You are on page 1of 17

BÀI DỰ THI

ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC

Câu 1: Chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách anh (chị) được đọc đã truyền cảm
hứng, nâng cao nhận thức, hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với
xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam
phồn vinh, hạnh phúc.

Người ta thường viết về tình yêu của mẹ dành cho con thiêng liêng đến nhường nào,
nhưng tình yêu của người bố lại đứng phía sau, như chiếc cột vững chãi đơn độc. Có
lẽ, bố hiếm khi bộc bạch tình thương, nên tình cảm bố con thường ít người nhắc đến.
Nhưng Cicero đã từng nói “Trên thế giới này, không có món quà nào ngọt ngào bằng
tình yêu thương của cha dành cho con.” Đúng vậy, tấm lòng của người cha chính là
một tuyệt tác của tạo hóa và thứ tình cảm lấp lánh như ánh sao ấy đã được thể hiện
trọn vẹn trong tác phẩm “ Bố con cá gai “ của tác giả Cho Chang-in và đây cũng chính
là một trong những cuốn sách mà tôi cực kỳ yêu thích.

Cho Chang In sinh ra ở Seoul, tốt nghiệp cử nhân và cao học tại Đại học Chung Ang.
Ông từng là nhà báo, trong thời gian làm việc trong ngành xuất bản, Cho Chang-In đã
góp phần thúc đẩy giới thiệu nhiều cuốn sách có giá trị tới bạn đọc. Trở thành nhà văn,
ông tiếp tục để lại dấu ấn với những tác phẩm truyền đi thông điệp giàu tính nhân văn
về giá trị đích thực của gia đình, ý nghĩa của tình yêu chân chính, tiêu biểu như: Bố
con cá gai (2000), Người gác hải đăng (2001), Con đường (2004), Người vợ (2007)…

Nguồn: https://images.app.goo.gl/tYs4RiMbfjA8qYnVA

Năm 2000, cuốn sách “ Bố con cá gai “ với câu chuyện cảm động về tình yêu và sự hy
sinh của người cha dành cho cậu con trai nhỏ Daum mắc bệnh nặng đã làm lay động
hơn 2 triệu trái tim bạn đọc, trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết được yêu
thích nhất của người dân Hàn Quốc, được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc. Bằng
một giọng văn trầm ồn và lặng lẽ; mãnh liệt và đầy yêu thương; đau đớn và đầy nước
mắt; với từng con chữ được chắt ra từ những dòng cảm xúc ấy, tác giả đã thành công
khi đưa người đọc chìm đắm trong bản giao hưởng bất tử của tình cha con.
Tác giả Cho Chang-in đã thu hút độc giả ngay từ nhan đề của cuốn sách. Thoạt đầu,
cái tên “Bố con cá gai” sẽ khiến chúng ta liên tưởng đến một câu chuyện về tình phụ
tử thiêng liêng, cảm động với kết thúc có hậu. Nhưng theo lời của của Daum, “ Cá gai
là một loài cá rất kỳ lạ. Cá gai mẹ sau khi đẻ trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể
những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ con lại cá
gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu
chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ
trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con
lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi
hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết, “ thì có lẽ số
phận của hai bố con Daum sẽ trắc trở và nghiệt ngã hơn rất nhiều.

