm chí muốn được chết dưới những tảng đá và núi mà họ đang cố
trốn tránh dưới đó. Mọi tầng lớp dân chúng (c.15) đều bị ảnh hưởng. Và cũng như sự
thật xưa nay trong suốt lịch sử, sẽ không hề có tình trạng ăn năn cách đại trà hay ăn
năn ồ ạt để quay về với Chúa, mà chỉ có sự xây bỏ khỏi mặt Đức Chúa Trời.
Đây sẽ là những sự đoán xét đầu tiên của Cơn Đại Nạn. Nhưng đấy chỉ mới là bắt
đầu - những sự tệ hại nhất vẫn chưa đến.
IV. NGƯỜI ĐƯỢC CHUỘC TRONG CƠN ĐẠI NẠN
Đến thời điểm ấn thứ năm, rất nhiều tín đồ thật sẽ tuận đạo. Nói cách khác, những
năm đầu Cơn Đại Nạn sẽ có sự làm chứng thật cho Tin Lành, và sẽ bị chống đối bởi giáo
hội công đồng, là giáo hội “say huyết các tín đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa
Jesus” (17:6). Giáo hội có tổ chức hẳn hoi nầy trong ba năm rưỡi đầu Cơn Đại Nạn sẽ
nhân danh tôn giáo giết tín đồ thật bởi đức tin của họ.
Trước hết, những tín đồ thật nầy sẽ hoán cải bằng cách nào? Với Sự Cất Lên của Hội
Thánh, mọi Cơ đốc nhân đều được cất lên khỏi đất, nên không còn tín đồ nào sống ngay
sau Sự Cất Lên. Nếu có những người tuận đạo, thì trước hết phải có tín đồ. Con người sẽ
được cứu bằng cách nào? Trong Kh 7:1-8, chúng ta được giới thiệu một khoảng thời gian
chèn vào trong sự xét đoán. Ngay cả gió cũng ngừng thổi. (Nhân tiện, bạn có hình dung
được ảnh hưởng trên khí hậu khi không có gió, thậm chí trong khoảng thời gian ngắn
thôi? Thêm vào đó còn sự rối loạn địa hình của trái đất, cùng sự chuyển dời đảo và núi,
thì bạn có thể hiểu ra cảnh hỗn loạn ngày càng tăng trong những năm đầu Cơn Đại
Nạn.)
Mục đích sự tạm dừng đoán xét nầy là để cho một nhóm người nhất định có thể
“được đóng ấn” (c.3). Những người nầy được gọi là “những tôi tớ của Đức Chúa Trời
chúng ta.” Họ là ai thì được mô tả chi tiết trong c.4-8. Họ là người Dothái từ mỗi chi
phái trong 12 chi phái Ysơraên, và đã có sự việc cụ thể nào đó cho Đức Chúa Trời. Câu
Kinh Thánh nầy không nói rõ, cũng không hàm ý, dấu ấn đóng trên họ có phải là một
dấu hữu hình hay là một loại đặc trưng nào đó hay không. Một dấu ấn không nhất thiết
phải thấy được thì mới có thật (Eph 4:30). Nó chủ yếu là sự bảo chứng về quyền sở hữu
và sự an toàn. Cả hai ý đều bao hàm trong việc đóng ấn nhóm người nầy. Họ thuộc

496
quyền sở hữu của Đức Chúa Trời, có nghĩa họ là người được cứu chuộc. Họ được Chúa
giữ gìn chắc chắn, có nghĩa Ngài bảo vệ họ khỏi kẻ thù trên đất đang khi họ hầu việc
Ngài.
Nhưng nhóm người nầy được cứu bằng cách nào? Dầu không còn Cơ đốc nhân trên
đất ngay sau Sự Cất Lên, nhưng sẽ còn Kinh Thánh, và nhiều sách nói về đức tin Cơ
đốc. Nói cách khác, thông tin vẫn có sẵn để cung cấp sự kiện cho con người tìm được
đức tin cứu rỗi.
Chúa sẽ bảo vệ những người nầy cách siêu nhiên để họ làm công việc quan trọng
nào? Thực ra, phân đoạn nầy không nói cụ thể, nhưng chúng ta có manh mối cho câu
trả lời trong Khải Huyền 14, trong đó, nhóm người nầy được mô tả đang ở trên thiên
đàng sau khi đã làm xong công việc mình. Họ được gọi là những môn đồ được cứu
chuộc của Chiên Con, và điều đó có thể cho thấy họ là nhóm các chứng nhân đặc biệt
về Tin Lành trong thời kỳ Cơn Đại Nạn. Họ không phải là những người duy nhất đi ra
làm chứng, nhưng sẽ là nhóm người duy nhất được bảo vệ đặc biệt khỏi tay kẻ thù
mình.
Những sự đoán xét đầu tiên của Cơn Đại Nạn và tình hình tôn giáo trong nửa thời
kỳ đầu đó được lập lại - dưới dạng tóm tắt - trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive của Chúa
(Mathiơ 24). Câu 4-14 nói về các sự kiện trong nửa thời kỳ đầu Cơn Đại Nạn, vì đến câu
15, chúng ta thấy một biến cố diễn ra chính xác ngay giữa thời kỳ bảy năm. Hãy để ý
cách tóm tắt những sự đoán xét của các ấn: “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn
về giặc.... Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia;
nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất” (c.6-7). Hãy để ý câu Kinh Thánh nói đến người
tuận đạo trong sự đoán xét của ấn thứ năm: “Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi trong sự
hoạn nạn và giết đi” (c. 9). Hãy xem tôn giáo giả: “Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và dỗ
dành lắm kẻ” (c.11). Chức vụ của 144.000 người được đóng ấn, và của nhiều chứng
nhân khác sẽ giải thích cho sự kiện “Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được
giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (c. 14). Đây là toàn bộ những sự kiện
lớn dưới dạng tóm lược trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, do chính miệng Đấng Christ phán
ra trước khi chịu đóng đinh trên thập tự giá.
V. NƯỚC ÊDÍPTÔ VÀ NƯỚC NGA TRONG CƠN ĐẠI NẠN
Cho đến nay, chúng ta tập trung chủ yếu vào liên minh các nước phương Tây, đứng
đầu là con người tội ác. Nhưng trong nửa đầu Cơn Đại Nạn, các liên minh hùng mạnh
khác sẽ xuất hiện hoặc đang nắm quyền. Êdíptô, ở phía nam Palestine, sẽ tiếp tục là
quốc gia hùng mạnh và đáng gờm mãi cho đến khi con người tội ác chinh phục nước
nầy. Thất bại nầy được báo trước trong Da 11:40-43, và dầu các học giả không thống nhất
với nhau về thời điểm diễn ra, nhưng dường như sẽ không trễ quá giữa Cơn Đại Nạn.

497
Vì vậy, chúng ta có thể chờ chứng kiến Êdíptô vẫn cứ là cường quốc đáng kể mãi
đến khoảng 3 năm của Cơn Đại Nạn trôi qua. Sau đó, nước nầy sẽ bị đánh bại và bị
cướp bóc bởi AntiChrist và đạo quân của hắn. Êdíptô không còn đứng trong các khối
liên minh cường quốc hay trong các cuộc chiến ở nửa cuối Cơn Đại Nạn.
Các nước phương đông sẽ lập thành một dạng liên minh, và sẽ không chủ động
tham dự bất cứ sự kiện nào liên quan đến Palestine cho đến tận cuối Cơn Đại Nạn. Mọi
xu hướng giữa các nước phương đông đối với sự độc lập và tách rời khỏi ảnh hưởng
Phương Tây đều mang ý nghĩa quan trọng. Chúng có thể dọn đường cho liên minh mà
các nước nầy sẽ thành lập.
Ngoài liên minh các nước Phương Tây, còn một khối liên minh quan trọng nhất là
liên minh của Gót và Magót. Các tên gọi nầy có trong Exe 38-39, và được xác định trong
Sa 10:2 là các con trai của Giaphết. Dòng dõi Giaphết di cư sau Cơn Nước Lụt, từ vùng
Tiểu Á sang phương bắc, vượt qua bên kia Biển Caspian và Biển Đen. Họ định cư trong
vùng mà ngày nay chúng ta biết là nước Nga hiện tại. Do đó “Gót” và “Magót” có thể chỉ
về dân tộc sống ở phương bắc Palestine tại Nga. Dân nầy sẽ kết liên minh cùng các dân
khác như Batư (Iran ngày nay), Êthiôbi (phía bắc Sudan ngày nay), Phút (Libya), Gôme
(chắc là phần phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine), Tôgama (phần đất thuộc Thổ Nhĩ
Kỳ gần biên giới Syri) (Exe 38:5-6). Phương Tây sẽ phản kháng (c.13), nhưng vô ích, và
đội quân xâm lăng từ phương bắc nầy sẽ phủ vây Ysơraên như một đám mây (c.16).
Những lính chiến sẽ cướp phá xứ nầy, dầu xứ đang an ổn dưới quyền bảo vệ của
phương Tây.
Đến lúc nầy, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng của
Nga cùng đồng minh của họ (Exe 21:7). Đội quân dường như vô địch nầy sẽ bị đánh bại
cách siêu nhiên và tan tác hoàn toàn. Đội quân Nga sẽ bị chôn tại Ysơraên (c.11), và chỉ
đến lúc đó, ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông mới chấm dứt - bởi sự can thiệp trực
tiếp của Đức Chúa Trời.
VI. CHƯƠNG TRÌNH CỦA ANTICHRIST
Kinh Thánh thường chia bảy năm Đại Nạn làm hai phần bằng nhau. Tuần lễ sau
cùng trong bảy mươi “tuần lễ,” mỗi tuần bảy năm, của Đaniên được chia đôi ngay giữa
bởi một sự kiện quan trọng (Da 9:27). Trong Khải huyền, hai phần của Cơn Đại Nạn nầy
được gọi hoặc là “một thì, các thì và nửa thì” (Kh 12:14), hoặc “bốn mươi hai tháng” (11:2;
13:5), hoặc “một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (11:3; 12:6), mỗi thời kỳ tính ra là ba năm
rưỡi.
Với sự xâm lăng Palestine từ phương bắc của Gót và Magót, dường như có thời kỳ
các kế hoạch của người tội ác (Antichrist) hầu như bị phá tan. Nhưng sự can thiệp siêu

498
nhiên của Chúa và sự hủy phá quân Nga sẽ dọn đường cho con thú nầy thực hiện tiếp
kế hoạch của nó.
A. Giết Hai Chứng Nhân
Trước hết, Antichrist phải loại bỏ sự chống đối từ phía hai cá nhân (11:3-13) đang
gây hại cho hắn. Việc giết “hai người làm chứng “nầy sẽ là kỳ công vĩ đại đầu tiên của
con thú vào giữa Cơn Đại Nạn.
Hai nhân chứng sẽ có chức vụ ngoạn mục trong nửa đầu Cơn Đại Nạn. Họ có quyền
năng dùng lửa giết kẻ thù mình, ngăn được mưa, biến nước thành huyết, và giáng các
tai vạ trên đất tùy ý muốn. Việc họ thường xuyên sử dụng các quyền năng nầy sẽ càng
làm tăng nạn đại tàn hại kia. Lấy ví dụ, hãy nghĩ xem điều gì xảy ra khi họ dùng quyền
năng để ngăn mưa. Kèm theo những thay đổi khí hậu và địa hình xảy ra trên đất, còn
có thêm thảm họa không tưởng tượng nổi.
Dầu các nhân chứng nầy vô địch trong ba năm rưỡi, Chúa sẽ cho phép con thú giết
họ sau khi họ xong công tác (c.7). Việc bắt các chứng nhân tuận đạo sẽ khiến
Antichrist được muôn dân trên đất ủng hộ. Nhưng hắn chưa thỏa lòng khi chỉ giết họ:
hắn còn phơi thây họ trên các đường phố Giêrusalem. Dân chúng thấy các chứng nhân
chết thì sẽ vui mừng, vì không phải nghe lời làm chứng của họ nữa.
Chỉ nhìn xem các thi thể đang thối rữa của hai người nầy thôi thì dân chúng chưa
thỏa lòng. Họ sẽ tổ chức lễ hội lớn nhân dịp nầy, tặng quà cho nhau. Chừng đó thôi
cũng đủ cho chúng ta thấy thú vị, vì trong toàn bộ thời kỳ Đại Nạn, đây là dịp duy nhất
nhắc đến sự vui mừng. Dân chúng sẽ quá vui mừng vì các chứng nhân đã chết, đến nỗi
đây sẽ là lễ hội sung sướng cho họ. Nếu như họ tin lời rao giảng của các chứng nhân,
thì cái chết của các chứng nhân ấy hẳn là chuyện buồn chứ không phải là một lễ hội
vui mừng.
Nhưng Đức Chúa Trời sẽ can thiệp sau ba ngày rưỡi, thân thể của hai chứng nhân
sẽ sống lại và được cất lên thiên đàng trong một đám mây vinh quang. Hãy hình dung
cảnh tượng nầy. Biết bao hàng người dài dằng dặc đang chờ đến lượt xem các thi thể.
Có lẽ các máy quay phim đang nhắm vào họ ngay chính lúc họ sống lại. Dân chúng ở
Châu Âu và Châu Mỹ đều chứng kiến thông qua hệ thống truyền hình vệ tinh. Xướng
ngôn viên vốn điềm tĩnh bình thản sẽ đột nhiên trở nên gần như cuồng loạn khi chứng
kiến sự sống lại, và chợt thấy hàng triệu người đang chờ mình giải thích. Những người
phiên dịch thông tin sẽ xoay sở thế nào trước sự kiện nầy? Thậm chí tiếng nói từ thiên
đàng (c.12) còn vang lên trong hàng triệu gia đình.
Nhưng thậm chí trước khi báo chí có thể tường thuật câu chuyện, hoặc các nhà bình
luận viết bài phân tích, còn một sự kiện vĩ đại khác nữa cho họ tường thuật, là trận

499
động đất tập trung tại Giêrusalem, phá hủy một phần mười thành nầy, giết chết bảy
ngàn người.
Cùng lúc, dường như 144.000 chứng nhân (Khải Huyền 7) cũng sẽ bị giết, và con
thú sẽ tiêu diệt giáo hội công đồng (17:16) để dẹp sạch sự chống đối hành động vĩ đại
tiếp theo của nó.
B. Bắt Phải Thờ Phượng Antichrist
Sau khi đã dẹp sạch toàn bộ sự chống đối của tôn giáo, con thú sẽ ban hành một sắc
lệnh: “Hãy thờ phượng ta.” Để buộc mọi người phải tuân theo mệnh lệnh mình, nó sẽ
bội giao ước với người Dothái, là giao ước cho phép khôi phục sự thờ phượng của Dothái
giáo trong đền thờ đã được tái thiết tại Giêrusalem. Hắn sẽ làm việc nầy (Da 9:7), để đòi
hỏi mọi người tôn hắn làm đối tượng của toàn bộ sự thờ phượng (Mat 24:15; IITe 2:4).
Antichrist sẽ thực hiện việc nầy bằng cách nào?
Trước hết, hắn sẽ được trợ giúp cách siêu nhiên. Chúng ta được biết Satan sẽ ban
quyền năng, ngôi nước và quyền phép lớn cho Antichrist (Kh 13:2). Từ thời điểm nầy trở
đi, ma quỷ sẽ hành động điên cuồng để dùng quyền năng làm mọi việc nhằm ngăn trở
kế hoạch của Đức Chúa Trời. Satan sẽ tranh chiến cùng Michen và các thiên sứ - và
Satan sẽ thua. Kết quả Satan sẽ bị quăng xuống đất. Kế đó, Đức Chúa Trời sẽ cảnh cáo
cư dân trên đất: “Khốn nạn... vì ma quỷ biết thì giờ mình chẳng còn bao nhiêu, nên
giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (12:12). Quyền lực Satan sẽ ẩn đàng sau các việc
làm của con thú, là Antichrist, và ma quỷ sẽ sử dụng tối đa Antichrist.
Một nguyên nhân nữa khiến con thú được nên cao trọng liên quan đến việc nó bị
thương đến chết. Vết thương chí tử của nó sẽ được chữa lành (13:3), đến nỗi cả thế gian
đều lấy làm lạ. Cụm từ “bị thương đến chết” nguyên văn là “khi đã bị giết chết,” và đây
chính là cụm từ được dùng trong 5:6 để nói về sự chết của Đấng Christ.
Vì Đấng Christ đã thực sự chết, nên có lẽ con thú cũng thực sự chết rồi được sống
lại. Kinh Thánh nói nó lên từ vực sâu (11:7), và điều nầy dường như khẳng định nó kinh
nghiệm sự sống lại. Nếu không, câu Kinh Thánh đó ít ra cũng có nghĩa hắn sẽ có một
kiểu hồi phục ngoạn mục nào đó, để thế gian sẽ thán phục. Sự sống lại - hay sự hồi
phục - diệu kỳ ấy sẽ khiến mọi người công nhận tính độc nhất vô nhị (“Ai sánh được
với con thú?”) và sức mạnh của hắn (“Ai giao chiến cùng nó được?”) (13:4).
Chương trình của con thú gồm cả sự phạm thượng và chiến tranh ( Kh 13:5-7). Nó sẽ
nói nghịch Đức Chúa Trời cách xấc xược (Da 7:25). Những đối tượng bị nó nói phạm gồm
danh Đức Chúa Trời, nơi ngự của Đức Chúa Trời, và những người đang ở trên thiên
đàng. Nó sẽ được phép (hãy để ý, Chúa vẫn đang nắm quyền tể trị) giao chiến với các

500
thánh đồ (Kh 12:17), và giết chết họ. Nhưng quyền lực của nó sẽ bị Chúa giới hạn trong
bốn mươi hai tháng.
Đây là ví dụ về sự đan xen nhiều thế lực ẩn đàng sau các biến cố: Đức Chúa Trời tể
trị mọi sự, nhưng Satan sẽ ban quyền cho con thú, rồi đến lượt con thú sẽ đích thân nói
phạm Đức Chúa Trời. Những người gia nhập đạo binh của con thú thì do tự nguyện, rồi
đến lượt họ sẽ giết chết dân sự của Đức Chúa Trời; và dân sự Đức Chúa Trời dầu phải
chết nhưng vẫn ở trong sự chăm sóc bảo vệ của Ngài!
Để xúc tiến chương trình hiệu quả hơn, Antichrist sẽ có một phụ tá quan trọng.
Nhân vật đó là “con thú thứ nhì” (Kh 13:11-18), và nhiệm vụ duy nhất của nó là đề cao
các mục đích và xúc tiến sự thờ phượng con thú thứ nhất, tức con người tội ác. Con thú
thứ nhì nầy sẽ không hề đề cao mình trong suốt sự nghiệp, nhưng mối quan tâm của
nó luôn luôn tập trung vào con thú thứ nhất. Quyền năng của nó sẽ mạnh mẽ như
quyền năng của người tội ác, nhưng sẽ sử dụng vì lợi ích của cấp trên, chứ không vì lợi
ích của riêng mình (c.12).
Trợ thủ đắc lực nầy có thể giáng lửa từ trời xuống đất, bắt chước quyền phép của
hai chứng nhân để cho thế gian thấy nó cũng vĩ đại như hai chứng nhân kia (c.13). Nó
sẽ có thể làm nhiều phép lạ khác nữa (13-14). Nó sẽ truyền mọi người dựng tượng của
con thú thứ nhất (c.14) và dường như người ta rất vui lòng thực hiện cấp tốc. Bước kế
tiếp sẽ là ban sự sống cho tượng mà họ đã dựng. Chữ dùng cho “hơi sống” (c.15) là chữ
pneuma, và điều nầy có thể cho thấy một phép lạ siêu nhiên (do Satan ban quyền phép)
mới thực sự được ban sự sống cho một hình tượng. Đương nhiên, chữ nầy có thể dịch là
“gió,” và có thể chỉ ra một mánh lới pháp thuật của trợ thủ đắc lực nầy để khiến cho
tượng kia có hình trạng của một sự sống thực sự. Cách nói năng và cử động của một
bức tượng có thể giả tạo dễ dàng, nhưng cũng có thể là công việc của Satan cách dễ
dàng không kém.
C. Kiểm Soát Thương Mại
Tuy nhiên, kỳ công lớn nhất của con thú thứ nhì - đôi khi còn gọi là “tiên tri giả”
(Kh 16:13; 19:20; 20:10) - sẽ là đòn bắt chẹt con người để buộc họ thờ phượng Người tội ác.
Đây là âm mưu đơn giản, vạch ra cách khôn khéo: “Nó cũng khiến mọi người, nhỏ và
lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi, đều chịu ghi dấu hoặc trên tay hữu, hoặc trên
trán, hầu cho người nào không có dấu ấy, nghĩa là không có danh con thú hay số của
tên nó, thì không thể mua cùng bán được” (13:16-17). Nói cách khác: một là quỳ lạy, hai
là chết đói.
“Dấu” là một sự ghi khắc bằng một con dấu, giống như con dấu được dùng để đóng
trên nô lệ hoặc súc vật. Người ta sẽ trở thành nô lệ cho Người tội ác, và sẽ phải mang
dấu ấn xác định ách nô lệ của họ. Có lẽ nô lệ rụt rè sẽ mang dấu ấy trên tay phải. Để

501
tránh lúng túng, có lẽ họ sẽ tránh bắt tay người khác để giấu dấu nầy. Những môn đồ
dạn dĩ của Antichrist có lẽ sẽ chịu dấu ấn ấy ngay giữa trán.
Dấu ấn nầy sẽ ra sao? Câu 17 cho biết dấu đó hoặc là tên hoặc số của con thú, và
được giải thích thêm rằng số đó là 666, tức con số của Người tội ác, chứ không phải số
của kẻ phụ tá. Số nầy được liên kết với rất nhiều nhân vật quan trọng, đến nỗi khiến họ
đều trở thành những sự trùng hợp không đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi kẻ cai trị vĩ đại
nầy lên nắm quyền, bấy giờ không thể nào nhầm lẫn được ai là nhân vật đó. Bằng cách
nào đó mà hiện chúng ta chưa biết được, con số 666 sẽ đóng vai trò chủ yếu để nhận
dạng hắn (16:13; 19:20; 20:10).
Đây sẽ là một thời kỳ ác nghiệt trong lịch sử thế giới. Tôi cho rằng nếu không vì cớ
sự hiện diện của số dân sót kính sợ Đức Chúa Trời - tức những người sẽ không chịu quỳ
lạy - và vì nó chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi, Antichrist sẽ thành công trọn vẹn
trong việc bắt toàn thế gian phục dưới chân hắn.
VII. CÁC SỰ ĐOÁN XÉT CỦA CÁC ỐNG LOA VÀ CÁC BÁT THẠNH
NỘ
A. Các Ống Loa
Trong lúc đó, Đức Chúa Trời tiếp tục trút những sự đoán xét của thạnh nộ Ngài
xuống thế gian. Loạt đoán xét thứ nhất sẽ giáng xuống khi ấn niêm cuốn sách được
tháo ra. Chúng ta đã thấy những gì sẽ xảy ra khi mở sáu ấn đầu. Khi mở ấn thứ bảy ( Kh
8:1) người ta chờ đợi trận hủy diệt bùng nổ. Trái lại, lại có sự yên lặng - sự tĩnh lặng
trong trạng thái chờ đợi và báo điềm gở. Yên lặng sẽ kéo dài suốt nửa giờ và đáng sợ.
Việc mở ấn thứ bảy dẫn đến một loạt đoán xét khác, được công bố bởi việc thổi bảy ống
loa (8:7-9:21; 11:15-19). Sự đoán xét của ba ống loa cuối trong loạt bảy ống loa đó được
phân biệt với bốn ống loa đầu bởi chúng được gọi cách đặc biệt là những nạn tai họa,
dường như hàm ý chúng càng khắc nghiệt hơn.
Điểm giữa Cơn Đại Nạn (3 năm rưỡi) là ở đâu so với những sự đoán xét nầy? Kinh
Thánh không nói cụ thể, nhưng nhiều người cảm thấy điểm giữa nầy hoặc bắt đầu từ sự
đoán xét của loa thứ nhất, hoặc từ sự đoán xét với nạn “khốn thay” đầu tiên (tức là sự
đoán xét của loa thứ năm). Nếu đúng vậy, sự đoán xét của ống loa thứ năm xảy đến khi
Antichrist giết hai chứng nhân và tôn mình lên cho mọi người thờ phượng. Những đoán
xét của các ống loa dường như tiếp diễn cho đến năm cuối thời kỳ nầy. Chúng còn kéo
theo một loạt đoán xét chung quyết và cấp tốc khác trong những tháng cuối của năm
thứ bảy.
1. Sự đoán xét của ống loa đầu tiên (Kh 8:7). Sẽ có mưa đá và lửa pha với huyết
giáng xuống đất, đến nỗi một phần ba đất, cây cối, cỏ xanh sẽ bị thiêu cháy. Ở đây, lửa

502
và huyết không phải là biểu tượng cho điều nào khác cả. Chúng ta phải hiểu theo nghĩa
đen. Chúng sẽ tàn phá hoa màu trên đất, và càng làm xáo trộn thêm khí hậu.
2. Sự đoán xét của ống loa thứ nhì (Kh 8:8-9). Sự đoán xét nầy được giải nghĩa bằng
lối nói theo nghĩa bóng - “một khối tựa như hòn núi lớn toàn bằng lửa.” Có lẽ kinh
nghiệm hiện tại của chúng ta không có điều gì tương ứng với sự đoán xét này. Có thể
đây là điều chúng ta chưa biết đến, nhưng ảnh hưởng của nó thì rất rõ ràng - một phần
ba biển sẽ biến thành huyết, và một phần ba tàu bè trên biển cũng bị tiêu diệt. Hãy
nghĩ xem sự đoán xét nầy sẽ tác động thế nào đến các tít báo và lòng người.
3. Sự đoán xét của ống loa thứ ba (Kh 8:10-11). Sự đoán xét nầy hại đến nguồn nước
ngọt, biến nước ngọt thành ra đắng không nếm được, và làm ô uế cả hệ thống nước. Kết
quả là nhiều người chết vì sự ô nhiễm nầy.
4. Sự đoán xét của ống loa thứ tư (Kh 8:12-13). Sự đoán xét nầy tác động đến mặt
trời, mặt trăng, ngôi sao, và sự đồng dạng của chu kỳ ngày đêm, vì một phần ba các
thiên thể sẽ bị tác hại, nên có lẽ chu kỳ ngày đêm hai mươi bốn giờ sẽ ngắn lại còn
mười sáu giờ. Đức Chúa Jesus đã báo trước trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive rằng: “Sẽ có
các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao” (Lu 21:25).
5. Nạn đầu tiên - Sự đoán xét của ống loa thứ năm (Kh 9:1-12). Đàn châu chấu trong
sự đoán xét bằng tai họa thứ nhất nầy sẽ được thả ra trên đất giống như những mũi tên
ra khỏi cây cung. Chúng ra từ vực sâu không đáy - nghĩa đen là từ “ống thông của vực
sâu.” Vực sâu nầy - đi vào bởi đường ống thông - đang bị khóa. Nhân tiện xin nói, đoạn
9 có nhiều chữ “giống như,” “tựa như” hơn hết trong Kinh Thánh. Quả khó cho Giăng
mô tả những gì ông nhìn thấy trong Khải Huyền. Dầu vậy, nỗi kinh khiếp của sự đoán
xét rất rõ ràng.
Từ miệng vực sâu sẽ ra “những châu chấu” (c.3-11), mà đấy không phải là loại côn
trùng bình thường. Chúng sẽ ra thẳng từ nơi ở của Satan. Dường như chúng là những
sinh vật giống như châu chấu, nhưng về bản chất thì chúng là ma quỷ. Có lẽ chúng là
quỷ sứ mang lấy hình dạng những con châu chấu độc nhất vô nhị nầy, và được điều
khiển bởi vua của vực sâu (c.11).
Vết cắn của những châu chấu nầy giống như của bò cạp. “Nỗi đau đớn từ vết chích
của con bò cạp dầu thường không làm chết người, nhưng có lẽ là nỗi đau khủng khiếp
nhất mà súc vật có thể gây ra trên thân thể người. Côn trùng nầy là giống nóng nảy và
hiểm ác nhất từng sống trên đất, và nọc độc của nó cũng không khác gì chính nó.... Nếu
như có tránh được đi nữa, thì cũng khó đề phòng nổi chúng, vì chúng bay đi đâu tùy ý,
lao vút qua không trung, và ở trong chốn tối tăm” (J.A. Seiss, The Apocalypse (New
York: Cook, 1865, trang 83). Khác với loại châu chấu bình thường, những sinh vật nầy
không tấn công cây cỏ mà chỉ tấn công con người. Chúng sẽ được thả ra trong năm

