You are on page 1of 6

Bài tham khảo

Gioan Nguyễn Trần Thiên Phúc, Chủng sinh Dự bị khóa 16, 2020 – 2021.

Con người quả là một sinh vật đặc biệt được sinh ra trong hữu hạn như bao loài
khác, nhưng lại là loài duy nhất không ngừng hướng về vô hạn. Với hai chân
đứng vững trên đất, con người từ bao đời vẫn dõi mắt ngắm nhìn khoảng không
bao la, mượn cánh chim trời gửi lòng lên chốn cao xanh. Nếu không phải thế,
Cao Tổ Lưu Bang đã chẳng cảm khái “Hồng hộc cao phi / nhất cử thiên lý”, Lý
Bạch đã chẳng ngậm ngùi “Đai bằng phi hề chấn bát duệ”, người Hi Lạp đã
chẳng mượn chuyện đôi cánh của Icarus để nói lên chí cao tài thượng của quần
nhân. Người xưa đã thế, người nay cũng không khác là bao. Khoa gia người Mỹ
gốc Ấn Deodatta V. Shenai Khatkhate từng đưa ra ý kiến: “Trong mỗi chúng ta
đều có cánh chim đại bằng đầu đàn muốn tung cánh bay cao bất chấp gió bão
của nghịch cảnh và thử thách chất chồng.” Ý kiến này quả thật gợi lên trong ta
nhiều suy nghĩ. Thiết tưởng việc đưa ra một nhận định thấu đáo về lời chia sẻ
trên sẽ giúp chúng ta ít nhiều có thái độ sống phù hợp trong thời điểm hiện tại
và tương lai.
Không rõ tác giả Deodatta Khatkhate đã đưa ra ý kiến trong hoàn cảnh nào, ta
chỉ có thể biết đây là phần đầu của một nhận định dài hơn. Đại ý ở phần còn lại,
tác giả cho rằng cuồng phong sẽ tăng sức cho đôi cánh đại bằng, cho phép nó
vươn lên độ cao đáng kinh ngạc, và bởi lẽ đó, nếu ta để con đại bằng trong mình
được vút bay, nó sẽ là kẻ thống trị bầu trời. Như vậy, ta có thể thấy được hình
tượng “chim đại bằng”, loài chim to lớn vốn được người đời tôn vinh là “bá
vương chi điểu”, tượng trưng cho sức mạnh, sức sống và lí tưởng cao đẹp trong
mỗi con người. Ngay trong văn hóa Ấn Độ, đại bằng được nhân cách hóa thành
thần điểu Garuda, linh thú của thần bảo tồn Vishnu. Garuda là kẻ thù không đội
trời chung của mãnh xã Naga, và điều này phần nào nói lên sự đối đầu không
khoan nhượng giữa những gì là thiện hảo, cao đẹp với những gì là xấu xa thấp
hèn. Là biểu trưng cho lí tưởng cao thượng, sức sống mãnh liệt và nhiều phẩm
chất đáng quý, đại bằng đã được ít nhất hai mươi lăm quốc gia chọn đưa vào
quốc huy, và thường được khắc họa trong tư thế “tung cánh bay cao”, vì bay cao
là bản chất của loài chim này. Chúng có thể và đạt tới cao độ vượt xa các loài
chim khác để mở rộng tầm nhìn hầu dễ dàng phát hiện con mồi. Cũng thế, tác
giả có ý muốn nói rằng khát vọng và năng lực vươn lên những điều cao đẹp vốn
có sẵn trong mỗi người và chỉ khi biết vươn lên ta mới có cuộc sống đúng
nghĩa. Thêm vào đó, cánh chim bằng này phải vút bay “bất chấp gió bão”. Tác
giả đã chỉ rõ rằng “gió bão” chính là nghịch cảnh thử thách. Trong tự nhiên, đại
bằng biết dùng những cơn gió bão để đưa mình lên, chúng biết cách biến những
thứ thoạt đầu có vẻ bất lợi thành lợi thế. Tương tự như thế, những gian nan vất
vả trên cuộc đời sẽ trở nên bệ phóng lý tưởng cho những ai can đảm dám đương
đầu và vượt qua. Tóm lại, khi đưa ra ý kiến trên, tác giả muốn nói rằng mỗi
người tự bản chất, được sinh ra cho những điều cao đẹp, và chính trong mỗi
chúng ta đều có những phẩm chất năng lực để sống một cuộc đời thật đẹp, một
cuộc đời ý nghĩa. Gian truân thử thách là điều tất phải xảy đến khi chúng ta
quyết sống cho một lý tưởng cao đẹp, nhưng chính nhờ đó mà ta thêm trưởng
thành để vươn tới những mục tiêu cao cả của đời mình.
