You are on page 1of 6

Vấn Nạn Miệt Thị Ngoại Hình

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, con người tự tạo ra những thứ gọi chung là
“quy chuẩn xã hội”. Chẳng hạn một đứa trẻ được khen ngoan khi về nhà biết chào người
lớn; một người được đánh giá thông minh khi trong gia đình có treo nhiều bằng khen.
Chúng ta thường dựa vào tổng thể bên ngoài, thứ mà có thể nhìn bằng mắt để đánh giá có
đúng với “quy chuẩn” đó hay không.

Trong khi đó, ngoại hình chính là thứ có thể nhìn nhận hay đánh giá dễ dàng nhất bằng
mắt thường và cũng luôn có những quy chuẩn nhất định được tạo ra . Và điều đó khiến
nạn miệt thị ngoại hình - Body shaming ngày càng gia tăng.

“Con bé này béo thế?”

“Con trai gì mà lùn…”

“Eo ơi, con gái gì mà người thô như đàn ông?”

Những câu nói trên chắc hẳn ai cũng đã từng nghe, chúng xuất hiện ở mọi nơi và đang trở
thành một phần “không thể thiếu” trong cuộc sống của nhiều người. Phải chăng ấn tượng
ban đầu có ý nghĩa quan trọng như vậy? Nếu thử gõ trên google từ khoá “gây ấn tượng”
thì không ở đâu là không hiện lên những cách để bạn cải thiện vẻ bề ngoài một cách tốt
hơn hay làm thế nào để “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Không một bộ phim nào dám lấy một
diễn viên không có ngoại hình ưa nhìn để diễn hay không có một thương hiệu nào lấy
một gương mặt quá phổ thông để quảng cáo thương hiệu. Ngay cả ở một số trường học,
vẻ ngoài của thầy cô giáo cũng ảnh hưởng tới số lượng học sinh đến lớp và hiện nay một
số doanh nghiệp cũng yêu cầu chiều cao, ngoại hình của nhân viên, trong khi nó chẳng
liên quan đến công việc là mấy.

Tất cả chúng ta dường như luôn tự mặc định quy chuẩn về cái đẹp, ai không đạt được tiêu
chí nào sẽ được coi là thiếu hoàn hảo, là xấu. Và khi có một ai đó không phù hợp với các
tiêu chí mặc định này sẽ bị chê bai, châm chọc, đánh giá một cách tiêu cực và dễ dàng
trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình.

Nạn nhân của miệt thị ngoại hình

Lâu nay chúng ta thường cho rằng, miệt thị ngoại hình thường chỉ ảnh hưởng đến những
người trẻ, ít kinh nghiệm sống. Thực tế thì nạn nhân của miệt thị ngoại hình có thể là bất
cứ ai, bất cứ dân tộc hay quốc gia nào, là nỗi ám ảnh của nhiều người trong đó có cả học
sinh, trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng. Những sự miệt thị ngoại hình sẽ tạo ra áp lực và nội
tâm rất phức tạp cho nạn nhân không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng có thể phải trải qua
những điều này.
- Điều đáng buồn là nạn miệt thị ngoại hình lại xuất hiện cực kỳ nhiều trong môi trường
học đường – nơi mà đáng nhẽ các học sinh cần có một tâm lý trong sáng, tích cực. Thậm
chí các em còn lập các group chỉ để bình phẩm về ngoại hình của một bạn nữ “quá cỡ”,
nói rằng bạn làm mất mặt lớp vì “quá xấu”. Một khảo sát cho thấy có đến hơn 56% học
sinh từng bị Body Shaming.

- Cách đây không lâu, một sự kiện đã gây chấn động cả Hollywood khi mà trong Lễ trao
giải Oscar 2022, MC Chris Rock đã đưa chuyện vợ Will Smith bị rụng tóc (do bệnh) trở
thành một câu chuyện đùa thiếu tinh tế khiến anh phải nhận một cái tát từ Will Smith
ngay khi chương trình đang phát trực tiếp. Điều này càng chứng minh nạn miệt thị ngoại
hình cực kỳ phổ biến, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu với bất kỳ ai.

- Theo khảo sát của tờ Independent, gần một nửa số người lớn từng bị miệt thị ngoại
hình. Nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy, 94% thiếu niên nữ, 64% thiếu niên nam là nạn
nhân của nạn miệt thị về ngoại hình. Và tất cả những người nổi tiếng được hỏi hầu như
cũng bị body shaming ít nhất một lần từ khi nổi tiếng.
Mạng xã hội trở thành “ công cụ” của Body shaming

Với sự phát triển và ngày càng lan rộng của mạng internet nên các trang mạng xã hội đã
trở thành “ nơi lý tưởng” để miệt thị người khác. Tại đây nhiều người không lo sợ về việc
bị phát hiện bởi họ có thể sử dụng hàng loạt các tài khoản ảo, ẩn danh để trở thành các
“anh hùng bàn phím” đi công kích người khác. Vì thế việc thực hiện body – shaming lại
càng trở nên dễ dàng hơn.

