KẸP HẠT DẺ

You might also like

You are on page 1of 5

Dành cho quý vị đã, đang và sẽ là độc giả của Kẹp Hạt Dẻ.

Tôi soạn cẩm nang này, với lòng trân trọng sách vở nói chung và những sản phẩm mà chúng tôi đã
gửi tới bạn đọc. Tôi cũng biết ơn quý độc giả, những người đã luôn ủng hộ chúng tôi, trong suốt 3
năm qua.
Giả dụ nhà bạn có fullset 29 cuốn của Kẹp Hạt Dẻ, tính đến lúc này. 29
cuốn, với một đứa trẻ, có thể coi là một gia tài đấy, và giá thành của bộ sách cũng tương xứng với
những gì nó mang lại. Vậy thì chúng ta sẽ phải sử dụng bộ sách như thế nào, để đồng tiền bạn bỏ
ra không những không lãng phí mà còn đạt hiệu suất chi tiêu tối đa? Dưới đây là những gợi ý của
tôi, tuy nhiên, tôi mong nhận được những hướng đọc/ cách đọc khác từ quý độc giả, bởi sự tham
gia của người đọc vào tác phẩm luôn là quá trình hình thành nên các sắc thái đa chiều của tác
phẩm.
HƯỚNG DẪN ĐỌC THEO ĐỘ TUỔI
A. NHÓM 1: 6-10 TUỔI
1. Nếu trẻ BẮT ĐẦU TẬP ĐỌC từ 6 tuổi (lớp 1), nhất định bạn đừng vội vàng nhé. Với trẻ mới tập
đọc, thời gian này cần tránh tuyệt đối việc đọc quá sức. Sự chuyển hướng từ truyện tranh (loại mắt
to mà tôi đã nhắc ở stt đọc mẫu giáo lần trước ấy), sang truyện chữ thực sự là một quá trình dài hơi.
Nhưng bạn đừng lo, chỉ cần bạn kiên nhẫn thêm một chút, yêu thương con mình thêm vài phút, là
bạn sẽ có cơ hội đem đến cho trẻ một tinh thần ĐỌC SUỐT ĐỜI. Giai đoạn này rất quan trọng,
nhưng nếu nghĩ rằng, nhờ đọc, ta sẽ có thêm thời gian ở cạnh báu vật của mình, thì công cuộc đọc
sẽ tự nhiên trở thành HAM MUỐN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG.
@ Những cuốn BÔNG, DÃI, MÈO MẶT NHỌ là lựa chọn đầu tiên cho các bạn bé lớp 1. Mẹ có thể
hướng dẫn trẻ tự đọc từng đoạn ngắn, và cũng có lúc mẹ cần đọc cho trẻ nghe. Với cuốn BÔNG,
trẻ có thể tự đọc được, mẹ hãy chọn và đánh dấu từng chương để bé tập đọc, như một bài tập nhẹ
nhàng. Dung lượng mỏng, cấu trúc chương cực ngắn, chỉ tầm 2-4 trang sẽ không làm trẻ quá sức
trong một khoảng thời gian có hạn. Hãy chọn những chương đầu, ngắn, dễ hiểu, tình tiết đơn giản
khiến trẻ dễ dàng bắt được cốt truyện. Câu văn ngắn gọn cũng là một lợi thế cho trẻ lớp 1. Mẹ đừng
lo, BÔNG đơn giản nhưng không hề tẻ nhạt, mà gay cấn hồi hộp ngay từ những trang đầu tiên.
Chuyện đời của một CON SÓC tưởng mình là MÈO nhà chắc chắn sẽ mang đến cho trẻ những hiểu
biết thú vị, về việc tìm lại bản thể của một cá thể trong tự nhiên bao la.
@ Với DÃI và nhất là MÈO MẶT NHỌ, mẹ hãy đọc cho bé nghe một vài chương trước. Các chương
có gắn kết, nhưng vẫn tồn tại một nội dung độc lập với nhau, để mẹ có thể lựa chọn chương bất kì
mà bé vẫn có thể hiểu được.