Nguồn: The Harmonica

Đối với mọi người thì “cha” là một tên gọi khác của lòng yêu thương. Trong “Bố con
cá gai”, nhân vật bố của Daum, Jong Ho Yeon, đã được khắc họa là một người cha vĩ
đại, yêu thương con hơn hết thảy mọi thứ trên đời nhưng cũng thật đáng thương. Anh
sinh ra và lớn lên với một tuổi thơ quá nhọc nhằn và tủi hổ. Bố anh làm việc trong một
hầm mỏ gần nhà, nhưng không may bị tai nạn và phải cắt bỏ một chân. Áp lực từ cơm
áo gạo tiền, từ người bình thường trở thành người khuyết tật đã khiến bố anh sa đà vào
rượu chè, suốt ngày chửi rủa ầm ĩ. Mẹ anh vì không chịu nổi tình cảnh khốn khổ, vào
một ngày nọ, đã bắt chuyến tàu sớm nhất và không bao giờ trở về với bố con anh nữa.
Bố anh cũng như bị đẩy vào bước đường cùng của tù tội, ông đâm chết viên quản đốc
hầm mỏ và buộc phải đi tù. Jong Ho Yeon, không có cha bên cạnh và sự xuất hiện của
một căn bệnh truyền nhiễm trong vùng đã phải chuyển đến sống nhà họ hàng, sống
một cuộc sống không có tình thương. Vào ngày người cha được mãn hạn tù, anh cứ
ngỡ gia đình sẽ đoàn tụ và bắt đầu một cuộc sống mới; nhưng không, cuộc đời này
quá trớ trêu với bố con anh. Bố anh vì không thể chịu được sự khắc nghiệt của cuộc
sống, đã chọn cách bỏ lại đứa con trai duy nhất và tự kết liễu cuộc đời đã không còn
giá trị của ông. Để từ đó, Ho Yeon bắt đầu cuộc sống của mình trong trại trẻ mồ côi.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi thứ gì đáng sợ nhất trên thế gian này? Có lẽ không phải cái
chết mà là khi con người ta phải nói lời tạm biệt với tình yêu thương. Vậy mà anh đã
trải qua quãng thời gian cô độc dài đến như thế. Sự cô độc, trải đời, tuyệt vọng và đầy
đau đớn bắt nguồn từ chính trái tim anh đã làm nên những vần thơ của anh. Thơ và vợ
con anh là thứ anh yêu thương nhất, vậy mà cho đến cuối cùng, vợ bỏ bố con anh ở lại
để theo đuổi sự nghiệp riêng và anh cũng không thể tiếp tục viết thơ và phải rời xa
Daum mãi mãi vì căn bệnh ung thư quái ác.

Có thể nói, một tuổi thơ bất hạnh và thiếu thốn tình thương đã khiến bố Daum luôn
yêu thương và sẵn sàng hi sinh mọi thứ để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho em.
Khi biết Daum mắc bệnh máu trắng, anh đã đau khổ và suy sụp đến nhường nào
nhưng anh chẳng bao giờ thể hiện điều đó trước mặt Daum. Khi ở trước mặt đứa con
đang đau ốm vì bệnh tật, anh luôn hành động như thể mình là người dũng cảm nhất,
cũng nào cũng cười đùa để Daum yên tâm. Nhưng khi xoay lưng lại, thì dáng vẻ tiều
tụy, đáng thương của anh thật khiến người ta đau lòng. Đến mức, cậu con trai hiểu
chuyện còn cho rằng “ Bố thật là một tên ngốc”. Chứng kiến con run rẩy, oằn mình
chịu đau trong những lần chọc hút tủy xương, anh cảm thấy phẫn nộ và tuyệt vọng vì
không thể làm gì cho con. Anh cảm thấy đắng cay, hổ thẹn thay cho cái tên gọi bố.
Anh thậm chí còn không dám đón nhận ánh mắt của đứa trẻ. Chính bản thân anh cũng
không biết, Daum còn phải chịu sự đau đớn thêm bao nhiêu nữa thì chuyện này mới
kết thúc. Và liệu có kết thúc nào khác ngoài sự chờ đợi cái chết hay không. Đã có lúc,
anh phải đối diện với một suy nghĩ cứ quanh quẩn, bám riết trong đầu như một lời thì
thầm đầy cám dỗ “ Cách thật sự giúp đứa trẻ, phải chăng là để nó được ra đi một cách
bình an chứ không phải đẩy nó vào sâu bên trong cuộc chiến không có hồi kết với
bệnh tật này? “ Daum đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của anh. Ngày nào tình
trạng đứa trẻ tốt đồng nghĩa với việc anh có thể trải qua ngày ấy với tâm trạng nhẹ
nhõm. Còn khi bệnh tình của đứa trẻ xấu đi, thì dù có việc gì đáng mừng đi chăng
nữa, tất cả đều trở thành vô nghĩa mà thôi. Anh hiểu rõ rằng nếu mất đi đứa trẻ này,
anh sẽ mất đi phần lớn những lí do để anh tiếp tục sống, đó sẽ là một cuộc sống mà
anh không thể hòa nhập được, không thể cười nói, không thể hát ca. Để có tiền xoay
xở viện phí cho Daum, anh sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ từ
những người bạn cũ hay thức dịch bản thảo đến sáng vì số tiền thù lao ít ỏi. Tâm trí
anh hoàn toàn dành trọn cho Daum và anh không thể nghĩ đến một điều gì khác, dù là
sức khỏe của bản thân hay cô đồng nghiệp Jin Hee sẵn sàng chờ đợi cho đến ngày anh
chấp nhận tình cảm của cô.