- Theo thống kê, có đến hơn 80% những lời xúc phạm, châm biếm người khác xuất hiện
từ mạng xã hội. Và một kết quả nghiên cứu tại Anh với hơn 1.500 người trẻ từ 14 - 24
tuổi cho thấy, việc sử dụng thường xuyên các mạng xã hội làm tăng cảm giác mặc cảm,
tự ti và lo lắng về bản thân ở người trẻ tuổi. Nhiều người được phỏng vấn cho rằng, sử
dụng mạng xã hội khiến họ ngủ không ngon giấc, tự ti về ngoại hình cơ thể khi thấy hình
người khác đăng tải. Trong đó, ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram được đánh giá là có
tác động tiêu cực nhất về vấn đề này.

Áp lực ngoại hình dẫn đến những hậu quả khôn lường
Những lời miệt thị ngoại hình hay áp lực về ngoại hình trong xã hội đang đặt gánh nặng
lên vai nhiều người. Những lời nói về cơ thể người khác vô tình như "con dao" gây sát
thương cho người nghe. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra chỉ vì những lời nói vô tình, vô
tâm hay thoáng qua. Và xung quanh chúng ta, những câu chuyện về Body shaming không
hề ít. Và có thể cho đến khi có một cái chết, người ta mới giật mình nhìn lại trong thực tế
những lời nói trở thành con dao vô tình gây sát thương khủng khiếp đến thế nào.
- Tháng 2/2022 dư luận Hàn Quốc đã chấn động trước tin nam vận động viên bóng
chuyền Kim In-hyeok tự tử mà nguyên nhân được cho là do bị bắt nạt trên mạng. Một
trong những hình thức bắt nạt là miệt thị ngoại hình của nạn nhân, cho rằng nạn nhân đã
trang điểm. Hay cung thủ Hàn Quốc từng đoạt huy chương Olympic, An San, cũng bị chỉ
trích vì để tóc ngắn, cho rằng cô làm vậy vì muốn thể hiện nữ quyền.
- Áp lực ngoại hình không phải câu chuyện của riêng Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, tình
trạng này đã gây ra tổn hại không nhỏ cả về thể chất lẫn tinh thần, làm gia tăng tình trạng
rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc ăn vô độ. Một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy, ước
tính có hơn 1,5 triệu người Trung Quốc bị mắc chứng bệnh này.
Những nỗ lực chống nạn miệt thị ngoại hình trên thế giới
Với thực trạng như vậy, trên thế giới, tuy ít luật rõ ràng chống lại vấn nạn này nhưng rất
nhiều sự kiện đã được tổ chức, nhiều chính sách đã được đưa ra để hạn chế nạn miệt thị
ngoại hình.

- Tại Paris, Pháp, hàng năm có một tuần lễ dành riêng cho việc nâng cao nhận thức về
phân biệt đối xử ngoại hình, gồm các hoạt động như trình diễn thời trang dành cho mọi
loại hình cơ thể khác nhau. Hàng nghìn số điện thoại tư vấn pháp luật và đường dây trợ
giúp được thiết lập để người bị miệt thị ngoại hình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.

- Vương quốc Anh vào năm 2019 cũng đã xuất bản Sách Trắng về Tác hại trực tuyến, đề
cập đến các tác hại liên quan đến việc quảng bá hình ảnh cơ thể thiếu thực tế trên mạng,
làm trầm trọng thêm sự tự ti về hình ảnh cơ thể.

- Mỹ cũng có đạo luật liên bang nghiêm cấm việc phân biệt đối xử liên quan những
khiếm khuyết cơ thể người khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Ngoài ra, không có bất kỳ quy chuẩn nào về cái đẹp có thể áp đặt lên người khác, không
ai có quyền chê bai về ngoại hình của ai. Đây là hành vi đáng lên án trong toàn xã hội.
Nhưng cho dù đã được lên án rất nhiều, thậm chí có cả các bộ luật để xử phạt về các hành
vi này nhưng nạn body shaming vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Miệt thị ngoại
hình hay chê bai người khác cũng chẳng làm chúng ta đẹp hơn, thậm chí còn hạ thấp giá
trị về đạo đức của bản thân trong mắt những người xung quanh. Và với nạn nhân của
miệt thị ngoại hình, thay vì mất thời gian suy nghĩ, tự ti về ngoại hình của chính mình,
các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người nên tự tìm ra những nét đẹp riêng của bản thân để
cảm thấy tự tin hơn.
Vượt qua body shaming

Bạn nên hiểu rằng, mỗi người sẽ sở hữu một vẻ đẹp và giá trị khác nhau, không ai có thể
quyết định và phán xét về bản thân mình. Nếu bạn thấy bản thân còn đang sở hữu các
khuyết điểm thì hãy cố gắng xây dựng và cải thiện nó một cách lành mạnh nhất.

