You are on page 1of 5

Đề bài: Thánh Tm.

Aquino đã dùng lý trí và mạc khải để tìm hiểu Thiên Chúa và thụ tạo. Ngài đã làm
cho Thần học và Triết học không còn mâu thuẫn với nhau, vì cả hai cùng phản ánh một thực tại chân lý
tối thượng. Bằng ngũ đạo của thánh Tm.Aquino, thầy hãy lý luận chứng minh về điều đó.
Tổ 6: CHỨNG MINH THEO LÝ CHỨNG THỨ NHẤT TRONG NGŨ ĐẠO CỦA THÁNH
TÔMA AQUINÔ (KHỞI TỪ CHUYỂN ĐỘNG).

Bài Làm
DẪN NHẬP
Thượng Đế là gì? Đối với các tôn giáo như Do Thái giáo, Kitô giáo và Hội giáo, Thượng đế – dù
với danh xưng Giê-hô-va, Thiên Chúa hoặc Alla – được mô tả là Đấng toàn năng, tạo ra vũ trụ từ hư
không; ngài có thể làm bất cứ điều gì ngài muốn, và ngài rất nhân hậu từ bi. Tuy nhiên đối với những
người theo chủ nghĩa vô thần hiện đại, con người tuyên bố Thượng Đế không hiện hữu vì sự hiện hữu
của một Thượng Đế là điều đi ngược lại với khoa học. Thế nhưng, những kinh nghiệm khả giác và
khoa học không phải là con đường duy nhất để đạt tới Thượng Đế. Con người có thể đạt tới Thượng Đế
nhờ trí khôn và những chứng minh thuần lý. Theo đó, thánh Tôma Aquinô, ngài đã trình bày cho chúng
ta biết rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa là có thể chứng minh được đối với lý trí hữu hạn của con
người. Thánh Tôma Aquinô đã trả lời vấn nạn này bằng cách xác định rằng: Thiên Chúa hiện hữu, ta có
thể chứng minh được sự hiện hữu của Ngài bằng Năm con đường (Ngũ đạo), và cả Năm con đường này
(năm cách chứng minh) đều đưa đến việc khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bằng cách này,
thánh Tôma Aquinô đã làm cho Thần học và Triết học không còn mâu thuẫn với nhau, vì cả hai cùng
phản ánh một thực tại chân lý tối thượng là Thượng Đế. Và sau đây, trong giới hạn bài làm, tổ VI sẽ
trình bày về Chứng lý thứ nhất trong Ngũ đạo của thánh Tôma Aquinô để chứng minh sự hiện hữu của
Thượng Đế.
1. TƯƠNG QUAN CHÍNH YẾU GIỮA THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC
Có thể nói rằng, triết học chỉ có thể giúp con người vận dụng lý trí để phán đoán một vấn đề,
hoặc có khi triết học giúp lý giải những thắc mắc mà con người gặp phải, chứ không thể giúp con người
tìm đến với chân lý cách trọn vẹn. Còn thần học, vì dựa trên nền tảng đức tin và lời mặc khải của Thiên
Chúa, nên thần học không những giúp nhận biết Thiên Chúa, mà còn đi sâu vào mối tương quan với
một Thiên Chúa sống động, Đấng Yêu Thương, Đấng Thánh Hóa và Đấng Cứu Chuộc. Tuy nhiên, triết
học được xem như là phương tiện giúp con người đối thoại với nhau, là điểm gặp gỡ và sự hoà hợp
giữa các nền văn hóa, giữa các tư tưởng, giữa những người tin và không tin. Triết học còn là phương
tiện chính yếu giúp cho các thần học gia đào sâu sứ điệp Kinh Thánh, để từ đó giúp cho các tín hữu
tăng trưởng đức tin của mình. Thế nhưng sức mạnh của triết học lại có giới hạn, bởi triết học dùng lý trí
để phân định, nên triết học chỉ có thể khám phá ra được những chân lý hiển nhiên nội tại mà thôi, còn
những chân lý siêu nhiên thì cần phải nhờ đến thần học. Thần học sẽ giúp cho triết học khám phá và
mở tung cái vỏ bọc đang che phủ lấy nó, vì thần học đào sâu những chân lý siêu nhiên qua con đường
mạc khải của Thiên Chúa. Do vậy, trong hành trình tìm kiếm chân lý đến từ Thiên Chúa, triết học và
thần học không ngừng hỗ trợ và bổ túc cho nhau. Trong đó, thần học đóng vai trò then chốt hướng dẫn
việc đón nhận và khai mở những giá trị chân lý, còn triết học chính là người bạn đồng hành, trợ giúp và
định hướng cho thần học. Ngoài ra, triết học là ngành cung cấp cho thần học những khái niệm và công
cụ mang tính phương pháp, để rồi, tiếp theo, thần học mặc vào cho chúng những ý nghĩa thích hợp. Cả
hai tạo thành một sự liên kết chặt chẽ và hợp lý để đưa chân lý đến với nhân loại.
