You are on page 1of 10

TÌNH NGƯỜI TRONG “CHIẾC LƯỢC NGÀ” VÀ “NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI”

A. KHÁI QUÁT
 1. Khái quát một vài nét về hoàn cảnh lịch sử
Bối cảnh lịch sử trong những năm 1954- 1975: Đây là những năm tháng cả nước
bước vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Nhưng chính những năm tháng đó
là nguồn cội vô tận sản sinh ra nhiều thế hệ nhà văn tài ba vừa tràn đầy tinh thần yêu
nước, thương dân, vừa hết lòng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Thời kỳ này cũng sản sinh ra một lực lượng các nhà văn trẻ dồi dào chẳng hạn như:
Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Lê
Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Phạm
Tiến Duật, Đỗ Chu... Đội ngũ các nhà văn mặc áo lính trở nên hùng hậu hơn và tác chiến
trên nhiều binh chủng khác nhau như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ...
Với cái nhìn của người trong cuộc, thông qua các sự kiện lịch sử, tác giả đã tái hiện
lại một cách đầy đủ và chi tiết nhất về cuộc kháng chiến ấy cũng như về số phận những
con người đã từng đi tới và bước ra từ cuộc chiến ấy quả thật không dễ dàng chút nào.
Có thể nói, một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc đã được văn chương hóa,
nghệ thuật hóa với những tài nghệ đặc biệt. Viết về chiến tranh cách mạng và người lính
là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của phần lớn các nhà văn thời đó...”
2. Vấn đề con người trong các tác phẩm văn chương giai đoạn này
Chúng ta đang sống trong một đất nước hoà bình, được sự dìu dắt, yêu thương của
cha mẹ, được đùa vui dưới mái trường đầy ắp tiếng ca. Chúng ta có thể quên được chăng
những trang sử hào hùng ấy, ngày các lớp cha anh đi trước đã hi sinh cả tính mạng. Máu
của các anh đã nhuộm màu phì nhiêu cho đất nước, sự hi sinh tươi đẹp cho thế hệ chúng ta
ngày hôm nay. Các anh đã hi sinh cả thể xác lẫn tinh thần, hi sinh cả những hạnh phúc mà
lẽ ra các anh phải được hưởng. Chiến tranh, vùng trời của tan thương và chết chóc. Trong
mưa bom lửa đạn, trong chất cay xè của mùi thuốc súng, tình người lại tỏa sáng.
Tình người (tình cảm của con người dành cho nhau) bao gồm những tình cảm ruột
thịt (tình cha con), tình bạn bè, đồng đội…rộng hơn là tình yêu cuộc đời, tình yêu với đất
nước, quê hương, yêu lí tưởng tốt đẹp (tình cảm của con người). Dù hiểu thế nào thì điểm
nhấn của đề bài vẫn là tâm hồn giàu tình yêu thương của con người trong cam go, thử
thách.
Tình cảm cao đẹp nhất của tình đồng chí đồng đội trào dâng, tình cảm gia đình thắm thiết
sâu nặng biết bao. Những bùi ngùi dấu tận đáy lòng của những người cha lên đường chiến
đấu gởi lại quê hương đứa con thân yêu nhất của mình để rồi trong giờ phút hiếm hoi giữa
cuộc hành quân nỗi nhớ con không còn dấu được. Tình cảm thiêng liêng ấy càng mãnh liệt
hơn trong hai tác phẩm: "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và “Những
ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
B. Cảm nhận của em về tình người trong những năm tháng chiến tranh qua hai tác
phẩm “Chiếc lược ngà” và “Những ngôi sao xa xôi”
I. Tình người trong những thử thách là những tình cảm gia đình xúc động, thiêng
liêng, là tình đồng đội, đồng chí được thể hiện trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”.  
Có ý kiến cho rằng: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) là truyện thuộc loại đọc
đời nào cũng hay vì nó không phải là truyện của một thời mà là của muôn thời - chuyện
tình cảm, tình nghĩa của con người.
