You are on page 1of 121

THẦN HỌC NHẬP MÔN

Lời giới thiệu


Karl Barth sinh năm 1886 tại Basel, học Thần học và Triết học tại Bern,
Berlin, Tuebingen và Marburg, sau đó làm Muc sư từ năm 1909 đến năm
1919.
Năm 1929 Karl Barth cho ra đời quyển “Giải nghĩa thư Rô-ma” và mở đầu
cho nền Thần học hiện đại. Cũng từ đó K. Barth nổi tiếng và lần lượt được
mời làm giáo sư Thần học tại Goetingen năm 1921, Muenster năm 1925 và
Bonn năm 1930.
Từ năm 1923 đến 1933 K. Barth cộng tác xuất bản báo “Zwischen der
Zeiten” (“Giữa các Thời đại”) và đã trở thành một trong những nhà Thần
học quan trọng nhất của phái Thần học Biện chứng.
Từ năm 1933 K. Barth cộng tác với và trở thành người lãnh đạo tinh thần
của Hội Thánh “Bekennende Kirche”, một Hội Thánh đối lập với chế độ
Đức quốc xã. Nhưng chẳng bao lâu (năm 1935) K. Barth bị trường Đại học
Bonn sa thải vì không chịu thề trung thành vô điều kiện với “lãnh tụ” Hitler.
Sau đó K. Barth trở về Thụy sĩ, giảng dạy tại Basel, nhưng vẫn liên lạc mật
thiết với Hội Thánh “Bekennende Kirche”.
K. Barth về với Chúa năm 1968 tại Basel.
Thần học Biện chứng của K. Barth có ảnh hưởng lớn trên các giáo hội Tin
Lành trên toàn thế giới trong một thời gian dài. K. Barth gói gém những suy
tư Thần học cơ bản của mình vào bộ “Die kirchliche Dogmatik” (“Giáo lý
Hội Thánh”), dày hàng ngàn trang, và cũng là một trong những công trình
Thần học quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Tác phẩm “Einfuehrung in die evangelische Theologie” - tạm dịch “Thần
học Tin Lành Nhập môn” - này là bài dạy cuối cùng của K. Barth vào lục cá
nguyệt mùa đông 1961/62.
Chúng tôi cám ơn nhà xuất bản Theologische Verlag Zuerich đã có nhả ý
cho phép chúng tôi dịch và xuất bản tác phẩm này.
Người Dịch
MỤC LỤC
Lời nói đầu

1. Dẫn giải
I. Vị trí của Thần học
2. Lời
3. Những Nhân chứng
4. Cộng đồng tín hữu
5. Linh
II. Sự sinh tồn của Thần học
6. Ngạc nhiên
7. Xúc động
8. Uỷ nhiệm
9. Đức tin
III. Hiểm hoạ của Thần học
10. Cô đơn
11. Nghi ngờ
12. Thử nghiệm
13. Hi vọng
IV. Công tác của Thần học
14. Cầu nguyện
15. Nghiên cứu
16. Phục vụ
17. Tình yêu 212

LỜI NÓI ĐẦU


Trong lục cá nguyệt 1961/62, sau khi đã giã từ giáo chức để hưu hạ, tôi vẫn
còn có cơ hội tiếp tục giảng dạy vì chưa có người thay thế. Bài dạy về "Thần
học Tin Lành nhập môn" trong lục cá nguyệt đó được in thành quyển sách
này. Hi vọng những ai than phiền rằng bộ "Giáo lý Hội Thánh" quá dày sẽ
không than phiền quyển sách này quá mỏng. Vì không thể giảng dạy một bài
về Giáo lý cách đầy đủ trong vòng một tiếng đồng hồ mỗi tuần, tôi lợi dụng
cơ hội để trình bày ngắn gọn tất cả những gì tôi mong mỏi, học hỏi và chủ
trương trong bộ môn Thần học Tin Lành qua năm năm làm sinh viên, mười
hai năm làm Mục sư và bốn mươi năm làm giáo sư. Ngoài ra tôi cũng có ẩn
ý giúp các bạn trẻ có một cái nhìn tổng quát về sự khác biệt giữa chủ trương
của tôi và Mixophilosophicotheologia (từ của Abraham Calov!), một chủ
trương hoà đồng triết học với Thần học được nhiều người coi là chủ trương
mới nhất. Tôi không có ý định viết ra một “Credo”, một “bản Tín điều”, mới
hoặc một "Đề cương" Giáo lý hoặc một Summula, một Tổng luận Thần học.
Vì thế tôi chọn môn "Nhập môn" này, một môn mà trong Phân khoa Thần
học Basel từ lâu không còn nữa. Tôi rất vui vì có đông sinh viên tham dự lớp
học và sẽ không bao giờ quên được lục cá nguyệt cuối cùng này. Ngoài ra,
điều tôi còn có thể làm là sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện bộ "Giáo lý Hội
Thánh".
Basel, tháng ba 1962
DẪN GIẢI
Thần học là một trong những công tác mà truyền thống gọi là "khoa học"
của con người. Khoa học của con người tìm cách nhận thức một đối tượng -
hoặc nhận thức môi trường của một đối tượng - bằng phương pháp do chính
đối tượng xác định để tìm hiểu ý nghĩa của đối tượng và để đề cập đến toàn
bộ ảnh hưởng của sự hiện hữu của đối tượng. Từ "Thần học" ngụ ý Thần học
là một khoa học rất đặc biệt để nhận thức, để thấu đáo và để đề cập đến
"THƯỢNG ĐẾ”.
Nhưng từ "Thượng Đế" có thể có nhiều ý nghĩa, và vì thế có nhiều loại thần
học. Không có một người nào hoặc cố ý hoặc vô tình, hoặc vừa cố ý vừa vô
tình mà không có những thần thánh hoặc thần tượng riêng của mình. Không
một người nào mà không coi đối tượng của những ước muốn và lòng tin
tuyệt đối của mình, không coi nền tảng của mối liên hệ và nghĩa vụ thiêng
liêng của mình là thần thánh hoặc thần tượng của mình, và như vậy mỗi
người đều là một nhà Thần học. Không một tôn giáo nào, không một triết
thuyết nào, không một nhân sinh quan nào (kể cả bài quốc ca của Thuỵ sĩ)
mà không hướng về một Đấng thiêng liêng, nỗ lực lý giải và diễn tả Đấng
thiêng liêng một cách sâu sắc hoặc nông cạn, và như vậy tất cả các tôn giáo,
riết thuyết, nhân sinh quan đều là các loại thần học. Không phải khi ta tìm
cách công nhận hoặc thừa nhận rằng Đấng thiêng liêng này tiêu biểu cho
chân lý và uy quyền của một nguyên lý tối cao mới gọi là thần học, nhưng
thần học cũng là khi ta tìm cách phủ nhận Đấng thiêng liêng này - một sự
phủ nhận trên thực tế chỉ là hoán chuyển danh hiệu và nhiệm vụ của Ngài
qua một đối tượng khác như qua "thiên nhiên", qua một bản năng sống còn
tự nhiên và vô hình, qua "lý trí", qua sự tiên tiến hoặc qua con người suy
nghĩ và hành động tiên tiến, hoặc qua một cứu cánh hư vô mà con người
phải bám víu vào. Như vậy ngay cả các lý thuyết dường như "vô thần" cũng
là các loại thần học.
Mục đích các chương này không phải để trình bày một thế giới với nhiều
loại thần học và thần tượng khác nhau bằng cách dựa vào lịch sử để so sánh
và phỏng định khách quan, rồi nhân danh một trong các loại thần học đó
phát biểu chống lại các loại thần học khác, cũng không nhằm mục đích sắp
xếp các loại thần học khác vào hoặc dưới loại thần học này. Chúng ta không
thể xác định các loại thần học khác và Thần học mà chúng ta đề cập đến có
những điểm cơ bản nào đồng nhất với nhau, và đồng nhất như thế nào, để có
thể phối hợp các loại thần học khác với Thần học một cách tốt đẹp. Tất cả
các loại thần học khác đều tương đồng với nhau ở điểm - và điểm này là ánh
sáng giúp ta nhận diện các thần tượng của các loại thần học khác - là tất cả
đều quan niệm và tự phong mình là thần học tốt nhất - nếu không muốn nói
là thần học đúng đắn duy nhất - vì là thần học đúng đắn nhất trong số tất cả
các loại thần học khác. Căn cứ vào bài học rút ra từ trong truyện ngụ ngôn
về ba chiếc nhẫn, chúng ta sẽ tránh không tham dự vào cuộc tranh chấp này
mặc dầu chúng ta không hoàn toàn đồng ý với lời giải thích của Lessing.
Lessing, một nhà thơ người Đức, trong một vở kịch đã ví sánh lời quả quyết
của Do-thái giáo, Hồi giáo và Cơ-đốc giáo với lời quả quyết của ba anh em
nhà kia. Ba anh em này, mỗi người đều nhận được một chiếc nhẫn quí giá từ
tay người cha nay đã quá cố. Cả ba đều quả quyết mình là người đã nhận
được chiếc nhẫn quí giá duy nhất của cha, chứ không phải chỉ là một chiếc
nhẫn giả. Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn này rất rõ ràng, tuy chúng ta không
đồng ý với Lessing rằng có lẽ chiếc nhẫn thật đã thất lạc và tất cả những
chiếc nhẫn trong tay ba anh em đều chỉ là những chiếc nhẫn giả không hơn
không kém. Thần học tốt nhất và đích thực nhất của Thượng Đế chí cao, là
chân lý và duy nhất thực hữu, phải là Thần học giản dị và phải - ở điểm này
Lessing hoàn toàn có lý - tự chứng tỏ là Thần học của Thượng Đế bằng cách
thể hiện Chúa Thánh Linh và năng lực của mình. Thần học sẽ tự thể hiện
mình không phải là Thần học của Thượng Đế nếu Thần học đòi hỏi và quả
quyết rằng mình là Thần học của Thượng Đế. Thế nên chúng ta sẽ không so
sánh và không định giá riêng rẽ hoặc tổng hợp tất cả các loại thần học.
Chúng ta chỉ đơn giản khẳng định rằng: Thần học mà chúng ta giới thiệu ở
đây là Thần học Tin Lành. Từ "Tin Lành" nhắc đến Tân ước và đồng thời
cũng nhắc lại cuộc Cải chánh trong thế kỷ 16. Chúng ta xác nhận ở đây một
quan điểm lưỡng diện: Thần học chúng ta đề cập là Thần học có nguồn gốc
tiềm tàng trong những văn kiện của lịch sử Y-sơ-ra-ên, đã được thành tựu cụ
thể trước hết trong những Kinh văn của các trước giả Phúc âm, các Sứ đồ và
các Tiên tri của Tân ước, rồi được khám phá lại một cách mới mẻ và được
chấp nhận qua cuộc Cải chánh trong thế kỷ 16. Ta không thể và không nên
cố ý hiểu từ "Tin Lành" (điểm quan trọng và hiển nhiên là từ này có liên
quan đến Thánh Kinh mà tất cả mọi giáo phái đều kính trọng) chỉ giới hạn
trong một giáo phái. Không phải toàn bộ Thần học "Cải chánh" đều là Thần
học "Tin lành". Trong phạm vi Công giáo La-mã và Chính thống Đông
phương, trong phạm vi Cải chánh giáo với nhiều trường phái mới sau này,
kể cả trong những trường phái biến thể, cũng có Thần học Tin lành. Từ "Tin
Lành" ở đây biểu thị cụ thể sự liên tục và hợp nhất (nếu không muốn nói là
trong tinh thần của "Giáo hội nghị"). Thần học này, trong số hằng hà sa số
các loại thần học khác nhau, đề cập đến Thượng Đế của Phúc âm. Đó là
Thượng Đế đã mạc khải trong Phúc âm, là Đấng phán về chính Ngài cho con
người, là Đấng hành động giữa và nơi con người. Hễ ở đâu Thượng Đế là
đối tượng, hễ ở đâu Ngài là nguồn gốc và tiêu chuẩn của khoa học con người
thì ở đó có Thần học Tin Lành.

Sau đây chúng ta cố gắng trình bày Thần học Tin Lành. Chúng ta sẽ giải
thích đặc điểm của Thần học Tin Lành - do đối tượng xác định - căn cứ vào
những đặc tính quan trọng nhất. Tất cả những đặc tính này - mutatis
mutandis, có thể sẽ thay đổi - cũng đều có thể là và đều là đặc tính của
những khoa học khác. Tuy nhiên chúng ta không đề cập đến vấn đề đó. Sở dĩ
chúng ta trình bày những đặc tính này ở đây vì những đặc tính này là những
đặc tính của khoa học Thần học.
1. Không phải mãi đến thời Lessing Thần học mới không được quyền tự đề
cao khi so sánh mình với những loại thần học khác, không được tự xưng
mình trong một bản thể nào đó là sự khôn ngoan và là giáo lý của Thượng
Đế. Chính vì Thần học hướng về Thượng Đế là Đấng bày tỏ Ngài trong
Phúc âm nên Thần học không được đòi hỏi thẩm quyền tương tự như Phúc
âm. Là Thượng Đế của Phúc âm, Thượng Đế đoái thương cuộc đời của tất
cả mọi người và vì thế Ngài cũng đoái thương thần học của họ. Tuy nhiên
Thượng Đế chẳng những vượt trổi hơn công tác của các loại thần học khác,
nhưng cũng vượt trổi hơn công tác của Thần học Tin Lành. Mỗi lần mạc
khải chính mình, Thượng Đế đều bày tỏ một cách mới luôn, và mỗi lần như
vậy Thần học Tin Lành lại phải luôn luôn bắt đầu tìm hiểu Thượng Đế là
Đấng mà Thần học vừa không sở hữu vừa không nhận được. Chỉ nhờ có tác
động của Thượng Đế ta mới có thể phân biệt Đấng Chân Thần với những
thần tượng khác mà thôi. Không một khoa học nào của con người - kể cả
Thần học là khoa học hướng về Thượng Đế - có thể thực hiện công tác này.
Vì thế Thượng Đế chắc chắn phải là một Thượng Đế khác hẳn với các thần
tượng. Dường như các thần tượng chẳng những không ngăn cản thần học
của mình tự đề cao chính mình, trái lại còn khuyến khích thần học của mình
tự khoe mình nữa. Mỗi một loại thần học này đều tự cho mình là thần học
đúng nhất, là thần học duy nhất. Thần học Tin Lành phải và chỉ có thể suy tư
và phát biểu căn cứ vào quyết định và hành động của Thượng Đế: làm cho
vinh quang của Ngài sáng loà trước mặt tất cả các thần tượng. Thần học Tin
lành sẽ không suy tư và không phát biểu căn cứ vào quyết định và hành
động này của Thượng Đế nếu Thần học Tin Lành bắt chước các loại thần
học khác tự đề cao chính mình. Thần học Tin Lành phải - dầu muốn hay
không muốn - khởi hành và đi trên con đường riêng của mình, một con
đường tự trong cơ bản hoàn toàn khác hẳn với con đường của các loại thần
học khác. Thần học Tin Lành phải chịu xếp đồng hàng với các loại thần học
khác, và cũng phải chịu - mặc dầu không tham dự vào cuộc thí nghiệm này -
bị so sánh và bị cho là có liên quan với những loại thần học đó dưới nhãn
hiệu "Triết lý tôn giáo". Thần học Tin Lành chỉ có thể an tâm chờ đợi
Thượng Đế biện hộ cho mình. Thần học Tin Lành, vì được chính đối tượng
xác định là khiêm tốn, là một khoa học khiêm tốn.
2. Thần học Tin Lành làm việc với ba điều kiện phụ như sau: (a) điều kiện
phổ quát với sự hiện hữu của con người trong một biện chứng không thể giải
quyết được mà Thần học phải đối diện qua sự tự Mạc khải của Thượng Đế
trong Phúc âm, (b) điều kiện đặc biệt với đức tin của những người tự nguyện
và triệt để công nhận, nhận thức và xưng nhận sự tự Mạc khải của Thượng
Đế là biến cố xảy ra cho họ và đặc biệt cho họ, (c) điều kiện phổ quát và đặc
biệt với lý trí, tức là khả năng nhận thức, phán đoán và phát biểu của tất cả
mọi người cũng như của những người có đức tin. Khả năng này cho phép
những người có đức tin về phương diện kỹ thuật có thể tham dự tích cực vào
cố gắng nhận thức của Thần học hướng về Thượng Đế là Đấng tự mạc khải
trong Phúc âm. Nhưng điều này không có nghĩa là Thần học được phép hoặc
được quyền lấy sự hiện hữu, lấy đức tin hoặc khả năng tư duy của con người
(mặc dầu trong khả năng này cũng có khả năng tín ngưỡng đặc biệt - một
"khả năng tín ngưỡng tiên nghiệm" - đặt vào vị trí của Thượng Đế để làm
đối tượng và đề tài của mình, rồi trong tiến trình suy tư đề tài "Thượng Đế"
mới tình cờ được nhắc đến để bổ túc vào. Thần học không được gây ra cái
cảm tưởng rằng "Thượng Đế" chỉ muốn làm một biểu tượng - tương tự như
hoàng gia Anh quốc - hoặc một đề tài để đàm thoại mà thôi. Thần học biết rõ
rằng Thượng Đế của Phúc âm thực sự quan tâm đến sự hiện hữu của con
người, rằng Thượng Đế giác tỉnh và kêu gọi con người thành tâm đi đến đức
tin, rằng Thượng Đế thực sự đòi hỏi và tác động trên toàn bộ khả năng tư
duy của con người (và không chỉ tác động trên khả năng tư duy của con
người mà thôi). Thần học lưu tâm vào những điểm này bằng cách trước nhất
lưu tâm một cách xuyên suốt về chính Thượng Đế. Điều kiện tiên quyết để
Thần học suy tư và phát biểu là bằng chứng của Thượng Đế về sự hiện hữu
và quyền tối thượng của Ngài. Nếu Thần học xử sự ngược lại, sắp xếp
Thượng Đế vào con người thay vì sắp xếp con người vào Thượng Đế, thì
Thần học sẽ tự giam mình trong nhà tù Ba-by-lôn của Nhân chủng học hoặc
của Bản thể học, nghĩa là trong nhà tù của bất cứ một sự lý giải nào lấy sự
hiện hữu, lòng tin và khả năng tư duy của con người làm cơ bản. Thần học
Tin Lành vừa không bị bắt buộc vừa không có quyền xử sự như vậy. Thần
học Tin Lành chờ đợi và tin tưởng để cho sự hiện hữu, khả năng tư duy - khả
năng tự tại và tự hiểu của con người - tự đối chất với Thượng Đế của Phúc
âm là Đấng trên hết tất cả mọi sự. Trong tinh thần khiêm tốn Thần học Tin
lành - căn cứ vào những điều kiện phụ này - là một khoa học tự do, tức là
một khoa học để cho đối tượng của mình tự do, và như vậy nhờ đối tượng
của mình Thần học Tin Lành luôn luôn là một khoa học được tự do, không
bị lệ thuộc vào những điều kiện phụ.
3. Đối tượng của Thần học Tin Lành là Thượng Đế trong lịch sử hành động
của Ngài. Trong lịch sử đó Thượng Đế tự mạc khải Thượng Đế. Trong lịch
sử đó Ngài cũng là chính Ngài. Trong lịch sử đó Thượng Đế có và minh
chứng cả sự hiện hữu lẫn bản thể của Ngài mà không thiên vị yếu tố nào.
Như vậy Thượng Đế của Phúc âm không phải là một vật, một món đồ hoặc
một đối tượng, cũng không phải là một ý tưởng, một nguyên tắc hoặc một
tổng hợp nhiều chân lý, cũng không phải là Đấng đại diện cho một tổng hợp
chân lý. Thượng Đế chỉ có thể được gọi là "Chân lý" nếu ta hiểu chân lý
theo ý nghĩa của từ Hi-lạp aletheia. Chân lý là sự hiện hữu của Thượng Đế
trong lịch sử Mạc khải của Ngài, là Chúa của muôn chúa trong ánh sáng soi
rọi của Ngài, là Công lao Thượng Đế trong sự kiện Danh Ngài được thánh
hoá, trong sự kiện Nước Ngài được đến, trong sự kiện Ý Ngài được nên.
"Những Chân Lý" này về sự hiện hữu của Thượng Đế là kết quả của những
yếu tố mà ta có thể chiêm ngưỡng và xác định - chiêm ngưỡng và xác định
một cách đặc biệt, không cô lập với nhau nhưng trong tương quan lịch sử
của những yếu tố đó - qua Công lao của ánh sáng soi rọi của Ngài. Điểm
đáng lưu ý là: Thần học Tin Lành vừa không được tái diễn vừa không được
hiện tại hoá, cũng không được dự liệu một lịch sử trong đó Thượng Đế là
Thượng Đế. Thần học Tin Lành không được có tham vọng lấy lịch sử đó
làm tác phẩm của riêng mình, nhưng có bổn phận phải truyền bá lịch sử đó
bằng ngôn ngữ có thể thấy và hiểu được. Tuy nhiên Thần học Tin Lành chỉ
có thể thực hiện được điều này một cách thực tiễn bằng cách đi theo Thượng
Đế sống động trong cái sự kiện Ngài-là-Thượng Đế, và như thế, trong sự
nhận thức, cân nhắc và thảo luận của mình Thần học cũng có đặc tính của
một sự kiện sống động. Nếu Thần học Tin Lành quan sát, thấu đáo và đề cập
đến bất cứ một yếu tố nào trong sự kiện đó của Thượng Đế một cách tiêu
cực cho mình thay vì trong một tương quan tích cực, như con chim đang bay
sánh với con chim đang đậu trên cành, nếu Thần học Tin Lành bỏ qua không
tường thuật "những việc làm vĩ đại của Thượng Đế" mà chỉ xác định và
truyền bá một thần tượng vật chất và một vật chất thần tượng thì Thần học
Tin Lành sẽ đánh mất đối tượng của mình và tự huỷ chính bản thân mình .
Thượng Đế của Phúc âm rời bỏ loại thần học - trong ý nghĩa đó - bất động
này, chứ không xử sự như cách xử sự của các thần tượng đối với các loại
thần học khác. Nếu chăm nhìn vào Thượng Đế của Phúc âm, Thần học Tin
Lành chỉ có thể hiện hữu và tồn tại trong một sự vận chuyển sống động.
Thần học Tin Lành phải luôn luôn phân biệt giữa cũ và mới - mà không
được khinh thường cái này và sợ hãi cái kia, phải phân biệt giữa hôm qua,
ngày nay và ngày mai của một hiện tại và tác động - mà không đánh mất cái
nhìn hợp nhất của những yếu tố này. Dựa vào quan điểm đó Thần học Tin
Lành là một khoa học có tinh thần phê bình rất khách quan, nghĩa là một
khoa học qua đối tượng của mình phải đương đầu không ngừng với khủng
hoảng và là một khoa học không bao giờ bị đối tượng của mình bỏ rơi.
4. Thượng Đế của Phúc âm không phải là một Thượng Đế cô đơn, tự mãn và
tự khép kín, không phải là một Thượng Đế "tuyệt đối" (nghĩa là: Thượng Đế
không tách rời ra khỏi tất cả những điều không phải là Ngài). Tuy nhiên
Thượng Đế không bị một Đấng bình-đẳng-nào-khác-ở-bên-cạnh giới hạn và
thách thức Ngài. Thượng Đế cũng không làm tù nhân cho sự uy nghi của
Ngài, không bị bắt buộc làm Đấng hoặc cái "hoàn toàn khác lạ". Thượng Đế
của Schleiermacher không thể nào thương xót được. Thượng Đế của Phúc
âm có thể thương xót và hành động với lòng thương xót. Trong sự sống của
Ngài, Thượng Đế Cha, Con và Thánh Linh tự bản thể là một Đấng duy nhất.
Cũng tương tự như vậy, trong mối tương quan với những thực tại khác
Thượng Đế de iure và de facto, theo luật và trên thực tế, là Thượng Đế tự do,
không ở bên cạnh con người, cũng không chỉ ở trên con người, nhưng ở nơi
và với con người và quan trọng là: là Thượng Đế cho con người, không phải
chỉ là Chúa, nhưng cũng là Cha, Anh và Bạn của con người. Sự kiện này
không làm gia giảm hoặc đánh mất nhưng trái lại chính là xác minh bản thể
Thiên Thượng của Ngài. "Ta ngự trong nơi cao và nơi người bị đánh tan nát
và khiêm nhường" (Ê-sai 57:15). Thượng Đế đã thực hiện điều này trong
lịch sử hành động của Ngài. Nếu Thượng Đế khi đối diện với con người chỉ
cao sang, xa vời và khác lạ với một thần tính vô nhân tính, thì Thượng Đế
chỉ là - giả sử như Thượng Đế đó có thể làm cho con người lưu tâm đến
mình đi nữa - một Thượng Đế của Dysangelion, của hoạ âm chứ không phải
của Phúc âm, chỉ là Thượng Đế phán tiếng "Không" từ khước với giọng
khinh bỉ, đoán xét và gây tang tóc, chỉ là một Thượng Đế mà con người sẽ
sợ hãi, sẽ trốn chạy nếu con người có thể trốn chạy, sẽ không muốn biết đến
vì Thượng Đế xa vời đó sẽ không thể nào làm thỏa mãn con người được. Có
nhiều loại thần học khác thực sự liên hệ với các thần tượng chỉ cao xa, siêu
phàm và vô nhân tính như thế. Những thần tượng như vậy chỉ có thể là thần
tượng của hoạ âm mà thôi. Chính sự tiến bộ - và nhất là con người tiến bộ -
mà ta thường tôn sùng là hiện thân của thần tượng loại này. Thượng Đế,
Đấng làm đối tượng của Thần học Tin Lành, vừa cao sang vừa thấp hèn:
Ngài cao sang ngay trong sự thấp hèn của Ngài. Cũng vậy, khi Ngài phán
với con người, tiếng phán "Không" từ khước bất khả kháng bao hàm trong
tiếng "Được" chấp nhận. Điều Thượng Đế ước muốn và tác động cho và với
con người là một Công lao hữu ích, cứu rỗi, sửa sai và vì thế là một Công
lao đem lại bình an và vui mừng. Như vậy Ngài thực sự là Thượng Đế của
Euangelion, của Phúc âm, của Lời nhân đức, vì đó là Lời khoan dung dành
cho con người. Thần học Tin Lành cố gắng đáp lại tiếng phán "Được" khoan
dung của Thượng Đế, đáp lại sự tự Mạc khải của Thượng Đế qua mối thâm
giao mà Ngài dành cho nhân loại. Thần học Tin Lành liên hệ với Thượng Đế
là Thượng Đế của con người, vì thế cho nên cũng liên hệ với con người là
con người của Thượng Đế. Đối với Thần học Tin Lành chắc chắn con người
không cần phải bị "chiến thắng", trái lại, con người được Thượng Đế chỉ
định để chiến thắng. Nói cho đúng từ "Thần học" không diễn đạt đầy đủ ý
nghĩa của "Thần học Tin Lành" vì không giúp ta thấy được tầm vóc quan
trọng này của đối tượng của Thần học: tình yêu vô điều kiện của Thượng Đế
đánh thức tình yêu vô điều kiện, ân sủng của Ngài (charis ) mời gọi tấm lòng
cảm tạ (eucharistia ). "Thần-nhân chủng học" tốt hơn nên trình bày mình
quan tâm đến ai và về việc gì và không được lầm lẫn mình với "nhân chủng-
thần học". Vì thế, nếu ta nhận thức rằng Thần học này là "Thần học Tin
Lành” trong ý nghĩa đặc biệt mà ta vừa đề cập ở trên thì ta sẽ trung thành với
Thần học. Vì là Thần học Tin Lành nên Thần học này không thể hướng về
một thần tượng vô nhân tính rồi trở thành thần học của luật pháp! Thần học
Tin Lành liên hệ với Em-ma-nu-ên, với Thượng-Đế-ở-cùng-chúng-ta! Như
thế làm sao Thần học Tin Lành lại không phải là - qua đối tượng này của
mình - một khoa học cảm tạ và là một khoa học vui mừng được?
Tôi xin phép không giải thích từ "Nhập môn". Đồng thời tôi cũng xin không
trình bày đề tài này như cách của Schleiermacher trong tác phẩm “Kurze
Darstellung des theologischen Studiums” (“Nghiên Cứu Thần học Giản
lược” ) hoặc như cách của nhiều người khác trong “Theologische
Enzyklopaedie” ("Thần học bách khoa toàn thư"). Chúng ta sẽ có một tài
liệu về "Thần học Tin Lành nhập môn” như thế nào? Để tìm câu trả lời cho
câu hỏi này tôi xin phép bắt đầu.

LỜI
Trong chương trước, chương Dẫn giải, chúng ta đã đề cập về Thần học Tin
Lành. Trong chương này và ba chương kế tiếp nhiệm vụ của chúng ta là xác
định vị trí của Thần học. Chúng ta sẽ không bàn về vị trí, về quyền hạn và về
khả năng của Thần học trong không gian và khuôn khổ của văn hoá và nhất
là của Universitas literarum, của toàn bộ các khoa học, của khoa học phổ
thông của con người! Từ khi vai trò lãnh đạo của Thần học trong thời Trung
cổ chấm dứt, Thần học đã nỗ lực, nhất là trong thế kỷ 19, tranh đấu cho sự
sống còn của mình để ít nhất cũng dành được một chỗ đứng nho nhỏ dưới
ánh nắng mặt trời của khoa học phổ thông. Nhưng nỗ lực này đã không có
kết quả vì Thần học vẫn tiếp tục lâm vào chỗ bế tắc. Kể cả cái kết quả khiêm
nhường là được tôn trọng xã giao, bề ngoài cũng không có. Nhưng điểm kỳ
lạ là, khi Thần học không biện minh cho mình nữa, nghĩa là không còn tranh
đấu để đi tìm một chỗ đứng cho mình, nhưng nỗ lực suy tư và tập trung tư
tưởng vào việc của mình, thì ngay lúc đó Thần học bắt đầu lại được lưu ý.
Chắc chắn Thần học sẽ rất vững vàng, kể cả đối với ngoại diện, nếu Thần
học biết sinh hoạt đúng theo cái luật lệ mà mình đã sử dụng chứ không cần
phải giải thích hoặc xin lỗi dài dòng. Cho đến nay Thần học vẫn chưa nỗ lực
đầy đủ. Tuy nhiên "văn hoá" và "khoa học phổ thông" là gì? Phải chăng
trong năm mươi năm qua ý nghĩa của những từ ngữ này cũng bị ngộ nhận,
và trở thành quá phức tạp đến nỗi chúng ta không thể căn cứ vào những từ
ngữ này để định hướng được? Dù sao đi nữa chúng ta cũng không nên coi
nhẹ vấn đề: Các Phân khoa Đại học khác nghĩ gì về Thần học? Với lý do gì
và với quyền hạn nào mà Thần học, một khoa học khiêm tốn, tự do, phê bình
khách quan và vui mừng, lại dựa vào sui generis, vào xuất xứ của mình, để
đòi có một chỗ đứng trong Đại học? Hiện tại vấn đề này là một cura
posteror, là một mối ưu tư hậu xét, hiện nay không quan trọng; sánh với vấn
đề này những vấn đề khác cấp thiết hơn. Để giải quyết vấn đề này ta còn
thiếu những tia sáng khác mà ngay cả Thần học - nào ai biết? - có thể mãi
đến những năm hai ngàn mới có được.
Ở đây ta hiểu "vị trí" của Thần học một cách đơn giản là: Vị trí khởi hành
cần thiết mà Thần học nhận được từ bên trong và từ đối tượng của mình. Từ
vị trí khởi hành đó Thần học khởi hành với tất cả các khoa ngành của mình -
Thần học Thánh Kinh, Lịch sử Thần học, Thần học Hệ thống, Thần học thực
hành. Thần học phải giữ đúng luật lệ mà Thần học đã dùng để lên đường.
Nói theo ngôn ngữ quân đội: "vị trí" Thần học là vị trí mà nhà Thần học (dù
vị trí đó có phù hợp với mình và với các nhà Thần học khác hay không) phải
đóng quân và (nếu nhà Thần học không muốn bị quản thúc ngay tức khắc)
phải cố thủ vị trí đó với bất cứ giá nào, dù ở trong Đại học hoặc ở dưới bất
cứ một đường hầm bí mật nào.
Trong từ "Thần học" (Theologie ) có khái niệm Logos. Thần học là một
Logia, một luận lý (logik ), một ngôn ngữ (logistik ) do Thượng Đế (Theos )
tạo điều kiện và xác định. Logos có nghĩa là "Lời", mặc dầu nhân vật Faust
của Goethe cho rằng từ này quá cao nên không thể nào thẩm định được. Lời
không phải là vị trí duy nhất, nhưng là vị trí thiết yếu đầu tiên không thể
không có của Thần học. Thần học chính là lời: tức là lời-trả-lời của con
người. Tuy nhiên không phải lời-trả-lời, nhưng Lời mà lời-trả-lời nghe và
Lời mà lời-trả-lời trả lời mới làm cho lời-trả-lời của con người trở thành
Thần học. Thần học thành công và thất bại với Lời. Lời đó đi trước lời Thần
học, tạo ra Thần học, đánh thức, thách đố Thần học. Sự suy tư và phát biểu
Thần học của con người sẽ trống rỗng, vô nghĩa, vô ích nếu không phải là
một hành động trả lời cho Lời đó mà là một cái gì khác, hoặc hạn hẹp hơn
hoặc rộng rãi hơn. Như chúng ta đã tìm hiểu ở điểm 1 và điểm 2 trong
chương "Dẫn giải", vì trong Thần học Lời được nghe và được trả lời nên
Thần học là khoa học vừa khiêm tốn vừa tự do. Khiêm tốn, vì toàn thể luận
lý của Thần học trong tương quan với Lời chỉ là một tương đồng-luận lý của
con người, toàn thể dẫn giải của Thần học đều chỉ là sự phản chiếu lại (trong
ý nghĩa của "sự phỏng định") của con người. Tất cả những tác phẩm của
Thần học đều chỉ là tác phẩm của con người. Tóm lại, Thần học không phải
là hành động của Đấng Tạo Hoá, nhưng chỉ có thể là một lời ca tụng Đấng
Tạo Hoá và ca tụng Đấng đã tạo dựng nên Thần học mà thôi. Tự do, vì Thần
học chẳng những được khuyến khích bởi Lời, nhưng cũng được giải phóng,
được uỷ quyền, được thúc đẩy di động để trở thành tương tự, phản chiếu và
mô phỏng, tức là trở thành lời ca tụng Đấng Tạo Hoá của mình. Như vậy
vấn đề ở đây đi xa hơn là vấn đề sự suy tư và phát biểu của Thần học phải
được Lời hướng dẫn, phải hướng về Lời, phải lấy Lời để đo lường mình. Dĩ
nhiên đó là những nguyên tắc phải được thực hiện. Đó là những khái niệm
thích hợp đối với mối liên hệ của Thần học và những Nhân chứng của Lời.
Trong chương 3 chúng ta sẽ bàn đến điểm này. Nhưng trong mối liên hệ của
Thần học với chính Lời thì những khái niệm này vẫn chưa đủ. Vấn đề ở đây
không phải chỉ là vấn đề sự suy tư và phát biểu của con người nhằm để trả
lời cho Lời (như trong dạng Giải nghĩa) phải có và phải qui phục luật lệ của
Lời, nhưng sự suy tư và phát biểu của con người trước hết phải được Lời
Thượng Đế tác động tạo nên để trả lời cho Lời thì mới tồn tại và trở thành
hiện thực. Nếu không có tiến trình tác động của Lời thì chẳng những không
có Thần học đích thực mà cũng sẽ không có Thần học Tin Lành. Thần học
trước tiên không có bổn phận phải diễn dịch, phân tích, giải nghĩa Lời đó.
Thần học sẽ diễn dịch khi liên hệ với những Nhân chứng của Lời. Nhưng
trong mối liên hệ với chính Lời Thượng Đế thì Thần học không có bổn phận
diễn dịch. Sự trả lời của Thần học chỉ có thể sống còn khi Thần học xác
nhận và truyền bá Lời là Lời đã được tuyên phán, được lắng nghe và ưu tiên
hơn tất cả mọi sự diễn dịch. Đây chính là hành động Thần học cơ bản bao
hàm và mở đầu cho tất cả mọi hành động khác. “Omnis recta cognitio Dei
ab oboedientia nascitur”, “Toàn bộ nhận thức đích thực về Thượng Đế phát
xuất từ sự vâng phục” (Calvin). Lời chẳng những đã sắp xếp Thần học và
không để cho Thần học diễn dịch mình, nhưng còn đặt cơ bản cho Thần học
và cấu trúc Thần học, kêu gọi Thần học từ không ra có, từ chết đến sống.
Lời đó chính là Lời Thượng Đế. Vị trí của Thần học đối diện trực tiếp với
Lời này; đó là vị trí mà Thần học phải tự khám phá cho mình và luôn luôn tự
đặt mình vào chỗ đó.
Lời Thượng Đế là Lời mà Thượng Đế đã phán, đang phán và sẽ phán, phán
từ giữa con người phán ra và phán với con người, dù con người nghe hoặc
không nghe. Đó là Lời của hành động của Ngài trên, cho và với con người.
Hành động của Ngài không phải là hành động câm nín nhưng nói lên, vang
tiếng. Vì chỉ có Thượng Đế mới có thể hành động những điều Ngài hành
động, và cũng chỉ có Thượng Đế mới có thể phán những điều Ngài phán qua
hành động của Ngài . Và vì hành động của Ngài - đa dạng từ khởi điểm đến
mục tiêu - không mâu thuẫn nhưng hợp nhất nên Lời của Ngài cũng giản dị
và hợp nhất: không mơ hồ nhưng rõ ràng, không âm u nhưng sáng sủa, nên
cả những người thông thái nhất lẫn những người ít học nhất cũng có thể hiểu
được. Thượng Đế tác động, và vì tác động nên Ngài cũng phán. Lời của
Ngài phát ra. Có thể lắm de facto, trên thực tế - nhưng de iure, theo luật, thì
không bao giờ - con người không thể nghe được Lời Ngài. Chúng ta đề cập
đến Thượng Đế của Phúc âm, đến hành động và tác động của Ngài, tức là
Lời Ngài, và đề cập đến Phúc âm, trong đó hành động và tác động của Ngài
là ngôn ngữ của Ngài, tức là Lời của Ngài. Đó là Logos, trong đó có nền
tảng sáng tạo và sự sống của Logia, của luận lý và ngôn ngữ Thần học.
Vì thế Lời Thượng Đế là Phúc âm, là Lời nhân lành, vì là hành động nhân
lành của Thượng Đế. Qua Lời Thượng Đế hành động của Ngài nói lên và trở
thành ngôn ngữ. (Xin nhớ lại điểm 4 trong chương trước). Thượng Đế mạc
khải hành động của Ngài qua Lời Ngài trong Giao ước với con người, trong
lịch sử về sự thiết lập, duy trì, thực hiện và hoàn thành Giao ước. Như vậy
Thượng Đế mạc khải chính mình Ngài: sự thánh khiết của Ngài. Thượng Đế
cũng mạc khải lòng thương xót của người Cha, người Anh và người Bạn,
cũng mạc khải quyền năng và sự siêu phàm của Đấng sở hữu con người và
Vị Chánh án của con người, và cũng mạc khải chính Ngài là Người thứ nhất
dự phần trong Giao ước, là Thượng Đế của con người. Qua Lời Ngài
Thượng Đế mạc khải con người là một tạo vật, là người phạm tội với Ngài
và không thể đền tội được, là người hư mất trước toà án của Ngài, nhưng
cũng mạc khải rằng nhờ ân sủng của Ngài con người được sống sót, được
cứu rỗi và được giải phóng cho Ngài, được Ngài nhận vào chức vụ và trách
nhiệm. Con người này là người Con và là Tôi tớ, là người Chúa yêu thương
và cũng là Người thứ hai dự phần trong Giao ước. Tóm lại, Thượng Đế mạc
khải con người là con người của Thượng Đế. Đó là sự Mạc khải lưỡng diện
trong Lời Thượng Đế. Giao ước này - trong đó Thượng Đế là Thượng Đế
của con người và con người là con người của Thượng Đế , lịch sử này, Công
lao này cũng là nội dung của Lời Thượng Đế và làm cho Lời Thượng Đế
khác biệt với tất cả những lời khác. Logos này là Đấng Tạo Hoá của Thần
học. Ngài ban cho Thần học một chỗ đứng và một sứ mạng. Thần học Tin
Lành sinh tồn để phục vụ Lời của Giao ước ân sủng và hoà bình.
Chúng ta sẽ không bàn qua đề tài khác nhưng tiếp tục đề tài này, tuy nhiên
cụ thể: Thần học trả lời cho Lời mà Thượng Đế đã, còn và sẽ phán trong lịch
sử Chúa Cứu Thế Giê-xu, một lịch sử đã hoàn thành lịch sử Y-sơ-ra-ên; nói
cách khác: Ngài đã, còn và sẽ phán trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, một lịch sử đã
đạt đến mục tiêu của mình trong lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phúc âm của
Thượng Đế được qui định nhờ Y-sơ-ra-ên hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu
và nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu đến từ Y-sơ-ra-ên. Phúc âm có tính phổ cập là
nhờ ở tính cá biệt này. Đó là Lời nhân lành của Giao ước ân sủng và hoà
bình do Thượng Đế thiết lập, duy trì, thực hiện và hoàn tất. Đó là Lời thâm
giao giữa Ngài với con người. Lời Thượng Đế như vậy không phải là ý
tưởng về một Giao ước hoặc về một mối tương giao. Đó là Logos của lịch
sử, và cũng là Logos, Lời Thượng Đế của Áp-ra-ham, của Y-sác, và của
Gia-cốp, là Cha của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thần học Tin lành phải luôn
luôn lắng nghe, luôn luôn chiêm nghiệm, luôn luôn đề cập đến Lời đó, đến
Lời của lịch sử đó. Trong khuôn khổ hạn hẹp này chúng ta cố gắng phác hoạ
nội dung của lịch sử đó.
Thần học đề cập trước hết về Thượng Đế là Đấng đã kêu gọi một dân tộc -
đại diện cho toàn thể nhân loại - làm dân tộc của Ngài. Là Thượng Đế của
Y-sơ-ra-ên Thượng Đế đã hành động trên dân tộc này, phán với dân tộc này,
đối xử với dân tộc này như - và gọi dân tộc này là - dân tộc của Ngài. Danh
của Thượng Đế là Gia-vê, có nghĩa là: "Ta là Đấng Ta sẽ là" hoặc: "Ta sẽ là
Đấng Ta là" hoặc: "Ta sẽ là Đấng Ta sẽ là". Và tên của dân tộc này là Y-sơ-
ra-ên, có nghĩa là: "Người chiến sĩ (chiến đấu không phải cho, nhưng) chống
lại Thượng Đế". Giao ước kết hợp Thượng Đế với dân tộc này trong cùng
một lịch sử, một lịch sử đã ký thuật về một cuộc hội ngộ liên tục, về một
cuộc đàm thoại và về một mối tương giao của một Thượng Đế thánh khiết
và thành tín với một dân tộc bất khiết và bất tín. Lịch sử đó đồng thời cũng
ký thuật về một hiện tại không thất bại của Thượng Đế Thiên thượng bên
cạnh một hiện tại thất bại của con người trần thế, về con người trần thế phải
thánh khiết để đáp lại với sự thánh khiết, phải trung tín để đáp lại sự thành
tín của Thượng Đế Thiên thượng. Lịch sử đó cũng thuật lại Thượng Đế đã
làm trọn Giao ước và con người đã không làm trọn Giao ước, và như vậy
Giao ước này chưa hoàn tất. Lịch sử đó cũng dẫn chứng một biến cố chưa
xảy ra nhưng được thúc đẩy để xảy ra trong lịch sử Y-sơ-ra-ên.
Đến đây lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu bắt đầu. Trong lịch sử này Việc làm
và Lời phán của Thượng Đế của Y-sơ-ra-ên đối với dân của Ngài không
chấm dứt nhưng đạt đến mục tiêu. Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu Cựu ước, tức
là Giao ước đã được thiết lập với Áp-ra-ham, được Môi-se công bố, được
xác nhận với Đa-vít, trở thành Tân ước. Chính Thượng Đế thánh khiết và
thành tín của Y-sơ-ra-ên đã hướng dẫn con người - con người trong Giao
ước - thánh khiết và trung tín đi vào chương trình của Ngài bằng cách để
Một Ngôi Vị trở thành người sống giữa dân mình và chấp nhận con người
hoàn toàn. Là Cha, Ngài liên kết với Con của Ngài. Là Thượng Đế Ngài liên
kết với Con người này. Như vậy, lịch sử của Thượng Đế, và của Y-sơ-ra-ên
của Thượng Đế, lịch sử của Y-sơ-ra-ên và của Thượng Đế của Y-sơ-ra-ên đã
được thành tựu qua sự thực hữu và sự xuất hiện, qua Công lao và Lời của
Giê-xu người Na-xa-rét. Tuy nhiên lịch sử đó không thành tựu bằng cách
diễn tiến tiếp tục để rồi Thượng Đế kêu gọi một Môi-se mới, một tiên tri
mới, một vị anh hùng mới, nhưng bằng cách chính Thượng Đế sống, hành
động và phán qua Con người này. Khi đạt đến mục tiêu của lịch sử Y-sơ-ra-
ên, lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu cho biết rằng Thượng Đế của Y-sơ-ra-ên
đã hoàn thành Giao ước mà Ngài đã thiết lập với dân của Ngài. Lịch sử
Chúa Giê-xu đâm rễ sâu vào trong lịch sử Y-sơ-ra-ên và mọc lên cao trên
lịch sử đó. Lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu nói về sự hợp nhất của Thượng Đế
chân thật với con người thật, về sự kiện Thượng Đế đại lượng đã giáng
xuống để rồi được tự do tương giao với con người, về con người cảm tạ
được cất nhắc lên để rồi được tự do tương giao với Thượng Đế. Đó là cách
"Thượng Đế ở trong Chúa Cứu Thế". Vì thế Con Người này là Đấng đã và
đang được trông chờ, là Đấng Thượng Đế đã hứa trong Giao ước với Y-sơ-
ra-ên nhưng vẫn chưa đến. Và vì thế nên Lời Thượng Đế đã và đang - như
trong lịch sử Y-sơ-ra-ên có báo trước - là Lời trở thành xác thịt trong con
người này.
Lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu là một ân sủng đặc biệt và ưu tiên dành cho
Y-sơ-ra-ên. Trong lịch sử này, lịch sử Giao ước của Thượng Đế với Y-sơ-ra-
ên đạt đến mục tiêu của mình. Và như vậy, Lời Thượng Đế, tức là Lời đã
được phán trong lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Lời qua Ngài đã trở thành
xác thịt - ta không được quên điểm này, là Lời chấm dứt quyền ưu tiên đặc
biệt dành cho Y-sơ-ra-ên. Nhưng ý nghĩa của Giao ước với Y-sơ-ra-ên là
Thượng Đế sai phái Y-sơ-ra-ên làm người trung gian đến với các dân tộc.
Nay chính Thượng Đế qua Chúa Cứu Thế, qua Chúa Cứu Thế của Y-sơ-ra-
ên, tự mình hoà giải với các dân tộc. Toàn bộ Lời Thượng Đế qua và trong
Giao ước của Ngài trong và trên Y-sơ-ra-ên là Lời an ủi, kêu gọi trở về với
đức tin, phán với tất cả con người là anh em của Con Thượng Đế, là Lời
nhân lành của Ngài phán với tất cả các dân tộc ở tất cả mọi nơi trong tất cả
mọi thời đại. Đó là Lời của Việc làm nhân lành của Ngài giữa và cho toàn
thể tạo vật của Ngài. Trách nhiệm của Thần học Tin Lành là nghe, hiểu và
nói về Lời Thượng Đế, tức là toàn bộ - cả nội diện lẫn ngoại diện - Lời của
Giao ước ân sủng và hoà bình. Đó là Lời Thượng Đế đã phán riêng qua
Chúa Cứu Thế là Đấng đã trở thành xác thịt Do-thái và qua Ngài là Chúa
Cứu Thế của nhân loại phán chung cho tất cả mọi người.