503
tháng, và trong thời gian đó, con người không thể tự tử được. Điều nầy có vẻ không thể
có được, nhưng dẫu sao vẫn cứ xảy ra.
Chúng ta khó hình dung nổi những sinh vật như thế, nhưng không có cớ gì để cho
rằng chúng chỉ là biểu tượng đơn thuần. Hãy nhớ quyền phép của Satan và quỷ sứ nó
là rất lớn - và những châu chấu dữ tợn nầy thuộc về ma quỷ. Chẳng có gì lạ khi đoán
xét nầy được gọi là nạn đầu tiên. Vì con người không tin hay chấp nhận hiện hữu và
hoạt động của ma quỷ, nên người sống lúc bấy giờ chắc cố nêu những giải thích tự
nhiên cho những sinh vật nầy, và sẽ cố tiêu diệt chúng bằng những thứ thuốc trừ sâu
pha chế vội. Nhưng họ sẽ không tìm ra được lời giải thích, còn thuốc của họ sẽ không
công hiệu chút nào.
6. Nạn thứ nhì - Sự đoán xét của ống loa thứ sáu (Kh 9:13). Trong sự đoán xét của ấn
thứ tư, một phần tư dân số trên đất bị giết; trong sự đoán xét của ống loa thứ sáu, thêm
một phần ba nữa sẽ chết. Điều nầy có nghĩa nội hai sự đoán nầy đã giảm một nửa dân
số trái đất. Ngoài ra, người ta còn chết bởi chiến tranh, đói kém và dịch lệ, và dễ dàng
thấy sự chết phổ biến đến mức nào trong thời kỳ khủng khiếp nầy.
Phương tiện cho sự đoán xét nầy là đạo kỵ binh, quân số lên đến 200 triệu. Có
người hiểu đây là các đạo binh Phương Đông khi đến xâm lược Palestine. Có người xem
đây là đạo binh ma quỷ, vì Kinh Thánh có nêu các ví dụ khác về các đạo binh siêu
nhiên (IIVua 2:11; 6:13-17; Kh 19:14). Loại vũ khí tiêu diệt ở đây sẽ là lửa, khói và diêm
sanh (9:17). Vì đây là các vũ khí của địa ngục, nên có lẽ cho thấy đạo binh nầy hợp bởi
ma quỷ, tức những cư dân địa ngục.
Những tưởng các cột cáo phó dài dằng dặc trên báo sẽ khiến con người giật mình
đối mặt với trách nhiệm trước mặt Chúa. Thế nhưng, thay vì ăn năn quay về với Chúa
để được thương xót, những người chưa bị đạo binh nầy giết lại càng cứng lòng hơn nữa.
Tôn giáo của người chưa được cứu trong Cơn Đại Nạn sẽ là thờ phượng ma quỷ và hình
tượng, và tội sát nhân, phù phép, dâm dục và trộm cướp sẽ lan tràn (c.20-21). Tà thuật
có lẽ bao gồm cả việc lạm dụng thuốc, vì chúng ta rút ra chữ pharmacy từ chữ Hylạp
nầy. Thật thú vị khi thấy ba trong số bốn thứ tội nầy vi phạm trực tiếp Mười Điều Răn.
Nền đạo đức của con người sẽ phản ánh tôn giáo của mình, và trong những ngày nầy,
tội ác sẽ thắng thế chứ không phải phẩm hạnh tốt.
7. Nạn thứ ba - Sự đoán xét của ống loa thứ bảy (Kh 11:15-19). Khi thổi ống loa thứ
bảy, sẽ có lời loan báo sự cuối cùng đã đến gần, dầu vậy còn bảy sự đoán xét khác nữa
phải giáng trên đất trước khi mọi sự kết thúc. Những sự đoán xét nầy là những bát
thạnh nộ của Đức Chúa Trời (16:1-21). Những tai vạ cuối cùng đó sẽ đến trong những
tháng cuối, hoặc thậm chí trong những tuần cuối, của năm cuối Cơn Đại Nạn, không hề
gián đoạn hay tạm ngưng. Bảy thiên sứ liên quan đến những sự đoán xét cuối cùng đó

504
được truyền phải trút sự đoán xét của họ luôn một lần. Toàn bộ việc nầy sẽ diễn ra
chính lúc Antichrist bắt buộc con người thờ phượng hắn. Con người sẽ bị thúc ép tứ
phía. Hầu hết mọi người đều quyết định chọn Antichrist.
B. Các Bát Thạnh Nộ
1. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ nhất (Kh 16:2). Bát đoán xét nầy khiến con
người ngứa ngáy rất khốn khổ, được mô tả là “dữ và đau.” Những chữ nầy cũng có
nghĩa hiểm ác và có vẻ cho thấy loại ung thư nào đó. Hoạn nạn nầy chỉ giáng trên
những ai thờ lạy con thú, còn tín đồ thì được miễn. Nhưng dường như con thú không
làm gì được cho môn đồ nó, nên họ tiếp tục rủa sả Chúa vì những ngứa ngáy đó, thậm
chí sau khi bát thạnh nộ thứ năm đã được trút xuống (c.11).
2. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ nhì (Kh 16:3). Nước sẽ biến thành huyết trong
sự đoán xét nầy. Mọi sinh vật trong biển đều chết. Cụm từ khá sinh động nầy mô tả
những con tàu dầm trong huyết. Trong sự đoán xét của ống loa thứ nhì, một phần ba
sinh vật dưới biển bị chết (8:9); giờ đây, sự sống dưới biển bị diệt hoàn toàn. Bạn có
tưởng nổi mùi hôi thối và bệnh tật do sự đoán xét nầy đem đến cho dân sống dọc bờ
biển trên thế giới? Bảy mươi hai phần trăm diện tích trái đất là nước.
3. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ ba (Kh 16:4-7). Lúc nầy, cũng giống như sự đoán
xét của ống loa thứ ba, nguồn nước ngọt bị hại. Giờ đây, thay vì biến thành ngải cứu,
nước biến thành huyết. Nạn nhân của tai vạ nầy phải chịu trừng phạt không chút xót
thương. Họ đã làm đổ huyết các thánh đồ và các tiên tri, nên giờ đây sẽ phải uống
huyết. Họ xứng đáng nhận điều đó. Chúng ta không dễ gì nhận thức nổi cách Đức Chúa
Trời đối xử với dân chúng như vậy. Suốt hàng ngàn năm, Ngài đã nhịn nhục và khoan
nhân, không đoán xét theo cách mà thế gian đáng phải nhận.
4. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ tư (Kh 16:8-9). Trong thời gian nầy, sức nóng
mặt trời sẽ tăng lên đến nỗi đốt cháy xém dân chúng bởi nóng quá đỗi. Một lần nữa,
con người lại càng cứng lòng hơn thay vì ăn năn quay về với Đức Chúa Trời.
5. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ năm (Kh 16:10-11). Ngôi của con thú sẽ bị hại, và
thủ đô của nó sẽ tối tăm. Sự đoán xét nầy chắc làm chậm bớt nỗ lực ép buộc mọi người
thờ phượng nó. Kết quả con người nói phạm Đức Chúa Trời do bị đau đớn và ngứa ngáy,
vì dường như trong bóng tối, nỗi đau đớn càng khủng khiếp hơn khi ở ngoài ánh sáng.
6. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ sáu (Kh 16:12-16). Sông Ơphơrát sẽ khô cạn
(trước đây đã biến thành huyết). Sự đoán xét nầy sẽ khiến các đạo binh thuộc quyền
các vua phương đông càng dễ vượt sông (Da 11:44) khi đổ xô đến trận chiến
Hamaghêđôn.

505
7. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ bảy (Kh 16:17-21). Sự hủy hoại toàn cầu và sự
tàn phá xảy ra, và người ta sẽ nghe tiếng lớn “Xong rồi!” Tiếp đó có rất nhiều rối loạn
trong thiên nhiên. Một trận động đất sẽ chia cắt thành Giêrusalem, khiến các thành
khác đổ xuống. Các đảo và núi sẽ biến mất, và có một trận bão chưa từng thấy, cục mưa
đá rơi xuống nặng đến 100 pounds (khoảng 45kg). Nhưng dầu những đoán xét cuối
cùng nầy khủng khiếp và phổ biến đến như vậy, người còn sống sót vẫn cứ khăng
khăng nói phạm Đức Chúa Trời thay vì ăn năn quay về với Ngài để được thương xót.
Mọi thứ con người xây dựng trên thế gian đều sụp đổ theo nghĩa đen trước mắt họ, thế
nhưng họ vẫn cứ nghĩ họ làm chủ số phận mình và không cần đến Đức Chúa Trời.
Kết thúc cơn đoán phạt nầy sẽ đưa con người đến kết thúc Cơn Đại Nạn và sự tái
lâm của Đấng Christ để bắt đầu triều đại của Ngài trên đất. Chỉ còn một phần nữa của
bức tranh nầy phải hoàn tất.
VIII. HAMAGHÊĐÔN
Ôn lại: Trước khi đến giữa Cơn Đại Nạn, kẻ cầm quyền Phương Tây - Antichrist
(Người tội ác) - vẫn giữ hiệp ước với Ysơraên, để xâm lấn và chinh phục Êdíptô. Lúc đó,
các đạo binh Nga từ phương bắc sẽ tràn xuống Palestine, và khi mọi sự dường như vô
vọng cho cả Antichrist lẫn Ysơraên, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và tiêu diệt các đạo
binh phương bắc của Nga cách siêu nhiên. Việc nầy sẽ giúp Người tội ác rảnh tay bội
ước với Ysơraên, tôn mình lên buộc mọi người thờ phượng, và cố chinh phục thế giới.
Tuy nhiên, khi Antichrist xúc tiến chương trình mình, các quốc gia Phương Đông sẽ
hiệp nhất lại và cố gắng ngăn chận hắn. Để thực hiện việc nầy, họ sẽ tiến quân về
hướng tây tràn vào Palestine. Sự đoán xét của bát thạnh nộ thứ sáu sẽ làm cạn sông
Ơphơrát, giúp họ tiến nhanh vào Đất Hứa. Trong thời gian đó, Antichrist đã vững lập tại
Palestine với tư cách lãnh tụ tôn giáo và chính trị.
Chiến trường cho các đạo quân từ phương đông và phương tây giao chiến sẽ là đồng
bằng Áchcalôn, vùng đất quanh các ngọn núi ở Mêghiđô. Đó là lý do trận chiến nầy
được gọi là Hamaghêđôn (Armageddon) - Ar nghĩa là núi. Đồng bằng nầy nằm cách
Haifa khoảng 20 dặm về phía nam - đông nam của Haifa, và ngày nay trũng nầy rộng
khoảng 20 dặm x 14 dặm.
Một chiến trường khác nữa sẽ tập trung vào Giêrusalem, nơi đó sẽ có trận đánh từ
nhà này sang nhà kia và kẻ thù của Chúa tạm thời thành công. Nhưng Chúa sẽ sai dịch
lệ đến và sau đó Ngài đứng trên Núi Ôlive và “hủy diệt hết thảy những nước nào đến
đánh Giêrusalem” (Xa 12:9; 14:12; 14:4; 1:9).
Tại sự hiện đến lần thứ nhì của Đấng Christ, vẫn còn một khu vực chiến tranh nữa
tập trung tại Bốtra ở Êđôm, khoảng hai mươi dặm đông nam mũi phía nam của Biển
Chết (Es 63:1-6). Khi kết hợp cả ba khu vực của cuộc chiến này lại, chúng ta nhìn thấy
506
bức tranh khủng khiếp của cuộc tàn sát không thể tin nổi bao trùm toàn bộ vùng đất từ
Mêghiđô ở phía bắc, Giêrusalem ở miền trung, và Êđôm ở phía đông nam (khoảng 140
dặm).
Giữa trận chiến, Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại và đạo binh từ thiên đàng sẽ chiến
thắng đạo binh của trần gian (Kh 19:11-21). Sự tàn sát sẽ đến mức không thể tin nổi
(14:20; 19:17-18).
Nhưng kết cuộc đã chắc chắn - con thú sẽ bị đánh bại và đạo binh hắn sẽ bị bắt làm
phu tù. Hắn cùng kẻ trợ thủ tiên tri giả của hắn sẽ bị quăng vào hồ lửa chịu đau đớn
đời đời. Như vậy, Cơn Đại Nạn sẽ kết thúc.
Vì sao phải có một thời kỳ như thế nầy? Có ít nhất hai nguyên nhân: Thứ nhất, sự
gian ác của con người phải bị trừng phạt. Hiện nay, Đức Chúa Trời có vẻ như không hề
xử lý những điều ác, nhưng một ngày kia Ngài sẽ hành động. Nguyên nhân thứ nhì là:
bằng biện pháp này hoặc biện pháp khác, con người phải bị bắt phủ phục trước Vua
của muôn vua và Chúa của muôn chúa. Con người có thể tự nguyện làm như vậy ngay
hiện nay bằng cách lấy đức tin đến với Đấng Christ và tiếp nhận sự cứu rỗi. Về sau, con
người sẽ buộc phải phủ phục như vậy, nhưng chỉ nhận được sự đoán phạt mà thôi.

507
Chương 85: SỰ CẤT HỘI THÁNH LÊN
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ MÔ TẢ SỰ CẤT LÊN
Như đã giải thích trong chương 83; chữ “rapture” ra từ cách dịch chữ Hylạp “được
cất lên” trong ITêsalônica 4:17 sang tiếng Latin. Nói đúng ra, trong câu Kinh Thánh
trên, chữ nầy chỉ liên hệ đến sự biến hóa nơi các tín đồ đang còn sống lúc Đấng Christ
trở lại. Tuy nhiên, chữ “rapture” thường chỉ về cả sự biến hóa tín đồ đang còn sống từ
tình trạng hay chết trên trần gian nầy sang tình trạng không thể chết trên thiên đàng,
lẫn sự sống lại của những thi thể đã bị hủy hoại của tín đồ sang tình trạng không bị
hủy hoại nữa trên thiên đàng.
Ba phân đoạn mô tả Sự Cất Lên là: Gi 14:1-3; ICo 15:50-58; và ITe 4:13-18. Các phương
diện của Sự Cất Lên đã được luận đến trong chương 83.
II. CÁC QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU
Vào thế kỷ 19, sự dạy dỗ về Sự Cất Lên của Hội Thánh đã bắt đầu phổ biến rộng rãi.
Điều nầy đã gây những thắc mắc như: sự hiện ra lần thứ nhì của Đấng Christ có gồm
nhiều giai đoạn không, mối liên quan của các giai đoạn đó với thời kỳ Cơn Đại Nạn, và
đặc trưng phân biệt giữa Hội Thánh với dân Ysơraên trong chương trình của Đức Chúa
Trời. Đến thế kỷ 20, một trong những vấn đề bị tranh luận nhiều nhất của lai thế học là
thời điểm của Sự Cất Lên.
Đối với vấn đề đó, phái Tiền Thiên Hy Niên đưa ra bốn câu trả lời. (Phái Vô Thiên
Hy Niên xem sự hiện ra của Đấng Christ là một biến cố đơn lẻ xảy ra trước sự sống lại
chung và sự đoán xét. Đối với phái Hậu Thiên Hy Niên cũng không hề có Sự Cất Lên rõ
rệt nào).
Bốn quan điểm Tiền Thiên Hy Niên về Sự Cất Lên là: Sự Cất Lên Một Phần (tức là
chỉ những tín đồ nào đó được Cất Lên), Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn, Sự Cất Lên Trung Đại
Nạn, và Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn. Sự Cất Lên Một Phần quan tâm đến quy mô Sự Cất
Lên, trong khi ba quan điểm kia chú trọng đến thời điểm của Sự Cất Lên.
III. QUY MÔ SỰ CẤT LÊN - MỘT PHẦN HAY TOÀN BỘ?
A. Định Nghĩa Của Quan Điểm Nầy
Quan điểm Sự Cất Lên Một Phần dạy rằng chỉ những tín đồ nào đang “tỉnh thức” và
“chờ đợi” Chúa trở lại thì mới xứng đáng được thoát khỏi những khủng khiếp của Cơn
Đại Nạn nhờ được rước đi trong Sự Cất Lên.
B. Những Người Ủng Hộ Quan Điểm Này
Dường như quan điểm nầy ra từ Robert Govett vào năm 1835, qua tác phẩm
Entrance into the Kingdom: The Apocalypse Expounded by Scripture. Quan điểm nầy

508
cũng được dạy bởi J.A. Seiss (The Apocalypse (New York: Cook, 1865), G.H. Pember
(The Great Prophecies of the Centuries concerning the Church (London: Hodder &
Stoughton, 1895), G.H. Lang (The Revelation of Jesus Christ (London: Paternoster,
1948, và bởi Phong Trào Hội Thánh Địa Phương (Witness Lee, Revelation, Recovery
Version (Anaheim, California: Living Stream Ministry, 1976).
C. Cơ Cấu Thần Học Của Quan Điểm Nầy
1. Sự Cứu Rỗi. Những người theo quan điểm nầy tin sự cứu rỗi bởi ân điển và sự an
ninh đời đời của tín đồ, nhưng giải nghĩa những phân đoạn hay bị tranh cãi về sự an
ninh theo cách của phái Arminians, với một ngoại lệ quan trọng: mối nguy hiểm mà
những tín đồ thất bại đang đối diện không phải là sự trừng phạt, nhưng là bị tước
quyền thừa hưởng thiên hy niên. Mỗi tín đồ đều có quyền được hưởng nước Thiên Hy
Niên, nhưng có thể bị mất quyền đó vì cớ không vâng phục.
2. Sự Nên Thánh. Những người theo thuyết Sự Cất Lên Một Phần thường nhấn
mạnh sự nên thánh và nếp sống thánh khiết. Họ có lẽ dạy rằng phép báptêm bằng Đức
Thánh Linh được liên kết với quyền năng để làm chứng, và sự đầy dẫy cùng sự ngự
trong lòng của Đức Thánh Linh là chỉ dành cho một số tín đồ nào đó thôi, chứ không
dành cho tất cả. Điểm nhấn mạnh nầy được đưa vào quan điểm của họ về Sự Cất Lên;
tức là chỉ các tín đồ thiêng liêng mới được cất lên để thoát khỏi Cơn Đại Nạn.
3. Sự Sống Lại Lần Thứ Nhất. Sự sống lại thứ nhất được xem là sự sống lại để ban
thưởng cho những tín đồ thiêng liêng, chứ không phải cho tất cả. Những tín đồ nào
không đắc thắng thì sẽ được sống lại sau Thiên Hy Niên. Do vậy, sự sống lại thứ nhì
(thường được xem như chỉ gồm những người chưa tin Chúa) sẽ bao gồm cả tín đồ lẫn
người chưa tin Chúa.
D. Những Nét Chính Của Quan Điểm Này
Phái Cất Lên Một Phần dạy rằng sẽ xảy ra nhiều Sự Cất Lên và nhiều sự sống lại
của kẻ chiến thắng.
1. Trước Cơn Đại Nạn. Ngay trước khi khởi đầu cơn thạnh nộ, những thánh đồ
trưởng thành đang còn sống sẽ được biến hóa và những thánh đồ trưởng thành đã qua
đời sẽ được Cất Lên.
2. Trong Cơn Đại Nạn. Sau đó, trong bảy năm Đại Nạn, các thánh đồ nào thuộc thời
đại Hội Thánh mà chưa chuẩn bị đón Sự Cất Lên đầu tiên thì sẽ được cất lên tại nhiều
quãng thời gian khác nhau. Những người nầy được nhìn thấy trong Kh 7:9,14; 11:2; 12:5
(“đứa con trai” gồm cả tín đồ); 16:15 (một Sự Cất Lên để giải thoát những tín đồ đang
thức canh khỏi trận chiến Hamaghêđôn); và Sự Cất Lên chung kết ở kỳ cuối cùng.

509
3. Sau Cơn Đại Nạn. Đến kỳ kết thúc Thiên Hy Niên, sẽ có sự sống lại của các tín đồ
bị trượt mất những kỳ phục sinh để ban thưởng trước đó, cùng chung với sự sống lại
của những người chưa tin Chúa. Tín đồ sẽ vào nước đời đời, dầu vậy, họ không được vào
nước Thiên Hy Niên.
E. Trưng Dẫn Hậu Thuẫn Kinh Thánh Cho Quan Điểm Nầy
1. Sự Chịu Khổ. Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh dạy tín đồ phải chịu khổ trước
khi có thể đồng cai trị với Đấng Christ. Do đó tín đồ phải chịu khổ hoặc hiện nay, hoặc
trong thời kỳ Đại Nạn (Lu 22:18-30; Cong 14:22; Ro 8:16-17, Co 3:24; IITe 1:4-5). Có người xem
“lửa” trong ICo 3:12-15 chính là Cơn Đại Nạn. Người ta nói Kh 3:5 có thể chỉ về việc tạm
xóa tên những tín đồ xác thịt khỏi sách sự sống trong thời kỳ ban thưởng cho người
chiến thắng.
2. Sự Sống Lại Lần Thứ Nhất Là gì? Vì Kinh Thánh xem sự sống lại thứ nhất là giải
thưởng để đoạt lấy, nên điều nầy có nghĩa không phải mọi tín đồ đều được giải, song
chỉ những người đắc thắng thôi (Mat 19:28-29; Lu 9:62; 20:35; Phi 3:11-14; Kh 2:11; 3:5).
3. Quyền Làm Con. Có người nói tín đồ có thể đánh mất quyền làm con và bởi đó
mất cơ hội được cất lên trước Cơn Đại Nạn (ICo 6:9-10; Ga 5:19-21; He 12:14).
4. Phép Báptêm Bằng Đức Thánh Linh. Vì phép báptêm Đức Thánh Linh được xem
là sự ban quyền năng để làm chứng, nên không phải mọi tín đồ đều ở trong thân thể
Đấng Christ, do đó không nhất thiết mọi tín hữu đều phải được cất lên.
5. Phần Thưởng. Sự Cất Lên được xem là phần thưởng mà không phải mọi tín đồ
đều nhận được (Mat 24:40-41; 25:1-13; ICo 9:27; IITi 4:8; Tit 2:13; He 9:24-28; Kh 3:10).
F. Một Số Nan Đề Của Quan Điểm Nầy
1. Tính Chất Loại Trừ. ICo 15:51-52 nói rõ ràng mọi tín đồ sẽ được biến hóa chứ
không phải một số tín đồ.
2. Phép Báptêm Đức Thánh Linh. Phép báptêm bằng Đức Thánh Linh thực sự đặt
mọi tín đồ vào thân thể Đấng Christ (12:13), vì vậy mọi tín đồ đều sẽ kinh nghiệm lời
hứa về Sự Cất Lên.
3. Ai Sẽ Bị Hình Phạt? Thời kỳ Cơn Đại Nạn chưa hề được nói đến như thời kỳ trừng
phạt dành cho Hội Thánh hoặc cho một phần của Hội Thánh. Đây là thời kỳ hoạn nạn
của Giacốp.
4. Phần Thưởng? Sự Cất Lên không phải phần thưởng cho nếp sống tin kính; trái
lại, nếp sống tin kính sẽ được ban thưởng bằng mão triều thiên, chứ không phải Sự Cất
Lên (IITi 4:8 và các phân đoạn khác nói về mão triều thiên).
VI. THỜI ĐIỂM CỦA SỰ CẤT LÊN

510
Về cơ bản, có ba câu trả lời cho vấn đề thời điểm diễn ra Sự Cất Lên so với bảy năm
Đại Nạn. Thuyết Tiền Đại Nạn cho rằng Sự Cất Lên sẽ xảy ra trước khi khởi đầu toàn bộ
thời kỳ nầy. Thuyết Trung Đại Nạn dạy rằng Sự Cất Lên sẽ diễn ra vào thời điểm giữa
bảy năm đó, có nghĩa là: Hội Thánh sẽ ở trên đất trong ba năm rưỡi đầu, nhưng sẽ được
cất lên thiên đàng ngay tại điểm giữa đó, như vậy sẽ thoát được nửa cuối Cơn Đại Nạn.
Thuyết Hậu Đại Nạn xem Hội Thánh sẽ ở tiếp tục trên đất trong toàn bộ thời kỳ nầy,
nhưng sẽ có Sự Cất Lên như mô tả trong ITe 4:13-18 vào cuối thời kỳ, và tiếp ngay sau đó
là Sự Tái Lâm. Mỗi quan điểm nầy sẽ được khảo sát trong các chương tiếp.

511
512
Chương 86: QUAN ĐIỂM SỰ CẤT LÊN TIỀN ĐẠI NẠN
I. ĐỊNH NGHĨA QUAN ĐIỂM NẦY
Thuyết Tiền Đại Nạn dạy rằng Sự Cất Lên của Hội Thánh (gồm cả thánh đồ qua đời
lẫn đang còn sống) sẽ diễn ra trước thời kỳ bảy năm Đại Nạn, tức là trước khi bắt đầu
tuần lễ thứ bảy mươi của Da 9:24-27. Cần phải nói là “trước thời kỳ Bảy Năm Đại Nạn...,”
vì một số người theo quan điểm Sự Cất Lên Trung Đại Nạn nói Sự Cất Lên đó vẫn là
Tiền Đại Nạn, vì họ hiểu “Cơn Đại Nạn” chỉ nói đến ba năm rưỡi cuối cùng của thời kỳ
bảy năm đó mà thôi.
II. NHỮNG NGƯỜI HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM NẦY
John Nelson Darby (1800-1882) tạo sức đẩy ban đầu mạnh nhất cho việc hệ thống
hóa thuyết Tiền Đại Nạn. Sở dĩ như vậy vì ông xem Hội Thánh là một công trình đặc
biệt của Đức Chúa Trời, khác biệt với chương trình của Ngài dành cho Ysơraên. Được
kết hợp vào thuyết Tiền Thiên Hy Niên của ông, điều nầy khiến ông cho rằng Hội
Thánh sẽ được cất lên trước thời kỳ Cơn Đại Nạn, là khi Đức Chúa Trời sẽ một lần nữa
đối đãi đặc biệt với dân Ysơraên.
Đến thế kỷ hai mươi, quan điểm nầy đã được giải nghĩa và bênh vực qua tác phẩm
The Scofield Reference Bible, Is the Rapture Next? của Leon Wood (Grand Rapids, MI:
Zondervan, 1956), The Rapture Question của John F. Walvoord (Grand Rapids, MI:
Zondervan, 1970), Things to Come của J. Dwight Pentecost (Findlay, Ohio: Dunham,
1958), A Revelation of Jesus Christ, của J.B. Smith (Scottdale, Pa.: Herald Press, 1961),
và What You Should Know About the Rapture, của Charles C. Ryrie (Chicago: Moody,
1981).
III. CHỨNG CỚ HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM
A. Kh 3:10
Lời hứa nầy căn cứ vào việc giữ lời nhịn nhục của Ngài, một câu nói đến mọi tín đồ
(xem những câu tương tự của Giăng trong Gi 8:51; 14:23-24; và IGi 2:3). Lời hứa nầy được
lập với toàn bộ các Hội Thánh, chứ không chỉ riêng cho Hội Thánh tại Philađenphia ở
thế kỷ thứ nhất (xem Kh 3:13 và phần kết thúc tương tự cho mỗi bức thư gởi các Hội
Thánh đại diện nầy). Lời hứa nầy liên quan đến giờ thử thách hầu đến trên đất; tức liên
quan đến những cơn hoạn nạn được nói tiên tri tiếp sau đó trong sách Khải huyền. Lời
hứa nầy tuyên bố tín đồ sẽ được giữ khỏi giờ thử thách đó (tereso ek tes horas). Những
người phản đối thuyết Tiền Đại Nạn hiểu cụm từ nầy có nghĩa “Ta sẽ canh giữ”; tức là
tín đồ sẽ được canh giữ trong suốt bảy năm đó để rồi bước ra khỏi đó lúc Đấng Christ
tái lâm.