JOE ĐẸP cũng thế, nhưng tôi muốn chọn nó cho một độ tuổi lớn hơn chút, tầm lớp 6 trở lên. Joe
Đẹp nặng đấy, vì nó là cuốn từ điển về ứng xử của con người với loài vật, bao quát từ thú cưng, thú
xiếc đến gia súc gia cầm, rất bổ ích với những bé ham tìm hiểu. Ở giai đoạn tập đọc, mẹ chọn từng
chương để đọc cho bé thôi, tỉ dụ như chương 9 về con vẹt Bella lắm điều, chương 37 về con quạ
Jim Đen nghịch ngợm… Giai đoạn này, ưu tiên trước nhất vẫn là mục tiêu chuyển từ truyện tranh
sang truyện chữ, và xây dựng một tinh thần ham đọc cho bé.
2. Trẻ đã BIẾT ĐỌC TRƠN TRU rồi, tôi tính trung bình từ lớp 2-3. Hãy để bé tự đọc tiếp các cuốn
LAD1, LAD2, LASSIE TRỞ VỀ. Nếu trẻ bắt đầu đọc từ lớp 3, mẹ vẫn cứ cho bé đọc từ BÔNG hoặc
MÈO MẶT NHỌ cũng được.
LAD1 là một thử thách đấy, truyện dày và các chương cũng khá bắt nhau. Tuy nhiên, giá trị của
Lad1 đã được khẳng định qua hàng ngàn lượt đọc của độc giả. Câu chuyện về con chó trứ danh có
thật với những trường đoạn đầy xúc động sẽ đem đến cho trẻ niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, vào
một thứ phẩm giá đáng tôn thờ.
LAD2 nhẹ nhàng hơn chút, bởi nó là những chuyện chưa kể trong Lad1, nên trẻ có thể nhẩn nha
từng chương một.
Tôi khuyên chọn bộ LAD để trẻ có thể học cách tự yêu thương, tự lấp đầy những hao hụt của lòng
tin, trước hiện thực cuộc sống xô bồ. Ở đó, trẻ sẽ thấy một thế giới của sự tử tế, trong từng hành
động cụ thể, từng suy tư cụ thể của một con-chó-rất-người. Vượt qua chuyện ơn đền oán trả, điều
mà con chó Lad mang đến trong hầu hết các mối quan hệ của nó với vật và người, là một hình dung
về sự dịch chuyển có tính chất tích cực ở phía bên kia chiến tuyến. Lad luôn luôn cố gắng làm điều
tử tế, để đối tác, thậm chí là kẻ thù của nó trở nên tử tế hơn.
@ LASSIE có một giá trị khác, đơn giản, mộc mạc mà hữu dụng vô cùng. Tôi gọi Lassie là con-chó-
đúng-giờ. Trong mười mấy con chó của Kẹp, nó là con tôi thương nhất. Nó là con chó cái duy nhất
có hành trình khổ ải chẳng khác gì những con đực mạnh mẽ. Nó là biểu tượng cho sức bền bỉ và
thuỷ chung như nhất của tính nữ. Độc giả nhí của tôi yêu sự giản dị của Lassie.
@ Mấy cuốn tuổi này đọc đổi nhau được, là CHIPS, SÓI, BRUCE. Chips thì nghịch ngợm, Sói thật
thà chất phác, còn Bruce thì cao thượng. Sói và Bruce là một cặp, nhưng nếu bé muốn “đổi món” thì
vẫn có thể đọc xen với Chips để có cảm hứng mới mẻ.
Qua được 10 cuốn là các bé đã có những hiểu biết nhất định về thiên nhiên, đã hình thành được
tình thương với con vật – thứ nền tảng để xây dựng một con người biết cảm thông với cuộc sống.
Tôi luôn nhấn mạnh nền tảng này, nhất là trong thời đại kĩ trị và con người cá nhân như hiện nay.