Thần học phải lắng nghe và phải trả lời toàn bộ Lời này. Đó là Lời Thượng
Đế đã phán trong lịch sử Y-sơ-ra-ên có liên quan đến lịch sử Chúa Cứu Thế
Giê-xu và trong lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu có liên quan đến lịch sử Y-sơ-
ra-ên. Đó là Lời Giao ước của Thượng Đế phán với con người - con người
đã rời bỏ Thượng Đế nhưng đồng thời cũng đã hướng về Thượng Đế nhờ sự
hi sinh của chính Ngài cho con người. Thần học sẽ không trả lời toàn bộ Lời
Thượng Đế và sẽ đánh mất chân lý của Lời Thượng Đế nếu Thần học tự giới
hạn, chỉ muốn lắng nghe và chỉ luận bàn về Lời Thượng Đế trong phạm vi
mâu thuẫn giữa Thượng Đế thành tín và con người bất trung, tuy sự bất
trung của con người là đặc điểm của lịch sử Y-sơ-ra-ên. Thật ra lịch sử Y-
sơ-ra-ên tự nó không có, cũng không có một lịch sử thuần tuý của Y-sơ-ra-
ên, nhưng chỉ có lịch sử hướng nhắm về lịch sử Chúa Cứu Thế mà thôi. Mục
tiêu của lịch sử này - bắt nguồn từ ý muốn tốt lành của Thượng Đế - là người
chiến sĩ Y-sơ-ra-ên của Thượng Đế đã thực hiện được lòng trung thành của
con người đáp lại sự thành tín của Thượng Đế. Trong lịch sử Y-sơ-ra-ên
không có một sứ điệp nào mà không tự xác nhận là Lời Thượng Đế hành
động trong chính mình. Mỗi một sứ điệp đều cố gắng hướng sự thành tựu
của mình vào trong sứ điệp của lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì đã hàm
chứa trong bản thân sứ điệp của lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu nên lịch sử Y-
sơ-ra-ên đã là Phúc âm rồi. Nhưng Thần học cũng sẽ không trả lời toàn bộ
Lời Thượng Đế để rồi đánh mất chân lý của Lời Thượng Đế nếu Thần học
giản dị hoá vấn đề, thiên lệch về hướng khác, chỉ muốn lắng nghe và muốn
luận bàn về Lời trở thành xác thịt, tức là về lịch sử của Chúa Cứu Thế Giê-
xu là hành động giải hoà của con người đối với Thượng Đế. Những điều đã
xảy ra trong lịch sử này - về điểm này Thần học phải thành thực nếu Thần
học muốn nghe và muốn nói lại điều Thượng Đế đã phán - là ý muốn của
Thượng Đế thành tín đang được thực hiện và trong công tác giải hoà của
người chiến sĩ của Thượng Đế, một người chiến sĩ già nua, không mệt mỏi,
nhưng nay đã thất trận. Điều này đã xảy ra trong xác thịt Do-thái của người
chiến sĩ này, vì thế cho nên Lời Thượng Đế đã phán ra cho toàn thế giới: "Sự
cứu rỗi đến từ người Do-thái". Là lịch sử của hành động Thượng Đế, Giao
ước của Thượng Đế với con người không đơn giản ở trong bản thể này, cũng
không đơn giản ở trong bản thể kia, nhưng trong kết quả, tức là trong sự hợp
nhất của cả hai bản thể. Cũng vậy, Lời của Giao ước đi vào sự hợp nhất này:
vì đó là Lời phán của một Thượng Đế duy nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên và
trong lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kết quả và sự đồng nhất của bản thể
này là Logos mà Thần học phải lắng nghe, phải đề cập đến. Nếu thực hiện
điều này Thần học sẽ chiếm và giữ được vị trí của mình. Thần học sẽ là -
nếu diễn đạt theo lối diễn đạt đặc biệt của Phao-lô - logike latreia. Thần học
là - Thần học cũng là, không phải chỉ một mình Thần học mà thôi nhưng
cùng với những công tác khác trong Hội thánh - một "công tác hợp lý phục
vụ Thượng Đế" vì cớ nhiệm vụ đặc biệt của mình.
NHỮNG NHÂN CHỨNG
Chúng ta tiếp tục xác định vị trí của Thần học. Có một nhóm người, tuy về
phương diện thống kê không thể xác định được, nhưng trong sự tương quan
với Lời Thượng Đế có một vị trí đặc biệt độc nhất vô nhị và không tiền
khoáng hậu: đặc biệt không phải vì họ được hưởng những ân huệ, danh dự
và hào quang rực rỡ, nhưng vì họ có một vị trí lịch sử đặc biệt đối với Lời và
vì cớ chức vụ đặc biệt mà họ được kêu gọi đến và được trang bị để thi hành.
Họ là những Nhân Chứng của Lời, hoặc nói chính xác hơn, họ được đặt làm
những Nhân Chứng nòng cốt của Lời, vì chính Lời trực tiếp kêu gọi họ làm
những Người nghe Lời và xác nhận Lời cho nhiều người khác. Những người
này là những Nhân Chứng Thánh Kinh, là các vị Tiên tri của Cựu ước và các
vị Sứ đồ của Tân ước. Họ là những người đồng thời và là những nhân chứng
- đã từng trực tiếp mắt thấy tai nghe - của lịch sử, trong đó Thượng Đế đã
thiết lập Giao ước của Ngài với con người và qua đó đã phán Lời của Ngài
với con người. Dĩ nhiên có nhiều người khác cũng là những nhân chứng của
lịch sử. Nhưng các vị Tiên tri và Sứ đồ không tự ý mình nhưng được
Thượng Đế - Đấng hành động và tuyên phán - chỉ định, chọn lựa và biệt
riêng làm những Người thấy-Hành-động-của-Ngài xảy ra và làm những
Người nghe-Lời-phán-của-Ngài được phán trong thời đại của họ. Là những
người mắt thấy tai nghe họ được kêu gọi và được uỷ quyền nói về những
điều họ đã thấy, đã nghe. Họ phát biểu với tư cách là những con người -
trong ý nghĩa giới hạn này - có mặt tại chỗ. Thần học Tin Lành liên hệ cụ thể
với Logos của Thượng Đế mà Thần học Tin Lành gặp gỡ trong Lời Chứng
của họ. Qua Lời Chứng của họ Thần học Tin Lành tuy không có những tin
tức trực tiếp, nhưng có những tin tức gián tiếp chính xác nhất.
Các vị Tiên tri của Cựu ước thấy hành động của Gia-vê - với tư cách là Cha,
là Luật gia, là Thẩm phán - trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Họ thấy tình yêu vô
điều kiện, sáng tạo nhưng cũng phá huỷ khi Ngài chọn lựa và kêu gọi dân
tộc này, nhân từ nhưng cũng nghiêm khắc và đầy phẫn nộ khi Ngài hướng
dẫn và cai trị dân tộc này. Họ thấy ân sủng trong sự kiên tâm cảnh cáo và
can gián của Ngài trước tư cách - một tư cách xấu xa nhưng không chịu sửa
đổi - của người chiến sĩ của Thượng Đế. Lịch sử này nói với họ. Trong lịch
sử này họ nghe được Lời hứa của Gia-vê qua nhiều hình thức khác nhau,
cũng qua điều răn, bản án và lời răn đe của Ngài. Họ không nghe những lời
xác nhận quan điểm, ý kiến và thỉnh nguyện tôn giáo, luân lý hoặc chính trị -
lạc quan hoặc bi quan - của riêng họ, nhưng họ nghe - "Chúa phán như vầy"
- tiếng phán đầy uy quyền của Thượng Đế-của-Giao-ước kiên tâm thành tín
phán với con người bất tín. Họ - những Tiên tri trong ý nghĩa giới hạn của từ
này, hoặc là những người tường thuật với ý nghĩa tiên tri và như vậy cũng là
những luật gia tiên tri, hoặc là những nhà thơ tiên tri và là những giáo sư về
sự khôn ngoan - có thể, được phép và phải vang dội lại Lời này của Ngài.
Tất cả các Vị này cũng đều nghe các bậc tiền nhân của mình, bằng cách nào
đó tiếp thu tiếng trả lời của các bậc tiền nhân và phối hợp với tiếng trả lời
của riêng mình. Chính họ đã đem Lời của Gia-vê phán với Y-sơ-ra-ên trong
lịch sử - mỗi người trong phạm vi thời đại và với vấn đề trong thời đại của
mình, mỗi người với học vấn và ngôn ngữ của mình - đến cho dân tộc của
họ, và để giữ lại cho các thế hệ hậu sinh họ cũng đã viết ra hoặc đọc cho
người khác viết ra. Quyển Kanon của Cựu ước là quyển Kinh sau này đã sưu
tập những Kinh văn đó. Đó là những Kinh văn được thịnh hành trong các
Nhà Hội nhờ nội dung của mình và được công nhận là những Lời Chứng xác
thực, đáng tin, có uy quyền về Lời Thượng Đế. Thần học Tin Lành nghe Lời
Chứng của những Kinh văn này - với tinh thần nghiêm túc chứ không phải
chỉ để dẫn nhập vào Lời Chứng trong Tân ước, vì: Novum testamentum in
Vetere latet, Vetus in Novo patet, Tân ước được giữ kín trong Cựu, Cựu ước
được mạc khải trong Tân. Nếu Thần học sao lãng nhận thức này, nếu Thần
học chỉ muốn làm Thần học hướng về Tân ước từ một căn phòng trống rỗng
thì Thần học sẽ luôn luôn còn bị bịnh ung thư xương tuỷ đe doạ.
Tuy nhiên, Thần học phải lưu tâm đến mục tiêu của lịch sử Y-sơ-ra-ên và
mục tiêu của Lời được phán trong lịch sử đó, và như vậy phải lưu tâm đến
lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu trong Lời Chứng của các vị Sứ đồ của Tân
ước. Các vị Sứ đồ đã chứng kiến, đã lắng nghe và đã tiếp xúc với sự hoàn
thành Giao ước qua sự xuất hiện của một con người vâng phục Thượng Đế:
của Chúa làm tôi tớ thay cho con người bất tuân, đã sống, đã chịu thương
khó và đã chết, đã tố cáo nhưng cũng đã che đậy tội lỗi của con người, đã
mang lấy tội lỗi của con người và đem đi, đã đưa dẫn họ trở về với Thượng
Đế và đã giải hoà họ với Ngài. Trong cái chết của Chúa, các vị Sứ đồ của
Tân ước nhìn thấy người chiến sĩ già nua đã chiến bại và mỏi mệt khi chống
lại Thượng Đế. Trong sự sống của Ngài họ nhìn thấy một con người khác,
một người chiến sĩ mới chiến đấu cho Thượng Đế - chiến đấu cho Danh
Thượng Đế được thánh, cho Nước Thượng Đế được đến, cho Ý Thượng Đế
được nên ở dưới đất. Qua biến cố này, một biến cố xảy ra trong không gian
và thời gian, trong "thể xác", các vị Sứ đồ được ban cho Lời Thượng Đế
trong vinh quang của Ngài. Các Sứ đồ nghe được Lời chấp nhận, Lời hứa,
Lời cảnh cáo và Lời an ủi phán cho tất cả mọi người chung với Y-sơ-ra-ên.
Và để cho tất cả mọi người biết Giê-xu là Lời này của Thượng Đế, các Sứ
đồ đã được sai đi đến toàn thế giới. Đề tài và động cơ thúc đẩy các Sứ đồ ra
đi không phải là cảm tưởng của họ về Chúa, không phải là nhận xét của họ
về con người và về Công lao của Ngài, cũng không phải là đức tin của họ tin
nơi Chúa, nhưng là Lời Uy Quyền của Thượng Đế đã phán qua sự sống lại
của Chúa Giê-xu, tức là qua sự vĩnh hằng hoá sự sống và cái chết của Ngài.
Là những người được trực tiếp soi dẫn và dạy dỗ, các Sứ đồ - sau lưng là
ngôi mộ trống, trước mắt là Chúa Giê-xu hằng sống - đã nói ra, đã kể lại, đã
viết xuống về Chúa và đã truyền bá Ngài. Điểm đáng lưu ý là: Các Sứ đồ
không hề lưu tâm đến một lịch sử nào của Chúa trừ ra lịch sử về Hành động
giải hoà và Lời Uy Quyền của Thượng Đế đã mạc khải hành động này. Họ
không lưu tâm xem có một thực tại đặc biệt nào đi trước lịch sử Cứu rỗi và
lịch sử Mạc khải không. Một thực tại như thế không hề có. Vì thế họ cũng
không hề biết về một thực tại như thế, cũng không bận tâm về vấn đề này.
Đối với họ thực tại là lịch sử Cứu rỗi và Mạc khải mà thôi. Đối với họ thực
tại chỉ là Chúa Giê-xu, là Đấng mà họ - căn cứ vào Lời Chúa đã chứng về
Ngài - đang truyền bá là Chúa, là Con Thượng Đế và là Con Người. Như
vậy họ chẳng những không biết và không đề cập đến một "Giê-xu lịch sử",
nhưng cũng không biết và không đề cập đến một "Chúa Cứu Thế của đức
tin", nghĩa là chẳng những không biết và không đề cập đến một Chúa Cứu
Thế Giê-xu mà họ chưa tin, nhưng cũng không biết và không đề cập đến một
Chúa Cứu Thế Giê-xu mà họ tin sau này, nhưng họ biết và đề cập cụ thể đến
một Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã gặp gỡ họ khi họ còn chưa tin Ngài.
Ta chỉ có thể khám phá ra một Chúa Cứu Thế Giê-xu lưỡng diện - một diện
gọi là diện tiền phục sinh và một diện gọi là diện hậu phục sinh - trong các
văn bản Tân ước khi ta tự ý đọc vào mà thôi. Đó là một việc làm mà phương
pháp "phê bình lịch sử" không thể nào chấp nhận được. Nguồn gốc, đối
tượng và nội dung của Lời Chứng Tân ước đã và đang là một lịch sử Cứu rỗi
và Mạc khải duy nhất xảy ra qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lịch sử đó là Hành
động và Lời của Thượng Đế. Đối với những Nhân Chứng trong Tân ước, bối
cảnh của lịch sử đó chỉ có thể là sự khởi đầu của nó trong lịch sử Y-sơ-ra-ên
mà Cựu ước đã minh chứng mà thôi. Vì thế cho nên họ thường xuyên dựa
vào lịch sử Y-sơ-ra-ên. Kanon Tân ước là Kanon sưu tầm những Lời Chứng
về lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-xu đã được viết ra và được lưu truyền lại.
Những Lời Chứng này, khác với những văn phẩm tương tự, đã chứng tỏ cho
các cộng đồng tín hữu trong thế kỷ đầu tiên là những văn kiện chính thức
của những Nhân Chứng đã thấy, đã nghe và đã nói về sự phục sinh của
Chúa, lúc đầu được các cộng đồng tín hữu công nhận là đích thực và là Lời
Chứng mẫu mực về Lời Thượng Đế, rồi sau đó được nhất trí công nhận
chung với Kanon Cựu ước của Nhà Hội.
Sau đây chúng ta thử phác hoạ mối tương quan của Thần học Tin Lành với
Lời Chứng Thánh Kinh về Lời Thượng Đế.
1. Thần học tương đồng với chức vụ Tiên tri và chức vụ Sứ đồ ở điểm: tất cả
đều là sự trả lời của con người trả lời Lời Thượng Đế. Những Nhân Chứng
trong Cựu và Tân ước - những con người nghe Lời Thượng Đế, làm chứng
Lời Thượng Đế bằng nhân tính, tức là với quan điểm và tư duy lệ thuộc vào
bối cảnh thời gian và không gian của họ, trong ngôn ngữ con người - là
những nhà Thần học (là những nhà Thần học rất khác biệt nhau tuy cùng
hướng về một đối tượng chung). Và mục đích của họ là Thần học Tin lành;
họ không thể có một mục đích nào khác. Trong công tác nghiên cứu các
Kinh văn, Thần học Tin Lành phải học phương pháp tư duy và phát biểu về
Lời Thượng Đế bằng nhân tính.
2. Nhưng Thần học vừa không phải là chức vụ Tiên tri vừa không phải là
chức vụ Sứ đồ. Ta không thể so sánh mối tương quan giữa Thần học và Lời
Thượng Đế với sự tương quan giữa những Nhân Chứng Thánh Kinh với Lời
Thượng Đế được vì Thần học chỉ biết Lời Thượng Đế qua trung gian: chỉ
nhờ tấm gương phản chiếu và tiếng vang dội lại của những Lời Chứng
Thánh Kinh. Vị trí của Thần học Tin Lành không đồng hạng, cũng không
cao bằng vị trí của những Nhân Chứng đầu tiên. Thần học Tin Lành không
có thể và không có phép giả định rằng sự trả lời của con người trả lời Lời
Thượng Đế - sự trả lời của con người trong thực tế luôn luôn bao gồm câu
hỏi về Lời Thượng Đế - có liên quan trực tiếp với Lời Thượng Đế. Điểm
quan trọng là phải có mặt tại hiện trường, mà Thần học Tin Lành thì không
có mặt tại hiện trường.
3. Vị trí của Thần học Tin lành cũng không bao giờ có thể cao hơn vị trí của
những Nhân Chứng Thánh Kinh được. Nhà Thần học có thể có thiên văn
học, địa lý học, động vật học, tâm lý học, sinh lý học và các khoa học tương
tự tốt hơn những khoa học của những Nhân Chứng Thánh Kinh. Nhưng nhà
Thần học không được đối diện với họ như thể mình biết rõ Lời Thượng Đế
hơn họ. Nhà Thần học như vậy không phải là một vir spectabilis, một nhân
vật quan trọng, có quyền cho phép hoặc không cho phép các Tiên tri và Sứ
đồ - như thể cho phép các bạn đồng nghiệp trong Đại học của mình - phát
biểu ý kiến của họ, và nhà Thần học lại càng không phải là một giáo viên
trung học có quyền và có bổn phận đứng sau lưng các Tiên tri và Sứ đồ để
khoan khoái hoặc bực mình nhìn vào tập vở của họ, rồi cho họ điểm cao,
trung bình hoặc điểm thấp. Bất cứ một vị Tiên tri hoặc Sứ đồ nào, kể cả vị
nhỏ bé nhất, kỳ lạ nhất, giản dị nhất và khó hiểu nhất, cũng đều có một ưu
thế tuyệt đối so với nhà Thần học mộ đạo nhất, thông thái nhất và khôn
ngoan nhất. Dựa vào quan điểm và bằng phương cách đặc biệt của mình, các
Bậc này đã suy tư, phát biểu và viết xuống trong sự đối diện trực tiếp với
một đối tượng duy nhất. Toàn bộ Thần học và toàn thể Hội Thánh sau này
đều không hề ở trong sự đối diện trực tiếp này.
4. Vị trí của Thần học luôn luôn thấp hơn vị trí các Kinh văn Thánh Kinh.
Thần học biết và lưu ý rằng, những Kinh văn đó là của con người và lệ thuộc
vào nhân tính, nhưng vì những Kinh văn đó có tương quan trực tiếp với
Công lao và Lời của Thượng Đế nên là những Kinh văn thánh, là những
Kinh văn được biệt riêng, phải được kính trọng và lưu tâm một cách đặc
biệt. Về phần Thần học Tin Lành, bổn phận của Thần học Tin Lành là phải
học, không phải học điều đích thực này và điểm quan trọng kia, nhưng học
Một Điều, học trong trường của các vị Tiên tri và Sứ đồ - chỉ học hỏi họ mà
thôi, và học hỏi họ mỗi ngày một cách mới mẻ luôn. Thần học Tin Lành
phải để cho những Nhân Chứng Thánh Kinh đứng sau lưng nhìn vào tập vở
của mình để sửa chữa, vì họ biết rõ hơn mình về Một Điều.
5. Một Điều, và đây là điểm then chốt, đó là mối tương giao với Thượng Đế
của Phúc âm. Mối tương giao này không phải là việc đương nhiên, không
từng có, cũng không phải là thành quả tinh thần hoặc thuộc linh mà nhà
Thần học đạt được. Đó là mối tương giao với Thượng Đế là Đấng hoàn toàn
khác biệt so với các thần tượng của tất cả các loại thần học khác. Đó là mối
tương giao với Thượng Đế của con người, của Em-ma-nu-ên. Mối tương
giao này cũng bao hàm mối tương giao với con người của Thượng Đế. Thần
học có Em-ma-nu-ên - Thượng Đế chân thật và con người thật sự - làm đối
tượng của mình bằng cách Thần học xuất phát từ Thánh Kinh và luôn luôn
đến với Thánh Kinh. "Chính nó làm chứng về Ta". Thần học chỉ có thể trở
thành và thực sự trở thành Thần học Tin Lành khi Thượng Đế của Phúc âm
cũng gặp gỡ Thần học ở trong tấm gương và tiếng vang của Lời Tiên tri và
Sứ đồ. Qua Lời Chứng của mình Thần học cũng phải am hiểu Công lao và
Lời của Thượng Đế, như Ê-sai và Giê-rê-mi, như Ma-thi-ơ, Phao-lô và
Giăng đã từng chiêm ngưỡng và lắng nghe Lời đó, và Công lao và Lời
Thượng Đế cũng phải trở thành đề tài và vấn đề suy tư và phát biểu của
mình. Dĩ nhiên có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương khác - cũ có mới có -
cũng có thể đem đến và tiết lộ cho Thần học nhiều điểm khác, chắc chắn
cũng là những điểm hay, đẹp, tốt và thật. Nhưng về phương diện đề tài và
vấn đề là những yếu tố làm Thần học trở thành Thần học thì dù muốn dù
không Thần học cũng phải căn cứ vào Thánh Kinh.
6. Trong Thánh Kinh Thần học không đối diện với một Lời Chứng đơn âm,
nhưng với một Lời Chứng rất đa âm về Công lao và Lời Thượng Đế. Tất cả
những điều Thần học phải nghe đều rất khác nhau. Thần học không phải chỉ
nghe tiếng của Cựu và Tân ước, nhưng cũng nghe nhiều tiếng vang trong hai
Giao ước này. Ta nên lưu ý điểm này: Nguồn gốc thực sự của sự khác biệt
đó không nằm trong tính đa dạng của những Nhân Chứng Thánh Kinh, của
những điều kiện tâm lý, xã hội và văn hoá của những ước mong và quan
điểm của họ, của ngôn ngữ và Thần học đặc biệt của họ. Cơ bản của sự khác
biệt đó nằm trong tính đa dạng khách quan, trong sự tương phản của đối
tượng mà Thần học làm chứng: trong tính dị đồng không ngừng - tính dị
đồng này bao gồm tất cả, bao gồm cả những yếu tố nhỏ nhất - của lịch sử
của Giao ước, của mối tương giao, của sự bất đồng và đồng nhất giữa
Thượng Đế và con người. Trong trường của mình Thần học đối diện với một
Thượng Đế, với Một Đấng đa dạng trong sự hiện hữu, trong hành động,
trong sự Mạc khải của mình. Trong trường của mình Thần học không thể
buồn tẻ và chán nản, không thể xác định và giới hạn mối quan tâm của mình
vào điều này hoặc điểm kia hoặc cái nọ. Trong trường của mình, sự hiểu
biết, suy tư và phát biểu của Thần học sẽ trở thành một vị trí: vị trí đó được
xây dựng trên kết quả của những Loci - những địa điểm - khác biệt của Công
lao và Lời. Trong trường của mình Thần học phải đi dông dài: từ Cựu ước
đến Tân ước rồi đi trở lại, từ Thi thiên của Đa-vít qua Châm ngôn của Sa-lô-
môn, từ Phúc âm Giăng đến Ba sách Phúc âm đồng quan, từ thư Ga-la-ti đến
thư Gia-cơ v. . . v. . . , đi từ giai đoạn lưu truyền này đến giai đoạn lưu
truyền khác trong tất cả các Kinh văn. Trong cái nhìn này công tác của Thần
học có thể so sánh với việc đi lòng vòng quanh một ngọn núi cao có nhiều
hình dạng khác nhau. Thần học Tin lành là nhận thức về một Thượng Đế
"giàu có vĩnh hằng” , về một sự mầu nhiệm của Ngài, tức là Ngài có dư dật
những lời răn dạy, những đường lối và những phán quyết.
7. Thần học Tin Lành trả lời Logos của Thượng Đế bằng cách cố gắng nghe
và đề cập Logos trong Lời Chứng Thánh Kinh. Thần học Tin lành nghiên
cứu Thánh Kinh bằng cách tìm hiểu bản văn xem bản văn có muốn Thần học
Tin Lành làm chứng cho bản văn không và làm chứng đến mức độ nào.
Không hề có người nào biết Thần học Tin lành là tấm gương và là tiếng
vọng của Thượng Đế. Sự kiện này phải được thấy và được nghe nhiều lần,
phải được làm sáng tỏ mãi luôn. Thần học đến đối diện với Thánh Kinh với
câu hỏi cởi mở, thành thật về Lời. Thần học chỉ đưa ra những câu hỏi khác
bằng cách sắp xếp những câu hỏi đó vào trong và dưới câu hỏi này và chỉ
nhằm giúp trả lời câu hỏi này mà thôi. Ngày nay ta thường nghe: Nhiệm vụ
của phương pháp Thần học Chú giải là phiên dịch những lời trong Thánh
Kinh từ ngôn ngữ của quá khứ ra ngôn ngữ của con người hiện đại. Nói như
vậy là giả thiết rằng nội dung, ý nghĩa và mục đích của những Lời trong
Thánh Kinh tương đối dễ truy tầm và bằng một cách nào đó ta sẽ tìm ra
được, rằng điều quan trọng chỉ là đưa ra một bí quyết ngôn ngữ nào đó (như
thể ta thường nói: "Tôi phải nói như thế nào cho con tôi hiểu đây?") để
Thánh Kinh trở thành dễ hiểu và thích hợp với thế giới hiện đại. Thực ra
không có một Lời nào trong Thánh Kinh, tức là: Lời Thượng Đế do Thánh
Kinh làm chứng, ở bất cứ một chương hoặc một câu của bất cứ một Kinh
văn nào là rõ ràng dễ hiểu hết. Trái lại, Lời Thượng Đế phải được tìm hiểu -
tìm hiểu chính trong sự giản dị sâu xa của Lời Thượng Đế - bằng tất cả
những phương tiện khả dĩ có được trong lãnh vực phê bình và phân tích của
triết học và lịch sử, bằng cách cân nhắc cẩn thận thượng hạ văn và nhất là
vận dụng tất cả những sáng kiến do Thượng Đế ban cho. Với câu hỏi về Lời
Thượng Đế và chỉ với câu hỏi này ta mới đáp ứng được và xứng đáng với
mục đích của các trước giả Thánh Kinh và bản văn của họ. Ngoài ra, phải
chăng câu hỏi này cũng đáp ứng được và xứng đáng với con người hiện đại?
Nếu thành thật chú tâm đến Thánh Kinh, chắc chắn con người hiện đại
không tìm hiểu về cách trình bày của bản dịch Thánh Kinh trong ngôn ngữ
khó hiểu tạm bợ của mình, nhưng sẽ tham gia vào nỗ lực tiến gần đến điều
chép trong đó. Thần học mắc nợ con người hiện đại và nhất là mắc nợ Thánh
Kinh nỗ lực này. "Điều chép trong đó" - tức là trong các bản văn của quyển
sách này - là Lời Chứng về Lời Thượng Đế, là Lời Thượng Đế trong Lời
Chứng của Ngài. Chính sự kiện "điều chép trong đó" và mức độ của "điều
chép trong đó" đòi hỏi được phát hiện, được giải thích và nhận ra, đòi hỏi
được nghiên cứu, và vì thế không thể nào thực hiện được nếu không có cố
gắng. Là đối tượng của công trình nghiên cứu này, những Nhân Chứng
Thánh Kinh gặp gỡ Thần học, và Thánh Kinh gặp gỡ Thần học.
CỘNG ĐỒNG TÍN HỮU
Khi đối diện với Lời Thượng Đế và những Nhân Chứng Lời Thượng Đế, vị
trí của Thần học không mơ hồ trong khoảng không nhưng cụ thể trong cộng
đồng tín hữu. Về phương diện Thần học ta nên tránh - nếu không hoàn toàn
tránh được thì cũng nên tránh trong những trường hợp có thể tránh - dùng từ
"Hội thánh", một từ bị lu mờ và tai tiếng, và thay thế từ này bằng từ "cộng
đồng tín hữu". Cộng đồng tín hữu là nhóm người ta thường gọi là "Hội
thánh", là - như Luther thích diễn tả - giới tín hữu của Chúa Cứu Thế, là một
thực thể phổ thông do Lời Thượng Đế tập họp, thiết lập và sắp xếp, là "cộng
đồng những người thánh", tức là những người được Lời Thượng Đế gặp gỡ
và cảm động đến nỗi họ không thể nào trốn tránh sứ điệp và tiếng gọi của
Lời Thượng Đế, nhưng trở thành có khả năng, bằng lòng và sẵn sàng chấp
nhận Lời Thượng Đế, dâng hiến bản thân mình - cuộc đời, suy tư và phát
biểu của mình - làm Nhân Chứng cấp hai của Lời Thượng Đế. Lời kêu gọi
đức tin, tức là nghe nhận biết, nghe tin cậy, nghe vâng phục. Vì đức tin
không vị kỷ nên Lời và toàn bộ những Nhân Chứng cấp một kêu gọi người
tin phải truyền bá Lời Thượng Đế cho toàn thế giới, vì Lời Thượng Đế dành
cho tất cả mọi người. Cộng đồng tín hữu là tất cả những người được kêu gọi
và được làm sống lại để đến với đức tin và tức khắc làm những Nhân Chứng
cấp hai làm chứng về Lời cho trần thế. Thần học với nhiệm vụ đặc biệt của
mình có vị trí trong cộng đồng tín hữu.
"Tôi tin, vì thế tôi cũng nói". Phao-lô trích lời này của tác giả Thi thiên. Lời
này cũng diễn tả hoàn cảnh đặc biệt của toàn bộ cộng đồng tín hữu cũng như
của mỗi một cá nhân trong cộng đồng khi đối diện với Lời Thượng Đế.
Cộng đồng tín hữu là communio sanctorum, tập thể người thánh, vì là
congregatio fidelium, hội chúng người tin, và là coniuratio testium, công
đoàn Nhân Chứng, là cộng đồng được phép nói và phải nói vì cớ và bằng
cách cộng đồng tin. Cộng đồng không chỉ nói bằng lời nói. Qua sự hiện hữu
của mình trên trần thế cộng đồng đã nói rồi, cũng nói qua thái độ đặc biệt
của mình trước những nan đề của thế giới, nhất là qua các công tác lặng lẽ
nhằm phục vụ những người cô thế, những người yếu đuối, những người cần
được giúp đỡ. Cuối cùng cộng đồng nói bằng cách cầu nguyện cho thế giới.
Cộng đồng được phép thực hiện tất cả những việc này vì cộng đồng được
Thượng Đế kêu gọi thực hiện. Vì tin nên cộng đồng không thể bỏ qua những
công tác này. Tuy nhiên, để đáp lại Lời mà mình đã nghe cộng đồng cũng
dùng lời nói. Không phải đợi mãi đến cuối cộng đồng mới nói bằng cách này
để trình bày minh bạch đức tin của mình. Công tác của cộng đồng tín hữu
gồm lời nói và lời viết về sứ điệp của sự sống qua bài giảng, bài dạy, dưới
hình thức những cuộc đàm thoại khải đạo. Đó là những công tác mà cộng
đồng được uỷ nhiệm. Và tại đây, trong cộng đồng tín hữu, công tác và nhiệm
vụ đặc biệt của Thần học bắt đầu. Giữa tin và nói của cộng đồng tín hữu có
vấn đề về hiểu biết, suy tư và phát biểu đúng đắn về Lời đã xây dựng đức tin
của cộng đồng. "Đúng đắn" ở đây không có nghĩa là sùng đạo, xây dựng, say
mê và làm say mê, cũng không có nghĩa là đạt được kết quả như cái hiểu
biết, suy tư và phát biểu của môi trường chung quanh. Dĩ nhiên những đặc
điểm này cũng rất phù hợp với sự phát biểu của cộng đồng tín hữu, nhưng
không đóng vai trò quan trọng đối với những điều mà cộng đồng phải thực
hiện. Quan trọng là câu hỏi về chân lý. Ta nên lưu ý điểm này: Câu hỏi về
chân lý đặt ra cho cộng đồng tín hữu không nảy sinh từ bên ngoài (như ngày
nay người ta thuyết phục cộng đồng tín hữu tin như vậy) nhân danh và với
uy quyền của một chân lý mẫu mực phổ thông hoặc được coi là có giá trị
phổ thông nào đó, nhưng nảy sinh từ bên trong, đúng hơn là từ trên cao, từ
Lời Thượng Đế là Lời đã xây dựng cộng đồng tín hữu và đức tin của cộng
đồng tín hữu. Câu hỏi về chân lý không phải là: Thượng Đế có thực hữu
không? Y-sơ-ra-ên có thực sự là tuyển dân của Ngài không? Chúa Cứu Thế
Giê-xu có thực sự chết vì tội lỗi chúng ta và có thực sự sống lại cho sự xưng
công chính của chúng ta, có thực sự là Chúa không? Những người ngu dại
tra vấn trong lòng như thế; tất nhiên tất cả chúng ta đều thường có thói quen
làm những người ngu dại. Câu hỏi về chân lý là: Cộng đồng tín hữu có thành
tâm hiểu biết, có suy tư kỹ càng, có phát biểu minh bạch rằng Lời đã được
phán trong và phán với toàn bộ những điều đã xảy ra là chân lý chính xác,
nghĩa là tinh ròng, và như vậy cộng đồng tín hữu có khả năng làm chứng lời
làm chứng của mình với tinh thần trách nhiệm và với lương tâm tốt không?
Đó là câu hỏi về chân lý đặt ra cho cộng đồng tín hữu, là câu hỏi khẩn cấp
đối với dân của Thượng Đế mà thôi. Dĩ nhiên câu hỏi đó không có - không
bao giờ có và không có bất cứ nơi nào - câu trả lời chính xác. Kể cả sự hùng
biện của một đức tin sống động cũng chỉ là việc làm của con người. Điều
này có nghĩa là trong công tác truyền bá Lời Thượng Đế, trong sự giải nghĩa
Lời Chứng Thánh Kinh và trong đức tin riêng, cộng đồng tín hữu thay vì
phục vụ có thể trở thành cản trở công việc của Thượng Đế trên đất, vì cớ
hiểu nửa đúng nửa sai hoặc hiểu sai hơn một nửa, vì cớ suy tư vòng vo hoặc
cong quẹo, vì cớ phát biểu nông cạn hoặc quá khích. Muốn tránh những điều
này, cộng đồng tín hữu phải cầu nguyện mỗi ngày, và cũng phải nghiêm túc
thực hiện công tác của mình . Công tác đó là công tác Thần học. Ngoài ra
không có một cách nào khác. Công tác Thần học tự nó và từ cơ bản là một
công tác khẩn cấp được giao cho cộng đồng tín hữu, cho toàn thể giới tín
hữu Chúa Cứu Thế. Một câu hỏi thường được đặt ra cho cộng đồng tín hữu
và cho tất cả mọi tín hữu là cộng đồng tín hữu có phát biểu chân thành
không. Câu hỏi này không chỉ liên quan đến sự phát biểu của cộng đồng tín
hữu trong ý nghĩa hạn hẹp mà thôi, nhưng cũng liên quan đến sự sinh tồn
của cộng đồng. Trong thế giới chung quanh, cộng đồng tín hữu nói qua sự
hiện hữu của mình, qua những nhận định của mình về các vấn đề chính trị,
xã hội, văn hoá, qua sự tổ chức nội bộ, qua những công tác xã hội - tuy lặng
lẽ nhưng thực ra không thầm lặng - của mình. Câu hỏi này liên quan đến mỗi
tín hữu có ý thức hoặc không ý thức rằng cuộc sống của mình cũng là một
lời chứng. Vì trong cuộc sống của mình mỗi tín hữu của Chúa Cứu Thế cũng
có trách nhiệm đối diện với câu hỏi về chân lý này nên mỗi người cũng đều
được kêu gọi làm nhà Thần học. Câu hỏi này liên quan đến những người có
trách nhiệm trong cộng đồng tín hữu mật thiết hơn nữa. Chính công tác của
họ nói - trong ý nghĩa hạn hẹp - rất nhiều. Ta luôn luôn phải băn khoăn mỗi
khi nghe một vị lãnh đạo Hội thánh (có thể là một vị Giám mục), một vị
Truyền giáo hoặc Truyền đạo, hoặc một vị tích cực hoạt động cho công việc
Chúa khẳng định - với ý tốt hoặc chỉ trích - rằng, Thần học không phải là
việc của họ: Tôi không phải là một nhà Thần học, tôi chỉ lo về hành chánh
thôi. Tệ hơn nữa, nhiều vị Mục sư, sau thời gian tu học đi ra phục vụ Chúa
nghĩ rằng họ có quyền quay lưng rời bỏ Thần học như bươm bướm giả từ cái
kén. Không thể như thế được. Nếu Lời Chứng về Chúa Cứu Thế không
thường xuyên phát xuất từ ngọn lửa của câu hỏi về chân lý thì trong bất cứ
trường hợp nào, dù ở bất cứ thời đại nào, dù qua môi miệng của bất cứ cá
nhân nào cũng không thể là Lời Chứng đáng tin, sống động, vì Lời Chứng
phải có bằng cớ, và vì thế phải có trách nhiệm. Thần học không phải là một
công tác mà bất cứ một người nào có dự phần vào ministerium Verbi Divini,
vào sự phục vụ Lời Thượng Đế , cũng đều có thể giao cho bất cứ một người
nào khác thực hiện - làm như thể Thần học là sở thích của một vài người
quan tâm và có khả năng. Một cộng đồng tín hữu cảnh giác, ý thức được
nhiệm vụ và bổn phận của mình trong thế giới, sẽ cấp thiết phải là - và điểm
này liên quan mật thiết đến những người có trách nhiệm trong cộng đồng -
một cộng đồng tín hữu quan tâm đến Thần học. Tuy nhiên trong cộng đồng
tín hữu phải có một công tác Thần học đặc biệt (tương đương với những
công tác khác trong cộng đồng tín hữu), tức là phải có khoa học, nghiên cứu
và giáo lý Thần học để nỗ lực kiểm chứng tất cả các hoạt động của cộng
đồng tín hữu trong ánh sáng của câu hỏi về chân lý. Thần học liên hệ với
cộng đồng tín hữu và đức tin của cộng đồng tín hữu tương tự - mutatis
mutandis, có thể sẽ thay đổi - như luật khoa liên hệ với nhà nước và luật
pháp của nhà nước. Công tác nghiên cứu và giáo lý của Thần học không lấy
mình làm mục đích, nhưng là một nhiệm vụ của cộng đồng tín hữu và nhất
là của ministerium Verbi Divini - của sự phục vụ Lời Thượng Đế - trong
cộng đồng tín hữu. Thần học có bổn phận phục vụ cho và trong cộng đồng
tín hữu và nhất là cho những người chịu trách nhiệm giảng dạy và chăm sóc
cộng đồng tín hữu, phải khích lệ và hướng dẫn họ luôn luôn đối diện một
cách mới mẻ với câu hỏi về mối tương quan đúng đắn của lời phát biểu của
mình với Lời Thượng Đế, tức là với nguồn cội, đối tượng và nội dung của
mình. Thần học phải tập tành họ cách xử sự đúng đắn với câu hỏi về chân lý,
phải làm gương và chỉ dẫn cho họ trong việc tìm hiểu, suy tư và phát biểu
đúng đắn, phải tập cho họ biết rằng không có việc gì tự nhiên mà thành
được, rằng trong công tác này phải cầu nguyện cũng như phải làm việc.
Thần học cũng có bổn phận chỉ cho họ cách thực hiện những điểm này. Thần
học sẽ thất bại nếu Thần học bận rộn trên mây xanh với Thượng Đế, với thế
giới, với con người và với một vài điều khác, thí dụ như với những sự kiện
lịch sử lý thú. Thần học phải là - trong ý nghĩa đã được đề cập đến, tương tự
như sự chuyển động trong một cái đồng hồ - Thần học cho cộng đồng tín
hữu: cho cộng đồng, cho tín hữu và cho những người có trách nhiệm đặc
biệt trong cộng đồng, phải nhắc nhở cho họ biết về cảnh huống nghiêm trọng
và nhiệm vụ quan trọng của họ, giúp đỡ họ được tự do và vui mừng trong
công tác phục vụ. Nếu Thần học muốn phục vụ cho cộng đồng tín hữu ngày
nay, cho Lời Chứng về Lời Thượng Đế, cho sự xưng nhận đức tin của cộng
đồng tín hữu, thì Thần học cũng như chính cộng đồng tín hữu phải xuất thân
từ cộng đồng tín hữu hôm qua và hôm kia, cũng phải xuất thân từ truyền
thống đã xác định hình hài cho Lời phát biểu của cộng đồng tín hữu. Để làm
tròn bổn phận của mình, Thần học nghiên cứu và dạy dỗ trên nền tảng mà
truyền thống để lại cho mình, chứ không phải ở trên cao, bên ngoài nền tảng
của truyền thống, làm như thể lịch sử của Hội thánh mới bắt đầu từ hôm nay.
Nhiệm vụ đặc biệt của Thần học trong phương diện này là phê bình khách
quan. Thần học phải để cho ngọn lửa của câu hỏi về chân lý nung nấu tinh
thần truyền giảng - do Thần học xác định - của cộng đồng tín hữu. Thần học
phải chấp nhận tín điều của cộng đồng tín hữu để căn cứ vào Lời Thượng Đế
đã được làm chứng trong Thánh Kinh kiểm chứng và suy xét lại tín điều đó
từ cơ bản, đối tượng và nội dung của nó.
Thần học được giao cho bổn phận sống và đại diện cho đức tin của cộng
đồng tín hữu qua đặc tính của mình là fides quaerens intellectum, đức tin đi
tìm hiểu biết, một đặc tính khác biệt với sự chấp nhận mù quáng. Chắc chắn
Thần học sẽ có định kiến rằng cộng đồng tín hữu hôm qua và hôm kia đã đi
trên con đường chánh đáng hoặc ít ra cũng không đi trên con đường sai lạc.
Trên cơ bản Thần học không bất tín nhiệm truyền thống đã xác định cộng
đồng tín hữu ngày nay, nhưng tin cậy truyền thống đó. Chắc chắn Thần học
sẽ không cưỡng ép cộng đồng tín hữu phải tuân hành những điều mà Thần
học tra vấn và đề cập về truyền thống như tuân hành một sắc lệnh, nhưng
xem là những đề nghị đã được cân nhắc và đưa ra để suy nghĩ. Thần học
không được để cho một quyền lực nào trong Hội thánh, cũng không để cho
những tiếng nói, có lẽ là những tiếng nói sợ hãi giữa vòng giới tín hữu cản
trở Thần học thành tâm thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của Thần
học là phải thành thật nói lên những mối băn khoăn và những đề nghị sửa
đổi của mình về Lời phát biểu của cộng đồng tín hữu. Thần học đồng thanh
với cộng đồng tín hữu ngày nay và với các tổ phụ của mình rằng: Credo, Tôi
tin. Nhưng Thần học nói - vì sự sống còn của cộng đồng tín hữu ta phải cho
Thần học có cơ hội nói - Credo, ut intelligam, Tôi tin để tôi hiểu . Ta có ba
điểm quan trọng sau đây:
1. Trong chương trước bàn về những Nhân Chứng trực tiếp - vì trực tiếp nên
cũng mẫu mực đối với cộng đồng tín hữu và đối với công tác của cộng đồng
tín hữu - làm chứng Lời Thượng Đế, chúng ta đã mặc nhiên giả định: Cộng
đồng tín hữu cũng như Thần học đều biết ai là những Nhân Chứng, những
Kinh văn nào là "Thánh" Kinh mà cộng đồng phải đọc, phải giải thích, phải
công nhận là mẫu mực và phải kính trọng. Vì Thần học là một công tác
trong và cho cộng đồng tín hữu và cũng xuất thân từ truyền thống của cộng
động tín hữu nên Thần học thực ra biết những điểm này. Trong vấn đề này
Thần học dựa vào một tín lý quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong tất
cả các tín lý của Hội thánh, đó là tín lý về công tác sưu tầm các bản Kinh
văn mà cộng đồng tín hữu trong thế kỷ thứ nhất đã đồng tâm thực hiện.
Những bản Kinh văn đó chứng tỏ cho cộng đồng tín hữu là Lời Chứng đích
thực của các Tiên tri và các Sứ đồ. Các bậc tiền nhân thời bấy giờ đã nhận
biết, nhận ra và xưng nhận ảnh tượng và tiếng vang của Lời Thượng Đế
trong những Kinh văn đó. Cộng đồng tín hữu suốt qua các thế kỷ, cho đến
ngày nay, đều nhất trí với sự nhận biết và xưng nhận này, và nói chung đã có
những kinh nghiệm quí giá về hành động trong đức tin này. Như vậy quyển
Kanon truyền thống là một giả-thuyết-để-làm-việc mà Thần học trước nhất
phải liều lĩnh chấp nhận: vì Thần học phục vụ trong và cho cộng đồng tín
hữu nên không thể không chấp nhận hành động trong đức tin này. Nhưng:
Credo, ut intelligam, Tôi tin để hiểu. Vì vậy Thần học trong khi thực hiện
công tác đặc biệt của mình muốn nhận thấy và hiểu được điểm này: Bộ Kinh
sưu tập thuở đó và sau này được công nhận là Kanon thực sự là Thánh Kinh
đến mức độ nào. Để có thể xác nhận quyết định của truyền thống là đúng
đắn, Thần học không có cách nào khác hơn là phải nhận biết nội dung của
các bản Kinh văn, tức là phải thực hành giả-thuyết-để-làm-việc đó và phải
tra vấn các bản văn Tân và Cựu ước để xem trong đó có Lời Chứng do Lời
Thượng Đế uỷ quyền không và có đến mức độ nào. Như vậy, Thần học phải
nghiên cứu những bản văn này bằng cách đi trên vòng tròn giải nghĩa Thánh
Kinh, một việc làm đối với kiến thức của Thần học không thể nào tránh
được. Trong công tác tìm tòi này Thần học không dự liệu trước nhưng chờ
đợi sự kiện: đó là uy quyền của những bản văn này sẽ tự phát biểu về mình,
nhờ đó Thần học thấy, hiểu, nhận biết, dĩ nhiên luôn luôn chỉ từng bước một,
từng bước khác nhau, dĩ nhiên có khi cũng còn tiếp tục lần mò trong tối đen,
nhưng cũng có khi in parte pro toto, trong sự sáng rực. Như vậy, muốn tìm
hiểu Lời Chứng do Lời Thượng Đế uỷ quyền, không tìm ở đâu bằng tìm
trong quyển Kanon truyền thống, và phải tìm một cách nghiêm túc và chân
thành.
2. Sự suy tư và phát biểu của cộng đồng tín hữu có một lịch sử lâu dài, có
nhiều rối loạn và gây nhiều rối loạn. Cộng đồng tín hữu đã không luôn luôn
lưu tâm nghe rõ tiếng của Cựu và Tân ước, tức là Lời Thượng Đế được
chứng trong đó. Cộng đồng tín hữu đã không luôn luôn chống lại sự cám dỗ,
cũng nghe - và thường thì hầu như hoàn toàn chỉ nghe - nhiều loại tiếng lạ
khác. Những giáo lý, những biểu tượng và những bản Tín điều là những dẫn
chứng cho ta thấy cộng đồng tín hữu chống trả lại sự cám dỗ này để trở về
nguồn. Đó là những tín điều ghi lại đức tin của cộng đồng tín hữu chống lại
sự vô tín, mê tín và ngộ tín. Thần học sẽ không phục vụ trong và cho cộng
đồng tín hữu được nếu Thần học không quan tâm đến truyền thống, kể cả
dưới hình thức những tài liệu về cuộc chiến đấu của cộng đồng tín hữu, nếu
Thần học trong khi tìm cách đương đầu với câu hỏi về chân lý ngày nay
không chú ý đến truyền thống đó với tinh thần kính trọng và học hỏi, như
các bậc tiền bối trong những thời đại đen tối của lịch sử truyền bá Phúc âm
đã magno consensu, đa số nhất trí, định nghĩa và tuyên bố điều này là đúng
và điều kia là Anathem. Thần học sẽ có đủ cơ hội để ngạc nhiên về sự khôn
ngoan và cương quyết của những quyết định mà các bậc tiền bối đã quyết
định cho thời đại của họ và có ý nghĩa cho tất cả mọi thời đại sau này. Tuy
nhiên, điều này không có nghĩa là ta phải chấp nhận truyền thống một cách
mù quáng. Vâng Credo, tôi tin! Nhưng: Credo, ut intelligam. Thần học
không thể và không có quyền chấp nhận giáo lý, tín điều của Hội thánh thời
trước mà không thẩm định lại, không lấy Thánh Kinh, tức là Lời Thượng
Đế, đo lường lại. Và Thần học không thể chấp nhận bất cứ một tín điều nào
trong bất cứ một trường hợp nào (thí dụ như vì tín điều đó cổ xưa, phổ thông
và nổi tiếng) làm của riêng mình. Nếu câu hỏi về chân lý thực sự quan trọng
đối với Thần học thì Thần học không cần được nổi tiếng là "chánh thống"
bằng cách trung thành với truyền thống với bất cứ giá nào. Không có loại tà
giáo nào tà hơn loại "chánh thống" kiểu này! Thần học chỉ biết và thực hành
một sự trung thành. Sự trung thành này về lâu về dài có thể và muốn trở
thành sự trung thành với giáo lý của Hội thánh thuở xưa và cuộc Cải chánh
căn cứ vào intellectus fidei, vào nhận thức của đức tin.
3. Điểm cuối cùng là, chính lịch sử Thần học cũng thuộc vào truyền thống
đã xác định cộng đồng tín hữu. Ở đây ta được phép và phải giả định rằng có
một communio sanctorum. Dĩ nhiên giả thuyết này không dễ thực hiện, nhất
là ở đây. Nhưng ta phải liều lĩnh đặt giả thuyết này. Trong quá khứ, năm
mươi năm, một trăm năm trước đây, lúc còn có uy tín, Thần học cũng đã
từng liều lĩnh đặt giả thuyết này. Thông thường cộng đồng tín hữu lo sống
đúng theo những điều - bắt nguồn từ những kiến thức trong quá khứ về Chúa
- đã được phát biểu với mình trong quá khứ. Trong khi đó Thần học hi vọng
tiến thêm một bước, và những điều mà Thần học suy tư và phát biểu rằng
mình nhận biết trong hiện tại ít khi trùng hợp, hầu hết là khác hẳn, với
những điều mà các bậc tiền bối (nhất là các bậc tiền bối trực tiếp) từng suy
tư và phát biểu. Sự kiện này là một việc bình thường, vì Thần học là một
khoa học sống động. Tuy nhiên Thần học nên giữ liên hệ với Thần học của
quá khứ vì cớ chính cộng đồng tín hữu - may mắn hoặc không may mắn - và
nhất là vì cớ chính Thần học cũng xuất thân từ Thần học của quá khứ. Và
như vậy Thần học sẽ - vì credo ut intelligam - chú ý lắng nghe chính các bậc
tiền bối, sẽ nhiệt tình lý giải những suy tư của họ, không bỏ qua những vấn
đề mà họ đặt ra nhưng tiếp tục đề cập đến, luôn luôn suy tư và lưu tâm đến
những đề tài của họ, rồi chấp nhận một cách mới mẻ và cũng sửa chữa lại.
Nếu không Thần học có thể phải chịu cảnh những đứa con của ngày nay
ngày mai trở thành là những người say mê khám phá ra các bậc tiền bối
thuộc hàng ông của mình và sẽ trả thù cho các bậc tiền bối của mình. Và rồi
những công trình - những công trình này chỉ dường như đã được hoàn thành
mà thôi - bổ khuyết những yếu điểm và nhầm lẫn của quá khứ sẽ phải bắt
đầu trở lại từ đầu. Cầu xin Thượng Đế không để chúng ta rơi vào những
trường hợp này.
LINH
Chúng ta phải thẳng thắn nhận rằng: Trong ba chương vừa qua, khi bàn về vị
trí của Thần học Tin Lành, chúng ta đã liều lĩnh phát biểu những quan điểm
rất đặc biệt. Những quan điểm này thực ra rõ ràng và có thể hiểu được, có
liên quan với nhau và xác nhận lẫn nhau, nhưng nếu nhận xét toàn bộ hoặc
từng chi tiết thì những quan điểm này rõ ràng là những quan điểm không
được giả định: không được chuyển hoá từ một điểm nào ở bên ngoài phạm
vi thực thể và chân lý mà những quan điểm này đã đề cập đến, không có tiền
đề dựa vào những kết quả của khoa học phổ thông hướng về thiên nhiên, con
người, về tinh thần và lịch sử của con người, cũng không có bối cảnh dựa
vào những cơ bản triết học. Toàn bộ và mỗi một quan điểm này như vậy là
"không cha, không mẹ, không gia phả" như Mên-chi-xê-đéc trong thư Hê-
bơ-rơ. Quyền năng nào tiềm tàng trong những quan điểm này, đã xây dựng
và soi sáng những quan điểm này từ bên trong, đã cho chúng ta một chỗ
đứng để chúng ta liều lĩnh như vậy? Nói một cách khác: Làm thế nào Thần
học có thể có và giữ được một vị trí - một vị trí mà nếu từ ngoài nhìn vào ta
sẽ thấy dường như đang lơ lửng trong không khí - như đã được trình bày qua
những quan điểm này?
Chúng ta tóm tắt lại để làm nổi bật vấn đề: chúng ta đã liều lĩnh phát biểu
trong chương thứ hai ("Lời") quan điểm: Lịch sử Em-ma-nu-ên đã vươn lên
từ lịch sử Y-sơ-ra-ên và đạt đến mục tiêu trong lịch sử Chúa Cứu Thế Giê-
xu. Lịch sử đó là Lời Thượng Đế đã phán cho con người trong mọi thời đại
và mọi không gian. Lịch sử nào? Lời nào? Quyền năng nào đã xây dựng một
lịch sử như thế, và xây dựng trong lịch sử đó một Mạc khải như thế? Chúng
ta cũng đã liều lĩnh phát biểu trong chương thứ ba ("Những Nhân Chứng")
quan điểm: Có một nhóm người đặc biệt - những Tiên tri và Sứ đồ trong
Thánh Kinh - trực tiếp nghe Lời của lịch sử đó và được kêu gọi làm những
Nhân Chứng đích thực có Quyền năng cho con người trong mọi thời đại và
mọi không gian. Đó là những người như tất cả mọi người khác, nhưng có
đặc ân được nghe và được phép truyền bá. Bởi những Quyền năng nào? -
Trong chương thứ tư ("Cộng đồng tín hữu") chúng ta đã liều lĩnh phát biểu
quan điểm: Nhờ sức mạnh của Lời đã được phán ra và đặt vào trong môi
miệng của những Nhân Chứng đầu tiên, một dân tộc đã được thành hình : đó
là những Nhân chứng cấp hai, tức là cộng đồng tín hữu, cũng được chỉ định
và được ban cho khả năng truyền bá Công lao và Lời Thượng Đế cho toàn
thế giới. Nhờ Quyền năng nào mà họ có thể tồn tại và hoạt động? Như ta
thấy: Tất cả đều là những quan điểm liều lĩnh trình bày vị trí của Thần học
Tin Lành, tất cả đều có nội dung hoàn toàn Thần học, chỉ được Thần học bảo
chứng, chỉ có ý nghĩa và chỉ có thể được hiểu trong phương diện Thần học
mà thôi. Thần học là gì? Dựa theo những quan điểm về vị trí của Thần học
đã được trình bày, ta chỉ có thể định nghĩa Thần học về phương diện Thần
học mà thôi: Thần học là khoa học đi tìm sự nhận biết về Lời Thượng Đế -
Lời được phán trong Công lao của Ngài, là khoa học trong trường của Thánh
Kinh - một Thánh Kinh làm chứng về Lời Thượng Đế, là khoa học miệt mài
với câu hỏi về chân lý đã được đặt ra cho cộng đồng tín hữu - một cộng
đồng do Lời Thượng Đế kêu gọi. Như thế và chỉ như thế Thần học mới hoàn
thành định nghĩa của mình - một luận lý của con người về Logos của
Thượng Đế. Như thế và chỉ như thế Thần học mới có nền tảng, chính nghĩa
và mục đích, tuy từ ngoài nhìn vào ta thấy Thần học thực sự đang lơ lững
trong không khí. Quyền năng đó là Quyền năng - Thần học sinh tồn trong
Quyền năng đó - ẩn khuất trong những quan điểm của chúng ta về Lời,
những Nhân chứng và cộng đồng tín hữu.
Dĩ nhiên chúng ta sẽ không nói rằng: Quyền năng đó - trong những quan
điểm Thần học của chúng ta về vị trí của Thần học - do chúng ta, do chính
Thần học giả định trong một quan điểm Thần học mới. Chúng ta sẽ phản bội
tất cả, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu chúng ta quả quyết như thế. Thần học không
cần phải giả định gì hết - hướng về ngoại diện không cần giả định, mà cũng
không cần giả định từ trong nội diện - để xây dựng, biện minh và đặt mục
tiêu cho quan điểm của mình. Giả sử Thần học muốn có một giả định cho
quan điểm của mình bằng cách sản xuất một Deus ex machina, một thần
tượng từ trong máy móc, trong hình hài của một quan điểm Thần học mới,
thì điều này có nghĩa là Thần học muốn bảo vệ cho quan điểm của mình, cho
chính bản thân và cho công tác của mình, có nghĩa là Thần học tưởng mình
có bổn phận phải và có thể tự bảo vệ. Nhưng như thế là Thần học đã bán
quyền trưởng nam để đổi lấy món ăn phạn-đậu. Thần học chỉ có thể làm
việc, nhưng không thể bảo vệ việc làm của mình. Thần học chỉ có thể công
tác tốt nếu Thần học từ khước tất cả những giả định bảo vệ từ bên ngoài
cũng như từ bên trong. Điều mà ta tự giả định thì rõ ràng là ta đã có. Nếu
như Thần học giả định một Quyền năng để mang vác những quan điểm của
mình và chính bản thân mình, như toán học giả thiết những định đề để chứng
minh cho những định lý của mình, thì điều đó có nghĩa là Thần học có quyền
hành trên Quyền năng đó, có thể dùng Quyền năng đó để bảo vệ mình, hoặc
có thể xếp nó vào nhiệm vụ canh gác. Nhưng một Quyền năng dưới quyền
của Thần học sẽ không thể là một Quyền năng có khả năng mang vác Thần
học và các quan điểm của Thần học được, nhưng sẽ tương tự như bím tóc
của Muenchhausen, người tưởng có thể dùng bím tóc của chính mình để tự
kéo mình ra khỏi bãi lầy.
Vì thế chúng ta đề cập đến một Quyền năng ẩn khuất trong những quan điểm
này, không chỉ ẩn tàng đối với môi trường chung quanh, nhưng cũng ẩn tàng
đối với cộng đồng tín hữu và đối với Thần học đang phục vụ trong cộng
đồng tín hữu. Quyền năng không thể bị nắm giữ, không thể bị sở hữu.
Quyền năng này là Quyền năng hiện diện và tác động trong những điều mà
quan điểm của Thần học đề cập đến, trong lịch sử Cứu rỗi và Mạc khải,
trong sự lắng nghe và truyền bá của những Nhân chứng Thánh Kinh, trong
sự sinh tồn và hoạt động của cộng đồng tín hữu, trong công tác của Thần
học. Đó là Quyền năng ở trên Thần học. Quyền năng mang vác và chuyển
động toàn bộ: từ lịch sử Em-ma-nu-ên cho đến những câu chuyện nho nhỏ;
Thần học cũng sinh tồn trong công tác thuật lại những câu chuyện nho nhỏ
này. Quyền năng cũng cấm cản những giả định điên dại xuất hiện trong khi
kể lại những câu chuyện nho nhỏ này, nhất là cái giả định lấy chính Quyền
năng làm đối tượng. Quyền năng làm cho tất cả những sự tự giả định trở
thành thừa thải vì - trên một phương diện - đó là Quyền năng sáng tạo sự bảo
vệ thay thế cho tất cả các phương tiện bảo vệ khác. Vâng, Quyền năng này
sáng tạo bảo vệ, nhưng cũng vì Quyền năng sáng tạo nên tác động đến nỗi
ngay cả một bậc thầy Thần học vĩ đại nhất cũng không thể chơi đùa với
Quyền năng như chơi đùavới một con cờ tốt nhất của mình, làm như thể
mình biết và có thể sử dụng khả năng của Quyền năng, có thể giám thị được
nguồn gốc, hiệu lực và giới hạn của Quyền năng. Nhà Thần học không thể
nắm Quyền năng trong tay. Quyền năng không phải là một quan điểm mới
mà nhà Thần học có thể chủ trương hoặc không chủ trương tùy theo nhu cầu
và sở thích. Nhưng nhà Thần học sẽ được hạnh phúc nếu vừa ấp ủ công tác
của mình vừa nghe tiếng Quyền năng chuyển động, để cho Quyền năng xác
định, hướng dẫn và kiểm soát quan điểm của mình. Nhà Thần học không
biết Quyền năng "từ đâu đến, và còn đi đâu". Người chỉ có thể đi theo công
trình của Quyền năng, nhưng không thể đi trước. Người có thể để cho Quyền
năng kiểm soát suy tư và phát biểu của mình, chứ không thể ngược lại.
Quyền năng đã và đang tác động uy nghi trong biến cố của lịch sử Em-ma-
nu-ên, uy nghi nơi và trong các Tiên tri và Sứ đồ, uy nghi trong sự tập họp,
xây dựng và sai phái cộng đồng tín hữu. Quyền năng ẩn tàng trong những
quan điểm Thần học diễn đạt và giải thích tất cả mọi điều uy nghi như thế,
như chúng ta đã liều lĩnh trong ba chương vừa qua. Vì thế không lạ gì nếu
chúng ta từ bên ngoài nhìn vào thấy những quan điểm này dường như vừa lơ
lửng trong không khí vừa kêu gào xin được bảo vệ.
Chúng ta nhận xét như vậy chỉ từ bên ngoài thôi sao? Và chúng ta thấy
những quan điểm này dường như chỉ lơ lửng thôi sao? Ở đây chúng ta phải
tiếp tục suy nghĩ để gọi đúng tên của Quyền năng này. Phải chăng từ ngữ "lơ
lửng trong không khí" chỉ biểu thị đặc tính của Thần học ở ngoại diện, và
đây chỉ là một giả định mà thôi? "trong không khí" có thể có nghĩa là: không
khí chuyển động, tươi mát, trong lành, khác với không khí trong phòng,
đứng yên, không nguy hại nhưng ngột ngạt. Và "lơ lửng" có thể có nghĩa là
không bị những vật bảo vệ mình ràng buộc cản trở, nhưng được không khí
chuyển động này chuyển động, mang vác và đưa đẩy. Ta còn muốn gì hơn
nữa? Đặc điểm của Thần học là được không-khí-chuyển-động-và-làm-
chuyển-động này mang vác và đưa đẩy, và quan trọng là lấy bầu không khí
này làm không gian nguyên thuỷ của mình để sinh tồn. Đây phải là đặc điểm
của Thần học, nhất là vì sự chuyển động và được chuyển động trong không
khí cũng là vị trí nguyên thuỷ của cộng đồng tín hữu, một cộng đồng sống
nhờ Lời Thượng Đế, và ở trên là vị trí của những Nhân chứng đã nghe trực
tiếp và truyền bá Lời Thượng Đế, và ở trên nữa: cũng là vị trí mà lịch sử
Em-ma-nu-ên - Công lao Thượng Đế - trở thành Lời Thượng Đế. Tất cả
những điều này xảy ra trong phạm vi của không-khí-chuyển-động-và-làm-
chuyển-động này, của ngọn gió thoảng hoặc gió táp, của spiratio, thổi, và
inspiratio, hà hơi. Theo Thánh Kinh spiratio và inspiratio là Quyền năng của
Thượng Đế tự bày tỏ mình một cách tự do cho con người, bày tỏ con người
cho chính mình và như vậy làm cho con người được tự do cho Ngài.
Ruach và Pneuma là từ Thánh Kinh nói về Quyền năng tác động uy nghi
này. Cả hai, Ruach và Pneuma, đều có nghĩa là: không khí, hơi thở, gió
chuyển động và làm chuyển động. Từ La-tinh Spirit và tiếng Pháp Esprit có
thể giúp ta nhận thấy rõ ràng ý nghĩa này. Từ Ghost trong tiếng Anh - quá
giống từ Spooks, ma quỉ - không diễn tả được ý nghĩa này. Rất tiếc từ Geist
trong tiếng Đức không thể cho ta thấy được năng lực của từ này trong Thánh
Kinh. Chúng ta sử dụng từ này trong ý nghĩa như sau: "Linh của Chúa ở đâu,
sự tự do ở đó" (II Cô-rinh-tô 3:17). Đó là sự tự do của Thượng Đế tự mạc
khải cho con người và mạc khải con người cho mình và như vậy làm cho
con người được tự do cho Ngài. Đấng làm điều này là Linh, là Chúa, là
Thượng Đế. Cũng có những linh khác do Thượng Đế tạo dựng nên một cách
tốt lành như linh thiên nhiên ban cho con người, nhưng cũng có tà linh, linh
của sự hư không làm sai lạc, hỗn loạn mà ta phải diệt trừ. Những linh này
không phải là Quyền năng uy nghi. Không có một loại nào trong số những
linh này, kể cả linh tốt lành nhất, mà ta có thể nói rằng, hễ Linh ở đâu thì sự
tự do ở đó. Ta có thể khảo sát tất cả những linh này: khảo sát về hướng di
động, về căn nguyên từ trên hoặc từ dưới, nhất là những linh này luôn luôn
khác biệt với Linh tác động sự tự do của con người trong sự tự do của
Thượng Đế. Bản Tín điều Nicae gọi Linh là "Chúa Thánh Linh, là Chúa, là
Đấng tạo dựng sự sống", là "Đấng đến từ Cha và Con phải được thờ phượng
và ca ngợi cùng Cha và Con". Điều này hàm ý rằng: Linh chính là Thượng
Đế, là Thượng Đế Cha và Con và là Đấng Tạo Hoá, nhưng cũng là Đấng
Hoà giải, là Chúa của Giao ước hành động, bây giờ đã sống, đang sống và sẽ
sống chẳng những ở giữa nhưng cũng ở trong con người qua Quyền năng soi
sáng của hành động của Ngài. Linh đó là không khí chuyển động và làm
chuyển động; trong không khí đó con người - tức là những người được Ngài
nhận biết và nhận biết Ngài, những người được Ngài kêu gọi và vâng phục
Ngài, những con cái của Ngài được sinh thành hoàn toàn vô điều kiện qua
Lời của Ngài - được phép sống, suy tư và phát biểu. Đó là cách Ngài đã hà
"sinh khí" - dựa theo câu chuyện thứ hai về công cuộc sáng tạo trong Thánh
Kinh - vào con người. Đó là cách Ngài đã, diễn đạt theo bản Tín điều Nicae,
"phán qua các Tiên tri". Đó là cách Giăng Báp-típ đã thấy Ngài giáng xuống
ở sông Giô-đanh trên Đấng hoà mình với tội nhân nhận lễ Báp-tem về sự ăn
năn. Đó là cách Ngài - conceptus de spiritu sancto, được hoài thai bởi Thánh
Linh - là nguồn cội của sự hiện hữu của Con Ngài trong thế giới con người,
là nguồn gốc của chức vụ Sứ đồ là chức vụ truyền bá về Đấng đó, và như
vậy là nguồn cội của cộng đồng tín hữu của Ngài. Sách Công vụ các Sứ đồ
tường thuật rằng "thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào và
đầy khắp nhà môn đệ ngồi" - với kết quả là các môn đệ nói và có thể nói cho
tất cả mọi người xa lạ xuất xứ từ tất cả mọi nước khác nhau đang có mặt tại
đó có thể hiểu trực tiếp về hành động vĩ đại của Thượng Đế. Mặc dầu người
ta tưởng các môn đệ đang say sưa, nhưng kết quả của cái spirare và inspirare
này là ba ngàn người đã chấp nhận Lời. Chính Linh - Thượng Đế là Linh,
Chúa là Linh - đã và đang tác động cho đến ngày nay để sự chiếm hữu, sự
khích lệ và Lời Chứng của Ngài về "những điều trong Thượng Đế" và về
"những điều Thượng Đế ban cho chúng ta", để Quyền năng của Ngài, một
Quyền năng khơi dậy và sinh thành Lời xưng nhận: "Giê-xu là Chúa!" có thể
thực hiện được. Sự hiện hữu và tác động của Linh đã và đang tạo điều kiện
để toàn thể giới tín hữu Chúa Cứu Thế trên thế giới cũng như mỗi một cá
nhân tín hữu trở thành và thực sự trở thành những Nhân chứng tin, yêu và hi
vọng của Lời. Chắc chắn Linh thực hiện điều này, và chỉ một mình Linh
thực hiện điều này mà thôi. Khi Linh hoạch định và tác động, không ai có
thể cưỡng lại được; nếu ai cưỡng lại thì phạm một tội không thể tha thứ
được. "Ai không có Linh của Chúa Cứu Thế thì người đó không thuộc về
Ngài" (Rô-ma 8:9).
Dĩ nhiên Thần học Tin Lành chỉ có thể trở thành và thực sự trở thành một
khoa học khiêm tốn, tự do, phê bình khách quan của Thượng Đế của Phúc
âm trong phạm vi Quyền năng của Linh, trở thành Thần học Thánh Linh: chỉ
nhờ lòng quả cảm dám tin cậy rằng Linh là chân lý. Làm thế nào mà Thần
học trở thành Thần học, một luận lý của con người về Logos của Thượng
Đế? Câu trả lời là: Thần học không bao giờ có thể trở thành Thần học.
Nhưng Thần học có thể có kinh nghiệm Linh đến với mình và trên mình, rồi
Thần học không từ khước Ngài và cũng không cầm quyền trên Ngài, nhưng
sung sướng đi theo Ngài. Một Thần học phi Thánh Linh, dù ở trên toà giảng
của nhà thờ hoặc trên bục giảng của nhà trường, dù trên trang giấy in hoặc
trong những "cuộc nói chuyện" của những nhà Thần học già và trẻ, là một
trong những yếu tố đáng sợ nhất trên trái đất này: so với loại thần học này,
hậu quả của những bài báo chính trị độc hại nhất, của những tiểu thuyết hoặc
phim ảnh đồi trụy nhất cũng còn ít xấu xa hơn. Thần học trở thành phi
Thánh Linh khi Thần học rời khỏi bầu không khí trong lành của Linh Chúa -
vì chỉ trong bầu không khí đó Thần học mới có thể phát triển mà thôi - và để
bị dồn vào những căn phòng hầm hơi, trong đó Thần học tự động và tự cơ
bản bị ngăn cản trở thành và làm cái mà Thần học có thể, có phép, phải là và
phải làm. Điều này có thể xảy ra cho Thần học qua hai cách:
Thần học có thể - dù ấu trĩ hoặc tiến bộ nhất, bảo thủ hoặc hiện đại nhất,
được chủ xướng với một sự hăng hái ít hoặc nhiều, minh mẫn, sùng đạo, và
chắc chắn thỉnh thoảng cũng nhắc nhở đến vấn đề Thánh Linh - không có
lòng quả cảm và tin cậy để an tâm tận hiến thân cho Đấng soi sáng, nhắc
nhở và an ủi mình, từ chối không để Ngài hướng dẫn đi vào toàn bộ chân lý,
không chịu - qua nghiên cứu, suy tư và giảng dạy - dâng vinh quang cho
Ngài là Linh của Cha và Con, là Đấng được ban xuống trên tất cả mọi loài
xác thịt, và cũng ban xuống cho Thần học nữa. Thế là Thần học cảm thấy rất
sợ Linh, rồi làm như ngu dại, rồi cư xử như mình hiểu biết nhiều hơn đến
nỗi trở thành ương ngạnh đối với Linh. Rồi Thần học biết rằng, nếu để cho
Linh chuyển động thì sẽ gặp hiểm hoạ quá khích. Thế là Thần học vừa di
động vừa nhảy vòng tròn dựa vào lịch sử hoặc tâm lý, lý trí hoặc luân lý,
truyện huyễn hoặc giáo điều, trong khi đó ở "chung quanh là đồng cỏ xanh
tươi"*. Với cung cách nêu câu hỏi và trả lời câu hỏi về chân lý như thế,
Thần học chắc chắn không thể phục vụ và giúp đỡ cho cộng đồng tín hữu.
Trái lại, giống như các môn đệ của Giăng ở Ê-phê-sô không biết rằng có một
Thánh Linh, Thần học mở toang cả cổng lẫn cửa để tiếp đón những tà linh
khác lạ đến làm rối loạn và phá hại cộng đồng tín hữu. Sự phê bình, chế
nhạo và tố cáo của con người chắc chắn không thể giúp đỡ Thần học được,
chỉ có chính Linh mới có thể giúp đỡ mà thôi: đó là Thánh Linh, là Chúa, là
Đấng sáng tạo sự sống, là Đấng chờ đợi Thần học - cũng như cộng đồng tín
hữu - tiếp rước, chờ đợi Thần học thờ phượng và cảm tạ Ngài một cách xứng
đáng qua sự thay đổi cung cách của mình, và chờ đợi để làm cho những
quan điểm chết - chết vì không có Linh, dù có chính xác đến mức độ nào -
trở thành sống động và trở thành những ngọn đèn soi sáng.
Cách thứ hai là: Thần học biết quá nhiều vì thế cũng có nghĩa là không biết
gì hết về Quyền năng của sự sống của Linh - một Quyền năng mà giới tín
hữu của Chúa Cứu Thế và mỗi cá nhân tín hữu cũng như chính Thần học
không thể thiếu được. Thần học dường như quên rằng gió thổi đi đâu tùy ý
gió, rằng hiện tại và hoạt động của Thần học là ân sủng của Thượng Đế ban
cho. Thượng Đế luôn luôn tự do, luôn luôn trội hơn, luôn luôn tận hiến vô
điều kiện và vô giới hạn. Thần học tưởng có thể đối xử với Linh như thể
mình có thể thuê mướn hoặc sở hữu được Linh, như thể Linh là một sức
mạnh thiên nhiên được con người khám phá ra, được điều chỉnh và được sử
dụng, như nước, lửa, điện, nguyên tử lực và những loại tương tự. Như một
Hội thánh ngu dại giả định Linh hiện diện và tác động trong Hội Thánh vì cớ
Hội Thánh hiện hữu, có các chức vụ, các thánh lễ, các lễ phong chức, các lễ
đăng quang và các lễ xá tội của mình, cũng vậy, một Thần học ngu dại giả
định rằng Linh là tiền đề - mà mình quen biết và sở hữu - cho quan điểm của
mình. Một linh được giả định chắc chắn không phải là Thánh Linh, và cũng
thế, một thần học giả định Linh chỉ có thể là Thần học phi Thánh Linh.
Thánh Linh là Quyền năng của sự sống - một Quyền năng thương xót vô
điều kiện, là Quyền năng của cộng đồng tín hữu cũng như của Thần học.
Thần học luôn luôn cần Thánh Linh. Chỉ có Thánh Linh mới có thể giúp đỡ
Thần học phi Thánh Linh trong ý nghĩa này: giúp đỡ bằng cách thương xót
ban cho Thần học dần dà ý thức được sự tự giả định của mình để rồi từ đó
Thần học sẽ thở dài, kêu gào, cầu nguyện với Ngài: “Veni, creator Spiritus! -
Ôi Linh, Đấng Tạo hoá, xin đến!”, "Ôi, Linh của sự sống, xin đến!"** Và từ
đây , chỉ từ đây mà thôi, Thánh Linh sẽ hiện diện và tác động một cách mới
mẻ. Nếu kiên trì cầu xin như thế thì ngay cả Thần học tốt nhất cũng không
thể lớn hơn hoặc tốt hơn lời cầu xin này. Cuối cùng Thần học chỉ có thể
đứng ở chỗ của một thiếu nhi không có bánh lẫn cá, nhưng có một Cha, là
Đấng có cả bánh lẫn cá và sẽ ban cho các em thiếu nhi khi các em cầu xin
Ngài. Thần học Tin lành giàu có trong sự nghèo nàn cùng cực của mình:
nghèo nàn, vì được mang vác và gìn giữ trong tình trạng hoàn toàn vô giả
định của mình; giàu có, vì được mang vác và gìn giữ, vì Thần học nắm lấy
Lời hứa, bám chắc Lời hứa mà không nghi ngờ cũng không tự phụ, không
dựa vào bản thân mình nhưng dựa vào "Linh dò xét tất cả mọi sự, cũng dò
xét chiều sâu của Thượng Đế".
_______
* Trích trong tác phẩm Faust của Goethe, phần I
* * Tựa một bản Thánh ca của Heinrich Held, 1658