513
Cách hiểu chữ ek của phái Tiền Đại Nạn được hậu thuẫn bởi rất nhiều câu Kinh
Thánh mà chúng không liên quan đến Sự Cất Lên, nên do đó không bàn về vấn đề này
như là chuyện đương nhiên. “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi
hoạn nạn” (Ch 21:23). Canh giữ môi miệng và lưỡi không phải là phương tiện tự bảo vệ
bạn chính trong giờ phút hoạn nạn; đúng hơn, đó chính là phương tiện để thoát khỏi
hoạn nạn mà bạn hiện chưa mắc vào. Trong Bản Bảy Mươi, chữ ek chỉ ra sự bảo tồn từ
bên ngoài, chứ không phải từ bên trong. Ek cũng được dùng cùng cách đó để nói về sự
bảo vệ từ bên ngoài trong Gios 2:13, trong Thi 33:19; 56:13. Tương tự trong Tân Ước, chữ
ek rõ ràng mang cùng ý nghĩa đó. Trong Cong 15:29, các tín đồ ngoại bang được yêu cầu
phải giữ mình khỏi một số thói tục nào đó để khỏi gây vấp phạm cho tín đồ Do thái.
Cách duy nhất để làm việc đó chính là kiêng cữ hoàn toàn những tập tục đó. Họ phải
rút lui khỏi đó, chứ không phải tự bảo vệ mình bằng một cách nào đó đang khi vẫn làm
những thói tục ấy. Trong Gia 5:20, chúng ta được biết nếu một Cơ đốc nhân đang phạm
tội có thể từ bỏ tình trạng sa ngã của mình, thì họ sẽ được cứu khỏi sự chết thuộc thể.
Chữ ek tuyệt đối không thể mang nghĩa người ấy sẽ được bảo vệ lúc đang ở giữa sự
chết thuộc thể để sau đó bước ra khỏi sự chết trong một kiểu phục sinh nào đó. Người
nầy sẽ khỏi bị chết sớm bằng cách được miễn sự chết đó. (Về phần luận xuất sắc vấn đề
nầy cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến Kh 3:10, xin xem Jeffrey L. Townsend, “The
Rapture in Revelation 3:10,” Bibliotheca Sacra, Tháng 7 năm 1980: trang 252-66.)
Cũng chính cụm từ giữ khỏi nầy xuất hiện trong Gi 17:15: “Con chẳng cầu Cha cất
họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác.” Phái Hậu Đại Nạn nói lời
hứa nầy được ứng nghiệm không phải bởi cách đem tín đồ ra khỏi thế gian, nhưng
bằng cách bảo vệ họ khỏi Satan đang khi họ sống trên đất. Như vậy họ khẳng định:
Tương tự, tín đồ sẽ sống trong Cơn Đại Nạn, nhưng được gìn giữ khỏi thạnh nộ trong
Cơn Đại Nạn.
Phép so sánh như thế không giải đáp được câu hỏi cơ bản. Tín đồ được giữ khỏi
quyền lực của Satan bằng cách nào? Đúng là không phải bằng cách cất họ khỏi thế
gian, nhưng phải liên quan đến sự cất ra khỏi. Phaolô mô tả việc này như sau: “Ngài đã
giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con
rất yêu dấu Ngài” (Co 1:13). Giăng cũng nói như vậy khi viết: “Ma quỷ chẳng làm hại
(bám vào, nắm vào người tín đồ được” (IGi 5:18). Tín đồ được dời khỏi một lãnh địa nầy
(của Satan) đến một lãnh địa khác (của Đấng Christ), và đó là cách để chúng ta được
giữ khỏi ma quỷ.
Tuy nhiên lời hứa của Kh 3:10 không những bảo đảm tình trạng được giữ khỏi
những thử thách trong thời kỳ Đại Nạn, mà còn được giữ khỏi thời kỳ Đại Nạn nữa. Lời
hứa nầy không nói “Ta sẽ giữ ngươi khỏi thử thách.” Lời hứa nầy là: “Ta cũng sẽ giữ
người khỏi giờ thử thách.” Phái Hậu Đại Nạn phải tìm cách “giảm bớt sức ép vào từ ngữ

514
‘giờ’” (Robert H. Gundry, The Church and the Tribulation (Grand Rapids: Zondervan,
1973,59) bằng cách quả quyết chữ “giờ” nói đến những từng trải trong một khoảng thời
gian chứ không phải chính bản thân khoảng thời gian đó. Nói cách khác, Hội Thánh sẽ
sống qua thời kỳ nầy, nhưng không từng trải (một số) các biến cố. Nhưng nếu các biến
cố của Cơn Đại Nạn mang tính toàn cầu và vừa trực tiếp vừa gián tiếp tác hại đến mọi
người, thì làm sao Hội Thánh vừa ở trên đất, vừa thoát được các từng trải đó? Nếu Chúa
chúng ta được giải cứu khỏi giờ dâng sinh tế chuộc tội của Ngài (Gi 12:27) bằng cách
sống qua thời điểm đó nhưng không từng trải những biến cố trong sự thương khó Ngài,
thì chắc chắn đã không có sự chuộc tội nào cả.
Đương nhiên có thể sống qua một thời kỳ nào đó và không phải gặp một số biến cố
(giống như có mặt trong một tổ chức xã hội nhưng bỏ qua một số hoạt động vậy),
nhưng không thể nào vắng mặt trong thời gian đó mà không bỏ qua các biến cố trong
thời gian đó được.
Tóm lại, phái Hậu Đại Nạn dạy không rõ ràng về ý nghĩa lời hứa trong Kh 3:10. (1)
Có người dường như bảo rằng lời hứa nầy muốn nói đến sự bảo vệ (cho một số tín đồ
khỏi tuận đạo trong Cơn Đại Nạn) và rồi đến Sự Cất Lên ở cuối cùng. (2) Có người
dường như bảo lời hứa nầy nói đến sự bảo vệ khỏi khủng hoảng cuối cùng (tức bao gồm
trận Hamaghêđôn và sự “ru ngủ” về bình hòa an ổn được xem như xảy ra trước trận
chiến) bằng cách có Sự Cất Lên ngay trước cơn khủng hoảng cuối cùng đó. (3) Có người
cho rằng lời hứa nầy có nghĩa Hội Thánh sẽ trải qua Hamaghêđôn, được canh giữ trong
thời kỳ đó, và rồi bước ra khỏi (mọi tín đồ được vô sự?) trong Sự Cất Lên - Tái Lâm. Có
một điều rõ ràng đối với phái Hậu Đại Nạn: lời hứa nầy không thể nói đến sự giải cứu
trước khi Cơn Đại Nạn bắt đầu.
Nhưng lời hứa nầy rõ ràng minh bạch biết bao: “Ta... sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử
thách.” Không phải chỉ khỏi mọi bắt bớ, nhưng còn khỏi giờ hầu đến vốn sẽ hại đến
toàn thế gian. (Cách duy nhất để thoát khỏi cơn hoạn nạn toàn cầu ấy là không ở trên
đất.) Và cách duy nhất để thoát khỏi thời kỳ có các biến cố ấy xảy ra chính là vắng mặt
tại địa điểm gắn liền với thời kỳ ấy. Nơi duy nhất đáp ứng được các điều kiện đó chính
là thiên đàng.
Có lẽ minh họa sẽ giúp lời hứa nầy bớt rắc rối và trở nên rõ ràng. Là thầy giáo, tôi
thường phải ra bài thi. Giả sử tôi tuyên bố với lớp học rằng tôi sẽ cho thi vào một ngày
nọ trong giờ học thường lệ. Giả sử sau đó tôi nói: “Tôi muốn hứa một điều với các sinh
viên nào có điểm trung bình học kỳ cho đến nay đạt điểm A. Lời hứa của tôi là: Tôi sẽ
giữ cho em ấy khỏi thi.” Nếu tôi không nói gì thêm để giải thích, tôi cho rằng những
sinh viên đạt điểm A chắc chắn sẽ lúng túng về lời hứa đó. Họ sẽ hỏi: “Như vậy chúng
ta có phải thi hay không?” Và tôi cho rằng để an toàn, họ sẽ có mặt ngay đúng thời
điểm đã ấn định, vì họ chắc đã không hiểu rõ ràng ý tôi muốn nói gì.

515
Bây giờ tôi có thể giữ lời hứa với những sinh viên đạt điểm A đó bằng cách nầy: Tôi
phát bài thi cho mọi người, rồi phát cho những sinh viên đạt điểm A tờ giấy có sẵn câu
trả lời. Họ sẽ dự kỳ thi, thế nhưng trong thực tế, họ được khỏi thi. Họ sẽ sống qua thời
gian đó nhưng không phải chịu thử thách. Đây là thuyết Hậu Đại Nạn. Sự bảo vệ đang
khi phải chịu đựng.
Nhưng nếu tôi nói với lớp: “Tôi sẽ ra bài thi trong tuần tới. Tôi muốn hứa thế nầy
với mọi sinh viên đạt điểm A. Tôi sẽ giữ các em khỏi giờ thi.” Tôi rất nghiêm túc không
tin các sinh viên đạt điểm A trong lớp bỏ thì giờ ra tranh luận xem tôi muốn nói gì, hay
họ có buộc phải có mặt tại giờ thi hay không. Họ sẽ hiểu rõ rằng được giữ khỏi giờ thi
tức là miễn cho họ hiện diện trong suốt giờ thi đó. Đây là thuyết Tiền Đại Nạn, và đây là
ý nghĩa của lời hứa trong Kh 3:10. Và lời hứa nầy ra từ Cứu Chúa Phục Sinh, và chính
Ngài là Đấng giải cứu ra khỏi cơn thạnh nộ hầu đến (ITe 1:10).
B. ITe 5:1-11
Trong 4:13-18, Phaolô cố làm vơi nỗi sợ hãi của một số người cho rằng các tín đồ qua
đời rồi có thể không được dự phần nước thiên đàng. Lời ông giải thích trong đoạn Kinh
Thánh nầy là điều mà họ chưa được nghe đến. Nhưng trái lại, họ đã được thông tin đầy
đủ về sự khởi đầu Ngày của Chúa như ông đã giải thích trong 5:1-11.
Sự khởi đầu ngày đó sẽ đến bất ngờ giữa lúc có bình hòa và an ổn (c.2), đến bằng sự
đau đớn (c.3) và thạnh nộ (c.9). Trong thời gian đó, tín đồ phải sống cách tỉnh thức và
giè giữ. Những lời trong câu 6,8, 10 không khuyên canh chừng các dấu hiệu trong Cơn
Đại Nạn để chuẩn bị cho Ngày của Chúa ở cuối Cơn Đại Nạn, nhưng khuyên sống cách
tin kính khi xét đến Cơn Đại Nạn hầu đến, là Cơn Đại Nạn mà tín đồ sẽ thoát khỏi.
Trong lời dạy nầy, Phaolô bảo họ đã biết rõ ràng đầy đủ (c.2). Bằng cách nào? Một phần
từ sự dạy dỗ của chính Phaolô cho họ, nhưng cũng từ hiểu biết của họ về Cựu Ước nữa.
Trong Cựu Ước, Ngày của Chúa được nói đến bằng cụm từ nầy khoảng hai mươi lần,
và thường mang hàm ý lai thế học. Ngoài ra một từ ngữ tương đồng khác, “ngày sau
rốt” xuất hiện mười bốn lần, luôn luôn mang nghĩa lai thế học. Hơn nữa, cụm từ “trong
ngày đó” xuất hiện hơn một trăm lần và thường mang nghĩa lai thế học. Trong Es 2:2,11-
12, cả ba cụm từ nầy đều xuất hiện, chỉ về cùng một thời kỳ lai thế. Như vậy, có dư lý
do để Phaolô bảo độc giả của ông đã biết về Ngày của Chúa từ chính Cựu Ước.
Nhưng về Sự Cất Lên, thì Cựu Ước không bày tỏ. Sự bỏ sót này từ hơn hàng trăm
phân đoạn Kinh Thánh dường như thật khó hiểu nếu Sự Cất Lên là biến cố đầu tiên cho
Ngày của Chúa, theo như cách dạy của thuyết Hậu Đại Nạn. Nhưng nếu Sự Cất Lên là
lẽ mầu nhiệm, chưa được bày tỏ trong Cựu Ước, và nếu xảy đến trước khởi điểm thực
sự cho Ngày của Chúa, (theo cách dạy của thuyết Tiền Đại Nạn), thì không có gì lạ khi

516
Phaolô phải báo cho họ biết về Sự Cất Lên nhưng chỉ cần nhắc họ những gì họ đã biết
rồi về Ngày của Chúa.
Như vậy, phái Hậu Đại Nạn muốn tạo mối liên kết rất gần giữa ITe 4:13-18 với 5:1-11,
còn phái Tiền Đại Nạn lại được phục vụ tốt hơn bởi việc nhìn thấy sự tương phản đề tài
giữa hai đoạn ấy.
Như vậy quang cảnh Hậu Đại Nạn diễn ra như thế nầy: Phaolô chuyển nhẹ nhàng
từ phần luận đến Sự Cất Lên trong 4:13-18 sang phần luận đến parousia trong 5:1-11, vì
ông đang nói về những biến cố xảy ra đồng thời, chứ không phải những biến cố cách
biệt nhau đến bảy năm. Việc Phaolô chọn chữ de (chữ Hylạp đầu tiên trong 5:1) - một
liên từ đơn giản và chỉ mang nghĩa tương phản nhẹ - cho thấy mối liên kết gần gũi nầy.
Và vì Ngày của Chúa sẽ chưa bắt đầu cho đến khi Chúa Tái Lâm, nên Sự Cất Lên cũng
sẽ diễn ra cùng lúc đó.
Phái Tiền Đại Nạn nói sự tương phản giữa các đề tài của hai đoạn Kinh Thánh nầy
càng nổi bật bởi sự kiện Phaolô không chỉ dùng một chữ de để mở đầu câu 1, nhưng
bằng một cụm từ, là peri de. Điều nầy rất có ý nghĩa, vì ở chỗ khác trong các thơ tín của
ông, Phaolô dùng chữ peri de để biểu thị một đề tài mới và tương phản. Hãy xem ICo
7:1,25; 8:1; 12:1; 16:1,12; và ITe 4:9 và 5:1. Cứ coi như có thể hậu thuẫn lập luận của phái
Hậu Đại Nạn cho rằng cùng một đề tài đang được thảo luận trong 4:13-18 và 5:1-11 bởi
cách dùng riêng một mình chữ de, nhưng lập luận này bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi
công dụng của cụm từ peri de. Vì vậy, cách dùng phân đoạn nầy của phái Tiền Đại Nạn
được hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt chú giải kinh. Sự Cất Lên không phải là một phần
Ngày của Chúa, nên do đó không thể xảy ra sau Cơn Đại Nạn được.
Tóm tắt: vấn đề sự khởi đầu Ngày của Chúa là đường phân giới giữa thuyết Tiền và
Hậu Đại Nạn. Thuyết Tiền Đại Nạn xem Ngày của Chúa khởi sự ngay từ đầu Cơn Đại
Nạn vì những lý do sau đây:
(1) Chính những sự đoán xét đầu tiên (bất luận dùng bảng trình tự thời gian nào đi
nữa) bao gồm chiến tranh, đói kém và sự chết của một phần tư dân số trái đất.
(2) Một thời kỳ duy nhất mà Kinh Thánh đề cập bình hòa và an ổn trong thời kỳ Đại
Nạn chính là ngay tại khởi đầu của nó. Thời kỳ nầy sẽ tức khắc tiếp đến chiến tranh,
hủy diệt, và những biến động mà chúng rõ ràng sẽ tiếp diễn không giảm cho đến khi
Đấng Christ hiện ra. Như vậy Ngày của Chúa phải khởi sự từ đầu Cơn Đại Nạn, và Sự
Cất Lên phải xảy ra trước đó.
(3) Sự hiện ra của Người tội ác sẽ diễn ra vào đầu Cơn Đại Nạn khi hắn lập một hiệp
ước với dân Do thái.

517
(4) Cách hiểu thông thường hơn nhiều về động từ trong Kh 6:17 diễn đạt ý: cơn
thạnh nộ nầy đã đến rồi và đang tiếp diễn.
(5) Cách Phaolô dùng cụm từ peri de - chứ không chỉ một mình chữ de - trong
ITêsalônica 5:1 cho thấy hai đề tài tương phản nhau.
(6) Sự cất bỏ bình an khỏi đất ngay sau Cơn Đại Nạn bắt đầu chỉ phù hợp với thuyết
Tiền Đại Nạn.
Nếu thuyết Hậu Đại Nạn đúng, thì thuyết nầy phải nêu thêm nhiều câu trả lời thỏa
đáng hơn nữa cho những thắc mắc sau:
(1) Làm thế nào Ngày của Chúa không bắt đầu bởi Cơn Đại Nạn hay bất cứ phần
nào của Cơn Đại Nạn thế nhưng lại bắt đầu với những sự xét đoán của Hamaghêđôn?
(2) Làm thế nào trận chiến chung quyết ở cuối Cơn Đại Nạn có thể rút lại thành
trận chiến đơn lẻ và ngắn đủ cho Hội Thánh được cất lên trước khi nó mở màn (để thoát
khỏi cơn thạnh nộ này) thế nhưng trở lại ngay và tháp tùng Đấng Christ khi Ngài tái
lâm trần gian tại lúc kết thúc một trận chiến mà hẳn sẽ phải rất ngắn?
(3) Sự bảo vệ khỏi cơn thạnh nộ giáng trên người chưa tin Chúa có thực sự gồm cả
việc miễn trừ những tác hại phụ từ hành động của người không tin Chúa đang hứng
chịu cơn thạnh nộ đó không? Ngày nay không bao gồm. Vậy tại sao trong tương lai phải
có?
(4) Việc trút hàng loạt những sự đoán xét thạnh nộ vào cuối Cơn Đại Nạn giải quyết
thế nào cho nan đề: những sự đoán xét không kém phần khắc nghiệt có vẻ xảy ra sớm
trong Cơn Đại Nạn và giáng trên cả người tin Chúa cũng như không tin Chúa?
(5) Đâu là cách giải thích thông thường hơn cho thì quá khứ bất định trong Kh 6:17?
Không phải nó cho thấy thạnh nộ đã giáng xuống rồi, và đã không bắt đầu từ ấn thứ
sáu sao?
(6) Không phải cách dùng cụm từ peri de trong ITêsalônica 5:1 cho thấy Sự Cất Lên
thực sự không phải một phần Ngày của Chúa vào cuối Cơn Đại Nạn sao?
Chỉ có thuyết Tiền Đại Nạn mới phù hợp hài hòa với toàn bộ bằng chứng của Kinh
Thánh và giải đáp thỏa đáng các câu hỏi trên.
C. Hội Thánh
Các luận điểm khác ủng hộ Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn bao gồm sự vắng mặt Hội
Thánh trong Khải Huyền 4-19, là nơi mô tả chi tiết Cơn Đại Nạn; sự cất bỏ Đấng Ngăn
Trở trước ngày của Chúa và sự hiện ra của Người tội ác (IITe 2:1-9); và lẽ cần thiết phải
có một số người sống sót trong Cơn Đại Nạn trong chính thân thể trần tục nầy của họ

518
để trở thành tổ phụ của cư dân trong Thiên Hy Niên. Chúng ta sẽ khảo sát luận điểm
cuối nầy chi tiết hơn trong chương tiếp theo.

519
Chương 87: CƯ DÂN TRONG THIÊN HY NIÊN
I. NAN ĐỀ
Khi Thiên Hy Niên bắt đầu, một số người phải còn sống trong thân thể chưa phục
sinh, là người có thể sanh con cái và cư trú trong nước đó. Toàn bộ phái Tiền Thiên Hy
Niên nhất trí vấn đề nầy.
Thiên Hy Niên không những bao gồm quyền cai trị của Đấng Christ và của dân sự
Ngài, tức những người bấy giờ đã có thân thể phục sinh, mà còn gồm sự cai trị của
Đấng Christ trên dân cư trên đất, tức những người chưa nhận được thân thể phục sinh.
Nếu chỉ có tín đồ đã được phục sinh trong vương quốc nầy mà thôi, thì sẽ không có sự
chết, không gia tăng dân số, không có sự khác biệt về tuổi tác của công dân Thiên Hy
Niên (toàn bộ những điều nầy đã được nêu ra để biểu thị đặc trưng của Thiên Hy Niên -
Es 65:20, Xa 8:5; Kh 20:12). Vì những người đã phục sinh không sinh sản, nên không có
cách nào để có dân cư trên nước Thiên Hy Niên, trừ khi một số người chưa phục sinh
được bước vào Thiên Hy Niên. Như vậy mọi người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên thấy
cần phải có một số người lớn còn sống sót sau Cơn Đại Nạn, không được cất lên thiên
đàng vào cuối Cơn Đại Nạn nhưng bước vào Thiên Hy Niên trong thân thể chưa phục
sinh, để trở thành tổ phụ đầu tiên của cư dân Thiên Hy Niên.
II. GIẢI PHÁP TIỀN ĐẠI NẠN
Cách hiểu Tiền Đại Nạn về những biến cố tương lai thỏa đáp dễ cho nhu cầu nầy.
Sự Cất Lên sẽ diễn ra trước Cơn Đại Nạn, đem đi mọi người được cứu chuộc đang còn
sống trên đất lúc bấy giờ. Nhưng nhiều người sẽ được cứu trong Cơn Đại Nạn ( Kh 7:9,14)
bao gồm cả nhóm 144.000 ngàn người Dothái (c.4). Trong số những người được cứu
suốt thời kỳ khủng khiếp đó, đa số sẽ tuận đạo (6:11; 13:15), nhưng một số vẫn còn sống
sót để bước vào Thiên Hy Niên (Mat 25:34; Xa 14:11). Nhóm người đầu tiên bước vào
Thiên Hy Niên không những vào đó trong thân thể thiên nhiên của mình, mà còn là
những người được chuộc, sẵn lòng thuận phục quyền cai trị của Vua. Đến đúng kỳ,
những con trẻ sẽ được sinh ra và lớn lên. Một số sẽ tiếp nhận Đấng Christ vào lòng; một
số không tiếp nhận Ngài. Nhưng hết thảy đều phải trung thành với quyền tể trị của
Vua, bằng không sẽ gánh chịu hậu quả. Đến cuối Thiên Hy Niên, sẽ có vô số người dấy
nghịch, tức những người đã tỏ ra vâng phục Vua ở bề ngoài, nhưng khi được Satan tạo
cơ hội lúc hắn được thả ra, thì họ sẽ theo Satan chống lại Đấng Christ (Kh 20:7-9).
Như vậy, theo cách hiểu Tiền Đại Nạn về những biến cố tương lai nầy, tổ phụ
nguyên thủy của nước Thiên Hy Niên sẽ ra từ những người sống sót đã được cứu chuộc
(nhưng chưa được phục sinh) trong Cơn Đại Nạn, là “chiên” trong Mat 25:34 và là những
người Dothái trung tín còn sống sót của Exe 20:38.
III. GIẢI PHÁP HẬU ĐẠI NẠN
520
Tương phản với quan điểm trên là bức tranh của phái Hậu Đại Nạn. Đương nhiên,
Hội Thánh sẽ sống và trải qua Cơn Đại Nạn. Dầu một số tuận đạo, nhưng nhiều người
sẽ được giữ gìn và còn sống sót. 144.000 người Do thái và đoàn dân đông trong Khải
Huyền 7 được bao gồm trong Hội Thánh. Đến cuối Cơn Đại Nạn, mọi tín đồ còn sống sẽ
được Cất Lên, được ban thân thể phục sinh, và tức khắc quay về trần gian trong một
biến cố duy nhất của Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm. Điều nầy dường như loại bỏ toàn bộ
người được cứu chuộc nhưng chưa được phục sinh ra khỏi trái đất tại thời điểm bấy giờ,
để không còn ai ở lại bắt đầu làm cư dân trong nước Thiên Hy Niên. Nếu những kẻ ác
sống sót kia hoặc bị giết, hoặc bị ném vào địa ngục cuối Cơn Đại Nạn, thì sẽ không còn
ai có thân thể chưa phục sinh bước vào Thiên Hy Niên.
Như vậy, phái Hậu Đại Nạn hoặc phải tìm kiếm người nào đó chưa được cứu khi Sự
Cất Lên bắt đầu, nhưng sẽ được cứu vào lúc kết thúc biến cố duy nhất và tức thì của Sự
Cất Lên - Sự Tái Lâm (có bao nhiêu thời gian đây?), hoặc phải công nhận tổ phụ đầu
tiên của Thiên Hy Niên là những người chưa được cứu, nhờ cách nào đó mà chưa bị giết
hoặc chưa bị đoán phạt ngay tại hoặc sau trận Hamaghêđôn. Trên đây là những phương
án duy nhất cho phái Hậu Đại Nạn tìm ra tổ phụ của dân Thiên Hy Niên.
Chúng ta cần phải nhớ một chi tiết khác tại thời điểm nầy. Cư dân Thiên Hy Niên
bao gồm cả người Dothái lẫn người ngoại bang (Es 19:24-25). Vì vậy, thế hệ đầu tiên phải
bao gồm cả hai chủng tộc nầy. Nhưng Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn sẽ loại toàn bộ ứng viên
cho những bậc cha mẹ được chuộc trong Thiên Hy Niên thuộc mọi chủng tộc. Và những
sự đoán xét xảy ra khi Đấng Christ tái lâm sẽ loại toàn bộ các ứng viên là những cha
mẹ chưa được chuộc trong Thiên Hy Niên thuộc mọi chủng tộc. Những bậc cha mẹ nầy
sẽ ra từ đâu?
Hầu hết phái Hậu Đại Nạn không cố gắng giải đáp thắc mắc nầy, có lẽ vì phái Hậu
Đại Nạn thường không kết hợp các chi tiết trong hệ thống của họ lại với nhau cho có
thứ tự. Bức tranh của họ về tương lai được vẽ bằng những nét chấm phá, chứ không
bằng những chi tiết tinh tế. Phái Hậu Đại Nạn không bảo trợ những hội nghị về lời tiên
tri mà trong đó, các diễn giả được yêu cầu phải mô tả khá cụ thể về hệ thống do họ đề
xướng. Có lẽ một số người theo thuyết Hậu Đại Nạn chưa hề xem vấn đề này như một
thắc mắc, chỉ vì họ không giải thích cách hệ thống và chi tiết về bố cục các biến cố
tương lai. Nhưng dầu lý do gì đi nữa, hầu hết họ không giải đáp thắc mắc nầy.
Robert Gundry là một ngoại lệ (The Church and the Tribulation [Grand Rapids, MI:
Zondervan, 1973]), trang 81-3,134-9,163-71). Câu trả lời của ông gồm hai phần. Những
tổ phụ Do thái của dân cư Thiên Hy Niên sẽ ra từ số 144.000 người vốn chưa được cứu
trong Cơn Đại Nạn, nhưng chỉ được cứu vào cuối thời kỳ đó (trang 83). Tổ phụ ngoại
bang sẽ ra từ những người gian ác, mà bằng cách nào đó thoát chết và / hoặc sự đoán
xét ở cuối Cơn Đại Nạn (trang 137). Những người gian ác đó chính là những kẻ bị để lại

521
trong Mat 24:40-41 (để phân biệt với những người được cất đi trong Sự Cất Lên Hậu Đại
Nạn). Ông nói: “...sự hủy diệt một phần sẽ chừa lại số người chưa được cứu còn sót kia,
để cư trú trên đất của Thiên Hy Niên” (trang 137.)
Hơn nữa, nếu bức tranh hậu đại nạn nầy là đúng thì phải điều chỉnh thời điểm đoán
xét chiên và dê của Mat 25:31-46. Nguyên nhân rất đơn giản: Nếu Sự Cất Lên xảy ra sau
Cơn Đại Nạn, thì toàn bộ chiên (người được chuộc) đã được cất lên khỏi đất rồi, và sẽ
không còn chiên nào trong sự đoán xét đó nếu sự đoán xét đó diễn ra ngay tại Sự Tái
Lâm, tức là một biến cố duy nhất cùng chung với Sự Cất Lên. Dứt khoát không có
chuyện: Sự Cất Lên cất chiên lên rồi nhưng vẫn cứ còn chiên ở trên đất để chịu đoán
xét ngay sau Sự Cất Lên. Vì vậy, hoặc là Sự Cất Lên không thể xảy ra sau Cơn Đại Nạn,
hoặc sự đoán xét chiên và dê phải xảy ra sau Sự Tái Lâm (Gundry đặt biến cố nầy sau
Thiên Hy Niên).
Chúng ta cần phải xét ba vấn đề cần thiết cho câu trả lời của phái Hậu Đại Nạn: (a)
sự hoán cải của một trăm bốn mươi bốn ngàn người, (b) sự nhận diện các nhóm người
trong Mat 24:40-41 và (c) thời điểm sự xét đoán chiên và dê trong c.31-46.
IV. MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN NGÀN NGƯỜI DO THÁI
Một số người theo thuyết Hậu Đại Nạn xem 144.000 người Do Thái nầy là “dân
Ysơraên thuộc linh - tức là hội thánh” (George E. Ladd, A Commentary on the
Revelation of John [Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1971], trang 114). Nếu vậy, việc đóng
ấn họ xảy ra tại đầu Cơn Đại Nạn và liên quan đến sự cứu rỗi tâm linh cũng như sự giữ
gìn thuộc thể. Gundry công nhận 144.00 người nầy có lẽ thuộc về hội thánh (và do đó
họ được cứu từ lúc bắt đầu); ông thích xem họ là những người chưa được cứu trong suốt
Cơn Đại Nạn, và cũng chính là một với nhóm người nhìn xem Đấng Christ khi Ngài trở
lại và tin (Xa 12:10) và là một với nhóm người Ysơraên sẽ được cứu tại Sự Tái Lâm ( Ro
11:26-27). Nguyên nhân khiến ông thích chọn như vậy chính là do phép lý luận. Nếu
144.000 người nầy đã được cứu trong bảy năm Cơn Đại Nạn - từ lúc đầu, ở giữa, hay
thậm chí trong năm cuối cùng đi nữa - thì họ sẽ được cất lên trong Sự Cất Lên Hậu Đại
Nạn, được ban cho thân thể phục sinh tại lúc đó, rồi đồng thời quay về để cai trị với
Đấng Christ trong Thiên Hy Niên. Nhưng việc ban cho thân thể phục sinh sẽ loại trừ
việc họ trở thành tổ phụ của bất cứ ai trong Thiên Hy Niên. Mặt khác, nếu vẫn chưa
được cứu cho đến ngay lúc cuối Sự Tái Lâm, thì họ sẽ “thoát khỏi” Sự Cất Lên, mặc dầu
vậy họ hoán cải, nhưng vẫn còn trong thân thể chưa phục sinh, nên bởi đó có thể trở
thành cha mẹ của con cái trong thiên hy niên.
Thực ra, phái Tiền Đại Nạn hiểu rằng sẽ có một nhóm người Do Thái hoán cải vào
cuối Cơn Đại Nạn, và họ sẽ là những cha mẹ của phần dân DoThái trong cư dân Thiên
Hy Niên. Họ sẽ ra từ giữa vòng người Do Thái sống sót khỏi Cơn Đại Nạn, dẫu chưa