Vì cơ thể Daum không còn phản ứng với các liệu pháp điều trị, anh đã quyết định cho
con xuất viện. Anh không còn lý do để hy vọng vào những ngày xa xôi sau này, cho
đến chừng nào thời gian còn lại của Daum cho phép, anh nhất định phải sống tiếp để
nắm chắc tay con, cùng Daum thực hiện những điều mà trước đây hai bố con chưa kịp
làm. Anh đưa Daum đến Trung tâm thương mại, đi biển, đi cắm trại rồi đi mua truyện
tranh,... để Daum được tận hưởng một cuộc sống như những đứa trẻ bình thường. Sau
đó, anh đã quyết định đưa Daum lên núi ở nhờ nhà một ông cụ để có điều kiện nghỉ
ngơi tốt nhất. Mặc dù lòng anh biết rõ sự thật rằng Daum có thể ra đi bất cứ lúc nào
nhưng lời của ông cụ có thể cứu sống con trai bằng thảo dược như một cám dỗ thôi
thúc anh vào núi để tìm kiếm dược phẩm cho con. Sự thay đổi tích cực trong tình
trạng của Daum khi dùng thảo dược trong núi khiến anh lại thắp lên ngọn lửa hy vọng
mong manh con sẽ khỏi bệnh vào một ngày nào đó. Nhưng rồi giây phút mà anh lo sợ
cuối cùng cũng đến, bệnh của Daum đột nhiên tái phát và anh lại vội vã đưa con vào
viện cấp cứu. Nhìn con nằm thoi thóp trong phòng chăm sóc đặc biệt, anh cảm thấy
ngay cả tình yêu cuối cùng của anh là Daum cũng định rời bỏ anh. Anh bất lực và
tuyệt vọng đến nỗi quỳ xuống cây thánh giá và cầu xin chúa Jesus hãy dùng quyền
năng của mình để cứu sống đứa con trai tội nghiệp và anh sẵn sàng hy sinh mạng sống
nếu điều đó khiến đứa trẻ khỏe lại. Khi nghe tin bệnh viện đã tìm được tủy phù hợp
với Daum, anh cảm thấy hạnh phúc đột ngột như người bộ hành tìm thấy dòng nước
mát lạnh giữa sa mạc.