1. "Chiếc lược ngà" đặt con người vào tình huống éo le, thử thách
Trước hết, tình người trong tác phẩm được đặt trong tình huống éo le thử thách tình
phụ tử, sự sâu đậm trong tình cha con, sức mạnh của những tình cảm thiêng liêng cao đẹp
đó với con người trong hoàn cảnh rất đau thương của chiến tranh…
Chiến tranh đã đi qua nhưng qua tài liệu chúng ta có thể thấy được chiến tranh tàn
ác như thế nào và khiến đời sống của chúng ta nhà tan, cửa nát, mất mát và chia li. Đọc
truyện ngắn Chiếc Lược Ngà chúng ta có thể thấy được lòng yêu thương con sau bao
nhiêu năm xa cách như thế nào, nó đã làm rung động biết bao trái tim khi đọc qua tác
phẩm này.
Câu chuyện kể về cha con ông Sáu và bé Thu sau hơn tám năm xa cách mới có dịp
gặp lại nhau, nhưng Thu đã không nhận ra cha mình chỉ vì một vết sẹo dài trên má, thay
vào đó là sự vô cảm, thờ ơ như căm ghét ông. Làm sao chấp nhận một người xa lạ mà
khuôn mặt không giống trong tấm ảnh mà mẹ nó thường ngày vẫn nói với nó đó là "ba"
được. Chính vết sẹo quái ác kia đã làm cho bé Thu không nhận anh Sáu, hằn học với anh
Sáu. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo hằn trên gương mặt của ba, bé Thu mới thấy
hổ thẹn và ăn năn. Tình cảm cha con bỗng dâng đầy, tràn ngập trong lòng em. Tình cảm
đó được thể hiện bằng thái độ, cử chỉ dồn dập, gấp rút khi nó gọi và ôm chầm lấy anh Sáu.
Ba ngày phép ngắn ngủi nhưng lại rất nặng nề với anh Sáu và bé Thu. Nghịch cảnh này là
một trong muôn ngàn nghịch cảnh khác mà đã có biết bao gia đình phải ngậm ngùi vì
những ngộ nhận đáng thương. Đó cũng là một sự thật đau lòng của nước Việt Nam ta
trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đọc qua
truyện ngắn này, ta mới thấy được tình cảm gia đình, cụ thể là tình cảm cha con thiêng
liêng và cao đẹp biết nhường nào. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất đó là chiến tranh, tình
cảm ấy vẫn không biến mất mà vẫn còn ẩn chứa trong mỗi con người. Điều đó đã được
thể hiện một cách sâu sắc qua nhân vật ông Sáu, qua tình phụ tử thiêng liêng
2. "Chiếc lược ngà" là câu chuyện cảm động về tình cha con:
Truyện ngắn là bài ca bất diệt về tình cảm cha con sâu nặng, thắm thiết của cha con
ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
Trước hết, câu chuyện cảm động về tình yêu con sâu nặng của ông Sáu dành cho
đứa con bé nhỏ của mình. Qua hai tình huống chính: Cuộc gặp gỡ sau tám năm xa cách
của hai cha con và sự kiện ông Sáu làm chiếc lược ngà ở khu căn cứ, người đọc xúc động
biết bao về thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt! Ông Sáu cũng như bao người nông dân
Việt Nam khác, ông phải đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, mà đành bỏ lại phía sau những gì
thân thương nhất của đời mình, ruộng nương, nhà cửa, vợ và cả người con chưa đầy tuổi
của mình. Xa nhà suốt tám năm, từng nỗi nhớ lại càng lớn thêm và ngày càng chồng chất:
Bởi vì xa con đến tám năm, chưa một lần ông được nghe thấy tiếng nói của con, chưa một
lần tận mắt thấy người con bé bỏng, có chăng chỉ là một tấm hình mà vợ ông đã gửi, hòa
bình lập lại, được về nhà chỉ có ba ngày ngắn ngủi, ông vô cùng hạnh phúc. Cùng người
bạn, bác Ba, ông về thăm nhà, cốt là để gặp con mình, đã xa con quá lâu nên lòng ông cứ
nôn nao khi đến gần hơn với nhà, "...cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Và
lòng háo hức, niềm khát khao được thấy con, đã thúc giục ông không thể chậm trễ được
nữa khi nhìn thấy đứa bé giống đứa con mà mình đã nhìn qua tấm ảnh, "...không thể chờ
xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới
với". Rồi hành động đã chuyển thành tiếng nói và những biểu hiện trên khuôn mặt ông,
ông kêu to một tiếng: Thu! Con, lại gần con ông xúc động vô cùng".. vết thẹo dài trên má
phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ", bật lên hai câu với giọng run run: "Ba đây
con!". Qua tất cả những điều đó, ta thấy được ở ông là một niềm thương con da diết, nhớ
con và khao khát gặp con, chính vì thế ông đã không ngăn cản được cảm xúc của mình
dâng trào. Nhưng con người ta lại hy vọng quá mức vào một điều để rồi thất vọng cũng vì
điều đó, từ một cảm giác vui sướng tột cùng, thay vào đấy là sự hụt hẫng vô bờ của cảm
xúc, ông bàng hoàng trước sự sợ hãi, lạnh lùng, xa lánh của bé Thu, niềm háo hức đã trở
thành nỗi đau, "...nỗi đau như khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay
buông xuống như bị gãy". Đó chắc chắn là một cảm giác rất đau đớn và thất vọng, nỗi đau
ấy có lẽ còn đau hơn khi ông phải hy sinh trên mặt trận, khi ông mong quay về sẽ được
nghe lại tiếng gọi: "Ba" mà ông chưa từng được nghe từ đứa con bé bỏng của mình, qua
đó ta thấy lòng yêu thương con của ông Sáu là rất chân thực và vô cùng to lớn.