522
được cứu trong suốt thời kỳ đó. Khi Chúa tái lâm, họ sẽ được gom lại và chịu đoán xét,
những kẻ dấy nghịch (chắc hai phần ba dân số - Xa 13:8) phải bị loại khỏi nước Thiên
Hy Niên, và những ai lấy đức tin trở về với Chúa khi nhìn thấy Ngài thì được vào vương
quốc Ngài (Exe 20:33-44). Những người tin Chúa còn sống sót đó hợp thành “cả” dân
Ysơraên sẽ được cứu lúc Chúa tái lâm (Ro 11:26). Nhưng lúc đó, họ sẽ không được ban
thân thể phục sinh; đúng hơn, họ sẽ vào vương quốc trong thân thể vật chất cùng với
khả năng sinh con cái.
Vì sao phái hậu đại nạn cũng không thể để nhóm người nầy trở thành những cha
mẹ trong Thiên Hy Niên? Vì nhóm người đó sẽ tin khi họ thấy Chúa đến, là việc sẽ diễn
ra tại Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn. Vì vậy, họ cũng sẽ được cất lên thiên đàng, được ban
thân thể phục sinh, và bị loại trừ khỏi khả năng làm cha mẹ. Sự Cất Lên - bất luận diễn
ra khi nào đi nữa - sẽ là sự phân rẽ lớn nhất tách tín đồ ra khỏi người chưa tin Chúa mà
người ta có thể nghĩ tới, vì vậy, nếu có một nhóm người Do Thái chịu tin Chúa khi thấy
Ngài đến, và nếu sự hiện đến đó là Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm Hậu Đại Nạn, thì họ sẽ được
cất lên bởi vì tại lúc đó họ sẽ trở thành tín đồ. Vậy, phái Hậu Đại Nạn cần có một nhóm
người được đóng ấn ở trong tình trạng chưa được cứu rỗi đủ lâu để vuột mất Sự Cất
Lên, nhưng không quá lâu đến nỗi vuột mất cơ hội được vào Thiên Hy Niên trong thân
thể vật chất. Do đó, đúng như mong đợi, Gundry nói về Exe 20 rằng: “có lẽ phân đoạn
Kinh Thánh đó không hề mô tả sự đoán xét chính thức” (trang 168). Thực ra, trong hệ
thống của thuyết Hậu Đại Nạn, nó không thể.
Liệu có thể xem 144.000 người là người chưa hoán cải trong suốt những năm Đại
Nạn không? Câu trả lời là có. Người ta có thể tin theo bất kỳ cách giải thích nào họ
muốn. Vấn đề không phải là: “Có thể giải thích cách đó không?” Vấn đề chính là: “Làm
như vậy có hợp lý không? Khúc Kinh Thánh Kh 7:1-8 nói gì?”
Khúc Kinh Thánh nầy nói lên hai sự kiện rất có ý nghĩa: 144.000 người nầy có “ấn
của Đức Chúa Trời hằng sống”(c. 2), và họ là “người tôi tớ dạn dĩ của Đức Chúa Trời
chúng ta” (c.3). Kinh Thánh không nói cụ thể sự hầu việc Chúa của họ là việc gì, nhưng
có nói họ hầu việc ai. Họ hầu việc Đức Chúa Trời, chứ không hầu việc Antichrist. Ở đây,
chúng ta có buộc phải tưởng tượng nhóm 144.000 người chưa được cứu rỗi kia sẽ được
gọi là tôi tớ dạn dĩ của Đức Chúa Trời không? Phái Hậu Đại Nạn giải thích yếu ớt rằng
cách gọi nầy mang tính tiên liệu sự hầu việc Đức Chúa Trời trong thiên hy niên của họ
và tới lúc đó họ đã quay về với Chúa rồi. Bất cứ cách giải thích nào cũng khả dĩ, nhưng
liệu đó có phải là ý nghĩa khả dĩ nhất của khúc Kinh Thánh nầy chăng? Đương nhiên là
không.
Nhưng ngay cả khi chấp nhận cách gọi họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời không áp
dụng cho 144.000 người trong thời kỳ Cơn Đại Nạn, nhưng chỉ áp dụng trong Thiên Hy
Niên, thì lời tuyên bố trong câu 2 cũng khó hòa hợp vào hệ thống Hậu Đại Nạn. Chúng

523
ta biết nhóm người nầy được đóng ấn trước khi những sự đoán xét của Cơn Đại Nạn bắt
đầu (c.3). Hãy cố xếp đặt điều nầy cho khớp vào thuyết Hậu Đại Nạn. Đây sẽ là một
nhóm đặc biệt gồm người Do Thái chưa hoán cải và được Đức Chúa Trời đóng ấn trên
trán họ. Là người chưa được cứu, họ (hoặc chắc chắn là một số người trong họ) sẽ theo
Antichrist, và Antichrist cũng đóng dấu trên trán hoặc trên cánh tay họ. Và số phận
của những kẻ theo Antichrist đã được ấn định trước rồi: họ sẽ chịu đau đớn trong lửa và
diêm (14:9-11). Sẽ không một môn đồ Antichrist nào được cứu, ngay cả 144.00 người
trong số đó cũng không.
Tóm lại: thuyết Hậu Đại Nạn cần phải có một nhóm người chưa hoán cải còn sống
sót Cơn Đại Nạn, là nhóm người vì chưa hoán cải nên không được cất lên không trung
vào lúc cuối, nhưng sẽ hoán cải vào lúc Thiên Hy Niên bắt đầu để họ có thể bước vào
Thiên Hy Niên trong thân thể chưa phục sinh của mình và sanh con cái. Nhóm người
duy nhất có thể đáp ứng tiêu chuẩn đó là 144.000 người kia, và coi như có thể mô tả họ
là những tôi tớ chưa hoán cải của Đức Chúa Trời, trên trán có ấn của Đức Chúa Trời
trước lúc Cơn Đại Nạn bắt đầu, và không chịu theo Antichrist để khỏi mang dấu của
hắn. Có thể có điều này không?
V. Mat 24:40-41
Không những phải nhận diện 144000 người cách đăc thù, mà còn phải phân biệt
những nhóm người trong c. 40-41 theo cách nào đó cho phù hợp với bức tranh Hậu Đại
Nạn.
Theo cách hiểu của thuyết Hậu Đại Nạn, những câu Kinh Thánh nầy nói như sau:
“Lúc ấy (tại Sự Cất Lên- Sự Tái Lâm Hậu Đại Nạn, sẽ có hai người nam ở trong một đồng
ruộng, một người đã được cứu, đại diện cho Hội Thánh được đem đi [trong Sự Cất Lên
Hậu Đại Nạn], và một người chưa được cứu đại diện cho kẻ gian ác bị để lại [để chịu
đoán xét, dầu vậy không phải mọi người đều sẽ bị đoán xét, nên một số sẽ được để lại
làm cha mẹ của dân cư ngoại bang trong Thiên Hy Niên.]” Và cũng giống y như vậy
trong câu 41 - người “được đem đi” là người được cất lên, và “bị để lại” là người bị đoán
xét.
Trái lại, phái Tiền Đại Nạn xem những câu Kinh Thánh nầy là lời tuyên bố tổng
quát những kết quả từ sự đoán xét cụ thể cho những người Do thái và ngoại bang còn
sống sót khi Đấng Christ tái lâm. Người được đem đi tức là bị đem đi vào sự đoán xét và
đoán phạt, và những kẻ bị để lại tức là kẻ đã vượt qua thành công những sự đoán xét đó
và được để lại để hưởng phước trong nước Thiên Hy Niên.
Hãy lưu ý phái Hậu Đại Nạn phải bổ sung thêm điều kiện: không phải mọi người bị
để lại đều là người bị đoán xét và bị định tội để cho sẽ có một số người được chừa lại
làm cư dân trên đất. Nhưng trong điều kiện đó hàm chứa một sự bất nhất: Sự Cất Lên

524
sẽ đem đi toàn bộ những người được cứu chuộc, nhưng sự đoán xét lại không bao gồm
những kẻ chưa được chuộc. Chỉ có một phần những kẻ gian ác sẽ bị đoán xét.
Phái Tiền Đại Nạn hậu thuẫn quan điểm mình bằng cách nói: Theo câu 39, Nước
Lụt đùa dân chúng thời Nôê để đem đi đoán xét; do đó, những người được đem đi tại Sự
Tái Lâm cũng sẽ bị đem vào sự đoán xét.
Phái Hậu Thiên Hy Niên nhận định rằng có một chữ khác được dùng trong câu 39
cho chữ “đùa đem đi” khác với chữ trong câu 40 và 41, chỉ ra hai loại khác nhau của sự
đem đi - câu 39 là đem vào sự đoán xét, nhưng câu 40-41 là đem đi lên thiên đàng
trong Sự Cất Lên. Họ củng cố luận điểm của mình bằng cách nói rằng: chữ dùng trong
câu 40 và 41 cũng chính là chữ được dùng để mô tả Sự Cất Lên trong Gi 14:3, “đem các
ngươi đi với ta.”
Hai cách giải thích nầy như sau:
LỐI GIẢI THÍCH TIỀN ĐẠI NẠN
“Được Đem Đi”: Để hưởng phước trong nước Thiên Hy Niên (trong thân thể chưa
được phục sinh để sinh con cái)
“Bị Để Lại”: Vào sự đoán xét
LỐI GIẢI THÍCH HẬU ĐẠI NẠN
Vào thiên đàng trong Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn
Để chịu đoán xét (nhưng chỉ một phần số người nầy bị đoán xét, để cho số còn lại
có thể vào trong Thiên Hy Niên với thân thể chưa phục sinh).
Phái Tiền Đại Nạn thấy rằng trong Gi 19:16, chữ được dùng trong Mat 24:40-41 (xem
như nói về Sự Cất Lên theo phái Hậu Đại Nạn) cũng chính là chữ được dùng để nói đến
việc đem Chúa đi xét đoán, vì thế rõ ràng có thể nói về sự đoán xét trong câu 40-41,
đúng như cách thuyết Tiền Đại Nạn đã dạy. Người ta cứ bàn tới bàn lui đến những chữ
nầy. Chúng ta có kết luận gì đây? Đơn giản là bản thân những chữ nầy thiếu sức thuyết
phục.
Nhưng không phải không có giải pháp cho cuộc tranh luận nầy. Có thể dễ dàng giải
quyết vấn đề nầy bằng cách xem một phân đoạn song song trong Lu 17:34-37, trong đó,
có lời cảnh cáo của chính Chúa về việc một người được đem đi và một người bị để lại.
Tuy nhiên, Luca nêu thêm một câu hỏi của các môn đồ: “Thưa Chúa sự ấy sẽ ở tại đâu?”
Họ hỏi Ngài xem những người được cất đi kia sẽ được cất đi đâu. Họ không thắc mắc
xem những người bị để lại sẽ bị để lại nơi nào. Nếu Chúa muốn chúng ta hiểu những
người được cất đi tức là được đem đi trong Sự Cất Lên (giống như thuyết Hậu Đại Nạn
đã dạy), thì chắc Ngài đã trả lời thắc mắc của họ bằng cách nói rằng thiên đàng, hoặc

525
nhà Cha ta, hoặc lối nói tương tự. Nhưng câu trả lời của Ngài cho biết họ sẽ được cất đi
đến một nơi nào đó trái ngược với thiên đàng vui vẻ. Câu trả lời của Ngài là: “Xác chết ở
đâu, chim ó nhóm tại đó.” Câu trả lời của Đấng Christ là một câu châm ngôn nói về
những con chim ó xuất hiện từ đâu không biết mỗi khi có súc vật chết. Họ sẽ được đưa
đi đâu? Đưa đến nơi nào có sự chết và sự hủy hoại, chứ không đến nơi có sự sống và sự
bất tử. Câu nầy không nói đến thiên đàng, nhưng nói đến sự đoán xét. Vì vậy cách hiểu
của phái Tiền Đại Nạn để xác định về người được đem đi và người bị để lại là cách giải
thích đúng theo như Lu 17:37. Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn không được nêu ra trong những
câu Kinh Thánh nầy.
VI. THỜI ĐIỂM SỰ ĐOÁN XÉT CHIÊN VÀ DÊ
Sự đoán xét chiên và dê nầy - được phái Tiền Đại Nạn đặt ngay tại Sự Tái Lâm - phải
bị dời lui lại ít lâu nếu như muốn thuyết Hậu Đại Nạn được nhất quán. Nguyên do là:
nếu Sự Cất Lên diễn ra vào cuối Cơn Đại Nạn, tức là tại Sự Tái Lâm, và nếu tất cả chiên
đều được cất lên thiên đàng trong Sự Cất Lên đó, thì làm sao còn chiên bị để lại để
nhóm hiệp trước mặt Đấng Christ khi Ngài đến ? Chiên đã đi hết cả rồi. Hoặc nói cách
khác: Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm sẽ phân biệt kẻ được chuộc khỏi kẻ ác; còn sự đoán xét
nầy tại lúc Đấng Christ tái lâm cũng sẽ làm y như vậy, chỉ khác có điều là sẽ không còn
một người công bình nào trên đất để được phân rẽ ra, vì họ vừa mới được cất lên hết
rồi.
Việc dời chuyển sự đoán xét nầy cũng cung cấp người chưa được cứu còn sống sót
qua Cơn Đại Nạn và qua Sự Tái Lâm để họ bước vào nước Thiên Hy Niên trong thân thể
chưa được phục sinh. Gundry thừa nhận: “Do đó, chúng ta buộc phải đặt sự đoán xét
các dân ở sau Thiên Hy Niên” (trang 166). Bị buộc sao? Tại sao như vậy? Bởi vì sự đoán
phạt dê không thể nào là sự đoán phạt chỉ một phần số dê đó, vì Kinh Thánh nói “tất
cả” (bản Việt Ngữ - “muôn dân”) đều sẽ bị đoán xét. Trong cách giải thích về những
người bị để lại trong Mat 24:40-41, Gundry nói số người đó chỉ đại diện cho “sự hủy diệt
một phần ” (trang 137), nhưng ở đây Kinh Thánh nói cụ thể hết thảy đều bị đưa ra đoán
xét (25:32).
Không có câu Kinh Thánh nào đòi hỏi người chưa được cứu sẽ bước vào trong Thiên
Hy Niên. Sau vài năm trôi qua, sẽ có những người được sinh ra trong thời kỳ đầu của
Thiên Hy Niên, rồi họ lớn lên, và trong lòng chối bỏ chính Đấng vừa là Cứu Chúa vừa là
Vua (dầu bề ngoài tỏ ra vâng phục Ngài). Nhưng không câu Kinh Thánh nào qui định
có người chưa được cứu ở giữa số người sống sót khỏi Cơn Đại Nạn và được bước vào
trong Thiên Hy Niên. Xa 14:16 (đôi khi được dùng hậu thuẫn ý nầy) nói đến thế hệ thứ
nhất của công dân Thiên Hy Niên là những người đã trải qua những sự đoán xét với tư
cách của người được chuộc chứ không phải tư cách người dấy nghịch, và họ sẽ tự
nguyện đi đến Giêrusalem để thờ phượng Vua. Nhưng câu 17-21 chuyển sang mô tả

526
những tình trạng trong suốt Thiên Hy Niên, chứ không phải chỉ ở lúc bắt đầu. Thời gian
trôi qua, một số người sẽ không vâng phục Vua, và họ sẽ phải bị trừng phạt.
Có lẽ lập luận thuyết phục hơn cho việc phái Hậu Đại Nạn dời sự đoán xét nầy đến
cuối Thiên Hy Niên không phải là để đưa dê vào Thiên Hy Niên, mà là để đưa chiên vào
chịu sự đoán xét. Tôi xin trình bày lại ý nầy: Nếu sự đoán xét xảy ra tại Sự Tái Lâm, và
nếu Sự Cất Lên vừa mới diễn ra như một phần của Sự Tái Lâm, và nếu Sự Cất Lên đã
đem chiên đi (và đúng là như vậy), thì chiên sẽ ra từ đâu để có mặt trong sự đoán xét
nầy?
Tuy nhiên, nếu có thể dời sự đoán xét nầy đến cuối Thiên Hy Niên, thì đương nhiên
như vậy sẽ có cả người công bình lẫn người gian ác sống tại lúc kết thúc Thiên Hy
Niên. Nhưng nếu như vậy, người ta làm sao hòa hợp những đặc trưng rất khác nhau
của Mat 25:31-46 với những đặc trưng mô tả điều được xem như cùng một sự đoán xét ấy
ở tại Tòa Án Lớn và Trắng trong sách Kh 20:11-15? Hãy để ý một số điểm tương phản
giữa sự đoán xét chiên và dê với sự đoán xét tại Tòa Án Lớn và Trắng.
Gundry gọi sự đoán xét chiên và dê là “Mẫu mực cho sự đoán xét lớn ở kỳ tận thế”
(trang 167). Nếu đây là mẫu mực, thì không chính xác lắm! Đúng là các phân đoạn mô
tả cùng một biến cố thì không bắt buộc phải chứa đựng toàn bộ những chi tiết giống y
như nhau, nhưng hai phân đoạn nầy dường như hoàn toàn không tương tự nhau trong
các chi tiết của chúng.
Nếu sự đoán xét chiên và dê phải dời đến cuối Thiên Hy Niên, thì đương nhiên, phải
hiểu Mat 25:31 chỉ về Sự Tái Lâm và câu 32 chỉ về kỳ kết thúc Thiên Hy Niên, tức một
ngàn năm sau. Nói cách khác, khoảng cách của thời kỳ Thiên Hy Niên dài một ngàn
năm phải xuất hiện giữa câu 31 và 32. Phái Tiền Thiên Hy Niên công nhận có những
khoảng cách như thế trong Kinh Thánh (Es 9:6 và Gi 5:28-29 chẳng hạn), vì thế, đây
không phải là một ý kiến không thể tồn tại. Nhưng đây có phải cách giải thích khả dĩ
không?
CHIÊN VÀ DÊ
Không có sự sống lại (dầu các thánh đồ Cựu Ước có thể sống lại tại Sự Tái Lâm,
nhưng họ sẽ không có mặt trong sự đoán xét nầy).
Không có các sách mở ra.
Dùng chữ “các dân” (và chữ nầy không bao giờ dùng để chỉ về người chết).
Có mặt chiên
Đề cập ba nhóm: chiên, dê, anh em
Phần thưởng là nước và sự sống đời đời

527
Diễn ra tại địa điểm mà Đấng Christ đến, tức là tại trên đất
NGAI TRẮNG VÀ LỚN
Sự sống lại của kẻ chết
Các sách mở ra
Dùng chữ “kẻ chết”
Không đề cập sự có mặt của người công bình
Chỉ đề cập một nhóm người: kẻ chết
Không đề cập phần thưởng, chỉ có sự đoán phạt
Đất đã biến đi
Mat 25:35-40 cho biết câu trả lời. Có phải các câu Kinh Thánh nầy mô tả những tình
trạng trong Thiên Hy Niên không? Chúng phải mô tả, nếu sự đoán xét nầy diễn ra sau
khi kết thúc Thiên Hy Niên. Nếu chúng mô tả, thì Thiên Hy Niên sẽ phải là một thời
gian mà Đấng Christ và các anh em Ngài (tức là tín hữu Dothái) bị đói khát, trần
truồng, đau ốm, và bị tù. Những người không vâng phục Vua trong Thiên Hy Niên có
thể bị cầm tù, nhưng khúc Kinh Thánh này nói trong thời kỳ trước sự đoán xét đó, các
anh em của Đấng Christ sẽ bị cầm tù. Và điều nầy chắc chắn không thể đúng trong
Thiên Hy Niên, nhưng sẽ đúng trong Cơn Đại Nạn. Các anh em của Đấng Christ sẽ đói,
khát, trần truồng, đau ốm, và bị tù trong những năm Đại Nạn, chứ không phải trong
Thiên Hy Niên - là khi Đấng Christ đang trị vì trong sự công bình.
Như vậy, rõ ràng câu 35-40 loại trừ việc chèn một khoảng cách một ngàn năm vào
giữa 31 và 32. Sự đoán xét nầy sẽ tiếp ngay sau sự hiện ra của Đấng Christ, và sẽ xét
con người dựa trên phản ứng của tấm lòng họ trước những tình trạng sẽ có trong Cơn
Đại Nạn - tức các tình trạng không có trong Thiên Hy Niên cho môn đồ của Đấng
Christ.
VII. KẾT LUẬN
Phần bàn luận của chúng ta dẫn đến đâu? Dẫn đến kết luận là thuyết Hậu Đại Nạn
không thể trả lời cho vấn đề: Ai sẽ là cha mẹ của dân cư Thiên Hy Niên? Đúng là thuyết
Hậu Đại Nạn đưa ra một mơ tưởng nào đó về đề tài nầy. Họ muốn 144.000 người kia sẽ
là những cha mẹ người Do thái, nhưng để thỏa mãn điều kiện, họ sẽ phải cứ chưa hoán
cải trong suốt Cơn Đại Nạn cũng như qua khỏi Sự Cất Lên - Sự Tái Lâm, rồi sau đó mới
hoán cải. Họ ước muốn rằng một số những người bị để lại trong sự phân rẽ của đoạn
24:40-41 sẽ là những cha mẹ người ngoại bang (số còn lại sẽ bị đoán phạt đi vào địa
ngục). Nhưng việc nầy bóp méo ý nghĩa của chữ “được đem đi” và chữ “bị để lại,” khiến
việc được đem vào thiên đàng trong Sự Cất Lên mâu thuẫn với ý nghĩa rõ ràng của chữ

528
“được đem đi” trong Lu 17:36. Và để cho những gợi ý nầy nhất quán với nhau, sự đoán
xét chiên và dê buộc phải được đặt vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên, và Mat 25:35-40 phải
mô tả những tình trạng trong Thiên Hy Niên.
Không đặt Sự Cất Lên vào lúc kết thúc Cơn Đại Nạn thì đơn giản hơn biết bao. Điều
nầy cho phép người ta tiếp nhận hoặc chối bỏ Đấng Christ trong Cơn Đại Nạn, một số
những người đó sẽ sống sót qua thời kỳ đó (không ai trong số họ sẽ được cất lên, vì Sự
Cất Lên đã được diễn ra rồi) để chịu đoán xét tại Sự Tái Lâm (cả người Do thái lẫn người
ngoại bang còn đang sống), và những người vượt qua thành công những sự đoán xét đó
trong tư cách của người được chuộc thì sẽ đi vào nước Thiên Hy Niên trong thân thể
thuộc về đất để làm thế hệ đầu tiên của dân cư Thiên Hy Niên, và làm cha mẹ của thế
hệ tiếp theo.

529
Chương 88: QUAN ĐIỂM SỰ CẤT LÊN TRUNG ĐẠI NẠN
I. ĐỊNH NGHĨA QUAN ĐIỂM
Quan điểm Sự Cất Lên Trung Đại Nạn cho rằng Sự Cất Lên của Hội Thánh sẽ diễn
ra tại điểm giữa của bảy năm Đại Nạn; tức là sau khi ba năm rưỡi đã trôi qua. Theo
quan điểm nầy, chỉ nửa cuối của tuần lễ thứ bảy mươi của Đaniên mới là Cơn Đại Nạn.
Đây là lý do thuyết Trung Đại Nạn đôi khi được xem là một dạng của thuyết Tiền Đại
Nạn, vì thuyết nầy dạy Sự Cất Lên diễn ra trước khi những hoạn nạn của ba năm rưỡi
cuối xảy ra.
II. NHỮNG NGƯỜI HẬU THUẪN QUAN ĐIỂM NẦY
J. Oliver Buswell, Jr. đã dạy quan điểm Trung Đại Nạn trong tác phẩm A Systematic
Theology of the Christian Religion (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1963,2:450,462).
Gleason L. Archer, một học giả nổi tiếng, cũng theo quan điểm nầy (Reiter, Feinberg,
Archer, Moo, The Rapture (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1983, trang 115-45).
III. NHỮNG LẬP LUẬN ỦNG HỘ QUAN ĐIỂM NẦY
A. Điểm Nhấn Mạnh Về Khoảng Thời Gian Ba Năm Rưỡi
Những phân đoạn tiên tri nhấn mạnh ba năm rưỡi cuối trong tuần thứ bảy mươi
của Đaniên là thời gian có những sự đoán xét kinh khiếp trên đất, và mở đầu bằng một
biến cố quan trọng nào đó. Dường như hợp lý để kết luận biến cố đó chính là Sự Cất
Lên của Hội Thánh. Kết hợp hai khái niệm nầy lại với nhau (những sự đoán xét kinh
khiếp trong ba năm rưỡi cuối và một biến cố quan trọng nào đó diễn ra ngay điểm giữa
của bảy năm nầy), thì phải kết luận Sự Cất Lên Trung Đại Nạn của Hội Thánh. Hậu
thuẫn Kinh Thánh cho quan điểm nầy gồm Da 7:25; 9:27; 12:7,11; Kh 11:2; 12:6,14.
Rõ ràng, những phân đoạn Kinh Thánh tiên tri có phân biệt hai nửa riêng biệt của
thời kỳ bảy năm Đại Nạn. Nhưng như vậy không có nghĩa những sự đoán xét kinh
khiếp chỉ diễn ra trong ba năm rưỡi cuối. Cũng không một phân đoạn nào được trích
dẫn có nói, thậm chí ám chỉ, về Sự Cất Lên. Nhưng một số phân đoạn đó cho thấy có
một biến cố cụ thể sẽ diễn ra vào giữa tuần lễ mà Antichrist sẽ chấm dứt việc dâng của
tế lễ và của lễ chay. Da 12:11 đề cập cùng một biến cố nầy. Kh 12:6,14 thuật lại cách
Ysơraên sẽ phải chạy trốn đến nơi ẩn náu trong đồng vắng vào điểm giữa nầy. Không
cho thấy Sự Cất Lên, vì dân sót tin Chúa sẽ phải trốn đến một nơi trên đất này, và sẽ
không được cất lên thiên đàng như cách sẽ diễn ra tại Sự Cất Lên. Sự kiện một số phân
đoạn nầy có đề cập đến những biến cố trọng đại diễn ra tại thời điểm giữa nhưng
không phân đoạn nào nói Sự Cất Lên là một trong số biến cố trọng đại đó, đấy chính là
sự kiện có ý nghĩa hơn cả.

530
Phái Trung Đại Nạn tin sẽ có những thử thách và những đoán xét trong ba năm rưỡi
đầu của Cơn Đại Nạn, nhưng đấy là do thạnh nộ của con người, trong khi những sự
đoán xét trong ba năm rưỡi cuối ra bởi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hãy
để ý 6:16-17 nói cơn thạnh nộ của Chiên Con “đã đến.” Điều nầy cho thấy cơn thạnh nộ
của Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu trước khi mở ấn thứ sáu. Muốn phù hợp với khung thời
gian của thuyết Trung Đại Nạn, người ta sẽ phải đặt những sự đoán xét khởi đầu của
các ấn vào ba năm rưỡi cuối của Cơn Đại Nạn.
B. Bài Giảng Trên Núi Ôlive
Phái Trung Đại Nạn tìm hậu thuẫn cho quan điểm mình từ Bài Giảng Trên Núi
Ôlive. Lập luận nầy diễn tiến như sau: Mat 24:27 chỉ ra cho thấy Sự Cất Lên, bởi vì chữ
parousia được dùng ở đây cũng là chữ được dùng nói đến Sự Cất Lên trong ITêsalônica
4:15. Mat 24:31 và IITêsalônica 2:1 cũng dùng những chữ ra từ cùng một gốc nầy
(episynago). Theo tôi, lập luận nầy dường như hậu thuẫn trình tự thời gian của thuyết
Hậu Đại Nạn, vì những so sánh nầy dường như kết luận Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là
cùng một biến cố, hay ít ra, chúng diễn ra cùng một thời điểm (vào cuối Cơn Đại Nạn).
Nhưng phái Trung Đại Nạn né tránh kết luận đó bằng cách lập luận rằng Sự Cất Lên
trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive đã được mở đường bởi những dấu lạ mà chúng sẽ cảnh
tỉnh tín đồ biết Sự Cất Lên đã đến gần. Những dấu hiệu nầy gồm sự truyền bá tin lành
(Mat 24:14), sự xuất hiện của Con Thú (c.15), và sự bắt bớ lớn (c.10-27). Vì những dấu
hiệu nầy sẽ xuất hiện trong nửa tuần lễ đầu, nên Sự Cất Lên phải xảy ra ngay tại điểm
giữa. Nhưng thành thật mà nói, nếu đây đã là một lập luận tốt cho thuyết Trung Đại
Nạn, thì có vẻ nó lại là lập luận ủng hộ càng tốt hơn nữa cho thuyết Hậu Đại Nạn.
Vậy còn cách dùng một số chữ giống nhau để chỉ về Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm thì
sao? Điều nầy có cho thấy chúng là cùng một biến cố không? (Đương nhiên, đây cũng là
lập luận được dùng để hậu thuẫn thuyết Hậu Đại Nạn nữa). Dĩ nhiên là không. Người ta
chờ đợi tìm thấy những từ vựng tương tự nhau được dùng để mô tả những biến cố có
phần tương tự nhau. Nhưng sự tương tự không tạo nên sự đồng nhất.
C. Tiếng Kèn Chót
Thuyết Trung Đại Nạn cho rằng tiếng kèn thứ bảy của Kh 10:7 tương ứng với tiếng
kèn chót của ICo 15:52. Nếu đúng như vậy, thì Sự Cất Lên (được mô tả trong ICôrinhtô)
sẽ diễn ra tại điểm giữa của Cơn Đại Nạn (là lúc ống loa thứ bảy được thổi lên). Đây là
một lập luận có phần đơn giản hóa, cho rằng toàn bộ việc thổi các ống loa phải chỉ về
cùng một loại biến cố. Điều nầy không đúng. Trong văn chương mặc khải của người Do
thái, các tiếng loa báo hiệu rất nhiều biến cố lai thế học trọng đại khác nhau, bao gồm
những sự đoán xét, sự nhóm họp lại của kẻ được chọn, và sự sống lại. Giờ đây, tiếng loa
thứ bảy là tiếng loa của sự đoán xét, trong khi tiếng kèn của ICôrinhtô là tiếng kèn của

531
sự giải cứu và của sự sống lại. Cho rằng chúng chỉ ra cùng một biến cố thì thật là một
sự giả định vô cớ.