Ngay sau khi vượt qua một ngọn núi thì lại gặp một con sông sâu, và sau khi vùng vẫy
để vượt qua con sông lại đến với vách đá dựng đứng. Số tiền ghép tủy cho Daum
khiến anh cảm giác như đang đứng dưới chân thẫn thờ ngước lên vách đá dựng đứng.
Anh quyết tâm dù có phải trầy da tróc vảy hay thương tích đầy mình thì anh cũng cố
bò lên bằng được. Việc không có tiền chỉ là điều phiền toái, chứ không thể là nỗi bất
hạnh. Tuy tiền không thể mang lại hạnh phúc nhưng nó có khả năng đẩy anh đến hố
sâu của bất hạnh. Anh không cho phép bản thân lãng phí thời gian mà đi khắp nơi
chạy vạy, tìm việc làm và thậm chí sẵn sàng sáng tác những bài thơ theo ý đồ của
người khác, điều mà trước đây anh cho là sự sỉ nhục đối với một nhà thơ chân chính.
Đau đớn hơn nữa, anh quyết định đi bán nội tạng để xoay sở đủ tiền. Và cũng chính
lúc này, anh phát hiện mình bị ung thư gan. Nghe tin, anh cảm giác như có thứ gì đó
va vào đầu anh, tạo nên một âm thanh khủng khiếp rồi nổ tung.” Trong giây phút, đầu
óc anh trở nên trống rỗng. Cơ thể anh như đang trôi nổi bồng bềnh trong một không
gian vô trọng lực, nơi mà cả âm thanh và ánh sáng đều bị chặn lại.” Đọc đến đây, trái
tim người đọc như bị bóp nghẹt. Một tâm hồn bị bỏ rơi, một cuộc sống bất hạnh từ
nhỏ và giờ đây, tưởng chừng anh có thể chạm tay với lấy niềm hạnh phúc nhỏ bé vậy
mà sự bất công vẫn bám lấy anh, cái chết đang rìa tay về phía anh gần hơn bao giờ
hết. Bản án tử hình anh nhận là hoàn toàn có thật và việc anh cũng là cha của một đứa
trẻ vẫn là sự thật rõ ràng. Bổn phận, trách nhiệm đè lên đôi vai anh vẫn không hề suy
chuyển. Nghĩ đến Daum, anh không thể tiếp tục dằn vặt và đau khổ. Với người đang
còn việc phải làm như anh thậm chí không còn hở ra chút nào để tuyệt vọng. Mang
trong mình niềm tin đó, anh nhanh chóng nối lại những cảm xúc chưa thể giãi bày, và
cả tương lai xa xôi đầy ánh mắt lưu luyến. Sau khi thu xếp đủ tiền, anh nhanh chóng
thu xếp mọi thứ ổn thỏa, kể cả việc chuẩn bị giao Daum cho mẹ ruột khi con khỏi
bệnh để đứa bé không phải chứng kiến cảnh anh rời bỏ thế gian, để lại con một mình.
Anh quyết định không đến thăm Daum nữa vì anh biết con anh sẽ phải làm quen với
cuộc sống mà không có bố bên cạnh. Không biết bao nhiêu lần, khao khát được gặp
con bùng lên cháy bỏng nhưng anh vẫn cố kìm nén mong muốn của bản thân. Trong
quá trình chịu đựng sự dày vò của căn bệnh ung thư gan đã đến giai đoạn cuối, anh
mới cảm nhận được cảm giác đau đớn của con trai trong suốt thời gian qua. Ngay cả
việc chịu đựng nỗi đau, anh cũng xem như là một cách để chuộc lỗi với Daum. Rồi
ngày chia tay Daum cũng đến, anh chưa bao giờ mong thời gian trôi qua thật chậm
như lúc này. Đứa trẻ mà anh ngày đêm nhớ nhung đến khổ sở đang đứng trước mặt mà
anh chẳng thể làm gì ngoài buông những lời lạnh lùng dặn dò nó sống tốt và hãy quên
người bố này đi. Mỗi một lời nói thốt ra với con, trái tim anh lại đau thắt từng cơn.
Anh biết, đó là kết thúc. Từ nay về sau anh chẳng bao giờ nghe giọng nói của con,
không thể vuốt ve bàn tay ấm áp, cũng chẳng thể ôm con chặt vào lòng nữa rồi. Cuối
cuốn sách, anh đã ra đi mãi mãi và cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời, vẫn
không ngừng nhớ nhung và gọi tên con.

Bố Daum là một trong những người bố tuyệt vời nhất trong các tác phẩm văn học mà
tôi đọc cho đến hiện tại. Như chính tác giả đã viết “ Một người bố dù không còn trên
đời, nhưng sẽ mãi sống trong tâm hồn của con. Con sẽ không thể nhìn thấy người bố
này, không thể nghe thấy, không thể chạm vào, nhưng bố lúc nào cũng sẽ cùng con
bước trên con đường đời. Khi con mệt mỏi, khi em sắp gục ngã, khi em chán nản
muốn dừng bước trên con đường con đã chọn, khi em muốn quay đầu lại, thì hãy nhớ,
bố luôn đồng hành cùng con. Mãi mãi …”