Ngay từ buổi sơ khai của Giáo hội, các giáo phụ đã biết vận dụng tri thức triết học để khai triển
nội dung đức tin, đặc biệt là để đào sâu chân lý mặc khải trong Kinh thánh. Công thức “Hiểu để tin, tin
để hiểu” của Thánh Augustinô nói lên mối liên hệ biện chứng này. Còn thánh Anselmo thì lại cho rằng:
“Thần học là đi tìm sự hiểu biết”. Như thế trong thần học có triết học và trong triết học có thần học.

1
Nhận thấy được tầm quan trọng và mối liên hệ đặc biệt trên, vì thế khi mở đầu Thông điệp Đức tin và
Lý trí, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ví mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và lý trí, giữa thần
học và triết học như “đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.
Ngài còn quả quyết rằng “thần học cần và luôn cần sự đóng góp của triết học” 1. Đúng vậy, nhờ các
nhà triết học mà các nhà thần học có thể nói về Thiên Chúa cách rõ ràng hơn, nhờ triết học mà thần học
càng ngày càng đào sâu thêm về nội dung đức tin. Hơn nữa, nhiệm vụ của triết học là chấp nhận chân
lý dựa trên sự hiển nhiên nội tại của chân lý ấy, còn thần học thì đón nhận chân lý dựa trên uy tín của
Thiên Chúa, Đấng mặc khải. Hai chân lý này không bao giờ xung đột với nhau, vì cội nguồn của cả hai
lại chính là Thiên Chúa. Nói như thánh Tôma Aquinô: “Chân lý chỉ có một, nên lý trí không thể nói
ngược lại với đức tin; chính đức tin sử dụng lý trí để chỉ ra những mục đích mà đức tin hướng tới”.
Đức tin không thể đứng vững một mình để tự đắc, cũng như lý trí không thể kiêu ngạo vỗ ngực tự xưng
ta là nhất. Mặc dầu, mỗi cái có một vai trò trọng đại của nó nhưng chúng không tự hoàn thiện được nếu
kết hợp với nhau. Theo thánh Tôma Aquinô, sự hòa quyện đức tin và lý trí, triết học và thần học có lẽ
cũng tương tự như vậy: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều
động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động”2.3
2. CHỨNG MINH SỰ HIỆN HỮU CỦA THƯỢNG ĐẾ QUA CHỨNG LÝ THỨ NHẤT – KHỞI
TỪ CHUYỂN ĐỘNG
Con đường thứ nhất này lấy lại cách chứng minh của Aristote về sự hiện hữu của Động Cơ đệ
nhất bất biến hay Nguyên Nhân Đệ Nhất như được tìm thấy trong Physique VIII và trong
Métaphysique XII (ch. 6-8)15. Phải nói rằng luận cứ chứng minh này của Aristote không được quan
tâm nhiều và cũng không gây tiếng vang lớn tại Tây Phương mãi cho đến khi các tác phẩm của triết gia
Aristote được khám phá đầy đủ vào thế kỷ XIII. Thánh Tôma Aquinô rất nhiều lần nại đến luận chứng
này của Aristote. Trong Tổng Luận Phản Bác Những Người Ngoại Giáo (Summa contra Gentiles)
(C.G., I, 13), cách chứng minh của thánh Tôma Aquinô vẫn còn gắn bó rất chặt chẽ với cơ cấu vũ trụ
luận của Aristote. Tuy nhiên, trong Tổng Luận Thần Học, luận chứng của thánh Tôma Aquinô được
thanh luyện nhiều hơn và tạo thành một chứng cứ thực sự mang tính siêu hình, và chính vì lẽ đó hiệu
lực luận chứng của Tôma Aquinô không còn gắn liền và giới hạn vào hiệu lực của hệ thống luận chứng
mang tính vật lý của Aristote nữa.