Nhưng tình phụ tử không cho phép ông khóc ngay lúc này, chính vì yêu con, mà
trong mấy ngày nghỉ phép ông không ghét con mà tiếp tục vỗ về và chăm sóc con, làm
mọi cách để con có thể kêu lên một tiếng: "Ba" duy nhất. Nhưng trớ trêu thay, ông càng tỏ
ra yêu thương bé Thu, cố gắng xóa bỏ một đoạn ngăn cách giữa hai cha con, thì Thu lại
nới rộng thêm khoảng cách đó ra. Thứ ông nhận được chỉ là những lời nói trống không, sự
vô cảm tàn nhẫn của bé Thu. Nỗi đau tinh thần lại càng lớn dần, khiến ông không thể khóc
mà chỉ cười được thôi "Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ
tâm đến nỗi không khóc được, nên anh cười vậy thôi", nụ cười mang trong đó là sự
ngượng ngạo, sự bất đắc dĩ, cười chỉ để quên đi nỗi đau vô bờ bến nhưng nỗi đau vẫn còn
trong lòng. Và từ tâm trạng thất vọng, ông đã trở thành tuyệt vọng khi bé Thu hất trứng cá
ra khỏi bát, không thể kìm nén được nữa, bây giờ cũng không thể cười được, nên ông
đành giận dữ và đánh thật mạnh vào mông bé Thu rồi hét lên rằng: "Sao mày cứng đầu
quá vậy, hả?". Thật là khổ tâm cho ông, tình yêu chưa thể hiện được bao nhiều, đã phải
đánh con, nỗi đau đánh con còn lớn hơn cả nỗi đau con không nhận ra cha, bởi vì đánh
con tức là phủ nhận tất cả niềm yêu thương mà ông đã dành cho con mình, nhưng ông
đành thế, vì ông muốn con biết ông chính là người cha của em.

Và rồi, nỗi tuyệt vọng càng kéo dài không nguôi đi được, nhưng ông vẫn không
ghét con, chào tạm biệt con ông cũng chỉ nói nhỏ nhẹ: "Thôi! Ba đi nghe con!". Nhưng
một lần nữa, chuyện lại càng trớ trêu và đầy bất ngờ, lúc ông cảm thấy không còn một
chút hy vọng gì thì bé Thu lại kêu dài một tiếng như xé toang cả khoảng không gian im
lặng: " Ba...a...a...Ba" và điều đó là một món quá vô cũng ý nghĩa đối với ông, yêu con mà
phải chịu cảnh thờ ơ của con đến mức giận dữ không kìm nén được thì giờ đây còn gì bất
ngờ và hạnh phúc hơn nữa. Chính tiếng kêu tha thiết của bé Thu đã làm một người lính
như ông phải tỏ ra mềm yếu, và xúc động vô cùng, không thể nào ngăn được ông trào
nước mắt "...anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc
con" Niềm vui sướng có pha lẫn một chút tiếc nuối vì giờ đây ông không thể dành thời
gian yêu thương con được nữa, ông phải đi rồi, bởi vậy, mang theo lời hứa "chiếc lược"
cũng là lời hứa sẽ quay về nhà để được ở bên con nhiều hơn. Nhưng ước sao ông hãy ở lại
bên bé Thu một lúc mà đừng ra đi quá sớm, bởi vì lúc ông lần đầu nghe tiếng gọi "Ba" của
Thu cũng là lần cuối cùng mà ông được nghe và thấy mặt con.