NGẠC NHIÊN
Trong những chương trước chúng ta đã bàn về vị trí của Thần học, nhưng có
thể Thần học đối với chúng ta vẫn chưa phải là một yếu tố cụ thể trong cuộc
sống của con người mà chỉ là một đồ hình trừu tượng, một bản chất, tương
tự như các bức tượng của những cô gái đồng trinh vô danh, khôn có dại có,
tất cả đều được tạc bằng đá trên một số các mặt tiền của các Nhà Thờ thời
Trung cổ. Ta không có quyền dừng lại ở ấn tượng này. Thần học Tin Lành
luôn luôn là một lịch sử xảy ra trong thịt và máu, trong sự hiện hữu và hành
động của con người, của nhà Thần học - trong ý nghĩa hạn hẹp lẫn rộng rãi
của từ "nhà Thần học" này. Ở đây chúng ta phải lưu tâm đến nhà Thần học,
nghĩa là lưu tâm đến câu hỏi làm thế nào Thần học - như ngày nay người ta
thường nói - đến với một người, đối diện với người đó rồi đi vào người đó,
qua người đó chấp nhận một hình hài cụ thể. Sau đây chúng ta - với một thái
độ kính trọng nhưng không mến yêu đối với các thần tượng của triết học
hiện đại - đề cập đến những yếu tố "sinh tồn" của Thần học Tin Lành. Cũng
như khi tìm cách xác định vị trí của Thần học, chúng ta sẽ thực hiện công tác
này dựa vào các vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn thứ nhất và ở ngoài nhất có
tên là "Ngạc nhiên”.
Nếu một người có liên hệ ít nhiều đến Thần học mà không cảm thấy ngạc
nhiên hoặc sau một thời gian không còn ngạc nhiên nữa, nếu một người
thành tâm hiến mình cho công tác Thần học mà không cảm thấy mỗi ngày
một ngạc nhiên nhiều hơn, người đó nên suy nghĩ lại một cách khách quan
về công tác này, để sự ngạc nhiên có thể sẽ đến hoặc đến lại với người đó,
và rồi người đó sẽ không bao giờ hết ngạc nhiên nhưng càng ngày càng ngạc
nhiên hơn. Giả sử sự ngạc nhiên vẫn còn hoàn toàn xa lạ hoặc trở thành xa lạ
đối với người đó (một trường hợp hầu như không bao giờ có) thì tốt hơn - tốt
hơn đối với người đó và tốt hơn đối với công tác này - người đó nên hiến
mình cho những công tác khác thay vì cho Thần học.
Nếu Thần học là và luôn luôn muốn trở thành một khoa học khiêm tốn, tự
do, phê bình khách quan và vui mừng thì bước đầu của toàn bộ các nhận
thức, nghiên cứu và suy tư Thần học - và nhất là bước đầu của mỗi một Lời
Thần học - phải là một sự ngạc nhiên đặc biệt. Nếu thiếu ngạc nhiên, toàn bộ
công tác Thần học, kể cả Thần học của nhà Thần học trứ danh nhất, cũng sẽ
trở thành bịnh hoạn từ gốc rễ. Ngược lại, nếu một nhà Thần học tuy tầm
thường nhưng còn có khả năng ngạc nhiên, nếu người đó được trang bị bằng
sự ngạc nhiên, thì người đó còn có thể hoàn tất trách nhiệm và bổn phận của
mình.
Nói một cách tổng quát, một người ngạc nhiên khi tiếp xúc với một sự việc
xảy ra một cách vô hình hoặc tự nhiên nhưng chưa từng "xảy ra" với người
đó, đối với người đó còn tạm thời dị thường, kỳ lạ, mới mẻ. Người đó tạm
thời không biết sắp xếp sự việc này vào trong kiến thức của mình như thế
nào mà chỉ có thể tra vấn về căn nguyên và bản thể của sự việc đó mà thôi.
Ý nghĩa này trùng hợp khái niệm thaumazein của phái Socrat, là ngạc nhiên
nhưng lưu tâm, muốn tìm hiểu. Sự ngạc nhiên đó là nguồn gốc của tất cả
mọi khoa học đích thực. Khái niệm ngạc nhiên mà chúng ta đang đề cập đến
cũng có ý nghĩa đó, cũng chỉ về ước muốn tìm hiểu vì ngạc nhiên và lưu
tâm. Tuy nhiên ngạc nhiên ở đây đi xa hơn sự kinh ngạc và tra vấn tạm thời
về một sự việc chỉ tạm thời dị thường, xa lạ, mới mẻ để rồi hoặc sớm hoặc
muộn trong tiến trình phát triển của khoa học có thể cũng sẽ trở thành bình
thường, quen thuộc, cũ kỹ. Ngạc nhiên như vậy sẽ làm cho con người hết
ngạc nhiên, sẽ cho phép con người quan tâm đến những sự việc lúc đầu đáng
ngạc nhiên nhưng sớm muộn rồi cũng sẽ không còn đáng ngạc nhiên nữa. Sự
ngạc nhiên đến với một người hiến thân cho Thần học là một loại ngạc nhiên
khác. Cái ngạc nhiên này cũng thúc đẩy con người kinh ngạc và đòi hỏi con
người học hỏi. Nhưng ở đây ta không thể nói được rằng một ngày kia người
đó sẽ học xong, rằng đối với người đó điều dị thường sẽ trở thành bình
thường, điều mới mẻ sẽ trở nên cũ kỹ, việc xa lạ sẽ trở thành thân quen. Nếu
làm được điều này thì người đó hoặc là chưa từng bước vào Thần học hoặc
đã rời khỏi Thần học ra đi. Sự ngạc nhiên này, nguồn gốc ưu việt của Thần
học, sẽ không bao giờ thải hồi người đó. Đối tượng của sự ngạc nhiên sẽ
không bao giờ gặp gỡ người đó như những sự việc bình thường, nhưng luôn
luôn gặp gỡ ở trên biên giới của toàn bộ kiến thức của người đó. Ở đây tiến
trình phát triển của khoa học chỉ có thể có nghĩa là kinh ngạc và tra vấn khi
đối diện với đối tượng của sự ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên không bao giờ để
cho người đó ra đi ở trong bất cứ một phương diện nào, nhưng càng ngày
càng có ưu thế trên người đó. Nếu người đó thực sự có kinh nghiệm ngạc
nhiên này thì người đó sẽ trở thành một người ngạc nhiên tột độ, ngạc nhiên
không ngừng.
"Ngạc nhiên" phát xuất từ "phép lạ”. Hễ ai hiến mình cho Thần học thì
người đó sẽ hiến mình từ đầu đến cuối cho phép lạ - tức là cho những sự
kiện xảy ra trong hiện tại và trong tác động của những sự việc hoàn toàn
mâu thuẫn. Thần học không chỉ là nhưng cũng cần phải là luận lý về phép lạ.
Nếu Thần học hổ thẹn vì không thể sắp xếp đối tượng của mình vào đâu, nếu
Thần học từ khước đối diện với vấn đề mà phép lạ đặt ra thì Thần học sẽ hết
là Thần học.
Những câu chuyện phép lạ trong Thánh Kinh, những câu chuyện làm chứng
về Công lao và Lời Thượng Đế, đóng một vai trò rất quan trọng. Dựa vào ý
nghĩa đặc biệt của Thánh Kinh, ta có thể tạm định nghĩa "phép lạ" là những
sự việc xảy ra trong không gian và thời gian nhưng không dựa theo qui luật
nhân quả - một qui luật phổ thông, quen thuộc và được mọi người công
nhận. "Phép lạ" có một không hai. Kiểm chứng "lịch sử" - theo ý nghĩa hiện
đại của từ ngữ này - những "phép la" hầu như chỉ nhằm xác định và công bố
rằng, Thánh Kinh đã thuật lại những sự kiện mâu thuẫn ở những chi tiết lịch
sử quen thuộc. Những câu chuyện về những sự kiện này là một phần trong
toàn bộ Lời Chứng Thánh Kinh về lịch sử của Giao Ước ân sủng. Ta sẽ xúc
phạm đến Lời Chứng Thánh Kinh và Nội Dung của Thánh Kinh nếu ta rút
gọn những điều Thánh Kinh thuật lại thành những sự kiện khác, nghĩa là
thành những sự kiện "tự nhiên, có thể giải thích được", xảy ra theo đúng qui
luật nhân quả quen thuộc, hoặc nếu ta làm như thể những sự kiện mà Thánh
Kinh thuật lại không hề xảy ra, hoặc nếu ta suy diễn rằng đó là những sự
kiện tượng trưng cho sự kiện vô hình có thực, phát xuất từ cường độ của đức
tin ngạc nhiên của những Nhân chứng Thánh Kinh. Thần học không thể tồn
tại trong trường hợp thứ nhất lẫn trong trường hợp thứ hai lẫn trong trường
hợp thứ ba. Thần học không thể để bị đẩy từ câu hỏi về Công lao và Lời
Thượng Đế được phản ảnh trong Lời Chứng Thánh Kinh, như đã được chép
trong Thánh Kinh, sang câu hỏi về khả năng tiếp thu sứ điệp của Lời Chứng
đó. Đó không phải là câu hỏi về chân lý, nhưng là con đường dẫn vào chỗ
chết. Thần học phải đối diện với nhiệm vụ cần thiết là cho dù ta luôn luôn
suy tư và diễn đạt "một cách lịch sử" như các sử gia và coi những câu
chuyện phép lạ là những chuyện cổ tích hoặc hoang đường đi nữa, ta - nếu
cũng suy tư một cách lịch sử - không thể phủ nhận sự hiện hữu của những
câu chuyện phép lạ trong toàn bộ Lời Chứng Thánh Kinh.
Trước hết về phương diện hình thức, những câu chuyện phép lạ tác dụng
như những tín hiệu báo động, Tân Ước gọi là "dấu hiệu". Những dấu hiệu
này nằm rải rác trong suốt cả lịch sử Em-ma-nu-ên, lúc nhiều, lúc ít, và làm
cho người nghe lẫn người đọc lưu ý rằng: lịch sử Em-ma-nu-ên liên quan
đến một biến cố hoàn toàn mới lạ sẽ xảy ra trong không gian và thời gian,
không tương tự cũng không tiếp nối những sự kiện khác đã và đang xảy ra,
nhưng là một biến cố bộc phát từ trung tâm của lịch sử đó. Như vậy biến cố
mới lạ này xảy ra qua Lời đã và đang được phán trong lịch sử Em-ma-nu-ên.
Đó là một Lời hoàn toàn mới lạ trong không gian và thời gian, không thể so
sánh với tất cả những lời khác, nhưng chỉ có thể nghe được trong lịch sử đó
mà thôi. Những câu chuyện phép lạ trong Thánh Kinh rõ ràng là những dấu
hiệu về một biến cố hoàn toàn mới lạ chứ không phải là những sự việc phá
đổ trật tự thiên nhiên nên có thể kích thích một sự ngạc nhiên thực sự và
chính đáng. Những ai đã hiến thân cho Thần học cũng đều không thể thoát
khỏi sự ngạc nhiên này được.
Nhưng sự kiện mới lạ nào được báo trước trong những câu chuyện phép lạ
này? Ngạc nhiên tự nó còn có thể là kinh ngạc vì hiếu kỳ, khó hiểu về một
portentum, một điềm lạ, và về một stupendum, một việc phi thường. Những
lời: "Hãy đứng dậy, vác giường con mà đi!", "Hỡi tà linh, hãy ra khỏi!", lời
phán với bão tố: "Hãy yên đi, lặng đi!", lời phán: "Các con hãy cho họ ăn!"
trước cảnh năm ngàn người đói khát trong đồng hoang, lời: "Hỡi La-xa-rơ,
hãy ra đây!", lời: "Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi!" chỉ dẫn ta đi
đến đâu? Theo Lời Chứng Thánh Kinh, những định luật nguyên thuỷ của
thiên nhiên và thế giới đang đe doạ và áp chế con người đã bị thay đổi hoàn
toàn sau những lời phán đó, nhờ vậy mà con người được giúp đỡ và được
cứu. Sau những lời phán đó luôn luôn có những Lời hứa và dấu hiệu về một
thiên nhiên được cứu, một sự tự do ổn định, một thế giới sinh động không
còn có đau khổ, nước mắt, tiếng kêu la và không còn có kẻ thù cuối cùng là
cái chết nữa. Luôn luôn có một sự sáng lớn chiếu sáng trong những ngọn
đèn nho nhỏ đem lại nguồn hi vọng cho con người trong hiện tại. Luôn luôn
có lời khuyến khích: "Các con hãy ngẩng đầu lên, vì sự cứu rỗi của các con
đã đến gần!". Sự sáng hi vọng chiếu sáng. Đó là biến cố mới lạ cụ thể và là
điểm mâu thuẫn thực sự của những câu chuyện phép lạ trong Thánh Kinh.
Tuy nhiên, những câu chuyện này chỉ là một yếu tố mà thôi, nhưng lại là yếu
tố không thể thiếu và không thể không thấy được của Lời Chứng Thánh
Kinh về lịch sử Em-ma-nu-ên. Lịch sử Em-ma-nu-ên sinh tồn không phải vì
những câu chuyện này xảy ra trong diễn tiến của mình. Để báo hiệu về một
trời mới và đất mới lịch sử Em-ma-nu-ên chỉ mạc khải bằng biến cố mới lạ
và bằng toàn bộ lời an ủi của mình mà thôi. Những câu chuyện này chỉ là
những dấu hiệu của biến cố mới lạ - một biến cố phát xuất từ lịch sử Em-ma-
nu-ên, đang diễn biến và tiến đến mục tiêu của mình - chứ không phải chính
là biến cố mới lạ. Biến cố mới lạ vì thế không phải là nước thành rượu trong
đám cưới ở Ca-na, không phải là trang thiếu niên được giao trả lại cho người
mẹ đang than khóc tại Na-in, không phải là thực phẩm làm no nê năm ngàn
người trong đồng hoang, không phải là biển Ga-li-lê bỗng nhiên yên tĩnh
như tờ, cũng không phải là sự đồng trinh của mẹ Chúa Giê-xu và cũng
không phải là ngôi mộ trống trong vườn của Giô-sép người quê ở A-ri-ma-
thê. Không một câu chuyện nào trong những câu chuyện này là biến cố mới
lạ làm cho những người hiến mình cho Thần học có thể thực sự ngạc nhiên
được. Người vô thần có thể lắc đầu ngạc nhiên về những điều này. Sự ngạc
nhiên đó - do những dấu hiệu này kích thích - mở ra cho con người thấy một
thiên nhiên và một thế giới khác, tốt hơn, cũng có thể làm con người không
nhìn thấy được biến cố mới lạ thực sự và quan trọng mà Lời Chứng Thánh
Kinh đề cập đến. Biến cố mới lạ thực sự và quan trọng là Người mới. Theo
Lời Chứng Thánh Kinh, Người mới hành động giữa mọi người khác, làm
Chủ, làm tớ, làm người đứng ra bảo lãnh cho tất cả mọi người. Qua hành
động của mình Người mới truyền bá chính bản thân mình, sự công chính, án
phạt của Thượng Đế, và mạc khải vinh quang của Ngài. Biến cố mới lạ
chính là Ngài, là ánh sáng hi vọng lớn đã đến và sẽ đến, đã từng soi sáng tạm
thời qua những ngọn đèn nho nhỏ. Biến cố mới lạ là sự giải hoà đã được báo
trước trong Cựu Ước, được xảy ra qua Người Đó trong Tân Ước, là sự giải
hoà của con người với Thượng Đế, tức là sự hoàn thành và trọn vẹn của
Giao ước giữa Thượng Đế và con người. Biến cố mới lạ là tình yêu, là ân
sủng vô điều kiện, là tình thương vô bờ bến. Qua biến cố mới lạ Thượng Đế
đã chấp nhận Y-sơ-ra-ên, người chiến sĩ chống lại Thượng Đế, và chấp nhận
toàn thể nhân loại phiến loạn và đồi truỵ. Thượng Đế chấp nhận con người
bằng cách thực hiện ý muốn bất diệt của Ngài, không phải bằng một ý tưởng
mà con người có thể biết và hiểu được, nhưng cụ thể qua hành động xảy ra
trong không gian và thời gian, bằng cách Lời Ngài trở thành xác thịt, trở
thành xác thịt bần hàn, tội lỗi như xác thịt của chúng ta, để qua xác thịt đó
Ngài chiến thắng, mang đi và tiêu diệt tội lỗi thay cho chúng ta và cho chúng
ta. Chính tội lỗi đã ngăn cách chúng ta với Thượng Đế, cũng là nọc độc của
sự chết, là yếu tố cũ của thiên nhiên và thế giới cũ của chúng ta. Biến cố mới
lạ là Danh Thượng Đế được thánh qua Con Người này, qua sự vâng phục, sứ
mạng, sự sống và cái chết của Ngài, là Nước Thượng Đế qua Ngài được đến,
đã được thiết lập và tác động, là Ý Thượng Đế qua Ngài được nên ở dưới đất
cũng như trên trời. Biến cố mới lạ là con đường qua Ngài được mở ra cho tất
cả mọi người; đó là một con đường dành cho tất cả mọi con cái có thể đến
cùng Cha qua Quyền năng của sự sống của Thánh Linh. Tóm lại, theo Lời
Chứng Thánh Kinh, biến cố mới lạ là Lịch sử Chúa Giê-xu Cứu Thế, một
lịch sử đã kết thúc lịch sử Y-sơ-ra-ên. Ngài, Đấng Cứu Rỗi, đã đến! Ngài
chính là phép lạ thực sự và quan trọng, là phép lạ của tất cả các phép lạ, là
Đấng mà người hiến mình cho Thần học phải đối diện, là biến cố kỳ diệu vô
cùng khiến con người - bằng cách trở thành quen thuộc với con người và
được con người nhận diện - trở thành con người ngạc nhiên, khiến con người
cần thiết ngạc nhiên từ trong nơi sâu thẳm, ngạc nhiên hoàn toàn và ngạc
nhiên không ngừng.
Điều này có nghĩa là, ta không thể trở thành và không thể là nhà Thần học
nếu không luôn luôn ngạc nhiên về chính mình. Điểm cuối nhưng không
kém quan trọng: Ta phải trở thành bí ẩn và mầu nhiệm đối với chính mình.
(Bị chú: Ngay cả với những nhà Thần học bán chính thức và với các nhà
Thần học tài tử cũng vậy. ) Tôi là ai mà dám làm một nhà Thần học? Giả sử
tôi sinh trưởng trong một gia đình gia giáo nhất, vốn là một đứa trẻ giỏi nhất,
ngay từ khi biết suy nghĩ tôi đã từng thông hiểu Thánh Kinh như Ti-mô-thê,
giả sử tôi vừa có tri thức vừa thành tâm và thiện ý, thì tôi đã là cái gì mà
dám và vẫn còn dám - dù chỉ đứng từ đằng xa - lưu tâm đến Thần học? Tôi
là ai mà dám cộng tác trong công tác này, dù về phương diện khả năng và
hoạt động tôi chỉ là người nghiên cứu, suy tư, một dạy học khiêm tốn, dám
chấp nhận câu hỏi về chân lý để phục vụ và làm theo ý muốn của cộng đồng
tín hữu, và dám tìm cách trả lời câu hỏi về chân lý đó? Tôi tự tin làm việc
này khi tôi chỉ dùng ngón tay út mà thôi - chứ không phải mãi đến khi tôi
dùng ít nhiều nghị lực hoặc khả năng chuyên môn của mình - để tiếp xúc với
Thần học. Và nếu tôi làm việc này tức là tôi không từ khước tiếp xúc với
biến cố mới lạ, tức là với phép lạ được chứng trong Thánh Kinh: Tôi không
chỉ tiếp xúc với trang thiếu niên ở Na-in hoặc viên Đại úy ở Ca-bê-na-um và
đám bạn bè của họ, cũng không chỉ tiếp xúc với những người Y-sơ-ra-ên
vượt Biển Đỏ, đi dông dài trong sa mạc, vượt sông Giô-đanh, không chỉ tiếp
xúc với mặt trời dừng lại theo lịnh truyền của Giô-suê ở Ghi-bê-ôn. Nhưng
tôi tiếp xúc với thực tại Thượng Đế, một thực tại được tất cả những sự kiện
này báo hiệu: thực tại Thượng Đế của Áp-ra-ham, của I-sác và của Gia-cốp -
của Chúa Cha mạc khải trong Chúa Con qua Thánh Linh. Thượng Đế đó là
Đấng muốn làm Thượng Đế của con người để con người được phép sống
làm người. Như vậy tôi đã tiếp xúc với phép lạ của Thượng Đế với tất cả ảnh
hưởng của phép lạ đối với thế giới, đối với tất cả mọi người. Rồi cuối cùng
nhờ đó - dầu tôi không là ai, không là cái gì và chẳng như thế nào đi nữa -
bởi phép lạ của Thượng Đế tôi trở thành một người gây ngạc nhiên cho
người khác. Vấn đề là tôi có hiểu điều này có ý nghĩa gì đối với tôi không,
tôi có khả năng và sẵn sàng đặt sự nghiên cứu, suy tư và phát biểu của tôi
dưới luận lý của phép lạ không (chứ không phải ngược lại). Nhưng còn về
sự kiện: Tôi đối diện với thực tại lạ lùng của Thượng Đế sống, thì không bao
giờ bị đặt thành vần đề. Tôi đối diện với Ngài kể cả khi tôi tìm cách - một
cách rụt rè và không khéo léo - làm việc nghiêm túc với Thần học ở trong
bất cứ một trình độ nào và một đơn vị nào, trong ngành Giải kinh, Lịch sử
Hội Thánh, Giáo lý hoặc Đạo đức học. Bằng cách nào đó tôi phải giằng co
với phép lạ của Thượng Đế. Tôi có thể tìm cách lẻn đi trốn khỏi sự hiện diện
và giằng co của phép lạ, nhưng tôi sẽ không bao giờ bị phép lạ thải hồi. Rõ
ràng là Thần học tạo cho người làm việc với mình một cái gì giống như một
character indelebilis, một phẩm chất không bao giờ bị phai mờ. Hễ ai có mắt
để nhìn cũng đều có thể từ xa nhận ra một người bị Thần học và Lời Thượng
Đế hành hạ và gây trọng thương đến nỗi không thể nào chữa chạy được.
Người đó bị nhận diện vì cớ cung cách nghiêm trang và khôi hài đặc biệt -
dù thật hoặc không thật, dù thực sự hoặc chỉ trình diễn. Tiến trình và điều
kiện làm một người có thể trở thành một nhà Thần học cũng là một điều
hoàn toàn bí ẩn và huyền nhiệm, ngay cả đối với bản thân người đó. Tôi biết
và nhận biết kha khá về chính tôi qua tất cả những ý kiến và xu hướng khác
trong tôi, qua tất cả những cơ hội thực sự hoặc giả tạo hoặc lý tưởng của tôi.
Tất cả chúng ta bẩm sinh đều là những con người vừa duy lý vừa duy
nghiệm vừa lãng mạn. Chúng ta không có lý do để ngạc nhiên về chính bản
thân mình. Nhưng chúng ta có kinh nghiệm này. Tôi trở thành, sẽ là và còn
là một cái gì xa lạ, một người khác, một khách lạ để nhờ đó tôi xứng đáng
được phép và phải ngạc nhiên trước phép lạ của Thượng Đế. Điều này xảy
ra khi tôi liên hệ đến Thần học. Với quyền lợi và bổn phận ngạc nhiên này,
làm sao sự hiện hữu của tôi có thể trở thành một sự kiện quen thuộc đối với
tôi? Qua đặc tính này làm sao tôi có thể trở thành rõ ràng rành mạch đối với
tôi? Một người trở thành và là một nhà Thần học - trong ý nghĩa hạn hẹp
hoặc rộng rãi của từ "nhà Thần học" và trong ý nghĩa chính yếu của sự ngạc
nhiên - không qua một tiến trình thiên nhiên nhưng chỉ nhờ một sự kiện cụ
thể có một không hai, đó là nhờ ân sủng. Nếu tự nhìn mình, người nhận lãnh
ân sủng sẽ không thể nhận diện chính mình, và vì thế cũng không thể hài
lòng về mình hoặc ca ngợi mình. Người nhận lãnh ân sủng chỉ có thể cảm ta.
Nếu ai tự nghĩ rằng, khi đã nhận lãnh ân sủng là có thể nhận diện và hiểu
chính mình, tốt hơn người đó nên từ giã Thần học và hiến mình cho những
công tác khác để có thể (nếu người đó có thể) nhắm mắt trước những phép lạ
của Thượng Đế và không cần phải (nếu người đó muốn) ngạc nhiên về chính
bản thân mình nữa. Nhưng biết đâu người đó sẽ không bao giờ tìm được một
công tác nào khác để có thể thực sự và hoàn toàn tránh khỏi Thần học, tránh
khỏi phép lạ của Thượng Đế và cũng tránh khỏi sự ngạc nhiên về phép lạ và
về chính mình.
XÚC ĐỘNG
Nếu khái niệm "Ngạc nhiên" diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của yếu tố làm cho một
người trở thành nhà Thần học thì ta cần giới hạn và đào sâu khái niệm này.
Nếu dẫn giải rộng rãi hơn, ta có thể hiểu lầm "Ngạc nhiên" chỉ là "thán
phục”. Dĩ nhiên thán phục cũng là một yếu tố quan trọng của Thần học. J. G.
Herder đã từng thán phục Thánh Kinh, đã đọc Thánh Kinh và coi Thánh
Kinh là một văn kiện thơ phú của Đông phương cổ. Sau hàng mấy chục năm
sống trong thời Giải Kinh khô khan cằn cỗi, nhiều người thời bấy giờ đã tán
thưởng và cổ võ quan niệm của Herder. Còn chàng thanh niên
Schleiermacher thì kêu gọi giới trí thức khinh thường Thánh Kinh nên thán
phục yếu tố tôn giáo. Một thế kỷ sau, giới thanh niên chúng tôi rất lưu tâm
đến các công trình nghiên cứu của B. Duhm, của H. Gunkel, vì những vị này
rất thán phục các Tiên tri và các Thi thiên; họ cho rằng các Tiên tri và Thi
thiên là tột đỉnh của thế giới Cựu Ước. Paul Wernle được đồ đệ tôn là vị
thầy vĩ đại vì đã biết (theo dấu chân của Th. Carlyle) thán phục con người
Giê-xu, cũng thán phục - tuy dè dặt - Sứ đồ Phao-lô, thán phục các nhà Cải
chánh và thán phục một số những danh nhân đồng hàng với mình trong lịch
sử Hội Thánh. Và R. Otto cũng đã giải thích cách cụ thể để ta có thể thấy
"Thánh" là một cái gì rất "hấp dẫn". Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là "thán
phục" mà thôi. Không phải tình cờ mà khoảng năm 1910 tất cả mọi người
đều đề cập đến khái niệm "kinh nghiệm" (do W. Herrmann và nhiều người
khác đưa ra ánh sáng), một khái niệm đi xa hơn khái niệm "thán phục". Tuy
nhiên dầu thế nào đi nữa, nếu Thần học là một công tác nghiêm túc thì Thần
học không thể và không có quyền chỉ là thán phục mà thôi. Chúng ta không
được phép hiểu sự ngạc nhiên - trong chương trước chúng ta gọi là sự ngạc-
nhiên-không-thể-tránh-được trong Thần học - là một loại cảm giác trí thức,
một loại cảm giác ngạc nhiên - đi xa hơn cả chủ trương của phái Thần học
Tin Lành hiện đại - chẳng những về phép lạ của các nhân vật tôn giáo, của
đời sống và tư cách tôn giáo, nhưng cũng ngạc nhiên về phép lạ của Thượng
Đế. Dĩ nhiên như Anselm ở Canterbury đã nói, vì cớ vẻ đẹp của Thượng Đế
nên Thần học cũng có một pulchritudo, một vẻ đẹp, mà ta không thể nào
không thấy được. Nhưng khi quan sát Thượng Đế ta không thể chỉ nhìn Ngài
một cách vô tư. Vì vậy Thần học không thể thưởng ngoạn và suy gẫm một
cách thích thú hoặc say mê về đối tượng. Trong trường hợp này thái độ của
chủ thể đối với đối tượng sẽ là một thái độ lãnh đạm, nghi ngờ, có lẽ cũng là
một thái độ khước từ nữa. Nếu chủ thể được phép dè dặt trước phép lạ thì đã
không có phép lạ của Thượng Đế mà ta đề cập đến. Khi đối tượng gây ngạc
nhiên - trong ý nghĩa mà chúng ta đã đề cập đến, làm cho người đang làm
việc với mình trở thành một chủ thể ngạc nhiên, thì người đó cũng trở thành
một người xúc động. Sau đây chúng ta sẽ bàn về điểm này một cách chi tiết
để xác định sự sinh tồn của Thần học rõ ràng hơn.
Đối tượng của khoa học Thần học không cho phép người hiến thân cho Thần
học được quyền cách ly với Thần học và giữ Thần học cho riêng mình.
Người đó liên hệ với Thần học, có lẽ vì những lý do rất hời hợt, có thể rất trẻ
con. Chắc chắn người đó không biết trước, và sẽ không bao giờ biết rõ mình
đã mạo hiểm làm gì. Nhưng người đó đã mạo hiểm. Bây giờ người đó, với
một tâm hồn ngây thơ, sợ hãi và với một trí óc quá non nớt, là một nhà Thần
học và đang đối diện với đối tượng này. Người đó không thể đùa giỡn với
đối tượng. Đối tượng không chỉ đứng từ xa trấn an người đó - như ngọn hải
đăng ở cuối chân trời trấn an người đi biển - nhưng đi tìm và tìm thấy người
đó tại vị trí của người đó và chỉ tại nơi này mà đối tượng đã tìm và thấy
người đó mà thôi. Đối tượng đến gặp người đó, xung đột với người đó, tấn
công và bắt được người đó. Đối tượng kiểm soát người đó. Còn về phần
người đó thì "bị lộ diện", bị kéo từ chỗ ngồi của khán giả lên khán đài. Câu
hỏi: "Người đó phải xử sự với đối tượng như thể nào?" trở thành thứ yếu so
với câu hỏi: "Người đó nên làm gì bây giờ?", vì rõ ràng là đối tượng đã có ý
định sẽ làm gì với người đó và đã bắt đầu làm rồi. Trước khi nhận thức,
người đó đã thấy được biết đến, được kích thích và được kêu gọi để nhận
thức. Người đó được mời gọi nghiên cứu vì thấy mình được nghiên cứu,
được mời gọi suy tư (đúng ra là suy gẫm!) vì thấy mình được nghĩ đến, được
mời gọi để phát biểu vì nghe có người nói chuyện với mình từ trước khi
mình chỉ có thể ấp úng, chứ không đợi đến lúc mình có thể nói nên lời. Tóm
lại: Người đó thấy mình được giải phóng để thực hiện công tác này từ trước
khi người đó có thể nghĩ đến một sự tự do như vậy, chứ không cần phải đợi
đến khi người đó bắt đầu sử dụng sự tự do đó. Người đó không đóng góp gì
trong sự tự do; những điều xảy ra cho người đó đã làm người đó trở thành
người dự phần trực tiếp vào sự tự do. Khi người đó chỉ dùng ngón chân đụng
đến nước của sông Rubicon hoặc sông Giô-đanh hoặc bất cứ một dòng sông
mang bất cứ một cái tên nào đó cũng được, thì người đó đã phải và được
phép vượt qua sông rồi, và bây giờ đang ở bờ bên kia, đang lắc đầu, sợ hãi,
kinh hoàng, chắc chắn là đang ở trong tình trạng hoàn toàn bất lực, nhưng ở
bờ bên kia, ở chỗ không có đường trở về nữa. Đó là ý nghĩa của: Tua res
agitur, sự việc này liên hệ đến chính bạn!
Tôi đang đề cập đến vấn đề gì? Đến sự sinh tồn của một vị Tiên tri chăng?
Không phải, tôi chỉ đề cập đến đặc điểm của sự sinh tồn của một nhà Thần
học mà thôi. Phải chăng tôi đang đề cập đến sự sinh tồn của một nhà Thần
học vĩ đại? Không phải, vì "vĩ đại" là gì? Có thể có những luật gia, y sĩ, khoa
học gia, sử gia, triết gia vĩ đại, nhưng chỉ có những nhà Thần học nhỏ bé mà
thôi. Điểm này là yếu tố phụ trong sự "sinh tồn" của Thần học. Nhưng
không có một người nào đối diện với đối tượng của Thần học, kể cả một
người rất nhỏ bé, làm việc một cách tài tử và vụng về trong phạm vi một bộ
môn hoàn toàn phụ thuộc của ngành khoa học này, mà không bị đối tượng
áp đảo và kiểm soát - dầu rằng người đó là chủ thể của đối tượng, mà không
bị đối tượng chiếm hữu trong khi người đó lại không thể “chiếm hữu” đối
tượng, đến nỗi người đó trở thành - dầu muốn hay không, dầu cố ý hoặc vô
tình - một người xúc động chứ không chỉ say mê đối tượng mà thôi. Tua res
agitur! "Bạn” là gì? Chúng ta thử tìm cách trình bày ba câu trả lời cho câu
hỏi này. Ba câu trả lời, nhưng thực ra, như ba vòng tròn đồng tâm, chỉ là một
câu trả lời duy nhất, và mỗi câu có vai trò quan trọng riêng trong chỗ đứng
và phương cách của mình.
1. Sự sinh tồn của Thần học tương tự như sự sinh tồn của con người trong
thế giới hiện tại của vũ trụ: chỉ là một phần tử trong dòng thời gian bất tận,
giống như một cái vòng xích trong sợi dây xích gồm thế hệ con người này
đến thế hệ con người khác; ngày nay ta đem căng vòng xích đó ra để thử độ
bền của nó. Thần học sống còn ở vị trí của mình; đó là vị trí của một chủ thể
tích cực và tiêu cực của các lịch sử con người và xã hội. Nhà Thần học là
một loài thọ tạo có những cơ hội đặc biệt nhờ hoàn cảnh và sứ mạng trong
vũ trụ của mình, bị giao động bởi những khó khăn đặc biệt trong môi trường
sống của mình, nhưng cũng được dự phần vào những trách nhiệm và hi vọng
đặc biệt. Đồng thời nhà Thần học nhỏ bé cũng sinh tồn giữa và với tất cả
mọi người khác. Nhà Thần học không may mắn hơn, cũng không vô phần
hơn, không quyền thế hơn, cũng không bất lực hơn những người khác. Chỉ
có điều là nhà Thần học đối diện với Lời Thượng Đế là Lời được phán và có
thể nghe qua Công lao của Thượng Đế. Nhà Thần học không thể phủ nhận
Lời này; hoặc cố ý hoặc vô tình nhà Thần học đã đặt mình trước Lời này.
Dầu sao đi nữa nhà Thần học cũng không thể ẩn mình trước sự kiện Lời
Thượng Đế phán cho thế giới của mình, cho nhân loại sống trong tất cả mọi
thời và mọi nơi và như vậy cũng cho thời gian và không gian của mình, cho
thế giới đang bị chuyển động vì những nan đề hiện đại. Trong thế giới đó
các vị A, B và C phát ngôn bằng những ngôn từ to lớn của con người và
dường như đang định đoạt số phận của tất cả mọi người, cũng định đoạt số
phận của nhà Thần học nữa. Nhà Thần học đọc báo và không thể quên được
rằng mình mới đọc Ê-sai chương 40 hoặc Phúc Âm Giăng chương 1 hoặc
Thư Rô-ma chương 8. Rồi nhà Thần học không thể giấu diếm được sự kiện
Lời Thượng Đế đề cập đến một nhu cầu sâu thẳm bất tận và về một Lời hứa
cao siêu bất tận, sâu thẳm và cao siêu hơn tất cả mọi nhu cầu và lời hứa
trong thời gian và không gian của mình tổng hợp lại. Rồi nhà Thần học
không thể giấu diếm được sự kiện Lời này là Lời của bản án và toà án của
Thượng Đế dành cho toàn thể nhân loại, và đặc biệt là Lời của Giao ước ân
sủng với con người - một Giao ước chẳng những do Thượng Đế hoạch định
nhưng cũng thực hiện và hoàn tất, là Lời của sự hoà thuận của con người với
Thượng Đế đã được hoàn thành, là Lời đề cập đến sự công chính - nhờ đó
mà tất cả mọi sự bất chính của con người bị khắc phục, đề cập đến hoà bình
- một nền hoà bình làm cho tất cả các cuộc chiến tranh của con người (cả
chiến tranh lạnh lẫn chiến tranh nóng) trở thành thừa thãi và không thể xảy
ra được, là Lời đề cập đến sự ổn định - một sự ổn định có ranh giới xác định
tất cả sự bất ổn định của con người. Cuối cùng, nhà Thần học không thể
không thấy rằng thời đại hiện tại của mình đang cùng với dòng thời gian đi
đến một mục tiêu, đến chỗ mà điều hiện nay còn huyền nhiệm sẽ được mạc
khải. Nhà Thần học biết thời đại hiện tại đã trở thành và đang là thời đại của
Chúa Giê-xu Cứu Thế, và vì thế cũng là - tuy mâu thuẫn với tất cả những
thời đại khác - Thời đại ân sủng. Rồi nhà Thần học không thể không thấy
rằng Lời đó không truyền bá một nguyên tắc, một dự án chính trị-luân lý
nào, cũng không phải là một chủ nghĩa, nhưng chính là sự đau khổ và sự cứu
rỗi vĩnh hằng - vì thế nên cũng có giới hạn, thiên thượng - vì thế nên cũng
trần tục, và sẽ đến - vì thế nên cũng đã đến rồi. Nơi Lời đó có tiếng phán
rằng: Sự đau khổ và Cứu rỗi này dành cho người Âu và người Á, người Mỹ
và người Phi, dành cho những người cộng sản nghèo nàn, nghiêm khắc và
dành cho những chống cộng còn nghèo nàn hơn vì nghiêm khắc hơn, cũng
dành cho ngay cả chúng tôi là người Thụy sĩ, những người tự hào là mình
đạo đức, vừa cần mẫn vừa lo sợ, sản xuất sữa và đồng hồ, có kỹ nghệ du
lịch, ngoan cố khước từ quyền đầu phiếu của phụ nữ và mong ước một cách
hơi trẻ con là sẽ có một vài vũ khí nguyên tử.
Sứ điệp của Lời Thượng Đế là Ngài chấp nhận toàn thể nhân loại vô điều
kiện, bất chấp thái độ bướng bỉnh và ngang ngược của con người. Giả sử tất
cả mọi người khác có thể trốn tránh Lời Thượng Đế - thực ra không có ai có
thể trốn tránh Lời này - thì nhà Thần học, một người sống giữa những đồng
loại vừa quá mãn nguyện vừa quá buồn bã, cũng không thể trốn tránh Lời
này được, nhưng phải và được phép đối diện với Lời Thượng Đế một cách
cụ thể (cũng có thể là một cách chuyên nghiệp). Lời Thượng Đế tra vấn,
đụng đến, gặp gỡ nhà Thần học (Công vụ 2:37), tuy nhà Thần học chỉ là một
con người hôm nay sống trong một thế giới hôm nay và cũng phải chia xẻ
những nỗi lo lắng với tất cả đồng loại của mình. Nhà Thần học làm thế nào
có thể sống còn nếu không phải là một người được Lời này đụng đến, gây
xúc động và đâm thấu vào tâm hồn.
2. Sự sinh tồn của Thần học không cô đơn bơi lội xuôi ngược trong làn sóng
đại dương của thế giới. Sự sinh tồn của Thần học không những phải là một
sự sinh tồn của con người đồng loại nhưng cũng phải là sự sinh tồn của
người tín hữu, phải là một sự sinh tồn trong cộng đồng tín hữu - một cộng
đồng được tập họp và kết hợp nhờ Lời Chứng của Cựu và Tân Ước, chính
xác hơn: nhờ Lời Thượng Đế được chứng trong Cựu Ước và Tân Ước.
Trong một phạm vi, nhà Thần học là một người phải dự phần vào tình cảnh
của giới tín hữu của Chúa Cứu Thế, một tập thể thường xuyên bị đe doạ tiêu
diệt, nhưng luôn luôn được giải cứu. Nhà Thần học dự phần vào tình cảnh cô
lập của giới tín hữu trong xã hội và trước các thế lực tinh thần, tâm lý và vật
chất đang thống trị thế giới, một sự cô lập vừa cần thiết vừa ngẫu nhiên
nhưng chính yếu vì tự tạo. Nhà Thần học dự phần vào những cố gắng -
thành công có, thất bại có - của giới tín hữu nhằm khắc phục tình trạng cô
lập của mình, dự phần vào sự kính trọng quá đáng, vào sự khinh bỉ cũng như
đề cao mà người ta dành cho giới tín hữu, dự phần vào sự chia rẽ và niềm
khát khao được hiệp nhất, vào sự vâng phục, sự thờ ơ và chán nản của giới
tín hữu. Nhà Thần học có thể là tín hữu thuộc Quốc giáo hoặc Hội Thánh Tự
do, Hội Thánh Luther hoặc Hội Thánh Cải cách, Hội Thánh Giám lý hoặc
Hội Thánh Công giáo La-mã. Có lẽ nhà Thần học thoả lòng với tôn giáo cổ
truyền, hoặc với sự tiến bộ của tôn giáo, hoặc với quá trình xã hội hoá và
thẩm mỹ hoá cách sống đạo của mình. Giới tín hữu của Chúa Cứu Thế sinh
tồn với những đặc tính như thế, nhưng sinh tồn với quyền sống tạm thời và
trong bất công thường xuyên. Mỗi một nhà Thần học sinh tồn như thế trong
môi trường của mình. Chỉ có điều là cuối cùng nhà Thần học - dù đang ở
đâu và như thế nào - không thể thực sự sinh tồn trong và cảm thấy quen
thuộc với những đặc tính này được. Dù người đang ở đâu và như thế nào đi
nữa, câu hỏi về chân lý cũng đều được đặt ra cho nhà Thần học, một phần tử
của một dân tộc được chân lý chọn lựa và được sự Mạc khải của chân lý kêu
gọi. Nhà Thần học nhận lấy trách nhiệm - dù biết hoặc không biết điều mình
đang làm - suy tư về câu hỏi về chân lý. Đó là câu hỏi đã được đặt ra cho
dân tộc này ngay từ thuở ban đầu qua tất cả mọi hình thức lịch sử của mình.
Cho dù dân tộc này có thái độ thế nào đi nữa, dân tộc này cũng sẽ sống còn
và thất bại với câu trả lời cho câu hỏi này. So sánh với câu hỏi về chân lý tất
cả những nan đề của dân tộc này chỉ là những vấn đề bé nhỏ. Tuy nhiên,
trong ánh sáng soi rọi của câu hỏi đó, một vấn đề nhỏ bé nhất trong công tác,
trong sự ổn định, trong sự truyền giảng của cộng đồng tín hữu cũng đều là
một vấn đề quan trọng của nhà Thần học. Tất cả những điều xảy ra hoặc
không xảy ra trong lịch sử của dân tộc này, dù là điều tốt hoặc điều xấu, đều
có liên quan trực tiếp đến nhà Thần học, đều là việc của nhà Thần học. Nhà
Thần học không thể đánh giá một việc nào quá cao hoặc quá thấp, không thể
coi một việc nào là quá bình thường hoặc quá bi thảm. Nhà Thần học phải
suy tư không ngừng với cộng đồng tín hữu, và trong trường hợp cần thiết
phải phát biểu một cách thẳng thắn, nhưng cũng rất vui vẻ, về những việc to
lớn lẫn bé nhỏ. Nhà Thần học phải làm việc như thế không phải vì mình là
một người quan trọng hơn, có thẩm quyền hơn và có khả năng hơn, nhưng lý
do đơn giản là vì cớ Lời độc nhất vô nhị của Chúa Quyền năng của toàn thể
giới tín hữu, vì Lời của Chúa quản trị trên tất cả hình hài và tất cả hoàn cảnh
của giới tín hữu theo đuổi mình, một nhà Thần học nhỏ bé, qua trách nhiệm
trong cộng đồng tín hữu đã được giao cho mình - và chỉ giao cho mình mà
thôi. Lời đó truy nã và tấn công nhà Thần học đến nỗi nhà Thần học không
thể tránh khỏi khải tượng về Một Điều mà dân của Thượng Đế chỉ nhờ đó
mới có thể sống còn, và hiện nay đang được phép sống còn. Nhà Thần học
luôn luôn thấy khải tượng đó, cả trong giấc ngủ lẫn khi đối diện với những
ưu điểm và khuyết điểm, với những điểm cao và điểm thấp trong cuộc đời
của mình. Bản án lên án cộng đồng tín hữu qua Lời này cũng lên án nhà
Thần học, nhưng Lời hứa hứa với cộng đồng tín hữu cũng hứa với nhà Thần
học.
3. Cuối cùng, sự sinh tồn của Thần học là sự sinh tồn của riêng cá nhân nhà
Thần học nhỏ bé. Nhà Thần học sinh tồn không chỉ ở trong thế giới và trong
cộng đồng tín hữu, nhưng cũng sinh tồn đơn độc. Vì Lời Thượng Đế, đối
tượng của Thần học, liên quan đến thế giới và cộng đồng tín hữu nên Lời đó
cũng liên quan đến nhà Thần học trong sự sinh-tồn-đơn-độc của nhà Thần
học: liên quan đến toà án xét xử mình và liên quan đến ân sủng ban cho
mình, đến cảnh tù tội và sự giải phóng của mình, đến cái chết và sự sống của
mình. Cuối cùng chính bản thân nhà Thần học cũng bị lôi cuốn vào toàn bộ
những điều mà nhà Thần học phải nhận thức, nghiên cứu và suy tư, vào
trong câu hỏi về chân lý được đặt ra cho mình. Ta sẽ vô lý nếu suy tư và
phát biểu rằng: Lời Thượng Đế liên quan đặc biệt và trước nhất đến bản thân
nhà Thần học - làm như thể chủ thể (từ ngữ của Kierkegaards, một từ ngữ rất
dễ bị hiểu lầm) là chân lý - rồi sau đó, cách xa một khoảng mới đến phiên
cộng đồng tín hữu, rồi cách một khoảng xa hơn nữa mới đến phiên thế giới.
Nếu Lời Thượng Đế không liên quan đến thế giới, đến cộng đồng tín hữu thì
cũng không liên quan đến nhà Thần học, vì nhà Thần học sinh tồn trong thế
giới và trong cộng đồng tín hữu, nhưng vì Lời đó có liên quan đến thế giới
và cộng đồng tín hữu nên cuối cùng cũng liên quan rất mật thiết đến nhà
Thần học. Lời Thượng Đế trong Giao ước ân sủng của Ngài với con người
và với tuyển dân của Ngài cũng có liên quan đến sự chọn lựa, sự xưng công
chính, sự nên thánh và sự kêu gọi của nhà Thần học, có liên quan đến sự cầu
nguyện và làm việc của nhà Thần học, có liên quan đến niềm vui mừng và
nỗi đau khổ của nhà Thần học, có liên quan đến mối liên hệ của nhà Thần
học với những người lân cận, có liên quan đến cơ hội độc nhất của cuộc đời
ngắn ngủi, đến việc nhà, đến cách sử dụng tiền bạc và tài sản, đến sự giao
tiếp với người khác phái (trong cũng như ngoài hôn nhân), đến cách cư xử
với cha mẹ và con cái, đến thái độ đối với phong tục và đồi phong bại tục
trong xã hội của nhà Thần học. Cuối cùng, Lời Thượng Đế liên quan đến
nhà Thần học, tra vấn và thưa kiện, xét xử và biện hộ, an ủi và khuyến cáo
nhà Thần học, không phải chỉ vì cớ nhiệm vụ của nhà Thần học nhưng cũng
riêng tư, cũng vì cớ sự sinh-tồn-đơn-độc của nhà Thần học. Thượng Đế làm
nhà Thần học trở thành một chủ thể để xưng mình là "con" và thưa với
Thượng Đế là "Ngài". Người ta kể về Tholuck, một giáo sư lừng danh ở
Halle, như sau: Tholuck có thói quen thường đến thăm các sinh viên trong
phòng riêng và nói: "Anh ơi, lòng anh như thế nào?" Tholuck không hỏi về
tai, về đầu, về miệng (mặc dầu tất cả đều thuộc về nhà Thần học), nhưng tra
vấn về chính con người, nói theo Thánh Kinh: tra vấn về chính tấm lòng của
con người. Đó là một câu tra vấn rất thích hợp cho các nhà Thần học trẻ tuổi
lẫn lão thành. Câu tra vấn cũng có thể là câu: "A-đam, con ở đâu?" Phải
chăng con đang ở trong đời tư, trong nội tâm cũng như trong hình dáng bề
ngoài của con, lẫn trốn Đấng mà con, một nhà Thần học, có tương quan một
cách đặc biệt? Phải chăng con đang trốn trong bụi rậm trầm tư mặc tưởng,
giảng giải, suy nghiệm, thực hành của con? Phải chăng con đang trốn sâu
trong vỏ ốc của cuộc sống riêng tư, một cuộc sống mà nếu nhìn kỹ không
khác chi cuộc sống của một người trung lưu hoặc của dân di an không đạt
đạo, không cải hoá và vì thế nên cũng lười biếng và bừa bãi. Phải chăng?
Mong rằng không có ai nghĩ rằng mình sẽ có thể nghiên cứu, suy tư và phát
biểu Thần học một cách nghiêm túc, tự do và có kết quả trong một hoàn
cảnh như thế. Điểm mà ta không thể phủ nhận là đối tượng sống động của
Thần học đến gặp gỡ toàn bộ con người và cuộc sống riêng tư kín nhiệm
nhất của nhà Thần học nhỏ bé. Ngay cả trong phạm vi này nhà Thần học
cũng không thể trốn tránh đối tượng của Thần học được. Và nếu nhà Thần
học không thể chấp nhận điều này và muốn chọn lựa một ngành khác, một
ngành có vẻ như ít nguy hiểm hơn, người đó nên biết rằng đối tượng của
Thần học, như Thi Thiên 139 dạy, trước sau rồi cũng sẽ đi tìm mọi người ở
mọi nơi trong mọi ngành, và sẽ tra vấn mình bằng câu hỏi đó. Vì thế tốt hơn
người đó nên tiếp tục làm nhà Thần học và để cho Thượng Đế chiếm hữu
con người mình, kể cả trong phạm vi riêng tư nhất của mình.
UỶ NHIỆM
Trong chương 6 chúng ta đề cập đến "Ngạc nhiên", yếu tố đầu tiên làm một
người trở thành một nhà Thần học. Ngạc nhiên, như chúng ta đã bàn, là ngạc
nhiên trước một đối tượng hoàn toàn mới lạ của khoa học Thần học. Trong
chương 7 chúng ta đề cập đến yếu tố thứ hai là "Xúc động", một yếu tố
không thể tránh được vì cớ bản tính đặc biệt của đối tượng: đối tượng tấn
công người làm việc với mình. Nhưng đối tượng không thoả mãn dừng lại ở
đây, ngay cả khi người đó bị xúc động cùng cực - trước đây năm mươi năm
ta thường nói: người đó có một kinh nghiệm rất sâu đậm. Đối tượng liên hệ
với người một cách mật thiết vì đối tượng muốn một điều đặc biệt cho và từ
nơi người. Đối tượng khuyến khích người, đỡ người đứng dậy, giải phóng
người. Nhưng đối tượng cũng đòi hỏi người, bảo người đi, bảo người sử
dụng sự tự do mà đối tượng ban cho. Chúng ta gọi yếu tố thứ ba này - cũng
là một yếu tố làm một người trở thành nhà Thần học - là "Uỷ nhiệm”. Con
người được Thượng Đế của Phúc âm, đối tượng của Thần học Tin Lành,
giao cho trách nhiệm. Đó là một việc huy hoàng và đẹp đẽ, một việc khó
khăn và cao cả, nhưng cũng là một việc đáng sợ. Con người được giao phó
và uỷ thác cho một nobile officium, một nhiệm vụ cao quí, nhưng đồng thời
nhiệm vụ này cũng đòi hỏi người đó phải làm trọn sứ mạng của mình. Người
đó được phép làm điều mình phải làm. Nhưng người đó cũng phải làm điều
mình được phép làm.
Như chúng ta đã đề cập trong chương 7, sự xúc động của nhà Thần học là
một sự xúc động toàn diện, kể cả trong cuộc sống riêng tư ; vì thế nên sự uỷ
nhiệm của nhà Thần học cũng là một sự uỷ nhiệm toàn diện. Sự uỷ nhiệm
bắt đầu với sự ngạc nhiên và liên quan trực tiếp với sự xúc động của nhà
Thần học. Sự uỷ nhiệm bao hàm toàn bộ sự sinh tồn của nhà Thần học. Vì
cớ chức vụ đặc biệt của mình nên sự sinh tồn của nhà Thần học là một sự
sinh tồn có uỷ nhiệm. Đó là một sự sinh tồn được ưu đãi bằng sự tự do đặc
biệt và có bổn phận phải sử dụng tự do đó một cách đặc biệt. Điểm chúng ta
lưu tâm là đối tượng của khoa học Thần học uỷ nhiệm nhà Thần học trong
khoa học của mình đến mức độ nào: người được giải phóng và dẫn đến một
mô hình nhận thức, nghiên cứu, suy tư và phát biểu đặc biệt. Nhà Thần học
không tự nghĩ ra và tự chọn lựa mô hình đó, nhưng mô hình đó ràng buộc
nhà Thần học khi nhà Thần học chấp nhận đề tài Thần học. Nếu muốn trung
thành với mình, nhà Thần học phải lấy mô hình đó làm mô hình của mình,
phải cương quyết thực tập theo mô hình đó, phải thường xuyên nhớ đến,
hoặc để cho mình được nhắc nhở về mô hình đó. Đó là phương pháp - từ này
rất khó nghe nhưng không thể tránh được - của riêng Thần học, tức là nhiệm
vụ của Thần học tương ứng với pháp qui mà Thần học phải theo đuổi. Ta
cũng có thể nói rằng: đó là luật lệ mà nhà Thần học phải chấp nhận, ngoài
việc nhận thức và xưng nhận sự ngạc nhiên và xúc động. Cả "phương pháp"
lẫn "luật lệ" đều không làm nhà Thần học cảm thấy nặng nề khó chịu, đều
không phải là nội qui nhà tù, cũng không phải là một sự cưỡng bách, nhưng
là phương pháp, là luật lệ của sự tự do. Nhà Thần học phải nghiên cứu, phải
suy tư và phát biểu trong sự tự do đó. Đối với nhà Thần học, uỷ nhiệm trở
thành cưỡng bách khi người chưa tận hiến thân cho - hoặc vì một lý do nào
đó đã rời bỏ - đối tượng của khoa học của mình. Khi hiến thân cho Công lao
và Lời Thượng Đế, nhà Thần học là một người tự do, sinh tồn nhờ biết tôn
trọng phương pháp và luật lệ của khoa học của mình. Nhà Thần học sẽ cảm
thấy nặng nề khó chịu, cảm thấy bị cưỡng bách và nằm trong nhà tù Ba-by-
lôn nếu bị bắt buộc sử dụng một phương pháp khác, nếu có bổn phận phải
tôn trọng và phải giữ đúng theo một luật lệ nhận thức xa lạ. Nhưng nhà Thần
học không còn có bổn phận đó nữa từ khi nhà Thần học bước vào con đường
intellectus fidei, con đường nhận thức của đức tin, và nếu người còn dấn
thân trên con đường này. Sau đây chúng ta phác hoạ một vài nét về pháp qui
của intellectus. Nhà Thần học được uỷ nhiệm, được giải phóng và kêu gọi
đến mô hình nhận thức này. Trong chương sau chúng ta sẽ bàn đến vấn đề
mà intellectus fidei, nhận thức của đức tin, đặt ra. Trong chương này chúng
ta chỉ tra vấn về mô hình của intellectus, của nhận thức, mà thôi. Ta phải nêu
ra ba điểm sau đây để xác định.
1. Công lao và Lời Thượng Đế, đối tượng của Thần học, là Một Công lao và
Lời Thượng Đế duy nhất mà thôi. Chúng ta nhắc lại điểm mà chúng ta đã
bàn trong chương hai và chương ba: Công lao và Lời Thượng Đế không phải
là Công lao đơn thuần và Lời đơn điệu, mà là một Công lao duy nhất nhưng
phong phú của Thượng Đế hằng sống. Đó là điểm mà ta đã nhận thấy qua
tính đa dạng của Lời Chứng Thánh Kinh. Tất cả những yếu tố cao siêu và
sâu thẳm, vĩ đại và nhỏ bé, gần gũi và xa xôi, cá biệt và phổ thông, nội diện
và ngoại diện, hữu hình và vô hình, toàn thể sự hằng hữu của Thượng Đế
cho Ngài và tự hữu của Ngài cho chúng ta trong thời gian, sự tuyển chọn và
từ khước của Ngài, sự thương xót và toà án của Ngài, hành động của Ngài
với tư cách là Đấng Tạo Hoá, Đấng Giải Hoà và Cứu Rỗi, chương trình của
Ngài trên trời và dưới đất, toàn thể con người là loài thọ tạo của Thượng Đế
- vốn tốt lành, nhưng đã phạm tội và được đổi mới theo ảnh tượng của Ngài,
tất cả thiên nhiên mà Ngài đặt để và ân sủng mà Ngài ban cho con người, sự
vi phạm và vâng phục của con người, cái chết của con người và sự sống
được hứa ban cho con người, quá khứ, hiện tại và tương lai trong tất cả mọi
yếu tố này, tất cả đều được bao bọc bên cạnh nhau - không giống nhau và
không lẫn lộn với nhau - trong thực tại và trong sự Mạc khải của Giao ước
của Thượng Đế với con người. Tất cả những yếu tố này sinh tồn chung với
nhau: mỗi một yếu tố đều sinh tồn chung với nhiều yếu tố khác, tâm điểm
không thể hiện hữu nếu không có đường chu vi. Không có yếu tố nào là vô
nghĩa, không quan trọng và thừa thãi, không có yếu tố nào mà không có
chân lý và giá trị riêng, không có yếu tố nào mà không tiêu biểu và phản ảnh
cái toàn diện trong phạm vi của mình, không có yếu tố nào mà không có thể
có quyết định tối hậu dựa vào nhận thức chính xác hoặc không chính xác của
mình. Nhưng cũng không có yếu tố nào được phép vượt ra ngoài sự hợp
nhất của Công lao và Lời Thượng Đế đang bao bọc và xác định mình.
Không có yếu tố nào được phép tách riêng ra để quan sát, nhận thức và diễn
giải cho riêng mình, tự coi là một trung tâm phụ, nay tự biến mình thành một
trung tâm chính. Đối tượng của tất cả các ngành của khoa học Thần học là
Công lao và Lời Thượng Đế trong sự phong phú của nó, nhưng cũng là
Công lao và Lời duy nhất - duy nhất trong sự phong phú - của Thượng Đế:
là Giê-xu Cứu Thế duy nhất, là Vua dân Do Thái được tôn làm Đấng Cứu
Thế của nhân loại, làm Đấng đại diện cho Thượng Đế duy nhất ở giữa con
người và làm người đại diện con người trước mặt Thượng Đế duy nhất, là
Chúa và tôi tớ duy nhất đã được dự liệu trước, đã đến và hiện nay đang được
nôn nả trông chờ. Vì phát xuất từ Ngài và hướng nhắm đến Ngài nên nhận
thức Thần học trở thành một nhận thức nối kết. Nhận thức Thần học,
intellectus fidei, tức là nhận thức của đức tin, không phải là một nhận thức
bình đẳng hoá, cố định hoá, đồng loại hoá, nhưng là một nhận thức hội tụ tất
cả các yếu tố cá biệt trên đường chu vi lại với nhau - nối kết tất cả lại từ và
về tâm điểm của các yếu tố đó. Nhà Thần học được uỷ nhiệm, được giải
phóng và được kêu gọi đến tâm điểm này. Trong hành động nhận thức Thần
học, thấy là hiện đang lưu tâm chăm nhìn chính xác một hình hài đặc biệt
nào đó của đối tượng của mình, nhưng đồng thời cũng là một cái nhìn tổng
hợp một hình hài chung với những hình hài khác, và điểm quan trọng là:
nhận ra một đối tượng duy nhất trong hình hài đó, tức là nhận ra hình hài đó
là một hình hài của một đối tượng duy nhất. Đó là sự chăm nhìn, nhìn tổng
hợp và nhìn thấy trong nhận thức Thần học: trong sự chú giải Thánh Kinh
cũng như trong sự tường trình và phân tích mà ta gọi là Lịch sử Hội Thánh,
Lịch sử Giáo lý, Lịch sử Thần học, trong những Loci, những phần, những
chương của các tác phẩm Thần học và Đạo đức học, trong những sự đắn đo
cân nhắc về những công tác thực hành trong Hội Thánh. Những công trình
xây dựng thành một hệ thống luôn luôn có tính cách sơ khai và dang dở,
luôn luôn chỉ là tạm thời. Thời gian và hoàn cảnh khác biệt của những hành
động nhận thức Thần học ngăn cản sự hệ thống hoá một cách vững chắc từ
đầu đến cuối. Những hình hài và tính đa dạng của đối tượng không cho phép
ta có một hệ thống như thế. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất ngăn cản
sự hình thành của một hệ thống như thế là: tâm điểm của Thần học, điểm
bao hàm và tiêu biểu cho tất cả mỗi một yếu tố dị biệt, không phải là một
nền tảng để ta xây dựng một hệ thống mà là Chúa Giê-xu Cứu Thế đã sống
lại trong Quyền năng của Thánh Linh, đang tác động và đang phán, là lòng
nhân từ luôn luôn chấp nhận và luôn luôn giải phóng của Thượng Đế hằng
sống, Đấng đã giáng xuống với con người và đem con người lên với mình
trong một lịch sử luôn luôn sinh động. Ngài quản trị, và bên cạnh Ngài
không có quyền lực của một hệ thống Thần học nào hết. Ngài không cho
phép nhà Thần học bỏ sót một yếu tố nào trên đường chu vi, không được để
một yếu tố nào ở trong tình trạng trừu tượng, nhưng phải suy tư nghiêm túc,
tức là suy tư Thần học, về tất cả mọi yếu tố. Ngài cũng không cho phép nhà
Thần học tạo dựng bất cứ một yếu tố nào thành tâm điểm, hoặc trở thành
một tâm điểm khác cạnh tranh với tâm điểm - tức là làm hình tròn trở thành
hình bầu dục, để rồi rơi vào tình trạng tà giáo hoặc bội giáo. "Tất cả đều là
của các con" nhưng: "Người nào không đến với ta thì sẽ tan lạc". Tiêu chuẩn
đầu tiên của nhận thức Thần học đích thực, nhận thức intellectus fidei , là
đến "với Ngài". Đó là một nhận thức hội tụ lại tất cả suy tư, khái niệm và lời
nói từ Ngài và đến với Ngài.
2. Đối tượng của Thần học, Thượng Đế của Phúc âm qua Công lao và Lời
của Ngài, liên hệ với nhận thức về Thượng Đế giống như Thượng Đế liên hệ
với con người, như Đấng Tạo Hoá liên hệ với tạo vật, như người chủ liên hệ
với người tớ. Đối tượng luôn luôn có quyền ưu tiên. Nhận thức về đối tượng
chỉ có thể đi theo, chỉ có thể ở dưới, chỉ có thể thích nghi với đối tượng.
Trước hết, đối tượng tạo điều kiện cho nhận thức về mình có thể sinh tồn.
Đối tượng uỷ nhiệm, giải phóng và kêu gọi nhà Thần học nhận diện đối
tượng, suy tư và phát biểu về mình. Nhà Thần học không thể đặt một đối
tượng ưu tiên nào khác đối diện với đối tượng của Thần học. Vì thế nguyên
tắc của Hilarius là: Non sermoni res, sed rei sermo subjectus est, sự việc
không phải là chủ thể của Lời, nhưng Lời là chủ thể của sự việc. Hoặc như
trong khái niệm của Anselm: Ratio, sự vụ, và necessitas, nhu yếu, của nhận
thức Thần học phải hướng về ratio và necessitas của đối tượng của mình,
chứ không phải ngược lại! Là một khoa học của con người dĩ nhiên Thần
học làm việc như tất cả các khoa học khác, luôn luôn làm việc ở tất cả mọi
nơi với những quan điểm, khái niệm, hình ảnh và phương tiện ngôn ngữ là
những yếu tố một phần lỗi thời một phần mới mẻ đối với thời gian và hoàn
cảnh của mình. Nhận thức Thần học trong mỗi thời đại một khác, trong thời
đại cổ khác, trong thời Trung cổ khác, trong các thời Ba-rốc, thời Giải minh,
thời Duy tâm, thời Lãng mạn khác. Trong tất cả mọi thời đại và hoàn cảnh,
không bao giờ Thần học có thể công nhận bất cứ một quan điểm, khái niệm,
hình ảnh và phương tiện ngôn ngữ nào - cho dù những yếu tố này hiện tại
đang hoặc sẽ thịnh hành và cho dù những yếu tố này được thịnh hành nhân
danh Aristoteles hoặc Carterius (Descartes), Kant, Hegel hoặc Heidegger -
làm luật lệ trói buộc mình. Thần học không thể xử sự như vậy không phải
chỉ vì đứng sau mỗi một luật lệ đó luôn luôn có một triết học hoặc một vũ
trụ quan với những tư tưởng làm tổn thương tính khách quan của Thần học.
Nhưng lý do quan trọng mà Thần học không thể thừa nhận một luật lệ nào
trói buộc mình là đối tượng của Thần học đòi hỏi và uỷ quyền cho Thần học
phải thấy, suy tư và phát biểu một cách cởi mở và linh động đối với tất cả
mọi khuynh hướng. Thần học chỉ chịu trách nhiệm vô điều kiện trước đối
tượng của mình mà thôi. Mặt khác, tại sao Thần học lại không được sử dụng
những quan niệm, khái niệm, hình ảnh và từ ngữ thông dụng? Tại sao Thần
học không thể an tâm sử dụng những yếu tố này nếu những yếu tố này thích
hợp? Khi sử dụng các yếu tố thông dụng này không có nghĩa là Thần học
chấp nhận một qui luật có thẩm quyền trên mình. Thần học phải tra vấn về
luận lý, biện chứng và phương cách diễn tả. Đó là những yếu tố phát sinh từ
đối tượng của Thần học, từ Logos của Thượng Đế. Như vậy Thần học phải
liều lĩnh đi trên con đường riêng của mình băng ngang qua lãnh thổ của
những tiêu chuẩn về quan niệm, suy tư và phát biểu đúng đắn. Đó là những
tiêu chuẩn được coi như có giá trị phổ thông và được thịnh hành ít nhiều. Sự
tiến bộ và sự hoàn thiện trong Thần học không bao giờ lệ thuộc vào sự đòi
hỏi của thời đại - tuy rằng Thần học cởi mở với những đòi hỏi của thời đại -
nhưng luôn luôn phát xuất từ sự dứt khoát tiếp tục theo đuổi luật lệ riêng của
nhận thức Thần học. Nhân đây chúng ta nhắc lại điểm mà chúng ta đã bàn
trong chương đầu tiên về bản tính tự do của khoa học Thần học. Thần học
bảo tồn sự tự do của mình bằng cách sử dụng khả năng nhận thức, phán
đoán và ngôn ngữ của con người - khác với chủ trương của phái Chánh
thống và Tân Chánh thống hiện đại - nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một
lý thuyết nhận thức nào. Như thế Thần học vâng phục chính đối tượng của
Thần học, Thượng Đế hằng sống, là Đấng hiện nay và bây giờ đòi hỏi Thần
học qua Chúa Giê-xu Cứu Thế hằng sống, trong Quyền năng sự sống của
Thánh Linh phải xử sự như thế. Thần học không thể và không được phép
phục vụ đối tượng của mình bằng sự phi lý, bằng sự suy tư lười biếng hoặc
bất thường, bằng tham vọng sai lầm đòi hỏi những sự việc vô lý - credo quia
absurdum, tôi tin vì phi lý. Mặt khác, nhà Thần học không thể có, bảo tồn và
biểu dương lý trí một cách đầy đủ. Đối tượng của khoa học của nhà Thần
học phải sử dụng lý trí của mình bằng một phương cách riêng, thường bằng
một phương cách quen thuộc, nhưng cũng thường bằng một phương cách rất
bất thường. Đối tượng không có bổn phận phải lệ thuộc vào nhà Thần học
nhỏ bé, nhưng nhà Thần học nhỏ bé phải lệ thuộc vào đối tượng. Đối tượng
có quyền ưu tiên này đối với trực giác của mình. Đó là tiêu chuẩn quan trọng
thứ hai của nhận thức Thần học đích thực, của intellectus fidei.
3. Đối tượng của Thần học - Công lao và Lời Thượng Đế trong lịch sử Em-
ma-nu-ên và trong Lời Chứng Thánh Kinh của lịch sử đó - có một khuynh
hướng, một ý hướng, một xu hướng đặc biệt, một chiều hướng cố định
không thể xoay lại được. Nhà Thần học được uỷ nhiệm, được tự do và được
kêu gọi dành một chỗ cho khuynh hướng đó trong nhận thức của mình, trong
intellectus fidei. Trong Hành động và Lời Thượng Đế và - tương hợp với
Hành động và Lời Ngài - trong những bản văn Cựu và Tân Ước (Cựu và Tân
Ước chỉ dường như cân xứng với nhau mà thôi) có một yếu tố lưỡng diện:
đó là sự chấp nhận và từ khước của Thượng Đế dành cho con người, là Phúc
âm khích lệ và luật pháp sửa sai con người, là ân sủng ban cho và bản án
ngăm đe con người, là sự sống mà con người được cứu để sống và cái chết
mà con người phải chết. Nếu muốn trung tín với Lời Thượng Đế và với
Thánh Kinh chứng thực Lời đó, nhà Thần học phải thấy, phải suy tư, phải đề
cập đến cả hai phương diện - cả diện sáng lẫn diện tối - đó. Nhưng cũng
chính vì trung tín nên nhà Thần học không thể không nhận ra, không thể phủ
nhận, không thể che giấu sự kiện: sự tương quan của hai phương diện đó
không phải là sự tương quan nghịch chiều như quả lắc đồng hồ chuyển động
qua lại liên tục và đồng đều, hoặc như hai đĩa cân thăng bằng có cùng một
trọng lượng. Trái lại, sự tương quan của hai phương diện đó là sự tương
quan của cái Trước kia và cái Sau này, của cái Trên và cái Dưới, của cái
Nhiều hơn và cái Ít hơn. Con người nghe rõ ràng một Lời từ khước sắc bén
của Thượng Đế, nhưng cũng nghe rõ ràng Lời từ khước này bao hàm cả Lời
chấp nhận sáng tạo, hoà giải, cứu rỗi của Thượng Đế phán với con người.
Luật pháp trói buộc con người dĩ nhiên đã được thiết lập và được công bố,
nhưng luật pháp đó cũng dĩ nhiên chỉ có giá trị và sức mạnh trói buộc của
Thượng Đế nếu cũng là luật pháp của Giao ước, nếu cũng là hình hài của
Phúc âm. Chắc chắn là bản án đã được tuyên đọc và được thi hành, nhưng
cũng chắc chắn là trong bản án này có ân sủng giải hoà đã được thực hiện
trên cây thập tự ở đồi Gô-gô-tha. Rõ ràng là cái chết giới hạn sự sinh thành
và lâm chung của con người, nhưng sự sống vĩnh viễn cũng rõ ràng là ý
nghĩa và mục tiêu của cái chết. Phúc âm và Luật pháp không cần phải được
bổ túc. Phúc âm và Luật pháp không cân bằng, trái lại hoàn toàn mất thăng
bằng với nhau. Thần học phải vô tư trình bày đầy đủ địa vị cao thấp của hai
phương diện này. Thần học không có quyền giản lược những điều Thượng
Đế muốn, làm và phán thành sự chấp nhận của Ngài dành cho con người.
Nhưng Thần học cũng không có quyền để cho sự từ khước của Ngài có cùng
một giá trị và cùng một vai trò quan trọng tương đương với sự chấp nhận,
không thể để cho sự từ khước của Ngài đứng trước sự chấp nhận, không thể
để cho sự chấp nhận của Ngài biến mất trong sự từ khước. Tóm lại, Thần
học phải để ánh sáng vào trong bóng tối thay vì bóng tối vào trong ánh sáng.
Đối với nhà Thần học, thư Rô-ma chương 7 không có quyền minh bạch hơn
hoặc ẩn khuất hơn, quan trọng hơn hoặc thích thú hơn thư Rô-ma chương 8.
Địa ngục không cần thiết hơn và không thú vị hơn Thiên đàng. Trong lịch sử
Hội Thánh cũng vậy, đặt nặng những tội lỗi, sai lầm và yếu điểm của các
học giả thuộc trường phái Kinh viện và Thần bí, phái Cải chánh và phái
Giáo hoàng, phái Luther và phái Cải cách, phái Duy lý và phái Kiền thành,
phái Chánh thống và phái Tự do - dĩ nhiên nhà Thần học không thể và
không có quyền không thấy và câm lặng trước những chi tiết này - không
phải là nhiệm vụ cấp thiết hơn nhiệm vụ thấy và hiểu họ qua ánh sáng của sự
tha thứ tội lỗi, một ánh sáng mà tất cả chúng ta đều cần thiết và đã được hứa
ban cho tất cả chúng ta. Cuối cùng, lòng vô tín của con người không có
quyền kích thích nhà Thần học hơn là mặt trời của sự công chính, một mặt
trời đã được mọc lên cho chính nhà Thần học và cho nhân loại. Trong
chương đầu tiên chúng ta gọi Thần học là một khoa học vui mừng. Tại sao
nhiều nhà Thần học lại có vẻ mặt rất buồn bã, lo âu - nếu không muốn nói là
cay đắng, quanh quẩn, luôn luôn sẵn sàng đặt điều kiện và phủ nhận? Lý do
là vì họ đã không tôn trọng tiêu chuẩn thứ ba của nhận thức Thần học đích
thực. Họ không tôn trọng thứ tự nội diện của đối tượng Thần học, không
thừa nhận rằng sự chấp nhận của Thượng Đế dành cho con người có địa vị
thượng đẳng so với sự từ khước, rằng Phúc âm, ân sủng và sự sống có địa vị
cao hơn so với luật pháp, bản án và cái chết. Thay vào đó họ lại muốn tự tiện
biến đổi thứ tự này thành một thứ tự đồng đẳng, hoặc thành một thứ tự trái
ngược lại. Vì thế không có gì lạ khi những nhà Thần học này trở thành
những người bạn láng giềng buồn bã của cụ già J. J. Rousseau, hoặc của
người đàn ông đáng thương kia - một người phải van xin "Người cha của
tình yêu" an ủi mình - mà Goethe đã truy điệu trong tác phẩm "Chuyến đi
mùa đông trên núi Harz". Một nhà Thần học có quyền và phải luôn luôn là
một người vui mừng, luôn luôn vui mừng từ trong nội tâm chứ không phải
hời hợt bên ngoài. "Vui mừng" theo ý nghĩa cổ truyền tốt đẹp của từ này là:
thấy mình sung túc. Như Paul Gerhardt đã viết: "Bạn hãy thoả lòng và lặng
yên trong Thượng Đế của cuộc đời bạn"*. Nếu một người không thấy mình
sung túc trong Ngài thì làm sao tìm thấy sự sung túc trong cộng đồng tín hữu
và trong trần thế? Là một nhà Thần học người đó sẽ sinh tồn như thế nào?
Qua kinh nghiệm cộng đồng tín hữu biết được rằng mình là một nhóm người
hư mất, nhưng không biết và không bao giờ biết đầy đủ, rằng mình là tuyển
dân yêu dấu của Thượng Đế được kêu gọi để ca tụng Ngài. Qua kinh
nghiệm, trần thế cũng biết rằng mình nằm trong tay của ma quỉ (dù rằng trần
thế luôn luôn tự lừa dối mình, phủ nhận tình trạng thực sự của mình), nhưng
không biết rằng mình được đỡ nâng trong bàn tay của Thượng Đế. Nhà Thần
học sẽ tìm thấy sự sung túc của mình khi nhận thức của người, intellectus
fidei, đi theo chiều hướng mà đối tượng của khoa học của mình đã định sẵn
cho mình. Người đó sẽ và là một người vui mừng và cũng sẽ truyền đạt sự
vui mừng cho cộng đồng tín hữu và cho trần thế.
__________
* trong một bài ca của Paul Gerhardt, 1666
ĐỨC TIN
Để trả lời cho câu hỏi, những yếu tố nào làm cho một người trở thành một
nhà Thần học, chúng ta phải tạm thời dừng lại ở đây và nhìn về một hướng
khác để có thể hiểu rõ tất cả những điểm mà chúng ta đã bàn về đề tài này.
Chúng ta đã gặp khó khăn trong việc trình bày rõ ràng và cụ thể những chi
tiết liên quan đến ngạc nhiên, xúc động và uỷ nhiệm, những yếu tố được xây
dựng qua đối tượng của khoa học Thần học và tấn công những người làm
việc với đối tượng đó. Nhưng sự tấn công này xảy ra như thế nào? Làm thế
nào mà một người trở thành, là và thường xuyên trở thành một người ngạc
nhiên, bị xúc động và được uỷ nhiệm một cách mới mẻ? Trong chương
trước qua đề tài Uỷ nhiệm chúng ta đã cố gắng lý giải: Chúng ta thừa nhận
rằng nhận thức mà nhà Thần học được uỷ nhiệm, được giải phóng và kêu gọi
đến là một nhận thức đặc biệt. Nhưng sự kiện đó xảy ra cho nhà Thần học
như thế nào? Sự kiện một người được uỷ nhiệm đến với nhận thức đặc biệt
này xảy ra như thế nào? Làm sao một người được uỷ nhiệm như vậy có thể
tiến bước trên con đường mà đối tượng của khoa học Thần học đã định sẵn
cho mình? Và từ điểm này chắc chắn ta còn phải tiếp tục tra vấn lại: Làm thế
nào nhà Thần học trở thành một người bị đối tượng làm cho xúc động mạnh,
trở thành một người bị đối tượng làm cho rất ngạc nhiên?
Những hiện tượng này bắt đầu như thế nào?
Chúng ta hiện đang ở trong một tình huống tương tự - đúng ra là ở trong
cùng một tình huống - như trong chương 5; khi bàn về Linh chúng ta phải
chấp nhận những qua n điểm vô giả định (về Lời Thượng Đế, về những
Nhânchứng Thánh Kinh, về cộng đồng tín hữu là tuyển dân của Thượng Đế
được thành lập qua Lời Chứng của mình). Một lần nữa chúng ta đối diện với
một nan đề tự tại không thể bỏ qua hoặc xem thường. Chúng ta cũng không
có quyền tìm cách gạt bỏ bằng bất cứ một lý lẽ nào hoặc bằng cách đưa ra
một Deus ex machina, một thần tượng từ trong máy móc, nào đó. Một lần
nữa ở đây ta lại không có gì để giả định hết. Như trước đây chúng ta có một
yếu tố mà căn cứ vào đó chúng ta không thể nào xây dựng thành một hệ
thống, như khi chúng ta suy tưởng về Linh tự do là sự mầu nhiệm của Lời
Thượng Đế đã được các Tiên tri và Sứ đồ nghe và làm chứng, đã xây dựng,
chăm sóc và quản lý cộng đồng tín hữu, bây giờ cũng vậy, chúng ta không
thể nắm được vấn đề một cách có hệ thống mà chỉ có thể dẫn chứng một
biến cố: đối tượng của Thần học sử dụng, gây ngạc nhiên, gây xúc động và
uỷ nhiệm một con người nào đó để người đó có thể sinh tồn với tư cách một
nhà Thần học, để người đó làm nhà Thần học sống, nghiên cứu, suy tư và
phát biểu. Biến cố này xảy ra vô điều kiện, trong sự tự do của Thượng Đế và
của con người, vì thế nên ta không thể hiểu được và không thể giải thích
được, tuy nhiên có thể diễn tả được. Biến cố này là đức tin: đức tin bé nhỏ
của một con người rất nhỏ bé.
Trước hết, ta phải giới hạn khái niệm đức tin này, một khái niệm đã bị lạm
dụng rất nhiều trong trường phái Cải chánh Cổ điển và nhất là trong trường
phái Tân Cải chánh.
(1) "Đức tin" sẽ là một sự kiện tầm thường không đáng cho ta đề cập ở đây
nếu ta hiểu từ này là sự việc xảy ra cho một người khi người đó - trong giới
hạn của con người - phỏng định, nêu ý kiến, đặt ra một định đề, thực hiện
phép tính xác xuất, để rồi hoà đồng đối tượng Thần học với sự phỏng định,
với định đề của mình hoặc với điều mà người đó cho là có thể đúng, và rồi -
trong ý nghĩa này - công nhận đối tượng Thần học. Có thể có người xử sự
như vậy, nhưng người đó không nên nghĩ rằng đó là đức tin, là yếu tố có thể
làm mình trở thành và là một nhà Thần học. Không ai có thể nêu ý kiến,
phỏng định và đặt định đề về đối tượng của Thần học, một đối tượng gây
ngạc nhiên, gây xúc động và uỷ nhiệm con người như ta đã đề cập. Vì thế
đức tin tin nơi đối tượng đó không phải là một kiến thức đặt cơ bản trên giả
thiết, không phải là một kiến thức mơ hồ, nhưng từ bản chất là một kiến thức
mãnh liệt, nghiêm túc và chính xác. So sánh với kiến thức này, kiến thức
chính xác nhất trong giới hạn của con người chỉ là một giả thiết, có lẽ là một
giả thiết tiện dụng, nhưng là một kiến thức hoàn toàn mơ hồ.
(2) Đức tin cũng sẽ nghèo nàn nếu một người nghe hoặc đọc những mệnh đề
hoặc giáo lý nơi những người khác, nơi những Nhân chứng về Lời Thượng
Đế mà người đó coi là thần tượng, hoặc trong giáo điều và tín điều của Hội
Thánh, kể cả trong Thánh Kinh, và làm như thể tự chính mình đã nhận thức
ra được những điều mà người khác dường như đã nhận thức được (thực ra
người đó không nhận thức được gì hết), rồi căn cứ vào thẩm quyền của họ
mà cho rằng những mệnh đề và giáo lý này là đích thực và quyết định chấp
nhận làm của riêng mình. Đó là một phương thức mà W. Herrmann vào đầu
thế kỷ của chúng ta đã cực lực tố cáo không ngừng - đối với thính giả của
W. Herrmann là một sự kiện khó quên - là một tội lỗi nặng nề nhất không
thể tha thứ được. Rõ ràng đó là một sự trốn tránh bất cẩn trước câu hỏi về
chân lý. Một quyết định căn cứ vào đức tin mù quáng và sự thực hiện một
quyết định như thế là sacrificium intellectus , là loại nhận thức đã bị hi sinh,
chứ không phải là fides quaerens intellectum, không phải là đức tin đi tìm
nhận thức, là vô tín chứ không phải là đức tin. Từ fides implicita, đức tin
được kể là đức tin, rõ ràng là một khái niệm tầm thường của một sự kiện tầm
thường mà đáng lẽ ta không bao giờ nên dùng để trang điểm cho từ fides .
Rõ ràng đó là một cái nhà làm bằng giấy mà không có người tín hữu và nhà
Thần học nào có thể sống trong đó được.
(3) Đức tin sẽ không nghèo nàn, trái lại trở thành quá lộng lẫy, quá táo bạo,
nếu một người tưởng rằng mình có thể kinh nghiệm và hoàn thành sự nhập
thể và đức tin của Chúa Giê-xu. Người đó tưởng mình có thể và phải đặt để
Thần tánh vào trong cuộc đời của mình qua đức tin nhỏ bé của mình, hoặc
cũng có thể tạo dựng nên Thần tánh được nữa (fides creatrix divinitatis in
nobis, đức tin là người mẹ sinh thành ra Thần tánh trong chúng ta ) . Một
đức tin tự phụ như thế có thể thích hợp mutatis mutandis, có thể sẽ thay đổi,
với một tín hữu Hồi giáo sùng đạo chứ không thể tự xưng mình là đức tin
nơi Chúa Cứu Thế. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế thành hình qua sự gặp gỡ và
vì thế trong sự tương giao của người tín hữu với Đấng mình tin, chứ không
phải qua sự đồng hoá mình với Đấng đó.
(4) Khuynh hướng nâng cao đức tin lên và hạ thấp đối tượng thực sự của
Thần học xuống thành một khái niệm tự tại chính yếu, làm như thể đức tin là
biến cố đích thực của sự cứu rỗi như trường phái Tân Cải chánh đã từng chủ
trương một thời gian, không bao giờ là một khuynh hướng đúng đắn. Trong
trường hợp này ta đổi Thần học học thành Đức tin học, tức là khoa học và
giáo lý về đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Ta chỉ mãi lo tìm trong lịch sử Thánh
Kinh và lịch sử Hội Thánh những Nhân chứng đức tin và Anh hùng đức tin,
ta sẽ suy tư và phát biểu về tất cả những sự kiện liên quan đến Công lao và
Lời Thượng Đế rồi chấp nhận hoặc lý giải những sự kiện này đều là ý tưởng
và khái niệm về đức tin mà thôi. Những điểm nào không phù hợp với
phương pháp luận giải đó ta sẽ không nhắc đến hoặc cực lực bác bỏ, làm
như thể trong Credo của Hội Thánh, từ Credo là tín điều đích thực vậy! Thay
vì phải tin và xưng nhận Thượng Đế là Cha, là Con và Thánh Linh, ta sẽ tin
và xưng nhận đức tin của Hội Thánh được diễn đạt qua những từ ngữ cao
siêu, và cuối cùng sẽ tin và xưng nhận chính đức tin của riêng mình. (Mozart
cũng có một bản nhạc tên là Lễ Mi-sa của Mozart, được gọi là bản Mi-sa
Credo; từ Credo được lặp đi lặp lại trong suốt ba phần của bản nhạc hoà tấu
này và có thể cũng gây ra sự hiểu lầm nói trên. )
Đức tin là conditio sine qua non, điều kiện không thể không có được, chứ
không phải là đối tượng và đề tài của khoa học Thần học. Tuy đối tượng
thực sự của khoa học Thần học đòi hỏi đức tin nhưng không để mình bị tan
biến trong những ý tưởng và từ ngữ về đức tin. Người không chấp nhận
điểm này không nên ngạc nhiên về những cố gắng vô hiệu quả mà công tác
Thần học dành sẵn cho mình.
Đức tin là conditio sine qua non của khoa học Thần học! Điều này có nghĩa
là: Đức tin là biến cố và lịch sử; nếu biến cố và lịch sử này không xảy ra thì
một người dù có tất cả những khả năng và đặc tính tốt khác cũng không thể
trở thành và là một người tín hữu Chúa Cứu Thế và một nhà Thần học được.
Trong ba chương vừa qua thực ra chúng ta cũng đã bàn về nguồn gốc này
trong sự sinh tồn của Thần học. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể đề cập đến
những yếu tố ngạc nhiên, xúc động và uỷ nhiệm bằng cách diễn tả chúng
thành một sự kiện mà thôi! Và chúng ta đã thành thực trình bày những đặc
điểm của ngạc nhiên, của xúc động, của uỷ nhiệm. Chính đức tin là một biến
cố đặc biệt, là một biến cố hình thành sự sinh tồn của người tín hữu và của
nhà Thần học. Qua biến cố đức tin mà sự ngạc nhiên, sự xúc động, sự uỷ
nhiệm, những yếu tố làm nhà Thần học trở thành nhà Thần học, khác biệt
với những yếu tố đáng chú ý và đáng ghi nhớ khác mà ta cũng gọi trùng tên
là ngạc nhiên, xúc động và uỷ nhiệm. Qua biến cố đức tin, Lời Thượng Đế
giải phóng một người sống giữa nhiều người khác để người đó tin. Nhờ Lời
Thượng Đế trong Quyền năng sống động của Linh mà người đó có thể sinh
tồn ở giữa muôn người và tiếp tục sinh tồn làm một người tự do để xác nhận
Lời này chẳng những là Lời an ủi và hữu ích nhưng cũng có giá trị tuyệt đối
đối với thế giới, đối với cộng đồng tín hữu và cuối cùng đối với chính bản
thân mình. Người đó được tự do để ký thác toàn bộ lòng tin cậy của mình
vào Lời mà Thượng Đế đã phán để tự bày tỏ tình yêu của Ngài đối với thế
giới, đối với dân tộc của Ngài và đối với chính bản thân mình, và chân thành
vâng phục Lời này. Không ai có thể nhờ sức riêng thực hiện điều này được.
Người thực hiện được điều này phải là một người được Lời có linh quyền
của Thượng Đế chế ngự, cải tử hoàn sinh và tái tạo. Nhưng khi thực hiện
điều này, người đó thực hiện một hành động của riêng mình, tuy rằng hành
động của người đó phát sinh từ và hướng nhắm về Lời chân thành của
Thượng Đế. Không phải Thượng Đế trong người đó, nhưng vì người đó
được Thượng Đế kêu gọi và uỷ quyền nên chính người đó, một con người
nhỏ bé, có thể xác nhận, tin cậy và vâng phục. Người đó cũng không hành
động trong sự say mê quá khích. Không! Là một người như tất cả mọi nguời
khác, người đó thực hiện điều này bằng cách tận dụng lý trí bình thường (kể
cả trí tưởng tượng), ước vọng và cảm xúc của con người. Nhưng người đó,
tuy bị nhân tính chi phối và giới hạn, là một người tự do. Khi Lời được phán
qua Công lao của Thượng Đế gặp gỡ người đó, người đó, vốn không phải là
người tự do, đã trở thành một người tự do. Bây giờ người đó tự bản chất
cũng không phải “là” người tự do, nhưng được phép trở thành một người tự
do một cách mới mẻ luôn khi đối tượng của Thần học lại gặp gỡ người đó,
lại đòi hỏi và tìm thấy người đó, tạo điều kiện để người đó xác nhận, tin cậy
và vâng phục. Một người tin khi người đó có kinh nghiệm này và thực hiện
điều này. Và khi biến cố này là một biến cố Mạc khải và khi hành động này
là một hành động soi dẫn, đức tin - intellectus fidei - có được một nhận thức
về đối tượng của mình. Đối tượng đó là nguồn gốc của đức tin. Từ nguồn
gốc và đối tượng này đức tin tiếp nhận, có nội dung cụ thể và minh bạch, có
quyền trở thành một kiến thức về Thượng Đế và về con người, về Giao ước
của Thượng Đế với con người và trở thành một kiến thức về Chúa Giê-xu
Cứu Thế. Dĩ nhiên kiến thức này không phải là kiến thức của chỉ lý trí mà
thôi, nhưng - về phương diện Thần học đây là điểm chúng ta nên lưu tâm - là
một kiến thức cũng của lý trí nữa, được thành hình bằng khái niệm và được
diễn đạt bằng ngôn từ. Đức tin có quyền tái diễn một cách mới mẻ luôn khi
đức tin là fides quaerens intellectum, đức tin đi tìm nhận thức, là đức tin vất
vả - một cách khiêm tốn, nhưng không vô ích - với câu hỏi về chân lý. Biến
cố này là biến cố ta không thể hiểu và không thể lý giải được (chúng ta nên
nhớ lại những điểm đã được bàn trong chương 6 về phép lạ trong sự sinh tồn
của Thần học) nhưng có thể thuật lại, như phép lạ chữa lành một người vốn
bị điếc, mù và câm, bây giờ có thể nghe, thấy và nói được. Đó là cách mà
đối tượng của Thần học sử dụng một người để người đó nhận thức, nghiên
cứu, suy tư và phát biểu Thần học. Chúng ta cần nhấn mạnh một vài điểm
sau đây:
1. Ta thường nghe: Muốn trở thành và làm một nhà Thần học thì phải tin.
Câu nói này đúng ở chỗ: Nếu một người không được giải phóng để tin thì
người đó không thể nghe, thấy, phát biểu Thần học, nhưng sẽ chỉ có thể phô
trương cái chủ quan của mình trong tất cả các ngành của khoa học Thần học
mà thôi. Nhưng nói nhà Thần học phải tin là không chính xác, vì nhà Thần
học - được giải phóng để tin - là một người tín hữu tự do có thể tin thực sự.
Ta cũng không thể đồng ý với lời phát biểu của Schiller : "Bạn phải tin, phải
liều lĩnh, vì các thần tượng không thể bảo đảm cho Bạn. ". Đó là một châm
ngôn có thể áp dụng cho sự mê tín chứ không thể áp dụng cho đức tin nơi
Chúa Cứu Thế được. Trước hết, đức tin không phải là một sự liều lĩnh như
cái liều lĩnh mà sa-tan muốn cám dỗ Chúa trên nóc Đền thờ (Lu-ca 4:9-12),
nhưng là can đảm - tuy nhiên sáng suốt - nắm lấy Lời hứa vững chắc. Điểm
thứ hai là, theo Sứ đồ Phao-lô, hành động nắm lấy xảy ra với một sự bảo
đảm thực sự trong sự hiện diện và tác động của Thánh Linh là Đấng giải
phóng con người để tin. Cuối cùng, đức tin là một việc làm mà Thượng Đế
không bắt buộc con người phải, nhưng cho phép con người thực hiện: con
người tự nhiên tiếp nhận ân sủng của Thượng Đế ban cho mình với lòng cảm
tạ bé nhỏ của con người - tương tự như búp hoa tự nhiên nở ra hoa và rồi tự
nhiên hướng về mặt trời, hoặc như nụ cười tự nhiên của một em bé khi em
vui mừng.
2. Đức tin là một lịch sử, một lịch sử mỗi sáng một mới luôn. Đức tin không
phải là một tình trạng, cũng không phải là một đặc tính. Ta không được phép
lầm lẫn đức tin với "lòng tin". Tuy nhiên đức tin có thể phát sinh và bao hàm
lòng tin là một yếu tố mà ta nên gọi là "sự sáng suốt". Đức tin phải bao hàm
sự sáng suốt để khi đối diện với những câu chuyện như câu chuyện Chúa
sinh ra do một người nữ đồng trinh hoặc descensus ad inferos, đi xuống địa
ngục, như câu chuyện về sự sống lại của thể xác, về ngôi mộ trống của
Chúa, hoặc giáo lý Ba Ngôi của bản Tín điều Nicea, giáo lý về Chúa Cứu
Thế của bản Tín điều Chalcedon, và cả khi đối diện với sự phối hợp Hội
Thánh với đức tin nơi Chúa Thánh Linh, nhà Thần học sẽ không ngạc nhiên
và rồi thất vọng trốn chạy đến chủ trương cho rằng Thánh Kinh có tính thần
thoại. Nhưng nhà Thần học sẽ nghiêm túc tự tra vấn mình có thực sự tin nơi
Thượng Đế của Phúc âm không nếu bỏ qua hoặc gạt bỏ những điểm này và
những điểm tương tự. Dầu sao đi nữa, lòng tin vào tất cả những điểm này và
những điểm tương tự cũng chưa phải là đức tin. Đức tin không phải là
credere quod . . . (tin rằng. .. ) nhưng là - như bản Tín điều các Sứ đồ có ghi
rõ - credere in . . . ( tin nơi. .. ) ; đó là đức tin nơi chính Thượng Đế, là
Thượng Đế của Phúc âm, là Cha, Con và Thánh Linh. Ai tin Ngài, người đó
sớm muộn cũng sẽ có một nhận thức về nhiều điểm đặc biệt khác. Vấn đề
không phải là "tin tưởng" và rồi "tin" những điểm này, nhưng vấn đề là tin
Ngài, tin chính Thượng Đế, chủ thể của tất cả những thuộc từ. Đó là biến cố
xảy do fide quaerente intellectum, do đức tin đi tìm nhận thức, một cách tươi
mới vào mỗi buổi sáng .
3. Đức tin đích thực và vững chắc mà nhà Thần học không thể thiếu được
không phải là một đức tin rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, rất nồng nàn, nhưng
thường là một đức tin yếu ớt, bé nhỏ, chòng chành trong sóng gió của cuộc
đời. Nhưng nếu - theo Phúc âm - một đức tin bé nhỏ như hạt cải cũng đủ để
dời núi được, thì đức tin đó cũng sẽ đủ để chẳng những tạo điều kiện nhưng
cũng bắt đầu một nhận thức về Thượng Đế và công tác Thần học. Một người
có thẩm quyền và khả năng nhận thức để hiện hữu trong phạm vi Thần học
khi người đó với đức tin bé nhỏ của mình luôn luôn hướng về Đấng mà
người đó đã được giải phóng và được tự do để tin.
4. Nhân vật Faust của Goethe nói rằng: "Tôi có nghe Phúc âm chứ, tôi chỉ
thiếu đức tin mà thôi!"* Vâng, ai là người không thiếu đức tin? Ai là người
có khả năng tin? Người nào quả quyết rằng mình "có" đức tin, rằng mình
không thiếu đức tin, rằng mình "có khả năng" tin, chắc chắn người đó là
người không tin. Hễ người nào tin, người đó biết và thừa nhận rằng "nhờ sự
khôn ngoan và sức riêng của mình" thì không thể nào tin được **. Người đó
tin, tuy lòng vô tín vẫn tiếp tục theo đuổi và bộc phát trong mình. Vì được
Thánh Linh kêu gọi và soi dẫn nên người đó cũng không thể hiểu chính
mình; người đó ngạc nhiên cực độ về bản thân. Người đó sẽ thưa trong và
với lời cầu xin: "Chúa ơi! Con tin, xin giúp đỡ lòng vô tín của con!" Như
vậy người đó không nói rằng mình có đức tin, nhưng - như dân Y-sơ-ra-ên
trong sa mạc hi vọng mỗi buổi sáng sẽ có Ma-na - mỗi sáng người đó sẽ bắt
đầu tin bằng cách tiếp nhận đức tin một cách mới mẻ. Vì thế câu hỏi "Đức
tin và biến cố của đức tin có nằm trong thẩm quyền của một người nào
không?" là một câu hỏi vô ý thức. Đức tin không xảy ra trong thẩm quyền
của một người nào hết. Câu hỏi nghiêm túc phải là: Khi một người biết rằng
Công lao Thượng Đế đã xảy ra và Lời Thượng Đế đã phán trong thế giới của
mình, rằng Quyền năng của Thánh Linh cũng luôn luôn sống động trong thế
giới của mình, người đó có thể nào cho phép mình cứ khăng khăng ở trong
tình trạng "tôi thiếu đức tin!" không? Hoặc người đó sẽ từ bỏ sự vô tín và
sống trong sự tự do đã được mạc khải và ban cho mình, tức là sẽ làm một
người chẳng những muốn nhưng cũng có khả năng để có intellectus fidei,
nhận thức của đức tin, và để tham dự vào trong khoa học Thần học? Rồi
phải chăng người đó qua Thượng Đế hằng sống sẽ là người thực sự ngạc
nhiên, xúc động và được uỷ nhiệm, và như vậy là người xứng đáng với công
tác này?
__________
* Trong tác phẩm Faust, phần 1, cảnh “Đêm”
** Giáo lý cơ bản “Kleiner Katechismus” của Luther,
chương Ba, trang 1531