Thánh Tôma Aquinô phát biểu rằng: “Con đường thứ nhất (prima via) là rõ ràng hơn cả vì con
đường này căn cứ trên sự chuyển động (chuyển biến)”. Con đường này minh bạch nhất không phải bởi
vì nó dễ dàng được hiểu biết nhất so với những con đường khác (xét về khía cạnh dễ dàng nhận thức,
thì con đường thứ năm phải được đặt ở vị trí đầu tiên), nhưng bởi vì điểm khởi hành của con đường thứ
nhất này liên quan đến một kinh nghiệm gần như là trực tiếp đối với lý trí con người: “Một điều chắc
chắn và hiển nhiên mà giác quan ta có thể kinh nghiệm được, đó là trong vũ trụ này có những vật đang
chuyển động (chuyển biến)”. Theo thánh Tôma Aquinô, nếu xét hình thức bên ngoài, sự chuyển động
tạo thành điểm khởi hành của con đường thứ nhất là thứ chuyển động dễ dàng được nắm bắt nhất,
nghĩa là sự di chuyển hay chuyển động mang tính vật chất, thể lý, nhưng trong thực tế, những luận
chứng và lý lẽ của con đường thứ nhất liên quan đến tất cả mọi thứ biến chuyển, thay đổi, biến dịch.
Thực vậy, theo quan điểm của thánh Tôma Aquinô, những luận chứng này không chỉ có giá trị đối với
chuyển động mang tính vật lý nhưng còn – và căn bản hơn – có giá trị đối với tất cả mọi sự biến
chuyển từ tiềm thể sang hiện thể, và như vậy là đối với tất cả những sinh hoạt tinh thần.
Con đường thứ nhất của thánh Tôma Aquinô được xây dựng trên hai nguyên tắc: thứ nhất, bất cứ
vật gì biến động đều có nguyên nhân biến động. Nguyên tắc này đã được kinh nghiệm chứng thực.

1
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Thần Học và Khoa Học Xã Hội”, https://thsedessapientiae.net/than-hoc-va-khoa-hoc-xa-
hoi/, truy cập ngày 16/11/2022.
2
Lm Thái Nguyên, “Đức Tin và Lý Trí”, http://www.simonhoadalat.com, Truy cập ngày 16/11/2022.
3
Anthony, “Những Tương Quan Chính Yếu Giữa Triết Học Và Thần Học”, https://www.dcvphanxicoxavie.com/vn/Triet-
Hoc/Nhung-Tuong-Quan-Chinh-Yeu-Giua-Triet-Hoc-Va-Than-Hoc.html, truy cập ngày 16/11/2022.
2
Nguyên tắc thức hai: không thể lùi lại về quá khứ đến vô tận trong chuỗi những biến động lệ thuộc
nhau, nghĩa là có lùi lại đến bất tận cũng vô ích, vì trong một chuỗi bất tận các động cơ lệ thuộc thì tất
cả mọi yếu tố đều là trung gian, vừa tác động vừa bị tác động, nghĩa là vừa nhận lại vừa chuyển sự vận
động. Do đó mỗi yếu tố riêng lẻ cũng như toàn bộ các yếu tố trong chuỗi sự vật thuộc thế giới khả
nghiệm không thể giải thích được sự chuyển dịch đang diễn ra trong vũ trụ khả giác này.