Ở chiến khu, lòng nhớ con lại càng lớn dần lên, chính vì nhớ con mà ông rất ân hận
vì đã trót đánh con, và lòng yêu thương con càng thôi thúc ông làm chiếc lược tặng con
mình. Hãy thử cảm nhận được sự vui sướng khi ông tìm thấy chiếc ngà voi làm chiếc lược
cho con mình, bằng một vỏ đạn ông "...cưa từng chiếc răng lược, thân trọng tỉ mỉ cố công
như người thợ bạc", giờ đây ta có thể thấy được chính tình phụ tử, tình cảm gia đình khiến
chúng ta như biến thành một con người khác, cũng như ông Sáu là một người lính, nhưng
với sự nhớ con vô bờ bến, ông đã trở thành một nghệ nhân kiệt xuất với dụng cụ chỉ là
một vỏ đạn và thứ ông chỉ có thể làm duy nhất là chiếc lược ngà cho riêng con gái mình.
Không chỉ vậy, thời gian ông làm chiếc lược là thời gian mà ông cảm thấy hạnh phúc
nhất, khắc lên trên cây lược dòng chữ: " Yêu nhớ tặng Thu con của ba", ông muốn ghi dấu
thời khắc quan trọng này, chính tình cha con đã làm ông thêm mạnh mẽ để có thể quên đi
mùi đạn khói của chiến tranh mà vẫn tiếp tục nâng niu chiếc lược cho con gái. Nhưng rồi
mọi chuyện thật tồi tệ, chiến tranh tàn ác hơn thế, tạo ra vết sẹo để Thu không nhận ra cha,
lại còn dập tắt một niềm khao khát nhỏ nho là được tận tay trao chiếc lược cho đứa con
gái của mình, ông Sáu đã bị chiến tranh giết chết, một vỏ máy bay giặc bắn vào người
ông. Tưởng như một vết thương nặng có thể khiến ông ra đi lập tức, nhưng ông trút hết
những hơi thở cuối cùng bằng việc thò tay vào chiếc túi đẫm máu để lấy ra chiếc lược ngà
và trao lại cho người đồng đội nhờ đưa cho bé Thu, đến lúc đó, ông mới chịu "...nhắm mắt
đi xuôi". Một hành động thật thiêng liêng cao đẹp, chính tình phụ tử đã góp sức cho ông
làm công việc cuối cùng này, "...tình cha con là không thể chết được", tình cha con được
khẳng định là một tình cảm bất diệt, cao quý, chiến tranh có thể làm sứt mẻ tình cảm gia
đình, những không thể làm tổn thương đến tình cảm cha con, bởi vì trong chiến tranh, tình
cha con lại càng sâu nặng và thắm thiết hơn, chiếc lược ngà mà ông Sáu đã gửi lại ở cuối
đoạn trích chính là một nhân chứng chân thực nhất về tình cảm đẹp đẽ này.
Tình cảm của ông Sáu đối với bé Thu là vô bờ bến nhưng với bé Thu, em cũng rất
yêu cha mình. Tình con yêu cha của bé Thu với ông Sáu cũng xúc động lấy biết bao
nước mắt của người đọc. Xa cha từ khi còn nhỏ, mới khi biết nói và biết cảm nhận, em
đã có thể thấy thiếu vằng hình ảnh của người cha, người trụ cột trong gia đình mình. Cha
là ai? Cha trông thế nào? Chắc những câu hỏi đó vẫn hay vương vấn trong tâm trí em,
hình ảnh người cha duy nhất mà em thấy được là qua bức ảnh cũ kĩ mà ông Sáu đã chụp
với vợ. Chính vì vậy, một hình ảnh người cha trong tấm ảnh đã ăn sâu vào tâm trí và suy
nghĩ của em, nên không có gì quá ngạc nhiên khi em tỏ ra "ngơ ngác, lạ lùng" khi mới gặp
ông Sáu, phản ứng đầu tiên là "mặt bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!",
đó là một cảm giác sợ hãi, cảm giác như thế mình mất ba rồi, qua đấy, ta thấy bé Thu thật
trẻ con và thật yêu cha, chính vì trẻ con mà khi thấy vết sẹo trên má ông Sáu thì không cần
nghĩ, em vẫn không tin đó là cha, yêu cha bởi vì chỉ có thương nhớ người cha mà em
không chấp nhận ai khác làm cha của mình.