CÔ ĐƠN
Chúng ta bước sang phần thứ ba. Trong phần này bối cảnh trở nên đen tối,
nhưng ta không thể nào tránh được. Một tài liệu "Thần học Tin Lành Nhập
môn" như thế này phải trình bày thận trọng - tức là không bi thảm hoá một
cách vô ích, nhưng phải thành thật - về mối hiểm hoạ to lớn của Thần học.
Ngay từ bước đầu, rồi trong toàn bộ các bước thực hiện và trong tất cả các
chi tiết, công tác Thần học phải đương đầu với hiểm hoạ này. Ta có lý do
chính đáng khi cho rằng, đặt tên cho Thần học là một "Khoa học vui mừng"
dường như rất là mâu thuẫn với kinh nghiệm thực tế của Thần học, dù sao
thì cũng không được rõ ràng. Nhiều nền Thần học thực hiện công tác Thần
học với một trạng thái bất an, phân vân, đầy lo lắng và cố gắng che dấu -
nhưng không khéo léo lắm - công tác của mình. Dĩ nhiên tình trạng này
không nên xảy ra, và căn nguyên không chỉ nằm trong cá nhân nhà Thần học
nhưng cũng nằm trong chính công tác Thần học nữa. Mặc dầu Thần học là
một công tác tốt, nếu hiểu cách đúng đắn thì phải nói là một công tác tốt
nhất, dành cho người nào hiến mình cho Thần học, nhưng ta không thể phủ
nhận, cũng không thể dấu diếm rằng, tham gia vào Thần học là bước vào
một hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế tuy ta cảm thấy tội nghiệp, nhưng trên
thực tế phải hiểu lời than thở của tiến sĩ Faust: "Rất tiếc tôi cũng đã cần mẫn
nghiên cứu Thần học!" Bây giờ chúng ta phải bàn đến sự kiện Thần học và
nhà Thần học. Ta đã khẳng định nhà Thần học là người ngạc nhiên, xúc
động, được uỷ nhiệm và được kêu gọi đến đức tin, bị chất vấn, tuy không bị
chất vấn triệt để nhưng ít nhất cũng bị làm tổn thương. Ta cũng phải bàn đến
sự kiện này - trong một vài âm thứ ai oán được chọn lọc, nhưng rồi cuối
cùng sẽ chuyển sang một hợp âm trưởng vui vẻ nhẹ nhàng - vì không thể
tránh được.
Người hiến mình cho Thần học cảm thấy bị đày tức khắc và thường xuyên -
dù người đó muốn hoặc không muốn - đến một tình trạng cô đơn rất thê
thảm. Trong Thánh ca cũ của chúng ta có một bản Thánh ca của Novalis
được nhiều người hâm mộ, như sau: "Bạn hãy vui lòng để cho người khác đi
dạo trên những đại lộ rực rỡ, đông người". Những lời này có thể trở thành
khẩu hiệu cho Thần học, nhưng là một khẩu hiệu không thành thật lắm. Vì ai
mà không thích làm một phần tử giữa đám đông người, ai mà không thích
được mọi người trực tiếp hoặc ít nhất cũng gián tiếp ủng hộ bằng cách công
nhận và thông cảm để mình thực hiện công tác này, một công tác chính đáng
đối với nhiều người, nếu không muốn nói là đối với tất cả mọi người? Trên
nguyên tắc, nhà Thần học phải thực hiện công tác của mình trong một tình
trạng cô đơn, cô đơn không những ở giữa cái gọi là "thế gian" mà còn cô
đơn ở giữa Hội Thánh (như ta thường nói: ở đàng sau "bức tường Trung
Quốc"). Để sáng tỏ điều này ta chỉ cần suy nghĩ lại xem các venerabilis ordo
theologorum - nhà Thần học khả kính - trong hầu hết các viện Đại học của
chúng ta sống còn như thế nào. Các phân khoa Thần học thường là những
phân khoa tinh tế nhất, nhưng cũng nhỏ bé nhất trong tất cả các phân khoa,
bị các phân khoa lớn hơn về số lượng và được trang bị đầy đủ hơn đẩy ra
ngoài lề và đặt vào trong bóng tối. Ta chỉ cần liên tưởng đến hình ảnh cảm
động của một vị Mục sư cô đơn, lẻ loi đi trên đường, bị cô lập vì cớ vòng
hào quang dành cho các vị tu sĩ do truyền thống để lại, như người khách lạ
giữa tất cả các cộng đồng tín hữu ở thành thị cũng như ở thôn quê, nếu may
mắn thì có một bầy chiên nhỏ quây quần chung quanh, nhưng trong nỗ lực
lý giải và áp dụng Phúc âm của Thánh Kinh và trong công tác Thần học hầu
như không có ai giúp đỡ ngoại trừ một vài bạn đồng nghiệp cư ngụ không
quá xa và có những quan điểm không quá khác biệt với mình. Ta chỉ cần suy
nghĩ đến mối tương quan về số lượng giữa những điều mà Bài Giảng luận và
Lời Giáo huấn trong Nhà thờ đem đến cho con người trong vòng một tiếng
đồng hồ - nếu họ muốn nghe và có thể nghe - với những điều báo chí, đài
phát thanh và truyền hình không ngừng tuôn ra như dòng nước lũ. Đây chỉ là
những triệu chứng cho thấy nguyện vọng, trách nhiệm và nỗ lực của Thần
học bị cô lập. Tất cả mọi lời giải thích, hành động và nỗ lực chống lại tình
trạng cô lập này đều vô hiệu quả. Ta phải kiên trì và chịu đựng tình trạng cô
lập này, nhưng chịu dựng một cách trang trọng và vui vẻ không phải là dễ.
Sở dĩ chịu đựng tình trạng cô lập không phải dễ, trái lại rất khó, là vì sự cô
lập không phù hợp với bản chất của Thần học. Mâu thuẫn hơn nữa là khi
Thần học phải thực hiện công tác của mình ở một nơi biệt lập, tách rời khỏi
quần chúng. Tôn giáo có thể là chuyện riêng tư, nhưng Công lao và Lời
Thượng Đế, tức là đối tượng của Thần học, là sự giải hoà thế giới với
Thượng Đế trong Chúa Giê-xu Cứu Thế, là sự thay đổi tận gốc rễ tình trạng
của toàn thể nhân loại và là sự Mạc khải cho tất cả mọi người về sự thay đổi
này. Sự Mạc khải như vậy đương nhiên là một vấn đề công cộng bao quát
nhất. Những điều thỏ thẻ vào tai phải được truyền bá trên nóc nhà. Và ngược
lại, phải chăng ta có thể và được phép nói rằng bản chất của các khoa học
khác của con người là không chấp nhận Thần học bên cạnh mình, chỉ coi
Thần học như cô bé lọ lem kiên nhẫn ngồi trong một góc, rằng đối tượng của
Thần học không phải là khuôn mẫu và gương mẫu cho nguồn gốc và thẩm
quyền của những đối tượng mà các khoa học khác đang nghiên cứu? Trong
Thần học, lý luận của đối tượng chiếm vị trí ưu tiên trước nhận thức của con
người. Phải chăng nguyên tắc này không phải là khuôn mẫu và gương mẫu
cho suy tư và phát biểu của các khoa học khác? Phải chăng đặc điểm của
Thần học là - khác với những khoa học khác - trong bất cứ trường hợp nào
Thần học cũng không được phép thất bại, ngay cả khi các khoa học khác thất
bại, là Thần học phải làm một giải pháp tạm thời thay thế cho các khoa học
khác trong khi trên căn bản tất cả các khoa học khác đều phải là Thần học và
làm cho Thần học trở thành thừa thãi? Phải chăng sự sống còn của Thần học
nằm trong tình trạng cô lập này? Phải chăng đặc điểm của của Thần học (nếu
ta nhìn vào bản thể của Thần học cũng như của các khoa học khác) là và
phải gọi là một sự kiện bất thường từ đầu đến cuối? Vì thế cho nên phải
chăng ta phải thông cảm cho nỗ lực quí giá của Paul Tillich trong thời đại
chúng ta, ít nhất là thông cảm cho chủ tâm của nhà Thần học này: phối hợp
Thần học với các khoa học khác được tiêu biểu qua triết học, với văn hoá, và
ngược lại phối hợp văn hoá, triết học và các khoa học khác với Thần học
trong một mối tương quan Vấn-Đáp bất khả phân ly? Phải chăng ta nên bỏ
tính nhị nguyên của lối suy tư bất nhất và độc lập và thay thế bằng sự đồng
nhất của lối suy tư thần trị? Phải chi nhà Triết học cũng muốn trở thành nhà
Thần học! Theo Tillich nhà Triết học nên và có thể ao ước điều đó. Và nhất
là: phải chi nhà Thần học cũng muốn trở thành nhà Triết học. Theo Tillich
nhà Thần học nên và có thể ao ước điều này. Thực là những giải pháp tuyệt
vời làm sao! Tương lai đầy hứa hẹn làm sao! "Ôi, ước gì chúng ta được như
thế!" *
Tuy nhiên nỗ lực chấm dứt tình trạng cô đơn này, cũng như những nỗ lực
tương tự khác, không thể nào thành công. Lý do là trong những nỗ lực này,
Thần học coi mình là và xử sự như là Thần học trong vườn địa đàng - tức là
liều lĩnh hoán chuyển mình trở về với tình trạng trước khi bị cám dỗ, hoặc là
Thần học hoàn thiện - tức là liều lĩnh đi trước, vượt ra ngoài khoảng thời
gian giữa sự giáng sinh và sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu, hoặc là
Thần học nguyên thuỷ, nghĩa là Thần học Thiên thượng - tức là phủ nhận sự
khác biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Giả sử có một nền Thần học còn vô
tội hoặc một nền Thần học đã hoàn thiện và giả sử có một nền Thần học
hoàn toàn của Thượng Đế như thế thì nền Thần học đó tất nhiên không thể là
một nền Thần học đặc biệt, khác biệt với triết học và các khoa học khác và
bị các khoa học khác đẩy vào trong bóng tối, nhưng nền Thần học đó (hoặc
nhờ đuợc ánh sáng của Thượng Đế soi sáng, hoặc là nền Thần học đó đồng
nhất với ánh sáng này) chính là nền triết học, là ngành khoa học. Nhưng nay,
công tác mà con người ở đây và bây giờ gọi là Thần học và đang thực hiện
vừa không ở trong vườn Địa đàng (vì chúng ta không còn ở đó nữa) vừa
không hoàn thiện (vì chúng ta chưa đạt đến mức đó) vừa không Thiên
thượng (vì chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến mức này được!) nhưng chỉ là
Thần học của con người, của những con người còn mùa lòa nhưng nhờ ân
sủng của Thượng Đế đã được sáng mắt nhưng còn chưa thấy được vinh
quang của toàn bộ sự Mạc khải trong tương lai: chỉ là theologia ektypa
viatorum, chỉ là Thần học mô phỏng của những người lữ khách.