Bản văn được trích dịch trong Tổng luận thần học phần I chương 2 mục 3:
“Đường sáng tỏ hơn hết dựa vào chuyển dịch: ai cũng thấy rõ ràng có chuyển dịch trong vũ trụ.
Mọi chuyển dịch đều do vật khác tác động. Để một vật chuyển dịch, vật đó phải có tiềm năng,
còn vật gây chuyển dịch ở trong thế hiện thể. Gây chuyển dịch là đưa một vật từ tiềm thể
(potentiality) sang hiện thể (actuality). Nhưng không thể làm như vậy nếu không nhờ đến một vật
đang ở trong hiện thể. Ví dụ, lửa đốt gỗ cháy, lửa trong hiện thể nóng cháy, gỗ có tiềm năng
nóng cháy nên gỗ nhờ lửa để đạt tới nóng cháy trong hiện thể.
Nhưng một vật không thể vừa trong hiện thể vừa trong tiềm thể một trật, có chăng chỉ ở nhiều
phương diện khác nhau. Thí dụ vật đang cháy (hiện thể) thì không thể cũng có thể cháy (tiềm thể)
nhưng cũng cùng một vật đang cháy đó vẫn có thể nguội (tiềm thể nguội). Như vậy cũng một vật
theo cùng một phương diện không thể vừa gây chuyển dịch vừa bị chuyển dịch, nghĩa là không có
gì tự chuyển dịch. Do đó mọi chuyển dịch đều do vật khác tác động và chính vật khác đó cũng bị
chuyển dịch. Và ta không thể lý luận mãi đới vô cùng. Lý do là nếu kéo dài lý luận mãi, sẽ không
có đệ nhất động cơ rồi cũng không có bất kỳ vật tác động nào khác bởi lẽ mọi tác động kế tiếp
đều nhờ vào đệ nhất động cơ như cây gậy chỉ chuyển động nhờ bàn tay. Bởi đấy cần có một đệ
nhất động cơ, không bị vật khác tác động mà mọi người gọi là Thượng Đế”.
Vậy quan niệm cần phải được chúng ta hiểu đúng là quan niệm chuyển dịch. Đoạn văn nhấn
mạnh “gây chuyển dịch là đưa một vật từ tiềm thể sang hiện thể” khẳng định sự chuyển biến từ năng
thể sang hiện thể nhờ một động cơ ở hiện thể. Đối với Aristote, muôn vật trong vũ trụ đều chịu sự chi
phối của tiến trình đổi thay, mà hình thức đổi thay căn bản nhất là sự biến đổi từ tiềm thể sang hiện thể.
Aristote đã sử dụng sự tương phản giữa tiềm thể và hiện thể để giải thích tiến trình đổi thay này. Tuy
nhiên mối quan tâm của ông là biện minh cho tính ưu thế của hiện thể đối với tiềm thể. Không thể có
sự biến dịch từ tiềm thể sang hiện thể nếu trước đó không có động cơ đang ở hiện thể. Theo Aristote,
toàn bộ thiên nhiên hết sức nỗ lực đạt tới mọi hiện thể cá biệt của mình: trở thành một cây hoa hoàn
hảo, một con người trưởng thành, v.v… Trái lại, mối quan tâm của thánh Tôma Aquinô là vấn đề hiện
hữu của vũ trụ. Có sự khác biệt rất lớn giữa hai mối quan tâm và do đó cũng có sự khác biệt rất lớn về
quan niệm động cơ bất bị động của Aristote và đệ nhất động cơ của thánh Tôma Aquinô.