@ 2 cuốn CÂU CHUYỆN PHƯƠNG BẮC và NELLO BÁN SỮA tôi xếp vào tuổi đọc cuối cấp 1, mục
đích là để bé bắt đầu làm quen với cốt truyện đa tuyến, phức tạp hơn. Nếu 10 cuốn trên, xung đột
luôn chỉ ở phía một chiều, con người và con vật luôn ở hai thế giới hoàn toàn khác biệt, cộng cư
nhưng có vẻ xa lạ với nhau; thì ở 2 cuốn cuối nhóm này đã bắt đầu có sự tiếp xúc tâm lí giữa con
người và con vật, hoặc giữa các cá thể với nhau. Xung đột trong Câu Chuyện Phương Bắc không
chỉ nói lên uy lực giải quyết mâu thuẫn bằng sự chữa lành của tự nhiên, mà còn chuyển tải thông
điệp về cuộc sống hợp loài (mà trẻ sẽ được tìm hiểu sâu sắc qua JOE ĐẸP ở nhóm tuổi đọc thứ 2).
@ Riêng với NELLO BÁN SỮA, tôi khuyến khích các bạn bé đọc ở tất cả các lứa tuổi (< 6 tuổi thì
mẹ lựa chọn từng chương thôi nhé). Đây là câu chuyện có đề tài nghệ thuật duy nhất của Kẹp Hạt
Dẻ. Như stt trước tôi đã nói, trẻ có thể không biết chơi đàn, vẽ tranh, nhưng để phát triển thành một
con người Bình Thường, trẻ cần biết về nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc và hội hoạ. Những tri thức
thẩm mĩ đó sẽ bồi đắp phần hồn của một con người, bên cạnh những giá trị kĩ năng mà trẻ
được/phải học từ trường lớp. Đam mê hội hoạ của Nello không còn là của riêng cậu bé, mà đã trở
thành đòn bẩy khơi gợi đam mê của lớp người trẻ trên toàn thế giới.
@ MÙA PHIÊU LƯU 4 cuốn ( Ngôi Sao-Ma Cáo lừng danh; Săn Sư Tử; Hải Ly-Kẻ xây đập cự
phách và Kalak-Miền Băng Giá) tôi gọi đât là hành trình TỰ ĐẮP BỒI & GIẢI THOÁT trong dịp hè.
Vì có chủ đề hoang dã, phiêu lưu, nên bộ này phù hợp với mọi lứa tuổi, dĩ nhiên. Nhưng dù gì thì
Mùa Phiêu Lưu vẫn phải có một chỗ trong dải đọc, và tôi đặt nó vào vùng tuổi cấp 1. Tôi luôn muốn
ưu tiên độ tuổi vàng này, khi mà những sức ép từ học đường chưa khiến chúng phát ngấy với con
chữ, và bài vở chưa ngốn sạch thời gian của chúng.
Trẻ có thể bắt đầu bằng bất kì cuốn nào trong bộ Mùa Phiêu Lưu cũng được. Bộ này khá cân bằng,
nếu thích hồi hộp và kịch tính thì đọc MA CÁO, ưa tò mò thì đọc HẢI LY, SĂN SƯ TỬ rất oai hùng
và hào hoa, còn KALAK thì trữ tình hơn chút.
Tôi và biên tập chính, sau khi nâng lên đặt xuống đã thống nhất gợi ý thứ tự đọc xuôi từ Săn Sư Tử
rồi đến Ma Cáo, tiếp đến Hải Ly và kết thúc bằng Kalak. Như vậy, ta sẽ đi từ vùng Cao nguyên
xuống Thung lũng, qua Đầm lầy rồi vào Biển Bắc, để trẻ thấy được sự vận động của dải sinh thái
động vật qua từng địa hình. Hành trình lên rừng xuống biển này cũng là hành trình mở rộng cảm
xúc, yêu thương nhiều hơn, khao khát cũng nhiều hơn.
