You are on page 1of 2

Bài văn cuối kì II

Viết bài văn nghị luận chứng minh về một vấn đề:
Đề 1: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Bài làm:
Từ ngàn xưa, con người đã nhận thức được rằng để có thể tồn tại và phát triển
cần phải đoàn kết. Có đoàn kết mới vượt qua được những trở lực ghê gớm của
thiên nhiên, xã hội… Chính vì thế, ông cha ta đã khuyên con cháu phải đoàn kết
bằng câu ca dao giàu hình ảnh:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Quả thật vậy, “một cây” thì không làm nên non nhưng “ba cây”-tượng trưng
cho số nhiều thì có thể dựng nên những đồi núi ngập trùng. Một cọng rơm khó làm
nên ngọn lửa nhưng một bó rơm thì hoàn toàn có thể trở thành một ngọn đuốc lớn
trong đêm tối. Câu chuyện về bó đũa mà người cha đã dạy cho các con của mình
còn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự đâu đây như nhắc nhở với mỗi con người rằng
không thể tự mình làm mọi việc mà luôn phải biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau thì
mới có thể hoàn thành được việc lớn. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp mà ông cha
ta đã dặn dò con cháu mình sống trên đời phải biết yêu thương, nhường nhịn đặc
biệt là đoàn kết, gắn bó với nhau. Đoàn kết tạo ra sức mạnh, giúp ta làm nên những
công việc lớn lao. Thực tế cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc ta từ xưa
đến nay đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Đất nước Việt Nam có được như ngày hôm nay là do đâu? Non sông Việt Nam
ta đẹp đẽ như ngày hôm nay là nhờ đâu ? Phải chăng chính là nhờ tinh thần đoàn
kết tương trợ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta từ Nam chí Bắc, mấy
chục triệu người chung một lòng, chung một chí hướng đánh giặc. Trải qua mấy
chục thế kỉ, đất nước ta nhiều lần bị các triều đại phong kiến phương Bắc như
Tống, Nguyên, Minh, Thanh… xâm lược. Chúng muốn cướp đất nước ta, bắt nhân
dân ta làm nô lệ. Chúng ỷ quân đông, thế mạnh, mưu đồ thống trị lâu dài nhưng
dân tộc ta đã đoàn kết vùng dậy đấu tranh, làm nên chiến thắng. Đế quốc Nguyên –
Mông nức tiếng hùng mạnh, đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy, đã từng thu
phục bao nhiêu chư hầu, nhưng ba lần xâm lược nước ta là ba lần đại bại. Quân
dân nhà Trần đoàn kết nhất trí, đồng tâm giết giặc. Từ các vị bô lão trong hội nghị
Diên Hồng đến thiếu niên Trần Quốc Toản, từ lão tướng Trần Hưng Đạo đến
chàng trai đan sọt làng Phù ủng… Tất cả đều đồng lòng Sát Thát và đã làm nên
chiến thắng oanh liệt muôn đời.
Trong cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân,
toàn quân đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Khối đoàn kết
toàn dân góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chín năm thần
thánh.
Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp khẳng định tinh thần đoàn kết của nhân dân
ta thì cuộc kháng chiến chống Mĩ là một bản anh hùng ca đáng tự hào về khối đoàn
kết dân tộc. Đương đầu với nửa triệu giặc Mĩ xâm lược có pháo đài bay, có hàng
rào điện tử, nhân dân hai miền Nam Bắc nước ta đã xây dựng khối đoàn kết toàn
dân trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và trong Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam làm nên thắng lợi vẻ vang, kết thúc hơn 20 năm kháng chiến chống Mĩ bằng
chiến địch Hồ Chí Minh 1975 vang dội lịch sử, chấn động địa cầu.
Nhưng phải chăng tinh thần đoàn kết ấy vẫn còn hiện hữu trong xã hội hiện
nay? Có lẽ đại dịch Covid 19 đã trả lời tất cả. Ngay từ khi nước ta có ca nhiễm đầu
tiên cho đến thời điểm số người nhiễm bệnh lên tới hàng chục, hàng trăm người.
Từ các cấp chính quyền đến người dân đều thể hiện được tinh thần đoàn kết một
lòng. Những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước về việc phòng chống dịch bệnh
lập tức được ban hành. Những người dân từ người già đến trẻ nhỏ đều nghiêm
chỉnh chấp hành các quy định: như đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng,
thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế đi ra nơi đông người… Đặc
biệt, trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, toàn dân đều nghiêm
chỉnh chấp hành. Không chỉ những “người hùng áo trắng” đồng lòng chống dịch
mà còn là mỗi gia đình-mỗi tế bào của xã hội đã làm nên điều phi thường ấy.
Câu ca dao giản dị nhưng chứa đựng bài học sâu sắc về sự đoàn kết. Đoàn kết là
cội nguồn của sức mạnh, là yếu tố hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn
và phát triển của con người. Bác Hồ đã từng căn dặn chúng ta: Đoàn kết, đoàn kết,
đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!
Nối tiếp truyền thông đoàn kết của cha ông, chúng em đã xây dựng tinh thần
đoàn kết trong tổ, trong lớp, trong trường. Tình đoàn kết sẽ tăng thêm sức mạnh
cho chúng em, giúp chúng em đạt được những kết quả tốt đẹp trong học tập và rèn
luyện.

You might also like