Nơi thánh Tôma Aquinô, Động Cơ Đệ Nhất của ngài (Thượng Đế) không những có quyền năng
để tác động đưa vạn vật từ tiềm thể sang hiện thể, nhưng còn Nguyên Nhân Đệ Nhất trao tặng hữu thể
và hiện hữu cho toàn thể vạn vật nữa. Điều này nói rằng Thượng Đế tác động trong tất cả mọi hoạt
động (tích cực) của các thụ tạo, tuy nhiên sự tác động này không phải trên cùng một bình diện, nhưng
với tính cách là nguồn cội của tất cả mọi chuyển biến và họat động. Thượng Đế tác động trong lòng
của từng hữu thể (đặc biệt là các hữu thể có lý trí và ý chí tự do) nhưng vẫn hoàn toàn tôn trọng cách
tuyệt đối sự tự do của những hữu thể ấy.
Ngoài ra, với thánh Tôma Aquinô, một cách rất rõ ràng, tạo dựng không phải là một sự chuyển
động hay chuyển biến (mouvement), bởi lẽ không có điều gì trong toàn thể thụ tạo hiện hữu trước hành
vi sáng tạo. Theo thánh Tôma Aquinô, ta không thể nói tới một tiềm thể thực sự trước công trình sáng
tạo. Theo quan điểm Kitô giáo, trước sáng tạo nguyên thủy, không một điều gì có thể ở trong tình trạng
tiềm thể (theo như quan niệm của Aristote), nhưng là ở trong tình trạng hư vô.

3
Còn về Động Cơ Đệ Nhất bất động hay bất biến của Aristote, Étienne Gilson có một nhận xét rất
xác đáng như sau:
Động cơ bất động của Aristote mặc dù là một hiện thể thuần túy nhưng chỉ là hiện thể thuần túy
trong trật tự tri thức chứ không phải là trong trật tự hiện hữu vì vũ trụ của Aristote không phải
là vũ trụ được sáng tạo. Thiên Chúa của Aristote không phải là Đấng hiện hữu nên không thể
trao ban hiện hữu, thậm chí cũng không biết mình là Đấng hiện hữu.
Theo quan điểm này, Aristote hướng đến một Thiên Chúa của tư tưởng thuần túy. Thiên Chúa
hay Đông Cơ Đệ Nhất (Hiện Thể Thuần Túy) này của Aristote là kết quả của tiến trình suy tư hợp lý.
Lý trí truy vấn về toàn thể vũ trụ đòi hỏi một Nguyên Nhân như thế. Trong khi đó, thánh Tôma Aquinô
hướng đến một Nguyên Nhân ngôi vị sống động, trao ban và can hệ đến vận mệnh mỗi con người và
vận mệnh của toàn thể vũ trụ.
3. NHẬN ĐỊNH
Như phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng Chứng lý thứ nhất này của thánh Tôma Aquinô được rút
ra từ quyển Thiên nhiên vật lý của Aristote, nhưng với Aristote thì động cơ bất động là một nguyên
nhân đẩy sự vận hành vòng tròn hàm chứa trong vật chất của các vòm trời từ trạng thái tiềm thể sang
hiển thể; còn đối với thánh Tôma Aquinô, Đệ nhất động cơ lại là nguyên nhân sáng tạo 4. Nguyên nhân
sáng tạo ở đây theo thánh Tôma Aquinô đó chính là Thượng Đế - là Thiên Chúa của niềm tin Kitô giáo.
Động cơ đệ nhất bất động này là nguồn mạch của tất cả mọi chuyển động. Động cơ này là Hiện Thể
thuần túy, không có bất cứ một sự pha trộn nào với tiềm thể. Vì là Hiện Thể thuần túy, nên Động Cơ
này ban phát và truyền thông sự hiện thể hay hiện tại của mình cho tất cả vạn vật. Như vậy, qua trung
gian của các nguyên nhân trung gian hay nói cách khác là các nguyên nhân đệ nhị – được nhìn nhận là
những nguyên nhân thực sự – hoạt động của Động Cơ đệ nhất thâm nhập toàn thể vũ trụ vạn hữu. Toàn
thể mọi hoạt động dù là thể lý hay tinh thần đều giả thiết sự tác động của nguồn mạch nguyên thủy của
sự hiện thể hóa này. Toàn thể mọi hoạt động hay chuyển biến đều tùy thuộc vào tác động uyên nguyên
này.
