You are on page 1of 2

Ngài Tuệ Bích Phổ Giác

Cuộc đời và sự nghiệp của Sư Tổ chùa Ba Vàng chỉ lưu lại qua văn bia quá sơ sài. Nhưng căn
cứ vào nhân truyền trong dân gian, thời đại, cuộc đời và sự nghiệp của Sư Tổ. Có thể khẳng
định Sư Tổ Là một vị Đại Thiền Sư đạo cao đức trọng.

Pháp danh của ngài là, Trúc Lâm Ma ha Sa môn Tuệ Bích Phổ Giác. Ngài sinh vào ngày 06
tháng 01 năm Mậu Tuất (1658) vào thời vua Lê Hiển Tông. Ngài là hậu duệ của Tam Tổ
Trúc Lâm Yên Tử.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Lê mạt, sau 230 năm nhà Lê trị vì đất nước. Nhà Lê là đỉnh
cao của chế độ phong kiến tập quyền. Nhà cầm quyền phong kiến coi trọng Khổng giáo
(Quân – Thần – Phụ – Tử) để củng cố địa vị ngai vàng của mình, mà đã coi nhẹ và đã đẩy
Phật giáo xuống hàng thứ hai, sau đạo Khổng.

Một trăm năm sống nơi cõi thế, Sư Tổ đã chứng kiến biết bao thăng trầm biến cố lịch sử: Nội
chiến Nam – Bắc triều Lê – Mạc. Rồi chúa Trịnh ra đời giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt
Mạc” nhằm biến vua Lê thành bù nhìn. Tấn tuồng Vua Lê – Chúa Trịnh đã kéo dài hàng trăm
năm, đã đẩy lùi đất nước Việt Nam vào con đường tăm tối. Chính lúc hoàn cảnh xã hội vô
cùng nghiệt ngã, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã bị thất truyền gần 300 năm, sự xuất hiện
của Sư Tổ như một ngọn đèn thắp sáng đêm đông u tối. Ngài ra đời lớn lên và quyết đi tìm
chân lý. Ngài đã xác định, là người con Phật thì phải ly gia cắt ái. Xuất gia từ non thiêng Yên
Tử, xả thân cầu đạo tìm đường giải thoát và Ngài đã thành tựu sở nguyện khi được làm đệ tử
của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tiếp nối mạng mạch Phật pháp do chư Tổ truyền trao. Đạo
lực vững vàng, Ngài rời non thiêng Yên Tử đến Thành Đẳng Sơn. Thành Đẳng Sơn, nơi đây
là nơi hội tụ của linh căn trời đất, có Rồng chầu Hổ phục, lại cách xa dân, có thể dựng một
thảo am để ẩn tu.

Để thực hiện lý tưởng thiêng liêng, một mình Sư Tổ đã băng ngàn, lội suối, vượt đèo về
Thành Đẳng sơn khi Ngài ngoài 40 tuổi vào thời vua Lê Dụ Tông. Ngài đã sống lặng lẽ một
mình mượn cây cỏ trong rừng để dựng thành am tu tập. Ngài sống chủ yếu bằng rau quả của
núi rừng Ba Vàng, uống nước suối, nước giếng Sơn Thần. Song, thân tướng và sức vóc Ngài
vẫn tráng kiện phi thường.

Sự kiện giữa núi rừng hoang vắng, bỗng xuất hiện một thảo am và một tu sĩ đầy lòng từ bi
đức độ, ngày đêm lặng lẽ công phu tu tập đã được lan truyền khắp vùng Uông Bí. Lúc đầu chỉ
là những người tiều phu đi rừng, kiếm củi, tìm thảo dược được tiếp xúc với Ngài, được Ngài
cho ẩn trú khi gặp trời nắng to hay mưa bão. Tiếng lành đồn xa, sau một thời gian, nhân dân
khắp vùng kéo đến ngày một đông. Ngài đã dạy Đạo cho nhân dân và Ngài còn hướng dẫn
dân biết cách chữa bệnh, cách chế biến thuốc. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo đã được Ngài cứu
thoát. Chính vì thế nhân dân địa phương đã tôn Ngài là một vị Ân Sư cứu nhân độ thế. Ngài
đã hóa độ cho tất cả mọi người, biến nơi đây thành một đạo tràng tu học Phật pháp trang
nghiêm thanh tịnh. Sư Tổ chủ trương Tam Giáo đồng nguyên giữa Phật Giáo, Khổng Giáo,
Lão Giáo để tùy thuận gieo duyên cho tất cả các đối tượng dù là thượng căn hay hạ căn .
Chính vì thế nhiều Phật tử và nhân dân trong nhiều tầng lớp xã hội rất yêu kính Ngài, nên
hằng tâm hằng sản ủng hộ Sư Tổ để trùng tu Bảo Quang Tự vào thời vua Lê Dụ Tông (1705)
khi Sư Tổ tròn 48 tuổi.

52 năm tại đây, Ngài đã cứu đời, tiếp Tăng độ chúng. Gần 100 vị Thiền Tăng đã trưởng thành
tại đây và tỏa đi độ chúng ở mọi miền đất nước. Bà con nhân dân ở nhiều nơi vì chịu ơn Ngài
cứu giúp nên đã khắc bia đá, rùa đá lưu lại hậu thế cho đến ngày nay.

Và cũng tại nơi đây Ngài đã làm sống dậy dòng thiền Trúc lâm Yên tử chìm lắng sau gần 300
năm. Rồi bỗng một đêm, bầu trời u ám, mưa to, gió lớn, sấm chớp rền vang như rung chuyển
núi rừng Ba Vàng. Dân chúng ai ai cũng hướng lên núi, lòng lo lắng cho chùa và Sư Tổ.

Sáng sớm hôm sau, trời còn mù mịt, mưa giăng kín lối nhưng từng đoàn người đã kéo lên
chùa để thăm Sư Tổ. Mọi người đều hết sức ngỡ ngàng vì ánh sáng kỳ lạ như hào quang tỏa
sáng từ trên Bảo Điện, khói hương nghi ngút như những làn mây bay lượn càng tô thêm vẻ kì
ảo, huyền diệu của núi rừng Ba Vàng.

Tại gian giữa chánh điện, Sư Tổ đang trong tư thế tọa thiền. Các đệ tử cũng lặng lẽ tĩnh tọa
xung quanh Sư Tổ. Không khí trang nghiêm và tĩnh mịch lạ thường.Và mọi người rất đỗi
ngạc nhiên khi thấy tất cả các đệ tử chư Tăng đều chít khăn tang. Sư Tổ đã an nhiên thị tịch
về cõi Niết Bàn nhằm ngày 23 tháng 08 năm Đinh Sửu (1757), đời vua Lê Hiển Tông. Ngài
trụ thế 100 tuổi. Không nén nổi niềm xúc động, nhiều người đã òa lên những tiếng khóc nức
nở kính thương Sư Tổ – một bậc chân tu đức độ đã rời xa cõi thế. Ngài đã lặng lẽ ra đi, không
một lời di chúc nhưng Ngài đã để lại muôn vàn ân đức cho hậu thế chúng ta.

Nguồn chùa Ba Vàng

You might also like