Nếu trên đời có một ước mơ thuần tuý nào - một ước mơ "quá đẹp đến nỗi
không thể nào trở thành sự thật" - thì ước mơ đó là cái sáng kiến về một
Thần học có tính triết học hoặc một triết học có tính Thần học để ta có thể
suy tư một cách "thần trị", để ta xoá bỏ sự khác biệt của những khái niệm de
iure, theo luật, (như nhận thức của Thượng Đế và của phàm nhân) hoặc ngay
cả de facto, trên thực tế, (như nhận thức nguyên thuỷ và hữu hạn và nhận
thức hiện tại và phàm tục) vốn nhị nguyên bằng cách hỗ tương phối hợp các
khái niệm này. Ở điểm này ta phải thực tế, nghĩa là chối bỏ những hợp đề -
những hợp đề này ít có giá trị, nghĩa là tương đối dễ thực hiện đối với một
vài người có khả năng và hứng thú suy tư - bất chấp viễn tượng thống nhất
toàn bộ khoa học trong Thượng Đế, trong nguồn cội và mục tiêu của các
công trình nghiên cứu của khoa học. Nếu suy tư thực tế, nhà Thần học sẽ
gắn bó với sự kiện này: Thần học archetypa, nguyên thuỷ, và Thần học
ektypa, mô phỏng, cũng như Thần học paradisiaca, trong vườn địa đàng
hoặc Thần học comprehensorum, tổng hợp, và Thần học viatorum, của
những người lữ khách, là hai loại khác biệt và nan đề của Thần học chỉ có
thể là loại Thần học thứ hai chứ không thể là loại thứ nhất được. Trong lịch
sử Thần học hiện đại có một vài sự việc đáng lẽ đã diễn tiến khác hơn hoặc
tốt đẹp hơn nếu như những sự phân biệt chỉ dường như phức tạp này không
trở thành "loại Giáo điều cổ" (theo Karl von Hase) trong buổi giao thời đen
tối của thế kỷ 17 sang thế kỷ 18. Dĩ nhiên ta có thể bất bình về quan điểm
hạn hẹp trong những sự phân biệt này, dĩ nhiên ta có quyền nhìn xa hơn, vừa
khao khát vừa hi vọng một nền Thần học hoàn thiện, nhưng ta phải tránh
không tự lực mình tạo ra sự hoàn thiện đó. Thay vào đó ta phải chấp nhận
một sự việc dường như bất thường thành một sự việc bình thường ở đây và
bây giờ. Nhận thức, suy tư và phát biểu Thần học không thể là nhận thức,
suy tư và phát biểu phổ thông; và nhận thức, suy tư và phát biểu phổ thông
không thể là nhận thức, suy tư và phát biểu Thần học. Như vậy ta phải chấp
nhận đặc điểm và sự cô đơn tương đối của Thần học trong mối tương quan
với các khoa học khác, dù cho sự kiện này có đáng buồn đến thế nào đi nữa.
Phải chăng tình trạng này không phải cũng là tình trạng của cộng đồng tín
hữu - môi trường mà Thần học phục vụ, một cộng đồng đã được kêu gọi để
làm chứng cho Công lao và Lời Thượng Đế? Nếu không muốn phản bội sự
kêu gọi của mình thì dân Chúa, một dân tộc đang lữ hành trong khoảng thời
gian giữa sự giáng sinh và sự tái lâm của Chúa, chỉ có thể truyền bá Công
lao và Lời Thượng Đế là sự việc mới lạ vĩ đại cho thế giới chung quanh
mình, chứ không tìm cách phối hợp nhận thức đã được ban cho mình về sự
việc mới lạ đó với những nhận thức khác của thế giới chung quanh hoặc
phối hợp những nhận thức khác của thế giới chung quanh với nhận thức của
mình. Thần học không thể hổ thẹn về sự cô đơn mà cộng đồng tín hữu phải
chịu trong thời đại cuối cùng trong khi thi hành nhiệm vụ truyền giáo của
mình, trái lại chỉ có thể chia xẻ sự cô đơn của cộng đồng tín hữu, dù là với
những tiếng thở dài, cho dù là với những nụ cười rạng rỡ sau làn nước mắt.
Như vậy Thần học không có quyền tìm cách thoát khỏi sự cô đơn của mình,
nhưng phải can đảm và vui mừng kiên trì và chịu đựng sự cô đơn đang kịch
liệt đe doạ mình.
Sự cô đơn của Thần học và của nhà Thần học, một sự cô đơn không nhờ
thảo luận mà có thể giải quyết được, có những hậu quả rõ ràng. Nhà Thần
học thường kinh nghiệm rằng, khi đối diện với ngạc nhiên, xúc động và uỷ
nhiệm -những yếu tố làm một người trở thành nhà Thần học như chúng ta đã
mô tả trong phần thứ hai - nhà Thần học phải hoàn toàn cô độc trong thế giới
mênh mông, cô độc trong cộng đồng tín hữu và khổ nhất là cũng cô độc giữa
biết bao nhiêu những nhà Thần học đồng lao của mình. Nhưng có lẽ trong
những giây phút cực kỳ khó khăn nhà Thần học không hoàn toàn cô độc như
mình tưởng! Nhà Thần học không bị những chứng ảo tưởng cá nhân. Nhà
Thần học có thể ngẫu nhiên biết rõ điều này qua những lời phát biểu của
những người có vẻ như không phải là tín hữu. Những người này có lẽ sẽ tìm
mọi cách để không trở thành một nhà Thần học nhưng dường như cũng biết
những rung động làm một người trở thành nhà Thần học. Nhưng nhà Thần
học không thể trông chờ sự hỗ trợ của những người này. Nhà Thần học sẽ
phí công tìm kiếm intra et extra muros ecclesiae, bên trong và bên ngoài bức
tường của Hội Thánh, những người bạn cùng cảnh ngộ, cùng ngạc nhiên,
cùng xúc động, cùng được uỷ nhiệm, và rất thường cảm thấy chua xót vì đối
với rất nhiều tín hữu và thân hữu, âm thầm trốn tránh những rung động làm
một người trở thành nhà Thần học là một việc có vẻ rất dễ dàng. (Tôi có
quen hai người rất có tư cách - cả hai đều là bác sĩ - đã chân thành cho rằng,
trạng thái tinh thần của một nhà Thần học trong trường hợp lạc quan nhất
cũng là một loại bệnh hoạn - cũng có thể do thừa kế. ) Làm sao quan điểm
ấy không tạo ra cho nhà Thần học nghi vấn về sự sống còn của mình, không
tạo ra một mối hiểm hoạ đối với cả Thần học? Vì thế nên nhà Thần học phải
kiên trì và chịu đựng trong đức tin.
Nhưng đức tin, mối liên hệ cơ bản làm cho những rung động của Thần học
khác biệt với những kinh nghiệm kích thích khác của con người, không phải
là tài sản của tất cả mọi người. Dĩ nhiên đức tin, yếu tố đích thực làm một
người trở thành nhà Thần học, là đức tin của cộng đồng tín hữu. Đức tin là
sử dụng sự tự do đã được ban chung cho tất cả mọi người tín hữu để tiếp
nhận Lời Thượng Đế, để đặt toàn bộ lòng tin cậy nơi Ngài và để hoàn toàn
vâng lời Ngài. Như vậy nhà Thần học dường như không thiếu "bạn cùng đức
tin". Nhưng cộng đồng tín hữu của Chúa Cứu Thế là congregatio fidelium, là
hội chúng người tin, là tập thể trong đó mỗi một cá nhân phải, muốn và sẽ
tin - nếu người đó thực sự tin - cho dù mình là người tin duy nhất trên toàn
thế giới. Nhà Thần học cũng không thể nào xử sự khác hơn. Nếu xử sự khác
hơn nhà Thần học sẽ không thể nào làm tròn chức năng của mình trong cộng
đồng tín hữu và trên thế giới. Nhà Thần học bị thử thách nặng nề khi vì cớ
lợi ích của cộng đồng đức tin thường xuyên phải chịu đựng sự cô đơn cần
thiết này. Nhà Thần học bị thử thách nặng nề khi thường xuyên âm thầm
phát hiện rằng, không có một người nào khác có thể chịu trách nhiệm thay
thế cho mình về phương diện đức tin của mình và sự đóng góp của mình vào
đức tin của cộng đồng tín hữu. Nhà Thần học chỉ có thể tìm được một vài
người bạn bên cạnh mình và cũng chỉ có thể tương đối vững lòng về những
người này. Thế thì làm sao nhà Thần học có thể biết chắc đức tin của mình?
Vì cớ sự cô đơn của mình, đức tin và công tác Thần học của nhà Thần học
và Thần học nói chung - cho dù được Lời Thượng Đế và được testimonium
Spiritus Sancti, được ấn chứng của Chúa Thánh Linh bảo đảm - không bị đặt
thành nghi vấn sao? Trong hoàn cảnh khó khăn này Calvin, và trước Calvin
có Augustin và nhiều người khác, đã gắn bó với thuyết tiền định. Nhưng
thuyết này cũng không thể an ủi hữu hiệu một người đang cô đơn. Trên thực
tế Calvin không còn có cách nào khác hơn là kiên trì và chịu đựng tình trạng
cô đơn của đức tin của mình để có thể suy tư và phát biểu với tư cách là một
nhà Thần học xuất chúng của Hội Thánh.

Nhưng chính suy tư Thần học - một suy tư đặc biệt dành sẵn cho người công
tác với Thần học, chính cái intellectus fidei, nhận thức của đức tin, thường
xuyên dẫn đưa nhà Thần học đi vào cô đơn. Phương pháp duy nhất để thực
hành intellectus fidei là liều lĩnh chuyển hướng 180 độ, không phải chỉ một
lần mà chuyển hướng mỗi ngày, rồi hỏi và đáp không theo quan điểm của
con người nhưng trên cơ sở Lời Thượng Đế đã phán với con người. Như vậy
làm thế nào có thể có nhiều người, kể cả những người đã được tự do đến với
đức tin, sẵn lòng và có khả năng áp dụng phương pháp này? Vì thế đối với
hầu hết mọi người, buộc họ phải chấp nhận phương pháp này là một đòi hỏi
quá đáng. Đối với họ sự tự do tâm linh được hứa ban cho họ như vậy chỉ là
một loại gông cùm mà thôi. Ước chi những người lắc đầu mỗi khi nhìn thấy
nhà Thần học đi trên đường của mình chỉ là những bác sĩ, luật sư, sử gia và
triết gia. Ước chi không có quá nhiều người trong hàng ngũ các nhà Thần
học sau khi khởi hành chỉ một thời gian ngắn (hoặc chưa hề khởi hành) đã
nghĩ rằng mình là người khám phá ra những điều mới lạ nhất, rồi hồi tưởng
nồi thịt ở Ai-cập, và trở về với những chủ nghĩa duy tâm, duy sử ký, hoặc
bất quá là trở về với nhân chủng học, bản thể học hoặc ngôn ngữ học! Nếu
muốn hiến mình cho Thần học, và nếu muốn những thành quả của mình
không phải là những công trình vặt vãnh vô giá trị, nhà Thần học không có
quyền hối tiếc đã lội ngược dòng nước trong sinh hoạt tinh thần của mình,
và đã kiên trì và chịu đựng tình trạng tương đối cô đơn của mình.
Tuy nhiên Thần học không phải chỉ là Giải Kinh, Lịch sử Hội Thánh, Giáo
lý, nhưng cũng là Đạo đức học nữa. Đạo đức học dự thảo một quan niệm về
mạng lịnh Thượng Đế được phán trong và với Lời hứa của Ngài, về hành
động tiêu biểu cho sự vâng phục của đức tin trong Hội Thánh và trong xã
hội, về trách nhiệm cụ thể được giao cho con người có sự tự do. Nhưng ta
không thể trông mong quan niệm này sẽ phù hợp với những nguyện vọng,
quan điểm và nỗ lực của đa số đang hiện hành trên thế giới cũng như trong
Hội Thánh. Ngược lại ta phải tiên liệu rằng, Thần học với cách đặt vấn đề và
cách giải quyết của mình trong lĩnh vực này trên nguyên tắc sẽ gặp sự phản
đối khá mạnh mẽ của "mỗi cá nhân" nam nữ, lớn nhỏ, tín hữu và thân hữu.
Thần học thực ra không phải là kẻ thù của nhân loại, nhưng từ trong cốt lõi
Thần học là - vì chủ đề của Thần học là con người mới trong thế giới mới -
công tác phê bình, là cách mạng. Nếu hiến mình cho Thần học thì ta sẽ phải
chấp nhận rằng, với sự suy tư và phát biểu của mình trong lĩnh vực thực
hành chắc chắn ta không thể làm vừa lòng nhiều người, rằng về phương diện
này ta thuộc về thiểu số trong một môi trường mà người ta đo lường bằng
một thước đo hoàn toàn khác hẳn. Trong hoàn cảnh đó ta dễ trở nên thối chí,
cay đắng, đa nghi , cũng có thể hiếu chiến và độc ác nữa. Ta sẽ trở thành
một nguyên cáo không ngừng tố cáo anh em của mình vì cuộc sống ngu dại
và gian ác của họ. Dĩ nhiên không nên xảy ra điều này. Nếu không muốn tự
cáo là mình giả dối thì Đạo đức học của Thần học Tin Lành nhất thiết phải
tiêu biểu cho sự thanh thản và hiếu hoà. Như vậy tiếng nói của Đạo đức học
của Thần học Tin Lành sẽ là tiếng "chim hiu quạnh trên mái nhà" **, chỉ êm
tai đối với một thiểu số và thường xuyên đứng trước mối hiểm hoạ bị tay
thiện xạ đầu tiên bắn trúng! Vì cớ những băn khoăn về phương diện đạo đức
và thực hành phát sinh trực tiếp và gián tiếp từ Thần học nên Thần học nói
chung hầu như không bao giờ được ưa chuộng, người đời không ưa chuộng
mà người mộ đạo cũng không. Người nào nghiêm túc hiến mình cho Thần
học, người đó phải sẵn sàng và phải có khả năng kiên trì và chịu đựng sự cô
đơn về phương diện đạo đức-thực hành này.
Bàn về mối hiểm hoạ đến từ sự cô đơn như vậy là đã khá nhiều.
__________
* Điệp khúc của một bản Thánh ca Giáng sinh dựa
trên In dulci jubilo
** Thi thiên 102:7
NGHI NGỜ
Mối hiểm hoạ thứ hai của Thần học lớn hơn mối hiểm hoạ thứ nhất vì không
tấn công từ bên ngoài, trái lại thường diễn ra ở bên trong và - ở một mức độ
nào đó - tồn tại cố hữu trong Thần học. Mối hiểm hoạ thứ hai này là Nghi
ngờ.
Ta cần lưu tâm đến hai hình thức khác nhau của nghi ngờ. Cả hai hình thức
nghi ngờ đều nguy hiểm đối với Thần học. Tuy nhiên hình thức nghi ngờ thứ
nhất, khác với hình thức nghi ngờ thứ hai, nằm trong toàn bộ công tác Thần
học, và ta cần phải và có thể loại trừ mối hiểm hoạ này. Trái lại, hình thức
nghi ngờ thứ hai không phải là một mối hiểm hoạ tất nhiên của toàn bộ công
tác Thần học. Để đối phó với loại nghi ngờ này ta chỉ có thể thực hành khẩu
hiệu đã đề ra trong chương trước nói về sự cô đơn. Khẩu hiệu đó là: kiên trì
và chịu đựng!
Ở một mức độ nào đó, hình thức nghi ngờ thứ nhất là một nghi ngờ bình
thường mặc dầu không phải là không nguy hiểm, và khả dĩ còn có thể chữa
trị được. Sự nghi ngờ này phát sinh từ nhu cầu; vì trung tín với trách nhiệm
của mình đối với Công lao và Lời Thượng Đế nên Thần học bắt buộc phải
đặt ra câu hỏi về chân lý. Thần học phải luôn luôn tìm hiểu về nội dung của
sự Mạc khải qua hành động mà Thượng Đế đã thực hiện để nhân loại hoà
thuận lại với chính Ngài, về ý nghĩa của sứ điệp Thiên thượng đã được nói
lên trong Ngài, phải khám phá ra chân lý và sự thật của sứ điệp Thiên
thượng đó một cách mới mẻ. Trong ý nghĩa này, sự nghi ngờ sống còn trong
mối liên hệ mật thiết với câu hỏi về chân lý, là một nhiệm vụ không bao giờ
hoàn tất được nhưng luôn luôn được đặt ra cho nhà Thần học. Thần học của
thời Trung cổ cũng như Thần học của Cải chánh giáo trong giai đoạn sơ khai
đã được mang vác một cách đơn giản nhờ "những nghi vấn". Đặc tính của
hai nền Thần học này là đặt ra những câu hỏi về chân lý một cách cực đoan.
(Sự kiện này hiển nhiên là không phù hợp với điều mà John Doe hình dung
ra mỗi khi nghe đến từ "phái chính thống". ) Người ta đã tìm cách đặt ra
những câu hỏi về các giáo lý rất căn bản, như về sự hiện hữu của Thượng
Đế, rồi sau đó nỗ lực tìm lời giải đáp cho từng trường hợp một. Những câu
trả lời càng chính xác như các câu hỏi bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Tương tự như thế, các sách Giáo lý Căn bản cổ điển cũng được trình bày
theo phương pháp Vấn-Đáp hỗ tương. Thậm chí trong sách Giáo lý căn bản
Heidelberg có cả câu hỏi: Phải chăng giáo lý xưng nghĩa của Cải chánh giáo
làm cho con người "mù quáng và điên cuồng"? Quả là nghi ngờ quá đáng!
Như vậy, trong ý nghĩa này, nghi ngờ nói lên một cách giản dị rằng: Trong
Thần học không có điều gì là hiển nhiên cả. Trong Thần học ta không thể
chấp nhận bất cứ một điểm nào mà không có lý do. Mỗi một vấn đề cần
được xuyên suốt thì mới có giá trị. Một nền Thần học trong vườn địa đàng
và một nền Thần học trong nước vinh hiển không cần một công tác như thế,
và trong nền Thần học nguyên thuỷ của chính Thượng Đế thì câu hỏi về
chân lý và câu trả lời cho câu hỏi này sẽ hoàn toàn đồng nhất. Nhưng trong
một theologia ektypa viatorum, một Thần học mô phỏng của những người lữ
khách, một nền Thần học được ban cho chúng ta trong khoảng thời gian giữa
Lễ Phục Sinh và sự tái lâm của Chúa Cứu Thế, thì khác hẳn. Trong giai đoạn
này phải có công tác Thần học, phải nói và cũng phải nghi ngờ (kể cả nghi
ngờ "kiểu Socrates") nữa. "Con sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có ăn cho đến khi
nào con trở về đất, vì con đã ra từ đất. " Lời này có thể áp dụng cho quí vị
Mục sư khi quí vị chuẩn bị bài Giảng luận vào ngày thứ bảy cũng như cho
những nghiên cứu sinh Thần học khi nghe một bài thuyết trình hoặc đọc một
tác phẩm Thần học. Nhưng không phải người nào cũng được trang bị để có
thể nghi ngờ "kiểu Socrates", nghĩa là có thể trả giá bằng một ít mồ hôi để
trả lời cho mỗi một câu hỏi về chân lý nảy sinh trên mỗi bước đường. Khi
đối diện với nhu cầu đặt nghi vấn để tìm đến chân lý, người biếng nhác có lẽ
sẽ nói: "Bên ngoài có con sư tử! Tôi sẽ bị giết giữa đường!" (Châm ngôn
22:13), rồi chấm dứt công tác Thần học ngay cả khi chưa bắt tay vào. Đối
với Thần học, trong nỗi lao khổ của nghi ngờ, một sự nghi ngờ cần thiết và
chính đáng, tiềm tàng một mối hiểm hoạ nghiêm trọng. Lý do là có quá
nhiều người biếng nhác, và trên thực tế thì tất cả chúng ta đều là những con
người biếng nhác. Nhưng dù sao đi nữa thì ta cũng có thể khắc phục được
mối hiểm hoạ này. Fiat! Nào, ta hãy bắt tay hoàn thành công tác!
Bàn đến hình thức nghi ngờ thứ hai thì vấn đề lại khác hẳn. Ở đây một tình
trạng bất ổn có thể nảy sinh và đã thực sự nảy sinh ngay trong tiến trình thực
hiện công tác Thần học, tức là nảy sinh ngay trong nghi vấn cần thiết để thực
hiện công tác này. Nghi vấn đó là: Toàn bộ công tác Thần học, đại thể cũng
như tiểu tiết, có nên đề ra và có thể thực hiện không? Như đã trình bày, ta
không thể đương nhiên chấp nhận quan điểm cho rằng vì câu hỏi về chân lý
qua Công lao và Lời Thượng Đế đã được đặt ra cho ta nên dù sao đi nữa ta
cũng phải nỗ lực ít nhiều bắt tay vào công tác này; nghĩa là ta không thể
đương nhiên chấp nhận quan điểm cho rằng, như thế toàn bộ nỗ lực Thần
học đã có đối tượng rồi. Phải chăng ta dễ nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng
Đế một cách kỳ lạ, ngay cả sau khi đã thấy rõ thực chất ngây thơ của sự nghi
ngờ này và có lẽ đã học được nơi Anselm cách thức giải quyết mối nghi ngờ
này một cách hợp lý? Mối nghi ngờ này vốn là một căn bệnh thời trang của
giới trí thức vào đầu thế kỷ 18. Ngay cả Bá tước Zinzendorf, một thánh đồ
tin kính rất nổi tiếng của nước Đức, dường như cũng đã vun trồng mối nghi
ngờ này trong tuổi thanh niên của mình. Tuy nhiên, hậu quả sẽ ra sao nếu
nhà Thần học thật sự đầu hàng ngay tại điểm mà lẽ ra nhà Thần học phải
trình bày khúc chiết những lý lẽ chống lại mối nghi ngờ này? Điều gì sẽ xảy
ra nếu nhà Thần học lúng túng ngay trong giây phút mối nghi ngờ này cần
được xuyên suốt và phải bị coi là thái độ của một insipiens, của một người
“ngu dại” trong Thi thiên 53? Ngoài những lý lẽ biện giải dựa vào lịch sử,
tâm lý hoặc những phỏng đoán mà ta có thể ít nhiều chấp nhận được, ngoài
những mối cảm xúc tin kính và lời tự xác tín niềm tin phù hợp với những
cảm xúc ấy, phải chăng đối tượng của Thần học, lịch sử của Em-ma-nu-ên,
của sự Mạc khải và kiến thức về lịch sử ấy, là đúng đắn? Thượng Đế có thực
sự hiện hữu, hành động và phán dạy không? Phải chăng có ấn chứng của
Chúa Thánh Linh để nhờ đó ta có thể chắc chắn rằng Thượng Đế hiện hữu,
hành động và phán dạy trong lịch sử ấy? Nếu có một người trong thế kỷ 18
quả quyết rằng cá nhân mình chưa bao giờ nhận một ấn chứng tương tự như
thế thì ta phải trả lời như thế nào để người đó thỏa mãn? David Friedrich
Strauss gọi giáo lý về testimonium Spiritus Sancti internum, giáo lý về nội
chứng của Chúa Thánh Linh, là gót chân Achilles của phái Cải chánh-Chính
thống. Vậy nếu một người nào đó - nếu một nhà Thần học - công khai hoặc
kín đáo bị thương và thực sự bị thương nhiều lần dưới gót chân Achilles thì
sao?
Ta cũng cần lưu ý điểm này: Nghi ngờ không có nghĩa là chối bỏ hoặc phủ
nhận, mà chỉ có nghĩa là lưỡng lự và ngập ngừng giữa "có" và "không". Đây
chỉ là tình trạng không chắc chắn, mặc dù tình trạng này tệ hại hơn sự phủ
nhận rất nhiều. Dưới hình thức thứ hai, nghi ngờ nghĩa là phân vân về nan đề
của chính Thần học (không nên lẫn lộn với nỗ lực cởi mở rất cần thiết để
chuẩn bị cho các nghi vấn của Thần học). Ngay từ tiền đề của Thần học, sự
nghi ngờ này nảy sinh một sự lúng túng về nhu cầu và ý nghĩa của nghi vấn
của Thần học, lúng túng về Lời Thượng Đế - ta phải vấn nạn về chân lý của
Lời này, lúng túng về chính sự hiện diện và hành động của Thượng Đế,
những yếu tố cơ bản và là động cơ của Thần học - sự nghiên cứu Logos của
Thượng Đế, lúng túng về sự tự do của công tác Thần học. Tôi có tự do để
thực hiện công tác này không? Hoặc có lẽ tôi không có tự do gì hết? "Có lẽ
có, nhưng cũng có lẽ không", tất cả những điều này là gì nếu không phải là
hiểm hoạ rất trầm trọng và rất nguy hiểm đối với Thần học?
Dĩ nhiên hình thức nghi ngờ thứ hai chỉ là mối đe doạ cho Thần học trên tiến
trình thực hiện công tác Thần học của con người trong thời đại hiện tại mà
thôi. Trong hình thức nghi ngờ thứ hai, suy tư của con người, kể cả trong
mối tương quan với Công lao và Lời Thượng Đế, không những là - theo luật
thiên nhiên - suy tư biện chứng (nhờ đó có hình thức nghi ngờ thứ nhất), tức
là một suy tư biện chứng liên tục đặt câu hỏi rồi trả lời câu hỏi, nhưng cũng
là - phản lại với luật thiên nhiên - suy tư bệnh hoạn vì cớ con người xa lạ với
nguồn cội và mục tiêu của mình, vì là một suy tư thường xuyên sai lạc, lầm
lẫn v. v. , lầm lẫn từ cơ bản. Con người kiêu ngạo nói rằng: "Thượng Đế há
có phán. . . " (Sáng thế ký 3:1), hoặc bạo gan khẳng định "không có Thượng
Đế" (Thi thiên 53:1), hoặc "Ta là một vị thần" (Ê-xê-chi-ên 28:9). Chúng ta
trông mong - ngoài ra cũng được an ủi khi nghĩ rằng Thượng Đế chắc chắn
không nghi ngờ sự hiện hữu của chính Ngài - suy tư của chúng ta sẽ được
chữa lành trọn vẹn để trong sức mạnh của suy tư đó, nghi ngờ về nan đề của
Thần học đối với ta sẽ không còn là một nan đề nữa. Như C. F. Gellert viết
trong một bản Thánh ca "Mọi việc sẽ tốt đẹp hơn trên Thiên Đàng khi tôi
hoà ca cùng với các thánh đồ". Nhưng hiện tại, trong khoảng thời gian giữa
các thời đại, ngay cả người tín hữu, kể cả nhà Thần học, những người nương
dựa vào ân sủng của Thượng Đế, cũng chỉ là những tội nhân, thì sự nghi ngờ
này đối với ta là một nan đề.
Phân vân và do dự, lưỡng lự và lúng túng về mối liên hệ của ta với Công lao
và Lời Thượng Đế, tình trạng này tương ứng mật thiết với tình trạng mâu
thuẫn mà ta đang hiện hữu tại đây và bây giờ . Tầm nhìn của ta chỉ có thể
vượt thoát khỏi tình trạng mâu thuẫn này với lời cầu nguyện "Nước Cha
được đến!" Sự nghi ngờ đe doạ Thần học có thể nảy sinh từ những nguyên
nhân và trong những phương diện rất khác biệt về chi tiết. Những nguyên
nhân và phương diện này luôn luôn phản ảnh lại lỗi lầm cơ bản. Chúng ta,
tức là cộng đồng tín hữu và các tín hữu (và kể cả các nhà Thần học) là
những thành viên của cộng đồng tín hữu, mặc dù được tham dự một cách
sung mãn vào trong sứ diệp đã giải phóng chúng ta về với Thượng Đế,
nhưng trên cơ bản chúng ta đã nhiều lần bỏ qua không sử dụng tự do của
chúng ta để loại trừ nghi ngờ. Chúng ta nhìn thấy, nhận thức, và hiểu biết tất
cả mọi điều nhưng rồi chúng ta lại không nhìn thấy, nhận thức, hiểu biết gì
cả. Nếu không bị tình trạng mâu thuẫn đe doạ từ bên trong, nếu không có
đặc tính của một "công trình dang dở", Thần học ở đây và bây giờ sẽ không
thể trở thành một biến cố được.
Sau đây chúng ta khảo luận qua ba nguyên nhân và phương diện của sự nghi
ngờ đang đe doạ, phá ngầm và lũng đoạn Thần học trong nội tại.
(1) Trước hết là những thế lực và quyền lực thống trị đời này đang tập trung
và cạnh tranh - một sự cạnh tranh có vẻ rất kịch liệt, dù sao thì cũng mạnh
mẽ - với Công lao và Lời Thượng Đế. Khi đối diện với sự kiện này, mối
nghi ngờ trong Thần học có thể bộc phát mãnh liệt. Nếu so sánh với quyền
lực của các quốc gia, của các liên minh các quốc gia ngày nay đang tranh
chấp với nhau, của nền kinh tế thế giới, của khoa học tự nhiên và của nền kỹ
thuật đặt cơ bản trên khoa học tự nhiên, của các nghệ thuật cao và kém, của
thể thao và thời trang, của những học thuyết cũ và mới, huyền bí hoặc duy
lý, đạo đức hoặc phi đạo đức, thì quyền năng Thiên thượng của Tin Lành,
như Phao lô ca ngợi trong Rô-ma 1:16-17, nào có nghĩa lý gì? Phải chăng
con người sống nhờ những điều ấy và hoàn toàn không hoặc hầu như không
sống nhờ Lời ra từ miệng Thượng Đế? Thượng Đế có phán những Lời thực
sự siêu quần hơn, giới hạn và khuất phục tất cả những thế lực này không?
Thượng Đế có thực sự đã phán với con người, dứt khoát uỷ nhiệm con
người, nhưng để cho con người được tự do - dựa trên Lời Ngài - suy tư và
phát biểu không? Phải chăng lẽ ra nhà Thần học không bị mù loà nếu không
để cho những thế lực kia tác động - có lẽ tác động một cách tiệm tiến hoặc
bất ngờ, có lẽ một phần hoặc hoàn toàn - đến nỗi không nhìn thấy đối tượng
của Thần học nữa và bắt đầu nghi ngờ về ý nghĩa và khả năng của Thần học,
rồi trở nên, như thư Gia-cơ mô tả, giống như sóng biển bị gió đưa đẩy, dồi
dập? Câu tiếp theo là: "Người như thế chớ tưởng mình nhận được chi nơi
Chúa!". Người như vậy làm sao nhận được gì? Nhưng như thế thì câu hỏi về
chân lý đã được đặt ra cho nhà Thần học sẽ ra sao? Công tác phục vụ của
nhà Thần học trong cộng đồng tín hữu và trong thế giới sẽ ra sao? Ngoài ra:
Chính nhà Thần học, một người đã từng mạo hiểm xuống thuyền, sẽ ra sao?
(2) Nhưng nguyên nhân của sự nghi ngờ cũng có thể nằm trong cộng đồng
tín hữu của nhà Thần học, trong tình trạng yếu đuối, chia rẽ, cũng nằm trong
sự tổ chức lỏng lẻo và hoạt động truyền giảng yếu ớt của Hội Thánh của nhà
Thần học. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế cũng như Thần học Tin Lành trong thế
kỷ 17 bị khủng hoảng trầm trọng không phải vì cớ nền khoa học hiện đại
phát triển, cũng không phải vì chính quyền chuyên chế và sau này có ác cảm
với tôn giáo. Như giả thuyết của Emmanuel Hirsch đã làm sáng tỏ, cơn
khủng hoảng này xảy ra trước tất cả những biến động do khoa học và chính
quyền gây ra. Lý do của cơn khủng hoảng này là ba giáo phái chính ở bên
cạnh nhau và chống đối nhau. Tuy cả ba đều được hoà ước Westphalia chính
thức và công khai bảo đảm, ba giáo phái đều độc đoán cho mình là sở hữu
chủ duy nhất của sự Mạc khải và như vậy là tương đối hoá lẫn nhau. Về sau,
những kiến thức của các ngoại giáo chính trong vùng Cận và Viễn Đông còn
nhấn mạnh tính tương đối này một cách sâu sắc hơn nữa. Những yếu tố mà
một người, kể cả nhà Thần học, tình cờ hoặc không tình cờ đối diện như Hội
Thánh, giáo lý và luật lệ của Hội Thánh, như Cơ Đốc giáo và Cơ Đốc giáo
giới, có thể là những yếu tố rất cụ thể trong cá nhân hoặc tập thể cá nhân và
làm cho người đó bị tổn thương, dù hợp lý hoặc không hợp lý, đều có thể
ngăn trở người đó thấy viễn ảnh về Công lao và Lời Thượng Đế. Phải chăng
không có những cuộc viễn chinh của Thập tự quân, các cuộc chiến tranh tôn
giáo, những phong trào bài người Do thái, các vụ hoả thiêu phù thuỷ, xét xử
những người theo tà giáo cùng với sự thất bại trường kỳ của Cơ Đốc Giáo
trong các vấn nạn nô lệ, chủng tộc, chiến tranh, quyền phụ nữ và công bằng
xã hội sao? Phải chăng không có những trường hợp thiên vị ngoan cố và cố
chấp cho đến ngày nay và ngoài ra là một đại dương đầy những độc đoán
nhân danh Chúa Cứu Thế và Thần học, sự thiển cận, thụ động, rối loạn và vô
nghĩa sao? Có người nào chứng kiến mặt trái này mà không hồ nghi và chán
ngấy mọi sự không? Phải chăng tối thiểu ta cũng phải nghi ngờ không biết
trong toàn bộ sự việc có ít nhiều sự thực không? Khi một người cho rằng
những điều mình nhận biết (hoặc nghĩ rằng mình nhận biết) là đối tượng của
Thần học, thì đối với người đó toàn bộ Thần học không trở thành một công
tác bị sâu ăn sao? Một người như thế sẽ không thể cũng không muốn xưng
nhận credo ecclesiam, tôi tin Hội Thánh, nữa. Thế thì làm thế nào người đó
xưng nhận credo in unum Deum, tôi tin một Thượng Đế duy nhất, tức là
xưng nhận tiền đề của công tác Thần học phước hạnh và phong phú này?