Bởi đâu ta nói con người được sinh ra cho những điều cao cả? Đó là vì mỗi
người sinh ra trên đời đều khao khát hạnh phúc, đều muốn chọn lấy cho mình
những gì tốt nhất, đẹp nhất, không ai muốn chọn một cuộc đời hèn kém, tầm
thường. Ngay cả những người vì một lý do nào đó trót vùi lấp đời mình vào bùn
đen, nếu có cơ hội được sinh ra lần nữa được làm lại từ đầu với ký ức nguyên
vẹn về những sai lầm họ đã phạm phải trong quá khứ, có lẽ không có ai chọn
sống cuộc đời như trước đây. Hoặc khi ta hỏi trẻ nhỏ chúng nghĩ gì về tương lai,
cuộc sống sau này, ta dễ nhận thấy câu trả lời của chúng tựa như cánh chim
chao liệng giữa trời xanh, vì chúng sẽ nói những điều tốt đẹp nhất mà trí óc non
nớt của chúng nghĩ tới. Và như đại bằng được sinh ra với những bộ phận được
cấu tạo sao cho chúng có thể dễ dàng lao mình vào khoảng không bao la, thì con
người cũng có đầy đủ những yếu tố cần thiết để sống một đời cao đẹp. Ngoài
những phẩm chất năng lực, thiên hướng và cá tính độc đáo của từng cá nhân,
chúng ta còn chia sẻ đặc tính nền tảng làm nên chất “người”, đó là lý trí, ý chí
và cảm xúc. Lý trí giúp ta phán đoán, phân biệt hay - dở, tốt - xấu để chọn cho
bản thân điều ta tin là tốt. Ý chí luôn giúp chúng ta hướng về điều tốt đã chọn và
nỗ lực để đạt tới điều tốt ấy bất chấp những trở ngại. Cảm xúc giúp ta rung động
trước cái đẹp, trước điều tốt, và chính sự rung động này giúp ta vươn mình đến
những điều Cao Thượng. Những điều kể trên hầu như không ai là không có,
nhưng chúng cần rèn giũa để không bị mai một. Chính những thử thách trên
đường đời sẽ tạo nên môi trưởng lý tưởng để hun đúc phẩm chất, năng lực của
mỗi người; nhờ bao va vấp mà ta càng ý thức hơn về bản thân mình, biết mình
có gì, cần gì và phải làm gì để vươn tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Nếu
cuộc đời thiếu những lúc phong ba bão táp và chỉ có sự an nhàn đơn điệu, thì dù
có hùng tâm tráng chí đến mấy rỗi cũng quen an phận thủ thường, chim đại
bằng dù có oai phong đến đâu rỗi cũng sẽ yếu ớt như se sẻ. Đông Chu Liệt
Quốc thuật lại chuyện Sở Trang Vương đã lên ngôi ba năm chỉ lo hưởng thụ,
ngày ngày đàn ca xướng hát không lo gì đến việc thiên hạ, lại còn treo biển để
giết những ai can gián. Ngũ Cử một hôm lấy hết can đảm đố Sở Vương: “Trên
núi Sở có một con chim ngũ sắc, dáng điệu hùng dũng nhưng không bay không
hót, xin hỏi Đại vương đó là chim gì vậy?” Sở Vương hiểu ý, đáp lại rằng:
“Không phải giống chim thường. Nó không bay thì thôi, đã bay là phải lên tận
trời; không hót thì thôi, đã hót là mọi người phải kinh sợ.” Ngũ Cử thật đã đánh
thức con chim đang ngủ bên trong Sở Vương. Kể từ đó Sở Vương trong lo triều
chính, ngoài chỉnh trang võ bị, trải qua không ít gian khổ, khiến nước Sở trở nên
cường thịnh, làm cho liệt quốc kính nể, và người đời sau ngưỡng mộ xếp ông
vào hàng Ngũ Bá Xuân Thu.
