You are on page 1of 4

BÉ THU (CLN)

Benjamin Franklin từng cho rằng: “Chiến tranh không được trả giá trong thời
chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó.” Cái giá của chiến tranh không chỉ đắt đỏ và
dã man khi nó xảy ra, mà hậu quả của nó là vết thương rỉ máu hàng thập kỉ
sau đó nữa. Và có lẽ một trong những nhân vật khắc họa rõ nét vết thương,
vết sẹo luôn bỏng rát của chiến tranh là nhân vật bé Thu trong tác phẩm
truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm
1966.

Không lựa chọn chất liệu là sự kịch liệt, đẫm máu trên chiến trường miền
Nam như nhiều tác phẩm khác, Nguyễn Quang Sáng khai thác một khía cạnh
khác của chiến tranh, một nỗi niềm tang thương cá nhân khác của những
người nơi hậu phương, chưa một lần được trọn vẹn bên người cha, người
chồng hay người con của mình. Bé Thu là nhân vật đại diện cho sự mất mát,
thiếu thốn ấy. Khi bé Thu chỉ vừa mới một tuổi, ba em – ông Sáu đã phải đi
kháng chiếc và xa nhà. Đây là hoàn cảnh chung của hầu hết gia đình Việt
Nam trong cuộc kháng chiến, có lẽ họ không chỉ tiễn người thân mình đi một
hai lần mà là rất nhiều lần, từ người nọ đến người kia. Dù vậy, già trẻ gái trai,
mặc kệ, họ đều quyết tâm ra đi để tìm được cống hiến cho tổ quốc thân
thương, như Tố Hữu đã từng ca ngợi tinh thần ấy:

“Lớp cha trước lớp con sau


Đã thành đồng chí chung câu quân hành”

Ròng rã tám năm, không đủ để đứa con quên đi người ba của mình, nhưng
đủ để chiến tranh tàn phá hình dáng một con người. Ông Sáu trở về thăm gia
đình, nhưng gương mặt ông giờ đây đã nhiều theo một vết thẹo khiến bé Thu
có những phản ứng làm cho cả ông lẫn người đọc cảm thấy hụt hẫng, bất
ngờ. Trước tiếng gọi đầy thân thương mà gan ruột từ xa của ông Sáu “Thu!
Con.” bé Thu “tròn mắt ngơ ngác nhìn lạ lùng”. Chỉ một ánh mắt, một cử chỉ
cũng đủ để thấy sự xa cách giữa người và người, mà có lẽ ta phải dùng đến
từ “người dưng” mà Nguyễn Duy đã dùng trong “Ánh trăng”. Khi ông Sáu đưa
tay về phía nó, nói liên tiếp: “Ba đây con! Ba đây con!” thì nó lại có một phản
ứng vô cùng quyết liệt “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má!
Má!” Từ đó tạo nên hai luồng tâm lý đối lập nhau gay gắt giữa ông Sáu và bé
Thu, một bên là sự vồ vập, cuống quýt của một người ba vì đã ngóng chờ
con bao lâu nay, còn một bên là sự đáp trả thờ ơ, lạnh lùng, hoảng sợ của bé
Thu, cốt bởi tình yêu dành cho người “ba” của nó quá to lớn. Đây chính là
khởi đầu éo le dẫn đến mâu thuẫn phức tạp giữa hai cha con.

Sự ương ngạnh, bướng bỉnh của bé Thu thể hiện rõ rệt trong 3 ngày nghỉ
phép của ông Sáu ở nhà. Mặc cho ông muốn lại gần con bé bao nhiêu, nó lại
càng đẩy ông ra xa, nhất quyết không chịu gọi ông là “ba”. Nó luôn tìm cách
nói trổng hoặc gọi ông là “người ta”. Thử thách lớn nhất là khi nó phải chắt
nước ra khỏi nôi cơm to đang sôi, nó “nhăn nhó”, “luýnh quýnh”, “loay hoay”,
tâm lý bối rối của một đứa trẻ tám tuổi hiện lên mồn một. Một là nó phải chịu
khuất phục và gọi ông Sáu là “ba” để được giúp đỡ, hai là nó phải tìm cách
làm một mình, sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Chao ôi, trên đời làm gì có ai
thích chọn những thứ trắc trở hơn những thứ đơn giản, dễ dàng, trừ khi họ có
thứ quý giá hơn cần phải bảo vệ, không thể đánh đỏi. Và với bé Thu, một cô
bé mới tám tuổi, tiếng “ba” nó cất giữ trân trọng ấy là điều đắt giá nó không
thể tùy tiện gọi một người lạ chỉ đột nhiên xuất hiện trong đời nó. Nó càng yêu
“người ba” của nó bấy nhiêu, thì nó càng ngang ngược, lạnh nhạt với người
ba thực sự đang ở trước nó bấy nhiêu. Vì yêu, vì kính trọng nên càng không
thể đem ra để đối lấy sự giúp đỡ. Nó phải giữ gìn tiếng gọi thiêng liêng ấy cho
người ba thực sự mà nó được biết tới. Dù biết sẽ nguy hiểm, sẽ khó khăn, nó
vẫn dùng cái vá để múc từng vá nước ra ngoài. Sự kiên quyết, thông minh
của nó cũng khiến bác Ba, ông Sáu và cả người đọc đôi phần ngỡ ngàng.