(3) Mỗi người cần cân nhắc kỹ xem có phải yếu tố chính làm mình trở thành
một người nghi ngờ không phải là thế tục đã ảnh hưởng mình quá nhiều,
cũng không phải là Hội Thánh đã ảnh hưởng mình quá ít, nhưng là một
khuyết điểm về phương diện cấu trúc trong chính cuộc sống nội diện lẫn
ngoại diện của mình. Dĩ nhiên không một tín hữu nào (và cũng không một
nhà Thần học nào) có thể hoàn toàn loại trừ khuyết điểm này. Ở đây ta có
hai trường hợp trái ngược nhau. Trong tiến trình hình thành sự nghi ngờ, một
trong hai trường hợp này (và có thể là cả hai, trong một cuộc cạnh tranh lý
tưởng) luôn luôn đóng vai trò quan trọng, tối thiểu là vai trò phụ thuộc, bên
cạnh hai nguyên nhân đầu tiên.
(3a) Trường hợp thứ nhất: một người được kêu gọi, có khả năng và sẵn sàng
đến với công tác Thần học, nghĩ rằng mình nên và có thể sống công khai
hoặc kín đáo theo lối nhị nguyên, sống trong hai Nước, tức là sống trong
nhận thức của đức tin, nhưng là loại đức tin chỉ vâng phục đến một giới hạn
nào mà thôi. Bên cạnh intellectus dei người đó tự cho phép mình có một
praxis vitae khác, một lối sống khác, không do đức tin kiểm soát nhưng theo
sự tình cờ hoặc theo luật lệ riêng của mình. Bên cạnh nhận thức về Công lao
và Lời Thượng Đế người đó tự cho phép mình có một ước muốn thế tục tầm
thường, một ước muốn không lệ thuộc vào Thượng Đế và để Ngài dẫn dắt.
Bên cạnh những suy tư, phát biểu và hành động Thần học do đối tượng của
Thần học điều khiển, người đó cho phép mình có những suy tư, phát biểu và
hành động khác hoặc độc đoán hoặc bừa bãi.
Thế nên ngay từ đầu, trên lý thuyết tuy người đó tán thành công việc của
Chúa Thánh Linh - ai mà không biết lối tán thành này? - nhưng sống trong
một mối quan hệ căng thẳng với Chúa Thánh Linh là Đấng, theo Phao lô, có
ý định và ước ao ấn chứng cho tâm linh của người đó (Rô-ma 8:16). Phải có
phép lạ mới làm cho người đó - nếu người đó đối diện với chính mình một
cách thành thật - nhận thấy và công nhận rằng mình là một người nghi ngờ,
là một nhà Thần học què một chân, một người đi khập khiểng. Người nửa tin
nửa ngờ không thể hi vọng sẽ biết nhiều hơn một nửa. Nếu còn trong tình
trạng lao đao, ngả nghiêng mà chưa té ngã hoàn toàn là còn đáng mừng. Tuy
nhiên có một lời cảnh cáo trong sách Khải thị, nói rằng nếu Chúa thấy ai
không nóng cũng không lạnh, mà chỉ hâm hẩm thì Ngài sẽ nhả người đó ra
khỏi miệng Ngài. Thế thì loại Thần học của một người như thế - mặc dù loại
Thần học này trong phạm vi nào đó có lẽ cũng không tệ hại lắm - về lâu về
dài sẽ ra sao?
(3b) Tuy nhiên, khuyết điểm về phương diện cấu trúc trong cuộc sống của
nhà Thần học làm cho người đó nghi ngờ có thể hoàn toàn trái ngược lại.
Trong mối liên hệ của con người với Công lao và Lời Thượng Đế chẳng
những chỉ có tình trạng suy dinh dưỡng mà còn có tình trạng thặng dư dinh
dưỡng nữa. Có lẽ người đó xuất thân từ một gia đình và một môi trường
trong đó Thần học đối với mình không chỉ là mẫu tự Alpha và Omega mà
thôi nhưng còn - đây là một trường hợp không nên xảy ra - thay thế cho tất
cả các mẫu tự khác. Hoặc người đó như một vị sơ tu, hiến tất cả tình yêu đầu
tiên của mình cho Thần học, và bây giờ người đó chẳng những là nhà Thần
học trong mọi sự, nhưng cũng loại bỏ mọi sự để hoàn toàn chỉ là nhà Thần
học mà thôi. Người đó không lưu tâm đến báo chí, tiểu thuyết, nghệ thuật,
lịch sử, thể thao và thật ra cũng không lưu tâm đến một người nào cả. Người
đó chỉ lưu tâm đến công tác và ưu tư Thần học của mình mà thôi. Ai mà
không biết tình trạng này? Không những chỉ có những sinh viên và giáo sư
Thần học đi xa hơn sự kêu gọi của mình mà còn có những vị Mục sư suốt
đời sống biệt lập với thế giới bên ngoài, niêm phong giữa cộng đồng tín hữu.
Họ chỉ kết giao với nhân loại còn lại qua loại siêu Thần học này mà thôi.
Thật là một việc nguy hiểm! Lời Chúa trong Truyền đạo 7:16 không phải là
vô ích: "Chớ công bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn ngoan quá; cớ sao
làm thiệt hại cho mình?" Vì một nhà Thần học có thể huỷ hoại chính mình
theo cách này: chẳng những khi người đó thất bại trong cuộc thí nghiệm của
mình mà vẫn gian dối không nhìn nhận sự thất bại để rồi lao đầu trở lại vào
lối sống trong hai Nước với tất cả những hậu quả của nó, nhất là khi - Thần
học thái quá dễ trở thành chán ngấy tương tự như tất cả những chứng phì
trướng khác - Thần học đi đến chỗ mà ngôn ngữ tu viện cổ gọi là taedium
spirituale, sự chán ngấy thuộc linh. Chỗ này chỉ cách chủ nghĩa hoài nghi
một bước nhỏ mà thôi. Thần học tập trung để sinh tồn là một việc tốt, là điều
tốt nhất, nhưng Thần học độc quyền sinh tồn - trong đó con người thực sự
đóng vai trò tai hại của một Thượng Đế không quan tâm đến tạo vật của
mình - không phải là điều tốt, vì sớm muộn gì cũng sẽ đưa đến tình trạng
nghi ngờ, nghi ngờ cực đoan.
Để kết luận cho đề tài này, ta có ba châm ngôn tạm phù hợp với sự nghi ngờ:
1. Không một nhà Thần học nào, dù trẻ hoặc già, tin kính hoặc kém tin kính,
đã được thử nghiệm hoặc chưa, nên nghi ngờ rằng - vì cớ một lý do nào đó
và bằng một cách nào đó - mình cũng là một người nghi ngờ, hoặc nói một
cách chính xác hơn, mình là một người nghi ngờ thuộc loại bất thường thứ
hai. Và không có một nhà Thần học nên nghi ngờ rằng mình có thể khắc
phục sự nghi ngờ của mình được. Trong trường hợp này nhà Thần học có thể
- nhưng không phải là tốt - nghi ngờ rằng mình cũng là một tội nhân đáng
thương, rằng mình là một tội nhân - trong trường hợp may mắn lắm - được
cứu dường như qua lửa vậy.
2. Nhà Thần học cũng không nên phủ nhận rằng nghi ngờ của mình trong
hình thức thứ hai là một người bạn đồng hành rất xấu, không xuất thân từ
công cuộc sáng tạo tốt đẹp của Thượng Đế nhưng từ chỗ hư không: ở chỗ
không chỉ có chồn và thỏ mà còn có nhiều loại quỉ sứ nữa. Người nghi ngờ
chắc có thể được biện hộ. Nhưng không có sự biện hộ nào - ước gì có người
thì thầm điểm này vào tai Paul Tillich - dành cho sự nghi ngờ cả. Vì thế ta
cũng không nên dựa vào sự nghi ngờ của mình mà tự cho mình là người
chân thật, sâu sắc, tốt đẹp và quí phái. Ta không nên ve vãn lòng vô tín lẫn
tính nghi ngờ của mình. Nhà Thần học chỉ nên thành thật xấu hổ về sự nghi
ngờ của mình mà thôi.
3. Nhưng khi đối diện với sự nghi ngờ của mình - kể cả sự nghi ngờ cực
đoan nhất - nhà Thần học cũng không nên tuyệt vọng. Nghi ngờ có không
gian của nó - thế tục hiện tại - mà không có một người nào, kể cả nhà Thần
học, có thể thoát khỏi. Nhưng vì không gian này là một không gian giới hạn
nên nhà Thần học nhiều lúc, qua lời cầu khẩn "Nước Cha được đến!" với
Thượng Đế, có thể thoáng nhìn thấy được phía bên kia biên giới và dù sao
cũng có thể, tuy không loại bỏ được sự nghi ngờ, đối kháng lại - ít nhất cũng
giống như một phụ nữ Huguenot kia, người đã nguệch ngoạc khắc chữ
"Resistez!" trên kính cửa sổ. Hãy kiên trì và chịu đựng!
Bàn về mối hiểm hoạ của Thần học đến từ sự nghi ngờ như vậy là đã đủ.
THỬ NGHIỆM
Cô đơn và nghi ngờ không phải là hiểm hoạ nghiêm trọng nhất và to lớn
nhất mà Thần học phải đương đầu. Thần học cũng có thể bị đối tượng đặt
vấn đề tuy rằng Thần học sống nhờ đối tượng, bận rộn với đối tượng và
quyền hạn của mình được xây dựng trong đối tượng. Thần học nỗ lực để
xứng đáng với Thượng Đế nhưng Thần học cũng có thể bị Thượng Đế đe
doạ. Thần học có thể bị Thượng Đế đe doạ sao? Quả thực như vậy, Thần học
bị và đang bị Thượng Đế đe doạ. Thần học bị tấn công không chỉ từ bên
ngoài (Cô đơn, chương 10) và không chỉ từ bên trong (Nghi ngờ, chương
11), nhưng còn từ bên trên nữa. Công tác Thần học được thực hiện trong sự
thử nghiệm - một khái niệm phức tạp mà ta phải sử dụng ở đây, trong đó lửa
thịnh nộ của Thượng Đế công bình thiêu đốt mọi sự làm bằng gỗ, cỏ khô và
rơm rạ (I Cô 3:12). Có lẽ lắm tất cả những chi tiết về các hiểm hoạ mà ta đã
trình bày đều chỉ là trò trẻ con so với những vấn đề mà ta phải suy tư trong
đề tài thứ ba này.
Nhiều nhà Thần học nỗ lực để thoát khỏi tình trạng cô đơn và chống lại sự
nghi ngờ đang ngầm phá hoại mình. Rõ ràng là họ cũng đang lo lắng và vất
vả trên nhiều phương diện khác. Nhưng ta ngạc nhiên thấy cung cách của
những nhà Thần học này hầu như không biểu lộ rằng mình đầu phục sự thử
nghiệm từ bên trên. Thần học có vẻ ít lo lắng về sự tấn công của Thượng Đế,
và có vẻ ít tìm cơ hội để đương đầu với mối hiểm hoạ nghiêm trọng nhất và
mãnh liệt nhất này. Nhưng ai là người không ngạc nhiên về chính mình
trước hết? Vì có nhà Thần học nào mà không vô tình trong phương diện
này? Nhà Thần học nào có thể bảo đảm hoặc tự hào mình sinh tồn, suy tư và
phát biểu với ý thức rằng công tác của mình đang phải đương đầu với sự thử
nghiệm Thiên thượng, rằng cung cách của mình là - và được mọi người công
nhận là - cung cách của một người đang đối diện với sự thử nghiệm này?
Điều tệ hại nhất trong toàn bộ vấn đề tệ hại này là mỗi nhà Thần học đều có
thể không nhìn thấy hoặc thường xuyên quên rằng toàn bộ công tác của
mình là một công tác - trong ý nghĩa này - rất nguy hiểm.
Sự "thử nghiệm” mà Thần học phải đương đầu là sự kiện Thượng Đế rút lui
khỏi Thần học - một công trình do con người khởi đầu và thực hiện. Thượng
Đế ẩn mặt khỏi công tác của nhà Thần học, quay mặt khỏi nhà Thần học, từ
khước không ban cho nhà Thần học Thánh Linh của Ngài. Nếu Thượng Đế
không ban Thánh Linh cho nhà Thần học thì ban cho ai bây giờ? Sự kiện
này xảy ra không phải vì Thần học nghèo nàn, sự kiện này vẫn xảy ra ngay
cả khi Thần học là một công trình rất phong phú - nếu nhận xét theo mắt con
người, kể cả khi Thần học hoàn hảo nhất. Nếu nhìn vào truyền thống mà
Thần học đó xuất thân và nếu xét về viễn tượng mới mà Thần học đó hướng
về, có thể Thần học đó là một Thần học rất bảo thủ - hiểu theo ý nghĩa tích
cực của từ này - và đồng thời lại rất cấp tiến. Có lẽ Thần học đó không thiếu
nền tảng để giải nghĩa Thánh Kinh, cũng không thiếu chiều sâu và nghệ
thuật cần thiết, cũng không thiếu hiệu quả sắc bén và thực tế. Có lẽ Thần học
đó có những bài Giảng luận được chuẩn bị rất chu đáo và được giảng luận
rất hùng hồn, được các thính giả hiện đại, có khi là một nhóm đông người có
khi là một nhóm ít người chọn lọc, và nhiều thính giả khác rất thích nghe.
Thần học đó sản sinh những tác phẩm quan trọng với nội dung tinh tuý và
táo bạo, rồi nghiên cứu, thảo luận và không ngừng xuất bản những tác phẩm
quan trọng hơn nữa. Giới thanh niên chú tâm và những người lớn tuổi rất hài
lòng. Cộng đồng tín hữu có vẻ được gây dựng, và thế giới không phải là
không lưu tâm. Tóm lại: một ngọn đèn chào mừng trong Nhà thờ được thắp
lên và dường như đang chiếu sáng. Tình trạng này tương tự tình trạng được
phản ảnh qua những dòng chữ khắc dưới bức chân dung của một vị giáo sư
và khoa trưởng lão niên tại Basel (đó là Hieronymus Burckhardt, một vị trí
thức, có khẩu tài và luôn luôn thoả lòng, sống vào đầu thế kỷ 18):
"Thượng Đế ôi, xin cho báu vật này của thành phố chúng con được ở lại
thêm nhiều năm nữa. Người đã hăng say làm cho Lời Thánh của Ngài vang
dội trong chúng con".
Công tác của nhà Thần học có thể xuất sắc đến mức độ này, nhưng có ích lợi
gì? Tất cả mọi sự đều rất trật tự, nhưng mọi sự cũng đều hoàn toàn mất trật
tự. Máy xay đang xay, nhưng bên trong trống rỗng. Tất cả các cánh buồm
đều được giương cao lên, nhưng không có gió đẩy thuyền lướt tới. Hồ phun
nước được trang bị với nhiều vòi, nhưng không có nước phun lên. Có khoa
học, nhưng không có tri thức soi sáng trong quyền năng của đối tượng. Rõ
ràng là rất tin kính, nhưng không có đức tin do Thượng Đế nung đốt để có
thể tự bùng cháy được. Có những sự thể dường như đang xảy ra nơi đó,
nhưng thật sự không có gì xảy ra cả. Bởi vì sự thể thật sự xảy ra là Thượng
Đế im lặng trước những điều mà ta suy tư và phát biểu về Ngài - thay vì suy
tư và phát biểu bởi Ngài. Sự thể thật sự xảy ra là Thượng Đế xử sự với Thần
học và các nhà Thần học như A-mốt chương 5 mô tả, và ta có thể linh động
như sau: "Ta ghét , ta khinh dể những bài dạy và những khoá hội thảo của
các con, những bài Giảng luận, những bài diễn thuyết và những lớp học
Thánh Kinh của các con, ta chẳng đẹp lòng về những cuộc thảo luận, những
Hội đồng và những cuộc hội họp của các con. Dầu các con trình ra trước mặt
nhau và trước mặt ta sự khôn ngoan của các con về Giải Kinh học, về Thần
học Hệ thống, về Đạo đức học và về Giám mục học, ta sẽ không nhận lấy
những của lễ này của các con, ta chẳng đoái xem những con thú mập mà các
con dâng làm của lễ. Hãy làm cho tiếng của những quyển sách dày cộm của
những người lớn tuổi và tiếng của những luận án của những người trẻ tuổi
trong các con xa khỏi ta! Và ta không muốn nghe âm điệu trong những tạp
chí, những nguyệt san và bán nguyệt san Thần học của các con, trong những
báo chí Nhà thờ và điểm tin tác phẩm của các con. "
Thật là kinh khủng khi Thượng Đế im lặng, và thật là kinh khủng khi
Thượng Đế phán qua sự im lặng của Ngài. Thật là kinh khủng khi một nhà
Thần học nhận ra hoặc linh cảm được rằng sự thể này xảy ra, nhưng khinh
khủng nhất là khi nhiều người dường như không màng lưu tâm, cũng không
hề có linh cảm được rằng sự thể này xảy ra, rằng Thần học với tất cả vấn nạn
của mình, không trừ một vấn nạn nào hết, đều bị Thượng Đế chất vấn, và
cuối cùng chắc chắn sẽ bị đe doạ do sự thử nghiệm đến từ Ngài mà Thần học
phải đương đầu!
Nhưng làm sao sự thể này có thể xảy ra được? Làm sao Thượng Đế có thể
vắng mặt ở trong Thần học, ở trong một công tác tốt đẹp như thế, nơi mà vì
cớ Ngài con người lưu tâm và cũng rất cẩn thận suy tư về các mệnh lệnh của
Ngài, nơi mà con người phát biểu về Ngài một cách chính xác, hùng hồn và
nghiêm túc? Làm sao Thượng Đế có thể đối lập, có thể phán bằng một ngôn
ngữ im lặng kinh khủng ấy với những người vì Ngài, với những người vì
Ngài bằng một phương cách nổi bật như những nhà Thần học? Khi con
người rõ ràng đi theo - và nhất là không phải tự ý đi theo - tiếng gọi và mệnh
lệnh về Công lao và Lời Ngài, khi con người dựa vào mạng lệnh của Ngài
đảm nhiệm công tác khoa học về Logos của Ngài, lẽ nào Ngài lại không phải
giúp đỡ, chứng kiến và bảo trợ sao?
Để trả lời, điều đầu tiên ta cần khẳng định là: Thượng Đế không phải làm gì
cả, nên ở đây Ngài cũng không phải làm gì hết. Điều xảy ra trong sự thử
nghiệm Thần học là điều có thể xảy ra. Vì các nhà Thần học, dù là những
nhà Thần học xuất sắc nhất và trung tín nhất, cũng chỉ là người, và là những
con người tội lỗi, không có quyền đòi hỏi Thượng Đế phải tán thành và hỗ
trợ mình, nhưng chỉ có thể sống nhờ ân sủng vô điều kiện của Ngài mà thôi.
Trong mọi trường hợp câu Kinh Thánh : "Khi Chúa ẩn mặt, họ đều bối rối;
Chúa lấy hơi thở họ lại, họ chết và trở về bụi đất. " (Thi thiên 104:29) đều có
giá trị đối với nhà Thần học và đối với công tác và lời của các nhà Thần học.
Thượng Đế sẽ không còn là Thượng Đế nữa nếu Ngài không được tự do đối
xử với các nhà Thần học như thế và không để cho họ gặt hậu quả của tội lỗi
là cái chết. Vì thế khi Thượng Đế sử dụng quyền tự do này đối với các nhà
Thần học thì không có gì là phi lý cả.
Nhưng khi Thượng Đế thực sự làm điều gì thì Ngài thực hiện công lý và
công bằng, không vì chuyên chế và tính khí bất thường nhưng vì ý nghĩa tốt
đẹp. Điều này tương ứng với sự kiện là kể cả Thần học - ngay cả Thần học
tốt nhất, vốn là một công tác của con người tội lỗi, bất toàn, đúng ra là bại
hoại, qui phục sự hư không, vốn là một công tác hoàn toàn không có khả
năng phục vụ Thượng Đế, cộng đồng tín hữu và phục vụ trong thế giới -
cũng phải hoàn toàn nhờ ân sủng của Thượng Đế để trở thành và có thể là
Thần học đúng đắn và hữu ích. Sự thương xót của Thượng Đế là sự lựa chọn
của Ngài, trong đó Ngài cũng từ khước, là sự kêu gọi của Ngài, trong đó
Ngài cũng phế bỏ và sa thải, là ân sủng của Ngài, trong đó Ngài cũng lên án,
là lời chấp nhận Được đồng thời cũng là lời từ khước Không của Ngài. Sự từ
khước, phế bỏ, sa thải, lên án, phủ nhận của Thượng Đế đánh, phạt và làm
rối loạn cho đến tận gốc rễ tất cả những gì trong những công tác tốt nhất của
con người, kể cả trong Thần học tốt nhất, biểu lộ ra là tội lỗi, bất toàn, bại
hoại và thuộc về sự hư không. Tất cả mọi công tác Thần học chỉ có thể trở
thành và là đúng đắn và hữu ích trước mặt Thượng Đế và con người khi liên
tục bị đưa vào lửa thử nghiệm, khi thường xuyên trải qua ngọn lửa này nhiều
lần. Đó là ngọn lửa tình yêu Thiên thượng, nhưng đồng thời cũng là một
ngọn lửa thiêu huỷ. Chỉ nhờ những gì trong công tác Thần học còn lại - tức
là vàng, bạc và bửu thạch, theo I Cô-rinh-tô 3:12 - Thần học làm hài lòng
Thượng Đế, trở nên hữu ích cho Hội Thánh và cho thế giới. Con đường băng
ngang qua ngọn lửa này là sự thử nghiệm của Thần học. Tình trạng cô đơn
thê lương nhất và tình trạng nghi ngờ cơ bản nhất của Thần học đem so với
sự thử nghiệm này chỉ là trò trẻ con, vì Thần học sẽ còn lại gì sau ngọn lửa
này? Nhà Thần học chỉ có thể có Thượng Đế ở về phía mình khi nhà Thần
học không ngừng chống lại mình. Và chỉ khi nào giải quyết được điều này,
nhà Thần học mới có thể - về phần mình - ao ước sống cho Thượng Đế.
(1) Toàn bộ Thần học bị xét xử và chịu Thượng Đế thử nghiệm, trước hết ở
điểm "Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu. " (Châm ngôn 10:19). Cho dầu
Thần học có điều răn thứ nhất ở trước mặt, Thần học hầu như không lo tránh
vi phạm điều răn thứ hai và thứ ba về việc thờ hình tượng và khinh suất
Danh Thượng Đế. Trong mọi thời đại, Thần học luôn luôn nỗ lực coi những
khái niệm, những dạng thức và những kết cấu ngôn ngữ - tích cực và tiêu
cực cũng như bình phẩm - mà mình sử dụng là những phương trình thay vì
là những biểu tượng để diễn tả Logos Thiên thượng trong những phép loại
suy của mình. Trên lý thuyết tuy Thần học nhiệt thành phủ nhận nhưng trong
thực tế tìm cách đặt những phép loại suy này lên ngai Thượng Đế, rồi tôn
sùng và truyền bá, rồi khuyên nhủ và tán tụng để người khác cũng tôn sùng
và truyền bá những phép loại suy này. Ở mọi nơi và trong mọi thời Thần học
đều nông nỗi sử dụng những dẫn chứng của mình về Công lao và Lời
Thượng Đế bằng hàng loạt những tư tưởng và ngôn ngữ bất tận như thể
những con bài có thể tùy hứng ném xuống sòng bạc với hi vọng ăn được một
số tiền lớn. Mặc dầu tại đó người ta cũng có trình bày một vài điều tốt đẹp
về Ngài nhưng làm sao Thượng Đế có thể hiện diện tại đó? Hoặc làm sao
Thượng Đế có thể xử sự khác hơn là hiện diện nhưng im lặng? Những lầm
lẫn như thế - chỗ nào Thần học công tác mà lại không có những lầm lẫn như
thế? - thể hiện toàn bộ những khác biệt giữa Thượng Đế và những điều mà
con người nghĩ rằng mình có phép làm khi đối diện với Ngài. Vì Thượng Đế
không thể chấp nhận sự khác biệt này nên Ngài không thể giúp đỡ, không
thể ở với mà chỉ có thể nghịch lại các nhà Thần học và Thần học của họ mà
thôi.
(2) Thứ hai, công tác Thần học phải bị xét xử ở điểm là dường như Thần học
nhất thiết phải hội đủ loại kiêu căng của con người thì Thần học mới công
tác được. Lẽ ra Thần học phải là một phạm vi mà mỗi người đều có lý do
làm việc hết sức mình, không cần nhìn qua bên hữu bên tả, để rồi khi đối
diện với công trình tốt đẹp nhất của mình nhà Thần học sẽ rất buồn bã và
khiêm nhường. Nhưng ngược lại, Thần học lại là phạm vi mà câu hỏi: "Ai là
người lớn nhất giữa vòng chúng ta?" được nêu ra ít nhất cũng sôi nổi bằng
câu hỏi khiêm tốn về công tác của Thần học. Vâng, ai là người lớn nhất? Ai
là người có sức lôi cuốn nhất và có Hội Thánh đông người nhất? Ai có nhiều
tín hữu chuẩn bị nhận Lễ Báp tem và Lễ Xác Tín nhất? Tại trường Đại học
ai là người thu hút đông thính giả nhất? (Câu hỏi này được nêu ra có thể là
do tính kiêu căng tập thể của toàn bộ phân khoa Thần học!) Sách của ai được
chú ý và có lẽ được đọc nhiều nhất? Ai được mời diễn thuyết trong và ngoại
nước? Tóm lại: Ai là người thành công nhất? Trong khi ta nghĩ, câu "Kìa
xem họ yêu thương nhau dường bao!" là câu thích hợp nhất để mô tả tập thể
nhà Thần học, thì tại đây, các nhà Thần học hầu như nổi tiếng về sự hăng
say chống đối nhau trong lòng cũng như bằng lời nói, và đem nhau xuống
giấy mực (ngày xưa một cách bất nhã, ngày nay trên nguyên tắc nhẹ nhàng,
lịch sự, nhưng cũng cay độc hơn) với tinh thần nghi kỵ và kiêu căng. Vì thế
nên Melanchthon chắc chắn không phải là người duy nhất nghĩ rằng nếu
được phép liệt kê thêm vào những điểm cần lý giải và cải thiện ở bên kia thế
giới thì mình mong có thể thoát khỏi rabies theologorum, tức là thoát khỏi
cơn nóng giận của các nhà Thần học. Dĩ nhiên ta thường khéo léo đưa ra đầy
đủ lý do chính đáng và vĩ đại để biện hộ cho những rabies này, và cho cả sự
hăng say chống đối nhau. Có thể lắm lý do là vì mối ưu tư chính đáng của
nhà Thần học về sự thật trong Hội Thánh. Nhưng biên giới giữa mối ưu tư
này với tính khoe khoang và cố chấp của con người thường xuyên bị xâm
phạm. Vì thế khi hiện diện tại đây, Thượng Đế có thể làm gì khác hơn là
hiện diện với cơn thịnh nộ và với sự im lặng? Và vì thế dù có tốt đến đâu đi
nữa, Thần học của các nhà Thần học tranh đấu cho bản thân và chống đối
lẫn nhau chắc chắn bị chính đối tượng của mình thử nghiệm.
(3) Thứ ba, Thần học phải bị xét xử và thử nghiệm vì tự bản chất Thần học
là một công tác lý thuyết. Trong ngành Thần học con người chắc chắn phải
còng lưng đọc Thánh Kinh, phải lắng nghe các vị giáo sư có uy tín trong tất
cả mọi thời đại và như ta vẫn thường hi vọng, phải hướng về Đấng vừa là
chân Thần vừa là người thực với tấm lòng tin kính nóng cháy và vận dụng trí
tuệ đến mức tối đa. Thế nhưng trong công tác này, con người rất dễ đánh
mất nhận thức về tình trạng cụ thể giữa chân Thần và người thực, rồi nghĩ
ngợi, suy gẫm và kết luận bất kể khung cảnh không gian và thời gian. Sự tồn
tại của Thần học luôn luôn chịu ảnh hưởng một phần nào nếp sống tu viện,
vừa có sức mạnh bình thản, vừa có phong thái vô tư lự và tinh thần cầu an
thuộc linh. Phải chăng những điểm mà Thần học cho là quan trọng, rồi đem
ra thảo luận và thực hiện một cách tương đối thành công rất khác biệt với
những sự sai trái và hỗn loạn, với biển khổ của thế giới và nhân loại chung
quanh Thần học? Trong thời đại của chúng ta ngày nay, những sự việc nào
đã xảy ra và vừa mới xảy ra? Cho đến ngày nay ở đó có cái "quá khứ không
vượt qua được" do sự điên cuồng của những nhà độc tài, do âm mưu của các
đảng phái và của các dân tộc đi theo họ, cũng do sự dại dột của những kẻ thù
và những kẻ chiến thắng họ. Ở đó có những tên giết người và những người
bị giết trong các trại tập trung. Ở đó có Hiroshima, Đại hàn, Algeria và
Congo. Ở đó có một phần lớn nhân loại ngày nay đang bị suy dinh dưỡng. Ở
đó có chiến tranh lạnh và mối đe doạ ghê gớm về một cuộc chiến tranh nóng
mà rất có thể sẽ là cuộc chiến tranh cuối cùng, vì cuộc chiến tranh này sẽ tận
diệt toàn bộ sự sống trên tinh cầu này. Nhưng ở đây, trong phạm vi của Thần
học, có một chút ít phương pháp Giải trừ thần thoại tính ở Marburg và một
chút ít Giáo lý Hội Thánh ở Basel. Ở đây có một Giê-xu "lịch sử" được tái
phát hiện và một "Thượng Đế trên Thượng Đế" mới được khám phá. Ở đây
có những cuộc thảo luận về Lễ Báp tem và Tiệc thánh, về Luật pháp và Phúc
âm, về Phúc âm nguyên thuỷ và thần thoại, về Rô-ma chương 13 và về di
sản của Dietrich Bonhoeffer, ở đây cũng có những cuộc thảo luận về vấn đề
đại kết Hội Thánh. Ta không nên đánh giá thấp hoặc khinh rẻ bất cứ điều
nào trong những điều này. Chắc chắn mồ hôi của biết bao nhiêu người cao
thượng đã không rơi xuống một cách vô ích trong những công tác này.
Nhưng - Kyrie Eleison ! Lạy Chúa xin thương xót ! - những công tác này có
liên hệ gì đến những sự việc đồng thời xảy ra ở đó ? Phải chăng Thần học là
một chức nghiệp xa xí? Phải chăng chúng ta đang có ý định cùng với Thần
học trốn khỏi Thượng Đế hằng sống? Phải chăng một nhà Thần học phức tạp
như Albert Schweitzer và ngoài ra còn có nhiều người xuất sắc nhất đã nỗ
lực khắp đó đây - mà không cần có kiến thức Thần học gì cả - để chữa lành
vết thương, nuôi người bị đói, đem nước cho người khát, xây một mái nhà
cho trẻ mồ côi, là những người đã lựa phần tốt hơn (nói theo quan điểm của
đối tượng Thần học)? Phải chăng giữa những nhu cầu to lớn của thế giới
(cũng như của Hội Thánh trên thế giới) đặc điểm nổi bật của Thần học là
dường như Thần học có nhiều thì giờ và không vội vã? Phải chăng tuy
không phủ nhận sự tái lâm của Chúa Giê-xu Cứu Thế, nhưng Thần học bận
rộn với những đề tài khác hơn là sự cứu rỗi khi Chúa tái lâm và trông chờ
Chúa tái lâm một cách an nhàn kỳ lạ? Tôi không kết luận gì ở đây, như kết
luận của một thanh niên gàn, người Đức, gần đây khi đến thăm tôi đã thân
mật đề nghị tôi nên đốt tất cả sách của tôi (cùng với các sách của Bultmann,
Ernst Fuchs và của một vài người khác nữa), vì cho rằng những công trình
này hoàn toàn vô giá trị. Tôi chỉ đặt vấn đề mà thôi. Đó là những vấn đề cấp
bách, cấp bách vì đã nảy sinh và ta không thể trốn tránh được. Những vấn đề
này thể hiện hình hài của sự thịnh nộ của Thượng Đế trên toàn bộ Thần học
mà chúng ta nghiên cứu.
(4) Thứ tư, Thần học bị xét xử và bị Thương Đế thử nghiệm vì cớ thành quả
của mình. Thần học có nhiệm vụ dẫn đường cho Hội Thánh và giúp Hội
Thánh phục vụ thế giới. Thần học có chu toàn nhiệm vụ này không, hoặc trái
lại, Thần học thường xuyên cám dỗ Hội Thánh đi lạc đường và ngăn cản Hội
Thánh phục vụ? Phải chăng chẳng những chính Thần học không trung thành
với Thánh Kinh mà còn ngăn cản người khác đến với Thánh Kinh? Phải
chăng Thần học cùng sủa - mà không biết - với bầy sói trong cùng một thời
đại với mình, hoặc để phản ứng chống lại bầy sói đó Thần học tự ý và độc
đoán đuổi một con chó sói ra rồi mở cả cổng lẫn tường cho những con chó
sói khác vào? Ta không kinh hoàng sao được khi ngay cả những nhà Thần
học vĩ đại nhất và nổi tiếng nhất, ngay cả Athanasius, Augustin, Thomas
Aquinas, Luther, Zwingli, Calvin, đó là chưa nói đến Kierkegaard,
Kohlbruegge, đều để lại những tì vết bi thảm bên cạnh những thành quả và
ảnh hưởng tốt đẹp? Khi giải nghĩa Thánh Kinh, Thần học có dám chắc rằng
mình không thêm vào Thánh Kinh những điều khác hoặc những điều trái
ngược với Thánh Kinh không? Khi hiểu được một điểm, Thần học có dám
chắc rằng mình không hiểu lầm hoàn toàn một điểm khác không? Một khi ở
đây thừa nhận, Thần học có dám chắc rằng ở đó Thần học không gay gắt
phủ nhận không? Một khi ở đây đặt chân lý lên chân đèn, Thần học có dám
chắc rằng ở đó Thần học không long trọng và cương quyết đặt chân lý dưới
một cái đấu không? Lời Chúa phán cho các nhà Thông giáo: "Khốn thay cho
các con!" trước hết cần phải áp dụng cho Thần học, chứ không phải trước
hết áp dụng cho các địch thủ của Thần học như Thần học vẫn thường làm.
Nhưng khi Thần học đứng trước lời "Khốn thay cho các con!", tức là Thần
học đang đứng truớc sự thử nghiệm, tức là đang đứng trước toà án và đang
bị thẩm vấn, phải chăng Thần học đang phục vụ kẻ chống Chúa Cứu Thế
thay vì phục vụ Chúa Giê-xu Cứu Thế?
Chúng ta tạm dừng ở đây. Tất cả sự thể không đến nỗi tệ hại như thế nếu
mối hiểm hoạ ở dạng cuối cùng và cực độ này - vì thế nên khá trầm trọng,
nhưng chỉ tạm thời mà thôi - chỉ là những cơn khủng hoảng liên hệ đến một
số nền Thần học. Chắc chắn mối hiểm hoạ này thỉnh thoảng có bộc phát ở
đâu đó qua những cơn khủng hoảng, qua những biến cố bất hạnh trong lịch
sử Thần học. Nhưng hiểm hoạ này là một mối đe doạ mà Thần học thường
xuyên phải đương đầu ngấm ngầm ở tất cả mọi nơi. Không có một nền Thần
học nào có thể sống còn mà không nhờ sự thương xót của Thượng Đế. Cũng
không có một nền Thần học nào có thể trở thành và là đúng đắn và hữu ích
nếu không kinh nghiệm sự phán xét của Thượng Đế.
Toàn bộ sự thể đáng lẽ cũng không đến nỗi tệ hại như thế nếu sự thử nghiệm
của Thần học đến từ ma quỉ. Ta đồng ý, tuy không hoàn toàn, là hiểm hoạ
của Thần học do cô đơn và nghi ngờ gây ra đến từ ma quỉ. Mỗi lần thất bại
nhà Thần học thỉnh thoảng thích viện dẫn rằng ma quỉ phá hoại công tác của
mình. Nhưng đối với sự thử nghiệm, cách viện dẫn này không phải là một
biện pháp thích hợp, vì sự thử nghiệm đến từ Thượng Đế. Đó là lúc mà
Thượng Đế ban ân sủng của Ngài cho nhà Thần học lẫn công tác lạ lùng của
nhà Thần học. Sự thử nghiệm này là một sự thử nghiệm khắc nghiệt kinh
khủng, là lửa tiêu diệt của tình yêu của Thượng Đế, như chúng ta đã bàn
đến, phải được dùng để thanh lọc Thần học tận gốc rễ. Hiển nhiên là ta
không thể và không có quyền ước ao trốn tránh khỏi sự thử nghiệm này. Sự
thử nghiệm đòi hỏi Thần học phải kiên trì và chịu đựng. Hễ khi nào Thần
học không kiên trì và chịu đựng thì Thần học sẽ không thể là một khoa học
vui mừng được.
HI VỌNG
"Hãy kiên trì và chịu đựng!” là lời bàn của chúng ta, hoặc chính xác hơn, đó
là khẩu hiệu của chúng ta trước mối hiểm hoạ mà Thần học phải đương đầu
do sự cô đơn, nghi ngờ và thử nghiệm gây ra. Mong không ai nghĩ rằng khẩu
hiệu đó ở đây, ở chương cuối của phần ba này, sẽ được thay thế bằng một
khẩu hiệu khác, nhẹ nhàng hơn và dễ nghe hơn. Nếu thay thế như vậy thì có
nghĩa là những gì chúng ta đã bàn về mối hiểm hoạ của Thần học và của nhà
Thần học thực ra không quan trọng lắm. Và hậu quả tai hại hơn là: nếu thay
thế như vậy thì chẳng khác nào chúng ta quay lưng lại với điều tốt nhất nảy
sinh từ toàn bộ mối hiểm hoạ này. Điều mà bây giờ chúng ta được phép làm
- nhưng cũng là điều mà chúng ta phải làm - là suy gẫm về ý nghĩa tích cực
của sự kiên trì và chịu đựng trước cô đơn, nghi ngờ và thử nghiệm. Nếu cứ
giữ khẩu hiệu "Hãy kiên trì và chịu đựng!", chúng ta sẽ đi về đâu? Có thể
lắm chúng ta sẽ khám phá rằng, chúng ta không cần thay thế khẩu hiệu này
bằng một khẩu hiệu nào khác tốt hơn.
"Hãy kiên trì và chịu đựng!" trước hết nhắc nhở ta rằng, mỗi khi liên hệ đến
Thần học thì ta phải chấp nhận một hoàn cảnh khó khăn không thể tránh
được, cũng không thể thoát được. Tất cả những điều mà ta nhận định là
Thần học, kể cả sự hiện hữu của Thần học, đều phải đương đầu với một mối
hiểm hoạ ba mặt, và nếu thời gian cho phép sẽ còn phải liên tục đương đầu
với mối hiểm hoạ này ở khắp nơi. Ước chi tình huống khác hơn, vì mối hiểm
hoạ này rất khó chịu, đau đớn, và cuối cùng ở cực độ là một mối hiểm hoạ
làm chết người. Lời bình phẩm đầy ác cảm "Thần học là một loại bệnh
hoạn!" không hẳn hoàn toàn sai! Ta có thể nói rằng, Thần học ở cao điểm và
cực điểm là một "căn bệnh chết người". Và ta không thể tiên đoán kết cuộc
của căn bệnh này ra sao. Ta cũng không thể mong rồi đây sẽ được khỏi bệnh
bằng một phương cách chữa trị thích hợp hoặc qua một tiến trình tự nhiên
được lành. Nếu ai muốn có một tình huống khác hơn, nếu ai nghĩ rằng mình
có quyền, hoặc cần và có thể không chấp nhận hoặc tránh, thoát khỏi hoặc
quên được mối hiểm hoạ của Thần học và của nhà Thần học - vì là một nỗi
đau thương - thì người đó tốt hơn nên tránh nhúng tay vào công tác Thần
học. Có nhiều nghề nghiệp khác, ít nhất cũng có vẻ vô hại và không nguy
hiểm bằng. Ta chỉ có thể đảm nhiệm và thực hiện công tác Thần học từ khởi
đầu cho đến kết thúc bằng cách đương đầu với hoàn cảnh này, một hoàn
cảnh rất khó khăn trên ba phương diện, vốn là đặc trưng của Thần học; nhà
Thần học phải kiên trì và chịu đựng hoàn cảnh khó khăn này.
Nhưng khi kiên trì và chịu đựng, nhà Thần học phải tránh một điều. Nhà
Thần học không vì sự khó khăn mà trốn chạy, đầu hàng, từ chối đảm nhiệm
hoặc tiếp tục công tác Thần học, hoặc thả trôi nan đề. Trong khi kiên trì và
chịu đựng ta có thể mệt mỏi, thở dài và than thở. Ta có thể kiên trì và chịu
đựng trong đau thương và rên rỉ với nước mắt. Nhưng kiên trì và chịu đựng,
dù hoàn cảnh có bi đát hơn điều dự liệu, là thái độ trái ngược với sự nhượng
bộ và bỏ cuộc. Chịu đựng có nghĩa là: bất chấp đau thương mang lấy gánh
nặng đặt trên chính mình thay vì ném gánh nặng đi hoặc để nó nằm ở đâu
đó. Và kiên trì nghĩa là: bị xô đẩy, lưng ép sát vào tường mà vẫn đứng vững,
không bỏ cuộc với bất cứ giá nào, giữ chặt trong mọi hoàn cảnh. Chịu đựng
và kiên trì có nghĩa là: không bủn rủn chân tay, nhưng can đảm một chút
trong Danh của Thượng Đế. Nhà Thần học nào không muốn hoặc không thể
can đảm một chút, người ấy tốt nhất cũng đừng nên can dự đến Thần học.
Nhưng tại sao một nhà Thần học lại không muốn và không thể can đảm một
chút? Nhìn lại ba chương trước, ta có thể rút ra được kết luận cơ bản và
chung kết này: không có nhiều khó khăn thì không có Thần học, nhưng
không có can đảm một chút trong hoàn cảnh khó khăn thì cũng không có
Thần học. Vì thế, trong ý nghĩa lưỡng diện này, ta "hãy kiên trì và chịu
đựng!"
Chúng ta không tương đối hóa luận đề đầu tiên và cuối cùng này, không rút
ra cũng không thêm vào một điểm nào mà chỉ lập lại toàn bộ nội dung luận
đề này. Nhưng - từ "nhưng" này tương tự như từ "nhưng" trong Thi thiên
73:23 - chúng ta tiếp tục khẳng định rằng: trong mối hiểm hoạ và hoàn cảnh
khó khăn của Thần học có một niềm hi vọng và một động cơ thúc đẩy ta
thực hiện công tác Thần học không biết mỏi mệt. Hi vọng và động cơ này
không ở đâu đó bên cạnh hoặc sau, nhưng ở ngay trong mối hiểm hoạ và
hoàn cảnh khó khăn. Chính trong khi (trong khi, chứ không phải sau khi) ta
kiên trì và chịu đựng hoàn cảnh khó khăn, ta có quyền và phải đảm nhiệm và
thực hiện công tác Thần học trong hi vọng. Chúng ta cố gắng tìm hiểu điểm
này một cách rõ ràng hơn.
Trên tất cả mọi phương diện, Thần học làm việc hướng về Công lao và Chân
lý của Lời Thượng Đế. Chân lý này tuyệt đối cao cả hơn Thần học, là chân
lý được ban cho Thần học - nhưng hoàn toàn với tính cách của một sự giả
định trước. Chân lý này luôn luôn là tương lai của Thần học. Như vậy chân
lý này không được giao vào tay Thần học, không nằm dưới quyền lực và
thuộc quyền sử dụng để suy tư và phát biểu của Thần học, không được phó
cho nhà Thần học muốn làm gì thì làm. Thần học luôn luôn chỉ có thể nhìn
ngắm và tiến về hướng chân lý này. Công lao và Lời Thượng Đế trong sự uy
nghiêm cao cả của Ngài đánh thức và ủy nhiệm Thần học chức vụ phục vụ
cộng đồng tín hữu - nhưng là đánh thức và uỷ nhiệm một công tác của con
người - và như vậy, vì là công tác của con người, Thần học cần phải được tra
vấn và bị nguy hiểm. Những con người tham gia vào công tác này thấy cô
đơn, bị đau khổ vì nghi ngờ công tác của mình, và cuối cùng họ cùng với
công tác của họ bị chính thực thể và chân lý uy nghiêm mà họ hướng đến
thử nghiệm, khuất phục, buộc tội và kết án; như thế không phải là nguy hiểm
sao? Công tác và lời của phàm nhân không thể tồn tại trước Công lao và Lời
của Thiên Thượng, mà chỉ có thể thất bại và đổ vỡ, chỉ có thể trở thành tro
bụi mà thôi.
Trong ba chương vừa qua chúng ta đã bàn đến những yếu tố mà Thần học
phải đương đầu. Nếu như Thần học được ca ngợi hơn những công tác khác
của con người - cũng được ca ngợi hơn những khoa học khác - thì trước hết
chỉ là vì Thần học phải đương đầu với những yếu tố này một cách kỳ lạ, một
cách hiển nhiên, đến nỗi bất cứ ai nếu muốn cũng đều có thể chỉ tay vào căn
bệnh của Thần học, và đến nỗi chính nhà Thần học cuối cùng cũng có thể
không nhìn thấy hoặc phủ nhận sự thật về căn bệnh mà mình đang phải chịu
đựng. Đó là giá mà Thần học phải trả cho công tác của mình, một công tác
hướng mình về đối tượng, dựa vào đối tượng đặt ra và giải đáp những câu
hỏi về chân lý.
Vì thế Thần học không có quyền than phiền về mối hiểm hoạ xảy đến với
mình. Thần học nào có quyền trốn tránh mối hiểm hoạ này? Nếu như Thần
học - và Thần học phải - hướng mình về Công lao và Lời siêu việt của
Thượng Đế thì sự việc cũng không thể nào khác hơn. Thần học được cho
biết và biết rằng Thần học phải luôn luôn lưu ý, phải công bố một cách cởi
mở và chính xác, rằng tất cả mọi xác thịt (vô luân cũng như đạo đức, bất
kỉnh cũng như mộ đạo), tất cả mọi suy tư, ước vọng và hành động của con
người - những điều kém xuất sắc cũng như những điều xuất sắc - đều bị
buộc tội, kết án, bị tấn công kịch liệt, đến nỗi không có một công tác và lời
phát biểu nào của con người mà không trở thành tro bụi trong ngọn lửa phát
ra từ nguồn cội ấy. Làm sao Thần học có thể lầm tưởng và đòi hỏi rằng công
tác và lời giảng của mình là một trường hợp ngoại lệ? Khi Thần học lầm
tưởng và đòi hỏi được hưởng quyền ngoại lệ ấy, lúc đó là lúc Thần học quay
lưng lại với Công lao và Lời Thượng Đế, lúc đó Thần học sẽ đánh mất đối
tượng của mình để rồi trở thành một sự suy tư và một trò chơi chữ rỗng
tuếch. Đó là lúc Thần học sẽ tự cô lập chính mình, tự cô lập và phân cách
với Hội Thánh và thế giới là những môi trường mà Thần học phải thực hiện
công tác phục vụ. Như vậy lúc đó cũng là lúc Thần học tự làm cho mình trở
thành vô ích đối với trách nhiệm của mình.
Thần học chỉ có thể hữu ích - và sẽ trở thành hữu ích - khi Thần học không
rút lui ra khỏi nhưng hoàn toàn đầu phục và giao phó công tác của mình
cùng chung với công tác của tất cả mọi người cho sự phán xét Thiên thượng,
khi Thần học không từ khước và không chống cự lại mối hiểm hoạ mà mình
phải đương đầu, thay vào đó, nhận biết bản chất của mối hiểm hoạ, kiên trì
và chịu đựng sự tấn công của nó. Khi xử sự như thế, Thần học biểu lộ rằng
mình thực sự đã gặp gỡ Công lao và Lời Thượng Đế, tức là gặp gỡ đối
tượng, Đấng tạo dựng Thần học thành một khoa học. Và khi Thần học xử sự
như thế, Thần học khẳng định mình có một chỗ đứng và một công tác chính
đáng ở giữa cộng đồng tín hữu và nhân loại quanh mình. Khi Thần học liên
đới chung với tất cả mọi xác thịt, với toàn thể thế giới, chịu khuất khục dưới
sự phán xét của Thượng Đế, thì niềm hi vọng về ân sủng của Thượng Đế -
ân sủng vốn là sự huyền nhiệm của sự phán xét của Thượng Đế - đối với
Thần học sẽ trở thành hiện thực. Thần học sẽ dự phần vào niềm hi vọng này,
và trong niềm hi vọng này Thần học có quyền thực hiện công tác của mình.
Thần học cũng không được phản đối rằng trước mối hiểm hoạ đến từ Công
lao và Lời Thượng Đế Thần học chẳng những phải chịu đựng bằng, nhưng
còn phải chịu đựng nhiều hơn tất cả mọi quan điểm, ý định, thành quả khác
của con người. Lý do là vì sự đối kháng gây đau đớn của Thượng Đế, một sự
đối kháng bao hàm cả lời khích lệ đầy ân sủng của Ngài, và như vậy cũng
bao hàm hi vọng cho con người và toàn thể thế giới, đối với nhà Thần học
biểu lộ rõ ràng hơn, kinh khủng hơn - nếu không muốn nói là chấn động hơn
- là đối với người khác. Rõ ràng là Thượng Đế đối kháng với công tác của
nhà Thần học, một người ex professo, một người bận tâm, đến mối tương
quan giữa Thượng Đế với con người và giữa con người với Thượng Đế, hơn
là đối kháng với công việc của các bác sĩ, kỹ sư hoặc nghệ sĩ, của các nông
dân, thợ thủ công hoặc công nhân, của người bán hàng hoặc công chức.
Trong những nghề nghiệp này có biết bao nhiêu khuyết điểm to lớn - có
trong toàn bộ bản thể của con người - tương đối và tạm thời được che đậy
nhờ sự cẩn thận và liều lĩnh cụ thể và cũng nhờ thành quả của chủ tâm và
thành tích của con người. Còn những điều mà nhà Thần học thực hiện và
hoàn thành thiếu sự che đậy này - nếu không, nhà Thần học hoặc môi trường
sống của nhà Thần học đã tự đánh lừa chính mình! - nên cứ mỗi một bước
mà nhà Thần học mạo hiểm bước đi là nhà Thần học lại một lần nữa thấy rõ
những nghi vấn và lời giải đáp của mình, những công trình nghiên cứu và
bài giảng dạy của mình, những khám phá và những phát biểu của mình đều
bất toàn. Không có một suy tư nào mà nhà Thần học suy tư, không có một
câu nói nào mà nhà Thần học phát biểu mà không nhắc nhở nhà Thần học
(và chắc chắn cũng nhắc nhở những người khác) nhớ rằng Thượng Đế tốt
lành, còn con người kể cả trong những ý định và hành động tốt nhất của
mình cũng không có gì là tốt đẹp cả. Bài giải nghĩa Kinh Thánh "tốt" nào,
bài giảng "tốt" nào, tác phẩm Thần học "tốt" nào đáng gọi là "tốt"? Thật là
vô lý và thiếu suy nghĩ khi ta nhắc đến những nhà Thần học "nổi tiếng" hoặc
những "thiên tài" Thần học, đó là chưa kể đến tình trạng vỗ ngực tự xưng
như thế! Paul Gerhardt khẳng định: "Chỉ một mình Chúa là Vua, còn tôi chỉ
là một đoá hoa tàn héo"* . Ai là người có nhiều lý do và cơ hội trực tiếp để
áp dụng câu này cho chính mình và các thành quả của mình hơn nhà Thần
học? Đó là một lợi điểm kỳ lạ của nhà Thần học so với những người khác!
Mong rằng nhà Thần học sẽ không bao giờ hổ thẹn về điều này! Vì nếu nhà
Thần học hổ thẹn về lợi điểm này, nhà Thần học cũng sẽ hổ thẹn về Phúc âm
đã được uỷ thác cho mình một cách đặc biệt, sẽ hổ thẹn về đối tượng đặc
biệt của khoa học của mình cũng như về công tác phục vụ đặc biệt đã được
trao phó cho mình, và cuối cùng nhà Thần học sẽ hổ thẹn về niềm hi vọng
đặc biệt nhờ đó mà nhà Thần học được phép thực hiện công tác phục vụ của
mình. Niềm hi vọng đặc biệt của Thần học là sự huyền nhiệm của mối hiểm
hoạ đặc biệt của Thần học. Vì cớ chính niềm hi vọng này mà nhà Thần học
phải chịu đựng tình trạng cô đơn, nghi ngờ, và thử nghiệm hiển nhiên hơn
những người khác. Khi nhà Thần học nắm lấy niềm hi vọng này - không
phải nắm lấy ở đâu đó bên cạnh, nhưng là ở ngay giữa lúc đang đương đầu
với nguy cơ, khi nhà Thần học cùng với Áp-ra-ham (Rôma 4:18) "lấy lòng
hi vọng mà tin, trông cậy khi không còn chỗ cậy trông" (contra spem in
spem, hi vọng trong vô vọng ), lúc đó nhà Thần học được phép, phải và có
thể chịu đựng và kiên trì. Thượng Đế qua Con Ngài đã đến trong trần thế để
chữa lành người đau ốm, để tìm và cứu những người hư mất. Nhà Thần học
không biết, không từng nghe điều này sao? Đây không phải là đề tài thiết
thân hơn hết của nhà Thần học sao? Nếu trách nhiệm của nhà Thần học, nếu
chính nhà Thần học trong lúc bận rộn với trách nhiệm của mình dường như
rất bệnh hoạn và hư mất một cách đặc biệt, tại sao nhà Thần học không suy
luận rằng, khi mình chấp nhận trách nhiệm và chịu đựng những gì phải chịu
đựng thì mình được phép làm một người được Thượng Đế tìm kiếm, chữa
lành và cứu rỗi một cách rất đặc biệt?
Đến đây chúng ta có quyền và phải tiến một bước xa hơn để nỗ lực tìm hiểu
về mối tương quan giữa hiểm hoạ cơ bản và hi vọng của Thần học một cách
tương đối cụ thể hơn .
Trước toà án củaThượng Đế, toàn bộ bản chất của Thần học, cũng như toàn
bộ bản chất của con người đều không công chính, không có tiếng tốt và
không bền vững mà chỉ có thể trở thành tro bụi mà thôi. Tuy nhiên Thượng
Đế là hi vọng cho công tác và lời của con người vì cơn thịnh nộ của Thượng
Đế là lửa của tình yêu Ngài, vì trong contrarium, trong sự mâu thuẫn, của
bản án của Ngài kết án toàn bộ bản chất của con người cũng như kết án bản
chất của Thần học tiềm ẩn, tác động và mạc khải ân sủng của Ngài. Chính
Thượng Đế này là Lời hứa và là động cơ thúc đẩy, nhờ đó Thần học có
quyền và phải mạo hiểm trong tình huống nguy hiểm của mình. Thượng Đế
là hi vọng này khi công tác và lời của Thần học rõ ràng là bất lực và khó tin.
Ta có quyền, có thể và phải hi vọng nơi Thượng Đế khi ta - và nhất là khi ta
- ở trong tình trạng tuyệt vọng của mình, contra spem in spem, hi vọng trong
vô vọng. Chính lúc ta ở trong tình trạng tuyệt vọng là lúc ta nên thả lưới
mình theo lệnh Thượng Đế. Trong ý nghĩa này, mối hiểm hoạ cơ bản đối với
toàn thể nhân loại và đặc biệt đối với Thần học chỉ là một mối hiểm hoạ
tương đối chứ không tuyệt đối, và như vậy là một mối hiểm hoạ mà ta có thể
kiên trì và chịu đựng được.
Chúng ta không đề cập đến một thần thánh do con người tưởng tượng và bịa
đặt ra. Ân sủng của các thần thánh do con người tưởng tượng và bịa đặt ra
không phải là ân sủng thực sự, không phải là ân sủng vô điều kiện ban cho
con người, nhưng là một ân sủng có điều kiện mà con người được ban
thưởng hoặc nhận lãnh nhờ làm việc lành. Ân sủng của các thần thánh không
ẩn tàng dưới sub contrario, dưới hình thức mâu thuẫn, không là một mối
hiểm hoạ cơ bản đối với người được ban thưởng, không xét xử, nhưng là
một ân sủng ban cho con người một cách trực tiếp, dễ sử dụng, tương đối
tiện lợi, một ân sủng ít có giá trị và dễ nhận được. Trái lại, là một công tác
của con người bị Thượng Đế đe doạ từ trong cơ bản, bị hư mất qua bản án
và trước toà án của Ngài, không đạt đến được mục tiêu nhưng thất bại khi
còn cách mục tiêu rất xa, Thần học Tin Lành có quyền và phải được nghiên
cứu trong niềm hi vọng vào sự tìm kiếm, chữa lành và cứu rỗi của Thượng
Đế. Đặc điểm này không thể áp dụng cho các loại thần học hướng về các
thần thánh. Ở đây chúng ta đề cập từ đầu đến cuối về Thượng Đế của Phúc
âm. Ngài là đối tượng của Thần học - một Thần học bị mối hiểm hoạ đe doạ
như thế. Chính Ngài, đối tượng của Thần học, là Đấng đe doạ Thần học.
Nhưng khi đe doạ Thần học Ngài cũng là hi vọng của Thần học. Ngài làm
cho Thần học phải hổ thẹn, thậm chí cực kỳ hổ thẹn. Nhưng là niềm hi vọng
của Thần học, và là niềm hi vọng nơi Ngài, Ngài không để cho Thần học bị
nhục nhã.
Chúng ta khẳng định điểm này một cách giản dị dựa vào sự kiện Thượng Đế
của Phúc âm là Thượng Đế đã hành động và bày tỏ chính Ngài trong Chúa
Cứu Thế Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu là Công lao và Lời Thượng Đế.
Chúa là lửa của tình yêu Ngài; lửa này thiêu hoá tất cả sự hiện hữu của con
người kể cả sự hiện hữu của Thần học. Chúa là quan án; trước mặt Ngài tất
cả mọi con người đều phải hạ xuống và bị diệt vong cùng với tri thức và
hành động của họ. Những người biết Thượng Đế nhiều nhất hiểu rõ điều này
hơn hết. Ecce homo! Kìa xem người này! Chính trong Ngài mà A-đam -
trước nhất và nhất là A-đam tin kính, lỗi lạc và khôn ngoan - bị kể là người
quá phạm, chịu trần truồng, bị kết án, chịu hình phạt, bị đóng đinh và giết
chết. Để thi hành án lệnh này, mối hiểm hoạ cơ bản, sự đau khổ do cô đơn,
nghi ngờ và thử nghiệm, đã đến trên Ngài một cách khốc liệt, khốc liệt hơn
trên bất cứ người nào khác trước hoặc sau Ngài. Nếu Thượng Đế trong Chúa
Cứu thế Giê-xu là đối tượng của Thần học, và nếu Thần học này là Thần học
Tin Lành, thì Chúa - và duy chỉ một mình Chúa mà thôi - là đối tượng của
Thần học. Nếu Thần học có nghĩa là và là nhận thức về Thượng Đế trong
Chúa, thì Thần học cùng toàn bộ công tác của con người, công tác của cộng
đồng tín hữu và cùng với công tác của mình chỉ có thể thực hiện trong bóng
tối của bản án - đã được thi hành trên cây thập tự ở đồi Gô-gô-tha - kết án
con người. Vì thế nhiệm vụ tối thiểu của Thần học là phải mang vác những
dấu hiệu và đặc điểm của mối hiểm hoạ đã từng đến với Chúa, và qua Chúa
đã được mạc khải. Kierkegaard từng trào lộng hỏi: "Giáo sư Thần học là
gì?" và cũng đã trào lộng trả lời: "Đó là một vị làm giáo sư nhờ có một
người khác đã bị đóng đinh". Đó là giá mà nhà Thần học phải trả. Nếu nhà
Thần học muốn tránh trả giá này, muốn thoát khỏi tình huống khó khăn vì
cớ cô đơn, nghi ngờ và thử nnghiệm, nhà Thần học còn có liên hệ gì với
Chúa nữa? Nhận biết Thượng Đế trong Chúa Cứu Thế Giê-xu hiển nhiên
phải bao hàm cả việc vâng lời Thượng Đế là Đấng trong Chúa hành động và
bày tỏ chính Ngài và là Đấng trong Chúa giải hoà thế giới với chính Ngài.
Nhận biết Thượng Đế như vậy nghĩa là bước theo Chúa Cứu Thế. Tại sao
Thần học, một theologia crucis, một Thần học về cây thập tự, lại không sẵn
lòng vác cây thập tự của riêng mình, một cây thập tự rất khiêm nhường so
với cây thập tự của Chúa Cứu Thế, rồi sẵn sàng và vui vẻ kiên trì và chịu
đựng trong sự tương giao với Ngài?
Nhưng như thế chưa phải là tất cả. Ý nghĩa của Công lao và Lời Thượng Đế
là ẩn sâu dưới lời từ khước Không mà không ai tránh khỏi được có lời chấp
nhận Được. Lời chấp nhận Được của Thượng Đế là sự giải hoà thế giới với
Ngài, là sự hoàn thành giao ước của Ngài với con người mà Thượng Đế đã
thực hiện và mạc khải trong Chúa Cứu thế Giê-xu. Chúa Cứu thế Giê-xu thi
hành bản án kết án bản chất và hành động của toàn thể nhân loại bằng cách
Chúa, Vị quan án, thay vì kết án đã hi sinh chịu kết án thế cho nhân loại để
nhân loại được tự do. Sự huyền nhiệm của án phạt được thi hành trên đồi
Gô-gô-tha không phải là sự thất sủng mà là ân sủng của Thượng Đế, không
phải là sự huỷ diệt mà là sự cứu rỗi của con người. Đó là sự sáng tạo một
nhân loại mới, đã được giải phóng, sống trung tín tương xứng với sự thành
tín của Thượng Đế, sống trong hoà bình với Ngài và để làm vinh quang
Ngài. Thượng Đế, Đấng hành động và mạc khải mình trong sự chết của Con
yêu dấu của Ngài, như vậy thực sự là mối hiểm hoạ làm chết người nhưng
cũng là mối hi vọng làm nguồn sống của nhân loại, của người tín hữu cũng
như của Thần học. Cuối cùng, sự thật khó tin là Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng
đã chết cho các nhà Thần học, đã vì các nhà Thần học sống lại từ trong kẻ
chết để mạc khải sự thật này và như vậy Chúa là niềm hi vọng của các nhà
Thần học. Các nhà Thần học phải nắm chặt lấy sự thật, rằng Chúa Cứu Thế
Giê-xu hằng sống, Đấng làm nền tảng và đối tượng của mình, Đấng làm cho
Thần học có khả năng, điều khiển và bảo vệ Thần học, không ai khác hơn là
Đấng bị đóng đinh. Ave crux unica spes mea! Ô cây Thập tự , hi vọng duy
nhất của tôi! Khi nắm chặt lấy sự thật này, Thần học - là theologia crucis,
Thần học về cây thập tự - cũng có thể, có quyền và phải là theologia gloriae,
Thần học vinh hiển, sẽ là Thần học hi vọng về vinh quang của con cái
Thượng Đế, một sự vinh quang đã được mạc khải trong sự phục sinh của
Chúa Cứu Thế Giê-xu, và cuối cùng sẽ được mạc khải một lần dứt khoát cho
mọi tạo vật cũng như cho Thần học và công tác của Thần học. Cùng với tất
cả mọi người, các nhà Thần học cũng được phép ngước mắt lên chăm nhìn
Đấng đe doạ mình - đúng hơn: chăm nhìn Đấng trong sự đe doạ cũng là
niềm hi vọng của mình. "Vậy, nếu chúng ta đã đồng chết với Chúa Cứu Thế
thì chúng ta tin rằng (tin cậy rằng) mình cũng sẽ đồng sống với Ngài. " (Rô-
ma 6:8) Khi chết, chúng ta không chết phân cách nhưng chết trong sự liên
hiệp với Chúa Cứu Thế, vì thế nên khi sống, chúng ta cũng không sống phân
cách nhưng sống trong sự liên hiệp với Ngài. Các nhà Thần học làm việc
trên một nền tảng vững chắc nếu họ làm việc trong niềm kinh hoàng tột độ,
nhưng cũng trong niềm vui mừng cực độ, trong sự nhục nhã vô kể, nhưng
cũng trong sự an ủi vô cùng qua Ngài, trên bước đường theo Ngài. Khi ấy
nhà Thần học - vì công tác của mình phải đương đầu với hiểm hoạ trong khi
hi vọng của mình nơi Chúa còn ẩn tàng - sẽ kiên trì và chịu đựng cô đơn,
nghi ngờ và thử nghiệm, không chỉ với "một chút can đảm" mà thôi, nhưng -
nói như Calvin nói - trong alacritas, trong hilaritas, và ngay cả trong laetitia
spiritualis, trong sự vui vẻ, trong sự mừng rỡ, và ngay cả trong sự vui mừng
thuộc linh, trong sự vui mừng của Chúa Thánh Linh. Nhà Thần học biết
rằng, lời từ khước Không tại đây và bây giờ chỉ là cái vỏ của lời chấp nhận
Được phán với mình, và rồi cuối cùng cái vỏ này sẽ vỡ ra.
__________
* Trích từ bản Thánh ca "Du Meine Seele, singe" (Hỡi linh hồn tôi,
hãy hát xướng!) của Paul Gerhardt, 1653