Rồi trong những ngày nghĩ phép của ông Sáu, đáp lại một niềm mong mỏi kêu lên
tiếng "Ba" của ông, Thu chỉ tỏ ra thờ ơ với ông, nói trống không và kiên quyết không kêu
lên tiếng "Ba" nào mà tự mình làm công việc chắt nước. "Vô ăn cơm!... Cơm chín rồi!...
Con kêu rồi mà người ta không nghe.... Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái.... Cơm sôi rồi
nhão bây giờ!". Hàng loạt những câu nói của bé Thu cho thấy một sự ngang ngạnh, bướng
bỉnh của cô bé. Từ "người ta" mà em dùng để gọi ông Sáu cho thấy một sự nhất quyết
không lên bất cứ tiếng "Ba" nào. Nhưng ta lại cảm thấy đáng thương hơn là đáng trách bé
Thu, xuất phát từ lòng yêu cha, nhớ cha và mong mỏi gặp cha, cô bé chắc chắn không gọi
bất cứ ai là "Ba" nếu như chưa tin chắc đó là "Ba" mình, chính vì xa lánh ông Sáu ta mới
thấy bé Thu yêu ba mình, thật là một tâm hồn ngây thơ của trẻ con. Và rồi, sự ngang
ngạnh đã đến mức đỉnh điểm, dẫn đến phản ứng quyết liệt, Thu hất trứng cá ra khỏi bát
khi được ông Sáu gắp cho và bị ông Sáu đánh thật mạnh vào mông. Tưởng chừng sau cái
đánh đó, cô bé sẽ khóc lên nhưng không "...nó cầm đũa, gắp lại trứng cá để vào chén, rồi
lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.... mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật, rồi lấy dầm bởi qua sông" , hành động bất ngờ nhưng cũng thật tự nhiên, bé
Thu mạnh mẽ khi không khóc tiếng nào, thay vào đó như là một việc làm trút giận lên
chiếc dây lòi tói, nhưng bên trong đó, ta còn cảm thấy rằng, dường như tâm trí bé Thu đã
có suy nghĩ ông Sáu là ba của mình, bởi vì thế mà em mới không cãi lại ông Sáu, em khua
lòi tói để ông Sáu nếu là cha thì phải đi tìm để dỗ dành mình, toàn bộ hành động tuy thật
trẻ con nhưng lại rất đáng thương cho một cô bé như Thu. Và sau khi nghe được bà giải
thích, Thu mới hối hận nghĩ lại, trăn trở suốt đêm, thở dài và không ngủ được. Đến khi
ông Sáu ra đi, cô bé mới để cho cảm xúc của mình được bộc lộ ra hết.

"...kêu thét lên: Ba...a...a...ba!....

...Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con.

...Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa"

Đó là một tình cảm đã dồn nén từ rất lâu rồi, hơn tám năm rồi, Thu chỉ mong được
biểu lộ tình cảm với ba thôi, tình cảm ấy được thể hiện thật mãnh liệt nhưng lại hòa lẫn sự
hối hận của bé Thu. Cái trẻ con trong bé Thu còn được thể hiện lần cuối khi xin ông Sáu
mua chiếc lược cho mình. Đó là kết thúc cho một cuộc gặp gỡ cảm động và thật thiêng
liêng.

Qua cuộc gặp gỡ ấy, ta thấy Nguyễn Quang Sáng tuy không đề cập đến chiến tranh
nhưng chiến tranh vẫn luôn hiện lên qua vết sẹo của ông Sáu. Kết quả của tám năm đi lính
xa nhà của ông sáu cũng là nguyên nhân khiến bé Thu không nhận ra cha mình, giá như
không có vết sẹo ấy thì bé Thu đã được hưởng ba ngày tuyệt vời trong tình yêu thương
của cha mình, nhưng nếu không có vết sẹo ấy, tình cảm gia đình cũng không được thử
thách và bộc lộ lên được, tình cảm cha con mà vì thế đã trở nên thiêng liêng cao đẹp hơn
trong tình cảnh chiến tranh.

