You are on page 1of 8

ÔNG HUỲNH VĂN LANG TIẾT LỘ NHIỀU BÍ MẬT LỊCH SỬ

THỜI ĐỆ NHẤT CÔNG HÒA (1955 - 1963)

Hứa Hoành

* Trước cuộc đảo chính 1/11/1963 của nhóm Đôn, Kim, Minh, Bác sĩ Trần Kim Tuyến bí mật tổ
chức cuộc đảo chính T.T Diệm bất thành.
* Ông Huỳnh Văn Lang - Phạm Ngọc Thảo lập kế hoạch đảo chính giữ lại TT Diệm, chỉ loại vợ
chồng ông Nhu, Đức cha Thục, ông Cẩn......
Từ trước tới nay, chưa có sách báo nào đề cập tới các cuộc đảo chính bất thành kể trên (trừ “Những
huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình diệm” xuất bản năm 1998, chỉ nói phớt qua về cuộc đảo
chính của Bác sĩ Trần Kim Tuyến).
Chỉ hơn một năm, ông Huỳnh Văn Lang cho ra đời 3 tập hồi ký “Nhân chứng một chế độ” Tập I, II,
III gây được tiếng vang trong học giới hải ngoại. Là người từng giữ chức vụ quan trọng trong lãnh
vực tài chính, tiền tệ (Tổng giám đốc Viện Hối Đoái), và chính trị (Tổng bí thư Liên Kỳ Bộ đảng
Cần Lao) dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, tác giả Huỳnh Văn Lang là người đã “dấn thân thật
sâu đậm vào môi trường chính trị của thời Đệ Nhứt Cộng Hòa (1955 - 63) (1), một giai đoạn lịch sử
quan trọng với nhiều biến cố, xáo trộn. Vì lẽ đó, các quyển hồi ký của tác giả Huỳnh Văn Lang đầy
ắp những chi tiết bí ẩn mới được tiết lộ lần đầu, được nhiều độc giả thích thú. Viết về chế độ Đệ
Nhứt Cộng Hòa, cho tới nay có hàng trăm quyển sách, báo đề cập đến. Họ viết rồi và viết thật nhiều,
nhìn dưới đủ mọi khía cạnh. Tuy nhiên, những bí ẩn vẫn còn, vẫn thu hút sự tò mò của những độc
giả cao niên, những người từng có liên quan ít nhiều đến chế độ nầy. Sự kiện mới, nhưng chưa hẳn
là chân lý lịch sử, nếu không được kiểm chứng, phân tích và chịu sự thử thách của thời gian. Chính
tác giả Huỳnh Văn Lang cũng nói lên điều đó: “Nếu tôi có viết thêm ra đây, thì chỉ trông đưa ra một
vài yếu tố, hay chi tiết mới lạ để bổ túc những câu chuyện đã viết ra rồi, họa may giúp ích gì được
cho nhà viết sử nào đó”. Hoặc chỗ khác, tác giả viết: “Tuy nhiên, tôi cũng nên lập lại, những lời
những người bạn khác kể lại cho tôi nghe mà tôi ghi ra đây luôn luôn có một giá trị tương đối thôi”
(Sách “Nhân chứng một chế độ” tập III, trang 277).
Khác với nhiều quyển hồi ký trước đây, tác giả Huỳnh Văn Lang viết lại những chuyện của chính
ông, của bạn ông, của những người thù ông với sự minh bạch và lòng tự tin. Ông không mập mờ,
không che giấu, thậm chí những lời phẫn nộ khi nói về thái độ lọc lừa phản phúc của những nhân
vật lịch sử, ông không ngần ngại dùng những chữ bộc trực một cách lộ liễu hằn học. Những người
tính tình nóng nảy là những người ngay thẳng, ít thủ đoạn. Ông cũng thú nhận rằng “ông chỉ viết ra
những điều đã làm, đã nghe thấy, đúng hay sai để tùy độc giả phê phán.” Thêm một chi tiết nhỏ
khác cũng đáng lưu ý, khi viết đến chỗ nào nghi ngờ, ông không quả quyết, mà chỉ nói là nghi vấn.
Chẳng hạn “Âu cũng là một nghi vấn” (Sách đã dẫn, trang 332). Khi nhắc lại kế hoạch đảo chính, bị
người Mỹ biết, ông Lang thắc mắc: “Tôi đã căn dặn anh em “CIA là một cái vase communicante,
không lẽ tôi lại không biết giữ kỷ luật cho tôi. Thế mà có người, người đó là ai? Âu cũng là một bài
đố rất khó, làm cho người viết nhức đầu đã gần 40 năm rồi, mà vẫn không tìm ra câu giải đáp”.
(sách đã dẫn, trang 214). Tác giả Huỳnh Văn Lang khi viết lại những chuyện thực như một cuộc đối
thoại với các nhân chứng. Ông nêu tên từng người và hỏi: “Có phải vậy không anh?”, Đó là một thái
độ minh bạch. Người thích ông cũng như người ghét ông, tôi chắc cũng phải lấy công tâm mà nhìn
sự thật đó. Đọc sách ông, chúng tôi thấy ông là một người làm chính trị thiếu thủ đoạn, ông còn quá
nhiều tình cảm, nên ông thất bại, điều đó cũng là chuyện dĩ nhiên. Ông biết, ông nhìn nhận sự thất
bại, mà bản tính ông không thay đổi được.
Viết hồi ký, tác giả Huỳnh Văn Lang không muốn chịu ảnh hưởng của bất cứ ai. Ông không dẫn lại
tài liệu, sách báo có trước. Trong suốt mấy tập sách, ông chỉ in lại một báo cáo mật của tòa đại sứ
Mỹ, như là một bằng chứng về những kế hoạch bí mật của ông, chứng tỏ ông không tưởng tượng ra
nhiều chuyện đề cao mình.