Nói chung các bé cấp 1 có thể đọc trong dải màu cam và vàng.
B. NHÓM 2: 10-13 TUỔI
Ở tuổi cấp 2, trẻ đã có nhu cầu đọc khác cấp 1. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo, kể cả con bạn bắt đầu
đọc Kẹp Hạt Dẻ ở cấp 2, thì cháu vẫn có thể dùng được nhóm 12 cuốn cấp 1, tôi chỉ đề nghị bắt
đầu từ Mèo Mặt Nhọ trở đi thôi. Tác phẩm văn học luôn có nhiều tầng ý nghĩa, và bé có thể bóc các
lớp ý nghĩa đó ở những độ tuổi khác nhau. Cấp 2 sẽ nhìn thấy ở Mèo Mặt Nhọ bài học về lối sống
chân thật, trong khi cấp 1 chỉ cần vui vẻ thích thú với cuộc đời hỉ nộ ái ố của lũ mèo là được. Hãy để
trẻ đọc và tự cảm nhận theo độ chín của tuổi, bố mẹ cũng phải tập kiên nhẫn đấy.
@ 8 cuốn tôi đặt ở cấp 2 là VUA GẤU XÁM, BUFF, BOBBY ĐI HOANG, JOE ĐẸP, NÂU, CHIRI,
SƯƠNG GIÁ, TREVE. Trẻ có thể đọc đảo được, nhưng nên bắt đầu từ Vua Gấu Xám. Toàn bộ câu
chuyện nổi tiếng (đã được dựng thành bộ phim cũng rất nổi tiếng: The Bear) chỉ xoay quanh mối
quan hệ của cặp nhân vật bị săn đuổi (con gấu xám) và săn đuổi (Langdon). Trong quan hệ này, có
sự va đập giữa tiếng nói của con người với tiếng nói của tự nhiên, và sau rốt, tự nhiên đã kịp chữa
lành những thương tổn méo mó trong con người, bằng sự bao dung vô bờ và thứ bản năng thuần
khiết của tạo hoá. Tôi muốn mở cánh cửa tương thông với tự nhiên trong lòng mỗi đứa trẻ, nhất là ở
giai đoạn dậy thì này. Vua Gấu Xám thực sự là một bản hùng ca hoang dã đậm chất lãng mạn mà
trẻ cần có.
@ BUFF và BOBBY ĐI HOANG lại lãng mạn kiểu khác. Có một chút hào sảng, một chút mơ mộng
trên nền câu chuyện kịch tính. Hình tượng hai chàng thanh niên Trent và Jamie sẽ chiếm được cảm
xúc của các bạn trẻ cấp 2.
Ở lứa tuổi đang kiếm tìm một nhân cách sống phù hợp này, sự hướng đạo từ truyện đọc rất quan
trọng. Trent và Jamie đều xuất thân từ tầng lớp lao động, đều vất vả kiếm sống, nhưng không đánh
mất nhân cách. Cả hai đều vướng vào cuộc sống ngoài lề xã hội (Trent bị tù oan, còn Jamie thì làm
việc cho một đường dây đen tối), nhưng cả hai đều nỗ lực để hướng tới điều thiện.
Sau những say sưa mê đắm từ Vua Gấu Xám, trẻ nên cân bằng bởi BUFF, thì sẽ đủ cảm xúc để
tiến tới BOBBY ĐI HOANG. BOBBY gây xúc động mạnh đấy, bởi tình tiết xoay chuyển đột ngột,
xung đột khó đoán trước, thông minh, hài hước và có độ sâu về ứng xử. Để có thể cảm nhận được
Bobby một cách trọn vẹn nhất, trẻ nên đọc tách với những cuốn gây xúc động như Lad1, Vua Gấu
Xám hay Nello.