Không chỉ không muốn trao cho ông Sáu tiếng gọi “ba” mà nó còn một mực
cứng rắn, không tiếp nhận tình cảm ông dành cho nó. Trong bữa cơm cuối
cùng với ông Sáu, bữa cơm mà nó có lẽ sẽ hối hận suốt đời, ông Sáu âu yếm
thể hiện tình cảm của mình bằng cách “gắp một cái trứng cá to vàng để vào
chén nó”. Nó đã phản ứng mạnh mẽ có phần thái quá, nó lấy cái đũa hết cái
trứng ra khỏi chén làm cơm văng tung tóe cả mâm. Hành động ấy như thách
thức giới hạn của ông Sáu – người vốn vì thương con nên đã rất bao dung,
nhẫn nại và cả người đọc. Nhưng nếu đã đọc hết tác phẩm và thực sự đặt
mình vào vị trí của một cô bé tám tuổi, ta mới có thể mở lòng và cảm thông
được cho hành động này. Cách biểu hiện tình cảm và bảo vệ với hình tượng
người cha trong lòng của bé Thu chỉ thật bộc trực, trực tiếp, thậm chí là hồn
nhiên đến mức đáng giận của cô bé. Đối với cô bé, sự xuất hiện của ông Sáu
như đang đe dọa đến hình tượng của người ba trong bức ảnh mà cô bé vẫn
luôn ấp ủ trong lòng bấy lâu, một đứa trẻ tám tuổi sao có thể kịp thích nghi
với những thay đổi bất thường lớn như thế trong cuộc đời chúng? Càng giữ
khoảng cách với ông Sáu tức là càng giữ được nguyên vẹn hình ảnh người
cha trong tâm trí nó, và đó cũng là cách duy nhất. Sự cương quyết, dữ dội kia
thực chất chỉ là hình hài khác của một tình yêu cha vô cùng mãnh liệt.

Sự bướng bỉnh, gai góc ấy còn ươm mầm cho phẩm chất kiên cường, mạnh
mẽ của cô giao liên trong tương lai. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã lột tả rõ
nét chân dung của một cô bé tám tuổi có cách thể hiện tình cảm thiêng liêng,
chân thành dành cho ba mình một cách vô cùng đặc biệt, độc đáo. Ở bé Thu,
người ta nhìn thấy bóng dáng của Việt trong “Những đứa trẻ trong gia đình”
hay Tnú trong “Rừng Xà Nu”. Nó tạo nên một vẻ đẹp kiên cường, gan góc
của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến, cái vẻ đẹp “đừng đốt. Bản thân nó
đã có lửa rồi!” mà Đặng Thùy Trâm đã viết trong nhật ký của mình: “Ước mơ
bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng
như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa
tiếng bom rơi đạn nổ Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt,
máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ
của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của
mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì
nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc
của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình.” Hay
như khi nhà thơ Nam Hà cũng đã viết “Chúng con chiến đấu cho người sống
mãi Việt Nam ơi”:

“Đất Nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”

Người đọc chỉ thực sự thấm thía tình cảm ẩn sau sự xù xì của bé Thu dành
cho ba khi nó được bà giải thích về sự thay đổi của ba mình do chiến tranh.
Vết thẹo đã khiến bé Thu không thể nhận ra người ba trên tấm ảnh chính là
ông Sáu. Chi tiết vết thẹo cũng mang tính mấu chốt như chi tiết chiếc bóng
trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của nhà văn Nguyễn
Dữ. Vì vết thẹo mà nó không nhận ra người ba đáng kính mà nó hằng khao
khát được đoàn tụ. Đêm hôm ấy, cái đêm được nghe bà gỡ rối, “nó nằm im,
lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Tình cảm trong nó dành
cho ông Sáu được nhen lên mạnh mẽ, nó cũng biết ăn năn, day dứt, hỗn loạn
trong đó là tình yêu to lớn nó dành cho ba và sự ngưỡng mộ.

Sáng hôm sau, lẫn lộn với niềm vui nhận ra ba là sự tủi thân dâng trào cùng
nỗi buồn xa xôi của nó trong ngày ông Sáu phải trở về chiến trường. Bởi
những phản ứng quyết liệt trước đây mà giờ đây nó ngại ngần, xấu hổ, chỉ
dám đứng tựa cửa nhìn mọi người vây xung quanh ba nó. Mọi thứ nhanh và
dào dạt đến độ nó chưa kịp cảm thấy tiếc nuối vì đã bỏ lỡ khoảng thời gian
vốn đã ngắn ngủi với ba nó thì còn lại đã chỉ là một mảnh hỗn loạn bị bác Ba
bắt gặp qua đôi mắt của nó: “Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng
xôn xao.” Từ “xôn xao” vốn là từ tượng thanh nay được nhà văn tinh tế dùng
để miêu tả khoảng không gian bất tận trong đôi mắt của bé Thu. Nó bao la,
lạc lõng và lẻ loi kì lạ so với một đứa trẻ mới chỉ tám tuổi. Có lẽ đó là nỗi niềm
nó tích tụ trong tám năm thiếu vắng hình bóng người cha mà mình con bé
không tài nào che giấu nổi nữa. Thế nên nó vỡ òa.