Tuy nhiên, ông cũng coi đó là một chuyện bất đắc dĩ phải làm. “Viết hồi ký, tôi e ngại nhứt là phải
dùng tài liệu hay sách vở, vì tôi sợ bị ảnh hưởng của người khác, nhứt là của người Mỹ. Tôi chỉ
muốn sao cho những nhận xét, những ý kiến hoàn toàn là của tôi, sai lầm hay trung thực cũng là của
tôi, tôi không muốn đi vay mượn, trừ ra những trường hợp nhỏ bé.” (Sách đã dẫn, trang 163).
Đọc suốt 3 tập hồi ký, nhứt là tập III, tác giả luôn luôn nhấn mạnh đến yếu tố lấn lướt của hiện tình
miền Nam bấy giờ: chế độ người lính cai trị. Nói khác hơn đó là chế độ quân phiệt. “......Những
người thực dân mới (Mỹ) đang mưu đồ hy sinh văn hóa Khổng Phật Lão của một vùng, để bảo tồn
văn hóa Thiên Chúa giáo ở Âu châu. Tranh đấu vì đạo của các thầy đã đi đến chỗ đó, cũng có nghĩa
là Mỹ không thành công trong cái mưu đồ Thiên Chúa giáo nói trên, mà ngược lại, ít ra Thích Trí
Quang đứng ra làm cho miền Nam yếu hèn trước thế lực ngoại bang, cũng là củng cố chiêu bài
chống đế quốc của CS, lôi kéo quần chúng miền Nam đi vào con đường tự sát” (Sách đã dẫn, trang
155, tập III).
Những lý do vừa nêu lên trên đây làm cho các tập hồi ký của tác giả Huỳnh Văn Lang có sức lôi
cuốn, hấp dẫn người đọc. Trong bài nầy, chúng tôi muốn nêu ra 3 điểm chính, được coi như những
bí mật lịch sử ít người biết:
- Cuộc đảo chính của nhóm Trần Kim Tuyến – Đặng Đức Khôi
- Kế hoạch đảo chính của nhóm Huỳnh Văn Lang – Phạm Ngọc Thảo
- Nói thêm về Dương Văn Minh.
CUỘC ĐẢO CHÍNH CỦA NHÓM TRẦN KIM TUYẾN – ĐẶNG ĐỨC KHÔI:
Ở đây tác giả dùng một báo cáo mật của tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam gởi về Mỹ, đề ngày 31/10/1963,
hồi 5 giờ 40 phút chiều, do cựu đại tá Trần Thanh Chiêu gởi cho. Sử dụng tài liệu nầy, tác giả chỉ có
một mục đích là “tránh được bao nhiêu ngộ nhận, cùng một lúc giải thích hay xác nhận một mưu đồ
mà người đọc có thể cho là huyền hoặc, vì nó bất thành......
“Sau đây là bản phúc trình của Cabot Lodge dài hai trang. Phần đầu nói về mưu đồ đảo chính của
Bác sĩ Tuyến, kế là của Phạm Ngọc Thảo - Huỳnh Văn Lang. Kế là phần nói về những mưu đồ của
nhóm Đại Việt, của nhóm Quốc Dân Đảng, có cả nhóm Trần Trung Dung – Đặng Văn Sung, có
mấy nhóm quân đội, trong đó có nhóm Minh Đôn Kim.....Phần sau kết luận: chỉ còn lại hai nhóm
Phạm Ngọc Thảo – Huỳnh Văn Lang và nhóm các tướng Minh, Đôn, Kim....như là giành giựt nhau,
muốn phỏng tay trên của nhau. Cabot Lodge gởi về Bộ Ngoại Giao đúng trước đảo chính 1/11/63
một ngày.” (Sách đã dẫn, trang 165).
Đó là phúc trình của Cabot Lodge, sau đây là câu chuyện của tôi, tôi viết kinh nghiệm của tôi. Thật
ra câu chuyện có nhiều gút mắc phức tạp, vì làm phải lén lút, nếu không phải là giấu giếm, bí mật.
Đã gần 40 năm rồi, cả vợ tôi cũng không biết rõ ràng, ngoại trừ bà ta chịu đọc tập hồi ký nầy thôi.
Âu cũng là một cái bất ngờ cho gia đình tôi, như nhiều lần vợ tôi hòa theo Dick Adams trách tôi:
Làm cái gì cũng không cho người Mỹ biết hết. Ở tù là phải lắm. (Sách đã dẫn, cùng trang).
Mưu đồ đảo chính ông Diệm của Bác sĩ Tuyến bắt đầu từ tháng 6/1963, nghĩa là ngay giữa lúc các
biến cố Phật giáo đấu tranh, cũng có nghĩa là chính giữa lúc mà hai chính phủ Mỹ Việt hục hặc chèo
kéo nhau nhứt, nhưng cũng chưa ngã ngũ bên nào ăn, bên nào thua, vì Cabot Lodge chỉ qua Sàigòn
hơn một tháng sau thôi (22/8/63). Cabot Lodge sẽ đem theo một mưu đồ mới là mưu đồ “The Ngô's
must go”, thay thế cho mưu đồ “The Nhu's must go” của đại sứ Nolting. Thường khi đổi đại sứ là
đổi chính sách mà Bác sĩ Tuyến, theo tôi nghĩ, cũng phải biết rõ điều đó hơn ai hết, nhứt là khi Bác
sĩ Tuyến có Đặng Đức Khôi làm quân sư, mà giới chính trị Sàigòn cho hay là nhơn viên của CIA.