532
Chương 89: QUAN ĐIỂM SỰ CẤT LÊN HẬU ĐẠI NẠN
I. ĐỊNH NGHĨA QUAN ĐIỂM NẦY
Thuyết Hậu Đại Nạn dạy rằng Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là các phương diện của
cùng một biến cố đơn duy nhất, xảy ra cuối Cơn Đại Nạn khi Đấng Christ trở lại. Hội
Thánh sẽ ở trên đất trong Cơn Đại Nạn để trải qua những biến cố của thời kỳ đó.
II. NHỮNG NGƯỜI ĐỀ XƯỚNG QUAN ĐIỂM NẦY
Dầu rất nhiều tác giả đã và đang theo quan điểm nầy trong suốt lịch sử Hội Thánh,
nhưng tôi đề cập ba tác phẩm có ảnh hưởng đặc biệt. Đó là The Approaching Advent of
Christ, của Alexander Reese (Grand Rapids: Kregel, 1975), The Blessed Hope, của
George E. Ladd (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1956), và The Church and the
Tribulation, của Robert H. Gundry (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1973).
III. ĐỐI CHIẾU THUYẾT TIỀN VÀ HẬU ĐẠI NẠN
Vì đây là hai quan điểm về Sự Cất Lên bị tranh luận nhiều nhất ngày nay, nên tôi
muốn đối chiếu các khác biệt chính yếu của chúng.
THUYẾT TIỀN ĐẠI NẠN
1. Sự Cất Lên diễn ra trước Cơn Đại Nạn.
2. Hội Thánh kinh nghiệm Kh 3:10 trước Cơn Đại Nạn.
3. Ngày của Chúa bắt đầu bằng Cơn Đại Nạn.
4. ITêsalônica 5:2-3 xảy ra tại lúc đầu Cơn Đại Nạn.
5. 144.000 người được chuộc ngay đầu Cơn Đại Nạn.
6. Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm cách rời nhau bảy năm.
7. Những người Ysơraên còn sống chịu đoán xét tại Sự Tái Lâm.
8. Người ngoại bang còn sống chịu đoán xét tại Sự Tái Lâm.
9. Cha mẹ của dân cư Thiên Hy Niên là người sống sót qua các đoán xét giáng trên
người Do thái và ngoại bang đang sống.
10. Các tín đồ của Thời Đại Hội Thánh chịu đoán xét trên thiên đàng giữa khoảng
Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm.
IV. NHỮNG LẬP LUẬN ỦNG HỘ THUYẾT HẬU ĐẠI NẠN
A. Từ Vựng Dùng Cho Sự Tái Lâm
Nói ngắn gọn, lập luận sẽ như thế nầy: Vì các trước giả Tân Ước dùng rất nhiều từ
ngữ để mô tả Sự Tái Lâm, nên nếu Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là các biến cố khác biệt

533
cách nhau bảy năm, vì sao họ không dành riêng một chữ để nói đến Sự Cất Lên và một
chữ khác nữa cho Sự Tái Lâm thay vì có vẻ dùng chúng thay đổi lẫn nhau?
Chẳng hạn, chữ parousia, nghĩa là “việc đi đến,” “đi đến nơi,” hoặc “sự hiện diện,”
và được dùng chỉ về Sự Cất Lên trong ITe 4:15. Chữ nầy cũng được dùng mô tả sự hiện
ra lần thứ nhì của Đức Chúa Jesus Christ trong Mat 24:27. Có thể rút ra hai kết luận từ
bằng chứng nầy. (1) Parousia mô tả cùng một biến cố đơn, nói rằng Sự Cất Lên và Sự
Tái Lâm là một biến cố duy nhất ở cuối Cơn Đại Nạn. (2) Parousia mô tả hai biến cố
riêng biệt, cả hai đều đặc trưng bởi sự hiện diện của Chúa, nhưng chúng sẽ không diễn
ra đồng thời. Cả hai kết luận trên đều hợp lý.
Hãy xem minh họa sau. Giả sử ông bà nội hãnh diện nói với bạn bè: “Chúng tôi
đang đợi đón sự hiện diện (parousia) của đám cháu nội vào tuần tới”; rồi sau đó, khi trò
chuyện, họ thêm vào “Vâng, chúng tôi mong đám cháu nội có mặt tại lễ kim hôn của
chúng tôi.” Nếu nghe những câu nầy, bạn có thể rút ra một trong hai kết luận sau. (1)
Các cháu nội sẽ đến thăm trong tuần tới để dự lễ kim hôn. Nói cách khác, ông bà nội
đang nói về việc các cháu mình đến và lễ kỷ niệm như là một biến cố đơn, diễn ra đồng
thời. Hoặc (2) Cháu nội sẽ đến thăm ông bà hai lần - một chuyến viếng thăm trong tuần
tới (có lẽ là một phần trong chuyến nghỉ hè) và một chuyến đi khác sau đó để dự lễ kim
hôn.
THUYẾT HẬU ĐẠI NẠN
1. Sự Cất Lên diễn ra sau Cơn Đại Nạn.
2. Hội Thánh kinh nghiệm Kh 3:10 ở cuối Cơn Đại Nạn.
3. Ngày của Chúa bắt đầu ở lúc kết thúc Cơn Đại Nạn.
4. 1 Têsalônica 5:2-3 xảy ra tại lúc gần cuối Cơn Đại Nạn.
5. 144.000 người được chuộc lúc kết thúc Cơn Đại Nạn.
6. Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là một biến cố đơn duy nhất.
7. Không có sự đoán xét như thế nầy.
8. Người ngoại bang còn sống chịu đoán xét sau Thiên Hy Niên.
9. Cha mẹ của dân cư Thiên Hy Niên ra từ 144.000 người Do thái.
10. Các tín đồ của Thời Đại Hội Thánh chịu đoán xét sau Sự Tái Lâm hoặc lúc kết
thúc Thiên Hy Niên.
Tương tự, vì sự hiện diện (parousia) sẽ đặc trưng cho cả Sự Cất Lên lẫn Sự Tái Lâm,
nên bản thân chữ nầy không cho biết đây chỉ là một biến cố đơn hay là những biến cố

534
riêng biệt nhau. Nói cách khác, từ vựng được dùng ở đây không nhất thiết chứng minh
cho thuyết Tiền hay Hậu Đại Nạn.
Từ ngữ thứ nhì được dùng chỉ về sự hiện đến của Chúa là apokalupsis, có nghĩa là
“sự hiện đến - sự bày tỏ.” Chữ nầy xuất hiện trong các phân đoạn nói về Sự Cất Lên
như là ICo 1:7 và IPhi 1:7; 4:13, vì khi Đấng Christ đến đón rước Hội Thánh, Ngài sẽ bày tỏ
chính Ngài cho Hội Thánh. Khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ thấy Ngài như vốn có thật
vậy. Chữ nầy cũng xuất hiện trong những phân đoạn mô tả Ngài tái lâm trần gian lúc
kết thúc Cơn Đại Nạn (IITêsalônica 1:7), vì biến cố đó cũng sẽ bày tỏ Đấng Christ cho
thế gian.
Hai kết luận sau đều khả dĩ. (1) Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm là cùng một biến cố duy
nhất. Vì cả hai đều được gọi là sự hiện ra của Đấng Christ, nên chúng phải diễn ra đồng
thời và là một phần của cùng một biến cố tại cuối Cơn Đại Nạn. (2) Cả Sự Cất Lên lẫn
Sự Tái Lâm đều bày tỏ Đấng Christ, nhưng không diễn ra cùng lúc hoặc trong cùng
những hoàn cảnh y nhau. Do đó, Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm có thể cách biệt nhau, giống
như thuyết Tiền Đại Nạn đã dạy.
Hãy lưu ý rằng kết luận thứ nhất đã dùng chữ sự hiện ra như là một chữ để liệt kê;
có nghĩa bất cứ biến cố nào được nói đến trong toàn bộ các phân đoạn Kinh Thánh có
dùng chữ nầy thì chúng đều được chữ này liệt kê như là cùng một biến cố đơn duy
nhất. Kết luận thứ nhì xem chữ sự hiện ra là một chữ biểu trưng đặc điểm; tức là chữ
nầy được dùng để biểu thị đặc điểm những biến cố khác nhau theo cùng một cách, như
là một sự bày tỏ vậy.
Như vậy, ta thấy rõ hơn: từ vựng được dùng trong Tân Ước dường như không chứng
minh cho cả thuyết Tiền lẫn Hậu Đại Nạn.
Chữ chủ yếu thứ ba dùng cho Sự Tái Lâm là epiphaneia, có nghĩa “sự hiển hiện, sự
biểu lộ.” Tại Sự Tái Lâm, Đấng Christ sẽ hủy diệt Antichrist bằng chính sự hiển hiện
của Ngài lúc Ngài đến (IITe 2:8). Chữ nầy cũng được dùng để nói đến hy vọng của tín đồ
khi nhìn thấy Chúa (IITi 4:8; Tit 2:13). Chúng ta sẽ kết luận chữ nầy đang liệt kê những
câu đó để nói đến cùng một biến cố đơn? Hay chúng ta có thể kết luận: chữ này đang
biểu thị đặc trưng của hai biến cố khác nhau như là cả hai đều liên quan đến sự hiển
hiện của Đấng Christ nhưng không diễn ra đồng thời? Câu trả lời là kết luận nào cũng
được (nhưng không phải cả hai!).
Như vậy rõ ràng, từ vựng không chứng minh cho Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn hoặc Sự
Cất Lên Hậu Đại Nạn của Hội Thánh.
Vậy, tại sao lập luận nầy vẫn được sử dụng tiếp tục? Đơn giản vì phái Hậu Đại Nạn
vẫn tiếp tục tin đây là sự hậu thuẫn hợp lý cho quan điểm của họ, thậm chí còn tuyên
bố nó “chứng minh” quan điểm của họ (Ladd, The Blessed Hope, trang 70).
535
Nhưng giả định cơ bản của Hậu Đại Nạn để tiếp tục sử dụng lập luận nầy ấy là:
những từ ngữ nầy là để liệt kê chứ không biểu thị đặc trưng. Đúng là từ vựng có thể
làm việc được đó, nhưng cũng chắc chắn không kém ấy là: từ vựng có lẽ không làm
được việc đó.
Hãy lấy trường hợp chữ “động cơ.” Xe hơi của tôi có động cơ. Máy giặt của vợ tôi có
động cơ. Xe gắn máy của tôi có động cơ. Quạt lò sưởi của chúng ta có động cơ. Máy
chụp hình của tôi có động cơ để tự động lên phim. Vậy có phải từ ngữ “động cơ” là một
đặc điểm biểu thị đặc trưng của những máy móc rất khác nhau nầy? Hay nó là phương
tiện liệt kê chúng để rồi buộc chúng ta sẽ phải kết luận mọi thứ có động cơ thì đều là
cùng một đồ vật? Câu trả lời quá hiển nhiên.
Sự hiện diện, sự bày tỏ và sự hiển hiện - chúng mô tả đặc trưng những biến cố khác
nhau, hay liệt kê cùng một biến cố? Phái Tiền Đại Nạn chủ trương ý thứ nhất, phái Hậu
Đại Nạn kết luận ý thứ nhì.
B. Khải huyền 4-18 không nói Hội Thánh Ở Trên Thiên Đàng
Nhưng Nói Ở Trên Đất
Phái Tiền Đại Nạn nói rằng: dầu chữ “Hội Thánh” xuất hiện 19 lần trong Khải
Huyền 1-3, và một lần trong đoạn 22, nhưng không xuất hiện lần nào trong đoạn 4-18,
là những đoạn mô tả thời kỳ Đại Nạn. Do đó, họ kết luận: Hội Thánh không ở trên đất
trong Cơn Đại Nạn, nhưng ở trên thiên đàng.
Đáp lại, phái Hậu Đại Nạn nói Hội Thánh (tức thế hệ cuối cùng của Hội Thánh) sẽ ở
trên đất trong Cơn Đại Nạn, theo như Khải Huyền đoạn 4-18 vì ba nguyên nhân sau: (1)
Những đoạn nầy không hề nói Hội Thánh ở trên thiên đàng, là điều mà chúng ta mong
đợi Kinh Thánh phải nói nếu đúng như vậy. (2) Sự xuất hiện chữ “thánh đồ” trong đoạn
13:7,10; 16:6; 17:6; và 18:24 cho thấy Hội Thánh thật sự ở trên đất trong Cơn Đại Nạn. (3)
Những phần mô tả khác về tín đồ trong Cơn Đại Nạn áp dụng thích hợp cho tín đồ của
thời đại Hội Thánh, cho thấy tín đồ trong Cơn Đại Nạn sẽ là thế hệ cuối của tín đồ trong
Thời Đại Hội Thánh, và họ sẽ chịu Cơn Đại Nạn. Chúng ta hãy khảo sát và phê bình
từng lập luận trên cách chi tiết hơn.
(1) Hội Thánh có ở trên thiên đàng trong Cơn Đại Nạn hay không? Phái Tiền Đại
Nạn đáp lại câu hỏi nầy bằng một trong hai, hoặc cả hai cách. Hầu hết đều xác định hai
mươi bốn vị trưởng lão là những người đại diện cho Hội Thánh, và vì họ được thấy đang
ở trên thiên đàng trong 4:4 và 5:8-10, nên Hội Thánh được đề cập đến như đang ở trên
thiên đàng. Một số người nghĩ lập luận nầy đã bị vô hiệu hóa, vì câu Kinh Thánh then
chốt trong câu 9-10 nói các trưởng lão đang hát về sự cứu chuộc ở ngôi thứ ba, dường
như thể sự cứu chuộc không phải là kinh nghiệm của chính họ vậy (nên do đó họ

536
không thể đại diện cho Hội Thánh, tức là hội đã được cứu chuộc). Hãy lưu ý Môise đã
hát bài ca cứu chuộc (mà bản thân ông kinh nghiệm) ở ngôi thứ ba (Xu 15:3,16-17).
Phái Tiền Đại Nạn cũng nói bối cảnh các phong tục hôn nhân của người Hêbơrơ
binh vực cho việc Hội Thánh đã ở trên thiên đàng rồi trước khi Đấng Christ hiện đến ở
cuối Cơn Đại Nạn. Hôn lễ của người Do Thái gồm rất nhiều bước: thứ nhất là sự hứa
hôn (gồm có việc chàng rể tương lai đi từ nhà cha mình đến nhà của cô dâu tương lai,
nộp sính lễ, và rồi lập giao ước hôn nhân); thứ nhì, chàng rể quay trở về nhà cha mình
và vẫn cứ ở cách biệt với cô dâu trong 12 tháng, trong thời gian đó, chàng rể chuẩn bị
những chỗ ăn ở sinh sống cho vợ trong nhà cha mình; thứ ba, chàng rể đến đón cô dâu
tại một thời điểm mà cô dâu không biết chính xác; thứ tư, chàng rể cùng với cô dâu
quay trở về nhà cha của chàng rể để động phòng hoa chúc và tổ chức tiệc cưới trong
bảy ngày tiếp theo (trong thời gian nầy, cô dâu vẫn ở yên trong khuê phòng của nàng).
Trong Kh 19:7-9, bữa tiệc cưới được công bố, và nếu sự so sánh các phong tục hôn lễ
của người Hêbơrơ muốn nói lên ý nghĩa nào đó, thì việc công bố nầy giả định rằng hôn
lễ đã xảy ra trước đó tại nhà của người cha rồi. Ngày nay, Hội Thánh được mô tả như là
một nữ đồng trinh đang chờ đợi chàng rể đến (IICo 11:2); trong Khải Huyền 21, tân
nương được gọi là vợ của Chiên Con, cho thấy trước đó, tân nương đã được đưa về nhà
cha của chàng rể rồi. Phái Tiền Đại Nạn nói việc nầy đòi hỏi phải có một khoảng thời
gian ở giữa Sự Cất Lên và Sự Tái Lâm. Cú coi như Kinh Thánh không nói đây là khoảng
thời gian 7 năm, nhưng chắc chắn có phản đối thuyết Hậu Đại Nạn, vì thuyết nầy
không có khoảng thời gian nào ở giữa Sự Cất Lên và sự tái lâm.
(2) Chữ “các thánh đồ” có chỉ về các thánh đồ của Thời Đại Hội Thánh không? Thật
ra, sự xuất hiện chữ “các thánh đồ” trong 4-18 không chứng minh gì cả cho đến khi
bạn biết các thánh đồ đó là ai. Đã có các thánh đồ (những người kính sợ Đức Chúa Trời)
trong Cựu Ước (Thi 85:8); hiện nay có các thánh đồ (ICo 1:2); sẽ có các thánh đồ trong
những năm Đại Nạn (Kh 13:7). Vấn đề là: Các thánh đồ của Thời Đại Hội Thánh nầy là có
khác với các thánh đồ của thời kỳ Đại Nạn (thuyết Tiền Đại Nạn) hay không khác
(thuyết Hậu Đại Nạn)? Cách sử dụng từ ngữ trên sẽ không giải đáp được thắc mắc nầy.
(3) Các cụm từ khác có xác định tín đồ trong Cơn Đại Nạn là một với các thánh đồ
của Thời Đại Hội Thánh để cho thấy Hội Thánh sẽ phải chịu Cơn Đại Nạn không?
Những cụm từ như thế bao gồm “chết trong Chúa” (14:13; cũng xem “chết trong Đấng
Christ” ở ITe 4:16-18), “là những kẻ vẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời” ( Kh 12:17;
14:12; đối chiếu 1:9). Dùng những điểm tương tự nầy để chứng minh Hội Thánh sẽ có
mặt trong Cơn Đại Nạn thì đòi hỏi sự tương tự đó phải nói đến sự giống y như nhau
(một giả định chủ yếu). Mặt khác, người ta sẽ nghĩ rằng những nhóm thánh đồ khác
biệt nhau (tức là thánh đồ Thời Đại Hội Thánh và thánh đồ trong Cơn Đại Nạn) được mô
tả theo những cách tương tự, vì họ thảy đều là tín đồ.

537
Đều nầy cũng đúng cho cách dùng chữ “người được chọn.” Có người kết luận: vì kẻ
được chọn được nhắc đến như là đang ở trong Cơn Đại Nạn trong Mat 24:22,24,31, nên
Hội Thánh sẽ trải qua Cơn Đại Nạn. Nhưng chữ “người được chọn” muốn nói đến điều
gì? Vị vua ngoại đạo Siru đã được gọi là kẻ chịu xức dầu của Đức Chúa Trời (Es 45:1).
Đấng Christ cũng vậy (Thi 2:2). Ysơraên được gọi là kẻ được chọn của Đức Chúa Trời (Es
45:4), dầu dân tộc nầy bao gồm cả những người đã được chuộc lẫn người chưa được
chuộc. Đấng Christ cũng là Đấng được chọn lựa của Đức Chúa Trời (41:1). Hội Thánh
cũng vậy (Co 3:12). Một số các thiên sứ cũng được gọi như vậy (ITi 5:21). Mọi kẻ được
chọn không phải là y như nhau, và những kẻ được chọn trong Thời Đại Nạn không nhất
thiết phải cùng là một với người được chọn của Hội Thánh chỉ vì cớ đã dùng cùng một
từ ngữ để nói đến hai nhóm người nầy.
C. IITe 1:5-10 Được Giải Nghĩa Đúng Nhất Là Lời Dạy Về Hậu Đại Nạn
Phái Hậu Đại Nạn hiểu phân đoạn nầy nói rằng: “Phaolô đem việc giải thoát Cơ đốc
nhân khỏi sự bắt bớ đặt vào thời điểm Đấng Christ tái lâm sau Cơn Đại Nạn để đoán xét
kẻ chẳng tin, trong khi theo thuyết Tiền Đại Nạn, sự giải thoát nầy sẽ xảy ra trước đó
bảy năm” (Gundry, The Church and the Tribulation, trang 113). Nói cách khác, vì sự
giải thoát xuất hiện tại Sự Tái Lâm, và sự giải thoát có liên hệ với Sự Cất Lên, nên Sự
Cất Lên phải xảy ra cùng một thời điểm với Sự Tái Lâm.
Chúng ta hãy khảo sát những câu trả lời của thuyết Hậu Đại Nạn cho ba câu hỏi về
phân đoạn nầy.
(1) Đề tài thảo luận của Phaolô trong những câu Kinh Thánh nầy là gì? Câu trả lời
của phái Hậu Đại Nạn là: giải thoát Cơ đốc nhân khỏi sự bắt bớ.
(2) Sự giải thoát nầy sẽ xảy ra khi nào? Tại sự tái lâm Hậu Đại Nạn của Đấng Christ.
(3) Nhóm người nào sẽ kinh nghiệm sự giải thoát nầy? Hiển nhiên, chỉ những Cơ
đốc nhân nào còn sống sót qua Cơn Đại Nạn và còn sống tại lúc Sự Cất Lên Hậu Đại
Nạn.
Trước hết, hãy quan sát câu trả lời của phái Hậu Đại Nạn cho câu hỏi thứ ba. Phân
đoạn nầy chỉ nói đến sự giải thoát Cơ đốc nhân đang sống ở lúc kết thúc Cơn Đại Nạn.
Nếu đúng như thế, vì sao Phaolô dường như phớt lờ người Têsalônica, là những người
đã chịu bắt bớ và đã qua đời rồi? Sự chết đã là phương tiện để giải thoát họ. Thực ra, vì
sao ông không đề cập phương tiện giải thoát nầy, là điều mà một số những người được
ông viết thư cho vẫn chưa kinh nghiệm? Chắc chắn việc cất những người còn sống lên
không trung sẽ đem lại sự giải thoát khỏi cơn bắt bớ, nhưng chỉ có một tỉ lệ phần trăm
tín đồ tương đối nhỏ sẽ kinh nghiệm được phương tiện giải thoát đó, vì hầu hết đều đã
chết trước Sự Cất Lên. Nếu sự giải thoát là mối quan tâm chính của Phaolô ở đây, và

538
nếu sự giải thoát đó sẽ đến tại Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn, thì Phaolô đang đem niềm hy
vọng được giải thoát đó đến cho một tập thể tín đồ rất ít người.
Khi xem xét phân đoạn nầy từ quan điểm Hậu Đại Nạn, ta phải kết luận: sự giải
thoát Cơ đốc nhân được liên kết với sự đoán xét bằng ngọn lửa hừng trên người chưa
tin. Điều nầy không được mô tả qua việc gặp Chúa và ở đời đời với Ngài, cũng không
qua sự sống lại cho những người đã chết, như các phân đoạn Kinh Thánh khác nói về
Sự Cất Lên đã mô tả. Rõ ràng, nếu kẻ thù của mình bị hình phạt, thì sẽ có sự giải thoát
ra khỏi sự bắt bớ. Nhưng ý ở đây chính là: Sự Cất Lên được mô tả chỗ nào trong phân
đoạn nầy đây? Phương diện đoán xét của Sự Tái Lâm được nhấn mạnh nổi bật, và dầu
Sự Cất Lên là phần mở đầu Sự Tái Lâm - theo thuyết Hậu Đại Nạn, nhưng phần mở đầu
đó hoàn toàn vắng mặt trong phần thảo luận nầy.
Nếu Phaolô tin rõ ràng vào Sự Cất Lên Hậu Đại Nạn, vậy tại sao ông không đề cập
đến nó, bởi vì chính giây phút được cất lên - chứ không phải sự đoán xét sau đó trên kẻ
thù của Đức Chúa Trời - mới là giây phút đem lại sự giải thoát. Cơ đốc nhân nào sống
trong Cơn Đại Nạn (nếu thuyết Hậu Đại Nạn là đúng) thì sẽ được giải thoát khỏi sự bắt
bớ ngay giây phút họ được cất lên, bất luận Đấng Christ có đoán xét kẻ thù họ tại cùng
thời điểm đó hay không.
Hãy để ý một số những từ ngữ trong phân đoạn nầy nhấn mạnh việc Đức Chúa Trời
đoán xét kẻ thù Ngài: “Sự đoán xét công bình” (IITe 1:5), “Sự công bình” (c.6), “báo”
(c.6), “điều khổ” (c.6), “ngọn lửa hừng” (c.7), và “báo thù” (c.8). Từ vựng nầy vắng mặt
cách lạ lùng trong những phân đoạn nói về Sự Cất Lên ở Gi 14:1-3, ICo 15:51-58, và ITe
4:13-18. Thực ra, có thể tìm thấy Sự Cất Lên trong phân đoạn nầy chỉ khi nào kế hoạch
lai thế học của người ấy áp đặt nó vào đó. Phép chú giải kinh không tạo ra Sự Cất Lên
từ phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Vì sao cách sử dụng phân đoạn nầy của phái Hậu Đại Nạn lại lộn xộn đến như thế?
Chỉ vì cớ họ đã trả lời sai câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi ấy là: Đề tài Phaolô đang thảo luận ở
đây là gì? Và phái Hậu Đại Nạn trả lời: Đó là sự giải thoát Cơ đốc nhân khỏi sự bắt bớ.
Đề tài của phân đoạn nầy không phải là sự giải thoát mà là sự minh oan. Phaolô
không tập trung vào thời điểm hay phương cách để cho những tín đồ Têsalônica đang
bị bắt bớ nầy được giảm bớt sự bắt bớ; trái lại, ông bảo đảm với họ rằng Đức Chúa Trời
sẽ đoán phạt kẻ thù Ngài và bởi đó minh oan cho những người đã chịu khổ.
Một trong những biểu hiện ngoạn mục nhất về sự đoán xét của Đức Chúa Trời sẽ
diễn ra khi Đấng Christ tái lâm, lúc đó các đạo binh thế gian dàn trận tại Hamaghêđôn
bị Ngài đánh bại, và là lúc mọi người đang sống đều phải ra mắt Ngài (Exe 20:33-44; Mat
25:31-46). Sự báo thù sẽ giáng trên chính những kẻ đang còn sống tại thời điểm đó.
Những kẻ chối bỏ Đấng Christ mà đã qua đời rồi thì sẽ không bị đoán xét cho đến sau

539
Thiên Hy Niên, tại Tòa Án Lớn Và Trắng. Nghĩ lại, chúng ta biết sự thật là không một
người chưa được cứu nào đã thật sự bắt bớ người Têsalônica sẽ bị đoán xét tại Sự Tái
Lâm, nhưng họ sẽ bị đoán xét tại Tòa Án Lớn và Trắng.
Vì sự minh oan mới chính là đề tài ở đây, nên điều đó giải thích vì sao Phaolô
không nhắc đến Sự Cất Lên trong phân đoạn nầy, vì Sự Cất Lên không phải là thời
điểm minh oan sự công bình của Đức Chúa Trời bằng cách đoán xét thế gian. Đây
chính là thời điểm giải thoát, của hy vọng, của lúc được gặp mặt Chúa. Một số tín đồ
Têsalônica đã gặp được sự giải thoát qua sự chết, thậm chí trước khi Phaolô viết thư
nầy. Cuối cùng, mọi tín đồ Têsalônica đều gặp sự giải thoát theo cách đó. Kể từ thế kỷ
thứ nhất, rất nhiều Cơ đốc nhân bị bắt bớ đã gặp được sự giải thoát nầy qua sự chết.
Một số sẽ gặp sự giải thoát đó tại Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn. Nhưng chỉ những tín đồ nào
còn sống tại cuối Cơn Đại Nạn thì họ mới thấy sự giải thoát tại bấy giờ, không phải vì
Sự Cất Lên xảy ra tại lúc bấy giờ, nhưng vì họ đã vượt qua thành công những sự đoán
xét để chứng kiến kẻ thù mình bị đoán phạt.
Nhưng nếu sự minh oan tại lúc Sự Tái Lâm chỉ giáng trên một nhóm kẻ thù Đấng
Christ tương đối nhỏ (hãy nghĩ xem, so với nhóm người rất đông những kẻ đã chống đối
Ngài suốt bao thế kỷ), thì tại sao thời điểm minh oan đặc biệt nầy lại được nổi bật đến
như thế? Đơn giản vì kỳ cuối cùng của Cơn Đại Nạn dẫn đến một đỉnh điểm cho sự dấy
nghịch lâu dài của con người, mà nó sẽ bị chận đứng bởi sự can thiệp đích thân của
Chúa. Không phải toàn bộ kẻ thù của Chúa sẽ bị đoán xét lúc bấy giờ, nhưng chỉ những
kẻ làm hình ảnh hoàn hảo nhất của sự dấy nghịch. Dầu sự bắt bớ người Têsalônica có
khủng khiếp đến đâu, dầu những bắt bớ tín đồ diễn ra từ sau đó đến nay có kinh khiếp
đến đâu, những bắt bớ trong quá khứ hay trong hiện tại vẫn không sánh kịp với điều sẽ
diễn ra trong thời kỳ Cơn Đại Nạn.
Hãy suy gẫm sự so sánh nầy. Các antichrist đã có mặt trong thế kỷ thứ nhất ( IGi
2:18). Các antichrist đã đến rồi đi suốt các thế kỷ. Nhưng Antichrist vĩ đại kia vẫn chưa
hiện ra trên diễn đàn lịch sử, và hắn sẽ là mẫu hoàn hảo nhất cho sự chống đối Đức
Chúa Trời. Các antichrist khác hiện đang ở trong âm phủ chờ bị đoán xét vào cuối
Thiên Hy Niên, để bị quăng vào hồ lửa đời đời. Nhưng Antichrist vĩ đại kia sẽ bị đoán
xét tại Sự Tái Lâm, và khi hắn bị đoán xét, Đức Chúa Trời sẽ được minh oan trên mọi
antichrist, dầu vậy sự đoán xét cụ thể cho họ sẽ diễn ra sau đó rất lâu.
Toàn bộ những kẻ bắt bớ tín đồ cũng sẽ bị đoán xét sau đó nữa. Sự đoán xét những
kẻ đang còn sống tại Sự Tái Lâm sẽ minh oan sự công bình của Đức Chúa Trời đối với
họ và với mọi kẻ bắt bớ đã chết trước họ.
Nếu sự chết hoặc Sự Cất Lên đem đến sự giải thoát khỏi bắt bớ cá nhân, tại sao tín
đồ phải quan tâm đến sự minh oan nầy trong tương lai? Bởi vì vụ kiện những kẻ bắt bớ

540
không thể kết thúc cho đến chừng nào Đấng Christ được minh oan và sự công bình
được thắng hơn. Sự bắt bớ có thể dừng khi sự chết xảy ra, nhưng vụ kiện những kẻ bắt
bớ tín đồ không thể kết thúc cho đến chừng họ bị đoán xét. Và tín đồ quan tâm không
những sự giải cứu mà còn sự minh oan nữa.
Hãy để ý ví dụ của Kinh Thánh về nguyên tắc đó. Hãy nghe lời những kẻ tuận đạo
trong Cơn Đại Nạn trên thiên đàng, trước khi kết thúc Cơn Đại Nạn, lớn tiếng kêu cầu
cùng Đức Chúa Trời để được minh oan (Kh 6:9-11). Họ đã hỏi “Lạy Chúa là Đấng Thánh
và chân thật, Chúa trì hưỡn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở
trên đất cho đến chừng nào?” Đương nhiên, họ đã được giải thoát qua sự chết thuộc thể
và hiện đang ở trên thiên đàng; thế nhưng họ vẫn quan tâm đến sự minh oan. Và Chúa
đáp lời rằng họ sẽ phải chờ đợi sự minh oan đó ít lâu nữa, cho đến chừng những người
khác cũng đã chịu tuận đạo trên đất.
Trong ITe 1:10 và 5:9, Phaolô đã mở rộng hi vọng và sự bảo đảm được thoát khỏi cơn
thạnh nộ bởi phương tiện là Sự Cất Lên Tiền Đại Nạn. Trong IITêsalônica 1, ông bảo
đảm với độc giả rằng kẻ thù của Chúa sẽ bị đoán xét.
Tóm lại, đoạn 1 không dạy rằng sự giải cứu khỏi bắt bớ sẽ bắt buộc diễn ra đồng
thời với Sự Tái Lâm. Nó cũng không mô tả Sự Cất Lên, nhưng tập trung vào sự đoán xét
kẻ gian ác và sự minh oan của Đấng Christ sẽ diễn ra tại Sự Tái Lâm. Sự minh oan đó
đem lại sự bảo đảm cho thánh đồ thuộc mọi thời đại rằng: Sự công bình sẽ thắng hơn.