Câu chuyện với tình huống bất ngờ độc đáo, khi bé Thu không nhận ra cha mình,
qua đó làm nổi bật lên tính cách, tình cảm cha con thực sự giữa ông Sáu và cả bé Thu.
Ngôi kể bằng nhân vật bác Ba tạo nên sự chân thực, khách quan và tự nhiên làm tăng
thêm yếu tố cảm xúc.

Có thể nói, tình cảm cha con thường trực sâu nặng giữa ông Sáu và bé Thu là một minh
chứng cho tình cha con bất diệt dù trong hoàn cảnh chiến tranh éo le.

3. "Chiếc lược ngà" thể hiện tình cảm đồng đội chân thành sâu nặng của những
người lính trong chiến tranh thể hiện qua tình cảm giữa ông Ba và ông Sáu.
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” còn là bài ca cảm động về tình cảm đồng đội chân
thành của những người lính trong chiến tranh. Câu chuyện trở thành truyện của muôn thời
bởi những tình cảm, tình nghĩa  cao đẹp của con người.
Ông Sáu và bác Ba đã cùng nhau đi qua hai cuộc kháng chiến nên gắn bó keo sơn,
cùng nhau vượt qua hoàn cảnh ác liệt nơi chiến trường. Họ cùng nhau chiến đấu để giành
độc lập, tự do cho đất nước, chung lí tưởng. Họ chứng kiến và thấu hiểu cảnh ngộ của
nhau, sẻ chia với nhau. Khi được nghỉ phép, bác Ba đã về thăm nhà anh Sáu cùng chia sẻ
với hạnh phúc được về nhà sau 8 năm xa cách gia đình và đứa con gái bé bỏng của anh.
Bác Ba hiểu được tâm lí của ông Sáu khi Thu không chịu nhận ba. Bác Ba hiểu được
nguyên nhân của mọi hành động của ông Sáu khi ông Sáu đánh con. Đặc biệt, trong giây
phút cận kề cái chết, bác Ba nhìn ánh mắt của ông Sáu mà hiểu được ý nguyện của ông.
Có thể nói, họ dành cho nhau niềm tin tưởng sâu sắc: trước lúc nhắm mắt, ông Sáu đã trao
chiếc lược ngà – vật quan trọng cho bác Ba. Tình đồng chí, đồng đội của hai người sâu
sắc, mãnh liệt, thủy chung son sắc.
* Đánh giá:
Tình cha con, tình bạn bè, tình đồng đội...không mâu thuẫn với tình yêu quê hương
đất nước, tình yêu với lí tưởng, mà ngược lại, chính là cội nguồn sức mạnh giúp con người
vượt lên những bi kịch, những mất mát, chiến đấu oanh liệt và chiến thắng...Những tâm
hồn giàu nhân văn, giàu tình người ấy cũng là những tâm hồn mạnh mẽ, yêu và tự nguyện
hiến dâng cuộc đời cho lí tưởng, là những con người chiến đấu dũng cảm quên mình vì sự
nghiệp...
Đó là những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng của mọi thời, nhưng đặt trong cảnh ngộ
chiến tranh éo le, tình cảm ấy càng ngời sáng. Cảm hứng nhân văn sâu sắc đã tạo nên sức
hấp dẫn riêng cho tác phẩm.
Để diễn tả chuyện của muôn thời- chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người,
Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lý, tâm lý nhân vật được
thể hiện sâu sắc, chân thực và tự nhiên, ngôn ngữ nhân vật đậm chất Nam Bộ.
II. Tình người trong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”.  
Giống như tác phẩm “Chiếc lược ngà’ thì “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh
Khuê cũng được viết trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh khi đó cuộc chiến chống đế
quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt. Nhưng trên nền hiện thực đó, cả hai tác phẩm đều ca ngợi
tình người trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là tình cảm bạn bè, đồng chí, đồng đội,
tình cảm gia đình, quê hương và tình yêu Tổ Quốc thiêng liêng sâu nặng.