Tình yêu thương và sự hi sinh của bố dành cho Daum to lớn và vĩ đại bao nhiêu thì
tình cảm mà Daum dành cho bố cũng nhiều như vậy. Rời xa hơi ấm của mẹ từ khi còn
quá nhỏ, bố dường như là nguồn sống, là tất cả đối với em. Em yêu bố nhưng em ghét
việc bố hút thuốc lá. Em từng được nghe bố nói rằng “ Vì người mình yêu thương thì
phải chịu những việc mình ghét “, vì thế, em nghĩ mình phải chịu việc đựng món
thuốc lá mà bố thích. Không những vậy, Daum đáng thương còn vô cùng thông minh
và hiểu chuyện, hiểu chuyện đến mức làm cho người lớn đau lòng. Trong phòng bệnh,
chẳng có đứa nào chịu tiêm và uống thuốc giỏi như em cả. Nhưng em vẫn mong muốn
được xuất viện vì em biết bố đang “ nghèo rớt mồng tơi” và “ phòng tài vụ cứ gọi bố
thường xuyên hơn “. Em tự nhận mình là một đứa trẻ hư, làm cho bố đã buồn lại càng
buồn thêm. Chọc dò tủy xương thật sự là một sự tra tấn khủng khiếp và tàn nhẫn, ngay
cả người thân chứng kiến cảnh đó cũng không cầm nổi nước mắt. Sau khi tái nhập
viện, Daum đã phải chịu đựng màn tra tấn đó cả thảy bốn lần. Em chẳng còn sức mà
gào thét nữa, toàn thân run lên bần bật “ Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì
mới chết được ạ? “ Câu nói đó vang lên từ một đứa trẻ, ai mà không xót xa? Em cũng
biết rõ bệnh tình của mình, “căn bệnh máu trắng ấy mà, dù chỉ cần sơ sẩy một chút
thôi, cũng có thể giết chết tôi ngay.” Nếu trước kia, em thường cầu nguyện cho bệnh
đỡ đi, thì bây giờ, em mong muốn Chúa có thể đưa mình lên thiên đường vì em tin lời
của mục sư “ thiên đường chỉ toàn những con đường dát vàng, không có nỗi đau cũng
chẳng buồn lo.” Em biết cả mình và bố đều chán ngán với bệnh tật lắm rồi, và có khi
em ra đi thì bố sẽ không phải lo tiền chữa trị nữa. Ấy nhưng em vẫn lo lắng cho bố, sợ
bố cô đơn khi không có em bên cạnh. Áp lực cuộc sống khiến Daum sớm đã có những
suy nghĩ “người lớn” hơn những người bạn cùng tuổi nhưng điều đó không hề làm
mất đi bản chất ngây ngô của một đứa trẻ chưa tròn mười tuổi. Em muốn được đến
trường rồi đến học trung tâm như các bạn. Em còn muốn chơi đùa thỏa thích nữa,
được sống mà chỉ cần nghĩ đến những điều tốt đẹp. Em luôn tự hào khi mình chưa học
hết lớp 3 nhưng vẫn giải được toán lớp 6 hay vẫn đỏ mặt mỗi khi nhớ đến cô bạn Eun
Mi xinh xắn và đặc biệt, em còn ghen tị với cậu bạn Seung Ho cùng phòng bệnh vì hai
điều: một là bộ lego cướp biển, hai là mẹ của cậu ta. Daum nghĩ rằng, vì em không chỉ
tài giỏi mà còn thông minh gấp trăm lần Seung Ho nên Chúa mới cho Seung Ho ngốc
nghếch bộ lego cướp biển, và cho cậu ta cả người mẹ tuyệt vời nhường kia. Nhưng
nếu được chọn giữa trí thông minh và người mẹ tuyệt vời thì Daum đáng thương vẫn
chọn mẹ. Rồi Daum vẫn không quên nghĩ đến bố, em sợ nếu bố biết em nhớ mẹ thì bố
sẽ buồn lắm nhưng em tin rằng nếu có một người mẹ tốt thì bố sẽ không phải khổ sở
một mình như thế. Rõ ràng, những cảm xúc và suy nghĩ ấy thực sự là quá tải đối với
một đứa trẻ như Daum. Tác giả đã rất thành công khi miêu tả nhân vật Daum, tuy bất
hạnh nhưng lại không khiến độc giả cảm thấy thương hại, ngược lại lại cảm thấy khâm
phục trước tính cách mạnh mẽ của em. Bất hạnh có đấy, đau khổ có đấy, nhưng tất cả
đều bị lu mờ bởi tâm hồn tuyệt đẹp của em.

Đọc cuốn sách, tôi không chỉ cảm động bởi tình cha con sâu sắc, mãnh liệt mà còn
thấy được sức mạnh to lớn của tình cảm thiêng liêng ấy khi giúp hai cha con vượt qua
biết bao nghịch cảnh. Có người từng nói “Hạnh phúc là có thể sống cùng người mình
yêu thương, và có thể làm bất cứ điều gì vì người mình yêu thương”. Vì xem Daum là
lẽ sống duy nhất của đời mình, anh chấp nhận mọi sự cay đắng của cuộc sống để dành
trọn vẹn những điều tuyệt vời nhất cho con. Anh vừa làm mẹ, vừa làm cha của Daum.
Anh giấu diếm bộ dạng tiều tụy, khắc khổ để truyền động lực, niềm tin để con yên tâm
tiếp nhận sự điều trị. Anh sẵn sàng làm những gì có thể từ vào núi sâu tìm thảo dược,
làm thuê, bán giác mạc, … để Daum được khỏi bệnh. Thậm chí, dù biết bản thân sắp
không sống nổi vì ung thư, anh vẫn gồng mình chịu đựng để ở bên con trong những
ngày ghép tủy. Còn Daum, dù chỉ là một cậu nhóc chưa học hết lớp 3 nhưng em chẳng
bao giờ kêu la hay gào thét trong những điều trị. Vì thương bố, em biết mình nhất định
phải mạnh mẽ để chiến thắng bệnh tật. Em cũng không cho phép mình ích kỷ mà sẵn
sàng ủng hộ bố và cô Jin Hee đến với nhau nếu điều đó làm bố hạnh phúc. Cả bố
Daum và Daum đều vì người còn lại mà kiên cường đối đầu với số phận nghiệt ngã.
Sức mạnh của tình thương vĩ đại hơn bất kì điều gì trên đời và khiến con người chiến
thắng tất cả.