- Học cách yêu thương bản thân chính là cách tốt nhất để bạn vượt qua những nỗi sợ
body shaming. Bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận mọi thứ xung quanh, ngay cả những lời trêu
chọc, hạ nhục về ngoại hình khi bạn đã biết cách trân trọng chính mình. Hãy bắt đầu đầu
tư vào việc chăm sóc bản thân để giúp bạn có được sự tự tin và biết trân quý cơ thể của
chính mình.

- Yêu thương cả chính khuyết điểm của bản thân mình, nếu ngay cả bản thân bạn còn
thấy ghét chúng thì bạn chẳng thể nào phản kháng lại khi bị body shaming. Hãy sống cứ
là bạn, kể cả bạn có béo, có đen, có cục mịch nhưng khi bạn yêu thương chính mình thì
cách bạn nhìn nhận và sửa chữa các khiếm khuyết bản thân cũng sẽ rất khác.

- Đồng thời, hãy xây dựng cho mình một bức tường bảo vệ vững chắc bằng việc tin tưởng
vào bản thân. Bạn cần phải hiểu rõ về bản thân mình và học cách chấp nhận những ý kiến
từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bạn cần phải biết chọn lọc thông tin, nếu những lời
nói đó mang tính hỗ trợ, giúp đỡ thì bạn cần nhìn nhận lại bản thân để thay đổi tốt hơn.

- Và đừng bao giờ tự lăng mạ hoặc sỉ nhục bản thân. Bởi điều này sẽ dần nhấn chìm bạn
xuống bờ vực thẳm và giết chết tâm hồn của bạn. Vì cơ thể bạn là của chính bạn, do đó
hãy học cách hiểu và đón nhận nó là cách tuyệt vời nhất để bạn loại bỏ những lời nói ác ý
từ bên ngoài. Thay vì cứ mãi để tâm đến những bình luận, phán xét tiêu cực của người
khác thì bạn hãy bắt đầu tìm ra những ưu điểm, giá trị tiềm ẩn của chính mình để nâng
cao sự tự tin.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã là một cá thể độc lập chẳng ai giống ai. Vì thế chúng ta
không nên vì những khuôn mẫu tiêu chuẩn mà bóp méo đi chính mình. Thay vì để ý
những câu nói mang hàm ý body shaming kể cả bông đùa hay miệt thị thì bạn hãy cứ là
con người hoàn hảo nhất của chính bạn

Trên thế giới không có bất kỳ quy chuẩn thực sự nào về cái đẹp cả, vẻ đẹp là thứ có thể
nhìn bằng mắt và cũng có thể cảm nhận bằng trái tim, chúng ta không thể đòi tất cả mọi
người nói những lười vừa lòng mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể không để những
lời nhận xét của người khác quyết định cuộc đời chính mình. Hãy bỏ ngoài tai: “ Body –
Shaming” mà hãy học cách thấu hiểu để yêu thương mình hơn. Đặc biệt các bạn trẻ ngày
nay, khi không chắc chắn rằng điều mình nói ra có khiến người khác tổn thương hay
không, tốt nhất ta nên im lặng. Bởi vì có thể hôm nay chúng ta body- shaming ai đó
không chắc ngày mai điều tương tự không xảy đến với chính mình.

Tài liệu tham khảo


VTC: https://vtv.vn/the-gioi/miet-thi-ngoai-hinh-van-pho-bien-hon-chung-ta-nghi-
20220331111542903.htm

Báo tuổi trẻ thủ đô: https://tuoitrethudo.com.vn/gioi-tre-va-nan-miet-thi-ngoai-hinh-tren-


khong-gian-mang-181167.html

Báo tâm lý trị liệu: https://tamlytrilieunhc.com/miet-thi-ngoai-hinh-16524.html

Báo công an tp hcm: https://congan.com.vn/doi-song/nan-miet-thi-ngoai-hinh-va-hau-


qua-kho-luong_123734.html

You might also like