....Và nhờ anh Thảo mà tôi am hiểu mưu đồ của Bác sĩ Tuyếùn khá rõ ràng. Bác sĩ Tuyến muốn
dùng võ lực quân sự bắt ép ông Diệm phải ra đi, cùng một lúc loại ông bà Nhu ra khỏi chính trường
VN...., thay đổi hiến pháp từ tổng thống chế qua thủ tướng chế, mà người thủ tướng đầu tiên của
chính phủ giao thời phải là Bác sĩ, trong đó có 14 tổng trưởng và danh sách nội các Bác sĩ đã thành
lập rồi. Một điều tôi phải ngờ vực cái óc phán đoán, nếu chưa phải là đần độn của Bác sĩ Tuyến, là
khi đọc cho tôi nghe danh sách 14 vị tổng trường, anh Thảo và tôi đều quá đỗi ngạc nhiên hơn, anh
Thảo phải phàn nàn ngay:
- 14 ông mà 13 là người Bắc, chỉ có tôi (Thảo) là người Nam, được chia cho Bộ Công Dân Vụ của
Paulus Hiếu. Thủ Tướng là người Bắc, còn 13 vị cũng là người Bắc nữa:
Đặng Đức Khô: Bộ Quốc Phòng, Nguyễn Hữu Dương: Bộ Tư Pháp, Trần Kim Phượng: Bộ ngoại
giao, Lê Văn Tiến: Bộ Thông Tin hay Nội Vụ, - NVT: Bộ Quốc Gia Giáo Dục.......
Ông Lang nhận xét thêm: “Việc thành lập nội các của Bác sĩ Tuyến nói trên càng xác nhận tinh thần
kỳ thị Nam Bắc, kỳ thị trong việc dùng người của Bác sĩ, hầu hết tình báo và phản gián của Bác sĩ là
người Bắc, tác giả Vĩnh Phúc (”Những huyền thoại và Sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm”) cùng
một lúc bào chữa, cùng một lúc xác nhận cái kỳ thị ngu si đó.”
.....Kế hoạch (do Thảo cho biết) “khoảng 10 giờ trưa hôm đó, Tổng Thống Diệm đi thăm Tổng ủy
Trung Ương Tình Báo ở số 3 Bến Bạch Đằng, và sẽ có một tiểu đoàn, có xe tăng yểm trợ chặn
đường và mang Tổng Thống đi ra phi trường luôn và cùng một lúc sẽ có một tiểu đoàn tấn công
dinh Gia Long bắt ông Nhu và mang ông đi mất ở đâu đó. Có thể hai tiểu đoàn nầy là hai tiểu đoàn
của Lữ đoàn phòng vệ Phủ Tổng Thống của Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi (không chắc gì anh Khôi
có biết), và sẽ có hai trung đoàn của sư đoàn 9, từ Biên Hòa mang về, hoặc một trung đoàn của sư
đoàn 7 từ Mỹ Tho mang lên, hay trung đoàn 46 ở Đức Hòa Đức Huệ xuống......để làm chủ tình hình
Sàigòn, Chợlớn.
Anh Thảo còn cho tôi biết Bác sĩ Tuyến đã có kế hoạch chận đường ông Nhu trong trường hợp ông
đi rước bà Nhu ở ngoại quốc về, không phải là để bắt giữ, mà là bằng liên thanh và lựu đạn: Bác sĩ
đã dự bị sẵn một địa điểm phục kích ở đường Công Lý, gần cầu MacMahon và một ở đường Trương
Minh Giảng. Anh Cao Xuân Vỹ xác nhận với người viết là có phong thanh nghe cái kế hoạch đó,
nhưng không bao giờ dè là do Bác sĩ Tuyến chủ mưu.
Xem qua thì mưu đồ đảo chính của Bác sĩ Tuyến là một cuộc đảo chính cung đình hơn là một cuộc
đảo chính do quân đội chủ mưu. Tuy nhiên trong hàng ngũ quân đội tham gia, thì làm như có sự
tham gia của Tham Mưu Trưởng Liên Quân Trần Thiện Khiêm, một người Cần Lao của Liên Kỳ bộ
mà Bác sĩ Tuyến móc nối từ năm trước, tức là từ lúc Bác sĩ Tuyến đưa bà Khiêm ra tranh cử dân
biểu khóa III (tháng 8/1963). Với Trần Thiện Khiêm, còn có đại tá Nguyễn Văn Thiệu, tư lệnh đoàn
9, đang đóng ở Biên Hòa gì đó nữa.
Về mặt dân sự thì Bác sĩ đã có sẵn một lực lượng Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, và sinh viên học
sinh. Sự quan hệ của Bác sĩ và Phật giáo, lúc đó tôi chỉ biết sơ lược, mà sau nầy nhà văn Vĩnh Phúc
vô tình đã có ghi điều đó. Đại tá Y còn xác nhận với người viết là Bác sĩ Tuyến đã đi đêm với
Thượng Tọa Thích Trí Quang trước khi đại tá Y cho cảnh sát dã chiến bao vây chũa Xá Lợi để lùng
bắt Thích Trí Quang (21/8/63). Cho nên có thể chắc là trong mưu đồ đảo chính của Bác sĩ cũng có
một động lực Phật giáo cực đoan thúc đẩy, như anh Thảo cũng có kể cho người viết. Những điều
nói trên, chỉ có một giá trị tương đối, vì người viết chỉ nghe anh Thảo kể lại sơ lược thôi. Tuy nhiên,
có một điều anh Thảo quả quyết hơn, mà không ai dè được tức là chủ trương của Bác sĩ Tuyến hoàn
toàn giống chủ trương của Cabot Lodge hay Mỹ, nghĩa là “The Ngô's must go”, không còn là “The
Nhu's must go” của F. Nolting nữa.
Tôi nghĩ rằng có lẽ vì chỗ đó mà thất bại, vì chính anh Thảo và anh Khiêm, đại tá Thiệu, trung tá
Khôi (nếu có), cũng vì đó mà lưng chừng. Theo tôi biết và chị Thảo cũng xác nhận với tôi là anh
Thảo cũng như anh Khiêm, không bao giờ muốn phản ông “cụ”. Làm đảo chính nhưng luôn luôn
muốn giữ ông “cụ” lại cho kỳ được. Giữ ở đây có nghĩa là vấn đề cho ông tiếp tục làm tổng thống,
hay quốc trưởng trong một thể chế mới, ít ra là hết nhiệm kỳ II là vào năm 1965. Đó chính là chủ
trương của người viết, hoàn toàn khác với chủ trương của Bác sĩ Tuyến, của Cabot Lodge.