Nguồn: https://images.app.goo.gl/YENUJHgxmatJGaeG7
Bên cạnh việc khắc họa câu chuyện cảm động của bố con Daum, tác giả còn khéo léo
lồng ghép hiện thực trần trụi của xã hội Hàn Quốc. Nhân vật người mẹ của Daum, có
lẽ đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp cho độc giả. Người phụ nữ không chỉ ích kỷ
bỏ rơi bố con Daum để theo đuổi sự nghiệp riêng mà cho đến khi trở về, chứng kiến
Daum thoi thóp trên giường bệnh, bản chất của cô ta vẫn không thay đổi. Cô quyết
tâm giành nuôi Daum từ tay chồng cũ, một phần vì cô biết bố Daum không còn đủ khả
năng nuôi dưỡng con nhưng lý do lớn nhất có lẽ là cô phát hiện tài năng nghệ thuật
của Daum và cô muốn cho con một môi trường tốt nhất để phát triển. Cô vẫn chưa sẵn
sàng làm mẹ một cách đúng nghĩa. Tình mẫu tử trong cô dường như chỉ bất chợt thức
tỉnh trong giây lát rồi lại xẹp xuống như xưa. Ta tự hỏi, ở xã hội ngoài kia, có biết bao
bà mẹ đang dạy dỗ con cái theo lối áp đặt, bắt con cái thực hiện “ước mơ” của mình
và không cần quan tâm sở thích thật sự của chúng là gì. Mẹ của Daum như là một
trong rất nhiều bà mẹ có suy nghĩ như vậy, và chính họ đã gián tiếp làm ảnh hưởng
đến cuộc đời của con cái.

Cuốn sách này, bên cạnh tình phụ tử sâu sắc, đã đem đến cho tôi những chiêm nghiệm
về cuộc sống. Trước hết, đó là thời gian không công bằng với bất kỳ ai. Không phải
với ai hết đêm cũng là ngày. Với ai đó một đêm có thể dài hơn cả đời người.” Chúng
ta chẳng thể ngăn được bước chân của tử thần, chẳng thể tránh được ngày mà tử thần
gõ cửa cuộc đời mình. Thời gian của chúng ta là không như nhau, vậy thì tại sao
không sống như cách mà chúng ta muốn? Đau cứ phải lúc nào cũng lựa chọn sự gồng
mình lên để không được là chính mình? Bởi con người ấy mà, thường thì mất đi điều
gì đó rồi mới để ý rằng điều ấy quan trọng, chưa thấy được mảnh đời bất hạnh hơn
mình thì sẽ cho rằng mình là kẻ bất hạnh hơn cả. Nhưng các bạn ạ, hãy luôn tin vào
cuộc sống, luôn tin tưởng và trân trọng những người mà mình yêu thương, vì mất đi
niềm tin chỉ làm cho cuộc sống của bạn thêm bế tắc, vì không biết giữ gìn thì mất đi
sẽ chỉ để lại cho ta những hối tiếc muộn màng.
Nguồn: https://images.app.goo.gl/2dSkG5R55grnbUCf7