CẦU NGUYỆN

Đề tài tổng quát của phần thứ tư và cũng là phần cuối cùng này là Công tác
của Thần học. Trong phần thứ nhất, chúng ta đã thảo luận về vị trí của Thần
học, một vị trí do đối tượng của Thần học qui định, trong phần thứ hai về
phương cách sinh tồn của nhà Thần học, con người hiến mình cho Thần học,
trong phần thứ ba về mối hiểm hoạ mà Thần học và nhà Thần học phải đối
diện. Trong bốn chương còn lại chúng ta sẽ lưu tâm đến những điều Thần
học phải làm, phải thực hiện và phải hoàn thành.
Trước hết, sau khi đã bàn đến những điểm ở những chương trước, chúng ta
cần phải làm sáng tỏ hai điểm sau đây: (1) Tất cả công tác Thần học đều
được thực hiện và hoàn thành trong một hoàn cảnh khó khăn - về ngoại diện
lẫn nội diện - do đối tượng của Thần học gây ra. Nếu trong Thần học không
có bản án và sự chết thì cũng sẽ không có sự sống và ân sủng, nếu không có
khiêm tốn thì cũng không có can đảm, nếu không có hạ xuống thì cũng
không có vùng dậy, nếu không nhận thức được rằng, với năng lực riêng của
mình ta không thể làm gì được thì cũng không có những việc làm dũng cảm.
(2) Điểm thứ hai là ta nên mạnh dạn bắt đầu và tiến hành công tác Thần học,
vì mặc dầu công tác Thần học chỉ có thể được thực hiện trong hoàn cảnh khó
khăn nhưng trong hoàn cảnh khó khăn cũng có hi vọng to lớn hơn và cũng
có động cơ thúc đẩy dành sẵn cho Thần học. Chính trong bản án, ân sủng
được thể hiện và ban cho; chính trong sự chết, sự sống được phục sinh và
được sống. Chính trong sự khiêm tốn, ta có quyền và nên can đảm. Chính
người tự hạ mình xuống là người có quyền và phải vùng dậy. Chính trong
nhận thức rằng, năng lực riêng của ta không thể làm được gì hết, ta có quyền
và phải dũng cảm hành động. Nếu Thần học trung thành và tiếp tục trung
thành với đối tượng của mình - mặc dầu phải sinh hoạt trong tình trạng cô
đơn và nghi ngờ và trong khi Thần học sẵn sàng để cho đối tượng thử
nghiệm - thì Thần học phải hoàn toàn nghiêm túc hiểu, tin và tiếp nhận cả
hai điểm, cả bản án lẫn ân sủng của Thượng Đế, cả sự chết lẫn sự cứu rỗi
của tội nhân, không được từ khước điểm nào hết. Trong phần này, dĩ nhiên
chúng ta vẫn tiếp tục suy tư điểm thứ nhất, nhưng chúng ta sẽ đặc biệt lưu
tâm đến điểm thứ hai : Công tác Thần học bị lâm vào một tình trạng nguy
hiểm trầm trọng nhưng có quyền và phải được thực hiện với một niềm hi-
vọng-còn-lớn-hơn-nữa.
Việc làm đầu tiên và cơ bản của công tác Thần học là cầu nguyện. Vì thế sự
cầu nguyện sẽ là chủ tâm của tất cả những điểm được đề cập sau đây. Hiển
nhiên là ngay từ đầu công tác Thần học cũng liên tục là công tác nghiên cứu
và trong mọi phương diện cũng còn là công tác phục vụ (cả hai sẽ là đề tài
của chúng ta trong hai chương tiếp) và cuối cùng, công tác Thần học sẽ vô
dụng nếu Thần học không phải là một việc làm của tình yêu (đề tài cuối của
chúng ta). Nhưng công tác Thần học không những bắt đầu và tiến hành với
sự cầu nguyện mà thôi. Toàn bộ công tác Thần học có đặc điểm là chỉ có thể
thực hiện được trong sự cầu nguyện. Nếu nhìn lại mối hiểm hoạ mà Thần
học phải đương đầu và niềm hi vọng của Thần học trong mối hiểm hoạ đó,
ta sẽ nhận thấy không cầu nguyện thì không thể có công tác Thần học. Ta
nên nhớ rằng: cầu nguyện là một công tác, một công tác rất nặng nhọc, mặc
dầu khi thực hiện công tác này ta không vận động nhưng phải chắp tay lại.
Vì thế qui luật:“Ora et labora! Hãy cầu nguyện và làm việc!” luôn luôn có
hiệu lực trong Thần học. Không phải ta chỉ bắt đầu bằng orare và rồi trong
tiến trình thực hiện ta phải cầu nguyện phụ thêm vào, nhưng laborare tự nó,
trong gân cốt của nó, cũng phải là orare, phải là một công tác có cung cách
và ý nghĩa của sự cầu nguyện trong tất cả mọi chiều hướng, mọi mối liên hệ
và mọi hoạt động của mình.
Chúng ta cố gắng tìm hiểu sự cầu nguyện qua một vài quan điểm sau đây:
1. Một công tác Thần học nghiêm túc và hữu hiệu có đặc điểm là được thực
hiện trong một căn phòng không những có những cánh cửa mở ra về hướng
các sinh hoạt của Hội Thánh và của thế giới chung quanh (đó là điều rất tốt
đẹp và cần thiết), nhưng trên hết và quan trọng là căn phòng có ánh sáng
chiếu ở phía trên, tức là có cửa mở từ trời, từ Công lao và Lời Thượng Đế,
và mở lên trời, mở đến Công lao và Lời Thượng Đế. Như vậy công tác Thần
học được thực hiện trong căn phòng có cửa mở hướng về đối tượng, về
nguồn cội, về mục tiêu của mình, tức là về hướng phát sinh ra mối đe doạ
mình và niềm hi-vọng-còn-lớn-hơn-nữa của mình; sự kiện này không phải là
một sự kiện thường tình dễ hiểu. Vì cửa phòng hướng về hướng này cũng có
thể bị đóng kín, bị bịt lại, và căn phòng bị cô lập, không có ánh sáng. Căn
phòng này trước tiên là lĩnh vực vấn đáp, nghiên cứu, suy tư và phát biểu
của con người. Có nhà Thần học nào mà không thường xuyên nhận thấy
mình đang lẩn quẩn trong một vòng tròn của con người hoàn toàn quá phàm,
giống như con sóc trong bẫy, mặc dù mình đang nỗ lực, có thể là rất nghiêm
túc để ngày càng nghe rõ ràng hơn tiếng của Thánh Kinh, ngày càng hiểu
trung thực hơn bản Tín điều, tiếng của các tổ phụ và của những người đồng
thời, và mặc dầu mình cũng đang nỗ lực tiến đến những nhận thức và phát
biểu tương đối đúng đắn và quan trọng, kết hợp với tinh thần cởi mở đối với
xã hội? Dĩ nhiên là nhà Thần học có ghé qua những vấn đề thú vị, đi ngang
qua những kiến thức đáng để lưu tâm và làm cho mình say mê, rồi dừng lại
ở đâu đó, rồi lại tiếp tục ra đi. Chỉ có điều là - dù nhà Thần học có tận hiến
cho công tác của mình và tất cả mọi cửa đều được mở rộng tối đa về mọi
hướng - toàn bộ Thần học cũng như mỗi một đề tài vẫn không được soi sáng
gì hết, vẫn không có khuôn khổ và không được ổn định gì hết, tính thống
nhất, cấp thiết, hữu ích và vẻ đẹp của Thần học vẫn không thể hiện ra gì hết.
Vậy thì ở đây thiếu cái gì? Khuyết điểm nằm ở chỗ là dù nhà Thần học có
làm việc cần cù và công tác của nhà Thần học có mở rộng đến đâu chăng
nữa, nhưng trong cơ bản nhà Thần học vẫn đơn độc trong mọi công việc của
mình và công tác của nhà Thần học được thực hiện trong một căn phòng
chẳng may phía trên bị khoá kín, từ trên chẳng có ánh sáng chiếu xuống, từ
dưới chẳng thể nhìn lên. Ta có thể và phải làm gì trong tình trạng này? Chắc
chắn là ta phải áp dụng một biện pháp đặc biệt, phải tạm thời chấm dứt
chuyển động vòng tròn, phải thờ phượng vào ngày Sa-bát - không phải để
bãi bỏ những ngày làm việc trong tuần, không phải để trốn tránh trách
nhiệm, nhưng để tìm kiếm ánh sáng chiếu ở phía trên cho những ngày làm
việc. Làm thế nào có được ngày Sa-bát này? Ta có thể và nên có ngày Sa-bát
này bằng cách quay lưng lại với tất cả mọi nỗ lực trong việc thực hiện
intellectus fidei, rồi hướng lòng về đối tượng, về Thượng Đế. Nhưng hướng
về Thượng Đế nào có gì khác hơn là bắt đầu cầu nguyện? Trong sự cầu
nguyện ta tạm thời quay khỏi công tác của mình vì cớ sự sống còn của nó.
Mỗi lời cầu nguyện đều bắt đầu khi ta không còn nương dựa vào bản thân
mình và công tác của mình, cho dù đó là công tác tốt đẹp nhất và hoàn hảo
nhất, khi ta bỏ bản thân mình và công tác của mình ra sau để nhận biết mình
đang đứng trước mặt Thượng Đế - một kinh nghiệm mà ta luôn luôn cần
phải có - là Chúa, Thẩm phán và Cứu Chúa của ta trong Công lao và Lời của
Ngài, hoặc nói đúng hơn là ta sẽ nhận biết Thượng Đế, Đấng toàn năng,
thánh khiết và nhân từ trong Công lao và Lời của Ngài, Đấng là mối đe doạ
và là niềm hi-vọng-còn-lớn-hơn-nữa của ta, đang tiến đến gần ta. Cầu
nguyện khởi đầu với một sinh hoạt trong đó con người muốn có và tìm kiếm
sự thật về "Thượng Đế là Đấng tể trị". Cầu nguyện không phải là hi sinh
hoặc sao lãng công tác, nhưng là để công tác không trở nên hoặc cứ mãi là
một công tác không có kết quả, để công tác có thể được thực hiện trong sự
thánh khiết, dưới sự tể trị và sự chúc phước của Thượng Đế. Với sinh hoạt
có ý thức này, trong đó sự cầu nguyện khởi đầu, công tác Thần học cũng có
quyền và phải khởi đầu. Nếu ta cầu nguyện với tinh thần trách nhiệm và tấm
lòng hi vọng thì ta phải biết rõ ai đe doạ mình và ai là niềm hi vọng của
mình. Những tra vấn về Thượng Đế và sự tìm kiếm đến Thượng Đế luôn
luôn đòi hỏi và hình thành một sinh hoạt đặc biệt. Tạm thời những sinh hoạt
khác phải lui ra sau (giống như các công tác trong tuần phải lui sau công tác
của ngày Sa-bát), để rồi sẽ trở nên những công tác nghiêm túc qua sinh hoạt
đặc biệt ấy nhờ được đặt vào trong ánh sáng chân thật.
2. Đối tượng của Thần học không phải là một cái gì đó, cũng không phải là
cái cao cả nhất và tuyệt đối (ngay cả khi cái cao cả nhất và tuyệt đối đó là cái
"cơ bản của sự hiện hữu" hoặc là những cái tương tự), nhưng là một Đấng,
không phải là cái đó mà là Ngài, là Đấng không hiện hữu trong sự bất động
và câm lặng nhưng trong Công lao của Ngài, trong chính Lời Ngài. Nhiệm
vụ của công tác Thần học là lắng nghe Ngài là Đấng phán qua Công lao của
Ngài và truyền bá Lời Ngài cho bản thân mình, cho Hội Thánh và cho thế
giới. Tuy nhiên, điểm tối quan trọng là công tác Thần học phải nhận biết và
nhấn mạnh rằng Lời của Đấng ấy không phải là một thông cáo có tính trung
lập nhưng là giờ phút nghiêm trọng của lịch sử và của sự tương giao giữa
Thượng Đế và con người: Thượng Đế cho con người biết Ngài là ai. "Ta là
Gia-vê Thượng Đế của con, là Đấng đã dẫn con ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập.
Trước mặt Ta, con chớ có các thần nào khác. " Chỉ có Lời này mới được
phán và được nghe, và chỉ có Lời này mới là Lời của sự thật về Công lao
Thượng Đế, sự thật về chính Thượng Đế. Vì thế nên tất cả suy tư và phát
biểu của con người về mối liên hệ với Thượng Đế chỉ có thể mang tính chất
của một sự trả lời cho Lời Thượng Đế, không phải là suy tư và phát biểu về
Thượng Đế nhưng là suy tư và phát biểu của con người hướng về Thượng
Đế. Suy tư và phát biểu của con người được thách thức bởi suy tư và phát
biểu của Thượng Đế hướng về con người, rồi vâng theo và đáp ứng suy tư
và phát biểu của Thượng Đế. Suy tư và phát biểu của con người chắc chắn
sẽ sai lầm nếu liên hệ với "một cái gì đó" thuộc về trời, bởi vì Thượng Đế là
một Đấng, không phải là một cái gì. Suy tư và phát biểu của con người về
Thượng Đế cũng có thể sai lầm và chắc chắn là không nghiêm túc nếu liên
hệ với Ngài bằng ngôi thứ ba (Đấng ấy) trong khi Ngài trên cơ bản xưng
mình bằng ngôi thứ nhất (Ta) với con người và gọi con người bằng ngôi thứ
hai (con). Suy tư và phát biểu về Thượng Đế chỉ nghiêm túc khi luôn luôn là
một sự trả lời với Thượng Đế bằng ngôi thứ hai, hoặc công khai hoặc kín
đáo, hoặc rõ ràng minh bạch hoặc dùng hàm ý. Điều này có nghĩa là công
tác Thần học phải chân thành và thật sự diễn ra dưới hình thức của một nghi
lễ thờ phượng, của sự kêu cầu với Thượng Đế, của lời cầu nguyện. Tấm
khăn phủ sự suy tư và phát biểu bằng ngôi thứ ba của công tác Thần học
phải luôn luôn trong suốt. Để vén mở tấm khăn này, Anselm ở Canterbury
đã thay thế thể văn thứ nhất, gọi là “Monologion”, mà mình đã dùng để trình
bày giáo lý về Thượng Đế bằng thể văn thứ hai mà Anselm gọi là
“Proslogion” để trình bày về sự hiện hữu và bản chất của Thượng Đế. Với
thể văn thứ hai này Anselm đã bộc bạch tất cả những điều mình cần phải
phát biểu dưới hình thức trực tiếp nói chuyện với Thượng Đế, từ đầu đến
cuối như một lời cầu nguyện. Vào đầu thế kỷ 18, để nhắc nhở lại sự kiện này
nhà Thần học David Hollaz, thuộc phái Luther, cũng đã chấm dứt mỗi một
bài trong bộ giáo lý của mình bằng một Suspirium, một tiếng thở dài tâm
nguyện cụ thể. Thần học nào không lưu ý và chiêm nghiệm mối liên hệ tôi-
Chúa giữa con người và Thượng Đế , trong đó Thượng Đế là Thượng Đế
của con người và con người là con người của Thượng Đế, tức là đem cái giả
thay thế cho cái chân, thì Thần học đó chỉ là thần học giả mạo mà thôi. Thần
học nghiêm túc sẽ là - hàm ý và gián tiếp - một Proslogion, một Suspirium
và như vậy là một lời cầu nguyện, khi Thần học lưu ý rằng, đối tượng của
mình chỉ có thể là Thượng Đế, là Đấng làm chủ thể cho hành động và phát
biểu của mình. Tất cả các hoạt động trong Hội Thánh đều chưa phải là hoạt
động thờ phượng nếu Thần học của Hội Thánh không phải là một hoạt động
thờ phượng ngay từ đầu, nếu không được thực hiện do Proskynese, tức là do
sự sùng bái Chúa.
3. Khác với những công tác khác, muốn thực hiện công tác Thần học ta
không thể dựa vào những vấn đề đã được giải quyết, vào những thành quả
đã đạt được, và vào những kết quả đã được củng cố. Nhà Thần học không
thể ngày hôm nay tiếp tục xây dựng trên nền tảng mà mình đã đặt ngày hôm
qua, không thể sống hôm nay bằng tiền lời từ số vốn tích trữ hôm qua,
nhưng phải mỗi ngày, mỗi giờ bắt đầu lại từ đầu. Về phương diện này, công
tác Thần học có thể tiêu biểu cho tất cả các hoạt động tinh thần. Ký ức về
ngày hôm qua chỉ là một yếu tố an ủi và khích lệ cho công tác Thần học vì
nhắc nhở lại rằng công tác này hôm qua đã được bắt đầu và hi vọng đã được
bắt đầu. Trong khoa học Thần học, tiếp tục luôn luôn có ý nghĩa là "bắt đầu
lại từ đầu". Tình trạng này không thể tránh được vì mối hiểm hoạ đe doạ nhà
Thần học mạnh mẽ đến nỗi thường xuyên rút mất chỗ đứng của nhà Thần
học đi. Nhà Thần học bắt buộc phải thường xuyên đi tìm chỗ đứng của
mình, như thể mình chưa bao giờ từng có chỗ đứng của mình cả. Tình trạng
này không thể tránh được - cho dù Thần học lắng nghe Lời chứng của Thánh
Kinh, cho dù Thần học được thực hiện trong mối liên hệ mật thiết với
communio sanctorum của mọi thời đại và với tấm lòng biết ơn truớc những
kiến thức mà Thần học trước đây đã đạt được - cũng vì lý do đối tượng của
Thần học là Thượng Đế hằng sống trong ân sủng vô điều kiện của Ngài,
Đấng bảo vệ Y-sơ-ra-ên không hề chợp mắt, cũng không buồn ngủ. Nếu sự
nhân từ của Thượng Đế mỗi sáng đều mới luôn, thì sự nhân từ ấy cũng là
một sự nhân từ mà ta mỗi sáng đều không đáng nhận, mỗi sáng đều phải biết
ơn và mỗi sáng đều mong ước. Vì vậy, mỗi một công tác Thần học trong tất
cả mọi chiều kích của mình - cho dù chỉ liên quan đến một nan đề nhỏ nhất
trong Giáo lý học hoặc Giải kinh học, hoặc nỗ lực làm sáng tỏ một giai đoạn
giản dị nhất trong lịch sử Hội thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và nhất là
khi chuẩn bị mỗi bài Giảng luận, bài dạy hoặc bài học Thánh Kinh - đều
phải mang tính chất của một sự dâng hiến của lễ - dâng hiến toàn bộ tham
vọng mà mình theo đuổi từ trước đến nay, dâng hiến toàn bộ kiến thức mà
mình đã đạt được, và nhất là dâng hiến toàn bộ phương pháp mà mình sử
dụng và có hiệu quả - lên trước mặt Thượng Đế hằng sống. Trong tất cả mọi
giai đoạn và mọi trường phái, công tác Thần học không thể nào được thực
hiện nếu không tự nguyện để cho Thượng Đế tự do xử lý tất cả mọi kiến
thức, thành quả, công trình của con người, tức là toàn bộ tôn giáo, luân lý và
trí thức, trí tuệ và tâm linh của mình, nếu nỗ lực trong hiện tại nhằm tiếp nối
những thành quả của quá khứ cũng như nỗ lực nối kết quá khứ với hiện tai,
hiện tại với tương lai không đặt dưới sự chăm sóc, ý muốn và sự sử dụng của
Ngài. Thần học là một khoa học tự do và vui mừng khi Thần học thường
xuyên tự nguyện hiến dâng mình cho Chúa. Nếu muốn tránh bệnh cứng
động mạch, cằn cỗi, mệt mỏi chán chường, công tác Thần học không được
trở thành một lệ tục hằng ngày, không được thực hiện một cách máy móc.
Điều này có nghĩa là Thần học - nếu nhìn từ phương diện này - phải là một
hành động cầu nguyện, công tác Thần học phải là lời cầu xin: "Không theo ý
con, nhưng theo ý Cha". Năng lực - nhờ đó con người có thể tìm hiểu,
nghiên cứu, suy tư, có thể bóc vỏ hồ đào và cưa đứt gốc cây để thực hành
intellectus fidei - không vì thế bị tổn thương, trái lại nhờ đó intellectus fidei
là, còn và thường xuyên trở thành một công trình hào hùng, tươi mới, lý thú
và hữu ích của con người. Thần học có năng lực không nhờ được trang bị
đầy đủ, nhưng nhờ sự can đảm từ khước trang bị và nhờ sự đầu phục - thể
hiện qua sự cầu nguyện - đối tượng của mình.
4. Chúng ta bước qua điểm thực tế nhất - về phương diện thực hành - và
quan trọng - nếu nhìn một cách khách quan. Công tác Thần học diễn ra dưới
hình thức con người tra vấn và trả lời, tìm hiểu và khám phá khi đối diện với
Công lao và Lời của Thượng Đế. Ở đây ta không thể không thấy hai vấn đề
trong nỗ lực này: Vấn đề thứ nhất nằm trong phương diện "chủ quan", vấn
đề thứ hai nằm trong phương diện "khách quan". Hai vấn đề này liên hệ với
nhau và liên kết với nhau. Cả hai đều là vấn đề về mối tương giao sống động
giữa Thượng Đế và con người, giữa con người và Thượng Đế, và vì thế ta
chỉ có thể giải quyết những vấn đề này trong lịch sử của mối tương giao đó,
chỉ trong phương diện thực hành chứ không trong phương diện lý thuyết.
Trên một phương diện (chủ quan) ta có vấn đề là con người có đủ tư cách và
khả năng để làm việc trong công tác Thần học không. Phải chăng công tác
Thần học phải được thực hiện với thiện tâm thiện ý, với trí tuệ minh mẫn và
với lương tâm trong sạch - những tiêu chuẩn thích hợp với công tác Thần
học và cần thiết để công tác Thần học có kết quả mỹ mãn? Trong trường hợp
nào của nhà Thần học nào ta có thể trả lời câu hỏi này rằng, ân sủng của
Thượng Đế có đủ năng lực để ban cho ác tâm ác ý, ban cho trí tuệ u mê và
lương tâm xấu xa khả năng để tra vấn và trả lời súc tích về Thượng Đế, về
Công lao và Lời của Ngài? Nhưng Thương Đế có bày tỏ ân sủng của Ngài
cho một người như thế không? Trên phương diện khác (khách quan), vấn đề
là Thượng Đế hiện diện qua sự tự Mạc khải của Ngài. Nếu Thượng Đế
không tự mạc khải, sự tra vấn và trả lời về Thượng Đế, kể cả sự tra vấn và
trả lời nghiêm túc nhất, sẽ không có đối tượng và vô ích. Một lần nữa ở đây
ta phải trả lời một cách tích cực như sau: Ân sủng của Thượng Đế là ân sủng
vô điều kiện và có đủ năng lực để thực hiện công tác Thần học. Nhưng như
thế ân sủng có trở thành biến cố không? Trong cả hai trường hợp, ân sủng sẽ
không còn là ân sủng nữa nếu ta giả định vô điều kiện rằng Thượng Đế sẽ tự
động mạc khải con người cho Ngài và Ngài cho con người. Ân sủng chỉ có
khi ta cầu nơi Thượng Đế để xin Ngài ban cho, và ta chỉ có thể cầu xin ân
sủng nơi Ngài mà thôi. Trong cả hai trường hợp, công tác Thần học chỉ có
thể được thực hiện nhờ lời cầu xin ân sủng này, nhờ xuất phát từ ân sủng và
thường xuyên trở về với ân sủng. Lời cầu xin này cầu xin một sự việc kỳ
diệu, đó là đôi mắt mù lòa và đôi tai điếc đặc của con người được Thượng
Đế mở ra để thấy và nghe Công lao và Lời Thượng Đế, và đồng thời cầu xin
một sự việc kỳ diệu hơn nữa, đó là Công lao và Lời Thượng Đế không ẩn
khuất nhưng bày tỏ cho đôi mắt, đôi tai của con người. Khi nhìn vào bản
thân mình Anselm đã cầu xin: Revela me de me ad te! - Cầu xin Ngài bày tỏ
con từ con cho Ngài! và: Da mihi, ut intelligam! - Cầu xin Ngài giúp con để
con hiểu biết! , và khi nhìn vào Thượng Đế: Rede te mihí! Da te ipsum mihi,
Deus meus! - Cầu xin Ngài tái tạo Ngài cho con! Ôi Thượng Đế của con,
Xin ban cho con chính Ngài! Toàn bộ công tác Thần học cần phải có hành
động lưỡng diện này và - vì trên cả hai phương diện hành động lưỡng diện
này của Thượng Đế chỉ có thể là hành động ân sủng vô điều kiện và là hành
động kỳ diệu của Ngài - lời cầu xin lưỡng diện này của Thượng Đế. Chỉ có
một Đấng duy nhất có thể hiểu được lời cầu xin này; Đấng đó là Đấng mà
chúng ta đã từng nhắc đến ở phần cuối của chương năm : Veni, Cretor
Spiritus! Ôi Linh, Đấng Tạo hoá, xin đến! Khi Ngài đến, khi Ngài chuyển
động từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, Chúa Thánh Linh bày tỏ
Thượng Đế cho con người và con người cho Thượng Đế. Công tác Thần học
sống nhờ và trong lời cầu nguyện xin Ngài đến; tất cả những nghi vấn, công
trình nghiên cứu, suy tư và nguyên lý của Thần học chính là hình hài của lời
cầu xin này. Công tác Thần học - bị đe doạ trầm trọng và hoàn toàn lệ thuộc
vào ân sủng vô điều kiện của Thượng Đế - chỉ có thể trở thành một công
trình hữu ích, một công trình phục vụ vinh quang của Thượng Đế và ân cứu
rỗi của con người khi lời cầu xin này được nhậm. Đó là lời cầu xin đích
thực! Tính đích thực của lời cầu xin này nằm ở chỗ cầu xin với niềm tin
chắc sẽ được nhậm. Nếu khi nhân danh Đức Con cầu xin Đức Cha ban
Thánh Linh của Ngài mà ta cầu xin với một thái độ hoài nghi, làm sao ta có
thể biết được việc mình đang làm? Và cũng trong chính niềm tin-chắc-lời-
cầu-xin-này-sẽ-được-nhậm mà công tác Thần học có quyền và phải được bắt
đầu và được thực hiện một cách dũng cảm.
NGHIÊN CỨU
Trong sự cầu nguyện công tác Thần học của con người là một hoạt động nội
tại, tâm linh, xảy ra theo đường thẳng đứng từ dưới lên trên. Trong sự
nghiên cứu công tác Thần học xảy ra ngoại tại, theo đường chân trời, là một
hoạt động trí tuệ, thuộc linh và thuộc thể, nếu không muốn nói thuộc về xác
thịt. Công tác Thần học chỉ có thể được thực hiện khi hai sinh hoạt này, cầu
nguyện và nghiên cứu, hợp nhất chặt chẽ với nhau. Nếu không có nghiên
cứu, cầu nguyện sẽ trở thành trống rỗng. Nếu không có cầu nguyện, nghiên
cứu sẽ trở thành mù lòa. Ở đây ta bàn đến Nghiên cứu, công tác thứ hai của
Thần học.
"Nghiên cứu" - căn cứ vào ý nghĩa mà ta quan tâm ở đây - là nỗ lực làm việc
nghiêm túc, hăng hái, siêng năng của một người đứng trước nhiệm vụ nhận
thức đã được giao cho mình và cho những người khác, là tình nguyện và vui
vẻ - do bản năng và niềm khao khát của người đó thúc đẩy - dự phần vào cố
gắng chu toàn nhiệm vụ nhận thức đó. Những tiêu chuẩn này xác định ai và
công tác nào là và không phải là một studiosus - một nghiên cứu sinh, một
công tác nghiên cứu - và nhất là một studiosus theologiae - một nghiên cứu
sinh Thần học, một công tác nghiên cứu Thần học. Công lao và Lời Thượng
Đế - được chứng trong Thánh Kinh và được truyền bá trong communio
sanctorum qua tất cả mọi thời đại ở tất cả mọi nơi - giao cho nhà Thần học
và những người khác một nhiệm vụ nhận thức đặc biệt. Phúc âm giao cho
nhà Thần học nhiệm vụ nhận thức này. Giả sử nhiệm vụ nhận thức không
được giao cho nhà Thần học, hoặc nhà Thần học lầm lẫn và hoán chuyển
nhiệm vụ nhận thức này với một nhiệm vụ nhận thức khác, như với nhiệm
vụ nhận thức của nhà Triết học, của Sử gia hoặc Tâm lý gia, nguời đó sẽ vẫn
là một studiosus, nhưng không còn là một studiosus theologiae nữa. Người
đó cũng sẽ không phải là một nghiên cứu sinh Thần học nếu người đó không
phải là một studiosus, nếu người đó không sử dụng động cơ thúc đẩy đặc
biệt - như đã nêu trên - để chu toàn nhiệm vụ. Một nghiên cứu sinh lười
biếng, kể cả nhà Thần học, không phải là một nghiên cứu sinh.
Ngoài ra còn có hai điểm đơn giản mà ta phải suy nghĩ. Điểm thứ nhất:
Công tác nghiên cứu Thần học cũng như động cơ thúc đẩy công tác này
không phải là một vấn đề tạm thời của một giai đoạn trong cuộc đời. Cấu
trúc của công tác này có thể và phải thay đổi nhẹ nhàng theo dòng thời gian.
Nhưng ta hoặc là một stud. theol. - một nghiên cứu sinh Thần học -
(Schleiermacher lúc cao tuổi, mỗi lần ký tên vẫn thường ký stud. theol. để
xưng mình là một nghiên cứu sinh) hoặc là ta không bao giờ là một nghiên
cứu sinh Thần học hết.
Điểm thứ hai: Ta nghiên cứu không phải để thi đậu rồi làm Mục sư, cũng
không phải để có bằng cấp giúp ta tiến thân trong các học viện. Thi cử là,
nếu hiểu đúng theo diện người dự thi và người chấm thi, một cuộc đàm thoại
thân mật giữa một vài nghiên cứu sinh Thần học lớn tuổi hơn với một vài
nghiên cứu sinh trẻ tuổi hơn về những đề tài mà tất cả, người dự thi lẫn
người chấm thi, đều trăn trở. Trong cuộc đàm thoại này những nghiên cứu
sinh trẻ tuổi hơn có cơ hội chứng tỏ nỗ lực nghiên cứu của mình và hứa
nguyện trong tương lai sẽ nỗ lực nghiên cứu đến mức độ nào. Cũng vậy, giá
trị thực sự của một mảnh bằng tiến sĩ, kể cả mảnh bằng có điểm tối ưu, tùy
thuộc vào tinh thần học hỏi của người có bằng. Ai là người học, người đó
mới có khả năng làm người dạy. Ngoài những mục tiêu quan trọng khác,
người nghiên cứu Thần học nghiên cứu vì công tác nghiên cứu Thần học rất
hữu ích cho chức vụ của mình, vì Thần học chiếm hữu người đó, đến nỗi
người đó chỉ có thể làm một studiosus Thần học mà thôi .
Ta phải hiểu công tác nghiên cứu Thần học là (trực tiếp qua các tác phẩm
Thần học) một sự gặp gỡ và hội họp hữu ích của học sinh với giáo sư.
Nhưng những giáo sư này trước kia cũng là học sinh của những giáo sư của
họ, và những giáo sư của họ khi còn là học sinh cũng có giáo sư. Nếu cứ tiếp
tục truy tầm như thế, cuối cùng ta sẽ có các vị giáo sư vốn là học sinh của
những Nhân chứng trực tiếp về Lịch sử Chúa Giê-xu Cứu Thế, một Lịch sử
đã dắt dẫn Lịch sử Y-sơ-ra-ên đi đến mục tiêu. Công tác nghiên cứu Thần
học sống còn nhờ toàn bộ tập thể giáo sư và học sinh tham dự tích cực vào
công tác trong trường của những Nhân chứng trực tiếp về Công lao và Lời
của Thượng Đế. Những Nhân chứng này đối chất với tất cả giáo sư và học
sinh, và tất cả đối chất với họ. Bài học mà ta học ở đây và bây giờ, trong các
lớp học, trong các cuộc hội thảo chuyên đề, từ các bài tập hoặc từ sách vở
chỉ là bài học đầu tiên và sơ khởi, chỉ ở trình độ bắt đầu nhập học vào trường
mà thôi. Trong trường này, ngày nay ta nghe và đọc nơi các giáo sư của ta;
nhưng trước các giáo sư của ta còn có nhiều vị đã từng nghe, phát biểu và
viết, đã thu lượm được kiến thức của mình, đã trao đổi, truyền đạt kiến thức
cho nhau và nhận lãnh kiến thức của nhau. Mục tiêu tối hậu của tất cả những
công tác này là đến gần với Nguồn mạch và Tiêu chuẩn trong Lời Chứng
của Thánh Kinh mà mỗi người nỗ lực để thấu đáo và lý giải dựa vào bối
cảnh thời gian của mình, theo phương cách của mình và trong giới hạn của
mình. Nghiên cứu Thần học là: phối hợp với tất cả những nghiên cứu sinh
Thần học đàn anh nhiều hơn là bàn cãi với họ, cởi mở và sẵn sàng - với tư
cách là những nghiên cứu sinh đàn em ngồi ở hàng ghế cuối cùng - lắng
nghe họ (tuy đã từ trần từ lâu nhưng họ vẫn còn nói), để cho những quan
điểm và nhận thức mà họ đã nhận được và đã phổ biến, để cho những tấm
gương khích lệ hoặc khủng khiếp của họ hướng dẫn ta đến trách nhiệm quan
sát, suy tư và phát biểu trước mặt Thượng Đế và con người; và nghiên cứu
Thần học phải có nghĩa là đi theo tiến trình của họ, hướng về Nguồn mạch
mà họ dựa vào để sống, hướng về Tiêu chuẩn mà họ đã qui phục cách bất
toàn, lắng nghe chính Lời Chứng nguyên thuỷ - là học sinh học hỏi Lời
Chứng nguyên thuỷ này họ đã trở thành giáo sư - mà họ, mỗi người tùy theo
hoàn cảnh, khả năng của mình, đã chịu khuất phục và phối trí.
Như vậy công tác nghiên cứu Thần học phân ra làm hai phần, gọi là hai cuộc
đối thoại. Trước hết, trong cuộc đối thoại chính, nghiên cứu sinh trẻ tuổi
hoặc lớn tuổi trực tiếp hỏi - như các bậc đàn anh đã từng phải hỏi - về những
điều mà các Tiên tri của Cựu và các Sứ đồ của Tân ước muốn truyền cho thế
giới, cho cộng đồng tín hữu hiện đại và cho chính bản thân mình. Trong
cuộc đàm thoại phụ, nghiên cứu sinh phải để cho - vì không phải là người
đầu tiên nhưng hiện tại tạm thời là người cuối cùng đối diện với câu hỏi này
- các nhà Thần học đàng anh quan trọng thuộc các giai đoạn quá khứ, cận
đại và hiện đại, các Chú giải Thánh Kinh và Giáo lý, các công trình nghiên
cứu về Lịch sử và Thần học Thực hành gián tiếp chỉ dẫn và cảnh cáo mình
trên con đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Ước chi không có người
nào coi cuộc đàm thoại phụ là cuộc đàm thoại chính, để rồi thấy cây cối um
tùm mà không thấy rừng, nghe tiếng của vô số các Giáo phụ, các nhà Kinh
viện, các nhà Cải chánh và nhất là các giáo sư hiện đại đến nỗi không thể
nghe được tiếng vang của sự Mạc khải Thiên Thượng trong Thánh Kinh.
Cũng ước chi không có người nào nghĩ mình có đủ ân tứ và sự khôn ngoan
đến nỗi có khả năng tự mình phối trí cuộc đàm thoại chính và lơ là cuộc đàm
thoại với các bậc cha-anh. Như vậy, công tác Thần học luôn luôn gồm có
cuộc đàm thoại chính và cuộc đàm thoại phụ; cả hai hoàn toàn khác biệt
nhau, nhưng cũng phải kết hợp với nhau. Công tác Thần học đòi hỏi sự chú
tâm và thận trọng sống động và sắc bén, một đòi hỏi mà nhà Thần học phải
nỗ lực suốt đời.
Sau đây chúng ta cố gắng tìm hiểu tổng quát về những phạm vi khác nhau,
cũng gọi là các "bộ môn" hoặc các "khoa ngành", trong công tác nghiên cứu
Thần học.
Nhiệm vụ đầu tiên của công tác nghiên cứu Thần học là Giải Kinh. Giải
Kinh nhất thiết nằm trong cuộc đàm thoại chính của Thần học mà chúng ta
vừa mới đề cập đến, vì lắng nghe, thấu đáo và áp dụng sứ điệp Thánh Kinh
không chỉ là điều kiện tạm thời, nhưng là việc làm căn bản của toàn bộ công
tác nghiên cứu Thần học. Nhưng đọc và giải thích bản văn là một vấn đề đặc
biệt; và vì vấn đề này được đặt ra thường xuyên nên Thần học trước hết và
nhất thiết là khoa học về Cựu và Tân ước. Cựu và Tân ước là những bộ Kinh
gồm các bản văn được sưu tập lại. Nhờ Cựu và Tân ước cộng đồng tín hữu
của Chúa Giê-xu Cứu Thế được kêu gọi để lắng nghe tiếng của Lời Chứng
nguyên thuỷ và duy nhất - Nguồn mạch và Tiêu chuẩn của Giáo lý và sự
sống của cộng đồng tín hữu - về Công lao và Lời của Thượng Đế. Nhưng
cộng đồng tín hữu phải lắng nghe, nghe tiếng nói trực tiếp của Lời Chứng -
tuy đa dạng nhưng hợp nhất - mỗi một thời một cách mới mẻ. Cộng đồng tín
hữu phải đọc những bản văn này - vì thế cộng đồng cần phải có khoa học
Thánh Kinh Thần học - mỗi một thời một cách mới mẻ. Cộng đồng có thể
thường xuyên nghe không chính xác, hoặc nghe ngược lại, và cũng hoàn
toàn không nghe gì hết. Khoa học Thánh Kinh Thần học có bổn phận phải
cởi mở và thận trọng làm sáng tỏ ý nghĩa của những điều đã được viết trong
Thánh Kinh. Trong ngành Giải Kinh luôn luôn có hai giả định. Giả định thứ
nhất: để đọc và hiểu Thánh Kinh, khoa học Thánh Kinh Thần học cũng như
toàn bộ công tác khảo cứu bình luận lịch sử - trong đó cũng có những bản
văn Thánh Kinh - phải cẩn thận sử dụng tất cả những phương tiện quen
thuộc, những qui tắc và tiêu chuẩn về ngôn ngữ và văn chương, lịch sử thế
giới, văn hoá và văn học mà mình có. Giả định thứ hai thuộc loại bình luận
lịch sử. Tuy nhiên giả định này không được công nhận trong các công trình
khảo cứu lịch sử khác và vì thế nên cũng bị cô lập trong Giải Kinh Thần
học, một ngành dùng phương pháp bình luận lịch sử làm cơ bản cho công
tác của mình. Đó là giả định phổ quát cho rằng có những bản văn nếu căn cứ
vào chủ tâm của các tác giả vào những điểm đặc thù cụ thể chỉ là những bản
văn chứng thực và truyền bá một hành động và Lời phán của Thượng Đế
hình như hoặc thực sự đã hành động và phán trong lịch sử nhân loại. Nếu
không lưu tâm đến đặc tính này ta sẽ không hiểu được nội dung của những
bản văn đó. Đó là giả định cho rằng có những bản văn không đề cập đến
điểm chính yếu mà chỉ đề cập đến điểm thứ yếu, không mời gọi ta tra vấn về
những sự kiện mà người đọc phải phân biệt - những sự kiện nằm sau sứ điệp
của bản văn, sau này được "giải thích" trong sứ điệp của bản văn và lệ thuộc
vào nội dung của bản văn - trái lại còn làm ta không thể nào giải đáp những
tra vấn đó. Đó là giả định cho rằng có những bản văn với nội dung mà người
đọc lúc đầu không thể tin được - tức là hơi nghi ngờ hoặc rất nghi ngờ - hoặc
có thể tin được. Tại sao lại không có loại bản văn với sứ điệp thuần tuý - nếu
dựa vào phương pháp bình luận lịch sử - và phải được giải thích cách thích
hợp? Khoa Thánh Kinh Thần học giả định rằng có những bản văn như thế
trong Cựu và Tân ước. Nội dung của những bản văn này cũng như nội dung
của những bản văn khác phải được nhận diện cách khách quan. Tuy nhiên, ta
chỉ có thể hiểu ý nghĩa bản văn, chỉ có thể giải thích bản văn bằng sự vô tín
hoặc bằng đức tin, nghĩa là bằng cách thường xuyên lưu tâm đến sứ điệp của
bản văn. Khoa Thánh Kinh Thần học không công tác trong căn phòng trống
rỗng, nhưng phục vụ trong cộng đồng tín hữu của Chúa Giê-xu Cứu Thế,
một cộng đồng được thành lập do Lời Chứng của các Tiên tri và các Sứ đồ.
Vì lý do đó khoa Thánh Kinh Thần học đến với những bản văn này với một
kỳ vọng là Lời Chứng này sẽ hội ngộ với mình. Tuy nhiên khoa Thánh Kinh
Thần học vẫn đặt câu hỏi: Kỳ vọng này trở thành sự thật không, và trở thành
sự thật như thế nào, dưới hình thức nào, với nội dung cụ thể nào? Cộng đồng
tín hữu có nhận được cái phần thưởng mà những bản văn này dành cho mình
không? Giải Kinh như thế có phải là Giải Kinh "Giáo lý” không? Giải Kinh
là Giải Kinh Giáo lý khi từ khước tất cả những giáo lý nào ngay từ đầu đã
cấm cản kỳ vọng của mình, ngay từ đầu đã cho rằng kỳ vọng của mình
không thể nào trở thành sự thật. Giải Kinh như thế có phải là Giải Kinh
"Thánh Linh” không? Chắc chắn là không nếu Giải Kinh nghĩ rằng mình có
thể sử dụng Thánh Kinh với năng lực riêng của mình. Nhưng Giải Kinh sẽ là
Giải Kinh Thánh Linh nếu dùng sự tự do căn cứ trên Thánh Kinh để tra vấn
Thánh Kinh một cách nghiêm túc, cặn kẽ và dứt khoát về Lời tự chứng của
Thánh Linh trong Thánh Kinh.
Nhiệm vụ thứ hai của công tác nghiên cứu Thần học có liên hệ mật thiết với
cuộc đàm thoại phụ. Nếu không có cuộc đàm thoại phụ này môn Giải Kinh
lẫn công tác nghiên cứu Thần học trong những phạm vi khác đều không thể
thực hiện được. Nhiệm vụ đó là công tác nghiên cứu Lịch sử Hội Thánh:
nghiên cứu lịch sử những Lời Giảng dạy về phương diện lý thuyết lẫn thực
hành và lịch sử những bản Tín điều, cũng nghiên cứu lịch sử Thần học của
Hội Thánh, tức là nghiên cứu xem kiến thức về Chúa Cứu Thế - yếu tố căn
bản của cộng đồng tín hữu - đã diễn tiến từ thời các Tiên tri và các Sứ đồ
cho đến ngày nay như thế nào. Vì cũng là lịch sử thế giới nên lịch sử Hội
Thánh phải được nghiên cứu như khi ta nghiên cứu lịch sử thế giới. Vì xuất
thân từ một đề tài đặc biệt, từ Phúc âm của Thánh Kinh, nên lịch sử Hội
Thánh là phần đặc biệt của lịch sử thế giới, là lịch sử của đức tin, của sự vô
tín, ngộ tín và mê tín, của sự truyền bá và phủ nhận Chúa Giê-xu Cứu Thế,
của sự hình thành và phục hồi Phúc âm, của sự vâng lời và bất tuân cách
công nhiên hoặc kín đáo của giới tín hữu đối với Chúa Cứu Thế . Nếu nhìn
vào cộng đồng gồm những thánh nhân và tội nhân này - mỗi cộng đồng tín
hữu ở mỗi thời đại đều đã và phải ở trong cộng đồng này - lịch sử Hội
Thánh, lịch sử Giáo lý và lịch sử Thần học cần phải là đối tượng của công
tác nghiên cứu Thần học. Một điều kiện để công tác nghiên cứu này có kết
quả là nhà nghiên cứu phải có cái nhìn vừa cởi mở, sinh động, thương yêu
trước mỗi một chi tiết trong biến cố vĩ đại đó, không coi thường bất cứ chi
tiết nào, dù đã được sáng tỏ hoặc còn nằm trong bóng tối, vừa luôn luôn
chăm chú vào yếu tố concretissimum - vào yếu tố tổng hợp nhất - của đề tài
của mình. Người nào không biết và không lưu tâm đến đề tài này thì không
thể hiểu và trình bày lịch sử Hội Thánh! Một điều kiện khác là phải thực
hiện kế hoạch tuyệt vời của Gottfried Arnold, kế hoạch "một lịch sử vô tư về
Hội Thánh và tà giáo", nhưng phải thực hiện tốt hơn là chính tác giả của kế
hoạch này, một người đã (trái ngược với những phương pháp thông dụng
đương thời) đứng về phía tà giáo chống lại Hội Thánh thay vì đứng về phía
Hội Thánh chống lại tà giáo. Lịch sử Hội Thánh không chủ ý xét xử thế giới.
Lịch sử Thần học cũng không nỗ lực khắc phục lịch sử của cộng đồng tín
hữu trong khoảng thời gian giữa sự giáng sinh và sự tái lâm của Chúa bằng
cách - như chủ trương của F. Chr. Baur - dựa vào những nguyên tắc của một
hệ thống Triết học. Lịch sử Thần học phải đơn giản nhận thấy và trình bày
rằng trong lịch sử này có con người phàm tục. Lịch sử này sẽ qua đi như hoa
cỏ (Ê-sai 40:6). Lịch sử này đã không trở thành và cho đến ngày nay sẽ
không là biến cố nếu không xuất phát từ và không hướng về Lời hứa tha tội
và hi vọng phục sinh. Lịch sử Thần học vừa vui với người vui và khóc với
người khóc, vừa bình thản từ chối tất cả những lời tán dương cũng như chỉ
trích để các bậc tiền bối, những vị đã từng suy tư, phát biểu và hành động, có
cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Nếu được nghiên cứu và lý giải như thế,
lịch sử Thần học sẽ giúp cộng đồng tín hữu - trong phạm vi thứ yếu và phụ
thuộc - tập họp, củng cố và sai phái trong hiện tại và trong tương lai. Như
thế, Thần học phải là một công tác hữu ích đối với cộng đồng tín hữu về
phương diện này.
Nhiệm vụ thứ ba của công tác Thần học thường có tên là: "Thần học Hệ
thống”. Đây là một từ ngữ mâu thuẫn vì trong công tác nghiên cứu Giáo lý
học và Đạo đức học, những môn có liên hệ với ngành này, ta phải tránh xây
dựng và tuyên cáo một hệ thống - được khai triển từ một khái niệm - chân lý
về Chúa Cứu Thế. Không có một khái niệm nào, không có một nguyên tắc
nào được phép điều khiển cộng đồng tín hữu ngoài ra Lời Thượng Đế được
chứng trong Thánh Kinh và được vĩnh hằng bởi Chúa Thánh Linh. Nhưng
trong ngành khoa học về Lời Chúa, ta không chỉ ghi nhận kiến thức khi
nghiên cứu Thánh Kinh và tra khảo những nhận thức của quá khứ. Lời Chúa
muốn được suy tư, suy tư trong mối liên hệ nội tại một cách xuyên suốt và
minh bạch, suy tư nghiêm túc, nhờ đó Lời này mới mỗi lúc một bày tỏ ra.
"Nghiêm túc" không có nghĩa là bao gồm, xác định và loại trừ, như ý nghĩa
mà ta có thể phỏng đoán từ từ ngữ "hệ thống". Giáo lý học và Đạo đức học
nghiêm túc không bao gồm, cũng không xác dịnh, mà cũng không loại trừ,
nhưng là khoa học cởi mở và mở rộng, tương tự như môn Giải Kinh và Lịch
sử Hội Thánh. Ngành khoa học này hiện tại luôn luôn chờ đợi và hi vọng
trong tương lai sẽ có một sự suy tư về Lời Thượng Đế tốt hơn, nghĩa là trung
thành hơn, phong phú hơn, sâu sắc hơn. Giáo lý học và Đạo đức học cũng
không nghiêm túc nếu ta suy tư và giải nghĩa Lời Thượng Đế dựa trên thẩm
quyền của một triết học được đa số công nhận hoặc dựa vào những kỳ vọng,
yêu sách và định đề do giới thẩm quyền của Hội Thánh cho là có giá trị.
Ngành khoa học này làm việc nghiêm túc khi vừa suy tư Lời Thượng Đế
vừa giữ được trật tự, cơ cấu, cấu trúc và mục đích do Lời này xác định, khi
áp dụng và làm sáng tỏ trật tự này cho thời đại của mình hoặc cho tiến trình
nhận thức của cộng đồng tín hữu trong thời đại của mình. Giáo lý học và
Đạo đức học nghiêm túc suy tư tự do và kêu gọi cộng đồng tín hữu cũng suy
tư và phát biểu tự do trong giới hạn mà Lời Thượng Đế ban cho mình. Nếu
khi nghiên cứu cái gọi là Thần học Hệ thống, ta thao thức và nỗ lực đạt đến
kiến thức mới về trật tự này, ta duy trì và quảng bá sự tự do được xây dựng
trong trật tự này, thì Thần học trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ
phục vụ cho và trong cộng đồng tín hữu, sẽ giúp cho cộng đồng tín hữu có
thể phát biểu cụ thể trong khi truyền bá Lời Chúa, cũng như có thể cải cách,
thanh lọc, tập trung và xác định một cách cụ thể lời phát biểu của mình.