Ngày 15/8/63, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đi ra khỏi dinh Gia Long lối 10 giờ sáng, và trở về
trước 12 giờ trưa. Trong khoảng thời gian đó, thì Đặng Đức Khôi, quân phục Thủy Quân Lục Chiến
đóng lon đại tá, ngồi xe jeep, cùng một xe Jeep có một sĩ quan và hai cận vệ hộ tống, đã xuất hiện từ
sau nhà thờ Chánh tòa đi xuống đường Tự Do, chạy lên chạy xuống đôi ba lần, để rồi quẹo trước
mặt quốc hội và biến mất đâu đó. Bao nhiêu người có cửa tiệm hai bên đường Tự Do, trong đó có
bà Đức Âm và vợ tôi, đã chứng kiến sự việc đó, và nếu tôi không lầm thì tòa đại sứ Mỹ cũng có
phúc trình về bộ Ngoại Giao của họ, vì trong vòng hai ba ngày sau đó, chính Dick Adams, đã dò hỏi
tôi về mưu đồ bại lộ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến hôm đó.
Đêm lại, bác sĩ Tuyến và Đặng Đức Khôi qua trốn ở nhà Cao Xuân Vỹ, mà anh nầy không hay biết
gì hết. Mãi hai hôm sau, anh Vỹ gặp ông Nhu mới hay, khi ông Nhu la lớn:
- Phải giết thằng Tuyến mới được. Moa giao vận mạng gia đình moa trong tay nó, mà nó định phản
lại moa.
Khi gặp ông Diệm, ông Diệm cũng xác nhận với anh Vỹ:
- Anh Tuyến làm le đảo chính tôi!
Gặp anh Huỳnh Hữu Nghĩa, ông Diệm cũng than phiền như thế:
- Trần Kim Tuyến nghe theo Mỹ muốn đảo chính tôi!
Trần Kim Tuyến và Đặng Đức Khôi trốn ở nhà anh Vỹ, vì nhà Tổng ủy viên Thanh Niên Cộng Hòa
có rào giậu, có lính gác....nên bảo đảm hơn, không sợ ai vào bắt. Mấy hôm sau đó, Khôi trốn qua
được Mỹ, đang khi Tuyến gấp rút sửa soạn hành trang đi nhậm chức Tổng Lãnh Sự ở Ai Cập. Hình
như Ai Cập chưa chịu nhận. Nhưng qua tới Hongkong Bác sĩ Tuyến nằm đó, nhưng là để nghe
ngóng, chờ tin của anh Thảo hay anh Khiêm (?) và sau đó vài tuần, đi xuống ở với anh Trần Kim
Phượng, còn là Tổng Lãnh Sự ở Mã Lai và Singapore.
Sau khi mưu đồ của Bác sĩ Tuyến bị bại lộ hay không thành, anh Thảo có đến thăm tôi tôi hỏi:
- Tại sao mà hỏng?
- Anh Khiêm còn lưng chừng, vịn lẽ là chưa thuyết phục được Tôn Thất Đính. Chỉ có anh (người
viết) mới nói được anh Khiêm phải dứt khoát đi. Tình trạng khẩn trương lắm! Ba bảy nhóm đang
hội họp liên miên, âm mưu gì đó, thì chắc anh biết rồi. Cabot Lodge qua đây làm gì cũng có chuyện.
Anh em mình không làm thì bọn tướng tá sẽ làm ngay. Tụi nó đã rục rịch, hẹn hò nhau từ tháng 6,
tháng 7, có thể còn trước đó nữa. Anh phải nghĩ cho tụi mình một giải pháp, một phương châm, họa
chăng tụi mình còn có thể cứu vãn tình thế được.....ông “cụ” bảo tôi đi dưới tỉnh một tua nữa, xem
lại mấy Ấp chiến lược ở vùng của Huỳnh Văn Cao.
KẾ HOẠCH ĐẢO CHÍNH CỦA NHÓM PHẠM NGỌC THẢO – HUỲNH VĂN LANG:
“Trong khi Bác sĩ Tuyến mưu đồ đảo chính hai người anh em (Ô. Diệm, Ô. Nhu), thì người viết
cũng tụ tập một số anh em Liên Kỳ cũ (Cần Lao) như anh Sanh, anh Hiếu, anh Phước, anh Hoàng
Minh Tuynh, anh Lý... để thảo luận với nhau về thời cuộc.
... Vì thế mà khi ngồi lại để tìm một mưu đồ cho một tình thế hiện tại, tôi không khỏi có vấn đề
lương tri. Động lực nào thúc đẩy tôi phải mưu đồ một việc đội đá vá trời nữa? Có phải vì thù hận
không? Hay vì chính nghĩa? Làm gì, tôi có chính nghĩa? Tôi chỉ chia xẻ chính nghĩa của hai người
anh em thôi, và trong 9 năm qua, tôi phụng sự cái chính nghĩa đó... Anh Thảo cũng đồng ý với tôi
điều đó (ông Nhu bí mật tiếp xúc với Việt Cộng miền Bắc tại Tánh Linh), nhưng cũng biết rằng Mỹ
sẽ dùng sự đi đêm với Hà Nội của ông Nhu để làm chiêu bài thuyết phục những tướng tá ngu dốt,
không hiểu chính trị gì cà, vì họ chỉ biết đánh đá thôi, mà lại không có tinh thần quốc gia cao độ. Họ
là những người do thực dân đào tạo ra, có những nếp sống, kỷ luật và lý luận của nhà trường vừa
văn vừa võ của Pháp, tức nhiên họ gần với thực dân Pháp hơn là với người anh em. Thử hỏi Lê Văn
Kim và nhứt là Trần Văn Đôn xem có phải đúng vậy không?
