You are on page 1of 4

Trần Nguyên My - 10CV2

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ


chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của SỰ TÍCH CÂY VÚ SỮA

Con người chúng ta lớn phổng phao từ những ngày nhỏ bé, những ký ức pha màu
ngây ngô của tuổi thơ. Nhưng, trái khoáy thay, những xoay vần của thời cuộc đã đẩy
con người vào trạng thái vô cảm. Không chỉ vô tâm với những kẻ ngoài cuộc như một
lẽ hiển nhiên, ta còn vô tâm với những người mình yêu thương và vô tâm với chính
bản thân mình. Vì vậy, sự xuất hiện của Sự tích Cây Vú Sữa - một truyện cổ tích có
giá trị trong nền văn học dân gian Việt Nam, đã để lại trong con người một hồi chuông
thức tỉnh, làm xao động nhân tâm, thoát ra khỏi vòng vây hãm tù túng bấy lâu. Và nội
dung lẫn đặc sắc nghệ thuật đã cùng đồng vọng để tạo nên một thiên truyện thấm đẫm
tinh thần nhân đạo, mà trong đó, chủ đề và hình thức nghệ thuật là tấm áo khoác lên
xác thịt câu chuyện, cho nó sống một cuộc đời kiêu hãnh và giúp con người trở về
đúng nghĩa trái tim mình.

Câu chuyện có tâm điểm là cậu con trai ngỗ ngược, bỏ nhà ra đi, sau lại nhớ mẹ quá
mà nằng nặc quay về nhưng lúc ấy mẹ cậu đã lìa xa vì kiệt sức, ngày đêm nhớ thương.
Theo mạch truyện, đó cũng chính là quá trình tự vấn, tự nhận thức và trưởng thành về
mặt suy nghĩ, tinh thần của cậu bé. Cậu đã không trân trọng những tháng ngày hạnh
phúc khi còn được ấp ôm vỗ về trong lòng mẹ, cậu đã từng nghĩ mẹ là một người xấu
xa khi la mắng, không còn yêu thương cậu nữa. Cậu bỏ đi xa, đi khắp nơi để tìm thú
vui của lạ, cậu phiêu du qua muôn vàn cỏ cây, đầu đội trời cao và chân thoăn thoắt
chạy trên đất. Người có tính cách vốn ham chơi và nghịch ngợm như cậu, sẽ thấy rất
thoải mái khi không có ai kèm cặp, ở bên nhắc nhở, khuyên răng. Nhưng ngày ngày,
khi lúc nào cũng lang bạt giữa trời rộng như thế, một hạt bụi người nhỏ bé như cậu lập
tức cũng phải cồn cào bụng dạ, cồn cào nỗi nhớ nhung chốn “nhà”. Đi càng nhiều,
phiêu du càng nhiều qua những mảnh đất mênh mông, lòng ta lại càng hẹp lại, thu về
nỗi nhớ nơi nương náu, vỗ về vì khó khăn, va vấp. Đớn đau thay, khi cậu về nhà, đặt
chân trên mảnh đất gắn liền khúc ruột với mình từ thuở khởi sinh, cậu lại thấy xa lạ,
trống vắng và hiu quạnh vô cùng. Bởi lẽ, cậu không còn tìm thấy mẹ, gào khàn cả cổ
họng nhưng không có vọng âm đáp hồi. Rồi cậu khóc, những giọt ai lệ cứ thế tuôn rơi,
mang theo cả nỗi niềm ân hận tột cùng và nỗi nhớ da diết của cậu bé đã từng không
biết cách trân trọng: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi…!”. Cậu ôm lấy cây xanh trong sân nhà mà
oà khóc nức nở, rồi cây xanh an ủi cậu, chìa ra những quả để cậu ăn, xoa dịu tâm hồn
sần sùi, rạn nứt của cậu bé. Ngỡ cây như chính mẹ cậu hoá kiếp thành, từ những tán lá
xanh mươn mướt đến phần đỏ hoe như đôi mắt mẹ ngày đêm khóc vì đợi trông. Như
vậy, ta thấy được hành trình đi thật xa, và rồi trở về như ban đầu của cậu bé. Hình ảnh
cậu bé ngỗ ngược, nghịch ngợm và người mẹ đáng thương ngày đêm mong ngóng tin
con, đã kêu dậy lương tâm còn ngủ yên trong con người, để ta tự soi chiếu lại mình,
thậm chí là tự hổ thẹn với bản thân vì những điều ta gây ra cho người mình thương
yêu.