Hơn thế nữa, trong sách có một câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc “Ngày hôm nay mà
bạn vừa trải qua thật vô ích, là ngày mai mà một ai đó đã chết dần vào ngày hôm qua
từng khao khát muốn được sống.” Đúng vậy, Thời gian qua, có những người đang
chết dần chết mòn trong sự tuyệt vọng hay bị chôn vùi dưới lòng đất lạnh lẽo, thì ở
một nơi nào đó, lại có những sinh mệnh không ngừng được sinh ra và lớn lên. Vào
ngay thời điểm dịch bệnh như thế này thì câu ấy nó lại càng thấm thía, cuộc đời vốn dĩ
vô thường, sinh mệnh ngắn ngủi. Bản thân tôi đã có những ngày chỉ lướt facebook,
xem phim hay mải mê với những thứ linh tinh mà quên đi cả tình yêu thương của gia
đình. Chính vì thế, hãy trân trọng giây phút đang được sống, trân trọng gia đình vì chỉ
có gia đình mới là những người thật sự yêu thương ta vô điều kiện.
Nguồn: https://images.app.goo.gl/DCQYmcuh4WvEdADh9

Nguồn: https://images.app.goo.gl/HjaLEgz2dJ4vw7Jv9

Đọc hết cuốn sách, tôi hoàn toàn có thể hiểu được lý do vì sao nó lại được đón nhận
nồng nhiệt đến như vậy. Không chỉ khắc họa câu chuyện cảm động về tình cha con,
tác giả còn tinh tế lồng ghép những câu chuyện về nhân sinh quan, thổi vào tâm hồn
người đọc những điều đẹp đẽ của cuộc sống. Đặc biệt, ai còn chưa hòa hợp được với
cha, hãy thử đọc cuốn sách này và nghiền ngẫm về cuộc đời của ông bố cá gai, nghĩ
xem rằng có phải người bố nào trên đời này cũng như bố cá gai kia thương con vô
điều kiện, có chăng là cách thể hiện không giống nhau mà thôi? Ngay lúc này, tôi như
muốn yêu thương và quan tâm bố nhiều hơn, không để bố phiền lòng, học cách tin
tưởng và nâng niu những người ở bên tôi, sợ rằng một lúc nào đó rời xa có nuối tiếc
cũng không còn kịp nữa rồi…

Câu 2: Anh (chị) hãy viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa
đọc cho cộng đồng? (Nêu rõ được mục đích, tính sáng tạo mới mẻ, các kết quả,
tác động (đã đạt được hoặc dự kiến đạt được) và khả năng ứng dụng, triển vọng
nhân rộng sáng kiến trong cộng đồng).
Trả lời:

Nếu được chọn là Đại sứ văn hóa đọc, tôi sẽ áp dụng những biện pháp dưới đây để
khuyến khích mọi người đọc nhiều hơn:

1. Lắp đặt các giá sách di động ở khu vực công cộng.

Nguồn: https://images.app.goo.gl/1n9nokJZnDZ7GNty6
Nguồn https://images.app.goo.gl/17Xk9joovzBHaSLf9

Việc lắp đặt các giá sách ở những nơi thông thoáng, nhiều người qua lại như bờ
hồ, phố đi bộ, công viên,... sẽ giúp mọi người được tiếp xúc với sách nhiều hơn
và từ đó hình thành thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, ban quản lý nên lắp kèm
theo các máy quay phòng khi có người có ý đồ xấu như trộm cắp, phá hoại
sách.

2. Phát triển các ứng dụng audiobook

Nguồn: https://images.app.goo.gl/6fU1F1Jh6cFXdgEEA
Nguồn: https://images.app.goo.gl/46cdQrh9fdNjyS4t5

Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang hình thành một thói quen mới cho người
đọc sách hiện đại – thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính
nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian
nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức. Thực tế cho thấy, một ngày, chúng ta có thể
bỏ phí rất nhiều thời gian như trong lúc chờ xe bus, tắc đường hay làm việc nhà,..
Thay vì chấp nhận đánh mất thời gian và cảm thấy chán chường, nhiều người đã sử
dụng sách nói như một giải pháp “đối phó” với cuộc sống bận rộn và các doanh
nghiệp nên nắm bắt xu hướng này để cho ra đời nhiều ứng dụng sách nói hơn nữa để
duy trì thói quen đọc sách của người dân.

3. Tổ chức các buổi review sách trong các trường học


Nguồn: Page Book Review ULIS

Việc thường xuyên tổ chức các buổi review sách bằng hình thức online và có trao quà
hoặc cấp giấy chứng nhận trong các trường học sẽ thúc đẩy tinh thần đọc sách của học
sinh, sinh viên. Trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐHQGHN đã áp dụng cách này và đã chứng
minh có hiệu quả khi chất lượng các bài review không ngừng tăng và số lượng khán
giả tham gia các buổi review sách cũng rất ấn tượng.

You might also like