Ở trang 190, ông Lang kể tiếp: “Mưu đồ nầy là của chúng tôi, hoàn toàn của chúng tôi. Chúng tôi
không làm cho một ai khác. Cho nên phải thật bí mật, không nên tiết lộ ra ngoài. Tôi là yếu tố liên
kết giữa Khánh, Khiêm, Trí và anh Thảo, chắc chắn là anh Khánh không phản đối... Trong một lần
gặp riêng anh khánh ở trước cửa rạp Eden và một lần ở tiệm bánh ngọt Givral, tôi nói ngay là mình
đảo chính “ông cụ” để giữ “ông cụ” lại, tụi nó làm, sẽ đổ vỡ không sao hàn gắn được... và cả hai
lần, anh đều đồng ý và kết luận là: “Anh nên bàn với anh Khiêm. Anh Khiêm sao, tôi vậy” Khiêm là
người thay mặt tôi” (Sách đã dẫn, trang 186).
Sau đó, tác giả Huỳnh Văn Lang bay ra Nha Trang gặp Đỗ Cao Trí để tìm hiểu và bàn bạc vấn đề:
- Tôi muốn ra gặp anh nữa và rủ anh theo tụi nầy làm đảo chính. Anh cũng biết là hiện giờ có năm
ba nhóm muốn làm, ở Trung nầy cũng có.
- Moa có biết, nhưng anh muốn moa làm cái gì bây giờ?
Sau khi giải thích chiến lược (giữ ông Diệm lại, đem ông bà Nhu, ông Cẩn, đức Cha đi), chiến thuật
thành công sẽ có một chính phủ lâm thời, hoàn toàn dân sự và một junta (Hội đồng) bốn năm tướng
tư lệnh vùng, đứng làm trọng tài trong vòng 6 tháng....Tất cả anh Trí thỏa thuận và tin cậy chúng tôi.
Anh luôn luôn kính mến ông Diệm và còn có nhiều cảm tình với gia đình họ Ngô, anh chỉ ghét cay
đắng Quân ủy Cần lao...Tôi còn lưu ý anh: Mình phải làm, tụi nó làm là “The Ngô's must go”, tôi
xin anh.
- Anh có thể nào giữ miền Trung, đừng cho xáo động được không, đừng cho tướng Nghiêm phá
đám được không?
- Cái gì chớ cái đó dễ như chơi. Mà làm như tướng Nghiêm cũng đang ngắm nghía cái gì đó, nhứt là
từ khi có vụ Phật giáo. (Sách đã dẫn, trang 188).
“....Bảy ngày trước ngày đã định, tôi và anh Thảo có đến gặp anh Khiêm trong Bộ Tổng Tham Mưu,
khoảng 5 giờ chiều. Anh Khiêm không muốn cho chị Khiêm biết, nên dẫn chúng tôi ra ngồi ngoài
sân, trước chuồng chó của anh. Xem ra anh còn e ngại, khi anh dẫn tôi đi xem nhà anh mới sửa
xong:
- Tiền Tổng Thống cho, tôi dùng để sửa nhà đó!
Tôi vẫn lập lại:
- “Nếu anh không làm, người khác sẽ làm. Họ sẽ chống lại anh” (nguyên văn câu này bằng tiếng
Pháp). Mình làm là để cứu “ông cụ”. Ông Nhu có ở lại cũng không tài nào giải quyết được cơn
khủng hoảng nầy, khi mà người Mỹ đã chen vào nội bộ của VN, và dùng một đoàn thể tôn giáo khởi
sự nhảy vào chính trường, một điều hết sức tối kỵ của tôi. Đối với người Mỹ, mình không nên cho
họ biết trước, tôi dám bảo đảm với hai anh, là họ sẽ chấp nhận “một sự đã rồi” vì có tôi trong đó.
Anh Khiêm có vẻ suy nghĩ lắm. Đến khi tôi và anh Thảo đi vào chi tiết để anh dứt khoát, thì thấy
anh Khiêm tỏ vẻ dè đặt, nhứt là anh nói đi nói lại cái ưu tư của anh là “e sợ quân đội sẽ bị chia rẽ,
chưa nói chi là tan rã”. Cái ưu tư của anh Khiêm nêu ra, làm cho người viết nghi ngờ ngay chính cái
ảnh hưởng của mình không còn tính cách quyết định nữa như đã nghĩ trước. Anh Thảo và người viết
đã quan trọng hóa cái ảnh hưởng đó, nên đã xây dựng tất cả mưu đồ trên một nhận định chủ quan.
(Sách đã dẫn, trang 193).
“....Tôi còn đinh ninh là anh Khiêm còn nặng tình tự “con Ó” và “anh em chi binh” với Đôn Kim
hơn tình tự Cần Lao với chúng tôi.”
Về mặt chính trị, kế hoạch của nhóm các ông Huỳnh Văn Lang, Phạm Ngọc thảo dự định khi thành
công, phải dùng mô hình chuyển tiếp để tránh sự hỗn loạn. Người viết (Ô. Lang) và Phạm Ngọc
Thảo đã nghĩ đến một mô hình sau đây:
a/ “Một Tổng Thống hay một Quốc Trưởng Ngô Đình Diệm, để tiếp tục vai trò tượng trưng cho một
chính nghĩa quốc gia, giữ lại một di nghiệp tinh thần quốc gia chống Cộng, không nên để gián đoạn,
nói chi là tan vỡ. Cùng một lúc giữ được cái truyền thống quyền hành. Ngoài ra, Tổng Thống Diệm
còn là một yếu tố tạm thời quân bình các xu hướng chính trị trong quân đội (Cần Lao, Đại Việt,
Quốc Dân Đảng....)
b/ “Một chính phủ giao thời trách nhiệm việc cai trị, trách nhiệm việc sửa đổi hiến pháp: Tổng
Thống chế đổi ra Thủ Tướng chế. Thủ Tướng chịu trách nhiệm trước quốc hội....Tức là phân chia
thế nào là quyền hành, và thế nào là cai trị.
c/ “Một Junta (Hội đồng) gồm 5 tướng Khiêm, Khánh, Trí, nếu được thì giữ Đính, hay Cao, chịu
trách nhiệm về an ninh và quốc phòng, cùng một lúc, giữ vai trò trọng tài giữa các quyền hành, giữa
các lực lượng chính trị và tôn giáo...Nhiệm kỳ của Junta nầy 6 tháng là tối đa. Người viết muốn giữ
cho mình và anh Thảo một chức vụ cố vấn hay thư ký kế bên La Junta, cho đến khi có quốc hội và
một chính phủ có trách nhiệm trước quốc hội.....