1. Tình đồng chí, đồng đội của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước:
a. Tình đồng đội của 3 cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn:
- Có lẽ chỉ khi có chiến tranh, khái niệm về tình đồng đội mới được hình thành. Tình đồng
đội của các nữ trinh sát mặt đường bắt nguồn từ sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau trong
gian khổ. Sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, ba cô gái – ba chị em thân thiết
như ruột thịt. Họ chung hoàn cảnh sống, chiến đấu; chung nhiệm vụ phá bom mở đường ;
chia ngọt, sẻ bùì; cùng hát, lấy tiếng hát át tiếng bom; cùng nhau vui thích cuống cuồng
khi cơn mưa đá đến trên cao điểm…
- Khi Nho – cô em trông nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng – bị thương trong một lần
phá bom, sự chăm sóc tận tình của chị Thao và Phương Định đã khiến cho nỗi đau của họ
được san sẻ. Phương Định bế Nho vào hầm trú ẩn, rửa và băng bó vết thương cho Nho,
pha sữa cho Nho, lục tìm đến chiếc kẹo cuối cùng và hát cho Nho nghe. Nho bị thương,
máu túa từ tay ra, ngấm vào đất nhưng vẫn thản nhiên nói với đồng đội: “Không chết đâu.
Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì mà khiến cho nhiều người phải lo lắng…”. Khi
một người bị thương, họ đã cố gắng làm tất cả cho nhau. Kể cả hát một bài để nuốt vào
trong lòng giọt nước mắt thương bạn. Bởi “Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần cái
cứng cỏi của nhau này là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ”. Và họ chỉ cần
nhìn nhau là hiểu những tình cảm đang quay cuồng trong lòng.
- Có lần, Phương Định ở trong hang trực điện thoại, còn hai đồng đội của cô đi phá bom.
Cô lo lắng vì sự hiểm nguy khi đồng đội lên cao điểm chưa về “Có gì thú đâu khi đồng
đội không quay về”
=> Giữa chiến tranh khốc liệt, trái tim họ vẫn tràn đầy thương yêu. Chính cái khốc liệt của
chiến trường đã kéo họ lại gần với nhau tấm lòng hòa chung tấm lòng, nhịp sống lại căng
tràn nhịp sống. Sát cánh bên nhau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng chung những gian
khổ, họ vẫn luôn là điểm tựa của nhau.
b. Tình đồng đội của các thành viên trong đại đội, sư đoàn:
- Phương Định còn giành tình cảm quý mến với những anh chiến sĩ. Cô cảm phục và
ngưỡng mộ “những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ” mà cô gặp hằng đêm trên
trọng điểm của con đường vào mặt trận .
- Cô cũng cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của đơn vị dành cho ba cô gái trong tổ
trinh sát mặt đường, Phương Định kể “ Đơn vị chăm chúng tôi ra trò, có gì lại bảo để cho
bọn trinh sát, chúng nó ở trên đó vắng”
.-Có những lúc phá bom,chỉ cần cảm thấy ánh mắt của các anh cao xạ dõi theo là Phương
Định cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn, thậm chí cô không muốn đi khom cứ đàng hoàng
mà bước tới cuộc chiến đối đầu với bom đạn, với cái chết có thể đến bất cứ lúc nào
2. Tình cảm gia đình, quê hương:
- Vào chiến trường, Phương Định luôn mang theo hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ
sống bên gia đình và thành phố thân yêu. Những hoài niệm đó luôn sống dậy trong cô làm
dịu mát cái ác liệt của chiến trường.