Công tác nghiên cứu Thần học cuối cùng là Thần học Thực hành. Thần học
Thực hành là - như từ này hàm ý - Thần học trong giai đoạn chuyển tiếp qua
sự thực hành, tức là chuyển tiếp qua sự truyền bá của cộng đồng tín hữu.
Thần học Thực hành được bàn đến cuối cùng không phải vì ngành này là
"vương miện" - như Schleiermacher mô tả - của công tác nghiên cứu Thần
học, cũng không phải vì Thần học Thực hành chỉ là một môn nhiệm ý phụ
bên cạnh những khoa ngành Thần học khác. Nếu quan niệm Thần học Thực
hành là nỗ lực của con người thì ta còn ở trên vòng ngoại biên, giống như
trong các khoa ngành khác, nhưng ta sẽ ở trong trung tâm của sự việc nếu
nhìn vào đối tượng của ngành Thần học này. Thần học Thực hành có một
vấn đề đặc biệt mà ta gọi là "sự kiện ngôn ngữ”, một từ rất khoa trương, và
rồi lý giải đó là vấn đề căn bản của môn Giải Kinh, hoặc cũng có thể là của
cả Giáo lý học nữa. Đây là một lý giải không thích hợp. Vị trí của sự kiện
này nằm ở đây, trong Thần học Thực hành. Câu hỏi của Thần học Thực hành
là làm thế nào ta có thể phục vụ Lời Thượng Đế - Lời được lĩnh hội qua Lời
Chứng Thánh Kinh và qua lịch sử Hội Thánh, được suy tư qua sự tự thể hiện
trong hiện tại - bằng lời của con người phàm tục trong cộng đồng tín hữu và
trong thế giới chung quanh qua cộng đồng tín hữu. Câu hỏi này không liên
hệ đến câu hỏi bá vơ: Làm thế nào những người truyền bá Phúc âm có thể
"đến gần", có thể đem Lời Thượng Đế "đến nơi" con người? Nhưng câu hỏi
là những người truyền bá Phúc âm phải phục vụ Lời Thượng Đế như thế nào
để dẫn chứng rằng Chúa đến. Lời Chúa chẳng từng được đem đến cho ai, mà
chỉ đến trong sự tự do và với quyền năng của mình mà thôi. Vâng, đó chính
là vấn đề ngôn ngữ , một phương tiện mà những người truyền bá Lời
Thượng Đế phải dùng. Ngôn ngữ của những người truyền bá Lời Thượng
Đế phải hội đủ hai điều kiện sau đây: phải mang đặc tính giảng luận để
truyền bá Lời Thượng Đế cho con người, và phải mang đặc tính tâm tình với
để truyền bá Lời Thượng Đế cho con người. Ngôn ngữ truyền bá Lời
Thượng Đế phải là ngôn ngữ đặc biệt - nếu xét về nguồn gốc đã hình thành
nội dung của ngôn ngữ này, đồng thời phải thông dụng - nếu xét về mục
tiêu, phải long trọng và bình thường, phải thiêng liêng và phàm tục, phải
thuật lại lịch sử của Y-sơ-ra-ên và của Chúa Giê-xu Cứu Thế và đem lịch sử
này vào cuộc đời, vào sinh hoạt của tín hữu và con người ngày nay, phải lý
giải cụ thể qua môn Giải Kinh và Giáo lý học và phải sắc sảo về hình thức
qua Tâm lý học, Xã hội học và Ngôn ngữ học, phải là ngôn ngữ Ca-na-an và
Ai-cập và Ba-by-lôn, luôn luôn là ngôn ngữ "hiện đại", thông dụng trong
dân gian. Vì phải dẫn chứng Lời xuất phát từ Thượng Đế đến với con người,
ngôn ngữ này luôn luôn đi từ đặc điểm thứ nhất xuống đặc điểm thứ hai, chứ
không bao giờ đi ngược lại, không bao giờ chỉ có đặc điểm thứ nhất mà
không có đặc điểm thứ hai, và nhất là không bao giờ chỉ có đặc điểm thứ hai
mà không có đặc điểm thứ nhất, luôn luôn có đặc điểm thứ nhất và đặc điểm
thứ hai. Ta nghiên cứu và phải nghiên cứu suốt đời Thần học Thực hành để
tìm kiếm và tìm thấy, để học hỏi và học tập ngôn ngữ này, một ngôn ngữ đặt
cơ bản cho sự truyền bá Lời Thượng Đế trong cộng đồng tín hữu qua các bài
Giảng luận và giảng dạy, cho sự Thờ phượng và truyền giảng.
Để kết luận chúng ta còn có một chú thích ngoài lề về toàn bộ vấn đề: Trong
công tác nghiên cứu Thần học có những chư vị đến từ các hướng tả, hữu,
quá hăng hái và ngây thơ, thường xuyên khám phá rằng tất cả vấn đề trong
Thần học phức tạp hơn là họ nghĩ, còn những chư vị trí thức quá đa cảm và
tế nhị thường xuyên khám phá rằng tất cả vấn đề trong Thần học giản dị hơn
là họ nghĩ.
PHỤC VỤ
Công tác Thần học là phục vụ. Nếu định nghĩa khái quát thì phục vụ là một
ước muốn, tác động và hành động mà ta không thực hiện cho công việc và
theo kế hoạch của mình, nhưng thực hiện vì công việc, vì nhu cầu, theo sự
quyết định và dưới sự hướng dẫn của người khác. Khi phục vụ, tự do của ta
bị giới hạn và qui định bởi sự tự do của người. Ta càng lưu tâm đến vinh
quang của tha nhân - chứ không lưu tâm đến vinh quang của bản thân mình -
bao nhiêu thì công tác phục vụ của ta sẽ càng có ý nghĩa bấy nhiêu. Đó là ý
nghĩa của công tác phục vụ - của cầu nguyện hoặc nghiên cứu, hoặc của cả
hai - của nhà Thần học. Công tác phục vụ của nhà Thần học, nếu định nghĩa
khái quát một lần nữa, là ministerium Verbi divini, nghĩa là: "phục vụ Lời
Thượng Đế”. Từ Phục vụ gợi cho ta nhớ lại khái niệm diakonos trong Tân
ước, một khái niệm dùng để chỉ về một người hầu. Nhà Thần học có nhiệm
vụ phải hầu hạ sự uy nghi của Lời Thượng Đế; Lời Thượng Đế là chính
Thượng Đế đang phán qua hành động của Ngài. Không có hình ảnh nào diễn
tả sự tự do và vinh quang của Ngài chính xác hơn hình ảnh đặc sắc trong Thi
thiên 123: "Như mắt người hầu trông nơi tay ông chủ mình, như mắt người
hầu gái trông nơi tay bà chủ mình, mắt chúng con ngưỡng vọng Gia-vê Đức
Chúa Trời chúng con thể ấy cho đến khi Ngài thương xót chúng con"! Nếu
xét về Telos, về mục tiêu, công tác Thần học là một nỗ lực tập trung bằng
cách phân tán. Ở đây, để thấu đáo ý nghĩa của phục vụ chúng ta phải lưu tâm
đến đặc điểm cố hữu này.
Theo cách Calvin phân chia chức vụ trong Hội Thánh, chức vụ “Diakon”,
“Chấp sự”, đứng ở hàng thứ tư và cũng là hàng cuối cùng. Nhiệm vụ của
người Chấp sự là săn sóc những người nghèo khổ và bệnh tật trong cộng
đồng tín hữu. Đứng trước Chấp sự là “Presbyter”, “Trưởng lão”, người chịu
trách nhiệm hướng dẫn các sinh hoạt của cộng đồng tín hữu. Đứng trước
người Trưởng lão là “Pastor”, người chịu trách nhiệm truyền đạo, dạy dỗ và
là Mục sư của cộng đồng tín hữu. Ở hàng đầu là một nhà Thần học: một vị
“Doktor”, Giáo sư của Hội Thánh, người ex officio, có nhiệm vụ, luận giải
Thánh Kinh. Nhưng thực ra Calvin không chủ trương Chấp sự chỉ đóng vai
trò phụ thuộc như nhiều người hiểu lầm. Là người đứng đầu, vị doctor
ecclesia, vị Tiến sĩ của Hội Thánh, tức là nhà Thần học, chẳng những nên
mà còn phải cấp thiết là người đứng ở hàng cuối, là người phục vụ, người
hầu tất cả mọi người, phải là một người "Chấp sự". Và ngược lại ta cũng
phải chú ý rằng công tác "hầu hạ" của hai vị "Chấp sự" xuất sắc trong sách
Công vụ các Sứ đồ của Lu-ca - Chấp sự tuận đạo Ê-tiên và Chấp sự Phi-líp -
gồm cả nghiên cứu và luận giải Thánh Kinh (Công vụ các Sứ đồ chương 6-
8).
Là một công tác phục vụ đặc biệt, một công tác về phương diện kỹ thuật đi
trước tất cả các công tác khác, công tác Thần học cũng phải là một công tác
phục vụ, là một công tác xã hội. Công tác Thần học sẽ vô ích nếu không
phải là một công tác cứu tế - bằng một phương cách rất đặc biệt - người
nghèo và người bệnh trong cộng đồng tín hữu, và ngược lại, nếu không có
công tác Thần học nghiêm túc, công tác cứu tế của người tín hữu cũng
không thể thực hiện được.
Để giới hạn đặc tính phục vụ của công tác Thần học, điểm đầu tiên ta phải
đề cập đến là: Công tác Thần học được thực hiện không vì cớ chính mình,
không thể thực hiện như nghệ thuật vị nghệ thuật. Những nhà Thần học
nghiêm túc đều thường xuyên bị cám dỗ thực hiện công tác Thần học vị
Thần học. Thần học, nhất là dưới dạng Giáo lý, là một khoa học có sức
quyến rũ lạ thường, vì là một khoa học đòi hỏi nghệ thuật kiến trúc tư tưởng,
tức là mời gọi thẩm mỹ. Khi nghiên cứu những nhân vật và những biến cố
sáng chói hoặc lu mờ hoặc khó hiểu trong lịch sử Hội Thánh, khi phải chú ý
tỉ mỉ từng chi tiết và phải có những sáng kiến khéo léo để giải Kinh, Thần
học là một khoa học rất lý thú, làm cho con người xác thịt say mê từng điểm
một. Khi thực hiện công tác Thần học, ta rất dễ quên câu hỏi: Công tác Thần
học nhắm mục đích gì? Ta có quyền và phải tạm gác, tạm dời câu hỏi này
qua một bên. Ta không thể nghiên cứu nếu thường xuyên tưởng mình phải
biết và nôn nóng nghĩ mình có quyền hỏi: Tại sao tôi cần cái này, cái nọ?
Tôi sử dụng cái kia để làm gì? Điểm này có giúp tôi trong cộng đồng tín hữu
và trong xã hội không? Tôi phải nói điều này với người ta, nhất là với con
người hiện đại như thế nào? Ai liên tục đặt trong lòng và tuôn ra miệng
những câu hỏi này, ai hoàn toàn không hoặc không nghiêm túc để cho những
vấn đề Thần học làm mình rung động, ai chỉ nỗ lực với những vấn đề Thần
học để rồi sau đó có thể phơi phới trên lưng ngựa nhờ những lời giải đáp có
sẵn, người đó không phải là một người lao động Thần học nghiêm chỉnh
trong lời cầu nguyện lẫn trong công tác nghiên cứu của mình và sau này
chắc chắn cũng sẽ không có khả năng phát biểu chí lý; người đó thực ra sẽ
không có khả năng phát biểu chân lý. Ta chỉ có khả năng này nếu ta không
lén nhìn các phương cách ứng dụng những điều hợp lý trong thực tế ngay
nhưng trước hết nỗ lực kinh nghiệm những điều hợp lý đó cho bản thân
mình. Một người bắt tay vào công tác Thần học nên tập trung học hỏi trong
một vài năm ngắn ngủi trong trường Thần học vì thời gian quí báu này sẽ
không bao giờ quay trở lại, chứ không nên như con bọ rầy náo động lao đầu
một cách ngu dại, nếu không nói là nguy hiểm, vào đủ các loại sinh hoạt của
người tín hữu, hoặc không nên bán chính thức nhận một chức vị trong Hội
Thánh, một trường hợp được áp dụng trên một số quốc gia. Lời khuyên này
không thay đổi sự hiện: ý nghĩa, phạm vi và mục tiêu của công tác Thần học
là thờ phượng Thượng Đế và phục vụ con người, tức là không phải chủ
nghĩa duy trí lơ lững trên không, chỉ nhằm phục vụ cho lòng khao khát trí
thức và thẩm mỹ của nhà Thần học. Công tác Thần học vừa không phải là
loại thuyết trực quang (Gnosis) dựa vào suy đoán-thần thoại của những
người theo tà giáo trong thế kỷ thứ nhất, vừa không phải là loại thuyết trực
quang dựa vào bình luận-lịch sử, một phương pháp bắt đầu được quảng bá
trong thế kỷ 18 như thể là khoa học Thần học đích thực duy nhất và ngày
nay đang chuẩn bị gặt hái những thắng lợi mới. Ẩn núp sau thuyết trực
quang thứ nhất là sự tôn sùng các tà thần, sau thuyết trực quang thứ hai là
thuyết hoài nghi, tức là thuyết vô thần. Fr. Overbeck đã có lý khi suốt đời
theo đuổi con đường trực quang hiện đại, tức là không màng quan tâm đến
công tác phục vụ của Thần học, làm giáo sư phân khoa Thần học nhưng
không làm nhà Thần học, chỉ là "Giáo sư Lịch sử Hội Thánh" - như ta có thể
đọc được trên mộ chí của Overbeck - mà thôi. Thần học với tất cả các khoa
ngành của mình cho dù thỉnh thoảng có phát triển tốt đẹp đi nữa cũng sẽ trở
thành vô ích nếu Thần học không luôn luôn tâm niệm, rằng đối tượng của
mình, Lời Thượng Đế, không chỉ muốn được ghi nhận, chiêm ngưỡng và
suy gẫm trong một vài phương diện nào đó mà thôi, rằng trong Thần học còn
có điểm quan trọng hơn nữa: công tác phục vụ của Lời, tức là công tác xã
hội. Đó là mục tiêu của công tác Thần học, tuy không luôn luôn là mục tiêu
gần nhất, thường chỉ là mục tiêu xa nhất, nhưng là mục tiêu cuối cùng và
đích thực.
Để giới hạn đặc tính phục vụ của công tác Thần học, điểm thứ hai ta phải đề
cập đến là: Khi Thần học phục vụ Thượng Đế - Chúa của toàn thể nhân loại
và của cộng đồng tín hữu qua Lời Ngài - và phục vụ con người - con người
được Thượng Đế thương yêu và phán bảo qua Lời Ngài, Thần học không
được thống trị. Thần học không được thống trị trong mối tương giao với
Thượng Đế cũng như trong mối tương giao với con người.
Trong chương đầu tiên chúng ta có đề cập đến đặc tính khiêm tốn của Thần
học. Tính khiêm tốn của Thần học đặt căn bản trên trách nhiệm phục vụ của
Thần học. Tính khiêm tốn không khai trừ nhưng bao gồm sự kiện công tác
Thần học có thể và phải được thực hiện một cách tự tin và bình tĩnh. Không
có sách vở nào đòi hỏi các nhà Thần học phải trườn bò dưới đất như sâu trùn
trong tác phẩm "Công cuộc sáng tạo" của Haydn. Nhà Thần học không cần
hổ thẹn về Tin Lành, không phải xin lỗi với ai hết về sự sinh tồn của mình,
cũng không cần phải dựa vào bản thể học làm cơ sở hoặc dùng các nghệ
thuật biện minh và giáo dục để thanh minh với thế nhân cũng như với cộng
đồng tín hữu về công tác của mình. Khi thực hiện công tác Thần học, nhà
Thần học phải hãnh diện ngước mặt lên, nếu không thì tốt hơn đừng thực
hiện gì hết! Nhưng ta cũng không nên làm "người hữu lý" và "người biết
rành rẽ hơn" đối với các bậc học giả trong cộng đồng tín hữu có kiến thức về
Phúc âm ít hơn mình, đối với các bậc học giả thuộc các bộ môn khoa học
khác và nhất là đối với các nhà Thần học khác. Nhà Thần học không thể
thực hiện công tác Thần học với hậu ý mình là người xuất sắc nhất, sẽ "bắn
trúng con chim" trước nhất.
Khi đòi hỏi nhà Thần học phục vụ, Lời Thượng đế không cho phép nhà
Thần học nắm giữ Lời Thượng Đế trong tay mình rồi tự xưng và làm ra vẻ
mình là người xuất chúng hơn, có thẩm quyền giám định những người ngu
dại intra et extra muros ecclesiae (bên trong và bên ngoài bức tường của Hội
Thánh ). Điều này có nghĩa là nhà Thần học phải biết rằng mình không được
và không thể cưỡng chiếm đối tượng của mình, cũng là đối tượng của ngành
khoa học của mình. Nếu nhà Thần học có quyền hành trên Lời Thượng Đế
thì Lời Thượng Đế sẽ không còn là đối tượng của Thần học nữa, toàn bộ nỗ
lực của nhà Thần học sẽ không có đối tượng và trở thành vô nghĩa.
Dĩ nhiên: "Ai nghe các con tức là nghe Ta!" Nhưng lời này, như A. Schlatter
đã từng giải thích, không có ý đề bạt "các vị học giả lên chức Giáo hoàng".
Vì "các con" mà Chúa Giê-xu nhắc nhở ở đây không phải là các vị Giáo
hoàng đương nhiệm, cũng không phải là các vị sẽ được đăng quang lên làm
Giáo hoàng, cũng không phải là các tăng sĩ đang hân hoan đắc ý, nhưng là
những người được Chúa mời đến ngồi ở chỗ thấp nhất bên bàn của Ngài, để
rồi từ đó, nếu trung tín với Ngài, sẽ được Chúa cất nhắc lên. Những "người
biết rành rẽ hơn" và những "người hữu lý" về Lời Chúa đúng ra phải là
những người nhận thức được rằng Lời Chúa có quyền xử lý mình chứ không
phải mình có quyền xử lý Lời Chúa, rằng mình có bổn phận phải phục vụ
Lời Chúa, Lời Chúa không có bổn phận phải phục vụ mình, chấp hành
những đòi hỏi công khai hoặc kín đáo của mình về chức về quyền, cho dù
những đòi hỏi này có ý tốt như thế nào đi nữa. Các nhà Thần học phải biết
rằng mỗi một cá nhân trong cộng đồng tín hữu (kể cả một "bà già lép xép" -
như ta vẫn thường nói), mỗi một người xa lạ và tầm thường nào đó cũng đều
có thể thấu đáo hơn mình về một vấn đề tối quan trọng, đều có thể rành rẽ
hơn mình là những người có toàn bộ kiến thức khoa học Thần học, rằng
mình thay vì dạy họ có thể học hỏi nơi họ rất nhiều điều. Trong khi cầu
nguyện và nghiên cứu, cung cách tốt nhất mà các nhà Thần học tạm thời nên
có là: ngước mặt lên, tức là thành thật thỏa lòng vì được phép thực hiện công
tác của mình với sự tự do và danh dự đặc biệt dành riêng cho các vị Chấp sự.
Nhà Thần học được ủy nhiệm thực hiện công tác phục vụ này, một công tác
khiêm nhượng như tất cả các công tác khác: đó là công tác phục vụ của
ngành khoa học Thần học nhỏ bé của mình.
Nhưng nói rằng, mục đích của công tác Thần học là ministerium verbi
divini, là phục vụ Lời Thượng Đế, có nghĩa là gì? Chúng ta cần phải thấu
đáo điểm này: Vì Công lao của Thượng Đế là một ân sủng vô điều kiện nên
Lời của Ngài phán qua Công lao này cũng là Lời ân sủng vô điều kiện của
Ngài. Lời ân sủng vô điều kiện này có quyền năng của riêng mình để tự
vang ra và làm cho con người phải quan tâm lắng nghe. Không có ai, kể cả
cộng đồng tín hữu lẫn Thần học, có thể chiếm hữu, nói theo hoặc lập lại Lời
này được. Nhiều người thường trích dẫn câu Praedicatio verbi Dei est
verbum Dei (Sự Giảng luận Lời Thượng Đế là Lời Thượng Đế ) trong bảng
mục lục của chương thứ nhất, phần thứ hai của Bản Tín điều Thụy sĩ do H.
Bullinger viết. Thực ra câu này không có ý đồng hoá Sự Giảng luận Lời
Thượng Đế với Lời Thượng Đế, nhưng phải được hiểu theo thượng hạ văn:
"Chúng tôi tin rằng, ngày nay khi Lời Thượng Đế. . . được truyền bá
(annunitiatur ) trong Hội Thánh, lúc đó chính Lời Thượng Đế (ipsum Dei
verbum ) được truyền bá và được người tín hữu lắng nghe. " Trong sự đồng
nhất này, một sự đồng nhất mà ta có thể nhận ra được bởi đức tin, Lời của
Thượng Đế là Lời khác, khác với lời -truyền-bá-Lời-của-Ngài của con
người. Lời thứ nhất không thể hoá thể thành lời thứ hai, và ngược lại, lời thứ
hai cũng không thể hoá thể thành Lời thứ nhất được. Điều mà con người qua
hành động của mình có thể và phải truyền giảng là truyền bá annuntiatio , là
truyền bá Sứ điệp của Lời Ngài. Praedicatio, Sự Giảng luận, chính là truyền
bá Sứ điệp của Lời Ngài, nhờ đó Lời Ngài được phản chiếu và vang ra. Đó
là, nói một cách tổng quát, mục đích của phục vụ, cũng là mục đích của
Thần học.
Công tác đặc biệt của Thần học, một công tác có mục đích phục vụ Lời
Thượng Đế, phải được phân biệt với những công tác khác trong cộng đồng
tín hữu. Tốt nhất ta có thể mô tả công tác này như sau: Thần học có trách
nhiệm đặt ra câu hỏi về chân lý cho các công tác giảng luận, dạy dỗ và khải
đạo - những công tác thực ra không phải là những công tác trực tiếp của
Thần học - để giúp các công tác này có thể đạt đến độ tinh ròng cần thiết.
Thần học không có khả năng và bổn phận tác động Lời Thượng Đế, nhưng
có khả năng và bổn phận trợ giúp toàn bộ lời giảng của Hội Thánh, tức là lời
chứng cấp hai, làm một tấm gương tinh sạch phản chiếu Lời Thượng Đế và
làm một tiếng vang rõ ràng vang dội Lời của Ngài. Lời chứng cấp hai của
cộng đồng tín hữu sẽ không bao giờ có thể hoàn thiện đến nỗi không cần
phải đối chất với câu hỏi về chân lý.
Điển hình là các sinh hoạt của cộng đồng tín hữu. Cộng đồng không bao giờ
tự giác rằng mình phải phục vụ Lời Thượng Đế qua tất cả các hoạt động và
cơ sở của mình, chứ không phải Lời Thượng Đế phải phục vụ cộng đồng,
các hoạt động và cơ sở của cộng đồng. Thần học có bổn phận liên tục và
bằng mọi cách nhắc nhở cộng đồng tín hữu ghi nhớ điểm này.
Cộng đồng tín hữu không tự giác rằng, lời giảng của Hội Thánh phải liên hệ
mật thiết - trên nguyên tắc lẫn trên phương diện thực hành - với Lời chứng
của Cựu và Tân ước. Thần học có bổn phận thường xuyên nhắc nhở cộng
đồng nhớ đến mối liên hệ này và khuyến khích cộng đồng dứt khoát với tất
cả các mối liên hệ khác.
Cộng đồng tín hữu có trách nhiệm phải truyền bá Lời Thượng Đế chứ không
được truyền bá những lời khác đang được nhiều người trên thế giới hâm mộ
và đang thâm nhập vào trong cộng đồng. Cộng đồng phải nghiêm chỉnh và
trung thành truyền bá rằng Lời Thượng Đế là Lời ân sủng, là Lời được phán
cho con người. Qua hành động và sự bất động, qua tiếng nói và cái im lặng
của cộng đồng, Lời này thường dễ bị làm cho suy nhược, trở thành khó hiểu
hoặc có khi còn bị phủ nhận nữa. Thần học phải làm sáng tỏ điểm này trên
tất cả mọi phương diện.
Sự truyền giảng Lời Thượng Đế trong cộng đồng cũng có thể bị mất cả tâm
điểm lẫn đường chu vi nếu cộng đồng không còn hiểu và trình bày rõ ràng
rằng Lời Thượng Đế là Lời của Ngài đã phán trong lịch sử Y-sơ-ra-ên và
trong lịch sử Chúa Cứu Thế. Thần học phải trợ giúp cộng đồng để cộng
đồng có thể nỗ lực truyền giảng Lời cụ thể này một cách phong phú.
Sự truyền giảng của Hội Thánh phải được thực hiện theo hướng dốc từ trên
xuống dưới, từ sự sống rạng rỡ của Thượng Đế xuống trong cuộc sống xâm
xẩm và tối đen của toàn bộ tập thể và của mỗi cá nhân con người. Thần học
phải đi theo hướng dốc này để làm gương cho cộng đồng tín hữu, phải trình
bày một cách sâu nhiệm và hấp dẫn cho cộng đồng tín hữu biết rằng hướng
dốc này là luật lệ và sự tự do của intellectus fidei.
Trên một phương diện sự truyền giảng của Hội Thánh có thể bị đình trệ vì
có chủ đề quá đa diện và mở rộng bất thường, trên một phương diện khác vì
có chủ đề phiến diện và đóng kín bất thường, trên một phương diện bị suy
nhược và phân tán vì khuynh hướng tự do, trên một phương diện khác trở
thành hủ lậu và thiển cận vì tinh thần giáo phái, và cũng vì tinh thần tôn
sùng Thánh Kinh và giáo nghi qua khích. Đối diện với mỗi nguy cơ này,
thường thường là phải đối diện với cả hai cùng một lúc, Thần học sẽ nhắc
nhở Hội Thánh biết tập trung và cởi mở.
Sự truyền giảng của Hội Thánh luôn luôn chịu ảnh hưởng - có khi nhiều có
khi ít - của các truyền thống địa phương, quốc gia, lục địa, giai cấp và chủng
tộc. Đó là ta chưa đề cập đến những trường hợp ngẫu nhiên và độc đoán
hoàn toàn có tính cách cá nhân. Trước tình trạng này, Thần học phải bảo vệ
sứ điệp tinh tuyền của Chúa Cứu Thế, phải khẳng định ý nghĩa và đặc tính
đại kết, phổ thông và đại đồng của Tin Lành của Ngài.
Hễ ở đâu có Thần học, ở đó phải có những công tác giải minh như thế hoặc
tương tự như thế. Vì phục vụ Lời Thượng Đế qua những câu hỏi bình luận
của mình, vì không được vị nể ai, cũng không được tác hại ai, Thần học luôn
luôn ở trong tình trạng căng thẳng - nhưng là một tình trạng căng thẳng hữu
ích - với chính sách và đường hướng của Hội Thánh. Qua sự sinh tồn và các
hoạt động trong một Hội Thánh, ta có thể nhận thấy Hội Thánh đó có những
công tác giải minh này, có các công tác của Thần học, có chấp nhận để cho
Thần học phục vụ, hoặc Hội Thánh đó có sự bình an và sức sống thuộc linh
giả tạo, Hội chúng và các bậc lãnh đạo của Hội Thánh đó nghĩ rằng Thần
học không cần thiết, rằng không có Thần học mình cũng có thể xoay sở
được và có khi còn tốt hơn nữa. Trong trường hợp này, Cơ đốc giáo và cái
gọi là văn hoá sẽ đi đến chỗ mâu thuẫn với nhau, một tình trạng mà
Schleiermacher đã không ngừng cảnh cáo. Tình trạng này không nhất thiết
nhưng có thể xảy ra, và nếu xảy ra thì tình trạng này cũng không phải là tình
trạng tệ hại nhất. Tệ hại là, vâng, tình trạng tệ hại nhất là tình trạng câu hỏi
về chân lý trong Cơ đốc giáo ngủ gục vì thiếu sự trợ giúp của Thần học, và
rồi chính chân lý - tức là chân lý mà ta phải tìm kiếm nếu ta muốn nhận diện
và làm quen - sẽ phải chia tay với Cơ đốc giáo. Trách nhiệm của công tác
Thần học trong môi trường Hội Thánh rất to lớn. Và trách nhiệm của Hội
Thánh cho phép Thần học công tác nghiêm túc trong môi trường của mình
cũng không phải nhỏ.

Cuối cùng còn một câu hỏi, một câu hỏi không hơn không kém. Là một công
tác phục vụ trong cộng đồng tín hữu, phải chăng công tác Thần học gián tiếp
cũng là công tác phục vụ toàn thể nhân loại, đối tượng mà cộng đồng tín hữu
có bổn phận phải truyền giảng Phúc âm? Và hơn nữa, phải chăng công tác
Thần học cũng trực tiếp phục vụ toàn thể nhân loại? Những giải minh mà
Thần học dùng để trợ giúp cộng đồng tín hữu có nên đóng một vai trò quan
trọng - mutatis mutandis, có thể sẽ thay đổi - cho các sinh hoạt văn hoá của
con người, cụ thể: cho mục đích và hoạt động của các ngành khoa học khác
của con người? Phải chăng Thần học cũng cần thiết, cũng lợi ích, cũng phải
phát biểu trong các lãnh vực nghệ thuật, chính trị, và cả trong lãnh vực kinh
tế nữa? Dù sao đi nữa, đây chỉ là một câu hỏi mà thôi. Vì chỉ có những
người liên hệ trong những lãnh vực này, chứ không phải Thần học, mới có
thể đưa ra một câu trả lời có chất lượng được. Rất có thể là ta, kể cả người ở
extra muros ecclesiae, bên ngoài bức tường của Hội Thánh, cố ý hoặc vô
tình, hoặc vừa cố ý vừa vô tình xem đối tượng của Thần học là một vấn đề
mà ta chỉ quan sát từ xa, trong triết học, chứ không thực tâm nghiên cứu.
Nhưng trong khi bận tâm với nhiều vấn đề khác, dù sao đi nữa con người
cũng tìm cách liên hệ với công tác Thần học. Sự kiện này - dù ta ghi nhận
điểm này một cách thất vọng hoặc kính cẩn - cũng có thể de facto, trên thực
tế , nhắc nhở ta rằng bên ngoài, bên cạnh và đối diện với toàn bộ ước muốn,
hành động, ý kiến và kiến thức của con người có Công lao và Lời Thượng
Đế là ranh giới, nền tảng và mục tiêu, là động cơ và là liều thuốc giảm đau.
Chúng ta được phép giả định rằng nếu trong môi trường của cộng đồng tín
hữu có một ý thức - dù minh bạch hoặc lờ mờ - về sự kiện này và có nhu cầu
cần được giải minh - nhờ sự truyền giảng của cộng đồng tín hữu - thì hiện tại
cũng như trong tương lai phân khoa Thần học, một phân khoa trước đây đã
từng sinh thành ra Đại học, có lý do chính đáng để sinh tồn.
TÌNH YÊU
Trong phần thứ tư này, ngoài những điểm đã được bàn đến về công tác Thần
học - qua các đề tài: Cầu nguyện, Nghiên cứu và Phục vụ - chúng ta còn
phải đề cập đến nguyên tắc của công tác này. Nhờ nguyên tắc đó mà công
tác Thần học, và chỉ công tác Thần học mà thôi, nhận được Lời hứa sẽ là
một công tác làm hài lòng Thượng Đế và hữu ích cho con người. Nếu không
có sự tác động của nguyên tắc đó, công tác Thần học sẽ không bao giờ được
tốt đẹp như thế.
Thật ra, để kết luận ba phần ở trên, phần nào chúng ta cũng đều có thể kết
luận tương tự. Chúng ta bàn đến Linh là mục tiêu của phần thứ nhất, Đức tin
là mục tiêu của phần thứ hai, Hi vọng là mục tiêu của phần thứ ba. Ở mỗi
phần, trên những phương diện khác nhau, chúng ta đã bàn đến điều kiện của
khoa học Thần học. Khoa học Thần học nhận biết điều kiện này là điều kiện
do đối tượng của mình đặt ra cho mình, và chỉ cho mình mà thôi. Khoa học
Thần học có thể tự do sử dụng điều kiện này như một món quà đã được ban
cho mình, sử dụng với lòng cảm tạ - với quyết tâm sẽ thực hiện điều kiện
này - và biết rằng giả sử mình toàn vẹn trong tất cả mọi lãnh vực nhưng nếu
không có conditio sine qua non, điều kiện không thể không có được này,
công tác của mình sẽ chỉ là một công tác nguội lạnh, thất bại, chết cứng và
xấu xa. Chúng ta biết rằng, quan trọng là Linh, Đức tin, và Hi vọng; chỉ
Linh, Đức tin và Hi vọng mà thôi.
Sau đây chúng ta, với cái nhìn đặc biệt của phần này, một lần nữa hướng về
điều kiện căn bản của Thần học. Điều kiện đó đến từ đối tượng của Thần
học. Thần học nhận điều kiện đó từ nơi đối tượng và phải thực hiện điều
kiện đó với quyền năng giải phóng của đối tượng. Chúng ta liều lĩnh phát
biểu rằng: Công tác Thần học là (và chắc chắn là!) một công tác tốt đẹp nếu
(và chỉ khi nào!) có quyền được thực hiện và được quyết tâm thực hiện trong
tình yêu. Như vậy có nghĩa là: chỉ có tình yêu mới quan trọng. Tình yêu
quan trọng thực sự. Phao lô đã từng an ủi: tình yêu xây dựng, rồi sau đó còn
viết thêm: Tình yêu không bao giờ tàn tạ. Cùng với đức tin và hi vọng, tình
yêu (cũng là "cái cao cả nhất trong những điều đó"!) trường tồn cho dù tất cả
mọi sự rồi sẽ qua đi. Nhưng chính Phao lô cũng đã cảnh cáo: Tri thức thuần
túy, tri thức in abstracto, tri thức trừu tượng, nỗ lực và công tác Thần học tự
mình không xây dựng, nhưng khoa trương. Phao lô nhấn mạnh rằng, nếu bản
thân Phao lô thông thạo loại ngôn ngữ phong phú nhất của con người, ngay
cả thông thạo ngôn ngữ của thiên sứ, nhưng không có tình yêu thì chỉ như
chiêng khua hoặc như trống gióng. Nếu Phao lô có khả năng nói tiên tri, hiểu
biết tất cả những điều huyền nhiệm, đạt được và tận hưởng tất cả mọi tri
thức nhưng không có tình yêu thì chỉ là một con người vô giá trị (I Cô-rinh-
tô 8 và 13). Chúng ta hãy tự an ủi và cảnh cáo rằng: Cho dù ta có cầu
nguyện nghiêm chỉnh như thế nào đi nữa, cho dù ta có nghiên cứu sâu rộng
như thế nào đi nữa, cho dù ta có phục vụ hăng hái như thế nào đi nữa, nếu
không có tình yêu thì công tác Thần học chỉ là một cuộc bút chiến nghèo nàn
và là một việc làm phung phí chữ nghĩa. Công tác Thần học chỉ có thể được
thực hiện, được tiếp tục và đạt đến mục tiêu khi được phép tiếp nhận và thực
hiện tình yêu. Là một công tác tốt đẹp, công tác Thần học phải tiếp nhận và
thực hiện tặng phẩm vô điều kiện này.
Sau đây chúng ta bàn đến đề tài này để kết thúc phần thứ tư này, cũng để kết
thúc toàn bộ "Thần học Tin Lành nhập môn".
Khi nói đến "Tình yêu", trước hết ta không thể không nghĩ đến khái niệm
Eros của Plato, một khái niệm được ca tụng rất nhiều. "Tình yêu" là Eros
(nói một cách tổng quát) khi tình yêu đòi hỏi, thôi thúc, xô đẩy và khao khát
mãnh liệt. Qua Eros con người thọ tạo nỗ lực tự bảo trì, tự thỏa mãn, tự thể
hiện và tự mãn nguyện trong mối liên hệ của mình với đối tượng. Con người
tìm cách đến gần với đối tượng, thuyết phục đối tượng, chiếm hữu đối
tượng, dứt khoát biến đối tượng trở thành một vật tư hữu của riêng mình.
"Tình yêu" là Eros khoa học (trong một ý nghĩa đặc biệt) khi những đòi hỏi
này của tình yêu mang hình thức trí thức. Trong trường hợp này, Eros là một
sự chuyển động mà nhận thức của con người dùng để chuyên chở mình đến
với đối tượng của mình, rồi chạy lại để liên kết mình với đối tượng và đối
tượng với mình, rồi sở hữu và chế ngự đối tượng, rồi hưởng thụ đối tượng.
Nếu không có Eros khoa học - như chúng ta đã bàn trong chương "Nghiên
cứu" - thì cũng không có công tác Thần học. Vì thế công tác Thần học cũng
là một sự chuyển động trí thức, trên căn bản là một sự chuyển động cần thiết
cho sự sống của con người. Mỗi khi liên hệ với đối tượng mà con người
khao khát để tự bảo trì và tự mãn nguyện, Eros khoa học Thần học dao động
và dao động không ngừng. Eros khoa học Thần học có thể chủ yếu chiêm
ngưỡng Thượng Đế (có thể chỉ chiêm ngưỡng Thượng Đế mà thôi) hoặc có
thể chủ yếu chiêm ngưỡng con người (và cũng có thể chỉ chiêm ngưỡng con
người mà thôi). Chủ thể nhận thức có thể chủ yếu quan tâm đến Thượng Đế
hoặc chủ yếu quan tâm đến con người, có thể xuyên suốt trước hết về
Thượng Đế hoặc trước hết về con người, rồi muốn chiếm hữu và hưởng thụ,
nghĩa là muốn nhận thức Thượng Đế hoặc con người. Nói một cách tổng
quát, Eros khoa học trong nền Thần học cổ và trung cổ hướng về Thượng Đế
nhiều hơn, lấy Thượng Đế làm trung tâm điểm, trong nền Thần học hiện đại
- do ảnh hưởng của Cartesius (Descartes) - hướng về con người nhiều hơn,
lấy con người làm trung tâm điểm. Cả hai chiều hướng này không phải là
không có cơ sở. Đối tượng của Thần học quả thực có liên hệ với Thượng Đế
và con người. Tuy nhiên, đối tượng của Thần học không phải là nguyên
nhân phát sinh ra một sự mâu thuẫn, dao động, lưỡng lự như thế giữa
Thượng Đế và con người, như ta thấy trong lịch sử của Eros khoa học Thần
học. Ngoài ra, chính bản chất của Eros khoa học - chứ không phải đối tượng
của Thần học - là nguyên nhân làm cho nhà Thần học có một khả năng phiêu
lưu đặc biệt: nhà Thần học nào trót để cho Eros khoa học chế ngự và lôi
cuốn mình, người đó tuy hôm qua còn ở tại quê hương của thuyết duy tâm,
thuyết thực nghiệm, hoặc thuyết hiện sinh nhưng ngày nay, để thay đổi
không khí, đã ở trong cánh đồng của Cựu và Tân Ước, và ngay mai (có lẽ)
sẽ ở trong thôn trang của nhân chủng học, chiêm tinh học hoặc thông thần
học. Đối nhà Thần học đó, thuyết nào mà lại không "thú vị", chủ nghĩa nào
mà lại không "cấp bách"? Nếu Eros khoa học tác động trong Thần học, Eros
khoa học sẽ xử sự như thế, sẽ lầm lẫn và hoán chuyển đối tượng Thần học
với những đối tượng khác. Nếu Eros khoa học là động cơ của công tác Thần
học, nhà Thần học sẽ không còn mến yêu và nhận thức Thượng Đế vì cớ
Thượng Đế nữa, cũng sẽ không mến yêu và nhận thức con người vì cớ con
người. Tình trạng này phát xuất từ bản chất của Eros. Lúc đó nhà Thần học
chỉ tìm cách mến yêu và nhận thức Thượng Đế cũng như con người một
cách vị kỷ, chỉ vì cớ quyền lợi tự nhiên và sâu kín của mình mà thôi.
Tình yêu này cần thiết và khao khát cả Thượng Đế lẫn con người. Chúng ta
không được tự dối mình mà quên rằng hễ công tác Thần học ở đâu thì tình
yêu này chắc chắn cũng tác động ở đó - chắc chắn như sự kiện thể xác của
nhà Thần học gồm thịt và máu vậy. Chúng ta cũng không được nghĩ rằng
chúng ta phải và có quyền phủ nhận giá trị, sức mạnh và vai trò quan trọng
đặc biệt của loại tình yêu này. Tình yêu này là một hiện tượng tốt đẹp cho
đời sống tinh thần của con người. Thực vậy, quan điểm cho rằng con người
phải và muốn mến yêu và nhận thức Thượng Đế hoặc con người hoặc
Thượng Đế và con người vì cớ quyền lợi của riêng mình không phải là một
quan điểm tầm thường.
Nhưng có một điểm mà ta không bao giờ có thể chấp nhận được: đồng hoá
loại tình yêu này với tình yêu làm cho công tác Thần học trở thành, là và còn
là một công tác tốt đẹp. Chỉ có người nào mù lòa hoặc vô lễ (nếu không
muốn nói là vô ý thức) mới dám nói rằng Eros do chính Chúa Thánh Linh
ban xuống cho tâm hồn của chúng ta, rằng Eros "xây dựng", rằng Eros
"không bao giờ tàn tạ", rằng không có điều gì (nhưng chắc chắn phải trừ cái
chết ra) có thể phân rẽ chúng ta với Eros. Nói như vậy là đánh giá Eros
ngang hàng với đức tin và hi vọng, là giải thích rằng trong khi mọi điều khác
chỉ tạm thời, thoáng qua, Eros là một yếu tố trường tồn như đức tin và hi
vọng. Nói như vậy là hoàn toàn không hiểu những điều mà Phao lô cũng như
toàn bộ Tân ước đã nói và dạy qua những từ này và những từ tương tự.
Không phải ngẫu nhiên mà Phao lô và toàn bộ Tân ước không bao giờ dùng
từ “Eros” và động từ của từ này. Từ "tình yêu" của Tân ước là Agape. Nếu
đọc thượng hạ văn của Agape trong Tân ước, ta nhận thấy từ này diễn tả một
sự chuyển động có chiều hướng hoàn toàn ngược lại với chiều hướng của
Eros. Ý nghĩa của tình yêu của Agape cũng - đây là điểm duy nhất trùng hợp
với tình yêu Eros - là tận lực tìm kiếm tha nhân. Nhưng trong Agape, người
yêu không bao giờ tìm kiếm vì bị bắt buộc, nhưng coi tình yêu là một sự tự
do hoàn toàn mới lạ, còn xa lạ đối với mình, đã được ban cho mình để mình
trao lại cho tha nhân. Trong Agape người yêu tự mình không bắt buộc phải
và chắc chắn sẽ không yêu người khác, nhưng người yêu có quyền yêu, và vì
có quyền nên người yêu yêu. Người yêu yêu tha nhân vì được tự do để yêu
tha nhân. Như vậy người yêu không yêu bừa bãi, không yêu viễn vông,
không yêu tán loạn, nhưng yêu nghiêm túc. Và vì được tự do để yêu, người
yêu tìm đến tha nhân không vì cớ và khi mình cần có tha nhân làm phương
tiện riêng để mình tự bảo trì và tự mãn nguyện. Người yêu tìm đến tha nhân
vì cớ tha nhân. Người yêu vì thế không thuyết phục và chiếm hữu để rồi
hưởng thụ và chế ngự tha nhân. Người yêu không lạm dụng sự tự do của tha
nhân, nhưng để cho tha nhân được tự do bằng cách kính trọng sự tự do của
tha nhân. Người yêu yêu tha nhân vô điều kiện, nghĩa là: người yêu không
muốn gì hết từ nơi tha nhân, không muốn tha nhân trả ân, mà chỉ muốn sống
cho tha nhân, hi sinh cho chỉ cha nhân, trao thân mình cho tha nhân. Tóm
lại, người yêu yêu tha nhân với cung cách của một người có đặc ân được
phép yêu tha nhân. Ý nghĩa của tình yêu Agape cũng là tìm kiếm, nhưng
không phải là tìm kiếm sự thỏa mãn mà là - vì "ban cho có phúc hơn là nhận
lãnh" - một sự tìm kiếm cao thượng: cao thượng chính ở điểm không hướng
về chủ quyền của người yêu nhưng hướng về chủ quyền của người được
yêu. Như thế ý nghĩa của tình yêu Agape là, ta lập lại lời Phao lô một lần
nữa: nhẫn nại và nhân từ, nhiệt tình và không khoe khoang, không khoa
trương, không làm điều bất hợp, không kiếm tư lợi, . . . tình yêu hân hoan về
chân lý, tình yêu khoan dung, tin tưởng, hi vọng, chịu đựng tất cả. Agape so
với Eros như Mozart so với Beethoven. Làm thế nào mà ta có thể lầm lẫn
được? Agape, khác với tự mãn và tự cao, khác với bất hoà, tuyệt đối là một
nỗ lực tích cực hướng về tha nhân.
Dĩ nhiên ở đây ta có thể có một vấn đề, đó là: giả sử động cơ chính yếu chi
phối các sinh hoạt của các ngành khoa học khác không phải là Eros mà là
Agape thì các ngành khoa học khác có tác dụng hữu ích không? Đối với
công tác Thần học, vị trí thượng đẳng của Agape là một điều kiện sống còn
và vì thế nên không thể thay đổi được. Trong công tác Thần học, những đặc
điểm của Eros, tức là quyền lợi của chủ thể nhận thức - của con người - và
sự chuyển động - tức là phương tiện chuyên chở con người đến với đối
tượng-phải-được-nhận-thức - tuy không bị đè nén dễ dàng và biến mất đi,
nhưng dù sao Eros cũng không phải là động cơ chính mà chỉ là động cơ phụ
thuộc mà thôi. Trong công tác Thần học, dục vọng và ước mong chiếm hữu
đối tượng chỉ là những nỗ lực ban đầu không thể tránh được trên con đường
hướng về đối tượng. Những nỗ lực này của Eros rồi sẽ phải nhường bước
cho một nỗ lực khác của đối tượng, sẽ qua nỗ lực của đối tượng chẳng
những được tẩy uế và kiểm soát, nhưng còn được biến đổi và hợp nhất.
Trong công tác Thần học tuy Eros khoa học vẫn còn đó, nhưng không có
quyền thống trị nữa. Đối tượng-phải-được-nhận-thức dắt dẫn Agape, một
yếu tố mới lạ đối với chủ thể nhận thức - con người - và đối với Eros của
con người, đi vào trong công tác Thần học. Vì thế loại tình yêu đóng vai trò
chính yếu trong công tác Thần học phải là tình yêu Agape.
Đối tượng của công tác Thần học là Đấng Hiệp Một. Vì thế nên công tác
Thần học chẳng những không thể là một công tác viễn vông hoặc tán loạn
khắp mọi phương trời, từ đáy sâu lên đỉnh cao, rồi ra tầm rộng, nhưng ngay
cả sự phân biệt - như vẫn thường xảy ra - giữa tình yêu Thượng Đế và tình
yêu người, sự dao động qua lại, nay thiên về bên này mai lệch về bên kia,
cũng không thể chấp nhận được. Đối tượng của công tác Thần học là
Thượng Đế chân thật và con người chân thật. Thượng Đế chân thật không
phải vì tự cơ bản và tính độc lập của Ngài, nhưng nhờ sự hiệp một với con
người chân thật, và con người chân thật cũng không phải vì tự cơ bản và tính
độc lập của mình, nhưng nhờ sự hiệp một với Thượng Đế chân thật. Đối
tượng của công tác Thần học là Chúa Cứu Thế Giê-xu, tức là lịch sử sự hoàn
thành Giao ước giữa Thượng Đế và con người. Trong lịch sử này Thượng
Đế vĩ đại trong sự tự do nguyên thuỷ của mình đã hi sinh bản thân mình để
làm Thượng Đế của con người bé nhỏ; nhưng trong lịch sử này con người bé
nhỏ trong sự tự do do Thượng Đế ban cho mình cũng đã hi sinh bản thân
mình để làm con người của Thượng Đế vĩ đại. Lịch sử này đã xảy ra một lần
duy nhất và chỉ một lần mà thôi. Đối tượng của nhận thức Thần học là biến
cố của Giao ước này và tình yêu tuyệt vời hiệp nhất con người với Thượng
Đế và Thượng Đế với con người trong biến cố đó. Vì thế trong tình yêu
tuyệt vời không có sự sợ hãi. Vì thế tình yêu tuyệt vời xua đuổi tất cả mọi
nỗi sợ hãi. Trong tình yêu tuyệt vời Thượng Đế yêu thương con người vì cớ
con người và con người cũng yêu thương Thượng Đế vì cớ Thượng Đế. Vì
cả hai không có nhu cầu, ước mong và dục vọng, nhưng chỉ có sự tự do vô
điều kiện để sống cho nhau. Đó là sự tự do nguyên thuỷ của Thượng Đế
dành cho con người và đồng thời cũng là sự tự do được ban cho con người
để dâng lên cho Thượng Đế. Đó là Agape từ trên giáng xuống, và từ dưới đi
lên trong quyền năng của sự giáng xuống. Hai chuyển động này - một Agape
duy nhất này - đều cao thượng.
Nhưng nếu Chúa Cứu Thế Giê-xu, tức là tình yêu tuyệt vời, là đối tượng của
nhận thức Thần học thì Agape phải là nguồn cội và nguyên tắc có quyền lực
và ảnh hưởng chủ yếu đối với sự hình thành của Thần học. Nhận thức Thần
học không bao giờ có thể tương đương với Ngài. Trong mối liên hệ với Ngài
nhận thức của ta luôn luôn là một nhận thức khiếm khuyết, bất hợp, là một
nhận thức vẩn đục vì cớ đủ mọi thứ Eros - những Eros đồng hành với Thần
học, nhưng không chịu thuần phục và cải thiện. Lý do là vì tại đây và bây
giờ nhận thức Thần học còn ở trong tình trạng của theologia viatorum, Thần
học của những người lữ khách, của những con người simul justi et
peccatores, vừa công chính vừa tội lỗi. Nhưng điều này không có nghĩa là
nhận thức Thần học có thể trốn tránh quyền lực và ảnh hưởng của tình yêu
tuyệt vời, có thể bước một bước nhỏ trên một con đường khác với con
đường mà tình yêu tuyệt vời đã vạch ra cho mình. Nhận thức Thần học, công
tác Thần học đặt và trả lời câu hỏi về chân lý chỉ là phản chiếu sự sống và
tác động của tình yêu tuyệt vời per speculum, qua một tấm gương, cho dù
tấm gương còn mờ đục. Là một opus operantis, công tác phục vụ của con
người, nhận thức Thần học là một việc làm tốt đẹp, mang lại niềm vui cho
Thượng Đế và con người, hữu ích cho Hội Thánh và thế giới nếu trong sự
suy tư về opus operatum Jesu Christi, công tác do Chúa Cứu Thế Giê-xu
thực hiện, nhận thức Thần học tự do, còn tự do và sẽ luôn luôn tự do cho sự
tự do mà Thượng Đế đã hi sinh bản thân Ngài vô điều kiện cho con người,
và ban cho con người để con người hi sinh bản thân mình vô điều kiện cho
Ngài. Nhận thức Thần học Tin lành không thể thực hiện một ước vọng, một
định đề, một đòi hỏi nào, nhưng chỉ có thể thừa nhận và xác nhận điều đã
được ban cho mình trong đối tượng này là nguồn cội của mình. Nhận thức
Thần học lệ thuộc, đi theo, đáp ứng tình yêu tuyệt vời, mô phỏng theo tình
yêu tuyệt vời một cách khiếm khuyết. Khi hướng về tình yêu tuyệt vời như
thế, nhận thức Thần học có cái mà ta thường gọi một cách khô khan là tính
khách quan của công tác Thần học. Tất cả các môn, ngành trong Thần học
đều đòi hỏi phải có tính khách quan này. Nhờ được tính khách quan ấp ủ và
thúc đẩy, Thần học - để nhắc ta nhớ lại những từ này trong chương thứ nhất
- là một khoa học khiêm tốn, tự do, phê bình khách quan và vui mừng.
Thần học thực sự được như vậy không? Những người làm việc trong Thần
học không thể bảo đảm Thần học là và sẽ là một khoa học như thế. Cũng
như các nhà Thần học không thể bảo đảm, tạo ra, tìm được Chúa Thánh
Linh, đức tin và hi vọng. Chính cái giả định tiên quyết của công tác Thần
học cũng là ranh giới của công tác Thần học trên mọi phương diện. Đó là
một ưu điểm. Vì như thế có nghĩa là những người làm việc trong Thần học
bắt buộc trên mọi phương diện phải hướng nhìn ra ngoài phạm vi bản thân
mình và phạm vi Thần học để có thể công tác tốt. Đó là cung cách của tình
yêu tuyệt vời. Dưới khía cạnh tình yêu tuyệt vời này chúng ta một lần nữa,
trong chương này, đã nỗ lực xác định giả định tiên quyết của Thần học. Ta
có thể giả định mỗi người đều có Eros trong bất cứ hình hài và quyền lực
nào đó. Nhưng ta không thể giả định mỗi người đều có Agape được. Mỗi
người, kể cả các nhà Thần học, đều chỉ có thể tiếp nhận Agape như thể tiếp
nhận một món quà bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu rồi đem ra sử dụng. Agape
ở "trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta" (Rô-ma 8:39). Chúa hiện
diện ở đâu, tác động, dạy dỗ ở đâu, Agape ở đó. Và vì Chúa là Chúa tối cao
của chúng ta nên Agape tựa như, như Luther có lần phát biểu về Lời Thượng
Đế, "một cơn mưa rào di chuyển", bây giờ thì mưa ở đây, rồi không mưa ở
đây nữa nhưng mưa ở chỗ khác. Kết quả là, nhận thức Thần học luôn luôn
chỉ có thể xảy ra và là một công tác tốt trong tình yêu này. Tình yêu này là
tình yêu cụ thể và thực sự của Thượng Đế và của con người trong Chúa,
cũng là Đấng mà hễ ai kêu cầu Danh Ngài thì sẽ được cứu, nghĩa là người đó
có quyền sống và sinh hoạt, cầu nguyện, nghiên cứu và phục vụ, lĩnh hội,
suy tư và phát biểu, và cuối cùng cũng có quyền chết với Lời hứa, dù có
mưa rào hoặc không, nghĩa là tình yêu tuyệt vời là bầu trời bao phủ người
đó, cho dù hiện nay tình yêu này đối với người đó đã hiển nhiên hoặc còn
kín dấu. Nếu ta hướng bản thân mình về tình yêu này, nếu ta để tình yêu này
định hướng cho nhận thức nhỏ bé của mình, ta sẽ không phí công nếu ta biết
mình phải tìm tình yêu này ở đâu. Cho dù các nhà Thần học đến rồi đi, cho
dù trong Thần học có khi sáng hơn có khi tối hơn, tình yêu này vẫn ở lại
trong Đấng đã hoàn thành Giao ước giữa Thượng Đế và con người, cũng
như mặt trời ở sau đám mây nhưng trên đám mây là và vẫn là "mặt trời
vàng"* sáng chói. Biết về tình yêu tuyệt vời - conditio sine qua non, điều
kiện không thể không có được - của khoa học Thần học nghiêm túc dù sao đi
nữa cũng tốt hơn là không biết gì về tình yêu này, ngay cả khi ta chỉ có thể
khát khao về tình yêu này. Và cũng để biết về tình yêu này - thực hiện công
tác Thần học cũng là để biết về tình yêu này - ta có thể đồng thanh tôn vinh
Thượng Đế (tôn vinh Thượng Đế của Giao ước, tôn vinh Thượng Đế là tình
yêu) qua một ca khúc quen thuộc trong giáo nghi Hội Thánh thời cổ. Lời của
ca khúc này mong cũng là lời kết của chúng ta:
Gloria Patri et Filio et Spiritui sancto,
Sicut erat in principio et (est) nunc et (erit) semper et in saecula saeculorum!
Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh,
Từ buổi khởi nguyên và trong hiện tại, mãi mãi và cho đến đời đời!
__________
* "Mặt trời vàng": tựa một bản Thánh ca của Paul Gerhardt, 1666
Nguyên tác:
Karth Barth, Einfuehrung
in die evangelische Theologie
do EVZ-Verlag, Zuerich, xuất bản năm 1962.
Quyền bản dịch và chịu trách nhiệm xuất bản:
Phạm xuân Bahnar Trung
In lần thứ nhất, 199

You might also like