Anh Thảo đã liên lạc được với ông Trần Văn Hương qua người con ông là Trần Văn Giỏi (Dõi), và
người viết cũng đã liên lạc với ông Trần Văn Đỗ qua người em ông là Trần Văn Trí. Em ông Đỗ là
bạn thân với bên nhà vợ tôi. Hai nhân vật nói trên sẽ toàn quyền lập chính phủ lâm thời, nếu có đề
nghị cái gì thì chỉ đề nghị nên nghĩ đến hai ba thành phần đại diện các lực lượng tôn giáo, và nhứt là
những nhân vật trong nhóm Caravelle, có đủ Nam Trung Bắc và tôn giáo khác nhau.”
Tác giả viết tiếp:
“Mưu đồ đảo chính là để nắm nuối lại một chính nghĩa mà tôi đã phụng sự gần 9 năm qua. Đảng mà
không có một chính nghĩa thì Đảng cái khỉ gì?....Ông Ngô Đình Diệm là ngọn cờ, là biểu hiệu cho
chính nghĩa, như bí thư Chí nguyện quan niệm từ đầu, và vận động cho nhiều người phụng sự như
mình vậy. Chính nghĩa là một truyền thống, nghĩa là phải xây dựng từ lâu ngày, nhiều tháng, không
thể xuất phát một sớm một chiều được.” (Sách đã dẫn, trang 190 - 191, và trang 210).
Nếu so sánh với kế hoạch của những nhóm khác, chúng tôi thấy có 1 những điểm dị biệt, chính tác
giả cũng nhận ra:
- Mưu đồ của nhóm Thảo - Lang hoàn toàn biệt lập, khác hẳn với mưu đồ của Bác sĩ Tuyến, Đặng
Đức Khôi và Nguyễn Hữu Dương. Các lực lượng tham gia thì lẫn lộn với nhau.
- Mưu đồ của Thảo – Lang lại càng khác biệt với mưu đồ của Đôn, Kim, Minh, Đỗ Mậu, ít ra về
những đặc điểm nầy. Chúng tôi hoàn toàn độc lập, không bị Mỹ chi phối chút nào hết, dù tôi vẫn
gặp Dick Adams và anh Thảo có gặp Đôn và Conein nhiều lần: người của CIA và Đôn có dọ hỏi, thì
chúng tôi luôn luôn trả lời là không biết. Chúng tôi không nhận tiền của Mỹ như Đôn và bè phái của
anh ta.
.....Cuối cùng ông Lang thú nhận sự thất bại vì hai lý do:
- Thứ nhứt là Trần Thiện Khiêm, người đang là Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Khiêm đứng về phe
nào, phe ấy có nhiều ưu thế thành công. Đối với ông Lang - Thảo, ông Khiêm vừa là bạn thân, vừa
là đảng viên Cần Lao trong Liên Kỳ bộ mà ông Lang là bí thư, vì thế ông Lang tin tưởng vào ông
Khiêm. Tuy nhiên, ông Khiêm cuối cùng lừng chừng, khiến cho nhóm các ông Lang Thảo thối chí.
Thứ đến, theo tác giả kế hoạch đảo chính tiết lộ “....Chính Conein sợ chúng tôi phỏng tay trên, và
dùng Trần Văn Đôn để chặn lại hay phá vỡ mưu đồ “Gia đình ông Nhu phải ra đi”, để cho người
Mỹ có đủ thì giờ thực hiện mưu đồ “Nhà Ngô phải ra đi” của Conein, của Cabot Lodge, cũng là của
chính phủ Mỹ. Theo tác giả “Đó là căn nguyên của sự thất bại của một mưu đồ, cũng là sự bỏ cuộc
hay thua của người viết, đúng 6 ngày trước ngày 1/11/63, để trở về cái vị trí của một người khách
bàng quan, không buồn ưu tư nữa, vì đã chấp nhận thất bại rồi.” (Sách đã dẫn, trang 225).
Hậu quả của sự thất bại đến với 3 người khác nhau: “Anh Thảo sẽ lận đận vẫy vùng, để rồi đi đến
một cái chết 20 tháng sau. Người viết thì đã có cửa ngục thênh thang rộng mở 20 ngày sau. Anh
Khiêm thì may mắn hơn, là trả được cái thù nhân thế của anh, đúng 90 ngày sau (Chỉnh lý ngày
30/1/64). Sau đó ít lâu, chính Trần Thiện Khiêm tâm sự với tác giả: “Đảo chính 1/11/63 thành công
là phần lớn công khó của tôi. Khi xong rồi thì Minh, Đôn, Kim, Đính, Xuân muốn loại tôi ra ngay,
có đứa muốn “thịt” tôi nữa. Tụi nó chỉ nghĩ đến tài sản của họ Ngô. Tụi nó có khảo của anh
không?” (Sách đã dẫn, trang 315).
NÓI THÊM VỀ TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH:
Cựu Tổng Thống Dương Văn Minh, người nài nỉ Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho
mình ngày 28/4/75, thì ngày 30/4/75 đã hạ lịnh cho toàn thể quân lực VNCH buông súng, đầu hàng
CS. Công hay tội của ông đã được sách báo viết nhiều, viết đầy đủ, chúng tôi khỏi nhắc lại. Ở đây,
chúng tôi nhân đọc hồi ký “Nhân chúng một chế độ” Tập III, của tác giả Huỳnh Văn Lang, thấy có
nhiều bí mật lịch sử, nên ghi lại để rộng đường dư luận.