Tuy nhiên, xét theo chứng lý thứ nhất này của thánh Tôma Aquinô, chúng ta có thể thắc mắc
rằng: Động cơ đệ nhất là bất động hay chuyển động? Nếu bất động thì làm sao có thể tác động đến các
vật khác? Nếu chuyển động thì tại sao lại không bị động? Theo học thuyết nguyên tử, người ta nhận
thấy các nguyên tử chuyển động tự nó chứ không do một tác động ngoại lai nào cả. Mặt khác người ta
cũng lý luận rằng khi nói có chủ động là có bắt đầu, mà có bắt đầu thì không thể là không chuyển động,
nói cách khác, chủ động là chỉ có thể là chuyển động chứ không phải bất động.
Nói Động cơ đệ nhất bất động, thì sự bất động ở đây phải được hiểu là sự không thay đổi do yếu
tính bởi vì Động cơ đệ nhất hoàn toàn là hiện thể và không chứa một chút tiềm thể nào, vì vậy sự
chuyển động ở đây là sự biến chuyển từ tiềm thể sang hiện thể, cho nên nó hoàn toàn khác sự chuyển
động cơ học đòi hỏi phải có tác động dây chuyền. Khi nói bất động mà vẫn tác động đến các vật khác
được là vì, sự tác động ở trong chính vật được tác động chứ không ở trong chủ động, điều này có nghĩa
Động cơ đệ nhất đã trao cho vật được tác động khả năng chuyển động tự nơi mình. Chúng ta tạm chấp
nhận, trong thực tế có những vật tự động ấy, nhưng trong khi tự chuyển động thì chúng cũng có sự thay
đổi.
Vậy nếu, dưới cùng một phương tiện mà đồng thời vừa chủ động, vừa thụ động thì đó là sự mâu
thuẫn nội tại. Vậy nên, những hữu thể chuyển động đó phải có tác động của một năng lực ngoại lại, như
hạt giống không thể tự biến chuyển thành cây được nếu không có tác động bởi độ ẩm của chất, và của
ánh sáng. Hay như nguyên tử, dẫu năng lượng của chúng to lớn, nhưng vẫn còn ở trạng thái tiềm năng,
để giải phóng năng lượng của chúng thì cần phải có một tác động dần dần, hay tác động trong phản ứng
hạt nhân. Tuy cũng có những vật tự động nhưng sự tự động đó là do một năng lực ngoại lai tác động
chi phối, nói cách khác Động cơ đệ nhất đã đặt cho chúng một năng lực để tự chuyển động, ví như
4
Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, tập III, Nxb.Tp.Hồ Chí Minh, 2000, tr.250.
4
ngày nay thay vì phải trực tiếp điều khiển, con người đã sáng chế những bộ phận tự động để điều khiển
vậy. Tuy nhiên, chỉ từ ý tưởng Động cơ đệ nhất không bị động mà bước sang khẳng định ai cũng hiểu
đó chính là Thượng Đế thì sẽ gặp phải hai vấn nạn sau: thứ nhất, chưa nói rõ ý nghĩa Tạo Hóa (Sáng
Tạo), trừ những ai ngầm hiểu chuyển động theo nghĩa thay đổi từ không đến có tiềm thể sang hiện thể,
nhưng như thế cũng không dễ dàng bắt người ta công nhận ý nghĩa này; thứ hai, chưa làm nổi bật lên
những đặc tính thiết yếu của Thượng Đế: khôn ngoan, nhân từ, thiện hảo, bởi vì phần đông những đặc
tính đó được nhìn nhận trước cả đặc tính quyền phép, điều khiển vũ trụ…
Ngoài ra, lý chứng tuy chứng minh được ngoài vũ trụ khả nghiệm chuyển động Đệ nhất phải cần
một thực tại siêu việt, thế nhưng cũng chưa xác minh được chỉ có một thực tại siêu việt duy nhất, bởi vì
theo lẽ thường, giữa chủ thể và tác động thì chủ thể phải có trước rồi mới có tác động. Vậy nếu chủ thể
có trước thì có thể đã có các chủ thể cùng lúc. Cho nên Steenberghen thật có lý khi ông đặt câu hỏi:
“Thực tại đó có nhiều hay chỉ duy nhất? Là Hữu ngã hay Vô ngã? Khi chưa xác định rõ mà đã kết luận
Thực tại đó là Thượng Đế thì quá độc đoán”.