541
Chương 90: THIÊN HY NIÊN
Việc xây dựng vương quốc tại sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Christ tạo ra lỗi
sai về thần học kèm theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Với chữ “vương quốc,” tôi muốn
nói đến quyền cai trị của Đấng Mêsia trên đất đúng như đã hứa cho Đavít ( IISa 7:12-16).
Việc tuyên bố Đấng Christ lập nước Đavít nầy khi Ngài hiện đến lần thứ nhất sẽ đòi hỏi
phải giải thích hủy nghĩa đen những lời hứa đã lập cùng Đavít, dẫn đến kết quả gây lẫn
lộn giữa Hội Thánh và nước Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, đạo đức luận của Hội Thánh
và đạo đức luận của nước Đức Chúa Trời đã bị pha trộn lẫn nhau, và kết quả thường là
đạo đức luận của nước Đức Chúa Trời được đề cao hơn đạo đức luận của Hội Thánh. Vì
thế, Cơ đốc nhân được khuyên phải sống thể hiện nước Đức Chúa Trời ngay hiện tại.
Sai lầm đó đã bị mắc phải bởi những người sống ngay trong chức vụ tại thế của
Đấng Christ (Lu 19:11). Sự thật là: Nước Đấng Mêsia sẽ khai mạc tại sự tái lâm của Đấng
Christ. Tại lúc đó, lời hứa ban xứ cho Ápraham và dòng dõi ông sẽ được ứng nghiệm ( Sa
15:18-21). Rồi lời hứa đã lập với Đavít rằng hậu tự của ông (Đấng Mêsia) sẽ ngồi trên
ngai nước ấy đến đời đời sẽ được ứng nghiệm. Không có Thiên Hy Niên để cho mọi lời
hứa trên đây được ứng nghiệm trong đó, thì những lời hứa ấy phải bị hủy vì một lý do
nào đó, hoặc được ứng nghiệm cách khác chứ không ứng nghiệm theo nghĩa đen.
I. ĐỘ DÀI THỜI GIAN CỦA THIÊN HY NIÊN
Sáu lần trong Kh 20:2-7, độ dài của Thiên Hy Niên được nói đến là 1000 năm. Sự lập
đi lập lại con số nầy nhấn mạnh cả sự ứng nghiệm theo nghĩa đen lẫn tầm quan trọng
của nó. George E. Ladd, một người theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên và phủ nhận nghĩa
đen của con số nầy, nói rằng: “Thật khó để hiểu 1000 năm - trong thời gian đó hắn
[Satan] bị xiềng - hoàn toàn theo nghĩa đen khi xét đến cách sử dụng những con số
mang tính biểu tượng hiển nhiên trong sách Khải huyền. Một ngàn tương đương với
mười lũy thừa ba - một thời gian lý tưởng” (A Commentary on the Revelation of John
(Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1971, trang 262). Dường như Augustine đã nghĩ đầu tiên
về số 1000, lũy thừa ba của mười, là đại diện cho sự toàn hảo hay sự đầy trọn của thời
gian (The City of God, 20.7). Phái Vô Thiên Hy Niên thường giải thích con số nầy như
cách trên. Có thể thắc mắc chính đáng rằng vì sao mười được nâng lên lũy thừa ba lại
là lý tưởng, chứ không phải mười lũy thừa mười, hay là một bậc lũy thừa nào khác? Hơn
nữa, phủ nhận nghĩa đen của con số nầy bởi cớ sách Khải Huyền là một sách mang tính
biểu tượng tức ta đã phớt lờ vấn đề không phải mọi điều chép trong đó đều mang tính
biểu tượng, nên bởi đó buộc phải nêu những nguyên nhân khiến một phân đoạn nào đó
mang tính biểu tượng. Không có lý do nào để phủ nhận nghĩa đen của con số 1000 chỉ
về độ dài triều đại Thiên Hy Niên của Đấng Christ. (Xem Jack S. Deere,
“Premillennialism in Revelation 20:4-6,” Bibliotheca Sacra, 135:58-73 (Tháng Giêng -
Tháng Ba, 1978.)
542
II. QUYỀN CAI TRỊ TRONG THIÊN HY NIÊN
A. Thể Loại Sự Cai Trị
Sự cai trị trong vương quốc Thiên Hy Niên của Đấng Mêsia sẽ theo chế độ thần trị.
Đây cũng chính là hình thức cai trị Đức Chúa Trời đã dùng cho dân Ysơraên trong thời
Cựu Ước; chỉ trong Thiên Hy Niên, Đức Chúa Jesus mới đích thân cai trị cách hữu hình
trên mọi công chuyện của loài người (Da 7:14). Sự cai trị của Ngài sẽ là sự cai trị chuyên
quyền cách nhân từ (Kh 9:15). Kết quả sẽ có công lý trọn vẹn cho hết thảy mọi người, và
tội lỗi sẽ bị hình phạt ngay tức khắc (Es 11:4; 65:20).
B. Trung Tâm Cai Trị
Địa hình trái đất sẽ bị thay đổi khi vương quốc nầy bắt đầu vận hành, và thành
Giêrusalem sẽ là trung tâm cai trị (2:3). Thành đó sẽ được tôn cao (Xa 4:10); thành sẽ là
nơi rất vinh hiển (Es 24:23); sẽ là địa điểm đền thờ (33:20), và là sự vui mừng của toàn
thế gian (Thi 48:2). Giêrusalem, quang cảnh của biết bao chiến tranh và biến động của
cả thời quá khứ lẫn hiện tại, và là nạn nhân của những sự đoán xét mai sau trong Cơn
Đại Nạn, sẽ không bao giờ cần phải lo sợ về an toàn của thành nữa ( Es 26:1-4).
C. Những Người Cai Trị Trong Chính Quyền Nầy
Có vẻ Đavít sẽ là nhiếp chính trong vương quốc Thiên Hy Niên. Rất nhiều lời tiên
tri nói về địa vị quan trọng của Đavít trong vương quốc (Gie 30:9; Exe 37: 24-25). Có vẻ
Đavít, cùng với các tín đồ Cựu Ước khác, sẽ được sống lại khi Đấng Christ hiện ra lần
thứ nhì, và ông sẽ là vị vua ở dưới quyền của Đấng Christ, Vua muôn vua.
Thẩm quyền trên mười hai chi phái Ysơraên sẽ được giao cho mười hai Sứ Đồ ( Mat
19:28). Các vua và các quan cai khác cũng sẽ dự phần trách nhiệm cai trị (Es 32:1; Gie
30:21). Dường như có nhiều người khác ở cấp thấp hơn cũng lãnh trách nhiệm trong các
ban ngành cai trị khác nhau của vương quốc. Ví Dụ Về Nén Bạc ( Lu 19:11-27) cho thấy
những người đã chứng minh được lòng trung tín của mình sẽ được ban nhiều thẩm
quyền. Hội Thánh cũng sẽ dự phần cai trị đất (Kh 5:10). Dầu rất nhiều thủ tục quản trị
thông thường sẽ được thực thi bởi các thuộc cấp, nhưng Đấng Christ sẽ làm Vua trên
muôn vua.
D. Các Thần Dân Của Chính Quyền Này
Những thần dân đầu tiên dưới quyền cai trị của Đấng Christ trong Thiên Hy Niên
sẽ là người Dothái và ngoại bang còn sống sót qua Cơn Đại Nạn và bước vào vương quốc
trong thân thể phàm trần của họ. Ngay tại đầu Thiên Hy Niên, mọi dân trên đất đều sẽ
được cứu chuộc, vì mọi kẻ không được chuộc đã bị đoán xét khi Đấng Christ tái lâm. Dĩ
nhiên, con trẻ sẽ được sinh ra để trong một vài năm kế tiếp sẽ có rất nhiều người
trưởng thành đến tuổi tự quyết định quan hệ thuộc linh của mình với Vua. Họ sẽ phải

543
phục tùng Ngài ít ra là ở bề ngoài, nhưng có dâng lòng trung thành của mình hay
không lại là vấn đề lựa chọn của cá nhân. Mọi người đều phải chấp nhận Ngài là Vua,
một số cũng sẽ tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của bản thân mình. Toàn bộ những người
nầy sẽ sống trong thân thể có thể chết được. Đương nhiên, các thánh đồ đã sống lại sẽ
có thân thể phục sinh, không bị ràng buộc bởi những giới hạn thuộc thể. Điều nầy cũng
có nghĩa họ sẽ không góp phần làm tăng thêm không gian, lương thực hay những nan
đề về chính quyền trong Thiên Hy Niên.
III. NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA THIÊN HY NIÊN
A. Thuộc Linh
Một số người cho rằng nước Thiên Hy Niên không thể là một vương quốc thuộc linh
nếu vương quốc đó ở trên đất. Nhưng “thuộc về đất” và “thuộc linh” không nhất thiết
loại trừ lẫn nhau. Nếu hai khái niệm nầy không tương thích với nhau, thì Cơ đốc nhân
ngày nay cũng không mong sống được nếp sống thuộc linh trong thân thể thuộc về đất.
Trong Thiên Hy Niên, Đức Chúa Trời sẽ kết hợp phần thuộc linh và phần thuộc về đất
trong sự thể hiện trọn vẹn vinh quang Ngài trên đất nầy. Vương quốc trên trần gian sẽ
thể hiện những tiêu chuẩn cao cả nhất của tình trạng thuộc linh trưởng thành.
B. Công Bình
Chúa chúng ta sẽ là Vua cai trị trong sự công bình (Es 32:1). Sự công bình sẽ là dây
thắt lưng của Ngài (11:5). Ngài sẽ dùng sự công bình đoán xét kẻ nghèo (11:4; 16:5). Siôn
sẽ được gọi là thành của sự công bình (1:26). Chỉ những người công bình mới được vào
nước Thiên Hy Niên từ lúc nước khai mạc (Mat 25:37), và những người khao khát sự
công bình sẽ được no đủ (5:6).
C. Bình An
Do kết quả của sự công bình, Thiên Hy Niên sẽ là một kỷ nguyên thanh bình.
Những kẻ thù ngày trước, như Êdíptô, Ysơraên, Asiri, sẽ ở hòa bình với nhau (Es 19:23-
25). Giêrusalem, địa điểm của rất nhiều cuộc tranh chiến qua bao thế kỷ, bấy giờ sẽ
được hòa bình (Xa 8:4-5). Thực ra, toàn thế gian đều được hòa bình (Es 2:4). Một hệ quả
của việc nầy ấy là loại bỏ ngân sách quốc phòng, do do sẽ dồn nguồn cung ứng cho các
mục đích khác.
D. Thịnh Vượng
Đất sẽ ngày càng tăng năng suất trong suốt Thiên Hy Niên vì đồng vắng và sa mạc
sẽ trở nên hữu ích (Es 35:1-7). Mùa gặt nầy sẽ tiếp nối mùa gặt kia (Am 9:13-14). Những
túng thiếu và bất công trong xã hội sẽ được loại bỏ (Thi 72:12-13). Lời rủa sả đất phải
gánh chịu từ khi Ađam phạm tội sẽ được giải trừ, dầu vậy sẽ không được cất bỏ hoàn
toàn mãi cho đến cuối Thiên Hy Niên, là khi sự chết đã bị chinh phục chung quyết.

544
E. Mộ Đạo
Sự hiểu biết trọn vẹn về Chúa sẽ bao trùm đất trong Thiên Hy Niên ( Es 2:2-3). Rõ
ràng, các của tế lễ sẽ được dâng trở lại trong đền thờ vừa được xây dựng và hoạt động
trong Thiên Hy Niên (Exe 40-48). Phái Tiền Thiên Hy Niên hiểu những của lễ nầy là
phương tiện để tưởng nhớ sự chết của Đấng Christ. Những lễ hội tôn giáo cũng sẽ được
cử hành trong Thiên Hy Niên (46:1-15; Xa 14:16). (Để luận chi tiết những vấn đề nầy xin
xem J. Dwight Pentecost, Things to Come, [Grand Rapids, MI: Zondervan, 1958], trang
512-31.)
IV. Ý NGHĨA CỦA THIÊN HY NIÊN ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST
Lai thế học Tiền Thiên Hy Niên nói nhiều về ý nghĩa của Thiên Hy Niên đối với thế
gian, với Giêrusalem, với xứ Palestine, với Ysơraên, với các dân, v.v... và đúng như vậy,
vì Thiên Hy Niên sẽ gây ra nhiều thay đổi vĩnh viễn trên toàn thế gian. Nhưng còn một
góc cạnh khác nữa có lẽ quan trọng hơn để đáng được khảo sát: Thời Đại Thiên Hy Niên
sẽ có ý nghĩa gì với Chúa chúng ta?
Trong Thi 2:7-8 Vua Jesus được hứa ban quyền cai trị thế gian trong sự công bình.
Đương nhiên, Ngài chưa chứng kiến lời hứa đó ứng nghiệm trong lần hiện đến thứ
nhất, dầu Ngài đã trả giá cho điều đó bằng chính sinh mạng Ngài. Trong Khải Huyền 5,
Ngài được tuyên bố là xứng đáng nhận quyển sách đóng ấn, mở ra và nhận lãnh cơ
nghiệp vốn hoàn toàn thuộc về Ngài. Điều nầy sẽ được ứng nghiệm khi Ngài trở lại
(11:15).
Vì sao cần đến một vương quốc trên trần gian? Không phải Ngài đã nhận lãnh cơ
nghiệp Ngài khi Ngài thăng thiên và được tôn cao trên thiên đàng sao? Vì sao lại phải
cần đến một vương quốc trên trần gian? Bởi vì Ngài phải đắc thắng khải hoàn ngay tại
chính đấu trường mà Ngài có vẻ như đã bị thất bại. Sự chối bỏ Ngài của những kẻ cai
trị thế gian nầy đã diễn ra trên đất nầy (ICo 2:8). Sự tôn cao Ngài cũng phải diễn ra trên
đất nầy. Và sự tôn cao đó cũng sẽ diễn ra trên đất khi Ngài trở lại cai trị thế gian trong
sự công bình. Ngài đã đợi chờ từ lâu để nhận lãnh cơ nghiệp Ngài: Ngài sẽ nhận lãnh cơ
nghiệp ấy mau chóng.

545
Chương 91: NHỮNG SỰ ĐOÁN XÉT TRONG TƯƠNG LAI
Trong chương trình của Đức Chúa Trời, hãy còn rất nhiều sự đoán xét trong tương
lai. Sẽ không chính xác khi nói một Ngày Đoán Xét Vĩ Đại sẽ đến, vì những sự đoán xét
tương lai nầy sẽ diễn ra tại nhiều thời điểm khác nhau.
I. SỰ ĐOÁN XÉT CÔNG VIỆC CỦA CÁC TÍN ĐỒ
A. Những Câu Kinh Thánh Liên Hệ
Hai phân đoạn Kinh Thánh chính thuật lại sự kiện và các chi tiết của sự đoán xét
nầy (ICo 3:10-15; IICo 5:10). Nhiều phân đoạn tương ứng khác bao gồm Ro 14:10; ICo 4:1-5;
9:24-27; ITêsalônica 2:19; IITi 4:8; Gia 1:12; IPhi 5:4; và Kh 2:10; 3:11; 4:4,10.

B. Bản Thân Sự Đoán Xét


Dầu không nói cụ thể, nhưng sự đoán xét nầy dường như sẽ diễn ra ngay sau Sự
Cất Lên của Hội Thánh, vì hai mươi bốn vị trưởng lão - là những người có lẽ đại diện
cho tín đồ - đã đội mão miện của họ trong khung cảnh thiên đàng từ đầu Cơn Đại Nạn
(Kh 4:4,10). Hơn nữa, khi Tân Nương cùng Đấng Christ trở lại trần gian khi Ngài tái lâm,
thì nàng đã trang sức bằng những việc làm công bình đã qua được thử nghiệm trước sự
đoán xét nầy (19:8).
Địa điểm đoán xét nầy chính là ngai (bema) của Đấng Christ. Những bemas trên
trần gian nầy là những diễn đàn trông giống như cái ngai được dựng cao lên, và các
vua hoặc quan án ngồi trên đó khi đang diễn thuyết (Cong 12:21), hay khi nghe xử và
phán quyết các vụ kiện (18:12-17).
Chỉ tín đồ mới ứng hầu trước sự đoán xét nầy, vì Phaolô nói rõ rằng sự đoán xét này
liên quan đến những người đã xây trên Nền, tức là Đức Chúa Jesus Christ (ICo 3:11-12).
Bản chất các việc làm của tín đồ sẽ được tra xét trong sự đoán xét nầy, để phân biệt
công việc quí giá với công việc vô giá trị. Đây là những công việc do tín đồ làm trong
nếp sống Cơ đốc của mình. Mọi việc đều được xem lại và bị thẩm vấn. Một số sẽ vượt
qua thử nghiệm, bởi vì chúng là tốt lành; số còn lại sẽ không qua được, bởi vì chúng vô
giá trị. Cả những động cơ tốt lẫn xấu đều bị phơi bày ra; kế đó mỗi tín đồ sẽ nhận sự
khen ngợi xứng đáng cho mình từ nơi Đức Chúa Trời. Ân điển tuyệt diệu biết bao!
C. Kết Quả Của Sự Đoán Xét
Kết quả sẽ hoặc là phần thưởng, hoặc là bị tước mất phần thưởng. Sự cứu rỗi không
liên quan sự đoán xét nầy, vì những người bị mất phần thưởng “sẽ được cứu, song
dường như qua lửa vậy.” Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dường như mỗi tín đồ đều đã
làm một số việc nào đó mà Đức Chúa Trời có thể khen ngợi người.

546
Dầu vậy việc tước phần thưởng là có thật, và có thể bao gồm cả sự tước mất và hổ
thẹn. Đương nhiên, điều nầy nói đến việc tước mất những phần thưởng mà đáng ra đã
có thể nhận được. Từ ngữ zemioo trong ICo 3:15 không mang ý chịu khổ xét về phương
diện chịu khổ thể xác hay chịu khổ tinh thần. Ý cơ bản của chữ nầy là thua lỗ, mất mát
trên phương diện bị tước mất phần thưởng mà đáng ra đã có thể được nhận (xem A.T.
Robertson và Alfred Plummer, A Critical and Exegetical Commentary on the First
Epistle of St. to the Corinthians [Edinburgh: T.&.T. Clark, 1914], trang 65).
Giăng dạy rõ rằng có thể bị mất phần thưởng do không trung tín lúc còn sống trên
đời (IIGiăng 8). Mối quan tâm của ông là muốn độc giả sẽ nhận trọn phần thưởng, có
nghĩa là: nhận tất cả những gì có thể thuộc về họ bởi sự trung tín liên tục. Chính ý
tưởng bị mất phần thưởng nầy là một phần trong sự so sánh của Phaolô về Ngai Đoán
Xét với việc chạy đua (ICo 9:24-27). Mối quan tâm của ông là làm sao để không bị bỏ (bị
loại), có nghĩa là không làm gì để khiến ông không còn xứng đáng nhận phần thưởng.
Có lẽ Giăng viết cách sinh động hơn về khả năng tín đồ bị hổ thẹn trong ngày Đấng
Christ đến (IGi 2:28). “Thể thụ động đi kèm với chữ autou gợi ý rằng tín đồ rút lui trong
xấu hổ. Nó gợi lên một sự rụt mình lại rút lui khỏi Đấng Christ, có lẽ do mặc cảm có tội
của tín đồ mà ra (chứ không phải do Đấng Christ làm cho tín đồ đó xấu hổ” (Samuel L.
Hoyt, “The Negative Aspects of the Christian’s Judgment,” Bibliotheca Sacra, 137: 129-
30 (Tháng Tư - Tháng Sáu 1980).
Với phần tóm tắt rất cân đối, Hoyt kết luận như sau:
“Có thể ví Ngai Xét Đoán của Đấng Christ với một buổi lễ phát bằng. Tại lễ tốt
nghiệp, sẽ có đôi chút thất vọng và hối tiếc vì đã không học tốt hơn và chăm hơn. Tuy
nhiên, tại một biến cố như thế, cảm xúc ngập tràn chính là sự vui mừng, chứ không
phải tiếc nuối. Những người tốt nghiệp không rời hội trường trong nước mắt vì không
nhận được thứ hạng tốt hơn. Trái lại, họ biết ơn vì họ đã tốt nghiệp, và họ biết ơn về
những điều mình đã nhận được. Quá nhấn mạnh đến phương diện buồn rầu tại Ngai
Đoán Xét của Đấng Christ tức là đã biến thiên đàng thành địa ngục. Xem thường
phương diện buồn rầu nầy tức là đã biến sự trung tín thành chuyện vụn vặt” (trang
131).
II. SỰ ĐOÁN XÉT CÁC THÁNH ĐỒ CỰU ƯỚC
Da 12:1-3 nói về thời kỳ Cơn Đại Nạn (câu 1), những sự sống lại của người công bình
và người gian ác (câu 2), và những phần thưởng cho người công bình (câu 3). Nhiều
người hiểu sự sống lại và phần thưởng cho người công bình nói đến sự sống lại và sự
đoán xét tín đồ thời Cựu Ước vào lúc kết thúc Cơn Đại Nạn. Khải thị Tân Ước đặt sự
sống lại và sự đoán xét kẻ ác của mọi thời đại vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên ( Kh 20:11-
15). Đương nhiên, không phải bất thường khi các tiên tri Cựu Ước đặt sát cạnh nhau

547
những biến cố mà sự khải thị về sau phân cách chúng ra bằng một khoảng thời gian
nào đó.
Có thể câu 1-3 chỉ nói đến sự sống lại và việc ban thưởng các tín đồ Do Thái trong
thời kỳ Cơn Đại Nạn. Họ sẽ được ban thưởng vì đã sáng suốt nhìn rõ sự lừa dối của
Antichrist, và đã dắt đưa người khác đến đức tin trong thời kỳ Cơn Đại Nạn.
III. SỰ ĐOÁN XÉT CÁC THÁNH ĐỒ CỦA THỜI KỲ CƠN ĐẠI NẠN
Kh 20:4-6 thuật sự sống lại của các thánh đồ trong thời kỳ Cơn Đại Nạn, là những
người đã chết trong thời kỳ đó. Do họ chống đối chương trình của Antichrist, nên đã
tuận đạo, nhưng Đức Chúa Trời khiến họ sống lại từ kẻ chết ngay trước khi Thiên Hy
Niên bắt đầu. Không có lời đề cập cụ thể nào về việc đoán xét và việc ban thưởng; chỉ
có thể cho rằng việc nầy xảy ra tại thời điểm được sống lại. (Cụm từ “sự được quyền xét
đoán” trong câu 4 không chỉ về việc bị đoán xét, nhưng chỉ về hành động của các thánh
đồ đang đoán xét dân chúng trong sự cai trị Thiên Hy Niên.)
IV. SỰ ĐOÁN XÉT NGƯỜI DO THÁI CÒN SỐNG SÓT QUA CƠN ĐẠI
NẠN
Trước khi khai mạc vương quốc Thiên Hy Niên, người sống sót của Cơn Đại Nạn, cả
người Do Thái lẫn ngoại bang, đều phải chịu đoán xét để bảo đảm chỉ có tín đồ mới
được bước vào Thiên Hy Niên.
Sự đoán xét những người Dothái còn sống sót được mô tả trong Exe 20:34–38 và
được minh họa trong Mat 25:1–30. Êxêchiên nói việc đó sẽ diễn ra sau khi toàn bộ
những người Ysơraên còn sống sót được gom lại từ đầu cùng đất để trở về xứ Palestine.
Đấng Christ sẽ khiến họ “đi ngang dưới gậy” (xem Le 27:32) để tẩy sạch hết kẻ dấy
nghịch. Kết quả những kẻ dấy nghịch đó (người chưa được cứu) sẽ không được vào xứ
Ysơraên (Exe 20:38), nhưng bị quăng ra ngoài nơi tối tăm (Mat 25:30). Trái lại, người nào
qua được sự đoán xét nầy thì sẽ được vào vương quốc Thiên Hy Niên để hưởng các
phước hạnh của Giao Ước Mới (Exe 20:37). Tại thời điểm nầy, nhóm người nầy sẽ chưa
được ban thân thể phục sinh, nhưng sẽ vào trong vương quốc với thân thể phàm trần
của họ, và sẽ trở thành cha mẹ của những trẻ sơ sinh Do Thái đầu tiên trong Thiên Hy
Niên.
V. SỰ ĐOÁN XÉT NHỮNG NGƯỜI NGOẠI BANG CÒN SỐNG SÓT
QUA CƠN ĐẠI NẠN
Cũng tại sự hiện đến lần thứ nhì của Đấng Christ, những người ngoại bang còn
sống sót qua Cơn Đại Nạn sẽ bị Ngài đoán xét. Mat 25:31–46 mô tả chi tiết việc nầy.
Giôên báo trước việc đó sẽ xảy ra trong “trũng Giôsaphát” (Gio 3:2), và đây có thể là
trũng Kếtrôn ở mạn Đông Giêrusalem. Giôsaphát có nghĩa là “Yahweh đoán xét.”