Nghiền ngẫm ý kiến của Deodatta Khatkhate, ta có thể rút ra cho bản thân nhiều
điều tâm đắc. Thật vậy, hơn bao giờ hết, trong thời đại này, việc ý thức rằng ta
được sinh ra cho những điều cao đẹp, được phú bẩm các khả năng để vươn tới
các giá trị cao thượng, và thậm chí buộc phải vươn tới các giá trị ấy, là điều vô
cùng cần thiết. Một khi ta đánh mất ý thức này, ta sẽ mất đi nguồn động lực để
sống một cuộc đời có ý nghĩa, tựa như câu chuyện về một chú đại bằng nọ được
nở ra trong chuồng gà, thế rồi cả đời chỉ nghĩ mình là gà, mãi mặc cảm vì tự
xem cái mỏ khoắm, đôi cánh lớn và bộ vuốt sắc nhọn của mình là những thứ
vướng víu, thừa thải mà không biết rằng mình đang phí hoài cuộc đời. Một con
đại bằng không muốn tung cánh bay chỉ lãnh phần thiệt thòi cho riêng nó,
nhưng một con người mất lý tưởng sống, mất ý chí vươn lên lại là thiệt thòi cho
toàn xã hội. Con người đó không chỉ mất đi cơ hội cống hiến năng lực cá nhân
mà còn có nguy cơ trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhà kinh tế học cổ điển
Adam Smith cho rằng nếu mỗi người đều cố gắng làm lợi, xã hội sẽ thịnh
vượng. Ở đây, ta hoàn toàn có thể triển khai một tư duy tương tự, rằng nếu mỗi
người đều nỗ lực vươn lên các giá trị cao đẹp, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp. Ngược
lại, một xã hội chỉ toàn những người chấp nhận cuộc đời tầm thường, không
chút lý tưởng hay nghị lực, là một xã hội băng hoại và đang trên bời sụp đổ. Đó
là lý do ngay nay các công ty, tổ chức luôn muốn tuyển dụng các ứng viên có
niềm tin vào bản thân, có lý tưởng sống và biết cách vận dụng năng lực bản thân
để đạt hoài bão lớn lao. Những nhà tuyển dụng chắc chắn có lý do chính đáng
và hợp lẽ để tin rằng một khi cá nhân đó nỗ lực thăng tiến bản thân, anh ta (hoặc
cô ta) cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của công ty, tổ chức. Song song đó, ta
không được quên rằng chỉ những cá nhân như vậy mới đủ bản lĩnh vượt qua thử
thách gian nan. Đường đời vốn dĩ lắm chông gai, tránh né không bao giờ là giải
pháp. Chỉ người nghị lực mới có thể vượt qua khó khăn, và chính khó khăn là
mội trường đào luyện những con người nghị lực. Đây là mấu chốt của vấn đề
phát triển con người. Ta không thể có những chú đại bằng thực thụ nếu ủ ấp
chúng trong chuồng gà, ta không thể có những con người đúng nghĩa nếu không
sớm tập cho trẻ nhỏ đương đầu với thách thức. Thiên nhiên đã dùng cuồng
phong để nâng cánh đại bằng, ta cũng phải dùng thử thách, nghịch cảnh để nâng
tầm con người.
Dù vậy, vẫn còn một số điểm trong ý kiến của Deodatta Khatkhate mà ta cần
xem xét thấu đáo hơn. Bởi lẽ, cho rằng trong mỗi con người có cánh chim đại
bằng muốn tung cánh bay cao, dường như ông chỉ chú tâm đến những mục tiêu
lơn lao, vĩ đại, những đỉnh cao vời vợi. Tác giả đã đúng khi tin rằng con người
được sinh ra cho những điều cao đẹp, nhưng cao đẹp đâu có nghĩa là đạt những
thành tựu vĩ đại. Chú tâm hơn vào tính cách độc đáo của nhân vị, ta chợt nhận
ra rằng trong mỗi người không nhất thiết phải có cánh chim đại bằng nào đó.