Thêm vào đó, chúng ta có những phản biện đối với Lý chứng chuyển động của thánh Tôma
Aquinô của những tư tưởng các nhà khoa học ngày nay như sau:
+ Thứ nhất, có những vấn đề cố hữu với các khái niệm về hiện thể và tiềm thể. Tại sao chúng ta
phải giả định trước các quá trình tự nhiên có phần đầu, phần giữa và phần cuối? Một kế hoạch như vậy
là một kế hoạch tự nhiên, hay mô hình này được áp đặt bởi trong suy nghĩ của chúng ta? Tại sao phải
có sự khởi đầu của vũ trụ?
+ Thứ hai, theo nguyên tắc đơn giản, không hợp lý hơn khi giả sử rằng vũ trụ của các vật thể
luôn luôn tồn tại hơn là giả sử rằng chúng ta phải tính đến việc mọi thứ đến từ hư không? Giả thiết như
vậy sẽ phù hợp với định luật chuyển động đầu tiên của Newton, cái gọi là định luật quán tính:
Một vật ở trạng thái nghỉ có xu hướng đứng yên và một vật đang chuyển động có xu hướng
chuyển động với cùng tốc độ và cùng hướng trừ khi bị tác động bởi một lực bên ngoài.
+ Thứ ba, các quá trình tự nhiên có thể được giải thích tốt nhất mà không cần nhờ đến sự phụ
thuộc của một bộ phận này vào bộ phận khác. Liệu khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau độc lập của các
bộ phận trong vũ trụ có thể là một khái niệm hợp lý như một loại chuỗi quan hệ mà theo đó chúng ta
phải tính đến sự tồn tại đột ngột của thuở ban đầu? Ví dụ, nếu Thuyết tương đối của Einstein là đúng,
chuyển động tuyệt đối có quy chiếu tới không gian ba chiều sẽ được thay thế bằng ý tưởng rằng không
có hệ quy chiếu tuyệt đối vì chuyển động của bất cứ thứ gì chỉ có thể được đo bằng cách so sánh nó
một cách tương đối với chuyển động. của một thứ khác - trọng lực, gia tốc và chuyển động ảnh hưởng
đến việc đo lường thời gian và không gian.5
KẾT LUẬN
Nhà triết gia và cũng là nhà thần học gia, Duns Scots đã từng nói rằng: “Triết học và thần học
cùng có chung một đối tượng, là Hữu thể vô cùng”. Cũng vậy, theo cách lý luận của thánh Tôma
Aquinô trong Ngũ đạo, cách riêng trong luận chứng thứ nhất như đã phân tích ở trên, cho thấy sáng tỏ
hơn tương quan giữa Triết học và Thần học, cả hai cùng bổ túc và phong phú hóa cho nhau, hòa quyện
vào nhau để cùng hướng tới một mục đích tối hậu là Thiên Chúa. Nhờ đó, như thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolo II đã nói: “Khoa học (lý trí) giúp thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy
sạch khoa học (lý trí) khỏi thờ ngẫu tượng và sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới
rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.

5
https://philosophy.lander.edu/intro/motion.shtml
5

You might also like