- Một cơn mưa đá đến trên cao điểm cũng khiến các cô vui thích cuống cuồng những niềm
vui con trẻ nở bung ra…Cơn mưa đá đã đánh thức trong Phương Định cảm xúc thơ bé
được vui đùa hồn nhiên, cô say sưa trong niềm sung sướng vỡ òa để rồi bỗng thẫn thờ,
tiếc không nói nổi. Cô không tiếc những cơn mưa đá bởi cô hiểu nó chợt đến chợt đi
nhưng cơn mưa đá ấy không chỉ cuốn trôi những mệt nhọc, căng thẳng của chiến tranh mà
còn để lại trong tâm hồn sâu thẳm của cô một nỗi nhớ da diết về thành phố, quê hương,
gia đình và tuổi thơ thanh bình, êm ả gắn với biết bao kỉ niệm trong sáng. Những kí ức
tuổi thơ, những hình ảnh thân thương mà cô nhớ da diết cùng theo nhau xô về làm cô nhớ
khôn cùng: hình ảnh mẹ cô, ô cửa sổ, những ngôi sao trên bầu trời thành phố, thùng kem
có bọn trẻ bu quanh, con đường nhựa quê hương, những ngọn đèn điện quảng trường, hoa
trong công viên hay chỉ là tiếng rao thân quen của bà bán xôi sáng… Có lẽ với Phương
Định, những hình ảnh đơn sơ, bình dị ấy nó đã thấm sâu trong tâm trí, nguyện vẹn trong
trái tim cô, nó là máu thịt, là tình yêu, là nỗi nhớ. Tất cả hiện lên lúc gần gũi, lúc xa xôi;
lúc thực, lúc mộng: lúc dịu dàng tưới tắm làm dịu đi cơn khát cháy lòng cái cảm giác yên
bình với những mơ ước, lúc lại bùng cháy mãnh liệt dữ dội, dồn dập như nỗi nhớ thương
da diết gia đình, quê hương trong cô. Nghệ thuật miêu tả nội tâm tinh tế kết hợp với việc
sử dụng nhiều kiểu câu đặc biệt, phép liệt kê, so sánh đã góp phần làm nổi bật cảm xúc
trào dâng, tình yêu gia đình, quê hương trong tâm hồn Phương Định cũng như tuổi thơ
trong sáng, lung linh gợi lên từ dòng hoài niệm chân thật, thiết tha của nhân vật. Tất cả
những hình ảnh thân thương của tuổi thơ, gia đình, thành phố thân thương hiện lên trong
kí ức nhân vật đã diễn tả được nỗi nhớ tuổi thơ hồn nhiên trong sáng và tình yêu da diết
đối với gia đình, quê hương. Nỗi nhớ và tình yêu ấy bộc lộ khát khao cuộc sống hòa bình
và nó trở thành hành trang niềm tin sức mạnh để cô vững bước giữ vững ý chí chiến đấu
đối mặt với khó khăn, thử thách của chiến trường. Đúng như nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã
chia sẻ: “Trong tâm hồn những cô gái TNXP, quê nhà hiện lên bao giờ cũng kì diệu.
Và bởi vẻ đẹp kì diệu ấy mà họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân. Đó chính là ý tưởng
lớn nhất mà tôi muốn gửi gắm qua truyện ngắn này”.
3. Tình yêu Tổ quốc
+ Rời ghế nhà trường khi còn rất trẻ, Phương Định xung phong vào tuyến lửa làm nhiệm
vụ phá bom mở đường. Họ đều hiểu ý nghĩa vô cùng quan trọng của công việc mình
làm:góp phần giữ cho huyết mạch giao thông của cuộc kháng chiến thông suốt.
+ Dũng cảm, gan dạ, không sợ gian khổ, hiểm nguy ,chấp nhận hi sinh, xả thân vì Tổ
quốc.
+ Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ:
“Tôi có nghĩ tới cái chết. … châm mìn lần thứ hai?...” Biết cái chết có thể đến bất cứ lúc
nào, mà vẫn xông tới, sợ mà không lùi bước, chỉ nghĩ tới nhiệm vụ phải hoàn thành…
+ Mục đích chiến đấu của họ: vì miền Nam ruột thịt, vì nền độc lập dân tộc và thống nhất
nước nhà.
 Có thể nói, tình yêu Tổ quốc là tình cảm lớn lao,cao cả, thiêng liêng. Nó
được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị thân thương: tình cảm gia
đình,tình bạn bè, tình làng xóm… Tình yêu Tổ quốc được bộc lộ rõ
nhất ,mạnh mẽ nhất khi đất nước có chiến tranh và nó chi phối những
tình cảm khác.
C. KẾT LUẬN
Hai tác phẩm cùng sáng tác trong thời kì chống Mỹ. Mỗi tác phẩm đi sâu khai thác
những khía cạnh đề tài khác nhau của cuộc sống con người.
Thành công của cả hai tác phẩm là đã tái hiện chân thực, sinh động cuộc sống đầy
gian khổ, hi sinh,mất mát của những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đồng thời
đã làm nổi bật tình người trong cam go, thử thách của chiến tranh. Đó là tình bạn, tình
đồng chí, đồng đội; tình cảm gia đình; tình làng xóm…và trên hết là tình yêu Tổ quốc
nồng nàn. Những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp của mỗi con người mà bom đạn chiến
tranh không thể vùi lấp, xóa nhòa.

You might also like