Tại sao không phải là chú chim họa mi hót vang mỗi sớm mai, hay một chú
chim bồ câu đem đến sự bình an cho những nơi nó hiện diện? Mỗi loài chim
bay ở một độ cao khác nhau, nhưng dù ở độ cao nào, chúng cùng bay dưới một
vòm trời duy nhất. Cũng thế, dù giá trị chân - thiện - mĩ là phổ quát, mỗi người
vươn lên theo những cách thế rất khác nhau. Điều quan trọng là ta giữ cho mình
một tâm hồn hướng thượng, để dù chú chim nhỏ trong ta không thể thống trị
bầu trời, không làm được những chuyện vĩ đại, nó vẫn có thể tự do chao luyện
dưới ánh nắng rực rỡ, sống cuộc đời bình thường dung dị, nhưng tuyệt đối
không tầm thường, thấp kém. Mặt khác, các loài chim khác tuy không thể tương
đầu với cuồng phong như đại bằng, chúng vẫn phải đối mặt với những cơn gió
mạnh khi lao mình vào không trung. Do đó, khi nói rằng mỗi người hướng đến
sự cao thượng bằng cách thế riêng, ta không thể vì thế mà chấp nhận một lối
sống dễ dãi, trốn tránh khó khăn. Nhưng dù có là đại bằng hay se sẻ, ta cũng
không thể bất chấp lao vào một cơn gió dữ. Biết tự lượng sức mình, biết đón
nhận những khó khăn thử thách ở mức độ phù hợp, thậm chí là biết tìm một
chốn tựa nương khi yếu đuối rã rời là thái độ sống khôn ngoan. Đại bằng làm
chủ không trung, thả mình trong vô tận, nhưng nó phải có một nơi để dừng
chân, khép cánh. Cũng thế, khi theo đuổi lý tưởng, dù cao đẹp đến đâu, ta cũng
phải có cho riêng mình một điểm tựa vững vàng, để có thể đứng dậy sau những
vấp ngã trên đường đời.
Chung quy, ta phải thừa nhận rằng con người thực sự được sinh ra cho những gì
cao đẹp, hoàn toàn có đủ những phẩm chất năng lực để đạt tới tầm mức cao
thượng, và chỉ khi biết vươn lên, ta mới có được một cuộc đời đúng nghĩa, giá
trị. Cao đẹp ở đây không đồng nghĩa với cao vời, vĩ đại, nhưng gói gọn trong
các giá trị chân - thiện - mĩ. Sống cao thượng, sống có lý tưởng, không nhất
thiết phải làm những chuyện kinh bang tế thế cho bằng không chấp nhận cuộc
sống tầm thường, hèn hạ, vô vị và thiếu cống hiến. Mỗi người có cách thế khác
nhau để vươn đến sự cao đẹp, để sống một cuộc đời có ý nghĩa, nhưng có một
điều chắc chắn rằng ta phải đương đầu với không ít gian nan, thử thách. Chỉ khi
biết đối mặt, tìm cách vượt qua và học hỏi từ những khó khăn trên đường đời, ta
mới có thể hoàn thiện chính mình hầu có thể tiệm cận các giá trị chân - thiện -
mĩ. Dù vậy, ta không thể cứ thế mà bất chấp tất cả, lao mình vào khó khăn. Điều
cần thiết là ta phải biết tự lượng sức mình, chỉ chấp nhận thử thách ở mức độ
vừa phải, không qua ép bản thân, và nhất là phải có cho riêng mình một chốn
nương tựa khi mệt mỏi rã rời. Có như vậy, ta mới có thể tiếp tục bay cao, bay xa
và tự do khám phá những khung trời mới mẻ.
Nhìn rộng ra hơn, ta thấy hình ảnh cánh chim bằng bay giữa trời xanh tuy hùng
vĩ đấy, tuy oai vệ đấy, nhưng xem ra thật đơn độc, lẻ loi. Đại bằng là loài chim
ưa sống đơn độc, bản chất của chúng là thế, nhưng con người không thể sống
đơn độc. Ý kiến của Deodatta Khatkhate dù gợi lên trong ta ít nhiều cảm hứng
cho việc phát triển bản thân, nhưng lại bỏ qua chiều kích xã hội. Ta tự hỏi: Sẽ
thế nào nếu những cánh chim vĩ đại kia biết bay cùng nhau, biết nâng đỡ nhau,
biết hợp quần để vượt qua giông tố? Đó quả thực sẽ là một cảnh tượng tráng lệ!!