Tiếng gọi “ba” xé toạc thinh không, xé toạc cả những ngăn cách ngại ngùng,
xấu hổ mà con bé ngần ngừ trước đó. Tiếng gọi ấy tưởng chừng rất quen
thuộc, gần gũi, có khi là lời nói đầu tiên của con người trong cuộc đời. Vậy
nhưng với bé Thu nó lại là âm thanh đã phải dồn nén bao lâu nay, chứa chan
biết bao nhớ nhung mong đợi dồn cả vào tiếng “ba” ấy. Nhưng cũng chính vì
thế mà tiếng gọi “ba” ấy trở nên thiêng liêng và đong đầy cảm xúc hơn bao
giờ hết. “Nó nhanh như một con sóc chạy tót lên và dang 2 tay ôm cổ ba nó.
Nó vừa ôm vừa nói trong tiếng khóc:

– Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”

Rồi nó hôn ba nó: hôn tóc, hôn vai, hôn cả lên vết thẹo dài. Vết thẹo từng là
thứ chia cắt cha con nó, giờ lại là thứ nó tự hào nhất, thứ hiện thân cho sự
dũng cảm và can trường của cha nó, như một huy chương cho tấm lòng nhiệt
thành đã xả thân vì tổ quốc mà nó sẽ trân trọng, kiêu hãnh hết đời này. Con
bé vội vàng, vồ vập như vậy vì muốn được cảm nhận tình cảm của cha co
bằng hết trước khi ông Sáu lại phải đi xa, chẳng biết bao giờ mới quay trở lại.
Cách bộc lộ tình cảm có phần tham lam này đã thể hiện rõ tấm lòng muốn bù
đắp lại sự lạnh nhạt trong những ngày qua của nó mà còn xuất phát từ nỗi sợ
sệt sẽ còn rất lâu nữa, thậm chí là lần cuối bé Thu được gặp ông Sáu. Những
cái hẹn trở về không rõ ngày nhưng người ta vẫn nguyện chờ mong, hi vọng
vì đó là cách duy nhất thắp lên ánh sáng và chỉ có thế ngày hẹn ấy mới thành
hiện thực. Nó chợt khiến ta nhớ lại cảnh đoàn tụ xúc động của bé Hồng với
mẹ mình trong văn bản “Trong lòng mẹ”. Sau cuộc chia tay ấy, đáng trân
trọng hơn cả là khi bé Thu đã noi gương theo người cha đáng kính, trở thành
người chiến sĩ quả cảm viết tiếp những trang sử vẻ vang, vàng son của Việt
Nam. Sự kế thừa ấy đã được đã được Hoàng Trung Thông kết tinh thành
những câu thơ:

“Ta lại viết bài thơ trên báng súng


Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.”

Giây phút chia tay trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của hai cha con ông Sáu
và bé Thu tuy ngắn ngủi nhưng đã phản ánh được tư tưởng nhân văn sâu
sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cũng như cách nhà thơ Trần Đăng
Khoa nhắc đến ông là hoàn toàn đúng đắn: “Đọc Nguyễn Quang Sáng, không
hiểu sao, tôi cứ hình dung nhà văn có nét gì đó của một người nông dân Nam
Bộ ngang tàng, coi những chuyện nguy hiểm chết người cũng bông phèng
như trò chơi con trẻ, có thể chống xuồng lao ve vé giữa lúc bom đạn đang
vây bủa mù mịt, cũng có thể ngồi thì lì trong một cái quán rượu tạm bợ, dựng
tồng tềnh bên vệ cỏ, ngoảnh ra phía sông nước mà nhậu lai rai, nhậu tối
ngày. Con người ấy hình như vừa đơn giản, lại vừa phức tạp đến bí hiểm.
Hình như đó là một phần của thiên nhiên Nam Bộ, do thiên nhiên chắt ra, bởi
thế có lúc hồn nhiên như cỏ dại, có lúc ương ngạnh như vách đá.” Bằng chất
văn mộc mạc, thân thương, chân thực, ông đã “chạm tới những rung động vi
nhiệm của tình yêu” và hơn hết, ông vẽ bức tranh về chiến tranh không phải
bằng máu của những người lính ngã xuống mà bằng nước mắt của những
người còn ở lại. Hình ảnh nhân vật bé Thu của ông như gói gọn cả quá khứ,
hiện tại và thậm chí là tương lai của đất nước. Dù chiến tranh tàn phá rất
nhiều thứ nhưng nó vĩnh viễn không thể tàn phá được trái tim con người.

You might also like