Nói về cái chết của tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh, tác giả Huỳnh Văn Lang viết: “Lưu ý là khi bác
đơn ân xá của Ba Cụt, Đại tá Dương Văn Minh, tư lịnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu và ông Nguyễn
Ngọc Thơ, đã làm áp lực phần nào trên ông Diệm, người viết biết rõ điều đó. Ngoài ra, đầu năm
1963 trung ương tình báo của Đại tá Y và Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thành....dồn dập báo tướng
Minh là CS nằm vùng, bắt liên lạc với người em là tướng Dương Văn Nhựt (thiếu tá?), tại nhà của
người em là Dương Văn Sơn, đang chứa chấp người vợ của Nhựt trong thời gian sanh đẻ. Chính
ông Diệm cho lệnh Đại tá Y đem đốt tất cả hồ sơ tình báo về Dương Văn Minh và phải đốt ngay
trước mặt ông ở lò sưởi dinh Gia Long. Không dè cái lòng bác ái đó đã giết anh em ông, vì Dương
Văn Hiếu chỉ trông làm thịt ông Minh ngày một ngày hai thôi. Ông Diệm vịn lẽ là nên để cho tướng
Minh yên thân, làm ra chuyện là bẽ mặt mình với người Mỹ. Xin Đại tá Y và Dương Văn Hiếu xác
nhận sự kiện nói trên, ít ra với tướng Minh.” (Sách đã dẫn, trang 61).
Nhân đây, cũng cần nhắc lại việc bắt Ba Cụt mà có nhiều tin đồn, dư luận cho rằng chính Phó Tổng
Thống Nguyễn Ngọc Thơ hay Dương Văn Minh, là người có công đã tìm cách dụ hàng rồi bắt sống.
Theo tác giả, người có liên quan ít nhiều đến vụ nầy kể lại: “.....Ở đây, tôi muốn nói việc bắt Ba Cụt
ở Chắc Cà Đao. Quân đội và Bảo An rượt theo mà bắt hụt hoài, ông Thơ và Tướng Minh phải trình
ông Nhu. Một cán bộ của Liên Kỳ bộ Cần Lao ở miền Tây, không biết làm sao lượm được, và gửi
lên cho tôi (tác giả là bí thư Liên Kỳ bộ Cần Lao), một cuốn sổ tay nhỏ của một người cận vệ Ba
Cụt làm rớt đâu đó trong làng. Tôi gởi lên cho ông Nhu xem. Trong đó có tên người cận vệ và ghi
những làng ở Cần Thơ và Long Xuyên, mà anh ta cùng tướng Ba Cụt có đi qua ngày nào, tháng nào.
Ông Nhu xem và hình dung ngay địa bàn di chuyển của Ba Cụt. Ba Cụt rất thông minh, và thủ đoạn
mê hoặc người dân các làng: Mỗi lần đến làng nào thì để tránh trách nhiệm cho dân chúng, ông bảo
người làng chạy đi báo cáo cho các lực lượng Bảo An hay Quân Đội gần đó hay, để đến bắt ông.
Nhưng năm mươi phút trước khi quân đội đến, thì như có đấng linh thiêng, bảo ông phải ra đi.
Nhiều lần như vậy, quần chúng các làng tin ông là có đấng linh thiêng, có thánh thần hộ mạng, biết
trước nguy hiểm để tránh kịp lúc....
“Ông Nhu biết rõ thủ đoạn đó, nên đã chỉ thị không nên rượt bắt nữa, mà phải biết chủ động, đón
đường phục kích theo địa bàn di chuyển của ông vẻ ra theo cuốn sổ tay, do cận vệ tướng Ba Cụt, mà
cán bộ Cần Lao Liên Kỳ bộ ở Long Xuyên đã lượm được. Nhờ thế mà (quân đội) đã chận đường bắt
được Ba Cụt. Ông Nhu thuật lại cho tôi câu chuyện nói trên, cười cười tự đắc, và chê các tướng bất
tài....” (Sách đã dẫn, trang 26).
Như vậy, trái với dư luận từ trước tới nay, đều cho rằng Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đã lừa
gạt, hẹn nơi gặp để điều đình, mà thật sự là để phục kích bắt (Ba Cụt) trên con đường đi hội. Chính
ông Nhu đã đặt kế hoạch với Đại tá Dương Văn Minh, để chặn bắt tướng Hòa Hảo sau khi điều đình
của ông Thơ đã thất bại.
Còn nói về nguyên nhân sâu xa của việc Dương Văn Minh ra lịnh hạ sát anh em ông Diệm Nhu là
hận thù cá nhân. Trong một bài trước, chúng tôi đã kể lại “Nhân chứng một chế độ tập I, II”, ông
Minh có lấy được hai thùng fut vàng và bạc giấy (Loại 500 đồng) của Bảy Viễn giấu lại trong rừng
Sác. Khi ông Lâm Lễ Trinh còn ngồi ở bộ Nội Vụ (Bộ Trưởng), cho gọi đại tá Dương Văn Minh lên
điều tra, và khi ra về, ông Minh sần sộ và giận dữ, cho là ông Diệm bội bạc. Theo người viết (HVL)
thì cái thù bắt nguồn từ đó, để rồi nuôi dưỡng “khôn lớn” bằng mấy năm đăng đẳng “ngồi chơi xơi
nước” (làm Tổng Thanh Tra Quân Đội), đến cơ hội ngàn năm một thuở từ Mỹ đưa đến.