Câu chuyện không đơn thuần chuyển tải thông điệp về tình mẹ con, mà còn nói về
những gì mất mát, sự đánh đổi và niềm ân hận của con người. Để có thể nhìn thấy
đất trời kia mênh mông hơn, được vui chơi thỏa thích hơn, được leo trèo quậy phá mà
không có ai khuyên can, cậu bé đã phải đánh đổi. Thứ nhất, cậu đánh đổi tình yêu của
mẹ. Thứ hai, cậu đặt cược bản thân mình để thực hiện một cuộc đổi chác. Thay vì ở
nhà có mẹ lo lắng, chăm sóc hàng giờ, cậu đói lúc nào mẹ lập tức sẽ làm đồ ăn cho
cậu, thì cậu đã bỏ đi, bực tức khi nghe mẹ la mắng. Tình yêu của mẹ cậu không hề vơi
đi, mà ngày một dâng lên, khoảnh khắc mẹ la cậu cũng vì sự bất lực đã chực chờ trong
sâu thẳm bấy lâu. Nhưng cậu bé nào thức nhận được cái nghĩa lí to lớn ấy, những gì
cậu nghĩ đơn thuần là nghĩ xấu về mẹ cậu. Hành trình trải nghiệm những điều mới mẻ
đã khiến cậu nhìn lại và trân trọng hơn những gì mình vốn có. Mình không phải một
kẻ khổ chủ không có giá trị, không ai đoái hoài. Cậu nhìn lại, những gì thân thương
vẫn luôn cận kề ngồi bên cậu, chỉ là đôi mắt cậu thì cứ thích thú nhìn về phía bên kia.
Quá trình đi xa rồi trở về, nuối tiếc của cậu bé, phản ánh chính quá trình lớn lên và
quay về của chúng ta. Chúng ta rồi cũng phải đi xa, nếm thử bao vị đắng cay ngọt bùi
trong bể đời, đôi lúc quên bẵng đi sự hiện diện của những gì thân thương, và khi quay
về, dù là hạnh phúc hay tiếc nuối, ta biết rằng mình không hề đơn độc. Tác phẩm vì
thế, không chỉ phê phán cho thói vô tâm, bạc bẽo của cậu bé, mà còn đi sâu vào nội
tâm của một kẻ đang-lớn để phác họa đường nét cho sự tự nhận thức và động lực
thay đổi của con người.

Nếu không có đặc sắc về hình thức góp vào, nội dung tác phẩm dù có được trau chuốt
đến mấy, thì nó vẫn khó có khả năng sống ngạo nghễ giữa dòng thời gian nhiều biến
động(dẫn). Câu từ phải được tinh lọc, tiết chế, chọn lựa cẩn thận và được định hình
sao cho phù hợp khi đặt vào tổng thể tác phẩm. Vốn là một câu chuyện dân gian, với
phương thức truyền miệng từ ông cha ta sang thế hệ mai hậu, chính vì vậy mới
xuất hiện các dị bản, làm nên sự phong phú và đa dạng trong nền văn học dân
tộc. Phương thức kể truyện nhẹ nhàng, thấm thía, dễ đi sâu vào tiềm thức và tác
động đến con người. Truyện kể như lời nói thông thường hàng ngày, khiến câu
chuyện trở nên gần gũi, các nhân vật cũng sinh động với cốt truyện ngắn gọn, dễ
hiểu nhưng sâu sắc. Tình huống truyện độc đáo, nhân vật trải qua đau khổ khi nhận
ra mình đã đánh mất nhiều điều, và rồi xuất hiện bóng hình người mẹ nơi cây vú sữa
như một niềm ủi an. Qua đó, việc thắt nút và gỡ nút trong truyện đã hoá giải tình
cảnh tội nghiệp hiện tại, cũng ngầm mở ra cho cậu bé một cơ hội, để sau này biết
trân trọng và sống một cuộc đời ý nghĩa, biết ơn nhiều hơn là ích kỷ về phần
mình. Các nhân vật trong truyện là thành viên trong một gia đình, đặt sự chú ý của
bạn đọc về phạm vi nhỏ, thân thuộc và để tìm ra cái mới - ý thức phản tỉnh cá nhân.
Từ việc người mẹ của cậu bé ngày đêm mong ngóng con về, ta thấy được đâu đó dáng
dấp của cha mẹ mình cũng đang chờ đợi con, thương nhớ con. Từ cậu bé ngỗ nghịch,
ham chơi trong truyện, ta thấy được hình ảnh mình mải mê chạy theo cái phù du, để
lại sau lưng những người luôn hướng mắt về mình, thương yêu như cắt từng khúc
ruột. Qua một người con mà thấy những người con, qua một người mẹ mà thấy quảng
đại biết bao tấm lòng. Vì vậy, nhân vật trong truyện mang tính biểu tượng cao, chắp
cánh cho câu chuyện trở thành hành trang đi cùng con người qua những chặng đường
khốc liệt của sau này.