@ Trong 5 cuốn còn lại, thì bộ 3 hoang dã NÂU, CHIRI, SƯƠNG GIÁ nên đọc liên tiếp nhau. Ngoài
chuyện trẻ sẽ được trang bị những tri thức bao quát về các miền hoang dã điển hình là băng tuyết,
sa mạc và đầm lầy ra, tôi đặc biệt muốn gợi ý cho trẻ những ẩn dụ về sức mạnh chiến thắng hoàn
cảnh khó khăn của cả người và vật trong truyện. Sự chuyển giọng cũng cần thiết đấy, để duy trì
niềm ham đọc của trẻ.
Sau bộ 3 hoang dã, tôi muốn trẻ trở lại với kiểu truyện của nhóm 1, bằng TREVE. Hoạt động này
như là sự nhắc lại những giá trị và cảm xúc mà trẻ đã xây dựng được từ giai đoạn đọc cấp 1. Treve
khá nhẹ nhàng, nhưng tuyến nhân vật phức tạp thêm một chút, đáp ứng được nhu cầu tâm lí của
trẻ vị thành niên.
@ JOE ĐẸP, như đã nói ở trên, là một cuốn cực kì đặc biệt. Nó là cuốn duy nhất kể chuyện bằng tư
liệu, nhưng không khô cứng mà rất mượt mà. Những vấn đề mà Joe Đẹp đưa ra khá bề bộn, nhưng
lại rất cụ thể và “dễ sử dụng”. Cảm tưởng như trẻ có thể mở Joe Đẹp ra để học cách nuôi bất kì một
con thú cưng nào, từ chó, mèo, gà, lợn, ngựa, bò, cừu đến chim, cá, chuột, rắn… Cảm tưởng như
trẻ có thể mở Joe ra để tìm hiểu về trang trại gia súc gia cầm, mỗi khi có bài tập về nhà hay trước
những giờ ngoại khoá. Vì thế, theo tôi, Joe Đẹp không cần đọc một lèo, trẻ có thể đọc ngắt quãng
từng chương, đọc nhâm nhi, đọc lại và tra cứu. Cuốn này phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng để tự đọc
được, thì cũng phải tầm cấp 2.
Đi được hết quãng này, tôi tin chắc rằng trẻ đã tự xây dựng cho bản thân không chỉ một niềm ham
mê đọc sách, mà còn là tri thức về cách đọc và một nền tảng đọc vững bền. Bố mẹ có thể yên tâm
được rồi, trẻ sẽ biết yêu thương, biết cảm thông, biết cư xử với cuộc sống, qua những trang sách về
động vật như thế này.
C. NHÓM 3: 13 TUỔI TRỞ LÊN
Tôi lại tính trẻ bắt đầu đọc Kẹp từ 13 tuổi nhé. Với những bạn đã ham đọc sách từ trước, thì mẹ có
thể cho đọc từ nhóm 2, nối tiếp vào KAZAN và BAREE.
Đây là một cặp bố con, nên cần đọc xuôi chiều từ bố Kazan sang con Baree. Cả 2 cuốn đều có yếu
tố tình cảm khác giới, ở Kazan là mối tình con vật, ở Baree là cuộc tình con người. Cả 2 quan hệ
này đều có những toan tính và những nỗi vật vã rất riêng. Kazan yêu Sói Xám bằng thứ tình yêu đại
ngàn trong tiềm thức của một con chó lai sói đã bị thuần hoá thành chó nhà. Nhưng nó cũng bị thu
hút bởi cô chủ xinh đẹp dịu dàng, rất mực yêu thương nó là Isabel. Sự dùng dằng của Kazan giữa
Sói Xám và Isabel là sự trăn trở giữa tự nhiên hoang dã và xã hội con người, giữa thế giới vô minh
của đại ngàn và văn minh của đèn điện. Nó cũng là nỗi day dứt của con người trước sự xâm lấn
của văn minh vật chất vào thế giới tự nhiên.