548
Cả hai phân đoạn đều nói những người ngoại bang nầy bị đoán xét vì cách họ đối
đãi với Ysơraên trong thời kỳ Cơn Đại Nạn. Đấng Christ là Quan Án; người ngoại bang
sẽ bị đoán xét; theo toàn bộ những kế hoạch về Sự Cất Lên, thì Hội Thánh đã được Cất
Lên trên thiên đàng rồi; “anh em” (mà cách đối xử với họ trở thành cơ sở để đoán xét)
thì chỉ có thể là anh em theo huyết thống tự nhiên của Đấng Christ, tức là dân Do Thái
(Ro 9:3). Vì người ngoại bang nào đối đãi nhân đức với người Do Thái trong Cơn Đại Nạn
thì mạng sống người ấy sẽ lâm nguy, nên không ai làm việc nầy chỉ do thuần túy nhân
từ, nhưng chỉ xuất phát từ tấm lòng đã được cứu chuộc. Do đó, đây không phải là sự
đoán xét các công việc làm, nhưng sự đoán xét về đức tin thật, tức là đức tin sinh ra
những việc lành vô kỷ như thế (hoặc thiếu đức tin đó để không đem lại một việc lành
nào như thế).
Những người không có đức tin cứu rỗi và chứng tỏ tình trạng thiếu đức tin đó bằng
cách không làm các việc lành thì sẽ bị quăng vào hồ lửa. Những ai có việc lành chứng
tỏ được mình có đức tin cứu rỗi thì sẽ được vào Thiên Hy Niên. Giống như những người
Do Thái còn sống sót của sự đoán xét trước đó, họ sẽ bước vào trong thân thể phàm
trần, và trở thành cha mẹ của những trẻ sơ sinh ngoại bang đầu tiên trong Thiên Hy
Niên.
Bạn sẽ thấy tôi hiểu sự đoán xét nầy liên quan đến cá thể những người ngoại bang,
chứ không liên quan đến những nhóm dân tộc, như một số bản dịch hàm ý. Chữ được
dùng trong phân đoạn nầy được dịch trong Tân Ước bởi chữ “người” hai lần, “người
ngoại đạo” năm lần, “dân tộc” 64 lần, và “người ngoại bang” 93 lần. Các câu Kinh
Thánh khác nói đến sự đoán xét tại sự hiện ra lần thứ hai của Đấng Christ thì đều mô
tả sự đoán xét các cá nhân (Mat 13:30,47:50).
VI. SỰ ĐOÁN XÉT SATAN VÀ CÁC THIÊN SỨ SA NGÃ
Satan và các thiên sứ nó cũng sẽ bị đoán xét, dĩ nhiên là tại lúc kết thúc vương
quốc Thiên Hy Niên. Chắc chắn Satan đã chịu nhiều bản án khác nữa cho hắn, nhưng
đây sẽ là bản án chung quyết để nhốt hắn trong hồ lửa đời đời (25:41, Kh 20:10). Các
thiên sứ nào bị đoán xét trong lần nầy cũng sẽ chịu chung số phận đó (Giuđe 6-7).
Dường như tín đồ sẽ cùng với Chúa để xét đoán (ICo 6:3).
VII. SỰ ĐOÁN XÉT NHỮNG KẺ CHẾT CHƯA ĐƯỢC CỨU
Lúc kết thúc triều đại Thiên Hy Niên của Đấng Christ, kẻ chẳng tin thuộc mọi thời
đại sẽ được sống lại và chịu xét đoán. Họ được sống lại để chịu xét đoán (được Chúa nói
đến trong Gi 5:29). Sự đoán xét họ sẽ xảy ra trước Tòa Án Lớn và Trắng (Kh 20:11-15).
Quan Án của họ là Đức Chúa Jesus Christ (xem Gi 5:22,27). Người chịu sự đoán xét nầy
được gọi đơn giản là “kẻ chết” – tức kẻ chẳng tin Chúa (để phân biệt với “kẻ chết trong
Đấng Christ,” là chữ chỉ về các tín đồ). Sự đoán xét nầy sẽ không phân rẽ tín đồ ra khỏi

549
kẻ chẳng tin, vì toàn bộ những kẻ chịu sự đoán xét nầy đã chọn chối bỏ Đức Chúa Trời
trong lúc họ còn sống trên đất. Sách Sự Sống được mở ra tại sự đoán xét ở Tòa Án Lớn
và Trắng sẽ không có tên của bất cứ kẻ nào có mặt trong sự đoán xét nầy. Các sách ghi
chép công việc làm cũng sẽ được mở ra, chứng minh mọi kẻ đang chịu đoán xét đó là
xứng đáng chịu đoán phạt đời đời (và có thể được dùng để xác định mức độ hình phạt).
Tuy không phải toàn bộ công việc làm của họ đều là xấu là ác, nhưng tất cả đều là
những công việc chết, được làm ra bởi những người đã chết phần tâm linh. Dường như
Quan Án sẽ phán: “Ta sẽ cho ngươi thấy theo sách chép về các việc làm của chính
ngươi, thì ngươi xứng đáng bị đoán phạt.” Vì thế, mọi người có mặt trong sự đoán xét
nầy đều sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời.

550
Chương 92: SỰ SỐNG LẠI VÀ SỐ PHẬN ĐỜI ĐỜI
I. SỰ KIỆN SỰ SỐNG LẠI
Kinh Thánh dạy rõ ràng và dạy ở nhiều chỗ về lẽ thật sự sống lại của thân thể. Sự
sống lại của thân thể chủ yếu là sự khải thị của Kinh Thánh, vì triết lý Hy lạp – vốn
xem thân thể là một chướng ngại vật – chỉ dạy về tính bất tử của linh hồn thôi.
A. TRONG CỰU ƯỚC
1. Giop 19:25-27. Trong cơn hoạn nạn, Gióp ước ao được chết như là cách để được giải
thoát, và ông ước chi mình biết được liệu còn hy vọng nào đó ở bên kia mồ mả để khiến
ông có thể chịu đựng nổi hoạn nạn hiện tại của mình (14:13-14). Ông diễn tả hy vọng đó
trong 19:25-27, một niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng sẽ minh oan cho
trường hợp của ông, thậm chí sau khi ông qua đời. Ông chắc chắn ngay cả sau khi thân
thể mình mục nát, ông sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời từ xác thịt của mình (câu 26). Khi
giới từ min trong tiếng Hêbơrơ được dùng cùng với động từ “thấy,” thì nó chỉ ra một vị
trí thuận lợi để có thể từ đó nhìn thấy; tức là Gióp đã mong được ở trong thân thể trong
tình trạng phục sinh của mình.
2. Xu 3:6. Khi tranh luận với người Sađusê, Chúa đã trích dẫn câu Kinh Thánh nầy
làm bằng chứng về sự thật của sự sống lại (Mat 22:31-32). Lập luận nầy được căn cứ trên
sự kiện: khi Đức Chúa Trời xác định Ngài cho Môise biết tại bụi gai cháy, thì Ngài đã
xác định bằng cách liên kết chính Ngài với Ápraham, Ysác, và Giacốp trong một mối
liên quan sống động vốn không kết thúc khi các tổ phụ đó qua đời.
3. Thi 16:8-11. Trong những câu Kinh Thánh nầy, Đavít đang viết về sự sống lại trong
tương lai của chính mình. Những câu nầy được Phierơ trích dẫn trong Cong 2:25-28,31
như là chúng đã ứng nghiệm tối hậu trong sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ vào
ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên.
4. Thi 49:14. Ở đây, tác giả Thi Thiên khẳng định người công bình cuối cùng sẽ chiến
thắng kẻ ác, hoặc trong đời nầy hoặc trong đời hầu đến (“sáng ngày”).
5. Es 26:19. Ở đây, đấng tiên tri dạy rõ ràng sự sống lại của thân thể của những kẻ
được cứu chuộc.
6. Da 12:2. Ở đây dạy cả về sự sống lại của người công bình lẫn sự sống lại của kẻ
gian ác. Tân Ước tái khẳng định hai sự sống lại nầy (Gi 5:28-29), nhưng bày tỏ rằng
chúng sẽ không diễn ra đồng thời (Kh 20:4-5).
7. Xa 14:5. Nếu chữ “các thánh” chỉ về các tín đồ, thì lời tiên tri nầy bảo đảm về sự
sống lại của họ, vì họ đến cùng với Đấng Christ khi Ngài tái lâm. Tuy nhiên, có người

551
cho rằng câu Kinh Thánh nầy nói đến các thiên sứ, tuy có thể nói đến cả tín đồ phục
sinh lẫn thiên sứ.
B. Trong Tân Ước
1. Mat 16:21; 17:23; 20:19. Đấng Christ báo trước sự sống lại của chính Ngài vào ngày
thứ ba sau khi Ngài chết.
2. Mat 22:31-32; Gi 2:19-22; 5:28-29; 11:25-26. Đấng Christ đã dạy lẽ thật về sự sống lại.
3. ICo 15:20-24,35-50; IICo 5:1-4; Phi 3:21; ITe 4:13-18. Phaolô không những dạy về sự
sống lại của thân thể, mà còn nêu thêm nhiều chi tiết khác về thân thể phục sinh.
II. THỨ TỰ CỦA CÁC SỰ SỐNG LẠI
Như đã thấy, tất cả các sự sống lại của thân thể được chia ra làm hai loại: Sống lại
để được sống hay còn gọi là sự sống lại thứ nhất, và sống lại để chịu đoán phạt hoặc gọi
là sự sống lại thứ nhì (Lu 14:13-14; Gi 5:28-29). Những sự sống lại nầy sẽ không diễn ra
đồng thời, nên đặc điểm phân biệt không phải là thời điểm, mà đặc điểm phân biệt
chính là sự sống hay sự chết đời đời mới.
A. Sự Sống Lại Của Đấng Christ
Đứng trước hết trong thứ tự các sự sống lại chính là sự sống lại của Đấng Christ.
Dầu trước Đấng Christ, nhiều kẻ khác đã được sống lại từ kẻ chết, nhưng Ngài mới là
người đầu tiên sống lại từ mồ mả với một thân thể không còn phục dưới sự chết nữa ( Ro
6:9; Kh 1:18). Đây là lý do Phaolô gọi Ngài là Đấng sanh trước nhất từ trong những kẻ
chết (Co 1:18). Sự sống lại của Ngài là trái đầu mùa cho rất nhiều sự sống lại hầu đến
(ICo 15:23).
B. Sự Sống Lại Của Những Kẻ Thuộc Về Đấng Christ Khi Ngài Hiện Đến
Sự sống lại nầy sẽ gồm rất nhiều nhóm: các thánh đồ đã chết của Thời Đại Hội
Thánh (ITêsalônica 4:16), các thánh đồ đã chết của thời Cựu Ước (Da 12:2), và những
người tuận đạo trong thời Cơn Đại Nạn (Kh 20:4). Những sự sống lại nầy của các thánh
đồ thuộc mọi thời đại hợp thành sự sống lại thứ nhất (Kh 20:6), sự sống lại để được sống
(Gi 5:29), hay sự sống lại của kẻ công bình (Lu 14:14).
C. Sự Sống Lại Của Kẻ Chưa Được Cứu Tại Kỳ Cuối Cùng
Nhóm người cuối cùng được sống lại sẽ bao gồm những kẻ chết chưa được cứu
chuộc thuộc mọi thời đại, và họ sẽ được sống lại tại lúc kết thúc vương quốc Thiên Hy
Niên, để đứng trước Tòa Án Lớn và Trắng chịu sự đoán xét, là sự đoán xét sẽ phán
quyết tất cả bọn họ đi vào hồ lửa (Kh 20:11-14).
III. GIỮA SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG LẠI

552
Nói nghiêm túc, sự chết là phân cách phần vật chất khỏi phần phi vật chất ( Gia
2:26). Trong trường hợp của mọi sự chết, thi thể bị loại bỏ, thường là bởi cách chôn vào
trong mồ mả. Nhưng khía cạnh phi vật chất của một con người tiếp tục tồn tại trong
suốt cả cõi đời đời. Bây giờ vấn đề đặt ra cho chúng ta là: Phần phi vật chất ở trong tình
trạng nào giữa sự chết thuộc thể và sự sống lại của thân thể?
A. Đối Với Người Chưa Được Chuộc Trong Thời Cựu Ước
Khi một người như thế chết đi, thì hồn, linh, hay bản tánh phi vật chất của người
trở về Âm phủ để chờ đến ngày sống lại của thân thể vào cuối Thiên Hy Niên. Nhưng ta
cũng được biết rằng thân thể ở trong Âm phủ, vì khoảng một nửa số lần chữ nầy được
dùng trong Cựu Ước thì đều nói đến mồ mả (xem Dan 16:30,33). Những lần còn lại thì
chữ nầy chỉ về nơi ở của những linh hồn đã qua đời, của cả người công bình (Sa 37:35)
lẫn kẻ gian ác (Ch 9:18). Đây là nơi của sự tối tăm, tại đó những kẻ chết chưa được cứu
chuộc bị giam cầm cho đến khi sự chết (đòi lấy thân thể) và âm phủ (“hades” chữ Hy
lạp tương đương với chữ “sheol” - âm phủ, là nơi đòi linh hồn) trả lại những kẻ chết của
chúng tại Tòa Án Lớn và Trắng (Kh 20:13).
B. Đối Với Người Không Được Cứu Chuộc Trong Thời Tân Ước
Khi kết thúc Thiên Hy Niên, thân thể đi vào mồ mả, và thần linh về nơi âm phủ chờ
đợi sự sống lại của thân thể (cũng giống như đối với những người chưa được chuộc của
thời Cựu Ước) (Lu 16:23). Âm phủ trái ngược với thiên đàng (Mat 21:23; Lu 10:15), và là nơi
có khóc lóc và nghiến răng (Mat 13:40-42), nơi của sự đau đớn đời đời (Mac 9:43-48), là nơi
tối tăm bên ngoài, là chốn không hề có sự sáng (Mat 22:13).
C. Đối Với Người Được Chuộc Trong Thời Cựu Ước
Trong trường hợp thánh đồ Cựu Ước, vấn đề bị tranh luận ấy là: Linh hồn của họ
(linh hay bản tánh phi vật chất) đi về đâu khi chết? Người ấy được đưa tức khắc vào sự
hiện diện của Chúa, hay người ấy đi vào ngăn được cứu trong âm phủ, để người sẽ được
đem từ nơi đó vào thiên đàng khi Đấng Christ xuống âm phủ giữa sự chết và sự sống
lại của Ngài?
Hoyt diễn đạt phương án thứ nhì nầy như sau: “Do kết quả sự sống lại và sự thăng
thiên của Đấng Christ, đã có một sự tái tổ chức xảy ra trong tình trạng trung gian. Toàn
bộ những người công bình đã được đem khỏi ngăn trên của âm phủ, và kể từ đó trở đi,
các cửa của âm phủ đã không được phép đón nhận bất cứ một linh hồn đã được cứu nào
nữa. Từ đấy trở đi, Barađi ở phía trên, là nơi Đấng Christ đang ở, và linh hồn của mọi
người được cứu sẽ đi ở với Chúa ngay tại giây phút qua đời” (Herman A. Hoyt, The End
Times [Chicago: Moody, 1969], trang 45).

553
Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh được trích dẫn để hậu thuẫn quan điểm nầy.
Trong Eph 4:9, Phaolô viết rằng Đấng Christ đã đi xuống các miền thấp của đất. Một số
người hiểu điều nầy có nghĩa Đấng Christ đã đi xuống âm phủ giữa sự chết và sự sống
lại của Ngài, để đem những kẻ ở trong “ngăn được cứu” của âm phủ về thiên đàng. Tuy
nhiên, cụm từ “của đất” có thể là một cụm từ đồng sở chỉ, nói lên Đấng Christ đã đi
xuống (tại sự Nhập Thể của Ngài) các miền thấp (của cõi vũ trụ), tức là trần gian.
Câu chuyện về người giàu có và Laxarơ cũng được trích dẫn, và người ta cho rằng
câu chuyện nầy cho thấy cả hai người đều đã xuống âm phủ, người giàu bị hình phạt
trong một ngăn này của âm phủ còn Laxarơ được vui sướng hạnh phúc trong ngăn kia
(được gọi là “lòng của Ápraham” trong câu chuyện đó). Rõ ràng, câu chuyện nầy dạy
một số sự kiện quan trọng về sự chết và địa ngục (a) có một sự sống có ý thức sau cái
chết, (b) địa ngục là một nơi đầy đau đớn và thực hữu (c) không có cơ hội thứ nhì sau
cái chết; và (d) kẻ chết không thể giao tiếp trò chuyện với người sống. Nhưng câu
chuyện nầy dạy rằng có hai ngăn trong âm phủ phải không? Không hẳn như vậy, vì
Kinh Thánh không nói lòng Ápraham ở trong âm phủ, nhưng đúng hơn là ở “xa” khỏi
chỗ đó. Lòng Ápraham là một cụm từ dùng theo nghĩa bóng để chỉ về Barađi, hoặc sự
hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây là Barađi được Chúa hứa ban cho tên cướp chịu ăn
năn (Lu 23:43), chứ không phải là ngăn sung sướng trong âm phủ.
IPhi 3:18 cũng được liên kết với sự việc được xem như Đấng Christ đi vào âm phủ.
Đang lúc ở tại đó giữa thời điểm sự chết và sự sống lại, Ngài đã công bố chiến thắng của
Ngài trên tội lỗi, và đã đem những người ở trong ngăn Barađi về thiên đàng. Tuy nhiên,
rất có thể câu nầy nói Đấng Christ tiền nhập thể đã giảng đạo qua Nôê cho những kẻ
mà bởi cớ ngày trước chối bỏ lời giảng đạo đó, nên hiện nay linh hồn họ đang bị cầm tù.
Theo Harry Buis, lý thuyết về hai ngăn âm phủ nầy là sự khai triển thuộc trong thời
kỳ giữa hai giao ước. “Sự phát triển chủ yếu của giáo lý về sự hình phạt đời đời trong
thời kỳ nầy xuất phát từ sự kiện âm phủ giờ đây được chia thành hai ngăn: một ngăn
dành cho người thiện lành, được gọi là Barađi; ngăn kia dành cho kẻ ác gọi là địa ngục
(gehenna)” (The Doctrine of Eternal Punishment (Philadelphia: Presbyterian and
Reformed, 1957, trang 18. Những trang kế tiếp cung cấp bằng chứng từ văn phẩm khải
thị thuộc thời đó).
Tôi tin các thánh đồ Cựu Ước khi chết sẽ đi thẳng vào sự hiện diện của Chúa. Kẻ
cướp ăn năn kia đã được hứa rằng sẽ ở trong Barađi ngay ngày mình chết ( Lu 23:43), và
Barađi là sự hiện diện của Chúa (IICo 12:4). Tại sự hóa hình của Đấng Christ, Môise và
Êli đã hiện ra trước mặt Ngài và trò chuyện với Ngài.
Chúng ta có buộc phải hiểu cuộc trò chuyện giữa Đấng Christ, Môise, và Êli đã xảy
ra trong ngăn trên của âm phủ, là nơi ít ra Môise cũng phải chờ tại đó cho đến sau sự

554
chết của Đấng Christ không? Như vậy, chúng ta có buộc phải hiểu Sự Hóa Hình của
Đấng Christ đã xảy ra trong Barađi của âm phủ chăng? Chúng ta có buộc phải hiểu Êli
đã được cất lên để đến âm phủ chứ không phải đến thiên đàng? Tôi nghĩ là không; trái
lại, các thánh đồ Cựu Ước đã đi lập tức vào thiên đàng để chờ đợi sự sống lại của thân
thể khi Đấng Christ tái lâm.
IV. PHỔ THÔNG THUYẾT
Nói đơn giản, Phổ Thông Thuyết phát biểu rằng: sớm muộn gì mọi người đều sẽ
được cứu. Hình thức cổ hơn của Phổ Thông Thuyết bắt đầu từ thế kỷ thứ 2, và dạy rằng
sự cứu rỗi sẽ đến sau một thời kỳ tạm thời bị hình phạt. Tân Phổ Thông Thuyết trong
thời chúng ta tuyên bố rằng mọi người hiện đang được cứu, dầu vậy tất cả mọi người
không nhận ra điều đó. Do đó, công tác của người giảng đạo và của giáo sĩ là phải bảo
cho người ta biết họ đã được cứu rồi. Dầu Karl Barth không chấp nhận ông dạy sự giải
hòa phổ thông cho mọi người, nhưng rõ ràng ông đã dạy về sự chọn lựa phổ thông cho
mọi người trong Đấng Christ. Một số người khác đã nói thẳng ra, chẳng hạn như, bảo
rằng tình yêu triệt để của Đức Chúa Trời sẽ đeo đuổi con người cho đến khi mọi người
đều được cứu.
A. Bằng Chứng Kinh Thánh
Những câu Kinh Thánh được phái Phổ Thông Thuyết viện dẫn là Gi 12:32: “Ta sẽ kéo
mọi người đến cùng ta”; ICo 15:22 “Trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”; Phi
2:11: “Mọi lưỡi thảy đều xưng”; và ITi 2:4: “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi.”
Nhưng những câu Kinh Thánh nầy không dạy rằng mọi người cuối cùng đều sẽ được
cứu. Gi 12:32 nói rằng Thập Tự Giá của Đấng Christ khiến sự cứu rỗi có thể thực hiện
được cho cả người Do Thái lẫn người ngoại bang. Hãy để ý rằng Chúa – trong cùng
phân đoạn nầy – đã cảnh cáo về sự đoán xét những kẻ chối bỏ (câu 48). ICo 15:22 nói
mọi người nào ở trong Đấng Christ thì sẽ được sống lại, chứ không nói rằng tất cả mọi
người. Phi 2:10-11 bảo đảm với chúng ta một ngày kia mọi người đều sẽ xưng nhận Jesus
là Chúa, nhưng không nhất thiết nhận Ngài là Cứu Chúa. ITi 2:4 diễn tả lòng Đức Chúa
Trời khao khát mọi người đều được cứu, chứ không hứa mọi người sẽ được cứu.
Phái Phổ Thông Thuyết thoải mái xem nhẹ các câu Kinh Thánh khác. Ví dụ hãy
xem một số lời của chính Chúa. “Ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu,
nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Gi 3:36). “Rồi những kẻ
nầy vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời” (Mat
25:46). Vì cùng dùng một chữ như nhau, nên không thể lập luận rằng hình phạt đời đời
không phải là bất tận đồng một cách như sự sống đời đời.
Các phân đoạn Kinh Thánh khác dạy về sự đoán phạt đời đời gồm IITe 1:8-9: “sẽ bị
hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa”; ICo 1:18; 4:3; và He 2:3. Mọi người hoặc là

555
được cứu hoặc bị hư mất, và bất cứ người nào qua đời mà chưa tiếp nhận Đấng Christ
làm Cứu Chúa của riêng mình thì sẽ bị đoán phạt đời đời.
B. Bằng Chứng Thần Học
Một số người theo Phổ Thông Thuyết thích tranh luận về thần học hơn. Họ viện đến
bản chất của Đức Chúa Trời là yêu thương trọn vẹn. Họ hỏi: Như vậy làm sao một Đức
Chúa Trời như thế lại có thể đoán xét bất cứ ai hoặc trong đời nầy hoặc trong đời hầu
đến ? Đức Chúa Trời quá nhân lành đến nỗi không thể từ chối một người nào. Tuy
nhiên, đặc tánh của Đức Chúa Trời không những bao gồm tình yêu thương và nhân
lành, mà còn gồm công bình, thánh khiết và thạnh nộ. Người theo Phổ Thông Thuyết hy
sinh sự công bình của Đức Chúa Trời để đổi lấy tình yêu của Ngài, và điều đó dẫn đến
một Đức Chúa Trời khác hẳn với Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.
Có người lập luận rằng một Đức Chúa Trời công bình thì sẽ không giáng hình phạt
vô hạn cho những tội lỗi hữu hạn. Nhưng điều nầy bỏ qua một nguyên tắc quan trọng:
đó là tội phạm sẽ tùy thuộc vào đối tượng mà người ta đã phạm tội đó (một Đức Chúa
Trời vô hạn) cũng như vào chủ thể đã phạm tội đó (con người hữu hạn). Đánh vào một
cây cột thì không phải là một hành động có tội cho bằng đánh vào một con người. Mọi
tội lỗi về cơ bản đều là phạm đối với một Đức Chúa Trời vô hạn, và như vậy xứng đáng
nhận hình phạt vô hạn.
V. ĐIỀU KIỆN THUYẾT
Điều Kiện Thuyết, hay tình trạng bất tử có điều kiện, định nghĩa sự hình phạt đời
đời là sự tuyệt diệt tuyệt đối vào tình trạng quên lãng đời đời.
A. Những Lập Luận Từ Kinh Thánh
Đối với người theo Điều Kiện Thuyết, sự hủy diệt đời đời trong một phân đoạn như
IITêsalônica 1:9 muốn nói đến tính chất của sự hủy diệt, tức là sự tuyệt diệt. “Đời đời”
cũng được hiểu chủ yếu là một từ định tính; do đó lửa hừng đời đời có nghĩa là một
ngọn lửa không bắt đầu, cũng không kết thúc với thời đại hiện tại, và không hề cho
chúng ta manh mối nào về điều diễn ra cho những người bị ném vào đó. Về sự so sánh
song hành giữa hình phạt đời đời và sự sống đời đời trong Mat 25:41,46, người theo Điều
Kiện Thuyết nói rằng: “Chúng ta phải cẩn thận khi áp đặt phép so sánh song hành giữa
sự sống “đời đời” và sự hình phạt “đời đời,” để khỏi sa vào tinh thần hằn thù hay sự vui
mừng thiếu kính sợ Chúa trước số phận của kẻ ác” (Edward William Fudge, The Fire
That Consumes (Houston: Providential Press, 1983, trang 195). Không có thêm phần
chú giải nào nữa cho phân đoạn Kinh Thánh đó. Tác giả nầy nói “không có một cơ sở
chú giải kinh rõ ràng nào trong Luca 16 để rút ra kết luận về sự cuối cùng của kẻ ác”
(trang 208).

556
Ví dụ mẫu trên đây cho thấy kiểu chú giải kinh không tự nhiên mà những người
theo Điều Kiện Thuyết viện đến để dẫn chứng cho quan điểm của họ.
B. Những Lập Luận Thần Học
Những người theo lối truyền thống thường hiểu chết là sự phân cách. Người theo
Điều Kiện Thuyết định nghĩa chết là không có sự sống, tức là sự tận diệt sau cùng.
Đương nhiên, một định nghĩa như thế sẽ không áp dụng được cho trường hợp sự chết
của Đấng Christ, hoặc cho sự chết thuộc thể, hoặc cho chính sự chết nữa.
Người theo Điều Kiện Thuyết quả quyết chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có sự
không hề chết (ITi 6:16), và do đó, con người không có. Tuy nhiên, rất nhiều những
thuộc tánh khác được khẳng định là thuộc về một mình Đức Chúa Trời mà thôi, song
chúng lại có tương ứng nơi con người (như là sự khôn ngoan, Ro 16:27).
Thắc mắc không thể giải đáp dành cho người theo Điều Kiện Thuyết ấy là: Nếu kẻ
gian ác phải gánh chịu một khoảng thời gian bị trừng phạt dài vô định trước khi bị tận
diệt, thì chúng ta không thể đòi hỏi một biến cố tột đỉnh như sự tận diệt đó phải được
nói đến ở chỗ khác trong nhiều phân đoạn lai thế học của Kinh Thánh sao?
Liệu tín đồ có thể không tuôn nước mắt trên thiên đàng khi một số người họ quen
biết trên trần gian sẽ bị ở trong địa ngục? Dường như là có, và chỉ vì cớ nhãn quan
riêng của tín đồ đó sẽ được thay đổi như vậy để nhận ra hậu quả nghiêm trọng của tội
lỗi (Es 66:24).
Đương nhiên, không ai vui sướng trước hình phạt đời đời cho kẻ ác. Giáo lý đó phải
là cớ thôi thúc càng hơn nữa để thuyết phục người ta đến với Đấng Christ hầu nhận
được sự sống đời đời.

