You are on page 1of 4

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân

tộc Việt Nam


Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi giải pháp thương
lượng cho hòa bình của Việt Nam đều không thực hiện được. Thực dân Pháp nổ súng
xâm lược Việt Nam lần nữa, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc
phải cầm súng đứng lên bảo vệ đất nước. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng
quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải
đứng lên!”
Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng
vùng dậy đấu tranh bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
lãnh đạo nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, cuộc chiến đấu
giữa vòng vây, nhưng vẫn giữ vững niềm tin chính nghĩa chiến thắng.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời trong bối cảnh Trung ương Đảng và Chính
phủ cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực thi các chủ trương,
biện pháp để tránh chiến tranh, đặc biệt là nhân nhượng những lợi ích của Pháp ở Việt
Nam. Nhưng trước những hành động gây hấn ngày càng trắng trợn, “ngày càng lấn
tới”, vì “quyết tâm cướp nước ta lần nữa” của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên toàn quốc. Lời kêu gọi toàn quốc
kháng chiến chứa đựng những giá trị hết sức to lớn, thể hiện những tư tưởng lớn của
dân tộc và thời đại, là sự kết tinh, tiếp nối mạch nguồn tư tưởng hết sức quý giá và đầy
tính nhân văn của dân tộc; là tiếng gọi của “hồn thiêng sông núi”, lời hịch cứu nước
hào hùng vang vọng, thúc giục muôn triệu người dân yêu nước Việt Nam đứng lên
quyết kháng chiến chống quân xâm lược, để bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất của
đất nước và tự do, ấm no, hạnh phúc của mọi nhà. Đó là tiếng nói của ý chí kiên
cường, bất khuất, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” ;
của quyết tâm cao độ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của nhân dân ta. Đồng thời, “Lời kêu gọi toàn
quốc kháng chiến” còn khẳng định niềm tin tất thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam
trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại kẻ địch hung bạo, dù phải trải qua nhiều
gian lao, vất vả, khó khăn.
Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân để thực hiện kháng chiến kiến quốc thắng lợi,
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” nêu rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người
già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải
đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc… Ai cũng phải ra sức chống thực dân
Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là sự kế thừa, tiếp nối chủ nghĩa
yêu nước Việt Nam, ý chí bất khuất trước các thế lực ngoại xâm dù chúng đông đảo,
hùng mạnh như thế nào và tư tưởng “cả nước đánh giặc”, “trăm họ là binh” trong
truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Đây là một trong những
truyền thống quý báu hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, góp phần lý giải vì sao
trong điều kiện thường xuyên phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt và các thế lực
ngoại xâm hùng mạnh, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn và phát triển. Ý chí
của toàn dân tộc sẽ phát huy đầy đủ giá trị khi được lan tỏa, nhân rộng, trở thành ý
chí, sức mạnh của toàn dân với tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ
tịch Hồ Chí Minh khi tìm ra điểm tương đồng, mẫu số chung để gắn kết muôn triệu
người con yêu nước Việt Nam ở các thành phần, giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã
hội. Đó là độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân; là
nguyện vọng, giá trị chung của toàn dân tộc; là điều hoàn toàn phù hợp với thực tiễn
Việt Nam; đã thực sự khai đường, mở lối cho việc tiếp tục kế thừa và phát huy truyền
thống yêu nước, đoàn kết của người dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong dựng
nước và giữ nước. Với Hồ Chí Minh, phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân để kháng
chiến là một trong những biện pháp chủ yếu để quân dân ta có thể đương đầu và đánh
bại những đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp. Người chỉ ra rằng thực
hiện được kháng chiến toàn dân, quy tụ và phát huy ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn
dân tộc thì nhất định sẽ đưa đến kết quả: “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành
công” ; “thắng lợi nhất định về dân tộc ta” .
75 năm đã qua, nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Là một văn kiện lịch sử hết
sức quý giá, kết tinh những giá trị của dân tộc và thời đại, góp phần dẫn dắt dân tộc
Việt Nam vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp; thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược của Người trong việc đoàn
kết, tập hợp và phát huy ý chí, sức mạnh của cả dân tộc để đánh bại kẻ địch có sức
mạnh gấp nhiều lần.
Di chúc
Giá trị tư tưởng của tác phẩm chính là sự tổng kết toàn bộ tinh thần, tư tưởng Hồ Chí
Minh, làm nền tảng, kim chỉ nam cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách
mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương,
trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những tư
tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng
sản toả sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh
tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc
Việt Nam theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Giá trị thực tiễn
Tác phẩm định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng, phát triển đất nước trong tương
lai.
Khẳng định tầm quan trọng của nhân tố đạo đức đối với đảng cầm quyền, trong Di
chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng
viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm
chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người
lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đối với công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn
đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn
sức mạnh, nguồn động viên tinh thần to lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên tự giác
tham gia tự phê bình và phê bình, nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương
mẫu của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Trong số rất nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì điều đặc biệt là Di chúc
được Người viết lâu nhất. Trong 4 năm, khởi thảo ngày 10-5-1965, khi Người tròn 75
tuổi và Người xem lại lần cuối vào lúc 9 giờ đến 10 giờ, ngày 20- 5-1969, đúng vào
dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người. Quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình
cảm, cẩn trọng, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang nét độc
đáo riêng, cho dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được
công bố rộng rãi nhất ngay từ lần đầu tiên trong dịp Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí
Minh, cả ở trong nước và nước ngoài. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ
Chí Minh qua đời và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Bộ Chính trị đã cho phép
công bố toàn văn.
Mặc dù, Người khiêm nhường viết: “Tôi để lại mấy lời này cho đồng bào, đồng chí”,
nhưng Di chúc là văn kiện lịch sử đặc biệt. Tư tưởng chủ đạo và bao trùm trong Di
chúc là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hòa bình, thống nhất, dân chủ và dân
giàu, nước mạnh; tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng
con người, vì hạnh phúc của con người. Di chúc của Người dù chỉ vỏn vẹn 1000 từ,
nhưng chứa đựng nội dung của một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách
mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về việc riêng của
Người. Đồng thời, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, định hướng cho
bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tương lai, mà mục tiêu cao nhất
là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân.

You might also like