@ BAREE lại rẽ theo một ngả khác, trong sự day dứt này. Quan hệ của Baree đa chiều hơn Kazan,
diễn tiến cũng ngược lại Kazan. Nếu như Kazan là quá trình hồi phục vết thương của con vật với
con người, thì Baree lại mô tả dạng thức ngược lại: quá trình tổn thương hoá tâm hồn bởi con
người. Trong quan hệ chồng chéo giữa vật và người, giữa thiện và ác, cuối cùng thì con chó nhỏ -
đứa con của Kazan kiêu dũng - đã tự trưởng thành từ những vấp váp trong cuộc sống văn minh và
cả vô minh.
@ Với những bạn mới tập đọc sách, nhất là bạn từ lớp 10 trở lên, tôi nghĩ nên bắt đầu từ BỌ CẠP,
LÀN KHÓI rồi sẽ quay trở lại các nhóm truyện trước. Tuổi người lớn trẻ dại này khá khó khăn để bắt
đầu với sách, do cả tâm lí lẫn thời gian. Để có thể kéo các bạn ấy đến với chữ nghĩa, cần có những
thứ vừa phải, trong tầm với của lớp người trẻ luôn bộn bề giữa những lo âu nhỏ nhặt trước thời kì
trưởng thành. Nên bắt đầu từ những cuốn có chất lãng mạn và một chút tình yêu đôi lứa. Bọ Cạp
đáp ứng được khá sát yêu cầu này, bằng hình tượng cao bồi và một tình yêu du lãng có tính chất
thức tỉnh nội tâm, kéo con người về phía ánh sáng của cái thiện. Trẻ sẽ lập tức đam mê anh chàng
Tim, và có thể ngốn sạch cuốn truyện chỉ trong vòng 1 đêm (các mẹ nhớ canh giờ giục con đi
ngủ 😉
LÀN KHÓI cũng là kiểu truyện cao bồi, nhưng chất du mục đậm hơn. Làn Khói không nhắc đến tình
yêu đôi lứa, mà chuyển tải thông điệp về tinh thần sống hết mình trong mọi hoàn cảnh, mọi thân
phận. Cuộc đời trầm bổng của con ngựa màu khói xám, cũng tựa như đời lên voi xuống chó của
một kiếp người đa truân. Tôi thích những trường đoạn tâm tình trong Làn Khói, rất khoáng đạt, bay
bổng, rất tình. Tuổi trẻ mà, yêu thương cần gắn với khoáng đạt và tự do, đừng tủn mủn bo bo trong
góc tối của bản thân mình.
D. NGƯỜI LỚN, NGƯỜI GIÀ, TRẺ MẪU GIÁO
Kẹp Hạt Dẻ không ưu tiên trẻ mẫu giáo và người lớn trong việc lựa chọn dịch tác phẩm. Nhưng như
tôi đã nói ở trước, nhận thức về một tác phẩm văn học luôn đi theo vòng xoáy đồng tâm, nên bố mẹ
vẫn có thể lựa chọn vài đầu sách trong fullset Kẹp. Tôi cũng nghĩ thế này, trẻ nhỏ thường rất hay
thích chia sẻ những thứ mới mẻ với người khác, đặt biệt là bố mẹ. Vậy thì việc đọc cùng con cũng
là một hoạt động nên có, để có thể xây dựng văn hoá đọc trong nhà, và nuôi dưỡng niềm ham mê
sách vở cho con trẻ.
@ THẰNG BÉ HƯ là một gợi ý của tôi dành cho bố mẹ bắt đầu đọc Kẹp Hạt Dẻ. Đó là cuốn hồi kí
trường học, từng có ảnh hưởng tới nền tảng của bộ Harry Potter. Dung lượng vừa phải sẽ phù hợp
với thời gian hạn hẹp của người lớn chúng ta. Nhưng trên hết, nó gợi cho chúng ta về những lát cắt
tuổi ấu thơ, những quá vãng tươi đẹp đã rời xa. Thằng Bé Hư tựa như một hành trình trở lại cái thế
giới ban đầu mà mình từng có, và từng rời bỏ để lớn lên. Công cuộc tìm lại này không đơn thuần là
sự hồi cố, mà còn chứa đựng một ham muốn có tính chất “phục hồi tâm hồn” của mỗi người lớn: tìm
lại những khao khát đẹp đẽ và ngông cuồng của tuổi trẻ, những hoài bão và đắc chí, bồng bột và
xuẩn ngốc, sự kiêu hãnh về bản thân và lòng thiết tha với cuộc sống phía trước. Tôi gọi đó là quãng
đời mạnh mẽ nhất của đời người.