557
PHẦN XIV: NHỮNG PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH
TRỌNG TÂM
Chương 93: NHỮNG PHÂN ĐOẠN KINH THÁNH TRỌNG TÂM
CHO BỘ MÔN THẦN HỌC
Đối với CơĐốc nhân, thần học phải được xây dựng trên Kinh Thánh. Chúng ta công
nhận chính Kinh Thánh ban những giáo lý của đức tin chúng ta. Kinh Thánh ban giáo
lý không những bằng cách cung cấp những câu Kinh Thánh rõ ràng, mà còn bằng cách
ban cho những nguyên tắc rõ ràng và những dữ kiện để từ đó, chúng ta đưa ra những
lập luận diễn dịch, những lập luận quy nạp, hoặc những kết luận luận lý. Nhưng cơ sở
cho toàn bộ thần học của chúng ta, bất luận được suy ra bởi cách nào đi nữa, vẫn phải
bắt buộc là Kinh Thánh.
Trải nhiều năm tháng dạy dỗ, tôi đã cố gắng đòi hỏi sinh viên không những biết
cách phát biểu đúng về một giáo lý, mà còn biết đâu là những phân đoạn Kinh Thánh
chính để phát biểu giáo lý ấy.
Trong chương này, tôi muốn liệt kê những phân đoạn Kinh Thánh hữu ích kèm theo
phần mô tả ngắn gọn đóng góp của chúng cho thần học. Nếu một người dùng được
danh sách này theo cả hai hướng ấy thì đã nắm vững được Kinh Thánh và thần học. Tôi
muốn dùng chữ “theo cả hai hướng” để nói rằng: (a) Nếu được giao một phân đoạn Kinh
Thánh, người ấy có thể mô tả nội dung giáo lý chính của phân đoạn đó; và (b) nếu được
hỏi xem một giáo lý nào đó được dạy ở đâu trong Kinh Thánh, thì có thể trích dẫn được
những câu Kinh Thánh trưng dẫn quan trọng nhất.
Nếu đây là “dùng bản văn Kinh Thánh làm bằng chứng,” thì cũng cứ chấp nhận vậy
đi. Có gì sai dâu?
Cả thần học tự do lẫn Tân Chánh thống đều vô cớ quở trách cách dùng chánh thống
của bản văn bằng chứng. Rõ ràng, những câu Kinh Thánh được trích dẫn cẩn thận kia
sẽ đem đến các giáo lý của thần học chánh thống, chứ không đem đến thần học tự do
hay tân chánh thống…. Phái bảo thủ quả quyết việc trích dẫn Kinh Thánh chẳng qua
chỉ là áp dụng đặc biệt việc “chú thích cuối trang,” vốn một thủ tục học thuật tiêu
chuẩn…. Sự phản đối của thần học tự do và tân chánh thống đối với cách dùng bản văn
kiểm chứng phản ảnh một định kiến thần học sâu đậm…. thì đúng hơn là bác bẻ
phương pháp học thuật sai lầm…. Danh sách thuần túy những câu Kinh Thánh kiểm
chứng này không có giá trị gì trừ khi mỗi một câu được viết vào đó bởi công tác chú giải
kinh lành mạnh…. Rất nhiều nhà thần học ngày trước đã mắc phải tội trích dẫn một
câu Kinh Thánh Cựu Ước để chứng minh một điều gì đó nói đến sự cứu rỗi hay sự xưng
công nghĩa, rồi giải luận điều ấy dường như thể đã rõ ràng và dễ hiểu như vấn đề trong

558
sách Rôma và Galati vậy. Đây là một trong những đặc trưng đáng buồn nhất của những
nhà thần học ngày trước, mà may mắn thay đã được sửa chữa bởi ý thức tốt hơn nhiều
về sự mặc khải lịch sử và tiệm tiến; mà cũng không thể chối cãi được ảnh hưởng ích lợi
của Thuyết Định Kỳ tại thời điểm này” (Bernard Ramm, Protestant Biblical
Interpretation [Boston: Wilde, 1950], trang 175-8).
LÃNH VỰC THẦN HỌC
PHẦN MỞ ĐẦU
SỰ MẶC KHẢI TỔNG QUÁT
ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT VÀ HẰNG SỐNG
Các thuộc tánh của Ngài
Các danh xưng của Ngài
Ba Ngôi hiệp nhất của Ngài
KINH THÁNH
Sự soi dẫn Kinh Thánh
Tính không sai lạc của Kinh Thánh
Tính kinh điển của Kinh Thánh
Sự soi sáng Kinh Thánh
THIÊN SỨ
SATAN
MA QUỶ
CON NGƯỜI
TỘI LỖI
CHÚA JESUS CHRIST
SỰ CỨU RỖI
Sự Chọn Lựa
Sự Chết Của Đấng Christ
Chương trình của Đức Chúa Trời Trong Sự Cứu Chuộc
Sự Bảo Đảm
Sự An Ninh

559
Phạm Vi Của Sự Chuộc Tội
ĐỨC THÁNH LINH
HỘI THÁNH TƯƠNG LAI
Hậu Thiên Hy Niên
Vô Thiên Hy Niên
Tiền Thiên Hy Niên
Thuyết Tiền Đại Nạn
Phản đối thuyết Sự Cất Lên
Một Phần Thiên Hy Niên
Những Sự Đoán Xét
CÁC PHÂN ĐOẠN TRỌNG TÂM
ICo 2:10-16
Thi 19:1-6
Ro 1:18-32
Cong 14:17
Mat 5:45
Cong 17:28-29
Thi 90:2
Gia 1:17

Thi 99
Thi 139:7-11
IGi 1:5
IGi 4:8
Gi 4:24
Sa 1:1
Xu 3:14
Phu 6:4
Es 48:16
Mat 28:18-20
IICo 13:13

560
IITi 3:16
IIPhi 1:21
ITi 5:18
IIPhi 3:16
ICo 2:13
Mat 4:4
Mat 5:17-18
Mat 22:23-33
Mat 22:41-46
Ga 3:16
Lu 11:51
Gi 16:12-15

ICo 2: 9-3:2
Eph 3:10
Sa 3:24
Es 6:2
Lu 1:26

Giuđe 9
Xuất Êdíptô Ký 3
He 1:14
Exe 28:11-19
Es 14:12-17
Mat 4:1-11
Gi 12:31
Kh 12:10
IICo 4:4
Eph 6:11-18

Mat 17:18; đối chiếu Mac 9:25


Eph 6:12
ITi 4:1
Mat 25:41

561
Sa 1:26-27
Xu 20:11
Mat 19:4-5

ITe 5:23;

He 4:12;
Gia 2:26
Sa 3:1-7
Sa 3:8-24

Ro 3:23;
IGi 3:4
Ro 5:12-21
He 7:9-10
Ro 3:9-18
Gi 8:58

Mat 1:23;
Lu 1:35
Gi 1:14

Gi 1:1; 10:30

Lu 2:52;
Ga 4:4
Phi 2:7

Gi 8:29;
IPhi 2:21
He 4:15
Mat 28:6
Cong 1:9-11
Eph 1:4
Ro 8:20-30
IPhi 2:8
Mac 10:45
IPhi 1:18

562
IICo 5:18-21
IGi 2:2
Mat 11:28
Ro 8:30
Gi 16:8-11
Cong 16:31
Ro 3:24
Tit 3:5
Ga 4:5
IICo 3:7-11
Ro 6:1-4
IGi 5:10-13
Ro 8:31-39
Eph 4:30
IIPhi 2:1
IICo 5:19
IGi 2:2

Gi 16:13-14;
ICo 2:10-11
Cong 5:3-4
Gi 14:17
Mat 12:22-37

Ro 8:1;
ICo 6:19
IGi 2:20,27
Eph 4:30
ICo 12:13
ICo 12:7-11
Eph 5:18
Gi 16:12-15
Ga 5:22-23
Cong 19:39,41

563
Cong 7:38
Eph 1:22-23
Ro 16:5
ICo 1:2

Cong 9:31;
ICo 15:19
ITi 3:1-13
Tit 1:7-9
Cong 2:42

ICôrinhtô 12-14
Mat 18:15-20; ICo 5:6-8
Da 2:35,44
Ga 6:16
Kh 20:1-7
Sa 15:9-17
IISa 7:12-16
ITe 4:13-18
Kh 3:10
ITe 5:1-11
ICo 15:51-52
Kh 19:15
Es 2:1-4
Es 11:4

Êsai 35
Es 19:24-25
ICo 3:10-15
Exe 20:34-38
Mat 25:31-46
Kh 20:11-15

Mat 25:46;
IITe 1:8-9

564
CHỦ ĐỀ TRONG CÁC PHÂN ĐOẠN
Cần có sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh
Sự Khải Thị có tính toàn cầu và tiếp diễn
Mạc Khải về Thạnh Nộ của Đức Chúa Trời
Ơn thần hựu của Đức Chúa Trời
Sự Nhơn Từ Của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời khôn ngoan và hằng sống
Vĩnh hằng
Bất biến
Thánh khiết
Toàn tại
Đức Chúa Trời là sự sáng
Đức Chúa Trời là tình yêu
Đức Chúa Trời là thần
Elôhim
Yahweh – Giêhôva
Sự hiệp nhất và tính duy nhất của Đức Chúa Trời
Gợi ý về Ba Ngôi Hiệp Một Đức Chúa Trời
(danh) Hiệp một và Ba ngôi
Lời chúc phước có nói đến Ba Ngôi
Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi
Đức Thánh Linh cảm động những trước giả Kinh Thánh
Phu 25:4 và Lu 10:7 liên kết với nhau như “Kinh Thánh”

Những tác phẩm của Phaolô được gọi là “Kinh Thánh”


Những từ ngữ Thánh Kinh đã được hà hơi
Mỗi chữ đều đến từ Đức Chúa Trời
Chấm và nét

565
Thì của động từ là chính xác
Từng mẫu tự của chữ đều chính xác
Số ít là chính xác
Những ranh giới của kinh điển Cựu Ước
Chức vụ của Đức Thánh Linh để giúp hiểu Kinh Thánh
Hàng ngũ và tổ chức của thiên sứ
Chêrubin
Sêraphin
Gápriên
Thiên sứ trưởng Michen
Thiên sứ của Đức Giêhôva
Công tác phục vụ của thiên sứ
Sự tạo dựng và tội của Satan
Những chi tiết về sự chống nghịch của hắn
Satan cám dỗ Đấng Christ
Cầm quyền trên thế gian
Kẻ kiện cáo anh em
Làm mù lòa những kẻ vô tín
Giáp trụ của tín hữu
Ma quỷ là những linh ô uế
Hàng ngũ và tổ chức của chúng
Các giáo lý của ma quỷ
Số phận trong hồ lửa
Sự sáng tạo con người bởi Đức Chúa Trời
Những ngày trong Cuộc Sáng Tạo
Đấng Christ và sự sáng tạo loài người
Những khía cạnh thuộc bản tánh phi vật chất của con người
Tội lỗi nguyên thủy

566
Những hình phạt dành cho tội lỗi
Ý nghĩa của tội lỗi do thừa hưởng
Sự quy kể tội
Ví dụ về sự quy kể
Kỷ tội
Sự vĩnh hằng của ngài
Sự Giáng Sinh bởi trinh nữ của Ngài
Sự nhập thể của Ngài
Thần Tánh của Ngài
Nhân Tánh của Ngài
Sự tự bỏ mình (kenosis) của Ngài
Sự vô tội của Ngài
Tính không thể phạm tội được của Ngài
Sự phục sinh của Ngài
Sự thăng thiên của ngài
Từ trước cõi thời gian
Sự Tiền Định
Sự bỏ mặc những kẻ không được chọn
Sự thay thế
Sự cứu chuộc
Sự hòa giải
Của lễ chuộc tội
Sự kêu gọi tổng quát
Sự kêu gọi hiệu năng
Sự cáo trách của Đức Thánh Linh
Đức tin
Sự xưng nghĩa
Sự tái sinh

567
Sự nhận làm con nuôi
Sự cuối cùng của Luật Pháp
Hiệp một với Đấng Christ
Dựa trên nền tảng Kinh Thánh
Nhờ tình yêu của Đức Chúa Trời
Bởi vì ấn chứng của Đức Thánh Linh
Giá phải trả cho mọi người
Sự giải hòa cho thế gian
Của lễ chuộc tội cho mọi người
Thân vị của Ngài
Thần tánh của Ngài
Đối chiếu chức vụ của Đức Thánh Linh thời Cựu Ước và Tân Ước
Tội phạm thượng với Đức Thánh Linh
Sự cư trú
Sự xức dầu
Sự ấn chứng
Báptêm vào thân thể
Các ân tứ của Thánh Linh
Sự đầy dẫy
Sự dạy dỗ
Trái của Thánh Linh
Một hiệp hội phi tôn giáo
Ysơraên là một hội chúng
Hội Thánh, thân thể của Đấng Christ
Hội Thánh trong một ngôi nhà
Hội Thánh trong một thành phố
Hội Thánh trong một vùng
Các phẩm hạnh của các trưởng lão và chấp sự

568
Phẩm hạnh của các trưởng lão
Các hoạt động của Hội Thánh
Việc thi hành kỷ luật bởi Hội Thánh
Hòn đá lớn đầy khắp đất
Ysơraên - Hội Thánh
Một ngàn năm được nhắc đến sáu lần
Sự phê chuẩn giao ước vô điều kiện với Ápraham
Giao Ước với Đavít
Sự Cất Lên
Được gìn giữ khỏi giờ thử thách
Được giữ khỏi cơn thạnh nộ
Tất cả đều sẽ được biến hóa
Christ là Vua Cai Trị
Giêrusalem là kinh đô
Sự công chính
Sự thịnh vượng
Sự bình an
Đoán xét các tín hữu
Những người Dothái còn sót lại sau Cơn Đại Nạn
Người ngoại bang còn sót lại sau Cơn Đại Nạn
Những kẻ vô tín tại Ngai Lớn Và Trắng
Sự hình phạt còn đến đời đời

569
PHẦN XV: NHỮNG ĐỊNH NGHĨA
Chương 94: MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA THẦN HỌC
Những định nghĩa rõ ràng chính xác là dấu hiệu của lối tư duy thần học cẩn thận.
Mỗi định nghĩa phải là một phản ảnh và tóm tắt chính xác cho lẽ thật Kinh Thánh có
liên quan.
Khi đòi hỏi những định nghĩa tốt từ nơi học sinh, và nhất là khi thách thức một từ
ngữ nào đó mà sinh viên đã dùng vì đấy chưa phải là từ chính xác nhất, tôi thường bị
vặn lại thế này: “Chẳng qua là vấn đề ngữ nghĩa học thôi! Từ nào cũng hay như nhau cả
thôi.” Sự bắt bẻ đó là hoàn toàn không xứng đáng. Các định nghĩa là vấn đề mang tính
ngữ nghĩa rất cao, do đó, một từ này không nhất thiết hay bằng từ kia. Những định
nghĩa chính xác phải được lập thành từ những từ ngữ tuyển chọn cẩn thận. Không bao
giờ có thể chấp nhận được sự phát biểu luộm thuộm.
Tôi cố gắng gieo rắc hào phóng suốt tác phẩm này những định nghĩa chính xác và
súc tích về nhiều giáo lý khác nhau. Trong phần này, tôi chọn đa số những định nghĩa
ấy từ trong trong tác phẩm này, và liệt kê theo thứ tự abc. Sau mỗi định nghĩa, tôi ghi
số chương, để bạn tìm được đề tài đó trong sách và tham khảo thêm.
Bộ Kinh Điển Thánh Kinh
Tuyển tập những sách đáp ứng được những thử nghiệm nhất định và bởi đó được
xem là có thẩm quyền, và là quy tắc cho đời sống chúng ta (15).
Các Thuộc Tánh
Các phẩm chất vốn có trong một chủ thể (5).
Chalcedon
Giáo Hội Nghị (vào năm 451) đã phát biểu tuyên ngôn rõ ràng về hai bản tánh của
Đấng Christ và khẳng định rõ ràng về thần tánh của Đức Thánh Linh (68).
Chủ Thuyết Montanism
Một phong trào ở vào khoảng năm 170 S.C., dạy rằng Đức Chúa Trời đang ban sự
khải thị mới cho dân Ngài (68).
Constantinople, Giáo Hội Nghị (381)
Đã đưa ra tuyên ngôn khẳng định thần tánh của Đức Thánh Linh (8,68).
Của Lễ Vãn Hồi
Việc Đức Chúa Trời bỏ cơn thạnh nộ bởi việc Đấng Christ dâng của lễ hy sinh để
chuộc tội (51).

570
Duy Nhất Thần Hình Thức (Thuyết Sabellianism, Thuyết Đức Chúa Cha Đồng Chịu
Nạn Với Đức Chúa Con)
Các ngôi vị trong bản thể Đức Chúa Trời là những phương thức mà Đức Chúa Trời
dùng để biểu hiện chính Ngài ra (8).
Duy Nhất Thần Động Lực Thuyết (Dưỡng Tử Thuyết)
Xem Đức Chúa Jesus là một con người đã được Đức Thánh Linh ban quyền năng đặc
biệt tại lúc chịu phép báptêm (8).
Điều Kiện Thuyết hay Sự Bất Tử Có Điều Kiện
Sự hình phạt đời đời là sự tuyệt diệt hoàn toàn vào tình trạng quên lãng đời đời
(92).
Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Trong một Đức Chúa Trời hằng sống chân thật duy nhất, có ba Ngôi Vị đồng đời đời
và đồng bình đẳng, có cùng bản thể nhưng khác nhau về tình trạng hiện hữu thiết yếu
(8).
Đức Tin
Có sự tin quyết, tin cậy, cho một điều gì đó hay người nào đó là đúng (56).
Elohim
Danh xưng của Đức Chúa Trời, có nghĩa là Đấng mạnh mẽ, Đấng Lãnh Đạo đầy
quyền uy, là Thần tối cao (7).
Giải Kinh Học (Hermeneutics)
Môn nghiên cứu về những nguyên tắc giải nghĩa (16).
Hội Thánh
Một hội của những người đã cùng được gọi chung với nhau (69).
Hội Thánh Địa Phương
Một hội chúng của những tín hữu xưng mình tin Đấng Christ, là những người đã
được báptêm và là những người được tổ chức lại để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời
(72).
Hồn
Hồn có thể nói đến toàn bộ con người, hoặc đang sống hoặc sau khi chết; nó có thể
nói lên phần phi vật chất của một con người với nhiều suy nghĩ và xúc cảm; và nó là
tiêu điểm quan trọng của sự cứu chuộc và tăng trưởng thuộc linh (32).

571
Kenosis
Đấng Christ đã tự trút bỏ khỏi Ngài việc giữ và sử dụng địa vị của Ngài trong Ba
Ngôi Đức Chúa Trời và Ngài đã mang lấy nhân tánh để có thể chết (44).
Lập Luận từ Nhân Loại Luận về Sự Thực Hữu Của Đức Chúa Trời
Rất nhiều khía cạnh của con người, và kết hợp mọi khía cạnh đó, đòi hỏi phải có lời
giải thích nào đó về nguồn gốc của chúng, và ủng hộ sự thực hữu của một hữu thể đạo
đức, khôn ngoan và sống động, một hữu thể có thể đã sinh ra con người. (5).
Lập Luận Từ Vũ Trụ Luận Về Sự Thực Hữu Của Đức Chúa Trời
Vũ trụ chung quanh chúng ta là một kết quả đòi hỏi một nguyên nhân thỏa đáng để
giải thích cho nó (5).
Linh
Linh không nói đến trọn con người, nhưng là phần phi vật chất với nhiều chức năng
và suy nghĩ khác nhau của nó. Theo ý của Phaolô, nó giữ vai trò nổi bật đối với nếp
sống thuộc linh (32).
Luận Cứ Bản Thể Luận Về Sự Thực Hữu Của Đức Chúa Trời
Vì có tồn tại ý niệm về một Đấng Hoàn Hảo Nhất, nên ý niệm đó phải đến từ Đấng
Hoàn Hảo Nhất (5).
Luận Điểm Mục Đích Luận về Sự Thực Hữu Của Đức Chúa Trời
Sự cấu tạo của thế giới nầy đòi hỏi phải có ai đó đã hoạch định ra nó (5).
Mạng Lệnh Canh Tác
Con người phải đem toàn bộ cấu trúc thế gian này đặt dưới quyền tể trị của Đấng
Christ, triệt hạ mọi sự chống nghịch Đức Chúa Trời (33)
Ngày Sau Rốt
Toàn bộ thời kỳ từ sự hiện ra lần thứ nhất đến sự hiện ra lần thứ hai của Đấng
Christ (83).
Ordo Salutis
Một nỗ lực cố gắng sắp xếp theo trật tự luận lý (chứ không theo trật tự thời gian)
cho các hoạt động liên quan đến việc ứng dụng sự cứu rỗi cho cá nhân (56).
Phần Mở Đầu
Những nhận định mở đầu (1).
Phép Báptêm Đức Thánh Linh

572
Việc làm của Đức Thánh Linh để đem tín đồ vào trong thân thể của Đấng Christ tại
thời điểm được cứu rỗi (64).
Satan
Có nghĩa là “kẻ thù nghịch” hay “kẻ chống đối” (22-25).
Sự Ăn Năn
Một sự đổi ý thành thật, chứ không giả tạo ở bề ngoài, về một điều gì đó, và tiếp
theo đó có một thay đổi nào đó (58).
Sự An Ninh Đời Đời
Công tác của Đức Chúa Trời để bảo đảm món quà sự cứu rỗi một khi đã nhận lãnh
được rồi thì còn đến đời đời và không thể đánh mất (57).
Sự Bại Hoại Hoàn Toàn
Tình trạng không chút xứng đáng của con người trước mặt Đức Chúa Trời (36)
Sự Bảo Đảm
Sự nhận thức được rằng tín đồ thực sự sở hữu sự sống đời đời (57).
Sự bền đỗ
Niềm tin của phái Calvinists, cho rằng một tín hữu không thể sa ngã khỏi ân điển
nhưng sẽ tiếp tục (bền đỗ, hay nhẫn nại) trong các việc lành cho đến cuối cuộc đời của
người ấy (57).
Sự Bỏ Lơ Người Không Được Chọn (Preterition)
Việc bỏ mặc những người không được chọn đến sự cứu rỗi (54)
Sự Cất Lên
Việc cất Hội Thánh từ đất lên trời (83).
Sự Cáo Trách
Chức vụ của Đức Thánh Linh để nêu bằng chứng cho lẽ thật của sứ điệp Cơ đốc
(56).
Sự Chọn Lựa
Sự lựa chọn đã định trước khi sáng thế của Đức Chúa Trời để chọn những người sẽ
được cứu rỗi (54).
Sự Chuộc Tội Hữu Hạn hay Sự Cứu Chuộc Cá Biệt

573
Công hiệu sự chết của Đấng Christ để chuộc tội được giới hạn cho một nhóm người
cá biệt được gọi là nhóm người được chọn (55).
Sự Cứu Rỗi Bởi Quyền Tể Trị Của Chúa
Sự dạy dỗ cho rằng muốn được cứu, một người không những phải tin cậy Chúa
Jesus làm Cứu Chúa, mà còn phải tin cậy Ngài làm Chúa của đời sống mình, đầu phục
(hoặc ít nhất chịu sẵn lòng đầu phục) đời sống mình cho thẩm quyền tể trị tối thượng
của Ngài (58).
Sự Mặc Khải Đặc Biệt
Sự điệp của Đức Chúa Trời trong những điều được hệ thống hóa trong Kinh Thánh
như đã được truyền đạt qua nhiều phương tiện khác nhau (5).
Sự Mặc Khải Tổng Quát
Toàn bộ những điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong thế giới quanh ta, kể cả con
người (5).
Sự Nhận Làm Con Nuôi
Việc đặt tín đồ vào trong gia đình Đức Chúa Trời với tư cách người con thành niên
(52).
Sự Phân Đôi (Thuyết Nhị Phân) (Dichotomy)
Con người được xem như là một thể thống nhất gồm hai phần của những thực thể
vật chất và phi vật chất (32).
Sự Soi Dẫn
Đức Chúa Trời đã giám sát các trước giả Thánh Kinh (hay mang họ theo) để họ soạn
thảo và ghi lại không sai lầm sứ điệp của Ngài cho nhân loại bằng từ ngữ trong những
tác phẩm nguyên thủy của họ (12).
Sự Tái Sanh
Công việc của Đức Chúa Trời để ban sự sống mới cho người nào tin Ngài (56).
Sự Thánh Khiết
Đức Chúa Trời tách biệt khỏi mọi sự bất khiết và gian ác, và Ngài hoàn toàn thanh
sạch, vì vậy khác biệt với mọi người khác (6).
Sự Tiến Hóa
Tiến trình của sự tổ chức và phát triển của mọi vật từ chỗ thấp hơn, đơn giản hơn,
hay tệ hơn đến chỗ cao hơn, phức tạp hơn hay tốt hơn thông qua các phương tiện tự
nhiên (29).

574
Sự Tiền Định
Việc hoạch định từ trước cõi thời gian của Đức Chúa Trời cho số phận của con cái
Ngài, tức là người được chọn (54).
Sự Vĩnh Hằng Của Đức Chúa Trời
Sự hiện hữu bất tận của Đức Chúa Trời (6).
Sự Xưng Công Bình
Công bố một phán quyết có tính ủng hộ, tuyên bố là công bình (52).
Tấm Lòng
Phần phần trung tâm và ngai của đời sống cả thuộc thể và thuộc linh, bao gồm nếp
sống tâm trí, đời sống tình cảm, đời sống ý chí, nếp sống thuộc linh (32).
Tà Thuyết Bán–Pelagius
Dạy rằng con người còn giữ lại được một phần quyền tự do nhờ đó có thể cùng cộng
tác với ân điển của Đức Chúa Trời (36).
Tà Thuyết Pelagius (Pelagianism)
Con người được dựng nên trung tính – không tội lỗi mà cũng không thánh – có khả
năng và ý chí để tự do chọn lựa hoặc phạm tội hoặc làm lành (36,68).
Tánh xác thịt
Bày tỏ những đặc trưng của đời sống chưa được cứu hoặc bởi người ấy chưa được
cứu, hoặc bởi cớ dầu tin Chúa rồi nhưng đang sống như là người chưa được cứu (67).
Thần Học Hệ Thống
Sự liên kết dữ liệu của sự mặc khải trong Thánh Kinh như một tổng thể để phô bày
cách hệ thống bức tranh toàn cảnh về sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời (1).
Thần Học Thánh Kinh
Luận giải có hệ thống về tiến triển sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời theo dòng lịch
sử trong Kinh Thánh (1).
Thánh Lễ
Một nghi lễ hay một biểu tượng được Đức Chúa Trời chỉ định, được cử hành trong
Hội Thánh (74).
Thế Gian
Là một hệ thống có tổ chức, do Satan đứng đầu và loại Đức Chúa Trời ra ngoài; hệ
thống này là kẻ thù của Ngài (25).
575
Thờ Phượng
Sự phục vụ Chúa cách cá nhân, tập thể, ở nơi công cộng lẫn nơi riêng tư, và phát
xuất từ động cơ tôn kính và đầu phục Ngài là Đấng hoàn toàn xứng đáng (75).
Thuyết Arius (Arianism)
Dạy rằng Đức Chúa Con được sanh ra bởi Đức Chúa Cha nên bởi đó đã có một khởi
điểm (8,68).
Thuyết Arminianism
Dạy rằng Ađam đã được dựng nên là vô tội, chúng ta thừa hưởng sự ô nhiễm từ nơi
ông, nhưng không thừa hưởng sự phạm tội hay bản tánh tội lỗi, và con người có khả
năng để làm điều lành (36,57).
Thuyết của Barth
Hệ thống thần học do Karl Barth (1886-1968) dạy. Nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời
bày tỏ chính Ngài cách tối thượng qua Lời Ngài, mà tối hậu là Đấng Christ, Kinh Thánh
là dấu chỉ về Đấng Christ mà có thể mắc lỗi sai (11,36).
Thuyết Hậu Thiên Hy Niên
Nước thiên đàng nước Đức Chúa Trời hiện nay đang được mở rộng trong thế giới
này qua sự rao giảng Phúc Âm và thế giới cuối cùng sẽ được Cơ đốc hóa trong thời kỳ
một ngàn năm, và sau đó, Đấng Christ sẽ tái lâm (78)
Thuyết Linh Hồn Thọ Tạo
Một quan điểm về sự lưu truyền phương diện phi vật chất của con người, dạy rằng
Đức Chúa Trời sáng tạo linh hồn tại thời điểm thụ thai hoặc ra đời và hiệp nhất tức thì
linh hồn với thể xác (31).
Thuyết Linh Hồn Thừa Thọ
Quan điểm cho rằng phần phi vật chất của con người được lưu truyền cùng với thân
thể qua những tiến trình sinh sản tự nhiên (31).
Thuyết Phân Làm Ba (Trichotomy - “Cắt Làm Ba Phần ”)
Xem con người hợp bởi ba phần là thân, hồn và linh (32).
Thuyết Phiếm Thần
Thượng đế là tâm trí hay linh hồn của vũ trụ vạn vật. Thần học tiến trình nói rằng
hữu thể Thượng đế thâm nhập toàn cõi vũ trụ vạn vật, tuy nhiên không bị vũ trụ vạn
vật choán hết (6).
Thuyết Sáng Tạo Tiệm Tiến

576
Cũng là một với thuyết tiến hóa ngưỡng (threshold evolution) (29)
Thuyết Socinianism
Phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, sự tiền định, nguyên tội, và sự hình phạt thay
thế (8,36).
Thuyết Tiến Hóa Hữu Thần
Đức Chúa Trời đã chỉ đạo, sử dụng và kiểm soát những tiến trình tiến hóa tự nhiên
để “sáng tạo” thế giới và mọi sự ở trong đó (29).
Thuyết Tiến Hóa Ngưỡng
Đức Chúa Trời đã can thiệp để sáng tạo ở những bước chủ yếu của lịch sử, nhưng
mặt khác đã cho phép các tiến trình tiến hóa tự nhiên suốt khoảng thời gian dài của các
thời kỳ địa chất (29).
Thuyết Tiền Thiên Hy Niên
Sự hiện ra lần thứ nhì của Đấng Christ sẽ dẫn tiếp đến việc thiết lập vương quốc
Ngài trên trần gian trong một ngàn năm (80).
Thuyết Vô Thiên Hy Niên
Quan điểm cho rằng sẽ không có Thiên Hy Niên trước khi tận thế, và dạy về sự phát
triển song song của điều thiện và ác cho đến kỳ cuối cùng (79).
Tính Không Sai Lạc
Có nghĩa là Kinh Thánh nói ra những sự thật. Sự thật có thể, và thực sự, bao gồm
những đánh giá phỏng chừng, những lời trích dẫn tự do, ngôn ngữ của hiện tượng, và
những bản ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện miễn không mâu thuẫn nhau (12).
Tính Không Thể Phạm Tội
Tình trạng không có khả năng phạm tội của Đức Chúa Jesus Christ (45).
Tính Đơn Nhất
Đức Chúa Trời không phải là một hữu thể gồm nhiều phần tổng hợp lại hoặc ghép
lại với nhau (6).
Tính Thay Thế
Một người nào đó thế chỗ cho người khác (51).
Tính Toàn Năng Của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời có mọi quyền năng; có thể làm bất cứ việc gì phù hợp với bản tánh
của Ngài (6).

577
Tính Toàn Tại
Đức Chúa Trời hiện diện ở mọi nơi mọi lúc với toàn bộ bản thể của Ngài (6).
Tính Toàn Tri
Đức Chúa Trời biết mọi sự - cả những sự có trong thực tế lẫn những điều có thể xảy
ra - biết cách vừa dễ dàng vừa rõ ràng (6).
Tình Yêu Thương Của Đức Chúa Trời
Việc Đức Chúa Trời đang tìm sự tốt lành nhất và vinh hiển cao cả nhất của những
sự trọn vẹn Ngài (6).
Tội Lỗi
Tội lỗi là bất cứ sự tẻ tách nào khỏi các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời; trật mục tiêu
(34).
Tự Hữu Tính (aesity) của Đức Chúa Trời
Sự tự tồn tại của Ngài (6).
Toledo, Hội Đồng Tôn Giáo
Vào năm 589, tuyên bố Đức Thánh Linh đã lưu xuất từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa
Con (filioque) (8).
Vương quốc của Đavít/ vương quốc của Đấng Mêsia
Vương quốc Thiên Hy Niên trên trần gian này, do Đấng Mêsia cai trị (70).
Vương quốc phổ thông
Quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên toàn thể thế giới này (70).
Vương Quốc Thuộc Linh
Vương quốc mà mọi tín hữu được đặt vào đó trong Thời Đại Hội Thánh (70).
Vương Quốc, Hình Thức Huyền Nhiệm
Cơ đốc giáo giới trong khoảng thời gian giữa sự hiện đến lần thứ nhất và thứ nhì
của Đấng Christ (70).
Yahweh Đức Chúa Trời sống động, tự hữu (7).

578
579

You might also like