“Một yếu tố khác nữa cũng quan trọng làm cho cái quá trình sanh trưởng thù hận đó càng ngày càng
bộc phát. Tức là yếu tố Đại Tá Nguyễn Văn Quan, thường gọi là Quan già. Lúc còn trong quân đội
Pháp (1940 - 1943), lúc Minh được gắn lon chuẩn úy (Ngày 1/9/40), Quan đã là Trung úy, xếp trực
tiếp của Minh,và trong nhiều năm, thầy trò lần lần leo lên cấp tá. Khi ông Diệm về làm thủ tướng,
tháng 7/1954, do đề nghị của ông Nguyễn Ngọc Thơ, chỉ định ông Minh làm Tư Lịnh Biệt Khu Thủ
Đô, và đứng lên dẹp Bình Xuyên, 6 tháng sau đó. Cùng một lúc đại tá Quan được chỉ định làm tỉnh
trưởng Bà Rịa Vũng Tàu. Vốn đầu năm 1956, chi bộ Cần Lao Đất Đỏ có gởi về Liên Kỳ Bộ (HVL)
báo cáo về tỉnh trưởng Quan: Chẳng những là nghiện á phiện nặng, mà còn đính liếu đến một đường
dây nha phiến trong Chợlớn nữa. Không thêm bớt, ở cương vị bí thư Cần Lao của Liên Kỳ Bộ,
người viết gửi báo cáo đó lên ông Nhu và ông Nhu cho mở cuộc điều tra. Bốn tháng sau, ông Quan
mất chức tỉnh trưởng, và cũng được gửi trả về Bộ Quốc Phòng, “ngồi chơi xơi nước” nửa. Trời bất
dung, hai thầy trò lại gặp nhau, và tình xưa nghĩa cũ càng khắng khít hơn trước, vì ngoài chuyện đàn
bà con gái, hai người cùng ôm ấp một hoài bão hận thù “không đội trời chung”. Nhiều tháng, nhiều
năm hai người đã âm mưu từ đó. Cái thù hận đó đã trả xong ngày 2/11/ 63, khi tướng Minh bảo Mai
Hữu Xuân dẫn đoàn xe thiết giáp đi bắt hai người anh em, sau khi bí mật giao công tác giết người
cho cận vệ của mình là thiếu tá Nhung.
“Việc mưu sát hai người anh em vì tư thù, chắc chắn có vai trò của Quan già trong đó, không? Có
người cho là có Quan già xúi vô, vì là người ghiền á phiện nặng mà luôn luôn còn thù hận ông Nhu
trong vụ cất chức tỉnh trưởng Bà Rịa năm xưa, vừa là quân sư của ông Minh trước đó, và sau đó
nữa....
“Sau đảo chính mấy ngày, Dương Văn Minh đặc cách cho đại tá Quan lên thiếu tướng để rồi thay
thế Đỗ Mậu, nắm cục An Ninh Quân Đội. Hai ngôi sao thiếu tướng và chức giám đốc an ninh quân
đội, là phần thưởng trả công cho mưu lược sát nhân không hơn không kém. Nếu đúng vậy, thì ý đồ
của người quân sư “đi mây về gió” phải đáng sợ thật! (Sách đã dẫn, trang 258).
Tiện đây, chúng tôi muốn nêu thêm một chi tiết mới về vụ đánh Bình Xuyên của tác giả Vĩnh Phúc
(Những huyền thoại và sự thật về chế độ NĐD), khi phỏng vấn cựu Đại tướng Nguyễn Khánh. Ông
Khánh nói:
- Anh nhớ, chính tôi đánh Bình Xuyên mà, chớ có phải ông Dương Văn Minh đâu! Ở rừng Sác,
chính tôi xuống đánh, còn ông Dương Văn Minh ở trên nầy. Ổng nói với tôi ổng phải ở trên nầy để
giữ an ninh cho ông thủ tướng Diệm (Sách đã dẫn, trang 248).
Ở hải ngoại, từ hơn hai thập niên qua, nhiều quyển hồi ký lần lượt xuất hiện, phơi bày nhiều bí mật
lịch sử, tưởng chừng như mọi sự kiện lịch sử đã được biết hết. Tuy nhiên, lần nầy, tác giả Huỳnh
Văn Lang đưa ra 3 tập hồi ký “Nhân chúng một chế độ” tập I, II, III, dày trên 1250 trang, với nhiều
bí ẩn lịch sử mới lạ, ít người biết. Nội dung các tập hồi ký ấy đầy ắp những sự kiện đáng chú ý, làm
ngạc nhiên độc giả, người trong cuộc lẫn người bàng quan. Thế hệ của những người thuộc lớp tuổi
50 trở lên, tôi chắc ai cũng có nhiều liên hệ, sự hiểu biết ít nhiều với những biến động thời cuộc kể
trên. Đọc bộ “Nhân chứng một chế độ” chúng tôi kinh ngạc, bàng hoàng. Có những sự kiện từ trước
đến nay chúng tôi vẫn đinh ninh như thế, thì sự thật không phải thế. Có những sự kiện chúng ta
không ngờ, nó lại xảy ra. Ngoài vai trò của một người tham dự, dấn thân sâu đậm vào tổ chức chính
quyền, chính trị, tác giả Huỳnh Văn Lang là người có kiến thức sâu rộng về nhiều vấn đề. Kiến thức
và thái độ của ông hài hòa giữa lý luận Tây phương với luân lý Đông phương. Mặc dù hoàn toàn
hấp thụ văn hóa Âu Mỹ, nhưng tác giả còn giữ được bản chất của con người “VN ròng”, nặng tình
gia đình, làng xóm láng giềng và quê hương. Cái cốt lõi là ông giữ được chữ “Sĩ” hay thể diện của
người tham chính. Thái độ bộc trực khi phán đoán về người khác, đôi khi ông dùng chữ nặng nề,
thái độ hằn hộc về những sự sai trái. Người nóng tính là người ngay thẳng, không thủ đoạn. Với 3
tập của bộ “Nhân chứng một chế độ”, tôi chắc sẽ làm độc giả say mê, lôi cuốn từ đầu tới cuối vì
những tiết lộ mới mẻ và đầy ắp sử kiện của nó.
Về hình thức, bộ “Nhân chứng một chế độ” cũng có nhiều khuyết điểm: cách trình bày chưa mỹ
thuật lắm, các hình ảnh in lại không được rõ ràng, và nhứt là vẫn còn lỗi chính tả khó tránh. Hy
vọng khi tái bản, tác giả sẽ nhuận sắc để bộ hồi ký hoàn hảo hơn.
Hứa Hoành

You might also like