Sau cuốn này, bố mẹ đọc thêm Làn Khói, Bọ Cạp, Kazan, Sương Giá, Bobby Đi Hoang, Vua Gấu
Xám, Câu Chuyện Phương Bắc, và Lad. Tức là bố mẹ nên đọc ngược theo tuổi đọc của con. Đấy là
tôi nó việc người lớn tự đọc vì bản thân mình nhé, còn nếu bố mẹ muốn đọc cùng con cái thì tốt
quá, cứ con đọc gì thì bố mẹ đọc nấy, sẽ có tính tương thích trong gia đình. Người làm sách, dịch
giả và tác giả không mong gì hơn những điều này.
@ Nhà mà có ÔNG BÀ, thì bố mẹ cũng nên lựa những cuốn tôi đánh dấu hình cái kính trong đồ thị
đọc, để các cụ đọc, vừa luyện mắt, luyện trí nhớ, vừa tránh được sự nhàm chán của tuổi già. Tựu
trung lại thì khoảng đọc của người già cũng giống như của người lớn, nhưng nếu có nhiều thời gian,
thì các cụ đọc thêm những cuốn khác cũng rất tốt.
@ Vậy nhà bạn có một em bé tuổi MẪU GIÁO thì sao? Sách Kẹp, hầu hết tập trung vào lứa tuổi biết
đọc chữ. Một cách hữu hiệu nhất, chúng ta sẽ chờ đợi em bé của bạn lớn lên, kế thừa bộ truyện
này. Tuy nhiên, trẻ luôn có tâm lí so sánh, anh chị được đọc thì em cũng phải được đọc. Lúc này,
vẫn có một vài cuốn bạn có thể thoả mãn em bé, BÔNG, DÃI, MÈO MẶT NHỌ chẳng hạn.
BÔNG rất hợp lí trong trường hợp này. Dung lượng mỏng, cấu trúc chương cực ngắn, chỉ tầm 2-4
trang sẽ vừa vặn cho một buổi tối mẹ kể con nghe trong căn phòng ấm áp. Tiết tấu của BÔNG khá
chậm, chi tiết chọn lọc, chú trọng vào tính mô tả, vừa sức với nhận thức và tâm lí của một em bé
đang trong TUỔI HỎI, nên em sẽ bắt được mạch truyện, hiểu được câu chuyện đang được nói tới.
Tính đồng thoại khiến cho BÔNG gần với truyện cổ tích, nên bạn có thể thoả mái “sáng tạo” cho
những lần kể sau. BÔNG cũng là cuốn bạn có thể phản vấn với em bé của bạn, nếu muốn, nhưng
cá nhân tôi thì vẫn ủng hộ cách đọc tự nhiên theo cảm xúc mà không gò bó vào bất cứ mục đích
GIÁO DỤC LỘ LIỄU nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại, trên đây chỉ là những gợi ý chủ quan. Tôi tin rằng, với trọn bộ 29
cuốn của Kẹp Hạt Dẻ tới giờ này, mỗi chúng ta sẽ có một ĐỒ THỊ ĐỌC CỦA RIÊNG MÌNH.
Mời đọc thêm:
Hành trình đọc sách cho lứa tuổi mẫu giáo ĐỌC SUỐT
ĐỜI:https://www.facebook.com/Vu.Roger/posts/1561568060631562
Hành trình đọc sách cho lứa tuổi lớn hơn ĐỌC SÁCH – NẾP
NHÀ:https://www.facebook.com/Vu.Roger/posts/1563434003778301

You might also like