Vì sao là cái cây chứ không phải một đồ vật? (hỏi)


Người mẹ khi chết hóa thân thành một cái cây, tình tiết đó trong truyện đã làm nổi
bật lên sự nhận thức về con người thời bấy giờ về thiên nhiên. Thay vì một đồ vật cụ
thể, người mẹ trở thành một cái cây to lớn và đơm hoa, kết quả. Từ thuở xưa, thế nhân
đã gắn bó với thiên nhiên trong lao động sản xuất, sinh hoạt và giải trí. Ý niệm của
người phương Đông về sự miên viễn, rộng lớn của thiên nhiên và giá trị linh thiêng về
sự hiện diện của muôn thú cỏ cây đã thể hiện lên lòng biết ơn và trân trọng tiếng nói
của đất trời. Thiên nhiên, do đó trở thành người thầy trong tâm thức vĩnh cửu của
người phương Đông. “Thiên nhân hợp nhất”, điều đó thể hiện sự thống nhất giữa con
người và tự nhiên. Tự nhiên là khởi nguyên của vạn vật, con người sau khi chết trở về
với những gì vốn là, nguyên sơ, thuần tuý nhất.

Trong truyện xuất hiện một vài đoạn độc thoại của cậu bé. Quá trình cậu tự giao tiếp
với chính mình chính là khoảnh khắc cậu muốn quay đầu, biểu lộ cho sự mâu thuẫn,
dằn vặt và mong muốn trở về một thái cực hoàn toàn đối lập với những gì đã xảy ra
trước đó. Khi rơi vào túng quẫn, cậu cho rằng: “-Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn
cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”.
Hay khi cậu bé về đến nhà, tìm mãi không thấy mẹ: “– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con
đói quá !”. Thông qua việc tự đối thoại, nhân vật đã biểu lộ được suy nghĩ, cảm
xúc của mình, từ đó, nội dung và ý nghĩa của truyện được làm sáng rõ, gây ấn
tượng hơn.

Qua những phân tích trên, cho thấy “Sự tích cây vú sữa” là một câu chuyện cổ tích
với nhiều tầng vìa ngữ nghĩa và tinh thần nhân đạo, hướng thượng của con người. Chủ
đề về gia đình và niềm ân hận khi đánh mất những điều mình có, những điều ngỡ hiển
nhiên nhưng lại tạo ra cái giật mình, thúc đẩy quá trình tự soi chiếu bản thân trên
nhiều bình diện. Các nhân vật không sống một đời sống riêng, mà tương tác, có ý
nghĩa lẫn nhau, tạo nên những đường nét hài hoà cho câu chuyện. Đồng thời những
phút giây độc thoại hay đặt nhân vật trong tình huống truyện éo le, đã sản xuất ra
những ấn tượng đặc biệt hơn về tác phẩm, in sâu vào tâm thức người đọc.
Đọc “Sự tích cây vú sữa”, lòng tôi còn đau đáu hoài một nỗi niềm. Liệu rằng những
người con xa nhà có còn thiết tha trở về bên cha mẹ, liệu rằng sau tất cả có ai còn ở
bên, trân trọng ta, và liệu rằng phải chăng chính ta là con người tàn bạo lấy đi bao
châu ngọc vốn có trong cuộc đời, tự bóp ngạt sự sống vốn tươi đẹp, cao khiết của
mình…

Tài liệu nguồn:


- Sự tích cây vú sữa, SGK Tiếng Việt Lớp 2, trang 96 (chương trình cũ).

You might also like