Vậy nếu toàn thể nhân loại này biết nắm lấy tay nhau, cùng nhau tiến lên, thì
tương lai thế giới sẽ tràn trề hi vọng. Sự kết liên để hướng đến chân - thiện - mĩ
có thể bắt đầu từ những nhóm nhỏ, trước hết là gia đình, nhóm bạn, sau là tổ
chức, công ty... người mạnh sức vực người yếu sức, để tất cả cùng vươn lên,
cùng vượt qua khó khăn, cùng chạm tới lý tưởng cao đẹp.
Không chỉ vậy, khi lần giở Thánh Kinh, ta thấy hình ảnh chim đại bằng xuất
hiện không ít lần, như trong sách Gióp (39, 27-29), Thánh vịnh (103,5), sách
ngôn sứ Isaia (40,31) và đặc biệt là sách Xuất hành (19,4). Tại núi Sinai, Chúa
đã phán với Môsê trước khi ban lề luật: “Ta đang mang các ngươi như trên cánh
chim bằng mà đến với Ta.” Vậy chim bằng ở đây không còn tượng trưng cho
việc con người tự mình vươn lên tầm mức cao thượng, nhưng là việc Thiên
Chúa đỡ nâng nhân loại mà dẫn đến với Người. Thật vậy, đức tin giúp ta ý thức
rằng tự sức ta không đủ để đạt đến chân - thiện - mĩ. Ta cần ơn Chúa trợ lưc,
cần nương bóng cánh vĩ đại của Người là nguồn chân - thiện - mĩ mà ta phải
hướng tới, mà chỉ mình Người mới có thể ban cho ta chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ta mạnh mẽ tự chim bằng (Tv 103,5) mà vút bay đến tận Trời
(Lc 13).
Tóm lại, ta có thể đồng tình với Deodatta Khatkhate rằng mỗi người sinh ra là
để vươn tới những điều cao cả. Con người không chỉ có khả năng đế sống cao
thượng mà còn buộc phải sống cho những gì cao đẹp nếu muốn đời sống thực
sự có ý nghĩa. Trên hành trình vươn lên, gian nan thử thách là điều khó tránh
khỏi, song đó lại là cơ hội để ta thêm trưởng thành. Ngoài việc đào luyện bản
thân theo những cách thế riêng biệt và phù hợp, ta không được quên rằng mình
luôn có thể tiến lên cùng người khác trong sự đỡ nâng của Thiên Chúa. Ý thức
được những điều kể trên, ta có thể ngẩng cao đầu giữa cuộc đời bão táp để
hướng nhìn về trời cao. Và dẫu cho một ngày kia ta không thể tung cánh bay
được nữa, thì cũng không có gì phải nuối tiếc, như Thi Tiên Lý Bạch tỏ bày
trong những năm tháng cuối đời lãng du:
Lâm lộ ca
Đại bằng phi hề chấn bát duệ
Trung thiên tối hề lực bất tế
Dư phong kích hề vạn thế
Du phù tang hề quải hữu duệ
Hậu nhân đắc chí truyền thử,
Trọng Ni vọng hề thùy vị xuất thế?
Dịch thơ:
Cất cánh đại bằng chừ tám hướng trời
Giữa trời chừ gãy cánh sức không bay
Phong cách nó chừ vạn đời cảm kích
Tới cây phù tang chừ cánh bên treo.
Dịch nghĩa:
Hát lúc lâm chung
Đại bằng cất cánh bay chừ tám hướng trời rung chuyển
Nhưng giữa trời chừ gãy cánh sức không bay được,
Phong cách của nó chừ con làm cho vạn đời sau cảm kích
Tới cây phù tang chừ treo cánh phải
Người đời sau truyền bài thơ này,
Trọng Ni đã mất chừ ai sẽ khó?

You might also like